Thử phác họa mối liên hệ giữa điện ảnh và hội họa qua Las Meninas của Diego Velazquez

          Nếu ai đó yêu thích phim của Ozu Yasujirō, bậc thầy của điện ảnh Nhật Bản, người sử dụng chính xác từng khuôn hình, từng đồ vật trong khuôn hình để tạo nên những kiệt tác điện ảnh vĩ đại và rồi bất chợt nhìn thấy bức họa Las Meninas của Diego Velazquez thì ít nhiều sẽ có sự liên tưởng. Không chỉ vậy, chúng ta còn có thể nhìn ra được những liên hệ đầy lí thú giữa hai loại hình nghệ thuật điện ảnh và hội họa thông qua bức họa này.

          Điện ảnh và hội họa dĩ nhiên có mối liên hệ với nhau và người làm phim giỏi nên nắm vững các quy tắc của hội họa, của bố cục, của sắp xếp hình ảnh. Các nhà làm phim trẻ nên học hỏi nhiều từ các bậc thầy hội họa mới có thể làm được những tác phẩm điện ảnh xuất sắc khiến người xem nể phục. Câu nói: “Nếu tôi nhìn được xa hơn đó là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ” quả thực không sai. Hãy xem mỗi khuôn hình là một bức tranh và người đạo diễn là họa sĩ kiến tạo nên bức tranh đó. Bố cục, ánh sáng và vị trí các nhân vật như thế nào...sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định ý nghĩa của cảnh chứ không phải lời thoại và hành động nhân vật. Điện ảnh không phải là sân khấu.

          Sở dĩ chúng ta nhắc đến Las Meninas ở đây vì kiệt tác này có quá nhiều yếu tố phải bàn đến, phải học tập, nhất là về mặt bố cục. Trong bất cứ tác phẩm hội họa nào cũng vậy, việc sử dụng ánh sáng và vị trí xuất hiện của các nhân vật trong tranh rất quan trọng vì nó sẽ cho biết được ý đồ của nghệ sĩ. Thế nhưng, ở bức tranh này, bức tranh lấy bối cảnh hoàng gia nhưng vị trí đầu tiên lại là một chú chó. Điều này có vẻ như là một sự tình cờ, ngẫu nhiên nhưng thực chất nó ẩn chứa trong đó sự mỉa mai của họa sĩ đối với hoàng gia Tây Ban Nha. 
          Trái ngược với chú chó, nhà vua và hoàng hậu lại xuất hiện ở lớp cuối cùng của bức tranh và không được xuất hiện trực tiếp. Hình ảnh của họ phản chiếu lại trên gương và làm nền cho cả bức tranh. Không những thế, nếu người xem nhìn thẳng vào bức tranh, hình ảnh phản chiếu trong gương cũng có thể được xem như hình ảnh của chính họ. Và như vậy, họa sĩ đã nâng tầm vị trí của người xem trong bức tranh này với tuyên bố ngầm: "Khán giả có quyền lực sánh ngang vua và hoàng hậu". Sau này, với sự ra đời của Thuyết Người đọc hay tuyên bố "Tác giả đã chết", rõ ràng người xem là người có quyền lực nhất khi đánh giá về một tác phẩm nghệ thuật. 
          Nhân vật cuối cùng trong bức tranh này mà chúng ta cần đề cập ở đây là Diego Velazquez, người họa sĩ xuất hiện trong chính bức tranh của mình. Hẳn nhiên, người ta sẽ so sánh ông với nhân vật họa sĩ trong The Art of Painting của Vermeer nhưng tính ẩn dụ của nhân vật họa sĩ trong bức tranh này lớn hơn. Ông ta cao hơn hết thảy mọi người trong tranh và bức tranh của ông ta cũng khổng lồ không kém. Ông ta vẽ gì, không ai biết. Đó có thể là nàng công chúa bé nhỏ, đó có thể là nhà vua và hoàng hậu đang đứng trước mặt ông ta, đó cũng có thể là chúng ta, những người đang xem bức tranh này. Tuyệt nhiên, tất cả vẫn là một bí ẩn. Nhiều nhà phê bình cho rằng, sự xuất hiện của họa sĩ trong tranh là sự khẳng định tính bình đẳng vị trí giữa nghệ sĩ và hoàng gia. Họ xứng đáng có chỗ trong các bức tranh về hoàng tộc. Có lẽ như thế vẫn chưa đủ. Nghệ sĩ còn có quyền lực lớn hơn thế bởi chỉ có ông mới tạo ra được sự sắp xếp vị trí tuyệt vời của các nhân vật.
          Không biết đạo diễn Ozu có bị ảnh hưởng bởi tác phẩm hội họa này hay không nhưng có một điều quan trọng là ông cũng luôn có cách sắp xếp nhân vật tuyệt vời như thế. Chẳng hạn, trong bộ phim Xuân muộn, khán giả được nghe nhắc nhiều đến chồng của nhân vật Noriko nhưng chưa một lần thấy anh ta xuất hiện. Giống như nhà vua và hoàng hậu trong bức tranh Las Meninas, họ có mặt nhưng mà lại vắng mặt đấy. Sự vắng mặt này sẽ đẩy các nhân vật đến hàng thứ yếu và thể hiện quan điểm của nghệ sĩ rõ ràng hơn.
          Mỗi loại hình nghệ thuật đều có thế mạnh riêng của nó. Thế nhưng khi đứng trong danh xưng "Nghệ thuật" chắc chắn chúng sẽ có những tương quan thẩm mỹ thú vị. Do đó, dòng phim nghệ thuật trong điện ảnh có thể là khó "xơi" đối với nhiều người nhưng mỗi lần xem lại đều khiến cho khán giả khám phá ra nhiều điều thú vị riêng và khám phá ra cả chính bản thân mình.

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60536833
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18326
10018
60536833

Thành viên trực tuyến

Đang có 340 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website