“Trẻ thơ là sự ngây thơ và quên lãng,
một sự tái khởi miên viễn
một trò chơi,
một bánh xe quay vòng quanh mình,
một vận chuyển đầu tiên,
một tiếng “Vâng” linh thánh”
(Zarathustra)
Mỗi con người khi còn là trẻ thơ thường ấp ủ giấc mơ làm người lớn. Còn khi đã trở thành người lớn, lại là những giấc mơ, hoài niệm về thời thơ trẻ. Đó là một vòng quay đầy nhiệm màu, trong đó có sự khám phá, nhận thức, và suy ngẫm về đời sống.
1. Jean Nicolas Arthur Rimbaud (20/10/1854 - 10/11/1891) là một nhà thơ có cuộc đời ngắn ngủi và sự nghiệp sáng tác còn ngắn ngủi hơn rất nhiều lần, nhưng lại đã tạo nên được những phát triển quan trọng của thơ tượng trưng và là một bước đột khởi trong nền thơ Pháp thế kỷ XIX, có ảnh hưởng lớn lao đến văn học những giai đoạn sau.
Trong thơ Rimbaud, bản thân chàng đã hiển hiện với nhiều góc độ khác nhau, cùng với những chi tiết có được từ tiểu sử của chàng, chúng ta có thể hình dung chàng từng là một đứa trẻ thông minh, có những năng lực đặc biệt như một thần đồng. Đó là một đứa trẻ sống ở tỉnh lẻ, lúc nào cũng muốn phản ứng lại những điều nặng nề, trì trệ xung quanh mình. Đó là người mê phiêu lưu và lang bạt từ trong bản chất. Đó là nhà thơ viết trong những cơn đê mê, say đắm đầy ảo giác vì sử dụng chất kích thích, để tạo nên thế giới thơ ca của riêng mình, lạ lùng và bí ẩn.
Vũ trụ thơ ca của Rimbaud lấp lánh ánh sáng của niềm thần khải, mơ mộng, luôn luôn nguyên sơ, luôn luôn đồng nhất. Đi đến cùng vũ trụ mơ hồ của người thi nhân thấu thị, đó là cái nhìn của trẻ thơ. Và chúng ta cũng nhớ rằng, thi nhân Rimbaud đã làm thơ từ khi là một đứa trẻ, và đến khi tuyên bố đoạn tuyệt với thi ca, chàng cũng chỉ vừa đến tuổi đôi mươi. Tuổi đôi mươi người ta là một người lớn, và cũng vẫn còn là một trẻ thơ. Thi nhân thì, muôn đời, giữ cho mình vẻ nguyên trinh của một đứa trẻ.
Phải chăng thơ ca là lời tâm hồn của đứa trẻ dần lớn lên, đối diện với cuộc đời và muốn khám phá. Những đứa trẻ cất lời ca từ chân nguyên của chính mình. Rồi cho đến khi từ giã tuổi thơ để bước vào đời, nó ngừng hát. Đó là lúc thi sĩ Rimbaud ngừng cất lên những giai điệu lạ lùng để bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời - quãng đời phía sau của Rimbaud mà người ta đã cho rằng nó khác lạ và chẳng giống gì với quãng đời của chính thi nhân trước kia. Nhưng trong suy nghĩ của chúng tôi, Rimbaud người lớn có cuộc đời bôn ba làm những nghề nghiệp kỳ lạ là một sự thể nghiệm của suy tưởng trong tâm hồn của một Rimbaud trẻ con. Và cũng đã có nhận định rằng, chính cuộc đời Rimbaud là một bài thơ.
2. Les Illuminations (1886) là một tựa đề có nhiều ý nghĩa. Từ nguyên gốc tiếng Pháp khi được dịch sang tiếng Việt, tên tập thơ đã được chọn cho nhiều cách gọi khác nhau như: Thần cảm, Thần khải, Bừng sáng, Hoa đăng, Thiên khải,… Thực chất cách chuyển ngữ nào cũng có ý nghĩa và có lý do. Có thể hiểu Les Illuminations là sự chiếu sáng, sự bừng sáng. Cũng có thể hiểu Les Illuminations là sự giác ngộ, đốn ngộ, để nhận thức được chiều sâu xa của tư tưởng và vũ trụ - như điều mà các nhà tượng trưng hướng đến. Theo ý riêng, chúng tôi chọn tên tiếng Việt cho tập thơ Les Illuminations là Thần cảm, cách gọi tạo cho chúng tôi nhiều hứng thú nhất. Dù có chọn cho tập thơ cái tên tiếng Việt nào, chúng tôi luôn hình dung tựa đề của tập thơ độc đáo này ở hai phương diện nghĩa quan trọng. Một là ánh sáng, sự bừng sáng. Hai là sự nhận thức, điều được mặc khải, từ đấng tối linh của vũ trụ. Hai đặc trưng này không hề xa lạ với thơ tượng trưng.
Trong bài viết này, chúng tôi trình bày về yếu tố trẻ thơ, điều chúng tôi cho rằng nổi bật và đầy ấn tượng trong tập thơ Thần cảm. Trẻ thơ - không chỉ là những đứa trẻ ngây thơ trong sáng. Trẻ thơ - là tuổi trẻ của chính Rimbaud trong thời kỳ sáng tác của nhà thơ. Trẻ thơ - là sự hồi tưởng, là hình dung về tuổi thơ của Rimbaud khi để lại dấu ấn của bản thân mình trong thơ. Trẻ thơ - chính là uyên nguyên, sơ khởi của tạo vật, thế giới và sự sống, chính là vũ trụ thi ca mà Rimbaud đã tạo dựng nên, với lối cảm nhận đặc thù của mình.
3. Thực tại được tạo lập trong thơ của Rimbaud, như điển hình của thơ tượng trưng, là thực tại đầy hình tượng với ý nghĩa tượng trưng sâu xa, nhiều triết lý. Thực tại ấy cũng phong phú, phức tạp, đầy âm thanh, màu sắc, ánh sáng, nhưng cũng đồng thời cần được hiểu trong sự nhất quán, hài hòa, chứ không phải là sự mâu thuẫn, phân rẽ. Điều này có nguồn gốc từ triết học Thần cảm, siêu hình của Đức, và cũng có mối liên hệ sâu xa với tư tưởng nhất nguyên, nhất thể của tư tưởng phương Đông cổ đại. Bởi vậy, nên khi đọc những vần thơ trong Thần cảm, người đọc có thể nhận thấy rất nhiều những hình tượng, dồn nén, chất chồng, rất nhiều khi đột ngột và khó hiểu, nhưng ngầm dưới những từ ngữ, hình tượng dày đặt đó là sự kết nối, nguyên hợp.
Thực tại của tập thơ Thần cảm, vừa là thực tại của đời sống hiện thực, vừa là một thực tại đầy chất huyền ảo, bí ẩn. Ở đó có thành phố, có đường sá, có nhà cửa, có những chuyến xe, có chiếc cầu, có những con tàu. Ở đó cũng có những vị thần, những con vật hoang đường, những mụ phù thủy, những phép màu. Ở đó có người lang thang, nghèo khổ, lăn lóc. Ở đó cũng có người lữ hành đi trong chuyến lãng du của tâm tư muốn tri nhận sự bí ẩn của sự sống.
Chúng tôi gọi cái thế giới thực tại mà Rimbaud tạo nên trong Thần cảm là Thế giới trẻ thơ, là muốn nhấn mạnh tính nguyên sơ của nó. Trẻ thơ – hoàn toàn không phải là sự non kém, ấu trĩ, ngây ngô, mà là sự chạm đến những huyền thoại sâu xa chất chứa nhiều ý nghĩa như dưới những lớp trầm tích, là sự mở rộng đến mênh mang của trí tưởng tượng và tư tưởng, là niềm tin thiêng liêng vào sự sống và vũ trụ.
4. Thế giới của trẻ thơ là thế giới mang màu sắc cổ tích, huyền thoại và ngụ ngôn. Mở đầu tập thơ Thần cảm là bài thơ Sau trận đại hồng thủy. Đại hồng thủy là một huyền thoại rất quen thuộc phát xuất từ vùng Lưỡng Hà, và còn xuất hiện trong huyền thoại ở nhiều vùng đất khác trên thế giới. Đại hồng thủy được hiểu đơn giản như là sự nổi giận của Đấng thượng đế vì những tội lỗi xấu xa của con người nên đã muốn tiêu diệt hết toàn bộ thế giới. Nhưng lúc nào cũng có con người tốt đẹp và đức hạnh nhất được chọn lựa để được cứu sống trong cơn đại hồng thủy, để tiếp tục bảo tồn và vun vén sự sống trên thế giới này. Vì vậy, đại hồng thủy được hình dung như một sự tàn phá ghê gớm, một tai ương khủng khiếp của nhân loại, nhưng lại cũng là hình tượng của sự mới mẻ, sự khởi đầu, sự sinh ra.
Trong bài thơ Sau trận đại hồng thủy của Rimbaud, đại hồng thủy trước hết và quan trọng nhất là một ý tưởng trong suy nghĩ của nhà thơ. “Ý tưởng về trận đại hồng thủy đã được đặt lại”. Rimbaud trông đợi một cơn đại hồng thủy xảy đến với thế giới, như trông đợi một sự mới mẻ sẽ nảy sinh và xoay vần cuộc sống. Nhà thơ, căn bản, người thi nhân thấu thị ấy, hiểu về sự tồn tại của một niềm linh thiêng, huyền bí tạo ra sự vận hành của sự sống. Một đấng linh thiêng nào đấy nắm giữ điều bí mật. “Bà đặt chiếc dương cầm trên rặng núi Alpes”, chiếc đàn ấy sẽ tấu lên những khúc nhạc của trời vang vọng khắp rặng núi Alps hùng vĩ, vang vọng khắp mọi ngõ ngách của thế giới, tiếng đàn trời ấy cùng hòa điệu với tất cả tạo vật và sự vận động khác.
Sau cơn đại hồng thủy, là một mặt đất hoang sơ và mới mẻ. “Trong ngôi nhà to bằng kiếng còn đầm đìa, những đứa trẻ chịu tang đang ngắm những hình ảnh diệu kỳ”. Những đứa trẻ còn sống sau cơn hồng thủy, những sinh linh tốt đẹp nhất còn sống. Một cách nào đấy sẽ là những đứa trẻ phải chịu tang, cho tất cả những gì đã bị hủy diệt. Nhưng cũng chính đứa trẻ ấy, đang chứng kiến những điều diệu kỳ của sự sống sắp sửa sinh sôi.
Thần thoại Hy Lạp có kể về nạn hồng thủy, Deucalion và Pyrrha là hai người duy nhất còn sống sót. Họ nhận được lời phán truyền của thần Zeus, hãy lấy vải che mặt, ra khỏi đền thờ và ném lại sau lưng xương của mẹ các ngươi. Xương của cha mẹ ư? Những đứa con vừa chịu tang có thể làm được chăng điều đó. Và lúc đó họ bừng hiểu rằng, Mẹ chính là Đất, và xương của mẹ chính là đá. Họ quay lưng bước đi, ném về sau lưng họ xương của Mẹ của muôn loài. Từ mỗi hòn đá được ném đi ấy, đã trỗi dậy những con người, sinh sôi đông đảo trở lại trên mặt đất này. Trong bài thơ Sau trận đại hồng thủy, Rimbaud đã viết: “Ôi! Những loài đá quý đang lẩn trốn, - hoa thì mở mắt nhìn” và sau khi những cơn đại hồng thủy tan biến “ôi những loài đá quý vẫn vùi chôn, hoa thì bừng nở!”. Những loài đá quý, phải chăng là phần xương thịt tinh hoa nhất sẽ tạo ra những con người đẹp đẽ và đức hạnh nhất? Có thể hình dung một cách đơn giản hơn, rằng sau đại hồng thủy, cuộc sống sẽ vẫn nảy nở và tiếp diễn, có thể không phải là những mầm sống ưu tú nhất sẽ ra đời như mong muốn của đấng gây nên hồng thủy thì hoa vẫn nở bừng với sự sống vần xoay.
Trong cơn say sưa hứng khởi, thi nhân viết những dòng thơ cuồn cuộn: “Ao hồ, hãy nảy sinh, - Bọt, hãy lăn trên cầu và trên những cánh rừng, - dạ đen và đàn ống, - sấm và chớp, - hãy dâng cao và rền vang, - những làn nước và những nỗi buồn, hãy dâng cao và dấy lên những trận đại hồng thủy”. Trong tâm hồn nhà thơ cũng dâng lên một niềm cảm hứng, mãnh liệt và cuồn cuộn như thế. Nếu như chưa từng có một cơn đại hồng thủy khủng khiếp nào xảy đến cho nhân loại thì cũng đã có một cơn đại hồng thủy xảy đến trong tâm hồn thi nhân để tạo nên những vần thơ lạ kỳ, say mê trong khoảng thời gian sáng tác ngắn ngủi của cuộc đời chàng.
“Và bà hoàng hậu, mụ phù thủy đang nhóm lên mớ than hồng trong cái chậu đất, sẽ không đời nào có ý định kể lại cho chúng ta nghe những gì bà ta biết, và chúng ta sẽ không biết được bao giờ”. Phải chăng thi nhân muốn nói rằng bí mật của sự sống vẫn là điều không thể biết. Và dù có hồng thủy hay không, hay chỉ là trận đại hồng thủy tư tưởng của nhà thơ, thì sự sống vẫn là một điều huyền bí vĩnh hằng.
Đọc thơ của Rimbaud, người đọc có quyền liên tưởng đến những câu chuyện cổ tích, một câu chuyện nào đó mà họ từng nghe kể. Nhà thơ Rimbaud ở một góc độ nào đấy, cũng đã hình dung cuộc đời như những câu chuyện kể, và thi nhân, trên con đường phiêu lãng của mình cũng đã là người kể chuyện thần kỳ.
Bài thơ Truyện hoang đường viết về một đấng quân vương “Ngài dự kiến những cuộc cách mạng tuyệt vời của tình yêu, và ngờ vực những bà vợ của mình có thể làm điều gì tốt hơn sự chiều chuộng tô điểm bằng bầu trời và sự xa hoa kia. Ngài muốn thấy sự thật, giờ của khát vọng và sự thỏa mãn chủ yếu. Ngài vẫn muốn, cho dầu đó có phải là một sự lệch lạc của lòng thương hại hay không…
Tất cả những người phụ nữ biết ngài đều đã bị giết hại. Xiết bao tàn phá trong khu vườn nhan sắc!
Ngài giết tất cả những ai theo ngài, sau chuyến đi săn hoặc sau những cuộc chè chén tưng bừng - Mọi người vẫn theo ngài”.
Bài thơ này có thể làm người đọc liên tưởng đến câu chuyện về vua Sharyah trong truyện Nghìn lẻ một đêm. Nhà vua giết chết những người phụ nữ của mình sau một đêm ân ái. Hành vi tàn nhẫn và chết chóc ấy, thực sự không làm ảnh hưởng đến vương vị của ngài, mà một cách nào đó, nó thể hiện quyền lực, uy danh của đức vua. Và vương quốc của nhà vua vẫn như vậy, hùng cường, mạnh mẽ. Sự liên tưởng này, có thể tạo nên cái dữ dội, khốc liệt trong bài thơ. Bởi vì, người ta sẽ không ngạc nhiên với những điều mà một đức vua làm trên ngai báu của ông ta, vì thượng đế đã quyết định tất cả mọi điều như vậy. “Quân vương là Thần. Thần là Quân vương”. Những hình tượng trong thơ Rimbaud có vẻ khó hiểu nhưng nhất quán trong tư tưởng của ông.
“Những đứa bé nghẹt thở vì những lời nguyền rủa dọc các con sông”. Đây cũng là hình ảnh về đứa trẻ trong thơ Rimbaud. Người đọc có thể nhớ đến câu chuyện trong Cựu ước kinh về một Pharaoh ra lệnh ném xuống dòng sông tất cả những bé trai sơ sinh của người Do Thái. Dòng sông Nil là nguồn mạch sống còn của đất nước Ai Cập, nuôi dưỡng người dân Ai Cập, và cũng dòng sông ấy, mang lời nguyền đến cho các dân tộc thù nghịch. Bất chấp điều đó Moses vẫn sống để trở thành vị Thánh của dân Israel vong quốc.
Trải qua bao nhiêu ngàn năm, kho tàng huyền thoại ngụ ngôn vẫn dâng đầy ăm ắp trong lòng nhân loại. Khó ai có thể nói rằng mình hiểu được ý nghĩa thâm sâu của những huyền thoại ấy. Hay chỉ cần nhìn thấy một chi tiết, một hình tượng nào đó từ huyền thoại phảng phất trong đời sống, sống lại trong một cảm nhận, chúng ta có thể nhận thấy sự phong phú trong đời sống tinh thần của con người
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;}
5. Thế giới là tưởng tượng. “Một chú thỏ rừng dừng bước trong đám hồng đậu và bông hình chuông luôn chuyển hóa, và cầu nguyện với cầu vồng qua bức màn nhện” (Sau trận đại hồng thủy). Trong tập thơ Thần cảm, có rất nhiều hình ảnh tương tự như vậy được hình dung nên như từ một bức tranh của truyện ngụ ngôn hay cổ tích. Những hình ảnh ấy rất giống như cách mà những đứa trẻ hình dung, tưởng tượng về thế giới xung quanh mình. Đôi mắt trẻ thơ kể chuyện bằng lăng kính của riêng nó, ngộ nghĩnh, trong sáng, nhiều màu sắc.
Đọc suốt trong tập thơ Thần cảm, người đọc có thể nhìn thấy những hình ảnh thần kỳ như con quỷ, thiên thần, những bà hoàng hậu, những mụ phù thủy, những bông hoa thần diệu, những nàng công chúa, những giấc mơ, những con vật hoang đường, những vùng đất xa xôi,... Đối với trẻ thơ những hiện tượng thiên nhiên cũng có linh hồn, chúng có đời sống, và có thể chia sẻ.
Trong bài thơ Bình minh, nhà thơ viết:
“Tôi đã hôn lên bình minh mùa hạ.
Không còn cái gì lay động trước những cung điện. Nước đã chết. […] Tôi vừa đi vừa đánh thức những hơi thở mãnh liệt và ấm áp, và những loài đá quý đang nhìn, và những cái cánh lặng lẽ vươn lên.
[…] Tôi cười với thác nước màu hoe rối bù xuyên qua những cây tùng; nơi ngọn cây ánh bạc tôi đã nhận ra nữ thần.
Bấy giờ tôi vén từng lớp xiêm y. Trong lối đi, vừa vẫy tay. Qua vùng đồng bằng, nơi tôi đã tố giác nàng với con gà trống. Tại thành phố lớn, nàng lẩn trốn giữa những tháp chuông và những cái vòm, và vừa chạy như một người ăn mày trên những bến tàu bằng đá hoa, vừa tôi đuổi theo nàng.
Phía trên con đường, bên một khu rừng nguyệt quế, tôi đã vây bọc nàng với những lớp xiêm y được gom góp lại, và tôi cảm nhận phần nào tấm thân mênh mông của nàng. Bình minh và đứa trẻ ngã xuống ở cuối khu rừng.
Khi thức giấc thì đã trưa”.
Trong bài thơ Bình minh, chú bé nhà thơ Rimbaud như đang rong chơi cùng bước chân của nàng Bình minh. Khi màn đêm chưa tan, cả đất trời tĩnh lặng, cậu bé Rimbaud đánh thức nàng Bình minh bằng một nụ hôn. Đứa bé nhận được niềm thần cảm, đánh thức toàn bộ sự tĩnh lặng, làm trỗi dậy những hơi thở sống động và ấm áp, những đôi cánh, những bông hoa, dòng thác đổ… Đứa bé bước đi trong nguồn Thánh linh của vũ trụ, trẻ thơ là những gì tròn vẹn, sơ nguyên nhất, riêng nó nhận được mặc khải. Cậu bé chơi đùa với Bình minh, đánh thức nó, rong chơi, rượt đuổi, tìm kiếm và bắt được nó. Cũng như những đứa trẻ con, chơi đùa đã mệt, chúng cùng nhau nằm lăn giữa rừng, thiếp ngủ trong giấc ngủ trẻ thơ, hoàn toàn là những đứa trẻ hồn nhiên say ngủ. Rồi thời gian trôi qua bình thản, đến trưa…
Bình minh là một bài thơ đặc biệt thể hiện rõ hình ảnh đứa trẻ Rimbaud trong cuộc lãng du của chàng giữa thiên nhiên và đất trời. Những chuyến đi, đối với chàng như là trò chơi, sáng trong và ngọt ngào. Cũng là sự hòa nhập vào vũ trụ rộng lớn như sự hòa hợp với nhất thể. Sự hòa nhập ấy, trái ngược với cảm nhận về thế giới vật chất của con người, với những cảm giác nặng nề, chật chội, tăm tối. Trong thế giới đó, đứa trẻ phải đóng lại cánh cửa của thế giới của nó, để chìm ngập trong sự buông thả, phóng túng, trì trệ. Và rồi trong những cơn say, trong ảo giác, đứa trẻ nguyên sơ trong tâm hồn chàng trai Rimbaud tìm lại thế giới thần tiên của nó. Hai thế giới, song trùng, trộn lẫn, bừng hiện bên cạnh nhau trong những dòng thơ thần cảm của thi nhân.
“Trong rừng có một con chim, tiếng hót của nó dừng chân bạn lại và khiến bạn đỏ mặt.
Có một chiếc đồng hồ không điểm giờ.
[…]
Cuối cùng, khi đã đói và khát, có một ai đó xua đuổi bạn”.
(Tuổi thơ)
Đứa trẻ lang thang Rimbaud nhận thấy những điều đẹp đẽ của thiên nhiên bằng ánh mắt ngộ nghĩnh của trẻ thơ. Tự nó cũng nhìn thấy, những đối nghịch, ruồng rẫy của đời sống. Cuộc đời, trong đôi mắt của đứa trẻ, nhất là những đứa trẻ giàu tâm tư, không chỉ có ngọt ngào, mà còn có vị đắng cay.
6. Hình dung về thế giới trong thơ Rimbaud còn là một thế giới thần bí, đầy những điều huyền nhiệm, như đức tin tôn giáo. Có thể nhận thấy trong thơ Rimbaud là những hình tượng phức tạp mang tính thần bí thiêng liêng của các tín ngưỡng saman, tôtem, của thần thoại Hy Lạp, Thiên Chúa giáo, những huyền thoại của văn hóa châu Âu và cả những vùng đất xa xôi về phương Đông hay Phi châu. Trong tập thơ Thần cảm là những thần tượng, những vị thần, những giấc mơ, những điều thần bí trong khát vọng lớn lao hòa nhập của tâm hồn thi nhân vào bản ngã lớn lao của vũ trụ.
Rimbaud cũng như các nhà thơ tượng trưng, cực kỳ ý thức về vai trò của nhà thơ. Nhà thơ không phải chỉ là người miêu tả hiện thực tồn tại xung quanh mình, phản ánh lại những điều đã bày ra. Nhà thơ phải là người sáng tạo. Nhà thơ nhìn thấy cái thực tại ẩn sâu trong cái thực tại hiện hữu, và hơn thế nữa, tham gia vào sự sáng tạo thực tại ấy. Rimbaud trên con đường lãng du tưởng tượng của mình đã hóa thân thành những cuộc đời khác nhau, để nhận thức những trải nghiệm, nhận thức bề sâu của sự sống. Một trong những hóa thân ấy, là sự nhập thể vào nhất thể linh hồn của vũ trụ.
Ngoài hình tượng đứa trẻ nổi bật xuất hiện rất nhiều lần trong tập thơ, người đọc còn có thể nhận thấy những hình tượng nữ như bà mẹ vĩ đại của sự sống, như sự phong nhiêu, đầy đặn của sự sống.
“Cô gái môi màu da cam, đầu gối giao nhau trong cơn đại hồng thủy sáng láng nảy sinh từ những đồng cỏ, cuộc khỏa thân mà cầu vồng, hệ thực vật, biển cả vẫn che đậy, xuyên thấu và điểm tô”. (Tuổi thơ). Đó là thiên nhiên trong sự hình dung của chàng thi sĩ Rimbaud. Thiên nhiên với vẻ đẹp bừng nở của nó, bày ra vẻ đẹp rực rỡ của cầu vồng, của rừng cây, biển cả... Thiên nhiên luôn luôn căng tràn nhựa sống, luôn luôn nảy nở và sinh sôi thật diệu kỳ.
Trong bài thơ Tuổi thơ, còn xuất hiện khá nhiều hình tượng mang tính nữ khác: “Các bà đang quay tít trên những sân thượng gần biển, trẻ con và to kềnh, những con người ngạo mạn đen đúa trong đám rêu màu lục xám, những món đồ xinh xắn đứng trên mặt đất màu mở của những lùm cây và những mảnh vườn con đã tan băng, - những người mẹ trẻ và những người chị lớn với cái nhìn toát ra hình ảnh những cuộc hành hương, những bà hoàng hậu, những nàng công chúa với dáng đi và trang phục không cưỡng nổi, những cô bé xa lạ và những con người ngấm ngầm khốn khổ”.
Người đọc có thể cảm nhận rằng, những đứa trẻ thường ấp ủ trong tâm hồn mình hình ảnh người mẹ, nguồn mạch nuôi dưỡng tâm hồn và yêu thương. Và còn nữa những người chị, hay một cô bé nào đó, đầy dịu dàng. Một cách hiểu xa hơn, chúng ta hình dung thi nhân đi về nguồn cội sâu xa của sự sống, niềm tin và tình yêu thương. Tự nhiên là một người mẹ vĩ đại, tràn trề sức sống, có cả âu yếm và chở che.
Ngoài những hình tượng đầy chất nữ tính, trong thơ Rimbaud cũng chứa đầy những thần tượng, phong phú như thế giới thần thoại Hy Lạp cổ xưa hay bất cừ một thế giới thần thoại nào khác.
Đó là bức Tượng cổ: “Người con trai duyên sáng của Mục thần! Quanh vầng trán kết hoa xinh và quả mọng, đôi mắt chàng, những viên ngọc quý đang động đậy […] Tim chàng đập trong cái bụng nơi ngủ yên giới tính kép”.
Đó là “Trước một đám tuyết, một Vật thể Đẹp thân hình cao lớn. Những tiếng rít chết chóc và những vòng tròn âm nhạc khàn đục làm cho thân xác được ngưỡng vọng kia lớn lên, dang rộng và run rẩy như một bóng ma; những vết thương màu hồng điều và đen vỡ ra trong da thịt tuyệt vời. Những màu sắc đặc thù của sự sống sẫm lại, nhảy múa và toát ra quanh ảnh tượng đang hình thành". Những câu thơ trong bài thơ Being beauteous tạo dựng nên một ảnh tượng của sự sống sống động và nguyên sơ. Đó là sự sống luôn bừng trỗi.
***
Thần cảm - vì thi nhân là kẻ có cái nhìn thấu thị. Bất chấp mọi quy luật đã hình thành qua hàng ngàn năm tồn tại của loài người, thi nhân có quy luật của riêng nó. Mặc dù rằng con người từ khi khai sinh, cảm nhận thế giới bằng những giác quan mà sự sống tạo ra cho nó, thi nhân muốn làm khác điều đó. Con người sống trong vũ trụ. Thi nhân hơn thế nữa, sống trong sáng tạo vũ trụ.
Rimbaud thể hiện trong thơ ca vừa khao khát mãnh liệt, vừa chán chường tột độ; vừa say mê, vừa hoài nghi; vừa tò mò vừa dửng dưng. Đó là đặc trưng của tuổi trẻ. Rimbaud ghét nơi mình sinh ra, nên đã chọn con đường phiêu lãng. Cuộc hành trình lang bạc, thiếu thốn và cực khổ nhưng chính là con đường tự do, bỏ xa địa ngục chán chường, giam cầm tâm hồn phóng túng. Rồi nhà thơ lao vào ảo giác, đến cảnh giới của những phong thổ và hình tượng khó tin, đến những điều kỳ diệu và dị thường, đã cảm nhận được cái đẹp đẽ, rực rỡ, chói sáng của đời sống, lẫn cái cay đắng, sầu muộn, trống rỗng như điều không thể thiếu. Bởi đó mới chính là sự sống, như cách hiểu về một thế giới toàn vẹn.
Sự toàn vẹn của vũ trụ đã có từ lúc nảy sinh. Chính thi nhân là kẻ giữ lại được cái nhìn thơ trẻ đến muôn đời, để thấu nhận được sự sống.
________
Chú thích: Tất cả thơ trích dẫn trong bài viết đều từ: Arthur Rimbaud, Rimbaud toàn tập, Huỳnh Phan Anh dịch, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2006