Nguyễn Đông Triều ([*])
Thiệu Thị Hạ Linh ([*][*])
1. Giới thiệu
Trong đợt sưu tầm di sản Hán Nôm tại huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang vào tháng 2/2012, tại nhà cụ đồ Nguyễn Tòng Mậu (ven sông Cái Cối, xã An Hữu, đối diện đình thần An Hữu - đình Rạch Chanh) chúng tôi đã phát hiện và sao chụp được một thư tịch Hán Nôm quý. Đó là một tuyển tập gồm nhiều tác phẩm rất đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung. Chắc chắn đây là một tập sách có giá trị cao về mặt nghiên cứu cũng như sẽ có đóng góp tích cực vào công tác tìm hiểu và khai thác kho tàng văn hóa của đất nước Việt Nam, bởi lẽ tập sách lưu giữ một số lượng lớn văn bản Hán Nôm thuộc các lĩnh vực văn chương, lịch sử, văn hóa, phong thủy - bói toán, trong đó phần lớn là tác phẩm văn chương.
Tập sách không ghi tiêu đề, tên người tuyển soạn hay niên đại. Tổng cộng 208 trang giấy dó, mỗi trang 8 cột, số chữ mỗi cột nhiều ít không đều, nhìn chung khoảng từ mười mấy chữ tới 30 chữ, với 291 đơn vị tác phẩm.
Về mặt văn tự, tập sách được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, trong đó, chữ Nôm là chủ yếu. Chúng tôi đã thống kê và định lượng được 31 đơn vị tác phẩm chữ Hán và 260 đơn vị tác phẩm chữ Nôm. Trong 31 tác phẩm chữ Hán chỉ có 1 là thơ (Thượng thư Nguyễn Tư Giản đề Phát Diệm Hiếu Sơn thi 尚 書 阮 思 僴 題 發 艶 孝 山 詩), còn lại là một số câu đối. Thế nên, có thể nói lượng tác phẩm chữ Hán trong tập sách là rất ít, thậm chí là không đáng kể.
Chữ trong tập sách hoàn toàn là chữ viết tay, phần lớn tương đối dễ đọc vì thống nhất về nét viết, kiểu chữ và phong cách trình bày. Tuy nhiên, khoảng mươi trang về cuối trình bày không ổn định và chữ viết khó đọc, có thể là do người khác viết thêm vào.
Về niên đại, do không tìm thấy tên người tuyển soạn và niên đại nên chúng tôi tiến hành đoán định niên đại của tập sách dựa vào các sự kiện, nhân vật được nhắc đến trong đó: Các nhân vật được nhắc đến qua những câu đối viếng hoặc các bài điếu văn tại đám tang: Nguyễn Khuyến (1835-1909), Nguyễn Bá Học (1857-1921), Chu Mạnh Trinh (1862-1905), Phan Châu Trinh (1872-1926), Phan Kế Bính (1875-1921), Nguyễn Bá Trác (1881-1945), Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), Phạm Quỳnh (1892-1945), Dương Quảng Hàm (1898-1946)…; Những tờ báo: Đông Dương tạp chí (1913-1919), Trung Bắc tân văn (1915-1941), Nam phong (1917-1934), Tiếng dân (1927-1943)…; Một số niên đại được nhắc đến: Tờ biểu của Báo quán Chúc Đức viết năm “Khải Định tứ niên” 1919, các câu đối viết vào năm “Bảo Đại Bính Dần nguyên niên” 1926…; Kỵ húy: Chữ 時 được viết là 辰 kỵ húy vua Tự Đức (1829-1883) triều đại nhà Nguyễn; Chữ Quốc ngữ: Trong tập sách có những chỗ sử dụng chữ Quốc ngữ để chú âm bên cạnh chữ Nôm khó đọc (như “nhoẹt nhoè” 悅齊, “dầm dìa” 淋洟, “rườm” 霪) giúp tiện lợi hơn cho người đọc, lại cũng có chỗ tác giả viết hẳn bằng chữ Quốc ngữ thay chữ Nôm (như “sụt sùi” trong bài Viếng bạn hay “rác rảnh” trong bài Khóc bạn). Điều này cho thấy thời điểm biên soạn sách là thời điểm chữ Quốc ngữ đã rất thông dụng.
Đặt trong mối tương quan với lịch sử hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ cùng những hiện tượng, sự kiện, nhân vật nêu trên, có thể suy đoán tập sách được soạn vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX, đến muộn nhất có thể là 1945 (vì còn kỵ húy vua nhà Nguyễn).
2. Đặc điểm nội dung, nghệ thuật
Tập sách ngoài 20 trang đầu viết về phong thủy, bói toán và khoảng 6 trang (từ trang 167 đến trang 172) viết về tục lệ hôn nhân thời cổ thì toàn bộ phần còn lại đều là những ghi chép có giá trị về mặt văn chương (trong đó một số không ít tác phẩm văn học có nhắc đến nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử nên những tác phẩm ấy cũng bao hàm cả giá trị về lịch sử) với thể loại vô cùng đa dạng và phong phú. Có thể kể đến thơ ca, ai điếu, thư, phú, câu đối, hát nói, khúc, từ, văn phổ khuyến… Trừ 11 bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật từ trang 21 đến trang 24 không có tựa đề thì hầu hết những tác phẩm còn lại đều có tựa đề. Một số tác phẩm có ghi tên tác giả, hoặc giới thiệu ngắn gọn hoàn cảnh sáng tác.
Trong bài viết này, tôi xin trình bày sơ lược về nội dung, nghệ thuật của các tác phẩm theo thể loại. Do khuôn khổ bài viết có hạn, tôi xin lược bớt phần lý thuyết thể loại và không gõ chữ Hán Nôm.
2.1. Thơ ca và thư
Thơ ca (kể cả ca, ngâm, vịnh) là thể loại chiếm số lượng nhiều nhất. Thể thư có số lượng ít và hoàn toàn được viết bằng thơ nên tôi cũng gộp chúng vào thơ ca mà xem xét như một thể thơ đặc biệt.
Thơ được viết theo các thể tài: thất ngôn bát cú Đường luật, thất ngôn tứ tuyệt, song thất lục bát, lục bát, ngũ ngôn, thơ tự do; với nhiều hình thức: liên hoàn điệu, dĩ đề vi vận… Có thể nói, hầu hết các hình thức thể loại thơ ca cổ điển Việt Nam đều được vận dụng triệt để trong tập sách này.
Đề tài trong thơ đa dạng: vịnh cảnh (Cảnh Hồ Tây bên thành Hà Nội, Hoa nguyệt ngẫu thành, Vịnh Tam Điệp ải thi, Vịnh chùa Trầm, Kiếm hồ hoài cổ, Xuân tàn, Đưa xuân, Vào hạ, Thu tiêu cảm tác…), vịnh sử (Thơ hai Bà Trưng, Mị Ê, Bà Triệu Ẩu, Lý Chiêu Hoàng…), tự tình (Bài thơ tự tình, Nỗi mình, Khí phụ tự thán, Thơ tình…), tống tiễn (Tiễn biệt, Biệt bạn ra về, Họa thơ tiễn biệt, Từ biệt thi…). Ngoài ra còn có những bài thơ xướng họa (Họa thơ đi rừng), thơ ca ngợi lối sống lỗi lạc, thanh cao (Tặng đình chủ thi nhất khúc).
Nội dung thơ cũng khá phong phú. Có những nội dung quen thuộc của thơ ca trung đại như ca ngợi cảnh đẹp non sông đất nước, ca ngợi nhân vật lịch sử, nêu cao lòng yên nước, lòng tự hào dân tộc; cũng có những nội dung mới, bắt nhịp với thời đại mới như chúc mừng sự kiện báo Nam phong tròn một năm, bày tỏ tâm trạng trước sự biến động của thời cuộc…. Cũng có những nội dung liên quan đến đời sống cá nhân như nói về tình yêu, mừng thọ… Đôi khi một số nội dung ấy đan lồng vào nhau tạo nên một bức tranh thực tại tổng thể, sinh động, hài hòa.
Nghệ thuật thơ có nhiều đặc sắc. Tuy là thơ Nôm nhưng lượng từ Hán Việt được sử dụng khá nhiều, với tính ước lệ, tượng trưng của thơ ca cổ còn rõ nét. Bài thơ Lạc đường chỉ có bốn câu mà cả bốn đều mang phong cách ngôn ngữ này:
“Một bước xa nhau hóa dặm trường,
Những là dầu dãi mấy phong sương.
Thẩn thơ non nước tình lai láng,
Đất khách bâng khuâng luống đoạn trường.”
Bài thơ ngắn nhưng từ ngữ được sử dụng rất đắt. Nói về cuộc phân ly thì dùng “dặm trường”, “đất khách”; nói về tâm trạng kẻ ở người đi thì dùng “dầu dãi”, “phong sương”, “thẩn thơ”, “tình lai láng”, “bâng khuâng”, “đoạn trường”. Cách lựa chọn từ ngữ diễn tả đúng hoàn cảnh và tâm trạng, sắp xếp với mật độ dày đặc tạo cho người đọc cảm giác choáng ngợp, tưởng như chính mình đang là người trong cuộc.
Ở các bài thơ khác, ta cũng dễ dàng tìm thấy những từ ngữ tượng trưng “gối phụng”, “đèn loan”, “trúc”, “ngọc”, hay những khoảng thời gian đầy tính ước lệ “mấy thu”, “xuân thu”.
Các biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh phát huy tác dụng cao trong các bài thơ:
“Nam phong xuất thế mới ngày nào,
Thắm thoắt đầy năm chóng chóng sao.
Khoa học đã lắm phần ích lợi,
Thơ văn lại lắm… thanh tao(1).
Cơn phiền khi trước tiêu vừa hết,
Xứ nóng từ nay mát biết bao.
Thổi khắp non sông mây bụi sạch,
Trường An mừng thấy mặt trời cao.”
(Thơ mừng báo Nam phong đầy năm)
Bài thơ trên được tác giả viết nhân sinh nhật một năm của báo Nam phong. Đồng thời với việc ngợi khen những đóng góp tích cực của tờ báo, tác giả cũng bày tỏ niềm vui, niềm hy vọng trước những đổi thay tốt đẹp, tương lai xán lạn của đất nước.
Để bày tỏ nỗi cám cảnh trước cuộc đời tang thương dâu bể, trước cảnh vô thường diễn ra hàng ngày hàng giờ mà không hiểu vì sao, câu hỏi tu từ cũng được vận dụng triệt để:
“Hỏi thế giới cớ sao như vậy?
Hỏi giang sơn còn mấy tang thương?
Hỏi thế đạo, hỏi văn chương,
Hỏi ông Tạo hóa chủ trương bề nào?”
(Chơi chùa Hương Tích ngâm đề)
Cùng nói về cảnh vật đổi sao dời, nhưng bài Xuân tàn lại diễn tả với một cung bậc khác, thủ pháp khác và tâm trạng khác. Cảnh thiên nhiên ở đây được khắc họa bằng cả thị giác, thính giác, xúc giác và cảm giác, nên hình ảnh thơ giàu màu sắc và tính biểu cảm:
“Một năm thời tiết đổi,
Buồn nhất lúc xuân tàn.
Buổi sớm oanh rầu rĩ,
Đêm khuya cuốc thở than.
Vườn đào thưa cuộc rượu,
Hiên trúc vắng cung đàn.
Lắm kẻ duyên phai nhạt,
Sầu xuân lệ chứa chan.”
Khung cảnh thiên nhiên đôi khi như một bức tranh mỹ thuật:
“Xanh xanh ngàn thức cỏ cây,
Như in như vẽ khéo thay thợ trời.”
(Cảnh Tây Hồ bên thành Hà Nội)
Đôi khi thiên nhiên lại làm nền cho những trăn trở, suy tư của người viết:
“Nguyệt cao nguyệt giãi khi hoa chiếng,
Hoa thấp hoa tươi thuở nguyệt tà.
Nguyệt ngậm ngùi hoa khi hạ tới,
Hoa ngao ngán nguyệt lúc thu qua.”
(Hoa nguyệt ngẫu thành)
Phép đối trong thơ rất điêu luyện, sắc sảo, hết sức tinh tế, thể hiện được tài năng của các thi gia, dù miêu tả thiên nhiên hay bộc lộ cõi lòng nhiều tâm trạng:
“Quan hà nhắp chén mùi ngây ngất,
Ly biệt ngâm câu dạ ngậm ngùi.
Hoa cỏ ủ ê đưa gót khách,
Non sông rầu rĩ tiễn chân người.”
(Thơ gửi cho bạn)
Những phép đối trên rất chuẩn cả âm và ý, điều này một phần cho thấy những quy pháp thơ Đường luật còn được áp dụng hết sức chặt chẽ, ngay cả niêm, vần cũng thế:
“Rừng nho bể Thánh mấy thu tròn,
Thong thả ngày xuân dạo đỉnh non.
Cỏ biếc màu hoa hoa bát ngát,
Rêu xanh mặt đá đá chon von.
Ngoảnh trông tiền lộ xa đằng đẵng,
Cúi xuống bình nguyên bé cỏn con.
Thơ thẩn chân đèo khi ngặt gót,
Gương đoài đã ngậm nửa vầng son.”
(Ngày xuân chơi núi)
Một thời ở Huế có phong trào lấy đầu đề “không chồng trông bông lông” sáng tác thơ Đường luật, gọi là “dĩ đề vi vận”. Phong trào sau đó lan ra một số địa phương khác. Nguyễn Khuyến, Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961), Thảo am Nguyễn Khoa Vi (1881-1968) là những tác giả tiêu biểu có tác phẩm theo phong trào này. Trong tập thơ này cũng có bài Không chồng trông bông lông thi được làm theo lối đó:
“Ai ơi ai có tỏ tình không,
Bực nỗi đương xuân chửa có chồng.
Gối phụng nghiêng mình ngao ngán tựa,
Đèn loan chong bóng vẫn vơ trông.
Cung đàn ngứa ruột tình tinh tính,
Giọng hát teo gan bỗng bồng bong.
Duyên phận kìa ai không hỏi tới,
Liệu đường sum họp kẻo bông lông.”
Một đặc điểm chung không thể thiếu của thơ ca Hán Nôm là dùng nhiều điển tích, điển cố lịch sử và văn học. Trong bài Đại nghĩ hôn ký phu như Tây thi ca - phần “Hựu đông nhật ký” có đoạn:
“Ngoảnh trông cành liễu bên đường,
Thà khuyên chàng chẳng đa mang phong hầu.
Áo xiêm đùm bọc lấy nhau,
Thì dưa muối cũng hơn màu đỉnh chung.”
Đoạn thơ trên mượn tứ thơ bài Khuê oán của Vương Xương Linh (Trung Quốc) để bộc lộ nỗi niềm người chinh phụ. Trong bài Cảnh Hồ Tây bên thành Hà Nội có đoạn nhắc lại câu chuyện lịch sử hai người nữ anh hùng Trưng Vương (Việt Nam) đi dẹp giặc giữ nước:
“Tiếng chuông còn vẳng bên tai,
Nghe chuông chạnh nhớ đến người nước non.
Đòi phen lớp lớp sống dồn,
Ấy uy Mã Viện hay hồn Trưng Vương?”
Hay trong Chơi chùa Hương Tích ngâm đề có nhắc đếm năm chữ “Nam thiên đệ nhất động 南 天 第 一 洞” do Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm khắc năm 1770.
Thơ ca trong tập sách Hán Nôm này thể hiện được đặc điểm thơ ca giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX cả về hình thức thể loại lẫn nội dung phản ảnh. Thơ ca giai đoạn này tuy chưa thoát khỏi thi pháp trung đại, nhưng đã là “bình cũ rượu mới”, điều này có thể nhìn thấy một cách rõ ràng qua bài Thơ mừng báo Nam phong đầy năm nói trên.
Bên cạnh thơ thì thể loại thư ở giai đoạn này vẫn hoàn toàn được viết bằng thơ. Tác giả của những bức thư đã khéo léo vận dụng sự linh hoạt và độ ứng dụng thực tế đời sống cao của các thể thơ dân tộc lục bát và song thất lục bát để viết. Hai thể thơ này cách gieo vần khá đơn giản, cố định, lại gần gũi, dễ dùng chữ, lại không hạn định về độ dài, dễ dàng cho việc bày tỏ, gửi gắm tình cảm, cảm xúc:
“Hoa tiên mượn bút đề chữ gấm,
Kính thăm chàng muôn dặm vinh an.
Cầu xin cho chóng khải hoàn,
Ngọn cờ toàn thắng cắm ngàn Thúy Sơn.”
(Đại nghĩ hôn ký phu như Tây thi ca)
“Dẫu mong nhớ không từng oán giận,
Trai anh hùng chí vẫn bốn phương.
Văn minh đương hội mở mang,
Rồng thiêng mừng gặp sấm vang dậy trời.
Xin gắng sức ra tay tài giỏi,
Để dấu thơm dòng dõi Hồng Bàng.”
(Đại nghĩ thứ tử ký huynh như Tây thư)
Những bức thư ngoài nội dung thăm hỏi, cầu chúc, còn tỏ bày nỗi lòng thương nhớ của người gửi tới người nơi xa một cách hết sức tinh tế. Đồng thời qua lời lẽ tâm tình của họ, ta cũng thấy được hoàn cảnh và chí hướng của những con người thời đại, ra đi, ra trận vì đất nước, vì chí hướng.
2.2. Câu đối
Câu đối cũng là thể loại chiếm dung lượng khá lớn trong tập sách. Tập sách ghi lại rất nhiều câu đối với tính ứng dụng cao, tức là được viết theo nội dung và mục đích sử dụng, phản ánh được vai trò, vị thế của câu đối trong đời sống người Việt giai đoạn trước. Từ câu đối Tết, hôn nhân, mừng thọ, mừng thăng chức đến câu đối khóc người thân, điếu người chết hay những câu đối dán ở nhà, đình, miếu, công đường… Có cả những câu đối hay do tức sự rất ngẫu hứng mà thành hay câu đối do một người ra cho một người đối lại. Các câu đối đặc sắc có, bình thường có. Nhìn chung đều tuân theo quy luật đối khá chắc chẽ:
“Nhớ thuở ông còn ông dắt cháu, cháu biết chững; ông nâng cháu, cháu biết cười; nhấc công đức ấy mà cân, nội ngoại hai bề, yêu thương một lòng coi cũng thế.
Bây giờ cháu đến cháu hỏi ông, ông chẳng thưa; cháu tìm ông, ông chẳng thấy; nghĩ cảnh tình này mà ngán, âm dương đôi ngã, nhớ thương chút dạ biết bao nguôi.”
(Cháu ngoại khóc ông)
“Hơn mười năm một ngọn bút ngôn đàn, vẫy vùng ngoài bắc trong nam, dốc nhiệt thành gây dựng lối văn ta, công ấy dễ cùng cây cỏ mục.
Trong sáu tháng hai lần tang báo quán, ngao ngán người còn kẻ khuất, mở di thảo ngậm ngùi màu mực cũ, sầu này theo với nước mây xa.”
(Của Trung Bắc và Học báo)
Đồng thời tác giả rất khéo léo sử dụng sắc thái, chọn lọc chi tiết phục vụ cho mục đích viết câu đối. Như cặp câu đối sau do ông Nguyễn Mạnh Bỗng điếu ông Phan Kế Bính, ông Bỗng đã trích chọn những sự kiện, công việc, chí hướng, tính cách của ông Phan Kế Bính, sắp đặt chúng trong một cấu tứ huyền diệu của loại câu đối mà viết nên những dòng ca ngợi công lao người đã khuất và bày tỏ tấm lòng kính trọng, nể phục của ông:
“Tình nặng với giang sơn, khi bôn tẩu, khi hô hào, Nam Bắc hai Kỳ, làng báo sinh nhai, mấy độ quốc dân tâm đã mệt.
Công to cùng học giới, nào dịch phiên, nào trước tác, lâm lang(2) mấy bộ, nhà Nho sự nghiệp, ngàn năm văn học sử còn ghi.”
Những hình ảnh trong câu đối cũng được chọn lọc hết sức tinh tế, có dụng ý, giàu tính biểu cảm, sát với chủ đề sáng tác:
“Cũng muốn trồng nêu e quỷ khiếp.
Rắp toan nổ pháo sợ trời kinh.”
(Câu đối Tết)
“Bình giai lão rượu đào dâng rót, vách đề thơ ghi tạc trăm năm.
Khay hợp hoan trầu quế bưng mời, sân nổ pháo vui mừng hai họ.”
(Câu đối hôn sự)
Ở các câu đối trên, âm điệu đối âm điệu, từ loại đối từ loại, hình ảnh đối hình ảnh, ngôn ngữ được gọt giũa tỉ mẫn, quả thật đạt đến độ điêu luyện của nghệ thuật đối.
2.3. Ai điếu
Thể loại ai điếu nói đây là những bài văn đọc lúc tế hoặc khóc thương người chết, bao gồm ai điếu, văn tế, trướng văn, vãn văn, dùng để kể tính nết, công đức của người chết và bày tỏ tấm lòng kính trọng và thương tiếc của người viết. Nội dung chính thường nói đến cuộc đời, công đức của người chết và bày tỏ lòng tiếc thương, kính trọng của người còn sống đối với người đã khuất. Với bố cục bốn phần: lung khởi (mở đầu), thích thực (kể lại công đức của người chết), ai điếu (thương tiếc người chết), ai vãn (tỏ tình thương nhớ người chết của người đứng tế). Về hình thức, văn tế có các kiểu: văn xuôi, tán, lục bát, song thất lúc bát, ngũ ngôn, phú... Văn tế chủ yếu bộc lộ tình cảm bi ai nên yếu tố chủ đạo của nó là trữ tình, song cũng có những bài văn tế thể hiện chức năng trào lộng hay ca ngợi hùng hồn nên giọng điệu trong văn tế cũng do đó mà đa dạng.
Trong tập sách có tất cả 14 bài ai điếu các loại, được viết hoàn toàn bằng chữ Nôm. Ngoài bài Văn tế nguyệt lão, và hai bài văn tế quen thuộc Tiền quân tế tướng sĩ văn (Văn tế tướng sĩ trận vong) và Bài văn tế quan Phò mã Nguyễn Văn Tánh và quan Thượng thư Ngô Tùng Châu được chép lại, tất cả các bài còn lại đều sử dụng trong đám tang. Trong đó, có 6 bài điếu tế mẹ, 1 bài tế chồng, 4 bài điếu viếng người quen. Các bài ai điếu mang phong cách ngôn ngữ và nghệ thuật dàn trải từ bác học, trau chuốt (do các bậc hàn lâm chấp bút) đến giản dị, dễ hiểu (do những người thân trong gia đình viết); từ trang trọng (tại quân doanh trước khi ra trận, tại đám tang quan đại thần) đến gần gũi (tại đám tang, đi viếng người chết). Song tất cả đều lột tả được đầy đủ những chức năng của văn ai điếu bằng sự linh động và tinh tế của ngôn ngữ, nhất là thứ ngôn ngữ thuần Việt ta (thể hiện bằng chữ Nôm).
Tùy theo đối tượng điều tế, nội dung, phương pháp viết, ngôn ngữ, giọng điệu và phong cách trong từng bài văn tế cũng có khác nhau, tạo nên sự phong phú trong thể hiện.
Trong 6 bài điếu tế mẹ, ta dễ dàng nhận thấy phong cách ngôn ngữ khác nhau của hai tầng lớp bình dân và quan lại: Bài văn con gái tế mẹ, Đại nghĩ khóc thân mẫu trướng văn, Tế thân mẫu tiểu tường văn, Thân mẫu đại tường tế văn, Xuân hồi Hàn lâm viện Kiểm thảo Cử nhân Phạm tiên sinh thân mẫu quyên trần môn sinh bái vãn văn, Đại nghĩ Thanh Hóa Tùng chính Nguyễn tộc khấp kế Tổ mẫu trướng văn. Đặc biệt bài văn tế theo lối văn xuôi Thân mẫu đại tường tế văn như một sự dung hòa hai tầng lớp. Bài văn tế ấy tuy vẫn có tính quy phạm nhưng văn phong rõ ràng, ngôn ngữ thuần Việt trong sáng, lời lẽ chọn lọc, được thể hiện rất chân thành, cảm động: “Nghĩ mẹ nuôi con công trình khó nhọc, khác chi vượt bể trèo non... Phần thời khuyên con bút nghiên cần kiệm, phần thời dạy con trung hiếu lễ nghĩa, phần thời dựng việc cửa nhà, xây nền cơ nghiệp, cho con được như người ta... Những bởi mẹ ương ướm vung trồng, che sương đỡ nắng, mới được xanh ngọn mở cành, sai hoa kết quả... Phong cảnh mẹ mở mang, tư cơ mẹ gầy dựng, nơi chốn mẹ đi về, dấu tích vẫn như xưa, mà mẹ vắng người vắng tiếng... Xét mình con bội bạc vạn phần, nhổ hết tóc kể chưa hết tội.” Những câu văn miêu tả súc tích, gãy gọn, sử dụng biện pháp ẩn dụ, so sánh làm hình ảnh biểu đạt càng tăng cao tính linh hoạt, sinh động.
Nếu bài văn tế trên còn mang tính quy phạm cao thì các bài Bài viếng của ông Nguyễn Văn Vĩnh và Bài điếu tang của quan Thiếu Hà Thúc mang đến một cảm giác mới mới hơn, gần gũi với hiện đại hơn. Vì đây là những bài điếu tế mang hơi hướng duy tân khá cao, không phải chỉ nhận thấy qua nội dung bài văn mà là ngôn từ, câu văn và những sự việc xuất hiện trong đó. Bài điếu tang của quan Thiếu Hà Thúc có văn phong rất rõ ràng, mạch lạc, trong sáng, dễ hiểu: “Tôi chợt nghe quan Tuần phủ Cung đại nhân tạ thế mà lòng tôi ai cảm vô cùng. Lòng ai cảm ấy chẳng những vì tình riêng bằng hữu mà thôi, lại vì nghĩa chung quan trường nữa. Ngài là ông quan có giá trị trong quan trường, mà nay bị nạn thì thực lấy làm tiếc lắm…”. Bài viếng của ông Nguyễn Văn Vĩnh có đoạn: “Ông Phan Kế Bính nay mà chết đi, cái thiệt thòi cho báo quán Trung Bắc chúng tôi, cho cả báo giới nước ta, trong buổi phôi thai này, tưởng cũng to gần bằng cái thiệt thòi riêng của gia quyến ông vậy.” Lời lẽ hầu như không khác gì so với chúng ta sử dụng ngày nay, cũng đã ít dùng điển cố hơn. Có thể lý giải điều này là do hai bài văn tế trên được viết trong giai đoạn “duy tân văn học” với sự xuất hiện khá ồ ạt của các tờ báo tân văn (trong Bài viếng của ông Nguyễn Văn Vĩnh có nhắc đến 4 tờ báo mà ông Phan Kế Bính từng cộng tác: Đông Dương, Trung Bắc, Đăng cổ và Học báo), nền Tây học đã du nhập và có ảnh hưởng khá mạnh mẽ đến nền tảng văn học nước nhà.
Nội dung của những bài văn tế trong tập sách ngoài thực hiện chức năng kể cuộc đời, công đức của người chết và bày tỏ lòng tiếc thương, kính trọng của người còn sống đối với người đã khuất mà còn rất khách quan cho ta thấy nhiều vấn đề khác của xã hội. Ví như một câu văn chứa chan nỗi lòng của các bậc trí thức đương thời như sau: “Nói đến hai chữ sự nghiệp trong thời buổi này, ở tầng xã hội này, thì có nhẽ khiến cho nhiều người vẫn cười nhạt. Mà nói đến văn chương sự nghiệp của một người Nam Việt ta bây giờ thì lại càng lạ tai cho khách thế giới nữa.”
2.4. Phú
Phú (nghĩa đen là bày tỏ, mô tả) là một thể văn có vần dùng để tả cảnh vật, phong tục hoặc tính tình.
Phú vốn là một thể văn Trung Quốc thịnh hành vào thời Hán, dùng lối văn có nhịp điệu, nhằm miêu tả, trình bày sự vật để biểu hiện tư tưởng tình cảm của tác giả. Phú có hai loại:Phú cổ thể (theo lối xưa, trước thời nhà Đường, không hạn định dài ngắn, niêm, đối, thanh âm, chỉ cốt gieo vần là đủ) và phú Đường luật (được các thi gia từ đời Đường về sau thường dùng, không những có vần mà phải có đối, đúng luật bằng trắc và theo một khuôn khổ nhất định).
Phú giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX là loại phú dùng cả biền văn và văn xuôi, đối và không đối, có sự đan xen giữa Đường phú và phú cổ thể; nhịp điệu, âm thanh hài hòa. Đề tài thường chỉ xoay quanh cuộc sống thường ngày của con người (những sự việc, những vấn đề tâm lý xã hội) với đặc điểm thiên về tả thực, trào phúng và đả kích. Văn phong gần gũi, dễ hiểu. Mặt tư tưởng không còn đặt nặng ý thức hệ phong kiến và lễ giáo phong kiến như trước đây. Thay vào đó là đề cao lối sống lành mạnh, có đạo đức.
Trong tập tài liệu Hán Nôm này có chép 8 bài phú, trong đó có mấy bài quen thuộc (tên tác giả được ghi trong ngoặc đơn), gồm: Mẹ ơi con muốn lấy chồng (tương truyền của Lê Quý Đôn), Thế tục phú (Trần Văn Nghĩa), Bài phú thầy đồ ngông (Nguyễn Khuyến), Phú được đồng tỉnh bán thuốc hoa cầu nhuộm thâm, Răn cờ bạc, Bài phú kén chồng, Bài phú gái lỡ thì. Hầu hết các bài phú đều thể hiện rõ những đặc điểm của phú giai đoạn này, văn phong gần gũi, dể hiểu, hầu hết chỉ xoay quanh cuộc sống thường ngày của con người, nói về thế thái nhân tình với giọng văn thiên về tả thực, hoặc mang sắc thái trào phúng. Vận dụng cả biền văn và văn xuôi, phú đối (Đường phú) và không đối (phú cổ thể).
2.5. Hát nói
Hát nói là một thể thơ đặc biệt, được tổ chức bởi nhạc, do nhạc dẫn dắt, nên hình thức của nó khá uyển chuyển, có nhiều biến thể từ âm luật đến kết cấu lời thơ. Đây là một thể thơ cách luật được sáng tạo trên cơ sở truyền thống thơ ca trung đại, chịu sự quy định của các quy chuẩn mỹ học trung đại nên phải tuân theo những quy phạm văn chương của thời đại. Nhưng một mặt do nhu cầu thể hiện nội dung tư tưởng phóng khoáng, tâm sự cá nhân muốn thoát khỏi ràng buộc của các chế ước xã hội đương thời, mặt khác, nhờ sự nâng đỡ của nhạc điệu nên cách gieo vần, tạo nhịp, chọn từ, đặt câu khá tự do.
Trong tập sách có tất thảy 7 bài hát nói: 2 bài cùng tựa đề Hát nói, Mừng quan Quận Thống chế Nguyễn Hữu Độ, Giữ đạo hiếu trung, Hát sinh nhật, Ngự giá bắc tuần và Bài hát nói em gởi cho anh ở ngoại quốc đại nghĩ thứ tử Nguyễn Khôi. Có bài đủ khổ, có bài dôi khổ, có bài có mưỡu, có bài không mưỡu, đề tài tỏ chí, ca ngợi non sông đất nước hay tâm tình.
Kết cấu một bài hát nói gồm hai phần: phần hát mưỡu và phần hát nói. Mưỡu là những câu lục bát đi kèm với bàihát nóinhằm tóm tắt ý nghĩa bao trùm của cả bài. Mưỡu có thể đặt ở đầu bài (gọi là mưỡu đầu) hoặc cuối bài (gọi là mưỡu hậu). Tuy nhiên, trong thực tế sáng tác và diễn xướng không phải bài nào cũng có mưỡu. Có những bài không có mưỡu, có bài không có mưỡu đầu mà chỉ có mưỡu hậu; hoặc ngược lại chỉ có mưỡu hậu mà không có mưỡu đầu.
Trong bài Ngự giá bắc tuần có mấy câu mưỡu như sau:
“Nay mừng có chúa Thuấn Nghiêu,
Gió nhân mưa huệ khắp đều muôn dân.
Ngửa tin ngự giá bắc tuần,
Cỏ hoa đón rước xa gần ngợi khen.”
Mấy câu mưỡu này mở đầu bài hát nói như một cách thức diễn dịch: nêu ý bao trùm toàn bài trước rồi đi vào chi tiết sau.
Ngoài phần mưỡu, phần chính văn củabài hát nóichính cách gồm mười một câu chia làm ba trổ (khổ) hoặc sáu trổ. Cách phân chia bố cục phần hát nói và tên gọi của các đoạn lời là dựa vào chức năng và định danh của các tiết đoạn trong điệu hát.
Một bài hát nói biến thể thì số câu của khổ giữa có thể tăng (gọi là “dôi khổ”) hoặc giảm (gọi là “thiếu khổ”).
Số tiếng trong câu vừa có hạn định vừa tự do. Hạn định là ở hai câu thơ ở khổ giữa (nhất thiết phải là ngụ ngôn hay thất ngôn), các câu mưỡu (phải là lục bát) và câu cuối (phải đúng sáu tiếng). Các câu còn lại thì có thể kéo dài hoặc rút ngắn tuỳ ý.
Bài Hát nói (1) trong tập sách có tất thảy 11 câu:
“Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng(3),
Phong lưu vui mà cùng túng cũng vui.
Việc sử kinh cố sức dùi mài,
Khi gặp gỡ thiếu gì vui với thú.
Trên vai nặng cù lao đôi chữ,
Chí nam nhi sinh tử chi nài.
Đường hiếu trung muốn vẹn hòa hai,
Âu ta phải cùng đời mà đưa đẩy.
Đá còn mòn trong khi nước chảy,
Sắt cứ mài cũng nảy nên kim.
Ai ơi có chí thì nên.”
Có thể nói đây là một bài hát nói điển hình đủ số câu. Còn bài Ngự giá bắc tuần thì có hiện tượng “dôi khổ”:
“Vân di trĩ vĩ khai cung phiến,
Nhật nhiễu long lân thức Thánh nhan(4).
Xuống hành cung tấu khúc Nam sơn,
Lòng cổ vũ hân hoan đà xiết kể.
Mừng lại gặp thái bình nghi vệ,
Cuộc thanh bình lương tể minh quân.
Hội y thường kết nghĩa giao lân,
Xét phong hóa thể tình dân là thạnh cử.
Chủ khách tình vui hàng nhạn tự,
Thần dân mắt ngóng chiếu rồng bay.
Kể từ Nam Bắc Đông Tây,
Đâu nghe thấy cũng vui vầy mừng rỡ.
Muôn tuổi chúc đấng vì Thiên tử,
Khắp toàn kỳ đều dậy chữ tung hô.
Nhớ ngày loan giá Đông Đô,
Âu vàng vững đặt dư đồ nước ta.
Là ngày mười sáu tháng ba.”
Về mặt vần, điệu, hát nói thuộc phạm trù âm nhạc đòi hỏi kiến thức chuyên môn mới có thể thấu hiểu và nhận định được. Với lượng kiến thức ở khía cạnh này có giới hạn, chúng tôi chỉ đưa ra những đặc điểm chung, không dám mạo muội nhận xét về các tác phẩm thể loại này một cách tùy tiện.
2.6. Khúc
Khúc (hay còn được gọi là tán khúc) là một hình thức thơ ca cổ của Trung Quốc, gắn chặt với âm nhạc, có nội dung trữ tình, ra đời trên cơ sở những lời ca điệu hát dân gian đời Kim (1115-1234) và phát triển mạnh mẽ ở đời Nguyên (1280-1368).
Khúc rất giống một thể thơ cổ khác của Trung Quốc là từ vì cả hai đều có sự kết hợp giữa lời thơ và âm nhạc, đều có những hình thức của câu thơ tự do. Sự phân biệt giữa từ và khúc chỉ ở mức độ: khúc kết hợp với âm nhạc chặt chẽ hơn từ, số chữ trong khúc không cố định như ở từ; ngôn ngữ trong khúc mang tính chất thông tục, gần với khẩu ngữ hơn so với ngôn ngữ của từ; khúc gieo vần rất dày, và có một số quy định phiền toái, mặt khác lại có chỗ rộng rãi hơn từ: thanh “nhập” ở khúc hòa tan vào các thanh “bình, thượng , khứ”, lại có thể hợp vần với nhau. Nói cách khác “bằng” có thể hợp vần với “trắc”.
Toàn tập tư liệu Hán Nôm này chỉ có 2 bài khúc: Tặng chính đại trang nhân thập thủ ca nhất khúc và Thục đường.
Khúc ở đây mang tính âm nhạc rất đậm, có sự kết hợp nhạc cụ khi diễn họa. Khúc mang những đặc điểm thể loại như ngôn từ mang tính thông tục, gần với đời sống, gieo vần rất dày và độ dài tự do. Đây là một trong những thể loại văn học Trung Quốc nên các tác phẩm có mật độ xuất hiện của từ Hán Việt khá dày đặc.
Khúc có đặc điểm nội dung chủ yếu là bộc lộ nỗi lòng cá nhân, nói lên tình cảm cá nhân, tả những cảnh cá nhân thường tiếp xúc. Những câu thơ bộc lộ ý thích và lối sống của bản thân tác giả một cách hết sức phóng khoáng, tự nhiên:
“Tuyết nguyệt phong hoa ngô hảo lữ,
Cách ăn chơi vui thú Khổng Nhan.”
(Thục đường)
“Chén tạc thù say với nước non,
Đắc ý thuở phách dồn trống điểm.
Người thanh lịch cảnh mỹ miều nào kém,
Quáng màu thêm vẻ gấm lại nhiều hoa.
Rỡ ràng ta lại với ta!”
(Tặng chính đại trang nhân thập thủ ca nhất khúc)
Về mặt tình cảm, nó sáng sủa, hào phóng nhưng xét về mặt đề tài, vẫn còn tràn ngập tình điệu của tầng lớp trí thức, và lại có cái khí phách của Tô Thức hay Lục Du.
“Non nước có tình say khách rượu,
Gió mưa ra tứ giục người ca.
Cuộc thưởng du sảng thú yên hà,
Đem thế vị điểm lên trà mấy chén.”
(Tặng chính đại trang nhân thập thủ ca nhất khúc)
“Bến Tống Giang đằm thắm xuân hòa,
Màn Mã Tử trải bốn mùa lưu loát.
Khi gió mát nhởn nhơ vịnh tuyết,
Lúc trăng thanh thơ thẩn nhìn hoa.”
(Thục đường)
Về hình thức, khúc dựa vào khúc điệu mà sáng tác, đồng thời hoà âm nhạc vào để hát. Về âm vận, phàm những chữ hiệp vận đều có thể áp vận với nhau, đã không gò bó về bằng trắc, lại không gò bó về số vần. Vậy nên người làm tán khúc được tự do diễn tả tình cảm, tư tưởng hơn. Khúc không có sự gò bó về câu dài ngắn, câu ngắn nhất của tán khúc có thể chỉ có một hai chữ, câu dài nhất có thể đến mấy chục chữ.
“Khi cung đàn đọ ngón Bá Nha,
Khúc cửu phụng mấy dây thánh thót.
Khi nét vẽ đua tài Vương Cật,
Đồ bát tiên mấy nét lưa thưa.
Khi một vài cuộc cờ,
Khi năm ba ván kiệu.
Khi di tư bầu tiên rót rượu,
Khi di tình bút thánh đề thơ.”
(Thục đường)
Tuy hai tác phẩm khúc trong tập sách chưa thể hiện rõ nét lắm điều này, nhưng vẫn cho ta nhận thấy được độ chênh lệch chữ của các câu thơ khá rõ ràng.
2.7. Biểu
Biểu là bài văn của thần dân dâng lên vua để chúc mừng, tạ ơn hoặc bày tỏ nguyện vọng. Biểu được viếttheolối văn biền ngẫu.
Tờ biểu của Báo quán Chúc đức viết dâng lên cho vua Khải Định nhân chuyến bắc du của Hoàng đế. Nội dung ca ngợi nền thái bình của đất nước: “Mây đã lành, sao đã sáng, vẻ trùng quang rực rỡ thái bình Ngu”. Tán tụng công đức của các vị tiên vương: “Đức Thánh Tổ Nhân Hoàng đế lưu đề nét ngọc, mấy muôn đời còn tạc núi ghi sông; Đức Hiến Tổ Chương Hoàng đế ngâm vịnh câu thần, mười ba xứ thảy ca công tụng đức....”, “Ngửa xem Nùng Nhĩ nước non đà xây đúc cõi thần châu. Trải mấy xuân thu cây cỏ, vẫn gội nhuần ơn ngự giá”. Và bày tỏ lòng biết ơn đối với Hoàng đế đương thời đối với việc đã “chở che” cho báo quán: “ Báo quán Đồng nhân chúng tôi, quỳ hoắc lòng thành, phỉ phong tài mọn. Nhờ lượng thánh trời che đất chở, mở lối cầu ngôn; Đem báo chương mõ gõ chuông khua, giúp phần khai hóa. Trải lòng xuống họa may muôn được một; Nhờ ơn trên rộng bỏ chín làm mười. Đầu ngựa ngóng trông, mặt rồng đoái tới. Khắp toàn kỳ đều dậy tiếng tung hô, dưới chín bệ nguyện nói lời phong chúc.” Lời lẽ đạt được độ trau chuốt, thể hiện được sự kính trọng. Bố cục bài văn logic, cách hành văn mạch lạc, nêu bật được các ý. Những cụm từ, câu mang tích chất đối ngẫu có sự chọn lọc hình ảnh và từ ngữ rất tinh tế.
2.8. Văn phổ khuyến
Văn phổ khuyến là thể loại văn học có từ rất sớm, song ít người biết đến. Là bài văn được viết ra với mục đích kêu gọi lòng hảo tâm, sự đóng góp của cộng đồng cho việc xây dựng hay tu bổ các công trình công cộng hay tín ngưỡng, tôn giáo: như xây chùa, sửa cầu...
Bài văn phổ khuyến của ông nho Khôi Trì lời lẽ ngắn gọn mà hàm súc, tinh tế cảm động lòng người: “Chừng mảng rằng: Ở lành rồi lại gặp lành, then báo ứng quỷ thần khép mở; Làm phúc ắt là được phúc, khuôn tài bồi tạo hóa đúc tô. Việc từ bi xem cũng nhiệm màu; Đường phương tiện phải cùng san sẻ… Song nhác thấy một câu khuyến thiện, lòng nhân nhân sao nỡ để kinh trăn(5); Rắp rủ nhau nhất độ kinh doanh, hồ thu thủy lại thêm vừng phách thỏ. Ví không cậy thập phương tư cấp, cừu thiên kim nào phải chiếc dịch hồ. Vậy nên đem chữ Nam ra khuyên lòng cố hữu. Việc doanh tạo kẻ giúp công người giúp của, dẫu Đông Ngô Tây Sở nơi xa xôi còn gắng sức nữa đồng châu; Lòng tín thành nhiều làm phúc, ít làm duyên. Đã Bắc Đẩu Nam Tào sổ biên chép khắp chú tên nào lậu bút.” Còn khéo léo dụng điển cố “Dịch kinh viết: ‘Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh.’(6)”
Tác giả trình bày với phong thái đĩnh đạc, nêu bật được nguyên nhân và mục đích của sự việc, lại hết sức ý nhị, giàu hình ảnh. Đây quả thật là một bài văn hay, có giá trị cao cả trên thực tế lẫn nghệ thuật văn chương.
2.9. Từ
Do ảnh hưởng của văn học, văn hóa Trung Hoa, các nước trong khu vực như Việt Nam và Nhật Bản đều có tiếp thu thể loại từ.
Từ có số chữ cố định, cách luật nghiêm ngặt, câu dài ngắn, và phối hợp chặt chẽ với âm nhạc.
Mỗi điệu từ có một từ phổ. Điệu ngắn nhất là Trúc chi từ (14 chữ), dài nhất là Oanh đề tự (240 chữ). Những điệu tương đối dài, thường chia làm hai đoạn, công thức có thể giống nhau hoặc hoàn toàn khác nhau. Số chữ trong câu có thể dài trên mười chữ, cũng có thể chỉ là một chữ.
Bài từ Gặp anh hùng thuộc “huyền ca điệu”, số chữ trong câu dài ngắn khác nhau, nhịp điệu biến hóa linh hoạt, tiết tấu khá nhanh:
“Cơn phong trần, tay khí vũ(7),
Nay mới tỏ, mới tỏ tài tình.
Thôi thôi thực gặp buổi danh dương danh.
Ngắm trời xanh, mở hội hoàn doanh,
Bày cuộc đua tranh, xui nên chuyện.
Vang châu huyện, lắm chuyện kì thay!
Ai là kẻ kịch liệt tay ra tay?
Nay mừng thay!
Cờ mở gió bay, trống dộng trời lay,
Trông ra dạng, nguy nga trạng,
Chức trọng quyền cao,
Nghiêng trời bể, lặng lẽ xiết bao!
Xưa phỉ nguyện, rày ước mai ao,
Ngày khát đêm khao.
Người người đâu, tung hoành thế?
Mới hay biết tay anh hùng.”
Luật bằng trắc của từ rất chặt chẽ, nhìn chung không có lệ “bất luận” như ở thơ Đường luật.
Một bài có thể dùng nhiều vần. Vần có trắc hoặc bằng, hoặc cả hai xen kẽ. Trình tự gieo vần ở từ cũng rất đa dạng, có thể là vần liền, vần gián cách, vần ôm... Qua đoạn trích trên, ta có thể dễ dàng thấy sự liên tục và linh diệu trong kiểu giao vần của từ.
3. Giá trị của tập sách
Trên đây là những nhận xét, đánh giá mà chúng tôi đã rút ra được và trình bày đến bạn đọc sau khi tìm hiểu cụ thể từng tác phẩm mà mình đã đọc được.
Còn xét trên bố cục chung, tức đặt toàn tập sách vào giai đoạn văn học cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX thì nhìn chung tập sách có đề tài sáng tác phong phú, thành phần sáng tác đa dạng, từ quan lại, văn nhân đến học trò, thường dân, người buôn bán… Đây cũng là giai đoạn chữ Quốc ngữ đã thông dụng, người tuyển soạn là một trí thức tân thời, có lẽ không rành chữ Nôm như các bậc tiền bối (những trường hợp viết chữ Quốc ngữ thay chữ Nôm đã nói trên) nhưng quyết chung tay gìn giữ, phát huy một di sản văn hoá - tinh thần quý báu của dân tộc. Đây là một điều hết sức đáng quý.
Những biểu hiện mang tính thời đại như: sự xuất hiện của của các nhân vật như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, những người đi tiên phong trong các phong trào chống Pháp giải phóng dân tộc cho thấy vị trí của những người anh hùng ấy trong lòng dân là không nhỏ. Tuy nhiên, trong một giai đoạn phong trào yêu nước diễn ra mạnh mẽ, tập sách lại khá “xử”, không hề bộc lộ quan điểm chính trị một cách rõ ràng. Sự phân kỳ Nam - Trung - Bắc được nhắc đến nhiều trong các tác phẩm thơ văn. Từ “chính phủ” (bộ máy cai trị do Thực dân Pháp thiết lập) xuất hiện song song với các cụm từ như “các quan An Nam” và các chức quan như “Tuần phủ”, “Văn minh điện Đại học sĩ” (đại diện của triều đình phong kiến) trong bài Bài điếu tang của quan Thiếu Hà Thúc cho ta thấy xã hội lúc này là một xã hội phong kiến - tư bản. Sự cách tân trong ngôn ngữ, sự xuất hiện xuyên suốt của các tờ Tân văn như Đông Dương, Nam phong, Trung Bắc, Học báo… là biểu hiện rõ nét của phong trào Duy tân.
Ngoài ra, trong tập tài liệu Hán Nôm này cũng có những sáng tác của nữ giới, nữ học sinh… phần nào cho thấy vai trò của các ngòi bút nữ đã được công nhận trong giới văn chương.
Những tác phẩm trong tập sách ngoài việc khẳng định được vai trò, vị trí của chúng trong xã hội đương thời; thể hiện rõ những đặc điểm hình thức thể loại, yếu tố từ chương mà tác giả cố tình vận dụng; còn rất vô tình và khách quan để con người ngày nay, khi nghiên cứu, có thể phát hiện ra những đặc điểm văn tự, ý thức hệ, văn hóa - xã hội lúc bấy giờ rất rõ nét. Với lượng thông tin nội tại như trên của những tác phẩm được tuyển soạn trong tập sách cùng với giá trị về nghệ thuật văn chương của chúng, chúng tôi có thể khẳng định: Đây thật sự là một tập di sản Hán Nôm có giá trị trên các phương diện Văn học - Nghệ thuật, Văn học sử, Văn hóa học và Hán Nôm học cần được gìn giữ, khai thác và giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Chú thích
(1) Nguyên văn thiếu một chữ.
(2) 琳 琅: Tên những loại ngọc quý, ở đây chỉ mấy bộ sách của Phan Kế Bính.
(3) Nguyên văn trong Tương tiến tửu (Lý Bạch): 天 生 我 才 必 有 用 Trời sinh thân ta ắt có chỗ dùng.
(4) Nguyên văn trong Thu hứng-kỳ ngũ (Đỗ Phủ): 雲 移 雉 尾 開 宮 扇, 日 繞 龍 鱗 識 聖 顏 Quạt lông trĩ trong cung mở ra như mây tỏa, Nắng chiếu rực long bào nhìn thấy mặt vua.
(5) 荊 蓁: Hoang vu, điêu tàn.
(6) Nguyên văn trong Dịch kinh-Khôn quái: 積 善 之 家 必 有 餘 慶 Nhà hay làm việc thiện ắt được nhiều phước lành.
(7) 器 宇: Chí khí, hoài bão to lớn.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 2, tháng 5 năm 2014