HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Cuộc sống, cái chết, tình yêu và khát vọng: Người đẹp say ngủ của Kawabata Yasunari

Prof. Lin Yin-Hsiang

GS., Đại học Thành công, Đài Loan

TÓM TẮT

Người đẹp say ngủ(眠れる美女)của Kawabata Yasunari là một trong những tác phẩm gây nhiều tranh luận nhất vào cuối đời của ông. Cốt truyện của tiểu thuyết mô tả việc cụ già Eguchi ngủ cùng với và các cô gái trẻ đang ngủ mê.  Ngoài miêu các cơ quan trên cơ thể, tác phẩm đã thêu dệt nên những hồi ức và cảm khái của nhân sinh, thể hiện được logic biện chứng của tác giả về các chủ đề lớn của sinh mệnh: sống và chết, thiện và ác, đẹp và xấu, già yếu và thanh xuân, sám hối và chuộc tội, chân thực và lừa dối… Mà có lẽ, cụ già Eguchi trong câu chuyện, có tính liên hệ tương đối cao với bản thân Kawabata Yasunari. Từ góc nhìn “sinh tử quan”, tham luận của chúng tôi phân tích tỉ mỉ những suy tư về chủ đề sinh tử mà Kawabata Yasunari thể hiện trong tiểu thuyết. Chúng tôi nhận thấy trong tình trạng ngày càng già yếu và dần mất năng lực, khi suy tư về ái dục và mâu thuẫn giữa sống và chết, Kawabata Yasunari đã coi sống và chết là một thể, chứ không phải là đối lập; đồng thời coi hồi ức là minh chứng của sinh, còn ái dục là động lực của sinh. Tình tiết Người đẹp say ngủ mở ra, thực sự có liên quan mật thiết với quan niệm về sinh tử của Kawabata Yasunari.

Từ khóa: Sinh tử quan, chủ đề sinh tử, sống, chết, Người đẹp say ngủ

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Thẩm mỹ truyền thống như là chuẩn mực:

Ngàn cánh hạc của Kawabata nhìn từ bối cảnh Nhật Bản hậu chiến

 

Nguyễn Đình Minh Khuê

ThS., Khoa Văn học

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

 

TÓM TẮT

Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích tiểu thuyết Ngàn cánh hạc để chứng minh rằng trong hình dung của Kawabata, thẩm mỹ truyền thống được nhìn nhận như là chuẩn mực. Ý niệm ấy được thể hiện trước hết trong cách các nhân vật của cuốn tiểu thuyết này yêu nhau: những tình yêu “gương soi” kiểu Genji giữa bà Ota và Kikuji, giữa Kikuji và Fumiko, theo tôi, có thể được xem như là nỗ lực tìm về với thế hệ của người cha Mitani, một thế hệ nằm ở lằn ranh truyền thống và hiện đại, thế hệ cuối cùng được tin là có khả năng vươn đến cái thẩm mỹ truyền thống mang tính mẫu mực. Bên cạnh đó, thái độ căm ghét của phần lớn các nhân vật trong Ngàn cánh hạc đối với vị nữ trà sư Chikako có thể được diễn giải như một xu hướng loại trừ những gì được xem là xấu xí ra khỏi lãnh địa của nghệ thuật trà đạo – một truyền thống mà theo họ cần phải được gìn giữ đúng theo chuẩn mực thẩm mỹ nguyên bản: một người thực hành nghệ thuật trà, trong cái nhìn của họ, không thể có một cái bớt đen đủi, lông lá trên ngực, lại càng không thể có tính tọc mạch độc hại và xu hướng khuynh đảo người khác như Chikako. Từ đây, bài viết tiến hành lý giải những nguyên do khả hữu dẫn đến cách hình dung về truyền thống này của Kawabata trong Ngàn cánh hạc. Điều này, một mặt, phát xuất từ nỗi thương chấn trong Kawabata khi đứng trước một Nhật Bản suy sụp, vụn vỡ sau Đệ nhị Thế chiến. Mặt khác, đó là cách ông thể hiện sự phản đối của mình trước ý niệm về hiện đại đang lên ngôi ngày càng mạnh mẽ ở Nhật từ sau năm 1945.

Từ khóa: Hình dung về truyền thống, chuẩn mực thẩm mỹ, Đệ nhị Thế chiến, chấn thương, hiện đại tính

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Những chủ đề huyền thoại trong tiểu thuyết Người đẹp say ngủ của Kawabata Yasunari – một cái nhìn phê bình nhân chủng học

 

Nguyễn Hữu Tấn

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

 

TÓM TẮT

Kawabata Yasunari (11.6.1899 – 16.4.1972) được đánh giá là một tài năng văn học với khả năng duy trì khả năng sáng tạo gần như trọn vẹn suốt cả sự nghiệp. Phong cách văn học của ông, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các mô thức văn học cổ điển thanh cao (từ Murasaki Shikibu, Matsuo Basho…) với các mô thức văn học phù thế của tầng lớp thị dân (với Ihara Saikaku…) mà vẫn mang hơi thở thời đại đậm nét. Tiểu thuyết của Kawabata, ngoài sự hòa trộn tài tình giữa căn cốt phương Đông và kỹ thuật phương Tây, còn có sự chồng chất của các chủ đề huyền thoại: huyền thoại có tính dân tộc và huyền thoại mang tính cá nhân. Chính những điều này làm nên mỹ học mang tính song đôi kiểu Kawabata: thiêng – tục, ma quỷ - phàm nhân, hoan lạc – đau khổ, u sầu – hoan hỉ, thanh cao – suy đồi… Các biểu hiện nghệ thuật trên đây đều tồn tại trong tác phẩm gây ra tranh luận trái chiều nhất của ông là Người đẹp say ngủ. Và chúng tôi tiến hành đọc lại tác phẩm từ cách nhìn phê bình nhân chủng học – một trường phải phê bình văn học khá thịnh hành ở phương Tây gần đây.

Từ khóa: Kawabata Yasunari, huyền thoại, mỹ học mang tính song đôi, phê bình nhân chủng học…

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Điểm nhìn nghệ thuật trong hai phiên bản phim điện ảnh cùng chuyển thể từ tác phẩm văn học Người đẹp say ngủ của Kawabata

 

Đặng Thu Hà

ThS., trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội

TÓM TẮT

Chuyển thể tác phẩm văn học để xây dựng thành kịch bản và phim là một cách chế tác phổ biến trong suốt chiều dài của lịch sử điện ảnh thế giới. Trong đó, có những tác phẩm văn học không chỉ được chuyển thể một lần mà nhiều lần, bởi nhiều quốc gia, đa thể loại và với những phiên bản khác nhau. Tiểu thuyết Người đẹp say ngủ của văn hào Nhật Bản Kawabata Yasunari là một trường hợp như vậy. Ra đời vào năm 1961, tác phẩm đã trở thành nguồn cảm hứng cho một số nhà làm phim ở nhiều quốc gia. Tiêu biểu nhất phải kể đến 2 phiên bản điện ảnh, một của điện ảnh Đức Ngôi nhà của những người đẹp ngủ (2008, đạo diễn Vadim Glowna) và của điện ảnh Úc Người đẹp say ngủ (2011, đạo diễn Julia Leight). Hai phiên bản này khi đặt cạnh tác phẩm nguyên gốc, chúng ta sẽ nhận thấy một điều hết sức thú vị: ngoài sự khác biệt về phương tiện biểu đạt đặc thù của loại hình mà tác giả sẽ không bàn tới trong giới hạn bài viết này thì cùng một hệ thống nhân vật và tình huống sự kiện chính, mỗi một tác giả lại tiến hành kể chuyện rất khác nhau, khiến cho kết cấu, cốt truyện, tư tưởng chủ đề và không gian thời gian nghệ thuật… trong tác phẩm hoàn toàn thay đổi. Thử đặt câu hỏi cho nguồn gốc của sự khác biệt trong mỗi cách tường thuật câu chuyện này, ta sẽ tìm thấy một câu trả lời khá xác đáng: tất cả nằm ở điểm nhìn nghệ thuật của mỗi tác giả trong tác phẩm.

Từ khóa: Điểm nhìn nghệ thuật, điện ảnh, chuyển thể, Người đẹp say ngủ

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Tiểu thuyết Đẹp và buồn của Kawabata Yasunari

trong dòng văn học đồng tính nữ Nhật Bản

 

Nguyễn Bích Nhã Trúc

ThS., Khoa Ngữ Văn – Đại học Sư Phạm TP.HCM

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TÓM TẮT

Vào những năm 1920, cùng với sự phát triển của nền văn hóa, văn học đại chúng thời kì dân chủ Taisho (1921-1926), dòng văn hóa của các nữ sinh trong các trường trung học nữ ra đời tại Nhật Bản, được gọi là văn hóa shoujo (shoujo bunka). Tuy được coi là dòng văn hóa phụ lúc bấy giờ nhưng sự xuất hiện của shoujo trong xã hội đã như một cách làm giảm áp lực từ dòng văn hóa chính thống với sự thống trị của nam quyền trong xã hội Nhật Bản giai đoạn đầu thế kỉ XX. Văn học shoujo gồm những tác phẩm viết về mối quan hệ tình cảm gắn bó của những nữ sinh trong các trường trung học (được gọi là Class S), đã đặt tiền đề cho sự hình thành của dòng văn học đồng tính nữ (hay chủ nghĩa đồng tính nữ) trong văn học hiện đại Nhật Bản thế kỉ XX.  Kawabata Yasunari – một trong những nhà văn có công xây dựng và phát triển dòng văn học shoujo, đã có nhiều sáng tác và hoạt động nghệ thuật, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa, văn học shoujo trong giai đoạn từ thời kì Taisho đến Showa. Kawabata đã viết hai tác phẩm về đề tài đồng tính nữ: Otome no minato乙女の港 (Bến cảng của những cô gái, 1937) và Utsukushisa to kanashimi to 美しさと哀しみと(Đẹp và buồn, 1963). Trong đó, nếu như tiểu thuyết Omote no minato ra đời năm 1937 bị cho là “đạo” ý tưởng sáng tác của nữ văn sĩ Nakazato Tsuneko thì đến Đẹp và buồn, vẫn khai thác đề tài đồng tính nữ, Kawabata đã khẳng định tài năng cũng như dấu ấn của ông khi thể nghiệm đề tài đồng tính. Năm 1965, Đẹp và buồn cũng đã được đạo diễn Shinoda Masahiro chuyển thể sang tác phẩm điện ảnh. Cả tiểu thuyết và phim Đẹp và buồn đều được coi là những tác phẩm quan trọng trong văn học và điện ảnh Nhật Bản. Tham luận này hướng đến việc đánh giá vai trò và vị trí của tiểu thuyết Đẹp và buồn nói riêng và những đóng góp của Kawabata nói chung trong quá trình phát triển của dòng văn học đồng tính nữ Nhật Bản cũng như văn hóa shoujo tại Nhật giai đoạn Taisho đến Showa. 

Từ khóa: Đẹp và buồn, văn học đồng tính nữ, văn hóa shoujo, văn học Nhật Bản

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

So sánh tiểu thuyết Những người đẹp say ngủ của Kawabata Yasunari và phim chuyển thể Sleeping Beauty (2011) từ góc nhìn giới

Hoàng Dạ Vũ

ThS., Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TÓM TẮT

Kawabata Yasunari là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của văn học Nhật Bản thế kỷ XX với rất nhiều tác phẩm được chuyển thể sang điện ảnh. Tiêu biểu, tiểu thuyết Những người đẹp say ngủ của ông đã được chuyển thể sang nhiều phiên bản điện ảnh từ nhiều nước khác nhau, trong đó được biết đến nhiều là bộ phim Sleeping Beauty (2011) của nữ đạo diễn người Úc Julia Leigh. So sánh hai tác phẩm văn học và điện ảnh này từ góc nhìn giới, người viết muốn đi sâu phân tích những vấn đề như cái nhìn nam giới (trong tiểu thuyết) và cái nhìn nữ giới (trong phim), cách thể hiện nhân vật nữ, diễn ngôn giới của hai tác giả… Từ đó, nhìn nhận và đánh giá những giá trị của tiểu thuyết và phim từ một góc độ mới mẻ, hấp dẫn.

Từ khóa: Chuyển thể, Những người đẹp say ngủ, Sleeping Beauty (2011), góc nhìn giới

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Những cảnh quan mang căn tính giới trong sáng tác của Kawabata

 

Đặng Thị Thái Hà

ThS., Viện Văn học – Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

 

TÓM TẮT

   Cảnh quan (landscape) và căn tính giới (gender identity) là những khái niệm đang dần trở nên quen thuộc trong lí thuyết văn chương đương đại. Soi chiếu sáng tác của Kawabata Yasunari từ góc nhìn này, có thể nhận ra một ham muốn kiến tạo cảnh quan trở đi trở lại nhằm định hình và tái định hình một hình dung cố kết về vẻ đẹp Nhật Bản. Những khung cảnh này, đến lượt nó, lại mang những màu sắc giới tính riêng, mà cụ thể và thường xuyên là vẻ đẹp nữ tính. Gần như mọi chuyến đi trong các tác phẩm của Kawabata đều là của một nhân vật nam đang tìm cách trở về một nơi chốn khác, kiếm tìm một “trú xứ” đích thực khác; và cũng bởi vậy mà “trú xứ” này được “nữ tính hóa” cao độ hay trở thành những cảnh quan mang “thiên tính nữ”. Cái nhìn nam giới (the male gaze), qua đó, cũng được biểu lộ rõ nét khi những cảnh quan ấy được “tuyệt đích hóa” thành vẻ đẹp đồng trinh (trong thế đối lập với sự xô bồ nhơ bẩn của thành thị hiện đại). Xuất phát từ cách tiếp cận này, bài viết mong muốn góp phần đưa ra thêm những diễn giải về một hiện tượng văn chương độc đáo và có ảnh hưởng lớn của thế kỉ XX.

Từ khóa: Cảnh quan, căn tính giới, thiên tính nữ, trú xứ, nữ tính hóa

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Ngàn cánh hạc bay qua những tâm hồn

Nguyễn Hoàng Hải Ngọc

Công ty cổ phần Finizz

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

 

TÓM TẮT

Đạt giải thưởng danh giá của thế giới Nobel Văn học năm 1968, Kawabata đã mang đến niềm vinh hạnh như mặt trời và tuyết trắng cho xứ Đông Kinh. Trong bài viết này, chúng tôi chọn tác phẩm Ngàn cánh hạc (千羽鶴 Senbazuru) để tìm hiểu quá trình đọc của các lớp và các loại độc giả cũng khả thi và có ý nghĩa trong việc nghiên cứu văn chương của Kawabata nói chung. Bài viết này như để tri ân đóng góp cho lĩnh vực tinh thần, niềm tin vào cái đẹp có thể cứu rỗi của Kawabata Yasunari. Ngàn cánh hạc đã vút bay trong tâm trí chúng tôi, in khắc ấn tượng của những cái nhìn đầu tiên vào chân trời mơ tưởng huyền thoại của tuổi trẻ. Soi mình vào trong đó, chúng tôi muốn biết mình đã đọc cái gì, theo cách nào và học được gì? Đồng thời, cũng từ việc nghiên cứu trường hợp cá nhân chúng tôi mở rộng vấn đề đến việc nhận xét những loại người đọc khác trong cùng một trường mê lực mang tên Kawabata Yasunari và vẻ thanh thoát của những cánh hạc.

Từ khóa: Ngàn cánh hạc, cách đọc, người đọc

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Mặc cảm như một cảm thức huyền thoại

trong tác phẩm Ngàn cánh hạc của Kawabata Yasunari

Lê Hồ Minh Triết

Sinh viên khóa 2017 - khoa Văn học,

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TÓM TẮT

Huyền thoại nảy sinh từ nhu cầu nhận biết thế giới và đặc biệt trong quá trình tự ý thức, huyền thoại đóng vai trò phương tiện cổ đại để nhìn nhận bản chất con người. Tự ý thức mô hình loài người theo tư duy huyền thoại cho đến nay vẫn là phương thức hữu hiệu mà các ngành khoa học không ngừng truy vấn. Đặc biệt, từ khía cạnh văn học - tâm lý học, tư duy huyền thoại vẫn đóng vai trò quan trọng trong biện giải và sáng tạo.

Xuất phát từ nền tảng lý thuyết huyền thoại và những định đề tâm lý về mặc cảm của con người, tham luận trình bày sự thể hiện mặc cảm dưới góc nhìn huyền thoại - tâm lý trong tác phẩm Ngàn cánh hạc. Nhìn tâm lý nhân vật dưới góc độ mặc cảm như một cảm thức huyền thoại giúp lý giải nhiều ẩn ức và quyết định của nhân vật trong tác phẩm. 

Từ khóa: Huyền thoại, Ngàn cánh hạc, mặc cảm, tâm lý nhân vật

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Kawabata Yasunari và Yoshimoto Banana:

Hai thời đại của cái đẹp và một dòng chảy mỹ học

 

   Nguyễn Thị Huỳnh Trang

TS., Học viện Khoa học Xã hội

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TÓM TẮT

Bài viết đặt sáng tác của Kawabata Yasunari (một cây đại thụ của văn học truyền thống Nhật Bản với giải Nobel Văn học) và Yoshimoto Banana (một cây bút nữ đương đại Nhật Bản có sức lan tỏa lớn thời đương đại) trên cùng một quỹ đạo là cảm thức thẩm mỹ giữa hai thời đại nối tiếp nhau trong văn học Nhật Bản, không phải để khen chê bất cứ điều gì, mà nhằm chỉ ra rằng, độc đáo thay, dường như người Nhật, văn học Nhật luôn biết cách ‘tự làm mới mình’ theo cách của riêng họ: không bao giờ là sự lặp lại của nhau song cũng chưa bao giờ khiến cho sợi dây nối giữa những chiếc áo mới ấy đối nghịch hay tiêu trừ nhau.

Bài viết sẽ triển khai nội dung trên qua những mã khóa chính như sau: “Thẩm mỹ” (Aesthetics) và hai thời đại văn học của Kawabata Yasunari – Yoshimoto Banana; Cái đẹp trong đối tượng mang chứa cái đẹp; Cái đẹp trong cách của người tìm kiếm và tận hưởng cái đẹp

Như thế, từ những biểu đạt của cái thẩm mỹ trong đời sống văn hóa lẫn những dấu vết của cái thẩm mỹ khi lần tìm đến mỹ học truyền thống – hiện đại Nhật Bản, chúng ta có thể có những phát hiện thú vị về những lằn ranh của sự giao thoa và tiếp biến trong hành trình đi tìm cái đẹp và cũng là hành trình đi tìm bản ngã của người dân “xứ tuyết” này.

Từ khóa: Cái đẹp tinh tuyển, cái đẹp phổ biến, mỹ học Thiền, shoujo manga

Thông tin truy cập

63660097
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3815
17595
63660097

Thành viên trực tuyến

Đang có 774 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website