Tôi vào học Khoa Ngữ văn, ĐH Tổng hợp Tp HCM khi Thầy Lê Tiến Dũng còn trẻ, đang độ tuổi tràn trề sinh lực. Thầy điển trai, rất cuốn hút trên bục giảng và thân thiện, nhiệt tình trong đời thường.
Tiếc cho Thầy, đang độ kiến thức tròn đầy, như trái sắp cho đời hương vị ngọt thơm thì bị tai biến mạch máu não. Thầy nói rất khó khăn, không thể lên lớp giảng dạy được nữa. Suốt một thời gian dài chứng bệnh quái ác kia cứ đeo theo muốn quật ngã Thầy, nhưng Thầy đã chiến đấu kiên cường, chiến thắng nó thêm hai lần nữa. Nhà Thầy ban đầu ở trung tâm thành phố, sau đó cứ dời dần ra ngoại ô.
Không lên lớp giảng dạy được thì Thầy viết lách, viết rất đều đặn. Sáng thứ 2 nào Thầy cũng đón xe buýt từ phường Hiệp Bình Phước - Thủ Đức vào khoa để gặp gỡ mọi người. Các thầy trong khoa tụ họp bia bọt nhân dịp này dịp nọ Thầy đều nhiệt tình tham gia. Nhiều khi thấy mọi người vui Thầy cũng muốn uống hết cả chai bia, nhưng mọi người ngăn lại chỉ dám cho thầy uống một li mà thôi.
Khoa tổ chức đi nghỉ mát, du lịch hè, năm nào Thầy cũng đi. Tuy chân bước không được như mọi người, nhưng Thầy vẫn hăng hái bước, không bao giờ tụt lại phía sau. Hè vừa rồi Thầy còn vui vẻ đi nghỉ mát cùng khoa ở Phan Thiết, tươi cười chụp ảnh cùng mọi người.
Cứ nghĩ bệnh tật sẽ không thể quật ngã Thầy được nữa, thế mà... Đi thanh thản Thầy Dũng nhé! Ai cũng có một chuyến đi về cõi vĩnh hằng, khác nhau là để lại gì trong lòng người còn ở lại. Đồng nghiệp, thân hữu, học trò luôn nhớ nụ cười hiền hậu, tươi tắn và ánh mắt tràn ngập niềm tin yêu của Thầy.

Nguyễn Văn Hoài

Sáng nay bàng hoàng nghe tin thầy, PGS.TS. Lê Tiến Dũng đã không qua khỏi cơn bạo bệnh.

Em đi dạy mà lòng cứ bàng hoàng nhớ đến hình ảnh thầy. Khi em học những năm đại học ở thập niên 90, có nhiều thầy giáo trẻ trung, đẹp trai, giỏi chuyên môn, gây ân tượng mạnh như thầy Đoàn Lê Giang, thầy Võ Văn Nhơn, thầy Trần Ngọc Hồng, thầy Nguyễn Văn Hà… và thầy Lê Tiến Dũng là một trong số các thầy ấy.

Ngay từ buổi lên lớp đầu tiên, em đã ấn tượng giọng nói Quảng Bình của thầy, nghe nằng nặng mà ấm áp. Rồi khi thầy giảng, em thật sự bị thu hút bởi vốn kiến thức dồi dào, tác phong sư phạm chuẩn mực của thầy. Em nhớ mãi môn Lý luận văn học của thầy em được 9 điểm, rồi khi học môn Thi pháp học, thầy cho thi vấn đáp. Khi em lên thi, thầy cười bảo: Vân thì cần gì thi nữa vì thi là điểm cao. Nói vậy nhưng thầy cũng hỏi em một câu rất khó rồi vui vẻ cho em 9 điểm. Em cũng là một trong số ít học trò được thầy ưu ái nhớ mặt, nhớ tên cho mãi đến tận bây giờ.

Sau này ra trường, nhiều khi gặp nhau, em chưa kịp chào thầy, thầy đã gọi tên em từ xa. Rồi thầy bị mấy lần tai biến, nói không rõ nữa, nhưng những khi thầy trò gặp nhau, bao giờ thầy cũng tay bắt mặt mừng, cố gắng nói chuyện với em. Em nghe chưa ra, thầy kiên nhẫn lặp lại từng câu, từng chữ.

Đời riêng của thầy cũng có nhiều chuyện không vui. Nhưng với học trò, dù thế hệ nào, bao giờ thầy cũng dành cho một sự quan tâm, yêu thương hết mực.

Sau tết âm lịch vừa rồi, em còn gặp thầy trong cuộc họp của Ban Lý luận phê bình của Hội Nhà văn TPHCM. Em ngồi cạnh thầy, còn khen thầy lúc này nhìn khí sắc tốt hơn hẳn. Vậy mà hôm nay thầy đã đi xa rồi.

Đau xót vĩnh biệt một người thầy mà em vô cùng quý mến và kính trọng. Mong thầy bình yên và hạnh phúc ở một cõi khác.

Một thành phố khác một bờ bến khác
Con thuyền trên sóng mạnh chồm lên
Những quả chuông thuỷ tinh
Ngân vang trong ánh sáng
Bàn chân dẫm lên một vùng đất khác
Những cánh đồng vụt mở bao la.

Chim én bay trên nóc nhà xa
Sau cuộc đời này một cuộc đời mới nữa
Nơi không có lo âu buồn khổ
Con người được nghỉ ngơi ở giữa con người.

(Lưu Quang Vũ)

Hà Thanh Vân

Ảnh chụp với các thầy Lê Tiến Dũng, Trần Ngọc Hồng và Võ Văn Nhơn vào năm thứ 4 đại học

Lời thương nhớ người thầy tài hoa

Năm 1993, lớp văn năm thứ nhất được học thầy Lê Tiến Dũng. Mấy chục năm vẫn còn nhớ giọng giảng văn rất lạ của thầy. Giọng Quảng Bình, dẫn giảng có duyên và rất thấm. Còn nhớ, thầy cười tươi sau tiết học, hỏi cả lớp: “Thế nào, đã thấy chán lý luận văn học chưa?”. Hỏi cũng có duyên.
Còn học thầy mấy môn nữa. Môn nào cũng vẫn hấp dẫn ở giọng, cách chuyển, cách gợi vấn đề. Có lần, xin thầy làm một bài về Thi pháp thơ Hàn Mặc Tử (mà cũng lạ, đúng hôm nay, cũng định viết về Hàn Mặc Tử cho hội thảo Liên Khoa), thầy bảo lên đọc cho lớp nghe, rồi hỏi: “Có đúng không, có đúng không, đúng là thi pháp không cả lớp?”. Lòng rất vui, vì nhận ra đó cũng là cách khen duyên duyên của thầy.
Thầy bị ốm nhiều lần, mỗi lần số phận lại tước đi của thầy một niềm vui, từ giọng giảng bài rất đặc trưng đến phong thái lãng tử, thu hút, từ một tương lai rạng rỡ đến những niềm vui giản dị được đi chơi, đi dã ngoại, trò chuyện với học trò một cách bình thường. Thầy bị cách li ra khỏi cuộc đời náo động, dù vẫn đến Khoa, gặp gỡ, ngồi hội đồng, nhưng đôi mắt vẫn thoáng ra xa xa cõi nào. Giờ đây, thầy mới thực sự đi vào cõi mơ hồ ấy.
Có một lần chảy cả nước mắt vì thầy nói mãi mình không hiểu là thầy nói gì. Thầy vẫn rất kiên nhẫn đánh vần lại từng chữ để mình hiểu.
Thầy ơi! Em vẫn còn giữ lại những tấm ảnh ngày thầy chấm khoá luận đại học cho em. Và nhiều kí ức nữa về thầy không được ghi lại trong giấy, trong ảnh, mà chỉ còn rất sâu và rất rõ trong tinh thần của những học trò như em.

“Tương kiến thời nan, biệt diệc nan” – Gặp nhau khó, xa nhau càng khó.
Có duyên được học thầy, và đau xót khi xa thầy.
Thắp nén hương lòng tiễn thầy!

Lê Thị Thanh Tâm

 

Tiếng gõ trên mùa cũ kỹ

Thương tặng Thầy Lê Tiến Dũng

Mưa. Mưa. Những giọt trời của muôn đời ấy đã bao lần đổ qua bây giờ, đổ qua ký ức. Mưa lại giăng cái làn mỏng mong manh lóng lánh níu những vệt sắc màu đọng nơi đáy ngày xưa trong tôi nổi nênh trở về. Những sắc màu tôi không biết gọi tên. Nhưng tôi có thể vẽ. Bắt đầu bằng không gian của một khung cửa sổ có mưa. Hay bắt đầu bằng thời gian của một buổi chiều đẫm nước. Cây cọ trẻ thơ trong tôi không kịp suy tư, vội tung những mảng màu ký ức lên khuôn vải mưa mỏng mảnh mong manh đang lóng lánh, đang lao xao. Mưa gọi. Mưa gọi. Mưa gõ mùa rong rêu trên những mái ngói đã cũ kĩ. Mưa gõ rụng rơi trên những cánh hoa sứ trắng muốt nằm nghiêng mà ngóng trông mặt đất. Mưa gõ những ký ức tôi cho ướt ngày đầu tiên đi học lớp mười.

Ngày đầu tiên đi học lớp mười. Lớp mười Văn. Ngày chưa mua sách. Chưa kịp sắm sửa chiếc cặp mới, chiếc áo trắng mới. Ngày vừa rời miền Trung đang lợt lờ nước lợ vì cơn gió Lào rát bỏng để còn nhớ quắt quay. Và nghe giọng thầy. Mang máng. Ngờ ngợ. Quảng Bình hay Quảng Trị nhỉ. Hay Huế. Cũng chẳng biết nữa. Nhưng cát trắng duyên hải đang đẫm sóng. Gió Lào nắng nôi đang thổi quanh tôi. Một niềm vui rất đỗi ngây ngô, rất đỗi trẻ con. Không, đúng hơn là tôi đã có chớm chút tự hào nữa. Cái cảm giác kỳ lạ ấy vỡ oà trong tôi khi nghe giọng thầy. 15 tuổi, lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn, đến miền Nam, tôi cứ ngây thơ nghĩ tất cả sẽ là khác lạ, là thay đổi, là không giống quê hương tôi nữa, không giống miền Trung tôi nữa. Thế nhưng, ngay trong ngày đầu tiên đến lớp, mảnh đất này đã cho tôi một người thầy miền Trung.

Thầy là chủ nhiệm lớp tôi. Ban đầu, thầy là một điều gì đấy rất lớn, rất xa. Tôi được chọn làm cán sự môn Văn và vào cuối giờ, thầy gọi tôi lên để hỏi một số điều. Lúc ấy, tôi rất bối rối, lúng túng và chỉ có thể trả lời những câu hỏi của thầy một cách rụt rè. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ câu nói cuối cùng của ngày hôm ấy thầy nói với tôi: “Bài thi vào em làm tốt đấy. Tôi nghĩ em có khả năng học Văn tốt”. Và câu nói ấy làm tôi vui, vui rất nhiều ngày sau đó.  Không hiểu sao, lần đầu tiên gặp thầy, tôi rất quý ánh mắt của thầy. Anh mắt đó có một vẻ gì rất chân thật, gần gũi, rất dễ tin, dễ tin vào mọi điều thầy đang nhìn thấy và cũng dễ làm cho mọi người tin tưởng ánh mắt ấy. Sau này, có lần ngồi nói chuyện phiếm, một cô bạn chung lớp cũng có cùng cảm nhận ấy giống tôi.

Thầy vào lớp và chẳng bao giờ mang theo cặp, sách hay giáo án gì cả. Thầy luôn xách chiếc ghế đặt giữa bục giảng, ngồi ở đấy. Dáng thầy cao to, lâu lâu thầy lại đưa tay hất khẽ mái tóc trước trông rất nghệ sĩ. Và thầy say sưa đưa chúng tôi đi vào thế giới có lá diêu bông xanh mướt màu khát khao hạnh phúc của Hoàng Cầm, có giọt rượu khật khưỡng lương tri làm người của Chí Phèo, có tiếng trống thu không bảng lảng trên trời Thạch Lam… Thầy truyền lại kiến thức, đấy là điều tôi ghi trong trang vở. Thầy truyền lại một niềm đam mê, những cảm xúc lớn lao khi đứng trước câu chữ, những rung động mạnh mẽ khi chạm vào hồn phách của văn chương, đấy là những điều theo tôi đi qua năm tháng, đi qua những gì tôi đọc, những gì tôi viết và cả những gì tôi chọn lựa cho cuộc sống của mình. Cứ thế, một tuần chỉ có ba buổi, và thậm chí có cả những tháng dài, thầy không lên lớp buổi nào, nhưng bài học nào cũng đầy đam mê, đầy lôi cuốn và khiến học trò nhớ rất mau. Về sau, mỗi khi có giờ dạy của thầy, chúng tôi lại tự động mang chiếc ghế ra để sẵn giữa bục giảng, chỗ thầy hay ngồi. Nhưng tôi vẫn cứ thích để thầy tự xách chiếc ghế ấy ra, để chọn nơi mà thầy sẽ ngồi trò chuyện với chúng tôi câu chuyện văn chương. Thầy có một cách dạy riêng, có một cách giảng riêng. Lạ, hay, dễ hiểu nhưng rất nghệ thuật, nghệ thuật từ cách ngồi để dạy cho đến cách nói ra những điều thầy giảng. Tôi nghĩ đấy là điều sẵn có trong thầy, tự nó là của thầy, thuộc về thiên phú. Và sau này, có lần, tôi đã ngồi học thuộc hai đoạn mở đầu trong tác phẩm Chí Phèo và Hai đứa trẻ để hôm sau, đứng trên bục giảng và giảng như thầy ngày xưa. “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế. Cứ rượu xong là hắn chửi…”. Nhưng có đôi chỗ tôi ngập ngọng. Và ngay khi ấy, hình ảnh thầy thoáng hiện trong đầu tôi, rất nhanh nhưng rất đậm. Lúc đó tôi nhận ra mình đang muốn điều gì. Ước gì tôi có thể cho những học trò của tôi hôm nay điều kỳ diệu mà tôi đã từng nhận được từ thầy. Những rung cảm thật mạnh mẽ, thật say mê, những cái nhìn mới mẻ, như thể đặt câu chữ vào một ánh sáng khác, một bầu trời khác, một mặt đất khác mà nhìn ngắm, mà khai phá trong nó vẻ đẹp tuyệt diệu lạ lẫm ẩn kín chưa ai tìm ra. Để mỗi khi nghĩ về bài thơ ấy, nhân vật ấy, trái tim lại đập mạnh, lồng ngực lại hối hả xúc cảm… y hệt như mỗi lần tôi chạm vào chiếc lá diêu bông của Hoàng Cầm, vì thầy là người đầu tiên đã giảng cho tôi hiểu khoảnh khắc người con gái “xoè tay phủ mặt” để chối từ yêu thương, cho tôi hiểu được vào tận sâu thẳm bài thơ vốn rất khó hiểu của người thi sĩ tâm linh ấy, và hiểu cả cuộc đời cũng lắm truân chuyên mà khắc khoải diêu bông của thầy.

“Học Văn sau này sẽ làm được những gì?”. Năm lớp mười, 25 đứa học trò ngơ ngác chúng tôi đã ngẩn ra trước câu hỏi ấy của thầy. Mãi sau này, khi vào đại học, khi tốt nghiệp ra trường, khi cầm viên phấn trên bục giảng và khi mỗi năm lại đứng trước hơn 200 tân sinh viên ngành Ngữ văn, tôi mới càng thấm thiá câu hỏi ấy. Hồi đó, thầy bảo, học Văn có thể làm thủ tướng, làm giám đốc và làm cả người đạp xích lô, nghĩa là làm được tất cả, nên đừng sợ khi chọn học Văn. Rồi 3 năm sau, 25 đứa học trò nhỏ của thầy, mỗi đứa chọn một ngưỡng cửa riêng để đi. Mỗi lần gặp, thầy đều hỏi ai đang học gì, làm gì. Thấy cứ hỏi mãi, lần nào cũng hỏi, hỏi cho đến khi tất cả chúng tôi đều đã tốt nghiệp đại học. Kinh tế có, hoá thực phẩm có, ngoại thương có, môi trường có, đi du học nước ngoài có, Anh văn có, Nga văn có… 25 người, chỉ còn lại 4 người đi theo ngành Văn và 2 người đi theo ngành Báo chí. Thầy bảo đấy là 6 kẻ cả tin nghe lời thầy. Tốt nghiệp đại học, 4 người học Văn lại trở thành những cô giáo nhỏ, những đồng nghiệp nhỏ của thầy. Riêng tôi, chưa bao giờ hối hận vì đã chọn con đường mình bước đi hôm nay. Và đến tận bây giờ, những gì thầy từng dạy, vẫn còn nguyên trong tôi bằng cả niềm đam mê.

Từ ngày đầu tiên đi học lớp mười ấy cho đến hôm nay, đã 9 năm thầy trò chúng tôi ở bên nhau. Thầy trông theo chúng tôi lớn lên, thay đổi nhiều. Ban đầu là những cô bé con được thầy “nhận định” là “không đẹp lắm nhưng giỏi nhất” vì có những lứa chuyên Văn sau chúng tôi được gắn các danh hiệu “xinh đều cả lớp nhưng không giỏi bằng”, “khá đều nhưng không giỏi nhất”… Và chúng tôi, lứa chuyên Văn đầu tiên của trường, khi đã 23 tuổi, đã gọi là “chững chạc” một tí thì vẫn cứ ngồi bên thầy, buộc thầy phải công nhận là chúng tôi vừa xinh vừa giỏi nhất, nếu không sẽ chẳng dẫn thầy đi ăn “đại tiệc” bằng tháng lương đầu tiên. Chúng tôi hết bé con và đã lớn thì thầy lo đến chuyện “nhân duyên” của từng đứa y như một ông bố bắt đầu thao thức lo gả những đứa con gái ế muộn. Ai có người yêu rồi, thầy mừng lắm và thúc giục phải dẫn “chàng rể” lên ra mắt. Vui nhất là những hôm sinh nhật thầy, những hôm buộc thầy phải nhắm mắt lại và nghĩ một điều ước rồi mới được thổi nến, buộc thầy phải mở quà và mặc thử ngay chiếc áo mới để xem áo của 4 cô học trò nhỏ mua có đẹp không, có vừa không, những hôm thầy trò dắt nhau ra Hoàng Ty, ngồi bên bờ sông đầy gió và ăn bánh tráng cuốn, chuyện trò rôm rả không dứt, những hôm đi karaoke và nghe thầy hát bài “con cò là cò bay lả lả bay la…”. Bây giờ, thầy là một niềm gần gũi, thân thương, thầy là người thầy, là người bố, là người bạn lớn của chúng tôi.

Những tháng cuối cùng của năm chúng tôi học lớp 12, thầy có chuyến công tác sang Hàn Quốc. Một hôm, gần vào giờ học, một cô bạn trong lớp mang bức thư của thầy gởi về cho 25 đứa học trò nhỏ. Cả lớp chuyền tay nhau cùng đọc, cùng vui thật vui, cùng ấm áp. Thầy về mang theo cho chúng tôi những món quà đến từ xứ sở xa xôi, những cây bút ba màu xinh xinh, những chiếc dù nhỏ nhiều màu… Buổi chiều mưa hôm ấy, cả đám đã xúm xít bên thầy để nhận quà, như trẻ con.

Thế nhưng, chỉ mấy tháng sau, đang giữa kì nghỉ hè, chúng tôi nhận được tin thầy bị bệnh nặng. Tôi chẳng bao giờ quên được bầu trời ngập mây trắng, trắng xoá, cái màu trắng rộng lớn đổ ập vào tôi khi vừa bước vào chiếc giường bệnh thầy nằm ở tầng 9 của bệnh viện Chợ Rẫy. Cứ tưởng đấy là cú quật ngã kinh khủng nhất, nhưng không ngờ thêm hai lần nữa, cơn bạo bệnh lại ập đến. Sau ba lần nằm trên giường bệnh, thầy đã gượng dậy. Mỗi lần như thế, mỗi lần đi thăm thầy, nhìn thầy trong chiếc áo trắng, chúng tôi cứ buồn rười rượi. Chỉ ước gì điều ấy đừng xảy ra. Rồi chỉ ước gì, điều ấy sẽ chẳng bao giờ còn xảy ra nữa. Thầy sẽ cùng chúng tôi ngồi thổi nến trong những đêm sinh nhật, sẽ cùng hát “con cò là cò bay lả lả bay la…”.

Vì sao là mưa? Vì sao ký ức trong chúng tôi ướt mềm những yêu thương? Dường như là tình cờ, buổi học đầu tiên ấy là một buổi học dài theo cơn mưa. Vì mưa, thầy đã không thể về. Thầy ở lại với chúng tôi sau buổi học đầu tiên. Thầy đã hỏi tôi: “Em thích học Văn chứ?”. Ba năm, thầy đến lớp dạy chúng tôi không nhiều. Nhưng dường như là ngẫu nhiên, có một thời gian dài, cứ hễ ngay buổi thầy đến lớp thì trời lại mưa. Và mưa… những giọt trời không ưu tư ấy đã luôn có mặt trong những ngày thầy cùng chúng tôi đi qua câu chuyện văn chương.

Chắc có lẽ thế nên không còn là tình cờ. Chắc có lẽ thế nên không còn là ngẫu nhiên. Chiều nay, tôi ngồi vẽ bức chân dung ký ức này trong cơn mưa tháng bảy dài dặc. Mưa gõ mình trên rong rêu. Mưa gõ mình trên cũ kĩ. Mưa gọi về những ký ức đã hoá thân thành hôm nay.

Khung vải mưa mỏng mảnh mong manh đang lóng lánh. Và bàn tay thầy khẽ nhấc chiếc ghế, đặt ra giữa bục giảng… Nét vẽ cuối cùng cây cọ trẻ thơ tôi tung mình khắc lên mưa.                                                                      

Những đứa học trò nhỏ

Tháng 7/2016

20180329 liberal arts

Thư viện Firestone của Đại học Princeton, Mỹ dành cho các sách trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Một đại học tốt không phải là một cơ sở đào tạo nghề. Nếu như trong đào tạo nghề, một sinh viên chỉ học các kĩ năng liên quan đến kĩ thuật để kiếm một việc làm đủ tốt, thi thoảng có thể học thêm một vài thứ gọi là “kỹ năng mềm”, bao gồm tâm lý học và quản trị, để phục vụ cho việc giám sát nhân viên và giao tiếp với khách hàng. Nhưng, “đại học”, xuất phát từ khái niệm “tri thức toàn cầu” (universal knowledge) và hơn hết, nó có nghĩa là giáo dục nhân văn. Lịch sử, văn học, ngoại ngữ và các môn nghệ thuật là cốt lõi của giáo dục đại học chất lượng cao.

Khái niệm “khai phóng” (liberal arts), xuất phát từ gốc Latin liberalis trong thời kì cổ đại, nhằm chỉ những kiến thức tổng quát mà một con người tự do cần nắm được để tham gia vào đời sống dân sự. Trong thời hiện đại, thuật ngữ này thường chỉ chung những môn học nằm ngoài các môn chuyên ngành, kỹ thuật, dạy nghề. “Khai phóng” có thể bao gồm những môn khoa học xã hội và khoa học cơ bản nhưng trọng tâm của giáo dục khai phóng là các ngành nhân văn.

Giáo dục khai phóng đem lại lợi ích to lớn hơn nhiều so với việc dạy nghề một cách hạn hẹp. Trước hết, chất lượng đời sống dân sự của một quốc gia phụ thuộc rất lớn vào sự hiểu biết của công dân. Điều đó bây giờ còn thiết thực hơn so với trước kia. Chúng ta đang đối mặt với những vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp trong thế kỉ 21 – biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng giữa người giàu và người nghèo, căng thẳng trên trường quốc tế và nguy cơ xảy ra chiến tranh. Trước những thách thức đó, một chính phủ có thể sẽ nhận được sự ủng hộ to lớn của công chúng khi đưa ra những chính sách dài hạn và khéo léo nếu như người dân được giáo dục tốt. Ngược lại, những người dân không có hiểu biết về lịch sử và văn hóa thường có xu hướng ủng hộ những quan điểm cực đoan và hiếu chiến mà họ thu nhận được từ internet hoặc mạng xã hội.

Thứ hai, trong khi dạy nghề chỉ chuẩn bị cho sinh viên trở thành một mắt xích trong một cỗ máy sản xuất hoặc một bộ máy hành chính, giáo dục khai phóng bồi đắp tri thức cho con người một cách toàn diện, chuẩn bị cho họ đối diện với nhiều khía cạnh của đời sống.

Lý do thứ ba – thường không mấy được chú ý, đó là phông kiến thức rộng về các lĩnh vực nhân văn đem lại những lợi ích to lớn cho những chuyên gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Chỉ trừ một số rất ít ngoại lệ, nếu muốn tạo ra ảnh hưởng xã hội, những người trong lĩnh vực STEM phải có kĩ năng viết hiệu quả và sáng tạo. Chẳng hạn như trong lĩnh vực của chính tôi, về ứng dụng của toán học trong bảo mật thông tin. Bốn mươi năm trước, vào thuở bình minh của kỷ nguyên máy tính, Hiệp hội Kỹ sư điện và điện tử (IEEE) đã xuất bản một bài báo với nhan đề “Những phương hướng mới trong ngành mật mã học”, được coi là bài báo quan trọng nhất trong lịch sử lĩnh vực này. Viết bởi hai nhà khoa học máy tính được đào tạo một cách toàn diện, Wit Diffie và Martin Hellman, tác động của bài báo không phải bởi những kiến thức chuyên ngành (Phím biến hoán Diffe- Hellman), dù rất ấn tượng mà bởi hai tác giả có khả năng vẽ ra một tương lai của internet mà cho đến bây giờ vẫn đóng vai trò dẫn dắt cho sự phát triển những định luật cơ bản của mật mã học.

Xã hội luôn cần những con người có thể diễn dịch ngôn ngữ khoa học công nghệ thành ngôn ngữ mà công chúng và những nhà hoạch định chính sách có thể hiểu được. Chẳng hạn, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo mật dữ liệu, ở mức độ nào đó, phải khuyến cáo chính phủ trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Hơn nữa, những người có khả năng giao tiếp hiệu quả luôn là thành viên chủ chốt trong một nhóm nghiên cứu liên ngành.

Những nhà khoa học muốn trình bày công trình của họ ở một hội thảo lớn hoặc trên những tạp chí hàng đầu nên học cách viết tốt. Những phần quan trọng nhất của một công bố là phần tóm tắt (Abstract) và mở đầu (introduction), bởi vì đây là phần mà tất cả mọi người sẽ đọc và dựa vào đó để đánh giá người viết. Một phần mở đầu tốt cần phải rõ ràng và hấp dẫn đối với cả những người ngoài ngành, nó kể một câu chuyện đi từ nhận định về vấn đề, tính cấp thiết, tổng quan những nghiên cứu trước đó cho đến khái quát về đóng góp của bài báo và thách thức cho những nghiên cứu và phát triển sau này. Tương tự như vậy, một đơn xin tài trợ hoặc một báo cáo chính về một dự án có thành công hay không phụ thuộc vào khả năng truyền tải những thành tựu khoa học trong một ngôn ngữ đưa ra bối cảnh, lịch sử và phương hướng mà không bị mắc lỗi “thấy cây mà không thấy rừng”.

Điểm chung trong những lý do trên là khả năng kể câu chuyện. Trái ngược với những quan điểm sai lầm về khoa học và công nghệ, một công trình kỹ thuật tốt không phải là những công thức hay phép tính rời rạc mà nó phải thể hiện mình là một phần của câu chuyện dài kì với một dàn nhân vật đông đảo.

Kể chuyện cũng là hoạt động trải dài suốt một đời người, từ khi chúng ta còn thơ bé. Nó cũng là cốt lõi của nhiều truyền thống văn hóa.

Vậy làm sao để một sinh viên kể chuyện giỏi? Đầu tiên và quan trọng nhất, bằng cách đọc những tác phẩm văn học lớn. Tôi có một sự biết ơn sâu sắc, đầu tiên là với tất cả những người thầy dạy Văn học Anh xuất sắc thời phổ thông và thứ hai là với Dostoevsky, tác giả của những tác phẩm mà tôi say mê khi còn trẻ. Một cách khác để sinh viên có thể học cách phân tích bối cảnh và theo dõi sự hình thành và phát triển của một ý tưởng đó là học lịch sử. Thứ ba, một trong những cách hiệu quả nhất để mở rộng quan điểm và trân trọng những sắc thái trong giao tiếp là qua việc học ngoại ngữ và văn học (Tôi học bằng kép là Toán học và Văn học, ngôn ngữ Nga khi tôi còn là sinh viên đại học).

Các trường đại học Mỹ có truyền thống lâu đời về giáo dục khai phóng. Tuy nhiên, mặt bằng chung giáo dục đại học của Mỹ đang bị giảm sút, vì nhiều lý do. Yêu cầu về ngoại ngữ bị hạ thấp hoặc loại bỏ - ở mức mà hầu hết các sinh viên ở đại học Mỹ chỉ biết mỗi tiếng Anh. Hơn nữa, họ cũng không hiểu rõ ngôn ngữ viết của mình đủ tốt, do kĩ năng viết được dạy qua loa ở cả trường phổ thông và đại học.

Nhiều giáo sư phàn nàn về sự “kinh doanh hóa” trong trường đại học của họ. Khái niệm “Kinh doanh hóa” nghĩa là những người điều hành trường đại học đặt ưu tiên tài chính lên hàng đầu. Những khoa có nhiều hợp đồng với khối chính phủ và khối công nghiệp – thường sẽ không bao gồm các khoa liên quan đến các môn khai phóng – mới được hỗ trợ. Sự cắt giảm ngân sách đặc biệt nhắm vào những lĩnh vực trong trường đại học mà không đem lại những lợi ích kinh tế ngay lập tức. Một tỉ lệ lớn ngân sách của đại học giờ đây được dùng để chi trả cho bộ máy hành chính và các chương trình thể thao hơn là những nhu cầu học thuật căn bản. Những người điều hành trường đại học luôn tìm kiếm cách thức để “giáo dục với giá rẻ” qua hình thức các khóa học online, sử dụng những học sinh cao học và các giáo sư danh dự để giảng dạy hơn là những người trong biên chế, và cấp cho sinh viên miễn phí các chứng chỉ cho các môn ở đại học nếu sinh viên đó đã học các khóa tương tự (nhưng với chất lượng rất thấp) ở phổ thông hoặc các trường cao đẳng cộng đồng. Hơn nữa, các giáo sư thì lúc nào cũng bị áp lực phải chấm điểm cao hơn và thiết kế khóa học dễ hơn. Tuy vậy, mặc dù với những xu hướng tiêu cực này, các sinh viên tốt nhất ở những trường đại học hằng đầu ở Mỹ vẫn được giáo dục tốt trong các môn nhân văn.

Điều gì tạo nên đẳng cấp cao của giáo dục đại học? Những sinh viên được giáo dục tốt ở Việt Nam, ngoài tiếng Anh và tiếng Việt, nên biết ít nhất thêm một ngoại ngữ và nền văn học khác – có thể là tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, tiếng Trung hoặc Ả Rập (cùng với tiếng Anh là một trong sáu ngôn ngữ trong Liên Hợp Quốc). Họ cũng cần phải có kiến thức về truyền thống văn hóa và lịch sử, cả thời cổ và hiện đại và biết trân trọng vị trí của Việt Nam trong lịch sử thế giới.

Những kiến thức lịch sử hết sức cấp thiết đối với những công dân được đào tạo bài bản. Tôi cảm thấy hết sức khó chịu khi nghe thấy những người Mỹ và vài người Việt Nam nói rằng Việt Nam “chỉ nên nghĩ về tương lai thay vì ngoái lại quá khứ”. Sự thiếu hiểu biết về quá khứ không phải là điều đáng tự hào hay đáng khuyến khích. Những sự kiện và truyền thống lịch sử đem lại những bài học giá trị và chỉ dẫn cho tương lai. Trong nhiều trường hợp, nó còn truyền cảm hứng cho thế hệ sau.

Ví dụ, trận Điện Biên Phủ huy hoàng 64 năm về trước là một sự kiện chấn động của thế kỷ 20 – đánh dấu sự kết thúc của chế độ thực dân châu Âu. Trong Kháng chiến chống Mỹ, việc sơ tán trường đại học lên những cánh rừng của Thái Nguyên là một thành tựu chưa từng xuất hiện trong lịch sử thế giới. Trước đấy, chưa bao giờ có một nước đang phát triển trong giai đoạn nghèo khó có đủ khả năng duy trì giáo dục đại học chất lượng cao lúc sơ tán trong khi thủ đô thì bị đánh bom bởi một lực lượng quân đội có sức mạnh khủng khiếp. Theo ý kiến của tôi, sẽ là hợp lý nếu ngày nào đó, những địa điểm lịch sử này, Điện Biên Phủ và địa điểm sơ tán của Đại học Hà Nội được công nhận là di sản thế giới của UNESCO.

Những người trẻ được đào tạo bài bản về nghệ thuật, lịch sử , văn học và ngoại ngữ sẽ có khả năng bảo tồn truyền thống văn hóa của đất nước họ. Họ sẽ không dễ dàng bị dụ dỗ bởi những giá trị giả tạo của chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa tiêu dùng bành trướng đang được du nhập từ các quốc gia khác. Họ có thể dẫn dắt đất nước của họ theo một con đường độc lập.

Hãy để tôi kết luận với một lời cảnh báo. Khái niệm “khai phóng” đang trở thành một từ thời thượng để quảng cáo của những tổ chức gọi là đại học đang mọc lên như nấm ở rất nhiều nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam. Nhận định này đặc biệt phổ biến ở những “đại học” mà Mỹ tài trợ, chẳng hạn như Đại học Fulbright Việt Nam. Đừng bị lầm tưởng bởi những bong bóng quảng cáo. Trước khi đồng tình với những tuyên bố “chúng tôi theo đuổi giáo dục khai phóng”, hãy hỏi vài câu sau đây: Có bao nhiêu khoa cung cấp bằng Tiến sĩ ở các môn học như lịch sử, văn học và nghệ thuật? Họ có thư viện kiểu gì? Những khoa học về lịch sử và văn học là về Việt Nam hay các quốc gia khác? Họ có những cơ sở vật chất nào cho các studio về nghệ thuật? Những người điều hành cấp cao là những trí thức thực sự với những công bố khoa học, hay chẳng qua họ chỉ là doanh nhân và các chính trị gia? Trong hầu hết các trường hợp, những câu trả lời cho những câu hỏi này là đủ để tiết lộ tổ chức đấy không phải là những đại học thực sự và không đủ khả năng để theo đuổi giáo dục khai phóng.

Chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho những người trẻ ở Việt Nam không nằm trong những đại học nước ngoài hay đại học tư nhân mà nằm ở sự tiến bộ của những đại học quốc gia và đại học vùng của Việt Nam. Với sự hỗ trợ của chính phủ, những trường đại học này có thể không chỉ đào tạo để cho sinh viên có việc làm mà còn có thể cung cấp một nền giáo dục khai phóng.

Hảo Linh dịch

Neal Koblitz -Giáo sư Toán học tại Đại học Washington và là giáo sư danh dự tại Viện nghiên cứu Mật mã Ứng dụng tại Đại học Waterloo.

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 26.3.2018.

20171120 Nhat Chieu

Gia tài lớn của nhà văn Nhật Chiêu là khoảng 10.000 quyển sách được ông tích lũy qua nhiều năm. Ảnh: Thoại Hà.

Ở tuổi U70, nhà nghiên cứu văn hóa, văn học Nhật miệt mài sáng tác, bền bỉ truyền tình yêu văn chương cho nhiều thế hệ học trò.

Trên con hẻm ở đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh sầm uất của Sài Gòn, căn nhà nhỏ của thầy Phan Nhật Chiêu là một góc tĩnh lặng của sách vở. Hàng chục năm qua, gian phòng khách chật hẹp ở đây thường xuyên đón nhiều lứa học trò đến thăm. Căn phòng không thay đổi theo năm tháng. Vẫn bức tranh núi Phú Sĩ cuộn mây trắng treo trên tường, bàn trà cùng bộ ấm tách đơn sơ, vài bức tượng cô gái Nhật trong bộ Kimono - các món quà lưu niệm của học trò, cùng những chiếc tủ chen đầy sách. Một thứ luôn ngày càng nhiều hơn trong ngôi nhà này là sách.

Hơn vạn quyển sách là gia tài nhà nghiên cứu sinh năm 1951 tích góp được qua hơn 40 năm miệt mài với công việc nghiên cứu, giảng dạy và viết lách. Mê đọc  từ thời trẻ, nhất là các sách chuyên sâu về văn hóa, văn học Nhật Bản, Anh, Mỹ, Đức..., với Nhật Chiêu, sách là tri kỷ, là thầy giúp ông tự học để có được vốn uyên bác về văn chương Đông Tây kim cổ. Sách dẫn đường ông trở thành người truyền tải kiến thức cho nhiều thế hệ học trò.

Từ sau năm 1975, Nhật Chiêu gắn bó việc dạy văn ở trường Nguyễn Thị Minh Khai (TP HCM) trước khi là giảng viên của Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn thành phố. Thời điểm đó, giáo sư Nguyễn Lộc - trưởng khoa Văn của đại học này - đã mời Nhật Chiêu về trường khi biết tên tuổi ông qua nhiều bài nghiên cứu văn học thế giới.

Trong hơn 20 năm  dưới mái trường Nhân văn, Nhật Chiêu đã đào tạo, giảng dạy nhiều lớp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành văn chương trong và ngoài nước. Ông còn được nhiều độc giả yêu mến trong vai trò một dịch giả, nhà nghiên cứu văn học, văn hóa Phật giáo... Ông dành thời gian xây dựng giáo trình cho sinh viên các môn văn học Nhật, Trung Cận Đông, Phương Đông... với nhiều đầu sách được tái bản nhiều lần như: Ba nghìn thế giới thơm (biên khảo), Những kiệt tác văn chương thế giới (viết chung), Basho và thơ Haiku (biên khảo), Nhật Bản trong chiếc gương soi (biên khảo), Đại cương văn hoá phương Đông (viết chung)...

Dù còn xa lạ với thế giới Internet và công cụ tìm kiếm trực tuyến như Google, Nhật Chiêu vẫn liên tục cập nhật tình hình văn chương thế giới qua sách báo nước ngoài. Tình yêu đọc sách mang đến cho ông những mối duyên bằng hữu kỳ ngộ. Hơn 5 năm qua, hàng tuần, một người bạn ở Mỹ của Nhật Chiêu - ông Đặng Lãm - không quản ngại công sức lùng sục bằng được những tác phẩm văn chương thuộc nhiều thể loại và có giá trị nghiên cứu cao để gửi về nước cho Nhật Chiêu. "Nhờ bạn, tôi chưa bao giờ thiếu sách mới để đọc", ông tâm sự.Ở tuổi gần 70, khi được hỏi: "Điều gì ông chờ đợi và mong ước phía trước?",  Nhật Chiêu bật cười dẫn lại tác phẩm Waiting for Godot (Samuel Beckett): "Mỗi người đều có một 'Godot' riêng mình. Mỗi ngày, tôi chờ đợi có thêm cuốn sách hay và còn đủ sức khỏe để viết lách. Tôi mong truyền thêm tình yêu tiếng Việt mãnh liệt đến với nhiều học trò, bởi theo tôi, một bộ phận bạn trẻ hiện nay kém tiếng Việt. Ngoài ra, tôi không đặt mục tiêu cố định nào cho tương lai của mình mà thả bản thân vào dòng trôi của tình yêu cuộc sống".

Hiện tại, Nhật Chiêu thường xuyên được mời làm diễn giả ở các tọa đàm văn chương. Các buổi nói chuyện của ông về Fyodor Dostoyevsky, Kazuo Ishiguro - nhà văn Anh gốc Nhật đoạt giải Nobel Văn học 2017...  luôn thu hút khán giả yêu vì sự tìm tòi, ý niệm mới trong cách hiểu về tác giả, tác phẩm.

Xuất hiện trên văn đàn từ khoảng 2006, Nhật Chiêu còn nhanh chóng được xem là một hiện tượng văn xuôi với các truyện ngắn Mưa mặt nạ, Người ăn gió và quả chuông bay đi... Năm 2011, khi về hưu, ông có nhiều thời gian hơn để tập trung sáng tác, ra mắt hàng chục bài thơ, đầu sách như: Lời tiên tri của giọt sương (tập truyện song ngữ Việt - Anh), Tôi là một kẻ khác (thơ tượng quẻ), Người về với như (thơ ca tương chiếu)...

Tình cảm từ học trò là món quà lớn

Nhật Chiêu thường có thói quen tặng sách cho các học trò thân thiết. Không ít "đệ tử" của ông giờ theo nghề giáo, nối tiếp nghiệp giảng. Họ được thầy tặng những quyển sách ngoại văn gắn liền với một thời tự học của ông. Ông luôn dặn học trò đọc sách trong tinh thần cầu thị, đọc có chọn lọc, biết tự phân tích, phản biện, so sánh và đối chiếu.Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay là dịp đặc biệt với nhà văn Nhật Chiêu khi một nhóm học trò lên kế hoạch mời ông một chuyến tham quan Nhật Bản. Chị Lê Thu Hiền (cựu sinh viên Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP HCM, khóa 1999-2003) - một trong số học trò được nhà văn Nhật Chiêu dìu dắt về chuyên ngành văn học Nhật - chia sẻ chuyến đi là dịp để ông và các học trò cũ hội ngộ.

"Thời điểm tôi làm luận văn tốt nghiệp về nhà văn Yoshimoto Banana, tác giả này chưa được biết đến rộng rãi trong nước. Qua sự hướng dẫn tận tình của thầy, tôi đạt điểm 10 khóa luận - kỷ niệm đẹp của thời sinh viên. Mấy chục năm trước, khi chưa có nhiều điều kiện như bây giờ, thầy đã dịch, nghiên cứu, am hiểu tận tường về văn hóa, văn học Nhật... Tình yêu nghề và sự tận tâm của thầy là động lực cho chúng tôi luôn phấn đấu trong cuộc sống lẫn công việc. Nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành và được thầy truyền cảm hứng yêu thơ ca cùng tinh thần đẹp từ văn hóa Nhật", chị Thu Hiền cho biết.

Nguồn: VnExpress, ngày 20.11.2017

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân chia sẻ như thế tại cuộc giao lưu với bạn đọc ở Hội sách TP.HCM sáng 22-3, nhân tập sách Những mảnh sử rời của ông vừa ra mắt.

1.

Những mảnh sử rời tập hợp các bài viết trên nhiều đề tài với chất kết dính là tư duy và cảm hứng sử học.

Sách có nội dung trải rộng qua nhiều lĩnh vực, nhiều đề tài thú vị, hấp dẫn như: Nghiên cứu về dân tộc Kinh ở Quảng Tây, Từ "Nam phương ca khúc" đến lời ca Hồ trường, Dịch thuật sử học Việt Nam trong thế giới phẳng, Nước mắm trong những mảnh sử rời, Văn hóa biển qua thuyền cổ...

Như lời tâm sự đầu sách, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân cho rằng những bài khảo cứu trong quyển sách này "đối với tác giả, có thể coi đây là cuộc trải nghiệm rời rạc trong quá trình tự trau dồi qua sự tiếp cận ít ỏi vấn đề trong mênh mông lịch sử".

Trải nghiệm để có cảm nghiệm về cái mênh mông lịch sử ấy không phải chuyện giản đơn.

Buổi ra mắt sách với sự tham gia của nhiều sinh viên khoa sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM kỳ thực mang hơi hướng một dịp tâm tình.

Ở đó, một nhà nghiên cứu độc lập vốn nặng lòng với sử học và sử liệu sẵn lòng trao đổi với các bạn trẻ quan tâm quanh những thắc mắc về cách đọc, dịch tài liệu sử học, cách ứng xử về việc sử dụng sử liệu Trung Quốc cho các công trình nghiên cứu lịch sử của ta...

Thật may là có nhiều bạn trẻ không ngán ngại trước những mênh mông lịch sử kia. Như một bạn trẻ cho biết bạn đang dịch lại một số đoạn của Đại Việt sử ký toàn thư, muốn hỏi thêm tác giả Phạm Hoàng Quân cách hiểu một số từ ngữ Hán cổ...

2.

Sinh viên ngành sử nên học thêm chữ Hán và chữ Pháp?

Trò chuyện với Tuổi Trẻ bên ngoài cuộc giao lưu, PGS.TS Lê Quang Trường - trưởng bộ môn Hán Nôm ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - nói: "Trước đây mấy năm, chương trình khoa sử có dạy Hán Nôm, nhưng đến khi thay đổi chương trình còn 120 tiết thì bỏ môn Hán văn cơ sở.

Hiện nay, có ý kiến từ khoa sử muốn khôi phục bộ môn Hán Nôm. Tôi nhận thấy sinh viên ngành sử và cả ngành Hán Nôm đều không mạnh trong công tác nghiên cứu do thiếu vốn Hán Nôm.

Có thể hình dung Hán Nôm hay chữ Pháp như một phương tiện nền để sinh viên nghiên cứu sâu, không riêng ngành sử mà ngành triết hay Hán Nôm đều cần.

Nếu nói đi học thêm chữ Hán hay chữ Pháp để mai này nghiên cứu sâu thì chỉ các sinh viên yêu thích công việc nghiên cứu sẽ thu xếp để tự bồi dưỡng cho mình, chứ các sinh viên đến trường học chỉ để lấy tấm bằng thì e rằng ít ai có nhiệt tâm làm điều đó".

Dù vậy, TS Lê Quang Trường cho biết bộ môn Hán Nôm đang soạn một chương trình bồi dưỡng kiến thức Hán Nôm theo môn loại cho sinh viên ngành sử và ngành triết.

"Có thể hình dung cách dạy theo từng nội dung như: các niên đại trong lịch sử Việt Nam với bảng Hán Nôm đối chiếu với quốc ngữ, rồi các nhân danh, địa danh hoặc tên sách, tên các đầu tài liệu viết bằng chữ Hán" - ông nói.

PGS.TS Trần Đức Cường (chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam):

Ý kiến khuyến khích các sinh viên ngành sử học thêm chữ Hán và chữ Pháp có ý đúng. Bởi thời phong kiến hàng nghìn năm, chữ Hán được nước ta dùng làm ngôn ngữ chính thức trong xã hội.

Vậy nên chữ Hán hiện nay vẫn được những người nghiên cứu lịch sử nước ta rất coi trọng. Bằng chứng rõ nhất là trong Viện hàn lâm Khoa học & xã hội Việt Nam có Viện nghiên cứu Hán - Nôm.

Trong thời kỳ rất dài, từ giữa thế kỷ 19 đến năm 1945 nước ta bị người Pháp đô hộ, nên những tài liệu chữ Pháp về Việt Nam rất nhiều. Vậy nên sinh viên ngành sử nên học thêm chữ Hán và chữ Pháp là điều kiện cần thiết để tiếp xúc với các tư liệu lịch sử.

Nhưng không nên tuyệt đối hóa rằng không có những ngoại ngữ đó thì không nghiên cứu được lịch sử. Tất nhiên khi không biết ngoại ngữ sẽ hạn chế trong việc tiếp cận tư liệu.

V.V.TUÂN ghi

LAM ĐIỀN

Nguồn: https://tuoitre.vn/muon-nghien-cuu-su-viet-hay-hoc-them-chu-han-va-chu-phap-201803230954486.htm

CHUYỆN “HẠ TẦNG KIẾN THỨC”

Lê Ngọc Sơn: Thưa ông, vì sao ông đi dịch những cuốn sách triết học đồ sộ và kinh điển của thế giới?!

Bùi Văn Nam Sơn: Thực ra tôi già rồi, thời gian của tôi không còn nhiều nữa, tôi chỉ cố gắng làm cái gì trong khả năng của tôi thôi. Tôi tự đặt ra cho mình nhiệm vụ chính bây giờ là dịch một số các tác phẩm kinh điển sang tiếng Việt. Vì lẽ, thứ nhất, những quyển sách dạng này khô khan chẳng ai thèm dịch; thứ hai, nếu không dịch những quyển này thì không biết bao giờ người ta mới dịch… trong khi đó là những nền tảng cho các anh em trong chuyên ngành. Nhìn vào thư viện của Việt Nam mình, chưa thấy có mấy sách kinh điển của nhân loại, tôi thấy buồn lắm. Thành thực mà nói, không thể đòi một bạn sinh viên đọc tiếng Anh hay các ngoại ngữ khác vèo vèo như đọc tiếng Việt được. Vả lại, quả là không công bằng! Một người cùng trang lứa với các bạn sinh viên của ta, như những sinh viên ở Pháp, Mỹ, Đức, Nhật… thì họ dùng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, họ đỡ vất vả hơn nhiều lắm. Bây giờ đòi hỏi những bạn cử nhân mới 23 tuổi ngồi đọc một cuốn sách kinh điển dày cộp bằng tiếng Anh, thậm chí bằng tiếng Đức… làm sao mà đọc nổi… Đâu phải sinh viên Mỹ nào cũng đọc được tiếng Đức, hay sinh viên Pháp nào cũng đọc được tiếng Anh thông thạo… Thế mà họ vẫn thành công, vì họ sử dụng các bản dịch có chất lượng, và các công trình nghiên cứu của họ vẫn đạt được trình độ quốc tế.

Ở Việt Nam, ít ai làm việc dịch thuật, thế nên gánh nặng đè lên vai những anh em trẻ. Lứa tuổi 18-25 phải gánh cả một gánh nặng, vừa học kiến thức, vừa học ngoại ngữ. Do trở ngại về ngôn ngữ, mình khó có thể nắm vững vấn đề và tra cứu đến nơi đến chốn. Điều đó không phải lỗi của thế hệ trẻ, đó là lỗi của thế hệ đi trước, như chúng tôi, không kịp chuẩn bị tư liệu nền cho các bạn. Thật là quá cực, quá tội cho các bạn! Còn việc chúng ta phải nỗ lực học ngoại ngữ lại là chuyện khác! Khi tiếng Anh đã trở thành một lingua franca trong khoa học, việc đọc, viết, nói thành thạo tiếng Anh trong các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật là một yêu cầu hiển nhiên. Trong các ngành khoa học xã hội-nhân văn, còn cần thêm nhiều ngoại ngữ lẫn cổ ngữ khác nữa, nhưng vấn đề nói ở đây là không thể đòi hỏi những gì bất khả thi và quá sức…

Lê Ngọc Sơn:Thời sinh viên của ông ắt hẳn thấm thía nỗi vất vả này lắm?

Bùi Văn Nam Sơn: Đúng. Thời sinh viên, tôi cũng đã rất “đau khổ” vì thiếu sách tiếng Việt. Năm 21 tuổi, tôi sang Đức học, sau khi học xong cử nhân ngành Triết ở Sài Gòn, lúc đó tự thấy vốn liếng chữ nghĩa cũng kha khá rồi... Khi sang đó thì từ bậc cử nhân cho đến tiến sĩ, từ người mới vào trường đến người sắp ra trường đều có thể học chung một lớp. Lớp của tôi có mấy ông bạn người Nhật Bản, người Hàn Quốc… Lúc đó các bạn Hàn Quốc cũng khổ sở, vật vã như mình, vì nước họ có rất ít những bản dịch ra tiếng Hàn, và cũng như tôi, chưa thể đọc tiếng Đức thành thạo được. Trong khi đó mấy chàng Nhật Bản còn trẻ măng, mới 19 tuổi, vừa học xong tú tài, lại tỏ ra am hiểu và tự tin lắm! Tôi kinh ngạc, thì các bạn ấy mới mở túi cho xem một đống sách toàn tiếng Nhật: những bản dịch Hegel, Kant, Heidegger…, sách tham khảo, từ điển. Mình mất cả năm vật lộn với một cuốn sách, họ chỉ cần vài tháng là đọc xong. Thời gian mình đầu tư cho chuyện đọc đã quá mất sức rồi, làm sao có thể suy nghĩ hay tìm tòi thêm được cái gì mới nữa. Khoảng cách về điều kiện nghiên cứu giữa mình với người Nhật thật rõ rệt!

Riêng trong lĩnh vực triết học, sách vở mênh mông, còn số dịch giả thì đếm trên đầu ngón tay… Lẽ ra cần cả một thế hệ chuẩn bị nền móng, cho các bạn trẻ sau này đỡ cực hơn. Tất nhiên, ý nghĩa của việc dịch thuật không phải chỉ có thế. Nó còn góp phần xây dựng ngôn ngữ khoa học cho một đất nước, đem ánh sáng khai minh đến cho số đông để cải hóa xã hội, như nhiều bài viết mới đây của quý Thầy Nguyễn Xuân Xanh, Nguyễn Văn Tuấn, Trần Văn Thọ… đã nhấn mạnh.

Lê Ngọc Sơn: Vậy cho đến nay, so với các nước trong khu vực, chúng ta đang thế nào, thưa ông?

Bùi Văn Nam Sơn: Cách đây chừng 5-7 năm, chính ông bạn người Hàn Quốc ngày xưa học chung với tôi, về dạy ở Đại học Seoul, viết thư kể cho tôi nghe: ông và thế hệ trước đó, từ những năm 1970 trở đi đã bắt tay vào dịch sách vở cho Hàn Quốc. Hầu hết những tác phẩm kinh điển quan trọng từ tiếng Đức đã được dịch sang tiếng Hàn, hết toàn tập này đến toàn tập khác, mà mỗi toàn tập của một tác giả thì có đến 40-50 tập. Tôi rất kinh ngạc về sức làm việc của họ. 40 năm thôi, nhưng với trách nhiệm với đất nước và đàn em, họ quyết tâm làm được việc lớn như thế. Vậy thì ngày hôm nay, làm sao sinh viên của ta có thể “đấu” lại được một sinh viên Hàn Quốc, trong khi cách đây 40 năm, anh sinh viên này cũng vất vả y như mình. Khoảng cách đó thật khủng khiếp!

Việc học hành nghiêm chỉnh, tiếp thu có hệ thống đã là thách đố ghê gớm, và cái đó cần nhiều thế hệ mới vượt qua được, ít nhất cũng là 30-40 năm như Hàn Quốc. Chúng ta đừng vội nói gì cao xa, sách vở đàng hoàng là nền móng cơ bản nhất của nền học vấn và của nền đại học.

Lê Ngọc Sơn:Vì sao chúng ta không làm được như những nước ở gần mình như Nhật, như Hàn? Và ông có thấy được cuộc đua tranh trên thế giới về mặt tri thức đang diễn ra rất quyết liệt?

Bùi Văn Nam Sơn: Chúng ta thiếu tính tổ chức, thiếu khả năng làm việc tập thể và một kế hoạch trường kì của cả một tầng lớp, của cả một thế hệ. Mỗi thế hệ phải thấy trách nhiệm lịch sử của mình, thấy tình trạng khách quan đặt ra cho mình gánh nặng nào, và họ phải giải quyết một cách thông minh nhất, ít tốn sức nhất, với sự bền bỉ và quyết tâm. Thế hệ sau thừa hưởng và nối tiếp thành quả của những người đi trước, thì nền học thuật cứ thế đi lên thôi.

Tôi được cho biết rằng ở Nhật, những tạp chí khoa học chuyên ngành trên thế giới hầu như lập tức được dịch sang tiếng Nhật, vì họ có nhu cầu cạnh tranh. Nếu không theo kịp thông tin mới, làm sao có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới, làm sao bắt kịp trình độ quốc tế để đi dự hội thảo khoa học?

Trở lại tình cảnh của ta, cơ sở hạ tầng về kiến thức là phần rất chểnh mảng. Cái cơ bản nhất thì lại bị xem nhẹ… Bây giờ cứ hô hào sinh viên sáng tạo đi, có công trình đột phá đi, hãy phản biện đi… Nhưng phải biết người ta đã viết gì, nghĩ gì, ta mới phản biện và có ý kiến riêng được chứ!

SỬA SOẠN TINH THẦN, CHUẨN BỊ YÊN CƯƠNG

Lê Ngọc Sơn:Trong quan niệm của ông, một bạn sinh viên phải thế nào?

Bùi Văn Nam Sơn: Theo tôi, thời gian được học đại học là quãng thời gian đẹp nhất, quý nhất của một đời người. Khi ta đang ở trong quãng thời gian đó, thường không thấy quý đâu, nhưng sau này nhìn lại mới thấy đây là thời gian quý nhất, “sướng” nhất. Được trở thành sinh viên là một bước ngoặt. Chữ “sinh viên” khác về chất với chữ “học sinh”. Ngay bản thân chữ “sinh viên” đã cho thấy sự khác biệt ấy: Sinh viên trong tiếng Anh và tiếng Đức là “student”, trong tiếng Pháp là “étudiant”, liên quan đến 3 động từ: to study, studieren, étudier ít nhiều đều mang hàm nghĩa là “nghiên cứu”. Sinh viên là phải nghiên cứu, chứ không chỉ thụ động tiếp thu kiến thức... Trong tiếng Việt, “sinh viên” có chữ “viên”, nghĩa là đã có một vị trí nào đó... Do vậy, cần ý thức được điều này để cả người dạy lẫn người học ở bậc đại học nhận thức được trách nhiệm của chính mình. Dạy và học ở đại học không chỉ là truyền thụ và tiếp thu kiến thức mà chủ yếu là gợi hứng cho nghiên cứu.

Ngay cả ở trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông cũng có vấn đề. Những năm 1970 về trước, mang tấm bằng tú tài của Việt Nam sang Tây Âu là được chấp nhận hầu như tương đương, còn những bằng tú tài của Thái Lan, Malaysia, Indonesia… thì buộc phải học lại một năm, tức chỉ bằng đầu lớp 12 bên đó. Bây giờ thì như thế nào? Chúng ta phải nghiêm túc tự vấn về mình...

Lê Ngọc Sơn: Ở các nước phát triển, khoa học trú ngụ ở đại học, tại sao ở các đại học ở ta thì chưa thấy gì, thưa ông?

Bùi Văn Nam Sơn: Theo tôi là do không phân biệt rạch ròi giữa đại học và trung học. Trường đại học dứt khoát không phải là trường phổ thông cấp 4. Nó khác về chất trong hệ thống giáo dục quốc gia. Đại học cũng không phải là trường dạy nghề, trường dạy nghề lẽ ra cần có một hệ thồng khác, cũng cao cấp và sáng giá không kém gì đại học. Ở Đức, sau khi đỗ tú tài, ta có hai con đường để lựa chọn, một là các trường kỹ thuật, trường dạy nghề chuyên nghiệp dành riêng cho những kỹ sư thực hành, rất hay và thiết thực, ra trường dễ kiếm việc làm và lương cao. Hoặc hướng thứ hai là nghiên cứu: cũng có thể là khoa học-kỹ thuật nhưng nặng về lý thuyết. Do có hai hướng rõ ràng như vậy, dựa vào việc phân định khách quan về nhiệm vụ, nên khi vào đâu, ta sẽ biết làm cái gì, biết rõ tính chất của trường mình. Việc “liên thông” giữa hai loại trường này lại là chuyện khác nữa!

Do đó, đại học đương nhiên mang tính chất nghiên cứu, dù ở năm thứ nhất cũng là nghiên cứu, ở bậc tiến sĩ, hay sau tiến sĩ cũng là nghiên cứu. Từ sinh viên đến giáo sư đều làm nghiên cứu. Không khí của đại học là nghiên cứu. Thành ra, cái mà ta đang nhầm lẫn ở đây là nhẫm lẫn tính chất của đại học, dẫn đến hệ quả rất trầm trọng là biến đại học thành trường dạy nghề, và biến trường dạy nghề thành ra cái gì đó rất là yếu kém và yếu thế. Đã đi học để nghiên cứu thì phải toát ra tinh thần nghiên cứu, tức là toàn bộ giáo sư và sinh viên là một cộng đồng nghiên cứu, người đi trước hướng dẫn, dìu dắt người đi sau, không ngừng hình thành những chuyên ngành mới, những trường phái mới… Nghiên cứu có nhiều cấp độ, cấp thấp/ cấp cao, dễ/ khó… Cũng tránh hướng suy nghĩ rằng, nghiên cứu là cái gì đó cao xa lắm, thực ra đâu phải vậy: ngay năm thứ nhất, bạn cũng đã phải có tư duy nghiên cứu rồi, tự tìm tòi phương hướng và phương tiện nghiên cứu của mình với sự giúp đỡ của người đi trước.
Vì thế, hình thức Sêmina ngày càng chiếm ưu thế. Sêmina là lao động tập thể của sinh viên lẫn giáo sư, của thầy và trò, cùng nhau tìm tòi tài liệu, tổng kết, nhận định, đánh giá những gì đã có, đó là những hình thức ban đầu của nghiên cứu ngay từ năm thứ nhất.

Lê Ngọc Sơn: Theo ông, sinh viên phải chuẩn bị những gì cho một tương lai đầy thử thách trước mặt?

Bùi Văn Nam Sơn: Người Pháp có câu ngạn ngữ: “muốn đi xa phải chăm sóc yên cương” (“Qui veut aller loin, ménage sa monture”/ Racine), nghĩa là, phải biết dưỡng sức và chuẩn bị phương tiện. Đi mười dặm thì đơn giản, nhưng đi trăm dặm, nghìn dặm, vạn dặm… thì lại khác. Công việc học cũng vậy thôi, nếu chỉ nghĩ lấy cái bằng ra để kiếm việc làm, nuôi sống bản thân thì khá đơn giản, nhưng nếu muốn tiến xa trong chuyên ngành của mình thì phải chuẩn bị cho 30, 40 năm sau về cả ý thức lẫn sức lực.

Chắc bạn biết rằng trên 30 tuổi rất khó học ngoại ngữ, do nguyên nhân sinh lý thôi, trên 30 tuổi thì các nơ-ron thần kinh già đi, giảm thiểu khả năng tiếp thu. Vậy thì phải luyện rèn ngoại ngữ trước 30 tuổi. Người làm nghiên cứu cần trang bị cho mình nhiều ngoại ngữ. Đối với các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật, cần phải có hai ngoại ngữ thông dụng. Đối với người làm nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội-nhân văn, thì càng nhiều càng tốt, cả cổ ngữ nữa. Đó là vốn liếng tối thiểu để nghiên cứu.

Lê Ngọc Sơn: Cần tạo cảm hứng ham hiểu biết của anh chị em sinh viên như thế nào, thưa ông?

Bùi Văn Nam Sơn: Theo quan sát của tôi, hiện nay, anh chị em sinh viên đang chịu nhiều áp lực thi cử quá mức. Cần tạo một khoảng hở để anh chị em sinh viên vui chơi, và có… chơi nhiều thì mới thấy việc học là thú vị, không học thì tiếc, và thế là lao vào học. Học trong sự say mê. Hãy tạo không gian tự do để anh chị em cảm thấy hứng thú nghiên cứu, chứ suốt ngày bị áp lực thi cử, hay sợ tương lai của mình phụ thuộc vào thi cử…thì những việc đó làm hao tổn năng lượng của anh em trẻ một cách quá đáng! Thể lực và thể thao đại học cũng là hiện tượng rất đáng lo ngại, chưa nói đến những hình thức tiêu cực phản giáo dục…

Lê Ngọc Sơn: Chúng ta nên bắt đầu lại thế nào để xây dựng lại tinh thần đại học một cách tử tế?

Bùi Văn Nam Sơn: Hình như ta đang có cao vọng là phấn đấu đứng vào hàng ngũ những đại học tiên tiến trên thế giới. Tôi nghĩ là khó vô cùng! Với những gì hiện có, tôi e chuyện đó là ảo tưởng. Nhiều thập kỷ nữa chưa chắc mình đã vào được hàng ngũ những đại học trung bình ở khu vực, chứ đừng nói đại học đẳng cấp quốc tế. Và để có cơ may làm được điều đó thì việc trước tiên là phải thay đổi tính chất của đại học hiện nay.

Điều đáng lo là chúng ta không lo những chuyện bình thường, coi nhẹ những chuyện bình thường. Chuyện lẽ ra ai cũng phải làm, nước nào cũng phải làm thì mình lại xem thường, mình chỉ muốn làm những gì khác thường, phi thường. Làm sao làm những chuyện khác thường, phi thường khi cái bình thường, ta chưa làm được? Hãy là cái gì bình thường trước đã. Những đại học, học viện trên thế giới người ta là cái gì thì mình là đúng cái đó đi đã: đầu tư cho sách vở đầy đủ, đầu tư cho con người, không gian học thuật, v.v...

ĐI XA CẦN CÓ BẠN ĐƯỜNG VÀ TẬP HIỂU NHỮNG ĐIỀU KHÁC BIỆT

Lê Ngọc Sơn: Như vậy, sẽ phải bình tĩnh để nhìn lại năng lực tự thân và hướng đi của mình?

Bùi Văn Nam Sơn: Vâng. Một nền giáo dục lạc hậu thì đuổi mãi chắc rồi cũng bắt kịp, nhưng lạc hướng thì chịu thua. Chúng ta thường mong làm những điều phi thường, nhưng đôi khi thực chất nó lại là nghịch thường. Những cách làm của mình hiện nay là trái với bình thường, không giống ai và không có ai làm như thế cả. Trên thế giới, nền giáo dục quốc gia được định hình tư lâu lắm rồi. Những định chế khoa học cũng đã định hình từ xa xưa với hơn 700 năm kinh nghiệm. Họ làm gì, ta làm nấy cho giống đại học cái đã, rồi phát triển dần lên.

Lê Ngọc Sơn: Phía trước là cả chặng đường dài, theo ông, các bạn sinh viên nên làm gì?

Bùi Văn Nam Sơn: Theo tôi các bạn trẻ cần hình thành ý thức tự học và xác định tinh thần đi xa phải có bạn đường. Thứ nhất,sinh viên cần có tinh thần tự học trọn đời, nghiên cứu trọn đời. Ngay cả khi đã “bỏ nghề”, nhưng nếu còn tha thiết với nó, ta vẫn tìm sách mà đọc, cố gắng hết sức trong thời gian eo hẹp để làm giàu tri thức cho mình, nâng chất lượng cuộc sống mình lên. Đó là tinh thần tự học. Thứ hai, đã có tinh thần tự học, thì hoàn cảnh nào đi nữa vẫn có thể tham gia làm việc từng nhóm với nhau. Bạn có thể sinh hoạt với nhau trong một nhóm bạn hữu tâm giao, có thể theo đuổi một công việc tình nguyện, không ăn lương, thậm chí không dính đến bộ máy hay tổ chức nào cả. Chúng ta cần những nhóm người nhiệt huyết, không lệ thuộc vào đồng lương nhà nước, cơ quan… Cái có sức sống nhất chính là những nhóm nghiên cứu độc lập, tự nguyện, vô vị lợi, chủ yếu là vì lòng say mê, tình tri kỉ… được hình thành ngay thời sinh viên. Cho nên tình bạn trong đại học không chỉ là vui chơi, chính tình bạn có tính tự nguyện này là mầm mống cho những hoạt động khoa học bền bỉ. Trong lịch sử khoa học, có những nhóm nghiên cứu kết bạn với nhau từ hồi sinh viên cực kì khăng khít, đã tạo ra những công trình phi thường.

Lê Ngọc Sơn: Theo ông, làm sao để người trẻ kiên trì trên con đường nghiên cứu?

Bùi Văn Nam Sơn: Đã là sinh viên đúng nghĩa thì ta phải ham chuyên môn của mình ngay từ khi bước chân vào trường đại học. Bước vào giảng đường, thư viện hay phòng thí nghiệm, ta cảm thấy linh thiêng, hào hứng, thì mới có hi vọng thành tựu. Ít ra là cũng ham đọc sách, chứ cầm cuốn sách mà đọc vài trang là lăn ra ngủ thì không thể nào đi xa được đâu. Phải mê sách vở, mê nghiên cứu, mê chữ nghĩa,... thì mới có triển vọng. Dần dần thành thói quen, trong đó có thói quen tập đọc, tập chịu đựng: cái khó nhất trong học tập, nghiên cứu là chịu đọc những cái mà mình không thích. Đọc một cách nghiêm chỉnh, không thành kiến những gì không giống mình. Nghiên cứu là để hiểu vấn đề và hiểu người khác một cách nghiêm chỉnh, trung thực. Đừng vì ghét quan điểm của tác giả nào đó, rồi chưa đọc kỹ về họ đã bác bỏ hay xuyên tạc họ. Cố tình hạ thấp họ để nghĩ mình thắng họ, thì thực chất họ cũng chẳng thấp hơn được. Phải hiểu một cách chân thực, phản bác họ bằng luận cứ. Và để làm được điều đó thì, như đã nói, phải chịu khó đọc những cái mình không thích, học những môn mình không ưa. Tập thói quen này khó lắm đó, nhưng hoàn toàn có thể làm được.

Dù có nhiều khó khăn đón chờ phía trước, nhưng xin hãy cứ kiên trì, rồi mùa hoa trái sẽ tới!

Xin cảm ơn ông!

Lê Ngọc Sơn (Thực hiện)
Nguồn: Báo Sinh viên Việt Nam số Xuân Quý Tỵ 2013

Sau khi Tuổi Trẻ thông tin nhiều trường đại học ở Việt Nam trang bị phần mềm chống đạo văn, một số chuyên gia người nước ngoài coi đạo văn là tệ nạn toàn cầu và chỉ ra cái giá phải trả.

Ảnh: NVCC

Giáo sư JONATHAN LONDON (Đại học Leiden, Hà Lan):

Đạo văn xuất hiện ở mọi quốc gia

Đạo văn là một hiện tượng toàn cầu và xuất hiện ở mọi quốc gia trên thế giới. 

Ngay cả chính phủ ở những nước phương Tây tiên tiến như Đức cũng có những chính trị gia dính bê bối đạo văn. Năm 2013, Bộ trưởng Giáo dục Đức Annette Schavan từ chức sau bê bối đạo văn. 

Quyết định này được đưa ra 4 ngày sau khi bà Annette Schavan bị một trường đại học tại Đức tước bằng tiến sĩ vì đạo văn. 

Nói như thế không có nghĩa là chúng ta thỏa hiệp với đạo văn. Đây là một hiện tượng xấu và chúng ta nhất quyết phải chống lại nó.

Là nhà nghiên cứu Việt Nam kể từ năm 1975, trong đó có nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục, tôi quan sát thấy nạn đạo văn ở Việt Nam đang ở trong tình trạng nghiêm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đại học và sau đại học.

Đạo văn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó lý do chính là người ta theo đuổi thành công bằng mọi giá.

Một trong những hình thức phổ biến của nạn đạo văn trong lĩnh vực giáo dục đại học và sau đại học là nhiều người vô tư sử dụng ý tưởng của người khác trong các luận án tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ... mà "quên" trích dẫn một cách đúng đắn.

Các bạn sinh viên phải hiểu rằng điều mà các giảng viên mong muốn chính là khả năng tiếp cận và đánh giá của sinh viên về những ý tưởng và bằng chứng của người khác một cách kỹ càng và sâu, chứ không phải lấy chúng làm "tài sản" của riêng mình. 

Một ví dụ cụ thể là nhiều sinh viên Việt Nam vẫn chưa hiểu Wikipedia là một từ điển mở để tham khảo ban đầu chứ không phải là một nguồn để copy lại cho bài luận của mình.

Theo tôi, để chống nạn đạo văn, Việt Nam cần phải thiết kế các cuộc thi đạt độ khó đến nỗi có đạo văn cũng không làm được. 

Chẳng hạn đặt những câu hỏi cụ thể trong một bối cảnh cụ thể, yêu cầu sinh viên suy nghĩ một cách cá nhân và sáng tạo.

Ở những nơi mà tôi từng dạy học như Mỹ, Singapore, Hong Kong, Hà Lan, hình phạt đạo văn tùy theo mức độ. Ở mức độ cao nhất, tức cố tình và đạo văn cho nhiều bài luận, nhà trường sẽ đuổi học. Những trường hợp nhẹ hơn, nhà trường đánh rớt môn học đó và cảnh cáo.

Đối với những trường hợp không cố tình đạo văn, thông thường giảng viên sẽ gặp sinh viên và giải thích cho họ rõ hành vi của họ chính là đạo văn và không được tái phạm.

Ảnh: NVCC

Ông HERBY NEUBACHER (người Đức):

Trích nguồn khác với sao chép

Chuyện đạo văn cũng xảy ra trong giới báo chí truyền thông, với áp lực bài vở mỗi ngày, một số người cảm thấy việc sao chép dễ dàng hơn nhiều so với việc chính bản thân mình đi điều tra, xác tín một sự việc nào đó.

Từng làm việc trong ngành báo chí, tôi cũng có lúc phát hiện đồng nghiệp của mình báo nội dung bài từ một số tờ báo lớn, và nói như thể đó là bài của họ. 

Theo tôi, việc sử dụng thông tin từ các nguồn khác là chuyện khá bình thường nhưng bạn phải trích dẫn chính xác hoặc nói rõ là bạn sử dụng tài liệu của người khác, chứ đừng làm như thể chính bạn khám phá nội dung đó!

Ở Đức, nếu một người nào đó trong giới học thuật bị phát hiện là đạo văn, người đó sẽ bị "ruồng bỏ", mất hết cả thanh danh. Còn nếu sinh viên đạo văn, luận văn của họ có thể sẽ không được công nhận và họ có nguy cơ bị từ chối xếp hạng học thuật.

Ở Đức từng có hai vụ việc liên quan đến đạo văn làm chấn động công chúng. 

Một trong hai vụ đó là vào năm 2011, bộ trưởng quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg đã phải từ chức sau khi bị ĐH Bayreuth thu hồi bằng tiến sĩ vì bê bối đạo văn liên quan đến luận án tiến sĩ của ông.

Luận văn của ông Guttenberg đã được nhiều chuyên gia học thuật cấp cao kiểm tra. Họ so sánh với các bài viết khác trong cùng lĩnh vực và phát hiện những chỗ tương đồng. Không quá khó để phát hiện luận văn của ông Guttenberg là một tác phẩm chắp vá.

Ảnh: NVCC

Anh RAFAEL RIBEIRO (Giáo viên ở Brazil):

Chú ý ra đề tránh đạo văn

Theo tìm hiểu của tôi, hầu hết trường học và các viện giáo dục ở Brazil phát hiện đạo văn bằng cách sử dụng các trang web, các phần mềm chuyên dụng và nhiều biện pháp khác.

Là giáo viên dạy tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, tôi cũng luôn cố gắng tránh cho học sinh của mình khỏi nạn đạo văn bằng cách khi ra đề thi tôi yêu cầu các em viết những gì liên quan đến cuộc sống của chính mình, hoặc điều gì đó có ý nghĩa với bản thân các em. 

Tìm tài liệu trên mạng mà giống với cuộc sống của mình không phải dễ, đồng thời viết về bản thân mình sẽ khuyến khích các em tự thực hiện bài viết của mình, vì ai cũng thích nói về bản thân mình mà.

Ông PASI TOIVA (Công ty tư vấn giáo dục Wise Consulting Finland Oy, Phần Lan):

Đạo văn là hành vi lừa đảo

Mọi trường đại học của Phần Lan đều mua một công cụ để hướng dẫn cách làm khoa học một cách đúng đắn và xác định các vi phạm về liêm chính trong học thuật.

Có hai phần mềm được chọn làm hệ thống hỗ trợ giáo dục và nghiên cứu, đó là Turnitin của Mỹ và Urkund của Thụy Điển.

Tất cả các cơ sở giáo dục bậc cao đều có "quy tắc chung về bằng cấp", trong đó nói rõ đạo văn là hành vi lừa đảo và không thể được chấp nhận.

Dựa vào mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị xử lý, từ cảnh cáo miệng/chính thức, đình chỉ/đuổi học cho đến thu hồi luận văn và bằng cấp.

Tại Phần Lan, Hội đồng đánh giá giáo dục bậc cao Phần Lan có trách nhiệm giám sát và đảm bảo chất lượng giáo dục bậc cao, gồm các trường đại học và đại học khoa học ứng dụng.

Tổ chức trực tiếp liên quan tới vấn đề liêm chính trong học thuật là ủy ban tư vấn quốc gia về đạo đức nghiên cứu.

Ủy ban này đưa ra các hướng dẫn để làm nghiên cứu một cách có trách nhiệm cũng như hợp tác với cộng đồng nghiên cứu Phần Lan để xử lý các vi phạm.

Mục đích của việc này là để thúc đẩy nghiên cứu có trách nhiệm và ngăn chặn vi phạm ở tất cả các tổ chức có liên quan đến công việc nghiên cứu, như ở các trường đại học, viện nghiên cứu và các trường khoa học ứng dụng.

QUỲNH TRUNG - NGỌC ĐÔNG ghi

Nguồn: http://tuoitre.vn/nguoi-nuoc-ngoai-ban-ve-cai-gia-phai-tra-cua-van-nan-dao-van-20171022094508914.htm

Muốn học Hán Nôm, nếu ở miền Trung, TP.HCM và Nam Bộ thì có thể học chuyên ngành Hán Nôm ở Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV- ĐHQG TP.HCM. Đây cũng là nơi thứ 2 trong toàn quốc có đào tạo cử nhân và thạc sĩ Hán Nôm.

(Dân trí) - Sở thích của em thích khám phá các văn bản cổ, những giá trị văn hóa trong quá khứ… và được tư vấn học ngành Hán Nôm. Vậy ngành Hán môn học như thế nào? Ra trường làm việc ở đâu?

Trả lời:

…“Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác”…(Rasul Gamzatov, 1923-2003)

Tương lai sẽ đối xử với bạn như thế nào? Câu trả lời là: hãy nhìn vào cách mà bạn đối xử với quá khứ, bởi lịch sử luôn công bằng!

Ngành Hán Nôm là cửa ngõ dẫn bạn đi sâu vào kho tàng văn hoá truyền thống để khám phá những giá trị văn hoá trong quá khứ, ứng dụng và phát huy các giá trị ấy trong hiện tại và tương lai. Nhưng nếu ông đồ xưa bày mực tàu, giấy đỏ, bút lông ra viết chữ Nho, thì người học Hán Nôm ngày nay gõ bàn phím máy tính để giải mã các văn bản cổ.

Ngành Hán Nôm: Sinh viên được học chữ Hán, chữ Nôm; văn bản chữ Hán (Trung Quốc, Việt Nam) và chữ Nôm; các tri thức về Nho – Phật – Đạo; các tri thức về văn hoá truyền thống; tiếng Trung Quốc hiện đại…

Tốt nghiệp cử nhân, sinh viên được học lên Thạc sĩ và Tiến sĩ: Hán Nôm, Văn, Sử, Triết, Ngôn ngữ, Đông phương, Việt Nam học…; du học nước ngoài (Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Âu – Mĩ…) với nguồn học bổng phong phú.

Ngành Hán Nôm (Trường ĐH KHXH&NV, Hà Nội) là đơn vị duy nhất trên toàn quốc đào tạo cả 3 trình độ: Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ.

Chương trình đào tạo đại học ngành Hán Nôm có mục tiêu đào tạo cử nhân Hán Nôm có phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn vững vàng, đảm nhận các công tác: sưu tầm, bảo quản, phiên dịch, nghiên cứu, khai thác, giảng dạy Hán Nôm…

Sinh viên sau khi tốt nghiệp chương trình này được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong việc tiếp cận và xử lý văn bản Hán Nôm cả ở phương diện văn bản học cũng như minh giải và khai thác văn bản Hán Nôm, phục vụ công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong điều kiện hội nhập và giao lưu quốc tế.

Sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học ngành Hán Nôm có thể đảm nhận các công tác như: sưu tầm, bảo quản, phiên dịch, nghiên cứu, khai thác, giảng dạy Hán Nôm tại các viện nghiên cứu; các trường đại học, cao đẳng; các cơ quan văn hoá, lưu trữ, thông tin… ; các cơ quan nhà nước; các tổ chức và đoàn thể xã hội có nhu cầu.

Ban Tư vấn tuyển sinh

Nguồn: http://tuyensinh.dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thich-giai-ma-cac-van-ban-co-thi-hoc-nganh-gi-20180220080743725.htm

Mới đây một luận văn thạc sĩ đã được bảo vệ thành công tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bị phát hiện sao chép gần như y nguyên luận án tiến sĩ được bảo vệ trước đó của người khác.

Sau vụ việc này, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã mua phần mềm chống đạo văn, triển khai đến toàn bộ cán bộ, giảng viên của trường.

Phần mềm phát hiện sao chép

Ông Vũ Trọng Nghĩa - trưởng phòng truyền thông Trường ĐH Kinh tế quốc dân - cho biết trường triển khai phần mềm Turnitin chống đạo văn từ năm 2014 cho Viện Đào tạo sau ĐH, và áp dụng toàn trường từ năm học 2016-2017. 

Các luận án tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ, bài báo khoa học, công trình khoa học đều phải đưa vào phần mềm này để quét. Nếu phát hiện mức độ tương đồng cao hơn mức cho phép (30%), sản phẩm đó sẽ được trả lại cho người nộp để làm lại. 

Theo ông Nghĩa, khi chưa có phần mềm này, trường bố trí tới 10 cán bộ, giảng viên đọc từng trang, rà soát, đối sánh nội dung nghiên cứu của học viên. Việc này mất rất nhiều thời gian, hiệu quả chưa cao.

Đây cũng là giải pháp được nhiều trường thực hiện như ĐH Hàng hải, ĐH Kinh tế TP.HCM, Lạc Hồng, Hoa Sen, Nguyễn Tất Thành, ĐH Kinh tế (ĐH Huế), ĐH Tôn Đức Thắng... 

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vừa triển khai phần mềm Turnitin vào đầu năm 2017. Theo đó, tất cả các sản phẩm học thuật của trường đều phải trải qua kiểm tra đạo văn. Các hình thức chế tài trường đưa ra khá mạnh.

Đối với khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án, bài báo, bài giảng, đề cương học phần, đề cương nghiên cứu, công trình khoa học, khi bị phát hiện lần thứ nhất (trước khi bảo vệ, báo cáo, trình bày), tác giả phải viết lại. 

Nếu tác giả nộp sản phẩm lại nhưng vẫn có mức độ giống trên 20% và có đoạn văn giống từ 100 từ trở lên, người học bị đình chỉ báo cáo, bảo vệ, nghiệm thu trong vòng một tháng để tiếp tục chỉnh lần thứ hai. 

Sau hai lần kiểm tra và chỉnh sửa, nếu vẫn còn ít nhất một đoạn văn có 100 từ trở lên sao chép nguyên văn, hoặc có từ 20% văn bản giống với các nguồn dữ liệu của các tác giả khác (hoặc chỉ thay đổi tên đề tài, từ ngữ, số liệu, nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc và nội dung của dữ liệu), người học bị lập biên bản, không công nhận các sản phẩm học thuật, không được bảo vệ, báo cáo, không đăng bài, chấm dứt hợp đồng.

 Đối với các bài kiểm tra, bài tập, tiểu luận và các bài khác thuộc điểm học phần; sau khi đã kiểm tra và chỉnh sửa lần thứ nhất, người học nộp lại bài nhưng vẫn còn mức độ giống trên 20%, và ít nhất giống đoạn văn có 100 từ trở lên, sinh viên sẽ bị trừ 30% điểm học phần.

Giảm đạo văn

Trong khi đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng tự xây dựng riêng cho mình phần mềm phát hiện đạo văn. TS Dương Thị Thùy Vân - giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin của trường - cho hay phần mềm được xây dựng trên cơ sở dữ liệu của trường và nguồn dữ liệu bên ngoài, triển khai từ năm 2016. 

Tất cả bài luận môn học, luận án tốt nghiệp, bài báo khoa học đều đưa vào phần mềm kiểm tra đạo văn. Nếu mức độ tương đồng từ 20% thì bị xem là đạo văn.

Triển khai phần mềm phát hiện đạo văn hơn hai năm, đại diện Trường ĐH Hàng hải cho biết: "Việc này làm giảm hẳn tình trạng đạo văn, giúp người học tự hoàn thiện sản phẩm của mình".

Tại Trường ĐH Hoa Sen, mỗi sinh viên được cấp một tài khoản trên phần mềm kiểm tra đạo văn. Sinh viên sẽ phải nộp các báo cáo, bài viết của mình qua phần mềm này, để kiểm tra sự tương đồng. Tỉ lệ tương đồng trong các báo cáo của sinh viên đã ít hơn trước.

Áp dụng phần mềm phát hiện đạo văn từ năm 2010, ông Lâm Thành Hiển - phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng - cho biết lúc đầu trường phát hiện rất nhiều công trình khoa học, luận án tốt nghiệp có mức độ tương đồng cao hơn tỉ lệ quy định (10-30% tùy nội dung). Từ đó đến nay, tình trạng đạo văn đã giảm hẳn.

Tương tự, ông Vũ Trọng Nghĩa cho hay khi mới triển khai, Trường ĐH Kinh tế quốc dân phát hiện rất nhiều luận văn, bài báo có mức độ tương đồng trên 30%, bị trả lại yêu cầu sửa. Đến nay hầu như không còn tình trạng này.

Hướng dẫn sinh viên tránh đạo văn

Trong các buổi sinh hoạt đầu, giữa và cuối khóa, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đều nhắc nhở sinh viên về đạo văn, tránh trường hợp sinh viên vô tình đạo văn.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM yêu cầu giảng viên hướng dẫn người học thực hiện quy định do trường ban hành, về trích dẫn trong các sản phẩm khoa học, và quy định kiểm tra đạo văn.

Bà Trịnh Minh Huyền - trợ lý hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho hay ngay từ đầu khóa, trường đã hướng dẫn chi tiết cho sinh viên các quy định của trường về đạo văn, cách thức trích dẫn, ghi nguồn.

Ảnh (T.K.): Hướng dẫn sử dụng phần mềm kiểm tra đạo văn Turnitin tại khoa toán - thống kê - ĐH Kinh tế TP.HCM.

Nguồn: http://tuoitre.vn/truong-dai-hoc-rao-riet-chong-dao-van-20171013085442991.htm

Nhà giáo, nhà nghiên cứu Phạm Văn Diêu (8.12.1928 – 6.7.1982) sinh tại làng Thi Phổ Nhất, tổng Lại Đức, phủ Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi nay thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức. tỉnh Quảng Ngãi. Cả cuộc đời ông thủy chung với nghiệp trồng người, từ những ngày đầu trên bục giảng Trường Trung học Bình dân miền Nam Trung bộ (Quảng Ngãi) đến Trường Trung học Khải Định/Quốc học (Huế), tiếp tục qua Đại học Văn khoa Đà Lạt, Đại học Sư phạm và Văn khoa Sài Gòn, cuối cùng, sau 1975, Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Và tên tuổi ông định vị trên văn đàn chủ yếu bằng hai trước tác đầy đặn: Văn học Việt Nam giảng bình (1953, tái bản 1961, 1970), Văn học Việt Nam (1960). Nói là chủ yếu bởi còn hàng loạt tiểu luận phê bình nghiên cứu chưa tập hợp thành sách đã đăng tải trên các tạp chí Đại học, Văn học, Văn hóa Nguyệt san...

TTO - Nhân câu chuyện những người lính hai nước Mỹ - Nhật xây tặng trường học ở xã Hòa Liên 2, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) mới thấy một điều: người Nhật học rất thích xây trường học.

Là quốc gia giàu có, nhưng học sinh Nhật rất tự lập. Trong ảnh: học sinh phân công nhau phục vụ bữa trưa cho mọi người - Ảnh: Fast Japan

 

Trên đây là cảm nhận của bạn Trúc Nguyễn gởi đến chuyên mục cùng làm báo Tuổi Trẻ Online.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết này.

"Như tin đã đưa, chiều 12-5-2017 nằm trong chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2017 (PP17) Đà Nẵng, Hải quân của hai nước Mỹ và Nhật Bản đã đến dự buổi khánh thành trường học mầm non tại xã Hòa Liên 2, huyện Hòa Vang.

Trường gồm bốn phòng học với trang thiết bị đầy đủ có tổng kinh phí 3 tỈ đồng, do chính tay các binh sĩ người Mỹ và Nhật Bản trực tiếp thi công. Toàn bộ dụng cụ vật liệu đều được mua tại địa phương.

Trước đó ngày 15-3-2017, Bộ GD&ĐT đã trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho ông Hiroshi Tanikawa, quốc tịch Nhật Bản, chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị và giáo dục châu Á, vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. 

Tính từ năm 2005-2016, ông Tanikawa đã hoàn thành việc xây dựng được 140 điểm trường cho vùng khó khăn, vùng nghèo khó của Việt Nam, trong đó miền Bắc gồm 30 điểm trường; miền Trung gồm 35 điểm trường, Tây nguyên gồm 55 điểm trường, miền Nam gồm 20 điểm trường với tổng giá trị ước tính khoảng 6 triệu đôla Mỹ".

Tại sao người dân các nước giàu thì "khoái" đi xây trường học? Đi đến đâu họ cũng lên lịch giao lưu với học sinh sinh viên, đi thăm chợ và bệnh viện...?

Nói đến đây, tôi nhớ câu chuyện lịch sử "Một trăm bao tải gạo" lưu truyền khá phổ biến trong các trường học Nhật Bản.

Chuyện kể rằng: trong chiến trận Meijiishin quân của phủ Nagaoka (ngày nay là trung tâm của thành phố Nagaoka tỉnh Niigata) bị bại trận. Lương thực đã cạn kiệt đến nỗi quân lính phải bán hết đồ dùng cá nhân để lấy tiền mua thức ăn nhưng đến lúc cũng không còn gì để mà bán, tình hình rất khốn đốn.

Mùa xuân năm Minh Trị thứ 3 (1870) nhờ bắt tay liên minh với quân của phủ Mineyama (ngày nay là thành phố Niigata tỉnh Niigata) mà quân của phủ Nagaoka được viện trợ cho 100 bao tải gạo. Quân lính phủ Nagaoka nhảy lên vì vui sướng, tâm trạng mong chờ được phân phát gạo càng làm họ phấn khích. 

Tuy nhiên, vị tướng là Kobayashi Torasaburo lại quyết định không phân phát gạo ra cho mọi người mà đem gạo bán lấy tiền xây dựng trường học. Nghe tin đó, quân lính liền nổi xung thiên gọi nhau tập hợp tại nhà của tướng Kobayashi để chất vấn: "quân lính đói sắp chết tới nơi sao không phát gạo mà xây trường làm cái gì"?

Vị tướng trả lời: “Nhân khẩu trong phủ chúng ta tính luôn cả người nhà là trên 85.000 người, nếu phát số gạo này ra thì ăn chưa tới hai ngày là hết. Vấn đề bây giờ là phải suy nghĩ xem trong phủ này điều quan trọng nhất cần phải được cải thiện là gì rồi tiến hành làm cho tốt".

“Việc mà cuộc sống nhân dân trong phủ khốn đốn như ngày nay một phần là do bại trận trong chiến trận Meijiishin, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là do trong phủ của chúng ta có sự bần cùng về nhân lực.

"Nếu chúng ta có những con người tài giỏi thì chúng ta đã không chịu cảnh nghèo khổ như thế này đâu. Địa hạt này đói nghèo hay giàu có, đất nước Nhật Bản này mạnh lên hay suy yếu tất cả đều phụ thuộc vào yếu tố con người. Chính vì vậy điều quan trọng là tập trung vào việc đào tạo con người, bằng mọi giá phải đầu tư xây dựng trường học để đào tạo ra con người tài đức, đó là suy nghĩ của tôi"!

Suy nghĩ của tướng quân thật là sâu xa. Cái nguyên nhân gốc rễ gây ra đói nghèo yếu kém cho các gia đình trong hạt phủ như thế mà chúng tôi không ai nhận ra, bây giờ chúng tôi đã hiểu ra rồi.

Vị tướng nói tiếp: “Bản thân ta cũng là một cá thể trong cái đói nghèo chung của các vị. Nếu xây trường và đào tạo ra những con người tài giỏi thì từ một trăm bao gạo chúng ta có thể làm ra một ngàn, mười ngàn bao gạo. Hãy cùng nhau chia sẻ những tháng ngày gian khó này, hãy đoàn kết xây dựng địa hạt Nagaoka thịnh vượng, xây dựng một vị thế vững vàng cho đất nước Nhật Bản trên trường quốc tế”. 

Ý kiến sâu xa và đầy quyết tâm như thế cho nên cuối cùng toàn bộ binh lính cũng đồng ý chấp thuận. 

Chẳng bao lâu sau, trường học của phủ Nagaoka đã được xây xong, ngành giáo dục của Nagaoka phát triển và từ đây đã đào tạo ra nhiều nhân tài và đã được gởi đi làm việc ở nhiều vùng miền khắp cả nước.

Xem ra, bài học về việc xây trường của người Nhật không phải không có ý nghĩa với VN khi mà sau thời gian tạm lắng xuống "mốt" xây "công trình nghìn tỉ" rộ lên ở nhiều địa phương".

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 18.5.2017

20180101 giao ducGiáo dục cần truyền đạt những giá trị tốt đẹp tới học sinh. Ảnh: vietnamnet.vn.

Chúng ta hãy thử cùng nhau điểm xem đâu là những dấu hiệu của một nền giáo dục tốt, để rồi từ đó rút ra các kết luận về việc các nước phải cải cách hệ thống giáo dục theo những hướng nào cho tốt lên.

Giáo viên có lương cao và trình độ cao

Nếu như giáo dục đúng là quốc sách thì nhà giáo phải được coi trọng. Sự coi trọng này trước hết thể hiện qua việc các giáo viên có thu nhập cao và trình độ cao. Xin lấy hai ví dụ điển hình là Phần Lan và Hàn Quốc.
Phần Lan thường được coi là nước có nền giáo dục phổ thông tiên tiến nhất thế giới. Thu nhập bình quân của người Phần Lan đứng thứ 16-17 trên thế giới nhưng lương giáo viên của Phần Lan thì đứng thứ 8 trên thế giới, và vào khoảng 42 nghìn USD một năm. Điều đó có nghĩa là, tính cả về tuyệt đối và tương đối, Phần Lan trả lương cho giáo viên cao hơn so với các nước khác 1.

So với Phần Lan thì Hàn Quốc còn ấn tượng hơn nhiều. Nếu cách đây nửa thế kỷ, Hàn Quốc còn lạc hậu ngang với Việt Nam thời đó thì ngày nay Hàn Quốc đã trở thành một nước tiên tiến, thậm chí về nhiều mặt còn hiện đại hơn Pháp.

Ngoài chuyện có thể chế tốt, không bị kìm hãm bởi giáo điều hay tham nhũng như một số nước chậm tiến, điểm đặc biệt khiến cho Hàn Quốc phát triển mạnh chính là sự chú trọng thực sự đến khoa học công nghệ và giáo dục. Điều này thể hiện rất rõ ở mức thu nhập của giáo viên: lương trung bình của giáo viên tại Hàn Quốc đạt 47 nghìn USD một năm, đứng thứ 5 trên thế giới, trong khi thu nhập bình quân của Hàn Quốc vào khoảng 30 nghìn USD một năm, mới chỉ đứng thứ 24 trên thế giới.

Nếu so sánh tương đối, thì ở Hàn Quốc các giáo viên có lương bằng khoảng 1,3 lần lương của những người có trình độ học vấn tương đương, trong khi trên thế giới (và ngay cả ở Phần Lan) tỷ lệ này là dưới 12.

Khi các giáo viên sống được đàng hoàng bằng nghề của mình, không phải lo cái ăn suốt ngày, thì mới có thể tập trung vào chuyên môn, mới có được nhiều thời gian quan tâm đến học sinh, và mới dễ vui vẻ, hạnh phúc, truyền được lại cái hạnh phúc đó cho học sinh.

Minh bạch, không tham nhũng

Không phải vô cớ mà những nước phồn vinh nhất trên thế giới cũng là những nước minh bạch, ít tham nhũng. Đối với giáo dục cũng vậy. Ví dụ, nếu một giáo viên trẻ phải mất 500 triệu VND tiền tham nhũng mới được một chân biên chế với mức lương 30 triệu một năm (bằng cả 17 năm lương!), thì thử hỏi giáo viên đó có còn tiền để sống, để đầu tư vào bản thân, vào việc nâng cấp chuyên môn không, hay là mất nhiều thời gian hơn vào việc bươn chải kiếm sống, hoặc tệ hơn nữa là tìm các cách làm tiền không tử tế.

Như một vòng luẩn quẩn, sự tham nhũng của ngành giáo dục tạo ra xu hướng tham nhũng trong giáo viên, rồi trong từng học sinh, và khi các học sinh này trưởng thành đã quen với thói tham nhũng sẽ tiếp tục giữ xã hội trong trạng thái tham nhũng, khó tiến bộ.

Để xóa tham nhũng trong xã hội, một điểm cần chú trọng làm trước là xóa tham nhũng trong ngành giáo dục, đặc biệt là ở các cấp quản lý, để cho người thầy sống được đàng hoàng chứ không cần tham nhũng, mới truyền đạt được các giá trị tốt đẹp đến học sinh.

Trung thực, không gian dối

Ở các nước tiên tiến, sự trung thực rất được đề cao trong giáo dục. Các hành động gian dối như đạo văn và quay cóp được coi là những tội rất nặng, bị cả xã hội lên án, và có thể dẫn đến đình chỉ học tập ngay lập tức. Các sinh viên có thể cầm bài về nhà làm với lời hứa là sẽ tự làm và họ giữ đúng lời hứa không nhờ ai làm hộ.

Những nền giáo dục trung thực như vậy tạo ra những con người trung thực, đáng tin, có thể tin tưởng nhau trong công việc và ở ngoài xã hội, và đó là biểu hiện của văn minh. Ví dụ như ở Thụy Sĩ, có những quầy bán báo không có người đứng quầy, ai mua thì tự trả tiền vào hộp và tự lấy báo, như thế tiết kiệm được sức lao động, nhưng hệ thống như vậy chỉ hoạt động được khi mọi người đều trung thực.

Ngược lại với trung thực là gian dối, và nhiều khi người gian dối nhất chính là các nhà quản lý và các giáo viên “đầu têu” cho cấp dưới và học trò của mình gian dối nhằm đạt thành tích giả.

Tôi còn nhớ, khi còn bé đi học lớp vẽ ở câu lạc bộ thiếu nhi, vẽ tranh dự thi, được thầy giáo dặn là khai giảm đi một tuổi. Có thể là thầy làm thế với ý tốt, và tất cả những người khác cũng làm như vậy. Việc khai giảm tuổi của những cầu thủ bóng đá nổi tiếng ở Việt Nam chắc cũng chẳng phải do các cầu thủ đó tự nghĩ ra, mà do các ông bầu, bởi luật bất thành văn lâu nay người ta vẫn làm thế. Nhưng nếu xã hội cứ có thói quen “nói vậy mà không phải vậy” ở tất cả mọi chỗ thì về sau thật khó phân biệt thật giả, và hệ quả là đồ giả đánh bại đồ thật.

Căn bệnh hám thành tích giả và căn bệnh gian dối đi liền với nhau. Để giảm gian dối, cần loại bỏ được gốc của các thành tích giả, và áp dụng các công nghệ, quy trình kiểm tra hiện đại khiến cho học sinh có muốn cũng khó gian dối hơn.

Khai phóng, không giáo điều

Đối với nhiều học sinh trên thế giới, môn lịch sử là môn rất thú vị. Bởi học sinh ngoài việc nghe giảng, đọc sách, còn được đi tham quan các hiện vật khảo cổ, được tranh luận tự do. Và các sách học lịch sử, ví dụ như của Pháp, viết tương đối khách quan, có nhìn nhận vấn đề từ nhiều chiều, nhiều quan điểm, có chỉ ra những lỗi lầm của cả chính nước mình.

Ở nơi có quá nhiều khuôn mẫu, giáo điều, học sinh không được phép sáng tạo, không được phép viết theo ý của mình, kể cả khi làm văn. Hệ quả tất yếu là sẽ tạo ra những thế hệ người thụ động, mất khả năng sáng tạo và tự suy nghĩ phải trái cho mình.

Không bỏ rơi con nhà nghèo

Ngày xưa, Nhật Bản cũng là nước nghèo, nhiều gia đình không đủ ăn, và chính phủ đã cấp sữa uống miễn phí ở trường học cho trẻ em, để đứa trẻ nào cũng có điều kiện ăn học. Ngày nay, Nhật Bản đã là một nước tiên tiến phồn vinh, nhưng trẻ em của các gia đình khó khăn vẫn được ăn trưa miễn phí ở trường3.

Khi chính phủ trợ cấp cho học sinh nghèo, tiền đó có thể coi là khoản đầu tư có hiệu quả, tạo ra những con người phát triển tốt hơn, đóng góp được cho xã hội nhiều hơn sau này, thay vì là nếu không được học hành, họ sẽ mãi mãi sống trong nghèo đói và cũng không đem lại được nhiều giá trị cho xã hội.

Tất nhiên các trường tư thì phải thu học phí để có tiền chi tiêu. Nhưng ngay cả các trường tư tốt ở những nước tư bản giàu như Mỹ cũng dành các suất học miễn học phí cho con em các gia đình nghèo mà có chí hướng học tập. Đó là biểu hiện của một nền giáo dục tốt.

Nhưng ở nơi nào mà người ta thương mại hóa các trường công, thu học phí cao khiến cho con nhà nghèo không thể vào học được dù nhà gần và có học lực tốt, thì đó là làm ngược lại với chính sách “không bỏ rơi con nhà nghèo”, và là biểu hiện của một nền giáo dục xuống cấp.

Thi cử đơn giản và hiệu quả

Việc kiểm tra kiến thức, hoặc thi tuyển chọn (khi số suất có ít mà số ứng cử viên lại nhiều) là cần thiết.

Nhưng một hệ thống giáo dục tốt sẽ làm sao cho những việc đó không gây tốn kém quá nhiều về thời gian và tiền của, cho cả học sinh lẫn nhà giáo. Một số ví dụ: Ở cấp tiểu học đã cần gì chấm điểm phức tạp, thay vào đó chỉ nhận xét “đã nắm vững kiến thức”, “đang nắm”, “còn chưa nắm được” là đủ.

- Ngay cả đối với sinh viên đại học, những điểm kiểm tra chính xác tới 0,25 hầu hết cũng không cần thiết, mà chỉ cần biết ở mức “nắm tốt, khá, tạm được, yếu” là đủ. Theo nghĩa này, hệ thống chấm điểm của Nga (chỉ có 4 mức điểm: 2 = trượt, 3 = đỗ trung bình, 4 = khá, 5 = giỏi) là hệ thống hiệu quả.

- Chỉ có ở những kỳ thi học sinh giỏi hoặc tuyển chọn, nơi mà hơn kém nhau chút xíu là đã phân biệt có được giải hay được chọn hay không, mới cần chấm thật chính xác li ti.

Tôn trọng, khích lệ và rèn giũa học sinh

Hiện tượng giáo viên dùng bạo lực, nhục hình với học sinh (đánh, nhốt, v.v.) vẫn còn xảy ra ở một số nơi trên thế giới, và đó là một biểu hiện của sự phản giáo dục, dù cho các giáo viên (hay phụ huynh học sinh) có làm thế với mục đích tốt chứ không có ý xấu. Bởi vì, từ quan điểm hiện đại, học sinh cũng là con người, và mỗi con người đều có phẩm giá thiêng liêng bất khả xâm phạm, cần được tôn trọng.

Có những vị giáo sư thóa mạ sinh viên thậm tệ, ví dụ như viết vào bài kiểm tra làm không tốt những câu bình luận “anh là mối nguy hiểm cho xã hội, chị đi học làm gì cho phí cơm”. Đây cũng là một kiểu bạo lực, bạo lực về tinh thần.

Tôn trọng trẻ em (và sinh viên), không đánh trẻ em, không chì chiết thóa mạ trẻ em, không có nghĩa là bất lực không rèn được trẻ em, mà chỉ có nghĩa là các nhà giáo và các cha mẹ cần động não nhiều hơn, tìm ra các hình thức rèn giũa trẻ em không bạo lực mà hiệu quả hơn.

Không bạo lực không có nghĩa là mềm yếu. Không bạo lực nhưng vẫn có thể kiên quyết, cứng rắn, thể hiện thái độ rõ ràng, rèn học sinh vào kỷ luật, trong khi vẫn tỏ ra tôn trọng và yêu mến học sinh. Trẻ em vừa cần được tôn trọng và khích lệ, và vừa cần được rèn giũa.

Có nhiều lựa chọn cho học sinh

Một hệ thống giáo dục tốt phải có nhiều lựa chọn về chương trình khác nhau cho nhiều loại học sinh khác nhau, chứ không chỉ có mỗi một chương trình chung bắt tất cả phải “gọt chân cho vừa giày”. Ví dụ như việc phân ban ở PTTH là một biểu hiện tốt để học sinh có lựa chọn ban nào phù hợp với mình nhất (và tất nhiên có thể chuyển từ ban này sang ban khác nếu thấy ban khác hợp hơn).

Việc có các chương trình thích ứng với hoàn cảnh của các học sinh ở miền núi, khác với chương trình cho học sinh ở thành thị, cũng là một điều cần thiết đối với một hệ thống giáo dục tốt, trong khi điều kiện ở miền núi quá khác xa so với điều kiện ở thành thị. Và những học sinh có năng khiếu đặc biệt có chương trình đặc biệt để phát triển năng khiếu, cũng là dấu hiệu của một hệ thống giáo dục tốt nên cấm các trường năng khiếu sẽ là chính sách giáo dục tồi.

Ngay đối với sách giáo khoa, việc có nhiều bộ sách khác nhau để học sinh và giáo viên có thể lựa chọn bộ nào thích hợp với mình nhất cũng là biểu hiện của một nền giáo dục tốt. Nếu các sách giáo khoa bị độc quyền, có mỗi một bộ, không có gì để chọn, thì dù cho bộ đó có hay mấy cũng không thể thích hợp với toàn bộ các học sinh, và hơn nữa sự độc quyền thường kéo theo trì trệ, khó có chất lượng cao.

Chú trọng cả tinh thần và thể chất

Một bộ óc dù có thông minh đến mấy nhưng đặt trong một cơ thể ốm yếu dễ mệt mỏi thì cũng khó có sức để làm được nhiều điều hay ho. Bởi vậy, thể chất quan trọng không kém gì tinh thần, và học sinh cần được tạo điều kiện, tạo thói quen rèn luyện sức khỏe từ bé, để lớn lên có cuộc sống khỏe mạnh ít bệnh tật, vui vẻ và hữu ích.

Trẻ em bình thường nói chung là ham hoạt động, và chỉ lười biếng đi khi không được khuyến khích và không có điều kiện để hoạt động, lâu ngày mất dần thói quen. Các trường học trong một hệ thống giáo dục tốt sẽ có sân chơi rộng, phòng tập thể dục thể thao, v.v. Ở Pháp, tất cả các học sinh đều được trường cho học bơi, và đây là một điểm hay của nền giáo dục Pháp.

Nếu như ở trường không có nhiều điều kiện cho các học sinh luyện tập thể thao, thì các gia đình cần tự cho con mình đi tập thể thao ngoài giờ để bù vào.

Kết hợp hài hoà giữa ở trường và ở nhà

Hầu hết các kiến thức học ở trường, với sự hướng dẫn chỉ bảo của thầy cô và thảo luận cùng bạn bè, là những kiến thức bổ ích mà học ở trường hiệu quả hơn nhiều so với tự học ở nhà không có người hướng dẫn. Nhưng cũng có những kiến thức, kỹ năng quan trọng mà ở trường ít có điều kiện dạy, cần được học ở nhà hay học ngoại khóa ở nơi khác, ví dụ như nấu ăn hay chơi đàn.

Bởi vậy một nền giáo dục tốt sẽ kết hợp hài hòa giữa học ở trường và học ở nhà: trường đảm bảo những cái gì mà học ở trường là hiệu quả nhất, những cái còn lại là học ở nhà hoặc học ngoại khóa.

Cũng chính vì vậy, trẻ em cần nhiều thời gian dành cho những thứ khác so với những thứ học ở trường: các môn nghệ thuật, thể thao ngoại khóa, nấu nướng, tự phục vụ bản thân, v.v. Và như vậy, ở trường không nên giao quá nhiều bài về nhà cho học sinh, và học sinh cũng không nên mất quá nhiều thời gian vào việc đi học thêm (những thứ về nguyên tắc phải được học ở trường), mà nên dành thời gian cho các hoạt động vui chơi và học tập khác mà nếu chỉ học theo chương trình ở trường thôi thì sẽ bị thiếu.

Liên tục đổi mới và nâng cấp chất lượng

Quá trình đổi mới của một hệ thống giáo dục tốt là một quá trình liên tục và hài hòa, thay dần những công nghệ, quy trình, sản phẩm, cách thức cũ bằng những cái mới tốt hơn, chứ không phải là một quá trình giật cục lâu lâu lại “đại cải cách” một lần.

Ví dụ như sách giáo khoa, trong một hệ thống giáo dục tốt thì mỗi năm sách lại được chỉnh sửa cải tiến một chút, cập nhật số liệu và kiến thức, v.v., chứ không phải là cứ đợi 10 năm mới lại có một đợt cải cách thay đổi toàn bộ.

Các công nghệ mới, thành tựu mới của thế giới cũng cần được liên tục đưa vào hệ thống giáo dục. Ví dụ như, việc sử dụng các công cụ máy tính ngày càng phổ biến, và cần được đưa vào dùng trong nhà trường những thứ hiện đại thay vì những thứ cổ lỗ.

Tất nhiên, việc nâng cấp chất lượng liên tục này bao gồm cả việc tăng thu nhập cho giáo viên, và việc nâng cao trình độ giáo viên qua các khóa học.

Cơ chế tốt và người quản lý tử tế

Như chúng ta thấy, có rất nhiều biểu hiện của một nền giáo dục tốt, và các biểu hiện đó có thể được dùng như những cái cột mốc để bám víu vào nhằm đẩy giáo dục đi lên. Nhưng có thực hiện được không, điều này phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế và người quản lý tử tế, thực sự có trình độ và tâm huyết, hiểu biết về giáo dục, và cơ chế thích hợp, thì nền giáo dục mới có thể tốt lên được.
——-
Chú thích:
1. Tham khảo thông tin:
https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_average_wage
https://www.worlddata.info/average-income.php
https://www.theguardian.com/teacher-network/teacher-blog/2014/sep/05/how-the-job-of-a-teacher-compares-around-the-world
2. https://www.brookings.edu/blog/ brown-center-chalkboard/2016/06/20/ teacher-pay-around-the-world/
3. http://www.businessinsider.fr/us/ japans-amazing-school-lunch-program-2017-3/

Nguyễn Tiến Dũng

Giáo sư Toán tại Đại học Paul Sabatier Toulouse, đồng sáng lập Tủ sách khoa học Sputnik Education

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 25.12.2017.

Các trường sẽ chạy đua, chỉ chú trọng tiêu chí có trong bảng xếp hạng mà bỏ rơi nhiều yếu tố khác tạo nên một đại học tử tế

Đánh giá xếp hạng đại học trên thế giới là việc khó khăn, có nhiều bất cập và gây nhiều tranh cãi. Ở đây tôi xin liệt kê một số vấn đề chính đã được đưa ra.

Trước hết là khó khăn, tốn kém trong việc thu thập số liệu sao cho đầy đủ, chính xác. Một hướng giải quyết khá thú vị là yêu cầu các trường được đánh giá tự nộp số liệu. Các đơn vị đánh giá chỉ kiểm tra xem số liệu đó có đầy đủ và trung thực không, chấm điểm minh bạch cho số liệu đó, thì đỡ tốn công hơn nhiều so với phải tự đi tìm. Trừ điểm (hoặc không cho vào danh sách đánh giá) những trường nào đưa thiếu số liệu, hay bị phát hiện không trung thực.

Thứ hai là khó khăn trong việc so sánh giữa các ngành, vì đặc thù của chúng. Ví dụ trong ngành khoa học cơ bản thì nghiên cứu chủ yếu đăng tạp chí; ngành công nghệ thông tin thì nghiên cứu lại đăng ở kỷ yếu hội thảo khoa học; còn ngành xã hội thì công trình khoa học sáng giá lại chủ yếu viết dưới dạng sách.

Chỉ số năng suất nghiên cứu khoa học mà chỉ dựa trên số bài báo sẽ bị thiên lệch về khoa học cơ bản, các ngành khác bị coi nhẹ đi. Việc đưa ra một chỉ số đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học sao cho cân bằng giữa các ngành là rất khó.

Các chỉ số dựa trên giá trị tuyệt đối có nguy cơ “lấy thịt đè người”. Ví dụ ba trường A, B, C có số công trình khoa học một năm tương ứng là 2.000, 1.500, 1.000, thì trường nào tốt hơn về nghiên cứu khoa học (tạm coi là công trình có giá trị tương đương)? Nếu chỉ tính theo giá trị tuyệt đối thì A là tốt nhất. Nhưng nếu đánh giá theo cả quy mô của mỗi trường, ví dụ A có 4.000 giảng viên còn C có 1.000 giảng viên, thì sẽ thấy là số công trình khoa học trên đầu giảng viên của A chỉ là 0,5 còn của C là 1. Như vậy C phải tốt hơn A.

Trong “danh sách Thượng Hải” có những chỉ số dựa trên giá trị tuyệt đối như vậy, dẫn đến trường có quy mô rất to nhưng chất lượng vừa phải lại được xếp hạng trên trường có chất lượng rất cao nhưng có số người hạn chế. Điều này dẫn tới một xu hướng mang tính rất hình thức ở một số nơi như Pháp là sáp nhập các trường với nhau cho phình to ra để được xếp hạng cao hơn, kể cả khi việc đó chẳng hề làm tăng chất lượng của trường mà chỉ tạo thêm một tầng quan liêu.

Bên cạnh đó, còn có sự tùy tiện trong việc tính hệ số cho các tiêu chí. Giả sử xếp hạng dựa trên 3 điểm khác nhau tổng hợp lại theo ba tiêu chí a, b, c. Trường A có điểm a= 3, b=4, c= 5; trường B có a=4, b=5, c=3; trường C có a=5, c=3, b=4, thử hỏi trường nào xếp hạng cao hơn trường nào? Nếu tổ chức đánh giá cho tiêu chí a 40% số điểm, b 30% và c 30% thì C xếp hạng cao nhất trong ba trường A, B, C; còn nếu cho a 30% số điểm, b 35% số điểm và C 35% số điểm thì C lại thành xếp hạng bét trong ba trường A, B, C.

Như vậy, bảng xếp hạng rất phụ thuộc vào việc tổ chức đánh giá phân hệ số bao nhiêu cho mỗi tiêu chí. Và cuộc tranh cãi “tiêu chí nào cần cho hệ số bao nhiêu mới đúng” sẽ không bao giờ có người thắng cuộc. Bởi vậy các bảng xếp hạng khác nhau sẽ luôn cho các bảng thứ tự khác nhau. Chưa kể đến có những tiêu chí được tính trong bảng xếp hạng này lại hoàn toàn không được tính (hệ số = 0) trong bảng khác.

nhung-mat-trai-cua-xep-hang-dai-hoc
GS Nguyễn Tiến Dũng.

Khi một bảng xếp hạng nặng về các tiêu chí có tính chất quá khứ, ví dụ số cựu học sinh được giải Nobel (thường là phải học tại trường từ hàng chục năm trước đó) thì có lợi cho các trường có quá khứ huy hoàng, nhưng đang xuống dốc. Trong khi các trường đang mạnh lên có điều kiện tốt hơn lại bị thiệt thòi về thứ hạng. Sự lệch lạc này không có lợi cho những người muốn chọn nơi tốt nhất để học và để làm việc.

Một số tiêu chí về “phỏng vấn uy tín” vừa mang tính quá khứ vừa khó xác định mức độ khách quan và minh bạch. Phỏng vấn ai, tại sao lại chỉ chọn những người đó, và những người trả lời có đại diện thật sự cho ý kiến chung của toàn bộ cộng đồng hay không?

Một thực trạng nữa là các trường sẽ chạy đua theo xếp hạng, chỉ chú trọng các tiêu chí có trong xếp hạng mà bỏ rơi rất nhiều yếu tố khác tạo nên một đại học tử tế. Đây là điều xảy ra trên thực tế và là một trong những “tác dụng phụ” đáng lo ngại nhất của các bảng xếp hạng.

Một số vấn đề trên đủ để cho thấy việc xếp hạng là một việc khó khăn, gây nhiều tranh cãi, và không bao giờ có thể thống nhất được. 

Chỉ 5% đại học lọt vào bảng xếp hạng đại học thế giới

Hiện có rất nhiều tổ chức công và tư tham gia vào việc đánh giá xếp hạng đại học. Nổi tiếng nhất là The Academic Ranking of World Universities (ARWU) do Đại học Giao thông Thượng Hải (Shanghai Jiao Tong University) thực hiện (còn được gọi là "danh sách Thượng Hải"), Times Higher Education World University Rankings của tạp chí Times Higher Education (THE) ở London, và QS World University Rankings do Quacquarelli Symonds thực hiện từ năm 2004 ở Anh.

Thế giới có hơn 16.000 trường đại học, nhưng chỉ khoảng 5% trong số đó được coi là có "đẳng cấp quốc tế" và lọt vào danh sách của ba bảng xếp hạng trên. Danh sách xếp hạng ở mức "địa phương" thì có thêm nhiều trường.

GS Nguyễn Tiến Dũng
Đại học Toulouse, Pháp

Nguồn: VnExpress, ngày 26.9.2017.

20170930 bang cap

Việc mua bán bằng dỏm là hợp pháp ở một số nước.-Ảnh: preemploymentscreen.com

 

TTCT - Cần phân biệt bằng cấp dỏm và bằng cấp giả. Bằng giả là bằng ghi tên trường thật, nhìn giống y như bằng thật, nhưng không phải là bằng do “chính chủ”, tức trường có tên trên bằng, cấp.

Sản xuất bằng giả ở Việt Nam có thể bị quy tội hình sự theo điều 267 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 5-50 triệu đồng, tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Còn bằng dỏm là bằng thật, của trường dỏm cấp. Trường dỏm tức là trường không tổ chức đào tạo thực sự, có khi chỉ có mỗi cái tên và chỉ làm một việc là bán bằng ăn tiền.

Luật Việt Nam chưa quy định tội bán bằng dỏm. Một vấn đề khác nữa là bằng thật, học giả, tức là bằng thật, trường thật 100% và trường đó có thể là một trường có uy tín và được kiểm định, nhưng bằng một cách thần kỳ nào đó người ta có được tấm bằng ấy ghi tên mình, có thể là do hối lộ hay do nhờ người đi học thuê.

Có cầu ắt có cung

Học hành nghiêm chỉnh đường hoàng để lấy một tấm bằng ĐH hay tiến sĩ là một chặng đường dài cam go, không chỉ tốn nhiều tiền bạc và thời gian, mà còn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.

Vì thế, bằng cấp - một hình thức ghi nhận thành quả của những nỗ lực đó - được coi là điều kiện cần để tìm kiếm một vị trí tốt hơn trong thị trường việc làm và trong xã hội.

Nhưng có nhiều người không đủ khả năng và kiên nhẫn để đi con đường cam go ấy. Thứ họ có là tiền, thứ họ cần là tấm bằng.

Và cũng như tất cả mọi thứ khác trên đời, có cầu là có cung. Bất cứ thứ gì sờ thấy được mà bạn cần đến, thị trường đều có thể đáp ứng.

Cứ gõ cụm từ “I want to buy a PhD degree” (tôi muốn mua bằng tiến sĩ), Google sẽ cho bạn vô vàn lựa chọn, với đủ giá tiền, từ vài chục, vài trăm đến vài ngàn USD.

Những “trường” dỏm như thế được gọi là cái lò in bằng (diploma mill), có mặt khắp nơi trên thế giới, từ Mỹ, Úc, Canada đến Trung Quốc.

Để biện minh cho việc làm của mình, các trường này tuyên bố là họ đánh giá những kinh nghiệm sống mà bạn đã trải qua và dựa vào đó để cấp bằng.

Dĩ nhiên ai cũng biết những lý lẽ đó là tự dối mình và dối nhau, nhưng có hề gì khi cả bên mua và bên bán đều hiểu nhau rõ rồi?

Tất nhiên, người mua lo ngại nhất về tính chất pháp lý của tấm bằng. Các trường dỏm này thuyết phục người mua bằng những lý lẽ nghe xuôi tai: đây là những bằng cấp hợp pháp, còn kiểm định chỉ là nhằm mục đích chuyển đổi tín chỉ chứ không liên quan gì tới cương vị pháp lý của trường hay của tấm bằng. 

Thực ra lý lẽ đó không phải là sai: bằng cấp đó hoàn toàn hợp pháp xét về mặt pháp lý, vì những trường dỏm đó có thể có đăng ký hoạt động và cũng có thể có hoạt động ở mức độ rất thấp.

Dĩ nhiên, những trường này không được kiểm định bởi những tổ chức kiểm định uy tín (lưu ý là Mỹ cũng có kiểm định dỏm). Vì thế họ hoạt động chỉ nhằm mục tiêu cấp bằng, không tuân theo những chuẩn mực tối thiểu về chất lượng giảng viên, chương trình, cơ sở vật chất hay đánh giá kết quả học tập nào cả.

Quá trình đào tạo của các trường này đi từ zero đến một mức hết sức thấp. Tất nhiên họ cũng thừa biết như thế, nên họ dùng những cái tên na ná tên những trường uy tín để đánh lừa công chúng, ví dụ Harvey, Harvardiana, Barkley...

Bằng dỏm là một vấn nạn ở nhiều nước. Nói với The Economist, cựu đặc vụ FBI Allen Ezell ước tính một nửa số bằng tiến sĩ được cấp mới mỗi năm ở Mỹ là đồ dỏm.

Xác minh bằng cấp: không khó

Chương trình Marketplace của Đài truyền hình quốc gia Canada vừa thực hiện một cuộc điều tra về vấn đề bằng giả ở Canada với sự trợ giúp của một cựu nhân viên FBI, phát hiện ngành kinh doanh tỉ đô này đã bán ra khoảng 1 triệu bằng dỏm - bằng giả.

Thiệt hại cho xã hội thì đã quá rõ ràng, nhưng ai phải chịu trách nhiệm và ta nên làm gì?

Về phương diện pháp lý, cũng giống như các doanh nghiệp (DN) tìm đến những “thiên đường thuế” để né thuế hợp pháp, các lò cấp bằng dỏm cũng thường đặt trụ sở vận hành ở những nước mà khung pháp lý còn trống cho việc xác định tội danh này.

Nhiều nước có các quy định luật pháp không cho phép sử dụng những từ như “đại học” làm tên gọi một cách tùy tiện.

Ở Úc, Luật hỗ trợ giáo dục ĐH 2003 nêu rõ các tổ chức hay DN không được tự gọi họ là trường ĐH. Muốn dùng từ này, họ phải được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục.

Việc sử dụng những thuật ngữ như “bằng cử nhân”, “bằng tiến sĩ” gắn với những chế định được luật pháp bảo vệ.

Luật giáo dục ĐH năm 2000 của Canada, Luật ĐH 2009 của Phần Lan, Luật cải cách giáo dục ĐH 1988 của Vương quốc Anh, Luật giáo dục 1996 ở Malaysia cũng có chế định tương tự về việc sử dụng từ “đại học”.

Riêng Mỹ không có luật cấm các lò cấp bằng và không bảo hộ tính chính danh của từ “đại học” trong tên gọi của các tổ chức, DN như ở các nước nói trên.

Tuy nhiên, Luật giáo dục ĐH 1965 của Mỹ bắt buộc bộ trưởng giáo dục phải công bố danh sách các tổ chức kiểm định được công nhận như những tổ chức có uy tín và thẩm quyền chuyên môn trong việc đánh giá chất lượng các trường ĐH.

Chỉ một số bang có những quy định luật pháp nhằm hạn chế hay đặt ra ngoài vòng pháp luật việc cấp bằng của những trường chưa được kiểm định, như Oregon, Michigan, Illinoise, Texas...

Có lẽ luật Mỹ không cấm các lò cấp bằng vì quan niệm rằng “thuận mua vừa bán” là nguyên tắc căn bản của thị trường, việc người ta dùng tấm bằng dỏm ấy để đi lừa người khác lại là chuyện khác.

Xã hội Mỹ có nhiều cơ chế minh bạch thông tin để giúp người ta tránh bị lừa. Đã có một số bê bối lớn liên quan tới bằng dỏm, như Laura Callahan, một viên chức cấp cao của Nhà Trắng thời Clinton đã phải từ chức vì bị phát hiện sử dụng bằng tiến sĩ của “ĐH Hamilton”, một trường chưa được kiểm định.

Trước tình hình loạn bằng cấp ấy, trong trường hợp có nghi vấn, các tổ chức, DN thường phải tự mình xác minh uy tín tấm bằng của ứng viên.

Việc đó cũng không khó lắm: Danh sách các trường chưa được kiểm định có thể tìm thấy dễ dàng trên website của các tổ chức có thẩm quyền như Bộ Giáo dục hay các tổ chức kiểm định chất lượng.

Bằng giả thì có thể xác minh trực tiếp với trường ĐH đã cấp bằng. Các trường ĐH có uy tín thường rất chú trọng bảo vệ uy tín, danh dự của mình, vì vậy họ rất hợp tác trong việc xác minh bằng thật - bằng giả.

Người viết bài này từng liên lạc với một trường ĐH ở Úc xin xác minh một bằng cấp bị nghi vấn và được nhà trường trả lời rất rõ ràng, đầy đủ.

Tình hình ở Việt Nam

Bằng giả, bằng dỏm là hiện tượng nhức nhối ở nhiều nước, đã và đang tràn vào Việt Nam trong quá trình mở cửa và hội nhập.

Vì thế, năm 2007, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định 77 quy định trình tự, thủ tục công nhận bằng của người Việt Nam do các trường nước ngoài cấp (được sửa đổi bổ sung năm 2013).

Sau cùng, bằng giả/bằng dỏm phát sinh do nhu cầu sính bằng cấp của nhiều người và của một hệ thống vẫn dựa nhiều trên việc đánh giá qua bằng cấp. Tấm bằng khi đó trở thành phương tiện của nhiều người dùng cho mục đích tiến thân, bao giờ nhu cầu không còn thì bằng dỏm/bằng giả cũng hết đất sống.

Theo đó, người có bằng phải nộp giấy xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao ở nước sở tại, bản sao hộ chiếu có ngày xuất nhập cảnh, văn bản công nhận trường nước ngoài đã được kiểm định chất lượng, luận án và giấy xác nhận đã nộp luận án vào thư viện quốc gia Việt Nam...

Quy định như thế thật là “chặt chẽ trăm bề”, khiến việc dùng bằng dỏm, bằng giả qua mặt được nhà chức trách tưởng chừng là việc “lạc đà chui qua lỗ kim”.

Nhưng tất cả những thủ tục đó, dù cực kỳ nghiêm ngặt và nhiêu khê, chẳng hề nói lên gì về uy tín, giá trị, chất lượng của tấm bằng, ngoại trừ một quy định duy nhất có giá trị, là về cương vị kiểm định của trường.

Nhưng quy định này lại là quy định vô lý nhất, bởi vì thông tin đó có thể tìm thấy trên cơ sở dữ liệu công khai của các tổ chức thẩm quyền ở nước sở tại, mà không cần người có bằng phải tự chứng minh.

Chúng ta có thể hiểu thiện ý của Bộ GD-ĐT khi đặt ra quy định về việc công nhận bằng cấp nước ngoài của người Việt, là nhằm tránh cho các tổ chức/cá nhân trong nước do thiếu thông tin mà lầm lẫn về giá trị thực của tấm bằng nước ngoài.

Bởi lẽ trước tình trạng bằng giả, bằng dỏm tràn lan, không phải ai cũng có đủ thông tin và khả năng chuyên môn để đánh giá và nhận định.

Hiện bộ là nơi có thẩm quyền đánh giá tính hợp pháp của văn bằng ngoài nước, đặc biệt là thông qua các hiệp định công nhận bằng cấp lẫn nhau với các nước.

Hiện Việt Nam đã có hiệp định này với Nga, Trung Quốc, Cuba, Belarus và Áo. Cần nhanh chóng xúc tiến các hiệp định tương tự với các cường quốc ĐH như Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp, Úc để tạo thuận lợi cho người học Việt Nam.

Trong khi chưa có hiệp định, ta nên công nhận những trường đã được nước sở tại kiểm định mà không đòi hỏi người học phải tự chứng minh.

Một ví dụ cho đề xuất này là Đức: tuy chưa có hiệp định công nhận văn bằng giữa Đức và Việt Nam nhưng họ đã công bố danh sách những trường ĐH Việt Nam được Đức công nhận bằng cấp và có luôn một cổng thông tin giúp lao động vào Đức kiểm tra mức độ chấp nhận văn bằng của họ (xem thêm: Recognition-in-germany.info).

Tuy nhiên, bộ cần giúp các bên, đặc biệt là những đơn vị tuyển dụng, bằng cách đơn giản và hiệu quả hơn, thay vì công nhận từng trường hợp một cách nhiêu khê như trên.

Chỉ cần một cơ sở dữ liệu công khai trên trang web của bộ, nêu rõ những tên trường nào là chưa được kiểm định và bằng cấp của những trường đó sẽ không được Việt Nam công nhận.

Trong số 17.000 trường ĐH trên thế giới, danh sách những trường chưa được kiểm định và công nhận chắc sẽ ngắn hơn danh sách những trường đã được kiểm định hoặc công nhận.

Hoặc ngược lại, bộ công bố danh sách những trường được bộ công nhận. Ngoài danh sách đó ra thì bằng cấp của tất cả các trường khác đều vô giá trị, hoặc sẽ phải làm thủ tục công nhận từng trường hợp.

Danh sách này cần được cập nhật hàng năm, và sẽ giúp giải quyết dứt điểm vấn đề bằng dỏm. Bằng giả là lại vấn đề hình sự, chỉ có thể giải quyết bằng cách xác minh từng trường hợp với trường đã cấp bằng. Thường người ta chỉ làm vậy khi có nghi vấn.

Trong khi chưa có một danh sách như thế, thì cũng khó kết luận rằng một trường ĐH chưa được bộ công nhận là một trường dỏm. Nó có thể thực sự là một trường dỏm, nhưng không phải vì lý do nó chưa được bộ công nhận, vì “chưa” không có nghĩa là “không”.

Hôm nay bộ chưa công nhận, nhưng ngày mai có đầy đủ thông tin, bộ rất có thể sẽ công nhận. Nhưng một trường ĐH thì không thể hôm nay là trường dỏm, ngày mai trở thành trường tốt.  ■

Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần, ngày 22.9.2017

Những ngày tháng cuối đời sức yếu, lực kiệt, nhiều nỗi niềm khó nói như câu tập Kiều quen thuộc “Sầu đong càng lắc càng đầy”, nhưng ánh mắt thầy Hoàng Như Mai vẫn sáng lên, mái tóc màu mây phấn vẫn rung lên mỗi khi có người đến thăm, nhất là khi đó là các học trò cũ. Giáo dục, với thầy, đã là cả cuộc đời, dù cái tên Hoàng Như Mai đã có thời sáng lên dưới ánh đèn sân khấu, cũng đã có lúc lấp lánh ký dưới những bài báo…

“Thầy tôi…”

Gần 70 năm với sự nghiệp giáo dục, đã được xưng tụng là “thầy của các thầy”, đã được phong tặng tất cả các danh hiệu cao quí của ngành giáo dục, trong những buổi nói chuyện với học trò, bao giờ thầy Hoàng Như Mai cũng trân trọng nhắc: “thầy tôi”. Đó là thầy đang nói đến các bậc thầy Tạ Quang Bửu, Trần Văn Giàu… “Thầy Bửu là một bộ trưởng đúng thật là bộ trưởng”, thầy Mai thường bắt đầu khi kể chuyện. Ấy là khi thầy tham dự một buổi sinh hoạt tập trung với học sinh trước kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Trong quá trình chuẩn bị, đọc qua các qui định mà ban tổ chức soạn để thông báo với học sinh, thầy Mai cau mày. Từ trên xuống dưới là những điều cấm: “1. Không được…; 2. Không được…”. Thầy cầm bản qui định đến bàn thầy Bửu: “Thưa thầy, các em học sinh của chúng ta để đến trường đã phải vượt qua bao nhiêu khó khăn thiếu thốn, để học giỏi đã cần bao nhiêu nỗ lực vượt bậc, để đến được đây cũng phải vượt bao đường đất, núi đồi, sông suối và cả bom đạn nữa… Cái đầu tiên các em được nghe lại là những điều cấm, tôi thấy như vậy không phải là khuyến khích, động viên các em, hơn nữa là chưa trân trọng các em đúng mức”. Thầy Bửu lắng nghe. Buổi sinh hoạt bắt đầu, và thay cho bản qui định, các em học sinh được nghe một bức thư của thầy Bộ trưởng: “Mong các em hãy bước vào kỳ thi với tất cả lòng tự hào của bản thân, của gia đình, của các thầy cô, bè bạn, bà con làng xóm của mình…”.

“Thầy của tôi là như vậy đó”, thầy Mai lại nhắc và lại kể chuyện về giáo sư Trần Văn Giàu. Những buổi làm việc đến toát mồ hôi với sự nghiêm khắc của thầy Giàu ở đại học Tổng hợp Hà Nội. Những bữa cơm, bữa cỗ Tết ở nhà thầy Giàu ngày mới từ Hà Nội vào TP.HCM. Và nhất là những buổi thảo luận, tranh luận về các bài học trong lịch sử, những soi rọi của lịch sử vào ngày hôm nay: “Thầy Giàu có cái nhìn rất thẳng, rất sắc vào lịch sử. Là người miền Nam, chính thầy đã vạch ra cho tôi sáng rõ những được mất của con người, của các gia đình miền Nam trong và sau chiến tranh. Thầy nói: “Các cậu là người Bắc, muốn sống với người miền Nam, xây dựng được miền Nam thì phải hiểu rõ miền Nam, hiểu rõ Nam Bộ trước đã”. Lời thầy, tôi không bao giờ quên, và luôn luôn tìm học về người miền Nam ngay trong chính các học trò mình”.

Câu chuyện của thầy Hoàng Như Mai lại xoay quanh các học trò.

“Học trò tôi…”

Các thế hệ học trò của thầy Hoàng Như Mai hầu hết đều đã thành nhân, thành danh: Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Huy Thông, Trần Hữu Tá, Nguyễn Ngọc Ký… Đã không đếm hết những lời học trò của thầy nhắc nhớ, kể về người thầy tài hoa, đức độ của mình. Biết bao nhiêu câu chuyện về thầy Mai đã được lưu truyền qua các lớp sinh viên thế hệ sau. Lớp sinh viên nào thầy cũng nhớ, và nhớ nhất là những người phải chịu nhiều thiệt thòi.

Nguyễn Ngọc Ký là một trường hợp đặc biệt. Suốt mấy mươi năm, tình thầy trò vẫn nồng ấm như ngày nào. Mỗi lần thầy Nguyễn Ngọc Ký lõng thõng hai tay áo đến thăm, thầy Mai vẫn run run bàn tay gầy rót chén nước trà, tự tay đưa lên môi cho Ký. Thầy cười: “Nói hoài mà mấy chục năm hắn vẫn thế, không dám đưa chân lên cầm chén nước uống trước mặt thầy. Hồi tới nhà tôi nghe giảng để làm luận văn, say bài không để ý, thế là hắn ngồi nhịn khát cả buổi”. Thầy không chỉ động viên Ký trong những ngày học đại học, làm luận văn, thầy còn nhớ để tạo điều kiện cho Ký những ngày chờ phân công công tác, còn đạp xe vượt hàng trăm cây số về quê Ký dự đám cưới, còn chu đáo viết bài báo “Một học sinh có chí” để “lót đường” cho Ký vào TP.HCM công tác và chữa bệnh, tổ chức buổi nói chuyện đầu tiên ở trường Cao đẳng Sư phạm mở ra chuỗi mấy ngàn buổi giao lưu của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký trên khắp các trường học… “Đúng ra là thầy đã mở ra một con đường rộng lớn cho đời tôi”, thầy Nguyễn Ngọc Ký hạnh phúc nói khi cuốn tự truyện thứ hai “Tôi học đại học” của mình ra đời. Bản đầu tiên vừa ra khỏi nhà in, thầy Ký vội trân trọng mang đến tặng thầy Mai. Trên giường bệnh, thầy Hoàng Như Mai mỉm cười, ra dấu hài lòng. 

Thế nhưng trong lòng thầy vẫn còn nhiều tâm sự đắng đót khác.

“Giá như…”

Một lần nói chuyện về nghề, thầy bảo: “Khi còn trẻ tôi đã từng làm nhà báo, rồi rẽ qua nghiệp diễn viên kịch, rồi lại làm nhà giáo cả đời. Nếu có một nghề thứ hai để chọn, tôi sẽ chọn làm nhà báo”, và thầy nói thêm: “Tôi muốn làm nhà báo để sửa những cái sai của nghề báo hiện nay”. Câu nói ngỡ như tình cờ mà chất chứa cả tầng sâu chiêm nghiệm. Biết chúng tôi chờ đợi để nghe, thầy Mai nói tiếp, ánh mắt thâm trầm: “Nghề giáo và nghề báo đều đang cần phải sửa chữa, sửa chữa từ cái căn bản. Trong cuộc sống mênh mông, nhà giáo thường chỉ chọn cái hay để dạy mà bỏ qua những cái dở; nhà báo thì lại còn nói cho hay cả những cái dở. Điều đó gây tác hại lớn lắm, phải sửa”. Cả đám học trò chúng tôi nhìn nhau, giật mình.

Cái giật mình ấy thầy không nhìn thấy, không nghe thấy nhưng lại biết. Thầy nói tiếp: “Không trách các anh chị đâu vì có nhiều ràng buộc bởi khách quan, thời cuộc, nhưng chúng ta phải biết. Biết thì mới sửa được khi có cơ hội”. Chúng tôi lại giật mình lần nữa. Chưa kịp nói gì thì đã nghe thầy ngậm ngùi: “Đời dạy học của tôi qua rồi, cơ hội sửa chữa không còn nữa. Tôi còn mang nhiều ân hận với học trò của tôi…”.

Một trời tâm sự rất riêng của thầy đã mở ra. Thầy nhắc đến hơn 300 sinh viên khóa Ngữ văn bổ túc ở Đại học Văn khoa TP.HCM năm 1975. Là giảng viên được đưa từ Hà Nội vào, thầy Hoàng Như Mai đã bước lên bục giảng, thổi vào bài giảng của mình tất cả niềm vui thống nhất, niềm vui có cánh vượt lên trên tất cả những gian khổ, mất mát, đau thương, tang tóc. Chất giọng hào sảng của thầy đã truyền đến từng học trò sự lạc quan “thay trời đổi đất, sắp xếp lại giang san” của lý tưởng cộng sản. Các sinh viên của thầy, những thanh niên Sài Gòn còn nhiều hoang mang trước chế độ mới đã mở tròn đôi mắt, nghe như uống lấy từng lời của người thầy đáng kính. Được truyền nhiệt huyết của thầy, lòng họ đã lại nở hoa.

Nhưng rồi những diễn biến thời cuộc, những chính sách xã hội, kinh tế sau đó đã khiến cuộc sống của mọi người đảo lộn. Tuổi trẻ nhiều hy vọng và dễ thất vọng. Sau giờ giảng, nhiều sinh viên rướm nước mắt chạy đến kẹp vào sổ của thầy một phong thư. Tối, sau giờ học, nhiều sinh viên đến gõ cửa nhà thầy với những đôi mắt đầy nước. Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu tâm sự rối bời được gửi vào đấy. “Tôi đã nỗ lực giải thích, nỗ lực giữ lại các em”, thầy Mai nhỏ giọng. Nhưng giải thích thế nào khi mà những sai lầm ấy chỉ được công nhận sau hơn một thập niên. Lúc ấy thầy cũng không có câu trả lời cho chính những câu hỏi, những vấn đề của chính mình. “Tôi đã không giữ được các em…”, mấy mươi năm sau thầy Mai vẫn còn lặp đi lặp lại mãi.

Từ giảng đường nhìn xuống, mỗi ngày lớp học mỗi vắng. Thầy đắng lòng tìm nghe những lời thì thầm mà sinh viên rỉ tai nhau: tuần trước đứa này “đi”, hôm qua đứa kia “đi”, lại sững người nữa khi nghe tin ai đó đã phải bỏ mình trên đường tìm một cuộc sống mới. “Giá như khi ấy tôi có được những trải nghiệm của hôm nay. Giá như việc sửa sai đã sớm hơn vài năm. Giá như…”, thầy nhắc mãi, và thở ra: “May mắn là tôi đã sống đến tuổi này, đã được chứng kiến mọi sự đổi thay, đã được thấy các học trò tôi quay lại với quê hương…”.

Chỉ là những học trò ở cuối đời dạy học của thầy, chúng tôi không biết làm sao để chia sẻ những tâm sự đắng đót ấy. Chỉ biết tạm yên lòng khi thấy thầy mỉm cười khi có một học trò đến “báo công”. Chỉ biết ghi nhớ những lời thầy đã dạy. Và nếu bài viết nhỏ này có thể vượt được qua khoảng cách địa lý thì xin gửi một lời nhắn đến chị Trịnh Thị Lý, một người học trò đã từ biệt thầy mà đi rất xa từ rất lâu: thầy Hoàng Như Mai vẫn luôn nhắc đến chị trong những câu chuyện về học trò, thầy vẫn luôn đợi chị bên những trang sách, và khi nằm trên giường bệnh. Tấm lòng của thầy liệu có vượt qua được những khoảng cách của lòng người?

 

20170821. nhu cau hoc

Xã hội hóa giáo dục, không chỉ là vấn đề xã hội tham gia vào việc dựng trường, mở lớp, hay tài trợ, mà còn có nghĩa là, xã hội cần được (có trách nhiệm) tham gia vào quá trình xây dựng các chương trình giáo dục.

Bấy lâu nay xã hội đã và đang phải chịu đựng rất nhiều bất cập trong giáo dục phổ thông, như sự quá tải trong nhiều lớp học, tệ nạn bắt ép trẻ học thêm, bệnh thành tích, bằng cấp, và nhiều tệ nạn khác... Rồi vấn đề trả lương, vấn đề thừa thiếu giáo viên ở các cấp học, hay những sinh viên tốt nghiệp sư phạm mà không được tuyển dụng. Chưa kể chương trình và sách giáo khoa ít nhiều còn  áp đặt, chủ quan, lên mọi vùng miền, và mọi đối tượng. Hơn nữa tính cạnh tranh trong giáo dục còn rất thấp.

Một số vấn đề nổi cộm khác, giáo dục phổ cập trong nhiều năm qua, mang  nhiều khuyết tật, như  đâu  đó chất lượng còn bị buông lỏng, hay các chương trình còn cứng nhắc, rồi dường như yếu tố văn hóa đặc thù còn chưa được quan tâm đúng mức. Còn giáo dục tinh hoa, hình như được hiểu theo kiểu trường chuyên, lớp chọn. Kết quả như  đã thấy, nguồn  nhân lực chất lượng cao ở mọi lĩnh vực còn rất hạn chế, làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình hội nhập của đất nước.    

Tất cả những vấn đề nêu trên tạo sức ép rất lớn lên giáo dục công lập trong khi năng lực quản lý và nguồn kinh phí của Nhà nước tỏ ra không đủ để đáp ứng giải quyết những phát sinh ngày càng gia tăng đó. Có lẽ giáo dục phổ thông đang cần một cú hích, để tạo đà cho phát triển bền vững. Tất nhiên nó không thể là, vấn đề giữ hay bỏ biên chế, mà đã có thời điểm gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội.

Nếu nhìn nhận từ  góc độ kinh tế thị trường, cũng như quá trình phát triển các nền giáo dục của các nước tiên tiến, thì có thể thấy rõ lời giải bài toán giáo dục phổ thông hiện nay, chính là cần phải thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, theo dòng chảy của kinh tế thị trường. Để làm điều này, trước hết cần phải xây dựng  một hệ thống luật pháp phù hợp, giúp cho việc hình thành các không gian giáo dục mở, mà ở đó sự cạnh tranh lành mạnh và thực chất về chất lượng giáo dục được thực thi. Thêm nữa, nó còn tạo điều kiện để mọi công dân đều có thể tham gia và đóng góp vào giáo dục.

Cũng cần chú ý thêm rằng, xã hội hóa giáo dục, không chỉ là vấn đề: xã hội tham gia vào việc dựng trường, mở lớp, hay tài trợ, mà còn có nghĩa là, xã hội cần được (có trách nhiệm) tham gia vào quá trình xây dựng các chương trình giáo dục. Từ đó mà xã hội hóa được nội dung giáo dục. Đặc biệt là, giúp đa dạng hoá, hiện đại hóa chương trình, nhằm  đáp ứng được những đòi hỏi phong phú của xã hội. Ngoài ra  giáo dục trong nhà trường phải luôn được gắn kết với xã hội, trên cơ sở những nghiên cứu và tổng kết khách quan về các vấn đề xã hội, trong đó xã hội phải được coi là một thực thể sống luôn biến đổi và phát triển không ngừng.

Tại thời điểm này, để tháo gỡ nhiều bế tắc trong giáo dục, cũng như để hội nhập thành công, cần phải đón nhận và vun đắp cho thị trường giáo dục, và xem nó như một thị trường đặc thù, một hiện thực khách quan, theo quy luật của kinh tế thị trường. Cùng với đó là nâng cao vai trò của quản lý nhà nước, để thị trường này phát triển, vừa đảm bảo quy luật cung-cầu, vừa đảm đương được sứ mệnh mà đất nước đặt hàng cho nó.

Hình ảnh của thị trường giáo dục phổ thông, rõ ràng sẽ phải gồm hai hệ thống chính, hệ thống công lập và hệ thống dân lập. Hai hệ thống này cần phải hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật, và đặc biệt là bình đẳng theo đúng luật chơi của kinh tế thị trường toàn cầu. Vì chỉ có như vậy mới có cạnh tranh lành mạnh về chất lượng giáo dục giữa các cơ sở giáo dục, mang lại tiến bộ không ngừng cho chất lượng giáo dục.

Tất nhiên trong bối cảnh hiện nay của đất nước, như  vấn đề thể chế chính trị  còn đang cần phải cải cách, vấn đề  của văn hóa, thực trạng của nền kinh tế, vấn đề của chất lượng đội ngũ nhà giáo..., đều cần phải được tính đến trong quá trình xã hội hóa. Làm sao để tiến trình này diễn ra, mà không gây sốc cho  xã hội. Thay đổi và phát triển phải luôn đi cùng với sự ổn định của xã hội, đặc biệt là luôn phải đặt quyền lợi của người học lên trên hết.   

Rõ ràng bất luận như thế nào, thì giáo dục phổ thông cũng cần phải hướng tới đáp ứng giáo dục phổ cập, đại chúng, và giáo dục tinh hoa. Tất nhiên phổ cập đến đâu, hay quan niệm về giáo dục tinh hoa như thế nào cũng cần phải được làm rõ. Và có lẽ nên chăng hệ thống giáo dục phổ cập và hệ thống giáo dục tinh hoa, sẽ chủ yếu nằm trong hệ thống giáo dục công lập, nhưng vẫn phải đảm bảo được yếu tố cạnh tranh lành mạnh của cơ chế thị trường. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, nếu giáo dục phổ cập nhằm đáp ứng sự nghiệp nâng cao dân trí, thì giáo dục tinh hoa sẽ nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.   

Tóm lại, xã hội hóa giáo dục, như một dòng chảy tự nhiên của lịch sử giáo dục, nó không những loại bỏ được những trói buộc không đáng có trong giáo dục hiện nay, mà còn phát huy cao nhất được nhân lực và tài lực-trí lực của xã hội đóng góp cho giáo dục, cũng như tăng sức sống cho giáo dục, và đáp ứng cao nhất quy luật cung-cầu giữa dạy và học. Rằng đó chính là cách thức đưa hệ thống giáo dục đến với tiến trình hội nhập. Tất nhiên sự thành công của nó đến đâu, trước hết còn phụ thuộc vào sự thay đổi tư duy giáo dục, sự tiến bộ của hệ thống quản lý giáo dục. Và rõ ràng một khi thị trường giáo dục phát triển lành mạnh, thì nhiều vấn đề nan giải, bất cập như đã có, tự khắc sẽ biến mất.

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 30.8.2017

 Chúng tôi có mặt ở Sài Gòn chiều ngày 30-4-1975. Tổ công tác các trường đại học được Ban Bí thư Trung ương Đảng cử vào do tiến sĩ Nguyễn Tấn Lập (sau này là hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) làm tổ trưởng. Tại cơ quan Viện Đại học Sài Gòn, số 3 Công trường Quốc tế, chúng tôi phân công nhau về các trường đại học. Anh Phan Hữu Dật và tôi về Đại học Văn khoa. Anh Nguyễn Cang và anh Nguyễn Hữu Chí về Đại học Khoa học. Anh Đặng Hữu và anh Huỳnh Văn Hoàng về Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ (nay là Đại học Bách khoa) v.v… Có tất cả 11 trường đại học công lập và một số trường đại học tư thục. Về sau, anh Dật và tôi còn được giao nhiệm vụ tiếp xúc với các giáo sư và sinh viên Đại học Vạn Hạnh và Đại học Đà Lạt (lúc này đã rút cả về Sài Gòn sau cuộc chiến ở Tây Nguyên và đóng tại cơ sở trên lầu cao của khách sạn Rex). Tôi ghi lại sau đây vài kỷ niệm trong những ngày đầu tiếp xúc với Đại học Văn khoa – mà sau này cùng với đại học Khoa học, trở thành Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

Về với các trường đại học Sài Gòn ngày ấy, chúng tôi đã có “cẩm nang” rất quý là Chỉ thị 221 và 222 của Ban Bí thư Trung Ương Đảng về công tác tiếp quản các cơ quan giáo dục và các trường đại học miền Nam, cùng với hai bản Tuyên bố chính sách tám điểm và mười hai điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Trước lúc lên đường, chúng tôi được đồng chí Lê Duẩn đến thăm, đồng chí Tố Hữu dặn dò và giao nhiệm vụ. Khi vào Sài Gòn, các đồng chí ở Thành Ủy, trực tiếp là đồng chí Trần Trọng Tân thường xuyên gặp gỡ chỉ đạo công việc của chúng tôi.

Anh Dật và tôi đến số 10 Đinh Tiên Hoàng chiều ngày 2/5/1975. Trước đó, nhóm công tác thuộc Tiểu ban Giáo dục của Trung Ương Cục đã có mặt ở trường, gồm anh Đỗ Trọng Văn, chị Trần Thị Xuân Lâm và một chiến sĩ cảnh vệ, một thời gian sau có thêm anh Lại Thanh Sử. Tất cả chúng tôi đều mặc trang phục Quân Giải Phóng. Đón tiếp chúng tôi chiều hôm đó có anh Lê Thành Trị, nguyên Khoa trưởng và hai Khoa phó là anh Lê Quang Trung và anh Lâm Ngọc Huỳnh cùng tất cả các giáo sư và nhân viên của trường. Sinh viên thì ngay từ đầu đã tham gia bảo vệ các cơ sở của trường và tham gia giữ gìn trật tự giao thông đường phố. Hệ thống cảnh sát của chính quyền cũ tan rã, ở các ngã tư đường phố, điều khiển giao thông là các sinh viên đại học trong đó rất đông là sinh viên Văn khoa. Tuy trải qua cơn biến động rất to lớn, song khi chúng tôi đến trường, không khí rất yên tĩnh, trật tự, tất cả sẵn sàng đón tiếp chính quyền Cách mạng. Chúng tôi thăm hỏi anh chị em nhân viên, sau đó gặp mặt các giáo sư đang họp mặt đông đủ ở một giảng đường ở lầu 1. Sau phút e ngại, bỡ ngỡ ban đầu, cuộc tiếp xúc đã diễn ra thân mật và thoải mái. Chúng tôi tự giới thiệu với nhau. Qua tự giới thiệu tôi được biết có mặt hôm đó có các vị: Nghiêm Toản, Giản Chi, Bửu Cầm, Nguyễn Duy Cần, Lê Ngọc Trụ, Nghiêm Thẩm …, các anh: Bùi Xuân Bào, Lê Văn Diệm, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Phạm Văn Diêu, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Bửu Lịch, Phạm Việt Tuyền, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Ngọc Giao (tiến sĩ tâm lý học), các chị: Bình Minh, Phạm Thị Quế, Đào Ngọc Sương, Hoàng Thị Dần, Trương Tuyết Anh, Phạm Thị Ngọc Hoa, Phạm Thị Tự, v.v., tu sĩ có hoà thượng Thích Quảng Liên và hai vị linh mục là Thanh Lãng và Hoàng Sĩ Quý … Cho đến hôm nay, đã hai mươi năm rồi, tôi vẫn còn nhớ tên, nhớ khuôn mặt, dáng người của các vị, các anh chị ngày đó, dù tôi không thể kể hết ra đây. Thời gian qua, có vị đã qua đời như: Nghiêm Toản, Lê Ngọc Trụ, Châu Long, Bùi Xuân Bào, Thanh Lãng, Phạm Văn Diêu, Lê Văn Diệm, có vị đang sống ở nước ngoài, có vị đang sống, công tác ở thành phố như cụ Giản Chi năm nay đã hơn 90 tuổi, anh Lý Chánh Trung. Gần gũi, thường gặp là các anh chị đang công tác tại trường: các anh Nguyễn Trọng Văn, Lê Tử Thành, Bùi Thế Cần, Nguyễn Kỉnh Đốc, Nguyễn Văn Đậu, chị Tiêu Thị Tú, chị Bình Minh, các anh Lê Văn Chưởng, Nguyễn Tri Tài, Nguyễn Khuê v.v. Tôi cũng còn nhớ các anh các chị nhân viên hành chính, học vụ ngày ấy hiện vẫn còn công tác tại trường hay đã về hưu, gần đây như anh Nguyễn Hữu Chấn, anh Phạm Văn Độ, chị Vũ Thị Kim Ngọc Dung, chị Vân, chị Hương … Tôi cũng nhớ bác Triều và anh Hùng mới về hưu gần đây. Hai người ấy đã không quản ngại sớm chiều giúp chúng tôi đi lại trong thành phố còn lạ lẫm đối với chúng tôi ngày đó.

Theo chỉ thị của trên, tôi và anh Dật, anh Văn, anh Sử, chị Lâm có nhiệm vụ tiếp nhận các cơ sở vật chất của trường (trên thực tế vẫn được bảo tồn nguyên vẹn) và làm cho các vị giáo sư, các bạn nhân viên và các em sinh viên được an tâm, phấn khởi, không phải băn khoăn, lo lắng gì nhiều trước sự đổi đổi thay của tình hình và nếu được thì vẫn tiếp tục giảng dạy, học tập, sinh hoạt bình thường (trên thực tế điều này đã không làm được). Ngoài ra, mọi người nếu ai có khó khăn gì về đời sống, về an ninh thì phải quan tâm tích cực giải quyết.

Trong buổi tiếp xúc đầu tiên giữa chúng tôi với các vị giáo sư, việc đầu tiên là các vị đã đưa ra một bản tuyên bố do các vị dự thảo và toàn thể ký tên. Tuyên bố tán thành mọi chủ trương, chính sách của Mặt trận và của Chính phủ cách mạng lâm thời, mọi mệnh lệnh của Ủy ban Quân quản thành phố.  Chúng tôi trân trọng đón nhận tuyên bố đó và hứa sẽ chuyển lên cấp trên. Sau thủ tục đó, cuộc trao đổi ý kiến bắt đầu, xung quanh một câu hỏi do chúng tôi nêu ra là: Làm thế nào để công việc học tập và giảng dạy được tiếp tục bình thường? Thực ra, câu hỏi này nằm trong “cẩm nang” mà chúng tôi mang theo. Mục đích của nó là làm ổn định tình hình, ổn định nhân tâm. Quả thật, câu hỏi nêu ra đã làm các vị giáo sư đó từ ngạc nhiên đến vui mừng. Sau đó, các vị lần lượt đưa ra nhiều ý kiến và đề nghị. Các vị thông báo cho chúng tôi biết tình hình các mặt của trường, những khó khăn, trở ngại cần chú ý. Các vị cũng hỏi chúng tôi về chủ trương, chính sách của cách mạng. Anh Dật giải thích về chính sách tám điểm và mười hai điểm của Mặt trận và Chính phủ, chính sách đối với các trường đại học vùng mới giải phóng theo tinh thần của chỉ thị 222. Tôi làm công việc trả lời các câu hỏi và giải đáp các thắc mắc. Tôi cũng không còn nhớ có những thắc mắc gì và tôi đã giải đáp thế nào. Tôi chỉ nhớ đối với mọi thắc mắc, tôi chỉ một mực động viên mọi người an tâm và tin tưởng: chính sách của Cách mạng đối với các giới đồng bào vùng mới giải phóng, nhất là giới trí thức, có thể tóm tắt trong mấy chữ: vì nước, vì dân, hợp tình, hợp lý. Tình hình sắp tới có thể còn nhiều phức tạp, khó khăn, song mọi sự sẽ được giải quyết tốt bằng tinh thần đoàn kết, xây dựng của toàn dân. Hình như cuộc gặp gỡ đã giải tỏa được nhiều băn khoăn, lo lắng của mọi người. Theo chủ trương của trên, chúng tôi cũng thông báo từ tháng 5/1975, các vị giáo sư và nhân viên vẫn tiếp tục nhận lương như cũ, và nếu ở nơi cư trú các vị có gặp khó khăn trở ngại gì, xin cho chúng tôi biết để nếu được, chúng tôi sẽ hết sức giúp đỡ.

Sau cuộc gặp đầu tiên, chúng tôi làm quen với nhau. Nhiều vị chúng tôi biết tiếng từ trước qua sách báo. Chúng tôi hẹn nhau những cuộc gặp gỡ nhỏ hơn để trao đổi thêm về tình hình và công việc. Ban Việt – Hán do giáo sư Nghiêm Toản, Ban Triết Đông do giáo sư Giản Chi, Ban Triết Tây do giáo sư Nguyễn Văn Trung, Ban Xã hội học do tiến sĩ Bửu Lịch, Ban Địa lý do tiến sĩ Lâm Thanh Liêm, Ban Ngữ học do giáo sư Lê Ngọc Trụ, Ban Sử học do giáo sư Châu Long, Ban Anh văn do giáo sư Lê Văn Diệm, Ban Pháp văn do giáo sư Bùi Xuân Bào, Ban Việt văn do giáo sư Thanh Lãng, Ban Tâm lý học do tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao… phụ trách. Trong các cuộc trao đổi đó, tôi thấy các vị rất thẳng thắn, chân thành. Trong thời gian đầu còn bỡ ngỡ, các anh chị Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Châu Long, Bình Minh, Nguyễn Trọng Văn, Lê Tử Thành, Lê Văn Chưởng, v.v.. đã rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi nhằm sớm ổn định tình hình nhà trường và liên hệ anh chị em trí thức ngoài nhà trường. Ở đây, các anh chị ở Ban Trí vận và Hội Trí thức yêu nước hồi ấy, đứng đầu là anh Nguyễn Duy Cương (Ba Trực), chị Cao Thị Quế Hương, chị Tư Liên, v.v.. cùng với các anh chị ở Thành đoàn cũng rất ân cần giúp đỡ chúng tôi và trường Đại học Văn khoa vốn là cở sở của các anh chị trong phong trào đấu tranh nội thành trước đó.

Một mảng công việc rất sinh động và cảm động là tiếp xúc với giới sinh viên. Đại học Văn khoa là nơi có phong trào sinh viên nội thành rất sôi nổi và dũng cảm. Khi chúng tôi đến, trong sinh viên đã có cơ sở rất mạnh của Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên Giải phóng với nòng cốt là các anh chị: Hạ Đình Nguyên, Lê Thanh Liêm, Nguyễn Thị Tiến, Bùi Huyền Trân, Trần Thị Ngọc Ánh, Huỳnh Như Phương … Chính các bạn đó đã tổ chức mọi hoạt động của sinh viên chào mừng thành phố giải phóng, ngày đêm canh gác nhà trường, tổ chức các cuộc hội thảo chính trị, biểu diễn văn nghệ, triển lãm tranh ảnh. Không khí nhà trường luôn luôn sôi nổi, rộn rịp như ngày hội. Tất cả các giảng đường, sân chơi, hành lang không ngừng vang lên tiếng đàn, tiếng hát các điệu nhạc bài ca Cách mạng. Phổ biến nhất là “Giải phóng miền Nam”, “Tiến về Sài Gòn”. Sống với sinh viên đại học Văn khoa những ngày ấy là những kỷ niệm tươi đẹp nhất trong cuộc đời nhà giáo của tôi. Tôi có nhiều câu chuyện thú vị với tuổi trẻ Sài Gòn ngày mới giải phóng gợi nhớ không khí Cách mạng tháng Tám năm xưa. Phải cả một tập sách mới thuật lại hết được.

Tôi chỉ xin kể lại đây hai sự kiện. Ngày 7/5/1975, kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, mọi công việc tổ chức do sinh viên tiến hành, chúng tôi chỉ góp ý kiến. Đêm hôm trước, anh Phan Hữu Dật – nhà sử học – thức đến sáng để viết diễn văn về Điện Biên Phủ. Trong buổi lễ sáng hôm sau, bài diễn văn hùng hồn của anh gây sự chú ý và hào hứng chưa từng có trong hàng ngàn người dự hôm đó, ngồi chật cứng cả giảng đường lớn từ trong ra ngoài. Công việc của tôi dễ dàng hơn là đọc bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu. Bài thơ cũng được hoan hô nhiệt liệt, có người nhảy lên tung khăn, tung mũ để tỏ nhiệt tình. Có lẽ đây là lễ kỷ niệm Điện Biên Phủ đầu tiên ở Sài Gòn, tại một trường Đại học. Nhiều giáo sư đã phát biểu ý kiến trong buổi lễ đó. Tôi nhớ giáo sư Thanh Lãng kể lại cuộc đầu tranh chống Mỹ và Thiệu của các tu sĩ và đồng bào Công giáo sau Hiệp định Paris, mối cảm tình của những người Công giáo yêu nước đối với những người cộng sản. Dáng người cao, giọng nói tình cảm, vị linh mục ấy rời diễn đàn với câu hỏi: “Những người anh em cộng sản có thương chúng tôi không?” Ngồi cùng với nhau trên hàng ghế, tôi bảo anh: “Chia cắt, phân ly ba mươi năm nay, bây giờ mới được sum họp, người Việt Nam không biết thương nhau thì ai thương mình?” Hôm nay, linh mục Thanh Lãng chắc đang ở trên thiên đàng cùng với Chúa của anh, xin hãy “cầu cho chúng tôi!”.

Mười hai ngày sau đó là lễ kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, 19/5. Chúng tôi có thời gian để chuẩn bị nhiều hơn. Các trường Đại học và các cơ quan của Bộ Giáo dục đều tập trung về giảng đường Đại học Văn khoa để dự lễ, đội ngũ chỉnh tề, có biểu ngữ, có ảnh Bác. Tổ công tác đại học chúng tôi đã kịp in hai tài liệu để phát hành trong dịp đó. Một là toàn văn Di chúc của Bác, hai là Tập trích các lời nói, bài nói của Bác về giáo dục. Tôi nhớ lại niềm phấn khởi của mọi người khi nhận hai tài liệu đó. Nhiều người lần đầu tiên mới được đọc toàn văn Di chúc Bác Hồ, có người chảy nước mắt. Mấy vị giáo sư trầm trồ bình luận về hai chữ “nhất định” trong Di chúc: “Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định sẽ cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà …” Đó là những lời tiên tri. Trong hoàn cảnh đó, tôi nhận thấy từng lời của Bác trong Di chúc giản dị, đằm thắm như vậy mà tác động vô cùng mạnh mẽ đến lòng người, hơn tất cả mọi lời hùng biện. Về những ý kiến của Bác về giáo dục, cũng có một cuộc thảo luận nhỏ xảy ra. Có người phát hiện rằng: Ý kiến của Bác nói với thanh niên: “Thanh niên phải tự hỏi xem mình đã làm gì cho Tổ quốc trước khi đặt câu hỏi Tổ quốc đã làm gì cho mình?” thì tổng thống Mỹ John Kennedy cũng có câu nói như vậy. Câu nói đó trước đây ở Sài Gòn nhiều người cho là hay, nhưng xét về thời gian, Bác Hồ nói câu ấy trước Kennedy.

Tôi nhớ trước ngày sinh nhật Bác, giáo sư Lý Chánh Trung đưa cho tôi xem bản thảo một bài anh mới viết về Bác Hồ. Một bài viết rất hay. Tôi đã biết anh Trung là một cây bút chính luận xuất sắc của báo chí tiến bộ ở Sài Gòn. Năm 1969, vào dịp Bác mất, anh đã đăng lên báo chí công khai ở Sài Gòn bài: “Nói chuyện với người đã khuất” ca ngợi Bác, được dư luận rất hoan nghênh và xem đó là một hành động rất dũng cảm của một trí thức yêu nước. Buổi kỷ niệm Bác trong các giáo sư, anh Trung đã đọc bài viết mới của anh và sau đó bài được đăng lên tờ “Tin Sáng” vừa mới được tục bản sau ngày 30/4/1975. Quốc khánh 2/9 năm ấy, anh Trung ra dự lễ ở Hà Nội, có đến thăm ngôi nhà sàn của Bác. Trở về, anh viết mấy bài cũng rất hay về Hà Nội và Bác Hồ. Tôi tin rằng lịch sử văn học Việt Nam sau này thế nào cũng nhắc đến các bài chính luận của Lý Chánh Trung, nhất là tập Bọt biển và sóng ngầm cùng các bài viết của anh về Bác Hồ. Lý Chánh Trung là khuôn mặt và tính cách in đậm nét trong ký ức của tôi trong suốt hai mươi năm qua, cùng với hình ảnh của rất nhiều vị trí thức yêu nước đáng kính khác mà tôi được hân hạnh gặp gỡ và làm quen từ ngày 30/4 lịch sử. Tôi ở Đại học Văn khoa đến cuối năm 1975 thì được điều sang Đại học Sư phạm để năm 1985 lại trở về Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp cho đến bây giờ.

Hai mươi năm. Mới đó mà thời gian đã bằng thời gian của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1955 – 1975). Ghi lại đôi dòng kỷ niệm trên đây, tôi muốn cùng các đồng chí của tôi cùng công tác như tôi ngày ấy làm chứng một điều trong rất nhiều: Chính sách của Đảng đối với trí thức nói chung tuy còn những thiếu sót và bất cập mà Đảng đã nhiều lần tự phê bình, và những người có lúc lĩnh trách nhiệm thực hiện chính sách trí thức của Đảng như chúng tôi cũng còn những sai sót và khuyết điểm trong công tác, nhưng tấm lòng của Đảng với trí thức miền Nam trong những ngày mới giải phóng thật là nhân hậu, chu đáo, ân cần. Tôi nhớ khi đến thăm chúng tôi trước ngày chúng tôi đi Sài Gòn, đồng chí Lê Duẩn căn dặn: “Không được làm thương tổn đến lòng tự trọng của anh chị em”. Đồng chí Tố Hữu cũng căn dặn: “Không được làm cho anh chị em thấy mình nhỏ bé lại mà phải thấy mình cao cả thêm cùng với dân tộc. Trong chiến thắng chung, có phần của tất cả mọi người yêu nước, dù hoàn cảnh của mọi người không phải ai cũng giống ai. Các đồng chí không được trừ đi mà phải cộng thêm vào trong thành tích của mỗi người”. Đồng chí nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Ai bỏ Cách mạng tùy họ. Cách mạng không bỏ ai.”

Không phải bao giờ cuộc sống và con người cũng được trọn vẹn như lý tưởng, song những điều tốt đẹp như lý tưởng bao giờ cũng là điều căn bản và lâu dài nhất nơi mỗi con người cũng như trong cuộc sống của dân tộc chúng ta hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Tháng 4-1995

20170828. Giac mo giao duc

Ảnh: Giáo dục Phần Lan đạt được xuất sắc tất cả các tiêu chuẩn của PISA mà không đi theo quĩ đạo của Phong trào Cải cách giáo dục toàn cầu và logic kinh tế hóa.

Những năm gần đây ở nước ta, cải cách giáo dục trở thành vấn đề thường xuyên được nhắc tới, bàn luận. Điều này là dễ hiểu khi giáo dục giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của một quốc gia. Từ đây, nhiều câu chuyện nổi lên về nhà trường – thiết chế cơ bản nhất của hệ thống giáo dục quốc dân. Những câu chuyện giáo dục tôi sắp kể nảy nở giữa những vang âm của nhiều câu chuyện mà tôi được nghe, đọc và gặp gỡ. Chúng vừa bắt vào những diễn tả phổ biến vừa khơi lên đôi dòng cảm hứng về khả thể cho một thực hành giáo dục đẹp đẽ, hướng tới con người. Giao điểm giữa các câu chuyện là việc “giấc mơ giáo dục” đã luôn thực sự tồn tại.

1. Giấc mơ Humboldt

Richard David Precht là triết gia, nhà văn, nhà báo đương đại người Đức. Cuốn sách “Vì sao con tôi không thích đến trường?” ra đời năm 2013, và được xuất bản hồi đầu năm nay ở Việt Nam(1). Mặc dù Precht tập trung vào vấn đề giáo dục–nhà trường ở Đức nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa cùng sự tràn lan của Phong trào Cải cách giáo dục toàn cầu (Global Education Reform Movement - GERM), ta không khó nhận ra hình ảnh của giáo dục–nhà trường Việt Nam: “nhà trường làm hư hoại óc sáng tạo”. Điều này dẫn đến cuộc tranh luận gay gắt dường như diễn ra ở khắp mọi nơi là “Giáo dục cho chính bản thân” hay “Giáo dục phục vụ nền kinh tế”. Precht không đẩy tiếp vấn đề ở thế kỉ 21 mà ngược về ngày 29 tháng Tư năm 1810, ngày một bộ trưởng phụ trách “lĩnh vực văn hóa và giáo dục” ở Đức đệ đơn từ chức vì không hiện thực hóa được chính sách của mình. Đó là “nhà nhân văn chủ nghĩa rất nhạy cảm” Wilhelm von Humboldt (1767-1835). Dự phóng của Humboldt là “tạo điều kiện cho mọi công dân được học hỏi trau dồi văn hóa”. Với ông, một người chỉ trở thành thợ lành nghề khi được đào tạo không chỉ để làm thợ lành nghề. “Trước khi luyện tay nghề cần phải học văn hóa phổ thông để làm người xong đã”. “Văn hóa phổ thông” biểu hiện ở việc “dám nhận trách nhiệm cho mình và cho người khác, dám dấn thân, góp phần tác động và nâng tầm nhìn cao hơn chân trời giới hạn của mình”. Hệ thống nhà trường Humboldt phác thảo không có chấm điểm, xếp hạng.

Giấc mơ Humboldt để lại ba di sản: thứ nhất là cuộc tranh cãi về vấn đề giáo dục hay huấn nghệ?; thứ hai là nêu lên vấn đề nhiệm vụ chính trị của hệ thống giáo dục khi nó tạo điều kiện cho mọi người được học hỏi trau dồi văn hóa và xây dựng những “công dân thực sự hiểu những quy trình thực hiện dân chủ”; thứ ba là vấn đề vai trò nhà trường trong quá trình phát triển nhân cách học sinh. Với Precht, những di sản này rất quan trọng bởi trước hết nó cho ta thấy, giáo dục-nhà trường không phải tổ chức xã hội tự nhiên đến nghiễm nhiên. Nó do con người tạo ra với những mục đích và thiết kế ta có thể hiểu và can thiệp. Khi đặt giấc mơ Humboldt vào giữa lòng hiện tại của nước Đức thế kỉ 21, ông càng nhận thấy tính đương đại của quá khứ. Một mặt, nó phát lộ thực tế soán trị của “thuật ngữ kinh tế học tư bản chủ nghĩa”, thứ đã thâu tóm cách diễn tả, nhìn nhận về giáo dục, đến nỗi, gần như chỉ tồn tại một kiểu xã hội duy nhất – xã hội khai thác hoa lợi (Verwertungsgesellschaft). Mặt khác, theo quan sát của Precht, giấc mơ Humboldt đã bị xé lẻ và một số đề xuất của nhà nhân văn được trưng dụng để tạo ra một nền giáo dục, trớ trêu thay, đối lập hoàn toàn với theo đuổi, ôm ấp đẹp đẽ ban đầu. Mượn lời nhà xã hội học Heinz Bude, Precht tổng kết ba nhiệm vụ của giáo dục xã hội ngày nay: trước tiên, giáo dục phải cho ra kết quả là một ngành nghề cao cấp mang lại danh vọng và tiền bạc; nhiệm vụ thứ hai của giáo dục là hợp thức hóa địa vị xã hội và biện minh cho những cách biệt về mức thu nhập; nhiệm vụ thứ ba là củng cố địa vị xã hội cho thế hệ con cháu (tr 55). Điều này dấy lên nỗi lo âu thực sự vì nó thủ tiêu ý nghĩa đấu tranh chính trị của giáo dục. Hệ quả, người nghèo vươn lên là truyện cổ tích còn người giàu thành công là định mệnh.

2. Giấc mơ Phần Lan

Hằng năm, trẻ em 6-7 tuổi ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới đến trường, bắt đầu những năm tiểu học. Điều quen thuộc này nghĩ lại mà kì lạ; nó không phải là vĩnh hằng mà được sinh ra từ những điều kiện lịch sử nhất định của thời kì hiện đại. Người ta trông cậy rất nhiều vào hệ thống giáo dục quốc gia, muốn nó trở thành chìa khóa vạn năng để giải quyết các vấn đề xã hội. Trong những thập kỉ gần đây, hệ thống này liên tục bị đặt vào tình trạng khủng hoảng. Đây không phải là chuyện của riêng một nước nào. Có những diễn ngôn chung đang điều phối cải cách giáo dục trên phần lớn thế giới. TS. Phùng Hà Thanh, giảng viên bộ môn Đất nước học, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh, trường ĐH Quốc gia Hà Nội, đã viết trong Lời giới thiệu cho buổi trao đổi “Cải cách giáo dục: Học gì từ Phần Lan?” do chương trình Reading Circle tổ chức hôm 22/4/2017 tại Hà Nội.

Cùng có những bận tâm về GERM trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay như cây bút người Đức Richard David Precht, Phùng Hà Thanh mang đến buổi trao đổi “Giấc mơ Phần Lan”. Khác với “Giấc mơ Humbodlt” mới chỉ tồn tại trong chương trình nghị sự, “Giấc mơ Phần Lan” đã đạt được thành tựu của một hiện thực đáng kể, can dự vào bức tranh giáo dục toàn cầu. Nếu tác giả của “Vì sao con tôi không thích đến trường?” mô tả thảm họa giáo dục Đức dưới sự tác động của các bài thi đánh giá PISA do khối OECD tiến hành: cải cách chạy theo các chỉ báo dựa trên những con số chuẩn hóa sinh ra từ hoạt động thao túng của đo đạc dẫn tới việc xây dựng chương trình nhồi nhét, song, vấn nạn điểm giả vẫn không suy chuyển; thì giáo dục Phần Lan lại đạt được xuất sắc tất cả các tiêu chuẩn của PISA mà không đi theo quĩ đạo của Phong trào Cải cách giáo dục toàn cầu và logic kinh tế hóa. Nói cách khác, người ta có thể “đạt chuẩn” mà không nhất thiết bị gói gọn vào bộ khung của chuẩn.

Hà Thanh kể về giáo dục Phần Lan khác lối khen người chê ta hoặc xác minh tính ưu việt của một hệ thống, phương pháp còn lâu ta mới mơ mòng với tới. Trong hình dung của tôi, chị đang phác thảo những đường hướng người ta thúc đẩy khi tạo dựng đời sống xã hội. Như chị chia sẻ, bài học Phần Lan có giá trị của thực tiễn chứ không hề viển vông. Đó là một khả thể mọc lên từ giữa lòng Phong trào Cải cách giáo dục toàn cầu nhưng đề kháng chính “nạn dịch” ấy. Kết luận này cần cất lên đôi khi chưa hẳn vì nó mới mẻ mà vì nhu cầu “phân phối lại cảm quan”(2) – một cảm quan khác với xu hướng biến Phần Lan thành một nhãn mác cho hoạt động đóng gói công nghệ giáo dục rồi tung ra thị trường, khác với tâm lý yếm thế và cạn kiệt đến mức nhất định không tin sự đẹp đẽ có thể diễn ra với mình, gần mình.

Thực tiễn đầu tiên Hà Thanh trình bày là sự hình thành, phát triển của GERM. Nó mang tính lịch sử chứ không phải tự nhiên và bỗng chốc được “nắn dòng”. Theo đó, Phong trào Cải cách giáo dục toàn cầu hiện nay là sự cực đoan hóa các giá trị của chủ nghĩa hiện đại phương Tây cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Qua cả trăm năm, có thể bản chất giáo dục nhà trường chưa có gì biến chuyển, công cuộc cải cách thành ra để củng cố các đặc tính của một hình thái dai dẳng. Như ở “giấc mơ Humboldt”, Precht đã cho thấy cuộc xung đột nằm trong mục đích của hệ thống giáo dục quốc dân diễn ra từ buổi đầu phôi thai giữa một bên nhằm đáp ứng sản xuất với một bên là lý tưởng bình đẳng (ai cũng có cơ hội đến trường và được phát triển thành những công dân tham gia vào nhà nước dân chủ). Song cách người ta thiết kế sự vận hành của nhà trường với kiến trúc không gian – thời gian kiểu ô ngăn; mô phạm hóa việc học; phân chia vai trò, chức năng; kĩ thuật kiểm tra đánh giá rõ ràng đang làm cho mục đích thứ nhất nổi trội. Cả Precht và Hà Thanh đều khẳng định lối xây dựng giáo dục nhà trường như thế là tái hiện logic của công xưởng, nhà máy: học phải đi theo trình tự nhất định nếu muốn đạt được kết quả tối ưu; học được chia thành các gói để đóng thành phẩm gồm kĩ năng, kiến thức, thái độ.

Bước sang thời kì Cải cách giáo dục toàn cầu gắn với chủ nghĩa tân tự do, các đặc điểm trên của nhà trường hiện đại vẫn chưa được phân phối khác đi, thậm chí còn gia tăng. Thêm vào đó, Hà Thanh nhấn mạnh hệ quả thiết lập sự “đồng thuận” (consensus) trên diện rộng: phạm trù kinh tế thống soát cảm quan (sensible) và ăn sâu vào tư duy trực quan (common sense). Ngày nay, ta chứng kiến việc giáo dục được “mã hóa” bằng hệ phạm trù kinh tế mạnh đến mức nào: đầu ra, đầu vào, sản phẩm giáo dục, thị trường giáo dục, kinh tế tri thức... Bộ khung kinh tế định hình cách con người hiểu và được hiểu. Nó dẫn tới hoạt động “qui đổi” ồ ạt con người thành nhiều gói kĩ năng, năng lực có thể đo đạc và cấp chứng chỉ, tất nhiên, cả sàng lọc, phân loại: “Con người không thiết lập mối quan hệ với chính mình mà với các tiêu chuẩn” (Hà Thanh). Kinh nghiệm và quan hệ giữa người với người trở nên nghèo nàn.

Thực tiễn Phần Lan nổi lên cùng triết lý, mục tiêu, thiết kế đi ngược lại GERM. Chính sách của họ là xây dựng môi trường học tốt cho mọi người. Và để hiện thực hóa chính sách ấy, quá trình cải tổ hệ thống giáo dục diễn ra công phu, nghiêm túc, dân chủ trong nhiều năm liền. “Giấc mơ Phần Lan”(3) tạo ra “Nghịch lý Phần Lan”(4): Dạy ít hơn, Học nhiều hơn; Kiểm tra ít hơn, Học nhiều hơn; Tăng cường công bằng thông qua thúc đẩy đa dạng. Ở Phần Lan, con em dân nhập cư dường như đạt kết quả học tập tốt hơn đáng kể so với con em dân nhập cư ở các nước khác. Ưu thế Phần Lan là giáo viên được trọng vọng và nâng giữ phẩm giá. Điều người ta học được từ Phần Lan là một nền giáo dục ươm gieo những hạt mầm nhân văn, đẹp đẽ: niềm tin, phẩm giá, bình đẳng. Việc mường tượng về những cách làm giáo dục vô hiệu hóa hoặc tạm dừng lại các kĩ thuật đo đạc, gián cách với cuộc đua xếp hạng và “trân trọng kinh nghiệm sống của con người” trải ra mênh mang trong câu chuyện Phần Lan.

Khi đặt hai thực tiễn GERM và Phần Lan cạnh nhau, ta cũng có dịp mở rộng tầm nhìn, cách nghĩ của chúng ta về những điều đang diễn ra. Rằng, thứ GERM tạo nặn dường như chỉ là vị trí bá quyền của chính nó chứ không liên quan gì đến các vấn đề đời sống bày ra. Nó giống như việc các chất hóa học gây ung thư và thuốc chữa ung thư được điều chế ở cùng một tập đoàn. Nơi phát tán dịch bệnh cũng là nơi bán cho ta thuốc chữa và ngăn ngừa. Nỗi sợ hãi, cảm giác bất an sẽ trở thành cảm quan chủ đạo. Ấy là “những nỗi lo sợ, hoảng loạn và biến chứng khác trong một xã hội lấy năng suất làm tiêu chuẩn, chứ không phải từ một nhận định xuất phát từ tình hình thực tế” (Precht).

3. Thay cho lời kết: Câu chuyện về “người thầy không biết” Jacotot

Khi được hỏi tính khả thi của bài học Phần Lan ở Việt Nam, Hà Thanh trả lời “100% áp dụng được” nếu ta mong muốn và dũng cảm. Tôi nghĩ đây không phải câu trả lời chủ quan, duy ý chí. Hà Thanh hiểu sự áp dụng không phải là bê những mô hình khác nhau áp đặt máy móc vào những nơi khác nhau nhưng chị thấm thía giá trị của việc khi người ta thay đổi cách nghĩ, cách nhìn thì đồng thời các thế giới cũng sinh sôi. Hơn nữa, “Giấc mơ Phần Lan” được tạo dựng dựa trên yếu tố cơ bản phi vị lợi: kiên trì với lí tưởng bình đẳng.

Vậy, thực hiện bình đẳng là điều có thể? Tôi xin khơi gợi bằng câu chuyện về “người thầy không biết” Jacotot trong “The ignorant Schoolmaster”, một tác phẩm quan trọng của Jacques Rancière về giáo dục. Năm 1818, Joseph Jacotot (1770 -1840), giảng viên dạy văn học Pháp ở Đại học Louvain, dấn thân vào cuộc phiêu lưu trí tuệ kinh ngạc. Ông, một người không biết tiếng Hà Lan, có thể dạy tiếng Pháp cho những sinh viên Hà Lan không biết tiếng Pháp bằng việc sử dụng một văn bản ngẫu nhiên, một bản in song ngữ Pháp - Hà Lan vở kịch Télémaque. Ông đặt vào tay các sinh viên cuốn sách và thông qua người phiên dịch nói họ đọc một nửa cuốn sách bằng sự hỗ trợ của bản dịch, lặp đi lặp lại cái họ đã học được. Sau đó, đọc nhanh nửa cuốn còn lại rồi viết bằng tiếng Pháp điều họ suy ngẫm về nó. Jacotot gây ngạc nhiên vì những sinh viên của ông dùng tiếng Pháp để diễn đạt bản thân rất tốt. Ông gây ngạc nhiên vì ông giáo dục họ mà không dạy họ bất cứ cái gì. Rancière hình dung đây là hoạt động giáo dục giải phóng khi nó bẻ gãy nguyên lý căn bản của hệ thống giáo dục trong việc tạo dựng quan hệ trí tuệ giữa người dạy và người học: nguyên lý bất bình đẳng. Bất bình đẳng chỉ có thể được xóa bỏ bằng bình đẳng. Bình đẳng không phải là đích đến của một chu trình nào đó. Bình đẳng là khởi sự và “người thầy không biết” biết điều ấy cũng như liên tục xác minh nó.

Các lý do khiến Phong trào Cải cách giáo dục toàn cầu (GERM) phổ biến bao gồm tính hợp lý thông thường của nó như tăng cường tập trung vào việc học tập, thúc đẩy khả năng tiếp cận giáo dục cho tất cả mọi người và nhấn mạnh vào việc tiếp thu kiến thức và kỹ năng thực tế. Nhưng dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu giáo dục theo đường hướng phê phán, GERM là thuật ngữ hàm nghĩa tiêu cực. GERM được hình dung như loại virus phát tán và phá hủy những giá trị nhân văn đẹp đẽ của hệ thống giáo dục quốc dân và thay vào đó là thúc đẩy qui chuẩn hóa, đóng gói con người thành những bộ kĩ năng, bằng cấp, chứng chỉ lưu thông trên thị trường giáo dục rộng lớn. Nó tạo ra một thế giới “đồng thuận” theo logic kinh tế, các khả thể khác trở nên vô cùng khó khăn. “…Cải cách giáo dục ở các nước khác nhau cũng diễn ra theo những cách giống nhau… Nó như một bệnh dịch và lây lan giữa các hệ thống giáo dục thông qua một loại virus. Nó lan truyền đến các học giả, truyền thông, và các chính trị gia. Các hệ thống giáo dục vay mượn chính sách của nhau và bị lây nhiễm. Kết quả là, trường học bị mắc bệnh, các thầy cô không cảm thấy khỏe mạnh, và bọn trẻ học được ít hơn,” Pasi Sahlberg, tác giả “Bài học Phần Lan 2.0”, từng viết trong một bài báo trên Washington Post(5).

-------
(1) Nhã Nam và NXB Tri thức, 2017.
(2) Một thuật ngữ do triết gia đương đại người Pháp Jacques Rancière (1940) đề xuất.
(3), (4) Lần lượt là các chương sách trong “Bài học Phần Lan 2.0” của Pasi Sahlberg.
(5) https://www.washingtonpost.com/ blogs/answer-sheet/post/how-germ-is-infecting-schools-around-the-world/2012/06/29/gJQAVELZAW_blog.html?utm_term=.a89c2c5bccee.

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 27.6.2017

20170822. ThsMinhPhuong

Với mục đích đào tạo các chuyên gia nghiên cứu về di sản Hán Nôm của dân tộc, cách đây 3 năm - năm 2014, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đã cho phép Khoa Văn học và Ngôn ngữ (nay là Khoa Văn học), Trường ĐH KHXH và NV đào tạo cao học Hán Nôm. Sau thời gian đào tạo 2 năm có 2 học viên cao học hoàn thành luận văn thạc sĩ. Chiều ngày 21/8/2017 Trường ĐH KHXH&NV đã tổ chức lễ bảo vệ luận văn cho 2 học viên này:

- Anh Hồ Ngọc Minh với đề tài: "Nghiên cứu và phiên dịch tác phẩm Mỗi hoài ngâm thảo" của Hà Đình Nguyễn Thuật" do TS. Lê Quang Trường hướng dẫn; 
- Chị Lý Hồng Phượng với đề tài "Chữ Nôm Nam Bộ qua khảo sát tác phẩm Kim cổ kỳ quan của Nguyễn Văn Thới" do TS Nguyễn Ngọc Quận hướng dẫn.

Luận văn của anh Hồ Ngọc Minh đã nghiên cứu về Nguyễn Thuật, một gương mặt trí thức tiêu biểu trong thời kỳ đầy biến động của nước ta vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong đó tập trung nghiên cứu, phiên dịch tập thơ đi sứ vào loại cuối cùng của thơ đi sứ VN: ""Mỗi hoài ngâm thảo". Trong LV của mình học viên đã phân tích những sai lầm trong dịch thuật của một số công trình đi trước, đồng thời phiên dịch, chú thích hơn 300 bài trong tác phẩm này.

Luận văn của chị Lý Hồng Phượng nghiên cứu cách phiên âm và cách cấu tạo của chữ Nôm trong tác phẩm Kim cổ kỳ quan, một cuốn truyện thơ nổi tiếng của Nam Bộ có tính cách sấm vĩ và tôn giáo của một tác giả yêu nước thuộc phái Bửu Sơn Kỳ Hương vào cuối TK.XIX-đầu TK.XX. Trong luận văn HV đã đưa ra hơn 300 chữ Nôm chưa hề có trong các từ điển chữ Nôm trước nay.

Cả hai LV đều được tiến hành một cách công phu, nghiêm túc, bởi những học viên có trình độ Hán Nôm vững chắc. Cả 2 đều đã từng có bài nghiên cứu được in toàn văn trong kỷ yếu khoa học cấp quốc gia. Đánh giá cao trình độ, công phu và những đóng góp của 2 luận văn trên, Hội đồng chấm luận văn nhất trí cho LV của HV Hồ Ngọc Minh 9.5 điểm, LV của HV Lý Hồng Phượng cũng 9.5 điểm. Đây là 2 thạc sĩ khai khoa của chuyên ngành Cao học Hán Nôm của Khoa Văn học. Hy vọng các thạc sĩ Hán Nôm sẽ là những người khai thác thư viện sách Hán Nôm của Khoa Văn học - một thư viện với hơn 3000 quyền, được đánh giá là thư viện Hán Nôm lớn nhất trong các tủ sách Hán Nôm phương Nam.

Được biết ThS. Hồ Ngọc Minh và ThS. Lý Hồng Phượng là đôi bạn đời, ngày 2 bạn bảo vệ thành công LV thạc sĩ cũng là ngày 2 bạn kỷ niệm 10 năm ngày cưới.

Thông tin truy cập

67002094
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5873
19241
67002094

Thành viên trực tuyến

Đang có 436 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website