Sách và vườn

Trong hơn một nửa thời gian lưu trú ở Ottawa, tôi đi thăm những khu vườn. Tôi muốn đi trong giấc mơ của tuổi già, tìm về “bản hòa âm điền dã” thời thơ dại.

Nhưng sau khi “đọc” mải mê ký tự của Trời, tôi lại nhớ đến ký tự của Người. Và tôi mò đến những nơi có sách.

 

 

Sách, trong một xã hội tiêu thụ, giàu cây cối (đặc biệt là cây thông) và sử dụng song ngữ Anh Pháp như Canada, quả thật là một thế giới lý tưởng cho những con mọt sách.

Ngày đến tòa nhà Quốc hội (Parliament of Canada), sau khi ghi hình thoải mái các phòng họp nghị viên, các vòm cửa, trần nhà cổ kính, nơi tôi bị nhắc nhở  “no picture” lại là thư viện. Một thư viện không lớn lắm, nhưng cực kỳ tráng lệ. Các tia nhìn như bị hút vào cái sắc màu trầm sâu của gỗ tủ và bìa sách. Những tủ sách trang nhã cao kín tường, những bìa sách giấy cứng mạ chữ vàng được sắp xếp thật trân trọng. Tự dưng vào đây, không ai nói một lời. Người hướng dẫn im lặng như muốn để cho du khách lắng nghe tiếng nói u trầm vang lên từ trang sách. Một cuộc đối thoại vô thanh thành kính như khi người ta bước vào Phật tự hay Thánh đường.

Nhưng các thư viện công cọng nằm ở từng khu phố của Ottawa thì dân dã và cực kỳ giản dị, nó tạo cho mọi người cảm giác là ai cũng có thể vào ra thoải mái nơi ấy. Trước 9 giờ sáng đã thấy các ông bà trung niên đủ các màu da sắp hàng chờ. Thẻ thư viện chỉ để mượn sách (không phí) còn ai cũng có thể vào đó để đọc. Thư viện chỉ có một vài nhân viên, lặng lẽ mà rất ân cần khi phục vụ. Người đọc đi lại nhẹ nhàng, có thể ngồi bàn riêng nhìn vào vách để tập trung, có thể ngồi ngả người trên các ghế bành êm ái cực kỳ thư giãn. Việc mượn sách và trả sách hoàn toàn tự động, qua máy tính. Số lượng sách cho mượn có thể vài chục cuốn trong vòng một tháng.

Mừng rỡ khi nhìn thấy tiểu thuyết Mer et le pêcheur -matin- Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn (bản tiếng Pháp) trên ngăn kệ sách mới ngay lối vào thư viện, tôi hỏi người bảo vệ để được ghi hình. Và sau đó, tôi bấm máy liên tiếp ở gian sách Việt. Khoảng trên 1000 đầu sách, hư cấu, khảo cứu, dịch thuật, xuất bản trước 1975 ở Sài Gòn và sau 1975 ở Việt Nam lẫn hải ngoại. Dành cho người đọc phổ thông, thư viện này ưu tiên nhiều cho tiểu thuyết.

Cầm trên tay những tác phẩm xuất hiện trong những không gian và thời gian khác nhau, tôi bồi hồi tự hỏi: Bàn tay ai đã từng chạm vào trang sách? Liệu có một người Việt nào lớn lên ở Canada, đã nhẩn nha đọc hết số sách ấy trong những thời gian rảnh và hình dung về đất Mẹ bên kia bờ Thái Bình Dương? Hình như, đâu chỉ là học tập và giải trí, đọc sách Việt ở đây có thể là hành trình trở về cội nguồn để tìm sự cân bằng (cho người trẻ) và đắm mình trong dòng sông quá khứ để làm dịu những vết thương tha hương (nơi người già).

Bỗng dưng tôi thấy mình thích viết, và ước chi mình có được một vài cuốn sách nằm lẫn lộn khiêm nhường trên các giá sách kia.

“Có một thư viện và một khu vườn, bạn không cần gì nữa cả”[1], câu nói của Cicéron tự ngàn xưa được ghi trên vách nơi đây, ngân lên trong lòng tôi những âm thanh hạnh phúc: tôi đã nhận ra, đã mơ ước, đã có và đang đi tìm cái có thể cho tôi niềm vui tự tại trong mối tương thông với Con người và Tự nhiên.

                                                                   Ottawa, tháng 7- 2012

 

 

[1] Trên vách thư viện ghi hai thứ tiếng: Si vous possédez une bibliothèque et un jardin, vous avez tout ce qu’il vous faut (Cicéron); Anyone who has a Library and a Garden wants for nothing (Cicero)

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63590806
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9033
8664
63590806

Thành viên trực tuyến

Đang có 562 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website