Trở lại vấn đề văn bản truyện “Lục Vân Tiên”

Tóm tắt

Vấn đề văn bản tác phẩm Lục Vân Tiên đã từng được nhiều nhà nghiên cứu bàn đến như: Nguyễn Thạch Giang trong Nguyễn Đình Chiểu toàn tập do Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Thạch Giang biên soạn (1980); Nguyễn Thị Thanh Xuân trong Thư mục về Nguyễn Đình Chiểu do Ban Văn học Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM biên soạn (1981); Trần Nghĩa trong sách Lục Vân Tiên truyện: Bản Nôm mang niên đại cổ nhất mới sưu tầm ở Paris (1994);  Nguyễn Quảng Tuân trong bài “Mấy nhận xét về các bản Nôm Lục Vân Tiên truyện” (Tạp chí Hán Nôm, Số 1/ 2006) và sách Lục Vân Tiên truyện: Bản Nôm và bản quốc ngữ cổ nhất (2008). Nhân UNESCO và tỉnh Bến Tre kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu chúng tôi đã tìm lại tất cả các bản Nôm đã được nói đến trong các công trình trên, đồng thời sưu tầm thêm ở thư viện nước ngoài, thư viện, tủ sách tư nhân trong nước, tập hợp lại và nghiên cứu các truyền bản, và phát hiện ra nhiều điều bất ngờ như bài trình bày dưới đây.

Từ khóa: Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu, Văn bản Lục Vân Tiên, Văn học Hán Nôm.  

 

Re-examine the issue concerning the texts of Lục Vân Tiên 蓼雲仙/ 陸雲僊

Abstract:

Issues concerning the texts of Lục Vân Tiên have been disscussed by many researchers such as: Nguyễn Thạch Giang in Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (The Complete Collection of Nguyễn Đình Chiểu) composed by Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sĩ Lâm, and Nguyễn Thạch Giang in 1980; Nguyễn Thị Thanh Xuân in Thư mục về Nguyễn Đình Chiểu (Bibliography about Nguyễn Đình Chiểu) composed by members in the Department of Literature in the Institute of Social Sciences in Ho Chi Minh City in 1981; Trần Nghĩa in the oldest known Nôm-scripted text of Lục Vân Tiên truyện (The Tale of Lục Vân Tiên) collected in Paris in 1994; Nguyễn Quảng Tuân in the article "Mấy nhận xét về các bản Nôm Lục Vân Tiên truyện" (A Few Comments on Different Nôm-scripted Texts of The Tale of Lục Vân Tiên) published on Tạp chí Hán Nôm (Journal of Sino-Nôm Studies), Number 1 of 2006, and in the book Lục Vân Tiên truyện: Bản Nôm và bản quốc ngữ cổ nhất (The Tale of Lục Vân Tiên: the Oldest Nôm-scripted and Quốc-ngữ-scripted Texts) published in 2008. On the occasion of UNESCO commemorating the 200th birthday of Nguyễn Đình Chiểu, we endeavoured to collect all the Nôm-scripted texts mentioned in the above studies and got access more texts stored in public and private libraries, both internationally and domestically. We study those texts and point out a few interesting issues as presented below.

Keywords: Lục Vân Tiên 蓼雲仙/ 陸雲僊, Nguyễn Đình Chiểu, texts of Lục Vân Tiên, Sino-Nôm literature

****

Truyện Lục Vân Tiên hoàn thành vào khoảng những năm từ 1851 đến 1854, lúc Nguyễn Đình Chiểu ngoài 30 tuổi và đã bị khiếm thị từ mấy năm trước đó (1849). Tác phẩm được Nguyễn Đình Chiểu đọc cho học trò và người nhà viết ra chữ Nôm rồi truyền ra ngoài. Lục Vân Tiên được dân chúng ưa thích, truyền tay nhau chép và học thuộc lòng, trong khoảng 10 năm. Cho đến khi G.Aubaret dịch tác phẩm này sang tiếng Pháp và in ở Kỷ yếu châu Á (Journal asiatique) năm 1864 thì Lục Vân Tiên chưa từng được khắc in: “Truyện thơ này, hay nói đúng hơn, truyện truyền thuyết này đã được sáng tác bằng tiếng nói của người bình dân, chưa bao giờ được in thành bản; tác phẩm lưu truyền đến ngày nay với những đoạn chép tay bằng thứ chữ riêng, kiểu chữ Trung Hoa mà dân tộc An Nam dùng”[1]. Đến năm 1865 Lục Vân Tiên mới được khắc in bằng chữ Nôm lần đầu tiên ở nhà Bảo Hoa Các ở Quảng Đông. Bản Nôm cuối cùng là bản khắc in vào năm Bảo Đại thứ hai (1927) ở Huế. Hiện nay còn khoảng 15 bản Nôm khắc in khác nhau. Các bản này khác nhau không chỉ vài câu hay cách đọc một số từ kiểu như Truyện Kiều của Nguyễn Du, mà chênh lệch hàng trăm câu, ngay cả tên nhân vật, địa danh cũng đọc khác nhau, thậm chí kết thúc khác nhau. Hiện người ta thường dùng bản Trương Vĩnh Ký (1889) có 2076 câu, cũng có người dùng bản Lục Vân Tiên ca diễn của Abel des Michels (1883) có 2088 câu. Có nhà nghiên cứu không dùng các bản đó mà công bố bản Lục Vân Tiên có niên đại cổ nhất khắc ván năm 1874 (Trần Nghĩa-Vũ Thanh Hằng  phiên âm, khảo thích, Lục Vân Tiên truyện: Bản Nôm mang niên đại cổ nhất mới sưu tầm ở Paris, NXB.Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994), nhưng có nhà nghiên cứu lại công bố bản Lục Vân Tiên 1865 mới là cổ nhất (Nguyễn Quảng Tuân  phiên âm, khảo thích, Lục Vân Tiên truyện: Bản Nôm và bản quốc ngữ cổ nhất, NXB. Văn học, Trung tâm nghiên cứu quốc học, 2008). Vậy bản nào tốt nhất, bản nào cổ nhất, các bản ấy có quan hệ với nhau thế nào, và quan trọng nhất là các truyền bản Lục Vân Tiên như thế nào?

1. Các bản Nôm Lục Vân Tiên khắc in hiện còn

Các bản Lục Vân Tiên khắc in hiện còn theo các thư mục công bố hơn 40 năm nay như sau:

Theo Nguyễn Đình Chiểu toàn tập do Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Thạch Giang biên soạn (NXB.Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1980, tr.67-79) thì có 4 bản Lục Vân Tiên khắc in, đó là các quyển 2, 9, 13a, 14b trong Bảng 1 “Danh mục 15 bản Lục Vân Tiên chữ Nôm khắc in hiện còn” ở dưới;

Theo Thư mục về Nguyễn Đình Chiểu do Ban Văn học Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM biên soạn (Ty Văn hoá và Thông tin Long An xuất bản, 1981, tr.7-9) thì đã tìm thấy 7 bản, đó là các quyển 1, 2, 3, 13a, 13b, 14b, 15 trong Bảng 1 ở dưới; 

Theo Lục Vân Tiên truyện: Bản Nôm mang niên đại cổ nhất mới sưu tầm ở Paris, Trần Nghĩa & Vũ Thanh Hằng phiên âm, khảo thích (NXB.Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 1994, tr.10-17) thì đã tìm thấy 7 bản, đó là các quyển 1, 2, 7, 13a, 13b, 14b, 15 trong Bảng 1  ở dưới;  

Đến Lục Vân Tiên truyện: Bản Nôm và bản quốc ngữ cổ nhất, Nguyễn Quảng Tuân phiên âm, khảo thích (NXB. Văn học, Trung tâm nghiên cứu quốc học, 2008, tr.32, 33) thì đã tìm thấy 9 bản, đó là các quyển 1, 2, 3, 4, 7, 9, 13a, 13b, 14b trong Bảng 1 ở dưới.

May mắn là chúng tôi đã tìm thấy gần như đầy đủ các bản trên, đồng thời sưu tầm, mượn, sao chụp thêm, cho đến nay đã có được 15 bản Nôm Lục Vân Tiên khắc in. Xin liệt kê như bảng danh mục dưới đây.  

Quyểnsố Nhan đề/ Tên tắt văn bản Người biên tập Nơi xuất bản, Hàng chữ mép sách Năm xuất bản, số trang, số câu, nơi lưu giữ
1. Lục Vân Tiên truyện, 蓼雲仙傳Gọi tắt là bản “Bảo Hoa Các-Quảng Thạnh Nam 1865” Gia Định thành, Duy Minh Thị đính chính 嘉定城惟明氏訂正 Quảng Đông nhai, Quảng Thạnh Nam phát thụ 廣東街廣盛南發售. Việt tỉnh, Phật trấn, Phước Lộc đại nhai, Bảo Hoa các tàng bản 粵省佛鎮福祿大街寶華閣藏板, Mép sách: Bảo Hoa Các thư cục hiệu san 寶華閣書局校刊 Năm 1865, 92 trang, 2174 câu, mỗi trang 12 hàng. Bảo tàng tỉnh Bến Tre.
2. Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳 Gọi tắt là bản “Bảo Hoa Các-Thiền Phước Lộc” Thiền Phước Lộc đại nhai. Bảo Hoa các phát hành 禪福祿大街寶華閣發行, Mép sách: Bảo Hoa Các thư cục hiệu san 寶華閣書局校刊 Không ghi năm in, 92 trang, 2174 câu, mỗi trang 12 hàng.  TV. KHXH TP.HCM, Bảo tàng tỉnh Bến Tre.
3. Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳   Gọi tắt là bản “Thiên Bảo Lâu” Gia Định thành, Duy Minh Thị đính chính Việt Đông, Phật trấn, Phước Lộc đại nhai. Thiên Bảo Lâu tàng bản 粵東佛鎮福祿大街天寶樓藏板, Mép sách: Bảo Hoa Các thư cục hiệu san 寶華閣書局校刊 Không ghi năm in, 92 trang, mỗi trang 12 hàng. 2174 câu. Bảo tàng tỉnh Bến Tre.
4. Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳 Gọi tắt là bản “Bảo Hoa Các-Phật Sơn” Gia Định thành, Duy Minh Thị đính chính Phật Sơn, Bảo Hoa các tàng bản 佛山寶華閣藏板, Mép sách: Bảo Hoa Các thư cục hiệu san 寶華閣書局校刊 Không ghi năm in, 92 trang, 2174 câu, mỗi trang 12 hàng. NNC.Trương Ngọc Tường.
5. Vân Tiên truyện 雲仙傳,Gọi tắt là bản “Vĩnh Hòa Nguyên” Đề Ngạn Hòa Nguyên Thái phát thụ 堤岸和源泰發售  Việt Đông Trần thôn, Vĩnh Hòa Nguyên tàng bản 粵東陳村永和源藏板, Mép sách: Vân Tiên truyện, Tại Đề Ngạn đại thị Canh Thìn tuế tân tẩm 新鋟(1880), 2174 câu, mỗi trang 10 hàng. Thư viện Đại học Ngôn ngữ và Văn minh (Phương Đông, Paris).
6. Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳Gọi tắt là bản “Anh Hoa thư cục” Gia Định thành, Duy Minh Thị đính chính Trung Quốc Việt Đông, Phật Sơn, Anh Hoa thư cục phát thụ 中國粵東佛山英華書局發售, Mép sách: Anh hoa thư cục bản 英華書局板 Không ghi năm in, 92 trang, 2174 mỗi trang 12 hàng.TS. Nguyễn Thanh Phong lưu trữ. 
7. Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳 Gọi tắt là bản “Kim Ngọc Lâu 1874” Duy Minh Thị đính chính Việt Đông, Phật Trấn, Phước Lộc đại nhai, Kim Ngọc Lâu tàng bản 粵東佛鎮福祿大街金玉樓藏板, Mép sách: Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳và trang số. Giáp Tuất niên (1874) san khắc, 110 trang, 2174 câu, mỗi trang 10 hàng. Thư viện Đại học Ngôn ngữ và Văn minh (Phương Đông, Paris).
8. Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳 Gọi tắt là bản “Kim Ngọc Lâu (không rõ năm)” Mép sách: Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳và số trang số. Không rõ năm, nơi khắc bản. Văn bản lưu ở Bảo tàng tỉnh Bến Tre, rách đầu đuôi, còn từ trang 11 đến trang 97, mỗi trang 11 hàng.
9. Lục Vân Tiên ca diễn 陸雲僊歌演Gọi tắt là bản “Abel 1883” Abel des Michels, Giáo sư Trường Sinh ngữ phương Đông, Paris Ernest Leroux xuất bản. Trần Ngươn Hanh viết bằng bút sắt từ bản quốc ngữ của Janneau 1873 Năm 1883, 2088 câu, 4 đoạn phụ lục 170 câu, mỗi trang 11 hàng. Có nhiều nơi lưu giữ. Trang thư viện Gallica có bản scan tốt.
10. Vân Tiên cổ tích tân truyện 雲僊古跡新傳Gọi tắt là bản “Lăng Vân Đường 1886” Lăng Vân Đường (Huế) tàng bản 凌雲堂藏板. Mép sách đề “Vân Tiên 云仙” và trang số. Đồng Khánh nguyên niên xuân tân san (1886), 2055 câu, 106 trang đơn (53 tờ), mỗi trang 10 hàng. Thư viện Viện Pháp (Institut de France) ở Paris. Văn bản in trong quyển số 11 ở dưới.
11. Vân Tiên cổ tích tân truyện 雲僊古跡新傳Gọi tắt là bản “Lăng Vân Đường-Lê Đức Trạch 1897” Thành Thái cửu niên lục nguyệt thập bát nhật Giám thủ thư lại Lê Đức Trạch chế họa đồ thức (Ngày 18 tháng 6 năm Thành Thái 9 (1897) Giám thủ thư lại Lê Đức Trạch vẽ tranh. Chép tay bản “Lăng Vân Đường 1886” ở trên. NXB.Văn Hóa Văn Nghệ TP.HCM, 2016
12. Vân Tiên cổ tích tân truyện 雲僊古跡新傳Gọi tắt là bản “Bảo Đại 1927” (Không ghi nơi khắc bản). Mép sách đề “Vân Tiên 云仙” và trang số. Bảo Đại nhị niên (1927) xuân tân san, 53 tờ, khoảng 2050 câu. Bản chụp trên mạng.
13.a-b Vân Tiên cổ tích tân truyện 雲僊古跡新傳Gọi tắt là bản “Tụ Văn Đường” Tụ Văn Đường聚文堂, Hà Nội 13a. Thành Thái thứ 9 (1897), chép theo hàng ngang, 2036 câu. Bản chép tay ĐH Yale. Có file trên mạng.13b.Khải Định thứ 9 (1924) tái bản. Thông tin kể trong Nguyễn Đình Chiểu toàn tập 1980.
14.a-b Vân Tiên cổ tích tân truyện 雲僊古跡新傳Gọi tắt là bản “Liễu Văn Đường” Liễu Văn Đường tàng bản 柳文堂藏板. Mép sách đề “Vân Tiên 云仙” và số trang. 14a.Khải Định nguyên niên (1916) thu tân san, 53 tờ, khoảng 2050 câu. Ký hiệu R403 Thư viện Quốc gia VN.14b.Khải Định thứ 6 (1921) tái bản. Thông tin trong Nguyễn Đình Chiểu toàn tập 1980.
15. Lục Vân Tiên  Gọi tắt là bản “Phúc Văn Đường” Phúc Văn Đường, Hà Nội Không rõ năm in. Kể trong Thư mục về Nguyễn Đình Chiểu 1981.
Bảng 1: Danh mục 15 bản Lục Vân Tiên chữ Nôm khắc in hiện còn

Diễn giải:

- Quyển số 1: Lục Vân Tiên truyện “Bảo Hoa Các-Quảng Thạnh Nam 1865”: Văn bản còn tốt. Bản gốc do Linh mục Nguyễn Hữu Triết (1942-2022) sưu tầm và lưu giữ. Trước khi mất, Linh mục tặng cho Bảo tàng tỉnh Bến Tre nhân dịp UNESCO và tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu 6/2022. Văn bản này đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân đưa vào sách Lục Vân Tiên truyện: Bản Nôm và bản quốc ngữ cổ nhất, Nguyễn Quảng Tuân phiên âm, khảo thích (NXB. Văn học, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2008). 

- Quyển số 2: Lục Vân Tiên truyện “Bảo Hoa Các-Thiền Phước Lộc”: Văn bản còn tốt. Hiện Thư viện Khoa học xã hội TP.HCM, Bảo tàng tỉnh Bến Tre lưu giữ. Bà Châu Anh Phụng, người sưu tầm nhiều tài liệu Nguyễn Đình Chiểu quê ở Cần Giuộc, Long An, cũng giữ một bản.

- Quyển số 3: Lục Vân Tiên truyện “Bảo Hoa Các-Thiên Bảo Lâu”: Văn bản còn tốt. Hiện lưu ở Bảo tàng Bến Tre.

Ở Bảo tàng tỉnh Bến Tre còn có một bản Lục Vân Tiên truyện nữa thuộc truyền bản Bảo Hoa Các, mép sách có hàng chữ “Bảo Hoa Các thư cục hiệu san”, tuy nhiên mất đầu đuôi nên không biết được cụ thể là bản nào trong số quyển 1 đến 4 ở trên. Trang đầu bắt đầu từ trang 3: “Tôn sư ngồi hãy thở than/ Ngó ra trước án thấy chàng bước vô.” (2 chữ “Dân rằng” đầu trang là từ trang 6 lộn vào). Trang cuối là trang 70: “Đường làng cô bác gần xa/ Đều mừng chạy tới chật nhà hỏi thăm”. Từ trang 71 cho đến hết (trang 100) là bản chép tay từ một bản Lục Vân Tiên khác.

- Quyển số 4: Lục Vân Tiên truyện “Bảo Hoa Các-Phật Sơn” do nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường ở thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) sưu tầm và lưu giữ. Văn bản còn tốt. Bản gốc đã tặng cho Bảo tàng Văn học Việt Nam (275 đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội).

- Quyển số 5: Vân Tiên truyện “Vĩnh Hòa Nguyên”: Nội dung và các lỗi sai giống như bản Bảo Hoa Các, nhưng ván khắc khác: chữ khác và mỗi trang 10 hàng dọc, chứ không phải 12 hàng, do hiệu sách Hòa Nguyên Thái ở Chợ Lớn phát thụ (phát hành, tiêu thụ), Vĩnh Hòa Nguyên (Trần thôn, Quảng Đông) “tàng bản”, “tân tẩm” (khắc mới) vào năm 1880. Chúng tôi có bản scan. 

- Quyển số 6: Lục Vân Tiên truyện “Anh Hoa thư cục” do TS. Nguyễn Thanh Phong, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM sưu tầm và lưu giữ. Bản chụp nhiều trang khá mờ.

- Quyển số 7: Lục Vân Tiên truyện “Kim Ngọc Lâu 1874”: Bản gốc lưu ở Thư viện Đại học Ngôn ngữ và Văn minh (BULAC: Bibliothèque universitaire des langues et civilisations, 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris, Pháp). Sách thư viện này có nguồn từ Thư viện của Trường Ngôn ngữ Phương Đông (Bibliothèque de l'École des Langues Orientales). Văn bản Nôm sách này đã được Trần Nghĩa-Vũ Thanh Hằng phiên âm, khảo thích và đưa vào phụ bản cuốn Lục Vân Tiên truyện: Bản Nôm mang niên đại cổ nhất mới sưu tầm ở Paris (NXB.Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 1994). Bản photo đen trắng rất mờ. Cá nhân tôi cũng có một bản chụp rõ nét từ thư viện này. Bà Châu Anh Phụng (nói trên) cũng giữ một bản, trang bìa đề Vân Tiên thơ 云仙書 rách mất 2 tờ đầu (4 trang cả bìa), còn lại bắt đầu từ: “Than rằng thiên các nhất phương; Thầy đeo đoạn thảm tớ vương mối sầu” cho đến hết.    

- Quyển số 8: Lục Vân Tiên truyện “Kim Ngọc Lâu (không rõ năm)”: Ở Bảo tàng tỉnh Bến Tre có bản Lục Vân Tiên về nội dung và chữ giống hoàn toàn như bản “Kim Ngọc Lâu 1874”, nhưng không cùng một ván khắc, vì có 11 hàng (thay vì 10 hàng như Kim Ngọc Lâu 1874). Chúng tôi cho rằng đây là bản Kim Ngọc Lâu 1874, nhưng có thể đã được khắc ván sau đó. Bản Bảo tàng tỉnh Bến Tre rách đầu đuôi, chỉ còn bắt đầu từ trang 11: “Có câu kiến nghĩa bất vi/ Lâm nguy bất cứu cố phi anh hùng” đến trang 97: “Sở vương bước xuống kim giai/ Tay bưng chén rượu thưởng tài Trạng nguyên”. 

- Quyển số 9: Lục Vân Tiên ca diễn: Sách ba thứ chữ: Quốc ngữ, Pháp, Nôm. Có nhiều nơi lưu giữ bản in. Trang thư viện Gallica có bản scan tốt.

- Quyển số 10: Vân Tiên cổ tích tân truyện “Lăng Vân Đường 1886”: Bản gốc lưu ở Thư viện Viện Pháp (Institut de France) ở Paris. Bản này được Trần Xuân Ngọc Lan và Nguyễn Hiền Tâm phiên âm in trong Lục Vân Tiên cổ tích truyện/ Histoire de Lục Vân Tiên/ The story of Lục Vân Tiên, NXB. Văn hoá Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, NXB.École française d'Extrême-Orient Paris, 2016, tr.269-309. 4 trang đầu bản gốc được in ở trang 32 sách này. 

- Quyển số 11: Bản “Lăng Vân Đường Lê Đức Trạch 1897” là truyện tranh Lục Vân Tiên do một người hoạ sĩ cung đình tên là Lê Đức Trạch vẽ tranh và viết chữ Nôm. Văn bản Nôm mà ông sử dụng để chép lại là bản Vân Tiên cổ tích tân truyện 雲僊古跡新傳- “Lăng Vân Đường 1886” ở trên.

 

2. Các truyền bản Lục Vân Tiên

2.1. Đặc điểm của Phồn bản và Giản bản Lục Vân Tiên

Xem xét tất cả các bản Nôm Lục Vân Tiên khắc in ở trên thấy có 2 hệ bản (gồm nhiều truyền bản): bản dài trên 2100 câu và bản ngắn dưới 2100 câu, chênh nhau gần 100 câu. Có thể gọi hệ bản dài là Phồn bản và hệ bản ngắn là Giản bản.

Phồn bản Lục Vân Tiên có 6 dấu hiệu sau:

(1) Trên 2100 câu, cụ thể là 2174 câu (bản quốc ngữ có xê xích ít câu)

(2) Có thơ Nguyệt Nga tặng Vân Tiên (ở câu 222)

(3) Có đoạn thầy của Vân Tiên giả làm ông Quán để giúp Vân Tiên: 14 câu (câu 439-452)

(4) Có đoạn Nguyệt Nga gặp lại Vân Tiên, từ giã lão bà về thăm cha: 34 câu (câu 1977-2010)

(5) Vân Tiên gặp lại Tiểu Đồng ở Đại Đề (34 câu : 2017-2040) có lời thơ khác với đoạn này ở giản bản.

(6) Vân Tiên đi thăm ông Quán, thăm thầy, được Sở vương gọi về truyền ngôi cho: 82 câu (câu 2093-2174).

Giản bản có số câu dưới 2100 câu nhưng không thống nhất. Giản bản không có 6 điểm nêu trên ở phồn bản. Điều khác biệt đáng chú ý nhất giữa phồn bản và giản bản là ở đoạn kết: Phồn bản có đoạn gần 82 câu kể về Lục Vân Tiên đi thăm ông Quán, thăm thầy, rồi được vua Sở nhường ngôi. Giản bản thì chỉ đến chỗ Vân Tiên - Nguyệt Nga gặp nhau, Vân Tiên được phong thưởng, hai người lấy nhau “Sanh con sau nối gót lân đời đời” là hết. Giản bản có hai loại:

Giản bản Nam: Các bản Nôm và Quốc ngữ Lục Vân Tiên do người Việt, Pháp thực hiện, in ở Pháp và Sài Gòn.

Giản bản Bắc: Từ giản bản Lục Vân Tiên ở Kinh đô Huế (bản Kinh Lục Vân Tiên) mà tạo ra các giản bản ở Hà Nội. Cả hai nhóm này đều gọi chung là “Giản bản Bắc”.

Dưới đây chúng tôi xin lần lượt giới thiệu các truyền bản Lục Vân Tiên trên. 

2.2. Hệ truyền bản: Phồn bản “Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳Duy Minh thị”

Bản in đầu tiên là bản do Duy Minh Thị đính chính, in ở Quảng Đông năm 1865. Điều này đã được Khuông Việt ghi nhận từ năm năm 1943 trên Nam Kỳ tuần báo số chuyên đề về Nguyễn Đình Chiểu: Lục Vân Tiên, bản in chữ Nôm do Duy Minh Thị sao lục, Tôn Thọ Tường trông nom in, Chợ Lớn, Hiệu sách Quảng Thạnh Nam, 1865”[2]. Thực ra Quảng Thạnh Nam không in, như trên bìa ghi rõ: “Quảng Đông nhai Quảng Thnh Nam phát thụ  (廣東街廣盛南發售) tức Nhà sách Quảng Thạnh Nam ở phố Quảng Đông (Chợ Lớn) chỉ là nơi phát hành, bán sách (thụ 售: bán, trong từ Tiêu thụ), còn nơi khắc in là “Việt tỉnh, Phật trấn, Phước Lộc đại nhai, Bảo Hoa Các tàng bản(粵省佛鎮福祿大街寶華閣藏板): Nơi in sách, giữ mộc bản là Bảo Hoa Các, địa chỉ ở phố Phước Lộc, Phật trấn, tỉnh Việt Đông, tức Quảng Đông.  

So sánh các bản Lục Vân Tiên truyện Duy Minh Thị đính chính (từ quyển số 1 đến  quyển số 8 ở Bảng 1), ta thấy chúng đều giống nhau:

- Đều là phồn bản với 6 dấu hiệu đã nêu ở mục 2.1 ở trên. 

- Bìa đều ghi “Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳” với chữ Lục 蓼bộ thảo, phần lớn đều ghi “Duy Minh Thị đính chính” và nơi in đều là Quảng Đông (hay cách gọi cũ là Việt Đông).

- Mở đầu đều là:

Trước đèn xem truyện Tây Minh (西明),

Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le.

Ai ai lẳng lặng mà nghe,

Giữ răn việc trước, lánh dè thân sau.

Trai thời trung hiếu làm đầu,

Gái thì tiết hạnh là câu trau mình.

Có người ở quận Đông Kinh,

Lục ông tên chữ phỉ tình yến anh.

Vợ chồng ăn ở hiền lành,

Tu nhân tích đức sớm sinh con hiền.

Bản Duy Minh thị này có 4 ván khắc khác nhau:

1) Ván khắc thứ nhất: từ quyển số 1 đến quyển số 4: 1.“Bảo Hoa Các-Quảng Thạnh Nam 1865”, 2.“Bảo Hoa Các-Thiền Phước Lộc”, 3.“Thiên Bảo Lâu”, 4.“Bảo Hoa Các-Phật Sơn”. Các ván khắc này đều:

- 92 trang in không kể bìa. Mỗi trang 12 hàng, trên 6 chữ dưới 8 chữ, tổng cộng 2174 câu (lục-bát kể là 2 câu)

- Mép sách đều khắc: Bảo Hoa Các thư cục hiệu san 寶華閣書局校刊

- Tất cả các chữ Nôm đều giống nhau, ở trang đầu chữ “Xem 袩” đều bị mẻ nét chấm.

Điều ấy có thể kết luận: Các bản “Bảo Hoa Các-Quảng Thạnh Nam 1865”, “Bảo Hoa Các-Thiền Phước Lộc”, “Thiên Bảo Lâu”, “Bảo Hoa Các-Phật Sơn” chỉ là một bản, được in nối bản, khác nhau mỗi cái bìa. Có thể hình dung câu chuyện thế này: Năm 1865 nhà sách Quảng Thạnh Nam ở Chợ Lớn có đặt nhà in Bảo Hoa Các ở Quảng Đông khắc in truyện Lục Vân Tiên (bản này do Tôn Thọ Tường trông nom, theo dõi chuyện in ấn). Sau đó do nhu cầu đọc Lục Vân Tiên của độc giả Việt Nam mà Bảo Hoa Các đã dùng ván khắc cũ nối bản liên tục, đồng thời có thể sang nhượng ván khắc cho nhà sách khác in. Nhưng vì không còn in cho Quảng Thạnh Nam nữa nên phải bỏ hàng chữ “Quảng Thạnh Nam phát thụ” đi. Vì vậy, các bản Bảo Hoa Các đều là bản in đầu tiên, do cùng một ván khắc với bản “Bảo Hoa Các-Quảng Thạnh Nam phát thụ 1865”.

Xem 4 bản dưới đây:

20241022 3

2) Ván khắc thứ hai là bản “5. Vĩnh Hòa Nguyên”: Nội dung và các lỗi sai giống như bản Bảo Hoa Các, nhưng đây là ván khắc khác vì:

- Chữ khác và mỗi trang 10 hàng dọc (chứ không phải 12 hàng như bản Bảo Hoa Các)

- Mép sách đề “Vân Tiên truyện, Tại Đề Ngạn đại thị” (chứ không phải “Bảo Hoa Các thư cục hiệu san”).

Bìa sách cho biết thông tin: Năm 1880 hiệu sách Hòa Nguyên Thái ở Chợ Lớn phát thụ (phát hành tiêu thụ) đã đặt nhà in Vĩnh Hòa Nguyên (Trần thôn, Quảng Đông) “tân tẩm” (khắc mới) và “tàng bản” (lưu ván khắc) bản Lục Vân Tiên theo đúng bản Bảo Hoa Các, kể cả các lỗi sai (mà không biết năm 1874 đã có bản Kim Ngọc Lâu hiệu chỉnh hết chỗ sai rồi).   

3) Ván khắc thứ ba là bản “6.Anh Hoa thư cục” (Trần thôn, Quảng Đông, không ghi năm khắc): Nội dung và các lỗi sai giống như bản Bảo Hoa Các, nhưng là ván khắc khác vì:

- Chữ “Xem 袩” không bị mẻ nét chấm.

- Mép sách đề “Anh hoa thư cục bản 英華書局板”.

4) Ván khắc thứ tư là bản Kim Ngọc Lâu, gồm 2 quyển số 7 và 8 trong danh sách trên: 7.“Kim Ngọc Lâu 1874”, 8.“Kim Ngọc Lâu (không rõ năm)”. Bản này không phải là bản in lại bản Bảo Hoa Các mà là bản khắc ván mới, sửa tất cả các chữ Nôm sai, các chữ Nôm giả tá khó đọc thành chữ Nôm hình thanh dễ hiểu, sửa cả bài thơ Nguyệt Nga thất niêm luật ở câu 222 cho đúng niêm luật hơn. Bản Kim Ngọc Lâu cũng in ở Quảng Đông. Đây là bản rất quý, vì nó là khắc lại đã được hiệu đính khoa học từ bản Lục Vân Tiên đầu tiên - phồn bản, tức bản “Bảo Hoa Các-Quảng Thạnh Nam 1865”. 

20241022 4

Tóm lại về hệ truyền bản Phồn bản “Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳Duy Minh thị”:  Đây là bản Lục Vân Tiên sớm nhất, hệ phồn bản duy nhất. Nó có 4 bản khắc ván (truyền bản), trong đó có 2 truyền bản quý nhất là:

- “Bảo Hoa Các-Quảng Thạnh Nam 1865” và các bản “nối bản” từ đó: “Bảo Hoa Các-Thiền Phước Lộc”, “Thiên Bảo Lâu”, “Bảo Hoa Các-Phật Sơn”. Bản này là bản Lục Vân Tiên Nôm khắc in sớm nhất. Văn bản này đã được Nguyễn Quảng Tuân công bố trong công trình: Lục Vân Tiên truyện: Bản Nôm và bản quốc ngữ cổ nhất, Nguyễn Quảng Tuân phiên âm, khảo thích, NXB. Văn học, Trung tâm nghiên cứu quốc học, 2008

- “Kim Ngọc Lâu 1874” và một bản khác “Kim Ngọc Lâu (không rõ năm)”: Đây là bản khắc lại đã được hiệu đính từ bản Lục Vân Tiên trên. Bản này đã được Trần Nghĩa-Vũ Thanh Hằng phiên âm, khảo thích trong công trình Lục Vân Tiên truyện: Bản Nôm mang niên đại cổ nhất mới sưu tầm ở Paris, NXB.Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.

- Ngoài ra còn 2 bản “Vĩnh Hòa Nguyên” và “Anh Hoa thư cục” chỉ là bản khắc theo bản Bảo Hoa các với tất cả các lỗi sai của nó.

2.3. Truyền bản Lục Vân Tiên “Giản bản Nam”

Giản bản là bản ngắn, dưới 2100 câu. Giản bản có 6 đặc điểm như đã trình bày ở 2.1, trong đó dấu hiệu quan trọng nhất là không có đoạn kết thăm lại ông Quán, thăm thầy và được vua Sở cho người triệu về nhường ngôi. Giản bản có 2 loại: Giản bản Nam và giản bản Bắc. Sở dĩ như vậy vì giản bản Nam có thể nói cơ bản là giống nhau, chỉ khác nhau một số từ thôi.

Giản bản Nam gồm có:

- Bản Janneau 1873 (Lục Vân Tiên 陸雲僊: Poème populaire annamite, Gustave Janneau, dịch,  Challamel Ainé, Paris, 1873. Bản này là bản phiên âm Quốc ngữ (đầu tiên) được chú thích bằng tiếng Pháp, không có chữ Nôm.

- Bản Abel des Michels 1883 (Les Poèmes de l'Annam (Lục Vân Tiên ca diễn 陸雲僊歌演): Texte en caractères figuratifs, Des Michels, Abel (l’ Ecole des langues orientales) dịch, Ernest Leroux, Paris, 1883). Bản này có chữ Nôm, Quốc ngữ và dịch Pháp văn.

- Bản Trương Vĩnh Ký 1889 (Lục Vân Tiên truyện 蓼雲仙傳, Trương Vĩnh Ký, Impr. Aug.Block, in lần thứ nhất, Sài Gòn 1889). Bản này chỉ có chữ Quốc ngữ.

- Bản Aubaret 1864 (Gabriel Aubaret, Luc-Van-Tien, Poème populaire annamite, traduit par Gabriel Auraret, Consul de France a Bangkok, Extrait No1 de l’année 1964 du Journal asiatique, Sixième Série (Loại thứ sáu), Tome III (tập III), Paris. Imprimerie Impériale, 1864) là bản dịch Pháp văn, không có phiên âm, tuy nhiên đoạn kết cũng chỉ đến chỗ Vân Tiên, Nguyệt Nga cưới nhau là hết, nên cũng thuộc loại giản bản.

So sánh phồn bản Bảo Hoa Các và các giản bản: Janneau 1873, Abel 1883, Trương Vĩnh Ký 1889:

Dấu hiệu so sánh Bảo Hoa Các (Phồn bản) Bản Janneau 1873(Giản bản) Abel 1883 (Giản bản) Trương Vĩnh Ký 1889 (Giản bản)
2174 câu 2045 câu 2088 câu 2076 câu
1. Có thơ Nguyệt Nga tặng Vân Tiên (giữa câu 222-223) Không có (sau câu 222). Không có (sau câu 220). Không có (sau câu 222).
2. Thầy Vân Tiên giả làm ông Quán để giúp Vân Tiên (14 câu: 439-452) Không có (sau câu 436). Không có (sau câu 438). Không có (sau câu 436).
3. Nguyệt Nga gặp lại Vân Tiên, từ giã lão bà về thăm cha (34 câu:  1977-2010) Không có (sau câu 1949). Không có (sau câu 1992). Không có (sau câu 1987).
4. Vân Tiên gặp lại Tiểu Đồng ở Đại Đề (34 câu : 2017-2040) Vân Tiên gặp lại Tiểu Đồng ở Đại Đề nhưng lời khác nhiều phồn bản  (28 câu: 1958-1985) Vân Tiên gặp lại Tiểu Đồng ở Đại Đề, lời giống hoàn toàn   bản Janneau (28 câu: 2001-2028) Vân Tiên gặp lại Tiểu Đồng ở Đại Đề, lời giống hoàn toàn   bản Janneau (28 câu: 1995-2022)
5. Vân Tiên cưới Nguyệt Nga. Vân Tiên cưới Nguyệt Nga, câu kết: “Sinh con sau nối gót lân đời đời”. Vân Tiên cưới Nguyệt Nga, câu kết: “Sinh con sau nối gót lân đời đời”. Giống hoàn toàn bản Abel, câu kết: “Sinh con sau nối gót lân đời đời”.
Vân Tiên, Hớn Minh, Tử Trực thăm ông Quán nhưng ông đã đi đâu không biết. Đến thăm thầy. Đúng lúc ấy Sở vương cho người gọi về, vì không có con nên  nhường ngôi cho Vân Tiên mà quy y. Câu kết: “Thảnh thơi nhà nước trị an/ Ra tay tả truyện lưu truyền hậu lai”  (82 câu:  2093-2174) Không có đoạn này Không có đoạn này Không có đoạn này
Bảng 4: So sánh phồn bản Bảo Hoa Các và các giản bản Nam

 Chúng ta có thể hình dung các giản bản Nam như sau:

- Bản đầu tiên là bản Lục Vân Tiên dịch ra Pháp văn của G.Aubaret 1864. G.Aubaret biết tiếng Việt, chữ Hán, và một ít chữ Nôm, có thể ông đã tiếp thu từ một bản nào đó của Đồ Chiểu hay những dị bản trong dân gian, loại giản bản, mà dùng nó để dịch sang tiếng Pháp.

- Sau đó đến bản Janneau 1873 cũng tương tự như bản Aubaret, Janneau đã tiếp thu một bản Nôm nào đó mà phiên âm ra Quốc ngữ bản Lục Vân Tiên, loại giản bản.

- Năm 1883, với sự hợp tác của nhà nho Trần Ngươn Hanh, Abel des Michels đã dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp. Trần Ngươn Hanh xuất thân nho học ở Nam Kỳ, năm 1881 trong lúc làm tri huyện ông được mời sang Trường Sinh ngữ phương Đông (l’ Ecole des langues orientales) của Abel des Michels giảng dạy, làm giáo sư ôn tập. Trần Ngươn Hanh đã dùng bản Lục Vân Tiên bằng Quốc ngữ của Janneau viết ngược ra chữ Nôm, có hiệu chỉnh. Sau đó Abel phiên lại ra chữ Quốc ngữ và dịch ra tiếng Pháp (Lời tựa Lục Vân Tiên ca diễn). Ngoài phần chính văn, bản Abel còn có Phụ lục, chép thêm 4 đoạn phụ lục 170 câu từ phồn bản Bảo Hoa Các.

- Cuối cùng là bản Lục Vân Tiên bằng chữ Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký 1889. Bản này cơ bản giống với phần chính văn bản Abel 1883.

Bản Trương Vĩnh Ký 1889 sau đó được tái bản nhiều lần, trở thành bản được dùng nhiều nhất, làm bản nền khi khảo chú các bản Lục Vân Tiên quốc ngữ xuất bản ở Nam Kỳ trước 1945, và cả các bản Bắc từ 1954 đến nay (Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Thạch Giang…).

            2.4. Truyền bản “Bản Bắc Lục Vân Tiên”: từ giản bản-bản Kinh đến giản bản Hà Nội

Truyền bản Bắc Lục Vân Tiên bao gồm các bản: Tụ Văn Đường (1897, 1924), Liễu Văn Đường (1916, 1921), Phúc Văn Đường (không đề năm). Giới nghiên cứu mặc nhiên cho rằng các bản Lục Vân Tiên ở Bắc Kỳ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các bản Nôm từ Sài Gòn ra mà bản khắc in đầu tiên ở Hà Nội là Tụ Văn Đường 1897. Nguyễn Thạch Giang viết: “Bản sớm nhất hiện nay chúng ta có là bản Vân Tiên cổ tích tân truyện của hiệu khắc ván Tụ Văn Đường ở phố Hàng Gai, in năm Thành Thái thứ 9 (1897) (…) Bản Vân Tiên cổ tích tân truyện của hiệu khắc ván Liễu Văn Đường in năm Khải Định thứ sáu (1821) đã dựa vào bản của Tụ Văn Đường mà khắc lại, cho nên cả hai bản hầu như không có dị đồng nào đáng kể, hai mà như một vậy”[3]. Tuy nhiên mọi người không ngờ là truyền bản Bắc Kỳ lại chỉ là phiên bản của giản bản Kinh đô Huế, có thể gọi là “bản Kinh” mà khởi đầu là bản Vân Tiên cổ tích tân truyện 雲僊古跡新傳- Lăng Vân Đường tàng bản, khắc in năm Đồng Khánh thứ nhất (1886).

Bảng 5: Giản bản – bản Kinh

Việc phát hiện ra bản Kinh chính là từ sự phát hiện ra bản truyện tranh Lục Vân Tiên nằm im lìm 112 năm ở Thư viện Viện Pháp (Institut de France) ở Paris. Năm 2016 với sự dày công nghiên cứu của tập thể các nhà nghiên cứu, NXB. Văn hoá Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, NXB.École française d'Extrême-Orient Paris đã cho ra mắt công trình Lục Vân Tiên cổ tích truyện/ Histoire de Lục Vân Tiên/ The story of Lục Vân Tiên, 2 tập với 4 thứ chữ: Nôm, Quốc ngữ, Pháp (bản dịch của Abel des Michel) và Anh. Trong bản này có truyện tranh Lục Vân Tiên do một người hoạ sĩ cung đình tên là Lê Đức Trạch vẽ, văn bản Nôm mà ông sử dụng để chép lại là bản Vân Tiên cổ tích tân truyện 雲僊古跡新傳- Lăng Vân Đường tàng bản, khắc in năm Đồng Khánh thứ nhất (1886).

Bản Lục Vân Tiên, Lăng Vân Đường 1886 đã ra Bắc, được các phường khắc chữ ở Hàng Gai khắc lại thành các bản: Tụ Văn Đường 1897 (có bản chép tay lưu ở Thư viện ĐH Yale), Tụ Văn Đường 1924; Liễu Văn Đường 1916, 1921. Còn bản “Bảo Đại 1927” (quyển số 12 trong Bảng 1 ở trên) có chữ Nôm khắc in rõ đẹp, gần giống với chữ bản Lăng Vân Đường 1886, cho thấy nguồn gốc của nó vẫn là tiếp tục dòng bản Kinh Lục Vân Tiên ở Huế.

Giản bản Bắc (bao gồm giản bản Huế (bản Kinh), giản bản Hà Nội) không giống với giản bản Nam, dù cũng thuộc hệ giản bản. Xem bảng so sánh dưới đây.

Dấu hiệu so sánh Bảo Hoa Các (Phồn bản) Abel 1883 (Giản bản Nam) Lăng Vân đường 1886(Giản bản Bắc)
1. 2174 câu 2088 câu 2055 câu
2. Có thơ Nguyệt Nga tặng Vân Tiên (giữa câu 222-223) Không có (sau câu 220). Có thơ Nguyệt Nga tặng Vân Tiên (từ câu 216-224).
3. Thầy Vân Tiên giả làm ông Quán để giúp Vân Tiên (14 câu: 439-452) Không có (sau câu 438). Không có (sau câu 448).
4. Nguyệt Nga gặp lại Vân Tiên, từ giã lão bà về thăm cha (34 câu:  1977-2010) Không có (sau câu 1994). Không có (sau câu 1955).
5. Vân Tiên gặp lại Tiểu Đồng ở Đại Đề (34 câu : 2017-2040) Vân Tiên gặp lại Tiểu Đồng ở Đại Đề nhưng lời khác nhiều phồn bản (28 câu: 2001-2028) Vân Tiên gặp lại Tiểu Đồng ở Đại Đề, lời gần giống phồn bản (30 câu: 1962-1991).
6. Vân Tiên cưới Nguyệt Nga. Vân Tiên cưới Nguyệt Nga, câu kết: “Sinh con sau nối gót lân đời đời”. Vân Tiên cưới Nguyệt Nga. Câu 2019: “Sinh con được nối gót lân đời đời”. Sau đó thêm 6 câu nữa mới hết: “Hiềm vì cách trở đôi nơi (…) Căn do từ ấy vài lời mà thôi.
Vân Tiên, Hớn Minh, Tử Trực thăm ông Quán nhưng ông đã đi đâu không biết đâu. Đến thăm thầy. Đúng lúc ấy Sở vương cho người gọi về, vì không có con nên  nhường ngôi cho Vân Tiên mà quy y. Câu kết: “Thảnh thơi nhà nước trị an/ Ra tay tả truyện lưu truyền hậu lai”  (82 câu:  2093-2174) Không có đoạn này Không có đoạn này
Bảng 6: So sánh Phồn bản, Giản bản Nam, Giản bản Bắc

Từ bảng so sánh trên có thể thấy:

- Bản Kinh “Lăng Vân Đường 1886” đúng là giản bản, vì: số câu dưới 2100 câu (cụ thể: 2055 câu), chi tiết 2, 3 không có, và nhất là đoạn kết Sở Vương nhường ngôi cũng không có.

- Giản bản-bản Kinh “Lăng Vân Đường 1886” được hình thành từ giản bản Nam (Janneau, Abel des Michels hoặc bản nguồn của 2 bản này), nhưng trong khi chỉnh sửa chắc chắn người biên tập có biết đến phồn bản Bảo Hoa Các, vì có bài thơ Nguyệt Nga tặng Vân Tiên, và vì đoạn Vân Tiên gặp lại Tiểu Đồng ở Đại Đề, lời gần giống phồn bản, chứ không giống giản bản Nam.

- Bản “Lăng Vân Đường 1886” truyền ra Bắc, được tiếp thu và khắc in ở nhà Tụ Văn Đường (1897, 1924), Liễu Văn Đường (1916, 1921), vì các bản này rất giống bản Lăng Vân Đường, kể cả đoạn kết: “Sinh con được nối gót lân đời đời” và thêm 6 câu kết bằng: “Căn do tự ấy mọi nhời mà thôi.”

- Bản “Lăng Vân Đường 1886” ra Bắc bằng chữ Nôm, nên bản quốc ngữ Bắc đều phiên theo giọng Bắc cả, ví dụ: Vũ công (Võ công), Vũ Thái Loan (Võ Thể Loan), Hán Minh (Hớn Minh), Xương Tòng (Thương Tòng), Sóc phương (Sóc phang)…Từ giản bản Bắc này mà tạo ra các quyển quốc ngữ mà tiêu biểu nhất là bản Đinh Xuân Hội (Lục Vân Tiên dẫn giải, Đinh Xuân Hội, Tân Dân xuất bản phát hành, in lần đầu 1930, tái bản 1943). Sau 1954, các nhà nghiên cứu mới dùng giản bản Trương Vĩnh Ký nên mới phiên âm theo đúng giọng Nam.

- Lưu ý: Ngoài giản bản-bản Kinh “Lăng Vân Đường 1886”, thì phồn bản cũng ra Bắc và được chỉnh sửa, từ đó mới tạo ra các bản Quốc ngữ: Ngọc Xuân 1924, Kim Khuê 1927, Nghiêm Liễn 1927.

Để cho dễ theo dõi, chúng tôi xin tóm lược các hệ bản, truyền bản Lục Vân Tiên như bảng dưới đây:

Bảng 7: Bảng tóm tắt Bảng các hệ bản, truyền bản Lục Vân Tiên
Hệ bản Truyền bản Các văn bản Nôm Các bản Quốc ngữ
Phồn bản Duy Minh Thị (khắc sai) 1.“Bảo Hoa Các-Quảng Thạnh Nam 1865”, 2.“Bảo Hoa Các-Thiền Phước Lộc”, 3.“Thiên Bảo Lâu”, 4.“Bảo Hoa Các-Phật Sơn”,  5. “Vĩnh Hòa Nguyên”, 6.“Anh Hoa thư cục”, Nguyễn Kim Đính 1929, Nguyễn Quảng Tuân 2008
Kim Ngọc Lâu (khắc lại cho đúng) 7.“Kim Ngọc Lâu 1874”, 8.“Kim Ngọc Lâu (không rõ năm)”. Trần Nghĩa&Vũ Thanh Hằng 1994
Giản bản Giản bản Nam  9. bản “Abel 1883” (Janneau 1874, Trương Vĩnh Ký 1889) Nguyễn Văn Thình 1928, Khấu Võ Nghi 1933, Phủ Quốc vụ khanh 1973, Nguyễn Thạch Giang 1976, Lạc Thiện 1992, Thích Thanh Sơn 2015, Ca Văn Thỉnh 1980, Ban Văn học  1982 …
Giản bản Bắc: từ bản Kinh đến bản Hà Nội 10.“Lăng Vân Đường 1886”, 11.“Lăng Vân Đường-Lê Đức Trạch 1897”, 12. “Bảo Đại 1927”, 13.“Tụ Văn Đường”, 14. “Liễu Văn Đường”, 15.“Phúc Văn Đường”. Ngọc Xuân 1924, Kim Khuê 1927,  Nghiêm Liễn 1927, Quốc hoa 1960…

Các bản Quốc ngữ viết tắt trên, đầy đủ các yếu tố văn bản là:

Lục Vân Tiên, Nguyễn Kim Đính dịch (Tín Đức thư xã, Gia Định: Impr. Đông Pháp, in lần thứ nhất 1929, tái bản 1930, 1931).

Lục Vân Tiên, Người xuất bản Phạm Văn Thình (S.: Impr. Xưa Nay (Nguyễn Háo Vĩnh), in lần thứ hai, 1928, tái bản 1929, 1931, 1932, 1942); Lục Vân Tiên, Khấu Võ Nghi chép ra Quốc ngữ (Nguyễn Quới Loan xuất bản, S.: Impr. Xưa Nay in lần thứ nhất 1933, tái bản 1937, 1938); Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Lục Vân Tiên (Sài Gòn, 1973); Lục Vân Tiên - chữ Nôm và Quốc ngữ đối chiếu, Lạc Thiện phiên âm (NXB.TP.HCM, 1992); Lục Vân Tiên ca diễn, Thích Thanh Sơn phiên âm (NXB.Lao động, 2015).

Lục Vân Tiên truyện, Nguyễn Ngọc Xuân biên tập (Hải Phòng: Impr. Văn Minh, 1924, bán ở hiệu Ích Ký); Lục Vân Tiên (Hà Nội: Kim Khuê xuất bản, 1927); Nghiêm Liễn dịch, Lục-Vân-Tiên: Poème annamite de Nguyễn Đình Chiểu (Impr. Le Van Tan, Hà Nội, 1927); Trọng Phủ Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên, Quốc hoa xuất bản (Sài Gòn, 1960, tái bản 1963). 

 

Kết luận

Vấn đề văn bản Lục Vân Tiên rất phức tạp như trên đã thấy. Lý do là do Nguyễn Đình Chiểu không thể tự mình viết ra chữ Nôm và chỉnh sửa văn bản tác phẩm của mình. Tác phẩm được truyền ra ngoài thì thành của chung thiên hạ theo quan niệm “Văn hành công khí” (文行公器), nên ai cũng có thể tự ý sửa chữa, thêm thắt. Bản Nôm ở Gia Định thường nhờ các nhà in Quảng Đông khắc ván, mà các thợ này không biết chữ Nôm, lại khắc ẩu nên sai sót rất nhiều. Sau đó Lục Vân Tiên được lưu truyền ra Huế được các thợ Huế khắc in. Bản in ở Huế thường rõ đẹp, ít sai sót. Tuy nhiên trước khi khắc in đã có người chỉnh sửa tác phẩm theo ý mình rồi. Từ Huế Lục Vân Tiên ra Hà Nội, được các phường khắc chữ Hàng Gai khắc lại. Chữ của phường khắc này ít sai như thợ Quảng Đông, nhưng khá xấu. Từ các bản Nôm này mới hình thành các bản Lục Vân Tiên bằng chữ Quốc ngữ với hàng trăm lần xuất bản, suốt từ cuối thế kỷ XIX cho đến nay.

Từ tình hình văn bản Nôm Lục Vân Tiên như thế, có thể rút ra những bản đáng chú ý sau đây:

- Bản cổ nhất là Bảo Hoa Các tàng bản - Quảng Thạnh Nam phát thụ 1865. Đây là bản dài với 2174 câu, có đoạn cuối Vân Tiên về thăm thầy rồi được Sở nhường ngôi, gọi là Phồn bản. Bản này được nối bản liên tục, chỉ thay bìa và không đề năm in mà thành các bản: “Bảo Hoa Các-Thiền Phước Lộc”, “Thiên Bảo Lâu”, “Bảo Hoa Các-Phật Sơn”. Cho đến năm 1880 người ta vẫn tiếp tục khắc bản mới, thành các bản  “Vĩnh Hòa Nguyên”, “Anh Hoa thư cục” với tất cả các lỗi sai của bản Bảo Hoa Các ở trên. 

- Bản tốt nhất thuộc hệ phồn bản là bản “Kim Ngọc Lâu 1874” do nó được một học giả nào đó chữa lại rất kỹ các chữ giả tá khó đọc, các lỗi khắc sai từ phồn bản Bảo Hoa Các rồi đưa cho nhà Kim Ngọc Lâu (Quảng Đông) khắc ván lại vào năm 1874. 

- Bản tốt nhất hiện nay thuộc hệ giản bản: Giản bản là bản được biên tập gọn lại dưới 2100 câu, trong đó đáng chú ý nhất là cắt bỏ đoạn cuối: Vân Tiên về thăm thầy rồi được Sở nhường ngôi. Giản bản được phiên ra quốc ngữ từ sớm. Bản Quốc ngữ đầu tiên là bản “Janneau 1873”, bản được viết lại thành chữ Nôm và được biên tập khoa học nhất là bản “Abel 1883”, bản Quốc ngữ rõ ràng, trôi chảy nhất là “Trương Vĩnh Ký 1889”.

- Giản bản, đồng thời là bản Kinh Lục Vân Tiên tiêu biểu nhất là bản “Lăng Vân Đường 1886”. Bản này được chép lại mà thành bản truyện tranh “Lăng Vân Đường-Lê Đức Trạch 1897”, truyền ra Hà Nội mà thành các bản “Tụ Văn Đường”, “Liễu Văn Đường”, “Phúc Văn Đường” với nhiều lần in khác nhau.

Lần lượt các bản Nôm tiêu biểu đã được phiên âm, khảo thích thành các bản Quốc ngữ. Ngày nay nếu phiên âm, khảo dị thì cần căn cứ vào các truyền bản trên, không cần đi vào tất cả các bản có trong tay. Việc hiệu chỉnh để cho một bản Lục Vân Tiên tốt cũng cần căn cứ vào các hệ bản, truyền bản ấy.

Đoàn Lê Giang

PGS.TS, Trường Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM/ University of Social Sciences and Humanities, VNU-HCM; Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (178) 2023, tr.65-81

 

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Văn học (1981), Theo Thư mục về Nguyễn Đình Chiểu do Ban Văn học Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM biên soạn, Ty Văn hoá và Thông tin Long An xuất bản
  2. Ban Văn học Viện KHXH tại TP.HCM (1982), Lục Vân Tiên, Ty Văn hóa Thông tin tỉnh Bến Tre
  3. Ca Văn Thỉnh (1980), Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Thạch Giang biên khảo và chú giải, tập I, NXB. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội
  4. Khuông Việt (1943), “Những bổn Lục Vân Tiên đã xuất bản”, Nam Kỳ tuần báo số 41 (26/6/1943), Sài Gòn
  5. Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích (1976), Truyện Lục Vân Tiên, NXB.Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
  6. Nguyễn Quảng Tuân phiên âm, khảo thích (2008), Lục Vân Tiên truyện: Bản Nôm và bản quốc ngữ cổ nhất, NXB. Văn học, Trung tâm nghiên cứu quốc học, 2008
  7. Pascal Bourdeaux & Olivier Tessier (2016), Lục Vân Tiên cổ tích truyện/ Histoire de Lục Vân Tiên/ The story of Lục Vân Tiên, NXB. Văn hoá Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, NXB.École française d'Extrême-Orient Paris, tập 2
  8. Trần Nghĩa & Vũ Thanh Hằng phiên âm, khảo thích (1994), Lục Vân Tiên truyện: Bản Nôm mang niên đại cổ nhất mới sưu tầm ở Paris, NXB.Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.


[1] Lời nói đầu bản dịch truyện Lục Vân Tiên của Aubaret, Vũ Đình Liên dịch, in trong: Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích, Truyện Lục Vân Tiên, NXB.Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1976, tr.319

[2] Khuông Việt, “Những bổn Lục Vân Tiên đã xuất bản”, Nam Kỳ tuần báo số 41 (26/6/1943), Sài Gòn

[3] Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Thạch Giang biên khảo và chú giải, Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, tập I, NXB.Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1980, Hà Nội, tr.77

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website