TS. Wang Xiaolin (王小林)

(Đại học Sư phạm Hồ Nam, Trung Quốc)

TS. Nguyễn Đình Phức dịch 

Tóm tắt nội dung: Tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du là sự tiếp biến văn hóa trên cơ sở cải biên tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của tiểu thuyết gia Thanh Tâm Tài Nhân sống vào giai đoạn Minh Thanh. Thông qua quá trình tiếp biến ngoại văn hóa này, từ một tiểu thuyết thông tục mang đậm chất tài tử giai nhân, Nguyễn Du đã đem nó cải biên thành một tác phẩm truyện thơ dài, đồng thời còn là sự thể hiện đỉnh cao của tính điển nhã trong văn chương Việt. Nhờ có quá trình tiếp biến yếu tố ngoại văn hóa này mà Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du trở thành một tác phẩm văn học kinh điển đồng thời được rất nhiều độc giả trên thế giới yêu thích.

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

55 năm dịch và nghiên cứu Kawabata Yasunari ở Việt Nam

Đoàn Lê Giang

PGS.TS., Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM

Emai: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TÓM TẮT

Ngày 17 tháng 10 năm 1968 Viện Hàn lâm hoàng gia Thụy Điển công bố trao giải Nobel văn học cho Kawabata Yasunari (1899-1972) thì 3 tháng sau: tháng 1 năm 1969 tác phẩm Xứ tuyết của ông được dịch ở Việt Nam. Từ đó đến nay đã có gần 55 năm dịch thuật nghiên cứu tác phẩm của ông ở Việt Nam. Hiếm có tác giả nào như Kawabata được dịch nhiều lần, từ nhiều thứ tiếng với nhiều bản dịch khác nhau, được xuất bản, tái bản nhiều như thế. Bài viết này điểm qua quá trình dịch thuật và nghiên cứu tác phẩm Kawabata ở Việt Nam qua từng chặng đường, bước đầu đánh giá thành tựu nghiên cứu về sự nghiệp văn học của ông.  

Từ khóa: Kawabata Yasunari, giải Nobel văn học, văn học Nhật Bản, dịch văn học Nhật Bản, Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Đẹp và buồn của Kawabata Yasunari:

Quyền lực của quá khứ hay quyền lực của nghệ thuật?

 

Nguyễn Hữu Hiếu

PGS. TS., Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

 

TÓM TẮT

Nhiều dòng chủ đề khác nhau được đan cài trong một cuốn tiểu thuyết không thật đồ sộ: tình yêu và sự thù hận, tình yêu và lòng ích kỉ, tội lỗi và sự trả giá, khoái lạc và đau đớn… Đó là những chủ đề từng xuất hiện phổ biến trong lịch sử văn học từ cổ chí kim, từ Tây sang Đông. Nổi lên trong rất nhiều chủ đề được đan cài với nhau và được thể hiện qua cái nhìn nhị nguyên của Kawabata Yasunari về những vấn đề nhân sinh ấy, quá khứ và nghệ thuật với những quyền lực vô hình của nó dường như là nỗi bận tâm sâu xa của tác giả, tất cả đều được diễn đạt bằng một lối kể chuyện vừa hiện đại vừa đậm chất liêu trai rất Á Đông.

Từ khóa: Đẹp và buồn, quá khứ, nghệ thuật, quyền lực

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

"Sinh tử nhất như" hay tinh thần "tề vật" trong Những người đẹp say ngủ của Kawabata Yasunari

Phan Thu Vân

TS., Trường Đại học Sư phạm TP.HCM

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Những người đẹp say ngủ (1961) là tác phẩm quan trọng thể hiện một cách tương đối chân thực thế giới tinh thần của nhà văn Nhật Bản Kawabata Yasunari khi bước vào tuổi xế chiều, với những khuấy động hồi ức, những trăn trở về ý nghĩa sự sống, và cả nỗi khắc khoải của đất nước Nhật Bản thời hậu chiến. Bài viết tiếp cận tiểu thuyết Những người đẹp say ngủ từ góc nhìn tư tưởng phương Đông để thấy được tác phẩm đã thể hiện các tư tưởng "sinh tử nhất như" trong Phật giáo Đại Thừa và "tề vật" trong Trang Tử Nam Hoa kinh một cách vừa quen thuộc, lại vừa mang nét đặc trưng riêng. Trên cơ sở này, bài viết bước đầu chứng minh Những người đẹp say ngủ đánh dấu bước chuyển biến trong tư tưởng của Kawabata, từ cái nhìn sự sống và cái chết như hai mặt đối lập, sang một thể thống nhất.

Kết quả nghiên cứu có thể phần nào giúp lý giải thêm về phong cách sáng tác cũng như cảm ngộ văn chương của tác giả. Từ Những người đẹp say ngủ trở đi, không khó nhận thấy sự biến chuyển tư tưởng thiện – ác/ Phật – ma/ được – mất trong tác phẩm Kawabata có sự chuyển hồi như vòng xoay của sinh – lão – bệnh – tử, điểm chấm dứt lại là điểm khởi đầu, và con người giác ngộ có khả năng buông bỏ chấp niệm, đạt đến cảnh giới của sự giải thoát.

Từ khóa: Sinh tử nhất như, tề vật, Những người đẹp say ngủ

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Từ Thủy nguyệt (Kawabata Yasunari) đến Trăng nơi đáy giếng (Trần Thùy Mai): Tâm cảm của phụ nữ giữa hai thế giới

Hồ Khánh Vân

TS., Khoa Văn học

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TÓM TẮT

Biểu tượng chiếc gương soi và sự phản chiếu đã trở thành một trong những ý niệm mang tính triết lý của nhân loại khi nhận thức về hiện hữu và sự phản ánh hiện hữu. Đây là một đề tài lớn, gắn liền với hành trình tư duy về thế giới và tái hiện thế giới của con người từ tận thời cổ đại cho đến ngày nay. Ở phương Tây, những suy tư triết học về vấn đề này khởi đi từ câu chuyện thần thoại về chàng Narcissus và tình yêu cuồng dại với hình hài của chính mình được phản chiếu dưới lòng sông, từ ý niệm về hang động, cái bóng trong hang và cuộc sống bên ngoài hang đá của Plato, từ lý thuyết về sự mô phỏng của Aristotle. Trong khi đó, ở phương Đông, người Nhật Bản xem tấm gương soi là một trong ba linh khí của dân tộc mình (cùng với thanh gươm và viên ngọc). Trong quan niệm triết học, mỹ học của cư dân xứ sở Phù Tang, thế giới trong chiếc gương soi không chỉ là sự phản ánh thế giới thực của con người và vạn vật, mà còn là sự hiện tồn của cái đẹp trong trẻo, hoàn mỹ, thanh khiết, đồng thời, là hiện thân của sự hư ảo, của vẻ đẹp hư huyễn mà trường tồn. Còn với người Việt Nam, bóng ảnh chủ yếu gợi nên bi cảm về cái hư vô, huyễn hoặc, phi thực.

Ý niệm về thế giới được soi chiếu trong văn hóa truyền thống Nhật Bản đi vào tác phẩm Thủy nguyệt của Kawabata Yasunari đã gặp gỡ với ý niệm dân gian của dân tộc Việt Nam về hình tượng “trăng soi đáy nước” được tái hiện trong tác phẩm Trăng nơi đáy giếng của nhà văn Trần Thùy Mai. Bài viết này áp dụng phương pháp so sánh và cái nhìn từ phê bình nữ quyền để tìm hiểu sự tương đồng và khác biệt giữa hai tác phẩm. Đồng thời, trong khi phân tích, người viết bài này cũng chú trọng đến sự giao thoa và khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản để không lý giải hai văn bản một cách khiên cưỡng, gò ép mà đặt văn bản vào bối cảnh rộng của văn hóa. Từ đó, bài viết thử lý giải việc tái hiện đời sống của người phụ nữ trong mối quan hệ giới tính và môi trường gia trưởng, trong hoàn cảnh văn hóa giữa phông nền của những ý niệm về bóng ảnh, về ánh trăng trong đáy nước, về thực và ảo.

Từ khóa: Gương soi, phụ nữ, Thủy nguyệt, Trăng nơi đáy giếng

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Con đường của mỹ học wabi sabi trong tác phẩm Ngàn cánh hạc của Kawabata Yasunari

Ngô Trà Mi

ThS., Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

 

TÓM TẮT

Wabi sabi là phạm trù mỹ học truyền thống đặc biệt quan trọng trong văn hoá và văn chương Nhật Bản. Khởi đi từ tập thơ tối cổ của người Nhật Manyōshū Vạn diệp tập, phạm trù mỹ học này đã có sự vận động không ngừng, hoà nhập với các loại hình nghệ thuật, văn hoá đặc trưng của Nhật Bản qua các thời kỳ lịch sử như trà đạo, kiến trúc..., để trở thành một đặc trưng mỹ học mang đậm tinh thần Nhật Bản. Riêng trong lĩnh vực văn chương, những đặc tính của wabi sabi trở thành cái nhìn thẩm mỹ của nhà thơ, nhà văn về cái đẹp, về thế giới tự nhiên và đời sống trần thế của con người. Kawabata Yasunari, người từng tuyên bố với toàn thế giới trong bài diễn từ nhận giải Nobel Văn chương vào năm 1968 rằng ông “sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản”, đã thâu nhiếp toàn bộ tinh thần mỹ học của wabi sabi, vừa nhìn nhận lại nó trong bối cảnh văn hoá Nhật Bản thời hậu chiến, vừa xiển dương cho cái đẹp đơn sơ, giản dị, đậm hồn cốt phong vị Nhật Bản này trong tác phẩm nổi danh Ngàn cánh hạc. Nghiên cứu tác phẩm này trong cái nhìn mỹ học wabi sabi, chúng tôi mong muốn sẽ đọc tác phẩm trong một chiều kích khác, chiều kích của mỹ học truyền thống, để có thể hiểu sâu hơn tư tưởng của Kawabata Yasunari biểu hiện trong tác phẩm.

Từ khóa: Mỹ học, wabi sabi, Ngàn cánh hạc, thế giới tự nhiên

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Từ Thủy nguyệt đến Bệnh trăng rằm: Tính nữ hay là nguyệt tính

Nguyễn Đỗ An Nhiên

ThS., Đại học Meio, Okinawa, Nhật Bản

 

TÓM TẮT

Thủy nguyệt (『水月』 Suigetsu) được công bố vào năm 1953, trên tạp chí văn Bungei Shunju, còn Bệnh trăng rằm (『名月の病』Meigetsu no yamai) được đăng trên báo Miyako Shimbun, năm 1926. Truyện ngắn Thủy nguyệt nổi tiếng, luôn được nhắc đến như một tác phẩm tiêu biểu của Kawabata Yasunari. Ở Việt Nam, Thủy nguyệt đã được dịch sang tiếng Việt và đưa vào sách giáo khoa môn Văn cấp phổ thông trung học tại Việt Nam như một bài đọc thêm trong một thời gian dài. Còn Bệnh trăng rằm là một truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata ít được biết đến ở cả Nhật Bản lẫn Việt Nam. Hay nói đúng hơn, Bệnh trăng rằm mới được một thành viên Học hội Kawabata Yasunari Nhật Bản, tiến sĩ Fukasawa Harumi, khai quật vào khoảng năm 2015 và được giới thiệu trở lại trên tạp chí Shincho vào tháng 4 năm 2018.

Bệnh trăng rằm không được đưa vào toàn tập lẫn tuyển tập các tác phẩm Kawabata trong quá khứ nhưng theo đánh giá của Fukasawa Harumi, đây là một trong những tác phẩm quý, thể hiện sống động tính văn học thanh tân và tư chất của tác giả Kawabata Yasunari giai đoạn đầu sáng tác.

Thông qua tham luận lần này, tôi muốn giới thiệu đến độc giả Việt Nam tác phẩm mới được khai quật này. Bên cạnh đó, thông qua "Từ Thủy nguyệt đến Bệnh trăng rằm", người viết bài muốn đề cập lại một vấn đề có thể đã được nhiều người đề cập nhưng vẫn có thể phát triển, có thêm phát hiện mới, đó là "tính nữ" hay là "nguyệt tính" trong tác phẩm của Kawabata Yasunari.

Từ khóa: Thủy nguyệt, Bệnh trăng rằm, truyện ngắn trong lòng bàn tay, nữ tính, nguyệt tính

Thông tin truy cập

63661109
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4827
17595
63661109

Thành viên trực tuyến

Đang có 1084 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website