20241022 2

Tóm tắt: Di sản vǎn hoá thành vǎn Hán Nôm chiếm giữ một vị trí quan trọng, có ý nghĩa như là cốt lõi tinh hoa của vǎn hoá Việt Nam. Bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của di sản này là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đòi hỏi sự tham gia, phối hợp đồng bộ một cách khoa học của nhiều giới, nhiều ngành. Trong đó, việc đưa tri thức Hán Nôm vào nhà trường các cấp là một phương cách tối ưu và lâu dài, nhằm thực tế hoá và làm sống động lại vốn tinh hoa này của dân tộc. Hình thành nǎng lực và nhân cách cho người học thông qua tri thức vǎn hoá Hán Nôm là cách đặt vấn đề không mới, và thực tế đã từng tồn tại những ý kiến xung đột, trái chiều. Do thế, một nhận thức mang tính học thuật và tính sư phạm về vấn đề này cần được tiếp tục đặt ra và dần tháo gỡ.

***

1. Ở một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt trong quá trình giao lưu tiếp xúc ngôn ngữ - vǎn tự - vǎn hóa Việt Hán, chữ Hán dần đã trở thành hệ thống vǎn tự quan phương của nhà nước phong kiến Việt Nam. Dùng chữ Hán như một thứ chuyển ngữ để chuyển tải tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, tâm lí của dân tộc mình là sự lựa chọn thông minh của cha ông ta. Song song với việc dạy học và sử dựng chữ Hán, thực tế đời sống ngôn ngữ của nhân dân cùng với nhu cầu tự thân của vǎn hóa dân tộc đã thúc đẩy quá trình chế tác ra chữ Nôm - loại hình vǎn tự hình thành trên cơ sở vay mượn chất liệu vǎn tự Hán - để ghi lại tiếng nói người Việt. Chữ Nôm nhanh chóng tham gia vào hoạt động sáng tạo vǎn hóa. Trong hơn 10 thế kỉ xây dựng, bảo vệ và sáng tạo, chúng ta có được một kho sách Hán Nôm đồ sộ. Tuy phần nhiều đã mất mát, nhưng với hàng chục vạn đơn vị vǎn bản ở nhiều lĩnh vực còn đang lưu giữ được cũng đủ cho thấy tầm cỡ và ý nghĩa lớn lao của nó. Giá trị đặc biệt của di sản Hán Nôm trong tiến trình vǎn hóa Việt Nam thể hiện ở chỗ, đây là kho tư liệu thành vǎn đồ sộ, có hệ thống, bao quát tất cả các phương diện của đời sống - lịch sử dân tộc trong quá khứ, là minh chứng hùng hồn về truyền thống tự chủ, tinh thần tự cường dân tộc. Nó thể hiện sâu sắc ý thức dân tộc, mà ý thức dân tộc là bộ phận cấu thành nên quốc gia và vǎn hóa của quốc gia. Các ngành khoa học, đặc biệt là khoa học nhân vǎn đều có lịch sử phát triển của nó, lúc này, di sản Hán Nôm chính là nguồn tư liệu của các ngành khoa học ấy. Bao quát hầu khắp các lĩnh vực: lịch sử - chính trị, tư tưởng - triết học, luân lí - đạo đức, ngôn ngữ - vǎn học, y dược, kinh tế, địa lí, quân sự…, nguồn tư liệu Hán Nôm và Hán Nôm học có ý nghĩa như là một chuyên ngành cổ vǎn hiến học, làm cơ sở cho nhiều ngành học khác, nên nó có một vị thế quan trọng trong khoa học xã hội và nhân vǎn Việt Nam hiện nay. Cố nhiên, để phát huy được vị thế ấy, cần đòi hỏi những điều kiện nhất định, mà trước hết là nỗ lực của các nhà khoa học chuyên ngành và khoa sư phạm ngữ vǎn.

Với tư cách là một trong những quốc gia đồng vǎn với vǎn hoá Hán, Việt Nam cùng với một số quốc gia Đông Á trong khối vǎn tự chung này đã có cách ứng xử riêng của mình trong việc lợi dụng vǎn tự đó để cải hoán và sáng tạo thành chữ viết riêng, và trên hết là chống lại mưu đồ Hán hóa. Đối với Việt Nam, sau khoảng 2000 nǎm kể từ khi chữ Hán du nhập, 1000 nǎm dùng chữ Hán với tư cách là quốc gia vǎn tự và cũng gần chừng ấy thời gian tuổi đời của chữ Nôm - được coi là chữ quốc ngữ, sự tác động của nó đến nay vẫn không hề mai một, mặc dù kể từ nǎm 1945, nhà nước Việt Nam mới đã tuyên bố chấm dứt sử dụng với tư cách là quốc gia vǎn tự. Thực tế, môn học (về) Cổ văn hay Hán văn, Hán Nôm, Ngữ văn Hán Nôm vẫn trở lại liên tục, với việc được giảng dạy chính thức trong các trường sư phạm, ở những phạm vi và mức độ nhất định. Tuy nhiên, ở nhà trường phổ thông, từ khi nền giáo dục Nho học kết thúc (1919), ngoại trừ một số ít trường phổ thông thời thuộc Pháp vẫn có dạy học môn Quốc vǎn - trong đó có dạy chữ Hán và tác phẩm Hán Nôm, còn thì tất thảy cho tới nay đều “học chay”, học “hớt ngọn” (qua bản phiên âm, bản dịch) đối với di sản vǎn học này. Mặc dù, tư tưởng dạy học mới theo hướng đọc hiểu văn bản đã triển khai, nhưng sự cách bức về ngôn ngữ vǎn tự và tư tưởng khiến cho việc tổ chức dạy học tác phẩm vǎn học Hán Nôm không thực sự đạt được hiệu quả. Trong bối cảnh giao lưu và hợp tác toàn cầu cũng như khu vực hiện nay, việc dạy và học chữ Hán chữ Nôm nói riêng và về di sản Hán Nôm nói chung đang đứng trước những thách thức và cơ hội mới. Cũng vì thế, thực tiễn lại đòi hỏi cần phải có những thay đổi trong phương pháp nghiên cứu, học tập, tư duy để thích ứng, tiếp cận và nhận thức về vấn đề. Di sản ngữ vǎn Hán Nôm Việt Nam là kết quả của cả một quá trình đấu tranh, xây dựng và bảo vệ nền vǎn hiến Việt Nam trong suốt diễn trình lịch sử lâu dài của dân tộc. Cùng với thời gian, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, di sản “một đi không trở lại” ấy ngày càng bị hư hao, mất mát. Cho nên, nhiệm vự bảo lưu, khai thác giá trị của nó đang được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Trong việc thực hiện nhiệm vụ này, truyền bá tinh hoa vǎn hiến cổ xưa qua con đường giáo dục ở nhà trường là hết sức quan trọng, nó đảm bảo cho di sản Hán Nôm phát huy được giá trị thực tế cao nhất. Trong một bài viết gần đây [1], chúng tôi đã bàn về việc giảng dạy môn Ngữ vǎn Hán Nôm tại các cơ sở đào tạo giáo viên; ở bài viết này, xin góp bàn tiếp mấy ý kiến về vấn đề đưa tri thức Hán Nôm vào nhà trường phổ thông, từ góc độ hướng tới nǎng lực người học.

2. Hệ thống tri thức Hán Nôm đối với/ trong tổng thể năng lực văn hoá cần có của học sinh

Dạy học theo định hướng phát triển nǎng lực người học là một xu thế tất yếu, hiện đại mà công cuộc đổi mới giáo dục của chúng ta đang tiến hành [2]. Đối với học sinh phổ thông Việt Nam, liệu các tri thức Hán Nôm (vẫn được cho là uyên áo, hàn lâm…) sẽ có thể tham gia đóng góp gì, đóng góp như thế nào trong việc hình thành nǎng lực tổng thể của thế hệ trẻ? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Nếu giới chuyên môn và các nhà giáo dục xác định không đúng, rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng/ tâm lí né tránh/ xa lánh, thậm chí coi thường vốn tri thức này, như bấy lâu nay vẫn từng như vậy. Vậy, trước hết phải nhìn từ nǎng lực tổng thể cần có của người học (học sinh phổ thông: cơ sở và trung học) để xem xét. Nǎng lực là tổng hợp hữu cơ của các thành tố “kiến thức”, “kĩ nǎng”, “thái độ” giúp chuyển hoá/ hiện thực hoá vào giải quyết một tình huống, một vấn đề trong cuộc sống thường nhật hoặc trong học thuật. Nǎng lực của người học thường được các nhà giáo dục tạm tách thành hai loại chính: năng lực chung (cơ bản, thiết yếu để mỗi người có thể chung sống và cùng làm việc bình thường trong một môi trường xã hội nhất định) và năng lực cụ thể/ chuyên biệt (được hình thành, phát triển bởi một lĩnh vực hay môn học nào đó). Hệ thống các nǎng lực của học sinh thường được các nhà giáo dục thống nhất cao độ bao gồm 8 nhóm (hay thành tố): (1) Nǎng lực tư duy phê phán, tư duy logic; (2) Nǎng lực giao tiếp, làm chủ ngôn ngữ; (3) Nǎng lực tính toán, ứng dụng số; (4) Nǎng lực đọc - viết; (5) Nǎng lực làm việc/ ứng xử (trong) nhóm; (6) Nǎng lực công nghệ thông tin- truyền thông; (7) Nǎng lực sáng tạo, tự chủ; (8) Nǎng lực giải quyết vấn đề.

Soi chiếu quan điểm lí luận giáo dục trên vào phạm vi tri thức – vǎn hoá Hán Nôm, có thể thấy: Vì Hán Nôm học/ tri thức Hán Nôm liên quan đến tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực khoa học xã hội và nhân vǎn; trong nhà trường, tri thức Hán Nôm cũng thể hiện ở nhiều bộ phận, bao quát các lĩnh vực (như: văn học, ngôn ngữ, lịch sử, tư tưởng, đạo đức luân lí…) nên có thể nói, tất cả các môn học trong nhà trường (toàn bộ chương trình học) đều giúp hình thành và phát triển tri thức Hán Nôm; và ngược lại, tri thức Hán Nôm thông qua chương trình học sẽ giúp hình thành các năng lực chung cho người học. Một mặt khác, vì Hán Nôm vốn là một lĩnh vực học thuật có đặc trưng riêng, chuyên sâu, nên nếu có tri thức nền tảng Hán Nôm sẽ góp phần giúp người học có được năng lực riêng để có thể giải quyết các công việc/ vấn đề chuyên môn hẹp. Cụ thể hơn, với 8 “thành tố” nǎng lực cần có nói trên, xét rộng ra, tri thức Hán Nôm liên quan đến tất cả; xét chi tiết thì ít nhất nó có thể góp phần trực tiếp hình thành các nǎng lực tư duy (logic, hình tượng), giao tiếp - làm chủ ngôn ngữ, đọc viết…

Tri thức Hán Nôm gắn chặt với di sản vǎn học cổ viết bằng chữ Hán, chữ Nôm. Di sản vǎn học Hán Nôm là một thực thể trong chỉnh thể vǎn hóa - vǎn học truyền thống Việt Nam. Việc chọn lựa và phương pháp đưa những tác phẩm vǎn học này vào nhà trường với mục đích giáo dục nhân cách cho học sinh cần được theo dõi bởi một trình độ ưu việt của khoa học giáo dục. Đứng ở vị trí biểu trưng cho giá trị vǎn hóa dân tộc, tác phẩm vǎn học Hán Nôm của ta với những tác giả đỉnh cao như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến,… có ý nghĩa như những dấu mốc lịch sử. Khai thác tốt giá trị của những sáng tác ấy sẽ góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách, bồi dưỡng lương tâm - đạo đức - trí tuệ - tâm hồn cho học sinh. Nếu không chúng sẽ biến thành những kí hiệu chết và khi đó việc nắm bắt giá trị đích thực của tác phẩm không tuân theo quy luật cảm thụ vǎn chương nữa, mà được thay thế bằng sự sơ đồ hóa giản đơn những kiến thức cố định, ôm đồm. Nghĩa là không có tri thức về phương pháp luận thì việc dạy học vǎn học cổ Hán Nôm nói chung sẽ nhanh chóng tạo ra những phản giá trị. Việc đòi hỏi một hệ thống kiến thức chuẩn, thể hiện qua việc cải tiến, chỉnh lí, bổ sung các bộ sách giáo khoa ngữ vǎn, cũng như hướng khai thác giá trị các tác phẩm vǎn học Hán Nôm trong nhà trường đã được đặt ra từ lâu. Nhưng nghiêm ngặt mà nói, những hạn chế nhiều mặt còn tồn tại không phải là ít. Việc chọn lọc tác phẩm vǎn học Hán Nôm và phân phối chúng vào chương trình ở các lớp học, cấp học chưa cân đối, chưa có tiêu chí đồng bộ: Nhiều tác phẩm ưu tú chưa được điểm tới, trong khi có nhiều tác phẩm chưa thực sự tiêu biểu lại được chọn dùng… Hoặc giả, có nhiều loại vǎn bản quá khó, ít tính hữu dụng, ít tính thiết thực với thực tiễn hiện đại vẫn được lựa chọn một cách máy móc… Bên cạnh đó là các bất cập trong các vấn đề cụ thể như: vấn đề giảng dạy từ Hán Việt, từ Việt cổ; vấn đề chú giải, phân tích, bình giá các tác phẩm vǎn học Hán Nôm, nhất là ở tác phẩm có nhiều điển tích điển cố hay những cấu trúc từ ngữ đa nghĩa. Nếu theo dõi sẽ thấy nhiều hạn chế, vướng mắc, sai sót liên quan đã không ngừng được phát hiện trên các sách báo chuyên ngành. Đây rõ ràng không bao giờ chỉ là những chuyện bếp núc của việc dạy học ngữ vǎn, bởi vì sự chi phối rất lớn của nó đối với quá trình nâng cao nǎng lực tiếng Việt vǎn hóa nói chung và tiếp nhận tri thức vǎn chương nói riêng là điều không thể phủ nhận.

Một cái nhìn có ý nghĩa đối sánh trong quan điểm/ tư duy/ triết lí về vai trò/ vị trí của môn học về Hán vǎn (cổ) trong nhà trường phổ thông Nhật Bản và Hàn Quốc thời hiện đại có thể giúp gợi ý cho chúng ta những bài học quý giá. Môn học về Hán tự và Hán vǎn ở các nước này liên tục được đưa vào giảng dạy trong nhà trường các cấp một cách đồng bộ, hệ thống. Giáo dục Nhật Bản quy định lượng chữ Hán phải học trong nhà trường phổ thông là 1945 chữ, là lượng chữ được lựa chọn/ tính toán khoa học, phân bổ cho từng cấp học, đảm bảo giúp học sinh sau khi tốt nghiệp (ít nhất) có thể sử dụng/ lí giải phần lớn từ Hán Nhật trong tiếng Nhật hiện đại; bên cạnh đó, tổng số tác phẩm chữ Hán trong chương trình quốc vǎn hiện tại chiếm gần 30% số lượng các tác phẩm vǎn học; việc tổ chức đào tạo giáo viên và dạy học vǎn học chữ Hán hết sức quy củ, có sự ổn định từ hàng chục nǎm nay. Ở Hàn Quốc, bên cạnh môn Quốc vǎn (tương đương môn Ngữ vǎn của ta) có dạy học tác phẩm chữ Hán (của Hàn Quốc), còn tổ chức một môn học tự chọn (từ cấp 2) là Hán vǎn chuyên dạy về chữ Hán cổ và tác phẩm vǎn học chữ Hán, với hệ thống sách giáo khoa đồng bộ và yêu cầu chặt chẽ về phương pháp. Đặc biệt, kì thi quốc gia vào đại học của Hàn Quốc cũng tổ chức môn thi Hán vǎn từ hơn 40 nǎm nay (dẫn ý theo [8]). (Bản thân chúng tôi những nǎm gần đây cũng nhiều lần được Bộ Giáo dục Hàn Quốc mời tham gia ban ra đề/ thẩm định đề thi quốc gia thuộc tiểu ban Ngoại ngữ và Hán vǎn này). Xem thế, trong các nước đồng vǎn với vǎn hoá Hán, ở thời hiện đại, chỉ riêng giáo dục phổ thông Việt Nam còn “lúng túng” trong nhận thức và ứng xử với chữ Hán (cổ) nói riêng và di sản ngữ vǎn Hán Nôm nói chung. Thành tựu của người khác liệu có nhắc nhở chúng ta dũng cảm nhìn nhận lại mình?

3. Một vài đề xuất trong việc đưa tri thức Hán Nôm vào nhà trường phổ thông

Như đã nói trên, đến đầu thế kỉ 20, chữ Hán chữ Nôm tuy đã kết thúc vai trò lịch sử của mình, nhưng nền văn hóa Hán Nôm nói chung và tri thức Hán Nôm nói riêng thì vẫn hiện tồn và song hành cùng với lịch sử dân tộc. Theo đó, một cách lí tưởng thì học sinh cần được học môn học về chữ Hán chữ Nôm (như nhiều ý kiến trước đây đã đề xuất, cũng giống như việc Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn liên tục tổ chức dạy học bắt buộc môn học về chữ Hán, Hán vǎn). Nhưng trong điều kiện trước mắt, chúng ta chưa thể chuẩn bị thực thi điều này thì việc cung cấp tri thức – hình thành nǎng lực về Hán Nôm cho học sinh cần theo hướng linh hoạt: Kết hợp các mức độ giữa chương trình chính khoá và chương trình bổ trợ.

3.1. Đưa tri thức Hán Nôm vào chương trình chính khoá:

Chương trình chính khoá được hiểu là bắt buộc thực hiện theo phân phối chương trình môn học, được giáo viên giảng dạy và hướng dẫn, có kiểm tra đánh giá. Một số môn học được giới thiệu để học sinh tự chọn cũng thuộc chương trình chính khoá này. Sau đây là những khía cạnh có thể cần được lưu ý khi thực hiện:

- Tiếp tục thực hiện ở liên môn (ngữ vǎn, lịch sử…) và xuyên môn (tự nhiên, xã hội) nhưng lấy môn Ngữ vǎn làm trục chính. Đồng thời phải đảm bảo có hệ thống nhất quán giữa các lớp và bậc học.

- Bộ phận vǎn học cổ viết bằng chữ Hán, chữ Nôm cần có một tỉ trọng tương xứng với các mảng khác. Có thể tǎng cường cả ở phần đọc thêm hay tham khảo. Hệ thống các chú thích dẫn giải về vǎn bản kèm theo phải chi tiết, chuẩn xác.

- Sách giáo khoa Ngữ vǎn cần có bảng tra cứu từ và yếu tố Hán Việt, gắn với (hình thể) chữ Hán (hiện nay chỉ có phiên âm). Lượng hoá việc cung cấp một số lượng yếu tố (chữ) Hán/ từ Hán Việt theo từng lớp, từng cấp học.

- Bổ sung các hình ảnh (kèm giải thích) về vǎn bản Hán Nôm cổ có liên quan. Hiện nay chỉ có lác đác, đôi khi cũng không ghi chú.

- Cần hình thành các bài học chuyên biệt về từ Hán Việt, cách sử dựng và sáng tạo từ Hán Việt trong tạo lập vǎn bản.

- Cần biên soạn Từ điển giải thích từ Hán Việt và từ Việt cổ dùng trong nhà trường như một tài liệu tham khảo bắt buộc. Hiện nay cũng có một vài cuốn từ điển Hán Việt dùng trong nhà trường nhưng không phải loại từ điển giải nghĩa từ mà chỉ để tra nghĩa. Từ điển giải nghĩa từ ít nhất phải đáp ứng/ tổ hợp được: tra hình thể chữ (Hán, Nôm), tra âm đọc, giải nghĩa cấu tạo (tự và từ), giải nghĩa từ nguyên, giải thích các lớp nghĩa theo cấu tạo, dẫn vǎn liệu… Có thể nghiên cứu để tích hợp tra cứu về điển cố dùng trong nhà trường vào cuốn sách này.

Như trên đã dẫn giải, lí tưởng nhất, học theo cách làm của Hàn Quốc, chúng ta có thể tổ chức một số môn học tự chọn. Môn học về chữ Hán và Hán Nôm Việt Nam sẽ được tổ chức chính quy, khoa học, bài bản hơn, với đầy đủ hệ thống giáo khoa, học liệu, kiểm tra đánh giá một cách hệ thống.

3.2. Đưa tri thức Hán Nôm vào chương trình bổ trợ:

Chương trình bổ trợ được hiểu là không có/ không bắt buộc thực hiện theo phân phối chương trình môn học, nhưng có thể được giáo viên giảng dạy và hướng dẫn, có hình thức kiểm tra đánh giá riêng. Thời gian dành cho ngoại khoá, chương trình địa phương, tổ chức câu lạc bộ, sinh hoạt hè theo hình thức học - vui, vui - học… đều có thể tận dụng.

-                Lực lượng tham gia giáo dục chương trình bổ trợ có thể rất đa dạng, gồm tất cả những người biết và yêu thích Hán Nôm. Tuỳ vào điều kiện cụ thể của nhà trường và địa phương, có thể khuyến khích một bộ phận học sinh (thường là học sinh có nǎng khiếu các môn xã hội) tham gia.

-                Đề nghị Bộ Giáo dục cho phép tổ chức biên soạn một bộ giáo khoa tham khảo dạy về Hán Nôm, sử dụng song hành và phụ trợ cho sách giáo khoa, sách giáo viên chính thức. Trước mắt, có thể hình thành một nhóm nghiên cứu – biên soạn để thực hiện thí điểm. Chúng tôi cho rằng, việc làm này sẽ đặc biệt hữu ích trong điều kiện hiện thời.

-                Bộ giáo khoa tham khảo dùng để dạy và hướng dẫn tự học về Hán Nôm nói trên, trước mắt, trong giai đoạn thử nghiệm có thể chỉ cần 2 quyển, một quyển dùng cho Trung học cơ sở, một quyển dùng cho Trung học phổ thông. Cố nhiên, để được giới thiệu dùng (tham khảo, bổ trợ) trong nhà trường, bộ sách cần phải tuân thủ những nguyên tắc khoa học về chương trình giáo dục.

-                Một hệ thống học liệu mở với các tài liệu/ công cụ tra cứu tĩnh (sách) và động (mạng internet) liên quan đến Hán Nôm cần được biên soạn, thẩm định và được Bộ Giáo dục giới thiệu dùng cho nhà trường. Hệ thống học liệu này có thể giúp giáo viên và học sinh sử dụng thuận tiện, hữu hiệu trong mọi trường hợp và tình huống giáo dục.

-               Khuyến khích xã hội hoá giáo dục, tận dụng các nguồn lực xã hội trong dạy học về Hán Nôm với nhiều hình thức khác nhau: Câu lạc bộ Hán Nôm, câu lạc bộ thư pháp, các nhóm và trung tâm Hán Nôm tình nguyện, tổ chức các giải thưởng…

-               Một vài ý kiến mà chúng tôi đề xuất, bàn góp ở trên cần tiếp tục được thảo luận và (nếu cần thiết) chúng ta sẽ trình bày một bản kiến nghị với Bộ Giáo dục, trên danh nghĩa một tổ chức khoa học chuyên ngành về Hán Nôm. Chắc chắn, chúng ta không thể “chờ đợi trong hi vọng” một cơ chế đặc biệt nào đó dành cho môn học này, trong khi bản thân những “người trong cuộc” như chúng ta không có những đề xuất/ những phương án cụ thể.

3.3. Những nguyên tắc căn bản trong việc đưa tri thức Hán Nôm vào nhà trường:

Dẫu là đưa tri thức Hán Nôm vào nhà trường theo phương thức nào, cũng cần chú ý các nguyên tắc cơ bản. Dưới đây là một số đề nghị bước đầu:

(a) Học chữ Hán, chữ Nôm tức là tiếp nhận (và qua đó, lí giải về) vǎn hoá dân tộc. Việc tiếp nhận các tri thức này cần diễn ra như một nhu cầu tự thân, tự nhiên của người học. Học sinh cần được hướng dẫn tiếp nhận các kiến thức từ dễ đến khó, gắn lí thuyết với thực hành.

(b) Học chữ gắn với giảng nghĩa từ. Việc giải nghĩa từ cần xuất phát từ hình thể, cấu tạo… để hiểu được nghĩa từ nguyên và diễn biến các lớp nghĩa của chúng, gắn với các vǎn bản cụ thể. Tri thức về từ pháp, cú pháp Hán vǎn, vǎn Nôm cổ được trình bày theo hệ thống bài học về vǎn bản.

(c) Các vǎn bản được lựa chọn đưa vào chương trình, giáo khoa phải tiêu biểu cho các loại thể; nhưng mặt khác, qua các vǎn bản đó cần cung cấp được tối thiểu 3000 chữ thông dụng, gắn với hệ thống từ Hán Việt cơ bản trong tiếng Việt hiện đại.

(d) Lí giải các vǎn bản tác phẩm tiêu biểu: cần nhất quán theo hướng minh giải văn bản, với các thao tác cụ thể, chi tiết, đầy đủ. (Về điều này, xin tham khảo bài viết của chúng tôi về công tác minh giải vǎn bản Hán Nôm trong [7]).

(e) Tài liệu giáo khoa phải được biên soạn theo nguyên tắc hướng dẫn tự học, dạy việc tự học, với hệ thống các bài tập thực hành phong phú; tài liệu tham khảo và thường thức về cổ vǎn cần tinh xác.

Để Hán Nôm học thực sự gắn kết với nhà trường, nhằm thực hiện tốt yêu cầu giáo dục và phát huy giá trị của di sản Hán Nôm trong tương lai, việc quan tâm đồng bộ đến tất cả các vấn đề có liên quan, bắt đầu từ tổ chức thiết kế chương trình ngữ vǎn Hán Nôm, biên soạn sách và tư liệu tham khảo, đào tạo đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn, tổng kết kĩ nǎng - phương pháp truyền thụ tri thức vǎn hóa Hán Nôm… là những khâu đoạn then chốt.

4. Di sản văn hóa thành văn Hán Nôm là một bộ phận đặc sắc của vǎn hóa truyền thống Việt Nam. Giữ gìn, khai thác, giới thiệu… giá trị của nó là một nhiệm vụ trọng yếu của khoa học xã hội nhân vǎn trong xu thế hội nhập vǎn hóa hiện nay. Theo đó, việc tổ chức dạy học tác phẩm văn học Hán Nôm - phần tinh hoa của di sản Hán Nôm - và cung cấp các tri thức vǎn hóa Hán Nôm nói chung ở nhà trường các cấp cần không ngừng được đổi mới, cả về quan điểm, cả về nội dung và phương pháp. Chỉ khi chúng ta nhìn nhận và xem xét vấn đề một cách hệ thống thì những vướng mắc, bất cập trong việc bảo tồn - phát huy giá trị của bộ phận di sản này, cũng như việc truyền thụ tri thức liên quan trong nhà trường, mới dần được tháo gỡ. Tự chủ dân tộc trước hết là ý thức tự chủ vǎn hóa, vǎn hiến. Do thế, bảo tồn và phát huy tốt giá trị vǎn hóa - vǎn hiến của di sản Hán Nôm cũng tức là hướng đến mục đích bao trùm: làm sao để các thế hệ con người Việt Nam biết mình trong mối quan hệ với dân tộc, có ý thức chiếm lĩnh nền vǎn minh hiện đại trên cơ sở bản sắc vǎn hóa của dân tộc mình. Vấn đề này, chính sách giáo dục của ta đã đặt ra và giải quyết từng bước nhưng còn thiếu những giải pháp thích hợp để thực thi có hiệu quả. Có vận dụng được vào thực tế giáo dục, nhất là trong nhà trường các cấp thì việc nghiên cứu di sản vǎn hóa truyền thống, trong đó có di dản Hán Nôm mới có ý nghĩa thiết thực.

PGS. TS Hà Minh

(Đại học Sư phạm Hà Nội)

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia: Vai trò của Hán Nôm trong văn hoá đương đại (The Role of Sino-Nom in Contemporary Culture), Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức, 27/8/2016, tr.316-322.

Bài viết đã được tác giả đồng ý cho đăng tải trên website Khoa Văn học.

 

Tài liệu tham khảo:

[1]. Hà Minh (2016), Bộ môn Ngữ văn Hán Nôm trong nhà trường sư phạm hiện nay: thực trạng và yêu cầu đổi mới, In trong: Đổi mới nghiên cứu và giảng dạy Ngữ vǎn trong nhà trường Sư phạm (Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc gia), NXB GDVN, H. Tr 328 – 335.

[2]. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới cǎn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hà Nội.

[3]. Lê Trí Viễn (cb) (1984 - 1987), Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San, Đặng Chí Huyền. Cơ sở ngữ văn Hán Nôm, 4 tập, NXB Giáo dục. H.

[4]. Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San (1987, 1988, 1989). Ngữ văn Hán Nôm, 3 tập, NXB Giáo dục. H.

[5]. Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San (chủ biên), Hà Minh, Dương Tuấn Anh, Nguyễn Thanh Chung, Hà Đǎng Việt (2007, 2008, 2009). Ngữ văn Hán Nôm, 3 tập, NXB ĐHSP. H.

[6]. Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San (chủ biên), Hà Minh, Nguyễn Thanh Chung, Nguyễn Tú Mai, Hà Đǎng Việt (2014). Giáo trình Văn bản Hán văn Việt Nam, NXB GDVN. H.

[7]. Hán Nôm học trong nhà trường – Những vấn đề trao đổi (2013), Kỉ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc, NXB ĐHSP. H.

[8]. Cho Jae Hyun, Bùi Mạnh Hùng (2008), Sách giáo khoa Ngữ văn của Hàn Quốc và kinh nghiệm đối với Việt Nam - Tạp chí Ngôn Ngữ và đời sống, số 2 (158).

K.VH - Trong vòng sáu tháng (từ tháng 6 năm 2020 đến tháng 12 năm 2020), nhóm giảng viên và sinh viên chuyên ngành Hán Nôm thuộc Khoa Văn học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành điền dã, sưu tầm tư liệu Hán Nôm tại các cơ sở thờ tự ở Bình Thuận và Ninh Thuận kết quả sưu tầm được 289 sắc phong, kết quả khảo sát số sắc phong ngày cho thấy được một số thông tin có giá trị về lịch sử, văn hóa, đồng thời cũng nhận biết hiện trạng di sản Hán Nôm - sắc phong đang được lưu giữ tại địa phương.

1. Lê Văn Đức 黎文德 (1793 - 1842) là danh thần đầu triều Nguyễn, phụng sự ba đời vua: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị. Quê ông ở cù lao Bảo thuộc tổng Tân An - châu Định Viễn - dinh Phiên Trấn (nay thuộc tỉnh Bến Tre)(1). Ông đỗ Cử nhân khoa Quý Dậu (Gia Long năm thứ 12 - 1813), sau đó được bổ làm Tri huyện ở Tri Viễn. Từ năm 1822 đến năm 1828 (Minh Mệnh năm thứ 3 đến năm thứ 9), ông lần lượt giữ nhiều chức vụ khác nhau: Lang trung Bộ Công, Thiêm sự, Ký lục trấn Bình Hòa sung Giám thị trường Nam Định, Hữu Thị lang Bộ Công, Hữu Thị lang Bộ Binh, Toản tu bách quan chức chế, Tham tri Bộ Binh, Thự Thượng thư Bộ Binh.

Sinh ra ở vùng đất Nam bộ, do sự đưa đẩy của thời cuộc, suốt cả cuộc đời, Lê Văn Đức bôn ba khắp mọi nẻo đường đất nước. Từ Nam ra Bắc, từ Bắc lại vào Nam, ông đã trải qua nhiều thăng trầm, gian khổ, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng(2). Tuy nhiên, ở cương vị nào, ông cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình, lập được nhiều công trạng to lớn: trị thủy ở kinh đô Huế (1839), trấn áp các cuộc nổi dậy của người Chân Lạp (1840), hai lần đánh dẹp giặc Xiêm La (1840, 1842)… Nếu không qua đời sớm ở tuổi 49 (năm 1842) thì chắc chắn ông sẽ còn lập thêm nhiều công trạng(3).

Một trong những chiến công nổi bật của ông là hai lần dẹp tan được loạn Nông Văn Vân (1833 - 1835). Tháng 7 âm lịch năm 1833, một Thổ ty người Tày ở Bảo Lạc (Tuyên Quang) tên là Nông Văn Vân khởi binh chống lại sự cai trị của triều Minh Mạng(4), Lê Văn Đức liền được sung chức Tham tán quân vụ đại thần, lãnh nhiệm vụ tiễu trừ loạn tặc. Đánh giải vây được thành Tuyên Quang, vua Minh Mệnh sung ông làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (5), đồng thời cử Nguyễn Công Trứ làm Tham tán, để cùng dẫn đại binh đi đánh Vân Trung (Bảo Lạc), là nơi đặt đại bản doanh của Nông Văn VânTháng 6 năm Giáp Ngọ (1834), sau khi củng cố lại lực lượng,Nông Văn Vân cùng với các thuộc hạ dẫn cả ngàn quân đi đánh chiếm Cao Bằng. Hốt hoảng, các quan đầu tỉnh đều bỏ chạy. Hay tin, nhà vua lại cử Lê Văn Đức làm Tổng đốc đạo Tuyên Quang để cùng với các tướng lĩnh khác mang quân đi trấn áp. Thua trận, Nông Văn Vân trốn trong rừng Thẩm Pát ở Tuyên Quang, rồi bị quân triều đình phóng lửa đốt rừng. Theo sử nhà Nguyễn thì sau đó (tháng 3 âm lịch năm 1835), Nông Văn Vân bị chết cháy (6).

Xét công lao, Lê Văn Đức được phong là Ân Quang tử, thăng trật Hiệp biện Đại học sĩ, nhưng vẫn lĩnh chức Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, để tiếp tục truy bắt các thuộc hạ của Nông Văn Vân hiện vẫn còn đang lẩn trốn.

Với những công trạng trên, Lê Văn Đức nhiều lần được ban thưởng xứng đáng. Năm 1835, tên ông được cho khắc vào bia đá đặt trước sân Võ miếu Huế vừa thành lập. Cùng năm ấy, vua Minh Mệnh ban thưởng cho ông một phần thưởng đặc biệt: ôm gối vua (7). Đến năm Tự Đức thứ 10 (1857), sau khi mất 15 năm, Lê Văn Đức được thờ trong đền Hiền Lương.

20220508 7

Văn bản 周原雜詠 - Chu nguyên tạp vịnh

Tuy là một võ tướng, nhưng Lê Văn Đức cũng có tài làm thơ. Tác phẩm của ông còn truyền lại là tập Chu nguyên tạp vịnh và một bài văn tế các tướng sĩ trận vong và bệnh vong trong cuộc chiến chống bọn Nông Văn Vân, được chép trong Tế văn tập do một vị Cử nhân họ Hoàng ở Nhuế Giang biên soạn.

2. Sau khi bình được loạn Nông Văn Vân, vua Minh Mệnh vui mừng ban thưởng cho Lê Văn Đức và mở tiệc khao quân. Tuy cuộc bình loạn đại thắng, nhưng phía triều đình cũng tổn thất nhiều tướng sĩ, người thì tử trận, kẻ thì bệnh chết trong quân. Cho nên, vua sai Lê Văn Đức viết một bài văn tế để tỏ lòng tưởng nhớ, thương tiếc và ghi khắc công lao của các tướng sĩ đã anh dũng hi sinh vì đại cuộc. Bài văn tế có tên đầy đủ là Sơn Hưng Tuyên Đốc hiến Lê Văn Đức tuân chỉ tế trận vong bệnh cố tướng sĩ văn. Xét thấy đây là bài văn tế hay, có giá trị văn học và lịch sử, chúng tôi xin phiên dịch, chú thích để giới thiệu cùng quý độc giả xa gần.

Nguyên văn:

山興宣督憲黎文德遵旨祭陣亡病故將士文

某年月日官爵姓名,欽奉恩旨,軫及進征逆雲辰陣亡病故之將士兵勇等,準賜祭一坛,具牲酒庶饈之品,設坛為位以告于行陣病亡者之靈曰:

嗚呼!疆場敵愾,因盡節以成忠;覆載垂慈,無微而不燭。

雖蒙國恩死國事,臣心庸恤其他;然孤人子寡人妻,兵革本非所欲。

繄爾等之驕雄;為國家之容蓄。

奮身堅銳,以膂力而爪牙;矢念尊親,如手足於頭目。

許久虎皮包戟,譙楼之角吹方閒;何期狼燧傳鋒,戎壘之征轅乍促。

修尔戈同澤同袍;出我車于郊于牧。

三秋出入屡戰頻攻;萬状艱難重溪疊谷。

飛鳶跡跡,空驚壯士之魂;瘏馬行行,疇畫征夫之軸。

惟其想逆渠之犯順,孰不衝冠;是以[?](8)予勇以争先,人思八服。

踰嶺以臨泉;亦緣崖而攀木。

連峰似戰桓桓,臨玉帽以奚辭;薰雨如湯恍恍,指雲中而不縮。

霜林戰處,曷禁矢石之紛飛;霧磴躋餘,易惹烟嵐之誤觸。

吳將之金瘡列背,神醫何所旋丹;蜀泉之水瘴居肓,鬼伯豈須登籙。

故破竹走風之勢,則莫我承;而埋輪鷙馬之雄,返為尔毒。

嗟哉,衽不厭之金;忽乃,委俱焚之玉。

想尔之九泉齎志,有不勝於猿呌鵑啼;乃彼之一旦傾巢,亦窮技於驢鳴鼯伏。

是能雪尔恨于窈冥全伏我朝之威福。

且此三軍奏凱,正騰闕下之歌;寧絕塞含凄,尚滯天顏之哭。

仰高厚之普施;悉往存而涵肓。

千里封疆不遠,宸思乍動于磬聞;九重渥澤有加,卹典式周于矢後。

今則:以饗以奠欽自天恩;或肆或將治于庖祝。

庶精爽之有知;俾宠光之共沐。

嗚呼!太山比重,不孤馬革之難懷;天日向光,久慰泉臺之衷曲。

尚享!

Phiên âm

SƠN HƯNG TUYÊN ĐỐC HIẾN LÊ VĂN ĐỨC TUÂN CHỈ TẾ TRẬN VONG BỆNH CỐ TƯỚNG SĨ VĂN

Mỗ, niên nguyệt nhật, quan tước tính danh, khâm phụng ân chỉ, chẩn cập tiến chinh nghịch Vân thời trận vong bệnh cố chi tướng sĩ binh dũng đẳng, chuẩn tứ tế nhất đàn, cụ sinh tửu thứ tu chi phẩm, thiết đàn vi vị dĩ cáo vu hành trận bệnh vong giả chi linh viết:

Ô hô! Cương trường địch khái, nhân tận tiết dĩ thành trung; Phú tái(9) thùy từ, cái vô vi nhi bất chúc.

Tuy mông quốc ân tử quốc sự, thần tâm dong tuất kỳ tha; Nhiên cô nhân tử quả nhân thê, binh cách bản phi sở dục.

Ế nhĩ đẳng chi kiêu hùng, vi quốc gia chi dung súc.

Phấn thân kiên nhuệ, dĩ lữ lực nhi trảo nha(10); Thỉ niệm tôn thân, như thủ túc ư đầu mục(11).

Hứa cửu hổ bì bao kích, tiều lâu(12) chi giác xúy phương nhàn; Hà kỳ lang toại(13) truyền phong, nhung lũy chi chinh viên sạ xúc.

Tu nhĩ qua đồng trạch đồng bào(14); Xuất ngã xa vu giao vu mục.

Tam thu(15) xuất nhập, lũ chiến tần công; Vạn trạng gian nan, trùng khê điệp cốc.

Phi diên tích tích, không kinh tráng sĩ chi hồn; Đồ mã hàng hàng, trù họa chinh phu chi trục.

Duy kỳ tưởng nghịch cừ chi phạm thuận, thục bất xung quan; Thị dĩ ? dư dũng dĩ tranh tiên, nhân tư bát phục.

Ký du lĩnh dĩ lâm tuyền; Diệc duyên nhai nhi phàn mộc.

Liên phong tự chiến hoàn hoàn, lâm ngọc mạo(16) dĩ hề từ; Huân vũ như thang hoảng hoảng, chỉ vân trung nhi bất súc.

Sương lâm chiến xứ, hạt cấm thỉ thạch chi phân phi; Vụ đặng tễ dư, dị nhạ yên lam chi ngộ xúc.

Ngô tướng chi kim sang liệt bối, thần y hà sở toàn đan; Thục tuyền chi thủy chướng cư hoang, quỷ bá khởi tu đăng lục.

Cố phá trúc tẩu phong chi thế, tắc mạc ngã thừa(17); Nhi mai luân(18) chí mã chi hùng, phản vi nhĩ độc.

Ta tai, nhẫm bất yếm chi kim(19); Hốt nãi, ủy câu phần chi ngọc(20).

Tưởng nhĩ chi cửu tuyền tê chí(21), hữu bất thăng ư viên khiếu quyên đề; Nãi bỉ chi nhất đán khuynh sào, diệc cùng kỹ ư lư minh ngô phục(22).

Thị năng tuyết nhĩ hận vu yểu minh; Cái toàn phục ngã triều chi uy phúc.

Thả thử tam quân tấu khải, chính đằng khuyết hạ chi ca; Ninh giao tuyệt tái hàm thê, thượng trệ Thiên nhan chi khốc.

Ngưỡng cao hậu chi phổ thi; Tất vãng tồn nhi hàm dục.

Thiên lý phong cương bất viễn, thần tư sạ động vu khánh văn; Cửu trùng ác trạch hữu gia, tuất điển thức chu vu thỉ hậu.

Kim tắc: Dĩ hưởng dĩ điện khâm tự thiên ân; Hoặc thích hoặc tương trị vu bào chúc.

Thứ tinh sảng chi hữu tri, tỷ sủng quang chi cộng mộc.

Ô hô! Thái Sơn tỷ trọng, bất cô mã cách(23) chi nan hoài; Thiên nhật hướng quang, cửu úy tuyền đài chi trung khúc(24).

Thượng hưởng!

Dịch nghĩa:

BÀI VĂN TẾ DO ĐỐC HIẾN SƠN HƯNG TUYÊN LÊ VĂN ĐỨC TUÂN THEO LỆNH VUA VIẾT ĐỂ TẾ CÁC TƯỚNG SĨ TRẬN VONG VÀ BỆNH VONG

Mỗ, ngày tháng năm, chức tước và họ tên, kính vâng ân chỉ của vua, ban một đàn lễ tế, đầy đủ lễ vật, rượu thịt và thức ngon, tưởng nhớ các tướng sĩ đã anh dũng trận vong và bệnh vong trong cuộc tiến đánh bọn nghịch tặc Nông Văn Vân. Nay lập đàn tế cáo với linh hồn các tướng sĩ rằng:

Than ôi! Lòng địch khái nơi chiến địa, thà tử tiết để vẹn giữ lòng trung; Ân phú tái đấng hiền minh, dù đại tiểu cũng dày ban ân phúc.

Tuy đội ơn nước, chết vì việc nước, kẻ bề tôi đâu hối tiếc điều chi; Nhưng con xa cha, vợ phải xa chồng, cơn binh cách vốn trầm luân địa ngục.

Kia sĩ binh anh dũng kiêu hùng, chính quốc gia tài bồi hun đúc.

Rèn thân rắn sắc, mong thành gân cốt tướng trảo nha; Chặt dạ tôn thân, chẳng khác tay chân quan đầu mục.

Bấy lâu cung kiếm yên da hổ, tiếng tù chòi gác vắng thinh thinh; Bây giờ lang khói ngút trời xanh, trận địa trống đồn đang thôi thúc.

Sửa sang giáo mác, mặc cùng áo đắp cùng chăn; Chỉnh đốn ngựa xe, ruổi mọi đường xông mọi góc.

Ba thu dầu dãi, công phá nhiều phen; Vạn nỗi gian truân, san bằng hiểm hóc.

Quạ diều quần đảo, luống kinh hồn tướng sĩ mơ màng; Xe ngựa liêu xiêu, khéo họa bức chinh phu vũ khúc.

Riêng nghĩ đến tặc đồ phản nghịch, nộ khí xung thiên; Nên phát dương ý chí tranh hùng, tám phương úy phục.

Đã lội suối lại trèo non; Thêm thiên nhai rồi lâm cốc.

Từng đỉnh núi giống rừng gươm uy vũ, đầu mang mũ trụ chẳng lùi chân; Mỗi giọt mưa như dòng nước trào sôi, tay chỉ trời xanh không bỏ cuộc.

Chiến trường khói tỏa, đâu thoát vòng đá dội tên bay; Vách đá sương giăng, sao kham cảnh rừng thiêng khí trọc.

Ngô tướng kiếm đao xuyên áo giáp, thần y thúc thủ hoàn sinh; Thục tuyền nước độc ngấm tâm tì, quỷ bá nhanh bài chiêu phục.

Cho nên, khí thế tro bay trúc chẻ, loạn thần không thể giương oai, phách lạc hồn kinh; Thế nhưng, oai hùng chống giặc chôn xe, tướng sĩ đành cam nuốt hận, xương tan thịt róc.

Thương ôi, mệnh đương sống chết, khi ăn ngủ cũng chẳng rời gươm; Bỗng đâu, lửa đốt núi Côn, chí kiên trinh sẵn sàng nát ngọc.

Nghĩ rằng, các ngươi ngậm hờn nơi chín suối, chỉ tiếc lòng vượn hú quyên than; Thật ra, mỗi người tận lực thuở can qua, đã hết cách lừa kêu chuột rúc.

Như vậy cũng đủ: Sáng ngời tinh phách hồn thiêng; Khôi phục cơ đồ đại quốc.

Đây là lúc ba quân báo tiệp, khuyết môn nô nức khải hoàn ca; Kia là nơi biên tái thê lương, Thánh chúa âm thầm tuôn lệ khóc.

Ngưỡng ân sâu đức cả cao dày; Khắp kẻ mất người còn mãn túc.

Tâm khảm ai hoài trong tiếng khánh, đâu đây ngàn dặm sơn hà; Sự vong trịnh trọng buổi đăng đàn, trên dưới chín từng mưa móc.

Nay thì: Kính vâng vương mệnh, lễ tế đã an; Nhờ sức trù nhân, hương phần sung túc.

Hồn thiêng hầu đã chứng tri; Ân điển cùng nhau hưởng lộc.

Ôi thôi! Thái Sơn vĩ đại, dẫu rằng da ngựa khó bọc thây; Nhật nguyệt thường soi, mãi chiếu dạ đài cơn trung khúc.

Thương thay! Thượng hưởng!

3. Một bộ phận quan trọng của văn tế Hán Nôm là những bài văn tế tướng sĩ trận vong. Qua một số bài văn tế tiêu biểu thuộc bộ phận này đã được biết đến từ trước tới giờ, có thể chia thành hai loại:

3.1. Văn tế tướng sĩ trận vong trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm: Tiêu biểu là bài văn tế viết bằng chữ Hán Phụng nghĩ tứ tế tiết thứ chinh di trận vong tướng sĩ văn (Bài văn thay mặt vua tế các tướng sĩ hi sinh sau mấy trận đánh nhau với Pháp - Lê Khắc Cẩn). Sau mấy trận đánh nhau với Pháp ở Đà Nẵng và Cần Giờ, quân tướng ta hi sinh rất nhiều. Vua Tự Đức sai quan đặt tuần tế và giao cho Lê Khắc Cẩn (người tỉnh Nam Định, đỗ Hoàng giáp) soạn bài văn tế này để tưởng nhớ các tướng sĩ đã hi sinh. Ngoài bày tỏ lòng tiếc thương và biểu dương tinh thần anh dũng kiên cường của các tướng sĩ, bài văn tế với giọng điệu hùng hồn đã góp phần vào việc cổ vũ tinh thần chiến đấu của các tầng lớp nhân dân, tiếp tục chiến đấu đưa đến thắng lợi sau cùng.

3.2. Văn tế tướng sĩ trận vong trong các cuộc nội chiến: Tiêu biểu là bài văn tế viết bằng chữ Nôm Tế trận vong tướng sĩ (Nguyễn Văn Thành). Sau khi đánh thắng Tây Sơn và bình định xong toàn cõi, tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh lên ngôi, cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc thành. Nguyễn Văn Thành viết bài văn tế này để tưởng nhớ đến công ơn các chiến sĩ đã tử trận. Đây là một trong những bài văn tế xuất sắc, ngoài giá trị về văn học, lịch sử, nó còn nói lên những cảnh đau khổ, mất mát do chiến tranh gây nên, bày tỏ niềm cảm thông và lòng thương xót của tác giả trước cái chết của những người lính. Do đó, bài văn tế mang một giá trị nhân đạo rất sâu sắc.

Cùng với hai loại trên, đến nay, bài Sơn Hưng Tuyên Đốc hiến Lê Văn Đức tuân chỉ tế trận vong bệnh cố tướng sĩ văn sẽ góp phần làm phong phú thêm cho bộ phận văn tế tướng sĩ trận vong với loại thứ ba: Văn tế tướng sĩ trận vong trong các cuộc bình nội loạn. Ở đây không có giặc ngoại xâm, cũng không diễn ra cuộc tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến, nhưng các tướng sĩ phải chịu hi sinh vì sự nổi dậy của một Thổ ty vùng cao Tuyên Quang chống lại sự cai trị của triều đình. Bài văn tế một mặt nêu cao lòng tiết nghĩa, trung thành của các tướng sĩ, mặt khác, do tính chất và hoàn cảnh ra đời, nó còn ca ngợi triều đình, ca ngợi nền thống trị nhân hòa đức độ của người đứng đầu đất nước. Tuy không thể sánh với bài của Lê Khắc Cẩn và Nguyễn Văn Thành, nhưng đây cũng là một bài văn tế đáng được chú ý về nội dung và nghệ thuật, góp phần làm phong phú thêm cho thể loại văn tế Hán Nôm Việt Nam.

Nguyễn Đông Triều

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm; Số 4(113) 2012; Tr.69-76

Chú thích:

(1) Buổi đầu, châu Định Viễn thuộc dinh Long Hồ nên Đại Nam chính biên liệt truyện (quyển 19) ghi Lê Văn Đức là người Vĩnh Long.

(2) Theo Đại Nam chính biên liệt truyện(quyển 19, tr.394), sau khi dẹp được loạn Nông Văn Vân lần thứ nhất, Lê Văn Đức cùng Tham tán Nguyễn Công Trứ dẫn quân tiến đánh sào huyệt của Nông Văn Vân ở Vân Trung. Sau nhiều tháng hành quân gian lao và nguy hiểm, vì địa hình hiểm trở lại thường xuyên bị phục kích, nên đến cuối năm (1833), đại binh của ông mới vào phá được Vân Trung. Kết quả được tấu lên, Lê Văn Đức được thưởng quân công. Nhưng trên đường trở về thành Tuyên Quang, bị đối phương phục kích, làm chết và bị thương nhiều lính, khiến ông bị triều đình khép vào tội tử. Song nghĩ đến công lao của ông, vua Minh Mạng chỉ cho giáng bốn cấp, cắt hết lương bổng, tước bỏ mũ áo và buộc phải lấy công chuộc tội.

(3) Tháng 11 âm lịch năm 1842, vua Thiệu Trị cử Lê Văn Đức làm Kinh lược đại thần đi xem xét việc quân ở 6 tỉnh Nam kỳ. Tuy bị bệnh nhưng ông vẫn cố gắng lên đường, nhưng đến Quảng Nam thì qua đời ở tuổi 49.

(4) Về nguyên nhân cuộc nổi dậy của Nông Văn Vân, GS. Nguyễn Phan Quang cho biết như sau: “Vào đời vua Minh Mạng, ở một số tỉnh miền núi như Tuyên QuangThái NguyênLạng SơnCao Bằng... nhà vua đặt chức Lưu quan do người Kinh nắm giữ bên cạnh các quan đứng đầu là người dân tộc. Do họ thường hay ức hiếp, nhũng nhiễu, nên các thổ quan và người dân rất căm ghét, chỉ chờ dịp nổi lên đánh đuổi.” (Lịch sử Việt Nam 1427-1858, quyển 2, tập 2, tr. 180). Sau cuộc khởi binh của em vợ Nông Văn Vân là Lê Văn Khôi (tháng 5 âm lịch năm Quý Tỵ, 1833) bị đánh dẹp, vua Minh Mệnh sai quan lính truy nã vợ con và họ hàng Lê Văn Khôi đang cư ngụ ở đó. “Viên Án sát Cao Bằng là Phạm Đình Trạc liền ra lệnh bắt 2 con, 1 người em ruột và 14 người thân của Lê Văn Khôi. Lại sai đào mả ông nội (Bế Văn Sĩ) và cha đẻ (Bế Văn Kiện/ Viên) của Lê Văn Khôi, đốt hài cốt ra tro. Nông Vân Vân lúc bấy giờ đang làm Tri châu Bảo Lạc cũng bị truy nã vì là anh vợ Khôi.” (Quốc triều sử toát yếu (phần Chính biên, tr.203). Sẵn lòng căm ghét, Nông Văn Vân liền vận động các tù trưởng bất mãn và những người dân bị áp bức cùng đứng lên chống lại triều đình. Xét ra sự việc có một phần lỗi của quan lại người Kinh và triều đình, có lẽ nhận ra điều đó nên sau này vua Tự Đức bãi bỏ chế độ Lưu quan.

(5) Sơn Hưng Tuyên là 3 tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang.

(6) Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển 19, tr.1051-1051. Xin nói thêm, theo gia phả họ Nông thì Nông Văn Vân không chết mà đi phiêu bạt vùng biên giới Việt - Trung. Tuy nhiên, thông tin này chưa được kiểm chứng.

(7) Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, để ban thưởng cho các bề tôi có công, vua Minh Mạng đã ban một bản dụ trong đó nói rằng vua nghĩ ra một nghi lễ mới dành cho những người có công, qua đó bày tỏ lòng yêu mến trọng vọng. Bản dụ có đoạn viết: “…Trẫm lẽ nào quên đi mà không hậu đãi, ngoài việc ban thưởng, phong tước đã có chỉ dụ thi hành rồi, nay cho Bộ Lễ bày nghi lễ, chọn ngày tốt, trẫm ngự ở cửa Đại Cung, cho các quan đại thần vào chầu và cho Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự, Lê Văn Đức làm lễ ôm gối để tỏ ý trẫm coi như hoàng tử vui đùa dưới gối.”

(8) Chữ mờ, không đọc được, ở phần sau chúng tôi tạm dịch.

(9) Phú tái: Che chở. Tuân Tử - Tâm thuật hạ có câu: “Thị cố Thánh nhân nhược thiên nhiên, vô tư phú dã; nhược địa nhiên, vô tư tái dã.” (Cho nên, bậc Thánh nhân ví như trời vậy, vô tư che khắp vạn vật; ví như đất vậy, vô tư chở khắp vạn vật.) Về sau thường dùng chỉ ân đức của các bậc đế vương đối với dân chúng.

(10) Trảo nha: vuốt nanh. Loài cầm thú có vuốt nanh để tự vệ. Các võ thần cũng được gọi là trảo nha, hộ vệ nhà vua, bảo vệ đất nước.

(11) Đầu mục: đầu, mắt. Dùng chỉ người đứng đầu, thống soái.

(12) Tiều lâu: cái chòi cao dựng trên cổng thành để theo dõi thế trận của địch.

(13) Lang toại: dùng phân sói phơi khô trộn với chất đốt, khi có biến thì dùng đốt lửa lên để cấp báo.

(14) Tu nhĩ qua đồng trạch đồng bào: câu này lấy ý từ Thi kinh - Tần phong - Vô y “Khởi viết vô y, dữ tử đồng bào, vương vu hưng sư, tu ngã qua mâu, dữ tử đồng cừu” (Há bảo không áo, mặc chung áo bông, vua sắp dấy binh, tu chỉnh giáo mác, đánh kẻ thù chung) và “Khởi viết vô y, dữ tử đồng trạch, vương vu hưng sư, tu ngã mâu kích, dữ tử giai tác” (Há bảo không áo, mặc chung áo thô, vua sắp dấy binh, tu chỉnh cung tên, cùng xông lên trước). Sau dùng chỉ lòng vui thương lẫn nhau đủ khiến cho người ta cùng nhau xả thân vì nước.

(15) Tam thu: ba mùa thu, tức ba năm, khoảng thời gian dẹp loạn 1833 - 1835.

(16) Ngọc mạo: mũ trang sức bằng ngọc, ở đây chỉ loại mũ đội khi đi đánh trận.

(17) Tắc mạc ngã thừa: lấy từ Thi kinh - Lỗ tụng - Bí cung “Nhung Địch thị ưng, Kinh Thư thị trừng, tắc mạc ngã cảm thừa, tý nhĩ xương nhi xí, tý nhĩ thọ nhi phú” (Đánh rợ Nhung rợ Địch, trị nước Kinh nước Thư, thì ai dám chống lại ta, khiến ngài được tốt lành, hưng thịnh, sống lâu và giàu có).

(18) Mai luân: chôn chặt bánh xe, tỏ ý tử thủ không lùi bước.

(19) Nhẫm bất yếm chi kim: lấy ý từ câu “Nhẫm kim cách, tử nhi bất yếm” trong Trung dung, nghĩa là nằm ngủ cũng đeo gươm mặc giáp, vào chỗ chết cũng không nề chi. Ý nói các tướng sĩ vì đại cuộc sẵn sàng chiến đấu không sợ hi sinh.

(20) Ủy câu phiền chi ngọc: Lấy ý từ Thượng thư - Dận chinh: “Hỏa viêm Côn cương, thạch ngọc câu phiền” (Lửa đốt núi Côn, ngọc đá đều cháy). Ở đây, ngọc chỉ các tướng sĩ, đá chỉ bọn phản loạn, ý nói các tướng sĩ kiên trung chấp nhận tử chiến cùng quân phiến loạn.

(21) Tê chí: chí hướng chưa thực hiện được nhưng đã chết, đem theo xuống cửu tuyền.

(22) Lư minh ngô phục: lừa hí chuột nấp, ý nói đã tìm đủ mọi cách để chống giặc nhưng sức cùng lực kiệt đành chịu hy sinh.

(23) Mã cách: da ngựa. Nói đầy đủ là “Mã cách khỏa thi” (Da ngựa bọc thây), xuất xứ từ câu nói của Mã Viện đời Đông Hán: “Nam nhi yếu đương tử ư biên dã, dĩ mã cách khỏa thi hoàn tang nhĩ…” (Làm trai nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thây mà chôn…” (Hậu Hán thư). Chỉ nghĩa vụ làm trai phải xông pha, sẵn sàng bỏ thân nơi chiến địa.

(24) Trung khúc: Tình tự, nỗi lòng.

Tài liệu tham khảo

1. Phong Châu - Nguyễn Văn Phú, Văn tế cổ và kim, Nxb. Văn hóa, 1960.

2. Nội các triều Nguyễn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb. Thuận Hóa, 1993.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn (Cao Xuân Dục tổng tài), Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển 19, Nxb. Văn học, H. 2004.

4. Quốc sử quán triều Nguyễn Quốc triều sử toát yếu (phần Chính biên) Cao Xuân Dục tổng tài, Nxb. Văn học, 2002.

5. Nguyễn Phan Quang: Lịch sử Việt Nam (1427-1858), tập 2, Nxb. Giáo dục, 1977.

6. Tế văn tập, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, A.524.

7. Nguyễn Khắc Thuần: Thế thứ các triều vua Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 2001.

8. Danh công biểu tuyển, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, A.582./.

Chùa Dâu thuộc tổng Dâu, nay thuộc phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, được biết đến là ngôi chùa cổ khởi nguồn của đạo Phật ở Việt Nam.

20240524 5Một trong 107 mộc bản ván khắc chùa Dâu.

Trải qua gần 300 năm, những ván khắc ở chùa Dâu (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn còn nguyên vẹn, sắc nét, thể hiện những ý nghĩa đặc biệt của Phật giáo cũng như nền văn hóa Việt Nam.

Chùa cổ thờ chị cả

Nhân lễ hội chùa Dâu năm 2024 diễn ra từ ngày 13 đến 15/5, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng về việc công nhận bảo vật quốc gia đối với mộc bản chùa Dâu.

Chùa Dâu thuộc tổng Dâu, nay thuộc phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, được biết đến là ngôi chùa cổ khởi nguồn của đạo Phật ở Việt Nam. Chùa là một trong bốn ngôi chùa thuộc hệ thống Tứ Pháp ở Bắc Ninh bao gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện - cùng do Phật mẫu Man Nương sinh ra.

Trong mối quan hệ huyết thống ấy, bà Dâu là người con đầu - chị cả của Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Vì vậy mà chùa còn có tên gọi chùa Cả, Cổ Châu tự (viên ngọc quý).

Sở dĩ ngày nay chùa Dâu là tên gọi chính vì xưa kia ngôi chùa nằm giữa một vùng đồng bằng rộng lớn trồng dâu nuôi tằm. Cũng có thuyết nói, sau khi tượng bà Dâu tạc xong thì không ai có thể di chuyển được đi nơi khác nên bà được thờ tại đây, và ngôi chùa có tên là chùa Dâu từ đó.

Ngày nay, chùa Dâu không chỉ là một danh tích thu hút đông đảo Phật tử và khách thập phương, mà còn được ví như một “bảo tàng Phật giáo”. Cổ tự đang lưu giữ bộ tượng Phật Tứ Pháp được công nhận là bảo vật quốc gia ngày 25/12/2017, cùng nhiều tài liệu, cổ vật quý giá khác.

Vào tháng 1/2024, mộc bản chùa Dâu được Thủ tướng ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia. Bộ mộc bản gồm 107 ván khắc, hiện vật gốc duy nhất, độc bản, toàn vẹn và có tính xác thực.

Trong đó có 92 ván được khắc 2 mặt và 15 ván khắc 1 mặt. Tổng số mặt ván thuộc bộ mộc bản chùa Dâu hiện là 199 mặt ván với nhiều loại hình văn bản như: Truyền thuyết, kể hạnh, kinh sách, các nghi lễ cầu mưa, cầu tạnh, cúng tế...

Các nhà nghiên cứu đã tạm phân loại mộc bản thành 13 bộ khác nhau gồm: Cổ Châu hạnh, Cổ Châu lục, Cổ Châu nghi, Âm chất giải âm, Nhân quả quốc ngữ, Kỳ vũ kinh, Kỳ vũ hồng ân công văn, Thỉnh Long Vương nghi, Công đức, Mục Liên, Tam giáo, Phù chú và Tồn nghi.

Mỗi ván khắc có tiết diện hình chữ nhật, hầu hết đều có kích thước trung bình dài từ 40 - 47cm, rộng từ 19 - 24cm, độ dày ván từ 1,5 - 2,5cm. Một số ván khắc đan xen những đồ hình minh họa được bố cục chặt chẽ, hài hòa với phần văn tự.

Hồ sơ di sản cho biết, mộc bản chùa Dâu được san khắc vào thời Lê trung hưng và Tây Sơn kéo dài đến thời nhà Nguyễn. Chữ trên mộc bản đều là chữ Hán cổ và chữ Nôm được khắc âm bản, đường nét mềm mại, có tính thẩm mỹ cao nên khi in ra giấy dó rất sắc nét.

Chất liệu ván in đều được làm bằng gỗ cây thị, để chống cong vênh, người xưa đã cho xẻ một đường dọc theo đầu ván (chiều ngang ván), sâu vào khoảng 2 - 2,5cm rồi găm cật tre già vào. Trải qua gần 300 năm, những ván khắc ở chùa Dâu vẫn còn khá nguyên vẹn, đủ số chữ, rõ ràng.

Pháp Vân là con gái cả của Phật mẫu Man Nương.
Pháp Vân là con gái cả của Phật mẫu Man Nương.

Mộc bản song ngữ Hán - Nôm

Theo cuốn sách “Sự tích đức Phật chùa Dâu” của GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng, mộc bản chùa Dâu được chế tác theo quy trình truyền thống: Chọn văn bản khắc in, chuẩn bị vật liệu (ván, giấy, mực in), khắc ván. Mỗi công đoạn cụ thể được phân việc cho từng người từ người viết chữ, thợ khắc ván.

Ví dụ: Bộ ván Cổ Châu nghi do một người họ Nguyễn ở xã Kiêu Kỵ viết chữ Hán, hiệp thợ Hồng Lục khắc chữ. Cũng bộ ván này cho biết nhà sư Thích Quảng Điều là người biên tập lại văn bản “dựa theo khoa nghi cũ mà sửa chép lại”.

Mộc bản chùa Dâu có bản là kết hợp hài hòa giữa đồ hình minh họa và văn tự theo dạng trên hình dưới chữ, hay một trang chữ một hình. Hình thức này giúp người đọc, người xem dễ hiểu dễ nhớ nội dung tác phẩm. Các bức đồ hình được chạm khắc một cách tỉ mỉ, trau chuốt, sống động.

Với việc công nhận mộc bản chùa Dâu, hiện Bắc Ninh đang có 18 bảo vật quốc gia.
Với việc công nhận mộc bản chùa Dâu, hiện Bắc Ninh đang có 18 bảo vật quốc gia.

Ở mộc bản Mục Liên, mỗi mặt có khắc hình đồ minh họa được bố trí theo kiểu trên hình dưới chữ, mỗi mặt ván có 25 dòng văn tự diễn tả nội dung bức tranh phía trên. Mộc bản Nhân quả quốc ngữ, một trang là tranh Phật Thích Ca ngồi trên đài sen tay cầm hoa sen, phía dưới là An Nan Tôn Giả quỳ nghe thuyết pháp.

Mộc bản chùa Dâu cũng có những tác phẩm mang đặc trưng của chùa là các nghi thức lập đàn tràng, cách dâng sớ các ban bách thần, ngũ phương long mạch, các bài cúng cầu mưa, cầu tạnh như: Thỉnh Long Vương nghi, Kỳ vũ kinh, Kỳ vũ hồng ân công văn.

Đặc biệt nhất là mộc bản “Cổ Châu hạnh” có niên đại 1752 đời Lê Cảnh Hưng thứ mười ba. Nhà sư Tĩnh Ngộ - trụ trì chùa Dâu lúc bấy giờ cho thợ khắc ván in thành văn bản gồm 426 cặp lục bát, khắc trên 21 tấm ván, mỗi tấm in thành 2 trang (khổ 15x22 cm). Tác phẩm văn vần lục bát này được khắc ván in cùng một lúc với một tác phẩm khác bằng văn xuôi chữ Hán (có kèm theo lời dịch sang chữ Nôm).

Ngoài “Cổ Châu hạnh”, bộ mộc bản “Cổ Châu lục” cũng quý hiếm và giá trị không kém, được người Pháp sưu tầm từ đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên phải đến những năm cuối thập niên 1980, bộ ba ván khắc chùa Dâu mới được giới học thuật biết đến, trở thành nhóm tài liệu độc đáo, được giới học thuật trong nước và quốc tế sử dụng trong nghiên cứu khoa học.

Với các giá trị quý hiếm ấy, mộc bản chùa Dâu không chỉ góp phần to lớn trong nghiên cứu Phật giáo Tứ Pháp, mà còn là căn cứ quan trọng thể hiện sự công nhận của Nhà nước đối với các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật.

Đồng thời, việc công nhận bảo vật quốc gia mộc bản chùa Dâu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý để bảo tồn và phát huy giá trị di sản lâu dài và bền vững.

Vào thời Trần, chùa Dâu được Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cho xây dựng lại với quy mô “chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp”. Đến nay, ngoài bảo vật quốc gia bộ tượng Phật Tứ Pháp vùng Dâu và bộ mộc bản, chùa Dâu còn giữ được nhiều di sản văn hóa quý giá như: Gần 100 pho tượng Phật, 22 bia đá, chuông đồng, khánh đồng thời Lê, Tây Sơn, Nguyễn.

Trần Hòa

Nguồn: Giáo dục và thời đại, ngày 16.5.2024.

Biên soạn tự điển theo môn loại giải nghĩa chữ Hán bằng chữ Nôm là một lĩnh vực đạt nhiều thành tựu của ngữ văn Việt Nam truyền thống, nhất là vào giai đoạn những thập niên cuối thế kỷ XIX. Trong đó có Tự Đức Thánh chế Tự học giải nghĩa ca嗣德聖製字學解義歌(Diễn ca giải nghĩa cho việc học chữ Hán do vua Tự Đức sáng suốt làm ra - TĐTCTHGNC) của vua Tự Đức. Tự Đức Thánh chế Tự học giải nghĩa ca từ tên gọi, kết cấu nội tại theo môn loại và tính thánh chế trong sự ban hành, phổ biến quả là như là một bách khoa thư Hán học song ngữ Hán Nôm. Qua bộ từ điển này chúng ta có thể thấy những tri thức Hán học theo định hướng chính thống, nhà nước do chính vua Tự Đức chế cho thần dân của ông cũng như con đường phổ biến những tri thức ấy qua tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm.

20220206 6

1. Giới thiệu tổng quát về bộ sách Tự Đức Thánh chế Tự học giải nghĩa ca

Vua Tự Đức (1829-1883) tên là Nguyễn Phúc Thì, làm vua từ năm 1848 đến 1883. Ông luôn đề cao Nho học, nên đã đem các sách nho học và hướng dẫn chính học nho giáo như Luận ngữ và Huấn địch thập điều ra diễn Nôm, theo văn vần để hy vọng có thể mang đạo lý thánh hiền đến với dân qua truyền khẩu thơ ca. TĐTCTHGNC cũng là bộ sách học chữ Hán nhằm truyền tải đạo đức thánh hiền, tri thức mang tính chất tam tài cho dân chúng đã được ông biên soạn trong hoàn cảnh và tinh thần như thế.

Bộ sách này khá đồ sộ gồm 13 quyển, sách in ván gỗ, giấy bản, gồm 295 tờ, mỗi tờ 2 mặt thành 590 trang, khổ 26x15cm. Đơn vị chữ Hán được mang ra diễn ca là tự (từ) tới 9.028 mục. Một mục tự (từ) thường bao gồm thứ tự như sau: mục tự (từ) chữ Hán - chữ Nôm - chú thích (nếu có). Chữ Hán được viết to, chính giữa dòng. Chữ Nôm diễn nghĩa cho chữ Hán được viết nhỏ bằng nửa chữ Hán về kích cỡ. (Do vậy trong bản viết này, mục từ chữ Hán được chúng tôi viết bằng chữ in).

Dưới cùng là phần giải nghĩa cho chữ Hán đó bằng Hán văn. Âm đọc của chữ Hán có thể được ghi bằng chữ Hán theo lối phiên thiết hay sử dụng đồng âm. Mục tự (từ) chữ Hán nối với phần diễn nghĩa bằng chữ Nôm được diễn theo thơ lục bát với tổng số là 4.572 câu.

Nếu so sánh về dung lượng mục tự (từ) so với các bộ tự điển song ngữ Hán Nôm khác thì TĐTCTHGNC là bộ sách có dung lượng đồ sộ nhất. Nó được vua Tự Đức tự mình thực hiện nhưng chưa được tổ chức khắc in khi ông còn sống. Đến năm Thành Thái thứ 8 (1896), Phủ Phụ chính mới giao cho Quốc sử quán kiểm chính lại. Năm sau (Thành Thái thứ 9, 1897), Tu Thư cục của Quốc sử quán tổ chức khắc ván cho in. Bản in này hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm mang số hiệu VHv.626/1-4 và một số số hiệu khác.

Toàn bộ vốn chữ của 9032 mục tự (từ) trong TĐTCTHGNC được chia thành 7 môn loại, phân bố trong các quyển như sau:

1. Kham dư loại (thượng, hạ): quyển 1 - 2, gồm 1379 mục tự (từ)

2. Nhân sự loại (thượng, trung, hạ): quyển 3 - 5, gồm 2162 mục tự

3. Chính hóa loại (thượng, hạ): quyển 6 - 7, gồm 1587 mục tự

4. Khí dụng loại (thượng, hạ): quyển 8 - 9, gồm 1474 mục tự

5. Thảo mộc loại (thượng, hạ): quyển 10-11, gồm 1114 mục tự

6. Cầm thú loại: quyển 12, gồm 770 mục tự

7. Trùng ngư loại:quyển 13 gồm 546 mục tự

Nếu so sánh với những bộ tự điển song ngữ Hán Nôm biên soạn theo môn loại thì số lượng môn loại ở đây rút gọn hơn. Ở các bộ từ điển song ngữ Hán Nôm theo chủ đề khác, số môn loại thường nhiều hơn.

Chẳng hạn, 指南玉音解義Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, bộ từ điển Hán Nôm sớm nhất có 40 môn loại cả thảy (1. Thiên văn / Phong vũ loại/ Vân vụ loại/ Tinh thần loại; 2. Địa lý bộ; 3. Nhân luân bộ; 4. Thân thể bộ; 5. Tạng phủ bộ; 6. Thực bộ;7. Ẩm bộ; 8. Bính bộ; 9. Y quan; 10. Cẩm tú bộ; 11. Cung thất bộ; 12. Chu xa bộ;13. Nông canh loại; 14. Hoà cốc bộ; 15. Tàm thất; 16. Chức nhiễm; 17. Chú dã bộ; 18. Mộc công bộ; 19. Kim ngọc bộ; 20. Tản võng loại; 21. Khí dụng loại; 22. Văn tự bộ; 23. Hôn nhân bộ; 24. Báo hiếu tế khí; 25. Tang lễ bộ; 26. Nhạc khí bộ; 27. Công khí bộ;28. Binh khí bộ; 29. Pháp khí bộ; 30. Tạp khí bộ; 31. Vũ trùng loại; 32. Mao trùng loại; 33. Lân trùng loại; 34. Giáp trùng loại; 35. Mộc loại; 36. Hoa loại; 37. Quả loại; 38. Căn đằng loại; 39. Bì đằng loại; 40. Nam dược loại).

Tương tự như vậy, các sách khác cũng chia nhiều môn loại hơn như 日用常談Nhật dụng thường đàm do Phạm Đình Hổ soạn vào khoảng nửa đầu thế kỉ XIX có 32 môn loại; 大南國語 Đại Nam quốc ngữ do Hải Châu tử Nguyễn Văn San, Văn Sơn đường tàng bản, Thành Thái Kỷ Hợi (1899) có 50 môn loại; hay 南方名物備攷Nam phương danh vật bị khảo do Đặng Xuân Bảng soạn, Thiện Đình tàng bản, Thành Thái Nhâm Dần (1902), gồm 30 môn loại.

Đa phần các bộ sách học chữ Hán dạng tự điển song ngữ Hán Nôm đều là những bộ sách biên soạn theo môn loại, phản ánh nội dung học vấn theo quan điểm tam tài THIÊN ĐỊA NHÂN đang ngự trị trong học giới đương thời. Sự khác biệt về số lượng môn loại trên đây phản ánh mức độ phân loại chi ly, chi tiết hóa mang tính bài học cho từng bộ sách. Càng nhiều môn loại thì càng chi ly, chi tiết, tính bài giảng, bài học càng cao. Còn trong trường hợp ngược lại, số môn loại ít thì mức độ tổng hợp bao quát cao hơn. TĐTCTHGNC trình bày số môn loại ít hơn các bộ sách khác chỉ thể hiện sự khác biệt trong quan điểm và cách làm của chính vua Tự Đức so với các tác giả khác đối với việc chi ly, chi tiết hóa cái học tam tài mà thôi.

Dưới đây chúng tôi sẽ đề cập đến từng môn loại cụ thể. Trong mọi ví dụ minh họa dưới đây, mục tự chữ Hán sẽ được trình bày bằng chữ in. Còn phần giải nghĩa tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm phiên ra quốc ngữ in nghiêng.

2. Môn loại và chủ đề vốn từ của môn loại

2.1. Môn loại KHAM DƯ (堪輿類KHAM DƯ LOẠI)

“Kham” theo thuật ngữ của phong thủy là chỗ cao; “dư” là chỗ thấp. Theo sách Hoài Nam tử, “Kham tức là đạo trời, dư là đạo của đất. 堪天道也輿地道也kham thiên đạo dãdư địa đạo dã). Kham dư loại là môn loại bao gồm những sự trỏ về trời đất nói chung với 1379 đơn vị mục tự. Mở đầu là những chữ nói về đặc tính chung của trời đất.

“THIÊN trời ĐỊA đất VỊ ngôi. PHÚ che TÁI chở LƯU trôi MÃN đầy. CAO cao BÁC rộng HẬU dày. THẦN mai MỘ tối CHUYỂN xoay DI dời”.

Từ sự bao quát chung về trời đất như thế, tiếp theo là sự cụ thể hoá về những sự vật, hiện tượng như: NGUYỆT, NHẬT, ÂM, DƯƠNG, PHONG, VŨ, VÂN, TUYẾT, SƯƠNG, LÔI…. Các phạm trù thời gian, không gian (TUẾ, CAN, CHI; XUÂN, HẠ, THU, ĐÔNG; ĐÔNG, TÂY, NAM, BẮC; các sự vật cụ thể có trên mặt đất: SA, LỊCH, NÊ,… KHÂU, TRẠCH, TUYỀN, KHÊ, SƠN, XUYÊN…

Các địa danh sơn xuyên thành quách cụ thể và đặc trưng của chúng có quá nhiều không thể liệt kê hết được.

Các sự vật, hiện tượng này lại mang trong mình những đặc tính, hay biểu hiện của mình. Những đặc tính đó rất chi ly, cụ thể, mang đặc trưng phân tích tính cao. Chẳng hạn: PHONG là gió nhưng lại có rất nhiều biểu hiện cụ thể của gió cũng như các đặc tính phân tích hay đặc trưng chi tiết chi ly của những biểu hiện cụ thể đó như sau: “VŨ mưa, PHONG gió, TINH sao, LỘ mù… PHIÊU PHIÊU gió thổi, LƯU LƯU gió hòa…THUYÊN gió động, ÂM mây che… CHIÊM là gió thổi sóng dồi… CỤ là gió bão khắp vòng bốn phương…SIÊU gió lạnh, HÁCH gió nồng…QUÁT gió dữ, SẦM mưa dầm… TIÊU gió bắc, SẮT gió thu. PHI PHI phơi phới, SƯU SƯU ào ào. ÔI gió thấp, ẢNH gió cao. BỒNG gió dậy, ĐỀ mưa tan…LY trời gió bụi tối ngày. YẾN trời trong sáng, Ế trời gió mây. LIỆT gió dữ, TƯ mưa bay….CHÚ mưa thuận, HIỆP gió đều. TÚC là gió lớn tiếng kêu ù ù. HỒNG tiếng gió, PHÂN khí mù. THÊ THÊ mưa gió hơi thu lạnh lùng… HOÀNH gió mạnh, TỪ mưa giong. NỖI gió lất, PHIÊU gió bay. VĨ VĨ gió bão rạp cây ầm ầm. LƯƠNG gió bắc, KHẢI gió nam…

Có thể nói, quyển 1 của môn loại KHAM DƯ là sự bao quát về trời đất và nhiều đặc tính cụ thể của trời đất cũng như các sự vật, hiện tượng tự nhiên có trong khoảng trời đất. Quyển 2 của KHAM DƯ chủ yếu nói về các địa danh nhưng các địa danh này chủ yếu ở Trung Quốc, gắn liền với các sách cổ, các sự kiện lịch sử xa xưa.

2.2. Môn loại NHÂN SỰ (人事類NHÂN SỰ LOẠI)

Nhân sự (việc người) là môn loại có mục tự lớn nhất (2162 mục), bố trí thành 3 quyển thành 3 tên gọi xác định: Nhân sự loại thượng, Nhân sự loại trung, Nhân sự loại hạ. Mở đầu mỗi loại nhân sự là sự bao quát về con người như sau: “PHỤ cha MẪU mẹ SẢN sinh. PHU da PHÁT tóc THÂN mình KIÊN vai”

Câu mở đầu về con người như thế đã gợi lên cho ta thấy đây là một sự diễn nghĩa theo sách Hiếu kinh (Thân thể phát phu. Thụ chi phụ mẫu. Bất cảm huỷ thương. Hiếu chi đại dã - Thân thể tóc da. Nhận từ cha mẹ. Chẳng dám hủy thương. Đấy điều hiếu lớn).

Nhân sự loại thượng (quyển 3) là một danh mục chứa những mục tự trỏ về giải phẫu sinh lý con người bằng Hán văn kèm lời dịch nghĩa như sau: “ĐẦU đầu, TỊ mũi, NHĨ tai. NGẠCH trán, MỤC mắt, ĐỒNG ngươi, MI mày. XỈ răng, THIỆT lưỡi, THẦN môi. BỐI lưng, DIỆN mặt, YÊM tai, TÌNH tròng. NÃO óc, HUYẾT máu, MAO long. YÊU lưng, DỊCH nách, DƯƠNG trong trang mày. TÚC chân, KHOANG bụng, THỦ tay. KHẨU miệng, CẢNH cổ, MÂU ngươi, THỦ đầu. THÙY tai rủ, LỤC mắt sâu. CỐT xương, NHỤC thịt, TU râu, HÀM cằm.

Nhân sự loại trung (quyển 4) lại là danh mục về các hoạt động cơ bản của con người như: nói năng, suy nghĩ, nhiều hoạt động mang tính bản năng của con người. Các hoạt động ấy được diễn tả và biểu hiện cụ thể đến mức chi ly, chi tiết. Chẳng hạn, trở về “nói” có đến hàng trăm từ diễn đạt hành động “nói” và các sắc thái nói năng: “CHIÊM nhìn, THUYẾT nói, THAI cười. BIỂN lời nói khéo, NGẠN lời nói quê. LŨY nói đón, BỘC nói che. DỰ khen, THÍ ví, SAN chê, ĐÀM bàn. TRỌNG nói khích, HU nói càn. KHÁ trách, MẠ mắng, TÁ than, ĐÊ . MIẾN nói dỗ, TẤN nói lừa. DU dua trước mặt; DUYỆT ưa trong lòng. MỴ nói dối, THIỀM nói không. TỐ kêu oan uổng, ÁI cùng âm tư. KHÔI diễu cợt, TÚY gièm chê. BIỆT lời nói lý phân chia rõ ràng…

Các động tác biểu thị các hoạt động cảm xúc vốn có của con người cũng có đến vài chục cách nói, thể hiện ở mức độ chi ly, chi tiết: “AI thương, TẮNG ghét, ÁI ưng. ƯU lo, CỤ sợ, HÂN mừng, CẤM ham. THÔI lo, NỘ giận, MÂU tham. HAO hờn, BẠO nhớ, HIỆU lầm, DU lo. ĐỘT TỐT là dáng thẹn thùng. ĐỊNH HUỲNH buồn giận, BIỆT PHU vội vàng

Nhân sự loại hạ (quyển 5) lại chứa đựng những mục từ diễn tả các danh từ trỏ tên gọi những người có khả năng biết các hoạt động chế tác mang tính tài năng khéo léo, được hình thành trong quá trình lao động của con người, các động tác của con người và những danh từ chỉ các quan hệ xã hội của con người. Nhờ tham gia quá trình lao động nên con người biết cải tạo tự nhiên, biết biến những vật còn thô sơ của tự nhiên thành đồ dùng tinh xảo, biết tổ chức, tạo nên một xã hội có tôn ty, trật tự, thoát cảnh bầy đàn, quần hôn nguyên thủy. Sống trong xã hội nên con người có chức vụ, địa vị, phẩm chất. Con người lại biết đến bệnh tật và khắc phục bệnh tật. Đó quả là những gì mang đặc trưng cho phẩm chất tính cách của con người trong các mối quan hệ với tự nhiên và xã hội, chẳng hạn:“TÚC thợ ngọc, HUỲNH thiếp vàng. MA mài, TRÁC chạm,VIÊN mang, BẢ cầm. SOẠN tắm ngựa, NGHĨ dời tằm. DUNG là người mướn, CỐ làm việc thuê. VÃN là dắt ở trước xe. LAO mò dưới nước, phu bè đưa qua. TẠM khắc đá, KIỆT thuộc da. TRUY là đẽo ngọc, SỐT là tôi dao”… “DUỆ dòng, TÍNH họ, TRÙ loài. NAM trai, NỮ gái, NHÂN người, NGÃ ta. TỔ tổ, BÁ bác, KHẢO cha. Tỉ mẹ, THÚC chú, BÀ bà, ÔNG ông. HUYNH anh, THÊ vợ, PHU chồng. TRỤC LÝ là bạn dâu cùng gọi nhau. NGHIỆT con thứ, ĐÍCH con đầu. ĐỆ em, TỶ chị, THIẾP hầu, TỨC dâu. TRĨ con trẻ, THỦ con so. MỤ mẹ, THẨM thím, CÔ cô, DÌ dì”.

2.3. Môn loại CHÍNH HÓA (政化類CHÍNH HÓA LOẠI)

Chính hóa là môn loại gồm 1587 đơn vị mục tự, như là một danh mục hệ thống hoá các vấn đề của chính trị giáo hoá theo tinh thần nho học. Môn loại Chính hoá có các nội dung chủ yếu như sau: Những vị thánh nhân theo như huyền thoại như Chuyên Húc, Phục Hy. Các sự kiện về văn hóa nhận thức buổi sơ khai có tính chất thần bí như số đếm, Hà đồ, Lạc thư, Bát quái, Thương Hiệt tạo nên chữ viết. Các việc chế tác lịch số, luật lệ, văn tự, thư khế, dùng thuốc chữa bệnh, vấn đề viết chữ, các thể chữ. Các loại văn bản viết và thuật ngữ về viết, thể văn, Thi, Thư. Các vấn đề về văn hóa tổ chức chính quyền (các vua thời Nhị đế, Tam vương: Đế Cốc, vua Nghiêu, vua Thuấn, các phẩm chất của Đế Nghiêu, Đế Thuấn (ôn, nhâm, tư, cương, kỷ, quỹ, bình, đạo, chính trung). Những sự kiện và nhân vật thời Tam Đại Hạ - Thương - Chu: Hiền quân (Vũ Thang, Văn Vương, Vũ Vương), tư tưởng cách mạng (Thành Thang cách mệnh), điếu dân phạt tội, cứu phần chửng nịch. Tôi hiền (Y Doãn, Lã Vọng). Đàn bà làm hỏng sự nghiệp của quân vương (Đát Kỷ, Bao Tự). Chế độ lễ nhạc thời Tam đại; Sự nghiệp của Khổng Tử. Văn hóa chính trị sắp xếp thứ quan. Tổ chức chính quyền các cấp. Tổ chức chế độ học hành. Chế độ thuế. Chế độ hình luật… Xin dẫn ra đây trích đoạn mở đầu môn loại làm minh họa:

“TỰ từ, TIỀN trước, VIỄN xa. ĐẾ vua, HOÀNG cả, THI ra, TRIỆU gầy. TRIẾP bèn, TRẠCH chọn, AI bày.CAN gốc, CHI nhánh, ĐIỆT thay, LŨY chồng. Y nương, DI để, HỖ thông. HẬU sau, TIÊN trước, TƯƠNG cùng, GIÁM soi. TỒN còn, CỬ cất, DUẬT noi.QUÂN vua, THÁNH thánh, THẦN tôi, HIỀN hiền. ĐẠI đời, THỊ họ, DANH tên.HIỆU hiệu, THẾ thế, QUYỀN quyền, OAI uy. HÚC vua Húc, HY vua Hy. THỤC đầu, ỨNG ứng, KỲ kỳ, ĐẢN sinh. LINH linh, ĐỐC hậu, THIỆN lành. ĐỒ đồ, THƯ sách, TRÌNH chiềng, XUẤT ra. NHẤT một, NHỊ hai, TAM ba. TỨ bốn, LỤC sáu, SỔ vài, NGŨ năm. THẬP mười, CỬU chín, BÁCH trăm. THẤT bảy, BÁT tám, ÁC cầm, THỪA nhân. GIA thêm, BỘI gấp, XÂM dần. THIÊN nghìn, VẠN vạn, XỨNG cân, ĐIỀU đều. TRÙNG trùng, QUÁI quẻ, HÀO hào. NGẪU đôi, KỲ lẻ, DIỆU mầu, HỖ ghi. KHẢM quẻ Khảm, LY quẻ Ly. CẤN là quẻ Cấn, KHOÁI chia, TỶ liền. CHẤN là quẻ Chấn, TẤN lên. TỐN quẻ Tốn, CÀN quẻ Càn, TÔN tôn. ĐOÀI quẻ Đoài, KHÔN quẻ Khôn. BIẾN biến, HÓA hóa, VIÊN tròn DUNG thông. TUY tuy, DỊ khác, ĐỒNG đồng. TÁC làm, CHẾ sửa, TINH ròng, LỰ lo. TU KHU là ngươi Tu Khu. HIỆT ngươi Thương Hiệt, SƯU cầu, HOÁN thay. LỊCH là sách lịch xem ngày. LUẬT ống hậu khí, TỀ tày, THÍCH bưa. BẢNG thiếp, TỰ chữ, KHẾ tờ…HỖ là giao hỗ, TIỄN đưa, TRÌ cầm. DƯỢC thuốc, CHÍCH cứu, CHÂM đâm”…

Như vậy, CHÍNH HÓA loại là giáo trình trình bày các mục từ hệ cổ về tổ chức chính trị, Tôn Nho sùng chính học của vua Tự Đức.

2.4. Môn loại KHÍ DỤNG (器用類KHÍ DỤNG LOẠI)

Môn loại KHÍ DỤNG gồm 1474 mục tự (từ) là danh mục sưu tập danh xưng của các đồ dùng, vật dụng như nhà cửa cung thất đền đài… Mở đầu các môn loại là mấy câu có tính bao quát cho cả môn loại như sau: “KHÍ là giống DỤNG là dùng. CƠ máy, XẢO khéo, CUNG cung, THẤT nhà. MIẾU tôn miếu, ĐIỆN đền tòa. THỰ nhà quan thự, SẢNH nhà công sảnh. ĐÀI đài, CÁC các, ĐÌNH đình. VIỆN viện, PHỦ phủ, THÀNH thành, LÂU lầu

Từ danh mục đồ vật này có thể phân loại ra các nhóm như sau:

Danh mục vật dụng, đồ dùng thuộc phạm trù nhà cửa, và liên quan tới nhà cửa. Danh mục vật dụng thuộc phạm trù thuyền bè và liên quan với thuyền bè. Danh mục vật dụng thuộc phạm trù nhạc khí (dụng cụ âm nhạc) và liên quan đến âm nhạc. Danh mục vật dụng thuộc phạm trù xe cộ và liên quan đến xe cộ. Danh mục vật dụng thuộc phạm trù cờ, quạt, tán, lọng và liên quan đến cờ, quạt, tán, lọng. Danh mục vật dụng thuộc phạm trù ấn túi. Danh mục vật dụng thuộc phạm trù cung tên, binh khí và liên quan đến cung tên binh khí. Danh mục tên vật kim loại. Danh mục tên các vật dụng về ngọc và liên quan đến ngọc. Danh mục tên các loại vải lụa và liên quan đến vải lụa. Danh mục tên các loại dép, guốc và thuộc về dép, guốc. Danh mục tên các loại bàn ghế và liên quan đến bàn ghế. Danh mục các vật dụng gia đình.

2.5. Môn loại THẢO MỘC (草木類THẢO MỘC LOẠI)

Môn loại THẢO MỘC gồm 1114 mục tự (từ) nhằm liệt kê danh mục tên các loài cây cỏ cũng như các thuộc tính, công dụng của chúng. Câu mở đầu của môn loại này đã cho ta một sự khái quát chung về nó: “THỤ cây THẢO cỏ HOA hoa. CỐC trăm giống lúa ấy là tên chung”.

Từ danh mục các loài thảo mộc này có thể chia ra các nhóm loài nhỏ như: Danh mục các loại lúa và các đặc tính công năng của lúa. Danh mục các loại đậu và thuộc tính công năng của đậu. Danh mục các loại rau, dưa và thuộc tính của rau, dưa. Danh mục các loài cây khác (…)

2.6. Môn loại CẦM THÚ (禽獸類CẦM THÚ LOẠI)

Môn loại này gồm 770 mục tự (từ), liệt kê và hệ thống hóa tên gọi của các loại cầm thú cũng như một vài đặc trưng tiêu biểu cho từng loài về mặt hình dáng, màu sắc, sinh hoạt. Câu mở đầu cho môn loại này là đã bao quát tên và các bộ phận đặc trưng cho loài cầm như: “CẦM chim ĐỘC nghê THÚ muông. VĨ đuôi LINH cánh VŨ lông TỐ diều”. Sau đó là một danh sách dài các loài chim về các phương diện: hình dáng, màu sắc, đặc tính sinh hoạt của các loài cầm này. Còn phần thú thì ở nửa phía cuối với sự bao quát như sau: “KỲ muông kỳ LÂN muông lân. NGƯU trâu MÃ ngựa THUẦN thuần SÚC nuôi”.

2.7. Môn loại TRÙNG NGƯ (蟲魚類TRÙNG NGƯ LOẠI)

Môn loại này có 546 mục tự (từ) nhằm hệ thống lại các loài côn trùng, cá tôm theo tên gọi bằng chữ Hán, cắt nghĩa sang tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm các loại.

Côn trùng cá tôm này về mặt tên gọi cũng như những đặc điểm chủ yếu dễ nhận ra. Mở đầu môn loại này được diễn đạt bằng câu như sự định nghĩa vậy: “TRÙNG sâu NGƯ cá LONG rồng. QUY rùa XÀ rắn LY dòng rồng con”.

Qua sự giới thiệu tóm lược trên đây về 7 môn loại của TĐTCTHGNC cho thấy, Diễn ca giải nghĩa học chữ Hán do vua Tự Đức soạn là một bộ tự (từ) điển song ngữ Hán Nôm theo môn loại, có tính chất bách khoa thư, thể hiện những kiến thức về các lĩnh vực chủ yếu của Hán học đương thời. Sự giới thiệu và mô tả đó sẽ là cơ sở cho chúng tôi đi vào tìm hiểu cách thức xây dựng và những định hướng nội dung của bộ sách.

3. Quy mô và cách thức xây dựng, tính phân tích của vốn tự (từ), chủ nghĩa lịch sử trong định hướng thông tin của bộ sách

3.1. Quy mô của bộ sách

Do chỗ TĐTCTHGNC vừa là một bộ từ điển song ngữ Hán Nôm vừa là một bộ sách học chữ Hán và các kiến thức Hán học nên quy mô của bộ sách cần được xem từ góc nhìn của một bộ từ điển và một bộ sách học chữ Hán. Nếu từ góc nhìn một bộ từ điển, với 9.028 mục tự cũng như so sánh nó với các bộ từ điển song ngữ Hán Nôm khác, có thể nói, TĐTCTHGNC là một bộ sách có quy mô lớn. Quy mô lớn của nó về mục tự so với các bộ từ điển song ngữ Hán Nôm khác được thể hiện qua bảng đối chiếu dưới đây:

 

TT Tên sách Kí hiệu(1) Số mục tự
大南國語Đại Nam quốc ngữ(2) AB.106 4.779
南方名物備攷Nam phương danh vật bị khảo(3) A.155/VHb.288 4.461
指南玉音解義Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa giải nghĩa(4) AB.372/VNv.201 3.394
三千字解音Tam thiên tự giải âm(5) AB.19 2.988
日用常談Nhật dụng thường đàm(6) AB.511 2.560
難字解音Nan tự giải âm(7) A.1542 1.066
千字文解音Thiên tự văn giải âm(8) AB.227/AB.91 1.000
嗣德聖製字學解義歌Tự Đức Thánh chế Tự học giải nghĩa ca VHv.626/1-4 9.028

Nếu như so sánh nó với các bộ tự điển chữ Hán của Trung Quốc trong lịch sử thì nó ngang với說文解字Thuyết văn giải tự của Hứa Thận, thế kỉ I (9.353 chữ). Như chúng ta đã biết, lượng chữ Hán ngày càng nhiều lên theo tiến trình thời gian. Do vậy, theo thời gian lượng chữ Hán được sưu tập trong các tự điển cũng tăng lên. 說文解字Thuyết văn giải tự của Hứa Thận, biên soạn vào thế kỉ I, sưu tập 9.353 chữ; 康熙字典Khang Hy tự điển biên soạn xong vào năm 1710, sưu tập 47.035 chữ Hán.

Còn như nếu so sánh với các bộ sách học chữ Hán song ngữ Hán Nôm khác, qua bảng trên cũng có thể nói, TĐTCTHGNC là một bộ sách có quy mô lớn. Các bộ sách học chữ Hán nói chung trong lịch sử do người Trung Quốc và người Việt Nam do yêu cầu về mặt sư phạm chỉ nhằm vào vốn chữ thông dụng. Lượng chữ Hán thông dụng mang ra dạy và học luôn chỉ là một phần trong tổng số chữ Hán nói chung. Thiên tự văn của Chu Hưng Tự thời Lương dạy 1000 chữ thông dụng. Lượng chữ trong Khang Hy tự điển tuy lớn (47.035 chữ) nhưng chỉ khoảng 3000 chữ thông dụng. Ngay cả ở thời hiện đại, lượng chữ thông dụng cũng có tình hình tương tự.

Ta biết rằng truyền thống tự điển học, tự thư học, văn thư học chữ Hán từ buổi sơ khai bắt đầu bằng sự sưu tập chữ Hán thành các bảng chữ như Sử Trựu thiên, Thương Hiệt thiên… Bộ Tam Thương của Lý Tư, Triệu Cao, Hồ Vô Kính ở thời Tần sưu tập trên 3 ngàn chữ cũng là một bảng sưu tập chữ. Khi chú giải các kinh điển Nho học ở thời Hán, giới ngữ văn học Trung Hoa truyền thống đã biên soạn nên Nhĩ nhã - bộ tự điển chữ Hán, chữ Hán được sắp xếp theo môn loại mà bảng hiện còn gồm 19 môn loại. Đến thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, Thuyết văn giải tự của Hứa Thận biên soạn theo bộ thủ (540 bộ). Từ đây sắp xếp chữ Hán theo bộ thủ trở thành phương thức chủ yếu. Từ thế kỷ thứ III trở đi, ở Trung Quốc lại nảy sinh biên soạn vận thư, một loại tự điển chữ Hán sắp xếp theo vần, kéo dài vài thế kỷ với các bộ vận thư lớn như Thiết vận do nhóm Lục Pháp Ngôn thực hiện vào đầu thế kỷ VII, Đường vận, Quảng vận. Sang đến thời Minh Thanh, việc biên soạn tự điển thành điển chế phục vụ cho chuẩn chính tả trong các lĩnh vực hoạt động của nhà nước và dân gian. Tính pháp định, tính điển chế về văn tự đã được đánh dấu bằng uy quyền của vua ngay trong tên sách. Khang Hy tự điển là một bộ sách được một tập thể các nhà bác học biên soạn khi mang tên thì theo niên hiệu của triều vua Khang Hy (1662-1721), triều vua thứ 3 của nhà Thanh. Ta có thể thấy TĐTCTHGNC đã tiếp thu những điểm cơ bản của truyền thống biên soạn tự thư, tự điển, sách học chữ Hán Trung Quốc nói chung cả về nội dung, cách thức biên soạn, đặt tên cũng như truyền thống biên soạn tự điển và sách học chữ Hán song ngữ Hán Nôm Việt Nam nói riêng.

Có lẽ vua Tự Đức cũng muốn theo gương vua Khang Hy xác định tính pháp định cho thần dân của mình trong việc học chữ Hán. Nhà vua đã tự mình biên soạn bộ sách học chữ Hán dạng tự điển có tính chất bảng chữ, sắp xếp chúng theo môn loại, kèm giải nghĩa theo lời ca vần điệu. Cách làm đó vừa thể hiện một cách triết trung các phương pháp biên soạn sách học và tự điển chữ Hán nói chung và thể hiện tính biến thể Việt Nam của loại sách này. Do chỗ bộ sách tuân thủ theo tiêu chuẩn kép vừa là tự điển vừa là sách học chữ Hán và truyền tải các tri thức Hán học cho nên một loạt vấn đề đã nảy sinh. Để đáp ứng yêu cầu của tự điển thì phải thu thập nhiều chữ Hán. Song nhiều chữ Hán quá thì lại khó học và khó dạy và khó lưu truyền. Chính điều này đã làm cho vốn chữ Hán của TĐTCTHGNC mang tính phân tích tính mà dưới đây chúng tôi sẽ đề cập tới.

3.2. Tính phân tích của vốn tự (từ) trong TĐTCTHGNC

Như trên đây đã nói, về qui mô tự điển chữ Hán nói chung thì đây là bộ tự điển chữ Hán vào loại trung bình. Lượng chữ thường dùng ở đây cũng tuân theo quy luật chung về lượng chữ thường dùng của chữ Hán lúc bấy giờ nói chung. Điều này có nghĩa là lượng chữ Hán thuộc vào số thường dùng chỉ chiếm khoảng một phần ba, phần tư là cùng. Do vậy, quá nửa ở đây là những chữ ít dùng hay rất ít dùng. Có hiện tượng này là do trong chữ Hán, số chữ đồng nghĩa hơi nhiều và cũng do tích đọng của nhân tố thời gian nữa. Điều này tạo nên tính phân tích tính của vốn chữ.

Phân tích tính của vốn từ là một sự vật, hiện tượng được chi ly theo nhiều nét nghĩa mà mỗi một nét nghĩa ấy lại được diễn đạt bằng nhiều từ, còn trên văn tự thì được ghi bằng nhiều chữ khác nhau. Điều này ta có thể thấy qua một số ví dụ mang ra minh họa ở mục 2 của bài viết này. Ở đây, chúng tôi xin minh họa thêm về tính phân tích tính của vốn chữ qua trường hợp những chữ biểu thị “núi”. Trong chữ Hán để biểu thị “núi” với nhiều sắc thái và nghĩa khác nhau thì có những chữ khác nhau thể hiện qua những câu như: “XUYÊN sông, SƠN núi, HẠN ngăn… SUNG khe dưới núi, ĐÊ cồn giữa sông… MẬT dáng núi như nền nhà… ĐỒNG núi trọc, YẾT núi quanh. TIỆT hình núi cắt, QUY hình núi giăng… LỘC nơi chân núi, QUYNH nơi ngoài rừng. BÌ là núi có hai tầng. BIỆT núi Biệt, HÀO núi Hào. PHONG đầu chót vót, ĐIÊN đầu thôi ngôi. CHƯƠNG là núi giống bình phong. ĐÀ là núi đứng như chồng cối xay. DĨ là núi không cỏ cây. HỖ là núi có cỏ cây rườm rà. TIÊU dốc đứng, LIỄU rộng xa. CƯƠNG là sống núi, NHAI là mép sông. HIẾN là núi giống nồi hông. TOANH hòn đất đỏ, AO dòng nước đen… THÁP đất thấp, NAO núi bằng. KHANG LANG núi trống, LĂNG TẰNG núi cao. TRÁCH núi Trách, THAO núi Thao. KIÊM HIỂM núi dốc, LIÊU TÀO núi không. NGUNG DI núi ở cõi đông. PHỈ là lớp núi như trồng như xây. YÊM TƯ núi ở cõi tây. TỤ nơi hang núi, PHẤT nơi đường đèo. CỰ núi lớn, HOÃN núi nhiều. LINH DINH núi thẳm, LIÊU SÀO đỉnh cao. TRỞ núi đá lộn đất vào. ÔI LỖI dạng núi thấp cao nhiều tầng. OAI HOÀI hang núi chẳng bằng. TÙNG rằng núi lớn, nhạc rằng núi tôn. SẦM đỉnh nhỏ, LOAN đỉnh tròn. ĐẢO non giữa biển, châu cồn giữa sông. CÔN LUÂN núi ở địa trung. CÂU LÂU là đỉnh cao phong núi Hành. KỲ KHU đường núi gập ghềnh. TOÀN NGOAN lởm chởm, TRANH VINH chon von. LANG núi Lang, KHIÊN núi Khiên. TIỆP LIỆP dạng núi liên diên kéo dài. HIỆN núi Hiện, LAI núi Lai. NHAM hang đá hiểm, LĨNH vai núi bằng. Ủ núi Ủ, DƯƠNG núi Dương. LỰC dạng lớn, NGANG TÀNG dạng cao. ĐIỆN núi Điện, CAO núi Cao. THÔI NGÔI đất trộn đá vào lô xô. VẬN núi Vận, NGÔ núi Ngô (…). Ngoài những danh từ riêng chỉ tên núi, chúng tôi đã thống kê được hơn một trăm mục tự có ý nghĩa chỉ về núi và các nét đặc trưng của núi. Tình hình với nhiều danh từ khác cũng tương tự. Điều này cho phép chúng ta nói đến tính phân tích tính của vốn tự chữ Hán như là một điểm dễ nhận ra trong TĐTCTHGNC.

Tính phân tích của vốn tự (từ) Hán học trong TĐTCTHGNC cần phải được đề cập trong một nghiên cứu chuyên sâu. Ở đây chúng tôi chỉ mới đặt vấn đề mang tính minh họa mà thôi.

4. Tiếng Việt và chữ Nôm trong khả năng truyền tải tri thức Hán học

Qua sự trình bày các môn loại, các chủ đề vốn từ của từng môn loại, các định hướng nội dung của toàn bộ sách, tính phân tích tính của vốn từ đã cho thấy Tự học giải nghĩa ca của vua Tự Đức là một bộ sách mang tính bách khoa về Hán học theo định hướng chính thống và nệ cổ. Một bộ sách học chữ Hán và các kiến thức Hán học như thế thật khó đến với thần dân của hoàng đế. Điều này đã được vua Tự Đức nhận ra và khắc phục bằng cách đặt lời ca giải nghĩa cho chúng. Lời ca giải nghĩa Việt ngữ đã trở thành điểm sáng đặc biệt cho toàn bộ bộ sách. 9.028 mục tự (với 9827 chữ Hán vì có những mục tự gồm 2 hay 3 chữ Hán) đã được giải nghĩa. Độ dài giải nghĩa với tổng số 21.334 lượt chữ Nôm. Hầu hết phần giải nghĩa cho các mục tự đã đóng vai trò là vị ngữ có hệ từ trong các cụm chủ vị hay các câu (cả lục lẫn bát). Phân xuất 21.334 lượt chữ Nôm giải nghĩa ấy, chúng tôi đã lập được danh mục 4.458 chữ Nôm của toàn văn bản. Lượng chữ Nôm đó chỉ bằng nửa lượng chữ Hán nhưng đã giải thích được toàn bộ mục tự chữ Hán theo cách đối dịch hay diễn dịch. Chúng ta có thể thấy lối văn giải nghĩa của cả bộ sách qua một số ví dụ mà chúng tôi đã dẫn ra trong chính bài viết này. Vốn từ tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm ở đây đã diễn đạt được toàn bộ các tri thức Hán học mang tính bách khoa tương ứng của 9.028 mục tự trong 7 môn loại. Đây là một trong số những minh trưng quý giá cho vốn từ tiếng Việt thế kỷ XIX ở dạng từ điển ghi bằng chữ Nôm.

Với độ dài phần giải nghĩa cũng như lượng chữ Nôm có trong văn giải nghĩa đã làm cho TĐTCTHGNC trở thành một bộ từ điển Hán Nôm chứa đựng nhiều chữ Nôm nhất, nhiều từ vựng tiếng Việt nhất và cũng là một trong số không nhiều những bộ sách Hán Nôm nói chung, Hán Nôm cuối thế kỷ XIX nói riêng, chứa đựng nhiều từ vựng tiếng Việt ứng với các vấn đề Hán học mang tính học thuật nhất.

Do vậy, phần giải nghĩa Nôm của từ điển cần phải được trình bày trong những nghiên cứu riêng cả về mặt ngôn ngữ cũng như văn tự.

Qua sự trình bày trên đây cho phép chúng ta có một nhận thức chung rằng, TĐTCTHGNC từ tên gọi, kết cấu nội tại theo môn loại và tính thánh chế trong sự ban hành, phổ biến như là một bách khoa thư Hán học song ngữ Hán Nôm. Qua bộ từ điển này chúng ta có thể thấy những tri thức Hán học theo định hướng chính thống, nhà nước do chính vua Tự Đức chế cho thần dân của ông cũng như con đường phổ biến những tri thức ấy qua tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm. Bộ từ điển song ngữ Hán Nôm này đã phản ánh những vấn đề học thuật chứa đựng trong chữ Hán của nhà nho và xã hội lúc bấy giờ. Đó là cái học tam tài THIÊN - ĐỊA - NHÂN mang dấu ấn lịch sử cả về thực trạng cũng như hạn chế mà cái học ấy do đích thân vua phổ biến.

Từ điển song ngữ Hán Nôm cuối thế kỉ XIX nói chung, TĐTCTHGNC nói riêng đã nảy sinh, tồn tại, phổ biến và phản ánh chính bối cảnh ngôn ngữ - xã hội Việt Nam và những đặc trưng của cấu trúc văn hóa của Việt Nam những thập niên cuối cùng của thời trung đại. Trong bối cảnh ngôn ngữ - xã hội đó, một mặt, Hán văn, chữ Hán là ngôn ngữ chữ viết của thánh hiền, cao quý, thượng đẳng, quyền uy đến độc tôn. Nhưng mặt khác, muốn cái thượng đẳng, độc tôn ấy đến với đông đảo thần dân thì phải dùng phương ngữ phương ngôn, quốc ngữ, quốc âm, chữ Nôm như cái cầu chuyển ngữ. Do vậy, nó cũng là một trong những nhân tố có ý nghĩa cho sự nhận thức về khả năng và tiếng mẹ đẻ, của quốc âm, quốc ngữ Nôm trong việc diễn đạt những vấn đề học thuật Nho học mang tính bách khoa, chính học và thánh chế cả đối với tác giả soạn nó cách đây hơn một thế kỷ cũng như cả với chúng ta, những người đọc nó bây giờ.

Phạm Văn Khoái 

PGS..TS. Đại học KHXH & Nhân văn Hà Nội

Hà Đăng Việt

NCS. Khoa Việt Nam học Đại học Sư phạm Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 1 (116) 2013, tr.17-28.

 

Chú thích:

(1) Theo kí hiệu sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(2) Cuốn sách do Nguyễn Văn San biên tập, Văn Sơn đường tàng bản khắc in năm 1899. Sách được chia ra 50 mục-bộ, như Nhân luân mônTàm tang môn, Tục ngữ môn...

(3) Đặng Xuân Bảng: Từ điển Hán - Nôm, Thiện Đình khắc in năm 1902. Các chữ trong cuốn sách được xếp theo 32 mục, như Thiên văn, Địa lí, Thời tiết, Nhân phẩm, Quan chức…; có đặc điểm là tập hợp nhiều tên gọi các sản vật nước Nam.

(4) Cuốn sách còn có tên là Chỉ Nam phẩm vựng, tác giả là Hương Chân pháp tính. Sách được chia làm 40 bộ môn loại và trình bày theo thể văn vần, chủ yếu là lục bát.

(5) Do Ngô Thì Nhậm soạn, Phú Văn đường tàng bản khắc in năm 1831. Đây được xem là cuốn sách dạy chữ cho người mới học chữ Hán.

(6) Sách do Phạm Đình Hổ soạn năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), Đồng Văn trai tàng bản khắc in năm Tự Đức thứ 4 (1851). Đây là một bộ tự điển Hán - Nôm, xếp theo 32 môn loại như: Thiên văn, Đại lí, Nho giáo,…

(7) Sách chép tay, không ghi tên người soạn. Các chữ trong sách không sắp xếp theo môn loại, tập hợp những chữ khó để giải nghĩa.

(8) Cuốn sách do Quan Văn đường tàng bản khắc in năm 1890, không ghi tên người soạn. Chữ trong cuốn sách sắp xếp theo mục, có giải nghĩa và chú âm, trình bày theo lối lục bát.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT

1.Thiều Chửu: Hán Việt tự điển, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 1999.

2.Thơ văn Tự Đức. Phan Đăng chủ biên, (tập 3 - Tự Đức Thánh chế Tự học giải nghĩa ca), Nxb. Thuận Hóa, 1996.

3.Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập 2, Nxb. KHXH, H. 1990.

4.Phạm Văn Khoái: Một số vấn đề chữ Hán thế kỉ XX, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.

5.Phạm Văn Khoái: Từ “Tứ thư ước giải” đến “Tự Đức Thánh chế Luận ngữ thích nghĩa ca” suy nghĩ về bước vận động xây dựng chính tả chữ Nôm, Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm, Hà Nội 2004.

6.Phương Thủ Nguyễn Hữu Quì:Tự Đức Thánh chế Tự học giải nghĩa ca (phiên âm), Ủy ban dịch thuật phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa của chính quyền Sài Gòn cũ xuất bản, 1971.

7.Lạc Thiện: Tự điển Hán Việt thông dụng, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1996.

8.Hà Đăng Việt: “Tự Đức Thánh chế Tự học giải nghĩa ca” và vấn đề chuẩn hóa chữ Nôm thời Nguyễn, Nghiên cứu về chữ Nôm, Nxb. KHXH, H. 2008.

II. TÀI LIỆU TIẾNG TRUNG QUỐC

9.Khang Hi tự điển, Trương Ngọc Thư chủ biên, Thượng Hải thư điếm xuất bản xã, Thượng Hải, 2000.

10. Khang Hi tự điển thông giải, Thời đại văn nghệ xuất bản xã.

11. Từ nguyên, Trung Hoa thư cục phát hành, 1956.

12. Thư Tân Thành, Từ Nguyên Cật, Thẩm Di, Trương Tương, Từ Hải, Trung Hoa thư cục phát hành, 1966.

III. TÀI LIỆU HÁN NÔM (theo kí hiệu của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm).

1.指南玉音解義Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa giải nghĩa, AB.372/ VNv.201.

2.大南國語Đại Nam quốc ngữ, AB.106.

3.南方名物備攷Nam phương danh vật bị khảo, A.155/ VHb.288.

4.日用常談Nhật dụng thường đàm, AB.511.

5.難字解音Nan tự giải âm, A.1542.

6.三千字解音Tam thiên tự giải âm, AB.19.

7.千字文解音Thiên tự văn giải âm, AB.227/AB.91.

8.嗣德聖製字學解義歌Tự Đức Thánh chế Tự học giải nghĩa ca, VHv.626/1-4./.

Một hình ảnh trong sách giáo khoa lớp 8 có hình chữ Hán nhưng bị ngược, học sinh và cả giáo viên đều lắc đầu không hiểu nổi.

 20240410 2

Hình ảnh (phía phải) về mộc bản mà học sinh cho là lật ngược. Với hình ảnh toàn chữ Hán và chú thích như vậy, nhiều học sinh và giáo viên đọc xong không biết sách giáo khoa đang viết gì - Ảnh: Mỹ Dung

Trong bài 19 sách giáo khoa Lịch sử - Địa lý (bộ sách Chân Trời Sáng Tạo do Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành), trang 77 có một hình ảnh về "mộc bản" của triều Nguyễn. Học đến bài này, nhìn thấy hình "kỳ kỳ", một số học sinh lớp 8 tại TP.HCM đã so sánh với chữ viết tiếng Trung hiện đại và thấy chữ bị trái chiều.

Theo ghi nhận, trang 77 sách Lịch sử - Địa lý 8 bộ Chân Trời Sáng Tạo thuộc bài 19, mục 4. Tình hình văn hóa. Trong đó, dưới hình 19.9 ghi: "Châu bản và mộc bản. Châu bản: Bản dụ năm 1835 của Minh Mạng về thưởng phạt những người đi Hoàng Sa làm nhiệm vụ vẽ bản đồ. Mộc bản: Bìa bộ Hoàng Việt luật lệ năm 1813".

Hình 19.9 gồm hai hình liền nhau đều bằng chữ Hán, trong đó một hình chụp lại như một tấm gỗ được khắc 4 chữ Hán mà nhiều học sinh cho là "sách giáo khoa in ngược hình vì chữ bị trái".

Toàn bộ trang 77 của sách Lịch sử - Địa lý 8 bộ Chân Trời Sáng Tạo do Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành - Ảnh: MỸ DUNG

Toàn bộ trang 77 của sách Lịch sử - Địa lý 8 bộ Chân Trời Sáng Tạo do Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành - Ảnh: Mỹ Dung

"Em nghĩ sách giáo khoa in hình ngược nên hỏi cô giáo có phải không? Hình này có nghĩa là gì? Cô giáo xác nhận nó bị ngược nhưng cô nói để cô trả lời về ý nghĩa sau" - một học sinh lớp 8 tại một trường THCS ở TP.HCM nói với phóng viên báo Tuổi Trẻ và cho biết nhiều học sinh ở lớp em hoàn toàn không hiểu gì về hai hình ảnh bằng chữ Hán được đăng tải ở trang 77 này.

"Em học tiếng Trung nên khi nhìn hình em băn khoăn tự hỏi sao chữ Hán này nó bị ngược vậy. Ở nhà đọc sách mãi nhưng em cũng không hiểu, đến lớp em hỏi nhiều bạn thì các bạn đều nói hình này bị ngược và chúng em đều không hiểu gì cả", một học sinh khác nói thêm.

Một giáo viên THCS dạy môn lịch sử nhận xét: "Với hai hình vẽ về các chữ ngày xưa (chữ Hán) và chú thích kiểu đó, nói thật ngay cả giáo viên chúng tôi cũng không hiểu gì. Học sinh hỏi tôi cũng "ngớ người" luôn.

Đã là sách giáo khoa thì phải tường minh, chú thích rõ ràng nhưng ở đây học sinh và giáo viên cũng không biết hình nào với hình nào, châu bản là gì, mộc bản là gì. Vì thiếu chú thích như vậy nên học sinh và cả giáo viên đều tưởng sách giáo khoa in bị lỗi, bị ngược".

Trả lời Tuổi Trẻ, TS Vũ Thị Thanh Trâm, giảng viên bộ môn Hán Nôm - khoa văn học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết hình ảnh 19.9 bị học sinh cho là ngược chính là hình mộc bản của bìa bộ "Hoàng Việt luật lệ" dưới triều Nguyễn.

"Hình 19.9 phía phải trong sách giáo khoa lịch sử lớp 8 nói trên không phải bị in ngược mà in đúng chiều. Mộc bản là những bản gỗ khắc chữ ngược dùng để in ra các sách được sử dụng phổ biến dưới triều Nguyễn.

Mộc bản phải khắc ngược thì khi bôi mực lên, dập giấy mới cho ra những cuốn sách đúng chữ, mới đọc được. Vì thế, nếu người nhìn không biết đây là hình về mộc bản thì cứ tưởng là hình bị ngược. Với chữ Hán, vì giáo viên, học sinh và nhiều người không biết loại chữ này nên sẽ tưởng bị ngược", cô Trâm nói.

Vì thế, cũng theo TS Vũ Thị Thanh Trâm, để tránh hiểu nhầm cho học sinh, giáo viên, sách giáo khoa cần chú thích rõ ràng cho hình ảnh được sử dụng. Ngoài ra, đối với hình ảnh mộc bản như thế này, sách giáo khoa nên in cả hình mộc bản và hình của bản giấy để học sinh, giáo viên có thể hiểu thêm về ý nghĩa của hình ảnh mang lại.

"Mộc bản" sách Hoàng Việt luật lệ là gì?

Mộc bản sách Hoàng Việt luật lệ là những tài liệu gốc rất đáng tin cậy đối với các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử pháp luật Việt Nam nói riêng. Mộc bản sách Hoàng Việt luật lệ là những bản gỗ khắc chữ Hán ngược để in ra sách Hoàng Việt luật lệ.

Mỹ Dung

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 29.3.2024

Bài văn bia của vua Lê Thái Tổ khắc trên vách đá Pú Huổi Chõ ở Điện Biên – Lai Châu là một di tích lịch sử có nội dung phong phú và có giá trị về mặt lịch sử, địa lí, văn học. Từ bài văn bia này, chúng ta hiểu thêm công lao của Lê Lợi và có thêm thông tin chính xác khẳng định ý chí quyết tâm giữ vững biên cương, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của người anh hùng đất Lam Sơn. Đây là một Di sản Văn hóa của dân tộc, góp phần làm phong phú kho tàng văn học Việt Nam ở thế kỷ XV.

Bài văn bia của Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ) được khắc vào vách đá Pú Huồi Chõ thuộc địa phận bản Chang, phường Lê Lợi, thị xã Lai Châu (nay là xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu). Bia cách thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên chừng 7km về phía Tây Bắc, theo đường từ Mường Lay đi Mường Tè, ngược lên phía trên 2km là thác Lai của sông Đà. Bia cao so với mặt nước sông là 50m, thành đá khắc văn bia dựng đứng. Đường đi đến di tích có thể đi thuyền hay cano theo đường thuỷ, cũng có thể đi theo đường bộ bằng ô tô, xe máy đều được.

Bài văn bia Lê Lợi làm tháng Chạp năm Tân Hợi (tháng 1/1432) ở Điện Biên – Lai Châu được viết theo thể loại ma nhai khắc trên vách đá Pú Huổi Chõ, văn bia được viết bằng chữ Hán gồm 132 chữ, viết theo chữ khải chân và tạc trong khuôn khổ hình chữ nhật có kích thước 1,2m x 0,8m.

20211125 2

Bài văn bia của Lê Lợi khắc trên vách đá Pú Huổi Chỏ, xã Lay Tở (nay là xã Lê Lợi), huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu

 

Dưới đây là phiên âm và bản dịch của bài thơ do nhà thơ Trần Lê Văn dịch. PGS, TS Nguyễn Tá Nhí (Viện Hán - Nôm) sưu tầm bổ sung:  

Phiên âm:

Di địch chi vi biên hoạn tự cổ hữu chi, Hán chi Hung Nô, Đường chi Đột Quyết, ngã Tây Việt chi mường  Lễ chư man thị dã. Khoảnh do Trần, Hồ suy chính, phiên thần bạt hỗ, Cát Hãn nữu ư cựu tập, phụ cố phất tuẫn, dư kim suất vãng chinh thủy lục tịnh tiến, nhất cử tựu binh, nhân tả nhất luật, khắc chi vu thạch, dĩ giới hậu thế man tù chi ngạnh hóa giả, vân:

                                                             Cuồng tặc cảm bô chu,

                                                             Biên manh cửu hễ tô.

                                                             Bạn thần tòng cổ hữu,

                                                             Hiểm địa tự kim vô.

                                                             Thảo mộc kinh phong hạc,

                                                             Sơn xuyên nhập bản đồ,

                                                             Đề thi khắc nham thạch,

                                                            Trấn ngã Việt Tây ngu.

                                            Tân Hợi quý đông cát nhật

Ngọc Hoa Động Chủ đề.

Dịch nghĩa:

Dân di địch là mối họa ở vùng biên giới, từ cổ đã có, như Hung Nô đời Hán, Đột Quyết đời Đường và các tộc người man ở miền Tây nước Việt ta. Ít lâu do chính sự cuối đời Trần, Hồ suy yếu, bọn phiên thần hung hăng táo tợn, Cát Hãn khư khư giữ tật cũ, ngoan cố không sửa đổi. Nay ta đem quân tiến đánh, hai quân thủy bộ cùng tiến. Đánh một trận là dẹp yên ngay. Nhân làm một bài thơ luật, khắc vào đá núi để răn các tù trưởng đời sau ngang ngạnh phải tuân theo đức hóa.

Thơ rằng:

                                                         Giặc điên cuồng tránh sao khỏi sự trừng phạt,

                                                         Dân biên thùy từ lâu mong đợi được cứu sống.

                                                         Bề tôi làm phản từ xưa vẫn có

                                                         Đất hiểm trở từ nay chẳng còn

                                                         Gió thổi, hạc kêu, cũng làm cho giặc sợ hãi

                                                         Sông núi đất này vào chung một bản đồ.

                                                         Đề thơ khắc vào đá núi

                                                         Trấn giữ miền Tây nước Việt ta.

 Ngày lành tháng cuối đông năm Tân Hợi (1/1432)

Ngọc Hoa Động Chủ đề

Dịch thơ:

                                                        Bọn giặc dữ tránh sao trừng phạt

                                                        Dân biên thùy khao khát chờ ta

                                                        Lạ chi thói kẻ gian tà

                                                        Từ nay đất hiểm hóa ra yên lành

                                                        Tiếng gió, hạc đủ kinh hồn giặc

                                                         Núi sông ta vào một bản đồ

                                                         Khắc trên đá núi bài thơ

                                                         Miền Tây nước Việt muôn thu vững vàng.

Ngày lành, tháng 1 năm 1432

Ngọc Hoa Động Chủ đề

Về xuất sứ của bài văn bia trên, sử cũ của nước ta đã ghi rõ: Từ thời Hùng Vương, vùng Tây Bắc sông Đà còn in đậm dấu ấn của Nhà nước Văn Lang. Thời Lý - Trần thuộc lộ Đà Giang, miền đất Điện Biên – Lai Châu gọi là châu Ninh Viễn. Theo sách “Hưng Hoá lục” của Hoàng Trọng Chính, họ Đèo ở châu Ninh Viễn, đời này qua đời khác làm phụ đạo miền đất biên cương này.

Khi quân Minh sang xâm lược nước ta (1407), đèo Cát Hãn theo nhà Minh, được nhà Minh cho giữ đặc quyền cai quản vùng đất rộng lớn và quan trọng này. Đèo Cát Hãn trở thành một tên tay sai đắc lực, đàn áp các cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của các dân tộc thiểu số vùng sông Thao và Sông Đà.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo lớn mạnh, phát triển thành cuộc chiến tranh nhân dân và đang ở thế tấn công bao vây quân Minh. Sau khi tiêu diệt viện binh chủ lực của giặc Minh và bao vây thành Đông Quan, tháng 11 năm 1427, Bình Định Vương Lê Lợi phái Chủ thư thị sử là Trần Hổ đi tuyên dụ vỗ về châu Ninh Viễn, chiêu dụ Đèo Cát Hãn. Thổ tù Ninh Viễn Đèo Cát Hãn đem quân và voi đến quy thuận nhà Lê. Với lượng hải hà, Bình Định Vương tha và vẫn cho Đèo Cát Hãn tiếp tục cai quản vùng đất này.

Sau 10 năm chiến đấu gian khổ (1418 - 1428) Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, bắt tay vào xây dựng một triều đại phong kiến hưng thịnh.

Lê Lợi rất chú trọng việc lập pháp và chủ trương việc phòng thủ quốc gia một cách tích cực. Chủ trương quốc phòng và ý chí bảo vệ biên cương được khẳng định qua lời thơ của Lê Lợi:

                                                      “Biên phòng cần có phương lược tốt

                                                        Đất nước nên lo kế dài lâu…”

Nhà nước Lê sơ đã xác định miền Tây Bắc thực sự là vùng biên ải quan trọng của lãnh thổ Đại Việt. Tù trưởng Đèo Cát Hãn trở mặt, không lại triều cống, mặc dù Lê Lợi đã nhiều lần đem lời tín nghĩa, giảng dụ ân cần, hứa sẽ phong cho tước cao, được hưởng lộc hậu. Nhưng y quên ân bội nghĩa, bất chấp với chính sách mềm dẻo của triều đình, làm phản liên kết với Kha Đốn (Kha Lại), một bề tôi phản nghịch của Ai Lao quấy nhiễu nhân dân nơi biên ải đánh chiếm vùng đất Mường Muỗi (nay là Thuận Châu – Sơn La) và mưu toan cát cứ một vùng Tây Bắc nước ta. Do hành động phản nghịch của Đèo Cát Hãn, nhằm bảo vệ vùng biên giới của đất nước, năm 1431 vua Lê Thái Tổ đã phái Quốc Vương Từ Tề và Quan Tư Khấu Lê Sát đem quân tiến đánh. Sau đó vua Lê Thái Tổ thân chinh đem quân lên châu Phục Lễ (châu Ninh Viễn).

Đại quân của triều đình tiến theo đường sông Hồng rồi ngược sông Đà. Thời đó sông Đà có nhiều thác ghềnh hiểm trở, nhân dân vùng này còn truyền lại câu ca dao:

                                                        “Đường lên Mường Lễ bao xa

                                                         Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh

                                                         Ấy ai nào chẳng hững hờ

                                                        Chống thuyền ngược nước sông Đà mà lên.”

Qua câu ca dao trên có thể hình dung được sự truân chuyên, vất vả của đoàn quân tiến lên ngược sông Đà bằng đường thuỷ và đường bộ, đâu phải chỉ có sự hiểm trở của thác ghềnh mà còn trăm thứ bất trắc, sự hoang rậm của rừng núi, lại còn vấn đề quân nhu, quân lương trong một cuộc chiến lâu dài trên vùng đất rộng lớn. Những ngày sau đó đại quân Lê Lợi đã vượt qua tất cả và đánh tan quân phản nghịch Đèo Cát Hãn.

Tháng Giêng năm Nhâm Tý (1432), bình được Mường Lễ (châu Phục Lễ), vua Lê Thái Tổ kéo quân về bèn ban tờ chiếu rằng: “…Mường Lễ vốn là một xứ lẻ của nước ta thời xa xưa. Chỉ vì thời vua trước đây, triều đình suy bại, chính quyền tồi tàn, nhà vua mất kỷ cương, biên thuỳ bỏ sơ khoán, bởi thế xứ ấy mới dám cậy hiểm, cậy xa, không tuân mệnh, không nộp thuế, lại cướp biên thuỳ, tàn hại dân ta…”. Tù trưởng Đèo Cát Hãn vẫn quen thói cũ nổi loạn, liên kết với tù trưởng Mường Bô là Đinh Quế cùng phản nghịch Hối Khanh kéo quân thẳng vào xứ Gia Hưng và Đà Giang nhũng nhiễu nhân dân và triều đình.

Để tiêu diệt hết mầm mống hoạ loạn, Lê Lợi sai Tư đồ Lê Sát dẫn quân theo đường Đà Giang tiến đánh trước, Quốc Vương Tư Tề thống binh đường Bắc Quan tiến chậm phía sau, lại sai Hành quân Tổng quan Hoá Châu Lê Khôi hiệp binh tiếp ứng. Lê Lợi đích thân đốc 6 đội quân đi đường Gia Hưng kế tiến, bắt giết bọn Hối Khanh, Đinh Quế. Sau đó cả 2 cánh quân thuỷ, bộ tiến thẳng tới châu Ninh Viễn, nghịch thần Kha Lại chạy bị giết chết, Đèo Cát Hãn và con là Đèo Mạnh Vượng chạy trốn, sau đó cha con xin hàng, nhà vua tha tội cho Cát Hãn và phong làm Tư mã.

Sau khi dẹp yên phản loạn năm 1431, để răn các tù trưởng cai quản nơi biên giới của Tổ quốc, tháng Chạp năm Tân Hợi (tức tháng 1/1432) Lê Lợi đã cho khắc lên vách đá Pú Huổi Chõ bài văn bia ghi nhớ sự kiện này.

Khi xây công trình thuỷ điện Sơn La, để ngăn dòng, quả núi nơi khắc bài thơ sẽ nằm trong lòng hồ và bị ngập sâu trong nước. Nhà nước đã cho di dời tấm bia lên vị trí cao gần nơi nó đã tồn tại gần 600 năm.

Với mong muốn đem đến cho nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế biết đến một áng thiên cổ hùng văn của vị Hoàng đế lỗi lạc. Công ty cổ phần Pusamcap và gia đình ông Lê Thanh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty, đã tiến hành khai thác phiến đá từ chính phần thân của bia Lê Lợi để lập nên phiên bản bài thơ từ nguyên gốc. Với tài hoa của các nghệ nhân, sự giúp đỡ của các Giáo sư, chuyên gia của viện Hán – Nôm, Ba phiên bản bia đã được hoàn thành.

Phiên bản bia Lê Lợi do tỉnh Lai Châu trao tặng Thanh Hóa, ngày 16/9/2011

(nguồn: http://www.nhandan.com.vn/)

Phiên bản đầu tiên đã gửi tặng nhân dân Thủ đô đúng vào dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Những phiên bản còn lại, được gửi tặng cho tỉnh Lai Châu và đặc biệt là dâng tặng Khu di tích lịch sử Lam Kinh-Thanh Hoá nơi khởi phát cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nơi thờ đức Thái Tổ Lê Lợi và các Hoàng đế nhà Lê.

Bài văn bia của vua Lê Thái Tổ khắc trên vách đá Pú Huổi Chõ ở Điện Biên – Lai Châu tháng Chạp năm Tân Hợi (1/1432) là một di tích lịch sử có nội dung phong phú và có giá trị về mặt lịch sử, địa lí, văn học. Từ bài văn bia này, chúng ta hiểu thêm công lao của Lê Lợi và có thêm thông tin chính xác khẳng định ý chí quyết tâm giữ vững biên cương, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của người anh hùng đất Lam Sơn. Đây là một Di sản Văn hóa của dân tộc, góp phần làm phong phú kho tàng văn học Việt Nam ở thế kỷ XV. Di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1981, được gìn giữ và phát huy gia trị./.

Thanh Hiền

Nguồn: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

------

Tài liệu tham khảo:

- Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Đại Việt sử kí toàn thư. NXB KHXH. Hà Nội 1998

- Quốc sử quan triều Nguyễn. Khâm định Việt sử Thông Giám cương mục. NXB GD 1998.

- Phạm Ngô Minh – Lê Duy Anh. Nhân vật họ Lê trong lịch sử Việt Nam. NXB Đà Nẵng. 2001.

Giữa năm 1915, Vua Duy Tân và các cận thần lên kế hoạch nổi dậy nhằm giành lại độc lập cho đất nước. Thông qua các thị vệ, vua Duy Tân đã có mối quan hệ bí mật với các thủ lĩnh quân sự ở trong và ngoài nước để ủng hộ Ngài. Tuy nhiên, do có kẻ phản bội nên kế hoạch bất thành. Sau thất bại, một số bị bắt và Vua Duy Tân bị Pháp đày đến đảo Réunion ở Ấn Độ Dương…

Bí mật trong tờ chiếu của nhà vua

Theo căn cứ hiệu lịch sử cho biết: Vua Duy Tân là con thứ 8 của Vua Thành Thái và bà Hoàng phi Nguyễn Thị Định. Vua Thành Thái có nhiều con trai, đáng lẽ phải chọn người con trưởng kế vị, nhưng người Pháp sợ một vị vua trưởng thành khó sai khiến nên chọn một người nhỏ tuổi.

Khi Khâm sứ Fernand Ernest Lévecque cầm danh sách các hoàng tử con Vua Thành Thái vào hoàng cung chọn vua, lúc điểm danh thiếu Vĩnh San. Triều đình cho người đi tìm thấy Vĩnh San đang chơi đùa, mặt mày lem luốc. Không kịp đưa về nhà tắm rửa, Vĩnh San ra trình diện quan Pháp. Người Pháp trông thấy đồng ý ngay vì thấy Vĩnh San có vẻ nhút nhát. Triều đình thấy vua quá nhỏ nên xin tăng thêm 1 tuổi thành 8, đặt niên hiệu cho Vĩnh San là Duy Tân.

Ngày 5/9/1907, Vĩnh San lên ngôi lấy niên hiệu là Duy Tân. Và chỉ một ngày sau lễ đăng cơ, Duy Tân đã đổi khác. Một nhà báo Pháp đã thuật lại: Một ngày lên ngai vàng đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của cậu bé lên 8.

Việt Nam Quang Phục hội được Phan Bội Châu thành lập từ năm 1912. Biết được Vua Duy Tân là người yêu nước chống Pháp nên quyết định móc nối. Hai lãnh đạo của hội là Trần Cao Vân và Thái Phiên bỏ tiền vận động tài xế của Vua Duy Tân xin thôi việc. Thay vào đó là Phạm Hữu Khánh, thành viên của hội, tham gia vai trò này để cận kề nhà vua.

Tháng 4/1916, khi Vua Duy Tân ra bãi tắm Cửa Tùng nghỉ mát, Phạm Hữu Khánh đưa cho vua bức thư của hai lãnh tụ trên. Duy Tân đọc thư và muốn gặp. Hôm sau, 3 người cùng đến câu cá ở Hậu Hồ, Vua Duy Tân đồng ý tham gia cuộc khởi nghĩa dự định được tổ chức vào 1 giờ sáng ngày 3/5/1916.

Tuy nhiên, thiên cơ bị lộ, cuối tháng 4, một thành viên của Việt Nam Quang Phục hội ở Quảng Ngãi là Võ An đã làm lộ tin. Chiều ngày 2/5, công sứ Pháp ở Quảng Ngãi là De Taste mật điện báo với Khâm sứ Trung Kỳ. Nghe tin, Khâm sứ Charles ra lệnh thu súng ở các trại lính người Việt cất vào kho và cấm trại không cho mọi người ra ngoài.

Đêm 2/5/1916, Trần Cao Vân và Thái Phiên đưa thuyền đến bến Thương Bạc đón Vua Duy Tân. Nhà vua cải trang thường dân đi cùng 2 người hộ vệ là Tôn Thái Đề và Nguyễn Quang Siêu. Họ tới làng Hà Trung, lên nhà một hội viên Việt Nam Quang Phục hội để chờ giờ phát lệnh bằng súng thần công ở Huế. Nhưng chờ đến 3 giờ sáng vẫn không nghe hiệu lệnh, biết đã thất bại, Trần Cao Vân và Thái Phiên định đưa Vua Duy Tân tới vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi nhưng sáng 6/5/1916, họ bị bắt.

Pháp bắt triều đình Huế phải xử, Thượng thư Bộ học Hồ Đắc Trung được ủy nhiệm thảo bản án. Trần Cao Vân khi đó bị giam trong ngục, nhờ được người đưa tin cho Hồ Đắc Trung xin được lãnh hết tội và xin tha tội cho vua. Hồ Đắc Trung làm án đổ hết tội cho Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thái Đề và Nguyễn Quang Siêu. 4 người bị xử chém ở An Hòa. Năm 1916, vua Duy Tân bị đày đi đảo Réunion ở Ấn Độ Dương cùng với vua cha Thành Thái.

Bà Nguyễn Thị Minh Thâm (nguyên Hiệu phó Trường THPT Yên Hòa, có ông nội là một yếu nhân của phong trào Đông Du) khi tra cứu tại thư viện Mediathequa ở TP Hồ Chí Minh đã tìm thấy cuốn sách tiếng Pháp nhan đề: “Les Sociétés Secrètes en Terre d’Annam” (Các tổ chức bí mật ở vùng đất An Nam) của tác giả Georges Coulet, xuất bản tại Sài Gòn năm 1926 viết về cuộc khởi nghĩa năm 1916, ở trang 22 có đoạn: “Ngay trong đêm 3 rạng sáng 4/5, Khâm sứ được báo động về cuộc đảo chính của Vua Duy Tân. Vùng bao quanh Hoàng thành được canh gác ngay. Dưới một tấm gạch lớn của nền nhà, tìm thấy tờ chiếu của nhà vua, kêu gọi mọi người nổi dậy chống quân Pháp và  phong tướng cho Nguyễn Đức Công, bí danh là Hoàng Trọng Mậu…”.

Trong quyển sách “Monarchie et fait colonial au Vietnam” (Chế độ quân chủ và thực dân ở Việt Nam), Giáo sư Nguyễn Thế Anh đã cho chụp nguyên bản lời kêu gọi của nhà vua Duy Tân và bốn người được vua phong tướng. Đó là các ông Nguyễn Đức Công được phong Tả tướng quân thống lĩnh toàn thể; Nguyễn Bùi Lễ ở tỉnh Quảng Nam; Trần Phu ở Bình Định; Vũ Đình Xán ở Nghệ An chỉ huy các cánh quân tại chỗ. Theo nhận xét của Giáo sư Thế Anh qua “lời kêu gọi” này cho thấy “những thành viên của phong trào Phan Bội Châu đã có một đường dây liên lạc bí mật với vua…”.

Những chi tiết này đã không hề được chí sĩ Phan Bội Châu nhắc tới trong hồi ký của mình sau này, có lẽ là do ông muốn bảo vệ an toàn cho những người đang còn hoạt động. Và nó mới được biết đến gần đây khi gia đình chí sĩ Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu) thu thập các tài liệu của người ông nội oai hùng của họ tộc Nguyễn Đức (Nghi Trung – Nghi Lộc – Nghệ An).

Nguyễn Đức Công là ai?

Chí sĩ Hoàng Trọng Mậu tên thật là Nguyễn Đức Công, tự là Báu Thụ, sinh năm 1874 trong một gia đình nho học tại xã Cẩm Trường, tổng Kim Nguyên, nay là xã Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An, một miền quê nghèo khó nhưng hiếu học và cách mạng. Thân phụ ông là cụ Nguyễn Đức Tân, đậu cử nhân, làm quan Hành tẩu trong triều đình nhà Nguyễn - một nhà nho yêu nước từng tích cực hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp. Hoàng Trọng Mậu được xem là người đặc biệt thông minh, thông thạo cổ văn Trung Quốc. Ông đỗ đầu trong kỳ thi toàn tỉnh Nghệ An, nên thời đó gọi ông Đầu xứ Công.

Gặp lúc Phong trào Đông Du nổi lên, ông hăng hái tham gia từ rất sớm. Năm 1908, ông sang Nhật học trường Đông Á Đồng Văn Thư viện tại Tokyo. Ông là người làm ghi chú và viết lời tựa cho cuốn “Việt Nam Quốc sử Khảo” của Phan Bội Châu. Năm 1909, Hiệp ước giữa Pháp và Nhật được ký kết. Theo đó, Pháp cho Nhật vào Việt Nam buôn bán; đổi lại, Nhật không cho các nhà cách mạng và học sinh Việt Nam lưu trú ở Nhật nữa. Sau khi bị trục xuất khỏi Nhật Bản, Hoàng Trọng Mậu sang học và tốt nghiệp Trường Võ bị ở Trung Quốc.

Năm 1912, ông tham gia sáng lập Việt Nam Quang Phục Hội, giữ chức Bí thư và Quân ủy viên (Ủy viên phụ trách quân sự). Hoàng Trọng Mậu cùng với Phan Bội Châu thảo “Việt Nam Quang Phục quân phương lược” (Chiến lược cách mạng của Việt Nam Quang Phục quân).

Ở Trung Quốc, cách mạng Tân Hợi thoái trào, Viên Thế Khải làm Tổng thống Trung Hoa Dân quốc thay Tôn Trung Sơn; Việt Nam Quang Phục Hội lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, Hoàng Trọng Mậu vẫn tiếp tục kiên trì hoạt động. Ông đến Quảng Tây tìm cách liên kết với lực lượng dân quân.

Tháng 3/1915, theo sự chỉ đạo của Phan Bội Châu, Hoàng Trọng Mậu chỉ huy cánh quân tấn công quân Pháp ở đồn Tà Lùng (cửa khẩu ở huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng). Theo tài liệu mật thám Pháp, mới đầu Quang Phục Hội định tấn công Đông Khê (Lạng Sơn) nhưng sau Nguyễn Hải Thần có nội ứng tại Tà Lùng nên chọn Cao Bằng.  Cánh quân  này có gần 100 tay súng (theo hồ sơ lưu trữ của Pháp) Nhưng cuộc tấn công thất bại do không liên lạc được với nội ứng trong đồn. 

Ngày 28/5/1915, khi đang ở Hương Cảng đợi tàu đi Thái Lan để tiếp tục quyên góp cách mạng, Hoàng Trọng Mậu bị mật thám Pháp phát hiện và nhờ cảnh sát Anh bắt. Sau đó chúng đưa ông về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội. Sau 8 tháng giam cầm tra tấn, kết hợp với dụ dỗ mua chuộc, thực dân Pháp không thể khuất phục được ý chí kiên cường của nhà chí sĩ yêu nước, ngày 24/1/1916, chúng đã đưa ông ra xử bắn tại trường bắn Bạch Mai. Trước khi hy sinh ông để lại câu đối tuyệt mệnh để tỏ ý chí anh hùng không khuất phục. Nhiều nhà cách mạng ở nước ngoài như Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền đã có những áng thơ lâm ly khóc ông.

Nhà thơ Anh Ngọc là cháu nội chí sĩ cho biết, trong nhiều năm gia đình đã đi tìm các tư liệu về chí sĩ Hoàng Trọng Mậu thì đã phát hiện tài liệu bí mật về mối quan hệ của Vua Duy Tân với phong trào Đông Du. Tờ chiếu này do mật thám Pháp tìm được khi bắt và lục soát nơi ở của Vua Duy Tân.

Trong buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày chí sĩ Hoàng Trọng Mậu hy sinh, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan nói: “Như vậy khi đọc bản di bút này của Vua Duy Tân, chúng ta đã xác định rõ ràng có mối quan hệ bí mật giữa phong trào Đông Du và cuộc khởi nghĩa bất thành của Vua Duy Tân. Người Việt mình dù ở trong nước hay ngoài nước, nhà vua hay thường dân cũng đều có một tấm lòng yêu nước  nồng nàn  như nhau. Đó là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam”.

 Dịch nghĩa tờ Chiếu của Vua Duy Tân:

20240404 5

Kính thừa Thiên mệnh

Hoàng đế truyền rằng:

Trẫm thấy tỏ rằng trong khắp đất nước Đại Nam ta, biết bao những thần dân can trường, dũng cảm, tận tụy, tràn đầy lòng hy sinh cao cả cho non sông đất nước, đang phải trôi dạt  lẩn khuất giữa chốn núi rừng. Những thần dân cao cả đó giờ đây đang rời nơi ẩn náu để cùng nhau tiến hành cuộc chiến đấu chống lại bọn người Tây phương.

Hỡi các Ngươi! Các thần dân can trường bất khuất của Vương quốc. Tất cả các ngươi đều là những thần dân dũng cảm, giàu lòng ái quốc, sôi sục bầu nhiệt huyết cao quý. Nếu các ngươi muốn thấy gia đình dòng tộc được bền vững dài lâu và còn muốn bảo vệ Đức Vua của đất nước Đại Nam, các ngươi hãy cùng tụ hội về lãnh địa làng Văn Xá phủ Thừa Thiên. Đó là nơi vốn có một ngọn núi nhỏ.

Trẫm chỉ định các thần dân dưới đây được lãnh trọng trách làm tướng:

- Một người là Ông Nguyễn Đức Công ở tỉnh Hà Tĩnh.

- Một người là Ông Nguyễn Bùi Lễ ở tỉnh Quảng Nam.

- Một người là Ông Trần Phu ở tỉnh Bình Định.

- Một người là Ông Vũ Đình Xán ở tỉnh Nghệ An.

Trẫm phong cho Ông Nguyễn Đức Công làm Tả quân chính đạo thống lãnh toàn thể các đạo quân cánh trái; phong các ông Lễ, Phu, Xán làm Thư toán, chỉ huy các đạo quân.

Ngày 22 tháng 3 năm Duy Tân thứ 9.

Ngự bút.

Nguyễn Thiên Việt

Nguồn: An ninh thế giới giữa và cuối tháng, ngày 25.3.2024.

20211023 4

Năm 2016, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Thế giới

1. Giới thiệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế
Vùng đất Huế vốn có lịch sử lâu đời và là nơi giao thoa, hội tụ của nhiều luồng văn hóa, văn minh, mà nổi bật là văn minh Nho giáo từ phương bắc xuống, văn minh Phật giáo từ phương nam lên, kết hợp với các yếu tố bản địa Đông Nam Á... Từ năm 1636, Huế đã được lựa chọn để xây dựng làm thủ phủ - kinh đô của Đàng Trong, và từ đó dần dần trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị mới ở phía nam Đại Việt. Cho đến giữa thế kỷ XVIII, Huế đã trở thành kinh đô nổi tiếng phồn hoa đô hội của vương quốc Đàng Trong với một hệ thống công trình kiến trúc gỗ phong phú. Tuy nhiên, phải đến đầu thế kỷ XIX, sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, xây dựng Huế trở thành kinh đô của nước Việt Nam độc lập, việc quy hoạch và xây dựng kinh đô Huế mới trở nên hoàn chỉnh. Việc xây dựng các công trình kiến trúc tại kinh đô Huế diễn ra chủ yếu dưới thời hai vị hoàng đế đầu triều là Gia Long (1802-1820) và Minh Mạng (1820-1841), sau đó được hoàn chỉnh dưới thời Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883). Đây là thời kỳ của các công trình kiến trúc sử dụng các loại vật liệu truyền thống như gạch, ngói, gỗ, trong đó chủ yếu là kiến trúc gỗ. Nhưng từ thời Đồng Khánh (1886-1889) trở đi, Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn minh phương Tây, trong hệ thống kiến trúc cung đình cũng xuất hiện một loại hình kiến trúc mới, sử dụng vật liệu bê-tông, sắt thép và trang trí chủ yếu bằng đắp nổi sành sứ. Chính vì vậy, bên cạnh hệ thống kiến trúc gỗ chiếm số lượng chủ yếu, trong kiến trúc cung đình Huế còn có các công trình kiến trúc xây dựng bằng vật liệu cứng theo phong cách kiến trúc tân-cổ điển, đặc biệt là ở thời kỳ hai vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là Khải Định (1916-1925) và Bảo Đại (1925-1945). Có thể nói, kinh đô Huế thời Nguyễn là sự tích hợp và phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc truyền thống Việt Nam với một quy hoạch hoàn chỉnh và một hệ thống công trình kiến trúc đồ sộ, bao gồm thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, chùa quán... được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, tuyệt đẹp với sông Hương, núi Ngự, đồi Vọng Cảnh, phá Tam Giang...

Năm 1803, vua Gia Long bắt đầu xây dựng Hoàng Thành Huế mà mở đầu là những công trình kiến trúc quan trọng nhất: Triệu Miếu, Thái Miếu và Hoàng Khảo Miếu để thờ tổ tiên, điện Cần Chánh làm nơi nhà vua thiết triều và cung Diên Thọ dành cho Hoàng thái hậu. Sau đó, các công trình kiến trúc khác trong Hoàng Thành và Cung Thành (sau gọi là Tử Cấm Thành) lần lượt được xây dựng. Tuy nhiên, phải sau khi vua Minh Mạng lên ngôi và tiến hành quy hoạch lại toàn bộ Hoàng Thành, Tử Cấm Thành, cho xây dựng Thế Tổ Miếu, sắp đặt lại vị trí của Hoàng Khảo Miếu (sau đổi là Hưng Tổ Miếu), dời vị trí điện Thái Hòa về phía nam, xây dựng Ngọ Môn (thay cho Đoan Môn)… thì bố cục, diện mạo của Hoàng cung triều Nguyễn mới trở nên cân đối và hoàn chỉnh. Các công trình kiến trúc từ Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, Triệu Miếu, Hưng Tổ Miếu, Thế Tổ Miếu, chùa Thiên Mụ… đều sử dụng văn thơ để trang trí trên liên ba, đố bản, cổ diềm ở cả nội và ngoại thất công trình. Và cách trang trí 1 ô thơ hoặc 1 đại tự đi liền với 1 bức họa tạo nên kiểu thức "nhất thi nhất họa" hoặc "nhất tự nhất họa" gần như đã trở thành một phong cách riêng trong trang trí kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Đây là một hình thức trang trí được thực hiện trên các liên ba sơn son thếp vàng, dùng kiểu ô hộc lớn nhỏ xen nhau, thể hiện nhiều đề tài, nhiều biểu tượng kèm theo, được lắp đặt khéo léo tại phần trên của các bức tường. Trong giai đoạn này, chất liệu chế tác để tạo nên văn thơ là từ gỗ quý hoặc có độ bền vững cao (lim, kiền kiền, thị, dỗi rừng…) hoặc xà cừ, xương hay cao cấp hơn là ngà voi, hoặc đồ pháp lam (đồ đồng tráng men), bê-tông đắp ngõa sành sứ. Nghệ nhân sẽ khắc, chạm hoặc khảm trực tiếp lên những tấm gỗ đã định sẵn kích cỡ rồi sau đó gắn trực tiếp lên công trình (sau đó có thể sơn son thếp vàng hay sơn quang), tạo thành những liên ba, đố bản, cổ diềm, vách ván của cung điện, đình tạ, lầu các. Đối với pháp lam thì nghệ nhân sẽ viết chữ rồi tráng men trên những tấm đồng, tạo nên những bức thơ, họa pháp lam nhiều màu sắc, chủ yếu dùng để trang trí ở ngoại thất công trình, trên cổ diềm cung điện, trán cổng… Nhưng điều đáng chú ý nhất là từ thời Minh Mạng, việc sử dụng thơ văn để trang trí trên các công trình mới trở nên phổ biến và trở thành điển chế mà tiêu biểu là ở Hiếu Lăng (lăng vua Minh Mạng). Đặc biệt thời vua Thiệu Trị, là vị hoàng đế nổi tiếng uyên thâm về Nho học và giỏi thi phú, lối trang trí "nhất thi nhất họa", "nhất tự nhất họa" càng được áp dụng phổ biến, tiêu biểu là điện Biểu Đức ở lăng vua Thiệu Trị; điện Long An (vào năm 1923 đổi tên Bảo tàng Khải Định)… Thậm chí ở các quốc tự tại kinh đô cũng sử dụng lối trang trí này. Đặc biệt ngôi chùa Thiên Mụ được xây dựng dưới thời chúa Nguyễn Hoàng nhưng dưới thời vua Thiệu Trị được trùng kiến. Kiến trúc của chùa lộng lẫy huy hoàng với nghệ thuật trang trí ô hộc, một hình thức trang trí theo quy cách "nhất thi nhất họa" mà điển hình nhất là ở đình Hương Nguyện (thuộc chùa Thiên Mụ). Thời vua Tự Đức (1848-1883), do điều kiện đất nước khó khăn, và có lẽ cũng do lấy chữ "Khiêm" để tự răn mình nên vị hoàng đế giỏi thơ ca bậc nhất của triều Nguyễn lại không dùng văn thơ để trang trí cho các công trình kiến trúc của riêng ông, mà chỉ sử dụng lối trang trí "nhất thi nhất họa" cho một số công trình trong lăng tẩm của vua cha, tức tại Xương Lăng (lăng vua Thiệu Trị). Truyền thống trang trí "nhất thi nhất họa" chỉ được nối mạch lại từ thời vua Đồng Khánh (1885-1888) tại lăng tẩm của chính vị vua này (Tư Lăng), rồi được các vua Khải Định, Bảo Đại về sau tiếp tục kế thừa, dù cách thức thể hiện và vật liệu sử dụng đã thay đổi. Đó chính là việc sử dụng mảnh sành sứ đắp ngõa để trang trí trên công trình kiến trúc xây bằng bê-tông, sắt thép. Phần lớn các công trình kiến trúc được xây dựng dưới thời vua Nguyễn (1802-1945) có thơ văn được trang trí "nhất thi nhất họa" và "nhất tự nhất họa" được hình thành cùng thời xây dựng công trình. Thơ văn này thể hiện sự phong phú đa dạng về cả nội dung cho đến hình thức. Một ô thơ đi kèm với một ô họa khắc những đề tài truyền thống thuần túy Việt Nam như bát bửu, hoa lá, trái cây, rồng, hạc, đầu rồng, dây lá… Nội dung của những ô họa chỉ mang tính chất trang trí, không minh họa cho nội dung của những ô thơ đi kèm với nó. Trải qua một thời gian dài, sự tàn phá của chiến tranh, các thảm họa thiên nhiên và con người, Cố đô Huế còn bảo lưu được một khối lượng rất lớn thơ văn trên các di tích kiến trúc này. Theo thống kê hiện nay, trên các di tích kiến trúc cung đình có tổng số 2679 ô thơ văn và cũng có chừng đó ô họa được chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ, trên pháp lam và đắp ngõa sành sứ. Đây thật sự là một bảo tàng sống động về văn chương của triều Nguyễn.
 

2. Quá trình xây dựng hồ sơ di sản và một số kinh nghiệm
2.1.Quá trình thực hiện hồ sơ di sản
Sau khi tìm hiểu, xem xét các tiêu chí của UNESCO về việc vinh danh các di sản mang tầm nhân loại, chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và những người làm công tác nghiên cứu bảo tồn di sản nhận thấy Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế có khả năng đáp ứng được các tiêu chí đặt ra, đồng thuận đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (1802-1945) theo mẫu đăng ký đệ trình Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP).

Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn bạc và có sự thống nhất cao về chủ trương và hành động, đã giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khẩn trương triển khai những thủ tục cần thiết để xây dựng hồ sơ, vừa tiến hành các thủ tục văn bản, vừa thực hiện các bước thuộc nội dung như: mời các chuyên gia nghiên cứu, thực hiện các bước khảo sát thực tế; tổ chức tọa đàm khoa học tại địa phương nhằm nhận diện giá trị và đánh giá sơ bộ thực trạng thơ văn trên kiến trúc cung đình. Tiếp tục triển khai công tác nghiên cứu, dịch thuật, đối chiếu thơ văn trên các công trình kiến trúc với thơ văn Ngự chế, chụp ảnh và xây dựng các bộ phim tư liệu về di sản thơ văn. Đẩy mạnh việc đưa di sản này vào giới thiệu trong các hội thảo liên quan đến di sản Huế, đến các viện nghiên cứu, trường học và phát trên các sóng phát thanh truyền hình, thành lập thêm nhiều nhóm dịch thuật và thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm ở di tích Huế. Tháng 5/2015, tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”. Đây là bước quan trọng và là một trong những tiền đề để các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia góp ý và đánh giá giá trị của tư liệu để có thêm niềm tin, căn cứ để lập hồ sơ. Những hoạt động trên đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng và góp phần trực tiếp vào việc bảo vệ di sản thơ văn tạo cơ sở dữ liệu quan trọng cho việc xây dựng hồ sơ.

Để hoàn thiện được bộ Hồ sơ theo tiêu chí của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) thuộc UNESCO, việc tổ chức kiểm kê di sản là nhiệm vụ bắt buộc đối với các chủ thể văn hóa. Từ tháng 2/2013, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai công tác khảo sát, chụp hình, số hóa, dịch thuật tất cả các thơ văn ở các di tích trên kiến trúc cung đình Huế. Với sự vào cuộc của các cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên ngành cùng với sự phối hợp nhiệt tình của các ban ngành liên quan, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu nên nội dung và số lượng thơ văn trên di tích đã được thống kê và phân loại đầy đủ, các thủ tục hành chính, pháp lý về hồ sơ, tư liệu kiểm kê, lấy ý kiến đồng thuận của cộng đồng được hoàn thành trong tháng 11/2014.
Song song với việc thống kê thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, nhiều nội dung quan trọng khác của hồ sơ cũng được khẩn trương triển khai như: Tiến hành công tác điền dã, chụp ảnh, đối chiếu thơ văn trên kiến trúc cung đình với thơ văn Ngự chế để tìm ra tác giả của những bài thơ trên kiến trúc cung đình, xây dựng phim tư liệu về di sản (với thời lượng 50 phút và 10 phút); sưu tầm, nghiên cứu, tập hợp tư liệu, viết và hoàn thiện bản viết hồ sơ; xây dựng chương trình hành động... Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được các cán bộ nghiên cứu lịch sử văn hóa quan tâm nghiên cứu từ lâu, nhưng tập trung nhất phải được đánh dấu bằng mốc thời gian tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học đề cử. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo (bao gồm Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản Văn hóa, Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế…), với tinh thần trách nhiệm cao, khẩn trương của Ban Xây dựng hồ sơ, sự vào cuộc nhiệt tình, hiệu quả của các cấp, các ngành, các địa phương liên quan, chỉ trong thời gian ngắn, bộ hồ sơ đã được hoàn thành trước ngày 15/10/2015 theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trước khi trình Hội đồng Di sản Quốc gia và Thủ tướng Chính phủ để chuyển tới Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) thuộc UNESCO, Hồ sơ được nhiều lần tổ chức tọa đàm, trao đổi để lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà chuyên môn, các nhà lãnh đạo, quản lý, các cơ quan liên quan ở trung ương và địa phương.
Tuy quỹ thời gian làm hồ sơ rất eo hẹp nhưng bù lại chúng tôi đã nhiều năm quan tâm và trực tiếp tham gia điều tra, kiểm kê, mã hóa, số hóa, phiên âm - dịch nghĩa (một số tác phẩm thơ văn) cũng như công bố một số bài nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành, báo chí… cho nên vẫn có nhiều thuận lợi. Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc đó là vận dụng kiến thức để viết hồ sơ theo mẫu quy định của tổ chức Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) thuộc UNESCO. Đây là công việc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và kiến thức thực tế.
Bản thảo bộ hồ sơ tiếng Việt được hoàn thành lần 1 vào ngày 30/3/2015. Sau đó, chúng tôi đã nhờ các chuyên gia, các giáo sư đầu ngành ở Trung ương (Viện Văn hóa Nghệ thuật, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trường Đại học KHXH & NV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội…) xem lại, biên tập và bổ sung. Đến ngày 24/4/2015, bản thảo tiếng Việt được chỉnh sửa lần thứ 6 hoàn thành. Sau Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học tiếp tục bổ sung chỉnh sửa hồ sơ với sự đóng góp của các chuyên gia quốc tế và chuyên gia đầu ngành của Việt Nam, và một lần nữa hồ sơ được chỉnh sửa một cách hoàn hảo nhất và chuyển dịch sang tiếng Anh để hoàn thiện vào ngày 25/9/2015. Việc dịch thuật hồ sơ Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế ra tiếng Anh cũng là một vấn đề khá phức tạp, vì hồ sơ sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành, nhiều từ khó giải thích, cho nên ngay cả nhiều chuyên gia tiếng Anh cũng khó chuyển ngữ chuẩn xác; bên cạnh đó, thời gian dành cho công việc này cũng khá hạn chế, dẫu vậy, công việc vẫn hoàn thành đúng hạn. Bản dịch tiếng Anh cuối cùng của hồ sơ nhận được sự biên tập trực tiếp của TS.Trương Bạch Lê và ThS. Đặng Ngọc Hiếu (Trường Đại học Ngoại ngữ Huế).

Trong thời gian chờ đợi các chuyên gia biên tập, bổ sung, chúng tôi đồng thời tiến hành thực hiện hồ sơ ảnh, tài liệu phụ lục liên quan và hoàn thiện hồ sơ vào ngày 10/10. Sáng ngày 15/10/2015, hồ sơ được nộp cho Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thẩm định, sau đó chuyển sang trụ sở Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) tại Thái Lan. Đến ngày 30/3/2016, chúng tôi nhận được thông tin từ Ủy ban Di sản Ký ức Việt Nam (đơn vị trực tiếp gửi) nhắn tin hồ sơ đã gửi đến trụ sở MOWCAP tại Thái Lan đúng trình tự, đủ thủ tục và trước thời hạn 10 ngày.

2.2. Một vài kinh nghiệm xây dựng hồ sơ di sản tư liệu
Kinh nghiệm đầu tiên từ việc xây dựng hồ sơ của Huế là cần nắm chắc để làm rõ các tiêu chí mà di sản đề cử phải đáp ứng được, đặc biệt là tính độc đáo và tính quốc tế của di sản ấy.
Qua đợt khảo sát thực tế tại cố đô Huế, ngài Rujaya Abhakorn (người Thái Lan), Đại sứ thiện chí, thành viên Hội đồng, Giám đốc Tổ chức văn hóa, giáo dục, khảo cổ học, nghệ thuật của ASEAN có đặt ra những vấn đề ông băn khoăn và đề nghị đơn vị đề cử cần bổ sung giải trình trước khi đệ trình hồ sơ. Trong đó, ngài đặc biệt quan tâm đến hai vấn đề lớn: Thứ nhất là ảnh hưởng của Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế ra nước ngoài, hay nói cách khác là tính quốc tế của di sản này được lan tỏa như thế nào; và thứ hai là vấn đề liên quan đến tính độc đáo, tính xác thực và tính duy nhất của di sản thơ văn này. Hai vấn đề ngài Rujaya Abhakorn nêu lên, thực chất trong hồ sơ đã có đề cập nhưng chưa rõ, chưa có số liệu xác thực để chứng minh thuyết phục hơn, vì vậy chúng tôi buộc phải tập trung nghiên cứu, và nhờ chuyên gia hỗ trợ để hồ sơ đầy đủ hơn, làm rõ được các tiêu chí mà di sản được đề cử cần đáp ứng.
Một vấn đề khác về việc lập hồ sơ, theo đánh giá của lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, thì những hạn chế lớn của Việt Nam trong việc xây dựng và đệ trình hồ sơ ở chỗ các hồ sơ chưa nhấn mạnh, khai thác, nêu bật được các tiêu chí có tính chất đặc thù riêng của tài liệu lưu trữ. Bên cạnh đó, cách làm của chúng ta còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa có hội đồng tư vấn để tập trung các nhà khoa học, các chuyên gia, do đó mỗi lần xây dựng hay sửa chữa hồ sơ thì phải đưa hồ sơ đến để tham khảo từng nhà khoa học, chuyên gia. Khi có Hội đồng tư vấn, việc phân tích, đánh giá các bộ hồ sơ sẽ tốt hơn. Trong khi các di sản đang ngày một xuống cấp và chưa được xã hội đánh giá đúng giá trị của nó, với những kinh nghiệm xây dựng, đệ trình hồ sơ đề cử được các đại biểu trong nước và quốc tế chia sẻ, các tổ chức, cá nhân sẽ hiểu rõ hơn về giá trị của tư liệu để cùng chương trình MOW của Việt Nam xây dựng bộ hồ sơ theo các cấp khác nhau từ khu vực đến thế giới một cách hệ thống, đáp ứng đúng tiêu chí của UNESCO.
Nhìn nhận lại những thuận lợi, khó khăn trong quá trình lập hồ sơ về “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” trình Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) để rút ra các bài học kinh nghiệm cũng không hề đơn giản do tính đặc thù của di sản này. Những dạng di sản tư liệu tương tự như vậy chưa hề có ở Việt nam, và có lẽ trên phạm vi toàn thế giới. Hơn nữa, thơ văn được khắc, chạm, vẽ, đắp trên liên ba, đố bản, bờ nóc, bờ quyết công trình, đa số là ở những vị trí không mấy thuận tiện cho người tiếp xúc trực tiếp; thêm nữa, số người có khả năng nghiên cứu chuyên sâu về tài liệu “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” thì lại rất ít. Bản thân Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng có không nhiều người biết chữ Hán Nôm, và chỉ có rất ít người có khả năng nghiên cứu chuyên sâu về loại hình tư liệu đặc thù này trong khi khối lượng tài liệu thơ văn lại rất lớn với gần 3.000 đơn vị, phân bố trên nhiều vị trí khác nhau của công trình di tích. Việc thuyết minh làm toát lên giá trị khối tài liệu này bằng tiếng Việt đã khó, nay phải phiên âm, dịch nghĩa, chuyển tải những thông tin này sang tiếng Anh chuyên ngành lại càng khó hơn.
Theo ông Raymond Edmondson, Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tài liệu lưu trữ cần có rất nhiều tiêu chí về thời gian, địa điểm, con người, tầm ảnh hưởng, giá trị của bộ tài liệu… Tài liệu này phải được xác nhận có đáp ứng đầy đủ tất cả các tiêu chí đó thì hồ sơ tham gia mới đạt được yêu cầu của chương trình.
Qua tài liệu của 2 đợt Hội thảo - Tập huấn quốc tế “Chia sẻ kinh nghiệm tham gia chương trình MOW của UNESCO” được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức tại Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh, các đại biểu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và các báo cáo viên của Việt Nam đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm liên quan đến việc triển khai chương trình MOW ở Việt Nam, việc xây dựng hồ sơ và đệ trình hồ sơ đề cử danh mục Di sản tư liệu thế giới… Đây là dịp tạo cơ hội cho cán bộ công tác tại các cơ quan lưu trữ, thư viện, bảo tàng, các cơ sở văn hóa khác có cơ hội lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước và quốc tế về chương trình MOW, đồng thời được hướng dẫn kỹ năng xây dựng hồ sơ đề cử danh mục Di sản tư liệu cấp khu vực và quốc tế cho những tư liệu có giá trị của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

 

3. Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế

Ngay sau khi Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm đã nỗ lực quảng bá, giới thiệu giá trị di sản tư liệu quý hiếm và độc đáo đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước trên các phương tiện truyền thông và thông tin đại chúng, in ấn brochure và xuất bản sách để làm quà tặng… Trung tâm cũng tìm cách phát huy giá trị thơ văn thông qua việc đổi mới và mở rộng các hình thức quảng bá, tuyên truyền nhằm giới thiệu đến với công chúng trong nước và ngoài nước tiếp cận, hiểu được giá trị nội dung, ý nghĩa của nguồn tài liệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa, phong tục… đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam về vai trò của công tác lưu trữ, giá trị của tư liệu lưu trữ thông qua các khối lượng tư liệu lưu trữ của triều Nguyễn đã được công nhận như Mộc bản, Châu bản…
Đối với công tác trùng tu công trình di tích, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch và định hướng bảo quản an toàn thơ văn trên các liên ba, đố bản bờ nóc, hạn chế sự hư hỏng của tài liệu nhằm gìn giữ nguồn tư liệu được bền lâu và nguyên vẹn. Bên cạnh đó, tập trung khảo sát đánh giá hiện trạng thơ văn chạm khắc, khảm, cẩn, tráng men… trên cấu kiện gỗ, bê-tông, pháp lam; tiếp tục nghiên cứu phục hồi kỹ thuật pháp lam truyền thống, kỹ thuật chạm, khảm để phục hồi các bài thơ, các chữ đã mất trên các liên ba, các ô cổ diềm của các di tích; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học nhằm tập hợp các ý kiến của các nhà quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa Hán Nôm liên quan đến việc bảo tồn và phát huy những giá trị thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; đẩy mạnh công tác triển khai áp dụng công nghệ số để bảo tồn di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế…
Dưới đây là một số nội dung cụ thể:
3.1. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, làm nổi bật giá trị to lớn, đa dạng của di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và đưa những giá trị đó đến cộng đồng
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một hệ thống văn tự chữ Hán sáng tác dưới dạng các bài văn thơ được chạm cẩn chủ yếu trên các liên ba đố bản hoặc vách ván, những bản gốc duy nhất hiện còn ở công trình kiến trúc thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế giai đoạn 1802-1945, cũng như ở Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, khối lượng thơ văn này là một di sản tư liệu chân xác, hàm chứa nhiều nội dung có giá trị, được lưu giữ thông qua những tác phẩm nghệ thuật mà chưa thấy di tích nào trên thế giới có và thơ văn này được trình bày theo lối "nhất thi nhất họa" và “nhất tự nhất họa” gần như trở thành một lề lối phép tắc quy chuẩn của triều đình Nguyễn. Các tác phẩm này là sự kết tinh của nhiều yếu tố khác nhau, từ mỹ thuật, kỹ xảo trang trí, thư pháp, nghệ nhân nghề mộc cổ truyền cung đình tạo nên một phong cách mang đậm truyền thống của riêng Huế - Việt Nam.
Với những giá trị độc đáo và quý hiếm đó, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế sau khi được công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã công bố giá trị nội dung di sản của thơ văn trên nhiều phương tiện thông tin như: báo chí, truyền hình, trang thông tin điện tử... gây được sự chú ý của công chúng và các nhà nghiên cứu. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức tọa đàm và nhiều cuộc hội thảo về khối tư liệu này để rộng đường nghiên cứu và thưởng lãm cho mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về bảo quản thơ văn trên các kiến trúc cung đình, tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá về giá trị của thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế trên nhiều kênh thông tin. Bên cạnh những đề xuất phương án bảo tồn khối lượng lớn di sản thơ văn trên phương diện kỹ thuật, vật lý thì những giải pháp bảo tồn phát huy giá trị thơ văn trên phương diện văn hóa giáo dục và trí thức cũng được quan tâm. Giá trị thơ văn di sản thế giới sẽ được giới thiệu rộng rãi đến đại bộ phận công chúng, đặc biệt tầng lớp thanh thiếu nhi đang ngồi trên ghế nhà trường, nhằm tôn vinh và lưu truyền những giá trị lịch sử vô giá này.

3.2. Dựng phim, phóng sự giới thiệu, quảng bá về thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế trên truyền hình
Trung tâm sẽ tiến hành xây dựng kịch bản và phối hợp với đài truyền hình để dựng lại bộ phim về bảo tồn di sản tư liệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Đồng thời sau khi được công nhận Di sản ký ức thế giới, Trung tâm đã triển khai dựng phim: “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế - Hành trình đi đến di sản” nhằm lưu giữ lại một cách toàn diện nhất về giá trị di sản mà tổ tiên đã để lại cho ngày nay và mai sau.
Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu di sản tư liệu Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế với công chúng trong và ngoài nước trên đài phát thanh, truyền hình qua các kênh truyền hình quốc gia VTV1, VTV4, VTV8, thực hiện nhiều phóng sự phát trên chuyên mục Câu chuyện văn hóa, Cuộc sống thường ngày trên kênh VTV1… Kế hoạch đẩy mạnh giới thiệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế vào các chương trình: “Kiến thức xã hội” trên VTV2 và VTV4; Phóng sự trong chương trình “Điểm hẹn văn hóa”; Phóng sự về thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế trong chương trình “Gõ cửa ngày mới” trên VTV1; phóng sự trên chương trình “Khám phá Việt Nam” trên kênh truyền hình VTV1 và VTV4…
Có thể nói rằng các phương tiện thông tin đại chúng chính là cầu nối đưa Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đến gần với đời sống xã hội và con người Việt Nam. Hình thức quảng bá này đã góp phần tích cực giới thiệu đến công chúng những giá trị di sản độc đáo và tài năng của các vị vua nhà Nguyễn và sự tài hoa khéo léo của con người Việt Nam vào thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX.

3.3. Tổ chức trưng bày, triển lãm thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là khối tài liệu duy nhất lưu trữ các tác phẩm thơ văn hàm chứa nhiều thông tin có giá trị, phần nào giúp nghiên cứu hình ảnh của hệ thống chính trị, văn hóa, xã hội, con người của một quốc gia trong một giai đoạn lịch sử. Các tài liệu này ngoài giá trị nội dung thông tin, bản thân tài liệu trải qua thời gian 2 thế kỷ đã trở thành bộ sưu tập cổ vật vô cùng phong phú và vô cùng quý giá. Bên cạnh đó, đây còn là một bộ sưu tập tranh, một bộ sưu tập thư pháp, một bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật công nghệ vô cùng đa dạng, vô cùng phong phú và có giá trị cao.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế một cách thường xuyên và rộng rãi thông qua các hoạt động tổ chức trưng bày, triển lãm các di sản Hán Nôm tại các kỳ lễ hội, mở các cuộc thi viết thư pháp Hán Nôm, lập trang web, thư mục giới thiệu, quảng bá di sản chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế.
Tuyển chọn đưa vào trường học những tác phẩm tiêu biểu trong hệ thống thơ văn chữ Hán trên di tích kiến trúc cung đình Huế, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức trong thế hệ trẻ về giá trị và ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Hình thức triển lãm trưng bày Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một hình thức tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi cho quần chúng được tiếp cận trực tiếp với khối lượng tài liệu này thông qua các phiên bản từ bản gốc mà họ chưa có điều kiện tiếp cận, vì phần lớn hệ thống thơ văn này ở vị trí cao trên kiến trúc cung điện nên du khách không thể nhìn thấy rõ và không chiêm ngưỡng kỹ những giá trị nghệ thuật ở đó. Vì vậy, hình thức tổ chức sử dụng bản sao này có tính tuyên truyền và thuyết phục cao. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có kế hoạch trưng bày triển lãm về thơ văn tại các di tích có thơ văn để du khách đến tham quan được tiếp cận thực tế và hiểu thêm về giá trị độc đáo và duy nhất của di sản tư liệu này.
Kế hoạch trong ngày Di sản Việt Nam, chúng tôi tiếp tục phối hợp tổ chức tọa đàm nhằm tôn vinh giá trị di sản Thơ văn cùng với các di sản tư liệu Mộc bản, Châu bản của triều Nguyễn tại Huế mà các tỉnh thành đang lưu trữ và bảo quản.

3.4. Tổ chức biên soạn, xuất bản ấn phẩm
Trung tâm đã nghiên cứu, tổ chức nhiều hoạt động nhằm đặt ra kế hoạch quản lý tốt nguồn tư liệu quý giá này, cụ thể như phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm hay Trường Đại học KHXH và NV (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo về vấn đề bảo tồn và phát huy thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.
Tổ chức dịch thuật, xuất bản sách để nội dung của thơ văn đến với công chúng. Trung tâm sẽ phối hợp trực tiếp hoặc tạo điều kiện hỗ trợ cho một số nhà nghiên cứu công bố các tác phẩm, luận văn có đề cập đến thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Phối hợp với các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, nhà nghiên cứu Hán Nôm, nhà thư pháp trong lĩnh vực bảo tồn thơ văn trên di tích thông qua việc trùng tu, bảo quản và nghiên cứu. Tập trung công tác nghiên cứu khoa học, chọn lọc và xuất bản các ấn phẩm liên quan đến di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và qua đó nhằm giáo dục các thế hệ trẻ về văn hóa truyền thống của đất nước và bảo tồn gìn giữ tài sản quý giá của ông cha để lại.
Kế hoạch trong thời gian tới toàn bộ Thơ văn sẽ được Trung tâm phối hợp với các chuyên gia Hán Nôm biên mục nội dung thông tin và biên dịch ra tiếng Việt. Tất cả được tập hợp thanh thư mục và đóng thành cuốn và có kế hoạch dich thuật để phục vụ cho bạn đọc và các nhà nghiên cứu về văn hóa Huế có thêm nguồn tài liệu để tham khảo.

3.5. Tổ chức sử dụng và giới thiệu tài liệu ở các lễ hội, các cuộc hội nghị, hội thảo liên quan đến văn hóa Nguyễn với cộng đồng
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế một cách thường xuyên và rộng rãi thông qua các hoạt động trưng bày, triển lãm các di sản Hán Nôm tại các kỳ lễ hội, đặc biệt là các kỳ festival Huế; mở các cuộc thi viết thư pháp Hán Nôm, trưng bày triển lãm, thi thơ, bình thơ tại Huế nhân các ngày lễ truyền thống và tại các hội nghị, hội thảo khoa học…;  lập trang web, thư mục giới thiệu, quảng bá di sản chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế và kết nối với các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học để đẩy mạnh việc quản bá về di sản này.

3.6. Tổ chức hội thảo, triển lãm liên kết các di sản tư liệu (Mộc bản, Châu bản, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế) liên quan đến triều Nguyễn để có cái nhìn tổng thể về nguồn tư liệu quý giá này
Kết nối chuỗi di tích – di sản tư liệu liên quan đến triều Nguyễn là hình thức quan trọng trong công tác nghiên cứu và công tác giữ gìn phát huy giá trị di tích, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương.

Tổ chức triển lãm, trưng bày các di sản tư liệu liên quan đến triều Nguyễn như Mộc bản, Châu bản, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là hình thức hoạt động công bố nhằm tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi cho quảng đại quần chúng được tiếp cận trực tiếp với khối lượng tài liệu này thông qua các phiên bản từ bản gốc, bản chính tiêu biểu mà họ chưa có điều kiện nghiên cứu tìm hiểu ở các nơi lưu giữ. Bởi thế, hình thức tổ chức hội thảo, triển lãm có tính tuyên truyền và thuyết phục cao và qua đó có sự trao đổi và tiếp cận nhiều thông tin mới mà nguồn tư liệu cung cấp. Hội thảo và triển lãm sẽ liên kết và cung cấp các tư liệu, có ý nghĩa sâu sắc và có tác dụng quảng bá rộng rãi đối với các di sản của dân tộc.
 

4. Một số giải pháp để thúc đẩy nâng cao giá trị di sản tư liệu trong thời gian tới
Nhận thức được tầm quan trọng của di sản, các nhà quản lý di sản tư liệu luôn nỗ lực trong công tác bảo tồn và nâng cao giá trị di sản của mình, đồng thời xác định di sản là báu vật quốc gia cần được bảo tồn và gìn giữ, bởi một khi di sản bị mất đi thì không thể khôi phục, nếu điều này xảy ra sẽ là một tổn thất vô cùng to lớn cho cả nhân loại.
Kế hoạch bảo tồn di sản tư liệu phù hợp không chỉ giúp chúng ta giữ gìn được giá trị di sản mà còn đưa được di sản đó đến với cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia đối với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình bảo tồn vẫn có nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi phải giải quyết nhằm gìn giữ và phát huy giá trị di sản ký ức của nhân loại. Vì vậy cần có những giải pháp kịp thời để giải quyết vấn đề này. Định hướng của Trung tâm là:
- Về công tác bảo quản
Đây là nguồn tài liệu chữ Hán, vì vậy cần phải đào tạo một đội ngũ những người giỏi chữ Hán và biết yêu quý, trân trọng giá trị di sản; bên cạnh đó cần đầu tư cho công tác bảo quản, đảm bảo an toàn cho di sản tư liệu trên những vật mang tin có tính đặc thù.
Cần nâng cấp trang thiết bị, có kế hoạch bảo vệ di sản tư liệu, đồng thời mở lớp đào tạo kỹ thuật về công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, gia cố tư liệu, vệ sinh tư liệu…
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, tìm kiếm kỹ thuật tiên tiến của thế giới, kết hợp với kỹ thuật truyền thống để áp dụng bảo tồn tuyệt đối an toàn di sản Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.
Hiện nay Trung tâm cũng đã và đang phối hợp với Viện Bảo tồn di tích (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) lựa chọn một công trình thí điểm để xây dựng phương án bảo tồn bền vững di sản thơ văn trên công trình kiến trúc.
- Về công tác phát huy giá trị di sản:
Hỗ trợ cử chuyên gia tập huấn kỹ năng trưng bày, giới thiệu tài liệu, đào tạo cán bộ làm công tác công bố tài liệu như quay phim, dựng phim chuyên đề theo từng di tích, dịch thuật, biên soạn sách, thực hiện một số nghiệp vụ khác nhằm quảng bá, công bố giới thiệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và các di sản khác.
Xây dựng trang thông tin điện tử, từng bước giới thiệu Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế bằng song ngữ Việt – Anh, nhằm thu hút các giới nghiên cứu trong và ngoài nước, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về thơ văn của công chúng một cách chủ động.
Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện tu bổ phục chế các thơ văn bị hư hỏng hoặc bị mất đi do thời gian và chiến tranh. Trung tâm có kế hoạch cử các đoàn đi học tập, nghiên cứu hoặc mời các chuyên gia về công tác bảo tồn tài liệu ở các nước tiên tiến để có thể áp dụng công nghệ hợp lý nhất cho việc tu bổ, phục chế một số thơ văn đã mất hoặc hư hỏng nặng. Tạo điều kiện cho các di sản khác phối hợp với nhau tổ chức trưng bày triển lãm, để trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo quản và phát huy giá trị tư liệu./.

Phan Thanh Hải

Nguồn: Nguồn Việt (Trung tâm UNESCO Phát Triển Văn Hóa và Thể Thao).

Tháng 11/2023, không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại” đã được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tổ chức với nhiều tư liệu quý lần đầu được công bố. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, hàng trăm ngàn tài liệu gốc quý giá có niên đại từ trên 200 năm đang được lưu giữ, bảo quản trong điều kiện tốt nhất tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và vẫn đang tiếp tục được “giải mật”...

“Lênh đênh” như Châu bản triều Nguyễn

Trải qua 143 năm tồn tại (1802 - 1945), triều Nguyễn đã lưu dấu ấn trong lịch sử về thống nhất giang sơn, xác lập chủ quyền, quan hệ bang giao, kiến thiết kinh đô, văn hóa giáo dục, đời sống xã hội, thiết chế hành chính, chế định luật pháp, khoa cử thư tịch, giữ gìn chủ quyền biển đảo… Tất cả các hoạt động này đều được phản ánh khá rõ nét và chính xác qua hệ thống Châu bản triều Nguyễn còn lưu giữ được đến ngày nay.

20210429 5

Văn bia chùa Cảnh Phúc là một trong những văn bia đặc trưng cho phong cách mỹ thuật thời Lê Trung hưng. Chính bởi lẽ đó, văn bia này đã được các cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tầm về từ những thập niên cuối của thế kỷ XX. Văn bia hiện để ngoài trời tại sân Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Qua ba chục năm bảo quản trong khuông viên ngoài trời, dưới nắng gió, bụi bặm, khói xăng chì và mưa axit của Hà Nội, bia Cảnh Phúc hiện chỉ còn là một di vật tàn khuyết. Các hình điêu khắc trang trí đã bị phong hóa nặng, các chữ viết cũng đã mài mòn, rất khó đọc. Mặt khác, bia được sưu tầm trước khi Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện công tác sưu tầm tại địa phương, nên bia cũng không hề có thác bản trong kho của Viện.

Nhận thức được tầm quan trọng của văn bia này, chúng tôi đã tiến hành đến khảo sát và nghiên cứu văn bia tại Bảo tàng Mỹ thuật, chụp ảnh, ghi chép, và in rập lại toàn bộ văn bản.

Về hình thức, bia hình hộp 4 mặt, chữ viết chân phương. Mặt thứ nhất ghi tên bia là Cảnh Phúc tự bi ký景福寺碑記. Bi ngạch được trang trí hình kỷ hà chữ vạn, giật cấp lên trên là các hình ô vuông hoa lá. Chóp bia thót dần và vun cao lên trên. Trên gần đỉnh chóp mặt này là hình khắc chim phượng với đôi giò khỏe khoắn và đôi cánh đang vỗ mạnh. Hệ thống chóp bốn cạnh của bia này trên thực tế là mái chảy thoát nước, che nắng và che mưa. Diềm bia vẫn tiếp tục các hình kỷ hà chữ vạn liên hoàn chảy dọc từ trán bia xuống tận dưới chân bia. Dưới chân bia là một ô diềm trang trí, những hiện đã quá mờ nên không rõ là trang trí hình linh thú gì. Diềm và mặt dưới của bia đã bị vỡ lớp mặt trên. Dưới diềm ô trang trí là các cánh sen ngược mềm mại chảy xuống chân bia. Chân bia có khắc ba ô trang trí các loại vật đồng quê thôn dã, nhưng hiện chỉ còn nhìn rõ, hình con cua. Mặt thứ hai, trang trí diềm bia là hình chữ vạn và hoa cúc, trán bia và chóp bia khắc rồng, ô diềm bia hình trâu, và chân bia hình một đàn thú, nội dung là tiếp bài ký của mặt một. Mặt thứ ba, trán bia khắc hình rồng uốn theo chiều ngang, chóp bia khắc hình phượng bay ngang từ phải sang trái, ô diềm là hình song lân chầu hoa lá, chân bia đã vỡ mất hết các họa tiết điêu khắc. Nội dung mặt này ghi thập phương công đức. Mặt thứ tư của bia cũng tiếp nối phong cách trang trí kiểu chữ vạn liên hoàn từ trán diềm đến chân bia. Tuy nhiên, trán bia mặt hai không có chữ, chỉ có hình đôi chim đang chầu một bông sen cắt trắc diện khá hiện đại. Chóp bia khắc hình một con rồng trong tư thế cuộn tròn hồi đầu vào giữa. Ô diềm trang trí là hình rùa và linh thú đang tranh một dải lụa. Chân bia có khắc hình voi và mãng xà. Mặt 4 ghi nội dung bài minh và phần lạc khoản.

Về niên đại, văn bia được soạn vào ngày lành tháng giêng năm Chính Hoà thứ 16 (1695) bởi Sinh đồ Nguyễn Dã Đạt người xã Đồng Nhất. Ngoài ra, trợ giúp và chứng giám còn có Quan viên hương lão trưởng thôn trên dưới xã Đồng Kính huyện Duy Tiên phủ Lị Nhân. Nguyên nhân dựng bia được ghi như sau: “Tỉ khưu tăng Đại đạo Nguyễn Tiên Chân Pháp Tính là người thôn Nham Cát, xã Châu Xuyết, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia, Thừa tuyên Thanh Hóa nước Đại Việt đã nhân Hải Tạng Linh Không Thiền sư trụ trì Cảnh Phúc bồi luyện nền nhân nghĩa mà cũng còn chưa đủ trọn, nên đến ngày tháng năm Giáp Dần mới tu tạo nền móng tiền đường đã thành nhân duyên tốt đẹp. Lại đến ngày tháng năm Ất Mão lập bia đá chất phác, khắc thành rất mỹ lệ. Đến ngày tháng năm năm Kỉ Tị, mắt thấy tiền đường đã hư hỏng, nên Tiểu tăng Nguyễn Tiên mới mua gỗ lim để trùng tu lại tiền đường năm gian. Công quả trùm trời đất, để làm sáng tỏ chùa Cảnh Phúc. Giờ Canh Thìn ngày Canh Dần ngày 16 tháng Quý Sửu năm Nhâm Thân thứ 12 (1692) thụ trụ thượng lương toàn một màu sắc gỗ lim cùng ngói sáng lợp. Nay vào ngày tháng năm Giáp Tuất, hợp cùng trời đất, lại qua ngày lành tháng Giêng năm Kỉ Hợi thì hoàn thành, cưu công hoàn hảo để lại cho người đời sau, cho nên cấu tác”.

Nguyên văn:

大越國清華承宣靖嘉府農貢縣珠綴社嵓葛村比丘僧大道阮先真法性因海藏靈空禪師住持景福寺培補仁基少有未足至甲寅年月日修造前堂基址既成因緣作好來乙卯年月日始立石碑質朴用成陶冶麗美至己巳年月日目見前堂益已頹弊茲小僧阮先始買铁林重修更作前堂五間功塞乾坤用昭景福於壬申年十二癸丑十六庚寅庚辰時豎柱上梁全色铁林並行蓋瓦茲甲戌年月日挺 [...] [...] [...] [...] 天地粵己亥年正月穀日頗有圓成鳩功完好[...] [...]後人茲構)

Trên đây là đoạn cuối của bài văn bia, có ghi một số thông tin đến niên đại, người viết và việc hưng công, tạo bi. Tuy nhiên, theo chúng tôi, giá trị của bài văn bia còn thể hiện ở nhiều mặt khác, như nội dung phản ánh tinh thần hỗn dung Nho - Phật, đạo - đời. Đoạn đầu văn bia ca ngợi hồng đồ của vua Lê chúa Trịnh, tán dương cái thể và dụng của đạo Trung Hòa, lại vừa tụng niệm đạo thiền, ví dụ như: “Nối sáng mối xưa, trải trăm đời kính ngưỡng cao sơn; đoái dạy rừng thiền, soi thiên cổ chủ trì kinh kệ”. Mặt khác bài văn bia còn có những câu văn rất hay ca ngợi vẻ đẹp của non nước, như: “Lẫy lừng kẻ chợ sáng trong; hòa hài trời Nam tục đẹp. Huyện Duy Tiên nước chầu cuồn cuộn, mé trái rồng vờn cuộn quanh co; làng Đồng Kính núi ấp trùng trùng, đầy đặn tạo ba gò hổ phục. Thực Cảnh Phúc chùa dựng nguy nga, đúng nước Nam khí thiêng ngùn ngụt.” Về mặt ngôn ngữ, bài văn bia có thể coi là một biểu hiện cho cái đẹp hoàn mỹ của văn chương cổ. Câu chữ điển nhã, điển cố uyên áo thâm trầm. Lời văn như gấm thêu hoa dệt, các cặp câu đối ngẫu cứ liên hoàn bất tận, khiến cho người đọc có cảm giác “quái chá nhân khẩu”. Tuy nhiên, vì giới hạn bài viết chúng tôi xin đề cập vấn đề này sâu hơn trong một dịp khác.

 

Phạm Văn Tuấn, Trần Trọng Dương

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2010, tr.400-404 

20210429 4

Việc nghiên cứu văn học đời Lý - Trần - Hồ trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có thể dễ dàng nhận ra điều này bởi hàng loạt các công trình được công bố đặc biệt là bộ Thơ văn Lý - Trần của nhóm Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, chứng tỏ các nhà nghiên cứu đã có một sự quan tâm sâu sắc đối với thơ văn dân tộc. Tuy nhiên các công trình chủ yếu là tuyển dịch thơ văn, hợp tuyển thơ văn Lý - Trần mà thấy thiếu vắng các công trình nghiên cứu về văn bản các bộ thi tuyển dân tộc. Điều này là một lỗ hổng lớn cần phải suy nghĩ.

越音詩集Việt âm thi tập là một bộ sách chép những bài thơ đời Trần - Hồ do Phan Phu Tiên và Chu Xa kế tục biên soạn, Lí Tử Tấn phê điểm vinh dự được đứng ở vị trí đầu tiên trong hệ thống thi tuyển của nước nhà bởi đây chính là tác phẩm đã “khai sinh ra ngành biên soạn thơ văn dân tộc”(1), là tác phẩm mở đầu cho thời kì biên soạn thi tuyển sôi động về sau với hàng loạt các bộ thi tuyển như 摘艷詩集Trích diễm thi tập, 精選諸家律詩 Tinh tuyển chư gia luật thi, 全越詩錄 Toàn Việt thi lục, 皇越詩選Hoàng Việt thi tuyển, 明都詩彙 Minh đô thi vựng, 越詩續編Việt thi tục biên.

Về mặt văn bản 越音詩集Việt âm thi tập đã được một số các nhà nghiên cứu đi trước quan tâm tìm hiểu như học giả Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm Việt Nam, hay Giáo sư Nguyễn Huệ Chi trong phần Khảo luận văn bản cho bộ sách Thơ văn Lý - Trần đều đã dành những phần nhất định của cuốn sách để giới thiệu về bộ sách này. Gần đây nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Tùng cũng đã phát hiện được một văn bản mang tên Việt âm thi tập tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, và có một bài nghiên cứu về văn bản này được in trong Thông báo Hán Nôm học 2004. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu đi trước mới chỉ dừng lại ở việc phác họa lại một cách cơ bản nhất về một văn bản Việt âm thi tập nhất định nào đó, mà chưa có sự nghiên cứu một cách tổng hợp các bản Việt âm thi tập hiện còn được biết đến. Đứng trước tình hình thực tế như vậy chúng tôi nhận thấy cần thiết phải nghiên cứu một cách tổng thể về văn bản này. Bài viết này sẽ giới thiệu một cách khái quát về các văn bản Việt âm thi tập hiện tồn tại các thư viện ở Hà Nội mà chúng tôi có cơ hội được tiếp xúc.

Hiện nay còn 4 văn bản mang tên Việt âm thi tập mà chúng tôi được tiếp xúc, trong đó có hai văn bản A.1925 và A.3038 (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) và hai văn bản R.603 và R.1629 (Thư viện Quốc gia Việt Nam).

Thứ nhất: Văn bản A.1925: Sách được in ván gỗ, giấy dó (24x16cm), tổng cộng có 68 tờ, tờ 2 trang, trang 10 dòng, dòng trên dưới 22 chữ.

Về cấu trúc văn bản:

Trang đầu tiên (theo số thứ tự của các nhà nghiên cứu đời sau mới đánh): in riêng một dòng vào chính giữa trang: “皇朝保泰十年歲在己酉仲春榖旦重刊 - Hoàng triều Bảo Thái thập niên tuế tại Kỉ Dậu trọng xuân cốc đán trùng san” (Khắc lại vào ngày lành, tháng hai, năm Kỉ Dậu niên hiệu Bảo Thái thứ 10 (1729) đời Lê).

Trang thứ hai: in to bốn chữ 越音詩集Việt âm thi tập ở chính giữa trang.

Trang thứ 3: Ở chính giữa của trang, 6 chữ được in to: 新刊越音詩集Tân san Việt âm thi tập. Phía trên sáu chữ ấy là bốn chữ được in ngang 敕賜刊行Sắc tứ san hành (Đã được nhà vua cho phép khắc in). Phía dưới của bốn chữ được in ngang ấy ghi tên người phê điểm 拙庵批點Chuyết Am phê điểm (Chuyết Am là tên hiệu của Lí Tử Tấn)

Trang thứ tư: có dòng chữ 皇朝保泰十年歲在己酉仲春榖旦重刻Hoàng triều Bảo Thái thập niên tuế tại Kỉ Dậu trọng xuân cốc đán trùng khắc ở phía bên trái của trang giấy.

Từ trang 5-7: Là bài tựa 新刊越音詩集序Tân san Việt âm thi tập tự do Phan Phu Tiên biên soạn vào năm Quý Sửu 1433 niên hiệu Thuận Thiên (Lê Thái Tổ). Có thể dễ dàng nhận thấy trong bài tựa này có bốn dòng bị bỏ trống, “có lẽ đó là những chữ bị rách nát trong di cảo, hoặc bị mòn mờ trong bản in lần thứ nhất mà về sau không khôi phục được”(2), cũng “có lẽ vì giấy bị rách mà thiếu mấy đoạn, người in cũng tôn trọng để cách ra từng dòng”(3).

Từ trang 9-12: Là bài tựa 新選越音詩集序Tân tuyển Việt âm thi tập tự do Lí Tử Tấn biên soạn được viết vào năm Diên Ninh thứ sáu (1459). Phía cuối bài tựa có ghi ngày tháng và tên người viết, ngoài ra chúng tôi còn thấy xuất hiện hai con dấu, một con dấu hình chữ nhật ghi là: 敉陵阮子Mi Lăng Nguyễn Tử được viết bằng chữ Lệ. Còn một con dấu hình tròn, tuy nhiên chúng tôi chưa minh giải được.

Từ trang 13-18: là mục lục của sách.

Từ trang 19-24: là bài biểu dâng sách Việt âm thi tập, “bài này không ghi ngày tháng năm, nhưng có lẽ viết cùng năm với bài tựa của Lí Tử Tấn, tức là năm Diên Ninh thứ 6 (1459)”(4). Phía cuối bài biểu dâng sách này có một lệnh chỉ của vua ra lệnh cho khắc in sách Việt âm thi tập.

Từ trang 25-136: là phần chính văn chép từ quyển I đến quyển III. Trong đó Quyển I từ trang 25-51. Quyển II từ trang 53-88. Quyển III từ trang 89-132, và phần Bổ di của quyển III từ trang 133-138.

“Nếu xét cách in của bản trùng san, sẽ thấy người in lại đã cố trung thành với bản in của thế kỷ XV. Sách không có một bài tựa nào mới mà chỉ có một đoạn tiểu dẫn đề năm Kỷ Dậu, Bảo Thái thứ 10 (1729), hơn nữa, không có tên người nào để ở dưới. Chứng tỏ người viết tiểu dẫn tự xét mình chỉ đơn thuần đóng vai trò "in lại" chứ không bổ sung thêm thắt được gì hơn. Trật tự sắp xếp trong sách cũng cho ta ấn tượng bản trùng san không phá hoại kết cấu vốn có. Thậm chí ở bài Tựa đầu sách của Phan Phu Tiên, có lẽ vì giấy bị rách mà thiếu mấy đoạn, người in cũng tôn trọng để cách ra từng dòng. Từ đó, có thể nói, mục lục 617 bài của bản trùng san không khác với mục lục bản in lần đầu”(5).

Thứ hai: Văn bản A.3038: là bản sách chép tay, trên chất liệu giấy dó, khổ 26x15cm, sách dày 148 trang, trang 9 dòng, dòng từ 18-21 chữ. Chữ viết khá thảo.

Về nội dung và quy cách trình bày khá giống với văn bản A.1925. Sách cũng có hai bài tựa một của Phan Phu Tiên, một của Lí Tử Tấn và một bài biểu dâng sách của Chu Xa. Sách cũng có mục lục gồm 6 quyển, tuy nhiên trong phần nội dung cũng chỉ có 3 quyển và một phần bổ di của quyển 3.

Về cấu trúc văn bản: Văn bản A.3038 không có bốn trang đầu tiên giống như trong A.1925 đó là trang có khắc niên đại trùng san, cũng như trang khắc to bốn chữ Việt âm thi tập.

Trang thứ nhất chỉ thấy ghi kí hiệu A.3038 vào giữa trang sách.

Trang thứ 2 của văn bản này có chép dòng chữ: 嗣德三十四年季冬月書Tự Đức tam thập tứ niên quý đông nguyệt thư (Bản sách này [chép vào] tháng 11 năm Tự Đức thứ 34 (1881).

Từ trang thứ 3 đến trang 148 cấu trúc cơ bản giống với bản A.1925.

Thứ ba: Văn bản R.603: đây là bản chụp lại từ bản A.1925 bằng máy pilorit trên chất liệu giấy thường, khổ rộng 30x16cm. Vì là bản chụp từ bản A.1925 vì vậy về cấu trúc, chữ viết, nội dung không có sự sai biệt so với bản A.1925. Duy chỉ có điều có một vài trang chữ khá mờ, có lẽ là do bản chụp lại và do quá trình bảo quản lâu ngày nên có khá nhiều trang, nhiều chữ bị mờ.

Thứ tư: Văn bản R.1629: đây là bản sách chép tay, trên giấy dó cũ đã ngả màu, hai trang gộp làm một, chữ viết khải thảo. Sách gồm 49 tờ, tờ hai trang, trang 9 dòng (có trang 8 dòng), dòng trung bình từ 19-21 chữ. Vẫn có hiện tượng chép sai, chép xót tuy nhiên không nhiều.

Tình trạng sách: Trang bìa màu nâu, sau đó đến trang bìa lót màu đen đã bị mối mọt ăn mất phần mép. Trang thứ hai ở phía trên trong phần nội dung có bị rách, nhưng chỗ bị rách không có chữ. Nói chung tình trạng sách còn tốt.

Về kết cấu văn bản: Bản này không chép hai bài tựa của Phan Phu Tiên và Lí Tử Tấn mà chỉ có bài biểu dâng sách của Chu Xa. Cũng không có mục lục. Văn bản này không chia quyển. Các bài thơ được chép liền mạch. Về cơ bản tên bài thơ được chép đài lên một chữ, hoặc cách ra một hai chữ ở trong mỗi dòng của trang sách. Thử đối chiếu với mục lục trong bản A.1925 có thể thấy, về cấu trúc các bài thơ, về nội dung các bài thơ khá thống nhất. Tuy nhiên trong văn bản này không có phần Bổ di của quyển III. Và điều đặc biệt là văn bản này có chép thêm một số thơ của Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Nguyễn Mộng Tuân, Nguyễn Tử Tấn, tức là chép thêm một phần của quyển IV đã bị mất.

Với bốn văn bản Việt âm thi tập hiện còn, trong đó có một bản in (A.1925), hai bản chép tay (R.1629 và A.3038), và một bản chụp lại từ bản in (R.603). Như vậy có thể gộp bản R.603 và A.1925 vào một nhóm vì bản chụp lại R.603 so với bản A.1925 không có gì khác biệt, do đó thực chất chỉ có ba văn bản mà thôi. Với ba văn bản Việt âm thi tập này cần thiết có một sự nghiên cứu tỉ mỉ, kĩ lưỡng về mặt văn bản học, trên cơ sở đó có những kết luận khách quan nhất. Về vấn đề văn bản học của văn bản Việt âm thi tập, chúng tôi sẽ để sang chuyên luận sau.

Nguyễn Mạnh Sơn

Thông báo Hán Nôm hoc, 2010, tr.312-317.

 

Chú thích:

(1) Thơ văn Lý - Trần, tập 1, Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1977, tr.67.

(2) (4) Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm - Nguồn tư liệu văn học sử học Việt Nam, Tập 2, Nxb. KHXH, H. 1989, tr.27.

(3) (5) Thơ văn Lý - Trần, tập 1, Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1977, tr.65./.

Sáng ngày 26 tháng 10 năm 2023, tại Hội trường 606, số 1B, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Thông tin Khoa học xã hội (ISSI) thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (Viện Hàn lâm-VASS) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Cơ sở dữ liệu Kho Trung Quốc cổ: Tiềm năng khai thác giá trị khoa học”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm giới thiệu thực trạng Kho Trung Quốc cổ, đánh giá giá trị tư liệu và tiềm năng nghiên cứu với hy vọng mở ra cơ hội hợp tác quốc tế nhằm quảng bá, phát huy giá trị kho tài liệu quý hiếm, để có thể chia sẻ và lan toả tri thức, di sản mà thế hệ đi trước để lại.

Cách Chùa Cầu Hội An về phía Bắc chừng hơn 100m, trên trục đường Phan Châu Trinh, dưới một gốc đa cổ thụ, tán lá sum sê, xanh nghít có một tấm bia bùa. Gọi là bia bùa vì nó là một tấm bia đá, trên có khắc một đạo bùa hay gọi là một đạo thần phù. Tấm bia bùa là phát hiện của các nhà nghiên cứu Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp. Tấm bia và công trình Chùa Cầu Hội An có những mối quan hệ nào không?

Chùa Cầu – lịch sử và truyền thuyết

Khi nhắc đến Chùa Cầu thì dường như người Hội An nào cũng nhớ đến một tương truyền về mối bang giao hữu hảo lâu đời giữa xứ sở Phù Tang xa xôi với xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn từ thế kỷ 16; nhớ đến mối lương duyên của chàng thương nhân Nhật Bản Araki (Hoàng Mộc Tông Thái Lang ở Nagasaki) và công nương Ngọc Hoa, con gái nuôi của chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635); và nhớ đến truyền thuyết về một con thuỷ quái (Linh Cù) rất to lớn, nằm sâu trong lòng đất; đầu ở Ấn Độ, lưng ở Việt Nam, đuôi ở Nhật Bản, mỗi khi con linh Cù khó ở, cựa mình, quẫy đuôi thì Nhật Bản bị động đất, sóng thần…

Những câu chuyện ấy đã thêu dệt nên truyền thuyết về sự ra đời của Chùa Cầu Hội An – (người ta cho rằng) Chùa Cầu Hội An là nơi thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ, trông như một thanh gươm của ngài Bắc Đế Trấn Vũ cắm sâu vào lưng con thủy quái để trấn yểm không cho nó cựa quậy mà gây họa cho nhân gian. Nếu chỉ nhìn phần nổi lên trên mặt nước của Chùa Cầu từ xa, ta có thể thấy Chùa Cầu như phần chuôi của một thanh gươm đang cắm sâu vào lòng đất. Nhưng khi đọc những bi ký trùng tu, liễn đối hoành phi và xà cò của Chùa Cầu ta không hề tìm thấy dấu hiệu nào nói về sự trấn yểm này.

Chùa Cầu và tấm bia bùa ở Hội An - 6

Chùa Cầu Hội An còn có tên gọi khác là cầu Nhật Bản, nhưng nó có phải là kiến trúc của người Nhật không thì chưa rõ. Chỉ biết trong tấm bia đá “Trùng tu Lai Viễn Kiều” ghi lại công việc sửa chữa vào năm Đinh Sửu (1817) đời Gia Long như sau: “Minh Hương Hội An phố giới ư Cẩm Phô hữu (một số chữ bị mất) khê hữu kiều cổ dã tương truyền Nhật Bản nhân sở tác, kinh phụng” (Địa giới phố Minh Hương Hội An ở Cẩm Phô có (một số chữ bị mất) khe, có cầu, ngày xưa cũng tương truyền rằng người ở nước Nhật Bản đã phụng cúng kinh tài để dựng nên – Huỳnh Dõng dịch).

Chùa Cầu là một công trình kiến trúc cổ trên chùa dưới cầu. Chùa Cầu được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 17 trong 3 năm từ năm Thân đến năm Tuất (người ta nói như thế là vì ở hai mố cầu Đông – Tây có đặt hai cặp linh thú bằng gỗ Khỉ – Chó), Chùa Cầu còn có tên Lai Viễn Kiều, do chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) đặt từ năm 1719. Theo niên đại ghi ở xà cò và văn bia, thì Chùa Cầu đã được trùng tu vào các năm 1817, 1865, 1915, 1986, vì thế, mà dần mất đi các yếu tố kiến trúc Nhật Bản, và đậm phong cách Việt, Hoa hơn.

Chùa Cầu Hội An là một công trình kiến trúc cổ rất độc đáo. Gọi là chùa nhưng không thờ Phật mà thờ thần. Điều này khá phổ biến ở Hội An. Ngoài các chùa thờ Phật có lâu đời của thiền phái Phật giáo Lâm Tế, thì hầu hết các hội quán của người Hoa, nơi thờ các vị thần đều được gọi là chùa như chùa Phúc Kiến (Kim Sơn tự), chùa Hải Nam, chùa Ông…

Chùa Cầu và tấm bia bùa ở Hội An - 1

Thác bản của tấm bia bùa

Tấm bia bùa và Chùa Cầu Hội An là 2 di tích nằm cách xa nhau, không cùng nằm trong một quần thể. Giữa 2 di tích này có mối quan hệ nào không? Và Chùa Cầu có trước bia bùa hay cùng niên đại? Và mỗi di tích ấy có ý nghĩa gì? Và có mối quan hệ gì đến cấu trúc tâm lý và văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của cư dân bản địa và ngoại kiều cư trú tại thương cảng cổ Hội An trong thời đại này? Trả lời và nhận thức được những vấn đề trên quả thật là một điều lý thú.

Bia bùa – mô tả và phân tích

Bia là một tấm đá có kích thước khoảng 0,5m x 1,0m. Không ghi niên hiệu.

Bên trái bia là hình vẽ của chòm sao Bắc Đẩu, một chòm sao sáng nhất trong chòm Đại Hùng (phương Bắc) ngư dân gọi là sao Bánh Lái, nông dân gọi là sao Cái Gàu (hình giống gàu sòng) chòm có 7 ngôi sao:

  1. Thiên Xu (Tham Lang)
  2. Thiên Tuyền (Cự Môn)
  3. Thiên Cơ (Lộc Tồn)
  4. Thiên Quyền (Văn Khúc)
  5. Ngọc Hoành/ Thiên Hành (Liêm Trinh)
  6. Khai Dương (Vũ Khúc)
  7. Dao Quang (Phá Quân)

Giữa bia có hàng chữ Hán lớn: Bắc Đế sắc lệnh lập cực ngự phong yểm thuỷ đạo (Bắc Đế sắc lệnh lập điểm này để chống gió bão và chặn dòng nước dữ).

Bên phải bia là câu thần chú của đạo Phật Mật tông, dịch ra Hán ngữ: ÁN MA NI BÁT MÊ HỒNG – Tiếng gầm thét làm kinh hồn yêu quái (Câu thần chú này rất phổ biến).

Dưới cùng, tấm bia có 3 chữ Hán “Thái Nhạc Sơn” (hay còn gọi là Thái Nhạc, Thái Sơn, Chung Nam Sơn là hòn núi lớn nhất trong Ngũ nhạc của Trung Hoa (năm ngọn núi), là tổ địa của Toàn Chân giáo, Võ Đương phái, một phái võ truyền thừa của Đạo giáo Trung Hoa). Học thuyết của Đạo gia là “hành vô vi”, quan niệm về vũ trụ là theo thuyết Thái cực, Ngũ hành (tương sinh, tương khắc, tương thừa, tương vũ), tu luyện thuận theo lẽ tự nhiên, các đạo sĩ thường quan tâm đến luyện linh đơn để giúp con người trường sinh, luyện bùa chú để hàng trừ tà ma, yêu quái.

Nền văn hóa tâm linh như bốc quẻ, coi ngày, chiêm tinh, bói toán, tính ngày tháng tuổi tác, xung khắc âm dương, ngũ hành của Việt Nam phần lớn ảnh hưởng từ nền văn hóa Đạo giáo này. Hiện nay ở Hội An, nền văn hóa này chỉ tồn tại qua các hoạt động tâm linh như: xin xăm, xin bùa, coi ngày cưới gả, xây nhà, xây mộ, tục đốt vàng mả, cúng ông Táo, dựng cây nêu,… chứ không tồn tại đầy đủ một nền văn hóa tín ngưỡng như Phật giáo hay Khổng giáo.


20210322 7

Tấm bia bùa rất nhỏ nằm khuất kín dưới một gốc cây đa cổ thụ, được các nhà nghiên cứu Viện Viễn Đông Bác Cổ thu rập lưu trữ thác bản, chưa lý giải gì về mối quan hệ giữa tấm bia bùa với Chùa Cầu Hội An. Nội dung và hình vẽ bùa chú trên tấm bia nói lên điều gì về mối quan hệ giữa nó với Chùa Cầu Hội An, về quan niệm tâm linh và văn hóa tín ngưỡng của những cư dân Việt bản xứ và các ngoại kiều Hoa, Nhật ở Hội An xưa. Nói như nhà Tâm lý học trí khôn Piaget (Thụy Sĩ): “Chiếc bình cổ chứa đựng một nền văn minh”, qua tấm bia bùa này và Chùa Cầu Hội An, ta sẽ nhận thức được gì về nền văn hóa tâm linh của người Hội An xưa.

Theo tương truyền, mùa lũ lụt, phía Bắc Hội An có nhiều dòng nước xoáy theo con lạch nhỏ cứ đổ ra sông Thu Bồn, làm sụt lở đôi bờ của 2 phố Hoa và Nhật, giống như có con thuỷ quái (Linh Cù) hay giao long quậy phá làm ảnh hưởng đến sự giao thương qua lại giữa 2 bờ, nên phải xây dựng chiếc cầu bắc qua, đắp đê be bờ và làm thêm biện pháp tâm linh là trấn yểm thuỷ quái.

Tấm bia và nội dung của nó bao gồm những hình vẽ phù chú, bí ẩn; sắc lệnh của Bắc Đế và một câu thần chú của Phật giáo Mật tông dùng sức mạnh của hành thổ để khắc chế hành thuỷ, còn vẽ các đạo thần phù (bùa) trấn yểm yêu quái của đạo Lão. Trên những tấm đạo phù có viết các chữ nói về ngũ hành như mộc, hỏa, thổ (mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ khắc thuỷ, các chữ nhật, nguyệt, tinh để chỉ về các hiện tượng mưa gió…).

Chùa Cầu và tấm bia bùa ở Hội An - 5

Một hiện tượng văn hóa cần được nghiên cứu

Như chúng ta biết, một hiện tượng văn hóa thường hay được gắn liền với một truyền thuyết hay một tương truyền lịch sử nào đó về xuất xứ của nó. Đó cũng là phương thức định danh cho các hiện tượng văn hóa. Khi người ta chưa biết rõ nguồn gốc xuất xứ của một hiện tượng văn hóa, một di tích lịch sử, một phong tục tập quán,… thì một truyền thuyết, một tương truyền, một câu chuyện cổ tích ra đời để lý giải về điều đó.

Truyền thuyết về Chùa Cầu Hội An và thanh gươm yểm trừ thủy quái Linh Cù của Bắc Đế Trấn Vũ không nằm ngoại lệ. Bằng phương pháp khoa học nào mà con người biết được Linh Cù to lớn nằm vắt qua 3 quốc gia Ấn, Việt, Nhật? Hay đó là cách giải thích cho lý do xây dựng một chiếc cầu bắc qua con kênh lộ giới giữa phố Minh Hương, Hội An – Cẩm Phô và dựng một tấm bia bùa trên một gò đất đầu dòng khe nhỏ nơi cửa ngõ đổ nước của những cái hồ rộng lớn phía Tây Bắc của Chùa Cầu, cũng là nơi mà tập trung nhiều nhất những thương khách người Chà Và (Ấn Độ), Nhật Bản, Khách trú (Trung Hoa) đang làm ăn buôn bán giao thương với cộng đồng người Việt bản xứ.

Chùa Cầu và tấm bia bùa ở Hội An - 3Lai Viễn Kiều

Phía Tây Bắc của phố cổ Hội An là một vùng trũng, có nhiều hồ, đầm, nước từ những nơi cao đổ về các vùng trũng này rồi chảy theo dòng khe ra sông Hội An. Chính vì thế, việc lưu thông, giao thương giữa Minh Hương và Cẩm Phô bị chia cắt bởi dòng khe này. Các thương dịch từ bến Cẩm Phô, Điện Bàn, Duy Xuyên, Trà My, Phước Sơn… đến phố cảng Hội An gặp nhiều trở ngại. Cho nên nó chính là nguyên do để xây dựng Chùa Cầu Hội An, Lai Viễn Kiều (Cầu đi lại, dành cho khách viễn lai, qua lại giao thương, mậu dịch). Đó mới là mục đích chính để xây dựng Chùa Cầu.

Từ ban sơ, Chùa Cầu được xây dựng không nhằm mục đích trừ yểm thủy quái Linh Cù. Bia bùa trên gò bờ Tây Bắc dòng khe và tẩm thờ Bắc Đế Trấn Vũ là 2 công trình xây dựng sau khi Chùa Cầu đã hoàn thành. Điều này cũng lý giải, người xưa đã bắt đầu xây dựng Chùa Cầu từ hướng Tây, phía bờ Cẩm Phô trước vì đó là nơi tập kết, vận chuyển vật liệu đá gỗ thuận tiện hơn. Cầu bắt đầu xây từ đầu năm Thân (khỉ) đến cuối năm Tuất (chó) mới hoàn thành. Nhìn hướng đặt 2 cặp linh vật khỉ – chó trên 2 đầu cầu, ta cũng dễ dàng lý giải được điều đó.

Tấm bia bùa phải chăng là kịch bản tâm linh để giải quyết câu chuyện truyền thuyết về con thủy quái Linh Cù, trấn an tâm lý, cũng là một biện pháp giải thích lý do của việc trấn yểm với nhân dân và quan lại ở địa phương (người xưa rất sợ phong thủy và trấn yểm). Nó hoàn toàn phù hợp với truyền thuyết về Bắc Đế Trấn Vũ.

Bắc Đế Trấn Vũ còn gọi là Bắc Đế Tinh Quân, huý danh là Chấp Minh là vị thần cai quản chòm sao Bắc cực, thống trị phương Bắc, Ngài là vị thần của Đạo giáo, kiêm quản lý các loài thuỷ tộc, theo hầu ngài là 2 tướng quy, xà (rùa, rắn) và Ngũ long thần tướng, tượng trưng cho sự trường tồn và sức mạnh siêu nhiên.

Nó cũng phù hợp trong cách lý giải của chúng ta về một Hội An, một thương cảng quốc tế sầm uất từ thế kỷ 16, nơi hội tụ và giao lưu, tiếp nhận nhiều nền văn hóa trên thế giới, nhất là nói về vấn đề Tam giáo đồng nguyên Phật, Lão, Nho đồng nhất trong quan niệm tín ngưỡng của người Việt xưa.

Qua những vấn đề đã trình bày ở trên, chúng ta đã có thể nhận thức được một đời sống rất phong phú của người Hội An. Không chỉ là một giai đoạn văn minh trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, mà phong phú cả trong đời sống văn hóa, tâm linh.

Truyền thuyết về Chùa Cầu và tấm bia bùa, dân gian gọi là “Ông Bùa”, ta có thể thấy cư dân Hội An từ rất lâu đời đã có niềm tin rất lớn vào phong thuỷ, về tâm linh, thậm chí ngay cả cách đặt tên cho một vùng đất, gởi tâm niệm cầu nguyện cho một đời sống bình yên như cái tên Hội An rất thân thương.

Chùa Cầu và tấm bia bùa ở Hội An - 4Tẩm thờ Bắc Đế Trấn Vũ

Tẩm thờ Bắc Đế Trấn Vũ ở Chùa Cầu, tấm bia bùa cùng với truyền thuyết về nó là những dấu vết của văn hóa tâm linh này còn lưu lại ở Hội An, một thành phố cổ đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, đáng được trân quý và bảo tồn bền vững. Các cấp quản lý cũng nên quan tâm đến một không gian trân trọng dành riêng cho tấm bia bùa, đừng để lu lấp như hiện nay và cũng nên có nhiều nghiên cứu kết nối hai địa chỉ văn hóa trên trong tổng thể của công tác bảo tồn di sản văn hóa của Hội An.

Huỳnh Dũng

Nguồn: Doanh Nhân Plus, ngày 03.3.2021.

Nhiều sinh viên tỏ ra thích thú khi lần đầu tiên được học, hoá thân thành "bác sĩ" phục chế sách cổ và tự tay sửa từng chi tiết bị hư hỏng trên trang giấy của sách Hán Nôm cổ.

Không giống như những lớp học thông thường khác ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM, các sinh viên chuyên ngành Hán Nôm của Khoa Văn học được trải nghiệm phục chế những trang sách cổ ngay tại trường. 

Lớp học hơn 15 sinh viên. Ở đây, ngoài việc học lý thuyết, sinh viên còn được thực hành, hóa thân thành "bác sĩ" và tận tay phục chế những trang sách cổ hư hỏng. 

20230525

Sự nghiệp của anh hùng Lê Lợi với công dựng nước của minh quân Lê Thái Tổ được bậc kỳ tài Nguyễn Trãi, công thần số một triều Lê gom trọn trong 750 chữ trên bia đá. Thật là Rùa thần cõng Bia thánh.

Vua Lê Thái Tổ cho xây dựng Lam Kinh

Sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1428) đánh đuổi giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long). Vua Thái Tổ niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất, cho xây dựng kinh thành Lam Kinh (Tây Kinh) ở đất tổ Lam Sơn. Rộng khoảng 30 ha, gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên.

Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây Bắc, địa bàn thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa. 

Tác giả trước bia Vĩnh Lăng - Rùa thần cõng Bia thánh.


Cứ đến ngày 21, 22 tháng 8 âm lịch, nhân dân khắp nơi về Lam Kinh dự lễ tưởng niệm công đức anh hùng Lê Lợi. Dân gian có câu: “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”.

Vĩnh Lăng, lăng vua Lê Thái Tổ

Thành điện Lam Kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu, mặt Nam nhìn ra sông - núi Chúa làm tiền cảnh, bên tả rừng Phú Lâm, bên hữu núi Hương và núi Hàm Rồng phía Tây. Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu xây dựng theo trục Nam - Bắc trên khoảng đồi gò hình chữ Vương. Bốn mặt thành dài 314m, ngang 254m.
Vĩnh Lăng đơn giản nhưng tôn nghiêm, tự nhiên và trang nhã. Được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng ở phía Nam chân núi Dầu gần sát điện Lam Kinh, thế đất rất đẹp. Lăng đắp đất hình lập phương, xung quanh xây chèn bằng đá đục ở bên ngoài. Trước lăng có hai hàng tượng quan hầu và các con giống tạc bằng đá. 

Bia Vĩnh Lăng (Vĩnh Lăng Bi)

Rùa thần cõng Bia thánh. Bia dựng vào đầu thế kỷ XV (Thuận Thiên năm thứ 6). Bia và rùa được làm bằng đá trầm tích, màu xám xanh có lẫn đốm trắng, bóng, trên bề mặt rùa và bia còn nhìn thấy nhiều vỏ của các loài nhuyễn thể. Thật đặc biệt, sao mà đẹp quá. Tôi biết các văn bia khác đều bằng đá Thanh. 

Lăng vua Lê Thái Tổ, đơn giản nhưng tôn nghiêm, tự nhiên và trang nhã. Ảnh: 2020


Rùa dài gần 4m, rộng độ 2m, trong tư thế đang bơi, đầu vươn cao, lưng nhô, lộ rõ 4 chân và 6 móng. Đuôi to vắt ngược lên lưng. Rùa đang cõng Bia. Bia hình chữ nhật, rộng chừng 2m, cao khoảng 3m. Mặt trước bia khắc khoảng 750 chữ Hán, nội dung văn bia viết chữ Chân, do Nguyễn Trãi soạn. Cô hướng dẫn thao thao giải thích từng chi tiết tôi không lưu tâm lắm, vì lòng lâng lâng với di vật thiêng liêng từ anh hùng áo vải đất Lam Sơn và công thần số một Nguyễn Trãi.

Trăm năm bia đá. Người hướng dẫn chỉ những dòng chữ Hán khắc ở mặt trước bia và nói trịnh trọng là Nguyễn Trãi soạn bia này. Người tôi run lên. Ôi cảm động vô vàn. Trước mắt tôi văn bia 750 chữ Hán do Đại phu nhập nội hành khiển Tam trị quân sư Nguyễn Trãi soạn. Các ngón tay tôi kính cẩn sờ lên các hàng chữ, lòng tôi dâng trào cảm xúc. Bậc danh thần công lao đệ nhất của người anh hùng áo vải Lê Lợi còn để dấu tích này sau họa sát thân nghiệt ngã oan uổng vì tội giết vua Lê Thái Tông. Các hàng chữ sao mà thiêng liêng.

Kỳ tuyệt văn bia. Nội dung văn bia do Nguyễn Trãi soạn ngắn gọn, cô đọng phản ánh đầy đủ thân thế, sự nghiệp công lao của vua Lê Thái Tổ. Hãy xem đoạn cuối văn bia: 

“Những giặc bị bắt và những quân đầu hàng có đến 10 vạn người đều tha cho về cả, đường thủy thì cấp cho 500 thuyền, đường bộ thì cấp cho lương ăn và ngựa. Răn cấm quân sĩ (của ta) không được xâm phạm mảy may (đến quân giặc). Hai nước từ đây giao hảo, Bắc Nam vô sự. Mường Lễ và Ai Lao dẫn vào bản đồ, Chiêm Thành và Chân Lạp vượt biển đến cống.

Vua thức khuya dậy sớm 6 năm mà nước thịnh trị, đến nay băng.

Thuận Thiên năm thứ 6, Quí Sửu, tháng 10, ngày tốt.

Vinh Lộc Đại phu Nhập nội hành khiển tri tam quán sự, thần Nguyễn Trãi vâng soạn”. 

(Trích Văn bia Vĩnh Lăng, Nguyễn Trãi toàn tập, NXB. Khoa Học Xã Hội)

20210306 3

Mặt trước Bia Vĩnh Lăng khắc khoảng 750 chữ Hán, nội dung văn bia viết chữ Chân, do Nguyễn Trãi soạn.


Tuổi học trò đầy ắp Nguyễn Trãi trong tôi. Còn nhớ thầy cho học một đoạn Gia huấn ca. Có thầy say sưa cho các trò nhỏ nghe Bình Ngô Đại Cáo (bản dịch Bùi Kỷ), thầy khác bắt tôi đọc lớn Văn bia này (bản dịch của Trần Trọng Kim) để cả lớp thấy cách gói gọn tài tình trong 750 chữ sự nghiệp lừng lẫy của Lê Thái Tổ. Lớn lên có lúc lại thưởng thức được bài Côn Sơn ca: “Côn Sơn có suối nước trong. Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm...”.

Tri ân đấng minh quân Lê Thánh Tông đã giải oan và xóa tội công thần Nguyễn Trãi.

Tri ân đấng Minh quân

Lê Thánh Tông (1442-1497), hoàng đế thứ năm của nhà Lê Sơ, trị vì 38 năm từ 1460. Ngày 30 tháng giêng Đinh Tỵ (1497) vua băng hà, được rước về Lam Kinh, an táng tại Chiêu Lăng. 

Bia Chiêu Lăng được tạc dựng năm Mậu Ngọ (1498), đời vua Lê Hiến Tông rất gần lăng mộ, đi bộ là tới. 

Rùa lớn đầu ngẩng cao, lưng cõng bia hình chữ nhật. Bia rùa nặng khoảng 13 tấn, bằng đá xanh nguyên khối. Bia khắc chữ Hán cả hai mặt. Mặt trước có 58 dòng với hơn 3.000 chữ do Đông Các đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn, tri ân vị hoàng đế lỗi lạc. Đặc biệt mặt sau bia có bài thơ của vua Lê Hiến Tông và 35 bài thơ của các văn thần, ca ngợi công đức của vua.

Lê Thái Tổ có công lập vương triều dài nhất lịch sử. Lê Thánh Tông cháu nội của người đưa đất nước cực thịnh, giai đoạn hoàng kim rực rỡ. 

Rùa cõng bia. Thăm Văn miếu Quốc Tử Giám tôi dừng lâu nhất ở vườn bia tiến sĩ đủ 82 tấm bia. Các bia được dựng trong thời gian gần ba trăm năm đều bằng một loại đá Thanh (núi An Thạch, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Đá Thanh là đá vôi mịn, sắc óng ánh như ngọc lam, chất biếc xanh như khói nhạt. Vua Lê Thánh Tông cho ghi tên các tiến sĩ lên bia đá. Rùa là một trong tứ linh được chọn cõng bia.

Rùa thần cõng Bia thánh, thật là nhẹ nhàng phiêu phất. Thật thú vị, có dịp viếng Bảo tàng Rừng bia đá ở thành Tây An (Trường An xưa của Trung Quốc), tôi thấy các sách Tứ thư Ngũ kinh được khắc trên các tấm bia thật lớn được các con rùa lớn cõng. Bia và rùa đều bằng đá hoa cương. Bia khắc Hiếu Kinh do vua Đường Minh Hoàng viết theo kiểu chữ Vương Hi Chi đời Tùy, rồi cho nghệ nhân khắc chữ vào đá. 

Rùa chở bia đá kinh sách đạo Nho tại Bảo tàng Rừng bia đá Tây An, Trung Quốc. Ảnh: 2009

Tôi thích xem cặn kẽ tên của các tiến sĩ, vui nhất là tìm ra các vị đã trở thành danh nhân trong suốt chiều dài lịch sử. Bia niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) ghi Ngô Sĩ Liên đỗ phụ bảng. Còn đi học tôi đã biết Ngô Sĩ Liên là đại sử gia. Bia ký niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478) thì thấy Triều liệt đại phu kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp kiêm Sử quan Tu soạn Tu thiện doãn Ngô Sĩ Liên. Lê Quý Đôn đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cấp đệ niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 thì soạn bài ký cho ba bia tiến sĩ niên hiệu Cảnh Hưng thứ 15, 24 và 30. Bao nhiêu điều tâm đắc không nói hết được.

Tôi đã đến thành phố Florence, ngất ngây trước tượng David khổng lồ trắng muốt được Michelangelo đẽo gọt từ tảng đá hoa cương khổng lồ mang từ mỏ đá Carraca miền Bắc nước Ý. Michelangelo thành nghệ sĩ điêu khắc số một của nhân loại. Nay đứng ngắm gác Khuê Văn lung linh soi bóng nước giếng Thiên Quang, tôi bồi hồi, nghẹn ngào và đầy tự hào.

Quần thể bia tiến sĩ này là công trình nghệ thuật văn học đạo học thật tuyệt vời. Tám mươi hai bia là tổng hợp nghệ thuật điêu khắc qua nhiều thời kỳ. Đá Thanh là đá vôi mịn, sắc óng ánh như ngọc lam, chất biếc xanh như khói nhạt. Thợ khắc bia nổi tiếng là thợ đá xã Kính Chủ, thợ khắc chữ ở hai làng Hồng Lạc, Liễu Chàng, gốc tỉnh Hải Dương. Phải chọn người viết chữ đẹp nhất.

Tôi đã sờ vào đá hoa cương và chữ khắc ở rừng bia đá Tây An, tôi càng thích lần theo các nét khắc rồng khắc chữ, sờ đi sờ lại các bia tiến sĩ và rùa trong Quốc Tử Giám. Một tấm bia cũng là công trình của bao nghệ sĩ, chứa nội dung văn học, đạo lý vô cùng quý báu. Văn miếu Quốc Tử Giám lại có cả một vườn bia.

Rùa thần cõng bia Thánh tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: 2009

Sông Chu núi Mục 

Trên đường về chúng tôi dừng nhanh trên cầu Mục Sơn bắc qua sông Chu, một nhánh của sông Mã. Cảnh trí thật hữu tình. Đã ghi lại có nhiều truyền thuyết.

Long thần ban gươm Thuận Thiên. Nhìn sang phía hữu ngạn sông Chu là núi Mục, hình dáng giống như một con cóc khổng lồ. Mục Sơn là quê của Lê Thận, em kết nghĩa của Lê Lợi, có lần thả lưới trên sông bắt được thanh gươm có đề hai chữ “Thuận Thiên”, ứng với điềm trời trao phó sứ mệnh phất cờ khởi nghĩa cho Lê Lợi. 

Chuyện về Lê Lai. Dưới chân núi Mục còn có bia Lê Lai dựng năm 1850, ghi lại việc Lê Lai liều mình cứu Lê Lợi trong trận Chí Linh, lãnh tụ thứ hai của nghĩa quân, một trong số mười tám người ở Hội thề Lũng Nhai, đổi áo bào, liều mình cứu chúa.

Truyền thuyết 

Trả lại gươm vàng. Lê Thái Tổ cùng quần thần bơi thuyền ra Hồ Tả Vọng, thấy rùa nổi lên mặt nước. Vua thấy lưỡi gươm bên người tự nhiên động đậy. Vua nâng gươm hướng về phía Rùa vàng. Rùa há miệng đớp lấy thanh gươm và lặn xuống nước. 

Vua phán: “Đức Long Quân cho ta mượn thanh gươm diệt trừ giặc Minh, nay Rùa vàng lên lấy lại”. 

Từ đó, Hồ Tả Vọng mang tên Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm. 

(Theo Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam – Nhà xuất bản Văn Học).

Nhớ tích Cồn Kiếm. Nhân dân địa phương đã lập đền Kiếp Bạc thờ Đức Thánh Trần. Phía trước là Lục Đầu Giang. Có một bãi đất nhỏ trên sông chắc là Cồn Kiếm. Nghe kể sau khi toàn thắng quân Nguyên, Hưng Đạo Vương ném thanh kiếm của mình xuống dòng Lục Đầu để rửa sạch máu quân thù. Từ đó Cồn Kiếm mọc lên.

***

Gần tuổi tám mươi thật là dịp may rong ruổi được thăm viếng Lam Kinh chiêm ngưỡng Bia thánh Rùa thần. Mong có dịp thăm lại, để được bái vọng bia mộ Vĩnh Linh, Chiêu Linh, viếng đền thờ Lê Lai, dự giỗ “hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”. 

Bài và ảnh: Nguyễn Chấn Hùng - Trần Kim Liên

Nguồn: Người đô thị, ngày 28.02.2021.

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vào lúc 12 giờ 30 (10 giờ 30 giờ Việt Nam) ngày 26/11/2022 tại Kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) diễn ra ở Thành phố Andong (Hàn Quốc), đã thông qua hai hồ sơ "Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng" và "Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)" là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) diễn ra ở Thành phố Andong (Hàn Quốc).
Kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) diễn ra ở Thành phố Andong (Hàn Quốc).

Kỳ họp lần này được tổ chức dưới hai hình thức trực tuyến và trực tiếp, với 116 đại biểu đến từ 20/28 quốc gia thành viên. Đoàn Việt Nam tham dự có đại diện của Ủy ban UNESCO Việt Nam, Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới của Việt Nam, Cục Di sản văn hóa, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Hà Tĩnh.

Kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) diễn ra ở Thành phố Andong (Hàn Quốc).

Nội dung của Hội nghị toàn thể tập trung đánh giá các hoạt động của MOWCAP đã triển khai từ năm 2018 đến 2022 thông qua báo cáo của Ban Thư ký và các quốc gia thành viên; góp ý và thông qua một số nội dung sửa đổi trong Quy chế hoạt động và Hướng dẫn bảo vệ di sản tư liệu của Chương trình; phần quan trọng nhất là xem xét và thông qua các hồ sơ đề cử ghi vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tham quan Viện Nghiên cứu Hàn Quốc và dự lễ khai trương Văn phòng Ban Thư ký của MOWCAP đặt tại đây.

Sau 3 ngày làm việc liên tục, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đã thông qua 12/13 hồ sơ ghi vào Danh mục Di sản tư liệu châu Á - Thái Bình Dương thuộc các quốc gia: Singapore (1), Indonesia (1), Iran (1), Hàn Quốc (2), Trung Quốc (2) và Việt Nam (2).

Danh mục Di sản tư liệu châu Á - Thái Bình Dương của Việt Nam được ghi danh năm 2022, gồm:

Bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng: Là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm, với số lượng lớn, gồm 78 bia Ma nhai (trong đó có 76 bia chữ Hán và 2 bia chữ Nôm).

Nội dung, phong cách biểu hiện đa dạng, hình thức độc đáo, với nhiều thể loại như: ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, cùng bao thế hệ tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thập niên 1960.

Bia ma nhai là những tư liệu cực kỳ giá trị, chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia như Nhật Bản - Trung Hoa - Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Đây là các tác phẩm trên đá độc đáo ấn tượng, nhiều kiểu chữ viết như Chân, Hành, Thảo, Triện, Lệ…

20221127 3

Bia Ma nhai tại Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng)

Bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động. Sự kiện này được ghi chép lại trong các tài liệu lịch sử như Đại Nam Nhất Thống chí, Đại Nam Thực lục, Đại Nam dư địa chí ước biên…

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943): Là bộ sưu tập độc bản được viết bằng tay, gồm: 26 sắc phong gốc do các vua triều Lê, Nguyễn ban tặng; 19 tờ văn bằng và 3 bức trướng bằng lụa, viết bằng chữ Hán và chữ Nôm từ năm 1689 đến năm 1943.

Việt Nam có thêm hai Di sản tư liệu được ghi vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương ảnh 2
Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh.

Với giá trị nguyên gốc, độc bản, các văn bản có nguồn gốc rõ ràng và các sự kiện liên quan… đã từng làm nguồn tư liệu để biên soạn sách, vì vậy nhiều thông tin có thể kiểm chứng, đối chiếu qua các tài liệu chính sử của Việt Nam như Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục; cũng như qua các sách khảo cứu như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch.

Chất liệu mang thông tin đa dạng: giấy dó, giấy dó đặc biệt và lụa, Chữ viết đẹp, rõ ràng. Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là tư liệu quý hiếm về văn hóa và giáo dục của một làng quê ở miền Trung Việt Nam, trải qua nhiều biến cố, vẫn được lưu giữ. Đây là các tư liệu gốc giúp nghiên cứu quan hệ xã hội, lịch sử phát triển của làng thời xưa, đặc biệt trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX.

Trong bộ sưu tập có 6/48 tư liệu liên quan đến bình đẳng giới, trong đó có 5 sắc phong vinh danh phụ nữ, đã được Văn phòng UNESCO tại Bangkok đưa vào giới thiệu ở Triển lãm "Women in History - Telling HERstory through Memory of the World" từ ngày 8/3/2021.

Với việc có thêm 2 Di sản tư liệu được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ghi danh, đến nay Việt Nam đã có 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh (gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương).

Linh Khánh

(Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Nguồn: Nhân dân, ngày 26.11.2022.

20210201

Vào thăm các đình miếu, thi thoảng chúng ta sẽ bắt gặp hai chữ “Long Phi 龍飛” được viết ở vị trí đề niên hiệu trên các tấm hoành phi và liễn đối. Nếu tìm trong sách vở, sẽ phát hiện “Long Phi” không phải niên hiệu của một vị vua nào, mà những nghiên cứu, giải thích về nó hiện cũng hiếm hoi, hạn hẹp, không đủ để giải thích rõ cho hiện tượng văn hóa này.

Từ chuyến khảo sát di sản Hán Nôm tại các đình miếu xưa tại An Khê (Gia Lai) gần đây, chúng tôi cho rằng nếu chữ “Long” tượng trưng cho vua chúa, cho triều đại; thì chữ “Phi” là để chỉ tình trạng của vua chúa, triều đại đó. Trong Kinh Dịch, “long” có 6 tình trạng: tiềm (ẩn) – hiện (ra) – dịch (sợ) – phi (bay) – kháng (cao), trong đó “phi” được xem là tình trạng tốt nhất của “long”.

Như vậy, nghĩa đầu tiên của “Long Phi” chúng ta có thể nói, là tượng trưng cho sự tốt đẹp của một thời vua, một triều đại nào nào đó, giống như “cát niên – 吉年” (năm tốt), tương ứng với “cát nguyệt – 吉月” (tháng tốt), “cát nhật – 吉日” (ngày tốt). Nó có tính tượng trưng, nên dù có khi đời vua chúa, triều đại nào đó thực sự không “thái bình thịnh trị” gì lắm, người ta vẫn đề “Long Phi”, như một ký hiệu về thời đại, niên đại.

Về niên hiệu 'Long Phi' - 1

Ngoài ra, việc đi thực tế cũng giúp chúng tôi nhận thấy một ý nghĩa rất quan trọng khác, thậm chí là quan trọng nhất của hai chữ “Long Phi” mà các nghiên cứu trước chưa nói được, là ẩn ý chính trị. Một vài ví dụ:

– Đình Tân An – 新安亭: Nhà anh linh có hoành phi đề “Long Phi Bính Ngọ thu – 龍飛丙午秋” (mùa thu năm Bính Ngọ niên hiệu Long Phi).

– Miếu Tân Chánh – 新正(庙): Liễn đối ở chánh điện và dinh Ông Hổ đều ghi “Long Phi Kỷ Dậu niên thu tạo – 龍飛己酉年秋造” (làm năm Kỷ Dậu niên hiệu Long Phi).

– Miếu Tân Lai – 新来庙: Hoành và liễn đều ghi “Long Phi Mậu Dần niên thu – 龍飛茂寅年秋” (mùa thu năm Mậu Dần niên hiệu Long Phi).

– Miếu Thanh Minh (tức 清明寺 Thanh Minh Tự): Hoành phi đề “Long Phi Nhâm Tuất niên xuân – 龍飛壬戌年春” (mùa xuân năm Nhâm Tuất niên hiệu Long Phi).

Cách ghi này khiến người đời sau gặp nhiều khó khăn trong việc xác định niên đại của di vật, bởi không cho biết rõ triều đại, dẫn đến việc suy đoán niên đại cũng dễ dẫn đến sai lạc xa, do can chi trùng khớp cách nhau đến 60 năm. Chẳng hạn “Long Phi Kỷ Dậu niên” là 1909 hay 1969?, “Long Phi Nhâm Tuất niên xuân” là mùa xuân năm 1922 hay 1862 hoặc 1982? bởi di vật đã qua nhiều lần sơn sửa lại.

Về niên hiệu 'Long Phi' - 3

Vì vậy, muốn biết đích xác niên đại của các di vật này, người khảo cứu phải tìm hiểu thêm từ nhiều phương diện khác như: người tặng và lai lịch người tặng, tình trạng và niên đại di vật cùng các thứ liên quan khác.

Còn “ẩn ý chính trị” ở đây là gì? Điều này cần căn cứ vào việc đối chiếu niên đại được ghi trên di vật và các mốc sự kiện lịch sử.

Trước hết, phải nói thêm rằng, An Khê hồi cuối thế kỷ 18 là căn cứ của nhà Tây Sơn, thường được biết đến với tên gọi “Tây Sơn Thượng Đạo”, nay thuộc Gia Lai nhưng xưa thuộc Bình Định. Và muộn nhất là từ thời Tây Sơn, An Khê trở thành miền đất mới của người Kinh, họ lên buôn bán làm ăn, xây dựng lực lượng, tạo nên bước ngoặt quan trọng trong quan hệ giao lưu văn hóa Kinh – Thượng.

Những chòi chợ, đình miễu, chùa chiền đầu tiên ở An Khê cũng ít nhiều gắn với nhà Tây Sơn, nổi tiếng hiện nay vẫn còn như: An Khê trường, Hòn Bình, Miếu Xà, Cánh đồng Cô Hầu, Kho tiền Ông Nhạc… Vì vậy, khi nhà Tây Sơn sụp đổ, nhà Nguyễn lên thay thế đã tìm cách xóa bỏ ảnh hưởng to lớn sâu sắc của Tây Sơn ở An Khê.

Về niên hiệu 'Long Phi' - 4

Dân chúng An Khê đứng trước tình thế: một mặt không dám công khai chống lại chủ trương của chính quyền mới là nhà Nguyễn, một mặt vẫn muốn gìn giữ “gốc gác”, “liên hệ” với nhà Tây Sơn thuở xưa, nên trong một số trường hợp cho phép, họ đã tìm cách dung hòa “hiện tại” và “quá khứ”, như việc ghi niên hiệu “Long Phi” lên các hoành phi, liễn đối trong đình, miếu trong thời điểm cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, khi tình hình chính trị rối ren, quyền cai trị của nhà Nguyễn bị thực dân Pháp tiếm chiếm.

Hoặc giai đoạn lịch sử sau đó, khi An Khê cũng trở thành “vùng xôi đậu” trong kháng chiến chống Mỹ vào những thập niên 1950-1970, niên hiệu “Long Phi” cũng xuất hiện trong đình miếu An Khê, như ở nhiều liễn đối tại phòng khách và chánh điện Miếu Thanh Minh có ghi: “Long Phi Tân Mão thu- 龍飛辛卯秋” (mùa thu năm Tân Mão) mà dân chúng thôn An Khê đã góp tiền cúng tặng năm 1951 nhân dịp trùng tu miếu; rồi hai cặp liễn đối và bảng Hồi tỵ trong Lỗ bộ đều đề “Long Phi Bính Ngọ trọng thu – 龍飛丙午秋” (tháng 8 năm Bính Ngọ niên hiệu Long Phi, ước đoán 1966) ở chánh điện đình Tân An.

Về niên hiệu 'Long Phi' - 5

Trước đó, khi tình hình chính trị có vẻ ổn định hơn, vào thập niên 1930-1940, niên hiệu được ghi rõ ràng, như thấy ở hoành phi và liễn đối tại chánh điện đình Tân Lai: “Bảo Đại thập lục niên xuân – 保大十六年春” (mùa xuân năm Bảo Đại thứ 16, tức 1941) và “Bảo Đại thập nhị niên thu – 保大十二年秋” (mùa thu năm Bảo Đại thứ 12, tức 1937), người tặng là ông quan “Lý trưởng cửu phẩm”. Thế nhưng cũng trong khoảng thời gian này, hoành phi ở miếu Tân Lai lại ghi: “Long Phi Mậu Dần thu” (mùa thu năm Mậu Dần 1938).

Dù người tặng cũng có hàm “bát phẩm”, “cửu phẩm” tức là có mối quan hệ ít nhiều với triều đình, nhưng trên quà tặng, họ không niên hiệu “Bảo Đại”, mà đề “Long Phi”. Điều này, ít nhất cho chúng ta thấy có 2 khả năng đồng thời: thứ nhất, “Long Phi” ở đây có nghĩa là “cát niên – 吉年”, “thịnh thời” thật như họ thấy hoặc chỉ mang tính tượng trưng; thứ hai “Long Phi” ở đây được dùng như một sự tránh né tên triều đại. Như vậy, trường hợp này cũng cho phép chúng ta suy luận rằng, tình cảm hay thái độ của mỗi nhóm người không giống nhau sẽ dẫn đến văn hóa ứng xử khác nhau đối với cùng một vấn đề.

Về niên hiệu 'Long Phi' - 6

Có thể thấy chuyện ghi niên hiệu “Long Phi” để tránh né tên triều đại rõ hơn khi nhìn vào các hội quán của người hoa Minh hương ở Việt Nam. Niên hiệu “Long Phi” ở những nơi này cũng mang ý nghĩa tương tự, tức họ là tự xem mình là con dân của nhà Minh, dòng giống của người Hán, không thần phục nhà Thanh và dòng giống Mãn Châu, vì thế khi nhà Minh mất, họ chạy sang Việt Nam “tị nạn chính trị”, xây dựng đền miếu, tạc tượng Ông Nhật Bà Nguyệt ghi nhớ gốc rễ của mình, ghi niên hiệu “Long Phi” trong các hoành phi, liễn đối để thể hiện “thái độ chính trị”, “tình cảm chính trị”. Điều này cũng phổ biến ở đền miếu tại Trung Quốc cuối thời Minh đầu thời Thanh và hội quán của người Minh hương ở nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, như ghi nhận của Yon Weng-woe trong bài Khảo chứng về động cơ sử dụng niên hiệu “Long phi” của di dân nhà Minh ở Đông Nam Á (2017).

Một điểm thú vị đáng lưu ý nữa là tự dạng (hình dạng chữ) của hai chữ “Long Phi” có khi được viết giống với các chữ còn lại trong dòng ghi niên hiệu niên đại, nhưng cũng nhiều khi được viết khác biệt so với các chữ khác, phổ biến là lối viết hành thảo bay bướm rất đẹp mà cũng rất khó nhận dạng, nếu người không quen sẽ khó đoán ra.

Về niên hiệu 'Long Phi' - 7

Ngoài “Long Phi”, người ta còn dùng hai chữ “Tuế Thứ – 歲次” để thay thế niên hiệu. Việc thay thế này khá phổ biến đối với những tặng vật có niên đại gần đây, ví dụ ở Miếu Thanh Minh có nhiều hoành, liễn Hán Nôm năm 1997 và 2008, nơi vị trí niên hiệu không ghi “Long Phi” như xưa, mà ghi “Tuế Thứ”. Có lẽ không phải vì tránh né những chuyện tế nhị như thấy ở các giai đoạn trước, mà vì dân chúng thấy thời kỳ lịch sử mới không còn niên hiệu, chỉ có tên nước, trong khi tên nước thời hiện đại lại gắn với thể chế chính trị, viết đầy đủ khá dài, đồng thời cũng muốn giữ một chút nét cổ kính, nên người ta ghi “Tuế Thứ” (nghĩa là: “vào năm…”). Đó là trên hoành phi, liễn đối, riêng trong vào các ngày lễ định kỳ tại đình miếu, khi mở đầu chúc văn dâng lên các vị thần linh, người ta vẫn ghi và đọc đầy đủ: “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quốc” để cầu chúc cho quốc thái dân an.

Cổ Mộ

Nguồn: Doanh nhân Plus, ngày 21.01.2021.

Chuyện này lâu nay không ai đề cập đến nữa bởi dường như các nhà nghiên cứu đều nhất trí với quan điểm phủ nhận bắt đầu từ cụ Vũ Tuân Sán: Chiêu Hổ không phải/ không thể là Phạm Đình Hổ(1). Kể cả cố PGS. Đào Thái Tôn, người có những nghiên cứu chuyên sâu về Hồ Xuân Hương cũng không có ý kiến khác.

Tôi nghiên cứu về Phạm Đình Hổ nên vẫn băn khoăn vấn đề này. Cũng như cụ Vũ Tuân Sán, ban đầu tôi cũng nghĩ, cái người đã tự bạch là “Dù có đem các tích truyện Nôm hoặc các trò cờ bạc ca múa rê ta thì ta cũng bịt tai lại chẳng muốn nghe. Ta đã học qua sử thư vậy mà chữ Nôm chẳng biết hết, câu ca bản đàn qua tai rồi lại chỉ nhớ láng máng…” (Vũ trung tùy bút) thì khó lòng mà thích được “cái kiểu” Hồ Xuân Hương.

Gần đây, tìm đọc được một số tài liệu liên quan đến Phạm Đình Hổ tôi lại có suy nghĩ khác.

Chân dung ngài Hàn Lâm viện Thị giảng học sĩ Phạm Đình Hổ (范廷琥, 1768 - 1839), quàn tại từ đường Phạm Đình tộc (thôn Hòa Ché, xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, Việt Nam). Ảnh wikipedia

1. Phạm Đình Hổ được phép xưng là Chiêu Hổ

Cụ Vũ Tuân Sán cho rằng, chữ “Chiêu” chỉ dùng cho con của những người đỗ Tiến sĩ, mà thân phụ Phạm Đình Hổ không đỗ Tiến sĩ, nên Phạm Đình Hổ khó có thể được gọi là Chiêu. Thực ra, chính Phạm Đình Hổ trong sách Châu Phong tạp thảo có nói về chữ Chiêu này. Ông cho biết, điển chế thời Hồng Đức nhà Lê quy định, con trai của các quan ở ban văn từ hàm tam phẩm trở lên được bổ vào học ở Sùng Văn quán. Thời Trung hưng, đổi Sùng Văn quán làm Chiêu Văn quán, cho con các quan từ hàm ngũ phẩm vào học. Thời Lê mạt, chế độ thụ nghiệp ở Chiêu Văn quán bị bỏ bê, không được thực hiện nữa, nhưng người ta vẫn theo thói quen gọi con các quan hàm ngũ phẩm trở lên là Chiêu… Phạm Đình Hổ có cha là quan hàm Tam phẩm, theo điển chế, mẹ ông được gọi là Cung nhân, và ông - vốn là một người rất am hiểu điển lễ và thích chứng tỏ mình là loại con nhà nên đương nhiên sẽ không bỏ qua cơ hội tự xưng là Chiêu - Chiêu Hổ.

2. Phạm Đình Hổ là bậc tài tử

Sách Quốc sử di biên (QSDB) (vừa rồi do nhóm Nguyễn Thị Oanh dịch chú và đã xuất bản), ở tờ 23b (trang 96, QSDB) chép: “Bấy giờ, Thành Quận công là người chuộng văn học, cho nên các văn sĩ ở Bắc Hà như Nguyễn Hồng ở Hải Dương, Phạm Hổ ở Đan Loan, Vũ Dĩnh ở Mộ Trạch, Phan Hoành Hải ở Sơn Nam… đều là khách thường xuyên trong phủ của Quận công, đều là bạn văn chương, được gọi là bậc tài tử”.

Tờ 57a (trang 307, QSDB) chép: “Vua triệu Phạm Hổ vào làm Thự Quốc tử giám Tế tửu. Phạm Hổ là tài tử của đất Đan Loan. Khoa thi năm Kỷ Mão ông đỗ Sinh đồ, đến năm Ất Dậu được đổi là Tú tài. Năm Tân Tỵ được vời vào bái yết nhà vua. Bề trên rất trọng người này, vì thế đem bạc lụa đến mời ra làm quan”.

Như vậy theo tài liệu này, đương thời, Phạm Đình Hổ được xem là bậc tài tử. Mà chữ tài tử thì từ xưa đến nay vẫn thường dùng để chỉ những người có tài, tính cách phóng túng, tự do. Từ điển cũng định nghĩa như vậy.

Cụ Vũ Tuân Sán cho rằng “Toàn bộ văn chương của Phạm Đình Hổ chứng minh rằng ông lúc nào cũng là một học giả chín chắn… không thể là một nhà nho có một đời tư bừa bãi hoặc một nhà nho ngông cuồng…”, cho nên “khó lòng hợp với tính cách của Hồ Xuân Hương, là một người muốn phá phách lễ giáo phong kiến”. Nhưng ở đây Phạm là một tài tử trong một nhóm tài tử nổi danh ở Bắc thành đương thời. Ông từng nhiều lần đi chơi, đi hát cùng bè bạn. Bài thơ Vấn Phan Hoành Hải kể việc ông hẹn Phan đến nghe hát ở đình Chèm nhân dịp tế thần nhưng Phạm không đến:

“Hoành Hải kim tiêu hà vãng

Thiên vương từ lý thính ca

Mặc khách hồng nhan tương đối

Đăng tiền nguyệt hạ như a”

[Hoành Hải đêm nay đi đâu

Trong đền Thiên vương nghe hát

Để khách thơ với người đẹp ngồi nhìn nhau

Trước đèn dưới trăng thế này ?]

Thơ ông còn có nhiều bài rất hay kể về các cuộc hát xướng, nhắc đến đào nương, vậy thì không thể nói là ông không thích hát xướng; ông lại từng làm cả cuốn tự điển chữ Nôm Nhật dụng thường đàm nên cũng không thể bảo là không biết nhiều chữ Nôm.

Với việc Phạm Đình Hổ được liệt vào hàng tài tử, nhận định Phạm Đình Hổ là một nhà nho nghiêm nghị chuẩn mực cần phải xem lại.

3. Phạm Đình Hổ là kẻ thị tài

Phạm Đình Hổ là người thị tài và cũng rất ngang ngược, sự thị tài của ông đã khiến ông bị đồng liêu ghét. Sách Quốc sử di biên chép: “Thự Tế tửu là Phạm Hổ xin từ chức, Hổ là người thẳng tính, giáo pháp rất nghiêm, các học trò từng theo học thầy khác ông không cho nhập môn. Bấy giờ ông đang ở Giám, có vị công tử ra học, ông rút guốc ra ném. Công tử vặn rằng: “Đánh roi là hình phạt trong dạy học, nay ông rút guốc ném tôi là thế nào”. Liền lấy guốc ném trả. Lại nói: “Không phải đại khoa thì không đủ làm khuôn mẫu cho người. Hổ thẹn quá dâng biểu xin về Bắc thành dưỡng bệnh, vua ban cho 100 quan tiền” tờ 64a (318).

Tờ 79b (377) chép: Tháng 8, lại triệu Phạm Hổ thực thụ Quốc tử giám Tế tửu. Trước đó năm Đinh Hợi, Hổ xin về Bắc thành dưỡng bệnh. Nhà vua trọng người ấy nên để trống vị trí đó đợi. Đến đây mệnh cho Quyền Tri phủ Diễm cùng thầy thuốc đến thăm khám. Thấy bệnh đỡ hạ chiếu triệu vào. Hổ từ chối, lấy cớ là chưa thấu suốt sách vở thánh hiền, chưa thỏa lòng mong mỏi của sĩ phu từ sông Gianh trở ra Bắc. Vua không cho, ông lại trở về kinh.

Khi Hổ ở Bắc thành gặp kì thi Hương, con ông làm văn hộ người khác, bị Giáo thụ Hoài Đức đánh roi. Hổ giận nói: “Ta hận không được làm đại quan thôi, chứ còn như đám giáo thụ thì môn đồ ta khối”. Người đời cho là ông quá quắt.

Lại có viên ở đội Cẩm y xin tiền không được, ra đường nói hỗn. Hổ đánh cho chảy máu. Viên Cẩm y ngã xoài ra, ông liền mang nồi đồng ra treo vào cổ anh ta, vu là ăn trộm giữa ban ngày, làm bản cáo trạng tố lên Hình tào Nghi. Nghi sai Quyền Tri phủ Diễm tra hỏi. Diễm đến xử, chỉ bắt tội khi quân và nói: “Hoàng thượng nhiều lần hạ chiếu triệu khanh, khanh lấy cớ dưỡng bệnh từ chối. Đang lúc dưỡng bệnh nặng mà có thể đánh ngã người khỏe mạnh thì ai khỏe đây?” Hổ giận quá đập đầu vào bàn. Diễm cười mà nói: “Cho dù khanh cởi khăn ra đập vỡ đầu cũng không thể vu cho ta tội bức tử khanh, huống hồ đầu vẫn còn quấn khăn thì có đập vào bàn cũng chẳng phương hại gì”. Rồi bắt trói viên Cẩm y cùng chứng cứ, lập án trạng xong bảo với Hổ rằng: “Khanh có quan phẩm, lại được hoàng thượng trọng dụng, Hình tào ở Bắc thành không dám xét xử, phải chờ làm bản sách tấu lên, sự thể phải như vậy”. Hổ sợ, cố xin giảng hòa nên được miễn tội.

Khi Hổ được phục chức thường qua lại Lục bộ đường, bị quan Ngự sử đề tấu lên mách với nhà vua. Nhà vua tha cho và nói: “Hiểu biết, rèn luyện, du chơi và nghỉ ngơi vốn là bản sắc của bậc Nho giả”. Rồi miễn nghị tội. Có viên nhậm tử nọ ở Bối Khê từng chê trách Hổ rằng: “Ông nổi tiếng về văn học, được hoàng thượng trọng dụng, thế mà xuất xử đều sai trái. Bị trong triều ngoài nội đàm tiếu, chỉ riêng ông là không hối chăng?”

4. Phạm Đình Hổ và Hồ Xuân Hương là cặp đôi tài tử - tài nữ

Phạm Đình Hổ và Xuân Hương thân nhau trong khoảng 20 năm đầu của thế kỷ XIX.

Qua một số tài liệu mới phát hiện gần đây, có thể phác ra đôi nét tiểu sử Hồ Xuân Hương như sau: Bà sinh vào cuối thế kỷ XVIII, khoảng từ năm 1770 - 1780, là con gái thuộc dòng họ Hồ nguyên quán làng Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Họ Hồ là một dòng họ lớn có nhiều người đỗ đạt và làm quan ở thời Lê. Theo bài tựa tập thơ Lưu hương ký của Hồ Xuân Hương do Tốn Phong thị viết thì bà là em gái Hồ Sĩ Đống (1739 - 1785), một đại thần đầu triều thời Lê Hiển Tông - Trịnh Sâm. Nếu vậy thân phụ bà là Hồ Sĩ Danh (1706 - 1783). Hồ Sĩ Danh đỗ Hương cống năm 1732, ông không ra làm quan nhưng nhờ uy vọng của con mà được ban chức Hàn lâm viện Thừa chỉ(2), hàm Thái bảo, cuộc sống gia đình khá dư dả. Có thể khi Hồ Sĩ Đống làm quan to ở kinh, Hồ Sĩ Danh thường đi về giữa Nghệ An và Thăng Long, tại Thăng Long, ông lấy một người thiếp rồi sinh Hồ Xuân Hương, Xuân Hương là em cùng cha khác mẹ với Hồ Sĩ Đống. Năm 1783, ông Hồ Sĩ Danh mất. Năm 1785, Hồ Sĩ Đống bị trọng bệnh qua đời. Năm 1786, quân Tây Sơn vào Thăng Long phò Lê diệt Trịnh rồi không bao lâu nhà Lê sụp đổ. Gia đình Xuân Hương cũng như nhiều gia đình quan lại ở Thăng Long đang quen sống bằng bổng lộc nhà Lê, sau những biến động dữ dội, trở nên sa sút cơ cực. Từ thời kỳ này bà sống cùng mẹ trong nếp nhà cũ của họ Hồ là Cổ Nguyệt đường(3) ở phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận (khu vực gần Hồ Tây Hà Nội), cha và anh đều đã mất, không còn chỗ dựa, cuộc sống của hai mẹ con khá chật vật, mẹ bà phải buôn bán ngoài chợ để sinh sống. Tuy nhiên, sinh ra trong một dòng họ quyền thế, có truyền thống Nho học, Hồ Xuân Hương lúc nhỏ được đi học và được thừa hưởng nhiều tri thức Nho học từ sách vở của cha anh để lại, vốn là bậc thông minh mẫn tiệp, bà dần có tiếng trong đám văn nhân tài tử đất kinh thành.

Đầu niên hiệu Gia Long nhà Nguyễn, Hồ Xuân Hương đã là một phụ nữ trên dưới 30 tuổi. Bài tựa tập thơ Lưu hương ký cho biết, trong con mắt kẻ sĩ đất cố kinh bấy giờ, Xuân Hương là một người “học rộng và giỏi văn, nhà nghèo mà đẹp, tư tưởng lạ mà diễm lệ, thơ đúng luật mà thanh thoát, xứng đáng là một tài nữ”. Sách Quốc sử di biên cũng chép: “Xuân Hương giỏi thơ văn, hiểu chính sự nên được người đời xưng tụng là bậc tài nữ”. Với tài năng như vậy, bà được nhiều văn nhân tài tử mến mộ. Cổ Nguyệt đường là nơi lui tới xướng họa thơ văn của họ.

Như vậy Phạm Đình Hổ hơn Hồ Xuân Hương chừng chục tuổi. Phạm Đình Hổ sinh năm 1768, Hồ Xuân Hương sinh khoảng năm 1775 - 1780. Một người là tài tử, một người là tài nữ, tuổi tác đủ để có thể chơi được với nhau, không có gì đáng để nghi ngờ nếu cho rằng Phạm Đình Hổ chính là người viết hai câu thơ chiết tự tài tình để đùa Xuân Hương:

“Người Cổ lại còn đeo thói Nguyệt

Vườn Xuân sao để lạnh mùi Hương”.

Hoặc làm những bài thơ trêu chọc nhau như kiểu Xuân Hương xướng:

“Sao nói là năm lại có ba

Trách người quân tử ở sai ngoa

Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt

Nhớ hái cho xin nắm lá đa”.

Và Phạm Đình Hổ họa:

“Rằng gián thì năm quý có ba(4)

Trách người thục nữ tính không ra

Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt

Cho cả cành đa lẫn củ đa”.

Như vậy đương thời, Xuân Hương là bậc tài nữ, Phạm Đình Hổ là hàng tài tử. Việc hai người quen biết qua lại ngâm vịnh xướng họa với nhau ở Thăng Long cho đến trước khi Phạm vào Huế làm quan 1822 là điều hoàn toàn có thể xảy ra, và Phạm Đình Hổ chính là anh chàng Chiêu Hổ tinh quái trong thơ Hồ Xuân Hương.

 Chú thích:

(1) Xem Vũ Tuân Sán: Chiêu Hổ và Phạm Đình Hổ - Tập san Nghiên cứu Văn học số 3/1962.

(2) Là hư chức, không phải thực chức.

(3) Đặt tên theo lối triết tự cổ và nguyệt ghép lại thành chữ Hồ, chỉ nhà họ Hồ.

(4) Tiền thời cổ, năm quan tiền gián mới bằng ba quan tiền quý./.

 Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2011, tr.444-457.

20201213 18

I. Đặt vấn đề

Tác phẩm thời trung đại của các quốc gia đều có tính đa dị bản. Ở Việt Nam, hiện tượng đó càng phổ biến hơn. Điều này được quyết định bởi hai nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Người trung đại chưa có ý thức bản quyền, họ coi việc sửa chữa văn bản là công việc bình thường trong khi sao chép, thưởng thức, nên đã “hồn nhiên” chọn từ, chọn nghĩa hay thay đổi chi tiết cho văn bản theo ý mình mà không cần trình bày lý do. Có thể nói, đây là thời kỳ mà tác phẩm không phải của một cá nhân và thời kỳ mà “quá trình sáng tác” đôi khi kéo dài đến mấy thế kỷ. Tham gia “quá trình sáng tác” đó gồm có những người biên tập, sao chép lại và đôi khi là chính những độc giả... Tác phẩm vẫn được tiếp tục sáng tác sau khi nó đã chào đời. Việc sáng tác phần lớn mang tính chất tập thể và sự sáng tác đó kéo dài hàng chục, hàng trăm năm.(1)

Thứ hai: Ở vào vùng khí hậu khắc nghiệt, lại luôn trong cảnh chiến tranh liên miên, nội chiến kéo dài, thư tịch nước ta có tỷ lệ được bảo tồn lâu dài rất thấp. Sau mỗi trận hỏa hoạn, lụt lội, binh đao…, việc phục chế lại chỉ được tiến hành bằng cách dựa vào phần sách còn sót lại, hoặc vào trí nhớ. Nếu may mắn gặp được những bản còn nguyên vẹn thì ý thích sửa chữa khá tùy tiện cũng khiến cho các cuốn sách hầu như không được sao lại một cách trung thành. Điều này đã làm cho tính thống nhất giữa các bản trở nên rất mong manh.

Những nguyên nhân trên đã dẫn tới sự đa dị bản của kho thư tịch trung đại nước ta. Trước tình hình đó, khi nghiên cứu văn bản thời kỳ này, công tác văn bản học có một vị trí vô cùng quan trọng. Để xác định được một bản đáng tin cậy, gần với gốc nhất, có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Dưới đây, chúng tôi xin trình bày một số cách khảo sát văn bản để tìm về một bản khả dĩ gần với nguyên tác hơn cả thông qua một tác phẩm cụ thể: Việt điện u linh tập 粵甸幽靈集 (VĐULT) của Lý Tế Xuyên 李濟川(thế kỷ XIV).

II. Điểm qua về văn bản VĐULT

Việt điện u linh tập(2) là tác phẩm văn học chức năng lễ nghi do Lý Tế Xuyên biên soạn, hoàn thành vào năm Khai Hựu開祐 nguyên niên 1329, thời Trần Hiến Tông 陳憲宗. Đây là cuốn thần tích ra đời sớm nhất mà ta còn lưu giữ được văn bản và có thể cũng chính là nền tảng cho người đời sau viết thần tích, thần phả.

VĐULT hiện được lưu trữ tại hai nguồn chủ yếu: Thư viện các viện nghiên cứu tại Việt Nam và thư viện nước ngoài. Cụ thể là, tại Việt Nam: 10 văn bản; tại Nhật Bản: 1 và tại Pháp: 2. Tổng cộng 13 văn bản, đều bằng chữ Hán:

1. Việt điện u linh A.1919

2. Việt điện u linh tập VHv.1503

3. Việt điện u linh tập A.751

4. Việt điện u linh tập HN.678. (Viện Văn học - trang đầu có dòng chữ Hán ghi rõ là được sao lại từ A.751 của Thư viện Khoa học xã hội(3) vào năm 1978)

5. Việt điện u linh tập lụcA.2879

6. Việt điện u linh tập lục VHv.1285/2

7. Việt điện u linh tập lục A.47

8. Việt điện u linh tập lục D-X-3-9 (tại Nhật Bản)

9. Việt điện u linh tập lục H.M.2119 (Bản ở Pháp, được chế bản lại trong Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san(4))

10. Việt điện u linh tập lục toàn biên VHv.1285/1

11. Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập A.335

12. Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập A.335 (tại Pháp, được chế bản lại trong Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san)

13. Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập HV.180 (Viện Sử học)

Trong 13 văn bản kể trên, thì 4 không được đưa vào diện khảo sát để tìm về bản có diện mạo gần gốc nhất. Đó là: HN.678 (vì chỉ là bản sao của A.751); 2 bản A.335 và HV.180 (vì đã biến đổi hoàn toàn so với gốc(5)). Như vậy, trong khi tìm về bản gần gốc nhất, sẽ còn 9 bản được nhắc đến là: . Việt điện u linh A.1919 (bản A); ‚. Việt điện u linh tập VHv.1503 (bản B); ƒ. Việt điện u linh tập A.751 (bản C); „. Việt điện u linh tập lụcA.2879 (bản D);…. Việt điện u linh tập lục VHv.1285/2 (bản E); †. Việt điện u linh tập lục A.47 (bản G); ‡. Việt điện u linh tập lục D-X-3-9 (bản H); ˆ. Việt điện u linh tập lục H.M.2119 (bản I); ‰. Việt điện u linh tập lục toàn biên VHv.1285/1 (bản K).

III. Phương pháp khảo sát văn bản áp dụng cho Việt điện u linh tập

Sau khi tìm hiểu tình hình văn bản, người viết thấy có thể dựa vào 8 tiêu chí sau đây để lựa chọn văn bản có diện mạo gần gốc nhất:

. Các ghi chép của người xưa về VĐULT;

‚. Nhan đề các thiên;

ƒ. Lời tựa của Lý Tế Xuyên;

„. Đặc trưng thể loại;

…. Tăng bổ của các tác giả đời sau;

†. Câu văn;

‡. So sánh các ghi chép trong văn bản;

ˆ. Cách dùng từ ngữ trong văn bản.

III.1. Các ghi chép của người xưa về VĐULT

Những ghi chép của người xưa về VĐULT giúp ta biết phần nào diện mạo ban đầu của tác phẩm, mà cụ thể ở đây là 2 vấn đề sau: . Mục đích biên soạn và tính chất tác phẩm; ‚. Số lượng các thiên.

III.1.1. Về mục đích biên soạn và tính chất của tác phẩm

Lý Tế Xuyên xác định việc soạn VĐULT là để ghi chép về những vị thần “thông minh chính trực... khí thế rừng rực lúc đương thời, anh linh tỏa rộng đến đời sau”(6). Trừ bản B viết quá vắn tắt, nên người đọc không thể nhận thấy điều này, các bản ACDEGHIK đều thể hiện được mục đích trên.

Mục đích biên soạn sẽ quy định tính chất của tác phẩm. VĐULT là một cuốn thần phả ghi chép lại hình tích các vị thần “công tích to lớn rõ rệt, cứu giúp sinh linh”(7). Trong 9 văn bản cần xét, trừ B, tính chất này nói chung được thể hiện đầy đủ và trung thành với mục đích biên soạn của tác giả. Bởi vậy, A, C, D, E, G, H, I, K là những bản có diện mạo gần gốc xét về mục đích biên soạn và tính chất tác phẩm.

III.1.2. Về số lượng các thiên

Điều này đã được ba công trình đề cập: ĐVTS và KVTL của Lê Quý Đôn (1726-1784), Lịch triều hiến chương loại chí (LTHCLC) của Phan Huy Chú (1782-1840). Tuy nhiên, ĐVTS không nhắc đến số thiên trong tác phẩm, chỉ nói chung chung rằng VĐULT có 1 quyển:越甸幽靈集一卷Việt điện u linh tập nhất quyển(8). KVTL thì chỉ đề cập 3 mục Đế vương lịch đạiNhân thần và Hạo khí linh tích, trong đó, mục thứ nhất có 8, mục thứ hai có 12(9), nhưng không cho biết số lượng ở mục thứ ba:陳開祐初奉御李濟川撰越甸幽靈集一卷,記諸神異祠廟,歷代帝王八,人臣十二,灝氣靈跡(10)- Trần Khai Hựu sơ, phụng ngự Lý Tế Xuyên soạn Việt điện u linh tập nhất quyển, ký chư thần dị từ miếu, Lịch đại đế vương bát, Nhân thần thập nhị, Hạo khí linh tích (Đầu niên hiệu Khai Hựu thời Trần, Phụng ngự Lý Tế Xuyên soạn Việt điện u linh tập một quyển ghi về các đền miếu thần dị, (gồm) Lịch đại đế vương tám; Nhân thần mười hai; Hạo khí linh tích). LTHCLC thì khẳng định: 陳時李濟川撰,記本國神祠靈異…歷代人君, 歷代人臣, 灝氣英靈, 凡二十八傳(11) - Trần thời Lý Tế Xuyên soạn, ký bản quốc thần từ linh dị... Lịch đại nhân quân, Lịch đại nhân thần, Hạo khí anh linh, phàm nhị thập bát truyện (Lý Tế Xuyên thời Trần soạn, ghi về sự linh dị của các đền thờ thần nước ta... Lịch đại nhân quânLịch đại nhân thầnHạo khí anh linh, tổng cộng 28 truyện).

Như vậy, theo tư liệu hiện còn, số lượng thiên của VĐULT chỉ được ghi đầy đủ trong LTHCLC. Do đó, chúng tôi tạm dựa vào con số do Phan Huy Chú đưa ra.

Để tìm hiểu xem bản nào gần với số thiên được nêu trong LTHCLC, chúng tôi đã lập một bảng tổng hợp về các thiên được cả 9 bản cùng chép như sau:

TT

Bản

Số thiên trong mục Lịch đại nhân quân Số thiên trong mục Lịch đại nhân thần Số thiên trong mục Hạo khí anh linh Tổng số
thiên
Ghi chú
1 A (A.1919) 6 11 10 27  

2

B (VHv.1503)

6 12 10 28 Riêng B tách thiên Trương Hống, Trương Hát thành 2, các bản khác gộp làm 1
3 (A.751) 6 11 10 27  
4 (A.2879) 6 11 10 27  
5 (VHv. 1285/2) 6 11 10 27  
6 G (A.47) 7 11 10 28 Riêng G, H, I tách hai thiên Triệu Việt Vương, Lý Nam đế thành 2, các bản khác gộp làm 1
7 (D-X-3-9) 7 11 10 28
8 I (H.M.2119) 7 11 10 28
9 K (VHv.1285/1) 6 11 10 27  

 

Trong số các thiên được cả 9 bản đều chép - những thiên nhiều khả năng là do chính Lý Tế Xuyên biên soạn từ đầu - có 4 bản BGHI khớp với con số do Phan Huy Chú đưa ra. Để xác định bản có diện mạo gần với nguyên tác nhất về số thiên, ngoài con số 28 thiên này, chúng tôi thấy còn cần phải tìm hiểu tổng số thiên của tất cả các bản, để xem bản nào có số thiên càng gần với con số 28, thì càng chứng tỏ chưa được bổ sung nhiều về sau này và sẽ là bản có diện mạo gần gốc nhất. Kết quả như sau:

 

T T Bản Phần chính văn Phần bổ sung Tổng số thiên
1 A (A.1919) 27 5 32
2 B (VHv.1503) 28 65 93
3 C (A.751) 27 8 35
4 D (A.2879) 27 6 33
5 E (VHv.1285/2) 27 7 34
6 G (A.47) 28 4 32
7 H (D-X-3-9) 28 4 32
8 I (H.M.2119) 28 4 32
9 K (VHv.1285/1) 27 9 36

 

Như vậy, ở tiêu chí thứ nhất: Các ghi chép của người xưa về VĐULT, 3 bản G, H và I có khả năng có diện mạo gần với nguyên tác hơn cả, vì nó đáp ứng được ba yếu tố:

. Giữ nguyên mục đích và tính chất ban đầu của tác phẩm

‚. Có số thiên ít nhất (32), mới chỉ kết thúc ở phần Tục bổ của Nguyễn Văn Chất (thế kỉ XV), không có những phần gia công sau đó;

ƒ. Số thiên ở phần Chính biên khớp với ghi chép của Phan Huy Chú: 28 thiên.

III.2. Nhan đề các thiên

Trong các văn bản được xét ở đây, không phải tên thiên nào tại Mục lục (ML) cũng đồng nhất với tên thiên trong chính văn (CV) và mỹ tự (MT). Sự khác biệt đó được chia làm 4 dạng: . nhiều âm tiết hơn; ‚. ít âm tiết hơn; ƒ. thay bằng tên húy hoặc đế hiệu; „. chép khác về tự dạng.

Khảo sát các bản VĐULT hiện còn, chúng tôi nhận thấy rằng, hầu hết các thiên trong đó đều được lấy tên theo MT - toàn bộ hoặc một phần - được phong. Những dạng tên khác (tên húy, đế hiệu, địa danh được thờ v.v...) khá hiếm gặp. Phần CV của Lý Tế Xuyên được chép trong 9 bản, trong đó, ABCDEK có 27 thiên; GHI có 28 thiên. Tên thiên tổng cộng xuất hiện 246 lần(12), trong đó, chỉ có 7 lần thay MT bằng đế hiệu (Triệu Việt Vương - Lý Nam Đế) và 3 lần thay bằng họ (Trưng thánh vương), tổng cộng 10/246 lần = 4%. Trong khi đó, ở các phần phát sinh về sau này là Tục biên và Trùng bổ, thì dạng tên thiên chính là MT không những không phổ biến như đối với phần CV, mà ngược lại còn trở thành hiện tượng cá biệt: Xét 37(13) lần xuất hiện tên thiên ở hai phần Tục biên và Trùng bổ trong 6 bản A, B, C, D, E, K, chỉ thấy 2 lần có dạng tên bằng MT. Đó là Quản Gia Đô Bác đại vương - bản A và Thanh Cẩm Tiết Nghĩa Trung Liệt tôn thần(14) - bản B, còn lại đều chép ở dạng khác như họ tên, địa danh đền thờ v.v., đưa tổng số tên không theo mô hình MT lên tới gần 94,6%. Điều này cho phép chúng ta đoán định rằng kiểu lấy MT làm nhan đề mỗi thiên là dạng ban đầu của VĐULT và rất có thể, thoạt tiên, các tên thiên đều mang đầy đủ toàn bộ MT của thần, nhưng về sau, để cho tiện, các MT chỉ được duy trì đầy đủ trong ba đợt sắc phong, còn ở phần CV và ML - nhất là ML - đã bị tỉnh lược một cách có ý thức, nhưng chẳng tuân theo một quy luật nghiêm nhặt nào. Điều này dẫn tới việc các văn bản đều có sự không thống nhất giữa tên thiên ở ML, tên thiên ở CV và tổng số MT được phong của thần. Sự sai khác ấy tuy có mức độ đậm nhạt khác nhau ở từng văn bản, nhưng có thể kết luận rằng, chẳng một bản nào sao chép nguyên văn tên thiên đúng như MT của các thần một cách tuyệt đối. Sau đây là tổng số lần giống nhau giữa tên thiên ở ML, tên thiên ở CV và MT trong các văn bản VĐULT. Trong đó,

a là tên thiên ở ML và tên thiên ở CV trùng với tổng số MT được phong.

b là tên thiên ở ML trùng với CV.

c là tên thiên ở ML trùng với tổng số MT được phong.

d là tên thiên ở CV trùng với tổng số MT được phong.

 

A (A.1919) C (A.751) D (A.2879) E (VHv.1285/2) G (A.47) H (D-X-3-9) I (H.M.2119) K (VHv.1285/1)
a b c d a b c d a b c d a b c d a b c d a b c d a b c d a b c d  
1 1 1 17 1 1 1 8 1 1 1 14 1 1 0 15 2 14 0 3 2 14 0 3 2 14 0 3 12 12 1 1  

 

Tổng cộng số lần giống nhau của a, b, c, d trong các bản, ta có kết quả sau:

Bản A C D E G H I K
Tổng số lần giống nhau 20 11 17 17 19 19 19 26

 

Bảng thống kê trên đã cho thấy K là bản có khả năng gần với gốc nhất.

III.3. Lời tựa

Lời tựa được Lý Tế Xuyên viết ra để nêu rõ mục đích biên soạn VĐULT. Vì vậy, dựa vào phần này, có thể biết được đâu là văn bản có diện mạo gần với gốc nhất qua việc xét xem chúng được sao chép cẩn thận hay không. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng cácLời tựa có xuất nhập nhất định, trừ GH và I ra, thì chẳng bản nào giống hoàn toàn với bản nào, nhưng nói chung, mọi khác biệt đó đều không làm sai lệch ý của tác giả hoặc khiến cho câu văn ở các bản trở nên khác nghĩa với nhau. Độ chênh lớn nhất về số chữ trong các bản nằm ở phần Lạc khoản. Tựu trung lại, có thể chia Lời tựa thành những loại sau:

. Loại ghi đủ cả năm, tháng, ngày, chức vụ và tên người biên soạn (A, G, H, I, K).

‚. Loại không ghi tháng (B).

ƒ. Loại không ghi tháng và ngày (C, E).

„. Loại không ghi tháng, chức vụ và tên người biên soạn (D).

Vậy đâu là Lời tựa gần với nguyên gốc hơn? Muốn xác định được điều này, cần trở lại tìm hiểu một chút về tác giả. Soạn giả của cuốn sách này là vị quan với chức vụ có lẽ khá quan trọng - "Thủ đại tạng thư Hỏa chính chưởng Trung phẩm phụng ngự An Tiêm lộ Chuyển vận sứ". Theo Lê Hữu Mục, thì Thư hỏa chính chưởng “là một chức phụng vụ vừa giữ sách vừa giữ lửa ở nơi đã để kinh Đại tạng”(15); còn theo Đinh Gia Khánh thì là “coi giữ việc tế lễ, tham gia vào việc quản giám bách thần”(16). Dù mang nghĩa nào đi nữa, thì người có được vị trí này hẳn phải tinh thông học vấn, được triều đình tín nhiệm, vì trong thời trung đại, tế lễ luôn là một trong những công việc được coi trọng hàng đầu của đất nước. Bởi vậy, khi Lý Tế Xuyên ghi lạc khoản, thì những yếu tố thuộc về công thức lần lượt là: năm - tháng - ngày - chức vụ - họ tên người viết phải được ghi rõ ràng, đầy đủ. Vì thế, theo chúng tôi, những bản có Lời tựa ghi đủ các yếu tố trên (AGHIK) sẽ thuộc loại có diện mạo gần với nguyên tác hơn cả.

III.4. Đặc trưng thể loại

Trong phần này, chúng tôi dựa vào đặc trưng loại hình văn học để khảo sát.

VĐULT là tác phẩm chức năng lễ nghi, chủ yếu thuộc về nghi lễ thờ thần ở đền miếu, tức là thứ mà Lê Quý Đôn gọi là "tự điển" - 祀典 (sách ghi chép về cúng tế)(17). Với đặc điểm đó, cấu trúc của tác phẩm sẽ thiên về ngợi ca, chỉ cốt làm nổi bật những linh hồn thiêng liêng (u linh). Tính chất này đã sinh ra các công thức sau đây:

- Là tự điển nên VĐULT phải quan tâm đến sự phong tặng mỹ tự. Việc đưa các đợt gia phong vào đây có hai ý nghĩa: thứ nhất là khẳng định uy quyền của vương triều, thứ hai là đảm bảo giá trị và tính xác thực, chính đáng của các vị thần được thờ. Bởi vậy, đó là một dấu hiệu cực kỳ quan trọng. Đây chính là nguyên nhân khiến cho tác giả đã lấy toàn bộ mỹ tự của các đợt phong làm tên thần và tên thiên thần tích. Từ đó, công thức a: Tên gọi mỗi thiên là mỹ tự của các thần được sắc phong (mà ở đây là mỹ tự được sắc phong trong 3 đợt: Trùng Hưng nguyên niên (1285), Trùng Hưng thứ 4 (1288), Hưng Long thứ 21 (1313) đã ra đời.

- Là tự điển, nên tác giả luôn muốn chứng minh tính xác thực của thần cũng như sự công nhận rộng rãi trong dân chúng về sự tồn tại của các vị. Bởi vậy, mở đầu mỗi thiên bao giờ cũng chỉ ra xuất xứ nguồn tài liệu tham khảo... Những thiên không có nguồn trích dẫn cụ thể thì ghi là thế truyền世傳: đời truyền rằng. Công thức b: Câu văn mở đầu thiên (按…王(公, 神) 本…): theo tài liệu nào đó, vương (công, thần) vốn là... do đó hình thành.

- Với tư cách một tác phẩm văn học chức năng lễ nghi, lý do để những vị thần đáng được triều đình phong tặng là vì có công âm phù. Bởi vậy, các thiên thường được kết thúc bằng việc sắc phong. Công thức c: Kết thúc mỗi thiên là 3 đợt gia phong của vua Trùng Hưng và Hưng Long đi cùng câu kết: 以有陰相(助, 扶) 之功也 - vì có công ngầm giúp vậy đã ra đời.

- Vì các nhân vật trong VĐULT là những thần linh thiêng nên khi ghi chép lại hình tích của các vị, tác giả thường nhấn mạnh đến sự hiển linh. Nhưng vì phần lớn trong số họ là nhân vật lịch sử có công với dân tộc, nên ngoài hiển linh, còn có một yếu tố khác cần đề cập tới. Đó là quãng đời bình sinh. Bởi vậy, công thức d: Kết cấu mỗi thiên về nhân thần thường theo hai phần: Khí thế rừng rực lúc đương thời, anh linh tỏa rộng đến đời sau (tức dương phù - âm trợ) đã xuất hiện(18).

Bốn công thức trên, theo chúng tôi, có thể tin là được hình thành từ khi Lý Tế Xuyên biên soạn VĐULT, bởi vì: văn học chức năng bao giờ cũng có những công thức nghiêm nhặt nhất định. Tuy nhiên, mức độ tuân thủ trong các văn bản là khác nhau; sự thực hiện mỗi công thức cũng không đồng nhất. Ví dụ như, dương phù âm trợ được miêu tả tương đối đầy đủ, nhưng xuất xứ tài liệu lại có thể bị bỏ qua... Đây hẳn là những “rơi rụng” xảy ra trong quá trình truyền bản bởi cả nguyên nhân chủ quan từ người sao chép, biên tập lẫn nguyên nhân khách quan của điều kiện văn bản. Có thể xác định được bản có diện mạo gần với nguyên tác nhất dựa trên sự tuân thủ công thức này.

Sau đây là bảng thống kê những bản đứng đầu về độ tuân thủ trong từng mục của tác phẩm:

 

Mục Công thức a Công thức b Công thức c Công thức d
Lịch đại nhân quân A A GHI ACDEGHIK
Lịch đại nhân thần DEK A DGHI ACDEGHIK
Hạo khí anh linh CDEK A E Không xét(19)

 

Bảng thống kê trên đã giúp chúng ta tìm được số lần đứng đầu trong việc thực hiện công thức của các bản của theo thứ tự từ nhiều đến ít như sau:

-A6 lần

-D, E5 lần

-GHI,K4 lần

-C3 lần

-B0 lần

Từ kết quả trên, A sẽ là bản gần gốc nhất nếu xét theo tiêu chuẩn thực hiện các công thức.

III.5. Tăng bổ của các tác giả đời sau

VĐULT được ra đời với tư cách là một cuốn sách chép thần tích, một tác phẩm mang chức năng lễ nghi. Trải qua thời gian gần 6 thế kỷ, tác phẩm đã không ngừng được các văn nhân thêm bớt, sửa chữa. Theo những ghi chép trong các văn bản còn lại, có thể thấy rằng, sau Lý Tế Xuyên, ít nhất, 8 văn nhân đã tham gia vào việc làm thay đổi văn bản. Trong đó, có 6 người mà công việc của họ còn để lại dấu vết rõ ràng trong văn bản. Đó là:

-Nguyễn Văn Chất thêm phần Tục bổ.

-Lê Tự Chi viết Càn Hải tứ vị thánh nương tịnh tự.

-Lê Thuần Phủ soạn Bạt.

-Gia Cát thị biên soạn lại tác phẩm.

-Cao Huy Diệu viết Tiếm bình, bổ chú.

-Ngô Giáp Đậu thêm Trùng bổ.

Với lý do đã nêu ở đầu bài viết, tác phẩm có sự gia công của Gia Cát thị sẽ không thuộc phạm vi nghiên cứu của bài viết này. Sau đây là bảng tổng kết các mục còn lại được bổ sung trong các văn bản:

 

Tục bổ Càn Hải tứ vị thánh nương Bạt Tiếm bình Trùng bổ
Không có Không có Không có Không có Không có
Không bản nào A B C D E G H I K B C D E G H I K A A G H I B C D E K A B G H I C D E K A G H I B C D E K

 

Tính số lần các văn bản có những yếu tố phát sinh sau thời đại Lý Tế Xuyên để xem đâu là văn bản có diện mạo gần với nguyên tác nhất. Chúng ta có được kết quả sau:

- 1 lần: GH và I (Tục bổ).

- 2 lần: A (Tục bổCàn Hải tứ vị thánh nương tịnh tự).

- 3 lần: B (Tục bổBạtTrùng bổ).

- 4 lần: CDEK (Tục bổBạtTiếm bìnhTrùng bổ).

Như vậy là, ở phần này, với sự xuất hiện các phần bổ sung thấp nhất, 3 bản G, H, I có khả năng là những bản có diện mạo gần với nguyên tác hơn cả.

III.6. Câu văn

Đặc điểm của câu văn cũng là một tiêu chí để xác định văn bản có diện mạo gần với nguyên tác.

Với tính chất văn học chức năng lễ nghi, ở giai đoạn đầu, thần tích thường là những câu mang tính chất thông báo sự kiện. Phần đối thoại, tả cảnh, tả tâm lý nhân vật cùng những lời văn bóng bảy chưa trở thành mục đích trong những tác phẩm loại này. Phải đến thời kỳ sau, khi những quy chế của văn học chức năng ngày càng trở nên lỏng lẻo, thì sự gia công nghệ thuật mới được thêm vào. Vì vậy, phân tích tính chất câu văn cũng là một phương pháp đi tìm văn bản có diện mạo gần với nguyên tác. Trong các đối tượng được xét ở đây, thì B có câu văn ngắn gọn hơn cả. Tuy nhiên, vì được viết quá tóm lược, chỉ quan tâm đến ba điểm chính: tên gọi, niên đại sống của thần và mỹ hiệu các triều phong tặng, nên rõ ràng văn bản này không phù hợp với mục đích biên soạn mà Lý Tế Xuyên đã thể hiện trong Lời tựa “nếu không ghi chép lại sự thực, thì màu đỏ và màu tía khó rõ ràng”(20) hoặc trong nhận xét của Lê Quý Đôn: “lời văn trang nghiêm, sự việc xác thực, tỏ ra tài của nhà sử học lành nghề”(21). Vì thế, có thể nhận ra rằng, diện mạo của bản gốc đã bị xóa bỏ hoàn toàn ở B. Bởi vậy, chúng tôi sẽ chỉ khảo sát 8 văn bản còn lại, bằng cách chọn ngẫu nhiên mỗi mục thuộc phần Chính văn của Lý Tế Xuyên khoảng 30% số thiên liền nhau. Cụ thể là: Lịch đại nhân quân 6 thiên, chọn 2; Lịch đại nhân thần 11 thiên, chọn 4; Hạo khí anh linh 10 thiên, chọn 3. Các câu văn được đưa vào để so sánh tuân thủ theo quy ước: chỉ đưa vào những đoạn mà giữa các bản có độ chênh từ 10 chữ trở lên. Do giới hạn của 1 bài viết, chúng tôi không thể trình bày bảng so sánh câu văn được(22), mà chỉ đưa ra toàn bộ số chữ trong những đoạn được thống kê ở từng văn bản:

 

Bản (A.1919) (A.751) D (A.2879)

E

(VHv.1285/ 2)

(A.47)

H

(D-X-3-9)

I

(SA.HM.2119)

(VHv.1285/1)
Tổng số chữ 327 1222 346 355 265 265 265 1222

 

Xếp thứ tự xa dần nguyên tác theo số lượng chữ, chúng ta được kết quả sau:

G, H, I265

A327

D346

E355

C, K1222

Ở tiêu chí này, xét theo tính chất câu văn, GH và I được chọn vào vị trí có khả năng diện mạo gần với nguyên tác nhất(23).

III.7. Ghi chép trong các văn bản

Trong 8 văn bản được xét, chúng tôi thấy:

. Tại các bản CEK, 4 lần xuất hiện 2 chữ “cựu tác 舊作” (bản cũ viết là...).

‚. Tại bản D, 1 lần xuất hiện chữ “cổ bản 古本” (bản cổ).

ƒ. Tại bản E, 1 lần xuất hiện chữ “chính bản 正本” (bản chính).

Đây là những chữ được người sao chép dùng để thông báo về một loại văn bản VĐULT ra đời trước bản mà mình đang chép. Điều đó cho ta biết họ đã từng làm công việc “khảo dị”. Thông báo “cựu tác”, “cổ bản”, “chính bản”, người sao chép đã công khai thừa nhận với độc giả văn bản của mình không phải là “cựu”, “cổ bản” hay “chính bản”. Đó là những tín hiệu giúp chúng ta loại trừ 4 văn bản CDEK. Vậy còn lại AGHI là những bản gần với diện mạo cổ hơn cả. Bây giờ, hãy xét từng trường hợp:

 



 

Chữ chứng tỏ không phải là bản cổ

舊作

古本 正本

 

Bản

C E K D E

 

Nội dung

舊作人君, 后妃附Cựu tác nhân quân, Hậu phi phụ - Bản cũ chép là Nhân quân, Hậu phi phụ (tờ 3a) 舊作人君Cựu tác nhân quân - (Bản) cũ chép là Nhân quân (tờ 2a) 舊作人臣Cựu tác Nhân thần - Bản cũ chép là Nhân thần (tờ 2a) 舊作人君, 附后妃Cựu tác Nhân quân, phụ Hậu phi - Bản cũ chép là Nhân quân, phụ Hậu phi (tờ 3a) 舊作人臣Cựu tác Nhân thần - Bản cũ chép là Nhân thần (tờ 3b) 趙越王舊作明道開基聖烈神武皇帝; 李南帝舊作英烈仁孝欽明聖武皇帝Triệu Việt vương cựu tác Minh Đạo Khai Cơ Thánh Liệt Thần Vũ hoàng đế; Lý Nam đế cựu tác Anh Liệt Nhân Hiếu Khâm Minh Thánh Vũ hoàng đế - Triệu Việt vương bản cũ chép là Minh Đạo Khai Cơ Thánh Liệt Thần Vũ hoàng đế; Lý Nam đế bản cũ chép là Anh Liệt Nhân Hiếu Khâm Minh Thánh Vũ hoàng đế (tờ 19b) 制勝二徵夫人舊作徵聖王Chế Thắng nhị Trưng phu nhân cựu tác Trưng Thánh vương - Chế Thắng nhị Trưng phu nhân bản cũ chép là Trưng Thánh vương (tờ 26a) 古本三十錄增附三錄今三十三錄Cổ bản tam thập lục tăng phụ tam lục kim tam thập tam lục - bản cổ 30 lục, tăng phụ thêm 3 lục. Nay là 33 lục (tờ 3b). 正本三十錄增補三錄Chính bản tam thập lục tăng bổ tam lục - bản chính 30 lục, tăng bổ 3 lục (tờ 3b)
Bản có dấu hiệu phù hợp với bản cổ A x x x   x        
G   x x x x x x    
H   x x x x x x    
I   x x x x x x    

Qua đây, chúng ta biết được 4 thông tin sau:

. Tên mục chép về vua, bản cổ là Lịch đại nhân quân, Hậu phi phụ (hoặc Phụ hậu phi);

‚. Tên mục chép về bề tôi, bản cổ là Lịch đại nhân thần;

ƒ. Nhan đề của thiên về Triệu Việt Vương và Lý Nam Đế, bản cổ là: Minh đạo Khai cơ Thánh liệt Thần vũ Hoàng đế, Anh liệt Nhân hiếu Khâm minh Thánh vũ Hoàng đế;

„. Nhan đề của thiên về Hai Bà Trưng, bản cổ là Trưng Thánh vương.

Trường hợp này, cả 4 bản AGH và I đều có thể coi là thuộc nhóm “cổ bản”, ”chính bản”, vì đều có những chữ phù hợp với phần khảo dị bản "cựu", "cổ", "chính". Tuy G, H, I có số lần phù hợp với chữ được khảo dị nhiều hơn A (6/4), nhưng đây không phải là điều quan trọng, vì sự nhiều hơn này chỉ chứng tỏ G, H, I được nhiều bản tham khảo hơn, chứ không có nghĩa là gần gốc hơn.

III.8. Việc dùng chữ trong văn bản

VĐULT được ra đời để phục vụ cho chức năng lễ nghi tôn giáo. Bởi vậy, thái độ tôn trọng các thần luôn là một trong những yêu cầu hàng đầu đối với người biên soạn thần tích. Sự tôn trọng được thể hiện qua nhiều cách, như viết đài, tránh tên húy, hay dùng các từ đặc biệt v.v... Trừ B, ở những văn bản còn lại, có một trường hợp cho thấy sự khác biệt về cách dùng chữ. Đó là đoạn nói về sự linh dị của Phùng Hưng tại thiên Bố Cái Phu Hựu Chương Tín Sùng Nghĩa đại vương:

 

Bản A C, DEK GHI
Nội dung 又初興卒能顯靈(Hựu sơ Hưng tốt năng hiển linh - Lại nói, xưa, Hưng chết có thể hiển linh) 興卒能顯靈(Sơ Hưng tốt năng hiển linh - Xưa, Hưng chết có thể hiển linh) 英靈顯赫(Sơ vương ký hoăng anh linh hiển hách - Xưa, vương đã mất, anh linh hiển hách)
       

Các chữ Hán được in to và đậm trong bảng này là những chữ thể hiện sự tôn trọng hay không đối với Bố Cái đại vương. Bảng thống kê cho thấy ACDE và K đều gọi thần bằng tên húy Hưng 興, riêng 3 bản GHI thì dùng chữ vương 王 để gọi. Ngoài ra, còn có hai chữ khác nhau về mức độ tôn trọng nữa là chữ tốt 卒 trong ACDEK và chữ hoăng 薨trong GHI. Hai chữ này được một số từ điển thông dụng và có uy tín giải thích như sau:

 

Khang Hi Từ nguyên Từ hải Hán ngữ đại tự điển

大夫死曰卒

Đại phu tử viết tốt - Bậc đại phu chết gọi là tốt(24)

公侯卒矣

Công hầutốt hĩ -Bậc công hầu chết(25)

Tử -chết (26)

周代天子死曰

崩諸侯曰薨

Chu đại thiên tử tử viết băng, chư hầu viết hoăng - Thời Chu, thiên tử chết gọi là băng, đại phu chết gọi là hoăng(27)

古指大夫死亡及年老壽終

Cổ chỉ đại phu tử vong cập niên lão thọ chung - Thời cổ chỉ bậc đại phu chết và người già chết thọ(28)

周代諸侯

死之稱

Chu đại chư hầu tử chi xưng - gọi bậc chư hầu đời Chu chết(29)

死亡

tử vong- tử vong(30)

周代諸侯死亡稱薨

Chu đại chư hầu tử vong xưng hoăng - Thời Chu, bậc chư hầu tử vong gọi là hoăng (31)

 

Có thể thấy rằng, cách giải thích về hai chữ tốt và hoăng trong 4 cuốn từ điển trên tuy không hoàn toàn giống nhau, nhưng có sự thống nhất về sự phân biệt sắc thái ngữ nghĩa: hoăng bao giờ cũng được dùng trong trường hợp trang trọng hơn tốt. Vậy là, với việc chứng tỏ thái độ tôn trọng qua kiêng tên húy và dùng từ đặc biệt để chỉ về thần, GHI đã trở thành những bản gần gốc hơn trong tiêu chí này.

Trở lên, quá trình tìm về một bản có khả năng có diện mạo gần với nguyên tác nhất đã được thực hiện qua 8 tiêu chí. Trong đó, mỗi tiêu chí đã chọn ra được bản đứng đầu như sau:

- Các ghi chép của người xưa về VĐULTG, H, I

- Nhan đề các thiên: K

- Lời tựa của Lý Tế Xuyên: AGH, I, K

- Đặc trưng thể loại: A

- Tăng bổ của các tác giả đời sau: G, H, I

- Câu văn: G, H, I

- Ghi chép trong các văn bản: A, G, H, I

- Việc dùng chữ trong văn bản: G, H, I

Xếp các bản có số lần đứng đầu tiêu chí từ theo thứ tự từ nhiều đến ít, ta sẽ có kết quả sau:

GHI6/8 lần (tiêu chí 1, 3, 5, 6, 7, 8)

A3/8 lần (tiêu chí 3, 4, 7)

K2/8 lần (tiêu chí 2, 3)

B, C, D, E0/8 lần

Như vậy, với số lần đứng đầu tiêu chí nhiều nhất, GH và I là những bản có khả năng mang diện mạo gần với nguyên tác hơn cả.

Tuy vậy, cũng phải nói thêm rằng, sự lựa chọn này cũng chỉ mang tính tương đối, vì tất cả các bản VĐULT hiện còn đều được sao lại vào thời Nguyễn(32), nên ngay đến văn bản được xếp vào loại có khả năng diện mạo gần với nguyên tác nhất cũng không thể tránh khỏi những yếu tố được thêm vào ở thời sau này và bản được cho là gần gốc nhất cũng không phải là tuyệt đối về mọi mặt so với các bản khác. Ví dụ như: ở nhiều chỗ, so với các bản GHI, thì A có những phần không được nguyên sơ bằng, nhưng về việc tuân thủ các công thức, thì A lại bảo lưu yếu tổ cổ hơn G.

Như vậy là, sau khi áp dụng một số phương pháp nghiên cứu văn bản, từ 8 bản VĐULT, chúng tôi đã chọn ra được 3 bản có khả năng gần với gốc nhất là A.47, D-X-3-9 và H.M.2119. Trên cơ sở đó, người viết sẽ tiếp tục nghiên cứu quá trình dịch chuyển của văn bản từ buổi đầu (thế kỷ XIV) đến đầu thế kỷ XX trong bài viết khác.

TS. Đào Phương Chi

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 6 (109) 2011, trang 10-23.

-----------

Chú thích:

(1) Lêkhaxep: Những nhiệm vụ của văn bản học. Nguyễn Đức Hân dịch. Bản đánh máy. Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VHN). DT.44.

(2) Tác phẩm này hiện có khá nhiều tên gọi, như: Việt điện u linhViệt điện u linh tậpViệt điện u linh tập lụcViệt điện u linh tập lục toàn biên v.v... Theo Đại Việt thông sử (ĐVTS) [A.1389, tờ 76a (VHN)] và Kiến văn tiểu lục (KVTL) [A.32, tờ 4a, VHN] của Lê Quý Đôn, những văn bản có ghi chép sớm nhất về tên gọi của tác phẩm này, thì sách có tên là Việt điện u linh tập. Bởi vậy, chúng tôi gọi theo Lê Quý Đôn. Những tên gọi khác sẽ chỉ được dùng trong trường hợp trích dẫn nguyên văn.

(3) Nay sách được giao cho VHN.

(4) 陳慶浩 , 鄭阿財 , 陳義主編 . 第二集 . 神話傳說類 . 臺灣學生書局印行 . 臺北 . 1992.

(5) Xin xem thêm Đào Phương Chi. Nghiên cứu văn bản VĐULT và quá trình dịch chuyển của văn bản. Luận án Tiến sỹ Ngữ văn, H. 2007. tr.57, 235-237.

(6) Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh tập. Trịnh Đình Dư dịch, Đinh Gia Khánh hiệu đính và bổ sung, Nxb. Văn học, H. 1972, tr.31.

(7) VĐULT. Sđd (tr.31).

(8) 大越通史. A.1389, tờ 76a, VHN.

(9) Lê Quý Đôn không cho biết cụ thể đơn vị được tính ở đây là “thần” hay “thiên”, nhưng con số 8 và 12 được học giả họ Lê nêu lên ở mục Lịch đại nhân quân và Lịch đại nhân thần phù hợp với thống kê về số thần của chúng tôi (xin xem Đào Phương Chi, Luận án, đã dẫn, tr.58, 59).

(10) 見聞小錄.A.32, tờ 4a, VHN.

(11) 歷朝憲章類誌. A.1151, tờ 3b, VHN.

Trong kho sách của VHN hiện còn 14 văn bản LTHCLC: A.1551, A.50, A.1358, VHv.1502, A.2124, A.2061, VHv.181,VHv.1262, VHv.1541, VHv.982, VHv.983, A.1883, A.2445 và VHv.2666-2671 (1 bộ 6 ký hiệu). VĐULT được chép ở phần Văn tịch chíTruyện ký loại. Trong 14 văn bản trên, thì 6 bản không còn phần Văn tịch chí là: A.1358, A.2061,VHv.181, A.1883, A.2445 và VHv.2666-2671. 8 bản còn lại đều cho biết VĐULT có 28 thiên, riêng VHv.982 chép thiếu bốn chữ Lịch đại nhân quân, nhưng số thiên thì vẫn không thay đổi [tờ 68a].

(12) Số lần ở đây không kể ML, bởi bản có ML bản không.

(13) Nếu tính toàn bộ số thiên được xếp vào hai phần này thì sẽ có con số lớn hơn, nhưng chúng tôi chỉ xét những thiên có nhiều khả năng vốn nằm trong hai mục này, đó là 4 thiên trong Tục bổ và 4 trong Trùng bổ. Những thiên còn lại ở hai phần này sẽ bị loại vì được người sao chép ghép thêm vào (xin xem thêm: Đào Phương Chi. Luận án đã dẫn, tr.178-179).

(14) Thiên này tất cả các bản đều không chép các đợt phong, nên không biết được MT của thần là gì. Bốn chữ "Tiết Nghĩa Trung Liệt" phải chăng là MT của thần mà người sao chép đã tham khảo ở tài liệu nào đó rồi viết vào?

(15) Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh tập. Lê Hữu Mục dịch. Nxb. Khai trí. Sài Gòn 1961, tr.17.

(16) Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh tập. Trịnh Đình Dư dịch, Đinh Gia Khánh hiệu đính và bổ sung. Nxb. Văn học, H. 1972, tr.5.

(17) 黎貴敦. 見聞小綠. A.32, tờ 118a, VHN.

(18) 4 công thức này được kế thừa từ bài viết Tìm hiểu quan điểm biên soạn và phương pháp biên soạn VĐULT của Lý Tế Xuyên. Tạp chí Văn học, số 1/1986 của Nguyễn Đăng Na.

(19) Không xét đến công thức d vì các thần được chép đều là thiên thần, nên không thể có “khí thế rừng rực lúc đương thời” được.

(20) 李濟川. 粵甸幽靈集 A.47, VHN, tờ 3a.

(21) Lê Quý Đôn. KVTL. Bộ Quốc gia giáo dục. 1964.

(22) Xin tham khảo bảng so sánh cụ thể trong Luận án của tôi (tr.100, tr.106).

(23) Trong luận án của chúng tôi, cả A cũng được chọn vào nhóm gần nguyên tác, nhưng nay xin đưa A ra khỏi nhóm này, vì ở các tiêu chí trên, chỉ những bản có ưu thế tuyệt đối mới được chọn và trong tiêu chí này thì GHI mới là những bản có số chữ ít nhất. Hơn nữa, độ chênh về số chữ ở GHI và A còn lớn hơn nhiều so với độ chênh ở A với các bản DE, bởi vậy, xếp A và nhóm chung với GHI là không hợp lý.

(24) 康熙. 中華書局出版. 年 (tr.156).

(25) 康熙. 中華書局出版. 年 (tr.1062).

(26) 辭源. 商務印書館. 北京 (tr.225).

(27)辭源.商務印書館. 北京(tr.1479).

(28) 辭海.上海辭書出版社1989 年 (tr.401).

(29) 辭海.上海辭書出版社1989年 (tr.696).

(30) 漢語大辭典.四川辭書出版社.湖北辭書出版社. 成都 (tr.63).

(31) 漢語大辭典 . 四川辭書出版社. 湖北辭書出版社. 成都. (tr.3302).

(32) Sở dĩ chúng tôi nhận xét như vậy là bởi: trong số các bản VĐULT thì trừ BCDEK rõ ràng được chép vào thời Nguyễn, vì có phần Trùng bổ vào đầu thế kỷ XX của Ngô Giáp Đậu thì, sau khi tìm hiểu các bản còn lại là A và GHI, chúng tôi cũng cho rằng chúng là sản phẩm của giai đoạn này, vì bản A có kiêng húy chữ 時, húy của triều Tự Đức (1848-1884), còn bản GH và I thì có một chứng cứ là ở thiên thứ 21: Khai nguyên Uy hiển Long trứ Trung vũ đại vương có câu: “唐玄宗開元中廣州刺史盧奐奉命巡越南國時...” [粵甸幽靈集. A.47 (tờ 15a), D-X-3-9 (tờ 17a), SA.HM.2119, (tờ 35)] (Trong niên hiệu Khai Nguyên đời Đường Huyền Tông, khi Thứ sử Quảng Châu là Lư Hoán phụng mệnh thị sát nước Việt Nam...). Ở các bản khác, tên nước ta - Việt Nam “越南” - không hề xuất hiện, mà được ghi là Nam Giao - “南交”. Nước ta chỉ được đổi quốc hiệu thành Việt Nam năm Gia Long thứ 3 (1804). Vì vậy, có nhiều khả năng đây là bản được sao chép sau khi lệnh đổi quốc hiệu được ban ra. Và như thế thì, nó chỉ có thể ra đời sớm nhất vào thời Nguyễn./.

Page 1 of 109

Thông tin truy cập

63676977
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
20695
17595
63676977

Thành viên trực tuyến

Đang có 179 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website