Bẵng đi những 41 năm, qua một giấc ngủ đông dài, bỗng một ngày toàn bộ mười tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ lần lượt mở mắt tươi tắn chào bạn đọc[1]. Những ai yêu sách, yêu văn học, những ai nóng lòng với sự chìm khuất của một phần di sản văn chương Việt Nam, hẳn sẽ rất vui mừng. Mừng cho nhà văn, mừng cho công chúng, mừng cho việc trở lại của một đời sống văn học tự nhiên và tự tin chấp nhận trong lòng nó nhiều giá trị khác nhau.
Quan sát tận tường, miêu tả táo bạo, phơi mở nhiều cảnh huống, dõi theo nhiều số phận, chạm khắc những tâm trạng, tung hứng nhiều lời thoại dí dỏm… tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Thị Thụy Vũ nói với chúng ta bà là nhà văn bẩm sinh. Đọc bà, sẽ hiểu cái dung nham sáng tạo ấy đã cuồn cuộn trong lòng bà từ thời thơ bé, dù bà nói rằng thuở ấy những bài tập làm văn của bà thường bị thầy chê trách và phải nhận những điểm xoàng. Có thể người thầy ấy khắt khe vì biết Nguyễn Thị Thụy Vũ xuất thân trong một gia đình có truyền thống văn chương, nhưng nhiều phần đúng hơn là bà cá tính quá: cái cá tính phản kháng, hoài nghi, không chịu khép mình vào lề thói, lại hay nói huỵch toẹt ra những sự thật mà đời thường cấm kỵ…
Vĩnh Long đã nuôi trong lòng nó một nhà văn độc đáo và không thể dung chứa nổi tài năng ấy. Cảm giác về sự chật chội của cuộc đời tỉnh lẻ đã đưa Nguyễn Thị Thụy Vũ lên Sài Gòn, nhưng bà không kỳ vọng đó là miền đất hứa, mà đơn giản hơn chỉ xem đó là một “con sông rộng có nhiều mồi, nơi dành cho những kẻ thích hoạt động”, là “chỗ để cho bọn hồ ly yêu nghiệt giấu đuôi, để chúng có cơ hội tu chỉnh lại cuộc đời” (Thú hoang). Vẫn tiếp tục nghề dạy học, nhưng giờ bà dạy cho người lớn, những cô gái dấn mình vào chốn bụi hồng, với cái vốn tiếng Anh thông dụng mà bà luyện thêm từ Hội Việt Mỹ. Gần như không bị điều kiện hóa bởi bất kỳ không gian, hoàn cảnh nào, cái Ngọn- núi- băng- cao- vút kia (Nguyễn Thị Băng Lĩnh, tên cúng cơm của bà) tự mình đổi tên thành Cơn -mưa -lành (Nguyễn Thị Thụy Vũ, bút danh), và từ 1965 đến 1975 những cơn mưa văn chương rào rạt chảy, hồn nhiên mà tưới tắm, mà xói đất, mà làm nổi lên những bèo bọt, rác rưởi của những kiếp phù sinh một thời ly loạn. Nhưng đây là bèo bọt rác rưởi của nhân sinh, mưa nào phân biệt. Cơn- mưa- lành chỉ biết nâng lên thành chữ nghĩa, thành văn chương: công chúng đón đọc từng ngày qua báo chí và mười cuốn sách lần lượt ra đời khẳng định một khuôn mặt văn chương nữ độc đáo của Việt Nam về bút pháp tả chân.
Trong một lần được Du Tử Lê phỏng vấn, Nguyễn Thị Thụy Vũ nói là “Hình như tôi thường nghiêng nặng về những nhân vật cynique hơn là những nhân vật sống hợp lý với cuộc đời...”[2]. Một câu trả lời quá chân thành và can đảm. Chân thành vì đúng là nhà văn của chúng ta say mê dõi theo những nhân vật có cái nhìn thẳng, thậm chí xấc xược, với những quy ước xã hội, những quy tắc đạo đức phi tự nhiên. Can đảm, bởi trong ý nghĩa thông thường của tiếng Việt, cynique có nghĩa là vô liêm sỉ. Nguyễn Thị Thụy Vũ làm ta nhớ đến Hồ Xuân Hương ở cái cynique vượt ra ngoài ý nghĩa hẹp hòi, thông tục. Đó là khát vọng muốn đạt đến tự do, vượt qua những hệ lụy, những thứ bậc, những cấm kỵ sáo mòn, giả dối. Đó là việc ưu tiên cho những sinh hoạt, hình ảnh, câu chuyện cho phép chạm đến mọi tầng lớp người lao động mà không tập trung vào tầng lớp trí thức tinh hoa. Khiêu khích và giễu cợt trong cái nhìn, trong ngôn ngữ, nhân vật trong tác phẩm của hai bà nói với chúng ta rằng: sự thật đạo đức cần được chứng minh bởi thực tiễn kinh nghiệm và bằng những tình huống cụ thể.
Có hai vỉa quặng mà Nguyễn Thị Thụy Vũ khoan sâu khai thác tập trung: quê nhà Vĩnh Long Mỹ Tho và đô thị Sài Gòn. Quê nhà cung cấp cho bà những câu chuyện về gia đình, vợ chồng (Như thiên đường lạnh, Nhang tàn thắp khuya, Chiều xuống êm đềm, Khung rêu), về trường lớp, bạn bè (Thú hoang). Sài Gòn mang đến cho bà những câu chuyện về cuộc đời các cô gái bán phấn buôn hương, những dan díu Việt- Mỹ, những người cùng đinh trong xã hội… (Như ngọn pháo bông, Cho trận gió kinh thiên, tiểu thuyết; và Mèo đêm, Lao vào lửa, Chiều mênh mông, truyện ngắn).
Nguyễn Thị Thụy Vũ từng nói rằng truyện của bà có 70% là câu chuyện thật. Phải nói trải nghiệm của bà trong cuộc đời thật phong phú. Và khả năng tự ý thức của bà cũng thật rõ rành: “Ðời sống thực tế với những kinh nghiệm nếm trải đã làm cho độc giả quên đi một phần nào bút pháp rặt một giọng miền Nam đầy gai góc của tôi”. Bạn bè cho bà cái niềm vui được quấy phá, đùa nghịch. Gia đình, họ hàng, với những nhân vật đặc biệt có trí tuệ, có vị trí xã hội, có thiên hướng nghệ thuật, với những xu hướng khác biệt nhau, cùng trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đã mang lại cho Nguyễn Thị Thụy Vũ nhiều tố chất, nhiều cảm hứng và cả ám ảnh, như bà từng nói về tiểu thuyết Khung rêu. Tinh thần dấn thân trong văn chương, tình yêu và ý thức tự do của bà có thể hiểu được qua hình ảnh người cha là nhà thơ Mặc Khải, khi ông tuyên bố: “Tôi hãnh diện vì nó. Nó có lý tưởng nó, tôi có lý tưởng tôi”. Hiểu và khích lệ Nguyễn Thị Thụy Vũ, có người em trai cùng thiên hướng: Hồ Trường An, cũng là một nhà văn tài danh. Và nhà thơ Phương Đài, người cô ruột. Quả thật hiếm có một gia đình ở Nam Bộ nào nhiều văn nhân như vậy.
Lắng nghe chính mình và bạn bè mình, Nguyễn Thị Thụy Vũ ghi lại một thế hệ những người trẻ miền Nam chín sớm. Họ tò mò quan sát quanh mình, cái thế giới người lớn đa đoan, phức tạp và họ nhận ra nỗi khắc khoải da thịt hiện hình đêm đêm, cùng nỗi ám ảnh về một tương lai héo hắt già khô không ai chạm đến, như mảnh đất bị bỏ hoang. Bóng dáng thời cuộc phả trên làng quê, những phận người, những cuộc tình, luồn sâu vào đô thị phát tác nơi lớp người ít học, cùng khổ. Những nhân vật nữ của Nguyễn Thị Thụy Vũ thường nối kết dễ với giới mình, một kiểu âme soeur, vừa cạnh tranh vừa thấu hiểu và xót thương nhau. Ngược lại, với họ, nam giới là một thế giới có phần xa lạ, bí ẩn, mang sức hút về thân xác.
Cũng như Hồ Biểu Chánh, chất liệu Nam Bộ đầy ắp trong văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ. Tùy hứng, linh hoạt, tràn đầy nữ tính, trang viết của bà bất ngờ hơn, sắc sảo hơn, nghịch ngợm hơn. Những đối thoại kỳ tình; những miêu tả về tâm lý, sinh hoạt, món ăn… thật hấp dẫn. Trên phương diện này, cũng như Hồ Biểu Chánh, tác phẩm Nguyễn Thị Thụy Vũ hứa hẹn cung cấp những kịch bản hay cho điện ảnh và sân khấu, cũng như là đối tượng mời gọi nhiều cách đọc mới: nữ quyền, xã hội học, hậu thực dân…
Nhưng quả thật, những ai thích đọc loại văn chương gián cách với đời sống, những câu chuyện êm đềm, những cảm xúc nhẹ nhàng, và e ngại những sự thật phũ phàng, những bóng tối rợn ngợp sẽ không chịu nổi văn chương Nguyễn Thị Thụy Vũ. Về phương diện này, bà gần với quan niệm của Vũ Trọng Phụng: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời”[3].
Cuộc sống đã thử thách Nguyễn Thị Thụy Vũ nhiều và bà đón nhận bằng một sự can đảm dung dị đặc biệt. Từng dạy học, viết văn, coi bói, bán vé trên xe buýt, nuôi dê, làm rẫy…để nuôi bầy con bốn đứa, bà luôn đứng thẳng, một mình. Giờ đây, nhà văn đã được đền bù, đó là sự tự do và bình an nội tâm. Bà ăn chay trường, vẫn giữ được “màu da trắng mát như cánh hoa ngọc lan” (Hồ Trường An). Dù rất thanh bạch, cốt cách vẫn thong dong, sống vui cùng con cháu trong một căn nhà của cha mẹ để lại ở Lộc Ninh; ở đó con trai, con gái, con dâu, hai cháu nội, thần thái đều sáng đẹp.
Tác phẩm Nguyễn Thị Thụy Vũ đã trở lại với chúng ta. Nhà văn tròn tuổi tuổi tám mươi được chứng kiến một sự kiện lớn của đời mình.
Như một hạnh phúc.
Sài Gòn, 17-3-2017
Nguyễn Thị Thanh Xuân
[1] Nxb. Hội Nhà văn & Phương Nam Book tái bản, 2016, 2017.
[2] Giai phẩm Văn, ngày 16 7-1973.
[3] Vũ Trọng Phụng. “Để đáp lời báo Ngày nay: Dâm hay không dâm?”. Tương lai, 25-3-1937.