20180425 HN thu muc

Ảnh: Trích văn bản Thư mục sách chữ Hán của Việt Nam ở Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp của GS. Matsumoto Nobuhiro

 

Như chúng ta đã biết, kho sách Hán Nôm hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VHN) được tổng hợp từ nhiều nguồn, trong đó chủ yếu là nguồn từ Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp (gọi tắt là Học viện), và nguồn sách từ các thư viện khác. Sách của Học viện thuộc phân kho A, với các ký hiệu A, AB, AC, AD, AE, AF, AG, AH, AJ; Sách từ các thư viện khác thuộc phân kho V, với các ký hiệu VHv, VHb, VHt, VNb, VNv. Trong Di sản Hán Nôm - Thư mục Đề yếu (gọi tắt là Thư mục Đề yếu)(1), ở bài Dẫn luận phần Lịch sử thư mục học Hán Nôm, PGS. Trần Nghĩa cũng đã điểm qua các công trình thư mục sách Hán Nôm được biết tới cho đến ngày nay, trong đó có công trình Thư mục sách chữ Hán của Việt Nam ở Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp của GS. Matsumoto Nobuhiro松本信廣(Hanoi Bukkoku kyokuto gakuin shozo Ananbon shomoku 河內佛國極東學院所 藏安南本書目)(2). Gần đây, nhân tiếp xúc với Thư mục này, chúng tôi có dịp tìm hiểu về kho sách chữ Hán của Việt Nam ở Học viện vào thời điểm năm 1933 khi GS. Matsumoto Nobuhiro sang Việt Nam nhờ người sao chép thư mục tại Học viện đưa về in tại Nhật Bản. Bài viết dưới đây xin trình bày vài nét về Thư mục nói trên của GS. Matsumoto Nobuhiro; điểm qua tình hình kho sách chữ Hán ở Học viện (phân kho A) lúc bấy giờ cùng sự thay đổi của kho sách này tính đến thời điểm năm 1980 khi kho sách Hán Nôm được Viện Thông tin KHXH Việt Nam giao cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu giữ.

1. VỀ THƯ MỤC CỦA GS.MATSUMOTO NOBUHIRO

1.1. Tiểu sử GS. Matsumoto Nobuhiro

GS. Matsumoto Nobuhi ro sinh ngày 11 tháng 11 năm Meiji (Minh Trị) thứ 30 (1897) tại Tokyo. Sau ba năm kể từ khi tốt nghiệp khoa Văn, chuyên ngành Sử học tại Đại học Keio tháng 3 năm 1920, vào năm 1924 ông sang Pháp du học tại trường Đại học Sorbonne của Pháp, lấy bằng Tiến sĩ Docteures lettres với Luận văn chính là Le Japonais et les langues austroaiatiques, và luận văn phụ là Recherches sur quelques themes de la mythologie japonaise. Sau khi trở về nước, GS. Matsumoto Nobuhiro tiếp tục giảng dạy tại trường Đại học Keio Gijuku Daigaku (Khánh Ứng Nghĩa Thục Đại học). Năm 1933, nhân chuyến đi điều tra nghiên cứu về Đông Dương, thuộc địa của Pháp, ông đã tới các tỉnh Hải Phòng, Hà Nội, Cao Bằng, Huế, Hội An. Trong thời gian này, ông đã đến Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp và các thư viện ở Kinh thành Huế để điều tra sử liệu, tìm hiểu các ván khắc in sách theo sắc lệnh của nhà vua và làm việc với Thượng thư Phạm Quỳnh về việc cho phép Nhật Bản in bộ Đại Nam thực lục. Mặc dù đã được Thượng thư Phạm Quỳnh đồng ý, "Sau này nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ cho phép các ngài cùng in bộ sách đó", song, kế hoạch đó bấy giờ không thực hiện được. Năm 1934, GS. Matsumoto cho in bộ Thư mục sách Hán Nôm của trường Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội. Cùng năm, nhờ sự giúp đỡ của hai người làm việc tại Học viện là ngài Coedes và ngài Gaspardonne, ông tiếp tục điều đình với triều đình Huế và được phép mang 6 bộ sách Đại Nam thực lục về in tại Nhật Bản.

Ngoài Việt Nam, ông còn tham gia điều tra dân tộc học ở quần đảo Nam Á như Mariana, Palau, New Guinea; Điều tra di lích lịch sử ở Trung Quốc. Với những đóng góp khoa học thực sự có giá trị, vào năm 1955, ông được chính phủ Pháp tặng thưởng huân chương Les palmes academiques. Từ năm 1957 đến 1958, ông dẫn đầu đoàn Hiệp hội dân tộc học Nhật Bản tới các nước Thái Lan, Lào và Campuchia để điều tra tổng hợp về văn hóa dân tộc các nước nông nghiệp ở Đông Nam Á. Sau khi trở về nước ông giữ chức vụ Trưởng khoa khoa Văn học thuộc Đại học Keio. Năm 1961 đến 1981, ông phụ trách theo dõi việc in ấn bộ Đại Nam thực lục tại Nhật Bản. Năm 1969, ông được bầu giữ chức Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngôn ngữ Văn hóa Đại học Keio. Năm 1969, ông thôi chức, sau đó được bầu làm Giáo sư danh dự Đại học Keio. Ông mất năm 1981, thọ 83 tuổi.

Những trước tác chủ yếu: Nghiên cứu về thần thoại Nhật Bản. In năm 1931; Các dân tộc Đông Dương và văn hóa, in năm 1942; Nghiên cứu về Đông Dương, in năm 1965; Khảo luận về văn hóa các dân tộc Đông Á, in năm 1967; Khởi nguồn của văn hóa dân tộc Nhật Bản, in năm 1978 (3).

1.2. Vài nét về thư mục sách chữ Hán ở Học viện của GS.Matsumoto Nobuhiro

Theo Lời Tựa(4) in sau bản Thư mục, GS. Matsumoto Nobuhiro cho biết: "Thư mục này vốn là Thư mục sách An Nam do Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp (Ecole Fran sai se d'Extrême - Orient) lưu trữ. Học viện này do người Pháp thành lập vào năm 1901 tại Sài Gòn và năm sau (1902) chuyển ra Hà Nội với mục đích nghiên cứu mang tính Khảo cổ học, Ngôn ngữ học các nước Ấn Độ, Trung Quốc và các nước lân bang. Sách Hán Nôm (An Nam bản) do nhiều nguồn cung cấp. Trước hết là sách do ngài P.Pelliot và rất nhiều thành viên Trung Quốc học khác của Học viện tích cực sưu tầm khi họ đảm trách công việc ở Học viện; thứ hai là sách được sao chép từ Thư viện Nội các ở triều đình Huế; tiếp đó là các sách được in lại từ các ván khắc của Sử quán; Sách được thu mua từ nơi khác; Sách sao chép, chân hóa từ các bản chép thảo. Theo thống kê vào năm 1930, sách Hán Nôm ở Học viện được chia làm ba loại.

- Ký hiệu A là các sách viết bằng chữ Hán của Việt Nam, gồm 2528 bộ, 2821 sách.

- Ký hiệu AB là gồm các sách viết bằng chữ Nôm, gồm 561 bộ, 570 sách.

- Ký hiệu AC là các sách sao chép hoặc in lại của Trung Quốc, gồm 351 bộ, 530 sách.

Tổng cộng là 3440 bộ, 3921 sách.

Ngoài ra còn khoảng 2273 bộ sách tục lệ và sắc văn được sưu tầm. Do lo sợ khí hậu nhiệt đới ẩm thấp và mối mọt làm hỏng sách, Học viện đã cho đóng toàn bộ số sách Hán Nôm nói trên theo lối sách phương Tây vài cuốn làm một rồi xếp đứng trên giá sách. Học viện còn có sổ ghi chép ký hiệu khi nhập kho tựa như một thư mục và mục lục tủ phiếu để tra cứu".

GS. Matsumoto cho biết, "Vào tháng 8 năm 1933, khi sang Hà Nội, tôi đã nhờ ông Trịnh Văn Cự, nhân viên làm thuê của Học viện chép lại thư mục sách của những người làm trước đây mang về Nhật Bản, phân loại rồi cho in, đó chính là bộ thư mục sách Hán Nôm này. Nhìn vào thư mục, chúng ta cũng có thể biết đây là một trong ba loại sách Hán Nôm được các học giả trước đây phân loại". GS. Matsumoto cũng cho biết thêm: "về thư mục sách Hán Nôm có lẽ phải kể đến công trình: Nghiên cứu đầu tiên về lịch sử An Nam qua tư liệu Hán Nôm của hai học giả người Pháp là Pelliot và L.Cadiére (L.Cadiére et P.Pelliot Première Etudesur les sources annamites de I'histoire d'Annan B.E.F.E.O, IV, 1904)(5), song theo tôi, công trình này mới chỉ nêu được 175 bộ sách mà thôi. Ở thời điểm 1910, Tạp chí của Học viện đăng tải khá nhiều sách bổ sung thêm sau này, và một số sách mới chỉ được biết đến qua tên sách. Từ sau khi sách Đại Việt sử ký được in vào năm Meiji (Minh Trị) thứ 17 (1884) cho đến thời điểm lúc bấy giờ, học giới Nhật Bản hầu như còn chưa biết đến sự tồn tại sách Hán Nôm, vì hầu như Nhật Bản không có sự giao thiệp với thư chí học An Nam". Cũng theo GS. Matsumoto, "sự ra đời của bộ thư mục này là sự may mắn, bởi nó đã có thể giới thiệu kho sách Hán Nôm của Việt Nam với các học giả Nhật Bản. Bộ thư mục này in lại toàn bộ theo mục lục sách Hán Nôm của Học viện Bác cổ Pháp và nhờ đó việc nghiên cứu sách Hán Nôm, việc sưu tầm sách Hán Nôm đã ít nhiều được thuận lợi hơn. Việc Nhật Bản cho ra đời bộ thư mục sách chữ Hán ở EFEO trong lúc Học viện Bác cổ Pháp chưa xuất bản được quả thực là việc làm rất đáng khích lệ, song cũng phải nói rằng, bộ thư mục này được xuất bản một phần phải nhờ vào sự cho phép của ngài Gaspardonne, nhân viên học viện, bởi thực ra trong thâm tâm ngài cũng muốn bộ thư mục này được in vì sự cần thiết của nó cho việc nghiên cứu sách Hán Nôm của mình, dù sao tôi cũng thành thật xin ngài Gaspadonne tha thứ". GS. Matsumoto cũng cho hay, "dự định ban đầu là biên soạn An Nam văn hiến mục lục, tiếp theo đó là đăng tải các thư mục sách ở thư viện triều đình Thuận Hóa (Huế). Trong khi thư mục này đang in thì thông tin từ Hà Nội đã cho biết Thư mục Eibliog raphie annamite của ngài Gaspadonne đã hoàn thành. Sự ra đời của bộ thư mục này thực sự đã giải tỏa khát vọng nhiều năm qua của tôi đối với thư chí học An Nam".

Qua Lời Tựa của GS. Mat sumoto khi bộ thư mục được in tại Nhật Bản vào năm 1934, chúng ta đã biết, bộ thư mục này đăng tải toàn bộ kho sách chữ Hán, mang ký hiệu A, được Học viện Bác cổ Pháp lưu trữ lúc bấy giờ (1933) tại Hà Nội. Để tiện cho việc tra cứu, GS. Matsumoto đã xếp tên sách theo thứ tự từ một nét đến hai mươi tám nét của chữ Hán đầu tiên ở tên sách. Ngoài 7 trang là Bảng tra tên sách theo nét chữ, số còn lại 80 trang chính văn, đăng tải 2815 tên sách. Mỗi đơn vị sách được chia làm 3 phần: thứ nhất, ký hiệu thư viện được xếp trước, tiếp đó là tên sách, cuối cùng là số lượng, một bản hay nhiều bản, một trật hay nhiều trật. Do đăng tải toàn bộ kho sách có ký hiệu A, nên trong thư mục GS.Mat sumoto đã lược bỏ, chỉ ghi ký hiệu thư viện bằng chữ Hán. Trong mục một nét hay hai nét trở lên còn phân theo bộ.

Ví dụ:

Nhất họa 一 畫 (Một nét)

Nhất bộ 一 部 (Bộ Nhất)

Nhị tứ tứ lục, nhất thời lễ tụng nhật dụng hành trì tập yếu chư nghi, nhất bản

二 四 四 六, 一 時 禮 誦 日 用 行 持 集 要 諸 儀 , 一 本

(2446, nhất thời lễ dụng hành trì tập yếu chư nghi, một bản).

Tam họa 三 畫 (Ba nét)

Đại bộ 大 部 (Bộ Đại)

Ngũ tam bát, Đại vương sự tích, nhất bản .

五 三 八 , 大 王事 跡, 一 本

(538, Đại vương sự tích, một bản)

....

Tam bộ 三 部 (Bộ tam)

Nhất nhị bát lục, tam chi việt tạp thảo, nhất bản.

一 二 八 六 , 三之 越 雜 草, 一 本

(1276, Tam chi việt tạp thảo, một bản)

....

Sau khi sắp xếp lại toàn bộ số ký hiệu thư viện của Thư mục Matsumoto theo thứ tự tăng dần, chúng tôi đã thống kê được cả thảy 2815 đầu sách, mỗi đầu sách là một số ký hiệu, trong đó bao gồm cả dị bản. Ví dụ sách Bạch Vân am thi tập có 5 ký hiệu: A.2591, A.1350, A.2256, A.296 và A.2031. Như vậy, tính đến thời điểm năm 1933, số sách của kho A đã có số ký hiệu từ A.1 đến A.2815, bắt đầu bằng cuốn Khâm định Việt sử thông giám cương mục (ký hiệu A.1) đến Nam Việt dư địa chí (ký hiệu A.2815). Từ số A.2816 trở đi đến ký hiệu cuối cùng A.3231 là sách được bổ sung sau đó, tính đến thời điểm năm 1980 - năm Viện thông tin KHXH bàn giao kho sách Hán Nôm cho Viện Hán Nôm.

Để tìm hiểu thêm về thông tin về số sách được bàn giao cho Viện Hán Nôm vào thời điểm trên, chúng tôi may mắn được biết Viện Hán Nôm hiện còn lưu giữ ba cuốn sổ (tạm gọi là Sổ đăng ký) tên sách hai phân kho: phân kho A có hai cuốn, ký hiệu VHc.2976 và VHc.2978 và phân kho AB có một cuốn, ký hiệu VHc.2977(6). Ba cuốn sổ này có lẽ được các cụ túc nho bấy giờ sao chép lại từ cuốn sổ cái(7) của Học viện mà GS. Matsumoto đã đề cập đến trong Lời Tựa. Sau khi đối chiếu toàn bộ 2815 đầu sách ở Thư mục Matsumoto với số sách ở Sổ đăng ký (kho A), chúng tôi thấy ngoại trừ một số nhầm lẫn (có thể sai sót do in ấn, ví dụ sách Bảo triện Trần tiến sĩ thi thảo, ký hiệu 207, song Thư mục Matsumoto lại in thành 307; hay một số tên sách có sự xê xích về câu chữ, ví dụ sách Nam phú soạn tuyển , ký hiệu A.240, song Thư mục của Matsumoto chỉ ghi Nam phú soạnQuế Đường di tập, ký hiệu A.270, thư mục của Matsumoto lại ghi là Quế Đường thi tập...), thì Thư mục của Matsumoto hầu như in lại nguyên vẹn theo đúng số ký hiệu, tên sách, số bản, số trật theo như hai cuốn sổ đăng ký nói trên. Thậm chí, rất nhiều tên sách ở Thư mục Đề yếu đã thay đổi, song không có sự thay đổi ở Sổ đăng ký và Thư mục Matsumoto. Ví dụ:

Ký hiệu Thư mục Đề yếu Thư mục Matsumoto và Sổ đăng ký Ghi chú
A.72 Phương Đình địa chí loại 方亭地志類 (Đại Việt địa dư toàn biên 大越地輿全編 ) Phương đình địa dư toàn biên 方亭地輿全編
A.75 Nam quốc địa dư 南國地輿 Tân đính Nam quốc địa dư 新訂南國地輿
A.77 Đại Việt cổ kim diên cách địa chí khảo 大越古今沿革地志考 Đại Việt diên cách địa chí khảo 大越沿革地志考 Sổ đăng ký viết "diên" thành "duyên"
A.95 Nam Bắc kì hội đồ 南北圻繪圖 Nam kì đồ hội 南圻圖繪
A.103 Hải đông chí lược 海東志略 Hải đông nhân vật chí 海東人物志
A.110 Tụ Khuê thư viện tổng mục 聚奎書院總目 Tụ Khuê thư viện tổng mục bản triều thư 聚奎書院總目本朝書
A.125 Trang Liệt văn sách 莊烈文策 Trang Liệt văn tập 莊烈文集
A.126 Khâm định đối sách chuẩn thằng 欽定對策準繩 Đối sách chuẩn thằng 對策準繩

...

Như vậy, bước đầu có thể cho rằng, thư mục của GS. Matsumoto đã in lại thư mục trước đây của Học viện đúng như ông đề cập tới trong Lời Tựa. Sổ đăng ký hiện lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã sao chép lại hầu như nguyên vẹn thư mục của Học viện ở thời điểm năm 1933.

2. KHO SÁCH CHỮ HÁN CỦA HỌC VIỆN Ở THỜI ĐIỂM 1933 SO VỚI PHÂN KHO A CỦA VHN

2.1. Vài nét về kho sách Hán Nôm tại Học viện

Thành lập vào năm 1901 tại Sài Gòn, năm sau 1902 chuyển ra Hà Nội, Học viện Viễn đông bác cổ Pháp mà tiền thân là các hội, các nhóm nghiên cứu sử học, khảo cổ học, xã hội học, bi ký học đã bắt tay vào việc xây dựng thư viện. Do yêu cầu chuyên môn lúc bấy giờ nên đối tượng sưu tầm của họ chủ yếu là các sách lịch sử. Về sau phát triển thêm nhiều bộ môn, trong đó có ngữ văn học nên đối tượng sưu tầm phong phú hơn. Để tránh tình trạng độc bản, Học viện cũng chủ trương bổ sung thêm dị bản bằng cách sưu tầm hoặc sao chép thêm(8). Đúng như GS. Matsumoto Nobuhiro trong Lời Tựa cho biết, sách của Học viện được hình thành từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn sách được sao chép từ Thư viện Nội các ở triều đình Huế; tiếp đó là các sách được in lại từ các ván khắc của Sử quán; sách được thu mua từ nơi khác; sách sao chép, chân hóa từ các bản chép thảo. Theo Yao Takao, sau khi Học viện được thành lập, các ông P.Perio, E. Gaspardone và L.Kdier đã điều tra kho thư tịch của triều đình nhà Nguyễn ở Huế, đưa một số bộ sách về lưu trữ tại Thư viện của Học viện, cho sao chép một số sách vở tư liệu quan trọng, cho người giỏi chữ Hán đi sưu tầm thư tịch ở các địa phương, trong đó có cả "cổ chỉ", là những sách ghi chép khi đi điền dã lúc bấy giờ(9). Phan Thuận An cũng cho hay, cho đến năm 1942 , tại Thư viện Sử quán, "Paul Boudet còn đọc được tại đây nhiều tư liệu gốc từ thời các chúa Nguyễn và các vua đầu triều Nguyễn để lại". Khi giới thiệu về Thư viện Bảo Đại, ông còn cho biết thêm: "Một số chuyên viên Hán học của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (E.F.E.O) tại Hà Nội đã từng vào thư viện này (tức thư viện Bảo Đại) để sao chép nhiều tư liệu quý hiếm(10). Học giả Đào Duy Anh cũng đã từng ghi nhận rằng: "Về phương diện tài liệu Việt Nam thì ở Huế có thư viện Bảo Đại chứa những sách cũ của Nội các trong Hoàng thành được tập hợp từ đời Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức. Kể tài liệu chính thức về lịch sử nhà Nguyễn thì thư viện ấy có tương đối đầy đủ"(11).

Ngoài ra, nhà trường cũng chủ trương sao chép các sách quan trọng từ kho của triều đình nhà Nguyễn nên số sách sao chép được có lẽ chủ yếu từ nguồn sách ở thư viện Nội các triều đình Huế. Theo học giả Đào Duy Anh nhận định, trong số 6 thư viện ở Huế, Thư viện Bảo Đại mà tiền thân là thư viện Nội các sau đổi thành Tân thư viện và thư viện Bảo Đại lưu giữ nhiều sách cũ của Nội các trong Hoàng thành được tập hợp từ đời Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức, vì vậy sách được sao chép, in ấn từ nguồn này có nhiều giá trị. Do chính sách thu mua với giá cao đối với các sách có liên quan đến lịch sử và dân tộc học nên Thư viện của Học viện cũng đã tập trung được một số lượng lớn các sách quý hiếm. Thực tế những bộ sách lớn, có giá trị nhất như Đại Việt sử ký toàn thư (A.3/1-4); Đại Việt sử ký tiền biên (A.2/1-7); Đại Việt thông sử (A.1389); Lịch triều hiến chương loại chí (A.1551/1-8); Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (A.54/1-3); Đại Nam nhất thống chí (A69/1-9); Đại Nam thực lục (A.2772/1-66); Đồng Khánh địa dư chí (A.537/1-24)... đều có mặt ở kho A; các sách được các học giả đi trước giám định và giới thiệu như: Đăng khoa lục (A.1785) và Lịch đại đăng khoa lục (A.2119)(12); Việt âm thi tập (A.1925); Toàn Việt thi lục (A.1262)(13)...; Một số sách tục lệ, hương ước có giá trị như Đại Phùng tổng khoán ước (A.2875), sao chép 6 điều khoản của hương ước năm Hồng Đức thứ 6 (1487)(14); Dương Liễu, Quế Dương Mậu Hòa đẳng xã giao tục lệ (A.2855)(15), sao chép khoán ước vào các năm 1667, 1691, 1739... cũng đều thuộc kho A. Theo thống kê của chúng tôi, trong 264 sách gia phả hiện lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, phần lớn đều thuộc kho A (16)... (17).

Theo công bố của ông Giám đốc Học viện Louis Mallert nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Học viện vào năm 1951, số sách vở, tư liệu Hán Nôm hiện có tại Thư viện của Học viện gồm 3.500 sách Hán Nôm, 25.00 bản rập văn bia, 1800 bản tra truyện cổ tích, địa bạ, phong tục, 457 tập thần phả, 132 tập thần sắc(18). Với số lượng đồ sộ tư liệu Hán Nôm được thu thập vào những năm đầu thế kỷ XX, Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp thực sự đã có công lao rất lớn trong việc sưu tầm, sao chép sách vở, tư liệu Hán Nôm của Việt Nam. Học viện đã trở thành trung tâm lưu trữ sách vở Hán Nôm lớn nhất với nhiều sách vở tư liệu có giá trị mà không có thư viện nào bấy giờ có đủ điều kiện và kinh phí để thực hiện.

2.2. Kho sách chữ Hán của Học viện qua đối chiếu với phân kho A của Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Qua biến cố lịch sử và nhiều lần chuyển giao, kho sách chữ Hán của Học viện khi chuyển tới lưu trữ tại Viện Hán Nôm đã không còn nguyên vẹn như trước. Đối chiếu với phân kho A của Viện Hán Nôm, chúng tôi thấy sự thay đổi đáng tiếc đầu tiên là khoảng 10 % số sách của Học viện không còn thấy trong phân kho A của Viện Hán Nôm. Trong số sách hiện chưa tìm thấy, khá nhiều tác phẩm có giá trị như: Lam Sơn thực lục, ký hiệu A.1538; Ức Trai di tập, A.2666; Thiền uyển tập anh ngữ lục A.2670; Lĩnh Nam chích quái A.749, A.1920; Hoàng Việt văn tuyển A.903; Tây Sơn liệt truyện A.380; Quốc triều thực lục toát yếu A.28; Bình Tây, Bình Hưng, Bình Ninh thực lục A.29; Bản thảo ấu khoa, ký hiệu 1537; Tư thiên gia truyền thư, ký hiệu A.1539.... Có những sách mất từ trước thời điểm 1963, được các cụ ghi chú khi sao chép vào sổ đăng ký. Ví dụ: sách Bình Tây, Bình Hưng, Bình Ninh thực lục A.29; Bắc Ninh cổ tích A.86; Tiêm La sự tích A.105; Đồ Bàn thành ký A.108; Việt sử tứ tự A.170... Trong số sách hiện chưa tìm thấy, rất may có sách còn dị bản, song cũng có sách hiện giờ chỉ để lại tên, khó có khả năng tìm thấy. Ví dụ sách Lê triều tạp chí, ký hiệu A.20; Lê quý kỉ sự A.21; Tiêm La sự tích A.105; Đồ Thành bàn ký A.108; Việt sử tứ tựPhan Châu Trinh đầu Pháp chính phủ thư A.183; Tâm thanh tồn duy A.197; Binh gia yếu lược A.564; Phạm Thận Duật tấu tập A.1096... (chúng tôi sẽ có bảng thống kê chi tiết sau).

Thứ hai: số sách không trùng hợp tên sách, chiếm một tỉ lệ khá lớn. Qua đối chiếu với sách gốc hiện lưu giữ tại kho, chúng tôi thấy, số lượng tên sách viết tắt ở Thư mục của Matsumoto và Sổ đăng ký khá nhiều, điều này dẫn đến nhầm lẫn, khó tra cứu. Có thể nêu một số thí dụ:

Bảng đối chiếu tên sách gốc với Thư mục Đề yếu và Thư mục Matsumoto

Ký hiệu Tên sách gốc Thư mục Đề yếu Thư mục Matsumoto và Sổ đăng ký
A.924 Thượng Phúc Nhân Hiền Nguyễn tướng công thế phả上福仁賢阮相公世譜 (*) Thượng Phúc Nguyễn tướng công thế phả上福阮相公世譜
A.721 Thượng Cát xã hương lệ上葛社鄉例 Thượng Cát hương lệ上葛鄉例
A.2340 Lục Nhâm đại độn tất pháp chính văn六壬大遁畢法正文 Lục Nhâm đại độn六壬大遁
A.1362 Thiên hạ bản đồ tổng lục đại toàn天下版圖總錄大全 Thiên hạ bản đồ tổng mục lục đại toàn (**) 天下版圖總目錄大全
A.1958 Thiên Nam tứ tự kinh天南四字經 Thiên Nam tứ tự天南四字
A.461 Thiên Nam địa giám bảo thư địa lí chính tông Tả Ao đính tập天南地鑑寶寶書地理正宗左幼訂集 Thiên Nam địa giám bảo thư 天南地鑑寶寶書
A.952 Thiên Nam hình thắng minh lương di mặc lục天南形勝明良遺墨錄 Thiên Nam hình thắng minh lương dimặc 天南形勝明良遺墨
A.282 Ngũ tuần đại khánh tiết hàn lâm văn thảo五旬大慶節翰林文草 Ngũ tuần khánh tiết văn thảo五旬大慶節文草
A.2348 Nhâm Ngọ Ân khoa hội thí壬午恩科會試 Nhâm Ngọ Ân khoa hội thí văn sao壬午恩科會試文抄
A.1102 Mộc lang kì vũ chú tịnh bản triều sự lược木郎祈雨咒並本朝事略 Mộc lang kì vũ tịnh bản triều sự lược 木郎祈雨並本朝事略
A.130 Bắc sử phú北史賦 Bắc sử phú phụ Nam sử北史賦附南史
A.81 Bắc thành địa dư chí lục北城地輿誌錄 Bắc thành địa dư北城地輿
A.245 Bắc minh sồ vũ ngẫu lục 北溟雛羽偶錄 Bắc minh sồ vũ 北溟雛羽
A.260 Cổ kim giao thiệp sự nghi thông khảo 古今交涉事宜通考 Cổ kim giao thiệp sự nghi khảo古今交涉事宜考

Ghi chú:(*) Phần ô trống: đúng theo sách gốc. (**) Chữ "mục" trong sách gốc có dấu hiệu bỏ.

Thứ ba, một số ký hiệu theo Thư mục của Matsumoto, hiện còn lưu giữ ở trong kho, song không thấy xuất hiện ở Thư mục Đề yếu. Ví dụ: Đại Việt sử ký toàn thư, ký hiệu A.7; Việt Nam thần từ khảo chính bi kýA.46; Quan chế điển lệ A.56; Đại Nam nhất thống dư đồ A.68; Vũ trung tùy bút A.145; La Khê y phương A.164; Sĩ hoạn tu tri tiệp lục A.246; Sĩ hoạn tu tri A.246; Quảng Nam tỉnh chí lược A.268; Cẩm Khê phong tục chíA.269; Việt sử biên niên toát yếu A.328; Triều thần biểu tạ A.346; Thăng Long tam thập lục vịnh A.378; Quế Sơn thi tập A.469; Thông quốc điền số thổ số A.484; Đại Vương sự tích A.538; Thông ước hòa ước A.542; Đông Khê thi tập A.578; Thính văn dị lục A.593; Sĩ hoạn châm quy A.594; Nghệ An ký A.607(19); Thánh Tông Thuần hoàng đế thi tập A.698; Hạ trướng văn tập A.836; Tử Dương xã tục lệ A.877... (chúng tôi sẽ có bảng thống kê chi tiết sau).

Thứ tư: Một số ký hiệu thư viện ở Thư mục của Matsumoto và Thư mục Đề yếu khác nhau. Sau khi kiểm tra lại sách gốc, chúng tôi cho rằng Thư mục Đề yếu đã nhầm lẫn (có lẽ sai sót do đánh máy). Xem thêm bảng thống kê danh mục sách có ký hiệu nhầm lẫn dưới đây.

Bảng thống kê danh mục sách có ký hiệu nhầm lẫn trong Thư mục Đề yếu

TT Tên sách Ký hiệu Ký hiệu đúng Ghi chú
1 Canh Tý Ân khoa văn tuyển更子恩科文選 A.479 A.474 A.479: Liệt miếu huy hiệu M.(*) đề là Liệt thánh miếu huy hiệu
2 Địa lý tiện lãm地里便覽 A.650 A.605 A.650: Nguyệt Áng Lưu tộc thế phả
3 Hoa trình ngẫu bút lục 華程偶筆錄 A.679 A.697 A.679: Văn Xá Lê tộc thế phả.
4 Tân thức luận thể hợp tuyển新式合論體合選 A.361 A.861 M. Không có chữ "hợp tuyển". A.361 là sách Trần triều văn lục
5

Thiệu Trị thuế lệ

紹治稅例

A.505 A.508 A.505 là sách Toàn Lê tiết nghĩa lục (không thấy sách)
6 Thôn học chỉ kính村學指徑 A.193 A.493 A.193 là sách Đông Dương văn tập.
7 Luận ngữ tanh hoa ấu học論語菁華幼學 A.906 A.905 M. Không có chữ "ấu học". A.906: Chiêm kê túc toàn quyển (M.); Thư mục Đề yếu không thấy sách này.
8 Lý thị gia phả李氏家譜 A.1075 A.1057 A.1075: Kim Giang thi tập
9 Thương Sơn thi tập倉山詩集 A.1469 A.1496 A.1469: Thanh Khê chuyết tập.
10 Bà Tâm huyền kính lục婆心懸鏡錄 A.2017 A.2027 A.2017: Danh hiền đăng khoa chí sĩ trướng văn.
11 Danh hiền đăng khoa chí sĩ trướng văn 名 賢 登 科 志 仕 帳 文 A.2071 A.2017 A.2071: nguyên là Văn Giang huyện Ngải Dương xã thần sắc(hiện chưa thấy)
12 Kiến tính thành Phật 見性成佛 A.2036 A.2136 A.2306: Hội đình văn tuyển.
13 Chế sắc biểu khải văn tập制敕表啟文集 A.2108 A.2106 A.2108: Đại Nam thực lục chính biên.
14 Tản Viên sơn ngọc phả傘園山玉譜 A.2305 A.2365 A.2305: Đại hóa thần kinh
15

Đại đạo kinh

大道經

A.1469 A.2469 A.1469: Thanh Khê chuyết tập
16 Lục nhâm tiện lãm六壬便覽 A.2484 A.2487 A.2484: Kính tín niệm Phật vãng sinh
17 Văn giáp xã điều lệ文甲社條例 A.2951 A.2551
18 Thánh đăng kinh聖燈經 A.2596 A.2569 M. ghi là Thánh đăng ngữ lục. A.2596: Luận ngữ tiết yếu
19 Tang lễ sự nghi喪禮事宜 A.2108 A.2618 M. ghi là Tang nghi sự nghi. A.2108: Đại Nam thực lục chính biến
20 Lê triều giáo hóa điều luật黎朝教化條律 A.1507 A.2507 M. ghi là Lê triều giáo hóa điều lệ. A.1507: Việt sử tân ước toàn biên
21 Bạch Trữ tổng Đạm Xuyên xã đinh bạ白宁 總 淡 川 社 丁 田 簿 A.2591 A.1858 A.2591: Bạch Vân am thi tập
22 Chương Dương Đỗ phả章陽杜譜 A.1557 A.1157 A.1557: Lương Đường Tiến sĩ Vũ tiên sinh trường biểu văn.
23 Y hải cầu nguyên醫海求源 A.2875 A.2785
24 Di Đà cảnh giới hạnh彌陀境界行 A.371 AB.371

M. ghi là Di Đà cảnh giới.

A.371: Thượng dụ tập

25 Trầm hương quân thứ lục沈香軍次錄 A.456 A.465 A.456: Tuyết tâm phú.
26 Cầu Đơ tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách梂多省人丁風俗總策 A.718 A.713 M. ghi là Cầu Đơ tỉnh nhân dân phong tục tổng sách. A.718 Long Đằng phường lệ.
27 Hà Nội trường quy河內場規 A.2572 A.1257 A.2572: Cử nghiệp tân lương.

28
Bắc thư tải nam sự北書載南事 A.117 A.177 A.117: Ngô gia văn phái
29 Yên Thiều bút lục安軺筆錄 A.825 A.852 A.825: Thiên chúa chân đạo đạo dẫn giải toàn thư
30 Hương thí văn tuyển鄉試文選 A.2264 A.2264: Việt Cương tập thành. Hương thí văn tuyển không có ký hiệu A.2264.

(*) M. Tức thư mục của GS. Matsumoto Nobuhiro.

Thay cho lời kết

Thư mục của GS. Matsumoto Nobuhiro tuy chỉ là thư mục liệt kê tên sách đơn thuần, không tiến hành những thao tác có tính chất thư mục học như phân loại, mô tả, tóm lược nội dung, đánh giá tư liệu... nhằm giúp người đọc nắm bắt những thông tin quan trọng của sách, song nhờ vào thời điểm ra đời của Thư mục này mà chúng ta có thể biết chính xác số sách Hán Nôm (phân kho A) ở thời điểm năm 1933, cùng với sự thay đổi của nó qua thời gian. Bộ Thư mục này cùng với Sổ đăng ký hiện lưu trữ ở Viện Hán Nôm sẽ giúp bổ sung, đính chính những sai sót không thể tránh khỏi của bộ Thư mục Đề yếu (nếu có dịp tái bản), nhằm đáp ứng những đòi hỏi ngày một bức thiết của giới nghiên cứu trong và ngoài nước đối với việc tìm hiểu, nghiên cứu di sản Hán Nôm Việt Nam (*).

(*) Trong khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã được cán bộ phòng Bảo quản và Phòng đọc thuộc Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhiệt tình giúp đỡ. Nhân đây chúng tôi xin chân thành cảm ơn cán bộ của hai phòng trên.

Chú thích:

1. Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu: Catalogue des livres en Han Nom. Đồng chủ biên: GS. Trần Nghĩa - Prof François Gros. Nxb. KHXH, H. 1933.

2. Thư mục sách chữ Hán ở Học viện Viễn đông bác cổ Pháp ở Hà Nội (Ha noi kyokuto gakuin shozo AnNambon shomoku 河內佛國極東學院所藏安南本書目). Matsumoto Nobuhiro. Nghiên cứu Sử học, quyển 13, số 4. Hội sử học Tayama xuất bản năm Showa (Chiêu Hòa) thứ 9 (1934), tr.117 đến 204.

3. Tiểu sử của GS. Matsumoto Nobuhiro do PGS. Shimao Minoru, Đại Học Keio (Khánh Ứng) tại Tokyo cung cấp. Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn PGS. Shimao Minoru.

4. Nguyên văn là "Truy ký" (Lời viết thêm).

5. Theo GS. Matsumoto Nobuhiro, Bài luận này vốn đã được Phùng Thừa Quân dịch ra Hán văn, đăng trong sách An Nam thư lục, số 1, quyển 6 do Thư viện Quốc lập Bắc Bình lưu giữ.

6. PGS. Trần Nghĩa đã cho chúng tôi biết thông tin này. Nhân đây chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới ông.

7. Theo PGS. Trần Nghĩa. Cuốn sổ cái (hiện vẫn do Viện Thông tin KHXH lưu giữ) có kích thước lớn hơn ba cuốn sổ đăng ký ở Thư viện Viện Hán Nôm. Ở quyển thứ nhất, ký hiệu VHc.2976, mục sách Ngọa du sào tập, ký hiệu A.1553, có dòng chú thích: "Mất trong đợt kiểm kê 2/12/1963". Từ dòng chú thích này, chúng tôi cho rằng ba cuốn sổ đăng ký đó có thể được các cụ túc nho sao chép lại sau năm 1963, thời điểm kho sách do Thư viện KHKT Trung ương quản lý.

8. Dương Thái Minh: Vài nét về quá trình hình thành kho sách Hán Nôm hiện nay. Đăng trong Tạp chí Hán Nôm - 100 bài tuyển chọn. Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản. H. 2000, tr.22-25.

9. Yao Takao: Khảo sát về việc biên soạn bộ Đại Nam nhất thống chí. Học báo lịch sử châu Á (Đại học Quốc gia Hiroshima). Số 9. 2004.

10. Phan Thuận An: Tư liệu trong các thư viện triều Nguyễn. Đăng trong Tạp chí Hán Nôm - 100 bài tuyển chọn. Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản. H. 2000, tr.86-90.

11. Đào Duy Anh: Nhớ nghĩ chiều hôm (Hồi ký). Nxb.Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1989, tr.66. (Dẫn Theo Phan Thuận An: Tư liệu trong các thư viện triều Nguyễn. Bài đã dẫn, xem chú thích số 10.

12. Nguyễn Thúy Nga: Về hai bộ Đăng khoa lục cổ nhất hiện cònTạp chí Hán Nôm, số 1/1997, tr.12-17.

13. Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, nguồn tư liệu văn học sử học Việt Nam. T.I, Nxb. Văn hóa. H. 1971.

14. Shimao Mino ru: Sử liệu có liên quan đến việc tái biên hương ước ở Bắc bộ Việt Nam thời Lê. Tạp chí Hán Nôm, số 2/2002.

15. Hương ước cổ Hà Tây. Nguyễn Tá Nhí dịch. Bảo tàng tổng hợp Sở văn hóa thông tin thể thao Hà Tây xuất bản năm 1993.

16. Nguyễn Thị Oanh: Thư mục gia phả hiện lưu trữ tại Viện Hán Nôm. Bài viết cho Hội nghị quốc tế về gia phả tổ chức tại Thư viện Thượng Hải, năm 2001.

17. Nói như vậy không có nghĩa tất cả số sách thuộc phân kho A đều có giá trị, bởi theo các nhà nghiên cứu, kho sách này còn có nhiều vấn đề văn bản học. Bài viết này xin tạm gác lại vấn đề trên, hy vọng sẽ có dịp đề cập tới trong tương lai.

18. Tạp chí Asie, số 67, năm 1951. Dẫn theo Dương Thái Minh: Vài nét về quá trình hình thành kho sách Hán Nôm hiện nay. Sđd, tr.22.

19. Ở mục Nghệ An kýThư mục Đề yếu không có ký hiệu A. 607. Ký hiệu A.607 xuất hiện ở ký hiệu Microphim: Paris EFEO. MF. II/4/1519 (A.2989), (A.607)./.

LƯƠNG THỊ THU - NGUYỄN THỊ OANH

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.704-723), phiên bản trực tuyến.

Ngày 6.1.2018, Một Thế giới đăng bài "Vi phạm tác quyền, Alphabooks trước nguy cơ bồi thường cuốn Hải ngoại kỷ sự". Alphabooks vi phạm bản quyền đã đành, nhưng liệu Đại học Huế hiện nay có đủ tư cách giữ bản quyền bản dịch Hải ngoại kỷ sự?

Ấn bản Hải ngoại ký sự (1963 và hai ấn bản 2016 của Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội và Đại học Sư phạm)

Xin giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm và bản dịch Hải ngoại kỷ sự. Tác giả, Hòa thượng người Trung Hoa Thích Đại Sán (1633 - 1705), tự Thạch Ông, đạo hiệu Thạch Liêm và Đại Sán, tục gọi là Thạch Đầu. Mùa xuân năm Ất Hợi (1695), đáp lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, ông cùng tùy tùng từ Quảng Đông đến xứ Thuận Quảng (Huế và Quảng Nam bây giờ) và lưu lại nơi này đến mùa hạ năm Bính Tý 1696. Thích Đại Sán tường tận góp nhặt từng việc trong chuyến đi đưa vào cuốn sách đặt tên là Hải ngoại kỷ sự (Ghi chép sự việc ở nước ngoài).

Bản dịch Hải ngoại kỷ sự in lần đầu năm 1963. Trang bìa và trang tiêu đề bản dịch thể hiện Viện Đại học Huế, Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam là cơ quan ấn hành còn trang chi tiết ấn phẩm cuối sách xác định: "Hải ngoại kỷ sự do Linh mục Nguyễn Phương, Hải Tiên Nguyễn Duy Bột phiên dịch với sự cộng tác của Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam". Như vậy, theo cách hiểu thông thường, có thể xác định bản quyền thuộc hai dịch giả và nhóm cộng tác.

Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam do Viện Đại học Huế thành lập năm 1959 có nhiệm vụ vừa nghiên cứu và biên mục châu bản triều Nguyễn, vừa hiệu đính và phiên dịch các bộ sử Việt Nam (Lời giới thiệu của Linh mục Cao Văn Luận in đầu sách Hải ngoại kỷ sự). Trong thời gian tồn tại ngắn ngủi của mình, Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế lần lượt cho xuất bản Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập thứ I, triều Gia Long (1960) và tập thứ II triều Minh Mạng (1962). Về sách dịch, ngoài tập Hải ngoại kỷ sự kể trên đây, còn có bản dịch An Nam chí lược, công bố năm 1961. Đến năm 2002, Nhà Xuất bản Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông tây tái bản với lời nói đầu có ghi lời của ông Trần Kinh Hòa (1918 - 1995), người giữ cương vị Tổng Thư ký Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam lúc ấy: "Các bạn Việt Nam có toàn quyền sử dụng bản dịch An Nam chí lược (bản in 1960, đúng ra 1961) gia công biên tập lại để xuất bản mà khỏi phải bận tâm gì về vấn đề "tác quyền"... Đây cũng là một chứng lý gián tiếp khẳng định nhóm dịch giả mới giữ bản quyền dịch phẩm này chứ đâu phải Viện Đại học Huế!

Ấn bản An Nam chí lược (1961, 2002, 2006, 2015, 2016). Ngoài ra còn in chung trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 1). Nxb Thanh niên. 2012

Vấn đề mấu chốt nhất là Đại học Huế bây giờ có quyền kế thừa di sản Viện Đại học Huế ngày xưa không? Câu hỏi không dễ gì trả lời. Bởi lẽ kể từ khi Viện Đại học Huế dừng bước vào năm 1975 đến Đại học Huế thành lập vào năm 1994 đã có một đoạn dài đứt gãy, gần 20 năm còn gì. Hơn nữa, các trường “thành viên”, Trường Đại học Sư phạm Huế và Đại học Tổng hợp Huế đã tổ chức hội ”hành hương” về nguồn nhân 10 năm thành lập (1975 - 1985). Như muốn phủ nhận Viện Đại học Huế đã từng tồn tại trước đó.

Và dù thế nào đi nữa, có thể khẳng định bản quyền sách này thuộc về nhóm dịch giả và vẫn còn hiệu lực. Có thể tham khảo điều L.123-1, bộ Luật về quyền sở hữu trí tuệ (1992) của Pháp ”Tác giả hưởng suốt đời độc quyền khai thác tác phẩm của mình dưới bất kỳ hình thức nào và thu lợi về tiền nong. Khi tác giả qua đời, quyền này vẫn tồn tại và những người có quyền được hưởng trong năm lịch thường đó và bảy mươi năm sau”. Như vậy, nói cho rõ hơn, ”sự bảo hộ được cấp cho đến ngày 31.12 của năm kỷ niệm lần thứ 70 năm ngày mất của tác giả”(*).

Nguyễn Duy Long

-----------------------

(*) Xem: Emmanuel Pierrat. Quyền tác giả và hoạt động xuất bản. Hồ Thiệu, Nguyễn Đức Tiếu dịch. In lần thứ 3, xem lại và bổ sung. Nxb Hội Nhà văn, Trung tâm Quyền Tác giả Văn học Việt Nam. Hà Nội. 2007, trang 175, 437 - 438.

Nguồn: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/van-hoc-nghe-thuat-c-129/ban-quyen-hai-ngoai-ky-su-co-thuoc-dai-hoc-hue-79651.html

20170719.TK 1

   Hình 1: Kim Vân Kiều, Akiyama Tokio dịch

 

Truyện Kiều của Nguyễn Du, danh tác số một của Việt Nam, là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất: khoảng 20 thứ tiếng với gần 60 bản dịch. Ở Nhật Bản, tác phẩm này được biết từ sớm và rất được yêu thích. Năm 1942 nó đã được nhà văn-dịch giả Komatsu Kiyoshi dịch ra tiếng Nhật. Đây là bản dịch Truyện Kiều ra ngoại ngữ sớm thứ hai sau các bản dịch tiếng Pháp. Tiếp theo là bản Truyện Kiều do GS.Takeuchi Yonosuke dịch, chú thích kỹ càng ra thơ tiếng Nhật và được Kodansha xuất bản năm 1975. Sau đó GS.Takeuchi có biên soạn lại theo kiểu giáo khoa để làm tài liệu tham khảo cho sinh viên, sách được Daigakushorin xuất bản, Tokyo,1985. Ba bản dịch ấy chúng tôi đã có dịp giới thiệu cách đây gần 20 năm (Xem: “Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản”, Tạp chí Văn học số 12 năm 1999). Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu 2 bản dịch Truyện Kiều tiếp theo 3 bản trên, và các nghiên cứu khác về Nguyễn Du và Truyện Kiều từ khoảng trên dưới 20 năm nay ở Nhật Bản.

20171202 bavh1918

Ảnh: Bìa của tập san B.A.V.H năm 1918 - Ảnh: internet

Cadière đến Việt Nam cuối thế kỷ 19 và hoạt động văn hóa những năm đầu thế kỷ 20, vào thời điểm mà người Pháp còn mang tư tưởng nước lớn và mẫu gương của nhân loại trong nhiều lĩnh vực.

Từ xa xưa họ đã tự mặc định cho mình cái sứ mạng khai phóng: Guibert de Nogent từ Thập tự Chinh thứ nhất đã khẳng định Gesta Dei per francos (Thượng đế hiển thị hành vi qua nhóm người Franc). Sau đó là thời Phục Hưng họ cũng mặc cho mình sứ mạng văn hóa. Từ Humanisme, thường được dịch là Chủ nghĩa Nhân bản, thật ra nguyên nghĩa của tiếng la-tinh Humanitas là Văn hóa, vì thế chúng tôi nghiêng về Chủ nghĩa Nhân văn hơn. Nó dạy cho con người một thứ minh triết (sagesse) và một triết lý sống (philosophie de la vie) với những bài học về hào hoa lịch lãm, biết sống và tao nhã. Rồi đến thế kỷ 17 với một hào quang văn học khó bì sánh kịp, mệnh danh là “Đại Thế Kỷ”, tiếp theo là “Thế kỷ Ánh sáng” (tk 18) như thể muốn nhắc nhở hoặc khai lối cho nhân loại về những tư tưởng khai phóng về triết học và cả mô thức chính trị tam quyền. Đúng là người Pháp rất tự hào và họ có cơ sở tự hào như trong cuộc đối thoại giữa người lính Đức và viên y tá Pháp trong mẫu truyện “Bản Giao Hưởng số 3” - la 3e symphonie- của Georges Duhamel (?), khi hai cựu thù ca ngợi về những giá trị văn hóa của đối phương: người y tá Pháp thì ca ngợi về âm nhạc của người Đức còn người lính Đức đáp lại bằng ca ngợi văn học Pháp: cả 24 chữ cái, từ A cho đến Z, đều có thể tìm được tên một nhà văn. Và quả như vậy, bắt đầu vần A là Anatole France và kết thúc vần Z là Zola.

Cái hào nhoáng có cơ sở ấy càng thể hiện rõ khi người ta hỏi André Gide là nhà văn, nhà thơ nào là tiêu biểu nhất của Pháp. André Gide đã thở dài, trả lời: Than ôi, đó là V. Hugo! (Hélas, c’est Victor Hugo). Cái “than ôi” ở đây không phải là một ca tụng mà biểu thị một “bất đắc dĩ”, đành phải kể một người nhưng cũng khó mà minh định với nhiều tên tuổi lỗi lạc khác; nói cách khác còn có nhiều tên tuổi xứng danh nữa, nhưng đành chọn một vị chưa hẳn là toàn bích. Nhưng cùng một câu hỏi như thế đối với nhiều dân tộc khác thì chắc chắn việc lựa chọn xem ra sẽ dễ hơn nhiều: với Ấn Độ đơn giản là Tagore, Tây Ban Nha với Cervantes, Ý sẽ là Dantes, Hy Lạp với Homère, La-mã thì có Virgil, Anh với Shakespeare, và Việt Nam thì dứt khoát là Nguyễn Du...

Sơ lược một chút như thế để trở về với Việt Nam ở đầu thế kỷ 20, khi tờ báo BAVH ra đời. Phải nhận rằng cái hào quang của văn học Pháp cũng mang lại khá nhiều hào quang cho văn học Việt. Xuân Diệu chỉ đổi một từ “đi” trong “partir, c’est mourir un peu” (đi là chết một ít) của Edmond Haraucourt bằng động từ “yêu” và biến thành một câu thơ thuần Việt “Yêu là chết trong lòng một ít”. Rất nhiều người khó nhận ra điều ấy nếu không biết câu thơ này trên cửa miệng người Pháp nay như thứ ca dao, tục ngữ của dân tộc họ. Nhưng Xuân Diệu đã có công Việt hóa bằng thêm hai từ trong lòng cùng với âm hưởng bằng trắc tiếng Việt để trở thành câu thơ riêng của tác giả, và chúng ta tự hào với cung cách ẩn nhập tài tình ấy. Cũng không ngoa khi khẳng định rằng “Sầu đã chín hay trái sầu rụng rơi” của Huy Cận và tâm hồn rối loạn của một Vũ Hoàng Chương “đầu thai nhầm thế kỷ” đã vay mượn nguồn thi hứng từ sầu thế kỷ (le mal du siècle) của thế kỷ 19 trong văn học lãng mạn Pháp. Về văn xuôi cũng vậy, ta thấy dáng dấp tình cảm nhân vật Paul Sellery của Francois Coppée trong Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng với từng nốt nhạc cung thứ “lá rụng” điểm dấu cho từng giọt buồn nội tâm không ngớt rơi vào lòng. Thử đọc lại:

Khái Hưng: 

Mặt trời đã lặn sau đồi tây (...).
Lan đứng chắp tay tụng niệm, con mắt lờ đờ nhìn xuống con đường đất quanh co lượn khúc dưới chân đồi.
Gió chiều hiu hiu...
Lá rụng 


(Văn xuôi lãng mạn Việt Nam Nxb. VHXH. Hồn Bướm Mơ Tiên, Khái Hưng, tr 107)

Francois Coppée: “Mặt trời đã lặn, chìm xuống chân đồi, và bỗng vụt tắt. Trong khoảng không gian xám tối màu ngọc, gió thổi hiu hiu nối tiếp ngày tàn (...); và bỗng nhiên lá vàng rơi rụng như cả một trận mưa vàng óng ánh (...)

Lá rụng! Lá rụng
!


(Mais, il s’est couché, il a plongé derrière l’horizon; et brusquement, tout s’éteint. Sur le paysage assombri dans le vaste ciel couleur de perle, se répand le frisson funèbre qui se succède à l’adieu du jour (...); la rivière est comme un miroir terni. Tout à l’heure, dans le rayon, les feuilles mortes, en tombant, étaient pareilles à une pluie d’or...Les feuilles tombent! Les feuilles tombent! 

(Francois COPPEE, Toute une jeunesse, tr. 322).

Tôi không được phép dài dòng để minh chứng thêm rất nhiều biến ứng của văn học Pháp tràn ngập đó đây trong cách hành văn và kể cả trong nếp tư duy (Như trường hợp Ngọn cỏ gió đùa của Hồ Biểu Chánh, Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách và nhiều dấu vết đâu đó trong Tự Lực Văn Đoàn), nhưng cũng nên đơn cử bài Tôi đi học của Thanh Tịnh mà mọi người trong chúng ta đều có thể đọc thuộc lòng với tất cả say sưa: “Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc...” bốn yếu tố cơ bản 1/ hàng năm, 2/ cứ vào cuối thu, 3/ lá ngoài đường rụng nhiều, và 4/trên không có những đám mây bàng bạc đều được tìm thấy trong câu mở đầu của Anatole France (chết năm 1924 khi Thanh Tịnh mới 13 tuổi): Je vais vous dire ce que me rappellent, tous les ans, le ciel agité de l’automne, les premiers diners à la lampe et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent. (Anatole France. Le livre de mon ami). 

Nhưng phải thừa nhận rằng các đoạn văn mà chúng tôi trích dẫn để lập luận là những đoạn văn xuất sắc, thuần Việt, không mang dấu ấn “đạo văn”, nhưng là một sự hòa nhập tinh tế đã được tiêu hóa nhuần nhuyễn biến thành nhân tố thuần Việt. Đặc biệt Thanh Tịnh đã biến ứng tài tình và đoạn văn mang đậm phong cảnh làng xưa. Từ “cậu bé ba lô trên lưng vừa đi vừa nhảy như con chim sẻ” của Anatole France, Thanh Tịnh đã biến thành một hình ảnh thân thương khác biệt “Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa. Trong chiếc áo vải dù đen dài, tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn”. Làm sao ta có thể xem đó là “vay mượn” mà phải thán phục thừa nhận đúng là một sự hội nhập đến hòa đồng, biến thành bản sắc riêng của mình mà sau này khó tìm thấy được trong nhiều tác giả. Cách biến nhập thiên tài không khác gì trường hợp La Fontaine thế kỷ 17 với Esope thế kỷ thứ VII-VI trước Công Nguyên thời cổ đại Hy Lạp, hoặc chính phong trào lãng mạn Pháp đã du nhập tinh thần romantic của người Anh, giữ nguyên từ, không cần dịch, chỉ biến âm theo cách đọc thành romantique.

Điểm qua một vài chi tiết về tâm tình và sự ngưỡng mộ minh khai hay tiềm ẩn đối với Văn hóa Pháp thời ấy, có người hẹp lượng sẽ khoác cho cái áo “vọng ngoại”; nhưng thiển ý chúng tôi là muốn nêu rõ trong khi văn học Pháp và biến rộng ra văn hóa Pháp đầu thế kỷ 20 đã được không ít người Việt xem là khuôn vàng thước ngọc, là một mơ ước và không ngừng cảm phục những thành quả và giá trị của “Đại Pháp”, thì ngược lại có một trí thức Pháp, đã hết mình “bênh vực” và muốn bảo tồn những giá trị truyền thống của một dân tộc mà trong con mắt không ít người Âu còn ở trạng thái man di, cần được khai phóng.

Người đó là Léopold Cadière, chủ bút tờ BAVH, vào tuổi 84, khi được đề nghị trở về Pháp, đã van nài: “Cho tôi được ở lại và chết nơi đây”. Nguyên do thật đơn giản: “Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ này rồi”(1).

Vậy cái gì đã thúc đẩy Cadière xin ở lại và không từ bỏ dân tộc mà ông trải 61 năm sinh sống cho đến thời điểm ấy? Không chỉ mình ông. Yersin cũng cùng ước vọng và còn biết bao người khác. Trường hợp của nữ văn sĩ Marguerite DURAS cũng không ngoại lệ. Chỉ với tác phẩm l’Amant (Người tình) cả thế giới biết đến bà khi tuổi đã xế chiều và trước đó chưa từng được nổi tiếng. Tác phẩm đã dựng thành phim, thu hút một lượng độc giả đáng kinh ngạc, bối cảnh và tình tiết câu chuyện là một quãng đời ở Nam Bộ nước Việt. Phải chăng đó là một “hội chứng An Nam” như về sau có người dám quả quyết? Gần đây thôi, bà Catherine Guy, phụ trách bảo tàng Pháp cho biết trong “Kho lưu trữ Toàn cầu” ở Paris người ta trân trọng lưu giữ đến 840 bức ảnh về Việt Nam của Léon Busy, đặc biệt khá nhiều bức về Hà Nội 36 phố phường, số lượng chỉ xấp xỉ thua kém 900 bức về Paris, vượt xa số lượng ảnh lưu giữ về Trung Quốc (hơn 400 bức) và Nhật Bản (500 bức). Những con số trên cũng nói lên nhiều điều, nhất là những “vấn vương” của một thời xưa cũ.

Vào những năm 1990, xuất hiện trên tạp chí GEO tại Pháp - một tạp chí chuyên về Văn hóa và Du lịch - một từ rất mới lạ: “Namstalgie” (hoài Việt).

Thực ra từ mới này đã được cấu tạo theo từ Nostalgie (hoài hương) đã xuất hiện từ thế kỷ 17 để chỉ một trạng thái “tâm bệnh” vào năm 1688 do Johannes Hofer, còn gọi là “mal du pays”, để chỉ hiện tượng hoài hương, nhớ quê cũ. Từ Nostalgie gồm hai yếu tố Hy lạp “nostos”(trở về) và “algos” (nỗi đau) và từ “Namstalgie” cũng được cấu tạo theo kiểu ấy (mặc dù phải thêm vào hai chữ st sau từ Nam, có thể cho dễ đọc, mà cũng có thế muốn lưu lại một phần thành tố “nostos” để diễn tả ý niệm “hoài nhớ”).

Namstalgie, hoài Việt, là một loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu những con cháu, hoặc chính bản thân những người đã có năm tháng dài sống và làm việc tại “An Nam xưa” muốn trở về “quê cũ” thăm lại nơi họ đã từng sống, làm việc và gởi gắm tâm tư.

Để minh thị trường hợp của Cadière về tâm thức này, tôi chỉ dùng một bài viết ngắn của chính tác giả, năm 1942, vào lúc 73 tuổi, cái tuổi đối với rất nhiều người đã là “xưa nay hiếm”, nhân mừng Ngân Khánh và cũng đánh dấu 50 sống ở Việt Nam (1892 - 1942). Bài phát biểu ngắn gọn chỉ trên dưới 250 từ và không quá 45 dòng(2), nhưng bao quát toàn bộ những dấu ấn tình cảm của ông trong các lĩnh vực nghiên cứu. Ông nêu lên sáu lý do làm ông thương mến đất nước này:

1. Thật ngạc nhiên khi đề cập đến ngôn ngữ như là mối dây ràng buộc đầu tiên:

Tôi học tiếng họ từ ngày tôi mới đến, tôi vẫn còn tiếp tục học(3) và nhận thấy rằng tiếng Việt rất tinh tế về mặt cấu trúc, và cũng không nên xem nhẹ về sự phong phú về từ ngữ như có người suy nghĩ”. (Cadière, sách đã dẫn).

Rõ ràng là một lối biện luận ít nhiều mang tính bênh vực và phát xuất từ thiện cảm sẵn có.

Người Pháp vẫn tự hào về ngôn ngữ của họ, lấy những nguyên tắc của Boileau(4) như là chỉ đạo trong cách xếp đặt tư duy để biểu cảm. Thầy giáo dạy tiếng Pháp thường nhắc nhở học sinh của mình: Không rõ ràng, không phải là tiếng Pháp (Ce qui n’est pas clair, c’est pas francais). Cấu trúc chặt chẽ của tiếng la-tinh còn hiển thị qua nhiều quy luật ngữ pháp phải tuân theo trong tiếng Pháp, đến nỗi nhiều người cho rằng tiếng Pháp là một “ngôn ngữ đào tạo”, langue de formation.

Từ năm 1925, Cadière đã viết bài tham luận “Bàn về một số quy thức tư duy của người Việt qua ngôn ngữ”(5). Đây là một bài tham luận sâu sắc; chúng ta không thể phân tích toàn diện, chỉ xin đơn cử một “phát hiện” của tác giả về trật tự thời gian trong lối phát ngôn của người Việt: Tôi đi bắn về. Ba hành động đi/bắn/về rõ ràng là theo một trật tự thời gian hoàn hảo. Ông còn trích dẫn thêm nhiều dẫn chứng như “uống rượu say” (uống trước, say sau), hoặc “lấy roi mà đánh” (lấy roi trước, đánh sau) để minh thị cái “tuần tự thời gian” trong tư duy người Việt, xem như đó là một “ưu điểm luận cứ cổ điển” theo kiểu diễn cảm bất hủ của danh tướng La Mã trình bày chiến tích chớp nhoáng của mình “VENI, VIDI, VICI (tôi đến, tôi thấy, tôi thắng). Bài diễn văn vỏn vẹn có 3 từ tuần tự theo thời gian rất chớp nhoáng của CESAR vào năm 47 cho đến nay vẫn có lẽ là bài tường trình ngắn gọn, súc tích và biểu cảm nhất mà nhân loại biết đến và truyền trên cửa miệng qua nhiều thế hệ. Cadière đã tỏ ra rất tinh thông trong lý luận về cấu trúc cũng như liệt kê được một số lượng khổng lồ ngạn ngữ dân gian(6) mà thậm chí nhiều nhà ngôn ngữ học người Việt chưa chắc đã quán triệt được như ông về tiếng mẹ đẻ của mình.

2. Lý do thứ hai bàn về tôn giáo tín ngưỡng. Cũng thật lạ lùng khi một “nhà truyền đạo” lại đi ca ngợi hết mình một tôn giáo khác:

“Tôi đã nghiên cứu tín ngưỡng, các thực hành lễ nghi tôn giáo, phong tục tập quán của họ và phải thừa nhận rằng người Việt rất sâu sắc về tôn giáo, tín ngưỡng của họ trong sáng và khi họ cầu cứu đến Trời, tế tự Trời thì cũng có thể họ cùng đến với một đấng toàn năng mà tôi gọi bằng Chúa, và tự đáy lòng họ đang lưu giữ một tia sáng tôn giáo tự nhiên mà Tạo hóa vốn ấn dấu vào tâm khảm của nhân sinh”. (Cadière, sđd). 

Chúng ta biết rằng, cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nước Pháp thường được gọi là “trưởng nữ” của Giáo Hội La Mã và đã rất sùng đạo khi gởi rất nhiều “thừa sai” (missionnaires) khắp trên thế giới để “loan truyền Tin Mừng”, thì trong Hội thảo về “Dân tộc học và Tôn giáo” Cadière vẫn khẳng định: Người Âu châu dẫu sùng đạo, thường vẫn không sống hết toàn bộ thời gian với Thượng đế của mình; người Việt ngược lại, dù ở giai cấp nào, đều cảm thấy mình trực tiếp thường xuyên với các thần thánh trong thiên nhiên.” 

Khi nghiên cứu về tôn giáo, ông đã ví von tôn giáo người Việt như dãy núi Trường Sơn cỏ cây chen chúc không biết đường ra lối vào, gốc lai từ đâu đến, hòa trộn chen lẫn để rồi nở rộ những hoa đại đóa rực lửa cả một khung trời.

3. Lý do thứ ba của tình cảm mến thương với người Việt là lịch sử hào hùng của cả một dân tộc. Người Việt có cái may mắn là ở vào một địa thế thuận hợp cho những giao thoa của hai nền văn hóa lớn từ Phương Nam tỏa lên và cả từ Phương Bắc tràn xuống. Nhưng cũng vì thế mà gánh chịu những xung đột triền miên, chiến đấu không ngừng, và tự thân giữ cho bằng được tiếng nói tập tục như là dấu chỉ thể hiện bản sắc của mình.

“Tôi đã nghiên cứu lịch sử của họ, xuyên qua các thế kỷ, đặc biệt là từ Triều Nguyễn, và nhận thấy rằng đất nước Việt Nam, từ nguyên thủy, đã không ngừng nung nấu một ý hướng cao về phát triển và tiến bộ, đã miệt mài theo đuổi thực hiện ý hướng ấy với hào hùng can đảm và linh hoạt thích ứng vào từng hoàn cảnh trên con đường tiến bước của mình.” (Cadiere, sđd). 

Nhiệm sở đầu tiên của Cadière là ở Quảng Bình, 1902, nơi đây từng là yếu ải của Vương quốc nhà Nguyễn, ông đã nghiên cứu “Lũy Thầy Đồng Hới”. Theo Paul Boudet bài nghiên cứu nói lên được “toàn bộ lịch sử chính xác (...) phơi bày trọn vẹn nỗ lực dai dẳng của nhà Nguyễn để thiết định, bành trướng và bảo vệ di sản của tiên tổ Nguyễn Hoàng” (Paul Boudet. Préface à la première édition Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens Q.I tr.XI).

4. Trong suốt thời gian chung sống với người Việt, ông đã tìm ra được những nét tương đồng giữa hai dân tộc. Cả hai đã cùng phát xuất từ nền tảng nông nghiệp và từ căn bản ấy văn hóa mới phôi thai chớm nở; trong đời sống du mục con người ít biết dừng lại để nghĩ suy. Vì thế trong ngôn ngữ Âu Tây từ “Culture” vừa chỉ “trồng trọt” vừa chỉ “văn hóa”. Cũng trong ý nghĩa ấy Voltaire kết thúc quyển Candide bằng một lời khuyên “il faut cultiver notre jardin”.(7)

“Tôi yêu mến họ vì những đức hạnh tinh thần. Thuộc tầng lớp nông dân, rồi sống ở Việt Nam giữa nông dân, tôi đã có thể thấy rằng nông dân Pháp và nông dân Việt giống nhau lạ lùng: Bên này cũng như bên kia, từng ý tưởng vụn vặt của cuộc sống hằng ngày, của đồng áng, chợ đò, của những bữa cơm thường nhật, của làng mạc... Mặt nữa, bên này cũng như bên kia, những tình cảm cao cả, tình yêu thương sâu đậm của gia đình, giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau, chuyên cần trong công việc, nhẫn nhục trong cuộc sống nghèo hèn và khổ cực mỗi ngày.” (Cadière, sđd). 

Một trong yếu tố tạo nên những đức hạnh tinh thần đó là nhờ hệ thống gia đình Việt Nam chưa đến hồi đổ vỡ như ở châu Âu. Nhưng chính châu Âu và cụ thể là nước Pháp cũng đã trải qua hoàn cảnh xã hội được thiết lập trên nền tảng gia đình, nhưng nay nền văn minh công nghiệp đã hủy hoại và Cadière đã tìm lại được hình ảnh êm đềm xa xưa của người Pháp ở nơi vùng ông mới đến để rồi nảy sinh lòng yêu mến. Khi viết rằng “Người Việt (không phải) - chưa phải - là một kẻ mất gốc(8)...” thì đã minh thị rằng ngày nào đó người Việt cũng rơi vào tình trạng “mất gốc” như “nền văn minh phương Tây (...) làm đảo lộn phân tán các gia đình”(9).

5. Lý do thứ 5 của lòng thương mến là yếu tố con người.

Tôi yêu mến họ vì tính tình của họ. Trước đây, khi tôi có dịp đi lại bằng võng hay bằng thuyền, tôi đã thấy được và cảm phục niềm vui sống, sự vui vẻ, tâm trí hồn nhiên của bác gánh võng hay người chèo thuyền, mặc dầu họ thật vất vả, nhọc nhằn suốt hàng giờ và hàng ngày tròn.” (CADIÈRE, Sđd).

Ông đã từng lên tiếng bênh vực trước những phàn nàn của các ông chủ người Âu sử dụng lao động Việt: “Những ai cho là người Việt biếng nhác, họ chỉ xét đoán trên một phần sự kiện ngoại lệ. Trên thực tế thì người Việt cần mẫn, chăm chỉ, năng động, chịu thương chịu khó, quả cảm, xoay xở giỏi khi họ làm việc một cách bình thường (...). Phải sống với họ, giữa họ để thấy phần đông người Việt lao nhọc như thế nào mới thấy được điều tôi kết luận trên là đúng. Rất nhiều tục ngữ ca dao nói lên điều ấy(10)”. 

Thời gian chung sống với người Việt, ăn ở buồn vui và cảm thông sâu sắc với người Việt, Cadière đã hoàn toàn được “Việt hóa” từ cung cách ứng xử và cả trong cách ăn nếp ở: “học tiếng Việt không phải chỉ để nói giỏi như họ mà còn phải tâm tư nghĩ suy như họ”(11).

6. Ông thương mến xứ sở này với nhiều lý do, nhưng lý do cuối cùng đã ấn dấu mãnh liệt vào tâm khảm đến nỗi chúng tôi nhớ trọn vẹn cả nguyên văn: “Cuối cùng thì tôi thương mến họ vì họ khổ. (....) Những khốn cùng đôi khi phải cam chịu đã đành, nhưng thường là do định mệnh khắt khe vô tình”. “Cái định mệnh khắt khe vô tình” ấy nó nhân bản làm sao nhất là được thốt ra từ miệng một linh mục người nước ngoài, vốn được đào tạo rất kinh điển theo thần học Thiên Chúa giáo, tin tưởng tuyệt đối vào sự An Bài (Providence) và ở một môi trường Đông Tây nhiều điểm dị biệt.

Nay đọc lại những đoạn mô tả về các cách thờ bái ma thuật, hoặc những cách chữa trị kỳ bí, một số tập tục dã man, mà giới trẻ Việt Nam ngày nay không thể tin rằng đã có một thời ông cha ta đã hành xử như thế. Nhưng trước con mắt của Cadière, ngay vào thời buổi ấy, ông đã nhìn với một nhãn quan từ tâm: cũng bởi vì “họ khổ”. Xin được phép trích một dẫn luận ngắn ngủi giải thích vì sao đâu đâu cũng có miếu thờ “Bà Hỏa”:

“Phải có lần bị đánh thức giữa đêm đen do tiếng báo động quát thé, phải có lần được nghe tiếng kêu la hãi hùng của dân làng vội vã tán loạn, tìm con, tìm người già lão, phải có lần thấy ánh lửa đỏ ngầu vút lên trong đám khói đen cuồng nộ cùng tiếng mắt tre kèo, cột, mái nhà nổ vang như tiếng đại bác để rồi hôm sau thấy tận mắt cảnh tang thương của những vết tích còn lại, nhất là phải tự thân gánh chịu cái tai ương khủng khiếp ấy thì mới hiểu được người Việt sợ hỏa hoạn là như thế nào, thì mới biết tại sao họ đã nghĩ những tai ương kia là do thần thánh, thì mới hiểu được cách họ xử thế đối với mọi tai ương xảy đến, kể cả những trường hợp nhỏ nhặt nhất(12).

Về cách đối xử “tàn nhẫn” với những thi thể chết non, chết yểu, chết trùng, theo Cadière, chung quy cũng do “từ tâm” mà ra cả: muốn bảo vệ những trẻ được sinh ra sau này, và phải làm hết mọi cách. Bao dung theo kiểu Chu Mạnh Trinh khi luận về Kiều “chiếc lá rụng chọn gì đất sạch” mới thấu hiểu được hết các cách hành xử “cùng đường” mà ngày nay chúng ta khó lòng chấp nhận, để làm sao thoát ra được những khổ ải liên miên mà họ phải gánh chịu.

Thôi thì bỏ đi những cảnh man rợ và để phần nào xin lỗi các bé, xin ghi nhận rằng chẳng qua cũng do thương mến mà ra cả. Tình cảm tự nó là cao quý và đáng trân trọng, dẫu rằng cách thể hiện thì nhiều khi thật đáng lên án.”(13) 

Có lẽ chúng ta không quá ảo tưởng hoặc quá lạc quan để xem những tình cảm về giá trị của người Việt dưới nhãn quan của Cadière như là những giá trị vĩnh hằng, như là những bản sắc muôn thuở. Gần đây người ta nhắc nhở nhiều đến truyền thống, đến bản sắc dân tộc, xem như đó là một nhân tố bất biến, mà quên rằng chiều kích của văn hóa là sự biến ứng không ngừng, và cái còn lại sau khi đã được gạn đục qua nhiều thế hệ tưởng như vô thức, cái còn lại sau khi tất cả đã bị quên đi, nói theo kiểu Herricot từng quả quyết, đó là văn hóa, đó là bản sắc. Xây dựng bản sắc không vì thế mà tôn tạo lại y nguyên những tin tưởng hoặc những vỏ bọc cho những tin tưởng ấy như nhiều nơi đang làm và cần được báo động. Dẫn chứng cụ thể như những ảo thuật tà ma, những tin tưởng quái dị, những cách hành xử bất nhân với thi thể những em bé chết trùng chết yểu... Trong quá trình nghiên cứu, Cadière trình bày sự việc như đang xảy ra (tel qu’il est) chứ không hề mang tính giáo điều đòi hỏi nên như thế này, nên như thế kia (tel qu’il devrait être) với con mắt khoa học chứ không phải theo chiều kích luân lý hay đạo giáo, để tìm cái do lai cốt lõi của vấn đề. Vì thế, Cadière không bao giờ sử dụng từ “dị đoan” nhưng không vì thế mà cho rằng Cadière ca ngợi hoặc muốn bảo tồn những tệ nạn bùa ma đó. Ông trình bày vụ việc thật chi ly, xác thực để giải thích sự việc, tìm ra nguyên do để lý giải và rộng mở để cho người đọc tự đặt thêm nghi vấn và rút ra được kết luận cho chính mình, theo phương pháp “hộ sinh” (maïeutique) từ thời Socrate cổ đại; cho đến nay phương pháp ấy vẫn còn rất hiện đại và được các nhà giáo dục cổ vũ.

Nhưng cũng phải thú nhận rằng vì chút lòng yêu mến người Việt như chúng tôi đã lần lượt trích dẫn ở trên mà Cadière cũng có ít nhiều thiên vị, nặng nghĩa nặng tình.

Thay lời kết tôi xin phép trích dẫn ít dòng tâm sự của tác giả để minh chứng thay vì biện luận: “Tuy vậy, cũng xin nhắc lại rằng, tôi hầu như luôn ở trong những hạn chế của những giải thích mà người bản xứ cung cấp cho tôi, suốt trong quá trình nghiên cứu nhiều năm và tôi nghĩ chắc họa hoằn lắm tôi mới vượt ra khỏi tâm linh người Việt bởi lẽ những thực hành lâu đời ấy đã trở thành thân thương quen thuộc đối với tôi.”(14)

Huế, 12/2014 
Đ.T.H
(TCSH331/09-2016)


.............................................
1. Nguyễn Tiến Lãng, Au R.P Léopold CADIERE, Bulletin des Missions Etrangères de Paris tr 29.
2. Được đăng trong Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens (CPRV), q.1 trang VII Bản dịch bài này: Tôn Giáo Văn Hóa Người Việt, Đỗ trinh Huệ, tr.12 hoặc Văn Hóa, Tín Ngưỡng và Thực Hành Tôn Giáo Người Việt, Đỗ Trinh Huệ, Nxb. Thuận Hóa,  2010. Tr.9  
3. Lúc ấy Cadière đã 73 tuổi.
4. Ce que l’on conçoit bien s’énonce clairement / Et les mots pour le dire arrivent aisément.
5. Extrême-Asie (Saigon, H.Ardin) 1925, tr.251-258. Bản dịch: Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, Đỗ Trinh Huệ Tập III, Nxb. Thuận  Hóa 2010 , tr 201.
6. Bản dịch: Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, Đỗ Trinh Huệ Tập III, Nxb. Thuận  Hóa 2010 , tr 201.
7. Phải chăm bón thửa vườn của mình. (cultiver=trồng trọt; homme cultivé = người có văn hóa).
8. CPRV Q. I tr 80
9. CPRV Q. I tr 58.
10. CPRV Q. III tr 116
11. Souvenirs d’un vieil annamitisant, Indochine, 1942
12. CPRV Tome II tr. 53.
13. CPRV. Tome II. tr 209
14. Le Culte des arbres . CPRV Tome II tr 70. 

Đỗ Trinh Huệ

Nguồn: Tạp chí Sông Hương, ngày 26.9.2016.

     Vào giữa thế kỷ XVII, sau khi người Mãn Thanh lên nắm quyền ở Trung Quốc, nhiều trung thần của nhà Minh không chịu thuần phục nhà Thanh bỏ trốn sang Nhật Bản, Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á khác nhằm mưu tìm cơ hội khôi phục nhà Minh. Trong số những Minh thần này, có một trưng sĩ[1] tên là Chu Thuấn Thủy rất đáng được chú ý.

I. NGÀY THÁNG XUẤT BẢN SÁCH HẢI NGOẠI KỶ SỰ VÀ NỘI DUNG CỦA SÁCH

Nguyên bản in sách Hải ngoại kỷ sự do Thích Đại Sán biên soạn, hiện còn tàng trữ tại Đông dương Văn khố Nhật bản (日本東洋文庫) và Quốc lập Trung ương Đồ thư quán Trung hoa (國立中央圖書館,中華) bản của Đông dương Văn khố (kệ sách số 11, 11-k-56) chia 6 quyển ra làm 6 tập. Còn bản của Trung ương Đồ thư quán thì 6 quyển đóng thành 2 tập. Đầu bản sách của Đông dương Văn khố có đóng 3 con dấu: “Đông dương văn khố”, “Tứ minh Lư thị bão kinh lâu Tàng kinh ấn”, và “Đăng điền kiếm phong tàng thư chi ấn” do đó, biết bản sách ấy nguyên thuộc Bão kinh đường tàng thư của Lư Văn Chiêu  ở Dư Liêu, sau vào tay Đằng điền Phong bát (Khiếm phong), bác sĩ người Nhật bản và sau khi Đằng Điền bác sĩ qua đời, mới bỏ vào Đông dương văn khố. Đầu bản này có 3 bài  “tựa” của Dũng Giang Cưù Triệu Ngao (Thương Trụ), Ngô Giang Từ Phàm (Thiên đình), Tấn Lăng, Mao Đoan Sỉ (Hành Cửu) và bài Bản sư Hải ngoại Kỷ sự Tự của Đại Việt Quốc Vương Nguyễn Phúc Châu (tức Minh vương Nguyễn Phúc Châu chép trong Đại Việt Sử ký); toàn bộ các quyển chưc in đều sạch sẽ, có thể gọi một bộ sách hoàn hảo. Trái lại, trong các bài tựa của bản sách Trung ương đồ thư quán, trừ bài tựa của họ Từ hoàn toàn, còn bài của họ Mao, họ Cừu  đều không toàn vẹn, tuhứ tự cũng xáo trộn; vã lại, không thấy văn tự của Nguyễn Phúc Châu, cách sắp đặt bản in cũng không có mỹ thuật, trong sách chỗ nào cũng thấy có thiếu chữ, thiếu bài và thiếu trang (quyển 1 thiếu trang 9 đến trang 16, quyển 11 thiếu trang 11-12, 25-26 và 33, quyển III thiếu trang 25-26-35-36, quyển IV thieus trang 1-2-19-20-29 đến 36, quyển V thiếu trang 1 đến 4-17-18-21-24-31-33, quyển VI thiếu từ trang 3 đến trang 8). Chỉ có 2 bản đều thuộc bản nguyên san, điều đó không thể nghi ngờ.

Ngoài bản nguyên san nói trên, Thượng hải Tiến bộ Thư cục con phiên ấn, bản sách này chia làm 2 quyển, để đem vào bộ Bút ký tiểu thuyết đại quan, đệ lục tập, đệ lục hàm, đầu quyển có phụ chép bài “Hải ngoại kỷ sự đề yếu như sau” như sau: “Sách này do Đại Sán Hán Ông (大汕厂翁) đời nhà Thanh soạn, tất cả 6 quyển. Khương Hy năm giáp tuất, đáp ứng lời mời của Việt vương, ông đi qua Quảng nam; những nơi trải qua, sơn xuyên, hình thế, phong thổ, tập tục ông đều ghi chép tất cả xen lẫn những thơ văn tao nhã hứng thú, ông chính là một ẩn giả lánh mình trong cửa thiền vậy. Cừu triệu Ngao bảo sách này gồm có cái hay của Đồ Thiếu Lăng, Liễu Tứ Hậu, có thể bổ khuyết những điều mà các sách Sơn Hải kinh, Hải chí, Chức phương ký, Vương hội đồ chưa từng chép đến v.v…”.[1][1]

Lại ngoài ra, Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu (quyển 78), sử bộ 34, Địa lý loại tồn mục 7 chép rằng: “Hải Ngoại kỷ sự 6 quyển, bản sách do quốc triều Thích Đại Sán biên soạn và Chiết giang Tuần vũ tìm thấy đem dâng. Đại Sán là Đại sư ở chùa Trường thọ, tỉnh Quảng Đông. Mùa xuân năm Ất hợi Triều Khang Hy Đại Việt quốc vương mời qua thuyết pháp, hơn một năm lại trở về, nhơn ghi chép phong thổ nước ấy và những điều nghe thấy trong khi qua lại trên đại dương. Đại Việt quốc Tiên thế là rể của nước An nam, chia cứ nam biên, xưng hiệu Đại Việt. Đầu sách này có bài tựa của Nguyễn phúc Châu, đề lạc khoản bính tý bồ nguyệt (tháng 5), tức khang hy năm thứ 35 vậy”.

Xét lạc khoản bài “Bản sư Hải ngoại Kỷ sự tự của Nguyễn phúc Châu, đề giáp tý bồ ngyệt (tức tháng 5 niên hiệu Khương Hy) mà trong bài tự có nói rằng: “Chép một vài điều, góp lại thành tập, nhan đề  “Hải Ngoại kỷ sự”, ngày trở về nước đưa cho tôi xem và khiến đề tựa”. Xem đó, đủ biết  bài ấy do Đại Sán yêu cầu Minh vương viết lúc sắp sửa từ giả Quảng nam về Quảng đông. Thứ nữa, bài tựa họ Cừu đề Khương hy Kỷ mão mạnh xuân, bài tưạ họ mao đề Khương hy kỷ mão tháng 8, bài tựa họ Từ không để rõ ngày tháng, nhưng trong bài bảo rằng: “Khoảng mùa xuân năm Giáp tý (Khương hy năm 23) từng gặp thấy Thạch công hòa thượng (tức Đại sán). Mười lăm năm sau trở lại Châu giang, lại gặp Thạch hòa thượng từ cổ An nam về nước và được thấy bản thảo tập Hải ngoại kỷ sự và các tập thơ”. Thế thì, bài tựa ấy làm ra cũng có lẽ vào năm Khương hy kỷ mão. Xem các dẫn văn trên, năm san hành sách Hải ngoại kỷ sự có lẽ vào khoảng năm Khương hy Kỷ mão năm thứ 33 (1699)  nghĩa là 3 năm sau ngày Đại sán từ Quảng nam trở về Quảng đông.

Sách ấy ghi chép khởi đầu từ tháng 8 năm Giáp tuất Khương hy 33 (1694), lúc Đại sán tiếp kiến sứ giả Đại việt tại Am trường thọ Quảng đông, cho đến khoảng tháng 11 năm Ất hợi Khương hy 34 (1695), lúc ông trở lại Thuận hóa, vì ngược gió chưa trở về Quảng đông, thì chấm dứt.

Xét tổng quát những ghi chép trong sách, chẳng những đối với việc Đại sán được quan dân Quảng nam nhiệt liệt hoan nghênh, những lời nói thù ứngtrong lúc ông cùng Nguyễn vương trò chuyện và việc ông chủ trì các ngày pháp hội, đều có tự thật rõ ràng, cho đến những trạng huống các thương thuyền vượt biển qua Nam, các nhân thổ, nhân vật, tập tục, chế độ xứ Quảng và tình trạng sinh hoạt Hoa kiều đương thời, cũng đều thuật lại một cách tỉ mỹ. Ngoài ra, còn thâu góp ghi chép các bài thơ điếu vãn, các bài luật thơ hay tuyệt cú do Đại sán trong lúc lưu trữ cư dân đất Việt, tùy thời tức cảnh, cao hứng ngâm đề, cộng tất cả 110 bài (trong số đó có 3 bài làm sau khi trở về Quảng đông, đầu thu năm Bính tý) và những bài thiền luận, những thư từ qua lại với các yếu nhơn trong Nguyễn phủ, tất cả cộng 21 bài văn. Duy chỉ tình trạng sinh hoạt của Đại sán trong lúc áp đông [2][2] tại chùa Thiên mụ Thuận hóa, từ tháng 11 năm Ất hợi đến tháng 6 năm sau, Bính tuất (Khương hy năm 35), và tình hình vượt biển trở về Quảng đông thì không thấy chép đến.

Những  “An nam du ký” của người Trung Quốc trong khoảng cuối nhà Minh đầu nhà Thanh, thực ra thưa thớt không có bao nhiêu. Trừ tập “Hoa di biến thái”[3][3] của Nhật bản, ghi chép những báo cáo của bọn thương khách thông thương với Quảng nam, chỉ có tập ‘An nam cung dịch ký sự”[4][4] của Chu Thuấn Thủy (Chi dự), “An nam kỷ du”[5][5] của Phan Đình Khuê, “An nam tạp ký”[6][6] của Lý Tiên Căn và “Hải ngoại kỷ sự” của Thích Đại Sán, mấy bộ ấy mà thôi.

Tựu trung, xét về ký thuật rộng rãi, nội dung đầy đủ và tính cách khá tin cậy, thì bộ Hải ngoại kỷ sự hơn xa các sách khác; do cao độ của giá trị sử liệu, khiến người ta thấy một tia sáng về xã hội Hoa kiều và dân thổ trước Quảng nam cuối thế kỷ 17, đồng thời sách ấy có thể bổ khuyếtcho các bộ sử thực lục tiền biên, Đại nam liệt truyện tiền biên và các sách Quảng nam du ký hay văn kiến lục của người Âu khoảng thế kỷ 17-18 như C.BORI, BÉNIGNE VACHET, Ư.DAMPIER, THOMAS BOWYEAR, PIERRE POIVRE, JEAN KOFFLER, ROBERT KIRSOP.

Nay cứ theo bản của Đông dương văn khố, chúng tôi chụp hình toàn bộ 6 quyển Hải ngoại kỷ sự giải thích sơ lược tiểu sử của Thích Đại Sán và đầu đuôi chuyến lữ hành qua Quảng nam của ông, để giúp các học giả đồng chí tham khảo.

II. TIỂU SỬ CỦA THÍCH ĐẠI SÁN

Thuộc về danh hiệu của Thích Đại Sán, Đại Nam Liệt truyện tiền biên (quyển 6 ) chép rằng: Thạch Liêm hòa thượng (石濂和尚) hiệu Đại Sán, Hán Ông (大汕厂翁) người tỉnh Chiết giang nhà Thanh. Xét chữ tên Thạch liêm. Sách Hoa Di biến thái chép làm Thạch liên, (石蓮) ngoài biệt hiệu Đại Sán và Hán Ông, tục thường lại gọi “Thạch đầu đà” (石頭陀). Còn thuộc về quê quán, bài tựa của Tăng Sán trong Lục Đường Tập, tư tập của Đại Sán, chép rằng: “Hòa thượng người Cửu Giang cùng làng với tôi”, cũng trong tập ấy Đào Huyên chép rằng: “tôi nghe nói hòa thượng nguyên quán ở Giang Hữu và đến Quảng Châu thuyết pháp….”. Ngoài ra, hoặc bảo ông người Lãnh Nam, hoặc bảo người Ngô, hoặc bảo Giang Nam hoặc bảo Trì Châu, hoặc bảo Tô Châu, hoặc bảo Nam Kinh, các thuyết, phân vân chưa biết thuyết nào đúng. Cứ theo thiển kiến của tôi, trong các thuyết ấy, nên lấy thuyết của Chuyết Tây có thể đúng hơn. Xét hai bài tựa của họ Tăng, họ Đào bảo Cửu Giang, bảo Giang hữu thì cũng đều thuộc Giang Tây, hình như đều là chữ Chuyết Tây nói nhầm. vả lại, Đại Sán năm về già bị bắt giải về nguyên quán, giữa đường mất tại Thường Sơn thuộc tây nam tỉnh Chuyết Giang (tường thuật ở đoạn sau). Chiết Tây tức Chiết Tây lộ đời nhà Tống, lấy Hàng huyện làm lỵ sở, tức một giải Hàng Gia hồ ngày nay, nơi ấy cũng tiếp liền với Tô Châu (tức Ngô), có lẽ vì thế mà bảo nhầm là Giang Nam.

Thứ nữa, thuộc về tài cán của ngài Đại Sán, Đại nam Liệt truyện tiền biên chép tiếp rằng: “Bác nhã khôi ngô, phàm các môn tinh trượng, luật lịch, diễn xạ, lý sổ, triện lệ (viết chữ), đơn thanh (vẻ), môn nào cũng thông hiểu càng sở trường về thơ”. Câu này không phải do sứ giả Việt Nam tự ý viết ra, thực ra đã rút câu văn: “Trượng nhơn là bực bác nhã khôi kỳ, cáng sở trường về thơ, cho đến các loại tinh trượng, lịch luật, diễn xạ, lý số triện lệ đơn thanh, môn nào cũng siêu việt”, trong bài tựa của Mao tế Khả đề Ly lục Đường tập. Đại nam liệt truyện tiếp theo đoạn văn dẫn trên, chép rằng: “Cuối đời nhà Minh , người Mãn Thanh  làm chủ Trung quốc, Thạchliêm giữ nghĩa chẳng chịu làm tôi, bèn từ biệt mẹ già, xuất gia đầu phật chống gậy vân du, phàm những nơi danh thắng sơn xuyên, dấu chân hầu khắp”.

Mao đoan Sỉ đề tựa Hải ngoại Kỷ sự cũng viết rằng: “Hán Ông hòa thượng sinh ra đã kỳ dị, từ trẻ theo đạo phật, rộng xem các kinh luận ngũ minh và âm dương toán số, thấu rõ cát hung, thường chu du thiên hạ, tiếng tăm dậy khắp trong ngoài”.

Và sách Hoa di Biến Thái (trong quyển 32) chép lời báo cáo của người Tàu, chủ thuyền Quảng Đông, chuyến 6, năm hợi (1695), rằng: “Nói tóm tắt,Thạch liêm tuy nguyên quán tại Nam Kinh, nhưng cư trú ở Quảng Đông hơn 20 năm, trong khoảng ấy đức thịnh của ông rất thịnh sáng, bởi thế quan dân xa gần quy y rất đông. Trong bọn thương khách thuyền chúng tôi cũng có người đã từng đến am Trường Thọ lạy phật”.

Mặt khác, đầu quyển Ly lục Đương tập, do Đại Sán biên tập, có phụ đính 34 bức tranh vẽ, miêu tả sự sinh hoạt hằng ngày của Đai Sán, từng bức phân biệt, có đề văn của Khuất đại quân (ông Sơn), Tăng Xán (Thanh lê), Lương bội Lan (Dược đình), Vương thế Trinh, Từ Phàm, Ngô Ỷ (Viên thứ). Ngô thọ Tiềm và Cao Tằng Vân; lại có bọn Khuất đại quân, Tăng XÁn, Lượng bội Lan, Ngô Ỷ, Vương Bồi, Ích Trọng, Hùng nhất Tiêu, Trương Tỗng, Cao tằng Vân, Đường Hóa Bằng, Châu lại Tuấn, Phàn trạch Đạt, Ngô thọ Tiềm, Đào Huyên, Lý phương Quảng, Mao tế Khả, Hoàng Hạc nham đề tựa, thực có vẻ dồi dào[7][7] và trong tập chỗ nào cũng thấy những thơ văn đề vịnh hoặc tống tặng nhau của Đại Sán  cùng với Khuất ông Sơn, Ngô viên thứ, Tăng thanh Lê, Lương dược Đình, Ngô mai Thôn, Từ tùng Chi,và Trần kỳ Niên (Duy tùng), bọn văn nhân nổi tiếng triều Khương hy.[8][8]Gần đây Lý tuấn Chi biên tập Họa gia thi sử đời nhà Thanh (nhâm hạ 6 b), ở mục Đại Sán cũng chép rằng: “Đại Sán tự Hán Ông, người Lãnh Nam, tu ở chùa Kim Lăng, có tài vẽ chân dung rất khéo. Khương hy năm Mậu ngọ (1678) vẽ cho Trần Già Lăng một bức đồ hình, có đề lời, mặt đẹp râu dài, tinh thần hoạt bát, thời ấy hầu khắp mặt danh nhơn trong nước đều có đề vịnh. Có biên soạn Lục-(sic) Ly đường Tập”.

Và người Mỹ A.W.HUMMEL biên tập Thanh Đại Danh Nhân Liệt Truyện” ở mục Ngô Ỷ cũng có nói đến sự tích Đại Sán. Mục ấy chép rằng:[9][9] “Những tập sách của Ngô Ỷ được xuất bản nhờ ở sự khuyến khích của bao nhiêu bạn tốt lúc sinh tiền, thứ nhất là nhờ ở sự giúp đỡ rất đắc lực của một nhà sư giàu có tên Đại Sán (1633-1702). Nhà sư ấy nhờ sự cung dưỡng của Thượng Chi Tín (con Bình Nam vương, Thượng Khả Hỷ) và của bọn quan viên quản lý việc mua bán ở nước An nam phồn thịnh, mà trở nên giàu có. Ydùng những của cải súc tích ấy viện trợ cho các văn nhân địa phương. Nên nói thêm rằng bọn văn nhân đó, do những tác phẩm của họ, làm cho việc tốt lành của kẻ viên trợ được đồn tiếng khắp nước”.

Xen tổng quát các bài Kỷ sự và các sự thực nêu ra trên đây, chúng ta có thể tưởng thấy: khoảng giữa triều đại Khương hy, ở xã hội Lãnh Nam và trong thơ đàn có một vị tiếng tăm lừng lẫy, y cùng với bọn Khuất ông Sơn, Ngô viên Thứ, Tăng thanh Lê, Lương dược Đình, Ngô mai Thôn, Từ tùng Chi, Trần kỳ Niên, giao tình rất khăng khít. Những người đến tham thiền tại am Trường Thọ do y chủ trì, chắc đông đúc lắm, và trong ấy cũng có nhiều thương khách, bọn thong thương với nước Nhật bản, Quảng nam. Nhưng đọc kỹ Hải ngoại kỷ sự và ly lục đường thơ tập, chúng ta nhận thấy rõ vị hòa thượng ấy tự phụ chẳng tầm thường, đắc ý tỏ ra ngoài mặt, quyết chẳng phải là một nhà tu hành khiêm tốn; đối với sự ương gàn tự thị, dua nịnh quan trường, ngôn luận quá buông luông, và sinh hoạt đời tư quá xa xỉ của hòa thượng Thạch Liêm, trong bọn nhơn sĩ trí thức lúc bấy giờ, có kẻ đề lời phiền tách, đến đổi xem y như yêu tăng, đứng lên đả kích chẳng thiếu chi người. Nay lược cử ra vài điều sau đây, để giúp độc giả hiểu rõ đời sôngds lạ lùng của Đại Sán.Vương sĩ Trinh, Ngư dương sơn nhân, làm bộ sách Phân cam dư thoại (qu.4) từng công kích gắt gao việc làm và nhân cách của Đại Sán. Bài ấy viết rằng:[10][10] “Quảng châu có yêu tăng tên Đại Sán, tên chữ Thạch Liêm, tự xưng người Giang nam, hoặc bảo người Trì châu, hoặc bảo người Tô châu, quê quán chẳng biết nơi nào đích xác. Xuất thân rất bần tiện, có kẻ bảo y từng làm tùy phái các phủ huyện, tính sâu độc, vẽ khéo, xây cất nhà cửa rất có xảo tứ. Cạo đầu làm sãi, tự xưng Giác lãng Đại sư[11][11]. Mang y bát dẫn môn đồ, du phương Lãnh nam, cư trú ở phía tây thành, chùa Trường thọ; hằng ngày hầu chực các nhà đương sự có thế lực, thường vẽ đồ hình tố nữ, điểm kiểu chơi bí mật, để dua nịnh các quý nhơn, càng được thân cận, chừng ấy không còn kiêng sợ chi nữa; những quan lại tỉnh Việt Đông, lọt vào vòng mưu mô xúc xử cả y, mười người hết chín. Năm Giáp tý, (Bút giả chú thích: Khương hy năm thứ 23 tức năm 1684) ta vâng sứ mệnh đến tỉnh Việt, nghe chuyện, trong lòng rất ghét, sau nghe y buôn lậu qua  An nam, chở về hàng thuyền báu vật, như sừng tê, ngà voi, châu ngọc, san hô….trị giá hàng vạn, mà các quan địa phương chẳng ai làm khó dễ gì”.

Nay xét Vương sĩ Trinh là người đồng thời với Đại Sán, thời kỳ biên soạn bộ Phân Cam Dư Thoại là tháng chạp năm Kỷ sửu triều Khương hy (48), tức đầu năm công nguyên 1710, vài năm sau khi Đại Sán tạ thế; những ghi chép trong ấy được xem như đại biểu ý kiến của người đương thời, tất nhiên có thể tin cậy được. Cuối đời nhà Thanh, Mậu Thuyên Tôn có soạn một bài “Thạch Liêm Hòa Thượng Sự Lược”, ghi chép nhiều việc có thể bổ sung thiếu sót của “Phân cam dư thoại”. Sự xuất thân quỷ quyệt của Đại Sán, thời gian y trú trì Trường thọ như thế nào, sự thực y cấu kết với các yếu nhơn Quảng châu và bọn Khuất đại quân ra làm sao, đều do bài ấy làm sáng tỏ, bài văn của họ Mậu chép rằng:[12][12] “Sư Đại Sán tự Thạch Liêm, người Ngô quận, từ bé đã tinh ranh, vẽ hình sĩ nữ rất khéo, làm thơ có câu hay; chẳng biết cớ gì mà xuất gia, tông tích rất bí mật quỷ quyệt; chẳng hề thọ giới với thầy nào, nhưng nhờ Khuất ông Sơn chứng nhận, mạo xưng đích tự nối dòng sư Giác Lãng. Nay xét sư Giác lãng mở thiền đường vào cuối đời Vạn lịch, thời ấy Thạch Liêm còn chưa sinh, ngài viên tịch vào năm Mậu tý đời Thuận trị, (bút giả chú thích: Thuận trị thứ 5, tức năm 1648) Thạch Liêm mới 16 tuổi, chẳng hề được tiếp kiến hay được phó chúc điều chi bao giờ. Lúc đầu mới váo Quảng châu y bán họa tượng Quan Âm, chỉ xưng là thầy giảng mà thôi, sau ngờ nịnh hót Kim Quang Huyến, mạc khách của Bình nam vương, nhờ Huyến giới thiệu được vào yết kiến Bình nam vương và Yêm đạt Công[13][13]. Nguyên chùa Trường thọ ở Quảng châu và chùa Phi lai ở Thanh viễn, hai chùa đều do Thực Hành hòa thượng chủ trì. Sau khi Thực Hành tịch, Quang Huyến nói với Yêm Đạt Công cho Thạch Liêm chủ trì Trường thọ am; Trường thọ không có sản nghiệp, chùa Phi lai có ruộng cho thuê mỗi năm được hơn 70 thạch lúa; Thạch Liêm xin các nhà đương sự lấy chùa Phi lai làm Hạ viện, rồi đuổi hết đồ đệ của hòa thượng Thực Hành để nuốt hết số lúa của ruộng chùa, việc đó có nhờ Ông sơn giúp sức. Từ ấy Thạch Liêm ngày càng giàu có, y vốn người có nhiều xảo tứ, thường lấy gỗ lê, gỗ đàn, đồng thau, đá hoa, chế làm các đồ dùng như bàn ghế, bình phong, tủ bàn, bát đĩa….để biếu các nhà đương sự và các bậc sĩ phu, rất được mọi người tán thưởng. Bức họa đồ có đề từ cữa Trần già Lăng, chính do tay Thạch Liêm vẽ, rực rỡ như hình sống, có kẻ bảo y có vẽ một tập hình tố nữ với kiểu chơi bí mật rất khéo, để dua nịnh các quý nhơn, việc đó chưa biết chừng cũng có. Ngô viên Thứ (Ỷ) ra chơi Quảng châu, Thạch Liêm than phiền với Ngô về việc thù ứng rộn ràng, khó nhọc không chịu nỗi. Ngô cười bảo rằng: “Ngươi chịu không nỗi, sao chẳng xuất gia cho rồi?” Người ta truyền tụng câu ấy để cười chơi”.

Cứ theo Quảng Đông Thông Chí (San lại năm Đồng Trị thứ 3, bản khắc họ Nguyễn, quyển 229) chép rằng: Trường thọ am tọa lạc cách phía tây nam thành Quảng Đông 5 dặm, nền cũ của Thuận Mẫu Kiều; đời Vạn Lịch nhà Minh năm thứ 34 (1606), Tuần vũ ngự sử Trầm Chánh Long xây cất Từ độ Các và Diệu chánh Đường, hai cánh thiền phòng đất rộng chừng tám mẫu, Huyện lịnh Lưu đình Nguyên lấy ruộng chùa Bạch vân (chùa bỏ hoang) 43 mẫu thêm vào để cung phụng hương hỏa, có bài bi (bia)-lý của quan ngự sử. Nhưng đến cuối đời nhà Minh am ấy cũng chưa nổi tiếng, từ ngày Đại Sán kế vị Thực Hành hòa thượng, am ấy mới ngày càng hưng thịnh, trở nên một nơi danh thắng tỉnh Quảng châu. Vương sĩ Trinh Quảng châu du lãm tiểu chí (Chiêu đại tùng thư Ất tập, quyển 22), mục Trường thọ am chép rằng: “Trường thọ am ở ngoài thành, phía tây, sáng lập khoảng triêu Vạn Lịch, sư Đại Sán sữa mới lại. Đại Sán hay thơ khéo vẽ, kiến trúc có xảo tứ. Mé phía Tây chùa có ao chảy thông với Châu giang, nước khi đầy khi cạn ăn dịp với nước lên nước ròng ở sông; phia bắc ao là đình Bán Phàm (半帆)quang co theo hành lang đi qua phía đông là Hội không Hiên (繪空軒), trước hiên trăm hoa tươi tốt, cảnh trí đáng yêu, từ đình bán Phàm và ao đi qua phía nam, thẳng bờ đều trồng lệ chi (cây vải) long nhãn, phía nam ao là Hoài cổ Lâu (懷古樓) , nguy nga rộng rãi, phía đưới là Ly lục Đường (離六堂), cây Nước trong xanh, phòng hiên u tịch, như kiểu nhà ở vùng ngô việt. Chùa có Tượng Thích Ca niêm hoa, quang thiếp vàng ngọc , mã não xà cừ, nghiêm trang rực rỡ, lại có tượng đồng, nghe nói đúc từ đời Đường”.

Mậu Thuyên Tôn trong bài “Thạch Liêm hòa thượng sự lược” cũng có thuật qua cách bố trí của Trường Thọ am như sau: “Trước cửa am có hai tượng thiên vương do tay Thạch Liêm vẻ, tinh thần linh động phi thường; thiên qua phía đông am có ao chảy thông với sông Châu giang, nước sông quanh co chảy quanh trước điện rồi dội vào ao, có hòn non bộ xây bằng đá Anh (đá non bộ sản xuất tại huyện Anh Đức, tỉnh Quảng Đông) lập vườn trồng cây, có nhà nghĩ mát, phía bắc ao có bán phàm thất, phía bắc hội không hiên, phia nam hoài cổ lâu, phía dưới Ly lục đường, đều làm hồi lang nối thông với nhau v.v…”

Do đó, chúng ta có thể tưởng thấy Trường Thọ am thanh u đẹp đẻ như thế nào.

Trong bài của Mậu thị có dẫn tiếp hai bài văn kể tội Đại Sán của Phan Thứ canh, bài thứ nhất viết cho Lương Dược Đình (Bội lan), bài thứ hai viết cho đại đương sự tỉnh Việt. Văn ấy như sau:

Thư viết cho Lương Dược Đình: “Thạch Liêm lòng kiêu khí hoạnh, chuyên nói láo để dối đời; chê bai cựu đức tiên hiền, chẳng chút kiêng sợ, lại nói láo đã từng gặp dị nhơn, thông thiên văn, hiểu độn giáp, có tài hô phong hoán vũ, như Văn Thành, Ngũ Lợi[14][14] ngày xưa. Kịp đến một lần lên Kinh sư, một lần qua Giao chỉ, lại càng lếu láo quá đỗi, ngang nhiên tự cho là “Duy ngã độc tôn”! Gần đây tôi có xem tập Hải ngoại kỷ sự của y viết, một bằng chúng giả dối, không nói không được. Những bộ sách Nguyên Lưu Tựu Chánh[15][15], bao nhiêu láo khoét không sách vở, ngụy biện vô lý, không thể kể xiết. Nay chỉ đơn cử tập Hải ngoại kỷ sự, chương đầu nói “ hầu sắp sửa lên phương bắc, vì có lệnh bề tên tuyên triệu”, ấy là nói láo vậy. Dạy học trò uống rượi, ấy là phá luật vậy. Truyền phép cho Phiên Quốc Vương, ấy là bán phép vậy. Khắc chữ “tính dữ thiên đạo” vào đồ chương (ấn), tự coi mình như Khổng tử, ấy là tiếm thánh vậy. Ngự chế bài tự khen ngợi Ngũ Đăng Hội Nguyên (五鐙會元) mà y lại bắt bẻ chê bai không tiếc lời, ấy là kháng chỉ (chống ý vua) vậy. “Hủy bản in, nghiêm cấm” là lịnh phán xử nhất thời của đương sự tỉnh Chiết Giang, thế mà y bảo “phụng chỉ nghiêm cấm” ấy là kiểu chỉ (mạo xưng chỉ dụ của nhà vua) vậy. Bộ sách Ngũ Đăng toàn thư đã được dâng lên Ngự lãm và được ngự chế cho bài tự văn, thế mà y dám nặng lời chê bai, ấy là sán thượng  (chê vua) vậy. Tước động Tôn  (dòng Tào Động) bọn Đôn hà Thuần (bút giả chú:tức Đơn hà tử thuần) 5 đời, ấy là san tước tổ tông vậy. Đổi Vân cư Ưng (bút giả chú: tức Vân cư đạo Ưng) làm Cữu Phong Mãn, Đông an Phi làm Đồng an Uy,  âý là thay đổi tổ tông vậy. Vốn xưng đời thứ 34, Tào động lại xưng đời thứ 29, ấy là trái loạn thế thứ vậy. Bấy nhiêu việc trên ấy có hại cho thế giáo và làm trở ngại cho pháp môn rất lớn”.

Và thư viết cho Đại Vương sự tỉnh Việt: “Thạch Liêm cuồng quấy quá đỗi! kẻ tu hành, trọng nhất là giới luật, thì y uống rượi ăn thịt, điềm nhiên chẳng biết xấu hổ; ưa nhất là chất phác nâu sòng, thì y quá đỗi xa xỉ, tự phụng sang như vương hầu; chuộng nhất là tính nhu hòa, thì y kiêu ngạo ba hoa, xem người nửa mắt; giữ gìn nhất là đức chân thành, thì y bịp bợm dối đời, chẳng bao giờ có một lời nói thật; quý nhất là lòng từ bi, thì y lập tâm hiểm ác, lấy việc hại người làm sở trường. Sự tối phạm pháp của Thạch Liêm là tư thông ngoại quốc, lịnh cấm xuất dương tuy đã bãi bỏ, nhưng mua bán là việc của nhà buôn, nay Thạch Liêm là kẻ tu hành, dám tư thông ngoại dương, đem hóa vật can cấm bán cho Giao châu để cầu lợi; ai nghe cũng lắc đầu, thè lưỡi,, ấy là việc y thêu 6 chữ vàng: “Vương phủ dụng, Trường thọ định”, (đồ dùng vương phủ, do Trường thọ định) ở đầu múi những cây hàng lụa. Xét lúc An nam Mạc thị mới quy thuận, chỉ phong Đô Thống Sứ, nay Nguyễn phúc Châu chưa xin phong, chưa chịu sắc mạng triều đình, sao được xưng “vương phủ”, nghiễm nhiên ngang hàng với các thân vương Trung Quốc?Lại nữa, Quốc luật cấm mua bán người, thế mà y dám mua con gái nhà lành làm con hát, rồi lần lượt đem bán lại1 Thiết tưởng những kẻ có trách nhiệm phong cương đân xã, nên thâu hết các sách xuất bản của y đem đốt hết; nghiêm cấm y tư thông ngoại dương, tư giấy các sở quan tấn, từ nay về sau cấm các sãi chùa Trường thọ không cho một người nào xuất dương, và hóa vật chùa Trường thọ không cho một thùng nào ra khỏi cửa biển, ngõ hầu chấn chỉnh phép nước, khỏi di hại cho địa phương”.

Trên đây liệt cử các sự tích đê hèn của Đại sán, phải chân đúng chân tướng đương thời, điều đó không thể xét rõ. Ví xử các việc ấy đều đúng sự thực, thì sự kết án tội lỗi của y cũng tùy theo sở kiến của từng người; sư nói phải, vãi nói chăng, ý kiến chẳng giống nhau hết thảy. Chẳng qua trong các hành động của Đại sán, cũng có chỗ hơi vượt qua lề lối, ấy là sự thực không thể chối cãi được. Ví dụ như Hải ngoại kỷ sự (KI 332a) chép rằng: ‘Trong nước (Quảng nam) các Tả, Hữu, Thừa tướng, bốn Đại đồn dinh và Quốc nguyên lão Đông triều hầu, Học sĩ Hào đức Hầu, Vương huynh Lệ tuyền Hầu, Thiều dương hầu, các vị đại lão ấy thường cùng ta tiếp kiến, nghe ta ở Trung hoa thường có rao bán gió sấm, cầu mưa, muốn tâu với quốc vương xin ta cầu một đàn”….Và ở quyển đầu Ly lục Đượng tập có phụ chép một bản đồ bán mưa (mãi vũ đồ), trong đó vẽ 5 người học trò đứng quây quần trước cửa “Trường thọ thiền lâm” xem một tờ yết thị mấy chữ: “Thạch dầu đà hữu ta phong vũ xuất mại” (Ông sãi họ Thạch có chút ít mưa gió đem bán). Các việc ấy có thể chứng thực câu văn “lại nói láo từng gặp dị nhân, tinh thiên văn, hiểu độn giáp, có thể hô phong hoán vũ, như bọn Ngũ Lợi Văn Thành ngày xưa” trong bữ sthư của Phan thứ Canh đẫn ra trên đây. Nay xét hai phong thư của Phan thứ Canh, tội trạng rất lớn của Đại sán và cũng là nguyên nhân chính yếu làm cho y phải hỏng chân, chẳng ngoài việc du hành ở Quảng nam của y. Bình tâm mà kuận, truyền pháp cho Phiên Quốc vương, thì có gì là tội lỗi, vã lại đứng về quan niệm truyền thống của văn hóa Trung hoa mà nói, thì “Viễn bá thánh giáo”, còn đáng được khuyến khích là khác, nhưng đây lại diễn thành việc phạm tội “Mại pháp”. Cứ theo thiển kiến, ấy chẳng qua vì cớ Đại sán nịnh Nguyễn phúc Châu, kẻ tu hành chưa chịu sắc mạng triều đình mà xưng vương, và đã là kẻ tu hành còn theo việc bán buôn phi pháp…..

Trong Ly lục Đường tập, bài tựa của Cao tằng Vân viết rằng: “Thạch hoà thượng là thiền giới pháp tự, nơi theo Tào động chánh truyền”. Cũng trong tập ấy, bài tựa của Đường Hóa Bằng (Bàn đàm) viết: “Hòa thượng là dòng thứ 29 dòng Tào động, con của Trượng nhân, cháu của Thọ xương”. Và Nguyễn phúc Châu, cuối bài “Bản sư hải ngoại kỷ sự tự” đề lạc khoản như sau “Đại Việt Quốc Vương Nguyễn Phúc Châu, thọ bồ tát giới đệ tử, pháp danh Hưng Long, đính lễ san tại Tây cung Giác vương nội viện, tĩnh danh phương trượng và có đóng 3 con dấu: “Tào động chánh tông tam thập thế”, “Nguyễn phúc Châu ấn”, và Thiên Túng Đại Nhân”. Việc ấy có thể chứng thực hai xử sự mới sau đây: Việc thứ nhất, Khương hy năm thứ 34 (1695), lúc Đại sán đến Đại việt đã xưng thế thứ dòng 29 dòng Tào động, đến sau khi truyền giới cho Nguyễn phúc Châu ở Quảng nam lập ông làm pháp tự, đặt cho danh hiệu là “Tào động  chánh tông đời thứ 30” và đạo hiệu là Thiên túng đại nhơn. Việc thứ hai, cứ theo Đại nam thực lục tiền biên (qu 8 và 9-10) ghi chép, họ Nguyễn ở Quảng nam lúc đầu xưng Trần thủ, đến Khương hy năm thứ 31 91692) tức Nguyễn thị đệ lục đại Phúc châu kế lập, năm thứ hai, mới xưng “Quốc chúa”, kể đến tháng chạp năm kỷ sửu thứ 18 (1705) mới bắt đầu đúc Quốc tỷ, khắc chữ: “Đại Việt Quốc Nguyễn Vương vĩnh trấn chi bảo”, lại đến Càn Long năm thứ 9 (1744), đệ bát đại Phúc khoát (tức Võ vương 1738-65) ở Phú xuân tức Thuận Hóa mới chính thức tức vương vị, đúc vương tỷ, đổi “phủ” xưng làm “điện”, các công văn còn noi dùng Quốchi êụ và niên hiệu Lê triều. Nay xem bài “Bản sư Hải ngoại kỷ tự sự”, biết rằng Phúc châu đã xưng Đại viêt Quốc Vương sớm từ năm Bính tý (1695), trên sự thực trước ngày xưng vương của Nguyễn phúc Khoát đến 48 năm. Việc đáng chú ý hơn hết, là Đại sán đối đãi Nguyễn phúc châu, xưng hô bằng quốc vương chẳng chút kiêng kỵ gì, thậm chí trên bài “Khãi” còn tôn xứng lên làm  “Đại vương” là khác nữa.

Xét các bài dẫn trên ra đây, Đại sán còn xưng đích tự của Giác lãng thiền sư, đã là một việc rất khả nghi, y xưng pháp tự thứ 29 dòng Tào động, lại bị bài xích làm hỗn loạn thế thứ, nay y lại đem pháp thống truyền cấp cho Phiên quốc vương, thì sự làm sôi nổi sóng gió giới Phật giáo Trung hoa là lẽ tất nhiên vậy. Đại sán xưng Nguyễn phúc Châu làmĐại Việt Quốc vương, ví sử y có a dua, cũng chẳng qua thừa nhận địa vị thực tế của ông ấy mà thôi, nhưng đối với luật nhà Thanh và đối với đại nghĩa danh phận của phái Đạo học, thì cũng như y thông đồng với ngoại quốc, trao đổi riêng danh hiệu với nhau, hình thành một hành động vi9 pháp, một tội danh không thể giảm khinh vậy.

Đến như Đại sán làm việc buôn lậu, thì sự hiềm nghi lại càng đậm đà tăng thêm. Cứ theo Hải ngoại kỷ sự kỷ thuật lúc Đại sán khởi hành từ Quảng đông: “Tăng chúng đi theo hơn 50 người, hành lý cũng nhiều, thuyền chủ nhìn nhau chẳng biết cách sắp đặt thế nào, phải đem khách hàng chuyển lui Dương thành (Quảng đông), còn phải chia một nửa tăng chúng, hành lý cho tháp tùng hai thuyền đi sau”. Đoạn văn ấy có thể chứng thực số hàng hóa Đại sán qua Quảng nam vì mục đích tặng biếu hay buôn bán, qua nhiều một cách lạ lùng; Phan thứ Canh chỉ trích những “cây đoạn theo chữ vàng”, là một món trong số hàng hóa đấy. Người ta lại có thể suy tưởng những khí cụ dùng trong các phật hội do Đại sán chủ trì tai Quảng nam, nhất thiết đều do Đại sán cung cấp cả. Và trong thời gian lưu trú đất Việt, từ Phúc châu trở xuống, quan chí dân đều cung dưỡng rất thành kính long trọng, từ các món tiền, gạo, yến sào, dầu dấm, tương muối, cho đến kỳ nam hương, trân châu, vàng bạc, người ta đem đến tặng biếu ngày nào cũng có; gia dĩ Phúc Châu hưởng ứng nhân duyên trùng tu Trường thọ am của Đại sán, khảng khái xuất ra 50000 lượng bạc (ngũ thiên kim) để cúng dường làm kinh phí kiến trúc Trường thọ am đại điện; lúc Đại sán sắp sửa lên đường, Phúc châu còn tặng nhiều gỗ quý để giúp vào việc trùng tu trúc am ấy (nói rõ ở đoạn sau). Phân cam dư thoại cũng chép rằng: ( sau gnhe nói y buôn lậu qua An nam, chở về hàng thuyền các loại  trân báu như tê giác, ngà voi, san hô, châu ngọc……trị giá hàng vạn mà các quan địa phương chẳng ai động đến). . Xem thế dầu Đại sán không có mưu tính kinh doanh thương nghiệp, nhưng kết quả chuyến du hành Quảng nam, y thu hoạch được vàng trân báu, không phải là ít, khó lòng tránh khỏi sự kinh ngạc của giới nhân sĩ Lãnh nam; do đó có những đồn đại buôn lậu với Quảng nam và gây mầm họa cho y sau nầy.

Thuộc về đầu đuôi việc Đại sán bị bắt bị trục xuất và bị giam chết, Phân cam Dư thoại chép rằng: “Hứa Trung thừa Tự Hưng làm án sát sứ (Hiện nay do Hà nam bố-chánh-sứ thăng Phúc Kiến tuần vũ), rất ghét Đại Sán, bèn ra lịnh bắt trị; xét rõ gian trạng trước sau, đánh đòn đuổi đến Cống châu. Y đình chú ở sơn tự, hưng khởi trở lại, tín đồ quy y rất đông.Giang hữu Lý Trung thừa Cơ Hòa lại đuổi đi, áp giải về nguyên quán, giữa đường chết ở Thường sơn”.

Đại sán sinh và mất năm nào, Hummel chép: “Thanh đại danh nhơn liệt truyện”, vừa dẫn ra trên đây, ghi vào công nguyên 1633-1702 (tức Sùng Trinh năm thứ sáu đến Khương hy năm thứ 41). Nay xét bài của Mậu thị, năm Thuận Trị Mậu tý (1648) lúc Giác lãng thiền sư tạ thế, Thạch liêm mới 16 tuổi, thì năm sinh của ông ta chắc chắn là năm 1633, nhưng bút giả chưa tìm được điển cứ nào có thể chứng tỏ Đại Sán mất vào năm 1702.

Xét Hưa tự Hưng nhiệm Quảng đông án sát sứ vào năm Khương hy 41 (1702), tại nhiệm 2 năm, năm Khương hy 43 (1704) thăng Hà nam chánh bố sứ[16][16]. Còn Lý Cơ Hòa do Hồ Bắc bố chánh sứ thăng Giang Tây tuần vũ vào năm Khương hy năm thứ 43 (1704).[17][17]Thế thì Đại sán bị Hứa tự Hưng bắt tra hỏi và đuổi về Cống châu sơn tự phải ở vào khoảng nămKhương hy 41 (1702); y lưu lại ở Cống châu chừng 1 năm, nhơn đó “phục hưng trở lại, tín đồ quy y rất đông”, cho nên Khương hy năm thứ 43 (1704). Lại bị Giang tây Tuần vũ Lý cơ Hòa đuổi, áp giãi về nguyên quán, nửa đường chết ở Thường sơn.

Việc Hưa stự Hưng xử án Đại sán, phải chăng có quan hệ với lời hạch tội của Phan thứ Canh, việc đó hiện nay chưa có cách để đoán định được, nhưnh trong đó có những dính lúi quanh quanh hay hay. Khoảng tháng 8 năm Khương hy thứ 30, lúc Hứa tự Hưng đương nhiệm chức Đồng Tri Mân Châu vì những lỗi “làm nhục thuộc viên và hạch xá đòi ăn hối lộ tiền bạc, ngựa….” bị tuần vũ Y Đồ dâng sớ tham bạch, phải bị cách chức, qua năm 34, quyên tiền được phục chức, năm 38 được bổ Hồ Quãng hạ Kinh Nam đạo, năm 41 đổi đi Quảng đông Án sát sứ. Kịp đến tháng 12 năm 45 lại nhơn việc thẩm án chẳng đúng sự thật, bộ xử phạt giáng 1 cấp, đổi đi chỗ khác; sau nhờ Tuần vũ Uông Hạo dâng sớ xin cho giáng cấp lưu niệm, được triều đình chuẩn y; tháng 11 năm 48, thăng tần vũ Phúc kiến.

Do đó, mà xem chứng tích của Hưa Tự hưng trong lúc làm quan, đâu đã chắc thanh liên đúng bậc, thì việc xích trục Đại sán có thể nghi ngờ là “mọi đen ăn thịt mọi đen” (kẻ có tật bắt kẻ có tỳ). Vậy Vương sĩ Trinh trên bài văn dẫn trên, viết tiếp rằng: “Ta chẳng biết rõ Hưa Trung thừa, cứ một việc này, thực khá gọi “trụ đồng ngăn sóng cả”; nghe nói ông làm quan cũng rất thanh liêm, cứ xem việc này, nếu chẳng phải kẻ “uống nước ao tham, cũng chẳng thay lòng đổi dạ”, thì làm sao được như thế”. Lời nói trên đây, chính là sự chìm nổi quan trường của Tự Hưng mà nói vậy.

III. CUỘC DU HÀNH QUẢNG NAM CỦA THÍCH ĐẠI SÁN

 Nói về chính truyện. Hiện tại chúng ta thuật lại đầu đuôi câu chuyện lữ hành Quảng nam của Đại Sán. Đại nam liệt truyện tiền biên (quyển 6) chép tiếp rằng: “Anh Tông Hoàng Đế thường khiến Tạ nguyên Thiều qua tàu cầu Cao tăng, nghe Liêm giỏi thiền học, bèn qua thỉnh cầu. Liêm mừng, cùng Nguyễn Thiều vượt qua bể Nam, đã đến nơi cư trú tại chùa Thiên mụ, Hiễn Tông Hoàng đế thường vời ông vào ra mắt, cùng đàm luận thiêng giáo. Hòa thượng trọng sự học uyên bác của ông, rất yêu quý kính lễ, ông khéo tùy việc can giám, cũng có bổ ích”.

Đoạn văn ấy cho chúng ta ấn tượng như sau: “Lúc Anh Tông (tức Nghĩa Vương Phúc Trăn, 1687-1691) còn tại thế, từng khiến Tạ Nguyên Thuiều qua Quảng đông rước Thích Đại sán. Sau khi đến Thuận Hóa, Đại sán ở chuàThiên mụ. Kịp đến ngày Hiển Tông (tức Nguyễn Phúc Châu) kế vị, mới hằng vời ông ra mắt, và rất được Hiển Tông kính trọng. Thực ra đoạn văn ấy truyền chép có hơi kông đúng, có nhiều chỗ cần đến sự đính chính của chúng ta. Nay trước hết xin lược thuật sự tích của Tạ Nguyên Thiều. Đại nam liệt truyền tiền biên (quyển 6) truyện Tạ nguyên Thiều chép rằng: “Tạ nguyên Thiều, tự Hoán Bích, người huyện Trình Hưng, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng đông, năm 19 tuổi xuất gia tu chùa Báo Tư, làm đồ đệ của Khoáng Viên hòa thượng. Thái Tông Hoàng đế Ất tỵ năm thứ 17 (1665) Nguyên Thiều đi theo thuyền buôn qua Quảng nam, lưu trú tại phủ Quy Ninh, dựng chùa Thập Tháp Di Đà[18][18] giảng truyền phật giáo, kế ra Phú xuân sơn, tỉnh Thuận hóa, dựng chùa Quốc Ân[19][19], xây tháp Đồng phổ, sau phụng mệnh Anh Tông Hoàng Đế qua Quảng đông rước Thạch Liêm Hòa thượng và thỉnh tượng phật, chuông khánh lúc trở về phụng sắc cho trụ trì chùa Hà Trung[20][20], lúc lâm bịnh tập họp tăng chúng dặn dò, cầm bút viết bài kệ rằng: “Lặng lặng gương không bóng, sáng sáng ngọc chẳng dung, lọng lọng vật chẳng vật, mờ mờ không chớ không”. Viết xong ngồi thẳng mà tịch, hưởng thọ 81 tuổi. Các môn đò và các quan tể từng quy y thọ giới, dâng tháp ở cửa chùa để chôn dấu xá lợi, tâu vua xin làm bài ký Minh Hiển Tông Hoàng đế ban cho Thụy hiệu Hạnh đoan thiền sư, và làm một bài “ký” ghi chép công đức”.

Căn cứ theo bài này, thời trong giới phật giáo, Tạ nguyên Thiều là một vị tiền bối của Đại sán, Đã qua Nam từ Ất tỵ, năm thứ 17 đời Thái Tông (tức Hiền Vương Phúc Trăn 1648-1687) tức Khương hy năm thứ 4 (1665), và từ ấy ở luôn lại Quảng nam. Năm ông mất tuy không có Sử văn có thể dẫn chứng, nhưng cứ theo bài dẫn chứng trên đây, thì có lẽ vào năm đầu Minh Vương mới lên ngôi và trước ngày tới nước Việt của Đại sán, tức khoảng Khương hy năm thứ 30 đến nửa năm đầu năm 33; vì vậy Hải ngoại kỷ sự không hề nói đến tên ông ấy[21][21]. Chúng ta vốn chẳng phủ nhận việc Tạ nguyên Thiều phụng mệnh Anh Tông (Phúc Trăn) qua Quảng đông rước mời Đại sán, nhưng trên sự thực Đại sán chưa hề cùng đi với Tạ nguyên Thiều qua Quảng nam. Nói cách khác Đại sán đi qua Quảng nam không phải kết quả trực tiếp của Nguyên Thiều rước. Nguyễn phúc Châu Hải ngoại kỷ sự tự viết rằng: “Trường thọ Bản sư lão hòa thượng, ta từ ngày làm thế tử đã bao năm ngưỡng mộ, Tiên vương đưa thư mời rước hai lần chẳng qua. Mùa thu năm Giáp tuất, ta muốn vâng chịu Bồ tát giới pháp, nối chí trước đôn đốc thỉnh cầu, quả được như ý nguyện”.

Và Đại sán trong sách hải ngoại kỷ sự (K.1 1b) cũng chép rằng: “Ngày mồng 4 tháng 8 (năm Giáp tuất) Tri khách gõ cửa có sứ nhân nước Đại Việt đến; mời vào ra mắt, sứ giả là người tỉnh Mân (Phúc kiến), tay nâng một phong bì giấy vàng rất cung kính, sụp lạy dâng lên, vớilễ vật các thứ vàng nam song hoa, lụa vàng và kỳ nam, dâng lễ xong, quỳ gối thưa rằng: “Đại Việt quốc vương đã bao lần ngưỡng mộ lão hòa thượng, ngày nay đốt hương xa lạy, dâng phong thư trước tòa sư tử, kính thỉnh cầu đạo giá lai lâm; nếu khứng chịu lời, thực là phước lớn cho tiểu quốc”. Kể từ Tiên vương có thư mời, đến nay nữa là 3 lần, mời đến 3 lần, cũng đã thành tâm lắm vậy”.

Xem đấy đủ thấy Quảng nam Nguyễn Vương thỉnh cầu Đại sán nguyên từ thơì Tiền Vương (tức Phúc Trăn), đến nay qua lại đã đến ba lần, và lần này ngoài bức thư của Đại việt Quốc vương (tức Phúc Châu) còn có thư riêng của quốc sư Hưng Liên (Quả Hoằng) nữa. Đồng thời chúng ta cũng biết rằng, nếu Tạ nguyên Thiều phụng mạng đi rước Đại sán, quả như lời Đại nam Liệt truyện  tiền biên đã chép, thì có lẽ là 1 chuyến trong chuyến trước; còn người tỉnh Mân, sứ giả thứ ha Đại việt, trọng chuyến này, sách Hoa di biến thái (quyển 22) chép lời khẩu cung của chủ thuyền Quảng đông, chuyến 36 năm Hợi (1695), nói rằng: “Nhưng mà Quảng nam Quốc vương lâu nay vẫn quy y phật giáo, sẵn lòng hâm mộ Thạch liêm thiền sư, cư trú tại Quảng đông Trường thọ am, là người có đạo đức thịnh tốt, cho nên mùa thu năm ngoái từng sai Trần Thiêm Quan và Ngô Tư Quan, hai tên ấy làm chuyên sứ đi qua Quảng Đông rước mời[22][22]. Vậy khá biết “người tỉnh Mân, chuyên sứ nước Đại việt, mà Đại sán đã bảo đấy, là chỉ hai người Trần Thiêm Quan và Ngô Tư Quan. Hai người ấy hiển nhiên là thượng khách từng qua lại buôn bán giữa Quảng đông và Quảng nam, nhưng trong hai người, hình như Trần Thiêm Quan có một lai lịch có giá trị hơn. Cứ theo báo cáo của bọn thương khách, chép trong sách Hoa di biến thái (quyển 11), thì Trần Thiêm Quan từng làm thuyền trưởng thuyền Quảng nam chuyến 73, ngày 12 tháng7 năm Bính dần, Khương hy năm 25,1686) do Quảng nam đến Trường .

Đối với sự mời rước đến hai ba lần của Quảng nam Quốc Vương, Đại sán lẽ ra vui lòng tiếp nhận. Hải ngoại kỷ sự tiếp theo đoạn văn vừa dẫn trên, chép rằng: “Chưa lên phương bắc , nhân còn nhàn rỗi, sao chẳng rong chơi hải ngoại đi đến chỗ lạ tai mớ mắt, hoặc giả sơn xuyên, phong thổ nhân vật, còn nhiều thứ ngoài tầm nghe thấy của ta chăng”?

Ly Lục Đường Tập (k-12 23b-24a) cũng chép một bài thơ để là (An nam thư sính) theo điệu “Độ Vân Giang”

BÀI THƠ

Nơi hoang phục cũng trong đồ bản,

Gió xuôi vượt biển một phen.

Áo môn sắm sửa khi thuyền,

Tuy nơi có rẽ (phân mao) cũng miền phong nhiêu.

Quốc vương trước, gởi nhiều thư trát,

Nay tân triều há biết danh ta.

Ân cần sính lễ đưa qua,

Vàng thoi, đằng trượng, với là kỳ nam.

Sai sứ giả thư hàm kính đệ,

Nâng hoàng phong rạng vẽ long vân.

Thuyền hồng chờ đón Hải tân,

Nhờ đem mưa ngọt thấm nhuần cỏ khô.

Nhớ câu “phu hãi thừa phù”.

Còn về thời kỳ khởi hành của Đại Sán (lời báo cáo của chủ thuyên Quảng đông, chuyến 36, năm hợi), vưad dẫn ở trên nói tiếp rằng: “Thạch liêm cũng cảm lòng mến mộ của Quảng nam Quốc vương, bèn cùng đệ tử vừa tăng vừa tục chừng 100 người. khoảng trung tuần thang 5 năm nay, do Quảng đông khởi trình qua nam.

Lại cứ theo hải ngoại kỷ sự; đêm treo đèn thượng nguyên tháng giêg năm ất hợi (Khương hy năm 34 tức 27-2-1695), Đại sán đem tăng chung hơn 20 người lên thuyền ở Hoằng phố, qua giữa trưa ngày 16-1 kéo buồm, trên đường đi ngang qua Đồng Quảng, Hỗ Môn, Lỗ Mán sơn, ngày 27 tháng giêng thuyền đến cù lao Tiêm Bích la (Poulo Cham) ngoài cửa Hội An, bình yên vô sự. Từ đây đổi sang chiến thuyền của Minh Vương sai đón, qua ngày 28 thẳng đến thành Thuận Hóa, định cư ở Thiền lâm tự[23][23] (chứ không phải Thiên mụ tự), lam khách quý của Minh Vương Nguyễn Phúc Châu.

Nguyễn phúc Châu là vị quân chủ trẻ tuổi hăng hái, kế vị từ 4 năm trước, lúc ấy mơí 17 tuổi, ông đã bao phen xuất binh đi đánh Chiêm thành, năm Quý dậu (Khương hy năm 23, 1693) thâu phục đất xứ ấy đặt trấn Thuận thành; lại nguyện muốn quy y Phật để cứu đời. Việc rước mời Đại sán qua Quảng nam, chính do tôn giáo tính của ông làm động cơ thúc đẩy, và sau Đại sán đến Đại việt, trên thực thực tế lúc nào cũng lấy lễ sư phụ tôn thờ, mỗi việc đều bàn luận hỏi han, thái đọ rất khẩn thiết. Ví dụ như lúc tiếp kiến Đại sán lần đầu, Minh vương liền nói rằng: “Đệ tử hâm mộ đạo phong của Lão hòa thượng đã lâu, nay may mắn chẳng vì xa xuôi mà bỏ, xin rũ lòng dạy bảo, ngõ hầu để đệ tử biết đường chánh để noi theo”.

Đại sán thưa rằng: “Đạo của nhà vua, ở nơi trị nước an dân. Đạo chỉ có một nhưng địa vị từng người khác nhau, nếu kẻ cai trị quốc gia, lơ bỏ tất cả chánh lệnh kỉ cương, để cưỡng cầu thanh tịnh, ấy là chẳng biết thanh tịnh vậy. Nếu quả thực những nhưng không dục vọng, lạt lẽo không doanh cầu; trong lòng hư linh, thời tùy việc thuận lý, tùy vật ứng phó; tuy ngầy xử trí muôn việc, cũng chẳng có một việc, một vật gì quấy rầy, bởi thế nước trị an dân, rủ áo vòng tay không làm mà nên đạo; thanh tinh tột bậc, Đế vương phật tổ nào có khác biệt bao nhiêu”.

Trong những hoạt động tôn giáo ở Quảng nam của Đại sán, chỉ việc triệu tập tăng chúng toàn quốc mở 3 pháp đàn truyền giáo, là trọng yếu nhất. Việc ấy nhằm cứu tế nhân dân Quảng nam đương thời và thanh trừng những phần tử trụy lạc trong Phật giáo. Sau khi Đại sán đến Quảng nam 4 ngày, Minh vương khiến các quan Nội Giám và Bộ Công suất lãnh linh và thợ hơn nghìn người, trong 3 ngày đêm phải làm xong 5 gian phương trượng và 5 gian liêu xá để làm nơi cư trú cho các thầy trò Đại sán. Đại sán trong sách Hải ngoại k ýuự, cảm thán công tác nhanh chóng và tả tuinhf cảnh của quân nhơn công dịch như sau: “Nhơn hỏi thăm, biết rằng trong nước trăm thứ thợ đều quân nhân làm. Mỗi năm khoảng tháng 3, tháng 4 quân nhân ra các làng bắt dân, những ngưiờ 16 tuổi trở lên,, thể chất cường tráng, đều bắt sung quân, xiết cổ bằng một cái gông bằng tre, hình như cái thang nhưng đẹp hơn. AI tình nguyện tòngqu ân sẽ được cho học chuyên môn một nghành, thành nghề rồi phân phát vào đạo chiến thuyền để luyện tập; lúc hữu sư ra trân đánh giặc, vô sự bắt làm lao dịch trong quan phủ, chưa đến 60 mươi tuổi chưa cho về làng, chung sống với cha mẹ vợ con, vợ chồng, hàng năm, thân nhân đem áo quần vật thực đến thăm mà thôi. Vì thế dân còn lại đều ốm yếu tàn tật, ít có người tráng kiện, cha mẹ sợ con bị bắt lính, con lớn tuổi đều cho ở chùa làm sãi, may ra được khỏi. Vì cớ ấy tăng đò rất đông, nhưng PHật pháp cũng nhân đó mà sinh ra hỗn loạn, chẳng những thiền tông không được đếm xỉa, cho đếnc ác việc luật, luận, cũng buông trôi chẳng chút quan tâm, đến nỗi những phường áo tràng mão ni, nết xấu tật hư còn quá dân quê nơi làng mạc”.

Đại sán cho tệ phong ấy chẳng khá kéo dài, bèn thảo một bài văn, dán lên các cửa chùa để quảng cáo Quảng nam nhơn sĩ, mặt khác Minh vương cũng thương tâm vì thấy Phật pháp trong nước hỗn loạn, ít kẻ chân chĩnh tu hành, vả lại, chính giáo kỷ cương trong nước còn nhiều việc phải canh cải, muốn đem phỏng vấn Đại sán.

Ngày rằm tháng chạp, từ sáng sớm rước Đại sán vào phủ, cùng nhau đàm đạo đến nửa đêm, trên tiệc Minh vương biểu thị rằng: “Tăng chúng phần đông chẳng giữ giới luật, tôi sẽ phát lịnh bài đi các phủ, bắt bọn chúng đem về trình Lão hòa thượng, bắt mỗi người phải cầu chịu 3 đàn giới luật, mới được cấp cho giới điệp, miễn trừ giao dịch tô thuế. Lão hòa thượng nên ra báoth ông tri, định ngày mồng 1 đến mồng 8 tháng 4 sẽ viên mãn cả 3 đàn cũng được. Tôi sẽ đem quyền thuộc và bá quan văn võ, ai có tín tâm, đều cầu làm Bồ Tát giới đệ tử, xin hòa thượng đặt cho đạo hiệu pháp danh….”.

Ngày 13 tháng 3, tốp thứ hai, bọn tăng chúng theo hầu Đại sán, cũng từ Quảng châu đến Thuận hóa bình yên, đồng thời, những liêu xá, bàn ghế, khí mãnh cần dùng để mở giới đàn, cũng đều do Minh vương ra lịnh trù biện hoàn bị. Ngày mồng 1 tháng 4, pháp hội long trọng khai mạc, do Đại sán truyền sa di giới, ngày mồng 6 lại truyền tỳ kheo giới, mồng 8 ngày phật đản, Minh vương đem vương mẫu, công chúa, hậu cung, quyến thuộc, đồng thọ Bồ Tát giới và quỳ thọ Hộ pháp kim thang thư; ngày thứ (tức mồng9 0 Đại sán truyền giới cho tăng chúng; qua 3 ngày sau (tức ngày 12), Đại sán suất quốc sư hai hàng, đới lãnh hơn 1400 tân giới đệ tử, mặc cà sa, cầm bình bát, cử hành lễd cổ phật khất thực và tạ ơn Minh vương đã thành tựu công đức. Minh vương mời hai hàng sư vào cúng chay, đãi trà bọn tân giới đệ tử và ban thêm 300 quan tiền, 100 thạch gạo, khiến quân nhơn gánh đến chùa Thiền lâm, lại đem tất cả giới điệp có đóng Kiềm vương ấn, ban cấp cho tăng nhơn, những người đã tham gia pháp hội. Đến đây, phật lễ lớn nhất từ xưa đến nay tại Quảng nam, mới tuyên bố bế mạc.

Trong lúc, yết kiến Minh vương giữa ngày rằm tháng 2 trước đây. Đại sán cảm thấy: “Ngôn ngữ chẳng thông hiểu nhau, tuy có thông ngôn cũng chưa chắc minh lý, mười điều phiên dịch không được 3, 4, khiến trong lòng có bao nhiêu điều muốn nói, chẵng làm sao uyển chuyển đề đạt được lên quốc vương, nhơn đem các việc muốn nói viết ra giấy trình lên Minh vương. Trình tất cả bốn đều, phân biệt rõ ràng, có lẽ đắc thất lợi hại. Nội dung như sau:

1) Cống hiên trung triều để chính danh hiệu.

Triều ta (Đại sán tự nói) Khương hy hoàng đế thống trị chín châu, mười lăm tỉnh, đất rộng mấy muôn dặm, giáp binh hhùng mạnh cả ngàn trăm muôn; mà đất nước Đại việt lại gần kề tỉnh Quảng đông; nếu khiến sứ thông hảo với các quan Đốc vũ tướng quân, rồi sau dâng biểu tiến cống triều đình, xin phong vương để chính vị hiệu, lấy thanh thế Quảng đông làm nương tựa, thì bọn tiểu khấu các nước lân cận tự nhiên kiêng sợ chẳng dám dòm hành; thực danh chính lý thuận , ngồi hưởng tháibình, mọi việc làm ven toàn vậy. Người xưa bảo: “chẳng đánh mà binh giặc phải thua”, chính là  như thế. Những lý do thông hảo nhà vua sẽ tường trần sau.

2) Đặt binh đồn thủ để củng cố biên thùy.

Bản quốc địa giới liên tiếp Đông kinh (Bắc Kì), chỉ cách một con sông, dọc biên giới chắc có nhiều nơi nên đóng binh trấn giữ. Binh ít thì sợ khi xung đột, binh nhiều thì hao tốn khó lòng, hai lẽ đều khó tính. Lão tăng xem xét sơn xuyên hình thế, có cách giảm bót binh số, chỉ đặt cơ binh (cũng như binh lưu động) mà có thể cổ hủ được; nếu nhà vua dùng sẽ xin tâu bày sau.

3) Thương yêu binh sĩ để khích lệ lòng trung dũng.

Thời xưa trong việc võ bị, chẳng hề phân biệt binh dân, lúc vô sự an cư làm ruộng, lo việc cấy cày, đến khi có việc chiến tranh, ra tòng sung chinh vào đội ngũ. Mỗi năm lúc công nông nhàn rỗi, đem ra tập luyện, giảng cho biết nghĩa tôn quân thân thượng, dạy cho rành phép tác chiến giao phong; bình thời được vui sướng với gia đình, hữu sự ra tận trung báo quốc; tự nhiên dõng khí bách bội, ai nấy đều vui lòng đi lính, chống kẻ xâm lăng. Nay nghe dân trong nước một lúc đã ghi tên vào sổ lính, trọn năm phải phục dịch quan phủ, không được về thăm viếng cha mẹ vợ con; như vậy tuy chúng sợ phép phải tuân theo, nhưng trong lòng sao khỏi oán hận. Sao chẳng khiến quân sĩ luân phiên theo diễn, mỗi năm ở quân phủ phục dịch huấn luyện chừng một quý hay nửa năm; hết hạn cho về làng cày bừa, cùng với gia đình đoàn tụ; bắt chước theo phép quân đồn ngày xưa. Đến lúc có việc phải hưng sư; bắt ra tòng binh, ai lại chẳng hết lòng phò chúa. Như thế người đều cảm kích, giành nhau làm bổn phận, làm sao quân chẳng thêm mạnh, dân chẳng thêm giàu. Các chi tiết về việc này, sẽ có điều ước qui định.

4) Đặt học quan để giáo dục quân tài

Khổng thánh là “Vạn thế sư biểu”, tứ thư ngũ kinh chép đủ mọi lẽ sửa mình trị dời, phải thể nhận cố làm theo, mới sử sự hợp lý được. Nay nhà vua nên lập Quốc học phủ để phụng thờ Khổng thánh, tàng trữ nho thư, mời các nhà lý học danh nho để giảng dạy thánh đạo, từ Vương Thế Tử (con vua), con em các đại thần, cho đến nhân gian những người tuấn tú, đều bắt theo học; sẽ mở kỳ thi hoạch đẻ phân biệt kẻ kém người hơn. Như thế lâu ngày sẽ hiểu biết nghĩa lý cương thường, chánh đại trị đạo, dần dần sẽ trở nên một quốc gia văn minh.

Ngày 24 thánh 4, Minh vương mời 10 đồ đệ của Đại sán, mở một đàn tụng kinh Đại bi đà la ni sám và mời Đại sán ở lại trong Viện để chứng minh. Lúc rãnh cùng nhau nói chuyện cổ kim, luận bàn chính trị. Đại sán nhân những dịp ấy trình bày ý kiến về các việc khoan hình chuộng đức, thương lính yêu dân, thông thường giảm thuế….Minh Vương mỗi việc thảy đều nghe theo, giận mình tuổi trẻ, thấy nghe chưa được rộng rãi. Ngày nọ, trong lúc đương đàm đạo, xảy ra có quân hầu báo cáo trại lính phát hỏa, Minh vương lập tức đem quan binh đến chữa, chặp lâu mới trở về. Đại sán nhân khuyên nhà vua nên tự ái, kiến nghị nên đặt “lệnh tiễn”, gặp lúc trong nước có việc gấp, cần nhà vua phải thân hành thì sai nội giám quan quân đem lệnh tiễn đi, nếu quan quân tiếp được lệnh mà chẳng đến sẽ bị tội không tha. Minh vương nghe rất lấy làm phải, bèn tỏ ý rằng: “Mấy ngày nay đàm đạo, có nhiêù chính kiến vì dân, xin lão hòa thượng chỉ thị từng việc rõ ràng, tôi sẽ cho khắc yết trước triều môn, để vĩnh viễn cùng thần dân noi giữ”[24][24].

Ngày sau (tức 25 tháng 4) Đại sán từ giả lui về, Minh vương yêu cầu ông đem các việc đàm đạo trong các ngày nay chép rõ ra từng việc một. Đại sán bèn điều trần “Lập quốc chánh cước” 18 điều, nội dung các việc thương lính, yêu dân, thông thương, lợi quốc, kỷ cương, pháp độ,…Vương duyệt xem rất mừng, nói với Chưởng sự Nội quan rằng: “Pháp độ dân tình nước ta chưa được đúng đắn, nay nhờ Lão hòa thượng đem lễ pháp Trung hoa, vì ta bày tỏ 18 giáo điều, nên khắc vào bảng treo trước phủ đường, hiển dụ cho văn võ quân dân đều biết. Mặt khác làm 24 thẻ bài, nêu rõ từng loại, nếu có người nào phạm pháp, trái điều luật, sẽ cho kẻ bị thiệt hại cầm thẻ bài đến thưa, bất luận vương thân quốc thích văn vũ quân dân, đều cứ xét luật trị tội, vĩnh viễn nêu làm pháp nước”.

Lại ngày sau nữa (26 tháng 4) Minh vương nghe Đại sán dự định đến tháng 6 sẽ trở về nước, bèn mời Đại sán vào cung khẩn khoản xin lưu lại; trên tiệc, Đại sán thuật chuyện Thanh Thế Tổ sùng tín tam bảo, Hoàng đế đương kim (tức Thánh Tổ) rất thần thông nhân từ và các viên Lưỡng Quảng tổng đốc, Tướng quân, Đề đốc, Tư đạo rất thanh liêm tài cán; nhơn khuyên Minh vương làm biểu văn cầu phong. Vương đáp rằng: “Nay nghe Lão hòa thượng thuật chuyện, mới biết rõ ràng. Ta ở nơi góc biển xa xuôi, vốn chẳng am tường lễ giáo; tuy sẳn lòng qui thuận, nhưng tiểu quốc xưa nay chưa hiến cống lần nào, nay đường đột dâng biểu thỉnh phong, e biên giới đại thần chẳng sẳn lòng đề đạt, chỉ mất công đi về mà thôi. Lão Hòa Thượng chẳng lưu lại hạ bang, sau khi hoàn sơn (về chùa) xin vì ta trần tình với các nhà đương sự tỉnh Việt. Nếu tiếp được tin cho phép tiến cống, ta sẽ sắm sửa các vật thổ sản và làm biểu dâng lên ngay, quyết chẳng sai lời.

Đại Sán viện những lí do: (Nhơn tạm nghĩ qua nam, còn chờ ngày phải đi lên phương bắc; vả lại, xây cất nhà cửa chưa xong, đại chúng đương chờ đợi) v.v…Ngày mồng 3 tháng 6, từ giả Minh Vương xin đi, và quyết định ng ảyằm tháng sáu sẽ dời khỏi Thuận Hóa đi Hội An để sắp sửa ngày về nước cho kịp mùa thu gió thuận. Quốc vương lưu lại đãi chay, mỗi lúc nói đến chuyện chia phôi, nghẹn ngào bảo rằng: “Từ ngày lão Hòa Thượng đến đây, tiểu bang đã được nhờ ơn tám chữ “Phong điều vũ thuận, quốc thái dân an”. Mấy năm trước tầu ngoại quốc đến buôn bán, một năm chừng 6,7 chiếc, năm nay tăng lên 16, 17 chiếc, trong nước tiêu dùng nhân đó được dư dũ, ấy cũng nhờ phước đức Hòa Thượng che chở vậy. Chưa biết phen này hòa thượng về bửu sơn cong khứng trở qua nữa chăng? Nửa năm náo nhiệt, một phút vắng tanh, khiến người phải khởi thương rơi lụy. Đạo giá không thể lưu lại, xin để lại vài người đồ đệ, khiến sớm chiều gần gũi, cũng như gặp mặt tôn sư. Lão Hòa thượng sai bảo điều gì, tôi đều phụng mệnh cả, nay tôi sở nguyện có bấy nhiêu, xin hòa thượng chớ từ”. Đại Sán thâm lòng ái mộ của Minh vương bèn thương lượng lại hai tên, hậu đường Khánh Ngu và Tri khách Thiên Vũ, để phục tại Giác Vương Nội Điện phần tu sở.

Trên đây tường thuật tình hình đối xử giữa Minh Vương cùng Đại Sán và những lời đàm đạo với nhau, khiến người ta có thể tưởng thấy vị thanh niên quân chủ đã thành tâm đối đãi Đại Sán và khiêm hư tiếp thụ những lời chỉ  đạoc ủa ông ấy như thế nào. Thứ nhất là việc “Dâng biểu cầu phong”, h nhieển gui]aã Minh Vương với Đại Sán đã thông cảm nhau một cách triệt để, việc ấy rõ ràng do Đại Sán chủ động, dụng ý muốn mượn việc ấy để tăng giá trị của mình. Mặt khác, Minh vương cũng không tỏ ý nghi ngờ, nghĩ rằngtrong tình thế đối với họ Trịnh ở phương bắc, dựa thế Thanh triều và các nhà đương cuộc Quảng Đông cũng là một việc rất cần yếu, vì thế hoan nghinh đề nghị của Đại Sán, và mong mõi sau khi về nước ông ấy sẽ vận động giúp cho.

Ngày 28 tháng 6 cả bọn thầy trò Đại Sán đi trên 8 chiếc Hồng thuyền và 8 chiếc thuyền cọ (Điến xá) lìa bến Thuận Hóa, đi ngang chùa Hà Trung, chiều tối ra đến của biển. Quốc vương đã từ ngày 18 đem các quan văn võ đi trước đến của bể làm thủy các để tiển đưa Đại Sán. Sáng bữa sau (ngày 29) Đại Sán đến ra mắt Quốc Vương, ngày 30 quốc vương đi với Đại Sán du lãm chùa Vĩnh Hòa ở núi Khuê (Quê Phong). Ngày 1 tháng 7, Đại Sán từ biệt quốc vương lên thuyền ra cửa bể, đi ngang ngũ hành sơn, ghé chơi chùa Tam thai[25][25]. Chiều hôm ấy thẳng đến Hội An, sáng ngày mai (ngày 2 tháng 7) lên bờ đình trú tại chùa Di Đà[26][26]. Chùa nầy chật hẹp, không đủ chỗ dung nạp cả tốp đông nhân viên. Lúc đầu Đại Sán nghĩ tạm lưu trú ít ngày sẽ lên tầu về nước; không cần làm thêm nhà cửa làm chi cho quân lính phải khó nhọc. Nhưng viên cai bá và nội quan không giám làm trái lịnh quốc vương, lâm thời triệu tập quân nhân, cất vội 8,9 gian nhà để làm nơi tạm trú cho Đại Sán.

Đại Sán đình lưu Hội An chừng 15 hôm, trong thời gianays cũng khá bận rộn. Đến Hội An được vài hôm đã có bọn tăng nhân và bình dân, những ngườichưa tham d ự pháp hội đầu tháng 4, đến cầu xin thụ giới; Đại Sán vui vẻ nhận lời, chọn ngày mồng 7 mở pháp hội để hoàn nguyện “truyền bồ tát giới” cho hơn 300 người, và khiến Quốc sư và hậu đường cấp phát chứng điệp. Ngày 19, Đại Sán rời Hội An, sớm bửa sau đến Tiêm Bích La (Cù Lao Chàm) lên thuyền chờ gió, đến ngày 30 mới kéo neo vượt biển; chằng ngờ chiều hôm ấy gió chuyển chiều thổi nghịch, qua sáng ngày mồng 1 tháng 8 thuyền bị đưa trở lại Tiêm Bích La. Đại Sán suốt đêm không nhắm mắt, gia dĩ đi thuyền nhọc mệt, bị cảm, nhức đầu sôi bụng, lúc nóng, lúc lạnh, ăn uống chẳng được, buộc phải lên đảo Tiêm Bích La tạm thời tĩnh dưỡng; sau nhân gió mãi không được thuận, phải quyết định lưu lại Quảng Nam “áp đông” (ở cho qua mùa đông) chẳng bao lâu lại trở về Hội An. Quốc Vương nghe tin vô cùng mừng rỡ, lập tức khiến triệt phương trượng chùa Thiền Lâm, lợp lại ở chùa Thiên Mụ[27][27] để làm nơi cư trú cho Đại Sán lúc trở ra Thuận Hóa.

Lúc nầy, Đại sán định lưu lại Hội An chừng hơn 2 tháng, bế môndưỡng bêhj, nít đi ra ngoài; sau nhân Minh Vương mấy phen thúc mời, ngày 12 tháng 10 bèn khởi hành đi Thuận Hóa, do đường bộ đi qua Ngãi Lãnh (tức Ải Vân quan) mất 3 ngày ra đến cửa Thuận Hóa. Quốc vương sai công bộ cai bá đem hồng thuyền đón chờ tại cửa bể; sáng ngày đi từ cửa bể, tối hôm ấy đến chùa Thiên Mụ, Thuận Hóa. Ngày sau (ngày 16) Quốc vương mời vào yết kiến, thăm hỏi ân cần. Lúc nói chuyện đến việc cất chùa Trường Thọ, Minh vương khảng khái phát nguyện cúng 5.000 đồng, đảm phụ kinh phí kiến đại điện ấy. Đại Sán về chùa Thiên Mụ làm bài sớ nhân duyên trùng tu chùa Trường Thọ, khen công đức Minh Vương, cho rằng có thể sáng với việc dâng chùa Pháp tướng tại Triết Giang của quốc vương Cao Ly thời nhà Tống. Sớ văn trình lên, minh vương đinh ninh nói rằng: “Sang năm lão Hòa thượng về bên ấy, thay ta xây cất điện đường chùa Trường Thọ, nếu tiểu quốc được phúc ấm đều nhờ tư bi che chở của tôn sư vậy”. Và định đến ngày mùng 4 tháng 11 rước Đại Sán đồ đệ 24 người làm lễ vạn Phật sám kỳ hạn 40 ngày.

Từ đó, Hải ngoại kỷ sự thôi không chép đến hành động của Đại Sán nữa trong lúc lưu lại Quảng Nam và tình hình lúc ông đi thuyền trở về cố quốc. Bài cuối quyển V, Đại Sán chép rằng: “Thắm thoắt hơn một năm, hằng ngày trò chuyện với quốc vương, quần thần, tiếp xúc với tứ phương đại chúng, những điều tai nghe mắt thấy, như chính trị đắc thất, phong tục chánh tà, hay sơn xuyên nhân vật, thảo mộc trùng ngư.v.v…tuy còn nhiều chỗ chưa trải qua nhưng biết xa từ gần, cũng rõ được đại khái. Bởi thế, việc cất câu lớn nhỏ, vật chẳng nệ tốt xấu, hễ gặp việc quan yếu là chép, gặp vật kì dị thì ghi, dám đâu tự cho mình là bậc quân tử muốn hành đạo nam bang, chỉ muốn sao cho phong tục viễn phương được phổ biến kiến văn về Trung Quốc mà thôi vậy”.

Xem đoạn văn trên, chùng ta nhận thấy Đại sán viết đến quyển V, cho rằng tập “kỷ sự” đã đầy đủ, vả lại bấy lâu vất vả mệt nhọc, cho nên sau ngày trở lại Thuận Hóa, chuyên lo tĩnh dưỡng, làm biếng không muốn viết văn. Trên sự thực trên quyển thứ VI, chỉ chép lại mấy bài thiền luận và út bài thơ của Đại Sán trao tặng cho các nhà quí hiển Quảng nam mà thôi.

Đại Sán trong Hải ngoại Kỷ sự thỉnh thoảng cũng nói đến tình tạng Hoa kiều tại Quảng nam luc sbấy giờ. Đầu tiên tả tình hing đường nhơn nhai (đường người tàu) ở Hội an và công việc buôn bán ở đó như sau: “Hội An la nơi bến tàu tập họp hàng hóa ngoại quốc, một con đường lớn thẳng bờ sông dài chừng 3-4 dặm, hai bên đường phố xá ở khít nịt liền nhau, cuối đường là Nhật Bản kiều và Cẩm phố; hai bên sông là Trà Nhiêu, nơi đình bạc của các thương thuyền ngoại quốc. Nhân dân trù mật, cá tôm rau quả bán tấp nập tối ngày. Hóa vật thuốc men, những món hàng ở Thuận Hóa mua không ra, người ta đều mua ở đây cả. Đại ước Hội An đông nam bắc 3 mặt gần bể, chỉ có mặt tây một con đường núi non liên tiếp giao thông với Tây việt và Đông kinh. Bởi thế, cách phia tây chừng 10 dặm có đặt nha Trấn Thổ giống như Vương phủ, để phòng ngự biên cương”.

Và cứ theo lời Đại sán ghi chép, phía hữu chùa Di đà có miếu thờ Quan công rất nguy nga, và quán chỉ Hội quán Phúc kiến cũng ở đó. Đại sán nhận thấy ở đây khách trú ngày càng đông đảo, đến lúc mãn phần quá cố, bơ vơ lữ thấn, nắm xương đành gởi quê người, bèn viết một bài khuyến cáo, dặn Quả Hoằng Quốc sư cùng với thương khách Phúc kiến đề xướng mở một vùng nghĩa địa để làm nơi chôn cất di cốt những kiều bào bất hạnh, an giấc nơi tha hương. Ông lại hưởng ứng lời Quốc sư, làm một bài sớ văn khuyến quyên để tu bổ chùa Di đà. Ngoài ra Đại sán cũng có ghi chép sự tích của một vài Hoa kiều như sau:

1) Trong thời gian lưu trú ở Hội An lần thứ hai, Đại sán thấy trong bọn Hoa kiều có hai người kế nhau tạ thế. Hải ngoại kỷ sự (K.4.28a) chép rằng: “Bẩm chất người phương Bắc đến đây hay sinh bịnh, vã lại, đieeuf dưỡng không biết cách, bịnh trở nên nặng càng mau. Trước đây vài ngày một người lính hầu Hữu giai, người Giang bắc, chết ở Thuận hóa; nay chủ Điềm ba Đường người Sơn tả lại qua đời ở Hội an. Tuy sống chết do mạng trời, nhưng người cũng có quyền di chuyển, chẳng qua Bắc nam bất phục thủy thổ mà ra cả”.

2) Tăng văn Lão người Phúc kiến phạm tội nặng, bị án xử tử, đương gia, trong ngục để chờ ngày hành hình. Bỗng ngày nọ chết đói, sau 5 ngày lại hiôì sinh. Ngày 24 tháng 4 người vợ đón đường Đại sán lúc đi vào Vương phủ, cầu xin trần thuyết giùm khổ tình với nhà vua. Đại sán nhận lời và tỏ bày việc ấy cho vua rõ. Minh vương tức htì hạ lịnh phóng thích Tăng lão, đồng thời phóng thích những tù nhân nhẹ tội, và giảm án cho những người trọng tội đương bị giam

3) Trương Tiết Phụ, nguyên quán ông bà người Chiết Giang, sing trưởng ở Quảng nam, lấy chồng tên Từ phụ. Lúc Quảng nam giao chiến với Chiêm thành, từ Phụ tòng chinh chết giữa biển. Bà Trương ngày đêm than khóc, khô héo ruột gan, sau tìm thấy chồng trên bãi cát đêm về chôn cất, từ đoa trọn đời giữ tiết, thờ mẹ chồng, nuôi con, thực đúng trang liệt đáng kính. Đại sán vốn thương tâm về phong tục dâm ô ở bản xứ, bèn cảm động viết một bài tứ ngôn cổ thư và bài tự sự để biểu dương tiết phụ họ Trương.[28][28]

4) Có một người Tàu tên Lưu Thanh có lẻ dư đảng của Trịnh thị (Trịnh thành Công) đời nhà Minh, đương lúc Thanh quân đánh dẹp trên mặt bể, (có lẽ chỉ lúc tướng nhà Thanh là Thi Lương, năm Khang hy 22, đem quan công phạt Đài loan) Lưu Thanh về nương tựa Lam tổng binh[29][29], sau lại trôi dạt đến Quảng nam. Đương lúc Đại sán đau nằm ở Hội An, Quả Hoằng Quốc sư mấy lần thôi cử Lưu Thanh lên Minh Vương cho sung chức Cai phủ, quản lý hàng hóa ngoại quốc. Đại sán chưa kịp xeý rõ, tiến cử Thanh lên Quốc Vương, liền được Quốc vương phê chuẩn và khiến chiếu theo lệ cũ, trong 10 ngày trình nạp đủ 10 vạn bạc. Lưu Thanh nhơn việc đó ra các nơi bức sách, làm người ta bị thiệt hại rất nhiều. đến khi Đại sán trở ra Thuận Hóa các Kiều khách và thuyền chủ đều trình bày việc bất chính và cách hành động ngang tàng của Lưu Thanh. Đại sán nghĩ, nếu dùng người ấy làm việc, kẻ buôn bán sẽ bị bóc lột và sẽ làm hại cho dân, bèn viết giấy trình lên Minh vương xin bãi chức Lưu Thanh lập tức.

Trong thời gian Đại sán lưu trú tại Đất Việt, hằng được vương mẫu[30][30] và công chúa (tức chị Minh vương) thiết tiệc chay đãi khoản, lại thường hay giao du với bọn Vương huynh Lệ tuyền hầu, Thiều dương Hầu[31][31], Nguyên lão Đông triều Hầu[32][32], Đại học Sĩ kí lục Hào đức Hầu, cùng nhau tố tặng văn thơ, giảng bàn đạo học. Những thư từ và thơ văn qua lại chép trong Hải ngoại ký sự, phần nhiều giảng bàn về kinh nghĩa, đạo đức, luân lý và chính trị….có những yêu mục như sau:

QUYỂN THỨ I

Thư của Hào đức Hầu (bàn về thơ) (38a-39b)

QUYỂN THỨ II

Lai thư của Hào đức Hầu (7a-9b) và thơ văn của Đại sán đưa tặng (10a-15a)

QUYỂN THỨ III

Bài văn Đại sán viết cho Hào đức Hầu (22b-23b), văn của Đại sán viết cho Quốc Cậu Tả thái úy[33][33] (25a-27b), thư Đại sán viết cho công chúa (28b-31b)

QUYỂN THỨ IV

Văn tạ ân Minh vương ủy vấn (21a-22a), văn của Đại sán viết cho Văn chứcThế Nam[34][34] (22a-25a), thư Đại sán viết cho Vương huynh Lệ tuyền Hầu (26a-26b). Đại sán nghe tin Chưởng Thanh Nguyễn công tả xu mật qua đời, viết thư cho 5 vị công tử và làm thơ ai vãn[35][35] (33a-39b)

QUYỂN THỨ V

Thư Đại sán gởi cho Phò Mã Hữu đồn dinh tức Xu Mật Phó Mã Nguyễn Công[36][36] (7a-8b). Thư hồi phúc Đông triều Hầu (21a-22b). Thư mừng nhị Quốc cậu Tống Công[37][37] thăng chức tả thừa tướng (22b-23b). Phúc đáp thư Đăng long Hầu 924a-27a)

QUYỂN THỨ VI

Thư gởi Đại Việt Quốc Hữu Thừa Tướng Tống Công[38][38] (7b-13b).

Về thời kỳ Đại sán trở lại tỉnh Việt, tại phương diện Trung quốc, không có một sử văn nào chứng thực, nhưng bọn thương khách Quảng nam và Quảng đông qua buôn bán ở Trường kỳ Nhật bản, đều có nói đến rất rõ ràng. “Báo Cáo” của bọn thương khách  tàu Quảng đông chuyến 67, khởi hành từ Quảng đông ngày 16 tháng 6 năm Khương hy 35 (Bính tý 1696) và đến Trường kỳ ngày 13 tháng 7 năm ấy, nói rằng: “Nói về Thach liên thiền sư, cư trú Trường thọ am Quảng đông, vì nổi tiếng đại đức, nên mùa xuân năm ngoái Quảng nam Quốc vương rước đến Quảng nam. Nghe đồn sau khi Thạch liêm đến nước ấy rất được Quốc vương tôn kính, hơn nữa, quân dân trong nước đều nhất trí quy y; tại Quảng đông cũng thường được nghe tin tức. Nhưng Thạch liêm từ mùa xuân năm ngoái ở luôn lại Quảng nam, cho nên tín đồ Phật giáo tỉnh Quảng đông, những người đã quy y với thiền sư ấy, từ mùa xuân năm nay hằng phái thuyền đến Quảng nam tiếp đón; chắc cũng chẳng bao,lâu nữa Thạch Liêm cũng sắp sửa trở về”.

“Báo Cáo” của bọn thương khách tàu Quảng nam (thuyền trưởng Tăng Doãn Quan)chuyến 48 ngày 22 tháng 6 cùng năm ấy (1696) từ Hội an chạy qua Trường kỳ, cũng nói gần giống báo cáo trên, chỉ sau cuối bài có phụ thêm rằng: “Thạch Liên thuật trên đây, nhơn vì Quảng đông hai ba lần cho thuyền qua đón, nên đã quyết định cuối tháng 6 năm nay sẽ trở về nước”. Lại báo cáo của bọn thương khách tàu chuyến thứ 50 (thuyền trưởng Thái cố Quan) ngay 26 tháng 6 cùng năm ấy, do Hội an chạy qua Nhật bản, nói rằng: “Về việc Thạch Liêm thiền sư từ Quảng đông qua nam, bọn thương khách thuyền đến trước đã báo cáo rõ ràng. Sư Thạch Liêm vì có thuyền Quảng đông đến đón, nguyên định cuối tháng 6 sẽ trở buồm, nhưng vì ngày 24 có gió tốt, nên trước thuyền chúng tôi hai ngyà, đã khai thuyền lìa bến Quảng nam”.

Đại Sán lìa bến Hội An ngày 24 tháng 6 (22-7-1696), chùng trung tuần tháng 7 sẽ về đến Quảng đông

Ngày Đạu sán khởi hành về Tàu, Minh Vương lại một phem tống tuyển long trọng và biếu rất nhiều vật phẩm. Tường trình việc ấy tuy không thấy chép trong tập Hải ngoại kỷ sự, nhưng Đại Nam liệt truyện tiền biên (quyển 6) chép rằng: “Ít lâu sau Liêm từ giả về Quảng đông, Minh vương tiễn tặng hóa vật rất hậu, lại biếu cho gỗ quý đem về làm Trường Thọ[39][39]; từ ấy không trở qua nữa, sau nhân có thuyền buôn qua Nam, Thạch Liêm có làm 4 bài thơ “ký hoài” gởi qua hâù thăm, có làm bài “dẫn” đại lược nói rằng: “Một sông núi tỏa, đường cách từng mây, tám độ xuân về, tóc phơ mái tuyết. Lần tính nhân gian ngày tháng, chạnh niềm phương ngoại nhân duyên. Xa nghe phương trượng bồ đoàn, đã có tin mai truyền báo. Nay nhân thuyền khách, kính gởi tin hồng. Tạm dâng thơ mới vài bài, xiết thẹn lời quê chắp nối”

Bài Thơ

Đông phong tân lãng mãn giang tần,

Tưởng kiến hồ sơn vũ lộ tân.

tự thị dương hòa qui thảo mộc,

Thái bình nhơn túy hải thiên xuân.

Dịch Nghĩa

Sóng gió đầy sông cuốn ngọn tần,

Hồ sơn mơ tưởng mốc mưa phùn.

Từ nay câu cỏ đua tươi tốt,

Trời biển thanh bình chuốc chén xuân.

Xem bài ấy Đại Sán từ khoảng tháng 7 Khương Hi thứ 35 (1969) sau khi trở về Quảng Đông, ngoài việc gởi thương thuyền mấy bài thơ thuật hoài, hìnhnhư kh ông có qua lại gì với Việt Nam nữa. Nhưng theo tôi tưởng, chân tướng chưa chắc như vậy. Xét bài của Phan thứ canh, gởi cho đại đương sự tỉnh Việt dẫn ở trên, cuối bài có nói rằng: “Nghiêm cấm việc tư thông với ngoại dương, tư giấy các quan ải, từ nay về sau cấm không cho một người sãi nào ở chùa Trường Thọ được đi ra khỏi cửa biển. Ngõ hầu chấn chỉnh kỷ cương hiến pháp, khỏi di hại cho địa phương” thì có thể suy tưởng sau khi Đại Sán trở về nước, tăng nhân chùa Trường Thọ vẫn thường đi lại giữa Quảng châu và Quảng Nam và việc buôn bán riêng của Đại Sán vẫn lén lút kế tục.

Sau khi Đại Sán đi rồi, ngày mùng 2 tháng 9 năm Khương Hi 34 (tức 3-10-1701) có một chiếc thuyền của cống sứ Tiêm La chạy qua Quảng Đông, giữa đường bị phong nạn trôi vào Quảng Nam. Minh Vương được tin lập tức hạ lịnh tu bổ thuyền ấy và cấp cho gạo lương củi nước; qua khoảng tháng 5 năm sau (1702) lúc Tiêm thuyền khởi trình đi Quảng Đông, Minh Vương khiến bọn Hoàng Thần, Hưng Triệt đem quốc thư và cống phẩm (Kỳ lam 5 cân 4 lượng, vàng sống 1 cân 13 lượng 5 tiền, ngà voi một đôi nặng 350 cân, mây sông 50 sợi), theo thuyền qua tỉnh Việt, ý muốn do Lưỡng Quảng tổng đốc đến Thanh đình chính thức cầu phong[40][40]. Trong biểu văn có nói rằng: “Thầy tôi, Quảng đông Trường Thọ am tăng nhân Thạch Liêm, những lúc giảng tụng kinh điển rãnh rang, thường thuật chuyện Hoàng thượng là bậc thánh thần văn võ, nhân đức như trời. Bọn Quảng Đông giám sinh Hoàng Thần, Tăng nhân Hưng Triệt cũng đến xưng tụng thiên triều thanh giáo, truyền khắp phương xa v.v…”[41][41]

Xem đó thấy khá việc Minh Vương cầu phong vốn do kiến nghị của Đại Sán năm Khương Hi Ất Hợi (1695) làm động cơ thúc đẩy và Minh Vương đã thực hiện lời hứa với Đại Sán. Lại nữa, Việt sứ tháp tòng Tiêm la công thuyền, chứng tỏ Nguyễn chúa Minh vương khéo nắm cơ hội để thực hành tư tưởng “phụng thờ nước lớn” đối với Thanh đình vậy.

Còn về lai lịch của bọn Hoàng thần, Hưng Triệt, Đại nam thực lục tiền biên (quyển 7) chú thích rằng: Thần, Triệt người Quảng Đông, nhà Thanh, theo Thạch Liêm hòa thượng đến yết kiến, nhân khiến đi. Đoạn chú thích ấy, khiến chúng ta nhớ lại lời Đại sán lâm hành có lưu lại Thuận Hóa hai người đồ đệ, tức Tri khách Thiên Vũ và hậu đường Khánh Ngu. Tri khách là một tăng đồ coi việc tiếp đãi tânkhách, còn Hậu đường cũng chỉ chức vị của nhà chùa, tuy dang xưng của bọn chúng, Hải Ngoại Kỷ Sự và Thực Lục Tiền Biên chép khác nhau nhưng chúng ta tin rằng Quảng đông giám sinh Hoàng Thần chính là tri khách Thiên Vũ và Tăng lữ Hưng Triệt cũng chỉ là pháp hiệu của hầu đường Khánh Ngu.

Chúng ta không biết được Đại Sán, sau khi về Quảng Đông có vận động trù bị cho việc Quốc chúa Quảng Nam cầu phong hay không; một sự thực chắc chắn là việc cầu phong dạo ấy không được nhà Thanh chấp nhận. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (quyển 7) chép rằng: “Thanh đế hỏi các quan đình thần, đều bảo rằng nước Quảng Nam hùng cứ nhất phương, chiêm thành, chân lạp đều bị gồm thâu, sau này chắc sẽ trở nên nước lớn? Nhưng an Nam còn có họ Lê, không nên phong vương một họ khác. Việc ấy bị bỏ qua”. Xét lại từ năm Khương Hi thứ 2 (1663) Lê Huyền Tông lần đầu khiến sứ cầu phong trở về sau, nhà Thanh chỉ thừa nhận Lê triều ở Bắc Kì (Đông Kinh) làm phiên quốc, thì cự tuyệt việc cầu phong của chúa Nguyễn, nhà Thanh cũng có lí do chính đáng. Nay chỉ xét việc thúc đẩy Nguyễn vương cầu phong, trên sự thực, nhân vật đứng sau màn chính là Đại Sán, và cũng trong năm ấy (tức Khương Hi 41) Đại Sán bị Quảng Đông an sát sứ Hứa Tự Hưng bắt giam và phóng trục, thì chúng ta có thể suy tưởng có những thêu dệt trong việc nầy, có thể đoán rằng việc cầu phong của Nguyễn vương, cùng với việc “hỏng chân” của Đại Sán, thế nào cũng có nhân quả tương quan, nhưng việc nào là quả, việc nào là nhân, cứ theo sử liệu có thể tin cậy, hiện nay chúng ta chưa có thể phân tích được. Tuy thế thời ấy giữa Quảng nam với các nhà đương cục Quảng Đông không phải tuyệt nhiên không có vãng lai giao thiệp. Ví dụ, Lê Quí Đôn, Vũ biên tạp lục chép rằng: “Thuận hóa với tổng đốc Quảng Đông, thường thông tín qua lại”, và sách ấy có thâu chép tờ thư văn của Minh vương gởi cho Quảng Đông tuần vũ và bài văn tế gởi điếu Lưỡng quảng tổng đốc Dương Lâm. Do đó biết trên sự thực, Quảng đông đốc viện muộn lắm cũng cuối thời Minh vương, vẫn thừa nhận Nguyễn vương ở Quảng Nam.

Đại Sán nhất sinh li kì biến hóa, và năm về già lại bị nạn lao tù; tuy hành vi thái độ của ông, khá khen mà cũng khá chê nhiều, nhưng chúng ta cũng nhận thấy ông ta có một nhân cách phóng lãng không chịu bó buộc. Thực như bài Hải ngoại kỷ sự đề yếu, trong bút kí tiểu thuyết đại quan bản đã viết: “Tuy có những tiếng tăm bất ngờ, nhưng ông vẫn là người thác cớ để lánh đời, muốn mượn văn chương để tỏ chí mình, điều đó thực rõ như ban ngày vậy”. Hơn nữa, đáng cho chúng ta chú trọng là sự thành tựa trên việc quốc dân ngoại giao. Còn các việc khác như trong chuyến du hành Quảng Nam, Đại Sán đã làm cho vua tôi Nguyễn phủ cảm mến và long trọng cúng dưỡng, cho đến thái độ thành thực của Đại sán đối với họ, tuy những ghi chép trong Hải ngoại Kỷ sự chẳng khỏi có khoa trương tô vẻ thêm ít nhiều, nhưng cũng có thể xem như một phụ trương có thú vị trên lịch sử quan hệ Trung Việt, xứng đáng cho Trung Việt nhân sĩ suy nghĩ vậy. Đại nam thực lục tiền biên, cuối bài “Thạch liêm truyện” chép rằng: “Khoảng năm Minh mạng (1821-1840) Trương hảo hiệp phụng phái qua Tàu, đến chơi chùa Trường thọ, chủ trì chùa ấy còn nhắc nhở sự tích Thạch Lão”, đó cũng là một chứng cớ rõ ràng.

               


 [1][1] Bản ấy hiện tồn trữ tại kho sách Trung Ương đồ thư quán thôn Bắc câu, làng Vụ Phong, huyện Đài Trung, Đài Loan. Tồn-Đài-Văn-Vật thanh sách của Quốc Lập Trung ương đồ thư quán sách thứ 5 (nguyên chữ 5, trước để thùng 95) chép rằng: “Hải ngoại kỷ sự 6 quyển, 2 tập, do Thích Đại Sán soạn, nguyên san bản khoảng Khương Hy đời nhà thanh”.

 [2][2] Hải ngoại kỷ sự (quyển 4-18b) chép rằng: “áp đông là từ chỉ sự đình lưu qua năm sau tại nước khác của các tàu biển”. Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí (Sơn Xuyên Chí) cũng chép rằng: Các tàu Trung Quốc phải đợi đến mùa xuân có gió đông bắc, gió xuôi, mới đi qua và phải đợi đến mùa hạ có gió nam mới trở về được. Nếu trễ qua mùa thu trở gió, phải đậu lại từ mùa thu suốt đến mùa đông , gọi là “lưu đông”  cũng gọi là “giáp đông”..

 [3][3] Thuộc về biên soạn và nội dung của sách Hoa D biến thái xin xem bài “Thanh sơ thương thuyền chi Trường kỳ mậu dịch dữ Nhật Nam thuyền vân” của bút giả, đăng trong Nam dương học báo, quyển thứ 13, tập 1.

 [4][4] Đạo-diệp Quân-Sơn biên tập, Chu Thuấn-Thủy toàn tập, Đông kinh văn hội-đường thư-Điếm, Minh-Trị năm thứ 45 xuất bản, trương 541-565.

 [5][5] Mã tuấn Lương long Uy-bí thư (san hành năm Càn-Long thứ 39) tập thứ 7 và thu vào trong quyển thứ 10 bộ Dư địa tùng sao của Vương-Tích-Kỳ, Tiểu-Phương-Hồ-Trai, đời nhà Thanh.

 [6][6] Tiểu-Phương-Hồ-Trai Dư-địaTùng-sao, quyển thứ10, và học hải loại biên do Tào-Dung và Đào-Việt biên soạn, tập thứ 8, Du-Lãm có thâu chép.

 [7][7] Trong các bài tựa tập này, bài t ựa của Lý phương Quảng (Đinh mão 1687) và của Mao khả Tế (Mậu thìn 1688) đều đề: (HÁN ÔNG YÊN DU thi tự); còn các bài khác đề : (Ly lục Đương thi tập tự) hay là (Hán Ông thơ tập tự), bài tựa của Trương Tỗng đề lạc khoản làm Đinh tỵ (1677) quý hạ, bài của Phàn sử Đạt đề Bính tý (1696) đông thập nguyệt, bài của Ngô thọ Tiềm đề Kỷ mão ? (1699) bát nguyệt, bài của Đào Huyên cũng vậy, do đó có thể suy tưởng từ Khương hy năm 17 (1677) sau khi Đại Sán đi Bắc kinh về, đã có ý xuất bản thơ tập, lúc đầu tính đề tên “HÁN ÔNG YÊN du thi”sau vì cớ nhằng nhai mãi đến năm Khương hy 38 (1699) mới tổng hợp các tập thơ cũ và lấy tên  “Ly lục Đường thi” cho xuất bản. Tập thơ ấy đến năm Càn long 53 (1788) bị liệt váo số những sách do tỉnh Chiết giang xin tâu bỏ. Duyên cớ hình như tập ấy có liên quan với các sách bị cấm của Khuất đại quân và tập Lâm huệ Anh Liêm biên trấp, Dân quốc năm thứ 36 Thươnh vụ ấn thư quán xuất bản).

 [8][8] Mặt khác, ở trong tập của các nhà thơ đương thời cũng rải rác thấy có những thơ văn liên quan đến Đại Sán. Ví dụ như Ngô viên Thứ Lâm Huệ Đường văn tập tục khắc, thấy có bài (Thạch Liêm Thượng nhơn thơ tập tự) (quyển 2) và bài (Hán Ông Triều hàng thi tự) (quyển 3) vaì Từ hoàn Nam châu Thảo đường tập thấy có bài đề “Hương Tuyền Lang làm tặng Thạch liêm Thuyền sư.

 [9][9] A.W.Hummel, Eminent Chinese of the Ching Period, Washington, 1944, t-11, p.864b, Emile Gaspardone, Bonzé dé Ming Réfugiés  en Anam, Sino-logica, vlo.2, Nr.1 (1949), p.20 note 57.

 [10][10] Vương sĩ Trinh (Ngư dương lão nhơn) Mạn bút, Phân Cam Dư Thoại, Ngư dương tam thập lục chủng, Khương hy kỷ sửu, tháng chạp san hành.

 [11][11] Bọn Tăng Quốc Phiên trùng tu, Quang Tự năm thứ sáu san hành, Giang tây thông chí quyển 179, tiên thích mục, Giác lãng, chép rằng: “Giác Lãng tên Đạo Hạnh, biệt hiệu lão Trượng Nhơn, con của họ Trương ở thác phố, lúc còn nhỏ theo học khoa cử, nhơn ông nội bị tù, tội chết, nghĩ rằng linh hồn ấy sẽ đi nơi nào? Ngày nọ đang đi giưã đường nghe tiếng mèo nhảy bèn tỉnh ngộ, gặp lúc có Thụy Nham Thức Công đi qua phố, bí mật xin theo xuất gia, lên ở núi Mộng Hoa, tham thiền chùa Bác Sơn, kế tham thiền chùa Thọ xương, qua Thư lâm ra mắt Đông uyển cảnh; có một lần đau gần chết, Uyển cho uống thuốc cứu sống; nhơn lúc nhàn rồi Uyển hỏi thăm lai lịch lúc sinh bình, thất kinh nói rằng: chi Tuệ đăng của chùa thọ xương ta sẽ thuộc về ngươi vậy, nhơn trao phó cho nguồn đạo. Khoảng niên hiệu Thuận Trị xin chủ trì chùa Bác sơn, sau đến Thiên giới Côn lư Các nghỉ hạ, thình lình khiến dời đến trước thiền đường, đúng ngọ, viết xong bài kệ, quăng bút mà viên tịch. Có ngữ lục trước tác 52 loại sách.

 [12][12] Mậu thuyên Tôn, Nghệ phong Đường Văn tục tập (Tuyên thống năm thứ 2 san hành) quyển II.276-296

 [13][13] “ Bình nam” tức Bình nam vương Thượng Khả Hỷ, “Yêm Đạt Công” tức con của Khả hỷ Thượng chi Tín. Hoa Di Biến Thái (quyển 4) chép lời khai của người Tàu, thuyền Quảng Đông chuyến 21, năm thìn (1676), cũng xưng là An đạt vương

 [14][14] Văn thành tức Phương sĩ Thiếu ông, Hán Vũ đế phong làm Văn thành tướng quân, Ngũ Lợi tức Phương Sĩ Loan Đại, Vũ đế phong làm Ngũ Lợi tướng quân, đều tinh thông phương thuật.

 [15][15] Nguyễn phúc Châu Bản sư Hải ngoại Kỷ sự tự chép rằng: Thầy ta khai hóa hơn 30 năm, trước tác hơn 20 loại sách cho ra đời đã lâu, tự có giá trị nhất định của nó”. Tên các sách ấy, có lẽ là một bộ trong 21 loại sách trên

[16][16] Lý Hằng (Quốc triều kỳ hiến loại trung sơ biên) quyển 161, mục cương thần 13, Quảng đông thông chí (Đồng trị năm thứ 3 san hành lại abnr in chụp hình của Thương vụ ấn Trung quán), quyển 44, chức quan biêu 35.

[17][17] Lý Cơ Hòa, tự Hiệp Vận, lại tự Mai giai, người Hán quận Nhương hồng kỳ, đậu tiến sĩ năm Khương hy thứ 13, đồi làm hàn lam viện Thứ cát sĩ. Làm quan thăng đến Hồ Bắc bố chánh sứ, năm Khương hy năm thứ 43 thăng Giang tây Tuần vũ, có mai Giai thơ tập (xin xem Giang Tây thông chí quyên 128, Hoạn tích lục 3, Quốc triều). Quốc triều kỳ hiến loại trung sơ biên, quyển 161, mcj cương thần 13, cũng dẫn Đại Thanh nhất thống chí rằng: “Bổ đi Tuần Vũ Giang tây, lúc gần đến nhận chức, nghe tỉnh ấy có nạn đói, ông đi đến Hồ Khẩu, quá giang thyền buôn gạo để xuống nam, bèn xuất bạc mua cả thuyền gạo đến Nam xương y giá bán ra, giá gạo bèn trở lại bình thường. Sau thôi quan về cư ngụ tại chùa, cam chịu thanh bần đến ngày chết. Giang tây tuần vũ Cơ Hòa là người thứ nhất nổi tiếng là thanh liêm vậy.

[18][18] Đại Nam Nhất Thống Chí (Duy Tân tam niên, 1910 soạn, quyển 9, tỉnh Bình Định) Mục tự quán chép rằng: “Chùa Thập Tháp ở làng Thuận Chánh, huyện Tuy Viễn, sau chùa có 10 cái tháp chàm, cho nên đặt tên như vậy, nay đỏ nát hết rồi. Bản triều đời Thái Tông, Đường tăng Hoán bích hòa thượng xây cất chùa ấy, thời Hiển Tông sắc ban biển ngạch đề “Thập Tháp Di Đà tự” và liễn đối…Minh Mạng nguyên niên, thầy tu chùa Linh Mụ là Mật Hoằng hòa thượng trùng tu lại, chùa chiền rỗng rãi, sơn thiếp huy hoàng, cùng với chùa Linh Phong đều nổi tiếng thắng cảnh”.

[19][19] Đại Nam Nhất Thống Chí (quyển 2, tỉnh Thừa Thiên) mục tự quán chép rằng: “Chùa Quốc Ân ở ấp Phước Quả. Tục truyền do Hoán Bích thiền sư xây cất, bản triều Hiển Tông có ban cho hai bấc liễn đối…bên tả có khắc 8 chữ “Quốc vương thiên túng đạo nhân ngự đề”, nay đương còn và trước chùa có tháp Phổ Đồng cũng do Hoán Bích thiền sư xây, sau bị binh hỏa tàn phá. Gia Long năm đầu, Mật Hoằng hòa thượng tu bổ lại, chùa chiền rộng rãi rất mỹ quan”.

[20][20] Đại Nam Nhất Thống Chí (quyển 2, tỉnh Thừa Thiên) mục tự quán chép rằng: “Chùa Hà Trung ở xã Hà Trung, huyện Phú Lộc, đời Hiển Tông bản triều, sư Hoán Bích làm chủ trì ở đó”.

[21][21] Thuộc về sự tích Tạ Nguyên Thiều (Hoán Bích), xin xem E. Gaspardone, loc, cit., p.14-17.

[22][22] Thuyền nầy ngày 25 tháng 5 do Quảng Đông khởi hành, ngày 28 tháng 7 đến Trường Kì, thuyền trưởng tên Mạch Xán Vũ. Những báo cáo trong năm ấy của các thuyền Quảng Đông, chuyến 50 (thuyền trưởng Lữ Vũ Quan), chuyến 51 (thuyền trưởng Lý Tướng Quan) và chuyến 52 (thuyền trưởng Lâm Tam Quan) cũng đều có nói đến tin ấy, giản lược rõ ràng hơn (Xem Hoa Di Biến Thái quyển 22 hạ)

[23][23] Đại Nam Nhất Thống chí (quyển 2, Thừa Thiên), mục tự quán chép rằng: “Chùa thiền lâm ở xã An Cựu, tương truyền do thạch liêm hòa thượng kiến tạo, cảnh trí rất u tịch. Ngụy Tây Sơn thái sư Bùi Đắc Tuyên chiếm ở, sau Đắc Tuyên thất bại, người trong làng nhơn theo nền cũ sửa chữa lại. Bản triều khoảng đời Gia Long, Thừa thiên cao Hoàng Hậu bỏ tiền ra kiến trúc lại, nay dần dần hư nát, chỉ còn ngôi chùa chánh. Phía tả chùa có một quả chuông đồng lớn, cao 4 thước, vòng lưng 6 thước, dày 4 tấc, có khắc chữ “Lê vĩnh thịnh thập nhị niên, chú” (bút giả chùa: tức năm 1716), Vĩnh thịnh là niên hiệuvua Dũ Tông nhà Lê, vua gia Long sau khi đã khắc phục Bắc Thành, chở quả chuông ấy về kinh bỏ vào kho, đến lúc sửa chùa xong, cho đem treo để dùng)

[24][24] Đại Nam Liệt Truyện tiền biên (quyển 6) chép câu chuyện nầy, từ bắt đầu đến việc trải qua có hơi khác, đoạn văn ấy chép rằng: “gần đây xóm nhà ở ngoài đô thành thường đêm hay bị phát hỏa, Chúa thượng tự mình đốc suất quân lính đến chữa, Thạch liêm can rằng: Đêm hôm tối tăm, Xa giá há nên khinh thường đi ra. “Rồng trắng đội lốt cá”, Cổ nhân lấy câu ấy ra làm răn, xin Vương lưu ý. Vua khen phải, nghe theo, từ ấy không ra ban đêm nữa.

[25][25] Đại Nam Nhất Thống Chí (quyển 5 quảng nam) Mục tự quán chép rằng: “ Chùa Tam thai ở phía Tây núi đại hành, có nhiều cổ tích danh thắng, từ sau ngày binh hỏa, đều bị phá hoại. Minh mạng năm thứ 6 (1865, bút giả khảo án) khiến quan sữa chữa lại”.

[26][26] Đại Nam Nhất Thống Chí  (quyển 5 quảng nam) mục tự quán chép rằng: “chùa Di Đà ở cồn Đông an, Tiên Triều Sắc ban biển vàng, liễn đối nay bị phá hoại”.

[27][27] Đại Nam Nhất Thống Chí (quyển 2 kinh sư) mục tự quán chép rằng: “Chùa Thiên mụ ở ngoài kinh thành trên gò núi xã An ninh tây, nguyên trước có chùa Phật, Gia Long năm 14 xây cất lại…Nay xét bản Triều Thái Tổ Hoàng đế Tân sửu năm 44 (bút giả khảo án: 1601) Xa giá đến viếng Hà khê, thấy nơi đồng bằng nnổi lên một gò đất như hình đầu rồng quay lại, ngó thẳng ra Trươmgf giamg, phía sau có hồ, cảnh trí rất đẹp, nhơn hỏi chuyện người bản xứ hỏi rằng:gò này rất linh dị, tương truyền ngày xưa có người ban đêm thấy bà già áo đỏ quần lục ngồi trên gò, nói rằng: “ Sau sẽ có vị chơn Chúa đến sữa lại chùa này, tụ linh khí để giữ long mạch cho được bền vững”, nói rồi biến mất , nhơn đặt tên Thiên mụ sơn. Vua cho rằng đất này có linh khím bèn dựng chùa gọi Linh mụ tự. Thái Tông Hoàng đế năm Ất tỵ năm thứ 17 (1665) sửa chữa lại, Hiễn Tông Hoàng đế Canh dần năm 19 (1901) đúc chuông lớn, năm Giáp ngọ 23 (1714), trùng tu nhà chùa…Ất mùi năm 24 (1715)ngự chế bài văn bia dựng trước chùa, xây cất điếu đài ở bờ sông làm nơi du ngoạn, sau bị binh hỏa tàn phá, dấu cũ đương cong… Thành Thái năm 16 (1904) nhơn gió bão, nhiều nơi bị đổ nát, năm 19 (1907) tu bổ lại, triệt hạ điện Di lặc, và hai tòa tả hữu thập điện, dời Hương Nguyện Đình cất lên ở nền Di lặc cũ. Mặt khác, Đại nam Thực lục Tiền biên (quyển 8) mục tháng 6 năm giáp ngọ, Hiển tông năm thứ 23 (1714) chép đầu đuôi việc trùng tu chùa Thiên mụ và khiến người qua Tàu mua Đại tạng kinh và luật luận hơn ngàn bộ, có chua ở sau rằng: “Hồi ấy có Chiết tây hòa thượng teen Đại sán hiệu Thạch liêm đem thiền đạo yết kiến rất được vua yêu, sau ông về Quảng nam đem những gỗ quý do nhà vua tặng cho, cất xây chùa Trường thọ, nay có di tích đương còn:. Xét Đại sán diên lưu ở Quảng nam từ cuối tháng giêng năm ất hợi khương hy (1695) đến cuối tháng 6 năm bính tý (1696). Chú văn trên đây rõ ràng do sự lầm lẩn của kẻ biên soạn Đại Nam Thực Lục.

[28][28] Hải ngoại kỷ sự, quyển 3, 16b-20a. Đại sán vì biểu dương Trương Tiết phụ mà làm bài tứ ngôn cổ thơ và bài dẫn, cũng thấy chép ở Ly lục đường tập, quyển 1 hạ, 1a-4a.

[29][29] (Lam tổng binh) ở đây có lẽ là Lam Lý tên tự là Nghĩa Phủ, hiệu Nghĩa sơn, người Chương phố, từng theo Tịnh Hải tướng quân Thi Lương qua đánh Trịnh Phiên ở Đài Loan. Khương hy năm 27 (1688) nhậm chức Chiết giang Định hảitrấn Tổng binh trải 10 năm,có tiếng khen tốt, sau trấn thủ Thiên tân, năm 45 (1706) dời bổ Phúc kiến lục độ, Đề đốc, mùa thu năm Tân mão (1711)vì vụ án ăn trộm của Chương Bình Trần Ngũ Hiển, bị giải chức. Năm Nhâm thìn (1712)) bị tham hạch, gia sản bị trịch thâu, và biên tên vào kỳ tịch (sổ lính). gặp lúc Tây tạng có chiến tranh, Lý đem con đi theo Tướng quân Chân mục Thại ra đông độ, đóng ở đài 25, hơn 1 năm vì tuổi già cho về kinh. Năm 59 (1720) tạ thế, năm ấy đã 72 tuổi. Sinh bình tính nóng nảy, lúc nổi giận như sấm sét, qua đó quên liền, muốn tự tôn, tự đại chẳng muốn phục ai, hay gây mắng chưởi, đối với kẻ quyền thế bề trên thường hay kiêu ngọaọ khinh khi, tỏ  thị thiên hạ chẳng ai bằng mình; nhưng gặp kẻ tài ba hào kiệt, tuy nghèo cũng hạ mình kính lễ; gia đình giữ cần kiệm, cơm thô áo vải cũng vui lòng.( Xem Phúc kiến, Thông chí Liệt truyện, quyển 35, Thanh 4, 14b-19b).

[30][30] Vương mẫu Tống thị, tức Hiến nghĩa Hoàng hậu, con gái quan Thiếu phó Tống Phúc Vinh, mất ngày Mậu Dần tháng 3 năm Hiển tông (tức Minh Vương) Bính Tý thứ 5 (1696), hưởng dương 44 tuổi, truy tôn Quốc Thái phu nhân, lăng phần an táng tại làng Định Môn (thuộc huyện Hưng Trà, tức Vĩnh Mậu lăng). Xem Thực Lục Tiền Biên quyển 7, 12a-12b)

[31][31] Cứ theo Thực Lục Tiền Biên quyển 7, Hiển tông Hiếu Minh Hoàng Đế thực lục thượng, Hiển tông sinh vào năm Khương Hi thứ 14, con trưởng của Anh Tông Hiếu Nghĩa hoàng đế (tức Nghĩa Vương). Nhưng nay cứ theo Hải Ngoại Kỷ Sự, Lệ Truyền Hầu và Thiều Dương Hầu là anh thưa hai và anh thứ ba của vua, thế thì hai ông này con bà thứ chăng?

[32][32] Đông Triều Hầu tức tước danh của Tham Chính Đoán sự Trần Đình Ân: Tháng 8 năm Quý Mùi, Minh Vương năm thứ 12 (1703), Trần Đình Ân năm ấy 78 tuổi, xin về hưu trí, hai ba lần trần thỉnh, Minh Vương mới chuẩn y; đến lúc Đình Ân vào tạ, Minh Vương cho một bài thơ viết vào lụa hoa trắng, khen ngợi công phụ tá bốn triều của Đình Ân, và đặc ân cho 10 mẫu ruộng, 10 người lính hầu để dưỡng lão. Đình Ân an cư chùa Bình Trung (tại làng Hà Trung, huyện Minh Linh), tự vui với thiền học. Đến tháng giêng năm thứ 15 Bính Tuất (1706) tạ thế. Minh Vương truy tặng Đôn Hậu Công Thần Đặc Tiến Trụ Quốc Kim Tử Đại phu, Đại Lý Tự Khanh, thụy hiệu Thuần Thiện, cho phu giữ mộ 10 người và tha thuế 230 mẫu tư điền. Xem Thực Lục Tiền Biên quyển 7, 22a-23a-26b)

[33][33] Quốc Cậu Tả Thái Úy ở đây có lẽ tức Tống Phúc Tráng, nhiệm chức Nội Tả cai cơ tháng 8 năm Tân Mùi (1691) (Thục Lục Tiền Biên quyển 7, 3a). Xét bốn chức Nội Tả, Ngoại Tả, Nội hữu, Nhoại Hữu xưng Tứ Trụ, chức quan tối cao của Nguyển phủ, do Công Thượng Vương (tức Thần Tông Phúc Lan,1635-1648) thiết lập để phụ tá Quốc Vương. Xem Trần Trọng Kim, Việt Nam sir-bidc, 1954, p.325.

[34][34] Hải Ngoại Kỷ Sự (quyển 3, 5b) có nói rằng: “Ta đến Đại Việt, đầu tiên có tứ triều Nguyên Lão Đông Triều Hầu xin ra mắt và con của ông là Văn chứ Thế Nam qui y với Lão Tăng v.v…” thế khá biết Văn chức Thế Nam (tên một chức quan) là con của Đông Triều hầu Trần Đình Ân. Nhưng xét Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (quyển 7) con Đình Ân nhiệm Văn chức có hai người, một người tên là Trần Đình khánh (Thực lục nguyên chú: con của Trần Đình Ân), tháng 12 năm Canh Thìn Minh Vương năm thứ 9, phụng mạng đi với Nội Hữu Cai Cơ Tống Phúc Tài ra Quảng Bình và Bố Chánh khảo sát việc phòng bị biên thùy; tháng 9 năm Tân tỵ thứ 10 (1701) nhiệm Quảng Nam dinh cai bộ. Người thứ hai là Trần Đình Thuận (thực lục nguyên chú: con của Trần Đình Ân) tháng 3 năm Quí Mùi thứ 12 (1703) cùng với Ngoại Tả Chưởng dinh Tôn Thất Diệu đốc binh đắp bờ đê của Hà Kì cho tiện việc tàu thuyền vận tải, tháng 8 năm Giáp Thân thứ 13 (1704), nhiệm chức Đô tri xuất Xá sai ty, tháng 11 năm Bính Tuất thứ 15 (1706) thăng nhiệm Cai bộ phó Đoán sứ, quản sát tương thân lại ty.

[35][35] Bài thơ và tự văn của Đại sán vãn Chương Thanh Nguyễn công, cũng thấy chép trong Ly Lục Đường tập (quyển 1, 4a-7a) nhan đề vãn Đại Việt quốc Xu Mật Tướng quân Chưởng Thanh Nguyễn công. Đại Sán tiếp được phó âm (ai tín) của Chương Thanh Tả xu Mật, có lẽ vào khoảng tháng 8 năm Ất Hợi (1695), lúc ông còn lưu dưỡng bệnh tại Hội An. Về sự tích của vị ấy, Đại Sán kể rằng: “Chưởng Thanh là rường cột của nước Đại Việt, giữ chức Xu Mật luôn bốn triều. Luyện đạt lão thành, trung hậu trầm nghi, có dũng lực, mưu lược hơn người, gặp lúc Chiêm thành gây họa, vua khiến ông làm tướng đi đánh phương nam, ông đánh thắng luôn mấy trận, bắt vua chém tướng Chiêm Thành, chiếm đất mấy nghìn dặm, dân mường mán nghe danh thảy đều khiếp đảm; ông đi đến đâu chẳng hề động chạm mảy may của dân, rất được lòng người, bởi thế ông khởi ca về triều mà dân xứ ấy đến nay còn cảm đức”. (Hải Ngoại Kỷ sự quyển 4, 32b). Cứ thiểu kiến của tôi, xét tổng quát công thần Nguyễn Đình thời ấy, chưởng thanh Nguyễn Công, nhân vật ấy trừ Nguyễn hữu Cảnh ra khong con ai nữa. Cứ Đại Nam Thực Lục Tiền Biên quyển 7 ghi chép, tháng 8 nămNhâm Thân Hiển Tông (Minh Vương) nguyên niên, Vua nước Chiêm Thành là Bà Tranh làm phản, đem binh đánh cướp dinh Binh Khang. Minh Vương khiến Ngiuyễn Hữu cảnh làm thống binh suất lãnh chính dinh (tức Thuận Hóa) và binh Quảng Nam, Bình Khang đi đánh, qua tháng 3 năm Quí Dậu thứ 2 (1603), Nguyễn Hữu Cảnh đánh bắt được Bà Tranh và bọnthần thuộc đem về, từ đó đất Chiêm Thành thuộc về Quảng Nam thống trị, đổi tên làm Thuận thành trấn. Tháng 8 cùng năm ấy, lại đổi tên làm Bình Thuận phủ, lập thổ quan và bắt thay đổi phục sức. Chẳng ngờ tháng chạp cùng năm ấy, người tàu tên A Ban (tức Ngô Lãng) dấy loạn ở Thuận thành, qua tháng 3 giáp tuất năm thứ 3 (1694), Nguyễn Hữu Cảnh lại phụng mạng vào nam đánh dẹp, kế nhiệm chức Chưởng Cơ lãnh Bình khang dinh trấn thủ. Lại cứ nguyên lời chua của Thực Lục Tiền Biên (quyển 7, 4a) Nguyễn Hữu Cảnh là con của Nguyễn Hữu Dật thời ấy xưng là Lễ Tài Hầu, chữ Tài có chỗ chép thành chữ Thành, lại có chỗ chép thành chữ Hòa. Mặt khác Gia Định Thông Chí (cương vực chí) thì lại chép làm Chưởng Cơ Lễ thành hầu Nguyễn. Nay xét tước hiệu của quan lại Quảng nam Nguyễn Đình, thường thường lấy một chữ nghĩa tốt chép với chữ tên của chính người được phong, hợp hai chữ lại thành tước hiệu và chữ Thành với chữ Thanh tiếng việt đọc giống nhau, bởi thế có thể suy tưởng “Chưởng Cơ Nguyễn Công” chép trong Hải Ngoại Kỷ Sự, chắc là “Chưởng Thành Nguyễn Công” tức Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn truyền chép nhầm. Nói tóm lại, Chưởng thanh Nguyễn công chắc chỉ Nguyễn hữu Cảnh mà nói. Chỉ có ngài tạ thế của ông ấy, Thực Lục Tiền Biên(quyển 7, 17b-18a) ch éplàm tháng 5 năm Canh Thìn thứ 9 (1700) cùng với ngày chép trong Hải ngoại Kỷ Sự sai nhau đến 5 năm, ấy chắc cũng do sự nhầm lẫn của người biên soạn Đại Nam thực lục.

[36][36] Người  ấy chắc là Nội Hữu Phó Mã Tống Phúc Thiệu (con của Tống Phúc Trí), ông ta năm Kỷ Sửu thứ 18 (1709) âm mưu dấy loạn, bị giáng xuống làm thường dân. Xin xem Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (quyển8, 6a-6b)

[37][37] Nhị quốc cậu có lẽ là Nội Tả Chưởng dinh Tống Phúc Trí, tức thân phụ của Phó Mã Hữu Đồn Dinh thuật trên đây.

[38][38] Hữu Thừa Tướng Tống Công có lẽ là Nội Hữu Cai cơ Tống Phúc Tài (Thực Lục Tiền Biên quyển 7, 18b)

[39][39] Khoảng hậu bán thể kye 17, Tăng nhân Trung Quốc thường thường đi thuyền qua các nước phương nam, tìm mua gỗ quí. Ví dụ năm 1681, Nhật Nhĩ Bá, giáo sĩ nước Pháp đến ở Tiêm La truyền giáo đã 5 năm, viết bộ Tiêm La Thiên Nhiên cập Chánh Trị Sử (chương thứ 12) cũng bảo rằng: “Trong lúc ông ở Tiêm La có gặp hai vị Tăng nhân Trung Quốc đến tìm mua san gỗ để đem về cất chùa.” (Tham khảo Nicolas Germaise, Histoire natủelle et Politique du Royaume de Siam, Paris, 1688, p.231-232).

[40][40] Thực lục tiền biên (quyển 7, 20b) mục tháng 5 năm Nhâm Ngọ, Hiển Tông năm thứ 11.

[41][41] Bài biểu văn nầy do Lê Quí Đôn tìm thấy trong tủ sách của Nguyễn Quang TIền và chép lại trong sách Vũ Biên Tạp Lục (quyển 5, 27b-2a, H.M.2.108). Cao Lãng trong Lịch Triều Tạp Ký (H.M.2.163; quyển 1, 75b-76b) nói lầm bài biểu ấy do Nguyễn Quang Tiền soạn. Xét Nguyễn Quang Tiền là nho thần từ thời Vũ vương đến Duệ Tông, đảm nhiệm soạn tả những văn kiện ngoại giao cho Nguyễn Chúa.

Nguồn:  Hải Ngoại kỷ sự, Viện Đại Học Huế xuất bản, 1963, tr. 237-279.

Cao Ly - Triều Tiên - Hàn Quốc là những tên gọi của một xứ sở mà phong tục, tập quán, ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử có nhiều nét tương đồng với Việt Nam chúng ta. Song, sự hiểu biết và nghiên cứu của chúng ta về đất nước và con người ở bán đảo này còn rất đại lược.

Điều đó có nguyên nhân địa lý, lịch sử sâu xa: quan hệ trực tiếp Việt Nam - Hàn Quốc trong lịch sử ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa dường như không lưu lại dấu ấn gì. Những năm gần đây, khi Hàn Quốc hóa rồng, trở thành một trong bốn con rồng ở châu Á và thiếp lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam thì sự tìm hiểu, nghiên cứu về xử sở này mới thực sự bắt đầu.

Để tìm hiểu đất nước, con người của mỗi quốc gia, ngôn ngữ luôn là chiếc cầu nối, là phương tiện cần thiết cho các nhà nghiên cứu đi sâu khảo cứu. Dẫu rằng hiện nay, Việt Nam và Hàn Quốc đều có chữ riêng, nhưng trong lịch sử, họ cùng chung một thứ chữ, đó là chữ Hán. Qua chữ Hán, họ hiểu biết lẫn nhau, trân trọng lẫn nhau. Những thư tịch bằng chữ Hán còn lưu lại ở hai nước đã nêu lên điều đó và là những tư liệu đáng quý để tìm hiểu mối quan hệ Việt - Hàn trong lịch sử.

Ngay trong thời phong kiến, nước Việt ta đã có quan hệ bang giao với nhiều nước láng giềng, song, chủ yếu vẫn là Trung Quốc rộng lớn và hùng mạnh. Các đoàn sứ giả ta theo định kì tuế cống hoặc những dịp đại hiếu, đại hỉ lại lên đường sang Yên Kinh (tức Bắc Kinh ngày nay) để làm một trọng trách mà triều đình cũng như dân tộc giao phó là giao hảo, hòa hiếu với Trung Quốc. Cũng vào những dịp đó, không chỉ Việt Nam ta mà sứ giả những nước nhỏ xung quanh Trung Quốc cũng đều có mặt. Đó cũng là dịp sứ thần các nước gặp gỡ, làm thơ xướng họa, tặng đáp và hiểu biết nhau hơn. Sứ thần thời xưa, ở Việt Nam ta cũng như các nước chắc đều thế, thường là những người tài cao học rộng, làu thông kinh sử, uyên thâm Hán học, ứng đối linh hoạt và đặc biệt là những nhân sĩ giàu lòng yêu nước, có dũng khí, nêu cao tinh thần tự cường dân tộc và có tài tứ ngoại giao uyển chuyển hài hòa.

Trong những dịp đi sứ như thế, sứ thần Việt Nam đã gặp gỡ sứ thần các nước và tự giao thiếp, tìm hiểu đất nước, con người các nước lân bang chủ yếu thông qua “bút đàm” bằng chữ Hán.

Cuộc gặp gỡ giữa sứ thần Việt Nam và Hàn Quốc chắc là nhiều song những cuộc gặp gỡ, xướng họa, giao tiếp bằng Hán văn thì bước đầu mới được các nhà nghiên cứu khảo cứu. Đó là các vần thơ xướng họa giữa:

Việt Nam Hàn Quốc
1- Phùng Khắc Khoan Lý Chi Phong
2- Nguyễn Công Hãng Du Tập Nhất, Lý Thế Cận
3- Nguyễn Tông Quai Sứ bộ Hàn Quốc
4- Lê Quý Đôn Hồng Khải Hy, Triệu Vĩnh Tiến, Lý Huy Trung
5- Hồ Sĩ Đống Sứ bộ Hàn Quốc
6- Phan Huy Ích Sứ bộ Hàn Quốc
7- Đoàn Nguyễn Tuấn Sứ bộ Hàn Quốc
8- Nguyễn Đề Sứ bộ Hàn Quốc
9- Nguyễn Tư Giản Nam Đình Thuận, Triệu Bỉnh Cao(*)

Trong các bộ sách lớn của Hàn Quốc viết bằng chữ Hán như:

Triều Kinh thi thiếp, Chi Phong tập, Triều Tiên vương triều thực lục, Triều Tiên Thái Tông thực lục, Trung Tông Đại vương thực lục, Chính Tổ Đại vương thực lục, Thuận Tông Đại vương thực lục... đều có viết về Việt Nam ta. “Chi Phong tập” kể lại rằng, sứ thần hai nước nhân chuyến đi sứ nhà Minh đã gặp nhau ở Yên Kinh (Trung Quốc), Phùng Khắc Khoan và Lý Chi Phong qua giao tiếp bằng “bút đàm” đã hiểu nhau, trân trọng nhau và đã thông tin cho nhau biết về chế độ, phong tục tập quán, khí hậu, nông sản... của quê hương đất nước mình. Chi phong tập cũng cho biết rằng, ông Triệu Hoàn Bích là người Hàn Quốc đầu tiên đến Việt Nam. Khi ông ta còn là thanh niên, Nhật chiếm Triều Tiên rồi bắt ông đưa sang Nhật, ở Nhật, ông được một thương nhân Nhật Bản đưa sang Việt Nam trong 3 năm. Triều Tiên Thái Tông thực lục có những đoạn ghi chép về việc Hồ Quý Ly thoán đoạt vương quyền nhà Trần. Trung tông Đại vương thực lục ghi chép khá tường tận về việc Mạc Đăng Dung đoạt quyền nhà Hậu Lê. Chính tổ Đại Vương thực lục ghi chép về Lê Chiêu Thống theo Tôn Sĩ Nghị chạy sang Nam Ninh, Quảng Tây và vua nhà Thanh phong Quang Trung làm vương rồi giáng chỉ triệu vua tôi nhà Lê về Yên Kinh. Thuận Tông Đại Vương thực lục ghi chép về việc Nguyễn Ánh lập vương triều nhà Nguyễn ra sao và việc cấm đạo của vua Thánh Tổ nhà Nguyễn ở Việt Nam.

Thư tịch Hán Văn ở Việt Nam ghi chép về Triều Tiên hoặc những cuộc gặp gỡ, xướng họa giữa sứ thần hai nước trong lịch sử cũng đã bước đầu được khảo cứu.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu cho rằng cuộc gặp gỡ giữa Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan với chánh sứ Triều Tiên Lý Chi Phong vào năm Đinh Dậu (1597) được ghi trong Mai Lĩnh sứ hoa thi tập hiện có trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng như được ghi trong Chi phong tập là cuộc gặp gỡ có ý nghĩa mở đầu trong lịch sử bang giao Việt - Nam.

Phùng Khắc Khoan là người tài cao, học rộng, chín chắn, trung hậu và có chí khí... (xem: Phùng Khắc Khoan, cuộc đời và thơ văn: Tác giả Trần Lê Sáng), người sống cùng thời và rất tài giỏi là Đỗ Uông(1) đã viết nhiều về ông. Ở đây chỉ xin trích dẫn đôi lời: “Phùng Công tinh anh uẩn súc vốn đã bao hàm vẻ đẹp, cứng cỏi, cho nên lời nói trung hậu, ôn hòa, trong khi đi sứ đã làm cho mệnh vua được toàn, uy phong của nước nhà được giữ...”.

Phùng Khắc Khoan vốn là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tâm đắc với Đào Tiều, khi gặp Chi Phong đạo nhân ở nước ngoài, qua đàm đạo rồi thành tri kỷ. Những buổi đàm đạo chắc là nhiều, nay chỉ thấy Lý Chi Phong ghi lại đôi điều vấn đáp:

Hỏi: Việt Thường, Giao Chỉ xưa là đất đai của quí quốc chăng?

Đáp: Thưa phải.

Hỏi: Nghài làm quan gì?

Đáp: Ngu lão ở trong nước làm chức Thị lang.

Hỏi: Phong tục, quan chế của quí quốc như thế nào?

Đáp: Chúng tôi học tập thi, thư, lễ, nhạc Khổng Mạnh; văn thì mở khoa cử chọn Tiến sĩ như Đường, Tống.

Hỏi: Chọn người bằng thơ phú và văn sách phải không? Có thi võ không?

Đáp: Thi cử chọn người, có thi Hương, thi Hội; thi Hương, trường một thi Ngũ Kinh Tứ Thư, hai đề; trường hai thi chiếu, chế, biểu, ba đề; trường ba thi phú, một đề; trường bốn thi văn sách, hỏi cách trị nước xưa nay, một đề. Thi Hội cũng có bốn trường như thi Hương, nhưng thêm thi Đình, vua hỏi. Thi võ thì thử tài cưỡi ngựa, cưỡi voi, cưỡi ngựa bắn cung, 5 năm mở một khoa.

Hỏi: Nghe nói trước đây, vua của quí quốc họ Mạc. Nay họ Lê là vua sáng nghiệp chăng? Có loạn lạc gì mà cách mạng như vậy?

Đáp: Trước kia, vua nước tôi vẫn là vua Lê, sau họ Mạc cướp ngôi. Nay họ Lê lấy lại cơ nghiệp cũ, lại phải xin phong.

Hỏi: Vua Lê mất nước, mấy năm mới lấy lại được?

Đáp: hơn 50 năm.

Hỏi: Quí quốc có Đô Thống là chức quan gì?

Đáp: Nước chúng tôi từ cổ lập nước đến nay, không hề có chức Đô Thống sứ ty. Sau khi họ Mạc tiếm nghịch, thiên triều cho cái chức vớ vẩn Đô thống sứ ty, thuộc hàng nhị phẩm. Chức đó chỉ để cho bọn phản nghịch thôi. Ngày nay, chúng tôi muốn được công nhận là vua.

Hỏi: Họ Mạc là Mạc Hậu Hợp phải không?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Vua Lê dẹp loạn lập quốc hay được dân suy tôn?

Đáp: Vua Lê thay họ Trần trị nước, do dân trong nước suy tôn.

Hỏi: Ở triều Mạc, ngài làm quan gì?

Đáp: Ngu lão là quan nhà Lê, chưa từng làm quan nhà Mạc.

Hỏi: Quí quốc mùa đông ấm như mùa xuân, không có băng tuyết phải không?

Đáp: Trời Nam xuân nhiều đông ít.

Hỏi: Quí quốc có lúa hai vụ, tằm tám lứa một năm phải không?

Đáp: Nước tôi hàng năm có hai vụ lúa, có tám lứa tằm tơ và gai.

Hỏi: Quí quốc đất vuông bao nhiêu?

Đáp: Đất nước tôi rất rộng.

Hỏi: Quí quốc cách Vân Nam mấy dặm?

Đáp: Nước tôi, biên giới tiếp giáp với Vân Nam nhưng núi non trùng điệp.

Hỏi: Cách Lưu Cầu, Nhật Bản mấy dặm?

Đáp: Cách biển đường xa không thông thương được...

Lý Toái Quang (1563-1628) tiếng Hàn Quốc đọc là Yi-Xu-Quang, tự là Nhuận Khanh hiệu là Chi Phong, tài cao, học rộng, đỗ Tiến sĩ năm 1582 khi mới 20 tuổi, làm quan trải mấy triều vua, có nhiều công lao đối với đất nước và để lại nhiều trước tác nổi tiếng. Ông là người nổi tiếng trong việc khởi xướng phong trào Sikhao (đọc theo âm Hán Việt là Thực học), phong trào này là phong trào Thực học, tức là phong trào có tư tưởng khai sáng, hướng tới học vấn, kiến thức thực tế, ủng hộ khoa học thực tiễn, phê phán nho học giáo điều. Ông đi sứ Trung Quốc đến ba lần, lần đầu tiên vào năm Canh Dần 1590, năm ông 28 tuổi và lần thứ hai vào năm Đinh Dậu 1597, năm ông 35 tuổi. Năm đó ông đã được thăng tới chức Lễ bộ Tham tán, làm Chánh sứ dẫn đầu đoàn sứ bộ Triều Tiên sang Trung Quốc. Theo ghi chép của Lý Chi Phong.

“Tới Yên Kinh đúng vào ngày đông chí, có tiệc mừng, người nước ngoài đến đông, nhà cửa chật chội, nên khác với lệ xưa, nay được cùng ở một nơi với sứ bộ An Nam, thời gian đến hơn 50 ngày, nên được đi lại quen thuộc, hỏi han nhau tường tận lắm”(2).

Hai đoàn sứ bộ gặp nhau giao tiếp, hiểu nhau, trân trọng nhau, vì thế, sau khi Phùng Khắc Khoan viết tập thơ Vạn thọ thánh tiết đã mời Lý Chi Phong viết bài tựa. Hiện nay, bài Tựa viết bằng chữ Hán này vẫn lưu lại trong Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập ở Thư viện Viện Hán Nôm và trong Chi phong tập tại Hàn Quốc. Chúng ta hãy xem ông viết đôi điều về đất nước của chúng ta và tình cảm chân tình của ông đối với dân tộc ta.

“Tôi nghe nói Giao Châu ở phía cực nam. Nơi đây có nhiều vật quí như châu báu, vàng ngọc, trân châu, đồi mồi, ngà voi. Đó là cái khí tinh anh thành thực chung đúc mà có; giữa cái đó tất sinh ra người khác thường, há chỉ sinh ra vật khác thường đâu?

....

Tôi không có cái may được sinh ở phương nam, song nghe lời của ông, đọc thơ ông, vẫn lâng lâng thấy như ngồi trên xe mây dong duổi, thần thái được chu du nơi xứ nóng, đặt được bước chân đến biên cảnh xa xôi. Điều may này thật lớn lao thay. Bởi vậy, tôi đâu dám không lấy vài lời viết bài Tựa này”.

Về tình cảm cá nhân của ông đối với Phùng Khắc Khoan, ông cũng viết rất đỗi chân tình.

“Nay tôi thấy sứ thần Phùng Khắc Khoan mái tóc bạc phơ, người gầy. Tuổi bảy mươi mà sắc mặt hồng hảo, đi bộ ba trạm đường không nghỉ, ung dung làm sứ giả ở chốn cung đình nhà Minh. Những bài thơ chúc mừng lễ vạn thọ do ông làm, thuật hoài du dương, từ ý đôn hậu, đủ để nhả ngọc phun châu mà thanh điệu như tiếng vàng tiếng ngọc, há chẳng phải là người khác thường đó sao!”.

Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập cũng như Chi Phong tập còn ghi lại những vần thơ xướng họa giữa Phùng Khắc Khoan với Lý Chi Phong và một sứ bộ Triều Tiên nữa là Kim Tiêu dật sĩ. Dưới đây xin trích dẫn một bài thơ Lý Chi Phong gửi Phùng Khắc Khoan.

“Ngã cư Đông quốc tử Nam hương.

Văn quĩ do lai cộng bách vương.

Phụng sứ hỉ quan Chu lễ nhạc

Xa ban vinh xí Hán quan thường.

(Đông - Nam hai nước cách xa

Bách Vương đạo học vốn là cùng chung.

Thành Chu lễ nhạc mừng trông

Mũ xiêm triều Hán vinh phong đứng chầu”(3).

Cùng một bài Phùng Khắc Khoan gửi Lý Chi Phong:

“Nghĩa an hà địa bất an cư.

Lễ tiếp thành giao lạc hữu dư

Bỉ thử tuy thù sơn hải vực,

Uyên nguyên đồng nhất thánh hiền thư.

Giao lân tiện thị tín vì bản,

Tiến đức thâm duy kính tác dư.

Ký thử sứ thiều hồi quốc nhật,

Đông Nam ngũ sắc vọng vân xa”.

Bài dịch thơ của Hoàng Việt thi văn tuyển:

“Trọn nghĩa nơi nao chẳng ở yên

Lễ thành tiếp đãi mới vui bền

Non sông dù cách miền Nam - Bắc

Đạo học cùng chung sách thánh hiền.

Bền vững bang giao tri ấy gốc

Trau dồi đức tiến kính là trên.

Nhớ ngày sứ bọ quay về nước.

Trông bóng xe mây rẽ mỗi bên”.

Về cuộc gặp gỡ giữa hai đoàn sứ bộ Việt - Hàn lần đầu tiên này được lưu lại bằng các văn bản chữ Hán ở hai nước tuy không phải là nhiều lắm nhưng là những tư liệu lịch sử đáng quí nói lên sự giao hảo đầu tiên giữa hai đoàn sứ giả nói riêng và giữa hai dân tộc nói chung.

Vào cuối thế kỷ XVI, với phương tiện thông tin còn quá thiếu thốn mà sự nhận biết của sứ thần Triều Tiên đối với phong tục tập quán, tính cách dân tộc, địa lý, lịch sử của đất nước, con người Việt Nam ta như vậy quả đã là nhiều và rõ ràng, tường tận. Điều đáng quý hơn là tình cảm chân thành, hiểu nhau, trân trọng nhau, tin nhau và tôn kính lẫn nhau giữa hai bên.

Cuộc gặp gỡ thứ hai giữa hai đoàn sứ bộ Việt - Hàn ở Trung Quốc hiện còn lưu lại một số văn bản bằng chữ Hán mà chúng tôi được biết là cuộc gặp gỡ giữa Lê Quí Đôn với Hồng Khải Hy, Lý Huy Trung và Triệu Vĩnh Tiến.

Lê Quý Đôn (1726-1784), tự là Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, là người có khối óc và trí tuệ siêu phàm, lại ham học, ham hiểu biết, không những làu thông kinh sử mà còn hiểu biết nhiều điều mới lạ, kể cả những tiến bộ về khoa học của phương Tây bấy giờ. Học giả Việt Nam ta ai ai cũng khâm phục tài năng, trí tuệ của nhà bác học Lê Quý Đôn. Trong thời kỳ làm quan, trong chuyến đi sứ Trung Quốc từ 28 tháng giêng năm Canh Thìn (1760) đến giữa mùa xuân năm Nhâm Ngọc (1762), ông đã gặp gỡ sứ thần nhiều nước, cùng họ trao đổi thơ văn và bàn luận về các vấn đề địa lý, lịch sử, triết học... Song, có điều cần suy nghĩ là tác phẩm Quần thư khảo biện của ông, một tác phẩm có thể nói là sự kết tinh của sự hiểu sâu biết rộng, khỏa cứu khoa học công phu của ông về các nhân vật, sự kiện lịch sử của Trung Quốc từ Hạ Thương Chu cho đến Đường Tống lại do Trạng nguyen Hồng Khải Hy, chánh sứ Triều Tiên đề tựa(4). Phải chăng đó là điều tất nhiên? Điều tất nhiên đó chỉ có thể nói tới hai bài Tựa trước đó của hai vị quan chức đồng thời là nhà nho uyên thâm người Trung Quốc là Chu Bội Liên và Tần Triều Vu. Đối với sứ bộ Triều Tiên mà nói, đó là sự kính trọng nhau về tài năng, sở học, hiểu nhau, tin nhau về những lời góp ý chân thành trước một tác phẩm khảo cứu, luận bàn về cổ sử Trung Quốc.

Tay hãy xem Hồng Khải Hy viết đôi lời Tựa cho cuốn Quần thư khảo biện của Lê Quí Đôn:

“Bộ sách đã khảo cứu và bàn luận về sử sách các đời giống như sách Chí lâm của Pha Ông, sách Hướng ngôn của Mông Tẩu. Trên dưới mấy ngàn năm (lịch sử), cái này được, cái kia mất; ai giỏi ai kém, như thế này thì yên, như thế kia thì nguy, không chỗ nào là ông không xem xét suy tính đến. Có chỗ [ông] lật ngược lại những án kiện cũ, có chỗ [ông] vạch ra những lời bàn sai lầm đã qua nhiều đời. Kiến thức tinh tế, lý giải diệu kỳ [của ông] nổi bật trên các hàng chữ. Đoạn bình luận về các học thuyết của họ Chu, họ Lục mà ông đã nêu ra ở cuốn sách càng cho ta thấy học thuật của ông thuần chính, lời văn của ông nhẹ nhàng thuận lễ như gió lướt trên mặt nước, không chút sâu cay gò bó gì cả. Thực chỉ nếm một miếng cũng đủ thấy vị ngon của cả nồi [thức ăn] rồi”(5).

Quả là lời lẽ ngắn gọn mà xác đáng, chân tình.

Đợt gặp gỡ giữa hai đoàn sứ giả Việt - Hàn ở Trung Quốc lần này được các nhà nghiên cứu hiện nay đồng ý kiến cho rằng mang nhiều tính chất học thuật. Song, để đi tới những buổi “đàm đạo”, bàn luận với nhau về học thuật một cách chân tình như thế là cả một quá trình hiểu nhau, trân trọng nhau, kính tin nhau.

Như phần đầu bài viết đã nêu, những cuộc gặp gỡ giữa hai đoàn sứ bộ hai nước không chỉ là hai lần, nhưng vấn đề sưu tập, nhưng tư liệt Hán văn ở cả hai nước nay mới ở bước khởi đầu, công việc vẫn còn tiếp tục và chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu sau.

Ở đây, chúng tôi chỉ muốn qua thư tịch Hán văn để nêu lên một điều rằng quan hệ giao hảo giữa hai nước Việt - Hàn đã có từ thời kỳ trung đại trong lịch sử. Mối quan hệ đó được nảy sinh trên một vùng đất tốt, một sự mở đầu đầy tình thân ái, chân thành và cũng chứng minh một điều là trong lịch sử, hai dân tộc đã sử dụng một thứ chữ để học sách thánh hiền và trước thuật, nói một cách khái quát hơn là hai nước “Đồng văn”. Nó mở rộng cánh cửa cho học giả hai nước muốn tìm hiểu các vấn đề trong lịch sử hai nước, vui đắp thêm cho quan hệ hữu hảo hai nước hiện nay và mai sau.

Chú thích:

(*) Dẫn theo GS.TS Chojae Hyon: Tương đồng văn hóa Việt - Hàn Nxb. Văn hóa, 1996, tr.21

1. Đỗ Uông: Người xã Đoàn Lâm, Gia Phúc, Hải Dương, đỗ Tiến sĩ đời Mạc (1556) sau làm quan với nhà Lê tới chức Hộ bộ Thượng thư. Bình sinh, Đỗ Uông không chịu kém ai.

2. Dẫn theo Bùi Duy Tân: “Lý Toái Quang - Phùng Khắc Khoan; quan hệ sứ giả - Nhà thơ mở đầu tình hữu nghị Hàn - Việt, tham luận Hội thảo quốc tế Hàn - Việt tại Hà Nội, ngày 21-12-1996.

3. Phần dịch thơ dẫn theo giáo sư Bùi Duy Tân, tài liệu đã dẫn.

4. Bài tựa của Hồng Khải Hy và hai lá thư ngắn, một của Hồng Khải Hy, một của Lý Huy Trung viết bằng chữ Hán hiện có trong 3 văn bản Quần thư khảo biện ở Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, Ký hiệu: A.1872, A.252; VHv.90.

5. Xem Quần thư khảo biện, Nxb. KHXH, H. 1995, tr.57, Trần Văn Quyền, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch và chú giải.

 

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 1996 (tr.57-69)

http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1007&Catid=570

Thực tế cho thấy sứ thần hai nước Việt Nam, Triều Tiên gặp nhau không nhiều. Từ thế kỷ X, sau khi giành được độc lập từ Trung Quốc, các triều đại của nước Việt đều cử sứ thần sang Trung Quốc triều cống. Bên cạnh đó, ở Triều Tiên từ thời Tam Quốc cũng sang Trung Quốc tuế cống. Người ta cho rằng, có lẽ cơ hội sứ thần hai nước gặp nhau ở nơi đất khách quê người này nhiều hơn sử sách ghi chép. Có thể khẳng định, cuộc gặp sớm nhất của sứ thần 2 nước là năm 1597 (Vạn Lịch 25) giữa hai nhân vật: Phùng Khắc Khoan - sứ thần Việt Nam và Lý Túy Quang - sứ thần Triều Tiên. Tiểu sử của hai sứ thần này và chuyện giao lưu giữa họ thì Kim Vĩnh Kiến đã giới thiệu từ rất sớm qua vấn đáp và thơ xướng họa của hai tác giả nói trên với tiêu đề “Chuyện vấn đáp và xướng họa của sứ thần nước An Nam”(1). Trong truyện kí của Triệu Hoàn Bích cũng có một vài bình luận về thơ của Lý Túy Quang - là nhà thơ được đánh giá cao trong văn nhân Việt Nam(2).

Cuộc gặp gỡ của sứ thần Việt - Triều mà chúng tôi nói đây thực tế đã có một vài luận văn, bài viết đề cập tới. Hơn nữa, những năm gần đây ở Việt Nam có nhiều bài nghiên cứu đề cập tới lịch sử quan hệ Việt - Triều, phần nào phản ánh quan hệ mật thiết về kinh tế của hai nước. Trong số đó có bài của Nguyễn Minh Tuân Thêm 4 bài thơ xướng họa giữa Lê Quý Đôn với sứ thần Triều Tiên đăng trên Tạp chí Hán Nôm phát hành ở Việt Nam, số 4-1999(3). Từ xưa đến nay nói về giao lưu Việt - Triều người ta chỉ chú ý tới cuộc gặp giữa Phùng và Lý. Thực ra cũng đã có các cuộc tiếp xúc như họ Phùng, họ Lý. Đó là cuộc gặp gỡ giữa Từ Hạo Tu sứ thần Triều Tiên với Lê Quý Đôn và đoàn sứ bộ Việt Nam sau này trên sông Nhiệt Hà năm 1790. Có lẽ cuộc gặp gỡ trên là cuộc gặp tiêu biểu nhất trong quan hệ giao lưu giữa 2 nước cuối thế kỷ XVIII. Tất nhiên quan hệ ngoại giao của 2 nước không chỉ dừng lại ở đây. Lần này, tìm tòi trong mảng tư liệu của Triều Tiên và Việt Nam chúng tôi phát hiện ra còn khá nhiều tư liệu đánh dấu quan hệ giao lưu của 2 nước thế kỷ XVIII. Với vấn đề này, mục đích của bài viết là muốn góp thêm vài tư liệu bổ sung vào những công trình đã được công bố và bài nghiên cứu của Nguyễn Minh Tuân nhằm làm sáng tỏ một phần thể chế triều cống ở thế kỷ XVIII.

I. Cuộc gặp của sứ thần Việt Nam và Triều Tiên năm 1760

1/ Diện mạo của 2 sứ thần.

Trước tiên chúng ta cùng xem xét cuộc gặp gỡ giữa sứ thần Triều Tiên và đoàn Lê Quý Đôn - sứ thần Việt Nam mà Nguyễn Minh Tuân đã đưa ra. Đoàn sứ thần Việt Nam dự định đến Bắc Kinh vào mùa đông năm 1760, nhưng đoàn đã lên đường chậm 1 năm do Thái Thượng Hoàng của triều Lê - Hoàng đế ý Tông mất. Theo Đại Nam sử ký toàn thư, tục biên quyển 4, mục ghi năm Cảnh Hưng 20 (1759) thì thấy ngày tháng lên đường không rõ ràng nhưng có chi tiết: "Cử Chánh sứ Trần Huy Mật, Phó sứ Lê Quý Đôn, Trịnh Xuân Thụ, sang Thanh tuế cống và báo cáo việc Hoàng đế ý Tông mất"(4).

Dưới đây xin đề cập diện mạo của sứ thần 2 nước:

1. Lê Quý Đôn (1726 - 1784) tự là Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, người xã Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ. Năm Cảnh Hưng 13 (1735) đỗ Bảng nhãn. Ông không chỉ hoạt động tích cực trong chính quyền nhà Lê thời kỳ cuối mà còn để lại nhiều tác phẩm. Trong sách Nhân vật chí của một tác giả không rõ tên tuổi đã ghi lại rất tỉ mỉ tiểu sử của ông(5).

Lê Quý Đôn (Nguồn ảnh: Internet)

2. Cùng đi với Lê Quý Đôn có Phó sứ Trịnh Xuân Thụ (1704 - ?) là người xã Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc. Năm Cảnh Hưng 9 (1748) đỗ Đệ nhị giáp(6). Ngoài việc đi sứ sang Bắc Kinh cùng đoàn Lê Quý Đôn, ông còn làm quan đến chức Đông các học sĩ, khi mất được tặng Thị độc. Ngoài tập thơ Sứ hoa học bộ thi tập ông để lại, chúng ta không biết gì hơn về ông(7). Ngay tựa đề của tập thơ dường như có ghi lại việc đi sứ sang Trung Quốc nhưng tìm trong Thư mục Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm không thấy tập thơ này.

3. Chánh sứ Trần Huy Mật (1710 - ?) người xã An Hoạch, huyện Đông Sơn, trấn Thanh Hóa, đỗ Đệ tam giáp năm Vĩnh Hựu 2 (1736). Lúc đầu ông có tên là Bá Tân, sau đổi thành Huy Mật. Lý lịch của ông không tỉ mỉ bằng Lê Quý Đôn, nhưng theo những tài liệu như Toàn thư, Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký, thì ông là một trong những nhân vật chính trông coi khoa cử(8). Vài năm sau đó ông bị cách chức.

Quay trở lại các sứ thần Triều Tiên. Hàng năm, phía Triều Tiên đều cử sứ thần sang Thanh triều cống. Sách Triều Tiên vương triều thực lục - cuốn sử cái của Triều Tiên không ghi chép cụ thể việc phái sứ thần đi sứ năm Càn Long 25 (1760) như thế nào. Nhưng đáng mừng là trong Đồng văn vựng khảo - tập văn kiện ngoại giao được biên soạn cuối thời Lý, chúng tôi đã tìm được phần liên quan tới vấn đề này.

Trong sách Sử hành lục, tục bổ quyển 7, mục Càn Long 25 có chép: "Từ ngày 2 - 11 đi sứ. Ngày 6 - 4 năm Tân Tỵ phục mệnh. Đoàn gồm có Chánh sứ Hồng Khải Hi - Lại tào phán thư, Phó sứ lễ tào tham phán Triệu Vinh Tiến, Thư trạng quan kiêm trì bình Lý Huy Trung", từ đây chúng ta có thể biết được khoảng thời gian lên đường và trở về của đoàn sứ thần Việt Nam.

Trong phần chú thích bài Thêm bốn bài thơ xướng họa của Lê Quý Đôn với sứ thần Triều Tiên, Nguyễn Minh Tuân không ghi chép đầy đủ về 3 nhân vật Triều Tiên. Theo Quốc triều bảng mục - sách ghi tên người đỗ đạt trong vương triều Triều Tiên, có ghi về Lý Huy Trung: "Năm Canh Ngọ 26 (1750), vào bảng Điện thí. Bảy người đỗ ất khoa có Thông Đức, Lý Huy Trung, Nhữ Thận, Tham Phan, Trực Phó, là người Toàn Châu" (quyển 16). Cũng trong Triều Tiên vương triều thực lục thấy có ghi chép tản mạn về nhân vật này. Lý Huy Trung làm quan đến chức Đại tư hiến, tên của ông ta còn lưu lại cho đến khi Chánh Tổ lên ngôi(9).

4. Phó sứ Triệu Vinh Tiến (? - 1775)(10) trong Quốc triều bảng mục (quyển 17) có ghi: "Năm Bính Tý 32 (1756) vào bảng Đình thí. Ba mươi người đỗ Bính khoa có Triệu Vinh Tiến, Nhữ Tiếp, Phán Thư là người Dương Châu". Theo Nhân vật chítrong Thư mục Hán Nôm của Việt Nam, lại là Triệu Vinh Kiến. ở đây có sự nhầm lầm giữa Tiến thành Kiến. Nhân vật này cũng làm quan đến chức Đại tư hiến(11). Tên ông còn xuất hiện trong sách Triều Tiên vương triều thực lục.

(1703 - 1771) chúng tôi sẽ không nói tập5. Chánh sứ Hồng Khải Hi trung mà đề cập trong cả 3 phần do có rất nhiều tư liệu nói về nhân vật này.

Sách Quốc triều bảng mục, quyển 16 có chép: "Năm Đinh Tỵ 13 (1737) Hồng Khải Hi vào bảng Biệt thí, một người đỗ Giáp khoa, là Nội giáo quan Hồng Khải Hi, hiệu là Thuần Phủ, kiêm Lại phán đề học, năm ất Tị vào triều, năm Tân Mão mất". Trong Triều Tiên vương triều thực lục có nhiều chỗ ghi chép về nhân vật này, phần cuối có nói chức danh của ông khi mất là Phụng Triều Hạ. Ông Woodside cũng có ghi chép về sự nghiệp của Hồng Khải Hi khi biên soạn cuốn Đông triều văn hiến bị khảo, cuốn này được biên soạn dựa trên cơ sở cuốn Tằng bổ văn hiến bị khảo(12). Hồng Khải Hi là người liên quan mật thiết tới luật quân dịch thi hành năm 1750 mà mục tiêu là cải cách quân chế và tài chính. Ông tham gia biên tập cuốn Quân dịch sự thực phát hành năm 1752, và cuốn Tam vận thanh vựng phát hành năm 1751. Cuốn Tam vận thanh vựng chúng tôi chưa được xem qua nên không nắm được nội dung như thế nào, nhưng xem xét từ năm phát hành thì có thể thấy người ta đã không ghi chép gì về việc giao lưu với đoàn Lê Quý Đôn - sứ thần Việt Nam. Dù có tham gia những việc nói trên, nhưng Hồng Khải Hi chỉ thực sự nổi tiếng khi ông đến Nhật Bản với chức danh Chánh sứ Thông tín sứ. Thông tín sứ lần này được phái đi năm Enkyo (Diên hưởng) 5 (1748) nhân dịp chúc mừng Ieshige kế nghiệp cha. Ieshige là con trai trưởng của tướng quân đời thứ 8 Yoshimune Shogun thoái vị năm Enkyo 2 (tháng 9/1745). Đã có một vài nghiên cứu về Thông tín sử Triều Tiên năm Enkyo 5 này(13).

Hoạt động của viên Thông tín sứ Triều Tiên lần này được ghi lại qua cuốn Phụng sứ thời Nhật Bản văn kiến lục của Tào Mệnh Thái - người cùng đi sứ với Hồng Khải Hi, ngoài ra có thể biết rõ hơn qua nhiều tư liệu còn lại ở Nhật Bản như cuốnTùy sai nhật lục của Hồng Cảnh Hải để lại chúng ta được biết tường tận hơn. Hồng Cảnh Hải là con trai thứ của Hồng Khải Hi, ông làm tướng quân, và đảm nhận công việc phiên dịch khi đi sứ cùng với cha. Cũng giống như các Thông tín sứ và Hồi đáp loát hoàn sứ đã từng được cử đi sứ trong lịch sử, Thông tín sứ Triều Tiên - Chánh sứ Hồng Khải Hi cũng có nhiều cuộc gặp gỡ giao lưu văn hóa ở một số nơi của Nhật Bản(14). Tại Nhật Bản hiện vẫn còn một vài bài thơ là bút tích của Hồng Khải Hi.

Những người như Hồng Khải Hi sang Bắc Kinh năm 1760 đều là những người đã từng sang Nhật Bản nên có thể gọi họ là Người quốc tế của thế giới Đông á đương thời. Và đương nhiên đoàn đại biểu của Việt Nam, Triều Tiên lúc đó không chỉ là đoàn chính trị, mà còn là đoàn văn nhân. Tuy nhiên trong tập thơ Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn chúng tôi không tìm thấy đoạn nào nói tới việc Hồng Khải Hi kể lại các chuyến thăm Nhật của ông trong cuộc giao lưu với sứ thần Việt Nam.

2/ Giao lưu của đoàn sứ thần hai nước qua Kiến văn tiểu lục.

Theo Nguyễn Minh Tuân tổng cộng có 7 bài thơ xướng họa trong cuộc gặp gỡ giữa sứ thần hai nước, trong bài nghiên cứu đó giới thiệu 4 bài thơ chưa từng được công bố đó là: Tống Triều Tiên quốc sứ của Lê Quý Đôn (2 bài); Triều Tiên quốc sứ Hồng Khải Hi họa thi của Hồng Khải Hi và bài Lý Huy Trung họa thi của Lý Huy Trung.

Qua tìm hiểu tư liệu phía Việt Nam có 5 đầu sách ghi lại cuộc gặp gỡ của sứ thần hai nước năm 1760: Quế Đường thi tập,có 7 bài thơ ghi lại cuộc gặp gỡ giữa các sứ thần Triều Tiên và đoàn Lê Quý Đôn. Bắc sứ thông lục, hiện còn quyển 1 và 4, nhưng chỉ có quyển 4 ghi chép về quan hệ giao lưu với sứ thần Triều Tiên. Thánh Mô hiền phạm lục và Quần thư khảo biện, 2 cuốn sách này có đăng bài tựa của Hồng Khải Hi. Trong Quần thư khảo biện có 2 bài thơ, một bài của Hồng Khải Hi và một bài của Lý Huy Trung và Kiến văn tiểu lục.

Bây giờ chúng ta hãy thử xem xét cuộc gặp của đoàn sứ bộ hai nước qua sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn. Sách mà chúng tôi sử dụng là cuốn Kiến văn tiểu lục, kí hiệu VHv.1322. Mặc dù có chỗ phải đoán nhưng phần nào cũng có thể hiểu được nội dung của nó. Dưới đây xin đưa ra những phần có đề cập tới quan hệ giao lưu giữa sứ thần hai nước. Đầu cuốn sách viết: “Nước Cao Ly về thời Đường thuộc An Đông đô hộ phủ. Đến thời Thạch Tấn, Vương Kiến mới khôi phục lại nước, bao gồm Tân La và Bách Tế vào trong bản đồ. Trải qua đời Tống, đời Nguyên đến đầu đời Minh Thái Tổ mới bị diệt. Họ Lý lên thay ngôi lấy niên hiệu cũ là Triều Tiên. Từ Đại Minh đến nay trải qua gần 900 năm, mới chỉ có hai họ thay ngôi vua, đó cũng là điều khiến Trung Quốc phải hổ thẹn. Người dân hiền lành cẩn thận, ham đọc sách, thạo văn học, trọng nghi lễ. Sứ thần nước Việt ta trong thời gian đi sứ Bắc Kinh, cùng với sứ nước họ có qua lại, tặng thơ xướng họa cho nhau. Trong năm Vạn Lịch, sứ ta là Phùng Khắc Khoan và sứ Triều Tiên Lý Túy Quang cùng xướng họa. Túy Quang viết tự cho tập thơ của Phùng Công (tức Phùng Khắc Khoan). Mùa đông năm Canh Thìn niên hiệu Cảnh Hưng, ta và Trần Huy Mật, Trịnh Xuân Thụ, đến Yên Kinh. Hôm trừ tịch, gặp sứ nước ấy là Hồng Khải Hi, Triệu Vinh Tiến, Lý Huy Trung ở Hồng Lô quán. Bày tiệc bút đàm, càng tăng thêm tình hữu hảo, sau khi về quán, lại sai 2 vị thiếu khanh mang thổ sản đến tặng”.

Lê Quý Đôn không chỉ biểu lộ sự ngạc nhiên của mình về việc vương triều Triều Tiên chỉ thay đổi hai lần trong vòng 900 năm, mà còn đánh giá tốt phong cách của người Triều Tiên. Ông cũng ghi lại cuộc gặp gỡ giữa 2 nhân vật Phùng và Lý, đại diện tiêu biểu của hai nước Việt - Triều: “Năm mới, lại sai 3 người con là Hồng Tán Hối, Triệu Quang Quỳ, Lý Thương Phượng đến chúc mừng, lưu lại kinh 2 tháng thư từ qua lại đều hay cả. Đêm giao thừa gửi một bức thư rằng: Từng xem bản đồ biết đến quý bang, Đông Nam xa cách, chỉ e trân ngựa đuổi nhau cũng không kịp. Nay được gặp, ngồi cùng chiếu mà thực chẳng ngờ, vội vàng không chỉnh đốn, nhớ mong khôn xiết. Trước khi chia tay, được người nhà trao cho bức thư quí báu. Khi trở về mở ra xem thấy trong đó có ý rất khiêm tốn và trịnh trọng, quý hóa khôn xiết. Xây lầu cao, đón bạn hiền bọn chúng tôi lẽ nào lại không có cái ý như thế, ngặt vì công việc nên đều không gặp được nhau, vì thế lấy làm hận. Quạt giấy là sản phẩm đặc biệt của nước chúng tôi nên dùng nó để ghi lại di ý của Ngô Cảo và Trịnh Trữ. Rất mong ngài giữ lấy”.

Ở đây, chúng tôi muốn nói tới 3 nhân vật phía Triều Tiên được cử sang làm sứ giả ở Việt Nam nhân dịp năm mới. Thứ nhất là Triệu Quang Quỳ - con trai thứ của Phó sứ Triệu Vinh Tiến. Trong đoạn nói về Triệu Vinh Tiến sách Quốc triều nhân vật chí xuất bản năm Long Hi 3 (1909) cuối thời Lý có ghi như sau: "Ông có 3 em trai, xương Quỳ đỗ Văn khoa làm chức Đại Tư Gián, Quang Quỳ giữ chức Quận Thủ, Tường Quỳ giữ chức Đô Chính". Thứ 2 là Lý Thương Phượng theoQuốc triều bảng mục là con trai của Lý Huy Trung. Thứ 3 là Hồng Toản Hối là con trai thứ 4 của Chánh sứ Hồng Khải Hi.

Tiếp đó có tiểu dẫn của Hồng Khải Hi đáp thơ của Trần Huy Mật và 4 tiểu dẫn được coi là của Hồng Khải Hi viết cho Lê Quý Đôn, Trịnh Xuân Thụ, Trần Huy Mật, và một tiểu dẫn của Lý Huy Trung cho 3 sứ thần Việt Nam. Tất cả các đoạn này đều nói về niềm vui khi gặp nhau, nỗi buồn khi xa nhau của sứ thần hai nước. Nếu nhìn nhận như vậy thì người ta có cảm giác là sứ thần hai nước đã xã giao rất kiểu cách, ngoại giao khuôn sáo. Nhưng thực tế sứ thần 2 nước không chỉ làm thơ tặng nhau, mà họ còn viết thư cho nhau, giống với cách làm của các sứ thần nước khác.

Dưới đây là phần trích dẫn một số đoạn nhỏ: “Kẻ quê mùa này có tác phẩm kém cỏi là Quần thư khảo biện và Thánh mô hiền phạm lục, cùng Tiêu tương bách vịnh thi. Hồng Thượng thư có giúp đỡ. Lý học sĩ cũng viết tựa cho Bách vịnh tự thi.Về sau lại đưa cho quan Khâm sai Bạn Tống Lang Trung là Tần Triều Châm xem giúp, họ Tần khen là có văn phong hay, sắc thái sáng sủa”.

Như đã nói ở trên, trong Quần thư khảo biện và Thánh mô hiền phạm lục, có lời tựa của Hồng Khải Hi. Còn tập thơ Tiêu tương bách vịnh, theo Nguyễn Minh Tuân không còn nữa. Và sau cùng là: “Năm Quý Tỵ bạn đồng niên của ta là Nguyễn Diêu phụng đi sứ sang Bắc Kinh, có gặp Phó sứ Triều Tiên Lý Trí Trung, người này nhận mình là cháu của Lý Huy Trung học sĩ. Trí Trung lại nói chuyện là chú mình cùng Lê Quế Đường của Quý quốc kết bạn văn chương. Nay có bức thư gửi cho tôi có ý hỏi thăm tới kẻ quê mùa nay đang giữ chức gì, mong cho được bình an”.

Năm Quý Tỵ tức năm 1773. ở đây Lý Chí Trung biết rằng trước đây Lê Quý Đôn và chú mình đã từng giao lưu gặp gỡ với nhau tại Bắc Kinh, nên khi gặp có đề cập tới việc này. Theo Quốc triều bảng mục Lý Chí Trung thi đỗ năm Anh Tổ Tân Tỵ (1761). Mùa đông năm 1772 ông được nhận chức Lại tào phán thư, được phái đi sứ sang Bắc Kinh. Năm đó phía Việt Nam cũng sang Thanh tuế cống, trong đoàn có Chánh sứ Đoàn Nguyễn Thục và Phó sứ Vũ Huy Đình(15).

Thêm nhân vật nữa là Nguyễn Diêu (1728 - ?) theo Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký thấy tên của người này có trong Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (khoa Cảnh Hưng thứ 13 (1752) cùng Lê Quý Đôn). Người này nguyên là Nguyễn Xuân Huyên, người xã Hoàng Xá, huyện Thư Trì, trấn Sơn Nam hạ.

Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn dùng những lời hay ý đẹp để nói về sứ thần Triều Tiên. Còn phía Triều Tiên đánh giá, nhìn nhận sứ thần Việt Nam như thế nào ? Thật đáng tiếc là người ta không tìm thấy tài liệu gì ghi chép về chuyến sang Bắc Kinh lần này của đoàn Triều Tiên. Nhưng trong Đồng văn vựng khảo bổ biên quyển 5 mục sứ thần biệt đơn, có đăng sơ lược về ghi chép của Chánh sứ Hồng Khải Hi và Phó sứ Triệu Vinh Tiến: “Nước An Nam, Nam Chưởng (quan lại nước Nam) đã có chế độ về mũ áo. Người An Nam lấy lụa mỏng làm mũ áo, hơi giống với nước ta. Chỉ có điều họ búi tóc. Nam Chưởng vốn là đất cũ của họ Việt Thường, họ lấy tơ vàng làm mũ áo, chế độ rất khác thường. Mũ làm bằng gấm vàng như Thác Tử (đeo thêm một đoạn đuôi), trang điểm thêm vàng để rủ ra phía sau, tóc buông như người An Nam. Cách ăn mặc của người phương Nam đại thể khác xa như thế. Điều này cho chúng ta cảm giác là đã nhìn thấy bóng dáng đoàn Lê Quý Đôn - sứ thần Việt Nam, trong nguồn tư liệu ở Triều Tiên.

II. Cuộc gặp gỡ khác của sứ thần Việt Nam và Triều Tiên

Bài nghiên cứu của Nguyễn Minh Tuân chỉ nói tới cuộc gặp gỡ của sứ thần 2 nước trong năm 1760 và Woodside cũng chỉ đề cập đến cuộc gặp của đoàn sứ thần Việt Nam và Triều Tiên năm 1760 tiêu biểu là hai nhân vật Phùng Khắc Khoan và Lý Túy Quang. Thế nhưng, sứ thần 2 nước không chỉ gặp nhau 2 lần này. Trong bài viết này, chúng tôi cũng không thể đưa ra những khảo sát sâu sắc hơn về mối quan hệ đó do bài viết có giới hạn, nhưng chúng tôi cũng cứ mạnh dạn đưa ra một vài nhận định sau:

Trong Hoàng Việt thi tuyển quyển 5 tập hợp các bài thơ của Việt Nam từ thời Lý đến cuối thời Lê có đăng 2 bài thơ thất ngôn của Nguyễn Công Ngột (1680-1732) viết về Lý Thế Cẩn và Dụ Tập Nhất. Nguyễn Công Ngột là người xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc. Ông là một trong 15 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, năm 1700(16). Ông là nhân vật trung tâm của Luật cải cách hàng loạt tiến hành trong những năm 1720-1729. Năm 1732 mất chức, ông bị buộc phải tự sát(17). Theo Toàn thi năm Vĩnh Thịnh 14 (1718), cụ thể tháng 4-1718 ông rời Việt Nam, trở về nước tháng 9 năm sau(18).

Trong Túc tông thực lục, quyển 63 nói về Lý Thế Cẩn và Dụ Tập Nhất mà Nguyễn Công Ngột có làm thơ tặng, mục chép tháng 3-1719 có nói: Mùa đông năm ất Mùi, Chánh sứ Dụ Tập Nhất và Phó sứ Lý Thế Cẩn cùng bọn Trạng quan Trịnh Tích Tam từ Yên Kinh trở về. Theo Quốc triều bảng mục, Dụ Tập Nhất thi đỗ năm Canh Thân niên hiệu Túc Tông (1680), tháng 3-1718 nhận chức Hình tào phán thư làm Chánh sứ đi cống Thanh. Còn Lý Thế Cẩn thi đỗ năm Đinh Sửu niên hiệu Túc Tông (1697), 1718 nhận chức Lễ tào phán thư, và các nhân vật này đều được phái sang Bắc Kinh.

Sách Hoàng Việt thi tuyển quyển 6 có thơ Hồ Sĩ Đống (1739-1795) tặng các sứ thần Triều Tiên là Lý Quang, Trịnh Vũ Thuần, Y Phường khi về nước. Hồ Sĩ Đống là người xã Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An. Năm Cảnh Hưng 3 (1772) đỗ Tiến sĩ đệ nhị giáp. Trong khoa thi này Lê Quý Đôn làm giám thị. Từ năm Cảnh Hưng 39 (1778) Hồ Sĩ Đống được cử đi cống. Sách Toàn thư không ghi chép việc sứ thần đi sứ, nhưng trong phần Chính biên quyển 45 Khâm định Việt sử thông giám cương mục, mục ghi năm Cảnh Hưng 38 (năm 1777) có chép: “Mùa đông tháng 12 sai bọn Tả thị lang Vũ Trần Thiệu đi sứ sang Thanh”. Trong Lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có ghi đoàn sứ thần Việt Nam đi cống là tháng 5 - 1778(19), có lẽ ghi lại theo cuốn Đại Thanh lịch triều thực lục.

Về Đông Chí sứ người Triều Tiên sang Bắc Kinh tháng 1-1778, trong Chính tổ thực lục quyển 4, mục ghi tháng 10 niên hiệu Chánh Tổ 1: Năm Mậu Tuất, cho mời Đông chí và Trần tấu cùng Chánh sứ Hà Ân Quân Quang, Phó sứ Lý Khôn, Thư Trạng quan Lý Tại Học đến để từ biệt vua. Vậy nhân vật Lý Quang trong Hoàng Việt thi tập phải chăng chính là Hà Ân Quân Lý Quang ? Rõ ràng là không có sự thống nhất giữa tên của người mà Hồ Sĩ Đống tặng thơ với các nhân vật khác ngoại trừ Lý Quang. Theo sách Triều Tiên vương triều thực lục thấy có quyết định phái cử 3 người là Lý Quang, Trịnh Vũ Thuần và Y Phường đi sứ năm Chánh Tổ 2 (tháng 9-1778)(20). Một năm sau, tháng 1-1779 thì vào triều. Cuối năm 1777 đoàn Hồ Sĩ Đống - sứ thần Việt Nam lên đường nếu gặp đoàn Lý Quang, Trịnh Vũ Thuần, Y Phường - sứ thần Triều Tiên, thì phía Việt Nam ắt phải ở lại Trung Quốc đến cuối năm 1778.

Thơ xướng họa của Hồ Sĩ Đống ngoài Hoàng Việt thi tuyển, còn có cả trong Lãnh trai thư tịnh thế tập quyển 2 của Phác Đắc Cung. Chính Phác Đắc Cung được sang Bắc Kinh với tư cách là Thứ tu của Phó sứ tiến hạ. Ông để lại một tác phẩm mang tên Lục Dương lạc. Về thơ cũng gần giống với thơ trong Hoàng Việt thi tuyển nhưng trong đó có chép: Một ngày sau tiết lập xuân năm Mậu Tuất sứ thần Triều Tiên Y Phán Thư phụng trình và người tặng thơ hoàn toàn khác với người tặng trong Hoàng Việt thi tuyển. Ở đây năm Mậu Tuất chính là năm 1778. Nếu tiêu đề này đúng thì sứ thần 2 nước đã phải gặp nhau ở Bắc Kinh vào tiết Lập xuân năm 1778. Hiện nay cũng chưa có cách nào để lấp đi sự chênh lệch về thời gian này. Có lẽ sứ thần 2 nước đã gặp nhau từ cuối năm 1778 đến đầu năm 1779, hay sự ghi nhận của Phác Đắc Cung ngày lập xuân năm Mậu Tuất là sai ? Chúng ta đành chờ đợi những công trình nghiên cứu sau này. Nhân đây xin nói thêm khi đoàn Hồ Sĩ Đống vào triều người ta đã phát hiện ra một nhân vật giả dạng người Thanh từ tóc tai đến hình dáng, giả làm gia nhân Hồ Sĩ Đống trà trộn vào đoàn sứ thần Việt Nam nên đã xảy ra nhiều vấn đề lớn. Về phía Triều Tiên, Trịnh Vũ Thuần thi đỗ năm Nhâm Thìn niên hiệu Anh Tổ (1772), ông được giữ chức Tạ ân sứ thư trạng quan (Chấp nghĩa). Thêm nữa, nhân vật Y Phường thi đỗ năm Tân Mùi thời Anh Tổ (1751), ông nhận chức Tạ ân sứ phó sứ (Lễ tào Phán thư).

Sau cùng trong quyển 6 Hoàng Việt thi tuyển có đăng thơ xướng họa của Đoàn Nguyễn Thục bài Tống Triều Tiên quốc sứ Y Đông Thăng, Lý Chí Trung. Đoàn Nguyễn Thục (1728-1783) là người xã Hải Yên, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam hạ. Cũng như Lê Quý Đôn và Nguyễn Diêu, năm 1752 niên hiệu Cảnh Hưng 13 ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Năm Cảnh Hưng 34 (1773) Đoàn Nguyễn Thục được cử làm Chánh sứ đi Bắc Kinh. Lý Chí Trung xướng họa cùng Đoàn Nguyễn Thục, cũng trao đổi trò chuyện với Nguyễn Diêu. Lý Chí Trung lại chính là cháu của Lý Huy Trung - người mà Lê Quý Đôn đã từng trò chuyện. Lê Quý Đôn đã đề cập đến cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Diêu và Lý Chí Trung cùng thời gian đó trong Kiến văn tiểu lục, nhưng không nói đến cuộc gặp gỡ của Đoàn Nguyễn Thục với sứ thần Triều Tiên. Còn nhân vật Y Đông Thăng thi đỗ năm Mậu Dần thời Anh Tổ (1746), sứ thần lần này nhận chức Tiến hạ tạ ân kiêm Tam tiết niên cống hành phó sứ (Lễ tào Phán thư).

Ngay cả phía Triều Tiên cũng có một vài tư liệu đánh dấu quan hệ giao lưu của 2 nước. Trong Lãnh trai thư phổ thế tậpquyển 2 của Phác Đắc Cung, ngoài những bài thơ xướng họa của Hồ Sĩ Đống còn có cả thơ của Nguyễn Trọng Đương (1724 - 1786). Nguyễn Trọng Đương người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương, trấn Nghệ An. Năm Cảnh Hưng 30 (1769) đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Năm đó Trần Huy Mật có tham gia coi thi. Theo Việt Nam khoa bảng lục hội yếu, năm 1761 Nguyễn Trọng Đương sang triều Thanh(21), nhưng năm 1761 Nguyễn Trọng Đương vẫn chưa thi đỗ, nên Nguyễn Trọng Đương không thể có mặt trong đoàn sứ bộ của Lê Quý Đôn. Nhưng bài Phụng trình sứ thần Triều Tiên Y Phán Thư của ông ta lại có trong Lãnh trai thư tịnh thế tập. Ở đây nhân vật Y Phán Thư mà Nguyễn Trọng Đương tặng thơ có phải là nhân vật Y Phán Thư mà Hồ Sĩ Đống tặng thơ bài Phụng trình sứ thần Triều Tiên Y Phán Thư ? Theo Đồng văn vựng khảo Y Phường nhập triều với chức Phó sứ (Lễ tào phán thư), nhưng nhân vật Y Đông Thăng mà Đoàn Nguyễn Thục tặng thơ khi gặp tại Bắc Kinh năm 1773, cũng có chức danh là Phó sứ (Lễ tào phán thư). Phải chăng Nguyễn Trọng Đương đã có mặt trong đoàn sứ thần của Đoàn Nguyễn Thục năm 1773, hay đoàn Hồ Sĩ Đống năm 1778 ? Sau đó, ông ta bị chết trận năm 1786 khi đánh nhau với quân Tây Sơn - Nguyễn Huệ trên đất Bắc(22).

Trong Lãnh trai thư tịnh thế tập của Phác Đắc Cung có bài thơ của 3 sứ thần Việt Nam. Thơ của 3 người này đều làm khi dự lễ mừng thọ Hoàng đế Càn Long 80 tuổi năm Càn Long 55 (1790) cùng với Nguyễn Huệ - Quốc vương nước An Nam.

1. Thơ của Phan Huy ích (1751-1822) có tựa đề Phụng trình Triều Tiên quốc tiến hạ sứ Từ Phán Thư. Phan Huy ích là người xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An, là nhà chính trị trong thời kỳ đầu của nhà Nguyễn, là cha đẻ của Phan Huy Chú - nhà văn, nhà chính trị thời kì đầu nhà Nguyễn. Ông thi đỗ cuối thời Lê, tức năm Cảnh Hưng 38 (1775), nhưng lại tham gia chính quyền Tây Sơn trên đất bắc. Năm 1790 ông được cử sang Bắc Kinh, giúp Nguyễn Huệ được sắc phong là vua nước An Nam. Nguyễn Huệ là người đã tiêu diệt nhà Lê xây dựng nhà Tây Sơn. Do không muốn giữ mãi quan hệ căng thẳng với triều Thanh khi Nguyễn Huệ đã đại phá được quân Thanh xâm lược do nhà Lê cầu cứu, một mặt ở trong nước phía nam lại mâu thuẫn với anh trai Nguyễn Văn Nhạc, mặt khác cũng phải khống chế Nguyễn Phúc ánh - một gia tộc họ Nguyễn ở Quảng Nam bị nhà Tây Sơn tiêu diệt lại đang có ý định khôi phục lực lượng, mưu đồ làm phản, nên Nguyễn Huệ đã diễn vở kịch cho cháu thay mình, giả làm vua An Nam sang yết kiến hoàng đế Càn Long(23).

2. Thơ của Vũ Huy Tấn. Về tiểu sử của ông ta trong sách Toàn thư tục biên quyển 5 năm Chiêu Thống 2, mục ghi tháng 8-1788: Mùa thu tháng 8, tặc tướng Ngô Văn Sở sai khiến bọn bề tôi cũ của nhà Lê là Nguyễn Nha, Trần Bá Lãm, Vũ Huy Tấn... mang thư của Sùng Công sang gõ cửa nhà Thanh, đến Bắc Kinh đường tắc không đi được. Vũ Huy Tấn đã từng là bề tôi của nhà Lê, nhưng ông cũng ở lại tham gia chính quyền Tây Sơn cùng với Phan Huy ích. Thơ của ông có tựa đềPhụng trình Triều Tiên quốc sứ Từ Phán Thư. Người ta cho rằng nhân vật Từ Phán Thư này là nhân vật mà Phan Huy ích tặng thơ nói trên. Và phải chăng năm Càn Long 55, Từ Hạo Tu đã sang Nhiệt Hà với chức danh Tiến hạ phó sứ(24). Nếu như vậy, bài thơ này của Vũ Huy Tấn chắc chắn được làm vào mùa hạ năm Càn Long 55. Thế nhưng, sách Đại Thanh lịch triều thực lục. Cao Tông Thuần hoàng đế thực lục quyển 1335 có ghi: Mậu Thân tháng 7, năm Càn Long 54 (1789) Chánh sứ nước Nam là Nguyễn Quang Hiển và Phó sứ Nguyễn Hữu Điều cùng bọn Vũ Huy Tấn vào chầu vua. Như vậy, Vũ Huy Tấn được Nguyễn Huệ phái sang Trung Quốc năm 1789(25). Một năm sau, tháng 7 năm Càn Long 55 tổ chức lễ chúc thọ Hoàng đế Càn Long 80 tuổi, nhân dịp này Nguyễn Huệ cũng vào hành cung Nhiệt Hà yết kiến để được sắc phong An Nam quốc vương. Hay Vũ Huy Tấn sau khi vào triều năm 1789, đã không trở về nước ở lại cho đến năm sau, tức là năm Nguyễn Huệ nhập triều để tham dự lễ chúc thọ hoàng đế Càn Long 80 tuổi, nên có thể Vũ Huy Tấn đã gặp gỡ bọn Từ Hạo Tu - sứ thần Triều Tiên ?

3. Thơ của Đào Kim Chung, theo Lãnh trai thư phổ thế tập, có sáng tác bài thơ Kính hòa Triều Tiên quốc phác Kiểm Thư.Tiểu sử của người này không rõ ràng, nhưng Phác Kiểm Thư có thể là Phác Đắc Cung ?

Ngoài ra, trong Yên hành ký của Từ Hạo Tu đã ghi lại rất tỉ mỉ quan hệ giao lưu giữa Nguyễn Huệ - Quốc vương An Nam với các sứ thần Triều Tiên ở Nhiệt Hà, chúng ta cần phải có cơ hội khác để xác định rõ hơn vấn đề này.

Chúng tôi còn có tư liệu đánh dấu quan hệ giao lưu giữa sứ thần 2 nước ở Nhiệt Hà năm Càn Long 55, tư liệu này làTrinh Tô thi tập của Phác Tề Gia. Trong quyển 3 này có đăng 2 bài thơ mang tựa đề Tặng Lại bộ Thượng thư Phan Huy ích, Hiệt Trạch Hầu, Công bộ Thượng thư Vũ Huy Tấn và bài Thứ vận Phan Huy ích đẳng, đại phó sứ tác. Như vậy, phía Việt Nam một mặt diễn vở đưa vua giả vào triều, đồng thời cho sứ thần nước mình giao lưu văn hóa với các sứ thần Triều Tiên.

Lời kết

Sau thế kỷ XVIII có rất nhiều tư liệu ghi chép lại việc sứ thần 2 nước giao lưu, dường như 2 bên đã để ý tới sự tồn tại của mỗi nước. Như trong bức thư Lê Quý Đôn gửi sứ thần Triều Tiên có nhan đề Tằng nhân đồ kinh tri hữu quý bang (qua bản đồ biết quý bang) thì sự tồn tại chỉ được biết trên sách vở, hiện nay và thực tế đã trở thành sự tồn tại trước mắt chúng ta. Xu hướng này cũng không thay đổi ngay cả nhà Nguyễn thay nhà Tây Sơn nắm chính quyền ở đầu thế kỷ XIX , thực hiện công việc triều cống Trung Quốc. Theo Thư mục sách Hán Nôm của Viện nghiên cứu Hán Nôm tìm thấy một vài tư liệu ghi lại việc giao lưu của sứ 2 nước. Ngoài ra trong Yên hành lục của Triều Tiên có thể cũng có ghi chép việc giao lưu của sứ thần 2 nước.

Mặc dù vậy, đoàn Triều Tiên sang Trung Quốc hàng năm không chỉ đơn thuần là triều cống, buôn bán mà mục tiêu chính là thu thập thông tin. Điều này đã đóng góp một vai trò lớn trong việc định hình môn Thực học ở Triều Tiên. Còn ở Việt Nam việc cử đi sứ mấy năm một lần thì như thế nào? Có lẽ không thấy vai trò như vậy ở Việt Nam thế kỷ XVIII - thế kỷ mà Lê Quý Đôn và những người khác đã hoạt động ngoại giao rất tích cực cho dù các chuyến đi sứ còn ít. Còn Từ Hạo Tu giao lưu với Nguyễn Huệ tại Nhiệt Hà năm 1790 và Chánh sứ Hoàng Nhân Điểm - cấp trên của Từ Hạo Tu đã được phái sang Trung Quốc vài lần. Có thể coi những nhân vật này là chuyên gia trong vấn đề ngoại giao với Trung Quốc. Nhưng ở Việt Nam hiếm thấy có nhân vật nào lại được phái sang Trung Quốc nhiều lần như vậy.

Song song với việc đàm phán ngoại giao căng thẳng, phức tạp, các sứ thần cũng nhộn nhịp triển khai giao lưu văn hóa. Mặc dù từ những bài văn, bài thơ sứ thần 2 nước trao đổi cho nhau chúng ta không hề nhận thấy cảm giác khẩn trương hay căng thẳng. Thậm chí xem nội dung thơ xướng họa chỉ thấy mang tính xã giao nhạt nhèo. Nhưng qua đây chúng ta có thể biết được điều kiện cần thiết đối với một nhà ngoại giao là có thể trao đổi những bài thơ kiểu như thế này. Thông qua giao lưu như vậy 2 bên Việt Nam - Triều Tiên trao đổi được những thông tin gì, thực thế chúng ta cũng không biết chính xác. Và thông tin cá nhân thu nhận được có lẽ khác với những báo cáo chính thức. Chẳng hạn như: Báo cáo của sứ thần Triều Tiên đến vua là nhà Lê bị diệt vong vì quân Tây Sơn nắm chính quyền, sự can thiệp của triều Thanh, quá trình hỗn loạn ở Việt Nam cho đến khi vua An Nam nhập triều... tất cả đều không có sự khác biệt lớn với công bố chính thức của triều Thanh(26). Và tất nhiên sứ thần Triều Tiên đã báo cáo thông tin triều Thanh một cách chính xác. Nhưng rất tiếc là chúng tôi không được biết phía Việt Nam báo cáo thông tin của Triều Tiên như thế nào đối với triều đình Việt Nam.

Bài viết này chúng tôi giới thiệu quan hệ ngoại giao của sứ thần 2 nước Việt - Triều không chỉ đơn thuần là nắm bắt lịch sử giao lưu của 2 nước, mà còn muốn xem xét trong ngoại giao, những vấn đề giao lưu của các văn nhân Trung Quốc với sứ Triều Tiên, giao lưu giữa văn nhân Nhật Bản với Thông tín sử Triều Tiên và giao lưu giữa sứ thần Việt Nam với các văn nhân Trung Quốc, rộng hơn là giao lưu văn hóa - ngoại giao khu vực Đông á trong đó có cả Lưu Cầu (Okinawa)...(**)

Lương Thị Thu dịch
Nguyễn Thị Oanh hiệu đính

CHÚ THÍCH

(*) TCHN cho dịch và công bố bài viết của Shimizu Taro - Viện Nghiên cứu Bắc Đông á Đại học Nữ tử Tottori vào mục Tư liệu tham khảo. Nhưng chúng tôi có lược bỏ đôi chỗ, xin thông báo để tác giả và độc giả biết.

(1) Kim Vĩnh Kiến, Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản, Nxb. Phú Sơn Phòng 1943, tr.235-242. Xem thêm Chi phong tiên sinh tập quyển 5: Ghi chép chuyện vấn đáp của sứ thần An Nam khi được phái đi sứ Bắc Kinh mùa đông năm Đinh Dậu.

(2) Tham khảo cuốn trên của Kim Vĩnh Kiến và bài Truyện Triệu Hoàn Bích người Triều Tiên vượt biển sang Đông Nam Ãcủa IwayoiSeiichi (Nham Sinh Thành Nhất), đăng trên Triều Tiên học báo, số 6/1954. Cùng với Đông Nam Á và việc người Triều Tiên bị bắt sang Nhật do cuộc xâm lược Triều Tiên của Toyotomi Hideyoshi, của Katakura Hinoru trongNghiên cứu của người Triều Tiên vượt biển sang Nhật thời kì cận đại tháng 3/1991, tr.175-185.

(3) Nguyễn Minh Tuân “Thêm bốn bài thơ xướng họa giữa Lê Quý Đôn với sứ thần Triều Tiên”, Tạp chí Hán Nôm, số 4 (41)-1999.

(4) Sách Toàn thư do Trần Kinh Hòa hiệu hợp bản, 3 quyển, Viện NC Văn hóa Đông Dương Đại học Tokyo, thuộc Trung tâm Văn hiến Đông Dương học, phát hành, 1984-1989. Về quan hệ triều cống của nhà Thanh với nhà Lê hậu kì xin xem thêm cuốn Lịch sử quan hệ Việt - Trung từ thời họ Khúc cho đến chiến tranh Pháp - Thanh, của Yamamoto Tatsuro, Nxb. Yamakawa, 1975. Chương 7: Quan hệ nhà Thanh với nhà Lê hậu kì, mục thứ nhất: Quan hệ triều cống.

(5) Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san thể loại tiểu thuyết, bút kí 6 sách gồm: Nam ông mộng lục, Nam thiên trung nghĩa thực lục, Nhân vật chí - Trần Khánh Hạo, Vương Tam Khánh chủ biên. Học viện Viễn đông Pháp -Thư cục Đài Loan Đài Bắc -Trung Hoa dân quốc 76 xuất bản.

(6) Toàn thư, tục biên quyển 4, mục Cảnh Hưng 9: Tháng 3, Hội thí, lấy đỗ bọn Vũ Miên 13 người. Ngự thí, Nguyễn Huy Oánh Tiến sĩ cập đệ đỗ Đệ tam danh, Trịnh Xuân Thụ Tiến sĩ xuất thân và bọn Vũ Miên 11 người cùng đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân.

(7) Ngô Đức Thọ Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1993.

(8) Cao Viên Trai - Võ Oanh dịch Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi kí, Bộ giáo dục, Trung tâm học liệu xuất bản, Sài gòn, 1969.

(9) Triều Tiên vương triều thực lục - Anh Tổ đại vương thực lục quyển 121. Mục ghi tháng 11 năm Quý Tỵ (1773): Cho Lý Huy Trung làm chức Đại tư hiến... Mục ghi tháng 9 năm Bính Thân Chánh Tổ lên ngôi: Năm Canh Dần cho mời gặp vào ngày sinh nhật, có thăm hỏi các bậc khanh tướng... Lí Huy Trung...

(10) Về năm mất của Triệu Vĩnh Tiến mục ghi tháng 11 năm ất Mùi năm thứ 51 cuốn Anh Tổ thực lục: Kỉ Hợi... (Hồng) Lân Hán Nhật, Triệu Vinh Tiến, Lí Đàm đều qua đời. Hoàng thượng kinh ngạc mới hỏi lại "Có phải Nhật chăng", rằng: "Thưa đúng như vậy" ? Vua than tiếc mãi không thôi. Nay mất 3 bề tôi, lòng ta nhớ thương không kể xiết. Bèn làm bài văn tế, sai quan lễ đến tế cả 3 nhà.

(11) Anh tổ thực lục, quyển 118, mục tháng 3 năm Nhâm Thìn, năm thứ 48.

(12) A.B. Woodside, Vietnam and Chinese Model" A Comparative Study of Vietnamese and Chinese Government in the First Half of the Nineteenth Century. Canbridge. Mass. Harvard Univ Press, Paperback Edition,1988. Preface to the Paperback Edition.

(13) Được tóm tắt trong Ghi chép về tình hữu hảo và mối quan hệ láng giềng thân thiện; Đại hệ Triều Tiên thông tín sứ; năm Enkyo, Mậu Thìn, quyển 6, do Tân Cơ Tú và Trọng Vĩ Hoằng biên tập. Nxb. .Minh Thạch,1994.

(14) Về tranh, thơ xướng họa, biển ngạch, câu đối... xin xem thêm bài Chùa Thanh Kiến và Thông tín sứ Triều Tiên, trong cuốn Nhận thức về Triều Tiên của dân chúng thời cận đại về thế giới của những kẻ giết người Đường (Trung Quốc) đã nêu trên.

(15) Toàn thư, tục biên, quyển 5, mục cuối năm Cảnh Hưng 32 (1772): "Sai Chánh sứ Đoàn Nguyễn Thục, Phó sứ Nguyễn Huy Diên, Nguyễn Dao sang Thanh tuế cống và trình tấu".

(16) Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi kí, quyển 3, Sđd.

(17) Toàn thư, tục biên, quyển 2, mục ghi năm Vĩnh Khánh 4: "Tháng 11, biếm Tham tòng bộ Lại Thượng thư Thái Bảo Sóc quận công Nguyễn Công Ngột làm Tuyên Quang thừa chính sứ, được ít lâu buộc phải chết. Công Ngột có công giúp vua, được Nhân vương tín nhiệm. Ngột từ khi gặp vua hết lòng vì nước, canh tân, sửa đổi tận cùng, nhưng tính khí chuyên quyền lấy tài năng khinh người nên nhiều người ghét, kết làm bè đảng, về sau chết vì nạn. Ông là người Phù Chẩn, Đông Ngàn. Đầu năm Cảnh Hưng mới được quy táng.

(18) Toàn thư, tục biên, quyển 4, mục ghi năm Vĩnh Thịnh 14: "Tháng 4 mùa hạ, Nguyễn Công Ngột, Nguyễn Bá Tông sang Thanh theo thông báo vua Hi Tông mất và xin được phong vương. Trên đường trở về Bá Tông mất". Mục ghi năm Vĩnh Thịnh 15: "Tháng 9, sứ thần Nguyễn Công Ngột từ Yên Kinh trở về... Lễ bộ có công văn rằng: "Hoàng đế nhà Thanh chuẩn y lời cầu xin của 2 sứ giả, sai 3 sứ thần, 20 người tùy tùng. Từ đó sứ giả đi cống 6 năm 1 lần. Chánh sứ 1 người, Phó sứ 2 người".

(19) Yamamoto Taro, Sđd, tr.690.

(20) Chánh tổ thực lục, quyển 6, mục Đinh Dậu, tháng 9 năm Mậu Tuất: "Cho mời Đại thần. Sai Tạ Ân sứ thần ra đi từ Thẩm Dương. Hoàng thượng ban tặng chữ vàng, thưởng cho những người đi theo, thể hiện sự trọng dụng đặc biệt. Cho Hà Ân quân Lí Quang làm Tạ Ân Chánh sứ, Kim Dực làm Phó sứ, Lí Đông úc làm Thư trạng quan. Cũng vào tháng ấy năm Tân Sửu: "phó sứ Lí Dực và Thư trạng quan Lí Đông úc đều cho rằng tình lí khó cưỡng, bèn lấy Y Phường, Trịnh Vũ Thuần thay vào đó".

(21) Ngô Đức Thọ chủ biên, Sđd, tr.731.

(22) Toàn thư, tục biên, quyển 5, mục ghi năm Cảnh Hưng 47 (1785): Tháng 5, mùa hạ, giặc Tây Sơn Nguyễn Nhạc sai em Nguyễn Huệ đánh Thuận Hóa. Thống suất Phạm Ngô Cầu đem thành ra hàng, Phó tướng Hoàng Đình Thể, Đốc thị Nguyễn Trọng Đương đều bị chết".

(23) Yamamoto Taro , Sđd, chương 7: Quan hệ giữa nhà Thanh với nhà Lê hậu kì, mục 6: Sự can thiệp của nhà Thanh đối với chính quyền Nguyễn Huệ và bè đảng Tây Sơn, mục 7: Trao sắc phong cho chính quyền Tây Sơn. Trong Đại Thanh chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 30: "Mùa xuân Canh Tuất, Phúc Khang An dục Huệ [sang yết kiến vua nhà Thanh], Huệ cho Trị giả thay mình. "... Huệ bèn lấy bọn Phạm Công Trị đóng giả mình, cùng bề tôi của mình là Ngô Văn Sở, Đặng Văn Châm, Phan Huy ích, Vũ Huy Tấn, Vũ Danh Tiêu, Nguyễn Tiến Lộc, Đỗ Văn Công Hài, [sang Thanh], ngoài đồ cống như thường lệ còn cống thêm 2 con voi đực, làm bọn đi đường một phen khổ sở".

(24) Chánh tổ thực lục, quyển 7, mục ghi tháng 4 năm Bính Tí: "Từ Hạo Du làm Tiến hạ kiêm Tạ Ân Phó sứ. Mục ghi tháng 5 năm Đinh Mùi: "Đinh Mùi mời gặp 3 Tạ Ân sứ thần. Mục ghi tháng 10 năm Kỉ Tị: "Kỉ Tị, triệu kiến sứ thần Hoàng Nhân Điểm và Từ Hạo Tu trở về nước".

(25) Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển 30: "... Huệ cũng lấy vàng bạc ,gấm vóc để xin lấy công chúa Ngọc Thành, Huệ bèn đổi tên là Quang Bình, sai cháu là Nguyễn Quang Hiển cùng bọn bồi thần là Vũ Huy Tấn mang đồ cống đến cửa quan xin được vào chầu".

(26) Tình hình hỗn loạn của nước An Nam do Tây Sơn cướp chính quyền cũng được phía Triều Tiên biết đến qua báo cáo của Chánh sứ Lí Tại Hiệp, mục năm ất Sửu, tháng 3, năm thứ 13, quyển 27 Chánh tổ thực lục. Và có thể thấy trong các báo cáo của Thư trạng quan Thành Chủng Nhân, Thủ dịch Trương Liêm, điều năm Đinh Mùi, tháng 3 năm thứ 14, quyển 29, cũng sách trên.

(**) Trong quá trình dịch thuật, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của GS. Trần Nghĩa, Cô giáo Rika – người Nhật và Cử nhân Nguyễn Đức Toàn. Xin chân thành cảm ơn (ND).

 Nguồn: Tạp chí Hán Nôm 2001

(Bài nói chuyện trong khuôn khổ Ngày Văn Hóa và Sinh Nhật thứ XVIII Thư Viện Giáo Xứ Việt Nam Paris tổ chức ngày 30-3-2008).

«Di ảnh thánh Philipphê Phan Văn Minh được cất giữ tại Đan Viện Carmel (Cát Minh), 33 đường Cường Để Saigon. Mặt khác, Đại Chủng Viện Pénang (Mã Lai), nơi thánh Philipphê Phan Văn Minh tu học cùng với các thánh tử đạo khác là Phêrô Đoàn Công Quý, Phaolô Lê Văn Lộc, Gioan Đoàn Trinh Hoan và Phêrô Nguyễn Văn Lựu cũng tôn kính di ảnh ngài. (Ngày nay, Đại Chủng Viện Pénang trực thuộc Giáo Hoàng Học Viện Urbani Roma). Trường San Juan de Latran ở thủ đô Manila dựng tượng thánh Phan Văn Minh. Đại Chủng Viện Pénang là nơi đào tạo cụ Ngô Đình Khả, cụ Nguyễn Hữu Bài (Thư Viện Giáo Xứ đã tổ chức nói chuyện về sự nghiệp văn học của Cụ Nguyễn Hữu Bài do GS Vũ Quốc Thúc và Luật sư Lê Trọng Quát trinh bày). Theo nhà văn Võ Long Tê: ‘‘Ông Nguyễn Văn Hiệp, trụ trì Bửu Long tự có đến thưa với Đức Cha Nguyễn Văn Diệp, Phó Giám mục Vĩnh Long rằng: Theo lưu truyền từ đời trước, chùa thờ bài vị thánh Minh Tử đạo và bài vị ấy đã trao cho Tòa Giám mục Vĩnh Long khoảng 1957-1958. Nay chùa muốn xin lại một bài vị khác để thờ.’’. Nhà văn Phạm Đình Khiêm cho biết tiểu sử thánh Philipphê Phan Văn Minh đã được đưa lên màn ảnh qua cuốn phim ‘‘Áo dòng đẫm máu’’.

20171030 Suetsugu sen e ma utsushi

Ảnh: Bức tranh Suetsugu sen e ma utsushi vẽ trên giấy (153cm x 186cm)

Từ tháng 4/2013 đến nay, với sự tài trợ của Quỹ Sumitomo Foundation (Nhật Bản), chúng tôi đã triển khai nghiên cứu đề tài Quan hệ giữa miền Trung Việt Nam với Nhật Bản từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII. Đề tài do TS. Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng) chủ trì nghiên cứu, với sự cộng tác của TS. Phan Hải Linh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và TS. Phan Thanh Hải (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế).

Ngoài mục đích khoa học, nghiên cứu này còn nhằm tìm kiếm những tư liệu và hiện vật liên quan đến mối quan hệ về ngoại giao, thương mại, văn hóa… giữa miền Trung Việt Nam với Nhật Bản từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII, để xây dựng nội dung trưng bày tại Trung tâm giao lưu văn hóa Đà Nẵng – Nhật Bản.1

Trong quá trình triển khai nghiên cứu đề tài, chúng tôi đã sang Nhật Bản hai lần để khảo sát và tìm kiếm các nguồn tư liệu và hiện vật liên quan đến đề tài, hiện đang lưu trữ tại Nhật Bản. Trong hai chuyến đi này, chúng tôi đã tiếp cận, khảo cứu và sao chụp nhiều tư liệu và hiện vật liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài. Những tư liệu và hiện vật này đang được trưng bày hoặc lưu giữ trong các thư viện, văn khố, bảo tàng, đền chùa… ở những tỉnh, thành phố của Nhật Bản mà chúng tôi đã đến khảo sát, nghiên cứu. Trong số đó, có nhiều tư liệu và hiện vật đã được Chính phủ Nhật Bản công nhận là Yuzo bunkazai (Tài sản văn hóa quan trọng) của quốc gia.

Tại hội thảo này, chúng tôi xin giới thiệu một số tư liệu và hiện vật liên quan đến mối quan hệ giao thương giữa Nhật Bản với vùng đất Đàng Trong2 của Việt Nam trong các thế kỷ XVI – XVIII. Đây là một phần nội dung trong đề tài nghiên cứu nói trên. Chúng tôi chọn các tư liệu và hiện vật phản ánh mối quan hệ giữa Nhật Bản với Đàng Trong trong các thế kỷ XVI – XVIII để giới thiệu tại hội thảo này vì đây là thời kỳ mà các hoạt động ngoại giao, thương mại và trao đổi văn hóa giữa Nhật Bản với Đàng Trong phát triển mạnh mẽ, được ghi nhận trong nhiều nguồn tư liệu thành văn, lưu lại nhiều “dấu tích” ở trên thực địa cũng như ở trong các bảo tàng tại Nhật Bản và Việt Nam.

Để tiện theo dõi, chúng tôi xin giới thiệu các tư liệu và hiện vật này theo 3 loại hình: văn bản, di vật khảo cổ và hiện vật bảo tàng.

II. Văn bản

Tư liệu thành văn thể hiện mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lịch sử, đặc biệt là quan hệ giữa Nhật Bản với Đàng Trong, đã được nhiều học giả Nhật Bản và Việt Nam khảo cứu và công bố trong hàng chục năm qua. Trong tham luận này, chúng tôi chỉ giới thiệu những văn bản mà chúng tôi trực tiếp tiếp cận và khảo cứu trong hai chuyến đi khảo sát và tìm kiếm tư liệu ở Nhật Bản vừa qua. Đó là những tư liệu đang lưu trữ tại các thư viện, văn khố, bảo tàng… như: Toyo Bunko (Đông Dương văn khố), Thư viện Đại học Tokyo, Thư viện Đại học Keio, Thư viện Đại học nữ Showa, Thư viện Đại học Kansai, Bảo tàng Quốc gia Kyushu, Bảo tàng Lịch sử và văn hóa Nagasaki…

Trong các văn bản mà chúng tôi đã tiếp cận và khảo cứu, đáng chú ý là các văn bản sau:

  1. Sưu tập gồm 9 văn thư do các chúa Nguyễn và các quan cai trị ở Dinh trấn Quảng Nam gửi cho chính quyền Nhật Bản, ghi nhận việc bang giao và trao đổi thương mại giữa hai nước. Những văn thư này được viết vào các năm: 1591, 1609, 1610 (2 văn thư), 1611, 1624 (2 văn thư), 1672 (2 văn thư) (Ảnh 1a-1f). Trong số đó, đáng chú ý là văn thư đề năm Quang Hưng thứ 14 (1591) do An Nam quốc Phó đô đường Phúc Nghĩa hầu, họ Nguyễn, gửi cho quốc vương Nhật Bản đề nghị thiết lập quan hệ bang giao với An Nam quốc (Đàng Trong). Đây là văn thư do chính quyền Đàng Trong gửi cho chính quyền Nhật Bản có niên đại sớm nhất được phát hiện từ trước đến nay.3
  2. Sưu tập gồm 4 shuin-jo (châu ấn trạng), là những văn bản do chính quyền Mạc phủ cấp vào các năm 1604 (2 tờ), 1605 và 1614, cho phép các thuyền buôn Nhật Bản đến buôn bán với Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII (Ảnh 2a-2b).4
  3. Sưu tập gồm 2 bản giao kèo về việc thu mua hàng hóa cho các thuyền buôn Nhật Bản, do các thương nhân người Nhật ký kết với các đầu mối người Đàng Trong vào các năm 1617 và 1633 (Ảnh 3).5
  4. Tờ danh mục các quà tặng của chính quyền Đàng Trong gửi chính quyền Nhật Bản vào năm 1632 (Ảnh 4).6
  5. Sưu tập gồm 4 bức thư có niên đại vào thế kỷ XVII, là thư từ của dòng họ Kadoya, một dòng họ doanh nhân nổi tiếng ở Nhật Bản vào thời kỳ Edo. Đây là thư từ trao đổi của các thành viên trong dòng họ này liên quan đến hoạt động buôn bán giữa Nhật Bản với Đàng Trong trong hai thế kỷ XVI – XVII (Ảnh 5).7
  6. Các bản chép tay tác phẩm Annan kiryakugo (安南紀略藁) của Kondo Juzo, một quan chức của Mạc phủ Tokugawa, biên soạn trong các năm 1795 – 1797. Annan kiryakugo là tác phẩm viết bằng chữ Hán và chữ Nhật, ghi chép lịch sử, phong tục, văn hóa ở Đàng Trong dựa trên lời kể của những người Nhật Bản từng đến Đàng Trong trong các thế kỷ XVI – XVIII, trong đó có đoạn viết về voi ở Quảng Nam thông qua lời kể của các quản tượng người Quảng Nam sau sự kiện tướng quân Tokugawa Yoshimune mua 2 con voi ở Quảng Nam đưa về Nhật Bản vào năm 1728.8

Nhiều thư viện và văn khố ở Nhật Bản hiện đang lưu trữ các bản chép tay khác nhau tác phẩm Annan kiryakugo của Kondo Juzo. Nhờ sự giúp đỡ của GS. Shimao Minoru (Đại học Keio), chúng tôi đã tiếp cận được các bản sau:

– Bản có tên là Annan kiryaku (安南紀略), gồm 3 cuốn, đang lưu trữ tại Kokuritsu kobun shukan (Ảnh 6).

– Hai bản khác nhau đều có tên là Annan kiryakugo (安南紀略藁), mỗi bản gồm gồm 2 cuốn, đang lưu trữ tại Thư viện Đại học Keio (Ảnh 7a-7d).

– Bản có tên là Annan kiryaku (安南紀略), gồm 2 cuốn, thuộc sở hữu của GS. Shimao Minoru (Ảnh 8a-8c).

Cả 4 bản này đều có niên đại vào năm 1797.

  1. Bộ tranh màu gồm 8 bức tranh miêu tả về trang phục, thuyền bè, công cụ lao động, các loại vũ khí và cảnh quan sinh hoạt của người dân Đàng Trong, đang lưu trữ tại Toyo Bunko. Đây là bộ tranh minh họa cho tác phẩm Annan kiryakugo của Kondo Juzo. Theo khảo cứu của GS. Shimao Minoru, bộ tranh màu này do một người tên là Lý Nghĩa vẽ vào năm 1817. Ngoài bộ tranh màu ở Toyo Bunko, tại Phòng tư liệu của Đại học Tokyo cũng đang lưu trữ một bộ tranh vẽ bằng mực đen trên giấy dó, đôi chỗ có tô màu đỏ, cũng là tranh minh họa cho tác phẩm Annan kiryakugo. Bộ tranh này được cho là được vẽ cùng thời điểm Kondo Juzo viết Annan kiryakugo (khoảng năm 1795 – 1797), sớm hơn bộ tranh màu đang lưu trữ ở Toyo Bunko. Nội dung miêu tả và số lượng tranh trên hai bộ tranh này giống nhau, nhưng kích thước, màu sắc, chi tiết hoa văn trang trí, lời chú giải trên các bức tranh này có sự khác biệt đáng kể…9
  2. Các bản chép tay tác phẩm Annan hyoryu ki (安南漂流記), kể về những ngư dân ở tỉnh Mito, trong quá trình đi biển đã bị phiêu dạt đến Đàng Trong vào năm 1765. Họ đã lưu lại nơi đây một thời gian, đến năm 1767 thì trở về Nhật Bản theo hành trình từ Đàng Trong đi đến Quảng Châu, rồi Triết Giang (Trung Quốc), sau đó đi thuyền trở về Nagasaki (Nhật Bản).10 Chúng tôi đã tiếp cận 8 bản chép tay tác phẩm Annan hyoryu ki, có niên đại vào khoảng thế kỷ XVIII – XIX, với các nhan đề khác nhau như: Annan ki (安南記), Annankoku hyoryo ki (安南国漂流記), Annankoku hyoryu shi (安南国漂流誌), Nan pyo ki (南 瓢 記), gồm 5 bản thuộc sở hữu của GS. Shimao Minoru và 3 bản thuộc sở hữu của GS. Kikuchi Seiichi (Đại học nữ Showa) (Ảnh 9a-9i).

II. Di vật khảo cổ

Ngoài việc tiếp cận và khảo cứu các tư liệu thành văn, chúng tôi còn đi tới các trung tâm khảo cổ học ở các thành phố: Sakai (tỉnh Osaka), Naha (tỉnh Okinawa), Fukuoka (tỉnh Fukuoka) và Nagasaki (tỉnh Nagasaki)…; trực tiếp đến các di tích Nakijin-jo và Shuri-jo ở Okinawa để tìm hiểu các di vật khảo cổ có liên quan đến mối quan hệ giao lưu giữa Nhật Bản với Việt Nam. Những di vật này được khai quật tại các cảng thị và thành lũy cổ của Nhật Bản. Phần lớn những hiện vật này là đồ gồm sứ, bao gồm gốm Champa, gốm Phước Tích (tỉnh Thừa Thiên Huế), gốm Thanh Hà (tỉnh Quảng Nam), gốm Gò Sành (tỉnh Bình Định)… đến từ Đàng Trong, gốm Chu Đậu (tỉnh Hải Dương), gốm Thăng Long đến từ Đàng Ngoài… Cụ thể như sau:

  1. Tại thành phố Sakai

Sakai từng là một thương cảng sầm uất ở vùng Kansai của Nhật Bản, là tiền cảng của Osaka, là một thương trạm quan trọng trong các luồng hải thương giữa Nhật Bản với Triều Tiên, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á… Từ thế kỷ XV, nhiều thương thuyền của Nhật Bản từ Sakai đã tỏa đi buôn bán với các nước trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Tàu buôn của Trung Quốc và Triều Tiên cũng thường xuyên cập cảng Sakai.

Trong những năm qua, các nhà khảo cổ học thuộc Trung tâm Khảo cổ học thành phố Sakai đã khai quật nhiều địa điểm khác nhau trong khu vực cảng cổ của thành phố Sakai. Họ đã tìm thấy nhiều đồ gốm cổ có xuất xứ từ Việt Nam, xen lẫn giữa đồ gốm Trung Quốc và đồ gốm Nhật Bản trong các di chỉ này. Đồ gốm Việt Nam tìm thấy ở Sakai có một ít đồ gốm hoa lam xuất xứ từ Đàng Ngoài, niên đại khoảng thế kỷ XV – XVI. Ngoài ra còn có một số bình, lọ thuộc dòng gốm mộc Champa (thế kỷ XV), một số đồ gốm men nâu thuộc các dòng gốm Gò Sành (tỉnh Bình Định) và gốm Phước Tích (tỉnh Thừa Thiên Huế) vào thế kỷ XVII – XVIII (Ảnh 10a-10b). Đây là những bằng chứng chứng tỏ đồ gốm Đàng Trong đã từng được nhập khẩu vào Sakai trong các thế kỷ XVI – XVIII.

  1. Tại tỉnh Okinawa

Okinawa ngày nay là lãnh địa của vương quốc Ryukyu xưa. Từ giữa thế kỷ XIV, Ryukyu đã giao lưu buôn bán với các nước trong khu vực. Sang thế kỷ XV thì quan hệ hải thương này đã phát triển mạnh mẽ (Ảnh 11). Theo một báo cáo kết quả nghiên cứu và khai quật khảo cổ học do Trung tâm Khảo cổ học tỉnh Okinawa cung cấp cho chúng tôi11, từ năm 1419 đến năm 1570, Ryukyu đã phái 116 thương thuyền đi đến các hải cảng ở khu vực Đông Nam Á để giao thương, gồm: Siam và Patani (Thái Lan); An Nam (Việt Nam); Malacca (Malaysia); Palembang, Sumatra, Java và Sunda (Indonesia). Phần lớn các thương thuyền này đi đến các cảng thuộc Thái Lan và Indonesia, chỉ có 1 thương thuyền của Ryukyu cập cảng An Nam vào năm 1509. Cũng theo báo cáo này, những thương thuyền này đã mua nhiều hàng hóa từ các nước Đông Nam Á đưa về Ryukyu, nhiều nhất là đồ gốm sứ. Kết quả khai quật di tích Kyonouchi Utaki trong thành Shuji-jo ở Okinawa (Ảnh 12) trong những năm qua đã phát hiện hàng ngàn di vật gốm sứ có xuất xứ từ lục địa Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, gốm sứ Việt Nam khá đa dạng, gốm hoa lam của Chu Đậu… niên đại khoảng thế kỷ XV, gồm gốm men ngọc, gốm men trắng và men nâu của Gò Sành niên đại khoảng thế kỷ XVI. (Các ảnh 13a-13e).

Ngoài ra, tại di tích Nakijin-jo ở phía bắc đảo Okinawa (Ảnh 14), các nhà khảo cổ học Nhật Bản cũng khai quật được một số đồ gốm Việt Nam như gốm hoa lam Chu Đậu và gốm men ngọc, niên đại khoảng thế kỷ XV – XVI (Ảnh 15a-15d).

  1. Tại thành phố Fukuoka

Fukuoka là thủ phủ của dòng đồ gốm Hizen nổi tiếng Nhật Bản. Tuy nhiên, đây cũng là nơi nhập khẩu nhiều đồ gốm từ các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Trong những năm qua, các nhà khảo cổ học tại Trung tâm Khảo cổ học thành phố Fukuoka đã khai quật nhiều địa điểm vốn là bến cảng cổ của Fukuoka, phát hiện nhiều đồ gốm Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam… Riêng đồ gốm Việt Nam, theo nhận định của chúng tôi khi tiếp cận các di vật đang bảo quản tại Trung tâm khảo cổ học Fukuoka, thì phần lớn là gốm Champa thế kỷ XV, gốm men ngọc và men trắng của dòng gốm Gò Sành (tỉnh Bình Định) và một ít đồ gốm hoa làm từ các lò gốm ở phía bắc Việt Nam, niên đại vào khoảng thế kỷ XVI (Ảnh 16a-16b).

  1. Tại thành phố Nagasaki

Nagasaki là hải cảng quan trọng nhất của Nhật Bản vào các thế kỷ XVI – XVIII, giữ vai trò quan trọng trong lịch sử hải thương của Nhật Bản, là điểm giao thương nhộn nhịp nhất của “con đường gốm sứ”, “con đường tơ lụa” trên biển trong thời kỳ Đại thương mại của thế giới (thế kỷ XVI – XVII). Đây là nơi xuất dương chủ yếu của các thương thuyền Nhật Bản trong thời kỳ Edo, cũng là nơi đón nhận các tàu buôn đến từ khắp nơi trên thế giới (Ảnh 17). Dĩ nhiên, đồ gốm là một trong những mặt hàng quan trọng được các tàu buôn nhập khẩu và xuất khẩu qua hải cảng này.

Các nhà khảo cổ học ở Trung tâm Khảo cổ học thành phố Nagasaki đã khai quật nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố cảng Nagasaki và họ đã tìm thấy nhiều đồ gốm Việt Nam trong các tầng văn hóa thuộc thời kỳ Edo, xen lẫn đồ gốm của Nhật Bản và Trung Quốc. Đồ gốm Việt Nam khai quật ở Nagasaki chủ yếu gốm hoa lam từ Đàng Ngoài với các loại bát, đĩa; gốm Champa với các loại hũ, lọ không tráng men; gốm men nâu và men trắng thuộc dòng gốm Gò Sành với các loại bát, chén uống trà… niên đại khoảng thế kỷ XVI – XVII (Ảnh 18)

Giải thích về sự xuất hiện của các đồ gốm Việt Nam, đặc biệt là gốm Đàng Trong tại các di tích khảo cổ ở Sakai, Okinawa, Dazaifu, Nagasaki… các nhà khảo cổ học Nhật Bản đều cho rằng đó là kết quả của hoạt động hải thương giữa Nhật Bản với Việt Nam trong các thế kỷ XV – XVIII, khi mà các thương thuyền Nhật Bản mở rộng mạng lưới buôn bán đến các nước trong khu vực. Đàng Trong Việt Nam lúc đó có hệ thống cảng thị ven biển phát triển, tiêu biểu là các cảng Thanh Hà (tỉnh Thừa Thiên Huế), Hội An (tỉnh Quảng Nam), Nước Mặn (tỉnh Bình Định) là những nơi đón các thuyền buôn Nhật Bản đến giao dịch, là nơi nhập khẩu hàng hóa Nhật Bản, trong đó có đồ sứ, đồng thời cũng là nơi xuất khẩu các dòng gốm Champa, Phước Tích, Thanh Hà, Gò Sành… sang Nhật Bản. Đây chính là những bằng chứng sống động cho quan hệ giao thương giữa Nhật Bản với Đàng Trong trong các thế kỷ XV – XVIII.

III. Hiện vật bảo tàng

Một trong những hoạt động thu được nhiều kết quả nhất trong hai chuyến đi nghiên cứu và khảo sát của chúng tôi ở Nhật Bản trong năm nay là tìm hiểu, tiếp cận và khảo cứu các hiện vật phản ánh mối quan hệ giữa Nhật Bản với Đàng Trong hiện đang trưng bày và bảo quản trong các bảo tàng, mỹ thuật quán, đền thờ, chùa chiền… ở Nhật Bản. Chúng tôi đã may mắn tiếp cận được nhiều hiện vật quý hiếm, trong đó có những hiện vật đã được công nhận là Tài sản văn hóa quan trọng (Yuzo bunkazai) của Nhật Bản. Tiêu biểu là các hiện vật sau:

  1. Bức tranh Thác kiến Quan Thế Âm Bồ Tát tượng (滝見観世音菩薩像), thế kỷ XVII (Ảnh 19). Bức tranh này vốn từ chùa Ngũ Hành Sơn ở Quảng Nam, đã được chúa Nguyễn trao tặng cho thương nhân dòng họ Chaya, một dòng họ thương nhân nổi tiếng của Nhật Bản vào thời kỳ Edo từng sang làm ăn buôn bán ở Đàng Trong, nhằm ghi nhận những đóng góp của dòng họ này với quan hệ giao thương Nhật – Việt thời chúa Nguyễn. Bức tranh này hiện đang được thờ ở chùa Jomyo-ji (thành phố Nagoya, tỉnh Aichi).
  2. Tranh cuộn Chaya Shinroku Kochi toko zukan (71,8cm x 511,8cm), thế kỷ XVII. Bức tranh miêu tả hành trình vượt biển của thương thuyền thuộc dòng họ Chaya từ Nagasaki đến Giao Chỉ (tức Đàng Trong) để giao thương (Các ảnh: 20a-20d). Bức tranh này hiện đang được bảo quản ở chùa Jomyo-ji và được công nhận là Tài sản văn hóa quan trọng của tỉnh Aichi.
  3. Tranh cuộn Shuin-sen Kochi toko zukan (32,8cm x 1100,7cm), cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII. Bức tranh này miêu tả hành trình của thương thuyền Nhật Bản vượt biển sang buôn bán với xứ Đàng Trong, bắt đầu từ cảng Nagasaki, vượt muôn trùng khơi, đi qua Cù Lao Chàm, vào cảng Hội An để giao dịch, mua bán. Sau đó, thương thuyền lên đường đến Đô thành Phú Xuân để diện kiến chúa Nguyễn và dâng quà tặng (Các ảnh: 21a-21d). Bức tranh này hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Quốc gia Kyushu (thành phố Dazaifu, tỉnh Fukuoka) và được công nhận là Tài sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản.
  4. Chiếc gương soi khung gỗ (38,6cm x 34,5cm), đặt trong chiếc hộp sơn mài thếp vàng, thế kỷ XVII (Ảnh 22a-22b). Đây là kỷ vật của quận chúa Anio, vợ của thương nhân người Nhật Araki Sotaro, mang từ Việt Nam sang để dùng trong thời gian bà sống ở Nhật Bản. Quận chúa Anio có lẽ là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên sang làm dâu xứ Phù Tang. Một số nhà nghiên cứu ở Pháp (Doumoutier) và Việt Nam (Lê Nguyễn Lưu và Nguyễn Đắc Xuân)12 cho rằng quận chúa Anio là con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên (cầm quyền từ năm 1613 đến năm 1635), được chúa Nguyễn gả cho thương nhân Araki Sotaro, người được chúa Nguyễn ban cho tên Việt Nam là Nguyễn Đại Lương.13 Chiếc gương này thuộc sở hữu của Bảo tàng Lịch sử Văn hóa Nagaski.
  5. Bức tranh cuộn Kiyo Suwa Myojin saishiju (36,1cm x 1003cm), thế kỷ XIX, Bức tranh miêu tả lễ hội Suwa Myojin ở Nagasaki tôn vinh quận chúa Anio, vợ của thương nhân Araki Shotaro, đang ngồi trong một chiếc xe kiệu có đoàn tùy tùng theo hầu. (Ảnh 23). Bức tranh này thuộc sở hữu của Thư viện Nakanoshima ở Osaka.
  6. Bức tranh Annan to kaisen gaku vẽ trên gỗ (68,7cm x 79,8cm) do họa sĩ Hisikawa Magobei vẽ năm 1647, miêu tả thương thuyền Nhật Bản đến mua bán với Đàng Trong vào thế kỷ XVII (Ảnh 24). Bức tranh hiện đang được lưu giữ tại đền Himure Hachimangu ở tỉnh Shiga và được Chính phủ Nhật Bản công nhận là Tài sản văn hóa quan trọng của quốc gia.
  7. Bức tranh Suetsugu sen e ma utsushi vẽ trên giấy (153cm x 186cm), niên đại vào thế kỷ XIX, miêu tả thương thuyền shuin-sen. Trên bức tranh này có ghi tên 16 thương nhân Nhật Bản từng đến buôn bán ở Hội An vào thế kỷ XVII. (Ảnh 25a-25c). Bức tranh này thuộc sở hữu của Bảo tàng Lịch sử Văn hóa Nagasaki.
  8. Tranh cuộn Yonoe maki mono (487cm x 27,5cm) do họa sĩ Nhật Bản Ogata Tanko vẽ vào thế kỷ XIX. Tranh miêu tả hai con voi được Tướng quân Tokugawa Yoshimune (1684 – 1751) mua từ Quảng Nam đưa về Nhật Bản vào năm 1728 và được đưa vào Hoàng cung Kyoto “yết kiến” Thiên hoàng Nakamikado (1701 – 1737) và Pháp hoàng Reigen (1654 – 1732) vào năm 1729 (Các ảnh: 26a-26d). Bức tranh này hiện đang lưu trữ tại Thư viện Đại học Kansai.
  9. Bức tranh màu vẽ voi, thế kỷ XIX. Tranh miêu tả một trong hai con voi được Tướng quân Tokugawa Yoshimune mua từ Quảng Nam đưa về Nhật Bản vào năm 1728 (Ảnh 27). Bức tranh này hiện đang lưu trữ tại Thư viện Đại học Kansai.

Ngoài ra, tại Thư viện Đại học Kansai còn lưu giữ một số tranh và bản phác họa miêu tả hai con voi ở Quảng Nam được bán sang Nhật Bản vào năm 1728 và những ghi chép về “hành trạng” của hai con voi này trên đất Nhật Bản, kể từ lúc voi cập cảng Nagasaki, hành trình đưa voi đến Kyoto và Edo để “yết kiến” Tướng quân Tokugawa Yoshimune, Thiên hoàng Nakamikado và Pháp hoàng Reigen.

Trên đây là những tư liệu và hiện vật phản ánh mối quan hệ bang giao, thương mại và giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản với Đàng Trong trong các thế kỷ XVI – XVIII mà chúng tôi đã tiếp cận và khảo sát trong thời gian thực hiện đề tài Quan hệ giữa miền Trung Việt Nam với Nhật Bản từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII. Những tư liệu, hiện vật này đã được các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Việt Nam khảo cứu và công bố trong nhiều công trình nghiên cứu trước đây, cũng như đã được đưa ra trưng bày ở một vài cuộc triển lãm ở Nhật Bản, đặc biệt là cuộc triển lãm The Great Story of Vietnam do Bảo tàng Quốc gia Kyushu thực hiện từ ngày 14/6 đến ngày 6/9/2013. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tư liệu và hiện vật đang được lưu trữ rất nghiêm ngặt trong các thư viện, văn khố, hoặc được thờ tự ở những nơi tôn nghiêm nên ít người có cơ hội tiếp cận và khảo cứu. Nhờ cơ duyên, chúng tôi có cơ hội tiếp cận với các tư liệu và hiện vật này nên tập hợp thông tin, hình ảnh và sắp xếp thành một chủ đề nhất định để giới thiệu với những ai quan tâm tại hội thảo này.

Đây chỉ là bước giới thiệu khái quát ban đầu, chúng tôi sẽ tiếp tục biên dịch và khảo cứu các tư liệu và hiện vật này, với hy vọng góp phần làm sáng tỏ thêm những vấn đề liên quan đến mối quan hệ đặc biệt giữa Nhật Bản với Đàng Trong trong các thời kỳ lịch sử trước đây. Rất mong nhận được ý kiến chỉ giáo của các học giả và những người quan tâm. Trân trọng cảm ơn.

T.Đ.A.S.

Chú thích

1 Trung tâm giao lưu văn hóa Đà Nẵng – Nhật Bản do UBND thành phố Đà Nẵng và Trung tâm xúc tiến giao lưu Việt – Nhật tại Đà Nẵng (NPO) đang xúc tiến xây dựng tại quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Dự kiến đến cuối năm 2016, Trung tâm này sẽ chính thức đi vào hoạt động.

2 Vùng đất Đàng Trong thời kỳ này được người Nhật gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Kochi (Giao Chỉ), Annan (An Nam), Koonan (Quảng Nam)…

3, 4 Văn bản này hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Kyushu, tỉnh Fukuoka.

5 Văn bản này hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng thành phố Fukuoka, được đưa ra trưng bày trong cuộc triển lãm The Great Story of Vietnam do Bảo tàng Quốc gia Kyushu thực hiện từ ngày 14/6 đến ngày 6/9/2013.

6 Văn bản này công nhận là Tài sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản, được đưa ra trưng bày trong cuộc triển lãm The Great Story of Vietnam do Bảo tàng Quốc gia Kyushu thực hiện từ ngày 14/6 đến ngày 6/9/2013.

7 Văn bản này hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng thần cung Jinggu, được công nhận là Tài sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản. Văn bản này cũng đã được trưng bày trong cuộc triển lãm The Great Story of Vietnam do Bảo tàng Quốc gia Kyushu thực hiện từ ngày 14/6 đến ngày 6/9/2013.

8 Xem thêm: Phan Hải Linh, “Voi Quảng Nam của Tướng quân Tokugawa Yoshimune”. Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng. Số 30. Tháng 6/2012, 39-48.

9 Ngoài bộ tranh màu đang lưu trữ ở Toyo Bunko, còn có một bộ tranh màu tương tự, có tên là An Nam quốc giang phiêu lưu phong tục hồng sinh đồ đang lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Đài Loan ở Đài Bắc. Hai bộ tranh này tuy giống nhau về số lượng tranh và nội dung miêu tả trên từng bức tranh nhưng chú thích trên những bức này lại khác nhau.

10 Những người này cũng đã kể câu chuyện phiêu dạt của họ và những điều mắt thấy tai nghe ở Đàng Trong cho một người tên là Nagakubo Sekishui để ông này viết thành cuốn Nagasaki kooeki nikki (長崎行役日記).

11 Báo cáo vắn tắt kết quả khai quật di tích Shuri-jo, 13 trang, viết bằng tiếng Nhật, có phụ chú bằng tiếng Anh, do ông Kinjou Kamenobu, nghiên cứu viên tại Trung tâm Khảo cổ học Okinawa cung cấp cho chúng tôi, không có nhan đề và năm xuất bản.

12 Xem thêm: Lê Nguyễn Lưu, Văn hóa Huế xưa – Đời sống văn hóa cung đình, (Huế: Thuận Hóa, 2006); Nguyễn Đắc Xuân, “Bà quận chúa làm dâu Nhật Bản”, Chuyện quý bà giữa đời thường và trong cung cấm, (Hà Nội: Phụ nữ, 2011), 122-123.

13 Trong khi các nguồn sử liệu Việt Nam hầu như không đề cập đến nhân vật này thì tông tích, hành trạng và hình ảnh của bà xuất hiện khá nhiều trong sử liệu Nhật Bản. Khi sống ở Nhật Bản, bà được người dân bản xứ tin yêu, kính trọng. Sau khi mất, bà được lập đền thờ và hàng năm người Nhật đều tổ chức lễ hội Suwa Myojin ở Nagasaki để tưởng nhớ và tôn vinh bà. Một bản gia phả của dòng họ Araki cũng được trưng bày trong triển lãm, trong đó có phần viết về thân thế, sự nghiệp thương nhân Araki Sotaro và những đóng góp của ông trong việc xây dựng mối quan hệ hữu hảo giữa Nhật Bản với Đàng Trong, cũng như những tình cảm tốt đẹp mà người Nhật đã dành cho bà vợ Việt Nam của ông sau khi bà đến làm dâu trên đất Nhật.

 Tài liệu tham khảo

  1. Kyushu National Museum. 2013. The Great Story of Vietnam. Kyushu: TVQ Kyushu Broadcasting Co., Ltd. and The Nishi Nippon Shimbun Co., Ltd.
  2. Kikuchi Seiichi. 2012. “The 17th century maritime map of Jiaozhi bound junk ships: Archaeological investigation in Hoi An”, Conference on Nguyen Vietnam: 1558-1885, Hong Kong Chinese University, May 10th-12th 2012.
  3. Phan Hải Linh. 2012. “Voi Quảng Nam của Tướng quân Tokugawa Yoshimune”. Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng. Số 30. Tháng 6/2012, 39-48.
  4. 4. Báo cáo vắn tắt kết quả khai quật di tích Shuri-jo, viết bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, do ông Kinjou Kamenobu, nghiên cứu viên tại Trung tâm Khảo cổ học Okinawa cung cấp, không có nhan đề và năm xuất bản, 13 trang.
  5. Lê Nguyễn Lưu. 2006. Văn hóa Huế xưa – Đời sống văn hóa cung đình. Huế: Thuận Hóa.
  6. Nguyễn Đắc Xuân. 2011. Chuyện quý bà giữa đời thường và trong cung cấm. Hà Nội: Phụ nữ.
    Ảnh 1a

    Ảnh 1a

    Ảnh 1b

    Ảnh 1b

    Ảnh 1c

    Ảnh 1c

    Ảnh 1d

    Ảnh 1d

    Ảnh 1e

    Ảnh 1e

    Ảnh 01f

    Ảnh 01f

    Ảnh 2a

    Ảnh 2a

    Ảnh 2b

    Ảnh 2b

    Ảnh 3

    Ảnh 3

    Ảnh 4

    Ảnh 4

    Ảnh 5

    Ảnh 5

    Ảnh 6

    Ảnh 6

    Ảnh 7a

    Ảnh 7a

    Ảnh 7b

    Ảnh 7b

    Ảnh 7c

    Ảnh 7c

    Ảnh 7d

    Ảnh 7d

    Ảnh 8a

    Ảnh 8a

    Ảnh 8b

    Ảnh 8b

    Ảnh 8c

    Ảnh 8c

    Ảnh 9a

    Ảnh 9a

    Ảnh 9b

    Ảnh 9b

    Ảnh 9c

    Ảnh 9c

    Ảnh 9c

    Ảnh 9c

    Ảnh 9d

    Ảnh 9d

    Ảnh 9e

    Ảnh 9e

    Ảnh 9f

    Ảnh 9f

    Ảnh 9g

    Ảnh 9g

    TDAS - Anh 09i

    Ảnh 9h

    Ảnh 9h

    Ảnh 9i

    Ảnh 9i

    Ảnh 10a

    Ảnh 10a

    Ảnh 10b

    Ảnh 10b

    Ảnh 11

    Ảnh 11

    Ảnh 12

    Ảnh 12

    Ảnh 13a

    Ảnh 13a

    Ảnh 13b

    Ảnh 13b

    Ảnh 13c

    Ảnh 13c

    Ảnh 13d

    Ảnh 13d

    Ảnh 13e

    Ảnh 13e

    Ảnh 14

    Ảnh 14

    Ảnh 15a

    Ảnh 15a

    Ảnh 15b

    Ảnh 15b

    Ảnh 15c

    Ảnh 15c

    Ảnh 16a

    Ảnh 16a

    Ảnh 16b

    Ảnh 16b

    Ảnh 17

    Ảnh 17

    Ảnh 18

    Ảnh 18

    Ảnh 19

    Ảnh 19

    Ảnh 20a

    Ảnh 20a

    Ảnh 20b

    Ảnh 20b

    Ảnh 20c

    Ảnh 20c

    Ảnh 20d

    Ảnh 20d

    Ảnh 21a

    Ảnh 21a

    Ảnh 21b

    Ảnh 21b

    Ảnh 21c

    Ảnh 21c

    Ảnh 21d

    Ảnh 21d

    Ảnh 22a

    Ảnh 22a

    Ảnh 22b

    Ảnh 22b

    Ảnh 23

    Ảnh 23

    Ảnh 24

    Ảnh 24

    Ảnh 25a

    Ảnh 25a

    Ảnh 25b

    Ảnh 25b

    Ảnh 25c

    Ảnh 25c

    Ảnh 26a

    Ảnh 26a

    Ảnh 26b

    Ảnh 26b

    Ảnh 26c

    Ảnh 26c

    Ảnh 26d

    Ảnh 26d

20170911 Asaka

Ảnh: Bia tưởng niệm bác sĩ Asaba dựng năm 1918 tại tỉnh Shizuoka. (Ảnh do Amma gửi tặng tác giả bài viết vào năm 2010).

 

Về lai lịch và nội dung cụ thể của hai tấm bia nguyên vật hiện còn ở Nhật Bản liên quan đến phong trào Đông Du hồi đầu thế kỷ XX (mang niên đại 1908 và 1918), trước hết là có những ghi chép mang tính hồi ký của chính các lãnh tụ phong trào Đông Du [Phan Bội Châu 1939, 1957, 1987; Cường Để 1957],(1) rồi từ khoảng cuối thập niên 1970 đến nay đã có không ít khảo cứu của các nhà nghiên cứu người Nhật và người Việt [Shibata 1977, 1988, 2009; Vĩnh Sính 2001b (1990); Chương Thâu 2008,…]. Bản thân tác giả bài viết này cũng đã công bố một số khảo cứu chuyên sâu hay bài ngắn giới thiệu cho bạn đọc phổ thông [Chu Xuân Giao 2004, 2013a, 2013b]. Xuất phát từ kinh nghiệm thực tế trong nghiên cứu văn bản tấm bia và tham gia trực tiếp vào một số công việc mang tính ngoại giao có liên quan,(2) ở đây, chúng tôi lần đầu tiên mở rộng sự quan sát, theo hai hướng: vừa điểm lại quá trình tấm bia được học giả hai nước phát hiện trở lại sau một thời gian rất dài bị quên lãng, vừa xem xét việc tham gia của nó với tư cách như một vị “đại sứ đặc biệt” vào quá trình ngoại giao văn hóa giữa hai nước Việt-Nhật từ sau thời kỳ đổi mới, và trở nên sôi động từ đầu thế kỷ XXI.

1. Sự xuất hiện trở lại của tấm bia nguyên vật mang niên đại 1918

Theo ghi chép của người ở địa phương, thì vào ngày 3 tháng 11 năm 1973, Đài Truyền hình Quốc gia Nhật Bản NHK, trong Chương trình Quốc tế (dành cho người Việt Nam), đã phát một phóng sự mang tựa đề “Hai tấm bia mộ (lá thư từ Tokyo)” [Shibata 1988: 231; Amma 2008: 38]. “Hai tấm bia mộ”, không có gì khác, chính là hai tấm bia gắn với phong trào Đông Du: tấm thứ nhất dựng năm 1908 ở thủ đô Tokyo trước mộ phần của chí sĩ Trần Đông Phong (1884-1908), và tấm thứ hai dựng năm 1918 ở thị trấn Asaba tỉnh Shizuoka trước mộ bác sĩ Asaba (1867-1910). Có thể thấy rằng, ở thời điểm năm 1973, người ta đã bắt đầu đặt hai tấm bia mộ ở hai nơi cách xa nhau vào một cụm vấn đề.

Tấm bia thứ hai sẽ được đề cập rõ hơn ở dưới, nên ở đây nói thêm một chút về tấm bia thứ nhất. Hiện nay, tấm bia này vẫn ở trước mộ phần của chí sĩ Trần Đông Phong trong nghĩa trang Zojigaya (thuộc quận Toshima, thủ đô Tokyo). Trần Đông Phong là một thanh niên con nhà giàu ở huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An, từng hào hiệp giúp tiền bạc cho hoạt động của nhóm Cường Để - Phan Bội Châu. Bản thân Trần Đông Phong cũng sang Nhật Bản vào tháng 9 năm 1905. Đến khoảng giữa năm 1908, khi phong trào Đông Du bị tan vỡ, cuộc sống ở Nhật Bản quá quẫn bách, gia đình ở Việt Nam giàu có nhưng không gửi tiếp tế sang, nên lưu học sinh Trần Đông Phong cảm thấy hổ thẹn với chúng bạn mà tự vẫn. Nhóm người Việt Nam ở Nhật lúc đó, cùng với người Nhật và một số học sinh người Trung Quốc cảm kích trước hành động chí khí, đã tổ chức an táng Trần Đông Phong. Trước mộ, người ta dựng một tấm bia đá, trên đó có khắc dòng chữ Hán cỡ lớn là “Đồng bào chí sĩ Trần Đông Phong chi mộ”. Hai bên còn có hai dòng chữ nhỏ: dòng ở bên phải ghi năm sinh là “Sinh dĩ Giáp Thân niên”,(3) và dòng ở bên trái ghi ngày tháng mất là “Mậu Thân niên ngũ nguyệt sơ nhị nhật tử”.(4) Sau này, trong bài văn tế người vợ góa của Trần Đông Phong năm 1939,(5) Phan Bội Châu có viết: “Năm Mậu Thân (1908) Thành Thái, hồn Duy Tân về cõi nước người//Ngàn thu hương hỏa mãi quê người//Chữ chí sĩ Việt Nam, đá Nhật Bản còn bia trước mộ [Phan Bội Châu 2012: 64].

Ngày nay người ta dễ ngộ nhận rằng, cả hai tấm bia trên đều được người Nhật, nhất là người Nhật có quan hệ với Việt Nam, biết rộng rãi từ lâu. Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân, tấm bia thứ nhất ở Tokyo gắn với Trần Đông Phong thì được biết đến nhiều hơn trong các quan hệ của chính giới Nhật Bản và Việt Nam từ sau năm 1908 đến khoảng cuối thập niên 1970, còn tấm thứ hai ở vùng xa xôi gắn với tình bạn Asaba Sakitaro-Phan Bội Châu thì gần như bị lãng quên trong một thời gian rất dài.

Việc tấm bia thứ hai ở thị trấn Asaba tỉnh Shizuoka bị quên lãng thực sự trong một thời gian dài này đã được một trong những người có công phát hiện và khảo cứu quan trọng nhất với tấm bia, là nhà nghiên cứu người địa phương Shibata (1919-2009),(6) nêu cụ thể từ trước, rồi gần đây được một số người khác nhắc lại [Amma 2008: 38; Oguri 2010: 7]. Theo Shibata [Shibata 1988: 230-233; 2009], vào tháng 1 năm 1968, hồi Shibata gần 50 tuổi, có một người tên là Utsumi 内海 đã 77 tuổi (sinh năm 1891) từ tỉnh Nagano đột nhiên tới thăm thị trấn Asaba. Ông Utsumi, theo lời tự giới thiệu, đã buôn bán ở Việt Nam hơn ba mươi năm, đến năm thì 1963 về nước. Utsumi đã viết và cho xuất bản cuốn Việt Nam phong thổ ,(7) và muốn viết tiếp một cuốn nữa về nhà cách mạng Phan Bội Châu.(8) Khi đến tòa thị chính của thị trấn, Utsumi ngỏ ý muốn được xem bia tưởng niệm Asaba Sakitaro. Thế nhưng, người ở tòa thị chính thị trấn Asaba không một ai biết về người có tên Sakitaro và tấm bia tưởng niệm ông! Rất may, đúng lúc đó, khi biết được ý nguyện của Utsumi, trong đầu của Shibata bỗng nhiên nhớ lại chuyện cũ đã xảy ra vào khoảng những năm Chiêu Hòa 30 (tức khoảng giữa thập niên 1950). Khi đó, Shibata mới ở tuổi hơn ba mươi, còn là thầy giáo dạy môn sử Nhật Bản ở trường trung học. Một hôm, có một bà cụ sống ở gần Trường Trung học Asaba hỏi ông rằng, có biết trong chùa Thường Lâm ở khu Umeyama có di tích gì đó liên quan tới người Ấn Độ hay người An Nam không? Shibata thì đinh ninh rằng làm gì có di tích như vậy ở chùa Thường Lâm cơ chứ, và do vậy, việc đó đã tự nhiên chìm vào quên lãng. Bây giờ, sau khoảng hai mươi năm, gặp câu hỏi của Utsumi, thì Shibata bỗng nhớ lại câu chuyện của bà cụ ngày trước. Thế là, hai người lập tức cùng nhau đến chùa Thường Lâm. Trong khuôn viên của chùa Thường Lâm, Shibata và Utsumi đã tìm được tấm bia tưởng niệm bác sĩ Asaba Sakitaro do người của Việt Nam Quang Phục Hội dựng năm 1918.

Chính thức là vào tháng 1 năm 1968 đó, sau một thời gian rất dài tựa như bị quên lãng hoàn toàn, câu chuyện về bác sĩ Asaba và tấm bia tưởng niệm ông mới được biết trở lại ở địa phương. Người dân, chính quyền và các trường học ở địa phương bắt đầu chú ý đến tấm bia. Cũng từ năm đó trở đi, qua nhiều con đường, sự tồn tại của tấm bia dần được biết đến rộng rãi trong giới sử học, rồi giới truyền thông và người bình thường ở Nhật Bản. Có thể kể một số mốc chính như sau.

  1. Sau sự kiện “được phát hiện lại năm 1968” khoảng 5 năm, vào ngày 3 tháng 11 năm 1973 đài NHK phát phóng sự “Hai tấm bia mộ” như đã nhắc qua ở trên. Phóng sự nói về hai nhân vật và hai tấm bia mộ của họ, là bác sĩ Asaba nghĩa hiệp không may mất sớm vì bệnh vào năm Minh Trị 43 (1910) khi mới 43 tuổi, và chí sĩ Trần Đông Phong tự sát tại Tokyo vào năm Minh Trị 41 (1908) khi mới 24 tuổi. Người làm phóng sự ấy là Tomita Haruo 富田春生 – một người thông thạo tiếng Việt, thực hiện nhiều bản dịch Việt-Nhật.
  2. Năm 1977, thầy giáo Shibata với chức danh kiêm nhiệm là “điều tra viên về di sản văn hóa của tỉnh Shizuoka” đã viết bài “Asaba Sakitaro – người cứu giúp những nhà cách mạng lưu vong Việt Nam đấu tranh vì nền độc lập của đất nước” trên tạp chí Văn hóa vùng Bannan số đầu tiên [Shibata 1977].
  3. Vào tháng 3 năm 1980, một buổi tối nào đó, Shibata nhận được điện thoại của Giáo sư Goto 後藤 ở Đại học Rikkyo. Sở dĩ có cuộc điện thoại đó, là vì Goto mới đọc được bài viết năm 1977 của Shibata, mà lúc đó nhóm Goto đang thực hiện một đề tài nghiên cứu liên quan đến phong trào Đông Du (đề tài nhận tài trợ của Bộ Giáo dục, thực hiện trong 3 năm). Sau đó, đoàn điều tra của nhóm Goto đã đến thị trấn Asaba nhiều lần, đôi khi có cả một số lưu học sinh người Việt Nam cũng cùng tới. Báo cáo của nhóm điều tra Goto đã hoàn thành vào tháng 3 năm 1982, với dung lượng 28 trang, có kèm nhiều ảnh [Shibata 1988: 231; Vĩnh Sính 2001: 218; Amma 2008: 38; Oguri 2011: 84].
  4. Tháng 9 năm 1980, tác giả Saito cho đăng một bài hơn hai ngàn chữ có kèm ảnh chụp tấm bia trên tờ báo nổi tiếng Asahi Shinbun [Saito 1980].
  5. Vào ngày 19 tháng 7 năm 1983, một ngày trời nóng như thiêu, Giáo sư Văn Tạo (Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam) đã đến thăm thị trấn Asaba và xem tấm bia trong chùa Thường Lâm, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Kawamoto (Đại học Keio) và sự tiếp đón ở địa phương của ông Shibata.
  6. Tháng 2 năm 1988, cuốn sách Asaba: Quê hương chúng ta từ xưa đến nay của Shibata ra đời [Shibata 1988], trong đó có nhiều trang viết về bác sĩ Asaba và Phan Bội Châu. Trong sách, Shibata cũng điểm lại quá trình phát hiện lại tấm bia trong chùa Thường Lâm.
  7. Mùa hè năm 1989, Phó Giáo sư Vĩnh Sính (Đại học Alberta, Canada) đến khảo sát tại thị trấn Asaba, nhận được sự tiếp đón ân cần của Shibata [Vĩnh Sính 2001: 219; Oguri 2010: 7]. Tờ báo địa phương là Shizuoka Shimbun có đưa tin về sự kiện này (trang 19, số ra ngày 25/7/1989) [Oguri 2011: 84]. Bản thảo bài viết “Phan Bội Châu và Asaba Sakitarô” của Vĩnh Sính đã hoàn thành vào tháng 8 năm 1990 [Vĩnh Sính 2001: 230].
  8. Năm 1992, luận văn tiến sĩ của Shiraishi về Phan Bội Châu và phong trào Đông Du đã hoàn thành và bảo vệ thành công ở Đại học Tokyo. Năm 1993, cuốn sách hình thành từ luận văn tiến sĩ ấy được xuất bản [Shiraishi 1992, 1993]. Cuốn sách này sau được dịch trọn sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam vào năm 2000 [Shiraishi 2000].
  9. Ngày 31 tháng 7 năm 1998, tấm bia được chính quyền thị trấn Asaba chỉ định là di sản văn hóa cấp thị trấn (nay là cấp thành phố Fukuroi) với danh mục chính thức là “Bia tưởng niệm ngài Asaba Sakitaro 浅羽佐喜太郎公記念碑” (đúng như tên bia được Phan Bội Châu soạn năm 1918).
  10. Tháng 3 năm 1999, cuốn sách về Phan Bội Châu của tác giả Utsumi ra đời. Utsumi là người đã đến thị trấn Asaba năm 1968 và “đánh thức” tấm bia ngủ quên trong chùa Thường Lâm, sau đó đã mất vào năm 1986.

Như vậy, có thể thấy, tấm bia ở thị trấn Asaba và câu chuyện sự nghĩa hiệp của bác sĩ Asaba dành cho phong trào Đông Du, hầu như đã bị quên lãng trong một thời gian rất dài, tới khoảng nửa thế kỷ (1918-1968). Công việc quyên góp thêm tiền từ dân làng Asaba để có đủ kinh phí dựng bia, rồi dựng bia và làm lễ khánh thành vào mùa xuân năm 1918, như trong miêu tả của Phan Bội Châu thì là một chuỗi hoạt động tương đối có tiếng vang ở địa phương. Tuy nhiên, như ghi chép của Shibata (một người sinh năm 1919 và dạy học ở địa phương trong một thời gian dài), thì từ lâu người địa phương đã không còn nhắc đến sự kiện ấy nữa, cái tên Sakitaro cũng đã bị lãng quên. Đâu đó chỉ còn một số người lớn tuổi nhớ láng máng mà thôi. Việc phát hiện trở lại tấm bia là bắt đầu từ năm 1968, gắn với tên của Utsumi và Shibata. Đến năm 1998, tức sau 30 năm được phát hiện trở lại, tấm bia đã nhận được chỉ định là di sản văn hóa cấp địa phương (thị trấn, thành phố).

Sang thế kỷ XXI, qua nhiều con đường, câu chuyện về bác sĩ Asaba và chí sĩ Phan Bội Châu được biết đến rộng rãi ở cả Nhật Bản và Việt Nam, không chỉ trong học giới mà cả người bình thường. Tấm bia đá trong chùa Thường Lâm đã được “đánh thức” trở lại vào cuối thế kỷ XX, và trở thành một vị “đại sứ” trong ngoại giao văn hóa giữa hai nước từ đầu thế kỷ XXI. Từ đây trở xuống, tạm viết tắt “tấm bia mang niên đại 1918” cho gọn lại thành “tấm bia năm 1918”, hoặc gọn hơn nữa thành “tấm bia”.

2.  Ngoại giao văn hóa Việt - Nhật đầu thế kỷ XXI gắn với tấm bia năm 1918

Từ sau năm 2000, có rất nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa Việt-Nhật gắn với tấm bia. Do khuôn khổ bị giới hạn, chúng tôi chỉ đề cập tới bốn điểm/sự kiện nổi bật sau.

Đầu tiên, là một chuỗi hoạt động “kỷ niệm tròn 85 năm” vào năm 2003 mang tính mở màn rất ấn tượng ở thị trấn Asaba. Trong đó, đáng chú ý nhất là Lễ kỷ niệm tròn 85 năm lập bia tưởng niệm được tổ chức tại chùa Thường Lâm vào buổi sáng ngày 27 tháng 7. Trong buổi sáng trời tuyệt đẹp đó, có một cuộc gặp mặt lịch sử, ngay bên cạnh tấm bia, giữa người cháu nội của Phan Bội Châu (ông Phan Thiệu Cơ) và người cháu nội của Asaba (bà Asaba Wako).

Chương trình kỷ niệm tròn 85 năm (gồm hai nội dung, là kỷ niệm việc lập bia, và kỷ niệm quan hệ hữu nghị Asaba - Việt Nam) đã được thiết kế từ tháng 4 năm 2003. Một ban tổ chức được thành lập với nhân sự đến từ các đoàn thể ở địa phương (như Hiệp hội Văn hóa thị trấn Asaba, Hội Nghiên cứu Di sản Văn hóa thị trấn Asaba, Hiệp hội Xây dựng quê hương thị trấn Asaba), tức là từ phía dân gian mà không phải từ chính quyền. Nội dung chính của chương trình là 2 lễ kỷ niệm được tiến hành lần lượt trong cùng một ngày 27 tháng 7: buổi sáng là Lễ kỷ niệm tròn 85 năm lập bia tưởng niệm tại chùa Thường Lâm (địa điểm tổ chức là ở ngay bên cạnh tấm bia), và buổi chiều là Lễ kỷ niệm tròn 85 năm quan hệ hữu nghị Asaba - Việt Nam ở tòa thị chính thị trấn Asaba.

Ban tổ chức đã mời vợ chồng ông Phan Thiệu Cơ từ TP Hồ Chí Minh sang dự lễ. Tại lễ kỷ niệm buổi sáng, ngay bên cạnh tấm bia, người cháu nội của Phan Bội Châu và người cháu nội của Asaba đã xúc động chia sẻ cảm tưởng về mối nhân duyên được thừa hưởng từ đời ông nội của hai bên.(9) Ở lễ kỷ niệm vào buổi chiều, ban tổ chức có gửi tặng nhân dân Việt Nam, thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, một thác bản của tấm bia. Đó là thác bản đầu tiên được gửi tặng. Ngay sau thời điểm kết thúc sự kiện, vào cuối năm 2003, một trang web mang tên “Báo cáo lễ kỷ niệm tròn 85 năm lập bia tưởng niệm” đã được xây dựng và khai trương, hướng tới mục đích công bố diễn biến và kết quả của chương trình. Thú vị là trang web này mở công khai từ đó đến nay nhưng với chủ trương chỉ lưu tư liệu năm 2003 mà không cập nhật. Bởi vậy, có thể xem trang web đó cũng như một tấm bia kỷ niệm trên không gian mạng cho tình bạn Asaba Sakitaro - Phan Bội Châu.(10)

Ngay sau các lễ kỷ niệm ở Asaba nói trên, vào tháng 10 cùng năm, đoàn công tác gồm 8 người của ban tổ chức chương trình kỷ niệm đã từ Asaba sang thăm Việt Nam. Đoàn có tặng một thác bản của tấm bia cho Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế. Những năm tiếp theo, các đoàn công tác đến từ Asaba còn tới thăm tỉnh Nghệ An và quê nhà của Phan Bội Châu, tiếp tục tặng thác bản cho các nơi.

Hai là, các hoạt động gắn với tấm bia của đoàn thể dân gian là Hội Asaba -Việt Nam 浅羽ベトナム会.(11) Hội này được chính thức thành lập vào tháng 4 năm 2005, nhân sự là tham gia tự nguyện, mà chủ yếu là đến từ thành phần ban tổ chức của chương trình kỷ niệm năm 2003. Ông Amma lãnh trách nhiệm là người đại diện cho hội từ năm 2005.

Hội Asaba - Việt Nam có rất nhiều hoạt động sáng tạo và bền bỉ từ khi thành lập đến nay. Tiêu biểu nhất là việc hội đã hai lần tặng bia kỷ niệm cho thành phố Huế nhân những dịp tròn năm trong ngoại giao của hai nước, hay tròn năm trong lịch sử cá nhân của hai nhân vật chính là Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro.

Lần tặng bia thứ nhất là vào tháng 11 năm 2010 cho Nhà lưu niệm Phan Bội Châu (nằm ở đường Phan Bội Châu thành phố Huế), nhân 70 năm ngày mất của Phan Bội Châu và 100 năm ngày mất của Asaba. Bia cao 2,2m, dài 2,4m, bằng chất liệu đá granit, đặt trên bệ cao 0,5m, được chế tác và hoàn thành tại Huế theo mẫu thiết kế mang đến từ Nhật Bản. Bia có hai mặt. Mặt trước bia có khắc dòng chữ lớn Bia kỷ niệm quan hệ giao lưu Việt-Nhật từ phong trào Đông Du (ở dưới là bản tiếng Nhật của tiêu đề này), và ở góc trái có in hình thu nhỏ của tấm bia mà Phan Bội Châu đã dựng ở chùa Thường Lâm vào năm 1918. Mặt sau bia thì chỉ khắc bản dịch tiếng Việt của bài văn bia bằng Hán văn do Phan Bội Châu soạn năm đó (ở cuối bản dịch tiếng Việt, có ghi tên dịch giả).

Lần tặng bia thứ hai là vào tháng 6 năm 2013 cho Công viên Phan Bội Châu (thành phố Huế), nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt-Nhật (1973-2013). Theo quan sát của người viết bài này, một phần kinh phí liên quan đến việc chế tác các tấm bia đã tặng Việt Nam và các hoạt động liên quan là được Hội Asaba - Việt Nam tích cực huy động thông qua quyên góp (cá nhân và đoàn thể), một phần được tài trợ bởi các quỹ quốc tế của Nhật Bản.

Một hoạt động đáng chú ý nữa của Hội Asaba - Việt Nam là, từ năm 2009, cứ vào dịp trung tuần tháng 9 hàng năm, hội tổ chức chương trình “Sống trải nghiệm cùng gia đình người Nhật cho lưu học sinh Việt Nam ベトナム留学生ホームステイ(Homestay)”. Mỗi năm chương trình này đón khoảng 25 lưu học sinh Việt Nam đang học tập trên khắp nước Nhật về Asaba, gửi vào sống cùng những gia đình người Nhật ở địa phương trong thời gian ngắn (2 đêm 3 ngày). Một nội dung hoạt động quan trọng trong thời gian lưu trú ở địa phương là, các lưu học sinh sẽ được hội hướng dẫn thăm viếng tấm bia tưởng niệm dựng năm 1918 và tìm hiểu về tình bạn Asaba-Phan Bội Châu qua các nguồn tư liệu.(12) Thú vị là từ năm 2015, hội đã mở một tài khoản Facebook để cập nhật thông tin về tình hình hoạt động (trong đó có chương trình sống trải nghiệm hàng năm).(13)

Ba là, quan hệ đặc biệt giữa tấm bia và bộ phim truyền hình mang tựa đề Người cộng sự /The Partner do đài TBS (Nhật Bản) và đài VTV (Việt Nam) hợp tác sản xuất. Phim đã được công chiếu đồng thời ở hai nước vào buổi tối ngày 29 tháng 9 năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Về nội dung, phim Người cộng sự đã khéo léo đưa hai câu chuyện có khoảng cách tới trăm năm về thời gian đan lồng vào nhau. Đó là, câu chuyện của 100 năm trước, về tình bạn Asaba - Phan Bội Châu (hội tụ quanh họ là những chính khách Nhật Bản và các chí sĩ Đông Du); và câu chuyện của hiện tại những năm đầu thế kỷ XXI, về tình yêu của một cặp đôi Việt - Nhật (hội tụ quanh họ là gia đình, bạn bè, cộng sự), và về tình bạn của một cặp doanh nhân Việt-Nhật. Tấm bia năm 1918 đã trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Nó trở thành một tác nhân tạo sự gắn kết và hòa hợp giữa cặp nam nữ Việt-Nhật, đồng thời, cũng trở thành chìa khóa mở ra bí mật của đối tác để cùng đi đến tin tưởng hợp tác giữa hai doanh nhân Việt - Nhật.

Bộ phim được chính giới hai nước (tiêu biểu là Thủ tướng Shinzo Abe, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải) đánh giá là thành công rực rỡ, là một điểm nhấn, “là món quà có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản…, sẽ tạo đà cho sự chắp cánh hợp tác tương lai giữa VTV và TBS cũng như giữa các tập đoàn truyền thông hai nước” (lời phát biểu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong lễ ra mắt phim Người cộng sự vào ngày 16 tháng 9 năm 2013 tại Hà Nội).(14) Phim Người cộng sự sau đó đã nhận được giải Bông sen vàng (phim truyện video) trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 (công bố ngày 16 tháng 10 cùng năm). Đồng thời, diễn viên Huỳnh Đông (đồng thời thủ vai Phan Bội Châu thời đầu thế kỷ XX, và vai doanh nhân người Việt đầu thế kỷ XXI) cũng được trao giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Bốn là, từ những tác động qua lại của ba điểm đã trình bày ở trên, hiện nay, tấm bia năm 1918 trở thành một điểm viếng thăm quan trọng của người Việt Nam khi tới Nhật Bản (du lịch, học tập,…). Hội Asaba-Việt Nam ở thị trấn Asaba (nay là thành phố Fukuroi) trở thành chủ nhà đón khách hàng năm tới từ Việt Nam, bao gồm các cơ quan ngoại giao, các cơ quan đảng và chính phủ (trung ương, địa phương), các cơ quan giáo dục và nghiên cứu khoa học, học sinh sinh viên, khách du lịch phổ thông.(15)

Về mặt nhà nước, trong lễ kỷ niệm tròn 85 năm tại thị trấn Asaba vào năm 2003 đã trình bày ở trên, lần đầu tiên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cử đại diện tới thị trấn. Sau đó, từ năm 2008, các đời đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản đều tới thăm thị trấn Asaba và chiêm bái bia tưởng niệm (lần gần đây nhất là chuyến viếng thăm của đại sứ vào ngày 24 tháng 10 năm 2016).(16)

3. Lời kết

Qua các trình bày ở trên, đến đây, chúng tôi muốn dùng chữ “đại sứ đặc biệt” để nói về vai trò của tấm bia mang niên đại 1918 trong quá trình xây dựng kênh ngoại giao văn hóa (cultural diplomacy) hay ngoại giao dân chúng (public diplomacy) giữa hai nước từ thời kỳ đổi mới đến nay. Rõ ràng, trong ngoại giao văn hóa, đại sứ có thể là một con người cụ thể, mà cũng có thể là một vật thể mang nghĩa đặc biệt, ở đây là vật thể nguyên gốc/nguyên bản. Giá trị nguyên bản/ nguyên gốc của tấm bia cần được nhấn mạnh.

Một điểm cần nhấn mạnh là, quá trình tiến triển để trở thành “đại sứ đặc biệt” của tấm bia, nếu mới nhìn, thì có cảm tưởng như là một vận động mang tính tự nó, ở các điểm sau: 1) Bản thân tấm bia thì được phát hiện trở lại tựa như ngẫu nhiên trong trạng thái nguyên bản từ năm 1968; 2) Về phía Nhật Bản, thì thấy hoạt động của người dân ở thị trấn Asaba từ năm 2003, và nhất là của Hội Asaba-Việt Nam từ năm 2005, mang tính tự nguyện cao; 3) Về phía Việt Nam, cho thấy rõ sự “tăng trưởng” trong hiểu biết, và trong lòng ngưỡng mộ của dân chúng dành cho các lãnh tụ phong trào Đông Du, cũng là cho tình bạn Phan Bội Châu - Asaba Sakitaro. Nhưng nếu nhìn rộng hơn, thì chúng ta sẽ thấy, đó cũng là những hướng vận động ứng hợp với chiến lược ngoại giao của cả hai quốc gia. Rõ ràng, bước vào thế kỷ XXI, nguồn lực mềm/sức mạnh mềm [Joseph Nye 2004a, 2004b, 2004c; Kitayama 2003] của ngoại giao văn hóa rất được xem trọng, ở cả Việt Nam(17) và Nhật Bản,(18) cũng như nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới.(19) Quá trình một tấm bia từ tư liệu nguyên gốc trở thành một vị đại sứ đặc biệt chính là một trường hợp điển hình cho ngoại giao văn hóa.

CXG

CHÚ THÍCH

(1) Về Trần Đông Phong với tấm bia mộ dựng năm 1908 ở Tokyo, cũng như về người vợ còn ở Việt Nam của Trần Đông Phong, thì Phan Bội Châu có viết ở nhiều chỗ trong tác phẩm của mình. Về phần Cường Để thì, ông có nói về chuyện tháng 8 năm 1905, Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính từ Nhật Bản về nước, viết thư báo tin cho Cường Để và sắp xếp việc Cường Để xuất dương sang Nhật. Trong dịp đó, ông Trần Đông Phong góp tiền cho việc chung (gồm 15 nén bạc và hai trăm đồng Đông Dương). Đồng thời, vào tháng 9 năm đó, Trần Đông Phong cũng sang Nhật [Cường Để 1957: 19]. Về chi tiết Trần Đông Phong hào hiệp đóng góp ngân quỹ vào tháng 8 năm 1905, Phan Bội Châu cũng có nói đến trong Ngục trung thư (cuốn này Phan soạn xong năm 1913 trong nhà ngục ở Quảng Châu, nên ký ức vẫn còn tươi mới). Có thể suy luận rằng, với phong trào lúc đó, thì kinh phí mà Trần Đông Phong giúp cho là một khoản đáng kể, nên các lãnh tụ đều ghi nhớ.

Về Cường Để, có thể xem thêm một số tư liệu mới công bố của Trần Đức Thanh Phong (Trần Đức Thanh Phong 2005; Kawaji 2012). Đây là một người từng giúp việc cho Cường Để trong các năm 1943-1951, được xem là một chứng nhân còn sống cuối cùng của phong trào Đông Du.

(2) Vào mùa đông năm 2004, trong dịp chuẩn bị cho kỷ niệm tròn 100 năm phong trào Đông Du (1905-2005) tại Nhật Bản, được sự ủy thác của Ban Tổ chức, tác giả bài viết đã thực hiện việc chuyển dịch nguyên bản bài văn bia do Phan Bội Châu viết năm 1918 từ Hán văn sang Việt văn. Sau đó mấy năm, qua thẩm định và giới thiệu của giới chuyên môn, bản Việt văn này được lựa chọn để khắc vào mặt sau tấm bia song ngữ mang tiêu đề Bia kỷ niệm quan hệ giao lưu Việt- Nhật từ phong trào Đông Du được dựng vào năm 2010, từ sự quyên góp của cộng đồng người Nhật, ở trong khuôn viên Nhà lưu niệm Phan Bội Châu tại thành phố Huế (mặt chính của bia thì có khắc ảnh màu chụp thu nhỏ bia nguyên vật dựng năm 1918 ở Nhật Bản).

(3) Có nghĩa là “sinh năm Giáp Thân”. Năm Giáp Thân là năm 1884. Có một số tài liệu ghi Trần Đông Phong sinh năm 1887.

(4) Có nghĩa là “mất vào ngày 2 tháng 5 năm Mậu Thân”. Mậu Thân ở đây là năm 1908. Ngày và tháng ở đây chắc là theo âm lịch, tính sang dương lịch thì là ngày 31/5/1908 (Chủ Nhật).

(5) Bà Trần Đông Phong ở vậy suốt đời phụng dưỡng cha mẹ chồng tại Thanh Chương, rồi mất năm 1939.

(6) Shibata sinh năm 1919 (Đại Chính 8). Cụ dạy học ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông ở vùng Asaba trong nhiều năm, đến năm 1982 thì về hưu. Từ trước khi nghỉ hưu, cụ đã tham gia vào việc biên soạn lịch sử ở địa phương [Shibata 1988: trang cuối]. Cụ mất năm 2009, thọ 90 tuổi [Oguri 2010: 7].

(7) Tên đúng của sách là Phong thổ ký vùng miền Nam Việt Nam 南ベトナム風土記, đã xuất bản năm 1964.

(8) Cuốn sách của Utsumi viết về Phan Bội Châu mãi đến năm 1999 mới được xuất bản (sách có tựa đề Truyện về Phan Bội Châu nhà cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam - cuộc đời của nhà cách mạng đã hoạt động tại Nhật Bản và Trung Quốc ヴェトナム独立運動家潘佩珠伝: 日本・中国を駆け抜けた革命家の生涯). Bản thân tác giả thì đã mất năm 1986.

(9) Về phát biểu của ông Phan Thiệu Cơ, với bản tiếng Việt, có thể thấy trong các tư liệu sau: Nhiều tác giả 2005 (trang 417-428); Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế 2009 (trang 325-334).

(10) Trang web đó có thể truy cập bằng đường link sau: http://www.asaba.or.jp/machiokosi/ vietnam/index.htm

(11) Tên của hội này, trong tiếng Việt, còn thấy được dịch là “Hội Hữu nghị Asaba-Việt Nam”, hay “Hiệp hội Asaba-Việt Nam”.

(12) Một số thông tin chi tiết hơn có thể xem trong tư liệu sau: Amma 2008, 2009; Hội Asaba-Việt Nam 2010, 2012.

(13) Trang Facebook của hội có thể truy cập với đường link sau: https://www.facebook.com/ asaba.vietnam/

(14) Theo tin của VTV, từ đường link sau: http://vtv.vn/truyen-hinh/nguoi-cong-su-bo-phim-dac-biet-trong-nam-huu-nghi-viet-nam-nhat-ban-99222.htm

(15) Ý tưởng khai thác tấm bia ở Asaba như một điểm du lịch để thiết kế tua cho du khách Việt Nam tựa như xuất hiện đầu tiên vào khoảng năm 2005 với công ty Travelviet (xem Đỗ Thông Minh 2005: 17; Đỗ Thông Minh (đại diện) 2005, trang bìa). Năm 2005 cũng là năm có Hội chợ Quốc tế Aichi.

(16) Ông Nguyễn Quốc Cường là Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản từ tháng 7 năm 2015. Trước đó là các đại sứ Nguyễn Phú Bình (2008-2011), Đoàn Xuân Hưng (2012-2015). Thông tin lấy từ trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản: http://www. vnembassy-jp.org/

(17) Xem các nghiên cứu sau: Đinh Xuân Lý 2007; Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO 2008; Trần Thị Thu Hà 2012; Chu Xuân Giao 2012; Phạm Thủy Tiên 2013; Song Thành 2014; Phạm Ngọc Anh 2015; Phạm Sanh Châu 2016.

(18) Xem các nghiên cứu sau: Kitayama 2003; Hoshiyama 2008; Hạ Thị Phi Lan 2013; Kaneko 2014; Lee 2015.

(19) Xem các nghiên cứu sau: Milton 2003; Từ Huệ Phần - Đường Trọng 2010; Yoshimoto 2013.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Amma Yukiho安間幸甫編集. 2008.『ベトナム独立への道 浅羽佐喜太郎記念碑に秘められた東遊運動の歴史』.浅羽ベトナム会発行.
  2. Amma Yukiho. 2009 (2005). “Giao lưu giữa Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro”. In trong Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế 2009: 116-121.
  3. Bảo tàng tư liệu hương thổ thị trấn Asaba 浅羽町郷土資料館.2003.『浅羽町郷土資料館報告第三集 碑文等調査報告書』浅羽教育委員会.
  4. Chu Xuân Giao. 2004. “Góp thêm một bản dịch tiếng Việt cho bài văn bia tưởng niệm bác sĩ Asaba Sakitaro của Phan Bội Châu”, trang talawas ngày 20/10/2005 (http://www.talawas. org/talaDB/showFile.php?res=5629&rb=0305).
  5. Chu Xuân Giao. 2012. “Chiều sâu văn hóa trong phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh”. Tạp chí Văn hóa Quân sự (cơ quan của Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam), số tháng 81, pp.4-5 (In lại trong tạp chí Cẩm Thành, số 68 : 3-5).
  6. Chu Xuân Giao. 2013a. “Chứng tích giao lưu văn hóa Việt - Nhật thời cận hiện đại: lịch sử đang được viết tiếp”. Tạp chí Văn hóa Quân đội, số 95: 6-7&50.
  7. Chu Xuân Giao. 2013b. “Chứng tích giao lưu văn hóa Việt – Nhật thời cận hiện đại : lịch sử đang được viết tiếp”. Tạp chí Nhịp cầu Tri thức (tạp chí ra hàng tháng của Nxb Chính trị Quốc gia), số 7(67): 42-44.
  8. Chương Thâu. 2008. “Về tấm bia kỷ niệm Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang (SAKITORO ASABA) của Phan Bội Châu ở Nhật Bản năm 1918”. Tạp chí Hán Nôm, số 2 (87): 69-72.
  9. Chương Thâu (sưu tầm và biên soạn). 2012. Phan Bội Châu toàn tập - Tập bổ di 1. Hà Nội: Nxb Lao động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.
  10. Cường Để. 1957. Cuộc đời cách mạng Cường Để (nhà báo Tùng Lâm ghi; Ban Tuyên truyền của Việt Nam Quang Phục Đồng Minh Hội tại Tokyo dịch sang tiếng Việt; Tráng Liệt xuất bản). Sài Gòn: Nhà in Tôn Thất Lễ.
  11. Đinh Xuân Lý. 2007. “Về sự chuyển hướng chiến lược đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 6: 16-22.
  12. Đỗ Thông Minh. 2005. “Những phát giác mới về chí sĩ Phan Bội Châu”. Tạp chí Nguyệt san Mekong月刊メコン, số 117: 15-17.
  13. Đỗ Thông Minh (đại diện). 2005. Kỷ niệm 100 năm (1905-2005) cụ Phan Bội Châu đến Nhật và phong trào Đông Du東遊運動百周年.東京:越日文化交流倶楽部・ファンボイチャウセンター主催.
  14. Hạ Thị Phi Lan. 2013. “Chính sách ngoại giao văn hóa của Nhật Bản từ sau chiến tranh lạnh đến nay và tác động của nó với Việt Nam”. Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2 (144): 61-69.
  15. Hội Asaba-Việt Nam (Amma Yukiho đại diện). 2010. Tình bạn giữa Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro trong phong trào Đông Du. Ban điều hành hội nghị giao lưu Việt Nam-Fukuroi 2010 xuất bản. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hiệu chỉnh.
  16. Hội Asaba-Việt Nam浅羽ベトナム会.2012.「浅羽ベトナム会の沿革」Đăng trên website của Hội: http://asaba.hamazo.tv/c632557.html.
  17. Hoshiyama Takashi星山隆. 2008.『日本外交とパブリック・ディプロマシー ―ソフトパワーの活用と対外発信の強化に向けて―』財団法人世界平和研究所レポート(IIPS Policy Paper 334J June 2008)
  18. Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế. 2009. Việt Nam 100 năm phong trào Đông Du và hợp tác Việt-Nhật để bảo tồn, phát triển di sản văn hóa Huế. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia.
  19. Joseph Nye. 2004a. Soft Power: The Means to Success in World Politics. Perseus Books Group.
  20. Joseph Nye. 2004b. “Soft Power and American Foreign Policy”, Political Science Quarterly (The Academy of Political Science)119 (2): 255-270.
  21. Joseph Nye (山岡洋一訳). 2004c. 『ソフト・パワー―21世紀国際政治を制する見えざる力』日本経済新聞社.
  22. Kaneko Masafumi金子将史. 2014.「転換期を迎える日本のパブリック・ディプロマシー」日本国際問題研究所『国際問題』635:38-48.
  23. Kaneko Masafumi - Kitano Mitsuru (chủ biên) 金子将史, 北野充編著. 2007. 『パブリック・ディプロマシー : 「世論の時代」の外交戦略』.PHP研究所.
  24. Kawaji Yuka 河路由佳. 2012.「1943年・仏印から日本への最後のベトナム人私費留学生とべとナム独立運動―――― チェン・ドク・タン・フォン(陳徳清風)さん ――An Interview with the Last Vietnamese Student to Japan from French Indochina: Mr. Tran Duc Thanh Phong on the Vietnamese Independence Movement」『日本オーラル・ヒストリー研究』 8巻 : 163 - 175.
  25. Kitayama Kaoru北山馨. 2003.「パブリック・ディプロマシー--アメリカの外交戦略」国立国会図書館調査及び立法考査局『レファレンス 』53(4):134-152.
  26. Lee Kyountaek李炅澤. 2015.「日本における「新しい」パブリック・ディプロマシーの挑戦とその限界 : 民主党政権におけるパブリック・ディプロマシーの方向性とその転換を中心に The "New" Public Diplomacy in Japan with a Focus on its Rise and Collapse」
  27. Mikami Takanori三上貴教. 2007.「パブリック・ディプロマシー研究の射程 A range of studies on public diplomacy」広島修道大学『修道法学』29(2):246-225.
  28. Milton C. Cummings. 2003. Cultural Diplomacy and the United States Government: A Survey, Washington: Center for Arts and Culture.
  29. Nhiều tác giả. 2005. Phong trào Đông Du và Phan Bội Châu (Kỷ yếu chọn lọc của Hội thảo khoa học Kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Du và Phan Bội Châu do Tỉnh ủy Nghệ An và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp tổ chức tại thành phố Vinh ngày 10/9/2005). TP Vinh: Nxb Nghệ An - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.
  30. Oguri Katsuya 小栗勝也. 2010.「書評と紹介 柴田静夫『報恩の碑 : 義侠の医師浅羽佐喜太郎と潘佩珠』」『新袋井フォーラム会報』第18号:6-8.
  31. Oguri Katsuya 小栗勝也. 2011.「袋井関連人物参考資料目録(2)~浅羽佐喜太郎、川村驥山関連資料目録~」『静岡理工科大学紀要』第19巻: 83-92.
  32. Phạm Ngọc Anh. 2015. “Ngoại giao văn hóa Việt Nam: Hội nhập quốc tế và lợi ích quốc gia”. Tạp chí Cộng sản, số 875 (9/2015).
  33. Phạm Sanh Châu. 2016. “Thành tựu ngoại giao văn hóa từ năm 2011-2015”. Đăng trên http:// baochinhphu.vn/Van-hoa/Thanh-tuu-ngoai-giao-van-hoa-tu-nam-20112015/246055.vgp.
  34. Phạm Thủy Tiên. 2013 (2016). “Ngoại giao văn hóa (Cultural diplomacy)” (in trong Sổ tay thuật ngữ quan hệ quốc tế, Đào Minh Hồng - Lê Hồng Hiệp chủ biên,TP Hồ Chí Minh: Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh, 2013). Bản trên mạng nghiencuuquocte ngày 23/1/2016. (http://nghiencuuquocte.org/2016/01/23/ ngoai-giao-van-hoa-cultural-diplomacy/).
  35. Phạm Xuân Nguyên. 2005. “Những tấm bia lưu vết tích phong trào Đông Du trên đất Nhật”. In trong Nhiều tác giả 2005: 387-393.
  36. Phan Bội Châu.1939. “Văn tế bà Trần Đông Phong”, In trong Chương Thâu 2012 (Phan Bội Châu toàn tập - Tập bổ di 1): 63-65.
  37. Phan Bội Châu.1957. Phan Bội Châu niên biểu: Tức Tự phê phán. Phạm Trọng Điềm – Tôn Quang Phiệt dịch. Hà Nội: Nxb Sử địa.
  38. Phan Bội Châu.1987. Tự phán – Hồi ký vận động cách mạng dân tộc của cụ Phan Bội Châu. In lần thứ hai. California: Nhân Chủ học xã.
  39. Saito Gen 斎藤玄. 1980.「ベトナム亡命人と浅羽佐喜太郎:困窮を救った熱い “アジア精神”」『朝日新聞』1980年9月26日夕刊第5面.
  40. Shibata Shizuo柴田静夫.1977.「ベトナム独立運動の亡命者を助けた浅羽佐喜太郎(郷土史夜話)」磐南文化協会設立準備会発行『磐南文化』創刊号(昭和52年10月)25-27.
  41. Shibata Shizuo柴田静夫.1988.『浅羽  我が郷土の今昔』.   浅羽町農業協同組合
  42. Shibata Shizuo柴田静夫.2009.『報恩の碑 : 義侠の医師浅羽佐喜太郎と潘佩珠』東京 : 菁柿堂.
  43. Shiraishi Masaya白石昌也.1992.『ベトナム民族運動と近代日本・アジア : ファン・ボイ・チャウの革命論を中心に』東京大学博士論文
  44. Shiraishi Masaya白石昌也.1993.『ベトナム民族運動と日本・アジア : ファン・ボイ・チャウの革命思想と対外認識』厳南堂書店
  45. Shiraishi Masaya (Nguyễn Như Diệm và Trần Sơn dịch, Chương Thâu hiệu đính). 2000. Phong trào dân tộc Việt Nam và quan hệ của nó với Nhật Bản và châu Á – tư tưởng của Phan Bội Châu về cách mạng và thế giới (Tập 1, 2). Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia.
  46. Shiraishi Masaya白石昌也. 2005.「東遊運動期ベトナム人留学生の日本での活動」東遊運動100周年記念講演(2005年4月16日、於東京外国語大学、原稿4頁)
  47. Song Thành. 2014. “Ngoại giao văn hóa với vấn đề gia tăng sức mạnh mềm của Việt Nam trong hội nhập và phát triển”. Website Tạp chí Văn hóa Nghệ An ngày 27/4/2014.
  48. Thành Nguyễn. 2013. “Phim "Người cộng sự" có nên bị vứt vào sọt rác?”. Fb Thành Nguyễn ngày 30/9/2013(https://www.facebook.com/photo.php?fbid=629362207086487&set=a.540 258165996892.1073741828.100000381394367&type=3&theater).
  49. Thế Nguyên. 1956 (1950). Phan Bội Châu thân thế và thi văn (1867-1940). In lần thứ 2. Sài Gòn: Tân Việt.
  50. Trần Đức Thanh Phong. 2005. “Những kinh nghiệm bản thân rút ra từ phong trào Đông Du”. Nguyệt san Mekong月刊メコン通信số 117 (tháng 3/3005): 13-14.
  51. Trần Thị Thu Hà. 2012. “Ngoại giao văn hóa và vai trò của nó đối với chính trị Việt Nam từ 1986 đến nay”. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà NộiNgoại ngữ số 28: 185-193.
  52. Từ Huệ Phần - Đường Trọng (YU Huifen-TONG Chong/余惠芬・唐翀). 2010.「论中国对东南亚的文化外交 China's Cultural Diplomacy to Southeast Asia」『暨南学报 (哲学社会科学版) Journal of Jinan University (Philosophy and Social Sciences)』总第146 期 : 252-257.
  53. Vĩnh Sính. 2001a. Việt Nam và Nhật Bản - Giao lưu văn hóa. TP Hồ Chí Minh: Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - Nxb Văn nghệ TP Hồ Chí Minh.
  54. Vĩnh Sính. 2001b (1990). “Phan Bội Châu và Asaba Sakitarô”. In trong Vĩnh Sính 2001a : 217-230.
  55. Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao Việt Nam). 2008. Kỷ yếu Hội thảo quốc gia "Ngoại giao văn hóa vì một bản sắc Việt Nam trên trường quốc tế, phục vụ hòa bình, hội nhập và phát triển bền vững (Hà Nội, ngày 15-16/10/2008)”. Tập kỷ yếu gồm 190 trang khổ A4.
  56. Yoshimoto Hideko 吉本秀子. 2013. 「パブリック・ディプロマシーの理論的枠組み構築に向けて (Building a Theoretical Framework of Public Diplomacy)」『山口県立大学学術情報』第6号: 29-38. 筑波大学人文社会科学研究科『国際日本研究』7: 153-165.

 

Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (132) . 2016

    I. CÁC SỨ BỘ DO TRIỀU ĐÌNH VIỆT NAM PHÁI SANG TRUNG HOA TỪ THẾ KỶ XVI ĐẾN THẾ KỶ XIX

    Nhà bác học Lê Quý Ðôn, qua tác phẩm Bắc sứ thông lục viết về chuyến đi sứ sang Trung Hoa vào năm Canh thìn đời vua Lê Cảnh Hưng (1760) đã cung cấp những thông tin liên quan đến việc bang giao giữa Việt Nam và Trung Hoa trong khoảng thời gian từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVIII. Theo tư liệu này, vào năm Hồng Vũ thứ 7 (1374), nhà Minh (1368 – 1644) ban hành quy định: cứ ba năm một lần, nước ta phải cử sứ bộ mang cống phẩm sang Trung Hoa nộp cống. Sau khi nhà Thanh (1644 – 1911) diệt nhà Minh, vào năm 1663, vua Khang Hi (1662 – 1722) cũng theo nếp cũ, định lệ tam niên nhất cống (ba năm đi cống một lần) cho triều đình Đại Việt. Tuy nhiên, do đường sá xa xôi cách trở nên thể theo yêu cầu của triều đình nhà Lê, vào năm 1668, vua Khang Hi đổi lệ trên thành lục niên lưỡng cống (sáu năm mới sai sứ đi cống một lần nhưng mang gộp lễ vật của cả hai kỳ tuế cống).1

    20170830. Truyen co VN Landes

    Ảnh: Trang bìa cuốn “Contes et légendes annamites” do Adamant Media Corporation xuất bản năm 2001 đăng trên mạng www.shopping.msn.com

     

    Người Việt Nam sống bằng lúa gạo và truyền thuyết”. Nhận định lâu đời đó (có lẽ từ thế kỷ 17) vẫn còn nguyên giá trị qua những thử thách của thời gian.

    Một trong những cuốn sách đầu tiên viết bằng chữ Nho còn lại cho đến ngày nay là Việt điện u linh (tập). Sách này có thể đã khởi thảo từ thời nhà Lý (1009-1225). Sách Việt điện u linh gồm 28 truyện thần tích.

    Sách đầu tiên viết bằng quốc ngữ và xuất bản ở Sài Gòn cũng là một tập truyện cổ tích, đó là cuốn Chuyện đời xưa nhón lấy những chuyện hay và có ích, do Trương Vĩnh Ký viết. Cuốn Chuyện đời xưa... này xuất bản lần đầu tiên năm 1866, có 73 truyện, sau đó được tái bản nhiều lần vào các năm 1888, 1909, 1924, 1992 và 1993.(1)

    Tuy nhiên không tìm thấy truyện về lúa gạo, trâu bò, bình vôi... trong những tập truyện dân gian nhưng do các nhà Nho thấm nhuần giáo lý Khổng Mạnh nhuận sắc. Truyện Tấm Cám là một trong những truyện cổ tích phổ biến nhất ngày nay (và cũng có thể ít nhất từ thế kỷ thứ 10) nhưng cũng không thấy có trong những tập trên.

    Anthony Landes (1850-1893) đã bổ sung cho những thiếu sót triền miên đó qua tập “Những truyện cổ tích Việt Nam” (Contes et légendes annamites) in từ năm 1884 đến năm 1886 trên tạp chí Excursions et Reconnaissances (Du lãm và quan sát). Năm sau, năm 1887, tạp chí trên lại in dị bản Tấm Cám và nhiều truyện khác của người Chăm, cũng do A. Landes sưu tầm và dịch.

    Từ đó về sau, không một ấn bản nào bằng tiếng Pháp về truyện cổ tích Việt Nam có thể sánh được với những công trình của A. Landes.

    Ban đầu A. Landes là “quan đầu tỉnh” ở Chợ Lớn, sau đó chuyển sang làm “quan trông coi việc [của dân] bản xứ” ở Nam Kỳ, đồng thời là hội viên Hội Á châu ở Paris. Theo A. Cabaton, hội viên Hội trên thì “Landes hoàn toàn thông thạo tiếng Việt, thấy mình gắn bó với folklore bản xứ; đối với Landes thì nền folklore này thể hiện một cách hồn nhiên và ý nghĩa nhất nền văn minh của những dân tộc mà ông đang sống với họ.”(2) L. Finot, lúc đó là Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, cũng tán thành nhận định trên nên đã trích dẫn toàn bộ đoạn trên vào bài viết của ông về “Những giấy tờ của Landes” (BEFEO, 1903, bộ III, số 4, tr. 657-660).

    Gộp cả truyện cổ tích Việt Nam với truyện cổ tích Chàm thì tất cả có 168 truyện, trong đó có 146 truyện cổ tích, 22 truyện tiếu lâm, cùng nhiều đồng dao, bản sách dẫn (dày 37 trang) và danh sách các tác giả đã dẫn. Tập này gồm tất 

    cả các thể loại cổ tích: giai thoại dã sử như truyện Nguyễn Trãi, truyện Hồ Xuân Hương; truyền thuyết như truyện bà chúa Liễu [Hạnh] và hai con, trạng Quình (sic) và trạng Trình, Thần núi Tản Viên; truyện về nguồn gốc vạn vật như Gốc gác con trâu, Hạt gạo; truyện có giáo lý đạo Phật như Nhà sư hóa kiếp thành bình vôi, Sư ông tự thiêu; truyện tiếu lâm như Lũ ăn tham, Bảy bợm nhậu...

    Phần lớn những truyện trên được sưu tầm ở miền Nam và, trích nguyên văn lời của A. Landes: “tôi đã cố dịch chính xác nhất lời người kể, đúng như họ đã đọc cho đồng hương của họ ghi lại, những đồng hương này là trung gian giữa họ và tôi.(3) Nhưng cũng có một số lấy từ sách chữ Nho, nhất là từ tập Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (thế kỷ 16).

    Hậu bán thế kỷ 19, người Pháp theo xu hướng đang thịnh hành ở châu Âu, tích cực sưu tầm những truyện cổ tích kỳ lạ ở các nước xa xôi. Họ đã in lần đầu tiên những truyện cổ tích Việt Nam, truyện cổ tích Cambodge...(4) Và Anthony Landes đã chiếm vị trí danh dự trong những người Âu tiên phong đó.(5)

    Landes trội hơn những người khác, người Việt cũng như người nước ngoài, kể cả người Pháp ở chỗ, ông có phương pháp khoa học (sưu tầm trực tiếp từ người địa phương, dịch trung thành từ những bản gốc... số lượng truyện nhiều (chưa bao giờ những tác giả khác có được hơn trăm truyện), xuất bản trước mọi người (từ năm 1884, ít nhất cũng sớm hơn những người khác đến cả một thập niên), diện sưu tầm rộng (ở miền Nam Việt Nam)...

    Chính vì vậy, từ khi xuất bản đến nay, Những truyện cổ tích Việt Nam của Landes đã là nguồn tham khảo chính, kinh điển cho những công trình tổng hợp (nói cách khác, là công trình cấp hai) của những tác giả hiện đại về văn học dân gian. Có thể nêu một vài vị như Vũ Ngọc Phan (1955), Nguyễn Đổng Chi (1957), Đỗ Vạn Lý (1959), A.C. Crawford (1966), M. Durand và Nguyễn Trần Huân (1969)...

    Những ý kiến sau đây của Vũ Ngọc Phan và Nguyễn Đổng Chi khẳng định giá trị hiển nhiên tác phẩm của Landes.

    Say sưa sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Vũ Ngọc Phan kể: “Lúc ấy [khoảng 1955] anh Nguyễn Đổng Chi và anh Hoa Bằng (tức Hoàng Thúc Trâm) được giao nhiệm vụ đến tiếp quản Thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ. Hai anh tìm thấy những truyện cổ dân gian Việt Nam do bọn quan cai trị Pháp biên soạn: những sách của Sabatier, Chivas Baron, Landes, Baniafcy,(6)v.v.. Bọn này đến địa phương nào thì bắt các hào lý kể lại hoặc ghi chép lại những truyện cổ dân gian cùng các giai thoại, bọn thông phán, ký lục ở tòa sứ có nhiệm vụ dịch sơ lược ra tiếng Pháp để chúng viết lại. Truyện do chúng viết có nhiều cái sai, cần phải sửa và bổ sung. Dù sao cũng là những tư liệu cần gìn giữ.”(7)

    Thấm nhuần ý thức hệ marxiste trong những năm 50-70 của thế kỷ trước ở Việt Nam, dẫu vậy Nguyễn Đổng Chi cũng phải xác nhận: “Truyện cổ Việt Nam còn được góp nhặt lần lượt và tản mạn trong những quyển sách hoặc tập san viết bằng chữ Pháp, và trong các báo chí cận đại. Trong số này phải kể đến một ít công trình sưu tầm tương đối trung thực và khá phong phú như của A. Landes trong tập san Du lãm và quan sát (Excursions et Reconnais-sances) năm 1885-1886...”(8) Chúng ta thấy, Landes là tác giả người Pháp duy nhất được nêu tên.

    A. Landes nổi tiếng là thông thạo tiếng Việt nhưng trong hoàn cảnh ngôn ngữ tiếng Việt vào cuối thế kỷ 19 ở miền Nam. Tất nhiên ông không phải là người Việt chính gốc. Đó là lý do vì sao đây đó trong tác phẩm của ông còn có những hạt sạn, đôi khi khá thô thiển; đó là từ bản năng sắc tộc.(9)

    Mặc dù những truyện do Landes tuyển chọn và dịch có thể có điểm này điểm khác cần hoàn thiện nhưng nói chung những truyện đó vẫn được coi như đánh dấu bước ngoặt trong văn học dân gian nước ta.

    Tuy nhiên, tác phẩm của Landes vẫn đang nằm dưới nhiều lớp bụi trong những kho sách quý hiếm ở vài thư viện lớn trên thế giới. Công chúng nói tiếng Pháp thực sự không tiếp cận được. Độc giả nói tiếng Việt thì không biết là có những sách đó trên đời. Trách nhiệm của chúng ta - những người trung thực, nghiêm túc và không thiên vị, nói tiếng Pháp cũng như tiếng Việt - là trả lại cho Cesar những gì của Cesar.

    Chúng tôi đề nghị:

    1. In lại toàn bộ và dưới hình thức sao chụp bản gốc “Những truyện cổ tích Việt Nam” (1884-1886) và “Những truyện cổ tích Chàm” (1887) của Anthony Landes.
    2. Dịch trung thực những bản đó sang tiếng Việt. Trước những tài liệu trên sẽ có một bài giới thiệu có phê phán, bằng hai thứ tiếng nhằm trả Landes cùng những điểm mạnh và điểm yếu của ông, về vị trí của ông trong lịch sử văn học dân gian Việt Nam. Khi làm việc đó, sẽ có tham khảo những bản thảo chưa công bố của Landes để ở Thư viện Hội Á châu, đường Hồng y Lemoine, quận 5, Paris, Pháp.

    Những thế hệ tương lai nói tiếng Pháp và tiếng Việt sẽ phán đoán những việc làm, dù có hơi muộn của ta. Nhưng, chậm còn hơn không!

    Q M

    CHÚ THÍCH

    1. Nhà xuất bản Đồng Nai in cuốn này trong hai năm 1992 và 1993 với tên rút gọn là Chuyện đời xưa, bìa trình bày khác nhau nhưng nội dung vẫn là một và thiếu một truyện so với bản gốc in năm 1866.
    2. Journal Asiatique, 1903, bộ 1, đệ nhị bán niên, tr. 155.
    3. A. Landes. Excursions et Reconnaissances, 1884, bộ VIII, tập 20, tr. 297.
    4. Xin xem, thí dụ như: G. Dumoutier (nhiều truyện cổ miền Bắc đăng trong L’Avenir du Tonkin [1887], Revue de l’histoire des religions [1888], Revue d’ethnographie [1889], Archivio per lo studio delle tradizioni populari [1893]), A. Leclère: Cambodge: truyện cổ tích [Paris, Librarie Émile Bouillon, 1895, 308p], C. Janneau (nhiều truyện cổ tích sưu tầm ở miền Nam và in trong Revue indochinoise [1910-1911])...
    5. Nguyen Xuan Hien. Il y a plus d’un siècle (Autour de quelques versions francaises de la Cendrillon vietnamienne). In L’Anthropologie culturelle et le riz au Vietnam. Ann Arbor-Lahaye-Londres-Paris-Tokyo, Centre des Études vietnamiennes, 2001, p. 81.
    6. Có thể đúng thì là Bonifacy.
    7. Vũ Ngọc Phan. Những năm tháng ấy (Hồi ký). Wetminster, Hồng Lĩnh, 1993, p. 398.
    8. Nguyễn Đổng Chi. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Quyển một (tập I-tậpII-tậpIII), in lần thứ 8. Hà Nội, Nxb Giáo dục, 2000, tr. 91. Thực ra những truyện do Landes kể được đăng từ năm 1884 đến năm 1887.
    9. Xin xem, Nguyễn Xuân Hiển. “Những truyện cổ tích Tấm Cám ở Việt Nam”. Bách hợp, 2002, số 7, tr. 229.

    * Quảng Minh, Thành phố Hà Nội.

    Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (67), 2008

    20170805. nguyen ba tac1

    1. Lời mào đầu

    Lịch sử di tản của người Việt Nam đến các nước khác mà từ đó đã hình thành cộng đồng của người Việt Nam ở nước ngoài, tính được gần một thế kỷ. Tuy nhiên, sự xuất ngoại ồ ạt từ Việt Nam là một hiện tượng tương đối mới. Cho đến nay chưa có sự thống kê chính xác về số lượng người Việt Nam hiện đang sống ở nước ngoài. Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam, có khoảng 2,7 triệu người Việt Nam đang sinh sống trong gần 90 nước trên thế giới, hơn nữa, khoảng 80%  tại các nước phát triển về mặt công nghiệp[1]. Phần lớn Việt kiều chọn Hợp chủng quốc Hoa kỳ và Canada làm nơi sinh sống, tiếp theo là các quốc gia Âu Châu - Pháp, Đức, Ý, Hà Lan và Áo.

    Tháng hai này (2015) thầy chúng tôi ra đi vừa chẵn hai mươi năm.

    Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu nhưng với lũ học trò chúng tôi thì “ Người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn ở lại. Người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây” ( Trịnh Công Sơn).

    20170731. Pho for life

    Bìa sách: Pho for Life: A Melting Pot of Thoughts

    1.     Các thế hệ nhà văn di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ

    Việc thống kê con số nhà văn Việt Nam ở Hoa Kỳ là điều rất khó khăn. Nhiều tờ báo, tạp chí, nhà nghiên cứu đã từng thống kê nhưng cũng chỉ đưa ra con số ước đoán. Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng, cộng đồng di dân Việt Nam đã có “hàng chục tổ chức văn hoá, trên năm mươi nhà xuất bản, hàng trăm tờ báo đang hoạt động, hàng ngàn người cầm bút và hơn một triệu người đọc”[1]. Nếu tính ai cầm bút cũng là nhà văn, những tờ báo hoạt động vài ba tháng thì đình bản, tổ chức văn hoá làm vài chương trình rồi đóng cửa… thì đến con số hàng ngàn, vì việc ra sách, ra báo, mở tổ chức ở Mỹ rất dễ, không cần giấy phép, kiểm duyệt… Nhưng số nhà văn thực chất có tài năng, được độc giả công nhận thì không thể nhiều như vậy.

    Cần lưu ý là cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ là một cộng đồng trẻ, lớn mạnh thực ra cũng chỉ từ sau 1975, do lịch sử di dân khá mới như vậy nên cách gọi tên các thế hệ di dân của chúng ta cũng muộn hơn các nước Châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… vốn đã di dân sang Mỹ từ rất sớm. Ví dụ, những nhà văn viết vào thập niên 1950, 1960 đã được gọi là nhà văn thế hệ thứ hai của họ rồi. Còn đối với cộng đồng di dân Việt Nam, sinh vào những năm 1950, có khi mới được xếp vào nhà văn thế hệ thứ nhất. Nói như vậy để thấy việc phân định và gọi tên thế hệ nhà văn di dân Việt Nam có cái khó khăn và khác với các cộng đồng Châu Á còn lại.

    Nhìn chung, việc phân định và gọi tên các thế hệ nhà văn, với nhiều trường hợp, sẽ khó chuẩn xác và đúng đắn. Nhà văn Trịnh Y Thư đưa ra một cách phân định: đó là ai đã từng viết ở Việt Nam, sang Mỹ viết tiếp thì được gọi là nhà văn thế hệ một. Ai sang Mỹ viết thì gọi là thế hệ một rưỡi và hai[2]. Từ đó, chúng tôi nghĩ đến một cách thức phân định mang tính tương đối: Đó là phân định các thế hệ nhà văn Việt Nam theo độ tuổi, theo độ ảnh hưởng văn hoá (ảnh hưởng Mỹ hay Việt Nam nhiều hơn) và phần nào theo thời gian sống ở Mỹ, chứ không theo thời gian viết văn để phân chia thành các thế hệ viết văn một, một rưỡi, hai. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều làm vậy[3]. Việc phân định này hết sức khó khăn vì nhiều lý do: Có người sang Mỹ mới bắt đầu viết văn dù tuổi đã cao, chúng tôi vẫn xếp vào thế hệ nhà văn thứ nhất, hoặc thời gian sang Mỹ khác nhau, nên không thể xếp những người cùng độ tuổi vào một thế hệ viết văn được. Ví dụ, Phạm Thị Ngọc và Đặng Thơ Thơ ngang tầm tuổi nhau, nhưng Phạm Thị Ngọc viết rất sớm trong số những nhà văn thế hệ một rưỡi, vậy chúng tôi xếp bà vào thế hệ thứ nhất. Hay Monique Trương cũng tầm tuổi Đặng Thơ Thơ nhưng viết sau, và viết bằng tiếng Anh, sang Mỹ khi còn nhỏ, vậy phải xếp Monique Trương vào thế hệ thứ hai… Chính vì những lý do đó, việc phân định dưới đây chỉ mang tính chất tương đối.

    - Thế hệ nhà văn thứ nhất: Là những nhà văn sinh vào những năm 1930-1940-1950, khi sang Mỹ, họ đã lớn tuổi hoặc trưởng thành, chịu ảnh hưởng của văn hoá Việt Nam rõ nét, và họ đều viết bằng tiếng Việt (trừ Trùng Dương có viết báo Mỹ). Trong số này, có người đã từng viết ở Việt Nam, có người sang Mỹ mới bắt đầu viết.

    Một số nhà văn sang Mỹ không viết thêm, chúng tôi không kể ra đây, chúng tôi chỉ liệt kê những nhà văn thực sự có viết và có thành tựu, đó là: Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Du Tử Lê, Nguyễn Xuân Hoàng, Trùng Dương, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Khánh Trường, Hà Thúc Sinh, Bình Nguyên Lộc, Phan Lạc Phúc, Lê Tất Điều, Thế Uyên, Viên Linh, Thanh Nam, Phạm Công Thiện, Nguyên Sa, Nguyễn Hữu Hiệu, Túy Hồng, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Vũ Khắc Khoan, Lữ Quỳnh, Nguyễn Tất Nhiên, Hoàng Khởi Phong, Kiệt Tấn, Tưởng Năng Tiến, Nhật Tiến, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Quỳnh, Thảo Trường, Đặng Phùng Quân, Phan Nhật Nam, Hoàng Lộc, Trần Văn Nam, Trần Doãn Nho (Trần Hữu Thục), Nguyễn Xuân Thiệp, Cao Đông Khánh, Nguyễn Sao Mai, Kinh Dương Vương, Hoàng Khởi Phong, Võ Đình, Trần Hoài Thư[4]

    Những nhà văn thuộc thế hệ thứ nhất đã viết ít nhiều ở Việt Nam hoặc sang Mỹ mới bắt đầu viết (cũng có thể xếp họ vào thế hệ một rưỡi): Lê Thị Huệ, Mai Kim Ngọc, Trần Mộng Tú, Trần Diệu Hằng, Trịnh Y Thư, Lê Bi (tức Lê An Thế hiện nay), Khế Iem, Le Ly Hayslip, Mai Kim Ngọc, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Thảo An, Bùi Bích Hà, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Trương Anh Thụy, Phạm Thị Ngọc, Vũ Huy Quang, Cao Xuân Huy, Bùi Vĩnh Phúc, Ngu Yên, Chân Phương, Trần Nghi Hoàng, Hoàng Thị Bích Ti, Đỗ Kh, Phan Tấn Hải, Nguyễn Thị Thanh Bình, Phùng Nguyễn, Lưu Hy Lạc (tức Vương Ngọc Minh), Nguyễn Tà Cúc, Nguyễn Thị Hải Hà…

    Chủ đề chính mà họ thường viết là hoài niệm về quê nhà, biến cố 1975, lịch sử, phong tục, khó khăn hội nhập xã hội Mỹ, vấn đề hoà hợp hoà giải trong văn nghệ…

    - Thế hệ nhà văn một rưỡi (1.5): gọi thế hệ nhà văn một rưỡi vì tính chất “nửa chừng” và “giao thời” của họ, họ là những nhà văn sinh ra ở Việt Nam, trải qua thời thơ ấu ở Việt Nam và sau đó sang Mỹ, ước chừng có thể sinh vào khoảng những năm 1960, hoặc nửa đầu 1970. Có Nguyễn Hoàng Nam, Thận Nhiên, Phan Nhiên Hạo, Lê Đình Nhất Lang, Đặng Hiền, Đặng Thơ Thơ, Đinh Từ Bích Thúy, Lưu Hoàng Thu Thuyền, Lê Thị Thấm Vân, Dương Như Nguyện, Lan Cao, Duong Van Mai Illiot, Mộng Lan, Nguyen Quy Duc, Linh Dinh, Nguyễn Hương, Hoàng Mai Đạt, Nguyễn Xuân Tường Vy…

    Thế hệ một rưỡi (1.5) ra đi vào khoảng thiếu niên, hoặc lúc còn trẻ. Vì vậy tốc độ hoà nhập của họ tốt hơn thế hệ thứ nhất. Họ là thế hệ “khoảng giữa”, là cầu nối hai thế hệ. Một mặt, tiếng Việt và sợi dây kết nối với quê nhà của họ đủ tốt, không “mất gốc”, đồng thời, khả năng ngoại ngữ và thích nghi của họ cũng tốt để họ tồn tại ở Mỹ. Thế hệ này có người viết văn bằng tiếng Việt và cũng có người viết được bằng tiếng Anh, hoặc cả hai thứ tiếng (Linh Dinh, Nguyen Quy Duc…).

    - Thế hệ nhà văn thứ hai: cũng như các nhà văn thuộc các cộng đồng gốc Á khác, vốn sinh ra ở Mỹ, hoặc sang Mỹ khi còn nhỏ, nên thế hệ này thành thạo tiếng sở tại hơn tiếng mẹ đẻ. Việc chọn lựa viết văn bằng tiếng Anh có nhiều lý do, có thể là do họ không giỏi tiếng Việt, cũng có thể do họ thích nghi với văn hoá bản địa (Mỹ) hơn là văn hoá gốc (Việt Nam). Một số người rời Việt Nam khi đã đọc thông viết thạo tiếng Việt nhưng vì những lí do văn hoá và sở thích mà không viết văn bằng tiếng Việt. Ví dụ, Đỗ Lê Anhdao (sinh 1979, đến Mỹ năm 1992: 13 tuổi), thực ra có thể xếp cô vào thế hệ một rưỡi như Đặng Thơ Thơ, nhưng về phẩm chất văn học, và cô viết bằng cả hai thứ tiếng, thì có thể cho vào thế hệ hai. Tương tự, Lại Thanh Hà (sinh 1965 sang Mỹ 1975: 10 tuổi) hay Andrew Lam (sinh 1964, sang Mỹ 1975: 11 tuổi) chỉ viết tiếng Anh, nên chúng tôi xếp họ ở thế hệ hai. Trong khi Linh Dinh sinh 1963 sang Mỹ 1975: 12 tuổi nhưng chúng tôi xếp anh vào thế hệ một rưỡi vì anh có phong cách, phẩm chất văn học gần với thế hệ này hơn. Có thể kể thêm một số nhà văn nữa thuộc thế hệ hai: Bích Minh Nguyễn, Monique Truong, Le Thi Diem Thuy, Dao Strom, Aime Phan, Angie Chau... Theo thống kê của Isabelle Thuy Pelaud, văn học di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ viết bằng tiếng Anh tính từ năm 1963 đến nay đã có khoảng hơn 100 tác phẩm[5], một con số khá khiêm tốn so với các tác phẩm viết bằng tiếng Việt nhưng cũng cho thấy nỗ lực của các nhà văn gia nhập văn học dòng chính.

    Con đường họ đi khá giống nhau: thoạt đầu, họ từ chối nguồn gốc, tự xem mình là người Mỹ, thích nghi với văn hoá và lối sống Mỹ một cách dễ dàng, và thường xuyên có những xung đột với gia đình, cha mẹ là những thành viên di dân thế hệ thứ nhất. Đến khi có một sự kiện, một “thời điểm” nào đó xảy ra trong cuộc đời họ, buộc họ nhìn lại thân phận, gốc gác của mình, và viết. Khi viết bằng một ngôn ngữ khác, tư duy và văn hoá của họ cũng thay đổi. Họ có những cái nhìn “từ bên ngoài”, có những so sánh từ góc độ của “người ngoài” (outsider) với bên trong. Điều đó tạo ra lợi thế khi sáng tác đồng thời cũng là thách thức với các nhà văn này. Việc làm chủ được ngôn ngữ giúp cho sáng tác của họ có số lượng độc giả khá đông đảo, cơ hội tác phẩm đến được với bạn đọc thế giới rộng mở hơn. Đề tài sáng tác của họ cũng khá rộng rãi. Có thể là sự phản ánh những vấn đề của chính họ: quá trình trải nghiệm hội nhập khẳng định mình, vượt qua mặc cảm di dân để trở thành của người công dân của đất nước mới; sự va đập văn hoá: Đông - Tây; cũ - mới; khoảng cách giữa lối sống của các thế hệ di dân trong gia đình. Họ cũng có thể chọn viết về lịch sử dân tộc. Không bị quá khứ cầm tù như các thế hệ trước nên cái nhìn của họ đối với những vấn đề lịch sử, chính trị dân tộc cũng cởi mở, nhẹ nhàng hơn.

    Ngày nay, giới trẻ di dân ngày càng ít có sự quan tâm đến sự chia cắt giữa trong nước và hải ngoại. Những nhà văn như Barbara Tran, Christian Langworthy, le thi diem thuy… quan tâm đến những vấn đề lưỡng dạng (dual identity) của họ ở Mỹ hơn là những vấn đề chính trị và xã hội của quá khứ. Những nhà văn như Linh Dinh, Do Kh., Nguyễn Quí Đức, Angie Chau, le thi diem thuy… còn xa hơn một bước, họ quay về Việt Nam nhiều lần để tìm lại những liên hệ với một thế giới mà họ đã bị cách biệt trong quá khứ.

     

    2. Những đóng góp của văn học di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ

    2.1. Tiếp nối văn học miền Nam, lưu giữ, phát triển văn học miền Nam ở hải ngoại

    Văn học miền Nam trước 1975 có đời sống văn học khá phong phú. Báo chí vừa là diễn đàn văn nghệ, vừa là nơi sản sinh các tác phẩm văn học, vừa là nơi quy tụ những khuynh hướng sáng tác. Nhiều bút nhóm, tờ báo có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống học thuật lúc bấy giờ như Nhân Loại (1956-1960), Văn Hoá Ngày Nay (1958), Sáng Tạo (1956), Bách Khoa (1957), Văn Đàn, Tin Văn (1965), Nghệ Thuật (1956), Thế Kỷ 20, Hiện Đại, Văn Nghệ, giai đoạn sau là các tờ: Văn Học, Văn (1974)…

    Hàng loạt những nhà văn cột trụ của văn học miền Nam trước 1975 đã sang Mỹ từ năm 1975 hoặc những năm sau đó. Khi sang Mỹ, họ vẫn tiếp tục sáng tác, và đó là lý do vì sao chúng tôi cho rằng, một trong những thành tựu của văn học di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ là nối dài, gìn giữ văn học miền Nam trước 1975. Chúng tôi dẫn chứng một số trường hợp sau đây:

    Sáng Tạo do Thanh Tâm Tuyền và Mai Thảo chủ trương xuất bản, là một hiện tượng của văn học thời kỳ 1954-1975. Tờ báo quy tụ nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng: Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Duy Thanh, Cung Trầm Tưởng. Là nơi phát huy cái mới, nổi loạn trong văn học, ví dụ cổ vũ thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền.

    Mai Thảo (1927-1998) là cây bút chính của Sáng Tạo với hơn 50 tác phẩm đã xuất bản. Qua Mỹ, ông tiếp tục viết. Ông sống ở Santa Ana và mất ở đây.

    Thanh Tâm Tuyền (1936-2006) là một trong những nhà thơ khai sáng lối thơ mới trong Nam, sang Mỹ, ông định cư ở Minessota và mất tại đây.

    Doãn Quốc Sỹ (1923- ) qua Mỹ sống ở Houston, Texas.

    Nguyễn Sỹ Tế (1922-2005) viết sách biên khảo văn học. Sang Mỹ từ năm 1992, mất tại Quận Cam.

    Tô Thùy Yên, sinh 1938 tại Gia Định. Nhà thơ quân đội, nòng cốt của nhóm Sáng tạo. Hiện nay sống tại Houston, Texas.

    Võ Phiến (1925-) chủ trương tờ Bách Khoa (1957-1975), là nhà văn cột trụ của văn học miền Nam, có đóng góp rất lớn vào đời sống văn học nghệ thuật lúc bấy giờ. Bách Khoa như tên gọi, đề cập mọi vấn đề chính trị, khoa học, xã hội, lịch sử… khá hàn lâm, khô khan, ít được người bình dân đọc, nhưng đóng góp là sản sinh nhiều nhà văn, nhà thơ. Ông vừa là nhà văn, nhà khảo cứu. Ông sống ở Santa Ana, hiện nay rất già yếu.

    Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (1943-) nguyên là giáo sư triết của trường Trung học Petrus Ký, Sài Gòn. Trước năm 1975 bên cạnh nghề dạy học, ông là một nhà văn và là tổng thư ký của tạp chí Văn. Ông đến Mỹ vào cuối thập niên 80, tiếp tục nghiệp báo của mình trong tư cách tổng thư ký của nhật báo Người Việt, tổng thư ký cho tờ Viet Mercury, từ số ra mắt cho tới khi tờ báo này đình bản. Ông tiếp tục chủ biên các tờ Văn, Văn Học và sáng tác. Ông sống ở San Jose, đang bị bệnh rất nặng.

     Ước lượng có khoảng 130.000 người Việt rời nước ở thời điểm 30-4, những văn nghệ sĩ ra đi sớm nhất có thể là nhóm Võ Phiến, Lê Tất Điều, Thanh Nam, Túy Hồng, Viên Linh, Vũ Huyến, Phạm Duy, Hoài Trung, Nguyễn Khắc Ngữ, Vũ Khắc Khoan, Nguyên Sa, Cao Văn Luận, Thái Văn Kiểm, Chu Tử, Du Tử Lê, Cao Tiêu, Duy Thanh, Đỗ Quý Toàn, Hà Huyền Chi, Trùng Dương, Phan Lạc Tiếp, Nhật Tuấn…

    Nhóm sang sau: Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Xuân Hoàng… Những tác giả nói trên sau khi sang Mỹ vẫn tiếp tục sáng tác.

    Như vậy có thể thấy, hầu hết các nhà văn nổi tiếng của miền Nam trước 1975 khi sang Mỹ đều tiếp tục viết, có người vẫn giữ được phong độ, có người không, nhưng nhìn chung, văn học di dân Việt Nam tại Mỹ đã kế thừa rất nhiều từ văn học miền Nam, nhất là thế hệ di dân thứ nhất. Các tờ báo văn học ở Sài Gòn trước 1975 khi sang Mỹ vẫn tiếp tục giữ tên một thời gian dài.

    Xem thành tựu của văn học di dân là việc nối dài văn học miền Nam trước 1975 không phải là quan điểm của riêng chúng tôi. Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Thanh Sơn sau khi sang Mỹ nghiên cứu về văn học hải ngoại, trả lời báo Tuổi Trẻ, anh cho rằng văn học hải ngoại “không có những đột phá lớn trong nghệ thuật và tư tưởng”, “tự tách mình ra khỏi vận động chung của văn học Việt Nam và đứng trước nguy cơ không tìm được tiếng nói chung với người đọc hôm nay”[6]. Quan điểm này đúng một nửa, theo nhà văn Trịnh Y Thư, và theo quan điểm của chúng tôi, khái niệm “nối dài” ở đây không có nghĩa là đứng yên, không có những đột phá, mà là sự kế thừa chứ không phải là không có cách tân. Và nên dùng từ “tiếp nối” hơn là “nối dài”[7]. Còn việc không hoà nhập vào dòng chảy của văn học trong nước có những lý do khách quan như khó khăn trong việc in ấn, xuất bản, truyền bá… trong nước.

    Việc tiếp nối văn học miền Nam ở Mỹ không chỉ ở chỗ là các nhà văn miền Nam trước 1975 sang Mỹ rất nhiều và tập trung viết lách ở Mỹ, mà văn học di dân còn có một nhiệm vụ rất đáng quý là bảo tồn những tác phẩm văn học miền Nam. Tủ sách tại tòa soạn tạp chí Khởi Hành ngay Quận Cam có rất nhiều sách, vở từ miền Nam trước 1975 nhà văn Viên Linh còn lưu giữ. Thư quán của nhà văn Trần Hoài Thư ở New York, ngoài giờ làm việc ông còn cần mẫn in lại những cuốn sách có giá trị trước 1975 để giữ lại cho thế hệ sau.

    2.2. Giới thiệu văn hoá và đời sống người Việt cho người Mỹ biết, đồng thời cũng để lưu lại những đặc trưng văn hoá Việt Nam cho các thế hệ thứ hai, thứ ba sống trên đất Mỹ. Những thế hệ di dân thứ nhất có cảm giác rằng họ là người duy nhất rời Việt Nam và có nhiệm vụ làm sống lại một nước Việt Nam mà họ biết, họ yêu, họ gìn giữ trong kí ức và lưu truyền nó cho thế hệ sau. Nó đánh thức ham muốn thiết lập một nền văn học di dân mang trọng trách gìn giữ những di sản văn hoá đích thực của dân tộc. Một số lượng lớn các tạp chí ra đời vào thời kỳ này, trên nền tảng là văn học lưu vong/tha hương. Phát ngôn của Mai Thảo là một ví dụ cho sứ mệnh của văn học Việt Nam tại Mỹ: “Đối với tôi, tình yêu tổ quốc và lòng thương cảm những tai ương lớn nhất của nước nhà sẽ luôn luôn là ngọn đuốc huy hoàng dẫn đường sáng cho các hoạt động văn nghệ. Và không có kim chỉ nam nào thay thế được chúng”[8].

    Có thể kể thêm những hoạt động văn hoá của các tổ chức thuộc cộng đồng người Việt tại Mỹ, đặc biệt là tại Little Saigon: ví dụ Viện Việt học có các lớp dạy tiếng Việt, tổ chức các hội thảo…; tổ chức VAALA (Vietnamese American Art Letter Association: Tổ chức Nghệ thuật và Văn học Người Mỹ gốc Việt), thành lập từ năm 1991 hiện do bà Lê Đình Y Sa làm chủ tịch, có những hoạt động lưu giữ văn hoá và văn học nghệ thuật cho cộng đồng Việt Nam tại đây như triển lãm, chiếu phim, liên hoan phim, bán tranh gây quỹ, hoạt động ngày Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu…; Viet Art Center (Trung tâm Nghệ thuật Việt) do bà Michelle Phương Thảo làm chủ tịch cũng có những phim nói về văn hoá truyền thống Việt Nam như loạt phim Hoa Gấm Việt, loạt sách Hương Thơ Việt dịch thơ Việt Nam sang tiếng Anh…

    Đặc trưng văn hoá Việt thể hiện rất nhiều trong các tác phẩm văn học di dân, ví dụ hình ảnh cây cầu khỉ ở miền quê Nam Bộ, chi tiết phóng sinh cầu phúc, chi tiết đốt phong long, chi tiết miêu tả nghi thức đám cưới và tập tục về nhà bố mẹ ruột sau khi động phòng xem cô dâu còn trong trắng hay không, miêu tả chợ Việt Nam khác chợ Mỹ ra sao, cách thức câu cá, về ngày Tết Trung thu[9]… trong Monkey Bridge (Cầu khỉ) của Lan Cao, cúng Phật trong Trộm đồ cúng Phật của Bich Minh Nguyen, ẩm thực Việt Nam trong truyện Monique Truong…

    Cuốn sách mới nhất, Pho For Life (Phở cho Cuộc sống, lưu ý, chữ Phở không dịch ra tiếng Anh - TLHT) nhân chuyện bát phở - đặc sản ẩm thực văn hoá Việt Nam, nhưng thực ra là nhiều món ăn khác nữa - để nói đến tâm tình của người Việt xa quê. Đây là một tập sách tổng hợp các tùy bút của hơn 50 tác giả gốc Á, nhiều nhất là gốc Việt. Chủ đề chính là ẩm thực và tình cảm gia đình xuyên suốt tập sách, ví dụ hoài niệm quê hương thông qua bát phở ở Mỹ, tình cảm với cha, mẹ, chồng, cha chồng… để nói đến tình cảm đối với quê hương, với gia đình, với nguồn cội của mình. Thậm chí, có tác giả trong tập sách này đã thực hiện những hành trình trở về “nhà”.

    2.3.Giúp người Việt Nam tại Mỹ hoà nhập nhanh chóng

    Báo chí tiếng Việt từ khi ra đời trên đất Mỹ có nhiệm vụ quan trọng là giúp người Việt Nam tại Mỹ hoà nhập với xã hội mới nhanh chóng hơn. Ví dụ những thông tin về thủ tục di dân, thủ tục pháp lý (bảo lãnh, kết hôn, ly hôn, chia bôi tài sản…), cách thức sinh hoạt (giao dịch ngân hàng, mua bán…), làm việc, chia sẻ kinh nghiệm về văn hoá Mỹ, du lịch, ăn uống, quảng cáo… Báo chí Việt Nam ở Mỹ cũng hay đăng tải những câu chuyện hội nhập của người Việt cho cộng đồng di dân Việt Nam tìm hiểu, học hỏi. Từ năm 2004 đến nay, tờ Việt Báo mở một cuộc thi “Viết về nước Mỹ” nhằm khuyến khích mọi người chia sẻ những kinh nghiệm hội nhập nơi đất khách quê người. Những bài đạt giải được in thành sách.

    Đi cùng với báo chí Việt Nam là văn học. Nếu chú ý tới sự thống kê thì đa số tác phẩm viết về kinh nghiệm hội nhập của người Việt Nam vào cuộc sống Mỹ là do phụ nữ viết. Đó là Vi Khuê, Trần Diệu Hằng, Lê Thị Huệ, Vũ Quỳnh Hương, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Lan Cao, Nguyễn Thị Thảo An... Trong số các nhà văn nam giới viết về vấn đề này có Võ Phiến (Thư gửi bạn), Nguyễn Bá Trạc (Ngọn cỏ bồng, Chuyện một người di cư nhức đầu vừa phải), Võ Đình (Xứ sấm sét, Sao có tiếng sóng)...

    Trong sáng tác của mình, các tác giả viết về những vấn đề thông thường đối với bất cứ một cộng đồng di dân nào, nhất là ở những giai đoạn hình thành đầu tiên của nó. Đó là sự tan vỡ của cuộc sống yên ổn trước đây, những khó khăn của thế hệ những người di tản đầu tiên do sự khác biệt về văn hoá và ngôn ngữ nên không thể hoà nhập nhanh chóng vào hiện thực Mỹ, sự cô đơn của người già, sự suy thoái hoá về đạo đức, hiện tượng lớp trẻ rút khỏi “cộng đồng người Việt”, sự tan nát của gia đình, sự phân hoá xã hội sâu sắc trong nội bộ cộng đồng di tản...

    Ở giai đoạn đầu, trong đa số tác phẩm, sự thích nghi và hội nhập của người Việt được miêu tả với sắc thái bi quan - thông qua những dằn vặt lớn lao về đạo đức và những khó khăn vật chất. Ví dụ, tập tạp văn Hạnh phúc xót xa của Huy Phương, một nhà báo[10], ghi lại những cảm nghĩ của nhà văn chủ yếu là nước Mỹ, trong đó có nói đến những tình cảnh của người Việt tại Mỹ, những trò ma mãnh kiếm tiền của cộng đồng người Việt (Buồn vui chuyện y tế), cảnh tình người già bên Mỹ (Cha mẹ và con cái)… Tuy thế vẫn có những trường hợp ngoại lệ như Hồ Trường An trong truyện ngắn Hoà hợp, truyện ngắn Gió đêm của Trần Thị Kim Lan…

    Việc hoà nhập vào xã hội Mỹ khá khó khăn đối với những người di dân thuộc thế hệ thứ nhất. Trong khi đó thì thế hệ một rưỡi hoặc thế hệ thứ hai - những người rời khỏi Việt Nam từ hồi còn nhỏ hoặc đã sinh ra trên đất Mỹ, học trường Mỹ - dễ dàng hoà nhập vào xã hội, và nền văn hoá mới. Kinh nghiệm hội nhập vào cuộc sống trở thành đề tài chủ yếu trong các tác phẩm (phần lớn là truyện ngắn) của các nhà văn thuộc thế hệ một rưỡi viết bằng tiếng Việt và bây giờ đã từ 40 tuổi đến 50 tuổi trở lên. Trong tác phẩm của họ có đủ: về cuộc sống trước đây ở tổ quốc, nơi là hình bóng xa xôi vì họ đã ra đi từ hồi còn nhỏ và đối với họ, Việt Nam không phải là cái cảm nhận được và cái mong muốn như đối với thế hệ cha anh của họ; về cuộc sống hiện tại của mình, xuất phát từ tình hình thực tế của cái thế giới hiện đại bao quanh họ. Thế hệ một rưỡi là thế hệ cân bằng giữa hai thế hệ - thế hệ thứ nhất, lớn tuổi hơn và thế hệ tiếp theo sau họ, trẻ hơn, vốn hoàn toàn hướng tới sự hội nhập vào môi trường mới và ngôn ngữ mới. Cùng với thế hệ đầu tiên, họ sẻ chia lòng yêu mến tiếng Việt, nhưng không sẻ chia gánh nặng tình cảm đối với quá khứ, không sẻ chia những u ám chính trị. Nhiều người trong số họ đã quay trở về nhiều lần như Đặng Thơ Thơ, Đặng Hiền, Nguyen Quy Duc… Cùng với thế hệ thanh niên, họ tiếp nhận một cách thực tế và thực dụng cuộc sống mà hiện nay họ phụ thuộc, tuy vậy trong văn học họ vẫn bị ngăn cách bởi rào cản ngôn ngữ, là tiếng Anh. Phùng Nguyễn là một ví dụ, trước 1975, ở Việt Nam, anh là một thanh niên, khi sang Mỹ, anh tìm đến văn học như một nhu cầu giải trí và giải toả. Anh có hai tập truyện ngắn, Tháp ký ức Đêm Oakland và những truyện ngắn khác. Cuốn Tháp ký ức là một tập truyện ngắn tự sự, và vì là cuốn đầu nên nghệ thuật chưa cao. Cuốn Đêm Oakland và những truyện khác khá hơn rất nhiều. Có vẻ như những chiêm nghiệm mơ hồ trong Tháp ký ức đã được diễn đạt tốt hơn và có chiều sâu hơn. Cuộc chiến, kẻ ra đi, hội nhập, nỗi cô đơn nơi đất Mỹ đã làm nên những trang viết khắc khoải. Người đọc nhìn thấy nỗi bất lực của con người trong mọi vấn đề: tình yêu, kiếm sống, hy vọng, niềm tin… Ở Tháp ký ức cũng có những chủ đề đó, nhưng nó dường như là do ngoại cảnh, còn ở Đêm Oakland…, nó là tâm cảnh.

    Còn thế hệ nhà văn thứ hai, hầu hết viết bằng tiếng Anh thì viết về kinh nghiệm hội nhập, nhưng không phải cho độc giả người Việt thế hệ thứ nhất, mà cho độc giả người Việt trẻ, hoặc độc giả Mỹ. Nhận xét của Nam Le trong tập truyện ngắn Con thuyền cho thấy ý thức này, một nhân vật nói rằng hãy viết về Việt Nam đi, vì “văn học dân tộc đang rất nổi, và quan trọng”[11]. Người nước ngoài thích đọc về những câu chuyện hội nhập của người nhập cư. Monkey Bridge của Lan Cao cho thấy giới trẻ hoà nhập tốt hơn già, ví dụ như ngôn ngữ đứa con sử dụng tiếng Anh tốt hơn mẹ, và con thường phải dịch lại cho mẹ, vì “mẹ chỉ hiểu khoảng một nửa những gì người ta nói”, “tôi thường phải nói lại cho mẹ những gì chấp nhận được hoặc không chấp nhận được”, “người mẹ nhìn thấy nguy hiểm ở khắp mọi nơi”, nhìn thấy nguy hiểm là cách người mẹ không thích nghi được[12]. Những tác giả thuộc khuynh hướng này đã thu hút được sự chú ý của những nhà xuất bản sách và giới phê bình Mỹ, đã nhận được các giải thưởng quốc tế.

    2.4. Dịch thuật và giới thiệu văn học Việt Nam ở Hoa Kỳ

    Không thể phủ nhận những đóng góp về dịch thuật, nghiên cứu của các nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu gốc Việt trong việc giới thiệu văn học Việt Nam hải ngoại, văn học Việt Nam trong nước, giới thiệu các lý thuyết, trào lưu, trường phái văn học, dịch thuật… từ Anh sang Việt và từ Việt sang Anh cho độc giả ngoài nước và trong nước, nhất là trong tình hình đăng tải trên mạng phổ biến như hiện nay. Ngoài những nhà nghiên cứu nước ngoài có hứng thú và tấm lòng với văn học Việt Nam như John Balaban (dịch ca dao Việt Nam, thơ Hồ Xuân Hương…), Peter Zinoman (dịch Số Đỏ, nghiên cứu về Nhân Văn Giai Phẩm…), Martin Secker (dịch Bảo Ninh: The Sorrow of War: Nỗi buồn chiến tranh)..., thì từ giữa những năm 1980, khi luồng gió Đổi Mới xuất hiện, giao lưu văn hoá, văn học giữa các nhà văn Việt Nam trong nước và hải ngoại bắt đầu khởi sắc, các nhà văn gốc Việt bắt đầu dịch sang tiếng Anh những tác phẩm của các nhà văn Việt Nam. Những dịch giả thường là thế hệ một rưỡi hoặc hai, họ cảm thấy việc giới thiệu văn học Việt Nam quá thiếu hụt ở Hoa Kỳ và ở Châu Âu. Họ muốn thay đổi cái nhìn của các nước về Việt Nam. Ví dụ như Nguyen Quy Duc, cùng với John Balaban, đã dịch truyện của Hồ Anh Thái, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Thân, Lê Minh Khuê… trong tập truyện Vietnam: A Traveler’s Literary Companion năm 1996; cùng với Wayne Karlin và Trần Hoài Bắc, dịch truyện của Hồ Anh Thái: Behind the Red Mist: Short Fiction by Ho Anh Thai năm 1998; cùng với George Evans dịch thơ Hữu Thỉnh. Trần Hoài Bắc, cùng với Wayne Karlin và Dana Sachs, dịch Lê Minh Khuê: The Stars, the Earth, the River: Short Stories by Le Minh Khue năm 1997. Ngo Vinh Hai, Nguyen Ba Chung, Kevin Bowen và David Hunt dịch Thời xa vắng của Lê Lựu: A Time Far Past năm 1997. Duong Van Mai Illiott dịch hồi ký Nguyễn Thị Định: No Other Road to Take: Memoir of Mrs. Nguyen Thi Dinh,

    Trong lời giới thiệu tập thơ Hữu Thỉnh dịch ra tiếng Anh The Time Tree (2003), Nguyen Quy Duc viết: “việc dịch thơ Hữu Thỉnh cùng lúc với việc tôi tái phát hiện thơ ca, cả tiếng Việt và tiếng Anh, với một ham muốn giữa những nhà văn gốc Việt, là vẽ ra một Việt Nam, không phải chỉ là chiến tranh, mà là văn hoá, là một dân tộc tràn đầy đam mê, những rạn nứt, xung đột, và tình yêu. Việt Nam là một đất nước, với rất nhiều, rất nhiều câu chuyện”[13]. Nguyen Quy Duc dịch văn học Việt Nam với một thôi thúc là giới thiệu Việt Nam như là một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến, và chia sẻ với độc giả Mỹ về một nền văn hoá Việt Nam giàu có. Mặt khác, việc dịch của anh, cũng là một nhu cầu muốn hiểu những nhà thơ, nhà văn miền Bắc[14]. George Evans, người cùng dịch thơ với anh, thuộc quân đoàn y tế trước đây từng tham chiến trong chiến tranh Việt Nam, còn Hữu Thỉnh từng là nhà thơ quân đội, và lúc bấy giờ (thời điểm dịch thơ), là Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Cuộc gặp gỡ được Evans miêu tả hết sức thân thiện. Tuy vậy, vì việc dịch tập thơ này mà Nguyen Quy Duc cũng đã bị cộng đồng Việt Nam chống Cộng tại Mỹ tẩy chay và phê bình. Nguyen kể lại trong một phỏng vấn rằng, khi anh được mời nói chuyện ở Đại học UC David về văn học Việt Nam và về tập thơ của Hữu Thỉnh, hàng trăm người biểu tình chống anh đứng ở ngoài, cầm cờ vàng ba sọc, hô khẩu hiệu gọi anh là “thân Cộng”. Nói như vậy để chúng ta hiểu và trân trọng những đóng góp của các nhà văn gốc Việt trong việc giới thiệu văn học Việt Nam trong nước ra nước ngoài, nhất là trong một môi trường rất phức tạp như cộng đồng di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ.

    Sau khi Hoa Kỳ phá bỏ lệnh cấm vận Việt Nam năm 1994, việc “hợp lưu” giữa những nhà văn gốc Việt và nhà văn Việt Nam càng nhiều hơn, nhất là khi thế hệ trẻ du lịch về Việt Nam càng nhiều, gặp gỡ với các nhà văn ở Việt Nam cũng dễ dàng. Năm 1995, tuyển tập truyện ngắn dịch sang tiếng Anh do Truong Vu, cùng với Wayne Karlin được xuất bản: The Other Side of Heaven: Post War Fiction by Vietnam and American Writers. Tuyển tập bao gồm nhiều truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam và Mỹ viết sau chiến tranh như của Nguyễn Mộng Giác, Andrew Lam, Lai Thanh Ha…. Năm 1996, Linh Dinh, cũng là một nhà văn thế hệ một rưỡi thông thạo tiếng Việt và tiếng Anh, tổ chức dịch tuyển tập truyện ngắn Việt Nam đương đại có tên: Night, Again, trong đó, anh dịch khoảng một nửa tuyển tập. Cũng giống như Nguyen Quy Duc, mục đích của Linh Dinh là giới thiệu những hạt giống văn học tốt nhất, hay nhất của Việt Nam cho độc giả Mỹ, với lòng tự hào văn hoá và tự hào dân tộc. Đinh Từ Bích Thúy cùng với Martha Collins dịch hợp tuyển thơ Cốm Non (Green Rice) của Lâm Thị Mỹ Dạ (Curbstone Press, 2005). Năm 2008, Nguyễn Đỗ và nhà thơ Paul Hoover cũng dịch tuyển tập thơ ca Việt Nam sau 1956 có tên: Black Dog, Black Night. Cùng năm đó, Andrew Pham, với sự giúp sức của cha mình, dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Anh với tên gọi: Last Night I Dream of Peace.

    Ngoài ra, cũng cần phải kể đến những nhà nghiên cứu đã viết những công trình liên quan đến văn học Việt Nam bằng tiếng Anh để giới thiệu văn học Việt Nam, văn học di dân Việt Nam cho độc giả Hoa Kỳ. Ví dụ như cuốn This Is All I Choose to Tell của Isabelle Thuy Pelaud, giới thiệu về văn học di dân, đặc biệt là văn học di dân viết bằng tiếng Anh; cuốn Once Upon A Dream: The Vietnamese - American Experience năm 1995; tuyển tập văn chương của các nhà văn hải ngoại: Watermark: Vietnamese American Poetry & Prose năm 1998 hay những trang web giới thiệu văn học Việt Nam bằng tiếng Anh…

    TLHT.


    [1] “Sơ kết 15 năm văn học Việt Nam lưu vong”, Nguyễn Hữu Nghĩa, Văn Xã, số 3, tháng 7-1990. tr.8.

    [2] Phỏng vấn riêng nhà văn Trịnh Y Thư, 5-2013.

    [3] Phỏng vấn riêng nhà thơ, nhà phê bình Đỗ Quyên 8-2013.

    [4] Cũng xin nói thêm ở liệt kê này, đó là chúng tôi liệt kê ngẫu nhiên, không theo một trật tự nào: nổi tiếng hơn, viết nhiều hơn, hay theo a, b, c..., theo ý chúng tôi, danh sách này còn thiếu, và còn tiếp tục, vì vậy không nên xếp theo a, b, c... mà nên tạm liệt kê ngẫu nhiên như trên.

    [5] Isabelle Thuy Pelaud, This Is All I Choose To Tell, Temple University Press 2011, tr.24.

    [6] “Văn học hải ngoại: cần một cái nhìn gần gũi hơn”, Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/Pages/Printview.aspx?ArticleID=140405

    [7] Quan điểm này cũng của nhà thơ, nhà văn Trần Mộng Tú.

    [9] Monkey Bridge, Lan Cao, Penguin Books 1997, xem các trang 23, 33, 46-52, 108, 128...

    [10] Huy Phương, Hạnh phúc xót xa, Nam Việt California 2010

    [11] Nam Le, Con thuyền, Nxb Nhã Nam, Hội Nhà văn 2011, tr.19.

    [12] Lan Cao, Monkey Bridge, Penguin Books 1997, tr.24, 35, 38...

    [13] George Evans và Nguyen Quy Duc dịch, The Time Tree: Poems Huu Thinh, Willimantic, Conn., Curbstone Press, 2003, tr.31.

    [14] Cũng nói thêm, Nguyen Quy Duc là một nhà văn thế hệ một rưỡi đa tài, viết văn, làm thơ bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, từng đạt giải văn học ở Mỹ, hiện anh đang sống tại Hà Nội.

    Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận Văn học, Niên san 2013

    Hiện nay một số tổ chức văn hóa của nước ta đã bắt đầu chuẩn bị Lễ kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du vào năm 2015. Lễ kỷ niệm này sẽ có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt vì ngày 25- 10-2013 vừa qua tại kỳ họp thứ 37 ở Paris, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) lần đầu tiên đã thông qua Nghị quyết vinh danh Nguyễn Du là nhà văn hóa kiệt xuất cùng với nhiều danh nhân khác của thế giới. Nhân dịp này tôi muốn gợi lại một số hồi ức về hai chuyến đi sưu tầm tài liệu về Nguyễn Du tại Trung Quốc trong hai năm 1963 và 1964 nhằm phục vụ Lễ kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du vào năm 1965.

    20170726. Truyen Kieu

    Truyện Kiều là tác phẩm vĩ đại nhất của văn học cổ điển Việt Nam, vậy thì việc giới thiệu Truyện Kiều sang các ngôn ngữ khác, đặc biệt là tiếng Anh như thế nào? Đã có một số bài viết bàn về vấn đề này, ví dụ như bài viết của GS. Nguyễn Văn Hoàn “Những bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh”, và đặc biệt là bài viết của dịch giả Thúy Toàn ““Dịch Văn học Việt Nam: Những người dịch Truyện Kiều (Nguyễn Du) và những người dịch Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh)”,…Tuy vậy, chưa thật sâu và kỹ.

    Bài viết này sẽ dừng lại ở hai mảng: giới thiệu những bản dịch Kiều sang tiếng Anh mà chúng tôi tìm được nhằm bổ khuyết vào hai bài viết trên; và điểm qua một số bài nghiên cứu mà các học giả viết tiếng Anh đã viết về Truyện Kiều. Như vậy, chúng tôi chưa đụng chạm đến: một là so sánh các bản dịch tiếng Anh với nhau và với nguyên tác Truyện Kiều, hai là chưa đi sâu vào tìm hiểu việc nghiên cứu, giảng dạy Truyện Kiều tại các nước nói tiếng Anh như thế nào. Thiết nghĩ những vấn đề trên cũng rất thú vị và sẽ được chúng tôi đặt ra trong những nghiên cứu sau này.

    1. NHỮNG BẢN DỊCH TRUYỆN KIỀU

    Không ai phủ nhận rằng Truyện Kiều là tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam được dịch sang nhiều thứ tiếng nhất. Theo GS. Nguyễn Văn Hoàn, “nếu chỉ kể những bản dịch toàn bộ và đã được xuất bản thì đến nay Truyện Kiều đã được dịch sang gần 20 tiếng nước ngoài, kể cả tiếng Trung Quốc. Bản đầu tiên dịch sang tiếng Pháp, do Giáo sư Abel des Michels (Trường Sinh ngữ Đông phương Pháp) in ở Paris năm 1884. Bản sau cùng mới xuất bản năm 2009 ở Ulan Bato, dịch sang tiếng Mông Cổ, do Giáo sư S.Dashtsevel (Viện Nghiên cứu quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Mông Cổ) thực hiện. Về số lượng, mỗi ngoại ngữ thường có một hoặc hai bản dịch, riêng tiếng Nhật có 4 bản, tiếng Anh 7 bản, tiếng Pháp trên 10 bản”[1].

    Theo thống kê của chúng tôi, Truyện Kiều đã được dịch sang các thứ tiếng sau:

    Sớm nhất là tiếng Pháp, có 13 bản dịch[2];

    Sau đó là tiếng Nhật (5 bản dịch, bản đầu tiên do Komatsu Kiyoshi dịch năm 1942)[3];

    Tiếng Đức (do dịch giả Franz Faber xuất bản 1964);

    tiếng Nga (do nhóm dịch giả Việt -Nga, phụ trách dự án là Nguyễn Huy Hoàng, vừa tổ chức công bố bản dịch nhân Hội thảo kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du tại Hà Tĩnh[4]);

    Tiếng Trung Quốc (Theo Cao Việt Dũng, có 3 bản dịch, bản dịch đầu tiên năm 1959 do Hoàng Dật Cầu dịch, tuy nhiên bản này bị đánh giá là không chính xác và không hay, sau đó có thêm bản dịch của La Trường Sơn và Triệu Ngọc Lan)[5], tuy vậy, theo bài “Dịch Văn học Việt Nam: Những người dịch Truyện Kiều (Nguyễn Du) và những người dịch Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh)” của Hoàng Thúy Toàn thì có đến 6 bản dịch sang tiếng Trung Quốc, sớm nhất xuất bản năm 1915[6];

    Tiếng Tiệp (Do Jan Komárak dịch);

    Tiếng Hàn (do Kyong Hwan Ahn năm 2004)

    Tiếng Hungari (do Trương Đăng Dung và Tandore Dodue xuất bản năm 1984);  

    Tiếng Mông Cổ; tiếng Rumani; tiếng Ý;, tiếng Cuba, tiếng Tây Ban Nha;… thậm chí Truyện Kiều còn được dịch ra Quốc tế ngữ, và có đến 2 bản dịch, một của Đặng Đình Đàm, một của Lê Cao Phan[7].

    Tổng cộng, theo Lê Thu Yến, Truyện Kiều đã có khoảng 30 bản dịch, với gần 20 thứ tiếng. Còn theo Hữu Ngọc, Truyện Kiều đã được dịch ra 31 thứ tiếng.

    2. NHỮNG BẢN DỊCH TRUYỆN KIỀU SANG TIẾNG ANH

    Đi tìm những bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh, chúng tôi tìm thấy những bản dịch sau:

    1/ Bản dịch của Lê Xuân Thủy, dịch đầu tiên năm 1963, đến năm 2010, được chính ông hiệu đính lại, in tại Mỹ, lấy tựa là “The Soul of Poetry inside Kim Van Kieu”. Rất ít tư liệu về giáo sư Lê Xuân Thủy, chỉ biết ông làm việc tại Bộ giáo dục miền Nam Việt Nam trước 1975.

    2/ Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông, nhà xuất bản Random House in lần đầu tiên năm 1973, với tên “The Tale of Kieu”. 10 năm sau, ông hiệu đính, in lại, từ đó về sau, các bản tái bản đều có tên “The Tale of Kiều”, chỉ 1 thay đổi nhỏ tên Kiều, nhưng như chính dịch giả nói, là 1 bước tiến trong việc nghiên cứu của người Mỹ về Việt Nam học. Huỳnh Sanh Thông (1926- 2008) là giáo sư giảng dạy tại Đại học Yale, Hoa Kỳ. Bản dịch truyện Kiều năm 1973 của ông được trao giải MacArthur Fellowship danh tiếng vào năm 1987. Ông từng được giải thưởng the AAS Benda Prize. Ngoài ra, ông  còn xuất bản các ấn bản dịch hai tác phẩm lớn khác của văn học cổ điển Việt Nam là Lục Súc Tranh CôngChinh Phụ Ngâm. Tiếp theo giải MacArthur, ông tham gia sáng lập Council's Vietnam Forum, là tạp chí nghiên cứu dành cho các nhà nghiên cứu Việt Nam, do Yale Council xuất bản trong các tài liệu nghiên cứu mang tên Southeast Asian. Bên cạnh đó, ông cũng từng là giám đốc dự án Yale Southeast Asian Refugee Project.

    3/ Bản dịch của Michael Counsell, lần đầu tiên xuất bản năm 1994, tái bản 2011 bởi NXB Thế Giới (Hà Nội, Việt Nam). Bản dịch của Michael Counsell có tên: “Kieu, The Tale of a Beautiful and Talented Girl”(Kiều, Câu chuyện về một người con gái xinh đẹp và tài năng). Michael Counsell đã từng sống tại Sài Gòn khoảng 4 năm từ 1968 đến 1972, rất hứng thú với văn học Việt Nam, đặc biệt là truyện Kiều. Ông bắt đầu học tiếng Việt, và sau đó dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh dựa vào các bản tiếng Pháp của Rene Crayssac (1026), bản tiếng Anh của Lê Xuân Thủy (1968) và bản tiếng Anh của Huỳnh Sanh Thông (1973). Mất 25 năm cho bản dịch này, năm 1994, ông quay lại Việt Nam và bản dịch được NXB Thế giới nhận in. Ông cũng là tác giả của nhiều đầu sách khác về tôn giáo như All Through the Night, A Basic Bible Dictionary, A Basic Christian Dictionary,

    4/ Bản dịch của Vladislav V. Zhukov, xuất bản lần đầu tiên năm 2004 với tên gọi “The Kim Van Kieu of Nguyen Du”. Zhukov là một nhà dân tộc học người Úc sinh năm 1941, đã từng ở Việt Nam hai năm rưỡi. Cũng được gợi cảm hứng từ hai bản dịch của Lê Xuân Thủy và Huỳnh Sanh Thông, Zhukov đã dịch Truyện Kiều và xuất bản năm 2004. Bản dịch của ông được đánh giá rất cao. Ngoài ra, Zhukov còn là 1 nhà nghiên cứu và viết nhiều sách về người Java như các cuốn: Gentry: Social Change in Java: The Tale of a Family, Javenese Gentry,…

    Trong tay chúng tôi có 4 bản dịch trên, là 4 bản dịch được đánh giá cao nhất. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi tìm thấy thêm dấu vết một số bản dịch sau:

    5/ Bản dịch của nhóm Mary Cowan, Carolyn Swetland, Đặng Thế Bính, Paddy Farrington, Elizabeth Hodgkin và Hữu Ngọc, NXB Ngoại văn, Hà Nội, dày 1043 trang với tên “The Tale of Kiều (Truyện Kiều)”[8].

    6/ Bản dịch của Bạch Vân Bùi Trọng Hợp, dịch giả tự xuất bản tại San Diego, Hoa Kỳ với tên gọi “The Story of Kim-Van-Kieu”. Bùi Trọng Hợp là một nhà thơ, dịch giả tại Hoa Kỳ, hay dịch thơ tiếng Pháp, tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại, sang Mỹ từ năm 1975, từng là giáo sư ĐH Waco, Texas.

    7/ Bản dịch của Phan Huy Mạc Phi Hoàng, đăng trên web riêng của dịch giả: https://truyenkieuinenglish.wordpress.com/ với tên gọi “The Tale of Kiều”.

    8/ Một bản dịch chúng tôi nghĩ là tóm tắt vì chỉ có 148 trang, có tên “Kieu: An English Version Adapted from Nguyen Khac Vien’s French Translation” do Arno Abbey dịch và tự xuất bản năm 2008. Arno Abbey là 1 dịch giả không nổi tiếng mấy, chỉ xuất bản 2 cuốn, 1 là dịch Kiều từ bản tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện, 1 là 1 cuốn sách về văn phạm tiếng Anh (“ABC to Abacus, an Introduction to Graphemics”)

    9/ Bản dịch của Ngô Đình Chương, có tên “My version of Kieu”, dịch giả tự xuất bản tại San Jose, Hoa Kỳ năm 1993, 165 trang, có đăng trên web: http://www.hdvietnam.net/hdvn-files/vanhoa/vanhoc/kieu-eng.html. Ngô Đình Chương là 1 nhà thơ, dịch giả, từng dịch một số tác phẩm thơ Việt Nam sang tiếng Anh.

    10/ Bản dịch của Timothy Allen có tên “Kieu, The New Lament for a Broken Heart” (Tiếng kêu mới của một trái tim tan vỡ). Timothy Allen là 1 dịch giả người Anh sinh năm 1960 tại Liverpool, từng sống qua Liberia, Mozambique, Peru và đã từng đến Việt Nam. Hiện ông đang dạy tiếng Anh tại trường Đại học Livepool, đã từng xuất bản 1 số cuốn sách bằng tiếng Tây Ban Nha và Việt Nam.  Những năm 1990, Đài BBC đã cho đọc 1 đoạn trong 1 bài trường ca của Tim, có tên “Bài hát thành phố” miêu tả 24 giờ trong nhịp sống thành phố Liverpool. Năm 2008, ông đạt giải thưởng Stephen Spender khi dịch Truyện Kiều dưới tên gọi: “Kiều: A New Lament for a Broken Heart” (dịch thoát nghĩa của tựa “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du), sau đó tiếp tục nhận được học bổng Hawthornden giúp ông trở thành một nhà thơ. Timothy Allen đánh giá Truyện Kiều rất cao: “Mọi người Việt Nam đều biết bài thơ. Bạn có thể tìm thấy nông dân ở các ruộng lúa cũng có thể đọc thuộc lòng toàn bộ Kiều bằng cả trái tim. Đó là một câu chuyện tình yêu và một bộ phim kinh dị, đầy ma, nhà thổ, đàn ông và phong cách Robin Hood ngoài vòng pháp luật. Kiều, người phụ nữ xinh đẹp đã đi qua một loạt các tai ương và biến chúng thành thứ âm nhạc đẹp đẽ, đã trở thành một biểu tượng cho chính Việt Nam. Nhiều quốc gia hùng mạnh đã cố xâm lược Việt Nam, nhưng bản thân người dân đã tự sống sót, dù bị đánh đập nhưng không bị trói buộc, và với những bài hát của Kiều trên môi và trong trái tim của họ."[9] Bản dịch này cũng được đánh giá cao. Rất tiếc chúng tôi chưa tìm thấy bản dịch này. Độc giả có thể xem một đoạn dịch của Timothy Allen trên trang web này: http://www.mptmagazine.com/poem/the-story-of-kiu-on-trng-tn-thanh-366/

    Và như vậy, bản dịch Kiều của Allen có thể đến được các độc giả sống tại Anh.

    11/ Bản dịch của Thùy Dương, chưa công bố toàn bộ, với tên gọi “Kim Vân Kiều”[10]

    12/ Bản dịch của Thái Hùng Tâm, với tên gọi “The Story of Kieu, The New Cry of Painfulness” xuất bản năm 1996, song ngữ. Do Nhà xuất bản Viet Moon ấn hành[11]

    Như vậy, chúng tôi tìm thấy 12 bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh với các tên gọi khác nhau như trên.

    Việc so sánh 12 bản dịch xem bản dịch nào tốt, trung thành với nguyên tác cần đến một công trình lớn hơn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung đọc và nhận xét các bản dịch được đánh giá cao, và chúng tôi có văn bản trong tay, đặc biệt, là phần giới thiệu trước khi dịch của chính dịch giả hoặc một nhà nghiên cứu nào đó.

    3. MỘT SỐ BẢN DỊCH KIỀU ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ CAO

    3.1. BẢN DỊCH CỦA LÊ XUÂN THỦY

     Trong lời tựa giới thiệu các bản dịch sau này, các dịch giả đều cho rằng sự gợi mở từ bản dịch của Lê Xuân Thủy là rất quan trọng. Như vậy, có thể thấy, mặc dù là bản dịch đầu tiên sang tiếng Anh, nhưng bản dịch này rất chăm chút, cẩn thận, chỉ là cách dịch gần như sang văn xuôi, mặc dù các câu thơ đều có xuống dòng, nhưng không phải 1 dòng thơ trong Truyện Kiều được dịch sang 1 câu thơ tiếng Anh. Giữa các câu thơ tiếng Anh cũng là thơ tự do, và thỉnh thoảng các câu thơ có vần với nhau. Bản dịch này khá công phu với 255 chú thích. Tất cả tên gọi của nhân vật đều được giữ đúng tiếng Việt có dấu. Lê Xuân Thủy dịch Truyện Kiều thành 26 chương, với tên gọi các chương như sau:

    Chương 1: Gia đình họ Vương

    Chương 2: Mộ Đạm Tiên

    Chương 3: Kim-Kiều gặp gỡ

    Chương 4: Linh cảm của Kiều

    Chương 5: Bí mật đính ước

    Chương 6: Kim Trọng về thọ tang chú

    Chương 7: Sự hy sinh của Thúy Kiều

    Chương 8: Tha hương

    Chương 9: Sở Khanh

    Chương 10: Sự suy sụp

    Chương 11: Kiều và Thúc

    Chương 12: Quan tòa tốt

    Chương 13:Thúc về quê

    Chương 14: Người vợ độc ác

    Chương 15: Bắt cóc

    Chương 16: Nô lệ

    Chương 17: Mặt đối mặt

    Chương 18: Kiều thành hoa nô

    Chương 19: Giác Duyên

    Chương 20: Sự bất hạnh

    Chương 21: Kiều và Từ Hải

    Chương 22: Kiều báo ân báo oán

    Chương 23: Cái chết của Từ Hải

    Chương 24: Tự sát

    Chương 25: Được cứu sống

    Chương 26: Kim Trọng trở về.

    Bản dịch của Lê Xuân Thủy số câu thơ tiếng Anh sẽ nhiều hơn số lượng câu thơ của Nguyễn Du. Ví dụ, hai câu tiếng Việt: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” được Lê Xuân Thủy dịch thành 4 câu thơ:

    Within a span of one hundred years (Trong 100 năm)

    Of human life and tragedy (của bi kịch đời người)

    What a bitter struggle it wagged (Thật là một cuộc đấu tranh cay đắng)

    Between talent and destiny (Giữa tài và mệnh)

    Giữa 4 câu thơ này, Lê Xuân Thủy đã tạo hiệp vần “y” cho 2 từ “tragedy” và “destiny”. Tương tự, các câu thơ được dịch đều có cách hiệp vần chân như trên. Ví dụ 4 câu: Cảo thơm lần giở trước đèn

    “Phong tình cổ lục”còn truyền sử xanh

    Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh

    Bốn phương phẳng lặng, hai Kinh vững vàng

    Được dịch thành 6 câu: Fragrant manuscripts, turned open before a lamp

    And tablets of gallant old anthologies

    Relate: In the period of Kia-Tsing,

    Inside one of the two capitals cities,

    Under the dynasty of the Ming,

    When peace reigned throughout the nation,

    Trong đó, “anthologies” và “cities”, “Tsing” và “Ming” hiệp vần.

    Bản dịch này có lời giới thiệu của tác giả chỉ 4 trang, trong đó, Lê Xuân Thủy đánh giá rất cao Truyện Kiều, cho rằng việc dùng 1 câu chuyện của Trung Quốc chuyển thể thành thơ giống như trường hợp Corneille lấy Le Cid từ Guihem de Castro nhưng chất lượng hơn hẳn so với “văn bản gốc”, ông viết “ông (Nguyễn Du) đã thành công trong việc chuyển thể một tác phẩm lấy nhân vật chính là những kẻ bất lương lưu lạc và những âm mưu phức tạp, rườm rà, thành một tác phẩm thơ dài và sinh động xứng đáng là tác phẩm thơ cổ điển hay nhất Việt Nam”, “Kim-Vân-Kiều có 1 giá trị bí ẩn bộc lộ cho chúng ta thấy nền tảng tinh thần của tác giả, cả về mặt khoa học lẫn tiên tri”. Đặc biệt, Lê Xuân Thủy rất xem trọng giá trị tâm lý học của Truyện Kiều, ông cho rằng “có thể nhìn thấy cá tính của tác giả, mỗi đoạn, đều được viết và bộc lộ sự cao nhã tận cùng của cá nhân.  Ngay cả những đoạn thô thiển nhất, việc diễn đạt thông tục cũng không bao giờ xảy ra”.  Việc dùng ẩn dụ, chú giải cũng tránh vượt quá nghi thức, khuôn phép. Cuối cùng, ông kết luận rằng, “không có người Việt Nam nào không ảnh hưởng bởi Truyện Kiều”[12](giống như kiểu Thẩm Ước nói “Mạc bất đồng tổ Phong, Tao”).

    3.2. BẢN DỊCH CỦA HUỲNH SANH THÔNG

     Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông có lẽ được đánh giá cao nhất trong các bản dịch Kiều. Hầu hết các bài giảng Truyện Kiều tại Mỹ đều lấy bản dịch của ông cho sinh viên học. Một lý do nữa là vì Huỳnh Sanh Thông cũng là một giáo sư tại Đại học Yale, do đó, việc bản dịch của ông được nhiều người biết đến là điều dễ hiểu. Qua nhiều lần tái bản, bản dịch chúng tôi có trong tay là bản dịch năm 1983 sau 10 năm lần xuất bản đầu tiên với tên gọi “The Tale of Kiều”, phần lời tựa, lời giới thiệu công phu do chính ông viết và phần lịch sử vấn đề do Alexander B. Woodside, giáo sư chuyên về lịch sử Đông Nam Á, lịch sử Trung Quốc của Đại học British Columbia viết. Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông cực kỳ công phu với việc dịch đúng số câu trong Truyện Kiều ra 3254 câu trong tiếng Anh, đồng thời, phụ lục của ông dài đến 40 trang chú thích theo thứ tự câu trong bản dịch và tổng cộng có đến 309 chú thích. Trong phần thư mục, chúng tôi thấy ông có tham khảo các bản dịch truyện Kiều tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện, của Rene Crayssac, của Nguyễn Văn Vĩnh, của Xuân Phúc&Xuân Việt, của Abel des Michels, bản tiếng Anh của Lê Xuân Thủy. Chúng tôi có ý kiếm tìm ông dùng bản Kiều nào để dịch thì tìm không ra, chỉ thấy ông dùng các bản Kiều tiếng Việt của Nguyễn Văn Hoàn năm 1965, Nguyễn Thạch Giang năm 1972.

    Huỳnh Sanh Thông chia bản dịch của mình thành 6 chương, không có tên chương, chỉ đánh dấu số La Mã.

    Chương I từ đầu đến câu 528, đoạn Kim Kiều đính ước.

    Chương II từ câu 529 đến câu 910, đoạn Kiều bán mình được Mã Giám Sinh đưa đi.

    Chương III từ câu 911 đến câu 1274, đoạn Kiều ở lầu xanh.

    Chương IV từ câu 1275 đến câu 2029, đoạn Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư. Chương V từ câu 2030 đến câu 2649, đoạn nàng trầm mình tự vẫn sau khi Từ Hải chết.

    Chương cuối từ câu 2650 đến hết, nàng được cứu và sau đó đoàn viên với Kim Trọng.

    Như vậy, cách chia của Huỳnh Sanh Thông khá cân đối về số lượng, gộp nhiều nội dung vào 1 chương chứ không chia nhỏ như Lê Xuân Thủy.

    Sau 10 năm, lần tái bản năm 1983 của Huỳnh Sanh Thông giữ nguyên tên gọi các nhân vật có dấu, trừ các địa danh thì theo phiên âm Trung Quốc.

    Phần Lịch sử vấn đề 8 trang của GS Alexander B. Woodside có thể xem như 1 bài nghiên cứu công phu của ông về thời điểm ra đời của Truyện Kiều, lịch sử thời đại Nguyễn Du, đặc biệt, ông nhấn mạnh đến những sáng tạo của Nguyễn Du khi chuyển thể một tác phẩm văn xuôi Trung Quốc, trong đó bao gồm cả những tư tưởng thời đại mà Nguyễn Du đang sống, thậm chí cả những ảnh hưởng nước ngoài như phương Tây, Thiên chúa giáo được tiếp nhận vào thời Nguyễn. Là một nhà sử học, ông rất chú ý đến phương diện lịch sử và bối cảnh thời đại mà Nguyễn Du viết Truyện Kiều.

    Lời giới thiệu của chính dịch giả Huỳnh Sanh Thông 22 trang lại càng chi tiết hơn. Ông đi từ việc giới thiệu “truyện nôm”(viết nguyên văn, sau đó dịch “the tale in the Southern script”: truyện viết bằng thứ chữ nước Nam) rồi đến Truyện Kiều. Ông chỉ ra những thay đổi từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài nhân đến Truyện Kiều của Nguyễn Du. Sau đó, ông phân tích qua một số nhân vật chính như Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải,.. Một phần cũng khá công phu trong bài giới thiệu này là ông đưa ra những đánh giá về Truyện Kiều, từ đầu thế kỷ 20 như của Tôn Thọ Tường, Phạm Quỳnh, Huỳnh Thúc Kháng,…

    Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông dịch đúng số câu tiếng Việt sang đúng số câu tiếng Anh. Hai trang gồm bên trái là tiếng Việt, bên phải là tiếng Anh để tiện so sánh. Tuy vậy, cách dịch của Huỳnh Sanh Thông không được đánh giá cao vì các câu thơ tiếng Anh không được “thơ” và hợp vần cho lắm. Có đoạn có vần, đoạn không, đọc lên nghe như văn xuôi. Cùng là cách dịch sang đúng số câu, thì bản dịch của Zhukov cho thấy chất thơ hơn hẳn.

    3.3. BẢN DỊCH CỦA MICHAEL COUNSELL

    Là một dịch giả vừa biết tiếng Việt, vừa biết tiếng Trung Quốc, Michael Counsell đã bắt tay vào dịch Truyện Kiều và mất khá nhiều thời gian cho bản dịch này. Bản dịch của ông có tên: “Kieu The Tale of a Beautiful and Talented Girl” (Kiều, Câu chuyện về một cô gái xinh đẹp và tài năng). Trong bản dịch, tên các nhân vật được để nguyên dạng nhưng không có dấu (Kiều- Kieu, Thúy Vân- Thuy-Van, Từ Hải- Tu-Hai,…). Bản dịch có 16 chương:

    Chương 1: Gia đình họ Vương

    Chương 2: Đính ước với Kim

    Chương 3: Bán mình và cưới Mã Giám Sinh

    Chương 4: Lầu xanh

    Chương 5: Kiều nghĩ Sở Khanh sẽ cứu mình

    Chương 6: Vợ lẽ của Thúc Kỳ Tâm

    Chương 7: Hoạn Thư, người vợ ghen tuông

    Chương 8: Kiều trở thành hoa nô

    Chương 9: Trở thành ni cô sau khi chạy trốn

    Chương 10: Cưới Từ Hải, tướng lĩnh sau đó là triều đình riêng

    Chương 11: Thất bại và dự định tự sát

    Chương 12: Giác Duyên cứu

    Chương 13: Kim nghĩ Kiều đã chết

    Chương 14: Đoàn viên

    Chương 15: Kết thúc có hậu

    Chương 16: Vĩ thanh

    Như chính dịch giả đã lưu ý trong lời giới thiệu, cách dịch của Michael là dịch theo từng vế, phối hợp giai điệu giống như nguyên tác lục bát của Nguyễn Du. Tuy nhiên, cách dịch như vậy sẽ làm cho số câu trong bản dịch tăng lên rất nhiều, đồng thời các câu không cân đối. Ví dụ với 4 câu trong nguyên tác “Trăm năm trong cõi người ta

    ….Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

    Michael sẽ phải dịch ra đến thành 12 câu, thêm rất nhiều từ không có trong nguyên tác như “they say, I know, I swear,…”:

    It’s always been the same:

    good fortune seldom came the way

    of those endowed, they say,

    with genius and a dainty face

    What tragedies take place

    within each circling space of years!

    “Rich in good look” appears

    to mean poor luck and tears of woe

    which may sound strange, I know

    but is not really so, I swear

    since Heaven everywhere

    seems jealous of the fair of face

    Công phu của Michael, là ông giữ được cách hiệp vần của thơ lục bát. Những câu được cho là câu lục sẽ chỉ có 1 vần, những câu được cho là câu bát sẽ có 2 vần, và luôn hiệp vần nhau. Ví dụ ở đoạn trên, chúng ta sẽ có các vần: same-came, way-say-face- place-space, years-appears-tears, woe-know-so, swear-where-fare, và chắc chắn câu sau sẽ có 1 từ hiệp với vần face…Dịch thơ, theo thiển ý tôi, ngoài việc dịch sát nghĩa, thì việc dịch sao cho có nhịp điệu, có vần cũng rất khó và góp phần thành công vào bản dịch.

    Một nhược điểm của bản dịch này, ngoài việc quá dài như trên đã nói, còn là không có chú thích và đánh số câu. Trong khi hai bản dịch của Lê Xuân Thủy và Huỳnh Sanh Thông chú thích rất chi tiết.

    3.4. BẢN DỊCH CỦA VLADISLAV ZHUKOV

    Bản dịch “The Kim Van Kieu of Nguyen Du” của Zhukov xuất hiện năm 2004 do dự án Cornell Southeast Asia Program Publication xuất bản, đây là 1 dự án xuất bản sách của trường Đại học Cornell, nơi có thư viện sách Đông Nam Á lớn nhất nước Mỹ. Lời giới thiệu 8 trang của GS Keith Wellor Taylor, thuộc Khoa Nghiên cứu châu Á, chuyên gia về Việt Nam học, đặc biệt là về chiến tranh Việt Nam tại trường Đại học Cornell. Nói như vậy để thấy đây cũng là 1 bản dịch được đánh giá cao, được xuất bản từ một NXB uy tín (vì việc in ấn ở Mỹ là tự do, cá nhân cũng có quyền in sách, nên cuốn sách nào được những nhà xuất bản uy tín xuất bản thì mới có thể đánh giá được sự chuyên nghiệp của cuốn sách đó). Ông đánh giá Truyện Kiều là tác phẩm viết về người phụ nữ xuất sắc nhất trong văn học cổ điển Việt Nam, sau khi điểm qua tác phẩm của Nguyễn Kinh Phi, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều. Ông tóm tắt lại Truyện Kiều, giới thiệu sơ qua về cuộc đời Nguyễn Du, và giới thiệu về dịch giả Zhukov. Đặc biệt, việc so sánh các bản dịch tốt cho chúng ta căn cứ để khảo sát: “bản dịch năm 1963 của Lê Xuân Thủy đã bỏ qua tính thơ ca và chỉ đơn giản là dịch thành văn xuôi. Hai mươi năm sau, Huỳnh Sanh Thông dùng đến thể thơ iambic (thể thơ cổ Hy Lạp) 5 âm tiết không có nhịp điệu để chuyên chở ý tưởng đấy là 1 tác phẩm thơ ca.  Gần đây, bản dịch của Michael Counsell năm 1994 được xuất bản ở Hà Nội. Mục đích của bản dịch này là tái hiện thể thơ lục bát, nhưng, ngoại trừ đoạn mở đầu và lời bạt, còn đoạn giữa không quan sát mẫu nhịp điệu nội tại nên đem lại một phong cách diễn đạt hoàn toàn không tự nhiên thông qua nỗ lực siết chặt một ngôn ngữ nhiều âm tiết sang ngữ điệu của một ngôn ngữ đơn âm tiết. Thơ lục bát Việt Nam có câu sáu và câu tám. Từ cuối cùng của câu tám giới thiệu một vần sẽ được dội lại qua hai câu sáu và tám tiếp theo.  Bản dịch tiếng Anh lục bát của Zhukov đã thành công trong việc tạo ra nhịp điệu và hiệu ứng thơ ca. Cách sử dụng thể thơ iambic để tạo ra sự đều đặn cần có thay thế cho sự nhấn mạnh và không nhấn mạnh những âm tiết cần thiết của thể lục bát, cho phép dịch giả giảm nhẹ sức mạnh nên thơ của tiếng Anh dưới khuôn khổ thông thường của thể thơ Việt Nam.”[13]. Taylor còn cho rằng, bản dịch này có thể đọc to lên với sự sảng khoái giống như cách mà người Việt Nam ngâm thơ. Điều này phản ánh sự yêu thơ, yêu ngôn ngữ của 1 nhà thơ. Có thể thấy vẻ đẹp của bản dịch này qua 1 đoạn dịch sau:

    Dập dìu lá gió cành chim,

    Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh

    Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,

    Giật mình mình lại thương mình xót xa

    Khi sao phong gấm rủ là,

    Giờ sao tan tác như hoa giữa đường

    Mặt sao dày gió dạn sương

    Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?

    Được dịch:

    A windnlown leaf…a branch on which each bird alights…

    Sighs Kieu, as morning speeds and nighty meets bew flights of libertines,

    Or as she sums the sight (when wine and laughter leans

    In vestige-hours) of stark and soul-profaning scenes that tell the state

    Of one who from silk ranks and garlanded of late

    Now lies a cast-off boutonniere, dilapidated, petal-marred

    Has her face yet to night-gales acquiesced, grown hard?

    Her body, common fare of ribard, myriad ardour, tired? Turned dull?

    Ngay cả chính Zhukov cũng thừa nhận, ông không hoàn toàn hài lòng với bản dịch của Huỳnh Sanh Thông và Lê Xuân Thủy khi giới thiệu với bạn bè về 1 bản dịch Kiều tiếng Anh, vì thế, ông đã tự mình dịch, với “hy vọng ban đầu là thực hiện 1 bản dịch nghiêm ngặt hơn”, tuy vậy, lại là “một bản dịch mở rộng”, mức độ hàn lâm ở tính trung bình, những người không giỏi tiếng Anh lắm vẫn có thể hiểu được vì dịch giả muốn chia sẻ sự hứng thú về một tác phẩm hay, thu hút nhiều người đọc tiếng Anh biết đến bản dịch này. Bản dịch của Zhukov khá nhiều từ cổ tiếng Anh, và điều này mang lại cho bản dịch một phong vị cổ xưa thời đại Truyện Kiều mà khó có dịch giả nào làm được nếu như không dùng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ.

    Bản dịch của Zhukov, tuy vậy, giống như bản của Michael Counsell, không có chú thích.

    Năm 2010, Eric Henry, một giảng viên của trường Đại học North Carolina đã có 1 buổi nói chuyện, trong đó so sánh 3 bản dịch Kiều của Huỳnh Sanh Thông, Zhukov và Timothy Allen. Rất tiếc là không có văn bản ghi lại buổi nói chuyện đó của Eric Henry.

    4. MỘT SỐ NGHIÊN CỨU VỀ TRUYỆN KIỀU

    Bước đầu, chúng tôi có tìm được một số bài viết và cuốn sách có đề cập đến Truyện Kiều. Ví dụ: Cuốn Voices of Southeast Asia: 2014: Essential Readings from Antiquity to the Present của George Dutton dành 8 trang viết về Truyện Kiều và nhắc đến 2 bản dịch của Huỳnh Sanh Thông và Zhukov.

    Bài viết của Sheidon Mary F. nói về Phật giáo và Nho giáo trong Truyện Kiều: Confucian and Buddhist values in Nguyen Du's the Tale of Kieu.

    Bài phân tích một bộ phim của Trịnh Thị Minh Hà dựa theo mô típ Truyện Kiều có tên A Tale of Love (giống như A Tale of Kiều), bài viết có tên: Creating New Spaces in Third Cinema: Trinh T. Minh Ha Rewrites the Narrative of Nationalism with Love của Loran Marsan, một NCS của trường Đại học UCLA.

    Một bài so sánh khác: A Modern Kiều: Immigration and the Ethics of Sexuality in John Duigan’s Careless Love của Leslie Barnes, Giảng viên trường Australian National University. Bài viết so sánh khá kỹ bộ phim của John Duigan giống với Truyện Kiều ở nhân vật, đạo đức, tình dục,…

    5. KẾT LUẬN

    Bài viết đã đi tìm những bản dịch Kiều ra tiếng Anh từ trước đến nay. Như vậy, theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện có 12 bản dịch Kiều tiếng Anh khác nhau của 12 dịch giả. Chúng tôi cũng đã thử phân tích và đưa ra những nhận định xoay quanh 4 bản dịch Kiều được đánh giá cao là bản dịch của Lê Xuân Thủy (sớm nhất), của Huỳnh Sanh Thông (kỹ nhất), của Michael Counsell và của Zhukov (dịch hay nhất). Qua đó, chúng tôi nhận thấy vẫn còn 1 số vấn đề đặt ra mà chúng tôi cũng chưa giải quyết được cặn kẽ, cần nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm: Truyện Kiều đã được dịch ra bao nhiêu thứ tiếng, những dịch giả nào, còn rất khác nhau và chưa thống nhất, cần có những nghiên cứu và sưu tầm những bản dịch này. Việc tìm hiểu những bản dịch đó có trung thành với nguyên tác hay không, hay dở thế nào cũng chưa được bàn đến.

    Cần có những nghiên cứu việc dịch Kiều ở môt số ngôn ngữ lớn như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật,… nhất là những ngôn ngữ nào có nhiều bản dịch Kiều.

    Chúng ta cũng chưa đẩy mạnh tìm hiểu việc nghiên cứu về Kiều ở các nước như thế nào, trên các hướng nghiên cứu nào.

    TÓM TẮT

    Bài viết đi tìm các bản dịch Kiều sang tiếng Anh. Theo nghiên cứu của chúng tôi, có tất cả 12 bản dịch Kiều ra tiếng Anh, trong đó có 5 bản dịch của người nước ngoài, 7 bản dịch của người Việt. Chúng tôi nhận thấy có 1 số bản dịch được đánh giá tốt là bản dịch của Lê Xuân Thủy, Huỳnh Sanh Thông, Michael Counsell, Zhukov và Timothy Allen. Trong bài viết, chúng tôi cũng có 1 số nhận xét về 4 bản dịch đầu, còn bản dịch của Timothy Allen vì chưa tìm được nên không đưa vào khảo sát.

    Qua đó, cũng có thể thấy rằng, việc nghiên cứu các bản dịch Kiều ra tiếng nước ngoài cần đẩy mạnh hơn nữa, nhất là những thứ tiếng có nhiều bản dịch như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tập hợp sưu tầm những nghiên cứu về Truyện Kiều bằng các thứ tiếng khác nhau.

    ABSTRACT

    RESEACH IN “TRUYỆN KIỀU”ENGLISH VERSIONS

    This article was written with the target to look for the English versions of “Truyện Kiều”. According to our research, there are 12 English versions of Truyện Kiều, including 5 versions of foreign translators, and 7 of Vietnamese translators. We found that some of them are highly recommendation such as: Le Xuan Thuy, Huynh Sanh Thong, Michael Counsell, Vladislav Zhukov and Timothy Allen. This article also concerntrates on the first 4 versions (except the Timothy Allen translation).

    We can recognize that, our research about the translation of “Truyện Kiều” to foreign languages need to be pushed stronger, especially with those languages has many translations like French, English, Chinese, Japanese. Moreover, we need to collect the researches about “Truyện Kiều” in many languages.

    THƯ MỤC THAM KHẢO

    1. Lê Xuân Thủy, The Soul of Poetry inside Kim Van Kieu, Author House 2010.
    2. Huỳnh Sanh Thông, The Tale of Kiều, Yale University Press 1983.
    3. Michael Counsell, Kieu by Nguyen DuThe Gioi Publisher 2011.
    4. Vladislav Zhukov, The Kim Van Kieu of Nguyen Du (1765-1820), Cornell Southeast Asia Program Publications 2013.
    5. Nguyễn Văn Hoàn, “Những bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh”, TC Hồn Việt
    6. Cúc Đường, “Truyện Kiều đã đến với thế giới như thế nào?”, Báo Thể thao văn hóa ngày 29/7/2015,
    7.  Alain Guillemin (Nguyễn Duy Bình dịch) “Các bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp”: http://www.tannamtu.com/?p=599
    8. Lê Giang, “Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản”: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=277:truyn-kiu-va-kim-van-kiu-truyn-nht-bn-&catid=64:vn-hc-nc-ngoai-va-vn-hc-so-sanh&Itemid=108)
    9. Cao Việt Dũng, “Một mình Kiều”: http://nhilinhblog.blogspot.com/2015/08/mot-minh-kieu.html)
    10. Hoàng Thúy Toàn, “Dịch Văn học Việt Nam: Những người dịch Truyện Kiều (Nguyễn Du) và những người dịch Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh)”: http://repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/6422/1/14.pdf
    11. “Lê Cao Phan, người đã dịch Truyện Kiều sang ba thứ tiếng Pháp, Anh và Esperanto”, trang web của Quốc tế ngữ, ra ngày 21/12/2012: http://vea.vn/view/1606_--le-cao-phan-nguoi-da-dich-truyen-kieu-sang-3-thu-tieng-phap-anh-va-esperanto.htm).
    12. Phan Huy Mạc Phi Hoàng,“The Tale of Kiều”: https://truyenkieuinenglish.wordpress.com/
    13. Ngô Đình Chương, “My version of Kieu”, San Jose, Hoa Kỳ 1993, đăng trên web: http://www.hdvietnam.net/hdvn-files/vanhoa/vanhoc/kieu-eng.html.
    14. “Dịch Kiều ra thơ tiếng Anh”: http://ioe.go.vn/tap-chi-tieng-anh/dich-kieu-ra-tho-tieng-anh/5_653.html)
    15. Thái Hùng Tâm, “The Story of Kieu, The New Cry of Painfulness”, Nhà xuất bản Viet Moon 1996. Xem bản không đầy đủ trên: http://www.amazon.com/STORY-KIEU-Painfulness-important-Vietnamese/dp/1508726957/ref=sr_1_1?ie=UTF8&qid=1439815423&sr=8-1&keywords=Kieu+Story

    [1] Nguyễn Văn Hoàn, “Những bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh”, TC Hồn Việt

    [2] Cúc Đường, “Truyện Kiều đã đến với thế giới như thế nào?”, Báo Thể thao văn hóa ngày 29/7/2015, xin xem thêm bài của Alain Guillemin do Nguyễn Duy Bình dịch “Các bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp”: http://www.tannamtu.com/?p=599

    [5] xem bài “Một mình Kiều” của Cao Việt Dũng: http://nhilinhblog.blogspot.com/2015/08/mot-minh-kieu.html)

    [7] Bài viết “Lê Cao Phan, người đã dịch Truyện Kiều sang ba thứ tiếng Pháp, Anh và Esperanto”, trang web của Quốc tế ngữ, ra ngày 21/12/2012: http://vea.vn/view/1606_--le-cao-phan-nguoi-da-dich-truyen-kieu-sang-3-thu-tieng-phap-anh-va-esperanto.htm).

    [10] Xem bài: “Dịch Kiều ra thơ tiếng Anh”: http://ioe.go.vn/tap-chi-tieng-anh/dich-kieu-ra-tho-tieng-anh/5_653.html)

    [12] Tất cả những đoạn trong ngoặc kép đều từ lời giới thiệu của Lê Xuân Thủy.

    [13] tr.14, lời giới thiệu của Taylor trong bản dịch.

    Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 1.2016

    Hình ảnh về đời sống nước ta còn lưu lại trong thư tịch rất ít. Tư liệu  phong phú nhất là bộ tranh khắc gỗ của Henri Oger Kỹ thuật của người An Nam với hơn 4500 bức hoàn thành vào đầu thế kỷ XX. Trước đó, ta có thể tìm thấy hình ảnh đời sống qua một số hình vẽ lẻ tẻ trong một số sách Hán Nôm trong nước và cả sách vở nước ngoài như Trung Quốc, châu Âu v.v… Tìm vào thư tịch cổ Nhật Bản, chúng tôi tìm thấy khá nhiều hình ảnh đời sống người Việt từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, trong đó có tư liệu quan trọng là bộ An Nam kỷ lược cảo安南紀畧藁  của Kondo Juzo近藤 重蔵 hoàn thành vào cuối TK.XVIII.

    Thông tin truy cập

    61755272
    Hôm nay
    Hôm qua
    Tổng truy cập
    14394
    20496
    61755272

    Thành viên trực tuyến

    Đang có 384 khách và không thành viên đang online

    Sách bán tại khoa

    • Giá: 98.000đ

      Giá: 98.000đ

    • Giá: 85.000đ

      Giá: 85.000đ

    • Giá: 190.000đ

      Giá: 190.000đ

    • Giá:140.000đ

      Giá:140.000đ

    • 1
    • 2
    • 3
    • 4

    Liên hệ mua sách:
    Cô Nguyễn Thị Tâm
    Điện thoại: 0906805929

    Danh mục website