Ảnh hưởng của văn học Trung Quốc đến kịch bản cải lương Nam Bộ trước năm 1945

 ThS. Đào Lê Na

Khoa Văn học và Ngôn ngữ

ĐHKHXH&NV, ĐHQG TPHCM

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. 

Mặc dù mới ra đời vào năm 1918 nhưng đến năm 1945, cải lương đã có số lượng tác giả và tác phẩm rất lớn để phục vụ cho nhu cầu của đông đảo quần chúng cả miền Nam lẫn miền Bắc. Vì đây là loại hình nghệ thuật mới, có sự dung hòa giữa loại hình nghệ thuật phương Tây là kịch nói và kịch hát dân tộc nên đã đáp ứng được nhu cầu của đại bộ phận khán giả thời bấy giờ. Để có những vở cải lương biểu diễn kịp thời cho công chúng, bên cạnh việc tự sáng tác, các soạn giả đã chuyển thể những tiểu thuyết Việt Nam và Trung Quốc rất “ăn khách” thời bấy giờ.

Chính vì vậy, có những khuynh hướng sáng tác kịch bản cải lương trước năm 1945 là: dựa vào các tác phẩm văn học Việt Nam, dựa vào văn học các nước, dựa vào lịch sử Việt Nam, dựa vào các loại hình nghệ thuật khác và phản ánh xã hội, đề cao đạo lý. Trong số 137 kịch bản cải lương trước năm 1945 mà chúng tôi sưu tầm được, chiếm tỷ lệ nhiều nhất là những vở cải lương phóng tác tiểu thuyết Trung Quốc. Đó là những tiểu thuyết kinh điển như: Tây du ký, Tam quốc chí, Đông Chu liệt quốc, Thủy Hử, Phong Thần diễn nghĩa, Thuyết đường…hay những tiểu thuyết được dịch cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX như: Long đồ công án, Phấn trang lầu, Tống từ vân, Quần anh kiệt, Vạn huê lầu, Tiết Đình San chinh tây, Anh hùng náo tam môn giai…Không chỉ lấy đề tài từ tiểu thuyết mà những truyện kể dân gian Trung Quốc như Thanh xà bạch xà, Trinh nữ sự nhị phu… hay những điển cố văn học Trung Quốc về các giai nhân: Chiêu Quân, Tây Thi...  cũng đuợc các soạn giả cải lương lưu tâm lựa chọn. 

Trong số 80 kịch bản cải lương dựa vào văn học Trung Quốc mà chúng tôi sưu tầm được, kịch bản cải lương dựa vào tiểu thuyết chiếm số lượng lớn nhất, thể hiện ở biểu đồ sau:

Tỷ lệ: %

Tiểu thuyết

Điển cố

Văn học dân gian

Tổng

91.25

3.75

5

100

 

 

Hình .Biểu đồ thể hiện tỷ lệ kịch bản cải lương lấy đề tài từ văn học Trung Quốc

1. Dựa vào tiểu thuyết Trung Quốc:

 

Có thể thấy, số lượng kịch bản cải lương dựa vào tiểu thuyết Trung Quốc rất nhiều (73/ 137 kịch bản sưu tầm được). Trong 73 kịch bản cải lương dựa vào tiểu thuyết Trung Quốc mà chúng tôi sưu tầm được, có khoảng 23 tiểu thuyết Trung Quốc được các soạn giả lưu tâm lựa chọn, nhiều nhất là: tiểu thuyết Thuyết Đường (9 kịch bản sử dụng), tiếp đến là Vạn Huê Lầu (7 kịch bản), Tam Quốc chí (6 kịch bản)…

 

Dưới đây là biểu đồ thể hiện số lượng kịch bản cải lương Nam Bộ dựa vào các loại tiểu thuyết Trung Quốc.

 

 

 

Đơn vị: kịch bản

 

 

 

Hình . Biểu đồ thể hiện tỷ lệ kịch bản cải lương dựa vào các loại tiểu thuyết Trung Quốc

Có thể thấy, mỗi quyển tiểu thuyết được nhiều soạn giả khác nhau chuyển thể ở những đoạn khác nhau chứ không chỉ có mỗi một soạn giả chuyển thể một quyển tiểu thuyết. Chẳng hạn, trong 137 kịch bản cải lương mà chúng tôi sưu tầm được, tiểu thuyết Thuyết Đường được sáu soạn giả khác nhau chuyển thể, đó là Nguyễn Thành Long với Vợ Ngũ Văn Thiệu bị tên, Ngô Vĩnh Khang với Đường Thế Dân cửa cung treo ngọc đới, Huất Trì giả điên, La Thành thọ tiễn, Nguyễn Hiền Phú với Huất Trì Cung cứu giá Đường Thế Dân, Lý Ngươn Bá xé văn võ thành đô, Nguyễn Văn Năm với Tần Thúc Bảo đả đồng kỳ, Lâm Hoài Nghĩa với Nam Dương thọ khổn, Lưu Quang Mùi với Tống Tửu đơn hùng tín…

 

Theo chúng tôi, nguyên nhân tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ này được chuyển thể nhiều là vì trong thời kỳ đầu mới ra đời, các soạn giả vẫn còn dè dặt trong việc tự sáng tác do lúc bấy giờ hát bội vẫn còn một chỗ đứng nhất định, các soạn giả vẫn giữ thói quen diễn lại “tuồng xưa tích cũ”. Mặt khác, với sự phát triển của văn học dịch, nhiều tiểu thuyết Trung Quốc được phổ biến ở Việt Nam và được đông đảo nhân dân yêu thích như: Tây du ký, Tam Quốc chí, Phong thần diễn nghĩa, Tái sanh duyên, Chung Vô Diệm, Vạn Huê Lầu, Thuyết Đường, Phản Đường, Quần anh kiệt, Tiết Đình San chinh Tây, Anh hùng náo tam môn giai…Chính vì thế, các soạn giả cải lương đã đưa những tiểu thuyết này lên sân khấu để vừa thu hút sự tò mò của khán giả vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu xã hội.

 

Có rất nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ này được đông đảo nhân dân Nam bộ yêu thích. Bằng Giang cho rằng: “Truyện Tàu tiêu thụ mạnh trong mấy năm đầu của phong trào một phần cũng vì mảnh đất sáng tác của ta hãy còn là một bãi đất trống… Truyện Tàu tung hoành được cũng do vào thời đó những phương tiện giải trí cho người dân còn hiếm hoi”.

 

Vũ Hạnh giải thích như sau : “Việc người miền Nam thích đọc truyện Tàu phải được cắt nghĩa bằng nhu cầu của họ tiếp cận với những đức tính cố hữu của họ mà họ tìm thấy trong những nhân vật tích cực của truyện: đó là trung hiếu, tiết nghĩa, trí dũng, tín lễ, cương trực, anh hùng. Truyện Tàu cho họ những cặp đối kháng như La Thành - Đơn Hùng Tín, Tần Cối - Nhạc Phi, Bàng Quyên - Tôn Tẫn, Sài Trịnh Triệu - Lưu Quan Trường…; mà họ không tìm thấy sách báo nào khác khi đó” .

Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh cũng nhìn việc tiếp nhận truyện Tàu ở một khía cạnh tích cực khác: “Rất nhiều truyện Tàu là những cái túi khôn, đâu phải là nhảm nhí là chính? Người miền Nam đọc truyện Tàu, thuộc truyện Tàu, lấy ra từ đó những cách ứng xử ở đời, soi vào gương tốt, răn mình bằng những gương phản diện” .

 

Vương Hồng Sển cũng nói: “Truyện Tàu dạy tôi nhiều điều xử thế nên tôi gọi nó là một nghệ thuật, chứ chẳng phải chơi… Ngoài ra truyện Tàu có nhiều gương tốt, truyện Tàu là một vùng rừng thật lớn, một biển sâu và rộng, khai thác không bao giờ hết và cạn cùng” .

 

TS Võ Văn Nhơn cho biết thêm: “Nam Kỳ còn là nơi dung thân của đông đảo người Minh Hương, tức những người Việt gốc Hoa mang tinh thần “phản Thanh phục Minh”. Những truyện dịch mang không khí tảo Bắc, chinh Tây có lẽ cũng phần nào thỏa mãn ước mơ phục quốc của họ.

 

Việt Nam và Trung Quốc vốn được coi là “đồng văn”, việc dịch "truyện Tàu" là sự tiếp nối truyền thống giao lưu văn học giữa hai nước, vừa để đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng. “Truyện Tàu”, với lối văn xuôi theo tiếng nói thường, với nội dung hấp dẫn, đã tỏ ra thích hợp với thị hiếu và trình độ thuởng thức của quần chúng độc giả nơi vùng đất mới này. Việc đọc truyện Tàu một thời gian dài đã thực sự trở thành một thú vui trong quần chúng nhân dân Nam Kỳ".

 

Bên cạnh nguyên nhân nhiều tiểu thuyết Trung Quốc được chọn dịch đầu thế kỷ XX, sự phát triển rầm rộ của báo chí nên dễ phổ biến nó đến mọi người và sự yêu thích của nhân dân đối với tiểu thuyết chương hồi còn có một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng. Vì đây thời kỳ đầu mới ra đời đời nên kịch bản cải lương còn chịu ảnh hưởng rất nhiều của sân khấu hát bội. Trong khi đó, các kịch bản của sân khấu hát bội hầu hết đều dựa vào tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc. Chằng hạn như: tuồng Địch Thanh ly thợn dựa vào tiểu thuyết Vạn Huê Lầu thì cải lương cũng có nhiều vở dựa vào tiểu thuyết này như: Địch Thanh kết duyên Thoại Ba công chúa của Nguyễn Thành Long, Án Trầm Quốc Thanh, Cửu Nhĩ mạo Châu Kỳ của Lê Văn Tiếng…

 

Tóm lại, những tiểu thuyết được dùng chuyển thể thành kịch bản cải lương có đặc điểm:

 

Thứ nhất, đó phải là những tiểu thuyết có chứa những vụ án nào đó khó giải quyết hoặc những vụ án lớn, gây chấn động. Chẳng hạn, những vụ án trong truyện Vạn Huê Lầu như: Cửu Nhĩ mạo Châu Kỳ, Án Trầm Quấc Thanh, Án Bàng Quý Phi, Án Quách Hòe…hay Án Bộc thọ hình trong tiểu thuyết Quần Anh Kiệt đã được chuyển thể thành những vở cải lương cùng tên.

 

Thứ hai, đó phải là những tiểu thuyết về những người phụ nữ thông minh, có tài năng xuất chúng như Mạnh Lệ Quân, Chung Vô Diệm…

 

Thứ ba, đó phải là những tiểu thuyết có những tình huống truyện độc đáo, có thể độc lập làm một kịch bản hoàn chỉnh: tức là có nảy sinh vấn đề, có các khủng hoảng và có cao trào rồi đến kết thúc vấn đề. Chẳng hạn như: Phàn Lê Huê phá trận hồng thủy, Địch Thanh kết duyên Thoại Ba công chúa, Thái sư Văn Trọng giáng thập điều, Triệu Khuông Dẫn đưa Triệu Kinh Vương,...

 

Thứ tư, đó phải là những tiểu thuyết có những tình huống cảm động, thể hiện được tâm trạng và sự phát triển tâm lý nhân vật. Chẳng hạn như: Lưu Yến Ngọc cứu cha đại hiếu, Vợ Ngũ Văn Thiệu bị tên, Hạng Võ biệt Ngu Cơ, Sát thê cầu tướng, Nguyệt Hà Tầm Phu… 

 

2. Dựa vào điển cố Trung Quốc:

 

Những vở cải lương dựa vào điển cố Trung Quốc mà chúng tôi sưu tầm được gồm có ba vở với hai điển cố tiêu biểu: điển cố Vương Chiêu Quân và điển cố Tây Thi của soạn giả Trương Quang Tiền. Đó là những vở cải lương: Chiêu Quân lầm kế gian thần, Chiêu Quân giáp mặt Hán Hoàng và Tây Thi gặp Phù Ta. Đặc điểm của những vở cải lương này là sử dụng điển tích điển cố hết sức nổi tiếng. Tây Thi và Chiêu Quân là hai trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc. Giai thoại về hai người đẹp này được hầu hết mọi người biết đến.

 

Đặc điểm thứ hai, hai người đẹp này đều hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình, đánh đổi sắc đẹp của mình vì hòa bình, vì đất nước. Tây Thi được Việt Vương Câu Tiễn gả cho vua Ngô Phù Sai để làm suy yếu đất nước, trả mối nhục thù. Vương Chiêu Quân được cống sang đất Hồ để giữ hòa khí quốc gia. Tuy nhiên, vì không chịu được cảnh ly biệt nên nàng đã nhảy xuống sông trầm mình nhằm giữ tròn khí tiết. Câu chuyện về nàng khiến cho vua nhà Hán lẫn nhà Hồ đều rơi lệ cảm động.

 

Đặc điểm thứ ba, khi sử dụng các điển cố này, soạn giả đã chọn những đoạn gây cảm động chứ không sử dụng toàn bộ câu chuyện về cuộc đời của hai người đẹp. Điều này khác hẳn với những soạn giả viết kịch bản dựa trên lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, điểm chung của những vở cải lương dựa vào lịch sử Việt Nam và những vở cải lương sử dụng điển cố Trung Quốc (và cũng là những giai thoại dựa trên những sự kiện có thật trong lịch sử) là đều lấy những tích truyện về người phụ nữ.

3. Dựa vào văn học dân gian Trung Quốc:

Trong số 137 vở cải lương mà chúng tôi sưu tầm được, có 4 vở dựa vào văn học dân gian Trung Quốc để sáng tác, đó là vở San hà xã tắc của Nguyễn Hiền Phú dựa vào câu chuyện kể về Bạch Tiên Cô và Đông Phương Sóc, hai  vở Bạch nương túy tửu và Nặng nghiệp phong trần của Nguyễn Hữu Chẩn dựa vào truyền thuyết về Thanh Xà Bạch Xà và vở Trinh nữ sự nhị phu của Dương Bá Tường dựa vào truyền thuyết dân gian cùng tên.

 

Có thể thấy, bốn vở cải lương chuyển thể từ văn học dân gian Trung Quốc đều dựa trên những câu chuyện kể dân gian rất nổi tiếng. Đặc điểm chung của những vở cải lương này là trong nội dung kịch bản phải gắn với yếu tố kỳ lạ hoặc kỳ ảo. Trong vở Trinh nữ sự nhị phu, yếu tố kỳ lạ là lấy hai chồng nhưng vẫn được gọi là trinh nữ. Yếu tố kỳ lạ trong vở Bạch nương túy tửu và Nặng nghiệp phong trần là câu chuyện về Bạch nương (tức Bạch xà), rắn nhưng tu luyện thành người. Còn trong truyện San hà xã tắc, yếu tố kỳ ảo là sự xuất hiện của các nhân vật tiên nữ: Hà Tiên cô, Ngọc nữ…Quả thật, những yếu tố kỳ lạ và kỳ ảo này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo nên kịch bản. Nếu không có chúng, kịch bản sẽ không có sức hấp dẫn. Chẳng hạn, nếu Liễu Xuân Nương trong Trinh nữ sự nhị phu chỉ có mỗi mình người chồng là Lang Châu hoặc Lý Ân thì câu chuyện sẽ không phát triển. Nếu Bạch nương là người bình thường chứ không phải rắn tinh thì sẽ không gặp nhiều khó khăn trong tình yêu. Nếu Ngọc nữ là người phàm trần chứ không phải tiên nữ bị đày xuống trần gian thì sẽ không thể có Nhân vật Thạch Kinh Nương (tức Ngọc Nữ) báo phu cừu .

Kết luận

Có thể thấy, văn học Trung Quốc đã đóng vai trò rất quan trọng  trong buổi đầu cải lương đi tìm con đường riêng của mình. Mặc dù, đây không phải là xu hướng mà các kịch bản cải lương về sau đi theo nhưng chính nhờ những vở cải lương thuộc dạng này mà nhu cầu của đông đảo quần chúng thời bấy giờ đã được đáp ứng. Đó là nhu cầu muốn được thưởng thức một loại hình nghệ thuật mới thể hiện bằng nhiều tác phẩm khác nhau cũng như sự tò mò muốn xem những truyện Tàu yêu thích của mình được trình diễn như thế nào trên sân khấu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.                  Trọng Anh (1963), Vài nhận xét về nghệ thuật sân khấu hiện nay, Tạp chí Học tập, số 12, tr.77-81.

2.                  Hà Văn Cầu, (1995), Phong cách và thi pháp trong nghệ thuật cải lương,. Nxb Sân khấu.

3.                  Đỗ Dũng, (2003), Sân khấu cải lương Nam Bộ 1918-2000, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh.

4.                  Phạm Duy (1972), Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam, NXB. Hiện Đại, Sài Gòn.

5.                  Tuấn Giang, (2006), Nghệ thuật cải lương, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

6.                  Đỗ Đức Hiểu (chủ biên), Từ điển văn học (Bộ mới), (2004), Nxb Thế giới, Hà Nội.

7.                  Trần Văn Khải (1970), Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, NS. Khai Trí, Sài Gòn.

8.                  Minh Lời, (2004), Bài bản sân khấu cải lương và tài tử Nam Bộ, Nxb Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh.

9.                  Hoàng Như Mai (1982), Trần Hữu Trang – soạn giả ca kịch cải lương, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

10.              Hoàng Như Mai, (1986), Nhận định về cải lương, Nxb Mũi Cà Mau.

11.              Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đỗ Hương, (2007), Sân khấu cải lương ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Văn Hóa Sài Gòn.

12.              Trần Việt Ngữ (1986), Nghệ sĩ Ba Vân với sân khấu cải lương, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh.

13.              Trần Việt Ngữ, (2007), Sự hình thành cải lương trên đất Bắc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 107

14.              Nhiều tác giả (1992), Những vấn đề của sân khấu cải lương, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh

15.              Nhiều tác giả, (2007), Nửa thế kỷ sân khấu Việt Nam, Nxb Sân khấu, Hà Nội

16.              Huân Phong (1966), Nhơn bàn về nguồn gốc của cải lương thử xét lại một phương pháp sử học, Tạp chí Hòa đồng, số 88, tr.9, số 89, tr.5-7.

17.              Hồ Quang, Ba thời hoàng kim của sân khấu cải lương, Tuần san Sân khấu Thành  phố Hồ Chí Minh, số 837

18.              Nguyễn Tử Quang (1959), Thử tìm xuất xứ bài vọng cổ, Tạp chí Bách khoa, số 63, tr.65-72.

19.              Vương Tử Quỳnh, (2006), Nhận thức về nghệ thuật cải lương, Tạp chí Xưa và Nay, số 262, tr.30,34.

20.              Vũ Kim Sa, (2004), Nguyễn Ngọc Bạch một đời sân khấu, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh.

21.              Vương Hồng Sển (1968), Hồi kí 50 năm mê hát, NXB. Phạm Quang Khai, Sài Gòn.

22.              Trần Diệu Thu, (2004), Cái nhìn nhân bản trong vở cải lương: Những người đi trước, Tạp chí Sân khấu, Số 7, Tr.10-11.

23.              Nguyễn Thị Thuỳ, (2009), Nghệ thuật biểu diễn cải lương, Nxb Sân khấu, Hà Nội.

24.              Sỹ Tiến, (1984), Bước đầu tìm hiểu sân khấu cải lương, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

25.              Trương Bỉnh Tòng, (1997), Nghệ thuật cải lương - những trang sử, Nxb Viện Sân khấu, Hà Nội.

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63676945
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
20663
17595
63676945

Thành viên trực tuyến

Đang có 174 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website