1. Bản chất và phong thái là nghệ sĩ, nhưng Thầy đã hiến trọn đời mình cho giáo dục. Từ đâu lại có sự lựa chọn này?
Tôi bắt đầu làm nghề dạy học từ lời mời của một người bạn. Đó là một ngôi trường tư ở Hải Dương. Cảm giác ban đầu là thú vị, vì được tiếp xúc với thanh niên.Các bạn thanh niên bây giờ đôi khi khó chịu vì có cảm giác bị lãnh đạo, nhưng thanh niên chúng tôi trước năm 1945 hầu như rất khao khát được chỉ đạo. Chí ít đó là tâm trang thực của tôi, bạn bè tôi và học trò của tôi thuở ấy. Chúng tôi như cây chuối đứng giữa cơn gió bão, tàu lá rách tả tơi, không biết nên ngả về hướng nào...Chúng tôi như người bộ hành lỡ bước,trời chiều, đường xa không biết sẽ dừng chân ở nơi đâu...Nói như Tố Hữu, đó là tâm trạng ” bâng khuâng đứng giữa đôi giòng nước”. Những ngày cuối tuần, tôi thường về Hà Nội để gặp gỡ, hỏi Bạn hỏi Thầy. Xã hội ta lúc ấy có nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau. Chọn được một con đường để đi không phải dễ dàng!
Trong những ngày đầu đi dạy ấy, tôi nghĩ rằng mình, ngoài vai trò của một người truyền thụ kiến thức, đã ít nhiều là chỗ dựa tinh thần của học trò mình. Nhưng cũng chỉ lâu sau, tôi mới nhận rõ điều đó. Chính là nhờ lá thư của một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam gửi về thăm. Lá thư nói rằng đã nhiều năm thầy trò thất lạc tin nhau, nay đọc trên báo Nhân dân thấy được tên Hoàng Như Mai, hi vọng đó chính là Thầy, liền viết thư thăm. Anh ấy nhắc lại lời khuyên của tôi ngày xưa khi cả lớp hỏi: “Chúng con nên làm gì bây giờ?” . Tôi đã trả lời: “ Các anh hãy hoạt động cùng phong trào yêu nước”. Ngay sau đó trường học bị giải tán, Nhật đảo chánh Pháp, nhiều học trò của tôi đã tham gia cướp kho thóc của Nhật, đi vào bộ đội và đã trưởng thành, trong đó có tác giả lá thư. Từ ấy tôi nhận ra rằng, những câu nói của người đứng trên bục giảng có thể là hạt giống gieo vào tâm hồn của bao bạn trẻ, làm nẩy những mầm xanh. Đó là một kỷ niệm đẹp.
Có thể kể thêm một sự kiện kỳ lạ xảy ra trong đời tôi thuở ấy. Một lần về Hà Nội, Sỹ Tiến rủ tôi đến thăm đền Giảng Võ, bảo rằng nơi đó có thơ tiên giáng bút. Đến nơi tôi thấy một ông đồ giản dị ngồi quay mặt vào bàn thờ, miệng ngậm một nén nhang. Bên ngoài, một cậu bé ngồi ghi tên những người đăng ký xin thơ. Khi cậu bé xướng lên tên, tuổi và nội dung đăng ký của từng người, ông đồ lập tức ứng khẩu đọc một bài thơ dài đoán định. Hôm ấy, tôi là người chờ đến cuối cùng để xin một bài thơ về vấn đề quốc sự và tôi đã nhận được những dòng thơ mà cho đến nay tôi vẫn còn nhớ như in, trong đó có hai câu:
Nhưng chút cương thường bền dạ sắt
Mà câu giáo dục vững lòng son
Câu thơ ấy đã làm tôi xác tín thêm về nghề nghiệp của mình. Tôi quay về Hải Dương tiếp tục dạy học. Lúc ấy tôi 26 tuổi.
Từ 1945, tôi tham gia phong trào cách mạng, muốn đi vào con đường làm báo, tuyên truyền, diễn kịch. Nhưng khi sang diễn kịch ở Thái Bình, tôi lại được chính quyền ở đó mời làm hiệu trưởng. Có lẽ những bước khởi đầu như thế này là cơ sở để Nhà nước sắp xếp cho tôi vào ngành giáo dục, dù tôi đã có mấy năm rẽ sang lĩnh vực văn hóa. Từ đó tôi gắn bó với nghề này cho đến bây giờ.
2. Trong công việc giảng dạy, Giáo sư chú ý nhất những khía cạnh nào?
Trước đây, ước vọng của tôi là làm báo. Công việc dạy học, theo tôi, có một điểm chung với việc viết lách, đó là hành động: ”Vốc hạt giống ném tung trước gió” ( Hoàng Tích Chu). Nói cách khác, đó là vấn đề xây dựng mối quan hệ thầy trò.
Tôi luôn muốn tìm sự đồng cảm, tin cậy ở học trò qua những giờ giảng bài. Tôi lưu giữ từ 50 năm nay tất cả thư từ mà học trò tôi đã gửi cho tôi. Bây giờ đọc lại những bức thư ấy, lắm lúc tưởng như là truyện cổ tích. Đó là thời kỳ hoàng kim của giáo dục. Tôi định nếu có điều kiện, sẽ tập hợp lại in thành một tập sách.
Đối với tôi có lẽ vấn đề con người lớn hơn vấn đề học thuật. Những trang viết của tôi cũng mang dáng dấp một người làm báo hơn là làm nghiên cứu. Nhà nghiên cứu thường phải có một khoảng cách nhất định đối với thời đại mà tôi thì không thể như vậy, dù cho đến bây giờ tôi vẫn đọc nhiều sách chuyên môn để viết, để nói chuyện để giảng dạy.
3. Thầy có suy nghĩ gì về vấn đề giáo dục nước nhà?
Đó là một câu chuyện rất dài làm lớp già chúng tôi thao thức băn khoăn.
Tôi hay nghĩ đến vấn đề tôn sư trọng đạo như là một truyền thống tốt đẹp , đã trở thành quốc sách của dân tộc. Giờ đây truyền thống ấy phải chăng đang có dấu hiệu rạn nứt?
Những truyền thống khác trong nền giáo dục của cha ông ta cũng chưa được lưu tâm đúng mức. Theo tôi giáo dục thời phong kiến không phải tầm thường và chương trình giáo dục trong thời Pháp và Mỹ chiếm đóng cũng có những điều khả thủ. Dù muốn dù không, tất cả cũng đã trở thành một bộ phận trong đời sống tinh thần của dân tộc. Chúng ta cần hiểu rõ để tạo nên bản lĩnh dân tộc, để không phải đi lên bằng con số không. Các vị Bộ trưởng Giáo dục lại càng phải hiểu truyền thống giáo dục Việt Nam hơn ai hết. Chúng ta có thói quen lo đi hỏi người mà chưa tự hỏi mình. Về lý thuyết chúng ta đã nói nhiều đến sự kế thừa, nhưng thực tế vẫn còn thiếu sót. Trong giáo dục hiện nay, truyền thống thì đứt đoạn mà hiện đại thì bất cập. Có thể bắt đầu từ những điều rất nhỏ, như nề nếp trong lóp học, tính chuyên cần của học sinh... Giáo dục là sự cày đi xới lại nhiều lần. Căn bản giáo dục của một con người chính là cái ta được thấm nhuần ngay từ thuở bé.
Lâu nay tôi đặc biệt thích chương trình Bạn trẻ bốn phương , tôi định viết một bài có tên là Lời con trẻ. Đôi khi qua những lời của trẻ thơ chúng ta có thể nhận ra khuôn mặt giáo dục của một đất nước. Đất nước ta chưa hề yên ổn, dân tộc ta phải trải qua quá nhiều chiến tranh, người chịu nhiều thiệt thòi nhất là thanh niên. Phải bù đắp cho họ.
Tôi tin rằng nếu biết chắt lọc những cái hay cái đẹp trong truyền thống giáo dục của ta và tiếp thu chủ động , sáng tạo những tinh hoa trong truyền thống giáo dục của các nước trên thế giới, đặc biệt chú ý kinh nghiệm của các nước Asean , chắc chắn nền giáo dục chúng ta sẽ phát triển.
Hiện nay đang có hiện tượng lạm phát về giá trị và bệnh chạy theo hình thức trong giáo dục. Cần có một cuộc điều tra xã hội học về giáo dục và tổ chức thường xuyên những cuộc giao lưu đối thoại giữa thầy và trò, để kịp thời điều chỉnh những gì bất cập.
4. Mối quan tâm lớn nhất của Thầy hiện nay?
Về xã hội, đó là dân trí.
Mọi việc là do dân trí mà ra cả. Có thể nói dân trí của mình còn thấp lắm.Người dân mình chưa hiểu rõ pháp luật và chưa thấy hết cái lợi của pháp luật để mà tuân thủ; chưa hiểu thấu đáo quyền làm chủ của công dân, để mà góp phần xây dựng nền dân chủ. Lại phải trở lại với giáo dục. Hết thế kỷ 20, những gì Nguyễn Trường Tộ đặt ra vẫn còn ý nghĩa thời sự.
Về cá nhân, tôi thấy mình đã may mắn gặp nhiều người tốt, trong đó có những đảng viên Cộng sản mẫu mực như Trần Huy Liệu, Trần Đình Long. Tôi luôn tự nhủ phải sống và hành xử như những người cộng sản, dù tôi không phải là đảng viên Cộng sản.
Tuổi 20, tôi thích làm chính trị đã có ý thức tự rèn luyện bản thân để sẵn sàng đi tù. Những khát vọng tuổi trẻ ấy ít nhiều đã để lại dấu vết trong cuộc đời tôi. Cho đến giờ tôi vẫn rất ít nhu cầu cá nhân và có một sức chịu đựng vững vàng, có một khả năng thích ứng với hoàn cảnh. Thích ứng chứ không thích nghi. Tôi yêu Nguyễn Bỉnh Khiêm, như biểu tượng của một con người sống trong thời loạn vẫn giữ được sự thanh cao và tư tưởng quán thế. Nhân cách con người rất quan trọng. Giữ được nhân cách thì mới làm được cái gì cho xã hội. Thời loạn con người rất khó giữ dược nhân cách. Trí thức lại càng khó hơn. Camus có nói: “Nhà văn không đi với những người làm ra lịch sử mà đi với những người phải chấp nhận lịch sử”. Đó cũng là một chọn lựa.
Tôi không thích lắm bài thơ sau đây của Ngô Thời Nhậm:
Thế Chiến quốc
Thế Xuân Thu
Gặp thời thế
Thế thời phải thế
(Sau này Nguyễn Công Hoan đã chữa lại câu cuối: “Thế nào cũng thế”)
Đó là lẽ tùy thời của đạo Nho và con người như cá trong nước, nước đầy cá ung dung, nước cạn cá lúng túng, cũng nên thông cảm thôi. Nhưng cố giữ được mình thì vẫn tốt hơn.
Tôi nhớ mãi lời Mẹ tôi dặn tôi thuở bé: “Con đi ra đường đừng tranh cãi với ai. Ai nhất con nhì. Ai thì hơn nữa con thì thứ ba”.
5. Có phải nhờ vậy mà Thầy luôn giữ được tinh thần minh mẫn, sức làm việc dẻo dai? Hiện nay Thầy đã có thể dành thì giờ cho những công việc mà mình yêu thích?
Phải, nhưng cũng có phần trời cho nữa (cười).
Hiện nay được tiếp xúc với học sinh trung học (trường Trương Vĩnh Ký), tôi thấy mình trẻ lại. Có thể nói, việc giảng dạy ở trung học thú vị hơn. Ở đại học, các bài giảng dồn nén nhiều kiến thức quá. Mà những kiến thức ấy cũng chưa phải là hoàn toàn mới mẻ!
Thế hệ chúng tôi và các anh chị tiếp sau, cách quãng độ 30 năm đến nửa thế kỷ với khoa học thế giới. Khoảng cách này khắc phục rất khó. Người thầy cần tự học, tự đào luyện, nỗ lực gấp nhiều lần thì học sinh sinh viên ta mới không thiệt thòi.
Tôi cũng dành thì giờ để đọc sách. Gần đây mắt tôi khá hơn nên tôi có thể đọc nhiều. Với tôi, đọc và giảng bài là thú vui, là niềm hạnh phúc.
TP.HCM, tháng 3 năm 2000
(Nguyễn Thị Thanh Xuân thực hiện).
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 3 năm 2000