20210515

Người bạn cũng là thầy giáo khoe, trường anh mới áp dụng nhiều công nghệ. Tôi nhắc anh tránh lẫn lộn việc dùng công nghệ với việc dạy những thứ học sinh cần.

"Trường anh dùng công nghệ để cải cách việc dạy hay chỉ dùng máy tính thay thế cho bảng và giấy, bút?", tôi viết lại cho anh ấy. Thầy giáo lại viết cho tôi: "Tại sao ta phải thay đổi cách dạy khi học sinh thấy vẫn tốt?". Tôi đáp rằng, là thầy giáo, bạn phải lựa chọn cách bạn dạy, phương pháp nào bạn dùng và cái gì tốt nhất cho học sinh.

Dù học sinh biết cách dùng laptop, lên các khóa học online đều đặn, nhưng nếu tư duy họ không thay đổi, họ sẽ không có khả năng cạnh tranh trong thế giới này. Công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ giáo dục, không thể thay thế cho bản chất việc dạy và học.

Sinh viên năm thứ nhất thường phàn nàn rằng tôi cho quá nhiều bài đọc. Tôi từ lâu dùng phương pháp học chủ động trong môn của mình. Điều đó có nghĩa học sinh phải đọc nhiều tài liệu, sách trước khi vào môn học hay mỗi buổi đến trường. Để chắc họ đã đọc những thứ tôi giao, tôi kiểm tra bằng câu hỏi ngắn trước mỗi bài giảng.

Các sinh viên lại phàn nàn rằng đọc không phải việc học, tôi hỏi, "các em học thế nào?" - "bằng việc nghe các bài giảng", nhiều người nói. Tôi cho một bài giảng ngắn, hỏi họ các câu hỏi. Phần lớn không thể trả lời được vào cốt lõi vấn đề, họ hoang mang và bối rối.

Chỉ thế, tôi mới giải thích về khái niệm học. Nếu chỉ nghe, các em sẽ quên 80% tài liệu trong vài giờ đầu. Nếu đọc và nghe, các em sẽ quên 60%. Nhưng nếu đọc, nghe và thảo luận, trả lời câu hỏi của người khác và giải thích lại cho bạn khác về chủ đề đó, các em chỉ quên 20% tài liệu.

Tại sao? Điều các em nghe từ bài giảng của thầy là tri thức của thầy, không phải của trò. Điều các em đọc và nghe chỉ là thông tin mang máng trong đầu vì nó chưa được tổ chức lại. Chỉ khi em nghĩ về nó, tổ chức nó để bàn luận, giải thích và đưa ra quan điểm của riêng mình, nó được tiêu hóa và trở thành tri thức của chính em. Và học sinh sẽ không bao giờ quên cái đã là của mình.

Chỉ khi học trò được đưa ra khỏi môi trường đọc bài giảng truyền thống - nơi thầy cô chỉ "truyền thụ tri thức" sang môi trường học chủ động - nơi học sinh "phát triển tri thức riêng", đó là cách "việc học thật" xảy ra.

Tôi bao giờ cũng khuyến khích học sinh chia các nhóm học tập nhỏ trong một lớp, không quá năm người.

Từng thành viên phải đọc tài liệu trước khi nhóm học chung. Các nhóm phải đặt lịch học và bám theo. Mỗi buổi học nhóm lâu hơn một giờ sẽ kém hiệu quả và thường dễ bị sao lãng bởi tán gẫu.

Từng nhóm phải có chương trình cho cuộc gặp, quyết định cái gì sẽ được học ở phiên gặp và các thành viên buộc phải chuẩn bị. Bất kỳ thành viên nào không chuẩn bị bài và không tham gia sẽ bị yêu cầu rời khỏi nhóm.

Các thành viên phải có khả năng hỏi lẫn nhau các câu hỏi và giải thích mọi thứ cho nhau. Chỉ học với bạn bè thì học sinh mới có thể chia sẻ tài liệu và trao đổi thông tin. Đó là cách để có được việc học sâu.

Cải cách giáo dục nghĩa là khuyến khích học sinh chịu trách nhiệm nhiều hơn với việc học của họ.

Ngày nay, học sinh rất dễ bị sao lãng. Họ không thể ngồi yên trong lớp nghe bài giảng dài, lại càng không thể tập trung học online trước màn hình mà không kiểm tin nhắn, e-mails và các phương tiện xã hội khác. Nếu chúng ta muốn khuyến khích họ học, cần giữ cho họ bận rộn tích cực, khiến họ chủ động nỗ lực thay vì ép buộc họ ngồi và nghe cái gì đó mà họ không quan tâm.

Việc nghe và đọc bài giảng truyền thống không cho phép học sinh phát triển thành người có tư duy phê phán. Chỉ việc học chủ động khuyến khích tư duy độc lập và phát triển "tâm thế tăng trưởng." Chẳng hạn trong toán học, có nhiều cách giải một bài toán và bao giờ cũng có phương án khác cho một lời giải. Không có khả năng nghĩ rộng, học sinh không thể đi xa hơn trong tư duy.

Đó là lý do laptop và học online không thể biến chất lượng dạy của các trường tốt hơn nếu nhà trường không có ý định thay đổi dù họ đang háo hức dùng công nghệ để dạy nhiều học sinh hơn. Cách dạy vẫn như cũ, thời gian "lên lớp" có thể không hiệu quả hơn mà còn kém đi bởi kết nối online rất lỏng lẻo.

Học sinh hôm nay thiếu "cách học" chứ không thiếu "điều để học". Điều được dạy hôm nay có thể lỗi thời ngày mai, nhưng cách tiếp cận và hấp thu tri thức tốt có tác dụng trong hàng trăm năm tới.

Đây là cách tôi đã dùng rất thành công trong nhiều năm ở Carnegie Mellon, Mỹ và ở các đại học hàng đầu khác. Phần lớn sinh viên đều nói với tôi rằng lúc ban đầu, họ không thích nó vì họ đã quen thụ động. Nhưng qua thời gian, họ đều học tốt và hành tốt.

Học nhóm là cách tốt nhất để học tập, nó cũng áp dụng dễ dàng với học online trong mùa dịch. Học sinh của tôi thường nói rằng việc học cùng nhóm vài người bạn tốt hơn học một mình rất nhiều. Học nhóm rất phổ biến tại hầu hết trường ở Mỹ nhưng lại không được khuyến khích ở các trường châu Á.

Điều đáng nói, sự thay đổi này đòi hỏi cả thầy cô giáo và học sinh phải làm việc nhiều hơn gấp nhiều lần cách cũ. Nhưng đó là cách duy nhất để cải tiến hệ thống giáo dục.

Chất lượng giáo dục được cải tổ nhanh nhất nếu mọi thầy cô được đào tạo lại theo phương pháp dạy mới này. Học sinh vì thế, cũng sẵn lòng điều chỉnh lại cách học. Bạn không thể cải tiến được giáo dục bằng việc bổ sung thêm các môn học, thay đổi tài liệu, sách giáo khoa liên tục nhưng vẫn giữ phương pháp dạy như cũ.

Để dạy học một cách khoa học, người làm giáo dục cần cách tiếp cận mới, viễn kiến mới và cách thức mới để động viên học trò. Đó là quá trình tiến hoá cho cả thầy và trò. Bối cảnh dịch bệnh hôm nay chính là cơ hội để cải tổ tư duy dạy và học.

John Vũ

(Nhà khoa học Máy tính)

Nguồn: VnExpress, ngày 07.5.2021.

Đại dịch Covid buộc nhiều quốc gia phải đóng cửa trường học và kỳ vọng vào giải pháp thay thế là học trực tuyến. Nhưng thực tế cho thấy những bất bình đẳng giáo dục đã có từ trước vẫn tiếp tục được bộc lộ, thậm chí bị khoét sâu hơn. Và theo Ngân hàng Thế giới, đại dịch Covid đã tạo ra cuộc khủng hoảng với giáo dục tồi tệ nhất trong thế kỷ này. 

20210322 3

 Ảnh: Freepik.

Suốt một năm qua, đại dịch Covid-19 không chỉ đe dọa mạng sống con người mà còn kéo theo những vấn đề trầm trọng cho hoạt động giáo dục trên toàn thế giới. Từ đầu năm 2020 đến nay, có tới 130 quốc gia buộc phải đóng cửa trường học và chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Nhiều trường học đóng rồi lại mở, rồi lại đóng khi diễn biến dịch ngày càng trở nên phức tạp. Khoảng 990 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới bị ảnh hưởng. Số lượng quốc gia còn mở cửa trường học hoàn toàn chỉ đếm trên đầu ngón tay như Pháp, Thụy Sĩ, Belarus, Hungary, Việt Nam. Vậy là, vào thế kỷ thứ 21, kỷ nguyên được coi là thời đại của công nghệ và đổi mới sáng tạo, quyền được học - thứ quyền được coi là cơ bản của con người, trở nên xa vời hơn vì một đại dịch mà con người không chút phòng bị và không kịp trở tay. Số liệu này vẫn thay đổi từng ngày và chúng ta không biết điều gì đang đợi phía trước.

Để duy trì việc học tập, các quốc gia đã nỗ lực cung cấp các giải pháp trực tuyến, hoặc các kênh truyền thông khác như tivi, radio. Viễn cảnh kỳ vọng là dù ở nhà, học sinh sinh viên vẫn ngày ngày “lên lớp” gặp giáo viên. Hoạt động dạy và học được duy trì đều đặn và hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế không bao giờ “như là mơ”. 

Rào cản thiết bị và công nghệ 

Tiếp cận giáo dục trực tuyến ở các gia đình, các nhóm xã hội rất khác nhau. Những nhóm thiếu thốn về thiết bị, kết nối mạng, hiểu biết về công nghệ, người hỗ trợ, môi trường thuận tiện tiếp cận giáo dục trực tuyến vô cùng khó khăn. 

Theo Financial Times, trong thời gian phong tỏa tại Anh, số lượng học sinh của các trường tư thục học trực tuyến cao gấp hai lần học sinh trường công. Hằng ngày, con cái trong gia đình khá giả dành thời gian học trên mạng nhiều hơn học sinh nghèo 30%. Ngay cả trong khu vực nhà nước, học sinh các gia đình khá giả, có môi trường học tập tốt hơn, có nhiều khả năng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các trường học hơn. Kể từ tháng 7/2020, học sinh từ các vùng và các hộ nghèo hơn có xu hướng nghỉ học nhiều hơn. Cơ quan giám sát Ofcom ước tính khoảng hơn 1,1 triệu trẻ em ở Anh (chiếm 9% tổng số học sinh) không thể có máy tính xách tay, máy tính để bàn hoặc máy tính bảng, và hơn 880.000 trẻ trong số đó sống trong gia đình chỉ có duy nhất một kết nối Internet từ điện thoại di động.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Sinh viên Hoa Kỳ, ở khắp các trường đại học dù là công hay tư, tỷ lệ nhập học đại học mùa thu năm 2020 của học sinh trung học thuộc khu vực thu nhập thấp đã giảm 29%, gần gấp đôi so với học sinh đến từ các trường trung học thuộc khu vực có thu nhập cao hơn. 

Các nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng, trong thời kỳ bình thường, sau kỳ nghỉ hè, năng lực học tập của một học sinh thuộc gia đình có điều kiện kém sẽ bị thụt lùi một tháng, trong khi các học sinh đến từ gia đình có điều kiện tốt hơn không gặp tình trạng này. Thậm chí, trong kỳ nghỉ hè các em vẫn học được thêm kiến thức mới, nhờ sự hỗ trợ của gia đình. Vì vậy, các nhà giáo dục lo ngại rằng việc gián đoạn quá trình học tập trong thời kỳ đại dịch sẽ để lại những hậu quả lâu dài về sau. Những học sinh bỏ lỡ các mốc quan trọng về giáo dục có thể sẽ nản lòng không quay trở lại trường học nữa hoặc không bao giờ theo kịp các bạn đồng trang lứa. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của họ trong tương lai. 

Ngoài những lý do tương tự ở quốc gia phát triển, tại những nước đang phát triển, sự bất bình đẳng còn xuất phát từ trình độ sử dụng công nghệ của giáo viên. Khảo sát gần đây ở Trung Quốc cho thấy, vì giáo viên nông thôn không quen sử dụng các nền tảng công nghệ nên những lớp học trực tuyến tại các vùng nông thôn đều do giáo viên ở thành phố thực hiện. Học sinh không quen với giáo viên và cách học mới, trong khi giáo viên trực tuyến không hiểu rõ học sinh địa phương và dạy với tốc độ nhanh hơn khả năng tiếp thu của các em. Mặc dù nhà nước nỗ lực hạn chế việc gián đoạn hoạt động dạy và học trong đại dịch, nhưng chất lượng giáo dục lại không đảm bảo, thậm chí còn khiến chất lượng giáo dục tại các vùng nông thôn đi xuống. Hầu hết các gia đình ở nông thôn đều than phiền về hình thức học tập trực tuyến. Họ nhận thấy với hình thức học tập này, giáo viên ít tương tác với học sinh, chất lượng truy cập không tốt, không có người giám sát hay hỗ trợ việc học tập. Điều này càng đào sâu khoảng cách giáo dục giữa các vùng nông thôn và thành thị. Tương tự, khảo sát sơ bộ của Bộ Giáo dục Malaysia vào tháng 03 - 04/ 2020 cho thấy 37% trẻ em không có bất kỳ thiết bị điện tử nào và chỉ có 15% sinh viên có máy tính cá nhân. 

Đối với những gia đình có điều kiện, chẳng hạn cha mẹ đều là trí thức cao, sẽ không gặp bất cứ vấn đề trở ngại nào khi con cái họ cần học trực tuyến: máy tính luôn sẵn sàng, kết nối Internet ổn định, cha mẹ đủ trình độ để hỗ trợ. Nhưng dù ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia phát triển nào khác, vẫn sẽ diễn ra cảnh anh chị em trong nhà đang chia nhau một chiếc máy tính xách tay hoặc máy tính bảng để học bài, kết nối chập chờn lúc được lúc không. Thậm chí nhiều gia đình còn chẳng có bất cứ công cụ nào để truy cập Internet. Anh/chị học trên máy tính thì em sẽ nghe giảng trên tivi, hoặc trong lúc đứa này học thì đứa kia chơi. Ngoài ra, khi không học, đứa lớn nhất trong gia đình sẽ phải chăm em, phải nấu nướng và làm việc nhà. Cha mẹ chúng hoàn toàn vắng mặt vì còn phải đi làm, lăn lộn kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống. Hoặc nếu như bắt buộc phải nghỉ việc, chẳng bao lâu sau sẽ rơi vào trạng thái khủng hoảng và bạo lực gia đình có thể xảy ra. Không có gì đảm bảo những đứa trẻ trong hoàn cảnh này có thể duy trì việc học tập.


Vừa qua, Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng đã quyết định cho học sinh lớp 1,2 nghỉ học trực tuyến vì nhận thấy học sinh nhỏ tuổi học trực tuyến chưa hiệu quả. Ảnh: Cổng thông tin Tp Hải Phòng. 

Ngân hàng Thế giới nhận định rằng những mất mát trong giáo dục do Covid gây ra sẽ ngày càng làm tăng sự bất bình đẳng và để lại những hậu quả dài lâu cho cả cá nhân và xã hội. Đặc biệt, với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khả năng họ cho con quay lại trường học sau đại dịch là vô cùng thấp. UNESCO ước tính rằng sẽ có khoảng 24 triệu trẻ em bỏ học, và nếu như các quốc gia không coi giáo dục như một trong những trụ cột cần phục hồi sau đại dịch thì sẽ càng đào sâu tình trạng bất bình đẳng, nạn nghèo đói và sự chia cắt trong xã hội. 

 

Điều kiện gia đình

Theo số liệu của Europa, trong 21 quốc gia châu Âu, có đến 25% trẻ nhỏ ở các nước châu Âu không có không gian yên tĩnh để học bài; còn OECD thống kê tình trạng này ở các nước đang phát triển là 30%, phần lớn rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngay cả ở quốc gia có điểm số PISA cao như Hàn Quốc, cứ 5 trẻ thì có 1 trẻ không có một nơi yên tĩnh để ngồi học bài. 

Bên cạnh đó, để học trực tuyến, trẻ cần tới sự hỗ trợ của cha mẹ. Nhưng các nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng các cha mẹ có điều kiện kinh tế xã hội cao hơn có xu hướng tham gia nhiều hơn và ảnh hưởng tích cực hơn tới việc học tập của con. Tại Hà Lan, cuộc khảo sát do Đại học Amsterdam thực hiện trong tháng 04/2020 với hơn 1000 bậc phụ huynh cho thấy 70% phụ huynh có bằng đại học cảm thấy họ có thể giúp con học tại nhà, trong khi chỉ 40% phụ huynh có bằng tốt nghiệp phổ thông tự tin với khả năng này. Kể cả khi trường học mở cửa trở lại, thì những khoảng cách giáo dục do những bất bình đẳng về hoàn cảnh gia đình mang lại cũng khó có thể rút ngắn. 

 

Sức khỏe tinh thần và an toàn thể chất

Ngoài việc tiếp cận tri thức khó khăn hơn khi trường học đóng cửa, học sinh sinh viên khắp toàn cầu còn mất đi cơ hội để rèn luyện những kỹ năng xã hội và cảm xúc, những kỹ năng cần thiết để thích nghi và vươn lên trong thời đại mới mà môi trường gia đình không thể cung cấp đủ. Hơn thế nữa, các nhà nghiên cứu còn lo lắng về những vấn đề sức khỏe tinh thần và thể chất mà các em học sinh có thể gặp phải trong thời gian học tại nhà. 

Tôi còn nhớ, khi các trường học ở Việt Nam bắt đầu chuyển sang học trực tuyến vào hồi đầu năm ngoái, trên mạng xã hội “sốt” những bức hình rất hài hước về việc cha mẹ giúp con học. Ông giấu hai cánh tay đằng sau lưng nhưng thực chất, một bàn tay của ông đang cầm một chiếc dép. Ảnh khác thì bà mẹ đang chúi đầu vào tủ lạnh, còn ông bố khác lại phải tự trói hai tay mình. 

Những bức hình này liệu có phản ánh một thực chất là, ở nhà lâu với con rất dễ khiến các bậc phụ huynh nổi nóng và “vung tay”?

Trên thực tế, các nhà xã hội học đã đánh giá rằng đại dịch Covid ‑ 19 khiến cho nguy cơ trẻ em bị ngược đãi, bạo lực tại gia đình và chế độ dinh dưỡng kém trầm trọng hơn rất nhiều. Đại dịch Covid-19 khiến không khí nhiều gia đình giống như một chiếc “nồi áp suất” có thể bùng nổ bất cứ lúc nào do nhiều yếu tố ảnh hưởng: hao hụt về tài chính, lo ngại về sức khỏe, quá tải công việc, thói quen thường ngày bị thay đổi, hay việc chỉ nhìn thấy nhau 24/24 cũng khiến người ta căng thẳng và nổi nóng. 


Sự căng thẳng và bất ổn do đại dịch Covid-19 mang lại đã gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe tâm thần của các học sinh sinh viên. Các biện pháp phong tỏa, cách ly, giãn cách trong xã hội, học tại nhà khiến các em bắt đầu cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, cô đơn, chán nản... Cuối năm 2020, Unicef thực hiện một cuộc khảo sát với 17,000 phụ huynh và 8,000 trẻ em trên 46 quốc gia. 83% trẻ em và 89% phụ huynh trả lời rằng cảm giác tiêu cực của họ ngày càng nhiều hơn. 

Chỉ một thời gian ngắn sau khi phong tỏa, số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng bảo vệ trẻ em ở Pháp tăng 20%. Hằng năm có khoảng 50,000 trẻ em và trẻ vị thành niên Pháp là nạn nhân của nạn bạo hành thể chất, tinh thần và tình dục và tình trạng này tăng lên trong đại dịch không nằm ngoài dự đoán. Các chuyên gia OECD còn ghi nhận rằng trung bình hằng năm 14-28% trẻ em phải chứng kiến cảnh bạo hành gia đình và tỷ lệ này sẽ còn tăng lên trong đại dịch.

Nghỉ học ở nhà dài ngày cũng khiến các em thuộc hộ gia đình có thu nhập thấp rơi vào tình trạng ăn uống thiếu chất hoặc bị đói. Cứ 1 trong 10 trẻ em ở các quốc gia phát triển trong nhóm OECD không được ăn trái cây và rau tươi và/hoặc bữa ăn bao gồm thịt, gà, cá hoặc đồ ăn chay ít nhất một lần một ngày. Tình trạng này có thể còn tồi tệ hơn ở các nước đang phát triển. Chưa kể trẻ em ở những nước nghèo còn gặp phải những vấn đề trầm trọng hơn. Bé gái ở các nước đang phát triển phải đối mặt với nguy cơ tảo hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên. Hằng năm, 12 triệu bé gái kết hôn trước 18 tuổi, và khoảng 7,3 triệu ca sinh nở mỗi năm do mang thai ở tuổi vị thành niên. Hậu quả của đại dịch Ebola ở Sierra Leone chính sự gia tăng các trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên, đặc biệt ở các cộng đồng dễ bị tổn thương. Tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên tăng mạnh vì nhiều lý do: trường học đóng cửa, mất cha/mẹ khiến trẻ không còn người hỗ trợ, mất chỗ ở buộc trẻ phải dùng đến những cách mới để tìm thức ăn. Đối với các bé gái, con đường trao đổi tình dục là phổ biến nhất; trong khi vào thời gian này các bé gái cũng không có các biện pháp tránh thai do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và giảm khả năng tiếp cận các trung tâm y tế. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc dự đoán lo ngại rằng đại dịch Covid‑19 sẽ trì hoãn các nỗ lực của cộng đồng nhằm chống tảo hôn và cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, đồng thời nạn nghèo đói tăng lên sẽ kéo theo tỷ lệ tảo hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên trong các cộng đồng dễ bị tổn thương. 
***
Đại dịch Covid vẫn đang diễn biến vô cùng ở phức tạp trên khắp thế giới. Ngay cả khi người dân đã bắt đầu được tiêm vaccine, tình trạng đóng cửa trường học có thể còn kéo dài. 

Các nền tảng cũng như chương trình học trực tuyến đã được các quốc gia nhanh chóng thiết lập, để học sinh sinh viên có thể truy cập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, trong thời gian trường học đóng cửa, việc học tập của trẻ em phụ thuộc phần lớn vào khả năng hỗ trợ và sự quan tâm của cha mẹ. 

OECD nhận định rằng vai trò của cha mẹ trong những năm đầu đời của trẻ là vô cùng quan trọng, đặc biệt từ giai đoạn 0-7 tuổi mà những hoạt động giáo dục trên tivi hay trên mạng không thể thay thế được. Các chuyên gia OECD khuyên rằng, bất kể hoàn cảnh xã hội kinh tế như thế nào, trẻ em cũng sẽ phát triển tốt hơn nếu được cha mẹ đọc sách cho nghe và nói chuyện hằng ngày. Những hoạt động này giúp trẻ phát triển tốt hơn về mặt cảm xúc lẫn trí tuệ. Tuy nhiên, không nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, hiểu rõ tầm quan trọng của những hoạt động tưởng như đơn giản mà lại có ích này. 

Một năm sau đại dịch, tương lai thế giới vẫn mờ mịt và không thể đoán trước được điều gì. Những gì chúng ta có thể làm hiện nay là luôn ở trong tâm thế “chuẩn bị cho điều xấu nhất và hy vọng cho điều tốt đẹp nhất”.□

Ngô Thị Phương Lê

Nguồn: Tia sáng, ngày 17.3.2021.
----

*Tác giả Ngô Thị Phương Lê, Tiến sĩ Giáo dục, Excelia Group. Thành viên Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu, AVSE Global.

Cách đây vừa tròn hai tháng rưỡi, tôi cùng các đồng nghiệp của mình còn được cùng thầy cười vui trong chuyến nghỉ hè ở Long Hải. Gần hai mươi năm, từ khi tôi được gặp thầy lần đầu tiên cho đến trước ngày thầy ra đi vĩnh viễn, lúc nào thầy cũng hiện ra với dáng vẻ thân thuộc, dường như không thay đổi theo thời gian: mái tóc bạc cắt ngắn trên vầng trán cao, khuôn mặt vuông, gầy guộc, dáng người dong dỏng cao trong bộ quần áo giản dị màu tối. Thầy nói chuyện chậm rãi, từng từ từng từ một với chất giọng Quảng Trị thanh thanh, lúc nào cũng lôi cuốn, ý vị, hóm hỉnh và sâu sắc. Thầy thuộc dạng người ít nói, nhưng khi nói ra điều gì thì người ta không dễ dàng quên ngay được. Cứ mỗi lần thấy miệng thầy tủm tỉm một nụ cười, bàn tay có những ngón thon dài và gầy guộc đưa ra, là chúng tôi lại xúm xít quanh thầy, chờ đợi một câu chuyện thú vị của người nghệ sĩ tài hoa.

Nhà giáo Trần Chút (giữa) trong dịp bộ môn Ngôn ngữ học tổ chức lễ hội "Ngày về" kỷ niệm 60 năm thành lập Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM 1957 – 2017) và kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam - Ảnh: HCMUSSH

Lứa chúng tôi không có duyên may được học thầy trên bục giảng, nhưng lại được thầy truyền thụ kiến thức, thái độ sống trong những lần gặp gỡ thầy. Tôi hay gọi đùa, em là học trò thời hưu trí của thầy. Mười mấy năm về hưu, năm nào thầy cũng đều đặn về Khoa vào dịp 20/11, tết Nguyên đán, hội thảo liên quan đến vấn đề ngôn ngữ học và dịp đi chơi hè. Mỗi lần thầy bước đến Khoa và đẩy cửa vào, tôi luôn có cảm giác đôi mắt thầy sáng lên một niềm vui nồng ấm, như một người trở về mái nhà thân quý của mình. Bao giờ thầy cũng nhìn chúng tôi bằng ánh mắt hiền từ, bao dung, chia sẻ với chúng tôi những kỷ niệm buồn vui của người cả đời gắn bó với nghề giáo. Ở bên thầy, chưa bao giờ tôi có cảm giác về khoảng cách thế hệ và thấy dường như, chuyện gì cũng có thể tâm tình được với thầy.

Nhờ thầy, chúng tôi có thể hình dung ra ngôi trường của mình vào thập niên 1980, khi chúng tôi còn chưa ra đời; biết được chuyện đời, chuyện nghề của các thầy cô thuộc thế hệ trước và trở nên gắn bó với nơi mình làm việc hơn. Tôi học được ở thầy tình yêu nghề, yêu đến tận tụy, đằm thắm, bền chặt. Tôi học được ở thầy niềm tin vào con người, niềm tin vào đồng nghiệp và học trò. Mỗi khi gặp khó khăn khiến mình nản chí, tôi lại nghĩ đến thầy, đến những tiền nhân đã trọn đời cống hiến cho mái trường này, và kéo tay mình đứng dậy để tự bước đi tiếp.

Cách đây mấy năm, nghe tin thầy mắc phải căn bệnh nan y, chúng tôi lo lắng, hốt hoảng đến thăm thầy. Nhưng khi gặp thầy, thì dường như chúng tôi lại trở thành những người được quan tâm, an ủi, vỗ về. Thầy gầy hơn trước, vẫn từ tốn, chậm rãi, cầm tay tôi rồi bảo thầy không sao đâu, thầy vẫn khỏe, em đừng lo. Thầy vẫn mỉm một nụ cười hiền lành, đôn hậu, như thể cuộc đời này không có một vết trầy xước nào. Trong những năm tháng chống chọi với căn bệnh quái ác, thầy vẫn đều đặn ủng hộ quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của khoa Văn. Mỗi lần nhận món quà gửi cho sinh viên từ thầy, chạm vào những ngón tay gầy nồng ấm, chúng tôi đều xúc động và biết ơn thầy.

Thầy chưa bao giờ là một người sôi nổi, chưa bao giờ nói lớn tiếng, nhưng thầy làm điều gì cũng quyết liệt, đến cùng, tin vào lẽ phải và sự chính trực của mình. Thầy yêu thương cũng quyết liệt, đến cùng. Và những gì thuộc về thầy, sẽ mãi mãi ở lại trong chúng tôi, dáng hình ấy, giọng nói ấy, nụ cười ấy, bàn tay xương xương thường đưa lên mỗi khi kể chuyện ấy.

Chúng tôi không hề biết mình đã có hai ngày hè quý giá cuối cùng, được đi cạnh thầy, khẽ chạm vào vạt áo thầy bay bay trong gió biển. Tôi không hề biết đó là lần cuối cùng, tôi được cầm lấy bàn tay gầy guộc, hỏi thầy ơi thầy khỏe không, nghe thầy cười thật hiền: “Ừ, thầy khỏe!”.

Tết năm sau, hè năm sau, Khoa chúng tôi vắng bóng một dáng hình quen thuộc, dong dỏng và hiền lành. Tôi ước gì mình cứ mãi được là đứa học trò nhỏ, ngồi cạnh thầy, nghe thầy kể chuyện cười giữa tiếng sóng biển Hà Tiên, như lần đầu tôi được gặp thầy trong chuyến đi dài cách đây mười sáu năm.

Giờ thầy đang đi chuyến đi dài nhất của cuộc đời mình. Tôi tin thầy luôn thanh thản, nhẹ nhàng như thầy vốn vẫn vậy. Và tôi tin, bóng dáng thầy sẽ luôn ở cùng ngôi trường của chúng tôi, hơi thở thầy vẫn ấm nồng trong chúng tôi, để chúng tôi bước tiếp con đường đời bằng niềm tin, tình yêu như người thầy đáng kính của mình.

Hồ Khánh Vân (Giảng viên Khoa Văn học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tp.HCM)

Nguồn: https://tuoitre.vn/thay-tran-chut-mot-hoi-tho-am-bat-tan-20201002141510505.htm

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, năm 2021 và những năm tới đây, giáo dục toàn cầu phải đối mặt với những hệ quả và thách thức nào? Các hệ thống giáo dục quốc gia sẽ phải chuẩn bị những chính sách và biện pháp ra sao?

Đảo lộn toàn cầu

Đây là hai hiện tượng nổi bật nhất xảy ra đồng loạt tại các hệ thống giáo dục quốc gia trong năm 2020, năm đầu tiên của đại dịch Covid-19, mà chỉ cần theo dõi truyền thông thì độc giả có thể dễ dàng nhận thấy: đóng cửa trường để dạy và học tại gia, công cụ và phương tiện dạy - học thông qua các nền tảng trực tuyến. Chính phủ các quốc gia, đặc biệt thuộc khối OECD, áp dụng những biện pháp ngắn hạn sau nhằm trợ giúp hệ thống giáo dục : trang bị thiết bị học trực tuyến, thiết kế nội dung chương trình và thời lượng học, trang bị thiết bị bảo hiểm và vệ sinh, và trợ giúp tài chính cho nhà trường và học sinh. Điểm nổi bật tích cực nhất là khả năng thích ứng và cải tiến phương pháp sư phạm và công nghệ dạy học nhanh đến bất ngờ và trên diện rộng. Tuy nhiên, ẩn dưới bề mặt này là thực trạng bất bình đẳng, học sinh thuộc nhóm xã hội bình dân hay nghèo túng thì không được trang bị công cụ trực tuyến (máy tính hay đường truyền tốt) cũng không được phụ huynh chăm chút, động viên nên bị gạt bên lề và dẫn đến kết quả học tập suy kém. Vấn đề nổi cộm thứ hai liên quan đến sức khỏe tinh thần. Thời gian cấm túc dài mười mấy tuần khiến cả học sinh lẫn giáo viên phải đối mặt với khả năng tập trung, tự chủ trong việc học và những biểu hiện bất ổn về tinh thần (tuy nặng nhẹ khác nhau). Nhiều quốc gia như Pháp, Ý, Anh, Mỹ đã trải qua hai lần cấm túc nhưng vẫn bị dự báo là có thể thêm lần cấm túc thứ ba vào đầu năm 2021.

Số học sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 % / tổng số học sinh Số quốc gia đóng cửa trường học
28/05/2020 997,684,919 57% 129
28/12/2020 158,486,270 9.1% 12

 

Chất lượng giáo dục giảm, tăng trưởng kinh tế giảm 

Theo đánh giá của các chuyên gia của OECD, việc học hành bị gián đoạn ảnh hưởng xấu đến chất lượng, kết quả học tập, từ đó làm giảm kỹ năng của người đi học mà yếu tố này lại gắn với hiệu suất làm việc. Hệ quả trực tiếp là tổng sản phẩm nội địa (GDP) có thể giảm xuống dưới 1,5% trong những thập niên tới1. Kinh tế nội địa và thương mại liên quốc gia giảm tốc nên những lĩnh vực như giáo dục sẽ bị “soi xét” lại trong mức độ ưu tiên về đầu tư tại mỗi quốc gia. Chi tiêu công cho giáo dục trong trung và dài hạn chắc chắn bị cắt giảm, điều này đã bắt đầu thể hiện ở ngay năm 2020. Theo báo cáo của ba tổ chức quốc tế UNESCO, UNICEF và World Bank, 64% các quốc gia khẳng định đã giảm ngân sách công cho giáo dục trong năm 2020 và tiếp tục cắt vào năm 2021 nhắm vào quỹ lương, việc này đồng nghĩa không tuyển dụng thêm giáo viên trong những năm tới. Nguồn đầu tư tài chính đến từ khối tư nhân cho giáo dục cũng hiếm hơn vì kinh tế yếu và thất nghiệp tăng. Như vậy, tác động của khủng hoảng lên đầu tư giáo dục thể hiện ở hai cấp độ. Thứ nhất là giảm chi tiêu công kèm với đó là giá thành chi tiêu tăng trong suốt cơn dịch. Thứ nhì là các nguồn tài chính vốn có dành cho giáo dục sẽ giảm đáng kể. Các chuyên gia của International Institute for Educational Planning (thuộc UNESCO) dự đoán đòn gánh đầu tư cho giáo dục sẽ nghiêng nhiều về phía hộ gia đình vì nhà nước - đầu kia của đòn gánh, không còn đủ sức nâng đỡ. Nguy cơ về bất bình đẳng, vì thế, càng nhãn tiền hơn, gia đình khá giả thì con cái tiếp tục được đầu tư học hành và ngược lại. “Trên toàn thế giới, những bất bình đẳng tiếp cận giáo dục sẽ còn là cái hố được đào sâu hơn và cơn khủng hoảng về giáo dục toàn cầu sẽ gay gắt hơn”1. Điều này sẽ kìm hãm mục tiêu quan trọng nhất của phát triển bền vững do UNESCO đề ra: mọi trẻ em đều được tiếp nhận một nền giáo dục chất lượng.

Trước thực trạng này, giáo dục với tư cách là phương tiện tạo nên bình đẳng giới có nguy cơ thất bại vì học sinh nữ sẽ chịu thiệt thòi nhất (không được đến trường, ép tảo hôn, lao động tại gia…) khi giáo dục không được đầu tư đúng mức, đặc biệt tại những nước nghèo hoặc đang phát triển.

Tiếp tục thích ứng và biết xử thế đúng bối cảnh là hai điều kiện cần thiết để đáp ứng được những đòi hỏi của từng địa phương và đảm bảo các nhu cầu học tập, sức khỏe và an toàn của mỗi học sinh.

(UNICEF-UNESCO-World Bank).

Bài toán đau đầu giữa nhu cầu tăng đầu tư cho giáo dục trong khi tăng trưởng kinh tế chật vật ở giai đoạn hậu đại dịch, giáo dục sẽ nằm ở đâu trong nấc thang ưu tiên của nhà nước so với những lĩnh vực khác như y tế, kinh tế, thương mại?

 

Tiếp đà cải cách sư phạm

Từ quan điểm thuần túy sư phạm hay giáo học pháp, việc dạy - học từ xa vốn chỉ nhận được sự nghi ngại, thậm chí phản đối, từ các phía giáo viên, gia đình và nhà quản lý giáo dục từ nhiều năm nay ngay cả khi các nền tảng trực tuyến đã nở rộ. Thực ra, việc đưa công nghệ và công nghệ số thành công cụ giảng dạy có cả một chu trình lịch sử của nó, từ thiết bị nghe nhìn, video, bảng điện tử hay gần đây nhất là máy tính, tablet… Nhưng chỉ trong vòng 3-6 tháng, chúng ta chứng kiến một hiện tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử giáo dục của nhân loại: các loại màn hình (máy tính, smartphone) trở thành giao diện sư phạm chính thức. Khủng hoảng thường là thời điểm tạo nên khả năng đổi mới sáng tạo để cải tiến những thiếu sót bất cập chứ không đơn thuần chỉ là trở về với “trạng thái bình thường” của quá khứ.

Các hệ thống giáo dục nên tiếp tục hoàn thiện và cải cách công cụ, phương tiện, phương pháp, dịch vụ học trực tuyến (online platforms, broadcast media (TV/radio), paper-based take-home packages…), và cũng nên đánh giá, so sánh hai phương pháp trực diện (offline) và trực tuyến (online) đến chất lượng giảng dạy và kết quả học tập cũng như sự tương tác giữa thầy và trò. Việc này sẽ giúp nâng cao trình độ sử dụng công nghệ và khả năng học tự lập của học sinh, giúp các thế hệ học sinh tiếp thu được các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống và công việc tương lai như tương tác, hợp tác, tương thuộc, tương hỗ...

Để công cuộc này thành công thì vai trò và sứ mệnh của giáo viên chiếm phần quan trọng. Giáo viên phải là tác nhân và tác giả của những đổi thay không chỉ trong việc áp dụng công nghệ mà còn trong tư duy và sáng tạo sư phạm. Các nhà hoạch định và quản lý giáo dục phải rất chú trọng đến sự kết nối giữa giáo viên và phụ huynh để tạo nên mối liên hệ tin cậy trong việc đồng hành và theo dõi học sinh. Để tạo sức bật, tiếp tục đổi mới và tăng cường khả năng ứng phó, hơn bao giờ hết các hệ thống giáo dục phải tăng cường năng lực quản lý trong những thay đổi. Có thể chính trong cơn biến này, chúng ta sẽ biết nắm bắt để làm cho chương trình, môi trường, phương tiện dạy và học thích ứng hơn nữa với nhu cầu của những thập niên tới.

Các chính phủ phải nhìn nhận sự canh tân đổi mới như một chính sách chiến lược dựa vào nền tảng nghiên cứu được đầu tư tài chính đúng mức và vững chắc về phương pháp luận. Trên thực tế, đổi mới và nghiên cứu cho giáo dục hiện đang là mảng yếu và thiếu. Đơn cử, ngân sách nghiên cứu cho y tế công của các quốc gia thuộc khối OECD cao gấp 17 lần so với ngân sách nghiên cứu cho giáo dục. Cột mốc đại dịch này là lời kêu gọi các chính phủ phải thay đổi chính sách vì không có đổi mới sẽ không có cải thiện, vì không có chất lượng giáo dục tốt sẽ không có nguồn nhân công chất lượng cao, và hệ quả trực tiếp là nền kinh tế quốc dân sẽ luôn ở tầm trung, không bứt phá nổi. 

20210306 5
Sau Tết Nguyên đán 2021, học sinh hơn 20 tỉnh thành đã phải học trực tuyến nhưng việc học trực tuyến cũng khiến nhiều gia đình ở các vùng nông thôn, gia đình không có điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn khi không thể trang bị riêng cho con phương tiện học tập hoặc không thể kèm con học. 

Điều hòa và cân đối trong thách thức 

Trường học bị đảo lộn, vậy thì chúng ta phải tư duy lại về trường học trên phương diện chính sách và quản lý để sao cho các hệ thống giáo dục quốc gia tiếp tục thích ứng và kịp thay đổi trước thời cuộc. Điều hòa và cân đối vừa là một tâm thế quản trị vừa là kỹ năng kiểm soát của những nhà hoạch địch và quản lý các nền giáo dục.

Trước hết, chúng ta phải cân bằng những câu thúc giữa thời lượng chương trình vốn có với đổi mới chương trình. Có hai xu hướng trên thế giới: nhóm quốc gia đặt trọng chương trình cơ bản vì nó là nền tảng cho sự tiếp nhận kiến thức và thi cử của học sinh, nhóm quốc gia kia ưu tiên phát triển các kỹ năng nhận thức, xã hội, cảm xúc và sức khỏe tinh thần (well-being) của học sinh. Tuy nhiên, theo khảo sát của OECD2, có một độ chênh giữa quan điểm của đại diện chính phủ với quan điểm của giáo viên: chính phủ tập trung vào việc dạy-học căn bản, còn giáo viên nhấn mạnh đến việc tăng khả năng tự lập của học sinh. Để thỏa hiệp được hai điều này thì chúng ta cần phải tính toán sao cho việc xây dựng, cải cách và áp dung chương trình mới sẽ không làm quá tải cho cả học sinh và giáo viên tùy theo mức độ vùng miền, loại trường, điều kiện vật chất… Ngoài ra, giáo viên đáng nhận được ủng hộ và hỗ trợ vì nghề đi dạy ngày nay không giới hạn ở việc truyền đạt kiến thức mà họ còn phải quan tâm đến sức khỏe tinh thần của học sinh. Những phương pháp đổi mới nâng cao năng lực giáo viên như phát triển bản thân, khai vấn, cố vấn (personal development, coaching, mentorat) quả thực là cấp thiết.

Một trong những điểm then chốt ngay trong năm học mới là đánh giá kết quả học tập của học sinh và trong những năm sau, tiếp tục theo dõi lộ trình học tập của các lứa học sinh. Phương thức tiến hành đánh giá - kiểm tra - theo dõi và trách nhiệm của các bên giữa nhà trường, học sinh và phụ huynh phải được phối hợp chặt chẽ. Cuộc khủng hoảng này giúp chúng ta nhận ra rằng tập thể (giáo viên, ban giám hiệu, phụ huynh, cộng đồng) cùng đồng tình và đồng lòng là quan trọng biết chừng nào. Một quy chế mới chỉ có thể được thi hành đúng và đạt mục đích khi các nhà trường áp dụng một cách tích cực, thậm chí sáng tạo. Cấp lãnh đạo nên đề cao và khích lệ khả năng tự chủ, sáng kiến vượt qua khó khăn của mỗi cơ sở giáo dục. Vì nếu áp đặt cứng nhắc từ cấp cao sẽ dễ gây nên lộn xộn, lúng túng trong áp dụng và cảm giác “không tuân phục” của cấp dưới.

Mỗi quốc gia phải tự đưa ra danh sách những ưu tiên trong các biện pháp trước mắt và các chính sách trung và dài hạn về đầu tư và quản lý cho hệ thống giáo dục của mình. Trong bối cảnh này, tài năng quản lý và điều phối của các nhà lãnh đạo phải được thể hiện qua việc cân đối giữa nhu cầu và khả năng, giữa kiên định và linh hoạt. 

Vaccine đã được tìm ra không có nghĩa là hạn dịch đã chấm dứt. Những gì đang chờ đợi chúng ta trước mắt vẫn là thử thách và bất định. Một lần nữa, trong chiều dài lịch sử nhân loại, thời khắc đại dịch này là lời kêu gọi cho sự thích ứng mới để đổi mới sáng tạo và dấn thân vì những mục tiêu phát triển bền vững. Xây dựng một xã hội có sức bền và sức bật tốt hơn chính là trách nhiệm của thế hệ chúng ta để tạo thành di sản cho con cháu trong những thập niên tới!□

Tài liệu tham khảo

- Andreas Schleicher, The impact of COVID-19 on education - Insights from Education at a Glance 2020, OECD
- What have we learnt ? Overview of findings from a survey of ministries of education on national responses to COVID-19, UNESCO, World Bank & UNICEF
- Anticipated impact of COVID-19 on public expenditures on education and implication for UNESCO work, 2020
- Fernando M. Reimers, Andreas Schleicher, Schooling disrupted, schooling rethought. How the Covid-19 pandemic is changing education, OECD’s report, 2020
- Education and COVID-19: Focusing on the long-term impact of school closures, OECD’s report, 2020
Chú thích: 
1 Andreas Schleicher, The impact of COVID-19 on education - Insights from Education at a Glance 2020, OECD
2 Fernando M. Reimers, Andreas Schleicher, Schooling disrupted, schooling rethought. How the Covid-19 pandemic is changing education, OECD’s report, 2020

Nguyễn Thụy Phương

Nguồn: Tia sáng, ngày 03.3.2021.

Theo Nhà giáo Ưu tú Trần Chút, thông minh tài trí cách mấy mà không có nỗ lực sẽ bị thời gian đào thải. Sự nghiệp của đời người chủ yếu do nỗ lực phấn đấu mà thành

Tôi quen anh Trần Chút khá lâu. Lúc còn làm việc ở Báo Người Lao Động, tôi thường đến Trường ĐH Tổng hợp TP HCM (sau này Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM), đặt bài các anh: Nguyễn Quang Điển, Võ Văn Sen, Trần Chút (Hồng Dân)… Trò chuyện với các anh, tôi học được lắm điều hay. Anh Trần Chút rất tếu, dẫu việc nghiêm túc như thế nào, nhưng qua suy nghĩ của anh, ai cũng phải cười khoái trá.

Học được ở anh là đọc

Anh Trần Chút là người đọc nhiều và tôi học được ở anh là đọc không chỉ để biết mà để hiểu, hiểu càng tường tận thì cái đọc ấy mới trở thành chất dinh dưỡng cho não bộ của mình. Hồi đất nước chúng ta rộ lên cụm từ "chỉ số cảm xúc" (EQ: Emotional Quotient), anh nói tuổi trẻ cũng cần phải biết và chú ý cụm từ ấy, bởi trong cuộc sống chỉ có chỉ số thông minh (IQ: Intelligent Quotient) là chưa đủ, thậm chí không đủ. Có nhiều người học rất giỏi, nhưng khi bước ra cuộc sống thì làng nhàng. Chính chỉ số cảm xúc mới trả lời được câu hỏi tại sao những người chỉ trình độ chưa hết bậc tiểu học mà chế tạo được máy suốt lúa đa năng, dời được những công trình xây dựng đồ sộ mà không bị hỏng. Những người ấy, cả đời họ đau đáu với công việc mà họ yêu thích, họ muốn làm cho nó tốt hơn và đến lúc bất chợt, chỉ số thông minh vụt đến, giúp họ thành công.

Hết lòng yêu tiếng Việt

Từ câu chuyện ấy, anh nói về mình. Anh chỉ tốt nghiệp đại học 3 năm và anh yêu tiếng Việt, tìm tòi những cái hay cái lạ trong tiếng Việt… Qua thời gian, anh chị em trong giới ngôn ngữ không ai không biết tên anh. Và anh được mời làm chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 10 (1990), Tiếng Việt 11 (1991), cùng đồng nhiệp biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa về tiếng Việt khác. Theo anh, con người có tiên thiên và hậu thiên. Tiên thiên có từ trong bụng mẹ, còn hậu thiên có được là do nỗ lực của mỗi người khi bước vào đời. Thông minh tài trí cách mấy mà không có nỗ lực sẽ bị thời gian đào thải. Sự nghiệp của đời người do hậu thiên là chính. 

20201012 3

 Nhà giáo Ưu tú Trần Chút (giữa) và các giảng viên Bộ môn Ngôn ngữ học, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM trong một buổi trao học bổng “Cánh buồm xanh”. (Ảnh do TS Huỳnh Thị Hồng Hạnh cung cấp)

Mỗi lần đem sách đến tặng anh, anh thường dẫn tôi xuống căng-tin uống cà phê và cho rằng với sự nỗ lực của tôi như thế, tôi có quyền bốc phét vì có vốn để bốc phét. Anh không coi thường ai, nhưng không mấy thích những người không có thực lực mà cứ ngạo đời. Trong ngôn ngữ, nhiều người "dĩ Âu vi trung" (lấy châu Âu làm trung tâm), theo anh không sai nhưng chưa mấy đúng. Học người nhưng không rập khuôn theo người, đó mới là học. Ở xứ ta không ít người lấy "Giáo trình Ngôn ngữ học Đại cương" (Cours de Linguistique Generale) của Ferdinand de Saussure làm sách gối đầu giường, nhưng theo anh cứ bám theo như thế có khi hỏng tiếng Việt. Saussure là người đầu tiên nhận ra cái cơ chế hoạt động của ngôn ngữ khi ông nói về hai khái niệm: Ngôn ngữ và lời nói khá thú vị, nhưng tiếng Việt của mình cũng thú vị không kém. Chẳng hạn tính ẩn dụ trong ngôn ngữ. Tiếng Việt có "le le", "vịt trời", trong câu chuyện, người nghe có thể hiểu đó là chỉ trẻ nhỏ có giới tính nữ, hoặc "gà" dùng để chỉ người nữ còn trẻ và hấp dẫn, nhưng "gà móng đỏ" là chỉ những chị em cần… "phục hồi nhân phẩm", hoặc "heo nái", "lợn nái" trong văn cảnh, lắm lúc chỉ người nữ lớn tuổi...

Trao đổi với anh về ngôn ngữ học, tôi chỉ nắm được chút da lông, nhưng thật lòng mà nói "chút da lông" ấy đã giúp tôi khá nhiều trong việc viết lách. Gần đây, anh cho biết có quyển "Mẹo tiếng Việt", anh viết đã lâu nhưng thất lạc, cũng đã lâu không hề nghĩ tới sự tồn tại của nó, thế mà "nó tìm được cố chủ", chắc chắn sắp tới sẽ có sách biếu anh em. Tôi có đề nghị anh gom mấy bài của anh viết về ngôn ngữ học đăng trên các báo, in thành sách cũng có ích. Anh cười cho biết anh không thiếu tiền để làm chuyện ấy nhưng cứ để lớp đàn em, lớp học trò sau này lo, nếu họ yêu quý mình. Anh tin như thế. Giờ phút này, qua nén tâm nhang, tôi nói với anh rằng tôi cũng tin như thế! 

Tham gia biên soạn rất nhiều sách Tiếng Việt

NGƯT Trần Chút sinh năm 1937, tại Gio Linh, Quảng Trị. Năm 1960, sau tốt nghiệp phổ thông, ông được tuyển thẳng vào Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Học xong đại học, ông vào làm việc tại Viện Ngôn ngữ học (1964), nay thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Sau năm 1975, ông được chuyển vào Nam công tác, giữ chức vụ Phó trưởng Khoa Ngữ văn đầu tiên, rồi làm Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM cho tới ngày nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, ông được mời làm Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến.

Ông là Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Hội Ngôn ngữ học TP HCM và là Chủ tịch danh dự Hội Ngôn ngữ học TP HCM hiện nay.

Bên cạnh việc quản lý, giảng dạy, NGƯT Trần Chút, với bút danh là Hồng Dân, đã tham gia vào việc biên soạn nhiều sách giáo khoa ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Ngữ văn Tiếng Việt" (1983) "Tiếng Việt 10" (chủ biên, 1990), "Tiếng Việt 11" (chủ biên, 1991), "Tiếng Việt 8" (1995), "Tiếng Việt 9" (1995), "Tiếng Việt 11" (2000), "Ngữ văn 8" (2002), "Ngữ văn 9" (2002), "Ngữ văn 10" (2006)... Ngoài ra, ông còn tham gia biên soạn các cuốn: "Nói và viết đúng tiếng Việt" (1967), "Rèn luyện cách viết" (1987), "Dẫn luận ngôn ngữ" (1991), "Góp phần phát triển năng lực cảm thụ văn" (1997), "Hoàng Tuệ tuyển tập" (2009)...

Vu Gia

Nguồn: Người lao động, ngày 03.10.2020.

Làng Đại học Thủ Đức được định danh từ những năm 60 của thế kỷ trước. Làng đại học ngày ấy nay đã vươn vai trở thành đô thị tri thức - hạt nhân của thành phố mới Thủ Đức.

20210220 3

Toàn cảnh Trường Đại học Quốc gia TPHCM ở Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Dấu xưa… 

Ngồi bên ly cà phê, trong quán sân vườn rộng rãi có tên Suối Nguồn, được cải tạo từ ngôi biệt thự cũ, TS Trần Duy Hùng, giảng viên Trường Đại học (ĐH) Nông Lâm TPHCM, rành mạch: Làng ĐH Thủ Đức đã hình thành từ đầu những năm 1960. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là tác giả của đồ án quy hoạch kiến trúc làng. Khoảng 300 căn biệt thự được xây dựng, tạo nên làng ĐH có một không hai trên cả nước. Tiếp sau làng ĐH, năm 1972, Viện ĐH Bách khoa Thủ Đức ra đời, cũng là tiền thân của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM ngày nay.

Nơi đây đường ngang lối dọc, rợp bóng cây xanh, được quy hoạch theo ô bàn cờ. Những ngôi biệt thự rêu phong, giấu mình dưới tán cây xanh, là nơi ở của các giáo sư ĐH nên từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng đến đặt tên đường cũng mang nét riêng, như gửi gắm, hy vọng hướng đến cái đẹp, nhân văn, như đường Công Lý, Tự Do, Bác Ái, Dân Chủ, Hòa Bình… Mỗi căn biệt thự có không gian riêng biệt, diện tích 900-2.200m2, kiến trúc đa dạng về hình thức, theo phong cách, sở thích của gia chủ.

PGS-TS Ngô Minh Oanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, tâm sự: “Thời nào cũng vậy, muốn đất nước phát triển thì giáo dục, khoa học phải đi đầu. Quy hoạch xây dựng khu đô thị ĐH có từ trước, nhưng đến hôm nay mới được gọi đúng tên, đặt trúng vị trí. Lịch sử đất nước còn có điểm gấp khúc, chứ tri thức, khoa học công nghệ là một dòng chảy liên tục. Ước vọng về một khu đô thị ĐH đang được hiện thực hóa hơn bao giờ hết”.

Hạt nhân của thành phố mới

Lật lại những trang kỷ yếu của ĐH Quốc gia TPHCM: năm 1995 ghi dấu mốc lịch sử đối với Làng ĐH Thủ Đức xưa khi Nhà nước có quyết định thành lập ĐH Quốc gia TPHCM. Trường được xây dựng trên nền đất cũ, với diện tích 635,7ha, quy tụ 27 đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và 8 trường ĐH hàng đầu: ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Kinh tế - Luật, Viện Môi trường - Tài ngyên và ĐH An Giang; là nơi tập trung một lực lượng cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học hùng hậu, với 400 GS-PGS và 1.300 TS. Bên cạnh còn có các Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Ngân hàng… Chỉ riêng ĐH Quốc gia TPHCM đã có đến  69.000 sinh viên theo học, là nguồn lao động chất lượng cao, dồi dào cung cấp cho xã  hội.

Những con số không nói hết sự đổi thay của vùng đất vốn là đồi sim mua, cây dại sau 25 năm xây dựng. Để đi lại giữa các khu chức năng, mọi người phải sử dụng ô tô, chí ít là xe máy. Hàng loạt khu nhà cao tầng được xây dựng là thư viện, giảng đường, ký túc xá, viện nghiên cứu… nối với nhau bằng những con đường nhựa phẳng lì, rộng thênh thang. Sinh viên Nguyễn Thị Như Quỳnh, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ngẩn ngơ khi lần đầu đến thăm bạn: “Đến đây, nếu không được hướng dẫn chắc dễ nhầm đường. Mỗi trường như một khu phố hiện đại”.

Theo GS-TS Trần Duy Thành, ĐH Quốc gia Chonbuk, Hàn Quốc, nguyên giảng viên ĐH Khoa học tự nhiên, con số 4.746 công bố khoa học, 282 đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và 60 bằng sáng chế trong năm 2019 của ĐH Quốc gia TPHCM thuộc tốp đầu cả nước, nhưng vẫn còn khiêm tốn so với năng lực, đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học nơi đây. Để ĐH Quốc gia TPHCM là hạt nhân, bộ não của thành phố mới Thủ Đức, chúng ta cần phối hợp chặt chẽ, thiết thực hơn nữa giữa các trường ĐH, trung tâm nghiên cứu và các công ty, tập đoàn sản xuất lớn.

Đứng trên tầng cao khu giảng đường ĐH Khoa học tự nhiên nhìn ra xung quanh, với những khu nhà cao tầng của giảng đường, viện nghiên cứu, dáng vóc một khu đô thị tri thức đã định hình. Khu Công nghệ cao TPHCM nằm trong tầm mắt, những nhà máy khang trang hiện đại trải dài trên đường Võ Chí Công. Bên cạnh Xa lộ Hà Nội và tuyến metro số 1, màu xanh của làng đại học xưa như một công viên xanh nằm giữa khu đô thị hiện đại - dấu ấn của một thời chưa xa.

Trần Yên

Nguồn: Sài Gòn giải phóng, ngày 15.02.2021.

Nhà giáo ưu tú Trần Chút - PTrưởng Khoa Ngữ văn đầu tiên của Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM - vừa qua đời tối 1-10 sau thời gian bệnh nặng, hưởng thọ 83 tuổi.

Nhà giáo ưu tú Trần Chút - Ảnh: H.T.

Nghe tin ông mất, nhiều thế hệ sinh viên đã bày tỏ sự tiếc nhớ trên Facebook của mình. Một sinh viên của ông Chút, hiện là giảng viên khoa văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) viết trên Facebook:

"Thầy là một trong những người thầy đáng kính, đáng mến, đáng trọng của khoa văn. Từ lúc mình còn là sinh viên học thầy, đến khi ở lại khoa, chưa bao giờ mình thấy thầy nổi giận, làm điều gì xấu với ai, nói câu gì làm tổn thương ai.

Thầy chính trực, tài hoa, vui vẻ, đối với học trò cũng hòa nhã, trân trọng. Hầu như lứa học trò nào cũng yêu quý thầy. Thầy bị bệnh đã lâu, nhưng nghị lực sống khiến thầy vượt qua và lạc quan sống.

Năm nào thầy cũng đi chơi với khoa, 20-11 nào cũng về với khoa, thầy còn ủng hộ Quỹ học bổng của khoa đều đặn hàng năm. Tuy không có học hàm học vị nhưng tiếng nói chuyên môn của thầy luôn nặng ký, có sức thuyết phục".

Nhà giáo ưu tú Trần Chút là nhà nghiên cứu ngôn ngữ học uy tín, nhà giáo đáng kính và mẫu mực của nhiều thế hệ sinh viên ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, nay là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Ông sinh năm 1937, tại Gio Linh, Quảng Trị. Năm 1960, sau tốt nghiệp phổ thông, ông theo học khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Học xong đại học, ông vào làm việc tại Viện Ngôn ngữ học, nay là Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Sau năm 1975, ông được chuyển vào Nam công tác, giữ chức vụ phó khoa ngữ văn đầu tiên rồi làm trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, nay là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho tới khi nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, ông được mời làm phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến.

Ông cũng từng là chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM.

Bên cạnh việc quản lý, giảng dạy, nhà giáo ưu tú Trần Chút với bút danh là Hồng Dân, ông đã tham gia vào việc biên soạn các sách giáo khoa ngữ văn của Bộ GD-ĐT: tiếng Việt 10 (1990), tiếng Việt 11 (1991), tiếng Việt 8 (1995), tiếng Việt 9 (1995), tiếng Việt 11 (2000), Ngữ văn 8 (2002), Ngữ văn 9 (2002), Ngữ văn 10 (2006)…

 Nguốn: https://tuoitre.vn/nha-giao-uu-tu-tran-chut-qua-doi-huong-tho-83-tuoi-20201001214742846.htm

Vài năm trở lại đây, người ta nhắc ngày càng nhiều đến ‘chuyển đổi số’ (digital transformation), nhất là ở các ngành kinh tế, kinh doanh, dịch vụ. Còn trong giáo dục, phải đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm đình trệ mọi hoạt động kinh tế xã hội, học sinh, sinh viên không thể đến trường, chuyển đổi số mới thực sự trở thành một quá trình mà kết quả của nó có thể là một diện mạo giáo dục hoàn toàn mới, với phương thức, cách thức, phương pháp, kĩ thuật, công cụ và phương tiện mới.

20210211 2

Các em học sinh vùng sâu vùng xa phải lên đỉnh đồi để bắt sóng học trực tuyến. Ảnh: Dân Trí


1. Giáo dục mở - học liệu mở - khoa học mở

Chuyển đổi số hẳn không phải là câu chuyện mới chỉ của ngày hôm qua. Từ hai thập kỷ qua khi công nghệ thông tin, mạng Internet được sử dụng rộng rãi trong đào tạo, giáo dục, chuyển đổi số đã được đặt ra, nhưng phần nào còn mơ hồ, bởi chưa thực sự có những lý do để bắt buộc phải thực hiện nó.

Những tiến bộ về CNTT và sự thâm nhập của mạng Internet đã dẫn tới những sáng kiến về giáo dục mở với sự xuất hiện của các khóa học trên các nền tảng trực tuyến MOOCs như Coursera, Udemy, edX, về học liệu mở với sự ra đời của các chương trình ứng dụng học tập, kiểm tra thích ứng (adaptive learning and assessment apps) như Acellus, IXL, Mathletics, và khoa học mở với các cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học trực tuyến chia sẻ miễn phí (Open Access databases). Sự ra đời và ngày càng phát triển về cả thị trường và công nghệ cho những nền tảng này cho thấy ‘giáo dục số’ có lý do để tồn tại, và hoàn toàn có tiềm năng là tương lai của giáo dục. Tuy nhiên, khi vẫn còn có lựa chọn khác, giáo dục theo phương thức truyền thống vẫn còn có thể, thì vẫn còn có lý do để từ chối chuyển đổi, giáo dục trực tuyến vẫn chỉ là phụ thêm khi có hoặc thiếu một số điều kiện.

Nhưng…

2. Thiên tai, dịch bệnh quy mô lớn ± Covid- 19

Năm 2020 chứng kiến những diễn biến có thể nói là chưa từng có trong lịch sử thế giới hiện đại. Nhiều hoạt động xã hội bị đình trệ trên phạm vi cục bộ địa phương, quốc gia và toàn cầu do đại dịch Covid-19. Khi giáo dục đã từ lâu là nhu cầu đương nhiên được đáp ứng, chúng ta bỗng dưng phải đối mặt với câu hỏi ‘làm sao để được giáo dục’. Triển khai được hoạt động giáo dục không chỉ là vấn đề cá nhân, mà còn là sự sống còn đối với các nhà trường và các cơ quan quản lý và sự vận hành xã hội. Khi giáo dục trực tiếp tại trường lớp là không thể, vấn đề chuyển đổi số trở thành giải pháp cứu cánh ở nhiều cấp từ vi mô đến vĩ mô. Đương nhiên trong hoàn cảnh này, chuyển đổi số không thể hời hợt, bề ngoài mà phải toàn diện, đầy đủ, chuẩn xác… để có thể đem lại kết quả mong muốn.

Vậy…

3. Chuyển đổi số trong giáo dục là chuyển đổi những gì?

Một câu hỏi lớn đặt ra là chuyển đổi số trong giáo dục bao gồm sự chuyển đổi ở lĩnh vực, khía cạnh nào và mức độ ra sao. Câu trả lời không giống nhau đối với các cá nhân, các tổ chức và các quốc gia, bởi lẽ xuất phát điểm của chuyển đổi số là rất khác nhau. Có một điểm chung là chuyển đổi số phải cho phép giáo dục được thực hiện toàn diện và đầy đủ mà không có gặp mặt, giao tiếp trực tiếp, có nghĩa rằng phương thức chuyển tải giáo dục thay đổi. Đào tạo trực tuyến rõ ràng không phải là điều mới mẻ, lạ lẫm, nhưng đào tạo trực tuyến trong hoàn cảnh hoàn toàn không có lựa chọn tiếp cận trực tiếp dẫn đến thay đổi ở nhiều khía cạnh khác,  đòi hỏi nhiều điều kiện mới.

Dễ thấy nhất là những thay đổi về các yếu tố đầu vào. Để giáo dục trực tuyến có thể, toàn bộ đầu vào cho quá trình giáo dục phải được số hóa, trong đó quan trọng nhất là học liệu, tài liệu, sách giáo khoa. Toàn bộ dữ liệu về người học cũng cần phải số hóa để thực hiện quy trình quản lý người học và thực hiện đánh giá quá trình cũng như kết quả học tập. Một trong những vấn đề lớn nhất của đào tạo trực tuyến là tính xác tín của quá trình đào tạo. Làm thế nào để đảm bảo việc đào tạo, đánh giá, kiểm tra, công nhận kết quả và cấp bằng và chứng chỉ cho đúng đối tượng? Làm thế nào để xác thực danh tính của người học, người thi? Những công nghệ mới nhất đã hỗ trợ việc này nhưng việc đảm bảo tính nghiêm ngặt của việc thi cử truyền thống vẫn còn để ngỏ.

Hơn nữa, khi phương thức đào tạo thay đổi, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và giáo dục cũng thay đổi. Chuyển đổi số không đơn giản chỉ là số hoá các nguồn tài liệu mà còn bao gồm việc chuyển đổi phần cứng, kéo theo việc quản trị các nguồn lực dành cho giáo dục, đào tạo cũng thay đổi.

Thứ hai, quá trình giáo dục có những thay đổi căn bản. Phương thức thay đổi dẫn đến phương pháp, kỹ thuật sư phạm truyền thống không còn hiệu quả. Cách thức thực hiện, triển khai phương pháp bắt buộc phải thay đổi, đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt trong vận dụng và sử dụng các thiết bị, tính năng của công nghệ sao cho việc giảng dạy đạt kết quả kỳ vọng. Chuyển đổi số không chỉ là số hóa bài giảng, hay ứng dụng các phần mềm vào soạn bài dạy, mà còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công. Công việc này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý học thần kinh (neuroscience), trí tuệ nhân tạo AI vào thiết kế nội dung cũng như công cụ thực hiện giảng dạy, tận dụng thế mạnh của công nghệ để thực hiện cá nhân hoá chương trình giáo dục, điều không thể thực hiện được khi đào tạo trực tiếp truyền thống với sĩ số học sinh đông (50-60 học sinh/lớp) như ở các thành phố lớn ở Việt Nam. Bên cạnh đó, toàn bộ dữ liệu về quá trình học tập của học sinh cũng được theo dõi và lưu trữ bằng công nghệ chứ không phải thông qua hệ thống hồ sơ sổ sách thông thường.

Tiếp đó, về kết quả đầu ra, chuyển đổi số phải đảm bảo việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện trong quá trình giáo dục, kể cả đánh giá kết quả đào tạo. Không chỉ kết quả đánh giá được số hoá, mà quá trình đánh giá cũng phải được triển khai, thực hiện bằng ứng dụng công nghệ trên máy tính. Giáo viên cần tập trung vào công việc giảng dạy, và cần được giải phóng khỏi các công việc hành chính, giấy tờ như làm sổ sách, sổ điểm, học bạ, quản lý hồ sơ học tập của người học.

Cuối cùng, về môi trường giáo dục, cần có hệ thống chính sách cấp hệ thống và cấp cơ sở giáo dục phù hợp để đào tạo trực tuyến được công nhận hợp pháp. Việc xây dựng và ban hành chính sách đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng và khoa học nhưng về cơ bản không phải là thách thức lớn. Thách thức chủ yếu nằm ở việc thực thi chính sách, bởi lẽ để chính sách đi vào đời sống, cần phải có hệ thống các công cụ giám sát, quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục trực tuyến để đảm bảo tính giá trị của hình thức đào tạo này. Tức là các thiết chế tạo điều kiện cho giáo dục (enablers) cần phải được chuyển đổi sang số hóa cả về cách thức thực hiện, từ khâu lấy dữ liệu đầu vào cho đến khâu trích xuất dữ liệu đầu ra.

Tóm lại, chuyển đổi số trong giáo dục là một quá trình xảy ra mà sự thay đổi không nằm ở đối tượng tham gia vào quá trình giáo dục hay các bên liên quan mà nằm ở phương thức thực hiện giáo dục. Sự thay đổi về phương thức tất yếu dẫn tới những thay đổi về phương pháp, cách thức, kỹ thuật thực hiện giảng dạy, đào tạo. Phần lớn các yếu tố đầu vào cũng thay đổi để phù hợp với phương thức và những phương pháp và kỹ thuật mới, sản phẩm đầu ra cũng vì thế mà có thể thay đổi tương ứng. Khi thực hiện chuyển đổi số, có thể nói toàn bộ cái cách giáo dục, đào tạo được tổ chức, thực hiện và quản lý thay đổi. Trải nghiệm giáo dục khác sẽ khiến cho một số năng lực, kỹ năng đầu ra của người học không còn, nhưng đồng thời một số năng lực, kỹ năng mới sẽ hình thành. Trọng tâm của chuyển đổi số là trải nghiệm của người học sẽ hoàn toàn thay đổi. Hiển nhiên tư duy quản lý giáo dục cần phải chuyển đổi, mở hơn và linh hoạt hơn để có thể hình dung và nắm bắt được những yếu tố vô hình.

4. Chuyển đổi số: cần những gì để thành công?

Có thể thấy rằng việc chuyển đổi số tác động tới nhiều bên liên quan khác nhau trong đó trực tiếp và chịu tác động lớn nhất là người học và giảng viên, kế tiếp là đội ngũ hành chính văn phòng, đội ngũ quản lý, những người phải trực tiếp thao tác, vận hành hệ thống. Các nhà lãnh đạo và ra quyết sách cấp cao trong ngành giáo dục cũng cần phải thay đổi tư duy quản lý.

Trước nhất, chuyển đổi số đòi hòi hạ tầng công nghệ mới, trang thiết bị mới cho cả người học, người trực tiếp giảng dạy, cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý. Đi kèm thiết bị phần cứng là các ứng dụng phần mềm, các nền tảng (platform) để toàn bộ mọi hoạt động giáo dục và quản lý của các cấp diễn ra trên đó. Nếu như ứng dụng CNTT vào giáo dục chủ yếu đề cập đến những chương trình, phần mềm riêng lẻ, tách biệt, chuyển đổi số yêu cầu tất cả những thứ riêng lẻ này phải tương thích và kết nối với nhau, tích hợp và ‘có thể tiếp cận được’ (accessible) trên cùng một nền tảng. Nền tảng này cho phép các hoạt động giảng dạy, quản lý, học tập, kiểm tra, đánh giá, thi cử, quản lý người học và việc giảng dạy, cũng như toàn bộ việc tương tác giữa người học với giáo viên và nhà trường cùng diễn ra. Đường truyền Internet ổn định là yếu tố đương nhiên cần phải có để platform này hoạt động.

Để vận hành một hệ thống như vậy đương nhiên đòi hỏi tư duy và năng lực quản lý của lãnh đạo ngành giáo dục cũng như lãnh đạo nhà trường phải thay đổi. Họ phải tìm ra cách thức nắm bắt những gì có thể trên không gian ảo, khai thác hiệu quả công nghệ cho mục đích này. Họ cần trang bị hiểu biết và tư duy số để có thể làm chủ công nghệ và hiểu rõ giới hạn của công nghệ.

Chuyển đổi số cũng không thể thành công nếu những người trực tiếp thực hiện việc đào tạo không có đủ kỹ năng sử dụng công nghệ. Giáo viên cần phải hình dung được họ sẽ ‘nhìn thấy’ học sinh của mình học tập như thế nào nếu không trực tiếp gặp mặt và họ có thể nắm bắt và đánh giá được những gì từ phía người học. Tất nhiên trong quá trình này họ luôn phải có sự hỗ trợ đồng hành của các nhân viên kỹ thuật và các chuyên gia công nghệ để đảm bảo việc giảng dạy diễn ra suôn sẻ, trôi chảy. Họ cũng cần có những kỹ năng mới để tổ chức hoạt động giảng dạy, ‘giữ’ được học sinh trong ‘lớp học’, duy trì sự chú tâm của học sinh vào các nhiệm vụ và hoạt động học tập. Họ là yếu tố hàng đầu và quan trọng nhất quyết định sự thành công của đào tạo trực tuyến và quá trình chuyển đổi số.

Nhà trường truyền thống hầu như không có ‘định biên’ cho nhân viên IT. Nhưng khi triển khai đào tạo trực tuyến diện rộng, một số vị trí hành chính không còn, thay vào đó là nhu cầu lớn đội ngũ kỹ thuật viên. Tất nhiên các nhà trường luôn có giải pháp thuê ngoài dịch vụ này nhưng phân bổ chi thường xuyên thay đổi, dẫn tới việc thực hành quản trị và quản lý tài chính nhà trường cũng thay đổi theo.

Yếu tố quan trọng tiếp theo quyết định ý nghĩa của chuyển đổi số là sự sẵn sàng tiếp nhận của người học.


Hình 1 Khung chuyển đổi số trong giáo dục cấp hệ thống.

Khi năm học 2019-2020 bị gián đoạn do dịch Covid-19, chúng tôi đã thực hiện một khảo sát về ‘mức độ sẵn sàng đối với học tập trực tuyến’ với giảng viên và sinh viên đại học. Kết quả khảo sát cho thấy người học có mức độ sẵn sàng để học trực tuyến thấp hơn rất nhiều so với giáo viên. Có tới trên 76% số sinh viên tham gia khảo sát (nhiều ngành và nhiều tỉnh, thành khác nhau) chưa sẵn sàng cho học tập trực tuyến, vì nhiều lý do. Bên cạnh những lý do kỹ thuật như trang thiết bị và hạ tầng viễn thông, có những vấn đề do phương pháp và kỹ thuật giảng dạy của giảng viên đã chưa thuyết phục được người học. Người học cần được chuẩn bị về tâm thế, tinh thần và kỹ năng, và được hỗ trợ để đảm bảo điều kiện hạ tầng thiết bị đủ để thực hiện học tập trực tuyến. Họ cũng cần được hướng dẫn về phương pháp học tập trực tuyến sao cho hiệu quả.

Văn hóa giáo dục số, gồm các vấn về đề thái độ học tập, hiểu biết về đạo đức học thuật, tính tự giác, ý thức về học tập suốt đời (lifelong learning) cũng như cần được xây dựng phát triển trong cộng đồng người học và người dân nói chung. Đối với đào tạo trực tiếp, việc kiểm soát quá trình đào tạo phần lớn thuộc về cơ sở giáo dục và giáo viên, trong khi đối với đào tạo trực tuyến, người học cũng phải chia sẻ nhiệm vụ này.

Cuối cùng, về lâu dài để giáo dục trực tuyến có thể phát triển bền vững, nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo sư phạm cần bổ sung các nội dung và trọng tâm nghiên cứu ứng dụng về giáo dục trực tuyến để hỗ trợ các nhà quản lý và giáo viên phát triển chuyên môn và năng lực.

Trên cơ sở những phân tích này, chúng tôi đề xuất khung định hướng chuyển đổi số cấp hệ thống trong giáo dục gồm 6 yếu tố. Khung này được phát triển có tham khảo khung chuyển đổi số cấp tổ chức do Bumann và Peter (2019) đề xuất (Hình 1)*.

5. Những thách thức: Ai có thể bị bỏ lại phía sau khi chuyển đổi số?

Trước tiên, điều dễ thấy là chuyển đổi số đòi hỏi hạ tầng viễn thông phát triển ở một mức độ nhất định, mà yếu tố này liên quan nhiều đến mức độ phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương. Do vậy, ngành giáo dục không thể đi một mình mà phải đồng hành, phối hợp với các ngành khác. Việc này có thể là thách thức đáng kể bởi họ vốn quen hoạt động và vận hành độc lập.

Thêm vào đó, khi chuyển đổi số phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố bối cảnh, nó là cơ hội cho nhóm đối tượng này, cho địa phương hay quốc gia này lại là thách thức cho đối tượng khác, địa phương và quốc gia khác. Cách thức và quá trình chuyển đổi không có một công thức chung, đòi hỏi lãnh đạo ngành cần phải đề ra chiến lược, giải pháp và lộ trình chuyển đổi riêng cho mình mà không có nhiều sự tham khảo từ kinh nghiệm và thực tiễn từ các ngành khác, các quốc gia khác.

Thứ ba, chuyển đổi số trong giáo dục được kỳ vọng sẽ giúp tối đa hóa hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên nếu bài toán về hạ tầng mạng, thiết bị và giải pháp công nghệ không được đáp ứng, bài toán về chuyển đổi năng lực của giáo viên không được giải quyết, trải nghiệm học tập ‘số’ đối với cả giáo viên và người học có thể trở thành thảm họa. Một loạt các nguy cơ hiển hiện như hành vi học tập có thể bị lệch lạc, hoạt động giáo dục không được kiểm soát; chất lượng giáo dục bị thả lỏng. Sẽ rất nguy hiểm nếu như chúng ta ‘đánh rơi’, để lạc mất người học trong không gian ảo mênh mông.

Vấn đề thứ tư, chuyển đổi số sẽ liên hệ thế nào với câu chuyện bất bình đẳng trong giáo dục. Ta thường nghĩ việc số hóa hoạt động giáo dục sẽ đem lại ‘sự bình đẳng số’ (digital equity) nhờ ưu thế tiếp cận công nghệ không giới hạn không gian và thời gian. Tuy nhiên việc này cũng có thể đào sâu hơn nữa sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền và học sinh có điều kiện kinh tế xã hội (SES) khác nhau. Những học sinh không được tiếp cận hạ tầng viễn thông tốt ở miền núi hoặc vùng nông thôn sẽ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, không chỉ trong tiếp cận giáo dục chất lượng cao mà còn cả giáo dục căn bản như các nguồn tài liệu, học liệu quan trọng cho việc học tập. Những học sinh xuất thân từ những gia đình khó khăn không có những thiết bị tối thiểu hoặc không đủ khả năng chi trả chi phí dịch vụ viễn thông cũng sẽ là đối tượng có nguy cơ tụt hậu.

Học sinh khuyết tật (khiếm thính, khiếm thị hoặc các khuyết tật vận động cản trở thao tác, điều khiển thiết bị) cũng có nguy cơ lớn phải hứng chịu bất bình đẳng số do những vấn đề liên quan tới các yếu tố đầu vào (sách vở, tài liệu, ngôn ngữ, trang thiết bị…) lẫn quá trình giáo dục (thao tác điều khiển, giao tiếp với thiết bị, phần mềm, giáo viên…). Đơn cử việc số hóa tài liệu, học liệu cho nhóm đối tượng phải sử dụng hệ ngôn ngữ riêng như ngôn ngữ ký hiệu chắc chắn sẽ có nhiều hạn chế, không được ưu tiên, gây nhiều bất lợi, thiệt thòi cho nhóm người học này.

Cuối cùng, chuyển đổi số tạo điều kiện phát triển các cộng đồng học tập chuyên nghiệp cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trên quy mô rộng thông qua các diễn đàn trực tuyến. Ngoài ra còn có rất nhiều công cụ hay hỗ trợ giáo viên thiết kế tài liệu, xây dựng bài dạy. Đây được xem là cơ hội phát triển nghề nghiệp chuyên môn rất tốt cho đội ngũ giáo viên, nhưng những công cụ công nghệ này cũng khiến cho việc sao chép, nhân bản hồ sơ, giáo án, bài soạn, thậm chí cả việc đánh giá, nhận xét người học trở nên đơn giản và dễ dàng. Điểm thách thức lớn nhất đối với chuyển đổi số có lẽ là làm thế nào để đảm bảo việc học tập và giảng dạy cũng như các hoạt động giáo dục là thực chất.

Có lẽ còn nhiều vấn đề nữa sẽ nổi lên trong quá trình thực hiện mà chúng tôi chưa lường hết trong phạm vi bài viết này.

Kết luận

Trong giáo dục, chuyển đổi số là chuyển đổi toàn bộ những gì cần để có thể triển khai giáo dục trực tuyến. Không có một công thức dành riêng cho quá trình này, nhưng hoàn toàn có thể vận dụng các khung đánh giá hiệu quả giáo dục cũng như các khung đảm bảo chất lượng giáo dục để định hướng quá trình chuyển đổi. Vai trò lãnh đạo, tổ chức, điều phối, huy động nguồn lực cấp hệ thống sẽ là then chốt quyết định hình hài của giáo dục mới. Bên cạnh việc hướng đến đảm bảo hiệu quả giáo dục, cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi đối tượng người học, kể cả học sinh nghèo và khuyết tật, để không ai bị bỏ lại phía sau là một mục tiêu quan trọng mà chuyển đổi số phải đạt được.□

----------

Chú thích:

* Bumann, Jimmy & Peter, Marc. (2019). Action Fields of Digital Transformation - A Review and Comparative Analysis of Digital Transformation Maturity Models and Frameworks.

 

Đỗ Thị Ngọc Quyên

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 05.02.2021.

Tưởng chừng là giải pháp sáng suốt nhưng việc áp dụng một cách máy móc và cứng nhắc chính sách giáo dục ở chính quốc vào Việt Nam đã dẫn đến thất bại: không thể khai tử nền giáo dục Nho học truyền thống, lại càng không thể ép Việt Nam là một bản sao của chính quốc.

20200926 7
Những cải cách giáo dục của người Pháp ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ đã đặt nền tảng cho sự ra đời của Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise). Nguồn: flickr.

Cùng lúc với những cải cách giáo dục ở chính quốc, các nhà thực dân và các chuyên gia giáo dục thực dân của Pháp cũng bắt đầu thực thi chính sách giáo dục tại Việt Nam. Trong đó, thuộc địa Nam Kỳ sẽ ở trên tuyến đầu của quá trình xây dựng một nền học chính tại Đông Dương, còn quá trình chuyển đổi giáo dục ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ lại diễn ra chậm hơn một mặt do Pháp bình định hai xứ này muộn hơn, mặt khác là hai xứ bảo hộ.

"Pháp hóa trường học" thất bại

Ngay trong buổi đầu bình định Nam Kỳ, người Pháp nhận ra rằng mình phải đối diện với một nền giáo dục Nho học bắt rễ từ hàng ngàn năm trong lịch sử của người Việt và việc phát triển một chế độ giáo dục hoàn toàn mới cho người bản xứ cần phải được tiến hành ngay. Trong thời gian đầu, các đô đốc một mặt phải dựa vào lực lượng giáo sĩ và các trường tôn giáo, cung cấp học bổng, hỗ trợ tài chính cho hoạt động của các trường tôn giáo trước đó, mặt khác tiến hành mở các trường đào tạo thông ngôn cho cả người Việt lẫn người Pháp như các trường Trường Collège d’Adran và Trường Thông ngôn (Collège des Interprètes - từng do Trương Vĩnh Ký làm Chánh đốc học, trường đào tạo giáo viên tiểu học người bản địa như Trường Sư phạm Thuộc địa (Ecole Normale coloniale), đồng thời bắt đầu mở các trường tiểu học thế tục từ năm 1864, phần lớn trong số các trường mới thành lập đó đều do các giáo sĩ phụ trách điều hành. Bên cạnh đó, để xóa bỏ giáo dục cũng như văn hóa truyền thống của người Việt, các Đô đốc cho đóng cửa các trường học truyền thống đồng thời chấm dứt chế độ khoa cử truyền thống kể từ sau kỳ thi Nho học ở Nam Kỳ năm 1864.

Sau khi nền Cộng hòa thứ ba được thành lập năm 1870 ở chính quốc Pháp và Nam Kỳ chính thức trở thành thuộc địa của Pháp vào năm 1874, các nhà thực dân Pháp đã rất hào hứng trong việc xuất khẩu “trường học khai sáng” của nền cộng hòa sang thuộc địa. Để làm được điều đó ngay tại Nam Kỳ, họ sẽ phải dày công “giải Hán hóa” - chuyển Việt Nam từ vùng thuộc ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa sang quỹ đạo ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp.

Để khởi động, chính quyền Pháp ban hành Quy chế Giáo dục ngay trong năm 1874 sau đó thành lập Sở học chính Nam Kỳ năm 1879 nhằm tổ chức lại hệ thống học chính và bước đầu xây dựng hệ thống giáo dục công sau 15 năm chinh phục Nam Kỳ. Tuy vậy, hiệu quả của trường công rất hạn chế khi tỉ lệ người đi học tại đây chưa đến 1% dân số, bất chấp việc Le Myre de Viliers - Thống đốc dân sự đầu tiên, được cho là cực kỳ nhiệt thành với công cuộc khai hóa, Pháp hóa thông qua việc xóa bỏ trường Nho học truyền thống, xóa bỏ chữ Hán làm ngôn ngữ giao tiếp và mở trường Pháp - Việt một cách ồ ạt đồng thời kiên quyết chỉ sử dụng tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ làm phương tiện giảng dạy. Vào năm 1886, dù dân số Nam Kỳ lúc đó vào khoảng 2 triệu người nhưng rút cục số trường hàng tổng và hàng xã chỉ là 300 trường; số giáo viên người Việt là 503; số học sinh các cấp 18.231. Số lượng trường công quá ít nên chế độ giáo dục bắt buộc không thể thực hiện được, bằng chứng là tỉ lệ người học chưa tới 1% dân số 2 triệu người ở Nam Kỳ.

Thêm một thất bại nữa của chính sách giáo dục ở Nam Kỳ cho đến cuối thế kỷ XIX là không những không thực hiện được mục tiêu thế tục hóa giáo dục như đã định mà còn phải chứng kiến số lượng trường tôn giáo tiếp tục tăng: nếu năm 1886 chỉ có 68 trường với 3.567 học sinh thì năm 1892 đã tăng lên 149 trường với 7.490 học sinh (chiếm khoảng 1/2 số học sinh của cả Nam Kỳ). Thậm chí đến những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, chính quyền thuộc địa phương buộc phải dùng “thủ thuật” bằng cách “gạt” các trường tôn giáo (cùng các trường dạy chữ Nho truyền thống) sang hệ thống trường tư thì mới tuyên bố được rằng, nền học chính của xứ này đã hoàn toàn mang tính thế tục vào năm 1904.



Trương Vĩnh Ký đang giảng bài ở Trường thông ngôn. Ông là người thành lập tờ báo tiếng Việt đầu tiên, “Gia Định báo”. Ảnh: Báo GD&TĐ.


Mặt khác, chế độ giáo dục miễn phí cũng chỉ được thực hiện trong thời gian đầu cho các trường thông ngôn và trường sư phạm nhằm thu hút người học. Sau đó vì gánh nặng tài chính nên các trường buộc phải thu học phí, thậm chí còn thu ở mức rất cao. 

Dù đã viện dẫn nhiều lý do lý giải cho thất bại như thiếu nguồn lực kinh tế, điều kiện ngân sách hạn hẹp, thiếu giáo viên được đào tạo hoặc chất lượng giáo viên rất thấp, v.v.. giới thực dân ở thuộc địa không thể phủ nhận nguyên nhân cơ bản nhất cho thất bại của chính sách “Pháp hóa học đường” tại Nam Kỳ, (sau này là cả ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ từ cuối thập niên 1880-1890 trở đi), nằm phía người dân bản địa.

Trong khi đó, đối lập với "sự tầm thường" của hệ thống giáo dục thực dân, giáo dục truyền thống “giống như một con phượng hoàng phục sinh từ đám tro tàn” trong khung cảnh chung của hệ thống giáo dục thuộc địa, mặc cho cảnh “bị công kích mạnh mẽ ở miền Nam, bị kiềm chế và chèn ép ở miền Bắc và miền Trung” như nhận xét của Trịnh Văn Thảo. Số liệu được ghi lại trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ là minh chứng đầy thuyết phục cho sức sống của giáo dục truyền thống: “Mặc dù bị thu nhỏ tới mức tối thiểu ở Nam Kỳ, nơi chỉ còn 487 trường học chữ Nho, nhà trường Khổng giáo tiếp tục hoạt động mạnh không ngờ ở miền Bắc và miền Trung với 15.000 trường hàng xã, thu nhận 200.000 học sinh, chuẩn bị cho 10.000 thí sinh dự các kỳ thi Nho học. Mặt khác, nhìn vào tỉ lệ trẻ em (so với tổng dân số) được đi học tại các trường thuộc địa ở Việt Nam lúc bây giờ càng có thêm căn cứ để đánh giá “sự tầm thường” của hệ thống giáo dục thực dân: Nam Kỳ: 6/10.000, Bắc Kỳ: 9/10.000 và Trung Kỳ: 5/10.000”.

Thất bại “Pháp hóa trường học” của các Thống đốc Nam Kỳ khiến người Pháp bớt đi một chút tự tin, rút kinh nghiệm và điều chỉnh một cách khôn ngoan hơn thông qua hệ thống trường Pháp cho người bản xứ, thường được gọi là trường Pháp - Việt. Đầu thế kỉ XX, Toàn quyền Paul Beau đi đến quyết định: Cải cách giáo dục vào năm 1906. Có thể nói đây là lần đầu tiên và cũng là trường hợp duy nhất trong toàn xứ Đông Dương, Việt Nam có một hệ thống giáo dục hoàn thiện ba cấp dành riêng cho người bản xứ, bên cạnh hệ thống trường Việt truyền thống và hệ thống trường Pháp.

Đồng hóa ngôn ngữ bất thành

Cũng giống như ở chính quốc, quyết tâm chính trị thứ hai của người Pháp ở thuộc địa là “đồng hóa ngôn ngữ bằng tiếng Pháp”. Họ kỳ vọng sẽ đưa tiếng mẹ đẻ thành phương cách hiệu quả nhất để thay đổi tâm lý của một xã hội thuộc địa, qua đó mang lại “sự tiến hóa” cho người dân thuộc địa của Pháp. Muốn truyền bá tiếng Pháp vào Việt Nam, thực dân Pháp phải vượt qua những lực cản khó nhằn: thứ nhất là vấn đề “giải Hán hóa”, cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ đến chữ Hán và văn hóa Hán; thứ hai, nếu theo lý thuyết của “sứ mệnh khai hóa” thì xã hội thuộc địa bị coi là thấp kém, hạ đẳng, tuy nhiên thực tế hoàn toàn trái ngược, như chính Toàn quyền Đông Dương J. Marie de Lanessan thừa nhận: “Có rất ít nước, kể cả những nước văn minh mà việc học được coi trọng cho bằng ở An Nam… không một làng An Nam nào là không có trường học của nó…”. Hay như TS Nguyễn Xuân Thọ đã viết: “Rất lâu trước khi người Pháp đến, người Việt Nam đã có một nền học riêng và trường đại học riêng của mình. Thật vậy, … năm 1070, thành Thăng Long (tức Hà Nội ngày nay) đã chứng kiến hoạt động của trường đại học đầu tiên của nó, 30 năm - trước trường Đại học Bologne (Ý) và 80 năm - trước trường Đại học Sorbonne (Pháp)”.



Khoa thi cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn vào năm 1919. Nguồn: belleindochine.free.fr

Sau gần nửa thế kỷ cai trị, người Pháp vẫn lúng túng, thậm chí bế tắc trong truyền bá tiếng Pháp vào Việt Nam. Có thể thấy rõ điều đó qua các cuộc tranh luận gay gắt ở cả chính quốc lẫn thuộc địa, nhất là những tranh luận tại các Hội nghị về thuộc địa trong các năm 1889-1890 và trong thập niên 1900.

Trong khi chưa thể phổ biến rộng rãi ngay tiếng Pháp, một số nhà giáo dục tiêu biểu như Emile Roucoules, nguyên Hiệu trưởng trường Trung học Chaseloup Laubat ở Sài Gòn và là Phó Chủ tịch Hội nghiên cứu Đông Dương, đề nghị dạy chữ Quốc ngữ với kí tự Latinh sẽ là cầu nối giúp người dân bản xứ tiếp nhận tiếng Pháp nhanh chóng hơn. Emile Roucoules cho rằng “Bất kỳ một biện pháp nào, khi đưa ra thi hành cũng cần một giai đoạn chuyển tiếp”, nhất là đối với việc quảng bá tiếng Pháp một thứ tiếng có hệ chữ viết hoàn toàn khác với hệ chữ viết của thuộc địa lại càng cần phải có giai đoạn chuyển tiếp là chữ Quốc ngữ. Ông chỉ ra ưu điểm lớn nhất của chữ Quốc ngữ so với chữ Nho là dễ học, học nhanh chỉ trong vài tuần, không những thế chữ Quốc ngữ còn giúp hội nhập vào từ ngữ hằng ngày rất nhiều từ tiếng Pháp không có tương đương trong tiếng An Nam. Do vậy, “Dùng chữ Quốc ngữ theo đường hướng chúng tôi đề xướng có lợi điểm tức khắc là không cắt đứt với quá khứ và tạo ra những thói quen tập tục, có thể nói là do áp đặt cũng được, nhưng sẽ được tiếp thu hoàn toàn. Thứ chữ này sẽ là một phương tiện dù chậm nhưng chắc chắn và cần thiết để… từ từ tiêm nhiễm tiếng Pháp không ngừng nghỉ” (Aymonier và cộng sự 2018).

Tuy vậy, nhiều người Pháp khác, với đại diện là Etienne Francois Aymonier,  nguyên là Công sứ tại Nam Kỳ, sau này là Giám đốc Trường Thuộc địa ở Paris, lại phản đối vì lo chữ Quốc ngữ tiềm ẩn nhiều yếu tố chính trị, giúp cho chữ Quốc ngữ phát triển là giúp cho người Việt có được một ngôn ngữ, chữ viết hiện đại một cách độc lập. Ông cực lực phản bác giải pháp Quốc ngữ để “giải Hán hóa” bởi chủ trương của ông ta là chỉ có thể giải Hán hóa bằng chính tiếng Pháp. Do đó, ông kiên quyết dạy tiếng Pháp trực tiếp cho cả trí thức lẫn bình dân vì đó “là phương sách chắc chắn nhất, hữu hiệu nhất để đạt được mục tiêu tối hậu” vừa “giải Hán hóa” vừa “biến người Việt thành người Pháp Á châu”: “Trong chương trình giáo dục chính thức, phải bằng mọi cách thay thế tiếng Hán, vốn đang được truyền dạy đến tận cùng thôn xóm hẻo lánh, bằng tiếng Pháp - ngôn ngữ của những kẻ đi chinh phục với mục tiêu là khiến ngôn ngữ này mỗi ngày một lan tỏa rộng rãi”. Aymonier tin tưởng “nội trong vòng ba thế hệ, nước Pháp mới sẽ phát triển một cách tự nhiên tại Á Đông”, ông tranh biện thêm “Nếu chúng ta không từ từ truyền tiếng nói của chúng ta cho dân bị trị, một cách liên tục và đều đặn, ta sẽ luôn chỉ là người ngoài, là người chủ thô bạo, là người mà trong thâm tâm, họ luôn tìm cách đuổi đi, là những người xâm lăng, những kẻ thù. Đông Dương sẽ chỉ hòn sắt buộc vào chân nước Pháp với một sợi dây xích dài 3.000 dặm… Cái chữ Quốc ngữ kia cầm giữ chúng ta ở vị trí là người ngoài, càng ngày càng tiếp thêm sức nặng cho hòn sắt, theo đà tiến triển của tri thức dân sở tại” (Aymonier và cộng sự 2018).

“Rõ ràng Đông Dương là một trường hợp đặc biệt trong đế quốc Pháp: Là mảnh đất … in dấu ấn những nền văn hóa bác học có lịch sử lâu dài và đồng thời, ở đây có sự hiện diện đầy sức sống của tầng lớp trí thức …Chính vì vậy mà mọi sự xảy ra không như dự kiến: Trong khi ở các thuộc địa khác, trật tự văn hóa tuân theo trật tự chính trị, và cùng với thời gian, công cuộc “khai hóa” trở thành bằng chứng cho tính chính đáng của đế quốc, thì ở Đông Dương, mầm “ghép” văn hóa bắt rễ một cách rất khó khăn, và trường học mới phát triển chậm chạp đến nỗi một số người có trách nhiệm, kể cả ở cấp cao, đã phải công khai đặt câu hỏi về lợi ích của nó”. GS Trịnh Văn Thảo, trong công trình “Nhà trường Pháp ở Đông Dương”.

Có một thực tế trớ trêu là mặc cho các nhà thực dân tranh cãi, nền học chính vẫn do đa số các nhà quản trị người Pháp không nói được ngôn ngữ bản địa điều hành còn người Việt vẫn nói tiếng Việt, thậm chí “chỉ chưa đầy một thế hệ kể từ lúc kết thúc thập niên 1870, sự thay thế chữ Nho bằng chữ Quốc ngữ đã đạt được” (theo Osborne 1969: 102). Do nhận thức được sự tiện dụng và lợi ích to lớn của chữ Quốc ngữ, nhiều người Việt đã thúc đẩy nhau học chữ Quốc ngữ, sử dụng chữ Quốc ngữ để làm phương tiện trao đổi, sáng tác văn chương. Và tất yếu việc sử dụng chữ Quốc ngữ cho mục tiêu chính trị đã bắt đầu nhen nhóm ở nhiều tờ báo bằng chữ Quốc ngữ như Gia Định báo (ấn hành năm 1865), Nam Kỳ (1897), hay Nông Cổ mín đàm (1901), Lục tỉnh Tân văn (1908), mặc dù tất cả đều bị chính quyền Pháp kiểm duyệt gắt gao. Như vậy khía cạnh đồng hóa về ngôn ngữ thông qua giáo dục có thể xem là thất bại.

Thất bại trong chính sách thuộc địa của Pháp ở Algeria cho đến nửa sau thế kỷ XIX tiếp tục lặp lại ở Việt Nam: Thành công rất hạn chế, vừa tốn kém vừa không thể đồng hóa một cách hoàn toàn (theo nghĩa biến người dân thuộc địa thành người Pháp da màu), cũng như việc được trở thành người Pháp (theo luật quốc tịch của Pháp) cũng chẳng hấp dẫn nhiều người dân thuộc địa như các nhà đồng hóa Pháp mong đợi. Thậm chí nó còn có tác dụng ngược: chính sách đồng hóa bị phản bác gay gắt, các Đại hội thuộc địa đều tập trung thảo luận và phê phán coi “‘đồng hóa’ là một trong những từ ngữ nguy hiểm nhất trong từ vựng về thuộc địa” và bị đề nghị thay thế bằng chính sách hợp tác từ khoảng những năm 1890-1900 trở đi với những khuyến nghị là phải tôn trọng các thiết chế bản xứ, các phong tục tập quán và luật pháp của thuộc địa.

Tuy vậy, phát biểu là một chuyện, thực thi tại thuộc địa lại là chuyện khác. Tại Việt Nam, các nhà thực dân, dù chủ trương hợp tác vẫn tin tưởng tuyệt đối vào việc tiếp tục truyền bá tiếng Pháp như là chìa khóa của sứ mệnh khai hóa. Do đó, liên tục vào các năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một loạt các quyết định được thông qua liên quan đến vấn đề ngôn ngữ như quyết định của Hội đồng Giáo dục Nam Kỳ tại cuộc họp ngày 20/9/1897 về việc phổ biến tiếng Pháp đại trà sao cho đến năm 1908 tất cả các văn bản phải viết bằng tiếng Pháp, hay các Nghị định ngày 8/3 và ngày 6/5/1906 liên quan đến việc xóa bỏ chữ Hán. Cuối cùng, đến 1919, triều đình Huế buộc phải tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn nền giáo dục Nho học, chuyển sang Tây học. □

* TS Lý Tường Vântrường ĐH KHXH&NV Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 20.9.2020.

----

Tài liệu tham khảo

1. Số liệu thống kê của cuộc khảo sát do Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp tiến hành năm 1863 (Theo Eugen Weber. 1976. Peasants into Frenchmen: The Modernization of Rural France, 1870-1914. Stanford, CA: Stanford University Press, pp. 67, 71, 73)

2. Thống kê của Paullus và Boinais trong La France en Indochine, Tư liệu Viện Sử học, bản dịch của Nguyễn Gia Phu (Dẫn theo Trần Thị Thanh Thanh. 2014. “Nho học và Giáo dục Công lập ở Nam Kỳ thuộc Pháp thời kỳ 1867-1917”. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh 60: 19-33, tr. 26).

3. J. Besançon (1886).  Rapport sur l' enseignement en Indochine. Tư liệu Viện Sử học, bản dịch của Nguyễn Gia Phu (Trần Thị Thanh Thanh 2014: 26).

4. Dẫn theo Trần Thị Phương Hoa. 2020. “Giáo dục Nam Kỳ từ 1861 đến 1904: Phổ biến chữ quốc ngữ và thế tục hóa trường học” (http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/giao-duc-nam-ky-tu-1861-den-1904-pho-bien-chu-quoc-ngu-va-the-tuc-hoa-truong-hoc). Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2020.

5. Có 2 loại trường ở Nam Kỳ: trường bản xứ (3 cấp I, II và III tương đương với trường hàng tổng, hàng quận và hàng tỉnh) và trường Pháp (sử dụng chương trình hoàn toàn của Pháp chính quốc); Ngoài ra còn có một số trường kỹ thuật, dạy nghề.

6. Trịnh Văn Thảo. 2009. Nhà trường Pháp ở Đông Dương. Hà Nội: Nhà xuất bản Thế giới, tr. 55.

7. Nguyễn Xuân Thọ. 2018. Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897). Hà Nội: Nhà xuất bản Hồng Đức, tr. 541.

8. Aymonier, Etienne Francois và Emile Roucoules. 2018. Chính sách giáo dục của Pháp tại Nam Kỳ cuối thế kỉ XIX. Hà Nội: Nhà xuất bản Thế giới. Bài viết của Roucoules, tr. 123-148.

9. Osborne, Milton E. 1969. The French Presence in Cochinchina and Cambodia, Rule and Response (1859-1905). Ithaca and London: Cornell University Press, tr.102.

Tại sao động lực học tập và những điều hay ho khác vốn gắn liền với các bé khi còn nhỏ lại dần mất đi? Người lớn chúng ta (nhà trường, gia đình và xã hội) đã làm gì cho các em? Có cách nào để giúp các em lấy lại và duy trì động lực không?

20210104 3
Ít ai đề cập đến đề tài “động lực” với trẻ thơ, lứa tuổi trước khi đến trường, bởi động lực là điều tự nhiên, được thiên nhiên ban tặng gắn liền với khả năng học hỏi của con người từ khi mới sinh. Hãy nhìn một đứa bé mở to mắt quan sát, nghe, sờ mó, nếm thử… rồi nỗ lực tự mình học nói, học đứng, học đi…; lớn lên chút nữa, bé đặt hàng ngàn câu hỏi cho người lớn vì tò mò, vì muốn biết. Bé học hỏi một cách tài tình với một động lực tự nhiên thúc đẩy từ bên trong, chứ không vì phần thưởng, vì phong trào, hay bất kỳ điều gì ép buộc từ bên ngoài.

Nhưng rồi điều tự nhiên tốt lành này mất dần theo thời gian, số lượng những câu hỏi ít dần theo năm tháng, theo trình độ lớp. Tại sao động lực học tập và những điều hay ho khác vốn gắn liền với các bé khi còn nhỏ lại dần mất đi? Người lớn chúng ta (nhà trường, gia đình và xã hội) đã làm gì cho các em? Có cách nào để giúp các em lấy lại và duy trì động lực không?

Đã có nhiều nghiên cứu dưới nhiều tiếp cận khác nhau đưa ra những đề nghị, chỉ cho chúng ta những con đường để khơi dậy động lực học tập của các em mà bài viết này muốn trình bày một cách ngắn gọn.

Trước hết cần xác định, động lực đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành bại của việc học (cũng như những việc khác). Có động lực mạnh thì dù có khó khăn đến mấy, người học vẫn có thể vượt qua và thành công. Ngược lại, nếu không có động lực thúc đẩy, thì dù điều kiện có đầy đủ thuận lợi, học sinh vẫn mệt mỏi, vẫn thấy khó khăn và thất bại. Do vậy, theo Giordan (2010) nhiệm vụ chủ chốt của giáo dục nói chung, của giảng dạy trong trường học nói riêng nên là một nghệ thuật, một công việc tạo ra động lực, truyền cảm hứng, kích thích sự tò mò, sự mong muốn khám phá vốn có nơi trẻ. Động lực được ví như một đóa hoa, nhưng lại là đóa hoa mỏng manh, cần được kiên nhẫn chăm chút với sự tôn trọng (Hourst, 2014). Môi trường và công việc giáo dục ở trường cũng như ở nhà nên có mục đích nhắm tới là giúp trẻ có được điều này.

Chân dung học tập và động lực

"Chân dung học tập" của một cá nhân bao gồm trong đó mạng lọc thông tin của cá nhân, môi trường học tập và các loại hình thông minh của cá nhân đó. Mỗi trẻ là một chủ thể duy biệt nên chân dung học tập cũng mang tính duy biệt. Trong bài “Người học là ai?1”, tôi đã nhấn mạnh khía cạnh sinh học, đặc biệt là cách vận hành của não bộ và mạng lọc thông tin, cách tiếp nhận kiến thức của cá nhân. Ở đây tôi xin được bàn đến các khía cạnh còn lại làm nên chân dung này.

Môi trường phù hợp rất quan trọng trong việc tạo ra và duy trì động lực học tập. Theo Hourst (2014), môi trường này gồm các yếu tố vật lý, cảm xúc, xã hội và trí tuệ.

Trước hết là môi trường vật lý: đó là vị trí không gian, sự bài trí của góc học tập, ánh sáng, âm thanh, mùi vị, tư thế. Chẳng hạn có học sinh cần yên tĩnh thì mới có thể tập trung, có em lại cần tiếng nhạc thì mới có thể học. Có học sinh ngồi yên, nhưng cũng có em (nhất là các trẻ thiên về vận động) phải đi qua đi lại, gác chân lên bàn, nhảy trên giường, thì mới có thể học…Để giúp học sinh khám phá ra bản thân, nên đặt câu hỏi: Cái gì, điều gì quan trọng với em liên quan đến không gian và môi trường vật lý xung quanh?


Học sinh cần phải biết mục tiêu, mục đích của việc học tập các môn này để làm gì? mục tiêu ngắn hạn dài hạn là gì? Trong ảnh: Học sinh nghe giảng về kiến thức sinh học ngay trong vườn trường. Ảnh: Trường THCS Thạnh Mỹ Lợi. 

Môi trường cảm xúc liên quan đến những điều làm trẻ vui, buồn, cảm thấy an toàn, tự tin, hay làm trẻ lo lắng sợ hãi. Để giúp học sinh khám phá, hãy đặt với các em những câu hỏi: học sinh đánh giá cao khi người khác làm gì cho bản thân? Chẳng hạn người khác động viên, nêu ra những thành công, để ý đến những cảm xúc của em, hỗ trợ em lúc gặp khó khăn; hay nêu ra những khuyết điểm, để em tự xoay xở, nghiêm túc với em, đặt ra cho em những giới hạn, để em yên tĩnh khi không thành công… Mỗi trẻ mỗi khác, nên cần phát hiện ra cái riêng của từng trẻ. Điểm chung liên quan đến khía cạnh này là người lớn nên tạo cho con em mình một môi trường cảm xúc an toàn, nhiều yêu thương, giúp trẻ tự tin, có một hình ảnh tích cực về bản thân. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng “học sinh sẽ hành động, dấn thân vào việc học,  khi chúng cảm thấy tự tin, cảm thấy mình có khả năng tiến bộ, có năng lực học hành, cảm nhận được hỗ trợ, được công nhận với những tài năng, năng khiếu riêng của mình (Baumier-Klarsfeld, 2016, tr. 233).

Môi trường xã hội là những yếu tố liên quan đến sự tương quan với người khác trong việc học tập, chẳng hạn để học một cách hiệu quả, trẻ thích học với các bạn, với giáo viên, trẻ thích hợp tác, thích cạnh tranh thi đua, thích đặt các câu hỏi, hay thích học một mình, học với sách, tài liệu. Những học sinh nghiêng về trí thông minh giao tế xã hội, sẽ rất thích học tập, cộng tác với người khác, nhưng những đứa trẻ thiên về nội tâm, lại thích học, tự tìm tòi, tự suy ngẫm, nghiên cứu một mình.

Môi trường trí tuệ liên quan đến cách thức đón nhận thông tin của trẻ. Người lớn có thể đặt câu hỏi để tìm ra cái riêng của con em mình là: Trẻ tiếp nhận thông tin trong điều kiện thế nào là hiệu quả nhất? Trẻ chỉ có thể khám phá, đón nhận một thứ trong một lần, hay nhiều thứ cùng lúc? Trẻ thích một tiếp cận có trình tự, được cấu trúc chặt chẽ kiểu I, II, III rồi 1.1, 1.2, 1.3… hay một tiếp cận toàn diện, nhiều quan điểm cùng lúc? Trẻ thích tiếp cận lý thuyết trước sau đó là các ví dụ cụ thể, hay thích những ví dụ trước sau đó mới đúc kết thành lý thuyết sau? Trẻ thích sự hài hước nhiều nghịch lý trong cách trình bày của giáo viên hay thích sự duy lý, nghiêm túc? Trẻ thích chia sẻ quan điểm với người khác hay thích đặt những câu hỏi về những điều được học với người khác?

Mỗi học sinh là một chủ thể duy biệt, và sự duy biệt này cũng thể hiện trong môi trường học tập với bốn khía cạnh như đã nêu. Không có một môi trường lý tưởng chung dành cho tất cả học sinh, mà cần “khác biệt hóa” trong việc thiết kế nên những môi trường lý tưởng với từng trẻ. Khi người lớn cùng trẻ tạo ra một môi trường lý tưởng phù hợp và tôn trọng sự duy biệt nơi con em mình, thì trẻ sẽ luôn có động lực vì được là chính mình trong cách học và cuộc sống nói chung.

Một yếu tố bổ sung trong chân dung học tập, là các loại hình thông minh của trẻ. Nhà tâm lý học người Mỹ Howard Gardner (xem Thomas, 1999) đã đưa ra lý thuyết đa thông minh, lý thuyết này được công nhận và áp dụng ngày càng rộng rãi trong giáo dục trên thế giới. Theo đó, mỗi cá nhân đều sở hữu một chậu hoa thông minh trong đó có tám cành hoa: ngôn ngữ, toán – logic, thiên nhiên, vận động, âm nhạc, giáo tiếp xã hội, nội tâm, không gian – thị giác. Có những cành đã nở hoa khoe sắc, tức là những loại hình thông minh nổi trội, đã hiển lộ, dễ dàng nhận thấy; nhưng cũng có những cành đang ở dạng búp, chờ ngày nở hoa, tức là những hình thức thông minh đang ở dạng tiềm ẩn, cần được khám phá, chăm bón, tạo điều kiện để phát triển. Nhà trường và gia đình cần giúp từng học sinh khám phá ra chậu hoa các trí thông minh của mình để có cách thức chăm sóc phù hợp nhằm làm cho cả chậu hoa nở rộ, tô đẹp cho chính học sinh và cả xã hội. Đó cũng là một trong những cách thức tạo ra và duy trì động lực học tập nơi trẻ.

Trách nhiệm và động lực

Trẻ sẽ có động lực khi thấy mình có liên quan và có trách nhiệm với việc học. Như vậy, người lớn phải làm sao để trẻ cảm thấy có sự liên đới, thấy mình chính là “tác giả” hay đồng tác giả của những gì được học, của những mục tiêu, các kế hoạch học tập, cũng như nội dung chương trình giảng dạy, chứ không phải là “tờ giấy trắng” thụ động, chịu sự áp đặt hoàn toàn của người lớn.

Để có điều này, cha mẹ, giáo viên nên thường xuyên làm cho trẻ suy nghĩ về mục tiêu, ý nghĩa và các lợi ích của sự học. Chẳng hạn làm cho trẻ thấy được việc học một điều cụ thể nào đó giúp ích gì cho trẻ, liên quan gì đến trẻ ngay hiện tại và trong tương lai. Hay nói cách khác, cùng trẻ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi căn bản: Học để làm gì? Câu trả lời phải đơn giản, phù hợp với lứa tuổi và liên quan đến cuộc sống hằng ngày của trẻ, ví dụ, học tiếng Việt là để có thể đọc được những nhãn dán trên các sản phẩm khi con đi siêu thị, để đọc những cuốn sách con yêu thích, để trả lời email, tin nhắn của bạn bè; học toán để biết tính tiền túi khi mua một món đồ, để biết cộng các khoản chi tiêu trong gia đình hằng tháng, v.v.

Liên quan đến cách học cũng vậy, để làm cho trẻ thấy mình có sự liên đới, người lớn có thể đặt câu hỏi: “Theo con, làm thế nào để học được điều này một cách tốt nhất ?” Từ những trả lời của trẻ, người lớn giúp trẻ tìm ra những cách học tốt nhất phù hợp với từng em, và từng vấn đề cụ thể như đã trình bày ở trên.

Tóm lại, người lớn không lảng tránh những câu trả lời khi trẻ đặt ra các câu hỏi về việc học, về cách học. Và nếu trẻ không đặt các câu hỏi thì người lớn nên thường xuyên đặt câu hỏi với trẻ để giúp trẻ suy nghĩ về mục tiêu và ý nghĩa của những điều đang học. Nếu cả trẻ và người lớn tìm không ra lợi ích, ý nghĩa của một môn học, của một kiến thức nào đó với chính trẻ ở hiện tại hay trong tương lai một cách rõ ràng, thì nên xem xét lại nội dung chương trình giảng dạy.

Mục tiêu học tập và động lực

Học sinh sẽ cảm thấy có trách nhiệm và có động lực, khi các em có mục tiêu học tập rõ ràng. Mục tiêu (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn) đó phải là của trẻ, xuất phát từ trẻ, chứ không phải là của cha mẹ, giáo viên hay nhà trường. Nếu mục tiêu chỉ là sự áp đặt một chiều đến từ người lớn, thì trẻ sẽ không có động lực bởi lúc đó học sinh sẽ thấy học hành là vì người khác và cho người khác chứ không phải vì bản thân và của bản thân. Mục tiêu phải khả thi, có một chút tham vọng, và liên quan đến lợi ích của học sinh. Thay vì áp đặt, người lớn cần tin tưởng vào trẻ, vào khả năng tự đánh giá bản thân nơi trẻ, cùng trẻ xây dựng các mục tiêu, để trẻ tự quyết tham gia các hoạt động giáo dục, thể hiện bản thân.

Người lớn có thể đặt những câu hỏi như: mục tiêu của trẻ với môn học này (với học kỳ này, năm học này hay cấp học này) là gì? Tại sao trẻ lại muốn như thế? Từ những câu trả lời, người lớn có thể bàn thảo, góp ý với trẻ, cùng trẻ thiết kế nên những mục tiêu phù hợp với bản thân, làm cho trẻ thấy được chính trẻ là tác giả, hay ít nhất là đồng tác giả của những mục tiêu học tập, chứ không phải học vì người khác hay cho người khác.

Xét về mặt não bộ, “khi trẻ phải chọn một nhiệm vụ và những thứ cần để hoàn thành nhiệm vụ này, trẻ sẽ cảm thấy có sự liên đới nhiều hơn, trẻ sẽ có một cái nhìn tích cực về việc học, về mục tiêu của mình. Có sự phóng thích của hai chất endorphin (dopamine và serotonin), chúng liên quan đến trạng thái tự tin và mức độ thấp của stress. Ngược lại, khi trẻ thiếu đi sự lựa chọn, trẻ sẽ cảm thấy bị gò bó; bộ não sản sinh ra chất dẫn truyền thần kinh (chất cường giao cảm / norepinephrine) có hiệu ứng ức chế mạnh. Trong tình trạng này của não bộ, tinh thần đi xuống, hiệu quả học tập kém, động lực bị suy sụp” (Hourst, 2014, tr. 174).

Kết luận

Động lực học tập nơi học sinh không bao giờ phát triển theo một đường thẳng từ dưới lên, mà là một đồ thị hình sin, có lúc lên cao, tinh thần khí thế hừng hực, nhưng cũng lắm lúc đi xuống, tinh thần chán nản, cơ thể mệt mỏi. Điều quan trọng là giúp trẻ ý thức được ý nghĩa của việc học, ý thức được tâm trạng lên xuống là điều bình thường, ý thức được những thứ xung quanh có thể tác động lên cảm xúc và suy nghĩ của bản thân, có được những kỹ thuật (như hít thở, yoga, nghỉ ngơi, những động tác thư giãn…) để lấy lại năng lượng, điều chỉnh tinh thần, lướt thắng những khó khăn, những cảm xúc tiêu cực và sự nhụt chí nhất thời, duy trì một mũi tên động lực phát triển đi lên xét về đường dài.

Người lớn cũng cần phân biệt giữa chuyện con em mình thiếu động lực và chuyện thiếu kỹ năng, chẳng hạn trẻ không biết làm thế nào để chủ động sắp xếp việc học, việc nhà…). Trong trường hợp thiếu kỹ năng, người lớn cần huấn luyện kỹ năng cho trẻ (đây lại là một chủ đề khác).

Tóm lại, khi người người lớn chúng ta thực sự đặt trẻ làm trung tâm, thật sự quan tâm đến lợi ích của trẻ, thực sự tôn trọng sự duy biệt nơi trẻ, xem trẻ là một chủ thể chủ động tương tác, và tham gia vào quá trình trình giáo dục, từ việc xác định nội dung chương trình, mục tiêu học tập, môi trường học tập và cách thức học tập, thì trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng, có sự liên đới, có trách nhiệm và những điều này mang lại động lực bên trong, có tính lâu dài nơi trẻ.

Việc giúp học sinh tìm ra “chân dung học tập” của riêng mình và cho phép các em học hành với chân dung đó, là công việc của người làm giáo dục (giáo viên, phụ huynh và những tác nhân khác). Công việc này cần “khác biệt hóa”2, bởi không có một mẫu số chung, một chân dung lý tưởng chung dành cho tất cả các trẻ. Đây là công việc thuộc nội dung “học về sự học”3, chứ không phải là việc truyền tải kiến thức.

Công việc này là một nghệ thuật, phải được thực hiện với từng con người cụ thể riêng biệt, chứ không phải là một công thức chung được áp đặt hàng loạt. Sự áp đặt đồng loạt là cách hủy hoại nhanh nhất động lực của cá nhân, làm ức chế, ngăn cản khả năng tiềm tàng của hàng triệu bộ não trẻ thơ vốn được Thượng đế ban tặng một cách hào phóng và công bằng. Áp đặt cũng không phải là cách để hệ thống giáo dục tạo ra những triết gia, những nhà khoa học, những nhà nghệ thuật với những phát minh, phát kiến, những đóng góp lớn cho đất nước và thế giới.θ

Nguyễn Khánh Trung

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 30.12.2020.

 

Chú thích:

1 Đăng trên Tia Sáng (số 13, ngày 5/7/2020).

2 Tác giả đã trình bày trong bài “Khác biệt hóa trong giáo dục” đăng trên Tia Sáng (số 14 ngày 5 /8/2020).

3 Tác giả đã trình bày trong bài “Học về sự học” đăng trên Tia Sáng (số 15 ngày 5 /9/2020).

 

Tài liệu tham khảo

Baumier-Klarsfeld, A. (2016). Réveiller de désir d’apprendre. Paris: Albin Michel.

Hourst, B. (2014). J’aide mon enfant à mieux apprendre. Paris: Eyrolles.

Giordan, A. & Saltet J. (2010). Changer le collège c’est possible!  Paris: Play Bac Éditions.

Thomas, A. (1999). 7 loại hình thông minh – Nhận biết và phát triển trí năng tiềm ẩn (Dịch bởi Mạnh Hải và thu Hiền, 2018). Hà Nội : Nxb : Lao Động – Xã hội.

Cá nhân nào cũng phải học và quốc gia nào cũng phải tổ chức dạy và học. Quan niệm về sự học và cách thức học tập khác nhau đã tạo ra nguồn chất lượng con người khác nhau và do đó, tạo ra vị trí của các quốc gia cũng khác nhau.

20200920

Trẻ cần được học tranh luận, đóng vai, thuyết trình, biện luận... “học về cách học” chứ không chỉ học kiến thức. Nguồn ảnh: Thanh niên. 


Lẽ thường, khi chúng ta muốn bắt tay khởi sự việc gì, nhất là những việc hệ trọng, thì chúng ta sẽ học về cách để làm điều đó. Chẳng hạn muốn mở một công ty thì cần học về cách thức quản trị, tiếp thị, gọi vốn… Càng học kỹ càng về những điều này, người ta càng có cơ hội thành công. Thế nhưng logic thông thường này lại không được áp dụng cho sự học, nhất là tại Việt Nam như lâu nay, mặc dù sự học là quan trong và mang tính lâu dài đối với cá nhân và xã hội như đã nói. Người lớn cứ chăm bẵm chuyển tải các kiến thức cho trẻ em, bắt các em học, thâu nạp những gì người lớn muốn, mà không lưu ý trang bị cho học sinh các năng lực để các em biết cách học thế nào, sử dụng phương pháp nào, công cụ nào, nguồn lực nào phù hợp với bản thân nhằm tự xây tạo nên “vốn văn hóa” của mình một cách đúng và hiệu quả nhất. Nghĩa là nhà trường chưa quan tâm đủ về việc dạy và học về chính sự học (apprendre à apprendre).

Học về sự học là gì?

Sự học là bao la, nên cũng có vô số điều đáng nói khi bàn đến việc học thế nào. Người học là duy biệt xét về nhiều mặt1 nên cần khác biệt hóa trong cách thức tổ chức giảng dạy2, và cả trong phương cách học tập. Vậy nên, học về sự học trước hết là học về bản thân: học nhận diện các đặc điểm tâm thể lý, loại hình thông minh nổi trội và tiềm ẩn, cách thâu nhận thông tin… để tìm ra “chân dung học tập” của riêng mình; đó còn là việc học về não bộ, học để tự tin, học cách tập trung, học cách tự chăm sóc cơ thể, học cách giữ cân bằng trong cuộc sống, học cách chống stress, cách bảo vệ mắt, tai và lưng, cách tự bơm thêm động lực. Học về sự học còn là học về cách thức thức tổ chức, học tập thế nào ở trường, ở nhà và ở ngoài xã hội một cách hiệu quả nhất, chẳng hạn học về phương pháp, về những điều cụ thể như học cách đọc, cách viết, cách tra từ điển, cách trình bày, thuyết phục người khác, cách phản biện, cách đặt câu hỏi, cách đặt giả thuyết, cách tra cứu và kiểm chứng thông tin, cách chuẩn bị ba lô đến trường, cách nói chuyện với thầy cô giáo và cha mẹ, cách làm việc nhóm, cách tự chủ, cách nhờ sự hỗ trợ của người khác khi cần, cách thi cử, cách lập kế hoạch trong học tập và cuộc sống … (Xem Giordan, 2016).


Trong chương trình cải giáo dục hiện nay của các nước mà tôi biết như Pháp, Phần Lan và cả Việt Nam, Học về sự học đã được nhấn mạnh rất nhiều. Tôi xin lấy giáo dục Pháp như một ví dụ.

Vị trí của học về sự học trong chương trình, nội dung giảng dạy tại Pháp

Chương trình cốt lõi mới của giáo dục phổ thông Pháp được áp dụng từ năm học 2017 – 2018 bao gồm năm lĩnh vực, cụ thể:


Lĩnh vực 1: Các ngôn ngữ để tư duy và truyền thông trao đổi với nhau;


Lĩnh vực 2: Các phương pháp và công cụ để học tập (học về sự học);


Lĩnh vực 3: Đào tạo con người và công dân;


Lĩnh vực 4: Các hệ thống tự nhiên và kỹ thuật (các kiến thức và kỹ năng về khoa học tự nhiên và kỹ thuật)


Lĩnh vực 5: Các biểu trưng của thế giới và hoạt động của con người.


Trong 5 lĩnh vực, thì lĩnh vực 2 liên quan đặc biệt đến “học về sự học". Các kỹ năng liên quan không gói gọn trong một môn học hay một vài chuyên đề mà là một phần nhiệm vụ chính yếu của toàn bộ chương trình, thể hiện bằng những yêu cầu về kỹ năng và được đo lường, đánh giá một cách cụ thể thông qua từng bài học trong tất cả các môn học và các hoạt động học tập.


Dưới đây, tôi xin lấy sách “Lịch sử – Địa lý – Giáo dục đạo đức và công dân lớp 6”, xuất bản năm 2016, đang được sử dụng tại Pháp như một ví dụ để làm rõ hơn cách người Pháp triển khai giáo dục các kỹ năng này cho học sinh của họ một cách cụ thể thế nào.




Tóm tắt chương trình tổng thể Pháp và 1 trang sách giáo khoa môn lịch sử. 

Ngay sau phần giới thiệu về các tác giả (có trên 200 tác giả tham gia và số đông là các giáo viên phổ thông đang trực tiếp giảng dạy, với sự cộng tác của hầu hết tất cả các Phòng giáo dục (academie) địa phương trong nước) là 16 trang giới thiệu về cơ cấu, tóm tắt nội dung, cách tiếp cận, cách thức đánh giá, cách thức sử dụng cuốn sách và phương pháp học dành cho học sinh.


Sách căn dặn học sinh với những điều rất cụ thể chẳng hạn như: - Tớ xem thời khóa biểu và lịch của mình để chuẩn bị ba lô vào tối hôm trước; - Trong ba lô, tớ luôn mang theo hộp đựng đồ dùng học tập, sổ liên lạc, lịch, vở nháp và một số giấy trắng để làm bài kiểm tra ...


Sách đề nghị học sinh cần phải làm thế nào khi ở trường và ở nhà, chẳng hạn:  - Tớ nghỉ một chút khi ở trường mới về trước khi làm bài tập; - Tớ học ở những nơi yên tĩnh; - Tớ lấy lịch và hộp đựng đồ dùng học tập ra; - Tớ tắt điện thoại di động, máy tính, truyền hình… (tr. 18).


Xuyên suốt các bài học trong sách có năm hoạt động: tranh luận, đóng vai, thuyết trình, biện luận và thực hiện những chọn lựa và nghiên cứu. Từ khóa chính trong từng trang sách là “compétence” (năng lực, kỹ năng). Các năng lực được chia thành bốn mức khi đánh giá học sinh: mức 1 là chưa đạt; mức 2 là còn yếu; mức 3 là thỏa mãn và mức 4 là đạt.


Nhiệm vụ của mỗi phần, mỗi chương sách là trang bị cho các học sinh một số năng lực cụ thể, đó là các năng lực về làm việc nhóm, các năng lực của nhà nghiên cứu như biết đặt câu hỏi, thiết lập các giả thuyết, kiểm chứng, biện luận, khai thác các tài liệu, xác định thời gian, không gian, viết, trình bày…

Phần cuối của mỗi chương luôn có phần bài tập và phần để các học sinh tự đánh giá một số năng lực của bản thân. Trong các phần luôn có hộp thông tin (box) quan trọng dẫn các em đến các trang web để tải một ứng dụng miễn phí nhằm sử dụng vào việc học hay để làm bài tập, xem một phim tài liệu, một bộ sưu tập của bảo tàng số…


Xin lấy chương (bài) 1 “Khởi đầu của loài người” để trình bày rõ hơn.


Trong bài có các phần:


Trước hết là giới thiệu cách học với những yêu cầu, chỉ dẫn như : chỉ dẫn học sinh truy cập web để xem video tài liệu "Sự phiêu lưu của những con người đầu tiên", theo dõi các phát hiện mới nhất của những phát hiện mới nhất của các nhà nghiên cứu sinh học cổ và khám phá những sưu tầm mới của bảo tàng về Con Người; một bài trắc nghiệm ngắn để giúp học sinh nhận biết những gì mình có liên quan đến chủ đề ; mục tiêu của bài học và những năng lực mà học sinh sẽ phải đạt được thông qua việc học bài này: năng lực 1: biết và sử dụng được các thuật ngữ thích hợp; năng lực 2: sử dụng được một tài liệu; năng lực 3: làm việc nhóm; và năng lực 4: biết tự định vị trong thời gian. (tr. 24 – 25).


Phần kế tiếp là trình bày những kiến thức nền tảng giúp học sinh làm căn cứ với những hình ảnh, sơ đồ, bản đồ, số liệu, mốc thời gian và một “hồ sơ nghiên cứu” (dossier – enquete). Trong box đầu của phần này, học sinh được yêu cầu nhập vai như thành viên của nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra bộ xương hóa thạch năm 1984 có biệt danh là “Thiếu niên Turkana”. Nhiệm vụ của học sinh là làm việc nhóm để nghiên cứu và trình bày kết quả bằng một bài viết.


Để giúp học sinh làm điều này, trong một box khác, các tác giả sách giáo khoa đem ra những câu hỏi cụ thể chẳng hạn: Cái gì? Ở đâu? Trong tình trạng nào? Trong lớp đất nào? Tương ứng với thời kỳ nào? Học sinh có thể tìm các thông tin trong các mục sau đó như giới thiệu địa điểm khai quật phát hiện ra bộ xương, so sánh với các bộ xương người tiền sử khác, các công cụ lao động đầu tiên của người tiền sử. Sách cũng không quên hướng dẫn các học sinh tải ứng dụng để làm cho bài viết đẹp hơn với yêu cầu trình bày ngắn gọn bằng ngôn ngữ của lớp 6.


Phần cuối bài là một box gút lại với nội dung "Hoan hô! bằng cách thực hiện nghiên cứu này, tớ đã học được: -  làm việc nhóm;  -  tự đặt các câu hỏi và thiết lập cá giả thuyết; - kiểm chứng phương pháp của mình và biện luận". (tr. 19).


Như vậy có thể thấy, học sinh không bị yêu cầu học thuộc lòng các kiến thức có sẵn để đi thi, mà học để có năng lực, học phương pháp, học cách tư duy và thực hành của các nhà khoa học. Sách dành nhiều nội dung để chuyển tải các kỹ năng liên quan đến học về sự học, từ những công việc đơn giản như chuẩn bị cặp vở thế nào, cho đến công việc của các nhà khoa học như cách viết một bài báo khoa học thế nào. Học xong bài học, điều quan trọng không phải là các em phải nhớ các ngày tháng và những thông tin cụ thể liên quan đến các sự kiện lịch sử, mà biết cách tìm kiếm, thẩm định những thông tin đó, biết công việc của các nhà khảo cổ học, các nhà sử học thế nào. Tức là biết con đường và biết cách sử dụng các công cụ để tìm kiếm và công bố các kiến thức của mình.

Chương trình mới của Việt Nam

Cũng giống như Pháp và các nước khác, năm 2018, Bộ Giáo dục đã chính thức ban hành Chương trình Giáo dục Phổ thông tổng thể mới theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, theo đó có 5 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần phát triển nơi học sinh. Các năng lực liên quan đến “học về sự học” được thể hiện ở nhiều điểm, đặc biệt trong phần “tự học, tự hoàn thiện”, chẳng hạn như các yêu cầu đối với học sinh cấp trung học cơ sở là:


- Tự đặt được mục tiêu học tập để nỗ lực phấn đấu thực hiện. - Biết lập và thực hiện kế hoạch học tập;  lựa  chọn  được  các  nguồn  tài liệu học tập phù hợp; lưu giữ thông tin  có  chọn  lọc  bằng  ghi  tóm  tắt, bằng bản đồ khái niệm, bảng, các từ khóa;  ghi  chú  bài  giảng  của  giáo viên theo các ý chính.


- Nhận ra và điều chỉnh được những sai sót, hạn chế của bản thân khi được giáo viên, bạn bè góp ý; chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của người khác khi gặp khó khăn trong học tập.



Bộ Giáo dục có thể phân quyền đủ cho các giáo viên sáng tạo trong công việc hằng ngày của họ không? Ảnh: Tập huấn “Giáo dục phát triển năng lực và triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới” của Bộ Giáo dục. Nguồn: MOET.

Trích dẫn trên là những điểm tiến bộ mà chương trình tổng thể mới đã đạt được về mặt lý thuyết. Điều quan trọng là những nội dung này sẽ được triển khai, chuyển tải thế nào trong các bộ sách giáo khoa mới sau này và trong thực hành giáo dục tại các cơ sở.


Điều đáng lo là hệ thống giáo dục của chúng ta lâu nay vận hành trong một cơ chế tập quyền với một chương trình, một bộ sách giáo khoa, thậm chí là một sách giáo án. Các cán bộ quản lý địa phương, các hiệu trưởng và các giáo viên được “bao tiêu” gần như toàn bộ kể cả tư duy. Liệu những con người quen với văn hóa “đồng phục” này có thể thay đổi thực sự trong cách nghĩ và cách làm chỉ qua những khóa bồi dưỡng ngắn hạn? Các trường sư phạm đã và đang đào tạo các giáo viên thế nào, các giáo sư đào tạo các giáo viên “thế hệ mới” liệu có mới thực sự không? Bộ Giáo dục có phân quyền đủ để các giáo viên có thể sáng tạo trong công việc hằng ngày của họ không?


Tập tính tập thể và thói quen cá nhân cũ đã ăn sâu bám rễ từ nhiều năm, sức ì của nó là rất lớn. Tôi sợ rằng quán tính của hệ thống cũ sẽ nghiền nát tất cả các cố gắng đổi mới nếu chúng ta không có cách làm phù hợp.


Tóm lại, làm việc gì, nhất là những việc quan trọng, muốn thành công thì nhất thiết phải học cách làm, học phương pháp làm. Học – dạy lịch sử thì không những học cách thâu nhận các kiến thức lịch sử một cách hiệu quả, mà còn để tập tành cho các em các kỹ năng và khả năng của các nhà sử học: biết nghiên cứu, biết đọc các dữ liệu lịch sử, biết phản biện và tư duy độc lập, biết trình bày bằng văn bản và bằng lời các vấn đề lịch sử.


Nắm bắt phương pháp học là một sự giàu có nơi người học. Khi người học hiểu biết về bản thân, hiểu biết về sự học, nắm chắc cách học, cách nghiên cứu thì họ có thể tự học mọi nơi và suốt đời. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong thời đại thông tin và kỹ thuật số hiện nay, cũng như bản chất duy biệt của từng học sinh.


Không phải ngẫu nhiên mà người trẻ tại các nước phát triển nói chung và Pháp nói riêng thường tỏ ra tự chủ, có chính kiến, biết làm việc nhóm và hợp tác với người khác một cách hiệu quả. Trong khoa học, họ có nhiều phát minh, nhiều công bố quốc tế,… vì tất cả những điều này đã được luyện tập rất kỹ trong chương trình giáo dục phổ thông mà những điều trình bày trên là một minh chứng. □

Nguyễn Khánh Trung

Nguồn: Tạp chí Tia sángngày 14.9.2020.

---

1 Tác giả đã trình bày trong bài viết “Người học là ai?” đăng trên Tia Sáng (số 13, ngày 5/7/2020).

2 Tác giả đã trình bày trong bài “Khác biệt hóa trong giáo dục” đăng trên Tia Sáng (số 14 ngày 5 /8/2020)

Tài liệu tham khảo

Giordan, A. (2016). Học thế nào bây giờ - Chiến lược phát triển bản thân và thành công trong việc học dành cho học sinh cấp 2 (Nguyễn Khánh Trung dịch năm 2017). Hà Nội: Nxb: KHXH.

Blanchard, E., & Mercier, A., và cộng sự. (2016). Histoire – Geographie – Enseignement moral et civique. Lyon: Editeur de manuels scolaires collaboratifs et innovants.

Sahlberg, P. (2015). Bài học Phần Lan 2.0 (Đặng Việt Linh dịch năm 2016).

Bộ Gd & ĐT. (2018). Chương trình giáo dục phổ thông – Chương trình tổng thể.

Bộ GD & ĐT. (2018). Chương trình giáo dục phổ thông – Môn lịch sử.

Cách làm trong đổi mới giáo dục của ta khác với Phần Lan. Người Phần Lan chủ trương đổi mới các trường và khoa sư phạm trước khi đổi mới giáo dục phổ thông của họ rất lâu. Chính những giáo viên thế hệ mới được đào tạo chất lượng này là những chủ thể chính phát động, thúc đẩy, và triển khai các thay đổi (Pasi Sahlberg, 2016), chứ những thay đổi không đến từ trên và các giáo viên phải chạy theo một cách thụ động.

Vụ bán bằng giả ở Đại học Đông Đô không chỉ là một vụ án đơn thuần mà nó là hồi chuông báo động về chủ nghĩa bằng cấp ở Việt Nam hiện nay, thứ đang biến con người trở thành nô lệ của bằng cấp thay vì tham chiếu trên chính năng lực thực.

Lối tắt bằng giả

Trên mạng xã hội nổi tiếng Quora từng có một câu hỏi khá thú vị như thế này: Nếu cố nhà sáng lập của Apple là Steve Jobs không có bằng đại học, vậy thì tại sao mọi người lại cần bằng đại học để được nhận vào làm việc cho tập đoàn này?

Câu trả lời nhận được nhiều nút đồng tình (upvote) nhất có nội dung như sau: “Hãy tạm bỏ qua chuyện trình độ của Steve Jobs, chắc bạn cũng đồng tình rằng công việc của bộ phận tuyển dụng là “tìm ra ứng viên phù hợp”.

Bây giờ, khi một công ty nổi tiếng như Apple tuyển bất kỳ vị trí nào, tôi đoán là họ có thể nhận được cả trăm hồ sơ cho một vị trí việc làm, giờ thì ta có một thách thức cho bộ phận nhân sự. Làm thế nào bạn có thể lọc được những người này, những người bạn thậm chí có thể muốn phỏng vấn hoặc không? Nếu bạn phải phỏng vấn tất cả các ứng viên, nó có thể tốn rất nhiều giờ.

Vì vậy, bạn cần một số loại chỉ số mà bạn có thể sử dụng như một công cụ kiểm tra để lọc ra những người bạn muốn trò chuyện. Và may/hoặc không may là trong thế giới hiện đại, điều này được gọi là bằng cấp.

Tất nhiên, bạn sẽ luôn tìm thấy những người tài năng, những người chưa từng đến một lớp học nào ở bất kỳ trường đại học nào. Nhưng, từ góc độ đơn giản là tìm một người có thể làm được việc X, cách dễ nhất để tăng cơ hội tìm thấy họ là bằng cấp.

Câu trả lời này có thể chấm dứt những tranh cãi quanh nhu cầu bằng cấp, nhờ chỉ ra được bản chất của việc chọn người thông qua tấm bằng của anh ta: về mặt xác suất, thì trong số 100 người có bằng đại học, khả năng là một tổ chức sẽ chọn ra được tỉ lệ người làm được việc cao hơn nếu cố lựa ra từ 100 người không có bằng đại học.

20201229 4

Ảnh: L.G

Đấy đơn giản là một “lối tắt” để chúng ta có thể tăng tốc độ lựa chọn. Một người không có bằng cấp kiểu Steve Jobs là dạng kỳ nhân, triệu người mới có được một.

Nhưng, lý thuyết xác suất này dường như đang diễn ra ngược lại ở Việt Nam. Trong vụ án nghiêm trọng ở Đại học Đông Đô mới bị phanh phui, cơ quan chức năng phát hiện trong số 626 bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh do trường này cấp, chỉ làm việc được với 217 trường hợp (bao gồm 1 người đã chết) và có đến 193 người đã được cấp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh mà không cần qua đào tạo, tuyển sinh, thi cử, trong đó 55 người đã sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 người làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 người thi nâng ngạch thanh tra viên và 1 sử dụng xét tuyển thạc sĩ.

Tức là xác suất để chọn ra một người biết tiếng Anh từ những trường hợp đã được cấp bằng ngoại ngữ này thậm chí có thể thấp hơn nhiều lần việc đi tìm trong cộng đồng người bản xứ ở một bản làng du lịch ở Sapa (Lào Cai). Tấm bằng lúc này không còn là một lối tắt để lựa chọn người phù hợp nữa.

Cuối năm ngoái, một nữ trưởng phòng hành chính - quản trị (trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) bị phát hiện dùng bằng cấp 3 giả (lấy từ chị gái) để làm việc và thăng tiến. Trong nhiều năm, qua 3 đời chánh văn phòng tỉnh ủy, bà này đã đi học trung cấp, liên thông lên đại học, học đến thạc sĩ và leo lên vị trí trưởng phòng trót lọt.

Đấy là sự báo động không chỉ của giáo dục: tấm bằng mà chúng ta cứ nghĩ rằng đã đào tạo ra một cán bộ phù hợp và có năng lực cho hệ thống, hóa ra không quan trọng đến thế. Có người dùng bằng giả, chẳng học hành vẫn có thể làm việc sờ sờ ra đấy, thậm chí leo cao trong hệ thống, như một trò đùa.

Dĩ nhiên, không phải vì họ là Steve Jobs, có năng lực đến nỗi bằng cấp chỉ là hình thức (đến độ đi mua cho nó nhanh). Bà trưởng phòng ở Tỉnh ủy Đắk Lắk đã nói ở trên về sau khai nhận rằng mình làm giả bằng cấp 3 để vào nhà nước vì chỉ mong có một công việc mưu sinh, chứ chẳng mưu cầu to lớn gì. Hãy cứ cho là bà nói thật thì đơn giản là chúng ta không có một hệ thống đào thải đủ mạnh: nếu công việc trong cơ quan nhà nước có thể trở thành một cuộc sát hạch khốc liệt về trình độ của những người đi mua bằng thì bằng giả sẽ không thể thành một phong trào đương nhiên như con voi trong phòng như vậy.

Nhưng, đào tạo nguồn lực và tuyển chọn con người vào hệ thống công quyền dường như luôn ngược lại với thị trường lao động thông thường. Các công ty tư nhân chọn nhân sự bằng các quy trình tuyển lựa khắt khe, thử lửa họ bằng các KPI (chỉ số đo hiệu suất làm việc), thu hút họ bằng đãi ngộ và triết lý doanh nghiệp; trong khi tuyển dụng vào cơ quan nhà nước nhiều năm có thể chỉ dựa trên sự quen biết, hiệu quả dựa trên sự đánh giá của cấp trên trực tiếp mang tính hành chính hơn là con số khách quan và mức lương phẩy cơ bản vài triệu đồng.

Dường như có rất ít lựa chọn để chống lại sự tha hóa về bằng cấp khi đã bước chân vào hệ thống công quyền: chúng ta đang có một mê hồn trận những chứng chỉ và văn bằng cần có (mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cân nhắc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ - tin học “hành” công chức, viên chức nhiều năm) nhưng lại rất ít công việc đủ để thử lửa chính xác từng ấy loại bằng cấp. Một cử nhân bằng giỏi đi học nước ngoài về nếu làm không đúng chỗ vẫn có thể phải pha nước chè chán chê trước khi được giao việc đúng chuyên môn. Và, có cả những cán bộ bận bù đầu cũng vẫn phải cố “làm xong” chứng chỉ, văn bằng để đủ điều kiện nâng lương hoặc thăng tiến.

Thứ chủ nghĩa hình thức này làm các công chức, viên chức hao tốn sức lực vào một cuộc chạy đua bằng cấp tốn kém và vô nghĩa. Hãy gõ từ “bằng cấp” lên thanh tìm kiếm Google và bạn sẽ hiểu rằng chúng ta có cả một thị trường cho những tấm giấy vô nghĩa này. Những tấm bằng có thể chẳng liên quan gì đến bạn ngoài cái mặt trên tấm ảnh được dán lên và những cái tên nhưng nó có thể là tương lai, sự nghiệp, thậm chí là địa vị của bạn. Được xây trên cát cũng được.

Steve Jobs không thể sống lại để trả lời câu hỏi đầu bài viết này nhưng bất kỳ một trưởng, phó phòng thuộc diện mua bằng nào cũng có thể thử trả lời nó, để nhận ra sự vô nghĩa của “lối tắt” ấy. Đây không phải cạnh tranh mà là một cuộc đua mua bán cơ hội kéo dài bất tận mà qua đó, “người chơi” tự hạ thấp chính mình và tước đi cơ hội của những ứng viên xứng đáng hơn.

Nếu cơ quan nhà nước vẫn là nơi mà nhiều người vẫn ấm chỗ dù không cần làm việc hiệu quả thì thị trường mua bán bằng cấp luôn có cơ hội.

(Phạm An)

 

Đã đến lúc "xé vé"?

Cách đây chưa lâu, cơ quan tôi có đợt kiểm tra bằng cấp đột xuất theo đúng quy định của ngành. Mỗi cá nhân trong đơn vị đều phải photo có chứng thực các bằng cấp của mình và mang cả bản gốc đến để đối chiếu. Quả thực, đó là một đợt kiểm tra “tốn kém” nhất đối với riêng bản thân tôi. Đơn giản, mọi bằng cấp của mình, tôi đều để lại ở Hà Nội, tại nhà của cha mẹ. Thế nên, phải tốn một chiếc vé máy bay khứ hồi ra tận nơi, lục tung tủ hồ sơ cũ của ông cụ để kiếm tìm chính tấm bằng đại học của mình.

20 năm nay, kể từ ngày vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, đây là lần đầu tiên tôi đụng tới chiếc bằng đại học của mình. Và, kể từ năm tốt nghiệp đại học, 1998, đây cũng là lần thứ ba tôi phải sử dụng bản photo bằng đại học. Trong 2 lần trước, một lần là nộp hồ sơ vào đơn vị tôi làm việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp, ở Gia Lâm, Hà Nội. Còn lần thứ hai là để hoàn tất hồ sơ làm việc ở chính cơ quan của tôi hiện nay.

Không biết những bạn bè cùng học với tôi thì như thế nào. Còn riêng đối với bản thân, thực sự tôi quên bẵng đi mình đã có một tấm bằng đại học để ở nhà. Nghe không hẳn là hơn 4 năm dùi mài kinh sử ở giảng đường đại học đã trở nên vô ích. Ngược lại là khác, 4 năm ấy rất có ích. Nhưng, trong suốt quá trình làm việc hơn 20 năm trời, chưa bao giờ tôi cần tấm bằng kia để chứng minh rằng mình có đi học đại học.

Cơ quan công an tống đạt quyết định khởi tố bị can tại Trường Đại học Đông Đô. Ảnh: L.G.

Sau công ty đầu tiên mà tôi làm việc lúc vừa tốt nghiệp, tôi có cái may mắn là không bao giờ phải nộp đơn xin việc. Những công việc tôi có được đều đến từ sự biết về năng lực của nhau và rủ rê nhau về làm chung cả. Chính vì cái việc đã tường tận nhau đến thế khiến tấm bằng của tôi không phát huy giá trị “chứng minh một con người” của nó. Nó chỉ làm được đúng một việc: để hoàn tất bộ hồ sơ đúng theo yêu cầu của tổ chức, của ngành, của Luật Lao động trong việc tính bậc, ngạch lương.

Nhưng, nói gì thì nói, phải thừa nhận là tôi có may mắn. May mắn thứ nhất là mối quan hệ của tôi khá rộng và tôi hoạt động cũng khá đa dạng ngành nghề. Do đó, cơ hội chứng minh bản thân mình trong các mối quan hệ đó thông qua kết quả các công việc đã thay thế cái việc “chứng minh một con người” của tấm bằng và hơn thế nữa, nó tạo được niềm tin chắc chắn hơn. 

May mắn thứ hai là tôi được làm việc đa số trong môi trường mà người sử dụng lao động có suy nghĩ thực dụng hơn, trực diện hơn. Họ không quan tâm đến bằng cấp. Họ chỉ quan tâm đến năng lực và năng lượng trong mỗi con người. Bởi thế, cơ hội của tôi mới tồn tại.

Giả sử tôi hoạt động ở một lĩnh vực khác, đi theo một con đường rất chung mà nhiều người đang đi, có thể lúc này tôi cũng quay quắt vì bằng cấp như ai đó. Và biết đâu, trong quá trình phấn đấu cho một vị trí xã hội nhất định, có khi tôi cũng phải bổ sung vào hồ sơ cá nhân của mình những tấm bằng khác nữa. Dễ hiểu, chúng ta đang sống trong một xã hội mà tấm bằng được đánh giá quá mức so với giá trị cơ bản của nó. Chủ nghĩa bằng cấp đã và đang chi phối quá mạnh hoạt động nhân sự ở rất nhiều cơ quan, ban ngành và nó lấn át luôn cả thứ quan trọng hơn tất thảy: đánh giá đúng con người qua năng lực.

Ảnh: L.G.

Tôi có người bạn, sau thời gian làm việc cho một cơ quan nhà nước đã phải bỏ ra ngoài để đi làm cho tư nhân. Anh từng là một người rất có năng lực trong cơ quan nhà nước kia, được đánh giá rất cao nhưng chỉ vì anh bỏ dở năm cuối đại học và không có bằng nên dẫn tới chuyện bậc ngạch lương của anh không được ngang bằng những cộng sự của mình và cơ hội thăng tiến là không có. 

Anh chuyên về công nghệ thông tin và chưa bao giờ được đặt lên ghế trưởng phòng ở cơ quan cũ, dù anh là người thâm niên nhất, hiểu biết, giỏi giang nhất và luôn lãnh đạo nhóm trong các công việc cụ thể. Rời cơ quan ấy, anh được chọn làm phó giám đốc kỹ thuật của một công ty công nghệ với mức lương 1 năm đủ mua 3 cái xe hơi.

Rõ ràng, trong trường hợp của bạn tôi, tôi đánh giá là nhà nước đã đánh mất một người tài chỉ vì chủ nghĩa bằng cấp. Trong khi đó, vấn nạn công chức vô danh sáng cắp ô đi, tối cắp ô về vẫn đầy rẫy. Họ hơn bạn tôi những gì? Chẳng gì khác ngoài tấm bằng. Và tôi chưa nói đến chuyện tấm bằng ấy đến từ thực học hay từ đi mua vội. Chỉ cần nói đến chuyện chủ nhân của nó có thực tài hay không mà thôi. Vâng, nói về thực tài, chúng ta đừng bỏ qua một thực tế buồn nhiều năm nay là một số công chức rất có tài trong việc chém gió, cúp giờ làm, la cà quán xá và vô trách nhiệm.

Trong chính cái chủ nghĩa bằng cấp nặng nề ấy, có một thứ rất nực cười là nhiều bộ hồ sơ có lý lịch chỉ là thứ lý lịch cá nhân in mẫu sẵn thông thường, với phần lý lịch công tác rất chung chung. 

So sánh với các hồ sơ để nộp cho các công ty, tập đoàn, tổ chức tư nhân, chúng ta sẽ thấy khác một trời một vực. Lý lịch ở các bộ hồ sơ cho các đơn vị ngoài quốc doanh rất chú trọng phần công tác. Thời gian nào, làm việc ở đâu, giữ cương vị gì, làm công việc gì, trách nhiệm ra sao, thành quả thế nào đều được thể hiện chi tiết và cụ thể. 

Hơn thế nữa, ở mỗi lý lịch công tác ấy còn có cả phần “tham khảo”. Phần này ghi rõ tên, chức danh, địa chỉ, số điện thoại của người sẽ minh chứng cho chủ thể của lý lịch về một quá trình công tác, về năng lực cá nhân. Và ai nặng ký hơn thì bên cạnh phần tham khảo kia còn có thể có cả thư giới thiệu của một cá nhân uy tín thực sự đủ để người nhận hồ sơ cảm thấy vững tin.

Nói về thư giới thiệu, chúng ta từng nói về chuyện thư tay gửi người vào một cơ quan nào đó. Đây không phải là thứ đặc sản của cơ chế quan liêu ngày xưa mà chúng ta cứ hay định kiến. Thư giới thiệu là thứ loài người đã sử dụng lâu rồi. Tiến cử ai đó là một hành động đẹp khi sự tiến cử là vô tư, trong sáng chứ không phải kiểu dùng uy quyền để ép buộc một người phải nhận người thân của mình vào làm việc. 

Đã có bao nhiêu trường hợp nhân tài trên thế giới bắt đầu sự nghiệp bằng chính lá thư tiến cử của một giáo sư đã giảng dạy mình ở trường đại học rồi. Khi ấy, giá trị của lá thư đã vượt qua giá trị của tấm bằng đại học bởi nó mang sức nặng của kiểm chứng thực tế chứ không phải chỉ đơn giản là một tờ giấy minh định nhân thân một con người.

Tấm bằng vẫn rất quan trọng, bởi trong hàng ngàn, thậm chí chục ngàn hồ sơ gửi về một nơi nào đó, không ai có đủ thời gian và công sức để kiểm định năng lực của từng ứng viên. Họ cần bộ lọc ban đầu là tấm bằng. Sau đó mới gặp gỡ trực tiếp để thẩm định ban đầu. Có thể nói, tấm bằng như cái vé vào cửa. Vậy thì tại sao sau khi đã được vào cửa rồi, người “kiểm soát vé” không “xé vé” đi để thẩm tra bằng năng lực thực mà cứ phải vin vào tấm bằng để quyết định khả năng thăng tiến của một con người?

Và cái đáng buồn hơn là chuyện nhận định năng lực của một cá nhân trong hệ thống của một cơ quan nhà nước. Thực tế, nếu đưa một nhân viên có chuyên môn đặc biệt vào một cơ quan nhà nước nào đó, ví dụ như một kỹ sư công nghệ thông tin hay một chuyên gia phân tích tài chính nào đó chẳng hạn, tôi dám chắc rằng không ít lãnh đạo đơn vị không thể đánh giá chính xác người ấy có làm được việc hay không sau 3 tháng thử việc. 

Dễ hiểu, có khi chính bản thân lãnh đạo cũng không có thực lực. Và một khi lãnh đạo không có thực lực, họ đánh giá nhân viên bằng cách nào? Thế là lại dựa vào chủ nghĩa bằng cấp ư? Chúng ta là chủ nhân của bằng cấp hay là nô lệ của chúng?

Đã đến lúc phải “xé vé” rồi, để các tấm bằng không thể ám ảnh mãi một cá nhân và rộng hơn là cả một xã hội. Và cũng đã đến lúc mở rộng để tự các trường được quyền cấp bằng mà không cần phải thông qua Bộ Giáo dục. 

Đừng vội nghĩ việc các trường tràn lan cấp bằng như thế sẽ làm vấn nạn mua bằng càng phát triển hơn. Khi chính các trường phải đánh cược uy tín và danh dự của họ trên từng tấm bằng họ cấp cho sinh viên, lúc ấy chuyện mua bằng sẽ trở nên khó khăn vô cùng, thậm chí có thể bị triệt tiêu đến mức tối đa. Đơn giản, đó là lúc trách nhiệm cấp bằng quy về đúng chỗ ấn hành ra nó chứ không phải trách nhiệm chung đổ dồn lên Bộ Giáo dục như hôm nay.

Hãy nhìn lại vụ Đại học Đông Đô và đặt ra câu hỏi “Liệu bây giờ có ai còn tin vào bằng mà Đại học Đông Đô đã cấp hay không?”. Chính câu hỏi này mới là điều đáng được bàn luận nhất ở vụ án kể trên. Số người tin vào bằng của Đại học Đông Đô mà trở về với con số 0 thì những cá nhân lăm le buôn bằng gắn mác Đại học Đông Đô biết bán cho ai bây giờ.

Hơn tất cả, chính những kẻ bán bằng ở Đại học Đông Đô nợ những sinh viên từng học ở đó rất nhiều. Chính vì họ mà cả bao khóa sinh viên có học hành đàng hoàng ở đại học này đã bị rơi vào thế “mất uy tín”. Ai bồi thường được danh dự cho họ? Tấm vé nào giúp họ kiếm tìm cơ hội khác trong đời? Chẳng lẽ họ phải đi học lại để kiếm bằng từ một trường khác hay sao?

Xé vé đi thôi. Xé vé đi thôi.

(Hà Quang Minh)

 

Hồ sơ đẹp và năng lực thật

Vì sao một lượng lớn tiền tươi thóc thật được đổ vào Trường Đại học Đông Đô để mua bằng cử nhân tiếng Anh giả? Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT quy định nếu thí sinh có “bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài (kèm chứng nhận kiểm định của Cục Quản lý chất lượng giáo dục); hoặc bằng tốt nghiệp đại học ngành ngoại ngữ, thì khỏi cần thi các chứng chỉ B1, B2. Oái oăm thay, nếu các chứng chỉ B1, B2 cứ 2 năm phải thi lại một lần thì bằng đại học ngoại ngữ trong nước cấp (tương đương với bằng đại học được đào tạo ở nước ngoài) có giá trị vĩnh viễn. 

Cho nên, các học viên cao học thừa khôn ngoan để quyết tâm sở hữu cái bằng cử nhân tiếng Anh của Đại học Đông Đô để thoải mái sử dụng khi cần thiết. Có bằng cử nhân tiếng Anh thì có cơ hội thành nghiên cứu sinh, có cơ hội thành tiến sĩ, có cơ hội được thăng chức, nâng lương.

Ảnh: L.G.

Bằng cấp vốn không phải thứ xấu xa nhưng bằng cấp giả sẽ gây bao nhiễu loạn cho xã hội. Bằng cấp giả không chỉ tạo ra giá trị giả mà còn tạo ra giá trị ảo. Vì sao nói như vậy? Vì bằng cấp giả có 2 cấp độ, cấp độ thấp là bằng cấp giả về mặt hành chính, cấp độ cao là bằng cấp giả về mặt khoa học. Cấp độ thấp thì bằng cử nhân tiếng Anh giả ở Đại học Đông Đô là ví dụ điển hình, còn cấp độ cao chính là những bằng cấp thạc sĩ và tiến sĩ không có tác dụng tích cực gì cho đời sống.

Bằng cấp giả hướng đến hồ sơ đẹp cho tham vọng cá nhân. Cho nên, hồ sơ đẹp càng ngày càng có khoảng cách với năng lực thật của một bộ phận được gọi là “trí thức”. Vì sao Việt Nam có đến 25 nghìn tiến sĩ mà lại ít công trình khoa học như vậy? Đấy là câu hỏi đã được đặt ra từ lâu và có lẽ hỏi cũng đã là trả lời rồi.

Muốn đẩy lùi tệ nạn bằng cấp giả, không có con đường nào khác là con đường tôn trọng và phát huy năng lực thật của con người. Hãy nhìn hành vi, đừng nhìn bằng cấp. Hãy nhìn công việc, đừng nhìn con người. Chỉ cần thay đổi thói quen trọng thị đến mức hệ lụy vào bằng cấp, mọi chuyện có thể sẽ khác đi.

Bằng cấp giả, năng lực thật và hồ sơ đẹp đang giống như một vòng tròn lẩn quẩn khóc cười của đời sống Việt Nam.

(Lê Thiếu Nhơn)

Phạm An - Hà Quang Minh - Lê Thiếu Nhơn

Nguồn: An ninh thế giới, ngày 23.12.2020.

Khác biệt hóa trong giáo dục (différenciation pédagogique) hay giáo dục khác biệt hóa (la pédagogie différenciée) là một hình thức giảng dạy dựa trên bản chất duy biệt của học sinh*. Câu hỏi khó đặt ra là làm thế nào để có thể tổ chức được trong bối cảnh Việt Nam, với những lớp học có khi và có nơi trên 50 học sinh? Bài viết này xin thử đưa ra một vài phác thảo mang tính giải pháp.

20200817 3

“Học thầy không tày học bạn” – trẻ có thể học được rất nhiều nếu có thể đóng vai trò “phụ giáo”. Trong ảnh, học sinh cùng tìm hiểu và giảng giải về ý nghĩa của các hiện vật trong Khu di tích Văn miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: Ban quản lý khu di tích Văn miếu – Quốc tử giám. 

Khái niệm khác biệt hóa

Trước hết, chúng ta cần hiểu khác biệt hóa trong giáo dục không phải là cá nhân hóa kiểu một thầy một trò, thầy kèm riêng cho từng cá nhân, được tổ chức giống nhau mọi nơi và với tất cả các loại hình kiến thức. Hình thức giảng dạy như vậy là một loại hình “đồng phục” khác, bất khả thi và cũng không cần thiết. Bất kỳ hình thức cố định cứng nhắc nào trong giáo dục, kể cả khác biết hóa, cũng có nguy cơ cản trở các loại hình khác và ngăn cản sự sáng tạo và không phù hợp với bản chất duy biệt của người học. 

Khác biệt hóa là một hình thức tổ chức giảng dạy dựa trên sự duy biệt và nhu cầu của từng học sinh. Nó phải linh động để có thể thích ứng với từng học sinh, từng nội dung giáo dục và hoàn cảnh của từng địa phương và trường học. Có những học sinh cần sự kèm cặp đặc biệt (những học sinh gặp khó khăn trong học tập, những học sinh có các vấn đề về tâm thể lý cần được kèm cặp riêng bởi các giáo viên được đào tạo đặc biệt…), nhưng cũng có những học sinh không cần giáo viên kèm riêng, thậm chí không cần giáo viên giảng bài theo kiểu truyền thống mới có thể hiểu bài, mà chỉ cần giáo viên hướng dẫn thì cũng có thể tự học, tự tìm tòi kiến thức. Việc học từ xa của đa số học sinh trên thế giới trong thời gian vừa qua bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 là một minh chứng về khả năng tự học của các em. Cũng vậy, sẽ có những kiến thức, những hoạt động giáo dục thích hợp với từng nhóm nhỏ như các kiến thức cần thí nghiệm, các kỹ năng cần thực hành, nhưng cũng có những loại thông tin, kiến thức có thể truyền thụ trong các hội trường lớn, tập trung hàng trăm, thậm chí hàng ngàn học sinh.

Cách đây mấy năm, chúng tôi đã quan sát giáo dục Phần Lan, đất nước có một nền giáo dục phổ thông nổi bật nhất thế giới nhờ chất lượng của nó (Nguyễn Khánh Trung, 2015), một trong những đặc điểm quan trọng là người Phần Lan áp dụng khác biệt hóa trong giảng dạy một cách nhất quán. Điều này được thể hiện rất rõ trong các văn bản chính thức ở các cấp độ khác nhau cũng như trong các thực hành trong các trường học. Chương trình Cốt lõi quốc gia của Phần Lan nói về điều này như sau:

Khác biệt hóa là phương tiện căn bản nhằm thỏa mãn nhu cầu của các nhóm giảng dạy và sự khác biệt của học sinh thể hiện qua sự hướng dẫn. Chú ý đến những cách học, nhịp độ riêng khác nhau của học sinh, những nhu cầu riêng, những cảm xúc riêng của các em. Trong kế hoạch cũng phải tính đến sự khác biệt, môi trường riêng của học sinh nam, nữ, cá nhân của từng học sinh. Sự khác biệt được sử dụng nhằm gây ảnh hưởng lên động lực học tập của học sinh. Sự khác biệt hóa trong giảng dạy có thể cung cấp cho học sinh những kinh nghiệm, những thử thách của sự thành công, làm cho các em có những cơ hội phát triển và học tập theo thế mạnh của mình. 

Ba chiều kích chìa khóa của sự khác biệt hóa là những thay đổi, chiều sâu trong học tập và sự tiến bộ trong học tập. Sự khác biệt có thể tập trung vào các khía cạnh như nội dung giáo dục, giáo cụ và phương pháp áp dụng, cách làm việc, số lượng bài làm ở trường, ở nhà và thời gian có sẵn. Môi trường học tập và phương pháp có thể được điều chỉnh nhằm tạo cơ hội tham gia cho học sinh, cung cấp sự lựa chọn, việc sử dụng không gian, sự linh hoạt của nhóm học sinh... (Chương trình Cốt lõi Quốc gia về Giáo dục cơ bản - phần bổ sung sửa đổi 2011, tr. 5 - 6).

Trích dẫn trên đã trình bày khá rõ các chiều kích của khái niệm khác biệt hóa trong giảng dạy. Hiện nay người Phần Lan cũng đang đổi mới giáo dục và họ càng đẩy mạnh khác biệt hóa trong mọi khía khía cạnh, phòng học được thiết kế theo những không gian mở, tiện nghi, tạo ra nhiều lựa chọn khác nhau cho học sinh trong cách thức học tập dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự duy biệt của học sinh.

Tổ chức giảng dạy

Như vậy, với hình thức khác biệt hóa, một giáo viên vẫn có thể phụ trách nhiều học sinh, nhưng hình thức tổ chức giảng dạy phải thay đổi theo nhu cầu của học sinh và theo tính chất của từng loại hình kiến thức và kỹ năng. Sự thay đổi này phải linh động, trong đó giáo viên phải được trao nhiều quyền và trách nhiệm, để cùng học sinh, tạo ra các hoạt động, thiết kế môi trường sư phạm để thúc đẩy các em tự học, tự nghiên cứu, tự phát triển về mọi mặt theo cách của mình.

Thay vì học theo truyền thống với thời khóa biểu chung và theo từng môn học, giáo sư Giordan đề nghị một thời khóa biểu linh động, cá nhân hóa, dựa trên nhu cầu của từng học sinh với bốn trục chính:
- Thời gian lãnh hội 
- Thời gian dành cho những học sinh bắt đầu và những học sinh cần đào sâu
- Thời gian trao đổi
- Thời gian dành cho sự hỗ trợ và kèm cặp (tutorat)

Nhà trường và mỗi học sinh đạt đến mục tiêu của mình xoay quanh bốn trục thời gian này.

Thời lượng linh động tùy theo mỗi hoạt động, có thể chỉ vài phút nếu đó là một ca tư vấn, kéo dài nửa ngày nếu đó là một hội thảo hay một bài tập thực hành (atelier), có thể kéo dài vài ngày nếu đó là thời gian “thực tập” cho một dự án văn hóa hay ngôn ngữ (chẳng hạn như thực hành tiếng Anh với các giáo viên nước ngoài, hay một chuyến “du học” bên ngoài nhà trường).

Các nội dung giảng dạy cần được nghiên cứu và thiết kế thành các hoạt động, chẳng hạn:
- Các bài tập cá nhân có hướng dẫn của giáo viên hay các anh chị lớn hơn trong trường.
- Các seminar chuyên đề
- Các hội thảo
- Các hoạt động thực hành theo nhóm 
- Các dự án
- Các buổi trao đổi kiến thức
- Các chủ đề theo tuần
- Họp nhóm lớp hằng tuần với giáo viên chủ nhiệm để nhìn lại, để bổ sung các kế hoạch cá nhân, nhóm… (Giordan, 2018, tr. 116)

Ngoài các hoạt động trên, học sinh có thể tham gia các tổ chức như các câu lạc bộ, các nhóm thiện nguyện để đào sâu một môn học nào đó, một ngôn ngữ nào đó, một kỹ năng nào đó, hay để củng cố văn hóa đọc, rèn luyện kỹ năng hùng biện, hay cùng nhau thực hiện một dự án thú vị nào đó được nhà trường và cộng đồng khuyến khích... 

Tất cả các học sinh theo các hoạt động trên và được quyết định bởi nhóm lớp nơi có giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên phải có khả năng thấu hiểu từng học sinh của mình để hỗ trợ từng em thiết kế nên các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn với các mục tiêu riêng dựa trên nhu cầu của từng em. Như vậy thời gian biểu được cá nhân hóa theo nhu cầu của học sinh. Các đơn vị nhóm lớp không đóng vai trò trung tâm như cách tổ chức giảng dạy truyền thống, mà chỉ là “nhà” với một số hoạt động cơ bản. Học sinh tham gia vào các hoạt động nói trên theo các kế hoạch khác nhau, nghĩa là các em có các bạn khác, các nhóm khác bên ngoài đơn vị lớp mà không nhất thiết là theo từng lứa tuổi. 

Các hoạt động nói trên được phụ trách bởi các giáo viên với sự hỗ trợ đắc lực của các “phụ giáo” là chính các học sinh trong trường, với sự hợp tác của các chuyên gia ngoài trường. Đó có thể là chính các phụ huynh có chuyên môn và khả năng, các tình nguyện viên đến từ các hội đoàn, các tổ chức thiện nguyện tại địa phương.

Học thầy không tày học bạn

Người Việt chúng ta có câu “học thầy không tày học bạn”, quả thật trong nhiều trường hợp, sự giúp đỡ của bạn cùng lứa, hay các anh chị lớn hơn cùng trường sẽ hiệu quả hơn so với giáo viên. Vậy nên giáo viên nên kêu gọi các học sinh hỗ trợ mình trong các hoạt động nêu trên. Những học sinh khi được phân công kèm bạn, hay đàn em, sẽ rất hãnh diện, và đây cũng là một cách học, một cách nắm bắt và nhớ bài rất hiệu quả đối với các học sinh đóng vai “phụ giáo” này. Một nghiên cứu đã chỉ ra, khi chúng ta nói lại hay viết lại những gì được học, chúng ta sẽ nhớ được 70% nội dung, khi chúng ta làm những gì được học, chúng ta sẽ nhớ tới 90% nội dung (Bath & Bourke, 2010, tr. 25). Việc kèm bạn là một cơ hội cho các học sinh thực hành cách học chủ động này.

Để kiến thức trở thành cái riêng của từng học sinh, hay nói cách khác để học sinh trở thành “tác giả” của sự học của mình, thì học sinh cần phải đối chiếu quan điểm, sự hiểu biết của mình với thực tế, với người khác, phải chủ động suy nghĩ, có chính kiến, có óc phản biện, có khả năng trình bày và thuyết phục người khác theo quan điểm của mình nếu mình cảm thấy sự hiểu biết của mình là chính xác, nhưng cũng cần có khả năng lắng nghe và thay đổi khi được người khác thuyết phục. Người khác ở đây có thể là giáo viên hay các bạn học khác, người khác ở đây cũng có thể là các tác giả của các tài liệu khoa học, hay các chuyên gia trong các chủ đề mà học sinh đang theo đuổi. Nhà trường cần tạo ra một môi trường với những “người khác” luôn có sẵn như thế để dẫn dắt, thúc đẩy và tạo ra sự thuận tiện cho việc học hỏi của học sinh.

Học nhóm, tham gia các hoạt động là những cơ hội cho học sinh thực hành những điều trên một cách tự nhiên, không cảm thấy bị áp đặt. Các kỹ năng trình bày, lập luận, diễn đạt, phản biện, truy vấn, đối chiếu cần trở thành những nội dung ưu tiên trong mục tiêu giáo dục đối với từng học sinh, cũng có nghĩa là đối với mục tiêu giáo dục của từng trường học và của quốc gia.

Lẽ dĩ nhiên, giáo viên được đào tạo vẫn luôn là quan trọng và đóng vai trò chủ chốt trong các hoạt động giáo dục. Trong hình thức giảng dạy này, giáo viên đóng vai người hướng đạo, những người hiểu biết về trẻ em, về não bộ, về tâm lý, về sự học để có thể hướng dẫn từng học sinh đi trên con đường đúng nhất. Người hướng đạo không chỉ phải thông thạo con đường mình đang hướng dẫn, mà còn phải hiểu biết các con đường gần đó trong khu vực để có thể hỗ trợ học sinh tốt nhất.

Kết luận

Như vậy, khi trong trường tổ chức những môn học xuyên lớp như đã nêu, với sự hỗ trợ của chính các học sinh và trong nhiều trường hợp là của các phụ huynh (những phụ huynh có chuyên môn được mời gọi cộng tác với nhà trường), hay các tình nguyện viên đến từ các đoàn thể và tổ chức thiện nguyện địa phương, khi giáo viên không phải giảng từ đầu đến cuối, thì giáo viên sẽ có nhiều thời gian, nghĩa là áp lực sĩ số học sinh không còn là trở ngại quá lớn trong việc thực hiện khác biệt hóa trong giáo dục (lẽ dĩ nhiên, một lớp học 50 học sinh không bao giờ là lý tưởng). Cũng có nghĩa là, chúng ta vẫn có thể thực hiện khác biệt hóa trong giảng dạy trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Chúng ta đang trong tinh thần “Đổi mới căn bản và toàn diện”, các trường và các giáo viên đã được phân quyền nhiều hơn trước đây, tôi nghĩ nếu các giáo viên tận dụng tốt những không gian tự do của mình để thay đổi và làm thật tốt hình thức khác biệt hóa, thì sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực để thúc đẩy sự thay đổi từ dưới lên.

Một hình thức giảng dạy theo tinh thần mà bài viết ngắn này đã phác thảo sẽ tạo ra một môi trường giáo dục phong phú, nhiều lựa chọn, nhiều tương tác và kết nối, là môi trường phù hợp với cơ chế hoạt động của não bộ mà bài viết trước tôi đã đề cập. “Một môi trường ‘phong phú’ liên quan đến những kích thích và các mối tương tác, sẽ là thuận tiện cho việc học. Môi trường tạo thuận lợi cho việc gia tăng độ dày của vỏ não. Các nơ ron lớn lên và tự phân nhánh… (Giordan, 2016, tr. 87).
Xét về mặt xã hội, khác biệt hóa trong giáo dục cũng là một hình thức tạo ra “công bằng cơ hội” ngay trong trường học (công bằng trong giáo dục sẽ tạo ra công bằng xã hội) theo nghĩa các học sinh kém may mắn, gặp nhiều khó khăn sẽ được nâng đỡ và kèm cặp nhiều hơn so với các học sinh khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và trí tuệ. 

Đây là hình thức giảng dạy tin vào khả năng tự học và những điều sẵn có của học sinh, phù hợp để giáo dục tính tự chủ, tự tin và các kỹ năng trong học tập, nghiên cứu, cũng như các kỹ năng xã hội, khả năng làm việc, cộng tác, kết nối với người khác, rèn luyện óc phản biện, sáng tạo, những điều làm nên chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.  Đây cũng là hình thức tốt nhất có thể tạo ra động lực bên trong có tính lâu dài nơi học sinh, yếu tố rất quan trọng thúc đẩy các em học sâu và tiến xa trên con đường học tập và phát triển bản thân mà nếu có dịp, tôi sẽ trình bày trong một bài viết khác. 

Nguyễn Khánh Trung

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 15.8.2020.

 

Tài liệu tham khảo
Giordan, A., & Saltet, J. (2018). Changer le collège, c’est possible. Paris: Play Bac
Giordan, A. (2016). Apprendre. Paris: Belin.
Nguyễn Khánh Trung. (2015). Giáo dục Việt Nam và Phần Lan – Một nghiên cứu so sánh điển hình về vai trò các chủ thể tại hai trường tiểu học công lập của hai nước. Hà Nội: Nxb. KHXH.
Bath, D., & Bourke, J. (2010). Getting Started with Blended Learning. Griffith Institute for Higher Education.


---
Chú thích: 
*Tác giả đã trình bày trong bài viết “Người học là ai?” đăng trên Tạp chí Tia Sáng (số 13, ngày 5/7/2020).

SVVN - “Học xong đại học, mình muốn trở thành giáo viên dạy Ngữ văn cho học sinh khiếm thị", đó là ước mơ của cô gái khiếm thị Danh Thị Bích Vân (năm thứ ba, khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM).

Từ tình yêu Ngữ văn

Với Bích Vân việc thực hiện ước mơ là cả một quá trình kiên cường mà cô không cho phép mình bỏ cuộc. Từ nhỏ, Vân đã vĩnh viễn mất đi ánh sáng do một tai nạn lúc mới chào đời. Khi ấy, Vân và em gái sinh đôi của mình sinh non nên khá yếu. Vân nằm trong lồng kính cùng với việc chiếu đèn liên tục trong vòng nửa tháng khiến đôi mắt cô bị hư hoàn toàn. Vân đã từng được làm một cuộc phẫu thuật khi mới hơn ba tháng tuổi với hy vọng mong manh là nhìn thấy cuộc đời. Nào ngờ cuộc phẫu thuật thất bại, các bác sĩ phải dừng lại để cứu lấy mạng sống cho Vân. Còn em gái Vân may mắn được hoàn toàn bình thường.

Đối với những người khiếm thị, việc học hành là một điều gì đó vô cùng xa vời. Vân nhớ lại những ngày tủi cực khi biết rằng mình vĩnh viễn không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng như mọi người: “Từ nhỏ, những người thân trong gia đình đã không ủng hộ việc học của mình”.

20201130 6

Tinh thần lạc quan và tình yêu Văn học luôn có ở Bích Vân.

Bích Vân cũng đã từng trải qua những năm tháng tuổi thơ đầy gian nan trên hành trình theo đuổi con chữ. Xa gia đình lên TP. HCM lúc 5 tuổi, Vân sống với tình yêu thương và sự dạy dỗ của các cô, các mẹ ở mái ấm Nhật Hồng dành cho trẻ khiếm thị thuộc giáo xứ Thị Nghè ở quận Bình Thạnh, TP. HCM. Ở đây, Vân được dạy chữ nổi, dạy cách tự chăm sóc bản thân, sinh hoạt như những trẻ bình thường. Vân có thể tự tắm gội, giặt đồ và rửa chén khi lên 7 tuổi. Để tiếp tục theo đuổi ước mơ, lên THPT, Vân theo học ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận Bình Thạnh và rồi trở thành sinh viên khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) như bây giờ.

Thời học tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận Bình Thạnh, Vân cũng từng được cô giáo chủ nhiệm đề xuất chọn đi thi học sinh giỏi môn Văn. Nhận lời đề nghị đó Vân đã rất ngạc nhiên nhưng cũng đầy phấn khởi vì từ trước tới giờ chưa có tiền lệ chọn những học sinh khiếm thị đi thi học sinh giỏi như Vân. Tuy nhiên, lần đó Vân không thể tham dự kỳ thi vì hội đồng thi không thể bố trí phòng riêng và bộ phận cán bộ coi thi riêng để hỗ trợ cho Vân. “Sau lần đó mình như được tiếp thêm sức mạnh. Chính cô giáo chủ nhiệm là người truyền cảm hứng cho mình học Văn để sau này có một nghề nghiệp ổn định trong tương lai”, Vân nhớ lại.

Danh Thị Bích Vân  - ảnh 2Hành trình đến trường mỗi ngày của Vân.

Hành trình đến giảng đường

Suốt 3 năm trên giảng đường, Vân gặp không ít những khó khăn. Năm đầu tiên Vân ở mái ấm Nhật Hồng - Bình Thạnh. Ngày ngày, Vân đi xe buýt di chuyển hơn 40 km để học tại trường ĐH KHXH&NV cơ sở Linh Trung - Thủ Đức. Tuy quãng đường xa là thế nhưng Vân vẫn lên lớp chăm chỉ gần như không nghỉ buổi nào trừ những ngày đau bệnh. Thương Vân sức khỏe yếu, các mẹ ở mái ấm Nhật Hồng định xin chuyển cho Vân chỗ ở đến một trung tâm bảo trợ gần trường Vân học. Tuy nhiên, Vân muốn tự mình thu xếp việc học và cuộc sống khi bản thân mình còn có thể. Nghe bạn bè chia sẻ, Vân đã làm đơn xin vào KTX Cỏ May (trường ĐH Nông Lâm TP. HCM). “Để được ở đây mình đã đến trình bày và bổ sung giấy tờ nhiều lần. Cũng may BQL ký túc xá Cỏ May ưu ái đã hỗ trợ mình có chỗ ở miễn phí và còn có thêm chi phí ăn uống hằng ngày. Nhờ vậy mà mình cũng giảm bớt được phần nào gánh nặng chi phí ăn học”.

Danh Thị Bích Vân  - ảnh 3Vân hiện tại đang ở KTX Cỏ May (trường ĐH Nông Lâm TP. HCM) và được hỗ trợ ăn ở miễn phí.

Ở KTX Cỏ May, mỗi ngày Vân đi xe bus đến trường mất khoảng 15 phút. Đối với người bình thường thì không là vấn đề nhưng với Vân việc di chuyển qua đường quốc lộ đông xe đi lại thì là vấn đề trở ngại không nhỏ: “Đôi lúc, cũng sợ xe lớn ngoài đường và những lúc trời mưa cũng sợ đường bị ngập nhưng mình luôn tự động viên phải cố gắng hơn. Cũng may, mình ở chung phòng với 7 bạn cùng trường nên các bạn đã hỗ trợ dẫn mình đi học. Những bữa kẹt quá không có ai đi cùng thì mình tự đi một mình. Đi nhiều rồi cũng thành quen. Lúc muộn quá hoặc có công việc gấp quá thì mình đặt Grap đi”, Vân tâm sự.

Vân cũng luôn duy trì thành tích học tập đáng ngưỡng mộ. Điểm trung bình thường trên 7,5. “Đặc thù học Văn tụi mình điểm sẽ không cao. Năm nay KTX Cỏ May xét học bổng phải từ 8,0 trở lên. Mình mới được 7,9 nên cũng khá lo lắng. Nhưng bản thân sẽ cố gắng hết sức”.

Danh Thị Bích Vân  - ảnh 4Ngoài thời gian trên giảng đường và ở KTX, Vân dành nhiều thời gian đến thư viện. Niềm vui đến với Vân khi thư viện trường chính thức khai trương phòng đọc chức năng dành cho sinh viên khiếm thị.

Với điểm học tập trung bình cao, Vân cũng nhận được một số học bổng của các công ty về trường trao tặng. “Cũng nhờ học bổng nhận được từ các công ty trao tặng mà mình có tiền đóng học phí. Chi phí mẹ cho thì mình để dành sinh hoạt và dùng để mua tài liệu học tập”, Vân cho biết.

Lấy khó khăn làm động lực
Hoàn cảnh gia đình hiện tại của Vân còn nhiều khó khăn. Mẹ Vân phụ bán hàng. Ba Vân làm y tá. Ba mẹ Vân cũng không còn sống cùng nhau. Vân tâm sự: “Từ nhỏ mình đã sống gần gũi hơn với mẹ hơn nên cảm thông với vất vả của mẹ. Tuy phần lớn thời gian của mình sống ở mái ấm Nhật Hồng (TP. HCM) nhưng lòng mình luôn hướng về mẹ. Mẹ đã vất vả lo cho hai chị em mình ăn học. Và với mình, mỗi lần được về nhà thăm mẹ là bản thân mình như được tiếp thêm sức mạnh sẵn sàng cho chặng đường nhiều khó khăn phía trước”.

Vân cũng gặp không ít khó khăn trong việc học. Vân phải tự mò mẫmchuyển tài liệu sang chữ nổi hoặc chuyển qua dạng audio để nghe. “Trước khi bước vào giảng đường đại học mình không lường hết những khó khăn mà mình sẽ gặp phải trong việc học. Học Văn phải đọc nhiều nên việc chuyển sang tài liệu qua dạng chữ nổi cũng là cả vấn đề. Tuy có phần mềm hỗ trợ việc chuyển đổi nhưng tùy thuộc vào từng loại sách mà tỉ lệ sai số khi chuyển sẽ khác nhau. Cũng may mình luôn tìm thấy sự hứng thú trong việc học nên mình lại tìm cách khắc phục vượt qua những khó khăn. Bên cạnh đó, việc nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn trên lớp, trong Khoa và cả sự truyền cảm hứng của các thầy cô đã là động lực to lớn đối với mình”, Vân bộc bạch.

Danh Thị Bích Vân  - ảnh 5Vân luôn nhận được sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè trong trường.

Vân cũng có khả năng đọc bằng tay trái. Nhờ vậy mà tốc độ ghi nhớ của Vân cũng nhanh hơn. “Thông thường những người khiếm thị đa phần đọc bằng tay phải. Cũng may từ nhỏ mình tập bằng hai tay nên giờ cũng thuận tiện hơn. Trên lớp mình vừa phải ghi tốc ký vừa phải ghi âm lại các bài giảng của thầy cô để chỗ nào ghi không kịp còn có thể nghe lại”, Vân cho biết.

Trong gần ba năm học, Vân cũng nhiều lần tìm kiếm các công việc làm thêm liên quan đến chuyên ngành học của mình. Ở các vòng phỏng vấn qua điện thoại cô đều đáp ứng được hết những yêu cầu nhưng khi Vân cho biết mình bị khiếm thị thì những chỗ tuyển dụng đều từ chối nhận. “Lúc đó thì cũng hơi buồn nhưng rồi bản thân mình lại tự lên dây cót tinh thần chắc là cơ hội phù hợp chắc chưa đến. Với mình mục tiêu lớn nhất là trở thành giáo viên dạy Ngữ văn cho học sinh khiếm thị”, Vân lạc quan chia sẻ.

“Mình vẫn luôn lấy hình ảnh thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký để cố gắng. Mình mong ước, sau này ở Kiên Giang quê mình có trường chuyên biệt cho học sinh khiếm thị để mình có thể về và góp công sức dạy môn Ngữ văn cho các em học sinh có hoàn cảnh giống mình”, Bích Vân chia sẻ.

Hà Chi

Nguồn: Sinh viên Việt Nam, ngày 11.11.2020.

Biến cố do Covid-19 khiến giáo dục truyền thống phải chuyển sang trực tuyến, học sinh phải tự học là một thử thách nhưng cũng là một cơ hội để chúng ta tư duy lại một cách nghiêm túc về nhiều khía cạnh, nhiều câu hỏi trong giáo dục. Bài viết này chỉ đưa ra một số chấm phá liên quan đến câu hỏi về vai trò của người học, tức là đi trả lời câu hỏi căn bản: học sinh là ai?

20200711 3

Giáo dục khởi đi từ học sinh, thậm chí là từ từng học sinh là điều mà Phần Lan đang làm rất tốt. Ảnh:The Nordic Council and the Nordic Council of Ministers.

Học sinh là chủ thể duy biệt

Học sinh là ai? Dĩ nhiên các em là những con người, những trẻ em, những chủ thể duy nhất và khác biệt (duy biệt). Trẻ em không phải là tờ giấy trắng trống trơn để rồi người lớn có thể vẽ lên đó những gì người lớn muốn. Người học không phải là cái bình trống để người lớn lấp đầy những gì mình muốn, mà là ngọn lửa mà những người làm giáo dục phải tìm cách thắp sáng lên, nói theo cách của triết gia người Pháp Michel de Montaigne.
Nghĩa là mỗi người học là một chủ thể duy nhất, không có một bản sao y hệt khác trong hàng tỷ tỷ con người từ xưa đến nay. Vì là bản thể duy nhất nên người học cũng khác biệt nhau. Đây là điều tự nhiên, gắn với thân phận của con người, là một đặc ân, một sự cao trọng mà Thượng Đế ban tặng cho riêng từng con người mà ở loài vật không có. Maria Montessori đã mô tả sự duy biệt và cả sự cao quý của con người qua hình ảnh ví von “Con người là sản phẩm làm bằng tay của Thượng Đế”, khác với sản phẩm được sản xuất hàng loạt kiểu công nghiệp. Chúng ta hãy hình dung, mỗi một con người là một sản phẩm độc đáo do Thượng Đế kỳ công sáng tạo trong tình yêu của Ngài, và vì làm bằng tay, nên con người là những bản thể khác biệt nhau, mà ở đây chúng ta đang bàn về sự duy biệt của người học.
Tính duy biệt nơi người học thể hiện trên nhiều phương diện: về cách vận hành của não bộ, cách học, cách đón nhận thông tin, các loại hình thông minh, các đặc điểm tâm thể lý, hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh gia đình của người học, “vốn văn hóa” mà người học thụ hưởng trong gia đình và môi trường sống xung quanh v.v. 

Tất cả những điều trên mang tính cá nhân, ảnh hưởng lên quá trình hình thành nhân cách, trên căn tính của từng học sinh, và tất cả lại ảnh hưởng đến việc học của từng em. 

Não bộ và việc học

Não bộ là lối đi bắt buộc của sự học, vì chẳng ai có thể học được gì nghiêm túc nếu không thông qua não bộ, không động não ít nhiều. Thế nhưng chúng ta đã hiểu được về bộ phận quan trọng này bao nhiêu? 
Não bộ, bộ phận mà chúng ta thường ví như gáo dừa trên cổ mỗi người chứa khoảng 100 tỷ nơ ron thần kinh. Để trao chuyển thông tin, các nơ ron này kết nối với nhau bằng các tua dài. Mỗi một nơ ron có thể thực hiện vài chục ngàn kết nối với các nơ ron khác, tạo thành các mạng lưới vô cùng phức tạp, có thể tập hợp đến hai triệu tỷ kết nối (Giordan, 2016, tr, 75). Nghĩa là não người ẩn chứa những khả năng vô cùng to lớn mà đến nay con người vẫn chưa hiểu về “vũ trụ” nhỏ bé nhưng vĩ đại của chính mình bao nhiêu. Các dữ liệu khoa học hãy còn chắp vá và còn nhiều khoảng trống, nhiều câu hỏi cần các nhà nghiên cứu trả lời. Tuy vậy, sự phát triển của khoa học công nghệ như điện não đồ ngày nay cũng đã cho phép chúng ta hiểu biết hơn nhiều hơn so với trước đây, và điều này rất hữu ích cho những người làm giáo dục.
Chẳng hạn người ta biết não được chia thành nhiều vùng, nhiều trung tâm và vô số cấu trúc khác nhau. Năm 1909, nhà phẫu thuật người Đức Korbinian Brodmann đã mô tả có tới 52 bộ phận chỉ riêng tại vỏ não. Mỗi một vùng hay trung tâm đó lại liên hệ đến một, hay một số khả năng, ví như khả năng về ngôn ngữ, logic, toán học liên quan đến não trái (Howard Gardner), những gì mà trường học trên khắp thế giới rất đề cao, trong khi các khả năng về nghệ thuật như hội họa, âm nhạc lại liên quan đến não phải, những gì trường học có giảng dạy, nhưng chỉ như là những môn phụ không quan trọng. Thế nhưng thật trớ trêu, một số nghiên cứu cho rằng những môn nghệ thuật mang nhiều cảm xúc này lại liên quan rất nhiều đến trí nhớ, đến khả năng sáng tạo và lập luận, những thứ cần thiết giúp học tập, nghiên cứu một cách hiệu quả. Tạp chí Nature đã công bố một nghiên cứu trong đó “các nhà nghiên cứu đã đánh giá rằng âm nhạc cổ điển có thể cải thiện khả năng lập luận trừu tượng (đặc biệt là khả năng được vận dụng vào toán học, hoặc môn cờ vua) bằng cách củng cố sự kết nối giữa các phần khác nhau của não. Họ cho rằng chìa khóa của kết quả này chính là tính phức hợp của bản nhạc (theo nghĩa: được soạn rất công phu). (Bruno, 2014, tr. 64).



Chúng ta hay bàn tới các lý thuyết, mô hình giáo dục mà quên hoặc ít tiếp cận từ người học. Điều quan trọng là giáo viên phải được đào tạo, phân quyền để trở thành những chuyên gia giáo dục có khả năng thấu hiểu từng học sinh. Ảnh: Trường THCS Thực nghiệm. 


Tuy vậy, cho đến nay người ta không tìm thấy một vùng, một trung tâm hay một cấu trúc của não bộ liên quan đến sự học, kiểu như trung tâm điều phối ngôn ngữ (được xác định bởi bác sĩ người Pháp Paul Broca), mà biết rằng sự học dựa trên các vùng khác nhau. Các vùng này giải mã thông tin, tập hợp, xử lý các dữ liệu khác nhau. Hàng tỷ thông điệp được trao đổi qua lại giữa chúng một cách chóng vánh, tạo ra một hiện tượng kinh ngạc nơi con người mà loài vật không có: con người tư duy (Giordan André, 2016, tr. 69). Con người có khả năng tư duy, tức là có khả năng học tập. 
Việc học tập, tức là việc thâu nhận kiến thức và các kỹ năng không xảy ra một cách tuyến tính, theo đường thẳng từ bên ngoài vào người học kiểu như cách hoạt động của một máy ghi âm hay ghi hình. Mà điều này tùy thuộc vào người học, người học là chủ thể, là tác giả của những gì được học (xem Giordan, 2016). Nghĩa là người học đóng vai trò quyết định trong việc lựa lọc, đánh giá, đối chiếu, suy xét và cuối cùng là quyết định thâu nạp hay không, và thâu nạp ở mức độ nào. Việc học được một điều mới là một quá trình kết nối, tương tác trao đổi, phối hợp giữa các nơ ron thần kinh, các bộ phận khác nhau của não bộ, giữa não bộ và các giác quan khác nơi người học, giữa người học và môi trường xung quanh, giữa kinh nghiệm, quan điểm có sẵn của người học và kiến thức mới. Tất cả những gì thuộc về người học mang tính duy biệt nên kiến thức được đón nhận cũng mang tính riêng, cá nhân và do đó là mang tính chủ quan, nhưng vì người học sống trong một môi trường xã hội với một bối cảnh văn hóa, xã hội, kinh tế nhất định, nên kiến thức cũng mang những nét chung, chịu ảnh hưởng ít nhiều từ những “ý thức chung” (sens commun).   

Điều này giải thích tại sao trước cùng một bài giảng, nhưng cách hiểu và mức độ thâu nhận của từng học sinh là khác nhau. Vậy nên một kế hoạch giáo dục, một giáo án, một cách thức giảng dạy chất lượng là những điều phải khởi đi từ học sinh, thậm chí là từ từng học sinh, những điều Phần Lan đã làm rất tốt mà tôi đã trình bày trong cuốn sách của mình (Nguyễn Khánh Trung, 2015). Công việc đầu tiên và quan trọng nhất của một giáo viên khi nhận một lớp học là nghiên cứu, quan sát từng học sinh để nắm rõ tất cả những đặc điểm riêng của từng em như đã trình bày, từ đó lên từng kế hoạch, thiết kế từng giáo án phù hợp với từng con trẻ để giúp trẻ tự phát triển tốt nhất theo cách của mình. Điều mà chúng ta gọi là phương cách “khác biệt hóa” trong giáo dục.
Tóm lại, não bộ không hoạt động như một máy vi tính, trí nhớ không phải là thư viện khô khan mà phụ thuộc vào tâm trạng và cảm xúc của người học, thông tin từ bên ngoài vào não không đi theo một đường thẳng mà phụ thuộc rất nhiều vào những gì người học có, nhất là phụ thuộc vào quan điểm, bộ lọc sẵn có của người học. 
Não bộ, một bộ máy hết sức tinh vi với những khả năng tiềm tàng, khả năng học tập đã được thiên nhiên ban tặng cho con người một cách công bằng và hào phóng từ khi con người đang nằm trong bụng mẹ. Montessori đã cho rằng trẻ nhỏ có khả năng tham gia tương tác với môi trường vật lý và xã hội xung quanh để góp phần kiến tạo nên môi trường, cũng như có khả năng tự phát triển, tự giáo dục bản thân. Vị bác sĩ người Ý này khuyên người lớn nên đóng vai “voi mẹ” thong thả bước sau con của mình để tạo một môi trường an toàn cho con tự lớn lên về mặt thể chất và tinh thần, chứ không vội vàng can thiệp, làm thay. Những hành động như vậy bị nhà giáo dục nổi tiếng này xem là “hủy diệt linh hồn của trẻ”. Các nghiên cứu và các phát hiện sau này về khả năng của não bộ con người đã chứng minh cho những nhận xét của nhà giáo dục này.

Khả năng thấu hiểu từng học sinh

Người học là duy biệt xét về nhiều mặt và là tác giả của những gì mình có liên quan đến sự học mà bài viết ngắn này chỉ vừa mới đưa ra một vài chấm phá để chúng ta cùng nhau suy nghĩ. Lịch sử giáo dục của các quốc gia, cũng như những gì đang xảy ra trên thế giới cho chúng ta thấy, quốc gia, xã hội nào tôn trọng và biết bám trên những điểm căn bản này để thiết kế nên những trường học, những cách thức giáo dục phù hợp, thì quốc gia đó có một nền giáo dục chất lượng, tử tế, đào tạo được những công dân chất lượng, thúc đẩy quốc gia đó phát triển mà người ta hay nhắc đến Phần Lan như một ví dụ điển hình.
Việc đặt học sinh làm trung tâm, khởi đi từ người học để giúp người học tự phát triển tối đa theo cách của mình không thể xảy ra trong một hệ thống quản lý giáo dục tập quyền kiểu như “sách giáo khoa là pháp lệnh”, kiểu mà người ta thường ví von như đầu bếp của Bộ giáo dục lên một thực đơn, tự nấu các món ăn theo gu của mình và bắt mấy chục triệu học sinh trên cả nước phải ăn bất chấp nhu cầu, sự khác biệt trong khẩu vị của từng cá nhân, từng vùng miền thế nào. Hình thức áp đặt đồng loạt như thế có thể phù hợp với một nhóm học sinh nào đó nhưng không bao giờ đem lại “hạnh phúc” cho tất cả, không tạo được động lực cho tất cả vì nó phản lại với tính duy biệt mà chúng ta đã nhấn mạnh, và do đó cũng đi ngược lại với bản chất tự nhiên của con người. 

Từ xưa đến nay, chúng ta hay bàn đến các lý thuyết, các tư tưởng, các mô hình giáo dục mà quên hoặc ít tiếp cận từ người học. Chúng ta đang “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”, những người chủ trương cũng đã cố gắng để gần hơn với các phương thức giáo dục tiến bộ, nhưng dường như vẫn chưa bắt đầu từ người học. Khi chúng ta khởi đi từ người học, thì sẽ không có chuyện theo mô hình A và gạt bỏ mô hình B mà là câu chuyện mô hình nào sẽ phù hợp với học sinh nào, cũng như câu chuyện mô hình sẽ trở thành thứ yếu. Điều quan trọng là giáo viên phải được đào tạo, được phân quyền, để trở thành những chuyên gia giáo dục có khả năng thấu hiểu từng học sinh, có khả năng phối hợp với các bên để lập kế hoạch cho từng em, biết tạo ra một môi trường thúc đẩy tinh thần hiếu tri, khơi gợi động lực, trang bị cho học sinh các khả năng và thói quen truy vấn, phản biện để các em không bị xô ngã trong một thế giới đầy rẫy các thông tin thật giả lẫn lộn như ngày nay. Triết gia Rousseau (1762), tác giả của Emile hay là Giáo dục đã viết: “Tạo cho trẻ sự ham thích này [ham thích học] […], thì phương pháp nào cũng sẽ tốt.”□
----
Chú thích
* Ý chính của bài viết này đã được trình bày trong Hội thảo Quốc tế (online) được tổ chức bởi AVSE và Đại học Giáo dục hà Nội, ngày 09/06/2020.
Tài liệu tham khảo
Giordan, A. (2016). Apprendre. Paris: Belin.
Hourst, B. (2014). J’aide mon enfant à mieux apprendre. Paris : Editions Eyrolles.
Lillard, P. (1996). Phương pháp Montessori ngày nay. (Dịch bởi Nguyễn thúy Uyên Phương, 2014). Hà Nội : Nxb. KHXH.
Nguyễn Khánh Trung. (2015). Giáo dục Việt Nam và Phần Lan – Một nghiên cứu so sánh điển hình về vai trò các chủ thể tại hai trường tiểu học công lập của hai nước. Hà Nội: Nxb. KHXH.
Thomas, A. (1999). 7 loại hình thông minh – Nhận biết và phát triển trí năng tiềm ẩn (Dịch bởi Mạnh Hải và thu Hiền, 2018). Hà Nội : Nxb : Lao Động – Xã hội.

Nguyễn Khánh Trung

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 09.7.2020.

Nghề giáo luôn đòi hỏi sự khiêm tốn. Người dạy cũng đi học suốt đời.

Khi đứng nói trước một đám đông và được đám đông ấy lắng nghe, ta dễ có ảo tưởng mình là người có quyền lực, đặc biệt khi đám đông đó là những người nhỏ tuổi hoặc yếu thế hơn ta.

Ta cứ nói thao thao bất duyệt mà không biết người nghe nghĩ gì, họ tiếp nhận ra sao, họ chăm chú thật hay chỉ là làm ra vẻ chăm chú mà đầu óc thì lang thang vẩn vơ đâu đó. Họ tán thành ta hay chửi thầm trong bụng, ta cũng đâu hay.

Dạy học là một trong những nghề dễ gây cho ta ảo tưởng đó. “Đối tác” của ta là lớp học mấy mươi người, mặt đối mặt hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng.

Sách Mây trắng bay qua bục giảng (NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM và Công ty Văn hóa Huyền Đức). Ảnh: Q.M. 

Nói theo Jean-Paul Sartre, ta là “kẻ bị nhìn” trước mấy chục cặp mắt đối diện, một câu nói sai, cử chỉ lệch chuẩn, thái độ kẻ cả, bề trên, không dễ thoát khỏi sự “kiểm soát” của đối tác.

Người tu sĩ thuyết pháp hay giảng đạo, phía trên họ có uy tín của Đức Phật hay Đức Chúa, họ là người truyền đạt hay nói thay những tín niệm tôn giáo và đạo lý.

Người cán bộ tuyên huấn có chỗ dựa phía sau là sức mạnh của nghị quyết, họ chỉ diễn giải hay minh họa những nội dung có sẵn cho thật dễ hiểu. Trong khi đó, người dạy học chỉ có vật bảo chứng là kiến thức, là chân lý khoa học, là sự thật lịch sử.

Giáo viên giảng cho học sinh một định lý toán học, một định luật vật lý, một phản ứng hóa học, đó không phải là những điều tự người ấy nghĩ ra, mà nhờ học từ những nhà giáo đi trước hay thu thập trong sách vở, tư liệu.

Giáo sư giảng cho sinh viên lịch sử triết học hay văn học, đó không phải sáng tạo của người ấy mà là sự tích lũy từ kho tàng văn hóa của dân tộc và nhân loại.

Vậy nên người dạy học luôn luôn có tình cảm biết ơn: Biết ơn thầy cô, biết ơn đồng nghiệp, biết ơn học giới đã xây đắp kho tàng khoa học, tri thức và văn hóa mà ngày nay mình thừa hưởng và truyền đạt lại cho thế hệ đến sau.

Không có những người đi trước đó thì một người thầy giáo tài năng nhất cũng không thể làm nghề được. Đến lượt mình, người dạy học sẽ góp phần nhỏ bé vào thành tựu nghiên cứu chung và kinh nghiệm giảng dạy của đồng nghiệp cho các thế hệ sau kế thừa.

Người dạy học sẽ phản bội thiên chức của mình nếu truyền đạt những điều không trung thực, những điều mình nói mà chính mình không tin.

Ngay cả với những chân lý hiển nhiên, người dạy học cũng không làm tròn sứ mệnh của mình nếu tìm cách áp đặt cho học sinh mà không chứng minh, thuyết phục; nhất là ở trường đại học, khi sinh viên đã đến tuổi trưởng thành, có năng lực tiếp nhận và đánh giá những kiến thức mà nhà trường truyền bá.

Nói giáo dục hiện đại lấy người học làm trung tâm không có nghĩa là xem nhẹ vai trò người dạy học. Người dạy luôn là người tổ chức lớp học, người định hướng mục tiêu bài học, môn học; nhưng không làm thay cho học sinh.

Con đường đi đến mục tiêu đó phụ thuộc vào đặc điểm, tâm lý, tính cách, vào “chân trời chờ đợi” của học sinh. Học sinh không phải là đối tượng tiếp nhận bài học một cách bị động mà là chủ thể tiếp nhận một cách chủ động. Người dạy cần tạo cho họ khả năng chọn lựa, óc phê phán và tinh thần phản biện.

Trong thế giới ngày nay, người đi học có thể tiếp cận biết bao nguồn thông tin trên sách báo, trên Internet. Họ đủ sức kiểm chứng những kiến thức, luận điểm, tư tưởng mà người dạy truyền trao.

Họ biết so sánh lý thuyết với thực tế và nếu phát hiện ra sự mâu thuẫn hay giả dối, họ sẽ thất vọng, thậm chí rơi vào khủng hoảng. Vì vậy, người dạy học đừng nghĩ rằng “uy tín” của mình sẽ bảo chứng cho bài giảng.

Có lẽ điều mà người đi học không tìm thấy đối chứng ở đâu khác ngoài trên bục giảng, chính là sự tận tụy, liêm khiết, công bằng của người dạy học.

Một lời khen hay lời chê bất công, một điểm số thiên vị có thể làm mất niềm tin của học trò về lẽ phải. Khi sự công bằng chưa được thiết lập trong nhà trường thì khó có thể thiết lập ở ngoài xã hội.

Trước khi đặt bút viết bài này cho cuốn sách do Trần Hoàng Nhân chủ biên, tôi đọc được một truyện ngắn hay của nhà giáo Phùng Hi: Tôi có sai? (Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 34, ngày 8/9/2019).

Một người thầy giáo yêu nghề, muốn làm điều tốt cho học trò, muốn nói cho anh ta biết sự thật cuộc đời, nhưng lại vô tình gây nên hậu quả nghiêm trọng và ông nhận ra rằng mình đã sai.

Dạy học như vậy đâu chỉ là khoa học, là trao truyền kiến thức, mà còn là một nghệ thuật. Người dạy học luôn tra vấn trước lương tâm nghề nghiệp của mình, đâu là điều đúng, điều phải cần làm, cần nói cho học trò.

Vì vậy, nghề giáo luôn đòi hỏi sự khiêm tốn. Người dạy học cũng là người đi học suốt đời. Và người dạy học cũng suốt đời chịu sự sát hạch của học trò, của xã hội, cho mãi đến ngày về hưu và có thể cả sau khi về hưu.

Huỳnh Như Phương

20201122 2

GS.TS Huỳnh Như Phương sinh năm 1955. Ông có các tác phẩm lý luận phê bình đã xuất bản: Dẫn vào tác phẩm văn chương, Những tín hiệu mới, Trường phái hình thức Nga, Những nguồn cảm hứng trong văn học, Hãy cầm lấy và đọc…

Nguồn: Zing, ngày 21.11.2020.

Đại dịch Covid-19 diễn ra vào thời điểm chúng ta cũng đồng thời chứng kiến toàn cầu hóa trên mọi mặt, cả kinh tế, văn hóa và bệnh tật; và quá trình chuyển đổi sang thời đại kỹ thuật số - đã được các sử gia về lược sử loài người nhận định là sẽ làm thay đổi căn bản xã hội loài người. Nhưng dù bước vào thời đại nào, chúng ta cũng phải trao truyền tri thức khoa học, tư duy phản biện, lòng trắc ẩn, thấu hiểu các quan điểm đa dạng khác nhau giúp các thế hệ sau đối diện với những thay đổi mới. Nhân loại có đầy đủ các tri thức khoa học và công nghệ để ứng phó với Covid-19 nhưng nhìn dài hạn hơn, chúng ta phải chuẩn bị cho các khủng hoảng khác tương tự bằng cách thức giáo dục mới, bằng các nền tảng kiến thức khoa học xã hội. Do vậy trong cụm bài này chúng tôi đề cập tới vấn đề đại dịch sẽ trao cho ta những câu hỏi gì về vai trò của trường học (GS Roger-François Gauthier), KHXH và giáo dục sẽ phải trang bị cho học sinh những gì (GS Keith C. Barton, PGS Li-Chig Ho). Cùng với đó là những điều cần lưu ý khi chuyển đổi từ dạy học truyền thống sang dạy học trực tuyến (TS. Nguyễn Tấn Đại).


GS Roger-François Gauthier,  Đại học Paris-Descartes.


Chỉ trong một thời gian ngắn, đại dịch Covid-19 đã làm biến đổi sâu sắc bức tranh giáo dục trên toàn thế giới. Các nhà giáo dục giờ đây đang phải đối diện với những câu hỏi đầy thách thức: Nhà trường đang dạy những gì? Học sinh sẽ học được điều gì? Và rộng hơn nữa, bản chất của Giáo dục là gì?

Những câu hỏi ấy vẫn luôn ở đấy, nhưng chỉ khi lớp học biến mất, chỉ còn lại người giáo viên với học sinh – cách nhau bởi màn hình máy tính, chúng mới có dịp hiện lên rõ ràng. 

1. Nhà trường có phải là nơi nắm giữ chân lý? 

Tùy thuộc vào điều kiện lịch sử và văn hóa, giáo dục ở các nước trên thế giới cũng có những hình thái khác nhau, nhưng nhìn chung, ở hầu hết các nước, việc tiếp thu kiến thức ở trường được xem là một con đường độc đạo, thậm chí gần như là một điều hiển nhiên: người ta chưa từng tham gia tiết học ở một ngôi trường nào khác ngoài ngôi trường họ từng học. Họ cũng chưa từng nảy ra ý tưởng nào về những chủ đề nhà trường nên dạy – ngoài những chủ đề họ vốn được học. Tất cả chúng ta đều như vậy. Tất cả chúng ta, hậu-trẻ-em, đều có nguy cơ bị bó hẹp về kinh nghiệm sống, bị giới hạn trong trải nghiệm cá nhân và những kiến thức được học dưới mái trường địa phương.   

Thoạt nghe, có vẻ như các hệ thống giáo dục đã quên rằng, trong suốt lịch sử loài người, không phải lúc nào nhà trường cũng truyền đạt điều hay lẽ phải. Nhưng dù là thời nào, tất cả đều giống nhau, đều có hai điểm cần lưu ý: thứ nhất, vẫn còn tồn tại một quy tắc ngầm, đó là học sinh không được phép nghi ngờ những gì mình được dạy, nói cách khác, thầy cô là người ‘nắm giữ’ chân lý. Và thứ hai, đừng quên trong một số giai đoạn, trường học vẫn có thể dạy những điều sai trái theo một hệ tư tưởng lệch lạc, chẳng hạn như trường hợp Đức Quốc xã dưới chế độ độc tài của Hitler, hay chính sách phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi, và những trường hợp như vậy ngày nay vẫn tồn tại ở những nơi theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thù hằn dân tộc hoặc phân biệt chủng tộc. Những vấn đề nhà trường dạy chúng ta chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ là lẽ dĩ nhiên.  

Hầu hết các hệ thống giáo dục thường quên điều này, vì họ mải tập trung vào việc đánh giá và xếp hạng học sinh. Hãy nhớ rằng chúng ta không chỉ đánh giá và xếp hạng học sinh về cách học và tiếp thu kiến thức có giá trị, mà còn theo dõi những lỗ hổng kiến thức hoặc sai lầm trong nhận thức, hành vi! Nhiều hệ thống giáo dục trên thế giới đang sử dụng sai phương pháp để kiểm tra và đánh giá học sinh, mà Pháp là một ví dụ điển hình. 

Mục đích của việc đến trường không chỉ là chiến thắng các cuộc thi và đạt điểm số cao nhất. Mục đích của việc đến trường là để học hỏi. Hãy truyền đạt cho học sinh những điều mà thầy cô nghĩ là cần thiết để có thể tồn tại trong một thế giới không ngừng biến đổi – chứ không phải chỉ vì nó đã được dạy suốt hàng chục năm nay. Đây thực sự là một vấn đề cấp thiết và thú vị, nhưng hiếm khi được xem xét kỹ càng.

2. Đại dịch trao cho chúng ta điều gì?

Điều thú vị là, đại dịch đã khiến một số vấn đề của ngành giáo dục – mà trước đây chúng ta không mấy bận tâm – hiện rõ hơn bao giờ hết. Trong giai đoạn này, học sinh phải làm bài tại nhà, học tập từ xa với sự kèm cặp của cha mẹ. Và do đó, những kiến thức đã từng là kim chỉ nam cho học sinh, giờ đây bắt đầu bước ra ngoài đời sống một cách ‘trần trụi’, không còn bị ‘thần thánh hóa’. Học tập không còn là một bước đệm cho việc đánh giá và xếp hạng, mà nó đã thực sự mang lại ý nghĩa từ bên trong. Hơn nữa, kiến ​​thức ở trường có cơ hội gặp gỡ với kiến ​​thức trong gia đình, kiến ​​thức bản địa và đôi khi là kiến ​​thức từ góc nhìn nghề nghiệp của phụ huynh. Tri thức xuất hiện nhờ quá trình học trực tuyến, nó được giải phóng khỏi quyền năng vô hình của giáo viên và nhà trường.

20200610
Trong lịch sử loài người, không phải lúc nào nhà trường chính thống cũng dạy những điều hay lẽ phải. Trong một số giai đoạn, nhà trường đã từng là nơi truyền bá những tư tưởng sai lệch như phân biệt chủng tộc. Ảnh: Năm 1955, học sinh da màu ở Mỹ xếp hàng chờ đợi đăng ký đi học sau sự kiện một phụ huynh da màu kiện các hội đồng giáo dục vì đã phân biệt đối xử (Brown v. Board of Education) và đòi hỏi học sinh cần phải được tiếp cận giáo dục công bằng bất kể chủng tộc nào. Kể từ đây học sinh da đen mới được đi học cùng trường với học sinh da trắng. Nguồn: Gordon Tenney / Smithsonian National Museum of African American History and Culture. 

Hơn nữa, sự vắng mặt của các bạn cùng lớp khiến các em cảm nhận được tầm quan trọng của bạn bè trên con đường học tập và tích lũy kiến ​​thức. Xa hơn, đại dịch xuất hiện và mang đến cho học sinh cơ hội suy ngẫm về vai trò của khoa học, về ý nghĩa của sự thật, và sự hoa mỹ của những lời nói dối. Vì vậy, một cách ngắn gọn, có thể nói, đại dịch đã trao cho chúng ta một cơ hội hiếm có để suy ngẫm về câu hỏi: nhà trường nên dạy gì cho học sinh? Và đó cũng là một trong những câu hỏi quan trọng mà xã hội nào cũng cần tìm kiếm câu trả lời.

3. Tầm quan trọng của tri thức

Thế giới của chúng ta, hơn bao giờ hết, ngập tràn các tin tức giả mạo và thuyết âm mưu. Lúc này nhà trường nên giúp học sinh hiểu được tại sao chúng lại có sức hấp dẫn đến vậy, đó sẽ là liều vaccine hiệu quả, giúp các em có kỹ năng ứng phó với các thể loại tin giả và thuyết âm mưu hiện nay.

Nhìn chung, chủ nghĩa tương đối (relativism) cũng là một loại tin giả nguy hiểm, nó có khả năng khiến học sinh thờ ơ với sự thật: ở một số quốc gia, học sinh được quyết định cái gì là sự thật và cái gì thì không, kể cả những tri thức về lịch sử hình thành vũ trụ, cuộc sống, hay loài người. 

Các trường học cần có biện pháp cụ thể nhằm giúp học sinh hứng thú hơn với việc khám phá tri thức. Đại dịch, cùng ‘cơn sóng thần’ tin giả, đã chứng minh đây là yếu tố quan trọng hàng đầu.

4. Khi kiến ​​thức trong nhà trường là nền tảng để tiếp thu các dạng kiến thức khác

Như đã nói, đại dịch là cơ hội hiếm có để những kiến thức hàn lâm trong trường học có cơ hội gắn kết với đặc điểm của các thành viên trong gia đình, với những kiến thức phong phú ở thế giới ngoài kia. 

Điều này chỉ cho thấy rằng lằn ranh ngăn cách những kiến thức trong trường học – như thể ngăn cách một nơi tôn nghiêm – đã biến mất. Kiến thức nhà trường cần phải là chìa khóa mở ra những dạng kiến ​​thức mới, cần thiết, trong thời đại toàn cầu hóa. Từ đó, cho thấy rằng người giáo viên không nên bỏ qua hoặc coi thường những kiến thức không nằm trong sách giáo khoa. Các loại kiến ​​thức khác, bất kể là trên Internet, trong đời sống học sinh, trong các tôn giáo, quan điểm và ý thức hệ khác nhau đều cần được tôn trọng. Tất nhiên trường học không cần phải dạy mọi thứ, ngược lại, nhà trường nên dạy một cách chọn lọc từ những kiến thức đã có sẵn. 

Bên cạnh đó, trong bối cảnh phức tạp này, nhà trường cần phải đặt ra cho học sinh những giới hạn, hướng dẫn học sinh xử lý các loại thông tin mà các em sẽ phải tiếp nhận trong suốt phần đời còn lại. Do đó, một nhiệm vụ mới được đặt ra cho các trường học hiện nay: giúp học sinh sắp xếp lượng kiến thức, bao gồm cả việc lựa chọn các chủ đề mà nhà trường sẽ dạy hoặc chia sẻ cho các em.  

5. Sự bất bình đẳng trong giáo dục

Trong suốt đại dịch, tình trạng bất bình đẳng lại càng hằn sâu hơn bao giờ hết. Từ xã hội này sang xã hội khác, dù là xã hội nào, cơ hội được đến trường và học hỏi kiến ​​thức có giá trị giữa các em học sinh cũng không hề giống nhau.  

Rõ ràng, bất bình đẳng trong chia sẻ tri thức cho các em học sinh là một việc làm không thể chấp nhận được – bất kể hậu thảm họa, cuộc sống trên Trái đất này có khác đi như thế nào đi chăng nữa.

Chia sẻ kiến thức một cách công bằng không chỉ là yêu cầu suông: đó là một câu hỏi về giá trị của sự sẻ chia giữa các nền văn hóa khác nhau. Đại dịch đã nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta cũng chỉ là một giống loài trong vô số những giống loài khác, chúng ta phải khiêm nhường trước thiên nhiên – chứ không phải xem chúng như một loại tài sản để sở hữu. Nhưng trên hết, sự khiêm nhường này cần phải được hòa quyện và chấp nhận trong toàn bộ những nền văn hóa, giữa những cá nhân và các nhóm người khác nhau: chứ không phải là một mô hình áp đặt lên tất cả các dân tộc, mà chúng ta vẫn thường thấy trong nhiều trường hợp xuyên suốt quá khứ và thậm chí là đến tận ngày nay.

6. Cạnh tranh hay hợp tác?

Chúng ta vẫn thường nói, trên khắp thế giới, trường học đang trở thành một nơi nguy hiểm. Đó dường như là một võ đài khốc liệt trong suốt một khoảng thời gian dài: giữa học sinh với học sinh, giữa các trường với nhau, giữa các loại hình trường học (tư thục và công lập), và cuối cùng là giữa các quốc gia, hay thậm chí là giữa các châu lục. Các em học sinh đã phải chịu đựng những áp lực này trong một môi trường học đường tồi tệ, các em rồi sẽ chán nản, mất tự tin, và thậm chí luôn nghĩ rằng mình là một kẻ thất bại trong suốt phần đời về sau. 

Đại dịch đã khiến mọi người suy nghĩ về một mô hình cạnh tranh tổng thể, mà ở đó những yếu tố như sự đồng cảm, hợp tác, bảo vệ những người yếu thế, đóng góp cho xã hội và một nền y tế công cộng dành cho tất cả mọi người sẽ là những giá trị trung tâm. 

Các trường họ cần phải tự mình thay đổi: họ nên phát huy các giá trị hợp tác và sự đồng cảm trong quá trình dịch bệnh lây lan, và họ nên cân nhắc để giảm thiểu những yếu tố có thể gây căng thẳng cho các em học sinh. 


Đại dịch là thời điểm bộc lộ rõ nhất những bất bình đẳng trong giáo dục. Trong thời gian nghỉ học do dịch Covid-19, trong khi học sinh thành phố có thể học tập trực tuyến thì học sinh ở các khu vực miền núi không có phương tiện để học. Trong ảnh là thầy cô giáo ở Hồng Ca, Trấn Yên, Yên Bái treo bài tập vào các ống nhựa để học sinh lấy mà không phải tiếp xúc. 


Các trường học cần phải dạy về tính đúng đắn của khái niệm “chọn lọc tự nhiên” của Darwin, rằng quy luật này là chính xác, ngoại trừ việc nó bị các chế độ độc tài lợi dụng – đây là những thứ cần phải bị xã hội loài người loại bỏ ngay từ đầu, mà trường học là nơi thích hợp để thực hiện điều đó. 

7. Tri thức là tài sản của nhân loại

Khi đại dịch xảy đến, mọi người dần hiểu được tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nhà khoa học, không chỉ trong nước mà cả quốc tế, và nhiều người đã bị sốc khi biết rằng loại vaccine sắp tới có thể chỉ được dành riêng cho một số quốc gia cụ thể. Thứ hai, sự hợp tác giữa các ngành khác nhau, từ các lĩnh vực khoa học khác nhau, định lượng cũng như định tính, thực nghiệm cũng như lý thuyết, đều rất cần thiết. Thứ ba, tại nhiều quốc gia, dịch vụ y tế công cộng là yếu tố quan trọng quyết định khả năng ứng phó trước đại dịch. 

Vì vậy, có thể nói rằng, trong bối cảnh tư nhân hóa đang thống trị các quốc gia trên thế giới, lợi nhuận được đặt lên hàng đầu, trường học không nên là nơi dạy cho học sinh ích kỷ với những hiểu biết của mình. Ngược lại, trường học phải là nơi đầu tiên dạy cho các em biết rằng, kiến thức là sở hữu chung của loài người, chứ không phải là một thứ tài sản sở hữu, chỉ mang lại lợi nhuận cho số ít. 

8. Nếu không có lương tri, sẽ không thể học hỏi bất cứ điều gì giá trị

Nếu hỏi rằng đâu là bài học mà chúng ta có thể rút ra từ đại dịch, thì có thể nói chưa bao giờ khoa học lại được xem là yếu tố quyết định đến sự sống còn của nhân loại như hiện tại: hằng ngày, người dân ở khắp mọi nơi đều mong chờ kết quả của những thí nghiệm khoa học, bước tiến trong quá trình nghiên cứu vaccine, hoặc tò mò về những công trình mới của các nhà dịch tễ học. Chưa bao giờ khoa học được đề cao đến thế. Chưa bao giờ mọi người cảm nhận được sự liên kết của khoa học với quyết định của các chính trị gia rõ ràng đến thế, cũng như tầm quan trọng của nó trong việc giải đáp các nhu cầu của xã hội, hoặc thúc đẩy lợi nhuận. 

Dường như có một khoảng trống giữa những tiến bộ công nghệ với mong muốn của mọi người về sự tự do: chẳng hạn, liệu có thể chấp nhận được việc truy dấu những người nghi ngờ mắc Covid-19 bằng điện thoại thông minh của họ? Chúng ta có nên đặt ra cho học sinh những câu hỏi này trong những tiết dạy về thuật toán và trí tuệ nhân tạo không? Bất kỳ một tiến bộ khoa học hay nền tảng công nghệ nào cũng đặt ra cho chúng ta câu hỏi về ý nghĩa đạo đức của nó đối với xã hội loài người.  


Nhà trường mang trong mình sứ mệnh giúp trẻ em thực hành tư duy phê phán khi tiếp xúc với khoa học và công nghệ. Ảnh: Học sinh tìm hiểu về corona ở Đắk Nông. Nguồn: Dân trí. 

Còn những chính sách được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến các nhà khoa học thì sao? Chẳng lẽ nó không phải là một tấm gương phản chiếu những gì khoa học đang có, và đồng thời đang đại diện cho tiếng nói của người dân hay sao? Trong xã hội hiện đại của chúng ta, nơi khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng, nhà trường cần đặt ra những vấn đề để học sinh có thể suy ngẫm về vai trò của đạo đức trong khoa học, cũng như giúp các em thực hành tư duy phê phán khi tiếp xúc với khoa học công nghê. 

Ngày nay, nhà trường mang trong mình một sứ mệnh quan trọng: đặt ra cho học sinh câu hỏi về giá trị đạo đức và ý nghĩa thực sự của tri thức. Nhà trường phải có trách nhiệm trước mỗi học sinh với tư cách là một cá nhân, chịu trách nhiệm trước các cộng đồng khác nhau (bao gồm cả cộng đồng quốc gia), chịu trách nhiệm trước Nhân loại, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chịu trách nhiệm trước Hành tinh này. □

Roger-François Gauthier

*Giáo sư Đại học Paris-Descartes (Pháp)

Anh Thư dịch
------

Nội dung này sẽ được GS Roger-François Gauthier trình bày tại hội thảo Vietnam Education Symposium (VES), tổ chức vào ngày 9/6/2020 tại trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

 

 

Nguồn: Tia sáng, ngày 08.6.2020.

TTO - Nhà giáo Mai Cao Chương - trưởng khoa ngữ văn đầu tiên của Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM - vừa qua đời lúc 3h30 ngày 6-11, hưởng thọ 90 tuổi. Tuổi Trẻ giới thiệu bài của một học trò viết về thầy giáo của mình.

20101108 2

Nhà giáo Mai Cao Chương (thứ ba từ trái qua) trong dịp sinh nhật 80 tuổi - Ảnh: Tác giả cung cấp

Nghĩ về khoa ngữ văn ĐH Tổng hợp TP.HCM những ngày đầu khó khăn, vất vả mà sôi nổi, lãng mạn sau năm 1975; nhớ về những bài giảng văn học, Phật học thời Lý Trần, thơ văn Nguyễn Trãi uyên thâm và sinh động; nhớ về một người thầy mẫu mực, nhân từ và tận tụy, những sinh viên xuất thân từ khoa ngữ văn lại nhớ đến thầy Mai Cao Chương - phó giáo sư, nhà giáo ưu tú, trưởng khoa ngữ văn đầu tiên của mình.

Đề xuất hệ đại học mở rộng

Thầy Mai Cao Chương sinh năm 1930 tại làng Trường Định, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống văn chương và yêu nước.

Từ nhỏ thầy đã được học chữ Hán bên cạnh việc học tiếng Pháp trong nhà trường. Vốn Hán học từ thuở nhỏ cộng với thời gian học Trung văn ở ĐH đã giúp thầy có một vốn liếng vững chắc để đi vào con đường nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám thành công lúc thầy Mai Cao Chương tròn 15 tuổi và vừa thi đậu bằng tiểu học. 17 tuổi thầy tham gia cách mạng và năm 20 tuổi được kết nạp vào Đảng ngay từ những ngày ấy, đến năm nay thầy đã được 70 năm tuổi Đảng.

Kháng chiến chống Pháp kết thúc, năm 1955 thầy tập kết ra Bắc. Năm 1962, thầy vào học Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, học phân ban văn học Trung Quốc của khoa ngữ văn và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của tổ cổ - cận - dân (cổ, cận đại, dân gian).

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, thầy Mai Cao Chương được phân công vào ĐH Văn khoa Sài Gòn và tham gia tổ bộ môn Hán Nôm, sau đó làm tổ trưởng tổ bộ môn ngữ văn Việt Nam. Từ năm 1978 đến 1990 thầy làm chủ nhiệm khoa ngữ văn ĐH Tổng hợp TP.HCM.

Với tư cách là nhà quản lý, thầy đã làm trưởng khoa ngữ văn đầu tiên của Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM đồng thời cũng là trưởng khoa với nhiệm kỳ dài nhất: 12 năm.

Trong thời gian làm trưởng khoa, thầy đã góp phần tạo ra học phong - phong cách học thuật của khoa - một học phong thiên về học vấn căn bản và liên ngành để dễ thích ứng với nhiều công việc, một học phong thiên về nghiên cứu và sáng tạo.

Thầy cũng có những sáng kiến đổi mới quản lý, trong đó đáng chú ý nhất là việc đề xuất một loại hình đào tạo mới mẻ: hệ ĐH mở rộng.

Từ đó đã dẫn tới chủ trương xây dựng loại hình ĐH mở (opening university) ở nước ta. Thầy chú ý xây dựng lực lượng kế thừa: mạnh dạn giữ lại nhiều sinh viên xuất sắc cho khoa và bồi dưỡng cho họ cả về chính trị lẫn chuyên môn cũng như khuyến khích, nâng đỡ họ trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Nhiều người trong số đó nay đã có những học vị cao và là những cán bộ chủ chốt của trường, của khoa.

"Hối nhân bất quyện" 

Phó giáo sư Mai Cao Chương là nhà giáo rất tận tụy với nghề: ngay cả sau khi về hưu thầy vẫn tiếp tục đứng lớp, hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh... đến khi không còn đủ sức nữa mới thôi - thật đúng như tinh thần người xưa nói: "Hối nhân bất quyện" - Dạy người không mỏi.

Nhiều thế hệ giảng viên và sinh viên còn nhớ mãi hình ảnh và tính cách của thầy: giản dị nhưng nghiêm túc; nguyên tắc, quyết đoán nhưng cũng rất nhân hậu, độ lượng.

Dịp Tết âm lịch năm 2020 vừa rồi, tôi đã đưa thầy Trần Chút - nhà ngôn ngữ học, phó trưởng khoa ngữ văn - đến gặp thầy Mai Cao Chương. Hai thầy "tề danh" - cùng nổi tiếng là trưởng - phó khoa ngữ văn giai đoạn đầu tiên.

Cùng ở thành phố, cùng thân thiết với nhau nhưng tuổi già, bệnh tật nên hai thầy nhiều năm không gặp nhau. Khi thầy Chút và tôi đến, thầy Chương đã yếu, không xuống lầu tiếp khách được. Thầy ở trong phòng, trên bàn vẫn có mấy quyển sách triết Đông bằng Hán văn và một quyển Kiều.

Cô Phụng, phu nhân của thầy, nói hằng ngày ông vẫn đọc sách, ngâm thơ Đường và rung đùi đọc Truyện Kiều, cười sảng khoái với sách. Thầy Chương, thầy Chút trò chuyện vui vẻ, nhớ ra bao nhiêu chuyện mà ngày thường các thầy tưởng đã quên.

Trong các câu chuyện, hai thầy nói nhiều nhất về các học trò: người này hồi xưa giỏi làm sao, người nọ ra trường thành đạt, người kia bất hạnh, người nọ người kia đã "đi" trước thầy.

Hơn tháng trước - đầu tháng 10, thầy Trần Chút đã ra đi mãi mãi. Tôi thấy mình đã may mắn đưa ra cuộc gặp gỡ này. Không ngờ bây giờ, một tháng sau, thầy Mai Cao Chương cũng ra đi. Hai thầy "tề danh" về khoa ngữ văn gần như cùng lúc, xây dựng một khoa vẻ vang, bây giờ người trước người sau, cùng nhau về thế giới bên kia.

Khoa ngữ văn mà thầy xây dựng là khoa lớn, thuộc vào những khoa có lịch sử lâu đời, có truyền thống vẻ vang nhất của ĐH Tổng hợp TP.HCM, nay là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM.

Từ khoa ngữ văn, ngữ văn và báo chí tách một phần ra thành các khoa Việt Nam học, văn hóa học, ngữ văn Trung Quốc, báo chí - truyền thông, ngôn ngữ.

Và từ các khoa này đã có hàng nghìn sinh viên trưởng thành trở thành các cán bộ lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, giáo viên, doanh nghiệp, chuyên viên và những người làm ở nhiều ngành nghề khác giúp ích cho gia đình, xã hội.

Vĩnh biệt thầy, một nhà khoa học uyên thâm mà khiêm tốn, một nhà giáo giản dị, nhân từ. Thầy như người cha của bao thế hệ học trò. Hình ảnh thầy còn in trên từng trang sách, còn sống mãi trong nhiều thế hệ học trò chúng em.

Vì sự nghiệp giáo dục

Nhà giáo Mai Cao Chương là một nhà nghiên cứu có nhiều công trình rất quý, nhất là ba cuốn Lịch sử văn học Việt Nam, phần Văn học Việt Nam thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII; Nguyễn Lộ Trạch - điều trần và thơ văn (viết chung với Đoàn Lê Giang, NXB KHXH 1996) và Một số vấn đề văn học cổ điển VN.

Năm 1992, thầy được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 1995, ông nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và huy hiệu Vì sự nghiệp giáo dục.

Đoàn Lê Giang

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 08.11.2020.

TTO - “Ai cũng gù, mình thẳng lưng là khuyết tật”, câu nói bất ngờ giữa phiên tòa xử các thầy cô giáo phạm tội gian lận điểm thi đã khiến nhiều người bàn luận. Có thật như vậy không?

Tham gia cuộc trò chuyện sau đây với Tuổi Trẻ, các nhà văn, giảng viên, luật sư đều nhấn mạnh: "Thẳng lưng là khuyết tật" là lối sống tiêu cực, thỏa hiệp với cái xấu. Cần cổ vũ và tôn vinh lối sống chính trực, ngay thẳng, lạc quan.

Không thể chọn tư thế gù

* Nhiều người nói câu nói "Ai cũng gù, mình thẳng lưng là khuyết tật" là một thực tế có thật với nhiều người, nhiều nơi. Ông nghĩ như thế nào?

Nhà văn, giảng viên Phan Nhật Chiêu: Là một người đã theo đuổi ngành giáo dục, nghiên cứu văn học, văn hóa suốt cả đời, tôi hết sức ngỡ ngàng khi nghe câu đó từ một nhà giáo, lại càng ngỡ ngàng hơn khi nhiều người công nhận đây là một thực tế phổ biến.

Tôi cho rằng đây chỉ là một lời ngụy biện văn hoa, cũng như những người đang kêu gọi làm giàu bằng mọi giá, bất chấp tất cả. Thực tế ngành giáo dục mà tôi đã trải nghiệm một đời đi dạy không phải như vậy. 

Đây đó có những hiện tượng tiêu cực, xung quanh có những người thỏa hiệp với cái xấu để thành một "người gù", nhưng không bao giờ có chuyện "ai cũng gù", và càng không thể có quan niệm "người thẳng lưng là khuyết tật". Tôi vẫn biết nhiều người rất mạnh mẽ bảo vệ lẽ phải.

* Có thể ông quá lạc quan, hay mơ mộng chăng?

- Tôi không mơ hồ, mà ngược lại, trong các sáng tác của tôi đã nhiều lần đề cập đến hiện tượng này. Ta có thể đọc lại. Đây là truyện tuyệt ngắn có tên Tiến hóa: "Cả anh cũng không biết rằng mình đã hóa tinh tinh thật bao giờ sau nhiều năm đóng vai tinh tinh trong gánh xiếc". 

Tôi cũng có một truyện ngắn mang tên Mưa mặt nạ, viết về những chiếc mặt nạ da người mà khi đeo lên, mặt nạ sẽ thay luôn mặt người: "Người phát minh một gương mặt cho chính mình/ Phía sau nó/ Người sống, chết, và hồi sinh/ Bao nhiêu lần/ Gương mặt người ngày hôm nay/ Có nhiều vết nhăn của chính gương mặt ấy/ Còn những vết nhăn của người thì nào có mặt mày".

Tôi cho rằng đó là sự "tiến hóa" ngược. Con người sao có thể "tiến hóa" thành tinh tinh? Người thẳng lưng sao lại muốn làm người gù? Gương mặt của mình sao thay bằng mặt nạ? Về mặt tự nhiên, để thẳng lưng theo nghĩa đen, loài người đã trải qua hàng triệu năm tiến hóa.

Thẳng lưng theo nghĩa bóng, để có được sự ngay thẳng, chính trực, biết phân biệt phải trái đúng sai, làm điều phải và đứng về phía lẽ phải, con người cũng phải trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, văn hóa qua hàng trăm thế hệ.

"Thẳng lưng" là kết quả của sự tiến bộ và là động lực thúc đẩy tiến bộ, đâu tự nhiên mà có. "Gù" - trong nghĩa bóng là thỏa hiệp với cái xấu, sẵn sàng làm điều xấu cũng không do tự nhiên, do bẩm sinh mà là lựa chọn chủ quan. Vậy thì đừng vì chút quyền lợi mà tự lựa chọn làm người "gù".

20200524

Nhà văn, giảng viên Phan Nhật Chiêu

* Cũng có khi là do sợ hãi nữa...

- Tất nhiên làm người "thẳng lưng" không dễ, nhất là khi xung quanh lại có nhiều người lựa chọn kiểu sống "gù". Để giữ được sự chính trực, nhiều khi phải chấp nhận thiệt thòi. Để bảo vệ được sự chính trực, đôi lúc phải trả giá, có khi là cả sinh mạng. Nhưng nếu bạn không đủ dũng cảm, cứng cỏi để đấu tranh chống lại cái tiêu cực, cái xấu, cái ác thì vẫn có thể có lựa chọn khác như không thỏa hiệp, im lặng, rút lui...

Khi xưa, không đủ dũng khí để dâng vua thất trảm sớ như Chu Văn An thì vẫn có rất nhiều ông quan cáo bệnh, từ quan để về quê dạy học, bốc thuốc. Làm nghề giáo là để dạy học trò thẳng lưng. Nhà giáo không thể chọn cho mình tư thế gù.

Lịch sử của chúng ta có những giai đoạn mà sự ấu trĩ, lạc hậu thắng thế tiến bộ, văn minh, những người "thẳng lưng" chịu nhiều phủ nhận thiệt thòi. Nhưng lịch sử luôn đi về phía sự tiến bộ, những sai lầm sẽ được sửa chữa và "cây ngay thì không sợ chết đứng", những gì là giá trị sẽ luôn được công nhận. Vì vậy, tôi muốn nhắc lại là đừng bao giờ lựa chọn làm người "gù".

Người "thẳng lưng" luôn xứng đáng được tôn vinh

* Tuy nhiên, cũng nhiều người nói rằng kinh nghiệm từ xưa đã để lại: "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài".

- Vẫn cứ là ngụy biện. Ông bà ta dạy "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài" là lối sống thích nghi với hoàn cảnh, là thay đổi hình thức bên ngoài để hòa hợp, một văn hóa tốt. Dù ở bầu hay ống, bản chất của nước vẫn nguyên vẹn là nước. Còn nếu đang "thẳng lưng" mà lại chọn "gù", tức đã thay đổi hẳn về bản chất, vứt bỏ hoàn toàn năng lực, phẩm cách, lương tri.

Lối sống ấy không chỉ là an phận để được yên ổn, mà sẽ dẫn đến thỏa hiệp với cái xấu, lún sâu vào tiêu cực, thực hiện những hành vi gây hại cho tổ chức, xã hội, và sau rốt là hại chính bản thân mình. Không quyền lợi nào có thể cân bằng lại được. Thực tế xã hội đã chứng minh như vậy.

* Thực tế lại cũng cho họ thấy những trả giá của người "thẳng lưng"...

- Thật ra không cần phải trải nghiệm quá nhiều để biết rằng những người "thẳng lưng" luôn xứng đáng được tôn vinh. Nhiều thế hệ trẻ đã được đọc, xem truyện Vịt con xấu xí từ thời mẫu giáo.

Hãy nhớ lại xem: Chú vịt con ấy từ khi chui ra khỏi vỏ trứng đã bị cả đàn kỳ thị vì sự khác biệt của màu lông, của vóc dáng. Chú bị gọi là xấu xí, bị chê cười, bị xua đuổi, nhưng chú vẫn ngẩng cao đầu để là chính mình, chấp nhận rời đàn sống cuộc sống cô đơn, rồi dũng cảm đi theo khao khát được đến với đàn thiên nga trên hồ nước. 

Và rồi ngày ấy đến, đàn thiên nga quây quanh chú, và khi cúi mình soi xuống mặt nước, chú vịt xấu xí nhận ra mình đã lớn lên, đã biến đổi và trở thành con thiên nga đẹp nhất... Câu chuyện thơ mộng tuổi nhỏ ấy không phải là lời động viên sẽ đi theo suốt đời người sao?

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa: "thẳng lưng" không thể là khuyết tật. Những người chấp nhận điều đó sẽ là những người gây hại cho xã hội. Xã hội chấp nhận điều đó là một xã hội đi giật lùi vào tăm tối. Những người "thẳng lưng" không chỉ cần được tôn vinh mà cần được động viên, bảo vệ, tiếp sức.

* Ông muốn nói gì với những người đang chọn "gù"?

- Cơ hội "thẳng lưng" lên, ngẩng đầu lên vẫn còn đó cho những người đã trót "gù", vì đó là quy luật tự nhiên của tiến hóa. Con người được sinh ra để đứng thẳng và làm điều phải. Nếu phải sống giữa những người "gù", bạn hãy cứ "thẳng lưng". Bạn cao hơn thì bạn sẽ tỏa sáng và giúp được họ.

Cần có luật bảo vệ người làm việc tốt

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận của Quốc hội hôm qua 22-5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề xuất Quốc hội cần nghiên cứu ban hành đạo luật mới, đó là Luật bảo vệ người làm việc tốt.

Theo ông Cảnh, nếu pháp luật chỉ quy định làm việc tốt là nghĩa vụ thì sẽ bị hạn chế vì thường con người mong muốn làm việc tốt một cách tự nguyện. Vì vậy, để phát triển hành vi đạo đức trong xã hội, ông đề nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ những người làm việc tốt khỏi những trách nhiệm về hành vi phạm tội, tránh các phiền hà về thủ tục pháp lý, tránh bị tổn thương về thể xác và tinh thần.

N.AN

PHẠM VŨ thực hiện

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 23.5.2020.

Tin thầy Mai Cao Chương ra đi khi chúng tôi sắp sửa kỷ niệm 30 năm ngày trở thành sinh viên Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TP HCM khiến ai nấy đều bàng hoàng, thương tiếc.

Trong ký ức tôi, từ khi còn là sinh viên cho tới hôm nay, hình ảnh thầy không bao giờ thay đổi.

Thầy dạy chúng tôi môn Văn học Việt Nam cổ trung đại (từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII). Kiến thức thầy bao la, tính thầy thật hiền và giọng thầy thật ấm, từ tốn, nhất là đọc thơ. Chúng tôi nhớ mãi giọng thầy ngâm bài "Ô Y hạng" của Lưu Vũ Tích, lúc đó, mắt thầy mơ màng nhìn lên trần giảng đường và nhẹ giọng ngâm, không gian lớp học tự nhiên rất "trung đại" và rất cổ kính. Có một năm vào bệnh viện thăm thầy, khi hỏi thầy còn nhớ bài thơ này không, thầy cười sang sảng bảo sao không nhớ!

20101108

Ban chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn và tác giả (bìa trái) đến thăm chúc Tết GS Mai Cao Chương năm 2017 (ảnh tác giả cung cấp)

Thầy dạy không "máu lửa", không lên bổng xuống trầm nhưng bài dạy của thầy rất hệ thống, rất chi tiết và thầy dạy rất tận tâm. Lớp sinh viên chúng tôi hồi ấy được học với những thầy thuộc hàng "cây đa cây đề": Lê Đình Kỵ, Hoàng Như Mai, Trần Thanh Đạm, Nguyễn Khuê, Hoàng Thiệu Khang, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Lộc… và tất nhiên cả thầy Mai Cao Chương. Ngày đó, có lẽ chúng tôi chưa ý thức về những "đặc ân" đó, nhưng bây giờ khi nói lại với sinh viên, tôi thường nuối tiếc bảo các bạn ấy rằng được học với các thầy là một sự "bảo chứng" chắc chắn về kiến thức, về nền tảng văn học mà tôi có được ngày hôm nay.

Khi trở thành giảng viên của Khoa Ngữ Văn, tiếp tục gắn bó với các thầy suốt thời gian qua, có lẽ tôi chưa từng thấy một người thầy nào hiền như thầy Mai Cao Chương. Thầy như một "ông Phật" của Khoa Ngữ văn. Thầy hiền từ giọng nói đều đều, từ dáng đi khoan thai, từ điệu cười tự nhiên sảng khoái, từ tính tình ôn nhu hòa ái, không bao giờ trách mắng ai, giận ai… Tôi được học cao học với thầy, hai lần hội đồng tiến sĩ của tôi đều có thầy tham gia, góp ý tận tình, giơ cao đánh khẽ.

Thầy sống một cuộc đời thanh bạch, giản dị. Kể cả lúc thầy vào bệnh viện, tôi cũng chưa bao giờ thấy thầy thiếu vắng nụ cười lạc quan.

Từ Đại học Tổng hợp Hà Nội vào Đại học Tổng hợp TP HCM (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), thầy làm trưởng khoa từ năm 1978 đến năm 1990, có thể nói thầy là vị Trưởng Khoa lâu năm nhất của Khoa Ngữ văn. Chuyên môn của thầy là về văn học Việt Nam cổ trung đại. Ngày xưa, khi học đại học và sau này thi cao học, thi nghiên cứu sinh, cuốn sách "gối đầu giường" của tôi về văn học Việt Nam là cuốn "Văn học Việt Nam thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII" thầy viết chung với thầy Đinh Gia Khánh, thầy Bùi Duy Tân (NXB ĐH&THCN, 1978). Ngoài ra, thầy còn có một số đầu sách khác, trong đó có cuốn sách các cựu sinh viên in riêng tặng thầy.

Nhiều sinh viên được thầy hướng dẫn làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ đã trở thành những học giả nổi tiếng.

Thương nhớ thầy, chúng tôi nhớ mãi tấm gương mà thầy để lại. Đó là làm một người thầy tốt, tận tâm, trong sạch, hết lòng vì học trò, một nhà nghiên cứu miệt mài, chăm chỉ, cần mẫn, nghiêm túc. Mong thầy yên nghỉ!

Giáo sư Mai Cao Chương sinh năm 1930 tại làng Trường Định, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, qua đời lúc 3 giờ 30 phút ngày 6-11, do tuổi cao, sức yếu. Linh cữu GS Mai Cao Chương quàn tại tư gia, số 28/22/2 Phan Tây Hồ, phường 7, quận Phú Nhuận, TP HCM. Lễ viếng từ 19 giờ ngày 6-11. Lễ di quan lúc 7 giờ ngày 8 -11. Hỏa táng tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (TP HCM).

Trần Lê Hoa Tranh

Nguồn: Báo Người lao động, ngày 07.11.2020.

20200507 2

Thầy Nguyễn Lộc và phu nhân - Nhà thơ Ý Nhi                                          

Tối hôm qua, thầy Nguyễn Ngọc Sơn (sinh viên khóa 1, thầy dạy Văn học Việt Nam nhưng đã chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo từ trước khi chúng tôi vào trường), gọi điện cho tôi thông tin “mình vừa có chuyến đi thăm mấy ông bạn ở Sài Gòn. Vui vì gặp bạn bè, nhưng buồn vì không gặp được anh Chu Xuân Diên, còn anh Nguyễn Lộc thì yếu quá. Hỏi có nhận ra ai đây không, mãi mới nói Sơn, Sơn”. Thông tin của thầy làm tôi thấy buồn. Thầy Lê Chí Dũng cũng đang ốm lắm. Thế là tổ Văn học Cổ Cận Dân ngày ấy chỉ còn các thầy Mai Cao Chương, Trần Vĩnh, Nguyễn Lộc, Lê Chí Dũng và Lê Chí Quế nhưng ở khoa Văn đến ngày nghỉ hưu và xuân thu nhị kỳ còn gặp chỉ còn có một mình thầy Lê Chí Quế.

Lứa chúng tôi đầu những năm 70 lúc học văn học dân gian thấy thích nhưng chuyển sang văn học Lý Trần thì cảm giác ấy không còn. Văn học dân gian dù sao cũng còn thấy gần gũi hơn vì trước đó ít nhiều cũng có học và có đọc. Văn học thấm đẫm tinh thần Phật giáo thời Lý đám sinh viên trẻ chúng tôi không tiếp nhận được. Rồi đi sơ tán, học ít, chạy nhiều, lao động lắm làm chúng tôi sao nhãng việc học hành. Một hôm, sau khi đã sơ tán về thì phải, tôi lên văn phòng khoa lấy thời khóa biểu cho lớp thì gặp một thầy trán cao, dáng đẹp, tóc hơi xoăn, mắt cười lấp lánh sau cặp kính đầy vẻ thân thiện. Thầy có việc gì đi gấp, tôi chỉ kịp nghe thầy nói với thầy Phan Trác Cảnh làm ở Văn phòng khoa giọng miền trong, nghe nhẹ và dễ chịu “thế tuần sau mới bắt đầu nhỉ. Thế mà tôi cứ tưởng. Tôi đi nhé” rồi đi ra. Thấy tôi đứng đó “chào thầy”, thầy mỉm cười hơi gật đầu “chào bạn” rồi đi ra. Tôi cứ đứng vậy nhìn theo thầy, nghĩ thầm “sao có thầy nào lại thân thiện với sinh viên như thế nhỉ?”. Tôi đã được thầy Nguyễn Phan Cảnh sau khi tan dạy chào lúc đi qua mấy đứa chúng tôi đứng tán chuyện ở hành lang cũng dịu dàng nhưng tôi thấy lạ vì thầy cũng cười nhưng lại nhấc mũ ra khỏi đầu, hơi cúi xuống lúc đi qua đám chúng tôi đang đứng dọc hành lang. Còn thầy này chào và cười với tôi bằng một nụ cười thân thiện và ấm áp. Miệng thầy tươi và mắt thầy thì lấp lánh những tia nồng hậu. Thầy Phan Trác Cảnh vẫy tôi vào “cậu lấy thời khóa biểu đi. Tuần sau các cậu học thầy vừa đi ra đấy. Thầy Nguyễn Lộc. Thầy giảng giai đoạn XVII-XVIII”.

Dù chưa được nghe thầy giảng bao giờ, nhưng cử chỉ ban đầu của thầy đã gợi cho tôi rất nhiều thiện cảm. Rồi không phải chỉ mình tôi mới có cảm giác vui sướng khi nghe thầy dạy mà cả lớp tôi đều thích học giờ của thầy. Giọng thầy dịu dàng, dễ nghe, thầy giảng cuốn hút nhưng không có cái ồn ào, sôi nổi như thầy Khỏa, thầy Niệm. Ở thầy có gì đó hơi giống cách dạy của thầy Đỗ Hồng Chung, cô Lê Hồng Sâm: nhẹ nhàng, hấp dẫn, sâu sắc. Đặc biệt nghe thầy đọc và bình thơ thì rất thích. Ngọt và thấm bởi cả chất giọng, cách bình và con người thầy. Lúc đó, tôi đã ước nếu sau này được làm nghề dạy học, sẽ cố tập được cách truyền thụ kiến thức của thầy. Có lẽ, tôi yêu văn chương giai đoạn này vì nó vừa sâu lắng, thiết tha vừa mang nỗi đau đến quằn quại trước những đau khổ của con người trong những câu thơ mượt mà nhưng cũng ứa máu mà còn cả vì được nghe những bài giảng của thầy. Phùng Huy Thịnh lớp tôi hay bắt chước chất giọng đặc biệt khi thầy đọc thơ Hồ Xuân Hương còn tôi thì vừa nghe thầy giảng, thầy đọc, vừa chăm chú quan sát cách diễn tả tâm trạng nhân vật qua những câu thơ thầy chọn. Chúng tôi gọi vụng thầy là chàng Kim (Kim Trọng) vì thấy ở thầy vẻ hào hoa, phong nhã của Kim Trọng cứ như phảng phất trong cách nói, nụ cười, trong mỗi cử chỉ thầy thể hiện.

Sau này, khi ở lại khoa làm việc, tôi lại được làm đồng nghiệp của thầy. Một lần, thấy thầy gọi thầy Bùi Duy Tân là bạn, tôi thấy lạ bởi tôi nghĩ thầy Tân phải thuộc thế hệ khác nhưng té ra thầy Tân cũng cùng lứa với thầy nhưng nhỉnh hơn chút ít. Chúng tôi gọi thầy Lộc là chàng Kim vì trông thầy trẻ trung và hào hoa còn thầy Tân thì quen sống khắc khổ, bình dân nên chúng tôi gọi là cụ Lý (trưởng). Thầy Tân, mấy năm trước khi mất, lúc đã yên tâm sắp đặt cuộc sống cho mình và cho các con, đã gần như tách ra khỏi những lo âu, thậm chí phiền muộn ở đời, đã có lần tâm sự với tôi về những người thầy và bạn của mình. Thầy bảo “cụ Khánh (Đinh Gia Khánh) thì uyên bác rồi. Tôi không có được cái tài hoa như ông Lộc (Nguyễn Lộc), sâu sắc như ông Hượu (Trần Đình Hượu), tôi chỉ lấy cái chăm chỉ để bù vào những cái thiếu hụt của mình thôi. Làm nghề này cần cù cũng đạt tới một cái gì đó nhưng sâu sắc rồi lại tài hoa nữa thì sướng lắm. Sướng vì nghĩ rồi nói ra, viết ra được những cái tâm đắc của mình. Sướng vì nghĩ được ra những cái người khác chưa nghĩ được, nói ra được những cái người khác không nói ra được, hay lắm. Ông Hượu là thế. Ông Lộc là thế”. Nghe một thầy nói về những thầy khác với một thái độ trân trọng và ngưỡng mộ như thế, tôi ngộ thêm ra một điều: ở đời, vượt lên trên được những thói thường ai cũng có, nhiều khi nó còn đem lại cho mình một cái gì đó, để công bằng với người và với mình như thế chỉ có thể có được ở những đấng bậc. Không ít người tài năng xuất chúng nhưng đôi khi không vượt lên trên được những thói thường cũng dễ rơi xuống cái tầm thường. Tôi hiểu không phải trong mọi quan hệ các thầy tôi đều tuyệt với cả và không khỏi có lúc cũng làm mếch lòng người khác vì những chuyện này kia nhưng trong quan hệ với đồng nghiệp, bè bạn, học trò, tôi luôn thấy các thầy tôi ứng xử như những người quân tử. Tôi không biết thầy Nguyễn Lộc có dòng dõi thi thư hay không, nhưng tôi thấy ở thầy và các thầy Nguyễn Kim Đính, Chu Xuân Diên có nhiều nét rất giống nhau. Cả ba thầy không ai là đảng viên nhưng các thầy giữ mình, làm nghề lúc nào cũng nghiêm cẩn, thái độ với đồng nghiệp, học trò lúc nào cũng có sự trân trọng làm chúng tôi, lứa học trò rồi sau này được ở lại làm đồng nghiệp của các thầy luôn yêu mến và học theo. 

Học cùng lớp tôi có anh Trần Nho Thìn sau này trở thành người được thầy đỡ đầu về chuyên môn. Hai thầy trò có những nét khá giống nhau. Anh Thìn giống thầy ở chỗ rất say chuyên môn và không muốn mất thời gian vào những hoạt động xã hội vốn lấy mất nhiều thời gian và chịu những va đập như nhiều người khác, trong đó có tôi. Thời ấy, để vượt qua được thiên kiến chuyên môn thuần túy là điều không đơn giản. Sau này, tôi mới hiểu được rằng, để yên tâm mà làm việc, để tập trung theo đuổi những đam mê của mình mà những người như thầy và bạn của tôi phải chấp nhận những thiệt thòi không đáng có mà tổ chức, xã hội, người đời gán cho họ. Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ số phận những người như thế dường như bị câu thơ Kiều thầy đọc rất hay tài tình chi lắm cho trời đất ghen gắn vào. Nhưng, rồi tôi cũng ngạc nhiên khi thấy thầy vào Đảng, thầy hoạt động rất sôi nổi và có đầu óc tổ chức như một người đã rất quen với những việc này. Sinh hoạt trong cùng chi bộ với thầy một thời gian, tôi thấy thầy còn có nhiều năng lực khác mà trước đó ít khi thấy bộc lộ. Anh Trần Nho Thìn, một phần do những nỗ lực cá nhân, một phần nhờ có thời gian “cắp cặp theo thầy học đạo” mà bây giờ trở thành một trong những chuyên gia hiếm hoi về văn học giai đoạn này ở tầm hiểu biết và những phát hiện. Anh tiếp được những tư tưởng của các thầy trong bộ môn và còn tạo ra được một hướng đi rất hữu ích cho những người nghiên cứu văn học giai đoạn này. Ở anh cũng có nét như người thầy của mình: chỉ nói bằng những công trình khoa học và làm việc hết mình cho niềm đam mê một đời, đành hi sinh những thú vui khác để dồn tình yêu cho công việc.

Năm 1987, thầy chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, tôi chỉ còn được biết tin về thầy qua những công việc ở khoa Ngữ văn và Báo chí mà thầy làm Chủ nhiệm khoa ở trường đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh rồi sau này, khi trường Đại học Văn Hiến thành lập, thầy lại là một trong những yếu nhân xây dựng nên ngôi trường này. Tôi cũng biết cả những vất vả thầy phải chịu vì dù sao, trước sau thầy cũng vẫn chỉ là một nhà giáo, một nhà khoa học, thầy hành xử trong cả đạo và đời đều theo đạo lý, theo lẽ phải trong khi những công việc quản lý nhiều khi lại tuân theo một logic và đạo lý khác, logic lợi ích, logic quan hệ - những thứ xa lạ với những người như thầy. Đôi lần ra Hà Nội, thầy có gặp mặt đồng nghiệp, học trò. Tôi vẫn thấy ở thầy một khao khát: đưa khoa học xã hội và nhân văn phát triển như chính nó phải thế và mong có những cán bộ theo đuổi nghề với những đam mê vì nghề như theo đuổi nghiệp trong đời chứ không chỉ như một công việc thông thường để mưu sinh. Vẫn chất giọng nhẹ nhàng và nụ cười thân thiện trời phú nhưng không hiểu sao tôi cứ nghĩ giá những người như thầy đừng dính phải những việc quản lý thì có phải sẽ nhẹ nhàng và êm ấm hơn không? Nghĩ thế nhưng rồi lại chợt nhớ đến câu thơ của cụ Thám hoa Trần Bích San văn phi sơn thủy vô kỳ khí Nhân bất phong sương vị lão tài cứ như cái nghiệp ở đời, tránh làm sao được? Những người như thầy, không thắp lửa thì ai sẽ là người làm công việc này? Lại như được an ủi. Và thấy vẫn còn may là thầy vẫn giữ được nụ cười và ánh nhìn, trước đây thì tôi cho là trời phú, nhưng bây giờ tôi nghĩ khác: không có cái ấm áp từ bên trong, nụ cười và ánh nhìn ấy không thể cứ nguyên vẹn như vậy qua năm tháng.

Phạm Quang Long

Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 07.4.2020.

Thông tin truy cập

61759894
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
84
18932
61759894

Thành viên trực tuyến

Đang có 595 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website