Ý thức kháng cự chế độ nam quyền trong tiểu thuyết của Dạ Ngân (Việt Nam) và Thiết Ngưng (Trung Quốc) từ góc nhìn phê bình nữ quyền

20180504 Da ngan

Trong sáng tác văn học, khi các tác giả nữ lựa chọn và xác định nữ giới là đối tượng phản ánh trung tâm, đóng vai trò chủ đạo nghĩa là đã thể hiện sự ý thức về giới. Trước hết, đó có thể là một sự ý thức mang tính tự phát, bản năng của người phụ nữ có nhu cầu bộc bạch, giãi bày về chính mình, về giới của mình và cầm bút để thoả mãn nhu cầu, khát vọng đó. Nhưng xa hơn nữa, trong số phận chung của một nửa nhân loại luôn bị áp bức, đè nén, người phụ nữ viết để tái hiện và phơi bày hiện thực về giới nữ, cất lên tiếng nói kháng cự xã hội đầy rẫy sự bất bình đẳng giới và khiến cả nhân loại phải thức tỉnh trước hiện thực ấy. Khi đó, họ có thể viết dưới ánh sáng của tư tưởng nữ quyền hoặc không, nhưng ý thức về địa vị giới trên trang viết đã trở thành một ý thức xã hội mang tính tự giác. Nhìn chung, các tác phẩm văn xuôi của những nhà văn nữ hiện đại luôn là một phức thể của ý thức cá nhân và ý thức xã hội, vừa mang những trải nghiệm của bản thân người viết, vừa thẩm thấu cả trải nghiệm của một cộng đồng nữ vốn bao lâu nay bị chôn chặt, giấu kín, kìm nén và đã đến lúc cần được bộc lộ trong không khí của thời đại vang vọng những âm thanh đòi hỏi bình đẳng giới tính, tự do giới tính. Từ đó, điểm tương đồng nổi bật khi tái hiện hình tượng người phụ nữ là các nhà văn đều bộc lộ cái nhìn về thân phận, về địa vị. Trong quan niệm và cách nhìn nhận về hiện thực nữ giới, họ vẫn đưa người phụ nữ vào vị trí “giới hạng hai” trên thang bậc giới tính như Simone de Beauvoire đã xác định cách đây hơn nửa thế kỷ. Như vậy, người phụ nữ luôn ở trong trạng thái bị phân biệt giới tính, kỳ thị giới tính (sexism) và hạng hai là địa vị tất yếu, phổ biến của người nữ ở hầu hết các xã hội từ thời trung đại đến thời hiện đại, từ phương Đông đến phương Tây.

 Trong bối cảnh chung đó, trên lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc, dù cho tư tưởng nữ quyền đã xuất hiện và tồn tại hơn một trăm năm, nhưng trong xã hội, người phụ nữ vẫn chịu nhiều áp bức, bất công và thiệt thòi so với nam giới. Thiết chế nam trị vẫn còn in đậm dấu ấn trong tâm thức con người và hiện hành giữa đời sống xã hội. Cảm thức về thân phận người phụ nữ vừa là hệ quả của vô thức được hình thành từ quá khứ, vừa nảy sinh trên chính hiện thực đương thời được thể hiện khá đậm đặc trên trang viết của Dạ Ngân và Thiết Ngưng. Ý thức nữ quyền khiến cho người nữ tự nhìn nhận địa vị, thân phận của mình trong xã hội nhưng không chấp nhận một cách thụ động, yếm thế cái địa vị ấy. Ngược lại, sự tri nhận đầy thấu suốt đó sẽ thôi thúc người nữ đi đến động thái thay đổi địa vị của mình, đồng thời, soát xét lại địa vị của nam giới trên thang bậc giới tính, nỗ lực xoá bỏ những sự phân tầng phi lý trên thang bậc đó để đạt đến lý tưởng bình đẳng giới. Sáng tác văn xuôi của hai nhà văn nữ tiêu biểu cho văn học đương đại Việt Nam và Trung Quốc này vừa mang những điểm tương đồng thú vị, vừa bộc lộ những điểm khác biệt đặc sắc trong cái nhìn của người nữ về thể chế nam quyền.

Ý thức phủ định địa vị thượng đẳng của nam giới

Như một sự tất yếu xuyên suốt chiều dài lịch sử, nam giới được mặc định ở vị trí của giới hạng nhất, giới tối ưu, thượng đẳng và duy trì vị trí đó trong mọi lĩnh vực, mọi phạm vi đời sống. Như vậy, để đạt đến sự bình đẳng trong mối tương quan giới tính, con người cần loại trừ ý niệm phân định tầng bậc, trật tự và phủ định, lật đổ địa vị thượng đẳng của nam giới. Khi lấy chức năng gia đình và chức năng loài làm chuẩn, nhân vật Mỹ Tiệp trong tiểu thuyết Gia đình bé mọn của Dạ Ngân nhận ra người chồng của mình trở nên vô giá trị, đứng bên dưới các chuẩn mực bởi Tuyên là “người đàn ông không đóng ngọt một cây đinh hay chống được một chỗ dột trên mái” (Gia đình bé mọn- Dạ Ngân), vắng mặt trong tất cả những lần con cái chào đời, “không nhớ nổi ngày sinh của đứa con đầu”, vô hình trước mọi cảm xúc của những thành viên trong gia đình. Trong cái nhìn của người nữ, nhân vật nam này không đạt đến phạm trù nhân cách, luôn băn khoăn “không hiểu anh thuộc loại người gì”, “không xác định được chồng mình thuộc loại vô tâm, vô nhân tính hay thuần tuý kém cỏi khoa mồm miệng” (Gia đình bé mọn- Dạ Ngân). Dựa trên chức năng xã hội, Mỹ Tiệp nhìn thấy Tuyên trong vị trí của kẻ bên dưới quỵ luỵ, phục tùng quyền lực cấp trên, biến thành một công cụ của sự thực dụng trong lối miêu tả giàu chất biếm hoạ bằng thủ pháp so sánh mang tính “vật hoá”: “Cái nắm của bàn tay trái áp bên thái dương, tấm lưng làm thành chiếc lưỡi liềm áp với mặt bàn, cùi chỏ tay phải thô rám như đầu nhọn chiếc bánh mì thò ra, cặm cụi và tận tuỵ và hết sức đáng thương” (Gia đình bé mọn- Dạ Ngân). Hơn nữa, từ những tính cách tiêu cực “phẳng lì, nhạt nhẽo và ba phải” cố hữu của Tuyên, Mỹ Tiệp còn dự đoán nỗi “long đong” (Gia đình bé mọn- Dạ Ngân) trong sự nghiệp và sự thất bại giữa môi trường chính trị, xã hội của người nam này. Sự nhìn nhận của nhân vật biểu lộ nỗi thất vọng hoàn toàn, tuyệt đối trên mọi phương diện trước một người nam vô giá trị, người nam mà họ đánh giá “đầu óc da thịt xương cốt làm bằng đậu hũ” (Nước nguồn xuôi mãi- Dạ Ngân). Hơn nữa, từ cái nhìn đó, nhân vật nữ hạ thấp người nam, đặt người nam ở vị trí bên dưới, “xếp xuống hàng thứ” bằng “lòng thương hại” và cảm giác “trông anh thật thê thảm man dại, một kẻ sắp tử thương” (Nước nguồn xuôi mãi- Dạ Ngân). Ngòi bút bản lĩnh và sắc cạnh của Dạ Ngân sẵn sàng lột mặt nạ và lộn trái để phô bày cái giá trị thực của người nam khi nhà văn đã để cho nhân vật nữ khẳng khái tự lập một phiên toà vạch trần sự giả dối, tham lam, xấu xa của “bốn ông thường vụ” thường xuyên “ngoại tình” lại cho mình cái quyền xét xử tội “ngoại tình” của một người đàn bà trong Gia đình bé mọn cũng như khi tạo không gian cho người nữ diễn bày, bộc bạch, phân tích sự lệch pha tuyệt đối về cảm giác và nhân tính trong mối quan hệ tam giác: người nam- người nữ- con chó để tố cáo sự nhẫn tâm, lạnh lùng, vô cảm đến bất nhân của nam giới trong Con chó và vụ li hôn, truyện ngắn từng khiến Dạ Ngân bị dư luận “ném đá”[1] vì cái nhìn trực diện dữ dội, mạnh mẽ, khốc liệt của nhà văn vào hiện thực giới.

Sự khác biệt và sự đối lập về địa vị đã tạo nên cuộc chiến giới tính dai dẳng, phức tạp ở những phương diện cụ thể, hữu hình đến những phương diện trừu tượng, vô hình. Trên không gian cái giường đôi lứa, nhân vật nữ trong tác phẩm của Thiết Ngưng từng bị tổn thương, làm nhục, chà đạp, bỏ rơi như một món đồ vật đã ý thức được sự trỗi dậy với mục đích lật ngược tình thế. Kỳ Văn đưa ra tuyên ngôn hành động cho mình và phủ định sạch trơn giá trị nam giới, hạ thấp nam giới: “Tôi sẽ làm cho anh trong ngục tối phải quằn quại kêu la. Chính anh là đồ rẻ tiền, bẩn thỉu, thế gian này không ai bẩn thỉu như anh” (Cửa hoa hồng- Thiết Ngưng). Từ đó, trong cái nhìn của Kỳ Văn, Thiệu Kiệm  mang những biểu hiện “hèn hạ, nhục nhã, tự ti, căng thẳng, sợ hãi (…), ánh mắt ngơ ngác, tâm thần bất định” (Cửa hoa hồng- Thiết Ngưng). Hình tượng Trang Thản, “người đàn ông duy nhất của dòng họ Trang” được khắc hoạ với thân thể mất cân đối, thăng bằng, “thiếu hẳn sự linh hoạt” cùng tiếng “ợ” gây nên trạng thái bất lực, bạc nhược, trở thành một biểu tượng cho sự thoái hoá sức sống và quyền lực nam giới. Vì vậy, Trúc Tây “thường thường xuất hiện cái nhìn xuống đối với chồng và mẹ chồng, giống như người đứng từ trên cao nhìn xuống con mèo mẹ và con mèo con đang nằm” (Cửa hoa hồng- Thiết Ngưng). Trong Những người đàn bà tắm, cô gái nổi loạn Đường Phi truyền căn bệnh tình dục cho nam giới để trả thù và  để “muốn tưởng tượng cảnh đau đớn khó chịu của bọn chúng, khó chịu, lúng túng nhưng lại tỏ ra đạo mạo, mẹ kiếp chúng lắm” và khi ấy, Đường Phi thấy mình “không thấp hèn hơn bọn chúng, còn thản nhiên hơn bọn chúng nhiều” (Những người đàn bà tắm- Thiết Ngưng). Vị trí và thái độ của người nữ Trúc Tây, Đường Phi đã hạ bệ toàn bộ giá trị cũng như quyền uy của nam giới. Giao thoa với trường cảm xúc của Mỹ Tiệp trong Gia đình bé mọn, Trương Quế Tâm (Chơi vơi trời chiều- Thiết Ngưng) cũng đã ném vào chồng mình hai chữ “đồ hèn!” khi thấy anh “luống cuống” và “nhiệt tình đến bỉ ổi” (Chơi vơi trời chiều- Thiết Ngưng) trước ông tổng biên tập,  sợ hãi và quỵ luỵ thái quá trước quyền lực nhưng lại tàn nhẫn, lạnh lùng, hung bạo với vợ con như một kẻ hai mặt đầy giả trá. Tương tự như vậy, một chuỗi hình tượng nam giới như Phương Kăng, anh diễn viên múa (Những người đàn bà tắm), Vận Triết (Thành phố không mưa), Lý Lực (Hà Mị đi tìm tình yêu), người chồng của Trương Quế Phương (Chơi vơi trời chiều)… trở nên phi nhân hoá trong mắt người nữ, đánh mất tư cách và tư thế của con người. Nữ giới mang bi kịch vỡ mộng trước hình tượng người đàn ông bất toàn (the imperfect man) như là một mô thức chung cho hình tượng nam giới trên trang văn của các nhà văn nữ.

Ý niệm về người nam bất toàn không đồng nhất với triết lý về con người bất toàn như là một chân lý phổ quát của nhân loại vốn đã được khẳng định và biểu đạt qua biểu tượng cổ điển: gót chân Achilles. Trên trang viết của các nhà văn nữ, đó là sự bất toàn của một giới trong sự nhìn nhận và đánh giá của một cộng đồng giới khác, là sự bất toàn biểu hiện trong mối quan hệ giới tính. Nếu như suốt tiến trình lịch sử nhân loại, nam giới từng nhìn người nữ như là người nam bất toàn, người nam “thiếu chim”, “bị thiến hoạn” (castration) thì ở đây, người nữ công khai biểu lộ những khiếm khuyết của nam giới. Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở chỗ nam giới lấy mình làm chuẩn mực để đánh giá nữ giới, trước hết là dựa trên những khác biệt về đặc điểm và chức năng sinh học, sau đó đi đến những khác biệt về đặc điểm và chức năng văn hoá, xã hội để rồi đưa ra kết luận người nữ là giống loài bậc thấp còn nữ giới chủ yếu dựa vào các chuẩn mực nhân cách và giá trị của con người nói chung để lên án sự vi phạm của nam giới vào các nguyên tắc nhân quyền. Với ưu thế được hưởng những đặc quyền từ vị thế thượng tôn, cái tôi của nam giới được thổi phồng và người nam cho phép mình được lạm quyền, được chà đạp, đè nén, thao túng người nữ. Khi quan niệm xã hội đã thay đổi, ý thức về quyền con người, trong đó có quyền của nữ giới đã hình thành, tạo nên những khung giá trị mới nhưng người nam vẫn giữ nguyên cái nhìn và tập quán sống cũ thì họ sẽ bị trật khớp khỏi sự vận động của cộng đồng tân tiến và xu thế hiện đại. Những người nam có động thái duy trì, kéo dài sự thống trị của nam giới trong bối cảnh con người vươn đến khát vọng bình đẳng giới sẽ trở nên lạc hậu, khiếm khuyết, bất toàn và bị nữ giới lên án, hạ bệ, bãi nhiệm. Đánh đổ hình tượng này nghĩa là, nữ giới nhắm vào đánh đổ chính chủ thể tạo ra và vận hành cơ chế nam quyền để rồi đánh đổ toàn bộ nguyên lý nam giới trung tâm và cơ chế nam quyền. Xây dựng thế giới đàn ông bất toàn là một trong những phương thức nghệ thuật thể hiện nội dung tư tưởng thông qua hệ thống hình tượng nhân vật được các nhà văn vận dụng như một hệ hình thi pháp sáng tác nữ, bộc lộ một thế giới quan nữ tính mang tính giải thiêng, giải kiến tạo từ góc nhìn của mình: “Những nhân vật đàn ông bất toàn hiện ra phũ phàng nhưng hiện thực, thay cho hình ảnh cổ tích của những chàng hoàng tử hoàn hảo. Khá nhiều cây bút đã dành tâm lực của mình để nghiên cứu hình tượng con người nghệ thuật bất toàn này- một nửa thất lạc trong giấc mơ đời của chính họ”[2].

Thế nhưng, điểm khác biệt của ý thức nữ quyền phương Đông so với phương Tây nằm ở chỗ, trong khi nữ quyền phương Tây tô đậm sự đối lập nhị nguyên giữa hai giới đến mức tối đa, hướng đến sự ly khai tuyệt đối khỏi nam giới, thậm chí đến mức cực đoan như chủ trương xoá bỏ hôn nhân dị tính và ủng hộ phương pháp sinh sản vô tính cũng như quan hệ tình dục đồng giới nữ của các nhà nữ quyền cấp tiến (radical feminists) thì những người mang ý thức nữ quyền ở phương Đông (thể hiện trên văn bản văn học), trong khi đấu tranh xoá bỏ bất bình đẳng giới, lại có khuynh hướng cân bằng và dung hoà hơn, phối hợp giữa lý tính và cảm tính hơn. Thứ nhất, họ không khẳng định toàn bộ người nam đều mang bản chất xấu xa, suy thoái, phi nhân để tạo ra hai tuyến nhân vật nam/ nữ đối lập mà hướng vào những đối tượng cá nhân nam giới có những biểu hiện tiêu cực, xâm phạm đến quyền sống của nữ giới. Thứ hai, người nữ vẫn nhìn nhận những giá trị tích cực của nam giới. Thứ ba, người nữ không triệt tiêu và phủ định sạch trơn mối quan hệ giới mà vẫn biểu lộ sự cầu thị, niềm khao khát một mối quan hệ bình đẳng, lý tưởng. Thứ tư, khi lật đổ ngôi vị của nam giới, nữ giới không có tham vọng đặt vương miện lên đầu để trở thành giới thứ nhất, giới thống trị mà họ có khát vọng đạt đến sự cân bằng, bình đẳng, hoà hợp giới tính. Chính vì vậy, đi song song với cơn bất mãn và nỗi thất vọng, trên trang viết vẫn có những hình tượng người nam chân thành, tử tế, có sự thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với người nữ; thậm chí, bản thân người nữ cũng cảm thấy thương cảm, xót xa cho những thân phận nam giới phải chịu đựng sự đè nén của xã hội, văn hoá, chính trị như Đính, Sếp nhà thơ, Thuần, Quý, Biên (Gia đình bé mọn), Tư Thọ, Tám Thuồi, Vững (Trăng về), Bảy Tháo (Gặp ở giáp nước), Ba Thời, Tư Đơ, Cang, Tường (Người yêu dấu), Tư Đông (Tình câm), P (Người lau kính), những người đàn ông không tên trong Bất giác sông dài, Ai người Hà Nội, Những tấm lưng đàn bà, Dấu tù… của Dạ Ngân; như ông Đạt, Long Bắc (Cửa hoa hồng), bác sĩ Đường, ông Thanh, Trần Tại (Những người đàn bà tắm), Hữu (Chơi vơi trời chiều), Mã Kiến Quân (Hà Mị đi tìm tình yêu)… của Thiết Ngưng. Có thể, do đặc trưng của nền văn hoá nông nghiệp gắn với tín ngưỡng thờ mẫu và sự tôn trọng người nữ cùng với tính không triệt để và phi lập thuyết của ý thức nữ quyền nên mâu thuẫn giới tính không bị đẩy đến mức cực đoan và ở trong tình thế giới này phải loại trừ giới khác để tồn tại. Thêm vào đó, những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt (chiến tranh và bối cảnh xã hội bao cấp ở Việt Nam, cuộc Cách mạng văn hoá ở Trung Quốc) khiến cho cả nam giới và nữ giới đều chịu cùng một hoàn cảnh khắc nghiệt nên sự đồng cảm giữa hai giới nảy sinh và được duy trì. Vì vậy, mối quan hệ giới tính trên trang viết uyển chuyển, mềm mại, phong phú, giàu tính hiện thực, gắn liền với cuộc sống đời thường đa dạng và sinh động, mang đậm bản sắc Á Đông hơn là để minh hoạ cho một hệ tư tưởng về giới dễ bị đẩy đến mức tột cùng và trở thành xơ cứng. Đồng thời, cái nhìn và sự thụ cảm về tương tác giới tính đó khiến cho trang viết của các nhà văn không rơi vào sự phân lập theo nhị nguyên hệ (binary system) thành các cặp phạm trù đối nghịch tuyệt đối (binary opposition) (nam/ nữ, thượng đẳng/ hạ đẳng, bên ngoài/ bên trong, văn hoá/ tự nhiên, chủ thể/ khách thể, trung tâm/ ngoại vi) như các nhà nữ quyền phương Tây đã vướng phải. Đây là một sự vướng mắc mà những nhà phê bình nữ quyền như Elizabeth Grosz[3], Judith Butler[4] đã nỗ lực tháo gỡ để xoá bỏ cái “bản lề”, cái “ngưỡng giới hạn”[5] giữa các phạm trù, giải vị trí trung tâm của người nữ da trắng trung lưu trong phong trào nữ quyền. Do đó, không chỉ nhìn nam giới và nữ giới như những cộng đồng giới, các nhà văn còn chú ý đến những cá nhân người nữ và cá nhân người nam, nhìn nhận họ như là các cá thể vừa mang bản chất chung của cộng đồng giới mình, vừa chứa đựng sự riêng biệt, độc đáo, khác lạ, mới mẻ của một hiện tượng giàu cá tính.   

Ý thức kháng cự thể chế nam quyền

Xuất phát từ cái nhìn về người nam bất toàn, người nam không mang theo và không kiến tạo được các giá trị, người nữ bắt đầu có những động thái lật ngược tình thế, đảo lộn trật tự, chuyển dịch mối quan hệ giới thông qua sự kháng cự các thể chế nam quyền. Họ phủ định uy thế và quyền lực của nam giới bằng cách chống đối, không tuân phục và có hành động đối nghịch. Miêu tả của Dạ Ngân cho thấy tư thế đối đầu quyết liệt của nữ giới trước các tín hiệu quyền lực đã trở thành công thức, thành một ký hiệu phổ biến của kẻ thống trị với kẻ bị trị: “Hai Khâm ra hiệu cho nàng chưa được nói, không được nói, không có gì phải nói lúc nầy cả. Nhưng nàng đã không vâng lời, đôi chân nàng không còn đầu gối nữa, nó run rẩy nhưng nó cương quyết không gấp lại nữa, nó phải giúp nàng một dáng đứng tự vệ chứ” (Gia đình bé mọn- Dạ Ngân). Nữ giới phản kháng lại tình thế bị biến thành khách thể, thành kẻ khác trong không gian của nam giới, phản ứng lại hành vi đàn áp, thống trị của người nam để thoát khỏi tình trạng bị động và lệ thuộc. Họ vượt ra khỏi các văn bản tâm thức văn hoá và chống chọi lại những cơ chế thực tại kìm nén mình. Từ đó, xuất hiện người nữ cất tiếng nói, người nữ có âm thanh để kháng cự quan niệm người nữ vĩnh viễn sống kín đáo và im lặng. Hành động nói của Mỹ Tiệp không chỉ là sự bộc bạch, giãi bày mà còn là sự công kích, là cú đánh trực diện vào thể chế nam quyền giả dối, phi lý, trịch thượng và lạm quyền. Các nhân vật nữ trong Gia đình bé mọn, Khoang tàu chật quá, Con chó và vụ ly hôn (Dạ Ngân), Cửa hoa hồng, Những người đàn bà tắm, Hà Mị đi tìm tình yêu (Thiết Ngưng) đã có ý thức tự do lựa chọn trong quan hệ tính dục và biết từ chối nhu cầu tính dục của nam giới. Như vậy, người nam không còn giữ vị thế của người quyết định, người hành động và người nữ phải tuân phục trong vị thế của người thừa hành, người chấp nhận hành động nữa. Suốt cuộc đời mình, Đường Phi không cho phép bất cứ người đàn ông nào hôn vào môi mình (Những người đàn bà tắm). Đôi môi trở thành biểu tượng của sự kháng cự, sự chủ động chối bỏ quyền lực và nhục cảm nam tính. Như vậy, đến lượt mình, nhân vật nữ kiến tạo nên sự cấm kị (taboo) đối với nam giới, đặt nam giới vào thế thụ động và đứng ở vị trí ngoại vi trong không gian bất khả xâm phạm của người nữ để họ bảo toàn giá trị sống của bản thân.

Đồng thời, xét về mức độ, sự phản kháng của người nữ không chỉ dừng lại ở việc chống đối, phá vỡ, đạp đổ để phủ định thể chế nam quyền mà còn được đẩy đến trạng thái nổi loạn. Họ có những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi lệch chuẩn, ngược chuẩn và vượt chuẩn, sống mạnh mẽ và mãnh liệt theo ý muốn của tự ngã, đi ngược với mọi chuẩn mực của cộng đồng và có xu hướng tiến đến cái lập dị (queer). Mẫu hình nhân vật nổi loạn trong văn xuôi của Thiết Ngưng xuất hiện rõ nét, giàu ấn tượng, đạt đến mức độ cao hơn so với văn xuôi của Dạ Ngân. Các nhân vật của Dạ Ngân ý thức sâu sắc về tình trạng bị áp bức và đè nén của mình, về sự khác biệt văn hoá, xã hội của hai giới và về sự suy thoái, giả trá, bất lực của nam giới. Từ đó, họ vùng vẫy để kháng cự và thoát khỏi cái khung hoàn cảnh đang điều kiện hoá mình. Tuy nhiên, người nữ trên trang viết của Dạ Ngân chỉ phá bỏ các nguyên lý của xã hội nam trị và vẫn xác lập, gìn giữ các nguyên tắc luân lý nền tảng của con người nói chung. Có thể, được sinh ra và nuôi dưỡng trong không gian văn hoá miền Nam Việt Nam, Dạ Ngân hấp thu đặc tính cởi mở, phóng khoáng, bộc trực và thẳng thắn trước sự thật, đồng thời, lại mang tinh thần khoan dung, giàu tính hoà giải và luôn có xu hướng hoá giải trước những xung đột của đời sống nên trong khi phơi bày một hiện thực giới tính sâu sắc và mạnh mẽ, Dạ Ngân cũng gỡ bỏ dần các mâu thuẫn bằng cách chấm dứt mâu thuẫn và chuyển đổi tình thế của nhân vật theo khuynh hướng hoà giải. Theo đó, ý thức về giá trị chung, nền tảng đạo đức chung của con người cũng được tác giả khẳng định như là cái khung chuẩn mực, phổ quát cho con người. Sự khao khát được “đường hoàng, công khai, chính danh” trong mối quan hệ với những người tình ngoài hôn nhân của Mỹ Tiệp (Gia đình bé mọn- Dạ Ngân), của người đàn bà trong Thời gian vĩ đại (Dạ Ngân) đã thể hiện trạng thái phức tạp của những người nữ vừa phá vỡ trật tự do nam giới thiết lập, lại vừa khao khát thiết lập một kiểu trật tự khác theo chuẩn giá trị của con người. Vì vậy, họ không mang tư thế của kiểu nhân vật nổi loạn, phá vỡ mọi trật tự, nguyên tắc, tạo ra sự hỗn độn phi giới hạn trong mọi mối quan hệ đời sống, đặc biệt là trong quan hệ tính dục như trong tiểu thuyết của Thiết Ngưng. Kỳ Văn chủ động xuất hiện trong tư thế “loã lồ”, “áp cái mảng đen sát mặt bố chồng”, “đè ông xuống” rồi “vận dụng” và “mô phỏng những ngón nghề của các cô gái buông thả cố đánh thức cái bộ phận của người đàn ông như vẫn được miêu tả một cách thô tục trong các tiểu thuyết chương hồi” (Cửa hoa hồng- Thiết Ngưng). Hành động loạn luân đầy khiêu khích, “khinh nhờn cuộc đời”, tạo ra “trò đùa bất kính với đời” (Cửa hoa hồng- Thiết Ngưng) ấy của người phụ nữ vừa hạ gục nam giới, vừa đánh đổ các phạm trù luân lý và phủ định tôn ti trật tự một cách khốc liệt, kỳ dị, khác thường. Cũng ở trong tình thế của kẻ ngoại tình như Mỹ Tiệp nhưng Chương Vũ của Những người đàn bà tắm (Thiết Ngưng) không mang trạng thái dằn vặt, tự tra vấn đến khắc khoải, không tự dày vò bằng nỗi mặc cảm tội lỗi mà tự do một cách bản năng trong sự tận hưởng khoái lạc của yêu đương và tính dục. Nếu Mỹ Tiệp day dứt, giằng xé khi không có khả năng thực hiện trọn vẹn vai trò của người mẹ thì Chương Vũ hoàn toàn dửng dưng khi không có “khả năng vỗ về và vuốt ve con cái”, gần như trống rỗng về tình cảm mẫu tử, có thể bỏ mặc các con, thoát khỏi chức năng loài để tận hưởng hạnh phúc cá nhân. Đường Phi và cô y tá (người tình cuối cùng của bác sĩ Đường) trong Những người đàn bà tắm là hai hình tượng điển hình cho sự nổi loạn. Họ nghiêng về trạng thái phá phách, buông thả, thác loạn theo chuẩn mực thông thường của con người trong quan hệ giới tính. “Với đàn ông”, cô y tá “chẳng từ một ai, mà cũng chẳng thèm để ý đến những lời bàn tán xôn xao. Vào thời đại “vấn đề sinh hoạt” được coi là nghiêm trọng sau chính trị, cô ta vì cuộc sống và cũng vì vui thú nên chẳng nề gì “vấn đề sinh hoạt” (…) Cứ như thế cô ta coi những chuyện khó hiểu, bí hiểm, nhơ bẩn rất bình thường như mua mớ rau, thổi nấu, ăn uống vậy” (Những người đàn bà tắm- Thiết Ngưng). Đường Phi chỉ sống “mê đắm trong lạc thú” và “thích nhất bệnh tình dục” để “đi truyền bệnh cho những thằng đàn ông sĩ diện” (Những người đàn bà tắm- Thiết Ngưng).

Như vậy, nhân vật của Dạ Ngân tạo ra sự bất thường (extraordinary) để phá vỡ cái bình thường và xác lập cái bình thường khác (normal), cái có thể nằm ngoài chuẩn mực thông thường của giới tính nhưng vẫn ở trong khuôn khổ chuẩn mực của nhân loại, nhất là nhân loại tiến bộ. Còn nhân vật của Thiết Ngưng tiến đến cái dị thường, quái đản (abnormal, queer), hoàn toàn phi chuẩn tắc và tuyệt đối không có nhu cầu thiết lập bất cứ hệ giá trị chuẩn nào. Sự khắc nghiệt, phi nhân của “thời đại đầy ức chế và thô bạo” đã dồn ép con người đến sự cùng cực và trở nên méo mó, dị dạng. Đồng thời, sự méo mó, quái đản đó cũng là phương cách để con người phản ứng lại thời đại, vạch trần và tố cáo cái cơ chế áp bức phi nhân, phi lý. Cô gái trẻ có những hành vi điên loạn, “trần truồng, đầu tóc rối bù, mặt mày nhem nhuốc (…) hai bầu vú vểnh lên thách thức” (Cửa hoa hồng- Thiết Ngưng) cầm nắm bùn đỏ bôi khắp người làm xáo động cả sân ga ở phần cuối tác phẩm Cửa hoa hồng là sự phản ứng vô cùng bi thương, nghiệt ngã nhằm lên án chủ trương đấu tố của cuộc cách mạng văn hoá. Bên cạnh đó, sự nổi loạn của các nhân vật nữ hầu hết là sự nổi loạn có ý thức. Thậm chí, ngay cả hành vi của cô gái khoả thân giữa chốn công cộng trong Cửa hoa hồng cũng là một dạng ý thức ẩn dưới vỏ bọc vô thức. Đó là ý thức phản kháng lại nam quyền, phản kháng lại chế độ xã hội bất công, tàn bạo đã làm biến dạng người nữ, tước đi quyền làm người, quyền tự do của họ. Họ lựa chọn động thái nổi loạn, thậm chí, hoá thân thành sự nổi loạn một cách có mục đích, có nguyên do như lời trần tình của Đường Phi những ngày cuối đời: “Ở những nơi như thế tớ vẫn tỏ ra khác người, tớ khác người vì tớ đâu sợ khi nói về bệnh tình dục. Tớ còn mong rằng, bệnh đe doạ con người như vậy thì cứ để tớ sống như bệnh, để tớ sống như bệnh… không, sống như bệnh có vẻ không thực, mà nên nói rằng tớ là bệnh, tớ là bệnh hoạn!” (Những người đàn bà tắm- Thiết Ngưng). Ở đây, phải chăng, quán tính của sự bất bình đẳng giới nặng nề vốn đã hình thành và kéo dài từ chế độ đại phong kiến cộng hưởng với sự khắt khe thái quá của thiết chế chính trị thời cách mạng văn hoá đã khiến cho phản ứng mang tính kháng cự của nữ giới ở Trung Quốc trở nên quyết liệt, cực đoan thành phản ứng nổi loạn theo nguyên lý sự áp bức càng mạnh mẽ thì sự phản kháng sẽ càng dữ dội kiểu “tức nước vỡ bờ”. Và có lẽ, với một vùng đất còn lưu giữ khá đậm đà tính tương thuận về giới như Việt Nam thì hiện tượng nổi loạn chưa đủ điều kiện để hình thành và biểu lộ mạnh mẽ như ở Trung Quốc.

            Tóm lại, ý thức phản kháng chế độ nam quyền là một bước quan trọng trong lộ trình phát triển ý thức nữ quyền của nữ giới. Lộ trình đó đi từ sự ý thức về tình trạng, địa vị hạng hai của người nữ trong đời sống xã hội đến ý thức thay đổi và phá vỡ tình trạng bị áp bức và cuối cùng, hướng tới ý thức kiến tạo giá trị nữ giới trong tư thế bình đẳng với nam giới. Từ đấy, người nữ thoát ly khỏi hệ giá trị nam giới trung tâm trên phương diện tư tưởng và đồng thời, dự phóng hành trình thoát ly về phương diện hình thức, lối viết, tạo lập nên hệ hình thi pháp nữ giới riêng biệt. Ngoài ra, vấn đề giới tính ở mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa có những nét đặc thù nên khi soi rọi từ góc nhìn của phê bình nữ quyền phương Tây, cũng cần chú ý đến các tính chất và quá trình diễn biến riêng biệt ở từng cộng đồng. Vì vậy, sự phản kháng nam quyền ở Việt Nam và Trung Quốc biểu hiện trong sáng tác văn xuôi của Dạ Ngân và Thiết Ngưng vừa giao thoa ở các điểm tương đồng, vừa phân lập trong các điểm khác biệt và thể hiện rõ rệt sự đa dạng trong vấn đề giới ở các quốc gia, các vùng văn hóa khác nhau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt

  1. Thịnh Anh (chủ biên) (Vũ Thị Thanh Trâm lược dịch) (1995), Lịch sử văn học nữ tính Trung Quốc thế kỉ XX, NXB. Nhân dân Thiên Tân, Thiên Tân, Trung Quốc.
  2. Betty Friedan (Nguyễn Vân Hà dịch) (2015), Bí ẩn nữ tính, Đại học Hoa Sen và NXB. Hồng Đức, Tp.HCM.
  3. Trần Huyền Sâm (2016), Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại, NXB. Phụ nữ, Hà Nội.
  4. Phùng Gia Thế- Trần Thiện Khanh (biên soạn) (2016), Văn học và Giới nữ (Một số vấn đề lý luận và lịch sử), NXB. Thế giới, Hà Nội.
  5. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2001), Người phụ nữ Việt Nam trong văn học, NXB. Đại học Mở bán công, Tp.HCM.
  6. Tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết của Dạ Ngân và Thiết Ngưng.

Tài liệu tiếng Anh

  1. Agnes Smedley (1976), Portraits of Chinese Women in Revolution, The Feminist Press, New York.
  2. Amy D. Dooling (2005), Women's Literary Feminism in Twentieth Century China, Palgrave Macmillan, New York.
  3. Amy Tak-yee Lai (2011), Chinese Women Writers in Disapora, Cambridge Scholars Publishing, England.
  4. Maggie Humm (1992), Feminisms- A Reader, Harvester Wheatsheaf, England.
  5. Maggie Humm (1994), A Reader’s Guide to Contemporary Feminist Literary Criticism, Harvester Wheatsheaf, England.
  6. Micheal S. Duke (1989), Modern Chinese Woman Writers- Critical Appraisals, An East Gate Book, M.E. Sharpe, Inc., New York.
  7. Mina Roces and Louise Edwards edited (2010), Women’s moverments in Asia, Routledge, New York.

Robin R. Warhol and Diane Price Herndl (2010), Feminism (An Anthology of Lietrary Theory and Criticism), Rutgers University Press, New Brunswick, New Jersey.


[1] “Dạ Ngân- Người đàn bà mang dấu chấm thiên di”, Báo An ninh Thế giới online, http://antgct.cand.com.vn/Nhan-vat/Nha-van-Da-Ngan-Nguoi-dan-ba-mang-dau-cham-thien-di-310510/, đăng vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 7/11/2007, truy cập lúc 7 giờ 30 phút ngày 10/11/2017.

[2] Nguyễn Kim Anh, Vũ Ngọc, Hà Thanh Vân, Hoàng Tùng, nghiên cứu, sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu (2002), Thơ văn Nữ Nam bộ thế kỉ XX, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, trang 42.

[3] Elizabeth Grosz (1952-): là giáo sư người Úc, giảng dạy tại đại học Duke, bang North Carolina, Hoa Kỳ. Bà chuyên nghiên cứu về vấn đề nữ quyền và tư tưởng của các triết gia Pháp nổi tiếng như Jacques Derrida, Jacques Lacan, Michel Foucault, Luce Irigaray, Gilles Deleuze…

[4] Judith Butler (1956-): triết gia người Mỹ có vai trò quan trọng trong sự phát triển của làn sóng nữ quyền thứ ba và lý thuyết đồng tính. Bà cũng chuyên nghiên cứu về lý thuyết hậu hiện đại, hậu cấu trúc. Từ năm 1993, Judith Butler giảng dạy tại trường đại học California ở Berkely.

[5] Phùng Gia Thế và Trần Thiện Khanh biên soạn (2016), Văn học và giới nữ (Một số vấn đề lý luận và lịch sử), NXB. Thế giới, Hà Nội, trang 159.

 

Hồ Khánh Vân, ThS, Trường Đại học KHXH và NV, ĐHQG TP.HCM

Nguồn: Số chuyên đề Bình luận văn học - Niên san 2017, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số 34 (59), tháng 12.2017, tr.158-167.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60769682
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13852
10454
60769682

Thành viên trực tuyến

Đang có 657 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website