Phân tâm học và phê bình phân tâm học

Cách nay hơn một thế kỷ phân tâm học ra đời và ngay sau đó phê bình phân tâm học xuất hiện. Từ một khoa học được xây dựng thuần tuý trong lĩnh vực của bệnh học tâm thần với phương pháp thực hành lâm sàng, phân tâm học chuyển sang áp dụng những kinh nghiệm này của mình trong một lĩnh vực xa lạ, lĩnh vực của những sản phẩm văn hoá, văn học. Khái niệm phân tâm học ứng dụng (psychanalyse appliqué) hình thành vào đầu thế kỷ XX, với Freud và các đồng nghiệp của ông trong Hội tâm lý học ngày Thứ Tư (Société psychologique du Mercredi, 1902), mục tiêu là mở rộng tầm ảnh hưởng của lý thuyết.

Freud đã làm nên một cầu nối kỳ diệu giữa phân tâm học và văn học, từ điều kiện cá nhân (lòng say mê văn học; trực giác về nghệ thuật; khả năng tự phân tích và phân tích; khả năng liên kết, liên tưởng và liên ngành);  từ hoàn cảnh đào tạo (chương trình văn học ở trường trung học của Áo) và từ môi trường chuyên môn (những trải nghiệm đặc biệt về con người từ phân tâm học), như   Jean Bellemin-Noël đã viết: “Freud say mê đủ loại văn chương: kẻ ngốn sách đồng thời là một độc giả tinh tế. Văn hóa của ông là thứ văn hóa cách đây một trăm năm người ta dạy ở các trường trung học nước Áo: cổ điển, nhưng đa dạng hơn, phổ quát hơn, hiện đại hơn thứ văn hóa tương tự ở Pháp. Ví dụ, những tên tuổi trở đi trở lại nhiều nhất dưới ngòi bút của ông là các tác giả đã được thừa nhận vào năm 1870: Aristophane, Boccace, Cervantès, Diderot, Goethe, Hebbel, Heine, Hésiode, Hoffmann, Homère, Horace, Le Tasse, Milton, Molière, Rabelais, Schiller, Shakespeare, Sophocle, Swift; còn về các nhà văn đương thời: Dostoievsky, Flaubert, Anatole France, Ibsen, Kipling, Thomas Mann, Nietzsche1, Schopenhauer, Bernard Shaw, Mark Twain, Oscar Wide, Zola và Stefan Zweig[1].

Như vậy có thể nói, lịch sử lý thuyết phân tâm học không thể tách rời những cuộc gặp gỡ với văn học, từ văn học truyền miệng đến văn học viết.

Trong những bước đi đầu tiên, Freud đã tiến hành song song ba công việc: vừa phân tích bệnh nhân, vừa phân tích chính mình, vừa đọc tác phẩm văn học. Hai tác phẩm Œdipe làm vua của Sophocle và Hamlet của Shakespeare đã mang lại cho Freud một phát hiện lớn, năm 1897, hình thành một khái niệm chủ, một điển hình bệnh lý lớn: mặc cảm Oedipe  trong công trình Giải thích chiêm bao (1899). Năm 1907, một tập sách gồm nhiều người viết: Các trang viết của tâm lý học ứng dụng, tiểu luận «Hoang tưởng và chiêm bao trong truyện « Gradiva » của Jensen» của Freud được đăng trang đầu tiên. Đọc La Gradiva của W. Jensen, Freud nhận ra hoang tưởng như một diễn trình của vô thức, và ông khẳng định vai trò của văn học: ““Thi sĩ, trong sự cảm nhận tâm hồn con người, họ là thầy chúng ta (...) vì họ tắm trong những cội nguồn mà chúng ta còn chưa thể đạt tới trong khoa học » (…) ”Các nhà thơ và các nhà tiểu thuyết là những đồng minh quý báu của chúng ta, và các bằng chứng của họ phải được đánh giá thật cao, bởi lẽ giữa lưng chừng thinh không họ biết được nhiều điều mà túi khôn học đường của chúng ta còn chưa dám mơ tới. Về kiến thức tâm lý, họ là bậc thầy của chúng ta, những kẻ tầm thường, bởi họ đã đắm mình trong những mạch nguồn nơi chúng ta còn chưa đưa khoa học lại gần được”[2]. Cũng năm này, trong tiểu luận Người sáng tạo văn học và tưởng tượng (Le créateur littéraire et la fantaisie), Freud cho rằng người viết tiểu thuyết là người sắp xếp lại thực tại để làm nên một thế giới của riêng mình. Nghệ sĩ là đứa trẻ vẫn còn sống trong người lớn: “Nhà tiểu thuyết tâm lý chắc chắn vay mượn trong toàn thể nét đặc thù của mình với khuynh hướng từ các nhà văn hiện đại, tách cái tôi bộ phận khỏi cái tôi của mình, nhờ kết quả của tự sự quan sát; và nhờ con đường nhân cách hóa các dòng xung đột trong đời sống tâm thức của mình nơi nhiều nhân vật[3].

Trong một bài báo nhỏ năm 1909 có tên là Tiểu thuyết gia đình về chứng loạn thần kinh (Le roman familial du névrosé), Freud đã nghiên cứu các cội nguồn của thiên hướng nhà văn. Theo ông, trong mỗi một đứa trẻ luôn có ước vọng thay đổi phả hệ và muốn khám phá những ông bố bà mẹ khác, việc viết văn là để “hoàn tất các ước muốn, sửa lại cuộc sống hiện có của mình và hướng đến hai mục tiêu:  tính dục và tham vọng” [4]. Tiểu thuyết gia như vậy là người thành công trong việc sửa đổi thực tại mà không bị giới hạn bởi sự kiềm chế thần kinh hoặc bị lạc trong một mê sảng của giòng giõi. Luận điểm gây tranh cãi này đã kích thích nhiều nhà phê bình. 

Liên kết một chuỗi trải nghiệm văn học, qua ba tác phẩm kinh điển, Freud đưa ra một ghi nhận quan trọng, trong tiểu luận Dostoïevski và tội giết cha (Dostoïevski et le parricide, 1928): “Không hề ngẫu nhiên khi ba kiệt tác của văn học ở mọi thời như Oedipe làm vua (Œdipe Roi) của Sophocle, Hamlet của Shakespeare và Anh em nhà  Karamazov  của Dostoïevski, cùng có một chủ đề là giết cha”[5]. Từ đó, ông xem mặc cảm Œdipe là một bản chất phổ quát của con người.

Freud quan niệm rằng, khi viết văn, nhà văn đã phóng chiếu và cấu trúc lại các huyễn tưởng của mình, làm nên những hình tượng văn học. Có hai loại huyễn tưởng: loại đầu là kết quả của sự lai ghép với hiện thực, hình thành thế giới của nhà văn (như đứa trẻ bị bỏ rơi, đã tìm lại chính mình, tìm cách chữa lành những chấn thương), thể hiện qua Tolstoi, Balzac, Huygo, Dostoïevski, Dickens, Faulkner, Proust… Loại thứ hai là sáng tạo ra một thế giới mới khác với hiện thực (từ mặc cảm Œdipe, muốn hủy diệt đối thủ và thiết lập một tương quan mới), như Hoffmann, Melville, Kafka…[6]

Đọc phân tâm học văn học như vậy sẽ tương tự như việc dõi theo sự hình thành của vô thức, nghĩa là dõi theo các chiêm bao, các nói nhịu (lapsus), các nét tinh thần, các ảo tưởng. Freud tìm cách “lột mặt nạ” các diễn ngôn ý thức, tìm các ham muốn (désire) dồn nén (refouler) ở đằng sau nó và chiếu ánh sáng vào diễn trình tích tụ (condensation) và chuyển dịch (déplacement) nơi tác phẩm, vào các biến dạng nảy sinh từ kiểm duyệt (censure). 

Trong quá trình phân tích tác phẩm văn học, Freud tỏ ra ý thức mục tiêu và giới hạn của mình: “Mang lại một phán đoán thẩm mỹ về tác phẩm nghệ thuật hay làm sáng tỏ thiên tài nghệ thuật chắc chắn không phải là nhiệm vụ của phân tâm học. Mà dường như với phân tâm học là khả năng nói lên một từ ngữ mang tính quyết định trong tất cả các vấn đề liên quan đến cuộc sống tưởng tượng của con người”[7], nhưng xuyên qua các văn bản đọc văn học của Freud, người ta nhận ra ông đã kết hợp các phương pháp phê bình văn học như: phê bình tiểu sử, phê bình phát sinh… Sau này, Sarah Kofman còn cho là Freud đã sử dụng phương pháp cấu trúc “cho phép so sánh các tác phẩm khác nhau của một nghệ sĩ để phát hiện ra ảo ảnh chung như là chìa khóa của nghiên cứu” và đọc văn học theo phương pháp tiểu sử với Freud là tiến hành “lột mặt nạ” để “đáp trả thái độ thần bí hóa đối với các nghệ sĩ và nhận dạng tính ái kỷ” […] “Freud thay thế những gì được gọi là "tuyệt vời" trong sự lý tưởng hóa các nghệ sĩ bởi người viết tiểu sử, bằng việc tìm kiếm quy luật chi phối các bệnh nhân và cả người bình thường”[8].

Dù vậy, cũng nhiều khi, Freud không tránh khỏi những phân tích khiên cưỡng. Chẳng hạn, với  Shakespeare, ông đã khai thác tiểu sử của nhà văn này theo hướng cố làm cho nó tương thích với các tiền giả định của ông, và như vậy ông đã đi ngược lại với ý kiến của các chuyên gia uy tín về Shakespeare. Khi đọc Dostoïevski, Freud đã nói khác đi về bệnh động kinh của nhà văn này, để củng cố lập luận của mình.

Cho đến nay, phân tâm học đã chứng tỏ sức mạnh của mình trên nhiều lĩnh vực. Và phát hiện quan trọng nhất của nó là phát hiện về vô thức. Trong khi ghi nhận những cống hiến lớn lao của phân tâm học, người ta nói đến vai trò của vô thức trong lĩnh vực phê bình văn chương, và rộng hơn là trong nghệ thuật.

Phân tâm học là một lĩnh vực mênh mông, phức tạp và không thuần nhất.  Khởi đi từ Freud, nó vận động không ngừng trên phương diện lý thuyết và thực hành, trong sự phát triển nội tại và trong xu thế mở ra tiếp biến nhiều lĩnh vực khác. Chính vì vậy, phê bình phân tâm học, hay nói khác đi là việc đọc phân tâm học, cũng đã hình thành và phát triển hết sức đa dạng.

Trước hết về tác giả, sẽ có những nhà phân tâm học đọc văn học và những nhà phê bình văn học vận dụng phân tâm học, tư thế, mục tiêu và phương pháp của họ có khác nhau.

Thứ hai, về xu hướng lý thuyết, từ khi hình thành đến nay, đã có những xu hướng phân tâm học khác nhau : Sigmund Freud (Áo-Anh, 1856-1939),  Pierre Janet (Pháp, 1859-1947), Alfred Adler (Áo –Anh, 1870-1937),), Carl Gustav Jung (Thụy Sĩ, 1875-1961), Melanie Klein (Áo-Anh, 1882-1960), Otto Rank (Áo-Mỹ, 1884- 1939), Theodor Reik (Áo- Mỹ, 1888-1969), Marie Bonaparte  (Pháp, 1882-1962), Charles Baudouin (Pháp –Thụy Sĩ, 1893-1963), Anna Freud (Áo- Anh, 1895-1982), Wilhelm Reich (Áo –Mỹ, 1897-1957), Erich Fromm (Đức, 1900-1980), Jacques Lacan (Pháp, 1901-1981) Georges Devereux (Pháp –Mỹ, 1908 - 1985), Jean Laplanche (Pháp, 1924- 2012)…, các nhà phê bình phân tâm học có thể tựa vào xu hướng lý thuyết này, hay xu hướng lý thuyết khác, hoặc dung hợp.

Thứ ba, mối quan hệ giữa phân tâm học và văn học sẽ được quan niệm và xử lý lại, theo từng trường hợp đặc thù với từng nhà phê bình, ở đó có thể có sự dung hợp với những lý thuyết hoặc trường phái phê bình khác.

Thứ tư, đối tượng của phê bình phân tâm học là văn bản văn chương trong mọi thời, mọi nơi, mọi thể loại. Những thay đổi về yếu tố thời gian, không gian bên ngoài (contexte) và những quy luật bên trong của văn bản (texte) hẳn sẽ mang lại những cách đọc vô thức khác nhau. Sự đa dạng và linh hoạt là một yêu cầu cơ bản trong phê bình phân tâm học, bởi nó giúp cho nhà phê bình tránh được nguy cơ sao chép máy móc và công thức hoá.

Đứng trước cái kiến trúc to lớn nhiều cửa là phân tâm học ấy, chúng ta nên bắt đầu đi vào bằng cửa nào?

Chúng tôi sẽ không bắt đầu bằng cách giới thiệu những nét chính về lịch sử và các vấn đề lý thuyết phân tâm học như thông lệ. Từ mối băn khoăn, do đâu mà Sigmund Freud, một bác sĩ chuyên nghiên cứu thần kinh bệnh học, lại chọn văn chương, như một đối tượng phân tích, cùng với các bệnh nhân của ông, chúng tôi đi tìm lý do của sự quan tâm này. Bởi đó cũng là lý do tồn tại của phê bình phân tâm học.

Trong nhiều tài liệu về cuộc đời S. Freud, người ta nói rằng ông rất yêu văn chương và là một độc giả sành văn. Nhưng có lẽ khi đưa văn chương vào thế giới khoa học của mình, Freud không xuất phát từ một sở thích cá nhân. Bằng trí tuệ cực kỳ nhạy bén và tài hoa của mình, Freud đã phát hiện ra những điểm chung trong cơ chế tâm lý của con người (bệnh nhân) và cơ cấu nghệ thuật của tác phẩm văn chương. Theo chúng tôi, đó là những điểm chung về đặc trưng, chất liệu và phương pháp.

-Về đặc trưng, có lẽ không ai phủ nhận, tưởng tượng là một khả năng không thể thiếu của con người và tác phẩm văn chương. Những bệnh nhân tâm thần, khả năng tưởng tượng phát triển một cách khác thường, những tuyệt tác văn chương luôn sáng lên từ một sức tưởng tượng phi thường.

-Về chất liệu, con người và tác phẩm văn chương đều phải sử dụng ngôn từ. Nhà thần kinh bệnh học làm việc với bệnh nhân của mình qua những cuộc đối thoại nghĩa là qua lời nói. Nhà phê bình phân tích tác phẩm văn chương qua văn bản, vẫn là cuộc trò chuyện trong phạm vi  ngôn từ với  nhà văn, độc giả. Lời nói của bệnh nhân và ngôn từ nghệ thuật có nhiều điểm chung như sức nén, tính ẩn dụ, tính ngẫu nhiên…(chứa đựng những nội dung từ vô thức), chúng có khả năng hé mở cho chúng ta nhiều vấn đề bí ẩn.

-Về phương pháp, chúng ta nhận thấy rằng thực hành phân tích về bản chất là một trải nghiệm độc đáo của ngôn từ và của diễn từ. Phân tích bệnh nhân, nhà phân tâm học làm những cuộc đối thoại trong tinh thần “hợp tác tự do” (association libre), phân tích tác phẩm, nhà phê bình đọc kỹ văn bản với sự tự nguyện đầy cảm hứng. Và trong suốt quá trình phân tích này nhà phân tâm học cũng như nhà phê bình không tránh khỏi… cúi xuống phân tích chính mình.

Trước phân tâm học rất lâu, văn chương (truyền khẩu và viết) đã tỏ rõ sức mạnh của mình trong việc sử dụng ngôn từ để sáng tạo nên một không gian độc đáo, nằm ngoài những giới hạn thường thấy của ngôn ngữ giao tiếp. Việc nghiên cứu những văn bản văn chương cho phép phân tâm học rời bỏ mảnh đất y học chật hẹp vươn tới tầm lý thuyết tổng quát về tâm lý học và về sự tiến triển loài người. Ngược lại, phân tâm học cũng đã làm thay đổi quang cảnh phê bình văn học.

Những đối chiếu vắn tắt trên đây, và mối quan hệ tương tác trong thực tế giữa phân tâm học và văn học đã nói với chúng ta lý do phân tâm học có mặt trong đời sống văn chương, và phê bình phân tâm học hôm nay đã hình thành như một trường phái lớn, có nhiều xu hướng.

Theo Marcelle Marini[9], trong  Mỹ học và phân tâm học [10], nhà phê bình Gilbert Lascault (Pháp, 1934) đã ví phân tâm học với tháp Babel. Ông cảnh báo sự ngưỡng mộ thái quá phân tâm học để rồi dẫn tới hai thái độ: hoặc là nhà phân tích hướng về phía tác phẩm văn học để tìm kiếm ở đó sự minh họa đơn giản cho các luận điểm của họ, hoặc là nhà phê bình hướng về phân tâm học để tìm ở đó một kiến thức có sẵn, một kiểu giải thích làm sẵn, mang tới “chân lý” của văn bản. Chống lại những “công thức đơn điệu”, Gilbert Lascault cho rằng một phê bình phân tâm học đích thực phải được thực hiện bằng việc đọc đích thực. Đây là nguyên tắc đầu tiên phải tuân thủ. Đọc đích thực nghĩa là nhà phê bình vừa tiến hành công việc phân tích tâm lý vô thức mà văn bản khơi dậy nơi mình, vừa tiến hành công việc giải thích. Trong việc đọc này không ai đoán trước được những gì sẽ đến.

Không đi vào lịch sử phân tâm học, không dừng lại nhiều với các tác giả, công trình và luận điểm, vốn đã được nhiều tư liệu nói đến, trong những hiểu biết còn giới hạn của mình, chúng tôi thử trình bày một cách khái quát những tiêu điểm và định hướng  khác nhau của phân tâm học và phê bình phân tâm học.

Phân tâm học

Quá trình hình thành phân tâm học của Freud trải qua hai giai đoạn:  giai đoạn thứ nhất từ 1895 đến 1920, giai đoạn thứ hai từ 1920 đến 1938. Trong giai đoạn thứ nhất, Freud hình dung cơ chế tâm thức (mécanisme psychique) của con người có ba tầng: ý thức (le conscient), tiềm thức (le preconscient) vô thức (l’inconscient) và đề xuất các khái niệm: dồn nén (refoulement), kiểm duyệt (censure), chứng ái kỷ (narcissisme), cái tôi (le moi)…Công trình Năm bài học về phân tâm học (Cinq leçons sur la psychanalyse) ra đời trong thời gian này, xác định chiêm bao là “con đường hoàng đạo của nhận biết vô thức” (“la voie royale de la connaissance de l'inconscient”)[11]. Với Freud, không có biểu hiện hành vi và tâm lý nào là ngẫu nhiên, không có ý nghĩa, không có nguyên nhân; và ý nghĩa thực sự, nguyên nhân lớn nhất của các biểu hiện ấy có thể tìm thấy ở vô thức: vô thức quyết định con người chúng ta trong từng giây phút: người ta gọi đây là nguyên lý quyết định luận tâm thức (Principe du déterminisme psychique). Quan sát tâm lý con người, Freud cho rằng, thường có nhiều nguyên nhân và cả một phức hợp động lực cho một biểu hiện, nhưng chúng ta thường bằng lòng với việc giải thích theo một nguyên nhân.[12] Trong khi giải thích chiêm bao, Freud phát hiện ra hiện tượng sự chuyển vị (transposition) của các hình ảnh và sự kiện theo một trình tự rối loạn, biểu hiện những xáo trộn tâm thức (troubles psychiques). Theo ông, các xáo trộn này bắt nguồn từ một ham muốn, có từ trẻ em đến người lớn, những ham muốn bị cấm đoán (interdit) bởi giáo dục, văn hóa, tôn giáo…thường được giải tỏa bằng chiêm bao. Vậy chiêm bao là kết quả của ham muốn và cấm đoán. Theo Freud, chiêm bao cấu thành bởi hai lớp nội dung: nội dung hiển lộ (contenu manifeste), gắn với ý thức, và nội dung ẩn tàng (contenu  latent), gắn với vô thức. Giải thích chiêm bao là đi từ nội dung hiển lộ đến nội dung ẩn tàng. Không chỉ dừng lại ở đó, Freud xác định cơ chế tâm thức của chiêm bao: cơ chế kịch hóa (la dramatization: tự sự), cơ chế hình tượng hóa (la figuration: hình ảnh), cơ chế tích tụ (la condensation: sự nén lại của hình ảnh và tự sự), cơ chế chuyển dịch (le déplacement: sự di chuyển các yếu tố). Các cơ chế trên đây của chiêm bao thoạt tiên có vẻ không gắn gì với diễn ngôn văn chương, nhưng chúng có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn kỹ thuật kịch, các nét đặc thù của ngữ pháp tự sự, thành tựu của nghệ thuật miêu tả trong tiểu thuyết, cách biên soạn một ẩn dụ…Đặc biệt, nó làm cho cách viết không còn là một công việc thuần túy ngôn ngữ (hình thức), mà là một công việc của trí tưởng tượng bằng ngôn ngữ và công việc của ngôn ngữ bằng tưởng tượng,với điều kiện không lẫn lộn sự biểu hiện với việc sao chép đơn giản thực tại.

Từ trường hợp chiêm bao, Freud đề xuất ra hai phương thức khác nhau khi xem xét tác phẩm văn học: một mặt, một tấm màn mỹ học hay lý trí che khuất sự thật trần truồng của vô thức; mặt khác, văn bản  hiển lộ, giống như “nội dung hiển lộ” của chiêm bao, nằm trong mối quan hệ biểu tượng hoá chặt chẽ với “nội dung tiềm ẩn”, có mặt bên cạnh vô thức. Hai quan niệm về sản phẩm nghệ thuật này luôn luôn cạnh tranh nhau.

 Nhấn mạnh giai đoạn đầu đời, Freud chú ý đến kỷ niệm tuổi thơ, trong đó, ông cho rằng các kỷ niệm – kính lọc (souvenir- écran: những kỷ niệm mà ta không hề biết, nhưng lại luôn chi phối đời ta) có vai trò rất lớn, đặc biệt là các kỷ niệm gắn với biến cố gây chấn thương (événement traumatique). Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong khi phân tích chi tiết sự cấu thành của vô thức, Freud đã làm việc như một nhà ngôn ngữ học, dù lúc ấy ngành ngôn ngữ học còn rất sơ khai. Việc nghiên cứu kỷ niệm này của Freud cũng gắn với văn học, một trong những tác giả văn học mà Freud chú ý và nêu ra các dữ kiện kỷ niệm là Goethe.

Năm 1910, tiểu luận “Sự xáo trộn gen tâm lý của cái nhìn trong khái niệm tâm lý học phân tích” (Le trouble psychogène de la vision dans la conception psychanalytique »), thể hiện cái nhìn nhị nguyên luận của Freud về xung năng (dualism pulsionnel): theo ông, trong vô thức con người luôn có những cặp xung năng đối lập nhau: xung năng tính dục đối lập với xung năng sinh tồn; xung năng sống (pulsions de vie) đối lập với xung năng chết (pulsions de mort)…

Năm 1920, tiểu luận “Để giới thiệu thuyết ái kỷ” đã mang lại một bước ngoặt, hình thành giai đoạn thứ hai. Cơ năng tâm thức được hình dung lại với các khái niệm mới : cái tôi (bản ngã: le moi, ego), cái siêu tôi (siêu ngã: le surmoi, superego) và cái ấy (tự ngã: le çà, id). Công trình Bên kia nguyên lý khoái lạc (Au delà du principe de plaisir, 1920) tiếp tục khẳng định mặc cảm Œedipe (Le complex Œedipe),

Như vậy, Sigmund Freud  xem xung đột, mâu thuẫn là tình trạng thường xuyên diễn ra nơi con người, và điều này làm ta nhớ đến Karl Marx. Nhưng nếu Marx nhìn thấy xung đột trong giai cấp, bắt nguồn từ điều kiện kinh tế thì Freud nhìn thấy xung đột trong từng cá nhân, bắt nguồn từ cơ chế tâm thức.  Cũng  như Marx, Freud có cái nhìn nhị nguyên, qua các cặp đối kháng gần như thường trực: ý thức /vô thức; nguyên tắc khoái cảm / nguyên tắc thực tế; ham muốn / cấm đoán; thế giới bên trong / thế giới bên ngoài; cái tôi (bản ngã), cái siêu tôi (siêu ngã) / cái nó (tự ngã), bản năng sống và bản năng chết…

Trong tác phẩm  Cái tôi và cái nó (Le moi et Le çà, 1923), Freud đã trình bày các mối quan hệ trên, đồng thời phân tích tình trạng lệ thuộc của cái tôi. Theo Freud, con người chịu sự quy định rõ rệt bởi cơ chế tâm - sinh lý của chính mình. Các xung năng trong vô thức chịu sự chi phối mạnh của xung năng ham muốn (ta nhớ đến khái niệm của nhà Phật là dục) có vai trò quan trọng, trong đó có xung năng tính dục (libido), chúng luôn có xu hướng chuyển hóa lên hai tầng trên, dẫn dắt ý thức, chi phối hành vi. Ngược lại, nếu có xung đột giữa các xung năng của vô thức và các xung năng của ý thức, do áp lực từ siêu ngã của chính người đó, hay từ quy phạm của gia đình, nhà trường, xã hội, cộng đồng, thì cơ chế bảo vệ (mechanism de defense) của tâm lý sẽ xuất hiện và can thiệp. Nó có thể đàn áp (répression), hoặc kiểm duyệt, ngăn chặn các ký ức, cảm xúc và ý tưởng từ tâm thức, đẩy các xung năng ấy trở lại vô thức. Những dồn nén này tạo thành các ẩn ức, ngày một nhiều, có khả năng tạo nên một sự mất quân bình về tâm lý, gây ra chứng nhiễu tâm, hoặc nặng hơn là chứng loạn thần kinh. Nó cũng có thể làm công việc định dạng (identification), nghĩa là để cái tôi của mình thích ứng với những đặc điểm tính cách của cha mẹ; Freud cho rằng vào những thời điểm then chốt này, vai trò của những bậc cha mẹ  rất quan trọng, họ sẽ giúp con mình vượt qua các mặc cảm để tiếp nhận các quy ước một cách nhẹ nhàng và trưởng thành. Với những trường hợp mà xung đột giữa vô thức và ý thức diễn ra thường xuyên trong cả cuộc đời, cơ chế bảo vệ của tâm lý sẽ thu xếp để lập lại sự cân bằng tạm thời, tìm con đường giải tỏa bằng cách ngụy trang (camouflage). Một trong những giải tỏa quen thuộc mà ai cũng từng trải qua, có thể mỗi ngày, ấy là chiêm bao (còn gọi là giấc mơ, mộng mị: rêve); ít phổ biến hơn là hành vi nói/viết nhịu (còn gọi là nói liệu, lapsus); trong đó con đường giải tỏa và hình thức ngụy trang đẹp đẽ, lý tưởng, có ý nghĩa nhất, là hoạt động sáng tạo (khoa học, nghệ thuật, văn chương), hoạt động nhân đạo (từ thiện, tôn giáo) và tình yêu: Freud gọi giải tỏa đó là sự thăng hoa (sublimation). Freud còn cho rằng, do cơ chế sinh học và do trải nghiệm cá nhân, mỗi cá nhân khi được sinh ra và trưởng thành có thể thiên về bản năng sống (eros) hay bản năng chết (thanatos), hoặc có cả hai, lúc ngả bên này, lúc ngả bên kia; và tùy theo đó mà con đường giải tỏa của mỗi người có thể khác nhau. Bản năng sống thường biểu hiện nơi khả năng sinh tồn (survivance); khả năng hái lấy niềm vui (có khi được dịch hẹp là khoái lạc: plaisir); khả năng tái tạo (reproduction), nó có vai trò rất lớn trong việc duy trì cuộc sống của cá nhân cũng như sự tiếp tục của giống loài. Đôi khi người ta đánh đồng bản năng sống với bản năng tính dục (instinct sexuel), cũng như đánh đồng désire (ham muốn nói chung) với libido (ham muốn tính dục), do cách nói của Freud và do trong lịch sử dài của nhân loại, bản năng tính dục là điều cấm kị (tabou). Những người thiên về bản năng sống thường có biểu hiện mà ta gọi là tích cực: yêu thương, lạc quan, dễ dàng nối kết với mọi người, tin vào cái mới..., cách giải tỏa của họ thường theo hướng thăng hoa. Trong khi đó, người có bản năng chết thì thường gắn với lòng thù hận, oán trách (từ sân theo quan điểm nhà Phật); thường bị hút về nỗi buồn, nỗi sợ, hoài nghi; thường ham muốn hủy diệt và tự hủy diệt. Năng lượng sinh ra từ bản năng chết thường có thể dẫn đến hiện tượng thích tự làm đau mình: khổ dâm (masochism), hoặc/và thích làm đau người khác: bạo dâm (sadism), bằng ngôn ngữ, bằng hành động gây hấn, bạo lực[13]. Theo Freud, những kẻ độc tài, những người chủ chiến, những kẻ sát nhân, những tên bạo hành tình dục thường có trong mình bản năng chết, và như vậy, các vấn nạn lớn của nhân loại từ xưa đến nay như: chiến tranh, tội phạm, nạn cưỡng dâm…đã được Freud lý giải bằng một cách nhìn khác, cách nhìn từ góc độ trách nhiệm cá nhân, khác với cách nhìn của những nhà Marxist.

Freud xác định xung năng là một lực đẩy liên tục hướng đến sự thỏa mãn và là phương tiện đầu tiên của sự thỏa mãn. Trong tiểu luận “Các xung năng và số phận của xung năng” (“Pulsions et destins des pulsions”)[14], Freud đã bàn nhiều về khái niệm này, như phân biệt xung năng tính dục (pulsions sexuelles) và xung năng tự tồn (pulsions d’autoconservation). Ông  xác định con đường của xung năng là một “diễn trình năng động”, qua bốn mô thức: lực đẩy; cội nguồn, đối tượng, mục đích; với các diễn biến: hoặc chuyển thành cái đối lập (tình yêu thành thù hận); hoặc quay lại chống cái tôi của chính mình; hoặc dồn nén tất cả vào vô thức; hoặc giải tỏa bằng hành vi gây hấn, hoặc sáng tạo, chỉ có như vậy thì con người mới vượt qua trạng thái dư thừa về nhu cầu và hài lòng với bản thân.

Freud cho rằng cơ chế tâm- sinh lý này hình thành căn bản từ yếu tố bẩm sinh và sau đó phát triển thành nhân cách hoàn chỉnh ngay trong thời niên thiếu, với những dấu ấn quan trọng từ trải nghiệm cá nhân, gia đình, đặc biệt là mối quan hệ của người con với mẹ, cha mình. Những quan sát tỉ mỉ của Freud về các giai đoạn phát triển tâm lý tình dục của con người thời trẻ[15] đưa ông đến những khái quát táo bạo mà sau này nhiều nhà tâm lý học và phê bình văn học không chia sẻ hoàn toàn: Thứ nhất, rằng sự thất vọng tình dục mà đứa trẻ trải qua trong giai đoạn phát triển tâm lý này, sẽ làm nảy sinh nơi người ấy một trạng thái lo âu (anxiety) kéo dài đến tuổi trưởng thành như một chứng loạn thần kinh,  hay rối loạn tâm thần chức năng;  thứ hai rằng những mặc cảm sẽ nảy sinh từ đó, như mặc cảm Oedipe  (là con trai thường yêu mẹ ghét cha); mặc cảm Electra (Electra complex: con gái thường yêu cha ghét mẹ;)[16] mặc cảm bị thiến hoạn (complexe de castration), có cả nơi hai giới, trước ý nghĩ đối thủ là cha, mẹ của mình gây ra cho mình …Về sau, quan niệm của Freud có ít nhiều thay đổi. Năm 1920, trong công trình Bên kia nguyên lý khoái lạc, Freud cho rằng vô thức và cơ chế tâm lý con người nói chung tiếp tục vận động theo thời gian, với những tác động từ xã hội. Theo ông, dấu hiệu chưa trưởng thành của một con người, một cộng đồng, có thể nhìn thấy nơi việc người ta tiếp tục muốn được dẫn dắt, muốn được tuân phục, ngưỡng mộ một ai đó, như dạng một người cha của xã hội.

Cuộc đời và sự nghiệp của Freud đã tạo nên một sức hấp dẫn lớn. Có hàng trăm bài viết và hàng chục công trình, trong đó có tác giả là nhà văn như Stefan Zweig (Chữa trị bằng tinh thần, Guérison par l’esprit, 1932) ; Thomas Mann (Tự phân tích của Freud và việc phát hiện phân tâm học- Auto-anlyse de Freud et la découverte de psychanalyse, 1998) và nhiều người khác. Dù không phải là nhà văn, năm 1930, Freud nhận được giải thưởng Goethe tại Franfurk. Năm 1936, có trong bài nói chuyện với nhan đề «Freud và tương lai », Thomas Mann cho rằng Freud « tư duy như một nghệ sĩ, cũng giống Schopenhauer, ông như là một nhà văn của Châu Âu ». Marthe Robert thì nhấn mạnh vai trò to lớn của Freud: Cuộc cách mạng phân tâm học (Revolution psychanalytique). Nhưng vào thế kỷ XXI lại  có những công trình phê phán Freud nặng nề : Những lời nói dối của Freud. Lịch sử của một thế kỷ thông tin sai lạc (Mensonges freudiens. Histoire d'une désinformation séculaire, 2002) của Jacques Bénesteau; Sách đen về Freud (Livre noir de Freud, 2005) do Catherine Meyer chủ biên (được đáp trả với Élisabeth Roudinesco: Tại sao nhiều thù hằn vậy ? Giải phẫu cuốn sách đen về phân tâm học (Pourquoi tant de haine ?Anatomie du Livre noir de la psychanalyse, 2005); Hoàng hôn của một thần tượng (Le crépuscule d'une idole, 2010) của Michel Onfray…

Với sự mở đầu của Freud, phân tâm học từ Áo đã lan rộng ra Thụy Sĩ, Đức, Pháp, Anh và Mỹ, năm 1920 trở thành một ngành học mới, và nửa sau thế kỷ XX tiếp tục phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Ở Pháp, các nhà phân tâm học tranh cãi về hệ thống khái niệm cực kỳ phong phú mà Freud đã đề xuất, nhưng vẫn tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt và các nguyên lý nền tảng trong nghiên cứu, trong đạo đức và trong điều trị. Với Jacques Lacan (Pháp, 1901-1981), nhà phân tâm học nổi tiếng là khó đọc,  có nhiều ý kiến phê phán. Ở Anh, có hai xu hướng: xu hướng thứ nhất chủ trương duy trì quan điểm truyền thống của Freud, đại biểu là con gái Freud: Anna Freud (Áo, 1895-1982), xu hướng thứ hai muốn đổi mới học thuyết Freud, đại biểu là Melanie Klein (Áo, 1882-1960).

Nhìn chung, xu hướng đổi mới phân tâm học đã để lại nhiều thành tựu hơn. Các nhà phân tâm học sau Freud đã có sự kế thừa, phát triển, và đổi khác nhất định, tùy theo quan niệm của họ về vai trò của vô thức, đặc biệt là vị trí của libido, cũng như vai trò của giai đoạn đầu đời của con người. Hầu hết đều thừa nhận những đóng góp của Freud, nhưng cho rằng mỗi người có một cơ chế tâm sinh lý riêng (và theo đó có một nhân cách riêng), nhưng cơ chế tâm sinh lý ấy có khả năng vận động, kể cả khi người ấy đã trưởng thành, do sự tương tác, va chạm giữa cá nhân ấy với môi trường như nhà trường, xã hội mà họ đã trải qua.

Trong một hiểu biết giới hạn, bài viết này sẽ giới thiệu đôi nét, theo trình tự xuất hiện, về một số nhà phân tâm học chính xuất hiện sau Freud để hình dung sức sống và con đường phát triển của phân tâm học sau Freud.

Pierre Janet (Pháp, 1859-1947), nhân vật hàng đầu trong ngành tâm lý học của Pháp thế kỷ XIX, người khai sinh khái niệm tiềm thức (subconscient). Trong mô hình vô thức,  Janet dành một vị trí quan trọng cho chấn thương tâm thần, qua bệnh mất trí nhớ, đứt rời với kỷ niệm. Ông có ảnh hưởng lớn ở Mỹ, trong việc điều trị căng thẳng sau chấn thương. Pierre Janet thuộc xu hướng « tâm lý học ứng xử » (psychologie des conduites) là một xu hướng tổng hợp thực nghiệm những lĩnh vực tương ứng như : tâm lý học tri nhận (psychologie cognitive), tâm lý học xã hội (pssychologie sociale), tâm lý học năng động (psychologie dynamique). Janet tập trung vào cảm xúc và chú ý mối quan hệ giữa cảm xúc với hành vi. Ông phản đối việc Freud đặt tính dục vào vị trí hàng đầu như là động cơ chính chi phối con người, gây nên những rối loạn tâm thức. Pierre Janet có các tác phẩm của: Thuyết tự động hóa tâm lý (Automatisme  psychologique, 1889); Từ lo âu đến ngây ngất. Nghiên cứu về tín ngưỡng và tình cảm (De l'Angoisse à l'extase. Études sur les croyances et les sentiments,1926);  Tư tưởng bên trong và  các rối loạn của nó (La Pensée intérieure et ses troubles, 1927); Sự tiến hóa của ký ức và của khái niệm thời gian (L'Évolution de la mémoire et de la notion du temps, 1928);  Sự tiến hóa của tâm lý học về nhân cách (L'Évolution psychologique de la personnalité, 1929)...

Carl Gustav Jung (1875-1961), người cộng sự thân thiết của Freud trong những năm 1909-1913, đã chia sẻ với Freud về tầm quan trọng của giai đoạn đầu đời của con người, nhưng ông sớm tìm những hướng đi khác cho mình. Năm 1913, ông đưa ra khái niệm Tâm lý học phân tích (Psychologie analytique) và vô thức cộng đồng (inconscient collectif). Theo ông,  những vết hằn trong tâm thức của con người thời nguyên thủy vĩnh viễn được lưu giữ lại trong vô thức và chúng đã được thể hiện qua các cổ mẫu (archétype) trong huyền thoại. Nghiên cứu vô thức là dõi theo các biểu tượng lớn mà con người đã tạo lập nên. Quan điểm phân tâm học của Jung có chịu ảnh hưởng ít nhiều triết học phương Đông. Việc mở rộng chiều kích của vô thức, từ cá nhân sang cộng đồng; việc mở rộng phạm vi của vô thức từ tâm sinh lý con người sang văn hóa; việc cắt nghĩa các hiện tượng tâm lý bằng cả yếu tố vũ trụ siêu nhiên…đã làm cho Jung đi rất xa Freud và đó là lý do làm họ bất hòa. Công trình Các hóa thân của tâm hồn và các biểu tượng của nó (Métamorphoses de l’âme et ses symbols) từng bị Freud phê là “dị giáo” (hérésie). Các tác phẩm: Con người và các biểu tượng của con người (L’Homme et ses Symboles); Aïon- Những nghiên cứu trên quan điểm hiện tượng luận về Cái Ấy (Aïon- Etudes sur la phénoménologie du Soi, 1951), Con người trên đường khám phá tâm hồn của chính mình (L'homme à la découverte de son âme) là những tác phẩm cung cấp một cái nhìn trọn vẹn về phân tâm học của C.G.Jung. Những phương diện của thảm kịch hiện tại (Aspects du drame contemporain) là tập hợp các bài viết rải rác từ các năm khác nhau: 1928, 1936, 1945, 1946  và 1958 của Jung. Những gì C. G. Jung nói (C.G. Jung parle) hơn 50 bài về các cuộc trò chuyện rất đa dạng, đã cố gắng khắc họa tính cách và trinh thần của C.G. Jung. Bình luận về cái bí ẩn của đóa hoa bằng vàng (Commentaire sur le Mystère de la Fleur d'Or) là một chuyên luận mang tinh thần thuật giả kim Đạo giáo Trung Hoa.  Thư từ từ 1906-1940 (Correspondance 1906 – 1940. Thư từ từ 1941-1949 thể hiện những suy tư của Jung về thế kỷ XX.

Alfred Adler (Áo, 1870-1937) người từng cộng tác với Freud, sau này cũng đã rẽ đi hướng khác. Nếu Freud cho rằng con người luôn bị dẫn dắt bởi bản năng thì Adler tin vào một bản tính tự do (nature libre), nó giúp con người giải quyết những nghĩa vụ văn hóa mà đời sống đặt ra cho cho họ. Kết quả là Freud và Adler đoạn giao 1911. Adler lập ra trường phái tâm lý học cá nhân (psychologie individuelle). Với công trình Khí chất dễ bị kích động. Các yếu tố của một tâm lý học cá nhân và việc áp dụng vào điều trị tâm lý (Le tempérament nerveux. Éléments d’une psychologie individuelle et application à la psychothérapie), tâm lý học cá nhân đã thâm nhập mạnh vào văn học và sau đó là giáo dục học. Chủ trương của Adler là đưa tâm lý học đến gần với cuộc đời thực tế, cho phép người này hiểu người kia qua tiểu sử rất khác nhau của họ. Do tinh thần lạc quan và tính thực tiễn của tâm lý học cá nhân, từ năm 1926, Adler đã rất thành công ở Hoa Kỳ. Nhiều công trình về sau của ông tập trung nghiên cứu về vai trò dự phòng của giáo dục, và ở đó thể hiện vị thế tư tưởng của Adler. Theo ông, ý nghĩa của đời người là phát triển một tinh thần cộng đồng để giải quyết những vấn đề đời sống, một nỗ lực hoàn thiện để đạt đến một xã hội lý tưởng.  Trong khi xác định mối quan hệ bù trừ giữa thân thể và tâm thức, Adler cũng đồng thời nói lên những tương quan làm nên thái độ của con người giữa cộng đồng qua ba mục tiêu lớn của mỗi người: công việc, tình yêu và xây dựng cộng đồng.  Với những trường hợp bệnh lý, Adler phân tích những câu trả lời sai về các yêu cầu của đời sống, mà nguyên nhân có thể là một mặc cảm tự ti (complex d’infériorité), làm con người có ý chí thể hiện quyền lực và thường phóng đại một số phương diện. Adler có những tác phẩm như: Nhận biết con người. Nghiên cứu về tính tình học cá nhân (Connaissance de l'homme. Étude de caractérologie individuelle, 1949), Ý nghĩa của đời sống. Nghiên cứu về tâm lý học cá nhân (Le sens de la vie. Étude de psychologie individuelle, 1950), Giáo dục trẻ em (1983)…

Otto Rank (Áo-Mỹ, 1884- 1939), học trò của Freud, chú ý nhiều về huyền thoại, tôn giáo, triết học. Đã có những công trình đọc văn học. Hai bài viết của ông Chiêm bao và sáng tạo thi ca (Rêves et création poétique), Chiêm bao và huyền thoại (Rêve et Mythe), năm 1913, được Freud đưa vào sau chương VI cuốn sách Giải thích chiêm bao của mình. Năm 1924, khi công bố Chấn thương đầu đời (Trausmatique de la Naissance), nói về những gì có trước mặc cảm Oedipe,  ông bắt đầu có quan điểm  khác với Freud và bị Freud đoạn giao. Tác phẩm của Otto Rank có: Một đóng góp vào thuyết ái kỷ (Une contribution au Narcissisme, 1911);  Don Juan và cái nhân đôi (Don Juan et le double, 1914), Chấn thương đầu đời (Traumatisme de la naissance, 1924); Viễn cảnh của phân tâm học (Perspectives de la psychanalyse, 1924);  Ý chí của hạnh phúc (La volonté du Bonheur, 1972); Nghệ thuật và nghệ sĩ: tính sáng tạo và sự phát triển của nhân cách (L'art et l'artiste : créativité et développement de la personnalité, 1998)… 

Theodor Reik (Áo- Mỹ, 1888-1969), cũng là người từng cộng tác với Freud. Công trình tiến sĩ của ông về Flaubert, được xem là một trong những luận án đầu tiên vận dụng phân tâm học (1912). Theodor Reik nghiên cứu kỹ về các chứng khổ dâm và bạo dâm và đưa ra nhiều giải thích thuyết phục. Cũng như Adler, T. Reilk làm cho phân tâm học trở thành phổ thông và quen thuộc với mọi người. Các tác phẩm chính của Theodor Reik là: Cần thú nhận (Le besoin d'avouer, 1925), Nghe với cái tai thứ ba (Écouter avec la troisième Oreille, 1948), Trong  sản phẩm Khổ dâm nơi người đàn ông hiện đại (Dans son ouvrage Masochism in Modern Man,1941)…

Marie Bonaparte  (Pháp, 1882-1962), thành viên sáng lập Hội Phân tâm học Paris, và tạp chí phân tâm học Pháp, quan điểm rất gần với Freud và Gustave Le Bon, hoạt động xã hội mạnh mẽ. Bà cho rằng Freud quá tự tín, trong vị thế lý thuyết và trong phương pháp điều trị, đồng thời phóng đại giai đoạn  đầu đời của con người. Với phân tâm học của Jacques Lacan, Marie Bonaparte nói là nó nhuốm màu hoang tưởng (paranoia) và nặng tính ái kỷ (narcissisme), điều này có thể đưa đến việc can thiệp quá sâu vào con người. Tác phẩm của Marie Bonaparte cho thấy phạm vi quan tâm của bà khá rộng rãi : thiên nhiên, xã hội, con người, văn học. Phân tâm học của bà mang đậm nữ tính: Mùa xuân trên khu vườn của tôi (Le Printemps sur mon jardin, 1924); Tang chế, thi hài và chứng bạo dâm. Về trường hợp Edgar Poë (Deuil, nécrophilie et sadisme. À propos d'Edgar Poë, 1932); Edgar Poë, nghiên cứu phân tâm học (Edgar Poë, étude psychanalytique, 1933); Nhập môn vào lý thuyết bản năng (Introduction à la théorie des instincts, 1934); Huyền thoại về chiến tranh (Mythes de guerre, 1947); Tiểu luận về phân tâm học (Essais de psychanalyse,1950),  Độc thoại trước cuộc sống và cái chết (Monologues devant la vie et la mort, 1950); Mót nhặt những ngày (Les Glanes des jours,1950); Về tính dục nữ (De la sexualité de la femme, 1977)…

Melanie Klein (Áo- Anh, 1882- 1960), chuyên gia về tâm lý học trẻ em. Thuộc xu hướng Lý thuyết về quan hệ đối tượng (Object relations theory). Có ảnh hưởng lớn ở Anh, Mỹ trong lý thuyết và kỹ thuật phân tâm học. Về căn bản, Melanie Klein tuân thủ các khái niệm chủ đạo của Freud, nhưng trong trải nghiệm lâm sàng, đặc biệt với đối tượng trẻ em, bà tìm ra các phương thức trị liệu đặc thù, xem trò chơi và đồ chơi, như là điều kiện để đưa đến “hợp tác tự do”. Tiếp tục nhấn mạnh vai trò của cha mẹ trong việc hình thành nhân cách của trẻ, nhưng Melanie Klein cho rằng thời điểm xuất hiện siêu ngã (superego) và mặc cảm Œdipe có thể sớm hơn, ngay từ khi trẻ mới sinh ra. Khác với xu hướng Freud, Melanie Klein tập trung phân tích sâu cảm xúc và tưởng tượng. Những khác biệt này đã làm bùng nổ một cuộc tranh luận trong năm 1940 ở Anh, giữa hai xu hướng, sau đó hình thành ba đơn vị đào tạo riêng biệt: một của Klein, hai của Anna Freud, và ba là trung lập. Tác phẩm của Melanie Klein được đưa vào một bộ tuyển tập: Love, Guilt and Reparation: And Other Works 1921–1945, The Psychoanalysis of Children; Envy and Gratitude, Narrative of a Child Analysis

Charles Baudouin (Pháp-Thụy Sĩ, 1893-1963), khởi đầu từ văn học, Baudouin đi  theo con đường của Freud và Jung, tập trung vào điều trị trẻ em. Công trình Từ bản năng đến tinh thần (De l'instinct à l'esprit) mở ra một hướng riêng của Baudouin.  Ông  chú ý các xu hướng khác của xung năng, xác lập các mặc cảm mới, các xung đột bên ngoài và bên trong tâm thức. Ông khai sinh thuật ngữ  psychagogie và  đề xuất ba cấp độ tâm lý, tương ứng với ba phương pháp, tùy theo mức độ tham gia của vô thức: cấp độ thứ nhất, là từ ý thức đến ý thức (thực hiện ý thức một tư tưởng ý thức có trước): đây là phương pháp giáo dục và các  hoạt động thuộc về tư tưởng, ý chí, hành động,  dùng điều trị hỗ trợ tâm lý và  nhận thức  hành vi; cấp độ thứ hai là từ ý thức đến vô thức (thực hiện vô thức một tư tưởng ý thức có trước): đây là phương pháp gợi ý và tác động của gợi ý hồn nhiên,hoặc được dẫn dắt theo một quá trình thôi miên; cấp độ thứ ba, từ vô thức đến vô thức (thực hiện vô thức của một tư tưởng vô thức có trước): đây là phương pháp phân tâm học. Đặc biệt, Baudouin thiết lập một mô hình tâm thức mới hình tam giác gồm 7 thành phần, ở đó, có ba thành phần của Freud: cái nguyên thủy (primitif tức là cái ấy), cái tôicái siêu tôi;  kết hợp với ba thành phần của Jung: nhân cách (persona), cái bóng (ombre), cái mình (le soi) và một thành phần của chính ông: máy tự động (automate). Trong mô hình này, Baudouin còn xác định ba lĩnh vực: trên đỉnh là tinh thần (secteur spiritual), góc dưới trái là sinh học (secteur biologique),  góc dưới phải là xã hội (secteur social); và ba tầng vỉa có kích thước bằng nhau: vỉa trên cùng là tâm (coeur) có cái mình; vỉa ở giữa là tinh thần (esprit)  gồm cái tôi, bóng và cái siêu tôi; vỉa dưới cùng là thân thể (corps) gồm cái ấy, nhân cách và máy tự động. Theo Baudouin, Tùy theo sự đối lập, hòa hợp hay bổ sung của các yếu tố này mà hệ thống tâm thức cân bằng hay xung đột. Baudouin đã đọc nhiều tác giả văn học và có những công trình phê bình văn học đáng chú ý: Romain Rolland bị vu khống (Romain Rolland calomnié, 1918);  Tolstoï nhà giáo dục (Tolstoï éducateur,1921); Biểu tượng nơi Verhaeren (Le Symbole chez Verhaeren, 1924), Blaise Pascal hay mệnh lệnh của trái tim (Blaise Pascal ou l’ordre du cœur,1962); Jean Racine, đứa con của sa mạc (Jean Racine, l'enfant du desert,1963). Công trình Phân tâm học về nghệ thuật (Psychanalyse de l’art, 1929) và Nhập môn phân tích chiêm bao (Introduction à l’analyse des rêves, 1942) của ông là một kết hợp khéo léo những thành quả lớn của Freud và Jung để mở rộng phạm vi khám phá của phân tâm học, đi từ vô thức cá nhân đến vô thức tập thể, từ các mặc cảm đến các cổ mẫu, mà theo ông, vốn có thể ẩn tàng trong cùng một tác phẩm. Ngoài ra, Baudouin còn làm công việc phân tích xâu chuỗi đối chiếu một lúc nhiều văn bản của cùng một tác giả: có lẽ, phương pháp này của ông đã mang lại những gợi ý cho Mauron về phương pháp chồng văn bản (supposition).

Anna Freud (Áo- Anh, 1895-1982), con gái của S. Freud, người tiếp tục con đường của cha bằng những bổ sung về nghiên cứu tính dục nữ giới, phân tâm học trẻ em và lặng lẽ tìm những hướng rẽ khác cho mình. Có tinh thần mô phạm, Anna Freud đòi hỏi những nguyên tắc nhất định. Trong Nhập môn vào tâm lý học trẻ em (Introduction à la psychologie des enfants, 1927), Anna Freud khẳng định nguyên tắc phân tâm của mình là thiết lập một chuyển giao tích cực, bảo đảm vai trò sư phạm và giáo dục khi tiến hành phân tâm trẻ em, khác với Melanie Klein là ủng hộ trò chơi, một hình thức hợp tác tự do vốn đã được Freud tiến hành cho người lớn. Khác với cha mình, bà xem hiện tượng đồng tính là lệch lạc, bệnh hoạn. Xu hướng mà Anna Freud nghiên cứu được gọi là Tâm lý học về cái tôi (hay Tâm lý học bản ngã: Psychologie du Moi, Ego psychology).

Wilhelm Reich (Áo –Mỹ, 1897-1957), người cộng sự của Freud. Đã góp vào phân tâm học một số tìm tòi riêng, về sau có nhiều yếu tố thần bí, gây khá nhiều tranh cãi như : kết hợp lý thuyết phân tâm học và lý thuyết Marxisme; coi trọng cơ chế sinh học ; đề xuất khái niệm orgastic, orgone như là một tiềm năng sống, hay nói khác đi là nguồn khí lực giúp con người đạt được sự thăng bằng. Phân tích chứng nhiễu tâm, W. Reich, cắt nghĩa bằng các yếu tố: cơ chế sinh học, xung năng tính dục, hoàn cảnh xã hội và sự thiếu hụt tiềm năng  sống.  Ông tập trung nghiên cứu về trạng thái thỏa mãn tính dục của con người, phân tích  chức năng của cực khoái (fonction de l’orgasme). Có nhiều tác phẩm : Phân tích tính cách (Character Analysis, 1933) ; Chủ nghĩa duy vật biện chứng và phân tâm học (Matérialisme et psychanalyse, 1933) ; Cuộc đấu tranh tình dục của thanh niên (La Lutte sexuelle des jeunes) ; Sự bùng nổ của luân lý tình dục (L’irruption de la morale sexuelle) ; Tâm lý đám đông và chủ nghĩa phát xít (The Mass Psychology of Fascism, 1946); Hãy nghe đây, con người nhỏ bé! (Listen, Little Man!,1948)…

Georges Devereux (Pháp –Mỹ, 1908 - 1985), người sáng lập phân tâm học tộc người (ethnopsychanalyse), gần với trường phái Chicago và tâm lý học bản ngã (ego- psychology). Xem mặc cảm Œdipe là phổ quát, Devereux cho rằng con người không chỉ hình thành với nền văn hóa của mình mà là kết tinh của nhiều nền văn hóa. Do vậy, tiếp cận phân tâm học của ông luôn đặt trên cái nhìn xuyên văn hóa kết hợp nhân học và phân tâm học. Trong tác phẩm Từ lo âu đến phương pháp (De l’angoisse à la methode, 1967), Devereux nói đến khoa học về ứng xử (sciences du comportement) và  cho rằng các phương pháp phân tâm học cổ điển là phản tác dụng, do tập trung quá mức vào một điểm. Tác phẩm của Georges Devereux: Trị liệu tâm lý một người Ấn vùng đồng bằng : thực tế và chiêm bao (Psychothérapie d'un indien des plaines : réalités et rêve, 1951), Bi kịch và thơ ca Hy Lạp (Tragédie et Poésie grecques), Những giấc mơ trong bi kịch Hy Lạp (Les Rêves dans la tragédie grecque), Phụ nữ và huyền thoại (Femme et mythe)…

Erich Fromm (Đức- Mỹ, 1900-1980), một trong những người sáng lập trường phái Frankfurt, từng làm việc với Freud. Chủ trương dung hợp phân tâm học với Marxisme và Thiền học, Fromm nối tiếp Freud cái tinh thần khám phá “sự thật” trong thế giới nội tâm của từng cá nhân, nhằm giải thoát chính mình, đạt đến tự do. Với Erich Fromm, những truy vấn về tình yêu và tôn giáo trong chiều hướng phân tâm học, đã đưa lý thuyết này vượt khỏi ấn tượng về định mệnh, khỏi các rào cản của văn hóa, của Đông- Tây, chạm đến những khát vọng đẹp đẽ nhất của nhân loại: hiểu biết, yêu thương, giảm thiểu khổ đau, có khả năng tự chủ và được chịu trách nhiệm về chính mình. Những tiêu điểm phân tâm học của Freud như: vô thức, xung năng tính dục, về mặc cảm Œdipe …được Fromm nhìn nhận lại. Những luận điểm mới của Erich Fromm là: (1) mặc cảm Œdipe không mang tính phổ quát; (2)  việc điều trị bệnh nhân có thể kết hợp nhiều yếu tố khác, ngoài lời nói, đặc biệt, chú ý thế giới bên ngoài;(3) cần chống lại nỗi sợ tự do (peur de la liberté) trong chính mình; (4) xác lập sự hợp nhất với vũ trụ để có được cái tự do tích cực (yêu thương, tin cậy, sáng tạo) đẩy lùi nơi mình cái tự do tiêu cực (thù hận, nghi ngờ, hủy diệt)… Trong tương thông con người, Fromm đề cao sự sáng rõ và dễ hiểu, vì vậy, ông phản đối việc Jacques Lacan đã dấn quá sâu vào trò chơi từ ngữ với các ẩn dụ bí hiểm, làm nên mê cung của ý nghĩa.  Ca ngợi phương Đông, đặc biệt là Thiền học, Fromm luôn tra vấn lại di sản tư tưởng phương Tây và nêu ra những nhược điểm của xã hội hiện đại. Tác phẩm Xã hội bị tha hóa và xã hội lành mạnh- Từ chủ nghĩa tư bản đến chủ nghĩa xã hội nhân văn. Phân tích tâm lý xã hội đương đại) (Société aliénée et société saine- Du capitalisme au socialism humaniste. Psychanalyse de la société contemporaine, 1971) thể hiện rõ quan điểm chính trị của Fromm. Công trình Sở hữu hay Tồn tại (Avoir ou Être, 1978), nói lên sự tráo đổi các giá trị trong xã hội tiêu thụ và sự lạc hướng của nhân loại trên con đường làm người. Tác phẩm Hy vọng và Cách mạng. Về việc nhân văn hóa kỹ thuật (Espoir et Révolution. Vers l'humanisation de la technique, 1981) như là di chúc của Fromm gửi lại hậu thế.  Tư tưởng rộng rãi, khoan hòa và việc đề cao trải nghiệm  là nét đặc biệt của Fromm, đã làm ông  không bị khuôn vào trong bất kỳ lý thuyết cố định nào.

Jacques Lacan (Pháp, 1901-1981): là người đặc biệt trung thành với Freud, đã diễn dịch lại các khái niệm của phân tâm học Freud theo một tinh thần mới, nhấn mạnh quy luật và quyền năng của ngôn ngữ trong vô thức, đẩy mạnh phân tích cấu trúc. Có thể nói, Jacques Lacan là nhân vật thứ hai, sau Freud, khơi sâu dòng lý thuyết phân tâm học theo cảm hứng khám phá mê cung. Và tính rối rắm phức tạp cũng như sự xác tín khá độc đoán của Lacan, giống Freud, cũng đã tạo ra những tranh cãi trong giới phân tâm học. Dù tuyên bố rõ: «Tôi là người theo Freud », nhưng Lacan cũng đã làm nên danh tính cho lý thuyết của riêng mình: Lacanisme, và cùng với nó là nhiều khái niệm và luận điểm mới. Kế thừa thành quả của ngôn ngữ học và cấu trúc luận, Lacan phát triển, làm sáng tỏ những hiện tượng mà Freud từng khơi gợi như : nói nhịu (lapsus), trò chơi chữ ; đồng thời triển khai kỹ bốn khái niệm nền tảng của Freud: vô thức, xung năng, sự chuyển dịch sự lặp lại. Nhưng nếu Freud cho rằng vô thức có trước ngôn ngữ thì Lacan lại xác định ngôn ngữ xuất hiện cùng thời hoặc có trước vô thức, quy định vô thức: “vô thức không chỉ được cấu trúc như một ngôn ngữ, mà nó còn là sản phẩm của ngôn ngữ ». Luận điểm này bị một số nhà phân tâm học phê phán, trong  đó, có Jean Laplanche. Quan niệm «vô thức là kết quả của sự cấu trúc hóa ham muốn bằng ngôn ngữ », của Lacan cho thấy ông có cái nhìn khác với Freud  về vô thức, rằng nơi ấy chứa chất một khối hỗn độn các nhóm bản năng bị dồn nén. Người ta gọi phân tâm học của Lacan là Lý thuyết cấu trúc của ham muốn và của ngôn ngữ (une théorie structurale du désir et du langage). Cũng như Freud, Lacan tập trung nghiên cứu giai đoạn đầu đời của con người, từ đó ông đề xuất khái niệm giai đoạn gương  (stade de miroir), để nói lên diễn trình ý niệm và ngôn ngữ của con người về chính mình và về tương quan của mình với kẻ/ cái khác. Theo ông, giai đoạn gương của con người chia làm ba chặng:  (1) Tưởng tượng (Imaginaire): Thời kỳ tiền ngôn ngữ (6-18 tháng tuổi), cảm thức về người mẹ và người khác, chưa hoàn chỉnh; (2)  Biểu tượng (Symbolique): Thời kỳ bước vào ngôn ngữ, chú ý đến bố như là đại biểu của các chuẩn mực, lề luật, ngôn ngữ và quyền lực (biểu tượng là phallus); (3) Thực tế (Réel): Thời kỳ hòa giải và đấu tranh để giải phóng năng lượng, lấy lại bản ngã. Tác phẩm của Lacan rất kén người đọc: Rối loạn tâm thần hoang tưởng trong tương quan với nhân cách (De la psychose paranoïaque dans ses rapports avec la personnalité, 1932);  Bốn khái niệm nền tảng của Phân tâm học (Les quatre concepts fondamentaux de la psychanalyse, 1964); Ngôn ngữ của tự ngã: Chức năng của ngôn ngữ trong phân tâm học (La langue du Soi: La fonction du langage en psychanalyse, 1968); Một phương diện khác của Phân tâm học (L'autre côté de Psychanalyse, 2007)…

Jean Laplanche (Pháp, 1924- 2012): người từng cộng tác và sau đó đối trọng với Jacques Lacan, đã đề xuất lý thuyết của sự quyến rũ khái quát hóa (Théorie de séduction généralisée) trong công trình Một nền tảng mới cho phân tâm học, 1987). Năm 1960, Jean Laplanche phê phán luận điểm « ngôn ngữ được cấu trúc như một ngôn ngữ » của Jaques Lacan, cho là đi sai tinh thần của S. Freud. Tác phẩm chính của Laplanche có: Vốn từ phân tâm học (Vocabulaire de la psychanalyse, 1967) ; Hölderlin và vấn đề người cha  (Hölderlin et la question du père, 1961) Vô thức, một nghiên cứu phân tâm học (L'inconscient, une étude psychanalytique, 1960); Sự sống và cái chết với phân tâm học (Vie et mort en psychanalyse), Vấn đề I: Lo âu (Problématiques I : L'angoisse) Vấn đề II: Thiến hoạn và biểu tượng hóa (Problématiques II: Castration, symbolisations); Vấn đề II: Thăng hoa (Problématiques III : La Sublimation); Vấn đề IV: Vô thức và cái ấy (Problématiques IV : L'Inconscient et le ça)…

Qua những khuôn mặt lý thuyết gia trên đây, có thể thấy phân tâm học trải qua hai giai đoạn: giai đoạn phân tâm học truyền thống, từ 1895 đến 1945 ;  giai đoạn phân tâm học hiện đại và hậu hiện đại, từ 1945- nay; với ba thế hệ nhà nghiên cứu : thế hệ thứ nhất, đại diện là  Freud và Jung; thế hệ thứ hai, có Erich Fromm, Melanie Klein; thế hệ thứ ba có Jacques Lacan, Jean Laplanche…

Người ta gọi phương pháp phân tâm học của Freud là phương pháp diễn dịch: dùng con người và các văn bản khác như là phương tiện để chứng minh cho luận điểm lý thuyết của mình. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng phân tâm học Freud đã đưa ra nhiều quan điểm có tính chất quyết định luận (deterministe), bản thân Freud cũng đã khái quát hóa cao một số hiện tượng tâm lý, biến chúng nó thành bản chất phổ quát của con người. Nhưng sự vận động của phân tâm học, qua nhiều ngả rẽ khác nhau (kể cả với con gái của Freud là Anna Freud),  đã cho phép chúng ta tin vào tính năng động của phân tâm học nói chung. Vì sao phân tâm học năng động ? Bởi vì lý thuyết này luôn tiếp tục được triển khai trên những điều trị lâm sàng. Các quan sát, phân tích và tự phân tích từng trường hợp (con người và văn bản) cụ thể là trải nghiệm thực tế phong phú, mang lại sinh khí mới cho lý thuyết phân tâm học.

Không chỉ mở ra một cánh cửa lớn trong việc khám phá con người và tham gia vào đời sống học thuật với tư cách là một lý thuyết, phân tâm học đã đi vào đời sống văn học với tư cách là một một trường phái phê bình, đồng thời để lại nhiều dấu ấn trên phương diện sáng tác. 

Trên bình diện thực tiễn, mối quan hệ giữa phân tâm học và văn học là lâu dài, phong phú và phức tạp. Nếu cho là vô thức là một yếu tố có ở con người từ khi mới sinh ra, thì khả năng là rất nhiều tác phẩm của nhân loại từ khởi thủy đến nay là sản phẩm của vô thức và như vậy chúng là đối tượng nghiên cứu của phân tâm học. Chúng ta đã thấy Freud là người đọc văn học theo tinh thần ấy, qua một số tác phẩm kinh điển.

Về phương diện sáng tác, trong phạm vi phân tâm học, sẽ có hai loại đối tượng: một nhóm đối tượng có trước/ hoặc chưa tiếp xúc với phân tâm học, được viết hồn nhiên, chúng ta gọi đó sáng tác tự phát; một nhóm đối tượng viết sau/ và tiếp xúc với phân tâm học, chúng ta gọi đó là sáng tác tự giác.

Nhưng  hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học thì lại khác. Nghiên cứu, phê bình theo tinh thần phân tâm học thì chỉ xuất hiện từ khi có phân tâm học, khi người viết đã được tiếp xúc với lý thuyết này và đã vận dung nó để khám phá những hiện tượng văn học. Ranh giới giữa nghiên cứu và phê bình cũng có tính tương đối. Nói chung, ở đây, khi nói nghiên cứu, chủ yếu sẽ  là nghiên cứu về lý thuyết phân tâm học, về phê bình phân tâm học; còn phê bình thì chủ yếu là tập trung vào phân tích tác giả và tác phẩm văn học trên tinh thần và phương pháp của phân tâm học.

Sau đây chúng ta sẽ dõi theo hành trình phân tâm học đi vào văn học, hay nói khác đi là phân tâm học được ứng dụng như thế nào vào văn học. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung khảo sát những ứng dụng trong nghiên cứu, phê bình văn học.

Phê bình phân tâm học

Đọc và giải thích phân tâm học

Trong phân tâm học và phê bình phân tâm học, việc đọc và giải thích là hai hoạt động cực kỳ quan trọng.  Đọc phân tâm học là một khái niệm mới trong nhiều khái niệm mà phân tâm học mang tới, nhằm nhấn mạnh tính chuyên biệt của phương pháp. Đọc phân tâm học là một trải nghiệm đặc thù, ấy là đọc giải thích.  Việc giải thích là quan trọng, bởi vì tất cả diễn ngôn (người bệnh và văn bản) đều khó hiểu, đó là nơi tập hợp các quá trình, các ý nghĩa của vô thức và ý thức. Khi giải thích cần thu nhặt tất cả những chỉ  báo chưa biết, thoáng thấy hay bị bỏ qua, sau đó lựa chọn các chỉ báo quan trọng và phân tích chúng trong mối quan hệ với nhau.  Phê bình phân tâm học là một loại phê bình giải thích, nên cách đọc phân tâm học là dõi theo những cái hữu hình và vô hình từ văn bản, khám phá ra những bí ẩn của nó. Các nhà phân tâm học ví von văn bản với hình tượng trong tấm thảm. Theo họ, giống như người thợ thủ công làm nên tấm thảm, nhà văn dệt nên văn bản của mình bằng những sợi ngang và sợi dọc. Sợi dọc vẽ nên hình ảnh hữu hình theo ước muốn của nhà văn. Sợi ngang thì lại vẽ nên những hình ảnh vô hình không chủ ý. Hình tượng ẩn dấu trong những chỗ giao nhau của sợi, làm nên cái bí mật của tác phẩm (đối với tác giả của nó và với người đọc). Hình tượng ẩn dấu là cái bẫy đối với nhà giải thích, vì chúng có thể ở khắp nơi và không ở nơi nào cả. Trong thực tế, nơi văn bản có một phức hợp các hình tượng. Lúc người đọc tưởng chừng văn bản chấm dứt, lại là lúc những biến hóa vô tận nảy sinh. Như vậy, thế giới của văn chương có biết bao lời mời gọi, từ trí tưởng tượng, lời nói, đến hoạt động của người đọc và người thưởng ngoạn. Trong khi tiến hành giải thích, các nhà phê bình phân tâm học phải chỉ rõ các chọn lựa, mục tiêu, và phương pháp của mình, với từng trường hợp một. Các nhà phê bình phân tâm học cần ý thức mình là một bộ phận của phê bình và phải thừa nhận những giới hạn của phương pháp mình trong mối quan hệ với những dạng phê bình khác; nhờ thế mới có thể thoát khỏi sự giáo điều. Phê bình phân tích là một trải nghiệm vận động, nhưng sự chuyển hoá này không liên quan đến cấu trúc của tác giả, cấu trúc của tác phẩm mà chỉ liên quan đến cấu trúc của tác phẩm được đọc. Từ đó, có rất nhiều tình huống đọc. Khởi đi từ gợi ý của điều trị lâm sàng bệnh tâm thần, nhưng việc đọc văn học theo phân tâm học rất khác với việc điều trị. Lời nói của người bệnh chỉ gắn với một cá nhân, hoàn toàn riêng tư, và lộn xộn nhưng văn bản văn học thì có nhiều yếu tố chung và được sắp xếp theo một logic nào đó. Giữa nhà phân tâm và bệnh nhân có một tiếp xúc trực tiếp, giữa người đọc và nhà văn là tiếp xúc gián tiếp, có khoảng cách. Mong đợi của nhà phân tâm khác với mong đợi của người đọc. Tóm lại, phê bình phân tâm học phải chú ý hơn về tính chuyên biệt của văn bản văn chương, về tính chuyên biệt của sản phẩm và về tính độc đáo của những quan hệ liên chủ thể nối kết xung quanh nó. Việc thay đổi không ngừng những cách giải thích của nhà phê bình cũng đáp ứng một thực tế hiển nhiên là: không một lời giải thích nào có thể vét cạn tiềm năng ý nghĩa của một lời nói, của một con người, của một trí tưởng tượng cụ thể. Tác phẩm văn chương không phải là triệu chứng, cũng không phải là ngôn từ qua phân tích, nó mang đến cho chúng ta  hình thức tượng trưng hoá cho một phương diện tâm lý vô thức của chúng ta, đến bất ngờ từ tác phẩm. Chức năng trung gian là bản chất của tác phẩm văn chương: nó chỉ có thể hoàn tất nếu nó sống được, nghĩa là nó được đọc, và bằng một cách đọc mang tính đối thoại với văn bản, bất chấp những khoảng cách văn hoá và lịch sử.  

Theo Freud, có hai cấp độ nhận thức. Một là, các nhà văn “tự giới hạn trong việc trình bày”, ấy chính là chỗ để nhà phân tâm học “phát hiện”. Hai là có những nhà văn không ý thức hết những gì mình viết, nhưng cũng có người sắp đặt kiến thức của mình. Đi theo bước của Freud, nhà phân tâm coi ông như là “sự quan sát có ý thức những diễn trình tâm lý thông thường nơi người khác, để có thể đoán ra và trình bày những quy luật”. Tinh thần tự phân tích mờ nhạt đi: có người tìm hiểu và kẻ khác là đối tượng của tri thức.

Trong phê bình phân tâm học rất thường xảy ra hiện tượng đồng nhất một nhân vật hư cấu với một “con người thật”, hoặc đi đến kết luận trực tiếp về một tác phẩm với bệnh lý của nhà văn. Freud (Gradiva) và Lacan (Lá thư bị đánh cắp) đôi khi cũng lúng túng trước tình trạng này trong việc đọc của chính mình. Để phân biệt, cần chú ý tính chất cách điệu hoá như là yêu cầu tất yếu của văn chương, trong khi câu chuyện của người bệnh lại hoàn toàn không cần điều này. Hơn nữa, tác phẩm văn chương còn giúp người đọc thanh lọc và tự nhận thức. Ngoài ra, từ độ chênh mỹ học (giữa văn chương và thực tế) giúp người phân tích tránh được những quy chiếu trực tiếp với hiện thực.

Các xu hướng phê bình phân tâm học:

Phê bình phân tâm học tiểu sử (Psychobiographie)

Phân tâm học tiểu sử là một phương pháp của phân tâm học và của phê bình văn học. Các nhà phân tâm học tiểu sử dùng cuộc đời của đối tượng nghiên cứu, để giải thích động cơ đằng sau một số các hành vi và trang viết của họ. Những nhân vật có tác động lớn đến xã hội (vừa tích cực, vừa tiêu cực) là đối tượng phổ biến của phân tâm học tiểu sử: Sigmund Freud, Carl Gustav Jung, Vincent van Gogh, William Shakespeare, Martin Luther King, Jr., Abraham Lincoln, Elvis Presley, Søren Kierkegaard, Friedrich Nietzsche, Adolf Hitler…

Các nhà phân tâm học tiểu sử thường tập trung vào một số sự kiện đặc biệt trong cuộc đời nhà văn, nhất là xảy ra vào thời thơ ấu, đôi khi phải truy nguyên gia phả họ hàng, và đối chiếu với hành vi, sự nghiệp, tính cách, từ đó dõi theo diễn trình vô thức của người ấy.

Đề cập đến vấn đề chủ thể sáng tạo, phê bình phân tâm học dùng những khái niệm vô thức và xung đột tâm lý soi sáng sự ra đời và vận động của lịch sử của cá nhân, của hoạt động sáng tạo, của tác phẩm, khác với những phương pháp phê bình trước đây.

Khái niệm Phân tâm học tiểu sử (psychobiography) được khai sinh bởi Dominique Fernandez (Pháp, 1929-) trong công trình Sự thất bại của Pavese[17] (L’échec de Pavese, 1967), nhưng hoạt động phân tâm học tiểu sử đã có từ trước đó khá lâu. Công trình Leonardo da Vinci -Một ký ức tuổi thơ (Leonardo da Vinci -A Memory of Childhood, 1910) của Freud, được xem như là sự đổi mới của phương pháp đọc tiểu sử, nhưng trước đó và cùng thời gian ấy, cũng đã có nhiều công trình đã dùng cách tiếp cận này: Karl Abraham (Đức, 1877-1925) với công trình Giovanni Segantini (1911); Max Graf (Áo, 1873-1958) với Richard Wagner (1911); Moris J. (Karpas, với Socrates (1915); Joseph Wood Krutch (Mỹ, 1893 -1970) với Edgar Allan Poe : nghiên cứu về một thiên tài (Edgar Allan Poe: A Study in Genius, 1926).

Từ năm 1930 trở về sau, phân tâm học tiểu sử bùng phát với vô số công trình viết về các nhân vật trong nhiều lĩnh vực: Tolstoy, Dostoevsky, Molière, Goethe, Coleridge, Nietzsche, Poë, Rousseau, Caesar, Lincoln, Napoléon, Darwin, và Alexander Đại đế, Henry James, Isaac Newton, Mohandas Gandhi, Max Weber, Emily Dickinson, Beethoven …Theo  William M. Runyan, kể từ năm 1910 đến 1988, đã có hơn 4000 công trình phân tâm học tiểu sử xuất bản[18].

Dù vậy, những công trình có đóng góp thực sự cho phân tâm học nói chung, và phê bình phân tâm học, nói riêng, cũng không nhiều. Các nhà nghiên cứu thường nhắc đến công trình Sự thất bại của Baudelaire (L’Échec de Baudelaire, 1931) của René Laforgue ; Edgar Poë (1933) của Marie Bonaparte,; Tuổi trẻ của André Gide (1956) của  Jean Delay; Hölderlin hay vấn đề của người cha (Hölderlin et la question du père, 1961) của Jean Laplanche…

Trong Sự thất bại của Baudelaire, Laforgue tập trung tìm trong tiểu sử những dấu vết gây chấn thương cho nhà thơ: mồ côi cha, mẹ tái giá. Theo ông, trong Baudelaire vừa có mặc cảm Œdipe, vừa có biểu hiện bạo dâm và khổ dâm. Thơ của Baudelaire là tiếng nói của một nhân cách không toàn vẹn.

Edgar Poë  được Freud viết Lời nói đầu “Nghiên cứu những quy luật tâm lý con người trên những cá nhân ngoại lệ”, ở đây ông đã phác ra nền tảng cho cách đọc phân tâm học tiểu sử. Marie Bonaparte đi tìm cấu trúc chung cho nhiều tác phẩm của Edgar Poë, đồng thời phân tích những hạt nhân kỳ ảo phức tạp làm nổi lên những dạng thức khác nhau của một xung đột tâm lý diễn ra trong tưởng tượng, trong việc sáng tác và trong biểu tượng của những văn bản khác nhau của cùng tác giả, cuối cùng bà nhận ra rằng tác phẩm của Edgar Poë thường xoay quanh chứng loạn dâm tử thi.

Jean Delay (Pháp, 1907-1987) là một chuyên gia về André Gide. Trong Tuổi trẻ của André Gide, ông giới thiệu kỹ về tiểu sử nhà văn, ghi nhận là Gide đã xoáy rất sâu vào vấn đề cá nhân“đặt một vấn đề riêng tư đến nỗi là vấn đề thôi không còn gì để thêm nữa của con người, ấy là vấn đề cái bản thể và cái bề ngoài”, và tiểu thuyết gia đình của ông dung chứa nhiều dấu vết vô thức hình thành trong tương quan cha mẹ và con cái. Trong công trình Tiền ký ức (Avant-Mémoire, bốn tập, 1979-1986), ông tìm hiểu gia đình bên ngoại của Gide; tiểu luận “Tâm thần và tâm lý của “Kẻ vô luân” (Psychiatrie et psychologie de L’Immoraliste) đã phân tích sâu tác phẩm, tìm ra chứng bệnh ái kỷ trong Gide.

Hölderlin hay vấn đề của người cha  phát hiện  nỗi bất lực trong nhà thơ này đã làm nên ở ông những cơn điên rồ là chứng tâm thần phân liệt.

Trong Thời thơ ấu cuả nghệ thuật. Một giải thích mỹ học của Freud  (L'Enfance de l'art. Une interprétation de l'esthétique freudienne, 1970), Sarah Kofman (Pháp, 1934-1994) đã xác định là phê bình phân tâm học tiểu sử  mang tính quyết định luận, nhiều dự định phê bình phân tâm học tiểu sử được triển khai dưới ánh sáng của thuyết nhân quả. Bà đối lập phân tâm học tiểu sử với một mô thức khác của tính nhân quả,  làm nên cấu trúc của tác phẩm từ tấn kịch tâm lý,  và cũng làm nên cấu trúc tượng trưng từ tác phẩm và hình thành sự soạn thảo từ tấn kịch này. Tóm lại, theo bà, “tác phẩm sinh ra người cha của nó”.

Với phê bình phân tâm học tiểu sử, tự truyện là một thể loại được chú ý. Theo M. Martini, Philippe Lejeune (Pháp, 1938-) là người mở đường cho việc nghiên cứu tự truyện. Trong Thỏa ước tự truyện (Le Pacte autobiographique, 1975), Lejeune  đặt ra hai vấn đề căn bản: vấn đề về sự thực của hồi ký và vấn đề của diễn ngôn.

Khái niệm “ký ức-màn hình” (mémoire- écran) của Freud, được Lejeune sử dung xuyên suốt trong công trình. Những phân tích của Lejeune cho thấy « ký ức này là một sự hình thành mang tính thoả hiệp giữa sự dồn nén và sự kháng cự, là sự tích tụ chung quanh một nội dung tưởng như không quan trọng nhưng hiệu quả tác động rất mạnh, bằng những chi tiết thực và ảo thuộc về những giai đoạn khác nhau của thời thơ ấu. Như vậy sự thực của hồi ức không phải là sự thực sự kiện mà là sự thực tâm lý. Cách viết tự truyện là tái hiện lại một tuổi thơ và một lịch sử bằng cách sắp xếp tất cả thành câu chuyện, theo dòng đời của chúng ta. Như vậy khi tháo gỡ cấu trúc của nó, cần trải qua sự phân tích hệ thống văn bản, vì đời sống ở đây bắt đầu từ văn bản »

Lejeune, từ những tương quan giữa nội dung tự sự với chủ thể được kể và chủ thể kể, phân tích công việc của chủ thể viết, giữa tưởng tượng và ngôn từ. Những nghiên cứu mới nhất này ghi nhận những thay đổi của cách đọc phân tích chú ý đến bản thân cách viết[19].

Nói chung, dù khác nhau về nội dung phán đoán, những ý kiến trên vẫn nằm trong mục tiêu và phương pháp truyền thống.

Charles Mauron (Pháp, 1899-1966), phê bình phân tâm học và phương pháp «chồng văn bản»

Có thể nói, với Charles Mauron phê bình phân tâm học chuyển sang thời kỳ hiện đại và tính chuyên nghiệp của phương pháp này ngày càng rõ.

Mauron xem tác phẩm văn chương là  tâm điểm mà ông say mê đọc và tiến hành công việc phê bình của mình. Không ngừng xác lập công cụ phân tâm cho công việc phê bình, nhưng phân tâm học với Mauron, không bị công cụ hóa mà là như một sự có mặt tất yếu trong phương pháp.

Năm 1938, Mauron đọc những bài thơ của Mallarmé, bằng cách soi sáng lần lượt từ văn bản này đến văn bản khác. Phát hiện những hệ thống của ẩn dụ ở đó, Mauron nhận ra rằng, hình như chỉ có những nguyên lý của Freud về giải thích giấc mơ mới cho phép ông đi xa hơn trong việc thấu hiểu tác phẩm và những bất trắc cốt tử của nó. Và chính trong khi mò mẫm, ông đã sáng tạo ra phương pháp cùng với các khái niệm phê bình của mình.

Vào năm 1948, Mauron sáng tạo thuật ngữ “phê bình phân tâm học”  (psychocritique) để nhấn mạnh tính tự trị của một phương pháp cần tinh luyện “những công cụ riêng” tùy theo mục tiêu của nó, như một sản phẩm thẩm mỹ. Người ta có thể nói rằng Mauron là người duy nhất đã phát minh một phương pháp khoa học đặc thù, trên tinh thần “hoà nhi bất đồng”, với những phương thức thực hành phân tích khác trước. Những công trình của ông thật đáng chú ý: Mallarmé, Racine, Baudelaire, Molière, Valéry, Hugo…

Để không biến thành những công thức vô hiệu, phương pháp phê bình của Mauron giả định một sự thực hành lâu dài, và hơn nữa, yêu cầu phải đọc tác phẩm thường xuyên, bền bỉ: Mauron thuộc Mallarmé nằm lòng.

Phê bình phân tâm học của Mauron đã triển khai song song hai cách đọc đã được gợi ý trước đây của Freud : đọc triệu chứng (la lecture symptômale) và đọc cấu trúc  (la lecture structurale). Đọc triệu chứng là xác định vị trí  các dấu vết mà vô thức để lại  trong văn bản, trong tính hàm hồ của từ ngữ, hình ảnh, lời nói và tình huống tự sự, sự lặp đi lặp lại của ám ảnh, sự lủng củng giữa một chủ đề và niềm xúc động, sự kỳ khôi, nói nhịu, lạ lùng, mâu thuẫn, từ ngữ bất ngờ, sự vắng mặt cũng như sự có mặt đột xuất… Đọc cấu trúc được tiến hành bằng việc thiết lập những quan hệ những văn bản khác nhau của cùng một tác giả, nhằm khám phá một cấu trúc tâm lý đặc thù và bằng cách tập hợp những văn bản từ nguồn gốc khác nhau để phát hiện một cấu trúc phổ quát. Đọc cấu trúc, nếu không bám sát văn bản, và thiếu tinh tế nhà phê bình dễ có nguy cơ sa vào sự đơn điệu thảm hại,  để rồi cuối cùng người ta chỉ trở lại với những giả thuyết ban đầu (thường rất tẻ nhạt).

Chủ trương một cách đọc thực sự văn chương, trong tiểu luận Những ẩn dụ ám ảnh nơi huyền thoại cá nhân, Mauron trình bày, một cách rất sư phạm, bốn giai đoạn của phương pháp: Giai đoạn 1:“Những cuộc chồng văn bản” cho phép cấu trúc hóa tác phẩm xung quanh hệ thống của những liên kết ; Giai đoạn 2:“làm xuất hiện những hình thái và tình huống bi kịch gắn liền với sản phẩm tưởng tượng ; Giai đoạn 3:“Huyền thoại cá nhân, sự ra đời và tiến hóa của nó, tượng trưng cho nhân cách vô thức và lịch sử của nó ; Giai đoạn 4:“Nghiên cứu những dữ kiện tiểu sử dùng để làm sáng tỏ các giải thích, nhưng chỉ nhận ra tầm quan trọng của chúng và ý nghĩa của chúng bằng việc đọc các văn bản. Việc khảo sát được thực hiện trở đi trở lại bốn giai đoạn này. Công trình của nhà phê bình sẽ giống như một “công trường” ở đó hiện ra toàn bộ tập hợp của một trải nghiệm phân tích tâm lý.

Phương pháp  chồng văn bản của Mauron vừa mang tính chất chỉ báo, vừa mang tính cấu trúc (đồng đại) và lịch sử (lịch đại). Trong khi phân tích, Mauron nêu cao nguyên tắc  “kết hợp tự do” và “lắng nghe ơ hờ” vào việc đọc văn chương. Tất cả các văn bản đều có thể sử dụng ngữ cảnh kết hợp với một văn bản khác. Toàn bộ việc đọc là lắng nghe trong văn bản này những tiếng vọng từ các văn bản khác. Từ nền tảng, những quá trình vô thức diễn ra theo phương thức tích tụ, di chuyển, soạn thảo lần hai… Ở đây Mauron lại làm việc với chủ điểm đầu tiên của Freud: Vô thức, Tiềm thức, Ý thức.

Cần hiểu rằng việc chồng văn bản không phải là so sánh. Với phương pháp so sánh, người ta thường chọn những đối tượng có biểu hiện tương đồng và người ta quan tâm ngay những khác biệt cũng như những giống nhau của chúng. Chồng văn bản thì tìm kiếm những  trùng hợp của nghĩa ngôn từ hay nghĩa hình thái trong những văn bản có biểu hiện khác nhau. Ở đó giả định một “sự xáo trộn”  ý nghĩa thuộc về ý thức, một sự đảo lộn của những cấu trúc ngữ pháp và ngữ nghĩa, “một sự điều tiết cái nhìn nào đó”. Trong so sánh, các văn bản vẫn tồn tại độc lập; trong chồng văn bản, các văn bản tạm thời để lại vị trí cho một cơ cấu khác. Với phân tâm học, cơ cấu ấy bắt nguồn từ một logic khác, ấy là logic của vô thức.

Trong thực tế, chồng văn bản là công việc bao la và phức tạp hơn nhiều. Gần như ta phải dấn mình vào trong một thế giới đọc, ở đó mang đến cho ta một tình cảm vừa xa lạ vừa quen thuộc. Những yếu tố khác nhau của hệ thống không ngừng sinh sôi, biến dạng, trong những kết hợp vô tận của kính vạn hoa. Tùy theo sự phân tích của mình, người ta có thể đọc đi đọc lại một bài thơ để dõi theo ở đó vô số những điểm độc đáo của những cấu trúc ẩn dụ. Người ta còn đào sâu vào công việc biểu tượng hóa giữa trí tưởng tượng và ngôn ngữ mà không xem việc đọc chỉ thuần túy là đọc ngôn từ (chỉ thuần túy là mã). Cuộc trò chuyện trên những văn bản trong sự biến hóa sẽ nối kết giữa một chủ thể viết và những chủ thể đọc. Việc giải thích chỉ được chấp nhận nhờ vào con đường nghiêm ngặt và kiên trì của phê bình phân tâm học. Với Mauron, “những cấu trúc thi pháp này phác họa  nhanh chóng những chân dung và những tình huống kịch”. Trong khi đọc Racine, Mauron tuyên bố: “Nhân tố của toàn bộ vở kịch không là nhân vật mà là mối quan hệ căng thẳng ít nhất giữa hai chân dung: điều đó làm nên tình huống bi kịch”. Ấy là sự khác nhau giữa một việc đọc theo logic tâm lý và một việc đọc được thiết lập trên hư cấu, nó tổ chức những quan hệ liên chủ thể của chủ thể và đặc biệt, tình huống liên tâm lý của chủ thể. Ở đây Mauron triển khai chủ điểm thứ hai của Freud: siêu ngã/ ngã /tự ngã.

Từ cấu trúc các văn bản, Mauron xác lập cấu trúc nhân cách vô thức. Huyền thoại cá nhân thuộc về ranh giới giữa hai cái đó: ảo ảnh vô thức (“ổn định và liên kết cấu trúc từ một nhóm nhất định của những tiến trình vô thức”) và kịch bản tiềm thức làm nên những hư cấu ý thức. Với Mauron, huyền thoại cá nhân có một lịch sử. Đó là một sự sinh thành (một văn bản thiếu niên) và những hoá thân khác, cùng với những may rủi cá nhân và những may rủi xã hội- văn hoá.

Jean Bellemin-Noël và “vô thức của văn bản”

Trong khi vận dụng phân tâm học, Jean Bellemin-Noël tập trung vào văn bản, phương pháp tiếp cận ấy có tên là phân tích văn bản (textanalyse). Ông cho rằng phê bình văn học mà tập trung vào nhà văn, chẳng khác gì là điều trị một bệnh nhân tâm thần bằng cách phân tâm người mẹ của ông ta[20].  Những quan niệm sau đây rất gần với quan niệm của Proust trong Thời gian tìm thấy lại (Le temps retrouvé): “Mỗi người đọc, khi ông ta đọc, là đang đọc chính họ. Tác phẩm của nhà văn chỉ là một loại công cụ thị giác mà nhà văn cung cấp cho người đọc để cho phép người đọc nhận ra rằng, nếu không có cuốn sách này, anh ta không thể nhìn thấy chính mình”[21]. Bên cạnh phương pháp phân tích văn bản, J.B. Noël còn đưa ra khái niệm “vô thức của văn bản”, về sau khái niệm này được ông đổi thành “công việc vô thức của văn bản”. Khái niệm này của ông đòi hỏi sự tham dự của người đọc đặc biệt là người đọc chuyên môn, tức là các nhà phê bình trong việc giải mã tác phẩm. Ông cho rằng “công việc vô thức của văn bản là một tấm nhiễu mà người phân tích cho thấy nó lóng lánh nhiều cách khác nhau tùy theo góc độ của việc đọc. Tuy nhiên có lẽ trong tương lai người phê bình có thể phát hiện nhiều con đường mới cũng với chừng đó dấu mốc hay với  những dấu mốc mới mà cho đến bây giờ người phê bình không thấy”. Với các khái niệm, lí thuyết của mình J.B. Noël đã có những thành công nhất định trong việc áp dụng cách đọc phân tâm đối với tác phẩm văn học. Trong số những công trình giả mã tác phẩm thành công đó, cần phải kể đến cách ông đọc tác phẩm Tượng nữ thần Venus ở Ille của Prosper Mérimée. Nhìn chung, trong các công trình phân tâm của mình, J.B. Noël chịu ảnh hưởng khá nhiều, từ lí thuyết, quan điểm của Lacan - một lí thuyết phê bình phân tâm kết hợp chặt chẽ với chủ nghĩa cấu trúc và hậu cấu trúc.

            Trong công trình Về vô thức của văn bản của mình, Jean Bellemin-Noël trình bày cả lý thuyết và phương pháp.

Theo ông, phân tích văn bản là một cách đọc  gần với “đọc phân tâm”, nhưng nhà phê bình khước từ những khái niệm “quá nhân văn” về tác giả và về “huyền thoại cá nhân”. Trước hết, ông đề nghị  công thức “vô thức của một người viết”. Công thức này chuyển đổi trọng tâm chủ thể bằng mối quan hệ với văn bản của ông ta. Nhưng “vô thức của văn bản “ là một công thức hàm hồ. Bởi sự vắng mặt của tác giả dễ dẫn đến hệ quả một “vô thức vô ngã”. Không còn vô thức ngoài cá nhân cũng như ngôn ngữ ngoài những chủ thể nói. Trong thực tế còn có nguy cơ là thay thế chủ thể đọc với chủ thể viết hoặc là xem chỉ có người đối thoại mới là chủ thể lý thuyết. Tuy nhiên, đóng góp của nhà phê bình việc còn nằm ở sự thực hành của ông ta. Jean Bellemin- Noel đã làm “một cuộc đối thoại chính xác” với người khác, “giữa nó nửa câm và tôi nửa điếc”. Người ta nhận ra tính khoa học của cuộc gặp gỡ này trong sự xê xích xung quanh một văn bản: nhà văn viết cho công chúng bên trong, và người đọc xây dựng một tác giả trong cuộc đọc cuả mình.

Phân tâm học và văn học của Jean Bellemin-Noël là một công trình quan trọng và cực kỳ thú vị, đã phân tích rất kỹ mối quan hệ giữa hai hoạt động này trong suốt lịch sử phân tâm học, đồng thời giới thiệu các quan niệm và phương pháp phê bình phân tâm học, từ Freud đến Mauron, Lacan và nhiều nhà phê bình khác. Những ai muốn đọc văn học theo tinh thần phân tâm học có thể tìm thấy ở đây nhiều hướng dẫn và gợi ý bổ ích. Bên cạnh những quan niệm rất mới mẻ về phân tâm học và văn học, Jean Bellemin-Noël còn có những phân tích rất tinh tế và uyển chuyển. Ông viết: “Chính qua văn học mà ta thức nhận được tính người của ta, nó suy nghĩ, nói năng (…) Đại thể là, chỉ nhờ vào một cái gì đó như văn học (dù là văn học truyền miệng trong những kỷ nguyên và những nền văn minh không chữ viết) mà con người tự vấn về bản thân mình, về số phận vũ trụ của mình, lịch sử của mình, hoạt động xã hội và tinh thần của mình”.

Nhấn mạnh “Diễn ngôn văn học là loại diễn ngôn chênh vênh về hiện thực. Đấy là cái đẹp của nó, là bi kịch của nó, và là vận may kỳ diệu của nó”, Bellemin-Noël muốn nói đến sức sống tự nhiên của văn học, khác với lý thuyết. Đồng thời, ông nói rất tinh tế về cái mong manh, đa sắc khó nắm bắt của văn học, những như tâm thức con người: văn bản cũng có vô thức và đôi khi “Bài thơ biết nhiều hơn nhà thơ”.

Những ý tưởng sau của ông mang lại nhiều gợi ý việ đọc phân tâm học: “Nếu ý nghĩa là dư thừa trên văn bản, thì ở đâu đó có một sự thiếu vắng ý thức. Hành động văn học chỉ lo tàng trữ trong nó một phần của cái vô ý thức hoặc của cái vô thức. Nhiệm vụ mà phê bình văn học trong mọi thời đại đã tự xác định cho mình là phát hiện ra cái thiếu vắng hoặc dư thừa đó”.

Trong ý tưởng sau, hình như Bellemin-Noël đã loại bỏ cái nhìn nhị nguyên vốn có về văn học (nội dung/ hình thức), xem đó là một trải nghiệm trọn vẹn hòa quyện, không thể tách rời: “Văn học và phân tâm học “đọc” con người trong nghiệm sinh thường nhật cũng như trong số phận lịch sử của nó. Sâu hơn nữa, chúng giống nhau ở chỗ chúng cùng loại trừ mọi siêu ngôn ngữ: không có sự khác biệt giữa diễn ngôn đề cập đến chúng và những diễn ngôn hợp thành chúng”. Theo chúng tôi, công trình Phân tâm học và văn học thuộc loại sách “gối đầu giường” cho những ai làm phê bình phân tâm học. Đây là một thành quả trong dịch thuật phân tâm học ở Việt Nam.

Julia Kristéva và phân tích ngữ nghĩa học 

Theo M. Martini, quan điểm của Kristéva luôn vận động. Sau công trình Cho một cuộc Cách mạng của ngôn ngữ thơ ca (Pour une Révolution du langage poétique), dần dần bà hướng về phân tâm học. Với phân tích ngữ nghĩa học, Kristéva sáng tạo một lý thuyết vận dụng toàn bộ những kiến thức đương đại. Đặc biệt bà rất quan  tâm nối kết ngữ nghĩa học và phân tâm học. Theo bà có hai vấn đề : thứ nhất là sự đối lập giữa ngữ nghĩa học và ký hiệu học. Đây là nền tảng của lý thuyết này. Ngữ nghĩa học (từ phương diện của “sinh thành –văn bản) gắn liền với xung năng, với cái cổ xưa, với những thực hành ngôn ngữ của thuở thanh xuân hay của chứng tâm thần phân lập: nó được biểu thị như là giống cái –mẹ. Ký hiệu học, lại quan tâm đến quy luật của ngôn ngữ (cấu tạo của những ký hiệu, ngữ pháp, ngữ nghĩa tuyến tính, diễn từ xây dựng “hiện tượng-văn bản”): như ở Lacan, ông đồng nhất nó với giống đực-cha. Người ta nhận thấy tinh thần nhị nguyên làm nên triết học phương Tây: mẹ-thân thể-thiên nhiên/ cha- ngôn ngữ-văn hoá. Nhưng, Kristeva thử đọc những văn bản thơ như cuộc đối chiếu biện chứng của hai trật tự không đồng nhất này. Trong khi đề cao giá trị của hoạt động ngữ nghĩa, bà phục hồi ở thơ ca sức mạnh xung năng vốn có (tính âm nhạc, sự bùng nổ của ý nghĩa, công việc của nghĩa, những chứng nói lắp…Vấn đề thứ hai mà Kristeva chú ý là chủ thể  trong cuộc khảo sát,  bà chọn những nhà thơ của hiện đại như Mallarmé, Artaud, Bataille, Joyce, Céline làm mẫu cho nghiên cứu của mình. Theo bà, phân tâm học cần quan tâm về “những khủng hoảng của ý nghĩa, của đề tài và của cấu trúc”. Kristeva khước từ xem xét những sản phẩm văn hoá dưới cái nhìn giới tính, biểu hiện là dùng các thuật ngữ đàn ông hay đàn bà, vì bà cho rằng khi chủ thể phát biểu, bản thân việc “nói” ấy đã thoát khỏi phạm trù giới tính. Trong thực tế, người ta viết để thoát khỏi những vai trò vốn có hay những biểu hiện đông cứng. Nhưng dù sao, phạm trù đàn bà và đàn ông vẫn giữ vai trò nền tảng cuả lý thuyết phân tâm học.

Như vậy, vấn đề giới tính kép vẫn còn ở chân trời của lý thuyết Freud như một mục tiêu chưa thể đạt tới. Và phải chăng, từ Kristéva, những bước chuẩn bị cho phê bình nữ quyền ra đời?

Gaston Bachelard và “phê bình của trí tưởng tượng” (La critique de l’imaginaire)

Gaston Bachelard quan tâm đến mối quan hệ giữa khoa học và văn học, giữa lý tính và tưởng tượng. Đọc nhiều về thơ ca, ông đã tái giải thích các khái niệm phân tâm học của Freud, và nhận cảm hứng từ Jung để xây dựng một xu hướng có tên là phân tâm học về kiến thức khách quan (psychanalyse de la connaissance objective) và phê bình của trí tưởng tượng (La critique de l’imaginaire). Bốn nguyên tố lớn của vũ trụ: đất, nước, khí, lửa là cảm hứng lớn cho các công trình phân tâm học của Bachelard: Nước và các giấc mơ: Tiểu luận về tưởng tượng của vật liệu (L’Eau et les rêves: essais sur l’imagination de la matière, 1941); Khí và các mơ mộng: Tiểu luận về tưởng tượng của vận động (L’Air et les songes: essais sur l’imagination du movement,1943 ); Đất và các mơ mòng về yên nghỉ (La Terre et les Reveries du repos, 1946), Đất và các Mơ mòng về Ước muốn (La Terre et les Reveries de la volonté, 1948); Thi pháp của không gian (La Poétique de l’espace, 1957); Thi pháp của mơ mòng (La Poétique de la rêverie, 1960) …

Pierre Bayard (Pháp, 1954- ), giáo sư, nhà phê bình văn học, có nhiều công trình đọc phân tâm. Nổi tiếng với tiểu luận Nói như thế nào về các cuốn sách mà người ta không đọc? Ở đó ông phê phán ý tưởng cho rằng có một ranh giới rõ rệt giữa đọc và không đọc, và mời gọi người đọc xây dựng một mối quan hệ tự do, đơn giản với văn bản văn học.

Ông quan niệm văn học là lĩnh vực bất định: Điều tôi chú ý trong văn học, ấy là tính bất định của nó. Văn học và phân tâm học liên minh trong các không gian phức tạp nơi chúng  bắt đầu chống lại một loại diễn ngôn chính trị nào đó, mang đến bức tranh biếm họa của hôm nay”.

Trong phê bình, Pierre Bayard luôn xác lập một tinh thần phân tích văn bản chống lại quán tính, công thức, đạt đến một suy tư lý thuyết và phê bình có chiều sâu. Ông đã vận dụng nhiều phương pháp khác cùng với phê bình phân tâm học: liên văn bản, văn hóa học…Công trình của ông gắn với các nhà văn lớn của Pháp:  Balzac và sự trao đổi trí tưởng tượng- Đọc Miếng da lừa (1978); Triệu chứng của Stendhal- Armance và lời thú tội (Symptôme de Stendhal. Armance et l’aveu1980); Maupassant ngay trước Freud (Maupassant, juste avant Freud 1994); Sự lạc đề -Proust và sự xa đề (Le Hors-sujet. Proust et la digression, 1996); Dõi theo Hamlet. Cuộc đối thoại của những người điếc (Enquête sur Hamlet. Le Dialogue de sourds, 2002);  Chúng ta có thể áp dụng văn học vào phân tâm học (Peut-on appliquer la littérature à la psychanalyse, 2004)…

Với sự mở đầu của Freud, phân tâm học từ Áo đã lan rộng ra Thụy Sĩ, Đức, Pháp, Anh và Mỹ, năm 1920 trở thành một ngành học mới, và nửa sau thế kỷ XX tiếp tục phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Ở Pháp, các nhà phân tâm học tranh cãi về hệ thống khái niệm cực kỳ phong phú mà Freud đã đề xuất, nhưng vẫn tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt và các nguyên lý nền tảng trong nghiên cứu, trong đạo đức và trong điều trị. Với Jacques Lacan (Pháp, 1901-1981), nhà phân tâm học nổi tiếng là khó đọc, có nhiều ý kiến phê phán. Ở Anh, có hai xu hướng: xu hướng thứ nhất chủ trương duy trì quan điểm truyền thống của Freud, đại biểu là con gái Freud: Anna Freud (Áo, 1895-1982), xu hướng thứ hai muốn đổi mới học thuyết Freud, đại biểu là Melanie Klein (Áo, 1882-1960). Những nhà phân tâm học nổi tiếng có nhiều đóng góp là: Pierre Janet, Carl Gustav Jung, Alfred Adler, Otto Rank, Theodor Reik, Wilhelm Reich, Malanie Klein, Anna Freud, Wilhelm Reich, Georges Devreux, Erich Fromm, Jacques Lacan, Lagathe Laplanche, Marie Bonaparte…

Nhìn chung, xu hướng đổi mới phân tâm học đã để lại nhiều thành tựu hơn. Các nhà phân tâm học sau Freud đã có sự kế thừa, phát triển, và đổi khác nhất định, tùy theo quan niệm của họ về vai trò của vô thức, đặc biệt là vị trí của libido, cũng như vai trò của giai đoạn đầu đời của con người. Hầu hết đều thừa nhận những đóng góp của Freud, nhưng cho rằng mỗi người có một cơ chế tâm sinh lý riêng (và theo đó có một nhân cách riêng), nhưng cơ chế tâm sinh lý ấy có khả năng vận động, kể cả khi người ấy đã trưởng thành, do sự tương tác, va chạm giữa cá nhân ấy với môi trường như nhà trường, xã hội mà họ đã trải qua.

Qua những khuôn mặt lý thuyết gia và phê bình gia trên đây, có thể thấy phân tâm học trải qua hai giai đoạn: giai đoạn phân tâm học truyền thống, từ 1895 đến 1945 ;  giai đoạn phân tâm học hiện đại, hậu hiện đại, từ 1945 - nay; với ba thế hệ nhà nghiên cứu. Thế hệ thứ nhất, đại diện là Freud và Jung; thế hệ thứ hai, có Erich Fromm, Melanie Klein; thế hệ thứ ba có Jacques Lacan, Jean Laplanche, Julia Kristéva…

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng phân tâm học Freud, đã đưa ra nhiều quan điểm có tính chất quyết định luận (déterministe), bản thân Freud cũng đã khái quát hóa cao một số hiện tượng tâm lý, biến chúng nó thành bản chất phổ quát của con người, vì vậy, người ta gọi phương pháp phân tâm học của Freud là phương pháp diễn dịch: dùng con người và các văn bản khác như là phương tiện để chứng minh cho luận điểm lý thuyết của mình.

Nhưng sự vận động của phân tâm học, qua nhiều ngả rẽ khác nhau (kể cả với con gái của Freud là Anna Freud), đã cho phép chúng ta tin vào tính năng động của phân tâm học nói chung. Vì sao phân tâm học năng động? Bởi vì lý thuyết này luôn tiếp tục được triển khai trên những điều trị lâm sàng. Các quan sát, phân tích và tự phân tích từng trường hợp (con người và văn bản) cụ thể là trải nghiệm thực tế phong phú, mang lại sinh khí mới cho lý thuyết phân tâm học.

Không chỉ mở ra một cánh cửa lớn trong việc khám phá con người và tham gia vào đời sống học thuật với tư cách là một lý thuyết, phân tâm học đã đi vào đời sống văn học với tư cách là một một trường phái phê bình, đồng thời để lại nhiều dấu ấn trên phương diện sáng tác. 

Trên bình diện thực tiễn, mối quan hệ giữa phân tâm học và văn học là lâu dài, phong phú và phức tạp. Nếu cho là vô thức là một yếu tố có ở con người từ khi mới sinh ra, thì khả năng là rất nhiều tác phẩm của nhân loại từ khởi thủy đến nay là sản phẩm của vô thức và như vậy chúng là đối tượng nghiên cứu của phân tâm học. Chúng ta đã thấy Freud là người đọc văn học theo tinh thần ấy, qua một số tác phẩm kinh điển.

Về phương diện sáng tác, trong phạm vi phân tâm học, sẽ có hai loại đối tượng: một nhóm đối tượng có trước/ hoặc chưa tiếp xúc với phân tâm học, được viết hồn nhiên, chúng ta gọi đó sáng tác tự phát; một nhóm đối tượng viết sau/ và tiếp xúc với phân tâm học, chúng ta gọi đó là sáng tác tự giác.

Nhưng hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học thì lại khác. Nghiên cứu, phê bình theo tinh thần phân tâm học thì chỉ xuất hiện từ khi có phân tâm học, khi người viết đã được tiếp xúc với lý thuyết này và đã vận dung nó để khám phá những hiện tượng văn học. Ranh giới giữa nghiên cứu và phê bình cũng có tính tương đối. Nói chung, ở đây, khi nói nghiên cứu, chủ yếu sẽ  là nghiên cứu về lý thuyết phân tâm học, về phê bình phân tâm học; còn phê bình thì chủ yếu là tập trung vào phân tích tác giả và tác phẩm văn học trên tinh thần và phương pháp của phân tâm học.

Gắn liền với lịch sử phê bình văn học, phê bình phân tâm học mở ra nhiều hướng tiếp cận khác nhau: Phân tâm học nhà văn, phân tâm học người đọc, phân tâm học văn bản. Đặc biệt, ngả rẽ của Carl Gustav Jung, trong ý hướng đi từ vô thức cá nhân đến vô thức cộng đồng, đi từ quan sát những hệ quả tâm - sinh lý của từng người đến quan sát những tương tác văn hóa, đã mang đến phê bình cổ mẫu, còn gọi là phê bình huyền thoại (Archetypal Criticism, Myth Criticism); và những thành tựu hiển nhiên của ngôn ngữ học, cùng việc ý thức vai trò của ngôn ngữ trong đời sống nhân loại, đã giúp cho Jacques Lacan đi sâu vào việc nghiên cứu vô thức của ngôn ngữ, và rồi các lý thuyết gia và các nhà phê bình văn học hậu hiện đại cũng thừa hưởng và phát triển những thành tựu đã có này. Vào cuối kỷ nguyên hiện đại và đầu kỷ nguyên hậu hiện đại, hiện tượng dung hợp, liên ngành và liên lý thuyết diễn ra rõ rệt: lại có phân tâm học hiện sinh, phân tâm học xã hội (Marxist), phân tâm học cấu trúc, phân tâm học nữ quyền, phân tâm học hậu thực dân…

Ngày hôm nay, phân tâm học và phê bình phân tâm học không còn mang tính thời thượng như giữa thế kỷ 20, nhưng dòng chảy của nó vẫn âm thầm thấm sâu trong các lý thuyết khác. Đặc biệt, các khái niệm của phân tâm học như: vô thức, ám ảnh, mặc cảm, ẩn ức, chấn thương, giấc mơ, huyền thoại… đã lan tỏa trong đời sống văn học.

Những giới thiệu trên đây (được chúng tôi tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu, đặc biệt là các thông tin được triển khai bởi M. Martini, trong công trình ông viết chung với nhiều người[22]) cho chúng ta thấy rằng, từ khi ra đời đến nay,  phân tâm học và phê bình phân tâm học đã phát triển mạnh mẽ, có nhiều xu hướng khác nhau và rất nhiều công trình, cực kỳ phong phú.

Sài Gòn, 2017

 


[1] Jean Bellemin-Noël, Phân tâm học và văn học, Đỗ Lai Thúy và Phan Ngọc Hà dịch, http://www.hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=12429%3Atai-liu-nghien-cu-phan-tam-hc-va-vn-hc-jean-bellemin-noel&catid=4131%3Aly-luan-phe-binh&Itemid=7242&lang=fr&site=30

[2] Trích theo  Jean Bellemin –Noël, Phân tâm học và văn học, Đỗ Lai Thúy và Phan Ngọc Hà dịch, Bđd.

[3] Freud, S. [1908]. 1985. « Le créateur littéraire et la fantaisie ». In : L’inquiétante étrangeté et autres
essais. Paris : Gallimard, p.43.

[4] Freud, S., [1909]. 1973. « Le roman familial des névrosés ». In : Névrose, psychose et perversion.
Paris : PUF.p.158.

[5] Freud, S.,[1928]. 1985. Dostoïevski et le Parricide. In : Résultats, idées, problèmes II. Paris : PUF, p.173.

[6]Dẫn theo  S. Freud, C.G.Jung (Đỗ Lai Thúy tổ chức biên soạn, 2004), Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật.  Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

[7] Freud, S., [1924].1985. « Petit abrégé de psychanalyse ». In : Résultats, idées, problèmes II. Paris :
PUF, p.116.

[8] Kofman, S., 1985. L’enfance de l’art. Paris : Galilée, p. 38. Dẫn theo Dominique Rougé, Synergies Pologne n° 8 –2011,pp.13-20.

[9] “La critique Psychanalytique” trong  Introduction aux Méthodes critiques pour l’analyse littéraire, nhiều tác giả, Dunod, Paris, 1996,  pp.43.

[10] « Esthétique et psychanalyse” trong La Psychanalyse (1969), collectif, éd.: S.G.P.P.; Coll. «Le point de la question»

[11] Sigmund Freud, Cinq leçons sur la psychanalyse, (1909), Payot, Paris, 1966, p. 38

[12] S. Freud, Cinq leçons sur la psychanalyse, (1923), Paris, Payot, p. 43.

[13] Sigmund Freud (1920) Beyond the Pleasure Principle.

[14]Trong Sigmund Freud, Métapsychologie (1915), Gallimard Folio.

[15] Năm giai đoạn:  miệng (từ lúc sinh ra đến 1 tuổi) , hậu môn (1 đến 3 tuổi), giai đoạn dương vật (3 đến 6 tuổi, phát sinh mặc cảm Oedipe và Electra), giai đoạn tiềm ẩn (6 tuổi đến dậy thì, mơ thấy khi ngủ), giai đoạn sinh dục (từ dậy thì đến khi qua đời).

[16] Cũng bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp, được Sophocles xây dựng thành vở  kịch Electra, và Carl Gustav Jung đã bổ sung, theo cách làm của thầy mình trong công trình:  Lý thuyết Phân tâm học  (The Theory of Psychoanalysis, 1913).

[17] Cesare Pavese (1908-1950):  nhà thơ nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng người Ý.

[18] William M. Runyan (1988), “Progress in psychobiography”. Journal of Personality, No.56, pp.295-326.

[19] Introduction aux Méthodes critiques pour l’analyse littéraire, Sđd, tr.67-68. NTTX dịch.

[20] Bellemin-Noël, J., 1979. Vers l’inconscient du texte. Paris: PUF.p.8.

[21] Proust, M., 1968. À la recherche du temps perdu, tome III. Paris: Bibliothèque de la Pléiade, p.911.

[22] Bergez, D. - Barberis, P- Biasi. P- M. de, Marini, M- Valency, G. (1996), Introduction aux Méthodes critiques pour l’analyse littéraire. Dunod, Paris.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63688412
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8704
23426
63688412

Thành viên trực tuyến

Đang có 930 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website