20170830. Truyen co VN Landes

Ảnh: Trang bìa cuốn “Contes et légendes annamites” do Adamant Media Corporation xuất bản năm 2001 đăng trên mạng www.shopping.msn.com

 

Người Việt Nam sống bằng lúa gạo và truyền thuyết”. Nhận định lâu đời đó (có lẽ từ thế kỷ 17) vẫn còn nguyên giá trị qua những thử thách của thời gian.

Một trong những cuốn sách đầu tiên viết bằng chữ Nho còn lại cho đến ngày nay là Việt điện u linh (tập). Sách này có thể đã khởi thảo từ thời nhà Lý (1009-1225). Sách Việt điện u linh gồm 28 truyện thần tích.

Sách đầu tiên viết bằng quốc ngữ và xuất bản ở Sài Gòn cũng là một tập truyện cổ tích, đó là cuốn Chuyện đời xưa nhón lấy những chuyện hay và có ích, do Trương Vĩnh Ký viết. Cuốn Chuyện đời xưa... này xuất bản lần đầu tiên năm 1866, có 73 truyện, sau đó được tái bản nhiều lần vào các năm 1888, 1909, 1924, 1992 và 1993.(1)

Tuy nhiên không tìm thấy truyện về lúa gạo, trâu bò, bình vôi... trong những tập truyện dân gian nhưng do các nhà Nho thấm nhuần giáo lý Khổng Mạnh nhuận sắc. Truyện Tấm Cám là một trong những truyện cổ tích phổ biến nhất ngày nay (và cũng có thể ít nhất từ thế kỷ thứ 10) nhưng cũng không thấy có trong những tập trên.

Anthony Landes (1850-1893) đã bổ sung cho những thiếu sót triền miên đó qua tập “Những truyện cổ tích Việt Nam” (Contes et légendes annamites) in từ năm 1884 đến năm 1886 trên tạp chí Excursions et Reconnaissances (Du lãm và quan sát). Năm sau, năm 1887, tạp chí trên lại in dị bản Tấm Cám và nhiều truyện khác của người Chăm, cũng do A. Landes sưu tầm và dịch.

Từ đó về sau, không một ấn bản nào bằng tiếng Pháp về truyện cổ tích Việt Nam có thể sánh được với những công trình của A. Landes.

Ban đầu A. Landes là “quan đầu tỉnh” ở Chợ Lớn, sau đó chuyển sang làm “quan trông coi việc [của dân] bản xứ” ở Nam Kỳ, đồng thời là hội viên Hội Á châu ở Paris. Theo A. Cabaton, hội viên Hội trên thì “Landes hoàn toàn thông thạo tiếng Việt, thấy mình gắn bó với folklore bản xứ; đối với Landes thì nền folklore này thể hiện một cách hồn nhiên và ý nghĩa nhất nền văn minh của những dân tộc mà ông đang sống với họ.”(2) L. Finot, lúc đó là Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, cũng tán thành nhận định trên nên đã trích dẫn toàn bộ đoạn trên vào bài viết của ông về “Những giấy tờ của Landes” (BEFEO, 1903, bộ III, số 4, tr. 657-660).

Gộp cả truyện cổ tích Việt Nam với truyện cổ tích Chàm thì tất cả có 168 truyện, trong đó có 146 truyện cổ tích, 22 truyện tiếu lâm, cùng nhiều đồng dao, bản sách dẫn (dày 37 trang) và danh sách các tác giả đã dẫn. Tập này gồm tất 

cả các thể loại cổ tích: giai thoại dã sử như truyện Nguyễn Trãi, truyện Hồ Xuân Hương; truyền thuyết như truyện bà chúa Liễu [Hạnh] và hai con, trạng Quình (sic) và trạng Trình, Thần núi Tản Viên; truyện về nguồn gốc vạn vật như Gốc gác con trâu, Hạt gạo; truyện có giáo lý đạo Phật như Nhà sư hóa kiếp thành bình vôi, Sư ông tự thiêu; truyện tiếu lâm như Lũ ăn tham, Bảy bợm nhậu...

Phần lớn những truyện trên được sưu tầm ở miền Nam và, trích nguyên văn lời của A. Landes: “tôi đã cố dịch chính xác nhất lời người kể, đúng như họ đã đọc cho đồng hương của họ ghi lại, những đồng hương này là trung gian giữa họ và tôi.(3) Nhưng cũng có một số lấy từ sách chữ Nho, nhất là từ tập Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (thế kỷ 16).

Hậu bán thế kỷ 19, người Pháp theo xu hướng đang thịnh hành ở châu Âu, tích cực sưu tầm những truyện cổ tích kỳ lạ ở các nước xa xôi. Họ đã in lần đầu tiên những truyện cổ tích Việt Nam, truyện cổ tích Cambodge...(4) Và Anthony Landes đã chiếm vị trí danh dự trong những người Âu tiên phong đó.(5)

Landes trội hơn những người khác, người Việt cũng như người nước ngoài, kể cả người Pháp ở chỗ, ông có phương pháp khoa học (sưu tầm trực tiếp từ người địa phương, dịch trung thành từ những bản gốc... số lượng truyện nhiều (chưa bao giờ những tác giả khác có được hơn trăm truyện), xuất bản trước mọi người (từ năm 1884, ít nhất cũng sớm hơn những người khác đến cả một thập niên), diện sưu tầm rộng (ở miền Nam Việt Nam)...

Chính vì vậy, từ khi xuất bản đến nay, Những truyện cổ tích Việt Nam của Landes đã là nguồn tham khảo chính, kinh điển cho những công trình tổng hợp (nói cách khác, là công trình cấp hai) của những tác giả hiện đại về văn học dân gian. Có thể nêu một vài vị như Vũ Ngọc Phan (1955), Nguyễn Đổng Chi (1957), Đỗ Vạn Lý (1959), A.C. Crawford (1966), M. Durand và Nguyễn Trần Huân (1969)...

Những ý kiến sau đây của Vũ Ngọc Phan và Nguyễn Đổng Chi khẳng định giá trị hiển nhiên tác phẩm của Landes.

Say sưa sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Vũ Ngọc Phan kể: “Lúc ấy [khoảng 1955] anh Nguyễn Đổng Chi và anh Hoa Bằng (tức Hoàng Thúc Trâm) được giao nhiệm vụ đến tiếp quản Thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ. Hai anh tìm thấy những truyện cổ dân gian Việt Nam do bọn quan cai trị Pháp biên soạn: những sách của Sabatier, Chivas Baron, Landes, Baniafcy,(6)v.v.. Bọn này đến địa phương nào thì bắt các hào lý kể lại hoặc ghi chép lại những truyện cổ dân gian cùng các giai thoại, bọn thông phán, ký lục ở tòa sứ có nhiệm vụ dịch sơ lược ra tiếng Pháp để chúng viết lại. Truyện do chúng viết có nhiều cái sai, cần phải sửa và bổ sung. Dù sao cũng là những tư liệu cần gìn giữ.”(7)

Thấm nhuần ý thức hệ marxiste trong những năm 50-70 của thế kỷ trước ở Việt Nam, dẫu vậy Nguyễn Đổng Chi cũng phải xác nhận: “Truyện cổ Việt Nam còn được góp nhặt lần lượt và tản mạn trong những quyển sách hoặc tập san viết bằng chữ Pháp, và trong các báo chí cận đại. Trong số này phải kể đến một ít công trình sưu tầm tương đối trung thực và khá phong phú như của A. Landes trong tập san Du lãm và quan sát (Excursions et Reconnais-sances) năm 1885-1886...”(8) Chúng ta thấy, Landes là tác giả người Pháp duy nhất được nêu tên.

A. Landes nổi tiếng là thông thạo tiếng Việt nhưng trong hoàn cảnh ngôn ngữ tiếng Việt vào cuối thế kỷ 19 ở miền Nam. Tất nhiên ông không phải là người Việt chính gốc. Đó là lý do vì sao đây đó trong tác phẩm của ông còn có những hạt sạn, đôi khi khá thô thiển; đó là từ bản năng sắc tộc.(9)

Mặc dù những truyện do Landes tuyển chọn và dịch có thể có điểm này điểm khác cần hoàn thiện nhưng nói chung những truyện đó vẫn được coi như đánh dấu bước ngoặt trong văn học dân gian nước ta.

Tuy nhiên, tác phẩm của Landes vẫn đang nằm dưới nhiều lớp bụi trong những kho sách quý hiếm ở vài thư viện lớn trên thế giới. Công chúng nói tiếng Pháp thực sự không tiếp cận được. Độc giả nói tiếng Việt thì không biết là có những sách đó trên đời. Trách nhiệm của chúng ta - những người trung thực, nghiêm túc và không thiên vị, nói tiếng Pháp cũng như tiếng Việt - là trả lại cho Cesar những gì của Cesar.

Chúng tôi đề nghị:

  1. In lại toàn bộ và dưới hình thức sao chụp bản gốc “Những truyện cổ tích Việt Nam” (1884-1886) và “Những truyện cổ tích Chàm” (1887) của Anthony Landes.
  2. Dịch trung thực những bản đó sang tiếng Việt. Trước những tài liệu trên sẽ có một bài giới thiệu có phê phán, bằng hai thứ tiếng nhằm trả Landes cùng những điểm mạnh và điểm yếu của ông, về vị trí của ông trong lịch sử văn học dân gian Việt Nam. Khi làm việc đó, sẽ có tham khảo những bản thảo chưa công bố của Landes để ở Thư viện Hội Á châu, đường Hồng y Lemoine, quận 5, Paris, Pháp.

Những thế hệ tương lai nói tiếng Pháp và tiếng Việt sẽ phán đoán những việc làm, dù có hơi muộn của ta. Nhưng, chậm còn hơn không!

Q M

CHÚ THÍCH

  1. Nhà xuất bản Đồng Nai in cuốn này trong hai năm 1992 và 1993 với tên rút gọn là Chuyện đời xưa, bìa trình bày khác nhau nhưng nội dung vẫn là một và thiếu một truyện so với bản gốc in năm 1866.
  2. Journal Asiatique, 1903, bộ 1, đệ nhị bán niên, tr. 155.
  3. A. Landes. Excursions et Reconnaissances, 1884, bộ VIII, tập 20, tr. 297.
  4. Xin xem, thí dụ như: G. Dumoutier (nhiều truyện cổ miền Bắc đăng trong L’Avenir du Tonkin [1887], Revue de l’histoire des religions [1888], Revue d’ethnographie [1889], Archivio per lo studio delle tradizioni populari [1893]), A. Leclère: Cambodge: truyện cổ tích [Paris, Librarie Émile Bouillon, 1895, 308p], C. Janneau (nhiều truyện cổ tích sưu tầm ở miền Nam và in trong Revue indochinoise [1910-1911])...
  5. Nguyen Xuan Hien. Il y a plus d’un siècle (Autour de quelques versions francaises de la Cendrillon vietnamienne). In L’Anthropologie culturelle et le riz au Vietnam. Ann Arbor-Lahaye-Londres-Paris-Tokyo, Centre des Études vietnamiennes, 2001, p. 81.
  6. Có thể đúng thì là Bonifacy.
  7. Vũ Ngọc Phan. Những năm tháng ấy (Hồi ký). Wetminster, Hồng Lĩnh, 1993, p. 398.
  8. Nguyễn Đổng Chi. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Quyển một (tập I-tậpII-tậpIII), in lần thứ 8. Hà Nội, Nxb Giáo dục, 2000, tr. 91. Thực ra những truyện do Landes kể được đăng từ năm 1884 đến năm 1887.
  9. Xin xem, Nguyễn Xuân Hiển. “Những truyện cổ tích Tấm Cám ở Việt Nam”. Bách hợp, 2002, số 7, tr. 229.

* Quảng Minh, Thành phố Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (67), 2008

20170805. nguyen ba tac1

1. Lời mào đầu

Lịch sử di tản của người Việt Nam đến các nước khác mà từ đó đã hình thành cộng đồng của người Việt Nam ở nước ngoài, tính được gần một thế kỷ. Tuy nhiên, sự xuất ngoại ồ ạt từ Việt Nam là một hiện tượng tương đối mới. Cho đến nay chưa có sự thống kê chính xác về số lượng người Việt Nam hiện đang sống ở nước ngoài. Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam, có khoảng 2,7 triệu người Việt Nam đang sinh sống trong gần 90 nước trên thế giới, hơn nữa, khoảng 80%  tại các nước phát triển về mặt công nghiệp[1]. Phần lớn Việt kiều chọn Hợp chủng quốc Hoa kỳ và Canada làm nơi sinh sống, tiếp theo là các quốc gia Âu Châu - Pháp, Đức, Ý, Hà Lan và Áo.

Tháng hai này (2015) thầy chúng tôi ra đi vừa chẵn hai mươi năm.

Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu nhưng với lũ học trò chúng tôi thì “ Người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn ở lại. Người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây” ( Trịnh Công Sơn).

20170731. Pho for life

Bìa sách: Pho for Life: A Melting Pot of Thoughts

1.     Các thế hệ nhà văn di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ

Việc thống kê con số nhà văn Việt Nam ở Hoa Kỳ là điều rất khó khăn. Nhiều tờ báo, tạp chí, nhà nghiên cứu đã từng thống kê nhưng cũng chỉ đưa ra con số ước đoán. Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng, cộng đồng di dân Việt Nam đã có “hàng chục tổ chức văn hoá, trên năm mươi nhà xuất bản, hàng trăm tờ báo đang hoạt động, hàng ngàn người cầm bút và hơn một triệu người đọc”[1]. Nếu tính ai cầm bút cũng là nhà văn, những tờ báo hoạt động vài ba tháng thì đình bản, tổ chức văn hoá làm vài chương trình rồi đóng cửa… thì đến con số hàng ngàn, vì việc ra sách, ra báo, mở tổ chức ở Mỹ rất dễ, không cần giấy phép, kiểm duyệt… Nhưng số nhà văn thực chất có tài năng, được độc giả công nhận thì không thể nhiều như vậy.

Cần lưu ý là cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ là một cộng đồng trẻ, lớn mạnh thực ra cũng chỉ từ sau 1975, do lịch sử di dân khá mới như vậy nên cách gọi tên các thế hệ di dân của chúng ta cũng muộn hơn các nước Châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… vốn đã di dân sang Mỹ từ rất sớm. Ví dụ, những nhà văn viết vào thập niên 1950, 1960 đã được gọi là nhà văn thế hệ thứ hai của họ rồi. Còn đối với cộng đồng di dân Việt Nam, sinh vào những năm 1950, có khi mới được xếp vào nhà văn thế hệ thứ nhất. Nói như vậy để thấy việc phân định và gọi tên thế hệ nhà văn di dân Việt Nam có cái khó khăn và khác với các cộng đồng Châu Á còn lại.

Nhìn chung, việc phân định và gọi tên các thế hệ nhà văn, với nhiều trường hợp, sẽ khó chuẩn xác và đúng đắn. Nhà văn Trịnh Y Thư đưa ra một cách phân định: đó là ai đã từng viết ở Việt Nam, sang Mỹ viết tiếp thì được gọi là nhà văn thế hệ một. Ai sang Mỹ viết thì gọi là thế hệ một rưỡi và hai[2]. Từ đó, chúng tôi nghĩ đến một cách thức phân định mang tính tương đối: Đó là phân định các thế hệ nhà văn Việt Nam theo độ tuổi, theo độ ảnh hưởng văn hoá (ảnh hưởng Mỹ hay Việt Nam nhiều hơn) và phần nào theo thời gian sống ở Mỹ, chứ không theo thời gian viết văn để phân chia thành các thế hệ viết văn một, một rưỡi, hai. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều làm vậy[3]. Việc phân định này hết sức khó khăn vì nhiều lý do: Có người sang Mỹ mới bắt đầu viết văn dù tuổi đã cao, chúng tôi vẫn xếp vào thế hệ nhà văn thứ nhất, hoặc thời gian sang Mỹ khác nhau, nên không thể xếp những người cùng độ tuổi vào một thế hệ viết văn được. Ví dụ, Phạm Thị Ngọc và Đặng Thơ Thơ ngang tầm tuổi nhau, nhưng Phạm Thị Ngọc viết rất sớm trong số những nhà văn thế hệ một rưỡi, vậy chúng tôi xếp bà vào thế hệ thứ nhất. Hay Monique Trương cũng tầm tuổi Đặng Thơ Thơ nhưng viết sau, và viết bằng tiếng Anh, sang Mỹ khi còn nhỏ, vậy phải xếp Monique Trương vào thế hệ thứ hai… Chính vì những lý do đó, việc phân định dưới đây chỉ mang tính chất tương đối.

- Thế hệ nhà văn thứ nhất: Là những nhà văn sinh vào những năm 1930-1940-1950, khi sang Mỹ, họ đã lớn tuổi hoặc trưởng thành, chịu ảnh hưởng của văn hoá Việt Nam rõ nét, và họ đều viết bằng tiếng Việt (trừ Trùng Dương có viết báo Mỹ). Trong số này, có người đã từng viết ở Việt Nam, có người sang Mỹ mới bắt đầu viết.

Một số nhà văn sang Mỹ không viết thêm, chúng tôi không kể ra đây, chúng tôi chỉ liệt kê những nhà văn thực sự có viết và có thành tựu, đó là: Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Du Tử Lê, Nguyễn Xuân Hoàng, Trùng Dương, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Khánh Trường, Hà Thúc Sinh, Bình Nguyên Lộc, Phan Lạc Phúc, Lê Tất Điều, Thế Uyên, Viên Linh, Thanh Nam, Phạm Công Thiện, Nguyên Sa, Nguyễn Hữu Hiệu, Túy Hồng, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Vũ Khắc Khoan, Lữ Quỳnh, Nguyễn Tất Nhiên, Hoàng Khởi Phong, Kiệt Tấn, Tưởng Năng Tiến, Nhật Tiến, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Quỳnh, Thảo Trường, Đặng Phùng Quân, Phan Nhật Nam, Hoàng Lộc, Trần Văn Nam, Trần Doãn Nho (Trần Hữu Thục), Nguyễn Xuân Thiệp, Cao Đông Khánh, Nguyễn Sao Mai, Kinh Dương Vương, Hoàng Khởi Phong, Võ Đình, Trần Hoài Thư[4]

Những nhà văn thuộc thế hệ thứ nhất đã viết ít nhiều ở Việt Nam hoặc sang Mỹ mới bắt đầu viết (cũng có thể xếp họ vào thế hệ một rưỡi): Lê Thị Huệ, Mai Kim Ngọc, Trần Mộng Tú, Trần Diệu Hằng, Trịnh Y Thư, Lê Bi (tức Lê An Thế hiện nay), Khế Iem, Le Ly Hayslip, Mai Kim Ngọc, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Thảo An, Bùi Bích Hà, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Trương Anh Thụy, Phạm Thị Ngọc, Vũ Huy Quang, Cao Xuân Huy, Bùi Vĩnh Phúc, Ngu Yên, Chân Phương, Trần Nghi Hoàng, Hoàng Thị Bích Ti, Đỗ Kh, Phan Tấn Hải, Nguyễn Thị Thanh Bình, Phùng Nguyễn, Lưu Hy Lạc (tức Vương Ngọc Minh), Nguyễn Tà Cúc, Nguyễn Thị Hải Hà…

Chủ đề chính mà họ thường viết là hoài niệm về quê nhà, biến cố 1975, lịch sử, phong tục, khó khăn hội nhập xã hội Mỹ, vấn đề hoà hợp hoà giải trong văn nghệ…

- Thế hệ nhà văn một rưỡi (1.5): gọi thế hệ nhà văn một rưỡi vì tính chất “nửa chừng” và “giao thời” của họ, họ là những nhà văn sinh ra ở Việt Nam, trải qua thời thơ ấu ở Việt Nam và sau đó sang Mỹ, ước chừng có thể sinh vào khoảng những năm 1960, hoặc nửa đầu 1970. Có Nguyễn Hoàng Nam, Thận Nhiên, Phan Nhiên Hạo, Lê Đình Nhất Lang, Đặng Hiền, Đặng Thơ Thơ, Đinh Từ Bích Thúy, Lưu Hoàng Thu Thuyền, Lê Thị Thấm Vân, Dương Như Nguyện, Lan Cao, Duong Van Mai Illiot, Mộng Lan, Nguyen Quy Duc, Linh Dinh, Nguyễn Hương, Hoàng Mai Đạt, Nguyễn Xuân Tường Vy…

Thế hệ một rưỡi (1.5) ra đi vào khoảng thiếu niên, hoặc lúc còn trẻ. Vì vậy tốc độ hoà nhập của họ tốt hơn thế hệ thứ nhất. Họ là thế hệ “khoảng giữa”, là cầu nối hai thế hệ. Một mặt, tiếng Việt và sợi dây kết nối với quê nhà của họ đủ tốt, không “mất gốc”, đồng thời, khả năng ngoại ngữ và thích nghi của họ cũng tốt để họ tồn tại ở Mỹ. Thế hệ này có người viết văn bằng tiếng Việt và cũng có người viết được bằng tiếng Anh, hoặc cả hai thứ tiếng (Linh Dinh, Nguyen Quy Duc…).

- Thế hệ nhà văn thứ hai: cũng như các nhà văn thuộc các cộng đồng gốc Á khác, vốn sinh ra ở Mỹ, hoặc sang Mỹ khi còn nhỏ, nên thế hệ này thành thạo tiếng sở tại hơn tiếng mẹ đẻ. Việc chọn lựa viết văn bằng tiếng Anh có nhiều lý do, có thể là do họ không giỏi tiếng Việt, cũng có thể do họ thích nghi với văn hoá bản địa (Mỹ) hơn là văn hoá gốc (Việt Nam). Một số người rời Việt Nam khi đã đọc thông viết thạo tiếng Việt nhưng vì những lí do văn hoá và sở thích mà không viết văn bằng tiếng Việt. Ví dụ, Đỗ Lê Anhdao (sinh 1979, đến Mỹ năm 1992: 13 tuổi), thực ra có thể xếp cô vào thế hệ một rưỡi như Đặng Thơ Thơ, nhưng về phẩm chất văn học, và cô viết bằng cả hai thứ tiếng, thì có thể cho vào thế hệ hai. Tương tự, Lại Thanh Hà (sinh 1965 sang Mỹ 1975: 10 tuổi) hay Andrew Lam (sinh 1964, sang Mỹ 1975: 11 tuổi) chỉ viết tiếng Anh, nên chúng tôi xếp họ ở thế hệ hai. Trong khi Linh Dinh sinh 1963 sang Mỹ 1975: 12 tuổi nhưng chúng tôi xếp anh vào thế hệ một rưỡi vì anh có phong cách, phẩm chất văn học gần với thế hệ này hơn. Có thể kể thêm một số nhà văn nữa thuộc thế hệ hai: Bích Minh Nguyễn, Monique Truong, Le Thi Diem Thuy, Dao Strom, Aime Phan, Angie Chau... Theo thống kê của Isabelle Thuy Pelaud, văn học di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ viết bằng tiếng Anh tính từ năm 1963 đến nay đã có khoảng hơn 100 tác phẩm[5], một con số khá khiêm tốn so với các tác phẩm viết bằng tiếng Việt nhưng cũng cho thấy nỗ lực của các nhà văn gia nhập văn học dòng chính.

Con đường họ đi khá giống nhau: thoạt đầu, họ từ chối nguồn gốc, tự xem mình là người Mỹ, thích nghi với văn hoá và lối sống Mỹ một cách dễ dàng, và thường xuyên có những xung đột với gia đình, cha mẹ là những thành viên di dân thế hệ thứ nhất. Đến khi có một sự kiện, một “thời điểm” nào đó xảy ra trong cuộc đời họ, buộc họ nhìn lại thân phận, gốc gác của mình, và viết. Khi viết bằng một ngôn ngữ khác, tư duy và văn hoá của họ cũng thay đổi. Họ có những cái nhìn “từ bên ngoài”, có những so sánh từ góc độ của “người ngoài” (outsider) với bên trong. Điều đó tạo ra lợi thế khi sáng tác đồng thời cũng là thách thức với các nhà văn này. Việc làm chủ được ngôn ngữ giúp cho sáng tác của họ có số lượng độc giả khá đông đảo, cơ hội tác phẩm đến được với bạn đọc thế giới rộng mở hơn. Đề tài sáng tác của họ cũng khá rộng rãi. Có thể là sự phản ánh những vấn đề của chính họ: quá trình trải nghiệm hội nhập khẳng định mình, vượt qua mặc cảm di dân để trở thành của người công dân của đất nước mới; sự va đập văn hoá: Đông - Tây; cũ - mới; khoảng cách giữa lối sống của các thế hệ di dân trong gia đình. Họ cũng có thể chọn viết về lịch sử dân tộc. Không bị quá khứ cầm tù như các thế hệ trước nên cái nhìn của họ đối với những vấn đề lịch sử, chính trị dân tộc cũng cởi mở, nhẹ nhàng hơn.

Ngày nay, giới trẻ di dân ngày càng ít có sự quan tâm đến sự chia cắt giữa trong nước và hải ngoại. Những nhà văn như Barbara Tran, Christian Langworthy, le thi diem thuy… quan tâm đến những vấn đề lưỡng dạng (dual identity) của họ ở Mỹ hơn là những vấn đề chính trị và xã hội của quá khứ. Những nhà văn như Linh Dinh, Do Kh., Nguyễn Quí Đức, Angie Chau, le thi diem thuy… còn xa hơn một bước, họ quay về Việt Nam nhiều lần để tìm lại những liên hệ với một thế giới mà họ đã bị cách biệt trong quá khứ.

 

2. Những đóng góp của văn học di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ

2.1. Tiếp nối văn học miền Nam, lưu giữ, phát triển văn học miền Nam ở hải ngoại

Văn học miền Nam trước 1975 có đời sống văn học khá phong phú. Báo chí vừa là diễn đàn văn nghệ, vừa là nơi sản sinh các tác phẩm văn học, vừa là nơi quy tụ những khuynh hướng sáng tác. Nhiều bút nhóm, tờ báo có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống học thuật lúc bấy giờ như Nhân Loại (1956-1960), Văn Hoá Ngày Nay (1958), Sáng Tạo (1956), Bách Khoa (1957), Văn Đàn, Tin Văn (1965), Nghệ Thuật (1956), Thế Kỷ 20, Hiện Đại, Văn Nghệ, giai đoạn sau là các tờ: Văn Học, Văn (1974)…

Hàng loạt những nhà văn cột trụ của văn học miền Nam trước 1975 đã sang Mỹ từ năm 1975 hoặc những năm sau đó. Khi sang Mỹ, họ vẫn tiếp tục sáng tác, và đó là lý do vì sao chúng tôi cho rằng, một trong những thành tựu của văn học di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ là nối dài, gìn giữ văn học miền Nam trước 1975. Chúng tôi dẫn chứng một số trường hợp sau đây:

Sáng Tạo do Thanh Tâm Tuyền và Mai Thảo chủ trương xuất bản, là một hiện tượng của văn học thời kỳ 1954-1975. Tờ báo quy tụ nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng: Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Duy Thanh, Cung Trầm Tưởng. Là nơi phát huy cái mới, nổi loạn trong văn học, ví dụ cổ vũ thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền.

Mai Thảo (1927-1998) là cây bút chính của Sáng Tạo với hơn 50 tác phẩm đã xuất bản. Qua Mỹ, ông tiếp tục viết. Ông sống ở Santa Ana và mất ở đây.

Thanh Tâm Tuyền (1936-2006) là một trong những nhà thơ khai sáng lối thơ mới trong Nam, sang Mỹ, ông định cư ở Minessota và mất tại đây.

Doãn Quốc Sỹ (1923- ) qua Mỹ sống ở Houston, Texas.

Nguyễn Sỹ Tế (1922-2005) viết sách biên khảo văn học. Sang Mỹ từ năm 1992, mất tại Quận Cam.

Tô Thùy Yên, sinh 1938 tại Gia Định. Nhà thơ quân đội, nòng cốt của nhóm Sáng tạo. Hiện nay sống tại Houston, Texas.

Võ Phiến (1925-) chủ trương tờ Bách Khoa (1957-1975), là nhà văn cột trụ của văn học miền Nam, có đóng góp rất lớn vào đời sống văn học nghệ thuật lúc bấy giờ. Bách Khoa như tên gọi, đề cập mọi vấn đề chính trị, khoa học, xã hội, lịch sử… khá hàn lâm, khô khan, ít được người bình dân đọc, nhưng đóng góp là sản sinh nhiều nhà văn, nhà thơ. Ông vừa là nhà văn, nhà khảo cứu. Ông sống ở Santa Ana, hiện nay rất già yếu.

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (1943-) nguyên là giáo sư triết của trường Trung học Petrus Ký, Sài Gòn. Trước năm 1975 bên cạnh nghề dạy học, ông là một nhà văn và là tổng thư ký của tạp chí Văn. Ông đến Mỹ vào cuối thập niên 80, tiếp tục nghiệp báo của mình trong tư cách tổng thư ký của nhật báo Người Việt, tổng thư ký cho tờ Viet Mercury, từ số ra mắt cho tới khi tờ báo này đình bản. Ông tiếp tục chủ biên các tờ Văn, Văn Học và sáng tác. Ông sống ở San Jose, đang bị bệnh rất nặng.

 Ước lượng có khoảng 130.000 người Việt rời nước ở thời điểm 30-4, những văn nghệ sĩ ra đi sớm nhất có thể là nhóm Võ Phiến, Lê Tất Điều, Thanh Nam, Túy Hồng, Viên Linh, Vũ Huyến, Phạm Duy, Hoài Trung, Nguyễn Khắc Ngữ, Vũ Khắc Khoan, Nguyên Sa, Cao Văn Luận, Thái Văn Kiểm, Chu Tử, Du Tử Lê, Cao Tiêu, Duy Thanh, Đỗ Quý Toàn, Hà Huyền Chi, Trùng Dương, Phan Lạc Tiếp, Nhật Tuấn…

Nhóm sang sau: Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Xuân Hoàng… Những tác giả nói trên sau khi sang Mỹ vẫn tiếp tục sáng tác.

Như vậy có thể thấy, hầu hết các nhà văn nổi tiếng của miền Nam trước 1975 khi sang Mỹ đều tiếp tục viết, có người vẫn giữ được phong độ, có người không, nhưng nhìn chung, văn học di dân Việt Nam tại Mỹ đã kế thừa rất nhiều từ văn học miền Nam, nhất là thế hệ di dân thứ nhất. Các tờ báo văn học ở Sài Gòn trước 1975 khi sang Mỹ vẫn tiếp tục giữ tên một thời gian dài.

Xem thành tựu của văn học di dân là việc nối dài văn học miền Nam trước 1975 không phải là quan điểm của riêng chúng tôi. Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Thanh Sơn sau khi sang Mỹ nghiên cứu về văn học hải ngoại, trả lời báo Tuổi Trẻ, anh cho rằng văn học hải ngoại “không có những đột phá lớn trong nghệ thuật và tư tưởng”, “tự tách mình ra khỏi vận động chung của văn học Việt Nam và đứng trước nguy cơ không tìm được tiếng nói chung với người đọc hôm nay”[6]. Quan điểm này đúng một nửa, theo nhà văn Trịnh Y Thư, và theo quan điểm của chúng tôi, khái niệm “nối dài” ở đây không có nghĩa là đứng yên, không có những đột phá, mà là sự kế thừa chứ không phải là không có cách tân. Và nên dùng từ “tiếp nối” hơn là “nối dài”[7]. Còn việc không hoà nhập vào dòng chảy của văn học trong nước có những lý do khách quan như khó khăn trong việc in ấn, xuất bản, truyền bá… trong nước.

Việc tiếp nối văn học miền Nam ở Mỹ không chỉ ở chỗ là các nhà văn miền Nam trước 1975 sang Mỹ rất nhiều và tập trung viết lách ở Mỹ, mà văn học di dân còn có một nhiệm vụ rất đáng quý là bảo tồn những tác phẩm văn học miền Nam. Tủ sách tại tòa soạn tạp chí Khởi Hành ngay Quận Cam có rất nhiều sách, vở từ miền Nam trước 1975 nhà văn Viên Linh còn lưu giữ. Thư quán của nhà văn Trần Hoài Thư ở New York, ngoài giờ làm việc ông còn cần mẫn in lại những cuốn sách có giá trị trước 1975 để giữ lại cho thế hệ sau.

2.2. Giới thiệu văn hoá và đời sống người Việt cho người Mỹ biết, đồng thời cũng để lưu lại những đặc trưng văn hoá Việt Nam cho các thế hệ thứ hai, thứ ba sống trên đất Mỹ. Những thế hệ di dân thứ nhất có cảm giác rằng họ là người duy nhất rời Việt Nam và có nhiệm vụ làm sống lại một nước Việt Nam mà họ biết, họ yêu, họ gìn giữ trong kí ức và lưu truyền nó cho thế hệ sau. Nó đánh thức ham muốn thiết lập một nền văn học di dân mang trọng trách gìn giữ những di sản văn hoá đích thực của dân tộc. Một số lượng lớn các tạp chí ra đời vào thời kỳ này, trên nền tảng là văn học lưu vong/tha hương. Phát ngôn của Mai Thảo là một ví dụ cho sứ mệnh của văn học Việt Nam tại Mỹ: “Đối với tôi, tình yêu tổ quốc và lòng thương cảm những tai ương lớn nhất của nước nhà sẽ luôn luôn là ngọn đuốc huy hoàng dẫn đường sáng cho các hoạt động văn nghệ. Và không có kim chỉ nam nào thay thế được chúng”[8].

Có thể kể thêm những hoạt động văn hoá của các tổ chức thuộc cộng đồng người Việt tại Mỹ, đặc biệt là tại Little Saigon: ví dụ Viện Việt học có các lớp dạy tiếng Việt, tổ chức các hội thảo…; tổ chức VAALA (Vietnamese American Art Letter Association: Tổ chức Nghệ thuật và Văn học Người Mỹ gốc Việt), thành lập từ năm 1991 hiện do bà Lê Đình Y Sa làm chủ tịch, có những hoạt động lưu giữ văn hoá và văn học nghệ thuật cho cộng đồng Việt Nam tại đây như triển lãm, chiếu phim, liên hoan phim, bán tranh gây quỹ, hoạt động ngày Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu…; Viet Art Center (Trung tâm Nghệ thuật Việt) do bà Michelle Phương Thảo làm chủ tịch cũng có những phim nói về văn hoá truyền thống Việt Nam như loạt phim Hoa Gấm Việt, loạt sách Hương Thơ Việt dịch thơ Việt Nam sang tiếng Anh…

Đặc trưng văn hoá Việt thể hiện rất nhiều trong các tác phẩm văn học di dân, ví dụ hình ảnh cây cầu khỉ ở miền quê Nam Bộ, chi tiết phóng sinh cầu phúc, chi tiết đốt phong long, chi tiết miêu tả nghi thức đám cưới và tập tục về nhà bố mẹ ruột sau khi động phòng xem cô dâu còn trong trắng hay không, miêu tả chợ Việt Nam khác chợ Mỹ ra sao, cách thức câu cá, về ngày Tết Trung thu[9]… trong Monkey Bridge (Cầu khỉ) của Lan Cao, cúng Phật trong Trộm đồ cúng Phật của Bich Minh Nguyen, ẩm thực Việt Nam trong truyện Monique Truong…

Cuốn sách mới nhất, Pho For Life (Phở cho Cuộc sống, lưu ý, chữ Phở không dịch ra tiếng Anh - TLHT) nhân chuyện bát phở - đặc sản ẩm thực văn hoá Việt Nam, nhưng thực ra là nhiều món ăn khác nữa - để nói đến tâm tình của người Việt xa quê. Đây là một tập sách tổng hợp các tùy bút của hơn 50 tác giả gốc Á, nhiều nhất là gốc Việt. Chủ đề chính là ẩm thực và tình cảm gia đình xuyên suốt tập sách, ví dụ hoài niệm quê hương thông qua bát phở ở Mỹ, tình cảm với cha, mẹ, chồng, cha chồng… để nói đến tình cảm đối với quê hương, với gia đình, với nguồn cội của mình. Thậm chí, có tác giả trong tập sách này đã thực hiện những hành trình trở về “nhà”.

2.3.Giúp người Việt Nam tại Mỹ hoà nhập nhanh chóng

Báo chí tiếng Việt từ khi ra đời trên đất Mỹ có nhiệm vụ quan trọng là giúp người Việt Nam tại Mỹ hoà nhập với xã hội mới nhanh chóng hơn. Ví dụ những thông tin về thủ tục di dân, thủ tục pháp lý (bảo lãnh, kết hôn, ly hôn, chia bôi tài sản…), cách thức sinh hoạt (giao dịch ngân hàng, mua bán…), làm việc, chia sẻ kinh nghiệm về văn hoá Mỹ, du lịch, ăn uống, quảng cáo… Báo chí Việt Nam ở Mỹ cũng hay đăng tải những câu chuyện hội nhập của người Việt cho cộng đồng di dân Việt Nam tìm hiểu, học hỏi. Từ năm 2004 đến nay, tờ Việt Báo mở một cuộc thi “Viết về nước Mỹ” nhằm khuyến khích mọi người chia sẻ những kinh nghiệm hội nhập nơi đất khách quê người. Những bài đạt giải được in thành sách.

Đi cùng với báo chí Việt Nam là văn học. Nếu chú ý tới sự thống kê thì đa số tác phẩm viết về kinh nghiệm hội nhập của người Việt Nam vào cuộc sống Mỹ là do phụ nữ viết. Đó là Vi Khuê, Trần Diệu Hằng, Lê Thị Huệ, Vũ Quỳnh Hương, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Lan Cao, Nguyễn Thị Thảo An... Trong số các nhà văn nam giới viết về vấn đề này có Võ Phiến (Thư gửi bạn), Nguyễn Bá Trạc (Ngọn cỏ bồng, Chuyện một người di cư nhức đầu vừa phải), Võ Đình (Xứ sấm sét, Sao có tiếng sóng)...

Trong sáng tác của mình, các tác giả viết về những vấn đề thông thường đối với bất cứ một cộng đồng di dân nào, nhất là ở những giai đoạn hình thành đầu tiên của nó. Đó là sự tan vỡ của cuộc sống yên ổn trước đây, những khó khăn của thế hệ những người di tản đầu tiên do sự khác biệt về văn hoá và ngôn ngữ nên không thể hoà nhập nhanh chóng vào hiện thực Mỹ, sự cô đơn của người già, sự suy thoái hoá về đạo đức, hiện tượng lớp trẻ rút khỏi “cộng đồng người Việt”, sự tan nát của gia đình, sự phân hoá xã hội sâu sắc trong nội bộ cộng đồng di tản...

Ở giai đoạn đầu, trong đa số tác phẩm, sự thích nghi và hội nhập của người Việt được miêu tả với sắc thái bi quan - thông qua những dằn vặt lớn lao về đạo đức và những khó khăn vật chất. Ví dụ, tập tạp văn Hạnh phúc xót xa của Huy Phương, một nhà báo[10], ghi lại những cảm nghĩ của nhà văn chủ yếu là nước Mỹ, trong đó có nói đến những tình cảnh của người Việt tại Mỹ, những trò ma mãnh kiếm tiền của cộng đồng người Việt (Buồn vui chuyện y tế), cảnh tình người già bên Mỹ (Cha mẹ và con cái)… Tuy thế vẫn có những trường hợp ngoại lệ như Hồ Trường An trong truyện ngắn Hoà hợp, truyện ngắn Gió đêm của Trần Thị Kim Lan…

Việc hoà nhập vào xã hội Mỹ khá khó khăn đối với những người di dân thuộc thế hệ thứ nhất. Trong khi đó thì thế hệ một rưỡi hoặc thế hệ thứ hai - những người rời khỏi Việt Nam từ hồi còn nhỏ hoặc đã sinh ra trên đất Mỹ, học trường Mỹ - dễ dàng hoà nhập vào xã hội, và nền văn hoá mới. Kinh nghiệm hội nhập vào cuộc sống trở thành đề tài chủ yếu trong các tác phẩm (phần lớn là truyện ngắn) của các nhà văn thuộc thế hệ một rưỡi viết bằng tiếng Việt và bây giờ đã từ 40 tuổi đến 50 tuổi trở lên. Trong tác phẩm của họ có đủ: về cuộc sống trước đây ở tổ quốc, nơi là hình bóng xa xôi vì họ đã ra đi từ hồi còn nhỏ và đối với họ, Việt Nam không phải là cái cảm nhận được và cái mong muốn như đối với thế hệ cha anh của họ; về cuộc sống hiện tại của mình, xuất phát từ tình hình thực tế của cái thế giới hiện đại bao quanh họ. Thế hệ một rưỡi là thế hệ cân bằng giữa hai thế hệ - thế hệ thứ nhất, lớn tuổi hơn và thế hệ tiếp theo sau họ, trẻ hơn, vốn hoàn toàn hướng tới sự hội nhập vào môi trường mới và ngôn ngữ mới. Cùng với thế hệ đầu tiên, họ sẻ chia lòng yêu mến tiếng Việt, nhưng không sẻ chia gánh nặng tình cảm đối với quá khứ, không sẻ chia những u ám chính trị. Nhiều người trong số họ đã quay trở về nhiều lần như Đặng Thơ Thơ, Đặng Hiền, Nguyen Quy Duc… Cùng với thế hệ thanh niên, họ tiếp nhận một cách thực tế và thực dụng cuộc sống mà hiện nay họ phụ thuộc, tuy vậy trong văn học họ vẫn bị ngăn cách bởi rào cản ngôn ngữ, là tiếng Anh. Phùng Nguyễn là một ví dụ, trước 1975, ở Việt Nam, anh là một thanh niên, khi sang Mỹ, anh tìm đến văn học như một nhu cầu giải trí và giải toả. Anh có hai tập truyện ngắn, Tháp ký ức Đêm Oakland và những truyện ngắn khác. Cuốn Tháp ký ức là một tập truyện ngắn tự sự, và vì là cuốn đầu nên nghệ thuật chưa cao. Cuốn Đêm Oakland và những truyện khác khá hơn rất nhiều. Có vẻ như những chiêm nghiệm mơ hồ trong Tháp ký ức đã được diễn đạt tốt hơn và có chiều sâu hơn. Cuộc chiến, kẻ ra đi, hội nhập, nỗi cô đơn nơi đất Mỹ đã làm nên những trang viết khắc khoải. Người đọc nhìn thấy nỗi bất lực của con người trong mọi vấn đề: tình yêu, kiếm sống, hy vọng, niềm tin… Ở Tháp ký ức cũng có những chủ đề đó, nhưng nó dường như là do ngoại cảnh, còn ở Đêm Oakland…, nó là tâm cảnh.

Còn thế hệ nhà văn thứ hai, hầu hết viết bằng tiếng Anh thì viết về kinh nghiệm hội nhập, nhưng không phải cho độc giả người Việt thế hệ thứ nhất, mà cho độc giả người Việt trẻ, hoặc độc giả Mỹ. Nhận xét của Nam Le trong tập truyện ngắn Con thuyền cho thấy ý thức này, một nhân vật nói rằng hãy viết về Việt Nam đi, vì “văn học dân tộc đang rất nổi, và quan trọng”[11]. Người nước ngoài thích đọc về những câu chuyện hội nhập của người nhập cư. Monkey Bridge của Lan Cao cho thấy giới trẻ hoà nhập tốt hơn già, ví dụ như ngôn ngữ đứa con sử dụng tiếng Anh tốt hơn mẹ, và con thường phải dịch lại cho mẹ, vì “mẹ chỉ hiểu khoảng một nửa những gì người ta nói”, “tôi thường phải nói lại cho mẹ những gì chấp nhận được hoặc không chấp nhận được”, “người mẹ nhìn thấy nguy hiểm ở khắp mọi nơi”, nhìn thấy nguy hiểm là cách người mẹ không thích nghi được[12]. Những tác giả thuộc khuynh hướng này đã thu hút được sự chú ý của những nhà xuất bản sách và giới phê bình Mỹ, đã nhận được các giải thưởng quốc tế.

2.4. Dịch thuật và giới thiệu văn học Việt Nam ở Hoa Kỳ

Không thể phủ nhận những đóng góp về dịch thuật, nghiên cứu của các nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu gốc Việt trong việc giới thiệu văn học Việt Nam hải ngoại, văn học Việt Nam trong nước, giới thiệu các lý thuyết, trào lưu, trường phái văn học, dịch thuật… từ Anh sang Việt và từ Việt sang Anh cho độc giả ngoài nước và trong nước, nhất là trong tình hình đăng tải trên mạng phổ biến như hiện nay. Ngoài những nhà nghiên cứu nước ngoài có hứng thú và tấm lòng với văn học Việt Nam như John Balaban (dịch ca dao Việt Nam, thơ Hồ Xuân Hương…), Peter Zinoman (dịch Số Đỏ, nghiên cứu về Nhân Văn Giai Phẩm…), Martin Secker (dịch Bảo Ninh: The Sorrow of War: Nỗi buồn chiến tranh)..., thì từ giữa những năm 1980, khi luồng gió Đổi Mới xuất hiện, giao lưu văn hoá, văn học giữa các nhà văn Việt Nam trong nước và hải ngoại bắt đầu khởi sắc, các nhà văn gốc Việt bắt đầu dịch sang tiếng Anh những tác phẩm của các nhà văn Việt Nam. Những dịch giả thường là thế hệ một rưỡi hoặc hai, họ cảm thấy việc giới thiệu văn học Việt Nam quá thiếu hụt ở Hoa Kỳ và ở Châu Âu. Họ muốn thay đổi cái nhìn của các nước về Việt Nam. Ví dụ như Nguyen Quy Duc, cùng với John Balaban, đã dịch truyện của Hồ Anh Thái, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Thân, Lê Minh Khuê… trong tập truyện Vietnam: A Traveler’s Literary Companion năm 1996; cùng với Wayne Karlin và Trần Hoài Bắc, dịch truyện của Hồ Anh Thái: Behind the Red Mist: Short Fiction by Ho Anh Thai năm 1998; cùng với George Evans dịch thơ Hữu Thỉnh. Trần Hoài Bắc, cùng với Wayne Karlin và Dana Sachs, dịch Lê Minh Khuê: The Stars, the Earth, the River: Short Stories by Le Minh Khue năm 1997. Ngo Vinh Hai, Nguyen Ba Chung, Kevin Bowen và David Hunt dịch Thời xa vắng của Lê Lựu: A Time Far Past năm 1997. Duong Van Mai Illiott dịch hồi ký Nguyễn Thị Định: No Other Road to Take: Memoir of Mrs. Nguyen Thi Dinh,

Trong lời giới thiệu tập thơ Hữu Thỉnh dịch ra tiếng Anh The Time Tree (2003), Nguyen Quy Duc viết: “việc dịch thơ Hữu Thỉnh cùng lúc với việc tôi tái phát hiện thơ ca, cả tiếng Việt và tiếng Anh, với một ham muốn giữa những nhà văn gốc Việt, là vẽ ra một Việt Nam, không phải chỉ là chiến tranh, mà là văn hoá, là một dân tộc tràn đầy đam mê, những rạn nứt, xung đột, và tình yêu. Việt Nam là một đất nước, với rất nhiều, rất nhiều câu chuyện”[13]. Nguyen Quy Duc dịch văn học Việt Nam với một thôi thúc là giới thiệu Việt Nam như là một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến, và chia sẻ với độc giả Mỹ về một nền văn hoá Việt Nam giàu có. Mặt khác, việc dịch của anh, cũng là một nhu cầu muốn hiểu những nhà thơ, nhà văn miền Bắc[14]. George Evans, người cùng dịch thơ với anh, thuộc quân đoàn y tế trước đây từng tham chiến trong chiến tranh Việt Nam, còn Hữu Thỉnh từng là nhà thơ quân đội, và lúc bấy giờ (thời điểm dịch thơ), là Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Cuộc gặp gỡ được Evans miêu tả hết sức thân thiện. Tuy vậy, vì việc dịch tập thơ này mà Nguyen Quy Duc cũng đã bị cộng đồng Việt Nam chống Cộng tại Mỹ tẩy chay và phê bình. Nguyen kể lại trong một phỏng vấn rằng, khi anh được mời nói chuyện ở Đại học UC David về văn học Việt Nam và về tập thơ của Hữu Thỉnh, hàng trăm người biểu tình chống anh đứng ở ngoài, cầm cờ vàng ba sọc, hô khẩu hiệu gọi anh là “thân Cộng”. Nói như vậy để chúng ta hiểu và trân trọng những đóng góp của các nhà văn gốc Việt trong việc giới thiệu văn học Việt Nam trong nước ra nước ngoài, nhất là trong một môi trường rất phức tạp như cộng đồng di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Sau khi Hoa Kỳ phá bỏ lệnh cấm vận Việt Nam năm 1994, việc “hợp lưu” giữa những nhà văn gốc Việt và nhà văn Việt Nam càng nhiều hơn, nhất là khi thế hệ trẻ du lịch về Việt Nam càng nhiều, gặp gỡ với các nhà văn ở Việt Nam cũng dễ dàng. Năm 1995, tuyển tập truyện ngắn dịch sang tiếng Anh do Truong Vu, cùng với Wayne Karlin được xuất bản: The Other Side of Heaven: Post War Fiction by Vietnam and American Writers. Tuyển tập bao gồm nhiều truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam và Mỹ viết sau chiến tranh như của Nguyễn Mộng Giác, Andrew Lam, Lai Thanh Ha…. Năm 1996, Linh Dinh, cũng là một nhà văn thế hệ một rưỡi thông thạo tiếng Việt và tiếng Anh, tổ chức dịch tuyển tập truyện ngắn Việt Nam đương đại có tên: Night, Again, trong đó, anh dịch khoảng một nửa tuyển tập. Cũng giống như Nguyen Quy Duc, mục đích của Linh Dinh là giới thiệu những hạt giống văn học tốt nhất, hay nhất của Việt Nam cho độc giả Mỹ, với lòng tự hào văn hoá và tự hào dân tộc. Đinh Từ Bích Thúy cùng với Martha Collins dịch hợp tuyển thơ Cốm Non (Green Rice) của Lâm Thị Mỹ Dạ (Curbstone Press, 2005). Năm 2008, Nguyễn Đỗ và nhà thơ Paul Hoover cũng dịch tuyển tập thơ ca Việt Nam sau 1956 có tên: Black Dog, Black Night. Cùng năm đó, Andrew Pham, với sự giúp sức của cha mình, dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Anh với tên gọi: Last Night I Dream of Peace.

Ngoài ra, cũng cần phải kể đến những nhà nghiên cứu đã viết những công trình liên quan đến văn học Việt Nam bằng tiếng Anh để giới thiệu văn học Việt Nam, văn học di dân Việt Nam cho độc giả Hoa Kỳ. Ví dụ như cuốn This Is All I Choose to Tell của Isabelle Thuy Pelaud, giới thiệu về văn học di dân, đặc biệt là văn học di dân viết bằng tiếng Anh; cuốn Once Upon A Dream: The Vietnamese - American Experience năm 1995; tuyển tập văn chương của các nhà văn hải ngoại: Watermark: Vietnamese American Poetry & Prose năm 1998 hay những trang web giới thiệu văn học Việt Nam bằng tiếng Anh…

TLHT.


[1] “Sơ kết 15 năm văn học Việt Nam lưu vong”, Nguyễn Hữu Nghĩa, Văn Xã, số 3, tháng 7-1990. tr.8.

[2] Phỏng vấn riêng nhà văn Trịnh Y Thư, 5-2013.

[3] Phỏng vấn riêng nhà thơ, nhà phê bình Đỗ Quyên 8-2013.

[4] Cũng xin nói thêm ở liệt kê này, đó là chúng tôi liệt kê ngẫu nhiên, không theo một trật tự nào: nổi tiếng hơn, viết nhiều hơn, hay theo a, b, c..., theo ý chúng tôi, danh sách này còn thiếu, và còn tiếp tục, vì vậy không nên xếp theo a, b, c... mà nên tạm liệt kê ngẫu nhiên như trên.

[5] Isabelle Thuy Pelaud, This Is All I Choose To Tell, Temple University Press 2011, tr.24.

[6] “Văn học hải ngoại: cần một cái nhìn gần gũi hơn”, Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/Pages/Printview.aspx?ArticleID=140405

[7] Quan điểm này cũng của nhà thơ, nhà văn Trần Mộng Tú.

[9] Monkey Bridge, Lan Cao, Penguin Books 1997, xem các trang 23, 33, 46-52, 108, 128...

[10] Huy Phương, Hạnh phúc xót xa, Nam Việt California 2010

[11] Nam Le, Con thuyền, Nxb Nhã Nam, Hội Nhà văn 2011, tr.19.

[12] Lan Cao, Monkey Bridge, Penguin Books 1997, tr.24, 35, 38...

[13] George Evans và Nguyen Quy Duc dịch, The Time Tree: Poems Huu Thinh, Willimantic, Conn., Curbstone Press, 2003, tr.31.

[14] Cũng nói thêm, Nguyen Quy Duc là một nhà văn thế hệ một rưỡi đa tài, viết văn, làm thơ bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, từng đạt giải văn học ở Mỹ, hiện anh đang sống tại Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận Văn học, Niên san 2013

Hiện nay một số tổ chức văn hóa của nước ta đã bắt đầu chuẩn bị Lễ kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du vào năm 2015. Lễ kỷ niệm này sẽ có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt vì ngày 25- 10-2013 vừa qua tại kỳ họp thứ 37 ở Paris, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) lần đầu tiên đã thông qua Nghị quyết vinh danh Nguyễn Du là nhà văn hóa kiệt xuất cùng với nhiều danh nhân khác của thế giới. Nhân dịp này tôi muốn gợi lại một số hồi ức về hai chuyến đi sưu tầm tài liệu về Nguyễn Du tại Trung Quốc trong hai năm 1963 và 1964 nhằm phục vụ Lễ kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du vào năm 1965.

20170726. Truyen Kieu

Truyện Kiều là tác phẩm vĩ đại nhất của văn học cổ điển Việt Nam, vậy thì việc giới thiệu Truyện Kiều sang các ngôn ngữ khác, đặc biệt là tiếng Anh như thế nào? Đã có một số bài viết bàn về vấn đề này, ví dụ như bài viết của GS. Nguyễn Văn Hoàn “Những bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh”, và đặc biệt là bài viết của dịch giả Thúy Toàn ““Dịch Văn học Việt Nam: Những người dịch Truyện Kiều (Nguyễn Du) và những người dịch Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh)”,…Tuy vậy, chưa thật sâu và kỹ.

Bài viết này sẽ dừng lại ở hai mảng: giới thiệu những bản dịch Kiều sang tiếng Anh mà chúng tôi tìm được nhằm bổ khuyết vào hai bài viết trên; và điểm qua một số bài nghiên cứu mà các học giả viết tiếng Anh đã viết về Truyện Kiều. Như vậy, chúng tôi chưa đụng chạm đến: một là so sánh các bản dịch tiếng Anh với nhau và với nguyên tác Truyện Kiều, hai là chưa đi sâu vào tìm hiểu việc nghiên cứu, giảng dạy Truyện Kiều tại các nước nói tiếng Anh như thế nào. Thiết nghĩ những vấn đề trên cũng rất thú vị và sẽ được chúng tôi đặt ra trong những nghiên cứu sau này.

  1. NHỮNG BẢN DỊCH TRUYỆN KIỀU

Không ai phủ nhận rằng Truyện Kiều là tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam được dịch sang nhiều thứ tiếng nhất. Theo GS. Nguyễn Văn Hoàn, “nếu chỉ kể những bản dịch toàn bộ và đã được xuất bản thì đến nay Truyện Kiều đã được dịch sang gần 20 tiếng nước ngoài, kể cả tiếng Trung Quốc. Bản đầu tiên dịch sang tiếng Pháp, do Giáo sư Abel des Michels (Trường Sinh ngữ Đông phương Pháp) in ở Paris năm 1884. Bản sau cùng mới xuất bản năm 2009 ở Ulan Bato, dịch sang tiếng Mông Cổ, do Giáo sư S.Dashtsevel (Viện Nghiên cứu quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Mông Cổ) thực hiện. Về số lượng, mỗi ngoại ngữ thường có một hoặc hai bản dịch, riêng tiếng Nhật có 4 bản, tiếng Anh 7 bản, tiếng Pháp trên 10 bản”[1].

Theo thống kê của chúng tôi, Truyện Kiều đã được dịch sang các thứ tiếng sau:

Sớm nhất là tiếng Pháp, có 13 bản dịch[2];

Sau đó là tiếng Nhật (5 bản dịch, bản đầu tiên do Komatsu Kiyoshi dịch năm 1942)[3];

Tiếng Đức (do dịch giả Franz Faber xuất bản 1964);

tiếng Nga (do nhóm dịch giả Việt -Nga, phụ trách dự án là Nguyễn Huy Hoàng, vừa tổ chức công bố bản dịch nhân Hội thảo kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du tại Hà Tĩnh[4]);

Tiếng Trung Quốc (Theo Cao Việt Dũng, có 3 bản dịch, bản dịch đầu tiên năm 1959 do Hoàng Dật Cầu dịch, tuy nhiên bản này bị đánh giá là không chính xác và không hay, sau đó có thêm bản dịch của La Trường Sơn và Triệu Ngọc Lan)[5], tuy vậy, theo bài “Dịch Văn học Việt Nam: Những người dịch Truyện Kiều (Nguyễn Du) và những người dịch Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh)” của Hoàng Thúy Toàn thì có đến 6 bản dịch sang tiếng Trung Quốc, sớm nhất xuất bản năm 1915[6];

Tiếng Tiệp (Do Jan Komárak dịch);

Tiếng Hàn (do Kyong Hwan Ahn năm 2004)

Tiếng Hungari (do Trương Đăng Dung và Tandore Dodue xuất bản năm 1984);  

Tiếng Mông Cổ; tiếng Rumani; tiếng Ý;, tiếng Cuba, tiếng Tây Ban Nha;… thậm chí Truyện Kiều còn được dịch ra Quốc tế ngữ, và có đến 2 bản dịch, một của Đặng Đình Đàm, một của Lê Cao Phan[7].

Tổng cộng, theo Lê Thu Yến, Truyện Kiều đã có khoảng 30 bản dịch, với gần 20 thứ tiếng. Còn theo Hữu Ngọc, Truyện Kiều đã được dịch ra 31 thứ tiếng.

2. NHỮNG BẢN DỊCH TRUYỆN KIỀU SANG TIẾNG ANH

Đi tìm những bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh, chúng tôi tìm thấy những bản dịch sau:

1/ Bản dịch của Lê Xuân Thủy, dịch đầu tiên năm 1963, đến năm 2010, được chính ông hiệu đính lại, in tại Mỹ, lấy tựa là “The Soul of Poetry inside Kim Van Kieu”. Rất ít tư liệu về giáo sư Lê Xuân Thủy, chỉ biết ông làm việc tại Bộ giáo dục miền Nam Việt Nam trước 1975.

2/ Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông, nhà xuất bản Random House in lần đầu tiên năm 1973, với tên “The Tale of Kieu”. 10 năm sau, ông hiệu đính, in lại, từ đó về sau, các bản tái bản đều có tên “The Tale of Kiều”, chỉ 1 thay đổi nhỏ tên Kiều, nhưng như chính dịch giả nói, là 1 bước tiến trong việc nghiên cứu của người Mỹ về Việt Nam học. Huỳnh Sanh Thông (1926- 2008) là giáo sư giảng dạy tại Đại học Yale, Hoa Kỳ. Bản dịch truyện Kiều năm 1973 của ông được trao giải MacArthur Fellowship danh tiếng vào năm 1987. Ông từng được giải thưởng the AAS Benda Prize. Ngoài ra, ông  còn xuất bản các ấn bản dịch hai tác phẩm lớn khác của văn học cổ điển Việt Nam là Lục Súc Tranh CôngChinh Phụ Ngâm. Tiếp theo giải MacArthur, ông tham gia sáng lập Council's Vietnam Forum, là tạp chí nghiên cứu dành cho các nhà nghiên cứu Việt Nam, do Yale Council xuất bản trong các tài liệu nghiên cứu mang tên Southeast Asian. Bên cạnh đó, ông cũng từng là giám đốc dự án Yale Southeast Asian Refugee Project.

3/ Bản dịch của Michael Counsell, lần đầu tiên xuất bản năm 1994, tái bản 2011 bởi NXB Thế Giới (Hà Nội, Việt Nam). Bản dịch của Michael Counsell có tên: “Kieu, The Tale of a Beautiful and Talented Girl”(Kiều, Câu chuyện về một người con gái xinh đẹp và tài năng). Michael Counsell đã từng sống tại Sài Gòn khoảng 4 năm từ 1968 đến 1972, rất hứng thú với văn học Việt Nam, đặc biệt là truyện Kiều. Ông bắt đầu học tiếng Việt, và sau đó dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh dựa vào các bản tiếng Pháp của Rene Crayssac (1026), bản tiếng Anh của Lê Xuân Thủy (1968) và bản tiếng Anh của Huỳnh Sanh Thông (1973). Mất 25 năm cho bản dịch này, năm 1994, ông quay lại Việt Nam và bản dịch được NXB Thế giới nhận in. Ông cũng là tác giả của nhiều đầu sách khác về tôn giáo như All Through the Night, A Basic Bible Dictionary, A Basic Christian Dictionary,

4/ Bản dịch của Vladislav V. Zhukov, xuất bản lần đầu tiên năm 2004 với tên gọi “The Kim Van Kieu of Nguyen Du”. Zhukov là một nhà dân tộc học người Úc sinh năm 1941, đã từng ở Việt Nam hai năm rưỡi. Cũng được gợi cảm hứng từ hai bản dịch của Lê Xuân Thủy và Huỳnh Sanh Thông, Zhukov đã dịch Truyện Kiều và xuất bản năm 2004. Bản dịch của ông được đánh giá rất cao. Ngoài ra, Zhukov còn là 1 nhà nghiên cứu và viết nhiều sách về người Java như các cuốn: Gentry: Social Change in Java: The Tale of a Family, Javenese Gentry,…

Trong tay chúng tôi có 4 bản dịch trên, là 4 bản dịch được đánh giá cao nhất. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi tìm thấy thêm dấu vết một số bản dịch sau:

5/ Bản dịch của nhóm Mary Cowan, Carolyn Swetland, Đặng Thế Bính, Paddy Farrington, Elizabeth Hodgkin và Hữu Ngọc, NXB Ngoại văn, Hà Nội, dày 1043 trang với tên “The Tale of Kiều (Truyện Kiều)”[8].

6/ Bản dịch của Bạch Vân Bùi Trọng Hợp, dịch giả tự xuất bản tại San Diego, Hoa Kỳ với tên gọi “The Story of Kim-Van-Kieu”. Bùi Trọng Hợp là một nhà thơ, dịch giả tại Hoa Kỳ, hay dịch thơ tiếng Pháp, tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại, sang Mỹ từ năm 1975, từng là giáo sư ĐH Waco, Texas.

7/ Bản dịch của Phan Huy Mạc Phi Hoàng, đăng trên web riêng của dịch giả: https://truyenkieuinenglish.wordpress.com/ với tên gọi “The Tale of Kiều”.

8/ Một bản dịch chúng tôi nghĩ là tóm tắt vì chỉ có 148 trang, có tên “Kieu: An English Version Adapted from Nguyen Khac Vien’s French Translation” do Arno Abbey dịch và tự xuất bản năm 2008. Arno Abbey là 1 dịch giả không nổi tiếng mấy, chỉ xuất bản 2 cuốn, 1 là dịch Kiều từ bản tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện, 1 là 1 cuốn sách về văn phạm tiếng Anh (“ABC to Abacus, an Introduction to Graphemics”)

9/ Bản dịch của Ngô Đình Chương, có tên “My version of Kieu”, dịch giả tự xuất bản tại San Jose, Hoa Kỳ năm 1993, 165 trang, có đăng trên web: http://www.hdvietnam.net/hdvn-files/vanhoa/vanhoc/kieu-eng.html. Ngô Đình Chương là 1 nhà thơ, dịch giả, từng dịch một số tác phẩm thơ Việt Nam sang tiếng Anh.

10/ Bản dịch của Timothy Allen có tên “Kieu, The New Lament for a Broken Heart” (Tiếng kêu mới của một trái tim tan vỡ). Timothy Allen là 1 dịch giả người Anh sinh năm 1960 tại Liverpool, từng sống qua Liberia, Mozambique, Peru và đã từng đến Việt Nam. Hiện ông đang dạy tiếng Anh tại trường Đại học Livepool, đã từng xuất bản 1 số cuốn sách bằng tiếng Tây Ban Nha và Việt Nam.  Những năm 1990, Đài BBC đã cho đọc 1 đoạn trong 1 bài trường ca của Tim, có tên “Bài hát thành phố” miêu tả 24 giờ trong nhịp sống thành phố Liverpool. Năm 2008, ông đạt giải thưởng Stephen Spender khi dịch Truyện Kiều dưới tên gọi: “Kiều: A New Lament for a Broken Heart” (dịch thoát nghĩa của tựa “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du), sau đó tiếp tục nhận được học bổng Hawthornden giúp ông trở thành một nhà thơ. Timothy Allen đánh giá Truyện Kiều rất cao: “Mọi người Việt Nam đều biết bài thơ. Bạn có thể tìm thấy nông dân ở các ruộng lúa cũng có thể đọc thuộc lòng toàn bộ Kiều bằng cả trái tim. Đó là một câu chuyện tình yêu và một bộ phim kinh dị, đầy ma, nhà thổ, đàn ông và phong cách Robin Hood ngoài vòng pháp luật. Kiều, người phụ nữ xinh đẹp đã đi qua một loạt các tai ương và biến chúng thành thứ âm nhạc đẹp đẽ, đã trở thành một biểu tượng cho chính Việt Nam. Nhiều quốc gia hùng mạnh đã cố xâm lược Việt Nam, nhưng bản thân người dân đã tự sống sót, dù bị đánh đập nhưng không bị trói buộc, và với những bài hát của Kiều trên môi và trong trái tim của họ."[9] Bản dịch này cũng được đánh giá cao. Rất tiếc chúng tôi chưa tìm thấy bản dịch này. Độc giả có thể xem một đoạn dịch của Timothy Allen trên trang web này: http://www.mptmagazine.com/poem/the-story-of-kiu-on-trng-tn-thanh-366/

Và như vậy, bản dịch Kiều của Allen có thể đến được các độc giả sống tại Anh.

11/ Bản dịch của Thùy Dương, chưa công bố toàn bộ, với tên gọi “Kim Vân Kiều”[10]

12/ Bản dịch của Thái Hùng Tâm, với tên gọi “The Story of Kieu, The New Cry of Painfulness” xuất bản năm 1996, song ngữ. Do Nhà xuất bản Viet Moon ấn hành[11]

Như vậy, chúng tôi tìm thấy 12 bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh với các tên gọi khác nhau như trên.

Việc so sánh 12 bản dịch xem bản dịch nào tốt, trung thành với nguyên tác cần đến một công trình lớn hơn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung đọc và nhận xét các bản dịch được đánh giá cao, và chúng tôi có văn bản trong tay, đặc biệt, là phần giới thiệu trước khi dịch của chính dịch giả hoặc một nhà nghiên cứu nào đó.

3. MỘT SỐ BẢN DỊCH KIỀU ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ CAO

3.1. BẢN DỊCH CỦA LÊ XUÂN THỦY

 Trong lời tựa giới thiệu các bản dịch sau này, các dịch giả đều cho rằng sự gợi mở từ bản dịch của Lê Xuân Thủy là rất quan trọng. Như vậy, có thể thấy, mặc dù là bản dịch đầu tiên sang tiếng Anh, nhưng bản dịch này rất chăm chút, cẩn thận, chỉ là cách dịch gần như sang văn xuôi, mặc dù các câu thơ đều có xuống dòng, nhưng không phải 1 dòng thơ trong Truyện Kiều được dịch sang 1 câu thơ tiếng Anh. Giữa các câu thơ tiếng Anh cũng là thơ tự do, và thỉnh thoảng các câu thơ có vần với nhau. Bản dịch này khá công phu với 255 chú thích. Tất cả tên gọi của nhân vật đều được giữ đúng tiếng Việt có dấu. Lê Xuân Thủy dịch Truyện Kiều thành 26 chương, với tên gọi các chương như sau:

Chương 1: Gia đình họ Vương

Chương 2: Mộ Đạm Tiên

Chương 3: Kim-Kiều gặp gỡ

Chương 4: Linh cảm của Kiều

Chương 5: Bí mật đính ước

Chương 6: Kim Trọng về thọ tang chú

Chương 7: Sự hy sinh của Thúy Kiều

Chương 8: Tha hương

Chương 9: Sở Khanh

Chương 10: Sự suy sụp

Chương 11: Kiều và Thúc

Chương 12: Quan tòa tốt

Chương 13:Thúc về quê

Chương 14: Người vợ độc ác

Chương 15: Bắt cóc

Chương 16: Nô lệ

Chương 17: Mặt đối mặt

Chương 18: Kiều thành hoa nô

Chương 19: Giác Duyên

Chương 20: Sự bất hạnh

Chương 21: Kiều và Từ Hải

Chương 22: Kiều báo ân báo oán

Chương 23: Cái chết của Từ Hải

Chương 24: Tự sát

Chương 25: Được cứu sống

Chương 26: Kim Trọng trở về.

Bản dịch của Lê Xuân Thủy số câu thơ tiếng Anh sẽ nhiều hơn số lượng câu thơ của Nguyễn Du. Ví dụ, hai câu tiếng Việt: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” được Lê Xuân Thủy dịch thành 4 câu thơ:

Within a span of one hundred years (Trong 100 năm)

Of human life and tragedy (của bi kịch đời người)

What a bitter struggle it wagged (Thật là một cuộc đấu tranh cay đắng)

Between talent and destiny (Giữa tài và mệnh)

Giữa 4 câu thơ này, Lê Xuân Thủy đã tạo hiệp vần “y” cho 2 từ “tragedy” và “destiny”. Tương tự, các câu thơ được dịch đều có cách hiệp vần chân như trên. Ví dụ 4 câu: Cảo thơm lần giở trước đèn

“Phong tình cổ lục”còn truyền sử xanh

Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh

Bốn phương phẳng lặng, hai Kinh vững vàng

Được dịch thành 6 câu: Fragrant manuscripts, turned open before a lamp

And tablets of gallant old anthologies

Relate: In the period of Kia-Tsing,

Inside one of the two capitals cities,

Under the dynasty of the Ming,

When peace reigned throughout the nation,

Trong đó, “anthologies” và “cities”, “Tsing” và “Ming” hiệp vần.

Bản dịch này có lời giới thiệu của tác giả chỉ 4 trang, trong đó, Lê Xuân Thủy đánh giá rất cao Truyện Kiều, cho rằng việc dùng 1 câu chuyện của Trung Quốc chuyển thể thành thơ giống như trường hợp Corneille lấy Le Cid từ Guihem de Castro nhưng chất lượng hơn hẳn so với “văn bản gốc”, ông viết “ông (Nguyễn Du) đã thành công trong việc chuyển thể một tác phẩm lấy nhân vật chính là những kẻ bất lương lưu lạc và những âm mưu phức tạp, rườm rà, thành một tác phẩm thơ dài và sinh động xứng đáng là tác phẩm thơ cổ điển hay nhất Việt Nam”, “Kim-Vân-Kiều có 1 giá trị bí ẩn bộc lộ cho chúng ta thấy nền tảng tinh thần của tác giả, cả về mặt khoa học lẫn tiên tri”. Đặc biệt, Lê Xuân Thủy rất xem trọng giá trị tâm lý học của Truyện Kiều, ông cho rằng “có thể nhìn thấy cá tính của tác giả, mỗi đoạn, đều được viết và bộc lộ sự cao nhã tận cùng của cá nhân.  Ngay cả những đoạn thô thiển nhất, việc diễn đạt thông tục cũng không bao giờ xảy ra”.  Việc dùng ẩn dụ, chú giải cũng tránh vượt quá nghi thức, khuôn phép. Cuối cùng, ông kết luận rằng, “không có người Việt Nam nào không ảnh hưởng bởi Truyện Kiều”[12](giống như kiểu Thẩm Ước nói “Mạc bất đồng tổ Phong, Tao”).

3.2. BẢN DỊCH CỦA HUỲNH SANH THÔNG

 Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông có lẽ được đánh giá cao nhất trong các bản dịch Kiều. Hầu hết các bài giảng Truyện Kiều tại Mỹ đều lấy bản dịch của ông cho sinh viên học. Một lý do nữa là vì Huỳnh Sanh Thông cũng là một giáo sư tại Đại học Yale, do đó, việc bản dịch của ông được nhiều người biết đến là điều dễ hiểu. Qua nhiều lần tái bản, bản dịch chúng tôi có trong tay là bản dịch năm 1983 sau 10 năm lần xuất bản đầu tiên với tên gọi “The Tale of Kiều”, phần lời tựa, lời giới thiệu công phu do chính ông viết và phần lịch sử vấn đề do Alexander B. Woodside, giáo sư chuyên về lịch sử Đông Nam Á, lịch sử Trung Quốc của Đại học British Columbia viết. Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông cực kỳ công phu với việc dịch đúng số câu trong Truyện Kiều ra 3254 câu trong tiếng Anh, đồng thời, phụ lục của ông dài đến 40 trang chú thích theo thứ tự câu trong bản dịch và tổng cộng có đến 309 chú thích. Trong phần thư mục, chúng tôi thấy ông có tham khảo các bản dịch truyện Kiều tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện, của Rene Crayssac, của Nguyễn Văn Vĩnh, của Xuân Phúc&Xuân Việt, của Abel des Michels, bản tiếng Anh của Lê Xuân Thủy. Chúng tôi có ý kiếm tìm ông dùng bản Kiều nào để dịch thì tìm không ra, chỉ thấy ông dùng các bản Kiều tiếng Việt của Nguyễn Văn Hoàn năm 1965, Nguyễn Thạch Giang năm 1972.

Huỳnh Sanh Thông chia bản dịch của mình thành 6 chương, không có tên chương, chỉ đánh dấu số La Mã.

Chương I từ đầu đến câu 528, đoạn Kim Kiều đính ước.

Chương II từ câu 529 đến câu 910, đoạn Kiều bán mình được Mã Giám Sinh đưa đi.

Chương III từ câu 911 đến câu 1274, đoạn Kiều ở lầu xanh.

Chương IV từ câu 1275 đến câu 2029, đoạn Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư. Chương V từ câu 2030 đến câu 2649, đoạn nàng trầm mình tự vẫn sau khi Từ Hải chết.

Chương cuối từ câu 2650 đến hết, nàng được cứu và sau đó đoàn viên với Kim Trọng.

Như vậy, cách chia của Huỳnh Sanh Thông khá cân đối về số lượng, gộp nhiều nội dung vào 1 chương chứ không chia nhỏ như Lê Xuân Thủy.

Sau 10 năm, lần tái bản năm 1983 của Huỳnh Sanh Thông giữ nguyên tên gọi các nhân vật có dấu, trừ các địa danh thì theo phiên âm Trung Quốc.

Phần Lịch sử vấn đề 8 trang của GS Alexander B. Woodside có thể xem như 1 bài nghiên cứu công phu của ông về thời điểm ra đời của Truyện Kiều, lịch sử thời đại Nguyễn Du, đặc biệt, ông nhấn mạnh đến những sáng tạo của Nguyễn Du khi chuyển thể một tác phẩm văn xuôi Trung Quốc, trong đó bao gồm cả những tư tưởng thời đại mà Nguyễn Du đang sống, thậm chí cả những ảnh hưởng nước ngoài như phương Tây, Thiên chúa giáo được tiếp nhận vào thời Nguyễn. Là một nhà sử học, ông rất chú ý đến phương diện lịch sử và bối cảnh thời đại mà Nguyễn Du viết Truyện Kiều.

Lời giới thiệu của chính dịch giả Huỳnh Sanh Thông 22 trang lại càng chi tiết hơn. Ông đi từ việc giới thiệu “truyện nôm”(viết nguyên văn, sau đó dịch “the tale in the Southern script”: truyện viết bằng thứ chữ nước Nam) rồi đến Truyện Kiều. Ông chỉ ra những thay đổi từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài nhân đến Truyện Kiều của Nguyễn Du. Sau đó, ông phân tích qua một số nhân vật chính như Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải,.. Một phần cũng khá công phu trong bài giới thiệu này là ông đưa ra những đánh giá về Truyện Kiều, từ đầu thế kỷ 20 như của Tôn Thọ Tường, Phạm Quỳnh, Huỳnh Thúc Kháng,…

Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông dịch đúng số câu tiếng Việt sang đúng số câu tiếng Anh. Hai trang gồm bên trái là tiếng Việt, bên phải là tiếng Anh để tiện so sánh. Tuy vậy, cách dịch của Huỳnh Sanh Thông không được đánh giá cao vì các câu thơ tiếng Anh không được “thơ” và hợp vần cho lắm. Có đoạn có vần, đoạn không, đọc lên nghe như văn xuôi. Cùng là cách dịch sang đúng số câu, thì bản dịch của Zhukov cho thấy chất thơ hơn hẳn.

3.3. BẢN DỊCH CỦA MICHAEL COUNSELL

Là một dịch giả vừa biết tiếng Việt, vừa biết tiếng Trung Quốc, Michael Counsell đã bắt tay vào dịch Truyện Kiều và mất khá nhiều thời gian cho bản dịch này. Bản dịch của ông có tên: “Kieu The Tale of a Beautiful and Talented Girl” (Kiều, Câu chuyện về một cô gái xinh đẹp và tài năng). Trong bản dịch, tên các nhân vật được để nguyên dạng nhưng không có dấu (Kiều- Kieu, Thúy Vân- Thuy-Van, Từ Hải- Tu-Hai,…). Bản dịch có 16 chương:

Chương 1: Gia đình họ Vương

Chương 2: Đính ước với Kim

Chương 3: Bán mình và cưới Mã Giám Sinh

Chương 4: Lầu xanh

Chương 5: Kiều nghĩ Sở Khanh sẽ cứu mình

Chương 6: Vợ lẽ của Thúc Kỳ Tâm

Chương 7: Hoạn Thư, người vợ ghen tuông

Chương 8: Kiều trở thành hoa nô

Chương 9: Trở thành ni cô sau khi chạy trốn

Chương 10: Cưới Từ Hải, tướng lĩnh sau đó là triều đình riêng

Chương 11: Thất bại và dự định tự sát

Chương 12: Giác Duyên cứu

Chương 13: Kim nghĩ Kiều đã chết

Chương 14: Đoàn viên

Chương 15: Kết thúc có hậu

Chương 16: Vĩ thanh

Như chính dịch giả đã lưu ý trong lời giới thiệu, cách dịch của Michael là dịch theo từng vế, phối hợp giai điệu giống như nguyên tác lục bát của Nguyễn Du. Tuy nhiên, cách dịch như vậy sẽ làm cho số câu trong bản dịch tăng lên rất nhiều, đồng thời các câu không cân đối. Ví dụ với 4 câu trong nguyên tác “Trăm năm trong cõi người ta

….Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Michael sẽ phải dịch ra đến thành 12 câu, thêm rất nhiều từ không có trong nguyên tác như “they say, I know, I swear,…”:

It’s always been the same:

good fortune seldom came the way

of those endowed, they say,

with genius and a dainty face

What tragedies take place

within each circling space of years!

“Rich in good look” appears

to mean poor luck and tears of woe

which may sound strange, I know

but is not really so, I swear

since Heaven everywhere

seems jealous of the fair of face

Công phu của Michael, là ông giữ được cách hiệp vần của thơ lục bát. Những câu được cho là câu lục sẽ chỉ có 1 vần, những câu được cho là câu bát sẽ có 2 vần, và luôn hiệp vần nhau. Ví dụ ở đoạn trên, chúng ta sẽ có các vần: same-came, way-say-face- place-space, years-appears-tears, woe-know-so, swear-where-fare, và chắc chắn câu sau sẽ có 1 từ hiệp với vần face…Dịch thơ, theo thiển ý tôi, ngoài việc dịch sát nghĩa, thì việc dịch sao cho có nhịp điệu, có vần cũng rất khó và góp phần thành công vào bản dịch.

Một nhược điểm của bản dịch này, ngoài việc quá dài như trên đã nói, còn là không có chú thích và đánh số câu. Trong khi hai bản dịch của Lê Xuân Thủy và Huỳnh Sanh Thông chú thích rất chi tiết.

3.4. BẢN DỊCH CỦA VLADISLAV ZHUKOV

Bản dịch “The Kim Van Kieu of Nguyen Du” của Zhukov xuất hiện năm 2004 do dự án Cornell Southeast Asia Program Publication xuất bản, đây là 1 dự án xuất bản sách của trường Đại học Cornell, nơi có thư viện sách Đông Nam Á lớn nhất nước Mỹ. Lời giới thiệu 8 trang của GS Keith Wellor Taylor, thuộc Khoa Nghiên cứu châu Á, chuyên gia về Việt Nam học, đặc biệt là về chiến tranh Việt Nam tại trường Đại học Cornell. Nói như vậy để thấy đây cũng là 1 bản dịch được đánh giá cao, được xuất bản từ một NXB uy tín (vì việc in ấn ở Mỹ là tự do, cá nhân cũng có quyền in sách, nên cuốn sách nào được những nhà xuất bản uy tín xuất bản thì mới có thể đánh giá được sự chuyên nghiệp của cuốn sách đó). Ông đánh giá Truyện Kiều là tác phẩm viết về người phụ nữ xuất sắc nhất trong văn học cổ điển Việt Nam, sau khi điểm qua tác phẩm của Nguyễn Kinh Phi, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều. Ông tóm tắt lại Truyện Kiều, giới thiệu sơ qua về cuộc đời Nguyễn Du, và giới thiệu về dịch giả Zhukov. Đặc biệt, việc so sánh các bản dịch tốt cho chúng ta căn cứ để khảo sát: “bản dịch năm 1963 của Lê Xuân Thủy đã bỏ qua tính thơ ca và chỉ đơn giản là dịch thành văn xuôi. Hai mươi năm sau, Huỳnh Sanh Thông dùng đến thể thơ iambic (thể thơ cổ Hy Lạp) 5 âm tiết không có nhịp điệu để chuyên chở ý tưởng đấy là 1 tác phẩm thơ ca.  Gần đây, bản dịch của Michael Counsell năm 1994 được xuất bản ở Hà Nội. Mục đích của bản dịch này là tái hiện thể thơ lục bát, nhưng, ngoại trừ đoạn mở đầu và lời bạt, còn đoạn giữa không quan sát mẫu nhịp điệu nội tại nên đem lại một phong cách diễn đạt hoàn toàn không tự nhiên thông qua nỗ lực siết chặt một ngôn ngữ nhiều âm tiết sang ngữ điệu của một ngôn ngữ đơn âm tiết. Thơ lục bát Việt Nam có câu sáu và câu tám. Từ cuối cùng của câu tám giới thiệu một vần sẽ được dội lại qua hai câu sáu và tám tiếp theo.  Bản dịch tiếng Anh lục bát của Zhukov đã thành công trong việc tạo ra nhịp điệu và hiệu ứng thơ ca. Cách sử dụng thể thơ iambic để tạo ra sự đều đặn cần có thay thế cho sự nhấn mạnh và không nhấn mạnh những âm tiết cần thiết của thể lục bát, cho phép dịch giả giảm nhẹ sức mạnh nên thơ của tiếng Anh dưới khuôn khổ thông thường của thể thơ Việt Nam.”[13]. Taylor còn cho rằng, bản dịch này có thể đọc to lên với sự sảng khoái giống như cách mà người Việt Nam ngâm thơ. Điều này phản ánh sự yêu thơ, yêu ngôn ngữ của 1 nhà thơ. Có thể thấy vẻ đẹp của bản dịch này qua 1 đoạn dịch sau:

Dập dìu lá gió cành chim,

Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,

Giật mình mình lại thương mình xót xa

Khi sao phong gấm rủ là,

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường

Mặt sao dày gió dạn sương

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?

Được dịch:

A windnlown leaf…a branch on which each bird alights…

Sighs Kieu, as morning speeds and nighty meets bew flights of libertines,

Or as she sums the sight (when wine and laughter leans

In vestige-hours) of stark and soul-profaning scenes that tell the state

Of one who from silk ranks and garlanded of late

Now lies a cast-off boutonniere, dilapidated, petal-marred

Has her face yet to night-gales acquiesced, grown hard?

Her body, common fare of ribard, myriad ardour, tired? Turned dull?

Ngay cả chính Zhukov cũng thừa nhận, ông không hoàn toàn hài lòng với bản dịch của Huỳnh Sanh Thông và Lê Xuân Thủy khi giới thiệu với bạn bè về 1 bản dịch Kiều tiếng Anh, vì thế, ông đã tự mình dịch, với “hy vọng ban đầu là thực hiện 1 bản dịch nghiêm ngặt hơn”, tuy vậy, lại là “một bản dịch mở rộng”, mức độ hàn lâm ở tính trung bình, những người không giỏi tiếng Anh lắm vẫn có thể hiểu được vì dịch giả muốn chia sẻ sự hứng thú về một tác phẩm hay, thu hút nhiều người đọc tiếng Anh biết đến bản dịch này. Bản dịch của Zhukov khá nhiều từ cổ tiếng Anh, và điều này mang lại cho bản dịch một phong vị cổ xưa thời đại Truyện Kiều mà khó có dịch giả nào làm được nếu như không dùng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ.

Bản dịch của Zhukov, tuy vậy, giống như bản của Michael Counsell, không có chú thích.

Năm 2010, Eric Henry, một giảng viên của trường Đại học North Carolina đã có 1 buổi nói chuyện, trong đó so sánh 3 bản dịch Kiều của Huỳnh Sanh Thông, Zhukov và Timothy Allen. Rất tiếc là không có văn bản ghi lại buổi nói chuyện đó của Eric Henry.

4. MỘT SỐ NGHIÊN CỨU VỀ TRUYỆN KIỀU

Bước đầu, chúng tôi có tìm được một số bài viết và cuốn sách có đề cập đến Truyện Kiều. Ví dụ: Cuốn Voices of Southeast Asia: 2014: Essential Readings from Antiquity to the Present của George Dutton dành 8 trang viết về Truyện Kiều và nhắc đến 2 bản dịch của Huỳnh Sanh Thông và Zhukov.

Bài viết của Sheidon Mary F. nói về Phật giáo và Nho giáo trong Truyện Kiều: Confucian and Buddhist values in Nguyen Du's the Tale of Kieu.

Bài phân tích một bộ phim của Trịnh Thị Minh Hà dựa theo mô típ Truyện Kiều có tên A Tale of Love (giống như A Tale of Kiều), bài viết có tên: Creating New Spaces in Third Cinema: Trinh T. Minh Ha Rewrites the Narrative of Nationalism with Love của Loran Marsan, một NCS của trường Đại học UCLA.

Một bài so sánh khác: A Modern Kiều: Immigration and the Ethics of Sexuality in John Duigan’s Careless Love của Leslie Barnes, Giảng viên trường Australian National University. Bài viết so sánh khá kỹ bộ phim của John Duigan giống với Truyện Kiều ở nhân vật, đạo đức, tình dục,…

5. KẾT LUẬN

Bài viết đã đi tìm những bản dịch Kiều ra tiếng Anh từ trước đến nay. Như vậy, theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện có 12 bản dịch Kiều tiếng Anh khác nhau của 12 dịch giả. Chúng tôi cũng đã thử phân tích và đưa ra những nhận định xoay quanh 4 bản dịch Kiều được đánh giá cao là bản dịch của Lê Xuân Thủy (sớm nhất), của Huỳnh Sanh Thông (kỹ nhất), của Michael Counsell và của Zhukov (dịch hay nhất). Qua đó, chúng tôi nhận thấy vẫn còn 1 số vấn đề đặt ra mà chúng tôi cũng chưa giải quyết được cặn kẽ, cần nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm: Truyện Kiều đã được dịch ra bao nhiêu thứ tiếng, những dịch giả nào, còn rất khác nhau và chưa thống nhất, cần có những nghiên cứu và sưu tầm những bản dịch này. Việc tìm hiểu những bản dịch đó có trung thành với nguyên tác hay không, hay dở thế nào cũng chưa được bàn đến.

Cần có những nghiên cứu việc dịch Kiều ở môt số ngôn ngữ lớn như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật,… nhất là những ngôn ngữ nào có nhiều bản dịch Kiều.

Chúng ta cũng chưa đẩy mạnh tìm hiểu việc nghiên cứu về Kiều ở các nước như thế nào, trên các hướng nghiên cứu nào.

TÓM TẮT

Bài viết đi tìm các bản dịch Kiều sang tiếng Anh. Theo nghiên cứu của chúng tôi, có tất cả 12 bản dịch Kiều ra tiếng Anh, trong đó có 5 bản dịch của người nước ngoài, 7 bản dịch của người Việt. Chúng tôi nhận thấy có 1 số bản dịch được đánh giá tốt là bản dịch của Lê Xuân Thủy, Huỳnh Sanh Thông, Michael Counsell, Zhukov và Timothy Allen. Trong bài viết, chúng tôi cũng có 1 số nhận xét về 4 bản dịch đầu, còn bản dịch của Timothy Allen vì chưa tìm được nên không đưa vào khảo sát.

Qua đó, cũng có thể thấy rằng, việc nghiên cứu các bản dịch Kiều ra tiếng nước ngoài cần đẩy mạnh hơn nữa, nhất là những thứ tiếng có nhiều bản dịch như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tập hợp sưu tầm những nghiên cứu về Truyện Kiều bằng các thứ tiếng khác nhau.

ABSTRACT

RESEACH IN “TRUYỆN KIỀU”ENGLISH VERSIONS

This article was written with the target to look for the English versions of “Truyện Kiều”. According to our research, there are 12 English versions of Truyện Kiều, including 5 versions of foreign translators, and 7 of Vietnamese translators. We found that some of them are highly recommendation such as: Le Xuan Thuy, Huynh Sanh Thong, Michael Counsell, Vladislav Zhukov and Timothy Allen. This article also concerntrates on the first 4 versions (except the Timothy Allen translation).

We can recognize that, our research about the translation of “Truyện Kiều” to foreign languages need to be pushed stronger, especially with those languages has many translations like French, English, Chinese, Japanese. Moreover, we need to collect the researches about “Truyện Kiều” in many languages.

THƯ MỤC THAM KHẢO

  1. Lê Xuân Thủy, The Soul of Poetry inside Kim Van Kieu, Author House 2010.
  2. Huỳnh Sanh Thông, The Tale of Kiều, Yale University Press 1983.
  3. Michael Counsell, Kieu by Nguyen DuThe Gioi Publisher 2011.
  4. Vladislav Zhukov, The Kim Van Kieu of Nguyen Du (1765-1820), Cornell Southeast Asia Program Publications 2013.
  5. Nguyễn Văn Hoàn, “Những bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh”, TC Hồn Việt
  6. Cúc Đường, “Truyện Kiều đã đến với thế giới như thế nào?”, Báo Thể thao văn hóa ngày 29/7/2015,
  7.  Alain Guillemin (Nguyễn Duy Bình dịch) “Các bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp”: http://www.tannamtu.com/?p=599
  8. Lê Giang, “Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản”: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=277:truyn-kiu-va-kim-van-kiu-truyn-nht-bn-&catid=64:vn-hc-nc-ngoai-va-vn-hc-so-sanh&Itemid=108)
  9. Cao Việt Dũng, “Một mình Kiều”: http://nhilinhblog.blogspot.com/2015/08/mot-minh-kieu.html)
  10. Hoàng Thúy Toàn, “Dịch Văn học Việt Nam: Những người dịch Truyện Kiều (Nguyễn Du) và những người dịch Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh)”: http://repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/6422/1/14.pdf
  11. “Lê Cao Phan, người đã dịch Truyện Kiều sang ba thứ tiếng Pháp, Anh và Esperanto”, trang web của Quốc tế ngữ, ra ngày 21/12/2012: http://vea.vn/view/1606_--le-cao-phan-nguoi-da-dich-truyen-kieu-sang-3-thu-tieng-phap-anh-va-esperanto.htm).
  12. Phan Huy Mạc Phi Hoàng,“The Tale of Kiều”: https://truyenkieuinenglish.wordpress.com/
  13. Ngô Đình Chương, “My version of Kieu”, San Jose, Hoa Kỳ 1993, đăng trên web: http://www.hdvietnam.net/hdvn-files/vanhoa/vanhoc/kieu-eng.html.
  14. “Dịch Kiều ra thơ tiếng Anh”: http://ioe.go.vn/tap-chi-tieng-anh/dich-kieu-ra-tho-tieng-anh/5_653.html)
  15. Thái Hùng Tâm, “The Story of Kieu, The New Cry of Painfulness”, Nhà xuất bản Viet Moon 1996. Xem bản không đầy đủ trên: http://www.amazon.com/STORY-KIEU-Painfulness-important-Vietnamese/dp/1508726957/ref=sr_1_1?ie=UTF8&qid=1439815423&sr=8-1&keywords=Kieu+Story

[1] Nguyễn Văn Hoàn, “Những bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh”, TC Hồn Việt

[2] Cúc Đường, “Truyện Kiều đã đến với thế giới như thế nào?”, Báo Thể thao văn hóa ngày 29/7/2015, xin xem thêm bài của Alain Guillemin do Nguyễn Duy Bình dịch “Các bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp”: http://www.tannamtu.com/?p=599

[5] xem bài “Một mình Kiều” của Cao Việt Dũng: http://nhilinhblog.blogspot.com/2015/08/mot-minh-kieu.html)

[7] Bài viết “Lê Cao Phan, người đã dịch Truyện Kiều sang ba thứ tiếng Pháp, Anh và Esperanto”, trang web của Quốc tế ngữ, ra ngày 21/12/2012: http://vea.vn/view/1606_--le-cao-phan-nguoi-da-dich-truyen-kieu-sang-3-thu-tieng-phap-anh-va-esperanto.htm).

[10] Xem bài: “Dịch Kiều ra thơ tiếng Anh”: http://ioe.go.vn/tap-chi-tieng-anh/dich-kieu-ra-tho-tieng-anh/5_653.html)

[12] Tất cả những đoạn trong ngoặc kép đều từ lời giới thiệu của Lê Xuân Thủy.

[13] tr.14, lời giới thiệu của Taylor trong bản dịch.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 1.2016

Hình ảnh về đời sống nước ta còn lưu lại trong thư tịch rất ít. Tư liệu  phong phú nhất là bộ tranh khắc gỗ của Henri Oger Kỹ thuật của người An Nam với hơn 4500 bức hoàn thành vào đầu thế kỷ XX. Trước đó, ta có thể tìm thấy hình ảnh đời sống qua một số hình vẽ lẻ tẻ trong một số sách Hán Nôm trong nước và cả sách vở nước ngoài như Trung Quốc, châu Âu v.v… Tìm vào thư tịch cổ Nhật Bản, chúng tôi tìm thấy khá nhiều hình ảnh đời sống người Việt từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, trong đó có tư liệu quan trọng là bộ An Nam kỷ lược cảo安南紀畧藁  của Kondo Juzo近藤 重蔵 hoàn thành vào cuối TK.XVIII.

20170719.TK 1

   Hình 1: Kim Vân Kiều, Akiyama Tokio dịch

 

Truyện Kiều của Nguyễn Du, danh tác số một của Việt Nam, là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất: khoảng 20 thứ tiếng với gần 60 bản dịch. Ở Nhật Bản, tác phẩm này được biết từ sớm và rất được yêu thích. Năm 1942 nó đã được nhà văn-dịch giả Komatsu Kiyoshi dịch ra tiếng Nhật. Đây là bản dịch Truyện Kiều ra ngoại ngữ sớm thứ hai sau các bản dịch tiếng Pháp. Tiếp theo là bản Truyện Kiều do GS.Takeuchi Yonosuke dịch, chú thích kỹ càng ra thơ tiếng Nhật và được Kodansha xuất bản năm 1975. Sau đó GS.Takeuchi có biên soạn lại theo kiểu giáo khoa để làm tài liệu tham khảo cho sinh viên, sách được Daigakushorin xuất bản, Tokyo,1985. Ba bản dịch ấy chúng tôi đã có dịp giới thiệu cách đây gần 20 năm (Xem: “Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản”, Tạp chí Văn học số 12 năm 1999). Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu 2 bản dịch Truyện Kiều tiếp theo 3 bản trên, và các nghiên cứu khác về Nguyễn Du và Truyện Kiều từ khoảng trên dưới 20 năm nay ở Nhật Bản.

Cuối thế kỷ 18, có một tác phẩm viết về An Nam (Việt Nam) được công bố tại Nhật Bản. Đó là cuốn Annan kiryakukou (An Nam kỷ lược cảo) của Kondo Juzo. Đây là công trình tập hợp các thông tin về Việt Nam thông qua lời kể của những người Nhật từng đến Việt Nam thời Edo (1603 - 1868).

     Vào giữa thế kỷ XVII, sau khi người Mãn Thanh lên nắm quyền ở Trung Quốc, nhiều trung thần của nhà Minh không chịu thuần phục nhà Thanh bỏ trốn sang Nhật Bản, Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á khác nhằm mưu tìm cơ hội khôi phục nhà Minh. Trong số những Minh thần này, có một trưng sĩ[1] tên là Chu Thuấn Thủy rất đáng được chú ý.

Tóm tắt

Ngoại phiên thông thư 外蕃通書 (còn có tên khác là “Ngoại phiên thư hàn” 外蕃書) là tập thư từ ngoại giao giữa Mạc phủ Tokugawa徳川với các nước: Triều Tiên, Lữ Tống (Philippine), Campuchia, Thái Lan, Việt Nam... Thời gian trao đổi các bức thư này là khoảng thế kỷ 17, tương đương với thời Edo sơ kỳ đến trung kỳ của Nhật Bản, và thời Trịnh-Nguyễn phân tranh ở Việt Nam. Người tập hợp, chỉnh lý tập sách ấy là Kondo Juzo 近藤 重蔵 (cũng gọi là Kondo Morishige 守重) (1771-1829), học giả, bề tôi của Mạc phủ Tokugawa. Ngoại phiên thông thư có 27 quyển, trong đó  quyển 1 là mục lục, phần thư từ với Việt Nam gọi là “An Nam quốc thư” 安南國書. Sách được biên tập vào khoảng từ năm 1808-1819, bằng Hán văn và tiếng Nhật cổ có thêm chữ Katakana. An Nam quốc thư sưu tập thư từ của Mạc phủ Tokugawa với chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài về ngoại giao, mậu dịch và bảo hộ công dân Nhật Bản buôn bán ở Việt Nam. Đây là một trong những tập tư liệu cổ nhất về quan hệ Việt Nam và Nhật Bản. Bài viết này bước đầu đi vào nghiên cứu, giới thiệu Ngoại phiên thông thư, phần An Nam quốc thư.

Cao Ly - Triều Tiên - Hàn Quốc là những tên gọi của một xứ sở mà phong tục, tập quán, ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử có nhiều nét tương đồng với Việt Nam chúng ta. Song, sự hiểu biết và nghiên cứu của chúng ta về đất nước và con người ở bán đảo này còn rất đại lược.

Điều đó có nguyên nhân địa lý, lịch sử sâu xa: quan hệ trực tiếp Việt Nam - Hàn Quốc trong lịch sử ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa dường như không lưu lại dấu ấn gì. Những năm gần đây, khi Hàn Quốc hóa rồng, trở thành một trong bốn con rồng ở châu Á và thiếp lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam thì sự tìm hiểu, nghiên cứu về xử sở này mới thực sự bắt đầu.

Để tìm hiểu đất nước, con người của mỗi quốc gia, ngôn ngữ luôn là chiếc cầu nối, là phương tiện cần thiết cho các nhà nghiên cứu đi sâu khảo cứu. Dẫu rằng hiện nay, Việt Nam và Hàn Quốc đều có chữ riêng, nhưng trong lịch sử, họ cùng chung một thứ chữ, đó là chữ Hán. Qua chữ Hán, họ hiểu biết lẫn nhau, trân trọng lẫn nhau. Những thư tịch bằng chữ Hán còn lưu lại ở hai nước đã nêu lên điều đó và là những tư liệu đáng quý để tìm hiểu mối quan hệ Việt - Hàn trong lịch sử.

Ngay trong thời phong kiến, nước Việt ta đã có quan hệ bang giao với nhiều nước láng giềng, song, chủ yếu vẫn là Trung Quốc rộng lớn và hùng mạnh. Các đoàn sứ giả ta theo định kì tuế cống hoặc những dịp đại hiếu, đại hỉ lại lên đường sang Yên Kinh (tức Bắc Kinh ngày nay) để làm một trọng trách mà triều đình cũng như dân tộc giao phó là giao hảo, hòa hiếu với Trung Quốc. Cũng vào những dịp đó, không chỉ Việt Nam ta mà sứ giả những nước nhỏ xung quanh Trung Quốc cũng đều có mặt. Đó cũng là dịp sứ thần các nước gặp gỡ, làm thơ xướng họa, tặng đáp và hiểu biết nhau hơn. Sứ thần thời xưa, ở Việt Nam ta cũng như các nước chắc đều thế, thường là những người tài cao học rộng, làu thông kinh sử, uyên thâm Hán học, ứng đối linh hoạt và đặc biệt là những nhân sĩ giàu lòng yêu nước, có dũng khí, nêu cao tinh thần tự cường dân tộc và có tài tứ ngoại giao uyển chuyển hài hòa.

Trong những dịp đi sứ như thế, sứ thần Việt Nam đã gặp gỡ sứ thần các nước và tự giao thiếp, tìm hiểu đất nước, con người các nước lân bang chủ yếu thông qua “bút đàm” bằng chữ Hán.

Cuộc gặp gỡ giữa sứ thần Việt Nam và Hàn Quốc chắc là nhiều song những cuộc gặp gỡ, xướng họa, giao tiếp bằng Hán văn thì bước đầu mới được các nhà nghiên cứu khảo cứu. Đó là các vần thơ xướng họa giữa:

Việt Nam Hàn Quốc
1- Phùng Khắc Khoan Lý Chi Phong
2- Nguyễn Công Hãng Du Tập Nhất, Lý Thế Cận
3- Nguyễn Tông Quai Sứ bộ Hàn Quốc
4- Lê Quý Đôn Hồng Khải Hy, Triệu Vĩnh Tiến, Lý Huy Trung
5- Hồ Sĩ Đống Sứ bộ Hàn Quốc
6- Phan Huy Ích Sứ bộ Hàn Quốc
7- Đoàn Nguyễn Tuấn Sứ bộ Hàn Quốc
8- Nguyễn Đề Sứ bộ Hàn Quốc
9- Nguyễn Tư Giản Nam Đình Thuận, Triệu Bỉnh Cao(*)

Trong các bộ sách lớn của Hàn Quốc viết bằng chữ Hán như:

Triều Kinh thi thiếp, Chi Phong tập, Triều Tiên vương triều thực lục, Triều Tiên Thái Tông thực lục, Trung Tông Đại vương thực lục, Chính Tổ Đại vương thực lục, Thuận Tông Đại vương thực lục... đều có viết về Việt Nam ta. “Chi Phong tập” kể lại rằng, sứ thần hai nước nhân chuyến đi sứ nhà Minh đã gặp nhau ở Yên Kinh (Trung Quốc), Phùng Khắc Khoan và Lý Chi Phong qua giao tiếp bằng “bút đàm” đã hiểu nhau, trân trọng nhau và đã thông tin cho nhau biết về chế độ, phong tục tập quán, khí hậu, nông sản... của quê hương đất nước mình. Chi phong tập cũng cho biết rằng, ông Triệu Hoàn Bích là người Hàn Quốc đầu tiên đến Việt Nam. Khi ông ta còn là thanh niên, Nhật chiếm Triều Tiên rồi bắt ông đưa sang Nhật, ở Nhật, ông được một thương nhân Nhật Bản đưa sang Việt Nam trong 3 năm. Triều Tiên Thái Tông thực lục có những đoạn ghi chép về việc Hồ Quý Ly thoán đoạt vương quyền nhà Trần. Trung tông Đại vương thực lục ghi chép khá tường tận về việc Mạc Đăng Dung đoạt quyền nhà Hậu Lê. Chính tổ Đại Vương thực lục ghi chép về Lê Chiêu Thống theo Tôn Sĩ Nghị chạy sang Nam Ninh, Quảng Tây và vua nhà Thanh phong Quang Trung làm vương rồi giáng chỉ triệu vua tôi nhà Lê về Yên Kinh. Thuận Tông Đại Vương thực lục ghi chép về việc Nguyễn Ánh lập vương triều nhà Nguyễn ra sao và việc cấm đạo của vua Thánh Tổ nhà Nguyễn ở Việt Nam.

Thư tịch Hán Văn ở Việt Nam ghi chép về Triều Tiên hoặc những cuộc gặp gỡ, xướng họa giữa sứ thần hai nước trong lịch sử cũng đã bước đầu được khảo cứu.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu cho rằng cuộc gặp gỡ giữa Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan với chánh sứ Triều Tiên Lý Chi Phong vào năm Đinh Dậu (1597) được ghi trong Mai Lĩnh sứ hoa thi tập hiện có trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng như được ghi trong Chi phong tập là cuộc gặp gỡ có ý nghĩa mở đầu trong lịch sử bang giao Việt - Nam.

Phùng Khắc Khoan là người tài cao, học rộng, chín chắn, trung hậu và có chí khí... (xem: Phùng Khắc Khoan, cuộc đời và thơ văn: Tác giả Trần Lê Sáng), người sống cùng thời và rất tài giỏi là Đỗ Uông(1) đã viết nhiều về ông. Ở đây chỉ xin trích dẫn đôi lời: “Phùng Công tinh anh uẩn súc vốn đã bao hàm vẻ đẹp, cứng cỏi, cho nên lời nói trung hậu, ôn hòa, trong khi đi sứ đã làm cho mệnh vua được toàn, uy phong của nước nhà được giữ...”.

Phùng Khắc Khoan vốn là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tâm đắc với Đào Tiều, khi gặp Chi Phong đạo nhân ở nước ngoài, qua đàm đạo rồi thành tri kỷ. Những buổi đàm đạo chắc là nhiều, nay chỉ thấy Lý Chi Phong ghi lại đôi điều vấn đáp:

Hỏi: Việt Thường, Giao Chỉ xưa là đất đai của quí quốc chăng?

Đáp: Thưa phải.

Hỏi: Nghài làm quan gì?

Đáp: Ngu lão ở trong nước làm chức Thị lang.

Hỏi: Phong tục, quan chế của quí quốc như thế nào?

Đáp: Chúng tôi học tập thi, thư, lễ, nhạc Khổng Mạnh; văn thì mở khoa cử chọn Tiến sĩ như Đường, Tống.

Hỏi: Chọn người bằng thơ phú và văn sách phải không? Có thi võ không?

Đáp: Thi cử chọn người, có thi Hương, thi Hội; thi Hương, trường một thi Ngũ Kinh Tứ Thư, hai đề; trường hai thi chiếu, chế, biểu, ba đề; trường ba thi phú, một đề; trường bốn thi văn sách, hỏi cách trị nước xưa nay, một đề. Thi Hội cũng có bốn trường như thi Hương, nhưng thêm thi Đình, vua hỏi. Thi võ thì thử tài cưỡi ngựa, cưỡi voi, cưỡi ngựa bắn cung, 5 năm mở một khoa.

Hỏi: Nghe nói trước đây, vua của quí quốc họ Mạc. Nay họ Lê là vua sáng nghiệp chăng? Có loạn lạc gì mà cách mạng như vậy?

Đáp: Trước kia, vua nước tôi vẫn là vua Lê, sau họ Mạc cướp ngôi. Nay họ Lê lấy lại cơ nghiệp cũ, lại phải xin phong.

Hỏi: Vua Lê mất nước, mấy năm mới lấy lại được?

Đáp: hơn 50 năm.

Hỏi: Quí quốc có Đô Thống là chức quan gì?

Đáp: Nước chúng tôi từ cổ lập nước đến nay, không hề có chức Đô Thống sứ ty. Sau khi họ Mạc tiếm nghịch, thiên triều cho cái chức vớ vẩn Đô thống sứ ty, thuộc hàng nhị phẩm. Chức đó chỉ để cho bọn phản nghịch thôi. Ngày nay, chúng tôi muốn được công nhận là vua.

Hỏi: Họ Mạc là Mạc Hậu Hợp phải không?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Vua Lê dẹp loạn lập quốc hay được dân suy tôn?

Đáp: Vua Lê thay họ Trần trị nước, do dân trong nước suy tôn.

Hỏi: Ở triều Mạc, ngài làm quan gì?

Đáp: Ngu lão là quan nhà Lê, chưa từng làm quan nhà Mạc.

Hỏi: Quí quốc mùa đông ấm như mùa xuân, không có băng tuyết phải không?

Đáp: Trời Nam xuân nhiều đông ít.

Hỏi: Quí quốc có lúa hai vụ, tằm tám lứa một năm phải không?

Đáp: Nước tôi hàng năm có hai vụ lúa, có tám lứa tằm tơ và gai.

Hỏi: Quí quốc đất vuông bao nhiêu?

Đáp: Đất nước tôi rất rộng.

Hỏi: Quí quốc cách Vân Nam mấy dặm?

Đáp: Nước tôi, biên giới tiếp giáp với Vân Nam nhưng núi non trùng điệp.

Hỏi: Cách Lưu Cầu, Nhật Bản mấy dặm?

Đáp: Cách biển đường xa không thông thương được...

Lý Toái Quang (1563-1628) tiếng Hàn Quốc đọc là Yi-Xu-Quang, tự là Nhuận Khanh hiệu là Chi Phong, tài cao, học rộng, đỗ Tiến sĩ năm 1582 khi mới 20 tuổi, làm quan trải mấy triều vua, có nhiều công lao đối với đất nước và để lại nhiều trước tác nổi tiếng. Ông là người nổi tiếng trong việc khởi xướng phong trào Sikhao (đọc theo âm Hán Việt là Thực học), phong trào này là phong trào Thực học, tức là phong trào có tư tưởng khai sáng, hướng tới học vấn, kiến thức thực tế, ủng hộ khoa học thực tiễn, phê phán nho học giáo điều. Ông đi sứ Trung Quốc đến ba lần, lần đầu tiên vào năm Canh Dần 1590, năm ông 28 tuổi và lần thứ hai vào năm Đinh Dậu 1597, năm ông 35 tuổi. Năm đó ông đã được thăng tới chức Lễ bộ Tham tán, làm Chánh sứ dẫn đầu đoàn sứ bộ Triều Tiên sang Trung Quốc. Theo ghi chép của Lý Chi Phong.

“Tới Yên Kinh đúng vào ngày đông chí, có tiệc mừng, người nước ngoài đến đông, nhà cửa chật chội, nên khác với lệ xưa, nay được cùng ở một nơi với sứ bộ An Nam, thời gian đến hơn 50 ngày, nên được đi lại quen thuộc, hỏi han nhau tường tận lắm”(2).

Hai đoàn sứ bộ gặp nhau giao tiếp, hiểu nhau, trân trọng nhau, vì thế, sau khi Phùng Khắc Khoan viết tập thơ Vạn thọ thánh tiết đã mời Lý Chi Phong viết bài tựa. Hiện nay, bài Tựa viết bằng chữ Hán này vẫn lưu lại trong Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập ở Thư viện Viện Hán Nôm và trong Chi phong tập tại Hàn Quốc. Chúng ta hãy xem ông viết đôi điều về đất nước của chúng ta và tình cảm chân tình của ông đối với dân tộc ta.

“Tôi nghe nói Giao Châu ở phía cực nam. Nơi đây có nhiều vật quí như châu báu, vàng ngọc, trân châu, đồi mồi, ngà voi. Đó là cái khí tinh anh thành thực chung đúc mà có; giữa cái đó tất sinh ra người khác thường, há chỉ sinh ra vật khác thường đâu?

....

Tôi không có cái may được sinh ở phương nam, song nghe lời của ông, đọc thơ ông, vẫn lâng lâng thấy như ngồi trên xe mây dong duổi, thần thái được chu du nơi xứ nóng, đặt được bước chân đến biên cảnh xa xôi. Điều may này thật lớn lao thay. Bởi vậy, tôi đâu dám không lấy vài lời viết bài Tựa này”.

Về tình cảm cá nhân của ông đối với Phùng Khắc Khoan, ông cũng viết rất đỗi chân tình.

“Nay tôi thấy sứ thần Phùng Khắc Khoan mái tóc bạc phơ, người gầy. Tuổi bảy mươi mà sắc mặt hồng hảo, đi bộ ba trạm đường không nghỉ, ung dung làm sứ giả ở chốn cung đình nhà Minh. Những bài thơ chúc mừng lễ vạn thọ do ông làm, thuật hoài du dương, từ ý đôn hậu, đủ để nhả ngọc phun châu mà thanh điệu như tiếng vàng tiếng ngọc, há chẳng phải là người khác thường đó sao!”.

Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập cũng như Chi Phong tập còn ghi lại những vần thơ xướng họa giữa Phùng Khắc Khoan với Lý Chi Phong và một sứ bộ Triều Tiên nữa là Kim Tiêu dật sĩ. Dưới đây xin trích dẫn một bài thơ Lý Chi Phong gửi Phùng Khắc Khoan.

“Ngã cư Đông quốc tử Nam hương.

Văn quĩ do lai cộng bách vương.

Phụng sứ hỉ quan Chu lễ nhạc

Xa ban vinh xí Hán quan thường.

(Đông - Nam hai nước cách xa

Bách Vương đạo học vốn là cùng chung.

Thành Chu lễ nhạc mừng trông

Mũ xiêm triều Hán vinh phong đứng chầu”(3).

Cùng một bài Phùng Khắc Khoan gửi Lý Chi Phong:

“Nghĩa an hà địa bất an cư.

Lễ tiếp thành giao lạc hữu dư

Bỉ thử tuy thù sơn hải vực,

Uyên nguyên đồng nhất thánh hiền thư.

Giao lân tiện thị tín vì bản,

Tiến đức thâm duy kính tác dư.

Ký thử sứ thiều hồi quốc nhật,

Đông Nam ngũ sắc vọng vân xa”.

Bài dịch thơ của Hoàng Việt thi văn tuyển:

“Trọn nghĩa nơi nao chẳng ở yên

Lễ thành tiếp đãi mới vui bền

Non sông dù cách miền Nam - Bắc

Đạo học cùng chung sách thánh hiền.

Bền vững bang giao tri ấy gốc

Trau dồi đức tiến kính là trên.

Nhớ ngày sứ bọ quay về nước.

Trông bóng xe mây rẽ mỗi bên”.

Về cuộc gặp gỡ giữa hai đoàn sứ bộ Việt - Hàn lần đầu tiên này được lưu lại bằng các văn bản chữ Hán ở hai nước tuy không phải là nhiều lắm nhưng là những tư liệu lịch sử đáng quí nói lên sự giao hảo đầu tiên giữa hai đoàn sứ giả nói riêng và giữa hai dân tộc nói chung.

Vào cuối thế kỷ XVI, với phương tiện thông tin còn quá thiếu thốn mà sự nhận biết của sứ thần Triều Tiên đối với phong tục tập quán, tính cách dân tộc, địa lý, lịch sử của đất nước, con người Việt Nam ta như vậy quả đã là nhiều và rõ ràng, tường tận. Điều đáng quý hơn là tình cảm chân thành, hiểu nhau, trân trọng nhau, tin nhau và tôn kính lẫn nhau giữa hai bên.

Cuộc gặp gỡ thứ hai giữa hai đoàn sứ bộ Việt - Hàn ở Trung Quốc hiện còn lưu lại một số văn bản bằng chữ Hán mà chúng tôi được biết là cuộc gặp gỡ giữa Lê Quí Đôn với Hồng Khải Hy, Lý Huy Trung và Triệu Vĩnh Tiến.

Lê Quý Đôn (1726-1784), tự là Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, là người có khối óc và trí tuệ siêu phàm, lại ham học, ham hiểu biết, không những làu thông kinh sử mà còn hiểu biết nhiều điều mới lạ, kể cả những tiến bộ về khoa học của phương Tây bấy giờ. Học giả Việt Nam ta ai ai cũng khâm phục tài năng, trí tuệ của nhà bác học Lê Quý Đôn. Trong thời kỳ làm quan, trong chuyến đi sứ Trung Quốc từ 28 tháng giêng năm Canh Thìn (1760) đến giữa mùa xuân năm Nhâm Ngọc (1762), ông đã gặp gỡ sứ thần nhiều nước, cùng họ trao đổi thơ văn và bàn luận về các vấn đề địa lý, lịch sử, triết học... Song, có điều cần suy nghĩ là tác phẩm Quần thư khảo biện của ông, một tác phẩm có thể nói là sự kết tinh của sự hiểu sâu biết rộng, khỏa cứu khoa học công phu của ông về các nhân vật, sự kiện lịch sử của Trung Quốc từ Hạ Thương Chu cho đến Đường Tống lại do Trạng nguyen Hồng Khải Hy, chánh sứ Triều Tiên đề tựa(4). Phải chăng đó là điều tất nhiên? Điều tất nhiên đó chỉ có thể nói tới hai bài Tựa trước đó của hai vị quan chức đồng thời là nhà nho uyên thâm người Trung Quốc là Chu Bội Liên và Tần Triều Vu. Đối với sứ bộ Triều Tiên mà nói, đó là sự kính trọng nhau về tài năng, sở học, hiểu nhau, tin nhau về những lời góp ý chân thành trước một tác phẩm khảo cứu, luận bàn về cổ sử Trung Quốc.

Tay hãy xem Hồng Khải Hy viết đôi lời Tựa cho cuốn Quần thư khảo biện của Lê Quí Đôn:

“Bộ sách đã khảo cứu và bàn luận về sử sách các đời giống như sách Chí lâm của Pha Ông, sách Hướng ngôn của Mông Tẩu. Trên dưới mấy ngàn năm (lịch sử), cái này được, cái kia mất; ai giỏi ai kém, như thế này thì yên, như thế kia thì nguy, không chỗ nào là ông không xem xét suy tính đến. Có chỗ [ông] lật ngược lại những án kiện cũ, có chỗ [ông] vạch ra những lời bàn sai lầm đã qua nhiều đời. Kiến thức tinh tế, lý giải diệu kỳ [của ông] nổi bật trên các hàng chữ. Đoạn bình luận về các học thuyết của họ Chu, họ Lục mà ông đã nêu ra ở cuốn sách càng cho ta thấy học thuật của ông thuần chính, lời văn của ông nhẹ nhàng thuận lễ như gió lướt trên mặt nước, không chút sâu cay gò bó gì cả. Thực chỉ nếm một miếng cũng đủ thấy vị ngon của cả nồi [thức ăn] rồi”(5).

Quả là lời lẽ ngắn gọn mà xác đáng, chân tình.

Đợt gặp gỡ giữa hai đoàn sứ giả Việt - Hàn ở Trung Quốc lần này được các nhà nghiên cứu hiện nay đồng ý kiến cho rằng mang nhiều tính chất học thuật. Song, để đi tới những buổi “đàm đạo”, bàn luận với nhau về học thuật một cách chân tình như thế là cả một quá trình hiểu nhau, trân trọng nhau, kính tin nhau.

Như phần đầu bài viết đã nêu, những cuộc gặp gỡ giữa hai đoàn sứ bộ hai nước không chỉ là hai lần, nhưng vấn đề sưu tập, nhưng tư liệt Hán văn ở cả hai nước nay mới ở bước khởi đầu, công việc vẫn còn tiếp tục và chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu sau.

Ở đây, chúng tôi chỉ muốn qua thư tịch Hán văn để nêu lên một điều rằng quan hệ giao hảo giữa hai nước Việt - Hàn đã có từ thời kỳ trung đại trong lịch sử. Mối quan hệ đó được nảy sinh trên một vùng đất tốt, một sự mở đầu đầy tình thân ái, chân thành và cũng chứng minh một điều là trong lịch sử, hai dân tộc đã sử dụng một thứ chữ để học sách thánh hiền và trước thuật, nói một cách khái quát hơn là hai nước “Đồng văn”. Nó mở rộng cánh cửa cho học giả hai nước muốn tìm hiểu các vấn đề trong lịch sử hai nước, vui đắp thêm cho quan hệ hữu hảo hai nước hiện nay và mai sau.

Chú thích:

(*) Dẫn theo GS.TS Chojae Hyon: Tương đồng văn hóa Việt - Hàn Nxb. Văn hóa, 1996, tr.21

1. Đỗ Uông: Người xã Đoàn Lâm, Gia Phúc, Hải Dương, đỗ Tiến sĩ đời Mạc (1556) sau làm quan với nhà Lê tới chức Hộ bộ Thượng thư. Bình sinh, Đỗ Uông không chịu kém ai.

2. Dẫn theo Bùi Duy Tân: “Lý Toái Quang - Phùng Khắc Khoan; quan hệ sứ giả - Nhà thơ mở đầu tình hữu nghị Hàn - Việt, tham luận Hội thảo quốc tế Hàn - Việt tại Hà Nội, ngày 21-12-1996.

3. Phần dịch thơ dẫn theo giáo sư Bùi Duy Tân, tài liệu đã dẫn.

4. Bài tựa của Hồng Khải Hy và hai lá thư ngắn, một của Hồng Khải Hy, một của Lý Huy Trung viết bằng chữ Hán hiện có trong 3 văn bản Quần thư khảo biện ở Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, Ký hiệu: A.1872, A.252; VHv.90.

5. Xem Quần thư khảo biện, Nxb. KHXH, H. 1995, tr.57, Trần Văn Quyền, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch và chú giải.

 

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 1996 (tr.57-69)

http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1007&Catid=570

Lý Xuân Chung

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Dẫn nhập

Giao lưu văn hóa Việt - Hàn được mở đầu bằng những sự tích rất đặc biệt là Lý Dương Côn, Lý Long Tường cùng gia quyến vượt biển sang Cao Ly vào thế kỷ XII, XIII, chung sống hòa thuận với người dân bản địa, góp sức cùng dân tộc Hàn chống ngoại xâm, xây dựng đất nước.

(Bài nói chuyện trong khuôn khổ Ngày Văn Hóa và Sinh Nhật thứ XVIII Thư Viện Giáo Xứ Việt Nam Paris tổ chức ngày 30-3-2008).

«Di ảnh thánh Philipphê Phan Văn Minh được cất giữ tại Đan Viện Carmel (Cát Minh), 33 đường Cường Để Saigon. Mặt khác, Đại Chủng Viện Pénang (Mã Lai), nơi thánh Philipphê Phan Văn Minh tu học cùng với các thánh tử đạo khác là Phêrô Đoàn Công Quý, Phaolô Lê Văn Lộc, Gioan Đoàn Trinh Hoan và Phêrô Nguyễn Văn Lựu cũng tôn kính di ảnh ngài. (Ngày nay, Đại Chủng Viện Pénang trực thuộc Giáo Hoàng Học Viện Urbani Roma). Trường San Juan de Latran ở thủ đô Manila dựng tượng thánh Phan Văn Minh. Đại Chủng Viện Pénang là nơi đào tạo cụ Ngô Đình Khả, cụ Nguyễn Hữu Bài (Thư Viện Giáo Xứ đã tổ chức nói chuyện về sự nghiệp văn học của Cụ Nguyễn Hữu Bài do GS Vũ Quốc Thúc và Luật sư Lê Trọng Quát trinh bày). Theo nhà văn Võ Long Tê: ‘‘Ông Nguyễn Văn Hiệp, trụ trì Bửu Long tự có đến thưa với Đức Cha Nguyễn Văn Diệp, Phó Giám mục Vĩnh Long rằng: Theo lưu truyền từ đời trước, chùa thờ bài vị thánh Minh Tử đạo và bài vị ấy đã trao cho Tòa Giám mục Vĩnh Long khoảng 1957-1958. Nay chùa muốn xin lại một bài vị khác để thờ.’’. Nhà văn Phạm Đình Khiêm cho biết tiểu sử thánh Philipphê Phan Văn Minh đã được đưa lên màn ảnh qua cuốn phim ‘‘Áo dòng đẫm máu’’.

Photobucket

Thực tế cho thấy sứ thần hai nước Việt Nam, Triều Tiên gặp nhau không nhiều. Từ thế kỷ X, sau khi giành được độc lập từ Trung Quốc, các triều đại của nước Việt đều cử sứ thần sang Trung Quốc triều cống. Bên cạnh đó, ở Triều Tiên từ thời Tam Quốc cũng sang Trung Quốc tuế cống. Người ta cho rằng, có lẽ cơ hội sứ thần hai nước gặp nhau ở nơi đất khách quê người này nhiều hơn sử sách ghi chép. Có thể khẳng định, cuộc gặp sớm nhất của sứ thần 2 nước là năm 1597 (Vạn Lịch 25) giữa hai nhân vật: Phùng Khắc Khoan - sứ thần Việt Nam và Lý Túy Quang - sứ thần Triều Tiên. Tiểu sử của hai sứ thần này và chuyện giao lưu giữa họ thì Kim Vĩnh Kiến đã giới thiệu từ rất sớm qua vấn đáp và thơ xướng họa của hai tác giả nói trên với tiêu đềChuyện vấn đáp và xướng họa của sứ thần nước An Nam”(1). Trong truyện kí của Triệu Hoàn Bích cũng có một vài bình luận về thơ của Lý Túy Quang - là nhà thơ được đánh giá cao trong văn nhân Việt Nam(2).

TÓM TẮT NỘI DUNG

Số lượng văn hiến có liên quan đến Việt Nam trong lịch sử Trung Quốc khá phong phú, nhưng nhiều tác phẩm đã thất lạc, số còn lại thì việc chỉnh lý và sử dụng cũng chưa được bao nhiêu. Bài viết này, trên cơ sở thư mục xưa nay và các điển tịch liên quan, thử tìm hiểu rõ tình trạng cơ bản của loại văn hiến này về các mặt: phân bố lịch sử, hiện trạng mất còn, quan hệ giữa chúng với nhau, đồng thời trình bày vắn tắt giá trị của chúng. Với bài viết này, hy vọng sẽ cung cấp một đầu mối văn hiến cơ bản cho công tác nghiên cứu về Việt Nam.

I. CÁC SỨ BỘ DO TRIỀU ĐÌNH VIỆT NAM PHÁI SANG TRUNG HOA TỪ THẾ KỶ XVI ĐẾN THẾ KỶ XIX

Nhà bác học Lê Quý Ðôn, qua tác phẩm Bắc sứ thông lục viết về chuyến đi sứ sang Trung Hoa vào năm Canh thìn đời vua Lê Cảnh Hưng (1760) đã cung cấp những thông tin liên quan đến việc bang giao giữa Việt Nam và Trung Hoa trong khoảng thời gian từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVIII. Theo tư liệu này, vào năm Hồng Vũ thứ 7 (1374), nhà Minh (1368 – 1644) ban hành quy định: cứ ba năm một lần, nước ta phải cử sứ bộ mang cống phẩm sang Trung Hoa nộp cống. Sau khi nhà Thanh (1644 – 1911) diệt nhà Minh, vào năm 1663, vua Khang Hi (1662 – 1722) cũng theo nếp cũ, định lệ tam niên nhất cống (ba năm đi cống một lần) cho triều đình Đại Việt. Tuy nhiên, do đường sá xa xôi cách trở nên thể theo yêu cầu của triều đình nhà Lê, vào năm 1668, vua Khang Hi đổi lệ trên thành lục niên lưỡng cống (sáu năm mới sai sứ đi cống một lần nhưng mang gộp lễ vật của cả hai kỳ tuế cống).1

    KAWAGUCHI KEN’ICHI

(Giáo sư Đại học Ngoại ngữ Tokyo)

Trong bài viết này tôi xin trình bày hai vấn đề :

- Ở Nhật Bản người ta quan tâm đến văn học Việt Nam từ bao giờ và cách quan tâm ra sao?

- Tôi đã đến với văn học Việt Nam và dịch văn học Việt Nam như thế nào?

 

 
* Chú thích ảnh: Mộ Trần Đông Phong ở nghĩa trang Zoshigaya, Tokyo

 Trước ngày tôi đến Nhật (với tư cách là người nghiên cứu thời gian ngắn), thầy tôi đã căn dặn: Khi đến Tokyo, em nhớ thăm mộ cụ Trần Đông Phong nhé. Tôi nhớ lời và có xin thầy bản đồ hướng dẫn đường đến nghĩa trang có mộ cụ ở Toshima. Mùa thu đầu tiên ở nước Nhật, đất dậy sóng của phong trào Đông Du cách đây hơn trăm năm, tôi vẫn còn thơ thẩn với bao nhiêu dự định. Tôi vẫn cứ loay hoay mãi với sách vở, nghĩ suy và sự hòa nhập không dễ dàng với một đất nước Đông Á từ lâu đã thành cường quốc, tôi không nhớ và chưa thể nghĩ việc đi thăm cụ Phong như lời thầy dặn.Rồi cơ duyên cũng đến. Một hôm, một đồng nghiệp lớn tuổi người Hà Nội (đã làm việc ở Nhật gần 20 năm) tâm sự: vừa rồi con trai bị ốm mãi không khỏi, chắc phải đi xin cụ Phong thôi. Dù đã được thầy nhắc nhở phải cố đi thăm cho được mộ chí sĩ Trần Đông Phong, nhưng tôi cũng không hình dung hết được sự tôn kính và niềm tin đến vậy của những người Việt xa xứ đối với cụ. Nghe câu chuyện các sinh viên Việt Nam kể cho nhau, tôi càng ngạc nhiên hơn. Họ nói: Sinh viên ở đây xin cụ gì cũng được, xin gì cụ cũng cho. Nghe cứ như một truyện truyền kỳ nào đó.Ngày chúng tôi đến thăm mộ cụ là một buổi sáng nắng ấm, sau những ngày mưa bão dữ dội. Từ ga chính Shinjuku, sau khi bắt tuyến Amanote chạy vòng trung tâm Tokyo, chúng tôi chuyển sang tàu điện nhỏ xíu khá cũ chạy leng keng trên mặt đường phố quận Toshiba, gọi là tàu điện tuyến Toden Arakawa. Người đồng nghiệp Hà Nội bâng khuâng bảo: giống tàu điện xưa xưa ở Hà Nội đấy. Không chỉ tàu điện nhỏ, quận Toshiba sao cũng buồn vắng như cái không khí có trong mấy tấm ảnh cũ cũ về băm sáu phố phường của đất kinh kì. Đến nghĩa trang Zoshigaya Reien, chúng tôi theo phong tục người Nhật, định mua ngay được hương, hoa và xách một xô nước bằng gỗ có chiếc gáo nhỏ tròn rất xinh, cùng với một cây chổi thanh thanh để quét dọn mộ. Nhưng hôm ấy lại là ngày nghỉ. Chúng tôi đứng ngơ ngẩn. Không ai bán hoa, bán hương, không xô nước, không chổi. Sao thế nhỉ? Đồng nghiệp tôi nói: Biết làm thế nào. Hay là khấn không thôi nhỉ. Vào khấn thôi. Nghĩ thế, tôi thấy thương cụ quá. Con cháu đi thăm mà không có gì để phúng viếng. Ít phút sau, bỗng dưng có người phụ nữ Nhật lớn tuổi mở cửa, cười rất tươi. Bà nói hôm nay ngày lễ nghỉ, nhưng nếu mọi người muốn vào viếng thì bà tặng hương, không cần mua. Hoa thì có thể mua cửa hàng bên cạnh (khi ấy cửa hàng bên cạnh cũng tự nhiên hé mở), chỉ còn mấy bó thôi. Xô nước và chổi bà cũng cho mượn. Mừng quá. Người dẫn đường của chúng tôi không hiểu sao lại nhầm đường. Mãi gần một tiếng mà vẫn không tìm được mộ. Mấy con quạ đen cứ bay nhao nhác. Tôi lỡ thắp hương nên cứ cầm trên tay mãi, vừa cầm hương vừa đi tìm mộ cụ. Thi thoảng hương cứ lóe cháy phừng phừng rất lạ. Đặc điểm thế nào cô? Mộ cụ cũ, không giống mộ người Nhật lắm, trông rất đơn giản; Đường vào có cây thông nhỏ thấp nghiêng nghiêng. Trời, chỗ nào cũng có thể có cây thông nghiêng nghiêng. Tôi nhớ đến câu chuyện của thầy tôi kể. Khi xưa thầy đến thăm mộ cụ Phong, đi cũng khá đông người, tìm cả ngày không ra mộ cụ. Đến khoảng 6 giờ chiều, tuyệt vọng, tất cả kéo nhau ra về. Nhưng cứ đi ra hướng cổng thì lại lạc vào trong, cứ đi ra lại là đi vào, trời đã tối dần, rồi thầy bảo, tự nhiên như có ma lực, trong bóng chiều sắp tối, tất cả lại đi vào trong nghĩa trang theo một sự hướng dẫn nào đó vô hình, và hơn mươi phút sau đã tìm thấy mộ. Mọi người xúc động quá, trước mắt là bia mộ ghi rõ dòng chữ Hán: Đồng bào chí sĩ Trần Đông Phong chi mộ. Khấn vái xong, thầy về nhà mà đắp chăn, người cứ ớn lạnh từng cơn. Sao cụ lại thiêng đến thế. Đến lượt chúng tôi, lát sau cũng tìm được mộ. Mà tìm được là vì vô tình có một bà cụ người Nhật sống lâu ở nghĩa trang chỉ cho. Mộ nằm trên dãy 1-4A-14. Tôi có cảm giác rất lạ khi đứng trước mộ cụ. Tôi nhìn rõ hai bó hoa ai đó viếng còn mới thơm cắm ngay ngắn cùng với hai bó hương đã tàn. Vậy là vừa có sinh viên hay người Việt Nam đến viếng. Mọi người đã nói với tôi, mộ cụ lúc nào cũng có hương hoa, lúc nào cũng được dọn sạch cỏ. Trong tôi trào lên một nỗi niềm không sao tả được. Nơi này, từ tên quận, tên đường, tên nghĩa trang, tên khu mộ, đều không có lấy một dòng chữ Việt Nam. Nhưng lại có một “đồng bào chí sĩ” ra đi từ phong trào Đông Du nằm yên đã trăm năm. Nơi này, một con người đã tuẫn tiết ở tuổi hai mươi với lá thư tuyệt mệnh: “Nhà tôi giàu có, cả tiền với thóc, kể đến hàng vạn, mà gần đây học phí trong trường, chỉ là nhờ Nam Kỳ cấp cho anh em, tôi đã nhiều lần viết thư về nhà, khuyên cha tôi bắt chước làm như ông Trương Tử Phòng, phá sản vì nước, cha tôi không trả lời. Tôi nghĩ tôi là con một nhà giàu, xấu thẹn với anh em quá, nên tôi phải tự vẫn cho cha tôi biết chí tôi, và cũng để tạ tội với anh em”. Những dòng chữ nghĩa khí tiết liệt đã khiến Kỳ ngoại hầu Cường Để xót thương và kính phục đến mức đích thân người đã xây mộ cho ông ngay trên đất Nhật, và về sau, xương cốt Cường Để một phần cũng nằm trong ngôi mộ của chí sĩ này.Chúng tôi cắm hoa, thắp hương cho cụ. Ngôi mộ cực kỳ giản dị, không hề có một nét hoa văn nào. Tường mộ đã lấm rêu, nhiều phần xi măng mỏng đã vỡ loang. Cảm giác gặp được người Việt ở nước ngoài bình thường đã khiến tôi cảm động. Nhưng cảm giác tìm được nấm mộ người xưa ở nước ngoài là một kinh nghiệm rất đặc biệt. Nhất là mộ của một chí sĩ đã chết vì một lý do “độc nhất vô nhị” trong lịch sử dân tộc: “Nhà tôi giàu có nhưng đất nước có bị diệt vong cũng không giúp được gì thì tôi còn mặt mũi nào nhìn thiên hạ nữa...”. Tự sát ở chùa Tohoji nơi xứ người, Trần Đông Phong đã để lại một câu chuyện cảm động kỳ lạ về lòng ái quốc. Một trí thức ưu tú của làng Di Luân, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, xuất thân từ một gia đình giàu có bậc nhất ở Nghệ An, đã chết theo cách riêng của mình, mà lập luận dai dẳng đắng cay cho đến lúc chết là: có tiền mà vong quốc thì không thể sống được. Cách đây hơn một thế kỷ, người ta sẵn sàng hy sinh mạng sống vì quyền được thoát khỏi “phận dã man”, đời nô lệ; Người ta sẵn sàng bỏ thân vì không chịu nổi sự nhục nhã của cảnh ngộ đồng tiền đang vô tâm ngự trị trong sự khốn cùng của đồng bào, đất nước. Nỗi thao thức về đồng tiền trong cuộc duy tân và hiện đại hóa dân tộc (tuy không được nói nhiều, bàn nhiều, như là đề tài cấm kỵ vô hình) từ những năm đầu tiên của thế kỷ XX của một chí sĩ Việt Nam vẫn là câu chuyện dài của thế kỷ XXI, thậm chí câu chuyện ấy ngày càng nhiều biến thái, nhiều kịch bản hơn… Tôi đứng nhìn ngôi mộ Trần Đông Phong đơn sơ giữa nước Nhật giàu có. Mộ cụ vẫn như ngày chôn cất năm xưa,  nước Nhật vẫn là cường quốc Đông Á, Việt Nam vẫn đang trên đường “hứa hẹn” hiện đại hóa; du học sinh Việt Nam vẫn nhiều, và ngày càng nhiều hơn thế kỷ trước, nhưng khí khái và hoài bão của Đông Du chí sĩ ngày nào chắc phần lớn chỉ còn trong kỷ niệm, bảo tàng, hội thảo. Tôi trộm nghĩ biết đâu cái xứ Thần Đạo này vì cảm thương linh hồn xa xứ của cụ, cũng để cho cụ nhập vào cái tâm linh mênh mông của họ, nên giờ đây cụ cũng là “vị thần” cho các lưu học sinh, người Việt Nam đang sống và học tập ở nước Nhật này. Người ta tin cụ, đến viếng cụ, xin cụ cho học giỏi, cho sức khỏe, cho danh vọng… Từ một chí sĩ, Trần Đông Phong giờ giống như vị thần hoàng trong đền làng Việt Nam ở ngay trên đất Nhật. Người ta mặc nhiên cúng tế, sùng tin. Người đi trước mách người đi sau. Kẻ du học cũng như người lập nghiệp. Có người đến viếng cụ vì thương cảm, cảm phục, cũng có người đến cụ vì nghe nói cụ rất thiêng, cũng có người đến để biết mộ người Việt ở nghĩa trang Nhật Bản thế nào. Tôi nhìn mộ cụ, không có ảnh, đúng như mộ người Nhật. Cả trăm năm cụ vẫn nằm đấy, lặng lẽ vô hình phù hộ cho những ai là con dân Việt Nam bước chân đến Nhật, không biết có phải vì hồn linh ấy mãi hướng về cố quốc, hay bởi ánh sáng của phong trào Đông Du năm xưa vẫn còn le lói trong một nấm mồ? Tôi nghe nói dường như qua con đường tâm linh nào đó liên quan tới cụ Koyama Katsuzo – người có công thành lập "Hội Giáo dục Việt Nam của thành phố Gunma” tại Nhật - người ta được biết hồn cụ Phong mong được về lại Việt Nam bởi cụ đã biệt xứ đến trăm năm có lẻ. Nhưng nếu đưa cụ về Việt Nam thì những người đến Nhật như chúng tôi lại thiếu vắng lắm... Cụ đã chết như tinh thần võ sĩ đạo, dưới gốc cây một ngôi chùa, khác nào câu chuyện chỉ có trong kịch Nô, trong tiểu thuyết Nhật, nhưng đối với tâm linh và văn hóa Việt Nam, điều cao quí hơn trong cái chết vì đại nghĩa ấy, theo tôi, là sự nhắc nhở âm thầm sâu sắc về sứ mệnh của trí thức đối với giống nòi. Viếng thăm nấm mộ một anh hùng Việt Nam ngay trên đất Nhật, biết đâu người ta mới đủ cảm xúc và dư chấn để nghe được một cách rõ ràng hơn tiếng vọng hoài bão người xưa, biết đâu từ khoảnh đất được đánh số lạnh lẽo ở nghĩa trang lại dấy lên chí lớn và những nghĩ suy về dân tộc, và biết đâu, nấm mộ đơn sơ lấm rêu này sẽ là một chứng tích vô giá cho những ai có cơ hội vượt qua biên giới xứ sở để hiểu được, dù là một chút, số phận và vinh dự, cái chết và sự sống, lòng ái quốc và đức hy sinh, tình yêu và dự cảm của những anh hùng lưu biệt một thời. ***“Giọt vắn dài riêng tủi phận dã manMấy năm nay đứt ruột với giang san”Câu thơ ca trù này có thể chỉ được tìm thấy trong sách khảo cứu về thơ ca Đông Du, nhưng thực ra, nó đã sống với anh linh Trần Đông Phong và con đường thăng trầm  hiện đại hóa của nước Việt ta suốt cả thế kỷ nay.

Fuchu-shi, Tokyo, mùa thu 2010

L.T

Thông tin truy cập

63699544
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
19836
23426
63699544

Thành viên trực tuyến

Đang có 173 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website