TTO - Cuối năm, nghe mùi Tết rộn ràng trên các báo. Người ta nói về thịt cá, rau quả, bánh mứt, người ta thông báo về vé tàu xe ngày về quê hay các chuyến du xuân, trong tôi cứ hiện lên thấp thoáng một cái bếp, những cái bếp đâu đó trong đời.
Ảnh: TỰ TRUNG
Lạ chưa, bếp đỏ lửa, tắt lửa từng ngày trong từng nhà của chúng ta, phải đâu chỉ có với mùa Xuân?
Nhưng mùa Xuân là mùa của phút giây nghỉ ngơi đón mừng năm mới, mùa của sum vầy gia đình, mùa của lòng tưởng nhớ tổ tiên, dường như ai cũng muốn trở về náu mình trong căn nhà đã ấp yêu mình, nơi ngọn lửa ấm áp từ ấu thơ bập bùng réo gọi.
Vì vậy, trong một liên tưởng nào đó, có thể nói bếp cũng có mùa. Mùa ấy gắn với con người, nhưng ngẫm kỹ mà xem, mùa ấy cũng bắt nguồn từ tự nhiên, vì ở đó lửa là nhân vật chính.
Mùa Xuân, Tết đến, lửa bừng thức trong gian bếp của muôn nhà, nói với chúng ta về "cái bản nguyên" (Héraclite) đã sinh thành vạn vật, mang lại cho con người biết bao năng lượng tinh thần và vật chất: sự giác ngộ, thanh tẩy, tái sinh trong ánh sáng và nhiệt lượng.
Tôi đã trải qua rất nhiều niềm vui với bếp, hồn nhiên và chiêm nghiệm. Ám ảnh nhất là những gian bếp của tuổi thơ.
Những sáng sớm mùa đông, lén dậy chui vào bếp, thu người ngồi trên chiếc đòn tre bên người dì, lùa những lọn rơm vàng vào bếp, nghe tiếng nổ của lúa sót và mùi hương cốm nổ ngọt ngào, những lời hát nho nhỏ và tiếng thì thầm kể chuyện miên man.
Những mùa hè, chạy ra chạy vào, nhặt củ khoai lùi, hít hà mùi lá thông khô do hai dì cháu đi hốt dưới nổng cát về, nồng nàn lan tỏa.
Mùa bão lụt, nước ngập nhà, mẹ đưa bếp lên bàn đun nấu. Chiếc bàn gỗ thô hình chữ nhật vững chãi mãi mãi in một vết cháy tròn như vết chàm trên mặt, sẫm màu than, rạn gỗ, là kỷ niệm khó phai.
Bếp nhà nội, gian nhà sau rộng, xây bằng đá tổ ong, có cửa sổ chống cánh nhìn ra vườn. Từ khi nào khói đã ám muội đen kịt trên trần và vách. Ba bốn cái kiềng sắt lớn, vừa những thanh củi gộc to mùa giỗ chạp.
Thỉnh thoảng tôi mơ thấy mình ngồi một mình trong gian bếp ấy với các nồi đồng to sôi sùng sục. Những sóng chén san sát chén đĩa xưa và các hũ muối hạt óng ánh màu tinh thể. Những chiếc gióng mây to nhỏ lơ lửng trên đầu, đựng đồ khô, đường bát và rau củ.
Các nia ngả ra, bày lá chuối, sắp xôi và thịt, nơi mọi người quây quần làm ram. Các đòn gỗ rất thấp, ngồi in những dáng người thu lu trên tường, nhảy múa trong ánh lửa sớm mai. Lặng lẽ làm, lặng lẽ quẹt mồ hôi trên trán, lặng lẽ bưng và xếp thành từng mâm chồng lên nhau trên bàn thờ.
Bếp của mẹ, ngày ngôi nhà lớn bị giải tỏa, mẹ ở trong căn nhà hộp diêm một mình. Trong gian bếp nhỏ tí, mọi cái đều gọn gàng, bảo tôi ngồi bên chiếc bàn tròn, mẹ từ tốn làm từng món chay rất khéo, bày ra trên khay và rồi hai mẹ con vừa ăn vừa chuyện trò khe khẽ. Ngoài kia, trời chuyển mùa, tiếng người mua bán rộn ràng.
Bếp của tôi, nhiều lần đổi dời. Ngày còn ở trọ, khẽ khàng đi xuống cầu thang gỗ, nấu nướng rón rén thật nhẹ nhàng khi mọi người đã lên phòng.
Ngày có ngôi nhà đầu tiên của đời vợ chồng, bếp nằm sau một khoảng sân, tường và bệ bếp loang màu nước thấm, nấu củi và dầu, khói và mùi ẩm thấp, bữa ăn ngoài sân ngồi trên nong lớn rộn ràng, có tiếng ổi rơi bộp bộp và hương ổi ngọt ngào.
Những ngày hè oi ả, tôi ước ao một cái bếp có khung cửa thật rộng, có thể vừa đứng nấu vừa nhìn ra vườn có cây lá xanh tươi, nhớ thời tuổi nhỏ.
Bếp là nơi đón Tết sớm nhất. 23 tháng chạp, cá chép lượn trong thau và chè trôi nước vàng au trong chén, người dong xe tìm đoạn sông vắng để đưa ông Táo về trời.
Mùa của bếp lại về, đón Tết với bao ước vọng. Có lẽ ước vọng đơn sơ, cụ thể mà ai ai cũng đều nghĩ đến trong ngày đầu năm là bếp ấm, bếp sạch.
Nuôi dưỡng lửa, giữ gìn cái bếp ấy từng ngày trong mái nhà của mình, ấy là con người nối kết được với mạch sống của vũ trụ, bảo toàn được một nhịp đập an hòa trong thế giới của mình: hạnh phúc khi được sống với và sống chung, nơi tình yêu và tương thông luôn có mặt.
Mấy lần chuyển nhà, những gian bếp dần dần hiện đại, sáng sủa hơn. Đời đô thị đã làm tôi rời xa gian bếp củi, than. Thay đổi nhưng bếp vẫn là không gian chứng nhân, đã lắng nghe hết những tiếng to, tiếng nhỏ, tiếng cười, tiếng khóc đời thường trong bất kỳ căn nhà nào. |
Nguyễn Thị Thanh Xuân
Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 25.01.2020.
Lạ chưa, bếp đỏ lửa, tắt lửa từng ngày trong từng nhà của chúng ta, phải đâu chỉ có với mùa Xuân?
Nhưng mùa Xuân là mùa của phút giây nghỉ ngơi đón mừng năm mới, mùa của sum vầy gia đình, mùa của lòng tưởng nhớ tổ tiên, dường như ai cũng muốn trở về náu mình trong căn nhà đã ấp yêu mình, nơi ngọn lửa ấm áp từ ấu thơ bập bùng réo gọi.
Vì vậy, trong một liên tưởng nào đó, có thể nói bếp cũng có mùa. Mùa ấy gắn với con người, nhưng ngẫm kỹ mà xem, mùa ấy cũng bắt nguồn từ tự nhiên, vì ở đó lửa là nhân vật chính.
Mùa Xuân, Tết đến, lửa bừng thức trong gian bếp của muôn nhà, nói với chúng ta về "cái bản nguyên" (Héraclite) đã sinh thành vạn vật, mang lại cho con người biết bao năng lượng tinh thần và vật chất: sự giác ngộ, thanh tẩy, tái sinh trong ánh sáng và nhiệt lượng.
Tôi đã trải qua rất nhiều niềm vui với bếp, hồn nhiên và chiêm nghiệm. Ám ảnh nhất là những gian bếp của tuổi thơ.
Những sáng sớm mùa đông, lén dậy chui vào bếp, thu người ngồi trên chiếc đòn tre bên người dì, lùa những lọn rơm vàng vào bếp, nghe tiếng nổ của lúa sót và mùi hương cốm nổ ngọt ngào, những lời hát nho nhỏ và tiếng thì thầm kể chuyện miên man.
Những mùa hè, chạy ra chạy vào, nhặt củ khoai lùi, hít hà mùi lá thông khô do hai dì cháu đi hốt dưới nổng cát về, nồng nàn lan tỏa.
Mùa bão lụt, nước ngập nhà, mẹ đưa bếp lên bàn đun nấu. Chiếc bàn gỗ thô hình chữ nhật vững chãi mãi mãi in một vết cháy tròn như vết chàm trên mặt, sẫm màu than, rạn gỗ, là kỷ niệm khó phai.
Bếp nhà nội, gian nhà sau rộng, xây bằng đá tổ ong, có cửa sổ chống cánh nhìn ra vườn. Từ khi nào khói đã ám muội đen kịt trên trần và vách. Ba bốn cái kiềng sắt lớn, vừa những thanh củi gộc to mùa giỗ chạp.
Thỉnh thoảng tôi mơ thấy mình ngồi một mình trong gian bếp ấy với các nồi đồng to sôi sùng sục. Những sóng chén san sát chén đĩa xưa và các hũ muối hạt óng ánh màu tinh thể. Những chiếc gióng mây to nhỏ lơ lửng trên đầu, đựng đồ khô, đường bát và rau củ.
Các nia ngả ra, bày lá chuối, sắp xôi và thịt, nơi mọi người quây quần làm ram. Các đòn gỗ rất thấp, ngồi in những dáng người thu lu trên tường, nhảy múa trong ánh lửa sớm mai. Lặng lẽ làm, lặng lẽ quẹt mồ hôi trên trán, lặng lẽ bưng và xếp thành từng mâm chồng lên nhau trên bàn thờ.
Bếp của mẹ, ngày ngôi nhà lớn bị giải tỏa, mẹ ở trong căn nhà hộp diêm một mình. Trong gian bếp nhỏ tí, mọi cái đều gọn gàng, bảo tôi ngồi bên chiếc bàn tròn, mẹ từ tốn làm từng món chay rất khéo, bày ra trên khay và rồi hai mẹ con vừa ăn vừa chuyện trò khe khẽ. Ngoài kia, trời chuyển mùa, tiếng người mua bán rộn ràng.
Bếp của tôi, nhiều lần đổi dời. Ngày còn ở trọ, khẽ khàng đi xuống cầu thang gỗ, nấu nướng rón rén thật nhẹ nhàng khi mọi người đã lên phòng.
Ngày có ngôi nhà đầu tiên của đời vợ chồng, bếp nằm sau một khoảng sân, tường và bệ bếp loang màu nước thấm, nấu củi và dầu, khói và mùi ẩm thấp, bữa ăn ngoài sân ngồi trên nong lớn rộn ràng, có tiếng ổi rơi bộp bộp và hương ổi ngọt ngào.
Những ngày hè oi ả, tôi ước ao một cái bếp có khung cửa thật rộng, có thể vừa đứng nấu vừa nhìn ra vườn có cây lá xanh tươi, nhớ thời tuổi nhỏ.
Bếp là nơi đón Tết sớm nhất. 23 tháng chạp, cá chép lượn trong thau và chè trôi nước vàng au trong chén, người dong xe tìm đoạn sông vắng để đưa ông Táo về trời.
Mùa của bếp lại về, đón Tết với bao ước vọng. Có lẽ ước vọng đơn sơ, cụ thể mà ai ai cũng đều nghĩ đến trong ngày đầu năm là bếp ấm, bếp sạch.
Nuôi dưỡng lửa, giữ gìn cái bếp ấy từng ngày trong mái nhà của mình, ấy là con người nối kết được với mạch sống của vũ trụ, bảo toàn được một nhịp đập an hòa trong thế giới của mình: hạnh phúc khi được sống với và sống chung, nơi tình yêu và tương thông luôn có mặt.