Huy Cận – lấp lánh Lửa thiêng sáng tạo

Huy Cận – nhà thơ, nhà văn hoá lớn đã ra đi cách đây 10 năm – 2/2005. Ngày ấy, giới văn nghệ tiễn đưa ông với niềm tin về sức sống của một nguồn thơ sáng láng: Lửa thiêng không bao giờ tắt” (Mai Quốc Liên).

Giờ đây, với độ lùi lịch sử đáng kể, chúng ta vẫn thấy lấp lánh ngọn lửa sáng tạo thơ Huy Cận.

***

Năm 1938, bài thơ đầu tiên Chiều xưa được đăng trên báo Ngày nay và sau đó là hàng loạt bài tiếp theo của Huy Cận được trình làng.

Tập thơ Lửa thiêng ra mắt bạn đọc vào tháng 11/1940, được in tại nhà xuất bản Đời nay và được phát hành khoảng 3000 cuốn. Đây là thành quả xuất sắc bước đầu của đời thơ Huy Cận. Bạn tri âm Xuân Diệu đề tựa tập thơ đã “nghe” và “cảm” được sâu sắc hồn thơ Huy Cận. Sau đó, tác phẩm còn được đánh giá cao trong Thi nhân Việt Nam, (Văn học, 2004, được in lần thứ 22). Trên Tràng an số 12 (3/1941), Lượng An coi Huy Cận là “một thi nhân có đặc tài”.

Vậy mà, khi đi theo cách mạng, nhà thơ “được mùa chính trị”, song lại “mất mùa thi ca”. Đó là một sự thực đã được nhà thơ bộc bạch qua Hồi ký song đôi (Hội Nhà văn, 2003).

Ngọn lửa thơ “bập bùng”, “leo lét” qua mấy năm kháng chiến đã được thắp sáng, bùng cháy vào đầu thập kỷ 60 – khi nhà thơ nhập thân thực sự vào cuộc sống mới. Trời mỗi ngày lại sáng là bằng chứng sinh động của sự sống lại và phát triển sức sáng tạo nghệ thuật mới.

Thế giới nghệ thuật thơ Huy Cận lại được khai mở với mọi chiều kích “trời rộng, sông dài” như những khoảng bao la trong hồn thơ Huy Cận và cả những tầng cao, chiều sâu như “ trời đất vô cùng” của khám phá sáng tạo.

Hồn thơ Huy Cận chín lại. Mùa thơ mới lại ra hoa kết trái. Liên tục theo các giai đoạn là 5,7 đến 12, 14 rồi … 18, 20, 26 tác phẩm xuất hiện cả trong nước và ở nước ngoài.

Năm 2002, nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương, nhà thơ tuổi đã ngoài 80 còn cho xuất bản tập Cha ông nghìn thuở. Đó là chưa kể còn hàng trăm bài chưa in.

Sức viết khoẻ, bền bỉ, lâu dài thể hiện thật rõ rệt. Sức ấm nóng của tấm lòng tin yêu làm tăng độ sáng láng của tâm trí sáng tạo.

Ta dễ nhận ra những điều này qua một số phương diện cơ bản nhất.

Hiển nhiên, Huy Cận là một hồn thơ lớn. Hồn thơ ấy hết sức phong phú, đa dạng về hình thái cảm thụ, thức nhận lại rất linh hoạt trong lĩnh hội, nắm bắt.

Nhà thơ mạnh về trực giác, cảm xúc. Xưa kia, Huy Cận đã từng có những sự chuyển đổi cảm giác tinh tế kiểu nhà thơ lãng mạn Pháp Bea udelaire qua bài Buồn đêm mưa:

Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn

Từ “nghe trời” (giọt mưa) được chuyển tới “nghe lòng”!

Điều quan trọng là, càng sau này, nhà thơ càng đi hết tận cùng cảm giác, khai thác triệt để mọi sắc thái  xúc cảm.

Trước kia, có thể quy cái buồntrong thơ Huy Cận vào hai trạng thái lớn: “sầu vạn cổ” và “sầu nhân gian” để bao quát toàn diện về thời gian, không gian.

Nếu phân tích kỹ, ta sẽ thấy những trạng thái, sắc điệu buồn khác biệt: buồn man mác (Trường giang), buồn miên man (Buồn đêm mưa) và cả buồn vô cớ…. Khung cảnh không như nhau.Ở Đẹp xưa: “Trơ vơ buồn lọt quán chiều”.Chiều xưa: “Buồn gieo theogió veo hồ”.

Ngày nay, cái vui cũng đủ mọi cung bậc. Đoàn thuyền đánh cá là thơ vui toàn câu, toàn bài. Có cái vui của đất trời, sự vật – từcây buồm lan đến bầu trời: “Thuyền ta lái gió với buồm trăng/ Lướt giữa mây cao với biển bằng… Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long” tới con người: “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.Bài thơ ca ngợi niềm vui lao động, nhưng lớn hơn là sự tôn vinh con người hoà hợp với thiên nhiên, làm chủ tự nhiên một cách đầy ý thức:

Ta hát bài ca gọi cá vào

Gõ thuyền đã có nhịp trăng sao

Đã có nhận xét Huy Cận về Những đối cực trong một hồn thơ (Trần Khánh Thành): Vũ trụ và cuộc đời; sự sống và cái chết; trầm tư suy tưởng và hồn nhiên, tươi trẻ; nỗi buồn và niềm vui; hiện thực và lãng mạn. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ và cần phân tích thêm cho thoả đáng.

Chẳng hạn, trong vũ trụ có bầu trời và mặt đất. Rồi đất, nước và cả lửa. Nước gồm sông và biển. Đất có núi, đèo, đồng, bãi. Tình cảm cũng mang nhiều sắc thái.

Ở đây xin chỉ dẫn qua đôi vần thơ trong Messages stéllaires et terrestres(Thông điệp từ vừng sao và từ mặt đất – Québec – Canada, 1996):

… Trời xanh ran lá biếc, biển chóa ngập buồm vàng

Gió thổi miền bất diệt, mây tạnh đất hồng hoang

… Anh tặng em buổi sáng hôm nay

Có hoa sen nở Hồ Tây trắng hồng

Tặng em trời mát như sông

Trong veo chảy giữa hai hàng cây xanh

Đó là tâm hồn đa cực trong vũ trụ thơ Huy Cận. Lại như quan hệ cảnh và tình , sự phong phú vô cùng, vô tận của cảm nhận tinh diệu:

Mây không bay thương nhớ cũng không màu

Nắng không xế và lòng sầu mất hướng

Câu thơ có đủ cả nỗi buồn, niềm cô đơn, sự băn khoăn, day dứt. Câu thơ cũng được xác định qua cái mơ hồ, bảng lảng, bất định.

Ngay từ Lửa thiêng, những cảm hứng thiên nhiên thường gắn với lẽ đời. Cảm hứng Nước gắn nỗi buồn và tình yêu; Cảm hứngĐất gắn suy tưởng về lẽ sống và cái chết…

Xưa kia buồn đời nhưng không chán đời, thậm chí thấp thoáng nét vui đời. Nay vui sống nhưng vẫn xen trộn suy tư, âu lo, băn khoăn, trăn trở, bức xúc. Đó là tình cảm, cũng là nhận thức: “Em ơi ong một ngày không làm xong đõ mật/ Trái một ngày chưa làm xong nhân hạt/ Sông một ngày chưa xong bãi phù sa/ Thai một ngày chưa đầy thịt, đầy da” (Chân lý).

**

Là nhà thơ, chiến sĩ, cùng với đội ngũ, Huy Cận đã thực sự dấn thân. Có những đợt đi thực tế gần 6 tháng trời ba cùng với công nhân vùng mỏ, lao động thực thụ như một người thợ: xúc than, đẩy xe goòng, ngủ lán, ăn cơm bụi,… Nhà thơ đã ngộ được nhiều điều, và nhận ra cuộc đời “xanh tươi”.

Thời kháng chiến chống Mỹ, có lần Huy Cận bám trụ trên cầu Hàm Rồng nhiều ngày. Đã có bài thơ được làm ra ngay trong bom đạn . Những ngày đêm Điện Biên Phủ trên không  nhà thơ kể chuyện đêm đêm ngủ dưới hầm nhà Bảo tàng Mỹ thuật (số 68 Nguyễn Thái Học), tưởng tượng như có sự tụ hội náo nức của những Phù Đổng Thiên Vương, những Trần Quốc Toản, những Kim Đồng, những Võ Thị Sáu… Đêm Noel giữa  hàng chùm bom Mỹ  huỷ diệt, nhà thơ đã viết xong bản trường ca Thiếu niên anh hùng họp mặt

Huy Cận có được “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ” (Chế Lan Viên). Vì vậy, thơ của ông mang “chất thép” của thời đại.

Nổi bật nhất là sau này, khi nhà thơ đã lặn lội vào đời sống, thơ không chỉ có thêm chất sống mà còn thêm nhiều trí tuệ mà nổi bật nhất là lý tưởng cách mạng. Thơ Huy Cận đã bám sát sự sống hơn. Triết lý, triết luận cũng đậm màu sắc nhân sinh, nhân thế của cuộc đời mới.

Huy Cận được xem là nhà thơ đắm mình giữa nhân gian và vũ trụ. Bình luận về tập thơ đã dẫn trên (Thông điệp từ vừng sao và từ mặt đất), Louise De Gonzague Pelletier viết: “Thiên nhiên ca hát trong cảm hứng của Huy Cận. Những bài thơ của ông mang tính phổ quát và những chủ đề của ông mang tính nhân bản sâu sắc” [1; 447].

**

Là nhà thơ có cá tính sáng tạo mạnh mẽ, ngay từ khi sáng tác, Huy Cận đã có khuynh hướng tạo dựng một phong cách thơ độc đáo như đóng góp có ý nghĩa của sáng tạo nghệ thuật thi ca.

Thi pháp nghệ thuật được hình thành đồng thời với phong cách nghệ thuật và giữa chúng có mối quan hệ hữu cơ.

Như Chế Lan Viên từng nhận xét, từ lâu Huy Cận đã thích suy nghĩ về những thế kỷ, những vòm trời. Đỗ Lai Thuý định nghĩa: Huy Cận, sự khắc khoải không gian [1; 329 ]. Ta có thể thấy, từ Lửa thiêng cho đến sau này là một cảm hứng vũ trụ mạnh mẽ, tuy nội hàm có biến đổi. Cũng từ lâu, không gian nghệ thuật trong thơ Huy Cận mang nhiều đặc điểm mà rõ nhất là tính chất mở, có sự tương giao giữa con người và không gian. Ở mức độ nhất định, đó là sự kết hợp không gian tự nhiên với không gian tâm tưởng.

Không gian là nơi nghiệm suy triết lý,cũng là nơi thể nghiệm mơ mộng, khát vọng và tình yêu. Đó là cách chiếm lĩnh không gian đặc thù của Huy Cận: “Chở hồn lên tận chơi vơi/ Trăm chèo của Nhạc, muôn lời của thơ” (Trăng lên).

Khi cảm hứng hiện thực đã là chủ đạo thì thiên nhiên, tạo vật tôn cao vẻ đẹp con người, con người được nâng lên tầm vũ trụ: “Thuyền ta lái gió với buồm trăng/ Lướt giữa mây cao với biển bằng/ Ra đậu dặm xa dò bụng biển/ Dàn đan thế trận lưới vây giăng” (Đoàn thuyền đánh cá).

Không gian thường gắn liền với thời gian.

Trong Lửa thiêng, thời gian như ngưng kếttrong không gian, làm nổi bật thời gian là những hoài niệm (Bergson): Đẹp xưa, Chiều xưa,… Đó là vòng thời gian nhân thế, dòng đời. Thời gian nghệ thuật trong Lửa thiêng chủ yếu là quá khứ: Tựa trường, Trò chuyện,…

Sau Cách mạng, nhà thơ quan tâm nhiều nhất tới thời gian hiện tại, trân quý nhất là Ngày hôm nay. Thời gian hiện tại chính là biểu tượng của niềm vui, hạnh phúc. Thời gian là hình tượng để chiêm ngưỡng say đắm: Cây thời gian xanh, Chín tròn mặt nguyệt,Sợi thời gian óng ánh buông mành, Thời gian đang chớm nụ đầu cành. Hiện tại cũng thường được liên tưởng với quá khứ: Lại thấy thần tiên đất nở hoa, Các vị La Hán chùa Tây phương,…

Nhìn chung, cái mới ở đây là sự quan tâm của nhà thơ tớithời gian lịch sử xã hội và thời gian đời người, thời gian nhân thế.

Huy Cận là nhà thơ có nhiều sáng tạo về thi pháp thể loại ngôn ngữ.

Hình thức thể hiện thơHuy Cận rất đa dạng: thơ tình, thơ tự sự - trữ tình, thơ sân khấu (Người bác sĩ, Người thợ ảnh). Có thơ cách luật, có trường ca, có thơ tự do. Nhìn chung, nhà thơ có nhiều tìm tòi dạng thức biểu hiện mới để diễn đạt cảm xúc mới, tình ý mới của con người thời đại.

Thời Thơ mới, thơ 7, 8 chữ chiếm lĩnh hàng đầu trong các thể loại như một sự cách tân táo bạo của thơ. Huy Cận vận dụng chắc tay  thể trường thiên thất ngôn – vừa có phong thái mới Âu Tây, vừa mang âm hưởng Đường luật. Thời này, ban đầu thơ 6/8 có phần bị xem nhẹ, nhưng sau đó lại nổi lên với Huy Cận.

Xưa nay, trong các thể loại thơ, lục bát được coi là dân tộc nhất. Trong tay Huy Cận, thể thơ này lên ngôi, vừa mang giọng điệu dân gian, vừa mang hơi thở cổ điển.

Say mê, tôn sùng tiếng mẹ đẻ từ xưa – “Nằm trong tiếng nói yêu thương/ Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời” (Nằm trong tiếng nói, 1943), thơ Huy Cận là cả một sự sáng tạo, góp phần làm giàu thêm cho tiếng Việt.

Các phép tu từ, điệp ngữ được ông vận dụng rất giỏi. Nghệ thuật điệp thật tài tình: “Gió đưa hơi, gió đưa hơi/ Lá thơm như thể da người lá thơm”, “Buồn gieo theo gió veo hồ”.Huy Trâm trong Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại [1; 403 – 407] chỉ phân tích ba bài – Buồn đêm mưa, Đẹp xưa, Chiều xưa để làm rõ được cái hay, cái đẹp đặc sắc từ vần, điệu, nhịp thơ đến từng con chữ “châu ngọc” ngời sáng.

Chữa thơ là chuyện thường tình của người làm thơ, Huy Cận cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng nhà thơ chữa đi chữa lại, thậm chí “chữa nát” một bài thơ.

Chỉ riêng bài Tràng giang: bản thảo đầu tiên ghi: 6/12/1939, bản thảo thứ 15 ghi: 27/2/1940. Ghi chú của nhà thơ: “Bài này hình thành dần qua 17 bản thảo cả thảy. Bản thảo ở trang này là bản thảo thứ 15. Hà Nội, 05/10/1971”. Sửa chữa thơ như vậy thật ghê gớm!

**

Cũng như một số nhà thơ lớn, Huy Cận là một phong cách lớn, một phong cách thơ đa dạng.

Tuy có nét nổi bật, nhưng thơ Huy Cận là sự thống nhất của nhiều phẩm chất. Thơ vừa có chất suy tưởng triết lý, vừa có chất trữ tình tha thiết nên người ta coi Huy Cận là nhà thơ tâm tưởng. Tâm luôn mở rộng ra trong vũ trụ bao la, nhưng vẫn hướng về cuộc đời là chủ yếu – Huy Cận viết về Bài thơ cuộc đời.

Cuộc đời mới mở ra cho Huy Cận nhiều hướng sáng tạo: thơ và chính trị, thơ và lý tưởng, thơ và thời đại,… Cảm hứng vũ trụ hoà cùng cảm hứng cuộc đời. Suy tưởng triết học hoà trong cảm xúc hồn nhiên giữa các mảng sáng tác, xuyên suốt cả đời thơ.

Cảm hứng lịch sử mạnh mẽ gắn với văn hoá dân tộc. Trong Khảo luận văn chương (Khoa học xã hội, 1937), Hà Minh Đức nhận xét: “Huy Cận đã có nhiều thành tựu và sáng tạo mới, nhưng  có nhiều lúc, thơ không theo kịp đời hoạt động của tác giả… Mong rằng thơ ông sẽ là một nụ hồng giữa một thế kỷ nhiều biến động và nhà thơ luôn khát vọng sáng tạo vì cuộc đời, vì con người” [1; 227].

***

Huy Cận là nhà thơ đồng nghĩa với nhà sáng tạo ngôn từ nghệ thuật. Ông luôn miệt mài, đam mê tìm tòi, đổi mới như một động lực mãnh liệt suốt một đời. Ông còn sáng tạo đường thơ độc đáo để đi vào con đường lớn của thơ ca, sáng tạo trên từng vần điệu, con chữ như nét chạm khắc nghệ thuật.

Nhà thơ để lại cho chúng ta tấm gương sáng về nhà văn – chiến sĩ, cũng là mẫu mực về nhà thơ – nghệ sĩ.

Với thử thách khắc nghiệt của thời gian,Huy Cận vẫn lấp lánh mãi ngọn Lửa thiêngsáng tạo nghệ thuật.

(*)  PGS.TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Huy Cận (2000) – Về tác gia và tác phẩm – Giáo dục.
  2. Huy Cận (2006) –Cuộc đời và sự nghiệp – Hội Nhà văn.

Thông tin truy cập

63823362
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16665
23867
63823362

Thành viên trực tuyến

Đang có 453 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website