Tâm đắc khi đọc "Viết khi tâm đắc"

Hiếm có người đa tài lại chọn nghiệp nghề giáo. Văn Giá là một trường hợp hiếm. 

Anh vừa là nhà giáo, giảng dạy tại Khoa Viết văn - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (tiền thân của khoa này là Trường Viết văn Nguyễn Du) vừa là nhà nghiên cứu, phê bình vừa là nhà văn. Nhưng tôi thích đọc anh nhất trong vai nhà phê bình, viết chân dung văn học. Nhiều chân dung văn học anh đăng tản mạn trên trang của anh rất cảm động và "lẩy" được cá tính nhà văn. Điều này không phải ai cũng làm được. Vì sao? Vì người viết muốn cho hay phải hội tụ đủ hai điều: đọc kỹ và gặp nhiều. Nghĩa là không chỉ đọc văn người ta kỹ mà còn phải trò chuyện, gặp gỡ, nghiền ngẫm từ văn đến người, vì câu "văn tức là người" nhiều khi không đúng đâu. Văn Nguyễn Huy Thiệp sắc, lạnh, rùng mình nhưng Nguyễn Huy Thiệp ngoài đời ít trò chuyện, không phải là người nói hay, nói giỏi. Thế nên, một người viết chân dung văn học hay, dành thời gian đọc đã đành, cũng phải có duyên kết bạn với nhiều nhà văn, nhà thơ, hiểu họ, rồi mới suy ngẫm từ tác phẩm đến con người.

Văn Giá là người như vậy. Anh hồn hậu, ân cần, nghệ sĩ, chu đáo với bạn bè, đồng nghiệp. Anh có thể ngẫu hứng đi chơi với bạn văn cả ngày, đón đưa cả những đồng nghiệp sơ giao, khi hứng chí có thể cầm đàn hát cả chục bài… Có như vậy, anh mới được giới nghệ sĩ yêu, đồng nghiệp mến, xem như tri âm…

Dĩ nhiên, phê bình có nhiều dạng. Có dạng chỉ ra những điểm chưa hay, chưa được, phê thẳng thắn. Có loại luôn phát hiện những hạt ngọc lóng lánh, những trân trọng mến thương trong văn bạn, văn người,… Đây không phải là PR, là khen nhau, mà bản chất của Văn Giá là thế, anh cảm thông với người viết văn nói chung (kể cả sáng tác, nghiên cứu). Anh hiểu nỗi cô đơn và sự bất toàn, bất hoàn hảo của họ, sự khó nhọc cho ra con chữ của đồng nghiệp và cũng là cảm khái cảnh ngộ bản thân, một sự đồng cảm và thấu cảm. Tôi cho đó là những trang viết của một người có tình.

Văn phê bình của Văn Giá đan xen giữa 3 yếu tố: chất phê bình tinh tế + chất nghiên cứu sâu + tình cảm dành cho đối tượng phê bình (mà trong tập sách này, anh tự nhận là "tâm đắc" thì mới viết).

20201012 2

Bìa sách “Viết khi tâm đắc”

Tập sách "Viết khi tâm đắc" của nhà nghiên cứu phê bình Văn Giá (NXB Hội Nhà văn, 2020) chia làm 2 phần. Phần đầu viết về người đã khuất có tên "Người xa về lại" với chân dung hoặc tác phẩm của Kiều Thanh Quế, Vũ Bằng, Nguyễn Vỹ, Đoàn Văn Chúc, Nguyễn Minh Châu, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Đăng Mạnh, Chu Văn Sơn. Có những bài viết do một sự kiện nào đó (hội thảo, kỷ niệm…), có bài viết do thôi thúc của tình cảm (thầy Nguyễn Đăng Mạnh, bạn văn, bạn tâm giao Chu Văn Sơn…).

Phần 2 là viết về bức tranh văn học đương đại gần đây với tên "Cùng người hôm nay" với hầu hết những tác giả đáng lưu ý được nhắc tới cho thấy anh rất sâu sát với đời sống đương đại như Đoàn Ngọc Hà, Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Trọng Khơi, La Khắc Hòa, Phạm Duy Nghĩa, Trần Hùng, Đức Ban, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Thị Phước… Những hiện tượng của đời sống văn học tươi mới đang diễn ra rất cần có những phê bình kịp thời, cập nhật và để độ vài mươi năm nữa, những nhìn nhận lại của văn học nước nhà sẽ dựa vào các phê bình này rất nhiều. Tôi vẫn cho rằng cái thiếu của phê bình văn học hiện nay là chưa đi sát, đi kịp hơi thở thời đại, đi kịp những sáng tác của các nhà văn. Việc các nhà nghiên cứu phê bình "động tâm" đến mảng này là một tín hiệu tốt. Thậm chí, việc có bài phê bình những hiện tượng có vẻ "đại chúng" cũng không có gì là xấu cả, vì đó chính là nhịp sống của một bộ phận văn học.

Bài viết phê bình nào của Văn Giá cũng đầy tính cẩn trọng từ tư liệu, thông tin, con số… cho đến cảm nghĩ, nhận định. Đúng như tên tập sách, những dòng Văn Giá viết ra đều thật, đều dụng công, bất kể đối tượng là ai, chỉ cần chúng ta thích thì đó sẽ là những trang viết "tâm đắc". 

Trần Lê Hoa Tranh

Nguồn: Người lao động, ngày 10.10.2020.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63666195
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9913
17595
63666195

Thành viên trực tuyến

Đang có 818 khách và không thành viên đang online

Danh mục website