Tưởng niệm Tô Hoài

Khi Tô Hoài nằm xuống, chúng ta tưởng như một cánh cửa đã đóng lại, niêm hẳn một thời dài mà Ông là chứng nhân đặc biệt.
Thật vậy, có ai được thọ tuổi đời, được nhiều trang viết, được đi qua bao triều đại, bão giông, mà vẫn minh mẫn, tinh tường, tràn đầy cảm hứng, ngồn ngộn chất sống như Tô Hoài?
Mùa hè năm ngoái, trước thời khắc này mười hai ngày, Tô Hoài vĩnh biệt chúng ta. Trước đó một năm, chúng tôi chạy đua với thời gian trong bộn bề công việc, trong hoài thai, sinh nở để mong có thêm một luận văn nhỏ tổng kết về đời văn Tô Hoài, cây đại thụ của ngôi làng văn học Việt Nam, nhưng đã muộn.
Nhà văn đã không chờ một người nghiên cứu trẻ ở phương Nam tìm đến gặp, xin được hầu chuyện văn chương và trình lên sản phẩm nghiên cứu đầu tay của mình, Ông đã ra đi ở tuổi chín mươi tư.
Hôm nay, thầy trò chúng tôi cùng may mắn có mặt ở đây để tưởng niệm Tô Hoài, nói với Ông về những điều chúng tôi nhận được từ di sản của Ông.
Chúng tôi muốn thưa với Tô Hoài rằng, chọn con đường giảng dạy và nghiên cứu văn chương, chúng tôi mỗi ngày như được nuôi dưỡng bằng chất sống là tác phẩm. Tô Hoài đã cung cấp cho chúng tôi dưỡng chất ấy, nhiều và bền bỉ, lặng thầm như nước mội nuôi cây.
Đã nửa thế kỷ qua, từ ngày tôi được cầm trên tay Dế mèn phiêu lưu ký, O chuột, Quê người, Xóm Giếng ngày xưa...Ký ức của cô bé mười tuổi thuở ấy còn nguyên vẹn tiếng gù của vợ chồng đôi gi đá (Đôi gi đá); mùi hương của đóa ngọc lan anh Hời ném vào ô cửa hẹn hò với Ngây, cảm giác kinh sợ và xót xa với bà cụ Vạng mù mớm cơm cho cháu (Quê người); hình ảnh của anh cu Lặc vỗ bụng hát ông ổng khi no và không dám ăn canh miến vì “ăn ló tơn tơn quá, chưa luốt đã tụt vào củ tỉ” (Cu Lặc)...
Bắc Bộ xa xôi hiện lên đầy ám ảnh và trở nên thân thuộc, nhờ Ông.
Từ thuở ấy, những chân trời mở ra, những con người gặp gỡ, Việt Nam, Đất nước, Dân tộc trở thành một thực thể ruột rà ăm ắp yêu thương.
Nhưng Tô Hoài có nói gì to tát đâu, Ông chỉ mải miết nhìn và mải miết ghi, nhẩn nha và gấp gáp, nghiêm trang và hài hước, hồn hậu và tinh quái, càng ngày càng lão thực trong đời sống và lão luyện trong nghề văn.
Dù không thần bí hóa văn chương, tôi vẫn không thể không thích thú với ý nghĩ rằng bản mệnh của Tô Hoài gắn với thần Hermès (Mercury)[1]: Tính cách linh hoạt, trải nghiệm thẳm sâu, phong cách lão luyện. Ở Ông, cái bẩm sinh gắn liền với cái chuyên nghiệp, cái chữ nghĩa gắn liền với cái đời thường.
Đó là tính trời. Còn nết đất?
Sẽ phải có nhiều ngày, nhiều suy tư, nhiều trang viết để nói về một Hà Nội làm nên Tô Hoài. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến sự kết tụ và kết tinh, âm thầm, tiềm tàng, kiên nhẫn qua bao năm tháng: phù sa văn hóa mà vùng đất này có được. Phù sa ấy được bồi đắp theo một nhịp vận hành hài hòa tự nhiên, không thủy điện, không cơ giới. Tô Hoài đã may mắn sinh ra và lớn lên nơi ấy, hút đậm phù sa từ thuở thiếu thời. Mảnh đất ven đô cho ông điểm nhìn từ cái giáp ranh của đời: Ông thấm vào mình cái hơi thở tĩnh lặng của đất đai làng mạc đồng thời lại nhạy cảm với cái nhịp đập hối hả, cái tâm thế xao xác của thị dân.
Xuất hiện vào thập kỷ cuối của giai đoạn văn học 1932-1945, Tô Hoài đến muộn, trong cái làng văn khá nhiều chữ nghĩa đang khát khao khối tri thức sang trọng hiện đại của trời Tây. Ông là con nhà thợ cửi, là dân làng dệt. Về phương diện nghề nghiệp, Ông không có cái lợi thế của con nhà dòng dõi, của trí thức trường lớp. Từ cái giáp ranh của nghề, Tô Hoài bước vào trung tâm đời sống văn chương, định vị mình bằng con đường tự học (luôn quan sát, đọc và ghi chép lại), bằng việc tiếp tục khai thác cái tình thế đặc biệt của mình (làm nhiều việc khác nhau tất cả đều có thể trở thành vỉa quặng cho trang viết của Tô Hoài).

Như vậy đó, cái nội lực văn hóa của miền đã kết hợp với thiên hướng và hoàn cảnh cá nhân của Tô Hoài. Nhưng chưa đủ, tôi muốn nói đến cái nội lực văn hóa của thời mà Ông đã sống.
Thời mà Tô Hoài đi qua, chỉ còn 5 năm nữa là vừa chẵn 100 năm. Ông đã trải một thời dài, quá nhiều biến cố mà hiếm có nhà văn nào có được. Ai trong chúng ta thâm cảm nó bằng Ông? Ngày Ông biết nhìn, biết nhớ, nó đã là thuộc địa. Xã hội Việt Nam hiện đại hóa trong khổ nhục. Văn minh phương Tây áp vào quê hương Ông tạo ra những biến thiên chưa từng thấy. Và khát vọng ra đi đạp đất đội trời (Dế mèn phiêu lưu ký, 1941), ước muốn từ một cái tôi cá nhân biết có những chân trời. Và Xóm Giếng êm đềm trở thành cái của ngày xưa, trong xu thế đô thị hóa của kinh tế thị trường. Và những kiếp người nhao nhác trong mưu sinh, trong loạn lạc, sống đắp đổi, tạm bợ như những mảnh bèo trôi (Cỏ dại, Quê người, Chuyện cũ Hà Nội). Và rồi hai cuộc chiến tranh trong dẫn dắt của ý thức hệ cộng sản, những phong trào, những “đổi đời” lớn lao từ núi rừng (Mười năm, Truyện Tây Bắc) đến thủ đô (Những ngõ phố), những trải nghiệm không tưởng nổi một thời ở vùng nông thôn Bắc Bộ (Ba người khác) và những ký ức chi chít về đời sống văn chương (Cát bụi chân ai, Chiều chiều)...
Lực hút của thời cuộc đã đưa Tô Hoài đứng giữa giòng, đi nhiều nơi, thấu cảm nhiều cảnh ngộ. Ông có hơn nửa thế kỷ giữ nhiều trọng trách xã hội bên cạnh việc cúi mình trên trang viết. Và chính lực hút của chữ nghĩa chiếm ưu thế mạnh hơn trong ông, đã giúp Ông biến thời cuộc thành nội lực văn hóa của thời. Với Ông, thời cuộc cũng là một phần của đời sống. Thời cuộc ẩn sâu trong sinh hoạt, tâm tư, lời ăn tiếng nói của con người chứ không nhảy lên thành công thức, không khuôn mình thành luận đề. Luôn cúi mình lắng nghe tiếng rì rầm của xã hội của tự nhiên, thế giới văn chương của Tô Hoài nổi lên theo lực hút của đám đông, một đám đông như cỏ, nhỏ nhoi, cộng sinh, thuận theo tự nhiên. Một đám đông không mờ mờ nhân ảnh mà rõ rành, sắc nét từng cá thể, bởi vì họ sống thực, sống tự nhiên cuộc đời của họ. Và Tô Hoài luôn bị hấp dẫn bởi cái thực, mộc và tự nhiên đó...
Thuận thiên, và yêu cái tự nhiên, hình như ấy là cốt cách sống và quan niệm nghệ thuật mà Tô Hoài đã có và thể hiện trong suốt cuộc đời mình, từ những trang viết đầu tay cho đến trang viết cuối cùng. Nếu nghĩ kỹ, thật khó xếp Tô Hoài vào một trào lưu nào: hiện thực hay lãng mạn? xã hội hay phong tục? Không ngả sang duy mỹ, không trau chuốt ngôn từ theo trào lưu lãng mạn thời 1932-1945; tránh được phần lớn lối khái quát hóa của trào lưu hiện thực và xu hướng sử thi, hình như Tô Hoài vượt ra ngoài các khung định sẵn.
Các cốt truyện của Ông thường không chặt chẽ, ít mang tính luận đề như rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam thế kỷ XX. Khả năng vượt khung này hình như cũng vừa là tính cách, vừa là phong thổ. Có thể nhớ đến hai khuôn mặt tiêu biểu của văn chương Hà Nội: Tô Hoài và Nguyễn Tuân. Cả hai đều xuất hiện muộn (những năm 40 của thế kỷ XX), đời văn dài, đều giỏi nhặt nhạnh những điều cụ thể, tài hoa trong chi tiết và giọng kể. Nhưng đó là hai phong cách hoàn toàn khác nhau, nếu không muốn nói là đối nghịch: Một neo giòng/ một hoài cổ; một ngồn ngộn đời thường/ một chạm khắc kỳ khu; một dõi theo muôn mặt chúng sinh trong kiếp đời lao khổ/ một hứng thú với những nhân dáng đặc biệt, những tình huống đắt, ngợi ca cái đẹp và thú vui; một dung dị, thản nhiên, thoáng giễu cợt khiêm nhường/ một cầu kỳ, nghiêm trang mà ngông nghênh, kịch tính. Nhưng “Anh hùng đoán giữa trần ai mới già” (Truyện Kiều), Nguyễn Tuân có lúc bảo là Tô Hoài mới là người có méthode.[2]
Từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến tạp văn, Tô Hoài duy trì được cái cách kể kề cà xộc xệch rất hiện đại, phả được tiếng rì rầm phồn tạp và cái nhịp điệu tự nhiên của đời sống. Những mở đầu và kết thúc thường lửng lơ, đột ngột. Phần lớn các nhan đề của Ông cũng toát lên cái dung dị tự nhiên ấy. Này đây không gian: Quê nhà, Quê người, Những ngõ phố, Chuyện cũ Hà Nội, Cát bụi chân ai; này đây thời gian: Chiều chiều..; này đây muôn mặt chúng sinh: Mẹ mìn bố mìn, Kẻ cướp bến Bỏi, Giấc mộng ông thợ dìu, Ba người khác... Càng về già, ngôn ngữ văn chương của Tô Hoài càng trĩu nặng phù sa văn hóa sông Hồng. Ông cứ nói miên man từ chuyện này sang chuyện kia, cấu trúc câu ngoắt ngoéo với tầng tầng lớp lớp từ ngữ mới/ cũ, của đường phố/ làng quê, của đối thoại/ độc thoại: Tô Hoài say kể và chúng ta say nghe, chăm chú mà nhẹ nhõm...
Đặc biệt, ngay từ những trang viết đầu tay của tuổi đôi mươi, như Cỏ dại, đã hằn lên một phong cách quan sát và tự quan sát cực kỳ tinh tế và một khả năng biểu hiện cực kỳ rõ rành, tỉnh táo, không ve vuốt, không nương nhẹ. Ở đó Tô Hoài đã thể hiện khả năng tự phân tích, tự phê phán và tự giễu nhại. Nhân vật tôi xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm của Tô Hoài, đi cùng với các nhân vật đám đông của Ông, dân dã và đôi khi nhếch nhác, di chuyển và trò chuyện trong giòng chảy của lịch sử, trong các biến thiên của thời cuộc. Nhưng ở đó nhà văn không kêu lên tha thiết: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi. Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu” (Xuân Diệu, Những đêm hành quân) mà thường nói thật cái chút lưỡng lự, chút tính toán tinh ranh nhỏ bé trong mình, trong người, và thường tự giễu mình, giễu người, trong mỗi khi chọn lựa. Đứng giữa giòng mà vẫn chăm chú với cái ngoại vi, dấn mình vào cõi nhân sinh mà vẫn thiết tha với thế giới tự nhiên. Tô Hoài như vậy hiện đại và dân chủ. Từ xu thế chung, Vũ Ngọc Phan và Vương Trí Nhàn cho Ông là có cái nhìn khinh bạc và hư vô. [3]
Nhưng văn chương Tô Hoài sẽ còn mãi, xanh biếc theo thời gian. Vì nó lưu giữ cho chúng ta đời sống. Vì nó phả lại nhịp đập của lịch sử. Vì nó nói lên câu chuyện muôn đời của kiếp nhân sinh. Sẽ còn có ai sau Tô Hoài làm công việc ấy cho thời này của chúng ta hôm nay?
Nhớ đến Tô Hoài hôm nay, là nhớ đến một người văn và một đời văn tủm tỉm nụ cười. Nụ cười ấy vừa trẻ thơ láu lỉnh vừa lão thực trầm tư. Ông không mang lại cái nhìn ngạc nhiên, Ông ít tạo nên kịch tính vậy mà trang viết của Ông vẫn cứ tươi mới, vẫn cứ đầy ắp những giao cảm âm thầm. Bằng cuộc đời và trang viết, Tô Hoài như nói với chúng ta rằng: “Cuộc đời là như vậy đấy. Ai gắn bó và yêu thương nó thực thà, sẽ luôn tràn đầy cảm hứng.”

SG, 5-7-2015
NGUYỄN THỊ THANH XUÂN
[1] Theo thần thoại Hy Lạp, “thần Hermès là thần bảo hộ cho kẻ trộm, người du lịch, các sứ thần, mục đồng và chăn nuôi, người thuyết trình, thương nghiệp, khoa học kỹ thuật, văn chương và thơ, các đơn vị đo lường, điền kinh, thể thao, sự khôn ngoan, lanh trí, và các phát minh, sáng chế, ngôn ngữ...” nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Hermes
Dẫn nguồn ngày 5-7-2015.
-Tô Hoài sinh ra trong một gia đình thợ thủ công, từng dạy học, bán hàng, kế toán hiệu buôn, phóng viên, chủ nhiệm báo Cứu Quốc, Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội...
[2] Theo lời kể của Vương Trí Nhàn trong "Tô Hoài và những nghiêm chỉnh của kiếp phù du": “Hồi sinh thời Nguyễn, có lần tôi đánh bạo hỏi, thì được cụ trả lời: – Mình làm việc có mê-tót gì đâu! Có mê-tót, phải là sừ Tô Hoài”. Nguồn: http://phebinhvanhoc.com.vn/to-hoai-va-nhung-nghiem-chinh-…/, dẫn ngày 5-7-2015.
[3] Vũ Ngọc Phan (1960) Nhà văn hiện đại , Nxb. Thăng Long, Sài Gòn, tr.1118: “Về sau, người ta thấy những truyện ngắn của ông trong Tiểu thuyết Thứ Bảy hơi đá giọng trào lộng và khinh bạc...”
Vương Trí Nhàn, Bđd: “Có một thoáng gì đó, như là một chút hư vô trong con người thực dụng Tô Hoài chăng? Một nhận xét như thế là đầy mâu thuẫn, nhưng biết sao được, con người mỗi chúng ta trong những năm này bị bao sức mạnh xâu xé, kể sao cho xiết! Nguồn: http://phebinhvanhoc.com.vn/to-hoai-va-nhung-nghiem-chinh-…/, dẫn ngày 5-7-2015.

Tài liệu tham khảo:
1.Vũ Ngọc Phan (1960), Nhà văn hiện đại, Nxb. Thăng Long, Sài Gòn.
2. Vương Trí Nhàn (2005), Cây bút, đời người [Tô Hoài và những nghiêm chỉnh của kiếp phù du] Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.

Nguồn: Tham luận tại hội thảo do Hội nhà văn Hà Nội tổ chức, kỷ niệm một năm ngày mất của Tô Hoài (2015).

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60520922
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2415
10018
60520922

Thành viên trực tuyến

Đang có 211 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website