Nhà văn Diêm Liên Khoa và bìa sách "Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn" xuất bản tại Việt Nam Ảnh: Tư liệu
Rất mỏng, chỉ gần 200 trang nhưng cuốn tiểu thuyết "Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn" được xem là một xã hội Trung Quốc đương đại thu nhỏ, có sức gợi quả thật rất đáng nể
Bên cạnh những tiểu thuyết lớn, có sức nặng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như "Phong Nhã Tụng", "Tứ thư", "Đinh trang mộng", "Kiên ngạnh như thủy"…, Diêm Liên Khoa còn có những tiểu thuyết vừa, tuy không dày dặn và đồ sộ nhưng sức nén và sức phản ánh không hề thua kém. "Chào Kim Liên" (Kim Liên, nị hảo) được dịch ra tiếng Việt là "Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn" (Minh Thương dịch, NXB Hội Nhà văn và Công ty Cổ phần sách Tao Đàn ấn hành năm 2018) là một ví dụ.
Nàng Kim Liên đời mới
Diêm Liên Khoa mượn thủ pháp "cố sự tân biên" (viết lại/viết mới những truyện cũ) mà các nhà văn Trung Quốc như Lỗ Tấn, Giả Bình Ao… rất hay sử dụng. Thủ pháp này trong điện ảnh, các nhà đạo diễn cũng rất thường vận dụng khi mượn một câu chuyện trong tác phẩm văn học và "cải biên", "chuyển thể" dưới cái nhìn của người hiện đại, không hoàn toàn lệ thuộc vào nguyên tác.
Kim Liên trong bộ tiểu thuyết chương hồi nổi tiếng "Kim Bình Mai" là một cô gái xinh đẹp, lẳng lơ, dâm loạn bị hấp dẫn bởi người em chồng Võ Tòng đã phản bội người chồng Võ Đại Lang của mình, về sau sa ngã vì quyền thế và tiền tài của Tây Môn Khánh. Được mặc định những tính cách xấu xa như vậy, có lẽ chỉ Diêm Liên Khoa mới vượt thoát xây dựng một nhân vật Kim Liên là điểm sáng lương tri duy nhất và le lói ở cái trấn Tây Môn - tượng trưng cho một bộ phận xã hội Trung Quốc trong bối cảnh ấy bị tiền tài, quyền hành làm đổi thay.
Lấy vùng đất Bá Lâu ở Hà Nam làm bối cảnh sáng tác, Diêm Liên Khoa đã tạo ra một vùng đất cho riêng mình giống như Thương Châu "phế đô" của Giả Bình Ao hay Cao Mật của Mạc Ngôn… Ông đã miêu tả những thay đổi của trấn Tây Môn khi ngọn gió đổi mới ùa đến, những con người ở đây không chịu được thứ "thuốc thử" là đồng tiền, danh vọng nên đã biến chất và tha hóa. Kim Liên là một cô gái xinh đẹp, thuần phác, yêu Nhị Lang nhưng rồi lấy Đại Lang và vì ôm ấp tình yêu với người em mà cô đã hy sinh cả danh tiết, tiếng tăm để thành toàn cho những tham vọng của Nhị Lang. Cuối cùng, khi nhìn thấu bản chất của Nhị Lang, thấy từng bước từng bước Nhị Lang sa đọa, cô đã tuyệt vọng, mất niềm tin và quyết định bỏ đi.
Kế thừa truyền thống "thuyết thoại" (kể chuyện) của tiểu thuyết cổ điển, Diêm Liên Khoa viết truyện như để kể. Câu chuyện ngắn gọn, súc tích nhưng hấp dẫn, có đầu có đuôi, có đoạn dài dòng miêu tả nhưng cũng có đoạn nhanh gọn, khẩn trương. Dĩ nhiên, vì là truyện hiện đại nên tâm lý nhân vật được khắc họa rõ nét. Chúng ta thấu hiểu và đồng tình với những suy nghĩ và biến chuyển tâm lý của Kim Liên, từ yêu mến, khao khát tình yêu, tình dục, thậm chí có lúc tưởng chừng như chao đảo, ngả nghiêng cho đến dửng dưng và lạnh nhạt khi chứng kiến người mình từng yêu bị quay cuồng trong quyền thế và dục vọng. Sự biến mất của nàng Kim Liên là một cái kết bi kịch tất yếu, quả thật người như nàng không thể sống được trong cái xã hội đó.
Những nét tương đồng
Truyện được Diêm Liên Khoa viết từ năm 1997, khi làn sóng cải cách kinh tế bắt đầu tràn vào Trung Quốc (có thể đọc "Phế đô" của Giả Bình Ao, hay "Rừng xanh lá đỏ" của Mạc Ngôn để hiểu thêm). Tuy nhiên, tương chiếu với xã hội Việt Nam, cũng đang trải qua những đổi thay nhờ cải cách kinh tế, chúng ta không phải không thấy có những nét tương đồng. Con người, chỉ có thể nhìn rõ được "bản lai diện mục" của mình nhất khi đứng trước cám dỗ, đó có thể là tiền tài, quyền lực, danh vọng, hay sắc đẹp… và đôi khi, ranh giới giữa tử tế và tha hóa hết sức mong manh. Bởi vì ở đời, không phải lúc nào trắng cũng là trắng, đen cũng là đen mà có lúc nó hết sức tinh vi rất khó nhận ra, giống như chi tiết Kim Liên muốn lấy lòng trưởng thôn bằng cách đi đổ bô cho vợ ông ta, hối lộ bằng cách quấn thuốc lá, mua trứng gà vườn đến cho gia đình họ….
Vì thế, điều khó nhất, phức tạp nhất mà trong cuốn sách mỏng này, Diêm Liên Khoa muốn gửi gắm, đó là làm thế nào giữ được thiên lương của mình giữa cuộc sống hết sức phức tạp và đầy cạm bẫy.
Nhà văn gây tranh luận Diêm Liên Khoa là nhà văn đương đại Trung Quốc đang được yêu thích và đánh giá cao tại Trung Quốc và thế giới. Tại Trung Quốc, ông được rất nhiều giải thưởng như giải thưởng văn học Lỗ Tấn, giải thưởng văn học Lão Xá, giải thưởng Hồng lâu mộng… Ngoài nước, ông từng đoạt giải thưởng văn học Kafka, giải thưởng văn học dịch của Pháp. Năm vừa rồi, ông nằm trong danh sách đề cử giải Nobel Văn chương... Tuy thế, ông cũng lại là một nhà văn gây tranh cãi khá nhiều vì những tình tiết miêu tả tình dục táo bạo hoặc một số tác phẩm gây "sốc" dẫn đến cấm phát hành như "Hạ nhật lạc", "Thụ hoạt", "Vì nhân dân phục vụ" (đã được xuất bản ở Việt Nam dưới tên gọi: "Người tình phu nhân sư trưởng"). |
Trần Lê Hoa Tranh