Chế Lan Viên thi nhân – triết nhân Hoàn cảnh xuất hiện và cốt cách nhà thơ triết lý Chế Lan Viên

Đoàn Trọng Huy*

Đã có một số ý kiến trên sách, báo bàn về thơ triết lý Chế Lan Viên. Hoặc là qua một tác phẩm (Vàng sao – Di cảo thơ), hoặc là qua cả quá trình sáng tác: tính triết lý, phong cách trữ tình – triết học.

Thực ra thơ triết lý ở ta đã có từ lâu trong thơ văn trung đại nhất là thời Lý – Trần rồi qua Nguyễn Trãi, Nguyễn Du …, còn dấu vết ở thời cận đại với Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Một nhà thơ triết lý cũng là một nhà tiên tri thời thế nổi tiếng được nhắc đến nhiều là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Dòng thơ triết lý trong thơ Đường – Trung Quốc hoặc thế giới là một hiện tượng thơ xác thực. Tuy nhiên ít người được gọi là nhà thơ triết học thực sự, như Prudhomme chẳng hạn.

 

SỰ XUẤT HIỆN NHÀ THƠ TRIẾT LÝ CHẾ LAN VIÊN

Có hai vấn đề còn để mở, chưa được bàn kỹ

Một là: vì sao ngày nay Chế Lan Viên lại làm thơ triết lý?

Hai là: Chế Lan Viên có phải là nhà thơ – triết gia tức xứng đáng tư cách và phẩm chất được gọi là nhà thơ làm triết lý – hay gọn hơn – nhà thơ triết lý (nhà thơ triết học)?

Chỉ có thể cắt nghĩa sự xuất hiện thơ có tính triết lý Chế Lan Viên chủ yếu bằng nhu cầu của thơ thời đại và yêu cầu của sự tiến bộ nghệ thuật, đổi mới phương tiện nghệ thuật thơ.

Thời trước 1945, thơ Tố Hữu ra đời có một yêu cầu quan trọng là tuyên ngôn lý tưởng cách mạng. Do đó, cần có nhiều tuyên bố, nhiều lời hô hào, kêu gọi thức tỉnh. Bởi cả một thế hệ đang đứng trước ngã ba đời với tâm trạng lựa chọn đầy băn khoăn, bối rối: Chọn một dòng hay để nước trôi? …/ Hãy đứng dậy … Vui lên đi … Ba mươi năm qua (1945 - 1975) dân tộc ta đã phải có cuộc lựa chọn mang tính lịch sử: Độc lập – Tự do hay Nô lệ. Và đã quyết định: “Ta nấu xích xiềng ta làm súng đạn”. Thơ vì vậy mang đậm chất chính luận và phần nào chất triết luận. Chiến tranh thực chất là giải quyết xung đột chính trị, mâu thuẫn ý thức hệ bằng bạo lực. Nhưng hơn thế, còn là đấu tranh của văn minh chống bạo tàn, của đạo lý chống lại vô đạo, chính nghĩa chống phi nghĩa…

Sau 1975 là một cuộc chiến đấu mới đầy thách thức lớn lao trong hoà bình xây dựng để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Phải phá vỡ cơ chế kinh tế cũ để xây dựng những cái mới phù hợp. Cũng có nghĩa là phải đả phá tư duy lỗi thời, bảo thủ trì trệ nhằm tạo ra những ý tưởng mới đầy táo bạo, can đảm. Trong sự chuyển đổi để tiến hoá không phải là ngày một, ngày hai ấy, bao nhiêu sự đảo lộn xảy ra mà quan trọng nhất là thay đổi những bậc thang giá trị đạo đức nhân sinh. Mặt trái của cơ chế thị trường càng bộc lộ rõ những tiêu cực, những vấn nạn gây bao bức xúc, trăn trở, hoài nghi thậm chí dao động. Cuộc chiến tranh màu trắng trong tâm hồn diễn ra không kém gay  gắt, mãnh liệt. Muôn mặt đời thường với những sắc màu đa dạng, kết cấu đan xen phức tạp đặt ra bao vấn đề phải suy tư, nghiền ngẫm. Sống và hành xử như thế nào có ý nghĩa nhất? Lý tưởng phấn đấu, ý thức tự do, dân chủ ra sao? Nghĩa lý và đạo lý thời nay là gì và ở đâu?... Hàng loạt câu hỏi lớn đặt ra cần giải đáp. Riêng với nhà thơ Chế Lan Viên câu hỏi bản thể luận lại nổi lên: Ta là ai? Lại day dứt tâm can. Trả lời, giải đáp, hồi âm là những bức xúc lớn. Giải bài toán cuộc đời để tìm ra đáp số đúng là một đòi hỏi vừa riêng lại vừa chung.

Tất cả những điều trên là lý do cơ bản để xuất hiện dòng thơ mang đậm tính triết lý với phong cách trữ tình triết luận Chế Lan Viên. Thơ thời nay như từ lâu đã có, nay lại mang nhiều tính tuyên ngôn thậm chí như mệnh lệnh quyền uy, như khẩu hiệu, như nhật lệnh; lại như châm ngôn, cách ngôn, như thông điệp và khuyến cáo cho những vấn đề nhân sinh, cho nhân tình thế thái.

Nhu cầu thời đại như trên lại rất phù hợp với nhà thơ trí tuệ có cái tạng ham thích suy tưởng về đời và đạo (đạo giáo, đạo thơ, văn, nghệ thuật) là Chế Lan Viên. Tài năng thiên bẩm thi ca kết hợp tự nhiên với tài năng về triết học cũng có tính chất thiên phú qua một đời làm thơ, sáng tạo nghệ thuật đã hun đúc nên nhà thơ triết lý Chế Lan Viên.

Hiển nhiên đi theo cách mạng, Chế Lan Viên trưởng thành và trở nên một nhà tư tưởng. Chính hoạt động ở cương vị đại biểu Quốc hội nhiều khoá với tư cách đảm nhiệm mảng văn hoá đối ngoại, thường xuyên có điều kiện đi công tác nước ngoài, Chế Lan Viên mở rộng tầm mắt, có những suy tư ở phạm vi toàn cầu, trở thành một nhà văn hoá, nhà hoạt động xã hội có tầm cỡ quốc tế. Không phải là nhà tư tưởng – xã hội thuần tuý mà là nhà tư tưởng lớn - mang tư tưởng và triết học tiên tiến của thời đại dân chủ và tự do chân chính. Nhưng Chế Lan Viên lại có phẩm chất riêng. Khác với Schopenhauer vì Nietzsche “hai nhà tư tưởng ấy chỉ viết về triết học mà không định làm thơ” như Nguyễn Đình Thi nhận xét (Thơ triết học – Tri tân – 135, 1944). Và cũng khác với chính Nguyễn Đình Thi – người nghiên cứu triết học từ những năm 40 (thế kỷ XX) đến với triết học trước khi làm thơ. Thậm chí có trước tác triết học, tức vốn liếng tri thức triết học khá phong phú.

Với cá tính sáng tạo độc đáo, Chế Lan Viên xuất phát từ thơ, kết hợp ngày càng nhuần nhuyễn thi ca và triết học trong cả cuộc đời: sống và hoạt động nghệ thuật. Ông cũng là một hình mẫu thi nhân – triết nhân như ngọn tháp lừng lững, bí ẩn và đơn độc xuất hiện trong thơ ca hiện đại.

 

CHẾ LAN VIÊN – NGƯỜI MANG CỐT CÁCH TRIẾT GIA

   Chế Lan Viên từ lâu đã có cốt cách một nhà triết học. Triết học theo định nghĩa là “khoa học nghiên cứu về những quy luật chung nhất của thế giới và nhận thức thế giới(1) mà Chế Lan Viên có tư cách của nhà khoa học ấy, với bóng dáng còn mờ ảo những ngày đầu cầm bút tới hình dung được xác định ngày càng rõ rệt sau này.

Con người thơ ấy là con người có trí tuệ, có tư tưởng. Người ta tôn vinh Chế Lan Viên là nhà thơ – tư tưởng hay nhà thơ tư tưởng, nhà thơ trí tuệ. Thơ Chế Lan Viên mang vẻ đẹp trí tuệ độc đáo, nổi bật. Nhà thơ từ khi sáng tác đã có ý tưởng khám phá vũ trụ vạn vật và thế giới nhân sinh. Có thể nhất trí coi Điêu tàn, đặc biệt là Vàng sao có ngọn nguồn tư tưởng triết lý Chế Lan Viên. Nhà thơ muốn lấy tư cách nhà khoa học để giải quyết sự kết hợp niềm tin tôn giáo và ý thức trí tuệ. Đầu đời viết ngắm trời sao, suy tưởng về sông Ngân, về Kim Tinh, Hoả Tinh: “Trời sao thản nhiên như một sự sống riêng” và Thất tinh … rủ nhau đi tìm Vô tận. Câu hỏi về bản thể được đặt ra từ rất sớm Ta là ai? (1941), Cuối đời vẫn lại nóivề Sông Ngân Hà với lời tự bạch bằng thơ: Sông Ngân Hà từng song hành với anh ngày thơ bé (Di cảo thơ II). Rồi lại sao và thiên hà trong Sao (Di cảo thơ III).

Và, câu hỏi về bản thể vẫn day dứt khôn nguôi. Trong tập nháp Prométhée (1986) bài Hỏi? Đáp như tâm trạng vẫn xoáy sâu vào cân não: “Con người ngẩng lên trời làm triết học/ Ta là ai? Về đâu?” Và giả định “Là ta chăng” “hạt móc”, “dòng sông”, “tiếng khóc”, “vì sao lạc phương trời” với triết lý Không tồn tại bỗng nhiên tồn tại/ Đang héo tàn vũ trụ sẽ sinh sôi.

Trong chừng mực nhất định, có thể nói Chế Lan Viên đã cố gắng tối đa để đạt được sự tổng hợp và tổng hoà triết học và thi ca. Đó là quá trình vươn tới bứt phá từ khởi đầu với một tiềm lực đã hé lộ: “Không tách riêng ra tư tưởng để nói triết học giữa đời – chúng ta lẩn vào thi ca trong chăn gối, dâng lên từ cảnh vật. Ẩn một chút gì tươi mát giữa cỏ cây, chúng ta ca lên những tiếng ca xanh…” (Vàng sao).

Chế Lan Viên xét về mặt cơ bản như vậy là đã mang phẩm cách nhà triết học: truy tìm sự vật, hiện tượng đến cùng để tìm bản chất, quy luật. Theo một nghĩa thì triết học có thể coi là cái lý cuối cùng của vạn vật.

 

CHẾ LAN VIÊN – NGƯỜI CÓ TƯ DUY TRIẾT HỌC

Phương thức tư duy cơ bản của Chế Lan Viên, xét ở góc độ triết học, như đã nói, là tìm kiếm phát hiện bản chất, bản thể sự vật, hiện tượng và con người, quy luật thế giới tự nhiên và thế giới nhân sinh. Không chỉ xem xét cái vỏ hình thức, cái bên ngoài mà bao giờ cũng chú tâm tìm ra cái cốt lõi, tìm đến cùng kỳ lý và chưa bao giờ thoả mãn với cái gọi là cuối cùng. Khác nào ở khoa học vật lý, tìm phân tử rồi đến nguyên tử, nhưng chưa dừng ở đó: vật lý hạt nhân còn tìm ra, cho đến nay, thêm cái vi mô là hạt “quác” và cùng với nó là nguyên lý cấu thành proton, electron, neutron – những hạt cơ bản. Chế Lan Viên tự đặt nhiệm vụ: định nghĩa đi rồi định nghĩa lại tất cả mọi vấn đề – “định nghĩa động” – là như vậy. Hãy đọc Định nghĩa dân tộc (viết năm 1987 – Cầm tay – tập 3) Dân tộc muốn sống giữa lửa chiến tranh và lũ lụt của người/ Vỡ đê biển với vỡ đời… Dân tộc không thể biến đi mà chỉ hoá … Dân tộc có quá nhiều kẻ thù … Dân tộc Thiền tông Dân tộc làm gián cách. Riêng về thơ, biết bao lần đã giải đáp thơ là gì, thơ hay là thế nào? Rồi lại bổ sung, chỉnh lý suốt một đời viết, qua thơ lẫn văn xuôi. Trước ngày ra đi, khoảng 1987 – 1988, ở Di cảo thơ III Chế Lan Viên vẫn vắt kiệt cảm xúc, trí tuệ để “Viết cho một người nào trong thế kỷ mai sau/ Nhặt thơ tôi lên từ trong bờ bụi … Những câu thơ … Vần ….Và chữ…, vẫn là bàn luận triết lý về thơ: Ý thơ thường rất thẳng/ Nhạc dẫn nó đi vòng/ Triết vươn lên xanh thẳm/ Vần vít đầu làm cong.

Phương thức cần có phương tiện. Bộ óc triết lý Chế Lan Viên có con mắt thần – con mắt triết học.

Con mắt ấy cực kỳ tinh tường nhạy bén. Hầu như nhìn vào đâu cũng thấy triết học, cũng tìm ra triết lý, cũng có thể triết luận.

Chẳng hạn nhìn vào thiên nhiên, thấy triết lý qua tầng vĩ mô Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh/ Một vì sao trơ trọi cuối trời xa. (Những sợi tơ lòng). Đêm hôm nay ngồi đây trên bờ bể/ Ta lặng đếm thử bao nhiêu thế kỷ/ Đã trôi trong một phút vội vàng qua/ Ta lắng nghe những thế giới bao la/ Tụ họp lại trong lòng muôn hạt cát (Ngủ trong sao). Đấy là từ thời Điêu tàn. Sau này là suy tưởng cũng là hồi tưởng về trời xanh. Trời xanh màu cứu khổ/ Tôi lao vào trời xanh… Trời xanh thành thuốc độc/ Đập tan nát trời xanh… Đuổi mây dài, cướp lấy những trời xanh… Giặc nước đuổi xong rồi/ Trời xanh thành tiếng hát (Ánh sáng và phù sa). Và bể, cũng có sự phát hiện tinh tường ở tầm bao la, bao quát Sóng bày xoá, xoá bày bản thể hay muốn kết tinh bản thể - ai buồn hơn/ Hỏi bể đây .. (Triết của bể – Di cảo thơ I). Thế giới hoa trong thơ Chế Lan Viên là muôn hồng nghìn tía, cũng là một mảng thế giới nghệ thuật đặc sắc. Có hoa tươi đẹp và đượm hương của đất trời, lại có hoa mang hương sắc lạ, có thể gọi là hoa tư tưởng, hoa chính trị, hoa triết lý - loại hoa trí tuệ như hình thức đẹp của tư duy. Cành đào ứ nhựa nặng trĩu suy tư về hạnh phúc tràn đầy, “Hoa lau đường máu” lại bộc lộ nỗi đau và niềm cảm thông chia sẻ. Chỉ Một điểm vàng tí xíu có sức níu ta vào vũ trụ (Cành mai trên gác). Đó là dấu hiệu về sự hiện diện con người trong tự nhiên cũng là một tín hiệu tồn tại trong lòng người. Một cánh chim cũng gợi ra bao suy tưởng ngoài bản thân nó – bộ phận cơ thể chim. Từ chim gợi ra cái bay, sự bay, chức năng bay, “Con chim quên mình có đôi cánh/ và bỗng dưng nhớ tới có../À thì ra nó có chức năng bay/ Bay cho nó/ Và cho cả cánh đồng chờ đợi (Nhớ – Di cảo thơ III)”. Rồi cả đội hình bay (Đội hình chim viễn du – Di cảo thơ I) đường bay (Chim định hướng – Di cảo thơ II).

Tư duy là một quá trình Chế Lan Viên đã trải qua một hành trình sáng tạo lâu dài và gian khổ, quyết liệt. Con đường thơ đã được tổng kết là từ Ma đến Người, từ Siêu hình đến Thực hình, từ Duy tâm đến Duy vật. Quá trình ấy phức tạp bởi nhà thơ đã lạc vào siêu hình quá lâu, đã đi quá xa và trượt quá sâu để trở về nhọc nhằn, chậm chạp, vấp váp, trượt ngã không ít. Tôi đi giữa siêu hình/ Như đất này lợm mửa. Nhà thơ tự bạch đã từng “sấp mặttrên cả tháp siêu hình.

Trước và sau Cách mạng khác nhau trời vực Tôi đi giữa lòng mình/ Mà mình không hiểu nữa. Thế mà, hốt nhiên Tôi trở lại lòng mình/ Bây giờ mình cũng hiểu (Ngoảnh lại mười lăm năm). Hiểu đúng được “sắc trời xanh”, hiểu giá của “làn gươm báu”. Hiểu mình và hiểu đời, biết mình và biết người theo những quan điểm ngược hẳn lại. Chế Lan Viên nặng nợ với siêu hình và còn vướng mắc cả vào mạng lưới thuyết pháp thần bí của các tôn giáo, do đó đi kháng chiến có lúc vẫn khúc mắc chưa thanh thoát, vẫn thấm đượm nỗi niềm hoài nghi bản thể: Ta là ai? Trả lời phỏng vấn một giáo sư văn học Đức, Chế Lan Viên thú nhận: Yêu tôn giáo, siêu hình … lần lượt yêu Kinh thánh rồi Phật. Nhưng không tìm ra lối thoát… Thơ tôi chú ý đến yếu tố trí tuệ bên cạnh yếu tố trữ tình, yếu tố triết cùng với yếu tố đời sống bình thường (Tự bạch). Nhà thơ cũng nhiều lần ghi nhận cách mạng đã đổi đời và cả sinh mệnh thơ, đã hồi sinh cho tư tưởng nghệ thuật và tài năng thơ cho bản thân. Sự tiếp thu triết học mác xít tạo bước ngoặc cơ bản về nhận thức luận. Nhưng đúng như Chế Lan Viên nói, đó là sự tiếp biến trong cả quá trình để trở thành nhà thơ triết lý mới với  lý lẽ: những cái cũ không biến đihoá thành cái mới. Sau này, Chế Lan Viên vẫn rất mê Kinh Phật, thơ có ý vị thiền đậm đà. Cũng không xa lánh với những tri thức của Kinh thánh. Nhà thơ biết chắt lọc những yếu tố tích cực, chưng cất ý tưởng thiện nguyện của Phật giáo, sáng thế của Thiên chúa giáo, bồi bổ thêm hương sắc cho tư tưởng và triết lý bản thân với mong muốn thiết tha có được Những lá thơm hái lúc về già/ Hái những lá thơm có hương tư tưởng (Nội dung và hình thức).

Càng về sau này, Chế Lan Viên càng nghiệm ra ý vị câu nói của nhà thơ triết học Nga: “Đá và lá là cùng một chất” càng yêu câu thơ Pháp: “Đá và hoa là hai chặng của một tư duy” khi dụng ý đặt nhan đề giàu ý nghĩa cho tập thơ Hoa trên đá. Cũng để hy vọng “những lá thơm” ngát hương trầm – như là hương thầm tư duy nghệ thuật.

Nội dung triết lý trong thơ Chế Lan Viên thật phong phú.

Chế Lan Viên có những nhận thức cơ bản về nhân sinh xã hội và nghệ thuật vốn cũng là những hiểu biết, những suy tư khát vọng có tính chất vĩnh cữu.

Chẳng hạn sốngchết có biết bao quan niệm. Theo triết lý duy tâm thì “đời là bể khổ”, con người sống như “sự an bài của định mệnh”. Ngược lại những người duy vật quan niệm “đời là một trường tranh đấu”. Sống tích cực là đấu tranh cho cách mạng “Sự sống chẳng bao giờ chán nản” (Xuân Diệu); “Sự sống cao hơn cái chết”, sống cho ra sống: “sống vinh hơn thác nhục”; “Sự sống đã phát sinh từ cái chết” (Tố Hữu). Chế Lan Viên nhấn mạnh một chân lý cũng là triết lý về tồn tại hay không tồn tại. Sự sống vẫn còn cả khi đã chết: Từ thế chi ca (I).

Anh tồn tại mãi

Không bằng tuổi tên, mà như tro bụi

Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên

Phảng phất thuyết luân hồi đạo Phật, lại thấp thoáng luật bảo tồn vật chất cuả vật lý học, còn mang cả ý vị triết lý dân gian Cáo chết để da, người ta chết để tiếng. Cái triết lý tồn tại đời người ấy thể hiện qua một xúc cảm sâu lắng khi xe tang Xuân Diệu qua nhà Diệu nằm ở trong thơ chứ đâu ở di hài. Cũng như nghĩ về hồi sinh tuần hoàn qua Thạp đồng Đào Thịnh Giữa đàn chim trải rộng cánh bay, nam nữ giao hoan trên nắp thạp/ Thạp đựng gì? Đựng xương người chết rồi còn nhớ cuộc giao hoan/ Sống trên nắp thạp, chết về trong đáy thạp/ Buồn làm chi? Cuộc sống sẽ tuần hoàn. Cùng ý tưởng với Tố Hữu trong bài thơ có tính chất di chúc Sống là cho, chết cũng là cho là tứ thơ trong Cho và trả.

Từ sau 1975, Chế Lan Viên viết nhiều vần thơ gửi lại một cách khiêm nhường Anh đi qua trái đất chừng thơ ấy/ Hãy thương anh! Anh nào có chi nhiều/ Một chút nắng tan, một dòng nước chảy/ Trái tim nghèo, nhưng cũng đã tin yêu (Thơ cho em). Gió lật lá sen hồ, Chế Lan Viên cũng đưa ra một triết lý: Sống chết, sống chết…/ Hai từ ấy như thoi reo, lục dệt/ không có phía bên này/ không có phía bên kia/ Phía bên này là cuộc đời rất tuyệt/ Mà bên kia lá sen cũng là cuộc đời.

Còn biết bao nhận thức khác nữa về nhân sinh và nhân tình thế thái mà hầu như trí tuệ triết học của nhà thơ có sức phủ sóng hết. Như tình yêu, nỗi nhớ, niềm tin, khát vọng, hạnh phúc, khổ đau, cái vui thần thánh, nỗi đau nhân thế… Rồi nghị lực, ý chí, cống hiến, dấn thân, trải nghiệm (dại khôn, thắng bại, hay dở) cả đạo lý, cả phép đối nhân xử thế.

Riêng về thơ và mở rộng ra nghệ thuật, Chế Lan Viên nói rất nhiều đến nghề nhưng không quên nhấn mạnh nghiệp, nói đến tài cũng nói đến lương tâm và đức độ, nói chuyện tu luyện để “đắc đạo”. Những vấn đề cụ thể cũng được ghi rõ trong bộ “điển pháp” lý luận thơ, triết lý thơ. Bàn về thơ có vấn đề xác định giá trị chân chính của thơ: thơ hay và những chuẩn mực, tiêu chí thẩm định. Về đời sống thơ có những vấn đề ngọn nguồn sáng tạo, quan hệ thơ và đời, thơ với con người, thơ trong nghệ thuật. Quy luật sinh tồn và phát triển thơ đề cập vấn đề đấu tranh, vấn đề đổi mới, vấn đề cách mạng và triết luận về sự thích nghi, thích ứng: lên dây cót đồng hồ tâm hồn cho khớp với vòng quay thời đại. Nhà thơ được bàn nhiều đến chân tài, năng khiếu và sự khổ luyện nghệ thuật, đến nhân cách và văn hoá thơ, rồi cả triết lý về “đạo” thơ và đạo lý nhà thơ.

Tóm lại, cùng với sự khám phá thế giới tự nhiên là sự thám hiểm không mệt mỏi vào thế giới tâm hồn đầy bí ẩn của con người, tìm ra quy luật chung nhất cho nhận thức cũng tức là tìm ra triết lý của thế giới nhân sinh, xã hội và đặc biệt là thế giới thơ, thế giới nghệ thuật đặc trưng./.

 

 

 

 

 

 

 

 



* PGS, TS Trường ĐHSP HN

(1) T đin tiếng Vit NXB Đà Nng và Trung tâm T đin hc - 1996

Thông tin truy cập

63675457
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
19175
17595
63675457

Thành viên trực tuyến

Đang có 471 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website