"Trong và ngoài căn phòng tôi": Hai thế giới của Trần Nhã Thụy

Hầu như mỗi năm nhà văn Trần Nhã Thụy đều cho ra đời tác phẩm mới nhưng không ồ ạt, vồ vập mà khá chọn lọc 

Anh cũng không thuộc tạng nhà văn thị trường mà có lượng độc giả ổn định và chắc chắn. Những năm gần đây, anh hầu như tự in sách, nhưng số lượng in khá tốt và bán được, chứng tỏ sức hút và định vị được tên tuổi trong làng văn.

Trong căn phòng tôi…

Nhà văn Virginia Woolf của phong trào nữ quyền từng có một quyển sách "Căn phòng riêng" tuy viết về những vấn đề phụ nữ, việc viết của các nhà văn nữ nhưng có một luận điểm cần lưu ý: không phải chỉ nhà văn nữ, mà nhà văn nào cũng cần có một không gian riêng để sáng tác.

Có lẽ ý tưởng "trong căn phòng" nó còn mang nhiều hàm nghĩa khác. Căn phòng của tôi có thể là tâm hồn, là thế giới tư tưởng của nhà văn. Ở đó, nhà văn thai nghén, ấp ủ những ý tưởng của mình và thể hiện ra trên những trang giấy.

Điều này càng có thể được liên tưởng rộng hơn, cuốn sách của Trần Nhã Thụy được viết từ trong 2 năm dịch COVID-19, thời điểm mà ngay cả việc bước ra khỏi căn phòng riêng, ngôi nhà riêng cũng trở nên xa xỉ.

Vậy thì thay vì than khóc, tuyệt vọng và bi quan, nhiều người đã chọn con đường hướng vào nội tâm, suy ngẫm về hiện thực và những điều, những việc xung quanh mình để từ đó rút ra những bài học, những kinh nghiệm sống. Những quan sát đó là tố chất cần thiết của nhà văn, đồng thời cũng góp phần tạo ra phong cách, cá tính riêng của họ.

Và từ căn phòng riêng đó, nhà văn sẽ hướng ra ngoài…

Rất khó để review cuốn sách của Trần Nhã Thụy vì nó hội tụ nhiều phong cách: tản văn, thơ, có bài có kết cấu như một truyện cực ngắn, có bài chỉ vài dòng như một chiêm nghiệm, một phát hiện, một phản tư; hội tụ nhiều vấn đề, nhiều suy nghĩ kiểu "tùy tưởng lục" (ghi chép lan man theo tâm tưởng).

Tựu trung có 2 góc nhìn: quan hệ giữa con người và thiên nhiên; quan hệ giữa con người và con người; hoặc kết hợp từ mối quan hệ với thiên nhiên để suy rộng ra những gì liên quan đến con người. Ví dụ "Chiều chiều", "Chiều chiều lại nhớ", "Mùi hương thôn dã", "Ngụ ngôn mới của ếch và bò cạp"… là từ không gian, thời gian thôn dã mà suy rộng ra thế sự.

Thơ có những câu đúc kết ngắn gọn rất hay: "Một đời mấy vạn buổi chiều/ Mà không nhặt được nửa điều khả tri". Hay: "Ngồi trên mặt đất ban chiều/ Trần chân xin cỏ một liều giảm đau".

Văn xuôi cũng theo đúng phong cách như thơ, đó là rất ngắn gọn, khúc chiết, không rườm rà. Mỗi tản văn đều toát ra một ý nghĩa nào đó đôi khi thú vị, hóm hỉnh, đôi khi sâu sắc, đôi khi bông lơn, nhẹ nhàng. Ví dụ câu chuyện về tâm thơ qua giai thoại giữa Basho và Yoda.

Qua các tản văn, ta thấy nhiều chiêm nghiệm từ các câu chuyện đã đọc được, đặc biệt là chuyện về các nhà văn, nhà thơ, hay tác phẩm của họ, như Trang Tử, Basho, Nguyễn Huy Thiệp, Nam Cao, Hemingway, Lê Quý Đôn, Sơn Nam, Osho… và nhiều nhiều nhà văn nữa. Song song đó là những bộ phim cũng gợi lên nhiều rút tỉa cho nhà văn và cho người đọc. 

Khó mà nói một cách ngắn gọn về những gì mà Thụy đã viết "trong căn phòng" bởi lẽ nó chứa đựng những chiêm nghiệm của tuổi trung niên. Không còn là những vồ vập hăm hở mà có độ chững lại của thời gian, quan sát và phát biểu. Người đọc phải đọc thật chậm và cùng suy nghĩ.

20230115 4

Tập sách “Trong và ngoài căn phòng tôi” của Trần Nhã Thụy. Ảnh: T.L.H.T

… và ngoài căn phòng tôi

Nhà thơ Emily Dickenson (Mỹ) được mệnh danh là một nhà thơ lập dị bởi vì giai đoạn cuối đời, bà hầu như tự nhốt mình trong phòng, hiếm người gặp được bà. Nhiều khi bà chỉ tiếp người khác bằng cách đứng trong phòng nói vọng ra. Chi tiết này làm tôi liên tưởng đến câu hỏi: liệu nhà văn, nhà thơ có cần hướng ra ngoài căn phòng của họ không?

Trần Nhã Thụy đã tự hỏi trong lời tựa: "Cái làm được, đôi khi chỉ những trang viết, nhưng để làm gì?".

Rất nhiều câu chuyện trong cuốn tạp văn này đã trả lời cho sự "hướng ra ngoài": chuyện về giáo dục, về sự tự trọng ("Lời xin lỗi khó đến vậy sao?"), về những sự kiện nhức nhối xã hội ("Bởi tôi là một phần loài người" nói về 39 người Việt tử nạn trong container ở Anh Quốc), về vụ việc Đoàn Thị Hương ("Khi thế giới là một game"), nỗi đau COVID-19 ("Chiếc vòng để lại")… Kết hợp với những bài viết về COVID-19 trong tập viết chung "Viết từ thành phố lockdown" càng chứng tỏ tâm thế "công dân" của Trần Nhã Thụy.

Viết văn, không chỉ là để giải tỏa nỗi buồn mà còn bày tỏ được điều gì cần thiết cho con người, cho cộng đồng. Như vậy, mới đúng nghĩa là một nhà văn thế sự. Mà tôi nghĩ, nhà văn nào trên hành trình trở nên vĩ đại cũng phải hướng đến người dân cần lao, như Nguyễn Du, như Gorky, như Đỗ Phủ…

Ngoài căn phòng, còn là những hành động ngoài văn chương nhưng cũng phải nhờ văn chương. Nhờ những bài viết, bài thơ lay động lòng người trên trang cá nhân, mà Trần Nhã Thụy đã có thể huy động được rất nhiều tấm lòng để giúp người nghèo. Các chương trình "Trụ lại Sài Gòn" giúp người nghèo trong đại dịch COVID-19, huy động tặng học bổng cho sinh viên nghèo… có sự góp sức rất lớn của anh.

Nhà Hán học người Đức Wolfgang Kubin khi bình luận về Bắc Đảo, nhà thơ thế sự Trung Quốc đã nhận xét: Bắc Đảo là một nhà văn dũng cảm, tuy nhiên ông ấy mới 50 tuổi, còn quá trẻ (2006). Không có ý so sánh nhưng tôi liên tưởng đến Trần Nhã Thụy, anh cũng vừa sang tuổi 50, có lẽ hành trình trở thành một nhà văn của đời, của dân còn cần rất nhiều sự dũng cảm và còn dài phía trước.

Cùng là một lứa “Tổng hợp Văn”, người sáng tác, kẻ nghiên cứu, chúng tôi còn là đồng hương và thỉnh thoảng có một số việc làm chung, trao đổi, trò chuyện. Tôi đã đọc khá nhiều tác phẩm của Thụy nhưng có lẽ đến cuốn này thì cơ duyên mới thôi thúc tôi viết vài dòng về anh...

Trần Lê Hoa Tranh

Nguồn: Người lao động, ngày 13.01.2023.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63666493
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
10211
17595
63666493

Thành viên trực tuyến

Đang có 909 khách và không thành viên đang online

Danh mục website