Trúc Hà, nhà văn Hà Tiên khởi nghiệp trên đất Bắc

Nguyễn Thị Phương Thuý

Khoa Văn học và Ngôn ngữ,

Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM

Lịch sử văn học, báo chí quốc ngữ nửa đầu thế kỳ XX đã quen thuộc với việc nhiều nhà văn, nhà hoạt động báo chí miền Bắc, miền Trung vào Nam gây dựng sự nghiệp và trở thành những cây bút lừng danh. Báo chí miền Nam thời đó có những tờ là nơi tụ hội của các tác giả đang sinh sống trên khắp ba miền. Trong khi đó, hiếm có nhà văn miền Nam nào lại chọn báo chí miền Bắc làm nơi góp tiếng. Có thể bởi Sài Gòn – Gia Định vốn là vùng đất mới phóng khoáng và năng động, dễ đón nhận cái mới từ phương xa nên cũng dễ chấp nhận sự khác biệt và đa dạng của những vùng miền trong nước, không chỉ trên lĩnh vực văn chương mà còn cả trong lối sống và sinh hoạt. Ngược lại Hà Nội từng là kinh kỳ ngàn năm, có niềm kiêu hãnh và khép kín riêng. Hơn nữa, trong cái nhìn của các nhà văn miền Bắc thời bấy giờ, văn chương Nam bộ không được gọi là văn chương. Họ đã từng “bỏ  quên” văn học Nam bộ ngay trong những ngày nó phát triển thịnh vượng nhất.

Tuy nhiên, giữa hoàn cành ấy cũng có những nhà văn Nam Bộ đã ghi dấu tên tuổi mình giữa lòng văn học miền Bắc. Trong số đó, Đông Hồ ở tận Hà Tiên là cái tên được nhắc đến nhiều nhất, gắn liền với tờ báo nổi tiếng Nam Phong tạp chí. Nhưng mấy ai biết được rằng tác giả của bài phê bình trên báo Nam Phong lâu nay vẫn được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến Lược khảo sự tiến hoá của quốc văn qua lối viết tiểu thuyết, nhà văn Trúc Hà, lại chính là người đồng hương xứ Hà Tiên của Đông Hồ. Cũng như Đông Hồ, Trúc Hà là một trong số không nhiều những nhà văn miền Nam cộng tác với báo Bắc, hơn nữa, lại chọn tờ báo này làm nơi khởi nghiệp văn chương. Ông cũng được vinh danh là một trong Hà Tiên tứ tuyệt (gồm Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê và Trúc Hà) nổi tiếng một thời.

1.     Trúc Hà và quê hương Hà Tiên

Trúc Hà tên thật là Trần Thiêm Thới, sinh quán tại Hà Tiên (nay là tỉnh Kiên Giang). Hiện không có tài liệu nào cho biết chính xác ngày sinh và thời điểm qua đời của Trúc Hà, chỉ biết ông trạc tuổi với Đông Hồ và mất sau khi báo Sống đình bản (1935) vài năm vì bệnh lao phổi. Đông Hồ thi nhân kỷ niệm đường ở Hà Tiên còn lưu giữ vài dòng tưởng niệm được treo trang trọng trên tường:

“Trúc Hà Trần Thiêm Thới 1909-1937, cháu gọi Đông Hồ bằng cậu: nhà văn nhà thơ nhà giáo cùng với Đông Hồ chủ trương tuần báo Sống ở Sài Gòn năm 1935. Sau đó chuyên dạy Việt văn ở các trường tư thục Lê Bá Cang, Huỳnh Khương Ninh (…)”

Nhưng trên Đại Việt tập chí Nam Kỳ tuần báo, mãi đến các năm 1942 – 1943, vẫn có những bài viết ký tên Trúc Hà. Bài viết cuối cùng đăng trên Nam kỳ tuần báo số ra tháng 6/1943. Có thể đưa ra ba trường hợp để lý giải. Thứ nhất: những bài viết đó là di cảo của Trúc Hà được bạn bè, người thân gửi đến toà báo; thứ hai: đây là một Trúc Hà nào khác, không phải Trúc Hà Trần Thiêm Thới; thứ ba: Trúc Hà Trần Thiêm Thới vẫn sống đến tháng 6/1943, không phải mất năm 1937. Trường hợp đầu tiên không thể xảy ra, vì trong số những bài báo ký tên Trúc Hà trên Nam Kỳ tuần báo có những bài mang tính xã luận bám rất sát với tình hình thời sự những năm 1942-1943. Trường hợp thứ hai cũng khó có thể. Trúc Hà Trần Thiêm Thới lúc sinh thời theo đánh giá của Nguyễn Hiến Lê là “khá có tiếng tăm” [1]. Ngày ấy, số người làm báo không quá đông đúc như bây giờ, một nhà báo, nhà văn có tiếng đã khẳng định được “thương hiệu” thì ít ai lấy trùng bút danh, nếu có thì cũng tìm cách phân biệt nó với bút danh của người đi trước. Chỉ còn trường hợp thứ ba là khả dĩ, nghĩa là Trúc Hà vẫn sống đến năm 1943, chứ không phải đã mất năm 1937.

Vậy ông mất vào thời điểm nào? Nguyễn Hiến Lê khẳng định ông mất trước 1945: “như Trúc Hà, cũng quê ở Hà Tiên, có họ hàng với Đông Hồ, khá có tiếng tăm, mất trước 1945” 1. Nguyễn Phước Thị Liên trong bài viết về Hà Tiên tứ tuyệt có cung cấp chi tiết về Trúc Hà, “khi qua đời tại Sài Gòn, ông được đưa về Hà Tiên chôn cất vội vàng, đắp một đất tạm. Sau đó là thời kỳ Tây tái chiếm Hà Tiên, Đông Hồ, Mộng Tuyết sơ tán về Sài Gòn, lâu ngày không ai lập mộ bia cho ông.”[2]. Thực dân Anh đổ bộ đến giải giới quân Nhật và giúp thực dân Pháp đặt ách thống trị lại ở các tỉnh miền Tây từ 1945. Từ những căn cứ nói trên, có thể đoán chừng thời gian mất của Trúc Hà trong khoảng từ nửa cuối 1943 đến 1944.

Quê hương Hà Tiên ảnh hưởng nhiều đến việc hình thành nên tính cách và văn nghiệp Trúc Hà. Mảnh đất cực Tây Nam Tổ quốc này được xem là một xứ sở kỳ lạ của phương Nam. Giữa đồng bằng bát ngát, tuy trù phú nhưng giản dị đến nhàm chán, thiên nhiên đã phá vỡ sự tĩnh lặng của tầm mắt con người bằng một khung cảnh bồng lai khác lạ với trời mây non nước, đá tạc sóng xô. Mũi đất nhỏ bé này gom góp và thu nhỏ dung quang đất nước, với hang sâu động hiểm, sông nước hữu tình, trời biển mênh mông, chùa chiền u tịch… thổi vào lòng người niềm tưởng tượng say mê để thêu dệt nên bao nhiêu huyền thoại: câu chuyện về những nàng tiên tắm nơi dòng sông lạ, truyền thuyết hòn Phụ Tử có hai cha con nhà chài lưới diệt thuồng luồng cứu dân lành để rồi khi chết hoá thành hai hòn đá trông về phía biển; chuyện kể Thạch Sanh cũng được người dân khẳng định là xuất phát từ vùng đất này với những chứng tích còn sót lại như Thạch Động, Châu Nham… Lịch sử Hà Tiên là lịch sử của những cuộc khẩn hoang chung với cả miền Nam, nhưng bởi là vùng biên ải, nên đó còn là lịch sử của những cơn binh biến chống ngoại xâm. Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích đều là những vị tướng tài. Thế nhưng người ta nhớ nhiều hơn đến nơi cuối đất quê hương này là ở nét văn hoá, văn chương như một sợi chỉ dài nối liền từ miền đất Tổ. Hà Tiên trong sách vở còn có tên là Văn hiến quốc. Đã có câu thơ:

Từ phú tăng hoa Văn hiến quốc

Văn chương cao ngật Trúc Bằng Thành. [90; 19]

Trúc Bằng Thành hay Phương Thành đều là những tên gọi khác của Hà Tiên. Tao đàn Chiêu Anh các thế kỷ XVIII là niềm tự hào của xứ sở này. Tác phẩm Hà Tiên thập vịnh (chữ Hán) và Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh (tự dịch sang chữ Nôm) của chủ soái tao đàn Mạc Thiên Tích qua ba thế kỷ vẫn gợi niềm kiêu hãnh, say mê trong bao thế hệ người Hà Tiên.

Trúc Hà sinh ra trên mảnh đất đặc biệt ấy, từ thơ ấu đã trông thấy núi Tô Châu bình thản trên làn nước Đông Hồ, ngày ngày nghe tiếng Tiêu Tự thần chung vang vọng, chân được dạo đến những danh thắng Kim Dự, Bình San, Nam Phố, Giang Thành, Thạch Động, Châu Nham, Lộc Trĩ, Lư Khê, những nơi còn lưu lại chuyện kể ngày xưa thuở họ Mạc lẫy lừng một cõi, chiêu mộ anh hào bốn phương, dạ đã thuộc lòng và tim óc đã say mê những bài vịnh thiên nhiên thơ mộng mà nặng trĩu tâm tư. Mảnh đất này như một mạch ngầm hun đúc nên tính cách, tâm hồn và văn chương Trúc Hà, cũng như đối với những người bạn đồng thời khác của ông. Tìm hiểu văn nghiệp Trúc Hà, không khó để nhận ra ảnh hưởng của quê hương, từ bút danh, đến địa danh bối cảnh trong tác phẩm, đến tư tưởng và quan niệm văn chương cũng như văn phong mà ông gìn giữ và trau chuốt.

Là cháu gọi Đông Hồ Lâm Tấn Phác bằng cậu, Trúc Hà đặc biệt gắn bó với họ Lâm. Dòng họ này đời đời theo Nho học, còn giữ lại những nét văn hoá Trung Hoa sâu đậm. Thuở nhỏ, Trần Thiêm Thới cùng em trai Trần Văn Quyện được đưa về ở chung nhà với Lâm Tấn Phác, khi ấy đã được bá phụ Lâm Tấn Đức, một người nổi tiếng văn hay chữ tốt của dòng họ, cưu mang nuôi dưỡng. Vì vậy họ tuy vai vế khác nhau nhưng thân nhau như anh em. Nguyễn Hiến Lê từng kể về Đông Hồ: Thiếu thời Đông Hồ được cụ (Lâm Tấn Đức- người viết chú thích) dạy dỗ, đào tạo trong nền cổ học, gần như không ra khỏi Hà Tiên, không được đọc gì khác ngoài văn thơ Hán Nôm. Vì vậy tâm hồn ông gần với tâm hồn các nhà nho Bắc, Trung hơn các người Nam đồng thời với ông ở miền Đông, chẳng hạn Hồ Biểu Chánh.”[3]. Vì lớn lên cùng nhau nên những ảnh hưởng từ thời thơ ấu ấy tác động lên Đông Hồ bao nhiêu thì cũng ảnh hưởng bấy nhiêu lên Trúc Hà.

Học xong sơ học ở Hà Tiên, Trúc Hà thi đậu vào bậc thành chung trường Trung học Cần Thơ (Collège de Cần Thơ) năm 1925. Ông là một trong những học trò đầu tiên của Hà Tiên học ở ngôi trường danh tiếng này, nơi sản sinh ra nhiều nhân vật nổi danh như Ung Văn Khiêm, Hồ Hữu Tường, Trần Đại Nghĩa, Sơn Nam… Do tham gia viết báo tường mang nội dung ái quốc, nên Trúc Hà cùng với Ung Văn Khiêm, Hồ Hữu Tường… bị đuổi khỏi trường khi chưa kết thúc năm thứ nhất thành chung. Bút hiệu Trúc Hà cũng xuất hiện từ ngày đó. Giống như người bạn thời thơ ấu Đông Hồ và sau này là đàn em Lư Khê, ông cũng chọn cho mình một bút danh ghi nhớ đến Hà Tiên quê nhà. Trúc Hà chính là sự kết nối của hai tên gọi cùng chỉ một địa danh lớn: Trúc Bằng Thành và Hà Tiên. Rời khỏi trường, ông trở lại Hà Tiên, tiếp tục rèn luyện quốc văn theo chí hướng của Đông Hồ. Những biến cố thời kỳ này đã hé mở một tính cách năng nổ, hăng hái với thời cuộc, giàu tinh thần dấn thân, về sau thể hiện rất rõ trong văn nghiệp của ông.

2.     Khởi nghiệp trên đất Bắc với Nam Phong tạp chí

Đông Hồ Lâm Tấn Phác chính là cái gạch nối đưa Trúc Hà đến với Nam Phong tạp chí. Đông Hồ đã đọc Nam Phong từ năm 1922 và có bài cộng tác với tạp chí này từ năm 1923[4]. Ông có hẳn một căn gác nhỏ để viết lách, lưu trữ sách vở cùng Nam Phong tạp chí và ưu ái gọi nó bằng cái tên “Nam Phong các”. Trúc Hà được bạn đưa đến nơi này và giới thiệu cho tờ báo yêu thích. Ông bắt đầu làm quen với Nam Phong từ đó. Sang năm sau, 1927, bài viết của ông đã xuất hiện trên tờ tạp chí này.

          Tác phẩm đầu tiên của Trúc Hà trên Nam Phong tạp chí là một bài thơ dịch từ thơ Pháp L’isolement (Cô đơn) của Lamartine. Sau đó, ông liên tục viết cho Nam Phong những bài luận bàn về xã hội, văn chương: Câu chuyện dưới trăng, Quốc văn đối với công dụng và thời gian, Chuyện tao đàn, Nhà nho có lẽ chịu sầu… Chính những bài viết này đã định hình cho khuynh hướng sáng tác, bình luận của Trúc Hà về sau. Người thanh niên độ tuổi hai mươi đã tỏ ra rất sắc sảo và vững vàng trong những luận điểm khẳng định giá trị của văn chương, bênh vực sự tiến bộ của cái mới đồng thời rất tôn trọng tinh hoa cổ học.

Về kỹ thuật, trong những bài nghị luận này, ông thường hay hư cấu ra các nhân vật, giả định tình huống, hoặc đôi khi tưởng tượng mình đang trò chuyện với một người bạn xa nào đó, giúp bài viết thêm phần thuyết phục, gần gũi với đời thường và có vẻ xác thực. Tuy là văn nghị luận, nhưng Trúc Hà đưa vào tác phẩm không ít những dòng tả tình tả cảnh đầy cảm xúc. Những trường đoạn trữ tình này ít nhiều phá vỡ kết cấu bài viết, khiến tác phẩm trở nên rườm rà, nhưng mặt khác lại có khả năng truyền cảm đến người đọc. Đồng thời, đây còn là tàn dư của một thời đại văn chương bất phân thể loại, không chia phong cách. Văn chương trong những tác phẩm nghị luận đầu tiên này của Trúc Hà vẫn còn đậm nét truyền thống, nhiều đoạn vẫn còn đăng đối biền ngẫu hay sử dụng hình ảnh ước lệ tượng trưng, đặc biệt là trong những đoạn văn miêu tả.

“Sách là có ích mà xem sách thì nên bỏ những cái lòng áy náy về sự cầu phú cầu quý, băn khoăn về sự cầu lợi cầu danh đi, để mà vui với gió mây, vui với non nước, vui với bạn trúc, vui với tình mai, vui với tiếng chim réo rắt ở đầu cành, vui với nét hoa tơi bời ở mặt nước, vui với ý vạn vật, vui với thợ hoá công, mở riêng ra một cái thế giới lạc thú hoà bình của người xem sách, cho con mắt người xem sách trông thấy được xa, cho con tâm người xem sách nghĩ ngợi cho được rộng, rồi mới lĩnh hội được cái lý thú ở trong sách và phát minh được cái tư tưởng ở ngoài sách… Chao ôi! Kẻ xem sách phải biết rằng mùi sách không ở sách, mà ở mây ở gió, ở cỏ ở hoa, ở tuyết ở trăng, ở sông ở núi, ở trong khuôn vũ trụ, ở trong vòng cổ kim, ở trong dạ kẻ thánh hiền, ở trong thân người hào kiệt vậy.” (Chuyện giáo dục ở Phương Thành)[5]

 Nam Phong tạp chí cũng là nơi ghi dấu những sáng tác văn chương đầu tiên của tác giả đất Hà Tiên này. Lời cảm cựu là một nhóm bốn tác phẩm in trên cùng một số Nam Phong, gồm các bài: Đi học, Hai cái sợ, Một bầy khỉ, Một cắc bạc. Đây là những mảng hồi ức của tác giả về thời thơ ấu. Chi tiết có khi xác thực đến từng năm. Văn phong trong những bài này đã tự nhiên hơn, không còn thấy dấu vết của biền ngẫu, đăng đối, có lẽ do đó là tản văn, nên gần với lời nói, cách nghĩ bình thường. Những hồi ức kể trên đều là nhịp cầu dẫn đến một sự chiêm nghiệm nào đó trước cuộc đời. Hiện lên ở những trang tản văn này một chân dung Trúc Hà hiền hoà, ít nói, phảng phất nỗi buồn, sâu đậm ưu tư và ít nhiều chán nản. Đằng sau những lời mạnh mẽ hô hào, những lý tưởng lớn lao, ông không giấu được những hoang mang thời đại, nỗi niềm chung của lớp thanh niên bấy giờ trước bao nhiêu biến thiên dữ dội của đời sống.

Tác phẩm đáng chú ý nhất của Trúc Hà trên Nam Phong tạp chí là bài phê bình văn học Lược khảo về sự tiến hoá của quốc văn trong lối viết tiểu thuyết, đăng liên tiếp trên ba kỳ báo năm 1932. Hầu như những nhà nghiên cứu sau này có nhắc đến Trúc Hà cũng là qua bài viết này. Công trình của ông gây chú ý vì nó thuộc vào số không nhiều những tác phẩm có tính chất tổng kết, đánh giá khái quát những thành tựu văn chương thời kỳ đó. Những năm 1930-1932 thường được các nhà nghiên cứu về sau xem là cột mốc của một giai đoạn văn học, kết thúc thời kỳ chuẩn bị để bắt đầu những tháng ngày thăng hoa rực rỡ của nền văn học mới với những thành tựu đỉnh cao. Cả mùa hương sắc 1930-1945 trưởng thành từ những năm tháng phôi thai trước, nhưng thành tựu của thời kỳ ấy lúc bấy giờ lại ít được ai để tâm, có lẽ mới trông qua nó mờ nhạt và ít ỏi. Vậy mà ngay năm 1932 đã có bài của một thanh niên mới 22 tuổi tổng kết một chặng đường quốc văn qua thể loại tiểu thuyết, khi mọi thứ vẫn còn tươi mới vô cùng.

Những tiểu thuyết được Trúc Hà khảo sát đều là tác phẩm của các tác giả miền Bắc, nhiều hơn cả vẫn là những người từng cộng tác với báo Nam Phong. Đây chính là điều khiến Trúc Hà không ngớt bị các bạn văn đương thời cũng như những nhà nghiên cứu ngày sau chỉ trích: học giả miền Bắc quên văn học miền Nam đã đành, đến Trúc Hà là người miền Nam, chưa một lần đặt chân lên đất Bắc, ấy thế mà cũng không công nhận văn học miền Nam. Hơn ba mươi năm sau ngày bài báo của Trúc Hà ra đời, khi tác giả đã ra người thiên cổ, Đông Hồ mới ngậm ngùi phân trần chuyện cũ. Việc này được Nguyễn Văn Trung kể lại:

“Sau khi Trúc Hà viết bài Lược khảo... ít lâu, ông lên Sài Gòn gặp Thiếu Sơn và nghe Thiếu Sơn trách tại sao “Chúng tôi biên khảo về tiểu thuyết mà lại bỏ quên, không đả động đến một nhà văn tiểu thuyết lớn trong Nam là Hồ Biểu Chánh”. Đông Hồ trả lời: “Bài biên khảo đó như nhan bài đã nêu, Trúc Hà chỉ nhìn một phương diện văn chương, chỉ theo dõi sự tiến hoá và phát triển của văn chương quốc ngữ trong lối viết chữ quốc ngữ mà thôi, chứ không phải là một bài biên khảo về tiểu thuyết toàn diện”. Theo câu trả lời của tôi lúc đó, đủ chứng tỏ rằng Trúc Hà và tôi không nhận thấy trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh có “văn chương”. Đã không thấy trong đó có văn chương thì có thấy đâu trong đó có sự tiến hoá của quốc ngữ mà nêu ra vấn đề...”7

Ngoại trừ cái “lỗi” lớn là bỏ qua văn xuôi quốc ngữ miền Nam, bài viết của Trúc Hà đã bao quát được sự phát triển của quốc văn trong hơn mười năm, từ 1919 đến 1932, điểm qua được những tác phẩm nổi trội, những cây bút tiêu biểu mà về sau vẫn được nhắc đến trong các công trình văn học sử. Tác giả theo dõi từng bước phát triển của quốc văn, từ thuở còn là những câu văn đăng đối biền ngẫu cho đến khi trở nên hết sức linh hoạt kỳ tình trong những tác phẩm tả chân hay lãng mạn về sau. Bài viết của ông chủ yếu tập trung vào sự biến đổi của lời văn, cách diễn đạt, mà theo khái niệm của ông là “phần phô diễn” trong tác phẩm. Công trình gây chú ý này ra đời năm 1932, gần như cùng lúc với những bài phê bình trên báo của Thiếu Sơn, người được xem là cha đẻ của nền phê bình hiện đại Việt Nam, vì thế cũng có thể xếp Trúc Hà vào lớp người đi tiên phong trong lĩnh vực này. Tác giả của Phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (1900-1945) đã xếp Trúc Hà vào nhóm phê bình truyền thống cùng với những tác giả nhà nho khác của Nam Phong như Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Bá Học, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng[6], có lẽ căn cứ vào bài tiểu khảo nói trên.

3.     Ảnh hưởng của Nam Phong tạp chí lên Trúc Hà

Khởi nghiệp văn chương trên Nam Phong tạp chí vốn không phải là điều đơn giản đối với một thanh niên mới mười tám tuổi ở tận Hà Tiên xa xôi. Để dễ dàng mường tượng hơn, có thể so sánh với những dòng Nguyễn Hiến Lê viết về Đông Hồ ngày trước:

“Ngày nay tên Đông Hồ đã quá quen thuộc, phải lùi lại thời đó, trên bốn chục năm trước – mới thấy ngôi sao Đông Hồ rực rỡ ra sao. Khắp nước chỉ có mỗi một tạp chí văn học, tờ Nam Phong; ai muốn được coi là trí thức cũng phải đọc Nam Phong, có thể nói ở Nam Việt làng nào cũng có người mua dài hạn Nam Phong; mà nhóm Nam Phong hầu hết gồm các học giả Bắc, chỉ có vài nhà gốc ở Trung. Vậy mà một người Nam, lại ở Hà Tiên nữa, mới ngoài hai mươi tuổi, chẳng có bằng cấp, thành tích gì cả mà chen chân được vào cái “hội” đó thì quả là phi thường. Chẳng những chen chân lại còn sắp vào hàng kiện tướng, viết nhiều và đủ loại, thơ, nghị luận, tuỳ bút, lịch sử, du kí. Đặc biệt nhất là giọng văn, y như một nhà cựu học đất Bắc có pha chút tân học, bóng bẩy, tô chuốt, du dương, trang trọng, thường dùng tiếng Bắc, khác hẳn giọng quá tự nhiên và hơi thô của các cây bút trong Nam thời đó.” [7]

Tuy không thuộc hàng “kiện tướng” như Đông Hồ nhưng nếu đánh giá theo cái nhìn của Nguyễn Hiến Lê thì việc chen chân vào hội Nam Phong đối với một thanh niên miền Nam như Trúc Hà cũng có thể gọi là “phi thường” ở thời điểm ấy. Trúc Hà cộng tác với Nam Phong trong một thời gian không ngắn, từ 1927 đến 1932 và cũng viết nhiều thể loại: dịch thơ, cảm tưởng, xã luận và đáng chú ý nhất là nghiên cứu, phê bình văn học. Bài phê bình Lược khảo sự tiến hoá của quốc văn qua lối viết tiểu thuyết vẫn đôi khi được nhắc đến khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu về văn xuôi Việt Nam đầu thế kỷ XX cũng như tìm hiểu về Nam Phong tạp chí, nhưng chẳng mấy ai bận tâm Trúc Hà là ai, có lẽ vì ông không thật sự nổi bật trong số các nhà cầm bút đã viết cho Nam Phong tạp chí. Điều đó cũng khá dễ hiểu, vì Trúc Hà đã ảnh hưởng không ít từ tờ báo này.

Trước hết là về mặt tư tưởng. Tôn chỉ và mục đích của Nam Phong tạp chí là cổ vũ và truyền bá cái mới của văn minh Âu Tây, tuy nhiên những người đứng đầu tờ báo đều là những nhà nho, nên vẫn coi trọng những tinh hoa cổ học. Trúc Hà đã học được ở Nam Phong sự dung hoà này. Nhưng suy cho cùng, tư tưởng Nam Phong chỉ là chất xúc tác cho những quan niệm của bản thân Trúc Hà được bộc lộ một cách rõ ràng. Những quan niệm và suy nghĩ ấy đã được hình thành từ quê hương và gia đình, từ những nền giáo dục mà tác giả được hấp thụ. Trúc Hà theo học hệ giáo dục Pháp – Việt, nhưng lại tự nhận mình là một nhà nho: “Kẻ thư sinh này bấy lâu vẫn hâm mộ cái nho vị và cũng may mà được nhập tịch vào nho giới, thật lấy làm hân hạnh lắm, nhưng mỗi khi trông thấy cảnh tượng nho lâm tiêu điều tịch mịch thì không sao khỏi lạ lùng.”[8] Sự dung hoà của bản thân đã khiến Trúc Hà đưa ra được những lập luận thuyết phục cho tư tưởng của mình, chứ không phải chỉ để minh họa cho chủ trương, đường lối của một tờ báo nổi tiếng. Nhờ vậy mà một cây bút trẻ tuổi như ông, mới trên dưới hai mươi, có thể xuất hiện trong hội Nam Phong, xếp cùng với nhiều học giả lão làng ngày ấy. Nếu như Đông Hồ nổi tiếng với đủ thể loại, tác phẩm, đặc biệt là với Linh Phượng ký, và được tung hô là một tác giả trẻ tài hoa thì Trúc Hà lặng lẽ hơn với những bài bình luận quốc văn, quốc ngữ và các vấn đề xã hội khác. Văn chương của Trúc Hà ngày ấy đã có chút gì nghiêm cẩn như một nhà nho lão thành, có lẽ vì thế mà người ta khó thấy được nét đặc sắc so với những tác giả khác trên Nam Phong chăng.

Nam Phong chính là tờ báo khởi xướng và luôn theo đuổi không mệt mỏi con đường xây dựng nền quốc văn, quốc ngữ và không thể phủ nhận chủ trương này của báo đã có ảnh hưởng hết sức sâu rộng. Đông Hồ, người nổi danh cả một đời gìn giữ “hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên” đã khẳng định rằng chính Nam Phong đã đánh thức nơi ông niềm say mê với quốc văn, quốc ngữ:

“Nằm nhà buồn buồn, tôi lấy mấy quyển sách ra xem thì là mấy tập Nam Phong cũ. Tôi giở từng số, xem qua một lượt. Tôi gặp bài thơ Le Lac của Lamartine dịch ra quốc ngữ của cô Lê Cẩm Nhung và của ông Nguyễn Văn Bông. Tôi để ý đọc, chỉ đọc bài quốc ngữ thôi, vì bài chữ Tây thì tôi đã thuộc lòng (…) Thì ra quốc văn có thể diễn nổi những cảnh sắc sảo sáng sủa của thơ Tây, và cũng có thể diễn nổi những ý tứ thâm trầm, những tư tưởng cao thượng của thơ Tàu. Tôi tỉnh ngộ. Tôi thấy rằng nước ta còn có chữ, giống ta còn có tiếng nói. Quốc văn ta có nghèo hèn kém cỏi gì đâu. Tôi bỏ Pháp văn, quay ra chuyên tâm học quốc ngữ. Cái duyên của tôi với báo Nam Phong cũng bắt đầu từ đó, mà cái cảm tình của tôi đối với tiếng nước nhà đằm thắm mặn mà cũng bắt đầu từ đó.”[9]

Và Đông Hồ lại là người đưa Trúc Hà đến với Nam Phong, cũng bằng chính những xúc cảm ban đầu ấy. Sau này, cả Đông Hồ lẫn Trúc Hà đều dành cả đời mình để gìn giữ quốc văn, quốc ngữ. Là thầy giáo dạy Việt văn ở trường trung học Lê Bá Cang và Huỳnh Khương Ninh, là nhà văn, nhà báo, Trúc Hà đã làm tất cả những gì có thể để gìn giữ tiếng Việt. Ông đã giúp Đông Hồ ở Trí Đức học xá, viết sách hướng dẫn rèn luyện quốc ngữ… Đáng kể nhất là việc ông đã đứng ra thành lập báo Sống, tờ báo mơ ước của nhóm bạn Trí Đức Hà Tiên, với tôn chỉ dùng văn chương để vun đắp tình yêu cuộc sống, tình yêu quê hương, cổ vũ quốc văn, quốc ngữ, đề cao thống nhất chữ viết và văn học cả nước. Đây là tờ báo đầu tiên ở Nam Bộ in đúng chính tả, nhất là hỏi ngã, một tiến bộ trong nghề làm báo ở Nam Bộ lúc đó như nhận định của Nguyễn Hiến Lê. Trong báo có mục Trong vườn Trí Đức làm công việc bình văn và giới thiệu các bài văn hay. Chính vì vậy mà báo thu hút được độc giả khắp trong Nam ngoài Bắc. Bốn câu thơ thường gắn với Trí Đức học xá của Đông Hồ, và thường xuất hiện trên thư từ của hệ hàm thụ, chính là do Trúc Hà dịch từ thơ của thi hào Frédéric Mistral:

Ríu rít đàn chim kêu

Cha truyền con nối theo

Huống là tiếng mẹ đẻ,

Ta lẽ nào không yêu?[10]

Một điểm nữa Trúc Hà ảnh hưởng từ Nam Phong tạp chí chính là văn phong. Văn chương của Trúc Hà những ngày cộng tác với báo này là kiểu cách văn chương của các nhà cựu học đất Bắc, trang trọng và tô chuốt, khác hẳn với văn xuôi quốc ngữ miền Nam cùng thời, mộc mạc, giản đơn, nhiều khi đến mức thô thiển. Có khi, Trúc Hà còn sa vào những ước lệ câu thúc của văn học một thời đã qua. Ngay cả trong quan niệm của ông lúc đó, ông cũng không thừa nhận văn học miền Nam đương thời. Bằng chứng là trong công trình khảo về tiểu thuyết Việt Nam của mình đăng trên Nam Phong, ông không hề điểm tên một nhà văn Nam Bộ nào.

Tất cả những yếu tố kể trên, khiến cho Trúc Hà, cùng với bè bạn của mình, một thời bị kết tội là “thân Bắc Kỳ”[11], trong khi ước muốn của họ, giản dị chỉ là nối hai miền Nam Bắc, xoá nhoà những phân biệt, rẽ chia, vì tất cả đều là người Việt Nam, nói tiếng Việt Nam. Tuy nhiên, sự nhiệt tình này đôi lúc cũng khiến họ rơi vào trạng thái cực đoan, tức là đề cao văn chương miền Bắc mà vô tình phủ nhận văn chương miền Nam.

*

Nam Phong tạp chí đã mang đến cho Trúc Hà một sự khởi nghiệp khá thành công trên đất Bắc, nhưng ông lại không gắn bó dài lâu với văn học, báo chí nơi này. Sống trong lòng văn học Nam Bộ, ông đã gắn cuộc đời mình với báo chí Nam Bộ như một tất yếu. Rời Nam Phong, ông cộng tác với các báo miền Nam: Phụ nữ tân văn, Nay, Đại Việt tập chí, Nam Kỳ tuần báo… cho đến tận ngày từ trần vì bệnh tật, và đã có những đóng góp nhất định cho nền báo chí, văn học quốc ngữ Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX. Nam Phong tạp chí đã góp phần làm nên một Trúc Hà nhạy bén với cái mới, đầy tinh thần dấn thân nhưng đồng thời cũng rất cẩn trọng, biết nâng niu những di sản quá khứ. Từ khởi đầu tốt đẹp ấy mà Hà Tiên, cũng như miền Nam nói chung có thêm một nhà văn có năng lực và giàu tâm huyết trong những năm tháng văn học, báo chí quốc ngữ còn nhiều khó khăn. Ông xứng đáng được vinh danh là một trong Hà Tiên tứ tuyệt.

 

 

Tài liệu tham khảo

1.     Nguyễn Hiến Lê, (2005), “Đất Hà Tiên với họ Mạc và họ Lâm”, Mười câu chuyện văn chương, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.109-127.

2.     Nguyễn Phước Thị Liên, (2008), “Chuyện ít người biết”, Chiêu Anh Các, (số đặc biệt kỷ niệm 300 năm lập trấn Hà Tiên), tr.48-51.

3.     Võ Văn Nhơn, (2007), 100 câu hỏi đáp về Gia Định – Sài Gòn TP Hồ Chí Minh: Văn học quốc ngữ trước 1945, Nxb. Văn hoá Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh.

4.     Mộng Tuyết, (1998), Núi Mộng gương Hồ, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

5.     Hồ Hữu Tường, (1971), 41 năm làm báo, Nxb. Trí Đăng, Sài Gòn.

6.     Trương Ngọc Tường, Nguyễn Ngọc Phan, (2007), 100 câu hỏi đáp về Gia Định – Sài Gòn TP Hồ Chí Minh: Báo chí ở TP. HCM, Nxb. Văn hoá Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh.

7.     Nguyễn Thị Thanh Xuân, (2004), Phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, Nxb. Đại học Quốc Gia Tp. Hồ Chí Minh.

8.     Nguyễn Văn Trung, Một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua, http://nguyenvantrung.free.fr/lucchauhoc/chuongdau.html

 



[1] Nguyễn Hiến Lê, (2005), “Đất Hà Tiên với họ Mạc và họ Lậm”, Mười câu chuyện văn chương, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.121.

[2] Nguyễn Phước Thị Liên, (2008), “Chuyện ít người biết”, Chiêu Anh Các, (số đặc biệt kỷ niệm 300 năm lập trấn Hà Tiên), tr.50.

[3] Nguyễn Hiến Lê, (2005), “Đất Hà Tiên với họ Mạc và họ Lâm”, Mười câu chuyện văn chương, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.115

[4] Đông Hồ, (1935), “Nam Phong đình bản”, Sống, (11), tr.4.

 

[5] Trúc Hà, (1930), “Chuyện giáo dục ở Phương Thành”, Nam Phong tạp chí, (144), tr.154

[6] Nguyễn Thị Thanh Xuân, (2004), Phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, Nxb. Đại học Quốc Gia Tp. Hồ Chí Minh, tr.177

[7] Nguyễn Hiến Lê, (2005), “Đất Hà Tiên với họ Mạc và họ Lậm”, Mười câu chuyện văn chương, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.115.

[8] Trúc Hà, (1928), “Nhà nho có lẽ chịu sầu”, Nam Phong tạp chí, (130), tr.568

[9] Đông Hồ, (1935), “Nam Phong đình bản”, Sống, (11), tr.4

[10] Trúc Hà, (1932), “Thi sĩ Mistral”, Phụ nữ tân văn, (173), tr.12.

 

[11] Nguyễn Văn Trung, Một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua, http://nguyenvantrung.free.fr/lucchauhoc/chuongdau.html

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63745193
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8064
35223
63745193

Thành viên trực tuyến

Đang có 398 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website