Giới thiệu một số cuốn sách giáo khoa Ngữ văn của Mỹ

Ở Mỹ, bậc high school (phổ thông), môn tiếng Anh (tương đương với Việt văn của chúng ta) là môn học bắt buộc ở tất cả các bang nhằm cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Học sinh phải học tất cả là 4 unit ( tương đương với 4 năm) cho môn tiếng Anh (so sánh với Tóan: 3 năm, xã hội học: 3 năm, Khoa học: 3 năm, Giáo dục thể chất, sức khỏe: 3 năm,Nghệ thuật: 1 năm…)

 

Trong môn tiếng Anh có các môn: Tiếng Anh 1,2,3,4, Văn học đương đại, Làm văn và Văn học thế giới.

 

Giáo trình môn tiếng Anh do các trường, các thành phố, các bang… tự soạn nên nói chung rất nhiều. Tuy vậy, tựu trung lại phải bao gồm: Reading, Writing, Literature để học sinh có thể thi được kỳ thi phổ thông. Giáo viên có quyền chọn một bộ sách thích hợp nhất để dạy học sinh, thông thường, họ chọn bộ sách do thành phố đó soạn cho học sinh dễ tìm mua sách. SGK có thể mượn trong thư viện trường, không cần mua.

 

Mỗi bang đề ra 1 kỳ thi để HS thi, bằng phổ thông của bang là tiêu chuẩn vào trường đại học của bang đó.

 

Trong tay tôi có một số cuốn sách giáo khoa của bang Ohio, sách có tên: Mastering the OGT (Ohio Graduation Test): Reading, và Mastering the OGT: Writing. Như vậy cách học môn Văn ở các trường phổ thông Mỹ không dạy tích hợp mà chia ra nhiều phần, nhiều môn, giáo viên dạy như thế nào là tùy họ miễn sao học sinh thích thú và nắm vững kiến thức để thi phổ thông là được. Rất nhiều sách tham khảo, ví dụ các cuốn như Vocabulary-Lit (Building Vocabulary Through Literature, đây là một tham khảo rất thú vị cho các nhà làm sách giáo khoa của ta trong việc kết hợp dạy tiếng Việt trong 1 tác phẩm), cuốn Everyday Writing, dạy kỹ lưỡng về cách viết, Writing Letter, dạy viết các lọai thư từ…

 

Sau đây là mục lục 1 số cuốn sách giáo khoa nói trên.

 

 

Cuốn 1. Mastering the OGT :Writing

 

Tác giả: Lesli J.Favor, Ph.D ( 2005, Amsco School Publications, Inc, NY)

 

Thực chất là một cuốn sách hướng dẫn học sinh cách làm bài thi kỳ thi OGT môn Writing. Môn này cung cấp kỹ năng và kiến thức trong 3  lĩnh vực chính:

 

1.      Khả năng đáp ứng viết một chủ đề, bài viết phải mang tính thuyết phục, dù ở hình thức đoạn văn,  một bức thư hay trần thuật. Làm sao để sau khi học xong, anh phải thuần thực quy trình viết, đọc lại, biên tập.

 

2.      Kiến thức cơ bản khi viết – nguyên tắc phát âm, chấm câu, viết hoa, và ngữ pháp- và khả năng của học sinh khi áp dụng vào quá trình viết.

 

3.      Khả năng phát hiện lỗi và biên tập chúng cho đúng.

 

Cuốn sách được chia thành 4 phần.

 

Phần 1: Giới thiệu

 

Phần 2: Sử dụng quy trình viết

 

2.1. Mong đợi gì ở việc chia đoạn trong bài khóa. (chủ yếu cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng những từ quan trọng để chia đọan 1 bài khóa, chú y đến từ, nội dung, cấu trúc bài khóa)

 

2.2. Kỹ năng Giải thích và thuyết phục trong bài viết.

 

Trong đó chỉ ra rõ muốn đạt hiệu quả tốt phải theo các bước chính:

 

-Trước khi viết: y chính, nội dung dự định viết, tập hợp thông tin

 

-Viết: sử dụng những cái đã có để viết tập trung, rõ và tổ chức tốt.

 

-Xem lại: thay đổi cho hiệu quả hơn, ví dụ gạch bỏ những thông tin ngoài chủ đề hay thêm thông tin quan trọng. Bước này cũng là để biên tập  - lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp trong bài.

 

-In, xuất bản: trước khi nộp có thể nhờ 1 ai đó đọc lại.

 

Có nhiều ví dụ minh họa từng bước rất cụ thể và hấp dẫn.

 

2.3. Cách viết trần thuật.

 

Là cách viết chính sử dụng để viết bài văn. Những thành phần chính trong một bài văn trần thuật:

 

-Hòan cảnh: thời gian và địa điểm.

 

-Sự kiện: xung đột, hành động dâng cao, không khí và cách giải quyết.

 

- Điểm nhìn trần thuật: phần lớn là ngôi thứ 1.

 

- Nhân vật: nhân vật hay sinh vật xuất hiện trong bài văn.

 

Phần 3:  Viết cơ học

 

3.1.  Phát âm

 

3.2.  Chấm câu

 

3.3.  Viết hoa

 

Phần 4: Sử dụng ngữ pháp

 

Phần 5: Một số đề thi mẫu

 

Như vậy có thể thấy cuốn sách này là một kiểu sách dạy môn Tập làm văn và Tiếng Việt tích hợp. Nhưng mỗi đề mục đều được đưa ra yêu cầu, mục đích cụ thể, rõ ràng, có bài tập để học sinh thực hành. Kiến thức khá đơn giản nhưng chắc chắn (ví dụ những phần chấm câu, viết hoa thì chắc là ở Việt Nam đã dạy từ cấp II nhưng ở Mỹ vẫn dạy ở cấp III).

 

Một ví dụ nhỏ trích từ trong sách (tr. 73)

 

Sử dụng dấu chấm kết thúc câu:

 

Có thể sử dụng các dấu .;?;! để kết thúc câu tùy ngữ cảnh.

 

Bài tập: Bỏ dấu chấm câu hợp ly

 

1.      Thực là một câu chuyện buồn cười

 

2.      Anh có nghe gì về chuyện ai đã làm ra chuyện đó

 

3.      Người đàn bà đột nhiên thét lên, “Ngừng lại, cướp”

 

4.      Anh có nghĩ là anh ấy sẽ ngừng

 

5.      Đại úy yêu cầu nhân viên: “Làm ơn ăn mặc lịch sự”

 

 

 

Có thể thấy đây là 1 bài tập đơn giản đối với chương trình phổ thông.

 

 

 

Cuốn 2: Mastering the OGT: Reading

 

Tác giả: Lesli J. Favor, Ph.D (2005, Amsco School Publications, Inc, NY)

 

Cuốn này dạy kỹ năng đọc được áp dụng trong kỳ thi OGT. Bài thi Đọc OGT được bố cục như sau:

 

-5 đọan văn gồm: 1 đọan trần thuật, 1 kịch, 1 tiểu sử ly lịch, 1 thơ, 1 văn xuôi, 1 quảng cáo, 1 diễn văn hay 1 thể văn nào đó. 2 đọan ngắn (ít hơn 500 từ), 2 đoạn vừa (500-900 từ) và 1 đoạn dài (900-1.200 từ)

 

- 31 câu trả lời trắc nghiệm (1 điểm /câu)

 

- 4 hay 6 câu trả lời ngắn (2 điểm / câu)

 

- 2 hay 3 câu trả lời dài (4 điểm/câu)

 

Tổng số điểm phần này là 51 điểm

 

Những đoạn văn trích trong sách này từ nhiều nguồn, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch… có thể từ sách, báo, internet… Nhưng người soạn có chú thích từ đâu, trang nào, tác giả… rất cẩn thận.

 

Mục lục sách này gồm:

 

Bài 1: Cách đánh dấu trả lời trắc nghiệm

 

Bài 2: Cách trả lời câu hỏi ngắn

 

Bài 3: Xác tín nghĩa của từ.

 

Bài 4: Cấu trúc y nghĩa từ những điều bạn đã đọc.

 

Gồm những mục như: mục tiêu nhận thức, xác định trạng thái và thông tin nhấn mạnh, kết luận, so sánh và đối lập.

 

Bài 5: Đánh giá thông tin, kỹ thuật và đọan văn thuyết phục

 

Mục đích và điểm nhìn của tác giả

 

Đọan văn thuyết phục và tuyên truyền

 

Biểu đồ, đồ họa

 

Bài 6: Đánh giá Tiểu thuyết và thơ ca

 

Tiểu thuyết và kịch nghệ

 

Thơ ca

 

Phong cách tác giả và phong cách ngôn ngữ

 

Phụ lục: Một số bài thi mẫu.

 

Như vậy, cuốn sách dạy cách hiểu, cảm thụ, phân tích, diễn đạt một văn bản ở bất kỳ thể loại nào (kỹ năng này cần thiết cho học sinh khi bước vào đại học không nhất thiết phải là học xã hội nhân văn, ví dụ, với cách tạo lập biểu đồ, học sinh có kỹ năng để theo học các ngành tự nhiên, tài chính…)

 

Một ví dụ (tr.212)

 

Đọc bài thơ sau đó trả lời các câu hỏi

 

Sự căm ghét - Gwendolyn B. Bennett

 

1   Tôi ghét anh

 

Giống như một mũi tên thép

 

Phóng vào không khí

 

Vào lúc thủy triều lên

 

5        Hay ấn tượng hơn

 

Như cây thông nghiêm chỉnh

 

Khi chúng đứng sừng sững

 

Chống chọi lại trời xanh

 

Ghét anh giống như một trò chơi

 

10 Chơi với hai bàn tay lạnh

 

      Với những ngón mảnh mai

 

      Trái tim anh mong mỏi

 

      Một sự cô đơn huy hoàng

 

      Của cây thông kia

 

15     Trong khi ngọn lửa được nhen lại

 

Trong mắt tôi

 

Sẽ đốt cháy anh giống như mũi tên lướt nhanh

 

Ky ức sẽ lay động những cánh tay của nó

 

Và bay đến nằm trên vòm ngực anh

 

20     Và anh sẽ hiểu

 

Nỗi căm ghét của tôi

 

 

 

1.      Hiệu qủa nào mà nhà thơ sáng tạo tốt nhất khi sử dụng điểm nhìn ngôi thứ 1 và 2?

 

A.     Giọng điệu tôn nghiêm

 

B.     Giọng điệu lơ lửng

 

C.     Giọng điệu riêng tư, cá nhân

 

D.    Giọng điệu bí ẩn

 

 

 

2.      Khi nhà thơ nói “ Ky ức sẽ lay động những cánh tay của nó /Và bay đến nằm trên vòm ngực anh” ở dòng 18,19, bà ta đã sử dụng

 

A.     Hồi tưởng lại cảnh tượng và sự kiện xảy ra trước đó.

 

B.     Nhân cách hóa dường như ky ức còn sống, có thể chạm vào bạn với những cánh tay của nó.

 

C.     Lối nói ngoa dụ để phóng đại sức mạnh của ky ức.

 

D.    Một câu cấu trúc phức tạp để diễn đạt 1 y tưởng đơn giản.

 

 

 

3.      Khi tác giả đề cập “lửa/trong mắt tôi” ở dòng 15,16, cụm từ này có nghĩa

 

A.     đôi mắt diễn tả cảm xúc căm ghét

 

B.     đôi mắt có lửa

 

C.     đôi mắt nóng bỏng

 

D.    đôi mắt có ánh sáng

 

 

 

4.      Dòng nào từ bài thơ sử dụng so sánh ?

 

A.     “Tôi ghét anh/ giống như một mũi tên thép”

 

B.     “Ghét anh giống như một trò chơi”

 

C.     “Trái tim anh mong mỏi”

 

D.    “ Và anh sẽ hiểu/ Nỗi căm ghét của tôi”

 

 

 

5.      Khi sử dụng nhân cách hóa cây thông từ dòng 5-8, nhà thơ muốn nói đến phản ứng gì?

 

A.     Sự bơ vơ

 

B.     Sự nguy hiểm

 

C.     Sự giận dữ

 

D.    Sự bình tĩnh.

 

 

 

6.      Cho 2 ví dụ về ngôn ngữ biểu trưng và giải thích nó ảnh hưởng đến nghĩa của bài thơ như thế nào.

 

 

 

Cuốn Writing Letter

 

Mary Ellen Snodgrass, Ph.D (American Guidance Service, Inc, MN)

 

Là một cuốn sách tham khảo dạy viết các loại thư từ với nhiều phong cách: nghiêm trang, long trọng, thân mật, mang tính cá nhân… Cuốn sách chia ra 2 bài

 

Bài 1: Thư mang tính chất gia đình, bạn bè, ví dụ thư cho bạn, viết bưu thiếp, thư chúc mừng, thư cám ơn, thư xin lỗi…

 

Bài 2: Thư mang tính chất công việc, ví dụ như thư xin việc, thư yêu cầu, thư phàn nàn, thư gửi đi nước ngoài, thư từ 1 tổ chức, thư gửi nhân viên, thư gửi biên tập của 1 tờ báo, thư đặt hàng, thư chỉ dẫn…

 

Tất cả được chỉ dẫn chi tiết, thậm chí cả cách ky tên, khoảng cách dòng, chữ…

 

Một ví dụ

 

Bài Lời chào, Kết thúc và Địa chỉ

 

Cho biết cách chào, kết thúc và địa chỉ nào sau đây phù hợp với văn phong thư công việc.

 

Chào hỏi

 

1.      Chào Mattie!

 

2.      Giáo sư Greeley thân mến:

 

3.      Randall thân,

 

4.      Thưa Quy ông,

 

Kết thúc

 

5.      Gặp lại anh sau,

 

6.      Thương mến,

 

7.      Với lòng tôn trọng thành thực,

 

8.      Trân trọng,

 

Địa chỉ

 

9.      Cô Yvonnne Stone, Giám đốc

 

Central Warehouse

 

11 Parkway Circle

 

Warner, New Hamshire 03278

 

 

 

10. Tiến sĩ J.S. Shepherd

 

Trung tâm giải phẩu

 

4051 Basel

 

Switzerland

 

 

 

11. Bà Delia Thayer, người giới thiệu

 

Thủ thư

 

Thư viện Riley

 

96 Main Avenue

 

Riley, Kansas 66531

 

 

 

12. Bob Liu, Giám đốc sản xuất

 

Tin nhanh Roadside

 

89 – C Denton Complex

 

Mount Holly, North Carolina

 

 

 

Cuốn sách này là kim chỉ nam cho tất cả học sinh khi muốn viết bất cứ một lá thư nào cho đúng nghi thức, đúng quy định cả về văn phong, ngữ pháp, ngữ cảnh, bối cảnh văn hóa, phong tục, tập quán… Mỹ. Nên chăng đây là một gợi y cho các nhà ngôn ngữ Việt Nam, khi mà hiện nay một sinh viên ra trường có khi còn không viết nổi một lá đơn xin việc!

 

 

 

Cuốn Vocabu – Lit (Building Vocabulary Through Lierature)

 

2002, Perfection Learning Corporation, Iowa)

 

Là cuốn sách thuộc bộ Văn học dựa trên Học từ vựng (Literature – Based Vocabulary Study). Tức là sử dụng những đoạn văn trong văn học cổ điển và văn học đương đại để dạy từ vựng. Có 36 bài, trích từ những tác phẩm văn học danh tiếng. Thứ tự các bài như sau.

 

Bài 1. Từ Cuộc sống với Cha (Life with Father) của Clarence Day

 

Bài 2. Từ Chuyện đời tôi (Story of My Life) của Helen Keller

 

Bài 3. Từ Những Bài học Chiến binh: Hành trình một phụ nữ Mỹ gốc Á đến với sức mạnh (Warrior Lessons: An Asian American Woman’s Journey into Power) của Phoebe Eng

 

Bài 4. Từ Gia đình Robinson Thụy Sĩ (The Swiss Family Robinson) của Johann Wyss

 

Bài 5. Từ Thư ngỏ gửi sinh viên Mỹ (An Open Letter to America’s Students) của Dwight D. Eisenhower

 

Bài 6. Từ Horatio của Henry Grego Felsen

 

Bài 7. trích từ Tiếng gọi nơi hoang dã của Jack London

 

Bài 8. Trích từ Tên cớm và bài quốc ca của O.Henry

 

Bài 9. Trích từ Những kẻ vô gia cư của căn hộ Poker (The Outcasts of Poker Flat) của Bret Harte

 

Bài 10. từ Đời tôi và những lúc khó khăn (My Life and Hard Times) của James Thurber

 

Bài 11. Từ Lewis và cuộc viễn chinh Clark (The Lewis and Clark Expedition) của Meriwether Lewis

 

Bài 12. Ôn tập

 

Bài 13. Từ Cuộc phiêu lưu của dải băng lốm đốm (The Adventure of the Speckled Band) của A. Conan Doyle

 

Bài 14. Từ Mùa mưa dài (the Long Season of Rain) của Helen Kim

 

Bài 15. Từ Paul Bunyan và con bò xanh vĩ đại của anh ta ( Paul Bunyan and His Great Blue Ox) của Wallace Wadsworth.

 

Bài 16. trích từ Gia đình Robinson Thụy Sĩ (The Swiss Family Robinson) của Johann Wyss

 

Bài 17. Trích từ Chiếc cầu đến từ bầu trời vàng (The Bridge Comes to Yellow Sky) của Stephen Crane.

 

Bài 18. Từ Người giàu hơn, người nghèo hơn (The Richer, the Poorer) của Dorothy West.

 

Bài 19. Từ Mùa xuân tĩnh lặng (The Silent Spring), của Rachel Carson.

 

Bài 20. Từ Chiến binh phụ nữ (The Woman Warriot) của Maxine Hong Kinston.

 

Bài 21. từ Paul Bunyan và con bò xanh vĩ đại của anh ta ( Paul Bunyan and His Great Blue Ox) của Wallace Wadsworth.

 

Bài 22. Trích từ Cái hố và quả lắc (The Pit and the Pendulum) của Edgar Allan Poe

 

Bài 23. Trích từ Thời đại máy móc ( The Time Machine) của H.G. Wells.

 

Bài 24. Bài ôn

 

Bài 25. Trích từ Phú quy và chòm sao Nhân mã (Mammon and the Archer) của O.Henry.

 

Bài 26. Từ bài làm của 1 sinh viên.

 

Bài 27. Từ Giết một con chim nhại (To Kill a Mockingbird) của Harper Lee.

 

Bài 28. Từ Joanna và Ulysses (Joanna and Ullysses) của May Sarton.

 

Bài 29. Trích từ Chuyện đời tôi (Story of My Life) của Helen Keller

 

Bài 30. Từ Những Bài học Chiến binh: Hành trình một phụ nữ Mỹ gốc Á đến với sức mạnh (Warrior Lessons: An Asian American Woman’s Journey into Power) của Phoebe Eng

 

Bài 31. trích từ Hoàng tử và kẻ khốn cùng (The Prince and the Pauper) của Mark Twain.

 

Bài 32. từ Cô gái mang tên thảm họa (A Girl Named Disaster) của Nancy Farmer.

 

Bài 33. Từ Huyền thoại của thung lũng buồn ngủ (The Legend of Sleepy Hollow) của Washington Irving

 

Bài 34. từ Hai mươi năm ở nhà bao (Twenty Years at Hull- House) của Jane Addams

 

Bài 35. từ Thời đại máy móc ( The Time Machine) của H.G. Wells.

 

Bài 36. Bài ôn.

 

Những đoạn trích từ những tác phẩm nổi tiếng trên là những ví dụ cho thấy từ vựng được sử dụng khác nhau như thế nào trong văn của các nhà văn lớn. Những đọan đó không chỉ hướng dẫn học sinh cách viết văn tốt mà còn chỉ cho họ cách từ vựng có thể trờ thành 1 công cụ hiệu quả trong viết lách như thế nào.

 

Mỗi đọan văn, học sinh không bắt buộc bị học nhiều từ mà chỉ khoảng 10 từ/ đoạn, rồi có những ví dụ cho các từ đó.

 

Điều quan trọng là học sinh nắm vững phương pháp học từ vựng trong ngữ cảnh chứ không phải học từ độc lập, riêng lẻ, Nó giúp khả năng đọc của học sinh nhanh và chính xác hơn.

 

Tất cả những trích đoạn trên đều là từ sách, bài văn, câu chuyện, thơ, hay diễn văn. Mỗi bài cung cấp 6 bài tập nhỏ theo từng bước khó tăng dần. Ví dụ:

 

Bài tập 1: tự kiểm tra: xem trong 10 từ mới đó, từ nào bạn biết rồi, từ nào bạn chưa biết.

 

Bài tập 2: Giải thích nghĩa của từng từ theo cách mà bạn hiểu.

 

Bài tập 3: tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa với một số từ cho sẵn.

 

Bài tập 4: Ứng dụng từ mới trong 1 số mẫu câu

 

….

 

 

 

Một số nhận xét từ những cuốn sách trên

 

-         Cách học của họ là họ kỹ năng, phương pháp. Nên họ mới có nhiều bộ sách giáo khoa, giáo viên tự chủ trong việc chọn sách, và dạy như thế nào. Đề thi có thể không nằm trong sách giáo khoa nhưng cách thức thì học sinh đã quen thuộc.

 

-         Môn văn không tích hợp mà học riêng lẻ: phần văn học, phần tiếng Anh, phần làm văn.

 

-         Kiến thức môn tiếng Anh không chỉ giới hạn trong kiến thức văn học mà bao gồm nhiều thể loại như ky, tiểu sử, báo, tự nhiên, xã hội…

 

-         Sau khi tốt nghiệp phổ thông, học sinh không chỉ nắm vững kiến thức văn học mà còn làm chủ khả năng sử dụng ngôn ngữ trong nhiều trường hợp: viết thư (các loại), làm biểu đồ, viết nhận xét khoa học, để có thể vào học trong nhiều trường khác nhau. Môn văn do đó không thể xem là môn học chỉ dành cho khối xã hội nhân văn.

 

 

 

Một số kiến nghị

 

-         Sửa đổi cách thức học môn tiếng Việt, xưa nay môn học này bị xem nhẹ, thậm chí cho qua ở trường phổ thông. Giáo viên phần lớn chỉ chú y “chạy” cho xong chương trình giảng văn mà bỏ qua phần này. Trong khi có lẽ đây là phần quan trọng và cơ bản đối với học sinh phổ thông với yêu cầu : sử dụng thuần thục tiếng Việt trong mọi trường hợp. Hiện tượng học sinh phổ thông viết sai chính tả, sai ngữ pháp, dùng từ sai nghĩa, không biết viết những văn bản nhật dụng (thư từ, đơn…)..  là khá phổ biến đến mức báo động. Muốn vậy, phải cấu tạo lại môn tiếng Việt ở trường phổ thông, hướng đến tính thực tiễn, nhiều bài tập ứng dụng, phải thú vị, hay hơn thì học sinh mới tiếp thu tốt.

 

-         Nên có những đề tài nghiên cứu khoa học theo các dạng:

 

1.      Dịch toàn bộ các bộ sách giáo khoa môn văn của một số nước có nền giáo dục tiên tiến: Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Anh, Singapoure, Úc… để tham khảo cách làm của họ.

 

2.      Định hướng soạn sách giáo khoa mẫu. Từ một số định hướng mẫu đó, chọn ra bộ tốt nhất.

 

Trần Lê Hoa Tranh: TS, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63605848
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13170
10905
63605848

Thành viên trực tuyến

Đang có 365 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website