Văn bản Lục Vân Tiên khá phong phú và phức tạp. Hiện nay người ta thường dùng bản Trương Vĩnh Ký 2076 câu, cũng có người nói theo bản Lục Vân Tiên ca diễn của Abel des Michels 2088 câu. Có nhà nghiên cứu không dùng các bản đó mà công bố bản Lục Vân Tiên sớm nhất xuất bản năm 1874 (Trần Nghĩa-Vũ Thanh Hằng phiên âm, khảo thích (1994) Lục Vân Tiên truyện: Bản Nôm mang niên đại cổ nhất mới sưu tầm ở Paris, NXB.Khoa học xã hội, Hà Nội), nhưng có nhà nghiên cứu lại công bố bản Lục Vân Tiên 1865 mới là cổ nhất (Nguyễn Quảng Tuân phiên âm, khảo thích (2008), Lục Vân Tiên truyện: Bản Nôm và bản quốc ngữ cổ nhất, NXB. Văn học, Trung tâm nghiên cứu quốc học). Vậy bản nào tốt nhất, bản nào cổ nhất, các bản ấy có quan hệ với nhau thế nào, và quan trọng nhất là các truyền bản Lục Vân Tiên như thế nào?
1. Các bản Nôm Lục Vân Tiên khắc in hiện còn
Hiện nay có tất cả 13 bản Nôm Lục Vân Tiên đã được khắc in như danh mục dưới đây (sắp xếp theo trình tự thời gian xuất bản):
Quyển số |
Nhan đề/ Tên tắt văn bản | Người biên tập, | Nơi xuất bản | Năm xuất bản, số trang, số câu |
Lục Vân Tiên truyện, 蓼雲仙傳Gọi tắt là bản “Bảo Hoa Các-Quảng Thạnh Nam 1865” |
Gia Định thành, Duy Minh Thị đính chính 嘉定城惟明氏訂正 |
Quảng Đông nhai, Quảng Thạnh Nam phát thụ 廣東街廣盛南發售. Việt tỉnh, Phật trấn, Phước Lộc đại nhai, Bảo Hoa các tàng bản 粵省佛鎮福祿大街寶華閣藏板 | Năm 1865, 92 trang, 2174 câu | |
Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳 Gọi tắt là bản “Bảo Hoa Các-Thiền Phước Lộc” |
Thiền Phước Lộc đại nhai. Bảo Hoa các phát hành 禪福祿大街寶華閣發行 |
(không ghi năm in), 92 trang, 2174 câu |
||
Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳 Gọi tắt là bản “Bảo Hoa Các-Phật Sơn” |
Gia Định thành, Duy Minh Thị đính chính | Phật Sơn, Bảo Hoa các tàng bản 佛山寶華閣藏板 |
(không ghi năm in), 92 trang, 2174 câu |
|
Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳 Gọi tắt là bản “Thiên Bửu Lâu” |
Gia Định thành, Duy Minh Thị đính chính | Việt Đông, Phật trấn, Phước Lộc đại nhai. Thiên Bửu Lâu tàng bản 粵東佛鎮福祿大街天寶樓藏板 | (không ghi năm in), 92 trang, 2174 câu | |
Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳 Gọi tắt là bản “Anh Hoa thư cục” |
Gia Định thành, Duy Minh Thị đính chính | Trung Quốc Việt Đông, Phật Sơn, Anh Hoa thư cục tàng bản 中國粵東佛山英華書局藏板 | (không ghi năm in), 92 trang, 2174 câu | |
Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳 Gọi tắt là bản “Kim Ngọc Lâu 1874” |
Duy Minh Thị đính chính | Việt Đông, Phật Trấn, Phước Lộc đại nhai, Kim Ngọc Lâu tàng bản 粵東佛鎮福祿大街金玉樓藏板 | Giáp Tuất niên (1874) san khắc, 110 trang, 2174 câu | |
Lục Vân Tiên ca diễn 陸雲僊歌演 Gọi tắt là bản “Abel 1883” |
Abel des Michels, Giáo sư Trường Sinh ngữ phương Đông, Paris | Ernest Leroux xuất bản. Trần Ngươn Hanh viết bằng bút sắt từ bản quốc ngữ của Janneau 1873 | Năm 1883, 2088 câu, 4 đoạn phụ lục 170 câu | |
Vân Tiên cổ tích tân truyện 雲僊古跡新傳 Gọi tắt là bản “Lăng Vân Đường 1886” |
Lăng Vân Đường (Huế) tàng bản 凌雲堂藏板 | Đồng Khánh nguyên niên xuân tân san (1886), 2055 câu, 106 trang đơn (53 tờ), mỗi trang 10 hàng | ||
Vân Tiên cổ tích tân truyện 雲僊古跡新傳 Gọi tắt là bản “Tụ Văn Đường 1897” |
Tụ Văn Đường聚文堂, Hà Nội | Thành Thái thứ 9 (1897), chép theo hàng ngang, 2036 câu | ||
Vân Tiên cổ tích tân truyện 雲僊古跡新傳 Gọi tắt là “Bản Liễu Văn Đường 1916” |
Liễu Văn Đường tàng bản 柳文堂藏板 | Khải Định nguyên niên (1916) thu tân san, 53 tờ, khoảng 2050 câu | ||
Vân Tiên cổ tích tân truyện 雲僊古跡新傳 Gọi tắt là bản “Liễu Văn Đường 1921” |
Liễu Văn Đường tàng bản 柳文堂藏板, Hà Nội | Khải Định thứ 6 (1921), 53 tờ, khoảng 2050 câu | ||
Vân Tiên cổ tích tân truyện 雲僊古跡新傳 Gọi tắt là bản “Tụ Văn Đường 1924” |
Tụ Văn Đường tàng bản 聚文堂藏板, Hà Nội | Khải Định thứ 9 (1924), 53 tờ, khoảng 2050 câu | ||
Vân Tiên cổ tích tân truyện 雲僊古跡新傳 Gọi tắt là “Bản Bảo Đại 1927” |
(Không ghi) | Bảo Đại nhị niên (1927) xuân tân san, 53 tờ, khoảng 2050 câu |
Danh mục trên là từ sưu tầm và tổng hợp theo Thư mục về Nguyễn Đình Chiểu do Ban Văn học (Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM) biên soạn, Ty Văn hoá và Thông tin Long An xuất bản, 1981; Trần Nghĩa-Vũ Thanh Hằng phiên âm, khảo thích Lục Vân Tiên truyện: Bản Nôm mang niên đại cổ nhất mới sưu tầm ở Paris, NXB.Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 1994; Nguyễn Quảng Tuân phiên âm, khảo thích Lục Vân Tiên truyện: Bản Nôm và bản quốc ngữ cổ nhất, NXB. Văn học, Trung tâm nghiên cứu quốc học, 2008.
Có thể có vài bản in nữa ở Quảng Đông do Bảo Hoa Các tàng bản hiện chưa sưu tầm được, nhưng không thật quan trọng vì lý do chúng tôi phân tích dưới đây.
2. Các bản Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳Duy Minh thị đính chính, in ở Quảng Đông thực chất chỉ là một bản
Nguyễn Đình Chiểu thi đậu tú tài năm Quý mão (1843) ở trường thi Gia Định lúc 21 tuổi. Sau đó ông ra Huế học chờ kỳ thi lần sau. Năm Kỷ dậu (1849) Nguyễn Đình Chiểu đi thi thì nghe tin mẹ mất, ông vào Gia Định chịu tang. Trên đường đi đến Quảng Nam ông bị ốm nặng, phải nghỉ lại chữa bệnh, sau đó bị mù cả hai mắt. Năm Canh tuất (1850) mãn tang, ông mở trường ở Bình Vi (Gia Định). Từ gian nan của cuộc đời mình, từ những ước mơ, lý tưởng của mình mà cũng là của đông đảo người dân, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác nên truyện Lục Vân Tiên. Truyện được hoàn thành vào khoảng những năm từ 1851 đến 1854, lúc Nguyễn Đình Chiểu ngoài 30 tuổi. Tác phẩm được dân chúng ưa thích, truyền tay nhau chép và học thuộc lòng, trong khoảng 10 năm. Cho đến khi G.Aubaret dịch tác phẩm này sang tiếng Pháp và in ở Kỷ yếu châu Á (Journal asiatique) thì Lục Vân Tiên chưa từng được khắc in: “Truyện thơ này, hay nói đúng hơn, truyện truyền thuyết này đã được sáng tác bằng tiếng nói của người bình dân, chưa bao giờ được in thành bản; tác phẩm lưu truyền đến ngày nay với những đoạn chép tay bằng thứ chữ riêng, kiểu chữ Trung Hoa mà dân tộc An Nam dùng” (Vũ Đình Liên dịch, in trong Nguyễn Đình Chiểu, 1976, tr.319). Bản in đầu tiên là bản do Duy Minh Thị đính chính, in ở Quảng Đông năm 1865. Điều này đã được Khuông Việt ghi nhận từ năm năm 1943 trên Nam Kỳ tuần báo số 41 (26/6/1943) số chuyên đề về Nguyễn Đình Chiểu: “Lục Vân Tiên, bản in chữ Nôm do Duy Minh Thị sao lục, Tôn Thọ Tường trông nom in, Chợ Lớn, Hiệu sách Quảng Thạnh Nam,1865”. Bản này đã được Nguyễn Quảng Tuân sưu tầm và phiên âm vào năm 2008. Thực ra Quảng Thạnh Nam không in, trên bìa ghi rõ: “Quảng Đông nhai Quảng Thạnh Nam phát thụ” tức Nhà sách Quảng Thạnh Nam ở phố Quảng Đông (Chợ Lớn) chỉ là nơi phát hành, bán sách, (thụ: bán, trong từ Tiêu thụ), mà nơi khắc in là “Việt tỉnh, Phật trấn, Phước Lộc đại nhai, Bảo Hoa Các tàng bản”: Nơi in sách, giữ mộc bản là Bảo Hoa Các, địa chỉ ở phố Phước Lộc, Phật trấn, tỉnh Việt Đông, tức Quảng Đông.
So sánh các bản Lục Vân Tiên truyện Duy Minh Thị đính chính (từ quyển số 1 đến quyển số 5), đều giống nhau, giống nhau hoàn toàn từ nhan đề (chữ Nôm) “Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳” cho đến phần ruột, dù là “Bảo Hoa Các tàng bản - Quảng Thạnh Nam phát thụ” (quyển số 1), hay “Bảo Hoa Các tàng bản - Thiền Phước Lộc đại nhai” (quyển số 2), “Phật Sơn - Bảo Hoa Các tàng bản” (quyển số 3), “Thiên Bửu Lâu tàng bản” (quyển số 4), “Anh Hoa thư cục tàng bản” (quyển số 5). Giống hoàn toàn cả cái đúng, cái sai, các vết mẻ trên bản khắc. Cụ thể, cả 5 bản đều: 92 trang in không kể bìa; Mỗi trang 12 cột, trên 6 chữ dưới 8 chữ, tổng cộng 2174 câu (lục-bát kể là 2 câu). Những chữ khác biệt với các bản khác và các lỗi sai y như nhau. Ví dụ trang 1: Câu 1: Tây minh 西明 , đúng ra phải: 西銘; Câu 6-7: “Có người ở quận Đông Kinh/ Lục ông chữ đặt phỉ tình yến anh/ Vợ chồng ăn ở hiền lành/ Tu nhân tích đức sớm sinh con hiền.” . Đa số các bản khác: “Có người ở quận Đông Thành/ Tu nhân tích đức sớm sinh con hiền”. So sánh thử trang 1 của 3 bản để thấy thực chất nó chỉ là một bản, chỉ khác nhau cái bìa:
Có thể kết luận: Các bản Bảo Hoa Các đều là bản in đầu tiên, do cùng một ván khắc với bản “Bảo Hoa Các tàng bản - Quảng Thạnh Nam phát thụ” (quyển số 1), in 1865. Do nhu cầu của độc giả Việt Nam mà sách được nối bản liên tục hàng chục năm, và chỉ thay cái bìa. Nếu như ngày nay thì đây là vụ gian lận thương mại và vi phạm bản quyền nghiêm trọng của Bảo Hoa Các.
Phải đến quyển Lục Vân Tiên truyện “Kim Ngọc Lâu 1874” (quyển số 6) thì mới thực sự là bản khắc mới: Bản Kim Ngọc Lâu có 110 trang in không kể bìa, mỗi trang 10 cột, trên 6 dưới 8 chữ, vẫn giữ tổng cộng 2174 câu. Bản này không phải là “nối bản” mà là tái bản có sửa chữa, tức là khắc ván mới, sửa tất cả các chữ Nôm sai, các chữ Nôm giả tá khó đọc thành chữ Nôm hình thanh dễ hiểu, sửa cả bài thơ Nguyệt Nga thất niêm luật ở câu 222 cho đúng niêm luật hơn. Bản Kim Ngọc Lâu cũng in ở Quảng Đông.
3. Lục Vân Tiên - phồn bản, giản bản, bản Kinh
Lục Vân Tiên có bản dài trên 2100 câu và có loại ngắn dưới 2100 câu, chênh nhau gần 100 câu. Có thể gọi bản dài là Phồn bản và bản ngắn là Giản bản.
3.1. Lục Vân Tiên phồn bản có 5 dấu hiệu sau:
- Trên 2100 câu, cụ thể là 2174 câu
- Có thơ Nguyệt Nga tặng Vân Tiên (ở câu 222)
- Thầy của Vân Tiên tính giả làm ông Quán để giúp Vân Tiên: 14 câu (câu 439-452)
- Nguyệt Nga gặp lại Vân Tiên, từ giã lão bà về thăm cha: 34 câu (câu 1977-2010)
- Vân Tiên đi thăm thầy, Sở vương gọi về truyền ngôi cho: 82 câu (câu 2093-2174)
Các khác biệt trên chính là đặc điểm của các bản Lục Vân Tiên truyện Duy Minh Thị đính chính: “Bảo Hoa Các tàng bản - Quảng Thạnh Nam phát thụ”, “Bảo Hoa Các tàng bản - Thiền Phước Lộc đại nhai”, “Phật Sơn - Bảo Hoa Các tàng bản”, “Thiên Bửu Lâu tàng bản”, “Anh Hoa thư cục tàng bản”, “Kim Ngọc Lâu 1874” (quyển số 1 đến quyển số 6).
3.2. Lục Vân Tiên giản bản
Điều khác biệt đáng chú nhất giữa phồn bản và giản bản là ở đoạn kết: Phồn bản có đoạn gần 100 câu kể về Lục Vân Tiên khi thắng giặc Ô Qua được vua Sở nhường ngôi. Giản bản thì chỉ đến chỗ Vân Tiên, Nguyệt Nga gặp nhau, Vân Tiên được phong thưởng, hai người lấy nhau “Sanh con sau nối gót lân đời đời” là hết.
Giản bản có 2 loại:
- Giản bản Nam Kỳ. Trước nay nói đến bản Nam Kỳ đều nói bản Lục Vân Tiên truyện của Trương Vĩnh Ký 1889, nhưng xem xét kỹ thì bản Trương Vĩnh Ký lại chịu ảnh hưởng chủ yếu từ bản Lục Vân Tiên ca diễn 陸雲僊歌演 của Abel des Michels. So sánh bản Trương Vĩnh Ký 1889 với bản Abel des Michel thì thấy vai trò của Trương Vĩnh Ký không nhiều, sự giản lược cho gọn gàng Lục Vân Tiên không phải sáng tạo của riêng ông mà là tiếp thu từ Abel des Michels. Và Abel lại tiếp thu từ bản Janneau 1873, còn Janneau lại tiếp thu từ bản G.Aubaret 1864. Đến lượt G.Aubaret, có thể ông tiếp thu từ một bản kể nào đó của Đồ Chiểu hay những dị bản trong dân gian. Giản bản Nam từ bản Abel des Michels đã chi phối bản Trương Vĩnh Ký 1889, từ đó chi phối đa số các bản quốc ngữ xuất bản ở Nam Kỳ trước 1945, và cả các bản Bắc từ 1954 đến nay (Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Thạch Giang…).
- Giản bản Bắc Kỳ. Trước nay nói đến bản Bắc Kỳ đều nói bản Tụ Văn Đường 1897, tuy nhiên mọi người không ngờ là hệ bản Bắc Kỳ lại chỉ là phiên bản của giản bản Huế Vân Tiên cổ tích tân truyện 雲僊古跡新傳 - Lăng Vân Đường tàng bản, có thể gọi đó là “bản Kinh”.
3.3. Bản Vân Tiên cổ tích tân truyện 雲僊古跡新傳- Lăng Vân Đường: Bản Kinh và là giản bản Bắc (Huế-Hà Nội)
Như đã nói nhiều tài liệu cho rằng các bản Lục Vân Tiên ở Bắc Kỳ chịu ảnh hưởng bản Tụ Văn Đường 1897 như Nguyễn Thạch Giang viết: “Bản sớm nhất hiện nay chúng ta có là bản Vân Tiên cổ tích tân truyện của hiệu khắc ván Tụ Văn Đường ở phố Hàng Gai, in năm Thành Thái thứ 9 (1897) (…) Bản Vân Tiên cổ tích tân truyện của hiệu khắc ván Liễu Văn Đường in năm Khải Định thứ sáu (1821) đã dựa vào bản của Tụ Văn Đường mà khắc lại, cho nên cả hai bản hầu như không có dị đồng nào đáng kể, hai mà như một vậy”(Nguyễn Đình Chiểu, 1980, tr.77). Tuy nhiên mọi người không ngờ là hệ bản Bắc Kỳ lại chỉ là phiên bản của giản bản Huế, có thể gọi là “bản Kinh” mà khởi đầu là bản Vân Tiên cổ tích tân truyện 雲僊古跡新傳- Lăng Vân Đường tàng bản, khắc in năm Đồng Khánh thứ nhất (1886).
Việc phát hiện ra bản Kinh chính là từ sự phát hiện ra bản truyện tranh Lục Vân Tiên nằm im lìm 112 năm ở Thư viện Viện Pháp (Institute de France) ở Paris. Năm 2016 với sự dày công nghiên cứu của tập thể các nhà nghiên cứu, NXB. Văn hoá Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, NXB.École française d'Extrême-Orient Paris đã cho ra mắt công trình Lục Vân Tiên cổ tích truyện/ Histoire de Lục Vân Tiên/ The story of Lục Vân Tiên, 2 tập với 4 thứ chữ: Nôm, Quốc ngữ, Pháp (bản dịch của Abel des Michel) và Anh. Trong bản này có truyện tranh Lục Vân Tiên do một người hoạ sĩ cung đình tên là Lê Đức Trạch vẽ, văn bản Nôm mà ông sử dụng để chép lại là bản Vân Tiên cổ tích tân truyện 雲僊古跡新傳- Lăng Vân Đường tàng bản, khắc in năm Đồng Khánh thứ nhất (1886).
Bản Lục Vân Tiên, Lăng Vân Đường 1886 có lẽ đã ra Bắc, được các phường khắc chữ ở Hàng Gai khắc lại thành các bản: Tụ Văn Đường 1897 (lưu ở Thư viện ĐH Yale), Tụ Văn Đường 1924; Liễu Văn Đường 1916, 1921. Còn bản Bảo Đại 1927 chữ Nôm khắc in rất, gần giống với chữ bản Lăng Vân Đường 1886, cho thấy nguồn gốc của nó chắc vẫn là tiếp tục dòng bản Kinh Lục Vân Tiên ở Huế.
Kết luận
Hiện nay đã tìm được 13 bản Nôm Lục Vân Tiên được khắc in, so với lần kỷ niệm 160 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu vào năm 1982 mới tìm được 9 bản thì nay có thêm 4 bản nữa, trong đó có nhiều bản quan trọng. Trong đó bản “Lục Vân Tiên truyện Duy Minh thị đính chính, Quảng Thạnh Nam phát thụ, Bảo Hoa Các tàng bản” tương truyền Tôn Thọ Tường trông nom, in năm 1865 là bản in sớm nhất, cho đến 1874 không có một bản Lục Vân Tiên chữ Nôm nào được khắc in ở trong nước. Bản Nôm này mở đầu cho truyền bản “Duy Minh thị”, in ở Quảng Đông, với nhiều bản: “Bảo Hoa Các tàng bản - Quảng Thạnh Nam phát thụ”, hay “Bảo Hoa Các tàng bản - Thiền Phước Lộc đại nhai”, “Phật Sơn - Bảo Hoa Các tàng bản”, “Thiên Bửu Lâu tàng bản”, “Anh Hoa thư cục tàng bản” giống nhau hoàn toàn phần ruột, thực chất là một bản, chỉ khác nhau cái bìa.
Bản Lục Vân Tiên truyện “Kim Ngọc Lâu 1874” là thuộc truyền bản Duy Minh Thị nói trên được khắc mới, sửa tất cả các lỗi sai, các chữ Nôm giả tá khó đọc thành chữ Nôm hình thanh dễ hiểu. Đây là bản Lục Vân Tiên truyện tốt nhất của truyền bản Duy Minh Thị.
Lục Vân Tiên có thể chia ra thành phồn bản (2174 câu), giản bản (dưới 2100). Giản bản lại chia thành: Giản bản Nam (Abel des Michels, Trương Vĩnh Ký), Giản bản Bắc (Lăng Vân Đường). Như vậy có thể thấy: các bản Nôm Lục Vân Tiên dù đa dạng, phức tạp đến mấy cũng chỉ có 3 truyền bản:
- Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳-Duy Minh Thị (Phồn bản ): Truyền bản này bao gồm: “Bảo Hoa Các tàng bản - Quảng Thạnh Nam phát thụ”, “Bảo Hoa Các tàng bản - Thiền Phước Lộc đại nhai”, “Phật Sơn - Bảo Hoa Các tàng bản”, “Thiên Bửu Lâu tàng bản”, “Anh Hoa thư cục tàng bản”, “Kim Ngọc Lâu 1874”.
- Lục Vân Tiên ca diễn 陸雲僊歌演- Abel 1883 (Giản bản Nam): Truyền bản này bao gồm: Lục Vân Tiên của Trương Vĩnh Ký 1889 và liên hệ với các bản Pháp-Việt trước đó: Janneau 1873 và Aubaret 1864
- Vân Tiên cổ tích tân truyện 雲僊古跡新傳- Lăng Vân Đường 1886 (Giản bản Bắc): Truyền bản này bao gồm: Tụ Văn Đường 1897, 1924; Liễu Văn Đường 1916, 1921, Bảo Đại 1927.
Đoàn Lê Giang
PGS.TS, Trường Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM/ University of Social Sciences and Humanities, VNU-HCM; Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay, số 540 tháng 6/2022.
Tài liệu tham khảo
- Khuông Việt (1943), “Những bổn Lục Vân Tiên đã xuất bản”, Nam Kỳ tuần báo số 41 (26/6/1943), Sài Gòn
- Nguyễn Đình Chiểu (1976), Truyện Lục Vân Tiên, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích, NXB.Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
- Nguyễn Đình Chiểu (1980), Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Thạch Giang biên khảo và chú giải, tập I, NXB.Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội
- Nguyễn Đình Chiểu (2008), Lục Vân Tiên truyện: Bản nôm và bản quốc ngữ cổ nhất, Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và chú thích, H.: Văn học, Trung tâm nghiên cứu quốc học
- Pascal Bourdeaux & Olivier Tessier (2016), Lục Vân Tiên cổ tích truyện/ Histoire de Lục Vân Tiên/ The story of Lục Vân Tiên, NXB. Văn hoá Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, NXB.École française d'Extrême-Orient Paris, tập 2