Nền văn học nghệ thuật hiện thực và nhân văn của Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay đã ảnh hưởng rất lớn tới văn học Việt Nam qua nhiều thế hệ.

20231125

Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân trao tặng Kỷ niệm chương cho học giả Anatoly Sokolov. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 21/11, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã diễn ra Lễ trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam” cho Phó Giáo sư, Tiến sỹ Anatoly Alekseevich Sokolov, cán bộ khoa học của Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga.

Tham dự sự kiện, về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân, lãnh đạo các ban, ngành của Đại sứ quán Việt Nam, cùng một số đại diện cộng đồng Việt Nam tại Liên bang Nga.

Về phía Nga có sự tham dự của Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt Vladimir Buyanov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương, Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, cùng đông đảo các chuyên gia, học giả Nga nghiên cứu, quan tâm và có nhiều tình cảm với Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Hồng Quân khẳng định, sau hơn 70 năm Việt Nam và Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay, ký kết Hiệp ước Hữu nghị, giữa hai nước đã có mối quan hệ mật thiết, cùng hợp tác và phát triển có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực kinh tế, quốc phòng và xã hội, nhưng đặc biệt nhất là sự gắn bó về văn học, nghệ thuật.

Nền văn học nghệ thuật hiện thực và nhân văn của Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay đã ảnh hưởng rất lớn tới văn học Việt Nam qua nhiều thế hệ. Những tác phẩm của các nhà văn Nga vĩ đại như Aleksandr Sergeyevich Pushkin, Mikhail Yuryevich Lermontov, Lev Nikolayevich Tolstoy, Maksim Gorky, Solokhov... cùng hàng chục tác giả khác, đã được dịch sang tiếng Việt.

Phó Giáo sư Anatoly Sokolov là một trong những nhà Việt Nam học có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu, dịch thuật đó.

Ông Đỗ Hồng Quân khẳng định, kỷ niệm chương lần này là sự đánh giá cao và tôn vinh những cống hiến đối với Văn học Việt Nam của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Sokolov, đồng thời gửi lời chúc mừng và hy vọng học giả tiếp tục cống hiến nhiều hơn các công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng học giả Anatoly Sokolov (Nguồn: TTXVN)

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng học giả Anatoly Sokolov (Nguồn: TTXVN)

Về phần mình, Đại sứ Đặng Minh Khôi chúc mừng học giả Anatoly Sokolov, khẳng định việc trao tặng Kỷ niệm chương là sự ghi nhận của Liên hiệp các Hội Văn học và nghệ thuật Việt Nam nói riêng, cũng như của Việt Nam nói chung đối với những đóng góp và nỗ lực không ngừng nghỉ của học giả trong việc nghiên cứu, giới thiệu và quảng bá văn học nghệ thuật Việt Nam đến với công chúng Nga và bạn bè quốc tế, góp phần vào việc xây dựng và củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Đại sứ cũng đề nghị Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cùng với các nhà nghiên cứu, nhà Việt Nam học người Nga phối hợp, tham gia tổ chức các hoạt động chung, đặc biệt là các hoạt động văn hóa nghệ thuật, để cùng kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và LB Nga vào năm 2024.

Phát biểu đáp từ tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Anatoly Sokolov xúc động gửi lời cảm ơn tới Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức buổi lễ trang trọng, ấm áp ghi nhận những đóng góp khoa học của mình.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Anatoly Sokolov từ lâu đã được nhiều người Việt Nam biết đến với cương vị là người biên soạn cuốn “Từ điển Việt-Nga,” cuốn sách gối đầu giường của thế hệ hàng chục nghìn cựu sinh viên, chuyên gia, cán bộ Việt Nam đã từng làm việc và học tập tại Nga.

Với niềm đam mê và kiến thức sâu rộng đối với lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, công tác tại Viện Đông phương danh tiếng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, học giả Anatoly Sokolov đã viết hơn 200 bài báo về văn học, lịch sử Việt Nam; khảo cứu và biên soạn hàng chục bài báo về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam từ kho lưu trữ của Liên Xô.

Học giả Anatoly Sokolov là tác giả của công trình Lịch sử điện ảnh Việt Nam, người viết bản nghiên cứu rất công phu về những tác phẩm văn học Xô-viết được dịch ở Việt Nam thời chống Pháp...

Ông cũng là người hiệu đính tác phẩm Truyện Kiều và Nhật ký Đặng Thùy Trâm nổi tiếng được dịch ra tiếng Nga.

Chu An

Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam, ngày 22.11.2023.

Trong thời hậu Xô viết bắt đầu sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, quan hệ Nga – Việt chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế. Những mối liên hệ văn hoá và nghệ thuật trước kia về cơ bản đã ngưng lại, mặc dù những chuyến đi của các nhà văn vẫn tiếp tục, thường là theo kênh các tổ chức xã hội hay do sự sắp xếp cá nhân.

Trong hơn hai thập niên gần đây, những tác phẩm văn học ở Nga về Việt Nam được sáng tác rất ít. Trong những thực tiễn mới của đời sống nước Nga xuất hiện khả năng tiếp cận những đề tài và vấn đầ mà trước kia chưa phải là đối tượng thảo luận rộng rãi. Xuất hiện những hồi ức, hồi ký của các nhà báo, các nhà ngoại giao, các chuyên gia quân sự Nga/ Xô viết về Việt Nam và về chiến tranh Việt Nam. Chẳng hạn, người đầu tiên viết về những chuyên gia quân sự Xô viết thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở đất nước Đông Nam Á xa xôi này là Valery Kuplevakhsky. Ông xuất bản một bút ký nghệ thuật “Những bí ẩn Việt Nam”(Вьетнамские тайны) viết về những sự kiện những năm đó. Đây là một phần của nhóm tác phẩm Những câu chuyện nhỏ về chiến tranh (Маленькие военные истории, tạp chí Ngọn cờ, 1998, số 6), còn đề tài trước đó về chiến tranh Việt Nam cũng đã được ông nói đến trong truyện ngắn “Chú hề Mạnh nhỏ bé” (Маленький клоун Мань) nằm trong tập Sự đam mê hư ảo (Суетность пристрастия, 1990).

20230814 2

Ảnh: Bìa sách Sự đam mê hư ảo (Суетность пристрастия, 1990) của Valery Kuplevakhsky

Nhà báo Mikhail Ilinsky đến Việt Nam vào năm 1966 với tư cách phóng viên của tờ Tin tức và làm việc ở đất nước này 12 năm. Ông là tác giả của nhiều bài báo và sách về Việt Nam, trong đó bao gồm cả công trình nghiên cứu mang tính tư liệu-nghệ thuật Đông Dương. Tro bụi bốn cuộc chiến tranh (Индокитай. Пепел четырех войн, 2000), trong đó tái tạo một biên niên sử đầy bi kịch của bốn cuộc chiến diễn ra vào thời điểm nóng bỏng của lịch sử thế kỷ XX từ 1939 đến 1979: cuộc đấu tranh chống sự chiếm đóng Đông Dương của Nhật Bản, chiến tranh chống thực dân Pháp, chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và cuộc chiến giữa các quốc gia xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên trong lịch sử - chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam[1].

Luôn có sức hấp dẫn lớn là những hồi ký của các nhà ngoại giao, nhà báo và các chuyên gia quân sự - họ là những nhân chứng trực tiếp các sự kiện quan trọng của đất nước trong thời gian ở tại Việt Nam. Igor Alexandrovich Ognetov - học trò của viện sĩ A.A. Guber, là một trong những chuyên gia hàng đầu của Nga về Việt Nam. Ognetov làm việc ở Việt Nam vừa với tư cách phiên dịch viên, vừa là nhà ngoại giao cấp cao, nhiều năm là cộng tác viên của Ban Quốc tế của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, can dự vào những công việc “bếp núc” của quan hệ Xô – Việt. Ông là tác giả của hàng loạt công trình khoa học về lịch sử Việt Nam. Trong cuốn sách Hướng về Việt Nam (На вьетнамском направлении, 2007) của ông, những hồi ức của tác giả từ những năm tháng sinh viên kết hợp một cách hữu cơ với đất nước học, lịch sử, nghiên cứu quan hệ quốc tế, những suy nghiệm về quá khứ và hiện tại của mối quan hệ Liên Xô/Nga với Việt Nam. Tất cả những đề tài được chạm tới trong cuốn sách này cho thấy qua thái độ của tác giả đối với chúng ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời mình, thái độ không phải của người đứng ngoài quan sát, mà là của người hiến mình cho Việt Nam và trung thành với lựa chọn của mình. Đặc biệt mang tính biểu trưng là những lời của ông ở phần kết của cuốn sách: “Sau hàng chục năm hợp tác đã xuất hiện hàng ngàn, hàng chục ngàn  sợi dây tình cảm kết nối người Việt Nam với Liên Xô – từ những lãnh đạo cấp cao đến những người lao động bình thường nhất, đến sinh viên, học sinh. Những sợi dây mỏng manh đó khi kết lại với nhau đã trở thành một sức mạnh tinh thần to lớn” (Ognetov, 2007, tr.321).

Tư liệu thực tế và thú vị về Việt Nam và quan hệ Liên Xô/Nga – Việt Nam hiện diện trong hồi ký của nhà báo Sergei Nikitovich Afonin Những năm cháy bỏng (Жаркие годы, 2007), của nhà hoạt động ngoại giao chuyên nghiệp Evgeny Pavlovich Glazunov Trong những năm chiến tranh và hoà bình (từ các sổ ghi chép) (В дни войны и мира (из записных книжек), 2010), của Anatoly Safronovich Zaitsev Nhớ về Việt Nam (Вспоминая Вьетнам, 2010) và Nhớ về Việt Nam. Bút ký của một nhà ngoại giao (Вспоминая Вьетнам. Записки дипломата, 2020), của viện sĩ Đông phương học Alexei Mikhailovich Vasiliev Chiến tranh ở Việt Nam. Tại sao người Việt thất bại (Война во Вьетнаме. Почему вьетнамцы потерпели поражение, 2021) viết khi làm phóng viên báo Sự thật ở Việt Nam vào những năm 1967 – 1971.

Trong số những ấn phẩm thuộc thể loại này còn có hồi ký của Sergei Veniaminovich Shcherbakov Vườn trẻ cho người lớn (Детский сад для взрослых, 2018). Tác giả của nó là một nhà báo và nhà ngoại giao, cuốn sách của ông là một báo cáo kết quả đặc thù công việc ở ngành xuất bản địa phương và trung ương. Phần quan trọng cuộc đời ông gắn với Việt Nam, nơi ông làm việc với tư cách phóng viên của tờ Sự thật Komsomol. Về đất nước này và thanh niên ở đó, S. V. Shcherbakov trước đó đã viết cuốn Cánh chim mặt trời (Птица солнца, 1987). Nhiều trang trong những hồi ký đó viết về việc phục vụ của ông trong lĩnh vực ngoại giao, về những chuyến công tác ra nước ngoài và những ấn tượng về các cuộc gặp gỡ với những người nổi tiếng ở các nước khác nhau.

Cuốn sách của Yury Krutskikh Cam Ranh, hay những cuộc phiêu lưu không tưởng của các tàu ngầm ở Việt Nam (Камрань, или невыдуманные приключения подводников во Вьетнаме) xuất bản ở Vladivostok vào năm 2019 cũng có thể xếp vào thể loại hồi ký. Vào năm 1988, tác giả tốt nghiệp Trường Cao đẳng Hải quân Thái Bình Dương mang tên S.O. Makarov. Vào cuối thập niên 1980, ông phục vụ trên chiếc tàu ngầm Xô viết chạy bằng động cơ diesel phiên bản 641, đồn trú tại cảng Cam Ranh của Việt Nam. Tác phẩm có cấu trúc 51 chương, thực chất là những truyện ngắn độc lập về các nhiệm vụ quân sự, về những tháng ngày dài sống xa Tổ quốc ở cuối thời kỳ “chiến tranh Lạnh”. Cuốn sách được viết hấp dẫn và đặc biệt thú vị với nhiều chi tiết giúp hiểu rõ hơn thời đại lịch sử đó.

Một tầng văn học tư liệu nghệ thuật đặc biệt về Việt Nam là những ấn phẩm được biên soạn với sự tham gia của Hội Hữu nghị Nga – Việt và Tổ chức xã hội liên khu vực các cựu chiến binh ở Việt Nam. Trong cuốn sách xuất bản năm 2005 Chiến tranh ở Việt Nam… Nó như thế nào (1965 – 1973) (Война во Вьетнаме… Как это было (1965-1973)) đã miêu tả những sự kiện mà đến nay ít người ở Nga biết đến. Trong một chừng mực nào đó, nó hé lộ tấm màn bí mật về những sự kiện mà trước kia do những nguyên nhân nhất định hầu như không được nói tới trong những sách báo công khai. Trong sách này, những hồi ức của các chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc ở Việt Nam những năm 1960 – 1970 trong thời kỳ chiến tranh và giúp đỡ trực tiếp nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược lần đầu tiên tập hợp và công bố

Còn có một cuốn sách thuộc thể loại như thế nữa: Có một từ không thể quên Liên Xô» (Это незабываемое слово Льенсо”, 2006). Sách này tập hợp những hồi ức của các chuyên gia Xô viết và Nga vào những năm khác nhau, từ đầu những năm 1950 cho đến ngày nay. Trong số các tác giả của những tư liệu được công bố đó có các nhà ngoại giao và nhà báo, các kỹ sư xây dựng và địa chất, các chuyên gia quân sự và các học giả[2].

Những tác phẩm thuần tuý văn học những năm gần đây là những ấn bản sách giấy và mạng trực tuyến (online).

Cuốn sách của nhà văn và nhà soạn kịch Evgeny Grishkovets Sự sống tiếp tục (Продолжение жизни, 2010) được xây dựng dựa trên những ghi chép trong nhật ký mạng của ông. Những tình tiết về Việt Nam được ghi vào tháng giêng năm 2009. Ông đến đất nước này chỉ vỏn vẹn 10 ngày, nhưng đã có được nhiều ấn tượng bất ngờ và sâu sắc khác nhau, và điều khiến ông “kinh ngạc nhiều hơn cả là sự sôi động của cuộc sống”(Grigovets, 2010, tr.21). Tác phẩm này là ví dụ sinh động cho việc làm thế nào văn học mạng hiện nay của chúng ta có được hình thức một cuốn sách.

Nhà văn nữ trẻ tuổi Daria Dotsukh có tác phẩm Thời cam quýt (Мандариновая пора, 2014) dành cho độc giả trẻ tuổi. Chủ yếu, tác phẩm được xây dựng dựa trên câu chuyện có thực của một nhà đình nhà ngoại giao Nga sống ở Việt Nam. Nhân vật của truyện, một cậu học sinh 13 tuổi, sau chuyến công tác dài hạn của người cha từ Việt Nam về lại Moskva, cố gắng khắc phục những khó khăn và sự thiếu cảm thông của bạn bè cùng lớp cũng như của cha mẹ để tìm lại bản thân mình trong hoàn cảnh sống mới.

Ivan Zorin là một nhà viết văn xuôi hiện đại của Nga, một nhà văn chính luận và là người làm nhật ký video trên mạng (video-blogger). Truyện ngắn Nhà văn quá cố ở Việt Nam (Мертвый писатель во Вьетнаме, 2016) có lẽ xuất hiện sau chuyến đi của ông tới đất nước này. Trong truyện miêu tả những đại diện của giới Nga kiều mới khi tới những vùng đất ấm áp và cố gắng thích nghi ở đó để bắt đầu cuộc sống mới. Tác phẩm đáng nhớ này được xuất bản trên kênh internet văn học proza.ru.

Chắc chắn là tác phẩm nổi bật và điển hình nhất về Việt Nam, từ quan điểm phát triển những xu hướng văn học hiện đại, là tiểu thuyết của Eldar Sattarov Chào Việt Nam (Чао, Вьетнам, 2018), về nó sẽ cần phải nói cụ thể hơn.

Eldar Sattarov sinh năm 1973 ở Alma-Ata. Về nguồn gốc xuất thân, ông mang nửa dòng máu Việt từ người cha, một nửa là Tatar từ người mẹ. Tiểu thuyết này của ông, cũng như những tác phẩm khác, được viết bằng tiếng Nga (mà đối với ông là phương tiện sáng tạo chủ yếu và duy nhất), bởi vậy có thể đặt nó vào bối cảnh chung của văn học đương đại Nga. Thuở thanh niên, Sattarov là nhạc công, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và trong nhà máy, sau đó làm nhà báo, biên tập viên, phụ trách các chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng khác nhau, và bây giờ thì làm phiên dịch viên. Một số nhà xuất bản ở Moskva đã ấn hành những cuốn sách về nghệ thuật tiền phong, về giáo dục thay thế (alternative education) và về triết học do Eldar Sattarov dịch từ các ngôn ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ý.

Tiểu thuyết đầu tay của Sattarov Đánh mất những con phố của chúng ta (Теряя наши улицы) được xuất bản năm 2010 ở Alma-Ata và nhận được những phản hồi tích cực từ các nhà phê bình và độc giả.

Tiểu thuyết thứ hai của ông Quá cảnh Sài Gòn – Almaty (Транзит Сайгон – Алматы) được vào chung kết giải “Sách bán chạy năm 2016” và đoạt giải nhì. Eldar Sattarov trở thành công dân Kazakhstan đầu tiên được trao giải thưởng này của Nga. Năm 2018, cuốn sách này được nhà xuất bản Fluid (Флюид) ở Nga tái bản với nhan đề Chào Việt Nam.

Tiểu thuyết kể câu chuyện về sự trưởng thành của một cậu bé Việt Nam sinh ra ở Sài Gòn ngay trước khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, thời gian thực dân Pháp đang cai trị Đông Dương. Cậu bị cuốn vào nhiều sự kiện bi kịch và anh hùng diễn ra sau đó trên quê hương mình. Dòng tự sự lịch sử bao trùm thời kỳ chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và lần thứ hai, và phần nhiều liên quan tới tiểu sử người cha của Eldar Sattarov. Do sự anh hùng và dũng cảm, chàng chiến sĩ trẻ của quân đội nhân dân Việt Nam đó được cử đi học ở Liên Xô, nơi sau đó ông ở lại sống và làm việc.

Nhà phê bình văn học Saint Petersburg Vadim Levetal xếp cuốn Chào Việt Nam vào thể loại tiểu thuyết tư liệu (hay tài liệu hư cấu/docu-fiction). Khái niệm này bắt nguồn từ điện ảnh và là sự tái tạo những sự kiện lịch sử có thật với những nhân vật có thật, nhưng cho phép cả những hư cấu, tưởng tượng. Trong tiểu thuyết của Eldar Sattarov, các nhân vật là những chính trị gia và những nhà quân sự nổi tiếng của Việt Nam, họ được miêu tả trong những điều kiện lịch sử thay đổi biến thiên, với những sự kiện cụ thể không bị bóp méo, nhưng các chi tiết lại mang sắc thái phi hiện thực.

Nhưng nói chung hiện nay, chủ yếu các tác phẩm của các nhà văn Nga về Việt Nam liên quan tới văn hoá giải trí đại chúng – đó là những tác phẩm phiêu lưu và trinh thám. Trong chúng, đất nước Việt Nam, thiên nhiên khác lạ và quá khứ chiến tranh qua chưa lâu trong một chừng mực nhất định xuất hiện như yếu tố bổ sung, hỗ trợ, như một phông nền trang trí nào đó, chứ không phải thành phần tư tưởng sáng tạo của tự sự nghệ thuật. Hơn nữa, ngày càng có nhiều tác phẩm như vậy tìm thấy nơi trú ngụ của mình trong văn học trực tuyến - trên các cổng điện tử và trang web khác nhau, trên Facebook, v.v. Trong số các tác giả có cả những nhà văn nổi tiếng lẫn những tác giả nghiệp dư.

Trong cuốn sách của nhà văn Andrei Ilyin ở Moskva Cái bẫy cho những anh hùng (Ловушка для героев, 1997), lính biệt kích Mỹ và lính đặc nhiệm Nga truy tìm thiết bị tối mật Phantom (Bóng ma) bị bắn rơi trong rừng rậm Việt Nam. Những nhóm đặc nhiệm của hai cường quốc xả súng vào nhau nơi chiếc máy bay rơi mà không biết rằng họ có chung một kẻ thù tàn bạo.

Tiểu thuyết phiêu lưu của Viktor Ledenyov Rượu thập cẩm Việt Nam (Вьетнамский коктейль) ban đầu xuất bản ở Minsk, sau đó ở Moskva vào năm 1997. Tác phẩm kể về một trang sử của Nga ít được biết đến – đó là việc các chuyên gia Xô viết tham gia vào chiến tranh ở Việt Nam, về những đơn vị đặc nhiệm thực hiện trinh sát kỹ thuật. Họ tháo gỡ các loại bom mìn tân tiến nhất, săn lùng những mặt hàng mới trong lĩnh vực điện tử. Họ phải sinh tồn trong những điều kiện hết sức phức tạp để hoàn thành nhiệm vụ của mình mà không bị thương vong. Về sau, tác giả viết phần tiếp theo của tiểu thuyết này – Vàng của các chiến binh samurai (Золото самураев, 2016) được xuất bản trên Internet.

Cuốn sách của Alexandre Kosarev Những ngôi sao bằng bìa (Картонные звезды, 2004) đã được xuất bản mấy lần, đồng thời xuất hiện cả dưới dạng sách điện tử và sách nói. Tác giả lấy cốt truyện chủ yếu từ những sự kiện phi thường trong tiểu sử phong phú của mình, khi phục vụ trong đội đặc nhiệm của Cục Tình báo Trung ương Liên Xô (GRU) và tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Những chi tiết tỉ mỉ độc đáo về những sự kiện diễn ra trong những năm đó được trình bày trong cuốn sách này.

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều những tác phẩm văn học có đề tài gắn với Việt Nam xuất hiện trong các thư viện điện tử khác nhau. Cuốn sách của Alexei Grebinyak Người phi công nhào lộn Việt Nam (Вьетнамский иммельман, 2009) kể về những sự kiện năm 1968, khi người Mỹ đưa vào Đông Dương những máy bay ném bom tân tiến nhất F-111, là những thử thách chiến đấu trên bầu trời Bắc Việt Nam. Những máy bay đó hầu như không bị các tên lửa phòng không và pháo binh làm thương tổn, bởi chúng bay vào ban đêm, ở độ cao hết sức thấp và với tốc độ siêu thanh. Nhiệm vụ đặt ra trước các nhà quân sự Xô viết và Việt Nam là chuẩn bị chiến dịch truy đuổi cỗ máy siêu bí mật đó.

Viktoria Dyakova, tác giả của tiểu thuyết có cốt truyện đầy xung đột Hổ săn mồi ban đêm (Тигр охотится ночью, 2012), cũng đề cập những sự kiện chiến tranh Việt Nam cuối những năm 1960. Tác phẩm này kể về một toán thám báo Mỹ ở vùng rừng rậm trên biên giới giữa Lào và Việt Nam. Họ nỗ lực tìm kiếm đường ống dẫn dầu được nguỵ trang để cung cấp nhiên liệu cho các lực lượng du kích ở miền Nam Việt Nam.

Cuốn sách của Ivan Kozlov Lời thề của người phi công bị bắn rơi (Клятва сбитого летчика, 2016) cũng kể về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược vào đầu những năm 1970.  Trên bầu trời Việt Nam, một chiếc máy bay Xô viết bị bắn rơi, và người phi công bị lính thuỷ đánh bộ Mỹ bắt làm tù binh. Lãnh đạo Mỹ đe doạ tố giác chính phủ Liên Xô, yêu cầu thả những gián điệp Mỹ bị giam giữ ở Moskva. Trong trường hợp bên kia không đáp ứng, dư luận thế giới sẽ có được bằng chứng về sự tham gia của Liên Xô vào xung đột chiến tranh. Quyết định cho vấn đề này chỉ có một phương thức – giải thoát tù binh phi công Xô viết. Nhóm đặc nhiệm của Cục Tình báo trung ương Liên Xô được giao thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm này. Họ phải hoạt động trong những khu rừng nhiệt đới rậm rạp ngay trước mũi những kẻ chiếm đóng vũ trang đầy đủ.

Roman Romanov viết tác phẩm Tuỳ bút về Việt Nam (tạm dịch từ: Несерьезные заметки о Вьетнаме) từ năm 2012, nhưng nó chỉ được biết rộng rãi trong giới độc giả vài năm sau đó. Đó là bút ký đầu tiên của tác giả trong tập Những trải nghiệm du lịch được viết với thể loại du ký (travelogue). Để minh hoạ, tác giả sử dụng những tấm ảnh của chính mình được chụp trong thời gian đến Việt Nam.

Tiểu thuyết phiêu lưu của Andrei Fakov Chuyện tình Xô – Việt (Советско-вьетнамский роман, 2018) kể về những sự kiện trong chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam 1964 – 1973 và về những chuyên gia quân sự Xô viết ở Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thời gian đó. Tác phẩm được đăng trên thư viện điện tử MyBook.ru, và như tác giả của nó khẳng định, được viết dựa trên những hồi ức của những người tham gia cuộc chiến tranh đó.

Vladilen Eleionsky là một luật sư chuyên nghiệp, tốt nghiệp Học viện Bộ Nội vụ ở Omsk. Gần đây, ông bắt đầu tích cực sáng tác văn học, viết các truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản điện ảnh. Trong tiểu thuyết Văn Thọ - con trai người du kích. Hồi ức của một lính thuỷ đánh bộ Mỹ về chiến tranh Việt Nam (Ван Тхо – сын партизана. Воспоминания морского пехотинца США о вьетнамской войне, 2018, đăng trên Internet) kể về một trung sĩ đặc nhiệm Mỹ ba mươi tuổi, người thất vọng về những giá trị gia đình nên vào năm 1969 đã tham chiến ở Việt Nam. Ở đây, anh bị bắt làm tù binh và trải qua những thử thách sống còn khác nhau.

Cuốn sách của German Kirsanov Những kỳ nghỉ ở Việt Nam hay những ghi chép của một downshifter[3]  (Вьетнамские каникулы или записки дауншифтера, 2019) về hình thức thuộc thể loại tiểu thuyết ái tình, đồng thời cũng là một tiểu thuyết phiêu lưu. Đó là câu chuyện của một doanh nhân Nga muốn thoát ra khỏi những vấn đề tài chính và gia đình nên đi đến Việt Nam để bắt đầu một cuộc sống mới ở đó.

Kết luận

Trong một thế kỷ rưỡi qua, Việt Nam và đề tài về Việt Nam nói chung đã hiện diện trong các tác phẩm của văn học Nga và văn học Xô viết, đôi khi chỉ tình cờ ngẫu nhiên, đôi khi rất rộng lớn và thường xuyên, điều này được quyết định không nhỏ nhờ vào tình hình quan hệ giữa hai nước. Nhưng các tác giả Nga luôn thể hiện sự đồng cảm chân thành đối với tình trạng gian khổ của cư dân đất nước châu Á xa xôi đó dưới thời thực dân và những năm tháng kháng chiến chống ngoại xâm, thể hiện sự tôn trọng đối với văn hoá và truyền thống của một dân tộc khác. Phong phú hơn cả là sáng tác ở giai đoạn xã hội chủ nghĩa – từ giữa những năm 1950 đến đầu những năm 1990, khi giữa Liên bang Xô viết và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà/Cộng hoà XHCN Việt Nam có những mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện, khi Liên Xô tích cực ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm và trong xây dựng kinh tế quốc dân. Tất cả những sự kiện đó đã tìm thấy sự phản ánh trong các tác phẩm của các nhà văn và nhà thơ Xô viết.

Sau khi Liên Xô tan rã và hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Nga và Việt Nam đi theo con đường xây dựng kinh tế thị trường, quan hệ song phương phần nhiều mang tính chất thực dụng, nhân tố tư tưởng hệ trước kia từng gắn kết hai nước đã đi vào dĩ vãng. Hào quang của Việt Nam anh hùng chiến đấu dần được thay thế bằng hình tượng một đất nước tự tin khẳng định vị thế của con rồng kinh tế mới Châu Á và một thiên đường du lịch nổi tiếng. Những thay đổi kinh tế xã hội toàn cầu ở Việt Nam chắc chắn đã ảnh hưởng đến các tác phẩm của các tác giả Nga, việc lựa chọn thể loại và hình thức xuất bản. Ngày nay, ba thể loại chủ yếu chiếm ưu thế là hồi ký, văn xuôi phiêu lưu quân sự, và du ký – là những ghi chép và nhật ký du lịch. Ngoài các ấn bản giấy, các tác phẩm dưới dạng điện tử, trong các thư viện trực tuyến, và dưới dạng sách nói đang trở nên phổ biến hơn. Trong những năm gần đây, Internet đã trở thành diễn đàn cho các cá nhân sáng tạo. Nhiều cổng thông tin và trang web đăng tải các hồi ký, thơ ca, bài hát của các chuyên gia quân sự Liên Xô viết về Việt Nam trong những năm đấu tranh chống Mỹ xâm lược, các tác phẩm du ký và blog của du khách Nga từ đi qua Việt Nam, nhiều video khác nhau mang các nội dung lịch sử, văn hóa và dân tộc học. Có vẻ như văn học mạng đang trở thành không gian sáng tạo chính, tạo cơ hội xuất bản tác phẩm cho bất kỳ tác giả nào, đồng thời cho phép tự do thử nghiệm sáng tạo. Văn học mạng trở thành một cái lò đúc, nơi ngày càng có nhiều văn bản với những chất lượng nghệ thuật khác nhau nhất được đổ vào, điều này tất yếu cũng có thể làm mất đi tính cá nhân của chúng. Văn học mạng đã thành một chỉ báo về những gì đang diễn ra không phải trong văn hóa, mà là trong văn hóa đại chúng. Và với những nhân tố này, có thể cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục có mặt trong các tác phẩm văn học của các tác giả Nga hiện đại, chủ yếu là tiểu luận báo chí và phóng sự, hồi ký và các thể loại khác, cả trên báo giấy lẫn ấn phẩm trực tuyến.

TS. A.A. Sokolov (Viện Đông Phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga)

Trần Thị Phương Phương dịch từ nguyên bản tiếng Nga: Вьетнам в произведениях современной русской литературы

Nguồn: Nhiều tác giả (2021), Nghiên cứu giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần 5, Nxb Đại học Quốc gia, tr. 427-433
 

Tài liệu tham khảo 

Buyanov (ed.) (2006), Có một từ không thể quên Liên Xô” (Это незабываемое слово “Льенсо”), Moskovskaya akademia ekonomiki i prava, Moskva.

Eleonsky V. (2018), Văn Thọ - con trai một người du kích. Hồi ức của một lính thuỷ đánh bộ Mỹ về chiến tranh Việt Nam (Ван Тхо – сын партизана. Воспоминания морского пехотинца США о вьетнамской войне), Ridero, Moskva.

Glazunov E.P. (ed.)(2005), Chiến tranh ở Việt Nam… Nó như thế nào: 1965 – 1973 (Война во Вьетнаме… Как это было: 1965-1973), Ekzamen, Moskva.

Ilinsky M.M. (2000), Đông Dương. Tro bụi bốn cuộc chiến tranh (Индокитай. Пепел четырех войн), Veche, Moskva.

Krutskikh Yu. (2019), Cam Ranh, hay những cuộc phiêu lưu không tưởng của các tàu ngầm ở Việt Nam (Камрань, или невыдуманные приключения подводников во Вьетнаме),Vladivostok.

Kuplevakhsky V. (1998), “Những câu chuyện nhỏ về chiến tranh” (Маленькие военные истории), Tạp chí Ngọn cờ, số 6.

Ognetov I.A. (2007), Hướng về Việt Nam (На вьетнамском направлении), Gumanitary, Moskva

Sattarov E. (2015), Quá cảnh Sài Gòn – Almaty. Số phận một người du kích Việt Nam (Транзит Сайгон - Алматы. Судьба вьетнамского партизана), Editorial USSH, Moskva.

Shcherbakov S.V. (2018), Vườn trẻ cho người lớn (Детский сад для взрослых), Neolit, Moskva.

Trang tư liệu tác phẩm văn học trên Internet (truy cập lần cuối: 20/01/2022)

http://www.nhat-nam.ru/vietnamwar/

https://www.litres.ru

https://mybook.ru

https://www.proza.ru  


[1] Năm 2005, cuốn sách này được tái bản có chỉnh sửa, bổ sung, với nhan đề Hội chứng Việt Nam. Cuộc chiến tranh thăm dò (Вьетнамский синдром. Война разведок). (Chú thích của A.A. Sokolov)

[2] Trên trang www.nhat-nam.ru/vietnamwar có thể tìm thấy hồi ký của các chuyên gia quân sự Liên Xô/Nga, những người vì nhiệm vụ đã gắn với chiến tranh Việt Nam. Tại đây cũng có rất nhiều những sáng tác thơ ca, văn xuôi của họ. (Chú thích của A.A. Sokolov)

[3] Downshifter là từ chỉ người thay đổi cách sống, thường từ giàu có, đầy đủ, địa vị tốt sang vị trí thấp kém hơn nhưng thoải mái hơn. (Chú thích của người dịch)

Những người Việt xa xứ, hằng ngày dùng tiếng nước sở tại để giao tiếp, sinh hoạt, giao dịch, làm ăn, nhưng lòng luôn đau đáu giữ gìn và truyền cho con cháu tiếng nói của cha ông.

20210911

Một lớp học của trường dạy tiếng Việt Lạc Long Quân của người Việt Nam ở Ba Lan

Tháng 9/2019, tôi tham gia tổ chức và chấm cuộc thi hát “Tôi yêu tiếng nước tôi” dành cho người Việt Nam sống ở nước ngoài trên toàn thế giới. Cuộc thi được tổ chức tại Khách sạn Sangate (mà người Việt đồng sở hữu) ở Thủ đô Warszawa của Ba Lan. Ban Tổ chức gồm các đơn vị Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam APPA, Hội người Việt Nam tại Ba Lan, báo Tiền Phong. Các đơn vị phối hợp: VTV 2 và Công ty CP Tiền Phong.

Tiếng Việt ơi, tiếng Việt nặng ân tình ảnh 2
Hai thí sinh từ Đức (trái) và Hungary ở phần thi hát dân ca của cuộc thi hát “Tôi yêu tiếng nước tôi”.

Cùng ca sĩ, NSND Thanh Hoa - Trưởng Ban Tổ chức, Nhạc sĩ, NSND Đặng Hùng - Trưởng Ban Giám khảo, ca sĩ Việt Hoàn - thành viên BGK và bầu đoàn BTC, BGK từ Việt Nam đổ bộ xuống sân bay Warszawa, tôi thấy một người đàn ông có dễ đã ngoài 60 chờ đón. Dẫn đoàn ra, ông nhanh nhẹn chất đống va ly lên mấy chiếc xe đẩy lớn rồi tự mình giành đẩy chiếc chất cao nhất. Khi di chuyển không còn nhìn thấy đường nên ông cứ phải nghiêng người ra từ sau núi va ly để quan sát phía trước.

Tiếng Việt ơi, tiếng Việt nặng ân tình ảnh 3
Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại Ba Lan Lê Xuân Lâm (bên phải) và Phó Chủ tịch Hội Nguyễn Lê Hùng

Ra đến xe, ông lại chất đống va ly ấy lên xe rồi ngồi vào sau tay lái. Về đến nơi, gặp mấy anh chị trong lãnh đạo Hội người Việt ở Ba Lan, tôi áy náy nói về việc người lái xe cao tuổi mà hăng hái, vất vả quá, các anh chị cười nói: Không phải lái xe đâu, đó là anh Lê Xuân Lâm - Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng Trường tiếng Việt Lạc Long Quân tại Ba Lan, Tổng Biên tập báo Quê Việt của cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Tính anh ấy ham việc, không nề hà gì, xốc vác thế đấy. Thực sự là một người vác tù và hàng tổng.

“Tôi yêu tiếng nước tôi” là cuộc thi hát của người Việt đang sống ở rất nhiều nước trên thế giới trước đó đã được tổ chức một đôi lần. Lần này, Ban lãnh đạo Hội người Việt tại Ba Lan, trong đó có anh Lâm đã nhận đăng cai cuộc thi ở Warszawa và phải nói là các anh chị đã làm mọi điều có thể để cuộc thi thành công. Tôi đã gặp ở đây và trong vài ngày đã kịp cảm phục, quý mến sự nhiệt tình, chu đáo và tận tâm ngoài của anh Lâm ra thì còn của Chủ tịch Trần Anh Tuấn, các Phó Chủ tịch Trần Trọng Hùng, Nguyễn Việt Triều, Nguyễn Lê Hùng của Hội người Việt Nam tại Ba Lan. Đó là tấm lòng của các anh chị đối với quê hương, đất nước, với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, cũng là tấm lòng với văn hoá Việt và Tiếng Việt.

Tên của cuộc thi là “Tôi yêu tiếng nước tôi”. Xa xứ, một trong những cách thức để làm dịu nỗi nhớ quê hương và bảo tồn tiếng nói của người Việt ở hải ngoại là hát. Có lẽ vì thế mà tuy chất giọng của các thí sinh có mạnh yếu khác nhau nhưng nghe họ có cái chất khác lạ so với khi nghe những giọng ca trong nước. Khi xong phần thi dân ca, NSND Thanh Hoa thốt lên: “Ít có cuộc thi hát dân ca trong nước có được chất cảm động như thế này! Có thể vì các bạn thí sinh sống bên này, luôn da diết nhớ về quê cha đất tổ nên hát dân ca mới da diết, xúc động, hay đến thế”.

Ca sĩ Việt Hoàn chắc cũng dạt dào cảm xúc nên cùng ngồi với anh ở Ban Giám khảo, tôi liếc qua tờ chấm điểm của anh thấy đa phần là trên 9, trong đó số điểm 9,5 khá nhiều.

Tiếng Việt ơi, tiếng Việt nặng ân tình ảnh 4
Một nhóm thí sinh cuộc thi hát "Tôi yêu tiếng nước tôi"

Có lẽ thi hát thì ngoài giao lưu và thi thố tài năng còn là phương thức bảo tồn văn hoá Việt và tiếng Việt trong cộng đồng rất hiệu quả. Trong các thí sinh có chị Nguyễn Thị Kim Liên đến từ Thái Lan và Nguyễn Tố Cầu (một cô gái có một nửa trong mình là dòng cháu châu Âu) từ Hà Lan khi nói bình thường thì có một số âm sắc lơ lớ nhưng khi hát thì hoàn toàn sõi. Trần Lê Na sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, học Luật trong nước xong sang định cư ở Ba Lan, một trong những thí sinh đoạt huy chương vàng của cuộc thi chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình rất may mắn, hạnh phúc và tự hào khi được tham gia cuộc thi hát “Tôi yêu tiếng nước tôi”. Tôi được hát, được diễn với tất cả đam mê, quan trọng hơn nữa là được chung tay cùng cộng đồng, cùng các anh chị em thí sinh góp phần duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá Việt, tiếng hát Việt trên toàn thế giới, nhất là tới thế hệ con em chúng ta mai sau”.

Tiếng Việt ơi, tiếng Việt nặng ân tình ảnh 5
Người dẫn chương trình Hội thảo quốc tế trực tuyến “Dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài” từ Ba Lan ngày 27/6/2021

Cái không khí cảm động của cuộc thi đã dẫn đến bài phát biểu bế mạc không được chuẩn bị trước của tôi. Số là đêm giao lưu ca nhạc tổng kết cuộc thi diễn ra được khoảng hai phần ba thì NSND Thanh Hoa - trưởng BTC ghé tai tôi nói: “Chị phải phát biểu cuối cùng nhưng chị sợ lên đó đứng khóc lắm. Em là phó lên phát biểu thay chị nhé”.

Tôi thực sự không nhớ rành rẽ hết mình đã nói những gì trong bài phát biểu ứng khẩu để khép lại cuộc thi đó. Có lẽ tôi đã nói rằng tiếng nói là một trong những điều góp phần phân biệt chúng ta với các dân tộc khác. Có lẽ tôi đã nói về nỗi buồn của những bậc ông bà khi cháu chắt thế hệ F1, F2, F3 ở nước ngoài về đã không còn trò chuyện được với người ruột thịt ở quê hương. Có lẽ tôi đã kể về trường hợp Teresa Sam - thí sinh về từ Anh quốc, một trong những cô gái đẹp nhất mà tôi từng thấy trong các cuộc thi hoa hậu mà báo Tiền Phong tổ chức đã bật khóc nức lên trên sân khấu đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt lần thứ nhất vì không thể trả lời được bằng tiếng Việt câu hỏi ở phần thi ứng xử.

Có thể tôi đã nói vài điều khác nữa, nhưng chắc chắn là tôi có đọc những câu thơ Huy Cận: “Nằm trong tiếng nói yêu thương/ Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời/ Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi/ Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con”. Tôi cũng đọc cả những câu trong bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ: “Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết/ Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi/ Như vị muối chung lòng biển mặn/ Như dòng sông thương mến chảy muôn đời” rồi “Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/ Có gọi thầm tiếng Việt giữa đêm khuya?” và “Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ/ Quên nỗi mình quên áo mặc, cơm ăn/ Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá/ Tiếng Việt ơi, tiếng Việt xót xa tình”.

Tiếng Việt ơi, tiếng Việt nặng ân tình ảnh 6
Chị Bình Minh Herbst (trái) - người đồng sáng lập và Giám đốc nghệ thuật của A.MUSE – Interractive Design Studio, giảng viên Đại học Mỹ thuật Essen, Đức

Chắc chắn tôi cũng đã liều hát một đoạn trong bài “Tình ca” của Phạm Duy: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời/ À à ơi! Tiếng ru muôn đời/ Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui/ Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi/ Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi/ Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi”.

Tôi là người hát dở nhất cuộc thi năm đó, nhưng sau có nhiều người tham dự chia sẻ rằng thích phần phát biểu của tôi.

"Tiếng ta còn thì nước ta còn" - Học giả Phạm Quỳnh

Từ đó đến nay, tôi vẫn giữ mối liên hệ với vài anh chị trong ban lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Ba Lan. Tôi quý họ vì sự nhiệt tình, vì chiều sâu văn hoá và tấm lòng với tiếng mẹ đẻ mà họ đã thể hiện khi chung tay tổ chức cuộc thi. Và tôi cứ tiếc là đã không có đủ thời gian để đến thăm trường dạy tiếng Việt Lạc Long Quân của anh Lê Xuân Lâm. Thế rồi tháng 6/2021 vừa qua, tôi nhận được tin nhắn của anh Lâm từ Ba Lan với tư cách Trưởng Ban Tổ chức mời tôi tham dự Hội thảo quốc tế “Dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài” do trường dạy tiếng Việt của anh phối hợp với Hội người Việt Nam tại Ba Lan tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Tiếng Việt ơi, tiếng Việt nặng ân tình ảnh 7

Thiết kế một sản phẩm dạy tiếng Việt cho trẻ nhỏ của Horami

Đúng ngày giờ hẹn, tôi vào địa chỉ mà anh đã gửi cho và kinh ngạc thấy là một hội thảo trực tuyến quy mô có đến hơn 100 đại biểu từ gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp thế giới dự. Dự kiến tổ chức trong 3 tiếng đồng hồ nhưng rốt cuộc hội thảo trở thành ma ra tông tới 7 tiếng và trong số 40 tham luận đăng ký thì có 24 được trình bày tại chỗ. Những mối quan tâm, những nỗi niềm đau đáu lo rồi lớp con cháu của những người xa xứ mù tiếng nói của cha ông. Những khó khăn, những nỗ lực, những sáng tạo kiên trì trong việc duy trì dạy tiếng Việt ở hải ngoại.

Ý kiến, tham luận nào cũng rất đáng quý nhưng tôi chú ý nhất là các phát biểu, tham luận từ hai trung tâm Đức và Ba Lan.

NSND Thanh Hoa thốt lên: “Ít có cuộc thi hát dân ca trong nước có được chất cảm động như thế này! Có thể vì các bạn thí sinh sống bên này, luôn da diết nhớ về quê cha đất tổ nên hát dân ca mới da diết, xúc động, hay đến thế”.

Từ Đức, hai phụ nữ trẻ xinh đẹp giới thiệu các chương trình dạy tiếng Việt qua các sản phẩm song ngữ, clip và ứng dụng âm nhạc tương tác của Nhà xuất bản Song ngữ Đức - Việt Horami. Đó là các chị Hạnh Nguyễn-Schwanke, người sáng lập NXB Horami (từ năm 2014), đồng sáng lập và giám đốc Học viện Horami Academy (từ 2020, chuyên dạy tiếng Việt qua các ứng dụng công nghệ quy mô toàn cầu) và Bình Minh Herbst, người đồng sáng lập và Giám đốc nghệ thuật của A.MUSE - Interractive Design Studio, giảng viên Đại học Mỹ thuật Essen, Đức. Phải yêu quê cha đất tổ và giàu sáng tạo lắm mới cho ra được bằng ấy sản phẩm giúp dạy tiếng Việt sinh động, trực quan, ngộ nghĩnh, hấp dẫn với trẻ em như các thẻ bài hát, ứng dụng âm nhạc học và chơi để học tiếng Việt, từ điển trực quan qua hình vẽ, các trò chơi video tương tác, trại hè trực tuyến...

Tiếng Việt ơi, tiếng Việt nặng ân tình ảnh 8
Chị Hạnh Nguyễn-Schwanke, người sáng lập NXB Horami (từ năm 2014), đồng sáng lập và giám đốc Học viện Horami Academy (từ 2020, chuyên dạy tiếng Việt qua các ứng dụng công nghệ quy mô toàn cầu)

Còn từ Ba Lan, anh Lê Xuân Lâm và một vài thầy ở Trường dạy tiếng Việt Lạc Long Quân đã trình bày những kinh nghiệm và phương pháp dạy tiếng Việt hiệu quả, phù hợp với điều kiện giáo viên hầu hết tay ngang và đặc biệt là học sinh ở trên địa bàn quá rộng, chỉ có thể học vào ngày nghỉ và có rất ít thời gian. Đó chính là những bí quyết để cho trường vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển sau 22 năm thành lập. Không những thế còn mở ra được một vài chi nhánh và thu nạp cả học sinh học tiếng Việt từ các nước khác. Có lẽ đây là mô hình thành công nhất trong các trường dạy tiếng Việt của các cộng đồng người Việt ở nước ngoài?

Tiếng Việt ơi, tiếng Việt nặng ân tình ảnh 9
Thiết kế một sản phẩm dạy tiếng Việt cho trẻ qua bài hát dân ca của Horami

Nghe xong hội thảo trực tuyến về dạy tiếng Việt cho con cháu của những người Việt xa xứ ấy, tôi đâm càng vương vấn tợn và cứ nghĩ về anh Lâm, về hàng trăm, hàng nghìn anh chị người Việt khác ở hải ngoại đang lo nghĩ cách truyền lại cho con cháu tiếng nói của cha ông, tinh thần cùng hồn cốt của dân tộc. Và cảm sâu hơn câu nổi tiếng ngót trăm năm trước của học giả Phạm Quỳnh: Tiếng ta còn thì nước ta còn.

Lê Xuân Sơn

Nguồn: Tiền phong, ngày 02.9.2021.

Các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đã vượt ra ngoài biên giới. Lần này, là tiếng vang sâu lắng trong lòng độc giả Hàn Quốc.

Là một nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, tôi thực sự vui mừng khi đón nhận các tác phẩm văn học Việt Nam, đặc biệt là các tác phẩm đã dịch sang tiếng Hàn. 

Mới đây, một bản dịch tuyển tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã được NXB Văn Học và Trí Tuệ (문학과지성사/Moonji Publishing Company) xuất bản ngày 16-3 tại Hàn Quốc. Nhân dịp này, tôi đã trò chuyện với dịch giả của cuốn sách, tiến sĩ Kim Joo-Young.

20230724Tiến sĩ Kim Joo-Young

Điều gì khiến cô dịch cuốn sách này?

Tôi dịch là vì muốn chiêm nghiệm sâu sắc hơn về tác phẩm Chảy đi sông ơi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Khi tôi đang theo học nghiên cứu sinh của khoa văn học Trường đại học KHXH&NV TP.HCM, chồng tôi cũng theo học thạc sĩ cùng khoa. Qua anh, tôi biết là trong lớp, anh đã được nghe giảng khá sâu về tác phẩm này. 

Tôi từng nghĩ rằng nếu đọc thì chỉ nắm được ý chính thôi, nếu dịch thì tôi có thể hiểu biết cụ thể, sâu sắc hơn về tác phẩm này trên nhiều phương diện. Điều đó thôi thúc tôi quyết tâm dịch truyện ngắn này sang tiếng Hàn.

Dịch và xuất bản bản là hai việc khác nhau. Lý do cô quyết định xuất bản?

Sau khi dịch xong tác phẩm Chảy đi sông ơi, tôi bắt đầu quan tâm đến tác phẩm Không có vua và tiếp tục dịch luôn. Tiếp nối quá trình hoàn thành hai bản dịch tương đối dài hơi này, tôi bắt đầu quan tâm đến việc xuất bản một quyển sách dịch.

 Tuy nhiên, những người trong giới xuất bản xung quanh tôi không hứng thú với tác phẩm không có chủ đề "chiến tranh". Tôi đã gửi hai bản dịch trên đến tạp chí Asia để hỏi có in không nhưng họ từ chối. Rất may là sau đó, bản dịch Không có vua đã được đăng trên Các nhà văn (작가들 Writers) - tạp chí của Hội Nhà văn Incheon, với sự giới thiệu của nhà văn Kim Nam-il.

Có những khó khăn như vậy nhưng cuối cùng cũng xuất bản được, xin cô kể lại.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, tôi tìm nguồn tài trợ khác và đăng ký tham gia Dự án hỗ trợ dịch thuật văn học nước ngoài Daesan. Nếu được dự án này hỗ trợ, các bản dịch sẽ được xuất bản ngay tại Hàn Quốc. May mắn thay, năm ấy, tức là năm 2019, một số tác phẩm văn học thiểu số (của các nước không phải lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức...) đã cùng được chọn. 

Sở dĩ tôi nói may mắn là vì Dự án hỗ trợ dịch thuật văn học nước ngoài Daesan thường chủ yếu chọn các tác phẩm viết bằng các thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Nhật, Trung...

Trong quá trình dịch, cô mất bao lâu và làm thế nào để giải quyết vấn đề bản quyền?

Vì tôi có quen biết với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ khi đăng truyện Không có vua trên tạp chí Các nhà văn nên ngay khi được chọn vào dự án hỗ trợ dịch thuật, tôi đã giúp thương thảo hợp đồng bản quyền giữa nhà xuất bản và tác giả. 

Suốt thời gian dịch truyện, tôi giữ liên lạc với tác giả, chủ yếu qua tin nhắn. Thời gian dịch mất khoảng 1 năm rưỡi, từ 2018 - 2019, lâu vì trong thời điểm ấy tôi vừa dịch tác phẩm vừa bảo vệ luận án tiến sĩ.

15 truyện ngắn được in trong cuốn sách gồm: Chảy đi sông ơi, Không có vua, Tướng về hưu, Cún, Muối của rừng, Sang sông, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Những bài học nông thôn, Những ngọn gió Hua Tát, Huyền thoại phố phường, Giọt máu, Sống dễ lắm, Chuyện ông Móng, Chú Hoạt tôi.

 

Nguyễn Huy Thiệp và tiếng vang sâu lắng tại Hàn Quốc - Ảnh 3.

Nguyễn Huy Thiệp viết nhiều truyện ngắn lắm, cô chọn ra 15 tác phẩm như thế nào?

Tôi chọn ra 15 tác phẩm để dịch. Sau khi tìm hiểu qua nhiều tư liệu, tôi chọn ra những tác phẩm nổi tiếng hoặc đáng dịch, loại trừ những tác phẩm liên quan đến lịch sử và văn học trong số truyện ngắn của tác giả. 

Ban đầu, Daesan không chấp nhận các tác phẩm do dịch giả lựa chọn, biên tập. Tuy nhiên, đối với trường hợp văn học Việt Nam, họ cho phép dịch giả tự chọn. Tất nhiên tôi đã giải thích tình huống xuất bản ở Việt Nam và họ đã đồng ý.

Nguyễn Huy Thiệp và tiếng vang sâu lắng tại Hàn Quốc - Ảnh 4.

Điều khó nhất khi dịch văn chương Nguyễn Huy Thiệp là gì?

Vì chuyên ngành của tôi là dịch thuật văn học nên tôi không thể lười biếng trong việc dịch tác phẩm. Nếu tôi cảm thấy không chắc chắn về điều gì dù là nhỏ nhất, tôi cũng có thể sai, nên tôi luôn hỏi những người Việt Nam quen biết. Tôi dành nhiều thời gian để nghiên cứu dữ liệu và liên tục tham khảo thêm tri thức trên Internet.

Tác phẩm đáng nhớ nhất mà cô dịch là gì?

Tôi nghĩ tác phẩm đáng nhớ nhất là Chảy đi sông ơi. Nhờ tác phẩm này mà tôi dịch được cả cuốn Tuyển tập tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp... Khi dịch mấy trang cuối, tới cảnh nhân vật chính bật khóc, tự nhiên tôi cùng rơi nước mắt. Đó là tác phẩm có ý nghĩa nhất đối với tôi, vì vậy tôi đã đặt nó ở vị trí đầu tiên trong bản dịch. 

Tôi cũng tự quyết định thứ tự sắp xếp các tác phẩm, nhà xuất bản tôn trọng lựa chọn và quyết định của tôi về mọi mặt.

Độc giả Hàn Quốc phản hồi thế nào sau khi xuất bản?

Đã hai tuần kể từ khi bản dịch được xuất bản, tôi rất vui vì độc giả Hàn Quốc phản hồi tốt hơn tôi nghĩ. Thẳng thắn mà nói, các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp có thể không phù hợp với thị hiếu của độc giả Hàn Quốc ngày nay. 

Tuy nhiên, cũng giống như các tác phẩm của ông ấy đã vượt ra ngoài biên giới và gây được tiếng vang với người phương Tây, tôi tin rằng chúng sẽ có thể gây được tiếng vang lặng lẽ mà da diết, âm thầm nhưng sâu lắng trong lòng độc giả Hàn Quốc.

Xin cảm ơn cô.■

Quỹ văn hóa Daesan là quỹ đầu tiên và duy nhất hỗ trợ ngành văn học thuộc các tập đoàn lớn Hàn Quốc và là quỹ công ích trực thuộc Tập đoàn Bảo hiểm nhân thọ Kyobo, được thành lập ngày 28-12-1992 với mục đích góp phần toàn cầu hóa văn học Hàn Quốc và phát triển văn hóa dân tộc.

Từ năm 2001, Quỹ văn hóa Daesan đã tuyển chọn, dịch và xuất bản mỗi năm chừng 8 tác phẩm văn học nước ngoài, tác phẩm đầu tiên là The Life and Opinions of Tristram Shandy, Gentleman (1759) của Laurence Sterne. Tuyển tập Nguyễn Huy Thiệp là tác phẩm thứ 183 được giới thiệu.

Theo tôi, tác phẩm văn học Việt Nam đầu tiên được du nhập vào Hàn Quốc là Nửa chừng xuân của Khái Hưng, xuất bản năm 1969. Tất nhiên, trước đó, Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu đã xuất bản vào năm 1906, nhưng đây có thể coi là một cuốn sử. Sau đó là Tuyển tập Truyện cổ tích Việt Nam được xuất bản năm 1984 và Áo trắng của Nguyễn Văn Bổng năm 1986. Tính đến thời điểm này, có 51 tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch sang tiếng Hàn, trong đó có 5 tác phẩm dịch 2 lần.

Tuy nhiên, so với sự phát triển của quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc, giao lưu trong lĩnh vực văn học có thể nói là vẫn rất khiêm tốn. Hiện nay, Hàn Quốc có một tổ chức gọi là Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc, hỗ trợ dịch văn học Hàn Quốc sang các ngôn ngữ khác. Nhờ đó, rất nhiều tác phẩm văn học Hàn Quốc gần đây đã được dịch sang tiếng Việt.

Nhưng việc giới thiệu văn học Việt Nam sang Hàn Quốc thực sự rất ít. Nguyên nhân chính là do thiếu nhân lực dịch thuật. Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam hầu như không có, đây có thể nói là một trong những nguyên nhân gây khó khăn nhất cho việc dịch thuật tác phẩm văn học Việt Nam sang các ngôn ngữ khác nói chung, sang tiếng Hàn nói riêng.

Mặt khác, đội ngũ dịch giả dịch văn học Việt Nam sang tiếng Hàn chủ yếu là người Hàn nói được tiếng Việt. Người Hàn sẽ có những lợi thế nhất định so với người Việt khi dịch văn học Việt Nam sang tiếng Hàn nhưng cũng có điểm bất lợi khi việc dịch thuật đòi hỏi phải am tường sâu sắc, toàn diện về đất nước, con người, văn hóa… Việt Nam. Trong trường hợp người Việt Nam nói tiếng Hàn, khi dịch tác phẩm từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng Hàn, dịch giả tuy có sở trường về ngôn ngữ nhưng lại gặp không ít khó khăn với mục tiêu phải chuyển ngữ tự nhiên, phù hợp với cách nói, lối tư duy, văn hóa… Hàn Quốc.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ trở thành một nước tiên tiến trong tương lai. Vì vậy, ngay từ bây giờ, Chính phủ Việt Nam cần có tầm nhìn quốc tế để đề ra một chính sách văn hóa phù hợp với sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa của đất nước hiện nay. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cần lắng nghe, tập hợp ý kiến của các chuyên gia đầu ngành liên quan đến văn hóa, văn học Việt Nam nhằm đề ra chính sách tốt, đưa văn hóa Việt Nam vượt sóng biển khơi, vươn tầm quốc tế.

GS.TS Bae, Yang Soo

GS.TS Bae, Yang Soo (Trưởng Khoa Tiếng Việt, ĐH Ngoại Ngữ Busan, Hàn Quốc)

Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 14.4.2023.

Cách đây tròn 10 năm, bản thảo tập tranh màu “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” được “đánh thức” sau hơn 100 năm quên lãng.

Đây là một tập tranh màu truyện thơ Lục Vân Tiên bản tiếng Pháp dịch từ tập truyện Lục Vân Tiên được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác năm Đồng Khánh thứ nhất (1866).

Bản sách tiếng Pháp thực hiện năm 1897 có tổng cộng 1.200 hình màu và 633 họa tiết do họa sĩ cung đình Huế thực hiện theo yêu cầu của Đại úy pháo binh hải quân Pháp tại Huế là E. Gibert.

“Đánh thức” kho tàng trăm năm

“Lục Vân Tiên cổ tích truyện” sau đó được dịch giả Abel des Michels chuyển ngữ sang tiếng Pháp và được Đại úy E. Gibert mang về trao tặng lại thư viện Viện Hàn lâm Pháp vào năm 1899.

Hơn một thế kỷ “ngủ yên” trong thư viện, bản “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” - Histoire de Luc Van Tien được GS Phan Huy Lê phát hiện khi sang Pháp.

Giữa năm 2011, GS Phan Huy Lê có chuyến công tác tại Pháp. Ông được mời đến thư viện của Học viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương Pháp để giao lưu và đi tham quan phòng lưu trữ. Giám đốc thư viện đã giới thiệu đến ông nhiều tác phẩm sách và bản đồ cổ của Viễn Đông.

Trong số đó có một tập bản thảo dày, ngoài bìa có dòng chữ viết tay bằng tiếng Pháp. Tạm dịch: Lịch sử Lục Vân Tiên do Lê Dui Trach minh họa, với sự bảo trợ của E. Gibert, Đại úy pháo binh hàng hải, phụ tá chỉ huy pháo binh tại Huế (An Nam), chính thức trao tặng cho Học viện vào ngày 26/5/1899.

Lập tức, GS Phan Huy Lê nhận ra đây là một văn bản quý của truyện Lục Vân Tiên do một người Việt Nam tên là Lê Đức Trạch (phiên âm sang tiếng Pháp viết không dấu là “Lê Dui Trach”) minh họa và do một sĩ quan người Pháp là Đại úy Gibert tổ chức bản thảo.

Ông Lê Đức Trạch là “thư lại chế họa đồ thức”, hay có thể hiểu là một nho sĩ - viên chức làm việc trong một cơ quan chuyên vẽ đồ bản trong cung đình nhà Nguyễn. Đây có thể là một cơ quan trong đội Giám thành của Kinh thành Huế.

Đây là truyện thơ minh họa bằng tranh màu là một độc bản quý hiếm chưa từng được công bố kể từ khi hoàn thành vào cuối thế kỷ 19 (năm 1897). E. Gibert là người đã thúc đẩy công trình độc đáo hiếm hoi này bằng niềm mến mộ đối với truyện thơ Lục Vân Tiên nói riêng, và các tác phẩm kinh điển của Việt Nam nói chung.

Theo các tư liệu giải mã, E. Gibert đến Bắc Kỳ lần thứ nhất từ 1890 - 1892. Ở lần thứ hai, Gibert được bổ nhiệm làm Đốc trưởng pháo binh ở Huế, và lưu lại trong khoảng thời gian từ 1895 - 1897.

Trong lần lưu trú thứ hai này, ông đã đề nghị họa sĩ Lê Đức Trạch thực hiện các bức tranh minh họa theo phong cách “bản thảo chiếu sáng” truyền thống của phương Tây. Ngoài ra, có một nghệ sĩ vô danh khác đã thực hiện vài bức đơn giản hơn ở cuối trang.

20210809 6

Lục Vân Tiên cổ tích truyện” có tổng cộng 1.200 hình màu và 633 họa tiết do họa sĩ cung đình Huế và Đại úy E. Gibert phối hợp thực hiện, hoàn thành năm 1897.

Theo giải mã của các chuyên gia Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, bản thảo tranh màu “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” hoàn thành vào ngày 18/6/1897. Phía trước mỗi trang minh họa được chèn một trang trống, dùng để Đại úy E. Gibert viết ghi chú giải thích. Một tờ giấy khác được chèn để bảo vệ những trang tranh minh họa của Lê Đức Trạch. Bản thảo được đọc từ trên xuống dưới, từ phải sang trái. Quyển sách được khâu thủ công và đóng lại bằng bìa cứng.

 

Châu về Hợp Phố

Lục Vân Tiên là truyện thơ lục bát nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Mặc dù bị mù hai mắt từ khi 27 tuổi (1849), nhưng trong hoàn cảnh sa sút, Nguyễn Đình Chiểu đã phải vừa dạy học, vừa làm thuốc để kiếm sống và sáng tác.

Truyện thơ Lục Vân Tiên được sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1851 đến trước 1859, bằng cách đọc lại cho học trò và bạn bè khi chép, trở thành một tác phẩm văn học dân gian truyền miệng.

Theo GS Phan Huy Lê, bản chữ Nôm đầu tiên xuất bản do nhà văn Duy Minh Thị (một viên chức hành chính thời Pháp) thu thập, đính chính và khắc in tại Bảo Hoa Các tàng bản (Trung Quốc) khoảng năm 1864. Năm 1865 in lại ở Chợ Lớn do hiệu sách Quảng Thạnh xuất bản. Bản phiên âm sang chữ quốc ngữ đầu tiên của Gustave Jan-neau in tại Sài Gòn năm 1867 rồi in lại ở Paris năm 1873.

Năm 1883, Abel des Michels cho xuất bản Lục Vân Tiên ca diễn bằng ba thứ tiếng: Chữ Nôm, phiên âm quốc ngữ và bản dịch tiếng Pháp. Khi Nguyễn Đình Chiểu mất, năm 1889 học giả Trương Vĩnh Ký đã thu thập, tham khảo các bản và chỉnh lý, cho xuất bản tại Sài Gòn “Lục Vân Tiên truyện”. Đây được coi là văn bản chữ quốc ngữ có giá trị nhất.

Bản thảo của E. Gibert đã cung cấp một văn bản chữ Nôm mang tên Lăng Vân Đường mà Lê Đức Trạch đã sử dụng. Nguồn gốc của bản thảo Lăng Vân Đường vẫn chưa rõ, và mặc dù là một dị bản nhưng các tranh minh họa bởi Lê Đức Trạch lại có đóng góp rất lớn.

Truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là một tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam. Tuy vậy, điều đặc biệt ở bản thảo bị quên lãng lại được minh họa trọn vẹn bài thơ hơn 2.000 câu.

Sau phát hiện của GS Phan Huy Lê, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đã phối hợp với Thư viện Viện Pháp và tổ chức một dự án nghiên cứu và công bố bản thảo minh họa truyện Lục Vân Tiên.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành scan chụp 139 tấm cùng nhiều ngày nghiên cứu, giải mã các bí ẩn liên quan đến bản thảo tập tranh màu hơn 100 năm này. Bản minh họa tác phẩm thi ca đậm bản sắc dân tộc mang tên “Lục Vân Tiên” - sau trăm năm rơi vào quên lãng đã được “đánh thức”.

Mối lương duyên giữa GS Phan Huy Lê với Nguyễn Đình Chiểu - nói đúng hơn giữa ông với Đại úy E. Gibert và họa sĩ cung đình Lê Đức Trạch đã làm “sống lại” một công trình cổ tích giá trị. Điều đó đã làm phong phú hơn kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, cũng như chứng minh cho chân lý “châu về Hợp Phố”.

Trần Hòa

Nguồn: Giáo dục và Thời đại, ngày 09.7.2021.

Những kẻ tuyệt vọng bắt đầu một cách vừa lãng mạn vừa ly kỳ, và độc giả rồi sẽ ngợp trong không khí của các tiểu thuyết tâm lý xã hội và hiện thực huyền ảo với những điểm xuyết đậm chất gothic.

Đêm trăng, côn trùng nỉ non. Trong công viên um tùm cây cối của một tòa lâu đài bỏ hoang, một người đàn ông trung niên đứng lặng trước mặt hồ, dưới đáy sâu kia là thi thể đang tan rữa của một thiếu phụ hẳn đã có ý nghĩa đặc biệt với anh, thi thể do chính tay anh từng bí mật gói ghém và đẩy vào lòng nước, có lẽ với rất nhiều cay đắng. Một hồn ma nữ thì thầm cất lời … 

Những kẻ tuyệt vọng bắt đầu một cách vừa lãng mạn vừa ly kỳ, và độc giả rồi sẽ ngợp trong không khí của các tiểu thuyết tâm lý xã hội và hiện thực huyền ảo với những điểm xuyết đậm chất gothic. 

Tất cả được lồng ghép và bổ sung cho nhau một cách tài hoa và tinh tế, trong một cấu trúc chặt chẽ, một nhịp điệu tao nhã, qua hai giọng kể xen kẽ - của nhân vật chính và của một người chỉ lộ diện ở những trang cuối - dưới ngòi bút điêu luyện và cái nhìn sắc bén của Minh Tran Huy.

20230312

Người tình xinh đẹp ơi, chúng mình là thế này: nàng không còn nếu thiếu ta, ta không còn nếu thiếu nàng - Câu thơ của nữ sĩ Marie de France được tác giả chọn làm lời đề từ như để báo trước một cái kết buồn.

Lise và Louis gặp nhau ở sân trường đại học, cùng tuổi hai mươi, cùng yêu lần đầu, cùng choáng váng bởi người đối diện, nhưng đó là hai cá thể khác nhau như trời với vực. Lise thâm trầm và say mê cái đẹp, Louis sôi nổi và tôn vinh đồng tiền; Lise thả hồn vào thế giới văn chương và điện ảnh, Louis thực dụng và không đọc gì ngoài thông tin thời sự; Lise khổ sở vì hoài nghi và liên tục chất vấn, Louis tự tin tiến thẳng vào đời…

Sự đối lập này hẳn đến từ những khác biệt trong nguồn gốc của hai nhân vật: Lise là kết quả cuộc hôn nhân giữa một di dân Việt và một phụ nữ Pháp đều nhờ học hành mà đặt chân được vào giới trí thức trung lưu; còn Louis sinh ra trong một gia đình quyền quý của Paris, nơi từng thành viên đều ý thức được vị thế xã hội của mình. 

Tiếng sét ái tình, do vậy, nhanh chóng bị chiếm chỗ bởi những mâu thuẫn ngày càng gay gắt, không phải chỉ giữa hai cá tính quá mạnh mà còn giữa hai tầng lớp xã hội bề ngoài có vẻ hòa hợp nhưng bản chất là xung đột trong nhiều giá trị và nhân sinh quan.

Có thể nói, khác biệt giai cấp là đề tài trọng tâm của Những kẻ tuyệt vọng - nơi độc giả có dịp thám hiểm những ngóc ngách quanh co nhất trong tâm hồn con người, khám phá những trải nghiệm vừa lạ vừa quen của những khao khát cuồng nhiệt đến mức hủy diệt, tiến sâu vào những vấn đề xã hội học như ảnh hưởng của tuổi thơ, nguồn gốc, học vấn, điều kiện sống lên việc hình thành nhân cách, mối quan hệ khăng khít và bí hiểm giữa cái thiện và cái ác, giữa sát nhân và nạn nhân, giữa tinh thần và vật chất, giữa kiến thức và trải nghiệm, giữa hiện thực và huyễn tưởng, giữa đồng tiền và quyền lực, giữa cuộc sống và cái chết…

Với người đọc Việt Nam, Những kẻ tuyệt vọng viết lên những trang tuyệt đẹp về cố hương và tha hương; về chiến tranh, lịch sử và những cái giá phải trả; về ẩm thực, ngôn ngữ và tổ tiên; về sự tích Trầu Cau, cổ tích Tấm Cám, truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy…

Sau Công chúa và chàng đánh cá, tiểu thuyết đầu tay lấy cảm hứng từ chuyện tình Trương Chi và Mỵ Nương, Minh Tran Huy tiếp tục xây cầu nối giữa thế giới huyền thoại và thế giới đương đại, giữa văn học dân gian Việt Nam và văn chương thế giới, như một cách bày tỏ tình cảm với ký ức và lịch sử của cha ông, như thử tìm một bến bờ mới trong cuộc phiêu lưu cùng chữ nghĩa với một hành trang kiến thức đã vô cùng phong phú.

Khi gặp Minh Tran Huy lần đầu tiên cách đây nhiều năm, cô gái dong dỏng cao với mái tóc đen dài, cặp mắt long lanh với cái nhìn cương trực ấy đang là phó tổng biên tập tạp chí văn chương danh tiếng Magazine Littéraire

Người mẹ gốc Nha Trang đã tặng Minh những nét đẹp duyên dáng của phụ nữ Chàm, và người cha quê miền Bắc đã truyền cho Minh sự nhạy cảm với ngôn từ. Minh bảo tên đầy đủ của Minh là Trần Huy Ngọc Minh, nghĩa là viên ngọc sáng.

Hơn một năm sau, mùa thu 2007, trong hiệu sách của Paris, tôi bất ngờ thấy tiểu thuyết La princesse et le pêcheur (Công chúa và chàng đánh cá) với Minh Tran Huy ở vị trí tác giả. Nỗi tò mò đã khiến tôi đọc xong trong một đêm tác phẩm hư cấu với nhiều tính tự truyện đó của Minh và không mấy bất ngờ khi hay tin nó được vào chung khảo của giải Goncourt dành cho tiểu thuyết đầu tay cùng năm. 

Nhưng có lẽ phải đợi đến La double vie d’Anna Song (Cuộc đời hai mặt của Anna Song) thì văn phong của Minh mới tỏa sáng bội phần. Voyageur malgré lui (Người lữ hành bỉ cực), viết 5 năm sau đó, khẳng định bút lực dồi dào của Minh.

Trước khi xuất bản tiểu thuyết thứ tư Những kẻ tuyệt vọng, Minh là tác giả của nhiều tiểu luận văn học, trong đó có tập Les écrivains et le fait divers: une autre histoire de la littérature (Các nhà văn và những tin vặt: một câu chuyện khác của văn chương). Tháng 9 này, độc giả Pháp sẽ được đọc Un enfant sans histoire (Một đứa trẻ vô hại) mà tôi đã được Minh cho xem bìa và thổ lộ nhiều tâm huyết.

Sau Linda Lê, cùng với Viet Thanh Nguyen, Ocean Vuong, Doan Bui…, Minh Tran Huy đang làm nên cái gọi là văn chương gốc Việt. ■

Thuận

Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 16.01.2023.

Có thể nói, bất cứ một nhà văn nào của Việt Nam có tác phẩm được xuất bản ở nước ngoài, với ngôn ngữ nào khác tiếng Việt đều có cảm giác hãnh diện, tự hào. Không vui sao được khi tác phẩm của mình, đứa con tinh thần của mình có thêm không gian và đối tượng tiếp nhận mới. Tuy nhiên, kể từ sau mở cửa đến nay, số lượng văn học Việt được dịch, xuất bản và giới thiệu ở nước ngoài vẫn khá khiêm tốn, nếu không muốn nói là vẫn có thể đếm được trên đầu ngón tay...

Muôn nẻo đường sách xuất ngoại

Vài năm trở lại đây, có một tác giả liên tục có sách được xuất bản ở nước ngoài, đó chính là Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn có số lượng sách bán ra số 1 Việt Nam. Cho đến nay, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có khá nhiều đầu sách được xuất bản ở nước ngoài, trong đó phải kể đến cuốn "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" đã lần lượt được xuất bản tại Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản... Đặc biệt, tác phẩm này còn được một số trường học ở Thái Lan đưa vào giảng dạy trong nhà trường. 

Ở Thái Lan, nhà nước có quy định về việc các nhà trường phải tuyển chọn và giới thiệu tác phẩm của các nước trong khối ASEAN và có quyền tự quyết định việc chọn tác phẩm nào. Tại Nga, bản dịch cuốn "Cô gái đến từ hôm qua" cũng được tuyển chọn, giới thiệu và giảng dạy trong trường học. Đây quả là một niềm vinh dự lớn đối với văn học Việt Nam nói chung và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói riêng. 

Tại Nhật Bản, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có 3 tác phẩm đã được xuất bản đó là "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" và "Mắt biếc". Vào đầu năm 2019, khi Nhật chiếu bộ phim Việt được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Việt kiều Victo Vũ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã cùng với đại diện Nhà xuất bản Trẻ là Giám đốc Nguyễn Minh Nhựt có chuyến đi sang Nhật để giới thiệu về tác phẩm này. 

Với 3 tác phẩm đã được xuất bản tại Nhật, có thể nói nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã ít nhiều tạo được dấu ấn nhất định đối với độc giả trẻ Nhật Bản. Theo như chia sẻ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh về chuyến đi sang Nhật để giới thiệu về tác phẩm "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", thì một số bạn đọc khi tiếp cận với tác phẩm "Mắt biếc" ở Nhật trước đó, đã bày tỏ ý định mong được đến Việt Nam để tìm hiểu về thiên nhiên, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Đó chính là điều khiến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vô cùng xúc động...

20210705 7

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (thứ 2 từ phải sang) trong chuyến đi đến Nhật Bản để quảng bá tác phẩm "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".

Một tác phẩm viết cho thiếu nhi khác cũng được giới thiệu rộng rãi ở nước ngoài từ sớm đó chính là tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài. Theo thống kê của Nhà xuất bản Kim Đồng - đơn vị giữ bản quyền xuất bản các tác phẩm thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài, cho đến nay tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" đã có mặt ở 40 quốc gia. Đến nay, "Dế Mèn phiêu lưu ký" được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ phổ biến như tiếng Nga, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... 

Trong đó, bản dịch quan trọng nhất của "Dế Mèn phiêu lưu ký" là bản dịch tiếng Anh của dịch giả Đặng Thế Bính chuyển ngữ vào năm 1960. Sau này, các bản dịch qua các ngôn ngữ khác đều được dịch từ bản tiếng Anh này. Tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" được trẻ em ở nhiều nước yêu thích cũng là điều minh chứng rất sinh động cho sự "không biên giới" của văn học: Một tác phẩm ra đời ở bất kỳ đâu, bằng ngôn ngữ nào cũng hoàn toàn có thể được yêu thích trên toàn thế giới!

Nói về các tác phẩm văn học Việt Nam được xuất bản ở nước ngoài, sau sự nổi tiếng của "Truyện Kiều" với trên 40 thứ tiếng và "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh được dịch ra trên 10 thứ tiếng, thì phải kể đến tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" của nhà văn Bảo Ninh đến nay đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng và đem đến cho tác giả "Giải thưởng Văn học châu Á lần 2" vào năm 2018 được tổ chức tại Hàn Quốc. 

Có thể nói, "Nỗi buồn chiến tranh" chính là tiểu thuyết Việt Nam đương đại nổi tiếng nhất của Việt Nam được thế giới biết đến nhiều nhất. Ngoài việc là một tác phẩm xuất sắc, cũng bởi còn có một lẽ khác là, Việt Nam được thế giới biết đến là một đất nước đau thương vì trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt. 

"Nỗi buồn chiến tranh" chính là một "lát cắt" tương đối đầy đủ với thân phận con người trong cuộc chiến tranh ấy và trong cả thời hậu chiến, chính là điều nhân bản khiến trái tim người đọc bị lay động. Vì thế, "Nỗi buồn chiến tranh" gây chú ý với truyền thông quốc tế và được nhiều nước chọn dịch, giới thiệu, quảng bá. Người ta cho rằng, Bảo Ninh với một giọng điệu văn học đặc biệt trong "Nỗi buồn chiến tranh", tác phẩm chắc chắn sẽ còn được nhiều quốc gia chọn để chuyển ngữ và xuất bản theo kiểu "hữu xạ tự nhiên hương".

Còn lắm gian nan

Có thể thấy rằng, khoảng 20 năm nay có khá nhiều tác giả Việt có tác phẩm được chuyển ngữ, xuất bản ở nước ngoài như Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Lê Lựu, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư... 

Bìa tác phẩm "Tướng về hưu" của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được NXB Éditions de Laube (Pháp) tái bản nhiều lần.

Trong số ấy, cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chính là tác giả có nhiều tác phẩm được được dịch và xuất bản ở nước ngoài nhất với các ngôn ngữ như Pháp, Đức, Italia, Thụy Điển, Hà Lan... Đặc biệt phải kể đến cuốn "Tướng về hưu" đã được xuất bản tại Pháp ngay từ năm 1990 với tên "Un général à la retraite" và được tái bản nhiều lần sau đó. 

Theo thống kê, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có khoảng 10 tác phẩm được dịch và xuất bản ở nước ngoài như "Tướng về hưu", "Muối của rừng", "Sang sông", "Vàng và lửa", "Mưa Nhã Nam", "Sói trả thù", "Trái tim hổ", "Tuổi hai mươi yêu dấu"... Điều này từng khiến nhiều người cho rằng đã tạo nên "hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp" bởi vì trước ông, chưa có tác giả Việt Nam nào đạt được điều này.

Có ý kiến cũng cho rằng, sở dĩ tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được giới thiệu nhiều ở châu Âu là vì trong một thời gian khá dài, Nhà xuất bản Éditions de Laube của Pháp đã rất kiên trì giới thiệu và nhiều lần tái bản tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Còn lại, đa số các nhà văn Việt Nam được dịch, xuất bản tác phẩm ở nước ngoài là thông qua con đường "ngoại giao văn hóa", trao đổi về dịch thuật giữa nước ta và các nước trên thế giới. 

Năm 2002, lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam với sự tham gia của 25 dịch giả đến từ 22 quốc gia. Đến năm 2019, ở lần tổ chức thứ IV được tổ chức nhân Ngày thơ lần thứ 17 đã có tới gần 200 nhà thơ, dịch giả của 46 quốc gia tham dự. 

Tại hội nghị lần thứ IV, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khi đó đã phát biểu rằng: "Gần 20 năm trôi qua kể từ hội nghị Quảng bá văn học lần thứ nhất - 2002, đã có thêm nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều tạp chí văn học lớn của thế giới ra số đặc biệt về văn học Việt Nam; thêm nhiều giáo trình về văn học Việt Nam được giảng dạy ở các trường đại học lớn trên thế giới. Số sách văn học Việt Nam trong các trường đại học lớn của nhiều nước tăng nhanh với tốc độ đáng mừng...". 

Tuy nhiên, có thể thấy nhận định của nhà thơ Hữu Thỉnh khi đó vẫn chủ yếu là có "tính chất chào mừng" là chính, hiệu quả của các đợt quảng bá văn học thông qua các hoạt động này cho đến nay vẫn thực sự là không được như mong đợi mà rất nhỏ lẻ, manh mún. 

Trước đó, một số đầu sách của Việt Nam thông qua các Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam đã được xuất bản ở một số nước trên thế giới như: "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh (xuất bản ở các nước: Canada, Đức, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc…), "Tổng tập nghìn năm văn hiến" (gồm 15 tập được xuất bản tại Nga), tác phẩm của các tác giả Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi... cũng đã được giới thiệu với bạn bè quốc tế tại Pháp, Mỹ, Ba Lan, Thụy Điển... Tuy nhiên, có thể thấy, số lượng tác giả - tác phẩm của Việt Nam được dịch, giới thiệu và quảng bá ở nước ngoài thực sự rất ít, nếu không muốn nói là còn khá... hiếm hoi!

Nguyệt Hà

Nguồn: Văn nghệ công an, ngày 17.6.2021.

Năm 2023 đánh dấu mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh, nhưng lịch sử mối quan hệ giữa nước ta với một trong những cường quốc hàng đầu thế giới đã bắt đầu từ những ngày đầu Anh cùng các quốc gia châu Âu mở rộng hoạt động thương mại, tìm kiếm thị trường ở châu Á sau thành công vang dội mà các cuộc phát kiến địa lý đem lại.

Không giống mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ, Pháp, hay Liên Xô/Nga, Trung Quốc hoặc các quốc gia láng giềng, quan hệ giữa Việt Nam và Anh, nhất là trong những buổi đầu tiếp xúc đã không được nghiên cứu và phổ quát một cách rộng rãi. Chính vì vậy, việc có những nhà nghiên cứu, những học giả tìm tòi những đơn hàng xuất nhập khẩu, những thư trao đổi qua lại giữa đại diện hai nước trong hàng triệu trang tư liệu cổ của Công ty Đông Ấn Anh mang một ý nghĩa hết sức đáng quý. Alastair Lamb là một nhà nghiên cứu như thế. Là một sử gia về ngoại giao, nhưng ông có một phông nghiên cứu rộng về cả khảo cổ, lịch sử và quan hệ quốc tế; cũng như khả năng đọc, tìm hiểu những tư liệu gốc quý giá tại các trung tâm lưu trữ, thư viện ở nhiều quốc gia trên thế giới để cho ra đời những tác phẩm quý giá. Khi nghiên cứu về các thuộc địa Anh ở Đông Nam Á, ông đã có cơ hội quan trọng để tìm hiểu về hoạt động của Công ty Đông Ấn Anh trong khu vực, và từ đó cho ra đời những nghiên cứu về hoạt động của người Anh ở Việt Nam thời cận đại. Tuy nhiên, ông đã phải mất cả thập kỷ để hoàn thiện nghiên cứu về vấn đề này khi năm 1961 cho xuất bản chuyên san về quan hệ Anh – Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX với nhan đề “British Missions to Cochin China: 1778-1822” đăng trên tạp chí Journal of the Malayan Branch of the Royal Asiatic Society. Đến năm 1970, kế thừa những kết quả nghiên cứu trước đó và sưu tập, bổ sung thêm một loạt tài liệu mới tìm được ở Phông Lưu trữ về Công ty Đông Ấn Anh (ngày nay các tài liệu này còn được giữ tại các Thư viện Quốc gia Anh (British Library), Bảo tàng Anh (British Museum), hay thư viện của các trường Đại học lớn và một số thư viện cá nhân, Lamb đã cho xuất bản công trình “The Mandarin Road to Old Hué: Narratives of Anglo-Vietnamese Diplomacy from the 17th Century to the Eve of the French Conquest”.

Có thể nói đây là công trình nghiên cứu đầy đủ đầu tiên của một học giả về quan hệ Việt Nam – Anh đến trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Đà Nẵng năm 1858 mặc dù thực tế những phái bộ đó đến với Đàng Trong (thời chúa Nguyễn) và khu vực Nam Trung Bộ dưới thời Nguyễn nhiều hơn là đến khu vực miền Bắc. Nhận thức được tầm quan trọng của công trình này, NXB Hội Nhà văn cùng với Thư viện Nguyễn Văn Hưởng đã đầu tư để Đinh Tuấn Nghĩa dịch dưới nhan đề “Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 -19”. Cái tên “Con đường thiên lý” mang đậm hơi hướng văn chương, nhưng cũng từ đó mà nó gợi lên hình ảnh về một chặng đường lâu dài, cam go của người Anh trong việc tiếp cận thị trường và chính quyền Việt Nam thời cận đại.

Những khó khăn đó được toát lên từ nhiều khía cạnh khác nhau; đơn cử như trong hoạt động ngoại giao là việc các thương nhân Anh khó tiếp cận với chúa Trịnh ở cuối thế kỷ XVII để xin giấy phép buôn bán, xây dựng thương điếm, hoặc là nếu có tiếp cận được thì cũng tốn nhiều kinh phí, bị hạch sách bởi quan lại các cấp.Hoặc như chuyến đi năm 1778 của Chapman gặp nhiều bất trắc do lúc này là thời điểm diễn ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn khiến người Anh phải cẩn trọng với những phe nhóm chính trị, quân sự khác nhau; và thậm chí tàu Jenny của Anh đang neo đậu ở Huế đã phải nổ súng tấn công hai tàu Đàng Ngoài vào tháng 11/1778.2 Macartney cũng gặp sự nghi ngờ của chính quyền địa phương bởi thực tế khủng hoảng và hỗn loạn lúc bấy giờ. Ngày 4/6/1793, phái bộ Anh được triều đình Tây Sơn tiếp đón với những sự chuẩn bị có vẻ khác thường khi ngoài những nghi lễ ngoại giao, quà tặng, hoạt động giải trí thông thường, người Anh còn phát hiện thấy “ngoài 150 lính giáo diễu hành gần nhà quan Trấn thủ thì còn có khoảng nửa tá voi và một số lớn kỵ binh trong làng, dù không ra mặt, cùng với lượng lớn bộ binh lẫn giữa khu nhà dân, được điều xuống từ trong đất liền ngay khi chúng tôi mới xuất hiện ở vịnh” bởi nhà Tây Sơn “vốn có những nghi ngờ không nhỏ về chúng tôi, coi chúng tôi không hơn bọn hải tặc và lục lâm là mấy”.3 Chúa Nguyễn thế kỷ XVII, XVIII là những người phóng khoáng, sẵn lòng chào đón thương nhân Anh; nhưng vương triều Nguyễn của vua Gia Long, Minh Mạng rồi Thiệu Trị, Tự Đức lại có những lý do khác nhau để từ chối, hạn chế tiếp đón và hợp tác với người Anh, khiến cho những chuyến đi của sứ bộ Anh trong thế kỷ XIX hầu như không có kết quả khả quan.

Cuốn sách này có cách trình bày rất đơn giản, phổ thông theo biên niên sử, nhưng chính cách tiếp cận đó lại dễ dàng giúp cho người đọc có thể hình dung về diễn tiến mối quan hệ Anh – Việt Nam, hay cụ thể hơn là những hoạt động ngoại giao và thương mại của đại diện Công ty Đông Ấn Anh tại Việt Nam. Sáu phần khác nhau thực chất là sự lần lượt trình bày các phái đoàn Anh ở Việt Nam theo dòng thời gian từ cuối thế kỷ XVII cho đến giữa thế kỷ XIX, gồm phái bộ của Thomas Boyear (1695-1696), Chapman (1778), George Macartney (1793), Roberts (1804), John Crawfurd (1822), Davis (1847) và Thomas Wade (1855). Cách tiếp cận vấn đề của Lamb thiên về phía Anh khi đặt vấn đề nghiên cứu theo diễn biến của các phái bộ Anh tới Việt Nam, và từ đó là đưa ra góc nhìn của người Anh về câu chuyện quan hệ Anh – Việt Nam trong gần ba thế kỷ. Điều đó có thể sẽ không làm hài lòng những độc giả muốn một cách tiếp cận tổng thể, hai chiều; nhưng lại hoàn toàn phù hợp với hàm lượng khoa học của một công trình ra đời năm 1970, khi mà việc khai mở, trình bày hệ thống tư liệu gốc vốn đa dạng, phong phú về một vấn đề nghiên cứu đã được coi là một đóng góp vô cùng quan trọng cho khoa học; và tác giả cũng không phải là người dành cả cuộc đời nghiên cứu về Công ty Đông Ấn Anh và quan hệ của nó với Việt Nam. Lamb đã đóng vai trò khai mở quan trọng, giúp một loạt nhà nghiên cứu về thương mại Việt Nam thời cận đại, hay quan hệ Việt Nam – Anh tiếp tục hoàn thiện và bổ sung với những tư liệu mới và những cách tiếp cận mới.

20230308 2

Bức thư của chúa Trịnh Tạc gửi công ty Đông Ấn Anh, có thể được viết vào năm 1673. Nguồn ảnh: Bảo tàng Anh.

Với cách làm đó, phần lớn nội dung cuốn sách của Lamb không phải là những lập luận, đánh giá của tác giả về quan hệ Anh – Việt Nam mà là tổng hợp, công bố những tư liệu như hồi ký, ghi chép, đánh giá thú vị của các đại diện Công ty Đông Ấn Anh, các thủy thủ trên tàu, hoặc thư từ trao đổi giữa Anh và Việt Nam còn được lưu giữ. Những ghi chép đó là vô cùng quan trọng, quý giá để đưa ra thông tin về mối quan hệ còn nhiều điểm chưa được khai lộ như thực tế mối quan hệ thương mại Anh – Việt Nam trong thế kỷ XVII, hoặc những nỗ lực của người Anh trong tiếp xúc với triều đình và quan lại Việt Nam xuyên suốt mấy trăm năm; cũng như góp phần quan trọng vào việc cung cấp một góc nhìn của người Anh về con người, văn hóa, kinh tế và các mặt đời sống xã hội Việt Nam thời cận đại; cùng với những công trình của học giả người Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX để làm giàu hơn những ý kiến của người châu Âu về đất nước ta. Mỗi một ghi chép đều chứa đựng những thông tin cụ thể về triều đình, tranh chấp quyền lực, phân bố địa giới hành chính, chế độ quan lại, quân đội, các sản phẩm hàng hóa, các thương cảng quan trọng, hoặc hoạt động của thương nhân nước ngoài ở Việt Nam.4 Ví dụ, trong hồi ký của Bowyear, ngoài những lời ca tụng về sự giàu có tài nguyên và tiềm năng hàng hóa của Đàng Trong, sự giúp đỡ và chào đón của quan lại địa phương, phái bộ Anh còn ghi lại việc có quan Giám thương thứ 2 đòi hỏi số tiền 500 lượng bạc để đưa kiến nghị của họ lên chúa Nguyễn; hay việc có sự cạnh tranh thương mại khá lớn với cả người Chăm-pa, người Campuchia.5 Ghi chép của Chapman năm 1778 khá thú vị với chi tiết về việc chia khu vực từ Đồng Hới đến Đồng Nai thành 12 dinh; hay những phân tích cụ thể về khí hậu, động thực vật Nam Trung Bộ và con người nơi đây.6 Đáng chú ý, các thương nhân Anh đều khẳng định một thương điếm ở Đàng Trong sẽ cho họ “một lợi thế vượt trội” trong việc buôn bán với Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Xiêm, Campuchia.7 Trong đó, nếu như chuyến đi của Bowyear nhấn mạnh đến sự thuận lợi của Hội An thì những phái bộ sau nhắc rất nhiều đến Đà Nẵng: nơi trú ẩn an toàn cho tàu của công ty, nơi thu hút thương nhân quốc tế, nơi dễ dàng phòng thủ (với Cù Lao Chàm) và tấn công thương điếm của người Hà Lan và Tây Ban Nha.8 Vị trí của Đà Nẵng tiếp tục được ca ngợi trong chuyến đi của Crawfurd bên cạnh hệ thống cảng ở Hội An, Phan Rí, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi để tạo ra lợi thế lớn trong hệ thống thông thương quốc tế lúc bấy giờ.9 Có thể thấy, những giá trị trên của Việt Nam là một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy các nước phương Tây nhòm ngó nước ta, và Pháp đã nổ súng tấn công Đà Nẵng năm 1858, mở đầu quá trình xâm lược Việt Nam.

Bên cạnh vai trò tổng hợp tư liệu như đã nói, vai trò và đóng góp khoa học của Lamb cũng được khẳng định thông qua những nhận định của riêng ông trong phần mở đầu và dẫn nhập trước mỗi chuyến đi của các sứ bộ. Thế kỷ XVII với những buôn bán giữa Công ty Đông Ấn Anh với Đàng Ngoài đã phần nào được khắc họa với những nhận xét sâu sắc trong phần đầu cuốn sách như về một “chính quyền chúa Trịnh ngay từ đầu đã gây cản trở (buôn bán), còn quan lại thì hám lợi và thối nát”; hay giải thích cho sự tồn tại 25 năm của thương điếm Đàng Ngoài dù cho buôn bán với Nhật Bản bị từ chối là bởi Đàng Ngoài có thể cung cấp “nguồn lụa mịn cho Công ty Đông Ấn bán ở London và các thị trường châu Âu có nhu cầu”.10 Đặc biệt, những trao đổi thương mại Anh – Đàng Ngoài nửa sau thế kỷ XVII đã được tác giả chỉ ra dù rằng nó không thực sự nổi bật so với thương mại của Anh với Ấn Độ, Bantam, Trung Quốc đương thời. Trước mỗi ghi chép về các phái bộ Anh, Lamb đều đưa ra những nhận định của mình về bối cảnh quốc tế, khu vực, sự cạnh tranh cường quốc dẫn đến hoạt động của người Anh, cũng như tác động, giá trị của các chuyến đi. Trước nội dung về chuyến đi của phái bộ Davis và Wade năm 1847 và 1855, Lamb đã có những so sánh khá thú vị về nguyên nhân Xiêm thành công trong việc duy trì độc lập, còn triều Nguyễn thất bại và Việt Nam rơi vào tay Pháp. Ông cho rằng Xiêm có vị trí độc đáo, và chính sách ngoại giao khéo léo “uốn mình theo chiều gió”, và có những động thái có thể so sánh với Duy Tân Minh Trị. Ngược lại, triều Nguyễn có những chính sách đóng cửa, cô lập giống Mạc phủ Tokugawa đầu thế kỷ XVII và khiến cho đất nước lâm vào bối cảnh bất lợi. Lamb cũng có những đánh giá cụ thể về sự thay đổi chính sách ngoại giao qua từng vị vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức để làm nổi bật lên nguyên nhân Việt Nam rơi vào tay Pháp.11 Những tư liệu được khai thác cùng với những nhận định quan trọng của Lamb cho thấy ông là nhà khoa học nghiêm cẩn, khách quan và luôn cố gắng giúp độc giả có được những thông tin quan trọng nhất về vấn đề nghiên cứu.

Lịch sử các phái bộ Anh đến Việt Nam xuyên suốt ba thế kỷ có thể coi là minh chứng hùng hồn cho sự hấp dẫn của Việt Nam về cả kinh tế, địa chính trị thời cận đại, và thậm chí là hiện nay. Dù không phải là những thị trường quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, cũng không phải là một thuộc địa quan trọng kiểu Ấn Độ, Hồng Kông hay Singapore nhưng Việt Nam vẫn có những giá trị nhất định trong quan điểm, góc nhìn của những đại diện Anh về tiềm năng hàng hóa, vị trí địa chiến lược. Những giá trị đó được lý giải cụ thể qua các ghi chép của họ, và qua tính liên tục trong các chuyến thăm trong suốt ba thế kỷ. Nhưng, cũng chính từ các phái bộ đó đã giúp độc giả hình dung được lý do Anh không quá mặn mà thâm nhập sâu vào Việt Nam khi mà họ không nhận được sự hợp tác từ chính quyền và đã có được ảnh hưởng quan trọng ở Xiêm, thiết lập được thuộc địa ở Singapore, Hồng Kông để kiểm soát con đường buôn bán trên biển từ Ấn Độ đến Trung Quốc. Chính điều đó tạo điều kiện cho Pháp có những hành động gây hấn, xâm lược ở nửa sau thế kỷ XIX khi Pháp cũng cần một địa điểm có thể kiểm soát buôn bán trong khu vực, và để cạnh tranh với một loạt thuộc địa của Anh.

Bức tranh vẽ đoàn của Công ty Đông Ấn Anh vào cuối thế kỷ 18. Nguồn: National Geographic.

Có lẽ sẽ tuyệt vời hơn nếu cuốn sách được dịch và xuất bản sớm hơn, trước khi có những nhà nghiên cứu Việt Nam về vấn đề này, hay trước cả trào lưu dịch các sách tiếng Pháp về Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; để cung cấp cho chúng ta những góc nhìn độc đáo của người nước ngoài về con người, cuộc sống, kinh tế, văn hóa Việt Nam thời cận đại. Dẫu vậy, bản dịch của Đinh Tuấn Nghĩa là bản dịch tiếng Việt đầu tiên công trình của Lamb và trở nên vô cùng đáng đọc với những ai muốn tìm hiểu về quan hệ Anh – Việt Nam, về thương mại Việt Nam và thế giới thời cận đại, về những tiềm năng quan trọng của đất nước dưới mắt người nước ngoài (dưới góc nhìn của lý thuyết trung tâm – ngoại vi quyền lực) để có thể trao đổi với quốc tế và phát triển kinh tế; hay những cảng thị có vị trí địa chính trị quan trọng như Hội An, Đà Nẵng. Công trình này do đó trở thành một kênh tham khảo quan trọng để độc giả Việt Nam tìm hiểu về quan hệ Anh – Việt Nam một cách cơ bản bên cạnh những nghiên cứu học thuật chuyên sâu gần đây về vấn đề này. □

Trần Ngọc Dũng

*TS Trần Ngọc Dũng, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Nguồn: Tia sáng, ngày 05.03.2023.

——-

 

Chú thích

1 Xem thêm Trần Ngọc Dũng, “Tiếp xúc ngoại giao Anh – Việt thế kỷ XVII dưới góc nhìn của người Anh”, Nghiên cứu Lịch sử, 4 (2019), tr. 11-22.

2 Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 126-127.

Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 259.

4 Xem thêm Hoàng Anh Tuấn, Trần Ngọc Dũng, “Tư liệu lưu trữ Anh về quan hệ Việt Nam – Anh (thế kỷ XVII- XIX)”, Nghiên cứu Lịch sử, 3 (2021), tr. 58-68.

5 Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 76-79, 92.

6 Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 204-209.

7 Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 211.

8 A. Lamb, The Mandarin Road to Old Hue: The narrative of Anglo-Vietnamese Diplomacy from the Seventeenth Century to the Eve of The French Conquest, London, 1970, p. 176.

9 G. Finlayson, The Mission to Siam, and Hue, the capital of Cochinchina in the year 1821-2, London, 1826, p. 329; J. Crawfurd, Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin-china, 2 volumes, London, 1830, p. 244.

10 Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 48, 55.

11 Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 426-432.

Nhiều đài truyền hình và báo chí tại Mỹ đã phỏng vấn nhà văn Nguyễn Thanh Việt (giáo sư tại Đại học Nam California; giải thưởng Pulitzer năm 2016) về vấn đề phân biệt chủng tộc đang ngày một trở nên căng thẳng tại Mỹ.

Thời gian qua, nước Mỹ chứng kiến một loạt các vụ tấn công của những người Mỹ da trắng vào những người Mỹ gốc Á. Ngay từ giữa tháng 3, tại thành phố Atlanta thuộc bang Georgia, một thanh niên da trắng 21 tuổi đã xả súng vào khu tiệm mát xa của người châu Á. Tám nạn nhân thiệt mạng sau vụ xả súng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á. 

Là một nhà văn gốc Việt, đến Mỹ tị nạn từ năm 4 tuổi, nhà văn Nguyễn Thanh Việt nói rằng ông được nuôi dưỡng và thấm nhuần văn hóa Mỹ, suy nghĩ như người Mỹ, nhưng cũng từng chia sẻ đã có lúc coi những bộ phim về chiến tranh tại Việt Nam, ông tự hỏi: mình là người Mỹ đã tham chiến và giết hại người Việt hay mình là người Việt bị người Mỹ giết hại? 

Hiện ông Việt là chủ nhiệm bộ môn tiếng Anh và giáo sư về tiếng Anh và Hoa Kỳ học tại Đại học Nam California. Các tác phẩm của ông gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và các bài viết trên báo, trả lời trên các kênh tin tức nhiều năm qua đề cập rất nhiều đến cuộc sống của người dân gốc Á tại các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ với những thách thức của cuộc sống hiện tại, trăn trở về quá khứ, nỗ lực hội nhập và khẳng định bản thân của các cộng đồng thiểu số tại Mỹ, đặc biệt là người Việt. 

Kênh tin tức Democracy Now!, một hãng phát thanh chuyên về vấn đề bảo vệ quyền con người và dân chủ tại Mỹ và kênh NBC mới đây đã thực hiện hai cuộc phỏng vấn nhà văn Nguyễn Thanh Việt có nhan đề Vì các ông tới nên chúng tôi phải ra đi, để nói về nguồn gốc của tình trạng phân biệt chủng tộc đang ngày càng nghiêm trọng tại Mỹ cũng như thông tin về cuốn sách mới phát hành của ông.  

Phân biệt chủng tộc ở Mỹ không mới 

“Tâm trạng ghét người Á châu tại Mỹ không phải là điều gì mới mẻ. Lịch sử về những hành động bạo lực đối với người dân gốc Á bắt nguồn từ khi có những người gốc Á di cư đến Mỹ. Họ bị đưa tới Mỹ và bị tận dụng sức lao động, nguồn cơn của những phân biệt chủng tộc, giới tính và bóc lột sức lao động”, ông Việt khẳng định.

Trả lời nhà báo Amy Goodman của kênh Democracy Now!, ông Việt chia sẻ, trong lịch sử nước Mỹ từ thế kỷ XIX, sang thế kỷ XX và nay là thế kỷ XXI, con người đã chứng kiến rất nhiều hành vi bạo lực từ riêng lẻ cho đến tập thể tấn công vào cộng đồng gốc Á tại Mỹ. Những hành động đó lặp đi lặp lại theo định kỳ. 

20210621 3

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt trao đổi trực tuyến với kênh tin tức Democracy Now! về nguồn gốc tình trạng phân biệt chủng tộc đang ngày càng nghiêm trọng tại Mỹ.

Tình trạng phân biệt này luôn gắn chặt với thái độ của Mỹ đối với toàn châu Á nói chung. Thái độ đó có từ thế kỷ XIX, khi Mỹ xoay hướng đến châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, với mục đích tiếp cận các tài nguyên của châu Á. Việc này dẫn đến điều tất yếu liên quan là sẽ có những hoạt động ngược lại là đưa người châu Á di cư tới Mỹ thông qua nhiều mối liên hệ như kinh tế, hoặc chiến tranh tại một số nước châu Á, nơi mà Mỹ tham gia với tư cách liên minh, đồng minh.

Có nhiều tranh cãi trong các vụ bạo lực, mà thủ phạm và nhà chức trách thường tách riêng và cho rằng các vụ bạo lực khi thì xảy ra vì vấn đề phân biệt chủng tộc, có khi lại xảy ra vì phân biệt giới tính. Tuy nhiên ông Việt cho rằng, trong lịch sử từ khi di dân châu Á đến Mỹ, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và bóc lột sức lao động luôn liên kết chặt chẽ với nhau. Hiện các phụ nữ đang lên tiếng đấu tranh tại Mỹ cũng cho rằng không thể tách rời phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính. 

Nhiều phụ nữ Mỹ gốc Á đã phải trải qua một thời gian dài bị quấy rối, bị bắt, bị mời gọi dụ dỗ, bị hãm hiếp, bạo lực tình dục và bị gạt ra ngoài lề xã hội, mà nguyên nhân chính là họ có nguồn gốc Á châu. Nhận thức này lan tỏa khá rộng trong nền văn hóa hiện đại của Mỹ.

Hình ảnh người phụ nữ châu Á, hay người phụ nữ Mỹ gốc Á xuất hiện trên phim ảnh của Mỹ trong vai trò là một đối tượng tình dục hay một gái điếm trong các bộ phim viễn tưởng của Mỹ xuất hiện quá nhiều và từ rất lâu, tạo nên một hiển nhiên trong văn hóa hiện đại của Mỹ. Việc coi phụ nữ châu Á hay phụ nữ Mỹ gốc Á như những đối tượng của phân biệt chủng tộc, tình dục hóa, tôn sùng đàn ông thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau, có nguồn gốc sâu xa trong văn hóa Mỹ và châu Âu, bắt đầu ngay từ các cuộc di dân, nhập cư trong lịch sử.

Đơn cử một số vụ bạo lực mà người gốc Á là nạn nhân trong lịch sử. Năm 1871, ngay tại trung tâm thành phố Los Angeles, một đám đông khoảng 500 người Mỹ da trắng giết chết 17 nam giới Trung Quốc. Tiếp sau đó là những vụ giết chóc khác xảy ra tại miền Tây nước Mỹ. Năm 1884, tại Oregon, 34 thợ mỏ người Trung Quốc bị giết hại. Trong lịch sử, nhiều người Trung Quốc đến Mỹ làm việc trên những tuyến đường sắt xuyên lục địa. Sau khi sức lao động của họ không còn được tận dụng nữa, người ta để họ ra đi và tự kiếm sống ở các vùng phía Tây nước Mỹ. 

Vụ xả súng tại Georgia khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á hồi tháng 3.2021 đã làm nạn phân biệt chủng tộc trở nên rất căng thẳng tại Mỹ và hình thành nhiều tổ chức, phong trào bảo vệ người gốc châu Á. Ảnh: Reuters


Rồi sự nhiệt thành chống Trung Quốc giữa tầng lớp lao động người da trắng lại được truyền thông và các chính trị gia khuyến khích nên một lần nữa, những người châu Á khác tại Mỹ lại trở thành vật tế thần cho những thất vọng về kinh tế của tầng lớp lao động người da trắng. Những người châu Á đến Mỹ sau Trung Quốc cũng trở thành đối tượng của sự thù ghét.  

Các vụ phân biệt chủng tộc chống lại người Mỹ gốc Á đã gia tăng nhiều thập kỷ gần đây. Đáng chú ý nhất là vụ sát hại Vincent Chin hồi năm 1982. Anh ấy là người Mỹ gốc Trung Quốc nhưng bị nhầm là một người Nhật. Hai người lao động của hãng xe hơi Detroit, bực mình vì Mỹ bị Nhật cạnh tranh về kinh tế, đã dùng gậy bóng chày đánh nạn nhân đến chết, mà sau đó cả hai không bị ngồi tù. Năm 1989, năm em học sinh Campuchia và Việt Nam bị bắn chết tại một sân trường ở Stockton bởi một người da trắng, mà ông Việt cho rằng nguyên do liên quan đến cuộc chiến mà Mỹ đã tham dự tại Campuchia và Việt Nam. Năm 2002, sáu tín đồ người Sikh cầu nguyện tại một đền thờ ở Oak Creek bang Wisconsin cũng bị thảm sát bởi một tay súng cực đoan da trắng.

Lưỡng đảng tại Mỹ “đổ thêm dầu vào lửa”

Ông Việt cũng nhận xét, trong suốt thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, Tổng thống Donald Trump thời kỳ ấy và những người ủng hộ ông, nói về bệnh dịch với những cái tên như “Kung flu”, hay “China virus’” chính là biểu hiện gần nhất về thái độ phân biệt, chống người châu Á một cách sâu sắc. Khi những từ ngữ trên được nói ra và lặp đi lặp lại, nó chạm vào sâu thẳm cảm giác bài châu Á. Khi kết hợp điều này với những căng thẳng hiện tại mà đại dịch mang lại, nó tạo ra xu hướng gia tăng rất đáng kể trong những ngụy biện và hành động bạo lực chống người châu Á. Nhiều người đã trải nghiệm điều này trong hơn 12 tháng qua. 

Bên cạnh đó, thái độ chống đối Trung Quốc hiện nay của lãnh đạo cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ khá nguy hiểm, nó góp phần vào tình trạng ngờ vực người gốc Á tại Mỹ. Đây cũng là quan điểm ông đã nêu trong một bài xã luận đồng tác giả đăng trên tờ The Washington Post với tiêu đề: Luận điệu chính trị của lưỡng đảng về châu Á dẫn đến bạo lực chống châu Á ở Mỹ. 

Việc tập trung vào Trung Quốc như một mối đe dọa và đối thủ của Mỹ, tiếp tục làm đậm thêm những lo lắng kéo dài lâu nay trong lịch sử Mỹ, khiến người Mỹ hình dung Trung Quốc là một quốc gia rất đáng sợ. Người ta đang vẽ ra một Trung Quốc bí ẩn, có những tính toán về kinh tế, quân sự gây lo lắng cho người Mỹ, mà được cả hai đảng tại Mỹ đẩy lên. Những điều này sẽ làm gia tăng tình trạng nghi ngại của người Mỹ với những người châu Á tại Mỹ nói chung. Theo ông, cả cộng đồng người châu Á và châu Phi tại Mỹ phải cùng nỗ lực hợp tác đấu tranh, giải quyết nạn phân biệt chủng tộc chung với nhau trong tình hình hiện nay. 

Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh rồi tiếp tục về sau này, phần lớn trong chính sách ngoại giao của Mỹ, đều có một đối tượng nước ngoài để phụ thuộc vào, đó có thể là Liên Xô hay Trung Quốc. Ông Việt cho rằng, việc cần một đối tượng nước ngoài để nhắm tới là một kiểu ngụy biện chính trị để biện minh cho các khoản chi tiêu khổng lồ trong quân sự. 

Tất nhiên cũng có những lo lắng về Trung Quốc như vấn đề nhân quyền, như việc Trung Quốc hành xử với Tây Tạng, Hồng Kông, Tân Cương. “Nhưng phần lớn những vấn đề trên lại đang bị lợi dụng để biện minh cho lập trường quân phiệt của Mỹ chống lại Trung Quốc, thay vì tập trung vào việc làm sao có thể cạnh tranh với Trung Quốc về mặt kinh tế theo cách thức bất bạo động và không đe dọa”, ông Việt bày tỏ. Và ông Việt cũng cho rằng, sự phẫn nộ của người Mỹ về việc Trung Quốc đối xử với người dân của họ đôi lúc có chút đạo đức giả, vì chính người Mỹ cũng đang loay hoay trong việc chăm sóc cho chính người dân nước Mỹ.

Đầu tháng 3.2021, nhà văn Nguyễn Thanh Việt ra mắt cuốn tiểu thuyết The Committed, cuốn tiếp theo tác phẩm The Sympathizer đã nhận giải Pulitzer 2016. Ảnh: AQ


Một trong những nhận định đáng suy nghĩ nhất mà nhà văn Nguyễn Thanh Việt đưa ra, đó là cảm giác bị chia rẽ trong chính nội tâm, văn hóa của người Mỹ gốc Á đã và đang hiện diện trong suốt lịch sử di dân đến Mỹ. “Chúng tôi, những người châu Á, ở Mỹ hôm nay chính là vì Mỹ đã tham gia vào các cuộc chiến tranh tại châu Á,” ông Việt nói. Hiện nay, có sự phân hóa trong quan niệm về lịch sử và văn hóa Mỹ đối với nhiều người. Một mặt, Mỹ là một đất nước của lý tưởng cao đẹp, của dân chủ, đa nguyên và cơ hội; nhưng mặt khác, Mỹ cũng là quốc gia bắt nguồn chiến tranh và chinh phục, đã thể hiện qua các cuộc chiến tranh ở châu Á.

“Tôi nghĩ rằng, với tư cách là người Mỹ, chúng ta có nghĩa vụ nhận ra sự phức tạp này, nhận ra những khả năng của đất nước này cũng như nguồn gốc của nó, và việc tiếp tục chìm đắm vào các cuộc chiến tranh, diệt chủng và thuộc địa hóa mà đất nước này đã, đang thực hiện”, ông Việt bày tỏ. 

Đầu tháng 3.2021, nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã ra mắt cuốn tiểu thuyết mang tên The Committed, là cuốn tiếp theo của tác phẩm The Sympathizer đã nhận giải Pulitzer 2016. Nguyễn Thanh Việt từng chia sẻ trong tác phẩm The Sympathizer, nhân vật cảm tình viên là một điệp viên cộng sản Việt Nam, cuối cùng đã thú nhận anh bị tổn thương rất nhiều bởi những gì đã trải qua, nhưng vẫn chưa phải là hồi kết, và phần tiếp theo được tiếp tục kể trong cuốn The Committed

The Committed là phần thứ hai trong ba phần dự kiến của bộ tiểu thuyết tội phạm của nhà văn. Trong khi bối cảnh của The Sympathizer diễn ra ở Việt Nam và Nam California, thì The Committed lấy bối cảnh ở Paris. Nhân vật chính được giới thiệu là “vẫn tin tưởng về một cuộc cách mạng”, “về thay đổi thế giới”, “về đấu tranh công lý”. Anh đến thủ đô của một đất nước từng khai thác đánh chiếm quê hương và rơi vào thế giới ngầm. 

Trong bài viết đăng trên báo Guardian của Anh ngày 3.4, nhà văn Nguyễn Thanh Việt một lần nữa nói về những trải nghiệm, quan sát, nghiên cứu và lồng ghép trong tác phẩm của mình, nhấn mạnh đến vấn đề nguồn gốc của tình trạng phân biệt chủng tộc, dẫn đến bạo lực kéo dài, mà người châu Á là nạn nhân chính, từ thời Mỹ là thuộc địa cho đến khi bùng phát dịch bệnh COVID-19 gần đây. Sau khi đại dịch bùng phát, người dân gốc Á, đặc biệt là người Hoa, trở thành mục tiêu trút giận tại Mỹ, và phong trào phân biệt người châu Á đang lan rộng ra toàn cầu, và tăng mạnh tại các nước phương Tây như Anh, Đức, Thụy Điển, Canada đến Úc... 

Lan Chi lược thuật

Nguồn: Người đô thị, ngày 17.6.2021.

Triển lãm Nghệ thuật lưu đày - Hàm Nghi, Hoàng tử An Nam (1871-1944) được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á tại thành phố Nice, Pháp, diễn ra từ ngày 19.3-26.6.2022, do Tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi là giám tuyển.

*  *  *

Sinh thời, vua Hàm Nghi từng có một số triển lãm cá nhân ở Paris: tại Bảo tàng Guimet (1904), tại Galerie Mantelet (1911), tại Galerie Mantelet - Colette Weil (1926). Nhiều tác phẩm nghệ thuật của ông đã bị phá hủy trong vụ cháy (vì chiến sự) tại Algeria năm 1964. Hiện còn khoảng 100 tác phẩm hội họa và điêu khắc sót lại trong các bộ sưu tập cá nhân, sở hữu bảo tàng và một số bạn bè, gia đình. 

Triển lãm Nghệ thuật lưu đày - Hàm Nghi, Hoàng tử An Nam (1871-1944) trưng bày khoảng 150 tác phẩm nghệ thuật và vật dụng cá nhân của Hàm Nghi như những bản thảo viết tay, tranh sơn dầu hay tranh màu nước theo trường phái Ấn tượng, những bức tượng điêu khắc bằng chất liệu đồng, gỗ; những kỷ vật, thư từ, hình ảnh gắn bó với cuộc đời lưu đày của ông.

Triển lãm là một phần trong dự án nghiên cứu tìm hiểu về vua Hàm Nghi với vai trò một nghệ sĩ, là một phần của dự án nghiên cứu về vị vua có số phận lịch sử bi tráng do Amandine Dabat thực hiện trong hơn 10 năm qua.

Năm 2019, cô đã xuất bản tại Pháp cuốn sách Hàm Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger (Hàm Nghi - vị hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger), gây tiếng vang quốc tế.

Sinh năm 1987, Amandine Dabat là hậu duệ trong nhánh của công chúa Như Lý, con gái thứ hai của vua Hàm Nghi. Amandine Dabat học chuyên ngành lịch sử nghệ thuật và khảo cổ, có nhiều nghiên cứu về văn hóa ngôn ngữ Đông Dương và Việt Nam. 

Amandine Dabat có thể chia sẻ đôi chút phản hồi của bạn đọc về cuốn sách cũng như cuộc triển lãm đang diễn ra tại Nice? 

Sau luận án tiến sĩ, xuất bản cuốn sách là công việc quan trọng của tôi nhằm giúp công chúng đương đại biết đến Hàm Nghi nhiều hơn. Ông không chỉ là một vị vua mà còn là một nghệ sĩ, một họa sĩ và một nhà điêu khắc. Điều này rất quan trọng, vì từ trước tới nay, Hàm Nghi chỉ được coi như một nhà chính trị trong suốt thời gian ông còn sống, và có thể luôn mang trong lòng sự phản kháng nước Pháp. Nhưng qua nghiên cứu, tôi phát hiện trong suốt quãng đời lưu vong với danh phận chính khách, chính trị không còn hấp dẫn ông nữa. Ông đã dành phần lớn cuộc đời lưu đày của một chính khách để hướng về nghệ thuật và đã thực sự trở thành một nghệ sĩ sáng tạo.

Sau khi xuất bản cuốn sách về cựu hoàng Hàm Nghi, việc tiếp tục chứng minh và khẳng định ông là nghệ sĩ rất quan trọng đối với tôi - một nhà nghiên cứu và cũng là hậu duệ của ông. Thực hiện được triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á trong năm 2022 với tôi là điều rất tuyệt vời.  

20221218 6

TS. Amandine Dabat chia sẻ với báo giới về cuộc triển lãm.


Đã có hơn 10 ngàn khách tới cuộc triển lãm. Hy vọng sẽ có khoảng 30 ngàn người đến triển lãm trước khi kết thúc tuần cuối tháng Sáu. Nhiều người Việt, người Pháp gốc Việt đến xem. Phần lớn họ đều bộc lộ cảm xúc, có người đã khóc khi thấy các tác phẩm nghệ thuật của một vị hoàng đế Việt Nam.

Tôi hạnh phúc vì các tác phẩm của Hàm Nghi được trưng bày, được thế giới biết đến. Bởi lẽ, suốt thời gian lưu vong bất đắc dĩ tại Pháp, Hàm Nghi bị đối xử như một tù nhân tại ngoại, ông không được tự do triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của mình. Trong bối cảnh bị cảnh sát Pháp theo dõi chặt chẽ, cựu hoàng Hàm Nghi chọn cách lưu giữ các tác phẩm như một phần của cuộc sống riêng tư của ông. 

Là hậu duệ của Hàm Nghi và là nhà nghiên cứu trẻ, cô cảm nhận thế nào khi thực hiện nghiên cứu về một vị vua sống cách thời đại của cô hàng trăm năm? 

Là hậu duệ của vua Hàm Nghi, tôi có cơ hội nhiều hơn các nhà nghiên cứu khác khi tìm kiếm tiếp cận các di sản, tất cả giấy tờ, thư từ mà ông đã lưu giữ khi còn sống. Việc phát hiện ra các giấy tờ này chính là sự khởi đầu cho nghiên cứu của tôi và nó giúp tôi hiểu rằng, mặc dù Chính phủ Pháp luôn coi ông là một cựu hoàng, một nhà chính trị, một tù nhân thì bản thân ông lại coi mình là một nghệ sĩ.  

Khi bắt đầu tìm kiếm tư liệu nghiên cứu, bản thân tôi cũng không biết những di sản của vua Hàm Nghi còn được lưu giữ. Họ hàng tôi trước đó không bao giờ cho bất cứ một nhà sử học nào chạm tới các lưu trữ cá nhân, vì vậy mà thế giới bên ngoài không ai biết những di sản của vua Hàm Nghi còn tồn tại. Hàm Nghi cũng chẳng bao giờ nói về cuộc sống trong quá khứ của ông với vợ con. Vợ ông không đồng ý cho ông nói tiếng Việt với con cái, nên ông không bao giờ nói cho con cái nghe về văn hóa (Việt Nam) của ông.

Khi tôi sinh ra, là thế hệ thứ 5, gia đình tôi cũng không biết gì nhiều về lịch sử của Hàm Nghi, ngoại trừ biết ông là ông cố mấy đời. Khi quyết định nghiên cứu về cuộc đời ông, có hàng loạt câu hỏi tôi đặt ra mà không ai trong gia đình có thể trả lời, dù gia đình tôi đang chăm sóc ngôi mộ của ông. Họ chẳng biết chút gì về cuộc sống cá nhân của ông, ngoại trừ việc biết ông sống lưu vong ở Alger, ông từng là vua An Nam. Nhưng chẳng ai nói với tôi điều đó khi tôi còn nhỏ. Tôi chỉ biết, người ta gọi ông là “hoàng tử An Nam”, và ông sống ở Algeria. Chỉ có thế. 

Gia đình tôi không hề nhận ra ông là một nhân vật lịch sử, một vị vua yêu nước có tinh thần phản kháng mạnh mẽ để bảo vệ dân tộc. Tra bách khoa toàn thư, tôi biết thêm vài thông tin. Rồi khi tôi theo học thạc sĩ lịch sử nghệ thuật, tôi quyết định tìm hiểu về các tác phẩm nghệ thuật của ông, tôi đã phải tìm đến các cơ sở lưu trữ quốc gia để tìm thêm thông tin về ông. 

Vua Hàm Nghi trong thời gian sống tại Algeria. Ảnh: Tư liệu gia đình


Amandine Dabat thích dùng cách nào để gọi vua Hàm Nghi: một ông vua bị lưu đày hay một nghệ sĩ? 

Tôi thích gọi ông với cái tên “Tử Xuân”. Tên này từng được ông dùng là tên họ ngay từ nhỏ. Sau này ông đã dùng làm họa danh ký dưới các tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, mỗi lần nói về ông với công chúng, hầu như tôi phải dùng tên Hàm Nghi, cái tên đã quen thuộc ở Việt Nam, hoặc gọi hoàng tử An Nam - “Prince d’Annam”, cách mà người ta gọi ông tại Pháp suốt thời gian ông sống lưu vong.  

Điều quan trọng nhất tôi muốn chuyển tải qua cuốn sách cũng như triển lãm là: Vua Hàm Nghi còn là một nghệ sĩ, một họa sĩ, một nhà điêu khắc, cho dù chính phủ Pháp chỉ coi ông là một cựu hoàng, một nhân vật chính trị, trong suốt thời gian họ lưu đày ông.

Trong lịch sử nghệ thuật, mỹ thuật của Việt Nam, Hàm Nghi không phải là nghệ sĩ được biết đến rộng rãi, do thực tế ông bị lưu đày và không bao giờ có cơ hội trở lại Việt Nam. Nhưng ông lại chính là nghệ sĩ hiện đại đầu tiên người Việt Nam vì ông đã học về hội họa (Fine Arts) từ năm 1889, một thập kỷ trước khi ông Lê Văn (Huy) Miến (1873-1943) được coi là họa sĩ đầu tiên của Việt Nam, từng theo học Fine Arts tại Paris. 

Tử Xuân hay Hàm Nghi cần được đặt vào đúng vị trí trong lịch sử hội họa Việt Nam. Ông xứng đáng được như vậy.

Có những khó khăn gì khi Amandine Dabat, một nhà nghiên cứu trẻ, gặp phải suốt quá trình tìm kiếm, tiếp cận thông tin về một nhân vật chính trị bị lưu đày từ Việt Nam đến Châu Phi cách xa thời đại cô sống cả trăm năm, nhất là sau khi hệ thống chính trị tại cả Việt Nam và Algeria đều thay đổi? 

Mặc dù cả hai đất nước đều đã trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc, nhiều tư liệu, dấu vết và các kết nối, liên hệ của nhân vật bị phá hủy, nhưng hầu hết các tài liệu lưu trữ đều đang nằm tại Pháp. 

Tôi rất may mắn vì hệ thống lưu trữ của Pháp được bảo toàn dù trải qua nhiều cuộc chiến. Nhiều lưu trữ liên quan đến Hàm Nghi được bảo quản trong các văn bản của chính phủ Pháp cả ở Đông Dương lẫn Algeria. Tài liệu lưu trữ này sau đó đã được chuyển về Pháp sau thời kỳ thuộc địa. Tôi đi tới đi lui cả Việt Nam, Algeria để tìm hiểu và nghiên cứu bổ sung các tài liệu liên quan còn lại tại hai nước này, nhưng không nhiều bằng ở Pháp.

May mắn nữa là hai người con gái của vua Hàm Nghi còn lưu giữ và bảo quản những tài liệu cá nhân của ông rất cẩn thận. Chỉ riêng tài liệu cá nhân liên quan đến Hàm Nghi, tôi đã tiếp cận được khoảng 2.500 tài liệu. 

Một góc triển lãm “Nghệ thuật lưu đày - Hàm Nghi, hoàng tử An Nam” (1871-1944) tại Nice.


Sau Nice, cô dự định thực hiện triển lãm tại đâu nữa? Cô có kế hoạch đưa triển lãm về Việt Nam không? 

Mục đích của tôi là tập trung vào chủ đề Hàm Nghi là một nghệ sĩ, giúp các tác phẩm của ông được biết đến rộng rãi hơn. Tôi hy vọng nhiều bảo tàng khác sẽ quan tâm và trưng bày bộ sưu tập này. Tuy nhiên, vì bộ sưu tập phần lớn thuộc sở hữu các bảo tàng tại Pháp và các nhà sưu tập cá nhân. Họ cho mượn nên tôi phải cân nhắc nghiêm túc và cẩn thận khi triển lãm ở bất cứ đâu, và phải được sự đồng ý của những người sở hữu. Trước mắt ưu tiên triển lãm tại Pháp và có thể sẽ là Singapore. 

Amandine Dabat chờ đợi gì sau khi sách “Hàm Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger” của mình được dịch sang tiếng Việt? Liệu cuốn sách có vẽ ra một chân dung mới của Hàm Nghi? 

Dịch cuốn sách sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam là điều tuyệt vời nhất với tôi, một cơ hội tốt để tôi giới thiệu với độc giả Việt chân dung một Hàm Nghi sống trong thời kỳ lưu vong. Ông đã sống thế nào, đã trở thành nghệ sĩ và đã tạo ra những tác phẩm nào. Tôi tin rằng Hàm Nghi cũng sẽ rất hạnh phúc khi được người Việt Nam nhìn nhận là một nghệ sĩ. Vì ông chính là một nghệ sĩ, nhưng cả cuộc đời dài bị chính phủ Pháp coi là một chính trị gia.

Amandine Dabat đã có cảm xúc thế nào mỗi lần đến Việt Nam, khi vừa là một nhà nghiên cứu, lại có kết nối với một gia đình hoàng tộc tại mảnh đất này?

Tôi sẽ còn đi đến Việt Nam nhiều, vì tôi đang thực hiện một đề tài liên quan đến một gia đình Pháp - Việt. Gia đình này có người ông từng là lính Pháp ở Bắc Việt Nam những năm 1890. Ông kết hôn với một phụ nữ Việt Nam khi đó. Những năm 1950, cháu chắt ông đã phải rời Việt Nam đến Pháp. Nghiên cứu của tôi ghi chép lịch sử của gia đình này, ghi lại những sự kiện quan trọng trong lịch sử đã ảnh hưởng đến một gia đình Pháp - Việt như thế nào. 

Mười năm trước đại dịch, năm nào tôi cũng đi đi về về Việt Nam. Hy vọng tôi có thể quay trở lại Việt Nam vào năm sau để giới thiệu cuốn sách của tôi được dịch sang tiếng Việt. Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi, và tôi cảm nhận được nguồn cội của mình chính là ở nơi này.

Vua Hàm Nghi (1871-1944) tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vị hoàng đế thứ 8 của triều Nguyễn nhưng chỉ trị vì được 1 năm (1884-1885). Sau khi phất cờ khởi nghĩa Cần Vương chống lại việc thành lập chính quyền bảo hộ của Pháp ở Đông Dương, ông bị bắt và bị thực dân Pháp đày sang thủ đô Algiers của Algeria năm 1888 khi ông mới 18 tuổi. 

Trong thời gian sống lưu đày, vua Hàm Nghi đã tìm sự khuây khỏa và tự do cho riêng mình trong văn chương, nhiếp ảnh và đặc biệt là trong hội họa, điêu khắc với những họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc bậc thầy của Pháp như Marius Reynaud và Auguste Rodin. Chịu ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng và hậu Ấn tượng của châu Âu, các bức tranh của ông chủ yếu vẽ bằng màu nước và sơn dầu, mô tả thiên nhiên, cảnh vật, còn các tác phẩm điêu khắc thường là chân dung các nhân vật, được làm bằng các chất liệu đồng, gỗ và thạch cao.

Năm 1904, vua Hàm Nghi kết hôn với bà Marcelle Laloe (1884-1974), con gái của Chánh án tòa Thượng thẩm tại Algiers. Hai người có với nhau 3 người con gồm công chúa Như Mai (1905-1999), công chúa Như Lý (1908-2005) và hoàng tử Minh Đức (1910-1990). 

Cô Amandine Dabat, chắt gái của công chúa Như Lý và là hậu duệ đời thứ 5 của Vua Hàm Nghi, là tiến sĩ lịch sử nghệ thuật (Đại học Sorbonne), thạc sĩ Việt Nam học (Đại học Paris-Diderot). Cô cũng là thành viên Trung tâm Đông Nam Á tại EHESS. Năm 2015, cô bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia (Paris) cũng với đề tài liên quan đến vua Hàm Nghi: “Hàm Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger” (Hàm Nghi - vị Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”. Mới đây, quyển sách cô viết về vua Hàm Nghi (cùng tên với luận án) đã nhận được Giải thưởng Hỗ trợ sáng tác văn học của Quỹ Del Duca (lược trích từ TTXVN).

Ninh Hạ thực hiện - Ảnh: Nguyễn Thu Hà

Nguồn: Người đô thị, ngày 19.6.2022.

Có thể nói ngành Việt Nam học tại Hàn Quốc bắt đầu từ việc thành lập khoa tiếng Việt của ĐH Ngoại ngữ Hankuk vào năm 1967.

Tôi trở thành sinh viên khoa tiếng Việt của trường này năm 1984, khi 27 tuổi. Thời điểm đó, nguyện vọng một của tôi là tiếng Indonesia và nguyện vọng hai là tiếng Việt. Cuối cùng tôi được vào khoa tiếng Việt, từ đó bắt đầu mối nhân duyên giữa tôi với con người và đất nước Việt Nam.

 
Giáo sư Yang Soo Bae trên giảng đường (Ảnh: NVCC) 

Sau khi ra trường vào tháng 2-1988, tôi làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu với Việt Nam. Tôi làm việc ở đây được 2 năm 4 tháng, và hơn một nửa thời gian này sống ở Việt Nam. 

Hơn hai năm làm việc ở Việt Nam, tôi thấy mình không biết mấy về con người và văn hóa Việt Nam. Đó là lý do tôi quyết định tiếp tục học và nghiên cứu về Việt Nam, theo học chương trình sau ĐH tại khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Lúc đầu, tôi định sẽ du học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhưng lúc đó trường này không thể nhận sinh viên nước ngoài đến từ một nước tư bản, vì vậy tôi đã ra Hà Nội học.

Xin kể lại một chút về việc du học ở Việt Nam.

Tôi không chỉ gặp khó khăn khi đăng ký vào một ĐH Việt Nam, mà còn gặp khó ngay tại quê hương tôi, Hàn Quốc. Do hai quốc gia lúc bấy giờ chưa lập quan hệ ngoại giao, tôi cần phải được Chính phủ Hàn Quốc đồng ý.

Thời điểm đó, phóng viên một tuần báo, người biết khá rõ tình hình của tôi, đã viết một bài tựa đề “Du học sinh đầu tiên ở đất nước cộng sản Việt Nam”, trong đó có đoạn: “Anh Yang Soo Bae, một lần nữa, đang phải vật lộn với những thủ tục ngay từ ngưỡng cửa cơ quan nhà nước”. Giờ nghĩ lại, đó là một kỷ niệm thú vị và không dễ hình dung, nhưng không phải là không có chút đắng cay.

 20210522 3
 Bài báo năm xưa nói về hành trình theo đuổi Việt Nam học của Yang Soo Bae

Tôi nhận bằng thạc sĩ năm 1994, và từ tháng 3-1995 bắt đầu giảng dạy cho sinh viên khoa tiếng Việt của ĐH Ngoại ngữ Busan.

Khoa tiếng Việt tại ĐH Ngoại ngữ Busan thành lập năm 1991, hằng năm lúc đó có 40 sinh viên theo học, đến nay vừa tròn 30 năm. Hiện có hơn 200 sinh viên khoa tiếng Việt đã tốt nghiệp đang làm việc tại Việt Nam. 

Trường ĐH Ngoại ngữ Busan đã mở thêm khoa giáo dục tiếng Việt trong khoa sư phạm sau đại học vào năm 2016, với 14 học viên. Ngoài ra, từ năm 2020, phân khoa cao học dịch thuật tiếng Việt được thành lập, hiện có 12 học viên. 

Các trường khác phải kể tên là ĐH Ngoại ngữ Hankuk - khoa tiếng Việt của trường này là nơi đã đào tạo ra nhiều chuyên gia giỏi về Việt Nam tại Hàn Quốc với bề dày truyền thống gần 60 năm.

Năm 1994, chuyên ngành tiếng Việt được mở tại ĐH Youngsan, năm 1998 ở ĐH Cheongwoon, và ở ĐH Dankuk năm 2021. Ngoài ra, nhiều trường ĐH khác cũng mở và giảng dạy môn tiếng Việt như một môn đại cương.

 
 Trường Đại học Ngoại ngữ Busan (Ảnh: GS Yang Soo Bea cung cấp)

 Việc nghiên cứu Việt Nam tại Hàn Quốc phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng kể từ khi có quan hệ ngoại giao năm 1992. Điều này là do sự quan tâm đến Việt Nam tăng lên đáng kể theo sự gia tăng quan hệ song phương. 

Trong lĩnh vực nghiên cứu, các nhà nghiên cứu chủ yếu quan tâm đến các vấn đề chính trị và kinh tế ngay sau khi có quan hệ ngoại giao, nhưng kể từ đó, họ đã đa dạng hóa sang các lĩnh vực khoa học cổ điển, y học và khoa học tự nhiên.

Trong số các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ nộp cho các ĐH Hàn Quốc, số lượng luận án liên quan đến Việt Nam tiếp tục tăng. Hệ thống đối tượng nghiên cứu của luận án ban đầu tập trung vào các vấn đề chính trị và kinh tế, nhưng từ cuối những năm 2000, nghiên cứu về các vấn đề kinh tế, quản lý và xã hội ngày càng tăng. Khi Việt Nam tiến triển cải cách, các công ty Hàn Quốc đầu tư vào nhiều hơn, nghiên cứu về Việt Nam cũng tăng theo.

Khi vào cơ sở dữ liệu của các tạp chí học thuật trong nước và tìm kiếm từ khóa “Việt Nam”, sẽ tìm thấy hơn 6.000 kết quả. Từ 40 - 60 bài báo mỗi năm trong những năm 2000 đã tăng lên 70 bài vào năm 2007 và hơn 100 bài báo mỗi năm trong các năm 2010-2011. 450 bài báo đã được xuất bản trong năm 2017, và hơn 500 bài báo đã được xuất bản hàng năm kể từ năm 2018. 

Về nội dung, có 1.100 bài về khoa học xã hội, 280 bài về lịch sử, 245 bài về công nghệ, 171 bài về văn chương và hơn 100 bài cho các lĩnh vực khác. 

Trước đây, nhiều nghiên cứu về Việt Nam chỉ tập trung vào các chủ đề liên quan đến kinh tế, nhưng trong những năm gần đây đã có rất nhiều nghiên cứu mở rộng về các chủ đề khác như quản lý, văn hóa, xã hội, nghệ thuật. Điều này cho thấy sự quan tâm đến Việt Nam ngày càng tăng trong các lĩnh vực khác nhau. Các nghiên cứu về Việt Nam tăng lên một cách nhanh chóng và đa dạng như thế là bằng chứng cho thấy ngành Việt Nam học ở Hàn Quốc đang là một vùng rất “nóng”.■

Yang Soo Bae

* Giáo sư, tiến sĩ, Trưởng Khoa Tiếng Việt, ĐH Ngoại ngữ Busan, Hàn Quốc.

Thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam chiếm gần một nửa (48%) tổng kim ngạch thương mại của Hàn Quốc với ASEAN, và số công ty Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam hiện là gần 8.000. 

Hơn 200.000 người Hàn Quốc đang sống ở Việt Nam và hơn 220.000 người Việt Nam sống ở Hàn Quốc. Hiện là lúc rất cần nỗ lực tìm hiểu văn hóa của nhau và thúc đẩy sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước thông qua giao lưu nhân dân cũng như quan hệ chính phủ.

Một nhà hàng Hàn Quốc ở quận 7, TP.HCM. Quan hệ kinh tế mạnh mẽ giữa hai nước đã thúc đẩy nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc. Ảnh: NP

Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần, ngày 03.5.2021.

Việt kiệu thư là một tấm gương sinh động phản ánh mối quan hệ ngoại giao phức tạp giữa các thể chế Đại Việt với Trung Hoa. Sự thay đổi triều đại từ Trần- Hồ- Lê sơ- Mạc được phản ảnh trong các văn kiện ngoại giao cho thấy những diễn ngôn chính trị của chủ nghĩa bành trướng Nho giáo thời Minh. Không chỉ là nguồn sử liệu về sự xâm lược bằng văn hóa, và đô hộ bằng vũ lực, Việt kiệu thư còn cung cấp bài học cho việc làm thế nào để giữ được hòa bình và tránh được chiến tranh từ góc độ của một nhà Nho thế kỷ XVI.

20220704 2Xuất cảnh đồ. Nguồn: Bảo tàng Cố Cung, Đài Loan. Cố Cung bác vật quán (出警圖 台北故宮博物院).

Chứa thông tin đa chiều về Đại Việt

Việt kiệu thư (越嶠書) nghĩa là sách ghi chép về miền núi non xa xôi của đất Việt. Đây là một bộ sử được viết dưới nhãn quan của người đời Minh. Tác giả của cuốn sách là Lý Văn Phượng đã biên soạn trong thời gian ông giữ chức Binh bị Thiêm sự ở Quảng Đông, và sau đó là ở Vân Nam – hai vùng đất giáp ranh với biên giới Đại Việt. Trong quá trình lĩnh chức, tác giả có lẽ đã phải tìm hiểu, sưu tập các ghi chép có liên quan đến lịch sử bang giao, để từ đó hình thành nên ý tưởng viết cuốn sách này. Ông đã biên soạn trong khoảng ba năm từ năm 1538 đến năm 1540. Cuốn sách gồm có 20 quyển được phân theo nhóm chủ đề. Quyển 1 viết về núi sông, biến đổi của các châu quận, hoạt động ở biên giới, sản vật, cổ tích và phong tục. Quyển 2 chép các thư, chiếu, chế, sắc của đế vương các đời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh. Quyển 3-6 biên niên từ các đời Đường Ngu đến các đời Đường, Tống, Nguyên, Minh. Quyển 7 viết về lịch sử Đại Việt từ họ Triệu (Đà) đến các họ Lý- Trần- Lê- Mạc. Quyển 8 viết về chế độ bao gồm trường học, quan chế, hình luật, hành chính, quân đội. Quyển 9-14 sưu tập thư sớ và di văn. Quyển 15-20 sưu lục các thư biểu, tấu biểu, thi phú của các vị tiên hiền và vua chúa của An Nam. Sách có tổng số hơn 3100 trang nguyên bản (Tứ khố toàn thư) với độ dài trên dưới 530.000 lượt chữ (gấp đôi trường độ của Đại Việt sử ký toàn thư). Trường độ, tuy không phải là vấn đề tiên quyết để đánh giá giá trị của sử liệu, nhưng cũng cho phép người đọc hình dung được công phu của người biên tập. Quyển 1 và các quyển từ 3 đến 8 thực tế là phần biên soạn của tác giả về lịch sử của Việt Nam trong mối quan hệ với các triều đại Trung Quốc, thể hiện những quan điểm và bối cảnh tri thức của tác giả. Quyển 2 và các quyển từ 9 đến 20 là các sưu tập văn kiện ngoại giao và thơ văn các đời, tuy không phải là bản cảo nguyên gốc, nhưng phần nào cũng có thể coi là nguồn sử liệu nguyên cấp.

Do tính chất là một tập sử liệu nhằm phục vụ việc quân sự, Việt kiệu thư chứa trong mình nhiều thông tin đa chiều về Đại Việt. Trước hết, đó là nguồn sử liệu về mối quan hệ giữa triều Hồ, Lê sơ, và Mạc với nhà Minh. Ở những phần sử chí về lịch triều, các sử liệu không có nhiều điểm khác biệt so với các bộ sử lớn hơn. Nhưng, những phần sưu tầm về giai đoạn thế kỷ XV-XVI của cuốn sách này có thể đem đến nhiều sử kiện và văn kiện mới. Các ghi chép về diên cách địa lý, thực chất là cơ cấu hành chính các đời Lý – Trần – Lê sơ, tuy không chính xác hoàn toàn, nhưng đã phác thảo diện mạo tổng quan của bản đồ địa lý các triều. Tiếp đến là những mô tả về ba đường huyết mạch từ Trung Hoa sang Giao Châu, với các tuyến và điểm trạm dừng chân chi tiết. Đó là đường từ Quảng Đông từ thời Mã Viện, đường Quảng Tây mở thời Tống, và đường Vân Nam vào thời Nguyên. Những ghi chép này có chỗ giống và khác với Giao Châu chí và nhiều thư tịch cổ khác. Dù chính xác hay chưa chính xác, nhưng đây là nguồn sử liệu quan trọng để khảo về lịch sử giao thông và lịch sử quân sự qua các thời. Cuốn sách này ngoài ra còn mô tả các hình thế núi sông, phong tục tập quán, danh lam thắng cảnh, sản vật trên rừng dưới biển… Nhưng ở các phần này, Việt kiệu thư cũng có đôi chỗ trùng với các sách như An Nam chí lược, hay An Nam chí nguyên.


Lý Văn Phượng đã kế thừa nhiều nguồn sử liệu cổ và các tư liệu đương thời. Trong đó, An Nam chí lược của Lê Trắc là bản tham khảo chính, và bổ sung thêm các việc từ năm Hồng Vũ (1368-1398) đến năm Gia Tĩnh (1521-1566). Để viết bổ sung cho giai đoạn 198 năm, Lý Văn Phượng đã tham khảo nhiều nguồn sử liệu thời, Minh bao gồm các bộ chính sử và địa chí của nhà Minh như Minh thực lụcMinh nhất thống chíMinh Thái Tổ thực lụcMinh Thái Tông thực lụcMinh Tuyên Tông thực lục,… cùng nhiều biên lục, ký, truyện khác. Các sự kiện giai đoạn 1402-1424, ông còn tham khảo sách Bình định Giao Nam lụcPhụng sứ An Nam thủy trình nhật ký,… Giai đoạn từ Lê sơ đến Mạc, ông tham khảo trực tiếp các tư liệu đáng án (công văn, giấy tờ ngoại giao song phương) giữa Đại Việt và Đại Minh. Các văn kiện này lưu trữ tại các nha môn ở địa phương, hay các cơ quan hành chính ở triều đình. Số lượng lớn các sử liệu như vậy chiếm nhiều trang sách của Việt kiệu thư. Đây rõ ràng là nguồn tư liệu rất quan trọng để nghiên cứu về lịch sử quan hệ bang giao bổ sung cho các pho chính sử của cả hai phía.

Khách quan khi đánh giá sử liệu

Việt kiệu thư cơ bản là một bộ sử thể hiện nhãn quan kẻ cả của “thiên triều” khi nhìn về Đại Việt. Người đọc thời nay hẳn sẽ khó chịu với nhiều chi tiết và lời lẽ trong sách này. Nhưng đây là sử liệu, phản ánh tư duy Hoa – Di của thời đại ấy. Cần nhìn nhận khách quan đó là sử liệu, chứ không phải dùng tình cảm ngày nay để phủ nhận sạch trơn tác phẩm. Nhưng cũng chính ở điểm này, Việt kiệu thư cung cấp nhiều cứ liệu cho khoa sử chí học (historiography) để nghiên cứu về tư tưởng sử của các sử gia Trung Quốc thời xưa. Ngay trong lời tựa sách, quan điểm chính – ngụy, Hoa – di mà Lý Văn Phượng thể hiện rõ ràng trên đầu ngọn bút. Tác giả cho rằng, người Đại Việt là một loại man di, từng được tắm gội văn giáo thời Đường Tống, nhưng bản chất giả dối xảo quyệt. Tiêu biểu như Lê Lợi “từng chiếm đất đai của ta, tàn sát quan quân của ta”, tội lớn tày trời, không biết hối lỗi mà bên ngoài giả vờ thần phục, bên trong thì tiếm hiệu để dùng việc chính sự, bên ngoài thì dùng “ngụy danh” để lừa dối nhà Minh gần trăm năm. Cho nên, họ Lê bị họ Mạc soán ngôi là không đáng để cứu. Ông nhận định: “cha con Mạc Đăng Dung với họ Lê tuy có tội soán ngôi cướp nước, nhưng với trung quốc thì là có công đánh giặc”. Nhưng, nhà Mạc cũng không thể tha được, vì họ cũng tiếm hiệu cải nguyên giống như nhà Lê, tức là “bắt chước cái bậy của triều trước”. Cho nên, phải tuyên cáo tội trạng, đem quân chinh phạt, gô cổ cha con nhà Mạc mới phải. Đến khi họ Mạc đầu hàng, hối tội thì ông cho rằng: “nghịch thì đánh, phục thì tha, ấy là mực phép của đấng triết vương”. Toàn bộ lập luận của Lý Văn Phương cho thấy diễn ngôn của chủ nghĩa bành trướng Đại Minh được trang bị bởi lý thuyết chính trị – đạo đức Nho giáo.

Giống như nhiều sử liệu nguyên cấp khác, Việt kiệu thư chỉ là một nguồn tham khảo, chứ không phải mọi thông tin trong sách này đều là chính xác. Hay nói cách khác, mọi nguồn sử liệu là những khu rừng nguyên sinh, mà trong đó chứa nhiều “cạm bẫy” với những thông tin không chính xác, những sai lầm về tên người, những “siêu chỉnh” địa danh hay niên đại. Ví dụ, sách này chép địa danh Lãng Bạc tức là Hồ Tây, lại trích dẫn câu của Mã Viện khi bình định Giao Chỉ có than thở việc lũ lụt ở Lãng Bạc, với khí độc bốc lên khiến diều hâu phải sa xuống nước. Ghi chép này hoàn toàn là sai lạc, bởi với tri thức về thủy văn và địa lý học lịch sử, Hồ Tây mới tách ra khỏi sông Hồng trong khoảng thế kỷ 9-10, sau khi sông Hồng đổi dòng (xem bài của Trần Quốc Vượng). Nếu rà soát kĩ từng sử kiện, từng chi tiết ta sẽ thấy nhiều trường hợp như vậy.

Tranh “Văn Quan Vinh Quy Đồ” nhà Lê.

Các bản dịch Việt kiệu thư được xuất bản lần này là một cuộc chạy việt dã về sử liệu, nối tiếp truyền thống biên phiên dịch từ thế kỷ XX. Ta biết, nghiên cứu lịch sử, ngoài những vấn đề quan trọng của lý thuyết và góc nhìn, ngoài những vấn đề động cơ của người chép sử và người đọc sử, thì bao giờ cũng bắt đầu từ sử liệu. Sử liệu học vì vậy trở thành một phân ngành quan trọng hàng đầu của sử học. Không có sử liệu thì không thể bàn đến chuyện nghiên cứu, hay nói như dân gian “không bột chẳng gột nên hồ”. Một hai nguồn sử liệu (như Đại Việt sử ký toàn thưViệt sử lược) đã quý rồi, nhưng chưa đủ. Người làm sử luôn phải làm thao tác sưu tập văn hiến, chỉnh lý tư liệu, giám định văn bản, phê phán sử liệu,…và nhiều công tác phức tạp và tỉ mẩn khác như phiên dịch, khảo cứu, chú thích. Thậm chí, công việc đó còn đòi hỏi sự dò dẫm mày mò trên từng nét bút, trên từng vảy chữ, hiệu điểm từng câu, phân tích từng nghĩa, để biết được chữ sai chữ đúng, câu què câu cụt,… thậm chí còn biết là đoạn này sao chép từ đâu, vì sao mà viết được như vậy. Đến khi dịch phẩm hoàn thành, dịch giả hiện ra với tư cách là một “người lao động khổ sai”, với hàng trăm hàng ngàn chú thích về văn tự, nhân danh, địa danh, sử kiện. Dịch phẩm ra đời, độc giả sẽ được “ăn” một bữa cỗ thịnh soạn, nhưng sẽ không tránh khỏi đây đó những hạt sạn. Có khi đó là những lỗi cơ bản, có khi là những nhầm lẫn đáng tiếc, cũng có lúc là những câu chữ hóc hiểm,… Bạn đọc có thể vui lòng chỉ ra những chỗ sai ấy với tinh thần của người lao động nói chuyện với người lao động, để hy vọng rằng trong tương lai sẽ có nhiều người đi theo, và tiếp tục hoàn thiện bằng con đường gian lao này. □

Trần Trọng Dương

Nguồn: Tia sáng, ngày 13.6.2022.
——

Việt kiệu thư là một sử phẩm quan trọng hàng đầu viết về lịch sử Việt Nam. Sách được Tiến sĩ Lý Văn Phượng (thế kỷ 16) hoàn thành năm 1540. Đến năm 2022, sau hơn 500 năm, lần đầu tiên tác phẩm này mới được phiên dịch và xuất bản ở Việt Nam, với hai ấn bản của Tao Đàn (Nxb Hội nhà văn, do Châu Hải Đường khảo dịch) và Mai Hà Books (Nxb Khoa học xã hội, do Nguyễn Ngọc Phúc, Đặng Hồng Sơn, Vũ Đường Luân dịch chú).

Từ ngày 8 đến 10-1 vừa qua, hội thảo “Nghiên cứu Việt Nam dưới tầm nhìn học thuật liên ngành” - do Viện Nghiên cứu Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc và Học viện Nghiên cứu lịch sử văn hóa và du lịch, đều đặt tại ĐH Sư phạm Quảng Tây, đồng tổ chức - đã diễn ra tại Quế Lâm.

“Lấy điều du học hỏi thuê,

Túi đàn cặp sách đề huề dọn sang”

(Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Hơn 60 học giả, chuyên gia từ các ĐH và viện nghiên cứu khắp Trung Quốc đã tham dự, thảo luận chủ yếu về chủ đề quan hệ Trung - Việt trong lịch sử và hiện tại. Hội thảo này nằm trong hạng mục học thuật quốc gia phục vụ đại dự án chiến lược “Nhất đới nhất lộ”, cũng là tiểu kết cho một kế hoạch mang tính bước ngoặt được khởi động từ đầu năm 2019. 

Trước đó, ngày 1-1-2019, tập san Việt Nam nghiên cứu (VNNC) số 1 được xuất bản, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu khu vực, Việt Nam học ở Trung Quốc tách ra làm một ngành độc lập với cơ quan quản lý và tập san chuyên biệt. 

20210508

Bìa tạp chí Việt Nam nghiên cứu số 1. Ảnh: amazon.com

Trước đây, nhiều bộ phận nghiên cứu Việt Nam thuộc các sở nghiên cứu Đông Nam Á ở các ĐH hoặc viện nghiên cứu. Tập san VNNC do Ty Hợp tác và giao lưu quốc tế (Bộ Giáo dục Trung Quốc) chủ trì, giao cho ĐH Sư phạm Quảng Tây thực hiện. 

Hội đồng và ban biên tập quy tụ các học giả hàng đầu trong nước và cả quốc tế, như 2 chuyên gia Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Việt Nam) và giáo sư Tôn Lai Thần (ĐH California, Fullerton), hay 2 học giả thâm niên về Việt Nam học từng nghiên cứu về “lịch sử chủ quyền Nam Hải” Lương Chí Minh (ĐH Bắc Kinh) và Vu Hướng Đông (ĐH Trịnh Châu). 

Ngày 5-1, cùng sự kiện tập san VNNC ra mắt trọng thể tại ĐH Ngôn ngữ Bắc Kinh là buổi lễ ký kết hợp tác liên viện đầu tiên về Việt Nam học giữa các cơ quan gồm Bộ Giáo dục, Viện Khoa học xã hội, ĐH Bắc Kinh, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á - ĐH Trung Sơn (Quảng Đông), Viện Nghiên cứu Việt Nam - ĐH Sư phạm Quảng Tây, ĐH Khoa học xã hội nhân văn Quảng Tây, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đại học Trịnh Châu (Hà Nam), Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - ĐH Công nghiệp Chiết Giang và Trung tâm Nghiên cứu Nam Hải - ĐH Nam Kinh.

Hơn 200 trang VNNC số đầu tiên bao gồm các bài viết đa dạng: “Quan hệ Việt - Mỹ có chiều hướng phát triển ở tầng cao”, “Tác động của Thanh phỉ ở biên giới Trung - Việt trong chiến tranh Pháp - Thanh”, “Vấn đề quản lý Hoa kiều Việt Nam trở về sau chiến tranh của Chính phủ Quốc dân (1946 - 1948)”, “Khảo sát xã hội ngư dân truyền thống ở cảng cá Vân Đồn - Bàn về hướng phát triển du lịch văn hóa nghề cá Trung - Việt”, “Ảnh hưởng của sử học Trung Quốc đối với sự phát triển của sử học An Nam thời Hậu Lê dưới góc nhìn khoa cử khảo thí”, “Khái luận về văn bia chữ Hán ở Việt Nam trước thế kỷ 10”, “Nghiên cứu gia phả người Hoa ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam”… 

Chuyên luận VNNC đến nay đã ra thêm được 2 số (tháng 1-2020 và 1-2021).

Mục lục tóm tắt VNNC có thể chưa phản ánh hết thực lực của học giới TQ, nhưng đã cho thấy định hướng nghiên cứu Việt Nam khá rõ, thể hiện sự bài bản, toàn diện, xuyên suốt quá khứ và hiện tại, có cả những vấn đề lịch sử sâu xa lẫn hiện thực rất gần.

Do những điều kiện lịch sử, giới nghiên cứu Việt Nam học ở Trung Quốc có những đặc điểm khác biệt so với phần còn lại của thế giới, với các thành tựu học thuật rất tiếc là còn chưa được tiếp cận rộng ở Việt Nam. 

Ngoài các bài viết, phải nhắc đến một vài tựa sách tiêu biểu xuất bản gần đây: Tìm hiểu văn hóa ngôn ngữ Việt Nam (Phạm Hoằng Quý, Lưu Chí Cường), Nghiên cứu vấn đề dân tộc Việt Nam đương đại và chính sách dân tộc (Đằng Thành Đạt, Trang Quốc Thổ), Nghiên cứu tình trạng sử dụng vốn Hán tự trong tiếng Việt đương đại (La Văn Thanh); có cả những công trình hợp tác với Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam như Nghiên cứu thư tịch chữ Hán Đông Á và từ điển Hán Nôm cổ Việt NamNghiên cứu chỉnh lý Văn hiến Hán Nôm Việt Nam và Hán tự Đông Á (đều của Hà Hoa Trân, Nguyễn Tuấn Cường).

Chừng 15 năm trước, một khảo sát và kiến nghị của Đường Thế Bình và Trương Khiết trên tạp chí Nghiên cứu Nam Á - Đông Nam Á từng nêu rõ hai yếu kém then chốt của giới học giả Trung Quốc lĩnh vực này là thiếu thâm nhập thực tế xã hội và không am tường ngôn ngữ của quốc gia đối tượng. 

Đến nay, những rào cản đó đang được chinh phục, điều vốn càng thuận lợi với giới nghiên cứu Trung Quốc do Việt Nam từng là một nước đồng văn suốt nhiều thế kỷ.

Việc nghiên cứu sâu sát nguồn tư liệu Hán Nôm Việt Nam và dùng nó đối chiếu hoặc phối hợp với sử liệu Trung Quốc đã từng bước cho ra những kết quả mới. 

Chẳng hạn trong đề tài lịch sử quan hệ giữa các chính quyền Trung - Việt, gần đây một số học giả Trung Quốc đọc nhiều sách Hán Nôm Việt Nam phát hiện ra trong giới trí thức người Việt có xu hướng tránh cách dùng từ đặt Việt Nam ở thế yếu, mà gọi mối quan hệ song phương là “bang giao”, tức coi đó là một sự bình đẳng. 

Mặt khác, dù nhiều sử liệu Việt nói đến việc triều cống và thỉnh phong nhưng hầu hết đều chỉ là động thái giả vờ.

Cá nhân tôi thấy rằng việc nghiên cứu Việt Nam từ góc nhìn Trung Quốc có mấy điểm nổi bật:

Về lịch sử, ngoài việc tập hợp, hiệu khám, nghiên cứu văn bản như vẫn làm trước giờ, gần đây giới học thuật còn chú ý đến hình thái thượng tầng, với sử cũ chữ Hán lẫn sử mới chữ quốc ngữ.

Về sử liệu, việc khai thác nhanh nguồn tư liệu chữ Hán Nôm và văn khắc Hán Nôm Việt Nam, bao gồm thu thập, chỉnh lý, phân chuyên đề, xuất bản, rất sôi động. Trong việc này, giới nghiên cứu Trung Quốc có chú trọng đến nguồn lực là chuyên gia Việt Nam.

Về chính trị ngoại giao, chú trọng lịch sử quan hệ chính quyền.

Về văn hóa, ngôn ngữ, thông qua tư liệu sử Việt và thực tiễn xã hội, nhiều nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý và tính cách dân tộc, các loại hình văn hóa dân gian, sự tương quan và tiếp biến phong tục tín ngưỡng, chú trọng điền dã và tiếng Việt hiện đại hơn.

Về xã hội, nghiên cứu nhiều mặt về xã hội cổ đại và hiện đại, xã hội Hoa kiều ở Việt Nam cổ đại và hiện đại, bộ phận Việt kiều ở Trung Quốc.

Về kinh tế, gắn với mục tiêu chiến lược “Nhất đới nhất lộ”.

Trong buổi ra mắt tạp chí VNNC, chủ biên Lâm Xuân Dật, phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Quảng Tây, có nêu một ý mà các báo đưa tin thường trích dẫn rằng “hiểu nhiều để mà biết rõ”. 

Còn GS Lương Chí Minh (ĐH Bắc Kinh) nói “phải tập trung nghiên cứu các tác phẩm Việt Nam, vận động người nước ta nghiên cứu Việt Nam, góp phần đẩy nhanh chiến lược Con đường tơ lụa trên biển”.

Đằng sau lời giáo sư Lâm e không phải là hướng tới sự hiểu và biết trong phạm vi nghiên cứu học thuật đơn thuần. ■ 

“Thế giới ít biết tới quan điểm học giả người Việt”

Trao đổi với PGS.TS Đoàn Lê Giang, trưởng khoa Việt Nam học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Hiện trạng ngành Việt Nam học ở chính Việt Nam giờ ra sao, những ai sẽ quan tâm theo đuổi ngành học này, cả người nước ngoài và Việt Nam, thưa ông?

Ngành Việt Nam học vẫn phát triển mạnh mẽ gắn liền với việc phát triển kinh tế, thương mại giữa các nước với Việt Nam cùng sự có mặt của 4 - 5 triệu người Việt ở nước ngoài. Hiện nay người Việt ở Mỹ có hơn 2 triệu người, Nhật 420.000, Hàn Quốc 220.000, Nga hơn 100.000, ở Ba Lan và Tiệp Khắc khoảng 40 - 60.000 người… Họ là một trong những cầu nối quan trọng cho quan hệ thương mại, lao động, hôn nhân…, từ đó làm gia tăng nhu cầu học tiếng Việt và tìm hiểu về Việt Nam.  

Các nhà Việt Nam học hiện nay chủ yếu là các giáo sư đại học, vừa nghiên cứu Việt Nam vừa giảng dạy các môn học về Việt Nam như lịch sử, văn học, ngôn ngữ, văn hóa, tư tưởng Việt Nam… Ở châu Âu có Anatoli Sokolov, Vladimir Kolotov (Nga), Thomas Engelbert (Đức). Ở Nhật Bản có các nhà ngữ văn học Kawaguchi Kenichi, Tomita Kenji, Imai Akio, Shimizu Masaaki, Nohira Munehiro, các nhà sử học Shiraishi Masaya, Sakurai Yumio, Tsuboi Yoshiharu…. Ở Hàn Quốc là các nhà ngữ văn học Bae Yang Soo, Jeon Hye Kyung, Ahn Koyng Hwan, các nhà sử học Song Jung Nam, Yu Insun… Ở Trung Quốc có Triệu Ngọc Lan, La Trường Sơn, Hạ Lộ, Li Tana. Ở Đài Loan có Trần Ích Nguyên, Tưởng Vi Văn, La Cảnh Văn…

Riêng ở Hoa Kỳ, việc nghiên cứu Việt Nam nở rộ, không chỉ nhiều lĩnh vực mà còn có nhiều cách tiếp cận mới, có tính gợi mở về phương pháp luận quan trọng. Đó là các nhà sử học Keith Taylor, David Marr, Alexander Woodside, John K. Whitmore, Oliver W. Wolters, William Duiker…; các nhà ngữ văn học Peter Zinoman, Nora A. Taylor, Jayne Werner…

Mối liên hệ giữa Việt Nam học và việc quảng bá lịch sử, văn hóa Việt Nam với thế giới ra sao, thưa ông? Hiện giờ đã có nỗ lực có chủ đích nào - cả của Nhà nước hoặc tư nhân - với việc đó chưa?

Việc giới thiệu quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, được các cơ quan nhà nước thực hiện liên tục từ hàng mấy chục năm nay, càng ngày càng đa dạng. Đó là các họa báo về Việt Nam, các chương trình phát thanh, truyền hình cho cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài bằng tiếng Việt và người nước ngoài bằng tiếng các nước sở tại, các trang web của Nhà nước và tư nhân, các chương trình dịch thuật sách, cũng có một vài tạp chí bằng tiếng nước ngoài. 

Tuy nhiên, theo tôi, hiện nay khâu yếu nhất có lẽ là các tạp chí nghiên cứu sâu về Việt Nam bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác có uy tín học thuật (có chỉ số ISI, Scopus). Các tạp chí nghiên cứu về Việt Nam bằng tiếng Anh, Pháp… hiện đa số chỉ dừng ở giới thiệu nhập môn, chưa phải những tạp chí chuyên sâu của giới học thuật chuyên nghiệp. 

Vì vậy, kiến giải của học giả nước ngoài qua các tạp chí có uy tín cao vẫn tiếp tục có tiếng nói áp đảo, định hình cách nghĩ của người nước ngoài về Việt Nam, trong khi các nhà nghiên cứu Việt Nam chưa tham gia sâu rộng vào cộng đồng đó để có tiếng nói trao đổi một cách khách quan. Ngay cả những vấn đề sống còn của quốc gia như biển đảo thì tư liệu và quan điểm của học giả Việt Nam vẫn ít được biết đến, ít có dịp cọ xát với các học giả nước ngoài. Tình hình này đang bắt đầu được cải thiện, tuy rất chậm chạp và nhỏ lẻ. ■

C.Văn (thực hiện)

Phạm Hoàng Quân

Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần, ngày 01.5.2021.

Das große Los - bản tiếng Đức của tác phẩm văn học Số đỏ - vừa ra mắt độc giả Đức đầu năm 2022. Đảm nhận việc dịch tác phẩm nổi tiếng này của Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939) là hai dịch giả Hoàng Đăng Lãnh và Rodion Ebbighausen. Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện cùng hai ông.

20220404 2

Bìa tiểu thuyết Số đỏ ấn bản tiếng Đức. Ảnh: Rodion Ebbighausen

Có thể thấy Số đỏ khá... “đỏ” trong việc được bạn đọc bên ngoài Việt Nam đón nhận. Năm 2003, Los Angeles Times chọn Dumb Luck - Số đỏ bản tiếng Anh xuất bản ở Mỹ là một trong 50 cuốn sách hay nhất năm 2003. Bản Số đỏ tiếng Trung Quốc do PGS Hạ Lộ (ĐH Bắc Kinh) ra mắt năm 2021 cũng được độc giả Trung Quốc yêu thích. Tác phẩm văn học ra đời năm 1936 này nay được dịch sang tiếng Đức là một nỗ lực của hai dịch giả nhằm góp phần giới thiệu với độc giả Đức một tác giả được đông đảo độc giả Việt Nam yêu mến. 

Ông và đồng dịch giả Rodion Ebbighausen đã mất bao lâu để hoàn tất bản dịch? Vì sao “dự án” đưa văn học Việt tới Đức của ông bắt đầu bằng Số đỏ của Vũ Trọng Phụng? Việc chuyển ngữ có khó khăn với các ông không?

- Khó có thể nói chính xác chúng tôi đã mất bao nhiêu lâu để dịch Số đỏ. Công việc sau nhiều năm mới hoàn thành bởi do hoàn cảnh mỗi người, chúng tôi không có điều kiện dồn hết thời gian cho công việc này. Ngoài ra, vì chúng tôi mong muốn hoàn thành công việc một cách cẩn thận và chu đáo, nên đã không vội vàng. Đồng thời, chúng tôi cũng dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu tác giả cũng như tác phẩm thông qua các chuyên gia am hiểu về Vũ Trọng Phụng như nhà phê bình Lại Nguyên Ân và học giả Peter Zinoman.

Số đỏ không phải là tác phẩm tiếng Việt duy nhất được dịch sang tiếng Đức. Lý do chúng tôi chọn dịch Số đỏ nằm ở giá trị văn học và yếu tố trào phúng của tác phẩm. Hơn nữa, do tính thời sự mà tác phẩm Số đỏ sau bấy nhiêu năm vẫn còn giữ được! Theo tôi, đó chính là một trong những giá trị đáng kể của tác phẩm.

Ví dụ, thái độ giả dối của một bộ phận trong xã hội đối với quyền tự do của người phụ nữ; chuyện mê tín dị đoan; chuyện báo chí (báo Gõ Mõ) làm tiền, quảng cáo vô tội vạ, cách nói năng lai Tây, lai Tàu hay chuyện cảnh sát chỉ rình phạt người ta, thi hành luật mà không nắm luật... Số đỏ lý thú là ở chỗ chuyện tưởng đã xưa, đã cũ mà hóa ra vẫn còn rất mới.

Chúng tôi thừa nhận rằng việc chuyển ngữ, từ nhan đề đến nội dung, là không dễ dàng ở nhiều khía cạnh. Chúng tôi đã cố gắng hết sức trong khả năng của mình và hy vọng bản dịch của chúng tôi sẽ được bạn đọc Đức đánh giá tốt.

Dịch giả Rodion Ebbighausen từng nói rằng đặc tính hài hước, vấn đề gìn giữ truyền thống và cách tân khiến Số đỏ có tính toàn cầu. Ông có đồng tình với ý kiến đó? Liệu độc giả nước ngoài có dễ thẩm thấu giá trị lịch sử của một tác phẩm về xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20?

- Tôi nghĩ nền văn chương chân chính tự thân nó đã mang tính “toàn cầu”. Trong Số đỏ, đề tài chính là các mâu thuẫn giữa đổi mới và bảo thủ, giữa các xu hướng hiện đại hóa và gìn giữ truyền thống. Đây là những mối quan tâm mà mọi xã hội, bất kể xưa, nay, Đông hay Tây đều có. Số đỏ cho thấy một sự thật là cả sự cấm đoán, cản trở lẫn sự cổ xúy hô hào vô tội vạ cho những cái tưởng là mới trong cuộc sống đều có thể lố bịch hay kệch cỡm như nhau. Và, tôi nghĩ, sự thật bao giờ cũng mang tính toàn cầu.

 

 Dịch giả Hoàng Đăng Lãnh. Ảnh: NVCC

Nhà Việt Nam học - giáo sư sử học Peter Zinoman - đồng dịch giả Dumb Luck so sánh viễn kiến chính trị của Vũ Trọng Phụng tương đồng với nhà văn Anh George Orwell (1903 - 1950). Nhưng nhà phê bình Vương Trí Nhàn lại cho rằng Vũ Trọng Phụng “nệ cổ trong cách nhìn đời nói chung” và “trong trường hợp này, các nhà văn thực sự chỉ là công cụ của lịch sử”. Ông nghĩ sao về hai nhận xét này?

- Tôi cho rằng văn chương nói chung và nhà văn nói riêng không phải và càng không thể là công cụ của ai hay của giai đoạn lịch sử nào. Nền văn chương, hiểu theo nghĩa là một bộ môn nghệ thuật của ngôn từ, theo tôi, chắc chắn sẽ thành công hơn nếu nó không bị chi phối bởi cái gì khác ngoài nghệ thuật của chính nó. 

Vũ Trọng Phụng có thể không phải là tác giả hô hào cổ xúy cho phong trào Âu hóa mà ông chứng kiến. Ông giữ đúng vai trò một nhà văn là mô tả, bằng bút pháp và nghệ thuật ngôn từ của mình, cái xấu xa, kệch cỡm, cái lố bịch, ngốc nghếch, giả dối của phong trào đó nói riêng cũng như của cuộc sống xã hội đương thời nói chung. Việc chỉ ra cuộc sống xã hội phải như thế nào mới là tốt là đẹp, thiết tưởng  không phải là việc của ông. Liệu như thế có làm Vũ Trọng Phụng thành người bảo thủ hay người thiếu viễn kiến chính trị hay không thì tôi không bàn được. Tôi nghĩ, chính giá trị hiện thực và nghệ thuật ngôn từ trào phúng của tác phẩm - chứ không phải thái độ bảo thủ hay viễn kiến chính trị của tác giả - đã khiến cho độc giả Việt, ở mọi thời, mọi miền đất nước, đều thích đọc Số đỏ.

Tác phẩm Số đỏ bản tiếng Đức được Quỹ Dịch giả Đức tài trợ kinh phí. Ông có thể nói thêm về cách vận hành của quỹ?  

- Đây là quỹ được chính phủ liên bang cùng nhiều quỹ khác hỗ trợ. Tuy thế, quỹ hoạt động hoàn toàn độc lập, không lệ thuộc vào nhà nước hay các cơ quan hỗ trợ nào khác. 
Sự hỗ trợ của quỹ dành cho các dịch giả khá đa dạng, từ bồi dưỡng nghiệp vụ bằng nhiều hình thức, cung cấp phương tiện đến hỗ trợ tài chính.

Trước đây, quỹ chỉ hỗ trợ việc dịch văn chương nước ngoài sang tiếng Đức. Nhưng gần đây, quỹ mở rộng sự hỗ trợ đó cả cho việc dịch văn chương Đức ra tiếng nước ngoài. 

Học giả - dịch giả Nguyễn Hiến Lê từng nêu quan điểm về dịch thuật: “Không một bản dịch nào đúng hẳn với nguyên tác; bản dịch nào cũng mang ít nhiều cá tính, tài năng của người dịch, tinh thần của ngôn ngữ người dịch; cũng để lộ tâm tư người dịch, cái không khí thời đại của người dịch”, ông có đồng cảm với quan điểm đó?

- Tôi có thể thông cảm với quan điểm nói trên của Nguyễn Hiến Lê. Tuy nhiên, tôi nghĩ người dịch chỉ là trung gian giữa tác giả và người đọc. Người trung gian có trách nhiệm càng trung thành với tác phẩm và với tác giả càng tốt. Song, người dịch cũng có trách nhiệm giúp người đọc hiểu và thưởng thức tác phẩm của tác giả. Việc phải đồng thời hoàn thành cả hai trách nhiệm đó một lúc là không dễ dàng chút nào.

Về phần mình, tôi cần nói rõ, tôi chỉ coi mình là một độc giả may mắn. May mắn ở chỗ tôi có cơ hội đọc những gì tôi muốn và tự lựa chọn để dịch và giới thiệu một tác giả hay tác phẩm mình tâm đắc với người đọc khác. Người đọc sẽ quyết định xem họ có thích tác phẩm hay tác giả đó như tôi không.

Sắp tới các ông có ý định dịch truyện ngắn đương đại nào của Việt Nam sang tiếng Đức không?

- Hiện nay chúng tôi đang nuôi ý định tuyển dịch một tập truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam như Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Võ Thị Hảo, Lê Minh Hà, Đỗ Hoàng Diệu. Song, tôi cũng cần nói rõ thêm rằng, nuôi ý định là một chuyện nhưng liệu chúng tôi có thực hiện được ý định đó hay không lại là chuyện khác. 

 

 

 Dịch giả Rodion Ebbighausen. Ảnh: DW

 

Dịch giả Rodion Ebbighausen: Có mối quan tâm lớn về Việt Nam ở Đức, nhưng...

"Tôi nghĩ tiểu thuyết Số đỏ tương đối phù hợp để thu hút độc giả Đức và châu Âu đến với văn học Việt Nam. Sự hài hước, tính phi lý và ngôn ngữ châm biếm đưa người đọc đến gần hơn với một nền văn hóa và xã hội còn ít được biết đến. Đồng thời, tác phẩm đề cập đến những chủ đề phổ quát về con người tồn tại ở mọi thời đại và trên toàn thế giới: Mong muốn được công nhận, lòng tham, nỗi hổ thẹn và sự xung đột giữa các thế hệ: điều gì được bảo tồn, điều gì được đổi mới”, dịch giả - nhà báo Rodion Ebbighausen chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần qua email từ Bonn (Đức).

Ông nhìn thấy điểm mạnh, điểm yếu nào của xã hội Âu hóa đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam trong Số đỏ? Theo ông, có phải chúng ta đang và sẽ còn sống trong thời đại mà các giá trị phương Tây tiếp tục định hình thế giới quan của phần lớn nhân loại?

- Đối với tôi, một quốc gia hoặc một tiểu bang được điều hành tốt nếu và chỉ khi nó mang lại cơ hội bình đẳng cho TẤT CẢ cư dân của nó. Xã hội thuộc địa vào đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam dựa trên sự phân biệt chủng tộc và bóc lột. Với hầu hết người Việt Nam, họ không có cơ hội để vươn lên trong xã hội này hoặc phát triển tài năng của mình.

Tuy nhiên, tôi không tin rằng những đặc điểm này là một cái gì đó đặc biệt của phương Tây. Cũng đã và đang có sự bóc lột, phân biệt chủng tộc và bất công ở châu Á.

Chúng ta nên thay đổi thói quen chia thế giới thành phe Đông phe Tây - cuối cùng cũng chỉ là các điểm trên la bàn - mà nên xem xét việc phân loại các quốc gia theo cách cai trị tốt hay kém, theo cách điều hành hay hay dở.

Là biên tập viên chính phụ trách ban châu Á thuộc hãng phát thanh truyền hình quốc tế DW tại Đức và nghiên cứu sâu về Đông Nam Á, cũng là một dịch giả yêu văn chương, theo quan sát của ông, nền văn học nào ở Đông Nam Á được giới thiệu nhiều ở Đức và vì sao?

- Thật không may, văn chương Đông Nam Á hầu như không được biết đến ở Đức. Phải đến năm 2015 mới có một sự thay đổi nhỏ, khi Indonesia trở thành khách mời danh dự của hội chợ sách Frankfurt - một trong hai hội chợ sách lớn và quan trọng ở Đức.

Ở Đức, hầu hết các tiểu thuyết do người Mỹ gốc Việt viết vẫn luôn được đọc như những tham khảo về Việt Nam (Ocean Vuong, Việt Thanh Nguyễn được nhiều người đọc đón nhận tại Đức trong những năm qua). Hiện cũng có những quyển sách do tác giả Đức gốc Việt viết, như tiểu thuyết mới xuất bản gần đây của Khuê Phạm.

Ngoài bản dịch tác phẩm của Vũ Trọng Phụng mà anh Hoàng Đăng Lãnh và tôi đảm nhận, còn có những bản dịch tác phẩm của Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Thị Hoài và các tác giả khác. Viện Goethe ở Hà Nội cũng tổ chức dịch truyện của các tác giả trẻ Việt Nam sang tiếng Đức - công việc mà tôi đã làm cùng dịch giả, giảng viên Nguyễn Xuân Hằng.

Có một mối quan tâm lớn về Việt Nam ở Đức, vốn cũng gắn với thực tế là khoảng 100.000 người Việt hoặc người Đức gốc Việt sống tại Đức. Có một tiềm năng lớn (cho việc đưa văn học Việt Nam tới Đức - PV) nhưng đáng tiếc là không được khai phá. Việc văn chương Việt Nam ít được biết đến cũng là do thường xuyên mất liên lạc với văn học thế giới vì sự kiểm duyệt và quy định chặt chẽ.

Linh Thoại

Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần, ngày 02.4.2022.

Tatyana Schepkina-Kupernik (1874 - 1952), nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia và dịch giả nổi tiếng người Nga. Thời trẻ bà từng đi du lịch nhiều nơi, năm 1902 bà đã đến thành phố Alger của Algeria, khi ấy là thuộc địa của Pháp. Tại đấy, qua sự giới thiệu của bạn bè trong giới, bà đã làm quen và kết giao với vua Hàm Nghi, khi đó đang bị người Pháp “an trí” tại El Biar, cách thành phố Alger 5 cây số. Cuộc gặp gỡ với vị cựu hoàng đã được bà kể lại qua truyện ngắn “Hoàng tử Lý Tông (Lee Tzong)”, được xuất bản lần đầu trên một tạp chí ở Matxcơva vào năm 1903.

20210429 2

Vua Hàm Nghi trong thời gian lưu đày -(ảnh tư liệu)

Hoàng tử Lý Tông...

Chẳng phải sao, có điều gì đó trong cái tên này gợi nhớ đến tiếng vỡ vụn của đồ sứ; một thứ thật thê lương, buồn bã và dịu dàng, như âm thanh của một vật mong manh tạo ra khi nó không còn tồn tại, tuân theo quy luật vĩnh cửu của sự hủy hoại, không thương tiếc gì đến sự tồn tại của món trang sức quý giá, cũng như mạng sống con người?

Hoàng tử Lý Tông!

“Ở một vương quốc, một đất nước nào đó...” Câu chuyện của tôi bắt đầu như chuyện cổ tích, và chẳng có gì lạ cả: đó là một xứ sở tuyệt vời ở Viễn Đông, nơi những người dân da vàng lặng lẽ sống trong những túp nhà tranh vách nứa, thờ phụng Đức Phật vĩ đại trong những đền chùa đầy màu sắc, nơi những con voi thuần dưỡng chở những phụ nữ nhỏ bé trùm kín, như những bức tượng nhỏ bằng ngà voi, trong chiếc kiệu; nơi trong rừng dừa, bầy vẹt rộn rã véo von, và lũ khỉ đu người trên những dây leo chắc chắn, ném mình từ cây này sang cây khác, và trên những cánh đồng ngô hay trên nương lúa, đám thợ gặt phong phanh trong bộ quần áo màu xanh nhạt đang làm lụng... Trong cái thế giới yên bình ấy, ngày xửa ngày xưa ấy (như trong mọi chuyện cổ tích) có một hoàng tử bé.

Chàng tốt bụng và hạnh phúc. Được nuôi dạy bằng sự sành sõi của phương Tây hòa trộn với sự tinh tế của phương Đông; nhưng từ phương Tây chàng chỉ tiếp nhận những khía cạnh rực rỡ: thơ ca, nghệ thuật, kho tàng khoa học; hoàng tử có thể hiểu được lời yêu đương của người đẹp da trắng thì thầm với chàng một cách thoải mái cũng như lời giảng đạo khô khan của nhà truyền giáo phương Tây... Song, được các bậc thánh hiền của đất nước mình chỉ dạy, chàng đã nguyện theo Khổng giáo và lấy đó làm phép xử thế...

Vào một buổi sáng định mệnh tại một xứ sở yên bình, huyền ảo, đầy màu sắc, người ta biết được rằng phương Tây không chỉ có những nhà khoa học vĩ đại và những nhà thơ lừng danh, mà còn có những kẻ lăm lăm trong tay vũ khí sáng loáng và đạn dược chết người, mang đến sự hủy diệt.

Hoàng tử bé khốn khổ đã không nghi ngờ gì...

Cái chết và nỗi tuyệt vọng đổ ập vào đất nước chàng: khi đi ngủ là một hoàng tử, rồi khi tỉnh giấc... trở thành một tù nhân.

Chàng đã bị bắt và bị giải đi. Những kẻ cai trị mới của đất nước đã lựa chọn việc phủ cái bóng câm lặng lên ngai vàng của cha ông, còn chàng bị bắt làm con tin vĩnh viễn, suốt đời.

Cái lạnh sẽ rất kinh khủng với hoàng tử trẻ tuổi yếu ớt; và vì thế những kẻ chiến thắng khoan dung sẽ giam chàng vào ngục... Tôi đã nhầm! Họ đưa chàng đến một biệt thự màu trắng dưới bầu trời châu Phi nóng bỏng; và biển cả đã chia cắt chàng khỏi quê hương, mà số phận không cho phép chàng gặp lại.

Ở đó là quê hương chàng; còn ở đây là bậc thang dẫn xuống nấm mồ.

Nhưng hoàng tử vẫn sống... chàng sống chỉ với một ước muốn là nấm mộ của chàng sẽ lại trở về quê hương, và đôi lúc niềm hi vọng ấy khiến đôi mắt đen luôn u buồn của chàng rực lên như một ngọn lửa...

Lần đầu tôi gặp hoàng tử Lý Tông trong phòng khách của một khách sạn sang trọng ở Alger, một thành phố ngộ nghĩnh, nơi nền văn minh châu Âu đan xen một cách lạ lùng với sự nhếch nhác và bẩn thỉu của phương Đông; tựa như những bóng trắng trùm kín mít của phụ nữ Ả Rập lướt qua bên cạnh những thân hình đỏm dáng của phụ nữ Pháp, những cỗ xe thời Victoria bảnh bao vượt qua những con lừa do bọn trẻ cởi trần làn da sạm màu đồng đang cưỡi, những chiếc ôtô bon nhanh dưới bóng cọ, những đền thờ Hồi giáo trắng muốt bên cạnh nhà thờ Công giáo, tiếng hô của một muezzin hay thanh âm của tiếng trống làm gián đoạn điệu waltz của Meter!

Dáng người nhỏ nhắn của hoàng tử (do những người bạn chung của chúng tôi giới thiệu) trong bộ trang phục nửa Âu nửa Á ngay lập tức thu hút sự chú ý của tôi. Một chiếc khăn xếp màu trắng trùm lên bím tóc dài, áo dài đen với tay áo rộng xuống phía dưới, lót lụa xanh lá cây sáng (màu của quê hương anh); nước da ngăm ngăm vàng phảng phất màu ngà voi già, đôi mắt đen rất u buồn và rất thông minh, xếch lên phía thái dương, bàn tay và bàn chân nhỏ - tất cả những điều này khiến ta liên tưởng đến một bức tượng quý do bàn tay khéo léo của một nghệ nhân phương Đông chạm khắc.

Nhưng giọng nói của anh ngay lập tức gây ấn tượng với tôi nhiều hơn cả. Đó là một giọng nói êm tai, có thể diễn tả là rất nhẹ. Đặc biệt là lối phát âm (không phát âm z và s, mà tựa như v và f thì đúng hơn, bật ra âm hơi, nhận thấy rõ) khiến giọng nói của anh có vẻ gì đó như trẻ con, bất lực, gây xúc động.

Có lẽ, do tôi đã quen và yêu thích chuyện cổ tích, nhưng dường như tôi đã gặp hoàng tử bé ở đâu đó từ rất lâu rồi, tôi không rõ trên kệ sách, trong sách, hay trong tranh, song tôi đã gặp; còn anh đã chiếm cảm tình tôi bằng sự giản dị và một vẻ gì đó đáng tin cậy khiến anh trông như một đứa trẻ đã lớn.

Tại cung điện nhỏ, hay nói đúng hơn là biệt thự của hoàng tử, chúng tôi tụ tập vào ngày sau hôm làm quen để dùng bữa sáng.

Từ sau hàng rào trắng có thể nhìn thấy một khu vườn, những ngọn cọ vươn cao; ẩn sau chúng là ngôi biệt thự trắng mái bằng theo phong cách Ả Rập. Sân trong được lát gạch men ca rô, trắng và xanh; những đài phun nước róc rách và nhỏ giọt theo đường ống hẹp, những chùm hoa mỏ hạc tươi tốt uốn lượn bám dọc hàng rào, khiến không khí tràn ngập một mùi hương nồng; và những bông hồng đỏ thắm bao bọc cả ngôi nhà.

Trong màu xanh rậm rạp của khu vườn quyến rũ bị bỏ quên, giữa những cây dương xỉ khổng lồ, đó đây những bụi huệ lồng đèn hay layơn đỏ thắm, không phải trong những bồn hoa nhân tạo, mà mọc tự nhiên.

“Tôi không chèn ép những bông hoa của tôi...” Hoàng tử chỉ tay vào khu vườn và nói với tôi, “cứ để chúng được hưởng tự do ở đây”.

Rồi anh mỉm cười, nụ cười ấy còn làm nhói lòng hơn nước mắt... Quả thật, hoa cỏ mọc tự do và tận hưởng sự tự do ấy. Đám dây leo lơ lửng trên đầu chúng tôi như những tràng hoa, rải từ bên này sang bên kia của lối đi; hoa hồng uốn mình qua tán cây; những bụi hoa xa lạ với châu Âu, rải rác với những chùm hoa như những quả chuông nhỏ màu đỏ tươi, những chùm hoa hình sao màu tím nhạt, hoặc những chiếc tách bằng vàng dài, tựa như những chiếc bình cổ hẹp, từ đó tỏa ra mùi vani làm ngây ngất. Trên cành cây, lũ chim không ngừng chơi bản giao hưởng riêng của chúng, và những con bướm sặc sỡ khổng lồ, vàng, đỏ, tím, bay lượn trên không trung, y như những cánh hoa bay lên từ những bụi hoa.

Ánh nắng lấp loáng trên những viên gạch men sáng bóng, làm chói chang những bức tường trắng của ngôi biệt thự... Và toàn bộ góc này, với cái tên nghe thật du dương “El Biar”, dường như được tạo ra cho hạnh phúc, cho niềm vui, cho cuộc sống...

Mọi người cất tiếng trầm trồ khen ngợi, còn tôi nhìn chủ nhân của góc thiên đường này và đọc được trong mắt anh một nỗi niềm, rằng với anh không có hoa, không có nắng, không có niềm vui.

 

 Vua Hàm Nghi trong thời gian bị lưu đày (Ảnh tư liệu)

Ngôi nhà của hoàng tử là một sự pha trộn kỳ lạ giữa châu Âu và châu Á. Mọi tiện nghi hiện đại - và ghi nhận ban đầu là nhiều “đồ trang trí” (chinoiseries) được bày biện trong phòng khách hợp thời trang, chỉ có điều ở đây không phải là những đồ nội thất tầm thường được mua bán, mà là những thứ được chủ nhân yêu quý và trân trọng: những tấm trướng bằng lụa treo tường, với lời dạy của Khổng Tử được dệt bằng sợi vàng, các nhạc cụ của đất nước anh, những quyển bản thảo, mực tàu và bút lông trên bàn viết, chiếc chiếu trên sàn; và ngay đó là một cây dương cầm, một cây vĩ cầm, tập bản nhạc, trong đó tôi thấy có cả nhà soạn nhạc Glinka của chúng tôi, giá vẽ với một bản phác thảo chưa hoàn thành; khắp nơi trên tường treo những bức ký họa của hoàng tử, những bức tranh của anh cho tôi thấy tâm hồn của một nghệ sĩ lớn ẩn chứa trong thân hình nhỏ nhắn như được làm bằng ngà voi này.

Khu vườn của anh... tàn tích của một cổng vòm La Mã ở Timgad... biển vào lúc hoàng hôn màu hồng... tàn tích thành Constantine và những rừng cọ El-Kantara, mái vòm trắng của lăng mộ Marabou, những đứa trẻ da sẫm màu - tất cả những thứ ấy, như những vật thể sống nhìn từ khung tranh.

“Thật tội lỗi khi ngài không triển lãm tranh của mình ở Paris, thưa hoàng tử!” Một phụ nữ Pháp dễ mến có mặt ở đấy nông nổi lên tiếng.

Anh hơi tái mặt và trả lời với vẻ lịch thiệp hào hoa, nhưng kiên quyết:

“Tôi nghĩ thật tội lỗi nếu trưng bày tranh của mình ở Paris!”.

Tôi nhận thấy ý nghĩa thực sự của câu trả lời này đã quá rõ ràng.

Sau bữa sáng, được phục vụ hoàn toàn theo phong cách Paris, khăn trải bàn điểm hoa violet trắng và hoa hồng Bengal, thứ mà lẽ ra được vinh danh cho chính Paillard, hai người phục vụ trẻ tuổi mặc áo dài như hoàng tử, có điều dài hơn nhiều, tóc thắt bím. Họ bước đi lặng lẽ trong đôi dép trắng; và khi hoàng tử hỏi một câu bằng tiếng của họ, họ trả lời rất khẽ bằng một giọng khó lòng nghe được, cứ như thể tiếng của những chiếc tách sứ trên khay va vào nhau leng keng. Họ là hai thanh niên xuất thân từ gia đình quyền quý, những người tình nguyện đi theo hoàng tử. Và trong ngôi nhà cổ tích này, giữa những con người trầm lặng này, tiếng nói chuyện ồn ào, vui vẻ của những người nói bằng tiếng Pháp chúng tôi dường như không được bình thường.

Mọi người quyết định đi dạo. Những cỗ xe ngựa đợi chúng tôi trong sân. Hoàng tử đưa tôi lên cỗ xe nhỏ hai bánh dog-cart, do chính anh cầm cương, những người còn lại lên cỗ xe mui trần Landau.

Con ngựa trắng như tuyết, Boule-de-Neige (Tuyết Cầu), con ngựa yêu thích của hoàng tử, kéo chúng tôi lướt nhanh trên những con đường tuyệt đẹp của El Biar và vùng ven Alger. Thi thoảng, tại những khúc đường quanh mở ra toàn cảnh bức tranh ngọn núi xanh xanh Kabilia ở phía xa với những ngôi làng trăng trắng rải rác trên sườn núi, và mặt biển xanh biếc sống động lấp lánh; đôi lúc con đường chạy dọc theo những cánh đồng có rào chắn bằng những cây dứa sợi và xương rồng. Những thanh kiếm bén ngót của dứa sợi và lá chắn đầy gai nhọn của xương rồng, loài cây có lẽ do thiên nhiên tạo ra trong thời chiến tranh, như một Penthesilea nổi trận lôi đình, như thể chúng muốn chắn lối vào những ngọn đồi mà trên đó là những cụm hoa diên vĩ trắng, tím và cỏ mộc tê reseda.

Trước sự ngưỡng mộ của tôi, hoàng tử dừng ngựa, leo lên đồi và hái tặng tôi những bông hoa ấy, mà với tôi, một người phương Bắc, thì đó là điều xa xỉ.

Cầm bó hoa thơm trong tay, dưới bầu trời châu Phi, bên cạnh hoàng tử bé, tôi có cảm giác dường như mình đang đọc một trang thơ kỳ lạ, một truyện giả tưởng nhẹ nhàng, duyên dáng của Loti...

Và cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu: cuộc trò chuyện giữa hai con người, hai nền văn minh, hai chủng tộc khác nhau.

“Đừng nói về quê hương của anh ấy!”. Tôi nhớ đến lời cảnh báo của bạn bè... “Vì Chúa, đừng nói về quê hương của anh ấy”.

Nhưng, rõ ràng, những gì anh không muốn và sẽ không nói với những kẻ chinh phục đất nước mình, những gì đang run rẩy trong tim anh và tìm lối thoát ra ngoài, sẽ dễ dàng hơn để trao đổi với một người ở nước Nga xa xôi; chắc chắn cái chạm tay của tôi không thể làm tổn thương anh; và chính anh là người đầu tiên, bất ngờ, hấp tấp, nói với tôi về quê hương của mình.

Anh nói về đức tin của mình, về triết lý vĩ đại của Khổng Tử, về việc anh đang viết một tiểu luận triết học bằng tiếng mẹ đẻ diễn giải về Nho giáo. Rằng anh chưa nói điều này với ai, nhưng đó là mục tiêu của đời anh; anh nói về thủ đô của nước mình, về ngai vàng, đã bị chiếm bởi bọn người không có quyền hạn này, trong khi đó anh đã bị tước mất quyền, thậm chí nhìn lên bầu trời quê hương mình... Và không chỉ với quê hương, kể cả để đi ra ngoài trong vài giờ, anh cũng phải xin phép. Anh nói rằng anh ghen tị với tôi vì tôi có thể chu du khắp nơi nhiều như vậy...

“Hãy kể tôi nghe về quê hương của cô!”.

Đoạn anh nói:

“Tôi rất muốn chiêm ngưỡng cảnh tuyết rơi, cảnh thảo nguyên của đất nước cô...”.

“Mời ngài đến chỗ chúng tôi!”. Tôi bật ra thành lời mà không hề suy nghĩ.

Hoàng tử cúi đầu thật thấp.

Khi ngước lên nhìn tôi, đôi mắt anh đẫm ướt.

“Je suis un pauvre oiseau avec fil à la patte...” [Tôi là con chim khốn khổ bị sợi dây trói chân... (nguyên văn tiếng Pháp)]. Anh khẽ nói với nụ cười quen thuộc, nụ cười làm nhói lòng.

Và lúc này tôi mới hiểu ra một điều rằng với một hoàng tử thuộc dòng dõi lớn, có ngôi biệt thự trắng, kẻ hầu người hạ, vàng bạc... thà làm một kẻ ăn xin ngồi trong xó nhà, ăn bận rách rưới, toàn một màu nâu dưới chiếc khăn xếp trắng, mà chúng ta ném cho một đồng xu lẻ, còn cảm thấy hạnh phúc hơn, bởi lẽ với anh ta sự giàu sang tột đỉnh, hạnh phúc tột đỉnh, món quà quý giá nhất: chính là tự do! Và đất nước nghèo khó ban cho ta sự tự do còn đẹp hơn biết bao lần những thứ xa hoa kỳ lạ của xứ sở này, nơi con chim bất hạnh bị buộc chân bằng sợi xích vàng.

Hoàng tử Lý Tông...

Chẳng phải sao, có điều gì đó trong cái tên này gợi nhớ đến tiếng vỡ vụn của đồ sứ; một thứ thật thê lương, buồn bã và dịu dàng, như âm thanh của một vật mong manh tạo ra khi nó không còn tồn tại, tuân theo quy luật vĩnh cửu của sự hủy hoại, không thương tiếc gì đến sự tồn tại của món trang sức quý giá, cũng như mạng sống con người?■

Tatyana Schepkina-Kupernik 

Phạm Ngọc Thạch dịch.

Chân dung T.L. Shchepkina-Kupernik,  Tatyana Schepkina-Kupernik (1874 - 1952, nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia và dịch giả nổi tiếng người Nga) do họa sĩ Nga Ilya Repin vẽ năm 1914.

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 20.4.2021.

Không chỉ cộng tác với Tạp chí Văn hóa NEUMA (Romania), dịch giả, nhà văn Kiều Bích Hậu rất nỗ lực giới thiệu văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Mới đây nhất, chị tham gia thực hiện bộ sách “Hợp dòng văn học Việt Nam-Ấn Độ”, vừa ra mắt tháng 12/2021.

20220129 3

Chân dung nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu. (Ảnh: NVCC)

Đưa văn học Việt Nam hội nhập quốc tế một chiến lược văn hóa quan trọng của quốc gia. Tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/11/2021, về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, khẳng định: “Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế”. Để thành công, chiến lược quảng bá văn học Việt rất cần sự chung sức của nhiều cấp, ngành, sự vào cuộc của chính các văn nghệ sĩ. 

Cuối tháng 12/2021, nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu được Tạp chí Văn hóa NEUMA (Romania) mời vào Ban Biên tập vì những đóng góp cho nội dung của tạp chí suốt hai năm qua. Không chỉ cộng tác với Tạp chí Văn hóa NEUMA, thời gian qua, dịch giả, nhà văn Kiều Bích Hậu rất nỗ lực giới thiệu văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Mới đây nhất, chị tham gia thực hiện bộ sách “Hợp dòng văn học Việt Nam-Ấn Độ”, vừa ra mắt tháng 12/2021.

Xuất phát từ nhu cầu của bản thân

Phóng viên: Các hoạt động văn học sôi nổi thời gian gần đây của chị cho thấy sự nỗ lực, và quyết tâm rất lớn của chị trong việc giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài. Điều gì đã thôi thúc chị tham gia nhiệt tình vào các hoạt động này như vậy?

Mở những cánh cửa, đưa văn học Việt ra thế giới -0

 Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu với nhà thơ Sandor Halmosi. (Ảnh: NVCC)

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Điều đó xuất phát từ nhu cầu của chính tôi. Khi xuất bản đến cuốn sách thứ tư năm 2012, tôi muốn rằng mình cần thử nghiệm đưa sách của mình ra nước ngoài xem sao. Nhưng thời điểm đó, tôi không tìm thấy cánh cửa nào. Cho đến năm 2019, “cánh cửa kỳ diệu” ấy đã mở ra, khi báo chí và nhà xuất bản ở châu Âu đề nghị in tác phẩm, in sách của tôi ở châu Âu (Romania, Italia). Niềm vui ngập tràn khi tôi thấy tác phẩm của mình in bằng ngôn ngữ khác, khi thấy cuốn sách của mình tượng hình theo một cách nhìn khác với sự tưởng tượng của các đồng nghiệp phương Tây. Và khi đó, tôi cũng muốn các đồng nghiệp Việt Nam cùng được trải nghiệm niềm vui như tôi, nên đã dành công sức để kết nối thêm với nhiều biên tập viên, nhà xuất bản nước ngoài để dịch và giới thiệu tác phẩm của các nhà văn Việt Nam.

Phóng viên: Việc kết nối cùng lúc với rất nhiều “đầu cầu” ở các nước có vướng mắc gì lớn mà chị phải đối mặt, giải quyết?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Đó là vấn đề thời gian làm việc. Hằng ngày tôi dành khoảng thời gian kha khá vào buổi chiều và ban đêm để trò chuyện với các bạn đồng nghiệp nước ngoài, trao đổi dịch và xuất bản tác phẩm. Với mỗi “đầu cầu”, chúng tôi trao đổi về phương thức mà hai bên sẽ hợp tác với nhau, nội dung các tác phẩm mà trong quá trình chuyển ngữ, dịch giả gặp vướng mắc, giải quyết những yêu cầu của dịch giả, biên tập viên. Đôi khi, tác phẩm đăng lên rồi lại bị biên tập cắt ngắn đi, phía đối tác nước ngoài không đồng tình,… Do đó, để một tác phẩm in được trên báo chí nước ngoài, tôi phải giao dịch với họ nhiều lần qua email, facebook.

Và đôi khi, có những tác phẩm ở Việt Nam được coi là hay, xuất sắc, nhưng lại không “trùng sóng, trùng thời” với tư tưởng Tây phương, nên cũng khó xuất bản ở nước ngoài. Đó chỉ là những tác phẩm khu biệt, mang tính địa phương, chứ chưa mang tính toàn cầu hóa. Do vậy, trong việc chúng tôi lựa chọn tác phẩm văn chương để “xuất khẩu”, thỉnh thoảng có những cú va không mong muốn với dư luận trong nước. Những người không trực tiếp làm việc với đối tác nước ngoài, sẽ đặt những câu hỏi kiểu như thế này: “Tác phẩm ấy có gì là hay mà lại giới thiệu được ra nước ngoài?”.

Mở những cánh cửa, đưa văn học Việt ra thế giới -0

Bìa tập thơ Ẩn số của Kiều Bích Hậu xuất bản tại Italia, 2020. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên: Vậy tiêu chí của chị và các đồng nghiệp khi tuyển chọn tác phẩm để chuyển dịch và xuất bản ở các báo, tạp chí nước ngoài là gì?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Trước hết tôi đáp ứng nhu cầu của các bạn đồng nghiệp muốn mở rộng đối tượng bạn đọc ra nước ngoài, với những tác phẩm lẻ, có nội dung tốt, thể hiện nét đẹp đặc trưng văn hóa, tinh thần Việt, và những tình cảm, nhu cầu bộc lộ tâm tư. Sau đó mới là kế hoạch dịch những tác phẩm lớn, đại diện cho văn học Việt Nam từng giai đoạn. Những tác phẩm này có căn cốt Việt, nhưng cũng cần có nét tư duy có thể hòa nhập cùng tư tưởng chung của thế giới, có thể khiến bạn đọc thế giới đồng cảm.

Phóng viên: Còn quyền lợi của các tác giả có tác phẩm được đăng tải ở nước ngoài?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Quyền lợi lớn nhất là tiếng nói, tư tưởng của mình đã vượt ra khỏi biên giới, kết nối với những tâm hồn đồng điệu phương xa, từ đó mà có thêm những người bạn mới, thấu hiểu nhau với tình cảm ấm áp xuyên biên giới. Tên tuổi của họ cũng được bạn đọc nước ngoài biết đến, và cùng với tên ấy, là hai tiếng Việt Nam được xướng lên bên cạnh tên và tác phẩm của họ.

Mở những cánh cửa, đưa văn học Việt ra thế giới -0

 Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu với các bạn văn quốc tế tại Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên: Hiện nay việc giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam mà chị thực hiện chủ yếu là thơ, tại sao vậy?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Việc dịch văn xuôi ngốn khoảng thời gian khá lớn, và những tác phẩm văn xuôi trong thời gian hai năm vừa qua chưa thể hoàn thành việc dịch. Các tác giả hãy kiên nhẫn chờ đợi thêm dăm năm nữa.

Phóng viên: Như vậy là các tác giả Việt Nam có quyền hy vọng về những dự án dài hơi ở phía trước?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Hiện nay có các nhà xuất bản ở Nga, Canada, Romania, Hungary sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam ít nhất 10 năm tới để giới thiệu tác phẩm văn xuôi Việt Nam, chủ đề từ chiến tranh Việt Nam cho đến thời kỳ đổi mới, mở cửa.

Phóng viên: Thật là một tin rất vui! Chị có thể cho biết ý kiến đánh giá, phản hồi từ các báo, tạp chí đã đăng tải tác phẩm văn học Việt Nam mà chị trực tiếp kết nối và thực hiện thời gian qua?

Mở những cánh cửa, đưa văn học Việt ra thế giới -0

 Từ trái qua phải: dịch giả Đức Guenter Giesenfeld, nhà thơ Sandor Halmosi, nhà văn Kiều Bích Hậu, nhà thơ Laura Garavaglia. (Ảnh: NVCC)

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Nhà thơ người Italia Laura Garavaglia (Chủ tịch ngôi nhà thơ Como) nhận xét rằng, nếu không dịch thơ của nhà thơ đương đại Việt Nam, thì người dân Italia chỉ biết đến Hồ Chí Minh và Nguyễn Du mà thôi, chỉ biết đến Việt Nam thời trước 1954. Thơ nữ Việt Nam thể hiện tính nữ mãnh liệt, vượt qua những trói buộc Nho giáo để tình yêu được tỏa sáng, và người nữ khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Nhà thơ, nhà văn Nga Alexander Konstantin Kabishev, người giới thiệu thơ văn Việt Nam trên tờ Humanity cho rằng: Qua thơ văn Việt Nam, tôi thấy chúng ta lại khá gần gũi nhau trong những giá trị về tinh thần và văn hóa. Tôi còn biết Việt Nam có sự ấm áp về khí hậu và tình cảm con người. Việt Nam còn là đất nước của những con người tốt bụng và thân thiện, rất nhiều người trong số người tôi biết qua tác phẩm của họ, khiến tôi cảm thấy vô cùng thoải mái coi họ là bạn thân. Người Việt chính là biển tài năng và dòng suối trong trẻo của tư tưởng nhân đạo hiện đại.

Cần sự chung sức của mọi người

Phóng viên: Nói về cơ hội, theo chị, chúng ta có cơ hội để đưa văn học Việt đến rộng rãi với bạn bè quốc tế hay không, thay vì cách làm còn khá nhỏ lẻ hiện nay?

Mở những cánh cửa, đưa văn học Việt ra thế giới -0

 Nhà văn Kiều Bích Hậu tham dự “Diễn đàn châu Á” (Asia Forum) do Hội văn học châu Á và Tạp chí Văn hóa, văn học, nghệ thuật châu Á tổ chức trực tuyến, tháng 8/2021. (Ảnh: NVCC)

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Tôi nghĩ phải từ những lạch nước nhỏ, chảy thành suối, thành sông, rồi mới ra biển lớn. Nhưng vấn đề là chúng ta cần khởi lên một hành động, và làm nó hằng ngày, kiên trì, bền bỉ, lôi cuốn mọi người chung tay, chung sức…

Xét về giá trị tác phẩm Việt Nam qua các giải thưởng văn học quốc tế uy tín, thì các nhà văn Việt Nam ở hải ngoại như: Viet Thanh Nguyen, Kim Thúy, Linda Le, Thuận, Trần Vũ, Đinh Linh… cũng đã xuất bản nhiều sách ở nước ngoài và được giải thưởng danh giá như giải Pulitzer, thậm chí nhà văn Kim Thúy còn được đề cử giải Văn học mới, thay thế giải Nobel Văn chương bị hoãn trong năm  2018…

Các nhà văn trong nước thì có thể kể đến nhà văn Bảo Ninh được nhận Giải thưởng Văn học châu Á ở Hàn Quốc với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”; tác phẩm “Cánh đồng bất tận” (được dịch sang tiếng Đức: Endlose Felder) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được trao giải thưởng Literaturpreis 2018 do Litprom, Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt (Đức) bình chọn; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được trao giải thưởng văn học Changwon KC International Literary, Hàn Quốc nhằm ghi nhận những đóng góp của tác giả với văn chương quốc tế; tập tiểu thuyết “Trí nhớ suy tàn” của nhà văn Nguyễn Bình Phương được Nhà xuất bản Riveneuve của Pháp xuất bản với bản dịch của nhà nghiên cứu người Pháp Emmanuel Poisson, nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai được trao giải thưởng văn học Dayton vì hòa bình năm 2021 và nhiều giải thưởng văn học uy tín khác cho tác phẩm “The Mountains Sing”…

Mở những cánh cửa, đưa văn học Việt ra thế giới -0

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận sách “Hợp dòng văn học Việt Nam-Ấn Độ” vừa ra mắt tháng 12/2021. (Ảnh: NVCC)

Như vậy, vấn đề không phải văn học Việt Nam thiếu tác phẩm hay để đưa ra thị trường văn học thế giới, mà vì sự nghiệp này chưa được quan tâm thỏa đáng. Hay nói một cách văn chương, thì chưa có vị hoàng tử xuất hiện để đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Bên cạnh đó thì chi phí dịch thuật thấp cũng là một rào cản. Đơn cử, việc trả nhuận bút dịch cho một trang tác phẩm văn học gồm 350 chữ của Việt Nam chỉ được 150.000 đồng, trong khi thị trường dịch văn học các nước trong khu vực châu Á có mức chi trả trung bình là 700.000 đồng/trang.

Phóng viên: Ngoài vấn đề kinh phí đang còn nhiều hạn chế thì theo chị, chúng ta có đủ lực lượng dịch giả để đảm nhiệm công việc nặng nề này?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Chúng ta có đủ lượng dịch giả ở Việt Nam, ở nước ngoài, vấn đề là chúng ta cần ngồi lại với nhau để cùng làm việc này với một chiến lược dài hơi và sự đầu tư thỏa đáng. Tôi thấy cái khó của người Việt là thiếu tính hợp tác, thiếu kết nối và thiếu kiên trì, thiếu những đại diện văn học thực sự giỏi nghề, năng nổ, có quan hệ quốc tế rộng rãi. Nghề đại diện văn học ở ta hầu như chưa có. Chúng ta cũng chưa ý thức đủ về việc quảng bá cho tâm hồn Việt qua văn chương, chưa ý thức đủ về sự cạnh tranh ảnh hưởng văn hóa toàn cầu.

Phóng viên: Mặc dù đã có không ít tác phẩm văn học trong nước được giới thiệu, xuất bản ở nước ngoài, được đưa vào hệ thống thư viện quốc gia và một số trường đại học, tuy nhiên công tác, quảng bá văn học Việt ra thế giới vẫn cần phải được tiến hành một cách bài bản hơn. Là một dịch giả và hiện đang công tác tại Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam, ý kiến của chị về vấn đề này?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Để tiến hành bài bản công tác quảng bá văn học Việt ra thế giới, tôi cho rằng cần có sự đầu tư kinh phí lâu dài của nhà nước, sự nỗ lực rất lớn của Hội Nhà văn Việt Nam, kết hợp cùng với các tác giả và dịch giả để tìm ra chiến lược phù hợp đưa nền văn học nước nhà vươn ra tầm thế giới.

Mở những cánh cửa, đưa văn học Việt ra thế giới -0

Bìa sách “Hợp tuyển văn học Việt Nam-Ấn Độ” vừa ra mắt tháng 12/2021. (Ảnh: NVCC)

Tôi mạnh dạn đề xuất chiến lược như thế này:

Một là, tập hợp các dịch giả đã thành danh trên khắp thế giới, đã có tác phẩm dịch văn học Việt Nam và xuất bản ở nước ngoài thành công (dịch giả có thể là người Việt, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài), trao cho dịch giả danh hiệu Đại sứ văn học Việt Nam, liên kết suốt đời với đội ngũ này để họ tiếp tục cống hiến tài năng, tâm sức cho sự nghiệp quảng bá văn học Việt Nam. Đầu tư xây dựng đội ngũ dịch giả mới, trẻ trung, tài năng, hiểu biết và chuyên nghiệp (gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài). Có chế độ đối đãi đúng với giá trị mà các dịch giả cần được nhận;

Hai là, xây dựng Viện dịch thuật văn học Việt Nam để quy tụ đội ngũ dịch giả tài năng, liên kết với các đối tác nước ngoài để mỗi năm xuất bản ít nhất 10 đầu sách văn học Việt Nam tiêu biểu ở 10 quốc gia mạnh về văn chương và có ngôn ngữ phổ cập như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Italia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Viện dịch thuật văn học Việt Nam cũng sẽ tổ chức các sự kiện như Hội thảo, tọa đàm xuyên quốc gia về các tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu, được giải thưởng trong nước và quốc tế. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu tác phẩm văn học Việt Nam tại các quốc gia khác;

Ba là, thành lập Quỹ dịch và quảng bá tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới để kêu gọi nguồn vốn công, tư cho việc dịch văn học Việt Nam, tạo nền tảng trao đổi tác phẩm văn học Việt Nam với thế giới để huy động tác phẩm và quy tụ các nhà xuất bản trên khắp thế giới. Tích cực kết nối và kêu gọi sự trợ giúp về kinh phí và phát hành sách văn học Việt Nam từ các nguồn lực ở nước ngoài. Tổ chức xuất bản các tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam ở nước ngoài và đưa vào hệ thống thư viện nước ngoài. Khuyến khích các tác giả tự đầu tư dịch và xuất bản tác phẩm của chính mình ở nước ngoài;

Bốn là, thành lập các nhà xuất bản trong các trường đại học có khoa ngữ văn và tiếng nước ngoài để các sinh viên và giảng viên, nhà nghiên cứu văn học, các nhà ngôn ngữ học có thể dịch ngược, xuôi, liên kết xuất bản chéo tác phẩm của các nước đối tác. Cấp học bổng cho sinh viên nước ngoài học tiếng Việt, khi những sinh viên này tốt nghiệp, cần ký hợp đồng dài hạn với họ để họ dành thời gian trọn đời dịch tác phẩm văn học Việt Nam;

Năm là, tổ chức xét trao giải thưởng lớn cho các tác giả Việt Nam có tác phẩm văn học, có sách được dịch và xuất bản ở nước ngoài hằng năm, và giải thưởng cho các dịch giả dịch được tác phẩm Việt Nam xuất bản ở nước ngoài;

Sáu là, tổ chức việc quảng bá thật sâu, đậm cho một số tác giả Việt Nam đương đại tiêu biểu, có những tác phẩm giá trị, đặt hàng những dịch giả danh tiếng của thế giới, dịch tác phẩm của những tác giả đó và xuất bản ở những nước có thị trường văn học mạnh, hướng tới các giải thưởng danh giá của thế giới như Nobel, Pulitzer, Man Booker quốc tế…

Điều quan trọng là chúng ta phải bắt tay vào thực hiện!

Mở những cánh cửa, đưa văn học Việt ra thế giới -0

 Nhóm nữ dịch Văn học Hà Nội và một số người bạn tại Bảo tàng Nghệ thuật gốm Quang tại Bát Tràng.

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu sinh năm 1972 tại Hưng Yên, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Chị từng đoạt giải Khuyến khích cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” của Báo Tiền phong năm 1992 với truyện ngắn “Huyền thoại về người đẹp”; giải Nhì cuộc thi “Truyện ngắn Báo Văn nghệ 2006-2007” với truyện ngắn “Đợi đò”; giải Khuyến khích cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội 2008-2009 với chùm tác phẩm “Mùa sen”, “Nốt cuối của bản nhạc Jazz”. Năm 2020, tập thơ The Unknow (Ẩn số) của Kiều Bích Hậu sáng tác bằng tiếng Anh đã được dịch và xuất bản ở Italia.

Tính riêng trong năm 2021, nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu đã kết nối, và cùng các dịch giả khác trong Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội chuyển ngữ tác phẩm của gần 60 tác giả Việt Nam để giới thiệu, xuất bản ở nhiều quốc gia như: Ấn Độ, Italia, Mỹ, Romania, Pakistan, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary....

 

“Để có thể hiểu rõ căn cốt của nền văn hóa Việt Nam, lịch sử tinh thần và các giá trị làm nên sức mạnh, vẻ đẹp và phẩm giá Việt Nam thì không có hoạt động nào so sánh được với việc giao lưu văn học, nghệ thuật. Chỉ có sự khám phá công phu con người qua văn học mới có thể tiếp cận bản chất, đặc thù và chiều sâu văn hóa của một dân tộc, làm cơ sở cho một nhận thức và tầm nhìn đúng đắn về truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam. Làm cho tâm hồn gặp gỡ với tâm hồn, làm cho chia sẻ bù đắp chia sẻ, chính là tạo nên những trụ cột vững chắc cho một tình bạn lâu bền, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nhà văn với thế giới và nhân dân Việt Nam với thế giới”.

(Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam)

Phong Điệp thực hiện

Nguồn: Báo Nhân dân, ngày 10.01.2022.

Những câu chuyện cổ tích sẽ giới thiệu một nước Việt Nam giàu có và lâu đời về văn hóa tới độc giả Ý qua một người Ý đã dành cả đời cho cuộc quảng bá văn hóa Việt.

Tháng 11-2020, nhà xuất bản (NXB) Anteo của Ý giới thiệu cuốn Il granchio di sabbia e La pietra colpevole - Racconti fantastici dal Vietnam (Dã tràng xe cát và Tra tấn hòn đá - Những câu chuyện cổ tích Việt Nam) của hai tác giả Sandra Scagliotti và Trần Doãn Trang. 

Đây là cuốn thứ hai sau cuốn Il corvo e il pavone - Racconti fantastici dal Vietnam” (Quạ và công - Những câu chuyện cổ tích Việt Nam) in tháng 11-2019, nhằm giới thiệu cho độc giả Ý văn hóa Việt Nam qua những câu chuyện cổ tích.

Những người Ý từng biết đến Việt Nam qua chiến tranh, người di tản, hay những trang sách của Tiziano Terzani... sẽ biết thêm một Việt Nam miền cổ tích với những triết lý đời sống về nhân quả, cách giải thích hiện tượng thiên nhiên, đến lịch sử bước vào trong truyền thuyết, rồi những địa danh, thắng cảnh Việt Nam tự ngàn xưa.

Bạn đọc báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần mười năm về trước từng biết ông Trần Doãn Trang, kỹ sư nhà máy xe hơi Fiat ở Torino, qua bài viết “Đi tìm Hoàng Sa trong tu viện cổ” của nhà báo Lê Đức Dục. Ngày đó, ông Trang lần theo tin tức trên Internet để đi tìm cuốn sách gốc của nhà địa lý lừng danh Adriano Balbi viết về Vương quốc An Nam và chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. 

Cũng tham gia hành trình đó là bà Sandra, lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Torino - người đã đón tiếp và đưa các nhà báo tới tu viện cổ để tận mắt thấy cuốn sách. Ít người biết bà Sandra đã gắn bó với văn hóa Việt Nam, học tập, nghiên cứu và xuất bản nhiều cuốn sách về Việt Nam từ rất lâu.

“Việt Nam không chỉ là đối tượng học tập và nghiên cứu, mà còn là toàn bộ cuộc đời tôi. Tôi đã nghiên cứu nền văn hóa mà tôi yêu thích này, cố gắng đào sâu càng nhiều càng tốt những đặc điểm, các sắc thái muôn màu muôn vẻ và trên hết là truyền bá lịch sử một đất nước hào hùng đã cho cả thế giới biết rằng độc lập, tự do không phải là thứ hàng hóa mua bán trao đổi được. 

Tôi đã học được nhiều từ Việt Nam và người Việt. Từ tấm gương của dân tộc oai hùng và dũng cảm này, tôi đã học hỏi, rèn luyện lương tâm chính trị và đạo đức của chính mình. Với Việt Nam và con người Việt Nam, tôi biết ơn từ tận đáy lòng” - bà Sandra nói.

20210407 5

Bìa hai cuốn sách vừa xuất bản ở Ý. Ảnh: Liên Hương

Khởi đầu của một đam mê

Mọi thứ bắt đầu từ một luận văn tốt nghiệp đại học về đề tài lịch sử quan hệ quốc tế (Phụ nữ Việt Nam giữa truyền thống và cách mạng, 1983, Đại học Torino). Sau một thời gian dài tham gia các hoạt động của Hiệp hội quốc gia Ý - Việt (ra đời từ những năm 1970), thượng nghị sĩ Ý Ettore Masina - nhà trí thức và là chủ tịch hiệp hội - cùng người thầy Việt Nam của bà Sandra, giáo sư Nguyễn Văn Hoàn, và các học giả khác, trong đó có Charles Fournaiu và Enrica Collotti Pischel, đã thúc đẩy bà thành lập Trung tâm Việt Nam học nhằm lôi kéo người Ý trẻ tuổi tham gia. 

Năm 1989, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam chính thức ra đời, thúc đẩy các công việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu và xuất bản trong lĩnh vực học thuật. Một kho lưu trữ các dữ liệu về Việt Nam được mở, năm này qua năm khác trở thành điểm tham khảo cho sinh viên và giới nghiên cứu, điều hành văn hóa, tổ chức phi chính phủ, tình nguyện viên, du khách... ở Ý.

Nhờ sở hữu một số lượng đáng kể tư liệu bằng tiếng Việt, trung tâm trở thành nơi đọc sách, gặp gỡ của cộng đồng Việt Nam, nơi làm việc của các nghiên cứu sinh về Việt Nam. Trung tâm tư liệu từng bước được mở rộng và phát triển tới khi trở thành một thư viện Việt Nam thực thụ, với kiến trúc nội thất bằng gỗ do các nghệ nhân Việt Nam thực hiện, mang tên Enrica Collotti Pischel, người thầy và cũng là người bạn của bà Sandra. 

Tháng 6-2004, với sự chứng kiến của đại sứ Việt Nam Lê Vinh Thứ cùng nhiều quan chức cấp cao của Hội đồng thành phố Torino, thư viện Pischel chính thức đi vào hoạt động, có thêm thư viện báo và tạp chí, một mảng nghệ thuật âm nhạc do giáo sư tiến sĩ và nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Trần Văn Khê sắp đặt. Tạp chí Mekong, ấn phẩm riêng của thư viện, cũng ra đời từ đó và tiếp tục tới bây giờ.

Những năm 1990, bà Sandra dạy ở Đại học Torino các khóa học về lịch sử châu Á hiện đại và đương đại, hướng dẫn các hội thảo về lịch sử, xã hội và văn hóa Việt Nam. Từ việc giúp đỡ thành lập Văn phòng thương mại Ý - Việt năm 1996, tới năm 2009 bà được chính thức bổ nhiệm lãnh sự Việt Nam tại Torino - điều được bà coi là một vinh dự lớn lao, là đỉnh cao của cuộc đời cống hiến cho Việt Nam và mở ra cánh cửa cho những hợp tác mới ở cấp độ thể chế.

Cổ tích Việt trên đất Ý

Bìa hai cuốn sách vừa xuất bản ở Ý. Ảnh: Liên Hương

Trở lại với những câu chuyện cổ tích Việt kể bằng tiếng Ý của bà Sandra và ông Trang - hai người bạn thân đã nhiều năm gắn bó và hoạt động cùng nhau trong hành trình văn hóa ở Trung tâm văn hóa Việt Nam - họ chọn lựa dựa vào nguồn chính là Kho tàng cổ tích dân gian Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, một tác phẩm nghiên cứu khoa học và hoàn chỉnh. Đây đều là những câu chuyện dân gian, tư liệu truyền khẩu được ông miệt mài tìm kiếm, sưu tầm ở nhiều địa phương từ Bắc chí Nam và viết lại một cách đáng tin cậy với văn phong giản dị, trong sáng và ngôn ngữ sống động.

Khác với các tác phẩm được dịch qua tiếng Ý từ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, hai tác giả dịch trực tiếp từ ngôn ngữ tiếng Việt nhằm chuyển tải một cách chính xác nhất bản sắc văn hóa Việt Nam. Độc giả Ý sẽ được tiếp cận một nền văn hóa gần như xa lạ, tìm thấy ở đó những điều kỳ diệu của trí tưởng tượng dân gian, hiểu thêm dân tộc tính của người Việt, quan niệm, phong tục và lối sống của một dân tộc quật cường bên bờ biển Đông. Những đứa trẻ là con nuôi của các gia đình Ý đến từ Việt Nam hoặc những đứa trẻ gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Ý có thêm cơ hội để tìm về lại cội nguồn.■

Bà Sandra còn là tác giả nhiều cuốn sách và nghiên cứu khác về Việt Nam, có thể kể ra đây: Grazie Việt Nam! (Cảm ơn Việt Nam!, Torino 2015), Il banco di sabbia dorata. Il Viet Nam e gli arcipelaghi del Mare orientale (Bãi cát vàng. Việt Nam và các quần đảo trên Biển Đông, Torino 2017), và Vietnam, spinaci d’acqua e melazane - Una civiltà vegetale fra storia e letteratura (Việt Nam, rau muống và quả cà - văn hóa cỏ cây trong lịch sử và văn học, Anteo 2018).

Liên Hương (Bergamo, Ý)

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 14.01.2021.

Cuối thế kỉ XX, văn học Việt Nam đã mở ra nhiều hướng đi mới. Thời điểm này cũng là lúc chúng ta chứng kiến thêm sự bùng nổ và cất tiếng của các trào lưu văn học hiện đại với các thành tựu và sức ảnh hưởng đáng kể.

Bức tranh văn học Việt Nam đương đại có thêm nhiều màu sắc về ngôn ngữ, tư tưởng, mĩ học cũng như tính địa lí, lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội... Bên cạnh tác phẩm của các nhà văn trong nước, văn đàn còn được góp tiếng nói bởi tác phẩm của những nhà văn hải ngoại viết bằng tiếng mẹ đẻ như Đi hết đường mưa (Phạm Hải Anh), China Town (Thuận) hay Oxford thương yêu (Dương Thuỵ)... Những nhà văn thuộc nền văn học di dân, sau khi được tái định cư ở ngoại quốc, bắt đầu tiếp xúc với những nền văn hoá mới. Do đó, bản thân họ luôn thường trực ở giữa những xung đột cũ và mới. Vấn đề này luôn được đặt ra trong các tác phẩm của họ. Tác giả Đào Trung Đạo trong cuốn sách Văn chương di dân viết về quê hương từ bên ngoài đã đặt ra ba câu hỏi để chúng ta cùng đi tìm câu trả lời. Đầu tiên, đối tượng của nhà văn di dân là ai. Thứ hai, tính trung thực trong mô tả quê hương của một người ở phía ngoài có đúng hay không. Cuối cùng, di dân luôn chứa những lai ghép về văn hoá, vậy người viết đứng trên lập trường nào để viết. Đó đều là những câu hỏi còn để ngỏ cho những nhà nghiên cứu phê bình tiếp tục khai thác.

Năm 2020 tiếp tục đánh dấu sự thành công ngoạn mục của những nhà văn Mỹ gốc Việt. Đình đám nhất có lẽ là sự kiện nhà văn Nguyễn Thanh Việt được bầu chọn vào hội đồng giám khảo giải thưởng Pulitzer tháng 9.2020. Không chỉ là người gốc Việt đầu tiên, giáo sư Nguyễn Thanh Việt còn là người Mỹ gốc Á duy nhất từ trước đến nay tham gia chấm giải Pulitzer - một trong những giải thưởng uy tín nhất của Mỹ và thế giới, được trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí và văn học.

Dù vậy, Nguyễn Thanh Việt không là nhà văn gốc Việt nổi bật duy nhất. Xuyên suốt thập kỷ vừa qua, nhiều cây bút gốc Việt vừa đóng góp rất lớn cho dòng chảy của nền văn học viết bằng tiếng Anh, vừa giúp định hình dòng chảy đó. Không xa lạ với bạn đọc quốc tế là những cái tên như Ocean Vương, Thi Bùi, Bảo Phi, Phúc Trần, Monique Trương, Lan Cao, Lan Dương, Mộng Lan, Isabelle Thuy Pelaud, Minh Lê, Nam Lê, Andrew Lâm, Nguyễn Quí Đức, Lệ Lý Hayslip, Andrew X. Phạm, Bích Minh Nguyễn, Hoa Nguyễn, Aimee Phan, Dao Strom, Mai Elliot, Phan Thị Kim Phúc, Cathy Linh Chế, Kiên Nguyễn, Quan Barry, Kevin Nguyễn, Angie Chau, Vũ Trần… Họ đã đạt nhiều giải thưởng văn học danh giá, cống hiến những tác phẩm ấn tượng ở nhiều thể loại văn học: tiểu thuyết, truyện ngắn, tự truyện, thơ ca, văn học viết cho thiếu nhi, và phê bình văn học. 

Nhưng thành công không hề đến dễ dàng với những cây bút nói trên. Vài thập kỷ trước, giới xuất bản Mỹ và quốc tế thường “ngó lơ” trước các câu chuyện viết bởi những người di dân và người tị nạn. Cũng như các bộ phim Hollywood, kể cả trong các bộ phim về chiến tranh Việt Nam, thường đặt câu chuyện của người Mỹ làm trung tâm, các nhà xuất bản thường dành sự ưu tiên xuất bản các tác phẩm văn học được viết bởi những nhà văn da trắng. Vì thế, cùng với các nhà văn da màu khác, các nhà văn gốc Việt đã phải không ngừng tranh đấu để các tiếng nói của mình được lắng nghe.

20210322 2

Sự kiện giao lưu văn học có bán vé vào cửa do mạng lưới các nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại tổ chức ở Bảo tàng nghệ thuật San Jose (Mỹ)  không còn một chỗ trống. Ảnh: TLTG 


Một trong những người tiên phong trong cuộc đấu tranh ấy là giáo sư, nhà văn Nguyễn Thanh Việt. Ông là người đứng ra kêu gọi các nhà văn Việt Nam phải giành lại quyền kể các câu chuyện về cộng đồng mình, về xứ sở của mình. Là một nhà phê bình văn học, ông luôn muốn các nhà văn Việt Nam nói riêng và các nhà văn da màu nói chung phải sáng tác với một tâm thế mới - bình đẳng với các nhà văn da trắng trong dòng văn học viết bằng tiếng Anh.

Trong nhiều bài phỏng vấn, ông luôn kêu gọi các nhà văn da màu đồng tâm đồng sức: “Các nhà văn thuộc cộng đồng thiểu số, hãy viết như thể bạn là một phần của cộng đồng người đa số. Đừng giải thích. Đừng phục vụ cộng đồng người đa số. Đừng dịch các từ thông dụng trong văn hóa của bạn. Đừng xin lỗi. Hãy viết như mọi người đều biết bạn đang nói về điều gì, như các nhà văn thuộc cộng đồng đa số đã làm. Viết với tất cả đặc quyền của các nhà văn cộng đồng đa số, nhưng với sự khiêm tốn của một nhà văn dân tộc thiểu số”.

Để đẩy mạnh tinh thần đoàn kết sáng tạo của các nhà văn Mỹ gốc Việt, từ năm 1994, giáo sư Nguyễn Thanh Việt đã cùng các đồng nghiệp văn chương thành lập một nhóm các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình có cùng chí hướng, để từ đó, mạng lưới các nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại (Diasporic Vietnamese Artists Network - DVAN) được thành lập và không ngừng lớn mạnh. Mục đích của DVAN là thúc đẩy việc xuất bản các tác phẩm văn học nghệ thuật của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại bằng cách hỗ trợ các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, kết nối các tác phẩm của họ với bạn đọc và cộng đồng những người di cư ở khắp thế giới.

DVAN đã tổ chức được nhiều sự kiện văn học ra mắt tác phẩm, giới thiệu nhiều gương mặt mới, tổ chức nhiều buổi toạ đàm trao đổi kỹ năng sáng tác. Có thể nói, sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau của các cây bút gốc Việt tại hải ngoại chính là một trong những yếu tố dẫn đến thành công của họ. Trên các trang cá nhân trên mạng truyền thông xã hội mà các nhà văn này hay sử dụng như Facebook, Twitter, Instagram, không hiếm khi người ta bắt gặp các nhà văn gốc Việt giới thiệu các tác phẩm của các nhà văn khác. Họ hỗ trợ nhau trong các sự kiện ra mắt sách, giới thiệu độc giả của mình các tác giả mới, tác phẩm mới.

Theo lời của nhà văn Nguyễn Thanh Việt: “Một người Việt thành công cần mở đường cho những người Việt khác, tôn vinh những người Việt khác để rồi những tiếng nói mới, những câu chuyện hay của cộng đồng người Việt sẽ được thế giới lắng nghe”.

Một số tác phẩm của các nhà văn Mỹ gốc Việt xứng đáng được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: TLTG


Tính tri thức cao, tinh thần học thuật cũng chính là một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công của các cây bút Việt Nam ở hải ngoại. Nhiều người trong số họ là các giáo sư, tiến sĩ, giảng dạy ngành viết văn ở các trường đại học uy tín của Mỹ: nhà văn Nguyễn Thanh Việt hiện là giáo sư văn học Anh, Mỹ, dân tộc học, và văn học so sánh tại Đại học Nam California; nhà thơ Ocean Vương là phó giáo sư giảng dạy chương trình thạc sĩ viết văn của Đại học UMass-Amherst; nhà phê bình Isabelle Thuy Pelaud là giáo sư giảng dạy tại khoa nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Đại học San Francisco State University; nhà thơ/nhà phê bình Lan Dương là giáo sư giảng dạy ngành nghiên cứu điện ảnh và truyền thông của Đại học Nam California; nhà văn Bích Minh Nguyễn là giáo sư giảng dạy chương trình thạc sĩ viết văn Đại học Wisconsin - Madison; nhà văn Lao Cao là giáo sư ngành luật kinh tế quốc tế Đại học Chapman; nhà văn Vũ Trần là phó giáo sư ngành nghệ thuật ứng dụng Đại học Chicago; nhà văn Aimee Phan là phó giáo sư ngành viết văn và văn học của Đại học California College of the Arts… 

Vị trí của các nhà văn Mỹ gốc Việt trong giới học thuật là một điều đáng nể và là minh chứng cho ý chí và nỗ lực không ngừng, bởi họ có một vị trí xuất phát không hề dễ dàng. Là con của những người tị nạn, nhiều người trong số họ đã có một tuổi thơ vất vả, thiếu thốn, phải lớn lên trong sự kỳ thị chủng tộc. Đơn cử là nhà thơ Ocean Vương lớn lên trong một gia đình mù chữ, với người mẹ phải khom mình trước những người da trắng, sơn sửa móng tay móng chân cho họ. Đến Mỹ năm hai tuổi và chỉ bắt đầu biết đọc tiếng Anh khi mới 11 tuổi, Ocean Vương hiện nổi tiếng khắp thế giới với khả năng ngôn ngữ văn chương độc đáo của mình.

Tập thơ Night Sky with Exit Wounds (bản dịch tiếng Việt Trời Đêm Những Vết Thương Xuyên Thấu do nhà thơ Hoàng Hưng chuyển ngữ, đã được phát hành ở Việt Nam) là một quyển sách bán rất chạy và liên tục được vinh danh với những giải thưởng thi ca danh giá nhất như: Giải thưởng thơ Whiting 2016 với tiền thưởng lên đến 50.000 USD (1,135 tỉ đồng), giải thưởng thơ Forward Prize - được xem như “Oscar thơ” của nước Anh... Tiểu thuyết đầu tay của Ocean Vương On Earth We’re Briefly Gorgeous - dưới dạng bức thư của người con trai viết cho người mẹ mù chữ - vừa phát hành đã lọt vào danh sách bán chạy nhất của tờ New York Times, được dịch sang 12 thứ tiếng và giúp Ocean Vương đoạt giải thưởng thiên tài, trị giá 625.000 USD từ Quỹ MacArthur. 

Ocean Vương là một trong những nhà văn thành công nhờ tài năng xuất chúng và cũng nhờ việc kế thừa các truyền thống thi ca của dân tộc Việt Nam. Là một người nói thông thạo tiếng Việt, anh tin rằng khả năng song ngữ giúp anh định hình phong cách sáng tác bằng tiếng Anh, vì nó cho phép anh quan sát sự việc từ một góc nhìn mới mẻ. Trong một bài phỏng vấn, Ocean Vương chia sẻ: “Tiếng Việt rất nhiều âm tiết và ý nghĩa của một từ hoàn toàn thay đổi khi bạn để giọng mình vút lên hay trầm xuống, vì vậy tôi đã áp dụng khả năng lắng nghe tiếng Việt sang tiếng Anh... Và tôi đã bắt đầu sáng tạo ra những hình ảnh mới cho riêng mình”. Say đắm với vẻ đẹp tiếng Việt, Ocean Vương đã không ngần ngại lôi cuốn người đọc vào vẻ đẹp ấy.

Trong tập thơ Trời Đêm Những Vết Thương Xuyên Thấu, anh đã mạnh dạn sử dụng nhiều ngôn ngữ tiếng Việt mà không hề dịch nghĩa. Bài thơ Headfirst của anh đã được in cùng với hai câu thành ngữ sau mà không có chú thích về nghĩa: “Không có gì bằng cơm với cá/ Không có gì bằng má với con”. Trong bài thơ viết về người cha, anh bắt đầu bằng những từ tiếng Việt mà không dịch nghĩa:“Lan ơi, em khỏe không? Giờ em đang ở đâu? Anh nhớ em và con quá…”. 

Các nhà văn hải ngoại trong chương trình giao lưu văn học do mạng lưới các nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại tổ chức mùa hè 2018 (bìa phải là giáo sư Nguyễn Thanh Việt). Ảnh: TLTG


Cũng như Ocean Vương, nhà văn Thanhhà Lại cũng kế thừa truyền thống thi ca của Việt Nam bằng cách… sáng tác tiểu thuyết bằng thơ. Trong tác phẩm Inside out and Back Again (Từ trong ra ngoài rồi bắt đầu lại),  Thanhhà Lại kể về những trải nghiệm đầy đau thương của gia đình mình và của bản thân khi phải rời Việt Nam, định cư ở Hoa Kỳ. Và những nỗi đau đó được xoa dịu bởi ngôn ngữ thơ sâu lắng và trong trẻo, cất lên bởi người kể chuyện là một cô bé ngây thơ. 

Thanhhà Lại cho biết cô là người luôn ý thức bảo tồn tiếng Việt và cách suy nghĩ của người Việt qua tác phẩm viết bằng tiếng Anh. Trong bài phỏng vấn trên tờ School Library Journey, cô nói: “Khi sáng tác các câu thơ cho tiểu thuyết này, tôi nghĩ về những hình ảnh bằng tiếng Việt, rồi dịch những hình ảnh đó sang tiếng Anh sao cho bảo tồn được nhịp điệu của ngôn ngữ gốc. Tiếng Việt tôi biết là thứ tiếng ảnh hưởng bởi mẹ tôi, và nó rất thơ, đầy nhạc điệu và du dương một cách tự nhiên… Cả đời mình, tôi đã đọc tác phẩm của Nguyễn Du và tôi vô cùng khâm phục Nguyễn Du có thể mô tả cả thế giới với hai câu thơ sáu-tám”. Tiểu thuyết Inside out and Back Again được đánh giá cao, nhiều lần lọt vào danh sách quyển sách bán chạy của tờ New York Times và cũng giúp Thanhhà Lại trở thành nhà văn nữ gốc Việt đầu tiên đoạt giải thưởng văn học quốc gia (National Book Award).

Có thể nói, những tác phẩm của các nhà văn Mỹ gốc Việt khiến bạn đọc rung động bởi sự chân thực của ngòi bút. Ngòi bút ấy đi sâu vào số phận của con người và không ngần ngại bộc lộ những nỗi đau, những vết thương tinh thần mà các nhân vật đã phải gánh chịu, cùng những góc khuất trong thân phận của những người tị nạn, những người di cư vốn dĩ bị xã hội Mỹ và châu Âu gạt sang bên lề. Nhiều tác phẩm mô tả chi tiết việc cha mẹ bạo hành con gái do hậu quả của ám ảnh chiến tranh, đào sâu vào những chủ đề mới mẻ và không ít phần nhạy cảm như đồng tính luyến ái. 

Không chỉ mô tả nỗi đau, các nhà văn Mỹ gốc Việt còn cống hiến cho dòng văn học tiếng Anh những tác phẩm đầy màu sắc. Những cây bút như Monique Trương, Kevin Nguyễn, Quan Barry không ngần ngại bứt mình ra khỏi các câu chuyện về Việt Nam và về người Việt để sáng tạo ra một thế giới hoàn toàn khác biệt. Các nhà văn Phúc Trần, Nguyễn Thanh Việt, Thanhhà Lại đóng góp tiếng cười hài hước trong các tác phẩm. Nhiều nhà văn đào sâu vào những đề tài vô cùng gai góc, đơn cử là nhà văn Thi Bùi sáng tác để nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và để phản đối việc chính quyền Mỹ trục xuất người tị nạn… 

Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều hơn các tác phẩm của các nhà văn Mỹ gốc Việt được phát hành trong nước. Ngoài đem lại cho bạn đọc cơ hội thưởng thức những tác phẩm hay, giàu giá trị nghệ thuật, việc xuất bản các tác phẩm này đóng góp rất lớn vào quá trình hòa giải và hòa hợp dân tộc, bởi quá trình ấy chỉ có thể tiến triển nếu người Việt trên khắp thế giới lắng nghe các câu chuyện của nhau và thấu hiểu nhau hơn. 

Nguyễn Phan Quế Mai

Nguồn: Người đô thị, ngày 14.3.2021.

(Thethaovanhoa.vn) -  GS-TS Peter Zinoman và vợ là Nguyễn Nguyệt Cầm đã dịch Số đỏ (Dumb Luck) phát hành tại Mỹ năm 2002. Năm 2003, tờ Los Angeles Times đã chọn bản dịch này là 1 trong những cuốn sách hay nhất của năm. Ngoài các bài nghiên cứu Vũ Trọng Phụng riêng lẻ, Peter Zinoman còn ra riêng sách chuyên khảo Vietnamese Colonial Republican: The Political Vision Of Vũ Trọng Phụng về “viễn kiến chính trị của Vũ Trọng Phụng” vào năm 2014.

LTS: Theo thống kế của diễn đàn Sách xưa và số liệu của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thì từ năm 1938 đến nay, riêng tại Việt Nam, tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng đã tái bản gần 80 lần. Trở thành tiểu thuyết thời 1930 - 1945 được tái bản, in lại nhiều lần nhất.

Từ lâu, giới nghiên cứu văn học Việt Nam và Việt Nam học quốc tế khi có dịp tiếp xúc với Số đỏ đều có những bất ngờ, háo hức. Qua các bài viết và hội thảo đây đó, nhiều người đã bày tỏ rằng muốn dịch và giới thiệu “Số đỏ” đến với độc giả nước họ.

Mới đây, Số đỏ đã được dịch giả PGS-TS Hạ Lộ dịch ra tiếng phổ thông Trung Quốc hiện đại, dưới tên gọi là 红 运 (Hồng vận), do NXB Văn nghệ Tứ Xuyên phát hành. Vậy là sau tiếng Pháp, Anh, Nga, Séc, Italy… nay Số đỏ đã có thêm tiếng Trung Quốc.

Dịch giả Hoàng Đăng Lãnh từ Đức vừa báo tin cho biết tiểu thuyết này sẽ được Nhà xuất bản Tauland phát hành vào tháng 12/2021 tới đây, với bản dịch tiếng Đức do Rodion Ebbighausen và Hoàng Đăng Lãnh thực hiện. Một dịch giả người Nhật (chưa muốn lộ diện) thì đang dịch sang tiếng Nhật. Nhiều chuyên gia dự báo, “Số đỏ” sẽ còn tiếp tục được dịch ra các thứ tiếng khác, vì sức hấp dẫn xuyên thời gian và không gian của nó.

Để hiểu hơn về Số đỏ và Vũ Trọng Phụng (20/10/1912 - 13/10/1939) nhìn từ bên ngoài Việt Nam, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nhà Việt Nam học Peter Zinoman.

Chú thích ảnh

Nhà Việt Nam học Peter Zinoman

* Từ khi bản dịch của anh và chị Nguyệt Cầm xuất hiện tại Mỹ năm 2002 đến nay, có ai ngạc nhiên khi biết đến một nhà văn như Vũ Trọng Phụng không?

- Không có ai ngạc nhiên cả. Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được đón nhận như tác phẩm của nhiều nhà văn khác. Chúng tôi nhận được nhiều lời khen, rất ít lời chê. Tiểu thuyết cũng nhận được một số bài điểm sách ưu ái trong giới hàn lâm nói riêng và công chúng nói chung.

* Gần 10 năm trước, anh xuất bản sách “Vietnamese Colonial Republican: The Political Vision Of Vũ Trọng Phụng” về “viễn kiến chính trị của Vũ Trọng Phụng”. Vậy thì các viễn kiến/ tầm nhìn chính trị của Vũ Trọng Phụng là gì, có ảnh hưởng trực tiếp đến “Số đỏ” không?

- Viễn kiến chính trị của Vũ Trọng Phụng, như tôi đề cập trong cuốn sách là tư tưởng cộng hòa kiểu Pháp. Điều này có nghĩa là, cơ bản mà nói, Vũ Trọng Phụng ủng hộ tự do, bình đẳng và bác ái, mong có một đất nước của dân, do dân và vì dân. Chủ nghĩa cộng hòa kiểu Pháp cũng chống lại nền quân chủ và thần quyền/tôn giáo. Cụ thể hơn, ông ủng hộ giáo dục, khoa học, nền pháp trị, cũng như một không gian công cởi mở.

20211209

Bản dịch “Số đỏ” (Dumb Luck) của Nguyễn Nguyệt Cầm và Peter Zinoman

Rất dễ nhận thấy xu hướng chống chủ nghĩa thực dân của Vũ Trọng Phụng, qua cách ông cười nhạo tiến trình Tây hóa trong Số đỏ. Chúng ta thấy rõ xu hướng kịch liệt chống nền quân chủ và tôn giáo qua cách ông xây dựng hình ảnh các nhân vật như vua Xiêm La và sư Tăng Phú. Xu hướng chống chủ nghĩa tư bản cũng hiện diện rất rõ qua việc ông chế nhạo thương mại và quảng cáo trong Số đỏ

* Ngoài “Số đỏ”, anh nghĩ còn tác phẩm nào của Vũ Trọng Phụng mà dịch ra tiếng Anh, độc giả cũng sẽ dễ cảm nhận được?

- Cho đến nay, ngoài Số đỏ, thì Cơm thầy cơm cô, Lục xì, Kỹ nghệ lấy Tây, cũng như một số truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng đã được dịch sang tiếng Anh. Nhưng Giông tố, một tiểu thuyết lớn khác của Vũ Trọng Phụng, thì chưa được dịch. Tôi nghĩ, nếu có bản dịch tốt, tác phẩm này sẽ được tiếp nhận tốt. Cũng như, nếu Cạm bẫy người, Làm đĩ và Vỡ đê cũng được dịch sang tiếng Anh thì càng tuyệt vời hơn.

Chú thích ảnh

Chuyên khảo về viễn kiến chính trị của Vũ Trọng Phụng

* Nếu có một so sánh, anh nghĩ Vũ Trọng Phụng có giống về cốt cách, tầm vóc với nhà văn nào đó của Mỹ hoặc phương Tây không?

- Trong cuốn Vietnamese Colonial Republican: The Political Vision Of Vũ Trọng Phụng, tôi so sánh Vũ Trọng Phụng với nhà văn George Orwell, người Anh. Có sự giống nhau hiển nhiên về viễn kiến chính trị giữa 2 nhà văn này. Một điểm tương đồng khác là 2 nhà văn này đều thành công với 2 thể loại văn chương rất khác biệt: Tiểu thuyết và phóng sự. Nhiều nhà văn khác thường chỉ thành công với 1 thể loại, nhưng cả George Orwell và Vũ Trọng Phụng đều có những sáng tác để đời trong cả 2 thể loại này. Đây là điều hiếm thấy.

* Cảm ơn anh.

Vài nét về GS-TS Peter Zinoman

GS-TS Peter Zinoman giảng dạy tại khoa sử của Đại học Berkeley, từng được trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2016 vì việc phát triển ngành Việt Nam học tại Mỹ. Ông bắt đầu học về Việt Nam từ năm 1987. Ngoài bản dịch Số đỏ cùng vợ là Nguyễn Nguyệt Cầm, Peter Zinoman là tác giả của The Colonial Bastille: A History Imprisonment In Vietnam, 1862 - 1940 (Ngục Bastille thuộc địa: Lịch sử tù đày ở Việt Nam, 1862 - 1940)… Ông là sáng lập và từng là chủ biên của tập san nghiên cứu Journal Of Vietnamese Studies do University of California Press phát hành.

Được nghỉ một năm để tập trung nghiên cứu, hiện ông đang say mê đọc Phan Khôi quên cả ngày đêm.

Văn Bảy (thực hiện)

Nguồn: Hành trình ra thế giới của Vũ Trọng Phụng (kỳ 1), Thể thao và văn hóa, ngày 01.12.2021.

Những quốc gia muốn hiểu Việt Nam một cách cơ bản sẽ phải lắng nghe văn chương Việt, thứ âm thanh tuy khó lĩnh hội tức thì nhưng cho phép giải mã phần nào tâm tính, tâm hồn Việt Nam.   

Dịp đầu năm 2018, thay vì món quà xuân là rượu hay trà, một người bạn đã tặng tôi tuyển truyện ngắn “Skogens salt”. Chị bảo rằng chồng chị, nhân chuyến sang thăm Thụy Điển, đã nhọc công tìm mua một tác phẩm văn chương Việt được dịch và bày bán ở đất nước Bắc Âu xinh đẹp ấy. Khó tìm vì ít ỏi, thưa vắng. Vì chưa đủ uy tín lớn để có thể phổ biến và gây tiếng vang ngoài những nhóm độc giả ít ỏi. Mặc dù, “Skogens salt”, như chúng ta biết, là “Muối của rừng”, một tập truyện xuất sắc của tác giả danh tiếng Nguyễn Huy Thiệp.

1.

Nhìn lại văn học Việt Nam từ đổi mới (1986) đến nay, những tác phẩm có cơ hội được dịch và giới thiệu với văn đàn quốc tế, trước hết, vẫn phải gây chú ý trong nước. Nếu không có thước đo này thì những nỗ lực cá nhân hay thịnh tình giao hảo và điều kiện tài chính cũng không làm cuốn sách đi được quãng đường xa rộng hơn chuyện dịch, in để biếu tặng, trưng bày.

Bản thân những Nỗi buồn chiến tranh, Thời xa vắng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng, Mảnh vỡ của đàn ông, Gia đình bé mọn, Cánh đồng bất tận... được lựa chọn dịch vì chúng xứng đáng là điểm nhấn của văn đàn Việt nên không quá mức “cả thẹn” với bạn bè. Trong đó, trường hợp Nỗi buồn chiến tranh không chỉ được dịch sang nhiều thứ tiếng bậc nhất (khoảng 20) và in với số lượng khá, đủ để không bị khuất lấp giữa rừng văn chương đa ngữ của thời toàn cầu hóa.

Thơ ca tuy khiêm tốn hơn nhưng, theo nhiều cách khác nhau, cũng xuất hiện trong các tuyển chọn mang tính giới thiệu hoặc các tập đơn như Defian Muse: Vietnamese Feminist Poems (nhiều tác giả), The Time Tree (Hữu Thỉnh), The Women Carry River Water (Nguyễn Quang Thiều), Three Vietnamese Poets (Văn Cầm Hải, Nguyễn Quốc Chánh, Phan Nhiên Hạo), Green Rice (Lâm Thị Mỹ Dạ)…

Hiện nay, một số nhà xuất bản trong nước cũng nỗ lực tạo ra phiên bản ngoại ngữ cho tác phẩm “con cưng” của họ như trường hợp nhà xuất bản Trẻ với Oxford yêu thương (Beloved Oxford), Nhắm mắt thấy Paris (Paris Through Closed Eyes), Cung đường vàng nắng (In the Golden Sun) của Dương Thụy; Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Open the window, eyes closed) của Nguyễn Ngọc Thuần.

20210220 4

Xu hướng tự thân các nhà xuất bản quảng bá tác phẩm rất cần được khuyến khích và nhân rộng trong điều kiện các hội sách quốc tế lớn hay kênh phát hành trực tuyến Amazon đều đã đón chào “nền văn học nhỏ” như Việt Nam.

Tinh thần tự mình làm lấy cũng khiến các nhà văn bây giờ năng nổ, chủ động hơn trong việc dịch, in tác phẩm ở nước ngoài. Hồ Anh Thái và Mai Văn Phấn, theo tôi, điển hình cho ý thức quốc tế hóa tác phẩm của mình dựa trên điều kiện tài chính lẫn mối quan hệ văn chương. Hồ Anh Thái sớm có tác phẩm được dịch sang tiếng Anh, từ Trong sương hồng hiện ra (Behind the Red Mist), Người đàn bà trên đảo (The Women on the Island) cho đến Cõi người rung chuông tận thế (Apocalypse Hotel) và nhiều truyện ngắn khác. Mai Văn Phấn còn có biên giới ngôn ngữ rộng hơn khi thơ của ông đã được dịch sang nhiều thứ tiếng mà trong hình dung nhiều người, nó “xa lắc lơ” như tiếng Anbani, Rumani, Slovakia, Macedonia, Montenegro.

Cho dẫu việc dịch ra các thứ tiếng nhìn chung là thiểu số đó không quá hiệu quả về thị trường nhưng ít ra, nó chứng thực khát vọng tìm thêm các không gian tiếp nhận. Ở thời điểm hiện tại, giới cầm bút không thể trông cậy mãi vào chân lý hữu xạ tự nhiên hương mà cần xây dựng một đội ngũ cộng sự, một êkíp dịch thuật, xuất bản chuyên nghiệp để truyền thông, chuyển ngữ tác phẩm càng tích cực càng tốt.

2.

Việc quốc tế đón nhận văn chương Việt Nam, thật ra, không chỉ vì mối quan hệ thân sơ giữa các cá nhân hay đơn vị xuất bản mà còn vì ở quốc gia đó, nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu Việt Nam đã thành nếp khiến thị trường xuất bản có thể tìm kiếm, nắm chắc một lượng độc giả ổn định. Đấy chính là lý do vì sao văn chương Việt thường được dịch nhiều ở Pháp, Mỹ và Nhật, ba quốc gia có truyền thống và thành tựu Việt học.

Ở Pháp, nhà xuất bản Éditions de L’aube (thành lập năm 1987) đã rất mực nồng nhiệt và kiên trì xuất bản, tái bản Nguyễn Huy Thiệp với một loạt các tập truyện, kịch, tiểu thuyết: Un général à la retraite (Tướng về hưu); Le Coeur du tigre (Trái tim hổ), Les Démons Vivent Parmi Nous (Quỷ ở với người), La vengeance du loup (Sói trả thù), Conte d’amour un soir de pluie (Truyện tình kể trong đêm mưa), L’Or et le feu (Vàng và lửa), À nos vingt ans (Tuổi 20 yêu dấu), Mon oncle Hoat (Chú Hoạt tôi), Crimes, amour et châtiment (Tội ác, tình yêu và trừng phạt)…

Gần đây, nhà xuất bản Riveneuve, dưới sự cộng tác dịch thuật, giới thiệu của Đoàn Cầm Thi và cộng sự, cũng ấn hành nhiều tác phẩm văn chương đương đại: Thoạt kỳ thủy (A l’orignie) và Trí nhớ suy tàn (Un autre ciel) của Nguyễn Bình Phương; Cơ hội của Chúa (Un opportunité pour Dieu) của Nguyễn Việt Hà; Song song (Paralleles) của Vũ Đình Giang; Delete và Blogger của Phong Điệp, Ngựa thép (Chaval d’acier) của Phan Hồn Nhiên; T. a disparu, Paris 11 aout, L’Ascenseur de Saigon, Lettres à Mina của Thuận…

Ở Mỹ, nhà xuất bản Curbstone đã lập tủ sách “Tiếng nói từ Việt Nam” để chuyển ngữ và xuất bản một số tác phẩm văn xuôi của Lê Minh Khuê (tập truyện ngắn The Stars, the Earth, the River - Những ngôi sao, mặt đất, dòng sông), Ma Văn Kháng (tiểu thuyết Against the Flood - Ngược dòng nước lũ), Nguyễn Khải (tiểu thuyết Thời gian của người - Past Continuous), Nguyễn Huy Thiệp (tập truyện Sang sông - Crossing the River).

Ở Nhật, tác phẩm của Mai Ngữ, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Lựu, Nguyễn Thị Thu Huệ, Bảo Ninh cũng đã được dịch. Từ tiếng Anh và tiếng Pháp, văn chương Việt tiếp tục có những phiêu lưu nhỏ lẻ qua một số ngôn ngữ khác (Thụy Điển, Đức, Ý, Hàn Quốc, Trung Quốc…) nhưng nhìn chung, mức độ xuất hiện ở các thứ tiếng này còn khá ít ỏi và thường lặp lại các tác giả, tác phẩm. Dường như chưa có thêm gương mặt mới khi mà số lượng dịch giả, chuyên gia về văn chương Việt ngoài khu vực tiếng Anh, Pháp là không quá nhiều.

Như thế, đường đi của văn chương Việt ra quốc tế, còn chịu tác động khá lớn từ các mối quan hệ học thuật và kinh tế-xã hội. Không khó nhận ra Hàn Quốc, một quốc gia đang ăn nên làm ra về kinh tế với Việt Nam, đang trở thành “thị trường mới” của văn chương Việt khi họ đã lần lượt dịch tác phẩm của Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Đoàn Lê, Phan Thị Vàng Anh, Hồ Anh Thái cho đến Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh.

Khi hợp tác kinh tế thuận buồm xuôi gió thì các trao đổi văn hóa văn chương cũng nảy nở đa dạng hơn. Dĩ nhiên, cơ hội của sự hợp tác này phụ thuộc con mắt xanh tiến cử và các mạnh thường quân nghệ thuật. Ở Việt Nam, hỗ trợ tài chính cho dịch thuật văn chương (như một chiến lược xuất khẩu văn hóa) đang quá ít ỏi trong khi các “ông lớn”, “đại gia” kinh tế thì chỉ giỏi chịu chi cho nhà lầu, xe hơi, bóng đá hoặc chơi golf…

3.

Cho đến năm 2019, Hội nhà văn Việt Nam đã tổ chức được 4 Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam với bản tổng kết khá chung chung: Có thêm nhiều tác phẩm được dịch, xuất bản tại nhiều quốc gia; được đón nhận bởi các tặng thưởng hoặc giảng dạy, nghiên cứu. Nhưng “nhiều” là bao nhiêu, ở nhà xuất bản nào và được đón nhận theo phạm vi nào, trong một nhóm nhỏ hay trong thị trường đọc lớn, thì chưa thấy một công bố có tính phân tích đáng tin cậy. Thành thử, quảng bá văn học, tuy được hiểu là việc cấp thiết nhưng có lẽ là hoạt động ít có kết quả thuyết phục của đời sống văn chương Việt Nam đương đại. Để tìm kiếm, xây dựng thị trường văn chương ngoài nước, theo tôi, không nên dựa dẫm vào dăm ba thi sĩ, văn sĩ, dịch giả ngoại quốc bằng hữu đôi khi còn ấm ớ về văn học Việt Nam, mà trước hết và quan trọng, phải là ông chủ các nhà xuất bản, các chuyên gia, mạnh thường quân môi giới và truyền thông văn chương. Vì chính họ sẽ quyết định đầu tư in hay không, in số lượng nhiều hay ít, in để bán hay để biếu tặng. Với những tập đoàn xuất bản lớn, chẳng cần đến hội nghị quảng bá, tự khắc họ cũng tìm đến nếu mùi vị thị trường đủ mạnh.

Khi chưa có nhiều tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng và in số lượng lớn thì giá trị văn chương Việt trên văn đàn quốc tế sẽ trở nên mơ hồ. Chúng ta mới chỉ có dăm ba giải thưởng văn chương khu vực và quốc tế ở mức “tạm được” cho dù giấc mơ ẵm giải Nobel Văn học luôn đau đáu trên truyền thông. Chúng ta cũng chưa có tác phẩm nào nằm trong danh mục “best-seller” của các tờ báo/tạp chí uy tín cho dù ngày nào độc giả Việt cũng bắt gặp tác phẩm bán chạy của các nước bạn trên hiệu sách. Bản thân tôi nhiều lúc không thể hiểu vì sao vô số tác phẩm xoàng xĩnh lại có thể dễ dàng dịch, bán được thị trường Việt trong khi để có một tác phẩm nội địa ra quốc tế thì khó khăn, chậm chạp đến thế. Chúng ta thiếu gì, cần gì và sẽ phải học hỏi cách tiếp thị văn chương của bạn bè ra sao để cải thiện tình hình? Nếu cứ mãi một mình, nỗ lực tự thân hay thân tình bằng hữu, con đường ra quốc tế của văn chương Việt sẽ càng vạn dặm mênh mông.

Mai Anh Tuấn

Nguồn: Lao động, ngày 15.02.2021.

Thông tin truy cập

60788561
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8062
24669
60788561

Thành viên trực tuyến

Đang có 387 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website