Cuộc trở lại lặng lẽ,...

(Đọc khúc thụy du của Du Tử Lê[1])

(TBKTSG) - Mùa hè năm 2014, Du Tử Lê đã trở về ra mắt tập thơ Giỏ hoa thời mới lớn với công chúng Sài Gòn và Hà Nội. Năm nay, nhà thơ lại có mặt tại quê nhà với hai cuốn sách: khúc thụy du (tuyển thơ) và giữ đời cho nhau (văn xuôi). Có thể nói, sự kiện này không chỉ là tin vui với tác giả mà còn là với người đọc Việt Nam.

20191012 Du Tu Le
Ảnh: Từ phải qua trái: Du Tử Lê, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Quốc Thái, Huỳnh Như Phương.

Chẳng phải thế sao, khi tên của Du Tử Lê đã nằm trong ký ức nhiều thế hệ, khi lời thơ của ông đã vang trên những đôi môi của bao người yêu âm nhạc mà giờ đây chỉ một vài cuốn sách mới được tái trình làng. Người già bâng khuâng hoài nhớ văn đàn một thuở, người trẻ chạm đến một không gian chữ nghĩa khác, in đậm dấu ấn của xưa và nay, bởi 60 năm qua Du Tử Lê chưa bao giờ ngừng viết, dù trải qua bao biến cố và giờ chỉ còn vài năm thì đã gần đến tuổi tám mươi.

“khúc thụy du” là một tuyển thơ khá đặc biệt. Những người làm tập sách đã tuyên bố rất rõ về “một lối hẹp” mà họ nghĩ là tương thích với tình thế thi ca, với người đọc, và tất nhiên, với nhà thơ: thời điểm, biến cố, sự kiện (xã hội và cá nhân) như những phông nền sẽ mờ đi, các sắc màu đích thực thắm tươi qua năm tháng, và các hương vị bền lâu trong lớp lớp chữ lời của văn bản đã không ngừng tỏa lan qua giai điệu sẽ nổi lên theo nguyên tắc chụp cận cảnh. Thật là một ý tưởng thú vị!

Những sắc màu đích thực và những hương vị bền lâu nơi thơ Du Tử Lê là gì? Lại cũng vẫn là thơ tình, theo nghĩa hẹp (tình ái) và nghĩa rộng (tình yêu), với bốn mươi chín bài, hầu hết đã được chắp cánh bằng âm nhạc bởi các nhạc sĩ qua nhiều thế hệ: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Anh Bằng, Trần Duy Đức...

Những ai nôn nóng muốn tìm ra đường ngay, ngả thẳng cũng sẽ bối rối khi bước vào nội thất “khúc thụy du”. Ranh giới logic và của Phần 1. Trôi, những ngày neo bão (27 bài thơ) và Phần 2. Người về như bụi (22 bài thơ) là gì, mà bản thân hai tiêu đề nghe rất gợi, rất thơ? Không phải thời gian, không phải không gian thì đã hẳn, nhưng hình như cũng không phải thể loại hay chủ đề. Thì thôi vậy, nhà thơ và người tuyển đã có tâm thế rong chơi thì người đọc cũng thủng thẳng mà theo họ khám phá sắc hương và lắng nghe những xôn xao tái sinh hay vụt hiện trong lòng mình.

Những câu thơ đã quá quen của Du Tử Lê như “chỉ nhớ người thôi đủ hết đời” (lúc người chết); “khi tôi chết hãy mang tôi ra biển (khi tôi chết hãy đem tôi ra biển); “như con chim bói cá/trên cọc nhọn trăm năm/tôi tìm đời đánh mất/trên vụng nước cuộc đời...” (khúc thụy du)... sẽ được đọc lại trong ám ảnh của âm giai bài hát. Nhưng quan trọng hơn là hiệu ứng dây chuyền (domino) giữa nhiều bài cũ-mới, sẽ mang đến một hợp âm có âm vực sâu và âm phổ rộng, làm những người từng biết một Du Tử Lê trong quá khứ sẽ ngỡ ngàng thán phục ông. Linh hoạt trong thể loại (5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, lục bát, tự do), đa dạng trong cảm hứng (ái tình, tự tình, thế sự, quê hương, mẹ...), biến hóa trong giọng điệu (tỉnh lạnh, nồng cháy, kịch tính, tra vấn...), phong phú trong hình ảnh và âm thanh: Phải chăng nhờ những điều này mà thơ Du Tử Lê được phổ nhạc nhiều? Có lẽ, còn một yếu tố nữa: những câu chuyện trong thơ ca ông rất gần đời sống, rất sát con người, cả ý tưởng và hình thức biểu đạt. Thơ Du Tử Lê có nhiều từ ngữ và âm giai độc đáo, gây ấn tượng mạnh, nhưng thơ ông ít cầu kỳ, làm dáng, ít vướng vào những cái thời thượng và thường nâng niu những vẻ đẹp long lanh trong truyền thống Việt và phương Đông.

Người ta hay nhớ đến Du Tử Lê như là “ca nhân của ái tình”, riêng trong khúc thụy du, tôi đặc biệt xúc động với những bài về mẹ của ông: cõi mẹ về, thương mẹ đã lưng đồi; và những tự sự của người đàn ông đi qua dâu bể, thấm thía cái khổ làm người: kẻ từ phương đông qua, khi tôi chết hãy đem tôi ra biển, ngọn nến/tôi/cháy hết vẫn ngậm ngùi...

Hơn 60 năm làm thơ viết văn liên tục với 70 tác phẩm và đến nay vẫn còn dồi dào sức sáng tạo, nhà thơ đã thể hiện năng lượng đúng cái tên mà cha mẹ ban cho: Lê Cự Phách, với phong cách của một người rong chơi giữa trần ai như bút danh mình tự đặt: Du Tử Lê.

Nguyễn Thị Thanh Xuân


[1] Phanbook - Nxb Hội Nhà văn, 2018. Toàn bộ các tên tác phẩm chữ đầu viết thường, đúng theo ý tác giả trên văn bản

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 26.9.2018.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63695036
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15328
23426
63695036

Thành viên trực tuyến

Đang có 836 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website