Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Tôi chỉ quan tâm đến những cuốn sách vĩ đại

Tôi đã gặp nhà văn Việt Thanh Nguyễn vài lần trong chuyến công tác tại Mỹ nhưng lần nào anh cũng bận rộn với các buổi nói chuyện và các sự kiện văn học nên chúng tôi chưa thể trò chuyện nhiều hơn. Trong các buổi nói chuyện của anh mà tôi có dịp tham gia, tôi biết anh rất quan tâm hỗ trợ các nhà văn người Mỹ gốc Việt và các nhà văn Việt Nam xuất bản sách bằng tiếng Anh tại Mỹ. Do đó, để hiểu rõ hơn tình hình văn học Việt Nam tại Mỹ, tôi đã hẹn anh một buổi trò chuyện trực tuyến với những trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề liên quan đến văn học và Việt Nam.     

  1.      Việt Nam quan trọng với anh như thế nào?

Tôi sinh ra ở Việt Nam và rời đi lúc 4 tuổi. Tôi lớn lên trong cộng đồng người Việt tị nạn. Tôi nghĩ rằng việc sinh ra ở Việt Nam giúp cho tôi có sự gắn bó với đất nước này. Và bởi vì tôi lớn lên giữa cộng đồng người Việt nên tôi đã hấp thụ cảm xúc và thái độ của người Việt Nam. Tôi có rất nhiều sự đồng cảm với người Việt Nam, cả ở Việt Nam, ở Mỹ và cộng đồng người Việt hải ngoại. Tôi nghĩ rằng văn hóa và lịch sử Việt Nam là một phần của tôi. Và tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải viết về điều đó. Tuy nhiên, điều rất quan trọng mà tôi cần nhấn mạnh là tôi thấy người Việt Nam có xu hướng nghĩ văn hóa Việt Nam bằng một thuật ngữ thể hiện tính xác thực (authenticity). Họ có quan niệm rất cứng nhắc về những gì tạo nên người Việt Nam, cho dù ở Việt Nam, hay trong cộng đồng người tị nạn. Tôi hoàn toàn không đồng ý với định nghĩa của họ, tôi nằm ngoài định nghĩa đó. Mặc dù tôi nói rằng tôi rất kết nối với Việt Nam, và Việt Nam rất quan trọng đối với tôi, văn hóa rất quan trọng đối với tôi nhưng tôi không phải là nhà văn Việt Nam. Tôi là nhà văn Mỹ. Tôi không biết có bao nhiêu người Việt Nam hiểu được điều đó. Khi họ thấy ai đó là người Việt Nam, họ sẽ hỏi anh là người Việt phải không? Tôi nói đúng vậy. Nhưng tôi là một nhà văn Mỹ. Và cách tôi nói về Việt Nam, văn hóa Việt Nam và lịch sử Việt Nam là thông qua lịch sử và quan điểm của tôi về Hoa Kỳ. Và tôi cảm thấy rằng sự tranh đấu của tôi với tư cách là một nhà văn diễn ra trước hết là ở Mỹ, và sau đó là ở thế giới phương Tây. Nhưng tôi rất hy vọng người Việt Nam sẽ đọc tác phẩm của tôi. Thách thức ở đây là nhà nước Việt Nam có những cảm xúc khá lẫn lộn về tác phẩm của tôi. Điều đó cũng làm tăng thêm khó khăn khi được coi là một nhà văn Việt Nam. Bởi vì tôi không biết liệu người Việt Nam có coi tôi là một nhà văn Việt Nam hay không. Nếu có thì thật tuyệt còn nếu không cũng không sao cả. Nhưng dù nhà nước Việt Nam và những người Việt Nam có thích tôi hay không, tôi vẫn coi mình là người Việt Nam. Và tôi vẫn coi tất cả những điều này rất quan trọng đối với tôi.

2.      Anh xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay khi đã 44 tuổi và có rất nhiều thành tựu trong công việc nghiên cứu, giảng dạy văn chương, do đó không tránh khỏi sự chú ý của rất nhiều nhà phê bình. Anh có cảm thấy áp lực khi cuốn sách được xuất bản không?

Tôi nghĩ có lẽ tất cả các nhà văn đều cảm thấy lo sợ mọi người sẽ đánh giá tác phẩm của họ. Trong trường hợp của tôi, cuốn The Sympathizer (tạm dịch: Cảm tình viên) dù là tiểu thuyết đầu tay nhưng đã là cuốn sách thứ ba của tôi được xuất bản. Cuốn sách đầu tiên là sách học thuật. Cuốn sách thứ hai của tôi là Người tị nạn đã được dịch sang tiếng Việt. Tôi viết cuốn Người tị nạn cách đây hơn 17 năm rồi và khi viết cuốn sách đó, tôi rất lo lắng không biết mọi người sẽ nghĩ gì về nó. Đến lúc viết tiểu thuyết, tôi không còn quan tâm người khác nghĩ gì về công việc của mình, cả người Mỹ lẫn người Việt. Vì vậy, tiểu thuyết của tôi được viết từ một nơi tôi gần như hoàn toàn tự do, tự do khỏi sợ hãi, tự do khỏi lo lắng, tự do khỏi những bận tâm về kỳ vọng của người khác, đó là lý do tại sao tôi nghĩ đây là một cuốn sách rất chân thực đối với tôi. Tôi nghĩ rằng nó chân thực vì không phải được viết ra từ không gian của nỗi sợ hãi nên đã tác động đến nhiều người ở cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Nhưng, điều đó không sao cả. Tôi nghĩ điều quan trọng cần nhấn mạnh, đó là một cuốn sách rất trung thực, một cuốn sách đầy sự tức giận. Và sẽ có những đánh giá và phản ứng của riêng độc giả trước sự trung thực và sự tức giận đó.

3.      Khi đọc các tác phẩm của anh, tôi luôn nhận thấy có sự lưỡng phân giữa rất nhiều vấn đề: chẳng hạn như nhân tính và phi nhân tính, giọng điệu riêng và giọng điệu tập thể, nhân vật đứng ở điểm nhìn bên này và bên kia…và điều đó dẫn đến việc có rất nhiều người cực kỳ thích tác phẩm của anh nhưng cũng có những người không thích. Đây có phải là phong cách mà anh theo đuổi trong các tác phẩm tiểu thuyết của mình?

Tôi không nghĩ rằng tất cả các cuốn sách đều dành cho tất cả mọi người. Khi cầm một cuốn sách lên, tôi đọc trang đầu tiên trước và nếu tôi không thích trang đầu tiên, tôi không dành thời gian để tiếp tục đọc cuốn sách đó. Và nếu có người nào đó không thích sách của tôi, có lẽ họ đã đưa ra quyết định đúng đắn. Tôi nghĩ rằng bất kỳ cuốn sách nào mà tác giả thực sự chân thực và cam kết với một phong cách rất riêng, sẽ tìm thấy những người yêu và ghét tác phẩm của họ. Tôi thà để mọi người yêu và ghét tác phẩm của tôi hơn là chỉ thích nó. Tập truyện ngắn Người tị nạn có lẽ dễ tiếp cận hơn với nhiều người vì lối viết của nó. Còn The Sympathizer là tác phẩm mang phong cách đặc biệt hơn nhiều, và phần tiếp theo của nó là The Committed (tạm dịch: Kẻ tận tụy) cũng vậy. Tôi đã viết những cuốn tiểu thuyết theo cách đó, bởi vì văn phong không thể tách rời khỏi nhân vật, người kể chuyện, vấn đề chính trị và thẩm mỹ. Tôi viết những cuốn tiểu thuyết này bởi vì tôi muốn đọc những cuốn tiểu thuyết như vậy. Tôi đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những nhà văn, những người có phong cách rất đặc biệt. Và khi tôi đọc những tác phẩm đó, chúng để lại dấu ấn lớn trong tôi, không phải chỉ vì câu chuyện, mà còn là văn phong. Tôi cũng muốn độc giả của tôi tiếp cận ở những cấp độ như thế này. Nếu tôi mất độc giả trên đường thì cũng dễ hiểu thôi.

4.      Vậy độc giả của anh thường ở những độ tuổi nào? Anh có thấy các tác phẩm của mình rất khó để độc giả trẻ tiếp cận không?

Tuổi tác có liên quan gì không nhỉ? Ý tôi là, tôi có những độc giả ở độ tuổi 70 và 80, những người đủ lớn để nhớ về cuộc chiến ở Việt Nam và những người đã ở Việt Nam, với tư cách là người Việt Nam hoặc người Mỹ. Và tôi đã có những độc giả trẻ chỉ mới 13 tuổi. Điều vui mừng đối với tôi là được nhìn thấy những độc giả nhỏ tuổi, những độc giả ở trường trung học. So với những độc giả lớn tuổi, những độc giả ở trường trung học và đại học thực sự phản hồi tiểu thuyết của tôi khá tốt. Tôi thấy điều đó đáng khích lệ khi những độc giả trẻ tuổi có tư duy cởi mở hơn. Và điều tôi muốn nhấn mạnh là dù bạn viết một cuốn sách thách thức đến đâu, bạn cũng sẽ tìm được nhiều độc giả. Tôi muốn nâng tầm bằng tiểu thuyết của mình và chứng minh rằng độc giả có thể đi cùng mình nếu bản thân cuốn tiểu thuyết hấp dẫn. Và điều này đúng với The Sympathizer nhưng đúng một phần vì nó đã nhận được một cú hích lớn từ giải thưởng Pulitzer nên có nhiều độc giả đến với nó hơn. Nhưng tất cả những gì tôi muốn nói là luôn có độc giả cho những cuốn tiểu thuyết nghiêm túc và đầy thú vị.

5.    Nhân đề cập đến giải Pulitzer, tôi được biết anh hiện là thành viên hội đồng Pulitzer người Mỹ gốc châu Á đầu tiên, là giám khảo giải thưởng văn học The Dayton Literary Peace Prize… Vậy tiêu chí để tuyển chọn một tác phẩm văn học hay của các giải thưởng này nói chung và của bản thân anh nói riêng là gì?

Tôi đã giành được những giải thưởng này và hiện tôi cũng làm việc trong hội đồng và ban giám khảo để trao giải. Vì vậy, tất cả những gì tôi có thể nói là các tiêu chí rất linh hoạt. Và việc xác định ai đoạt giải thưởng văn học chỉ đơn giản là nhóm người nào sẽ đánh giá giải thưởng đó? Tôi đã từng tham gia các giải thưởng, các ủy ban giải thưởng, nơi tôi cho rằng mọi cuốn sách được giải thưởng đều xứng đáng. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có những cuốn sách xứng đáng khác cùng thể loại đó trong cùng năm đó. Tôi không thể cung cấp bất kỳ tiêu chí nào, bởi vì không có khuôn mẫu để xác định cuốn sách nào sẽ được trao giải.

Còn riêng tôi thì tôi không quan tâm lắm thế nào là một tác phẩm hay (good book). Tôi nói điều này ở Mỹ chứ không phải ở Việt Nam vì ở Mỹ chúng tôi có các chương trình viết sáng tạo có thể dạy mọi người viết. Vậy nên tiêu chí cho những cuốn sách hay nằm ở đó. Những cuốn sách hay nên có những nhân vật tốt, cốt truyện tốt, chủ đề thú vị, lối viết tinh tế. Tất cả những điều này có thể được dạy. Nhưng chẳng có gì trong số các điều đó tạo ra được một cuốn sách vĩ đại (great book). Tôi chỉ quan tâm đến những cuốn sách vĩ đại. Chẳng ai có thể dạy làm thế nào để đọc được những cuốn sách vĩ đại và viết được những cuốn sách vĩ đại cả. Và đó là lý do tại sao tôi rất ngưỡng mộ những tác phẩm đó. Bởi vì thông thường, những cuốn sách vĩ đại là những cuốn sách chứa đựng tham vọng. Còn một cuốn sách hay thì bạn có thể không mắc bất kỳ sai lầm nào nhưng cũng có thể bị lãng quên hoàn toàn. Có rất nhiều sách hay ngoài kia. Còn những cuốn sách vĩ đại đôi khi mắc lỗi, đôi khi khiến mọi người thấy yêu và thấy ghét. Những cuốn sách vĩ đại thường khó hiểu. Những cuốn sách vĩ đại sẽ có nhiều tham vọng, những cuốn sách vĩ đại có thể mắc sai lầm nhưng những cuốn sách vĩ đại khiến tôi tập trung chú ý cao độ và có thể ghi nhớ trong quá trình đọc. Đó là điều tôi quan tâm.

6.      Được biết anh đã thực hiện nhiều chương trình, dự án ủng hộ các nhà văn Việt Nam và các nhà văn người Mỹ gốc Việt. Vậy vị trí của văn học Việt Nam trên thế giới hiện nay ra sao?

Việt Nam vẫn là một nước nhỏ. Và khi bạn là một đất nước nhỏ, thông thường văn học của bạn có phạm vi tiếp cận nhỏ. Tôi không phán xét Việt Nam. Tôi chỉ đơn giản nói những gì tôi nghĩ về việc mô tả vị trí của Việt Nam trên thế giới, so với một quốc gia như Mỹ. Mọi người trên khắp thế giới đọc văn học Mỹ, không phải vì văn học Mỹ nhất thiết phải tuyệt vời nhưng vì Mỹ hùng mạnh về mặt chính trị và kinh tế. Đó là một đất nước rộng lớn, và nó có thể xuất khẩu văn học của mình ra khắp thế giới giống như cách nó xuất khẩu vũ khí. Vì vậy, đối với tôi, sự nuôi dưỡng không thể tách rời văn học. Văn học là nghệ thuật, nhưng văn học không chỉ là nghệ thuật mà còn là một bộ phận của xã hội mà nó hình thành. Vì vậy trong trường hợp của Việt Nam, vấn đề của văn học Việt Nam không thể tách rời thực trạng đất nước, xã hội và vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Riêng tôi, tôi không chọn trở thành một nhà văn Mỹ, tôi không chọn viết tiếng Anh, đơn giản là tôi không có sự lựa chọn. Nhưng có một thực tế, khi tôi là một nhà văn Mỹ viết bằng tiếng Anh, khi Cảm tình viên thành công thì cuốn sách đó đã được tiếp cận rộng rãi trên toàn thế giới hơn nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đã làm. Không hẳn vì bất cứ điều gì vốn có trong tôi hay cuốn sách, mà bởi vì nó là một cuốn tiểu thuyết Mỹ, được giải thưởng của Mỹ. Sức mạnh của Mỹ khiến cho mọi người trên toàn thế giới quan tâm đến nó. Vì vậy, khi bạn hỏi tôi điều gì đang xảy ra với văn học Việt Nam, tôi đưa ra lập luận này. Tôi đang nói rằng văn học Việt Nam phải được xem xét trong mối quan hệ với tất cả các động lực mạnh mẽ này, đó là lý do vì sao việc quảng bá cho các nhà văn Việt Nam quan trọng đối với tôi vì chúng ta cần làm mọi thứ có thể để giúp đỡ lẫn nhau. Và bạn biết đấy, trong bối cảnh của Hoa Kỳ, những nhà văn Mỹ gốc Việt là thiểu số (minority). Do đó chúng tôi không phải là một phần của cơ chế của văn học Mỹ. Bạn phải làm điều gì đó như giành được giải thưởng Pulitzer, trước khi bạn trở thành một nhà văn, một công việc mà mọi người cạnh tranh với bạn ở Mỹ vì là một nhà văn người Mỹ gốc Việt, bạn thuộc bộ phận thiểu số.

Bây giờ, trong trường hợp của Việt Nam, nếu bạn là một nhà văn Việt Nam, bạn không phải là một thành phần thiểu số. Nếu tôi ở Việt Nam, và tôi là một nhà văn Việt Nam, tôi sẽ là đa số (majority), phải không? Vì tôi là người Kinh. Nhưng tôi sẽ là một nhà văn đa số của một đất nước nhỏ, và do đó, tác phẩm của tôi vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn để vươn ra thế giới. Vì vậy, nếu tôi có thể giúp các nhà văn Việt Nam ở Việt Nam, tôi cũng sẽ làm. Đúng, bởi vì chúng ta đang phải đối mặt với một thách thức khi trở thành một phần của một quốc gia nhỏ, hoặc là một bộ phận thiểu số ở một quốc gia hùng mạnh. Như tôi sẽ được gọi là bộ phận thiểu số. Tôi nhận ra rằng ở Mỹ, giá trị của văn học được hiểu là một giá trị cá nhân. Nói cách khác, ở Mỹ, các nhà văn viết cho chính họ, điều đó cũng tốt thôi nếu bạn là người da trắng. Nhưng nếu bạn là một thành phần được cho là thiểu số, như là người Việt Nam hay người châu Á, và nếu bạn chỉ tham gia công việc viết lách này cho chính mình thì chúng ta sẽ không giúp đỡ được ai cả.

Vì vậy các bạn của tôi và tôi đã thành lập Mạng lưới văn nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại (the Diasporic Vietnamese Artists Network), bởi vì chúng tôi bác bỏ quan niệm chủ nghĩa cá nhân trong văn học. Chúng tôi tin rằng chúng ta phải đoàn kết với nhau để hỗ trợ lẫn nhau. Trước hết, chúng tôi cam kết hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam hải ngoại, nhưng chúng tôi cũng quan tâm đến Việt Nam vì chúng tôi có sự kết nối ở đó và chúng tôi đến từ đó. Chúng tôi cũng cố gắng hết sức để quảng bá văn học Việt Nam. Chúng tôi đang cố gắng để xây dựng mối quan hệ với văn học Việt Nam, đọc nhiều tác phẩm văn học Việt Nam vì chúng tôi có thể dịch nó sang tiếng Anh.

7.      Mọi người thường nói rằng: Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến vì đã có quá nhiều tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam rồi. Anh có nghĩ rằng, thực tế các tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam vẫn chưa đầy đủ và chúng ta nên có thêm các tác phẩm viết về đề tài này hay chúng ta nên khai thác nhiều chủ đề khác?

Cả hai. Bởi vì, chúng ta nên để các nhà văn cho dù họ ở Việt Nam, ở Hoa Kỳ hay ở bất cứ đâu được tự do viết về bất cứ điều gì họ muốn. Tôi thấy những nhà văn Mỹ gốc Việt trẻ viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, kỳ ảo, lãng mạn… không liên quan gì đến Việt Nam và cũng không liên quan gì đến chiến tranh. Cùng lúc đó, khi người đại diện của tôi gửi The Sympathizer đi thì một bộ phận của ngành xuất bản New York nói là chúng tôi không muốn có thêm tiểu thuyết Chiến tranh Việt Nam nữa, chúng tôi đã có nhiều lắm rồi. Không ai muốn đọc tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam nữa. Và cảm giác của tôi là không ai muốn đọc đi đọc lại những cuốn tiểu thuyết về Chiến tranh Việt Nam của những người đàn ông da trắng kể về cùng một câu chuyện. Điều đó không có nghĩa là câu chuyện về Chiến tranh Việt Nam đã cạn kiệt, nó chỉ có nghĩa là một loại câu chuyện kiểu như vậy đã cạn kiệt. Vì vậy The Sympathizer theo quan điểm của tôi, là một cuộc tấn công trực tiếp vào Hoa Kỳ và vào tiêu chuẩn của văn học Mỹ về chiến tranh Việt Nam, giữa những thứ khác. Trong trường hợp của văn học Việt Nam, tôi nghĩ rằng có rất nhiều tài liệu về chiến tranh ở Việt Nam, chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, điều đó không có nghĩa là không có chỗ cho nhiều hơn, bởi vì có thể còn rất nhiều điều để nói, cho dù mọi người có thể nói những câu chuyện này hay không, họ nghĩ ra những câu chuyện khác hoặc xuất bản chúng như một vấn đề khác.

Nhưng nếu xem The Sympathizer là tiểu thuyết Việt Nam theo nghĩa rộng viết về chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, tôi nghĩ nó thực sự nói lên điều gì đó khác với những gì đã thấy trong văn học Việt Nam. Vì vậy, chỉ vì chiến tranh là một chủ đề cạn kiệt ở cả Việt Nam và Hoa Kỳ không có nghĩa là những câu chuyện mới không thể được kể và những câu chuyện mới không nên được kể. Nó có nghĩa là chúng ta phải suy nghĩ về những gì chưa được kể với những gì chưa được phép kể. Ở Hoa Kỳ, chúng tôi có sự thuyết phục thụ động (passive persuation). Nói cách khác, tại sao The Sympathizer lại là một cuốn tiểu thuyết độc đáo (original novel)? Không phải vì người Mỹ gốc Việt không được phép viết mà là chúng tôi bị thuyết phục không viết về những thứ nhất định, như chiến tranh, với tư cách là người Mỹ gốc Việt. Chúng tôi được phép viết về những người tị nạn, viết về những người thiểu số nhưng chúng tôi không được trông đợi sẽ viết về chiến tranh theo cách của những người lính Mỹ da trắng. Và đó là một kiểu thuyết phục thụ động mà chúng tôi không chấp thuận. Chúng tôi là người Mỹ gốc Việt không chấp thuận. Từ việc viết về đất nước nói chung, The Sympathizer là một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam nhưng tôi nghĩ nó cũng nói rất nhiều về Mỹ, và có thể nói rộng ra là về Việt Nam. Tôi thực sự không biết những độc giả Việt Nam nghĩ gì về cách miêu tả Việt Nam trong cuốn tiểu thuyết này, nhưng tôi rất tự tin khi nói về những gì cuốn tiểu thuyết viết về nước Mỹ.

8.      Là một người rất bận rộn với nhiều vai trò như giáo sư, nhà nghiên cứu, diễn giả, tác giả báo chí và các dự án cá nhân, làm sao anh sắp xếp được thời gian để sáng tác?

 Tôi có bốn trợ lý, họ đã giúp tôi quản lý tất cả các khía cạnh khác trong cuộc sống của mình, và như thế tôi mới có thời gian để viết nhiều thứ. Tôi đã mất hai năm để viết tiểu thuyết đầu tay và mất bốn năm để viết phần tiếp theo. Và sau đó tôi cũng mất vài năm để hoàn thành bản thảo đầu tiên của một cuốn sách phi hư cấu. Khi viết tiểu thuyết đầu tay, tôi đã viết mỗi ngày, vì lúc đó không ai biết tôi là ai nên không ai làm phiền tôi. Bây giờ, tôi bị làm phiền rất nhiều, có rất nhiều thứ khiến tôi mất tập trung nên tôi đọc bất cứ khi nào có thể. Và tôi nghĩ bài học quan trọng cho các nhà văn là nếu bạn có thể viết mỗi ngày thì thật tuyệt, còn nếu bạn không thể viết mỗi ngày, đừng trừng phạt bản thân, điều quan trọng là bạn phải tiếp tục viết.

Tôi đã nói với mọi người rằng tôi đã mất 10.000 giờ viết lách để trở thành một nhà văn. Nếu viết bốn tiếng mỗi ngày, tôi sẽ trở thành một nhà văn nhanh hơn nhiều. Nhưng tôi đã mất 20 năm. Vấn đề là tôi đã dành 10.000 giờ cho viết lách. Vì vậy, để trở thành nhà văn, hãy dành 10.000 giờ cho công việc đó. Bạn có thể làm điều đó trong 4 năm, 10 năm, 20 năm hay thậm chí là 40 năm. Nhưng nếu bạn không thể dành ra 10.000 giờ, bạn không thể trở thành nhà văn. Tương tự như vậy, sau khi tôi đã hoàn thành 10.000 giờ của mình, tôi tiếp tục làm thêm nhiều giờ nữa. Điều duy nhất để trở thành một nhà văn là tiếp tục quay trở lại công việc viết lách cho dù bạn làm điều đó hàng ngày hay bất kỳ thời gian nào. Với một cuốn sách phi hư cấu, tôi viết hai hoặc ba tháng một lần. Và sau đó tôi phải nghỉ ngơi, giảng dạy, đi nói chuyện và tất cả những thứ khác. Vì vậy, nó chán đấy, nhưng, hầu hết các tác phẩm viết lách là về sự chán nản.

9.      Tôi đã gặp nhiều bạn trẻ người Mỹ gốc Việt chia sẻ rằng họ cảm thấy khó khăn khi kết nối với Việt Nam vì những rào cản về ngôn ngữ và văn hoá. Theo anh có cách nào để kết nối hoặc tìm kiếm những vấn đề chung để chia sẻ với nhau không? Văn học có phải là cách tốt nhất để kết nối với Việt Nam hay có những cách nào khác?

Tôi không thích những câu hỏi về căn tính (identity) vì chúng buộc mọi người phải chọn căn tính. Tôi có nhiều căn tính. Vì vậy, tôi ổn khi là một nhà văn Mỹ gốc Việt, một nhà văn Mỹ, một nhà văn quốc tế, và một nhà văn. Tôi không gọi mình là nhà văn Việt Nam vì nếu tôi nói vậy sẽ có ngàn người Việt Nam nói rằng ông ấy không phải là nhà văn Việt Nam. Khi bạn bắt đầu hỏi mọi người về căn tính của họ, sẽ rất phức tạp vì mọi người áp đặt căn tính của họ lên những người khác. Tôi yêu người Việt Nam nhưng người Việt Nam rất hay phán xét (judgmental). Và họ rất hay phán xét khi nói đến văn hóa và căn tính. Rất nhanh chóng để họ nói rằng: anh chị là người Việt Nam hay không phải người Việt Nam.

Người Mỹ lúc nào cũng gọi tôi là nhà văn Mỹ gốc Việt. Tôi không có vấn đề với điều đó. Họ nói nhà văn người Mỹ gốc Việt – Việt Thanh Nguyễn nhưng khi nói về người khác, họ chỉ nói tên của nhà văn. Rất nhiều người như vậy. Khi được hỏi câu hỏi về căn tính, mọi người nói rằng họ gặp nhiều trở ngại để trở thành người Việt Nam, họ không biết cái này, họ không biết cái kia, họ tự nhận lỗi, giống như họ là người có lỗi. Điều này là sai. Nếu là ở Mỹ, cách thể hiện của người Mỹ sẽ kiểu như là: Ôi, tội nghiệp cho anh quá! Anh đang bị giằng xé giữa Đông và Tây, anh bị giằng xé giữa người Việt Nam và người Mỹ. Còn người Việt Nam sẽ nói: Ồ, anh bị lạc đường rồi! Tệ quá, anh không phải là người Việt Nam, anh đã bị tẩy trắng ở phương Tây rồi. Điều đó là đổ lỗi cho cá nhân nhưng lỗi không phải ở cá nhân, lỗi là ở chủ nghĩa thực dân, là sự phân biệt chủng tộc, là những người hay phán xét, dù họ là người Mỹ hay người Việt Nam đưa ra những nhận định này.

Và rồi những người trẻ hoặc các cá nhân tội nghiệp cảm thấy như họ có lỗi, vì họ không biết đủ tiếng Việt hay bất cứ điều gì. Tôi cố gắng nói với mọi người rằng: Đừng như vậy. Đừng tự trách mình. Thay vào đó, hãy hiểu lịch sử. Hãy hiểu rằng lý do tại sao người Mỹ gốc Việt ở Mỹ không phải ngẫu nhiên. Chúng tôi không bị khủng hoảng căn tính đơn giản chỉ vì chúng tôi là người Việt Nam sống ở Mỹ. Nếu chúng tôi có những cuộc khủng hoảng về căn tính, thì đó là do chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa đế quốc đã tạo ra các cuộc chiến tranh, tạo ra những người tị nạn, tạo ra chúng tôi. Hãy đổ lỗi cho các tiến trình lịch sử đó. Và nếu bạn làm thế, thì bạn không nên cảm thấy bối rối nữa. Bạn nên cảm thấy tức giận. Những gì tôi nói với mọi người là hãy tức giận chứ đừng bối rối. Nếu bạn bối rối, bạn sẽ tự trách mình, vì sự thiếu sót bên trong bạn. Bạn nên giận dữ trước những thế lực lịch sử đã giết hàng triệu người và sản sinh ra bạn. Tôi đổ lỗi cho người Mỹ, chắc chắn rồi bởi vì tôi biết lịch sử nước Mỹ rất sâu sắc. Nhưng người Việt Nam cũng phải chịu trách nhiệm. Đó là những gì The Sympathizer đã viết. The Sympathizer đổ lỗi cho người Mỹ và người Pháp vì đã đô hộ chúng ta. Mọi người đều phải chịu trách nhiệm. Đó là câu trả lời của tôi, một câu trả lời phức tạp. Tôi từ chối những thuật ngữ về khủng hoảng căn tính, tôi từ chối cảm thấy buồn, tôi từ chối cảm thấy bối rối. Thay vào đó phản ứng của tôi là tức giận, là nhận thức lịch sử, là ý thức về mặt chính trị.

Nhà văn Việt Thanh Nguyễn sinh năm 1971, tại Buôn Mê Thuột. Ông đến Mỹ cùng gia đình vào năm 1975 và sinh sống tại Pennsylvania, sau đó chuyển đến California. Hiện tại, ông đang là Giáo sư tại Đại học Nam California, đồng thời là học giả, nhà văn, diễn giả và tác giả của nhiều tờ báo nổi tiếng tại Mỹ như: Time, The Guardian, The Atlantic, the Los Angeles Times, The New York Times. Ông cũng sáng lập và đồng điều hành the Diasporic Vietnamese Artists Network (Mạng lưới nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại). Ngoài ra, ông cũng là thành viên hội đồng giải thưởng Pulitzer và là giám khảo của các giải thưởng văn học quan trọng khác tại Mỹ.

Tác phẩm tiểu thuyết đầu tay The Sympathizer (2015) của ông đã trở thành tiểu thuyết bán chạy của New York Times, thắng giải Pulitzer cho hạng mục tác phẩm hư cấu xuất sắc nhất năm 2016 cùng nhiều giải thưởng khác như: Dayton Literary Peace Prize, Edgar Award cho Tiểu thuyết đầu tay, Giải thưởng Tiểu thuyết đầu tay của Center for Fiction…Ngoài ra, ông còn là tác giả của các công trình học thuật, tác phẩm hư cấu và phi hư cấu quan trọng khác như: Race and Resistance: Literature and Politics in Asian America (2002, Nxb Đại học Oxford), Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War (2016, Nxb Đại học Harvard), The Refugees (2017, Nxb Grove) (bản dịch tiếng Việt là Người tị nạn),  The Committed (2021, phần tiếp theo của The Sympathizer). 

Thực hiện phỏng vấn: Đào Lê Na (Bản đăng trên web Khoa Văn học do TS. Đào Lê Na gửi)

Nguồn ảnh: Việt Thanh Nguyễn tại Library of Congress National Book Festival 2015

Photo/Courtesy của the John D. and Catherine T. MacArthur Foundation

BeBe Jacobs

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63548605
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7036
12828
63548605

Thành viên trực tuyến

Đang có 186 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website