Việc cho học sinh lớp 11 đọc Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian đang dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi trong cộng đồng. Đó có phải tác phẩm “đồi trụy” không, lứa tuổi nào nên đọc, tiếp cận tác phẩm như thế nào… là những câu hỏi được đặt ra.
Cảnh nóng trong tác phẩm mang thông điệp gì?
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Ocean Vương. Tác phẩm được viết theo hình thức một bức thư của một cậu con trai người Mỹ gốc Việt gửi cho người mẹ không biết đọc của mình. Theo chia sẻ của Ocean Vương trong một buổi giao lưu trực tuyến với khán giả Việt Nam, hình thức bức thư của hai mẹ con gốc Việt sẽ giúp câu chuyện trở nên riêng tư hơn. Nếu người Mỹ đọc bức thư này có nghĩa là họ sẽ phải “đọc trộm”. Từ đó, vị thế của người đọc cũng sẽ thay đổi.
Ngoài ra, thông qua bức thư, các vấn đề về người nhập cư, chấn thương chiến tranh, sự phân biệt chủng tộc, căn tính và tình yêu đồng tính cũng được tác giả đào sâu, khai thác. Nhan đề của tác phẩm, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian gợi nên sự tỏa sáng để được thừa nhận và chấp nhận của các cá nhân bị xã hội gạt bỏ ra “bên lề”.
Theo tác giả, những người thuộc bộ phận thiểu số như: người nhập cư, người da màu, người đồng tính bị “săn đuổi”, bị phân biệt, bị kỳ thị là vì họ trình hiện trong xã hội bằng vẻ đẹp quá rực rỡ: “Bởi vì hoàng hôn, như việc sống còn, chỉ tồn tại bên rìa sự biến mất của chính nó. Để rực rỡ, trước tiên mình phải được nhìn thấy, nhưng được nhìn thấy cũng tức là cho phép bản thân trở thành con mồi.”
Mặc dù cuốn sách đề cập đến những vấn đề khác nhau về thân phận con người, tuy nhiên mới đây, phụ huynh của một trường Quốc tế đã bày tỏ sự nghi ngại khi giáo viên cho học sinh đọc tác phẩm này. Bà cho rằng, tác phẩm này là “sự đầu độc về mặt tinh thần” vì có một số đoạn trích khiến độc giả phải đỏ mặt.
Rõ ràng, nếu tách hai đoạn trích này ra khỏi bối cảnh thì chắc chắn sẽ gây tranh cãi. Tuy nhiên, nếu đọc cả tác phẩm, người đọc có thể khám phá ra được rằng việc miêu tả một số cảnh quan hệ tình dục một cách trực diện của hai nhân vật đồng tính là có lý do. Nhân vật Chó Con (tên tiếng Anh: Little Dog) bị ám ảnh vì sự kỳ thị chủng tộc và mặc cảm vì mình là người đồng tính. Do đó, trong quá trình khám phá bản thân và thích nghi trên đất Mỹ, cậu tìm cách khẳng định vị thế của mình bằng vẻ đẹp rực rỡ của một người đồng tính và sự thắng thế trước một thanh niên da trắng. Cảnh quan hệ của Chó Con và Trevor vừa là sự khám phá cơ thể của một cậu bé đồng tính mới lớn, vừa là ngụ ý về sự khẳng định quyền lực. Ngay sau lần thứ hai quan hệ, tác giả viết: “Bởi vì, con sớm nhận ra, khuất phục cũng là một dạng quyền lực. Để được vào trong khoái lạc, Trevor cần con. Con có một lựa chọn, một ngón nghề, cậu lên hay xuống đều phụ thuộc vào việc con có sẵn lòng xếp chỗ cho cậu, vì ta không thể vươn lên nếu không có gì cho ta vươn cao hơn nó”.
Tiếp cận tác phẩm có nội dung nhạy cảm
Việc một số tác phẩm văn học kinh điển và một số tác phẩm văn học đương đại có những cảnh nhạy cảm về tình dục không phải là điều gì mới mẻ. Có rất nhiều tác phẩm miêu tả cảnh quan hệ tình dục hoặc các bộ phận sinh dục trực diện dẫn đến tranh cãi và nhiều tác phẩm đã bị cắt đi những cảnh này khi xuất bản. Tuy nhiên, trong văn học, việc miêu tả những cảnh nhạy cảm như thế là có lý do.
Tình dục trong văn chương không chỉ là về tình dục mà còn nói về nhiều vấn đề khác liên quan đến thân phận con người. Do đó, nếu những cảnh như thế này bị cắt đi sẽ khiến cho tác phẩm phần nào giảm đi giá trị tạo nghĩa và người đọc sẽ không được hiểu tác phẩm một cách toàn vẹn như mong muốn của tác giả. Thế nhưng, nếu loại những tác phẩm như thế này khỏi chương trình học trung học phổ thông thì học sinh cũng sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội được tiếp cận các chủ đề đương đại phức tạp trong văn chương thế giới.
Văn học là một trong những cách tốt nhất giúp con người khám phá những trải nghiệm của chính mình và người khác, hiểu hơn về bản thân và những vấn đề phức tạp trong cuộc sống. Với những người ở độ tuổi chuyển giao sang giai đoạn trưởng thành, điều này là quan trọng. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rõ ràng rằng không phải ai cũng có khả năng tiếp nhận được những tác phẩm có những cảnh “nặng đô” như thế. Trải nghiệm tâm lý ở mỗi người cũng khác nhau. Tầm đón đợi của mỗi người cũng khác nhau. Vì vậy, khi đưa tác phẩm này vào giảng dạy, cần thẳng thắn và rõ ràng với học sinh về những cảnh nhạy cảm có trong tác phẩm. Học sinh có quyền được chọn đọc hay không đọc.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng có thể giúp học sinh tiếp cận với những tác phẩm như thế này thông qua các buổi hướng dẫn đọc sách. Cuốn Đọc văn sành như giáo sư văn của Thomas Foster, một cuốn sách hướng dẫn đọc sách cho giáo viên và học sinh trung học phổ thông cũng chia sẻ về cách đọc các cảnh tình dục trong văn học ở cả hai phần: những phần viết về tình dục theo kiểu ẩn ý và phần viết về tình dục trực diện: “Khi họ viết về những thứ khác, họ thực sự muốn nói đến tình dục, và khi họ viết về tình dục, họ thực sự có ý gì đó khác. Nếu họ viết về tình dục và có ý nói nghiêm túc về tình dục, thì chúng ta có một từ cho điều đó: khiêu dâm.” (Đọc văn sành như giáo sư văn). Ông dẫn ra rất nhiều tác phẩm miêu tả tình dục để nói về chuyện khác như: Ulysses của Joyce, Người tình của phu nhân Chatterley của D.H. Lawrence (1928), Cỗ máy con người của Anthony Burgess (1962) và Lolita của Vladimir Nabokov (1958).
Triết gia Immanuel Kant cũng chia sẻ về vấn đề “tính hợp mục đích không có mục đích” trong tác phẩm nghệ thuật, nghĩa là đối với các đối tượng được phản ánh trong tác phẩm, nếu người đọc nhận thấy nó có chức năng không khác gì được trình hiện trong đời sống thì nó chưa đạt được tính nghệ thuật. Chẳng hạn, nếu những cảnh tình dục trong tác phẩm văn chương chỉ dùng để khơi gợi sự ham muốn, khiêu dâm thì đó chính là tác phẩm khiêu dâm. Còn nếu những cảnh tình dục được đưa vào với mục đích khác, ngụ ý về những vấn đề khác thì nó sẽ có ý nghĩa về mặt nghệ thuật. Như vậy, giáo viên cần phải hướng dẫn cho học sinh mục đích của những cảnh này là gì và vì sao lại cần thiết. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn cũng phải được thực hiện từ từ, từng bước. Chẳng hạn, nếu các tác phẩm kiểu này có nhiều chủ đề, đề tài thì giáo viên có thể cho học sinh đọc và phân tích từng đoạn với các chủ đề khác nhau và dần dần mới tiếp cận toàn bộ tác phẩm nếu có thể.
Có thể thấy việc tranh luận về việc có nên đưa các tác phẩm văn chương có những cảnh nhạy cảm như Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của Ocean Vương vào chương trình giáo dục phổ thông hay không trên mạng xã hội vừa qua là một trường hợp cần thiết để những người giảng dạy văn chương và những người làm công tác giáo dục nhìn nhận lại những tác động của văn chương đối với học sinh trung học phổ thông, nhằm đưa ra các khuyến cáo phù hợp.
Chúng ta không thể phủ nhận những giá trị to lớn của văn học trong việc mở rộng tầm nhìn và khả năng hiểu biết cho học sinh, giúp họ không chỉ làm giàu đẹp về vốn từ tiếng Việt, học hỏi được nhiều điều về thế giới và tâm lý con người mà còn giúp họ chuẩn bị tốt hơn cho hành trang của mình khi bước vào giai đoạn trưởng thành. Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng, học sinh trung học phổ thông vẫn đang trong độ tuổi vị thành niên. Vì vậy, bất kỳ tác phẩm văn chương nào có những cảnh nhạy cảm khi đưa đến học sinh cũng cần được cảnh báo rõ ràng và có sự hướng dẫn cụ thể.
Đào Lê Na
Nguồn Văn nghệ số 19/2024