Từ “Đợi anh về”
Thơ ca Nga đến với nước ta muộn hơn so với thơ Trung Hoa và thơ Pháp. Độc giả Việt Nam biết đến bài thơ Nga đầu tiên là “Đợi anh về” của K.Simonov qua bản dịch nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu năm 1947 (dịch qua tiếng Pháp). Khi sang thăm Việt Nam, Simonov đã rất cảm động khi biết về số phận bài thơ của mình: Tôi biết thơ tôi nơi đây đang sống/ Trong bản dịch tuyệt vời của anh/ Và sẽ sống khi còn bao người vợ/ Đợi chờ chồng nơi chiến tuyến xa xôi... (“Gửi đồng chí Tố Hữu, người dịch bài thơ “Đợi anh về”). Thơ Nga có cách thức đi vào lòng người đọc Việt Nam và có sức lan tỏa rộng rãi mà hiếm nền thơ nước ngoài nào có thể sánh được trong suốt mấy chục năm qua. Có một bộ phận lớn trong giới trí thức Việt Nam đã từng được đào tạo và trưởng thành ở Liên bang Xô viết. Đối với họ, tiếng Nga đã trở thành một ngôn ngữ ruột thịt chỉ sau tiếng mẹ đẻ. Những bài thơ, những ca khúc Nga đã in sâu trong tiềm thức nhiều người Việt Nam. Những câu thơ tình đắm say, da diết của Olga Berggolts đã trở thành quà tặng một thời cho các đôi lứa yêu nhau. Công việc dịch thuật, giới thiệu thơ ca Nga và thơ ca Xô viết đã đạt được những kết quả nhất định. Một số nhà thơ Nga tiêu biểu như: Pushkin, Mayakovsky, Yesenin, Blok, Tyutchev, Olga Berggolts, Yevtushenko... được nghiên cứu, tìm hiểu khá kỹ và đã trở thành những cái tên quen thuộc đối với công chúng. Các giáo trình văn học Nga, văn học Xô viết cũng đã dành những chương mục nhất định cho thơ ca. Dẫu vậy, với tư cách là một nền thơ nước ngoài có vị trí quan trọng trong văn học thế giới, có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người đọc Việt Nam, lịch sử thơ ca Nga còn chưa được giới thiệu một cách khoa học, toàn diện và có hệ thống.
Minh họa: Mạnh Tiến
Đến hai nền thơ ca tương đồng
Cuộc Chiến tranh Vệ quốc, được gọi bằng cái tên linh thiêng “Cuộc chiến tranh thần thánh vĩ đại” 1941-1945, là một thảm họa ghê gớm đối với nhân dân Xô viết. Chỉ trong 4 năm, hàng nghìn thành phố và làng mạc bị phá hủy, hơn 27 triệu người chết. Trong số các nhà văn, nhà thơ, có hơn 300 người không bao giờ trở về từ chiến trường... Thơ ca có mặt ngay khi chiến tranh bùng nổ. Đêm 22-6-1941, sau khi nghe tuyên bố chiến tranh qua sóng phát thanh, nhà thơ V.Lebedev-Kumach viết bài thơ “Cuộc chiến tranh thần thánh vĩ đại”. Tác phẩm được đăng trên báo hai ngày sau đó, được nhạc sĩ A.Alexandrov phổ nhạc và trở thành bản “thánh ca” về Chiến tranh Vệ quốc: Đất nước bao la hãy đứng lên đi!/ Đứng lên trong trận này quyết tử/ Với quân phát xít kia hung dữ/ Lũ đê hèn, tàn bạo tựa đêm đen/ Hãy để cơn cuồng nộ bùng lên/ Sục sôi như sóng trào tuôn chảy/ Đây chiến tranh nhân dân vĩ đại/ Cuộc chiến thiêng liêng, cuộc chiến thánh thần...
Tính chất đại chúng là một đặc trưng của thơ ca những năm chiến tranh. Báo chí là phương tiện phổ biến thơ rộng rãi và nhanh chóng nhất. Hầu như trên mỗi trang báo phát hành khắp các mặt trận đều có đăng thơ. Các bài thơ được đọc trong các cuộc mít tinh, các buổi họp, phát trên đài phát thanh... Nhà thơ không chỉ làm thơ, họ còn là những người làm công tác tuyên truyền, cổ động.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của quân và dân ta đã sản sinh ra một nền thơ lớn mà tính chiến đấu là đặc điểm bao trùm, nổi bật. Nhìn chung, nền thơ chống Mỹ qua suốt hai chục năm chiến đấu ác liệt của dân tộc chống kẻ thù hung bạo đã lan tỏa khắp bề rộng của cuộc kháng chiến toàn dân, đi vào chiều sâu của tâm hồn và tình cảm những người đang chiến đấu. Nó là một nền thơ thống nhất Bắc-Nam, những mảng thơ sáng tác trong những hoàn cảnh chiến đấu khác nhau đã gắn lại thành bức tranh toàn cảnh, thành thế trận hiệp đồng của nền thơ chống Mỹ. Sinh hoạt phong phú và sôi nổi của thơ Việt Nam những năm chống Mỹ, cứu nước đã tạo nên hình ảnh đẹp của dân tộc Việt Nam-một dân tộc vừa đánh giặc vừa làm thơ.
Một đặc trưng nữa là sự gần gũi với âm nhạc. Kinh nghiệm phổ nhạc cho thơ ở Nga đã có từ thế kỷ 17. Tuy nhiên, chưa bao giờ sự kết hợp giữa thơ và nhạc lại trở nên phổ biến như những năm Chiến tranh Vệ quốc. Gần như không còn ranh giới phân biệt giữa thơ và ca từ, những tác phẩm nổi tiếng của A.Surkov, K.Simonov, V.Lebedev-Kumach, M.Isakovsky... được biết đến như những bài ca nhiều hơn là thơ. Chúng ta có thể liên tưởng đến những bài thơ được phổ nhạc của nhà thơ Chính Hữu và Phạm Tiến Duật ở nước ta.
Điều đặc biệt là phần lớn thơ ca viết trong thời Chiến tranh Vệ quốc, nhất là các bài thơ trữ tình-hay các bài ca (vì tính chất âm nhạc của chúng) ít miêu tả chiến tranh. Những chủ đề chính là tình yêu Tổ quốc, tình yêu đôi lứa, tình đồng đội, về thiên nhiên... Thậm chí tác phẩm trường ca “Vasily Tyorkin” của Tvardovsky dù có phụ đề là “Cuốn sách về người lính”, nhưng những cảnh chiến đấu chỉ chiếm phần nhỏ trong trường ca. Có thể nói, đó là thơ ca được sinh ra bởi chiến tranh, nhiều hơn là thơ ca về chiến tranh.
Chính trong lò lửa chiến tranh khốc liệt đã nung rèn ra những tác phẩm thơ ca bất hủ đầy chất trữ tình. Và cũng từ trong chiến tranh, tài năng của hàng loạt nhà thơ được khẳng định.
Trong những năm chiến tranh giữ nước vĩ đại, vinh quang đã đến với K.Simonov. Vinh quang ấy bắt đầu từ bài thơ “Đợi anh về” được đăng trên Báo Sự thật ngày 14-2-1942 và chỉ một tuần sau đã được hàng triệu, hàng triệu chiến sĩ quân đội Xô viết học thuộc lòng và đọc cho nhau nghe như những lời tâm huyết, như niềm hy vọng thiết tha, niềm tin sâu kín xuất phát từ tận đáy lòng họ. Bài thơ “Đợi anh về” qua bản dịch của nhà thơ Tố Hữu cũng đã trở thành một tác phẩm được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Thành công vượt mọi mong đợi ấy đã khuyến khích tác giả cho xuất bản, cũng trong năm ấy, một tập thơ riêng về tình yêu-“Bên em và xa em”, gồm những bài thơ sáng tác vào những tháng đầu chiến tranh. Những bài thơ ấy, cũng như bài “Đợi anh về”, thực chất là những bức thư bằng thơ viết từ tiền tuyến, từ những vùng chiến sự ác liệt về cho người vợ ở hậu phương xa xăm. Ban đầu, những bài thơ này được viết hoàn toàn không với ý định công bố cho người khác đọc. Nhưng khi tập thơ xuất hiện giữa năm chiến tranh gian khó nhất, lúc vận mệnh của đất nước Xô viết bị đe dọa nghiêm trọng nhất thì người ta lại nhanh chóng nhận ra rằng chính những bài thơ tình ấy, những dòng thơ thổ lộ tình yêu của một người đàn ông cụ thể với một người đàn bà cụ thể-một tình yêu không phải lúc nào cũng hạnh phúc, với nhiều sóng gió nội tâm, những nỗi dằn vặt, những giây phút hoài nghi, tuyệt vọng rồi lại từ tuyệt vọng tới hy vọng-lại rất cần cho những con người Xô viết đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Người ta nhận ra rằng độc giả Liên Xô từ lâu đã thiếu những thi phẩm chan chứa tình yêu như thế; rằng chúng chẳng mâu thuẫn, chẳng làm mờ nhạt, mà chỉ tô đẹp thêm lẽ sống, tinh thần chiến đấu của xã hội mới...
Thơ K.Simonov trong chiến tranh đã vươn tới những đỉnh cao của thơ ca Xô viết, nó đã sống mãnh liệt trong lòng bạn đọc những năm khói lửa ấy, ngày nay vẫn sống và chắc còn có sức sống lâu bền.
Lịch sử phát triển văn học luôn luôn là sự phát triển tiệm tiến xen lẫn những giai đoạn nhảy vọt, cao trào. Nền thơ chống Mỹ từ năm 1964 ở nước ta là một cao trào với sự phát triển mới về lượng cũng như về chất. Đó là một nền thơ chống Mỹ thống nhất của cả nước, một nền thơ chiến đấu, mang tính quần chúng sâu rộng. Nhìn lại thơ ca giai đoạn chống Mỹ, điều cần ghi nhận đầu tiên là sự phát triển mạnh mẽ của cả phong trào. Cuộc kháng chiến toàn dân đã đề ra một nền thơ thực sự có tính quần chúng. Không có tờ báo nào, dù trong những ngày chiến tranh ác liệt cần đăng nhiều tin tức cấp bách nhất, lại thiếu thơ. Thơ đăng trên báo chí không phải là của một số tên tuổi quen biết nữa mà là của hàng nghìn người. Qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, cùng với tiếng nói sang sảng của chính nghĩa, những buổi “Tiếng thơ” vẫn ngân nga trong trẻo giọng ngâm thơ-tiếng nói tự tin và trong sáng của con người Việt Nam đánh giặc. Nhiều bài thơ được phổ nhạc, được đọc trang trọng trên nền nhạc sâu lắng, thiết tha; nhạc của thơ hòa vào nhạc của nhạc, càng đưa lời thơ vào sâu tâm hồn quần chúng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được mùa chiến công, thơ cũng được mùa lớn. Chỉ 3 năm đầu của cuộc kháng chiến, Việt Nam đã có được một “Tuyển tập thơ chống Mỹ, cứu nước” tập hợp 159 bài thơ của 112 tác giả với những thành tựu rất đáng tự hào. Trong giai đoạn chống Mỹ, hàng trăm tập thơ được xuất bản.
Trong những năm cao trào chống Mỹ, cứu nước, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, bản dịch trường ca “Lênin” và trường ca “Tốt lắm” được công bố và hai kiệt tác này đã được độc giả chú ý. Trong không khí cuộc sống chiến đấu ác liệt và hào hùng những năm này có cái gì đó rất hợp với khí chất thơ Mayakovsky.
Yevtushenko đã đi hầu khắp thế gian này, và cuối cùng sang thăm Việt Nam những năm chống Mỹ, cứu nước. “Con đường số một” được nhà thơ sáng tác trong dịp ông sang thăm Việt Nam. Ông đã tiếp nhận “Con đường số một” như là biểu trưng cho con đường của thơ ca chân chính: Trong thơ nhiều đường nhỏ/ Đi qua núi, qua đồng/ Nhưng chỉ có một đường/ Là con đường số một.../ Tiến thẳng vào chính nghĩa/ Như đường vào Sài Gòn (Tế Hanh phỏng dịch).
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 / 7-11-2017), tuyển thơ Chiến tranh Vệ quốc 1941-1945 “Đợi anh về” tập hợp 180 bài thơ của 24 nhà thơ tiêu biểu nhất trong nền thơ ca Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã được công bố. Đây là lần đầu tiên thơ ca chiến tranh Nga được giới thiệu một cách có hệ thống và chọn lọc, giúp cho bạn đọc Việt Nam có một cái nhìn tổng thể về một mảng văn học đặc trưng và nổi tiếng, góp phần tôn vinh nền văn học Nga. Tuyển thơ đặc biệt này là bức tranh sinh động nhất, tái hiện chân thực những mất mát, đau thương và sự tàn khốc trong chiến tranh. Những bài thơ trong tập thơ chọn lọc này đã thể hiện một cách chân thực về cuộc chiến tranh đẫm máu; và qua đó tính cách Nga được bộc lộ một cách rõ ràng và sâu sắc nhất. PGS, TS Nguyễn Huy Hoàng-dịch giả cuốn sách chia sẻ tại buổi ra mắt tác phẩm: “Văn học Việt Nam và văn học Nga có quan hệ mật thiết trong nhiều năm qua. Chúng tôi chọn những tác phẩm văn học Nga thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc bởi lẽ chúng tôi nhìn được ở đó giá trị trường tồn và giá trị tương đồng giữa cuộc chiến tranh vĩ đại của nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô”. Những độc giả yêu thơ ca Nga sẽ nhận ra nhiều bài thơ trong tập thơ này đã được phổ nhạc thành các bài hát yêu thích không chỉ ở Nga mà cả ở Việt Nam.
PGS.TS. Lưu Khánh Thơ
Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 19.11.2021.