20201008

Quốc kỳ hai nước Nga - Việt Nam.

Giữa năm 1957, đoàn nhà văn đầu tiên của Việt Nam chính thức sang thăm Liên Xô với những Nguyễn Văn Bổng, Võ Huy Tâm, Thanh Tịnh, Nguyên Ngọc và nữ sĩ Anh Thơ. Từ đấy về sau, kéo dài đến tận cuối những năm 80 của thế kỷ 20, hàng trăm lần các nhà văn, nhà thơ danh tiếng của ta đã thường xuyên có điều kiện qua lại viếng thăm quê hương những lâu đài văn chương vĩ đại của nhân loại.

Mà thực ra, đấy thường chỉ thuần tuý là những cuộc “lãng du”, “cưỡi ngựa xem hoa” hoặc nhận tiền nhuận bút (tác phẩm được dịch - in tại Liên Xô và Nga) để phục vụ cho các chuyến ngang dọc nước Nga mà tìm cảm hứng cho những chùm thơ hay bút ký nào đấy. Đó thực sự chưa thể gọi là có một mảng văn chương đích thực của người Việt, những người đã gắn một phần máu thịt của mình với nước Nga nơi xa xôi vạn dặm!

1. Còn nhớ, khởi từ giữa năm 1981, thực thi Hiệp định hữu nghị và hợp tác lao động giữa hai nước, những đội quân lao động đầu tiên của Việt Nam bắt đầu sang hầu hết thành phố lớn thuộc 6 nước cộng hòa của Liên Xô, hợp cùng dăm trăm lưu học sinh đang học nơi đây, dần dần tạo thành một cộng đồng người Việt đông đảo. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, cộng đồng người Việt đã lên tới hơn 100.000 người. Số lượng lưu học sinh của ta tại các trường đại học danh tiếng của bạn cũng lên đến cực điểm 5.000 người. Trong số đội ngũ lao động và trí thức đông đảo ấy, nhiều người đã sớm gắn bó đời mình với nghiệp nghiên cứu và sáng tác văn chương và đa phần đã có chút tên tuổi từ trong nước. Hình như, dòng máu văn chương bẩm sinh của mỗi người và “bệnh” nghề nghiệp đã níu kéo họ lại gần nhau qua những đêm thơ mini hay dạ hội thơ do Đại sứ quán tổ chức. Và Tạp chí Người bạn đường (theo đề xuất đặt tên của nhà thơ Trần Đăng Khoa) ra đời vào tiết thu năm 1992, quy tụ những gương mặt nhà văn Việt Nam cùng các gương mặt yêu sáng tác văn chương khác tại Nga với những sáng tác bật ra từ đời sống thực, từ xã hội trên đất bạn, làm lay động tâm can bạn đọc. Trên diễn đàn văn nghệ cộng đồng, đã dần dần nhận diện được những gương mặt quen thân như: Hồ Quốc Vĩ (Viện Kinh tế Thế giới), Vũ Đình Huy (Viện Hoá - Lý), Khánh Chi, Nguyễn Đình Chiến, Châu Hồng Thuỷ, Vũ Xuân Hương, Thuỳ Linh, Từ Thị Loan, Phan Thanh Thuỷ - Hàm Anh (nhóm Trường viết văn M.Gorki), Trần Văn Thi, Phạm Hồng Nhật (Ban Quản lý lao động), Bùi Quang Thanh (Đại học Sư phạm V.Lênin), Nguyễn Hải Kế, Mai Quỳnh Nam, Trần Nho Thìn, Hữu Đạt, Trịnh Bá Đĩnh, Vũ Thanh, Lê Tây (Viện Hàn lâm Nga), Bùi Mạnh Nhị, Phạm Công Trứ (Xanh Pêterburg), Hoàng Tân Hưng, Lê Thanh Minh (Đại học Mỹ thuật tạo hình Nga), Nguyễn Phúc Thành (công nhân lao động tại Trerpôves), Tôn Thất Chiêm, Xuân Thanh (Đại học Văn hóa Nga)... Trong cái không khí “Người thì chuốt nhạc, đan thơ; Người thì đánh quả tính tờ, tính cây!” ấy, trên các trang thơ của Tạp chí Người bạn đường và Tạp chí Đất nước của Đại sứ quán, bạn đọc dễ nhận ra số lượng các bài thơ, truyện ngắn hấp dẫn, bổ ích ngày một tăng lên. Tâm trạng, nỗi niềm của những người con xa xứ đêm ngày học tập, lao động vất vả với trăm nghìn nỗi truân chuyên đã được các nhà văn, nhà thơ nói hộ lòng mình: “Ngày thì ăn miếng bánh Nga; Đêm mơ chỉ thấy quê nhà mà thôi!”. Và cũng từ đó, hàng trăm bài thơ, hàng chục truyện ngắn của người Việt từ bốn phương trời của Liên Xô cũ đã tới tấp gửi về Ban trù bị thành lập Hội những người hoạt động văn học nghệ thuật tại Liên bang Nga. Một cuộc thi thơ và truyện ngắn được đề xuất nhanh nhạy trước đó trong cộng đồng đã gặt hái vụ mùa đầu tiên đáng khích lệ và trân trọng. Cả một đội ngũ đoạt giải đã chiếm được lòng tin của mọi người và trở thành lớp tác giả trẻ có đóng góp quan trọng cho phong trào hoạt động văn hoá nghệ thuật của người Việt tại Mátxcơva. Đó là các cây bút thơ: Võ Thị Thu Trang, Tử Huyền, Hoàng Xuân Tuyền, Phan Chí Hiếu và các cây bút truyện: Trần Minh Hoàng (Đại học Sư phạm Lugarxcơ), Vũ Thanh (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Nga)...

2. Năm 1991 - 1992, nhà nước Liên Xô tan vỡ. Nước Cộng hoà Liên bang Nga ra đời đã tạo ra cơn địa chấn trong xã hội đương đại và ít nhiều có tác động mạnh đến đời sống của cộng đồng người Việt, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Thực trạng xã hội ấy đã như một thứ xúc tác tạo đà cho sự ra đời của những trang văn, trang thơ thấm nỗi đau đời và tình cảm chan chứa đối với nước Nga, đối với quê hương đất nước. Và từ đây, xuất hiện nhiều gương mặt mới trong các lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu văn chương, góp phần làm sôi động đời sống hoạt động văn học của cộng đồng. Đấy là những Thiên Can, Nguyễn Văn Tài (Viện Ngôn ngữ), Lê Tây, Ngô Minh Sơn, Thi Ải Bắc (Viện Hàn lâm), Thuỵ Anh, Tường Vân (Đại học sư phạm V.Lenin) và đặc biệt là các cây bút trưởng thành từ các trung tâm thương mại như: Nguyễn Thanh Xuân, Đỗ Hà, Hồng Chiên, Nguyễn Đình Lâm (Trung tâm thương mại Sông Hồng), Nguyễn Thông, Lê Anh Tuấn (Trung tâm thương mại Tôgi), Nguyễn Mạnh Hiền (Trung tâm thương mại Lion), Hà Huy Tú (Trung tâm thương mại  Bến Thành)...

Quy tụ đội ngũ cầm bút của người Việt tại Liên bang Nga vào một tổ chức xã hội và nghề nghiệp là một nhiệm vụ cấp thiết và nghiêm túc được Đại sứ quán đặt ra cho anh chị em văn nghệ sĩ. Tháng 8.1994, Hội những người hoạt động văn học nghệ thuật (gọi tắt là Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) tại Liên bang Nga ra đời đã đáp ứng được nguyện vọng của gần 100 cây bút thơ, văn, nhạc, hoạ vốn đã và đang học tập, sinh sống chủ yếu ở Mátxcơva. Có thể nói, đây là bước ngoặt vô cùng quan trọng của quá trình hình thành và xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ người Việt tại Nga, đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của đời sống văn hoá cộng đồng và tạo nhịp cầu thắt chặt mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa cộng đồng người Việt với các nhà văn hoá Nga. Trong đó, có nhiều người trước đây đã trở thành bạn thân thiết của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam, như N.Nhikulin, M. Tkachốp... Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ chính của mình tại các trường đại học, các viện nghiên cứu hoặc các đơn vị hợp tác lao động, các trung tâm thương mại, hàng chục cây bút của Hội vẫn thường xuyên bám sát đời thường, cảm nhận hơi thở của thời cuộc để mang lại những trang văn, trang thơ cảm động và được cộng đồng đón nhận. Những tác phẩm nóng hổi không khí của cuộc vật lộn với chữ nghĩa và bát cơm manh áo nơi đất khách quê người qua năm tháng, đã được lựa chọn và giới thiệu một phần trên các Tạp chí Người bạn đường của Hội Văn học nghệ thuật và Đất nước của Đại sứ quán; cùng một số tờ báo khác như Khoa học và cộng đồng, Hoa đào xứ tuyết của Hội KH&KT, Huế trong ta của Hội những người yêu Huế, Đoàn kết của Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, Thông tin và Thời đại, Đồng hương của một số cá nhân sáng lập, hoặc được gửi về đăng tải trên hàng loạt báo chí trong nước như Văn nghệ, Tiền phong, Văn nghệ Quân đội... Còn lại, phần lớn được giới thiệu qua các đêm thơ tại các khu ký túc xá hoặc các trung tâm thương mại. Gần như mỗi năm, không dưới 5 đêm thơ được tổ chức hoành tráng tại các trung tâm thương mại lớn. Cảm động biết bao khi được chứng kiến tại từng đêm thơ, hàng trăm người yêu thơ đã biết gạt đi nỗi vất vả đời thường để hoà vào nỗi đồng cảm với các nhà thơ của cộng đồng mà họ hằng quý mến. Đây cũng là điều đặc biệt và một thực trạng hiếm có đối với cộng đồng người Việt nơi xa xứ. Hơn 50 đêm thơ - nhạc đã được tổ chức, từ Mátxcơva đến Upha, Volgagrat và các thành phố khác của Liên bang Nga. 14 số Tạp chí Người bạn đường với chất lượng mang tính chuyên nghiệp đã chiếm cảm tình sâu sắc trong lòng bạn đọc. Bên cạnh đó, hàng loạt tập thơ của các hội viên đã được xuất bản. Tập thơ đầu tiên được in bằng tiếng Việt tại Mátxcơva là Hoàng hôn nhớ của Nguyễn Đình Chiến (1992); Tiếp đến là các tập thơ được các nhà thơ trong nước đánh giá cao, đặc biệt là 2 tuyển thơ có chất lượng tốt, gây được tiếng vang trong lòng bạn đọc của cộng đồng cũng như trong nước là Những nẻo đường xứ tuyết (M.1995) và Tuyết ấm (M.2003).

3. Cũng trong những chục năm qua, chất lượng sáng tác văn chương, đặc biệt là thơ của người Việt ở Nga đã lọt “mắt xanh” của nhiều cơ quan báo chí và tuyển chọn thơ trong nước: Trong tuyển thơ “Việt Nam quê hương tôi” do Uỷ ban về người Việt ở nước ngoài và NXB Văn học Hà Nội xuất bản; trong “Tuyển thơ Việt Nam 1975 -2000” - NXB Văn học, H.2001 và “Tuyển thơ Việt Nam nửa thế kỷ 1945 - 2000” - NXB Lao động, H.2001. Bên cạnh đó, nhiều sáng tác đã được giới thiệu trên báo Nước Nga văn học, Đài phát thanh tiếng nói Mátxcơva, trên một số báo Văn nghệ của các nước Tiệp Khắc, Ba Lan... Người đọc dường như không thể quên những số phận, những nỗi niềm qua hàng loạt văn phẩm: Bây giờ là tháng năm của Vũ Thanh, Bảy tam thất của Châu Hồng Thuỷ, Vòng đời của Nguyễn Phúc Thành... Một số tập truyện ngắn và tiểu thuyết của các hội viên ra đời đã tạo ra sức nặng văn chương cho mảng văn xuôi xa xứ và để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc. Có thể kể đến: Hai đầu bức thư tình (Tiểu thuyết, Hà Nội, 1991) của Hữu Đạt, Tuyết nóng sau mặt trời (Tiểu thuyết, Hà Nội, 1993) của Nguyễn Hiếu, Mátxcơva thời mở cửa (truyện -ký) của Nguyễn Huy Hoàng, Hoa Bồ công anh (Tập truyện ngắn, Mátxcơva, 1998), Mùa lấy mật hoa Bạch dương (Tập truyện ngắn, Mátxcơva, 1999), Duyên (Truyện dài, M. 2000), và Bông sen bên dòng Kadanka (Tiểu thuyết, M. 2002) của Thiên Can, Nơi gặp gỡ của những thân phận (Tập truyện ngắn, Hà Nội, 1999) của Nguyễn Văn Tài, Con kiến tật nguyền (Tập truyện ngắn, M.2004) của Nguyễn Đình Lâm...

Từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI đến những năm sau này, nhiều cây bút tuy đã về nước công tác, song nhiều sáng tác phẩm mang đậm dấu ấn trải nghiệm và hơi thở của những năm tháng “lăn lộn” với nước Nga đã thành bước tạo đà cho sự ra đời nhiều tập thơ, văn có sức hút ấn tượng với bạn đọc trong nước và nước ngoài. Đặc biệt là, đến năm 2014, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga đã cho ra đời tuyển tập thơ Nối hai đầu thể kỷ - tập hợp chọn lọc từ gần 1.000 bài thơ của các cây bút chuyên và không chuyên Việt Nam viết tại Liên Xô cũ, Liên bang Nga và viết về Liên Xô cũ, Liên bang Nga, từ hơn nửa thế kỷ qua. Lần đầu tiên, bạn đọc có được “cứ liệu” đủ độ tin cậy để nhận diện một cách tổng quát, sâu sắc về tình cảm yêu thương tha thiết của những người con sống xa Tổ quốc, dành cho những người thân yêu ruột thịt, đặc biệt là tình yêu dành cho người mẹ hiền lam lũ ở quê hương; đồng thời cũng cảm nhận được một cách sinh động, xúc động tình cảm chân thành của người Việt Nam đối với bạn bè từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và đất nước, con người Nga, nơi những cây bút Việt Nam từng có thời gắn bó học tập, làm ăn sinh sống và thể hiện tâm thức sống theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”  cùng tấm lòng tri ân đối với những vùng đất - con người đã giúp đỡ Việt Nam qua những tháng năm chiến tranh và dựng xây cuộc sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn!

Xuyên suốt những sáng tác văn chương của người Việt tại Liên bang Nga hơn 20 năm qua, có thể nhận thấy những suy tư, tình cảm, tâm trạng chung của người Việt xa xứ. Đó là hơi thở nóng hổi của cuộc sống thực nơi đất khách quê người với bao biến đổi dữ dội của xã hội, bao nỗi gian nan vất vả, vui buồn theo nhiều cung bậc khác nhau, vừa khắc nghiệt vừa thi vị, với những số phận và tâm trạng mang đậm dấu ấn một thời. Và, nổi lên trong đó là tình yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương sâu đậm, chất nhân văn đậm đà, cùng những tình cảm thân thiết, sáng trong đối với bạn bè Nga và nền văn hoá Nga vĩ đại. Khá nhiều sáng tác đã vươn tới độ chuyên nghiệp, có giá trị khái quát cao và rung động lòng người, ám ảnh tâm trí của ngàn vạn người con xa xứ. 

4. Nhìn dưới góc độ đó, có thể nghĩ rằng, dòng văn học xa xứ của người Việt Nam ta từ nghìn năm qua, kể từ những trang viết của các sứ giả trải các triều đại Lý - Trần - Lê... đến nay đã lại và đang được nối tiếp và kế tiếp một cách xuất sắc. Với bề dày của hàng nghìn trang viết và chất lượng vốn có của hàng trăm bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết đang nằm trên tay bạn đọc, chúng ta có quyền hy vọng đến một lúc nào đó, văn chương của người Việt tại Nga sẽ nhanh chóng bắt gặp sự quan tâm của các nhà sưu tập, các nhà phê bình nghiên cứu và đặc biệt là sự chăm sóc, ưu ái của Hội nhà văn Việt Nam, để ngõ hầu giới thiệu được những giá trị đích thực của một mảng văn học tích cực đã và đang diễn ra, đặng góp phần tô đẹp thêm vẻ đẹp của nền văn học Việt Nam đương đại!

Từ năm 1999 trở đi, Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga đã chọn đêm Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) hàng năm để tổ chức các đêm thơ và gặp mặt các nhà văn hóa Nga dưới sự tài trợ của các trung tâm thương mại danh tiếng. Hoạt động văn hóa đó liền mạch cho đến nay, trở thành nét đẹp truyền thống trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng người Việt tại Nga, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bè bạn.

Từ năm 2003 trở lại đây, cùng với sự ra đời của Hội người Việt tại Liên bang Nga, Hội Văn học- Nghệ thuật đã cho xuất bản định kỳ tờ tạp chí văn chương mang tên Tao đàn và đặc biệt là trang báo điện tử Người bạn đường, với nội dung và chất lượng nghệ thuật được nâng lên rõ nét. 

Sẽ khiếm khuyết và thiếu hụt biết bao nếu trong kho tàng văn chương khổng lồ của Việt Nam không có sự hiện diện những sáng tác văn học - nghệ thuật do chính con em đất Việt đã và đang lao động, học tập, làm ăn nơi xa xứ sáng tạo ra! Tiếp nối sự liền mạch của dòng văn chương nơi đất khách quê người trên tiến trình lịch sử văn chương nước nhà, hàng nghìn trang văn, trang thơ của người Việt tại Liên bang Nga vào những năm cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, dẫu còn khiêm tốn nhưng cũng đủ bút lực để lộ ra một diện mạo văn chương hấp dẫn và đáng quý, đóng góp cho gia tài văn chương nước nhà những tác phẩm có giá trị.

GS.TS BÙI QUANG THANH

Nguồn: Lao động, ngày 05.01.2020

Thực hiện nhiệm vụ của Duy Tân hội, đầu năm 1905, Phan Bội Châu nhẹ gánh riêng tư, bí mật xuất dương sang Nhật Bản, cùng đi có Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính. Thông qua người bạn Trung Quốc đồng hành, Phan Bội Châu biết được địa chỉ của nhà cách mạng canh tân nước Trung Hoa là Lương Khải Siêu đang cư trú chính trị trên đất Phù Tang.

Vừa đặt chân đến thành phố Hoành Tân (Yokohama), Phan Bội Châu tìm đến nơi ở của Lương tiên sinh. Qua mấy lần trò chuyện bằng bút đàm, Lương tiên sinh đã góp nhiều ý kiến hay, làm cho đầu óc cụ Phan mở mang; sau đó Lương Khải Siêu đã giới thiệu Phan Bội Châu cho một số chính khách người Nhật. Thông qua các chính khách người Nhật này, từ “cầu viện” Phan Bội Châu chuyển sang “cầu học” nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước. Một phong trào vận động thanh thiếu niên Việt Nam sang Nhật du học bắt đầu. Đó là phong trào Đông Du.

Chỉ trong vòng gần 4 năm, những hội viên hội Duy Tân ở trong nước đã gửi sang Nhật khoảng 200 du học sinh. Số học sinh ít ỏi của năm đầu (1905) sang đến Nhật, đã gặp ngay những khó khăn về nơi ăn, chốn ở, tiền bạc để đóng học phí… Huống chi các năm sau với số đông hàng trăm con người đang tuổi ăn, tuổi học… thì khó khăn lại càng gấp trăm lần, ngàn lần. Thông cảm với nhà chí sĩ Phan Bội Châu, nhiều chính khách, trí thức, nhà kinh doanh… và những người lao động bình thường, những công dân Nhật Bản trước sau đều tìm cách tháo gỡ, giúp đỡ Phan Bội Châu hết sức tận tình. Sự giúp đỡ vô tư mà chúng tôi sẽ đề cập đến, không chỉ khi phong trào Đông Du phát triển mà cả khi phong trào đã tan rã, nhưng vẫn còn hàng chục học sinh Việt Nam sống trên đất Nhật, tự kiếm sống để đi học. Thậm chí có người đã qua đời trên đất Nhật, ngày nay nhiều người Nhật vẫn đến đặt vòng hoa tươi trên phần mộ, tỏ lòng thương cảm người chí sĩ Việt Nam chết yểu là Trần Đông Phong tại nghĩa trang Zoshigaya ở Tokyo. 

20191217 dong du

Ảnh chiếc quạt gấp đề thơ do Lý Trọng Bá tặng gia đình bác sĩ Asaba Sakitaro năm 1918 (Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang). Ảnh tư liệu do Đỗ Thông Minh và Phạm Thanh Linh sưu tầm.

Trước tiên, chúng tôi muốn nêu danh tính ngài Khuyển Dưỡng Nghị (InuKai Tsuyoshi) và ngài Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu). Hai vị này đã giúp Phan Bội Châu và du học sinh Việt Nam rất nhiều về vật chất và tinh thần. Khuyển Dưỡng Nghị tiên sinh, bấy giờ là một vị cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục, là một hùng biện gia có danh vọng nhất ở Quốc hội Nhật, từng làm Tổng tài Quốc dân đảng Nhật Bản, về sau lên làm Thủ tướng; còn Đại Ôi Trọng Tín là một nhà chính trị có tiếng tăm lãnh tụ Đảng Cấp tiến, từng làm Tổng lý đại thần (Thủ tướng) là sáng lập viên trường Đại học Tạo Đại Điền (Waseda). Thông qua hai vị này Phan Bội Châu làm quen với giáo sư Hokokawa Morishige, hiệu trưởng trường Đồng Văn Thư viện và tướng Fukishima Yasumara, tổng tham mưu trưởng kiêm hiệu trưởng trường lục quân Chấn Võ học hiệu. Vì phải chấp hành một số nguyên tắc, nên trường Chấn Võ chỉ nhận được 4 sinh viên Việt Nam vào học; còn lại số đông thì vào học trường Đồng Văn Thư viện. Giáo sư hiệu trưởng Hokokawa đã xây dựng thêm 3 căn nhà trong khuôn viên trường để làm ký túc xá và phòng học cho hàng trăm du học sinh Việt Nam… Một hạ nghị sĩ là một thành viên sáng lập ra trường này, có ảnh hưởng quan trọng nhất đến du học sinh Việt Nam thời bấy giờ là ông Kashiwabara Buntaro. Sự chăm sóc của hai vợ chồng ông Buntaro, theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu người Nhật về phong trào Đông Du là rất “tế nhị”, đến mức có nhiều học sinh Việt Nam học ở trường tiểu học Rekisen gọi ông là “Bố” (Otosan), gọi vợ ông bằng “Mẹ (Okasan)… Ngài Khuyển Dưỡng Nghị còn phối hợp với Lương Khải Siêu giúp đỡ Phan Bội Châu in hàng ngàn bản Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư v.v… để gửi về nước. Khi phong trào Đông Du bị giải tán, chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất các du học sinh Việt Nam, Phan Bội Châu lại phải đến nhờ ông giúp đỡ 4000 yên để mua vé tàu thủy “Bưu Thuyền hội xã” đưa các học sinh về nước.

Mối quan hệ cá nhân với các chính trị gia Nhật Bản đã giúp Phan Bội Châu thu xếp học sinh Việt Nam vào học các trường ở Nhật và về lại trong nước được thuận lợi an toàn. Theo các tài liệu hiện nay nói về phong trào Đông Du, kể cả ở Nhật và Việt Nam, thì hình như trong vòng hai năm đầu, thông qua mối quan hệ cá nhân giữa Phan Bội Châu và các chính khách Nhật, qua sự giới thiệu của Lương Khải Siêu, nên phủ toàn quyền Đông Dương lẫn chính phủ Nhật bấy giờ đều không hay biết gì về những lưu học sinh Việt Nam có mặt trên đất Nhật.

Trong giới trí thức người Nhật giúp đỡ tận tình phong trào Đông Du và du học sinh phải kể đầu tiên là bác sĩ Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang (Asaba Sakirato). Một con người mà Phan Bội Châu đã đánh giá rằng “Hào hiệp chưa từng có xưa nay, nghĩa lớn bao trùm cả trong ngoài”. Lòng “thương người như thể thương thân” của bác sĩ Sakirato được cụ Phan Bội Châu kể trong Niên biểu đại thể như sau: … Một lần bác sĩ đi trên hè phố, thấy một em học sinh đói lả, ngồi co ro, ông bèn đem về nhà cho ăn uống, nuôi nấng, dạy bảo… dần dà ông mới biết đó là một du học sinh Việt Nam tên là Nguyễn Thái Bạt, một thời gian sau ông làm thủ tục giấy tờ bảo lãnh cho Bạt vào học trường Đồng Văn thư viện (Dobun Shoin), thậm chí còn đứng ra trang trải cả tiền học phí. Khi Phan Bội Châu thấy trong quỹ của du học sinh do “Công hiến hội” quản lý không còn một đồng xu, túng thiếu quá, thông qua trò Bạt, Phan Bội Châu đã viết một bức thư “ăn xin” (khất cái) gửi cho bác sĩ Sakirato. Đáp lại lời cầu khẩn của Phan Sào Nam, bác sĩ đã gửi tặng 1.700 yên. Đây là một số tiền lớn (hơn số tiền lương của một hiệu trưởng trường tiểu học trong 7 năm). Khi phong trào Đông Du tan rã, một số học sinh Việt Nam không chịu về nước, đã thay tên đổi họ giả danh người Hoa, trốn tránh, sống tại Bệnh viện của ông, có người ở hàng năm, làm bạn chơi đùa với cô Yukie, con gái của bác sĩ Asaba Sakirato. Có lần cảnh sát hình sự khu vực Odawara (nơi có bệnh viện tư của bác sĩ) vào bệnh viện tìm bắt du học sinh Việt Nam, nhưng họ đều được ông giúp trốn thoát. Hiện nay hậu duệ Asaba còn lưu giữ được một số ảnh, trong đó có hai bức do lưu học sinh Việt Nam tặng, một bức ảnh nữa có hình cụ Phan Bội Châu chụp chung với một số người khi cụ đến dựng bia tưởng niệm nhớ đến vị ân nhân… Một bác sĩ khác tên là Hayagawa, đã cưu mang du học sinh Nguyễn Thức Canh sau khi phong trào Đông Du tan rã, chính ông bác sĩ này đã làm cho anh yêu nghề thầy thuốc, nên sau này Nguyễn Thức Canh đã sang Đức học trường Đại học Y khoa ở Berlin.

Trong số học sinh Việt Nam xuất dương sang Nhật “cầu học” có một học sinh “đặc biệt”, đó là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Thái độ của các chính trị gia Nhật đối với Cường Để không giống như đối với những người xin cư trú chính trị khác ở Nhật. Từ năm 1915 cho đến khi qua đời (1951), Cường Để sống ở Nhật chủ yếu dựa vào tình cảm cá nhân và sự hảo tâm của một số chính khách và trí thức người Nhật. Hàng tháng ngài Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi) gửi biếu Cường Để 200 yên, tháng này qua tháng khác không hề gián đoạn và chậm trễ bao giờ, nhiều lần ngài Khuyển Dưỡng Nghị tự đem tiền đến, vì “lo bỉ nhân đau ốm gì chăng… cảm lòng tử tế, bỉ nhân bao giờ nghĩ đến ông cũng ứa nước mắt” (trích hồi ký của Cường Để). Có lẽ chính vì vậy mà Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đã coi ngài Khuyển Dưỡng Nghị như bố đẻ. Chẳng may ông làm thủ tướng chưa được bao lâu thì bị sát hại (1943). Một trí thức khác là ông Hishimoto Masukichi, giáo sư danh dự trường Đại học Keio, đã cho Cường Để ở nhờ trên lầu 2 của nhà mình tại thị trấn Ogikubo gần sáu năm trời.

Mộ liệt sĩ Trần Đông Phong mất năm 1907, trong một nghĩa trang ở Tokyo. Ảnh: Đinh Khắc Thuân.

Chúng ta cũng cần biết thêm đôi chút về việc Cường Để bị chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất, để thấy rõ hơn tình cảm của người Nhật đối với Cường Để. Do sự phản đối kịch liệt của nhóm chính khách Inukai Tsuyoshi, Kashiwabara Bunto, Toyama Mitsuru… nên chính phủ Nhật đã khước từ dẫn độ Cường Để cho Pháp, không dùng từ “trục xuất” mà dùng từ “khuyến cáo” rời khỏi Nhật. Từ đó chính phủ Nhật cũng làm lơ cho nhóm chính khách này tự bố trí, sắp xếp, cử người… đưa Cường Để đến Thượng Hải bình an vô sự. Nhóm chính khách này đã tặng tiền lộ phí, tặng súng lục để đề phòng khi cần dùng đừng dể bị làm nhục, cử một người tin cậy tên là Nakaruma Saburo ngầm theo dõi bảo vệ, lại còn báo cho ông Ogino Motorato giám đốc chi nhánh công ty Koga Kogyo ở Thượng Hải giúp Cường Để bí mật lên bờ an toàn (1909).

Sau khi đi châu Âu về, với tư cách là Hội chủ Việt Nam Quang phục hội, Cường Để đã gặp Viên Thế Khải và công sứ Đức để cầu viện, nhưng đã bị từ chối khéo léo. Buồn rầu, Cường Để quay lại xin cư trú ở Nhật Bản và được những cá nhân chính khách Nhật giúp đỡ, trong đó có Khuyển Dưỡng Nghị là người tài trợ chính. Ngoài ra còn có dịch giả Ga Morizo, là bạn thân tình và ông giám đốc công ty Đại Nam Matsushita… thường xuyên đi lại thăm hỏi, chuyện trò… Và họ thấy Cường Để sống cô đơn, rầu rĩ nên đã bàn bạc với ngành quân sự tìm người đến ở chung để đỡ đần, chăm sóc Kỳ Ngoại Hầu khi trái gió trở trời. Đó là bà Ando Chie, kém Cường Để 21 tuổi. Bà là một người lao động bình thường, một công dân Nhật có lòng nhân ái. Bà tự nguyện đến ở chung với Cường Để khi tuổi đời của bà ngoài 40, bà không có chồng, chỉ có một người cháu họ bà nhận về làm con nuôi tên là Ando Marizuki. Hai mẹ con sống chung với Cường Để trên lầu 2 gồm có 2 – 3 phòng, do giáo sư danh dự trường Đại học Keio cho mượn (1). Sống chung gần sáu năm, nên giữa Cường Để và bà Ando dần dần có tình cảm sâu đậm với nhau. Tình cảm này được bộc lộ rõ nét nhất khi bà Ando đưa lọ tro hài cốt Cường Để cho hai người con trai Cường Để là Tráng Liệt và Tráng Cử từ Việt Nam sang Nhật nhận về Huế để chôn cất theo nghi thức hoàng gia dưới thời Ngô Đình Diệm; bà Ando đã ngầm giữ lại một ít tro, rồi lén đem đi chôn cạnh mộ Trần Đông Phong tại nghĩa trang Zoshigaya. Năm 1992 bà qua đời, thọ 89 tuổi, di chúc lại cho anh con nuôi chôn tro hài cốt bà chung với lọ tro Cường Để mà bà đã lén chôn cạnh mộ Trần Đông Phong, nhưng anh con nuôi không biết chỗ cụ thể, do đó anh không thực hiện được ý nguyện của bà.

Về những người dân bình thường giúp đỡ Phan Bội Châu còn có anh phu xe, cất công một buổi đi tìm địa chỉ của một học sinh tên là Ân Thừa Hiến người ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đang học trên đất Nhật. Anh học sinh này do Lương Khải Siêu giới thiệu với Phan Bội Châu, anh là một lãnh đạo trong đoàn học sinh Vân Nam, du học ở Nhật. Nhờ anh phu xe, Phan Bội Châu đã gặp được anh Ân Thừa Hiến. Khi cụ Phan trả tiền công khá hậu về thời gian anh phu xe đã bỏ ra, thì anh từ chối, chỉ lấy đúng số tiền tính theo cây số mà nhà nước quy định. Cử chỉ này làm cho Phan Sào Nam cảm động và ca ngợi hết lời về sự văn minh, nền văn hóa và sự giáo dục của người Nhật.

Hoặc như khi Phan Bội Châu và Lý Trọng Bá (cựu du học sinh) sau gần 10 năm xa cách, đã trở lại Nhật (1918) thăm vị ân nhân của mình là bác sĩ Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang, thì vị bác sĩ đã qua đời. Phan Bội Châu liền viết một bài văn bia để tưởng niệm, nhưng trong túi chỉ có 120 yên, còn thiếu khoảng 100 yên nữa mới đủ. Sự việc đến tai ông trưởng thôn, một con người trọng nghĩa tên là Okamoto Setsutaro. Ông liền đứng ra vận động bà con trong thôn giúp đỡ tiền nong và nơi ăn chỗ ở cho hai vị khách từ phương trời xa đến… Một tháng sau công việc dựng bia hoàn thành. Một tấm đá cao 2,7m, dày 0,87m đặt trên một bệ đá cao gần 1m, khắc 105 chữ Hán mỗi chữ to bằng bao diêm, trong đó có câu văn khá lâm ly. Dịch: “Chí tôi chưa thành mà Ngài chẳng đợi, thăm thẳm lòng này ngàn thu ghi tạc”. Sau đây là lời kể của bà Asaba Kazuko, cháu ngoại của cố bác sĩ Sakirato… “Trong gia đình tôi, chuyện tấm bia này, phải giữ bí mật, ông ngoại tôi giúp đỡ thanh niên Việt Nam, là việc lúc bấy giờ đi ngược với chính sách của Chính phủ. Lúc tôi còn bé mẹ tôi dặn vậy… Mỗi khi thăm mộ ông ngoại, mẹ tôi luôn dọn sạch sẽ quanh bia… Tôi nghe nói ông ngoại tôi tích trữ một số tiền để đi du học ở Đức, nhưng vì bệnh lao phổi, không đi du học nữa, và ông đã dùng số tiền đó (1700 yên) giúp cụ Phan Bội Châu. Tôi nghĩ đây là một hành động tốt đẹp” (theo Norio Kato, trưởng ban tiếng Việt đài phát thanh NHK, Nhật Bản). Năm 2003, nhân dân thị trấn Abasa, đã tổ chức kỷ niệm 85 năm cụ Phan Bội Châu dựng bia tưởng niệm, ban tổ chức đã mời ông Phan Thiệu Cơ, cháu nội cụ Phan Bội Châu sang dự. Vì vậy ngày nay càng có nhiều người quan tâm đến gia đình bà Asaba Kazuko và cả thị trấn Abasa thuộc tỉnh Tĩnh Cương, dưới chân núi Phú Sĩ. Trong số những người bình thường, còn có không ít những người công nhân như thuyền trưởng tàu Iyomara và các thủy thủ đã tìm cách cải trang cho Cường Để lên bờ an toàn, hoặc như chủ cửa hiệu “Sơn Khẩu” ở Tokyo đã sẵn sàng bán chịu cho cụ Phan 400 khẩu súng, trong khi cụ chỉ đủ số tiền mua được 100 khẩu. Năm 1912 một quân nhân Nhật tên là Ishiy Iwane (Tùng Tỉnh Thạch Căn) đã giúp Nguyễn Thức Canh (một lưu học sinh Việt Nam trốn lại ở Nhật để tiếp tục học lên cao) chuyển thư về quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cho thân phụ mình là cụ Nguyễn Thức Tự, nhưng anh quân nhân này không trao được thư, vì bị Pháp theo dõi… Vào khoảng năm 1941, người dân xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, bỗng thấy một cụ già người Nhật đến thắp hương trước mộ chung của hai liệt sĩ nguyên là lưu học sinh Việt Nam ở Nhật là Hoàng Trọng Mậu và Trần Hữu Lực bị thực dân Pháp xử tử hình cùng một lúc, hoặc vào khoảng những năm của thập kỷ 50, có những người Nhật âm thầm lặng lẽ đến Huế thắp nén hương thơm trước mộ Phan Bội Châu và Cường Để… Gần đây càng có đông người Nhật đến viếng mộ hai vị.

Những sự việc kể trên chứng tỏ phong trào Đông Du đã để lại dấu ấn khó phai mờ đối với nước Nhật và người dân Nhật. Những chí sĩ Đông Du và những nhà lãnh đạo Nhật đương thời, qua sự tiếp xúc cá nhân giữa những con người bình thường cùng chung một tấm lòng, một chí hướng… đã ươm mầm cho mối quan hệ hữu nghị tiếp tục duy trì, phát triển cho đến ngày hôm nay và mai sau.

 

Nguyễn Thúc Chuyên

* Cựu giáo chức thành phố Huế.

 

Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, Số 281 (04/2007)

----------

Chú thích:

  1. Cường Để là học sinh trường Lục quân Chấn Võ, được quân đội cấp nhà ở tại Tokyo, về sau nhà này bị bom Mỹ đánh sập, ông phải đi ở nhờ.

Từ trước đến nay khi nói tới những người Bồ Đào Nha tiên phong trong việc truyền bá đạo Chúa Jesus[1]và mở đường cho quá trình tiếp xúc giữa Việt Nam với châu Âu vào thế kỷ 17-18, những cái tên thường được nhắc đến nhiều nhất là:Fransisco de Pina, Gaspar do Amaral, António Barbosa và Antonio de Fontes…Tuy nhiên, vàonửa cuối thế kỷ 18 còn có một người Bồ Đào Nha rất gắn bó với Việt Nam (đúng hơn là Xứ Đàng Trong) và để lại một số công trình khoa học rất có giá trị, nhưng chưa được biết đến nhiều đó là João de Loureiro[2].

Bài viết này giới thiệu vài nét về João de Loureiro và chữ Quốc ngữ thế kỷ XIII theo cách ghi của ông trong cuốn sách nổi tiếng “Thực vật Đàng Trong”.

1. Vài nét về João de Loureiro (1710-1791)

João (Joannis - tiếng Latin) de Loureiro sinh ở Lisbon, Bồ Đào Nha năm 1710. Sau khi tốt nghiệp trường College of Santo Antão (Lisbon), năm 1732 Loureiro gia nhập giáo đoàn đạo Chúa Jesus. Năm 1735Loureiro được cử sang Goa (Ấn Độ), song lúc bấy giờ là lãnh địa của Bồ Đào Nha, truyền giáo và ở đấy 3 năm. Năm 1738 ông chuyển sang Ma Cao và ở lại đâytruyền giáo 4 năm.

Năm 1742 ông được cử sang Đàng Trong trong một sứ mệnh đặc biệt. Vì lúc bấy giờ việc truyền giáo ở Đàng Trong cũng như ở Đàng Ngoài của các giáo sĩ gặp khó khăn, Loureiro đã phục vụ trong triều đình chúa Nguyễn như một nhà toán học và thiên nhiên học rồi ở lại Đàng Trong 35 năm[3]. Tại đây ông đã đem lòng yêu thích thực vật xứ này và dành gần trọn thời gian tìm hiểu cây cỏ và việc sử dụng chúng để làm thuốc. Có lẽ Loureiro là một trong những nhà truyền giáo châu Âu có thời gian sống lâu nhất ở Việt Nam.

Từ năm 1750 đến 1752 Loureiro rời Đàng Trong vì việc cấm đạo và sang nghiên cứu thực vật ở Philippines và Sumatra[4]. Năm 1753 ông trở lại Đàng Trong và tiếp tục nghiên cứu thực vật ở Đàng Trong. 

Năm 1777 Loureiro rời Đàng Trong sang Quảng Đông và ở lại 3 năm nghiên cứu thực vật ở đây. Tháng Ba năm 1781Loureiro trở về Bồ Đào Nha và hoàn thành cuốn Thực vật Đàng Trong năm 1788. Năm 1790 cuốn sách được Viện Hàn lâm Bồ Đào Nha xuất bản ở Lisbon. Trên đường từ Quảng Đông trở về Lisbon, ông đã dừng lại ở Mozambique ba tháng và nghiên cứu, so sánh thực vật ở đây với cây cỏ ông thu thập được ở châu Á và bổ sung vào cuốn từ điển nói trên trước khi đem xuất bản.

Ông là người say mê nghiên cứu cây cỏ và các loại dược liệu làm từ cây cỏ của người bản địa. Các nghiên cứu về thực vật của ông dựa trên hai tác phẩm về thực vật của Dioscorides và Linnaeus, nhà thực vật học nổi tiếng người Thụy Điển mà ông mang theo khi tới Đàng Trong[5].

Năm 1780 Loureiro được Joseph Banks, chủ tịch Hội Hoàng Gia London (Royal Society of London) mời sang thăm và thuyết giảng ở Anh, nhưng ông đã từ chối lời mời. Mặc dù vậy, ông vẫn được kết nạp làm thành viên của Hội Hoàng Gia London năm đó. Sau khi trở về Lisbon vào năm 1781, Loureiro còn được mời làm thành viên của Viện Hàn Lâm khoa học Lisbon (và cũng là Viện Hàn Lâm khoa học Bồ Đào Nha). 

Loureiro mất ở Lisbon năm 1791. Ông để lại tất cả các tư liệu về thực vật mà ông sưu tập đươc, gồm các mẫu thực vật, các hình vẽ, thư từ và ghi chép của mình cho Viện Hàn Lâm khoa học Lisbon.

Năm 1793, sách Flora Cochinchinensis được dịch sang tiếng Đức và xuất bản ở Berlin[6].

Bên cạnh sách Flora Cochinchinensis,cho đến nay Loureiro chỉ có một bài viết được in trong Memoris da Academia Real das Sciencias de Lisboa, 1805. Vol. I, p. 402-415[7]. Có nhà nghiên cứu cho rằng:Loureiro còn để lại một số “văn bản viết tay chưa xuất bản trong đó có 12 tập khổ lớn, được viết trên giấy Trung Quốc, gồm các thông tin lịch sử, 2 tập với các hình vẽ về các con suối, cây cỏ và động vật, và 2 tập khác với 397 hình vẽ màu về cây cối với tên khoa học của chúng và nơi sinh trưởng, tức là ‘thực vật bằng tranh” từ Đàng Trong (Cochinchina) viết bằng tiếng Việt, thậm chí một cuốn từ điển tiếng Việt-Bồ Đào Nha.”[8]Lại có ý kiến khác cho rằng: trong số tư liệu chép tay đó, có văn bản mang tên: “De nigris Moi et Champanensibus.”[9]

Chúng tôi đã liên lạc với Thư viện Quốc gia Bồ Đào Nha và Viện Hàn lâm khoa học Bồ Đào Nha để biết thêm thông tin và cố gắng sưu tầm các tài liệu này, song đáng tiếc là cho đến nay thông tin mà chúng tôi nhận được khôngthấy có tất cả những tài liệu được nói đến đó.

2. Sách “Thực vật Đàng Trong” của João de Loureiro

Flora Cochinchinensis” (Thực vật Đàng Trong - TVĐT) là viết tắt từ tên đầy đủ: Flora Cochinchinensis: sistens plantas in regno Cochinchina nascentes: quibus accedunt aliae observatae in Sinensi imperio, Africa orientali, Indiaeque locis variis: omnes dispositae secundum systema sexuale Linnaeanum[10]. Theo lời giới thiệu, cuốn sách được Loureiro hoàn thành năm 1788 và Viện Hàn lâm khoa học Bồ Đào Nha xuất bản năm 1790 ở Lisbon.

20180919 Thuc vat Dang Trong

Sách được in làm 2 tập. Tập I gồm có 20 trang (đánh dấu từ I-XX) là lời giới thiệu của nhà xuất bản và tác giả, trong đó có giới thiệu một số dấu phụ sử dụng trong sách (trang XV) và một danh mục các tài liệu tham khảo (trang XVII-XX).

H.1. Ghi chú các dấu phụ được dùng ghi tên tiếng Đàng Trong (trang XV)

Từ trang 1-353 là phần nội dung,bắt đầu bằng mục từ tiếng Latin, tiếp theo là tên địa phương với tiếng Việt (Đàng Trong) được ghisau kí hiệu (a),tên tiếng Trung Quốc (nếu có) sau kí hiệu (b) và sau hai kí hiệu khác là tên tiếng châu Phi (γ)và tiếng Ấn Độ (ẟ). Ví dụ: tên tiếng Đàng Trong và tiếng Trung Quốc của Amomum Zingiber (tên Latin)được ghi như sau:

H.2. Các kí hiệu ghi tên tiếng địa phương trong TVĐT (tr.2)

Tiếp theo tên gọi (tiếng Latin và tiếng địa phương) là miêu tả thực vật học, giá trị kinh tế, thời gian nở hoa và cuối cùng là nơi sinh sống của thực vật đó. Ví dụ: Cây lọ nghẹ, “sống trong rừng ở Đàng Trong (Habitat in sylvis Cochinchina)”.

Tập II gồm 391 trang (được đánh số từ trang 357-744), trong đó phần nội dung (từ trang 357- 698) và phần Index (từ trang 699-744). Phần Index gồm Index họ và loài bằng tiếng Latin với 23 trang (từ trang 699 -722), được xếp theo vần chữ cái tiếng Latin (trong đó V được xếp chung với U), mỗi trang chia làm hai cột, tên loài viết trước và tiếp đến là số trang xuất hiện trong cuốn sách.

Tiếp theo là một trang đính chính cho cả hai tập, không đánh số trang, cũng chia làm hai cột, trong đó phần lớn là các đính chính tên Latin, chỉ có 13 đính chính tên tiếng Việt (5 tên ở tập 1 và 8 tên ở tập 2), được ghi bắt đầu bằng các kí hiệu: số tập, p. số trang, l. số dòng, tiếp theo là tên sai và tên đúng được ngăn cách với nhau bằng hai dấu “gạch ngang”. Ví dụ: TOM.I. p.9. l.8. Mịo -- Mọi, p.199. l.9 Roung mác - - Boung mác; TOM. II. P. 465. l.6. Tanh - - Thanh, p. 659. l.25. Muóng troúng - - Muong truóng, p.683. l.4. Raubạc - - rêu bạc

Sau trang đính chính là Index tiếng Việt gồm 22 trang (đánh số từ 723-745). Mỗi trang cũng được chia làm 2 cột, các tên được xếp theo vần chữ cái của chính tả tiếng Latin (20 chữ cái, từ A-X, song chỉ có chữ cái <U> mà không có chữ cái <V> như Index tiếng Latin: các tên có chữ cái <V> được xếp trong mục chữ cái <B> hoặc <U>, các tên có chữ cái <Đ> được xếp vào mục chữ cái <D> kèm theo số trang xuất hiện trong cả hai tập từ điển với tổng cộng 1065 tên tiếng Việt, được ghi như sau: Ví dụ: Bí dao. 593, Chua me. 285.

Ngoài các từ trong Index, có một số từ tác giả không đưa thành một mục từ riêng và không có tên Latin tương ứng. Ví dụ: Trong mục từ “Mía”, còn có các loại nhỏ: mía lau, mía mung, mía boi; hay các từ: Tle nua, Tle lang nga, Tle Oúng thaóng. Như vậy, với 1068 tên thực vật bằng chữ Quốc ngữ tất cả, song chỉ có 13 lỗi, ta có thể thấy tác giả công trình đã làm việc cẩn trọng tới mức độ nào.

Bên cạnh 1065 tên cây tiếng Việt, theo nhà thực vật học Mỹ, E. D. Merrill, trong TVĐT, còn có tên 254 cây chỉ có ở Trung Quốc, 29 cây từ Đông Phi, 9 cây từ Mozambique, 8 cây từ Zanzibar, 5 từ Ấn Độ, 2 từ Bán đảo Mã Lai, 1 từ Sumatra, Philippines và Madagascar. Merrill cho biết João de Loureiro đã mô tả tất cả 672 họ (genera) và 1292 loài (species), trong đó có 185họ và 630 loài chưa từng được miêu tả trước đó. “Đó là một đóng góp rất có giá trị và hết sức đáng trân trọng vì Loureiro không hề được đào tạo chính thức về thực vật học và trong suốt thời gian thực hiện công trình của mình ông không hề có mối liên hệ nào với các nhà thực vật học khác.” (Merrill, 1933).

Đặc biệt, cũng theo Merrill, không ít hơn 54 giống và 750 loài trùng tên được Loureiro mô tả trong TVĐT đã được các nhà thực vật học đề nghị đưa vào danh sách thực vật trong 140 năm qua. Trong bài khảo cứu hiếm hoi về cuốn sách của Loureiro, nhà thực vật học Mỹ cho biết hơn 16 loài cây được coi là mới vào năm 1900 đã được Loureiro mô tả một cách chính xác trong công trình cách đó hơn 100 năm của ông. “Rất nhiều mô tả của Loureiro sáng rõ và chính xác, cân bằng về mọi phương diện, thực sự là khuôn mẫu cho những người đi sau ông.”

Từ mô tả của Loureiro nhiều tên cây cỏ mang thêm tên Đàng Trong trong tên gọi Latin của chúng, như: rau má > Trisanthus cochinchinensis(Latin), Cây bồn bồn (Việt) >Garciana cochinchinensis (Latin), Cỏ Choung > Phleum cochinchinense (Latin), Cỏ tranh > Stegosia cochinchinensis (Latin), Rau giáp cá > Polypara cochinchinensis (Latin), Cỏ luoi mèo > Scabiosa cochinchinensis (Latin), Cây bụp bụp > Periploca cochinchinensis (Latin)…[11]

Một nhà nghiên cứu Bồ Đào Nha đã viết: “tác phẩm của João de Loureiro là công trình tiên phong được điều tra và thực hiện ở ngoài châu Âu”. Theo ông, “Tác phẩm của João de Loureiro đã cung cấp một nguồn tư liệu về lịch sử khoa học, văn hóa và xã hội vẫn là một cột mốc đánh dấu vai trò của các nhà truyền giáo trong việc trao đổi khoa học giữa châu Âu và phương Đông từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18.” Ông nhận xét “João de Loureiro, có lẽ là một người quảng bá Việt Nam nhiều nhất ở châu Âu nhờ tiếng vang rộng rãi của cuốn sách Flora Conchichinense.”[12]Trong cuốn sách “The Jesuits: Cultures, Sciences, and the Arts, 1540-1773, Volume 1”, tác giả J. Harris cho rằng: “De Loureiro là một trong những nhà thực vật học quan trọng nhất của thế kỷ 18.”[13]

Được biết, ở Việt Nam có một bản in của cuốn sách này, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng thực vật Viện Sinh học Nhiệt đới (ITB) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST)[14].Đáng tiếc là cuốn sách được viết bằng chữ Latin, song một số nhà thực vật học Việt Nam lại cho là sách viết bằng tiếng Bồ Đào Nha và ít người dùng đến: “Bộ sách này gồm hai quyển và viết bằng tiếng Bồ Đào Nha và có phần index tên thực vật bằng tên Latin và tên Việt ở cuối quyển. Hiện nay rất ít người sử dụng sách này có lẽ vì nó hiếm và không hiểu tiếng Bồ.”[15]

Nhiều tên trong “Flora Cochinchinensis” đã được J. L. Taberd (1794-1840) dùng làm tư liệu cho phần phụ lục “Hortus Floridus Cocincinae” (Cây cỏ xứ Đàng Trong) trong cuốn từ điển “Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị”-Dictionarium Anamitico-Latinum” xuất bản năm 1838, như tác giả đã viết trong lời giới thiệu ở phần này.[16]

Tuy nhiên, trong cuốn sách vẫn còn khá nhiều tên có sự phân loại chồng chéo, nhiều tên Latin chưa được công nhận và có những tên Latin thiếu tên Việt, như Merrill đã chỉ ra trong bài viết của ông (Merrill. 1933). Về điểm này, chúng tôi cũng nhận thấy một trường hợp khá rõ là tác giả đã xếp các từ: Tle nua, Tle lang nga, Tle Oúng thaóng vào tiểu loại của mục từ Cây hóp (Arundo Muntiplex) và không có từ Nua (nứa)riêng.

H.4. Tên các loại tre được xếp là tiểu loại của từ “Hóp” trong TVĐT (trang 58)

Mặc dù vậy, chúng tôi rất đồng ý với các tác giả trang “Biodivn - Đa Dạng Sinh học và Bảo Tồn Việt Nam” rằng đây là một cuốn sách về thực vật Đàng Trong rất quý với các nhà thực vật học, nhất là các nhà thực vật học Việt Nam. Đáng tiếc là vì sách được viết bằng chữ Latin nên rất ít người có thể đọc và khai thác được giá trị của nó. Còn các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, có lẽ vì sách hiếm nên chưa biết đến hay những điểm khác lạ của chữ Quốc ngữ trong cuốn sách không thực sự quan trọng?

3. Chữ Quốc ngữ trong sách “Thực vật Đàng Trong”

Như trên đã nói, sách “Thực vật Đàng Trong” (từ đây viết tắt là TVĐT) được Loureiro hoàn thành năm 1788 và được xuất bản năm 1790, song đây là sản phẩm được ông sưu tầm, ghi chép trong nhiều năm từ trước đó. Vì vậy, tuy thời gian hoàn thành muộn hơn “Dictionarium Anamitico-Latinum” (VL, 1772) của Pegneau de Béhaine (1741-1799)6 năm[17], song chữ Quốc ngữ của tên cây cỏ tiếng Đàng Trong trong cuốn sách có nhiều điểm khác với chữ Quốc ngữ trong hai cuốn từ điển vừa nêu cũng như trong các tác phẩm của Philiphê Bỉnh cùng thời[18] và còn giữ khá nhiều cách viết trong “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” (VBL, 1651) hay “Phép Giảng Tám ngày” (PGTN, 1651) của Alexandre de Rhodes (1591-1660). Theo học giả André-Georges Haudricourt, João de Loureiro là nhân chứng quan trọngcủa sự thay đổi phát âm tiếng Việt và “Flora Cochinchinensis của de Loureiro là một tác phẩm cực kì quý giá về thực vật học (botany) và dân tộc học thực vật (ethnobotany) Việt Nam.Nó gồm hàng trăm tên cây được phiên âm một cách thận trọng.”[19]

3.1. Những chữ đặc biệt.

Như trong lời giới thiệu, Loureiro có nói vì lý do in ấn nên một số dấu phụ (nét ngang, dấu móc) trong một số chữ cái không giữ như hình thức vốn có trong VBL, mà bị lược bỏ và thay thế bằng các hình thức khác (xem H.1). Cụ thể:

-Vạch ngang ở nửa trên của nét thẳng trong chữ <đ>được thay bằng một chỗ hở nhỏ ở phần thẳng nơi vòng ra của chữ <d>. Ví dụ: hai chữ <đ> trong từ: “Cây đủ đủ deầu” ở tr.584

-Nét vòng xuống ở phần dưới của chữ cái <b>dùng để ghi một âm xát, môi-răng giữa /b/ và /v/ (tức âm /ꞗ/) trong VBL được thay bằng chỗ hở ở nửa dưới của chữ thường và ở giữa nét thẳng của chữ hoa/in.Ví dụ: “ꞗòi ꞗoi” (tức “vòi voi”) được viết là “bòi boi” trong các tên: “bòi boi cỏ” (tr.103), “bòi boi deei” (tr.116), “nấm cứt boi” (tr.696) và “mía boi” (tr.52)

Cây “òi oi” (tức “vòi voi”) tr. 103

Do vậy, chữ <B> ghi âm /ꞗ/ trong các tên sau đây ở phần index tiếng Việt (tr.723) của TVĐT.

Trong bài viết được dẫn ở trên, André-Georges Haudricourt viết về các chữ Quốc ngữ đặc biệt này của de Loureiro như sau: “dấu móc” và “nét ngang” (các dấu đặc biệt của de Rhodes) được biểu thị bằng một chỗ đứt trong hình thể của con chữ. Vì vậy, chữ <b> có nét ngang khác với <b> không có nét ngang và <d> có nét ngang khác với <d> không có nét ngang. Nhưng có một lỗi ở ở hai từ thường được dùng, “voi” và “vòi” được viết với <b> có nét ngang [ꞗoi, ꞗòi] trong tên cây “cỏ vòi voi, deei vòi voi, vànâm cưt voi”. Cả từ điển của de Rhodes cũng như từ nguyên học chứng tỏ một cách rõ ràng rằng phụ âm đầu của các từ ấy là /v/ vốn là một âm /*w/. Như vậy vào giữa thế kỷ 18, việc phát âm như ngày nay đã hoàn thành và việc J. de Loureiro dùng <ꞗ>trong cách ghi của ông không có gì khác hơn là một cách ghi chính tả theo truyền thống.”(xem tài liệu ở chú thích 19) Tuy nhiên, như Alexis Michaud chú thích trong bản dịch tiếng Anh bài viết nói trên, rằng “Haudricourt không nói đến ghi chú ngữ âm của Loureiro (có thể ông không nhìn thấy) trong lời giới thiệu TVĐT “Chữ b với nét thẳng đứt đoạn biểu thị một âm giữa âm /b/ thông thường và phụ âm /v/” (xem tài liệu ở chú thích 19). Như vậy có thể nói rằng vào giữa thế kỷ 18, âm âm xát, môi-răng giữa /b/ và /v/ (tức âm được ghi /ꞗ/ trong VBL) vẫn còn tồn tại trong tiếng Đàng Trong theo quan sát của Loureiro. Chúng tôi thấy có ít nhất 27 có chữ ghi âm này trong sách TVĐT.

- Dấu móc phía trên, bên phải trong chữ <ư>, <ơ>được thay bằng chỗ hở ở nét bên trái của chữ <u> và<o>. Chẳng hạn như trong tên “cây gừng”/“sinh cường” (H.2) hay “Cây mướp sác” (tr.136) ở ví dụ dưới đây:

3.2. Về các chữ ghi phụ âm đầu:

3.2.1. chữ kép ghi phụ âm kép:

- Trong tiếng Việt thế kỷ 17 có 3 tổ hợp phụ âm: /bl/, /tl/ và /ml/ được ghi bằng <bl, tl, ml>trong từ điển VBL, như: blời(trời),tlước (trước), mlời (lời). Trong từ điển VL (1772 & 1838) các phụ âm kép này được ghi bằng các chữ <tr>, <l> như chữ Quốc ngữ ngày nay. Tuy nhiên, trong TVĐT của Loureiro, chữ kép <tl>vẫn được dùngghi âm vị /ʈ/ mà chữ Quốc ngữ ngày nay ghi bằng tổ hợp chữ cái <tr>, ví dụ: Tlầu(trầu), Tlám (trám), Tle (tre). Trong 1068 tên thực vật bằng chữ Quốc ngữ của TVĐT, chúng tôi tìm được 84 tên ghi với chữ kép <tl>, bên cạnh các tên viết với <Tr>, như: trúc, trâm, (cỏ) tranh… Dưới đây là từ Boung tlang tláng “Bông trang trắng” ở (tr.76)

- Trong TVĐT còn có một số tên được ghi với chữ kép <de>. Ví dụ: Cây dea (cây da), Cây deẻ (cây dẻ), Cây déo bầu(Cây dó bầu). Đây là cách ghi phụ âm /dj/ được de Rhodes dùng chữ kép <dĕ> trong từ điểnVBL, ví dụ: dĕài (dài), cây dĕa (cây da), dĕạy (dạy). Hình thức này không còn được sử dụng trong từ điển VL. Ví dụ dưới đây là cây deó bầu (tr.267)

3.2.2. Chữ ghi phụ âm đơn

Ngoài bốn chữ có dấu hiệu riêng được dùng để ghi các phụ âm /ꞗ, d, ə, ɯ/ như đã nói ở trên, trong sách TVĐT còn có một số chữ được dùng khác với chữ Quốc ngữ ngày nay, song lại phản ảnh cách ghi như trong từ điển VBL (xem bảng trang sau). Đáng chú ý nhất là có 2 tên được ghi với <v>trong chữ Quốc ngữ ngày nay vẫn được Loureiro ghi với <u>là: Uối deài lá(vối dài lá),Uối tlòn lá(vối tròn lá).

3.3. Chữ ghi các nguyên âm và vần

Chữ dùng trong TVĐT

Ghi âm vị, vần Chữ viết ngày nay

Ví dụ

(Trong ngoặc đơn là cách viết hiện nay)

Ghi phụ âm tl /ʈ/ tr Tlầu (trầu), tlám (trám), tle (tre)
b (với dấu hiệu riêng) /ꞗ/ v Cây bòi boi (vòi voi), Cây chìa bôi (chìa vôi), Cây bả (vả), bải (vải)
b /m/ m Cây boung tɔi (mồng tơi),
d (với dấu hiệu riêng) /d/ đ Dậu nanh (đậu nành), Dào (đào) Annam
g /z/ d Rau gền tláng (dền trắng)
j /z/ d Rau jùa (dừa nước), nấm juá (dứa)
de /dj/ d Cây dea (da), Cây deẻ (dẻ) gai, Cây déo (dó) bầu, Deâu (dâu) tàu
c /k/ q Lá trung cuǒn (quân),
k /k/ c Rau kần nước (cần), Hoa kách (cách),
q /k/ q Hoa kùy (quỳ), Hoa koế (quế)
ſ /s/ s Hoa ſói (sói), hoa ſu tláng (sứ trắng)
u /v/ v Uối deài (vối dài) lá, Uối tlòn (vối tròn) lá
Ghi nguyên âm và vần aong -ɔŋ ong Laong (long) nảo, raong (rong), Lá deaong (dong)
ăoc/aoc /ɔ/-k oc Củ chăóc (chóc), rau kaóc (cóc), Ngaọc (ngọc) tram
ieo iew ieu Hò tieo (tiêu), Chúoi tieo (tiêu)
ei -âi ây Deei (dây) dinh dang,
ɔ (với dấu hiệu riêng) /ɤ/ ơ Rau mɔ (mơ), Phaong lɔn (phong lan), ɔt tlòn tlái (ớt tròn trái)
oung -oŋ ông Boung tlang (bông trang), Cây thoung (thông) Hoa moung (mồng) gà
a /ă/ ă Rau ram (răm)
ă /â/ â Cây bằn tlòn (bần tròn) lá
u (với dấu hiệu riêng) /ɯ/ ư Cỏ cút lọn (cứt lợn), Nấm cút ngụa (cứt ngựa)
êi -âj ây Cây báy giéi (giấy), Cây ngếi tlòn (ngấy tròn) lá

Ngoài hai chữ <ơ, ư> với dấu hiệu riêng dùng để ghi nguyên âm /ɤ, ɯ /, trong sách TVĐT còn có một số cách ghi được dùng trong từ điển VBL, song không dùng trong từ điển VL cũng như chữ Quốc ngữ ngày nay. Những cách ghi này có thể thấy qua bảng ở trên.

4. Kết luận

Sách Thực vật Đàng Trong là một công trình có giá trị về thực vật học không chỉ của Đàng Trong như tên gọi của nó mà còn là của thực vật học Việt Nam. Đây là cuốn sách về thực vật Việt Nam đầu tiên được thế giới biết đến. Nhờ có cuốn sách này mà, như nhà thực vật học Mỹ, Merril nhận xét, 185 họ và 630 loài chưa từng được miêu tả trước đó đã được các nhà thực vật học biết đến.

Thực vật Đàng Trong còn là một cuốn sách có giá trị về mặt ngôn ngữ. Cùng với từ điển Việt-Latin và một số văn bản viết tay của người Việt ở thế kỷ thứ 18, tên gọi cây cỏ trong cuốn sách này đã giúp cho chúng ta biết rõ hơn sự phát triển của tiếng Việt và chữ Quốc ngữ trước khi có được hình thức như chữ viết ngày nay.

Điều đáng tiếc là do được viết bằng chữ Latin nêncho đến nay cuốn sách không được nhiều người biết đến và khai thác các giá trị của nó.

Tài liệu tham khảo và trích dẫn chính

1. Bernardino Antonio Gomes, 1865, Elogio Historico do Padre João De Loureiro, Academia Real das Sciencias de Lisboa. Có thể download tại (https://digitalis.uc.pt/pt-pt/fundo_antigo/elogio_historico_do_pe_jo%C3%A3o_de_loureiro_lido_na_sess%C3%A3o_solemne_da_academia_real_das).

2. Joana Mestre Costa, Nair Castro Soares, João Manuel Torrão, Jorge Paiva; “The Flora Cochinchinensis of João de Loureirostill breaking new ground in science”. Có thể xem tại (https://www.ua.pt/cllc/page/18678)

3. E. D. Merrill, 1933, Loureiro and His Botanical Work, Proceedings of the American Philosophical Society, Vol. 72, No. 4, pp. 229-239 (http://www.jstor.org/stable/984687)Truy cập ngày 15/7/2018

4. Joaquim Magalhães de Castro, 2016. João de Loureiro, the botanist from Asia (1) http://www.oclarim.com.mo/en/2016/05/20/joao-de-loureiro-the-botanist-from-asia-1/, & (2): http://www.oclarim.com.mo/en/2016/05/27/joao-de-loureiro-the-botanist-from-asia-2/. Truy cập ngày 20/7/2018

5. The Jesuits: Cultures, Sciences, and the Arts, 1540-1773, Volume 1, edited by John W. O'Malley, Gauvin Alexander Bailey, Steven J. Harris, T. Frank Kennedy, T Frank Kennedy, S J; University of Toronto Press, 1999.

6. Alexei Volkov, Evangelization, politics and technology transfer in 17th century Cochinchina: The case of Joao da Cruz, in: Portugal and East Asia IV, Europe and China: Science and the Art in the 17th and 18thCenturies, World Scientific Publishing Co. Pte. Ltd. 2013. P. 31- 67



[1]Thuật ngữ “Đạo chúa Jesus” được dùng theo cách gọi của tác giả: Trần Văn Toàn, Ðạo Thiên Chúa, đạo Gia Tô, đạo Cơ Ðốc, đạo Công giáo? Nên gọi thế nào cho chính danh? Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, Hà Nội, số 4. 2003

[2]Về số giáo sĩ Bồ Đào Nha đến truyền giáo ở Việt Nam có những con số khác nhau:

- Theo Đỗ Quang Chính: Từ năm 1615 đến 1788 có 145 tu sĩ Dòng Tên thuộc 17 quốc tịch đến truyền giáo ở Việt Nam (không kể 31 tu sĩ Dòng Tên người Việt Nam), trong đó có 74 người Bồ Đào Nha. Xem: Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, Nhà xuất bản Tôn Giáo 2008, tr.26.

- Còn theo chú thích 31 (tr.39) của cuốn sách “Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học (cho đến 1650), Nhà xuất bản khoa học Xã hội 2007”, Roland Jacques viết: “Năm 1623, trên tổng số 65 linh mục có 38 người Bồ Đào Nha, 15 người Ý, 7 người Nhật, 4 người Castillan (Tây Ban Nha) và 1 người Pháp.”

- Nhưng trong phần viết “Bồ Đào Nha và chữ Quốc ngữ” đăng tải trên trang mạng BBC bằng tiếng Việt, Roland Jacques lại viết: “Vào năm 1658,…, thì bấy giờ đã có gần 70 nhà truyền giáo với tám quốc tịch khác nhau kế tiếp đến Việt Nam, trong đó có 35 người Bồ Ðào Nha, 19 người Ý và 7 người Nhật Bản.” (https://www.bbc.com/vietnamese/specials/1232_jacques_roland/page3.shtml)

[3]Các tư liệu có được đã nhắc đến một số Giáo sĩ phương tây từng phục vụ như là những nhà vật lý hoàng gia ở Huế, trong đó có Bartolomeu da Costa (hay d’Acosta) (1629?-1695?), Giambattista Sanna (1682-1726), Sesbastien (hay Etienne?) Pirès (vào những năm 1720), Johann Siebert (1708-1745), Karl Slamenski (1708?-1746), Johann Koffler (1711-1785). Xem: Alexei Volkov, Evangelization, politics, and technology transfer in 17th -century Cochinchina: the case of João da Cruz, trong sách: Europe and China: Science and Art in the 17th and 18th Centuries, Luis Saraiva edited, World Scientific 2013, p.31-69. Xem thêm: Vũ Đức Liêm, “Tái định vị xứ Đàng Trong trong không gian Đông Á và Đông Nam Á, thế kỷ XVI-XVIII”, in trong: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130). 2016, tr.12-42. (http://www.vjol.info/index.php/ncpt-hue/article/viewFile/25874/22726) Truy cập ngày 19/7/2018

[4]Ngày 6.5.1750 sắc lệnh cấm đạo do Võ Vương tức Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) ban hành. Sắc lệnh viết: “Bắt tất cả các thày giảng đang ở các sở truyền giáo, tịch thu các tài sản của các thừa sai Âu châu, nếu có gì đáng giá thì đưa về kinh đô, còn lại phải lưu trữ cho đến khi có lệnh. Còn đất đai, theo lệnh của nhà vương, sẽ làm của chung trong làng.” Dẫn theo: https://vinhsonferrio.wordpress.com/2014/05/13/cac-van-kien-cam-dao-trong-lich-su-viet-nam/

[5]Đó là sách Species Plantarum (Các loài thực vật) của Carl Linnaeus(tiếng Thụy Điển:Carl von Linné), được xuất bản lần đầu tiên năm 1753

[6]Loureiro, Joao de, 1793. Flora Cochinchinensis. Edited and added notes by Caroli Ludovici Willdenow; Bernolini (Berlin).

[7]Bài viết này đã được dịch sang tiếng Anh với tiêu đề: «On the nature and mode of production of Agallochum or aloes-wood», in trong sách: Tracts relative to botany, traanslated from different languages, London.1805, tr. 75-90. Có thể xem tại: https://www.biodiversitylibrary.org/item/97382#page/96/mode/1up

[9]Dẫn theo Oscar Salemin, “The Ethnography of Vietnam’s Central Highlanders: A Historical Contextualization, 1850-1900”, University of Hawai’i Press, Honolulu 2003. Tuy nhiên, trong một bài đăng trên mạng, tác giả Nguyễn Văn Huy viết rằng: “Trong thế kỷ 18, giáo sĩ João de Loureiro xuất bản cuốn De nigris Moi et Champanensibus (Người Mọi đen và Champa)”. Xem (https://nghiencuulichsu.com/2016/08/31/cong-dong-nguoi-thuong-tren-cao-nguyen-mien-trung/). Truy cập ngày 19/7/2018.

[10]Có thể đọc cuốn sách này từ các trang mạng được chỉ ra tại: https://www.univie.ac.at/Geschichte/China-Bibliographie/blog/2010/05/16/loureiro-flora-cochinchinensis/

[11]Ít nhất có 52 tên Latin với từ Cochinchinensis đi kèm trong TVĐT

[12]http://www.oclarim.com.mo/en/2018/02/02/homage-to-the-priest-and-the-martyr-conference-on-relations-between-portugal-and-vietnam/

[13]University of Toronto Press, 1999 do John W. O'Malley, Gauvin Alexander Bailey, Steven J. Harris, T. Frank Kennedy, T Frank Kennedy, S J, Steven biên tập, tr.213

[14]http://www.vast.ac.vn/tin-tuc-su-kien/tin-vien/1577-gia-tri-khoa-hoc-va-lich-su-cua-bao-tang-thuc-vat-hon-100-nam-tuoi

[16]J. L. Taberd, Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị- Dictionarium Anamitico-Latinum, Nhà xuất bản Văn học & Trung tâm nghiên cứu quốc học, in lại năm 2004, tr. 621-658.

[17]Có thể kể cả từ điển “Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị- Dictionarium Anamitico-Latinum” của J. L. Taberd, vì dù nó được xuất bản năm 1838, song về cơ bản vẫn dựa trên bản thảo năm 1772 của de Béhaine.

[18]Ví dụ: “Nhật trình kim thư khất chính chúa giáo” (1799) và “Sách sổ sang chép các việc” (1882).

[19]Haudricourt, André-Georges, The two b’s in the Vietnamese dictionary of Alexandre de Rhodes (1974), translated by Alexis Michaud (xem: https://halshs.archives-ouvertes.fr/halshs-01631486/document)

Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 14.9.2018.

(Nhân đọc “Cái vú thừa” - tập truyện của McAmmond Nguyen Thi Tu, Nxb. Hội Nhà văn 2018)

20191123 cai vu thua

“Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê.” Hoài Thanh (1909 - 1982).

“Ngụ ngôn là hình thức văn học khắc nghiệt nhất.” Salman Rushdie (1947-)

Văn là đời; văn là người

“Việt Nam”, “Canada”; “ta”, “tây”; “dân tộc”, “nhân loại” đã làm nên thể tài cho cây viết người Canada gốc Việt này. Còn “ngụ ngôn” lại là hình thái thi pháp bao trùm nghệ thuật viết văn của tác giả; như Giáo sư Larry J. Fisk đã khái quát trong Lời nói đầu cho tập truyện đầu tay của nữ văn sĩ: “Những truyện đó, theo đánh giá khiêm nhường của tôi, đáng được coi là những truyện ngụ ngôn - không phải ở một thời điểm hay không gian xa xôi - mà là bài học cổ điển của thế kỉ 21”.

Từ hơn thập niên qua, chỉ với hơn 20 truyện ngắn, ký sự, chân dung văn nghệ được công bố trên các báo chí, trang mạng văn học chính yếu tiếng Việt và xuất bản trong 3 tuyển tập, McAmmond Nguyen Thi Tu đã không chỉ được đánh giá tốt đẹp từ văn giới, các nhà biên tập(1), mà còn được quan tâm nhiệt tình của dư luận bạn đọc trong và ngoài nước. Trước tuyển tập song ngữ Việt - Anh Cái vú thừa, chị đã là tác giả 2 tập truyện ngắn Trên nền tuyết trắng xóa (2009) và Đường đến cõi Samadhi (2012). Tìm kiếm sơ bộ trên mạng, dễ thấy tác giả này đứng tên trong không ít dẫn chứng ở các bài nghiên cứu, tổng quan về văn học Việt ở nước ngoài, dòng văn chương di dân, trong các bài giới thiệu tuyển tập truyện ngắn hay hằng năm của báo Văn Nghệ…

Giữa thế hệ nhà văn hải ngoại thuộc nhóm tác giả nữ ở các đề tài di dân, hội nhập, nữ quyền thì McAmmond Nguyen Thi Tu - không chỉ trong tư cách đại biểu của Canada mà hơn cả là ở ý nghĩa tác phẩm - cần đứng bên cạnh những “liền chị liền em” chừng 15 năm qua nổi danh từ ngoài này lan về dải đất hình chữ S: Trần Mộng Tú và Lê Thị Thấm Vân (Mỹ), Mai Ninh và Thuận (Pháp), Đoàn Minh Phượng và Lê Minh Hà (Đức)… Riêng ở xứ sở Lá Phong, đây là nữ tác giả truyện ngắn hiện còn nổi trội trên mảng văn tiếng Việt cùng các “liền anh” Nam Dao, Hoàng Chính, Hồ Đình Nghiêm…

Các chi tiết đời tư (đã ít nhiều hiện ra qua bút danh, tiểu sử) dự phần quyết định nguồn tư liệu, vốn sống sát sườn cho nữ sĩ di dân được nhào trộn trong văn hóa Việt - Canada: Hành nghề phiên dịch, dịch giả chuyên nghiệp cho Bộ Di trú và tư vấn pháp lý cho cộng đồng Việt ở tỉnh bang Alberta; có thân hữu là một nhóm giáo sư, học giả uyên bác người bản xứ da trắng giảng dạy về ngôn ngữ, chính trị, thực hành tâm linh…

Lưu xứ là số phận; giới tính là định mệnh; bản ngã là văn hóa

Trên chiếc kiềng 3 chân đó, “đầu bếp” McAmmond Nguyen Thi Tu đã phục vụ thượng đế độc giả bằng ngọn lửa ngụ ngôn nung nấu các nan đề nhân sinh.

Ở tập Cái vú thừa có 3 truyện được hoàn thành trong năm qua - Lời nguyện nửa khuya; Cái vú thừa; Người tình ký ức - đã đánh dấu bước chuyển lớn trong thi pháp của tác giả: từ phong cách trần thuật hiện thực chân phương sang bút pháp hiện thực phúng dụ, dị ảo. Cuốn truyện đã được đặt tên, phân chia thật đẹp, thật lạ. Và thật nữ tính! Tên sách chính là tên truyện hay nhất, rất lạ và mới - Cái vú thừa. Hẳn sẽ bắt mắt thu tim độc giả ngay từ ấn tượng đầu. Mở (Lời nguyện nửa khuya) và kết (Người tình ký ức) tuyển tập là 2 truyện cũng đều thuộc loại hay, lạ, mới. Mang hình thức ngụ ngôn rõ rệt từ cấu trúc cho đến nguyên tắc phúng dụ, phiếm chỉ với hình thức hiện đại, cả 3 truyện thoát hẳn khỏi lối viết trần thuật quen thuộc đạt tới mức thuần thục của tác giả. Đều không có địa danh địa lý, không nhân vật hiện thực, chúng đã gói ghém những truyện còn lại chứa những đoạn đời thường nhật của giống người đầy hỉ nộ ái ố tham sân si, mà trước nhất là những con dân Việt tha hương nơi xứ người hoàn toàn khác lạ từ thời tiết, địa dư cho đến ngôn ngữ, tập tục.

Ngay cả khi không là đề tài chính, vấn đề đè nặng người di dân mà giới phê bình gọi là tâm thức lưu xứ thường bao trùm hoặc len lỏi trong mỗi dòng chữ ý văn McAmmond Nguyen Thi Tu. Ám ảnh di dân. Mặc cảm di dân… Truyện của nữ văn sĩ thực là một cẩm nang về các loại bi kịch, xung đột gia đình, xã hội cuộc sống người Việt ở Canada và Hoa Kỳ nói riêng và ở hải ngoại nói chung: di cư, thủ tục định cư, ly hôn, lừa tình gạt tiền, tự sát, giết người, điên khùng, vỡ mộng, cô đơn, bất lực, thất vọng, tự ti, căm hận quê hương gốc gác… Hầu như không nhân vật chính nào được sinh ra từ đây có nổi cái kết có hậu.

Đề tài di dân trong tuyển tập được thể hiện rõ ở các truyện: Chuyến hành trình sau chót; Không ai yêu thương tôi; Đêm hoang mạc... Nếu nhìn lại cả 3 tập truyện, có thể thấy McAmmond Nguyen Thi Tu là một trong các nghệ sĩ chân dung đáng tin cậy của người di dân trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Với các truyện hay, chúng như tranh nghệ thuật; nhiều cái đạt lại giống ảnh chân dung; còn đôi ba cái chưa đạt thì là tranh truyền thần. Tất cả đều là hình ảnh sống động, sát thực về người di dân được dựng bởi người di dân. Soi rọi mặt trái. Nhất biên đảo. Nó vẫn đẹp. Và nó chủ quan. Chính tác giả hẳn cũng tự thấy việc “chiên ròn” miếng mảng đề tài và cốt truyện hoàn toàn nghiêng về mặt tiêu cực của đời di dân rất dễ tạo 2 ấn tượng khó xóa nơi độc giả.

Cho đến tập Cái vú thừa, ở tay viết này không có con-người-thời-cuộc. Con-người-chính-trị tuyệt không. Nhân vật của chị không trực tiếp làm ra lịch sử, nên lịch sử cũng chẳng buồn biết đến họ! A, trừ duy nhất một nhân vật phụ - “Ngài” làm chủ một “vương quốc” hư ảo (trong Lời nguyện nửa khuya) - còn thì tất cả những nhân vật chính, phụ trong chừng 20 truyện ngắn đều không là VIP. Họ chỉ là “thằng Daniel - Phúc” vì đồng tính nên cô độc (Không ai yêu thương tôi), là con bé 12 tuổi Trần Thị Mỹ Dung ngổ ngáo và xấu số (Mùi thiên đàng), là bà bán đĩa CD xông xáo và thèm chồng ngoại (Bữa tiệc gà tây), là con mèo đực bị thiến với bao trăn trở để về với tự do và tự chủ (Đường đến cõi Sa-ma-đi), là cái kẻ “Tôi” mạt vận suốt đời vô danh tính, cuối cùng nhận chân mình chỉ là Cái Vú Thừa của giống người (Cái vú thừa)… Oách nhất tới “vị giáo sư tiến sĩ” người bản xứ Canada về hưu ngơ ngơ giữa dòng đời lộn xộn cùng suối tình vô thường trên đất Việt (Bữa tiệc gà tây). Không chỉ là những cá thể thường dân. Họ, không gương mặt, không cá tính, không danh phận. Những gì mang trên mình họ đều thuộc về người Việt, ảnh hưởng từ người Việt. Tên chung của họ, giống như mọi sắc tộc khác cùng đến vùng đất mới, là Người di dân - những lớp người chỉ mong tìm một nơi có cuộc sống tốt hơn.

Để rồi mãi tới đầu năm nay, với một truyện mới được công bố mang tên rất bí hiểm và ẩn dụ là “bt”,bạn đọc mới biết tới sáng tác đầu tiên chứa chất thời cuộc, con đẻ từ thời cuộc trên đường văn gần 30 năm sau khi chị làm người di dân. Thiển ý, đấy không chỉ là truyện ngắn hay nhất của McAmmond Nguyen Thi Tu mà còn là văn phẩm đau đời (con dân Nam) thương phận (người nữ Việt) nhất từ một nữ tác giả có thể sản sinh ra. Nước mắt sẽ không còn biết chảy về đâu sau chữ cuối cùng của truyện! Rất mới rất lạ ở thi pháp văn xuôi, bt rồi sẽ xứng danh đi vào các tuyển truyện giá trị trong dòng văn học hậu chiến.

Bằng cảm hứng và thái độ nữ giới, McAmmond Nguyen Thi Tu đã chọn bất kỳ đối tượng nào để thực thi ý đồ viết văn. Chưa tính ở 2 tập trước, trong Cái vú thừa, không ít truyện có nhân vật chính là người nam và là mèo cũng... nam luôn! Khác nhiều người viết cùng giới, chị giang thẳng tay, mạnh và sắc vào những mặt trái, thói tật ở đồng hương nữ, bình đẳng trong tư thế một con người với các đồng hương nam - những kẻ đương nhiên phải bị xử lý đích đáng khi cần. Của đáng tội, ở những chi tiết, hoàn cảnh trong đôi ba truyện chưa thật thành công, cái sự “giận cá chép thớt” cũng được thực thi.

Với đề tài này, nhà văn cũng vẫn chọn các thân phận bé mọn không ham đại sự. Cái ham duy nhất ở họ là hạnh phúc cá nhân rồi hạnh phúc gia đình; tức là tiền, là tình, là danh phận bình thường, là sự sống còn trong phận đàn bà con gái. Dưới cây bút Việt ấy họ quả là “trở thành phụ nữ” như định nghĩa bất tử của Simone de Beauvoir. Ở nhiều sáng tác, người viết nữ này đã minh họa điều các nhà lý luận từng đúc kết, rằng trong nữ quyền luận cuối cùng thì mệnh đề “sinh học là định mệnh” được thay bằng mệnh đề “giới tính là định mệnh”.

Hãy dừng lại với thiên truyện quan trọng nhất: Cái vú thừa (2) .

Chúng tôi vững tin, về khái niệm rất quan trọng trong nữ quyền là ý thức giới(3). Đành rằng, qua trao đổi được tác giả cho biết ý tưởng “cái vú thứ ba” là vốn của dân gian, trong chuyện hài hước tiếng Anh sau cao trào giải phóng phụ nữ hồi giữa thế kỷ trước.

Cái vú thừa là truyện ngắn “bất bình thường”, về thi pháp cũng như nội dung, tư tưởng. Tiếp sau Lời nguyện nửa khuya, nó xác quyết triển vọng một hướng viết mới cho tác giả. Vượt xa hiện thực kể chuyện thuần túy; chiếm lĩnh nghệ thuật kỳ ảo và phi thực.

Chủ thể nghệ thuật ở dòng truyện này là con- người-văn-hóa. Dẫn tới xung đột truyện, xét cho cùng, cũng là xung đột văn hóa; chứ không là xung đột tâm lý/cá tính với phần lớn tay bút truyện ngắn khác. Đề tài bản ngã/cái Tôi của con người trong tập Cái vú thừa hiện rõ ở các truyện Lời nguyện nửa khuya; Không ai yêu thương tôi; Cái vú thừa; Cuộc đời bắt nạt... Trước và sau đó là 2 thiên truyện độc đáo chan chứa thân phận loài vật, loài người theo 2 lối viết khác hẳn nhau: Kiếp chó,và bt. Nước mắt rồi cũng chẳng còn biết chảy về đâu?!

Triết lý đạo đức căn bản của văn McAmmond Nguyen Thi Tu là tinh thần Thiên Chúa giáo thấm đượm nơi nhiều trang viết. Khi hiển lộ dày, đậm qua từng câu chữ trích, kể Kinh thánh, lúc bàng bạc trong không khí truyện; điểm thành công là người đọc không thấy nặng nề trong các bài học đạo đức. Nhờ ý đồ văn học vô thần sâu xa của tác giả. Nhờ rải rưới tinh thần Kitô trong văn hóa tư tưởng Việt, nơi gặp gỡ ngàn đời của tam giáo Nho-Khổng-Đạo đồng nguyên. Và, nhờ giọng điệu với “một chút trào phúng đáng yêu lấp lánh chỗ này hay chỗ khác trong những chuyện bịa hạng nhất đó.” (L. Fisk). Hầu hết các truyện ở đề tài tâm linh, tôn giáo là với tinh thần Công giáo, còn lại về Phật giáo, Tin lành, Hồi giáo và Yoga: Lời nguyện nửa khuya (Yoga); Đường đến cõi Sa-ma-đi (Phật giáo); Không ai yêu thương tôi (Tin lành); Cái vú thừa (Thiên Chúa giáo); Cuộc đời bắt nạt (Thiên Chúa giáo); Linh hồn tôi đâu (Hồi giáo, Kitô); Người tình ký ức (Thiên Chúa giáo). Tác giả có 2 truyện (ở 2 phong cách sáng tác) rất xứng trong một tuyển tập truyện ngắn nào đó về thể tài tôn giáo. Thiên truyện ngắn Cái vú thừa - một đứa con khôi ngô và ngỗ ngược hiếm có trong văn học nói chung, không chỉ văn học Việt Nam, mà chúng tôi được đọc. Và Linh hồn tôi đâu từng tạo chuỗi thảo luận lý.

Viết văn là kể chuyện

Quan niệm vậy có từ thuở hồng hoang của văn học viết. Vì, viết, đó là nói bằng tay - qua ngôn tự! Nhà văn cừ nhất ấy là kẻ kể hay nhất, “dẻo tay” nhất. Trong các hình thức diễn ngôn truyện nói riêng và văn xuôi nói chung, tạm chia 4 loại chính: Kể, Thuật; Tả, Diễn; Thoại; Luận, Bình. Ở cả 2 phong cách, sở trường của McAmmond Nguyen Thi Tu là văn trần thuật, kể một câu chuyện trước sau gì cũng trọn vẹn; đôi khi xen lẫn bình, luận. Thoại (đối thoại, độc thoại) và diễn biến tâm lý là sở đoản.

Như là một trong những cây bút chuyên về đời di dân, tác giả đã chọn cách viết chuẩn theo các nhà lý luận. Về đối tượng, hình thức diễn ngôn và tiêu điểm truyện: dùng lối viết cá nhân“viết về hành trình hiện hữu và dịch chuyển của cá nhân trong những tương quan với cộng đồng và không gian xã hội.” Về điểm nhìn và cách thức kể: “Ý thức giới thể hiện rõ ở phương thức kể chuyện từ ngôi thứ nhất, nhân vật tôi/ đàn bà kể chuyện mình, chuyện giới mình… qua trường nhìn phụ nữ với điểm nhìn bên trong. Nhân vật và người kể chuyện thường đồng nhất, xưng Tôi để kể những chuyện chỉ riêng Tôi mới biết: chuyện trinh tiết, trở thành đàn bà, ngoại tình, chối bỏ bản năng làm mẹ...”. (Dẫn theo Phạm Văn Quang, và Thái Phan Vàng Anh).

Chúng ta đang đi vào dòng truyện ngắn có phong cách trần thuật như sau: Được trình diễn mạch lạc, cấu trúc chặt chẽ, bố cục tuần tự theo logic (có kết hợp đồng hiện, cắt dán), mạch văn thản nhiên trôi chảy, chi tiết rậm rạp cứ đan cài nhau, miêu tả sát thực như có thể cầm nắm, không khí truyện sinh động như “lên đồng”, diễn tiến có đầu có cuối theo số phận nhân vật, xung đột liên tiếp phát triển không theo tâm lý nhân vật mà qua các sự cố. Xoay đảo ý tứ gấp như vòng cua tay áo mà bám riết ý đồ. Trữ tình nội tâm hoàn toàn không thuận tay với tác giả. Tình huống truyện không theo cung cách phân tách mâu thuẫn, thắt mở nút tâm lý. Có thể gọi đây là dòng truyện không-tình-huống-chính, thậm chí không-nhân-vật. Chi tiết, chi tiết và chi tiết! Ý tưởng, ý tưởng và ý tưởng! Truyện McAmmond Nguyen Thi Tu là cuộc hôn phối giữa người Nữ Chi tiết và người Nam Ý tưởng. Mạnh, và cũng là yếu, tùy từng truyện. Mà cũng bởi thế lối văn này có ít khoảng trống nghệ thuật dành cho loại bạn đọc năng động cùng tham dự. Nó để lại bài học sau những cái kết thường là đột ngột như kết tụ của vô số chi tiết bằng một thứ hóa chất đặc biệt. Hóa chất đó là tính ngụ ngôn hiện đại! Truyện ngắn như thế không chỉ là câu chuyện của tình tiết có thủy có chung, mà quan trọng từ đó đi tới một hay nhiều điều cần nói: ý tưởng.

Về mặt vận chữ dụng nghĩa: Câu chữ gãy gọn, cung cách tự tin như loại tác-giả-biết-tuốt bằng lối nói bình thường đượm vẻ tếu hài và điểm xuyết kinh sách, điển tích, kiến thức...Văn ấy luôn trao khoảng cách thân thiện cho độc giả, chu đáo với nhân vật, tinh tường với chi tiết, căng thẳng với oan trái, song vẫn đủ trầm tĩnh. Văn ấy thường ngắn câu. Từ ngữ nào cũng có trong từ điển hoặc dân gian. (Hiếm có từ nào made by McAmmond Nguyen Thi Tu!) Chủ vị rành mạch. Chấm phẩy cực chuẩn. Văn ấy rất dễ chuyển dịch qua các ngôn ngữ khác, vì không tu từ, ẩn dụ ngôn tự; còn phúng dụ toàn bộ ý tưởng thì có. Thật ra, văn chương này kết hợp thuần thục 3 hình thức: văn nói kể chuyện một lèo “có sao nói vậy người ơi” ở cánh phụ nữ gia đình; văn viết tường thuật chi tiết, chính xác và khoa học của báo chí; và văn giảng chuẩn mực, bao quát, lý giải trong giới mô phạm. Tác giả làm chủ, thấm sâu các hình thức ngôn ngữ.

Ngữ điệu trữ tình sao mà hiếm gặp (có lẽ chỉ ở Lời nguyện nửa khuyaNgười tình ký ức)? Bao trùm một giọng điệu hiện thực trung dung, rạch ròi (góp phần mách bảo người viết ra chúng đích thị con nhà gốc miền Bắc); lãng đãng cùng giọng điệu hài hước giễu cợt - ấy cái uy-mua bóng bảy, dông dài Bắc Kỳ mà không đến nỗi chì chiết mưa phùn do được pha chút gió biển hồn nhiên của dân Trung. Cũng là theo hướng khôi hài đen/ black humor không nhân nhượng trước cái trớ trêu bi hài từ các trò đời, song phải công nhận là ý vị. Chúng tôi muốn gọi đó là kiểu khôi-hài-nâu McAmmond Nguyen Thi Tu.

Ý tưởng được đầu tư kỹ, nhất là ở lối viết mới; thể tài hơi đơn điệu khi cố thủ cuộc sống di dân và bản ngã. Tình huống chủ đạo hầu như không có; nhiều tứ truyện trong một truyện đến mức truyện như không cần tứ mà bù vào vô số các chi tiết (Bữa tiệc gà tây; Đêm hoang mạc; Lông ngỗng trắng…). Dưới ý đồ ngụ ngôn tác giả không tạo nhân vật văn học; các nhân vật chỉ như nhiều nhánh hoa rải trong vườn chứ không làm một khóm hoa lớn. Xung đột truyện thường là mâu thuẫn văn hóa, hướng tới bản- ngã-conngười và ít coi trọng đặc thù văn học ở từng nhân vật nơi mà bản-ngã-cá-thể được xuất hiện. (Bóng ma quá khứ là truyện duy nhất không vậy, và thành công như một truyện ngắn “chuẩn” về mặt này và về tứ truyện).

Trên lối viết mới, 4 sáng tác Lời nguyện nửa khuya; Cái vú thừa; Người tình ký ức; và bt là những thiên truyện, với cái nhìn cẩn trọng chúng tôi thấy cần được coi là đặc sắc ở sự độc đáo và tính hấp dẫn giữa dòng văn xuôi đương đại không chỉ của độc giả Việt, xét cả 3 mặt nội dung tư tưởng, ý nghĩa thể loại và giá trị nghệ thuật mà riêng mặt thứ 3 còn có thể chút gợn về kỹ thuật văn chương hóa các văn liệu, tri thức.

Kết

Chúng ta đã đi một vòng trên mặt-phẳng-văn-chương McAmmond Nguyen Thi Tu trong hơn thập niên qua, mà độ sung mãn vào các năm 2006 - 2010 ở phong cách trần thuật truyền thống, để rồi mới hơn một năm nay 2018 - 2019 khi chuyển hẳn sang lối viết phúng dụ ảo dị. Cả 2 lối viết đều có thể xem như 2 diễn ngôn khác nhau của hình thức ngụ ngôn - ngụ ngôn gián tiếp từ chuyện cuộc đời, mưu sinh và ngụ ngôn trực tiếp qua bản thể, nhân sinh.

Ngay từ đầu thế kỷ 19, thiên tài J.W. Goethe từng nhận ra manh nha của hiện thực trong 2 thế kỷ kế tiếp: “Ngày nay văn chương quốc gia không còn có thể nói lên điều gì quan trọng nữa, thời đại của văn chương thế giới đã đến, và mỗi người bây giờ phải hành động để đạt tới tiến trình ấy”. Các trào lưu di dân đã góp phần lớn cho sự hình thành, thúc đẩy một nền văn-chương-thế-giới. Nhưng văn-chương-didân chưa thể thành văn-chương-thế-giới khi mà nó thường chỉ thành công ở 2 yếu tố quan trọng nhưng khá dễ dàng, đó là ý nghĩa đề tài và nội dung tư tưởng. Cần có thêm hình thức sáng tạo và thẩm mỹ văn học tương xứng - tức là hội đủ 4 tiêu chí của sáng tạo nghệ thuật thông thường. Nếu như ở cả 4 tiêu chí vẫn chưa hiện diện không-gian-nghệ-thuật của toàn cầu thì nó, cái văn chương di dân ấy bước đầu chỉ là văn-chương-quốc-gia nối dài.

Truyện ngắn McAmmond Nguyen Thi Tu, cũng như đa số các sáng tác tương tự của văn học Việt hải ngoại mang nội dung cuộc sống di dân, trên căn bản là văn-chương-di- dân mà yếu tố quốc gia xuất xứ là Việt Nam, các liên đới về tinh thần và địa lý, văn hóa, trách nhiệm con dân Việt và ý thức công dân bản địa... đã ảnh hưởng “âm” đến tài năng tự thân nơi mỗi tác giả. Dòng truyện này đang đạt đến độ kết tụ về thể thức ngụ ngôn và thăng hoa về hiện thực đời thường trong 3 đề tài lưu xứ, bản ngã và giới tính, được thể hiện qua người Việt di cư tại Canada.

Hướng tới đích lý tưởng văn-chương-thế-giới, từ đấy, nữ văn sĩ sẽ có cơ hội tạo ra không-gian-vănchương của riêng McAmmond Nguyen Thi Tu.

Đỗ Quyên

-----------------

1. Bùi Quang Huy: “Thật ra, cây bút ấy không hoàn toàn mới. Trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 11 năm 1985, tác giả đó đã có truyện ngắn [...] và sau đó, lần lượt xuất hiện [...] trên cả tờ Văn Nghệ [...]. Có điều, ngày đó, tác giả của những truyện ngắn ấy là Nguyễn Thị Tư. Sự xuất hiện của chị không ồn ào, nhưng để lại ấn tượng trong lòng độc giả, nhất là với những người cùng giới. Nhà văn Nguyễn Thành Long[…] từng nêu nhận xét,nếu ông có quyền chọn mười cây bút văn xuôi nữ đương đại, chắc chắn phải có Nguyễn Thị Tư.” (“Nguyễn Thị Tư - từ Xóm đạo An Trung đến Thung lũng tuyết”; báo Văn Nghệ).

2. Cái vú thừa; Sđd; Tr.77-80. Có thể coi trên các trang mạng baovannghe.com.vn 17/10/2018.

3. “Ý thức giới (Gender awareness) là khái niệm chỉ mức độ kiến thức và sự hiểu biết về khác biệt trong vai trò và mối quan hệ giữa nam giới và nữ giới, đặc biệt ở nơi làm việc chung.” (dictionary.cambridge.org).

Nguồn: Tạp chí Sông Hương SHSDB34/09-2019, phiên bản trực tuyến, ngày 15.11.2019.

Lê Quý Đôn (Nguồn ảnh: Internet)

Chuyến đi sứ Trung Quốc của phái đoàn Trần Huy Mật, Lê Quý Đôn và Trịnh Xuân Thụ khởi trình ngày 28 tháng giêng năm Canh Thìn 1760 và về nước vào cuối tháng giêng năm Nhâm Ngọ 1762. Hơn hai năm đi sứ, các sứ thần Việt Nam đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ bang giao tuế cống, báo tang và cầu phong. Đặc biệt, trong thời gian ở Trung Quốc, đoàn sứ đã gặp gỡ tiếp xúc với rất nhiều quan lại các cấp Trung Quốc cùng với các sứ thần Hàn Quốc và cống sinh Nhật Bản. Tư liệu ghi chép liên quan về chuyến đi sứ này được lưu giữ ở trong nước và nước ngoài khá nhiều. Chúng tôi thông qua văn bản Bắc sứ thông lục, A.179 lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm bước đầu thống kê những cuộc gặp gỡ đàm luận chuyên sâu về học thuật giữa các sứ thần nước ta với quan viên Trung Quốc, sứ thần Hàn Quốc và cống sinh Nhật Bản.

Bắc sứ thông lục là cuốn nhật kí hành trình đi sứ trong hơn hai năm 1760 -1762 của đoàn sứ thần nước ta do Phó sứ Lê Quý Đôn biên soạn trên đường đi về và hoàn thành năm 1763 - sau khi về nước một năm. Bắc sứ thông lục có bốn quyển, bị mất hai quyển (quyển 2 và quyển ba) ghi chép về hành trình chiều đi và thời gian ở lại Yên Kinh. Bởi vậy chúng tôi chỉ còn căn cứ vào văn bản Bắc sứ thông lục quyển một và quyển bốn, chủ yếu thống kê những cuộc đàm luận học thuật trên đường về của đoàn sứ.

BẢNG THỐNG KÊ CÁC CUỘC BÚT ĐÀM TRAO ĐỔI HỌC THUẬT CHỦ YẾU

 

Thời gian Địa điểm Nội dung
Mùa đông năm Canh Thìn 1760 Công quán của sứ thần An Nam, Yên Kinh Cử nhân nước Lưu Cầu là Trịnh Hiếu Đức và Thái Thế Xương đến yết kiến. Sứ thần nước ta vui vẻ trò chuyện và hỏi han tình hình du học, chế độ khoa cử của họ.
Ngày 30, tháng chạp năm Canh Thìn 1760 Hồng Lô tự, Yên Kinh Sứ thần An Nam và Hàn Quốc Hồng Khải Hy, Triệu Vinh Tiến và Lý Huy Trung gặp nhau, cùng rải chiều mời nhau ngồi, lấy bút mực đàm luận hỏi han phong thổ đất nước và tặng quà cho nhau.
Đầu năm mới Tân Tỵ 1761 Ở công quán sứ thần An Nam Hồng Toản Hối, Triệu Quang Quỳ và Lý Trích Phương đến chúc tết xướng họa thơ văn.
Tháng 8 năm Tân Tỵ 1761

Ngày

mồng 5

Cửu Giang, Giang Tây Khâm sai Tần Triều Vu mời Lê Quý Đôn qua thuyền hỏi han về điển chương chế độ (triều chính, khoa cử, lễ nghi), tình hình xã hội, địa lý phong tục và sản vật địa phương An Nam.
Ngày 14 Vũ Huyệt, Quảng Tế, Hồ Bắc Khâm sai Tần Triều Vu gửi thư mời Lê Quý Đôn qua thuyền, hỏi xem sách Sử biện và đưa cuốn Độc thư kí của ông ta cho Lê Quý Đôn xem, cùng trao đổi bàn luận về nhiều kinh sách Nho giáo.
Ngày 16 Bàn Đường, huyện Thông Thành, Hồ Bắc Khâm sai Tần Triều Vu mời Lê Quý Đôn qua chơi cùng đàm đạo sách Sử biện và hỏi xem thêm các sách khác. Lê Quý Đôn giới thiệu sách Thánh mô hiền phạm lục. Khâm sai còn hỏi thăm về chế độ khoa cử và tuyển chọn các Bồi thần đi sứ.
Ngày 27 Xích Bích, Hoàng Châu, Hồ Bắc Khâm sai Tần Triều Vu mời Lê Quý Đôn qua chơi, nói chuyện sách Thánh mô hiền phạm lục đưa cho Lê Quý Đôn bài tựa Quần thư khảo biện.
Tháng 9

Ngày

mồng 9

Vũ Xương, Hồ Bắc Lê Quý Đôn đến yết kiến quan Án sát sứ Tác Bằng
Tháng 10

Ngày

mồng 1

Trường Sa, Hồ Nam Lê Quý Đôn đến yết kiến Tuần phủ Phùng Trân, cùng nói chuyện, hoạ thơ với ông ta và thuộc hạ ông ta là viên tướng Quách Tham.
Lê Quý Đôn đến yết kiến quan Bố chánh họ Vĩnh đàm luận về quan chế, triều chính và tình hình đi sứ.
Ngày 21 Vĩnh Châu, Hồ Nam Tần Triều Vu mời Lê Quý Đôn qua chơi hỏi thăm về chế độ triều chính An Nam, đàm đạo về kinh sách trước tác khảo biện, chú thích của hai vị.
Tháng 11
Ngày 5 Đê Đại Dung, Hưng An, Quảng Tây Khâm sai Tần Triều Vu mời Lê Quý Đôn qua thuyền uống rượu hỏi han về địa lý An Nam và thù tạc thơ văn.
Tháng 12
Ngày 26 Phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây Sứ thần đến công quán yết kiến hai vị Sách sứ Đức Bảo và Cố Nhữ Tu. Hai quan Sách sứ hỏi thăm sức khỏe, lại hỏi thêm về kinh đô An Nam, xướng họa mấy vần thơ với quan Phó sứ Lê Quý Đôn, lại gửi lời cảm ơn vua chúa An Nam đã tiếp đón nhiệt tình.
Lê Quý Đôn đến yết kiến Thự đạo đài Tra Lễ, đàm luận thơ văn đến quá canh hai mới ra về.
Ngày 27 Phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây Lê Quý Đôn đến yết kiến quan Đề đốc Chu Bội Liên, cùng đàm luận về lịch sử địa lý quận huyện của An Nam.
Ngày 28 Phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây Sách sứ Trung Quốc đưa bốn bài thơ (do quan Sách sứ viết tặng An Nam quốc vương và An Nam quốc vương họa lại) gửi các sứ thần mang về nước.
Ngày 29 Phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây Chu Bội Liên gửi lời tựa sách Thánh mô hiền phạm lục và mấy lời nhắn nhủ. Lê Quý Đôn sang cảm ơn và lại trao đổi thêm
Tháng Giêng năm Nhâm Ngọ 1762

Ngày

mồng 2

Phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây Lê Quý Đôn tới chúc tết Chu Bội Liên. Hai ông tặng thơ cho nhau.

Ngày

mồng 3

Phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây Lê Quý Đôn đến yết kiến Chu Bội Liên và trao đổi các vấn đề về cương vực địa lý.

Ngày

mồng 6

Phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây Sách sứ sai quan huyện Tuyên Hóa Tả Đường My đem tặng thơ mỗi vị sứ thần ba bài thơ, hai câu đối và một quyển Tập nghiệm lương phương

Ngày

mồng 7

Phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây Chu Bội Liên trả sách Quần thư khảo biện và lời tựa sách ấy cho Lê Quý Đôn
Phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây Đạo quan Tra Lễ gặp gỡ trao đổi tập thơ Dung Sào tiểu tập với Lê Quý Đôn.

Trong chuyến đi sứ, các sứ thần nước ta có dịp gặp gỡ rất nhiều các nhân sĩ Trung Quốc như quan Bác sĩ trợ giảng họ Trương, quan huyện Hoài Ninh Trương Triệu Dương, Quan Kinh lịch Đường Bính Anh, quan Khâm sai Bạn tống Tần Triều Vu, quan Đề đốc Chu Bội Liên, quan Đạo đài Tra Lễ, Bố chánh xứ Diệp Tồn Nhân, quan Bạn tống Bành Thế Huân, quan Bạn tống La Đăng Quý, quan huyện Tuyên Hóa Tả Đường My, quan Khâm sai Chánh sứ Đức Bảo, Khâm sai Phó sứ Cố Nhữ Tu và một số nhân vật như Âu Dương Mẫn, Lữ Tổ Sư, Thẩm Thu Hồ, Chu Bách Tổng… Trong đó người có quan hệ thường xuyên và tần số tham gia bút đàm học thuật với đoàn sứ nhiều nhất là quan Khâm sai Bạn tống Tần Triều Vu và quan Đề đốc học Quảng Tây Chu Bội Liên. Tần Triều Vu từng sáu lần bút đàm, Chu Bội Liên bốn lần trao đổi về các vấn đề học thuật như kinh học, cổ sử, địa lý, điển chương chế độ… Cùng với các buổi bút đàm trực tiếp, các vị còn trao đổi sách sử, viết lời đề tựa giới thiệu, xướng họa thơ ca và bình giá trước tác của nhau. Sách Quần thư khảo biện và Thánh mô hiền phạm lục của Lê Quý Đôn được Tần Triều Vu, Chu Bội Liên và Chánh sứ Hàn Quốc Hồng Khải Hy đề tựa và tham gia góp ý kiến đánh giá, trở thành một trong các đối tượng trao đổi xoay quanh nhiều vấn đề học thuật.

Ngoài ra trong bài khải chữ Nôm gửi về cho vua nước ta, Lê Quý Đôn sơ lược tường thuật lại thời gian ở Yên Kinh gặp gỡ một số quan lại cấp cao Trung Quốc, Hàn Quốc và cống sinh Nhật Bản, thư từ qua lại, viết thơ đề tựa, xướng họa thơ văn, trao đổi học thuật, tình cảm càng thêm trân trọng gắn bó.

Những hoạt động giao lưu học thuật như tọa đàm trực tiếp, thư từ qua lại, thơ ca xướng họa, đề tựa bình duyệt, đàm đạo trao đổi về kinh học, cổ sử, địa lý, điển chương chế độ diễn ra trên đường đi lối về, khi chiều tà, lúc ban trưa, khi dừng thuyền đợi gió, lúc yết kiến công đường, ý kiến có khi tương đồng, khi khác nhau, phản bác, ca ngợi… đều được ghi chép rất chi tiết cụ thể trong sách Bắc sứ thông lục và một số sách khác, phản ánh hoạt động giao lưu học thuật sôi nổi của đoàn sứ. Có thể nói chuyến đi sứ Trung Quốc năm 1760-1762 của phái đoàn Trần Huy Mật, Lê Quý Đôn và Trịnh Xuân Thụ không chỉ hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ bang giao mà còn nổi bật hơn hẳn các đoàn sứ khác bởi hoạt động bút đàm giao lưu học thuật sôi nổi giữa các sứ thần Việt Nam với các nhân sĩ Trung Quốc, sứ thần Cao Ly (Hàn Quốc) và các Cống sinh Lưu Cầu (Nhật Bản), phần nào phản ánh được không khí học thuật ở các nước Đông Á trong thế kỉ XVIII./.

NGUYỄN THỊ TUYẾT

Viện nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2012tr.821-826, phiên bản trực tuyến ngày 09.02.2015.

Dịch giả Nga Igor Viktorovich Britov hiện sống ở Moskva. Tất cả hoạt động nghề nghiệp của ông gắn liền với Việt Nam. Năm 1988, ông tốt nghiệp Trường đại học quan hệ quốc tế Moskva. Đã từng thực tập tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Hơn 30 năm ông làm việc tại đài phát thanh “Tiếng nói nước Nga”. Mười năm trước, ông thử dịch một truyện ngắn Việt Nam yêu thích ra tiếng Nga. Công việc sáng tạo này trở nên hấp dẫn và lôi cuốn. Năm 2005, ở Moskva, tuyển tập truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam, phần lớn do I.V. Britov dịch, đã được xuất bản. Hiện nay, ông đang chuẩn bị xuất bản tuyển tập truyện ngắn tiếp theo.

20190514 Nga

Một góc nước Nga. Ảnh internet

Năm 2018, các truyện ngắn Việt Nam do ông dịch đã được đăng tải trên một số số của tạp chí “Văn học nước ngoài”. Ông là tác giả của các bài báo khoa học về lý thuyết dịch văn bản nghệ thuật. Hiện nay, ông giảng dạy tiếng Việt và văn học Việt Nam tại Học viện quốc tế Moskva. Nhiều năm liền, ông là hội viên Hội nhà báo Nga. Năm 2011, ông được phong tặng danh hiệu “Cán bộ văn hóa ưu tú Nga”. Ông cũng được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng huy chương Hữu nghị vì những đóng góp vào sự phát triển hợp tác thông tin và văn hóa.

Văn nghệ xin trân trọng giới thiệu một bài viết của I.V. Britov mới đăng trên tạp chí “Văn hóa Nga”.

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, ở nước Nga, nhiều năm liền văn học Việt Nam không được dịch và xuất bản. Chỉ vào năm 2012, xuất hiện một cuốn sách Việt Nam đầu tiên bằng tiếng Nga sau một thời gian dài gián đoạn – truyện dài của Khái Hưng Hồn bướm mơ tiên. Sau đó, các tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lạnh lùng của Nhất Linh, các tập thơ của Ngô Văn Phú, Mai Văn Phấn và tuyển tập truyện ngắn vừa nói trên Ngải đắng trên núi cao được xuất bản.

Tuyển tập truyện ngắn Ngải đắng trên núi cao của các nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Chu, Y Ban, Tạ Duy Anh, Thùy Linh đã được xuất bản ở Moskva năm 2015. Đây là một sự kiện quan trọng trong việc quảng bá văn học Việt Nam ở nước Nga. Tôi rất vui mừng vì có dịp tham gia vào việc chuẩn bị xuất bản cuốn sách này với tư cách dịch giả cùng với những người khác.

Năm ngoái (2018), lần đầu tiên sau 30 năm, tạp chí Văn học nước ngoài của Nga đã đăng tải các truyện ngắn của các tác giả Việt Nam. Trên số tháng 5, độc giả có thể đọc truyện ngắn của Nguyễn Thu Trân Xóm sở Mỹ, còn số tháng 8 đăng tải truyện ngắn Ông cá hô của Lê Văn Thảo. Có thể coi những cuốn sách và truyện ngắn này trên tạp chí là những thành công đáng kể trên con đường quảng bá văn học Việt Nam ở nước Nga.

Tuy nhiên, khi so sánh số lượng này với những gì đã được xuất bản dưới thời Xô viết, bạn hiểu ra rằng nó như giọt nước trong biển cả. Mới đây, khi đọc lời giới thiệu của Nikolay Ivanovich Nikulin, dịch giả các tác phẩm văn học Việt Nam và chuyên gia về lịch sử văn học Việt Nam, trong tuyển tập Hương cỏ mật xuất bản năm 1973 (hơn 20 năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Liên Xô, lúc bấy giờ chưa có nhiều nhà Việt Nam học người Nga), tôi bắt gặp những dòng như sau: “Độc giả Liên Xô không phải lần đầu tiên khám phá cuốn truyện ngắn đương đại Việt Nam. Chưa kể nhiều tác phẩm đã được đăng tải trên báo chí định kỳ, có thể nêu tên gần 2 chục tuyển tập đã xuất hiện trong thời gian gần đây được dịch ra tiếng Nga”. Và sau đó, trong những năm 70-80, còn có 15 tập Thư viện văn học Việt Nam và nhiều thứ khác...

Tại sao hiện nay ở Nga các tác phẩm của nhà văn Việt Nam ít được dịch? Sở dĩ như vậy là vì có nhiều khó khăn hiện nay đang gặp phải trên con đường quảng bá văn học Việt Nam ở Nga. Trước khi nêu lên những khó khăn này, tôi muốn trở lại với một sự kiện cách đây gần 4 năm. Khi tham dự Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài lần thứ ba diễn ra ở Hà Nội năm 2015, tôi có may mắn được gặp ông Phạm Vĩnh Cư, một trong những người sáng lập trường phái dịch thuật Việt Nam, nhờ đó bạn đọc Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với các kiệt tác của văn học Nga. Theo Phạm Vĩnh Cư, trong công việc dịch thuật có ba vấn đề: lựa chọn được tác phẩm xứng đáng để dịch, tìm được dịch giả chuyên nghiệp và xuất bản sách. Trong hoạt động dịch văn học Việt Nam ở Nga, việc giải quyết các vấn đề nêu trên đều gặp rất nhiều khó khăn.

Về việc lựa chọn các tác phẩm của Việt Nam. Đây là vấn đề quan trọng. Tầm quan trọng của nó được xác định bởi hai yếu tố. Thứ nhất, cần lựa chọn những tác phẩm có thể thu hút được sự chú ý của độc giả Nga. Thành công của cuốn sách trên thị trường Nga phụ thuộc vào điều này. Thứ hai, cần lựa chọn những tác phẩm cho phép độc giả Nga ít nhiều hình dung được một cách trọn vẹn về trình độ và chất lượng của văn học Việt Nam. Sau khi xuất bản tuyển tập “Ngải đắng trên núi cao”, một tờ báo mạng đăng bài trả lời phỏng vấn của tôi nhân sự kiện này, và một trong những độc giả Việt Nam đã bình luận như sau: “Rất tiếc, hiện nay trong văn học Việt Nam, xuất hiện những thợ viết vô tích sự. Mấy năm gần đây, không có một bài thơ nào đáng đọc, một cuốn tiểu thuyết nào sáng giá. Nhà văn đổ xô đi học tiếng Anh để dịch những tác phẩm hạng bét của các tác giả Anh, Mỹ. Các nhà văn của chúng tôi chỉ có một mục đích: đi sang Mỹ, giành được những giải thưởng văn học ở đấy, sau đó hô hoán lên rằng ta là nhà văn lớn”. Vâng, có những nhà văn xu thời. Nhưng dù sao tôi cũng sẵn sàng tranh luận với tác giả lời nhận xét mang tính chất phê phán nói trên. Tôi rất thích thú đọc các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam đương đại. Rất có thể, tôi may mắn “gặp phải” những tác giả xứng đáng.

Nói chung, những năm gần đây, trong văn học Việt Nam, đã diễn ra những thay đổi lớn: cả tiêu cực lẫn tích cực. Đã xuất hiện những đề tài mới, những khuynh hướng mới (chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại). Cần lưu ý rằng sau năm 1986, khi Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối đổi mới trong tất cả các lĩnh vực của đất nước, các quá trình diễn ra trong đời sống văn học Việt Nam rất giống với những thay đổi trong không gian văn học Xô viết giai đọan cải tổ. Những thay đổi đòi hỏi sự nhận thức, để làm điều đó cần các nhà phê bình văn học biết tiếng Việt. Ở Nga hiện nay chỉ có một nhà Việt Nam học nghiên cứu sâu văn học Việt Nam, đó là Tatyana Nikolayevna Filimonova, phó tiến sĩ ngữ văn, tác giả nhiều bài báo và báo cáo tại các hội nghị khoa học, hiện giảng dạy tại Viện các nước Á Phi thuộc Đại học Quốc gia Moskva. Năm 2017, bà xuất bản cuốn sách Tổng quan về văn học Việt Nam thế kỷ XX. Đây là công trình khoa học nghiêm túc đầu tiên về văn học Việt Nam ở nước Nga trong những thập niên gần đây. Các công trình nghiên cứu của các nhà phê bình văn học phải định hướng cho việc lựa chọn tác phẩm để dịch.

Hiện nay Quỹ hỗ trợ cho việc quảng bá văn học Nga tại Việt Nam và văn học Việt Nam ở Nga giúp quyết định dịch những tác phẩm nào. Quỹ được thành lập mấy năm trước đây do dịch giả văn học Nga nổi tiếng Thúy Toàn đứng đầu, ông cũng là người thành lập bảo tàng tư nhân văn học Nga đầu tiên tại Việt Nam. Khi lựa chọn tác phẩm dịch, bản thân tôi cũng tham khảo ý kiến của đại diện Quỹ này, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, dịch giả văn học Nga Nguyễn Thị Kim Hiền hiện đang sống và làm việc tại Moskva.

Về các dịch giả. Hiện nay ở Nga không có đội ngũ dịch giả văn học Việt Nam chuyên nghiệp. Hai dịch giả chủ chốt: Marian Nikolayevich Tkachyov và Nikolay Ivanovich Nikulin, đã qua đời. Trong số những dịch giả uy tín hiện chỉ còn Inessa Petrovna Zimonina. Chính nhờ các dịch giả này, dưới thời Xô viết, một khối lượng lớn truyện vừa, truyện cổ tích, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, thơ của Việt Nam đã được xuất bản. Hiện nay, các giảng viên tiếng Việt đang làm việc tại các trường đại học ở Moskva chủ yếu chỉ dịch một lần các tác phẩm văn học Việt Nam. Đó là một công việc đặc thù. Trong 30 năm gần đây, không xuất hiện các dịch giả văn học chuyên nghiệp mới từ tiếng Việt. Ở đây có nhiều nguyên nhân.

Một trong các nguyên nhân là thiếu nhu cầu, thứ hai, dịch văn học Việt Nam sang tiếng Nga là một công việc khó khăn, nhưng lại không béo bở về mặt vật chất. Bản thân tôi cũng đang dịch trên tinh thần hoàn toàn nguyện. Tuy nhiên, trong vấn đề đào tạo các dịch giả chuyên nghiệp văn học Việt Nam ra tiếng Nga đã le lói tia hy vọng. Hai năm trước, Trường đại học ngôn ngữ Moskva đã tuyển sinh được một lớp sinh viên, các sinh viên này sẽ học môn “Lý thuyết dịch văn học Việt Nam ra tiếng Nga” ở năm cuối. Rất có thể, ai đó trong họ sẽ dành tâm huyết cho loại hình sáng tạo này. Dịch văn học không những là nghệ thuật mà còn là một khoa học, dịch giả phải biết giải quyết một loạt những khó khăn: ngôn ngữ, văn hóa, cảm xúc-nghệ thuật. Nhưng ở đây xuất hiện một vấn đề khác: không có sách giáo khoa về môn học đó. Dựa vào kinh nghiệm dịch thuật của mình, tôi đã biên soạn một tài liệu giảng dạy chuyên ngành, nhưng đã mấy năm nay không tìm được nhà tài trợ để giúp xuất bản.

Về xuất bản sách. Chúng ta biết rằng để xuất bản một cuốn sách tác giả phải tự bỏ tiền ra, hoặc tìm nhà tài trợ. Xin đơn cử một ví dụ cụ thể. Hiện nay còn một tập truyện ngắn của 20 tác giả Việt Nam nữa do tôi dịch đang được chuẩn bị xuất bản. Cuốn sách sẽ xuất bản... ở Hà Nội. Tại sao lại ở Hà Nội, chứ không phải ở Moskva? Tiếc rằng ở Moskva, chúng tôi không tìm được nhà tài trợ. Cộng đồng người Việt ở Moskva không đặc biệt quan tâm tới việc quảng bá văn học Việt Nam ở Nga. Tôi đã nhiều lần gặp gỡ các doanh nhân Việt Nam và các tổ chức xã hội Việt Nam để xin giúp đỡ, nhưng không ai hưởng ứng. Thế nhưng sự giúp đỡ lại đến từ Hội nhà văn Việt Nam thông qua nhà xuất bản Hội nhà văn. Xin được bày tỏ lòng biết ơn to lớn về sự giúp đỡ này. Tôi rất phấn khởi vì cuốn sách sẽ ra mắt vào năm nay vốn là năm giao lưu chéo Nga-Việt, Việt-Nga.

Như vậy, hiện nay bản thân dịch giả phải là một nhà quản lý để xuất bản sách. Sự giúp đỡ của phía Việt Nam là cực kỳ cần thiết. Việt Nam ngày càng chứng tỏ khả năng kinh tế của mình và có cơ sở để cho rằng sự quảng bá văn hóa của đất nước trên thế giới sẽ được mở rộng. Chi phí cho hoạt động này nhất định sẽ được bù lại. Việc đầu tư vào chính sách hợp tác văn hóa quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam và bầu không khí tích cực cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.

Kết luận của tôi rất rõ ràng: hiện nay việc xuất bản văn học Việt Nam ở Nga trong một chừng mực lớn là vùng hoạt động của chính người Việt Nam. Vâng, có thể nhận được sự giúp đỡ từ phía các cơ quan Nga, có thể sử dụng nhiệt tình của các nhà Việt Nam học người Nga, nhưng việc quảng bá văn hóa Việt Nam đích thực ở nước Nga chỉ được thực hiện với sự tham gia của chính những người Việt Nam ở các cấp độ khác nhau.

Trần Hậu (dịch từ báo Văn hóa Nga2019)

Nguồn Văn nghệ số 19/2019, phiên bản trực tuyến ngày 10.5.2019.

TS. Trần Thanh Nhàn

Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Sài Gòn

Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992 , nhưng trong quá khứ , từ nhiều thế kỷ trước, hai dân tộc đã có được những mối dây liên hệ thân thiết, tính từ thời điểm hai hoàng tử họ Lý có mặt trên bán đảo Triều Tiên (khoảng thế kỷ XII).

Nguyễn Thị Oanh – Trịnh Khắc Mạnh

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Lời nói đầu

Việt Nam, Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên đều là những nước chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Quốc. Tuy không cùng tiếng nói, nhưng cả ba nước đều lấy chữ Hán làm công cụ ghi chép, đồng thời đều có chung lịch sử tiếp thu văn hóa Hán khởi nguồn từ Trung Quốc. Trong việc tiếp thu tư tưởng Trung Quốc: Nho - Phật - Lão, các nước đều lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chủ đạo. Hiện tại bán đảo Triều Tiên (Hàn Quốc) và Việt Nam tuy không sử dụng chữ Hán song hai nước vẫn trải qua lịch sử lâu đời trong chiếc nôi của văn hóa Hán. Trong khoảng thời gian và không gian đó, bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam đã có nhiều cuộc giao lưu tiếp xúc ở các lĩnh vực khác nhau.

Ở thời Trung đại, Việt Nam, Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên thường xuyên có quan hệ với Trung Quốc, trên các hoạt động giao lưu văn hóa, kinh tế song phương. Các cuộc bang giao trực tiếp giữa Việt Nam với Nhật Bản và Việt Nam với bán đảo Triều Tiên tuy không diễn ra đều đặn, song cũng để lại những dấu ấn tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước. "Sơn xuyên phong vực tuy vân dị; Lễ nhạc y quan thị tắc đồng" 山川風域雖云異,禮樂衣官是則同(Núi sông phong tục tuy rằng khác; Lễ nhạc, y quan có điểm chung) là hai câu thơ trong bài thơ "Đạt Lưu Cầu quốc sứ" 達琉球國使 của Phùng Khắc Khoan 馮克寬 (1528-1613) sáng tác nhân dịp tiễn sứ giả Lưu Cầu (Ryukyu) về nước trong lần đi sứ năm 1597 và câu "Sơn hà ưng hữu dị, Hàn mặc tự tương đồng" 山河應有異,翰墨自相同 (Núi sông tuy có khác, Văn chương vốn tương đồng) là hai câu thơ trong bài thơ của sứ thần Hàn Quốc Nam Đình Thuận 南廷順 họa lại bài thơ của sứ thần Việt Nam Nguyễn Tư Giản 阮思間 vào năm 1864 ở Bắc Kinh là minh chứng cho quan hệ ngoại giao giữa sứ thần Việt Nam và sứ thần các nước trong khu vực.

Trước nay đã có nhiều công trình và bài viết của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về quan hệ bang giao giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, song số lượng các công trình nghiên cứu về lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Gần đây, do giao lưu hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ngày một phát triển, việc tìm hiểu quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước trong khối đồng văn trong quá khứ đã được sáng tỏ hơn nhờ nguồn tư liệu do các chuyên gia trong và ngoài nước cung cấp. Để giúp các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước có thêm thông tin, chúng tôi xin điểm lại tình hình nghiên cứu về quan hệ Việt Nam, Nhật Bản trong những năm gần đây và góp thêm một số tư liệu mới về quan hệ giữa hai nước trong lịch sử. Do khuôn khổ của bài viết, chúng tôi chỉ xin lược thuật những công trình và bài viết về bang giao Việt Nam - Nhật Bản có liên quan chủ yếu đến tư liệu hiện lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (viết tắt là VHN). Hy vọng bài viết sẽ góp thêm tư liệu và nhận thức mới về quan hệ bang giao giữa hai nước trong lịch sử, góp phần thúc đẩy hơn nữa quá trình giao lưu, hợp tác giữa các nhà nghiên cứu trong khu vực.

1. Các cuộc tiếp xúc ngoại giao giữa hai nước

Trong các công trình nghiên cứu quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thường sử dụng nguồn tư liệu lấy từ nước ngoài như ở Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản. Về nguồn tư liệu trong nước, các bộ chính sử của Việt Nam như Đại Việt sử ký toàn thư 大越史記全書, Đại Việt sử ký tục biên 大越史記續編, Đại Nam thực lục 大南寔錄, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục欽定越史通鑑綱目... ngoài các sự kiện bang giao với Trung Quốc, rất ít khi đề cập các thông tin đến bang giao quốc tế, nhất là quan hệ đối với Ryukyu 琉球(nay là Okinawa) - nhóm đảo nằm ở phía Nam Nhật Bản, trung tâm kinh tế quan trọng giữa hai khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á thời Trung đại. Tuy nhiên, một số tư liệu bang giao giữa Việt Nam và Nhật Bản được các nhà nghiên cứu Nhật Bản và nước ngoài công bố gần đây đã giúp cho các nhà nghiên cứu Việt Nam thêm nhiều nhận thức mới về vấn đề này. Chúng tôi xin điểm lại một số tư liệu theo dòng lịch sử đã được các nghiên cứu trong và ngoài nước công bố.

Theo một số tư liệu của Nhật Bản và Trung Quốc, người Nhật Bản đầu tiên đến nhậm chức ở Việt Nam vào thời nhà Đường là Abeno Nakamaro 阿倍仲麻呂, tên Trung Quốc là Triều Hành 晁衡. Ông sinh năm 698, trong gia đình quý tộc, thuộc dòng dõi thiên hoàng Kogen 孝元. Vào thời Na ra, ông sang Đường lưu học, thi đỗ rồi ra làm quan, do học vấn uyên bác, ông được vua Đường Huyền Tông 唐玄宗 sủng ái cho giữ chức vụ trông coi quản lý văn học ở triều nhà Đường. Trong thời gian này ông thường gặp gỡ, giao lưu với các nhà thơ nổi tiếng đương thời như Lý Bạch, Vương Duy... Hiện thơ của Abe Nakama ro còn được đăng tải trong cuốn Toàn Đường thi 全唐詩. Do không thể về nước, ông đã sống ở Trung Quốc hơn 50 năm, làm quan với triều nhà Đường theo đề nghị của vua Đường Huyền Tông. Năm 761 ông đã sang Việt Nam giữ chức Tổng đốc, với tư cách là An Nam tiết độ sứ 安南節度使 (hàm Chánh tam phẩm). Sau 6 năm từ năm 761 đến 767 ông làm việc tại An Nam đô hộ phủ, sau đó ông trở về Nhật Bản và mất vào năm 770, thọ 72 tuổi(1).

Abe Nakamaro người Nhật Bản sang nhậm chức ở Việt Nam tuy không phải là sự kiện minh chứng cho mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, song cũng có thể coi đó là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa người Nhật với người Việt Nam trên cương vị cầm quyền được sử sách nước ngoài ghi chép lại.

Từ thế kỷ X, thời điểm Việt Nam giành được độc lập từ phong kiến phương Bắc đến thế kỷ XIV, thời kỳ xây dựng quốc gia Đại Việt, các bộ chính sử của Việt Nam như Đại Việt sử ký toàn thưĐại Việt sử ký tiền biên 大越史記前編 đều không cung cấp tư liệu ghi chép về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, song việc vua Lý Anh Tông 李英宗 (1138-1175) cho mở trang Vân Đồn 雲屯vào năm 1149 để cho thuyền buôn các nước vào mua bán hàng hóa, dâng tiến sản vật địa phương mà sách Đại Việt sử ký toàn thư(2) ghi lại cho thấy nhà Lý bấy giờ đã thực hiện một số chính sách kinh tế tích cực và chủ trương ngoại thương khá rộng mở. Theo bài viết của Kin Seiki: Mậu dịch với Đông Nam Á của vương quốc Ryukyu và đồ gốm sứ Việt Nam phát hiện được ở Okinawa, trong các di chỉ khảo cổ ở Ryukyu, có nhiều đồ gốm sứ thời Lý - Trần, điều đó cho thấy ngoài thương thuyền của Trung Quốc chắc chắn còn có các thuyền của Đông Nam Á, nhiều khả năng là thuyền buôn của vương quốc Ryukyu, Nhật Bản cũng đã đến trao đổi hàng hóa ở Vân Đồn và một số thương cảng của Việt Nam(3)

Sang thế kỷ XVI-XVII, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản cũng được các nhà nghiên cứu nước ngoài đề cập tới trong một số bài viết gần đây, như: Một văn thư Vương quốc Lưu Cầu gửi sang Việt Namvào đầu thế kỷ XVI(4) của GS. Vĩnh Sính đã công bố sự kiện vào năm 1509, vua Chuzan 中山 của vương quốc Ryukyu đã phái đoàn sứ bộ gồm 130 người do Chánh sứ, Chánh nghị đại phu Teikyu, Phó sứ Masakai cùng thông dịch viên Tei Ko mang vật phẩm và quốc thư dâng lên vua An Nam.

Ông Yamabe Susumu (Đại học Nishogakushadaigaku), trong bài: Vài nét về quá trình tiếp thu và sử dụng chữ Hán ở Nhật Bản(5), cũng đã cung cấp thêm thông tin về quan hệ giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản ở nửa thế kỷ thứ XVI. Đó là bức thư được viết bằng chữ Hán gọi là Trả lời vua nước An Nam, một bút tích còn truyền lại cho tới nay. Bức thư được viết theo chỉ của Thiên hoàng Nhật Bản cho phép Đương chủ Shimazu Iehisa 島津家久 đồng ý lời đề nghị giao hảo của vua An Nam gửi dòng họ Shimazu ở huyện Satsuma đảo Kyushu (九州 ). Bức thư có tiêu đề An Nam Bố chánh châu Hữu cơ phó tướng Bắc quân Đô đốc đồng tri Hoa Quận công 安南布政州右奇副將北均都督同知華郡公, trong thư có nhắc đến tên của Đô nguyên soái tổng quốc chính thượng văn Bình An vương 都元帥總國政尚文平安王 (tức Bình An Vương Trịnh Tùng 平安王鄭松, ở ngôi chúa từ năm 1570-1620). Người viết bức thư này là học giả tên là Văn Chi Huyền Xương 文之玄昌 (1555-1620), cũng là nhà sư của phái Lâm Tế tông làm việc cho dòng họ Shimatsuke 島津家 và là cố vấn ngoại giao của Shimatsuke.

Qua hai bức thư nói trên có thể thấy ngoài Ryukyu, vùng Kyushu của Nhật Bản từ thế kỷ XVI cũng đã có quan hệ với Việt Nam. Việc đề nghị được giao hảo cũng không phải chỉ xuất phát từ phía Nhật, mà còn có sự chủ động đặt quan hệ ngoại giao từ phía chính quyền họ Trịnh của Việt Nam.

Cũng từ các công trình và bài viết của các nhà nghiên cứu nước ngoài, chúng ta đã biết rõ hơn thông tin về tư liệu quan hệ Việt Nam-Nhật Bản cuối thế kỷ XVI từ ghi chép trong các bộ sử của Việt Nam. Trong sách Đại Nam thực lục tiền biên, có ghi sự kiện như sau:

"Ất Dậu, năm thứ 28 [1585], mùa xuân, tháng 3, bấy giờ có tướng giặc nước Tây Dương hiệu là Hiển Quý (Hiển Quý là tên hiệu của bọn tù trưởng phiên, không phải là tên người) đi 5 chiếc thuyền lớn, đến đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ sáu lĩnh hơn 10 chiếc thuyền tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan 2 chiếc thuyền giặc. Hiển Quý sợ chạy" 乙酉二十八年時西洋國賊帥號顯貴者,顯貴乃番酋所推尚,以為號非人名乘巨舟五艘泊于越海口劫掠沿海。上命皇六子領戰船十餘艘直抵海口擊破戰船。二船顯貴驚走 (Ký hiệu A.27/1-66 (VHN), Quyển 1, tờ 13b-14a)(6).

GS. Kawamoto Kunie trong bài viết Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Ngoại phiên thông thư, đăng trong sách Đô thị cổ Hội An(7) đã cho rằng, Hiển Quý chính là Bạch Tần Hiển Quý (Shirahama Kenki). "Đến năm 1601, trong bức thư gửi cho tướng quân Tokugawa Ieyasu, khi nói đến sự kiện này, chúa Nguyễn Hoàng 阮皇 xác định: "Do không biết Hiển Quý là thương gia tốt" nên cuộc xung đột đáng tiếc đã xảy ra, đồng thời mong phía Nhật Bản bỏ qua sự việc trên để tiếp tục cử thuyền đến Đàng Trong buôn bán. Bức thư nói trên được đăng tải trong sách Ngoại phiên thông thư 外藩通書- một tài liệu lịch sử hết sức có giá trị về quan hệ quốc tế của Nhật Bản thời kỳ Edo hiện do Nhật Bản lưu giữ. Trong tác phẩm này có 56 bức thư của chúa Trịnh (Đàng Ngoài) và chúa Nguyễn (Đàng Trong) gửi cho Mạc phủ Tokugawa trong thời gian từ 1601 đến 1694. Có thể bức thư của vua An Nam gửi cho Shimazu Iehisa 島津家久đề nghị giao hảo là một trong 56 bức thư trong sách Ngoại phiên thông thư .

Sau sự kiện phái đoàn sứ bộ Ryukyu đến Việt Nam vào năm 1509, việc bang giao giữa Việt Nam và Nhật Bản hầu như không được đề cập đến trong các bộ chính sử và tư liệu hiện còn của Việt Nam vào thời kỳ nhà Mạc thay nhà Lê lên nắm quyền từ năm 1527đến năm 1592, nhưng việc nhà Mạc tiếp tục duy trì hoạt động và thiết lập thêm một số cảng biển đã cho thấy thế kỷ XVI-XVII là thời kỳ phát triển hưng thịnh của kinh tế đối ngoại Việt Nam. Sách Lịch đại bảo án 歷代寶案 (Rekidaihoan) - là bộ chính sử ghi lại các hoạt động ngoại giao của vương quốc Ryukyu do triều trình Shuri tổ chức biên soạn từ thế kỷ XVII-XIX chỉ ghi duy nhất 1 chuyến thuyền đến Việt Nam vào năm 1509, nhưng theo Minh sử 明史 hay Hoàng Minh thực lục 皇明寔錄 của Trung Quốc thì Ryukyu đã cử 171 thuyền buôn sang Trung Quốc, 89 thuyền đến An Nam, 37 thuyền đến Java và 19 thuyền đến Nhật Bản(8). Nếu con số của Minh sử ghi là xác thực thì số thuyền của Ryukyu đến An Nam chỉ đứng thứ hai so với Trung Quốc, và Việt Nam trở thành đối tác có tiềm năng ngoại thương lớn của Ryukyu sau Trung Quốc ở châu Á.

(Thuyền Nhật Bản đến Việt Nam giai đoạn chúa Trịnh trị vì)

Sau khi giành vương quyền từ tay nhà Mạc, các hoạt động của nhiều thương cảng nước ngoài vẫn được chính quyền nhà Lê - Trịnh duy trì, và để tranh thủ sự ủng hộ từ phía Trung Quốc, nhà Lê đã chủ động cử các đoàn sứ bộ sang Bắc Kinh. Các tư liệu hiện còn đã cho biết trong chuyến đi sứ vào năm Quang Hưng 光興thứ 20 (1597), Phùng Khắc Khoan 馮克寬 (1528-1613)(9) đã có các cuộc gặp gỡ, trao đổi với sứ thần các nước Triều Tiên và Ryukyu. Trong tác phẩm Sứ hoa bút thủ trạch thi 使華筆手澤詩ký hiệu A.2011 (VHN) có chép bài thơ "Đạt Lưu Cầu quốc sứ" 達琉球國使 do Phùng Khắc Khoan sáng tác nhân dịp tiễn đưa sứ giả Ryukyu về nước. Bài thơ này đã được một số nhà nghiên cứu Việt Nam giới thiệu trong các công trình nghiên cứu về Phùng Khắc Khoan(10) và quan hệ của nhà nước Ryukyu với quốc gia Đại Việt từ thế kỷ XVI đến XVIII(11).

Bài thơ như sau:

使

日表紅光照日隅

海天南接海天東

山川封域雖云異

禮樂衣冠是則同

偶合夤緣千里外

相期意氣兩情中

些回攜滿天香袖

和氣薰為萬宇風

(Ký hiệu A.2011, tờ 16b; VHv.2155, tờ 3b)

Dịch nghĩa:

Gửi ngài quốc sứ Lưu Cầu

Ngoài mặt trời lại có tia nắng hồng chiếu nơi chân trời,

Biển trời phương Nam nối tiếp biển trời phương Đông.

Núi sông, phong vực tuy rằng khác,

Lễ nhạc, cân đai vẫn có điểm tương đồng.

Cùng là quan, tình cờ gặp nhau nơi ngàn dặm.

Tình cảm, chí khí như đã được hẹn hò.

Lần này trở về, hương trời thơm đầy tay áo,

Tình thân nồng ấm như ngọn gió thổi tới muôn nơi.

Sang thế kỷ XVIII, nhân chuyến sang sứ nhà Thanh vào năm 1760, Lê Quý Đôn 黎貴敦(1726-1784) đã có dịp gặp gỡ trao đổi với các sứ thần Triều Tiên và Ryukyu. Trong Kiến văn tiểu lục 見聞小錄(12), Lê Quý Đôn đã hai lần đề cập đến sứ thần Ryukyu. Lần thứ nhất ông nhắc đến sự kiện sứ thần Lê Hữu Kiều 黎有橋 đi sứ sang Trung Quốc vào năm 1738 để chúc mừng vua Cao Tông nhà Thanh lên ngôi. Lúc đó ở Hội đồng quán Bắc Kinh, Lê Hữu Kiều đã đọc bài thơ của viên sứ thần Ryukyu viết trên tường, ông khen: "vết mực còn tươi mới, lời thơ cũng thanh thoát đáng khen". Bài thơ như sau:

分明昨夜在家鄉

召入王門賜酒漿

曉角忽驚人好夢

醒來殘月照東廂

(Ký hiệu VHv.1322/1, Quyển 4, tờ 29b-30a)

Dịch nghĩa:

Đêm hôm trước rõ ràng còn ở quê nhà,

Được vua triệu đến cung đình dự tiệc rượu,

Tiếng tù và buổi sớm làm tan giấc mộng đẹp,

Tỉnh dậy, ánh trăng tà rọi chiếu mái nhà phía đông

Dịch thơ:

Rõ ràng đêm trước ở quê nhà,

Triệu đến cung đình dự tiệc hoa,

Còi sớm giật mình tan giấc mộng,

Mái đông tỉnh giấc ánh trăng tà(13)

Lần thứ hai, Lê Quý Đôn kể lại sự kiện vào chuyến đi sứ năm Canh Thìn (1760), ông gặp hai cử nhân nước Ryukyu là Trịnh Hiếu Đức 鄭孝德 và Thái thế Xương 蔡世昌 đến quán xin được yết kiến. Cuộc trò chuyện đã được ông ghi lại như sau: "Năm Canh Thìn ta đến Bắc Kinh gặp hai cử nhân nước Lưu Cầu là Trịnh Hiếu Đức và Thái Thế Xương đến quán xin thỉnh kiến. Cả hai người đều khoảng hơn 20 tuổi, trông rất thanh tú, nói là mới đến Bắc Kinh vào học ở Quốc tử giám, hỏi "đến đã được bao lâu? nói "đến từ mùa đông năm trước", hỏi "có ứng thí ở Bắc Kinh không? nói: "khi học xong sẽ về nước ứng thí" 庚辰東僕至北京有琉球國舉人鄭孝德,蔡世昌詣館請見並年二十餘,頗清秀稱始來京,入監讀書。問:到北幾年。曰:前年冬來。問:應舉北京否。曰:學成回國應試(VHv.1322/1, tờ 29b-30a).

Kiến văn tiểu lục tuy không ghi chép thơ xướng họa giữa phái đoàn sứ bộ của Lê Quý Đôn với các sứ thần Nhật Bản, nhưng việc gặp gỡ trao đổi với các sứ thần các nước cũng là một trong những hoạt động ngoại giao của đoàn sứ bộ nước ta khi đi sứ Trung Quốc.

Gần đây, các nhà nghiên cứu đã tìm thêm được tư liệu ghi chép cuộc gặp gỡ giữa sứ thần Việt Nam và Nhật Bản. Trong bài Một tư liệu độc đáo về quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản giữa thế kỷ XVII"(14), tác giả Nguyễn Thanh Tùng đã giới thiệu bài thơ Tiễn Nhật Bản sứ hồi trình 餞日本使回程 (Tiễn sứ giả Nhật Bản về nước) của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh 阮輝塋(15) làm nhân dịp đi sứ Trung Quốc vào năm 1765-1766 với vai trò Chánh sứ. Bài thơ này được ghi chép ở mục Hoàng hoa tặng đáp phụ lục 皇花贈答附錄 trong sách Thạc Đình di cảo 碩亭遺稿 của Nguyễn Huy Oánh, ký hiệu A.3135 (VHN). Phát hiện này có thể coi là sự đóng góp rất lớn của tác giả Nguyễn Thanh Tùng về tư liệu bang giao Việt Nam - Nhật Bản.

Bài thơ đó như sau:

使

朽岡虛路各天涯

多俟欣逢大米家

日送浮泥寧活計

手斟鮮素共金羅

傑奴羊賣西孫步

採落明東阿將梭

華蓋力哥非感擬

漫將粉地寓情多

(Ký hiệu A.3135, tờ 28a).

Bài thơ viết bằng chữ Hán, nhưng những người thông thạo chữ Hán cũng phải lúng túng khi lý giải nó. Nguyễn Thanh Tùng dựa vào phần cước chú của tác giả bài thơ: Hú cương 朽岡 là "vân" 雲 (mây); Hư lộ 虛路 là "nhật" 日 (mặt trời); Tiên tố 鮮素 là "trà"茶(trà); Đại mễ 大米 là "quan" 官 (quan nhân) ; Phù nê 浮泥 là "thuyền"船 (thuyền), Kim la 金羅 là "tiêm" 尖 (nghỉ ngơi); Dương mai 羊賣 là "sơn"山(núi); Tây tôn 西孫 là "du" 遊 (du chơi), Thái lạc 採落 là "dạ"夜 ; (đêm) Minh đông 明東là "thủy" 水 (nước); A tướng 阿將 là "tọa"坐 (ngồi); Hoa cái 華蓋là "thiếu niên"少年 (tuổi trẻ); Lực ca 力哥 là "thông minh"(sáng suốt); Phấn địa 粉地 là "Bút" 筆 (cây bút), để xác lập một văn bản như sau:

雲日各天涯,多俟欣逢大官家,日送船寧活計,手斟茶共尖,昨日山遊步,夜水坐梭,少年聰明非感擬,漫將筆寓情多 - Giữa buổi chiều mây [che] mặt trời mỗi bên (đi về) một góc trời, trông đợi đã nhiều hân hạnh gặp được quan gia. Ngày tiễn thuyền [sứ thần] đi nên tính toán linh hoạt, tay rót chén trà, cùng nhau nghỉ ngơi. Hôm qua còn đi chơi bộ trên núi, đêm nay đã (như) thoi ngồi trên dòng nước. (Ngài) tuổi trẻ tài cao, đâu dám nối gót, mạn phép đem bút ra gửi gắm tình cảm dạt dào).

Dựa vào dòng cước chú dưới tiêu đề bài thơ "Dụng y quốc chi ngữ" (Nguyên văn chữ "y chu" 伊周 , không rõ nghĩa, đoán chữ "quốc" 國nhầm thành chữ "chu" 周 , nghĩa là: Dùng tiếng nói của nước ấy)(16), tác giả Nguyễn Thanh Tùng suy đoán "tiếng nước ấy" chính là đó là tiếng Nhật, "có lẽ đây là tiếng Nhật được ghi âm bằng chữ Hán và được dùng trong một bài thơ Đường luật Hán. Sau khi tìm các tư liệu ghi chép về từ vựng tiếng Nhật đương thời, được phiên bằng tiếng Hán như Hoàng Minh ngự Nụy lục 皇明御倭錄 của Vương Sĩ Kì (đời Minh); Nụy tình khảo lược 倭情略考 của Quách Quang Phục đời Minh và Trù hải trùng biên 籌海重編 của Đặng Chung (đời Minh)...và phần Nhật Bản dịch ngữ 日本譯語 , trong bộ Hoa di dịch ngữ 華夷譯語 (1377-1566) của bộ Lễ (Hội thông quán, Tứ di quán, Tứ dịch quán..) nhà Minh để phục lại âm tiếng Nhật cho các từ mà Thám hoa Nguyễn Huy Oánh cước chú. Như: Da mại 耶賣 (âm bạch thoai hiện đại - tắt là BT: yemài = yama (núi); Phù nê 浮泥 (BT: funi) = fune (thuyền); Kiệt no 傑奴 (BT: jie nú) = kinou (ngày hôm qua); Hoa cái 華蓋: (BT:hoa gài) = wakai (trẻ, thiếu niên)' Thái lạc 採落 (BT:cài lùo) = yoru (đêm); Minh đông 明東 (BT: míng dong) = mizu (sông, nước)... Theo tác giả Nguyễn Thanh Tùng, đây là các chữ có sự trùng khít hoàn toàn với các bản tự vựng Nhật - Hán. Ngoài ra còn 3 trường hợp tỉnh lược như Đại mê 大迷là lược của đại mễ ô dã kê 大迷烏野雞; A tướng 阿將 là lược của di lộ a tướng 移路阿將; Tây tôn là 西孫sự thay đổi chữ và lược chữ của tứ tôn bộ 四孫步.

Dù còn phải sửa đôi chỗ nhầm lẫn do tác giả Thanh Tùng không biết tiếng Nhật khiến nội dung bài thơ có đôi chỗ sai lạc, như trường hợp: "hư lộ"虛路 chú là "nhật"日 Nguyễn Thanh Tùng dùng với nghĩa "mặt trời". Thực ra "nhật" có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa là "mặt trời", nhưng cũng có nghĩa là "ngày". Từ "ngày" tiếng Nhật hiện đại đọc là "kyou", nếu so sánh phụ âm đầu của chữ "hư lộ" 虛路 với "kyou" thì chúng sẽ gần gũi về âm hơn. Hoặc trường hợp "Hú cương" 朽岡 chú là "vân" (mây). Từ "mây" trong tiếng Nhật đọc là "Kumo". Kumo nếu dùng chữ Hán để ghi sẽ là "cương hú" 岡朽, song ở đây ghi là "Hú cương". Thực ra "hú cương" là hiện tượng đảo trang từ Hán thường thấy trong từ vựng tiếng Nhật, như: từ Hán "giới thiệu" 介紹, tiếng Nhật thành "thiệu giới" 紹介; "uy hiếp" 威脅 thành "hiếp uy"脅威... "Hú cương hư lộ các thiên nhai" nghĩa là Mây hôm nay vẫn đầy khắp chân trời". Có thể do thời tiết xấu, mưa gió hoặc biển động nên sứ giả các nước phải chờ đợi lâu ngày tại Trung Quốc. Chúng ta đã biết, các thuyền đi biển xa đều phải lựa theo con nước và điều kiện gió mùa. Các hoạt động ngoại giao và thương mại của Ryukyu và các nước cũng phải tuân theo quy luật tự nhiên đó.

Bài thơ trên đã được chúng tôi dịch lại như sau:

Hôm nay mây vẫn đầy khắp chân trời,

Chờ đợi lâu may gặp được quý ngài,

Ngày lên thuyền cần tính toán linh hoạt,

Tay rót chén trà, cùng nhau nghỉ ngơi.

Hôm qua còn du chơi trên núi,

Như thoi đưa, đêm nay đã ngồi trên dòng nước.

Chẳng dám nghĩ tuổi trẻ mà đã tài giỏi như thế,

Mạn phép đem bút ra gửi gắm tấm chân tình.

Nét độc đáo của bài thơ đã được tác giả Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh trong phần kết luận: Nguyễn Huy Oánh đã sử dụng những từ có trong các bản tự vựng Nhật-Hán đã nêu trên để sáng tác bài thơ tặng sứ giả Nhật Bản; Việc Nguyễn Huy Oánh chủ động sử dụng chúng trong công việc ngoại giao với sứ thần Nhật Bản thể hiện sự "chuyên nghiệp" trong hoạt động ngoại giao của bản thân ông; Việc làm trên của ông có ý nghĩa nâng cao uy tín quốc gia, nâng cao vị thế dân tộc trong con mắt của sứ thần Nhật Bản. Hơn nữa, đây là bài thơ viết bằng chữ Hán theo thể Đường luật, nhưng có sự kết hợp giữa từ vựng Hán và từ vựng Nhật. Bài thơ đọc lên có âm hưởng hài hòa, cân đối, nhưng cần phải hiểu một phần theo ngôn ngữ Nhật, tư duy Nhật ở mảng từ vựng... Ngoài ra, từ bài thơ trên tác giả còn phỏng đoán Nguyễn Huy Oánh đã có ý thức "nghiên cứu tiếng Nhật" trước khi đi sứ và có thể do ông tổ dòng họ Nguyễn Huy Oánh kết hôn với người phụ nữ Nhật được cứu trong vụ đắm tàu Nhật Bản ở cửa biển Nghệ An nên sự lưu tâm đó đã được thể hiện trong việc ngoại giao với sứ thần Nhật Bản.

Sang thế kỷ XIX, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, có nhiều thay đổi. Sự phát triển của Thiên Chúa giáo bên cạnh Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo có lẽ đã đem lại không ít e ngại cho chính quyền nhà Nguyễn đương thời. Các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều cấm đạo Thiên Chúa và quan hệ thụ động với các nước phương Tây, khiến cho việc buôn bán giao lưu với các nước bên ngoài phần nào bị cản trở. Tuy nhiên, các hoạt động ngoại thương vốn phát triển rất mạnh ở thế kỷ thứ XVI-XVIII thực sự là tiền đề tốt để triều Nguyễn mở rộng quan hệ thông thương với các láng giềng Đông Nam Á. Từ thời vua Gia Long đã cho thợ giỏi đóng các chiến thuyền, đồng thời cho đóng các loại thuyền bọc đồng lớn để đi lại tuần hành trên biển. Các chuyến đi của quan chức triều Nguyễn đến khu vực Đông Nam Á lúc này không chỉ đơn thuần là ngoại giao, mà còn tiến hành các hoạt động thương mại. Thang Hy Dũng trong bài: Giữa nhân đạo, ngoại giao và mậu dịch - lấy Triều Tiên, Lưu Cầu và Việt Nam cứu trợ thuyền Trung Quốc đời Thanh bị nạn làm trung tâm(17) đã cho biết "Thuyền và người bị nạn trên biển của Trung Quốc trôi dạt đến Việt Nam, quan phủ Việt Nam đưa ra sự trợ giúp nhân đạo, nhưng coi là một cơ hội để mở rộng việc trao đổi buôn bán, trong khi mượn việc hộ tống thuyền bị nạn Trung Quốc về nước, trong thuyền hộ tống có cái gọi là "hàng hóa chở theo thuyền", yêu cầu chính phủ Thanh đồng ý cho buôn bán ở Quảng Đông... .

Gần đây, nhân có dịp tìm hiểu về mảng tư liệu này, chúng tôi đã phát hiện bài thơ của Lý Văn Phức 李文馥 (1785-1849)(18) làm tặng sứ giả Ryukyu, nhân chuyến ông sang Phúc Kiến, Quảng Đông vào năm 1830 để đưa người Trung Quốc bị nạn gió bão về nước(19). Bài thơ có nhan đề: Kiến Lưu Cầu quốc sứ giả tịnh dẫn 見琉球國使者并引 được chép trong sách Mân hành tạp vịnh thảo 閩行雜詠草 . Trong phần dẫn Lý Văn Phức viết:

見琉球國使者并引

天地間同文之國者五,中州我粵朝鮮日本琉球亦其次也。琉球年號世世因稱寬永。其國在閩海之東,航路僅五六日。明堂朝會例,由閩館于柔遠驛。公完常隔年弗歸,蓋謀通商也。其俗頭髮於頂速之澤以油,插以簪,如父婦人然衣服亦長襟大袖,但多用文布如蠻習。余來閩其年適在此一日其正使向姓,副使王姓來相訪。余聞之欣然出迎。筆談間字畫亦楷正,惟辭語頗澀,殊令人不甚暢。既揖別偶成一律。

(Trong khoảng trời đất, có 5 nước trong khối đồng văn: Trung Châu (Trung Quốc), nước Việt ta, Triều Tiên, Nhật Bản, tiếp đến là Lưu Cầu. Niên hiệu của Lưu Cầu các đời đều xưng là Khoan Vĩnh. Nước đó ở phía đông Mân hải. Nếu đi tàu biển chỉ mất 5, 6 ngày. Cũng có lệ triều hội ở Minh đường, từ Mân quán vào ở trạm Nhu Viễn, sau khi việc công xong, thường ở lại khoảng 1 năm không về để mưu tính việc thông thương. Sứ thần Ryukyu có tục búi tó trên đỉnh đầu, lấy dầu sáp bôi rồi cài trâm lên đầu như phụ nữ, nhưng mặc quần áo vạt dài, ống tay to. Áo quần dùng vải có hoa văn như tục của người Man. Khi tôi đến Mân được hơn một năm, có một hôm, ngài Chánh sứ họ Hướng và Phó sứ họ Vương tới hỏi thăm. Tôi nghe tin rất vui bèn ra nghênh tiếp. Trong lúc bút đàm, đều dùng chữ khải nhưng từ ngữ nói ra không thật trơn tru, khiến cả hai bên đều không thật thoải mái. Khi tiễn biệt, ngẫu hứng làm bài thơ Đường luật như sau:

所見何如昔所聞

重洋夢醒各天雲

琉球使驛程由海

襟袖學儒飾用紋

最喜禮文同一脈

為憐筆墨遜三分

茫茫客旅誰相伴

半卷陳詩語夕曛

(Ký hiệu A.1291, tờ 21b-22a).

Dịch nghĩa:

Lưu Cầu là nước thế nào, trước đây tôi đã từng nghe đến,

Nơi trùng dương, khi tỉnh giấc mộng đã ở nơi chân trời.

Lịch trình của sứ giả Lưu Cầu cũng phải qua biển cả;

Trang phục kẻ Nho giả đều dùng hoa văn.

Vui nhất cả hai chúng ta đều mạch nguồn đồng văn,

Chỉ thương cho bút mực ba phần lời phải lẩn ý.

Lữ khách nơi xa vấn vương biết lấy ai làm bạn,

Nửa quyển thơ Trần cũng có thể nói chuyện tới chiều hôm).

Bài thơ và phần dẫn của Lý Văn Phức không chỉ góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu quan hệ bang giao giữa Ryukyu với Việt Nam triều Nguyễn, mà còn là tư liệu minh chứng cho nhận định của Thang Hy Dũng về tính nhân đạo kết hợp với ngoại giao và mậu dịch như chúng tôi vừa trình bày trên đây.

Đến những năm đầu thế kỷ XX, nhà lãnh đạo phong trào Đông Du Phan Bội Châu đã viết tác phẩm Lưu Cầu huyết lệ tân thư. Từ Lưu Cầu, nhà yêu nước Phan Bội Châu muốn gửi gắm lời khuyến cáo và thức tỉnh dân tộc đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Tuy không phải là công trình khảo cứu về vương quốc Ryukyu, nhưng bức thư mang tên Lưu Cầu thực sự đã trở thành một minh chứng nữa cho mối quan hệ lâu đời giữa Việt Nam và vùng Rykyu, Nhật Bản.

Như vậy, nhờ những tư liệu bang giao giữa Việt Nam và Nhật Bản được các nhà nghiên cứu trong khu vực công bố gần đây, chúng ta có thể thấy quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã sớm được xác lập và tồn tại qua nhiều thế kỷ. Thông qua một số nguồn sử liệu đã được các nước cùng kiểm chứng có thể khẳng định rằng, từ xa xưa, Ryukyu và Nhật Bản đã từng có quan hệ tương đối thường xuyên với Việt Nam và mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp đó đến nay vẫn được hai dân tộc gìn giữ và phát huy.

2. Các cuộc tiếp xúc thương mại, dân sự

2.1. Người Nhật Bản ở Việt Nam

Từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ XVIII, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, trong đó có Nhật Bản trở nên hưng thịnh. Bên cạnh sự phát triển của kinh tế thương mại ở khu vực kinh kỳ với nhiều nghề thủ công truyền thống, ở những vùng phụ cận đã xuất hiện nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng như nghề gốm Chu Đậu, Hợp Lễ, Bát Tràng... nghề dệt vải ở Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương. Phố Hiến với nhiều phường thủ công như thợ nhuộm, nồi đất, thuộc da... Nhiều hiện vật đồ gốm sành của Việt Nam có niên đại từ thế kỷ XV - XVI đến XVIII được các nhà khảo cổ Nhật Bản tìm thấy ở vùng Ryukyu, Sakai, Nagasaki... đã cho thấy hoạt động ngoại thương giữa Việt Nam và Nhật Bản giai đoạn từ thế kỷ XVI - XVIII khá phong phú và nhộn nhịp.

Để phát triển kinh tế, ổn định chính trị và tăng cường khả năng quốc phòng, chính quyền phong kiến của Việt Nam kể cả chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đã tạo điều kiện để cho các thuyền buôn Nhật đến Việt Nam làm ăn buôn bán, vì những "thương nhân Nhật Bản không tham gia vào các mưu toan chính trị, giành đoạt vương quyền mà chỉ chuyên tâm vào hoạt động thương mại"(20). Sách Đại Nam thực lục tiền biên cũng cho biết: thuyền buôn của người Thanh và các nước Tây Dương, Nhật Bản, Chà Và đi lại tấp nập, do đó mà phong hóa Hán [phong hóa văn minh] thấm dần vào đất Đông Phố (tức Gia Định ngày nay)(21). Nhờ có sự ủng hộ của chính quyền phong kiến Việt Nam mà các thương nhân Trung Quốc và Nhật Bản đã tự lập riêng cho mình khu phố người Tàu và khu phố người Nhật ở Hội An - thương cảng có vị trí quốc tế thuận lợi và danh tiếng nhất thời bấy giờ(22).

Trong quá trình sinh sống và làm ăn ở Việt Nam, thương nhân Nhật Bản với khả năng thương thuyết, sự hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ và tính trung thực... đã được người Việt và nhiều người nước ngoài tin cậy nhờ làm trung gian buôn bán. Để tăng thêm tình giao hảo giữa hai nước, một số chúa Nguyễn còn nhận các thương gia Nhật Bản làm con nuôi. Thậm chí chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) còn gả công chúa Ngọc Vạn cho thương gia người Nhật tên là Araki Sotaro. Hiện bảo tàng ở Nagasaki còn lưu giữ chiếc gương quý trên có bốn chữ An Nam quốc kính 安南國鏡do công chúa mang theo về Nhật Bản(23).

Tấm bia Phổ Đà sơn linh trung Phật 普沱山靈中佛(ký hiệu 2097,1263) được dựng năm Canh Thìn (1640) ở động Hoa Nghiêm, chùa Non Nước còn ghi lại 5 trường hợp phụ nữ Việt Nam lấy chồng Nhật. Tuy nhiên, cũng có trường hợp phụ nữ Nhật Bản theo thuyền buôn, bị do gió bão xô đẩy đến Việt Nam và lấy chồng người Việt Nam, như trường hợp tiên tổ của dòng họ Nguyễn Huy Oánh mà chúng tôi vừa nói ở trên, hoặc trường hợp một phụ nữ Nhật Bản tên là Lý thị hiệu Diệu Quang kết hôn với võ quan nhà Lê, giữ chức Tổng binh sứ tước Lâm Thọ hầu mà GS. Phan Đại Doãn giới thiệu trong bài Về một gia đình Việt-Nhật, đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 74/2000.

Vùng đất An Nam giàu có, tình người nồng hậu luôn để lại những dấu ấn tốt đẹp trong tình cảm của những người Nhật sống ở Việt Nam, cho dù quan hệ chính thức giữa hai nhà nước không còn duy trì được như trước, nhưng những cảm nhận về thiên nhiên, con người ở xứ sở này vẫn được người Nhật tìm cách lưu lại. Cuốn An Nam kỷ lược cảo 安南紀略稿 (Annam kiryakuko) do Kondo Moroshige, một viên chức của Mạc phủ biên soạn vào năm 1796 là một tác phẩm giá trị, có thể coi là biểu tượng của mối quan hệ giao lưu văn hóa Việt - Nhật. Tuy nhiên, những sách như Ngoại phiên thông thư hay An Nam kỷ lược cảo vẫn chưa dễ dàng được dịch, giới thiệu với độc giả Việt Nam.

2.2. Những người Việt Nam ở Nhật

Trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cuốn Nhật Bản kiến văn lục 日本見聞錄 ký hiệu A.1164 (VHN) do Trương Đăng Quế 張登桂 (?-?)(24) viết vào năm 1828, có thể coi là cuốn sách do người Việt Nam viết về Nhật thuộc loại sớm. Tư liệu này đã được ông Ngô Thế Long, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm giới thiệu và dịch ra tiếng Việt, đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 1 (8) -1990. Nhật Bản kiến văn lục là bài ký sự do đại thần Trương Đăng Quế ghi lại theo lời kể của 5 người lính Việt Nam đi áp tải bè gỗ về kinh đô Huế bị bão cuốn trôi sang đất Nhật vào năm Gia Long thứ 14 (1815). Trong khoảng thời gian lưu lạc trên đất Nhật, những người lính không bao giờ quên được tình cảm mà người dân Nhật dành cho họ. Khung cảnh thiên nhiên, cuộc sống thanh bình cùng với sự nồng hậu, dễ gần của người dân đã để lại cho họ nhiều ấn tượng tốt đẹp. Trong thời gian lưu lạc, họ đã tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt, phong tục tập quán của người Nhật. Khi trở về nước họ đã kể lại cho vị đại thần Trương Đăng Quế nghe. Với tài làm văn và khả năng gợi chuyện, đại thần Trương Đăng Quế đã mô tả khá cặn kẽ và súc tích về hành trình phiêu dạt sang đất Nhật của 5 người lính, từ lúc bị bão cuốn trôi, được người dân địa phương Nhật cứu vớt, giúp đỡ rồi tìm đường cho về nước, cho đến phong tục tập quán sinh hoạt của người Nhật đương thời.

Có thể tóm tắt bức tranh sinh hoạt của người Nhật qua các mục sau: Con người Nhật Bản (hình dáng; trang phục...); Chế độ quan chức (tên quan chức; chế độ điều động...); Nhà ở, quan sảnh; Chế độ quân sự (nghi thức: cách xưng hô; trang thiết bị quân sự: thuyền bè, ngựa, vũ khí, chế độ điều động); Cuộc sống ở thành thị (thương mại, hình luật, tang ma, giao tiếp, ẩm thực, tiền tệ, chữ viết, buôn bán với nước ngoài...); Thời tiết khí hậu; Nông nghiệp (lúa gạo, hoa màu); Tôn giáo (đạo Phật, Thiên chúa giáo)...

Cuối bài ký sự, Trương Đăng Quế còn ghi lại 57 từ vựng tiếng Nhật theo âm đọc của người Việt (có lẽ là các từ vựng cơ bản do 5 người lính đọc cho ông ghi lại). Ví dụ : âm nhật "ác chí" 志, chú là "thự" (nóng); "đế", chú là "gia" 家 (nhà); "thả vi" 為, chú là "hàn" (rét)... Việc phiên âm tiếng Nhật tuy chưa thật chính xác do tiếng Nhật là ngôn ngữ chắp dính, khác xa với tiếng Việt, ví dụ "ác chí"惡志 nghĩa là "nóng" ở đây chỉ có hai âm tiết, trong khi từ này trong tiếng Nhật có ba âm tiết: " a tsui"; "đế" 螮 chỉ có 1 âm tiết, trong khi từ "nhà" trong tiếng Nhật có 2 âm tiết: "ie"... song việc xuất hiện bảng từ vựng Nhật ở cuối bài ký sự còn cho thấy thêm ý thức "học tiếng Nhật" để hòa nhập vào cuộc sống ở xứ Phù Tang của mấy người lính Việt Nam, đồng thời góp thêm tư liệu về ngôn ngữ tiếng Nhật dưới cách đọc của người nước ngoài giai đoạn đầu thế kỷ XIX.

Vài lời

Từ việc điểm lại vài nét về quan hệ bang giao Việt Nam-Nhật Bản qua các công trình và bài viết của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, chúng ta có thể thấy rõ hơn về quan hệ bang giao, trao đổi kinh tế văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản được bắt đầu từ khá sớm, được phát triển hưng thịnh ở thế kỷ thứ XVI- XVIII và bị gián đoạn phần nào ở thế kỷ XIX. Song do điều kiện địa lý gần gũi, lại có nhiều điểm tương đồng về văn hóa lịch sử, mặc dù có nhiều bước thăng trầm song quan hệ Việt Nam - Nhật Bản vẫn được duy trì và phát triển tốt đẹp qua nhiều thế kỷ. Những tư liệu về quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản được lưu giữ ở hai nước sẽ góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu bang giao giữa Việt Nam - Nhật Bản, tạo cơ sở cho sự phát triển quan hệ hợp tác giữa hai dân tộc trong thời kỳ hiện đại.

 

CHÚ THÍCH VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Về Abe Nakamaro, có thể tra cứu trong các bộ từ điển của Nhật như Quảng từ uyển... hoặc xem thêm thông tin trên mạng Google.

2. Sách Đại Việt sử ký toàn thư. Bản kỷ, quyển IV - Kỷ nhà Lý, mục năm Kỷ Tỵ, [Đại Định] năm thứ 10 [1149] ghi như sau: "Mùa xuân, tháng 2, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương" (Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. KHXH, H.1988, T.I, tr.317 春二月爪哇,路洛,暹羅三國商舶入海東乞居住販賣乃於海島等處立庄名雲屯買賣寶化,上進方物(大越史記全書,卷 4, 6b 頁 ).

3. Kin Seiki: Mậu dịch với Đông Nam Á của vương quốc Ryukyu và đồ gốm sứ Việt Nam phát hiện được ở Okinawa. Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Quan hệ Việt - Nhật thế kỷ XV-XVII qua giao lưu gốm sứ, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam & Giao lưu văn hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa quốc tế, Đại học Showa, Nhật Bản tổ chức, Hà Nội, 12-1999. Dẫn theo Nguyễn Văn Kim: Nhật Bản với Châu Á - những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế-xã hội. Nxb. Đại học Quốc gia, 2003, tr.175.

4. Vĩnh Sính: Một văn thư Vương quốc Lưu Cầu gửi sang Việt Nam vào đầu thế kỷ XVI. Tạp chí Xưa & Nay, số 134, tháng 2-2003.

5. Yamabe Susumu: Vài nét về quá trình tiếp thu và sử dụng chữ Hán ở Nhật BảnTạp chí Hán Nôm, số 6 / 2008.

6. Đại Nam thực lục tiền biên. Nxb. Giáo dục. H. 2004, Quyển I, tr.32. Bản chữ Hán ký hiệu A.27/1-66 (VHN).

7. Kawamoto Kunie: Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Ngoại phiên thông thư, đăng trong sách Đô thị cổ Hội An. Nxb. KHXH, H. 1991, tr.171.

8. Dẫn theo Nguyễn Văn Kim: Nhật Bản với châu Á - những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế - xã hội, Nxb. ĐH Quốc gia, 2003, tr.160-170.

9. Phùng khắc Khoan 馮克寬 (1528-1613): người xã Phùng Xá 馮舍, huyện Thạch Thất 石室, tỉnh Hà Tây 河西 (nay là Hà Nội 河內) đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân năm Canh Thìn niên hiệu Quang Hưng thứ 13 (1580) đời vua Lê Thế Tông 黎世宗. Làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hộ kiêm Quốc tử giám Tế tửu, tước Mai Quận công 梅郡公. Ông hai lần được vua cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Khi mất được tặng Thái tể, 太宰 phong làm Phúc thần. Hiện ông còn để lại nhiều tác phẩm (Xem thêm cuốn Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam của Trịnh Khắc Mạnh. Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2007).

10. Trần Lê Sáng: Phùng Khắc Khoan - cuộc đời và thơ văn. Nxb. Hà Nội. H. 1985, tr.234.

11. Nguyễn Văn Kim: Nhật Bản với châu Á - những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế-xã hội. Nxb. Đại học Quốc gia. H. 2003.

12. Lê Quý Đôn 黎貴敦 (1726-1784): người xã Diên Hà, huyện Diên Hà (nay là xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Thi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh năm Nhâm Thân 壬申, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752) đời vua Lê Hiển Tông 黎顯宗. Ông là người thông minh, uyên bác, từng giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình đương thời như Thừa chỉ 承旨, Nhập thị Bồi tụng 入侍陪從, Tả Thị lang Bộ Lễ 禮部左侍郎, Tả Thị lang Bộ Hộ 戶部左侍郎, Đô Ngự sử 都御史, Hiệp trấn Nghệ An 乂安協鎮, từng được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Hiện còn để lại nhiều tác phẩm (Xem thêm cuốn Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam của Trịnh Khắc Mạnh: Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2007).

13. Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục. Nxb. KHXH, H. 1997, tr.223.

14. Nguyễn Thanh Tùng: Một tư liệu độc đáo về quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản giữa thế kỷ XVIIITạp chí Hán Nôm, số 6 (85) - 2007.

15. Nguyễn Huy Oánh 阮輝塋(1713-?): người xã Lai Thạch, huyện La Sơn (Nay thuộc xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông đỗ Đình nguyên, Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa) khoa Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) đời Lê Hiển Tông. Từng làm quan đến chức Đông các Đại học sĩ; Lại bộ Tả Thị lang; Đô Ngự sử; được cử làm Chánh sứ đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc). Hiện còn để lại nhiều tác phẩm (Xem thêm cuốn Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam của Trịnh Khắc Mạnh, Sđd.

16. Y Chu 伊周: theo ý kiến của GS.Komatsu Kazuhiko 小松和彥, Trung tâm nghiên cứu Quốc tế Nhật Bản, Kyoto, "Y Chu" 伊周 (Korechika) là tên của người Nhật. Có lẽ là vị sứ giả người Nhật Bản mà Nguyễn Huy Oánh được tiếp kiến. Người Việt có thói quen dùng tên để xưng danh, khác với người Nhật Bản dùng họ để xưng danh. Có thể tham khảo cách ghi tên người Nhật ở sách Đại Việt sử ký toàn thư. Chưa rõ Korechika họ gì.

17. Thang Hy Dũng: Giữa nhân đạo, ngoại giao và mậu dịch - lấy Triều Tiên, Lưu Cầu và Việt Nam cứu trợ thuyền Trung Quốc đời Thanh bị nạn làm trung tâm. Dẫn theo Luận án Tiến sĩ Nghiên cứu về Lý Văn Phức và tác phẩm Tây hành kiến văn kỷ lược của Nguyễn Thị Ngân. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, năm 2009, tr.68.

18. Lý Văn Phức 李文馥 (1785-1849): người xã Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận (nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội). Ông đỗ Cử nhân năm Kỷ Mão, niên hiệu Gia Long thứ 18 (1819) đời vua Gia Long. Từng làm quan Hàn lâm viện Biên tu, sau thăng Tham tri Bộ Lễ. Do mắc tội trong lúc làm quan nên bị vua đưa đi Hiệu lực ở các nước Đông Nam Á và đảm nhận trọng trách đưa người Thanh bị nạn trên biển sang Quảng Đông (Trung Quốc).

19. Về sự kiện này, sách Đại Nam thực lục viết: "Sai Vệ úy Lê Thuận Tĩnh đem theo bọn quan bị cách làm việc chuộc tội là Lý Văn Phức đi thuyền lớn Thụy Long đưa bọn người Thanh về nước" (Đại Nam thực lục, Tập 3, tr.138).

20. Nguyễn Văn Kim: Nhật Bản với Châu Á - những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế - xã hội, Nxb. ĐH Quốc gia, 2003. tr.132.

21. Đại Nam thực lục, Sđd, Tập I, tr.91.

22. Nguyễn Văn Kim. Sđdtr.132.

23.Nguyễn Văn Kim. Sđd, tr.135.

24. Trương Đăng Quế: biệt hiệu Quảng Khê, sống vào thế kỷ XIX. Năm 1819 đỗ Cử nhân sau có dạy vua Thiệu Trị học. Đời Minh Mạng ông nhiều lần làm chủ khảo thi Hội. Ông là nhà sử học nổi tiếng, từng tham gia biên soạn các bộ sách như Đại Nam liệt truyện, Đại Nam thực lục tiền biên v.v..../.

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.757-781.

Hôm nay (16/2), Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ IV diễn ra tại Hà Nội. Nhân sự kiện này, có thể nhìn lại đóng góp đáng quý của những người bạn văn chương quốc tế cho việc quảng bá rộng rãi hơn văn học Việt Nam ra thế giới trong những năm qua.

20190225 tho viet

Đoàn nhà văn Việt Nam tham dự hội thảo văn học Việt Nam và Hàn Quốc.

Bruce Weigl - “Đại sứ” văn học Việt - Mỹ

Sinh năm 1949, nhà thơ, GS.TS Bruce Weigl vẫn được giới văn chương Việt Nam xem như một “đại sứ” văn học giữa hai nước Việt - Mỹ. Không thể kể hết những lần ông đã tới Việt Nam, đặt dấu chân mình lên khắp mảnh đất hình chữ S. Ông là một trong những nhà thơ đương đại xuất sắc của nước Mỹ với nhiều giải thưởng văn chương uy tín đã từng nhận được như: Giải thưởng Nhà thơ xuất sắc của Viện thi ca Mỹ, giải thưởng thơ Patterson, giải thưởng của Quỹ Phát triển nghệ thuật quốc gia và Quỹ Yaddo, giải thưởng Pushcart và giải thưởng văn học Lannan… Năm 2010, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao tặng Bruce Weigl Huy chương Hòa bình.

Nhà thơ Bruce Weigl đến Việt Nam lần đầu tiên vào đầu thập niên 1980, ông nhận nuôi một bé gái ở Trung tâm trẻ mồ côi huyện Bình Lục (Hà Nam) tên là Nguyễn Thị Hạnh. Lúc ấy, Hạnh 8 tuổi. Để rồi sau này ở nước Mỹ có một dịch giả là Hạnh Nguyễn Weigl. Đó là nhờ cha nuôi Bruce Weigl khuyến khích Hạnh học tiếng Việt và giữ nếp văn hóa Việt. Năm 2010, tác phẩm “Vòng tròn của Hạnh” do Bruce Weigl viết ra mắt bản tiếng Việt do chính Hạnh dịch.

Tác phẩm của Bruce Weigl luôn đau đớn về sự hòa giải văn hóa giữa các quốc gia và giành được những giải thưởng văn chương lớn. Nhưng đối với ông, số tiền của những giải thưởng văn chương mới là điều đáng quan tâm. Bởi vì ông cần nó để mua vé máy bay sang Việt Nam và tặng nó cho trẻ em nghèo Việt Nam. 

Ông đã gieo hạt mầm cho giao lưu văn hóa Việt - Mỹ. Hội Nhà văn Việt Nam và Trường Đại học Văn hóa cũng đã từng tổ chức đêm thơ Bruce Weigl mang tên “Trở về ngôi nhà Việt”. Và ông là người đã phát biểu đầy xúc động: “Giao lưu văn hóa không cần phải hô to và trưng biển hiệu, để hiểu và xuyên thấm vào nhau, các nhà văn giữa hai nước Việt - Mỹ phải nâng niu, kết nối lại từ việc nhỏ để có thể cùng nhau đón nhận những chùm hoa quả ngọt từ sự cần mẫn gieo hạt văn hóa trước đó”.

Như các lần trước, ở Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam lần này, giữa khoảng 200 bạn bè quốc tế tham dự, nhà thơ GS Bruce Weigl vẫn là một gương mặt nổi bật “gieo hạt mầm văn hóa” giữa 2 quốc gia, là cầu nối để văn chương Việt Nam được biết đến nhiều hơn trên nước Mỹ.

Những người bạn Hàn Quốc 

Hàn Quốc là một trong những quốc gia rất chú trọng đến giao lưu văn hóa và trong đó, văn học Việt Nam là một mối quan tâm thực sự của các nhà văn Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc đã có những hoạt động như: Các buổi tọa đàm văn học Việt - Hàn tại các trường đại học, gặp gỡ các nhà văn Việt Nam được yêu mến tại Hàn Quốc, hội thảo quốc tế triển vọng giao lưu văn học Việt - Hàn… Từ đầu những năm 2000, Hàn Quốc đã mời các đoàn nhà văn sang thăm Hàn Quốc. Họ lập ra Hội những nhà văn trẻ tìm hiểu Việt Nam, mời các nhà văn Việt Nam sang Hàn Quốc và cho các nhà văn Hàn Quốc sang Việt Nam.

Những cầu nối cho văn học Việt

Nhà thơ, GS.TS Bruce Weigl.

Một trong những nhà văn Hàn Quốc đến Việt Nam từ rất sớm là Bang Hyun Suk - Hội trưởng Hội những nhà văn trẻ tìm hiểu Việt Nam. Ông sang Việt Nam nhiều lần, thân thiết với nhiều nhà văn Việt Nam và thâm nhập rất sâu sắc vào đời sống xã hội Việt Nam đương đại. Ông là người đã viết cuốn tiểu thuyết “Thời gian ăn tôm hùm” (đã được xuất bản tại Việt Nam) lấy bối cảnh hoàn toàn ở Việt Nam. Hiện nay ông là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Chung Ang. 

Có mặt ở Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam lần này còn có nhà thơ Choi Dong Ho, giáo sư danh dự của Trường Korea và giáo sư tại Trường Kyungnam. Ông từng giành được giải thưởng văn học Park Doo-jin, Giải thưởng Văn học Daesan và Giải thưởng Văn học nghệ thuật Manhae. Ông từng là Chủ tịch Hiệp hội Nhà thơ Hàn Quốc (2016-2018), là thành viên của Hiệp hội Nhà thơ Hàn Quốc, hiện là Chủ tịch Quỹ pháp nhân hội yêu thơ, là thành viên trong Ban quản lý của Giải thưởng Văn học Quốc tế ChangwonKC.

Hay đối với một số nhà văn Việt Nam, dịch giả Ha Jea Hong cũng là một người bạn thân thiết. Nhờ vào các bản dịch xuất sắc của Ha Jea Hong mà một số tác phẩm văn học Việt Nam đã trở thành tác phẩm ăn khách ở Hàn Quốc. Theo nhà văn Y Ban- một người từng tham gia nhiều chương trình giao lưu văn học Việt Nam - Hàn Quốc, nhờ bản dịch mới nhất của Ha Jea Hong (dù trước đó đã có bản dịch khác) mà “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh đã được bạn đọc Hàn Quốc đổ xô vào đọc. Ha Jea Hong cũng là người đã dịch các tác phẩm rất được hoan nghênh ở Hàn Quốc như “Chí Phèo” của Nam Cao, “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, “I am đàn bà” của Y Ban sang tiếng Hàn và sắp tới là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bình Phương…

Còn nhiều người bạn khác của văn chương Việt Nam có mặt trong Hội nghị lần này. Và Hội nghị là sự kiện văn hóa lớn, kỳ vọng sẽ lan tỏa hơn, sẽ có thêm nhiều hợp tác, nhiều cơ hội để quảng bá văn chương Việt Nam và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam ra bên thế giới.

“Đã có các tác giả được dịch và xuất bản ở nước ngoài và được bạn đọc quốc tế đón nhận như Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Nguyễn Nhật Ánh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Thiều… Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia khác, tôi cho rằng chúng ta vẫn có quá ít các tác phẩm được dịch và xuất bản, vì thế văn học Việt Nam trong nước vẫn chưa thật sự cất tiếng nói mạnh mẽ trên diễn đàn văn học thế giới” 

(Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai)

Ngọc Anh

Nguồn: Đại đoàn kết, ngày 16.02.2019.

Trong quá trình giao lưu quốc tế, văn học Korea đã từng bước hiện diện tại các quốc gia Châu Á. Với Việt Nam, sự hiện diện đó chính thức bắt đầu từ giữa thế kỉ XV qua con đường giao lưu của sứ thần hai dân tộc trên đất Trung Hoa. Bài viết giới thiệu các nguồn tư liệu gốc và đưa ra một số nhận đinh về xu hướng, tính chất và tâm thái tiếp nhận các tác phẩm văn học Korea ở Việt Nam thế kỉ XV. Qua trường hợp cụ thể của sự hiện diện tại Việt Nam cách đây hơn 5 thế kỉ, bài viết khẳng định vị thế quốc tế của văn học Korea ở Châu Á, đặc biệt là ở các nước “đồng văn” như Việt Nam.

Korea và Việt Nam trong quá khứ dù hạn chế về điều kiện tiếp xúc nhưng cũng đã có quá trình giao lưu văn hóa khá sôi nổi. Kết quả là, văn học hai dân tộc có sự hiện diện nhất định trên đất bạn qua nhiều con đường khác nhau. Sự hiện diện của văn học hai dân tộc ở nước bạn rất có thể đã có từ thế kỉ XII, XIII qua những nhân vật như Lý Dương Côn (李 陽 焜 - 이양혼) Lý Long Tường (李 龍 祥 - 이용상)*,v.v... Tuy nhiên, đó chỉ là suy luận gián tiếp dựa vào logic hoặc thậm chí vào những thông tin của truyền thuyết, giai thoại mà thiếu những căn cứ xác thực. Sự hiện diện chính thức, được các thư tịch đáng tin cậy ghi nhận và để lại những thành quả rõ ràng phải chờ đến giữa thế kỉ XV. Đây là một dấu mốc quan trọng mở ra một quá trình giao lưu văn học Korea - Việt Nam sôi động trong nhiều thế kỉ sau đó([1]). Vậy nhưng, dấu mốc quan trọng này chưa được biết đến một cách tường tận, rộng rãi, đặc biệt là ở Việt Nam, khiến cho bức tranh quan hệ văn học giữa hai nước còn những điểm mờ, điểm nhạt. Đâu đó cũng đã có những nỗ lực([2]), nhưng còn thiếu một sự quyết liệt, toàn diện ngõ hầu đưa ra ánh sáng cả một bức tranh đầy đủ, sinh động hơn. Bài viết này tiếp tục nỗ lực đó trước hết làm rõ một vấn đề: sự hiện diện của văn học Korea ở Việt Nam thế kỉ XV.

1. Những lần tiếp xúc văn chương giữa sứ thần 2 dân tộc ở thế kỉ XV: các nguồn tư liệu và thông tin

1.1. Không xét đến những thông tính mang tính giai thoại như câu chuyện về sự gặp gỡ giữa Mạc Đĩnh Chi 莫 挺 之 và sứ thần Joseon (Triều Tiên), cuộc gặp gỡ đích thực đầu tiên giữa sứ thần hai dân tộc, cũng là lần đầu tiên người Việt Nam biết đến văn học Korea là vào khoảng giữa thế kỉ XV. Đó là cuộc gặp gỡ giữa sứ thần Joseon Từ Cư Chính([3]) và sứ thần An Nam Lương Như Hộc([4]). Hai ông đã có xướng hoạ, tặng thơ cho nhau. Sách Triều Tiên vương triều thực lục 朝 鮮 王 朝 實 錄 [Thực lục] khi chép tiểu sử Từ Cư Chính có viết: “Năm Canh Thìn, [ông] chuyển sang làm Lại tào Tham nghị, tham gia sứ đoàn Tạ ân đến Yên Kinh, ở quán Thông Châu gặp sứ thần An Nam là Lương [Như] Hộc, Trạng nguyên chế khoa nước ấy. Cư Chính làm một bài thơ cận thể đưa trước cho ông, Lương hoạ lại. Cư Chính làm liền một lúc 10 bài tặng lại, Lương thán phục nói: “Thật là kì tài trong thiên hạ”([5]). Kiểm tra Đại Việt sử kí toàn thư 大 越 史 記 全 書 [Toàn thư], ta thấy Lương Như Hộc quả có đi sứ năm 1459 - 1460([6]). Như vậy, ghi chép của Thực lục là có cơ sở. Cũng theo sách này, Từ Cư Chính đã viết tặng Lương Như Hộc 10 bài thơ, và Lương đáp lại bằng 1 bài thơ. Tuy nhiên, các tư liệu hiện còn không được như vậy. Cụ thể, số bài thơ Từ Cư Chính đã tặng Lương Như Hộc còn lại là 3 bài (Thứ An Nam sứ Lương Hộc thi vận 次 安 南 使 梁 鵠 詩 韻, Quản thành tử tặng Lương phụng sứ 管 城 子 贈 梁 奉 使 - nhị thủ), trong khi Lương hoạ lại một bài (Thứ Triều Tiên quốc Từ Tể tướng thi vận 次 朝 鮮 國 徐 宰 相 詩 韻). Những bài thơ này được lưu giữ trong sách Tứ Giai thi tập 四 佳 詩 集 của Từ Cư Chính. Vậy là, trong lần tiếp xúc này, chính thức có hàng chục bài thơ (hiện còn 3 bài) thuộc văn học Korea đã được người Việt biết đến và bình giá.

1.2. Lần tiếp xúc thứ hai là vào khoảng năm 1479 - 1480. Đó là cuộc gặp gỡ, giao lưu văn học giữa Lê Thì Cử([7]) và Tào Thân([8]). Tiểu sử Tào Thân cho thấy ông là một nhân tài văn học của Joseon. Thực lục nhiều lần ghi chép về việc Tào Thân làm thơ, được ban thưởng và thăng chức. Tào Thân cũng có biệt tài về ngôn ngữ nên nhiều lần được giao nhiệm vụ phiên dịch trong các sứ vụ bang giao (với Nhật Bản, Trung Quốc). Năm 1479, ông được cử tham gia sứ bộ sang nhà Minh. Về Lê Thì Cử, hiện có rất ít thông tin được ghi chép. Tra Toàn thư thì thấy, trong khoảng thời gian này chỉ thấy có một sứ đoàn sang nhà Minh (từ năm 1477 đến 1480) như sau: “[Đinh Dậu, (1477)] Tháng 11, ngày 20, vua sai Binh bộ tả thị lang Trần Trung Lập, Hàn lâm viện hiệu thảo Lê Ngạn Tuấn và Phan Quý sang nhà Minh tiến cống” và “Canh Tý [1480], [tháng 8…] Bọn Binh bộ tả thị lang Trần Trung Lập, Hàn lâm kiểm thảo Lê Ngạn Tuấn, Phan Quý vâng mệnh đi sứ nhà Minh trở về”([9]). Trong sứ bộ này ta thấy không có tên Lê Thì Cử, nhưng nếu đúng có việc Lê Thì Cử xướng hoạ với Tào Thân thì ông hẳn nằm trong sứ bộ này và là một nhân vật quan trọng của sứ bộ. Vậy phải chăng Lê Thì Cử chính là nhân vật Lê Tuấn Ngạn trong thư tịch Việt Nam?

Tác phẩm và cuộc trao đổi giữa hai ông được ghi chép trong các sách như Bại quan tạp kí 稗 官 雜 記 của Ngư Thúc Quyền 魚 叔 權 (어숙권, thế kỉ XV), Hải Đông tạp lục 海 東 雜 錄 của Quyền Miết 權 鼈 (권별, 1589~1671), Đại Đông vận phủ quần ngọc 大 東 韻 府 群 玉 của Quyền Văn Hải 權 文 海 (권문해, 1534-1591),v.v… Các sách đều nói 2 ông xướng hoạ với nhau, thơ văn có đến “hơn chục bài, bài nào cũng khiến người ta thấy thú vị”. Tuy nhiên, hiện các sách này chỉ còn giữ lại được: 5 bài Lê Thì Cử tặng Tào Thân (Tam Hàn kiến thuyết cảnh thiên thù 三 韓 見 說 景 偏 殊, Mã Thìn di tục cổ nhân thù 馬 辰 遺 俗 古 人 殊, Đông Nam phong vực cổ lai thù 東 南 封 域 古 來 殊, Ngọc quản dương hôi chí 玉 管 陽 灰 至, Kí điện dư đồ cựu 冀甸 輿圖舊); 3 bài Tào Thân tặng lại Lê Thì Cử (Kì ngư hùng chưởng vị hà thù 嗜 魚 熊 掌 味 何 殊, Trừ nhật xuân quang chí 除 日 春 光 至, Vật ý đô vong cựu 物 意 都 忘 舊([10])). Ngoài ra, còn 2 đoạn thư trong số nhiều bức thư 2 ông trao đổi với nhau tranh luận về “thi học” nói riêng và học vấn nói chung. Đây là một cuộc trao đổi văn chương hết sức thú vị, hiếm có. Như vậy, trong lần tiếp xúc này, hàng chục tác phẩm văn học Koea cũng đã được giới thiệu với người Việt. Hơn thế nữa, một số vấn đề về văn học Korea đã được đưa ra tranh luận, bình giá.

3. Lần tiếp xúc thứ ba là vào năm 1481-1482. Lần này, có nhiều cuộc trao đổi giữa nhiều cá nhân trong sứ bộ với số lượng tác phẩm được cho là khá nhiều. Cụ thể như sau:

Sách Bạch Sa tiên sinh tập 白 沙 先 生 集 (quyển 2) của Lí Hằng Phúc 李 恒 福 (이항복, 1556~1618) có bài Thư Lý Tham nghị Toái Quang Triều thiên thi hậu 書 李 參 議 睟 光 朝 天 詩 後 trong đó chép lời của Lí Hằng Phúc kể về mình: “Thưở nhở đến nhà Thân quân, được thấy quyển Triều kinh thi thiếp của Tham phán Quyền Thúc Cường([11]), trong đó có chép việc cùng sứ giả An Nam là Vũ Tá([12]) xướng họa rất nhiều thơ. Vả lại phụ thêm thơ của Khuê Tú([13]) của bản quốc làm tiễn tặng Vũ Tá đến mấy chục bài. Như bài Thuần vu, Anh anh, Chử ngọc lan, Từ ôn,... đều thanh kiện, hào sảng, có thể biện bác cái thói hoa lá cành của đám trẻ con. Có lẽ cũng rong ruổi được với âm hưởng còn sót lại của những bậc anh liệt xưa vậy. Ngài Thân có họa lại)”([14]). Như vậy, theo sách này, Quyền Thúc Cường và Khuê Tú đã xướng hoạ thơ văn với Vũ Tá hàng mấy chục bài. Tiếc rằng những thơ văn của hai bên tặng nhau hiện chưa tìm thấy. Cũng liên quan đến Vũ Tá, sách Tục Đông văn tuyển 續 東 文 選 quyển 8/21 của Từ Cư Chính và Thân Dụng Khái 申用漑 (신용개, 1463 - 1519), có chép 1 bài thơ thất ngôn bát cú của Thân Tùng Hoạch([15]) tặng Vũ Tá (Tặng An Nam sứ Vũ Tá).

Cuốn Hư Bạch Đình tục tập 虛 白 先 生 續 集 (bài “Hư Bạch Đình niên phổ” 虛 白 亭 年 譜) ghi chép niên phổ của Hồng Quý Đạt([16]) cho biết ông có hoạ thơ của ba vị sứ thần Việt Nam là Nguyễn An([17]), Nguyễn Văn Chất([18]) và Nguyễn Vỹ([19]). Bài “Niên phổ” có đoạn nói: “Năm Thành Hoá thứ 17, Thành Tông đại vương năm thứ 20, Tân Sửu [1481] […] mùa hạ sung Thái tử Thiên thu tiết tiến hạ sứ, theo Thư trạng Thân Tùng Hoạch đến Yên kinh (đi đến đâu đều có thơ) (…) Lại hoạ thơ của sứ thần An Nam là 3 ông họ Nguyễn: Nguyễn An tự Hằng Phủ; Nguyễn Văn Chất tự Thuần Phu, Nguyễn Vỹ tự Đĩnh Phu, [ba vị này] cũng vì việc đi sứ chúc mừng thánh tiết mà đến Yên kinh, dùng thơ tặng tiên sinh để cầu hoà. Văn Chất là đại gia trong chốn từ lâm. Tiên sinh liền hoạ lại, [trong thơ] rất tôn sùng ông ta”([20]).

Như vậy, sứ đoàn Joseon sang nhà Minh năm 1781 có các tên tuổi như: Thân Tùng Hoạch, Quyền Thúc Cường, Khuê Tú, Hồng Quý Đạt. Phía An Nam có 4 tên tuổi được tư liệu ở Korea ghi nhận: Nguyễn An, Nguyễn Vỹ, Nguyễn Văn Chất, Vũ Tá. Về lai lịch của sứ bộ An Nam, ta thấy một số thông tin ít ỏi được chép trong Toàn thư như sau: “Canh Tý, [Hồng Đức] năm thứ 11 [1480], [tháng 8] (…) Mùa đông, tháng 11, ngày 18, sai bọn bồi thần Nguyễn Văn Chất, Doãn Hoành Tuấn, Vũ Duy Giáo sang tuế cống nhà Minh và tâu việc Chiêm Thành”([21]). Toàn thư xác nhận sự có mặt của Nguyễn Văn Chất trong sứ bộ. Vậy còn Nguyễn Vỹ, Nguyễn An và Vũ Tá? Chúng ta chưa có thông tin về Nguyễn An, Nguyễn Vỹ. Riêng nhân vật Vũ Tá, phải chăng chính là Vũ Duy Giáo? Thơ văn xướng hoạ của các sứ thần An Nam cũng không thấy được ghi lại trong tư liệu của cả hai bên.

Hiện chỉ còn 4 bài thơ của Hồng Quý Đạt tặng sứ thần An Nam: Thứ An Nam sứ Nguyễn An Hằng Phủ vận 安 南 使 阮 安 恒 甫 韻, Thứ An Nam sứ Nguyễn Văn Chất Thuần Phu vận 次 安 南 使 阮 文 質 淳 夫 韻, Thứ An Nam sứ Nguyễn Vỹ Dĩnh Phu vận 安 南 使 阮 偉 挺 夫 韻, Thông Châu dịch quán thứ An Nam sứ vận 通 州 驛 館 次 安 南 使 韻. Bốn bài thơ này nằm trong Hư Bạch tiên sinh tục tập 虛 白 先 生 續 集 quyển 1 và 4. Ba bài thơ đầu dùng 3 bộ vần khác nhau, chứng tỏ sứ thần An Nam mỗi người đã tặng Hồng Quý Đạt một bài thơ khác nhau và ông đã hoạ tặng lại họ mỗi người một bài. Phải chăng bài thứ tư là bài tặng Vũ Tá? Tóm lại, ở lần tiếp xúc thứ ba, số lượng tác phẩm văn học Korea được “giới thiệu” với người Việt đã lên đến mấy chục bài (hiện còn khoảng 5 bài) của 4 tác giả.

2. Một vài nhận định về sự hiện diện của văn học Korea ở Việt Nam thế kỉ XV

2.1. Theo tư liệu hiện còn, ở nửa cuối thế kỉ XV, đã có 3 cuộc tiếp xúc, giao lưu văn học giữa Korea và Việt Nam với mật độ ngày càng dày với số lượng tác phẩm trao đổi ngày càng nhiều. Điều đó phản ánh nhu cầu giao lưu văn hoá, văn học, học thuật giữa Korea - Việt Nam trên đất Trung Hoa ngày càng lớn. Điều đó cũng phản ánh sự hưng thịnh của hai vương quốc, hai triều đại (ở Korea là các đời các vua Thế Tổ, Thành Tông nhà Lý; còn ở Việt Nam là các đời vua Thái Tông, Thánh Tông nhà Lê sơ) ở thế kỉ XV. Sang thế kỉ XVI, An Nam chìm trong cơn biến loạn nội chiến, quan hệ bang giao với các nước láng giềng “đồng văn” bị ảnh hưởng không nhỏ. Điều đó cũng khiến cho sự giao lưu, tiếp xúc văn học giữa Korea và Việt Nam bị gián đoạn trong một thời gian khá dài([22]). Mãi đến năm 1597, cuộc gặp gỡ giữa Lý Toái Quang và Phùng Khắc mới nối lại sự giao lưu, tiếp xúc này và làm sâu sắc thêm chúng trong bối cảnh mới. Tiếng vang của lần gặp này thậm chí đã che khuất các cuộc gặp gỡ sớm hơn nhiều của tiền nhân. Trong bối cảnh giao lưu sôi động đó, một bộ phận nhỏ văn học Korea đã đến với độc giả Việt Nam với con số hàng chục tác phẩm của một số tác giả. Di sản để lại hiện nay, trong phạm vi tư liệu được khảo sát, là 11 bài thơ, 1 bài văn. Những tác giả, những tay “đại bút”, tinh hoa của văn học Joseon đương thời đã được các sứ thần người Việt biết đến như Từ Cư Chính, Tào Thân, Hồng Quý Đạt, Thân Tùng Hoạch, Khuê Tú,v.v…Và hẳn khi về nước, các sứ thần này đã mang theo những tác phẩm của sứ thần nước bạn và giới thiệu với người trong nước.

2.2. Do giới hạn bởi bối cảnh giao lưu, tiếp xúc, các tác phẩm văn học Korea được “giới thiệu” đó là loại văn chương tao nhã, bác học và mang tính thù ứng, giao đãi. Cụ thể, đó là những bài thơ, bức thư được viết bằng chữ Hán theo khuôn thức của văn học Hán dưới hình thức tặng-đáp, tặng-hoạ hết sức phổ biến trong văn học trung đại thuộc khu vực “đồng văn”. Tập quán đó hết sức lâu đời và được duy trì cho đến thời cận đại. Với con đường giao lưu chính thống, quan phương và đầy rào cản như thế này, ít có cơ hội cho những tác phẩm văn học khác được trao đổi, truyền bá. Nếu có, hẳn cũng rất hiếm hoi, và chưa được phi lộ. Bởi vậy, không lấy gì làm ngạc nhiên trước những bài thơ toàn theo thể Đường luật đầy những điển tích, điển cố, sáo ngữ, mỹ từ, thậm chí chữ nghĩa hiểm hóc,v.v…

Tuy nhiên, bên cạnh những công thức sáo mòn ấy, trong các tác phẩm văn học của sứ thần Joseon gửi tặng sứ thần An Nam cũng có những cái chân thành, cảm động xuất phát từ sự đồng cảnh, cảm thông chia sẻ lẫn nhau. Nhiều bài vượt ra ngoài tính nhạt nhẽo của lễ nghi xã giao để trở thành tiếng nói tâm tình tri âm tri kỉ. Chẳng hạn, bài thơ Thân Tùng Hoạch viết tặng Vũ Tá rất “tâm trạng”: “Đến từ Mê Linh, vùng đất gần biển đầy chướng khí/ Sớm nay mới xuống thuyền ở Lộ Hà/ Trời thấp xuống nơi cột đồng, đi về phía Nam là Ngũ Lĩnh/ Đất xa xôi chốn Kim đài, đi lên phương Bắc là Yên Kinh/ Đường khách gió khói dài muôn dặm/ Thời hạn về nhà đằng đẵng 3 năm liền/ Than cho ta cũng là kẻ nhớ quê hương/ Đầu bến sông mưa đọng, mọi người đều buồn bã ([23]). Hay bài thơ Hồng Quý Đạt viết tặng sứ thần An Nam cũng rất chân thành với những câu như: “Áng mây nổi trên toà thành phủ bóng mát mười ngày/ Lòng khách trống không ngăn được cơn mưa mùa thu/ Nửa năm hồn mộng phiêu du ngàn dặm/ Một bức thư nhà đáng giá ngàn vàng/ Chẳng có ánh trăng chiếu khuôn mặt ẩn trong nỗi sầu/ Chỉ có ngọn đèn là hiểu tâm trạng khi đêm về này/ Gặp ngài muốn nói về sự khác nhau về tiếng nói hai bên/ Đành dựa vào một bài thơ mới để xứng với khúc ngâm nước Việt([24]). Và đương nhiên, đáp lại tấm chân tình đó, nhiều bài thơ của sứ thần An Nam cũng có tình cảm dạt dào, xúc động.

2.3. Như ở một bài viết trước của chúng tôi đã đề cập, mối quan hệ giữa sứ thần Việt Nam và Korea là mối quan hệ vừa “giao hảo” vừa “cạnh tranh”[25]. Chúng tôi nhận thấy ở đây cũng vậy. Sự tiếp nhận của người Việt với văn học Korea ở thế kỉ XV là một phức cảm: vừa ngưỡng mộ - vừa ganh đua, vừa sẵn sàng tâm thái đồng tình, vừa manh nha ý thức dị biệt.

Một mặt, trước các tác phẩm văn học Joseon được tiếp xúc, người Việt (cụ thể là các sứ thần) đều bày tỏ sự ngưỡng mộ, thán phục. Chẳng hạn, Lương Như Hộc sau khi đọc thơ Từ Cư Chính đã ca ngợi ông là “kì tài”. Lê Thì Cử cũng ca ngợi tài thơ của Tào Thân: “Lầu thơ cao trăm thước” (Thi lâu cao xích bách) [Kí điện dư đồ cựu],v.v… Phía các sứ thần Triều Tiên cũng có sự hồi đáp tương ứng([26]). Tuy nhiên, mặt khác, hai bên đều có sự tự tôn dân tộc và ý thức cạnh tranh mạnh mẽ. Ý thức này thực ra không thường xuyên được bộc lộ chính thức với đối phương mà chỉ bộc lộ trong những ghi chép riêng của mỗi bên([27]). Tuy nhiên, có một lần hiếm hoi, điều đó đã được bộc lộ trực tiếp, qua lại giữa hai bên. Đó là cuộc tranh luận giữa Lê Thì Cử và Tào Thân. Các phiến đoạn, khía cạnh khác nhau của cuộc tranh luận này được các tư liệu khác nhau ghi chép lại, bổ sung cho nhau rất thú vị. Chúng tôi xin trích dẫn toàn văn những ghi chép này.

Thứ nhất, sách Hải Đông tạp lục chép: “Thích Am đến chầu Kinh sư, cùng sứ thần An Nam là Lê Thì Cử xướng hoạ. Lê Thì Cử áp thông các vần “thù”, “thu”, “châu” làm thành bài thơ như sau: Phong vực phương Đông và phương Nam xưa nay khác nhau/ Nhưng giọt sương rơi xuống cây ngô đồng ngoài sân đều báo hiệu một mùa thu/ Trong khi làm khách, ngẫu nhiên có cuộc gặp gỡ văn tự/ Sắc xuân rực rỡ khắp cả đất Trung Hoa”. Thích Am chê việc dùng thông vận “ngu” và “vưu”([28]). Thì Cử viết thư đáp rằng: “Xét cổ nhân làm thơ thì liên đầu có thể dùng thể ‘biệt vận’. Như: “Ba nghìn giáp binh Việt đêm hợp thành vòng vây/ Yến tiệc xong vua tôi từ biệt mà chẳng hay biết/ Nếu luận công lao phá Ngô số một/ Thì lượng vàng [thưởng] chỉ đủ để đúc tượng Tây Thi”. Lại nữa, bài thơ Chư hiền của Trương Kính Phu([29]) rằng: “Bãi thơm hoa liễu mười ngày tạnh ráo/ Mưa gió suốt năm canh tiễn chút xuân tàn/ Chớ ngại rằng hồng tía đều bị thổi bay hết/ Màu xanh mới đầy vườn lại khiến người ưa thích” cũng lấy vận bộ “chân” trong loại “thượng bình” mà hiệp với vận bộ “canh” trong loại “hạ bình”. Loại thơ như thế, nhiều bài nhiều quyển, không thể chỉ ra hết được. Ông coi bài thơ Chư hiền của Kính Phu cũng là sáng tác cẩu thả ư?([30]) Không thấy sách chép Tào Thân đáp lại như thế nào, nhưng có vẻ như lí lẽ của Lê Thì Cử đã khiến Tào Thân “tâm phục khẩu phục”.

Thứ hai, sách Bại quan tạp kí (quyển 2) chép: “Tào Thích Am là Thân từng đến Yên Kinh, cùng với sứ thần An Nam là Lê Thì Cử xướng hoạ thơ văn,có đến hơn chục bài. Một bài thơ của Lê như sau: “Nghe nói Tam Hàn([31]) cảnh rất độc đáo/ Sông Áp Lục trong trẻo sắc nước mùa thu/ Biết đó là chỗ có tứ thơ về núi sông đẹp đẽ/ Lại phỏng theo cú pháp của Tô Châu([32]). Thích Am hoạ lại như sau: “Nếm món tay gấu hay món cá, mùi vị nào có khác([33]) / Tôi yêu bài thơ của ông bình đạm tựa mùa thu/ Họ Ôn, họ Lý([34]) chỉ mong khoe giàu có, rực rỡ/ Bình dị thì chính nên học Tô Châu”. Lê cho việc áp chữ “Tô Châu” là phạm vào vần thơ đã xướng, không đúng với thể xướng hoạ, đưa thư chê. Lại tặng một bài thơ rằng: “Phong tục Mã Hàn, Thìn Hàn xưa khác nay/ Đời đời thay đổi, trải đã mấy thu rồi/ Danh quan “nậu tát” có ý nghĩa gì vậy?/ Biết rằng lễ nghi, chế độ nước ngài khác với Trung Hoa”. Thích Am viết thư đáp lại, đại khái nói: “Bệnh thừa, nghĩ cạn, cam lòng nép lui. Đồ công thành đã sẵn sàng giáp chiến, mà gái ngoan biết tự giữ mình. Ngài thấy quân Hoài Âm chạy bên sông, chớ bật cười như người nước Triệu([35]). Ngày khác đợi tôi khoẻ lại, sẽ cùng đến tranh giỏi ở thi đàn. Thử xem Lão Tử tựa yên ngựa ngoái nhìn([36]). Việc tính toán ở trong màn trướng, chẳng ôm hối tiếc ru! “Nậu tát” vốn là phương ngôn, xưa là người ẩn sĩ. “Danh quan” là nghĩa gì vậy? “Giao Chỉ” há có nghĩa là hai ngón chân cái song song sao?”. Lê Thì Cử gửi thư đáp, đại ý viết: “Ngài tự xem mình là Hoài Âm, đang đợi người nước Triệu. Bộc tôi ắt cho là không đúng. Trận thế dựa lưng vào sông của Hoài Âm kia, chính là dùng kỉ luật trong binh pháp mà giành thắng lợi. Nay ngài phỏng rập theo vần đã được dùng trong bài thơ trước. Nếu dùng binh pháp mà xét luật thơ, thì ngài đã mất đội ngũ, lìa trật tự rất nhiều. Tướng bỏ giáp, kéo quân mà chạy, sao còn rỗi rãi mà tựa yên ngựa ngoái nhìn? Đại trượng phu hiên ngang, lỗi lạc, lấy mực làm giáp, lấy bút làm giáo, một trận quét cả ngàn quân. Hà cớ gì dùng mưu lược trong màn trướng? Ngày khác quý thể khoẻ mạnh, may được một lần gặp gỡ. Kính cẩn sai lập đàn chiến, nghiêm đặt cờ trống đợi chờ. Giao Chỉ vốn là một quận. Phía bắc quận này có núi Thiên Chỉ ở cửa Nam Giao([37]). Vì thế mà gọi quận là Giao Chỉ. Sau nhầm Chỉ (nơi chốn) thành Chỉ (ngón chân). Không lấy làm lạ rằng ngài đã tiếp thu sự sai lệch đó([38]). Cũng lại lần này, người đáp trả cuối cùng là Lê Thì Cử, không thấy Tào Thân đáp lại. Phải chăng, lí lẽ của Lê Thì Cử cũng lại thuyết phục được họ Tào khiến ông lặng tiếng.

Có lẽ, cũng không cần phải bình luận nhiều, qua hai tư liệu kể trên, ta thấy quả thực đã có một cuộc bút chiến nhỏ nổ ra giữa Tào Thân và Lê Thì Cử mà trong đó không phải không có những ý gay gắt và động chạm đến lòng tự ái dân tộc (như nói về chữ “Giao Chỉ”, “cột đồng”). Tuy nhiên, trọng tâm của việc bút chiến là việc làm thơ “hợp cách” hay “không hợp cách” và học theo phong cách thơ nào. Dù hẳn chưa hoàn toàn nhất trí với nhau nhưng dường như hai bên ngày càng hiểu nhau hơn. Họ cũng đồng ý với nhau ở thị hiếu thi học: chuộng phong cách chất thực, giản dị của Vi Ứng Vật hơn là phong cách lãng mạn, hoa mĩ của Ôn Đình Quân, Lí Thương Ẩn. Xét riêng về thái độ của người Việt với văn học Joseon được “giới thiệu” ở đây, ta thấy đó là một sự tiếp nhận vừa có sự trân trọng vừa phê phán. Đó phải được xem như một cách tiếp nhận, một sự phê bình văn học rất tích cực, sòng phẳng dù trong không khí xã giao. Về phía các tác giả Joseon, hẳn các cuộc tranh luận như vậy cũng giúp họ rút ra nhiều kinh nghiệm sáng tác cũng như bang giao quý báu. Bằng chứng là câu chuyện đã được lan truyền trong học giới Joseon qua nhiều thế hệ như một “giai thoại” thú vị.

       Khởi đầu sự hiện diện văn học Korea tại Việt Nam qua ba lần tiếp xúc như  vậy là khá ấn tượng. Sự hiện diện đó có xu thế ngày càng mạnh mẽ song hành với việc cơ hội tiếp xúc giao lưu văn hoá giữa hai dân tộc ngày càng nhiều. Mảng văn chương được “giới thiệu” với người Việt chủ yếu là mảng văn chương lễ nghi, thù ứng mang tính bác học của giới trí thức tinh hoa Korea đương thời. Về cơ bản, văn học Korea được đánh giá cao, được ngưỡng mộ và chia sẻ vì sự tương đồng nhiều mặt. Tuy nhiên, ở đôi chỗ sự khác biệt, mâu thuẫn về quan điểm, bút pháp sáng tác với quan điểm, thị hiếu tiếp nhận đã dẫn đến sự tranh luận sôi nổi. Cùng với tính chân thực trong cảm hứng sáng tác của một số tác phẩm, nó làm bức tranh tiếp xúc, giao lưu văn học hai dân tộc giảm mang tính khuôn sáo, hình thức, xã giao của loại văn học lễ nghi, thù ứng để có được diện mạo đầy đủ, thực chất hơn. Trong những thế kỉ tiếp theo của thời trung đại, tuỳ vào tình hình của từng giai đoạn, những xu hướng, đặc điểm này sẽ có những diễn biến khác nhau. Tuy nhiên, dù thế nào, chúng cũng không đi ra ngoài quá xa cái đã được thiết lập nền tảng ở thế kỉ XV. Vì vậy, thiết nghĩ, chỉ trường hợp này thôi cũng đủ tiêu biểu cho toàn bộ thời trung đại (kể từ thời điểm đó trở về sau) và xứng đáng được xem là mốc son (vừa là khởi đầu, vừa rất tiêu biểu và độc đáo) trên con đường trường kì văn học Korea đến với Việt Nam./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Lý Xuân Chung (2009), Nghiên cứu, đánh giá thơ văn xướng hoạ của các sứ thần hai nước Việt Nam - Hàn Quốc, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Thư viện Quốc gia Hà Nội, kí hiệu: LA09.0239.1-2.

(2) Trần Văn Giáp (1970), Một số tư liệu về việc giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Triều Tiên, Tài liệu chép tay, Thư viện Quốc gia Hà Nội, kí hiệu: Vv.1005/70.

(3) Phan Huy Lê, Kim Yong Deok, Yu Insun,… (2009), Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trong lịch sử: Kỷ yếu hội thảo lần thứ nhất, Nxb Thế giới, Hà Nội.

(4) Phan Huy Lê, Ro Myoung-ho, Jeong Jae-jeong,…(2009), Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trong lịch sử: Hậu Choson và triều Nguyễn Việt Nam thách thức, chuyển biến và các mối quan hệ khu vực, Nxb Thế giới, Hà Nội.

(5) Ngô Sĩ Liên吳士連, Phạm Công Trứ 范公著,… (1993), Đại Việt sử  ký toàn thư 大越史記全書, quyển IV, Viện Sử học Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

(6) Từ Cư Chính 徐居正 (서거정), Tứ giai tập 四佳集 (사가집), URL: db.itkc.or.kr.

(7) Từ Cư Chính 徐居正 (서거정), Thân Dụng Khái 申用漑 (신용개), Tục Đông văn tuyển 續東文選 (속동문선), URL: db.itkc.or.kr.

(8) Hồng Quý Đạt 洪貴達 (홍귀달), Hư Bạch đình tập 虛白亭集 (허백정집), URL: db.itkc.or.kr.

(9) Quyền Văn Hải 權文海 (권문해), Đại Đông vận phủ quần ngọc 大東韻府群玉 (대동운부군옥), URL: db.itkc.or.kr.

(10) Quyền Miết 權鼈 (권별), Hải Đông tạp lục 海東雜錄 (해동잡록), URL: db.itkc.or.kr.

(11) Lí Hằng Phúc 李恒福 (이항복), Bạch Sa tiên sinh tập 白沙先生集 (백사선생집), URL: db.itkc.or.kr.

(12) Ngư Thúc Quyền 魚叔權 (어숙권), Bại quan tạp kí 稗官雜記 (패관잡기), URL: db.itkc.or.kr.

(13) Thôi Thường Thọ 崔 常 壽 (최상수) (1966), 越 南 ( Han’guk koa Weolnam goa eui Kwan’gye), 韓 越 協 會 (Hanweolhyeophoe), Seoul.

(14) Triều  Tiên  vương  triều  thực  lục  朝 鮮 王 朝 實 錄  (조 선 왕 조 실 록), URL: sillok.history.go.kr/main/main.jsp.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 1 (155)/ 2014, tr


* TS, Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội.

[1] Xem: Lý Xuân Chung (2009), Nghiên cứu, đánh giá thơ văn xướng hoạ của các sứ thần hai nước Việt Nam - Hàn Quốc, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Thư viện Quốc gia Hà Nội, kí hiệu: LA09.0239.1-2; Trịnh Khắc Mạnh, Nguyễn Đức Toàn (2012), “Thơ xướng hoạ của sứ thần Đại Việt - Hoàng giáp Nguyễn Đăng với sứ thần Joseon - Lí Đẩu Phong”, Tap chí Hán Nôm, số 3; Xem Nguyễn Thanh Tùng (2013), “Giao hảo và cạnh tranh: Về cuộc hội ngộ giữa sứ thần Đại Việt và sứ thần Joseon trên đất Trung Hoa năm 1767”, Tập san Khoa học xã hội & Nhân văn, Trường Đại học KHXH&NV Thành phố Hồ Chí Minh, số 59, năm 2013,v.v…

[2] Xem Đông A (2011), “Ba bài thơ của sứ giả Việt Nam tìm thấy ở Triều Tiên” (10/07?), “Kim An Quốc có gặp sứ giả Việt Nam tại Trung Quốc?” (10/07); “Thơ trao đổi giữa sứ giả Triều Tiên và Việt Nam” (05/10) trên blog: donga01.blogspot.com. Ngoài ra, theo chúng tôi được biết các học giả phía Hàn Quốc cũng đã có nhiều phát hiện về vấn đề này và từng công bố đây đó. Tiếc là chúng tôi chưa có điều kiện tiếp cận các nghiên cứu của họ nên chưa rõ những phát hiện của họ đến đâu.

[3] Từ Cư Chính 徐 居 正 (서거정, 1420 - 1488), tự Cương Trung 刚中, hiệu Tứ Giai Đình 四 佳 亭, quê ở Khánh Thượng đạo. Ông là quan chức, đồng thời là một học giả lớn, nhà thơ lớn của Joseon thế kỉ XV. đỗ Tiến sĩ năm 1444, làm quan trải các chức:Hình tào Phán thư, Binh tào Phán thư,...Tác phẩm tiêu biểu của ông có Bút uyển tạp ký, Đông nhân thi thoại, Tứ giai tập, Đông nhân thi văn, Tục Đông văn tuyển,...

[4] Lương Như Hộc 梁 如 鵠 (1420 - 1501): tự Tường Phủ, người làng Hồng Liễu, huyện Trường Tân (nay là xã Tân Hưng huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), đỗ Thám hoa khoa Nhâm Tuất (1442), làm quan trải các chức An Phủ phó sứ, Trực học sĩ Viện Hàn lâm, Đô ngự sử, Thị lang bộ lễ,… đi sứ Trung Quốc 2 lần: 1443 và 1459. Công trình của ông có: Tinh tuyển chư gia luật thi (bình luận sách của Dương Đức Nhan), Cổ kim chế từ tập, Hồng Châu quốc ngữ thi tập, Tiêu tương bát cảnh thi (đều đã thất truyền). Hiện chỉ còn 6 bài phú chữ Hán chép trong Quần hiền phú tập và 6 bài thơ chữ Hán chép trong Trích diễm thi tập,…

[5] Nguyên văn: “庚 辰 移 吏 曹 參 議, 以 謝 恩 使 赴 京, 於 通 州 館 遇 安 南 國 使 梁 鵠, 乃 制 科 壯 元 也。  居 正 以 近 體 詩 一 律 先 之,  梁 和 之,  居 正 卽 酬 連 十 篇, 梁 嘆 服 曰: “眞 天 下 奇 才 也” [成 宗 223卷, 19年(1488 戊申 /(弘治) 1年) 12月 24日(癸丑)].

[6] Toàn thư, Bản kỉ, quyển XIII, tờ 12b và tờ 27b. Nguyên văn: “十 一 月 二 十 日 帝 遣 兵 部 左 市 郎 陳 中 立 翰 林 院 校 討 黎 彦 俊 潘 貴 等 如 明 歲 貢” và “兵 部 左 侍 郎 陳 中 立 翰 林 院 檢 討 黎 俊 彦 潘 貴 等 奉 命 徃 使 如 明 國 還 朝”.

[7] Lê Thì Cử 黎 時 擧 (?-?): Chưa rõ tiểu sử. Có lẽ là Lê Tuấn Ngạn trong sử Việt. Có thể Tuấn Ngạn 俊 彥 tên chính, còn là tên còn Thì Cử là tên tự (hoặc hiệu). Theo tục đặt tên xưa thì tên và tên tự (hoặc tên hiệu) thường có liên quan đến nhau. Tuấn Ngạn là chữ lấy từ Kinh Thư (“Thái Giáp thượng”), có nghĩa là tài trí hơn người. Còn “Thì Cử” có nghĩa là được đời suy tôn. Phải chăng vì “tài năng hơn người” nên “được người đời suy tôn”? Lê Tuấn Ngạn 黎 俊 彥 (? - ?) hoặc Lê Ngạn Tuấn: người xã Vĩnh Lộc huyện Tế Giang (Bắc Ninh), trú quán xã Ngọc Bộ (nay thuộc xã Long Hưng huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên), đỗ Hội nguyên năm 1472, làm quan đến Thượng thư, tham gia hội Tao đàn, 2 lần đi sứ Trung Hoa (1480, 1495).

[8] Tào Thân 曹 伸 (조신, 1454 - 1529), tự Thúc Phấn 叔奮, hiệu Thích Am 適庵, làm quan đến chức Thông tín sứ quân quan, Nội thị giáo quan, Sư phó,…Ông nổi tiếng về ngôn ngữ, văn học (có tài làm thơ) và y thuật. Ông nhiều lần được cử đi công cán ở Nhật Bản và Trung Quốc. Tác phẩm của ông có: Nhị luân hành thực đồ 二 倫 行 實 圖, Thích Am thi cảo 適 庵 詩 稿,  Tẩu ngôn toả lục 謏 聞 瑣 錄,…

[9] Toàn thư, Bản kỉ, quyển XI, tờ 98b.

[10] Đây là những bài thơ không có tiêu đề, chúng tôi tạm lấy dòng đầu bài làm tiêu đề cho cả bài.

[11] Quyền Thúc Cường  權 叔 强 (굳셀 강, ? - ?): đỗ Tiến sĩ, giữ chức Tham phán, đi sứ Trung Hoa.

[12] Vũ Tá 武 佐 (? - ?): chưa rõ tiểu sử. Có lẽ là Vũ Duy Giáo. Tá (giúp rập) có lẽ là tên, còn Duy Giáo (duy trì phong giáo) là tên tự. Hai cái tên cũng có những nét nghĩa liên quan đến nhau. Về Vũ Duy Giáo 武維教 (?-?), hiện chưa rõ tiểu sử.

[13] Khuê Tú 閨 秀 (규수 , thế kỉ XV): chưa rõ tiểu sử, chỉ biết rằng ông là một danh sĩ đương thời.

[14] Nguyên văn: “幼 從 申 君 所。得 見 權 參 判 叔 强 朝 京詩 帖。 與 安 南 使 者 武 佐。 酬 唱 者 居 多。而 且 附 本 國 閨 秀 送 武 佐 之 作 數 十 篇。如 淳 于,鸎 鸎,褚 玉 蘭,徐 媼。皆 淸 健 豪 爽。能 弁 髦 宮 掖 艷 冶 之 習。盖 亦 駸 駸 乎 古 烈 士 擊 筑 之 遺 音 歟。申 次 韶”.

[15] Thân Tùng Hoạch 申 從 濩 (신종호, 1456 - 1497): tự Thứ Thiều 次韶, hiệu Tam Khôi Đường 三魁堂, đỗ Trạng nguyên, làm quan đến chức Lễ tào Tham phán, được cử đi sứ năm 1480, chức Thư trạng. Tác phẩm có Tam Khôi đường tập. Chuyến đi sứ này cũng xảy ra một vài trục trặc trong chuyện nội bộ, nên khi về nước Thân Tùng Hoạch và Hồng Quý Đạt bị khiển trách.

[16] Hồng Quý Đạt 洪貴達 (홍귀달, 1438 - 1504): tự Khiêm Thiện 兼善, hiệu Hàm Hư Đình 涵虗亭, đỗ Tiến sĩ năm 1461, làm quan đến Đề học, Lại Tào phán thư, cuối đời bị Yên Sơn Quân giết. Ông tham gia tiếp sứ Trung Hoa đến Joseon cùng với Từ Cư Chính; đi sứ Trung Hoa năm 1780-1781. Trong thời gian đi sứ, mẹ ông mất, ông trở về trước để chịu tang. Tác phẩm của ông được tập hợp trong bộ Hư Bạch tiên sinh tục tập.

[17] Nguyễn An 阮安 (?-?): chưa rõ tiểu sử.

[18] Nguyễn Văn Chất 阮文質 (? - ?): Người huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đái (nay là thôn Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) hiệu là Nhuệ Hiên tiên sinh. Ông đỗ Hoàng giáp năm 1448, giữ các chức quan Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, Đồng tu soạn ở Quốc Sử viện, Đô Ngự sử ở Ngự Sử đài, Thượng thư bộ Hộ. Nguyễn Văn Chất có viết phần "Tục bổ" sách Việt điện u linh của Lí Tế Xuyên.

[19] Nguyễn Vỹ 阮偉 (?-?): chưa rõ tiểu sử.

[20] Nguyên văn: “十 七 年   成 宗 大 王 十 二 年。 辛 丑。 先 生 四 十 四 歲。  (…)  夏。充 皇 太 子 千 秋 節 進 賀 使。與 書 狀 官 申 從 濩 赴 京。所 經 皆 有 詩。 (…)  又 次 安 南 使 三 阮 [ 阮 安 字 恒 甫。阮 文 質 字 淳 夫。阮 偉 字 挺 夫] 亦 以 賀 節 使 來 京。以 詩 贈 先 生 求 和。蓋 文 質。詞 林 大 家 也。先 生 於 次 韻。頗 推 詡 之”.

[21] Toàn thư, Bản kỉ, quyển XIII, tờ 29a. Nguyên văn: “冬十一月 十 八 日 遣 陪 臣 阮 文 質 尹 宏 濬 武 維 教 歲 貢 于 明 并 奏 占 城 事”.

[22] Trên thực tế, năm 1500 có cuộc gặp gỡ giữa các sứ thần Joseon như An Xứ Lương 安处良, Kim Vĩnh Trinh 金永贞 với các sứ thần An Nam, nhưng cuộc gặp gỡ này dường như rất chóng vánh và cũng không để lại gì. Một số nhà nghiên cứu có nói đến cuộc tiếp xúc trực tiếp ở đầu thế kỉ XVI giữa Kim Thế Bật 金世弼, Kim An Quốc金國 với sứ thần An Nam (Nguyễn Lâm 阮琳, Nguyễn Chuẩn 阮淮, Trương Phu Duyệt 張孚說), nhưng theo tác giả Đông A và chúng tôi khảo sát, không hề có cuộc tiếp xúc này; thực tế là, năm 1518, Kim Thế Bật đi sứ sang nhà Minh đã đọc được những bài thơ của sứ An Nam đề ở quán Lộ Hà; ông đã hoạ lại các bài thơ đó, lại mang về Joseon để các vị khác cùng đọc. Trong đó, Kim An Quốc có đọc và hoạ lại.

[23] Nguyên văn: “來 自 麊 泠 瘴 海 堧/ 今 朝 初 下 潞 河 船/ 天 低 銅 柱 南 逾 嶺/ 地 逈 金 臺 北 走 燕/客 路 風 煙 將 萬 里/ 還 家 歲 月 抵 三 年/ 嗟 余 亦 是 思 鄕 者/ 滯 雨 江 頭 各 黯 然”.

[24] Nguyên văn: “城 上 浮 雲 十 日 陰/ 客 懷 無 乃 阻 秋 霖/ 半 年 魂 夢 勞 千 里/ 一 紙 家 書 抵 萬 金/ 無 月 照 他 愁 裏 面/ 有 燈 知 此 夜 來 心/ 逢 君 欲 說 方 咅 異/ 憑 仗 新 詩 當 越 吟”.

[25] Xem Nguyễn Thanh Tùng (2013), Tlđd.

[26] Chẳng hạn, Từ Cư Chính khen Lương Như Hộc “Chất đầy trong bụng năm xe sách/ Nhả ngọc phun châu đến có thừa” (Hung trung lỗi lạc ngũ xa thư/ Châu ngọc phân phân khái thóa dư). Hồng Quý Đạt khen Nguyễn Văn Chất: “Biết ông là bậc đại gia rất mực trên văn đàn, Xem ra thi luật của ông cũng như Hà Tốn và Âm Kiên” (Tri thị từ lâm tối đại gia, Khán lai thi luật tự Âm Hài), lại gọi ông là bậc “thi tiên” (Khước kiến thi tiên nhật nhật qua),v.v…

[27] Đọc ghi chép, bút kí của sứ thần hai bên, đặc biệt là ghi chép của sứ thần Joseon nhận xét về nhau sẽ thấy rõ điều này (chẳng hạn, Từ Hạo Tu có rất nhiều nhận xét khá “nhạy cảm” về vua tôi An Nam trong cuốn Yên hành kí của ông).

[28] Theo âm vận học Hán ngữ cổ thì “thù” thuộc vận bộ “thượng bình” Ngu, còn “thu”, “châu” thuộc vận bộ “hạ bình” Vưu. “Thượng bình” có 15 vận bộ: Đông, Đông, Giang, Chi, Vi, Ngư, Ngu, Tề, Giai, Hôi, Chân, Văn, Nguyên, Hàn, San. “Hạ bình” cũng có 15 vận bộ: Tiên, Tiêu, Hào, Hào, Ca, Ma, Dương, Canh, Thanh, Chưng, Vưu, Xâm, Đàm, Diêm, Hàm.

[29] Tức Trương Thức 张栻 (? - ?), một nhà thơ, nhà lí học, nhà giáo dục nổi tiếng thời Nam Tống, ngang với Chu Hy, Lã Tổ, tác phẩm có Nam Hiên tập 南轩集.

[30] Nguyên văn: “適 菴 朝 京 師。與 安 南 國 使 黎 時 擧 相 唱 和。時 擧 通 押 殊 秋 州 云。東 南 封 域 古 來 殊。霜 到 庭 梧 一 樣 秋。客 裡 偶 成 文 字 會。煕 煕 春 色 滿 皇 州。適 菴 譏 虞 尤 之 通 用。時 擧 以 書 答 曰。按 古 人 作 詩 起 聯。有 別 用 別 韵 之 軆。如 三 千 越 甲 夜 成 圍。宴 罷 君 臣 辭 不 知。若 論 破 吳 功 第 一。黃 金 只 合 鑄 西 施。又 張 敬 夫 諸 賢 詩。花 柳 芳 洲 十 日 晴。五 更 風 雨 送 餘 春。莫 嫌 紅 紫 都 吹 盡。新 綠 滿 園 還 可 人。以 上 平 之 眞。協 下 平 之 庚。如 此 之類。連 篇 累 牘。不 可 縷 指。公 以 爲 敬 夫 諸 賢。亦 苟 作 耶”.

[31] Tam Hàn: tức liên minh ba bộ tộc Mãn Hàn, Thìn Hàn, Biện Hàn ở Korea thời cổ. Ở đây, từ này chỉ Triều Tiên nói chung.

[32] Tô Châu: chỉ Vi Ứng Vật韋應物 (737 - 792), một nhà thơ nổi tiếng thời Trung Đường. Vi Ứng Vật làm Thứ sử Tô Châu nên được người đời gọi là “Vi Tô Châu”. Thơ Vi Ứng Vật giản dị, đậm chất đời thực, vì thế được nhiều nhà Nho xưng tụng.

[33] Mạnh Tử (“Cáo Tử thượng”): “Cá là món ta thích, tay gấu cũng là món ta thích; hai thứ đó không thể được cả hai, thì bỏ cá mà giữ tay gấu vậy”. Điển này nói cả hai đều là cái ưa thích, không dễ bỏ.

[34] Ôn Lý: tức Ôn Đình Quân 溫庭筠 (812 - 870), Lý Thương Ẩn 李商隱 (813 - 858), hai nhà thơ thời Vãn Đường. Thơ của hai ông rất tài hoa, diễm lệ. Nhưng nhiều nhà Nho thường chê là lả lướt, khoe chữ.

[35] Chỉ việc Hàn Tín dùng kế dụ quân nước Triệu, cho đóng quân ở bên bờ sông, quân Triệu tưởng Hàn Tín không hiểu binh pháp nên chê cười, vì thế càng chủ quan khinh địch, sau quân Triệu bị Hàn Tín đánh thua

[36] Chưa rõ xuất xứ điển tích. Có lẽ câu này chỉ Trương Lương, một mưu sĩ tài năng của Hán Cao Tổ.

[37] Nam Giao: phiếm chỉ khu vực từ Ngũ Lĩnh trở về Nam (xem Thượng Thư, “Nghiêu điển”).

[38] Nguyên văn: “曹 適 庵 伸 嘗 赴 燕 京。與 安 南 國 使 黎 時 擧。作 詩 酬 唱。至 數 十 餘 篇。黎 詩 一 首 云。三 韓 見 說 景 偏 殊。鴨 綠 澄 澄 水 色 秋。知 是 江 山 詩 思 好。還 將 句 法 效 蘇 州。適 庵 次 云。嗜 魚 熊 掌 味 何 殊。我 愛 君 詩 淡 似 秋。溫 李 只 要 誇 富 艶。平 平 端 合 學 蘇 州。黎 以 押 蘇 州 字 犯 唱 韻。非 和 詩 軆。贈 書 譏 之。又 贈 一 首 曰。馬 辰 遺 俗 古 人 殊。世 代 相 移 幾 度 秋。耨 薩 名 官 何 意 義。知 君 禮 制 異 中 州。適 庵 以 書 答 之。畧 曰。病 餘 思 涸。甘 心 屛 退。梯 衝 舞 於 前。而 處 女 自 守。君 見 淮 陰 之 走 水 上 軍。毋 發 趙 人 笑 也。異 日 竢 身 健。當 相 就 爭 長 詩 壇。試 觀 老 子 據 鞍 顧 盻 也。幕 中 之 籌。無 容 惜 焉。耨 薩 本 是 方 言。古 之 雲 鳥。名 官 何 義 哉。交 趾 豈 騈 拇 之 義 耶。黎 復 書 略 曰。君 以 淮 陰 自 居。以 趙 人 相 待。僕 則 以 爲 不 然。彼 淮 陰 之 背 水 陣。正 用 兵 法 中 紀 律 取 勝。今 君 蹈 襲 唱 詩 徑 用 之 韻。以 兵 法 律 之。則 君 失 伍 離 次 甚 矣。將 見 棄 甲 曳 兵 而 走。何 暇 據 鞍 顧 盻 哉。大 丈 夫 磊 磊 落 落。墨 甲 筆 鋒。千 軍 一 掃。焉 用 幕 中 之 籌。他 日 貴 軆 安 健。幸 一 相 訪。謹 命 壇 夫。嚴 設 旗 鼓 以 待。交 趾 本 一 郡 也。郡 之 北 有 南 交 闕 天 阯 山。故 名 郡 以 交 阯。後 誤 以 阯 爲 趾。無 怪 乎 君 之 承 訛 也”.

http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghiencuu/VanhocVietNamtrungdai/tabid/102/newstab/353/Default.aspx

Theo tài liệu lưu trữ, vào trước năm 1900, việc quản lý và bảo tồn các di tích lịch sử ở Đông Dương không do một tổ chức nào đảm nhiệm. Chính vì vậy, nhiều công trình lịch sử, trong đó có một số công trình tín ngưỡng ở Hà Nội đã bị xâm hại trong quá trình người Pháp quy hoạch thành phố, nhằm biến Hà Nội thành “Thủ đô của Bắc Kỳ”, “Thủ đô của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp”.

Trong giai đoạn này, nhiều di tích của Hà Nội như chùa Phổ Giác, chùa Báo Ân, Thành cổ… đều được phép “phá tất cả, miễn sao xây được các công trình thể hiện sức mạnh của chính quyền thuộc địa”. Việc phá dỡ các chùa xung quanh hồ Hoàn Kiếm để xây dựng khu này thành một trung tâm với đầy đủ chức năng văn hoá, chính trị, tín ngưỡng, thương nghiệp, dịch vụ và giải trí, nhằm khuyến khích người Pháp sang định cư, làm ăn lâu dài thể hiện rõ ý đồ chiếm đoạt vĩnh viễn các nước Đông Dương và việc phá Thành Hà Nội để xây dựng công trình quân sự và khu phố Pháp ở xung quanh Phủ Toàn quyền đã gây bức xúc không phải chỉ đối với người dân Hà Nội mà ngay cả với một số quan chức trong bộ máy cai trị thực dân.

Sự kiện phá Thành cổ năm 1897 đã để lại một nỗi niềm ân hận, day dứt của nhiều người Pháp tôn trọng các di tích lích sử của Hà Nội. Ngay chính Toàn quyền Paul Doumer khi mới nhậm chức cũng phải thốt lên rằng: “Tôi đến quá chậm để có thể cứu lấy những phần đặc sắc, cụ thể là các cổng Thành. Những di tích ấy đáng lẽ phải được bảo tồn. Chúng có những đặc trưng quý giá, chỉ như vậy thôi cũng đáng được chúng ta trân trọng. Đó là những kỷ niệm lịch sử gắn bó với nơi đây, chúng có thể làm đẹp cho các khu xây dựng mới của thành phố…[1].

May mắn thay, tình trạng đó đã được giảm đi rất nhiều kể từ năm 1900, khi Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (Ecole française d’Extrême Orient – EFEO) ra đời. Được tổ chức theo Sắc lệnh ngày 26-2-1901 của Tổng thống Pháp và được trở thành một công sở có tư cách pháp nhân dân sự theo Sắc lệnh của Tổng thống Pháp ngày 3-4-1920, EFEO cùng một số tổ chức khoa học khác của Pháp ở Đông Dương, với sự cộng tác của những người bản xứ cùng chí hướng đã có nhiều đóng góp và đã đạt được nhiều thành công trong việc bảo tồn các di tích lịch sử ở Hà Nội.

Đầu tiên là việc bảo vệ Ô Quan Chưởng, cửa ô duy nhất còn lại trong số 16 cửa ô cũ của Hà Nội thoát khỏi bị phá bỏ, theo đề nghị của dân cư và một số chủ sở hữu người Âu tại phố Jean Dupuis (nay là phố Hàng Chiếu) trong lá đơn đệ trình Hội đồng thành phố (HĐTP)ngày 28-11-1904[2]. Lý do được trình bày trong đơn là do nhỏ hơn con phố nên cửa ô này đã tạo thành một nút thắt nhỏ tới mức hai chiếc xe tay thô sơ cũng không thể tránh được nhau. Điều này dẫn đến việc lưu thông rất bất tiện, xe cộ qua khu vực này thường phải đi đường vòng và tai nạn thường xuyên xảy ra, những chiếc xe kéo chở đầy gỗ qua đây đã trở thành nỗi sợ hãi thường trực của người đi bộ và xe cộ ở con phố lân cận.

22112018_001

Ô Quang Chưởng, nguồn: Indochine hebdomadaire illustré 1942

Do tồn tại nhiều bất đồng xung quanh vấn đề này, ngày 3-4-1905, HĐTP đã tổ chức họp để lấy ý kiến của các ủy viên và bỏ phiếu thông qua đề xuất phá hủy công trình kiến trúc ở đầu phố Jean Dupuis. Sau khi viện dẫn lý do chính là gây nguy hiểm cho giao thông ở ngã tư các phố Ancien Canal (nay là phố Đào Duy Từ) và ngõ Thanh Hà, chủ trì phiên họp là Đốc lý Hà Nội đã kết luận rằng “khối gạch vữa đồ sộ tạo thành cửa ô có lẽ không có nhiều giá trị khảo cổ để được xếp hạng di tích lịch sử”.

Không đồng tình với quan điểm này, ông Godard với tư cách là Hiệu trưởng của EFEO kiêm Chủ tịch Ủy ban Cổ vật Bắc Kỳ đã phản bác lại: “Cửa ô này là cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội xưa, do đó có giá trị khảo cổ không hề kém những di tích còn lại của Hoàng thành. Cửa ô này cũng gắn liền với lịch sử những năm đầu chiếm đóng của chúng ta, vì chính nhờ cửa ô này, chúng ta đã tiến vào Hà Nội qua một bến thuyền[3]. Và cũng chính cửa ô này là lối vào con phố đầu tiên ở Hà Nội có thương nhân người Pháp định cư. Cuối cùng, cho dù chưa được khẳng định về giá trị thẩm mỹ thì công trình này vẫn có tầm quan trọng đặc biệt, đồng thời nó còn là một loại hình kiến trúc hiếm có và độc đáo còn lại ngày nay. Tất cả những lý do có thể viện dẫn – về mặt khảo cổ, lịch sử và mỹ thuật – đều đang ủng hộ cho việc bảo tồn toàn vẹn công trình này”.

Tuy nhiên, phiên họp của HĐTP vẫn kết thúc với 8 phiếu thuận và 5 phiếu chống, trong đó có 4/5 thành viên người bản xứ có mặt bỏ phiếu chống.

Quyết không nhượng bộ, sau phiên họp chỉ một tuần lễ, vào ngày 11-4, ông Godard đã gửi công văn lên Thống sứ Bắc Kỳ, đề nghị không phê duyệt dự án phá bỏ Ô Quan Chưởng. Nhấn mạnh vào vị trí của cửa ô trong lòng những người yêu Hà Nội, ông viết: “Ngài hẳn đã rõ nỗi dằn vặt của tất cả những ai quan tâm đến mỹ thuật và lịch sử đất nước, nỗi dằn vặt gây nên bởi quyết định không được mong đợi này, mà hậu quả của nó sẽ làm biến mất một trong những di tích cuối cùng, cũng là một trong những di tích đáng chú ý nhấtcủa Hà Nội cổ. Cảm xúc này trong lòng người bản xứ cũng nhức nhối không kém gì trong lòng người Pháp, và cả 4 thành viên người bản xứ của HĐTP- vốn thường có xu hướng nhượng bộ – đã nhất trí phản đối dự án này”.  

Thế nhưng, phái quyết tâm phá bỏ Ô Quan Chưởng mà đứng đầu là Hiệp lý thành phố đã không chịu dừng lại. Họ đã tập hợp chữ ký của 45 trưởng phố tại các khu phố lân cận và đệ trình lên Đốc lý xin san bằng công trình này, vẫn với lý do để thuận tiện cho giao thông.    

Trước tình hình đó, HĐTP đã trưng cầu ý kiến của các cơ quan có liên quan. Được hỏi ý kiến về vấn đề này, Ủy ban Vệ sinh thành phố cho rằng, “khối gạch vữa này chỉ có giá trị quân sự ở thời kỳ chinh phục, ngày nay, nó đã trở thành một trở ngại đối với việc lưu thông không khí và là nguy cơ thường trực về tai nạn nghiêm trọng.

Mặt khác, các cổng vòm ở cửa ô này là nơi ghé lại thường xuyên của bọn lưu manh. Việc giám sát cho phép khẳng định rằng công trình này, cũng như rất nhiều chùa chiền bản xứ bị bỏ hoang, được dùng làm hang ổ cho những hành vi chẳng dính dáng gì đến phong tục”.

Phòng Thương mại Hà Nội trong biên bản họp ngày 8-5-1905 cũng thể hiện sự ủng hộ đối với lựa chọn phá dỡ Ô Quan Chưởng vì “giá trị thẩm mỹ và ký ức lịch sử của nó còn gây nhiều tranh cãi và không thể vượt qua những lợi ích chung của khu phố vốn là một trong những trung tâm thương mại và kỹ nghệ bậc nhất ở Hà Nội”.

Không muốn chính quyền Pháp tại Hà Nội phải tiếp tục “mang tiếng xấu là tùy tiện phá hoại văn vật”, gây nên những “ảnh hưởng đầy bi kịch đối với một bộ phận dân chúng An-nam sáng suốt”, EFEO mà đại diện là ông Godard đã không từ bỏ mục đích đấu tranh của mình là bảo vệ các di tích lịch sử của Hà Nội. Nhờ có sự nỗ lực của EFEO, Ô Quan Chưởng không những không bị phá mà còn được đưa vào danh mục di tích lịch sử được Toàn quyền Đông Dương phê duyệt tại Nghị định ngày 24-11-1906.

22112018_002

Ô Quang Chưởng, nguồn: sưu tầm

Tuy nhiên, những năm sau đó, các di tích lịch sử ở Hà Nội vẫn tiếp tục có nguy cơ bị xâm hại. Tình hình này tồn tại mãi cho đến khi Sắc lệnh ngày 3-4-1920 của Tổng thống nước Cộng hoà Pháp được ban hành tại Đông Dương.

Với Sắc lệnh ngày 3-4-1920[4], EFEO đã trở thành một công sở có tư cách pháp nhân dân sự, có mục tiêu “Đảm bảo việc bảo tồn và duy tu các công trình lịch sử của Đông Dương thuộc Pháp” (điều 2). Nhiệm vụ của Giám đốc cũng được quy định: “Đề xuất lên Toàn quyền việc xếp hạng và giáng hạng các công trình lịch sử cũng như biện pháp bảo tồn cần thiết; hướng dẫn và giám sát việc thực thi các công trình giải toả, sửa chữa, khai quật… và quyết định về việc chuyển giao các đồ vật cho bảo tàng” (điều 7).

Nhờ có sự tư vấn, can thiệp tích cực của EFEO, các công trình văn hóa và các di tích lịch sử ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng đã được xếp hạng, kiểm kê và bảo vệ tốt hơn, tránh được nhiều nguy cơ bị xâm hại. Dưới đây là hai thí dụ điển hình: 

– Trong những năm 1927-1930, cuộc đấu tranh chống lại dự án “Cải tạo và xây cao con đường ngăn cách giữa hai hồ (hồ Trúc Bạch và hồ Tây) thành một con đê” nhằm bảo vệ thành phố Hà Nội trong mùa nước sông Hồng lên cao của Sở Đô thị Hà Nội, được HĐTP thông qua vào tháng 9-1927 và được đưa vào danh mục các công trình lớn về đê điều của thành phố do Tổng Thanh tra Công chính Đông Dương soạn thảo cho mùa xây dựng 1927-1929 đã trở thành một sự kiện nổi bật, gây nhiều tiếng vang nhất ở Hà Nội thời điểm đó[5].

Trong cuộc chiến này, Giám đốc EFEO lúc đó là L. Finot đã cùng Nores, Chủ tịch Hội Địa lý Hà Nội và một số ủy viên của HĐTP đã sát cánh bên nhau vì một mục đích chung: không để dự án xây con đê ngăn cách hai hồ trở thành hiện thực.

Trong thư kháng nghị đề ngày 15-1-1930 dài 9 trang với 17 chữ ký (trong đó có chữ ký của một người Việt Nam tên là Lê Nguyễn) của một nhóm Ủy viên HĐTP do ông Feyssal thay mặt trình lên Toàn quyền Đông Dương có đoạn viết: “Con đường Yên Phụ tạo ra trong thành phố Hà Nội xinh đẹp một phong cảnh đô thị tuyệt vời nhất. Dải ru-băng này chạy dài, có cây cối bao bọc xung quanh, giữa hai tấm gương lớn của hai hồ nước, ánh sáng phản chiếu lung linh, nhất là vào lúc hoàng hôn, gió thổi mát rượi ngay cả lúc trời nóng nực; hai chùa Grand Bouddha (tức đền Quán Thánh)  và chùa Trấn Bắc (tức chùa Trấn Quốc)ở hai đầu đường đã làm xúc động không chỉ các nghệ sĩ và các nhà khảo cổ, mà ngay cả những người hâm mộ cái đẹp và các di tích lịch sử

Thế mà, dự án công trình lại gồm: chỉnh lại con đường thành mặt đường thẳng; nâng độ cao chiều đường lên độ 2m50, không những phá tỷ lệ của không gian hiện tại và làm thay đổi phong cảnh một cách tai hại mà còn làm biến mất chùa Grand Boudha sau một mô đất gọi là “mô đất phòng thủ” (masque de protection), đưa tới một nghịch cảnh là một đống đất kếch xù đắp thẳng và rất cao trên mặt nước. Chỉ cần thông báo một chương trình như thế là sẽ làm xúc động tất cả các Ủy viên HĐTP và toàn thể dân chúng ở Hà Nội”.

Cũng trong lá thư kháng nghị này, các tác giả đã cho rằng chính HĐTP phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai lầm của mình, trong đó có việc phá Thành cổ: “Tất cả các Uỷ viên của HĐTP đều không thể quên được rằng phong cảnh nên thơ của một thành phố chính là một nguồn của cải quý báu, rằng ngay trong chương trình của HĐ cũng có ghi một điều là phải bảo vệ những cảnh đẹp của Hà Nội, chống lại những sự phá hoại luôn luôn xảy ra và không ngừng tái diễn… HĐTP Hà Nội không được phạm vào những sai lầm và những phá hoại vô ích vì những công trình đó là do sức đóng góp của nhiều nhân vật ở Pháp và ở cả Đông Dương. Chúng tôi vô cùng tiếc và không thể nào quên được sự phá Thành cổ với những cánh cửa đẹp tuyệt vời của nó…”.

Cuối cùng, dự án xây con đê ngăn cách hai hồ đã bị xóa bỏ nhưng bốn năm sau, vào tháng 5-1934, một dự án khác về con đê Lyautey đi ngang qua chùa Trấn Quốc lại ra đời. Một lần nữa, đường Hồ Tây với các di tích lịch sử ở đây lại có nguy cơ bị xâm hại. Và một lần nữa, EFEO mà lúc này giám đốc là giáo sư Paul Mus và các thành viên của HĐTP lại vào cuộc. Cuộc đấu tranh của họ đã mang lại kết quả là giữ lại được toàn vẹn đền Quán Thánh và chùa Trấn Quốc, hai di tích văn hóa tín ngưỡng danh tiếng ở thủ đô Hà Nội của chúng ta.

22112018_003

Đền Quán Thánh, nguồn: sưu tầm

– Năm 1937, khi đoạn cuối con đường nối đại lộ Francis Garnier với quảng trường Cocotier (sau đổi tên là quảng trường Négrier, nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) được xây dựng, chùa Bà Kiệu có nguy cơ bị chuyển đi nơi khác để lấy đất làm đường thì ngày 7-9-1937, Giám đốc EFEO đã gửi công văn số 3197 lên Thống sứ Bắc Kỳ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử đối với đền Bà Kiệu vì công trình này có giá trị về mặt kiến trúc mà mặt chính của nó được xây theo kiểu Tàu. Nhưng Đốc lý Hà Nội đã không ủng hộ đề nghị xếp hạng di tích đền Bà Kiệu của Giám đốc EFEO. Giải pháp được Thống sứ Bắc Kỳ đưa ra là, nếu EFEO góp một phần kinh phí vào việc chuyển đền để mở rộng đường thì Thành phố sẽ đồng ý xếp hạng di tích lịch sử cho đền Bà Kiệu[6]. Không có đủ tài liệu để chứng minh giải pháp đó có được thực hiện hay không song sự tồn tại của chùa Bà Kiệu ngày nay cho thấy sự can thiệp của EFEO trong việc giữ gìn một di sản của Hà Nội ở quanh Hồ Gươm đã thành công.

22112018_004

Đền Bà Kiệu, nguồn: sưu tầm

Các thí dụ trên đây chỉ là những nét chấm phá về cuộc đấu tranh bảo vệ các di tích lịch sử ở Hà Nội của những tổ chức khoa học của Pháp ở Đông Dương dưới thời Pháp thuộc. Nhằm mục đích “Ôn cố tri tân”, bài viết hy vọng các di tích lịch sử ở Hà Nội ngày nay sẽ được các cấp chính quyền quan tâm, bảo vệ hơn nữa, cho dù chúng ta còn nhiều khó khăn trên con đường hội nhập.

TS. Đào Thị Diến

————————————————————-

[1]Paul Doumer: “L’Indochine française (souvenir)”, 1905, p. 123 (dẫn theo André Masson: “ Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888)”, Paris, 1929, tr. 85.

[2]TTLTQG I, RST, hs: 79.298 và 38.438 (dẫn theo Bùi Thị Hệ: “Tranh cãi về vấn đề phá bỏ hay bảo tồn Ô Quan Chưởng thời Pháp thuộc”, đăng trên trang web của TTLTQG I ngày 29/03/2016.

[3]Ý nói vụ tấn công Hà Nội của Francis Garnier.

[4]JOIF, 1920, 2e semestre, N0 97, p. 2255 – 2257 (dẫn theo “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ” 1873-1954 (Đào Thị Diến cb), tập 2, Nxb HN, 2010, tr. 366.

[5]TTLTQG I, RST, hs: 78.693 (dẫn theo Đào Thị Diến: “Đường hay đê? Về một cuộc đấu tranh bảo vệ cảnh quan Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch cách đay hơn 7 thập kỷ” đăng trong Tạp chí Xưa và Nay số 113 (161), tháng 4-2002).

[6]TTLTQG I, RST, hs: 73514/02.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, ngày 22.11.2018.

Lê Quý Đôn (Nguồn ảnh: Internet)

Lê Quý Đôn (黎貴惇) tự là Doãn Hậu (允厚), hiệu là Quế Đường (桂堂), sinh năm Bính Ngọ (1726) ở xã Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) là con của Lê Trọng Thứ, đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn, niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724), làm quan đến Thượng thư Bộ Hình, được tặng hàm Thái bảo, tước Hà Quận công(1). Thân mẫu của Lê Quý Đôn họ Trương.

Từ thuở nhỏ, Lê Quý Đôn nổi tiếng là thần đồng (神童). Các sách xưa viết về tiểu sử Lê Quý Đôn, có chép nhiều truyền thuyết về khả năng "bác văn cường ký" (博聞彊記) củ tiên sinh: hai tuổi đã đọc được chữ 有hữu và chữ 無; năm tuổi đã đọc được nhiều bài trong Kinh Thi (詩經); năm mười tuổi, học sử mỗi ngày thuộc được 80, 90 chương, học Kinh Dịch (昜經), thì mỗi ngày đọc được phần Cương hình và Đồ thuyết; năm 14 tuổi, đã học hết Ngũ kinh (五經)(2), Tứ thư (四書)(3), Sử (史)(4), Truyện (傳)(5) và đọc đến cả Chư tử (諸子)(6). Trong một ngày, Lê Quý Đôn có thể làm 10 bài phú, không phải nghĩ, không phải viết nháp.

Năm 1739, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở Kinh đô Thăng Long và đầu năm 1743, tức năm 18 tuổi, ông đỗ đầu khoa thi Hương (tức Giải nguyên - 解元). Khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752), Lê Quý Đôn đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, Đệ nhị danh (Bảng nhãn - 榜眼). Khoa ấy, không lấy đỗ Trạng nguyên, nên ông là người đỗ đầu. Như vậy, từ thi Hương, thi Hội, đến thi Đình, Lê Quý Đôn đều đỗ đầu (Tam nguyên - 三元).

Năm 1754, Lê Quý Đôn được cử giữ chức Hàn lâm viện Thị thư, sung Toản tu Quốc sử quán. Năm 1756, ông phụng mệnh đi liêm phóng ở Sơn Nam. Tháng 5 năm 1756, Lê Quý Đôn được biệt phái sang phủ chúa Trịnh, coi phiên Binh, đến tháng 8 lại được sai đi hiệp đồng với các đạo Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hóa, v.v... Năm 1757, ông được thăng lên chức Hàn lâm viện Thị giảng.

Năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760), Thái Thượng hoàng (Lê Ý Tông) mất, triều đình sai một sứ bộ do Trần Huy Mật và Lê Quý Đôn dẫn đầu sang nhà Thanh báo tang và dâng lễ cống.

Năm 1762, khi đi sứ về, Lê Quý Đôn được thăng thưởng quan hàm Hàn lâm viện Thừa chỉ. Bấy giờ văn thư và sách vở của triều đình bị thất lạc rất nhiều, cho nên có nghị định lập ra Bí thư các (秘書閣) để thu thập và tàng trữ. Lê Quý Đôn được chọn giữ chức Học sĩ của Bí thư các, đồng thời với Lễ Trạch hầu là Tiến sĩ Nguyễn Bá Lân. Năm 1764, Lê Quý Đôn dâng sớ xin thiết định pháp chế.

Trong gần hai năm (1761-1762), du lãm và quan sát ở Trung Quốc, Lê Quý Đôn đã thấy nhiều, nghĩ nhiều và đã sắp xếp tư tưởng của mình thành hệ thống. Về mặt tư tưởng chính trị, ông muốn tổng hợp cái thuyết Đức trị (德治) của Nho gia(7) và cái thuyết Pháp trị (法治) của Pháp gia(8), mà nặng về Pháp gia để bổ cứu cho cái tệ lạm dụng quyền hành, chà đạp lên pháp luật của bọn thống trị phong kiến đương thời. Lê Quý Đôn muốn dựa vào chúa Trịnh mà thực hiện cái hoài bão của mình, để làm nên sự nghiệp một nhà chính trị như Tể tướng Vương An Thạch (1021-1086) dưới thời Tống Thần Tông (1067-1086) của Trung Quốc. Muốn thực hiện được hoài bão về chính trị nói trên, trước hết phải có quyền bính trong tay, cụ thể là phải được cử giữ chức Tham tụng (參從- tức Tể tướng). Chúa Trịnh Sâm (1767-1782) cũng như cha mình là Trịnh Doanh (1740-1767) đều hiểu rõ tài đức của Lê Quý Đôn, nhưng cả hai đều không bao giờ chịu trao cho ông một chức vị đủ quan trọng để ông có điều kiện thi thố tài năng, hoàn thành hoài bão. Chức cao nhất trong cuộc đời làm quan của Lê Quý Đôn là chức Bồi tụng (陪從 - tức Phó Tể tướng). Vì vậy suốt đời mình, không bao giờ Lê Quý Đôn thực hiện được các đề nghị cải cách chính trị của ông. Cho nên, có thể nói về mặt chính trị, Lê Quý Đôn là người bất đắc chí, cho dù ông đã từng nắm quyền cao chức trọng ở triều đình Lê - Trịnh.

Nhưng Lê Quý Đôn còn có một hoài bão khác, mà hoài bão này có thể nói đã đưa ông trở nên một tên tuổi lớn, một nhà bác học hàng đầu trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam, đó là hoài bão "trước thư lập ngôn" (著書立言). Trong đời mình, Lê Quý Đôn không những là người rất chăm học, học rất giỏi, mà còn có phương pháp học tập và nghiên cứu hết sức khoa học. Tiến sĩ Trần Danh Lâm khi viết lời Tựa cho bộ Vân đài loại ngữ (蕓臺類語), vào năm 1777, đã nhận xét rất xác đáng về Lê Quý Đôn: "Lê Quế Đường, người huyện Diên Hà, không sách gì không đọc, không vật gì không suy xét đến cùng, ngày thường ngẫm nghĩ được điều gì đều viết ngay thành sách, sách chất đầy bàn, đầy tủ, kể ra không xiết"(9). Chính Lê Quý Đôn cũng cho chúng ta biết cách làm việc của ông: "Tôi, vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo lời dạy lúc qua sân(10), lại được giao du nhiều với bậc hiền sĩ đại phu... đi đến đâu cũng để ý tìm tòi, phàm việc gì mắt thấy tai nghe, đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình sơ qua, giao tiểu đồng đựng vào túi sách, lâu ngày tích tập, sau mới chép thành từng thiên..."(11).

Ngày 14 tháng 4 năm Giáp Thìn (1784), Lê Quý Đôn qua đời. Trong bài Quế Đường Tiên sinh thành phục lễ môn sinh tế văn (桂堂先生成服禮門生祭文- Bài văn của học trò tế Quế Đường tiên sinh trong lễ thành phục(12)), Tiến sĩ Bùi Huy Bích (1744-1802) cũng nhận định về người thầy của mình như sau:

嗚呼! 聰明冠世博極群書能著述為文章足以行世而傳後我國一二百年乃有一人如夫子.

(Ô hô! Thông minh quán thế bác cực quần thư năng trước thuật vi văn chương túc dĩ hành thế nhi truyền hậu. Ngã quốc nhất nhị bách niên nãi hữu nhất nhân như phu tử.

Nghĩa là: Than ôi! Thông minh nhất đời, đọc rộng hết các sách, soạn ra văn chương đủ lưu hành ở đời và truyền lại về sau. Nước ta một, hai trăm năm nay, mới lại có một người như Thầy)(13).

Từ lâu, các nhà sử học Việt Nam đều thống nhất nhận định: Lê Quý Đôn là nhà bác học có kiến thức uyên bác bậc nhất Việt Nam dưới thời phong kiến. Nhà bác học ấy là tấm gương sáng cho những người đi học xưa nay. Lê Quý Đôn học ở mọi lúc, mọi nơi và kể cả trong lần đi sứ sang nhà Thanh vào cuối năm Canh Thìn (1760) cũng không phải là ngoại lệ. Trước những kiến thức khá mới mẻ đối với giới kẻ sĩ Việt Nam như kiến thức về lịch sử và văn hóa Triều Tiên - Hàn Quốc thì càng khiến Lê Quý Đôn quan tâm đặc biệt để học hỏi. Điều kiện thuận lợi để Lê Quý Đôn bổ sung những mảng trống kiến thức ấy, chính là dịp ông được gặp các nhà trí thức lớn Hàn Quốc Hồng Khải Hy, Triệu Vinh Tiến và Lý Huy Trung tại Bắc Kinh trong chuyến đi sứ kể trên.

I. CUỘC TIẾP XÚC GIỮA SỨ THẦN VIỆT NAM VỚI SỨ THẦN HÀN QUỐC TẠI BẮC KINH NĂM 1760

Như trên đã nói, năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760), nhân Thượng hoàng Lê Ý Tông mất, triều đình Lê - Trịnh sai một đoàn sứ bộ sang nhà Thanh báo tang và dâng lễ cống.

Sách Đại Việt sử ký tục biên chép: "Tháng 11 năm Kỷ Mão, Cảnh Hưng thứ 20 (1759) sai các ông Chánh sứ Trần Huy Mật, Phó sứ Lê Quý Đôn, Trịnh Xuân Chú sang tuế cống nhà Thanh, thêm vào việc báo tang vua [Lê] Ý Tông"(14). Hiện nay, tư liệu lịch sử của Việt Nam chưa cho biết rõ đoàn sứ bộ lên đường vào ngày, tháng, năm nào, nhưng theo như Lê Quý Đôn cho biết: Vào mùa Đông năm Canh Thìn (1760) sứ bộ đã có mặt tại Bắc Kinh(15).

Sứ bộ Đại Việt có 1 Chánh sứ và 2 Phó sứ. Dưới đây, chúng tôi xin lược qua tiểu sử của các vị lãnh đạo đoàn sứ bộ ấy.

1. Chánh sứ Trần Huy Mật (陳輝謐(16)) (1710- ? ):

Người xã An Hoạch, huyện Đông Sơn, trấn Thanh Hóa, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736). Trước kia ông vốn có tên là Bá Tân (伯賓), sau mới đổi thành Huy Mật(17). Ông làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lại, được phong tước hầu.

2. Phó sứ Lê Quý Đôn (1726-1784) (đã có tiểu sử ở phần trên).

3. Phó sứ Trịnh Xuân Thụ (鄭春澍(18)) (1704 - ?)

Người xã Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748). Ông làm quan đến chức Đông các Học sĩ, được phong tước Bá. Theo Văn tịch chí trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của sử gia Phan Huy Chú ở thế kỷ XIX thì Trịnh Xuân Thụ có tập Sứ hoa học bộ thi tập (使華學部詩集): 1 quyển(19).

Trong ba vị lãnh đạo sứ bộ Đại Việt, về mặt tuổi tác, thì Phó sứ Trịnh Xuân Thụ nhiều tuổi nhất, vào năm 1760, ông đã 56 tuổi, Chánh sứ Trần Huy Mật: 50 tuổi, trẻ tuổi nhất là Phó sứ Lê Quý Đôn: 34 tuổi. Lê Quý Đôn được cử làm Phó sứ ở vào tuổi trên 30 là khá hiếm trong lịch sử bang giao giữa Đại Việt và Trung Quốc. Bởi lẽ, dưới thời phong kiến, trọng trách ấy thường được giao cho những người có tuổi đời trên 50, tuổi "tri thiên mệnh" như người ta từng nói, và bắt buộc phải có học vị Tiến sĩ. Sử gia Phan Huy Chú cho biết: "Chức sứ thần là người có trách nhiệm ngoại giao, tất phải kén người đỗ Tiến sĩ, quan Tiến triều(20) không được dự"(21).

Tuy chưa thuộc diện nhiều tuổi, nhưng tiếng tăm của Lê Quý Đôn đã được các học giả Trung Hoa biết tới. Vì vậy, khi nghe tiếng trong Đoàn sứ bộ Đại Việt có Lê Quý Đôn, các Nho thần nhà Thanh như: Thượng thư Bộ Binh Lương Thi Chính, Thượng thư Bộ Công Quy Hữu Quang và nhiều Nho thần khác đã đến sứ quán Đại Việt thăm và đàm đạo với Lê Quý Đôn.

Cũng trong thời gian này, Lê Quý Đôn đã gặp Đoàn sứ thần Hàn Quốc là Hồng Khải Hy, Triệu Vinh Tiến và Lý Huy Trung. Trong sách Quế Đường thi tập(22) (桂堂詩集), Lê Quý Đn cho biế:

庚辰年前臘月, 本使禮鴻臚寺, 遇朝鮮國正使, 文科狀元鴻啟禧, 副使文科狀元趙榮進, 春坊學士李徽中, 設席寺門. 各通姓名, 坐談片刻後伊送手箋紙扇凡藥方物因賦詩贈之

(Phiên âm: Canh Thìn niên, tiền Lạp nguyệt, bản sứ lễ Hồng Lô tự ngộ Triều Tiên quốc Chánh sứ, văn khoa Trạng nguyên Hồng Khải Hy, Phó sứ văn khoa Trạng nguyên Triệu Vinh Tiến, Xuân phường Học sỹ Lý Huy Trung, thiết tịch tự môn. Các thông tính danh, tọa đàm phiến khắc hậu y tống thủ tiên chỉ, phiến, phàm dược phương vật, nhân phú thi, tặng chi - Dịch nghĩa: Tháng Chạp năm Canh Thìn (1760), khi làm lễ ở Hồng Lô tự, chúng tôi được gặp sứ thần nước Triều Tiên là: Chánh sứ Trạng nguyên Hồng Khải Hy, Phó sứ Trạng nguyên Triệu Vinh Tiến, Xuân phường Học sỹ Lý Huy Trung, giải chiếu mời nhau cùng ngồi. Sau khi hỏi rõ tên tuổi từng người, cùng ngồi đàm đạo một thời gian ngắn, rồi bèn trao cho nhau giấy hoa tiên, quạt, cùng thuốc men phẩm vật địa phương. Nhân đấy làm thơ tặng cho nhau).

Như vậy đoàn sứ bộ Triều Tiên gồm có Chánh sứ Hồng Khải Hy, Phó sứ Triệu Vinh Tiến và Học sĩ Lý Huy Trung. Dưới đây là tiểu sử sơ lược của các vị sứ thần Triều Tiên:

1. Chánh sứ Hồng Khải Hy (鴻啟禧) [1703-1771]

Đỗ Trạng nguyên, giữ chức Sùng lộc đại phu, hành Lại tào phán thủ, kiêm Kinh diên sự, Hoằng văn quán Đề học, Thế tử hữu tân khách.

Theo tác giả Shimizu Taro trong bài Cuộc gặp gỡ của sứ thần Việt Nam và Triều Tiên ở Trung Quốc trọng tâm là chuyện xảy ra trong thế kỷ XVIII(23) cho biết Hồng Khải Hy đỗ Trạng nguyên năm 1737. Shimizu Taro còn cho biết thêm về hành trạng của ông như sau: "Trong Triều Tiên vương triều thực lục có nhiều chỗ ghi chép về nhân vật này; phần cuối có nói chức danh của ông khi mất là Phụng triều hạ... Hồng Khải Hy là người liên quan mật thiết với Luật quân dịch, thi hành năm 1750 mà mục tiêu là cải cách quân chế và tài chính. Ông tham gia biên tập cuốn Quân dịch sự thực phát hành năm 1752, và cuốn Tam vận thanh vựng, phát hành năm 1751"(24). Theo nhà nghiên cứu Đông phương học người Nga là N.Niculin, thì vào năm 1770, tức sau 10 năm đi sứ Trung Quốc về, Hồng Khải Hy đã góp phần hoàn thành bộ Từ điển Bách khoa Triều Tiên, dưới sự chỉ đạo của nhà bác học nổi tiếng Hông Hon Han; mà trong ấy có "toàn bộ kiến thức về cường quốc phương Đông", gồm 100 cuốn"(25).

2. Phó sứ Triệu Vinh Tiến (趙榮進) [ ? - 1775]

Trong bài nghiên cứu của mình nói trên, Shimizu Taro dựa vào sách Quốc triều bảng mục (quyển 17) cho biết Triệu Vinh Tiến: "Năm Bính Tý 32 (1756) vào bảng Đình thí. Ba mươi người đỗ Bính khoa, có Triệu Vinh Tiến, Như Tiếp, Phán Thư là người Dương Châu...". Trong Quế Đường thi tập (桂堂詩集), Lê Quý Đôn cũng cho biết: Phó sứ Triệu Vinh Tiến đỗ Trạng nguyên văn khoa(26). Shimizu Taro còn ghi: "Nhân vật này cũng làm quan đến chức Đại tư hiến(27). Tên ông còn xuất hiện trong sách Triều Tiên vương triều thực lục (朝鮮王朝實錄)(28).

3. L ý Huy Trung (李徽中) [ ? - ? ]

Dựa vào sách Quốc triều bảng mục (國朝榜目), Shimizu Taro cho biết Lý Huy Trung đỗ Tiến sĩ vào năm Canh Ngọ thứ26 (1750). Cùng đỗ Ất khoa với Lý Huy Trung, còn có Thông Đức, Nhữ Thận, Tham Phan, Triệu Phó, đều là người Toàn Châu. Trong sách Quế Đường thi tập, Lê Quý Đôn lại chỉ ghi Lý Huy Trung là "Học sĩ", có lẽ vì ông đang giữ chức Học sĩ, Hành đại chi chế giáo. Theo sách Triều Tiên vương triều thực lục thì Lý Huy Trung làm quan tới chức Đại tư hiến.

Trong kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm, để nghiên cứu về cuộc gặp gỡ giữa Lê Quý Đôn và đoàn sứ bộ Triều Tiên tại Bắc Kinh năm 1760, chúng ta có thể đọc ở một vài bộ sách chữ Hán. Ghi chép khá cụ thể là 5 bộ sách dưới đây đều của Lê Quý Đôn là: 1. Quế Đường thi tập (桂堂詩集) ký hiệu A.576; 2. Kiến văn tiểu lục (見聞小錄) ký hiệ VHv.1322/1(29); 3. Bắ sứthông lụ (北使通錄) ký hiệ A.197; 4. Thánh mô hiề phạ lụ (聖模賢範錄) ký hiệ A.846, VHv.257; 5. Quầ thư khảo biện (群書考辯)(30) ký hiệu A.252, A.1872, VHv.90.

Trong 5 bộ sách vừa kể trên thì Quế Đường thi tập (桂堂詩集) ghi chép cụ thể và đầy đủ hơn 4 bộ còn lại. Từ tờ 12b đến tờ 16a sách này, ghi lại cuộc tiếp xúc giữa Lê Quý Đôn với sứ thần Triều Tiên(31). Đáng quý là trong Quế Đường thi tập, còn ghi lại 7 bài thơ (trước mỗi bài thơ đều có lời Tiểu dẫn của tác giả): 3 bài xướng của Lê Quý Đôn, 2 bài họa của Hồng Khải Hy và 2 bài họa của Lý Huy Trung(32). Đọc kỹ 7 bài thơ xướng họa của Lê Quý Đôn với Hồng Khải Hy, Lý Huy Trung và các bài Tiểu dẫn kèm theo mỗi bài thơ, chúng ta thấy các vị sứ thần Việt Nam và Triều Tiên đã hiểu khá rõ lịch sử, văn hóa của nước bạn mà mình đối thoại. Như trên đã nói, là người luôn luôn học hỏi để tăng thêm vốn kiến thức cho mình, Lê Quý Đôn đã học được khá nhiều kiến thức về Triều Tiên thông qua lần đi sứ này.

II. LÊ QUÝ ĐÔN VỚI KIẾN THỨC LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA TRIỀU TIÊN - HÀN QUỐC

Vào nửa cuối thế kỷ XVIII, những nhà nho Đại Việt nếu muốn nghiên cứu lịch sử Triều Tiên - Hàn Quốc(33), có thể đọc bộ Nhị thập tứ sử (二十四史)(34) đã được ấn hành từ đầu đời Càn Long nhà Thanh. Có thể khẳng định rằng trước khi được cử làm Phó sứ trong Đoàn sứ bộ sang nhà Thanh vào năm 1760, Lê Quý Đôn đã từng đọc qua Nhị thập tứ sử. Trong tác phẩm Vân đài loại ngữ (蕓臺類語)(35) của mình, Lê Quý Đôn có nhắc tới việc ông tham khảo các thiên Địa lý chí (地理志), Tứ duệ liệt truyện (四裔列傳) trong Nhị thập nhất sử. Ngày nay, đọc Nhị thập tứ sử, chúng ta thấy các bộ sử dưới đây: Sử ký, Hán thư, Hậu Hán thư, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tống sử, Nguyên sử, Minh sử... đều ghi chép về nước Triều Tiên - Hàn Quốc (còn có các tên khác là: Cao Ly, Cao Cú Ly, Bách Tế, Tân La).

Qua bộ sách Kiến văn tiểu lục (見聞小錄), ta biết Lê Quý Đôn đã đọc khá kỹ phần lịch sử Triều Tiên trong pho chính sử Nhị thập tứ sử nói trên. Lê Quý Đôn viết: "Nước Cao Ly, về thời đại nhà Đường, gọi là An Đông đô hộ phủ, đến đời Thạch Tấn, Vương Kiến mới khôi phục được và dựng thành nước, kiêm tính cả Tân La và Bách Tế trải qua các triều đại Tống và Nguyên, đến đời Minh Thái Tổ, triều đại do Vương Kiến dựng lên mới mất. Họ Lý (tức Lý Thành Quế (李成桂) - NMT) lên thay, quốc hiệu vẫn theo như cũ, gọi là Triều Tiên, trải qua từ đời nhà Đại Minh đến triều đại hiện nay. Thế là trong khoảng 900 năm, trong nước mới có 2 lần thay đổi triều đại. Về điểm này, Trung Quốc cũng đáng lấy làm hổ thẹn"(36).

Chúng ta thấy đoạn sử trên đây viết về thời kỳ vương triều Cao Ly (936-1392) do Vương Kiến sáng lập, được Lê Quý Đôn tham khảo trong Minh sử (明史), Quyển 320 - Triều Tiên truyện. Tôi chỉ xin dẫn một vài dòng để chúng ta cùng hiểu sơ qua nguồn tư liệu mà Lê Quý Đôn trích lục:

"朝鮮箕子所封國也漢以前曰朝鮮始為燕人衛滿所据漢武帝平之... 漢末有扶余人高氏据其地改國號曰高麗居平壤即樂浪也已為唐所破東徙后唐時王建代高氏兼并新羅百濟地徙居松岳曰東京而以平壤為西京 - Triều Tiên, Cơ tử sở phong quốc dã, Hán dĩ tiền viết: Triều Tiên. Thủy vi Yên nhân, Vệ Mãn sở cứ, Hán Vũ đế bình chi... Hán mạt hữu Phù Dư nhân, Cao thị cứ kỳ địa, cải quốc hiệu, viết: Cao Ly, cư Bình Nhưỡng, tức Lạc Lãng dã. Dĩ vi Đường sở phá, đông tỷ. Hậu Đường thời, Vương Kiến đại Cao thị, kiêm tính Tân La, Bách Tế địa, tỷ cư Tùng Nhạc, viết Đông Kinh, nhi dĩ Bình Nhưỡng vi Tây Kinh..." (Triều Tiên, là nước Cơ tử được phong (thời Chu Võ vương - NMT). Từ thời Hán (206 TCN - 220 CN) trở về trước, tên nước gọi là Triều Tiên. Mới đầu bị Vệ Mãn, người nước Yên chiếm cứ, sau bị Hán Vũ đế chinh phục... Vào cuối đời Hán, họ Cao người nước Phù Dư lại chiếm giữ đất nước ấy, đổi tên nước là Cao Ly, đóng đô ở Bình Nhưỡng, thuộc đất Lạc Lãng. Nhưng cuối cùng bị nhà Đường tàn phá, phải dời chuyển về phía Đông. Vào thời cuối Đường (năm 918 - NMT), Vương Kiến thay họ Cao, thôn tính cả đất Tân La, Bách Tế, lại dời đô về Tùng Nhạc, gọi là Đông Kinh, mà coi Bình Nhưỡng là Tây Kinh...).

Đọc lại phần Triều Tiên truyện trong Minh sử, chúng ta thấy nước Triều Tiên từ trước thế kỷ X là thuộc địa của phong kiến Trung Quốc. Vào thời Cao Tông (650-684) nhà Đường đặt An Đông đô hộ phủ (安東都府), cũng như họ đã đặt An Nam đô hộ phủ (安南都府) ở Việt Nam năm 679. Từ năm 918, Vương Kiến giành được độc lập, dựng lên vương triều Cao Ly (936-1392), đặt niên hiệu là Thiên Thu (千秋), đóng Kinh đô ở Tùng Nhạc, tức Khai Thành ngày nay. Còn người "họ Lý" mà Lê Quý Đôn nhắc đến trong sách Kiến văn tiểu lục, tức Lý Thành Quế, vị vua sáng lập vương triều Lý (1392-1910) của Triều Tiên. Năm 1392, Lý Thành Quế truất Cung Nhượng vương (恭讓王), vua cuối cùng của dòng dõi Vương Kiến, tự lên làm vua, rồi dời đô đến Hán Thành (漢城), đổi quốc hiệu là Triều Tiên, theo như quốc hiệu cũ đã có từ đời cổ. Như vậy, từ đầu thế kỷ X, Vương Kiến thành lập vương triều Cao Ly, đến thời điểm Lê Quý Đôn viết xong bộ Kiến văn tiểu lục năm 1777, tính tròn là "khoảng 900 năm", nước Triều Tiên "mới có 2 lần thay đổi triều đại", từ triều đại họ Vương (Vương Kiến), sang triều đại họ Lý (Lý Thành Quế). Trong khi đó, từ đầu thế kỷ X đến cuối thế kỷ XVIII, Trung Quốc đã thay đổi tới 8 triều đại: Hậu Tấn (后晉), Hậu Hán (后漢), Hậu Chu (后周), Bắc Tống (北宋), Nam Tống (南宋), Nguyên (元), Minh (明), Thanh (清).

Qua cuộc xướng họa thơ giữa hai Đoàn sứ bộ Đại Việt - Việt Nam và Triều Tiên - Hàn Quốc, chúng ta thấy rõ mối tình hữu nghị, thắm thiết của hai dân tộc tuy cách biệt nhau về mặt địa lý, nhưng cùng có chung một nền văn hóa, mà Lê Quý Đôn từng bộc lộ:

異邦合志亦同方

學術本從先素王

"Dị bang hợp chí diệc đồng phương

Học thuật bản tòng Tiên Tố vương".

(Tuy nước khác nhau nhưng cùng một chí, cũng cùng một hướng

Về đường học thuật, hai nước cùng theo Tiên Tố vương).

"Tiên Tố vương" (先素王) là từ tôn xưng Khổng Tử. Theo sách Khổng Tử gia ngữ (孔子家語) thì viên Thái sử nước Tề là Tử Dư sau khi được tiếp kiến Khổng Tử (551-479 TCN), lúc ra ngoài, than rằng: "Thiên tương dục Tố vương chi hồ?" (天將欲素王之乎), nghĩa là: "Trời ý chừng muốn có bậc vua không ngôi chăng?" Từ đời Hán, Ngụy trở đi, mọi người đều gọi Khổng Tử là "Tố Vương", hàm nghĩa, tuy không có ngôi vị mà thế lực giống như vua. Sử gia Tư Mã Thiên có cùng một ý trên, khi ông bình luận về Khổng Tử trong bộ Sử ký như sau: "Trong thiên hạ các vua chúa và người tài giỏi rất nhiều, khi sống thì vinh hiển, nhưng lúc chết là hết. Khổng Tử là một người áo vải, thế mà truyền hơn 10 đời, các học trò đều tôn làm thầy, từ Thiên tử tới Vương hầu ở Trung Quốc hễ nói đến Lục Nghệ(37) đều lấy Khổng Tử làm tiêu chuẩn..."(38)

Trong lời Tiểu dẫn cho bài thơ xướng đầu tiên của mình, Lê Quý Đôn nhận xét rất trân trọng về đất nước Triều Tiên - Hàn Quốc "東方君子國也悅信義服詩書足令人生敬愛..." (Nghĩa là: [Triều Tiên] ở phương Đông, đó là đất nước của các bậc quân tử, cư xử tín nghĩa, thông thạo thi thư, đủ khiến cho người ta nảy sinh lòng kính ái...). Rõ ràng trên đây là những nhận định khách quan và trung thực của Lê Quý Đôn. Bài thơ xướng Doanh hải Đông nam theo thể "Đường luật thất ngôn bát cú", ở hai câu thực (câu 3 - 4), Lê Quý Đôn đưa ra một sự so sánh rất hay và tinh tế giữa hai nước Việt - Hàn.

傘圓概似松山秀

鴨錄應同珥水長

"Tản Viên khái tự Tùng sơn tú

Áp Lục ưng đồng Nhị thủy trường".

(Núi Tản Viên [của nước tôi] đẹp như núi Tùng Nhạc [của nước bạn]

Sông Áp Lục [của nước bạn] cũng dài như sông Nhị Hà [của nước tôi])

Từ xa xưa, tư duy văn hóa Nho giáo lấy "Sông" (giang - 江, thủy - 水) và "Núi" (sơn - 山) để tượng trưng cho đất nước, vì thế có thành ngữ "Giang sơn cẩm tú" (non sông tươi đẹp).

Tản Viên, Nhị Hà là "danh sơn, đại xuyên" của quốc gia Đại Việt, Lê Quý Đôn rất tự hào về vẻ đẹp của chúng, nờn đem ra so sánh với các sơn thanh, thủy tú của Hàn Quốc là Tùng Nhạc - Áp Lục. Tiếp đến là hai câu luận, Lê Quý Đôn viết:

六籍以來多學問

九疇而後更文章

"Lục tịch dĩ lai đa học vấn

Cửu Trù nhi hậu cánh văn chương".

(Từ khi có Lục kinh(39) đến nay, nước các bạn là nước có nhiều học vấn

Ngoài thông tỏ Cửu trù(40) ra, nước các bạn còn là nước có văn chương).

Lê Quý Đôn nhắc đến Cửu trù là nhắc đến các phạm trù lớn lao quan trọng trong công việc trị quốc yên dân, nhưng cũng để nhắc đến Cơ Tử, người được coi là ông tổ của dân tộc Triều Tiên - Hàn Quốc, tương tự như Hùng Vương của Việt Nam. Cơ Tử vốn là một hiền thần của nhà Thương, bề tôi của Trụ vương. Ông bị Trụ vương bỏ tù. Sau được Chu Vũ Vương mời ra giúp nhà Chu nhưng ông từ chối. Chu Vũ Vương rất kính trọng Cơ Tử, đối đãi với ông rất tốt, thường hay gặp gỡ trao đổi để lắng nghe lời góp ý của ông. Các bộ chính sử của Trung Quốc như Tống sử, Nguyên sử, Minh sử... đều khẳng định: Triều Tiên - Hàn Quốc - Cao Ly là đất nước mà Chu Vũ Vương phong cho Cơ Tử (Tống sử: "Cao Ly... Chu vi Cơ Tử chi quốc" (Cao Ly là nước nhà Chu phong cho Cơ Tử...). Nguyên sử: "Cao Ly... bản Cơ Tử sở phong chi địa..." (Cao Ly vốn là đất phong của Cơ Tử...). Minh sử: "Triều Tiên: Cơ tử sở phong quốc dã" (Triều Tiên là nước được phong của Cơ Tử...). Như vậy khi tiếp xúc với các bạn Triều Tiên - Hàn Quốc, Lê Quý Đôn nói về "Cửu trù" của Cơ Tử với hàm ý ca ngợi bậc minh triết tạo lập, khai mở đất nước Triều Tiên - Hàn Quốc từ thời cổ đại. Trong khoảng giao lưu tình cảm bạn bè, còn gì vui hơn, đáng quý hơn, khi người đối thoại hiểu rõ công lao, sự nghiệp tổ tiên xa đời của mình ?

Học sĩ Lý Huy Trung trong bài Tái ngoại nhân lai họa lại thơ Lê Quý Đôn, có câu:

星分箕斗三生隔

地阻蓬瀘萬國長

"Tinh phân Cơ, Đẩu tam sinh cách

Địa trở Bồng, Lô vạn quốc trường".

(Nước các bạn ở tinh phận sao Đẩu, nước tôi ở sao Cơ, lối sống khác nhau(41)

Nước tôi chốn Bồng đảo(42) bạn ở xứ Lô giang(43) cách trở giữa vạn nước).

Rõ ràng Lý Huy Trung viết những dòng trên để sánh với hai câu "Tản Viên - Tùng Sơn... Áp Lục - Nhị Thủy" trong bài xướng của Lê Quý Đôn. Có thể nói, chỉ bằng mấy hình ảnh sông, núi, tinh tú... có tính biểu tượng ấy, cho thấy các bạn sứ thần Hàn Quốc yêu quý và trân trọng đất nước của sứ thần Đại Việt biết chừng nào !

Ở hai câu kết, Lý Huy Trung nhận xét:

越裳消息今聞否

猶似當辰(44)海不揚

"Việt Thường tiêu tức kim văn phủ,

Do tự đương thì hải bất dương".

(Nay như thấy tin tức từ nước Việt Thường(45) đưa tới,

Còn thấy sóng vỗ nhẹ như thuở đương thời nhà Chu).

Trên đây, chúng ta thấy Lê Quý Đôn nói đến Cơ Tử (Cửu trù) (Vị tổ của nước Triều Tiên - Hàn Quốc), dường như để đáp lại tình cảm ấy, Lý Huy Trung đã nhắc tới họ "Việt Thường thị" đời Hùng Vương, quốc tổ của Đại Việt, thành ngữ Hán Việt gọi đó là: 投桃報李 "Đầu đào báo lý" (Ta biểu đào, bạn tặng mận)(46), nói sự tặng đáp nhau tương xứng.

Sau khi nhận được hai bài thơ họa của Hồng Khải Hy và Lý Huy Trung, sứ thần Đại Việt Lê Quý Đôn lại viết bài thơ xướng thứ hai, mời các sứ thần Hàn Quốc họa tiếp. Nếu bài thứ nhất Doanh hải Đông Nam..., Lê Quý Đôn phần lớn đề cập tới những hình ảnh tượng trưng to tát (Tản Viên - Tùng Sơn, Áp Lục - Nhị Thủy), thì ở bài thứ hai Dị bang hợp chí... này, ông nói tới những quà tặng cụ thể:

側釐白硾交投贈

端委洪疇覓表章

"Trắc Ly, Bạch Trụy giao đầu tặng

Đoan ủy, Hồng Trù mịch biểu chương".

(Đem giấy Trắc Ly(47) và giấy Bạch Trụy(48) trao tặng cho nhau

Có phép Đoan ủy(49) và phép Hồng trù(50) tìm thấy ở các biểu chương).

Lê Quý Đôn nói sứ thần Việt - Hàn đem các loại giấy quý ra trao tặng cho nhau, vì lẽ người xưa quan niệm: giấy là một trong bốn vật quý của kẻ sĩ. Bốn vật quý ấy gọi là "Văn phòng tứ bảo" (文房四寶): bút - mực - giấy - nghiên. Vả lại, ông cũng muốn nhắc đến một sản phẩm thủ công của nước Hàn Quốc với ý thức quý chuộng và trân trọng. Nhưng qua câu thơ này, ngày nay chúng ta nhận thấy Lê Quý Đôn đã chủ tâm ghi lại tên một thứ giấy quý của Triều Tiên, mà ở các tác phẩm khác, ông chưa từng nhắc tới. Tôi đã đọc khá kỹ sách Vân đài loại ngữ (nhất là ở phần 9: Phẩm vật) của Lê Quý Đôn, nhưng cũng không thấy ông khảo về loại giấy Bạch Trụy này. Chỉ thấy ở mục 42 phần Phẩm vật, ông có "Bàn về giấy của Thái Luân chế ra" từ đời vua Hán Hòa đế (89 - 105)(51).

Sau bài thơ xướng trên, Lê Quý Đôn lại làm bài xướng Vĩ tài đoan đích mời các bạn sứ thần Hàn Quốc họa. Trong đó Nhà bác học nước Đại Việt đã bộc lộ tình cảm thắm thiết của mình đối với các bạn mới Hàn Quốc

尚友四旬梅信重

相思二月柳條長

"Thượng hữu tứ tuần mai tín trọng,

Tương tư nhị nguyệt liễu điều trường".

(Yêu thương bạn, cả bốn tuần đều coi trọng tin mai,

Nhớ nhau, mới hai tháng thấy dài như tơ liễu).

"Mai tín" tức tin mai, nghĩa đen là gửi tin kèm theo một cành mai. Theo sách Kinh Châu ký, Lục Khải ở Giang Nam bẻ một cành mai gửi về Trường An tặng bạn là Phạm Việp kèm theo một bài thơ; có câu: "Liêu tặng nhất chi xuân" (xin tạm gửi một cành xuân). Từ đó, người xưa lấy chữ "mai tín" (tin mai) để chỉ tin tức, thư từ gửi cho bạn bè. Trong Hoa Tiên truyện, nhà thơ Nguyễn Huy Tự cũng có câu thơ:

"Cầu sương dặm tuyết chiều ai

Dịch mai đành để tin mai những mừng".

Tình cảm thắm thiết nói trên của sứ thần Đại Việt Lê Quý Đôn, được các sứ thần Hàn Quốc Hồng Khải Hy, Lý Huy Trung đáp lại thật chí tình.

Vị Chánh sứ Hồng Khải Hy viết: "奇遇只應通紵縞Kỳ ngộ chỉ ưng thông trữ cảo" (Cuộc kỳ ngộ của chúng ta nên kết lại thành sợi tơ, dây gai). Ý muốn nói để cho thật bền chặt và lâu dài.

Còn vị Học sĩ Lý Huy Trung thì viết: "歸橐盎然皆越字Quy thác áng nhiên giai Việt tự" (Chứa đầy túi đưa về nước, đều là chữ của sứ thần Đại Việt).

*

*     *

Nhà Nho thời xưa thường cho rằng nếu đã giữ vai trò sứ thần, phải làm sao được xứng với sự trao phó nhiệm vụ của quân vương. Điều này được kẻ sĩ ghi vào tâm khảm từ thuở thiếu thời. Bởi lẽ, trong bộ Luận ngữ, Khổng Tử không dưới một lần nói về nhiệm vụ của kẻ sĩ trong vai trò sứ thần, thí dụ như: "子曰誦詩三百授之以政不達使於四方不能專對雖多亦奚以為 ? - Tử viết: Tụng Thi tam bách, thụ chi dĩ chính, bất đạt; sứ ư tứ phương, bất năng chuyên đối, tuy đa diệc hề dĩ vi ? (Khổng Tử nói: Nếu đọc thuộc ba trăm bài Kinh Thi mà trao quyền bính cho, không làm được thông suốt, giao cho đi sứ bốn phương không biết ứng đối, thì dẫu học nhiều để mà làm gì ? Luận ngữ - Tử Lộ)

Hoặc câu: "子貢問曰何如斯可謂之士矣? 子曰行己有恥使於四方不辱君命可謂士矣 ? - Tử Cống vấn viết: 'Hà như tư khả vị chi sĩ hỹ' Tử viết: 'Hành kỷ hữu sỉ, sứ ư tứ phương, bất nhục quân mệnh, khả vị sĩ hỹ' ". (Tử Cống hỏi: "Như thế nào thì có thể gọi là kẻ sĩ?" Khổng Tử nói: "Với bản thân, có lòng hổ thẹn (trước việc trái với lễ), đi sứ bốn phương, không làm nhục mệnh vua, như vậy có thể gọi là kẻ sĩ" - Luận ngữ - Tử Lộ).

Trong lịch sử thời phong kiến phương Đông, Đại Việt và Hàn Quốc là những nước "®ồng văn" (cùng một nền văn hóa Nho giáo), cho nên kẻ sĩ của hai nước đều thấm nhuần lời dạy trên của Khổng Tử. Các triều đại nước Đại Việt, cũng như các triều đại nước Hàn Quốc, khi cử người đi sứ Trung Quốc, đều nhằm vào các bậc khoa bảng lớn, vì họ là những người học rộng, biết nhiều, có tài văn chương, rất mẫn tiệp và giỏi ứng đối. Họ là người không chỉ nắm vững tình hình nước nhà mà còn hiểu khá tường tận tình hình chính trị, xã hội, nhất là văn hóa của nước mà mình đặt quan hệ bang giao. Có thể nói trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc vào năm 1760 các vị Trần Huy Mật, Lê Quý Đôn, Trịnh Xuân Thụ của Đại Việt và các vị Hồng Khải Hy, Triệu Vinh Tiến, Lý Huy Trung của Hàn Quốc là thuộc loại những người tài năng xuất chúng kể trên. Đại diện cho sứ bộ Đại Việt là Lê Quý Đôn, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi học thuật và xướng họa với đoàn sứ bộ Hàn Quốc.

Hơn ai hết, Lê Quý Đôn hiểu rõ tầm quan trọng của việc kết giao tình bạn, tình hữu nghị với các đoàn sứ bộ của các nước khác trong khu vực, mỗi lần đi sứ đến Bắc Kinh. Chắc chắn ông từng nhớ lời dặn dưới đây của Tăng Tử (Đại môn đệ của Khổng Tử): "Quân tử dĩ văn hội hoặc, dĩ hữu phụ nhân 曾子曰君子以文會友以友輔仁" - Nghĩa là: Tăng Tử nói: "Người quân tử lấy văn chương, học vấn mà tập hợp bạn bè, và nhờ bạn bè giúp sức mà làm được điều nhân" Luận ngữ - Nhan Uyên). Trong lịch sử bang giao Việt Nam - Trung Quốc, chuyến đi sứ của đoàn sứ bộ Trần Huy Mật, Lê Quý Đôn, Trịnh Xuân Thụ được coi là chuyến đi sứ thành công tốt đẹp. Theo tôi, riêng với vị Phó sứ Bảng nhãn Lê Quý Đôn, với chuyến đi sứ ấy, ông đã đạt được 3 niềm vui lớn trong cuộc đời mình. Đó là: Hoàn thành xuất sắc vai trò của một Phó sứ, được kết bạn thân thiết với các bậc quân tử Hàn Quốc và quan trọng hơn, trong khối kiến thức vốn đồ sộ của mình còn được tăng cường thêm khá nhiều tri thức về lịch sử, văn hóa của xứ sở nổi tiếng sơn thanh, thủy tú mà ông hằng ngưỡng mộ.

Chú thích:

(1) Theo Các nhà khoa bảng Việt Nam. Ngô Đức Thọ (Chủ biên), Nxb. Văn học, H. 1993, tr.680-681.

(2) Ngũ kinh (五經): Thi - Thư - Lễ - Dịch - Xuân Thu.

(3) Tứ thư (四書): Luận ngữ - Đại học - Trung dung - Mạnh Tử.

(4) Sử (史): gồm có Bắc sử (北史) tức sử Trung Quốc và Nam sử (南史), tức sử Việt Nam.

(5) Truyện (傳): sách của các bậc đại Nho Trung Quốc biên soạn như Tả truyện (左傳) của Tả Khâu Minh (左丘明) chẳng hạn...

(6) Chư tử: tức Bách gia Chư tử (百家諸子): sách của các nhà triết học thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc như: Đạo đức kinh (道德經) của Lão tử (老子)...

(7) Nho gia: ở đây chủ yếu nói tới Nho giáo Khổng - Mạnh.

(8) Pháp gia: chủ yếu nói tới Hàn Phi tử, gồm 3 bộ phận: Pháp - Thuật - Thế, nhưng đề cao Pháp hơn 2 bộ phận kia.

(9) Lê Quý Đôn: Vân Đài loại ngữ, 2 tập, Trần Văn Giáp dịch. Nxb. Văn hóa, H. 1961, tập 1, tr.43.

(10) Dùng điển trong sách Luận ngữ, Khổng Tử thấy con là Bá Ngư (Khổng Lý) đi qua sân, bảo cần phải học Kinh Thi và Kinh Lễ. Lê Quý Đôn là con Tiến sĩ Lê Trọng Thứ, ở đây, ý nói được cha dạy bảo.

(11) Lời Tựa của Lê Quý Đôn viết vào năm 1777 cho sách Kiến văn tiểu lục, trong Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1. Nxb. KHXH, H. 1977, tr.14.

(12) Lễ Thành phục: trong ngày tang lễ, khi người chết đã liệm rồi, người thân thuộc phải mặc đồ tang, gọi là "Thành phục".

(13) Ngữ văn Hán Nôm, tập 4. Nxb. KHXH, H. 2004, tr.499-504.

(14) Đại Việt sử ký tục biên. Nxb. KHXH, H. 1991, tr.263.

(15) Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2: Kiến văn tiểu lục, Nxb. KHXH, H. 1977, tr.224.

(16) Chữ Mật (謐), còn có âm nữa là Bật, cho nên cũng có sách ghi tên ông là Trần Huy Bật.

(17) Các nhà khoa bảng Việt Nam. Ngô Đức Thọ (Chủ biên), Nxb. Văn học, H. 1993, tr.698.

(18) Chữ Thụ (澍?) còn có âm nữa là Chú, cho nên cũng có sách ghi tên ông là Trịnh Xuân Chú.

(19) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb. Sử học, H. 1961, tập 4, tr.96.

(20) Tiến triều: người không đỗ Tiến sĩ, nhưng được triều đình phong kiến sử dụng, bổ nhiệm như người đỗ Tiến sĩ, thì gọi là Tiến triều.

(21) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb. Sử học, tập 2, H. 1961, tr.70.

(22) Quế Đường thi tập (桂堂詩集): tập thơ đi sứ, Lê Quý Đôn tập hợp những bài thơ xướng họa của ông với các bạn thơ Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Hà Nội, ký hiệu A.576. Sự kiện gặp gỡ và xướng họa thơ giữa Lê Quý Đôn và các sứ thần Hàn Quốc được chép từ tờ 12b đến tờ 16a của Quế Đường thi tập.

(23) Shimizu Taro: Cuộc gặp gỡ của sứ thần Việt Nam và Triều Tiên ở Trung Quốc trọng tâm là chuyện xảy ra trong thế kỷ XVIIITạp chí Hán Nôm, số 3-2001.

(24) Shimizu Taro: Cuộc gặp gỡ của sứ thần Việt Nam và Triều Tiên ở Trung Quốc... Tạp chí Hán Nôm, số 3-2001.

(25) N. Niculin: Quan hệ văn học Việt Nam - Triều Tiên cuối thế kỷ XVI - giữa thế kỷ XVIIITạp chí Văn học, số 2-1987.

(26) Lê Quý Đôn (黎貴惇) - Quế Đường thi tập (桂堂詩集), ký hiệ A.576, tờ12b, Thưviệ Việ Nghiên cứ Hán Nôm, Hà Nộ,

(27) Anh tổ thực lục (英祖實錄›), quyển 118, mục tháng 3 năm Nhâm Thìn, đời Lý Anh Tổ (李英祖) năm thứ 48 (1768).

(28) Shimizu Taro: Cuộc gặp gỡ của sứ thần Việt Nam và Triều Tiên ở Trung Quốc... Tạp chí Hán Nôm, số 3-2001.

(29) Kiến văn tiểu lục, Viện Sử học dịch, H. 1977.

(30) Quần thư khảo biện đã được Trần Văn Quyền phiên dịch ra tiếng Việt, xuất bản tại Hà Nội năm 1995.

(31) Từ tờ 16b trở đi, bắt đầu ghi lại các bài thơ xướng họa giữa Lê Quý Đôn và viên quan bạn tống của Trung Quốc là Lễ bộ Viên Ngoại lang Tần Triều Hãn - 秦朝釬

(32) Chúng tôi xin kể tên các bài thơ xướng họa ấy dưới đây (do các bài thơ không có tiêu đề, nên rút 4 chữ đầu của câu 1, tạm làm tên bài):

A. THƠ XƯỚNG

CỦA LÊ QUÝ ĐÔN

B. THƠ HỌA

CỦA HỒNG KHẢI HY

C. THƠ HỌA

CỦA LÝ HUY TRUNG

1. Doanh hải Đông Nam...

2a. Dị bang hợp chí...

2b. Vĩ tài đoan đích...

(Cả hai bài 2a, 2b, Lê Quý Đôn đều gieo vần "phương": (方)

2a. Dị bang hợp chí diệc đồng phương.

2b. Vĩ tài đoan đích nhượng Đông phương.

Có lẽ vì thế, các vị sứ thần Triều Tiên chỉ họa, mỗi người 1 bài).

1. Nam kim mỹ giá...

2. Cao kỳ truyền phổ...

1. Tái ngoại nhân lai...

2. Phù sà diểu diểu...

Có thể đọc thêm:

- Trần Văn Giáp: Một số tư liệu về việc giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Triều Tiên, ký hiệu Thư viện Quốc gia Hà Nội: VVL005/70.

- Nguyễn Minh Tuân: Thêm bốn bài thơ xướng họa giữa Lê Quý Đôn với sứ thần Triều TiênTạp chí Hán Nôm, số 4-1994.

(33) Hàn Quốc: cũng là một tên khác có từ lâu đời của nước Triều Tiên. Trong bộ Thanh sử cảo (清史稿) - Quyển 526, có chép: "朝鮮又称韓國清初王朝鮮者李琿事明甚謹太祖天命四年琿遺其將姜宏立率師助明來侵...". (Nghĩa là: Triều Tiên còn gọi là Hàn Quốc. Thời kỳ đầu nhà Thanh, vua Triều Tiên là Lý Hồn thờ vương triều Minh rất cẩn thận. Vào niên hiệu Thiên Mệnh thứ tư, đời Thái Tổ [tức Nỗ Nhĩ Cáp Xích (1559-1626) - NMT], Hồn sai tướng Khương Hoằng Lập chỉ huy quân đội giúp nhà Minh sang xâm lược...).

(34) * 24 bộ Đoạn đại sử Trung Quốc (中國段代史), pho chính sử ấn hành từ thời Thanh, Càn Long gồm có: 1. Sử ký (史記›); 2. Hán thư (漢書); 3. Hậu Hán thư (后漢書); 4. Tam quốc chí (三國志); 5. Tấn thư (晋書); 6. Tống thư (宋書); 7. Nam Tề thư (南齊書); 8. Lương thư (梁書); 9. Trần thư (陳書); 10. Hậu Ngô thư (后魏書); 11. Bắc Tề thư (北齊書); 12. Chu thư (周書); 13. Tùy thư (隋書); 14. Nam sử (南史); 15. Bắc sử (北史); 16. Tân Đường thư (新唐書); 17. Tân Ngũ đại sử (新五代史); 18. Tống sử (宋史); 19. Liêu sử (辽史); 20. Kim sử (金史); 21. Nguyên sử (元史); 22. Minh sử (明史); 23. Cự Đường thư (舊唐書); 24. Cự Ngũ đại sử (舊五代史).

* Năm 1921, Từ Thế Xương, Đại Tổng thống Chính phủ Bắc Dương (trên danh nghĩa), thêm 1 bộ nữa thành Nhị thập ngũ sử (二十五史): 25. Tân Nguyên sử (新元史).

* Năm 1995, Chính phủ Trung Quốc thêm 1 bộ nữa thành Nhị thập lục sử (二十六史): 26. Thanh sử cảo (清史稿).

(35) Lê Quý Đôn: Vân đài loại ngữ (蕓臺類語) - nghĩa là: "Những lời nói thu thập được tại chốn Vân đài. "Vân đài" là nơi chứa sách, vì "Vân" là một loại cỏ thơm, đem để vào sách vở thì trừ được sâu mọt. Nxb. Văn hóa, H. 1961, tập 1, tr.116.

(36) Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2: Kiến văn tiểu lục. Nxb. KHXH, H. 1977, tr.223-224.

(37) Lục nghệ: có hai thuyết:

A - chỉ: Lễ - Nhạc - Ngự - Xạ - Thư - Số (Sáu nghề).

B - chỉ: Thi - Thư - Lễ - Nhạc - Dịch - Xuân Thu (Sáu kinh).

(38) Tư Mã Thiên: Sử ký, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2003, tr.264.

(39) Nguyên văn là Lục tịch (六籍), chỉ Lục kinhThi - Thư - Lễ - Nhạc - Dịch - Xuân ThuKinh Nhạc đã bị Tần Thủy Hoàng đốt, chỉ còn Ngũ kinh. Ở đây để chỉ văn hóa Nho giáo nói chung.

(40) Cửu trù (九疇) nói tắt của 鴻範九疇Hồng phạm cửu trù (chín trù Hồng phạm) trong thiên Hồng phạm sách Kinh Thư. Thiên Hồng phạm (phạm trù to lớn) do Cơ Tử soạn có ý nhắc nhở Vũ Vương nhà Chu quan tâm sâu sắc đến công việc trị quốc yên dân. Cửu trù (9 phạm trù) là: 1. Ngũ hành: Thủy - Hỏa - Mộc - Kim - Thổ; 2. Kính dụng ngũ sự (Kính cẩn năm việc): Mạo (dung mạo), Ngôn (lời nói), Thị (nhìn ngắm), Thính (nghe ngóng), Tư (suy nghĩ); 3. Nông dụng bát chính (tám việc chính yếu): Thực (ăn uống), Hóa (lo giầu của cải), Tự (lo tế tự), Tư không (lo đất đai canh tác), Tư đồ (lo việc dạy dỗ), Tư khấu (lo việc hình phạt), Tân (lo việc tiếp khách quý), Sư (lo việc binh bị); 4. Hiệp dụng ngũ kỷ (năm kỷ yếu): Tuế (năm), Nguyệt (tháng), Nhật (ngày), Tinh thần (tinh tú), Lịch số (Lịch pháp); 5. Kiến dụng Hoàng cực (giữa đạo của vua); 6. Nghệ dụng tam đức (chăm lo ba đức): Chính trực (ngay thẳng), Cương khắc (cứng rắn), Nhu khắc (mềm dẻo); 7. Minh dụng kê nghi (khảo sát điều ngờ vực); 8. Niệm dụng thứ trưng (nghiệm rõ thời tiết); 9. Hưởng dụng ngũ phúc (5 điều phúc): Thọ - Phú - Khang ninh - Du hiếu đức - Khảo chung mệnh.

(41) Nguyên chú: nước Cao Ly (tên cũ của Hàn Quốc - NMT) nằm phía ngoài đất U - Yên, ở về tinh phận sao Cơ, sao Vỹ. Còn nước An Nam (tên cũ của nước Việt Nam - NMT) nằm ở phía ngoài đất Tần - Thục ở về tinh phận sao Đẩu, sao Quỷ. Là nói phía trên tương ứng với dư khí của thiên tinh.

(42) Bồng (蓬): là nói tắt Bồng Đảo, hay Bồng Doanh là nơi tiên ở, đây dùng để chỉ nước Hàn Quốc.

(43)  (瀘): là nói tắt Lô giang, một nhánh của Nhị Hà (tức sông Hồng), đây chỉ nước Việt Nam.

(44) Chữ 辰 vốn là chữ Thần. Vì bản Quế Đường thi tập A.576, được ấn hành vào triều Nguyễn, vì phải kỵ húy vua Tự Đức (1848 - 1883) là Nguyễn Phúc Thì (阮時) nên dùng chữ Thần 辰 thay cho chữ Thời 時

(45) Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Thời Thành Vương nhà Chu (1063 - 1026 TCN), nước Việt ta lần đầu tiên đi sang nhà Chu (không rõ vào đời Hùng Vương thứ mấy), xưng là Việt Thường Thị, hiến chim trĩ trắng. Chu Công nói: "Chính lệnh không ban đến thờ người quân tử, không coi là bề tôi của nước mình", rồi sai làm xe "Chỉ nam" đưa sứ giả về nước" (Toàn thư, sđd, tập 1, tr.134).

(46) Thành ngữ Việt Nam cũng có câu: "Có đi có lại mới toại lòng nhau", nghĩa lý tương tự như câu: "Đầu đào báo lý".

(47) Nguyên chú: nước Nam Việt lấy rêu biển làm thành giấy, đầu sợi tơ xiên nghiêng, nên gọi là "giấy Trắc Lý", nói ngoa lên là "giấy Trắc Ly" có nghĩa là giấy thiên về điều phúc, tốt lành (chữ 釐 Ly cú âm là Hi: phúc, tốt, cùng nghĩa với chữ 禧 Hy).

(48) Nguyên chú: nước Cao Ly có giấy Bạch Trụy, được dùng rộng rãi.

(49) Nguyên chú: Thái Bá mặc áo đội mũ cai trị công việc nước Ngô. Tôi dịch chữ Đoan ủy (端委) là mặc áo, đội mũ là căn cứ vào sách Từ nguyên (Bộ Lập) (Đoan Ủy: "Huyền đoan chi y; Ủy mạo chi quan dã. Tả truyện, Án Bình Trọng đoan ủy lập vu Hổ môn chi ngoại" (nghĩa là: đoan ủy: chỉ áo Huyền đoan và mũ Ủy mạo. Tả truyện chép: Án Bình Trọng (tức Án Anh, Tướng quốc nước Tề, thời Xuân Thu - NMT) mặc áo, đội mũ đứng ở phía ngoài Hổ môn). Ở đây chữ "đoan ủy" chỉ muốn nói về Y quan (mũ áo), tức sự văn minh, văn hóa.

(50) Nguyên chú: nước ta cũng có Cửu Trù của Cơ Tử vậy. Ở đây cũng chỉ muốn nói về văn minh cai trị đất nước.

(51) Lê Quý Đôn: Vân ®ài loại ngữ - Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1961.

(52) Tương truyền: đương thời người ta truyền tụng câu nói này để ca ngợi học vấn uyên bác của Bảng nhãn Lê Quý Đôn./.

Nguyễn Minh Tường, PGS.TS. Viện sử học

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 1(92) 2009, tr. 3-17, phiên bản trực tuyến.

Việt Nam qua kiến trúc thuộc địa (Vietnam à travers l’architecture coloniale) của tác giả Arnauld Le Brusq là một bức tranh toàn cảnh về các thành phố và kiến trúc các công trình ở Việt Nam trong những năm từ 1860 đến 1945. Trên hành trình khám phá các công trình từ Nam ra Bắc, công trình Đại học Đông Dương là điểm dừng chân lý tưởng để khám phá kiến trúc, công trình tiên phong của trường phái Kiến trúc Đông Dương do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế, một sự kết hợp thành công bước đầu giữa kiến trúc nói riêng, văn hoá phương Đông và phương Tây nói chung ở Hà Nội. Chúng tôi xin lược dịch phần viết về Đại học Đông Dương trong cuốn Việt Nam qua kiến trúc thuộc địa (Vietnam à travers l’architecture coloniale) của tác giả Arnauld Le Brusq và trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

Bản vẽ mặt trước toà nhà trung tâm của Đại học Đông Dương do Charles Lacollonge, Kiến trúc sư-Chánh Sở Công thự lập năm 1924, nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Sau rất nhiều cuộc viễn du, Trường Y khoa và Đại học Đông Dương hợp lại thành một quần thể kiến trúc. Theo yêu cầu của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, Alexandre Yersin cho thành lập Trường Y khoa vào năm 1902. Toà nhà đầu tiên được xây dựng vào năm 1904 trên đại lộ Bobillot (nay là phố Lê Thánh Tông), đây chính là hạt nhân của trường đại học tương lai.

Năm 1918, vua Khải Định đã tới thăm trường. Năm trước đó, theo thiết kế của kiến trúc sư Bussy, trường đã mở rộng thêm khu giảng đường và được trang trí bằng các y hiệu. Tại đây, những thanh niên người Việt từ bỏ nền y học cổ truyền để chuyển sang lĩnh vực khoa học phương Tây phải theo học 5 năm dự bị mới được làm luận án tại Paris. Nhưng sau khi trải qua kỳ thi tuyển thành công, họ vẫn không thoát khỏi ngạch “bác sĩ Đông Dương”, đây chính là điều phân biệt họ với các đồng nghiệp người Pháp.

Ngoài chuyên ngành y, dược, vào những năm 1920, Đại học Đông Dương còn đào tạo thêm ngành luật, hành chính, sư phạm, nông nghiệp, công nghiệp, công chính cũng như thương nghiệp.

Tòa nhà trên phố Bobillot tiếp nhận sinh viên y khoa, luật khoa và sinh viên sư phạm, những sinh viên khác được phân bổ về các trường chuyên của thành phố. Tuy nhiên, trước khi có được một cơ cấu tổ chức thực sự ổn định, Đại học Đông Dương đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm.

Thực ra, Paul Beau cho thành lập trường năm 1906 xuất phát từ nhận thức về một thất bại và một nguy cơ chính trị: việc nền cựu học sụp đổ cũng như việc Nhật Bản thắng Nga chính là động cơ để thanh niên Việt Nam – dưới sự thúc đẩy của các nho sĩ phản đối chế độ thuộc địa như Phan Bội Châu mưu toan Đông Du tức là sang các trường đại học của “đất nước mặt trời mọc”. Phản ứng của các nhà chức trách Pháp trước khát vọng của sinh viên đã làm phật lòng phe bảo thủ và trường đại học vốn đang được bố trí trong lãnh sự quán cũ thuộc khu nhượng địa ngay lập tức bị Toàn quyền Klobukowski cho đóng cửa trước khi mở lại vào năm 1918 trong một tòa nhà nằm trên phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền). Theo sau kế hoạch của Sarraut, Phủ toàn quyền quyết định hiện thực hóa việc đào tạo bậc đại học bằng cách xây dựng một tòa nhà tương xứng với tham vọng đã được đưa ra và không phải ngẫu nhiên mà công trình Đại học Đông Dương được coi là một bước ngoặt trong lịch sử xứ thuộc địa, cả trên bình diện xã hội lẫn kiến trúc.

Hãy cùng xem nhà cải cách giáo dục phản đối phong cách kiến trúc do Sở Công thự phổ biến ở thời điểm đó: “Sau 3 năm vắng mặt, khi trở lại mảnh đất Đông Dương, tôi vô cùng đau đớn khi nhận ra rằng bên cạnh những công trình mang phong cách nghệ thuật bản địa – áp đặt lên đó là một sự đối đầu tàn nhẫn, những cục bê tông cốt thép và bản sao kiến ​​trúc Muy-ních đã lấn át quyền thể hiện khả năng sáng tạo theo thị hiếu của người Pháp”. Những dòng trên đây đã khơi dậy mong muốn về một bản sắc kiến trúc riêng cho Đông Dương – một trọng trách được giao cho Ernest Hébrard.

Năm 1922, lần đầu tiên kiến trúc sư Ernest Hébrard đặt chân đến Hà Nội, thời điểm đó các đồng nghiệp của ông là Charles Lacollonge và Paul Sabrié đã trình lên Toàn quyền đề xuất xây dựng công trình Đại học Đông Dương và đã được thông qua. Khi đó, việc xây móng và chân công trình với việc đóng gần 2.000 cọc gỗ lim thậm chí đang trong giai đoạn hoàn thành. Nhờ vòng hào quang của Giải thưởng La Mã, Ernest Hébrard nắm quyền chỉ đạo toàn bộ ê kíp thi công công trình, ông tạm dừng thi công và hướng công việc nghiên cứu của mình theo phong cách châu Á. Tuy nhiên, việc thay đổi phong cách kiến trúc cần thời gian lâu hơn để chín muồi, nếu so sánh với những gì Félix Dumail đã trải qua trong các giai đoạn liên tiếp khi xây dựng chi nhánh ngân hàng Đông Dương tại Sài Gòn. Ernest Hébrard tập trung vào tính thẩm mỹ và không quá coi trọng cách bài trí – yếu tố khớp nối khu tiền sảnh đã bị mái vòm lấn át với một hội trường hai tầng, một thư viện và rất nhiều phòng làm việc. Bản vẽ mặt đứng cùng nhiều mặt cắt ký tên Sabrié, ghi thời gian lập 1924 và được phê duyệt thi công ngay năm đó vẫn mang dáng dấp của những bức vẽ lấy cảm hứng từ thế kỷ 18 ở Pháp với sự lấn át của các không gian khánh tiết, mái vòm khổng lồ cùng tháp sáng, cách trang trí hình vòm xuất hiện cách quãng tại hành lang lưu thông và những bức tượng đối xứng ở hai bên lối vào.

Nhưng các bản vẽ cũng thể hiện quyết tâm của Ernest Hébrard – người đã chính thức trở thành Giám đốc Sở Kiến trúc và Quy hoạch đô thị năm 1923 – trong việc thay đổi dáng dấp của tòa nhà. Lúc này, ông hướng về các mô hình của Trung Quốc, bắt đầu từ công trình nổi tiếng nhất trong số đó – hoàng cung thuộc Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Kết quả là tòa nhà bị Hán hóa một cách dè dặt với một ô văng loe ra trên đệm cửa của mái vòm, với những lớp mái chồng xếp giống như hệ mái bậc thang và tháp sáng có dáng dấp như một nóc phù đồ, mái đua như đường cúp góc ở các hành lang của kiến trúc Trung Hoa.

Mùa hè năm 1924, việc thi công (giao cho Hãng Aviat) được tiến hành trở lại dựa trên những cơ sở mới này. Nhưng Ernest Hébrard chưa ngừng trăn trở, ông yêu cầu sửa bản vẽ nhiều lần, chủ yếu bởi kiến trúc sư Gaston Roger để đạt được điều mà sau này ông gọi là “phong cách Đông Dương”, nhưng ở thời điểm đó mới chỉ ở dạng thai nghén.

Công văn trao đổi, các thông báo thay đổi về kích thước, đơn thư khiếu nại của chủ thầu bị dừng thi công do không có bản vẽ chính thức, việc phá hủy một phần công trình đã cho thấy quy mô thử nghiệm của dự án. Thực vậy, quan sát công trình hoàn tất là thấy được tầm vóc của các thay đổi. Mái vòm bị thay thế bằng lầu tứ giác trên chồng 2 lớp mái nặng nề, góc cạnh rõ ràng. Mái đua lúc này đã rõ dáng dấp của các lan can tạo thành từ nhiều cột nhỏ thân vuông, xen kẽ các bức phù điêu chạm khắc và đục lỗ thường chạy quanh sân các đền đài ở châu Á. Tác giả của dự án ban đầu – kiến trúc sư Sabrié – phản đối việc thay đổi và nhiều lần cảnh báo về nguy cơ lạc điệu giữa “chủ nghĩa cổ điển” của ông và phong cách “Trung Hoa”.

Đến tham quan Đại học Đông Dương, sẽ thấy nhiều dấu tích của sự đối nghịch, chẳng hạn như việc xây thêm cổng nhỏ trên cổng vòm lớn ở mặt sau hay ở phần nội thất khi vẫn giữ mái vòm giả và hàng cột ở tiền sảnh. Mặt khác, các thử nghiệm của Hébrard không chỉ gây phiền phức cho các kiến trúc sư, ngay từ năm 1921, họa sĩ Victor Tardieu đã phác thảo một dự án trang trí phù hợp với chủ nghĩa kinh viện xung quanh. Mái vòm phải tiếp nhận những biểu tượng của khoa học, nông nghiệp, kỹ nghệ và thương nghiệp hoàn toàn tách biệt trên nền vàng. Do trí tưởng tượng bộc phát, họa sĩ đề nghị sơn dòng chữ “La France apportant à sa colonie les bienfaits de la civilisation” (Nước Pháp mang đến cho xứ thuộc địa những lợi ích của nền văn minh) và đối lại “L’Indochine faisant hommage à la France de ses richesses”(Đông Dương cảm phục nước Pháp vì sự giàu có). Ngoài ra, trên bức tường chính của hội trường, ông dự kiến nhóm thành một tập hợp chân dung những người sáng lập Đại học Đông Dương: Paul Doumer, Paul Beau, Albert Sarraut và Maurice Long, xung quanh là các cộng sự của họ. Sáu năm sau, bức tranh vải lớn hé lộ chân dung của Alma Mater – Mẹ cưu mang – và ngay tại chân bà các thế hệ sinh viên được long trọng trao những tấm bằng tốt nghiệp dưới ánh nhìn của ngài Toàn quyền.

Hoàn thành năm 1927, Đại học Đông Dương đặt dấu chấm hết cho sự tồn dư của kiến trúc cổ điển và đánh dấu sự trỗi dậy của nghệ thuật giao thoa nơi phương Tây và phương Đông gặp gỡ. Đến nay, công trình vẫn được coi là một điểm nhấn về nghệ thuật kiến trúc tại Hà Nội.

Hoàng Hằng – Hồng Nhung

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

Nguồn, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, ngày 27.03.2018.

 

20180524 moc duong

Sách: “Khuyển Dưỡng Mộc Đường truyện” (Inukai Bokudo Den)

Phan Bội Châu là một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX. Trong cuộc đời của mình, ông đã có 4 năm hoạt động ở Nhật Bản (1905-1909). Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, ông đã phát động được phong trào Đông Du nổi tiếng, đã trước tác một khối lượng lớn các tác phẩm văn thơ yêu nước, đã tiếp xúc với nhiều chính khách lớn của Nhật, đã giao lưu liên kết với các nhà trí thức, các nhà hoạt động dân tộc châu Á.

Cuộc đời hoạt động và những nghiệp tích của Phan Bội Châu được các học giả người Nhật quan tâm nghiên cứu. Nếu tính theo số lượng sách báo nghiên cứu đã công bố, các tác phẩm nghệ thuật được công chiếu, những sự kiện liên quan đến Phan Bội Châu được đưa vào đề thi môn lịch sử thì có lẽ ông là nhân vật lịch sử người Việt Nam được quan tâm tìm hiểu nhiều nhất ở Nhật Bản.

1. Nghiên cứu về Phan Bội Châu  ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ XX đến thập niên 1970

Sự quan tâm tìm hiểu giới thiệu về những hoạt động của Phan Bội Châu ở Nhật Bản đã có từ những năm 1930. Tài liệu giới thiệu về Phan Bội Châu sớm nhất ở Nhật Bản là “Truyện các chí sĩ tiên phong Đông Á” (To A Senkaku Shishi Den) do Hắc Long hội (Kokuryukai) biên tập và được xuất bản năm 1935[1]. Trong cuốn sách này, các tác giả đã khắc họa lại chân dung Phan Bội Châu như là lãnh tụ của phong trào dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX và đặc biệt, đã giới thiệu khá chi tiết các hoạt động của Phan Bội Châu và các đồng chí của ông ở Nhật Bản.

Sau đó đó ít lâu, vào năm 1938, Tòa soạn báo Kinh tế Đông phương (Toyo Keizai Shimbun) đã cho xuất bản tập truyện ký về Inukai Tsuyoshi (Khuyển Dưỡng Nghị), một chính trị gia tầm cỡ của Nhật, người đã có công to lớn trong việc giúp đỡ Phan Bội Châu và các chiến sĩ Đông Du, nhan đề “Khuyển Dưỡng Mộc Đường truyện” (Inukai Bokudo Den)[2] trong đó đã giới thiệu khá đầy đủ về hoạt động của Phan Bội Châu ở Nhật và hoạt động giúp đỡ thiết thực của Inukai Tsuyoshi đối với Phan Bội Châu và các đồng chí của ông.

Những bài viết giới thiệu về Phan Bội Châu và hoạt động của ông ở Nhật Bản là của những trí thức Nhật Bản theo tư tưởng “châu Á chủ nghĩa” (Ajia Shugi). Những nhà trí thức theo tư tưởng này cổ vũ cho tư tưởng và phong trào liên kết các dân tộc châu Á chống lại sự bành trướng và nô dịch của các cường quốc phương Tây đối với châu Á. Họ sưu tầm, nghiên cứu và công bố các ghi chép về phong trào dân tộc châu Á, chú trọng đến các lãnh tụ phong trào này và hoạt động liên kết giữa các nhà chính trị, các nhà hoạt động xã hội Nhật Bản với các nhà dân tộc chủ nghĩa châu Á. Trong hai công trình mà chúng tôi giới thiệu trên, Phan Bội Châu của Việt Nam được chú ý và giới thiệu chi tiết.

Trong những năm 1940, tuy việc nghiên cứu về Việt Nam nói riêng và Đông Dương thuộc Pháp nói chung, đã phát triển có tính chất “bùng nổ” ở Nhật Bản nhưng vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào nghiên cứu sâu về nhân vật Phan Bội Châu cả. Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, việc nghiên cứu về Việt Nam sớm được khôi phục nhưng việc nghiên cứu về Phan Bội Châu vẫn chưa có tiến triển gì đáng kể.

Chỉ đến thập niên 1960, sự quan tâm nghiên cứu về Phan Bội Châu được gia tăng một cách đáng kể. Nếu phân chia một cách tổng quát thì có thể nói, nghiên cứu về Phan Bội Châu ở Nhật Bản được tiếp cận từ hai trường phái lớn. Đó là trường phái “dân tộc giải phóng sử quan” (Minzoku Kaiho Shikan) và trường phái Đông phương học (Toyogakuha).

Trong bối cảnh phong trào giải phóng dân tộc bùng nổ mạnh mẽ vào những năm 1950 - 1960 trên thế giới và đặc biệt là cuộc chiến tranh Việt Nam, đã tác động mạnh mẽ đến xu hướng và quan niệm nghiên cứu của các học giả Nhật Bản.  Họ, ít nhiều, chịu ảnh hưởng quan niệm “dân tộc giải phóng sử quan” từ các nước châu Á. Năm 1961, Tanigawa Yoshihiko cho công bố bài báo “Phong trào dân tộc Việt Nam trước chiến tranh thế giới lần thứ I” (Dai Ichiji Sekai Taisenzen no Vetonamu Minzokushugi), trong đó, về Việt Nam, đã tập trung nghiên cứu về nhân vật Phan Bội Châu và hoạt động cách mạng của ông[3]. Năm 1976, Tanigawa còn trở lại nghiên cứu hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu trong một cuốn chuyên luận lớn hơn “Lịch sử của phong trào dân tộc ở Đông Nam Á” (Tonan Ajia Minzoku Kaiho Undo-shi)[4]. Về phong trào giải phóng dân tộc việt Nam, Tanikawa dựa các sách, báo của giới sử học miền Bắc được xuất bản bằng tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Anh để nghiên cứu, đánh giá về Phan Bội Châu nên quan điểm đánh giá giá về nhân vật này của ông gần giống với quan điểm của giới sử học miền Bắc Việt Nam.

Năm 1967, Terahiro Teruo, một nhà nghiên cứu phong trào dân tộc Trung Quốc, đã công bố bài viết đề cập đến hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu “Nhật Bản và Trung Quốc trong phong trào dân tộc Việt Nam thời sơ kỳ” (Etunan Shoki Minzoku Undo wo meguru Nihon to Chugoku)[5]. Terahiro đánh giá cao vai trò lãnh tụ dân tộc Phan Bội Châu và minh chứng rằng Nhật Bản và Trung Quốc có vai trò to lớn đối với phong trào Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo.

Đầu những năm 1970, ở Nhật Bản xuất hiện nhà nghiên cứu trẻ, nghiên cứu về Phan Bội Châu theo trường phái “dân tộc giải phóng sử quan”: Đó là Sakai Izumi.  Năm 1972, Sakai cho công bố bài viết quan trọng “Phong trào đấu tranh chống Pháp đầu thế kỷ 20 - Tư tưởng và hoạt động của Phan Bội Châu” (Betonamu ni okeru 20 Seki Shoto no Kofutsu Toso – Phan Boi Chau no Shiso to Katsudo), trên “Nguyệt san Nghiên cứu Á - Phi” (Gekkan Ajia-Afrika Kenkyu)[6]. Sakai Izumi đã tiếp cận sách, bài báo của giới sử học miền Bắc Việt Nam được dịch ra tiếng Trung, đã giới thiệu chi tiết sự chuyển biến tư tưởng và hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của quan điểm “dân tộc giải phóng sử quan” của giới sử học miền Bắc, Sakai cho rằng, mặc dầu Phan Bội Châu là một người lãnh đạo tiêu biểu của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX nhưng ông còn có hạn chế là không có quan điểm rõ ràng và sâu sắc về phản đế phản phong và vấn đề liên minh công nông.

Ngoài ra, vào những năm 1970, ở Nhật Bản, cũng có một công trình khác biên soạn theo trường phái “dân tộc giải phóng sử quan” là cuốn “Việt Nam trong lòng Nhật Bản” (Nihon no naka no Betonamu) của Goto Kimpei do Nhà xuất bản Sosh iete ấn hành vào năm 1979[7]. Goto tập trung trình bày về các hoạt động của lãnh tụ Phan Bội Châu ở Nhật và coi ông như lãnh tụ tiêu biểu của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Trường phái thứ hai nghiên cứu và đánh giá Phan Bội Châu là trường phái Đông phương học (Toyogakuha). Trường phái Đông phương học Nhật Bản nghiên cứu về Việt Nam và các nhân vật lịch sử Việt Nam đều dựa vào nguồn tư liệu bằng chữ Hán. Họ khảo sát tỉ mỹ các tư liệu chữ Hán ở Việt Nam, Trung Quốc và các tài liệu chữ Nhật, phân tích, so sánh các nguồn tư liệu đó, dựng lại lịch sử và các nhân vật lịch sử Việt Nam một cách xác thực hơn. Tiêu biểu cho trường phái này là Kawamoto Kunie. Năm 1966, sau một thời gian khảo sát cẩn thận các nguồn tài liệu có ở Đông phương văn khố (Toyo Bunko), Ngoại giao sử liệu quán (Gaiko Shiryokan) của Nhật Bản cũng như các tài liệu của Trung Quốc, ông cùng với Nagaoka Shinjiro  đã dịch, biên tập và xuất bản trước tác quan trọng của Phan Bội Châu ra tiếng Nhật nhan đề “Việt Nam vong quốc sử và những bài khác” (Vetonamu Bokokushi Hoka)[8]. Trong cuốn sách đó, ngoài biên dịch các tác phẩm “Việt Nam vong quốc sử”, “Ngục trung ký” (Gyokuchuki), “Thiên hồ, Đế hồ!” (Tenka Teika), “Hải ngoại huyết thư Sơ biên” (Kaigai Kessho Shohen), Kawamoto còn viết “Tiểu sử Phan Bội Châu - Cuộc đời và thời đại của ông” (Han Bai Shu Shoshi - Sono Shogai to Jidai) và Nagaoka viết “Những người Việt Nam ở Nhật Bản” (Nihon Ni okeru Vetonamu no Hitobito). Trong các bài viết này, hai ôngđã cho công bố nhiều tư liệu mới và đưa ra những kiến giải mới về tư tưởng và hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu. Tuy đây chưa phải là công trình nghiên cứu căn bản về Phan Bội Châu nhưng nó lại có giá trị lớn, đánh dấu bước tiến mới trong việc nghiên cứu Phan Bội Châu ở Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên, một số tác phẩm quan trong của Phan Bội Châu được dịch và công bố ở Nhật Bản. Cuốn sách này trở thành “sách gối đầu giường” của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu về Phan Bội Châu ở Nhật Bản và nhiều nước Âu - Mỹ khác.

Trong những năm 1970, Kawamoto liên tục cho công bố một loạt những bài viết về Phan Bội Châu. Đó là các bài “Về tác trước tác thời kỳ đầu của Phan Bội Châu” (Han Bai Shu no Shoki no Chosaku)[9] (1971); “Quan điểm về Nhật Bản của Phan Bội Châu” (Han Bai Shu (Phan Bọi Chau) no Nihon-kan)[10] (1972); “Tư tưởng của Phan Bội Châu trong thời kỳ Duy Tân - Đông Du: Nguyên điểm của phong trào dân tộc Việt Nam” (Ishin Toyu-ki ni okeru Han Bai Shu no Shiso Vetonamu Minzoku Undo no Genten) [11](1973); “Quan hệ giữa Phan Bội Châu với phái Bảo hoàng và phái Cách mạng đồng minh hội trong thời kỳ Duy Tân - Đông Du (Han Bai Shu to Hoko Oyobi Kakumei Domeikai to no Kankei Ishin Toyu-ki ni Tsuite Mitaru) [12](1979) ... Các bài viết của Kawamoto, về cơ bản, kế thừa quan điểm Đông phương học truyền thống nhưng cũng chịu ảnh hưởng của quan điểm “dân tộc giải phóng sử quan” của Việt Nam khi đánh giá về Phan Bội Châu.

Công lao lớn đầu tiên của Kawamoto là ông đã góp phần luận giải khoa học về “Việt Nam vong quốc sử” dưới góc độ văn bản học. Dựa vào sự khảo sát tường tận văn bản của tác phẩm này, Kawamoto khẳng định rằng “Việt Nam vong quốc sử” là tác phẩm của Phan Bội Châu chứ không phải là tác phẩm của Lương Khải Siêu như một số nhà nghiên cứu Trung Quốc quan niệm. Ông lý giải rằng, vì “Việt Nam vong quốc sử” in ấn đầu tiên ở Nhật và sau đó xuất bản nhiều lần ở Trung Quốc và đưa vào trong các Tuyển tập, Toàn tập của Lương Khải Siêu nên nhiều người cho rằng nó là tác phẩm của Lương Khải Siêu. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ hơn thì thấy rằng văn phong của “Việt Nam vong quốc sử” rõ ràng là văn phong của Phan Bội Châu. Hơn nữa, trong tác phẩm đó, có cả thơ chữ Nôm thì không thể cho rằng đó là tác phẩm của Lương Khải Siêu được. Thực ra, nếu có thì Lương Khải Siêu chỉ viết phần Tiền lục (Lời nói đầu) và Việt Nam tiêu chí Phần cuối), còn nội dung của “Việt Nam vong quốc sử” là do Phan Bội Châu viết. Tóm lại, “Việt Nam vong quốc sử” là tác phẩm của Phan Bội Châu, Lương Khải Siêu là người biên tập lại và cho xuất bản mà thôi.

Cống hiến quan trọng thứ hai của Kawamoto là sự lý giải của ông về quan niệm của Phan Bội Châu về Nhật Bản. Có lẽ, Kawamoto là người đầu tiên chỉ rõ mâu thuẫn trong nhận thức của Phan Bội Châu về Nhật Bản: Một mặt, với sự kiện Nhật Bản đánh chiếm và sát nhập Lưu Cầu (Ryukyu), biến Lưu Cầu thành Okinawa của Nhật thì Nhật Bản cũng hành động giống như các nước đế quốc phương Tây mà thôi (giống như Pháp xâm lược Việt Nam vậy). Nhưng mặt khác, Nhật Bản là một nước châu Á, tiến hành công cuộc duy tân thành công, đã trở thành “phú quốc cường binh”, sánh ngang với các cường quốc phương Tây. Phan Bội Châu và các đồng chí của ông vẫn hết sức ngưỡng mộ Nhật Bản và kỳ vọng rất nhiều về sự giúp đỡ của Nhật cho cuộc đấu tranh chống Pháp giải phóng dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, quan niệm của Kawamoto cho rằng quyết tâm đi Nhật cầu viện là do ảnh hường của Nguyễn Thành, Tăng Bạt Hổ không được các học giả nghiên cứu về Phan Bội Châu ở Nhật thế hệ sau tán thành.

Nghiên cứu của Kawamoto về Phan Bội Châu còn có ý nghĩa to lớn trong việc đánh giá một cách toàn diện hơn những hoạt động đa dạng và phong phú của Phan Bội Châu trong thời kỳ ở Nhật, đánh giá lại ảnh hưởng của các nhà cải cách và cách mạng Trung Quốc cũng như các nhà hoạt động xã hội Nhật Bản đối với sự chuyển biến tư tưởng của Phan Bội Châu.

Với những thành tựu đó, vào thời điểm những năm 1970, Kawamoto được đánh giá là nhà nghiên cứu hàng đầu về Phan Bội Châu ở Nhật Bản.

2. Nghiên cứu về Phan Bội Châu  ở Nhật Bản đến thập niên 1980 đến nay

Bước vào thập niên 1980, giới nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản đạt được nhiều thành tựu lớn, có tiếng vang quốc tế nhờ những nghiên cứu theo trường phái khu vực học. Mặc dầu xuất hiện từ trước trong giới học thuật ở Nhật Bản nhưng đến những năm 1980-1990 việc nghiên cứu Việt Nam theo trường phái khu vực học mới khai hoa kết trái. Đó là sự xuất hiện hàng loạt ngôi sao trong giới nghiên cứu Việt Nam theo trường phái này ở Nhật Bản, tiêu biểu nhất là “tứ trụ”: Sakurai Yumio, Tsuboi Yoshiharu, Shiraishi Masaya và Furuta Motoo.

Riêng về nghiên cứu Phan Bội Châu thì công lao lớn nhất thuộc về Shiraishi Masaya. Ngay từ những năm 1970, Shiraishi đã công bố những bài viết đầu tiên của mình về Phan Bội Châu và phong trào Đông Du. Đó là bài viết bằng tiếng Anh “Phan Boi Chau and Japan” [13] (1975) và “Sự hình thành tầng lớp trí thức khai sáng ở Việt Nam đầu thế kỷ XX” (Kaimeiteki Chishikijinzo no Keisei: 20 Seiki Shoto no Betonamu)[14](1976). Shiraishi đi theo một hướng khác, ông sử dụng rộng rãi các tài liệu của Việt Nam, bằng tiếng Việt của cả miền Nam lẫn miền Bắc, các công trình nghiên cứu của các học giả Âu-Mỹ, Trung Quốc, và kết hợp một cách hữu cơ các quan điểm khác nhau để đánh giá khách quan hơn tư tưởng và hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu.

Từ những năm 1980, Shiraishi Masaya cho công bố hàng loạt các luận văn nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến Phan Bội Châu bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau (Nhật, Anh, Pháp, Việt, Hoa, Hàn). Và từ đó, ông sớm nổi lên như nhà nghiên cứu số một về Phan Bội Châu ở Nhật Bản, vượt qua cả tên tuổi của các nhà nghiên cứu tiền bối mà tiêu biểu là Kawamoto Kunie. Các công trình tiêu biểu của ông là: “Giao lưu giữa Phan Bội Châu (Việt Nam) với các nhà hoạt động tỉnh Vân Nam trong thời kỳ ở Nhật” (Tainichi-ki no Phan Boi Chau (Betonamu) to Unnan-sho Katsudoka to no Koryu), Toyo Bunka Kenkyujo Kiyo[15](1981); “Phan Bội Châu trong thời kỳ Đông Du – Từ khi đến Nhật đến khi giao lưu với các nhà cách mạng Nhật Bản và Trung Quốc” (Toyu Undo-ki no Phan Boi Chau – Tonichi kara Nicchu kakumeika to no Koryu made)[16] (1981); “Sự tiếp xúc giữa Phan Bội Châu (Việt Nam) với Miyazaki Toten và Tôn Văn ở Nhật Bản” (Phan Boi Chau (Betonamu) to Miyazaki Toten, Son Bun to no Nihon ni okeru Sessoku)[17] (1984); “Về việc trục xuất Phan Bội Châu ra nước ngoài - Sự tan rã của phong trào Đông Du của Việt Nam ở Nhật” (Han Bai Shu no Kokugai Taikyo wo megutte - Zainichi Betonamu Toyu Undo no Shuen)[18] (1987); “Lưu học Nhật bản của thanh niên Việt Nam - Phong trào Đông du ở Nhật Bản thời Meiji” (Betonamu Seinen no Nihon Ryugaku – Meiji-ki Nihon ni okeru Toyu Undo)[19] (1992). Năm 1993 ông đã xuất bản công trình “Phong trào dân tộc Việt Nam với Nhật Bản và châu Á - Tư tưởng cách mạng và nhận thức đối ngoại của Phan Bội Châu” (Betonamu Minzoku Undo to Nihon, Ajia – Phan Boi Chau no Kakumei Shiso to Taigai Ninshiki) do Nhà xuất bản Gannando ấn hành[20]. Công trình này là “tập đại thành” nghiên cứu toàn diện nhất, sâu sắc nhất và xuất sắc nhất về Phan Bội Châu ở Nhật Bản. Kể từ đó, Shirashi trở thành nhà “Phan Bội Châu học” hàng đầu của Nhật Bản và có thể là một trong những nhà “Phan Bội Châu học” hàng đầu của thế giới. Shiraishi đặt những hoạt động của Phan Bội Châu vào bối cảnh của quan hệ quốc tế, đặc biệt là quan hệ Đông Á vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX để lý giải nó. Việc nghiên cứu như vậy đưa đến cho chúng ta một nhận thức mới mẻ về sự hình thành tư tưởng cách mạng và những hoạt động của Phan Bội Châu đầu thế kỷ XX. Ngoài ra tính hấp dẫn trong các công trình nghiên cứu của Shiraishi còn là ở chỗ, các bài viết của ông được khảo cứu cẩn thận dựa trên nhiều nguồn tư liệu khác nhau, ông cố gắng không áp đặt tư duy của người hiện nay cho các sự kiện quá khứ mà đặt mình vào tư duy của người đương thời, và dựa trên nguồn tư liệu có được để tái hiện lich sử.

Shiraishi đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về Phan Bội Châu: Trước hết là lý giải rõ ràng tại sao Phan Bội Châu lại chon Nhật Bản để cầu viên vũ khí, Phan Bội Châu đã thay đổi phương hướng hoạt động ở Nhật như thế nào? Thứ hai, Shiraishi đã khảo sát tường tận nhất phong trào Đông Du ở Nhật Bản. Thứ ba, Shiraishi là người nghiên cứu sâu sắc nhất các hoạt động giao lưu liên kết với các nhà hoạt động châu Á ở Nhật Bản. Ông coi Phan Bội Châu là người Việt Nam đầu tiên khởi xướng tư tưởng về liên kết châu Á trong phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Thứ tư, Shiraishi là người đã chỉ ra được “nguyên tắc kép” trong thái độ của chính phủ Nhật Bản đối với Phan Bội Châu.

Sau khi công bố những thành tựu nghiên cứu về Phan Bội Châu ở Nhật Bản, Shiraishi tích cực công bố những kết quả nghiên cứu của mình ra nước ngoài bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Hàn…tạo dựng vị trí của ông trong giới học thuật quốc tế.

Trong những năm 1980-1990, ngoài Shiraishi Masaya, cũng có một số nhà nghiên cứu có các bài viết về Phan Bội Châu rất đang chú ý. Đó là bai viết “Chủ nghiã dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX- Trường hợp Phan Bội Châu” (20 Seiki Shoto ni okeru Betonamu Nashonarizumu – Han Bai Shu wo Chushintosite)[21]của Kusunose Masaaki, 1981. Thông qua hoạt động của Phan Bội Châu, Kurunose đã luận giải rằng, phong trào dân tộc Việt Nam vào đầu thế kỷ XX đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của tình hình quốc tế, đặc biệt là Đông Á. Vì vậy, không thể lý giải sâu sắc phong trào dân tộc Việt Nam nếu tách rời các yếu tố Trung Quốc và Nhật Bản. Matsumoto Kenichi xuất bản cuốn sách “Sự thể nghiệm tinh thần châu Á cận đại” (Kindai Ajia Seishin no Kokoromi)[22], 1995. Imai Akio tìm hiểu về tư tưởng của Phan Bội Châu trong luận văn “Tư tưởng cuả Phan Bội Châu trong thời kỳ giam lỏng ở Huế” (Hue Kankin Jidai no Phan Boi Chau no Shiso)[23], 1997. Nguyễn Tiến Lực viết về quá trình hình thành tư tưởng nhà nước quốc dân của Phan Bội Châu trong thời kỳ ở Nhật với luận văn “Khảo sát về sự hình thành tư tưởng “quốc dân quốc gia” của trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX - Về quá trình hình thành tư tưởng “quốc dân quốc gia” của Phan Bội Châu trong thời kỳ ở Nhật” (Niju Seiki Shoto no Betonamu Chishikijin no “Kokumin Kokka” kan no Keisei Katei wo Chushin toshite)[24],  1997... Năm 1998, Nguyễn Tiến Lực công bố luận án Tiến sĩ “Nghiên cứu quan hệ Việt Nam-Nhật Bản – Từ Minh Trị duy tân đến chiến tranh Thái Bình Dương”(Betonamu-Nihon Kankeishi no Kenkyu – Meiji Ishin kara Taiheiyo Senso made)[25], Hiroshima Daigaku, 1998, trong đó dành nhiều chương viết về hoạt động của Phan Bội Châu trong thời kỳ ở Nhật. 

Năm 1999, nhóm các tác giả Utsumi Sanbachiro, Chishima Eiichi và Sakurai Ryoju đã dịch “Tự phán” của Phan Bội Châu ra tiếng Nhật, sau đó viết bài giới thiệu và biên tập chung trong một cuốn sách “Truyện Phan Bội Châu, nhà hoạt động vì độc lập Việt Nam – Cuộc sống của nhà cách mạng ở Nhật Bản và Trung Quốc (Vetonamu Dokuritsu Undo Han Bai Shu Den Nihon Chugoku wo kakenuketa Kakumeika no Shogai )[26], 1999.

Sang đầu thế kỷ XXI, nghiên cứu về Phan Bội Châu ở Nhật Bản vẫn tiếp tục. Shiraishi cho xuất bản cuốn sách, bổ sung những nghiên cứu của ông về Phan Bội Châu bằng sự phân tích sâu hơn mối quan hệ giữa Phan Bội Châu và Cường Để liên quan tới Nhật Bản: “Vị anh hùng dân tộc và Hoàng tử Việt Nam cùng hướng tới Nhật Bản - Phan Bội Châu và Cường Để” (Nihon wo mezasita Betonamu no Eiyu to Koshi- Phan Boi Chau to Cuong De)[27] (2012).

Gần đây, nhà nghiên cứu trẻ người Việt Nam Đào Thu Vân khi thực hiện luận án của mình  về phong trào dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX cũng đã đề cập đến Phan Bội Châu qua 2 luận văn:  “Tình hình và đặc điểm của phong trào Đông Du ở Bắc Kỳ Việt Nam” (Betonamu Tonkin (Bac Ki) ni okeru Toyu Undo no Jokyo to Tokucho)[28] (2014) và “Phong trào Đông Du và Đông Kinh nghĩa thục ở Việt Nam thời thuộc địa – Nghiên cứu quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đầu thế kỷ XX” (Shokuminchi-ki Betonamu no Dong Du Undo to Gijuku Undo – 20 Seiki Shoto Betonamu-Nihon Kankeishi no Kenkyu), Kanazawa Daigaku, 2016[29].

Riêng về mối quan hệ giữa Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro(Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang)thì ở Nhật Bản cũng đã có những công trình nghiên cứu đáng chú ý: năm 1979, Shibata Shizuo đã công bố bài viết “Asaba Sakitaro đã giúp đỡ nhà hoạt động lưu vong của phong trào dân tộc Việt Nam (Betonamu Dokuritsu Undo no Bomeisha wo tasuketa Asaba Sakitaro) Bannan Bunka[30]. Năm 1985, Tomita Haruo giới thiệu về di sản của phong trào Đông Du trên đất nước trong bài viết “Mộ và bia kỷ niệm - Di sản còn lại của phong trào Đông Du” (Haka to Kinenbi – Toyu Undo ga nokosita mono)[31], 1985.Gần đây, Anma Yukiho, linh hồn của Hội Asaba Việt Nam (Asaba Betonamu Kai), người tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm mối tình Phan Bội Châu-Asaba Sakitaro ở Nhật Bản và Việt Nam cũng có viết nhiều bài về mối quan hệ giữa 2 ông cũng như hoạt động của hội, đáng chú ý nhất là bài “Giao lưu giữa Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro” (Han Bai Shu (Phan Boi Chau) to Asaba Sakitaro no Koryu)[32] . Tuy chưa thể nói đây là những công trình nghiên cứu sâu sắc về sự giúp đỡ của bác sĩ  Asaba Sakitaro đối với Phan Bội Châu và phong trào Đông Du cũng như mối tình sâu đậm giữa Phan Bội Châu với Asaba Sakitaro nhưng những bài viết này là nguồn tư liệu quý cho việc nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn về mối tình của hai bậc tiền nhân đáng kính của hai nước Nhật-Việt.

TẠM KẾT

Sau khi đã điểm qua các công trình nghiên cứu về Phan Bội Châu ở Nhật Bản, chúng ta cũng thấy được rằng: ở Nhật Bản có đội ngũ nghiên cứu về Phan Bội Châu khá đông đảo, gồm nhiều thế hệ, nhiều trường phái và đạt được nhiều thành tựu, xác lập được vị thế trong giới nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản cũng như trên thế giới. Vậy, tại sao, nghiên cứu về Phan Bội Châu ở Nhật Bản lại có được những thành tựu như vậy?

Trước hết là vì khi nói đến Phan Bội Châu, người ta thường gắn sự nghiệp của ông với phong trào Đông Du, mà phong trào Đông Du thì chủ yếu diễn ra trên đất Nhật Bản mà người Nhật rất qua tâm nghiên cứu về phong trào Đông Du và tất nhiên phải tìm hiểu về lãnh tụ phong trào là Phan Bội Châu. Hơn nữa, nghiên cứu về Phan Bội Châu không đơn thuần chỉ để hiểu biết về nhân vật lịch sử này và những công lao của ông đối với phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam mà còn góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam nên nhiều nhà nghiên cứu Nhật chọn những vấn đề xung quanh hoạt động của Phan Bội Châu và phong trào Đông Du trên đất Nhật làm đề tài nghiên cứu chính của mình.

Thứ hai là, nguồn tư liệu quan trọng nhất để nghiên cứu về Phan Bội Châu phần lớn đều là là tư liệu bằng chữ Hán. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản có khả năng nắm bắt nhanh hơn nguồn tư liệu chữ Hán so với các nhà nghiên cứu phương Tây. Mặt khác, so với các nhà nghiên cứu người Trung Quốc thì các nhà nghiên cứu Nhật Bản nhạy bén hơn trong việc tiếp cận phương pháp nghiên cứu mới, có khả năng kết hợp nhiều quan điểm khác nhau khi nghiên cứu, đánh giá về Phan Bội Châu.

Ba là, khi nghiên cứu về Phan Bội Châu, các nhà nghiên cứu Nhật Bản cũng có ưu thế hơn các nước khác vì sự tài trợ mạnh mẽ từ chính phủ, các quỹ phát triển khoa học và từ các công ty để tiến hành học tập, nghiên cứu ở Việt Nam. Để có được những luận văn xuất sắc, chứa đựng nhiều điểm mới, các nhà nghiên cứu Kawamoto Kunie, Shiraishi Masaya, Imai Akio…đã tiến hành hang chục chuyến đi điều tra nghiên cứu ở Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Mỹ và đặc biệt là ở Việt Nam. Bởi vậy, các công trình nghiên cứu về Phan Bội Châu của họ thường có tư liệu hết sức phong phú, được lý giải một cách khách quan hơn nhờ kết hợp một cách hữu cơ nhiều quan điểm khác nhau.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu về Phan Bội Châu ở Nhật Bản vẫn còn một số hạn chế. Đó là, rất ít người quan tâm nghiên cứu thơ văn Phan Bội Châu, một lĩnh vực rất quan trọng trong sự nghiệp của ông. Hơn nữa, các các công trình nghiên cứu về Phan Bội Châu ở Nhật chưa được công bố bằng ngôn ngữ quốc tế như tiếng Anh, tiếng Pháp nên chưa được giới nghiên cứu quốc tế biết đến nhiều. Theo tôi, công bố quốc tế là vấn đề lớn của giới nghiên cứu Việt Nam học ở Nhật Bản nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Furuta Motoo: Japanese Research on Vietnam, Social Science, Japan, No. 8, January, 1987.

2. Furuta Motoo: Nihon ni okeru Betonamu Kenkyu (Nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản) in Kimura Hiroshi (Chủ biên): Nihon-Betonamu kankei wo manabihito no tame ni (Những bài học về quan hệ Nhật Bản-Việt Nam), Tokyo, Sekai Shissosha, 2000. Bản tiếng Việt: Những bài học về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, NXB Thống kê, Hà Nội, 2005.

3. Nguyễn Tiến Lực: Nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở Nhật Bản: Trường phái, thành quả và đặc điểm của nó, Sử học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá: Những vấn đề lí luận và phương pháp tiếp cận, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011.

4. Roustan, Federic: Và lịch sử vẫn tiếp diễn: Khái lược về ngành Việt Nam học tại Nhật Bản (Nguyên tác: Et l’histoire continue: petite présentation du monde des études vietnamiennes au Japon, Nguyễn Nam Trân dịch, http://www.erct.com/Nghiencuu

5. Shimao Minoru, Sakurai Yumio: Vietnamese Studies in Japan, 1975-1996, Acta Asiatica, No. 76. 1999.

6. Shimao Minoru: Nhìn lại việc nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản, Quan hệ văn hóa-giáo dục Việt Nam-Nhật Bản và 100 năm phong trào Đông Du, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006.

7. Takada Yoko: Nihon ni okeru Betonamu-shi Kenkyu no sokatsu to tembo, Ajia-Africa Kenkyu, Vol.9, No.3, 1989). Sau đó được dịch ra tiếng Anh với tựa đề Vietnamese Studies in Japan, Asian Research Trends, 1991, và bản tiếng Việt: Nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở Nhật Bản, Nghiên cứu Lịch sử, Số 295 và 286, 1996.

8. Các công trình nghiên cứu của các tác giả đã giới thiệu trong bài viết.



*PGS.TS, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Trường ĐHKHXH &NV, ĐHQG TP Hồ Chí Minh.

[1]Kokuryukai: ToA Senkaku Shishi Den, Kokuryukai Shuppankai, Showa 8 (1935).

[2]Bokudo Sensei Denki Kankokai: Inukai Bokudo Den, Toyo Keizai Shimbunsha, 1938-1939.

[3]Tanikawa Yoshihiko: Dai Ichiji Sekai Taisenzen no Vetonamu Minzokushugi, Hosei Kenkyu, No. 27, 1961.

[4]Tanikawa Yoshihiko:Tonan Aja Minzoku Kaiho Undoshi, Keiso Shobo,1979.

[5]Terahiro Teruo: Etunan Shoki Minzoku Undo wo meguru Nihon to Chugoku, Osaka Bungei Daigaku Kiyo Jinbunkagaku, No.15(1967.3)

[6]Sakai Izumi: Betonamu ni okeru 20 Seki Shoto no Kofutsu Toso – Phan Boi Chau no Shiso to Katsudo, Gekkan Ajia-Afrika Kenkyu,No.133,No. 134, 1972.

[7]Goto Kinpei: Nihon no naka no Betonamu, Soshiete, 1979.

[8]Nagaoka Shinjiro-Kawamoto Kunie: Vetonamu Bokokushi Hoka, Heibunsha, 1966.

[9]Kawamoto Kunie: Han Bai Shu no Shoki no Chosaku nit suite, Keio Gijuku Daigaku Geibun Kenkyu, Vol. 30, 1971.

[10]Kawamoto Kunie:Phan Boi Chau no Nihonkan, Rekishigaku Kenkyu, No.391, 1972.

[11]Kawamoto Kunie:Ishin Toyuki ni okeru Han Bai Shu no shiso – Vetonamu Minzokuundo no Kiten, Shiso, No. 584, 1973.

[12]Kawamoto Kunie: Han Bai Shu to Hoko oyobi Kakumei Domeikai to no Kankei - Ishin Toyuki ni tuite mitaru, Keio Gijuku Daigaku Gengo Bunka Kenkyusho, No. 11, 1979.

[13]Shiraishi Masaya:  Phan Boi Chau and Japan, Southeast Asian Studies, Kyoto Uviersity, Vol.13, No.3, 1975.

[14]Shiraishi Masaya: Kaimeiteki Chishikijinso no Keisei: 20 seiki shoto no Betonamu, Tonan Ajia Kenkyu, Kyoto Daigaku, 1976.

[15]Shiraishi Masaya: Tainichi-ki no Phan Boi Chau (Betonamu) to Unnan-sho Katsudoka to no Koryu), Toyo Bunka Kenkyujo Kiyo, Vol. 85, 1981.

[16]Shiraishi Masaya:Toyu Undo-ki no Phan Boi Chau - Tonichi kara Nicchu kakumeika to no Koryu made, Gannando, 1981.

[17]Shiraishi Masaya: Phan Boi Chau (Betonamu) to Miyazaki Toten, Son Bun to no Nihon ni okeru Sessoku, Osaka Gaikokugo Daigaku Tai-Betonamugoka Kiyo, No.1, 1984.

[18]Shiraishi Masaya: Han Bai Shu no Kokugai Taikyo wo megutte - Zainichi Betonamu Toyu Undo no Shuen, Toyoshi Kenkyu, Vol.46, No.2, 1987.

[19]Shiraishi Masaya: Betonamu Seinen no Nihon Ryugaku - Meiji-ki Nihon ni okeru Toyu Undo, Kokuritsu Kyoiku Kenkyusho Kiyo, No. 121, 1992.

[20]Shiraishi Masaya: Betonamu Minzoku Undo to Nihon, Ajia - Phan Boi Chau no Kakumei Shiso to Taigai Ninshiki, Gannando, 1993.

[21]Kusunose Masaaki: 20 Seiki Shoto ni okeru Betonamu Nasionarizumu-Han Bai Shu wo Chushintosite, Hiroshima Daigaku Bungakubu Kiyo, Vol. 41, 1981.

[22]Matsumoto Kenichi: Kindai Ajia Seishin no Kokoromi, Chuo Koron, 1995.

[23]Imai Akio, Hue Kankin Jidai no Phan Boi Chau no Shiso, Tokyo Gaikokugo Daigaku Ronju, No. 51, 1997.

[24]Nguyen Tien Luc: Niju Seiki Shoto no Betonamu Chishikijin no “Kokumin Kokka” kan no Keisei Katei wo Chushin toshite, Hiroshima Toyoshi Gakuho, No.2, 1997.

[25]Nguyen Tien Luc: Betonamu-Nihon Kankeishi no Kenkyu - Meiji Ishin kara Taiheiyo Senso made, Hiroshima Daigaku, 1998.

[26]Utsumi Sanbachiro-Chiba Eiichi-Sakurai Ryoju: Vetonamu Dokuritsu Undo Han Bai Shu Den Nihon Chugoku wo kakenuketa Kakumeika no Shogai, Fuyo Shobo, 1999.

[27]Shiraishi Masaya: Nihon wo mezasita Betonamu no Eiyu to Koshi- Phan Boi Chau to Cuong De, Sairyusha, 2012.

[28]Dao Thu Van: Betonamu Tonkin (Bac Ki) ni okeru Toyu Undo no Jokyo to Tokucho, Kanazawa Daigaku Jinbun Shakai Kankyo Kenkyu, No.27, 2014.

[29]Dao Thu Van: Shokuminchi-ki Betonamu no Dong Du Undo to Gijuku Undo – 20 Seiki Shoto Betonamu-Nihon Kankeishi no Kenkyu, Kanazawa Daigaku, 2016.

[30]Shibata Shizuo: Betonamu Dokuritsu Undo no Bomeisha wo tasuketa Asaba Sakitaro), Bannan Bunka, 1979.

[31]Tomita Haruo: Haka to Kinenbi – Toyu Undo ga nokosita mono, Nanpo Bunka, No.2, 1985.

[32]Anma Yukiho: Han Bai Shu (Phan Boi Chau) to Asaba Sakitaro no Koryu,  www.asaba.or.jp

Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 15.12.2017.

20181203 Kieu

Như tự thuật của tác giả cho biết, cuộc kỳ ngộ của Charles Benoit (Lê Vân Nam) với nàng Kiều Việt Nam như một xếp đặt của tạo hóa, nhưng con tạo chẳng khéo vần xoay đã khiến cho ước vọng dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh theo cách của ông bị xếp lại nhiều thập kỷ. Khoảng thời gian đầu của cuộc phân ly ấy, Benoit đã dấn thân vào hành trình tìm kiếm diễn tiến của câu chuyện mà ông trót đam mê như để dằn nén những khủng hoảng tinh thần.

  1. Nhìn lại hành trình một kiếm tìm  

Nghiền ngẫm trên hàng ngàn trang tư liệu liên quan, Benoit đã nhận ra trong câu chuyện Vương Thúy Kiều sự lạ kỳ của con đường sử thực trở thành sử liệu (bao gồm cả việc lưu truyền sự kiện cũng như sự chân-ngụy của lưu truyền, của ghi chép sự kiện), con đường lịch sử đi vào văn chương. Và năm chương của luận án là chuyện kể của riêng Benoit về diễn trình kỳ lạ đó. 

Ở chương mở đầu, như tên gọi, “Từ Hải và đối thủ lịch sử của ông - Hồ Tôn Hiến”, tác giả công trình đã trở lại mắt xích đầu tiên của câu chuyện là mối quan hệ giữa Từ Hải và Hồ Tôn Hiến, hai nhân vật đối đầu nhau trong cuộc chiến chống hải tặc ở Trung Hoa giữa thế kỷ 16.

Câu hỏi được đặt ra là chiến dịch Hồ chống rồi tiêu diệt Từ có bối cảnh ra sao[1]? Vào đầu triều Minh, nhằm đối phó với đạo tặc bản địa và sự xâm nhập của hải tặc Nhật Bản, triều đình đã ban lệnh cấm chỉ hàng hải và ngoại thương trên biển. Hệ quả của lệnh cấm này là triều đình độc chiếm ngoại thương, ngư dân – vì sinh kế đã nổi loạn – rồi buộc phải thành buôn lậu, và thành hải tặc. Theo các ghi chép lịch sử, đến khoảng giữa thế kỷ 16 tình hình này trở nên đặc biệt nghiêm trọng, và mức độ kịch liệt cũng như sự lan tỏa mạnh mẽ của nạn hải tặc thường gắn liền với tên tuổi Từ Hải. Đây là tình huống được bàn luận không còn chỉ ở các địa phương có hải tặc hoạt động mà còn trở thành vấn đề ở tầng cao nhất: triều đình, đó là chiêu an hay tận diệt Từ Hải. Hồ Tôn Hiến, viên Tổng đốc vừa nhậm chức, muốn chọn cách thứ nhất còn Hoàng đế có chỉ lệnh chọn cách thứ hai. Tuy nhiên, theo các chứng cứ lịch sử mà Benoit trưng dẫn, vì Hoàng đế có những mối quan tâm khác, vì những mâu thuẫn bè đảng nên đối sách của triều đình với nạn hải tặc đã không có sự thống nhất, và chính từ đây những sai lệch lịch sử trong các ghi chép về sự việc này bắt đầu xuất hiện. Có trường hợp là do Hồ Tôn Hiến cố tình tạo ra để được tùy nghi hành động. Có lúc do người thân tín hoặc thuộc hạ, để bảo vệ Hồ khỏi những công kích của phe đối thủ nên đã chủ ý ngụy tạo thông tin khiến cho hồ sơ thực sự về cuộc chiến chống Từ Hải của Hồ bị làm sai lệch. Tiêu đích của những đối sánh cứ liệu và phân tích mà Benoit thực hiện là Từ Hải bản mạt của Mao Khôn.

Theo thuật sự của Mao Khôn, Hồ Tôn Hiến là một Tổng đốc tích cực đối phó và do đó có công trong việc tiễu trừ đội quân hải tặc do Từ Hải điều khiển. Nhờ chiến lược khôn ngoan (“uy hiếp với hứa hẹn, xảo quyệt với phủ dụ để chế phục”) Hồ đã khiến cho hải tặc vốn đang có thế mạnh hơn hẳn trở nên thất thế, khiến vị thủ lĩnh hải tặc là Từ Hải thành kẻ phản bội đồng minh của mình rồi rơi vào thế cô lập, bị quân của Hồ Tôn Hiến tấn công đến tận sào huyệt và phải chết “một cách đáng hổ thẹn bằng cách trầm mình xuống sông, nhưng lại bị vớt lên để chém đầu”[2]

Với cách đọc có phê phán của Benoit, tường thuật đó được nhận diện là dối trá về mọi phương diện. Để có được kết luận như vậy, Benoit đã khảo sát thuật sự của Mao Khôn đến từng chi tiết trong logic nội tại của văn bản cũng như đối chiếu nó với hàng chục văn bản bao gồm sử quan phương, dã sử, ký lục, liệt truyện của một số nhân vật đương thời hoặc sau đó,… trải dài từ đời Minh đến Thanh. Do Mao Khôn đã cố che giấu sự thật lịch sử, nên, theo Benoit, Từ Hải bản mạt ít nhất đã “không phải là những điều tai nghe mắt thấy (…) và do đó, không thể dựa vào nó như một sử liệu. Thay vào đó, nó nên được coi như bước khởi đầu của sự hư cấu mối quan hệ lịch sử giữa Hồ Tôn Hiến với Từ Hải và trong phạm vi nhỏ hơn với Vương Thúy Kiều”[3]. Đây là một kết luận quan trọng, vì hai lý do. Từ Hải bản mạt là văn bản được coi là sớm nhất, đầy đủ nhất trong số những tư liệu lịch sử thời kỳ này. Hơn thế, do người ghi chép là Mao Khôn – một cố vấn thân cận của Hồ Tôn Hiến, vị trí đặc biệt như vậy đã thành một bảo đảm nữa cho tư liệu này có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến ngay cả sử quan phương đương thời, đến các văn bản đời sau, thậm chí nhiều sử gia hiện đại vẫn coi đó là nguồn tư liệu minh xác. Nói khác đi, Benoit đã “giải ảo” một tài liệu từ lâu vẫn bị nhận nhầm về độ chân xác lịch sử. Và với kết luận này Benoit đã tạo cầu nối cho vấn đề mà ông sẽ đi tiếp: quá trình hư cấu câu chuyện Vương Thúy Kiều.

Chương Hai. Khi phân tích ở Chương Một, Benoit cũng nhận ra rằng dấu vết của Thúy Kiều rất mờ nhạt trong bản kể của Mao Khôn (và của các tác giả khác có cùng định hướng nhận thức về Hồ Tôn Hiến), và lý do có thể cùng chiều với động cơ làm sai lệch hình ảnh Hồ Tôn Hiến và Từ Hải của Mao Khôn, bởi sự thật về nàng có thể tiết lộ bản chất của sự kiện. Thế nhưng, không dừng lại ở nhận xét đó, Benoit đặt tiếp câu hỏi: nếu Thúy Kiều quả thật nhạt nhòa như vậy thì làm sao có thể giải thích được việc nàng đã thuyết phục thành công Từ Hải quy hàng Hồ Tôn Hiến? Đi tìm nguyên do của hiện tượng này, Benoit tập trung vào hai bản kể: Vương Kiều Nhi truyện của Từ Học Mô và Lý Thúy Kiều của Đới Sĩ Lâm, nhưng chủ yếu là bản kể của tác giả họ Từ.

Được viết trong quãng hai thập kỷ của sự kiện lịch sử, với hai nguồn tư liệu là ký lục lịch sử có sẵn và qua nguồn thông tin truyền khẩu của cư dân trong vùng diễn ra sự kiện, Vương Kiều Nhi truyện trở thành câu chuyện pha trộn cả sử liệu mang thiên kiến với hư cấu, tưởng tượng. Như phân tích của Benoit, bản kể của Từ Học Mô đem lại hai nét mới quan trọng nhất cho câu chuyện là: vị trí Thúy Kiều như một ái cơ của Từ Hải, do đó đã góp sức khiến ông thất trận; và kết cục, chính nàng cũng phải chọn một cái chết bi thương. Thêm nữa, qua đối chiếu văn bản, Benoit còn chỉ ra rằng viết Vương Kiều Nhi truyện “không phải để bôi nhọ danh tiếng Hồ Tôn Hiến” mà trái lại Từ Học Mô “là một trong những người tán dương công lao của Hồ Tôn Hiến trong việc diệt trừ cướp biển và xót xa cho sự bất công xảy đến với Hồ sau đó” còn thiện cảm của tác giả lại dành cho nhân vật nữ có hành vi cao thượng nhưng kết cục bi thương. Để đánh giá cách “kể” của Từ Học Mô trong diễn tiến chung của câu chuyện, Benoit đặt Vương Kiều Nhi truyện bên cạnh một cách kể khác về Thúy Kiều là Lý Thúy Kiều của Đới Sĩ Lâm. Lý do chọn đối sánh này của nhà nghiên cứu là ở cả hai trạng thái: khác và giống. Câu chuyện thứ hai do một tác giả không tên tuổi (trong khi Từ Học Mô, người viết câu chuyện thứ nhất là một sử gia có tiếng), lối viết kém trau chuốt thiếu nhất quán hơn; nhưng cả hai lại giống ở chỗ được viết theo cùng nguồn tư liệu và có cùng động cơ (ca ngợi sự nghiệp tiễu trừ hải tặc và cảm thương Thúy Kiều). Lập luận của Benoit là: những chi tiết giống nhau trong hai văn bản sẽ có tác dụng chứng thực cho các tình tiết trong bản của Từ Học Mô, còn sự khác biệt của các chi tiết cũng như tính logic của diễn biến câu chuyện cho thấy Từ Học Mô đã tạo những nét mới có ý nghĩa cho câu chuyện là: khiến cho nhân vật Hồ Tôn Hiến trở nên tiêu cực hơn, khẳng định vị trí ái cơ của Từ Hải cho Thúy Kiều và do đó nàng có vai trò rõ hơn đối với sự quy hàng của Từ Hải cũng như phải chịu kết cục bi thương hơn. Sự mới mẻ này hoặc do Từ Học Mô “thêm thắt” vào, hoặc bởi ông đã ghi chép trung thực những “thêm thắt” của dư luận đương thời cho câu chuyện.

Nói khác đi, văn bản của Từ Học Mô “không chỉ tạo nên một đóng góp có ảnh hưởng mà còn là một bước ngoặt quan trọng đối với diễn tiến của câu chuyện Vương Thúy Kiều”[4], ở chỗ xác lập vai trò mới cho mỗi nhân vật, đặc biệt là nữ nhân vật. Ông quy công thuyết phục Từ Hải đầu hàng cho Thúy Kiều và miêu tả theo cách thương cảm việc nàng bị đối xử tồi tệ bởi bàn tay Hồ Tôn Hiến. Do vậy, nếu Hồ Tôn Hiến là đối tượng tìm hiểu mức độ trung thực của các dữ liệu lịch sử (Chương Một) thì Vương Thúy Kiều, do chịu cái chết bi thương liên quan đến Từ Hải, lại là điểm khả thủ cho việc khám phá con đường tiểu thuyết hóa câu chuyện. Chương này có tên “Vương Thúy Kiều – Cấu thành phối ngẫu của nhân vật anh hùng” là vì vậy.

 Chương Ba: “Hồ Tôn Hiến và Vương Thúy Kiều – liên minh chống lại Từ Hải”. Lần theo niên đại các văn bản liên quan, Benoit nhận ra hai tác phẩm khác xuất hiện sau các văn bản đã đề cập ở hai chương Một và Hai có cùng ý hướng khắc họa Hồ Tôn Hiến và Thúy Kiều thành một liên minh. Đó là “Hồ Thiếu bảo bình Oa chiến công” do Chu Tiếp – một nhân vật không tiếng tăm – viết sau 1593, Vương Thúy Kiều truyện của Dư Hoài – một nhà thơ danh tiếng - viết vài thập kỷ sau đó. Để tìm hiểu cách thức kiến tạo văn bản của Chu Tiếp và Dư Hoài, Từ Hải bản mạtVương Kiều Nhi truyệnLý Thúy Kiều và một số sử liệu đã được dẫn dụ ở hai chương trên một lần nữa được Benoit tái trưng tập làm căn cứ đối sánh, cùng với một văn bản khác lần đầu được đưa ra là La Long Văn truyện của Phan Chi Hằng. Từ những đan cài chằng chịt về tư liệu của Chu Tiếp và Dư Hoài, Benoit chỉ rõ đâu là nguồn văn bản mà mỗi người đã dựa vào, nguyên nhân nào quy định hoặc can dự vào cách họ tổ hợp văn bản, và hiệu quả của những tự sự này là gì.

Do có ý tưởng ngợi ca công trạng Hồ Tôn Hiến “Hồ Thiếu bảo…” của Chu Tiếp đã chủ yếu dựa theo nguồn Từ Hải bản mạtVương Kiều Nhi truyện và một số sử liệu cùng chiều hướng này. Còn Dư Hoài lại có mục đích đặc tả nữ nhân vật nên nguồn của ông được chỉ ra là Vương Kiều Nhi truyệnLý Thúy KiềuLa Long Văn truyệnMinh sử… và phụ lục của Từ Hải bản mạt. Một lưu ý khác của Benoit là cả hai tác giả này đều thường xuyên sao phỏng gần như nguyên vẹn các nguồn văn bản khác nhau khiến cho các tình tiết truyện nhiều lúc trở nên tự mâu thuẫn, tuy mức độ mâu thuẫn này giảm thiểu nhiều từ Chu Tiếp đến Dư Hoài. Tuy thế, so với các văn bản tiền bối, đây là hai tác phẩm lần đầu tiên miêu tả Thúy Kiều là ca kỹ có nhan sắc (giai nhân); đồng thời, ở đây Thúy Kiều - dù vẫn được miêu tả là mang ân tình với Từ Hải - trở thành nhân tố đắc lực giúp Hồ Tôn Hiến hoàn thành xảo kế tiêu diệt Từ Hải; và đặc biệt, chân dung Từ Hải của Dư Hoài bắt đầu có thêm nhiều nét tích cực, gây nhiều cảm thông hơn.  

 Chương Bốn. Benoit gần như dành trọn vẹn số trang của chương này cho việc phân tích tỉ mỉ các chi tiết của hai tác phẩm: “Sinh báo Hoa Ngạc ân; Tử tạ Từ Hải nghĩa” của Mộng Giác Đạo Nhân và Tây Hồ Lãng Tử và Thu Hổ Khâu của Vương Long, rồi đối sánh chúng với nhau cũng như với các văn bản khác (Vương Kiều Nhi truyện hay Từ Hải bản mạt, …) để đi đến nhận xét:

Tuy chia sẻ với “Hồ Thiếu bảo” của Chu Tiếp các nguồn văn bản (là Từ Hải bản mạt của Mao Khôn và Vương Kiều Nhi truyện của Từ Học Mô) và thời gian sáng tác, nhưng “Trong số những phiên bản Hán văn được biết đến về câu chuyện Vương Thúy Kiều, mẩu chuyện này (“Sinh báo Hoa Ngạc”) là cố gắng văn chương đầu tiên kể lại một cách thuyết phục sự can dự của Thúy Kiều với Hồ Tôn Hiến và Từ Hải”[5]. Qua “Sinh báo Hoa Ngạc”, Thúy Kiều đã “thành nhân vật bi kịch với tính cách liệt nữ mà ngày nay chúng ta thấy. Mưu kế chinh phục Từ Hải của Hồ theo đó trở nên thứ yếu so với việc thể hiện đoạn đời trước đó của Thúy Kiều, sự gắn kết của nàng với Từ Hải, và kết cục bi thương của nàng. Dần dà, vai trò của Thúy Kiều trong việc tác động đến sự đầu hàng của Từ Hải tăng lên, tình yêu của nàng với Từ Hải được khẳng định, và cách cả hai kết thúc cuộc đời cũng trở nên thống nhất. Dẫu nhân vật Hồ Tôn Hiến được xử lý cẩn thận để không trở thành kẻ bất lương hoàn toàn, nhân vật Từ Hải, với Thúy Kiều lúc này đang là phối ngẫu trung thành, lại dứt khoát trở thành một tướng giặc oai hùng”[6].

Còn với vở hý kịch Thu Hổ Khâu của Vương Long, viết sau “Sinh báo Hoa Ngạc” vài năm, Benoit khẳng định đây là một sáng tạo độc đáo vì rất khó nhận ra sự vay mượn thô sơ các văn bản nguồn. Chỉ có thể nhận ra gián tiếp nhiều dấu vết của Vương Kiều Nhi truyện và La Long Văn truyện và có thể từ một vài văn bản khác trong vở hý kịch, vì Vương Long đã xử lý hết sức cẩn trọng các nguồn văn bản đó; thậm chí, trong Thu Hổ Khâu không còn nhân vật Hồ Tôn Hiến mà chỉ có thể nhận ra ông ta qua hình ảnh ám dụ với một tên gọi hư cấu hoàn toàn. Như vậy, “Dưới ảnh hưởng liên tục của Vương Kiều Nhi truyện, công lao đánh bại Từ Hải mà Mao Khôn nhập vào cho Hồ Tôn Hiến dần dà được chuyển sang Thúy Kiều. Đến Thu Hổ Khâu, tất cả những hành động của Từ Hải đều trở thành hệ quả chỉ của những cố gắng của nàng. Trong quá trình này, từ “thị nữ” trong bản kể Mao Khôn, Thúy Kiều được biến thành liệt nữ. Hơn thế, khi quan hệ của nàng với Từ Hải bị chuyển từ kẻ phản bội sang người tình, thì cách hiểu về Từ Hải cũng thay đổi theo (…). Đến vở hý kịch của Vương Long, hiệu quả chân dung phủ định về Hồ Tôn Hiến (…) dần dần dẫn đến một tái cấu trúc trọn vẹn những vai trò lịch sử (…) nhân vật hèn mọn trở thành liệt nữ, kẻ cướp thành bạn đời của liệt nữ, và viên quan có công thành nhân vật phản diện hèn nhát”[7].

Có thể thấy, chủ đề của chương - “Sự xuất hiện của Từ Hải như bạn đời của liệt nữ” - được Benoit khảo nghiệm vẫn trên nền đối sánh văn bản. Hai văn bản được phân tích đã cung cấp đủ cứ liệu để khẳng định: câu chuyện đến lúc này đã hiện rõ hình nét của cặp nhân vật: tướng giặc oai hùng (Từ Hải) bên cạnh một người tình nhan sắc, một liệt nữ (Thúy Kiều).           

Cặp nhân vật trên tiếp tục là tiêu điểm của Chương cuối cùng “Từ Hải - Từ Hải - Cứu tinh của liệt nữ” – chương khép lại diễn tiến của câu chuyện Vương Thúy Kiều. Không đi ngay vào quá trình tạo tác văn bản sau đó tại Trung Hoa, Benoit dẫn người đọc trước hết ghé qua các nước trong khu vực Đông Á (với điểm dừng lâu hơn là Việt Nam), nơi câu chuyện được lan xa và đạt đến hình thức đẹp nhất của nó. Và chỉ khi khẳng định rằng chính nhờ tuyệt tác tân tạo của Việt Nam người ta mới bắt đầu quan tâm đến bản nguồn của câu chuyện, Benoit mới trở lại mạch văn bản Trung Hoa với tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện – tác phẩm “đạt tới giai đoạn đích thực” của câu chuyện này trong văn chương Trung Hoa.

Mối rối đầu tiên mà Benoit phải tháo gỡ là những nhầm lẫn đã xuất hiện xung quanh thời điểm sáng tác, thân thế tác giả, nguồn văn bản mà tiểu thuyết này dựa vào, vì tác phẩm vốn không có tiếng tăm. Để đính chính những ngộ giải đó, Benoit đề xuất phương án đặt tác phẩm vào đúng diễn tiến câu chuyện. Với ba cái tên liên quan đến cuốn tiểu thuyết này, là Thanh Tâm Tài Nhân – bút danh của người viết tiểu thuyết, Thiên Hoa Tàng Chủ Nhân – người viết bài tựa, và Kim Thánh Thán – người được coi là đã viết lời bình cho các hồi của tiểu thuyết, Benoit đã đưa ra những chứng cứ văn bản, và lập luận dựa trên đối chiếu phân tích các văn bản cả về nội dung và hình thức để khẳng định rằng người bình luận và tác giả của tiểu thuyết là một, còn Kim Thánh Thán chỉ là cái tên được gắn vào tác phẩm do tiếng tăm quá nổi của người này. Song, chính nhờ việc mượn danh có chủ ý này mà thời điểm ra đời của tiểu thuyết lại có thêm căn cứ để phóng đoán, và theo lập luận của Benoit thì có thể là vài thập niên sau 1644 – khi mà với “sự phổ biến của các bản Thủy hử và Tây sương, danh tiếng của Kim với tư cách là một nhà bình luận đã được xác lập vững chắc”[8]. Còn Thiên Hoa Tàng Chủ Nhân - một người không rõ thân thế nhưng chắc chắn là tác giả và chủ yếu là người bình điểm cho nhiều tiểu thuyết tài tử giai nhân đầu đời Thanh[9], trong đó có việc viết lời tựa cho Kim Vân Kiều truyện. Chính từ mối quan hệ này, Benoit cho rằng càng có cơ sở để tin cuốn tiểu thuyết ra đời vào những thập niên cuối của thế kỷ 17. Với trường hợp tác giả của Kim Vân Kiều truyện, Benoit cho rằng có những nhầm lẫn trong một số bài viết trên các tạp chí ở miền Nam Việt Nam những năm 1950 và 1960, khi cho rằng Thanh Tâm Tài Nhân là Từ Vị – một người sống cùng thời với Hồ Tôn Hiến. Benoit đưa ra bốn lập luận: 1/ Căn cứ văn bản của sự nhận đồng đó là các tài liệu đã bị hư cấu – những “giai thoại”, 2/ Từ Vị là người chia sẻ nhiều quan điểm với Hồ Tôn Hiến về việc tiễu trừ hải tặc nên không thể là tác giả của một tiểu thuyết có nhiều cảm thông như vậy với một cướp biển, 3/ Từ Vị là cây bút lỗi lạc nhất trong thời đại bấy giờ nên không thể viết ra một tác phẩm tầm thường như cuốn tiểu thuyết đó, và 4/ Ba nguồn tư liệu không thể thiếu trong hợp phần của Kim Vân Kiều truyện là Tiểu Thanh truyện (thời Hậu Minh), lược bản Vương Kiều Nhi truyện (1626) của Phùng Mộng Long và “Sinh báo Hoa Ngạc” (1643) đều chưa xuất hiện khi Từ Vị tại thế.   

Phần tiếp theo, Benoit thảo luận về bản chất thật sự của các hợp phần tư liệu nguồn tạo nên cuốn tiểu thuyết. Đầu tiên là vai trò của Vương Thúy Kiều truyện. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều coi đây là chất liệu chính, nhưng như Benoit đã chỉ ra rằng bất chấp rất nhiều sự kiện chung, nhiều đoạn văn tương đồng, thậm chí tương đồng đến từng từ, Thanh Tâm Tài Nhân đã không dựa trên văn bản này mà dựa theo Vương Kiều Nhi truyện của Từ Học Mô. Kết luận ở Chương Ba về việc tác phẩm của Dư Hoài đã vay mượn nhiều nguồn, trong đó có việc sao chép nhiều đoạn gần như y nguyên tác phẩm của Từ Học Mô, và việc đối sánh ba bản Vương Kiều Nhi truyệnVương Thúy Kiều truyện, Kim Vân Kiều truyện đã khẳng định những tương đồng nói trên không phải do sự sao phỏng của Kim Vân Kiều truyện từ Vương Thúy Kiều truyệnmà do cả hai đã vay mượn cùng một nguồn. Quan hệ cho-nhận giữa Vương Kiều Nhi truyện chứ không phải giữa Vương Thúy Kiều truyện với Kim Vân Kiều truyện còn được khẳng định chắc chắn thêm bởi trong Kim Vân Kiều truyện có những tình tiết vay mượn khác từ tác phẩm của Từ Học Mô, trong khi Dư Hoài lại chọn nguồn khác. Tiến thêm bước nữa, bằng cách soi xét kỹ các tình tiết trong toàn bộ những văn bản liên quan, kể cả những văn bản đã được các chương trước nhìn nhận, rồi xếp sắp lại chúng trong diễn tiến của câu chuyện Vương Thúy Kiều, Benoit còn chứng minh rằng văn bản nguồn chủ yếu của Thanh Tâm Tài Nhân là “Sinh báo Hoa Ngạc”, ngoài ra là lược bản Vương Kiều Nhi truyện và câu chuyện về nàng Tiểu Thanh cùng của Phùng Mộng Long, là vở hý kịch Thu Hổ Khâu, là Tam quốc diễn nghĩa, và có thể cả những trải nghiệm của cá nhân tác giả. Trong quá trình đi tìm một diễn tiến thực sự cho câu chuyện đang bàn, Benoit còn tìm thấy một vở kịch có tên Hổ phách chủy chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết sau khi nó ra đời và nó được ông phát hiện thêm ở khía cạnh chứng cứ bổ sung cho giả định trước đó về thời điểm sáng tác Kim Vân Kiều truyện là sau 1676. Với chi tiết vở kịch này có mặt trong một bản chép tay có niện đại 1707 nên cuốn tiểu thuyết hiển nhiên phải ra đời trước 1707. Từ hai dấu mốc thời gian này, Benoit cho biết “tôi chọn năm 1685, với sai số trên dưới khoảng năm năm, làm thời điểm mà cuốn tiểu thuyết có khả năng được sáng tác nhất”[10].

Phần cuối cùng của chương luận về sự chuyển hóa trong cuốn tiểu thuyết của ba nhân vật chính: Thúy Kiều, Từ Hải, và Hồ Tôn Hiến. Theo phân tích của Benoit, Thúy Kiều ở Kim Vân Kiều truyện là sự tổ hợp những nỗi đau khổ từng được khắc họa trong các phiên bản trước đây về nàng, và nguyên nhân của những bất hạnh mà nhân vật này gánh chịu cũng được lý giải rõ ràng bằng một lý do mang tính chất tôn giáo “thụ khổ là cần thiết để trả nợ nghiệp chướng từ kiếp trước”[11]; đặc biệt, theo Benoit, chính cách lý giải này đã tạo nên sự nhất quán cho tác phẩm vốn hình thành trên nhiều nguồn văn bản khác nhau.

Là nhân vật gắn bó với một phần đời quan trọng của Thúy Kiều, Từ Hải còn là cao trào của tác phẩm. Để tạo nên một nhân vật như thế, Thanh Tâm Tài Nhân đã chủ ý thay đổi các nguồn tư liệu vay mượn, đưa ra một Từ Hải rất khác biệt. Ông không còn là kẻ nổi loạn tầm thường mà là “một kẻ phản loạn bất khuất, yêu tự do phóng khoáng, coi thường quyền uy, thậm chí đe dọa cả ngai vàng”[12] - một anh hùng; còn trong quan hệ với Thúy Kiều, Từ Hải “giờ đây xuất hiện không chỉ trong tư cách ân nhân tối thượng của Thúy Kiều mà còn ở tư cách một thẩm phán công lý tối cao trong một xã hội bất công”[13]. Đồng thời tác động của liệt nữ với hành xử của nhân vật anh hùng cũng được miêu tả là tích cực; các phương diện về nhân thân, tính cách cũng được cải chế theo hướng gây thiện cảm hơn nữa. Khác biệt với những thay đổi lớn về hai nhân vật trên, Hồ Tôn Hiến trong tiểu thuyết lại gần như không được tác giả dụng tâm bao nhiêu. Theo Benoit, dường như Thanh Tâm Tài Nhân đã bằng lòng với chân dung thiếu thiện cảm về nhân vật này mà các bậc tiền bối đã tạo ra, và sự cải biến đây đó của ông chỉ nhằm xây dựng Hồ Tôn Hiến thành “địch thủ bội tín” của hai nhân vật bi kịch anh hùng-liệt nữ nói trên[14].          

2. Nhân vật tiêu điểm: Từ Hải

Có ba nhân vật luôn hiện hữu trong các văn bản liên quan, do đó và do mối quan hệ đan cài của họ mà bộ ba nhân vật này luôn được bàn thảo đến trong cả năm chương sách. Vị trí, tính chất, vai trò của ba nhân vật, như Benoit nhận xét, đã được thiên diễn theo thời gian, theo mục đích của người tạo văn bản và theo tính chất của văn bản. Trong nhiều văn bản mà đặc biệt là văn bản Trung Hoa đã “đạt tới giai đoạn đích thực của nó trong văn chương”[15] - Kim Vân Kiều truyện - thì Thúy Kiều hoặc là nhân vật gây thương cảm, khiến câu chuyện được ghi lại, hoặc thành nhân vật trung tâm. Song theo lịch trình thời gian thì không phải thế: Từ Hải và đối thủ Hồ Tôn Hiến của ông là mắt xích quan trọng đầu tiên. Thêm nữa, cũng vẫn theo các trưng dẫn tư liệu và lập luận của Benoit, Từ Hải mới là nhân vật đẹp nhất của quá trình tạo văn bản.

Khởi đầu, Từ Hải không phải là thủ lĩnh hải tặc, và Hồ Tôn Hiến là viên quan có công tiễu trừ nạn giặc đó, quanh những năm 1550. Từ Hải gốc tích là một sư tăng, nhưng do tính cách phiêu lưu nhiều tham vọng nên sau đó bị cuốn vào các hoạt động thương mại trên biển, rồi tham gia vào hoạt động cướp biển, và chỉ trong tình huống ngẫu nhiên ông mới thành một trong những thủ lĩnh hải tặc, rồi bị Hồ Tôn Hiến tiêu diệt. Bước vào văn bản đầu tiên - Từ Hải bản mạt của Mao Khôn - Từ Hải thành kẻ xảo trá, và do Hồ Tôn Hiến được cố ý miêu tả thành kẻ khôn ngoan, có chiến lược tài tình nên Từ Hải phải chịu một kết cục “nhục nhã” (Chương Một). Đến Vương Kiều Nhi truyện Từ Hải đã có những nét khác so với Từ Hải trong Từ Hải bản mạt. Ông không còn chỉ ở thế bị Hồ Tôn Hiến uy hiếp nữa mà đã có nét uy quyền của một đối thủ đáng kiêng nể, và cũng không còn nét xảo trá, khó lường mà Mao Khôn đã chủ ý phác họa. “Bản kể đầy thương cảm của Từ Học Mô (…) gần như bảo đảm rằng qua bàn tay của các tác giả đời sau, Từ Hải sẽ được biến đổi dần dần, từ một thảo khấu thấp hèn trong chính sử thành một anh hùng chính trực trong tiểu thuyết và kịch”[16] (Chương Hai). Những chỉnh sửa căn bản về Từ Hải, theo trình bày của Benoit, sau đó được thực hiện qua “Hồ Thiếu bảo bình Oa chiến công” của Chu Tiếp, và Vương Thúy Kiều truyện của Dư Hoài. Ở những văn bản này, Từ Hải thành viên tướng giặc oai phong, thành người bạn đời của nhan sắc Thúy Kiều (trong khi Hồ Tôn Hiến dần bị lãng quên trong ý đồ cải biên của các tác giả) (Chương Ba). Tiếp đó, ở “Sinh báo Hoa Ngạc” của Mộng Giác Đạo Nhân và Tây Hồ Lãng Tử và Thu Hổ Khâu của Vương Long, trong khi việc miêu tả mưu kế của Hồ Tôn Hiến trở nên thứ yếu thì việc miêu tả sự gắn kết của Thúy Kiều với Từ Hải lại gia tăng, kèm theo đó là tường thuật đầy cảm thương về kết cục bi kịch của nàng. Benoit chỉ ra rằng tình yêu của Từ Hải với Thúy Kiều có đường nét rõ ràng hơn, và với mức độ tình cảm đó, hành vi tự tận của nàng sẽ cộng hưởng thành một bảo đảm chắc chắn cho vị trí “liệt nữ” của Thúy Kiều thì cũng tự nhiên nhân vật Từ Hải có thêm những nét mới: Từ Hải trở nên hấp dẫn hơn ở cả hai phương diện, thủ lĩnh hải tặc và bạn đời liệt nữ. Đồng thời, Benoit cũng chỉ ra rằng, cả Từ Hải và Thúy Kiều đều không phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những diễn biến liên quan đến kết cục của Từ Hải (là quy hàng, và chết một cách bi kịch), họ là nạn nhân bi thương của Hồ Tôn Hiến, và do đó Hồ Tôn Hiến càng mang những nét thiếu thiện cảm (Chương Bốn). Bước đệm giữa hai quá trình nói trên (Chương Ba và Bốn) là La Long Văn truyện của Phan Chi Hằng. Đây là văn bản sớm nhất phản ảnh tính cách phức tạp của nhân vật Từ Hải: vẫn có nét bất trắc trong quan hệ với Hồ Tôn Hiến nhưng dễ thuyết phục trước Kiều, có khát vọng, và sụp đổ vì đã tin kẻ khác. Đến Kim Vân Kiều truyện, trong khi nhân vật Hồ Tổng đốc gần như không thay đổi thì, như bình luận của Benoit đã trích dẫn ở trên, Thanh Tâm Tài Nhân đã “chủ ý thay đổi các nguồn tư liệu vay mượn” để tạo ra “một Từ Hải khác biệt ngay từ đầu cho đến kết thúc (…), một kẻ phản loạn bất khuất, yêu tự do phóng khoáng, coi thường quyền uy, thậm chí đe dọa cả ngai vàng (…), giờ đây xuất hiện không chỉ trong tư cách ân nhân tối thượng của Thúy Kiều mà còn ở tư cách một thẩm phán công lý tối cao trong một xã hội bất công” (Chương Năm).

Nhìn lại diễn tiến chung của câu chuyện, có thể nhận ra rằng trong toàn bộ các văn bản được Benoit khảo sát, cả ba nhân vật đều bị cải chế theo hai hướng: thêm bớt và đảo ngược. Trong đó, Thúy Kiều là trường hợp tiêu biểu cho hướng thứ nhất, còn Hồ Tôn Hiến và Từ Hải thuộc về cả hai. Vậy thì nhân vật Từ Hải được coi là đẹp nhất của quá trình cải biên này vì lý do gì? Như Benoit đã chỉ ra, ngay trong sự hư cấu đầu tiên của tự sự này (Từ Hải bản mạt), mục đích của soạn giả là tạo một hồ sơ sáng giá cho Tổng đốc họ Hồ, và vì vậy lý lịch của Từ Hải đã bị bôi đen – đây là mối quan tâm và xu hướng của sử liệu kéo dài từ đời Minh đến đầu Thanh. Qua một số văn bản sau đó, sự chú ý được chuyển sang Thúy Kiều. Do được cái chết bi thương của nàng lưu truyền trong dân gian truyền cảm hứng, một số tác giả đã tái chế sự kiện và từng bước chuyển theo chiều hướng mới, bằng cách kết hợp hai nguồn ký lục và truyền khẩu. Như vậy, đây là sự cải biên tự do nhất, nếu so với hai nhân vật còn lại. Kiều đã từ nhân vật cực kỳ mờ nhạt thành một nhan sắc, thành người gánh trách nhiệm về cái chết của Từ Hải (gánh phần cho Hồ Tôn Hiến) và đồng thời cũng thành liệt nữ. Nhưng, sự phát triển gần như toàn thiện ấy liệu có thành, nếu thiếu nhân vật anh hùng Từ Hải? Lý do thứ hai liên quan đến nhân vật Hồ Tôn Hiến. Như đã nói, Từ Hải là người bị cố ý hạ thấp để tôn vinh quan Tổng đốc. Động tác cải chế này dựa trên việc làm sai lệch tư liệu vốn có, tức là bị ràng buộc hơn so với việc cải chế nhân vật Thúy Kiều. Thêm nữa, trong diễn tiến sau đó, khi sự lật ngược cách hình dung hai nhân vật này diễn ra thì chỉ Từ Hải được bổ sung những đường nét mới. Bất khuất, yêu tự do, coi thường quyền uy là những phẩm chất của kẻ làm loạn trong một trật tự toàn trị đã được gắn cho nhân vật vốn là hải tặc và thủ lĩnh hải tặc bất đắc dĩ. Còn tư cách cứu tinh của nhan sắc Thúy Kiều, là thẩm phán công lý trong xã hội bất công được gửi gắm vào Từ Hải thì có thể chắc chắn là những hình ảnh ước vọng, dù có dựa vào những mảnh hiện thực nhất định. Để có được một nhân vật với những mới mẻ đến mức đó, các tác giả không thể không khổ công và mạnh mẽ với những ý đồ vượt khỏi ước thúc của thời đại ở nhiều phương diện.

Còn Nguyễn Du. Tố Như Tử đem lại cho nhân vật Từ Hải của Đoạn trường tân thanh thêm những gì? “Hiển nhiên, ngoài cái đẹp ngôn ngữ mà Nguyễn Du đã sử dụng và nhạc tính của vần điệu mà ông đã sáng tạo nên, còn cần thêm điều gì đó để nhận chân sự mê đắm cực lớn của người Việt đối với một bộ tiểu thuyết Trung Hoa không mấy nổi tiếng. Lời đáp chủ yếu là ở phương thức sáng tạo mà theo đó Nguyễn Du đã cải biên tư liệu nguồn. Đối với những nhân vật được phác họa mờ nhạt của tiểu thuyết, ông đã truyền cho chúng những phẩm chất phổ quát, giúp chúng vượt qua thời gian hay không gian cụ biệt”[17]. Từ Hải chính là bằng chứng thuyết phục nhất khiến Benoit nhận ra và khẳng định khả năng văn chương có thể nhân lên gấp bội các giá trị lịch sử.

 Cuộc tìm kiếm diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều dừng lại trước những phân tích sâu hơn văn bản Việt Nam bằng nhận xét trên. Benoit luôn bám sát diễn tiến đó từ cả ba nhân vật chính, nhưng Từ Hải mới là nhân vật được ông ngưỡng mộ về mức độ tạo tác, và cũng chỉ Từ Hải của Nguyễn Du mới thành nhân vật mang thẩm mỹ và tính nhân bản sâu sắc nhất trong cả tập hợp văn bản được khảo sát. Đó là sự thật từ văn bản, song dường như đó cũng là khoảng trời riêng của chính Charles Benoit Lê Vân Nam.

3. Luận thuật văn bản: chân và mỹ

Câu chuyện về Vương Thúy Kiều, như các nhà nghiên cứu gần đây đã tổng hợp, có mặt trong ngót 200 văn bản Trung Hoa, trong đó những tư liệu mà Benoit bao quát và tập trung khai thác là những nguồn quan trọng nhất. Công phu của ông có thể thấy trước hết qua diện và lượng tư liệu được sử dụng: có sử liệu (là chiếu dụ, tấu biểu, địa phương chí, sử quan phương), có ghi chép của người đương thời và đời sau, có sáng tác văn chương (thơ, liệt truyện, hý kịch, tiểu thuyết…) dựa trên hai nguồn ký lục và truyền khẩu – được tập hợp trong 15 trang thư mục tài liệu tham khảo cuối công trình (nguyên bản tiếng Anh).

Đối diện với tư liệu, ở đây xin được khoanh vùng vào những tư liệu cổ, có những cấp độ và cách xử lý khác nhau. Nhận diện tư liệu, biện giải độ xác tín của tư liệu, và đánh giá chúng là những thao tác đầu tiên. Tiếp đó, với những trường hợp đa văn bản hoặc liên văn bản là phân tích đối sánh văn bản. Tầm nhìn và khả năng phát hiện của người xử lý văn bản, sử dụng văn bản phụ thuộc chính ở hai cấp độ thao tác này, mà chủ yếu là ở cấp độ thứ hai: đối sánh có phân tích và ngược lại.

Trở lại với diễn tiến của câu chuyện đang bàn, đã có nhiều học giả đi theo hướng khảo cứu văn bản. Trước hết là giới học thuật Trung Hoa. Hai trường hợp tiêu biểu là Đổng Văn Thành[18] và Trần Ích Nguyên[19]. Là học giả Trung Hoa, họ thuận lợi hơn hẳn về ngôn ngữ và khả năng tiếp cận văn bản Hán văn. Tuy nhiên, để tìm hiểu diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều có điểm hoàn kết rực rỡ ở Việt Nam thì cả hai học giả này lại bất lợi về ngôn ngữ.

Giữa hai học giả này, Trần Ích Nguyên là người có tinh thần làm việc khách quan hơn khi ông, dù phải mượn cây cầu phiên dịch, đã nhiều lần tìm đến Việt Nam và nguồn văn bản Việt (Hán Việt, Nôm). Cũng chính vì vậy, nhiều nhận định của Trần Ích Nguyên đã gần hơn với sự thật của diễn tiến câu chuyện tại Việt Nam. Trong Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều, trục chính của công trình, theo lời tác giả là “Khảo sát sự truyền bá và ảnh hưởng của Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đánh giá lại giá trị và địa vị của nó”, nhằm “giúp ích cho chúng ta cùng đi sâu nhận thức tình hình chỉnh thể câu chuyện Vương Thúy Kiều ở trong và ngoài Trung Quốc, đồng thời cũng là tìm một định vị lịch sử thích đáng cho tiểu thuyết cổ đại mà Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là chủ yếu”, và “để đào xới một số vấn đề về tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, xây dựng lại bộ mặt chân thực cho tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc”[20]. Như vậy, tiêu đích sâu xa của học giả Trung Hoa này không phải là câu chuyện nàng Kiều, hay diễn trình biến hóa của câu chuyện mà là giá trị của cốt truyện bản địa. Thêm nữa, khởi sự tìm tòi của Trần Ích Nguyên là thời điểm 1998 và hoàn thành vào năm 2001 - 20 năm sau khi luận án của Benoit hoàn thành; còn các công trình của Đổng Văn Thành, sớm nhất từ 1985 và muộn nhất là 1999[21] cũng đều ở sau thời điểm Benoit công bố kết quả nghiên cứu, 1981.

Điều quan trọng hơn, so với nghiên cứu của Benoit, các khảo sát nói trên đều phải nhường một bậc về cách trưng dẫn và phân tích tư liệu. Thường xuyên xuất hiện trong chuyên khảo của Benoit cụm từ “đọc có phê phán”, “tìm hiểu có phê phán”, “xem xét một cách có phê phán”, thái độ phê phán” (read critically, “critical examination”, “considered critically”, “critical attitude”). Đấy chính là lý do để nghiên cứu của Benoit, ngoài ưu thế tác giả thông thạo chữ Nôm (để đọc tác phẩm của Nguyễn Du), thông thạo tiếng Việt Latin hóa để tham chiếu đầy đủ các thảo luận của học giới Việt Nam, ngoài những tranh luận và đính chính tư liệu thuyết phục với chính nguồn văn bản chữ Hán, còn có những luận biện tinh xác về diễn biến logic của câu chuyện từ tổng thể văn bản, tình tiết, chiều hướng dịch chuyển khung truyện, và đặc biệt là sự tài tình trong phân tích diễn tiến câu chuyện mà các nghiên cứu bản địa nói trên không có được. Hầu hết các tư liệu đều được lật đi lật lại, được kiểm chứng đối sóng hoặc kiểm chứng trong một tập hợp văn bản nhất định. Nhờ vậy, Benoit dường như đã khai thác triệt để mọi thông tin có khả năng hàm chứa trong văn bản; thậm chí cả những văn bản mang ý nghĩa tiêu cực, dưới cách phân tích của Benoit, vẫn cho thấy chúng có thể giúp vào việc tìm ra một sự thật nào đó hoặc gợi ý cho một hướng tìm mới.

Diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều từ sự kiện lịch sử Trung Hoa đến kiệt tác văn chương Việt Nam do Charles Benoit thực hiện là một luận thuật văn bản tỉ mỉ, sát sao. Hơn nữa, phạm vi văn bản được luận bàn còn bao gồm (và thực tế là được quan tâm nhiều hơn ở) những tương quan quan hệ giữa ba nhân vật chính thuộc chuỗi sự kiện. Năm chương của công trình được phân chia theo hình thức là: chương đầu tiên luận thuật diễn tiến câu chuyện trong văn bản lịch sử, bốn chương còn lại thảo luận về diễn tiến ấy trong các văn bản văn chương; tên các chương cũng khẳng định chúng có tiêu điểm riêng. Nhưng, như độc giả theo dõi, cả năm chương đều xoay quanh mối quan hệ đan xen phức tạp giữa ba nhân vật chính. Benoit luận biện, bằng những cứ liệu văn bản, về sự thay đổi tính chất, trạng thái của từng cặp quan hệ trong nhận thức rằng cách khắc họa từng mối quan hệ riêng một khi thay đổi sẽ tác động lập tức đến các cặp quan hệ còn lại, tức là giữa chúng có một sự cộng hưởng mạnh mẽ, vì thế cách trình bày hoặc phân tích văn bản của ông luôn đảm bảo đồng thời hai yêu cầu của một khảo sát có điểm và có diện cũng như luôn hướng tâm một cách sát sao. Benoit cũng luôn cho rằng sự thay đổi trên bề mặt văn bản này phải có lý do, rồi ông cũng đương nhiên tự xác định một nhiệm vụ tiếp theo cho mình là tìm cách giải đáp nguyên do đó, hoặc bằng phân tích đối sánh văn bản hoặc tìm trong văn bản những chứng lý để lập luận về những lý do khả thủ của hiện tượng. Bởi vậy có thể hình dung, ở phương diện này, thao tác văn bản của Benoit còn là một đối thoại cương trực với tác giả của nhiều thời đại (người biên thứ, ký lục lịch sử, giai thoại, người tạo tác văn bản văn chương, người phẩm bình, và nhà nghiên cứu,…), là cuộc chiến bền bỉ chống lại những ảnh hưởng của các hệ thống văn bản tư liệu mang tính định kiến hoặc có sai lầm, lệch lạc, chống lại những lối nghĩ, hệ tập quán, thiết chế phi lý mà khoa học, nhất là khoa học xã hội nhân văn, thường gánh chịu. Nói cách khác, luận thuật của Benoit đã chạm đến mọi tầng văn bản, từ văn bản cụ thể đến văn bản siêu hình - tức những nhân tố tập tục, xã hội, tư tưởng, lịch sử,… hoặc động cơ cá nhân đã ước thúc quá trình tạo tác văn bản vật lý cụ thể. Thao tác này ít có mặt và gần như chưa thành một nguyên tắc làm việc xuyên suốt ở bất kỳ nghiên cứu nào về chủ đề này, nó thực sự là của riêng Benoit.  

          Tại Việt Nam, con đường tìm kiếm nguyên lai Truyện Kiều có thể tính từ những năm cuối thế kỷ 19 với vai trò mở đầu của một số học giả Pháp. Bước tiếp theo thuộc về một học giả Việt Nam là Thượng Chi với bài viết “Truyện Kiều” (Nam phong tạp chí số 30, 12-1919)[22]. Kể từ đây nhiều tác giả Việt Nam khác cùng góp công, như Phan Sĩ Bàng và Lê Thước với Truyện cụ Nguyễn Du – Tác giả truyện Thúy Kiều(Mạc Đình Tư xuất bản, Hà Nội, 1924), “Nguồn gốc quyển Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du” của Dương Quảng Hàm (đăng trên Tri tân số 4, 24-6-1941)[23], và “Nguồn gốc Truyện Kiều: ‘Phong tình cổ lục’ nào là ‘lam bản’ của Truyện Kiều” của Giản Chi (Tạp chí Văn [Sài Gòn] số 43, 1964). Tuy nhiên, do mục tiêu nghiên cứu và khả năng tiếp cận văn bản, hầu hết những bài viết này đều tập trung cho việc đối sánh truyện thơ của Nguyễn Du với tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện. Đi xa nhất trong hướng tìm tòi này là bài viết của Giản Chi[24], nhưng, như Benoit đã lập luận, do các tư liệu đưa ra thiếu độ chân xác nên bài viết không đủ sức thuyết phục[25]. Và vì vậy, nghiên cứu của Benoit không chỉ đính chính những nhầm lẫn của một số tài liệu Việt Nam trong việc nhận diện tác giả bản Kim Vân Kiều truyện, tham góp cụ thể vào việc xác định thời điểm Nguyễn Du có thể thực hiện việc cải biên câu chuyện Trung Hoa, mà nhận định của Benoit rằng: ngoài tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, để viết Truyện Kiều chắc chắn Nguyễn Du đã tiếp xúc với những nguồn tư liệu khác[26] (THY, NĐN nhấn mạnh), cho đến thời điểm này vẫn là kết luận có chứng lý và đầy đủ nhất về mức độ và khả năng cải biên các tư liệu nguồn, tức là sự sáng tạo nghệ thuật, của Nguyễn Du. Trên hành trình tìm kiếm này, Benoit đã tao ngộ nhiều thức giả Việt ở nhiều thời đại chung tình yêu khúc đoạn trường của Nguyễn Du, và có lẽ không quá ngộ nhận khi nghĩ rằng một người đọc không căn rễ Việt là Benoit đã nhận đồng hoàn hảo với những luận bàn của hai bậc túc nho Việt gần thời Nguyễn Du về thiên tài Nguyễn Du[27].

*  *  *

Trong cuốn sách này nếu văn bản luận án là phần cốt lõi thì “Lời thưa trước…”, “Nàng Kiều và tôi”, đến “Lời cảm ơn” và cả bài yết hậu này là những phụ văn bản, chúng cùng nhau tạo nên một liên văn bản. Đó là sự xếp chồng những lớp văn bản khác biệt về thời gian về người viết, khiến việc theo dõi câu chuyện của độc giả trở nên giống như sự bóc tách từng lớp văn bản điệp trùng phủ lên một lõi truyện. Hiệu ứng của một cuốn sách như vậy ra sao, câu trả lời xin chờ phản hồi của độc giả.

Diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều - Từ sự kiện lịch sử Trung Hoa đến kiệt tác văn chương Việt Nam là một công trình khoa học, song tác giả đã viết nó  như một tự sự về chuyến thám hiểm gian nan nhưng quyến rũ nhất của đời mình. Không rõ những khi lặn lội tìm kiếm tư liệu nghiên cứu tại các thư viện trên đất Mỹ và ở các nước châu Á, những lúc khổ công ngẫm suy về chúng để tìm ra những lời giải có khi nào Benoit nhận thấy lời Nguyễn Du nói về quãng đời mười lăm năm chìm nổi của nàng Kiều, rằng Lại tìm những chốn đoạn trường mà đidường như thật đúng với mình khi ấy. Phải hai lần rời Việt Nam trái hẳn với ước muốn và ngậm nhiều oan trái, Benoit đã có thể chọn cách rũ bỏ hoàn toàn những quan tâm, dứt bỏ tất cả những kết nối từng có với Việt Nam, với Truyện Kiều. Thế nhưng, chỉ hơn năm năm sau lần phải xa cách Việt Nam đầu tiên (1975-1981), Benoit đã hoàn thành hành trình tìm kiếm sự thật xung quanh diễn tiến câu chuyện về nàng Kiều; và sau hơn ba thập kỷ ấp ủ-cố lãng quên, dự án dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh của ông cũng thành hiện thực (vào cuối 2016)

Cõi trần mà lại thấy người cửu nguyên

Một kết thúc có hậu – cụm từ này như một lời an ủi. Nhưng Benoit từng viết “Việt Nam lúc nào cũng ở trong tôi”. Và đây không phải một dòng xã giao, nếu hiểu những trải nghiệm vô cùng đa dạng của ông ở Việt Nam. Quả thực, công trình học thuật để đời này không là đơn đặt hàng từ bất kỳ đâu ngoài một cam kết gắn bó tự nhiên và thật sâu nặng của Charles Benoit với Việt Nam, qua Truyện Kiều

Khi thân chẳng lọ là cầu mới thân

Vì thế, câu chuyện này có thể được xem như một minh chứng cho việc một giá trị văn hóa có thể điều giải tốt ra sao những trắc trở xuyên biên giới và thời gian.       

8.2015 – 8.2016


[1] Đây là cách viết một bối cảnh lịch sử với độ nén đặc biệt cao. Bởi người viết, thay vì trình bày một diễn tiến lịch sử chung chung của quãng thời gian này, đã chỉ tập trung vào một tình huống là nạn hải tặc trong đối sách của triều đình. Vì thế, nội dung chính của chương là thảo luận văn bản để nhận diện khả năng thực sự của sự kiện lịch sử không bị sao lãng hoặc trở nên rối rắm với những dữ liệu lịch sử thừa thãi.

[2] Trang 53 sách này.

[3] Trang 143-144 sách này.

[4] Trang 160 sách này.

[5] Trang 210 sách này.

[6] Trang 215 sách này.

[7] Trang 247 sách này.

[8] Trang 266 sách này.

[9] Để tìm hiểu nhân thân của người mang bút danh này, Benoit đã tranh luận với học giới Trung Hoa và cho rằng hai luồng nhận đồng của họ là không thuyết phục (xin xem các trang 266 và 267 sách này). 

[10] Trang 291 sách này.

[11] Trang 292 sách này.

[12] Trang 302 sách này.

[13] Trang 298 sách này.

[14] Trước khi kết thúc chương là bàn luận của Benoit về một số dẫn dụ có thể tạo nên những nhận xét mâu thuẫn với chiều hướng chung của sự cải biên mà ông lại nhận ra là chúng có thể hé lộ mối bận tâm và vị trí xã hội của tác giả.

[15] Trang 259 sách này.

[16] Trang 160 sách này.

[17] Trang 19 sách này.

[18] Đổng Văn Thành [董文成] là học giả Trung Hoa sung sức nhất trong nghiên cứu văn bản Kim Vân Kiều truyện. Ông có ngót chục công trình nghiên cứu, từ bài viết trên các tạp chí đến sách in tại Trung Hoa, từ năm 1985 đến 1999.

Gần hơn cả với hướng đi của Benoit là 2 bài viết:

 “Kim Vân Kiều truyện cố sự đích diễn hóa’’ [金云翘传》故事的演化], in trong Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng [明清小说论丛],  Tập 3, Thẩm Dương: Xuân Phong Văn nghệ Xuất bản xã, 6-1985

 “Kim Vân Kiều truyện nhân vật nguyên hình khảo”, in trong Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng [明清小说论丛], Tập 4, Thẩm Dương: Xuân Phong Văn nghệ Xuất bản xã, 2-1986

[19] Trần Ích Nguyên [陈益源], Vương Thúy Kiều cố sự nghiên cứu [王翠翘故事研究], Đài Bắc: Lý Nhân thư cục, 2001. Bản dịch tiếng Việt Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều (bản dịch của Phạm Tú Châu). Nxb Lao động & Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2004.

[20] Trần Ích Nguyên. Bản dịch tiếng Việt, Sđd, tr.13,14.

[21] Ngoài ra, còn có một số tìm tòi của học giả phương Tây, như:

            Eric Henry. “On the Nature of the Kiều Story” (“Về bản chất Truyện Kiều”), công bố trong Vietnam Forum, 3-1984

            hoặc K.C. Leung, The Cycle of Kieu (Qiao): Inheritance and creation reconsidered (Tham luận Hội thảo“Trung Quốc học thuật nghiên cứu chi thừa truyền dữ sáng tân” tổ chức tại Đại học Hồng Kông, 12.1989). Bản dịch tiếng Việt “Chu trình diễn hóa của Kiều: Lại bàn về kế thừa và sáng tạo” (Nguyễn Nam lược dịch), in trên Tạp chí Văn học số 9-2003

nhưng đều công bố sau thời điểm Benoit hoàn thành công trình của ông.    

[22] Năm 1943, bài viết gồm 4 phần (Cội rễ Truyện Kiều, Lai lịch tác giả, Văn chương Truyện Kiều, Tâm lý cô Kiều) này được đưa vào bộ sách Thượng Chi văn tập.  

Ở phần “Cội rễ Truyện Kiều”, cho rằng Nguyễn Du dựa theo Thanh Tâm Tài Nhân lục để viết lại thành Truyện Kiều, nhưng truyện của Thanh Tâm Tài Nhân lại có vẻ dựa trên “sự thực” nên Thượng Chi đã dịch câu chuyện Vương Thúy Kiều của Dư Hoài (trong Ngu sơ tân chí) mà ông tình cờ đọc được.

[23] Sau khi lược thuật những nghiên cứu trước đó về nguồn gốc Truyện Kiều (của Abel des Michels, Georges Cordier, H. Maspéro, Kiều Oánh Mậu, Thượng Chi, đặc biệt là của Phan Sĩ Bàng và Lê Thước), Dương Quảng Hàm kết luận: Nguyễn Du dựa vào Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

[24] Từ tham khảo 4 tư liệu Trung Quốc của người bạn là Lê Nhân Phủ (ghi chép của Từ Vị chép trong Kim Vân Kiều truyện), 2 bản Vương Thúy Kiều truyện của Dư Hoài chép trong Ngu sơ tân chí và Hồ Khoáng thập di lục tàn cảoQuán Hoa Đường bình luận Kim Vân Kiều truyện do Thanh Tâm Tài Tử  biên thứ và Kim Thánh Thán phê bình), Giản Chi nhận xét: 

“Truyện Kiều” của cụ Tiên Điền, về nội dung, không đúng hẳn với Vương Thúy Kiều trong Hồ Khoáng thập di tàn cảo và khác xa Vương Thúy Kiều của Dư Hoài in trong Ngu sơ tân chí nhưng trái lại, giống hệt Kim Vân Kiều truyện hay Thanh Tâm Tài Nhân của Từ Vị… Mặt khác, sự tích Kim Vân Kiều truyện của Từ Vị cũng là sự tích Kim Vân Kiều truyện do Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ và Kim Thánh Thán phê bình…

Như vậy, nguồn gốc Truyện Kiều, chắc chắn… là Kim Vân Kiều truyện của Từ Vị hoặc Kim Vân Kiều truyện do Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ. Nhưng,… Từ Vị là người đồng thời với Hồ Tôn Hiến. Vậy Kim Vân Kiều truyện của họ Từ hiển nhiên là viết vào đời Gia Tĩnh triều Minh. Còn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử thì có lẽ viết sau và viết lại (thành hồi) theo Kim Vân Kiều truyện của Từ Vị. Vậy thì… sao bằng nói: Lam bản Truyện Kiều là quyển Kim Vân Kiều truyện của Từ Vị, viết vào thời Gia Tĩnh triều Minh đầu thế kỷ XVI.

[25] Trang 279 sách này.

[26] Xin xem chú thích 3, “Dẫn nhập”, trang 21-22 sách này.

[27] Đó là

Mộng Liên Đường Chủ Nhân (Nguyễn Đăng Tuyển, 1820), với:

Truyện Thúy Kiều chép ở trong Lục phong tình, ta không bàn làm gì. Lục phong tình cũng đã cũ rồi. Tố Như Tử xem truyện, thấy việc lạ, lại thương tiếc đến những nỗi trắc trở của kẻ có tài, bèn đem dịch ra quốc âm, đề là Đoạn trường tân thanh, thành ra cái lục ‘Phong tình’ vẫn là cái lục cũ, mà cái tiếng ‘Đoạn trường’ lại là cái tiếng mới vậy. (bản dịch của Bùi Kỷ-Trần Trọng Kim)

và Phong Tuyết Chủ Nhân Thập Thanh Thị (1828) khi nói:

Có người hỏi ta rằng: Thúy Kiều có người thực không? Ta đáp lại rằng: Không biết. Người ta lại hỏi rằng: Thế thì làm sao mà lại có truyện Thúy Kiều? Ta đáp lại rằng: Từ lúc mờ mịt chưa có gì, đến lúc có thái cực, có lưỡng nghi, có tứ tượng, rồi tự nhiên biến hóa không ai dò được manh mối tự đâu. Trong khoảng ấy có rét, có nắng, có âm, có dương, lúc sinh ra, lúc mòn đi, lúc đầy lên, lúc vơi xuống, không thể nào cứ giữ mãi được mực thường. Đã không giữ được mực thường, thì tất có cuộc biến. Vì thế hoặc năm sáu trăm năm, hoặc ba bốn trăm năm, hoặc năm sáu mươi năm, cũng phải có một lần biến. Cái biến ấy đã khác với cái thường, thì phàm ai gặp phải thời ấy, bước vào cái cảnh ấy, ngổn ngang những biến cố ở trước mắt, chồng chất những khối lỗi ở trong lòng, mới phải mượn đến bút mực để chép ra, như những truyện anh hùng, truyện phong tình, truyện trung thần, liệt nữ, truyện đạo sĩ, ni cô, chẳng qua là mượn ngòi bút, tờ giấy để chép những cái cảnh ngộ lịch duyệt của bản thân mà thôi. Truyện Thúy Kiều có lẽ cũng là một thứ sách như thế cả. 

Kiều ngẫu nhiên mà sinh ra, mà có sắc đẹp, mà lại đa tình, cho đến khi đi Thanh minh, khi gặp Kim Trọng, khi bán mình chuộc cha, đều là ngẫu nhiên cả; cả đến lúc bị hãm ở thanh lâu, lúc đối chất ở phủ đường, lúc đã đâm đầu xuống Tiền Đường, lúc lại đoàn viên với Kim Trọng, cũng đều là ngẫu nhiên cả. Đem bút mực tả lên trên tờ giấy nào những câu vừa lâm ly, vừa ủy mị, vừa đốn tỏa, vừa giải thư, vẽ hệt ra một người tài mệnh trong mười mấy năm trời, cũng là vì cái cảnh lịch duyệt của người ấy có lâm ly, ủy mị, đốn tỏa, giải thư, thì mới có cái văn tả hệt ra như thế vậy. Thế thì Thúy Kiều không cần phải có người thực mới có truyện, song cũng phải có người như thế mới có truyện vậy.  (bản dịch của Bùi Kỷ-Trần Trọng Kim).

Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 28.11.2018.

20180509 Giang Huong

Sáng ngày 4/5/2018, tiến sĩ Nguyễn Giáng Hương đã có buổi nói chuyện về chuyên đề “Vai trò lịch sử và văn hoá của kho sách Việt Nam tại Thư viện Quốc gia Pháp” ở Văn phòng Khoa Văn học và Ngôn ngữ- Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn tp. Hồ Chí Minh. TS. Nguyễn Giáng Hương hiện đang công tác tại Thư Viện quốc gia Pháp- François Mitterrand, ban Văn minh và Văn học Việt Nam. Buổi nói chuyện đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho các nhà nghiên cứu và độc giả Việt Nam như sau:

- Trong các nước từng là thuộc địa của Pháp, Việt Nam là nước có lượng tài liệu được lưu trữ lớn nhất. Hiện nay, theo ước tính, thư viện có khoảng 70.000 đầu sách và 2.500 đầu báo- tạp chí viết bằng tiếng Việt; 250 đầu sách Hán Nôm. Riêng kho Đông Dương chứa 12.000 đầu sách. Đây là kho lưu trữ những tài liệu quý giá về Việt Nam. Một số tài liệu đã được chuyển sang dạng microfilm và được số hóa, đặc biệt là các tài liệu Hán Nôm.

-  Các mốc lịch sử hình thành nên kho tư liệu Đông Dương và cách thức xử lý tư liệu ở Thư viện Quốc gia Pháp.

- Cách truy cập và tra cứu tài liệu trên trang web của thư viện: http://www.bnf.fr/fr/acc/x.accueil.html, các từ khóa, các kho mục chứa nguồn tài liệu…

Sau phần trình bày của TS. Nguyễn Giáng Hương, những người tham dự buổi nói chuyện đặt câu hỏi trao đổi với diễn giả. Nhiều vấn đề thú vị trong việc lưu trữ và tra cứu tài liệu được đặt ra: vấn đề mua bản quyền, trao đổi sách, sưu tầm thủ bút, thủ tục và cách thức để các tác giả Việt Nam trao tặng sách cho thư viện quốc gia Pháp… Buổi nói chuyện quy tụ sự tham gia đông đảo của các giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà khảo cứu và sưu tầm tư liệu, giảng viên, học viên cao học, sinh viên… ở thành phố Hồ Chí Minh.

20181119 Les pomes de lAnnam

Lời người dịch

Lời giới thiệu này nằm trong tác phẩm Kim Vân Kiều tân truyện, tập một, bản tiếng Pháp, do Abel des Michels dịch, Ernest Leroux xuất bản tại Paris năm 1884. Với bản dịch này, lần đầu tiên Truyện Kiều của Nguyễn Du được bước ra khỏi không gian văn hóa Việt Nam. Từ đó đến nay đã 131 năm trôi qua, trong bề dày của lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều, sự kiện này vẫn chưa được quan tâm như lẽ ra phải có.

Bên cạnh bản dịch cực kỳ công phu, Lời giới thiệu của Abel des Michels đã cung cấp cho người đọc những thông tin vô cùng quý giá. Trước hết là vấn đề văn bản: vào cái thuở ban đầu ấy, việc tiếp xúc được với văn bản Truyện Kiều của Nguyễn Du và tìm ra cội nguồn của nó là vô cùng khó khăn. Thứ đến là những gian nan trong việc hiểu hết ý nghĩa của tác phẩm và chuyển ngữ lại cũng bằng những câu thơ mang được vẻ đẹp như vốn có: về vấn đề này, Abel des Michels đã nói rõ những bước đi phương pháp của mình. Sau khi tóm tắt cốt truyện của Kim Vân Kiều tân truyện, Abel des Michels đã đưa ra những ghi nhận  rất  thoáng mà tinh tế về tư tưởng Phật giáo, về tính kỳ lạ, phức hợp, mơ hồ trong ngôn ngữ và bút pháp; trong đó ông lưu ý đến “sự di chuyển của người phát ngôn”, sự hòa trộn giữa “tư tưởng đạo đức” và “tư tưởng triết lý”; và có một kết luận thú vị, rằng: “nhà thơ (Nguyễn Du - NTTX ct.) đã có ý định rõ ràng là để cho độc giả của mình trong một mối ngờ”.

Nhớ đến Nguyễn Du trong sinh nhật lần thứ hai trăm năm mươi năm của nhà thơ, chúng tôi lần lại trang sách cũ và chuyển ngữ Lời giới thiệu của Abel des Michels để giới thiệu cùng những ai yêu mến nhà thơ.Trân trọng cám ơn PGS. Đoàn Lê Giang đã cho chúng tôi mượn tư liệu quý này.

Nguyễn Thị Thanh Xuân 

 

Nhan đề của tập thơ An Nam mà tôi công bố bản dịch hôm nay có tên là Kim Vân Kiều tân truyện, là tác phẩm của Nguyễn Du, quan Hữu Tham Tri Bộ Lễ dưới thời Gia Long. Tác giả đã tập hợp tên của các nhân vật quan trọng nhất trong tác phẩm của mình, ở  Nam Kỳ, nó còn được biết đến với cái tên đơn giản hơn là Truyện Túy Kiều. Truyện thơ này được gợi ý, với những thay đổi đáng kể,  từ một tiểu thuyết Trung Hoa, tác phẩm mà nhiều nhà nho An Nam tin là được sáng tác bởi một trong các nhà nho Tài tử. Tôi không thể nói rằng quan điểm này bắt nguồn từ đâu, bởi vì tôi chỉ mới biết có một bản in về tiểu thuyết này mà nó lại không có tên tác giả. Bên cạnh đó, tác phẩm thể hiện một đặc trưng đáng chú ý là nó được viết từ đầu đến cuối bằng một loại văn ngôn (wên tchàng) không lẫn lộn chút nào với văn bạch thoại (kouàn hoá): thật là một điều hiếm thấy trong thể loại sáng tác này [1].

Một cô gái sinh ra từ một gia đình danh giá hơn là giàu có, vào dịp “Lễ Thanh Minh”, đã về quê tảo mộ cùng với em gái và em trai của mình. Nàng gặp ngôi mộ đìu hiu của một ca nhi ngày xưa nổi tiếng bởi cuộc sống phóng đãng và lấy làm thương xót vì người ấy không được ai đoái hoài sau khi chết. Những điều mà em trai nàng kể lại về cuộc đời và cái chết của Đạm Tiên làm nàng xúc động đến nỗi nàng đã khóc ngay tại đó. Nàng khắc một bài thơ trên mộ của ca nhi và khấn xin hương hồn cô xuất hiện. Tức khắc người chết hiện lên bằng các dấu hiệu rõ ràng, và điều này gây một cảm giác sâu sắc trong lòng Túy Kiều. Khi trở về nhà, nàng nằm mơ thấy Đạm Tiên hiện ra báo mộng, rằng những nỗi khổ mà sắp tới nàng phải gánh chịu là do kết quả của các lỗi lầm mà nàng gây ra trong kiếp trước.

Tuy nhiên, một văn nhân, bạn đồng môn của em trai Túy Kiều đã đến vào lúc nàng định rời khỏi mộ sau khi khấn vái. Sửng sốt vì vẻ đẹp của nàng, anh ta bỗng đem lòng say đắm nàng.  Nỗi đam mê mới này đã xui Kim Trọng (chính là tên anh ta) trở lại nơi mà mình đã gặp người thiếu nữ trong hy vọng được gặp lại một lần nữa. Hy vọng không thành, anh ta tìm đến nhà của Túy Kiều và tìm cách thuê một căn nhà bên cạnh.

Sau hai tháng chờ đợi mỏi mòn, cuối cùng chàng trai si tình của chúng ta cũng nhìn thấy đối tượng niềm đam mê của mình trong khu vườn của căn nhà nàng ở. Anh ta vội vàng bày tỏ trong hy vọng được làm quen với nàng. Túy Kiều, hoảng sợ, vội vàng vào nhà, nhưng nàng bỏ quên chiếc trâm cài đầu và Kim Trọng liền nhặt lấy. Ngày hôm sau, người thiếu nữ nhận ra là mất chiếc trâm khi chải tóc và quay trở lại khu vườn để tìm. Nàng nghe Kim Trọng gọi, chàng tỏ tình và trả lại cái trâm cùng với món quà.

Vài ngày sau, nhân lúc cả nhà về quê ăn giỗ, Túy Kiều  rón rén sang nhà chàng nho sĩ. Đôi tình nhân trao nhau những lời âu yếm, làm thơ, đánh đàn, và thề là sẽ trung thành trọn đời với nhau. Tuy nhiên, niềm say mê làm Kim Trọng  có chiều muốn điều tội lỗi. Cô gái trẻ giúp chàng trở lại tình cảm cao thượng hơn, và, khi trời sáng, nàng lui gót về nhà. Gia đình nàng trở về, và tai họa dường như đến cùng lúc với nàng. Bọn sai nha bất ngờ ập đến và bắt trói cha nàng vì một món nợ không rõ, gắn với lời khai của một kẻ bán tơ. Bọn chúng tịch thu tất cả, niêm phong ngôi nhà, và Kiều, chỉ còn biết nghe theo chữ hiếu, tự bán mình cho một kẻ khốn nạn để chuộc cha. Kẻ mua nàng là tay sai của một bà già tên là Tú Bà, dưới vỏ bọc của một cuộc hôn nhân giả, đã đưa nàng vào một nơi tồi tệ. Vì nàng kiên quyết chống lại những yêu cầu của mụ đàn bà ác độc, thậm chí muốn kết liễu đời mình để thoát khỏi nơi này, Tú Bà, đã dùng một thủ đoạn đê tiện để đạt được mục đích. Bà ta phái một kẻ vô lại tên là Sở Khanh, hắn xuất hiện trước nàng dưới dáng vẻ của một văn nhân phong nhã. Cô gái trẻ đáng thương nghĩ hắn là người có thể giải thoát mình; nàng bày tỏ nỗi khổ của mình và đi trốn cùng hắn. Mụ Tú Bà đuổi theo, bắt lại và giam nàng trong nhà chứa của mụ, nơi, với sự giúp đỡ của Sở Khanh, bà đánh đập Túy Kiều tàn tệ và buộc nàng phải làm cái nghề bẩn thỉu để bà ta thu lợi.

Giữa rất nhiều chàng trai trẻ bị hút vào nhan sắc lừng danh Túy Kiều, có một nho sinh tên là Thúc Sanh. Anh ta  mua lại nạn nhân của Tú Bà, đưa nàng ra khỏi lầu xanh và sống với nàng. Nhưng cha Thúc Sanh không đồng ý mối quan hệ nhơ nhuốc này, kiện thiếu nữ ra tòa. Thoạt đầu, viên quan kết án nặng nề, nhưng thấy Thúc Sanh tuyệt vọng, ông cảm động vì những giọt nước mắt của chàng, đã hỏi và biết rằng cô gái mà ông xử tội lại là một người rất có tài. Ông bảo Kiều chứng minh tài nghệ và hoàn toàn bị chinh phục, viên quan đích thân mời cha Thúc Sanh lên, khuyên là nên tác hợp cho đôi lứa.

Tuy nhiên, Thúc Sanh, theo lời khuyên của Túy Kiều, tạm thời trở về với người vợ chính thức của mình; mà không nói gì với vợ về cuộc hôn nhân mới. Hoạn Thơ biết rõ cuộc dan díu này. Nổi ghen, bà sai hai tên đầy tớ đến đốt nhà kẻ tình địch và bắt cóc Kiều, buộc nàng phải chịu thân phận kẻ tôi đòi. Bị xử tệ dồn dập, bị làm nhục tới tấp, Kiều đã làm cho người đàn bà truy hại mình tha thứ bằng sự cam chịu và phẩm cách đàng hoàng của mình,và Hoạn Thơ cho phép nàng vào trú trong một ngôi chùa để sám hối. Nhưng Thúc Sanh lại tìm đến đó gặp Kiều, và khi chàng đang chuyện trò thân mật với cô gái trẻ thì bị Hoạn Thư bắt quả tang. Nghe một người đầy tớ báo cho biết là nàng luôn bị theo dõi, Kiều lấy làm hoảng sợ và đã bỏ trốn sang một ngôi chùa khác ở xa, nơi đó nàng được sư trụ trì Giác Duyên đối xử rất tử tế.

Khốn thay, sư Giác Duyên sau khi nghe lời bộc bạch của Kiều, lại sợ Hoạn Thơ. Sư  gửi Túy Kiều cho một bà già tên Bạc Hà, người đàn bà này dưới vỏ bọc của một người sùng đạo, lại che giấu những hành vi cực kỳ bỉ ổi. Bà ta giao Kiều cho người cháu trai của mình, và kẻ này đưa nàng đến Châu Thai, bán nàng cho chủ một nhà chứa. Ở đó, cô gái khốn khổ bị vùi xuống vũng bùn lần thứ hai ấy đã tiếp một tướng giặc tên là Từ Hải. Ông ta giải thoát cho nàng và cưới nàng làm vợ như trước đây nho sĩ Thúc Sanh đã làm. Sau sáu tháng xa nhau, người chiến binh trở về, chiến thắng đạo quân của Hoàng đế, làm rung chuyển ngai vàng. Túy Kiều được tướng lĩnh và quân lính đón tiếp trọng thể. Lợi dụng quyền lực lúc bấy giờ, nàng báo ân hào phóng tất cả những ai đã giúp đỡ nàng trong cơn hoạn nạn và giết chết những kẻ thù xưa trong những hình phạt kinh hoàng. Nàng muốn ở cạnh Giác Duyên, kẻ được mời đến để chứng kiến màn xử tội; nhưng nhà sư từ biệt và báo là sẽ gặp nhau vào năm năm sau ở sông Tiền Đường.

Với sự giúp đỡ vô tình của Kiều, bằng sự lật lọng, quả nhiên viên tướng của nhà vua đã thắng nhóm quân phản loạn, một chiến thắng trọn vẹn, Từ Hải đã chết giữa trận tiền. Kẻ chiến thắng gả Túy Kiều cho một viên thổ quan;  viên quan này rước người vợ mới lên thuyền, nhưng khi đến giòng nước sông Tiền Đường, nhớ đến lời tiên tri của Giác Duyên, Kiều liền nhảy xuống lớp sóng dồi. Kiều được cứu bởi vị sư đã chờ  nàng từ lâu bên bờ sông ấy.

Từ đó trở đi, nhân vật của chúng ta đã trả hết món nợ bất hạnh. Hạn định đau khổ dành cho nàng để chuộc lại những lỗi lầm trong kiếp trước đã hết. Nàng tìm thấy lại gia đình và ý trung nhân Kim Trọng, chàng cưới nàng và sống hạnh phúc với nàng.

Thật là không dễ dàng khi lần đầu tiên cho ra một bản dịch về truyện thơ Túy Kiều. Ngoài việc đây là một bài thơ dài kỳ lạ, có lẽ chính cái khó nhất là tất cả những gì được biểu hiện dưới ngòi bút của các nhà thơ Annam. Vì thế xin người đọc đừng ngạc nhiên về số lượng lớn các chú thích mà tôi phải làm kèm theo bản dịch. Dù tôi cẩn thận theo rất sát bản gốc, nếu không có các chú thích này, bản dịch sẽ hoàn toàn không đủ để mang lại trọn vẹn tinh thần tác phẩm của nhà Nho Nguyễn Du, biết bao thành ngữ được tìm thấy ở đấy, văn bản khó đọc và các nhân vật vừa phức tạp vừa lạ thường.

Một trong những đặc điểm dễ thấy nhất của bài thơ dài này là chủ yếu ở tư tưởng Phật giáo mà nó chuyên chở, và dưới ảnh hưởng của tư tưởng ấy mà tác phẩm được viết ra. Trong suốt tác phẩm chúng ta luôn gặp những biểu hiện của tư tưởng ấy, rằng những bất hạnh của kiếp này của chúng ta là nghiệp báo từ lỗi lầm trong kiếp trước, và để chuẩn bị một kiếp sau, nếu linh hồn con người đã tinh tấn trong cái tốt sẽ được đền bù bằng một hóa thân mới, và quay về trong lòng của Phật, để từ đó về sau được trú mình và hưởng phước hoàn toàn nơi mà người ta thường gọi là Niết bàn.

Bút pháp của tác phẩm này là bút pháp của người Bắc. Một trong các ấn bản mà tôi căn cứ để dịch văn bản này cũng đến từ Bắc kỳ; và nếu có một văn bản khác không đến từ miền Bắc, thì ít nhất nó cũng là một bản chép lại, tệ hơn và khô khan hơn so với những văn bản đã xuất hiện trước đó ở Việt Nam. Như vậy, văn bản nguyên thủy của truyện thơ Túy Kiều hiển nhiên là ở Bắc Kỳ. Để khẳng định điều này, thật dễ dàng thừa nhận một số lượng lớn các thành ngữ đặc biệt của miền Bắc thuộc vương triều Annam tràn ngập tác phẩm cũng như các dạng đặc thù của các từ ngữ  bình dân hay chữ nôm mà văn bản sử dụng; những từ ngữ  đa phần khác với từ ngữ nói chung được hình thành trong tầng lớp bình dân Nam Kỳ và đặc biệt là khác với các từ ngữ mà chúng ta thấy trong từ điển Taberd. Về phần hình thức thể loại, nó thuộc vào dạng mà tiếng Annam người ta gọi là Vãn. Những câu thơ 8 và  6 chân luân phiên nhau, làm nên mỗi cặp vần mà câu đầu hiệp vần với câu sau ở chữ thứ 6 của mỗi câu, và chữ thứ 8 câu 8 hiệp vần với chữ thứ 6 câu 6 tiếp theo. Sự hiệp vần chéo này làm nên một hiệu ứng rất đáng chú ý. Gắn với sự kết hợp có chủ ý những dạng khác nhau về âm bằng và trắc, tập thơ mang lại một nhịp điệu tạo nên cảm giác êm tai cho bất kỳ một độc giả nào chưa mấy quen nghe, nhất là người ấy không có định kiến với không gian âm nhạc Nam Kỳ.

Giữa các khó khăn đáng kể mà tôi gặp phải qua công việc và nhất là qua việc dịch tác phẩm với đề tài rất nổi tiếng này ra tiếng Pháp, cũng cần kể đến sự mơ hồ ẩn sau các giòng chữ, xuất hiện trong các đối thoại hay các độc thoại mà chúng tôi thường gặp ở từng trang. Có lẽ chúng tôi không gặp ở đâu một sự khó khăn lớn đến thế khi phải xác định chính xác các điểm nhìn, phải xác định vị trí và sự di chuyển của người phát ngôn, cũng như phân biệt chính xác tư tưởng nào là đạo đức hay tư tưởng nào là triết lý, các tư tưởng này là thuộc về một trong các nhân vật của bài thơ hay là của chính tác giả [2]. Khó khăn cuối cùng này đôi khi không thể làm sáng tỏ, khi mà chúng ta sẽ phải xác nhận là nhà thơ đã có ý định rõ ràng là để cho độc giả của mình trong một mối ngờ. Các dấu chấm câu hoàn toàn không giúp gì. Vì, ngay cả trong tất cả các tác phẩm tương tự, dấu chấm câu hoàn toàn vắng bóng. Vậy nên, những ai quan tâm đến nghĩa chính xác thì phải cậy vào một số thành ngữ. Tất cả điều ấy bắt nguồn từ vấn đề là ngôn ngữ thơ Annam không biểu thị tính cố định như ngôn ngữ thơ trong tiếng châu Âu của chúng ta; tôi nghĩ rằng, điều ấy bắt nguồn từ ngôn ngữ đơn âm tiết, nó dễ dàng cho phép hai tác giả khác nhau đôi khi mang lại cho từ ngữ thơ ca này hay từ ngữ thơ ca khác nhiều nghĩa bóng khác hẳn nhau. Cũng như tất cả các nhà thơ Annam và còn hơn thế nữa, tác giả Truyện Túy Kiều thích sử dụng một số lượng lớn các thuật ngữ của Trung Hoa; và với tư cách là một vị quan lớn của Bộ Lễ, nhà thơ đã buộc phải trải qua các kỳ thi cao nhất, vì vậy ông nhất thiết phải đã chứng tỏ học vấn của mình qua kiểu này, bằng cách ra sức dẫn lại các nhà kinh điển Trung Hoa và đặc biệt là Kinh Thi hay Kinh Thư. Nhiều thành ngữ được Nguyễn Du sử dụng quả thật có cội nguồn trong cổ thi này hay thi tập kia của thi ca Trung Hoa, và thường dấu vết mà chúng lưu giữ đã được tìm thấy rõ. Vả chăng, thật dễ dàng để nhận ra rằng tác giả Truyện Túy Kiều đã mất rất nhiều công sức để trau dồi kiến thức vì thường thường nghĩa của các thành ngữ mà nhà thơ sử dụng thật sự sâu sắc và rất gợi trong tinh thần giản lược cực kỳ tinh tế. Tuy nhiên, phẩm chất ấy cũng có những nhược điểm: bên cạnh các ẩn dụ đáng chú ý bởi sự sâu sắc của và sự chính xác của chúng, cần phải nhận thức rõ rằng, nhược điểm là một số lớn những ẩn dụ khác là chúng thường quấn lại với nhau mà nếu không có một giải thích chi tiết nào thì một đầu óc ít được làm quen với ngôn ngữ thi ca đặc thù của Viễn Đông và đặc biệt là với Nam Kỳ sẽ không thể nào hiểu được chúng. Mặt khác, tuân theo một kiểu dạng của truyền thống dường như phổ biến cho tất cả các nhà thơ, Nguyễn Du thường bằng lòng với việc xây dựng những câu thơ thế này hoặc thế kia theo kiểu mà người ta có thể đường hoàng cho chúng hai, hay đôi khi, ba cách giải thích khác nhau. Các nhà nho Annam tìm thấy một khoái cảm rất đặc biệt trong việc đào sâu các câu thơ được xây dựng theo kiểu này và trong việc khám phá các ý nghĩa khác nhau mà nhà thơ đã muốn giấu vào trong đó. Người ta còn xem đó là một mẫu mực trong cách viết của loại thơ này.

Văn bản mà tôi đã chọn để bắt đầu dịch gần như không thể đọc được, nhiều chữ nguyên thủy đã bị làm biến dạng do các thợ in Trung Hoa, khi lo việc khắc và in ấn, đã không hiểu ngôn ngữ Anam. May thay, như tôi đã nói ở trên đây, tôi đã nhận được từ Bắc Kỳ một bản in thứ hai; bản này, như thường lệ, chứa đựng một lượng lớn các dị bản, nhưng mẫu chữ in mà người ta dùng để làm ra cuốn sách thì tuyệt diệu. Như thế, nó cho phép tôi xác lập văn bản theo một phương thức tương tự với điều mà tôi đã làm với tác phẩm Lục Vân Tiên. Tôi chấp nhận bản in mà tôi đã có từ đầu thuộc quyền sử dụng của tôi, như là cơ sở đầu tiên, và tôi bắt tay sửa các lỗi cho tốt hơn, nhờ các bài học vốn luôn chuẩn xác trên từ ngữ, đôi khi tôi cũng cậy vào các từ ngữ mà tôi tìm thấy trong bản thứ hai. Ngoài ra, tôi đã thay thế một phức hơp các ký hiệu trừu tượng chứa đựng trong bản in đầu tiên bằng các chữ hoàn chỉnh. Điều này làm cho việc đọc dễ dàng hơn và đồng thời cho phép người đọc nhận ra chính xác các giá trị của các chữ viết tắt qua sự đối chiếu văn bản đầu với văn bản đã sửa mà tôi công bố. Phần còn lại, tôi đã đặc biệt tôn trọng hình thức Bắc Kỳ của chữ Nôm.

Trong nghiên cứu khoa học, ngôn ngữ Anam vẫn còn gần như là một tử ngữ; và nhiều người hình dung rằng trong ngôn ngữ này không có cấu trúc cũng như cú pháp. Thành kiến khó thông cảm này chỉ sẽ biến mất khi nhìn thấy văn bản giải thích những tập thơ như Truyện Túy Kiều; văn bản vừa sáng rõ và đôi khi lại vừa rất phức tạp đến nỗi đôi khi chỉ có một câu thơ mà các nhà nho, những người có nhiều kinh nghiệm nhất, phải mò mẫm lâu trước khi hiểu chúng, và chúng tôi chỉ có thể làm được điều ấy sau khi đã áp dụng nghiêm ngặt các nguyên tắc định vị. Vì vậy, tôi tin là phải in kèm theo bản dịch, không chỉ các chú giải về ẩn dụ và các chú thích, mà còn có một số lớn các giải thích từng chữ của các câu thơ mà cấu trúc của nó gần như tối nghĩa. Tôi đã áp dụng phương pháp này cho bản dịch Lục Vân Tiên. Tôi nhận ra, khi ấy tôi quá hà tiện các giải thích; vì thế tôi đã tăng lên rất nhiều giải thích ở đây vì Túy Kiều chắc chắn khó hiểu hơn tập thơ  bình dân mà tôi vừa nói đến.Tôi nghĩ rằng, những người đã tiến hành nghiên cứu một ít về nội dung của loại văn học này rất muốn biết tôi chọn cái gì. Họ sẽ tìm thấy ở đây các giải thích bổ ích qua quá nhiều tìm tòi, để hiểu một lượng lớn các từ ngữ , ít nhất là trên quan điểm Châu Âu của tôi, và họ có thể vượt qua dễ dàng hơn các khó khăn mà một đống các thuật ngữ và các nhân vật hoàn toàn xa lạ đưa ra. Tôi tin là phải tiến đến việc mang lại một số khái niệm về ngữ pháp, nói đúng ra là về bản thân các nét đặc thù còn chưa quan sát hết, về các ngôn ngữ đặc biệt mà việc giải thích vẫn còn thiếu khuyết trong tất cả các công trình đã công bố cho đến hôm nay, và cả các từ ngữ đơn giản mà từ điển chưa chú ý đến. Tôi cậy nhiều ở việc áp dụng nguyên tắc định vị, ít nhất là trong các đoạn văn phức tạp nhất. Thật vậy, mặc dù cuốn sách này còn xa mới được xem là một trong những cuốn khởi đầu, thì vấn đề ở đây là một nền văn học còn ít được biết đến và một phong cách thơ ca thuộc về một trí năng mà nguyên tắc này là một chìa khóa cần thiết. Cuối cùng tôi  cố gắng thận trọng chỉ ra các chỗ dịch khó nhất cần phải xem qua, vì các trở ngại mà chúng mang đến cũng là trí tuệ của văn bản, cũng như những trò chơi từ ngữ thông thường vẫn rất phức tạp. Tôi đã cẩm trên tay mình bản dịch các ẩn dụ mà ngôn ngữ chúng ta không khước từ, và tôi đã thay thế những ẩn dụ giống nhau bằng những ẩn dụ tương cận, những ẩn dụ vốn hoàn toàn không thể giữ lại mà không trở thành khó hiểu, hay chúng hoàn toàn đối nghịch với tinh thần các ngôn ngữ Châu Âu. Tôi cũng đã làm tương tự như vậy cho các dấu chấm câu, khi tôi cho các kiểu ngắt câu khác nhau hòa với nhau, trong bản chữ quốc ngữ la tinh được chuyển từ chữ nôm và trong  bản dịch tiếng Pháp, vào những lúc mà tinh thần của hai ngôn ngữ không yêu cầu cấp thiết.

Tôi hy vọng là các nhà Đông phương học mà tôi kính trọng sẽ đọc cuốn sách này và thấy bản dịch của tôi là rất sát với nguyên tác. Tuy nhiên, nếu tôi còn để sót một vài chỗ không chính xác, trên ý nghĩa mà bản thân những  nhà nho bản địa cũng thường mâu thuẫn,  thì đó là điều gần như không tránh khỏi trong lần đầu tiên dịch một công trình như thế này, tôi hy vọng rằng chúng sẽ được ghi nhận như là các khó khăn mà tôi đã phải vượt qua, và được tán thưởng bởi một lòng khoan dung nào đó, công sức đáng kể mà tôi đã phải bỏ ra cho việc công bố cuốn sách này.

Versailles, ngày 10 tháng 5 năm 1884

(Abel des Michels, Kim Vân Kiều Tân Truyện- Publié et traduit pour la première fois par Abel des Michels, Professeur à L’École des Langues Orientales vivantes, Tome premier, Transcription, Traduit et Note, Éditions Ernest Leroux,  Paris, 1884, pages 1-16)

----------------------------------------------------------

[1] Vào lúc mà tôi sắp gửi cho nhà in bản nháp của Lời tựa này, trong một báo cáo mà tôi đã vinh dự được đọc trước Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Académie des Inscription et Belles - Lettres- tức Viện Hàn lâm Văn học Pháp sau này, NTTX ct.),  tôi đã nói là không thể tìm thấy tiểu thuyết nào của Trung Hoa mà người ta có thể gắn với tập thơ của Nguyễn Du, thì chính vào ngày hôm sau, tôi đã nhận được từ Giáo sư Trương Minh Ký, người đã tìm thấy ở Sài Gòn và đã gửi ngay cho tôi, cuốn tiểu thuyết lâu nay  mà tôi đã hoài công tìm kiếm. Nó có tên là Kim Vân Kiều Truyện; có nghĩa là, nói một cách nhẹ nhàng, cũng là tên của chính tập thơ. Nhưng khổ thay, như tôi vừa nói, bản in này mới vừa được in ra từ một nhà in ở Hà Nội, lại không có tên tác giả. Tất cả thông tin trên cái bìa của bản in này chỉ là người đọc và chép lại là nho sĩ tên Phước Bình Lê, cuốn sách đã được in dưới thời vua Tự Đức, trong tháng đầu mùa thu năm Bính Tý, tức là năm 1876.

Theo chỗ tôi biết, cuốn tiểu thuyết Trung Hoa này đã đến vào lúc mà tập một bản dịch tập thơ Túy Kiều của tôi gần như được biên soạn xong và chuẩn bị để công bố. Hoàn cảnh này giải thích sự có mặt trong bản dịch này một số lượng các ghi chú dành cho việc suy ra nguồn cội Trung Hoa của tập thơ, cái cội nguồn hiện diện ngay từ cái tên Kim Vân Kiều Truyện đã lấy đi toàn bộ nghi ngờ, nếu quả thật nghi ngờ này đã từng được nói ra.

 [2]  Ví dụ, xem những câu thơ từ 380-385.

 

Abel des Michels/

Nguyễn Thị Thanh Xuân dịch

Nguồn: Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Du (Kỷ yếu HTKH Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du), NXB.ĐHQG TP.HCM, 2015

Thư viện đang lưu trữ khoảng 12.000 đầu sách viết về Đông Dương, trong đó chiếm khoảng 90% là về Việt Nam.

Một số đầu sách hiếm đang được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp - Ảnh: H.T.K. chụp lại từ màn hình

Trong khuôn khổ buổi thuyết trình hôm 4-5 tại ĐH KHXH&NV, Tiến sĩ Nguyễn Giáng Hương - quản thủ kho sách tiếng Việt tại Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France), nơi đang lưu trữ rất nhiều tư liệu quý giá về Việt Nam -  giới thiệu về hệ thống thư viện của Thư viện Quốc gia Pháp, các tài liệu đã được số hóa cũng như cung cấp cho cử tọa những chỉ dấu để tìm kiếm các hiếm phục vụ công tác nghiên cứu văn hóa Việt Nam.

Khi Việt Nam vẫn còn là thuộc địa của Pháp, bất kỳ sách nào xuất bản ở Đông Dương dù là sách báo tự in đi nữa đều phải nộp hai ấn bản để lưu chiểu, một trong hai ấn bản đó được gửi về Thư viện Quốc gia Pháp. 

Nếu năm 1923 số lượng sách Việt ngữ và Pháp ngữ là ngang nhau, thì đến năm 1929 số lượng sách Việt ngữ đã lớn gấp ba lần số lượng sách Pháp ngữ. Điều này chứng tỏ quá trình phát triển của chữ quốc ngữ trong chặng đường hình thành và phát triển của nó.

Theo bà Giáng Hương, hiện thư viện đang lưu trữ khoảng 12.000 đầu sách viết về Đông Dương, trong đó chiếm khoảng 90% là về Việt Nam. Khối lượng sách đồ sộ ấy đến nay vẫn chưa được số hóa đầy đủ, cũng như chưa có danh sách thống kê tên các đầu sách. 

Điều này rất khó cho các nhà nghiên cứu cũng như bạn đọc trong nước, khi không biết rõ được "gia tài" của dân tộc đang lưu giữ tại Pháp gồm có những gì.

Trên trang web chính thức của Thư viện Quốc gia Pháp - www.bnf.fr, độc giả có thể dễ dàng tra cứu thông tin về các đầu sách tiếng Việt trên toàn nước Pháp. 

Nguồn: https://tuoitre.vn/kho-tang-tri-thuc-viet-tai-thu-vien-quoc-gia-phap-20180505113958922.htm

20181031 Gaiban Tssho

Ảnh: Văn bản Ngoại phiên thông thư  外 蕃 通 書 của Kondō Juzo, lưu trữ tại Thư viện Đại học Waseda (Nhật Bản).

Sự giao lưu kinh tế văn hoá giữa Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra khá sớm trong lịch sử. Những sự kiện đó thường được người Nhật ghi vào các văn bản chữ Hán và chữ bản địa (Katakana) như Dị quốc nhật ký, Ngoại phiên thông thư, Thư hàn bình phong, Dị quốc vãng lai v.v..

Ở thế kỷ XVI-XVII, nước ta đã trở thành một thị trường quan trọng của Nhật Bản. Hai bên đã quan hệ mua bán với nhau một cách hữu hảo và đôi bên đều có lợi. Người Nhật đã mở phố ở Hội An (Quảng Nam), ở Phục Lễ huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) và họ lưu ngụ với tư cách ngoại kiều để kinh doanh thương nghiệp.

Với phố Nhật ở Hội An, ta đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia vào năm 1985 và Hội thảo khoa học quốc tế vào năm 1990, giới thiệu với người trong nước và nước ngoài hiểu biết về quá khứ của khu phố cổ này.

Với Phố Hiến ta cũng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế tại thị xã Hưng Yên vào năm 1992. Đây cũng là một dịp sưu tầm hệ thống lại tư liệu và giới thiệu với người trong nước và nước ngoài hiểu biết sâu thêm về hoạt động thương nghiệp của nước ta ở thời “nhất Kinh Kỳ nhì Phố Hiến”.

Đối với phố Nhật ở Phục Lễ huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An, ta cũng cần tìm hiểu để nhớ lại một thời thương nhân Nhật Bản đã đến đó buôn bán và tổ tiên ta ở thế kỷ XVI-XVII đã quan hệ với họ (ngoại kiều) không chỉ chia sẻ mối lợi hàng hoá, mà đã cưu mang, giúp đỡ họ bằng cả “tấm lòng bác ái”, “tình cảm quốc tế vô tư” khi người Nhật gặp những khó khăn, hoạn nạn trên sông biênr nước ta.

Với ý thức ấy, bài viết này tôi công bố một tài liệu chữ Hán nhằm giới thiệu tình hình ngoại thương Nhật - Việt thế kỷ XVI-XVII do các thương nhân và các nhà chức trách Nhật Bản ghi chép lại.

Theo các tài liệu trên của Nhật Bản và tài liệu của một số nhà truyền giáo phương Tây thì Nhật Bản và Đại Việt đã có quan hệ giao thương từ lâu. Chứng cớ là năm 1593 Dicgo-Aovenné Linh mục người Ý đến Hội An đã thấy số đông người Nhật dựng nhà bày hàng buôn bán ở đây rồi. Loui Finut cũng xác nhận như vậy. Nguồn tài liệu từ Ngoại phiên thông thư của Nhật Bản lại cho ta biết thêm rằng: từ cuối thế kỷ XVI người Nhật cũng đã dựng phố buôn tại xã Phục Lễ huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An. Họ buôn bán thịnh vượng nhất là thời kỳ Nhật hoàng bắt đầu xóa cấm vận 1593-1616. Bởi vì trước đó đã xảy ra cuộc “cấm vận” giữa Nhật và Trung Hoa kéo dài ngót 200 năm (1368-1567) từ thời Minh Thái Tổ. Cuộc cấm vận kéo dài đó đã gây gián đoạn mối giao thương trực tiếp giữa Nhật và Hoa, cho nên thương nhân cả Nhật và Hoa phải lén lút vượt biển tìm thương trường trung gian thứ ba để kinh doanh lợi nhuận. Đó là lý do khiến người Nhật mở phố buôn bán tại Hội An (Quảng Nam) và tại xã Phục Lễ huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Vượt biển lén lút phải dùng nhiều thuyền nhỏ và nhanh, nên những năm đó ở Nhật, nhiều nhóm phú thương hùn vốn lại mở các xưởng đóng các kiểu thuyền buôn ở Xa-Kai, Ha-Ca-Ta, O-Xa-Ka trên đảo Hi-Ra-Đo, đồng thời cũng xuất hiện thêm những xưởng chế tác vũ khí gươm dao súng. Tất nhiên trong đó cũng có một số xưởng của lãnh chúa, hoặc của Mạc Phủ (Sogun), hoặc thuộc Nhật hoàng. Do có sự kết hợp tế nhị giữa tư lẫn công như vậy, cho nên trong một số chuyến hàng người Nhật chở sang Phục Lễ có chở gươm súng cho chúa Trịnh, hoặc chở đến Hội An có chở vũ khí cho chúa Nguyễn Hoàng và chúa Nguyễn Phúc Nguyên.

Hàng hóa Nhật Bản bán sang thị trường Đại Việt lúc bấy giờ quan trọng nhất là vũ khí và đồng. Đồng của Nhật Bản lúc ấy chiếm một vị trí đáng kể trong nguồn xuất khẩu ra thế giới. Riêng ở O-Xa-Ka có tới 10.000 người làm trong các xưởng đúc đồng để xuất cảng, phần lớn số xưởng thuộc về Nhà nước.

Theo Ngoại phiên thông thư thì việc mở phố buôn tại xã Phục Lễ huyện Hưng Nguyên đã được chúa Trịnh và chính quyền sở tại dành cho sự giúp đỡ ưu ái, có chính sách khuyến khích rõ rệt; về phía thương nhân Nhật cũng đã chấp hành nghiêm túc, nhất là việc đóng thuế. Tại phố Hội An lúc bấy giờ, người Nhật cũng được chính quyền Đại Việt ở phố cảng coi trọng họ, sử dụng họ vào việc trợ lý trù hoạch giao thương. Do hai phía thân thiện tin cậy nhay mà thương gia Sotara đã được chúa Nguyễn Hoàng gả con gái cho.

Trong thời “Nhật Hoa cấm vận”, việc người Nhật thông thương với Hưng Nguyên (Nghệ An) đã hoạt động bình thường. Từ năm 1593, chính quyền Phong Thần Tú Cát Hi-dê-i-ô-xi và Đức Xuyên Gia Khang Tô-cư-ga-oa (1542-1616) chủ trương từng đợt “xoá cấm vận” thì thương thuyền Nhật Bản qua lại Đại Việt tấp nập hơn. Đối với Hoa thương phải đến khi người Mãn Thanh lật đổ được triều Minh thì họ mới lũ lượt kéo sang Đại Việt.

Ở Phục Lễ Hưng Nguyên, số người Hoa sang cùng thời với người Nhật cũng chưa nhiều, địa điểm Phù Trạch mới lẻ tẻ mấy nhà, chưa thành phố xá. Hàng hoá trao đổi với nhau thì người Nhật thường là đồng và vũ khí, mỹ phẩm; người Hoa thì thuốc Bắc, bút lông, giấy màu, gấm đoạn, cúc mạn nạo, gương lược, son phấn v.v.. thương nhan bản địa Hưng Nguyên thường cung cấp cho họ trước hết là tơ tằm, rồi đến kỳ nam hương, trầm hương, ngà voi, sừng trâu, mật gấu, da trăn, quế quỳ, vải thổ cẩm, vừng, lạc, cau, củ nâu, xạ hương, mật o­ng, lông công, lông chả, chim vẹt, mộc nhĩ, măng khô, đường mía, đường phèn v.v..

Ngày nay ta không hình dung nổi bộ mặt phố Nhật ở Phục Lễ thế kỹ XVII như thế nào, vì tài liệu còn lại ít ỏi; chỉ biết nó tồn tại một thời gian thì người Nhật phải rút, do họ bị hai đợt “sự cố không may”, sau đó lại bị nạn lở sông Lam. Qua những lúc rủi ro, người dân Hưng Nguyên thời đó tỏ rõ lòng tốt cưu mang giúp đỡ người Nhật.

Theo Dị quốc nhật ký và Thư hàn bình phong thì đợt rủi ro trầm trọng nhất xảy vào ngày mồng 6 tháng 6 năm Nhật Bản hiệu Khánh Trường thứ 14, đối chiếu lịch triều Lê Đại Việt là năm Hoằng Định thứ 10 (1609). Hôm đó con thuyền Nhật chứa đông người lại trở nhiều hàng hóa rời phố Phục Lễ, ra đến cửa Đan Nhai tức cửa Hội, Nghệ An thì gặp sóng dữ dội. Chủ thuyền là Giác Tàng cùng 13 người hăng hái cứu thuyền, bị sóng thần nhấn chìm chết. Khi thuyền chìm, quan quân địa phương hết lòng cứu hộ, kết quả sống sót 105 người, tâu lên chúa Trịnh Tùng xin lệnh. Bấy giờ Phò mã Quảng Phú hầu nhận đưa về nhà nuôi 19 người. Sau đó Hoa công nhận nuôi 39 người, Văn Lý hầu nhận nuôi 26 người. Sau đó Hoa quận công, Liêm quận công cũng nhận nuôi, mọi nạn nhân đều được cấp cơm áo chu đáo. Các vị quan trên đều là người xứ Nghệ An, nay chưa tra cứu được địa chỉ, chỉ biết một con gái Nhật Bản làm con nuôi Liêm quận công, sau lấy Hình bộ lang trung Nguyễn Như Thạch (1579-1662), nay bà này còn mộ ở xứ Rú Đền, huyện Thiên Lộc tỉnh Hà Tĩnh.

Về nạn lở sông Lam là nguyên nhân thủ tiêu phố Nhật ở Phục Lễ. Phục Lễ ở thời Lê đã là một xã lớn, có địa thế thích hợp với người Nhật dựng phố buôn bán. Nhưng vì nơi đó có nhiều dòng sông nhánh dồn nước chảy xoáy, gây nên nạn lở hàng năm, khiến cho xã Phục Lễ lở dần xuống sông, buộc thương nhân Nhật phải rút lui khỏi đó. Nhưng có lẽ họ rút lui hẳn khỏi Phục Lễ vào khoảng thời Khoan Vĩnh (1624-1643) thuộc thời đại Giang Hộ. Sở dĩ đoán định như vậy vì thỉnh thoảng sau những mùa mưa lụt, người dân vùng Chợ Tràng huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An lại nhặt được những đồng tiền cổ niên hiệu Khoan Vĩnh của Nhật Bản. Đất xã Phục Lễ đến thời Gia Long chỉ còn vừa một thôn; đến thời Đồng Khánh thì không còn tên trên bản đồ vì đã bị nước sông Lam cuốn sạch!

Nhắc lại phố Nhật Bản ở Phục Lễ là nhắc lại những hoạt động quá khứ sôi động của tổ tiên ta cách nay gần ba thế kỷ. Chúng ta không chỉ tự hào về thành tựu quá khứ, mà còn đúc rút kinh nghiệm thời xưa phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” ngày nay.

Hà Nội, ngày 20-1-1999

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 1998, tr.50-54, phiên bản trực tuyến ngày 27.9.2007.

20180504 Bao tang Luis Finot

Bảo tàng Louis Finot của EFEO đầu thế kỷ 20, ảnh - Wikipedia

 

(Et l’histoire continue: petite présentation du monde des études vietnamiennes au Japon)

Nguyên tác: Frédéric Roustan

Biên dịch: Nguyễn Nam Trân

Dẫn nhập của người biên dịch:

Nhân vào trang của cơ quan nghiên cứu Réseau-Asie trên mạng, tôi tình cờ gặp bài tham luận bằng tiếng Pháp của nhà nghiên cứu trẻ Frédéric Roustan (đọc tại cuộc hội thảo khoa học về Á Châu do Réseau-Asie qui tụ các học giả và chuyên gia về châu Á  ngày 28-29-30 tháng 9 năm 2005 tại Paris). Lúc đó, tác giả hãy còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ sử học tại Đại học Ngoại Ngữ Ôsaka. Trong tinh thần cầu học, chúng tôi mạn phép ông để chuyển ngữ hầu các bạn đọc quan tâm có thêm thông tin về lịch sử ngành nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản dưới cái nhìn của người thuộc một nước thứ ba. Ông Roustan đã viết một luận án tiến sĩ vào niên khóa 2006-2007 nhan đề “Xã hội sử cuộc di dân của người Nhật vào miền bắc Việt Nam từ năm 1885 đến 1954” (Socio-histoire de l’immigration japonaise à Tonkin entre 1885 et 1954) dưới sự đồng chỉ đạo của hai giáo sư Gérard Noiriel (EHESS, Paris) và Sakurai Yumio (Đại học Tôkyô).

Có thể nói nội dung bài này phản ánh khá trung thực quan điểm của tác giả Frédéric Roustan ở thời điểm 2005. Dĩ nhiên những sơ sót về mặt kỹ thuật dịch và cách trình bày là trách nhiệm của người dịch.

 

Nhập đề:

Có hai điều đã thúc đẩy tôi chọn những công trình nghiên cứu của người Nhật về Việt Nam làm đề tài thuyết trình:

-         Một là, những nghiên cứu có tính cách “hiện đại” về Á Châu đã ra đời tại Nhật . Lý do là vì người Nhật muốn người Tây Phương hiểu về Á Châu[1].

-         Hai là, theo lời ông Furuta Motoo, nhà sử học và chuyên viên nghiên về Việt Nam, cũng là một khuôn mặt sáng giá trong giới nghiên cứu Việt Nam hiện tại ([5] Furuta, tr. 18, [6] Furuta, tr. 227) thì Nhật Bản hiện này là một quốc gia mà ngành Việt Học phát triển mạnh nhất, tính theo số lượng, kể từ con số nhà nghiên cứu, báo cáo khoa học cho đến cơ quan nghiên cứu.

Tuy vậy, trừ vài ngoại lệ hiếm hoi, những báo cáo được dịch ra tiếng nước ngoài hãy còn quá ít; dầu chúng có được dịch ra đi nữa thì đó cũng chỉ là những bài viết ngắn chứ không phải những tác phẩm tiêu biểu trong ngành, xứng đáng được tham khảo một cách rộng rãi. Vả lại, khó lòng hiểu được bản dịch của một bài viết đơn độc khi nó bị cắt đứt khỏi bối cảnh hàn lâm và trí thức mà từ đó nó đã ra đời?

Bản báo cáo sau đây của tôi đề cập đến vần đề nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản trong khoảng thời gian trên một thế kỷ, nghĩa là từ lúc ngành Đông phương học Nhật Bản bắt đầu.

I) Cấu tưởng một khu vực địa lý. Nghiên cứu về Việt Nam theo quan điểm Đông phương học Nhật Bản:

Trước tiên phải hiểu được sự cấu tưởng một không gian địa lý gọi là Đông phương. Xuất hiện từ thập niên 1890 ( [36] Tanaka, tr. 47-50) và đối lập với những nghiên cứu về Trung Quốc xưa kia[2], môn Tôyôgaku hay Đông phương học (chính ra trên mặt chữ Hán, họ viết là Đông dương học東洋学 ) đã giúp cho các sử gia Nhật Bản[3], trong vai trò học giả Đông phương học, tạo ra một “môn học khác”, hay nói đúng hơn, tự tạo cho mình một tư thế khác ([36] Tanaka, tr.11-15). Khu vực được gọi là Tôyô 東洋 (trong cái nghĩa Đông phương) chỉ có nghĩa là vùng đất không phải là Tây phương (hay Tây dương西洋, [40] Tsuda, tr. 112)[4]. Đông phương mà những sử gia này tạo ra là một chốn có chung nguồn gốc thần bí, nhưng trước tiên nó là một nơi được tách biệt khỏi cái gọi là Á châu[5]. Việc tạo nên sự tách biệt này không có mục đích lộ rõ ý muốn nhập bọn với Tây phương mà chỉ để tự tạo cho mình một thực thể khác tương xứng với họ. Không gian ban sơ được định nghĩa như Đông phương là phần đất phía đông châu Âu, nghĩa là Trung Đông, Ấn Độ, đại lục Á châu và Nhật Bản.

Bối cảnh ra đời của Đông phương học Nhật Bản:

Những nhân vật đã xây đắp nên khoa nghiên cứu Đông phương trong buổi đầu là các sử gia chuyên môn về Trung Quốc như Shiratori Kurakichi白鳥庫吉 (1865-1942) ([Goi, tr. 15-70], [45]Yoshikawa, [41] Tsuda, tr. 325-387), giáo sư khoa sử rồi khoa  Đông phương ở Đại học đế quốc Tôkyô [39] Tôkyô Daigaku, tr. 628-669], Ichimura Sanjirô市村瓚次郎 , giáo sư về Hoa ngữ ở Đại học đế quốc Tôkyô và Naitô Torajirô内藤虎次郎tức Naitô Kônan内藤湖南 [6] (1866-1934), giáo sư và cũng là người đã mở ra khoa Đông Phương ở Đại học đế quốc Kyôtô ([14] Ienaga, tr.3-27). Vài nhân vật như vậy đã qui tụ thành một thế hệ học giả Đông phương học. Thế hệ này cho ra đời một kiến thức rất tổng quát, một học thuyết có tính lịch sử để làm chất liệu giúp thành hình khái niệm Đông phương mà họ thai nghén. Phải đợi đến thế hệ thứ hai, kể từ những năm của thập niên 1920, mới có việc chọn một quốc gia nào đó hay một thời kỳ nào đó để làm đề tài nghiên cứu chuyên biệt. Họ bắt đầu xây dựng nền tảng và điều khiển, ít nhất là trong buổi đầu, những cơ quan nghiên cứu chính yếu cung cấp kiến thức về Á châu cho nước Nhật. Quan trọng hơn hết là phân bộ nghiên cứu của Mantetsu[7] 満鉄研究所hay Tổng cục đường sắt Mãn Châu ([46] Young), thư viện mang tên Tôyô Bunko東洋文庫 của Tôa Dôbunkai東亜同文会 [8]cũng như các phân khoa nghiên cứu Đông phương của các đại học đế quốc Tôkyô và Kyôto. Trên thức tế, trước Thế chiến thứ hai, ở Nhật có rất nhiều hội đoàn hay nhóm nghiên cứu về Đông phương. Thường thường giữa họ đều có liên hệ với nhau.       

Từ buổi đầu của thập niên 1910, Shiratori 白鳥đã đặt ra những phạm trù để lồng khung các kiến thức thâu thập được. Ông còn đi đến việc phân biệt giữa loại kiến thức khoa học có tính thực dụng và loại kiến thức khoa học thuần túy. Loại kiến thức thực dụng là những thành quả nghiên cứu của nhóm Mantetsu vốn có mục đích phục vụ cho các hoạt động cụ thể có tính cách chính trị hay kinh tế. Loại kiến thức thuần túy có tính lý thuyết và văn bản đến từ những công trình nghiên cứu của các đại học, đặc biệt là hai Đại học đế quốc Tôkyô và Kyôto ([36] Tanaka, tr. 231-253). Phái theo khoa học thuần túy muốn đặt mình bên ngoài những đòi hỏi của chính quyền. Ý tưởng này tiến hóa thêm một chút trong những năm 1930 dưới ảnh hưởng của học thuyết Marx lúc đó là một hệ tư tưởng rất phổ biến trong giới trí thức, nghiên cứu và giáo chức đại học ([2] Barshays, tr. 53-59; [3] Duus, tr. 147-206; [20] Najita). Từ đó, có sự phân chia thành hai nhóm, một bên nghiên cứu khoa học, khách quan, một bên nghiên cứu phục vụ đế quốc. Phạm trù này bao gồm cả hai phạm trù do Shiratori白鳥 đặt ra mà ta đã nhắc đến bên trên. Tuy nhiên, cho dù những nhà nghiên cứu mác-xít và những nhà nghiên cứu phục vụ đế quốc có khác nhau về quan điểm, hầu như họ đều chấp nhận việc Nhật Bản đóng vai trò lãnh đạo Á Châu để đối đầu với Tây phương. Cũng vì thế, phần đông đã hợp tác công khai kể từ năm 1938 trong nhiều trung tâm nghiên cứu khác nhau để phục vụ chính quyền đương thời ([36] Tanaka, tr. 253-262) và nghĩ rằng mình đang giúp đỡ các nước bị áp bức. Thực tình, họ không có một lựa chọn nào khác ngoài việc ngậm miệng làm thinh nếu không muốn vào tù và như thế thường là chọn cái chết ([ 2] Barshays; [36] Tanaka, tr.57;[46] Young, tr. 26-32).

Liên hệ giữa Việt học và Đông phương học:

Nói đúng ra, Việt Nam không phải là một phần Đông phương của Nhật Bản nhung nó đã sớm được coi như thuộc vào trong vòng đai. Các nghiên cứu về quốc gia này trong thời kỳ gọi là cận đại đã bắt đầu cùng lúc với những nghiên cứu về Tôyôgaku東洋学 , nghĩa là vào thời điểm thập niên 1880. Đã có một vài tác phẩm viết về lịch sử An Nam như sách của Hikita Toshiaki引田利章 ([26] Satô), một giảng viên quân sự. Trước khi Thế chiến thứ hai kết liễu, công trình nghiên cứu về Việt Nam có thể chia thành hai loại. Trước tiên là loại nghiên cứu về quá trình thuộc địa hóa dưới bàn tay người Pháp, dựa lên nguồn tư liệu Pháp. Hai là loại nghiên cứu thời tiền thuộc địa trong mối bang giao với Trung Quốc khi người Pháp chưa đặt chân đến, dựa lên trên nguồn tư liệu Trung Quốc. Cho đến thập niên 1930, tác phẩm đã phát hành chỉ vỏn vẹn có những ký sự du hành ([32] Takada, tr.44) ví như sách của [34] Takegoshi Yosaburô竹越與三郎 (1865-1950). Trong thập niên 1920, các công trình nghiên cứu đạt được đã phản ánh ý hướng bành trướng kinh tế mới nhú mầm của một số tập đoàn tư lợi Nhật Bản qui tụ dưới hình thức hiệp hội. Chúng ta có thể kể đến tác phẩm của Maeda Hôjirô前田宝治郎nhan đề Futsuryô Indo-shina仏領印支那 (Đông Dương thuộc Pháp) do Nanpô Kenkyuukai 南方研究会xuất bản ở Tôkyô năm 1924 như một thí dụ tiêu biểu. Nó đã được yểm trợ tài chánh bởi Nanpô Kenkyuukai, nôm na là Hiệp hội nghiên cứu về vùng biển Nam. Những hiệp hội này sau đó đã xúc tiến việc nghiên cứu về khu vực thuộc địa Đông Dương trong tinh thần gọi là Nanshinron 南進論hay lý luận bành trướng về phương Nam. Chính là phạm trù không gian ấy là nơi đã ghi dấu những công trình nghiên cứu về sau, trước thời điểm Chiến tranh Thái Bình Dương và cũng lấy Việt Nam làm đề tài. Chúng được biết đến dưới cái tên Nanpô Kenkyuu南方研究hay những nghiên cứu về phương Nam. Chúng có vẻ gần gủi với loại nghiên cứu khoa học có tính “thực dụng” mà chúng ta đã trình bày. Để thỏa mãn những đòi hỏi nẩy sinh từ cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương, những cơ quan nhà nước của Nhật cũng cho ra đời những công trình nghiên cứu về Việt Nam ([46] Young, tr.44 và 597-606)[9]. Thường đề tài chủ yếu liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, giao thông, khí hậu, canh nông và các nhóm dân tộc vv...

Việt học và Nam tiến luận:

Thành quả đạt được trong lãnh vực “khoa học thuần túy” có lẽ là công trình của nhóm đệ tử Shiratori 白鳥mà người ta thường đánh giá như những nhà khoa học thực nghiệm. Chúng ta có thể nhắc đến Matsumoto Nobuhiro松本信弘 (1897-1981)[10], Fujiwara Riichirô 藤原利一郎 (1915- 2008 LND )[11], và nhất là Yamamoto Tatsurô 山本達郎 (1910-2001). Nhân vật được nhắc sau cùng xứng đáng được gọi là nhà nghiên cứu chuyên ngành tiên phong ở Nhật Bản trong lãnh vực Việt Nam Học và Đông Nam Á Học ([5] Furuta, tr. 18). Sử quan của các vị nói trên là nhìn Việt Nam qua hình ảnh Trung Quốc và liên hệ của Việt Nam đối với Trung Quốc. Do đó những nhà chuyên môn này thông thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Trung. Một phần vì vai trò của tác phẩm ngoại quốc được chuyển ngữ (họ dùng), một phần do gốc gác chuyên môn Đông phương học của các nhà nghiên cứu Nhật Bản chuyên viết về Việt Nam, việc xây dựng một kho kiến thức về vùng đất ấy chỉ nằm trong một hệ thống có tương quan trung tâm / ngoại vi, và không cho phép nó có được cá tính riêng.

Song song với việc nói trên, Đông Dương (Ấn Độ Chi Na) lại được kể vào trong khu vực gọi là Nan.yô南洋 (Nam Dương) hay là phía Nam Thái Bình Dương. Kể từ cuối thế kỷ 19, những người chủ trương phải “tiến xuống phương Nam” đã triển khai và bình thường hóa khái niệm địa lý này.Từ Nan.yô được định nghĩa như một vùng đất không thuộc về Đông phương lẫn Tây phương ([43] Yano, tr.57). Vùng này không thuộc vào Á châu. Quyển sách của Takegoshi Yosaburô 竹越與三郎vừa được nhắc đến bên trên là đại diện cho quan điểm cấu tạo nên một không gian tương đương với vùng Đông Nam Á của thời đại chúng ta. Sau Thế chiến thứ nhất, nó được những đoàn thể tư lợi xem như là một vùng có tiềm năng để bành trướng về mặt kinh tế ([27] Shimizu, tr.13]. Cùng một lúc , cụm từ Tônan Ajia, Đông Nam Á東南アジア được đem vào trong giáo trình, và Nhật Bản cũng bắt đầu có mặt nột cách chính thức trong vùng đất Á châu này. Sự kiện đơn sơ này tỏ rõ cho ta thấy những tín hiệu dự báo khu vực Á Châu sẽ bành trướng về phía Nam, và với khái niệm địa lý vừa được cấu tưởng, sẽ có một sự tiếp cận về văn hóa và dân tộc trước đó vốn chưa hề có giữa Nhật Bản và vùng đất này. Những công trình nghiên cứu về khu vực ấy sẽ tạo ra gốc rễ và mối liên lạc chung cho cả hai bên như các học giả Tôyôgaku東洋学 đã làm với Trung Quốc trước đây. Hơn nữa, hình ảnh của Việt Nam được trình bày trong những nghiên cứu trên chỉ là một xứ chậm tiến mà nói một cách khác thì nó phải cần đến Nhật Bản để được giải phóng ra khỏi bàn tay người Tây phương và sau đó là nhận sự giúp đỡ. 

Như vậy sau khi họp lại thành một nhóm như đối tượng cho các công trình nghiên cứu về Á châu tại Nhật Bản, Việt Nam đã được nhập vào vùng Đông phương Nhật Bản. Những thành quả đạt được, dù các tác giả của chúng đã đến từ chân trời ý thức hệ nào, vẫn còn bị giam hãm trong một cái khung quyền uy của chế độ gia trưởng, lúc nào cũng muốn tỏ ra che chở và chực can thiệp.

II) Những công trình nghiên cứu thời hậu chiến về Việt Nam:

Đối với những nhà Việt học người Nhật , thời hậu chiến là một giai đoạn kéo dài (từ 1945) cho đến giữa thập niên 1960, cũng là thời kỳ hoàng kim của công cuộc nghiên cứu về Việt Nam.    

Không thấy có những thế hệ tự phát. Hầu hết các nhà chuyên môn về châu Á thời hậu chiến đều là những kẻ đã được đào tạo bởi các môn đệ của Shiratori白鳥. Như thế, khi môn phái Đông phương học Nhật Bản và Đông phương học Pháp đại diện bởi EFEO (Trường Viễn Đông Bác Cổ)[12] hợp lưu để khai sinh thế hệ đầu tiên của những chuyên gia về Việt học.

Thế hệ gạch nối giữa tiền chiến và hậu chiến với Yamamoto Tatsurô:

Đối với Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, Yamamoto Tatsurô đã đóng được vai trò gạch nối hai thời tiền chiến và hậu chiến. Ông đã hiển nhiên trở thành một khuôn mặt lớn trong giới nghiên cứu Nhật Bản về Đông Nam Á cho đến thập niên 1970. Môn Việt Học thời hậu chiến chịu ảnh hưởng nặng của những sử gia chuyên môn về lịch sử thời kỳ tiền thuộc địa, họ nghiên cứu lịch sử pháp chế Việt Nam như thể nó một bộ phận nối dài của luật lệ Trung Quốc. Thế nhưng cùng lúc đã bắt đầu thấy một số nghiên cứu liên quan đến các vương triều độc lập tự chủ hay về Vương Quốc Chăm ([32] Takada, tr.44). Quyển Nghiên cứu lịch sử An Nam (Annanshi Kenkyuu安南史研究, Tôkyô, nhà xuất bản Yamakawa, 1950) của Yamamoto là một tác phẩm đáng ghi nhớ. Trong đó, Yamamoto 山本sử dụng những công trình nghiên cứu tiền chiến và tìm hiểu về những đợt xâm lăng của hai triều Nguyên, Minh cũng như các cuộc kháng chiến của người Việt Nam. Chủ đề liên quan đến mối bang giao giữa Trung Quốc và Việt Nam rất phổ biến trong học giới hậu chiến. Những công trình nghiên cứu lấy Việt Nam làm đề tài của giai đoạn này đã được [42] Yamamoto biên tập thành một tác phẩm chung gồm nhiều tác giả vào năm 1975. Cho đến bây giờ, nó vẫn được xem như một tác phẩm lớn đáng được tham khảo và là đỉnh cao của Đông phương học Nhật Bản. Dầu vậy, thành quả về nghiên cứu một cách trực tiếp về Việt Nam sau thời chiến hãy còn tương đối hạn chế.

Mọi sự bắt đầu tiến triển thực sự từ thập niên 1950 vì những lý do có tính cách kinh tế và địa chính học. Còn đứng về phương diện hàn lâm mà nói thì mọi nghiên cứu đã dựa vào khái niệm chuyên môn gọi là area studies ([16] Kitagawa, tr. 11-29).

Thế hệ hậu chiến I (1945) và học thuyết Yoshida:

Rõ ràng lúc ấy nhà nước Nhật Bản đang mong mỏi trở lại Á châu bởi vì Nhật đang cần có một sự ổn định về mặt chính trị. Mặt khác lnhững liên hệ kinh tế có thể giúp họ thoát ra khỏi sự tùy thuộc vào kinh tế Mỹ. Đó là tinh thần của cái mà người ta gọi là “Học thuyết Yoshida”, gọi theo tên của Thủ tướng Nhật Bản, Yoshida Shigeru吉田茂[13]. Học thuyết đó đã giúp cho các area studieschiiku kenkyuu (地域研究nghiên cứu địa vực) phát triển bởi vì nhà nước đang cần những thông tin của họ hướng dẫn cho những quyết định chính trị. Chẳng mấy chốc mà cụm từ chiiki kenkyuu 地域研究được theo một nghĩa đặc thù khi nói về nghiên cứu ở Á châu. Nó bàn về Á châu trong cái nghĩa một nhóm quốc gia hãy còn chưa phát triển ([10] Hashiguchi, tr. 3-5). Tuy nhiên, giữa area studies và chiiki kenkyuu hãy còn có một sự khác biệt cơ bản. Đó là ở Tây Phương, những nhà chuyên môn nghiên cứu về một một không gian nghiên cứu đặc biệt nào đó thường họp nhau để bàn về một nước dưới cái nhìn đa khoa, trong khi đó, người Nhật lại làm ngược họ bằng cách không chú trọng vào một chuyên khoa nào. Thẩm quyền của họ đến từ sự hòa mình hoàn toàn trong ngôn ngữ và văn hóa của quốc gia đối tượng quan sát.

Có hai hiệp hội đã mở đường cho hình thức nghiên cứu địa vực đó. Tháng chạp năm 1951, tổ chức tên là Ajia Kyôkai[14] (アジア協会Á châu hiệp hội) được thành lập bởi Fujizaki Nobuyuki, một viên chức cai trị ở thuộc địa. Sau chiến tranh, ông ta đã liên hệ vói Đại học Keiô ở Tôkyô để tổ chức một nhóm nghiên cứu về Á châu. Cũng vào thời điểm đó, Kishi Nobusuke岸信介, nguyên Tổng trưởng thương mại, vừa ra khỏi nhà tù nơi ông bị giam cầm với tu cách một chiến phạm hạng A...Ông Kishi tỏ ra thích thú với kế hoạch do Fujizaki soạn thảo nên giúp ông này, cả bằng tiền nong, để trước tiên thành lập một nhóm nghiên cứu phi chính thức vào năm 1951, và sau đó một hiệp hội có tính công cộng vào năm 1953. Ajia Kyôkai sẽ xúc tiến những công trình nghiên cứu theo đúng những hướng chính của “Hoc thuyết Yoshida” . Cụ thể là hiệp hội này chỉ đặt trọng tâm vào tình hình kinh tế Á châu cho nên họ muốn việc làm của mình là thực dụng chứ không nhuốm màu sắc ý thức hệ[15]. Người ta cũng nhận ra rằng trong nhóm nghiên cứu hồi mới bắt đầu, có một tình cảm chống Tây Phương khá rõ. Một trong những đề tài nghiên cứu của nhóm là sự tái thiết quốc gia ở Á châu sau khi chiến tranh kết thúc, cũng như liên hệ giữa chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa cộng sản. Các nhà nghiên cứu đã đến tận nơi tận chỗ để thu hoạch càng nhiều thông tin càng tốt và sau đó chuyển lại cho nhóm nghiên cứu. Năm 1957, Fujizaki được Thủ tướng Kishi đồng ý cho tổ chức một trung tâm nghiên cứu quốc gia. Đến năm 1960, dưới sự quản lý của Bộ Công Thương (MITI), Ajia Keizai Kenkyuujôアジア経済研究所 [16] đã được thành lập, và kể từ ngày đó, vẫn là một trung tâm nghiên cứu chính về Á châu có ảnh hưởng rất lớn đến việc soạn thảo chính sách nhà nước (policy making)[17]. Giám đốc đầu tiên của trung tâm là Tohata Seiichi cũng đã góp viên đá đầu tiên cho tòa nhà. Nhân vì Nhật Bản cần phát triển sự nghiên cứu về từng nước một, chứ trước kia họ chỉ làm về Trung Quốc và trong những điều kiện mà chúng ta đã biết, Tohada đã nghĩ ra một phương pháp làm việc mới, gửi các chuyên gia đi đến tận nơi sống hai, ba năm, để có thể tích lũy tất cả những gì họ biết về nước đó. Khái niệm chiiki kenkyuu 地域研究giúp cho Nhật Bản tái định nghĩa Á châu như những quốc gia thuộc thế giới thứ ba ([15] Shizawa, tr. 8-10). Dĩ nhiên là Nhật Bản cũng nhân đó tự định nghĩa lại mình trong tương quan với họ. Dẫu sao, trong khi chính phủ Nhật đang đi theo một chính sách thân Mỹ và với tất cả những gì mà Mỹ đang biểu lộ ra như là chủ nghĩa đế quốc ở Nhật, cái ý chí khu vực của các nhà nghiên cứu Nhật Bản có thể xem như một hình thức đề kháng.

Đối với những trào lưu tư tưởng ở Nhật, dù Mác-xít hay hiện đại, hậu chiến có nghĩa là dân chủ hay cuộc đấu tranh cho dân chủ, cho dù muốn định nghĩa dân chủ là thế nào đi nữa. Không riêng giới trí thức mà cả giới kinh doanh, sinh viên, đều dấn thân trên con đường này. Thế nhưng điều đó có nghĩa họ lại quay về với Tây Phương thêm một lần nữa ( [7] Gayle, tr. 152-165). Dẫu sao, cùng lúc, khi cả Á châu sôi sục, hội nghị Bandung tổ chức vào năm 1955 được coi như là một cơ hội kết hợp của những nhà nghiên cứu này và cống hiến một mô hình đầy tiềm năng cho những ai không chấp nhận Tây Phương ([29] Shiraishi, tr.101).

Cũng vào khoảng thời gian đó, một hiệp hội khác đã đi tiếp con đường. Năm 1959, Đại học Kyôto tổ chức được một nhóm nghiên cứu Á châu. Năm 1963, Tônan Ajia Kenkyuu Senta 東南アジア研究センターtức Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á được thành lập. Khác với IDE (tức Ajia Keizai Kenkyuujô), nhóm này chỉ qui tụ toàn những giáo chức đại học, những muốn đi theo một hướng có tính hàn lâm hơn. Lãnh vực nghiên cứu của họ lại rộng hơn nhiều. Ngoài ra, số đông trong nhóm không thuộc truyền thống mác-xít. Như vậy, ta thấy là khái niệm chiiki kenkyuu 地域研究của họ có hơi khác với các đồng nghiệp ở Tôkyô ([31] Suehiro, tr.25, [18] Motooka, tr. 5-19)[18].

Thế nhưng trung tâm này đã và vẫn còn là một tượng trưng giữa lòng khoa nghiên cứu về châu Á. Bắt đầu từ năm 1960, họ đã bắt liên lạc với Quỹ nghiên cứu của hãng Ford (Foundation Ford). Ba năm sau, nhờ sự tài trợ của Ford, trung tâm chính thức ra đời ([4] Ford tr.48), ([30] Stonor). Một số lớn các nhà nghiên cứu không để bị đánh lừa bởi vì họ đã thấy ngay liên hệ giữa những đề tài nghiên cứu và nguồn gốc của sự tài trợ. Quỹ này đã được xem như một dụng cụ của chủ nghĩa tân thực dân của người Mỹ và chính sách chống cộng của họ ở Á Châu. Trung tâm trở thành một thí dụ điển hình về một lối sản xuất tri thức mà một phần những nhà nghiên cứu thuộc thế hệ xưa và nhất là hầu hết những người vào đại học này không chấp nhận.

III)     Chiến tranh Việt Nam:

Khi bắt đầu có sự tăng cường dội bom trên miền bắc Việt Nam từ năm 1965 thì ở Nhật, thời hậu chiến coi như đã chấm hết. Nhìn chung, cuộc chiến ở Việt Nam đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với xã hội Nhật Bản ([12] Havens), ([21] Nakajima). Ngoài nó ra, phải kể thêm cuộc “Cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc, vốn đã đề nghị một mô hình sản xuất tri thức lôi cuốn được một số đông những nhà nghiên cứu Nhật ([35] Takeuchi tr. 316-323). Cuộc chiến Việt Nam đã gây ra một khoảng cách không hàn gắn được giữa những thế hệ[19] là điều khó lòng chối cãi. Trái ngược lại với thế hệ của hội nghị Bandung, lần này, hiện tượng này đã vượt ra ngoài phạm vi của giới trí thức và đại học. Tổ chức Beiheirenべ平連 (Hòa bình cho Việt Nam!) ([22] Oguma tr. 117-192) thành lập bởi một nhà trí thức tượng trưng cho cánh tả mới (New Left) của Nhật, Oda Makoto小田真, đại diện được cho tư duy của thời đại.Tổ chức phản chiến này đã huy động một con số khổng lồ những người Nhật, không vì lý do ý thức hệ mà bởi nó giúp cho những người ấy một cơ hội để trình bày quan điểm ([17] Maruyama tr. 303-310). Cùng lúc đó, các đại học Nhật Bản đã trở thành những bãi chiến trường thực sự, suốt hầu hết giai đoạn chiến tranh.

Thế hệ hậu chiến II (1966) với chiến tranh Việt Nam:

Cũng trong bối cảnh đó, những khóa dạy tiếng Việt đầu tiên ở đại học đã được khai giảng. Một khóa ở Đại học Keiô do giáo sư Kawamoto Kunie川本邦衛 (sinh năm 1929), một khóa khác ở Đại học ngoại ngữ Đông Kinh (Tôkyô Gaidai) bởi giáo sư Takeuchi Yonosuke 竹内与之助 (1922-2004) vào năm 1966. Hai ông đều từng đến miền NamViệt Nam sống trong thập niên 1950. Họ đã nghiên cứu tiếng Việt cổ điển (chữ Nôm? LND) và tiếng Việt hiện đại trong tinh thần chiiki kenkyuu. Chiến tranh đã giúp cho họ có cơ hội giảng dạy tiếng Việt ở đại học (Nhật, LND). Cơ hội này đánh dấu sự khai sinh đích thực của một đứa bé con, nó sẽ lớn lên không ngừng cho đến tận ngày hôm nay. Việc đi học tiếng Việt của họ trở thành một dấu hiệu đặc biệt của thế hệ này. Lớp người mà chúng tôi tạm mệnh danh “thế hệ chiến tranh Việt Nam” là những sinh viên đi học tiếng Nhật như một hình thức tham gia vào việc chống chiến tranh và sau đó họ đã trở thành nhà chuyên môn Việt học. Đối với họ, nghiên cứu Việt Nam là hiểu được thế giới[20]. Đại học ngoại ngữ Đông Kinh tức Tôkyô Gaidai không những chỉ giúp cho sinh viên có những lớp học tiếng Việt mà còn thêm cả một giáo trình về Việt Nam càng về những năm sau càng phong phú. Cũng nên ghi nhận sự góp mặt từ buổi đầu tiên và hầu như không hề bị gián đoạn của các giảng sư người Việt trong phân khoa này[21] ([21] Tanaka tr. 117-140).

Sức đề kháng của Việt Nam đã làm thay đổi lối nhìn của người Nhật. Họ không còn xem Việt học như một vòng đai của Trung Quốc học mà chuyển qua chủ đề nghiên cứu về sự kiến thiết đất nước của người Việt. Chúng ta có thể nhắc đến các công trình của Gotô Kimpei後藤均平 (sinh năm 1926), Katakura Minoru 片倉穣 (sinh năm 1934) và Sakurai Yumio 桜井由躬雄 (sinh năm 1945)[22]. Tinh thần kháng chiến của người Việt Nam trở thành một đề tài thời thượng của các sử gia. Mio Tadashi 三尾忠志và Kimura Tetsusaburô 木村哲三郎 biết sử dụng các tư liệu viết bằng tiếng Việt một cách thành thạo. Một công trình hợp soạn xuất bản vào năm 1977-78 với nhan đề “Vietnam” đã qui tụ được những thành tựu nghiên cứu trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam ([1] Ajia). Tác phẩm này đã được chào đời nhờ ở Ajia Africa Kenkyuujôアジアアフリカ研究所 tức Trung tâm nghiên cứu Á Phi, một tổ chức nghiên cứu về Á châu và Phi châu được Okakura Koshirô岡倉古志郎 (1912-2001) thành lập vào năm 1961. Ông Okakura là một nhà lãnh đạo trong phong trào không liên minh với Mỹ và là chuyên gia về chính trị quốc tế. Nhóm tác giả này đã ấn hành một nguyệt san cùng tên, trong có có rất nhiều bài viết liên quan đến Việt Nam.

Như thế, ta thấy chiến tranh (1945-1954 và 1965-1975, LND) đã giúp cho những công trình nghiên cứu về Việt Nam hiện đại khai hoa kết trái. Hai ông Matsumoto Nobuhiro 松本信弘với bộ thông sử nói về nước này của mình và Shimbo Jun.ichi rô真保潤一郎 , người đặt trọng tâm nghiên cứu vào chính trị sử, đại diện cho thế hệ đầu tiên sau năm 1945. Họ đã ảnh lưởng rất lớn đến các sinh viên của thế hệ chiến tranh Việt Nam. Giai đoạn ấy cũng đánh dấu bằng sự phiên dịch rất nhiều tác phẩm học thuật của các tác giả người Pháp như Coedes, Mason, Chesneaux, Condominas vv...

Chiến tranh đã chấm dứt trong bối cảnh sinh hoạt hàn lâm cao độ như thế.

IV)    Từ thập niên 1960 cho đến nay:

Ở Hoa Kỳ, việc chiến tranh chấm dứt cũng có nghĩa là sự chấm dứt của những nghiên cứu về Việt Nam. Nhật Bản thì không thế, tình thế mới ngược lại đã thúc đẩy thêm cho nghiên cứu. Thế nhưng, chiến tranh kết liễu, các nhà nghiên cứu bị lâm vào cảnh thiếu thốn tư liệu và hết còn cơ hội để đi làm việc ngay tại bản địa. Đó cũng là thời điểm mà các sinh viên của thế hệ chiến tranh Việt Nam dần dần gia nhập vào giáo ban đại học và trong các trung tâm nghiên cứu. Vào năm 1977, một phân khoa tiếng Việt đã được khai giảng tại Đại học (quốc lập) ngoại ngữ Ôsaka bởi Tomita Kenji富田憲次, một sinh viên từng theo học Takeuchi 竹内và Kawamoto川本. Việc có khả năng học tiếng Việt tại một đại học quốc lập thứ hai có một tầm quan trọng rất lớn cho việc đào tạo các nhà nghiên cứu. Ở đây, họ có những giờ học về văn hóa, lịch sử chính trị, pháp luật vv...khác hẳn với giáo trình của ngôi trường đàn anh ở Tôkyô vốn chú trọng đến Đông phương học và văn bản học nhiều hơn. Lại nữa, ta nhận thấy lúc ấy có những tiến bộ trong việc nghiên cứu về ngôn ngữ qua việc soạn thảo và phát hành những bộ từ điển và giáo khoa thư dành cho người Nhật ([37] Tomita tr. 55-61). Ngoài ra, vào những năm 1970, Nhật Bản đã có được một địa vị càng ngày càng quan trọng ở châu Á. Một số nhà nghiên cứu về châu Á đã tố giác sự hiện diện nói trên của Nhật như một hình thái của chủ nghĩa đế quốc. Vài người trong đám đã từ giã những trung tâm nghiên cứu như IDE (Ajiken) để gia nhập các đại học.    

Vào cuối thập niên 1970, đã có phong trào nghiên cứu về Đảng cộng sản Việt Nam cũng như về những cuộc vận động chống thực dân và đòi độc lập (như của Yoshizawa Minami吉沢南và Furuta Motoo古田元夫). Công trình của Furuta sở dĩ thực hiện được là vì ông có cơ hội hiếm có được tiếp xúc với nguồn tư liệu. Ông đã thử giải thích với quan điểm lịch sử tình hình giữa ba nước Trung / Việt / Cam-pu-chia vào cuối thập niên 1970. Một trong những công trình sáng gia nhất của thế hệ này có lẽ là cuốn Betonamu minzoku undô to Nihon, Ajia ベトナム民族運動と日本、アジアhay Những phong trào dân tộc ở Việt Nam và liên hệ của nó với Nhật Bản, Á Châu do Gannandô 巖南堂ở Tôkyô xuất bản vào năm 1993, chủ yếu nghiên cứu về nhà cách tân Việt Nam là Phan Bội Châu.    

Thế hệ hậu chiến III (1986) sau chính sách Đổi Mới:

Tuy nhiên, sau khi Việt Nam thống nhất thì các nhà nghiên cứu hầu như không còn cách gì để có thể nghiên cứu thực địa, họ bắt buộc phải tổ chức lại để làm việc với nhau bằng cách khác. Từ đầu thập niên 1980, những thành viên thuộc thế hệ thứ ba sẽ tụ họp với nhau thường xuyên hơn để thử rút là những điều lợi ích từ những thông tin mà họ có trong tay. Một nhóm đã được thành lập do sáng kiến của Gotô Fumio 後藤文夫với tôn chỉ là không cần hình thức và không đả động đến những vấn đề chính trị. Nhân vì những nhà nghiên cứu thuộc thế hệ thứ hai đã có những sự bất đồng quan điểm cho nên sáng kiến của Gotô khi thành lập nhóm này là để làm dịu bớt những cuộc cải vã sinh ra từ tinh thần phe nhóm. Dầu sao, nhân vì nguồn thông tin qua hiếm hoi, những cuộc gặp gỡ như vậy trở thành một chỗ tranh giành ảnh hưởng trong giới nghiên cứu về Việt Nam. Một hiệp hội đã dược chính thức thành lập và trở nên bộ phận đầu não cho môn Việt học cho đến giai đoạn Đổi Mới vào năm 1986. Từ thời điểm đó, nhờ được dễ dãi hơn trước trong việc tìm kiếm tư liệu cũng như khả năng đặt chân đến thực địa mà công việc nghiên cứu có phần thuận lợi hơn. Nói như vậy chứ trong thời kỳ 1975-1968, cánh cửa cũng không phải bị đóng kín hoàn toàn.Vài người được tuyển lựa sang Việt Nam kể từ cuối thập niên 1970 với tư cách giảng dạy Nhật ngữ trong một đại học ở Hà Nội hoặc đi đường vòng theo Bộ Ngoại Giao Nhật. Họ là lực lượng lớn lao nhất trong việc nghiên cứu của Nhật Bản về Việt Nam trong giai đoạn đó. Nhật Bản đã giữ được một cánh cửa thông ra hai chiều nhờ ở mối liên hệ ưu đãi đặc biệt giữa một vài nhà nghiên cứu với những cơ quan nhà nước Việt Nam.

Kể từ năm 1986, thế hệ trẻ dưới sự dìu dắt của Sakurai Yumio桜井由躬雄 đã có thể nghiên cứu thực địa. Sự quay về Việt Nam với hình thức nghiên cứu điền dã (fieldwork) là một chặng đường không thể thiếu được đối với những thế hệ nghiên cứu viên trẻ về Việt Nam kể từ thời kỳ này. Nó giống như một sự tìm về nguồn của chiki kenkyuu地域研究. Điều này đã giúp cho các nhà nghiên cứu Nhật tiếp thu được một vốn liếng tiếng Việt rất chuẩn xác và tạo nên những mối liên hệ chặt chẽ và chân tình với người bản xứ. Vào năm 1990, cuộc hội thảo về Hội An ở Đà Nẵng bên Việt Nam do Việt Nam và Nhật Bản đồng tổ chức, sau đó được xem như thành quả kết tinh những cố gắng của “thế hệ chiến tranh Việt Nam” và là biểu tượng 25 năm dấn thân của họ.

Cuộc Đổi Mới cũng mở ra một thời kỳ mới về mặt chủ đề khai thác. Tình hình Việt Nam “sau năm 1986” trở thành đề tài cho những nhà nghiên cứu. Lãnh vực nghiên cứu trở nên đa dạng, không chỉ giới hạn trong phạm vi Sử học. Người ta nhận thấy đề tài nghiên cứu về các vương triều Việt Nam thời độc lập tự chủ rất phổ cập. Vào những năm cuối cùng của thập niên 1980, một thế hệ mới đã đăng đàn với những người như Momoki Shiro 桃木室朗nghiên cứu về triều Lý và lịch sử chính trị cũng như quân sự của triều Trần, hoặc Yao Takao 八尾隆生đặt trọng tâm vào tổ chức quân sự dưới triều Lê.Ngoài ra, kể từ thời Đổi Mới hay nói chính xác hơn vào khởng giữa thập niên 1990, những chuyên gia Nhật Bản đã có dịp đóng một vai trò năng động trong việc đặt nền móng cho chính trị của thời kỳ quá độ ở Việt Nam, nối tiếp được một truyền thống nào đó đã tạo ra sự liên hệ chặt chẽ giữa tri thức và quyền lực, và như thế, có lẽ là một trong những hình thức đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên hệ.

Kết Luận:

Để thay cho lời kết luận, tôi (F. Roustan) chỉ mong sao cho những công trình nghiên cứu về Việt Nam của người Nhật được chúng ta dịch ra tiếng Pháp nhiều hơn nữa. Điều này chắc chắn sẽ hữu ích cho chúng ta thôi. Xin nói thêm là ngày nay, vấn đề danh tánh nằm ngầm bên dưới những công trình nghiên cứu về Á châu đang thực hiện tại Nhật Bản vẫn không ngớt được bàn tán. Chúng tôi xin mời quí vị lên tham khảo trên mạng, vào trang của một nhóm nghiên cứu Á châu vừa mới được thành lập ở một đại học tiếng tăm Nhật bản là đủ biết. Phương châm làm việc của họ (Anh văn trong nguyên văn) chắc đủ để trả lời thay:

Cho đến hôm nay, lãnh vực gọi là Á châu học thường được phân tích theo quan điểm của các học giả Tây phương. Trong khi khó lòng phủ nhận việc quan điểm ấy là một cơ sở vững chắc để phân tích, ta thấy các nhà nghiên cứu Tây phương thường có tầm  nhìn của kẻ đứng bên lề, không hiểu cặn kẽ lịch sử địa phương và con người sở tại. Ý định của chương trình chúng tôi là đưa ra những nhận xét về Á châu đến từ bên trong, để cho các học giả Á châu có một cơ hội phát triển phương pháp luận riêng của họ về phần đất Á châu đang vươn lên...”.[23]

Giữa các nhà Á châu học, chắc chắn phải có những cách nhìn dị biệt nhưng chẳng lẽ lại xem điều đó đã xảy ra là vì hiểu biết hạn hẹp hay sao?

Frédéric Roustan 

Thư Tịch Trích Dẫn Của Tác Giả:

[ 1] Ajia Africa Kenkyujoアジアアフリカ研究所, Betonamu, Vietnam, shizen rekishi bunka (ベトナム、自然、歴史、文化 ) and seji keizai政治、経済, Ajia Africa Kenkyujoアジアアフリカ研究所編, Tokyo, Suiyôsha水曜社, 1977 -1978.

[2] Barshays, Andrew E., The Social Science in Modern Japan, the Marxian and the Modernist Traditions, Berkeley, University of California Press, 2004.

[3] Duus, Peter, “Socialism, Liberalism and Marxism, 1901-1931” in Tadashi Bob, Modern Japanese Thought, Cambridge University Press, 1998.

[4] Ford Foundation Annual Report, 1963.

[5] Furuta Motoo, Japanese Research on Vietnam, Social Science, Japan, numéro 8, January 1987, pp. 18-19.

[6] Furuta Motoo古田元夫, Nihon ni okeru betonamu kenkyuu 日本におけるベトナム研究, in Kimura Hiroshi木村汎, グエンズイズ、古田元夫日本、ベトナム関係を学ぶひとのためにTokyo, Sekai Shisôsha世界思想社, 2001, pp. 227-240.

[7] Gayle, Curtis Anderson, Marxist Theory and Japanese Postwar Nationalism, London, Routledge, 2003.

[8] Goi, Naohiro, 五井直弘Kindai Nohon to toyoshigaku近代日本と東洋史学, Les études d’histoire orientale et le Japon moderne, Tokyo, Aoki shoten, 1976.

[9] Hamon, Hervé, Rotman, Patrick, Génération, Paris, Points Seuil, 1088.

[10] Hashiguchi, Tomosuke, “What are the Concepts to Define “Asia” ? ” in Search of New Ground of Asian Cultures -Area Studies and Southeast Asia, Tokyo, Institute of Asian Cultures, 1985. p. 3-5.

[11] Hashikawa, Bunso, “Japanese Perspectives on Asia: From Dissociation to Coprosperity” in Iriye, Akira, The Chinese and Japanese Essays in Political and Cultural Interactions, Princeton, Princeton University Press, 1980, pp.328-355.

[12] Havens, Thomas, Fire Across the Sea, Princeton, Princeton University Press, 1987.

[13] Horii, Kenzo, “Southeast Asia, the Economy”, in Yamaguchi Hiroshi, Sato Hiroshi, Understanding the Developing World, Thirty Five Years of Area Studies at the IDE, Tokyo, IDE, 1996, pp. 59-82.

[14] Ienaga, Saburo家永三郎, Tsuda Sokichi no shisoteki kenkyu津田左右吉の思想史的研究, Etudes de la pensée historique de Tsuda Sokichi, Tokyo, Iwanami Shoten岩波書店, 1972, p. 3-27.

[15] Shizawa Yoshiaki, “Area studies and Southeast Asia. Outline of Subjects Proposed for Studies”, in In Search of New ground for Asian Cultures-Area Studies and Southeast Asia, Tokyo, Institute of Asian Studies, 1985, pp. 8-10.

[16] Kitagawa Katsuhiro, “Japanese Perspectives on Independence of African Countries in the Late 1960s and the early of 1960s: A Preliminary Investigation”, in Agora: Journal of International Center for Regional Studies, numéro 1, 2003, pp. 11-29.

[17] Maruyama Shizuo, “Japanese Opinion of the Vietnam War”, in Japanese Quaterly, Vol. VII, numero 3, July-September 1965, pp. 303-310.

[18] Motohoka Takeshi本岡武, “Chiiki Kenkyuu to wa nani ka?地域研究とは何か “Qu’est ce que les aires culturelles?, in Tonan Ajia Kenkyu 東南アジア研究, numero 2, 1963, pp. 5-19.

[19] Myers, Ramon h., “Japanese Imperialism in Manchuria: The South Manchuria Railways Company, 1906-1933, in Duus Peter, “The japanese Informal Empire in China, 1895-1937, Princeton, Princeton University Press, 1989, pp. 101-132.

[20] Najita, Tetsuo, Koschmann Victor J., Conflict in Modern Japanese History: the Neglected Tradition, Princeton, Princeton University Press, 1982.   

[21] Nakajima, Makoto中島誠, Sengo shisoshi nyumon戦後思想史入門, Introduction à l’histoire de la pensée d’après-guerre, Tokyo, Ushio Shinsho, 1968.

[22] Oguma, Eiji小熊英二, Minshu to aikoku民主と愛国, La démocratie et le nationalisme, Tokyo, Shinyôsha新曜社, 2003, pp. 717-792.

[23] Reynolds, Douglas R., “Training Young China Hands; Toa Dobun Shoin and its Percursors, 1886-1945”, in Duus Peter eds, The Japanese Informal Empire in China, 1895-1937, Princeton, Princeton University Press, 1989. 

[24] Sabot, Jean-Yves, Le syndicalisme étudiant et la guerre d’Algérie, Paris, L’Harmattan, 1995.

[25] Sakai Yoshiki酒井良樹, “Betonamu Bunka”ベトナム文化, La culture vietnamienne, in Sekai no Rekishi世界の歴史, Vol. 13, Tokyo, Chikuma Shobô 筑摩書房, 219-234.

[26] Sato, Shigenori佐藤茂教, Hikita Toshiaki noryakureki ni tsuite引田利章の略歴について, A propos du curriculum vitae de Hikita Toshiaki, Tonan Ajia rekishi to bunka東南アジア歴史と文化, numéro 2, 10/1972, pp. 203-205.

[27] Shimizu Hajime, “Southeast Asia as a Regional Concept in Modern Japan: An Analysis of Geography Textbooks” in Shiraishi Masaya, Shiraishi Takashi, The Japanese Colonial Southeast Asia, Ithaca, Cornell University Press, 1993, pp.21-61.

[28] Shimao, Minoru, Sakurai Yumio, “Vietnamese Studies in Japan, 1975-1996”, Acta Asiatica, numéro 76, 1999, pp. 81-105.

[29] Shiraishi Masaya, “A Short Essay on Scientific exchanges between Japan and Southeast Asia”, Journal of Asia Pacific Studies, numéro 1, pp. 97-106.

[30] Tonor Saunders, Frances, Who Paid The Piper? The CIA and the cultural Cold War, Granta Books, New York, 1999.

[31] Suheiro, Akira, “Bodies of Knowledge: How Think-tanks have affected Japan’s Postwar Research on Asia”, in Social Science Japon, numéro 9, 1997, pp. 20-27.

[32] Takada Yoko高田洋子, Nihon ni okeru Betonamushi kenkyu no sokatsu to tembo日本におけるベトナム史研究の総括と展望, Présentation des études historiques sur le Vietrnam au Japon. In Ajia Africa Kenkyuアジアアフリカ研究, vol. 29, numero 3, 1989, pp. 43-80, pp. 44.

[33] Takada Yoko, “Vietnamese Sudies in Japan”, Asian Research Trends, numero 1, 1991, pp. 57-73.

[34] Takegoshi, Yosaburo竹越與三郎, Nangokuki南国記, Carnet de voyages des pays du sud, Tokyo, Bunka Sosho文化叢書, 1910.

[35] Takeuchi Minoru, “The Background to Chinese Studies in Japan, Japan Quaterly, Vol. 18, numéro 3, 1971, pp. 316-323.

[36] Tanaka Stefan, Japan’s Orient, Rendering Past into History, Berkeley, University of California Press, 1993.

[37] Tanaka, Tadaharu田中忠治, Tokyo Gaikokugo Daigaku Indochinago Gakka Hyakunenshi東京外国語大学インドシナ語学科百年史, Tokyo, Mekonkaiメコン会, 2002.

[38] Tomita Kenji富田憲次, Nihon ni okeru Betonamugo kyoiku / kenkyu日本におけるベトナム語教育、研究. Les études et l’enseignement du vietnamien au Japon, in Yamaguchi Keishiro山口慶四郎、我が国における外国語研究、教育の師的考察、大阪、大阪外国語大学、1989, pp. 55-61.

[39] Tokyo Daigaku Hyakunenshi: bukykyokushi 1 東京大学百年史、部局史1. Histoire des cents ans de l’Université de Tokyo. Histoires des Départements, Tokyo, Tokyo Daigaku Shuppankai東京大学出版会, 1986.

[40] Tsuda Sokichi津田左右吉, Shina shiso to Nihon支那思想と日本. Le Japon et la pensée chinoise, Tokyo, Iwanami Shinsho岩波新書, 1938.

[41] Tsuda Sokichi津田左右吉, Shiratori Hakushi Shoden白鳥博士小伝, Bibliographie du Docteur Shiratori, Toyogakuho東洋学報,numéro 29, 1944, 325-387.

[42] Yamamoto Tatsuro山本達郎, Betonamu Chuugoku kankeishiベトナム中国関係史; 曲氏の台頭さら清仏戦争までKyoku-shi no taito kara Shin-Futsu senso made. Histoire des relations entre le Vietnam et la Chine, Tokyo, Yamakawa Shuppansha山川出版社, 1975.

[43] Yano Toru矢野暢, Nanshin no Keifu南進の系譜, Généalogie de l’avancée vers le Sud, Tokyo, Chuokoronsha中央公論社, 1985.

[44] Yasunaka, Akio, “Southeast Asia: Policy and Society”, in Yamaguchi Hiroshi, Sato Hiroshi, Inderstanding the Developing World, Thirty Five Year of Area Studies at the IDE, Tokyo, IDE, 1996, pp. 83-98.

[45] Yoshikawa Kojiro吉川幸次郎, Toyogaku no Shisoshatachi東洋学の創始者たち, Les créateurs des Toyogaku, Tokyo, Kodansha講談社, 1976

[46] Young, John, The Research Activities of the South Manchurian Railways Company, New York, Columbia University Press, 1966.


[1] Á Châu hiểu ở đây là một Á Châu “thực sự” nhìn dưới “nhãn quan của người châu Á”, và nhân đấy người Nhật muốn trình bày cho người Tây Phương biết cần phân biệt giữa họ và các dân tộc Á Châu khác.

[2] Tức nghiên cứu các sách vở cổ điển Trung Hoa, còn gọi là Hán học.

[3] Nhà nghiên cứu Naka Michio (1851-1904) thường được xem như người đã sáng lập ra môn học này [36] Tanaka, tr.48.

[4] Seiyô.

[5] Sự tách biệt ra khỏi Á Châu (Datsu-a-ron) mà Fukuzawa Yuukichi chủ trương vẫn còn bị đóng khung trong cách dùng chữ của người Tây Phương. Các nhà Tôyôgaku thì khác, họ sử dụng từ này theo một cái nhìn văn hóa tương đối luận (relativisme culturel) [11] Hashikawa. tr. 328 – 355).

[6] Naitô đã khai triển khái niệm về Shinagaku, môn học về Shina hay Trung Quốc.

[7]  Phân bộ nghiên cứu của Mantetsu 満鉄調査部là một cơ quan nghiên cứu Đông phương học rất ưu tú. Mantetsu lúc đầu chỉ là một cơ quan bàn công bán tư có mục đích phát triển đường xe hỏa tại Mãn châu sau trận chiến tranh Nhật Nga. Cho đến năm 1945, những công trình nghiên cứu chính yếu về khoa Đông phương của Nhật hầu như đã phát xuất từ những phân bộ nghiên cứu thay nhau liên tiếp ra đời của nhóm Mantetsu ([19] Myers, tr.101-132).

[8] Tôa Dôbunkai hay Đông Á Đồng Văn Hội là một học viên chuyên môn và là phân nhánh của Tôa Dôbun Shoin 東亜書院hay Đông Á Đồng Văn Thư Viện東亜同文書院. Tôa Dôbunkai được thành lập vào năm 1898 bởi Munakata Kôtarô để huấn luyện khả năng ngôn ngữ,tri thức văn hóa xã hội về Trung Quốc cho thanh niên Nhật, phục vụ cho mục đích nới rộng giao thương với nước này [23] Reynolds, tr. 210-271).

[9] Do Bộ Ngoại Giao Nhật Bản, chính phủ đảo Đài Loan và những trung tâm nghiên cứu như Nhóm nghiên cứu Đông Á của Mantetsu, Tôa Kenkyuukai (東亜研究会Đông Á Nghiên Cứu Hội) và Taiheiyô Kyôkai (太平洋協会Hiệp hội Thái Bình Dương). 

[10] Matsumoto ta đã cho ra mắt công trình về Đông Dương thuộc Pháp. Chính khảe năng nói tiếng Pháp của ông đã đưa đẩy ông đến việc nghiên cứu về Đông Dương.

[11] Fujiwara chuyên môn nghiên cứu về Hoa kiều. Năm ông mất là do người dịch viết thêm vào.

[12] Nguyên văn Ecole Francaise d’Extrême Orient. Sự dung lợp giữa hai luồng nghiên cứu đã thành hình trong giai đoạn quân Nhật chiếm đóng Đông Dương.

[13] Ông Yoshida đã làm thủ tướng 2 nhiệm kỳ: 1946-47 và 1948-54. “Học thuyết Yoshida” nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với các quốc gia Á châu và thiết lập những cơ quan với hoạt động có mục đích khuyến khích sự giao lưu kinh tế.

[14] Tên này mới có từ 1954 chứ trước đó nó có tên là Ajia Mondai Chôsakaiアジア問題調査会.

[15] JAAS (Japan Asociation for Asian Studies) thành lập năm 1953 cũng chủ trương giống y như thế.

[16] Thường được gọi tắt là Ajiken hay IDE.

[17] Muốn biết rõ hơn IDE nghiên cứu những gì, xin xem ([Horii, tr. 59-82), ([44] Yasunaka tr. 83-98) cũng như tạp chí mang tên Kinh tế Á châu hay Ajia Keizai, phát hành từ 1960.

[18] Tuy vậy, kể từ thập niên 1980, trung tâm này đã thay đổi lối làm việc và tiến về một phương pháp  tương tự như IDE.

[19] Phải hiểu câu nói này theo cái nghĩa thấy trong luận văn của ([24] Sabot tr.127-134 và [9] Hamon.

[20] Trao đổi với Furuta Motoo ngày 29/08/2004.

[21] Người ta hãy còn nhớ các thầy Đàm Quang Tuấn, Huỳnh Trí Chánh… ở Tôkyô Gaidai, Phan Đức Lợi ở Ôsaka Gaidai là những cựu sinh viên du học Nhật Bản đã có cống hiến lớn lao cho việc truyền bá ngôn ngữ văn hóa Việt Nam ở Nhật, bên cạnh các thầy đến từ trong nước từ hai miền Nam (Nguyễn Khắc Kham), Bắc (Nguyễn Cao Đàm). Con số giảng sư khá đông nhưng riêng thầy Đàm Quang Tuấn là người đi tiên phong đã dạy ở Tôkyô Gaidai từ khóa đầu tiên (LND).

[22] Ảnh hưởng của Paul Mus và của EFEO (Trường Viễn Đông Bác Cổ)

[23] Http://waseda-coe-cas.jp/e/about 3 ito.html (đăng tải ý kiến của tác giả với tất cả sự dè dặt thường lệ. LND)


* Nguyễn Nam Trân :

Một trong những bút hiệu của Đào Hữu Dũng, sinh năm 1945 gần Đà Lạt. Nguyên quán Hương Sơn, Hà Tĩnh. Theo học Chu Văn An (1960~1963) và Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước khi đến Nhật năm 1965. Tốt nghiệp Đại Học Đông Kinh (University of Tokyo) và Đại Học Paris (Pantheon-Sorbonne). Tiến sĩ khoa học truyền thông. Giáo sư đại học. Hiện sống ở Tokyo và Paris. E-mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.">This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Nguồn: Exryu Cuối Tuần (ERCT) http://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/VietHoc-tai-NhatBan.htm

Thông tin truy cập

61757072
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16194
20496
61757072

Thành viên trực tuyến

Đang có 631 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website