Vào lúc 8 giờ sáng ngày 21/04/2012, tại phòng A25, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cơ sở Thủ Đức đã diễn ra buổi giao lưu với nhà thơ Giang Nam do khoa Văn học và Ngôn ngữ tổ chức. Tham dự buổi giao lưu có PGS. TS. Đoàn Lê Giang, Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, cùng các thầy cô và đông đảo sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai của khoa. Dưới sự dẫn dắt chương trình của PGS. TS. Nguyễn Công Lý, buổi giao lưu đã diễn ra thân tình, ấm cúng.
Nhà thơ Giang Nam chụp ảnh lưu niệm cùng thầy trò Khoa Văn học và Ngôn ngữ
Sau giới thiệu sơ lược của PGS. TS. Nguyễn Công Lý về văn nghiệp của Giang Nam, nhà thơ đã chia sẻ về quá khứ tham gia đấu tranh cách mạng, cũng như những vui buồn trong đời làm thơ, viết văn của mình. Ông khẳng định chính cuộc kháng chiến đau thương mà vĩ đại của dân tộc đã tạo nên đời thơ Giang Nam. Từng say mê những vần thơ Mới lãng mạn, và chính bút danh Giang Nam cũng xuất phát từ hai câu thơ của một nhà thơ Mới nổi tiếng, Hồ Dzếnh: “Tô Châu lớp lớp phù kiều/ Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam”, nhưng ông lại vang danh với những bài thơ gắn với cách mạng và kháng chiến. Câu chuyện về vợ ông – người nữ du kích trong bài thơ nổi tiếng Quê hương – dù đã được nhiều người biết đến, nhưng qua lời kể của nhà thơ vẫn đầy cảm động. Ông còn nhắc lại cảm xúc lúc viết Nghe em vào đại học, hay sống lại ký ức những ngày vượt rừng ở miền Đông, nơi ông viết Giữ lấy màu xanh, cũng là nơi ông chứng kiến sự hy sinh của những người bạn nghệ sĩ, trong đó có soạn giả cải lương Trần Hữu Trang hy sinh khi chui ra khỏi hầm cứu lấy bản thảo giữa một trận bom càn.
Trả lời những câu hỏi liên quan đến quan niệm về thơ, Giang Nam cho rằng thơ dù đổi mới, cách tân đến đâu vẫn cần giữ cái hồn dân tộc. Thơ không nên cầu kỳ, bắt chước, mà phải là cảm xúc cất lên từ đáy lòng. Ông cũng thân tình chia sẻ với những cây bút trẻ sự cần thiết của việc đọc nhiều và thái độ khiêm tốn trong thơ ca, văn chương. Trước băn khoăn của một sinh viên về những đề tài thơ trong giai đoạn sáng tác sau này của ông, Giang Nam vui vẻ trả lời: “Với tôi, tình yêu là đề tài muôn thuở” và đọc ngay mấy câu trong một bài thơ gần đây của mình:
“Anh nghe câu hát xóm nghèo
Trăm năm vẫn hát tình yêu chưa tròn…
Em về Giồng Giếng qua truông
Nhớ cài nút áo mưa luồn đường xa.”
Buổi giao lưu càng sinh động hơn khi những bài thơ nổi tiếng của Giang Nam như Quê hương, Lá thư thành phố, Nghe em vào đại học, Tiếng xa quay… được cất lên qua giọng đọc của chính nhà thơ và sinh viên khoa Văn học và Ngôn ngữ.