Hoài nhớ tuổi thanh xuân

Chị bắt đầu năm học bằng những buổi dạy vào tiết thứ ba. Sáng ra, đi chợ về,  chị còn đủ thời gian tắm gội, ăn sáng và liếc qua bài giảng của ngày. Thế mà bao giờ cũng vậy, cứ đến 8giờ 30 là anh bồn chồn nhắc: “ Sao giờ này em chưa đến trường?”. Những lúc khoẻ và vui, chị cười tủm tỉm: “ Yên chí, em không trễ đâu”. Đôi khi mệt, chị gắt nhẹ: “Mặc em mà !” .

Bao giờ chị cũng đến trường vừa đúng giờ vào lớp, khi tiếng chuông reng đổi tiết. Thoạt tiên chị nghĩ là mình tiết kiệm thời gian. Gần hết tuổi 40, chị cảm nhận rõ sức ép của công việc và tưởng chừng như nghe được từng khoảnh khắc cuộc sống đi qua mà hoảng hốt là mình chưa làm được gì. Sau đó chị lại nghĩ hay là mình không có nhu cầu đến sớm. Ngôi trường này đã quá thân thuộc với chị, từ ngày chị 18 tuổi.

Thuở đó, dưới cái nhìn của chị, Văn Khoa rất lạ, giản dị ở nhà cửa cơ ngơi mà sang trọng ở thế giới kiến thức  sách vở. Ở đó, những sinh viên từ khắp nơi đổ về, đối diện ngay với một chế độ học hành thi cử dựa trên tinh thần hoàn toàn tự giác. Sự sàng lọc từng năm là khắt khe, đã đành; việc kiếm một chỗ ngồi để nghe bài giảng cũng là một vấn đề. Thế mà những điều đó không làm giảm đi trong họ những mộng mơ chất ngất của tuổi đôi mươi. Chị còn nhớ như in hàng cây điệp vàng trên con đường Cường Để ngắn ngủn một thời. Nhớ những dãy hành lang luôn tràn ngập sinh viên ngồi chen chúc nghe bài. Nhớ những dãy phòng học thấp đơn sơ và các ô cửa vòm làm nơi phát hành những tập bài giảng quay ronéo. Nhớ  giảng đường tràn ngập gió trên lầu ba toà nhà chính, mỗi lần đi qua lại xúc động vì hình ảnh một nhà thơ-người thầy mẫu mực tài hoa Đông Hồ đã in đậm ở đó trong giờ giảng cuối cùng đặc biệt của mình.

          Văn Khoa sau 1975 như bừng thức dưới một dáng vẻ khác. Mùa hội của họp hành, phong trào, sinh hoạt tập thể. Ánh sáng của lý tưởng thổi vào những người trẻ cái sôi nổi trong khát khao hành động để đổi mình và đổi đời. Những ngày tháng đó, chị đã cùng bạn bè trồng những cây ngọc lan trong sân và rồi lang thang khắp nơi, không chừa một xó xỉnh nào của ngôi trường này. Có phải vì vậy mà giờ đây chị không còn muốn la cà khám phá?

Không, dường như còn một nguyên cớ nào. Và ngày kia, khi hiểu ra, chị nói với anh:  “Anh biết không, em rất thích bước vào trường vừa đúng giờ chuyển tiết. Lúc ấy sân trường tràn ngập sinh viên. Em bước lên cầu thang giữa giòng người trẻ rộn ràng xuống lên. Cảm giác ấy thật là khó tả”. Là niềm vui. Chị thầm nhủ. Tiếng chân, khuôn mặt. Tuổi hai mươi. Nó là cái chị đã lìa xa. Giờ đây chị tưởng như tìm thấy lại mình nơi ấy. Mắt lấp lánh, tóc so le ngang vai, nụ cười e ấp che giấu những khát vọng mãnh liệt. Đi chen giữa tuổi hai mươi, chị nghe dường như mình được lan truyền sức trẻ từ cái non tơ, bỡ ngỡ, hồn nhiên, trong sáng  kia.

Những ngày ở trời Âu, làm việc trong một ngôi trường đại học nổi tiếng thiên tả của Pháp, Paris 7 - Denis Diderot, chị càng nhận rõ hơn nỗi hoài nhớ của mình. Dường như ở sinh viên phương Tây,  chất thanh xuân tỏ lộ rõ rệt hơn. Đã không biết bao nhiêu lần chị ngây người đứng ngắm nhìn họ trong những dáng vẻ khác nhau: túa ra từ métro, rảo bước nhanh nhẹn trên đôi chân dài, lên cầu thang, bước vào trường; ngồi nghe  bài giảng một cách tập trung, mắt nhìn thẳng, thái độ hết sức chủ động tự tin khi thảo luận với thầy; đứng tụm nhau ở cổng trường vừa ăn nhanh sandwich vừa tán gẫu buổi trưa, khuôn mặt trẻ trung láu lỉnh; nằm  duỗi dài thoải mái  trên terrasse của quán cà phê nhìn xuống sông Seine,  lim dim đón ánh nắng xuân hè; và mùa bầu cử tổng thống vừa qua, bận rộn một cách nghiêm trang đầy nhiệt huyết trong các cuộc vận động, những buổi diễn thuyết và biểu tình sôi nổi… Thế giới ấy sao mà thú vị, chị rụt rè kín đáo quan sát thấy lòng vừa bùi ngùi, vừa rộn rã.

Khi con trai chị bước vào đại học và con gái chị chớm là thiếu nữ, cảm giác ấy có phần đổi khác. Gần như quên hết những gian lao của chuỗi ngày làm mẹ, chị sửng sốt khi nhận ra bên cạnh mình là những người bạn trẻ đầy bí ẩn. Hạnh phúc và tự hào về sự sáng láng đầy cá tính của con, chị cũng đồng thời lo sợ tự hỏi, dưới vầng trán măng tơ kia con chị nghĩ gì. Rồi chị bần thần hình dung một ngày kia, như những cánh chim, chúng sẽ lao vào thế giới  mênh mông, mải mê với đường xa cảnh lạ, vuột khỏi vòng tay của chị.

Mùa hè năm nay, những sợi tóc bạc đã xuất hiện và ngày một nhiều, dửng dưng. Chấp nhận những quy luật tự nhiên của thời gian, chị cũng cay đắng hiểu ra những quy luật vô tình của lòng người.

Và vì vậy, mỗi giờ bước chân vào lớp học đối với chị là một lần giao cảm. Chị không chỉ mang đến đó những kiến thức chay từ  sách vở  mà còn có cả nỗi xúc động được lắng nghe, được tiếp sức, cái lý do để chị đủ nghị lực vượt qua vô vàn những chướng ngại của cuộc đời này.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63590751
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8978
8664
63590751

Thành viên trực tuyến

Đang có 545 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website