- Chu Nhuệ Tuyền
- HTQT Việt Nam - Giao lưu văn hóa tư tưởng Phương Đông
- Lượt xem: 2727
Nhà đẹp đâu cần lớn, hoa thơm chẳng vì nhiều – Tuỳ cảm về chuyến đi đến Việt Nam 2017
Ảnh: Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo KH Quốc tế Việt Nam - giao lưu văn hóa tư tưởng phương Đông
Lời người dịch:
Chu Nhuệ Tuyền, một giảng viên trẻ của trường Đại học Sư phạm Thiên Tân, Trung Quốc, được Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mời tham gia hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam – giao lưu văn hoá tư tưởng phương Đông” diễn ra vào ngày 16-11-2017 đã gửi cho tôi bài viết tuỳ bút của anh ngay khi anh về nước, với hy vọng bày tỏ chút tâm tình của một người lần đầu tiên đi ra nước ngoài tham gia hội thảo. Bài viết của anh cho thấy những trải nghiệm thú vị và nhiều cảm xúc trong những ngày ở Việt Nam mà Ban tổ chức hội thảo cũng như những người bạn Việt Nam đã mang đến cho anh những ấn tượng khó phai. Nhận được thư anh, tôi đã ngỏ ý với anh sẽ dịch bài này sang tiếng Việt đăng trên trang web Khoa Văn học, để mọi người cùng cảm nhận, anh đã rất vui và bày tỏ cảm ơn. Nay xin phép được giới thiệu cùng quý vị độc giả. (LQT)
***
Tối ngày 15-11-2017 tôi đáp chuyến bay đến sân bay Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam và đến trưa ngày 19 tôi về đến sân bay Bắc Kinh, bốn ngày tôi ở Việt Nam đã trải nghiệm nhiều điều mà có thể suốt đời tôi không quên. Ở Việt Nam, dù là nhân viên sân bay hay những bạn sinh viên phục vụ cho hội thảo đều mặc trang phục truyền thống của Việt Nam – “Áo dài”, với thân hình mảnh mai tha thướt. Hình ảnh áo dài Việt Nam đã được in trên các văn hoá phẩm như báo ảnh, bưu thiếp, cả trên quản bút… tiêu biểu cho hình ảnh của đất nước Việt Nam đã được các bạn bè trên thế giới truyền bá.
1. Chuyến du hành văn hoá sâu sắc
Là một giảng viên trẻ của một trường ở Trung Quốc, duyên do chuyến đi này là nhờ sự kết nối từ một người bạn thời học cao học với tôi là TS. Nguyễn Hoàng Yến đang công tác tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nên tôi được mời tham dự hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam – giao lưu văn hoá tư tưởng phương Đông”. Thực sự đây là lần đầu tiên tôi chính thức tham gia một hội nghị khoa học quốc tế, vì thế trong ngày 16-11 diễn ra hội thảo, tôi cảm nhận đây là một hội thảo có chất lượng cao và mới mẻ, khiến tôi có nhiều ấn tượng sâu sắc. Ngài Hiệu trưởng đã phát biểu bài diễn văn vô cùng súc tích mà khí thế đầy đủ, nội dung hội thảo được sắp xếp hết sức chặt chẽ và tinh giản.
Trên hội trường, tôi đã được gặp lại vị giáo sư tiền bối được nhiều người kính ngưỡng Chen Yiuan (Trần Ích Nguyên) của Đại học Cheng Kung, Đài Loan và kết giao với nhiều học giả uyên thâm của Việt Nam và Nhật Bản. Mọi người giao lưu học thuật với nhau trên một diễn đàn bình đẳng, nghiêm túc thẳng thắn, vui vẻ.
Ngày thứ hai ở Việt Nam, chúng tôi đã ngồi xe 2 tiếng đồng hồ để đến tỉnh Bến Tre thuộc Nam Bộ được mệnh danh là xứ dừa Việt Nam, may mắn thay được viếng thăm lăng mộ của các danh nhân Nam Bộ Việt Nam như Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu. Trong đó, nhân vật Phan Thanh Giản đã từng là người đại diện cho triều đình Nguyễn đàm phán với chính phủ Pháp trong thời Pháp xâm lược như nhân vật Lý Hồng Chương của Trung Quốc, nhưng với thời cơ lịch sử và dưới sự cưỡng bức của Pháp ông bị bức nhượng ba tỉnh miền Đông Nam Bộ. Phan Thanh Giản đã gánh chịu tội danh mãi quốc, khẳng khái uống chén thuốc độc tự kết liễu đời mình. “Phải trái đời sau ai quản được, đầy thôn nghe nói chuyện trung lang” (hai câu thơ trong bài Tiểu chu du cận thôn xả chu bộ quy của Lục Du), chúng tôi đứng viếng dưới cái nắng chói chang đều không khỏi buông tiếng thở dài sườn sượt.
Ngày 17-11, các bạn sinh viên nữ chuyên ngành Hán Nôm đã đưa tôi đi tham quan Dinh Độc Lập và sau đó là đến miếu Thiên Hậu và hội quán Tuệ Thành. Dinh Độc Lập được thiết kế hoa lệ, tinh xảo, đứng trên cao đưa mắt nhìn ra khoảng trời rộng rãi của quận 1, và cảm nhận không khí tôn giáo trong làn hương phảng phất tràn ngập nét đẹp văn hoá bản địa.
2. Cảm nhận mang theo
Tuy trong lịch sử từng chịu ảnh hưởng và có khi cùng chung văn hoá Nho gia, Phật giáo và cả việc dùng chữ Hán một thời, nhưng Việt Nam vẫn có những đặc điểm phong tục, lịch sử, địa lý riêng biệt đặc sắc và mới mẻ. Vì thế, chuyến đi Việt Nam lần này, đã để lại tôi những thể nghiệm sâu sắc và phong phú.
Bia Sài Gòn và rượu chuối hột hoà vị trong miệng, bánh xèo và lẩu Việt phong vị cũng riêng. Món ăn Việt Nam thích dùng rau xanh, hoặc dùng rau để cuốn thịt, hoặc ăn trực tiếp như là chanh, rau diếp cá… tôi đều được nếm và thưởng thức lần đầu. Hẳn là không cần phải nói đến danh mục các loại nước chấm rất nhiều, riêng nước mắm là nổi tiếng nhất. Tuy là chỉ điểm qua vài nét, nhưng hủ tiếu thịt miền Tây lại là món tuyệt ngon của Việt Nam, thưởng thức là mê hồn.
Đêm li biệt, tôi được ngồi thưởng thức thức uống trong quán café ở quận 10, lần đầu tiên tôi được thưởng thức món trà đậu và café gừng. Một món hương thuần và một món hương thanh, khiến tôi không nỡ rời. Trong đêm yên tĩnh, cùng vài người bạn mới quen trò chuyện như được ngồi trong gió xuân, bất chợt tôi lại thầm hát theo điệu bài hát đang thịnh hành ở nước tôi với lời mới: “Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ không bao giờ quên…”
Nói đến âm nhạc, trong một lần dùng cơm trưa, chúng tôi được thưởng thức nghệ thuật “đờn ca tài tử” do ba nghệ sĩ biểu diễn với giai điệu du dương, mềm mại, uyển chuyển mang âm điệu Mân Nam. Khúc “Dạ cổ hoài lang” miêu tả tình cảm của người vợ nhớ chồng, một ca khúc đẹp và thâm trầm.
3. Thành phố Hồ Chí Minh
Một bên là mùa đông giá rét đến âm 5 độ, một bên là trời nóng đến hơn 30 độ. Từ Thiên Tân lần đầu tiên đến Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, tôi cần phải thay đổi y phục, cả tâm tình và cả thái độ.
Trong mấy ngày này, chưa đi được mấy bước thì mồ hôi đã nhễ nhại, đã ttrở nên quen thuộc với tôi. Sự cởi mở của người Việt còn thể hiện ở chỗ: đâu đâu cũng có ly trà đá để ở trên bàn ăn. Đấy cũng chính là sự thể nghiệm và trải nghiệm của tôi đối với hai phương trời: bên lạnh, bên nóng.
Do khí hậu nhiệt đới, buổi trưa và buổi tối ở Thành phố Hồ Chí Minh thường có mưa giông. Trên đường từ Bến Tre về đến Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi không tránh khỏi cơn mưa như trút nước. Lúc này những người ngồi trong xe được dịp nhìn dòng người đi xe máy đội mưa với áo đủ màu xuôi ngược trên đường phố. Họ đội mưa và từ từ tiến về trước. Cơn mưa lớn bất chợt đến rồi tan nhanh khi chúng tôi còn chưa kịp vào đến thành phố. Sau cơn mưa, cái oi ả cũng tiêu mất, dòng người trên phố lại bắt đầu tấp nập.
Suốt 30 năm trong đời nay tôi mới làm một chuyến đi xa, tôi hiểu phận của một “báo cáo thuộc thiểu số”. Dù tôi đã dành suốt 2 tháng trời để chuẩn bị vốn liếng tiếng Anh bao gồm cả việc luyện nói và xem phim Mỹ “The Big Bang Theory”, nhưng vốn tiếng Anh chừng ấy vẫn không đủ để ứng phó với thực tế. Tôi nói với cô nhân viên sân bay rằng “get out of the airport” nhưng cái mà tôi nhận được là một vẻ mặt ngơ ngác, mãi đến khi tôi đổi thành “leave” thì mới hiểu nhau. Khi làm thủ tục xuất cảnh, vừa cầm lấy một biểu mẫu cả hai mặt đều là tiếng Anh tôi thật sự hoa cả mắt. Hay khi ngồi trong xe nhìn qua hai bên phố những bảng hiệu phố xá hàng quán trên đường, đâu đâu cũng toàn là những con chữ latinh xa lạ, tôi chỉ loáng thoáng nhận ra mỗi chữ “oppo” và logo Huawei của xứ mình cũng đủ để tự hoan hô mình.
Ảnh: TS. Chu Nhuệ Tuyền (Zhu Rui-Quan) - Đại học Sư phạm Thiên Tân, Trung Quốc
Lần đầu tôi ở trong một đất nước cách xa quê hương vạn dặm, trong tiếng nói huyên thuyên mà tôi chẳng hiểu, cảm giác ấy ra sao, trước đây dù thế nào tôi vẫn không thể hình dung được. Lần này tôi phải dùng thân phận là khách nước ngoài để nói chuyện với những nhân viên của khách sạn, của nhà hàng, không những là dùng tiếng Anh, mà các loại ngôn ngữ chân tay ánh mắt đều được sử dụng tối đa, cũng chỉ một mục đích làm sao để đạt được hiệu quả hiểu được nhau. Trong tư thái của một người thiểu số, khiến tôi bắt đầu cảm thông và thấu hiểu những vấn đề mang tính học thuật như ý nghĩa vai trò của các sứ giả văn hoá trong bang giao, tiêu chuẩn “tín đạt nhã” trong phiên dịch… một cách thiết thực hơn. Đồng thời, tôi cũng nhận thức hơn về tính quan trọng của “tiếng nói ngoại biên” về dân tộc, giới tính, giai cấp dưới ảnh hưởng của một “mô hình nghiên cứu văn hoá”.
Thời gian thấm thoát, ôn lại chuyện cũ. Năm Quang Hưng thứ 20 (1597), sứ thần triều Lê là Phùng Khắc Khoan từng đến Yên Kinh, tham dự lễ mừng thọ của vua Vạn Lịch nhà Minh. Phùng Khắc Khoan và sứ thần Triều Tiên Lý Toái Quang không hẹn mà gặp, họ đã giao lưu thơ phú với nhau. Bài Đáp Triều Tiên quốc Lý Toái Quang của Phùng Khắc Khoan về sau đã trở thành một tác phẩm nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam:
義安何地不安居。禮接誠交樂有餘。
彼此雖殊山海域。淵源同一聖賢書。
交鄰便是信為本。進德深惟敬作輿。
記取使軺回國日。東南五色望雲車。
Nghĩa An hà địa bất an cư, / Lễ tiếp thành giao nhạc hữu dư.
Bỉ thử tuy thù sơn hải vực, / Uyên nguyên đồng nhất thánh hiền thư.
Giao lân tiện thị tín vi bản, / Tiến đức tham duy kính tác dư.
Ký thủ sứ thiều hồi quốc nhật, / Đông Nam ngũ sắc vọng vân cư (xa).
Yên nghĩa (Nghĩa An) thì đâu cũng ở yên,
Tâm thành, bái lễ, nhạc không phiền.
Núi sông đây đó tuy xa khác,
Hiền thánh uyên nguyên cũng một miền.
Tiến đức, kính thành làm giá chở,
Kết giao, trung tín ắt đầu tiên.
Nhớ ghi xe sứ ngày về nước,
Trông ngóng trời Nam năm sắc triền.
Giờ phút tôi trở về nước, sau khi đã hiểu thêm về sản vật phong phú, đã trải nghiệm sự đón tiếp chu đáo và nhiệt tình, cảm nhận được tâm tình của những người bạn muốn hiểu thêm về đất nước của nhau, tôi lại ngâm bài thơ của sứ thần Việt Nam đã từng nổi danh trong lịch sử, lại càng thêm thấm thía trong lòng.
Viết tại Thiên Tân, trưa 21-11-2017
TS. Chu Nhuệ Tuyền (Zhu Rui-Quan)
(Đại học Sư phạm Thiên Tân, Trung Quốc)
Người dịch: TS Lê Quang Trường