Nghiên cứu liên văn bản Truyện Kiều của Nguyễn Du

Nghiên cứu liên văn bản là một hướng tiếp cận thuộc trường phái phê bình giải cấu trúc. Có mặt trong khoảng gần nửa thế kỷ, giải cấu trúc đã góp phần tạo nên kỷ nguyên hậu hiện đại, đưa đến một bước ngoặt lớn trong đời sống tinh thần (bao gồm các quan niệm triết học, mỹ học, văn hóa, văn học...). Trong phạm vi văn học, giải cấu trúc mở ra nhiều hướng mới trong việc đọc văn học, tinh thần của lý thuyết này chi phối hầu hết các trường phái khác, đặc biệt là trong cái nhìn nhấn mạnh tính mở, tính liên, và tính biện chứng trong đời sống văn học. Từ hoàn cảnh địa lý và lịch sử đặc biệt, văn học Việt Nam luôn hình thành trên những giao lộ, luôn là kết tinh của các giao điểm. Trong đó, Truyện Kiều của Nguyễn Du là biểu hiện rõ nét, đặc biệt nhất.

Tầm vóc của vấn đề và triển vọng của hướng nghiên cứu này đòi hỏi chúng ta một dự án lớn, hết sức tỉ mỉ, kỹ lưỡng, tốn nhiều thời gian, công sức. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, chúng tôi xin được đi vào một vài tiêu điểm nghiên cứu, nảy sinh từ việc quan sát văn bản (Truyện Kiều của Nguyễn Du [3] và Truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân [5] và một số gợi ý về phương pháp từ phê bình liên văn bản [4, 6].

 Bài viết sẽ triển khai lồng ghép các nội dung: Biểu hiện liên văn bản của Truyện Kiều; ý nghĩa liên văn bản của Truyện Kiều; cội nguồn liên văn bản của Truyện Kiều.

Đứng trên quan điểm giải cấu trúc, liên văn bản là thuộc tính của văn học, liên văn bản diễn ra trong đời sống văn học, ở mọi không gian và thời gian, như một hiện tượng tự nhiên, tất yếu. Phong phú và đa dạng, hoạt động liên văn bản có thể diễn ra theo nhiều mức độ, xu hướng và phương thức khác nhau.

1.Với  Truyện Kiều, biểu hiện liên văn bản đầu tiên, hiển lộ, đó là sự mô phỏng (pastiche). Nguyễn Du đã lấy lại cốt truyện trên những nút thắt lớn của đường giây sự kiện, thụ nhận hệ thống những nhân vật quan trọng, giữ lại thời gian và không gian của Truyện Kim Vân Kiều.

Mô phỏng trong Truyện Kiều đã đi theo tinh thần chủ động, tự giác và công khai: “Cảo thơm lần giở trước đèn. Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh” [3, tr.169]. Tính tự giác (reflexivity) và tính minh bạch ( explicitness) của trường hợp liên văn bản này xuyên suốt hoạt động tái tạo của nhà thơ, làm nên cái khác của văn bản và tạo nên xung lực trong lịch sử tiếp nhận văn bản.

2. Dõi theo hoạt động tái tạo của nhà thơ và phân tích cái khác của văn bản, chúng ta nhận ra sự biến đổi (alteration) của Truyện Kiều.

2.1.Trước hết, đó là sự chuyển đổi về thể loại, giọng văn và mạch văn. Từ tiểu thuyết chương hồi của Truyện Kim Vân Kiều, Nguyễn Du đã viết thành truyện thơ Truyện Kiều. Với 3254 câu lục bát, Nguyễn Du đã dùng một giọng văn và một mạch văn hoàn toàn khác. Đó là giọng văn trữ tình. Tính trữ tình nằm trong âm thanh, nhịp điệu, hình ảnh, cảm xúc của từng câu chữ. Điều ấy buộc mạch văn phải đi theo đường giây tâm lý, bên cạnh đường giây sự kiện. Với cái khung của lục bát, nhà thơ đã phải chưng cất (distillation) và cấu trúc lại Truyện Kim Vân Kiều. Liên văn bản ở đây nằm trong phương thức cấu trúc văn bản (architextuality), nói theo quan niệm của Gérard Genette.

2.2.Công việc chưng cất và tái cấu trúc của Truyện Kiều có thể nhìn thấy qua các thủ pháp sau: cắt dán (collage), bổ sung (intergation), chuyển dịch (displacement), tô đậm (emphasize), làm mờ (eclipse), xoắn bện (twisting), tăng cường hiệu ứng thẩm mỹ bằng chất liệu, với các thủ pháp tu từ học trong đó có cả thủ pháp lạ hóa (defamiliarization), trớ trêu (irony), tạo nên độ nén và những khoảng trống, những chỗ lửng lơ, những nếp gấp, những dung hợp...Tất cả những điều ấy hoàn toàn vắng bóng trong Truyện Kim Vân Kiều.

2.3. Trong khi giữ lại những nút thắt lớn của đường giây sự kiện, Nguyễn Du đã loại bỏ rất nhiều những yếu tố cận văn bản (Lời tựa, các đề mục, các tiêu đề, các lời bình ngoại đề, các chuyển mạch) và những yếu tố trong văn bản của Truyện Kim Vân Kiều (những nhân vật mờ nhạt [[1]], những chi tiết sự kiện, hành động  rậm rạp, những mẩu  đối thoại (vốn dài dòng, dung tục). Trong nghệ thuật cắt dán (collage), có thể nói, Nguyễn Du là bậc kỳ tài. Những gì Ông loại bỏ đúng là thừa thãi, nặng nề  [2]; những gì Ông chọn lại đúng là tinh chất, tất cả sẽ sáng lên trong một cấu trúc mới, một giọng văn mới, những thủ pháp mới.

2.4.  Được triển khai theo lời kể và các đối thoại của nhân vật, trong suốt 20 hồi, 338 trang sách, Truyện Kim Vân Kiều gần như không có trang nào dành cho việc tả cảnh, tả người, tả tâm lý nhân vật. Truyện Kiều đã bổ sung nhiều trang (được xem là tuyệt bút, tốn biết bao giấy mực người sau) cho việc say sưa khắc họa vẻ đẹp của tự nhiên, của con người, và những cõi lòng uẩn khúc. Lắm khi cả ba lồng vào nhau, nhòa đi ranh giới: “Ngày xuân con én đưa thoi...Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” [3, tr.171-172], “Kiều từ trở gót trướng hoa...Nỗi riêng, riêng chạnh tấc riêng một mình” [3, tr.178-182], “Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân...Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” [3, tr.226-227] ...

2.5. Nguyễn Du cũng đã chuyển dịch một số chi tiết trong truyện, theo kỹ thuật “ém quân”. Thay vì giới thiệu Kim Trọng ngay sau khi giới thiệu ba chị em Vương Quan, Thúy Kiều, Thúy Vân như Truyện Kim Vân Kiều [6, tr.26-28], Nguyễn Du đã chỉ cho Kim Trọng xuất hiện sáng rực vào buổi chiều thanh minh. Giữa một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng,  hình ảnh của chàng trở nên lung linh;  cuộc gặp gỡ trở nên bất ngờ, kỳ thú, với hai nhân vật Thúy Kiều, Thúy Vân và ...cả với chúng ta. Thay vì giới thiệu Hoạn Thư ngay sau khi nói về Thúc Sinh, với những nét báo trước “con quan thượng thư, thông minh, tài trí, có uy, hay ghen” như Truyện Kim Vân Kiều [6, tr.181], Nguyễn Du chỉ tả Hoạn Thư khi Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều về thăm nhà [3, tr.252-257] . Mạch văn như vậy rất là liền lạc, tạo nên một hiệu ứng hòa hợp giữa cảnh và người (Kim Trọng), một hiệu ứng dồn dập giữa tính cách, mưu mô và hành động (Hoạn Thư).

2.6. Nguyễn Du đã tô đậm những chân dung, cảnh quan, tâm trạng và tình huống mà theo ông là đặc biệt.

2.6.1. Với chân dung, nếu Truyện Kim Vân Kiều mở đầu giới thiệu Thúy Kiều, Thúy Vân, bằng đôi giòng: “tuổi đều đang độ thanh xuân. Cả hai chị em đều thạo thơ phú. Riêng Thúy Kiều vẻ người tha thướt phong lưu, tính chuộng hào hoa, lại thích âm luật, rất thạo ngón hồ cầm. Thúy Vân dáng yêu kiều, hiền dịu” [6,tr.26] và sau đó để chân dung hai nàng hiện lên qua cái nhìn của Kim Trọng: “Thúy Kiều mày nhỏ mà dài, mắt trong mà sáng, mạo như thu thủy, sắc tựa hoa đào; còn Thúy Vân thì tinh thần tĩnh chính, dung mạo đoan trang, có một phong thái riêng, khó mô tả” [6,tr.34]; thì Nguyễn Du dành hẳn 24 câu thơ để khắc họa sắc nét về dung mạo, tính cách, tài năng và phong cách con nhà của hai nhân vật: “Đầu lòng hai ả tố nga...Tường đông ong bướm đi về mặc ai” [3, tr.170-171.

Thanh Tâm Tài Nhân viết về Kim Trọng thật khô khan: “Đây nói đến trong miền có một người học trò nhà giàu họ Kim tên Trọng, tự Thiên Lý, sinh ra trang mạo giống Phan An, văn tài ngang Tử Kiến, tuổi trạc đôi mươi, đang mơ mộng gặp người tốt đôi vừa lứa...” [6, tr.28], trong khi đó, Nguyễn Du của chúng ta dùng 38 câu thơ để vẽ nên một Kim Trọng tuyệt vời dưới cái nhìn của Thúy Vân Thúy Kiều và ngược lại, tạo nên cuộc gặp gỡ đầy ám ảnh: “Trông chừng thấy một văn nhân...Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha” [3,176-178].

Khi cho nhân vật Thúc Sinh xuất hiện, Truyện Kim Vân Kiều viết gọn và kể toẹt luôn cả gia thế của chàng, trong đó nói về Hoạn Thư. Truyện Kiều thì không thế, Nguyễn Du dành cả 110 câu để nói về một Thúc Sinh hé lộ dần tính cách trong cơn mê say Thúy Kiều: “Khách du bỗng có một người...Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen” [3,tr.239-244].

Từ Hải chỉ được ghi Truyện Kim Vân Kiều phác qua vài nét: “Hồi ấy có một tay hảo hán họ Từ, tên Hải, tự Minh Sơn, vốn người đất Việt, tâm tính khoáng đạt, độ lượng lớn lao, coi phú quý như lông hồng, nhìn người đời tựa cỏ rác, vả lại anh hùng rất mực lược thao, tinh thông. Lúc thiếu thời cũng có học tập, khoa cử, vì không đỗ đạt mới bỏ đi làm nghề buôn, của cải dư đạt, lại thích kết giao bè bạn” [6,tr.279] và cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật trai anh hùng gái thuyền quyên chỉ được dành hơn 2 trang [6, tr.279-282], nói rằng khi ấy Từ Hải chưa có sự nghiệp lớn. Trong khi đó Nguyễn Du có những 45 câu thơ khắc họa nhân dáng, tài năng, tính cách, ngôn ngữ Từ Hải và cho thấy sự tương đắc của cuộc gặp gỡ được gọi là tri kỷ: “Lần thâu gió mát trăng thanh...Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng” [3,tr.288-290].

2.6.2. Với Nguyễn Du, khung cảnh là nhân vật. Thiên nhiênmùa thấm vào từng trang thơ của Truyện Kiều. Mùa xuân, cỏ non, Mùa hạ: lửa lựu, Mùa thu: gió cây trút lá. Mùa đông: mịt mù dặm cát... Kim Vân Kiều Truyện gần như không hề có khái niệm về điều ấy. Ngập trong xã hội người, thế giới Truyện Kim Vân Kiều cắt lìa với tự nhiên. Nguyễn Du đã nối lại một nhịp cầu. Trong nhiều trang gần như người và cảnh hòa làm một: “Nàng từ chiếc bóng song mai...Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm” [3,tr.291-292]

2.6.3. Nội tâm của các nhân vật trong Truyện Kim Vân Kiều, đặc biệt là Thúy Kiều, thường được bộc lộ một cách lộ liễu, ồn ào, trùng lặp: thở dài, sa nước mắt, khấp khởi mừng thầm, vui quá không ngủ được, vật mình lăn vào lòng Kim Trọng khóc ròng, cất tiếng khóc lớn, dẫm chân khóc, thở dài một tiếng châu lệ chứa chan, ngẩn ngơ thờ thẫn, rưng rưng nước mắt, nước mắt đầm đìa, đối cảnh buồn tênh, khóc lóc đứt ruột... những chỗ cần diễn tả kỹ hơn, Thanh Tâm Tài Nhân cho Kiều làm thơ hoặc ghi “bài” [6, tr.123-124]. Kim Trọng thì: “mặt này hớn hở”, “dẫm chân nói”, “tấm tắc khen”, “ứa lệ”...Thúc Sinh: “ruột như dao cắt, cố nuốt nước mắt vào lòng”...Nói tóm lại, Thanh Tâm Tài Nhân kể trạng thái chứ không tả được nội tâm. Truyện Kiều của Nguyễn Du đầy ắp các trang miêu tả tâm trạng. Niềm vui, nỗi buồn, lo âu, dự cảm, xót thương, hạnh phúc, nhớ nhung, căm giận, bẽ bàng, nhục nhã, biết ơn...Mỗi tình huống, một sắc thái nhẹ nhàng, kín đáo, mạnh mẽ, ân cần, dịu dàng, quyết liệt... Tất cả không hề lặp lại. Tất cả nói lên những nội tâm phong phú và cái trác tuyệt của ngòi bút Nguyễn Du khi lách sâu vào mê cung tâm lý của con người.

Trong một bài viết mới đây, chúng tôi đã viết: “Nguyễn Du nhấn mạnh những điều trông thấy, nhưng không chỉ làm công việc kể lại chúng (như Truyện Kim Vân Kiều), mà chủ yếu nói lên tiếng vang của chúng trong lòng mình (Đoạn Trường Tân Thanh) và có chủ ý tạo ra  tiếng vang của tiếng vang trong lòng người, những ai sẽ đọc ông, gần xa, hiện tại, tương lai...[3].

Tiếng vang ấy, chính là lời của tâm trạng. Tâm trạng của chủ thể sáng tạo, tâm trạng của nhân vật,  Truyện Kiều đúng là “quyển sách một ngàn tâm trạng”, như Phan Ngọc đã viết [5, tr.215].

Nhưng tâm trạng trong truyện thơ của Nguyễn Du không là những cảm xúc thoáng qua, chơi vơi, mơ hồ của những nhân vật lãng mạn thông thường. Trong Truyện Kiều, hầu như mỗi một tâm trạng luôn nói lên một tình huống, một tình thế. Chính vì thế mà ở Việt Nam, hiện tượng bói Kiều xuất hiện (thiêng hóa). Chính vì thế mà ở Việt Nam có tục tập Kiều (liên văn bản), lẩy Kiều (liên văn hóa)”...[4].

2.6.4. Các tình huống mà Nguyễn Du tô đậm thể hiện trong việc Ông phân bố số giòng thơ. Và điều này khác với Truyện Kim Vân Kiều.

Truyện Kim Vân Kiều được xây dựng trên bốn quyển, hai mươi hồi, với Lời tựa mở đầu. Trong mỗi hồi, các tiêu đề bằng thơ cho thấy mối quan tâm của tác giả rải đều cho một số nhân vật, gắn với sự kiện và tình huống khác nhau. Trong khi đó, Truyện Kiều được cấu trúc lại thành tám phần thơ: phần 1 (38 câu: “Gia thế và tài sắc chị em Kiều”); phần 2 (529 câu: “Tiết thanh minh- Kiều gặp Kim Trọn”); phần 3 (207 câu:“Cơn gia biến - Mối tình Kim Kiều tan vỡ”); phần 4 (749 câu: “Kiều bị bán vào lầu xanh Tú bà- Kiều gặp Thúc Sinh”); phần 5 (501 câu: Hoạn Thư ghen- Kiều trốn khỏi Quan Âm Các); phần 6 (619 câu: “Kiều lại bị bán vào lầu xanh ở Châu Thai- Kiều gặp Từ Hải); phần 7 (89 câu: “Kiều được Giác Duyên cứu vớt); phần 8 (515 câu: “Kim Trọng trở lại vườn Thúy- Đại đoàn viên”) [5].

Nguyễn Du đã  dừng lại nhiều ở những tình huống  mà ở đó Ông có thể cất lời để ngợi ca vẻ đẹp, ngợi ca tâm hồn, ngợi ca tình yêu, ngợi ca giao cảm. Kim Trọng  và Thúy Kiều, được dành nhiều giòng nhất: 1251 câu/ 3254 câu, không kể nhiều giòng thơ Thúy Kiều nhớ về Kim Trọng ở các phần khác. Nếu  đoạn kết đoàn viên, Truyện Kim Vân Kiều chỉ có một hồi, 22 trang/ 338 trang (tỷ lệ 1/15),  thì Truyện Kiều dành 515 câu/ 3254 câu (tỷ lệ 1/6). Mối giao tình giữa Thúy Kiều với Thúc Sinh và Từ Hải cũng được Nguyễn Du tô đậm, theo những sắc thái cảm xúc khác nhau, những đối thoại ý nhị, tinh tế, hoàn toàn khác với Truyện Kim Vân Kiều, là chỉ kể lướt qua, nhạt nhẽo, hoặc biểu hiện bằng các đối thoại tầm thường. Chẳng hạn, hai đoạn nhỏ sau: “Thúy Kiều nói:Chàng muốn lấy thiếp thì chàng phải ưng cho thiếp một việc! Thúc Sinh vội nói: Đừng nói một việc, dù mười việc cũng xin ưng!” (Truyện Kim Vân Kiều, tr.185- 186)/ “Thương sao cho vẹn thì thương, Tính sao cho trọn mọi đường thì vâng” Sinh rằng: “Hay nói dè chừng, Lòng đây lòng đấy chưa từng hay sao? Đường xa chớ ngại Ngô Lào, Trăm điều hãy cứ trông vào một ta.” (Truyện Kiều, tr. 243).

3. Bên cạnh việc tô đậm, Nguyễn Du đã làm mờ/lược bỏ (eclipse) một số chi tiết vốn rậm rạp, đậm nét đến trần trụi trong Truyện Kim Vân Kiều: những biểu hiện thô thiển, tầm thường của Kim Trọng; những lời đôi co có tính đốp chát  của Thúy Kiều; các lời dạy “vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề” của Tú bà; đặc biệt là cảnh báo ân báo oán với những màn tra tấn khủng khiếp của Thúy Kiều...

4. Cuối cùng là những xoắn bện (twisting) kỳ công và kỳ ảo của Nguyễn Du, để tạo ra một mạng lưới văn bản với vô vàn nếp gấp, vô vàn tầng vỉa. Xoắn bện thứ nhất là việc xe kết giữa thơ và truyện, giữa lãng mạn và hiện thực, tạo thành một thể thống nhất chưa từng thấy trong lịch sử văn bản Truyện Kiều nói riêng và trong thể loại truyện thơ nói chung. Xoắn bện thứ hai là việc xe kết giữa văn học dân gian và văn học bác học: điều ấy thể hiện qua thể thơ lục bát, âm hưởng ca dao, khảm kết với một chuỗi chi chít các điển tích, điển cố. Xoắn bện thứ ba là việc xe kết giữa văn hóa và tự nhiên: Thúy Kiều đi theo những giá trị văn hóa (chủ yếu được đúc kết từ Nho giáo và Phật giáo) nhưng Thúy Kiều cũng chính là người có khả năng tương thông với tự nhiên và vì vậy, tâm hồn và cách thế hành xử của Thúy Kiều trong Truyện Kiều có một cái gì đó cao nhã, tinh tế và uyển chuyển hơn Thúy Kiều của Truyện Kim Vân Kiều.

5. Những biến đổi trên bề mặt và bề sâu của Truyện Kiều đã nói với chúng ta rằng: Nguyễn Du đã tiến hành liên văn bản trên tinh thần phê phán. Nguyễn Du đã xúc động vì câu chuyện (trong Truyện Kim Vân Kiều) mà không chia sẻ về cách viết. Truyện Kiều là một hành động phản biện về cách viết của Nguyễn Du. Qua cách viết này, Nguyễn Du muốn nói với chúng ta rằng, văn chương tồn tại trên nguyên tắc sự bí ẩn của cái đẹp, tính truyền dẫn cảm xúc.  Truyện Kim Vân Kiều đã không có sự bí ẩn của cái đẹp và tính truyền dẫn cảm xúc ấy.

6. Tiếp nhận Truyện Kim Vân Kiều và hợp nhất với rất nhiều dữ liệu văn học văn hóa khác của Việt Nam và Trung Hoa, có thể nói Truyện Kiều của Nguyễn Du là một biểu hiện đạt trình độ cao. Tính tương liên của vô vàn yếu tố dữ liệu trong/ ngoài văn bản (hẹp/ rộng) là cực kỳ tinh tế, làm thành các cấu trúc vận động, không ngừng tương tác nhau, tạo nên những trường nghĩa và trường liên tưởng mới. Đó là lý do làm cho Truyện Kiều tỏ rõ tính hiệu năng của mình và hai mươi năm mươi qua cứ luôn vẫy gọi chúng ta.

7. Cắt nghĩa sự lựa chọn viết lại Truyện Kim Vân Kiều Nguyễn Du, chúng tôi đã nói đến tần số rung cảm của cá nhân nhà thơ, trong tâm thế chung “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam thuở ấy. Với Truyện Kiều, Nguyễn Du không chỉ thể hiện cái tài năng cá nhân của riêng mình mà còn nói với thế giới về căn cốt của văn hóa Việt Nam. Nhưng các nguyên tắc nghệ thuật quy định hệ thống thủ pháp của trường hợp liên văn bản này lại còn nằm trong sự dẫn dắt của thể loại và xung lực của ngôn ngữ. Có thể nói, không phải cốt truyện, tình tiết và chi tiết có từ Truyện Kim Vân Kiều chi phối các nguyên tắc và thủ pháp của Đoạn Trường Tân Thanh mà ngược lại.

Hiện tượng liên văn bản của Truyện Kiều diễn ra trong tình thế không thuận lợi về chính trị (mối quan hệ bấp bênh giữa Việt Nam và Trung Quốc) và không bình đẳng về văn hóa (ngoại vi/ trung tâm), nhưng Nguyễn Du đã hóa giải những lằn ranh, xóa bỏ những vị thế quyền lực bằng văn chương.

Với Truyện Kiều, hôm qua, hôm nay và mai sau, một lần và nhiều lần nữa, chúng ta tin rằng, cái đẹp sẽ đưa con người đến với nhau trong một lòng yêu mến, “cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới” (Fyodor Dostoievsky).        

                                                                                   

Nguồn: Đại thi hào dân tộc- Danh nhân văn hóa Nguyễn Du- Kỷ niệm 250 năm, năm sinh Nguyễn Du. Nxb. Đại học Quốc gia TP. HCM, 2015. 

                                                                       

 

Tài liệu tham khảo:

  1. G. Genette (1979), Introduction à architexte, Seuil, Paris.
  1. Lê Đình Kỵ (1970), Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, Nxb. Khoa học Xã hội, H.
  2. Nguyễn Du (1976, Hà Huy Giáp giới thiệu, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích) Truyện Kiều, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H.
  3. Phan Ngọc (2003), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb. Thanh niên, H. tr.215.
  4. Michael Payne (1993), Reading Theory - An Introduction to Lacan, Derrida, and Kristeva, Blackwell, USA.
  5. Thanh Tâm Tài Nhân (1994, Nguyễn Khắc Hanh và Nguyễn Đức Vân dịch), Truyện Kim Vân Kiều, Nxb. Hải Phòng.
  6. 7.     Nguyễn Minh Quân, Liên văn bản, sự triển hạn đến vô cùng của tác phẩm văn học http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=792,  truy cập ngày 20-11-2015.

---------------------------------------------------------------------------------------

[1] Vợ Vương viên ngoại họ Hà, tên công sai, tên trùm sai, người ứng bổ, mụ mối họ Hàm, Gia đình họ Chung, một bọn người địa phương (tr.137), bọn hương chức với Tú Bà, Sử Chiêu...

[2] Giấc mơ của Thúy Kiều gặp Kim Trọng sau khi nhận lời bán mình; những trang viết của Thúy Kiều sau khi gặp Mã Giám Sinh và ở Lầu Ngưng Bích; Tú Bà đến lầu Ngưng Bích uống rượu khuya với Thúy Kiều vào ngày hẹn với Sở Khanh; rút gọn tình huống Sở Khanh;  lướt qua đoạn đối thoại “vành ngoài bảy chữ”...

[3]  Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? (Độc Tiểu Thanh Ký)

[4] Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Du, người làm nên những cuộc hôn phối kỳ diệu trong thế giới văn chương, tham luận trong Hội thảo quốc tế “250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại”tại Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội, ngày 8-8-2015.

 


 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63688149
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8441
23426
63688149

Thành viên trực tuyến

Đang có 968 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website