HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Tinh thần nơi chốn trong tiểu thuyết Kawabata

 

Nguyễn Phương Khánh

TS., Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TÓM TẮT

Triết gia người Đức Martin Heidegger, người có ảnh hưởng rất lớn đến các trào lưu triết học chủ đạo hiện nay như hiện tượng học, hiện sinh luận và giải kiến trúc, đã trình bày khá nhiều quan niệm liên quan đến lý thuyết về nơi chốn, về sau còn tạo nên xu hướng trong thiết kế kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc đô thị. “Tinh thần nơi chốn” trong hiện tượng học của Heidegger là một lý thuyết khá trừu tượng, bởi nó đặt con người trong nơi chốn với sự tương tác giữa bản thể bên trong và thế giới bên ngoài. Nơi chốn không chỉ là nơi chốn, đó là môi trường khẳng định, xác nhận sự tồn tại, hiện hữu một cách duy nhất của con người. Nơi chốn bao gồm sự gắn kết của tất cả các yếu tố bên trong và bên ngoài, nơi chốn bao gồm cả tinh thần nơi chốn, tính cá biệt, tính ổn định, cảm giác của nơi chốn. Thậm chí nó còn đưa đến các khái niệm như bản sắc của nơi chốn, tình trạng không nơi chốn, tức cái chết của nơi chốn…

Tiểu thuyết của Kawabata Yasunari có thể nói là bức tranh của không gian và con người Nhật Bản thuần khiết. Ở một góc độ nào đó, tác phẩm của ông chính là “bản lai diện mục” cho chân dung văn hoá Nhật. Các sáng tác của “người nghệ sỹ ưu sầu lang thang đi tìm cái đẹp” đậm tính không gian, khắc hoạ những cảnh sắc đặc trưng của xứ sở hoa anh đào như khung cảnh cố đô với chùa chiền, vườn cảnh, rừng thông, núi non, hoặc xứ tuyết hoang sơ bốn mùa thay lá… Cảnh quan dưới con mắt của Kawabata mang trái tim aware, và là nơi để con người khám phá chính mình. Hành trình của các nhân vật (nhân vật chính trong truyện của Kawabata hầu như không ở yên một chỗ cố định) gần như không để thực hiện các công việc cụ thể, mà thật sự là một cuộc tìm kiếm nơi chốn, để chữa lành, để hiện hữu.

Bài viết muốn đọc lại tác phẩm của Kawabata dưới lý thuyết nơi chốn của hiện tượng học kiến trúc để một lần nữa làm rõ hơn cái nhìn của Kawabata về cảnh sắc Nhật Bản, theo cách của tinh thần Đông phương, mỹ học Nhật Bản, như chính ông đã viết trong lời diễn từ nhận giải Nobel - “Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản”.

Từ khóa: lý thuyết nơi chốn, kiến trúc, mỹ học, aware

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Diễn ngôn Tự Nhiên trong tiểu thuyết Xứ tuyết

nhìn từ phương diện hành văn của Kawabata Yasunari

 

Lê Thị Ngọc Trâm

Giáo viên Ngữ Văn, THPT Chuyên Lê Thánh Tông, Quảng Nam

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TÓM TẮT

Kawabata đã dành trọn 12 năm tâm huyết vừa sáng tác vừa trau chuốt nên Xứ Tuyết - tác phẩm được xưng tụng là quốc bảo của văn học Nhật Bản hiện đại. Trong tác phẩm này, Kawabata đã rất dụng công khi xây dựng nên diễn ngôn về Tự Nhiên - một yếu tố can thiệp sâu tới mức làm nên sự sống còn của tác phẩm, khi nó liên quan đến cả phương diện tổ chức cốt truyện lẫn phương thức hành văn của tác giá. Tự Nhiên trong Xứ Tuyết vừa mang tính tả thực, vừa mang tính honkadori (本歌取り- một thuật ngữ chỉ bút pháp dụng điển trong lý luận văn học cổ điển Nhật Bản), đồng thời chứa đựng phong cách tượng trưng của thi ca cổ điển phương Đông. Đúng như chính nhà văn tự nhận, tác phẩm chìm đắm trong hương vị diễm ảo của Nhật Bản quá khứ. Do đó, Tự Nhiên trong Xứ Tuyết mang đầy đủ Tự Nhiên quan - Tự Nhiên luận của tâm hồn Nhật Bản.

Từ khoá: Kawabata Yasunari, Xứ Tuyết, diễn ngôn Tự Nhiên, tâm hồn Nhật Bản...

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Mỹ học bóng tối trong tiểu thuyết Kawabata Yasunari

 

Lê Thị Diễm Hằng, Dau Gia Bao Thi

Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TÓM TẮT

Trong bài viết này, chúng tôi phân tích mỹ học bóng tối gắn với bản sắc Nhật Bản trong tiểu thuyết của Kawabata. Thông qua không gian bóng tối, nguyên mẫu bóng tối và yếu tố thần thoại, bài viết giải thích tính thẩm mỹ của bóng tối là nguồn gốc tạo nên thế giới nghệ thuật của Kawabata, nơi vẻ đẹp thực sự không nằm ở bản thân sự vật, mà là ở cái bóng do chúng tạo ra. Vẻ đẹp của bóng tối mang lại cảm giác về cảm giác truyền thống của wabi sabi và bản chất che khuất của bóng tối bao hàm sự im lặng và tàng hình, điều mà yūgen truyền tải trong mỹ học Nhật Bản.

Từ khóa: Mỹ học bóng tối, kiến trúc, yūgen, Kawabata Yasunari, bản sắc Nhật Bản

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Sáng tác của Kawabata Yasunari: Cuộc hiện sinh trong thế giới Cái Đẹp

Hoàng Lan Anh

 

TÓM TẮT

“Tôi thuộc về vẻ đẹp Nhật Bản” – bằng diễn từ nhận giải Nobel, và bằng cả một đời văn nghiệp, Kawabata đã xác lập sự hiện hữu của mình trong giới hạn của một thế giới hữu thể: thế giới Cái Đẹp. Tuy nhiên, chủ thể của chữ “tôi” ở lời tuyên ngôn trên – trong sự tương quan giữa nhà văn và thế giới nghệ thuật của ông – không chỉ là Kawabata mà còn là những nhân vật trong sáng tác đã làm nên tên tuổi của nhà văn Nhật: Shimamura, Komako, Yoko (Xứ tuyết, 1937), Kikuji, Ota, Fumiko (Ngàn cánh hạc, 1949), Singo, Kikuco (Tiếng rền của núi, 1949), Eguchi (Người đẹp say ngủ, 1960), Chieko, Naeko, Tachihiro, Hideo (Cố đô, 1962), Otoko, Oki, Tachiko, Keiko (Đẹp và buồn, 1964)... Tất cả họ, với những trải nghiệm từng phút giây trong ngắn ngủi hiện tồn, đã làm một cuộc hiện sinh thành thực trong thế giới Cái Đẹp của Kawabata. Với họ, Cái Đẹp hiện hữu như một tôn giáo.

Từ khóa: Cái Đẹp, thế giới nghệ thuật, hiện sinh

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Tư liệu giảng dạy Kawabata Yasunari

trong sách giáo khoa phổ thông Nhật Bản

Nguyễn Vũ Quỳnh Như

TS., Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM

TÓM TẮT

Với tiếng tăm vang dội về giá trị văn chương, các nỗ lực tìm hiểu và truyền bá về nhà văn Kawabata Yasunari không ngừng diễn ra trên nhiều khía cạnh, đa dạng nhiều góc độ. Từ giải Nobel Văn chương đầu tiên của Nhật Bản được trao cho ông vào năm 1968, cho đến các tác phẩm của nhà văn liên tục được dịch thuật và xuất bản tạo điều kiện mở rộng tìm hiểu giá trị văn chương của nhà văn. Quan tâm sâu sắc đến giáo dục và nghiên cứu văn học Nhật Bản, bài viết mong muốn tìm hiểu tư liệu giảng dạy và truyền bá về Kawabata trong các sách giáo khoa phổ thông tại Nhật Bản. Không chỉ tìm đến các tài liệu nghiên cứu về giá trị văn chương của Kawabata, bài viết chú trọng khai thác các tài liệu, sách giáo khoa dành cho học sinh phổ thông được sử dụng tại Nhật Bản trong thời gian gần đây có nói đến cuộc đời, tác phẩm tiêu biểu và thành tựu văn học của Kawabata. Qua đó, mong muốn tìm hiểu trong thời lượng giảng dạy có hạn, thành tựu văn chương của nhà văn được đưa vào sách giáo khoa như thế nào nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết và quan tâm đến Kawabata đối với giới trẻ. Từ đó, mong mỏi đóng góp thêm nguồn tham khảo cho giảng dạy văn học Nhật Bản tại Việt Nam nói chung và về nhà văn Kawabata Yasunari nói riêng. 

Từ khóa: Kawabata, Xứ tuyết, Vũ nữ Izu, sách giáo khoa, giảng dạy

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Suy nghĩ về việc tiếp nhận tác phẩm của Kawabata ở Việt Nam

từ góc nhìn nhân học văn học

Nguyễn Thị Mai Quyên

TS., Viện Văn học – Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TÓM TẮT

Kawabata Yasunari là một trong những tác giả nước ngoài được dịch và giới thiệu nhiều nhất ở Việt Nam. Chính vì thế, số lượng các nghiên cứu trong nước về Kawabata cũng không ít, cho đến nay đã có đến hàng trăm bài tạp chí, luận văn, công trình nghiên cứu lớn nhỏ về tác giả này. Con số này cho thấy sự quan tâm của độc giả Việt Nam đến tác phẩm của Kawabata, đồng thời cũng cho thấy sức hút còn tiềm tàng trong những tác phẩm, mời gọi người nghiên cứu tiếp tục đào sâu. Qua quá trình khảo sát những nghiên cứu về Kawabata, chúng tôi nhận thấy, mặc dù số lượng nghiên cứu không ít, song chủ yếu tập trung vào mấy phương diện: giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của tác giả, phân tích các phương diện nội dung, nghệ thuật của các tác phẩm cụ thể từ góc nhìn thi pháp học cùng mốt số ít nghiên cứu bằng hệ phương pháp của văn học so sánh, qua đó đưa ra những kiến giải về văn hóa. Đóng góp của những nghiên cứu này đương nhiên rất quan trọng, song chừng đó chưa đủ. Ngày nay, nhân học với tư cách là một khoa học mới với nhiều nhánh khác nhau, trong đó có nhân học văn học. Nghiên cứu này, bên cạnh việc khái quát lại thành tựu của những nghiên cứu đi trước còn đưa ra những đề xuất mang tính phác thảo về việc nghiên cứu tác phẩm của Kawabata từ góc nhìn nhân học văn học, với mong muốn mở ra những hướng đi mới trong việc tiếp cận sáng tác của một nhà văn lớn trong nền văn học Nhật Bản cũng như văn học thế giới này.

Từ khóa: nhân học văn học, tiếp nhận, tác phẩm, Kawabata

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Tiếp nhận văn học Nhật Bản ở Việt Nam trước 1945

ThS. Nguyễn Trọng Nhân

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TÓM TẮT

Việt Nam và Nhật Bản từ thời trung đại, khoảng cuối thế kỉ XVI đã có sự tiếp xúc, bang giao, mậu dịch,... Tuy nhiên, hồi này các hoạt động giao lưu tinh thần hãy còn khiêm tốn. Đến thời kỳ hiện đại, nhất là giai đoạn trước 1945, giao lưu tiếp nhận các phương diện tư tưởng, văn hóa, giáo dục, văn học, ... của Nhật Bản đã diễn ra rất sôi nổi. Văn học Nhật Bản vì vậy cũng xuất hiện khá nhiều trên mặt báo quốc ngữ đương thời, nhất là ở Nam Bộ. Kawabata Yasunari đã đến Việt Nam trong một hoàn cảnh như vậy. Ngày nay tìm hiểu lại hoạt động tiếp nhận văn học Nhật Bản nói chung và Kawabata nói riêng sẽ giúp chúng ta làm rõ hơn nhưng khía cạnh giao lưu văn học văn học Việt Nam và Nhật Bản trong quá khứ. Điều này càng làm phong phú thêm bức tranh toàn cảnh của nền văn học Việt Nam trên những chặng đường hiện đại hóa, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Từ khóa: Tiếp nhận văn học, văn học Nhật Bản, Kawabata Yasunari, văn học Việt Nam, hiện đại hóa, toàn cầu hóa

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Giá trị truyền thông của truyện ngắn Kawabata Yasunari

Đinh Trần Thúy Vi

ThS., Trường Đại học Gia Định

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TÓM TẮT

Việc nghiên cứu và xác định các đóng góp qua sáng tác của một tác giả lâu nay thường hướng đến những giá trị mang tính đặc thù văn chương, văn hóa. Tuy vậy, có một điều không thể phủ nhận, tác phẩm văn học cũng là một sản phẩm truyền thông; và do đó, tất yếu bao chứa các giá trị truyền thông. Xuất phát từ cách nhìn đó, tham luận này sẽ tiếp cận truyện ngắn Kawabata Yasunari, một thành tựu văn chương đặc sắc, thông qua các tiêu chí truyền thông, để xác định giá trị. Qua đó, chúng ta sẽ làm rõ các phương diện về dữ liệu truyền thông, sự vận động truyền thông và hiệu quả truyền thông của truyện ngắn Kawabata đã làm nên một “thương hiệu Kawabata” như thế nào trong việc chuyển tải các thông tin thời sự, gắn liền với các thông điệp về truyền thống văn hóa, đời sống và con người Nhật, trong bối cảnh hiện thực của một nước Nhật nhiều biến động vào các thập niên đầu thế kỷ XX.

Từ khóa: Truyền thông, truyện ngắn, văn hóa truyền thông, thông điệp truyền thông

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Tư liệu giảng dạy Kawabata Yasunari

trong sách giáo khoa phổ thông Nhật Bản

Kawabata Yasunari as teaching resources in Japanese Highschool Textbooks

Nguyễn Vũ Quỳnh Như

TS., Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM

TÓM TẮT

Với tiếng tăm vang dội về giá trị văn chương, các nỗ lực tìm hiểu và truyền bá về nhà văn Kawabata Yasunari không ngừng diễn ra trên nhiều khía cạnh, đa dạng nhiều góc độ. Từ giải Nobel Văn chương đầu tiên của Nhật Bản được trao cho ông vào năm 1968, cho đến các tác phẩm của nhà văn liên tục được dịch thuật và xuất bản tạo điều kiện mở rộng tìm hiểu giá trị văn chương của nhà văn. Quan tâm sâu sắc đến giáo dục và nghiên cứu văn học Nhật Bản, bài viết mong muốn tìm hiểu tư liệu giảng dạy và truyền bá về Kawabata trong các sách giáo khoa phổ thông tại Nhật Bản. Không chỉ tìm đến các tài liệu nghiên cứu về giá trị văn chương của Kawabata, bài viết chú trọng khai thác các tài liệu, sách giáo khoa dành cho học sinh phổ thông được sử dụng tại Nhật Bản trong thời gian gần đây có nói đến cuộc đời, tác phẩm tiêu biểu và thành tựu văn học của Kawabata. Qua đó, mong muốn tìm hiểu trong thời lượng giảng dạy có hạn, thành tựu văn chương của nhà văn được đưa vào sách giáo khoa như thế nào nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết và quan tâm đến Kawabata đối với giới trẻ. Từ đó, mong mỏi đóng góp thêm nguồn tham khảo cho giảng dạy văn học Nhật Bản tại Việt Nam nói chung và về nhà văn Kawabata Yasunari nói riêng. 

Từ khóa: Kawabata, Xứ tuyết, Vũ nữ Izu, sách giáo khoa, giảng dạy

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Kawabata Yasunari nhìn từ Kenzaburo Oe

Tác giả: Phạm Xuân Nguyên

NNC, Viện Văn học – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TÓM TẮT

Bài viết đặt cạnh nhau hai nhà văn Nhật Bản được giải Nobel văn chương cách nhau một phần tư thế kỷ để thấy sự khác biệt của mỗi người cũng như sự phát triển của văn học Nhật Bản.

Kawabata Yasunary (1899-1972) là nhà văn Nhật Bản đầu tiên được giải Nobel văn chương năm 1968. Bài diễn từ ông đọc bằng tiếng Nhật khi nhận giải mang tên “Nhật Bản, cái đẹp, và bản thân tôi”. Oe Kenzaburo (1935) là nhà văn Nhật Bản thứ hai được giải Nobel năm 1994. Bài diễn từ ông đọc bằng tiếng Anh khi nhận giải mang tên “Nhật Bản, sự nhập nhằng, và bản thân tôi”. Bằng cách lấy lại tên gọi bài diễn từ của Kawabata Yasunary nhưng thay một từ quan trọng, Oe Kenzaburo đã có ý đối thoại với người đồng hương nhận giải trước mình khi nói với thế giới về bản sắc của nước Nhật hiện đại.

Cả hai nhà văn đều dùng diễn từ Nobel của mình để nói về Nhật Bản và văn hoá của nước mình hơn là nói về tác phẩm của chính họ. Họ nói về sự lưỡng phân, tức sự xung đột về bản sắc trong văn hóa Nhật Bản kể từ khi hiện đại hóa. Xung đột giữa truyền thống văn hóa được trân trọng và những lý tưởng mới được đồng hóa của phương Tây. Kawabata Yasunary trong quá trình tái thiết nhanh chóng và hiện đại của những năm 1960, đã tự tách mình ra khỏi những thay đổi có nhịp độ nhanh chóng đang diễn ra trong xã hội Nhật Bản bằng cách tuân thủ một hệ tư tưởng theo định hướng truyền thống hơn. Còn Oe Kenzaburo với chủ nghĩa nhân văn mang tính toàn cầu trong tâm trí của mình thì cố gắng kết hợp bản sắc Nhật Bản vô định hình với bản sắc toàn cầu hơn, có liên quan đến tất cả mọi người

Từ khóa: Kawabata Yasunary, Oe Kenzaburo, giải Nobel, cái đẹp, mỹ học

Thông tin truy cập

63659874
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3592
17595
63659874

Thành viên trực tuyến

Đang có 793 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website