Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã tổ chức Hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2012 vào ngày 9.4.2012 tại cơ sở Linh Trung, Thủ Đức. Năm nay có 24 đề tài tham gia hội nghị, gồm 3 đề tài Hán Nôm, 4 đề tài ngôn ngữ, 12 đề tài văn học và đặc biệt còn có 3 đề tài nghệ thuật học. Tất cả được chia thành 3 tiểu ban: Văn học Việt Nam - Lý luận & Phê bình văn học, Văn học nước ngoài - Văn hóa dân gian – Nghệ thuật học và Hán Nôm – Ngôn ngữ. Nhiều đề tài đã nhận được sự quan tâm của người tham dự như Yếu tố thần kỳ trong Nghìn lẻ một đêm do sinh viên SV Sity Maria Cotika thực hiện; Thế giới nghệ thuật thơ Thanh Thảo  do sinh viên Thái Nguyễn Hồng Sương thực hiện; Nhân vật chấn thương trong một số tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986-1995 do sinh viên Trần Phượng Linh thực hiện; Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp: cách đọc xã hội học do sinh viên Nguyễn Ngọc Thảo Như thực hiện; Tình hình nghiên cứu lý thuyết tiếp nhận văn học ở Việt Nam từ sau 1986 do sinh viên Lê Thị Kim Loan thực hiện; Mỹ cảm trong ca từ của Trịnh Công Sơn do sinh viên Phan Thị Diệu Thảo làm chủ nhiệm. Từ những công trình được thực hiện công phu và nghiêm túc này, hy vọng sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ sẽ còn đạt được những giải cao hơn ở cấp Thành và cấp Bộ.

Trong thời hậu Xô viết bắt đầu sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, quan hệ Nga – Việt chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế. Những mối liên hệ văn hoá và nghệ thuật trước kia về cơ bản đã ngưng lại, mặc dù những chuyến đi của các nhà văn vẫn tiếp tục, thường là theo kênh các tổ chức xã hội hay do sự sắp xếp cá nhân.

Trong hơn hai thập niên gần đây, những tác phẩm văn học ở Nga về Việt Nam được sáng tác rất ít. Trong những thực tiễn mới của đời sống nước Nga xuất hiện khả năng tiếp cận những đề tài và vấn đầ mà trước kia chưa phải là đối tượng thảo luận rộng rãi. Xuất hiện những hồi ức, hồi ký của các nhà báo, các nhà ngoại giao, các chuyên gia quân sự Nga/ Xô viết về Việt Nam và về chiến tranh Việt Nam. Chẳng hạn, người đầu tiên viết về những chuyên gia quân sự Xô viết thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở đất nước Đông Nam Á xa xôi này là Valery Kuplevakhsky. Ông xuất bản một bút ký nghệ thuật “Những bí ẩn Việt Nam”(Вьетнамские тайны) viết về những sự kiện những năm đó. Đây là một phần của nhóm tác phẩm Những câu chuyện nhỏ về chiến tranh (Маленькие военные истории, tạp chí Ngọn cờ, 1998, số 6), còn đề tài trước đó về chiến tranh Việt Nam cũng đã được ông nói đến trong truyện ngắn “Chú hề Mạnh nhỏ bé” (Маленький клоун Мань) nằm trong tập Sự đam mê hư ảo (Суетность пристрастия, 1990).

20230814 2

Ảnh: Bìa sách Sự đam mê hư ảo (Суетность пристрастия, 1990) của Valery Kuplevakhsky

Nhà báo Mikhail Ilinsky đến Việt Nam vào năm 1966 với tư cách phóng viên của tờ Tin tức và làm việc ở đất nước này 12 năm. Ông là tác giả của nhiều bài báo và sách về Việt Nam, trong đó bao gồm cả công trình nghiên cứu mang tính tư liệu-nghệ thuật Đông Dương. Tro bụi bốn cuộc chiến tranh (Индокитай. Пепел четырех войн, 2000), trong đó tái tạo một biên niên sử đầy bi kịch của bốn cuộc chiến diễn ra vào thời điểm nóng bỏng của lịch sử thế kỷ XX từ 1939 đến 1979: cuộc đấu tranh chống sự chiếm đóng Đông Dương của Nhật Bản, chiến tranh chống thực dân Pháp, chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và cuộc chiến giữa các quốc gia xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên trong lịch sử - chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam[1].

Luôn có sức hấp dẫn lớn là những hồi ký của các nhà ngoại giao, nhà báo và các chuyên gia quân sự - họ là những nhân chứng trực tiếp các sự kiện quan trọng của đất nước trong thời gian ở tại Việt Nam. Igor Alexandrovich Ognetov - học trò của viện sĩ A.A. Guber, là một trong những chuyên gia hàng đầu của Nga về Việt Nam. Ognetov làm việc ở Việt Nam vừa với tư cách phiên dịch viên, vừa là nhà ngoại giao cấp cao, nhiều năm là cộng tác viên của Ban Quốc tế của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, can dự vào những công việc “bếp núc” của quan hệ Xô – Việt. Ông là tác giả của hàng loạt công trình khoa học về lịch sử Việt Nam. Trong cuốn sách Hướng về Việt Nam (На вьетнамском направлении, 2007) của ông, những hồi ức của tác giả từ những năm tháng sinh viên kết hợp một cách hữu cơ với đất nước học, lịch sử, nghiên cứu quan hệ quốc tế, những suy nghiệm về quá khứ và hiện tại của mối quan hệ Liên Xô/Nga với Việt Nam. Tất cả những đề tài được chạm tới trong cuốn sách này cho thấy qua thái độ của tác giả đối với chúng ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời mình, thái độ không phải của người đứng ngoài quan sát, mà là của người hiến mình cho Việt Nam và trung thành với lựa chọn của mình. Đặc biệt mang tính biểu trưng là những lời của ông ở phần kết của cuốn sách: “Sau hàng chục năm hợp tác đã xuất hiện hàng ngàn, hàng chục ngàn  sợi dây tình cảm kết nối người Việt Nam với Liên Xô – từ những lãnh đạo cấp cao đến những người lao động bình thường nhất, đến sinh viên, học sinh. Những sợi dây mỏng manh đó khi kết lại với nhau đã trở thành một sức mạnh tinh thần to lớn” (Ognetov, 2007, tr.321).

Tư liệu thực tế và thú vị về Việt Nam và quan hệ Liên Xô/Nga – Việt Nam hiện diện trong hồi ký của nhà báo Sergei Nikitovich Afonin Những năm cháy bỏng (Жаркие годы, 2007), của nhà hoạt động ngoại giao chuyên nghiệp Evgeny Pavlovich Glazunov Trong những năm chiến tranh và hoà bình (từ các sổ ghi chép) (В дни войны и мира (из записных книжек), 2010), của Anatoly Safronovich Zaitsev Nhớ về Việt Nam (Вспоминая Вьетнам, 2010) và Nhớ về Việt Nam. Bút ký của một nhà ngoại giao (Вспоминая Вьетнам. Записки дипломата, 2020), của viện sĩ Đông phương học Alexei Mikhailovich Vasiliev Chiến tranh ở Việt Nam. Tại sao người Việt thất bại (Война во Вьетнаме. Почему вьетнамцы потерпели поражение, 2021) viết khi làm phóng viên báo Sự thật ở Việt Nam vào những năm 1967 – 1971.

Trong số những ấn phẩm thuộc thể loại này còn có hồi ký của Sergei Veniaminovich Shcherbakov Vườn trẻ cho người lớn (Детский сад для взрослых, 2018). Tác giả của nó là một nhà báo và nhà ngoại giao, cuốn sách của ông là một báo cáo kết quả đặc thù công việc ở ngành xuất bản địa phương và trung ương. Phần quan trọng cuộc đời ông gắn với Việt Nam, nơi ông làm việc với tư cách phóng viên của tờ Sự thật Komsomol. Về đất nước này và thanh niên ở đó, S. V. Shcherbakov trước đó đã viết cuốn Cánh chim mặt trời (Птица солнца, 1987). Nhiều trang trong những hồi ký đó viết về việc phục vụ của ông trong lĩnh vực ngoại giao, về những chuyến công tác ra nước ngoài và những ấn tượng về các cuộc gặp gỡ với những người nổi tiếng ở các nước khác nhau.

Cuốn sách của Yury Krutskikh Cam Ranh, hay những cuộc phiêu lưu không tưởng của các tàu ngầm ở Việt Nam (Камрань, или невыдуманные приключения подводников во Вьетнаме) xuất bản ở Vladivostok vào năm 2019 cũng có thể xếp vào thể loại hồi ký. Vào năm 1988, tác giả tốt nghiệp Trường Cao đẳng Hải quân Thái Bình Dương mang tên S.O. Makarov. Vào cuối thập niên 1980, ông phục vụ trên chiếc tàu ngầm Xô viết chạy bằng động cơ diesel phiên bản 641, đồn trú tại cảng Cam Ranh của Việt Nam. Tác phẩm có cấu trúc 51 chương, thực chất là những truyện ngắn độc lập về các nhiệm vụ quân sự, về những tháng ngày dài sống xa Tổ quốc ở cuối thời kỳ “chiến tranh Lạnh”. Cuốn sách được viết hấp dẫn và đặc biệt thú vị với nhiều chi tiết giúp hiểu rõ hơn thời đại lịch sử đó.

Một tầng văn học tư liệu nghệ thuật đặc biệt về Việt Nam là những ấn phẩm được biên soạn với sự tham gia của Hội Hữu nghị Nga – Việt và Tổ chức xã hội liên khu vực các cựu chiến binh ở Việt Nam. Trong cuốn sách xuất bản năm 2005 Chiến tranh ở Việt Nam… Nó như thế nào (1965 – 1973) (Война во Вьетнаме… Как это было (1965-1973)) đã miêu tả những sự kiện mà đến nay ít người ở Nga biết đến. Trong một chừng mực nào đó, nó hé lộ tấm màn bí mật về những sự kiện mà trước kia do những nguyên nhân nhất định hầu như không được nói tới trong những sách báo công khai. Trong sách này, những hồi ức của các chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc ở Việt Nam những năm 1960 – 1970 trong thời kỳ chiến tranh và giúp đỡ trực tiếp nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược lần đầu tiên tập hợp và công bố

Còn có một cuốn sách thuộc thể loại như thế nữa: Có một từ không thể quên Liên Xô» (Это незабываемое слово Льенсо”, 2006). Sách này tập hợp những hồi ức của các chuyên gia Xô viết và Nga vào những năm khác nhau, từ đầu những năm 1950 cho đến ngày nay. Trong số các tác giả của những tư liệu được công bố đó có các nhà ngoại giao và nhà báo, các kỹ sư xây dựng và địa chất, các chuyên gia quân sự và các học giả[2].

Những tác phẩm thuần tuý văn học những năm gần đây là những ấn bản sách giấy và mạng trực tuyến (online).

Cuốn sách của nhà văn và nhà soạn kịch Evgeny Grishkovets Sự sống tiếp tục (Продолжение жизни, 2010) được xây dựng dựa trên những ghi chép trong nhật ký mạng của ông. Những tình tiết về Việt Nam được ghi vào tháng giêng năm 2009. Ông đến đất nước này chỉ vỏn vẹn 10 ngày, nhưng đã có được nhiều ấn tượng bất ngờ và sâu sắc khác nhau, và điều khiến ông “kinh ngạc nhiều hơn cả là sự sôi động của cuộc sống”(Grigovets, 2010, tr.21). Tác phẩm này là ví dụ sinh động cho việc làm thế nào văn học mạng hiện nay của chúng ta có được hình thức một cuốn sách.

Nhà văn nữ trẻ tuổi Daria Dotsukh có tác phẩm Thời cam quýt (Мандариновая пора, 2014) dành cho độc giả trẻ tuổi. Chủ yếu, tác phẩm được xây dựng dựa trên câu chuyện có thực của một nhà đình nhà ngoại giao Nga sống ở Việt Nam. Nhân vật của truyện, một cậu học sinh 13 tuổi, sau chuyến công tác dài hạn của người cha từ Việt Nam về lại Moskva, cố gắng khắc phục những khó khăn và sự thiếu cảm thông của bạn bè cùng lớp cũng như của cha mẹ để tìm lại bản thân mình trong hoàn cảnh sống mới.

Ivan Zorin là một nhà viết văn xuôi hiện đại của Nga, một nhà văn chính luận và là người làm nhật ký video trên mạng (video-blogger). Truyện ngắn Nhà văn quá cố ở Việt Nam (Мертвый писатель во Вьетнаме, 2016) có lẽ xuất hiện sau chuyến đi của ông tới đất nước này. Trong truyện miêu tả những đại diện của giới Nga kiều mới khi tới những vùng đất ấm áp và cố gắng thích nghi ở đó để bắt đầu cuộc sống mới. Tác phẩm đáng nhớ này được xuất bản trên kênh internet văn học proza.ru.

Chắc chắn là tác phẩm nổi bật và điển hình nhất về Việt Nam, từ quan điểm phát triển những xu hướng văn học hiện đại, là tiểu thuyết của Eldar Sattarov Chào Việt Nam (Чао, Вьетнам, 2018), về nó sẽ cần phải nói cụ thể hơn.

Eldar Sattarov sinh năm 1973 ở Alma-Ata. Về nguồn gốc xuất thân, ông mang nửa dòng máu Việt từ người cha, một nửa là Tatar từ người mẹ. Tiểu thuyết này của ông, cũng như những tác phẩm khác, được viết bằng tiếng Nga (mà đối với ông là phương tiện sáng tạo chủ yếu và duy nhất), bởi vậy có thể đặt nó vào bối cảnh chung của văn học đương đại Nga. Thuở thanh niên, Sattarov là nhạc công, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và trong nhà máy, sau đó làm nhà báo, biên tập viên, phụ trách các chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng khác nhau, và bây giờ thì làm phiên dịch viên. Một số nhà xuất bản ở Moskva đã ấn hành những cuốn sách về nghệ thuật tiền phong, về giáo dục thay thế (alternative education) và về triết học do Eldar Sattarov dịch từ các ngôn ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ý.

Tiểu thuyết đầu tay của Sattarov Đánh mất những con phố của chúng ta (Теряя наши улицы) được xuất bản năm 2010 ở Alma-Ata và nhận được những phản hồi tích cực từ các nhà phê bình và độc giả.

Tiểu thuyết thứ hai của ông Quá cảnh Sài Gòn – Almaty (Транзит Сайгон – Алматы) được vào chung kết giải “Sách bán chạy năm 2016” và đoạt giải nhì. Eldar Sattarov trở thành công dân Kazakhstan đầu tiên được trao giải thưởng này của Nga. Năm 2018, cuốn sách này được nhà xuất bản Fluid (Флюид) ở Nga tái bản với nhan đề Chào Việt Nam.

Tiểu thuyết kể câu chuyện về sự trưởng thành của một cậu bé Việt Nam sinh ra ở Sài Gòn ngay trước khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, thời gian thực dân Pháp đang cai trị Đông Dương. Cậu bị cuốn vào nhiều sự kiện bi kịch và anh hùng diễn ra sau đó trên quê hương mình. Dòng tự sự lịch sử bao trùm thời kỳ chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và lần thứ hai, và phần nhiều liên quan tới tiểu sử người cha của Eldar Sattarov. Do sự anh hùng và dũng cảm, chàng chiến sĩ trẻ của quân đội nhân dân Việt Nam đó được cử đi học ở Liên Xô, nơi sau đó ông ở lại sống và làm việc.

Nhà phê bình văn học Saint Petersburg Vadim Levetal xếp cuốn Chào Việt Nam vào thể loại tiểu thuyết tư liệu (hay tài liệu hư cấu/docu-fiction). Khái niệm này bắt nguồn từ điện ảnh và là sự tái tạo những sự kiện lịch sử có thật với những nhân vật có thật, nhưng cho phép cả những hư cấu, tưởng tượng. Trong tiểu thuyết của Eldar Sattarov, các nhân vật là những chính trị gia và những nhà quân sự nổi tiếng của Việt Nam, họ được miêu tả trong những điều kiện lịch sử thay đổi biến thiên, với những sự kiện cụ thể không bị bóp méo, nhưng các chi tiết lại mang sắc thái phi hiện thực.

Nhưng nói chung hiện nay, chủ yếu các tác phẩm của các nhà văn Nga về Việt Nam liên quan tới văn hoá giải trí đại chúng – đó là những tác phẩm phiêu lưu và trinh thám. Trong chúng, đất nước Việt Nam, thiên nhiên khác lạ và quá khứ chiến tranh qua chưa lâu trong một chừng mực nhất định xuất hiện như yếu tố bổ sung, hỗ trợ, như một phông nền trang trí nào đó, chứ không phải thành phần tư tưởng sáng tạo của tự sự nghệ thuật. Hơn nữa, ngày càng có nhiều tác phẩm như vậy tìm thấy nơi trú ngụ của mình trong văn học trực tuyến - trên các cổng điện tử và trang web khác nhau, trên Facebook, v.v. Trong số các tác giả có cả những nhà văn nổi tiếng lẫn những tác giả nghiệp dư.

Trong cuốn sách của nhà văn Andrei Ilyin ở Moskva Cái bẫy cho những anh hùng (Ловушка для героев, 1997), lính biệt kích Mỹ và lính đặc nhiệm Nga truy tìm thiết bị tối mật Phantom (Bóng ma) bị bắn rơi trong rừng rậm Việt Nam. Những nhóm đặc nhiệm của hai cường quốc xả súng vào nhau nơi chiếc máy bay rơi mà không biết rằng họ có chung một kẻ thù tàn bạo.

Tiểu thuyết phiêu lưu của Viktor Ledenyov Rượu thập cẩm Việt Nam (Вьетнамский коктейль) ban đầu xuất bản ở Minsk, sau đó ở Moskva vào năm 1997. Tác phẩm kể về một trang sử của Nga ít được biết đến – đó là việc các chuyên gia Xô viết tham gia vào chiến tranh ở Việt Nam, về những đơn vị đặc nhiệm thực hiện trinh sát kỹ thuật. Họ tháo gỡ các loại bom mìn tân tiến nhất, săn lùng những mặt hàng mới trong lĩnh vực điện tử. Họ phải sinh tồn trong những điều kiện hết sức phức tạp để hoàn thành nhiệm vụ của mình mà không bị thương vong. Về sau, tác giả viết phần tiếp theo của tiểu thuyết này – Vàng của các chiến binh samurai (Золото самураев, 2016) được xuất bản trên Internet.

Cuốn sách của Alexandre Kosarev Những ngôi sao bằng bìa (Картонные звезды, 2004) đã được xuất bản mấy lần, đồng thời xuất hiện cả dưới dạng sách điện tử và sách nói. Tác giả lấy cốt truyện chủ yếu từ những sự kiện phi thường trong tiểu sử phong phú của mình, khi phục vụ trong đội đặc nhiệm của Cục Tình báo Trung ương Liên Xô (GRU) và tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Những chi tiết tỉ mỉ độc đáo về những sự kiện diễn ra trong những năm đó được trình bày trong cuốn sách này.

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều những tác phẩm văn học có đề tài gắn với Việt Nam xuất hiện trong các thư viện điện tử khác nhau. Cuốn sách của Alexei Grebinyak Người phi công nhào lộn Việt Nam (Вьетнамский иммельман, 2009) kể về những sự kiện năm 1968, khi người Mỹ đưa vào Đông Dương những máy bay ném bom tân tiến nhất F-111, là những thử thách chiến đấu trên bầu trời Bắc Việt Nam. Những máy bay đó hầu như không bị các tên lửa phòng không và pháo binh làm thương tổn, bởi chúng bay vào ban đêm, ở độ cao hết sức thấp và với tốc độ siêu thanh. Nhiệm vụ đặt ra trước các nhà quân sự Xô viết và Việt Nam là chuẩn bị chiến dịch truy đuổi cỗ máy siêu bí mật đó.

Viktoria Dyakova, tác giả của tiểu thuyết có cốt truyện đầy xung đột Hổ săn mồi ban đêm (Тигр охотится ночью, 2012), cũng đề cập những sự kiện chiến tranh Việt Nam cuối những năm 1960. Tác phẩm này kể về một toán thám báo Mỹ ở vùng rừng rậm trên biên giới giữa Lào và Việt Nam. Họ nỗ lực tìm kiếm đường ống dẫn dầu được nguỵ trang để cung cấp nhiên liệu cho các lực lượng du kích ở miền Nam Việt Nam.

Cuốn sách của Ivan Kozlov Lời thề của người phi công bị bắn rơi (Клятва сбитого летчика, 2016) cũng kể về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược vào đầu những năm 1970.  Trên bầu trời Việt Nam, một chiếc máy bay Xô viết bị bắn rơi, và người phi công bị lính thuỷ đánh bộ Mỹ bắt làm tù binh. Lãnh đạo Mỹ đe doạ tố giác chính phủ Liên Xô, yêu cầu thả những gián điệp Mỹ bị giam giữ ở Moskva. Trong trường hợp bên kia không đáp ứng, dư luận thế giới sẽ có được bằng chứng về sự tham gia của Liên Xô vào xung đột chiến tranh. Quyết định cho vấn đề này chỉ có một phương thức – giải thoát tù binh phi công Xô viết. Nhóm đặc nhiệm của Cục Tình báo trung ương Liên Xô được giao thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm này. Họ phải hoạt động trong những khu rừng nhiệt đới rậm rạp ngay trước mũi những kẻ chiếm đóng vũ trang đầy đủ.

Roman Romanov viết tác phẩm Tuỳ bút về Việt Nam (tạm dịch từ: Несерьезные заметки о Вьетнаме) từ năm 2012, nhưng nó chỉ được biết rộng rãi trong giới độc giả vài năm sau đó. Đó là bút ký đầu tiên của tác giả trong tập Những trải nghiệm du lịch được viết với thể loại du ký (travelogue). Để minh hoạ, tác giả sử dụng những tấm ảnh của chính mình được chụp trong thời gian đến Việt Nam.

Tiểu thuyết phiêu lưu của Andrei Fakov Chuyện tình Xô – Việt (Советско-вьетнамский роман, 2018) kể về những sự kiện trong chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam 1964 – 1973 và về những chuyên gia quân sự Xô viết ở Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thời gian đó. Tác phẩm được đăng trên thư viện điện tử MyBook.ru, và như tác giả của nó khẳng định, được viết dựa trên những hồi ức của những người tham gia cuộc chiến tranh đó.

Vladilen Eleionsky là một luật sư chuyên nghiệp, tốt nghiệp Học viện Bộ Nội vụ ở Omsk. Gần đây, ông bắt đầu tích cực sáng tác văn học, viết các truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản điện ảnh. Trong tiểu thuyết Văn Thọ - con trai người du kích. Hồi ức của một lính thuỷ đánh bộ Mỹ về chiến tranh Việt Nam (Ван Тхо – сын партизана. Воспоминания морского пехотинца США о вьетнамской войне, 2018, đăng trên Internet) kể về một trung sĩ đặc nhiệm Mỹ ba mươi tuổi, người thất vọng về những giá trị gia đình nên vào năm 1969 đã tham chiến ở Việt Nam. Ở đây, anh bị bắt làm tù binh và trải qua những thử thách sống còn khác nhau.

Cuốn sách của German Kirsanov Những kỳ nghỉ ở Việt Nam hay những ghi chép của một downshifter[3]  (Вьетнамские каникулы или записки дауншифтера, 2019) về hình thức thuộc thể loại tiểu thuyết ái tình, đồng thời cũng là một tiểu thuyết phiêu lưu. Đó là câu chuyện của một doanh nhân Nga muốn thoát ra khỏi những vấn đề tài chính và gia đình nên đi đến Việt Nam để bắt đầu một cuộc sống mới ở đó.

Kết luận

Trong một thế kỷ rưỡi qua, Việt Nam và đề tài về Việt Nam nói chung đã hiện diện trong các tác phẩm của văn học Nga và văn học Xô viết, đôi khi chỉ tình cờ ngẫu nhiên, đôi khi rất rộng lớn và thường xuyên, điều này được quyết định không nhỏ nhờ vào tình hình quan hệ giữa hai nước. Nhưng các tác giả Nga luôn thể hiện sự đồng cảm chân thành đối với tình trạng gian khổ của cư dân đất nước châu Á xa xôi đó dưới thời thực dân và những năm tháng kháng chiến chống ngoại xâm, thể hiện sự tôn trọng đối với văn hoá và truyền thống của một dân tộc khác. Phong phú hơn cả là sáng tác ở giai đoạn xã hội chủ nghĩa – từ giữa những năm 1950 đến đầu những năm 1990, khi giữa Liên bang Xô viết và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà/Cộng hoà XHCN Việt Nam có những mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện, khi Liên Xô tích cực ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm và trong xây dựng kinh tế quốc dân. Tất cả những sự kiện đó đã tìm thấy sự phản ánh trong các tác phẩm của các nhà văn và nhà thơ Xô viết.

Sau khi Liên Xô tan rã và hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Nga và Việt Nam đi theo con đường xây dựng kinh tế thị trường, quan hệ song phương phần nhiều mang tính chất thực dụng, nhân tố tư tưởng hệ trước kia từng gắn kết hai nước đã đi vào dĩ vãng. Hào quang của Việt Nam anh hùng chiến đấu dần được thay thế bằng hình tượng một đất nước tự tin khẳng định vị thế của con rồng kinh tế mới Châu Á và một thiên đường du lịch nổi tiếng. Những thay đổi kinh tế xã hội toàn cầu ở Việt Nam chắc chắn đã ảnh hưởng đến các tác phẩm của các tác giả Nga, việc lựa chọn thể loại và hình thức xuất bản. Ngày nay, ba thể loại chủ yếu chiếm ưu thế là hồi ký, văn xuôi phiêu lưu quân sự, và du ký – là những ghi chép và nhật ký du lịch. Ngoài các ấn bản giấy, các tác phẩm dưới dạng điện tử, trong các thư viện trực tuyến, và dưới dạng sách nói đang trở nên phổ biến hơn. Trong những năm gần đây, Internet đã trở thành diễn đàn cho các cá nhân sáng tạo. Nhiều cổng thông tin và trang web đăng tải các hồi ký, thơ ca, bài hát của các chuyên gia quân sự Liên Xô viết về Việt Nam trong những năm đấu tranh chống Mỹ xâm lược, các tác phẩm du ký và blog của du khách Nga từ đi qua Việt Nam, nhiều video khác nhau mang các nội dung lịch sử, văn hóa và dân tộc học. Có vẻ như văn học mạng đang trở thành không gian sáng tạo chính, tạo cơ hội xuất bản tác phẩm cho bất kỳ tác giả nào, đồng thời cho phép tự do thử nghiệm sáng tạo. Văn học mạng trở thành một cái lò đúc, nơi ngày càng có nhiều văn bản với những chất lượng nghệ thuật khác nhau nhất được đổ vào, điều này tất yếu cũng có thể làm mất đi tính cá nhân của chúng. Văn học mạng đã thành một chỉ báo về những gì đang diễn ra không phải trong văn hóa, mà là trong văn hóa đại chúng. Và với những nhân tố này, có thể cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục có mặt trong các tác phẩm văn học của các tác giả Nga hiện đại, chủ yếu là tiểu luận báo chí và phóng sự, hồi ký và các thể loại khác, cả trên báo giấy lẫn ấn phẩm trực tuyến.

TS. A.A. Sokolov (Viện Đông Phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga)

Trần Thị Phương Phương dịch từ nguyên bản tiếng Nga: Вьетнам в произведениях современной русской литературы

Nguồn: Nhiều tác giả (2021), Nghiên cứu giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần 5, Nxb Đại học Quốc gia, tr. 427-433
 

Tài liệu tham khảo 

Buyanov (ed.) (2006), Có một từ không thể quên Liên Xô” (Это незабываемое слово “Льенсо”), Moskovskaya akademia ekonomiki i prava, Moskva.

Eleonsky V. (2018), Văn Thọ - con trai một người du kích. Hồi ức của một lính thuỷ đánh bộ Mỹ về chiến tranh Việt Nam (Ван Тхо – сын партизана. Воспоминания морского пехотинца США о вьетнамской войне), Ridero, Moskva.

Glazunov E.P. (ed.)(2005), Chiến tranh ở Việt Nam… Nó như thế nào: 1965 – 1973 (Война во Вьетнаме… Как это было: 1965-1973), Ekzamen, Moskva.

Ilinsky M.M. (2000), Đông Dương. Tro bụi bốn cuộc chiến tranh (Индокитай. Пепел четырех войн), Veche, Moskva.

Krutskikh Yu. (2019), Cam Ranh, hay những cuộc phiêu lưu không tưởng của các tàu ngầm ở Việt Nam (Камрань, или невыдуманные приключения подводников во Вьетнаме),Vladivostok.

Kuplevakhsky V. (1998), “Những câu chuyện nhỏ về chiến tranh” (Маленькие военные истории), Tạp chí Ngọn cờ, số 6.

Ognetov I.A. (2007), Hướng về Việt Nam (На вьетнамском направлении), Gumanitary, Moskva

Sattarov E. (2015), Quá cảnh Sài Gòn – Almaty. Số phận một người du kích Việt Nam (Транзит Сайгон - Алматы. Судьба вьетнамского партизана), Editorial USSH, Moskva.

Shcherbakov S.V. (2018), Vườn trẻ cho người lớn (Детский сад для взрослых), Neolit, Moskva.

Trang tư liệu tác phẩm văn học trên Internet (truy cập lần cuối: 20/01/2022)

http://www.nhat-nam.ru/vietnamwar/

https://www.litres.ru

https://mybook.ru

https://www.proza.ru  


[1] Năm 2005, cuốn sách này được tái bản có chỉnh sửa, bổ sung, với nhan đề Hội chứng Việt Nam. Cuộc chiến tranh thăm dò (Вьетнамский синдром. Война разведок). (Chú thích của A.A. Sokolov)

[2] Trên trang www.nhat-nam.ru/vietnamwar có thể tìm thấy hồi ký của các chuyên gia quân sự Liên Xô/Nga, những người vì nhiệm vụ đã gắn với chiến tranh Việt Nam. Tại đây cũng có rất nhiều những sáng tác thơ ca, văn xuôi của họ. (Chú thích của A.A. Sokolov)

[3] Downshifter là từ chỉ người thay đổi cách sống, thường từ giàu có, đầy đủ, địa vị tốt sang vị trí thấp kém hơn nhưng thoải mái hơn. (Chú thích của người dịch)

Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã tổ chức Hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2010 vào ngày 08.5.2010 tại cơ sở Linh Trung, Thủ Đức. Năm nay có 33 đề tài tham gia hội nghị, gồm 5 đề tài Hán Nôm, 7 đề tài ngôn ngữ, 18 đề tài văn học và đặc biệt còn có 3 đề tài nghệ thuật học. Tất cả được chia thành 3 tiểu ban: Văn học Việt Nam - Lý luận & Phê bình văn học, Văn học nước ngoài - Văn hóa dân gian – Nghệ thuật học và Hán Nôm – Ngôn ngữ. Nhiều đề tài đã nhận được sự quan tâm của người tham dự như Sưu tầm, giới thiệu, phiên dịch di sản Hán Nôm ở Quận 9, TP Hồ Chí Minh của tập thể lớp Hán Nôm 2 do sinh viên Lê Thị Cẩm Tú làm chủ nhiệm; Ẩn dụ tri nhận trong tác phẩm Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng do sinh viên Trần Thị Thúy An thực hiện; Nghệ thuật trang phục Trung Quốc trong Hồng Lâu Mộng do sinh viên Nguyễn Thị Ánh Nguyệt thực hiện; Tìm hiểu vè lịch sử Nam Bộ do sinh viên Lê Thị Minh Tâm thực hiện; Biển trong văn học cổ điển Việt Nam do sinh viên Phùng Thị Hạ Nguyên thực hiện; Thế giới nghệ thuật thơ Ngân Giang do sinh viên Võ Quốc Việt làm chủ nhiệm.

Các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đã vượt ra ngoài biên giới. Lần này, là tiếng vang sâu lắng trong lòng độc giả Hàn Quốc.

Là một nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, tôi thực sự vui mừng khi đón nhận các tác phẩm văn học Việt Nam, đặc biệt là các tác phẩm đã dịch sang tiếng Hàn. 

Mới đây, một bản dịch tuyển tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã được NXB Văn Học và Trí Tuệ (문학과지성사/Moonji Publishing Company) xuất bản ngày 16-3 tại Hàn Quốc. Nhân dịp này, tôi đã trò chuyện với dịch giả của cuốn sách, tiến sĩ Kim Joo-Young.

20230724Tiến sĩ Kim Joo-Young

Điều gì khiến cô dịch cuốn sách này?

Tôi dịch là vì muốn chiêm nghiệm sâu sắc hơn về tác phẩm Chảy đi sông ơi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Khi tôi đang theo học nghiên cứu sinh của khoa văn học Trường đại học KHXH&NV TP.HCM, chồng tôi cũng theo học thạc sĩ cùng khoa. Qua anh, tôi biết là trong lớp, anh đã được nghe giảng khá sâu về tác phẩm này. 

Tôi từng nghĩ rằng nếu đọc thì chỉ nắm được ý chính thôi, nếu dịch thì tôi có thể hiểu biết cụ thể, sâu sắc hơn về tác phẩm này trên nhiều phương diện. Điều đó thôi thúc tôi quyết tâm dịch truyện ngắn này sang tiếng Hàn.

Dịch và xuất bản bản là hai việc khác nhau. Lý do cô quyết định xuất bản?

Sau khi dịch xong tác phẩm Chảy đi sông ơi, tôi bắt đầu quan tâm đến tác phẩm Không có vua và tiếp tục dịch luôn. Tiếp nối quá trình hoàn thành hai bản dịch tương đối dài hơi này, tôi bắt đầu quan tâm đến việc xuất bản một quyển sách dịch.

 Tuy nhiên, những người trong giới xuất bản xung quanh tôi không hứng thú với tác phẩm không có chủ đề "chiến tranh". Tôi đã gửi hai bản dịch trên đến tạp chí Asia để hỏi có in không nhưng họ từ chối. Rất may là sau đó, bản dịch Không có vua đã được đăng trên Các nhà văn (작가들 Writers) - tạp chí của Hội Nhà văn Incheon, với sự giới thiệu của nhà văn Kim Nam-il.

Có những khó khăn như vậy nhưng cuối cùng cũng xuất bản được, xin cô kể lại.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, tôi tìm nguồn tài trợ khác và đăng ký tham gia Dự án hỗ trợ dịch thuật văn học nước ngoài Daesan. Nếu được dự án này hỗ trợ, các bản dịch sẽ được xuất bản ngay tại Hàn Quốc. May mắn thay, năm ấy, tức là năm 2019, một số tác phẩm văn học thiểu số (của các nước không phải lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức...) đã cùng được chọn. 

Sở dĩ tôi nói may mắn là vì Dự án hỗ trợ dịch thuật văn học nước ngoài Daesan thường chủ yếu chọn các tác phẩm viết bằng các thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Nhật, Trung...

Trong quá trình dịch, cô mất bao lâu và làm thế nào để giải quyết vấn đề bản quyền?

Vì tôi có quen biết với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ khi đăng truyện Không có vua trên tạp chí Các nhà văn nên ngay khi được chọn vào dự án hỗ trợ dịch thuật, tôi đã giúp thương thảo hợp đồng bản quyền giữa nhà xuất bản và tác giả. 

Suốt thời gian dịch truyện, tôi giữ liên lạc với tác giả, chủ yếu qua tin nhắn. Thời gian dịch mất khoảng 1 năm rưỡi, từ 2018 - 2019, lâu vì trong thời điểm ấy tôi vừa dịch tác phẩm vừa bảo vệ luận án tiến sĩ.

15 truyện ngắn được in trong cuốn sách gồm: Chảy đi sông ơi, Không có vua, Tướng về hưu, Cún, Muối của rừng, Sang sông, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Những bài học nông thôn, Những ngọn gió Hua Tát, Huyền thoại phố phường, Giọt máu, Sống dễ lắm, Chuyện ông Móng, Chú Hoạt tôi.

 

Nguyễn Huy Thiệp và tiếng vang sâu lắng tại Hàn Quốc - Ảnh 3.

Nguyễn Huy Thiệp viết nhiều truyện ngắn lắm, cô chọn ra 15 tác phẩm như thế nào?

Tôi chọn ra 15 tác phẩm để dịch. Sau khi tìm hiểu qua nhiều tư liệu, tôi chọn ra những tác phẩm nổi tiếng hoặc đáng dịch, loại trừ những tác phẩm liên quan đến lịch sử và văn học trong số truyện ngắn của tác giả. 

Ban đầu, Daesan không chấp nhận các tác phẩm do dịch giả lựa chọn, biên tập. Tuy nhiên, đối với trường hợp văn học Việt Nam, họ cho phép dịch giả tự chọn. Tất nhiên tôi đã giải thích tình huống xuất bản ở Việt Nam và họ đã đồng ý.

Nguyễn Huy Thiệp và tiếng vang sâu lắng tại Hàn Quốc - Ảnh 4.

Điều khó nhất khi dịch văn chương Nguyễn Huy Thiệp là gì?

Vì chuyên ngành của tôi là dịch thuật văn học nên tôi không thể lười biếng trong việc dịch tác phẩm. Nếu tôi cảm thấy không chắc chắn về điều gì dù là nhỏ nhất, tôi cũng có thể sai, nên tôi luôn hỏi những người Việt Nam quen biết. Tôi dành nhiều thời gian để nghiên cứu dữ liệu và liên tục tham khảo thêm tri thức trên Internet.

Tác phẩm đáng nhớ nhất mà cô dịch là gì?

Tôi nghĩ tác phẩm đáng nhớ nhất là Chảy đi sông ơi. Nhờ tác phẩm này mà tôi dịch được cả cuốn Tuyển tập tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp... Khi dịch mấy trang cuối, tới cảnh nhân vật chính bật khóc, tự nhiên tôi cùng rơi nước mắt. Đó là tác phẩm có ý nghĩa nhất đối với tôi, vì vậy tôi đã đặt nó ở vị trí đầu tiên trong bản dịch. 

Tôi cũng tự quyết định thứ tự sắp xếp các tác phẩm, nhà xuất bản tôn trọng lựa chọn và quyết định của tôi về mọi mặt.

Độc giả Hàn Quốc phản hồi thế nào sau khi xuất bản?

Đã hai tuần kể từ khi bản dịch được xuất bản, tôi rất vui vì độc giả Hàn Quốc phản hồi tốt hơn tôi nghĩ. Thẳng thắn mà nói, các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp có thể không phù hợp với thị hiếu của độc giả Hàn Quốc ngày nay. 

Tuy nhiên, cũng giống như các tác phẩm của ông ấy đã vượt ra ngoài biên giới và gây được tiếng vang với người phương Tây, tôi tin rằng chúng sẽ có thể gây được tiếng vang lặng lẽ mà da diết, âm thầm nhưng sâu lắng trong lòng độc giả Hàn Quốc.

Xin cảm ơn cô.■

Quỹ văn hóa Daesan là quỹ đầu tiên và duy nhất hỗ trợ ngành văn học thuộc các tập đoàn lớn Hàn Quốc và là quỹ công ích trực thuộc Tập đoàn Bảo hiểm nhân thọ Kyobo, được thành lập ngày 28-12-1992 với mục đích góp phần toàn cầu hóa văn học Hàn Quốc và phát triển văn hóa dân tộc.

Từ năm 2001, Quỹ văn hóa Daesan đã tuyển chọn, dịch và xuất bản mỗi năm chừng 8 tác phẩm văn học nước ngoài, tác phẩm đầu tiên là The Life and Opinions of Tristram Shandy, Gentleman (1759) của Laurence Sterne. Tuyển tập Nguyễn Huy Thiệp là tác phẩm thứ 183 được giới thiệu.

Theo tôi, tác phẩm văn học Việt Nam đầu tiên được du nhập vào Hàn Quốc là Nửa chừng xuân của Khái Hưng, xuất bản năm 1969. Tất nhiên, trước đó, Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu đã xuất bản vào năm 1906, nhưng đây có thể coi là một cuốn sử. Sau đó là Tuyển tập Truyện cổ tích Việt Nam được xuất bản năm 1984 và Áo trắng của Nguyễn Văn Bổng năm 1986. Tính đến thời điểm này, có 51 tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch sang tiếng Hàn, trong đó có 5 tác phẩm dịch 2 lần.

Tuy nhiên, so với sự phát triển của quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc, giao lưu trong lĩnh vực văn học có thể nói là vẫn rất khiêm tốn. Hiện nay, Hàn Quốc có một tổ chức gọi là Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc, hỗ trợ dịch văn học Hàn Quốc sang các ngôn ngữ khác. Nhờ đó, rất nhiều tác phẩm văn học Hàn Quốc gần đây đã được dịch sang tiếng Việt.

Nhưng việc giới thiệu văn học Việt Nam sang Hàn Quốc thực sự rất ít. Nguyên nhân chính là do thiếu nhân lực dịch thuật. Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam hầu như không có, đây có thể nói là một trong những nguyên nhân gây khó khăn nhất cho việc dịch thuật tác phẩm văn học Việt Nam sang các ngôn ngữ khác nói chung, sang tiếng Hàn nói riêng.

Mặt khác, đội ngũ dịch giả dịch văn học Việt Nam sang tiếng Hàn chủ yếu là người Hàn nói được tiếng Việt. Người Hàn sẽ có những lợi thế nhất định so với người Việt khi dịch văn học Việt Nam sang tiếng Hàn nhưng cũng có điểm bất lợi khi việc dịch thuật đòi hỏi phải am tường sâu sắc, toàn diện về đất nước, con người, văn hóa… Việt Nam. Trong trường hợp người Việt Nam nói tiếng Hàn, khi dịch tác phẩm từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng Hàn, dịch giả tuy có sở trường về ngôn ngữ nhưng lại gặp không ít khó khăn với mục tiêu phải chuyển ngữ tự nhiên, phù hợp với cách nói, lối tư duy, văn hóa… Hàn Quốc.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ trở thành một nước tiên tiến trong tương lai. Vì vậy, ngay từ bây giờ, Chính phủ Việt Nam cần có tầm nhìn quốc tế để đề ra một chính sách văn hóa phù hợp với sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa của đất nước hiện nay. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cần lắng nghe, tập hợp ý kiến của các chuyên gia đầu ngành liên quan đến văn hóa, văn học Việt Nam nhằm đề ra chính sách tốt, đưa văn hóa Việt Nam vượt sóng biển khơi, vươn tầm quốc tế.

GS.TS Bae, Yang Soo

GS.TS Bae, Yang Soo (Trưởng Khoa Tiếng Việt, ĐH Ngoại Ngữ Busan, Hàn Quốc)

Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 14.4.2023.

 
 
 

          Ngày 28 tháng 11 năm 2009, tại VP Khoa Văn học và Ngôn ngữ,  đề tài  Khảo sát, đánh giá, bảo tồn di sản văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX do PGS.TS. Đoàn Lê Giang làm chủ nhiệm đã được nghiệm thu. Hội đồng nghiệm thu do GS.TS. Nguyễn Văn Hạnh làm chủ tịch đã đánh giá đề tài đạt mức độ “Tốt” (mức cao nhất).

Những kẻ tuyệt vọng bắt đầu một cách vừa lãng mạn vừa ly kỳ, và độc giả rồi sẽ ngợp trong không khí của các tiểu thuyết tâm lý xã hội và hiện thực huyền ảo với những điểm xuyết đậm chất gothic.

Đêm trăng, côn trùng nỉ non. Trong công viên um tùm cây cối của một tòa lâu đài bỏ hoang, một người đàn ông trung niên đứng lặng trước mặt hồ, dưới đáy sâu kia là thi thể đang tan rữa của một thiếu phụ hẳn đã có ý nghĩa đặc biệt với anh, thi thể do chính tay anh từng bí mật gói ghém và đẩy vào lòng nước, có lẽ với rất nhiều cay đắng. Một hồn ma nữ thì thầm cất lời … 

Những kẻ tuyệt vọng bắt đầu một cách vừa lãng mạn vừa ly kỳ, và độc giả rồi sẽ ngợp trong không khí của các tiểu thuyết tâm lý xã hội và hiện thực huyền ảo với những điểm xuyết đậm chất gothic. 

Tất cả được lồng ghép và bổ sung cho nhau một cách tài hoa và tinh tế, trong một cấu trúc chặt chẽ, một nhịp điệu tao nhã, qua hai giọng kể xen kẽ - của nhân vật chính và của một người chỉ lộ diện ở những trang cuối - dưới ngòi bút điêu luyện và cái nhìn sắc bén của Minh Tran Huy.

20230312

Người tình xinh đẹp ơi, chúng mình là thế này: nàng không còn nếu thiếu ta, ta không còn nếu thiếu nàng - Câu thơ của nữ sĩ Marie de France được tác giả chọn làm lời đề từ như để báo trước một cái kết buồn.

Lise và Louis gặp nhau ở sân trường đại học, cùng tuổi hai mươi, cùng yêu lần đầu, cùng choáng váng bởi người đối diện, nhưng đó là hai cá thể khác nhau như trời với vực. Lise thâm trầm và say mê cái đẹp, Louis sôi nổi và tôn vinh đồng tiền; Lise thả hồn vào thế giới văn chương và điện ảnh, Louis thực dụng và không đọc gì ngoài thông tin thời sự; Lise khổ sở vì hoài nghi và liên tục chất vấn, Louis tự tin tiến thẳng vào đời…

Sự đối lập này hẳn đến từ những khác biệt trong nguồn gốc của hai nhân vật: Lise là kết quả cuộc hôn nhân giữa một di dân Việt và một phụ nữ Pháp đều nhờ học hành mà đặt chân được vào giới trí thức trung lưu; còn Louis sinh ra trong một gia đình quyền quý của Paris, nơi từng thành viên đều ý thức được vị thế xã hội của mình. 

Tiếng sét ái tình, do vậy, nhanh chóng bị chiếm chỗ bởi những mâu thuẫn ngày càng gay gắt, không phải chỉ giữa hai cá tính quá mạnh mà còn giữa hai tầng lớp xã hội bề ngoài có vẻ hòa hợp nhưng bản chất là xung đột trong nhiều giá trị và nhân sinh quan.

Có thể nói, khác biệt giai cấp là đề tài trọng tâm của Những kẻ tuyệt vọng - nơi độc giả có dịp thám hiểm những ngóc ngách quanh co nhất trong tâm hồn con người, khám phá những trải nghiệm vừa lạ vừa quen của những khao khát cuồng nhiệt đến mức hủy diệt, tiến sâu vào những vấn đề xã hội học như ảnh hưởng của tuổi thơ, nguồn gốc, học vấn, điều kiện sống lên việc hình thành nhân cách, mối quan hệ khăng khít và bí hiểm giữa cái thiện và cái ác, giữa sát nhân và nạn nhân, giữa tinh thần và vật chất, giữa kiến thức và trải nghiệm, giữa hiện thực và huyễn tưởng, giữa đồng tiền và quyền lực, giữa cuộc sống và cái chết…

Với người đọc Việt Nam, Những kẻ tuyệt vọng viết lên những trang tuyệt đẹp về cố hương và tha hương; về chiến tranh, lịch sử và những cái giá phải trả; về ẩm thực, ngôn ngữ và tổ tiên; về sự tích Trầu Cau, cổ tích Tấm Cám, truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy…

Sau Công chúa và chàng đánh cá, tiểu thuyết đầu tay lấy cảm hứng từ chuyện tình Trương Chi và Mỵ Nương, Minh Tran Huy tiếp tục xây cầu nối giữa thế giới huyền thoại và thế giới đương đại, giữa văn học dân gian Việt Nam và văn chương thế giới, như một cách bày tỏ tình cảm với ký ức và lịch sử của cha ông, như thử tìm một bến bờ mới trong cuộc phiêu lưu cùng chữ nghĩa với một hành trang kiến thức đã vô cùng phong phú.

Khi gặp Minh Tran Huy lần đầu tiên cách đây nhiều năm, cô gái dong dỏng cao với mái tóc đen dài, cặp mắt long lanh với cái nhìn cương trực ấy đang là phó tổng biên tập tạp chí văn chương danh tiếng Magazine Littéraire

Người mẹ gốc Nha Trang đã tặng Minh những nét đẹp duyên dáng của phụ nữ Chàm, và người cha quê miền Bắc đã truyền cho Minh sự nhạy cảm với ngôn từ. Minh bảo tên đầy đủ của Minh là Trần Huy Ngọc Minh, nghĩa là viên ngọc sáng.

Hơn một năm sau, mùa thu 2007, trong hiệu sách của Paris, tôi bất ngờ thấy tiểu thuyết La princesse et le pêcheur (Công chúa và chàng đánh cá) với Minh Tran Huy ở vị trí tác giả. Nỗi tò mò đã khiến tôi đọc xong trong một đêm tác phẩm hư cấu với nhiều tính tự truyện đó của Minh và không mấy bất ngờ khi hay tin nó được vào chung khảo của giải Goncourt dành cho tiểu thuyết đầu tay cùng năm. 

Nhưng có lẽ phải đợi đến La double vie d’Anna Song (Cuộc đời hai mặt của Anna Song) thì văn phong của Minh mới tỏa sáng bội phần. Voyageur malgré lui (Người lữ hành bỉ cực), viết 5 năm sau đó, khẳng định bút lực dồi dào của Minh.

Trước khi xuất bản tiểu thuyết thứ tư Những kẻ tuyệt vọng, Minh là tác giả của nhiều tiểu luận văn học, trong đó có tập Les écrivains et le fait divers: une autre histoire de la littérature (Các nhà văn và những tin vặt: một câu chuyện khác của văn chương). Tháng 9 này, độc giả Pháp sẽ được đọc Un enfant sans histoire (Một đứa trẻ vô hại) mà tôi đã được Minh cho xem bìa và thổ lộ nhiều tâm huyết.

Sau Linda Lê, cùng với Viet Thanh Nguyen, Ocean Vuong, Doan Bui…, Minh Tran Huy đang làm nên cái gọi là văn chương gốc Việt. ■

Thuận

Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 16.01.2023.

Năm 2023 đánh dấu mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh, nhưng lịch sử mối quan hệ giữa nước ta với một trong những cường quốc hàng đầu thế giới đã bắt đầu từ những ngày đầu Anh cùng các quốc gia châu Âu mở rộng hoạt động thương mại, tìm kiếm thị trường ở châu Á sau thành công vang dội mà các cuộc phát kiến địa lý đem lại.

Không giống mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ, Pháp, hay Liên Xô/Nga, Trung Quốc hoặc các quốc gia láng giềng, quan hệ giữa Việt Nam và Anh, nhất là trong những buổi đầu tiếp xúc đã không được nghiên cứu và phổ quát một cách rộng rãi. Chính vì vậy, việc có những nhà nghiên cứu, những học giả tìm tòi những đơn hàng xuất nhập khẩu, những thư trao đổi qua lại giữa đại diện hai nước trong hàng triệu trang tư liệu cổ của Công ty Đông Ấn Anh mang một ý nghĩa hết sức đáng quý. Alastair Lamb là một nhà nghiên cứu như thế. Là một sử gia về ngoại giao, nhưng ông có một phông nghiên cứu rộng về cả khảo cổ, lịch sử và quan hệ quốc tế; cũng như khả năng đọc, tìm hiểu những tư liệu gốc quý giá tại các trung tâm lưu trữ, thư viện ở nhiều quốc gia trên thế giới để cho ra đời những tác phẩm quý giá. Khi nghiên cứu về các thuộc địa Anh ở Đông Nam Á, ông đã có cơ hội quan trọng để tìm hiểu về hoạt động của Công ty Đông Ấn Anh trong khu vực, và từ đó cho ra đời những nghiên cứu về hoạt động của người Anh ở Việt Nam thời cận đại. Tuy nhiên, ông đã phải mất cả thập kỷ để hoàn thiện nghiên cứu về vấn đề này khi năm 1961 cho xuất bản chuyên san về quan hệ Anh – Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX với nhan đề “British Missions to Cochin China: 1778-1822” đăng trên tạp chí Journal of the Malayan Branch of the Royal Asiatic Society. Đến năm 1970, kế thừa những kết quả nghiên cứu trước đó và sưu tập, bổ sung thêm một loạt tài liệu mới tìm được ở Phông Lưu trữ về Công ty Đông Ấn Anh (ngày nay các tài liệu này còn được giữ tại các Thư viện Quốc gia Anh (British Library), Bảo tàng Anh (British Museum), hay thư viện của các trường Đại học lớn và một số thư viện cá nhân, Lamb đã cho xuất bản công trình “The Mandarin Road to Old Hué: Narratives of Anglo-Vietnamese Diplomacy from the 17th Century to the Eve of the French Conquest”.

Có thể nói đây là công trình nghiên cứu đầy đủ đầu tiên của một học giả về quan hệ Việt Nam – Anh đến trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Đà Nẵng năm 1858 mặc dù thực tế những phái bộ đó đến với Đàng Trong (thời chúa Nguyễn) và khu vực Nam Trung Bộ dưới thời Nguyễn nhiều hơn là đến khu vực miền Bắc. Nhận thức được tầm quan trọng của công trình này, NXB Hội Nhà văn cùng với Thư viện Nguyễn Văn Hưởng đã đầu tư để Đinh Tuấn Nghĩa dịch dưới nhan đề “Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 -19”. Cái tên “Con đường thiên lý” mang đậm hơi hướng văn chương, nhưng cũng từ đó mà nó gợi lên hình ảnh về một chặng đường lâu dài, cam go của người Anh trong việc tiếp cận thị trường và chính quyền Việt Nam thời cận đại.

Những khó khăn đó được toát lên từ nhiều khía cạnh khác nhau; đơn cử như trong hoạt động ngoại giao là việc các thương nhân Anh khó tiếp cận với chúa Trịnh ở cuối thế kỷ XVII để xin giấy phép buôn bán, xây dựng thương điếm, hoặc là nếu có tiếp cận được thì cũng tốn nhiều kinh phí, bị hạch sách bởi quan lại các cấp.Hoặc như chuyến đi năm 1778 của Chapman gặp nhiều bất trắc do lúc này là thời điểm diễn ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn khiến người Anh phải cẩn trọng với những phe nhóm chính trị, quân sự khác nhau; và thậm chí tàu Jenny của Anh đang neo đậu ở Huế đã phải nổ súng tấn công hai tàu Đàng Ngoài vào tháng 11/1778.2 Macartney cũng gặp sự nghi ngờ của chính quyền địa phương bởi thực tế khủng hoảng và hỗn loạn lúc bấy giờ. Ngày 4/6/1793, phái bộ Anh được triều đình Tây Sơn tiếp đón với những sự chuẩn bị có vẻ khác thường khi ngoài những nghi lễ ngoại giao, quà tặng, hoạt động giải trí thông thường, người Anh còn phát hiện thấy “ngoài 150 lính giáo diễu hành gần nhà quan Trấn thủ thì còn có khoảng nửa tá voi và một số lớn kỵ binh trong làng, dù không ra mặt, cùng với lượng lớn bộ binh lẫn giữa khu nhà dân, được điều xuống từ trong đất liền ngay khi chúng tôi mới xuất hiện ở vịnh” bởi nhà Tây Sơn “vốn có những nghi ngờ không nhỏ về chúng tôi, coi chúng tôi không hơn bọn hải tặc và lục lâm là mấy”.3 Chúa Nguyễn thế kỷ XVII, XVIII là những người phóng khoáng, sẵn lòng chào đón thương nhân Anh; nhưng vương triều Nguyễn của vua Gia Long, Minh Mạng rồi Thiệu Trị, Tự Đức lại có những lý do khác nhau để từ chối, hạn chế tiếp đón và hợp tác với người Anh, khiến cho những chuyến đi của sứ bộ Anh trong thế kỷ XIX hầu như không có kết quả khả quan.

Cuốn sách này có cách trình bày rất đơn giản, phổ thông theo biên niên sử, nhưng chính cách tiếp cận đó lại dễ dàng giúp cho người đọc có thể hình dung về diễn tiến mối quan hệ Anh – Việt Nam, hay cụ thể hơn là những hoạt động ngoại giao và thương mại của đại diện Công ty Đông Ấn Anh tại Việt Nam. Sáu phần khác nhau thực chất là sự lần lượt trình bày các phái đoàn Anh ở Việt Nam theo dòng thời gian từ cuối thế kỷ XVII cho đến giữa thế kỷ XIX, gồm phái bộ của Thomas Boyear (1695-1696), Chapman (1778), George Macartney (1793), Roberts (1804), John Crawfurd (1822), Davis (1847) và Thomas Wade (1855). Cách tiếp cận vấn đề của Lamb thiên về phía Anh khi đặt vấn đề nghiên cứu theo diễn biến của các phái bộ Anh tới Việt Nam, và từ đó là đưa ra góc nhìn của người Anh về câu chuyện quan hệ Anh – Việt Nam trong gần ba thế kỷ. Điều đó có thể sẽ không làm hài lòng những độc giả muốn một cách tiếp cận tổng thể, hai chiều; nhưng lại hoàn toàn phù hợp với hàm lượng khoa học của một công trình ra đời năm 1970, khi mà việc khai mở, trình bày hệ thống tư liệu gốc vốn đa dạng, phong phú về một vấn đề nghiên cứu đã được coi là một đóng góp vô cùng quan trọng cho khoa học; và tác giả cũng không phải là người dành cả cuộc đời nghiên cứu về Công ty Đông Ấn Anh và quan hệ của nó với Việt Nam. Lamb đã đóng vai trò khai mở quan trọng, giúp một loạt nhà nghiên cứu về thương mại Việt Nam thời cận đại, hay quan hệ Việt Nam – Anh tiếp tục hoàn thiện và bổ sung với những tư liệu mới và những cách tiếp cận mới.

20230308 2

Bức thư của chúa Trịnh Tạc gửi công ty Đông Ấn Anh, có thể được viết vào năm 1673. Nguồn ảnh: Bảo tàng Anh.

Với cách làm đó, phần lớn nội dung cuốn sách của Lamb không phải là những lập luận, đánh giá của tác giả về quan hệ Anh – Việt Nam mà là tổng hợp, công bố những tư liệu như hồi ký, ghi chép, đánh giá thú vị của các đại diện Công ty Đông Ấn Anh, các thủy thủ trên tàu, hoặc thư từ trao đổi giữa Anh và Việt Nam còn được lưu giữ. Những ghi chép đó là vô cùng quan trọng, quý giá để đưa ra thông tin về mối quan hệ còn nhiều điểm chưa được khai lộ như thực tế mối quan hệ thương mại Anh – Việt Nam trong thế kỷ XVII, hoặc những nỗ lực của người Anh trong tiếp xúc với triều đình và quan lại Việt Nam xuyên suốt mấy trăm năm; cũng như góp phần quan trọng vào việc cung cấp một góc nhìn của người Anh về con người, văn hóa, kinh tế và các mặt đời sống xã hội Việt Nam thời cận đại; cùng với những công trình của học giả người Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX để làm giàu hơn những ý kiến của người châu Âu về đất nước ta. Mỗi một ghi chép đều chứa đựng những thông tin cụ thể về triều đình, tranh chấp quyền lực, phân bố địa giới hành chính, chế độ quan lại, quân đội, các sản phẩm hàng hóa, các thương cảng quan trọng, hoặc hoạt động của thương nhân nước ngoài ở Việt Nam.4 Ví dụ, trong hồi ký của Bowyear, ngoài những lời ca tụng về sự giàu có tài nguyên và tiềm năng hàng hóa của Đàng Trong, sự giúp đỡ và chào đón của quan lại địa phương, phái bộ Anh còn ghi lại việc có quan Giám thương thứ 2 đòi hỏi số tiền 500 lượng bạc để đưa kiến nghị của họ lên chúa Nguyễn; hay việc có sự cạnh tranh thương mại khá lớn với cả người Chăm-pa, người Campuchia.5 Ghi chép của Chapman năm 1778 khá thú vị với chi tiết về việc chia khu vực từ Đồng Hới đến Đồng Nai thành 12 dinh; hay những phân tích cụ thể về khí hậu, động thực vật Nam Trung Bộ và con người nơi đây.6 Đáng chú ý, các thương nhân Anh đều khẳng định một thương điếm ở Đàng Trong sẽ cho họ “một lợi thế vượt trội” trong việc buôn bán với Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Xiêm, Campuchia.7 Trong đó, nếu như chuyến đi của Bowyear nhấn mạnh đến sự thuận lợi của Hội An thì những phái bộ sau nhắc rất nhiều đến Đà Nẵng: nơi trú ẩn an toàn cho tàu của công ty, nơi thu hút thương nhân quốc tế, nơi dễ dàng phòng thủ (với Cù Lao Chàm) và tấn công thương điếm của người Hà Lan và Tây Ban Nha.8 Vị trí của Đà Nẵng tiếp tục được ca ngợi trong chuyến đi của Crawfurd bên cạnh hệ thống cảng ở Hội An, Phan Rí, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi để tạo ra lợi thế lớn trong hệ thống thông thương quốc tế lúc bấy giờ.9 Có thể thấy, những giá trị trên của Việt Nam là một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy các nước phương Tây nhòm ngó nước ta, và Pháp đã nổ súng tấn công Đà Nẵng năm 1858, mở đầu quá trình xâm lược Việt Nam.

Bên cạnh vai trò tổng hợp tư liệu như đã nói, vai trò và đóng góp khoa học của Lamb cũng được khẳng định thông qua những nhận định của riêng ông trong phần mở đầu và dẫn nhập trước mỗi chuyến đi của các sứ bộ. Thế kỷ XVII với những buôn bán giữa Công ty Đông Ấn Anh với Đàng Ngoài đã phần nào được khắc họa với những nhận xét sâu sắc trong phần đầu cuốn sách như về một “chính quyền chúa Trịnh ngay từ đầu đã gây cản trở (buôn bán), còn quan lại thì hám lợi và thối nát”; hay giải thích cho sự tồn tại 25 năm của thương điếm Đàng Ngoài dù cho buôn bán với Nhật Bản bị từ chối là bởi Đàng Ngoài có thể cung cấp “nguồn lụa mịn cho Công ty Đông Ấn bán ở London và các thị trường châu Âu có nhu cầu”.10 Đặc biệt, những trao đổi thương mại Anh – Đàng Ngoài nửa sau thế kỷ XVII đã được tác giả chỉ ra dù rằng nó không thực sự nổi bật so với thương mại của Anh với Ấn Độ, Bantam, Trung Quốc đương thời. Trước mỗi ghi chép về các phái bộ Anh, Lamb đều đưa ra những nhận định của mình về bối cảnh quốc tế, khu vực, sự cạnh tranh cường quốc dẫn đến hoạt động của người Anh, cũng như tác động, giá trị của các chuyến đi. Trước nội dung về chuyến đi của phái bộ Davis và Wade năm 1847 và 1855, Lamb đã có những so sánh khá thú vị về nguyên nhân Xiêm thành công trong việc duy trì độc lập, còn triều Nguyễn thất bại và Việt Nam rơi vào tay Pháp. Ông cho rằng Xiêm có vị trí độc đáo, và chính sách ngoại giao khéo léo “uốn mình theo chiều gió”, và có những động thái có thể so sánh với Duy Tân Minh Trị. Ngược lại, triều Nguyễn có những chính sách đóng cửa, cô lập giống Mạc phủ Tokugawa đầu thế kỷ XVII và khiến cho đất nước lâm vào bối cảnh bất lợi. Lamb cũng có những đánh giá cụ thể về sự thay đổi chính sách ngoại giao qua từng vị vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức để làm nổi bật lên nguyên nhân Việt Nam rơi vào tay Pháp.11 Những tư liệu được khai thác cùng với những nhận định quan trọng của Lamb cho thấy ông là nhà khoa học nghiêm cẩn, khách quan và luôn cố gắng giúp độc giả có được những thông tin quan trọng nhất về vấn đề nghiên cứu.

Lịch sử các phái bộ Anh đến Việt Nam xuyên suốt ba thế kỷ có thể coi là minh chứng hùng hồn cho sự hấp dẫn của Việt Nam về cả kinh tế, địa chính trị thời cận đại, và thậm chí là hiện nay. Dù không phải là những thị trường quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, cũng không phải là một thuộc địa quan trọng kiểu Ấn Độ, Hồng Kông hay Singapore nhưng Việt Nam vẫn có những giá trị nhất định trong quan điểm, góc nhìn của những đại diện Anh về tiềm năng hàng hóa, vị trí địa chiến lược. Những giá trị đó được lý giải cụ thể qua các ghi chép của họ, và qua tính liên tục trong các chuyến thăm trong suốt ba thế kỷ. Nhưng, cũng chính từ các phái bộ đó đã giúp độc giả hình dung được lý do Anh không quá mặn mà thâm nhập sâu vào Việt Nam khi mà họ không nhận được sự hợp tác từ chính quyền và đã có được ảnh hưởng quan trọng ở Xiêm, thiết lập được thuộc địa ở Singapore, Hồng Kông để kiểm soát con đường buôn bán trên biển từ Ấn Độ đến Trung Quốc. Chính điều đó tạo điều kiện cho Pháp có những hành động gây hấn, xâm lược ở nửa sau thế kỷ XIX khi Pháp cũng cần một địa điểm có thể kiểm soát buôn bán trong khu vực, và để cạnh tranh với một loạt thuộc địa của Anh.

Bức tranh vẽ đoàn của Công ty Đông Ấn Anh vào cuối thế kỷ 18. Nguồn: National Geographic.

Có lẽ sẽ tuyệt vời hơn nếu cuốn sách được dịch và xuất bản sớm hơn, trước khi có những nhà nghiên cứu Việt Nam về vấn đề này, hay trước cả trào lưu dịch các sách tiếng Pháp về Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; để cung cấp cho chúng ta những góc nhìn độc đáo của người nước ngoài về con người, cuộc sống, kinh tế, văn hóa Việt Nam thời cận đại. Dẫu vậy, bản dịch của Đinh Tuấn Nghĩa là bản dịch tiếng Việt đầu tiên công trình của Lamb và trở nên vô cùng đáng đọc với những ai muốn tìm hiểu về quan hệ Anh – Việt Nam, về thương mại Việt Nam và thế giới thời cận đại, về những tiềm năng quan trọng của đất nước dưới mắt người nước ngoài (dưới góc nhìn của lý thuyết trung tâm – ngoại vi quyền lực) để có thể trao đổi với quốc tế và phát triển kinh tế; hay những cảng thị có vị trí địa chính trị quan trọng như Hội An, Đà Nẵng. Công trình này do đó trở thành một kênh tham khảo quan trọng để độc giả Việt Nam tìm hiểu về quan hệ Anh – Việt Nam một cách cơ bản bên cạnh những nghiên cứu học thuật chuyên sâu gần đây về vấn đề này. □

Trần Ngọc Dũng

*TS Trần Ngọc Dũng, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Nguồn: Tia sáng, ngày 05.03.2023.

——-

 

Chú thích

1 Xem thêm Trần Ngọc Dũng, “Tiếp xúc ngoại giao Anh – Việt thế kỷ XVII dưới góc nhìn của người Anh”, Nghiên cứu Lịch sử, 4 (2019), tr. 11-22.

2 Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 126-127.

Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 259.

4 Xem thêm Hoàng Anh Tuấn, Trần Ngọc Dũng, “Tư liệu lưu trữ Anh về quan hệ Việt Nam – Anh (thế kỷ XVII- XIX)”, Nghiên cứu Lịch sử, 3 (2021), tr. 58-68.

5 Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 76-79, 92.

6 Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 204-209.

7 Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 211.

8 A. Lamb, The Mandarin Road to Old Hue: The narrative of Anglo-Vietnamese Diplomacy from the Seventeenth Century to the Eve of The French Conquest, London, 1970, p. 176.

9 G. Finlayson, The Mission to Siam, and Hue, the capital of Cochinchina in the year 1821-2, London, 1826, p. 329; J. Crawfurd, Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin-china, 2 volumes, London, 1830, p. 244.

10 Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 48, 55.

11 Alastair Lamb, (Đinh Tuấn Nghĩa dịch), Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022, tr. 426-432.

Triển lãm Nghệ thuật lưu đày - Hàm Nghi, Hoàng tử An Nam (1871-1944) được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á tại thành phố Nice, Pháp, diễn ra từ ngày 19.3-26.6.2022, do Tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi là giám tuyển.

*  *  *

Sinh thời, vua Hàm Nghi từng có một số triển lãm cá nhân ở Paris: tại Bảo tàng Guimet (1904), tại Galerie Mantelet (1911), tại Galerie Mantelet - Colette Weil (1926). Nhiều tác phẩm nghệ thuật của ông đã bị phá hủy trong vụ cháy (vì chiến sự) tại Algeria năm 1964. Hiện còn khoảng 100 tác phẩm hội họa và điêu khắc sót lại trong các bộ sưu tập cá nhân, sở hữu bảo tàng và một số bạn bè, gia đình. 

Triển lãm Nghệ thuật lưu đày - Hàm Nghi, Hoàng tử An Nam (1871-1944) trưng bày khoảng 150 tác phẩm nghệ thuật và vật dụng cá nhân của Hàm Nghi như những bản thảo viết tay, tranh sơn dầu hay tranh màu nước theo trường phái Ấn tượng, những bức tượng điêu khắc bằng chất liệu đồng, gỗ; những kỷ vật, thư từ, hình ảnh gắn bó với cuộc đời lưu đày của ông.

Triển lãm là một phần trong dự án nghiên cứu tìm hiểu về vua Hàm Nghi với vai trò một nghệ sĩ, là một phần của dự án nghiên cứu về vị vua có số phận lịch sử bi tráng do Amandine Dabat thực hiện trong hơn 10 năm qua.

Năm 2019, cô đã xuất bản tại Pháp cuốn sách Hàm Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger (Hàm Nghi - vị hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger), gây tiếng vang quốc tế.

Sinh năm 1987, Amandine Dabat là hậu duệ trong nhánh của công chúa Như Lý, con gái thứ hai của vua Hàm Nghi. Amandine Dabat học chuyên ngành lịch sử nghệ thuật và khảo cổ, có nhiều nghiên cứu về văn hóa ngôn ngữ Đông Dương và Việt Nam. 

Amandine Dabat có thể chia sẻ đôi chút phản hồi của bạn đọc về cuốn sách cũng như cuộc triển lãm đang diễn ra tại Nice? 

Sau luận án tiến sĩ, xuất bản cuốn sách là công việc quan trọng của tôi nhằm giúp công chúng đương đại biết đến Hàm Nghi nhiều hơn. Ông không chỉ là một vị vua mà còn là một nghệ sĩ, một họa sĩ và một nhà điêu khắc. Điều này rất quan trọng, vì từ trước tới nay, Hàm Nghi chỉ được coi như một nhà chính trị trong suốt thời gian ông còn sống, và có thể luôn mang trong lòng sự phản kháng nước Pháp. Nhưng qua nghiên cứu, tôi phát hiện trong suốt quãng đời lưu vong với danh phận chính khách, chính trị không còn hấp dẫn ông nữa. Ông đã dành phần lớn cuộc đời lưu đày của một chính khách để hướng về nghệ thuật và đã thực sự trở thành một nghệ sĩ sáng tạo.

Sau khi xuất bản cuốn sách về cựu hoàng Hàm Nghi, việc tiếp tục chứng minh và khẳng định ông là nghệ sĩ rất quan trọng đối với tôi - một nhà nghiên cứu và cũng là hậu duệ của ông. Thực hiện được triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á trong năm 2022 với tôi là điều rất tuyệt vời.  

20221218 6

TS. Amandine Dabat chia sẻ với báo giới về cuộc triển lãm.


Đã có hơn 10 ngàn khách tới cuộc triển lãm. Hy vọng sẽ có khoảng 30 ngàn người đến triển lãm trước khi kết thúc tuần cuối tháng Sáu. Nhiều người Việt, người Pháp gốc Việt đến xem. Phần lớn họ đều bộc lộ cảm xúc, có người đã khóc khi thấy các tác phẩm nghệ thuật của một vị hoàng đế Việt Nam.

Tôi hạnh phúc vì các tác phẩm của Hàm Nghi được trưng bày, được thế giới biết đến. Bởi lẽ, suốt thời gian lưu vong bất đắc dĩ tại Pháp, Hàm Nghi bị đối xử như một tù nhân tại ngoại, ông không được tự do triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của mình. Trong bối cảnh bị cảnh sát Pháp theo dõi chặt chẽ, cựu hoàng Hàm Nghi chọn cách lưu giữ các tác phẩm như một phần của cuộc sống riêng tư của ông. 

Là hậu duệ của Hàm Nghi và là nhà nghiên cứu trẻ, cô cảm nhận thế nào khi thực hiện nghiên cứu về một vị vua sống cách thời đại của cô hàng trăm năm? 

Là hậu duệ của vua Hàm Nghi, tôi có cơ hội nhiều hơn các nhà nghiên cứu khác khi tìm kiếm tiếp cận các di sản, tất cả giấy tờ, thư từ mà ông đã lưu giữ khi còn sống. Việc phát hiện ra các giấy tờ này chính là sự khởi đầu cho nghiên cứu của tôi và nó giúp tôi hiểu rằng, mặc dù Chính phủ Pháp luôn coi ông là một cựu hoàng, một nhà chính trị, một tù nhân thì bản thân ông lại coi mình là một nghệ sĩ.  

Khi bắt đầu tìm kiếm tư liệu nghiên cứu, bản thân tôi cũng không biết những di sản của vua Hàm Nghi còn được lưu giữ. Họ hàng tôi trước đó không bao giờ cho bất cứ một nhà sử học nào chạm tới các lưu trữ cá nhân, vì vậy mà thế giới bên ngoài không ai biết những di sản của vua Hàm Nghi còn tồn tại. Hàm Nghi cũng chẳng bao giờ nói về cuộc sống trong quá khứ của ông với vợ con. Vợ ông không đồng ý cho ông nói tiếng Việt với con cái, nên ông không bao giờ nói cho con cái nghe về văn hóa (Việt Nam) của ông.

Khi tôi sinh ra, là thế hệ thứ 5, gia đình tôi cũng không biết gì nhiều về lịch sử của Hàm Nghi, ngoại trừ biết ông là ông cố mấy đời. Khi quyết định nghiên cứu về cuộc đời ông, có hàng loạt câu hỏi tôi đặt ra mà không ai trong gia đình có thể trả lời, dù gia đình tôi đang chăm sóc ngôi mộ của ông. Họ chẳng biết chút gì về cuộc sống cá nhân của ông, ngoại trừ việc biết ông sống lưu vong ở Alger, ông từng là vua An Nam. Nhưng chẳng ai nói với tôi điều đó khi tôi còn nhỏ. Tôi chỉ biết, người ta gọi ông là “hoàng tử An Nam”, và ông sống ở Algeria. Chỉ có thế. 

Gia đình tôi không hề nhận ra ông là một nhân vật lịch sử, một vị vua yêu nước có tinh thần phản kháng mạnh mẽ để bảo vệ dân tộc. Tra bách khoa toàn thư, tôi biết thêm vài thông tin. Rồi khi tôi theo học thạc sĩ lịch sử nghệ thuật, tôi quyết định tìm hiểu về các tác phẩm nghệ thuật của ông, tôi đã phải tìm đến các cơ sở lưu trữ quốc gia để tìm thêm thông tin về ông. 

Vua Hàm Nghi trong thời gian sống tại Algeria. Ảnh: Tư liệu gia đình


Amandine Dabat thích dùng cách nào để gọi vua Hàm Nghi: một ông vua bị lưu đày hay một nghệ sĩ? 

Tôi thích gọi ông với cái tên “Tử Xuân”. Tên này từng được ông dùng là tên họ ngay từ nhỏ. Sau này ông đã dùng làm họa danh ký dưới các tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, mỗi lần nói về ông với công chúng, hầu như tôi phải dùng tên Hàm Nghi, cái tên đã quen thuộc ở Việt Nam, hoặc gọi hoàng tử An Nam - “Prince d’Annam”, cách mà người ta gọi ông tại Pháp suốt thời gian ông sống lưu vong.  

Điều quan trọng nhất tôi muốn chuyển tải qua cuốn sách cũng như triển lãm là: Vua Hàm Nghi còn là một nghệ sĩ, một họa sĩ, một nhà điêu khắc, cho dù chính phủ Pháp chỉ coi ông là một cựu hoàng, một nhân vật chính trị, trong suốt thời gian họ lưu đày ông.

Trong lịch sử nghệ thuật, mỹ thuật của Việt Nam, Hàm Nghi không phải là nghệ sĩ được biết đến rộng rãi, do thực tế ông bị lưu đày và không bao giờ có cơ hội trở lại Việt Nam. Nhưng ông lại chính là nghệ sĩ hiện đại đầu tiên người Việt Nam vì ông đã học về hội họa (Fine Arts) từ năm 1889, một thập kỷ trước khi ông Lê Văn (Huy) Miến (1873-1943) được coi là họa sĩ đầu tiên của Việt Nam, từng theo học Fine Arts tại Paris. 

Tử Xuân hay Hàm Nghi cần được đặt vào đúng vị trí trong lịch sử hội họa Việt Nam. Ông xứng đáng được như vậy.

Có những khó khăn gì khi Amandine Dabat, một nhà nghiên cứu trẻ, gặp phải suốt quá trình tìm kiếm, tiếp cận thông tin về một nhân vật chính trị bị lưu đày từ Việt Nam đến Châu Phi cách xa thời đại cô sống cả trăm năm, nhất là sau khi hệ thống chính trị tại cả Việt Nam và Algeria đều thay đổi? 

Mặc dù cả hai đất nước đều đã trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc, nhiều tư liệu, dấu vết và các kết nối, liên hệ của nhân vật bị phá hủy, nhưng hầu hết các tài liệu lưu trữ đều đang nằm tại Pháp. 

Tôi rất may mắn vì hệ thống lưu trữ của Pháp được bảo toàn dù trải qua nhiều cuộc chiến. Nhiều lưu trữ liên quan đến Hàm Nghi được bảo quản trong các văn bản của chính phủ Pháp cả ở Đông Dương lẫn Algeria. Tài liệu lưu trữ này sau đó đã được chuyển về Pháp sau thời kỳ thuộc địa. Tôi đi tới đi lui cả Việt Nam, Algeria để tìm hiểu và nghiên cứu bổ sung các tài liệu liên quan còn lại tại hai nước này, nhưng không nhiều bằng ở Pháp.

May mắn nữa là hai người con gái của vua Hàm Nghi còn lưu giữ và bảo quản những tài liệu cá nhân của ông rất cẩn thận. Chỉ riêng tài liệu cá nhân liên quan đến Hàm Nghi, tôi đã tiếp cận được khoảng 2.500 tài liệu. 

Một góc triển lãm “Nghệ thuật lưu đày - Hàm Nghi, hoàng tử An Nam” (1871-1944) tại Nice.


Sau Nice, cô dự định thực hiện triển lãm tại đâu nữa? Cô có kế hoạch đưa triển lãm về Việt Nam không? 

Mục đích của tôi là tập trung vào chủ đề Hàm Nghi là một nghệ sĩ, giúp các tác phẩm của ông được biết đến rộng rãi hơn. Tôi hy vọng nhiều bảo tàng khác sẽ quan tâm và trưng bày bộ sưu tập này. Tuy nhiên, vì bộ sưu tập phần lớn thuộc sở hữu các bảo tàng tại Pháp và các nhà sưu tập cá nhân. Họ cho mượn nên tôi phải cân nhắc nghiêm túc và cẩn thận khi triển lãm ở bất cứ đâu, và phải được sự đồng ý của những người sở hữu. Trước mắt ưu tiên triển lãm tại Pháp và có thể sẽ là Singapore. 

Amandine Dabat chờ đợi gì sau khi sách “Hàm Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger” của mình được dịch sang tiếng Việt? Liệu cuốn sách có vẽ ra một chân dung mới của Hàm Nghi? 

Dịch cuốn sách sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam là điều tuyệt vời nhất với tôi, một cơ hội tốt để tôi giới thiệu với độc giả Việt chân dung một Hàm Nghi sống trong thời kỳ lưu vong. Ông đã sống thế nào, đã trở thành nghệ sĩ và đã tạo ra những tác phẩm nào. Tôi tin rằng Hàm Nghi cũng sẽ rất hạnh phúc khi được người Việt Nam nhìn nhận là một nghệ sĩ. Vì ông chính là một nghệ sĩ, nhưng cả cuộc đời dài bị chính phủ Pháp coi là một chính trị gia.

Amandine Dabat đã có cảm xúc thế nào mỗi lần đến Việt Nam, khi vừa là một nhà nghiên cứu, lại có kết nối với một gia đình hoàng tộc tại mảnh đất này?

Tôi sẽ còn đi đến Việt Nam nhiều, vì tôi đang thực hiện một đề tài liên quan đến một gia đình Pháp - Việt. Gia đình này có người ông từng là lính Pháp ở Bắc Việt Nam những năm 1890. Ông kết hôn với một phụ nữ Việt Nam khi đó. Những năm 1950, cháu chắt ông đã phải rời Việt Nam đến Pháp. Nghiên cứu của tôi ghi chép lịch sử của gia đình này, ghi lại những sự kiện quan trọng trong lịch sử đã ảnh hưởng đến một gia đình Pháp - Việt như thế nào. 

Mười năm trước đại dịch, năm nào tôi cũng đi đi về về Việt Nam. Hy vọng tôi có thể quay trở lại Việt Nam vào năm sau để giới thiệu cuốn sách của tôi được dịch sang tiếng Việt. Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi, và tôi cảm nhận được nguồn cội của mình chính là ở nơi này.

Vua Hàm Nghi (1871-1944) tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vị hoàng đế thứ 8 của triều Nguyễn nhưng chỉ trị vì được 1 năm (1884-1885). Sau khi phất cờ khởi nghĩa Cần Vương chống lại việc thành lập chính quyền bảo hộ của Pháp ở Đông Dương, ông bị bắt và bị thực dân Pháp đày sang thủ đô Algiers của Algeria năm 1888 khi ông mới 18 tuổi. 

Trong thời gian sống lưu đày, vua Hàm Nghi đã tìm sự khuây khỏa và tự do cho riêng mình trong văn chương, nhiếp ảnh và đặc biệt là trong hội họa, điêu khắc với những họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc bậc thầy của Pháp như Marius Reynaud và Auguste Rodin. Chịu ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng và hậu Ấn tượng của châu Âu, các bức tranh của ông chủ yếu vẽ bằng màu nước và sơn dầu, mô tả thiên nhiên, cảnh vật, còn các tác phẩm điêu khắc thường là chân dung các nhân vật, được làm bằng các chất liệu đồng, gỗ và thạch cao.

Năm 1904, vua Hàm Nghi kết hôn với bà Marcelle Laloe (1884-1974), con gái của Chánh án tòa Thượng thẩm tại Algiers. Hai người có với nhau 3 người con gồm công chúa Như Mai (1905-1999), công chúa Như Lý (1908-2005) và hoàng tử Minh Đức (1910-1990). 

Cô Amandine Dabat, chắt gái của công chúa Như Lý và là hậu duệ đời thứ 5 của Vua Hàm Nghi, là tiến sĩ lịch sử nghệ thuật (Đại học Sorbonne), thạc sĩ Việt Nam học (Đại học Paris-Diderot). Cô cũng là thành viên Trung tâm Đông Nam Á tại EHESS. Năm 2015, cô bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia (Paris) cũng với đề tài liên quan đến vua Hàm Nghi: “Hàm Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger” (Hàm Nghi - vị Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”. Mới đây, quyển sách cô viết về vua Hàm Nghi (cùng tên với luận án) đã nhận được Giải thưởng Hỗ trợ sáng tác văn học của Quỹ Del Duca (lược trích từ TTXVN).

Ninh Hạ thực hiện - Ảnh: Nguyễn Thu Hà

Nguồn: Người đô thị, ngày 19.6.2022.

Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa có quyết định trao giải nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2007-2008. Năm nay sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn đạt được 20 giải nghiên cứu khoa học cấp Bộ (gồm 1 giải nhất, 3 giải nhì, 6 giải ba, 10 giải khuyến khích).

Việt kiệu thư là một tấm gương sinh động phản ánh mối quan hệ ngoại giao phức tạp giữa các thể chế Đại Việt với Trung Hoa. Sự thay đổi triều đại từ Trần- Hồ- Lê sơ- Mạc được phản ảnh trong các văn kiện ngoại giao cho thấy những diễn ngôn chính trị của chủ nghĩa bành trướng Nho giáo thời Minh. Không chỉ là nguồn sử liệu về sự xâm lược bằng văn hóa, và đô hộ bằng vũ lực, Việt kiệu thư còn cung cấp bài học cho việc làm thế nào để giữ được hòa bình và tránh được chiến tranh từ góc độ của một nhà Nho thế kỷ XVI.

20220704 2Xuất cảnh đồ. Nguồn: Bảo tàng Cố Cung, Đài Loan. Cố Cung bác vật quán (出警圖 台北故宮博物院).

Chứa thông tin đa chiều về Đại Việt

Việt kiệu thư (越嶠書) nghĩa là sách ghi chép về miền núi non xa xôi của đất Việt. Đây là một bộ sử được viết dưới nhãn quan của người đời Minh. Tác giả của cuốn sách là Lý Văn Phượng đã biên soạn trong thời gian ông giữ chức Binh bị Thiêm sự ở Quảng Đông, và sau đó là ở Vân Nam – hai vùng đất giáp ranh với biên giới Đại Việt. Trong quá trình lĩnh chức, tác giả có lẽ đã phải tìm hiểu, sưu tập các ghi chép có liên quan đến lịch sử bang giao, để từ đó hình thành nên ý tưởng viết cuốn sách này. Ông đã biên soạn trong khoảng ba năm từ năm 1538 đến năm 1540. Cuốn sách gồm có 20 quyển được phân theo nhóm chủ đề. Quyển 1 viết về núi sông, biến đổi của các châu quận, hoạt động ở biên giới, sản vật, cổ tích và phong tục. Quyển 2 chép các thư, chiếu, chế, sắc của đế vương các đời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh. Quyển 3-6 biên niên từ các đời Đường Ngu đến các đời Đường, Tống, Nguyên, Minh. Quyển 7 viết về lịch sử Đại Việt từ họ Triệu (Đà) đến các họ Lý- Trần- Lê- Mạc. Quyển 8 viết về chế độ bao gồm trường học, quan chế, hình luật, hành chính, quân đội. Quyển 9-14 sưu tập thư sớ và di văn. Quyển 15-20 sưu lục các thư biểu, tấu biểu, thi phú của các vị tiên hiền và vua chúa của An Nam. Sách có tổng số hơn 3100 trang nguyên bản (Tứ khố toàn thư) với độ dài trên dưới 530.000 lượt chữ (gấp đôi trường độ của Đại Việt sử ký toàn thư). Trường độ, tuy không phải là vấn đề tiên quyết để đánh giá giá trị của sử liệu, nhưng cũng cho phép người đọc hình dung được công phu của người biên tập. Quyển 1 và các quyển từ 3 đến 8 thực tế là phần biên soạn của tác giả về lịch sử của Việt Nam trong mối quan hệ với các triều đại Trung Quốc, thể hiện những quan điểm và bối cảnh tri thức của tác giả. Quyển 2 và các quyển từ 9 đến 20 là các sưu tập văn kiện ngoại giao và thơ văn các đời, tuy không phải là bản cảo nguyên gốc, nhưng phần nào cũng có thể coi là nguồn sử liệu nguyên cấp.

Do tính chất là một tập sử liệu nhằm phục vụ việc quân sự, Việt kiệu thư chứa trong mình nhiều thông tin đa chiều về Đại Việt. Trước hết, đó là nguồn sử liệu về mối quan hệ giữa triều Hồ, Lê sơ, và Mạc với nhà Minh. Ở những phần sử chí về lịch triều, các sử liệu không có nhiều điểm khác biệt so với các bộ sử lớn hơn. Nhưng, những phần sưu tầm về giai đoạn thế kỷ XV-XVI của cuốn sách này có thể đem đến nhiều sử kiện và văn kiện mới. Các ghi chép về diên cách địa lý, thực chất là cơ cấu hành chính các đời Lý – Trần – Lê sơ, tuy không chính xác hoàn toàn, nhưng đã phác thảo diện mạo tổng quan của bản đồ địa lý các triều. Tiếp đến là những mô tả về ba đường huyết mạch từ Trung Hoa sang Giao Châu, với các tuyến và điểm trạm dừng chân chi tiết. Đó là đường từ Quảng Đông từ thời Mã Viện, đường Quảng Tây mở thời Tống, và đường Vân Nam vào thời Nguyên. Những ghi chép này có chỗ giống và khác với Giao Châu chí và nhiều thư tịch cổ khác. Dù chính xác hay chưa chính xác, nhưng đây là nguồn sử liệu quan trọng để khảo về lịch sử giao thông và lịch sử quân sự qua các thời. Cuốn sách này ngoài ra còn mô tả các hình thế núi sông, phong tục tập quán, danh lam thắng cảnh, sản vật trên rừng dưới biển… Nhưng ở các phần này, Việt kiệu thư cũng có đôi chỗ trùng với các sách như An Nam chí lược, hay An Nam chí nguyên.


Lý Văn Phượng đã kế thừa nhiều nguồn sử liệu cổ và các tư liệu đương thời. Trong đó, An Nam chí lược của Lê Trắc là bản tham khảo chính, và bổ sung thêm các việc từ năm Hồng Vũ (1368-1398) đến năm Gia Tĩnh (1521-1566). Để viết bổ sung cho giai đoạn 198 năm, Lý Văn Phượng đã tham khảo nhiều nguồn sử liệu thời, Minh bao gồm các bộ chính sử và địa chí của nhà Minh như Minh thực lụcMinh nhất thống chíMinh Thái Tổ thực lụcMinh Thái Tông thực lụcMinh Tuyên Tông thực lục,… cùng nhiều biên lục, ký, truyện khác. Các sự kiện giai đoạn 1402-1424, ông còn tham khảo sách Bình định Giao Nam lụcPhụng sứ An Nam thủy trình nhật ký,… Giai đoạn từ Lê sơ đến Mạc, ông tham khảo trực tiếp các tư liệu đáng án (công văn, giấy tờ ngoại giao song phương) giữa Đại Việt và Đại Minh. Các văn kiện này lưu trữ tại các nha môn ở địa phương, hay các cơ quan hành chính ở triều đình. Số lượng lớn các sử liệu như vậy chiếm nhiều trang sách của Việt kiệu thư. Đây rõ ràng là nguồn tư liệu rất quan trọng để nghiên cứu về lịch sử quan hệ bang giao bổ sung cho các pho chính sử của cả hai phía.

Khách quan khi đánh giá sử liệu

Việt kiệu thư cơ bản là một bộ sử thể hiện nhãn quan kẻ cả của “thiên triều” khi nhìn về Đại Việt. Người đọc thời nay hẳn sẽ khó chịu với nhiều chi tiết và lời lẽ trong sách này. Nhưng đây là sử liệu, phản ánh tư duy Hoa – Di của thời đại ấy. Cần nhìn nhận khách quan đó là sử liệu, chứ không phải dùng tình cảm ngày nay để phủ nhận sạch trơn tác phẩm. Nhưng cũng chính ở điểm này, Việt kiệu thư cung cấp nhiều cứ liệu cho khoa sử chí học (historiography) để nghiên cứu về tư tưởng sử của các sử gia Trung Quốc thời xưa. Ngay trong lời tựa sách, quan điểm chính – ngụy, Hoa – di mà Lý Văn Phượng thể hiện rõ ràng trên đầu ngọn bút. Tác giả cho rằng, người Đại Việt là một loại man di, từng được tắm gội văn giáo thời Đường Tống, nhưng bản chất giả dối xảo quyệt. Tiêu biểu như Lê Lợi “từng chiếm đất đai của ta, tàn sát quan quân của ta”, tội lớn tày trời, không biết hối lỗi mà bên ngoài giả vờ thần phục, bên trong thì tiếm hiệu để dùng việc chính sự, bên ngoài thì dùng “ngụy danh” để lừa dối nhà Minh gần trăm năm. Cho nên, họ Lê bị họ Mạc soán ngôi là không đáng để cứu. Ông nhận định: “cha con Mạc Đăng Dung với họ Lê tuy có tội soán ngôi cướp nước, nhưng với trung quốc thì là có công đánh giặc”. Nhưng, nhà Mạc cũng không thể tha được, vì họ cũng tiếm hiệu cải nguyên giống như nhà Lê, tức là “bắt chước cái bậy của triều trước”. Cho nên, phải tuyên cáo tội trạng, đem quân chinh phạt, gô cổ cha con nhà Mạc mới phải. Đến khi họ Mạc đầu hàng, hối tội thì ông cho rằng: “nghịch thì đánh, phục thì tha, ấy là mực phép của đấng triết vương”. Toàn bộ lập luận của Lý Văn Phương cho thấy diễn ngôn của chủ nghĩa bành trướng Đại Minh được trang bị bởi lý thuyết chính trị – đạo đức Nho giáo.

Giống như nhiều sử liệu nguyên cấp khác, Việt kiệu thư chỉ là một nguồn tham khảo, chứ không phải mọi thông tin trong sách này đều là chính xác. Hay nói cách khác, mọi nguồn sử liệu là những khu rừng nguyên sinh, mà trong đó chứa nhiều “cạm bẫy” với những thông tin không chính xác, những sai lầm về tên người, những “siêu chỉnh” địa danh hay niên đại. Ví dụ, sách này chép địa danh Lãng Bạc tức là Hồ Tây, lại trích dẫn câu của Mã Viện khi bình định Giao Chỉ có than thở việc lũ lụt ở Lãng Bạc, với khí độc bốc lên khiến diều hâu phải sa xuống nước. Ghi chép này hoàn toàn là sai lạc, bởi với tri thức về thủy văn và địa lý học lịch sử, Hồ Tây mới tách ra khỏi sông Hồng trong khoảng thế kỷ 9-10, sau khi sông Hồng đổi dòng (xem bài của Trần Quốc Vượng). Nếu rà soát kĩ từng sử kiện, từng chi tiết ta sẽ thấy nhiều trường hợp như vậy.

Tranh “Văn Quan Vinh Quy Đồ” nhà Lê.

Các bản dịch Việt kiệu thư được xuất bản lần này là một cuộc chạy việt dã về sử liệu, nối tiếp truyền thống biên phiên dịch từ thế kỷ XX. Ta biết, nghiên cứu lịch sử, ngoài những vấn đề quan trọng của lý thuyết và góc nhìn, ngoài những vấn đề động cơ của người chép sử và người đọc sử, thì bao giờ cũng bắt đầu từ sử liệu. Sử liệu học vì vậy trở thành một phân ngành quan trọng hàng đầu của sử học. Không có sử liệu thì không thể bàn đến chuyện nghiên cứu, hay nói như dân gian “không bột chẳng gột nên hồ”. Một hai nguồn sử liệu (như Đại Việt sử ký toàn thưViệt sử lược) đã quý rồi, nhưng chưa đủ. Người làm sử luôn phải làm thao tác sưu tập văn hiến, chỉnh lý tư liệu, giám định văn bản, phê phán sử liệu,…và nhiều công tác phức tạp và tỉ mẩn khác như phiên dịch, khảo cứu, chú thích. Thậm chí, công việc đó còn đòi hỏi sự dò dẫm mày mò trên từng nét bút, trên từng vảy chữ, hiệu điểm từng câu, phân tích từng nghĩa, để biết được chữ sai chữ đúng, câu què câu cụt,… thậm chí còn biết là đoạn này sao chép từ đâu, vì sao mà viết được như vậy. Đến khi dịch phẩm hoàn thành, dịch giả hiện ra với tư cách là một “người lao động khổ sai”, với hàng trăm hàng ngàn chú thích về văn tự, nhân danh, địa danh, sử kiện. Dịch phẩm ra đời, độc giả sẽ được “ăn” một bữa cỗ thịnh soạn, nhưng sẽ không tránh khỏi đây đó những hạt sạn. Có khi đó là những lỗi cơ bản, có khi là những nhầm lẫn đáng tiếc, cũng có lúc là những câu chữ hóc hiểm,… Bạn đọc có thể vui lòng chỉ ra những chỗ sai ấy với tinh thần của người lao động nói chuyện với người lao động, để hy vọng rằng trong tương lai sẽ có nhiều người đi theo, và tiếp tục hoàn thiện bằng con đường gian lao này. □

Trần Trọng Dương

Nguồn: Tia sáng, ngày 13.6.2022.
——

Việt kiệu thư là một sử phẩm quan trọng hàng đầu viết về lịch sử Việt Nam. Sách được Tiến sĩ Lý Văn Phượng (thế kỷ 16) hoàn thành năm 1540. Đến năm 2022, sau hơn 500 năm, lần đầu tiên tác phẩm này mới được phiên dịch và xuất bản ở Việt Nam, với hai ấn bản của Tao Đàn (Nxb Hội nhà văn, do Châu Hải Đường khảo dịch) và Mai Hà Books (Nxb Khoa học xã hội, do Nguyễn Ngọc Phúc, Đặng Hồng Sơn, Vũ Đường Luân dịch chú).

Những sử gia đến từ bên ngoài đã mang lại sự hiểu biết lịch sử Việt Nam thấu đáo và lắm khi bất ngờ với chính người Việt Nam vì những phát hiện thú vị. Trong cái nhìn liên ngành, liên kết toàn cầu, họ làm cho câu chuyện lịch sử Việt Nam trở nên gắn kết, hấp dẫn.

Vượt qua những rào cản

Cho đến nay, cuốn Imperial Heights – Dalat and the Making and Undoing of French Indochina (tựa tiếng Việt: Đỉnh cao đế quốc – Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp)(1) được in và tái bản nhiều lần tại Việt Nam. Độc giả quan tâm tới lịch sử thuộc địa ở Viễn Đông nói chung, lịch sử đô thị Đà Lạt nói riêng thì không thể thiếu cuốn sách này trên kệ. Tác giả cuốn sách, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Victoria (Toronto, Canada) – Eric T. Jennings cho hay, ông đã bỏ mười năm để viết cuốn sách này.

“Như nhiều sử gia khác, thực tế là cùng lúc tôi đeo đuổi nhiều dự án. Tôi cũng tham khảo tài liệu ở nhiều quốc gia. Các trung tâm lưu trữ của Việt Nam ở Hà Nội, TPHCM và Đà Lạt là đương nhiên rồi. Nhưng còn ở cả Pháp, Thụy Sỹ, Canada, và cả ở Mỹ nữa. Tôi cứ lần theo những manh mối mà các tài liệu hé mở và việc truy tìm đã đưa tôi theo nhiều hướng bất ngờ”, tác giả cuốn sách trên kể lại như vậy về quá trình khảo cứu trong một phỏng vấn của Trần Đức Tài.

20240313 3

Một số cuốn sách của học giả nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam được độc giả trong nước quan tâm thời gian gần đây. Ảnh: N.V.N

Qua cách khảo cứu và thể hiện của nhà nghiên cứu Canada nói trên, lịch sử Đà Lạt gắn với những chương trình khai phá, xây dựng trạm an dưỡng cấp thời của người Pháp ở Đông Dương hồi cuối thế kỷ 19. Mục đích ban đầu, đó là nơi trú ẩn, thoát khỏi các chứng bệnh nhiệt đới, sau đó, là một khu nghỉ dưỡng, một vườn ươm nòi giống Pháp và xa hơn nữa, là đỉnh cao tham vọng – trở thành thủ phủ liên bang Đông Dương.

Nhưng đó cũng là thành phố trình bày rõ ràng con đường thiết lập sự hưng thịnh của quyền lực cho đến suy vong của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương vào giữa thế kỷ 20. Viết sử với một tư duy mới, một phương pháp vi lịch sử (micro history), các câu chuyện được Eric T. Jennings đưa vào sách hấp dẫn, khả tín bởi nguồn tài liệu dày công phu .

Nhà nghiên cứu sinh năm 1970 có mẹ là người Pháp, sinh ra ở Mỹ và trưởng thành ở Canada đã chọn Đà Lạt làm đối tượng nghiên cứu, đơn giản là khởi từ một thắc mắc trong một lần ông tiếp cận được bức điện tín từ Pháp gửi cho Toàn quyền Đông Dương nhưng địa chỉ đến lại là Đà Lạt. “Lạ quá, sao toàn quyền này không ở Hà Nội chứ?”, ông tự hỏi. Và những tìm tòi giúp ông dần dần hiểu ra tầm quan trọng của Đà Lạt đối với Đông Dương trong thời Pháp thuộc.

Với các nhà nghiên cứu nước ngoài hướng đến đề tài lịch sử Việt Nam, quá trình sưu khảo, xử lý tài liệu lưu trữ ở nhiều nơi rất phức tạp và những cơ chế tài trợ, giải thưởng, học bổng khuyến khích nghiên cứu các nước là một trong những điều giúp họ chuyên tâm, không lo lắng về tài chính lẫn thủ tục. Có thể đọc thấy trong lời cám ơn, Jennings nhắc đến sự hỗ trợ của: Hội đồng Nghiên cứu Khoa học xã hội và nhân văn Canada, cơ quan này đã trợ giúp nhiều chuyến du khảo tới Việt Nam và Pháp; Học viện Nghiên cứu sức khỏe Canada tài trợ việc nghiên cứu chính yếu cho chương 1 và 3; một khoản tài trợ cho nghiên cứu của Đại học Victoria và một học bổng Spooner giúp nghiên cứu sâu hơn tại các văn khố thuộc địa tại Pháp, Việt Nam và một giải thưởng nghiên cứu JIGES cho phép tiếp cận nguồn tài liệu tại Zurich.

Cách ăn uống đến trang phục, giải trí của người Việt trong quá khứ và trong những cuộc tiếp xúc với phương Tây đều có thể là đề tài nghiên cứu vi lịch sử hấp dẫn giới nghiên cứu nước ngoài.
Ảnh trong cuốn Khoái khẩu và khát vọng của Erica J. Peters.

Nếu Eric T. Jennings tạo nên nguồn cảm hứng cho những ai quan tâm đến đô thị học qua trường hợp Đà Lạt thì Jason Gibbs lại kéo người quan tâm đến tân nhạc Việt Nam phải đọc kỹ các tiểu luận của ông trong cuốn Rock Hà Nội, Bolero Sài Gòn – Câu chuyện tân nhạc Việt Nam – để biết văn hóa âm nhạc Việt Nam.

Đến Việt Nam vào năm 1993, khi đang là chuyên viên thư viện công cộng San Francisco, California (Mỹ), đồng thời là người soạn nhạc, chơi nhạc, Jason Gibbs dành nhiều thời gian nghiên cứu về ảnh hưởng của nhạc phương Tây đến tân nhạc Việt Nam từ những năm 1930 cho đến sau ngày đất nước thống nhất.

Học tiếng Việt để nghe nhạc Việt và viết khảo cứu về tân nhạc Việt Nam, Gibbs tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt với những nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam qua tác phẩm của ông. “Với bản thân tôi, từ khi dịch những bài viết này (của Jason Gibbs) cách đây hơn một thập niên, tôi đã có được một cảm hứng để tìm đọc những nghiên cứu khác về Việt Nam cũng như viết những cuốn sách của riêng mình.

Có những nơi Jason Gibbs đã cày xới, cũng có rất nhiều vùng trống còn đợi nhiều người, trong đó có tôi, tiếp cận”, Nguyễn Trường Quý, dịch giả cuốn sách và đồng thời là nhà biên khảo Hà Nội đã viết như thế trong lời giới thiệu lần tái bản cuốn Rock Hà Nội, Bolero Sài Gòn(2). Cuốn sách này cũng đã từng được tái bản, được giới nghiên cứu âm nhạc trong nước trích dẫn khá nhiều.

Mảnh đất màu mỡ

Các tác phẩm điền dã dân tộc học của những nhà truyền giáo, những ghi chép thực địa của các nhà buôn, công chức, du khách, nhà văn… là nền tảng sử liệu giúp ta hiểu nhiều hơn về Việt Nam trong quá khứ. Rất nhiều bút ký hành trình từ thế kỷ 17-19, trong mắt người phương Tây, Việt Nam là một vùng đất mới, các ghi chép đậm chất Đông phương luận của họ là kết quả của những bước tiếp cận cái dị biệt và thậm chí “va chạm” về văn hóa.

Lịch sử các đô thị có số phận đặc biệt của Việt Nam cũng là đề tài được giới sử gia quốc tế quan tâm bởi qua đó, có thể nhận ra bức tranh chuyển biến xã hội và văn hóa rộng lớn.
Ảnh: Cư xá Hoa viên Decoux (Đà Lạt năm 1942) trong sách Đỉnh cao đế quốc của Eric T Jennings.

Vào đầu thế kỷ 20, cùng với Viện Viễn Đông Bác cổ, các nhà nghiên cứu độc lập đã ra sức tìm hiểu Đông Dương như một cái nôi hợp dung hai nền văn hóa Ấn độ và Trung Hoa, một phương Đông của exotic (hương xa) để mang lại các trải nghiệm mới lạ mà người phương Tây tò mò muốn biết. Thời sau hòa bình, đặc biệt là khi đất nước mở cửa, việc các nhà nghiên cứu phương Tây chọn Việt Nam làm điểm đến trong các chủ đề của mình lại cho thấy lịch sử đất nước này đặt trong tương quan lịch sử thế giới cần được nhìn nhận lại bằng một phương pháp và lối tư duy khác, có tính liên ngành và vượt qua các ranh giới truyền thống.

Có thể nhận thấy có sự chuyển tiếp về phương pháp nghiên cứu lịch sử Việt Nam qua các tác phẩm của Philippe Papin (Pháp), David G. Marr, George Dutton (Mỹ), Li Tana (Úc), Yoshiharu Tsuboi (Nhật)… Dù ở khoanh vùng đề tài nào, họ đều có những công trình sử học đáng kể, giàu phát hiện khi nghiên cứu về Việt Nam, cho dù vì nhiều lý do, số phận công trình của mỗi người ở chính tại Việt Nam không hề giống nhau.

Việt Nam hội nhập mạnh mẽ vào thế giới toàn cầu hóa như một xu thế tất yếu, con đường những sử gia trẻ đến với các chủ đề lịch sử, văn hóa Việt Nam ngày càng rộng mở. Các nghiên cứu của họ không còn nhất thiết phải đi vào những vấn đề “đại tự sự”, những luận đề lớn lao hay phải khoác lên màu sắc quan điểm chính trị như trước đó mười, hai mươi năm, mà mở ra những hướng mới, vi lịch sử, thể hiện lịch sử bằng cách tái tạo câu chuyện hấp dẫn, quan tâm nhiều tới yếu tố địa văn hóa trong tương quan khu vực và toàn cầu… làm cho các tác phẩm vừa đảm bảo tính khả tín, hàn lâm lại vừa có sức hấp dẫn đại chúng. Quan trọng nhất, là giúp cho chính sử học thoát ra khỏi tháp ngà kinh viện để chạm vào đời sống một cách gần gũi.

Ngoài hai ví dụ về lịch sử Đà Lạt thời Pháp thuộc trong sách Eric T. Jennings và diễn trình tân nhạc Việt Nam trong sách của Jason Gibbs, thì có thể kể thêm nhiều trường hợp thú vị.

Vấn đề tiếng nói, nguyện vọng dân chúng thể hiện qua ăn uống trong cuốn Appetites and Aspirations in Vietnam: Food and Drink in the Long Nineteenth Century (Khoái khẩu và khát vọng: Hay là câu chuyện đồ ăn thức uống trong trường thiên thế kỷ 19 ở Việt Nam)(3) của Erica J. Peters là một thí dụ. Từ các tài liệu về việc sản xuất, phân phối và tiêu dùng thực phẩm vào thế kỷ 19, tác giả đưa ra những phát hiện bất ngờ từ hai phía: về phía nhà cầm quyền thực dân, việc kiểm soát thực phẩm là kiểm soát công cụ kinh tế và quyền lực; về phía dân chúng, việc chọn tiêu thụ thực phẩm không chỉ trình bày chủ nghĩa dân tộc, mà còn là cách bộc lộ khát vọng khẳng định giá trị cộng đồng dân tộc thông qua cái ăn.

Tác giả Erica J. Peters là đồng sáng lập và là Giám đốc Hội Sử gia Ẩm thực Bắc California. Bà có thời gian dài nghiên cứu ẩm thực Việt Nam và nhìn ẩm thực như một yếu tố sử học, văn hóa học và chính trị học. Các phát hiện của bà được công bố trong nhiều hội thảo quốc tế và cô đọng trong cuốn sách vừa được ra mắt độc giả Việt Nam trong năm 2023.

Rất gần với cách khai thác của Erica J. Peters, nhà nghiên cứu Nir Avieli (Israel) thì chọn khảo sát ẩm thực ở một khoanh vùng hẹp, đương đại là Hội An để viết công trình Rice Talks: Food and Community in a Vietnamese Town (Tạm dịch: Chuyện gạo: Thức ăn và cộng đồng tại một thị trấn Việt Nam)(4). Từ một khách du lịch ba lô đến Hội An vào năm 1993, và sau đó từ 1998 thì Nir Avieli trở lại nhiều lần để nghiên cứu nhân học ẩm thực. Tác phẩm chứa đựng một thực tế sống động và các phân tích chi tiết, hấp dẫn từ trong cung cách người Hội An dùng bữa, cấu trúc trên bàn ăn của họ và xa hơn, là những triết lý chứa đựng trong từng món ăn. Bữa ăn Hội An là sự củng cố tình cảm, nhưng cũng là nơi xác lập các vị trí, tôn ti trong và ngoài gia đình, gia tộc…

“Trong cuốn sách này, tôi tiếp cận ẩm thực và cách ăn uống theo một cách khác: tập trung vào khía cạnh văn hóa và xã hội của lĩnh vực ẩm thực ở thị trấn nhỏ Hội An và nhấn mạnh động cơ lẫn ý nghĩa của việc ăn uống vượt qua nhu cầu sinh lý hoặc giới hạn sinh thái, tôi cho rằng khi nhìn vào thực hành ăn uống cho phép chúng ta tiếp cận xã hội và văn hóa Việt Nam từ một góc nhìn độc đáo. Tôi chứng minh rằng đây là một lăng kính phân tích mạnh mẽ cho phép có được những hiểu biết mới về hiện tượng ‘là người Việt Nam’”, Nir Avieli viết trong lời dẫn nhập.

Nhãn quan mới, phương pháp mới

Trong chừng hai thập niên qua, trước những vấn nạn môi trường toàn cầu, trào lưu nghiên cứu lịch sử sinh thái đang được chú trọng. Từ nhãn quan của nghiên cứu lịch sử sinh thái, các tác giả Michitake Aso, David Biggs đều tìm được những đề tài thú vị tại Việt Nam và tạo nên những công trình có tiếng vang.

Michitake Aso trong Rubber and the Making of Vietnam: An Ecological History (tên sách tiếng Việt: Cây cao su ở Việt Nam – Dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897-1975)(5) đã nhìn sự du nhập giống cây cao su vào Việt Nam trong thời Pháp thuộc, tạo nên những đồn điền không chỉ là vấn đề “khai thác thuộc địa” như bấy lâu ta vẫn nghe qua. Qua công trình công phu này, tác giả là một sử gia về môi trường toàn cầu đã nhìn cao su – giống cây ngoại lai – như một biểu tượng thể hiện rõ nhất phía sau đó bức tranh một xã hội nô lệ và một dân tộc tự do.

Các đồn điền là nơi biểu hiện rõ nhất sự áp đặt quyền lực, các mức độ cai trị của nhà cầm quyền thực dân và cũng là nơi tức nước vỡ bờ, bùng phát các phong trào chống thực dân; đó lại là nơi triển khai các cương lĩnh xây dựng quốc gia. “Chúng ta sẽ không thể hiểu lịch sử Việt Nam và Campuchia trong thế kỷ 20 mà không tìm hiểu những tác động của các đồn điền lên môi trường và sức khỏe con người”, tác giả viết.

Trong khi đó, David Biggs dành nhiều năm để khảo cứu về lịch sử sinh thái của đồng bằng sông Cửu Long và tương quan sinh thái học của vùng đất này với lịch sử dựng nước. Cuốn Quagmire: Nation – Building and Nature in the Mekong Delta (Tựa tiếng Việt: Đầm lầy: Kiến tạo quốc gia và tự nhiên vùng đồng bằng sông Cửu Long)(6) của David Biggs là toàn cảnh bức tranh khẩn hoang và không chỉ cải biến đồng bằng theo mục đích khai thác, lập nên xứ sở, cộng đồng quốc gia và khi cần, còn có thể sử dụng đặc thù tự nhiên vào trong các sách lược quân sự của các phong trào kháng chiến địa phương…

Đầm lầy, một mặt là sức mạnh của dân bản xứ, nhưng lại là ẩn dụ về sự thách đố tự nhiên quá sức, dẫn đến thất bại (hay sa lầy) đối với các thế lực ngoại xâm. Từng đến miền Nam dạy tiếng Anh, David Biggs theo đuổi nghiên cứu lịch sử môi trường Việt Nam và bảo vệ tiến sĩ tại Đại học Washington. Ngoài Đầm lầy, ông còn một cuốn Footprins of War, đặt lịch sử môi trường trong những dấu ấn của cuộc thời chiến tranh.

Điều thú vị là cả hai sử gia, David Biggs lẫn Michitake Aso với các công trình về lịch sử sinh thái Việt Nam đều dành được những giải thưởng quốc tế rất danh giá về nghiên cứu môi trường. Michitake đoạt giải Henry A. Wallace của Hội Lịch sử Nông nghiệp và giải thưởng Charles A Weyerhaeuser của Hội Lịch sử Rừng cho công trình Cây cao su ở Việt Nam. Còn cuốn Đầm lầy của David Biggs thì được ghi nhận tại giải George Perkins Marsh 2012 cho sách hay nhất về lịch sử môi trường.

* * *

Có thể thấy bóng dáng các nhà nghiên cứu nước ngoài tại những thư viện, trung tâm lưu trữ Việt Nam hay dấn thân vào những cuộc điền dã không mỏi mệt dù với họ, biết bao rào cản phía trước khi theo đuổi một nghiên cứu về Việt Nam. Các công trình của họ tạo nên sự ngạc nhiên thú vị đối với độc giả trong nước, khi mà giới nghiên cứu trong nước hoặc chưa có những công trình đột phá, phát hiện và lan tỏa, hoặc chưa theo kịp xu hướng phương pháp nghiên cứu lịch sử mới bên ngoài (cũng có thể bởi đơn thuần chạy theo những dự án đặt hàng và xếp mãi trên các kệ sách của những trường, viện).

Không chỉ đem lại cái nhìn mới, cách kể mới, tham chiếu mới cho người đọc ngay chính tại Việt Nam, các sử gia ngoại quốc đang dấn thân trong địa hạt Việt Nam học vừa kể trên còn tạo nguồn cảm hứng và đánh thức trách nhiệm đối với giới nghiên cứu trong nước.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguồn: Kinh tế Sài Gòn Online, ngày 16.02.2024.

 

(1) Phạm Viêm Phương, Bùi Thanh Châu dịch, Phanbook & NXB Đà Nẵng, 2022.

(2) Nguyễn Trương Quý dịch, NXB Đà Nẵng, 2019.

(3) Trịnh Ngọc Minh dịch, NXB Tổng hợp TPHCM, 2023.

(4) Được biết, bản tiếng Việt do Phạm Minh Quân chuyển ngữ sẽ ra mắt bạn đọc Việt Nam trong tương lai gần.

(5) Hải Thanh, Minh Tâm, Khánh Tâm dịch, NXB Tổng hợp TPHCM, 2023.

(6) Trịnh Ngọc Minh dịch, Phanbook & NXB Hồng Đức, 2019.

Das große Los - bản tiếng Đức của tác phẩm văn học Số đỏ - vừa ra mắt độc giả Đức đầu năm 2022. Đảm nhận việc dịch tác phẩm nổi tiếng này của Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939) là hai dịch giả Hoàng Đăng Lãnh và Rodion Ebbighausen. Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện cùng hai ông.

20220404 2

Bìa tiểu thuyết Số đỏ ấn bản tiếng Đức. Ảnh: Rodion Ebbighausen

Có thể thấy Số đỏ khá... “đỏ” trong việc được bạn đọc bên ngoài Việt Nam đón nhận. Năm 2003, Los Angeles Times chọn Dumb Luck - Số đỏ bản tiếng Anh xuất bản ở Mỹ là một trong 50 cuốn sách hay nhất năm 2003. Bản Số đỏ tiếng Trung Quốc do PGS Hạ Lộ (ĐH Bắc Kinh) ra mắt năm 2021 cũng được độc giả Trung Quốc yêu thích. Tác phẩm văn học ra đời năm 1936 này nay được dịch sang tiếng Đức là một nỗ lực của hai dịch giả nhằm góp phần giới thiệu với độc giả Đức một tác giả được đông đảo độc giả Việt Nam yêu mến. 

Ông và đồng dịch giả Rodion Ebbighausen đã mất bao lâu để hoàn tất bản dịch? Vì sao “dự án” đưa văn học Việt tới Đức của ông bắt đầu bằng Số đỏ của Vũ Trọng Phụng? Việc chuyển ngữ có khó khăn với các ông không?

- Khó có thể nói chính xác chúng tôi đã mất bao nhiêu lâu để dịch Số đỏ. Công việc sau nhiều năm mới hoàn thành bởi do hoàn cảnh mỗi người, chúng tôi không có điều kiện dồn hết thời gian cho công việc này. Ngoài ra, vì chúng tôi mong muốn hoàn thành công việc một cách cẩn thận và chu đáo, nên đã không vội vàng. Đồng thời, chúng tôi cũng dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu tác giả cũng như tác phẩm thông qua các chuyên gia am hiểu về Vũ Trọng Phụng như nhà phê bình Lại Nguyên Ân và học giả Peter Zinoman.

Số đỏ không phải là tác phẩm tiếng Việt duy nhất được dịch sang tiếng Đức. Lý do chúng tôi chọn dịch Số đỏ nằm ở giá trị văn học và yếu tố trào phúng của tác phẩm. Hơn nữa, do tính thời sự mà tác phẩm Số đỏ sau bấy nhiêu năm vẫn còn giữ được! Theo tôi, đó chính là một trong những giá trị đáng kể của tác phẩm.

Ví dụ, thái độ giả dối của một bộ phận trong xã hội đối với quyền tự do của người phụ nữ; chuyện mê tín dị đoan; chuyện báo chí (báo Gõ Mõ) làm tiền, quảng cáo vô tội vạ, cách nói năng lai Tây, lai Tàu hay chuyện cảnh sát chỉ rình phạt người ta, thi hành luật mà không nắm luật... Số đỏ lý thú là ở chỗ chuyện tưởng đã xưa, đã cũ mà hóa ra vẫn còn rất mới.

Chúng tôi thừa nhận rằng việc chuyển ngữ, từ nhan đề đến nội dung, là không dễ dàng ở nhiều khía cạnh. Chúng tôi đã cố gắng hết sức trong khả năng của mình và hy vọng bản dịch của chúng tôi sẽ được bạn đọc Đức đánh giá tốt.

Dịch giả Rodion Ebbighausen từng nói rằng đặc tính hài hước, vấn đề gìn giữ truyền thống và cách tân khiến Số đỏ có tính toàn cầu. Ông có đồng tình với ý kiến đó? Liệu độc giả nước ngoài có dễ thẩm thấu giá trị lịch sử của một tác phẩm về xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20?

- Tôi nghĩ nền văn chương chân chính tự thân nó đã mang tính “toàn cầu”. Trong Số đỏ, đề tài chính là các mâu thuẫn giữa đổi mới và bảo thủ, giữa các xu hướng hiện đại hóa và gìn giữ truyền thống. Đây là những mối quan tâm mà mọi xã hội, bất kể xưa, nay, Đông hay Tây đều có. Số đỏ cho thấy một sự thật là cả sự cấm đoán, cản trở lẫn sự cổ xúy hô hào vô tội vạ cho những cái tưởng là mới trong cuộc sống đều có thể lố bịch hay kệch cỡm như nhau. Và, tôi nghĩ, sự thật bao giờ cũng mang tính toàn cầu.

 

 Dịch giả Hoàng Đăng Lãnh. Ảnh: NVCC

Nhà Việt Nam học - giáo sư sử học Peter Zinoman - đồng dịch giả Dumb Luck so sánh viễn kiến chính trị của Vũ Trọng Phụng tương đồng với nhà văn Anh George Orwell (1903 - 1950). Nhưng nhà phê bình Vương Trí Nhàn lại cho rằng Vũ Trọng Phụng “nệ cổ trong cách nhìn đời nói chung” và “trong trường hợp này, các nhà văn thực sự chỉ là công cụ của lịch sử”. Ông nghĩ sao về hai nhận xét này?

- Tôi cho rằng văn chương nói chung và nhà văn nói riêng không phải và càng không thể là công cụ của ai hay của giai đoạn lịch sử nào. Nền văn chương, hiểu theo nghĩa là một bộ môn nghệ thuật của ngôn từ, theo tôi, chắc chắn sẽ thành công hơn nếu nó không bị chi phối bởi cái gì khác ngoài nghệ thuật của chính nó. 

Vũ Trọng Phụng có thể không phải là tác giả hô hào cổ xúy cho phong trào Âu hóa mà ông chứng kiến. Ông giữ đúng vai trò một nhà văn là mô tả, bằng bút pháp và nghệ thuật ngôn từ của mình, cái xấu xa, kệch cỡm, cái lố bịch, ngốc nghếch, giả dối của phong trào đó nói riêng cũng như của cuộc sống xã hội đương thời nói chung. Việc chỉ ra cuộc sống xã hội phải như thế nào mới là tốt là đẹp, thiết tưởng  không phải là việc của ông. Liệu như thế có làm Vũ Trọng Phụng thành người bảo thủ hay người thiếu viễn kiến chính trị hay không thì tôi không bàn được. Tôi nghĩ, chính giá trị hiện thực và nghệ thuật ngôn từ trào phúng của tác phẩm - chứ không phải thái độ bảo thủ hay viễn kiến chính trị của tác giả - đã khiến cho độc giả Việt, ở mọi thời, mọi miền đất nước, đều thích đọc Số đỏ.

Tác phẩm Số đỏ bản tiếng Đức được Quỹ Dịch giả Đức tài trợ kinh phí. Ông có thể nói thêm về cách vận hành của quỹ?  

- Đây là quỹ được chính phủ liên bang cùng nhiều quỹ khác hỗ trợ. Tuy thế, quỹ hoạt động hoàn toàn độc lập, không lệ thuộc vào nhà nước hay các cơ quan hỗ trợ nào khác. 
Sự hỗ trợ của quỹ dành cho các dịch giả khá đa dạng, từ bồi dưỡng nghiệp vụ bằng nhiều hình thức, cung cấp phương tiện đến hỗ trợ tài chính.

Trước đây, quỹ chỉ hỗ trợ việc dịch văn chương nước ngoài sang tiếng Đức. Nhưng gần đây, quỹ mở rộng sự hỗ trợ đó cả cho việc dịch văn chương Đức ra tiếng nước ngoài. 

Học giả - dịch giả Nguyễn Hiến Lê từng nêu quan điểm về dịch thuật: “Không một bản dịch nào đúng hẳn với nguyên tác; bản dịch nào cũng mang ít nhiều cá tính, tài năng của người dịch, tinh thần của ngôn ngữ người dịch; cũng để lộ tâm tư người dịch, cái không khí thời đại của người dịch”, ông có đồng cảm với quan điểm đó?

- Tôi có thể thông cảm với quan điểm nói trên của Nguyễn Hiến Lê. Tuy nhiên, tôi nghĩ người dịch chỉ là trung gian giữa tác giả và người đọc. Người trung gian có trách nhiệm càng trung thành với tác phẩm và với tác giả càng tốt. Song, người dịch cũng có trách nhiệm giúp người đọc hiểu và thưởng thức tác phẩm của tác giả. Việc phải đồng thời hoàn thành cả hai trách nhiệm đó một lúc là không dễ dàng chút nào.

Về phần mình, tôi cần nói rõ, tôi chỉ coi mình là một độc giả may mắn. May mắn ở chỗ tôi có cơ hội đọc những gì tôi muốn và tự lựa chọn để dịch và giới thiệu một tác giả hay tác phẩm mình tâm đắc với người đọc khác. Người đọc sẽ quyết định xem họ có thích tác phẩm hay tác giả đó như tôi không.

Sắp tới các ông có ý định dịch truyện ngắn đương đại nào của Việt Nam sang tiếng Đức không?

- Hiện nay chúng tôi đang nuôi ý định tuyển dịch một tập truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam như Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Võ Thị Hảo, Lê Minh Hà, Đỗ Hoàng Diệu. Song, tôi cũng cần nói rõ thêm rằng, nuôi ý định là một chuyện nhưng liệu chúng tôi có thực hiện được ý định đó hay không lại là chuyện khác. 

 

 

 Dịch giả Rodion Ebbighausen. Ảnh: DW

 

Dịch giả Rodion Ebbighausen: Có mối quan tâm lớn về Việt Nam ở Đức, nhưng...

"Tôi nghĩ tiểu thuyết Số đỏ tương đối phù hợp để thu hút độc giả Đức và châu Âu đến với văn học Việt Nam. Sự hài hước, tính phi lý và ngôn ngữ châm biếm đưa người đọc đến gần hơn với một nền văn hóa và xã hội còn ít được biết đến. Đồng thời, tác phẩm đề cập đến những chủ đề phổ quát về con người tồn tại ở mọi thời đại và trên toàn thế giới: Mong muốn được công nhận, lòng tham, nỗi hổ thẹn và sự xung đột giữa các thế hệ: điều gì được bảo tồn, điều gì được đổi mới”, dịch giả - nhà báo Rodion Ebbighausen chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần qua email từ Bonn (Đức).

Ông nhìn thấy điểm mạnh, điểm yếu nào của xã hội Âu hóa đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam trong Số đỏ? Theo ông, có phải chúng ta đang và sẽ còn sống trong thời đại mà các giá trị phương Tây tiếp tục định hình thế giới quan của phần lớn nhân loại?

- Đối với tôi, một quốc gia hoặc một tiểu bang được điều hành tốt nếu và chỉ khi nó mang lại cơ hội bình đẳng cho TẤT CẢ cư dân của nó. Xã hội thuộc địa vào đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam dựa trên sự phân biệt chủng tộc và bóc lột. Với hầu hết người Việt Nam, họ không có cơ hội để vươn lên trong xã hội này hoặc phát triển tài năng của mình.

Tuy nhiên, tôi không tin rằng những đặc điểm này là một cái gì đó đặc biệt của phương Tây. Cũng đã và đang có sự bóc lột, phân biệt chủng tộc và bất công ở châu Á.

Chúng ta nên thay đổi thói quen chia thế giới thành phe Đông phe Tây - cuối cùng cũng chỉ là các điểm trên la bàn - mà nên xem xét việc phân loại các quốc gia theo cách cai trị tốt hay kém, theo cách điều hành hay hay dở.

Là biên tập viên chính phụ trách ban châu Á thuộc hãng phát thanh truyền hình quốc tế DW tại Đức và nghiên cứu sâu về Đông Nam Á, cũng là một dịch giả yêu văn chương, theo quan sát của ông, nền văn học nào ở Đông Nam Á được giới thiệu nhiều ở Đức và vì sao?

- Thật không may, văn chương Đông Nam Á hầu như không được biết đến ở Đức. Phải đến năm 2015 mới có một sự thay đổi nhỏ, khi Indonesia trở thành khách mời danh dự của hội chợ sách Frankfurt - một trong hai hội chợ sách lớn và quan trọng ở Đức.

Ở Đức, hầu hết các tiểu thuyết do người Mỹ gốc Việt viết vẫn luôn được đọc như những tham khảo về Việt Nam (Ocean Vuong, Việt Thanh Nguyễn được nhiều người đọc đón nhận tại Đức trong những năm qua). Hiện cũng có những quyển sách do tác giả Đức gốc Việt viết, như tiểu thuyết mới xuất bản gần đây của Khuê Phạm.

Ngoài bản dịch tác phẩm của Vũ Trọng Phụng mà anh Hoàng Đăng Lãnh và tôi đảm nhận, còn có những bản dịch tác phẩm của Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Thị Hoài và các tác giả khác. Viện Goethe ở Hà Nội cũng tổ chức dịch truyện của các tác giả trẻ Việt Nam sang tiếng Đức - công việc mà tôi đã làm cùng dịch giả, giảng viên Nguyễn Xuân Hằng.

Có một mối quan tâm lớn về Việt Nam ở Đức, vốn cũng gắn với thực tế là khoảng 100.000 người Việt hoặc người Đức gốc Việt sống tại Đức. Có một tiềm năng lớn (cho việc đưa văn học Việt Nam tới Đức - PV) nhưng đáng tiếc là không được khai phá. Việc văn chương Việt Nam ít được biết đến cũng là do thường xuyên mất liên lạc với văn học thế giới vì sự kiểm duyệt và quy định chặt chẽ.

Linh Thoại

Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần, ngày 02.4.2022.

Trong cuốn sách "Tiểu luận về nghệ thuật An Nam", Louis Bezacier đã phân tích các ảnh hưởng đến nghệ thuật An Nam và phân loại theo trình tự thời gian những biểu hiện của nền nghệ thuật ấy. Đây là hai kết quả đáng chú ý nhất của cuốn sách trung thực và không trau chuốt, thiếu những khéo léo văn chương nhưng lại phong phú sự thật này.

Nhìn nhận các hiện vật với con mắt đa chiều, đa nguyên và đa văn hóa

Tác giả của Tiểu luận về nghệ thuật An Nam tự nhận thức rằng công việc mà ông làm là nhặt nhạnh từng "hạt ngọc", so sánh, đối chiếu, giám định, khảo tả, và phân tích, rồi tổng hợp lại để tạo nên chuỗi vòng nghệ thuật An Nam. Đó là chuỗi vòng có 11 thế kỷ tồn tại.

Bằng những cứ liệu vật chất, Louis Bezacier cho rằng, chỉ từ cuối thế kỷ IX mới có những yếu tố cụ thể, xác đáng cho lịch sử nghệ thuật An Nam, còn trước đó, trong suốt ngàn năm, chủ yếu là dấu vết của các chính quyền phương Bắc để lại: các ngôi mộ Hán-Lục triều. Xa hơn nữa, nền nghệ thuật Đông Sơn cho thấy mối liên hệ mật thiết với văn minh Dayak của Borneo và Battak của Sumatra, và thảng hoặc có thể nhìn thấy những dấu vết văn minh nửa Trung Hoa nửa bản địa. Vì vậy, ông cho rằng, sẽ không ích gì khi tìm kiếm tổ tiên trực tiếp của người An Nam ngày nay qua cư dân Đông Sơn. Bezacier đã đưa ra một nhãn quan rộng mở khi nhìn các hiện vật với con mắt đa chiều, đa nguyên và đa văn hóa.

Từ những nghiên cứu của Louis Bezacier, các học giả Việt Nam trong thế kỷ XX đã triển khai hàng loạt chuyên luận, như Mỹ thuật thời LýMỹ thuật thời TrầnMỹ thuật thời LêMỹ thuật thời Mạc của Viện Mỹ thuật, Mỹ thuật người Việt của Nguyễn Quân và Phan Cẩm Thượng…

Sang thế kỷ XXI, ta còn biết cuốn Arts of Việt Nam 1009-1945 của Kerry Nguyễn-Long (Nxb Thế giới, 2013), L'envol du dragon-Art royal du Vietnam (Musée National des Arts Asiatiques – Guimet, Paris, 2014), Mỹ thuật Nguyễn của Nguyễn Hữu Thông (Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019). Tất cả các công trình trên là một cuộc chạy tiếp sức trong nhiều thập kỷ, trong đó Louis Bezacier là người chạy ở những chặng đầu tiên

Phác thảo về một nền nghệ thuật tôn giáo

Điều đáng lưu ý trong luận điểm của Bezacier đó là phác thảo về một nền nghệ thuật tôn giáo, đúng hơn là nghệ thuật đa tôn giáo của Việt Nam thời kỳ tiền hiện đại. Trong đó, nghệ thuật quân sự, tang lễ, và Thái miếu, lăng mộ thuộc về Nho giáo. Tháp Phật, tháp mộ, và tượng pháp thuộc nghệ thuật Phật giáo.

Với góc nhìn từ chủ thể văn hóa, Bezacier coi các công trình nghệ thuật (dù là kiến trúc, điêu khắc, hay hội họa, nghi lễ,…) như là những dạng thức thể hiện khác nhau của thực hành tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Ông đã đưa ra một nhận định quan trọng về đình làng. Đó là loại hình kiến trúc An Nam duy nhất dựng trên cột trụ nhà sàn, nó khác với truyền thống kiến trúc Trung Hoa, và gần với kiến trúc bản địa Nam Á, như kiến trúc của người Mọi ở Tây Nguyên, người Mường, nó giống những hình mẫu cổ xưa còn bảo lưu ở Indonesia, như Goloubew và Nguyễn Văn Huyên từng đưa ra.

Trong kiến trúc Phật giáo, ngoài việc mô tả bình đồ phổ biến nói chung, như nội công ngoại quốc, cấu trúc chữ T hay công 工 của các gian điện chính, với các đơn nguyên như tam quan, hành lang, chính điện, hậu đường, nhà thờ tổ,… ông còn để ý đến các am thờ dành cho các bậc đại thí chủ đã hưng công xây dựng chùa.

20240301 2

Bìa cuốn Tiểu luận về nghệ thuật An Nam. Ảnh: Nhã Nam


Cuốn sách có tính phản biện

Một điểm quan trọng mà Louis Bezacier đưa ra trong Tiểu luận về nghệ thuật An Nam là phản biện lại luận điểm cho rằng nghệ thuật An Nam chỉ là “một bản sao lỗi”, là “nghệ thuật thuộc địa” phái sinh từ nghệ thuật Trung Hoa.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều học giả (cả Nho học lẫn Tây học) có ý cho rằng, người An Nam là một giống người thoát thai từ Hán tộc, trong quá trình di cư về phương Nam, nên nghệ thuật An Nam cũng chỉ là một cành nhánh của nghệ thuật Trung Hoa.

Từ quan điểm của thuyết giống nòi (racism), và thuyết tiến hóa xã hội (Darwin socialism), Bezacier đã phối hợp với thuyết di cư và phương pháp so sánh văn hóa để cho rằng, nền nghệ thuật An Nam là một nghệ thuật đa nguyên, với giao cắt phức hợp, nhiều màu: Trung Hoa có, bản địa có, Đông Á có, Nam Á có, Việt là chủ thể trong quá trình kiến tạo văn hóa, nhưng thêm vào đó là sự đóng góp của những nhóm Mường, Chăm, Mọi,... Tức là, Louis Bezacier tuyên bố xóa bỏ cách nhìn đơn sắc và đơn tuyến về lịch sử nghệ thuật Việt Nam: “khó có thể mong muốn nghiên cứu kiến trúc An Nam mà không am hiểu các loại hình nghệ thuật quanh nó và ảnh hưởng đến nó: các loại hình nghệ thuật Trung Hoa, nghệ thuật của Indonesia và chúng tôi thậm chí còn đi xa hơn, của Trung Á.”

Hơn nữa, tác giả của Tiểu luận về nghệ thuật An Nam nhận xét rằng, nếu kiến trúc Chăm chỉ là những dạng phế tích (đã chết), thì nghệ thuật An Nam với những công trình kiến trúc tâm linh và thực hành tín ngưỡng, là một nền nghệ thuật đang sống, đang tồn tại, với nhiều biểu hiện đa dạng và sống động.

Bezacier cũng đã phản biện bài nghiên cứu của Dumoutier về một số tác phẩm điêu khắc trang trí trong đền thờ của Đinh Tiên Hoàng có niên đại vào thế kỷ X. Bằng các thao tác của mỹ thuật học lịch sử và khảo cổ học lịch sử, ông khẳng định rằng những tác phẩm này khác xa với những tác phẩm điêu khắc thế kỷ X-XI. Đó là sự khác biệt về mô típ và phong cách tạo hình.

Louis Bezacier viết: “Những con rồng đầu to phân giới với bàn để đồ cúng ở đền thờ Đinh Tiên Hoàng cũng có phong cách rất khác so với những con rồng ở Đại La và thời Trần. Cuối cùng, những con chó, được làm khéo hơn và hiện thực hơn so với những con vật ở Lam Sơn và cũng như ở bả vai của những con vật này, được tô điểm họa tiết ngọn lửa xoắn ốc ở gốc và có gai nhọn ở đầu, ở Lam Sơn kiểu trang trí này xuất hiện khá rõ nét song kém sắc sảo hơn so với bây giờ.”

Dựa vào các tư liệu văn bia tại đền vua Đinh có niên đại xác tín (1607, 1610), và các tác phẩm điêu khắc cùng thời kỳ, Louis Bezacier giám định rằng, các tác phẩm điêu khắc ở đây có niên đại vào thế kỷ XVII, và chúng “đã cách xa thứ nghệ thuật thanh nhã ở Đại La, thậm chí cách xa cả nghệ thuật thời kỳ đầu nhà Lê, và đặc biệt bia mộ của các vua Lê ở Lam Sơn.” Những nhận định này là hoàn toàn xác đáng, khả tín, và cho đến nay đã trở thành chân lý.

Ảnh hưởng của Bezacier trong văn hóa Việt Nam

Louis Bezacier theo học tại Trường Mỹ thuật Paris từ năm 1926 và tham gia các tiết học về kiến trúc tại xưởng Defrasse-Madeline từ 1931-1932. Ông đến Hà Nội ngày 3.10.1935, đảm nhiệm vai trò bảo tồn các công trình ở Bắc Kỳ, rồi ở miền Trung Việt Nam, khu vực địa lý rộn hơn Bắc Kỳ tính thêm cả phần lớn lãnh thổ vương quốc Champa cũ.

Ngay khi đến Việt Nam, Louis Bezacier đã tiến hành công tác tu bổ một trong những công trình đẹp nhất Bắc Kỳ là chùa Ninh Phúc (hay còn gọi là chùa Bút Tháp), ở tỉnh Bắc Ninh. Ông cũng thực hiện các cuộc khai quật nhằm tìm ra dấu vết của các công trình trước đó.

Đến năm 1945, ông dành phần lớn thời gian và tâm huyết cho kiến trúc dân sự và tôn giáo cổ như chùa, lăng mộ, di tích cung điện triều Lê, cầu có mái che… ở châu thổ sông Hồng và tỉnh Thanh Hóa.

Louis Bezacier cũng tu bổ một phù đồ gạch ở Bình Sơn, tỉnh Vĩnh Yên, có từ thế kỷ 11. Ông chính là người xác định được một phong cách mới: nghệ thuật Đại La (thế kỷ 11-12). Ngoài ra, Louis Bezacier còn chịu trách nhiệm tu bổ nhiều công trình Champa ở khu di tích Lý Sơn.

Một số tác phẩm tiêu biểu của Louis Bezacier: L’Architecture religieuse au Tonkin (Kiến trúc tôn giáo ở Bắc Kỳ, 1938), L’art et les constructions militaires annamites (Nghệ thuật và các công trình quân sự An Nam, 1941), Le panthéon bouddhique des pagodes du Tonkin (Điện thờ Phật giáo trong các chùa ở Bắc Kỳ, 1943), Essais sur l’art annamite (Tiểu luận về nghệ thuật An Nam, 1943), L’art vietnamien (Nghệ thuật Việt Nam, 1955).

Ảnh hưởng của Louis Bezacier trong văn hóa Việt Nam được thể hiện qua cách ông khảo tả các đồ án mỹ thuật, mà cho đến nay, đã trở thành các thuật ngữ. Lối khảo tả chân chất của Bezacier về con rồng thời Lý được định danh thành “rồng hình giun”/”rồng giun”, “rồng dây”. Nguyên ủy, rồng thời Lý thường có nhịp uốn khúc rất gấp, với đặc điểm long dạng uốn khúc uyển chuyển và mảnh mai như dây leo, nhưng cách dùng chữ “rồng giun” của Bezacier khiến cho người Việt ngày nay vẫn còn sử dụng như là “khái niệm” và được đưa vào nhiều sách nghiên cứu, giáo trình.

Bezacier cũng là người đầu tiên phát hiện ra sự đồng điệu của phong cách của các hoa văn ở Đại Việt với chân Thiếp Tháp 铁塔 thời Tống. Ông coi đây là một biểu hiện cụ thể của ảnh hưởng Trung Hoa tới nghệ thuật Việt Nam thời Lý Trần.

________________

Buổi ra mắt bản dịch tiếng Việt của tác phẩm Tiểu luận về nghệ thuật An Nam của Louis Bezacier do Nhã Nam và Viện Pháp tổ chức sẽ diễn ra từ 9g30-11g30, thứ Bảy, ngày 24.2.2024. Địa điểm: Tầng 1, Complex 01, ngõ 167 Tây Sơn, Hà Nội.

Khách mời tham gia sự kiện gồm: PGS-TS. Trần Trọng Dương; Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Tuấn Anh; Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn.

Phương Đào

Nguồn: Người đô thị, ngày 22.02.2024.

Không chỉ cộng tác với Tạp chí Văn hóa NEUMA (Romania), dịch giả, nhà văn Kiều Bích Hậu rất nỗ lực giới thiệu văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Mới đây nhất, chị tham gia thực hiện bộ sách “Hợp dòng văn học Việt Nam-Ấn Độ”, vừa ra mắt tháng 12/2021.

20220129 3

Chân dung nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu. (Ảnh: NVCC)

Đưa văn học Việt Nam hội nhập quốc tế một chiến lược văn hóa quan trọng của quốc gia. Tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/11/2021, về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, khẳng định: “Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế”. Để thành công, chiến lược quảng bá văn học Việt rất cần sự chung sức của nhiều cấp, ngành, sự vào cuộc của chính các văn nghệ sĩ. 

Cuối tháng 12/2021, nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu được Tạp chí Văn hóa NEUMA (Romania) mời vào Ban Biên tập vì những đóng góp cho nội dung của tạp chí suốt hai năm qua. Không chỉ cộng tác với Tạp chí Văn hóa NEUMA, thời gian qua, dịch giả, nhà văn Kiều Bích Hậu rất nỗ lực giới thiệu văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Mới đây nhất, chị tham gia thực hiện bộ sách “Hợp dòng văn học Việt Nam-Ấn Độ”, vừa ra mắt tháng 12/2021.

Xuất phát từ nhu cầu của bản thân

Phóng viên: Các hoạt động văn học sôi nổi thời gian gần đây của chị cho thấy sự nỗ lực, và quyết tâm rất lớn của chị trong việc giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài. Điều gì đã thôi thúc chị tham gia nhiệt tình vào các hoạt động này như vậy?

Mở những cánh cửa, đưa văn học Việt ra thế giới -0

 Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu với nhà thơ Sandor Halmosi. (Ảnh: NVCC)

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Điều đó xuất phát từ nhu cầu của chính tôi. Khi xuất bản đến cuốn sách thứ tư năm 2012, tôi muốn rằng mình cần thử nghiệm đưa sách của mình ra nước ngoài xem sao. Nhưng thời điểm đó, tôi không tìm thấy cánh cửa nào. Cho đến năm 2019, “cánh cửa kỳ diệu” ấy đã mở ra, khi báo chí và nhà xuất bản ở châu Âu đề nghị in tác phẩm, in sách của tôi ở châu Âu (Romania, Italia). Niềm vui ngập tràn khi tôi thấy tác phẩm của mình in bằng ngôn ngữ khác, khi thấy cuốn sách của mình tượng hình theo một cách nhìn khác với sự tưởng tượng của các đồng nghiệp phương Tây. Và khi đó, tôi cũng muốn các đồng nghiệp Việt Nam cùng được trải nghiệm niềm vui như tôi, nên đã dành công sức để kết nối thêm với nhiều biên tập viên, nhà xuất bản nước ngoài để dịch và giới thiệu tác phẩm của các nhà văn Việt Nam.

Phóng viên: Việc kết nối cùng lúc với rất nhiều “đầu cầu” ở các nước có vướng mắc gì lớn mà chị phải đối mặt, giải quyết?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Đó là vấn đề thời gian làm việc. Hằng ngày tôi dành khoảng thời gian kha khá vào buổi chiều và ban đêm để trò chuyện với các bạn đồng nghiệp nước ngoài, trao đổi dịch và xuất bản tác phẩm. Với mỗi “đầu cầu”, chúng tôi trao đổi về phương thức mà hai bên sẽ hợp tác với nhau, nội dung các tác phẩm mà trong quá trình chuyển ngữ, dịch giả gặp vướng mắc, giải quyết những yêu cầu của dịch giả, biên tập viên. Đôi khi, tác phẩm đăng lên rồi lại bị biên tập cắt ngắn đi, phía đối tác nước ngoài không đồng tình,… Do đó, để một tác phẩm in được trên báo chí nước ngoài, tôi phải giao dịch với họ nhiều lần qua email, facebook.

Và đôi khi, có những tác phẩm ở Việt Nam được coi là hay, xuất sắc, nhưng lại không “trùng sóng, trùng thời” với tư tưởng Tây phương, nên cũng khó xuất bản ở nước ngoài. Đó chỉ là những tác phẩm khu biệt, mang tính địa phương, chứ chưa mang tính toàn cầu hóa. Do vậy, trong việc chúng tôi lựa chọn tác phẩm văn chương để “xuất khẩu”, thỉnh thoảng có những cú va không mong muốn với dư luận trong nước. Những người không trực tiếp làm việc với đối tác nước ngoài, sẽ đặt những câu hỏi kiểu như thế này: “Tác phẩm ấy có gì là hay mà lại giới thiệu được ra nước ngoài?”.

Mở những cánh cửa, đưa văn học Việt ra thế giới -0

Bìa tập thơ Ẩn số của Kiều Bích Hậu xuất bản tại Italia, 2020. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên: Vậy tiêu chí của chị và các đồng nghiệp khi tuyển chọn tác phẩm để chuyển dịch và xuất bản ở các báo, tạp chí nước ngoài là gì?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Trước hết tôi đáp ứng nhu cầu của các bạn đồng nghiệp muốn mở rộng đối tượng bạn đọc ra nước ngoài, với những tác phẩm lẻ, có nội dung tốt, thể hiện nét đẹp đặc trưng văn hóa, tinh thần Việt, và những tình cảm, nhu cầu bộc lộ tâm tư. Sau đó mới là kế hoạch dịch những tác phẩm lớn, đại diện cho văn học Việt Nam từng giai đoạn. Những tác phẩm này có căn cốt Việt, nhưng cũng cần có nét tư duy có thể hòa nhập cùng tư tưởng chung của thế giới, có thể khiến bạn đọc thế giới đồng cảm.

Phóng viên: Còn quyền lợi của các tác giả có tác phẩm được đăng tải ở nước ngoài?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Quyền lợi lớn nhất là tiếng nói, tư tưởng của mình đã vượt ra khỏi biên giới, kết nối với những tâm hồn đồng điệu phương xa, từ đó mà có thêm những người bạn mới, thấu hiểu nhau với tình cảm ấm áp xuyên biên giới. Tên tuổi của họ cũng được bạn đọc nước ngoài biết đến, và cùng với tên ấy, là hai tiếng Việt Nam được xướng lên bên cạnh tên và tác phẩm của họ.

Mở những cánh cửa, đưa văn học Việt ra thế giới -0

 Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu với các bạn văn quốc tế tại Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên: Hiện nay việc giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam mà chị thực hiện chủ yếu là thơ, tại sao vậy?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Việc dịch văn xuôi ngốn khoảng thời gian khá lớn, và những tác phẩm văn xuôi trong thời gian hai năm vừa qua chưa thể hoàn thành việc dịch. Các tác giả hãy kiên nhẫn chờ đợi thêm dăm năm nữa.

Phóng viên: Như vậy là các tác giả Việt Nam có quyền hy vọng về những dự án dài hơi ở phía trước?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Hiện nay có các nhà xuất bản ở Nga, Canada, Romania, Hungary sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam ít nhất 10 năm tới để giới thiệu tác phẩm văn xuôi Việt Nam, chủ đề từ chiến tranh Việt Nam cho đến thời kỳ đổi mới, mở cửa.

Phóng viên: Thật là một tin rất vui! Chị có thể cho biết ý kiến đánh giá, phản hồi từ các báo, tạp chí đã đăng tải tác phẩm văn học Việt Nam mà chị trực tiếp kết nối và thực hiện thời gian qua?

Mở những cánh cửa, đưa văn học Việt ra thế giới -0

 Từ trái qua phải: dịch giả Đức Guenter Giesenfeld, nhà thơ Sandor Halmosi, nhà văn Kiều Bích Hậu, nhà thơ Laura Garavaglia. (Ảnh: NVCC)

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Nhà thơ người Italia Laura Garavaglia (Chủ tịch ngôi nhà thơ Como) nhận xét rằng, nếu không dịch thơ của nhà thơ đương đại Việt Nam, thì người dân Italia chỉ biết đến Hồ Chí Minh và Nguyễn Du mà thôi, chỉ biết đến Việt Nam thời trước 1954. Thơ nữ Việt Nam thể hiện tính nữ mãnh liệt, vượt qua những trói buộc Nho giáo để tình yêu được tỏa sáng, và người nữ khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Nhà thơ, nhà văn Nga Alexander Konstantin Kabishev, người giới thiệu thơ văn Việt Nam trên tờ Humanity cho rằng: Qua thơ văn Việt Nam, tôi thấy chúng ta lại khá gần gũi nhau trong những giá trị về tinh thần và văn hóa. Tôi còn biết Việt Nam có sự ấm áp về khí hậu và tình cảm con người. Việt Nam còn là đất nước của những con người tốt bụng và thân thiện, rất nhiều người trong số người tôi biết qua tác phẩm của họ, khiến tôi cảm thấy vô cùng thoải mái coi họ là bạn thân. Người Việt chính là biển tài năng và dòng suối trong trẻo của tư tưởng nhân đạo hiện đại.

Cần sự chung sức của mọi người

Phóng viên: Nói về cơ hội, theo chị, chúng ta có cơ hội để đưa văn học Việt đến rộng rãi với bạn bè quốc tế hay không, thay vì cách làm còn khá nhỏ lẻ hiện nay?

Mở những cánh cửa, đưa văn học Việt ra thế giới -0

 Nhà văn Kiều Bích Hậu tham dự “Diễn đàn châu Á” (Asia Forum) do Hội văn học châu Á và Tạp chí Văn hóa, văn học, nghệ thuật châu Á tổ chức trực tuyến, tháng 8/2021. (Ảnh: NVCC)

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Tôi nghĩ phải từ những lạch nước nhỏ, chảy thành suối, thành sông, rồi mới ra biển lớn. Nhưng vấn đề là chúng ta cần khởi lên một hành động, và làm nó hằng ngày, kiên trì, bền bỉ, lôi cuốn mọi người chung tay, chung sức…

Xét về giá trị tác phẩm Việt Nam qua các giải thưởng văn học quốc tế uy tín, thì các nhà văn Việt Nam ở hải ngoại như: Viet Thanh Nguyen, Kim Thúy, Linda Le, Thuận, Trần Vũ, Đinh Linh… cũng đã xuất bản nhiều sách ở nước ngoài và được giải thưởng danh giá như giải Pulitzer, thậm chí nhà văn Kim Thúy còn được đề cử giải Văn học mới, thay thế giải Nobel Văn chương bị hoãn trong năm  2018…

Các nhà văn trong nước thì có thể kể đến nhà văn Bảo Ninh được nhận Giải thưởng Văn học châu Á ở Hàn Quốc với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”; tác phẩm “Cánh đồng bất tận” (được dịch sang tiếng Đức: Endlose Felder) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được trao giải thưởng Literaturpreis 2018 do Litprom, Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt (Đức) bình chọn; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được trao giải thưởng văn học Changwon KC International Literary, Hàn Quốc nhằm ghi nhận những đóng góp của tác giả với văn chương quốc tế; tập tiểu thuyết “Trí nhớ suy tàn” của nhà văn Nguyễn Bình Phương được Nhà xuất bản Riveneuve của Pháp xuất bản với bản dịch của nhà nghiên cứu người Pháp Emmanuel Poisson, nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai được trao giải thưởng văn học Dayton vì hòa bình năm 2021 và nhiều giải thưởng văn học uy tín khác cho tác phẩm “The Mountains Sing”…

Mở những cánh cửa, đưa văn học Việt ra thế giới -0

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận sách “Hợp dòng văn học Việt Nam-Ấn Độ” vừa ra mắt tháng 12/2021. (Ảnh: NVCC)

Như vậy, vấn đề không phải văn học Việt Nam thiếu tác phẩm hay để đưa ra thị trường văn học thế giới, mà vì sự nghiệp này chưa được quan tâm thỏa đáng. Hay nói một cách văn chương, thì chưa có vị hoàng tử xuất hiện để đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Bên cạnh đó thì chi phí dịch thuật thấp cũng là một rào cản. Đơn cử, việc trả nhuận bút dịch cho một trang tác phẩm văn học gồm 350 chữ của Việt Nam chỉ được 150.000 đồng, trong khi thị trường dịch văn học các nước trong khu vực châu Á có mức chi trả trung bình là 700.000 đồng/trang.

Phóng viên: Ngoài vấn đề kinh phí đang còn nhiều hạn chế thì theo chị, chúng ta có đủ lực lượng dịch giả để đảm nhiệm công việc nặng nề này?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Chúng ta có đủ lượng dịch giả ở Việt Nam, ở nước ngoài, vấn đề là chúng ta cần ngồi lại với nhau để cùng làm việc này với một chiến lược dài hơi và sự đầu tư thỏa đáng. Tôi thấy cái khó của người Việt là thiếu tính hợp tác, thiếu kết nối và thiếu kiên trì, thiếu những đại diện văn học thực sự giỏi nghề, năng nổ, có quan hệ quốc tế rộng rãi. Nghề đại diện văn học ở ta hầu như chưa có. Chúng ta cũng chưa ý thức đủ về việc quảng bá cho tâm hồn Việt qua văn chương, chưa ý thức đủ về sự cạnh tranh ảnh hưởng văn hóa toàn cầu.

Phóng viên: Mặc dù đã có không ít tác phẩm văn học trong nước được giới thiệu, xuất bản ở nước ngoài, được đưa vào hệ thống thư viện quốc gia và một số trường đại học, tuy nhiên công tác, quảng bá văn học Việt ra thế giới vẫn cần phải được tiến hành một cách bài bản hơn. Là một dịch giả và hiện đang công tác tại Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam, ý kiến của chị về vấn đề này?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Để tiến hành bài bản công tác quảng bá văn học Việt ra thế giới, tôi cho rằng cần có sự đầu tư kinh phí lâu dài của nhà nước, sự nỗ lực rất lớn của Hội Nhà văn Việt Nam, kết hợp cùng với các tác giả và dịch giả để tìm ra chiến lược phù hợp đưa nền văn học nước nhà vươn ra tầm thế giới.

Mở những cánh cửa, đưa văn học Việt ra thế giới -0

Bìa sách “Hợp tuyển văn học Việt Nam-Ấn Độ” vừa ra mắt tháng 12/2021. (Ảnh: NVCC)

Tôi mạnh dạn đề xuất chiến lược như thế này:

Một là, tập hợp các dịch giả đã thành danh trên khắp thế giới, đã có tác phẩm dịch văn học Việt Nam và xuất bản ở nước ngoài thành công (dịch giả có thể là người Việt, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài), trao cho dịch giả danh hiệu Đại sứ văn học Việt Nam, liên kết suốt đời với đội ngũ này để họ tiếp tục cống hiến tài năng, tâm sức cho sự nghiệp quảng bá văn học Việt Nam. Đầu tư xây dựng đội ngũ dịch giả mới, trẻ trung, tài năng, hiểu biết và chuyên nghiệp (gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài). Có chế độ đối đãi đúng với giá trị mà các dịch giả cần được nhận;

Hai là, xây dựng Viện dịch thuật văn học Việt Nam để quy tụ đội ngũ dịch giả tài năng, liên kết với các đối tác nước ngoài để mỗi năm xuất bản ít nhất 10 đầu sách văn học Việt Nam tiêu biểu ở 10 quốc gia mạnh về văn chương và có ngôn ngữ phổ cập như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Italia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Viện dịch thuật văn học Việt Nam cũng sẽ tổ chức các sự kiện như Hội thảo, tọa đàm xuyên quốc gia về các tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu, được giải thưởng trong nước và quốc tế. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu tác phẩm văn học Việt Nam tại các quốc gia khác;

Ba là, thành lập Quỹ dịch và quảng bá tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới để kêu gọi nguồn vốn công, tư cho việc dịch văn học Việt Nam, tạo nền tảng trao đổi tác phẩm văn học Việt Nam với thế giới để huy động tác phẩm và quy tụ các nhà xuất bản trên khắp thế giới. Tích cực kết nối và kêu gọi sự trợ giúp về kinh phí và phát hành sách văn học Việt Nam từ các nguồn lực ở nước ngoài. Tổ chức xuất bản các tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam ở nước ngoài và đưa vào hệ thống thư viện nước ngoài. Khuyến khích các tác giả tự đầu tư dịch và xuất bản tác phẩm của chính mình ở nước ngoài;

Bốn là, thành lập các nhà xuất bản trong các trường đại học có khoa ngữ văn và tiếng nước ngoài để các sinh viên và giảng viên, nhà nghiên cứu văn học, các nhà ngôn ngữ học có thể dịch ngược, xuôi, liên kết xuất bản chéo tác phẩm của các nước đối tác. Cấp học bổng cho sinh viên nước ngoài học tiếng Việt, khi những sinh viên này tốt nghiệp, cần ký hợp đồng dài hạn với họ để họ dành thời gian trọn đời dịch tác phẩm văn học Việt Nam;

Năm là, tổ chức xét trao giải thưởng lớn cho các tác giả Việt Nam có tác phẩm văn học, có sách được dịch và xuất bản ở nước ngoài hằng năm, và giải thưởng cho các dịch giả dịch được tác phẩm Việt Nam xuất bản ở nước ngoài;

Sáu là, tổ chức việc quảng bá thật sâu, đậm cho một số tác giả Việt Nam đương đại tiêu biểu, có những tác phẩm giá trị, đặt hàng những dịch giả danh tiếng của thế giới, dịch tác phẩm của những tác giả đó và xuất bản ở những nước có thị trường văn học mạnh, hướng tới các giải thưởng danh giá của thế giới như Nobel, Pulitzer, Man Booker quốc tế…

Điều quan trọng là chúng ta phải bắt tay vào thực hiện!

Mở những cánh cửa, đưa văn học Việt ra thế giới -0

 Nhóm nữ dịch Văn học Hà Nội và một số người bạn tại Bảo tàng Nghệ thuật gốm Quang tại Bát Tràng.

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu sinh năm 1972 tại Hưng Yên, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Chị từng đoạt giải Khuyến khích cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” của Báo Tiền phong năm 1992 với truyện ngắn “Huyền thoại về người đẹp”; giải Nhì cuộc thi “Truyện ngắn Báo Văn nghệ 2006-2007” với truyện ngắn “Đợi đò”; giải Khuyến khích cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội 2008-2009 với chùm tác phẩm “Mùa sen”, “Nốt cuối của bản nhạc Jazz”. Năm 2020, tập thơ The Unknow (Ẩn số) của Kiều Bích Hậu sáng tác bằng tiếng Anh đã được dịch và xuất bản ở Italia.

Tính riêng trong năm 2021, nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu đã kết nối, và cùng các dịch giả khác trong Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội chuyển ngữ tác phẩm của gần 60 tác giả Việt Nam để giới thiệu, xuất bản ở nhiều quốc gia như: Ấn Độ, Italia, Mỹ, Romania, Pakistan, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary....

 

“Để có thể hiểu rõ căn cốt của nền văn hóa Việt Nam, lịch sử tinh thần và các giá trị làm nên sức mạnh, vẻ đẹp và phẩm giá Việt Nam thì không có hoạt động nào so sánh được với việc giao lưu văn học, nghệ thuật. Chỉ có sự khám phá công phu con người qua văn học mới có thể tiếp cận bản chất, đặc thù và chiều sâu văn hóa của một dân tộc, làm cơ sở cho một nhận thức và tầm nhìn đúng đắn về truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam. Làm cho tâm hồn gặp gỡ với tâm hồn, làm cho chia sẻ bù đắp chia sẻ, chính là tạo nên những trụ cột vững chắc cho một tình bạn lâu bền, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nhà văn với thế giới và nhân dân Việt Nam với thế giới”.

(Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam)

Phong Điệp thực hiện

Nguồn: Báo Nhân dân, ngày 10.01.2022.

Có thể nói, văn chương trong tác phẩm 'Huế đẹp như tranh' như những họa đồ hay tranh chạm khắc được hình thành một cách chi tiết, qua những cảm xúc sâu xa, mong manh và đầy tinh tế...

Bulletin des amis du vieux Hue (hay Những người bạn cố đô Huế) được đánh giá là một trong những tập san khoa học xã hội có giá trị bậc nhất Đông Dương trong 3 thập kỷ, từ 1914 – 1944. Mới đây, tập 2 Huế đẹp như tranh đã được giới thiệu với đông đảo bạn đọc, góp phần lần giở những giá trị xưa, từ đó mang đến cái nhìn vượt thời gian về chốn thần kinh của hơn một thế kỷ trước.

Được viết bởi những cá nhân đã từng sinh sống và làm việc tại đây, Huế đẹp như tranh đã tách mình khỏi góc nhìn lịch sử, để không đơn thuần là tái hiện thời gian chính xác, tình tiết rõ nét, mà thay vào đó sử dụng thủ pháp miêu tả tỉ mỉ, khai thác đề tài ở nhiều góc nhìn… để mang đến cái nhìn thú vị về con người, cảnh sắc, lịch sử, văn hóa, phong tục… Huế xưa. Có thể nói, văn chương trong tác phẩm này như những họa đồ hay tranh chạm khắc được hình thành một cách chi tiết, qua những cảm xúc sâu xa, mong manh và đầy tinh tế.

Tức cảnh sinh tình

Cũng như Nam Kỳ ngao du của Léon Werth hay An Nam thời xưa của Toàn quyền Pierre Pasquier, các tác giả trong tập san này có cách nhìn Huế khác biệt và đầy trìu mến. Các áng văn này thường bộc lộ cảm xúc nội tâm, không hướng theo một chủ đề đặc biệt nào cả, mà là ghi lại trải nghiệm mắt thấy tai nghe và đầy lạ lẫm của họ.

Chẳng hạn trong bài Chuyến dạo chơi đêm tả về quang cảnh của Huế năm 1910 của E.Gras – quan Chánh sở Kho bạc An Nam, ta thấy ở đó rất nhiều yếu tố tạo nên cảnh Huế, từ những ánh lửa hắt lên bóng người leo lét, mùi gừng bốc lên từ các căn nhà…. cho đến sự sống “đông nhung nhúc, dữ dội và kỳ diệu” từ tiếng loạt soạt thoáng qua của chiếc lá rụng hay cú nhảy ì ạch của một con cóc…

Từ những mô tả ấy, E.Gras như một flâneur(*) ở nơi thuộc địa cũng rất tinh tế bộc lộ cõi lòng của mình. Theo đó khi được bổ nhiệm ở Huế, vợ ông vì không muốn sang nên đã ly hôn, có thể từ đó mà ông đã nghiêng mình xuống dành sự thương cảm cho những thân phận không được may mắn. Đó là những cô gái làng chơi da vàng nhỏ bé, những những người đẹp về đêm, người “chống tay đợi khách với điếu thuốc lập lòe trên đôi môi thẫm đỏ” gần cầu Gia Hội… Ông cũng tinh tế nhấn vào nơi đó thêm sự buồn thương, với khúc ca vẳng lại từ xa, cao vút như cất lên từ hơi sương mờ ảo bao phủ dòng Hương giang…

20231211 2

Tranh màu nước của E.Gras vẽ lại cảnh trong rạp hát. Người nhắc vở (phía phải) đọc quá to khiến khán giả được nghe lời thoại đến 2 lần, trong khi các vai ma quỷ tận dụng pháo sáng để trốn xuống gầm bàn.


Ngoài viết văn, E.Gras cũng là họa sĩ tương đối nổi tiếng đã tạo nên nhiều bức vẽ hoạt cảnh đời sống của người Đông Dương. Chẳng hạn trong bài Một đêm nơi rạp hát An Nam, ông đã tả lại cách thức mà sân khấu thời đó trình diễn nghệ thuật. Ông đánh giá ý tưởng của các tác phẩm có thể phức tạp, nhưng biểu hiệu của người đóng tuồng thì lại chân phương, không có gì sâu xa.

Ông cũng có những trải nghiệm “dở khóc dở cười” tại đây, như việc người nhắc vở rõ to khiến cho khán giả như được nghe kịch tới 2 lần, hay việc các vai ma quỷ không biến mất theo kiểu thông thường, mà người diễn viên sẽ tung bột nổ mà người Tàu sáng chế, rồi nhân lúc đó trốn dưới gầm bàn… cũng cho thấy một thời hoạt động sân khấu phần nhiều giản dị.

Trong đa số bài viết, ta đều thấy cách mà Huế đã trở thành nơi của nhiều chủng tộc và nhiều lớp người cùng nhau chung sống. Ở đó người An Nam cùng người Tàu, người Ấn, người da trắng… sống lẫn vào nhau. Từ anh lính với trang phục kaki, anh bồi với mái tóc búi cao, cho đến những đứa trẻ đầu trần, những cu li-chè không có khách, những anh lính đương kỳ nghỉ phép, những cô hàng buôn nhón chân chao người gánh những giỏ hàng hay những ông khách người Hoa bụng phệ, người Âu châu đội mũ trắng đi ngang qua trên một cỗ xe có bác xà ích kênh kiệu…. đều được tác giả thu hết vào tầm mắt mình.

Huế cũng được nhấn nhá bằng những công trình lăng tẩm của những vị đế vương, của kiến trúc vườn, ngọn núi Ngự Bình, sông Hương, và từ nơi đó vang lên bài ca của những phụ nữ chèo thuyền tam bản, điểm nhịp bởi tiếng khua mái chèo… Các tác giả đã quan sát cũng như nghiên cứu một cách kỹ càng, để không chỉ tả lại cảm xúc, mà các bài này cũng có những thông tin chính xác như đây là các bài ca với giai điệu truyền lại từ các bậc tiền nhân đã được lưu giữ trọn vẹn, và người ta sẽ không bao giờ được nghe lần thứ hai theo cùng một lối, bởi người xướng ca sẽ ứng tác trên một chủ đề quen thuộc và để cảm hứng được tự do biến tấu…

Bìa sách Huế đẹp như tranh. Ảnh: Minh Anh


Các nghiên cứu sâu

Ngoài những bài viết chủ yếu sáng tạo dựa trên cảm xúc, thì Huế đẹp như tranh cũng có những bài riêng lẻ tập trung nghiên cứu một khía cạnh nào đó. Chẳng hạn trong bài Một ngày của một “nữ nhân thanh lịch” ở Huế, thì J.de.Soudack đã bám rất sát cuộc sống của mệnh phụ phu nhân Mỹ Châu xuất thân danh giá, để tả lại trọn một ngày của cô, từ lúc thức dậy với việc ra khỏi màn, súc miệng, châm điếu thuốc lá nhỏ xíu, ăn sáng… cho đến làm đẹp, đón tiếp bạn bè… Tại đây những chuyện “hậu cung bếp núc” của người phụ nữ đứng sau gia đình đã được tái hiện một cách khác lạ và đầy độc đáo.

Chẳng hạn nhà bếp nơi đây được Soudack mô tả rất lý thú. Ông viết “Nhà bếp rất rộng, bếp lò xây dọc tường tứ bề đỏ lửa. Trong những nồi đất là cá cắt khúc đang kho, vịt áp chảo với hành tỏa ra mùi hương thoang thoảng của… miền Provence. Treo trên xà nhà là khay đan bằng mây đựng một chú heo được quay nguyên con”. Cung cách dùng bữa của những giới thượng lưu cũng được ghi lại, với ấm trà thơm nức hoa ngâu đựng trong chén nhỏ dát bạc. Tại đó những đĩa thức ăn nối tiếp nhau được bưng lên với các loại thịt cắt miếng, chấm vào nước mắm. Khi có khách quý, thì dàn nhạc và các nàng vũ công cũng được thêm vào, mang đến không khí vui tươi.

Tranh màu nước của E.Gras tả lại một ngày của nữ nhân thanh lịch Mỹ Châu.


Vượt ra khỏi chốn hậu viện của một gia đình, các tác giả cũng mang đến những ấn tượng lớn và bao quát hơn về các địa danh và nét văn hóa đặc biệt. Chẳng hạn trong bài Bao Vinh, thương cảng ở Huế, R.Marineau đã nói về nơi giao thương vô cùng bận rộn, nơi người An Nam cùng với người Tàu cùng nhau làm ăn, từ đó làm nên cuộc sống sung túc. Nơi đây bấy giờ hiện lên nhộn nhịp với sản vật phong phú đổ về từ khắp nơi, có cả những thứ không thường hay thấy ở Nhật Bản, Malabar – ven biển Ấn Độ và Âu Châu. Đến phiên mình, nhiều tàu từ đây sau khi chất đầy hàng hóa nhất là gạo, bắp, khoai mì, khoai lang, lâm sản, gỗ quý, hoa quả… cũng sẽ hướng đến Trung Quốc hoặc Hong Kong, sau khi chạy qua Hải Phòng hoặc Đà Nẵng.

Nghiêng về văn hóa, Bonhomme cũng có một bài tương đối ấn tượng là Thành phố của quan chức, để hệ thống lại những nét chung nhất của hệ thống giáo dục của xứ An Nam. Là kinh đô của vương quốc, là một đô thị hành chính, nên như ông khẳng định, quan chức hiện diện khắp nơi ở Huế. Ông cũng nói thêm “Ta không thể lãnh hội đầy đủ về Huế, vẻ nghiêm trang, danh tiếng, vẻ cao quý của một bộ phận cư dân, và thậm chí là lãnh hội đến một mức nào đó vẻ bề ngoài của thành phố, những di tích bị bỏ phế, những lối đi bị cỏ dại xâm chiếm… nếu ta không thâm nhập ít nhiều vào hồn cốt của cõi quan trường.”

Bài này có thể được xem như phần nhỏ hơn mà cuốn An Nam thời xưa của Toàn quyền Pierre Pasquier đã từng viết về. Nó cũng đề cập đến các bước đường học tập, cơ hội thành danh cho tất cả mọi người, những được – mất của việc làm quan cũng như sự quan trọng việc tuân theo lề thói mà các bậc hiền triết thời xưa chỉ dạy… Bài Lễ Tết ở Huế cũng là những nét sơ khởi về các sự kiện lớn hàng năm, từ đó mà người nước ngoài có thể hiểu một cách rõ hơn về văn hóa và con người An Nam trong những năm đầu của thế kỷ 20…

Với mục tiêu bảo tồn và truyền lại những dấu ấn xưa về xứ Huế và các vùng lân cận, Huế đẹp như tranh là tài liệu có giá trị khảo cứu lớn, để từ đó độc giả thời nay có thêm góc nhìn về những sự kiện đã từng diễn ra một thế kỷ trước. Mỗi bài viết trong tập sách này như một “chuyến đò”, giúp đưa đọc giả xuôi hai bên bờ sông, từ đó thấy lại lịch sử, văn hoá, tôn giáo và phong tục… đã từng tồn tại những ngày xưa cũ.

Minh Anh

Nguồn: Người đô thị, ngày 02.12.2023.

__________________

(*) Danh từ tiếng Pháp có nghĩa “đi dạo” hay “lang thang” được nhà thơ người Pháp Charles Baudelaire dùng lần đầu tiên, chỉ những người dành thời gian cho việc quan sát.

Cuối thế kỉ XX, văn học Việt Nam đã mở ra nhiều hướng đi mới. Thời điểm này cũng là lúc chúng ta chứng kiến thêm sự bùng nổ và cất tiếng của các trào lưu văn học hiện đại với các thành tựu và sức ảnh hưởng đáng kể.

Bức tranh văn học Việt Nam đương đại có thêm nhiều màu sắc về ngôn ngữ, tư tưởng, mĩ học cũng như tính địa lí, lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội... Bên cạnh tác phẩm của các nhà văn trong nước, văn đàn còn được góp tiếng nói bởi tác phẩm của những nhà văn hải ngoại viết bằng tiếng mẹ đẻ như Đi hết đường mưa (Phạm Hải Anh), China Town (Thuận) hay Oxford thương yêu (Dương Thuỵ)... Những nhà văn thuộc nền văn học di dân, sau khi được tái định cư ở ngoại quốc, bắt đầu tiếp xúc với những nền văn hoá mới. Do đó, bản thân họ luôn thường trực ở giữa những xung đột cũ và mới. Vấn đề này luôn được đặt ra trong các tác phẩm của họ. Tác giả Đào Trung Đạo trong cuốn sách Văn chương di dân viết về quê hương từ bên ngoài đã đặt ra ba câu hỏi để chúng ta cùng đi tìm câu trả lời. Đầu tiên, đối tượng của nhà văn di dân là ai. Thứ hai, tính trung thực trong mô tả quê hương của một người ở phía ngoài có đúng hay không. Cuối cùng, di dân luôn chứa những lai ghép về văn hoá, vậy người viết đứng trên lập trường nào để viết. Đó đều là những câu hỏi còn để ngỏ cho những nhà nghiên cứu phê bình tiếp tục khai thác.

Nền văn học nghệ thuật hiện thực và nhân văn của Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay đã ảnh hưởng rất lớn tới văn học Việt Nam qua nhiều thế hệ.

20231125

Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân trao tặng Kỷ niệm chương cho học giả Anatoly Sokolov. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 21/11, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã diễn ra Lễ trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam” cho Phó Giáo sư, Tiến sỹ Anatoly Alekseevich Sokolov, cán bộ khoa học của Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga.

Tham dự sự kiện, về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân, lãnh đạo các ban, ngành của Đại sứ quán Việt Nam, cùng một số đại diện cộng đồng Việt Nam tại Liên bang Nga.

Về phía Nga có sự tham dự của Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt Vladimir Buyanov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương, Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, cùng đông đảo các chuyên gia, học giả Nga nghiên cứu, quan tâm và có nhiều tình cảm với Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Hồng Quân khẳng định, sau hơn 70 năm Việt Nam và Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay, ký kết Hiệp ước Hữu nghị, giữa hai nước đã có mối quan hệ mật thiết, cùng hợp tác và phát triển có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực kinh tế, quốc phòng và xã hội, nhưng đặc biệt nhất là sự gắn bó về văn học, nghệ thuật.

Nền văn học nghệ thuật hiện thực và nhân văn của Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay đã ảnh hưởng rất lớn tới văn học Việt Nam qua nhiều thế hệ. Những tác phẩm của các nhà văn Nga vĩ đại như Aleksandr Sergeyevich Pushkin, Mikhail Yuryevich Lermontov, Lev Nikolayevich Tolstoy, Maksim Gorky, Solokhov... cùng hàng chục tác giả khác, đã được dịch sang tiếng Việt.

Phó Giáo sư Anatoly Sokolov là một trong những nhà Việt Nam học có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu, dịch thuật đó.

Ông Đỗ Hồng Quân khẳng định, kỷ niệm chương lần này là sự đánh giá cao và tôn vinh những cống hiến đối với Văn học Việt Nam của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Sokolov, đồng thời gửi lời chúc mừng và hy vọng học giả tiếp tục cống hiến nhiều hơn các công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng học giả Anatoly Sokolov (Nguồn: TTXVN)

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng học giả Anatoly Sokolov (Nguồn: TTXVN)

Về phần mình, Đại sứ Đặng Minh Khôi chúc mừng học giả Anatoly Sokolov, khẳng định việc trao tặng Kỷ niệm chương là sự ghi nhận của Liên hiệp các Hội Văn học và nghệ thuật Việt Nam nói riêng, cũng như của Việt Nam nói chung đối với những đóng góp và nỗ lực không ngừng nghỉ của học giả trong việc nghiên cứu, giới thiệu và quảng bá văn học nghệ thuật Việt Nam đến với công chúng Nga và bạn bè quốc tế, góp phần vào việc xây dựng và củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Đại sứ cũng đề nghị Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cùng với các nhà nghiên cứu, nhà Việt Nam học người Nga phối hợp, tham gia tổ chức các hoạt động chung, đặc biệt là các hoạt động văn hóa nghệ thuật, để cùng kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và LB Nga vào năm 2024.

Phát biểu đáp từ tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Anatoly Sokolov xúc động gửi lời cảm ơn tới Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức buổi lễ trang trọng, ấm áp ghi nhận những đóng góp khoa học của mình.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Anatoly Sokolov từ lâu đã được nhiều người Việt Nam biết đến với cương vị là người biên soạn cuốn “Từ điển Việt-Nga,” cuốn sách gối đầu giường của thế hệ hàng chục nghìn cựu sinh viên, chuyên gia, cán bộ Việt Nam đã từng làm việc và học tập tại Nga.

Với niềm đam mê và kiến thức sâu rộng đối với lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, công tác tại Viện Đông phương danh tiếng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, học giả Anatoly Sokolov đã viết hơn 200 bài báo về văn học, lịch sử Việt Nam; khảo cứu và biên soạn hàng chục bài báo về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam từ kho lưu trữ của Liên Xô.

Học giả Anatoly Sokolov là tác giả của công trình Lịch sử điện ảnh Việt Nam, người viết bản nghiên cứu rất công phu về những tác phẩm văn học Xô-viết được dịch ở Việt Nam thời chống Pháp...

Ông cũng là người hiệu đính tác phẩm Truyện Kiều và Nhật ký Đặng Thùy Trâm nổi tiếng được dịch ra tiếng Nga.

Chu An

Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam, ngày 22.11.2023.

(Thethaovanhoa.vn) -  GS-TS Peter Zinoman và vợ là Nguyễn Nguyệt Cầm đã dịch Số đỏ (Dumb Luck) phát hành tại Mỹ năm 2002. Năm 2003, tờ Los Angeles Times đã chọn bản dịch này là 1 trong những cuốn sách hay nhất của năm. Ngoài các bài nghiên cứu Vũ Trọng Phụng riêng lẻ, Peter Zinoman còn ra riêng sách chuyên khảo Vietnamese Colonial Republican: The Political Vision Of Vũ Trọng Phụng về “viễn kiến chính trị của Vũ Trọng Phụng” vào năm 2014.

LTS: Theo thống kế của diễn đàn Sách xưa và số liệu của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thì từ năm 1938 đến nay, riêng tại Việt Nam, tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng đã tái bản gần 80 lần. Trở thành tiểu thuyết thời 1930 - 1945 được tái bản, in lại nhiều lần nhất.

Từ lâu, giới nghiên cứu văn học Việt Nam và Việt Nam học quốc tế khi có dịp tiếp xúc với Số đỏ đều có những bất ngờ, háo hức. Qua các bài viết và hội thảo đây đó, nhiều người đã bày tỏ rằng muốn dịch và giới thiệu “Số đỏ” đến với độc giả nước họ.

Mới đây, Số đỏ đã được dịch giả PGS-TS Hạ Lộ dịch ra tiếng phổ thông Trung Quốc hiện đại, dưới tên gọi là 红 运 (Hồng vận), do NXB Văn nghệ Tứ Xuyên phát hành. Vậy là sau tiếng Pháp, Anh, Nga, Séc, Italy… nay Số đỏ đã có thêm tiếng Trung Quốc.

Dịch giả Hoàng Đăng Lãnh từ Đức vừa báo tin cho biết tiểu thuyết này sẽ được Nhà xuất bản Tauland phát hành vào tháng 12/2021 tới đây, với bản dịch tiếng Đức do Rodion Ebbighausen và Hoàng Đăng Lãnh thực hiện. Một dịch giả người Nhật (chưa muốn lộ diện) thì đang dịch sang tiếng Nhật. Nhiều chuyên gia dự báo, “Số đỏ” sẽ còn tiếp tục được dịch ra các thứ tiếng khác, vì sức hấp dẫn xuyên thời gian và không gian của nó.

Để hiểu hơn về Số đỏ và Vũ Trọng Phụng (20/10/1912 - 13/10/1939) nhìn từ bên ngoài Việt Nam, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nhà Việt Nam học Peter Zinoman.

Chú thích ảnh

Nhà Việt Nam học Peter Zinoman

* Từ khi bản dịch của anh và chị Nguyệt Cầm xuất hiện tại Mỹ năm 2002 đến nay, có ai ngạc nhiên khi biết đến một nhà văn như Vũ Trọng Phụng không?

- Không có ai ngạc nhiên cả. Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được đón nhận như tác phẩm của nhiều nhà văn khác. Chúng tôi nhận được nhiều lời khen, rất ít lời chê. Tiểu thuyết cũng nhận được một số bài điểm sách ưu ái trong giới hàn lâm nói riêng và công chúng nói chung.

* Gần 10 năm trước, anh xuất bản sách “Vietnamese Colonial Republican: The Political Vision Of Vũ Trọng Phụng” về “viễn kiến chính trị của Vũ Trọng Phụng”. Vậy thì các viễn kiến/ tầm nhìn chính trị của Vũ Trọng Phụng là gì, có ảnh hưởng trực tiếp đến “Số đỏ” không?

- Viễn kiến chính trị của Vũ Trọng Phụng, như tôi đề cập trong cuốn sách là tư tưởng cộng hòa kiểu Pháp. Điều này có nghĩa là, cơ bản mà nói, Vũ Trọng Phụng ủng hộ tự do, bình đẳng và bác ái, mong có một đất nước của dân, do dân và vì dân. Chủ nghĩa cộng hòa kiểu Pháp cũng chống lại nền quân chủ và thần quyền/tôn giáo. Cụ thể hơn, ông ủng hộ giáo dục, khoa học, nền pháp trị, cũng như một không gian công cởi mở.

20211209

Bản dịch “Số đỏ” (Dumb Luck) của Nguyễn Nguyệt Cầm và Peter Zinoman

Rất dễ nhận thấy xu hướng chống chủ nghĩa thực dân của Vũ Trọng Phụng, qua cách ông cười nhạo tiến trình Tây hóa trong Số đỏ. Chúng ta thấy rõ xu hướng kịch liệt chống nền quân chủ và tôn giáo qua cách ông xây dựng hình ảnh các nhân vật như vua Xiêm La và sư Tăng Phú. Xu hướng chống chủ nghĩa tư bản cũng hiện diện rất rõ qua việc ông chế nhạo thương mại và quảng cáo trong Số đỏ

* Ngoài “Số đỏ”, anh nghĩ còn tác phẩm nào của Vũ Trọng Phụng mà dịch ra tiếng Anh, độc giả cũng sẽ dễ cảm nhận được?

- Cho đến nay, ngoài Số đỏ, thì Cơm thầy cơm cô, Lục xì, Kỹ nghệ lấy Tây, cũng như một số truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng đã được dịch sang tiếng Anh. Nhưng Giông tố, một tiểu thuyết lớn khác của Vũ Trọng Phụng, thì chưa được dịch. Tôi nghĩ, nếu có bản dịch tốt, tác phẩm này sẽ được tiếp nhận tốt. Cũng như, nếu Cạm bẫy người, Làm đĩ và Vỡ đê cũng được dịch sang tiếng Anh thì càng tuyệt vời hơn.

Chú thích ảnh

Chuyên khảo về viễn kiến chính trị của Vũ Trọng Phụng

* Nếu có một so sánh, anh nghĩ Vũ Trọng Phụng có giống về cốt cách, tầm vóc với nhà văn nào đó của Mỹ hoặc phương Tây không?

- Trong cuốn Vietnamese Colonial Republican: The Political Vision Of Vũ Trọng Phụng, tôi so sánh Vũ Trọng Phụng với nhà văn George Orwell, người Anh. Có sự giống nhau hiển nhiên về viễn kiến chính trị giữa 2 nhà văn này. Một điểm tương đồng khác là 2 nhà văn này đều thành công với 2 thể loại văn chương rất khác biệt: Tiểu thuyết và phóng sự. Nhiều nhà văn khác thường chỉ thành công với 1 thể loại, nhưng cả George Orwell và Vũ Trọng Phụng đều có những sáng tác để đời trong cả 2 thể loại này. Đây là điều hiếm thấy.

* Cảm ơn anh.

Vài nét về GS-TS Peter Zinoman

GS-TS Peter Zinoman giảng dạy tại khoa sử của Đại học Berkeley, từng được trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2016 vì việc phát triển ngành Việt Nam học tại Mỹ. Ông bắt đầu học về Việt Nam từ năm 1987. Ngoài bản dịch Số đỏ cùng vợ là Nguyễn Nguyệt Cầm, Peter Zinoman là tác giả của The Colonial Bastille: A History Imprisonment In Vietnam, 1862 - 1940 (Ngục Bastille thuộc địa: Lịch sử tù đày ở Việt Nam, 1862 - 1940)… Ông là sáng lập và từng là chủ biên của tập san nghiên cứu Journal Of Vietnamese Studies do University of California Press phát hành.

Được nghỉ một năm để tập trung nghiên cứu, hiện ông đang say mê đọc Phan Khôi quên cả ngày đêm.

Văn Bảy (thực hiện)

Nguồn: Hành trình ra thế giới của Vũ Trọng Phụng (kỳ 1), Thể thao và văn hóa, ngày 01.12.2021.

Thông tin truy cập

60515829
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7340
12997
60515829

Thành viên trực tuyến

Đang có 251 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website