Kim Lân – những gì còn để lại

20200814

Nhà văn Kim Lân (1920 – 2007) là người quê gốc ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh, nay đã thuộc Hà Nội. Đó chính là miền đất xưa gọi là Kinh Bắc. Phù Lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh,... vốn nổi tiếng là vùng văn vật, thi thư.

Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài. Người như tên, có tài và đã phát lộ tài năng. Ông trở thành nhà văn tài hoa của làng quê. Đồng thời, trong hoạt động kịch trường, phim ảnh, là một nghệ sĩ tài tử “tay ngang”, với những vai diễn nổi tiếng.

Sự nghiệp để lại tuy còn khiêm tốn, nhưng đều có giá trị đặc sắc trên hai phương diện chính yếu là văn họcnghệ thuật.

Ông có nét hao hao như Nguyễn Tuân, tuy ngồi “chiếu dưới” một chút so với bậc đàn anh. Nhắc đến Nguyễn Tuân, người ta liên tưởng ngay đến Kim Lân. Đó là hân hạnh đặc sắc cùa nhà văn tài danh.

 

I/ Sự nghiệp khiêm tốn nhưng đặc sắc về văn chương

1/ Phác thảo sự nghiệp văn chương

Kim Lân từng tâm sự: “Viết văn, trước tiên tôi viết cho mình, cho những mơ ước, gửi gắm của chính mình. Sau nữa, đó là những lời bộc bạch, tâm sự với bạn đọc những điều đang nhức nhối, đang thôi thúc”.

Ban đầu, anh cầm bút như một sự giải thoát của cuộc kiếm sống, một giải toả tâm lý cho bằng mọi người, không thua kém ai. Tức là, nhà văn trẻ tìm kiếm một chỗ đứng xã hội, một tư cách bình đẳng với cộng đồng trong một xã hội còn nhiều đánh giá thật giả lẫn lộn, khinh trọng sai lệch về phẩm giá con người.

Dần dần, nghề viết đem lại cho nhà văn sự say mê và niềm ham thích thật sự. Anh thanh niên viết văn đã tìm ra một con đường riêng, một vùng thực tại, cũng là vùng thẩm mỹ cho hứng thú cá nhân.

Kim Lân tham gia tổ chức Văn hoá Cứu quốc từ năm 1944. Cách mạng và kháng chiến bùng nổ, ông làm phóng viên cho các báo của lực lượng vũ trang cách mạng như Chi lăng, Xông pha, Dân quân Việt Bắc.

Từ năm 1948, ông làm việc tại Hội Văn nghệ Việt Nam. Truyện ngắn Làng xuất hiện trong thời gian này.

Sau hoà bình 1954, nhà văn liên tục công tác ở các cơ quan văn nghệ như báo Văn nghệ, nhà xuất bản Văn học, nhà xuất bản Tác phẩm mới, Trường bồi dưỡng viết văn... cho đến khi nghỉ hưu.

Vậy là, sáng tác coi như tạm dừng ở tuổi 50, nhưng nhà văn vẫn liên tục hoạt động trong lĩnh vực văn học, văn nghệ cho tới khi hoàn toàn “rửa tay, gác bút”.

Kim Lân không có những tiểu luận văn chương để công bố những “tuyên ngôn” gì lớn lao, nhưng qua tự bạch, nhà văn có những quan niệm minh xác, sâu sắc về sáng tác.

Những thông điệp ấy, cùng với những truyền thụ qua trường bồi dưỡng viết văn đã thể hiện tâm huyết của nhà văn dành cho thế hệ những người viết trẻ đầy triển vọng về khai thác vùng thẩm mỹ nông thôn với truyền thống nhân văn và văn hoá.

Từ đó, hình thành một sở trường là viết “tuyên ngôn” về “làng quê Việt Nam”.

Các tác phẩm chính của Kim Lân có thể kể đến:

-     Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn), 1955

-     Con chó xấu xí (tập truyện ngắn), 1962.

-     Kim Lân – Tuyển tập Kim Lân (Lữ Huy Ngôn tuyển chọn), NXB Văn học, 1996.

-     Kim Lân – Tác phẩm chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, 2004.

-     Kim Lân – Tuyển tập Kim Lân, NXB Văn học, 2007, 2012.

Con số tác phẩm đầy đủ được khảo sát và nghiên cứu là 27. Trong số đó, có 13 truyện viết trước năm 1945 đăng trên các báo Trung Bắc chủ nhật, Tiểu thuyết thứ bảy và 14 truyện viết sau này.

Nhà văn trình làng truyện Đứa con người vợ lẽ trên tuần báo Trung Bắc chủ nhật (1942). Gần 30 năm sau, ông có truyện Bà mẹ Cẩm (1969). Cả hai giai đoạn, nhà văn đều để lại dấu ấn qua những tác phẩm đặc sắc.

2/ Đặc sắc truyện ngắn và nghệ thuật văn xuôi

Nhiều nhà văn đã thử bút trên nhiều thể loại và có những thành công đặc sắc. Nguyễn Đình Thi là một trường hợp rất tiêu biểu.

Cũng rất nhiều người viết đã bao quát được hầu hết văn xuôi – như ký sự, phóng sự,tuỳ bút, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, và cũng gặt hái được thành công.

Tuy nhiên, có người chỉ thích dùng món “độc tấu” – như Nguyễn Tuân nổi tiếng nhất với tuỳ bút. Kim Lân trước sau chỉ chuyên viết truyện ngắn, và cũng là người có tác phẩm xuất sắc nổi tiếng.

Truyện ngắn, vì vậy, có thể coi là đặc sản của Kim Lân. Nhiều nhà nghiên cứu đều thống nhất đánh giá như vậy.

Hà Minh Đức trong Nhà văn nói về tác phẩm đã viết: “Kim Lân là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Kim Lân đã tạo được cách viết độc đáo. Phải nói rằng Kim Lân viết không nhiều, nhưng sáng tác của ông đã gây ấn tượng với bạn đọc”.

Nhà văn Nguyễn Khải – cây bút sung sức và có thành tựu lớn của văn học đương đại, cũng đã từng nhận xét đầy thán phục:

“Về văn xuôi là nghề của tôi, trước sau tôi thần phục có ba người là ông Nguyễn Tuân, Nam Cao và Kim Lân. Sau này, viết lách được cái gì, thường cũng lấy văn của ba ông làm chuẩn”.

Nhận xét về Làng Vợ nhặt của Kim Lân, nhà văn Nguyễn Khải vô cùng ngạc nhiên: “Đó là thần viết, thần mượn tay người để viết nên những trang sách bất hủ” (Nghề văn cũng lắm công phu, 2005).

Từ thành tựu đặc sắc truyện ngắn Kim Lân, có thể qua đó nghiên cứu nhiều vấn đề, không chỉ riêng về thi pháp và phong cách nghệ thuật mang cá tính sáng tạo của nhà văn, mà còn cả một loạt vấn đề có ý nghĩa chung về lý luận và sáng tác:

-     Nghệ thuật kết cấu truyện ngắn.

-     Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn.

-     Nghệ thuật dựng truyện, xây dựng nhân vật truyện ngắn.

-     ........................

Đã có nhiều luận văn thạc sĩ về đề tài tác gia Kim Lân trong các trường Đại học trên cả nước.

Sau đây là một thống kê sơ bộ, theo thời gian, có thể còn chưa đầy đủ:

[ 1 ] Đặng Thị Huy Lam (2005), Đặc điểm truyện ngắn Kim Lân, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

[ 2 ] Nguyễn Quốc Thanh (2006), Cảm hứng chủ đạo và nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Kim Lân, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

[ 3 ] Đinh Thị Ngọc Mai ( 2010), Dạy học truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân ( Ngữ Văn 12- tập 2) theo hướng tiếp cận thi pháp học, Trường Đại học Giáo dục. Luận văn Sư phạm Ngữ văn mã số 60.14.0.11 Lý luận văn học và Phương pháp dạy học.

[ 4 ] Nguyễn Thị Ngọc Quyên ( 2010 ), Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Kim Lân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

[ 5 ] Khổng Thị Minh Hạnh, (2012), Cái nhìn thời gian, không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Kim Lân, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

[ 6 ] Nguyễn Thị Nha Trang (2012), Phong cách văn xuôi nghệ thuật Kim Lân, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

[ 7 ] Ngô Thị Thu Trang (2014), Nhân vật và cốt truyện trong truyện ngắn Kim Lân, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.

[ 8 ] Kiều Thị Hà (2014), Dạy học tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân ở trường Trung học phổ thông theo đặc trưng thể loại, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội

[ 9 ] Nguyễn Văn Minh ( 2015), Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Kim Lân, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.

[ 10 ] Nguyễn Hồng Diễm ( 2016), Văn hoá phong tục làng quê trong sáng tác của Kim Lân. Luận văn Ngôn ngữ - Văn hoá Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Như vậy, những nhà văn có tầm cỡ như Kim Lân, sự hiện diện ở trong sách giáo khoaTrung học cơ sở(lớp 9) và Trung học phổ thông ( lớp 12) là một đóng góp rất có ý nghĩa.

Thêm nữa, ở bậc Đại học Kim Lân cũng là một tác gia được nghiên cứu về mặt Văn học, Ngôn ngữ Lý luận văn học kể cả liên ngành khoa hoc như Phương pháp dạy học - Khoa học Giáo dục

Đây cũng là một đóng góp đáng kể về sự nghiệp văn học của một nhà văn trong số có tên tuổi được chọn lọc trong thế giới học đường.

 

II/ Sự nghiệp đáng kể diễn xuất trong kịch nghệ, điện ảnh

Có những hoạt động nghiệp dư của một số các nhà văn sang địa hạt nghệ thuật cũng nổi tiếng trong giới nghệ sĩ.

Nguyễn Huy Tưởng viết kịch và được trình diễn trên sân khấu như tác phẩm Những người ở lại. Tô Hoài viết kịch phim Vợ chồng A Phủ được dựng thành phim trình chiếu, tức chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh. Nguyễn Tuân xưa kia từng sang tận Hongkong đóng phim Cánh đồng ma. Sau này ông cũng tham gia đóng phim ở Việt Nam.

Kim Lân cũng vậy, thời thanh niên đã là “cây” văn nghệ của làng: vẽ tranh, nặn tượng, tổ chức nhóm diễn kịch. Sau này ông bước vào nghệ thuật như dạo chơi một cách hứng thú, say mê. Kim Lân thích hội hoạ nhưng không có điều kiện và hoàn cảnh để theo học Mỹ thuật. Có năng khiếu diễn xuất ông tham gia vào kịch nghệ. Theo tự bạch, ông đã từng tham gia vào đoàn kịch cùng một số nghệ sĩ từ thời trước, sau 1945 như Trần Hoạt, Hoàng Cầm…

Được mời đóng kịch và phim, ông bén duyên và gắn bó với nhiều thể loại: hài kịch (Cái tủ chè - Vũ Trọng Can), kịch thơ (Kiều Loan - Hoàng Cầm) phim chuyển thể (Con - Đoàn Lê)…

 Những vai đầy ấn tượng có thể kể:

-     Ông già say trong kịch Kiều Loan (1946)

-     Pú Pạng trong phim Vợ chồng A Phủ (1972)

-     Lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy (1982)

-     Lý Cựu trong phim Chị Dậu (1986)

-     Cụ lang Tâm trong phim Hà Nội 12 ngày đêm (1999, 2002)

Việc lựa chọn người đóng phim thường là khó khăn.Các đạo diễn thường phải chọn người phù hợp nhất với nhân vật kịch bản điện ảnh về ngoại hình và đặc biệt là về diễn xuất, tất nhiên là qua hoá trang.

Đức Lưu nổi tiếng với vai Thị Nở. Bùi Cường cũng thành danh trong vai Chí Phèo trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Còn Trà Giang lại lưu danh với các vai diễn trong phim Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm.Đó là những minh chứng sinh động.

Kim Lân nhập vai các nhân vật phim, kịch căn bản và trước hết vì có chiều sâu tâm lý, nhập thân với nhân vật. Nói cách khác là diễn xuất rất có hồn, thể hiện chân thật tâm hồn nhân vật. Đó là sự sâu lắng tinh tế, cố gắng để đi đến tận cùng những nỗi niềm tâm trang của con người, phận người. Điều ấy đã góp phần làm nên một vị thế riêng của Kim Lân trong kịch trường và phim trường. Ông hơn hẳn các diễn viên khác, kể cả trẻ và có tuổi nghề, chính là ở chỗ ấy. Họ thường phải đọc đi đọc lại tác phẩm nhiều lần, cũng như phải học đến mức “thuộc lầu” kịch bản chuyển thể nhằm nhập tâm cũng là để hoá thân vào nhân vật.

Những vai diễn kịch nhất là điện ảnh thành công “để đời” của Kim Lân là những mẫu mực vươn tới của nhiều diễn viên, nhất là số còn non trẻ. Và, đó cũng là một mong muốn chính đáng của họ.

*

Có những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng vì đa tài. Nguyễn Đình Thi xứng đáng là nhà văn- nghệ sĩ chủ yếu trên phương diện sáng tác văn, thơ, nhạc, kịch.Văn Cao tài hoa ở nhạc và cả thơ. Lớp đàn em Nguyễn Trọng Tao, Hữu Ưóc cũng bước sang hoạt động nghệ thuật ngoài văn chương. Nguyễn Thị Hồng Ngát vừa công tác điện ảnh vừa làm thơ.

Kim Lân đã được tôn vinh chủ yếu về vai trò của người viết văn nhưng cũng được đánh giá cao cả ở hoạt động diễn xuất. Có thể vinh danh ông lên hàng nhà văn - nghệ sĩ vì những đóng góp toàn diện trong địa hạt văn chương và nghệ thuật.

Có nét tương đồng với Tô Hoài về khuynh hướng đi sâu, khám phá phát huy phong tục làng quê, hồn Việt và như vậy Kim Lân cũng xứng đáng với mệnh danh nhà văn – nhà văn hoá.

Có thể đây cũng là cái nhìn ở tầm thế kỷ với một nhà văn đã trải qua cuộc đời hoạt động văn chương và nghệ thuật “trong cõi người ta”.

 

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văm Kim Lân.

Ngày 1/8/2020

 

Đoàn Trọng Huy

(PGS.TS. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)

Bài viết do tác giả gửi cho Web Khoa Văn học

 

Tài liệu tham khảo

[ 1 ] Kim Lân (1996, 2012, 2017), Tuyển tập Kim Lân, Nxb Văn học.

[ 2 ] Kim Lân (2004), Tác phẩm chọn lọc, Nxb Hội Nhà văn.

Thông tin truy cập

63671082
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14800
17595
63671082

Thành viên trực tuyến

Đang có 689 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website