Trở lại vườn văn Võ Hồng

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua rồi, một ngày thăm lại vườn văn của Võ Hồng, tôi tưởng như mình đang lần theo một hành trình đọc. Cái cô gái tuổi mười lăm, sau khi đọc những Nhánh rong phiêu bạt, Con suối mùa xuân, sung sướng ngắm nhìn chân dung hiền hòa của nhà văn trên bìa tạp chí Văn năm 1974, và người đàn bà tuổi sáu mươi bảy thơ thẩn giở những trang giấy sách úa vàng, bùi ngùi nhớ về hình ảnh một ông già đội mũ len ngồi trên hiên nhà nói cười hiu hắt.

20220601

Tôi đã đọc Võ Hồng xưa như một người đọc tự do, mảnh vải tinh khôi thấm hồn nhiên câu chữ. Tôi đang đọc Võ Hồng nay như một người đọc thả mình trong dòng nghĩ, ở đó có cả những quan sát và trải nghiệm cá nhân, cũng như những cầu viện không tránh khỏi của người đi qua trường lớp. Và tôi hình dung Võ Hồng ngồi lặng lẽ lắng nghe tôi nói huyên thuyên mà nheo mắt cười vừa khích lệ, vừa chế giễu.

Võ Hồng là người tìm thấy hạnh phúc trong hoạt động chuyên môn: viết văn và dạy học. Trong bất hạnh của cuộc đời cô lẻ, ông đã được đền bù. Bằng trái tim yêu thương, luôn muốn được tâm tình, chia sẻ, Võ Hồng viết và nói như một con tằm nhả tơ, những kén tơ óng ánh vầng sáng ấm.

Dù tự thấy cuộc đời của mình “vui ít buồn nhiều”, nhưng một cái nhìn lạc quan về nghề viết như Võ Hồng có lẽ là khá hiếm: “Ông nhà văn, ông được ưu đãi nhiều quá. Ông được nói chuyện dịu dàng với người đọc vào một giờ yên tĩnh nhất, trong một khung cảnh êm đềm nhất. Người đó đem trọn tâm hồn ra để nghe ông và ông được chọn nói những điều mà ông cho là thâm thúy”. Nghĩ như vậy, rõ ràng Võ Hồng đã luôn vừa mang tâm thế người đọc vừa tâm thế người viết trong khi đến với văn chương.

Nửa thế kỷ trở lại với ngôi vườn cũ, hương xưa phảng phất, kỷ niệm tràn về, cảm tạ mối thân quen đầy tin cậy đã qua, tôi của hôm nay vẫn tự hỏi: ngoài những âm vọng của quá khứ, còn có điều gì khác trong tôi, như những khám phá mới mẻ, hay là những lý giải kỹ càng về sức hút của trang viết Võ Hồng?

Đọc Võ Hồng xưa, trong tôi có hai lần chấn động. Một là bài thơ Vết thương không lành in trên tạp chí Bách Khoa năm 1962(1). Hai là lời bộc bạch của nhà văn trong lần trả lời phỏng vấn trên tạp chí Văn: “Ước vọng của tôi là có phương tiện đi lang thang khắp các miền quê hương đất nước, từ cánh đồng phù sa sông rạch lên tới vùng sơn cước rừng núi âm u, ngược xuống bãi biển sóng gầm… vai mang máy ảnh, máy ghi âm và túi giắt sổ tay, bút chì bút máy.

Tôi sẽ tìm gặp những ông nông dân già, những ông chài cá lưới tôm già, những ông thợ rừng, những ông thợ đóng cối xay… Tôi sẽ nghe họ kể chuyện làm ăn, những kinh nghiệm làm nghề, những lo âu và hy vọng. Tôi sẽ ghi tiếng nói của họ vào máy ghi âm, nét mặt của họ vào máy ảnh.

Tôi sẽ biên chép, sẽ bổ sung thêm chi tiết… và sau đó sắp đặt lại lời lẽ bố cục cho gọn, cho rõ, cho dễ hiểu. Khi được in ra một loạt những cuốn như Hồi ký của một người thợ rừng, Cuộc đời của một ngư phủ ở Tiên Châu, Phút nói thật của một nông dân miền Hóc Lá… thì ông tưởng tượng xem, độc giả các thế hệ sau sẽ yêu quê hương thiết tha đến chừng mực nào”(2).

Từ ấn tượng xa xưa, tôi nghĩ rằng, Võ Hồng đã chọn đi theo hai tiếng gọi lớn mà đối với ông là sâu sắc nhất: tiếng gọi của quê hương và tiếng gọi của tình yêu.

Võ Hồng đã dựng lại bức tranh con người và sinh hoạt của Tuy Hòa và miền Trung nói chung trong tiếng rì rầm của lịch sử Việt Nam. Có bao nhiêu tác phẩm đã nói đến thời tranh chấp Pháp-Nhật và những cuộc tản cư tao tác ở khúc ruột miền Trung như Hoa bươm bướm?

Về xã hội, cảm thức về tao loạn và biến thiên lịch sử trong văn chương Võ Hồng rất đậm. Ông đau đớn về những phận người trôi giạt, ông đau đáu về những điều biến mất trong cơn gió bụi. Dĩ vãng sống lại, mạnh mẽ hơn bao giờ hết qua truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ của Võ Hồng.

Ông muốn kháng cự lại thời gian và thời cuộc bằng đôi mắt chứng nhân và quyền năng chữ nghĩa, vĩnh cửu hóa những điều đã diễn ra trong đời sống của những con người vô danh chất phác, và ông cũng lên tiếng phê phán những xiêu lạc của những con người thị dân trước cơn gió lốc của cuộc sống duy lợi.

Về tự nhiên, trang viết Võ Hồng tràn đầy tinh thần sinh thái(3). Ông quan sát và chiêm nghiệm chúng bằng một nhãn quan trung dung mang triết lý phương Đông(4) có ít nhiều dung hợp với tinh thần duy mỹ của văn hóa Pháp.

Tình yêu trong văn chương Võ Hồng bảng lảng sắc màu platonique, đôi khi có vẻ lạc loài trước xu hướng truyện tình táo bạo của miền Nam thời 1954-1975. Nhưng rõ ràng những tình huống gặp gỡ, quyến luyến của các nhân vật trong truyện của Võ Hồng luôn khởi đi từ một kiếm tìm tri âm. Cái tương giao tinh thần ấy mạnh hơn tất cả. Và họ luôn biết giữ gìn nhau, trao nhau những gì đẹp nhất trong đời, dù lắm khi đau đớn vì dang dở, lìa xa.

Trong suốt hành trình viết văn của mình, Võ Hồng ít khi làm nên sự kiện, nhưng ngay từ khởi điểm, ông đã tìm ra nguồn mạch của riêng mình, đã chảy nhẹ nhàng bền bỉ qua hơn 60 năm, hồn hậu trong ước vọng bày tỏ; thương yêu, trân trọng trong tìm kiếm tương giao.

Đời văn của Võ Hồng nằm trọn trong thời kỳ khói lửa kinh hoàng của đất nước, nhưng có một miền Nam Việt Nam cố gắng duy trì cái nhịp đập tự nhiên đặc thù cho các hoạt động tinh thần. Đời văn Võ Hồng cũng đi qua những cheo leo của số phận, nhưng ông đã tìm ra một nơi chốn để náu mình, an định. Với Võ Hồng, viết văn là một cách thế tồn tại thiết yếu, cả về tinh thần và vật chất.

Tâm thế sáng tạo ấy gắn liền với cốt cách của một trí thức giao hòa trong mình hai nền văn hóa Đông – Tây, với cảm hứng của một người cầm bút luôn giữ được sự cân bằng giữa người nghệ sĩ và nhà giáo dục.

Võ Hồng là người yêu cái đẹp tự nhiên. Ông muốn trang viết của mình lưu vào ký ức chúng ta những cảnh trạng bùi ngùi lam lũ và dạt trôi của đời sống đồng bào, những khuôn mặt người dân quê chất phác một thời. Ông cũng muốn qua chữ nghĩa, phả vào tâm hồn chúng ta cái hương sắc ngọt ngào bảng lảng của những duyên tình phong nhụy.

Tưởng tượng trong tác phẩm Võ Hồng chỉ là chút men, quan sát và trải nghiệm mới là chất bột. Người đọc có thể nhận ra xuyên qua rất nhiều tác phẩm của ông, từ tiểu thuyết cho đến truyện ngắn và đặc biệt là thơ, một nhân vật quen thuộc, mang nhiều đường nét của tác giả. Và có những trải nghiệm được thi hóa, theo nguyên tắc bù trừ.

Ai cũng biết, là đôi khi cái ta tưởng tượng đẹp đẽ và làm ta xúc động hơn là cái ta có trong đời thực. Những gặp gỡ và chuyện trò của các nhân vật trí thức trong trang viết của Võ Hồng cho thấy đã từng có những trí tuệ thông minh, những tâm hồn tinh tế và những phong cách thanh lịch một thời.

Nhẹ nhàng và khiêm cung, cái tôi nhà văn ấy chưa bao giờ vắng mặt trên trang viết của mình. Cái tôi ấy hồi tưởng, vực dậy những ký ức thời thơ dại (Hoài cố nhân, Ngày xưa, Thế giới của Năm Nhiều…), những tháng năm vào đời nhiều xáo trộn lịch sử (Hoa bươm bướm). Quá khứ sống lại, rõ rành sự kiện, nhân dáng, tâm cảm, số phận.

Cái tôi ấy cũng không ngừng lắng nghe cái từng ngày chạm vào mình, trong một vài không gian nhất định (gia đình, nhà trường, Nha Trang), với một nhịp sinh hoạt khá đều đặn, bảng lảng những tương giao dang dở, thảng hoặc, tiếng dội của cơn bão thời đại ùa vào, dường như âm vang đục hơn, bởi cái tổ kén kia vốn nhẹ nhàng óng ả.

Bước ra khỏi vùng tĩnh, vẫn hé lộ cái vọng động của tâm trong luồng gió cuốn, hay là gió lay tấm màn the làm lộ ít nhiều cái khắt khe của một nhà duy mỹ lâu ngày không lặn sâu dưới đáy cuộc đời? (Nhánh rong phiêu bạt, Gió cuốn).

Nghĩ về Võ Hồng, tôi luôn nhớ đến Nguyễn Hiến Lê. Hình như hai người rất gần nhau về quan niệm nghệ thuật và cách thế sống. Họ là những nhà văn có căn cốt văn hóa vững chãi, có lối hành xử nhất quán, luôn khiêm cung(5) và đầy lòng tự trọng. Họ là những trí thức luôn biết cách thu xếp để giữ cho mình cái trong trẻo thuần khiết của văn hóa, giữa một không gian xã hội đầy biến động và áp lực của Việt Nam.

Nguyễn Thị Thanh Xuân

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn, ngày 29.5.2022.

———-

(1) Vết thương không lành. Tôi tưởng đã quên rồi/ Mười năm hơn cách trở/ Nay gặp nàng xa thôi/ Sao nghe lòng nức nở. Có cái gì rơi rụng/ Có cái gì nghẹn ngào/ Hồn tuy không nổi sóng/ Mà dường như xôn xao. Má hồng tươi ngày xưa/ Ánh mắt vui thuở nọ/ Lời âu yếm trên môi/ Xác pháo rơi trước ngõ. Êm đềm và chua xót/ Kỷ niệm dồn dập về/ Nước mắt ai nhỏ giọt/ Ngày nào khuyên “Quên đi”. Thì ra vết thương nhỏ/ Tưởng đã lành từ lâu/ Nay chạm thử máu nhỏ/-Không, không lành bao giờ! (In lại trong Thời gian mây bay, Nxb Đồng Nai, 1966, tr.31).

(2),(4) Nguyễn Nam Anh phỏng vấn Nhà văn Võ Hồng. Văn 209, 1-9-1972.

(3) “Sau khi mệt mỏi với xã hội con người, ta tìm sự hồn nhiên cạnh những con vật. Rồi sự im mát cạnh những cây lá. Rồi sự vắng lặng trong chính tâm hồn mình”. (Trầm tư, Sđd, tr.66). “Này con, hãy học theo thái độ của dòng sông: gặp trở ngại khó khăn thì đi vòng để tránh. Chớ không đi lui” (Trầm tư, Sđd, tr.70). Bên cạnh phát biểu này, còn có thể nhìn thấy ngay trên nhan đề các tác phẩm của Võ Hồng.

(5) “Tôi yêu biết bao cây mãng cầu đứng cạnh cửa sổ. Dáng đứng manh mảnh, cành nghiêng mềm nõn, màu lá xanh nhạt, sắc hoa nhũn nhặn. Nó lặng im đứng đó, không rực rỡ, không cạnh tranh hương sắc. Tôi cứ tưởng nó là tôi” (Trầm tư, Sđd, tr.10).

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63694748
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15040
23426
63694748

Thành viên trực tuyến

Đang có 706 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website