Lại sắp Tết nữa rồi đây. Lại thêm một lần mẹ quê hương trông ngóng. Biết bao giờ được sum vầy trong cái Tết quê nhà?

Năm nay, từ Nga về thăm nhà và dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành nhiều nơi trên thế giới nên tôi được ăn Tết ở quê nhà. Những ngày này, lại nhớ những ngày cùng bạn văn đón Tết trong mưa tuyết ở xứ bạch dương.

Khóc trong Tết đầu tiên xa nhà

Tết đầu tiên trên xứ tuyết, hơn 20 anh chị em chúng tôi đang học ngoại ngữ ở Khoa Dự bị Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov tổ chức đón giao thừa ngay trong "ốp" (ký túc xá). Các nhà thơ Nguyễn Đình Chiến, Trần Đăng Khoa, Từ Thị Loan bên Trường Viết văn Gorki cũng kéo sang. Đúng 8 giờ tối Moscow (lúc ấy, bên kia trái đất là giao thừa Việt Nam), tôi đọc lời khai mạc. Pháo trong băng cát-xét nổ giòn (không nhớ rõ ai đã lo xa mang theo băng ghi âm tiếng pháo từ ở nhà đi). Tất cả đám thanh niên lần đầu tiên xa nhà òa khóc, làm các bà giáo Nga phải dỗ mãi.

Người buồn nhất trong Tết ấy là Nguyễn Đình Chiến. Có ai ngờ chàng lính cao to đi nhanh bước mạnh, quen "mưa to gió lớn những phương trời" lại là người đa cảm yếu mềm. Rượu ngấm rồi, anh khóc. Anh nhắc tới bố mẹ, gọi tên vợ con, day dứt với dự định về đón Tết ở Việt Nam không thành. Ngược lại, Trần Đăng Khoa lúc nào cũng tếu táo pha trò, có lẽ để đánh tan nỗi buồn của bạn.

20210220

Khi đã chuyển sang học Trường Viết văn Gorki, mỗi mùa Xuân đến, đón Tết đối với tôi gần như là chiếu lệ. Đón Tết vì sự ăn sâu của một tập tục cổ truyền không khi nào bỏ được. Trời Tây, khí hậu Tây, phong cảnh Tây, làm Tết ta khó gợi nên sự rộn ràng náo nức. Thiếu sắc thắm của hoa đào (dẫu các bạn gái có làm hoa giấy y như thật), thiếu pháo nổ râm ran trời đất (bên Tây, Tết âm lịch của ta là ngày làm việc bình thường của người bản địa, người ta không cho đốt pháo), thiếu cảnh áo mới rộn ràng đường quê đi chúc Tết họ hàng, thiếu cái se se lạnh, thiếu những giọt mưa Xuân bay lất phất (bên này chỉ mênh mông tuyết trắng lạnh đến hàng chục độ âm)... Thiếu nhiều thứ lắm. Đặc biệt là thiếu cảnh con cháu quây quần bên cha mẹ, ông bà nội ngoại. Nhớ những ngày còn ở Việt Nam, cứ những ngày giáp Tết, mẹ tôi lại nhẩm tính đứa này đứa nọ sắp về. Tầm 2 giờ chiều, giờ tàu thủy Hà Nội - Nam Định chạy qua bến làng tôi, mẹ lại ngóng ra sông chờ tiếng còi tàu. Rồi mẹ rền rỉ trách thằng Phước trong Nam, thằng Phong ở Tuyên Quang sao chẳng thấy điện hoặc thư về. Năm nào thiếu một thành viên trong gia đình không về ăn Tết, mẹ lại âm thầm ngồi khóc thương con đất khách quê người. Chắc là mẹ thương tôi nhất, vì tôi biền biệt 11 năm Tây Bắc, rồi sang Nga nhiều năm chưa một lần về ăn Tết ở quê, hơn cả cuộc lưu lạc của nàng Kiều.

Nôn nao nhớ quê nhà, nguồn cội

Tết nào cũng gợi nhớ quê hương. Không hiểu sao, sau nhiều năm trời xa cách, lần đầu tiên trong đời tôi mới nghĩ đến cái Tết quê hương da diết hơn bao giờ hết. Hình bóng của ba mẹ tôi và mảnh vườn nho nhỏ có những hàng chuối mùa mưa bão gió xé tơi bời thỉnh thoảng vẫn hiện về trong giấc ngủ. Nhờ có cái Tết cổ truyền, người ta mới có dịp để nhớ đến tổ tiên, cha mẹ, họ hàng; giục người đi xa trở về sum họp hoặc không có điều kiện trở về vẫn không quên được cội nguồn.

Tết bên này cũng có bánh chưng (lá dong chở từ Việt Nam sang) nhưng luộc bằng nồi hầm trên bếp gas, làm sao ngon bằng bánh chưng mẹ luộc trên bếp củi. Nhà tôi có lệ chỉ gói bánh chưng vào ngày 30 Tết. Cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh chờ đón giao thừa. Đồng quê không có điện, phút đất trời giao cảm đẹp hơn, huyền ảo hơn. Nhìn trời, biết năm tới mùa lúa có tốt hay không, mừng vui thấp thỏm. Tiệc đón giao thừa đơn giản, có ý nghĩa tượng trưng (cỗ to đã làm từ chiều 30 cúng gia tiên). Mỗi đứa được mở hàng một cái bánh chưng nhỏ bằng bàn tay còn nóng hôi hổi vừa vớt từ nồi ra. 

Thuở thơ ấu háo hức chờ Tết để được mẹ may cho áo mới, được vui chơi thoải mái mà không sợ bị mắng, lại được mở hàng mừng tuổi. Giờ ở xa quê hương, mỗi năm đón Tết là tóc mình lại thêm vài sợi bạc. Dẫu có tụ tập bốn phương bạn bè kéo lại, cũng không thay thế được cha mẹ, vợ con, anh em ruột thịt.

Những "giá như" dằn vặt

Tôi ngại những cái Tết quá ồn ào, quá xa hoa, hoang phí. Nào là cao lương mỹ vị, nào là sâm-panh, vốtka, uýt-ki đủ loại. Rượu vào rồi thì sừng sừng nhảy nhót. Sáng hôm sau tỉnh dậy thấy cổ khô, miệng đắng, đầu nhức, mắt mỏi, thân thể đau nhừ, ê ẩm. Nhìn đống vỏ chai dưới gầm bàn lăn lóc, bát đĩa bầy hầy, tàn thuốc vương vãi khắp sàn trông phát sợ. Thấy thương thân phận mình đơn độc, thấy giận mình hoang phí. Cha mẹ, anh chị em, vợ con mình đang giá buốt lội bùn, cơm độn khoai độn sắn; giá như mâm cỗ bớt đi những thứ thừa mứa ê hề, giá như sâm-panh, uýt-ki đừng nốc... Biết bao cái "giá như" dằn vặt.

Năm trước, nhiều bạn văn hứa nhất định sẽ về ăn Tết cùng gia đình năm tới. Thế nhưng lời hứa ấy vẫn không thành hiện thực, bởi đời ai học được chữ ngờ. Dịch Covid-19 từ Vũ Hán bùng phát toàn thế giới. Nước Nga nằm trong tốp 5 nước bị dịch nặng nhất, bởi họ không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt như ở Việt Nam. Ai bị nhiễm bệnh, bác sĩ chỉ báo cho người ấy biết. Người nào tự giác thì thông báo cho anh em bạn bè, người thân biết để tránh tiếp xúc, chứ chính quyền không thông báo danh tính người bị bệnh, rồi truy tìm người tiếp xúc F1, F2 để cách ly như ở ta. Người Việt ở Nga bị mắc Covid-19 cũng nhiều, bởi 95% người Việt sinh sống bằng nghề kinh doanh hàng vải ở chợ và các trung tâm thương mại, là nơi tụ tập của cư dân nước ngoài (đông nhất là dân Trung Quốc) sau một hồi giãn cách xã hội ngắn, lại cho hoạt động bình thường, bị mắc Covid-19 là điều khó tránh. Về nước thì không được, mà ở lại cũng lao đao khốn khổ.

Tết năm nay chắc là buồn lắm.

Lại sắp Tết nữa rồi đây. Lại thêm một lần mẹ quê hương trông ngóng. Biết bao giờ được sum vầy trong cái Tết quê hương?

Nhớ có năm giáp Tết tôi gọi điện về nhà. Đầu dây kia, ba tôi vắn gọn mấy lời: "Về đi con! Ba mẹ năm nay già yếu lắm rồi! Thôi ba cúp máy đây, kẻo con tốn tiền!”. Tôi nghẹn ngào: "Ba cứ nói nữa đi! Đừng sợ con tốn tiền! Lâu rồi con chưa được nghe giọng nói của ba...”. Mấy ngày sau, tôi vẫn còn thẫn thờ, tưởng như lời của ba vẫn còn văng vẳng bên tai: "Ba mẹ năm nay già yếu lắm rồi!”. Chợt nhớ ngày còn nhỏ, một lần tôi nói hỗn, ba tôi không nổi giận như mọi bận. Người lặng im, đôi mắt đau đáu nỗi buồn. Ánh mắt ấy của người cứ ám ảnh tôi mãi đến bây giờ. Giá như chiều nay tôi biến thành đứa trẻ, nằm sấp trên giường chịu mấy roi để tạ lỗi với người.

Châu Hồng Thủy

Nguồn: Người lao động, ngày 12.02.2021.

Truyện Kiều của Nguyễn Du, không chỉ là kiệt tác vô tiền khoáng hậu của thi ca và văn học Việt Nam, mà còn là viên ngọc quý mãi mãi lấp lánh sáng của văn hóa Việt Nam.

20201106 3

Nó không chỉ là di sản tinh thần hết sức quý báu mà đại thi hào Nguyễn Du đã để lại cho đời sau, mà còn góp phần làm giàu đẹp tiếng Việt, tôn vinh những giá trị nhân bản của người phụ nữ Việt, con người Việt, bản sắc văn hóa Việt, suốt hai trăm năm qua. Từ khi Truyện Kiều được dịch ra các ngôn ngữ khác, ban đầu là tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, Nhật, Nga… rồi nhiều thứ tiếng khác, nó đã trở thành một thứ “căn cước văn hóa”, lan tỏa những giá trị văn hóa Việt ra khắp năm châu, để thế giới biết tới Việt Nam không chỉ qua những cuộc chiến tranh tàn khốc và đẫm máu, mà còn biết tới chúng ta như một nền văn hóa độc đáo, rực rỡ và có bản sắc riêng.

Thật may mắn, độc giả Hungary đã được biết tới câu chuyện 15 năm lưu lạc của nàng Kiều từ khá sớm qua bản dịch nghĩa và chú giải của nhà nghiên cứu, phê bình văn học hàng đầu nhà thơ Trương Đăng Dung và bản dịch thơ của nhà thơ Hungary nổi tiếng Tandori Dezso (1938 - 2019), do Nhà xuất bản châu Âu ấn hành năm 1984.

20201106 4

Văn bản Truyện Kiều bằng tiếng Hungary

Hungary là một nước nhỏ ở khu vực Trung Âu, chỉ có khoảng 10 triệu dân, nhưng là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời, đặc biệt thi ca Hungary được đánh giá là một trong những nền thi ca phong phú và đẹp nhất trên bầu trời thi ca châu Âu. Ngôn ngữ Hungary là ngôn ngữ đứng đơn lẻ bên cạnh các đại gia đình ngôn ngữ châu Âu, có vốn từ cực kỳ phong phú, có khả năng diễn đạt chính xác, có sức biểu cảm rất tinh tế. Nhưng với người nước ngoài tiếng Hung cực kỳ khó học, nó được đánh giá là một trong ba ngôn ngữ khó nhất trên thế giới, bên cạnh tiếng Hebrew của người Do Thái và tiếng Latin.

Sự khác biệt giữa hai nền văn hóa, sự khác biệt của hai ngôn ngữ Việt Nam và Hungary khiến việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Hung thực sự là một thử thách rất lớn đối với dịch giả, tưởng chừng khó có thể vượt qua. Nhà thơ Trương Đăng Dung, người có nhiều năm du học và nghiên cứu tại Hungary, đã từng tâm sự: “Nhìn những tác phẩm văn học cổ điển lớn viết bằng thứ tiếng phổ cập của các nước được dịch sang tiếng Hung, từ thời sinh viên tôi đã nghĩ đến Truyện Kiều của Nguyễn Du và mơ ước sẽ có ngày dịch tác phẩm này. Tôi dịch Truyện Kiều với mong muốn bạn đọc Hungary biết đến nền văn học của chúng ta, hiểu hơn nỗi đau và những khắc khoải của thi nhân Việt Nam trước thân phận con người.” (Trương Đăng Dung: Những kỷ niệm tưởng tượng, tác phẩm và dư luận, tr. 473).

Vì mơ ước đó, mà năm 1983, khi trở lại Hungary làm luận án tiến sĩ, Trương Đăng Dung đã “khép kín thư phòng”, tranh thủ thời gian, miệt mài dịch nghĩa và chú giải Truyện Kiều. Về quá trình dịch Truyện Kiều, anh tâm sự: “Sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo giữa các dân tộc cũng là trở ngại lớn không kém sự khác biệt về ngôn ngữ, do đó khó khăn lớn nhất đối với người dịch Truyện Kiều là làm thế nào để mở ra và truyền tải được cái tinh thần văn hóa đặc trưng có trong ngôn ngữ nguyên bản.” (Sđd, tr. 474).

20201106 5

Trương Đăng Dung có may mắn, bản dịch proza Truyện Kiều đã được Tandori Dezso, một trong những nhà thơ lớn hàng đầu và cũng là một dịch giả nổi tiếng của Hungary thời đó, nhận chuyển thành thơ. Tandori Dezso là một người rất am hiểu văn hóa Á Đông và có duyên với thơ Việt Nam. Năm 1980, ông đã cùng một số nhà thơ khác dịch một tuyển tập thơ Nguyễn Trãi ra tiếng Hung dưới tựa đề Irás egy kardon (Viết trên gươm), và sau Truyện Kiều, ông còn là đồng dịch giả của một tuyển thơ Xuân Diệu mang tên Arékaalma virága (Hoa cau, in 1986).

Theo nhà thơ Trương Đăng Dung, dù rất bận rộn, nhưng trong thời gian dịch Truyện Kiều hai ông đã thường xuyên gặp gỡ nhau, trao đổi kỹ lưỡng từng câu, từng chữ, từng điển cố, để có một bản dịch vừa chân xác, vừa đáp ứng các tiêu chí nghệ thuật. Trong quá trình dịch tác phẩm kinh điển này, hai ông đã sáng tạo ra một thể thơ mới giống thơ lục bát có vần lưng. Đây cũng là xu hướng mà một số dịch giả Truyện Kiều ra các ngôn ngữ khác cố gắng theo đuổi.

Sự lao tâm khổ tứ của cặp dịch giả Trương Đăng Dung - Tandori Dezso đã được đền bù xứng đáng. Năm 1984, bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Hungary đã được nhà xuất bản Châu Âu (Európa kiadó) - một nhà xuất bản lớn và có uy tín - ấn hành trang trọng, bìa cứng, khổ in 16,5 x 23,5 cm, với các tranh minh họa là các bản tranh khắc gỗ Việt Nam. Bản dịch Truyện Kiều được giới chuyên môn khi đó đánh giá cao, dù dịch giả Trương Đăng Dung, ba chục năm sau, đã khiêm tốn nói: “Không phải đợi ba mươi năm sau mà ngay sau khi bản dịch Truyện Kiều được xuất bản, tôi cũng đã nhận ra một vài chỗ lẽ ra có thể dịch tốt hơn. Đây cũng là tình trạng chung của mọi bản dịch” (Sđd, tr.475).

Thay vì trích dẫn ý kiến của giới chuyên môn, ở đây tôi chỉ xin giới thiệu bài thơ “Từ những điều Nguyễn Du dạy” của Hollo Andras, nhà thơ Hungary, viết sau khi đọc Truyện Kiều, qua bản dịch cũng rất thành công của chính nhà thơ Trương Đăng Dung. Bài thơ không chỉ cho thấy cách cảm nhận mới lạ của một nhà thơ Hungary, mà nó còn gián tiếp minh định sự thành công của bản dịch Truyện Kiều ra ngôn ngữ Hungary. Bài thơ cũng là một trong những diễn giải độc đáo và sâu sắc nhất về tính tư tưởng, triết lý và thông điệp nghệ thuật của Truyện Kiều.

TỪ NHỮNG ĐIỀU NGUYỄN DU DẠY

Anh đừng nói: Trời cao

Xin hãy nói: Màn xanh trùm bể khổ

Anh đừng nói: Đất dày

Xin hãy nói: Rạn nứt và sụp đổ

Anh đừng nói: Ngôi sao

Xin hãy nói: Giọt máu đào ai chảy

Anh đừng nói: Những điều trông thấy

Xin hãy nói: Tội lỗi các anh, tội lỗi chúng ta

Anh đừng nói: Oan gia

Xin hãy nói: Tình thương cần họp mặt

Anh đừng nói: Mặt sắt Xin hãy nói:

Tội ác ít bạn đường Anh đừng nói:

Làm cho khốc hại Xin hãy nói:

Không thể ngắt hoa trắng từ xương

Anh đừng nói: Giọt sương

Xin hãy nói: Thông điệp của điều lành

Anh đừng nói: Cây xanh

Xin hãy nói: Cuộc đời không vô bổ

Anh đừng nói: Ngọn gió

Xin hãy nói: Người bạn mù dẫn đường

Anh đừng nói: Rầu rầu ngọn cỏ

Xin hãy nói: Người bạn hiền vô danh

Anh đừng nói: Rêu xanh

Xin hãy nói: Ký ức không lụi tàn

Anh đừng nói: Báo ân

Xin hãy nói: Tình người không thể cạn

Anh đừng nói: Bình minh

Xin hãy nói: Nhiệt tình bừng sáng

Anh đừng nói: Hoàng hôn

Xin hãy nói: Niềm nuối tiếc muộn màng

Anh đừng nói: Suối vàng

Xin hãy nói: Tơ đời không thể dứt.

Truyện Kiều đã nhanh chóng được đón nhận tích cực, câu chuyện về cuộc đời truân chuyên của nàng Kiều đã nhanh chóng chinh phục trái tim bạn đọc Hungary

Một bạn đọc nữ, tên là Timár Krisztina, đã nhận xét: “Một tiểu thuyết thơ cổ điển Việt Nam từ 1820: tình yêu, một chút máu, nhiều đau khổ, có Khổng giáo và Phật giáo… Xin ngả mũ trước bản dịch tuyệt vời của Tandori Dezso… Hấp dẫn và hiện đại một cách bất ngờ, ý tôi nói “hiện đại” ở chỗ: cách nhìn của tiểu thuyết ở nhiều chỗ gợi nhớ tới cách nhìn (châu Âu) của chúng ta. Không biết thi hào Nguyễn Du đã trải bao đau đớn khi viết cuốn sách này, vì nó thật tuyệt vời. Thi ca Phương Đông dồn nén đậm đặc trong 100 trang sách. Tóm lại bậc thầy Nguyễn Du biết một bí quyết gì đó!”.

Một bạn đọc khác, có nickname là kkata76, đã viết: “Không dễ đọc văn bản này bởi rất nhiều điển cố, chỉ có thể hiểu được nếu ta xem các chú giải. Một chuyện tình yêu viết với tinh thần của Thiền và Phật giáo… Bản thân câu chuyện đã hấp dẫn, nhưng ngôn ngữ tuyệt vời khiến nó rất khác lạ: cách so sánh, các hình ảnh ngôn ngữ, cách miêu tả sự vật (chẳng hạn sự vận hành của thời gian, sự thay đổi của thiên nhiên, của bốn mùa…).

Một độc giả khác có nickname là Keikorca viết sau khi đọc Truyện Kiều: “Một áng văn tuyệt vời. Cả câu chuyện rất sinh động, hấp dẫn, đầy màu sắc và hương thơm, đặc biệt là cây cỏ, đúng là một màn trình diễn “Phương Đông”. Tôi rất hứng thú khi đọc, đặc biệt vui là có thể dõi theo cuộc đời chìm nổi 15 năm của một nhân vật chính là phụ nữ, với một cái kết có hậu.”

Xin trích dẫn thêm một ý kiến nữa để thấy Truyện Kiều của Nguyễn Du qua bản dịch của hai dịch giả, nhà thơ danh tiếng Trương Đăng Dung và Tandori Dezso, đã được bạn đọc Hungary, đặc biệt là phụ nữ, đón nhận, đồng cảm và yêu quý thế nào. Một độc giả có nickname là anesz, đã nhận xét: “Chúng ta biết rất ít về văn học Việt Nam qua tiếng Hung. Vì vậy mà tôi rất vui khi tìm được tác phẩm kinh điển này trong thư viện. Bản dịch của Tandori Dezso rất kỳ diệu, tiểu thuyết thơ này sử dụng vô số hình ảnh và các so sánh đẹp, chỉ riêng vì nhạc tính của nó cũng đã đáng đọc. Tuy được xuất bản từ năm 1820, nhưng quan điểm của nó rất hiện đại, đặc biệt đối với các nhân vật đàn ông. Câu chuyện của nàng Kiều rất hấp dẫn, nàng đã trải qua bao trầm luân, thử thách để đến với hạnh phúc.

Việc dịch và xuất bản Truyện Kiều ở Hungary cách đây trên ba chục năm là một dấu mốc văn hóa quan trọng trên chặng đường giới thiệu các di sản văn học quý báu của chúng ta tới Hungary. Theo thiển ý của người viết bài này, sự đón nhận tích cực của văn giới và độc giả Hungary đối với Truyện Kiều là câu trả lời thuyết phục cho một số ý kiến cho rằng người nước ngoài khó đồng cảm, khó tiếp nhận tác phẩm kinh điển này. Chỉ cần có những dịch giả tâm huyết, có chiến lược quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài đúng hướng, được hỗ trợ cụ thể và khoa học là chúng ta sẽ có những bản dịch tốt có thể “mang chuông đi đánh nước người” một cách có hiệu quả. Tuy biết rằng, để hội tụ được đầy đủ các yếu tố đó chẳng dễ chút nào.

Xin kết thúc bài viết ngắn này bằng một tin vui, cho thấy dòng chảy giao lưu văn học giữa Hungary và Việt Nam có khi trầm lặng, có lúc sôi động, nhưng chưa bao giờ ngừng nghỉ. Hơn ba chục năm sau khi Truyện Kiều được Nxb. Châu Âu ấn hành, thì tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” (Képzelt emlékek, Európa kiadó, 2018) của nhà thơ Trương Đăng Dung (Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, 2011) đã được dịch ra tiếng Hung và được chính Nxb. Châu Âu ấn hành. Tập thơ song ngữ này đã được đưa tới dự Festival sách quốc tế tại Budapest mùa xuân năm 2018, và được Nxb. tổ chức buổi giới thiệu trang trọng với sự có mặt của tác giả Trương Đăng Dung cùng các dịch giả (Giáp Văn Chung và Hay János), trước đông đảo các nhà văn, nhà phê bình, độc giả và bè bạn hai nước Việt Nam - Hungary.

Budapest, 16/2/2020

Giáp Văn Chung

Nguồn: Tạp chí Sông Hương, số 379/09-2020, phiên bản trực tuyến ngày 30.10.2020.

Độc giả Hungary đã biết tới câu chuyện 15 năm lưu lạc của nàng Kiều từ khá sớm qua bản dịch nghĩa và chú giải của nhà nghiên cứu, phê bình văn học và cũng là nhà thơ Trương Đăng Dung cùng bản dịch thơ của nhà thơ Hungary nổi tiếng Tandori Dezso (1938-2019), do Nhà xuất bản châu Âu ấn hành năm 1984.

20200309 2

Bìa Truyện Kiều do NXB châu Âu, xuất bản tại Hungary năm 1984. Nguồn: Giáp Văn Chung.


Hungary là một nước nhỏ ở khu vực Trung Âu, chỉ có khoảng 10 triệu dân, nhưng là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời, đặc biệt thi ca Hungary được đánh giá là một trong những nền thi ca phong phú và đẹp nhất trên bầu trời thi ca châu Âu. Ngôn ngữ Hungary là ngôn ngữ đứng đơn lẻ bên cạnh các đại gia đình ngôn ngữ châu Âu, có vốn từ cực kỳ phong phú, có khả năng diễn đạt chính xác, có sức biểu cảm rất tinh tế. Với người nước ngoài, tiếng Hung cực kỳ khó học, nó được đánh giá là một trong ba ngôn ngữ khó nhất trên thế giới, bên cạnh tiếng Hebrew của người Do Thái và tiếng Latin.


Sự khác biệt giữa hai nền văn hóa, sự khác biệt của hai ngôn ngữ Việt Nam và Hungary khiến việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Hung thực sự là một thử thách rất lớn đối với dịch giả, tưởng chừng khó có thể vượt qua. Nhà thơ Trương Đăng Dung, người có nhiều năm du học và nghiên cứu tại Hungary, đã từng tâm sự: “Nhìn những tác phẩm văn học cổ điển lớn viết bằng thứ tiếng phổ cập của các nước được dịch sang tiếng Hung, từ thời sinh viên tôi đã nghĩ đến Truyện Kiều của Nguyễn Du và mơ ước sẽ có ngày dịch tác phẩm này. Tôi dịch Truyện Kiều với mong muốn bạn đọc Hungary biết đến nền văn học của chúng ta, hiểu hơn nỗi đau và những khắc khoải của thi nhân Việt Nam trước thân phận con người.” (Trương Đăng Dung: Những kỷ niệm tưởng tượng, tác phẩm và dư luận, tr. 473).


Vì mơ ước đó, mà năm 1983, khi trở lại Hungary làm luận án tiến sĩ, Trương Đăng Dung đã “khép kín thư phòng”, tranh thủ thời gian, miệt mài dịch nghĩa và chú giải Truyện Kiều. Về quá trình dịch Truyện Kiều, anh tâm sự: “Sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo giữa các dân tộc cũng là trở ngại lớn không kém sự khác biệt về ngôn ngữ, do đó khó khăn lớn nhất đối với người dịch Truyện Kiều là làm thế nào để mở ra và truyền tải được cái tinh thần văn hóa đặc trưng có trong ngôn ngữ nguyên bản.” (sđd, tr. 474).

 

Trương Đăng Dung có may mắn, bản dịch proza Truyện Kiều đã được Tandori Dezso, một trong những nhà thơ lớn hàng đầu và cũng là một dịch giả nổi tiếng của Hungary thời đó, nhận chuyển thành thơ. Tandori Dezso là một người rất am hiểu văn hóa Á Đông và có duyên với thơ Việt Nam. Năm 1980, ông đã cùng một số nhà thơ khác dịch một tuyển tập thơ Nguyễn Trãi ra tiếng Hung dưới tựa đề Irás egy kardon (Viết trên gươm), và sau Truyện Kiều, ông còn là đồng dịch giả của một tuyển thơ Xuân Diệu mang tên Arékaalma virága (Hoa cau, in 1986).


Theo nhà thơ Trương Đăng Dung, dù rất bận rộn, nhưng trong thời gian dịch Truyện Kiều, hai ông đã thường xuyên gặp gỡ nhau, trao đổi kỹ lưỡng từng câu, từng chữ, từng điển cố, để có một bản dịch vừa chân xác, vừa đáp ứng các tiêu chí nghệ thuật. Trong quá trình dịch tác phẩm kinh điển này, hai ông đã sáng tạo ra một thể thơ mới giống thơ lục bát có vần lưng. Đây cũng là xu hướng mà một số dịch giả Truyện Kiều ra các ngôn ngữ khác cố gắng theo đuổi.

Tranh "Nguyện ước" của Nguyễn Tư Nghiêm


Sự lao tâm khổ tứ của cặp dịch giả Trương Đăng Dung - Tandori Dezső đã được đền bù xứng đáng. Năm 1984, bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Hungary đã được NXB Châu Âu (Európa kiadó) - một NXB lớn và có uy tín - ấn hành trang trọng, bìa cứng, khổ in 16,5x23,5 cm, với các tranh minh họa là các bản tranh khắc gỗ Việt Nam. Bản dịch Truyện Kiều được giới chuyên môn khi đó đánh giá cao, dù dịch giả Trương Đăng Dung, ba chục năm sau, đã khiêm tốn nói: “Không phải đợi ba mươi năm sau mà ngay sau khi bản dịch Truyện Kiều được xuất bản, tôi cũng đã nhận ra một vài chỗ lẽ ra có thể dịch tốt hơn. Đây cũng là tình trạng chung của mọi bản dịch” (sđd, tr.475).

Thay vì trích dẫn ý kiến của giới chuyên môn, ở đây tôi chỉ xin giới thiệu bài thơ “Từ những điều Nguyễn Du dạy” của Hollo Andras, nhà thơ Hungary, viết sau khi đọc Truyện Kiều, qua bản dịch cũng rất thành công của chính nhà thơ Trương Đăng Dung. Bài thơ không chỉ cho thấy cách cảm nhận mới lạ của một nhà thơ Hungary, mà nó còn gián tiếp minh định sự thành công của bản dịch Truyện Kiều ra ngôn ngữ Hungary. Bài thơ cũng là một trong những diễn giải độc đáo và sâu sắc nhất về tính tư tưởng, triết lý và thông điệp nghệ thuật của Truyện Kiều.

TỪ NHỮNG ĐIỀU NGUYỄN DU DẠY

Anh đừng nói: Trời cao

Xin hãy nói: Màn xanh trùm bể khổ 

Anh đừng nói: Đất dày 

Xin hãy nói: Rạn nứt và sụp đổ

Anh đừng nói: Ngôi sao 

Xin hãy nói: Giọt máu đào ai chảy 

Anh đừng nói: Những điều trông thấy 

Xin hãy nói: Tội lỗi các anh, tội lỗi chúng ta 

Anh đừng nói: Oan gia 

Xin hãy nói: Tình thương cần họp mặt 

Anh đừng nói: Mặt sắt 

Xin hãy nói: Tội ác ít bạn đường 

Anh đừng nói: Làm cho khốc hại 

Xin hãy nói: Không thể ngắt hoa trắng từ xương 

Anh đừng nói: Giọt sương 

Xin hãy nói: Thông điệp của điều lành 

Anh đừng nói: Cây xanh 

Xin hãy nói: Cuộc đời không vô bổ 

Anh đừng nói: Ngọn gió 

Xin hãy nói: Người bạn mù dẫn đường 

Anh đừng nói: Rầu rầu ngọn cỏ 

Xin hãy nói: Người bạn hiền vô danh 

Anh đừng nói: Rêu xanh 

Xin hãy nói: Ký ức không lụi tàn 

Anh đừng nói: Báo ân 

Xin hãy nói: Tình người không thể cạn 

Anh đừng nói: Bình minh 

Xin hãy nói: Nhiệt tình bừng sáng 

Anh đừng nói: Hoàng hôn 

Xin hãy nói: Niềm nuối tiếc muộn màng 

Anh đừng nói: Suối vàng 

Xin hãy nói: Tơ đời không thể dứt.

Truyện Kiều đã nhanh chóng được đón nhận tích cực, câu chuyện về cuộc đời truân chuyên của nàng Kiều đã nhanh chóng chinh phục trái tim bạn đọc Hungary.



 Nhà thơ Trương Đăng Dung và dịch giả Giáp Văn Chung bên mộ nhà thơ Hungary Hollo Andras. Nguồn: Giáp Văn Chung.

Một bạn đọc nữ, tên là Timár Krisztina, đã nhận xét: “Một tiểu thuyết thơ cổ điển Việt Nam từ 1820: tình yêu, một chút máu, nhiều đau khổ, có Khổng Giáo và Phật Giáo… Xin ngả mũ trước bản dịch tuyệt vời của Tandori Dezso… Hấp dẫn và hiện đại một cách bất ngờ, ý tôi nói ‘hiện đại’ ở chỗ: cách nhìn của tiểu thuyết ở nhiều chỗ gợi nhớ tới cách nhìn (châu Âu) của chúng ta. Không biết thi hào Nguyễn Du đã trải bao đau đớn khi viết cuốn sách này, vì nó thật tuyệt vời. Thi ca Phương Đông dồn nén đậm đặc trong 100 trang sách. Tóm lại bậc thầy Nguyễn Du biết một bí quyết gì đó!”.


Một bạn đọc khác, có nickname là kkata76, đã viết: “Không dễ đọc văn bản này bởi rất nhiều điển cố, chỉ có thể hiểu được nếu ta xem các chú giải. Một chuyện tình yêu viết với tinh thần của Thiền và Phật Giáo… Bản thân câu chuyện đã hấp dẫn, nhưng ngôn ngữ tuyệt vời khiến nó rất khác lạ: cách so sánh, các hình ảnh ngôn ngữ, cách miêu tả sự vật (chẳng hạn sự vận hành của thời gian, sự thay đổi của thiên nhiên, của bốn mùa).”


Một độc giả khác có nickname là Keikorca viết sau khi đọc Truyện Kiều: “Một áng văn tuyệt vời. Cả câu chuyện rất sinh động, hấp dẫn, đầy màu sắc và hương thơm, đặc biệt là cây cỏ, đúng là một màn trình diễn “Phương Đông”. Tôi rất hứng thú khi đọc, đặc biệt vui là có thể dõi theo cuộc đời chìm nổi 15 năm của một nhân vật chính là phụ nữ, với một cái kết có hậu.”


Xin trích dẫn thêm một ý kiến nữa để thấy Truyện Kiều của Nguyễn Du qua bản dịch của hai dịch giả, nhà thơ danh tiếng Trương Đăng Dung và Tandori Dezso,  đã được bạn đọc Hungary, đặc biệt là phụ nữ, đón nhận, đồng cảm và yêu quý thế nào. Một độc giả có nickname là anesz, đã nhận xét: “Chúng ta biết rất ít về văn học Việt Nam qua tiếng Hung. Vì vậy mà tôi rất vui khi tìm được tác phẩm kinh điển này trong thư viện. Bản dịch của Tandori Dezso rất kỳ diệu, tiểu thuyết thơ này sử dụng vô số hình ảnh và các so sánh đẹp, chỉ riêng vì nhạc tính của nó cũng đã đáng đọc. Tuy được xuất bản từ năm 1820, nhưng quan điểm của nó rất hiện đại, đặc biệt đối với các nhân vật đàn ông. Câu chuyện của nàng Kiều rất hấp dẫn, nàng đã trải qua bao trầm luân, thử thách để đến với hạnh phúc.”


Việc dịch và xuất bản Truyện Kiều ở Hungary cách đây trên ba chục năm là một dấu mốc văn hóa quan trọng trên chặng đường giới thiệu các di sản văn học quý báu của chúng ta tới Hungary. Theo thiển ý của người viết bài này, sự đón nhận tích cực của văn giới và độc giả Hungary đối với Truyện Kiều là câu trả lời thuyết phục cho một số ý kiến cho rằng người nước ngoài khó đồng cảm, khó tiếp nhận tác phẩm kinh điển này. Chỉ cần có những dịch giả tâm huyết, có chiến lược quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài đúng hướng, được hỗ trợ cụ thể và khoa học là chúng ta sẽ có những bản dịch tốt có thể “mang chuông đi đánh nước người” một cách có hiệu quả. Tuy biết rằng, để hội tụ được đầy đủ các yếu tố đó chẳng dễ chút nào.


Xin kết thúc bài viết ngắn này bằng một tin vui, cho thấy dòng chảy giao lưu văn học giữa Hungary và Việt Nam có khi trầm lặng, có lúc sôi động, nhưng chưa bao giờ ngừng nghỉ. Hơn ba chục năm sau khi Truyện Kiều được NXB châu Âu ấn hành, thì tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” (Képzelt emlékek, Európa kiadó, 2018) của nhà Thơ Trương Đăng Dung (Giải thưởng HNV Hà Nội, 2011) đã được dịch ra tiếng Hung và được chính NXB châu Âu ấn hành. Tập thơ song ngữ này đã được đưa tới dự Festival sách quốc tế tại Budapest mùa xuân năm 2018, và được NXB tổ chức buổi giới thiệu trang trọng với sự có mặt của tác giả Trương Đăng Dung cùng các dịch giả (Giáp Văn Chung và Hay János), trước đông đảo các nhà văn, nhà phê bình, độc giả và bè bạn hai nước Việt Nam-Hungary.□

Budapest, 16-02-2020

Truyện Kiều của Nguyễn Du, không chỉ là kiệt tác vô tiền khoáng hậu của thi ca và văn học Việt Nam, mà còn là viên ngọc quý mãi mãi lấp lánh sáng của văn hóa Việt Nam. Nó không chỉ là di sản tinh thần hết sức quý báu mà đại thi hào Nguyễn Du đã để lại cho đời sau mà còn góp phần làm giàu đẹp tiếng Việt, tôn vinh những giá trị nhân bản của người phụ nữ Việt, con người Việt, bản sắc văn hóa Việt suốt hai trăm năm qua. Từ khi Truyện Kiều được dịch ra các ngôn ngữ khác, ban đầu là tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, Nhật, Nga… rồi nhiều thứ tiếng khác, nó đã trở thành một thứ “căn cước văn hóa”, lan tỏa những giá trị văn hóa Việt ra khắp năm châu, để thế giới biết tới Việt Nam không chỉ qua những cuộc chiến tranh tàn khốc và đẫm máu, mà còn biết tới chúng ta như một nền văn hóa độc đáo, rực rỡ và có bản sắc riêng.
 

Giáp Văn Chung

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 05.03.2020.

Tòa nhà trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) nằm trong một dãy phố hiền hòa, cách quảng trường Trocadero và tháp Eiffel nhộn nhịp không xa. Tôi bấm chuông, cửa tự động mở, và rồi kho tàng tư liệu Đông Dương đồ sộ hiện ra. Ở đó, có một ông cụ Việt Nam - áo dài đen, khăn đóng xưa, nét mặt cương nghị, đang chờ tôi, một trò nhỏ hậu sanh học sử.

Ông cụ ở Sài Gòn đến Paris từ ngày xửa ngày xưa. Khi ấy ông mới 26 tuổi, làm phiên dịch trong sứ bộ Phan Thanh Giản đi Pháp năm 1863. Từ Paris, ông đi tiếp Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý, những xứ sở đang vùn vụt công nghiệp hóa. Cuối thế kỷ XIX, rất hiếm người Việt Nam như ông có dịp “đi một ngày đàng học một sàng khôn” ở nhiều nước phương Tây tân tiến. 

Khi giã biệt cuộc đời ở tuổi 61 tại ngôi nhà nhỏ ở Chợ Quán, gia tài ông để lại là hơn 100 đầu sách đã xuất bản, cùng nhiều di cảo chưa công bố. Thật thán phục, kho tác phẩm của ông có đủ loại “châu báu”: từ điển, bài giảng, sách biên khảo, ký sự, sách sưu tầm và hiệu đính, thơ ca… Rất tiếc bể dâu và binh lửa trên đất Việt đã khiến gia tài của ông lưu lạc nhiều nơi trong nước và hải ngoại. Trong đó, trên đất Pháp, ở các thư viện nghiên cứu lâu đời và gia đình con cháu ông, may mắn lưu giữ được ít nhiều tác phẩm - mang tên tác giả Petrus Trương Vĩnh Ký. Người đời quen gọi ông bằng cái tên vắn tắt, thân mật là Petrus Ký hay Petrus. Năm trước, tôi gặp ông qua những trang vi phim Gia Định Báo tại Thư viện quốc gia Pháp. Năm nay, tại EFEO, những trang sử Việt của ông đã mở lối cho tôi tìm về một cách chép sử, lưu truyền quá khứ dân tộc một cách độc đáo.

Dạy sử từ sách tập đọc 

Bạn có nhớ quyển sách tập đọc đầu tiên trong đời mình? Cách đây 10 năm, tôi được một người bạn tặng quyển tập đọc “vỡ lòng” của thế hệ 6X ở Sài Gòn. Trên bìa sách có hình con cóc ôm cặp đi học, đôi mắt to thô lố, miệng cười toe toét, dưới chiếc lá sen che ngang như một chiếc nón yêu kiều. Ôi chao, đó chính là quyển sách đầu đời của tôi ở trường mẫu giáo! Và giờ đây, thật bất ngờ, tại EFEO, tôi lại được cầm trên tay quyển sách tập đọc vỡ lòng của thế hệ ông nội tôi. Quyển sách mang tên Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca, in năm 1884, do Petrus Ký biên soạn.

20200926 9

Nhà giáo Petrus Ký thời trẻ (áo dài khăn đóng) cùng đồng nghiệp, bè bạn nước ngoài (ảnh tư liệu)


Sách chỉ có 36 trang, khổ nhỏ hơn A4 nhưng mỗi trang đầy ắp từ vựng, thơ lục bát và cả văn xuôi. Phần nửa trên của mỗi trang, tác giả dạy người học làm quen ngữ nghĩa của 8 câu, trong đó mỗi câu là 4 từ đơn, dễ đọc dễ thuộc (giống sách học chữ Hán - Tam tự kinh). Mỗi chữ quốc ngữ, đều đi kèm chữ Hán và chữ Pháp đồng nghĩa. Chẳng hạn Đất đi kèm Địa (chữ Hán) và Terre (chữ Pháp). Như vậy, sách dạy cùng lúc quốc ngữ và ngoại ngữ, một cách làm rất mới mẻ thời ấy và xem ra vẫn có thể áp dụng cho sách giáo khoa đời nay! Song, điều lý thú hơn cả, phần nửa dưới mỗi trang là một đoạn thơ lục bát kèm một đoạn văn xuôi ngắn.

Đây là phần bài đọc có các từ đã dạy ở phần trên, tuy nhiên, thật ngạc nhiên tác giả đã lồng vào kiến thức lịch sử chứ không phải các câu viết thông thường. Trong 18 trang đầu tiên, đoạn thơ và văn xuôi nhắc đến các điển tích Tàu (Nghiêu Thuấn, Tam Quốc, Hán, Minh, Thanh) vốn quen thuộc với người dân thuở ấy qua hát bội và truyện Tàu. Sang 18 trang kế tiếp, lại hoàn toàn là chuyện sử ta, bắt đầu từ “Hồng Bàng thị” đến Đinh, Lê, Lý, Trần và các thời đại sau. Tất cả đều rất ngắn gọn mà vẫn gói ghém được những điều tiêu biểu cần ghi nhớ cho mỗi giai đoạn lịch sử của dân tộc. Ngoài ra, tác giả còn dùng thơ lục bát và đoản văn để nêu các giá trị cốt lõi của văn hóa, phong tục, lễ nghĩa, văn chương nước Việt. 

Hãy nghe lời thơ mộc mạc của Petrus Ký, rất giống phong cách truyện thơ Lục Vân Tiên: 

Thờ vua thì lấy chữ trung
Thờ cha thì lấy một lòng hiếu ti
Vợ chồng đạo vẹn xướng tùy
Anh em kính thuận nhà thì vui sao!

Chú ý, vua thời xưa là biểu tượng cho đất nước. Lạ thay, vào thời điểm nước Việt đã bị mất vào tay thực dân mà Petrus Ký - ngay trong sách dạy tập đọc, vẫn nhắc đến vua, nhắc đến những cuộc quật khởi chống ngoại xâm trong sử Việt. Phải chăng, đó chính là một loại phản kháng thầm lặng, kêu gọi người dân không quên nguồn gốc và sự nghiệp bất khuất của ông cha? 

Đưa sử quốc gia và địa phương vào sách giáo khoa 

EFEO và Thư viện quốc gia Pháp còn lưu giữ môt quyển sách “lạ lùng” khác của Petrus, mang cái tên xưa: Dư đồ thuyết lược, in năm 1887. Đây không phải là sách thuyết giáo tư tưởng mà là sách giáo khoa sử địa. Vào thời kỳ chưa có máy bay và hiếm hoi tàu biển, quyển sách này với 5 chương và 113 trang, đã trở thành tấm “thảm thần” đưa người học đi vòng quanh năm châu, bốn biển. Và sau đấy, trở về với toàn cảnh đất nước và lịch sử Việt Nam. Khi lật từng trang sách, tôi thấy hiện ra hình ảnh những học sinh tóc còn để chỏm (và cả những thầy giáo làng chưa bước chân ra phố) ngỡ ngàng tìm đến đường chân trời, các cực, kinh tuyến, vĩ tuyến, lục địa và đại dương. Và rồi, ra với các châu lục và quốc gia xa gần.

Sách học vần Alphabet Quốc ngữ, bản in 1895, tại Thư viện EFEO (ảnh chụp ngày 25.9.2019)


Đó hoàn toàn là những kiến thức mới lạ cho người Việt thế kỷ XIX. Không ngờ những thuật ngữ khoa học về địa lý, thiên văn, hải dương học trong tiếng Pháp hay tiếng Latin, lại được Petrus chuyển sang tiếng thuần Việt và Hán Việt, một cách nhuần nhuyễn và dễ nhớ. Hãy xem thời đó, Petrus đã gọi Bốn phương trời (4 Points Cardinaux) thay vì Tứ phương, gọi Trái đất (Globes) thay vì Địa cầu, gọi Biển cả (Océan) thay vì Đại dương. Ông ghi âm Hán việt từ Europe là Âu-La-ba (châu Âu), Amérique là A-Mĩ-Lợi-Gia (châu Mỹ), Océnia là Úc-Đại-Lợi-A (châu Úc).

Càng bất ngờ hơn, khi tác giả dành 3/5 các chương sách còn lại cho các kiến thức căn bản về sử địa Việt Nam. Trong đó, phần lịch sử được tác giả trình bày theo dạng hỏi - đáp rất hiệu quả và hiện đại. Qua đấy, tác giả giới thiệu vắn tắt lịch sử Việt Nam theo trình tự thời gian, bắt đầu từ Kinh Dương Vương và 18 đời Hùng Vương đến thời kỳ vua Minh Mạng. Tác giả còn liệt kê đầy đủ các quốc hiệu của nước Việt từ Xích Quỷ, Văn Lang đến Đại Việt, Đại Nam. Chỉ lướt qua tên nước không thôi, người học có thể cảm nhận lịch sử hào hùng của cha ông và ngậm ngùi, luyến tiếc, nghĩ đến ngày phải khôi phục nền độc lập!

Sách Sơ học vấn tân Quốc ngữ diễn ca, bản in 1884 tại Thư viện EFEO (chụp ngày 25.9.2019) 


Kế đến, tác giả có hẳn một chương giới thiệu lịch sử mở mang đất Nam kỳ. Điều này thể hiện một quan điểm rất cách tân rằng người học sử không chỉ biết lịch sử nhân loại, lịch sử quốc gia mà còn phải hiểu lịch sử địa phương. Than ôi, ngay cả nhà trường Việt Nam hiện tại cũng chưa chú trọng phần lịch sử quan trọng này. Trong khi ấy, Petrus Ký đã viết rất kỹ lưỡng về sự ra đời và biến đổi của các đơn vị hành chính từ trấn đến phủ và tỉnh của Nam kỳ - từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Kèm theo đó là hệ thống các chức vụ quan lại. Các thông tin này cho thấy người Việt Nam đã dày công xây đắp và quản trị hiệu quả miền đất mới như thế nào, trước khi Pháp xâm chiếm.

Khi qua phần “Tân trào” (chính quyền thực dân), Petrus lại tiếp tục ghi chép chi tiết bộ máy hành chính mới bao gồm các sở nha ở các tỉnh thành (trong đó, có Soái phủ Lại Bộ Thượng Thơ - cái tên giải thích vì sao tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng - quận 1, TP.HCM bao đời nay được người dân gọi là “Dinh Thượng Thơ”). Cả hai đều là phần tư liệu quý báu để người đời sau hiểu về sự ra đời của Sài Gòn và miền đất phương Nam.

Mặt khác, càng quý báu hơn nữa, Petrus đã ghi lại tỉ mỉ các tên sông núi, cửa biển, cù lao, thổ sản, thảo mộc, cầm thú... từ Đồng Nai đến Cà Mau. Trong chương cuối của sách, Petrus đưa người học đi tiếp từ Bình Thuận, Nha Trang ra đến Lạng Sơn, Cao Bằng. Đến đâu người học cũng được tác giả chỉ cho sự biến đổi tên gọi địa phương và kiến thức về địa thế, dân số, ruộng đất, tài nguyên của từng tỉnh thành. Xem đến đây, tôi tự hỏi, vì sao trong lúc đất nước bị thực dân Pháp chia ba, mỗi miền có một thể chế khác nhau nhưng Petrus Ký vẫn dạy học sinh về một nước Việt Nam liền lạc và thống nhất từ trong địa lý đến lịch sử? Phải chăng ngay trong sách giáo khoa, Petrus Ký đã thể hiện lòng yêu nước thầm lặng và tìm cách lan tỏa khôn khéo vào đông đảo người dân, nhất là thế hệ trẻ?

Một số tác phẩm sử học của Petrus Ký được in lại thời nay 


Từ 1865 - 1898, phần lớn cuộc đời Petrus Ký dành cho dạy học và biên khảo. Ông dạy ở trường Thông ngôn, sau đó là trường Sư phạm rồi trường Hậu bổ (trường dạy làm quan). Ông nghiên cứu và viết giáo trình, viết sách về nhiều lĩnh vực như văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, thi ca, nông nghiệp. Đặc biệt, các tác phẩm sử học của Petrus rất đa dạng, thể hiện qua nhiều hình thức như giáo trình ghi chép và diễn giải các sách sử xưa, sưu tầm các truyện tích xưa, bài ca dân gian, khảo sát cây trái, tài nguyên đất nước, bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Các giáo trình của Petrus về lịch sử Việt Nam, lịch sử Sài Gòn được biên soạn bằng tiếng Pháp nhưng qua lời tựa bằng tiếng Việt, người đời sau có thể hiểu đối tượng đọc sách chính là người Việt - các nhà giáo hay quan chức sau này.

Đối với học trò ABC và tiểu học cũng như người dân thường thì sách sử của Petrus đều viết bằng chữ quốc ngữ với nhiều dạng như sách tập đọc, sách tham khảo, lịch sử diễn ca, chuyện xưa tích cũ... Những người từng học chữ quốc ngữ và học sử địa Việt Nam qua các sách của Petrus Ký, ngay trong nhà trường thuộc địa, hẳn không thể quên quê hương và nòi giống. Chính họ là thế hệ vào thập niên đầu tiên của thế kỷ XX hưởng ứng phong trào Duy Tân và Đông Du - chấn hưng dân trí, xuất dương đi học làm cách mạng. Đó cũng là các thế hệ phấn khích với các cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân, Thái Nguyên, Yên Bái và các đảng phái yêu nước trong các thập niên sau.

* * *

Rời thư viện EFEO, tôi như vẫn thấy nụ cười hiền từ và đôi mắt trầm mặc của ông phảng phất trong ánh nắng chiều thu Paris dịu ngọt. Người đời sau từng tôn vinh Petrus Ký là nhà văn, nhà báo, nhà ngôn ngữ - tiên phong quảng bá và phát huy giá trị văn hóa Việt. Nhưng giờ đây, tôi hiểu Petrus Ký trong hoàn cảnh vong quốc, còn là người dạy và chép sử - tiên phong khơi dậy lòng yêu nước. Hơn hai mươi năm sau khi Petrus mất (1898), đã có những sử gia hiện đại như Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Hoa Bằng... nối tiếp con đường của ông. Chữ tài liền với chữ tai một vần - định mệnh hay là những suy nghĩ hẹp hòi, thiên kiến đã làm cho những người tài như Petrus vẫn còn lận đận với miệng lưỡi thế gian đến tận bây giờ? 

Tượng Petrus Ký tại nhà mồ của ông góc Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng (quận 5, TP.HCM). Nhà thờ và mộ Petrus Ký vẫn do gia đình giữ gìn. Khu vực này rất cần được coi là di sản kiến trúc và nhân vật văn hóa. Rất nên làm nhà lưu niệm và thư viện lưu giữ tài liệu của Petrus Ký tại đây. Ảnh: Phúc Tiến


Một số sách liên quan sử địa do Petrus Trương Vĩnh Ký viết hay biên dịch và hiệu đính đã xuất bản

1865: Ghi chép về dòng họ Nguyễn Phước
1866: Chuyện đời xưa
1875: Ghi chép về tàu thuyền An Nam, Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ, Giáo trình lịch sử An Nam, Giáo trình địa lý tổng quát Đông Dương, Đại Nam Cuốc sử ký diễn ca
1875: Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi
1882: Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, Gia Định thất thủ vịnh, Kim Gia Định phong cảnh vịnh
1883: Hịch con quạ, Phép lịch sự An Nam
1884: Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca
1885: Ký ức lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cận
1887: Ước lược truyện tích nước Nam, Dư đồ thuyết lược
1889: Đại Nam tam thập nhứt tĩnh địa đồ
Ngoài ra còn có Sử ký Đại Nam Việt Quốc triều in năm 1885, không ghi tên tác giả, có khả năng do ông biên soạn.

(Nguồn: thống kê của bà Phạm Lệ Hương, Việt Việt học, 2019)

Bài và ảnh: Phúc Tiến

Paris - Sài Gòn, 9 - 10.2019

Nguồn: Người đô thị, ngày 06.12.2019.

Năm 2018, chưa bao giờ báo chí Việt Nam lại quan tâm đến một giải thưởng của nước Mỹ như thế. Đó là giải Pulitzer. Nguyên nhân thật đơn giản: giải thưởng đó được trao cho một nhà văn gốc Việt là Nguyễn Thanh Việt (Viet Thanh Nguyen) cho dù hầu hết mọi người trong nước chưa biết nội dung cuốn sách như thế nào.

Dù rằng sau này, khi đọc được cuốn sách đó vẫn có người cảm thấy khó chịu hay phản đối nội dung mà cuốn sách đề cập thì việc những người Việt Nam trong nước quan tâm nhiều đến cuốn sách cũng nói lên một điều: đó là niềm tự hào về những người mang dòng máu Việt cho dù họ đang sinh sống ở đâu và với quốc tịch gì, một khi họ giành được thành công trong công việc của họ. Sau đó, một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã được Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành. 

Năm 2017, cuộc gặp mặt lần thứ nhất “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Đó là cuộc gặp gỡ giữa các nhà văn Việt Nam trong và ngoài nước được tổ chức ở Hà Nội. Dù thế nào đây cũng là một nỗ lực của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng chủ yếu là các nhà văn đi từ miền Bắc đến định cư ở các nước châu Âu mà quá ít những nhà văn ra đi từ miền Nam bởi cuộc chiến tranh.

Tôi là một trong những người tham gia cuộc gặp gỡ đó và mang theo một nỗi buồn. Thậm chí trước đó, có những lời lẽ đau lòng giữa một nhà văn trong nước và một nhà văn gốc Việt sống ở nước ngoài. Và tôi có cảm giác, con đường mà những người Việt trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà văn đến với nhau vẫn còn xa ngái.

20200217

“Chủ yếu là các nhà văn đi từ miền Bắc đến định cư ở các nước châu Âu, mà quá ít những nhà văn ra đi từ miền Nam bởi cuộc chiến tranh”. Ảnh TL

Gần một nửa thế kỷ sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, hầu hết những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài đã trở về thăm gia đình, quê hương nhưng không phải là cuộc trở về thực sự trong tinh thần hòa hợp lớn của một dân tộc bị chia cắt bởi chiến tranh. Cái hố sâu ngăn cách họ vẫn chưa có một cây cầu thực sự và chính thức được bắc qua.

Thực tế, những cuộc gặp gỡ của các nhà văn hai phía đã được thực hiện và nhiều chia sẻ với nhau về văn chương và số phận của dân tộc trong một thời đại mới. Nhưng đó vẫn chỉ là những cuộc gặp gỡ cá nhân chứ không được chính thức hóa.

Ai sẽ là người tiên phong để dựng lên cây cầu bắc qua cái hố sâu nhiều đau đớn ấy? Tôi nghĩ là các trí thức, đặc biệt là các nhà văn. Tôi nhớ năm 1992, tôi được Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc mời đến thăm và làm việc. Khi đến Sydney, có một người rất đặc biệt ra đón tôi. Đó là nhà văn Hoàng Ngọc - Tuấn, một nhạc sĩ, một tay ghi ta tài danh, một trong những nhà khảo cứu người Việt xuất sắc nhất mà tôi biết đang dạy tại đại học New South Wales.

Trước khi sang Úc, một số người gặp tôi và khuyên tôi không nên liên lạc hay tiếp xúc với Việt kiều ở đó vì “rất nguy hiểm”. Nhưng tôi không hề thấy chút gì đáng lo sợ trong chuyện đó. Ngược lại, tôi muốn gặp những người Việt Nam sinh sống ở Úc, đặc biệt là các nhà văn.

Tôi cứ tự hỏi vì sao tôi lại sợ hãi những người có thể gọi là đồng bào tôi? Nếu những người Việt Nam trong nước và ngoài nước cứ trốn tránh nhau, thậm chí thù hận nhau vì bất cứ lý do gì đó sau gần một nửa thế kỷ, thì đấy là điều bất hạnh cho cả dân tộc. Bởi các nhà văn là những người luôn hướng tới tự do, sự gắn kết và luôn tìm cách bước qua những rào cản bởi những bất đồng chính trị. Nếu các nhà văn trong lương tâm mình không thấu hiểu điều đó và sẵn sàng dấn bước thì thật khó mong đợi điều gì tốt đẹp hơn.

Vì thế, trong chuyến đi đó, tôi đã rời bỏ những khách sạn năm sao sang trọng để sống trong nhà của nhà văn Hoàng Ngọc - Tuấn. Tại sân bay, ông Neil Manton, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, là người đại diện nước chủ nhà cũng ra đón tôi. Khi biết tôi quyết định về ở nhà của Hoàng Ngọc - Tuấn, ông Neil Manton lo lắng hỏi tôi có thấy an toàn không vì lúc đó quan hệ giữa Việt kiều và người trong nước sang công tác vô cùng căng thẳng và có những việc đau lòng đã xảy ra. Tôi nói với ông cho dù họ mang quốc tịch Úc nhưng lại là người Việt cùng máu đỏ da vàng với tôi. 

Khi nhà văn Hoàng Ngọc - Tuấn đưa tôi về đến nhà anh thì tôi thấy có khoảng vài chục người đã chờ sẵn. Hoàng Ngọc - Tuấn nói: “Đây là nhà thơ Việt cộng Nguyễn Quang Thiều từ Hà Nội sang. Tối nay anh ấy sẽ đọc thơ cho chúng ta nghe. Sau đó, chúng ta sẽ quyết định hoặc bắn anh hoặc trải đệm cho anh’’.

Chỉ là một câu giới thiệu vui nhưng chứa đựng trong đó những vấn đề khác thật nhức nhối. Và đêm đó, tôi vừa nói chuyện vừa đọc hết bản thảo tập thơ Sự mất ngủ của lửa của tôi. Nghe xong, một người nói “Anh đã thay đổi suy nghĩ của tôi về các nhà thơ miền Bắc’’. Người đó là tiến sĩ hóa dầu Phạm Quang Tuấn, anh là người làng Chèm, Hà Nội, làm tiến sĩ hóa dầu ở Tân Tây Lan và về Úc định cư.

Năm 1976, anh Phạm Quang Tuấn đã được Chính phủ Việt Nam mời về nước và gặp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Lúc đó, Chính phủ muốn những trí thức giỏi người Việt trên thế giới giúp xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Nhưng mong muốn đó hầu như không thực hiện được. Anh Phạm Quang Tuấn trở về Úc với nỗi buồn day dứt mãi trong lòng. 

Một buổi tối, nhà văn Hoàng Ngọc - Tuấn và một số nhà văn khác dẫn tôi ra một khu phố ẩm thực với rất nhiều nhà hàng và nói: “Bao giờ ông ăn hết các nhà hàng ở phố này thì về nước’’. Như vậy nghĩa là họ đã không bắn tôi. Thơ ca hay văn học đã xóa đi một phần nào những cách biệt, những đau đớn và cả hận thù.

Sau này, trong những chuyến sang Úc, đến Sydney tôi thường ở nhà của nhà văn Hoàng Ngọc - Tuấn. Và anh lại tổ chức những buổi tối đọc thơ và chơi nhạc, mời những người Việt yêu thơ ca đến dự. Những lúc đó, không còn khoảng cách, không còn ngờ vực và hận thù giữa những người Việt ở hai chế độ chính trị khác nhau. Chúng tôi, những nhà văn, đã bắt đầu bước qua vực sâu ngăn cách.

Lúc đó, tôi nghĩ, những người Việt Nam trong và ngoài nước sẽ đi tới một con đường chung rất sớm.

Nhưng tôi đã sai.

Cho tới tận bây giờ, chúng tôi không gần nhau hơn mà còn có những khoảng cách bị đẩy ra xa hơn. Có một điều là khi tôi tham gia trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam thì nhà văn Hoàng Ngọc - Tuấn đã nhìn tôi với một sự thay đổi nào đó không chấp nhận được vì ông nghĩ tôi là người của chính quyền. Đây là một trong những điểm “chết’’ mà không ít những nhà văn ở nước ngoài đã lúng túng, và chính cái điểm “chết’’ ấy đã đẩy những nhà văn trong và ngoài nước xa nhau hơn khi họ đã có những cơ hội để cùng nhau đi tới và quan trọng hơn, họ đã có những suy nghĩ chung về một con đường cho sự hòa hợp những người con của một dân tộc để làm cho dân tộc ấy lớn mạnh.

Chúng ta không muốn sau này con cháu chúng ta phải đọc những trang sử của một sự thù hận kéo dài mà ông cha chúng, những người ở trong sự thù hận ấy nhưng không thể nào xóa bỏ được. 

Cho dù những năm gần đây, tác phẩm của các nhà văn Việt Nam sống ở nước ngoài ngày càng xuất hiện trong nước một cách chính thức. Điều đó thực sự là nỗ lực của các nhà văn sống ở nước ngoài và của những tờ báo, tạp chí và một số nhà xuất bản trong nước. Thế nhưng những nỗ lực ấy vẫn rời rạc và vẫn còn những điểm “mắc kẹt’’ mà chúng ta không mở ra được. Và sự “mắc kẹt’’ này làm chúng ta không thể khai thông được một con đường lớn. Chúng ta vẫn luẩn quẩn trong bốn bức tường của những vấn đề do quá khứ để lại.

Chúng ta đang đi trên con đường về phía lợi ích của một dân tộc nhưng chúng ta đi quá chậm. Người Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta nhưng họ đã trở thành một trong những người bạn mang tính chiến lược. Thế nhưng, giữa những người Việt Nam trong nước và ngoài nước vẫn chưa có được những bước đi đáng lẽ phải có trước cả những bước đi của chính quyền Mỹ và Việt Nam.

Một quốc gia thật rộng lớn nhưng chúng ta hãy thu nhỏ quốc gia ấy như một gia đình hay như một dòng họ, chúng ta sẽ thấy thật dày vò và xấu hổ khi hơn bốn mươi năm, anh em trong một nhà, một dòng họ cho dù có người đúng, người sai ở chỗ này hay chỗ khác mà vẫn không muốn bỏ qua quá khứ, không muốn về cùng dưới một mái nhà tinh thần thì cả hai phía đều có lỗi với chính gia đình, dòng họ của mình.

Chúng ta cũng gặp biết bao câu chuyện về những người bố, người mẹ đã nói với những đứa con của mình đang sống cắt chia bởi những chuyện buồn trong quá khứ của họ: “Anh em con về với nhau đi, nếu không bố mẹ chết không nhắm mắt được”.

Và tôi cũng nghĩ những người Việt Nam trong nước và những người bỏ đi bởi chiến tranh, về bản chất cũng giống như những câu chuyện về anh em trong một nhà từ bỏ nhau. Hai nước Đức đã phá bỏ bức tường thù hận và  trở thành một nước Đức hùng mạnh. Còn chúng ta không làm được như họ. Chúng ta vẫn còn ra “điều kiện’’ đối với nhau trong khi lẽ ra chúng ta phải tìm ra những “điều kiện’’ chung để hòa hợp.

Con đường của sự hòa hợp phải đến từ hai phía dưới bầu trời của những khát vọng và lợi ich cho dân tộc Việt. Dân tộc không bao giờ thuộc quyền sở hữu của một người này hay một người khác, của một phía nay hay của một phía khác. Nếu điểm gặp nhau là ở giữa con đường thì mỗi người ở một phía của con đường phải cùng cất bước thì mới có thể gặp nhau. Nếu một bên bắt bên kia phải bước đến với mình mà mình không cùng bước tới thì không bao giờ có được điều cả hai cùng mong muốn.

Cho dù phần đường đi của mỗi phía đều có những thách thức và khó khăn của riêng mình. Nhưng tất cả những người Việt trên thế giới phải cùng nhau làm cho dân tộc Việt Nam được vinh danh. Bởi mọi hình thức cuối cùng sẽ biến mất mà chỉ còn lại một cái tên duy nhất: Dân tộc. Những người Việt Nam thuộc về một giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc đã và đang lần lượt rời bỏ đời sống thế gian. Chúng ta không muốn những người Việt Nam của giai đoạn lịch sử đó ôm mối hận thù xuống suối vàng và mắc tội với tương lai.

Trước sau thì người Việt Nam trong và ngoài nước cũng sẽ đồng hành vì dòng máu chung, vì lòng tự trọng và kiêu hãnh của dân tộc Việt. Chúng ta không muốn sau này con cháu chúng ta phải đọc những trang sử của một sự thù hận kéo dài mà ông cha chúng, những người ở trong sự thù hận ấy nhưng không thể nào xóa bỏ được. Lịch sử không làm ra chúng ta mà chúng ta là người làm ra lịch sử.

Và cuối cùng, tôi vẫn muốn và vẫn tin rằng: chính các nhà văn của hai phía mới là những sứ giả đầu tiên, là những người dám hy sinh những mất mát, những đau đớn, những khác biệt của mình để thúc đẩy con tàu hòa hợp lên đường. Còn nếu không làm được như vậy, chúng ta đã thất bại trong chính tư tưởng và khát vọng của mình về dân tộc. 

Nguyễn Quang Thiều

Nguồn: Người đô thị, ngày 16.02.2020.

20200817 6

Trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, cuộc chiến tranh Việt Nam (theo cách gọi từ phía Mỹ, còn gọi theo phía Việt Nam là cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước) kéo dài trong hai thập niên giữa thế kỷ XX là một biến cố lớn. Đề tài này chắc chắn sẽ còn được các giới chính trị, quân sự, khoa học, văn hóa của hai nước tiếp tục đi sâu phân tích, tìm hiểu. Trong ngành Hoa Kỳ học, đây cũng sẽ phải là một trọng tâm nghiên cứu. Và trong phạm vi giảng dạy bộ môn Hoa Kỳ học ở nhà trường, việc tham chiếu, so sánh các cách nhìn của Việt Nam và Mỹ về cuộc chiến tranh này trên mọi bình diện cũng là điều cần thiết và cấp bách. Ở đây, tôi chỉ giới hạn trong lĩnh vực của mình là văn học, và giới hạn hơn nữa là từ cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh (NBCT) của nhà văn Việt Nam Bảo Ninh soi chiếu dưới sự tiếp nhận và giảng dạy ở Mỹ.

I. Nỗi buồn chiến tranh ở Việt Nam

Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương sinh năm 1952, đi lính 1969, chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên (B3) trong phiên chế của sư đoàn 10 bộ binh thuộc quân đội nhân dân Việt Nam (Bắc Việt). Sau 1975 Bảo Ninh giải ngũ, đi học trường viết văn Nguyễn Du, và trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Sáng tác của ông tập trung chính vào đề tài chiến tranh đặt dưới một cái nhìn nghệ thuật trần trụi và tỉnh táo. Trước cuốn tiểu thuyết nói đây, Bảo Ninh đã có tập truyện ngắn Trại bảy chú lùn, trong đó có những truyện viết về chiến tranh gây ấn tượng mạnh. Một truyện ngắn khác của ông, viết sau tiểu thuyết, có tên Gió dại cũng rất nổi tiếng trong mạch viết này.

NBCT xuất bản lần đầu tiên năm 1990 tại nhà xuất bản Hội Nhà văn với tên gọi Thân phận của tình yêu. Trước đó nó đã được trích đăng trên tạp chí Tác phẩm văn học của Hội. Ngay năm sau nó được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học hàng năm (cùng với Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Bến không chồng của Dương Hướng). Đây là một giải thưởng đến nay vẫn được coi là “sáng giá” nhất của văn học Việt Nam mấy chục năm qua, trong đó hiển nhiên NBCT là nổi bật nhất, và việc trao được giải thưởng cho nó trong thời điểm bấy giờ cũng là một thắng lợi của tư duy đổi mới trong văn học. Nhà văn Nguyên Ngọc, một trong những người lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam hồi đó, người có công lớn trong việc trao giải cho NBCT, đánh giá rất cao tác phẩm này. Ông viết: “Đây là cuốn tiểu thuyết về một cuộc chiến đấu của một con người tìm lẽ sống hôm nay. Bằng cách chiến đấu lại cuộc chiến đấu của đời mình. Cuốn sách này không mô tả chiến tranh. Nó “mô tả” một cuộc kiếm tìm nặng nhọc chính hôm nay. Hiện thực ở đây là hiện thực bên trong của một tâm hồn quằn quại và đầy trách nhiệm, quằn quại vì đầy trách nhiệm. Trách nhiệm lương tâm. Cuốn sách nặng nề này không bi quan. Vẫn thấm sâu ở đâu đó trong từng kẽ chữ của nó một âm hưởng hy vọng tiềm tàng, chính là vì thế. Anh đi tìm, nghĩa là anh còn hy vọng”[1]. Nhưng chỉ ít lâu sau giải thưởng, cuốn tiểu thuyết này đã bị phê phán vì bị cho là thể hiện u ám, sai lạc cuộc  kháng chiến chính nghĩa và vinh quang của dân tộc. Một sự phê phán nặng nề, gay gắt. Tiêu biểu có thể lấy ý kiến của ông Đỗ Văn Khang, tiến sĩ mỹ học và phó tiến sĩ ngữ văn. Ông Khang phẫn nộ vì Bảo Ninh đã gọi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là “cuộc chiến tranh Việt - Mỹ”, đã thể hiện người lính quân đội nhân dân như một lũ thất trận chứ không phải những người mang tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nhân vật Kiên bị ông Khang kết tội như sau: “Đó là một kẻ chiến bại, tìm cách chạy trốn vào quá khứ để khư khư ôm lấy tâm trạng đổ vỡ mà không dám nhìn thẳng vào những khó khăn để dồn sức làm được một cái gì đó cho ngày mai”[2]. Sự phê phán bị đẩy tới mức mà Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng cho nó nhưng rồi lại phải tự lên tiếng phủ nhận giải thưởng đó thông qua ý kiến của một số nhà văn ở trong ban giám khảo hồi ấy. (Mãi tới đại hội Hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII năm 2005 nhà văn Nguyễn Quang Sáng từ trên diễn đàn đại hội mới phát biểu xin lỗi nhà văn Bảo Ninh về chuyện này). Vì vậy nó chậm được tái bản, khác với hai cuốn tiểu thuyết cùng được giải nêu trên. Cho đến tận bây giờ tác phẩm này vẫn còn bị “kiêng kị” ở một bộ phận độc giả hay một tầng lớp nào đó. Nhưng Thân phận của tình yêu / Nỗi buồn chiến tranh đã nhanh chóng được dịch ra tiếng nước ngoài, trước hết là tiếng Anh. Bản dịch Anh ngữ The Sorrow of War của Phan Thanh Hảo và Frank Palmos ra năm 1994 có lẽ là dịch bản đầu tiên. Từ đó đến nay tác phẩm này đã được dịch ra hơn mười thứ tiếng, và là một trong rất ít tiểu thuyết Việt Nam được dịch nhiều nhất. Nó đã được đón đọc và đánh giá cao ở nhiều nước.

Cuốn tiểu thuyết có dáng dấp tự truyện, nhân vật chính là Kiên, là người lính sống sót duy nhất của một trung đội trinh sát sau mười năm chiến trận, hết chiến tranh ở đội thu gom hài cốt đồng đội, rồi trở lại nhà sống cuộc sống hậu chiến bất ổn bất an, khi tất cả đã đổ vỡ. Toàn bộ cuộc đời anh đã bị dìm trong chiến tranh: “Theo dần năm tháng những luồng sinh khí chết ấy đã đậm lại trong lòng anh, hòa vào tiềm thức, trở thành bóng tối của tâm hồn anh. Dằng dặc trôi qua trong hồi ức của Kiên vô vàn những hồn ma thân thiết, lẳng lặng âm thầm kéo lê mãi trong đời anh nỗi đau buồn chiến tranh” (tr. 27)[3]. Và Kiên viết văn trong những cơn dằn vặt hồi ức từ quá khứ đến hiện tại. Chiến tranh là chủ đề bao trùm cuốn tiểu thuyết, nhưng song hành cùng nó còn có chủ đề tình yêu và nghệ thuật. Đây là một tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Việt Nam trong vòng hai mươi năm qua không chỉ là viết về chiến tranh, nó còn là sự chứng thực bề sau và bề sâu những biến động của xã hội và con người Việt Nam đi qua chiến tranh và cách mạng.

Phẩm chất lớn nhất của NBCT là nó đã thể hiện chân thực người lính, thân phận lính trong cuộc chiến, bất kể là ở chiến tuyến nào, mặc dù cố nhiên người lính cụ thể ở đây là lính Bắc Việt (hay còn gọi là lính Việt Cộng, để phân biệt với lính Mỹ, lính Cộng Hòa). Cuộc chiến được mô tả trong tác phẩm này không mang kèm một định ngữ nào, nó là chiến tranh với tất cả thảm trạng nghiệt ngã của nó, ở đó những người lính là những con người bị vất vào cuộc chiến, buộc phải bắn giết nhau. “Và tôi cũng như anh, cũng như mọi người lính thường khác của cuộc chiến tranh Việt - Mỹ, đã cùng chung một số phận, chia nhau đủ mọi cảnh ngộ thăng trầm, thắng bại, hạnh phúc đau khổ, mất và còn. Nhưng mỗi người trong chúng tôi bị chiến tranh chà nát theo một kiểu riêng, mỗi người ngay từ ngày đó đã mang trong lòng một cuộc chiến tranh của riêng mình nhiều khi hoàn toàn khác với cuộc chiến đấu chung, những nhìn nhận mà sâu trong lòng cực kỳ khác nhau về con người, về thời đại chiến trận, và đương nhiên mỗi người một số phận hậu chiến. Có thể nói chúng tôi giống nhau ở chỗ là hoàn toàn khác nhau trong cái vẻ hoàn toàn giống nhau trong quá trình nặng nề đeo đuổi cuộc chiến”[4] (tr. 294).

Ở Việt Nam người ta nói: sau NBCT không thể viết về chiến tranh như trước đó đã từng viết được nữa.

II. Nỗi buồn chiến tranh ở Mỹ

Chính nhờ giá trị nhân bản này, cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh khi đến Mỹ đã nhận được sự đồng cảm và tiếp nhận tích cực. “Hội chứng Việt Nam” ở Mỹ sau cuộc chiến đang cần được giải phẫu và chữa trị. Như báo Anh The Guardian đã viết: “Một cuốn tiểu thuyết không thể đặt xuống. Bất kỳ nhà chính trị hoặc nhà hoạch định chính sách nào của Mỹ cũng cần nên đọc cuốn sách này. Nó lẽ ra phải được giải Pulitzer, nhưng đã không được. Nó quá hấp dẫn để xứng được thế”[5]. Những cựu binh Mỹ nói riêng và người dân Mỹ nói chung muốn được biết những con người ở phía bên kia, phía kẻ thù của mình, là như thế nào, để từ đó đi tìm câu trả lời giải thích và cắt nghĩa cho số phận và hậu quả cuộc chiến mà nước Mỹ đã bị lâm vào và phải bị rút ra. Vượt lên và vượt thoát khỏi sự tuyên truyền từ cả hai phía, tác phẩm NBCT trả lại bộ mặt người cho người lính tham chiến ở phía bên kia mà một thời chỉ được gọi là “gooks”, “Charlie”, hay “VC”. Một nhà phê bình Mỹ viết trên tờ Philadelphia Inquirerrằng cuốn tiểu thuyết ‘đã làm cho những người lính Bắc Việt thành ra con người” vì nó “rốt cục đã đặt một bộ mặt người khả dĩ chấp nhận được lên một nhóm người lâu nay không có mặt”[6] . Cách viết mang thái độ tàn nhẫn và khinh miệt, nhưng là đối với người Mỹ, để nói với người Mỹ. Nhà báo Kenneth Champeon khi điểm sách cuốn này đã diễn dịch ý kiến của nhà phê bình trên ra là: “Chúng ta chưa bao giờ thực sự coi những người đó là con người cho đến khi Bảo Ninh, một người Việt Nam và có lẽ là một con người, nói với chúng ta như vậy”[7]. Một nhà phê bình khác táo bạo hơn cho rằng NBCT “vượt lên trên tất cả các tác phẩm văn xuôi của Mỹ đã viết về cuộc chiến Việt Nam”[8] . Một cựu binh Mỹ viết sau khi mua NBCT năm 1999: “Tôi đã đọc sách này một cách do dự, nhưng sau trang đầu thì tôi đã bị móc vào nó. Là một lính thủy đánh bộ, tôi đã chiến đấu chống lại kẻ thù này vào năm 68 và 69 và đã có mặt ở Sài Gòn khi anh ta vào đấy năm 75. Tôi tự thấy mình có sự hối tiếc đối với những người lính Bắc Việt và chút gì đó xấu hổ vì đã gây ra những nỗi buồn mà anh ta đã viết ra. Cuốn sách này cần cho tất cả các cựu binh Việt Nam. Bạn sẽ thấy kẻ thù cũng y như chúng ta về mọi mặt”[9]. Gần đây nhất, ngày 3/10/2008, Dennis Mansker, thành viên của hội cựu binh vì hòa bình và hội cựu binh Việt Nam chống chiến tranh, tác giả sách A Bad Attitude: A Novel from the Vietnam War, đã bất ngờ khi được đọc NBCT. Ông chỉ mới mua một bản sao của sách này gần đây tại Sài Gòn, mua từ một phụ nữ bán hàng rong trên phố. Lúc đầu ông nghĩ là mua vậy thôi để giúp cho người bán có chút tiền. Nhưng khi trên máy bay về nước ông giở sách đọc thì không thể dứt ra được khỏi nó vì choáng váng và xúc động. Ông viết: “Đây là một bức tranh trung thực và tàn nhẫn đến kinh ngạc về bi kịch của một người lính Bắc Việt bị tê liệt hết nhân tính của mình sau mười năm tham chiến. Đã đến lúc thế giới phải thức tỉnh trước nỗi đau mang tính phổ quát của những người lính ở mọi bên xung đột, và cuốn sách này là nên đọc đối với những ai chọn nghề “binh nghiệp”. Tôi đặc biệt giới thiệu nó cho các bạn bè cựu binh của mình; Bảo Ninh thực sự là “bạn chiến đấu” của chúng tôi, bất kể việc anh ta đứng ở phía bên kia. Hết sức giới thiệu”[10].

Khi đọc cuốn sách của Bảo Ninh, độc giả Mỹ thường so sánh với tác phẩm của các nhà văn cựu binh Mỹ, và rộng ra là đặt nó trong tương quan với các tiểu thuyết viết về chiến tranh nổi tiếng trên thế giới. Tác phẩm này kết hợp được ba yếu tố: một câu truyện cổ điển về chiến tranh (theo kiểu All Quiet on the Western Front), một câu truyện tình cổ điển (theo kiểu Love Story) và suy nghĩ của cá nhân về bản chất “cuộc sống”. Cho nên nhiều độc giả Mỹ khi đọc NBCT thường nhắc đến cuốn tiểu thuyết của Erich Remarque để khen ngợi và lấy làmđiểm quy chiếu cho cả Bảo Ninh và các nhà văn cựu binh Mỹ. NBCT được liên hệ, đối chiếu với A Rumor of War của Philip Caputo, Paco’s Story của Larry Heinemann, If I Die in a Combat Zonevà The Things They Carried của Tim O’Brien. Tác phẩm của Bảo Ninh đối với người Mỹ là lời chứng từ bên thắng. Nhưng Bảo Ninh cũng như Caputo sớm ra trận và sớm vỡ mộng về chiến tranh, chỉ khác là Caputo ở chiến trường có một năm còn Bảo Ninh thì trải mười năm. Và nhân vật Kiên cũng giống như nhân vật Paco bị cuốn đi trong dòng hồi tưởng về những đồng ngũ đã mất và kinh nghiệm bao lần cận kề cái chết ở chiến trường. Kiên thậm chí còn bị chấn thương thể xác và tinh thần mạnh hơn Paco, khi anh cảm nhận thấy sự thờ ơ và vô ơn của mọi người xung quanh đối với xương máu hy sinh của anh và đồng đội trong chiến tranh. Tập truyện ngắn The Things They Carried  của Tim O’Brien có nhiều nét gần gũi với NBCT của Bảo Ninh. Cả hai đều là cựu binh của hai phía. Cả hai đều đưa kinh nghiệm chiến trận của mình vào văn học và đều chọn cách không vinh danh chiến tranh và sự nghiệp chiến tranh. Cả hai không tìm cách lăng nhục kẻ thù trong tác phẩm, mà cố gắng đưa lại cho người đọc những người lính sống thực, có nhân tính, ở cả hai phía. Vì từ hai phía họ hiểu rằng dù anh đứng ở bên nào, theo ai hay chống ai, rốt cuộc những con người thực là chết. Cái chết không chừa một ai. Cả Tim O’Brien và Bảo Ninh đều có viết về trường hợp đụng độ và đồng cảm giữa hai người lính ở hai bên chiến tuyến (không biết có cùng chịu ảnh hưởng của E. Remarque trong tiểu thuyết Phía Tây không có gì lạ không). Ở NBCT đó là câu chuyện của Phán về người “lính ngụy” bị anh đâm nhưng khi nghe anh ta kêu cứu thì anh đã chạy đi tìm bông băng nhưng khi quay lại thì không thấy cái hố hai người nằm chung lúc nãy đâu nữa, cả trận địa đã bị ngập tràn trong nước mưa. Còn người kể chuyện trong The Things They Carried đã giết chết một anh lính và cứ tự hỏi người đó có làm thơ không, anh ta người đó là người thế nào. Trong khi các đồng ngũ vui mừng trước cuộc giết ấy thì anh ta vẫn day dứt với ý nghĩ là mình đã cướp đi mạng sống của một con người. Như vậy, ở hai tác phẩm, hai tác giả đều cho thấy người lính phía bên kia cũng là nạn nhân của chiến tranh. Tim O’Brien có một nhận định rất đúng cho ông, cho Bảo Ninh, và cho những cái viết về chiến tranh của các cựu binh từ cả hai phía: “Các truyện về chiến tranh thực chất không phải bao giờ cũng viết về chiến tranh. Chúng không viết về bom đạn và mưu mô quân sự. Chúng không  viết về chiến thuật, chúng không viết về các hố cá nhân và lều trại. Truyện chiến tranh, giống như bất kỳ truyện hay nào, rốt cuộc là viết về trái tim con người”[11].

Cảm nhận về một nền văn hóa khác tồn tại ở Việt Nam được thể hiện trong NBCT cũng đã được độc giả Mỹ chú ý. Susan L., một nữ quân nhân, đọc cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh rất chú ý đến vai trò phụ nữ trong chiến tranh, và thấy ra sự khác biệt văn hóa của hai đất nước qua việc thể hiện hình ảnh người phụ nữ ở vai trò đó. Bà viết: “Văn hóa phương Tây không thường mô tả phụ nữ là người bảo vệ quê hương mình và là chiến binh cho đất nước mình. Với tư cách một phụ nữ và là một phụ nữ làm lính tôi cảm thấy thân thuộc với những phụ nữ trong truyện này. Chưa ai từng bảo họ là họ không thể chiến đấu và chết cho tổ quốc mình. Tôi khâm phục họ. Tôi đã thấy cách họ được mô tả và tôi hiểu rằng trong nền văn hóa Mỹ của mình tôi có lẽ sẽ không bao giờ thấy được một chủ nghĩa anh hùng như thế. Phần lớn các nữ nhân vật trong tiểu thuyết này hoặc bị giết hoặc bị hãm hiếp, thế nhưng họ vẫn được phép coi là những anh hùng. Tôi thấy đây là sự khác nhau lớn giữa NBCT và các bộ phim, cuốn sách của Mỹ. Đọc sách này đã thêm một chiều kích mới cho cuộc chiến tranh Việt Nam đối với tôi. Tôi mừng là đã có cơ hội thấy được nhiều phía của vấn đề”[12]. Một bạn đọc khác lại quan tâm đến NBCT ở khía cạnh các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam như tình cảm cha con, việc chôn cất và tưởng nhớ người chết. Thái độ của Kiên đối với người cha họa sĩ, khi còn nhỏ anh không hiểu cha mình, không đồng cảm được với cảnh ngộ của ông, mãi sau này đi lính về anh mới hiểu ra và thương xót. Điều này cung cấp cho độc giả Mỹ thấy mối quan hệ cha con, rộng ra là quan hệ giữa các thế hệ, trong gia đình Việt Nam. Việc những người lính tử trận không được chôn cất tử tế, cẩn thận do hoàn cảnh chiến trường, nên biến thành những hồn ma lang thang, không nơi cư ngụ và thường ám ảnh Kiên, cũng thể hiện một nét văn hóa tâm linh Việt Nam đối với độc giả Mỹ. Đặt trong khung cảnh cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh, những khía cạnh này được độc giả Mỹ cảm nhận là cuộc chiến tranh kéo dài ba mươi năm đã hủy hoại hệ thống giá trị của văn hóa Việt Nam. Đất nước, làng mạc, gia đình bị tan hoang trong chiến tranh. Sau chiến tranh văn hóa, lối sống của người Việt Nam phải xây dựng lại. Và nhân vật Kiên cho thấy hoàn cảnh khó khăn của người dân Việt Nam trước, trong và sau chiến tranh là thế nào.

Cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh không phải dễ đọc, ngay cả đối với độc giả Mỹ. Lối viết theo “dòng ý thức” của nhân vật Kiên, đảo lộn trình tự thời gian, chắp nối, đứt đoạn sự kiện, lồng “truyện trong truyện”, đã khiến nhiều người khó theo dõi nội dung tác phẩm. Hầu hết các bài viết điểm sách, phê bình NBCT ở Mỹ đều nói tới điều này. Một số người còn nói thẳng là họ đã tính bỏ sách xuống sau vài trang đầu, nhưng rồi cố rán đọc và càng đọc thì mới càng thấy lôi cuốn, thấy hay. Thậm chí có độc giả mang tên (hay nickname) Shogun Len ở New York còn kể rằng đọc các bài điểm sách khen NBCT nên mua sách về và đọc hai lần, cả hai lần đều không thấy vào, đành bỏ. Người này nêu lý do là có thể do bản dịch, nhưng cũng có thể là do cách viết “dòng ý thức” nên thấy truyện cứ rời rạc, ngắt quãng. Theo Susan L. cuốn sách có một số điểm phi thực. Thứ nhất là vận may của Kiên khi anh sống sót được qua bao lần ốm đau, thương tích trong chiến tranh. Thứ hai là sự tương phản giữa bản tính tốt đẹp và hành động phá phách của con người. Thứ ba, phi thực nhiều hơn cả, là truyện các hồn ma. “Tôi hiểu và tôn trọng thực tế là các nền văn hóa khác nhau nhìn thế giới vô hình theo những cách khác nhau. Phương diện này của truyện khiến nó hai lần phi thực đối với tôi. Hồn ma không phải là một phần thường ngày trong thế giới của tôi và văn hóa của tôi nên tôi khó mà chia sẻ với phương diện này trong nhân tính của Kiên. Tôi tôn trọng cách nhìn của anh về các hồn ma nhưng tôi không liên kết được với sự hiện diện của chúng. Chúng không thực với tôi nên làm cho câu truyện có phần phi thực”, độc giả này viết[13].

Tóm lại, NBCT đến Mỹ là đã mang người lính ở hai bên chiến tuyến đến gần nhau, giúp hai bên hiểu nhau, nhìn nhau thấy cùng là con người, cùng chung thân phận người lính, khắc phục tâm lý một thời đối lập “họ” và “chúng ta”. Câu truyện của Kiên cũng là truyện của nhiều lính Mỹ, nhưng là được kể từ một người lính Bắc Việt, và khi mở sách ra người lính Mỹ và người dân Mỹ bắt gặp kẻ thù một thời và thấy – anh ta là chúng ta. NBCT khám phá cho nước Mỹ thấy một Việt Nam rất riêng về dân tộc và văn hóa và cũng rất chung về con người với những đức tính và phẩm chất phổ quát. Chính Bảo Ninh trong một lá thư gửi cho Marc Levy, một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam và đã gặp gỡ trò chuyện với nhà văn khi anh sang Mỹ, cũng nhấn mạnh điều này. Anh yêu cầu Marc Levy khi tường thuật lại cuộc trò chuyện giữa hai người phải nhấn mạnh được tính người, chất người của người lính Bắc Việt[14].

Đánh giá cao nhất NBCT ở Mỹ có lẽ là ý kiến của Leif A. Torkelsen (Columbus, OH United States) khi ông cho đây là cuốn tiểu thuyết chiến tranh hay nhất thế kỷ XX. Torkelsen viết: “Liệt kê đầy đủ các phẩm chất của sách này ở đây là không thể. Liên quan đến văn học Việt Nam, đây là một tác phẩm ngoại hạng so với tất cả các tác phẩm khác cùng lĩnh vực. Liên quan đến văn học chiến tranh thì chỉ có Phía Tây không có gì lạ là may ra có thể so sánh được. Bảo Ninh đã viết nên bản tụng ca đẹp đẽ đầy ám ảnh về sự trong trắng bị mất đi trong dòng xoáy chiến tranh. Tuổi trẻ, tình yêu và nghệ thuật đều được mô tả kỹ lưỡng dưới ánh sáng gắt của ẩn dụ tối hậu đối với cuộc sống là chiến tranh. Hỗ trợ cho cách trình bày chủ đề không gì so sánh nổi của cuốn sách là thứ văn xuôi tuyệt vời của tác giả. Cuốn sách được viết bằng một văn phong nên thơ nhưng súc tích, nó là một mô hình tiết kiệm. Mỗi dòng của cuốn tiểu thuyết tương đối ngắn này chất chứa vẻ đẹp thẩm mỹ và chiều sâu tinh thần. Cuốn sách tràn đầy những suy tư thấu suốt về Việt Nam cũng như về tâm hồn con người. Đây là một trải nghiệm đọc không thể bỏ qua”[15]. Còn có một độc giả Mỹ khác đã nảy ra một ý tưởng độc đáo: chấm điểm NBCT là cuốn sách 4 sao trong bảng xếp hạng 5 sao (but overall I rate the Sorrows Of War a 4 star out of 5 star book!).

III. Nỗi buồn chiến tranh ở nhà trường Mỹ

Dễ hiểu là với nội dung tác phẩm và sự tiếp nhận như trên nên trong các chương trình giảng dạy ở Mỹ về chiến tranh nói chung, chiến tranh Việt Nam nói riêng, tác phẩm của Bảo Ninh thường được đưa vào danh sách bắt buộc phải đọc và phân tích. Chẳng hạn chương trình “Dạy văn học về chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam” (Teaching the Literature of the American War in Vietnam) do tiến sĩ Paul-William Burch phụ trách. Mục đích của chương trình là “làm quen với quá trình đọc kỹ và đọc liên văn bản, với các kiểu tư duy phân tích khác nhau và với thực tế diễn dịch cái đọc và cái nghĩ thành cái viết. Chúng ta sẽ đọc về chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như đã được trải nghiệm và viết lại dưới hình thức văn học của những người tham chiến, tham dự, hoặc của những người cảm nhận hệ quả tức thì của nó lên cuộc đời họ - các cựu chiến binh, các y tá, các phóng viên. Thông qua việc đọc các thể loại khác nhau như hồi ức, tiểu luận, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ và thông qua sự phản hồi đối với những cái viết đó, chúng ta sẽ tìm hiểu kinh nghiệm đó phong phú đến thế nào và các thể loại ghi lại kinh nghiệm đó khác nhau ra sao”[16]. Tài liệu cho chương trình học này (Texts for this Course) gồm có: Philip Caputo, Rumor of War; Lynda Van Devanter, Home Before Morning; Michael Herr, Dispatches; Susan Kramer O’Neill, Don’t Mean Nothin’; Bruce Weigl, Song of Napalm; Bao Ninh, The Sorrow of War; Tim O’Brien, If I Die in a Combat Zone,  The Things They Carried; Tobias Wolff, In Pharaoh’s Army. Hay như ở chương trình “Chiến tranh Việt Nam trong văn học và văn hóa Mỹ” (The Vietnam War in American Literature and Culture) với mục đích khảo sát một số văn bản, cả hư cấu và phi hư cấu, cho thấy sự tác động liên tục của chiến tranh đến các cá nhân và nền văn hóa Mỹ, NBCT đã được đưa vào danh sách các tác phẩm yêu cầu phải đọc, cùng với William Calley, Lt. Calley, His Own Story; James Carroll, An American Requiem; Alex Garland, The Beach; Graham Greene, The Quiet American; Larry Heineman, Close Quarters; Tim O’Brien, The Things They Carried; Stewart O’Nan, The Names of the Dead; Tobias Wolff, In Pharaoh’s Army.

Trong chương trình lịch sử “The United States and Vietnam” do giáo sư Ellen Schrecker phụ trách tại trường Stern College for Women thuộc Yeshiva University (một đại học tư Do Thái ở New York City), NBCT cũng là tài liệu bắt buộc sinh viên theo học phải đọc, bởi trọng tâm chính của nó là nghiên cứu cuộc chiến tranh Việt - Mỹ trong hai thập niên 1960 và 1970.

Ở một chương trình khác tại đại học Richmon (ACS Vietnam Experience course), sinh viên được yêu cầu cụ thể đọc và viết về NBCT. Bản chương trình  viết: “Cuốn tiểu thuyết này đã được giới phê bình Mỹ và báo chí quốc tế đánh giá cao. Nhiệm vụ của bạn trong bài luận là trình bày cảm nhận đối với câu truyện và tác giả trong bối cảnh chương trình học của chúng ta. Bài viết không dài quá ba trang đánh máy. Cần chú ý các câu hỏi sau khi đọc cuốn tiểu thuyết và trả lời chúng khi viết bài luận. Bảo Ninh có đưa ra được bức tranh hiện thực về tác động của chiến tranh đến cá nhân người lính không? Cuốn tiểu thuyết có tác động thế nào đến bạn với tư cách là một sinh viên đang học về cuộc chiến tranh Việt Nam? Đánh giá mức độ thể hiện kinh nghiệm chiến tranh riêng của tác giả trong tác phẩm này. Cơ sở lịch sử cho cuốn tiểu thuyết có dễ nhận thấy không? Cho thí dụ. Thêm nữa, bài luận cũng phải nêu lên nhận xét của bạn đối với tác giả, đối với câu truyện của ông ta, đối với các nhân vật và các chủ đề chính trong tiểu thuyết. Bạn sẽ phải đánh giá Bảo Ninh trong tư cách nhà văn, liên hệ tác phẩm của ông ta với các tác phẩm đã đọc khác cũng như với những chủ đề liên quan đã học, và thử lý giải vì sao cuốn sách này lại gây tranh cãi đến vậy khi lần đầu tiên xuất hiện ở nước CHXHCN Việt Nam. Do khuôn khổ bài luận không dài nên bạn không cần dùng đến những nhận xét của người khác về tác phẩm này. Đây là bài luận riêng của bạn và không phản ánh nhận xét của các độc giả khác”[17].

Để giúp cho sinh viên đi sâu tìm hiểu NBCT, trong một chương trình học khác, một đề cương chi tiết đã được soạn thảo với những nhận xét và gợi ý sơ bộ của giảng viên. Chẳng hạn, sinh viên được lưu ý đến những điểm sau khi tiếp cận tác phẩm của Bảo Ninh.

1. Cuốn tiểu thuyết tổ chức theo lối phi tuyến tính. Các sự kiện không tuân theo trình tự thời gian. Thay vào đó, những ý nghĩ và hồi ức của nhà văn sẽ tạo nên chuỗi hình ảnh và cốt truyện. Khi đọc, phải chú ý là có nhiều sự kiện có vẻ thần bí hay khó hiểu mà chỉ đến cuối sách mới rõ ra. Luôn phải nghĩ đến điều này: cách tổ chức cuốn tiểu thuyết như thế sẽ giúp ích gì cho việc thể hiện tâm lý của nhân vật chính?

2. Cuốn tiểu thuyết có một bối cảnh lịch sử phong phú. Chúng ta đã học một số cách thức làm điều này trong văn học Mỹ, bây giờ hãy áp dụng các kỹ thuật đó cho tác phẩm này. Bảo Ninh đã giúp bạn phần nào bằng cách ghi rõ ngày tháng (“Sài Gòn, 30 tháng Tư, ngày chiến thắng. Trời đổ mưa”), tên các trận đánh (Đồi thịt băm), tên các cuộc chiến (chống Campuchia). Hãy đọc cẩn thận để biết được đời sống Việt Nam trong chiến tranh.

3. Cuốn tiểu thuyết có thể được  xem như sự phê phán các phương diện của cuộc chiến Việt Nam và hậu quả của nó. Bảo Ninh đã đưa những chính sách, sự kiện, chiến lược và mất mát nào ra trước mắt chúng ta?

Tiếp đó giáo viên đưa ra một số đề tài cho sinh viên lựa chọn viết bài luận về NBCT.

Người Mỹ.Cuốn tiểu thuyết thể hiện người Mỹ như thế nào? Quân đội Mỹ hiện ra dưới nhiều hình thức: không lực, GI, lực lượng hành động từ xa. Những cách biểu hiện này bổ sung gì cho những cái bạn đã đọc từ phía Mỹ?

Nhân vật. Cuốn tiểu thuyết dường như tập trung vào nhân vật hơn là cốt truyện. Kiên, Phương và những người khác được trình bày và triển khai thông qua các câu truyện và các phần của sự kiện. Xem các nhân vật này như những điển hình hay ví dụ của kinh nghiệm chiến tranh ở Việt Nam. Họ biểu lộ điều gì?

Lạc địa. “Dystopia” nghĩa đen là “chỗ xấu”. Nhiều cuốn tiểu thuyết chiến tranh thể hiện chiến trường là hệ thống ác mộng, là nơi kinh hoàng và phù phiếm. Trong cuốn tiểu thuyết này sự thể hiện chiến trường có gì khác? Hầu hết các tiểu thuyết chiến tranh đều đối lập “lạc địa” (dystopia) với “không tưởng” (utopia), điều này cần chú ý.

Gia đình. Các tiểu thuyết Việt Nam thế kỷ XX thường dùng khung cảnh một gia đình riêng lẻ đang trong cơn nguy khốn để ẩn dụ cho cả dân tộc. Hãy chú ý cẩn thận tới hoàn cảnh của bố mẹ Kiên, quan hệ của anh với Phương, những điều các thành viên trong gia đình chờ đợi ở tương lai, và số phận sau cùng của họ. Hãy ghi nhớ vấn đề trách nhiệm của con cái, vai trò của những người lớn khác, sự chờ đợi ở hai giới. Hãy ghi nhớ ý nghĩa của tổ tiên và việc quan tâm đến họ trong xã hội Việt Nam khi bạn đọc hai trang đầu tiểu thuyết nói về việc chôn cất không tử tế.

Giới. Hai giới được khắc họa trong tiểu thuyết như thế nào? Vai trò của họ thay đổi ra sao trong suốt tiến trình cuộc chiến? Nỗi đau của phụ nữ quan trọng thế nào đối với cốt truyện của tiểu thuyết? Khi nào chúng ta đã thấy phụ nữ Việt Nam là những chiến binh?

Hình ảnh. Cuốn tiểu thuyết dựa vào một hệ thống hình ảnh thu hút sự chú ý của bạn đến một số vấn đề, sau đó là neo lại suy nghĩ của bạn qua suốt chiều dài tác phẩm. Hãy bắt đầu với một vấn đề: nước. Trong nhiều nền văn hóa nước thể hiện sự kết hợp của thay đổi và phì nhiêu. Chú ý là cuốn tiểu thuyết mở đầu ở bên sông. Cái gì làm cho tác phẩm gắn với nước? Phải để mắt tới điều này!

Đất đai. Hãy nhớ lại đất đai có vai trò trung tâm thế nào đối với xã hội Việt Nam, từ việc sống đời bằng nông nghiệp đến kinh nghiệm dùng núi rừng làm căn cứ địa. Điều gì đã xảy đến với đất đai Việt Nam trong cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh? Có nhiều câu trả lời.

Tôn giáo. Cuốn tiểu thuyết đề cập nhẹ nhàng đến các vấn đề tôn giáo. Cảnh tượng bàn thờ lặp đi lặp lại gợi cho bạn là độc giả nghĩ tới điều gì khi chúng hiện ra? Tên gọi cuốn tiểu thuyết lặp lại ít nhất bảy lần (ở các trang 25, 87, 94, 126, 173, 192, 232 bản tiếng Anh) có gợi nên một sự phê phán mang tính chất Phật giáo đối với bạn không?

Phong cách. Mặc dù cuốn tiểu thuyết ở đây là bản dịch, nhưng từ ngữ tiếng Anh vẫn giữ được những chiến lược phong cách nhất định. Các nhân vật sử dụng những từ ngữ khác nhau để diễn tả thái độ của họ đối với cái chết. So sánh những nhận xét nhẹ nhàng hay thoáng qua với giọng điệu bi thương nặng nề của người kể chuyện. Dù Bảo Ninh đã cẩn thận thêm vào khá đủ các chi tiết để làm nền cho độc giả trong những cảnh ông vẽ ra, nhưng phong cách của ông vẫn thường mang tính cú pháp. Nghĩa là người đọc phải bổ khuyết những gì xảy ra mà không được nói ra, ở giữa các dòng chữ. Chẳng hạn, trong cảnh cuộc tấn công tay không của Kiên ở trang 17, văn bản không cho ta biết phản ứng của Kiên ra sao đối với thắng lợi của anh ta; dựa vào những điều ta biết về nhân vật, ta phải hình dung ra phản ứng của anh ta. Hay như trong cảnh câu truyện đau đớn và tình yêu ở các trang 53-55 ta không bao giờ đọc thấy cảm xúc của Kiên: anh ta đáp lại câu truyện rồi bày tỏ tình yêu ra sao? Chúng ta phải suy ra. Ta càng thường suy luận, các chi tiết càng hiện ra nhiều, thì cuốn tiểu thuyết càng trở nên phong phú.

Không tưởng. “Utopia” nghĩa đen là một nơi ngọt ngào, và một nơi không có. Đáng ngạc nhiên là nó thường vang lên trong văn học gắn với những cảnh lạc địa, nhiều cuốn tiểu thuyết chiến tranh thể hiện chốn không tưởng là những không gian của an lành, tốt đẹp, sung túc. Bảo Ninh đã cho thấy một số chốn không tưởng như vậy, thí dụ ở đầu trang 196 ông thể hiện sự khủng khiếp của chiến tranh đối nghịch với những gì đã mất. Cuốn tiểu thuyết cũng cho ta thấy những giấc mơ không tưởng của một số người Việt Nam, như ở trang 57; rõ ràng là tác phẩm phê phán họ.

Tác phẩm và nhà văn. Mặc dù dễ làm, nhưng đừng cho rằng người kể chuyện và nhà văn là một người. Tách bạch họ ra. Đến cuối truyện anh sẽ hiểu vì sao. Điều gì là rất quan trọng đối với quá trình viết cuốn tiểu thuyết này? Nó gợi lên điều gì?

Giảng viên cũng nêu lên ba đoạn trong NBCT mà các sinh viên phải đặc biệt chú ý.

Đoạn ở trang 18 khi Kiên đang ở chiến trường được báo tin mình được cử ra Bắc đi học trường sĩ quan lục quân. Anh không muốn đi vì “không chịu trở thành hạt giống cho những vụ mùa chiến tranh liên miên”. Anh chỉ muốn “được yên thân, chết một cách yên thân, yên với số phận con sâu cái kiến của chiến tranh”. Đoạn này người kể chuyện phác ra quan điểm của những người lính Bắc Việt đã tham chiến. Nó mang tính phê phán mạnh đến mức nào? Và ẩn dụ ác mộng nào ở đây đã tổ chức toàn bộ tác phẩm?

Đoạn ở trang 92-93, câu chuyện của nhân vật Phán kể về cái chết của anh “lính ngụy” bị thương giữa bãi chiến trường chìm ngập trong mưa. Cảnh này đồng vọng với một cảnh trong cuốn tiểu thuyết nối tiếng Phía Tây không có gì lạ của nhà văn Đức Erich Remarque. Một người lính Đức trong Thế chiến I đã đâm lê vào một người lính Pháp, và suốt đêm ở cạnh người lính bị thương và chết đó trong một cái hố. Suốt thời gian ấy thái độ của người lính Đức đối với người lính Pháp đã đi từ căm thù sang yêu thương rồi lại căm thù. Bảo Ninh đã lấy lại cảnh nổi tiếng này và biến đổi ra sao? Một nhà văn cựu binh Mỹ là Tim O’Brien cũng đã viết một cảnh tương tự trong tác phẩm “The Man I Killed”.

Đoạn  ở trang 228-233 kết thúc tác phẩm, nơi nói về kết cấu của cuốn tiểu thuyết và bình luận về nội dung của nó. Đoạn này cho thấy điều gì về bản chất của hồi ức cũng như về cuộc chiến tranh Đông Dương thứ hai?

Sau đây là cảm nhận của các giáo viên và sinh viên Mỹ về NBCT.

Carol A. Daeley (Texas) viết: “Tôi mua cuốn tiểu thuyết này từ một cậu bé ở một góc phố Hà Nội. Ngay từ những trang đầu nó đã ám ảnh tôi và khiến tôi kinh ngạc. Trước đây tôi đã có lúc dạy một chương trình về văn học Thế chiến I; NBCT lập tức gợi tôi nhớ lại Phía Tây không có gì lạ, nhưng vì cuộc chiến tranh Việt Nam đã chi phối cuộc đời tôi trong độ tuổi hai mươi nên cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh thậm chí còn trực tiếp hơn, vừa tàn nhẫn vừa nên thơ. Tôi quyết định, với một chút lo lắng, sẽ triển khai một chương trình văn học nhập môn về văn học chiến tranh thế kỷ XX, tập trung vào Thế chiến I và Việt Nam, lấy cuốn tiểu thuyết này làm tài liệu giảng dạy. Phong cách tự sự và trình tự thời gian của tác phẩm là khó; tôi sợ là các sinh viên sẽ mất kiên nhẫn với nó. Nhưng giờ đây tôi đã dùng nó trong bốn lớp và nó đã dễ dàng trở thành cuốn sách yêu thích của các sinh viên. Nó đặc biệt có hiệu quả khi chỉ cho họ thấy rằng “chiến tranh Việt Nam” đối với chúng tôi thì lại là “chiến tranh chống Mỹ” đối với phía “kẻ thù” và rằng không chỉ có người Mỹ mới đau khổ và chết ở đấy. Trong chừng mực nào đó, hầu hết các sinh viên khi ra trường đều biết mọi điều về cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng chỉ là biết từ cái nhìn của người Mỹ; nhân vật Kiên đã kéo họ ra khỏi quan điểm chật hẹp ấy để nhận biết được bi kịch mà nước Việt Nam đã phải chịu đựng. Cuộc vật lộn trong mê cung hồi ức của mình làm cho Kiên trở nên con người sống thực; thực tế là một sinh viên của tôi đã nói rằng cô ấy quên mất anh ta là người Việt Nam, tôi hiểu đấy là cô sinh viên muốn nói rằng Bảo Ninh đã đạt tới một tầm phổ quát trong việc khắc họa chân dung một con người trẻ tuổi bị chiến tranh tàn phá. Đây là cuốn tiểu thuyết tôi có thể nói không hề dè dặt là tôi yêu nó, thậm chí dù là khó đọc. Nó chắc cũng sẽ nổi tiếng rộng rãi như Phía Tây không có gì lạ, mà có khi còn là cuốn tiểu thuyết xuất sắc hơn”[18].

Susan L (Birmingham): “Cuốn sách này đã tác động lớn đến tôi với tư cách một người đọc và một sinh viên học về chiến tranh Việt Nam. Cuốn sách này đã đưa lại cho tôi một cái nhìn nhân bản hơn về cuộc chiến tranh Việt Nam. Tôi hình dung nó đưa lại cho các độc giả khác một cái nhìn phi nhân hóa về chiến tranh. Đọc cuốn sách này là quay mặt sang phía khác của cuộc xung đột. Đọc sách này khiến tôi như trông thấy quang cảnh, ngửi thấy mùi vị và nghe thấy âm thanh của chiến tranh. Sau khi đọc sách này tôi sẽ phải kiếm thêm những tác phẩm khác cùng thể loại. NBCT là một tác phẩm rất có ý nghĩa trong tâm trí tôi. Nó là cuốn sách buồn bã xé toạc mọi hy vọng nhưng vẫn mang độc giả đến niềm mong muốn một điều gì đó nữa cho các nhân vật. Là một giáo viên lịch sử tương lai và một sinh viên nghiên cứu về thân phận con người tôi hy vọng có cơ hội chia sẻ cuốn sách này với các thế hệ sau. Phía Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam sẽ không bao giờ bị lãng quên nhưng chúng ta cũng cần phải bảo đảm rằng phía Việt Nam trong cuộc chiến tranh của Mỹ cũng không bao giờ bị quên lãng”[19].

Như vậy, NBCT đã đến nước Mỹ như một sứ giả của hòa bình. Từ một tác phẩm văn học nó đã trở thành một tư liệu lịch sử không thể thiếu cho các giới phân tích chính trị, xã hội, lịch sử và văn hóa Mỹ trong quá trình tìm hiểu và nhận thức về một giai đoạn lịch sử của nước Mỹ dính líu và can thiệp vào Việt Nam. Nó là sự bổ sung cần thiết cho dòng văn học viết về chiến tranh Việt Nam của các cựu binh Mỹ[20]. Văn học chiến tranh đã được giảng dạy trong các trường đại học Mỹ như một đề tài quan trọng. Từ đây ta hiểu vì sao NBCT lại được chú trọng phân tích như vậy. Điều này là trái ngược với giáo dục ở Việt Nam. NBCT chưa hề được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, ngay ở bậc đại học. Khi mà trong xã hội tác phẩm xuất sắc này vẫn còn bị những nghi ngại và phê phán, thì việc giảng dạy nó quả là một điều “không tưởng”. Nhưng ngay cả đặt nó trong một chuyên đề giảng dạy về văn học chiến tranh Việt Nam, bao gồm tác phẩm cả của các nhà văn trong nước và các nhà văn nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, để phân tích, đối chiếu kỹ lưỡng, thì theo chỗ tôi biết một chuyên đề như thế cũng chưa hề có trong chương trình văn của các đại học. Mà đấy lại là một chuyên đề quan trọng, cần thiết và hữu ích, không thể không có, chung cho sinh viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn nói chung, và riêng cho các ngành văn khoa và Việt Nam học. Người Mỹ đã hiểu thêm người Việt Nam, cuộc chiến Việt Nam, lịch sử và văn hóa Việt Nam qua NBCT (cùng một số tác phẩm khác của các nhà văn Việt Nam khác) thì người Việt Nam càng cần phải đọc NBCT trong tương quan với tác phẩm của các nhà văn cựu binh Mỹ để hiểu thêm về đất nước mình, cuộc chiến của mình, cũng như hiểu sâu, hiểu rõ hơn phía bên kia. Đó là một trách nhiệm lịch sử. Đó còn là một sự thúc đẩy cho mối quan hệ của hai nước Việt Nam và Mỹ ở một thời kỳ lịch sử mới nói chung, và nói riêng là cho sự phát triển của ngành Hoa Kỳ học ở Việt Nam.

Hà Nội, những ngày lụt lịch sử (11.2008)

Phạm Xuân Nguyên

(In trong Nhà văn như Thị Nở. Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Hn, 2014)

Nguồn: Văn hóa Nghệ Anngày 18.7.2016.



[1] Nguyên Ngọc, “Cuốn tiểu thuyết về một cuốn tiểu thuyết”, tạp chí Cửa Việt, Hội văn học nghệ thuật Quảng Trị, số 7 (4/1991), tr. 68-72.

[2] Đỗ Văn Khang, “Nghĩ gì khi đọc tiểu thuyết Thân phận của tình yêu”, báo Văn Nghệ, Hội Nhà Văn Việt Nam, số 43 (26/10/1991).

[3] Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh (tái bản), Nxb Hội Nhà Văn, H. 2005. Các số trang trích dẫn lấy theo bản này. “As time passed, those dead breathes become deep-rooted in Kien’s mind, mixed into his consciousness, became shadow of his soul. Over a long period of time, in his memory, numerous beloved dead souls silently and gloomily dragged into his life the sorrow of war” (Translated by Phan Thanh Hao, Vo Bang Thanh with Katerina A. Peirce).

[4] “And both he and I, like the other ordinary soldiers of the American-Vietnamese war, had shared one fate. We’s shared all the vicissitudes, the defeats and victories, the happiness and suffering, the losses and gains. But each of us had been smashed by the war in a different way. Each of us carried in our heart a separate war which in many ways was totally different, despite our common fighting. We had different memories of people we’d known and of the war time, and we had had different destinies during the postwar time. It was possible to say that our similarity to each other stemmed from the fact that we all had paintful difficult destinies following the war” (Translated by Phan Thanh Hao, Vo Bang Thanh with Katerina A. Peirce).

[5] "An unputdownable novel. This book should be required reading for anyone in American politics or policy-making. It should win the Pulitzer Prize, but it won't. It's too gripping for that." (www.amazon.com).

[6] "make[s] North Vietnamese soldiers human" - it "finally put[s] an acceptable human face on a group of people long without one."

[7] “We never really considered these people to be human until Bao Ninh, Vietnamese and presumably human, told us so.”

[8] It "vaults over all the American fiction that came out of the Vietnam War."

[9]“I read this book with hesitation, but after the first page I was hooked. As a Marine SSgt.,I fought against this enemy in 68 and 69 and was there in Saigon when he took over in 75. I found myself feeling sorry for the soldiers of the North, and somewhat ashamed of having caused some of the sorrows he wrote about. This book is a must for all vietnam Veterans. You'll see the enemy was just like us in every way.”

[10]“It's an astonishingly honest and brutal depiction of the tragedy of a North Vietnam soldier desensitized to his own humanity after ten years at war. It's about time that the world woke up to the universal suffering of soldiers on all sides of a conflict, and this book ought to be required reading for anyone considering a "career" in the military. I especially recommend it to my fellow Vietnam veterans; Bao Ninh truly is our "brother in arms", regardless of the fact that he was on the other side. Highly recommended.” (www.amazon.com).

[11] “War stories aren't always about war, per se. They aren't about bombs and bullets and military maneuvers. They aren't about tactics, they aren't about foxholes and canteens. A war story, like any good story, is finally about the human heart.”

[12] “Western culture does not regularly portray women as defenders of their homes and warriors for their country. As a woman and as a woman who was a soldier I felt a connection to the women in this story. No one ever told them they could not fight and die for their country. I admired them. I saw the way they were portrayed and realized that in my American culture I would probably never see such heroism. Most of the heroines in this novel were either killed or were raped and yet they were still allowed to be those heroines. I see this as a large difference between The Sorrow of War and American made movies and books. Reading this book has added a new dimension to the Vietnam War for me. I am glad I had the opportunity to see the many sides of the issue.” (www.amazon.com).

[13]“I realize and respect the fact that other cultures view the non-physical world in different ways. This aspect of the story gave it an unrealistic twist for me. Spirits and ghost are not an everyday part of my world and my culture so it was hard for me identify with this aspect of Kien's humanity. I respected his outlook about ghosts and spirits but did not connect with the realization of them. They are not real to me so that brought an unrealistic aspect to the story.” (www.amazon.com)

[14] Marc Levy, “An Interview with Bao Ninh”, (www.vvaw.org).

[15]“To fully enumerate the qualities of this book would be impossible here. As far as Vietnam literature is concerned, this book out-classes all other works in the field. As far as all war literature is concerned, only "All's Quiet on the Western Front" can even compare. Bao Ninh has produced a hauntingly beautiful eulogy to innocence lost in the maelstrom of war. Youth, love and art are all tenderly portrayed in the hard light of that ultimate metaphor for life, war. Supporting the book's incomparable handling of its subject is the author's superb prose. The book is written in a poetic, yet terse, style that is a model of economy. Every line of this relatively short novel is laden with aesthetic beauty and spiritual depth. The book abounds with insights about Vietnam as well as about the human spirit. It is a reading experience not to be missed.”

[16] “Our goals are to become familiar with the processes of close and intertextual reading, with different modes of analytical thought, and with the practice of translating reading and thinking into writing. We will read about the American War in Viet Nam as experienced and given literary form by those who fought it, reported it, or otherwise felt its immediate effects in their lives—combat veterans, nurses, journalists, etc. By reading various genres including memoirs, essays, novels, short stories, and poetry and by responding to this writing, we will study how any experience is multitudinous and how genres manipulate experience in different ways.”

[17]“This recent novel has been well received by critics in the American and international press. Your task in your review is to react to the story and the author as writer in the context of our course. The review should be no more than three typed pages in length. It should not consist primarily of a summary of the novel, although you should be able to handle details of the plot, story, and characters accurately in both your review and in the class discussion. Consider the following questions as you read the novel, and respond to them as you write your review. Does Bao Ninh offer a realistic picture of the war's impact upon the individual soldier? What is the impact of the novel upon you as a student of the Vietnam War? Explain to what extent the author's own war experiences seem to be reflected in the novel. Is the historical base for the novel easily discoverable? Use examples. In addition, your review should feature your own reactions to the author, his story, his characters, and major themes in the novel. You should evaluate Bao Ninh as a writer, relate his book to other readings and relevant class topics as appropriate, and attempt to explain why this book was so controversial when it first appeared in the Socialist Republic of Vietnam. Because of the restrictions on the length of your review, you are not required to utilize the comments of earlier reviewers of this work. Your review should be your own work and should not reflect the judgments of other readers.” (www.amazon.com)

[18] “I bought this novel from a little boy on a Hanoi street corner. From the first page, it haunted and astonished me. In the past, I have sometimes taught a course on the literature of WWI; "Sorrow of War" immediately reminded me of "All Quiet on the Western Front," but because the Vietnam War dominated my life in my 20s, Bao Ninh's novel was even more brutally, poetically immediate. I decided, with some trepidation, to develop an introductory literature course in 20th-century war literature, concentrating on WWI and Vietnam, and using this novel. The narrative style and chronology are difficult; I feared students would lose patience with it. But I've now used it in four classes and it has been, hands down, the favorite of my students. It has been especially effective in showing them that the "Vietnam War" for us was the "American War" for our "enemy," and that not only Americans suffered and died there. To the extent that most students coming out of high school know anything at all about the Vietnam War, they know it from an American point of view only; Kien blows them out of that closed viewpoint into an awareness of the tragedy Vietnam suffered. Getting caught up in the labyrinth of his memories makes him a real presence; in fact, one of my students commented that she kept forgetting he was Vietnamese, which is I suppose one way of saying that Bao Ninh has caught something universal in his portrayal of that destroyed young man. This is a novel about which I can say, with no reservation, that I love it, even though it is painful to read. It deserves to be as widely known as "All Quiet on the Western Front"; it is an even better novel.” (www.amazon.com)

[19] “This book had a huge impact on me as a reader and as a student of the Vietnam War. This book gave me a more human look at the Vietnam War. I imagine that it gave other readers a dehumanizing look at the war. Reading this book put a face on the other side of the conflict. Reading this book made sights, smells and sounds about war come alive for me. After reading this book I have sought other works in the same genre. The Sorrow of War is a hugely significant work in my mind. It is a depressing book that rips away any hope and yet it still brings the reader forward hoping for something more for the characters. As a future teacher of history and a student of the human condition I hope for an opportunity to be able to share this book with further generations. The American side of the Vietnam War will never be forgotten but we need to make sure that the Vietnamese side of the American War is also never forgotten.”

[20] Xem: Susan Farrell (Department of English, College of Charleston), “The Literature of the Vietnam War”. Bản dịch tiếng Việt của tôi đăng báo Thể thao & Văn hóa cuối tuần (12/9/2008).

 

20201008

Quốc kỳ hai nước Nga - Việt Nam.

Giữa năm 1957, đoàn nhà văn đầu tiên của Việt Nam chính thức sang thăm Liên Xô với những Nguyễn Văn Bổng, Võ Huy Tâm, Thanh Tịnh, Nguyên Ngọc và nữ sĩ Anh Thơ. Từ đấy về sau, kéo dài đến tận cuối những năm 80 của thế kỷ 20, hàng trăm lần các nhà văn, nhà thơ danh tiếng của ta đã thường xuyên có điều kiện qua lại viếng thăm quê hương những lâu đài văn chương vĩ đại của nhân loại.

Mà thực ra, đấy thường chỉ thuần tuý là những cuộc “lãng du”, “cưỡi ngựa xem hoa” hoặc nhận tiền nhuận bút (tác phẩm được dịch - in tại Liên Xô và Nga) để phục vụ cho các chuyến ngang dọc nước Nga mà tìm cảm hứng cho những chùm thơ hay bút ký nào đấy. Đó thực sự chưa thể gọi là có một mảng văn chương đích thực của người Việt, những người đã gắn một phần máu thịt của mình với nước Nga nơi xa xôi vạn dặm!

1. Còn nhớ, khởi từ giữa năm 1981, thực thi Hiệp định hữu nghị và hợp tác lao động giữa hai nước, những đội quân lao động đầu tiên của Việt Nam bắt đầu sang hầu hết thành phố lớn thuộc 6 nước cộng hòa của Liên Xô, hợp cùng dăm trăm lưu học sinh đang học nơi đây, dần dần tạo thành một cộng đồng người Việt đông đảo. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, cộng đồng người Việt đã lên tới hơn 100.000 người. Số lượng lưu học sinh của ta tại các trường đại học danh tiếng của bạn cũng lên đến cực điểm 5.000 người. Trong số đội ngũ lao động và trí thức đông đảo ấy, nhiều người đã sớm gắn bó đời mình với nghiệp nghiên cứu và sáng tác văn chương và đa phần đã có chút tên tuổi từ trong nước. Hình như, dòng máu văn chương bẩm sinh của mỗi người và “bệnh” nghề nghiệp đã níu kéo họ lại gần nhau qua những đêm thơ mini hay dạ hội thơ do Đại sứ quán tổ chức. Và Tạp chí Người bạn đường (theo đề xuất đặt tên của nhà thơ Trần Đăng Khoa) ra đời vào tiết thu năm 1992, quy tụ những gương mặt nhà văn Việt Nam cùng các gương mặt yêu sáng tác văn chương khác tại Nga với những sáng tác bật ra từ đời sống thực, từ xã hội trên đất bạn, làm lay động tâm can bạn đọc. Trên diễn đàn văn nghệ cộng đồng, đã dần dần nhận diện được những gương mặt quen thân như: Hồ Quốc Vĩ (Viện Kinh tế Thế giới), Vũ Đình Huy (Viện Hoá - Lý), Khánh Chi, Nguyễn Đình Chiến, Châu Hồng Thuỷ, Vũ Xuân Hương, Thuỳ Linh, Từ Thị Loan, Phan Thanh Thuỷ - Hàm Anh (nhóm Trường viết văn M.Gorki), Trần Văn Thi, Phạm Hồng Nhật (Ban Quản lý lao động), Bùi Quang Thanh (Đại học Sư phạm V.Lênin), Nguyễn Hải Kế, Mai Quỳnh Nam, Trần Nho Thìn, Hữu Đạt, Trịnh Bá Đĩnh, Vũ Thanh, Lê Tây (Viện Hàn lâm Nga), Bùi Mạnh Nhị, Phạm Công Trứ (Xanh Pêterburg), Hoàng Tân Hưng, Lê Thanh Minh (Đại học Mỹ thuật tạo hình Nga), Nguyễn Phúc Thành (công nhân lao động tại Trerpôves), Tôn Thất Chiêm, Xuân Thanh (Đại học Văn hóa Nga)... Trong cái không khí “Người thì chuốt nhạc, đan thơ; Người thì đánh quả tính tờ, tính cây!” ấy, trên các trang thơ của Tạp chí Người bạn đường và Tạp chí Đất nước của Đại sứ quán, bạn đọc dễ nhận ra số lượng các bài thơ, truyện ngắn hấp dẫn, bổ ích ngày một tăng lên. Tâm trạng, nỗi niềm của những người con xa xứ đêm ngày học tập, lao động vất vả với trăm nghìn nỗi truân chuyên đã được các nhà văn, nhà thơ nói hộ lòng mình: “Ngày thì ăn miếng bánh Nga; Đêm mơ chỉ thấy quê nhà mà thôi!”. Và cũng từ đó, hàng trăm bài thơ, hàng chục truyện ngắn của người Việt từ bốn phương trời của Liên Xô cũ đã tới tấp gửi về Ban trù bị thành lập Hội những người hoạt động văn học nghệ thuật tại Liên bang Nga. Một cuộc thi thơ và truyện ngắn được đề xuất nhanh nhạy trước đó trong cộng đồng đã gặt hái vụ mùa đầu tiên đáng khích lệ và trân trọng. Cả một đội ngũ đoạt giải đã chiếm được lòng tin của mọi người và trở thành lớp tác giả trẻ có đóng góp quan trọng cho phong trào hoạt động văn hoá nghệ thuật của người Việt tại Mátxcơva. Đó là các cây bút thơ: Võ Thị Thu Trang, Tử Huyền, Hoàng Xuân Tuyền, Phan Chí Hiếu và các cây bút truyện: Trần Minh Hoàng (Đại học Sư phạm Lugarxcơ), Vũ Thanh (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Nga)...

2. Năm 1991 - 1992, nhà nước Liên Xô tan vỡ. Nước Cộng hoà Liên bang Nga ra đời đã tạo ra cơn địa chấn trong xã hội đương đại và ít nhiều có tác động mạnh đến đời sống của cộng đồng người Việt, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Thực trạng xã hội ấy đã như một thứ xúc tác tạo đà cho sự ra đời của những trang văn, trang thơ thấm nỗi đau đời và tình cảm chan chứa đối với nước Nga, đối với quê hương đất nước. Và từ đây, xuất hiện nhiều gương mặt mới trong các lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu văn chương, góp phần làm sôi động đời sống hoạt động văn học của cộng đồng. Đấy là những Thiên Can, Nguyễn Văn Tài (Viện Ngôn ngữ), Lê Tây, Ngô Minh Sơn, Thi Ải Bắc (Viện Hàn lâm), Thuỵ Anh, Tường Vân (Đại học sư phạm V.Lenin) và đặc biệt là các cây bút trưởng thành từ các trung tâm thương mại như: Nguyễn Thanh Xuân, Đỗ Hà, Hồng Chiên, Nguyễn Đình Lâm (Trung tâm thương mại Sông Hồng), Nguyễn Thông, Lê Anh Tuấn (Trung tâm thương mại Tôgi), Nguyễn Mạnh Hiền (Trung tâm thương mại Lion), Hà Huy Tú (Trung tâm thương mại  Bến Thành)...

Quy tụ đội ngũ cầm bút của người Việt tại Liên bang Nga vào một tổ chức xã hội và nghề nghiệp là một nhiệm vụ cấp thiết và nghiêm túc được Đại sứ quán đặt ra cho anh chị em văn nghệ sĩ. Tháng 8.1994, Hội những người hoạt động văn học nghệ thuật (gọi tắt là Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) tại Liên bang Nga ra đời đã đáp ứng được nguyện vọng của gần 100 cây bút thơ, văn, nhạc, hoạ vốn đã và đang học tập, sinh sống chủ yếu ở Mátxcơva. Có thể nói, đây là bước ngoặt vô cùng quan trọng của quá trình hình thành và xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ người Việt tại Nga, đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của đời sống văn hoá cộng đồng và tạo nhịp cầu thắt chặt mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa cộng đồng người Việt với các nhà văn hoá Nga. Trong đó, có nhiều người trước đây đã trở thành bạn thân thiết của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam, như N.Nhikulin, M. Tkachốp... Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ chính của mình tại các trường đại học, các viện nghiên cứu hoặc các đơn vị hợp tác lao động, các trung tâm thương mại, hàng chục cây bút của Hội vẫn thường xuyên bám sát đời thường, cảm nhận hơi thở của thời cuộc để mang lại những trang văn, trang thơ cảm động và được cộng đồng đón nhận. Những tác phẩm nóng hổi không khí của cuộc vật lộn với chữ nghĩa và bát cơm manh áo nơi đất khách quê người qua năm tháng, đã được lựa chọn và giới thiệu một phần trên các Tạp chí Người bạn đường của Hội Văn học nghệ thuật và Đất nước của Đại sứ quán; cùng một số tờ báo khác như Khoa học và cộng đồng, Hoa đào xứ tuyết của Hội KH&KT, Huế trong ta của Hội những người yêu Huế, Đoàn kết của Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, Thông tin và Thời đại, Đồng hương của một số cá nhân sáng lập, hoặc được gửi về đăng tải trên hàng loạt báo chí trong nước như Văn nghệ, Tiền phong, Văn nghệ Quân đội... Còn lại, phần lớn được giới thiệu qua các đêm thơ tại các khu ký túc xá hoặc các trung tâm thương mại. Gần như mỗi năm, không dưới 5 đêm thơ được tổ chức hoành tráng tại các trung tâm thương mại lớn. Cảm động biết bao khi được chứng kiến tại từng đêm thơ, hàng trăm người yêu thơ đã biết gạt đi nỗi vất vả đời thường để hoà vào nỗi đồng cảm với các nhà thơ của cộng đồng mà họ hằng quý mến. Đây cũng là điều đặc biệt và một thực trạng hiếm có đối với cộng đồng người Việt nơi xa xứ. Hơn 50 đêm thơ - nhạc đã được tổ chức, từ Mátxcơva đến Upha, Volgagrat và các thành phố khác của Liên bang Nga. 14 số Tạp chí Người bạn đường với chất lượng mang tính chuyên nghiệp đã chiếm cảm tình sâu sắc trong lòng bạn đọc. Bên cạnh đó, hàng loạt tập thơ của các hội viên đã được xuất bản. Tập thơ đầu tiên được in bằng tiếng Việt tại Mátxcơva là Hoàng hôn nhớ của Nguyễn Đình Chiến (1992); Tiếp đến là các tập thơ được các nhà thơ trong nước đánh giá cao, đặc biệt là 2 tuyển thơ có chất lượng tốt, gây được tiếng vang trong lòng bạn đọc của cộng đồng cũng như trong nước là Những nẻo đường xứ tuyết (M.1995) và Tuyết ấm (M.2003).

3. Cũng trong những chục năm qua, chất lượng sáng tác văn chương, đặc biệt là thơ của người Việt ở Nga đã lọt “mắt xanh” của nhiều cơ quan báo chí và tuyển chọn thơ trong nước: Trong tuyển thơ “Việt Nam quê hương tôi” do Uỷ ban về người Việt ở nước ngoài và NXB Văn học Hà Nội xuất bản; trong “Tuyển thơ Việt Nam 1975 -2000” - NXB Văn học, H.2001 và “Tuyển thơ Việt Nam nửa thế kỷ 1945 - 2000” - NXB Lao động, H.2001. Bên cạnh đó, nhiều sáng tác đã được giới thiệu trên báo Nước Nga văn học, Đài phát thanh tiếng nói Mátxcơva, trên một số báo Văn nghệ của các nước Tiệp Khắc, Ba Lan... Người đọc dường như không thể quên những số phận, những nỗi niềm qua hàng loạt văn phẩm: Bây giờ là tháng năm của Vũ Thanh, Bảy tam thất của Châu Hồng Thuỷ, Vòng đời của Nguyễn Phúc Thành... Một số tập truyện ngắn và tiểu thuyết của các hội viên ra đời đã tạo ra sức nặng văn chương cho mảng văn xuôi xa xứ và để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc. Có thể kể đến: Hai đầu bức thư tình (Tiểu thuyết, Hà Nội, 1991) của Hữu Đạt, Tuyết nóng sau mặt trời (Tiểu thuyết, Hà Nội, 1993) của Nguyễn Hiếu, Mátxcơva thời mở cửa (truyện -ký) của Nguyễn Huy Hoàng, Hoa Bồ công anh (Tập truyện ngắn, Mátxcơva, 1998), Mùa lấy mật hoa Bạch dương (Tập truyện ngắn, Mátxcơva, 1999), Duyên (Truyện dài, M. 2000), và Bông sen bên dòng Kadanka (Tiểu thuyết, M. 2002) của Thiên Can, Nơi gặp gỡ của những thân phận (Tập truyện ngắn, Hà Nội, 1999) của Nguyễn Văn Tài, Con kiến tật nguyền (Tập truyện ngắn, M.2004) của Nguyễn Đình Lâm...

Từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI đến những năm sau này, nhiều cây bút tuy đã về nước công tác, song nhiều sáng tác phẩm mang đậm dấu ấn trải nghiệm và hơi thở của những năm tháng “lăn lộn” với nước Nga đã thành bước tạo đà cho sự ra đời nhiều tập thơ, văn có sức hút ấn tượng với bạn đọc trong nước và nước ngoài. Đặc biệt là, đến năm 2014, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga đã cho ra đời tuyển tập thơ Nối hai đầu thể kỷ - tập hợp chọn lọc từ gần 1.000 bài thơ của các cây bút chuyên và không chuyên Việt Nam viết tại Liên Xô cũ, Liên bang Nga và viết về Liên Xô cũ, Liên bang Nga, từ hơn nửa thế kỷ qua. Lần đầu tiên, bạn đọc có được “cứ liệu” đủ độ tin cậy để nhận diện một cách tổng quát, sâu sắc về tình cảm yêu thương tha thiết của những người con sống xa Tổ quốc, dành cho những người thân yêu ruột thịt, đặc biệt là tình yêu dành cho người mẹ hiền lam lũ ở quê hương; đồng thời cũng cảm nhận được một cách sinh động, xúc động tình cảm chân thành của người Việt Nam đối với bạn bè từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và đất nước, con người Nga, nơi những cây bút Việt Nam từng có thời gắn bó học tập, làm ăn sinh sống và thể hiện tâm thức sống theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”  cùng tấm lòng tri ân đối với những vùng đất - con người đã giúp đỡ Việt Nam qua những tháng năm chiến tranh và dựng xây cuộc sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn!

Xuyên suốt những sáng tác văn chương của người Việt tại Liên bang Nga hơn 20 năm qua, có thể nhận thấy những suy tư, tình cảm, tâm trạng chung của người Việt xa xứ. Đó là hơi thở nóng hổi của cuộc sống thực nơi đất khách quê người với bao biến đổi dữ dội của xã hội, bao nỗi gian nan vất vả, vui buồn theo nhiều cung bậc khác nhau, vừa khắc nghiệt vừa thi vị, với những số phận và tâm trạng mang đậm dấu ấn một thời. Và, nổi lên trong đó là tình yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương sâu đậm, chất nhân văn đậm đà, cùng những tình cảm thân thiết, sáng trong đối với bạn bè Nga và nền văn hoá Nga vĩ đại. Khá nhiều sáng tác đã vươn tới độ chuyên nghiệp, có giá trị khái quát cao và rung động lòng người, ám ảnh tâm trí của ngàn vạn người con xa xứ. 

4. Nhìn dưới góc độ đó, có thể nghĩ rằng, dòng văn học xa xứ của người Việt Nam ta từ nghìn năm qua, kể từ những trang viết của các sứ giả trải các triều đại Lý - Trần - Lê... đến nay đã lại và đang được nối tiếp và kế tiếp một cách xuất sắc. Với bề dày của hàng nghìn trang viết và chất lượng vốn có của hàng trăm bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết đang nằm trên tay bạn đọc, chúng ta có quyền hy vọng đến một lúc nào đó, văn chương của người Việt tại Nga sẽ nhanh chóng bắt gặp sự quan tâm của các nhà sưu tập, các nhà phê bình nghiên cứu và đặc biệt là sự chăm sóc, ưu ái của Hội nhà văn Việt Nam, để ngõ hầu giới thiệu được những giá trị đích thực của một mảng văn học tích cực đã và đang diễn ra, đặng góp phần tô đẹp thêm vẻ đẹp của nền văn học Việt Nam đương đại!

Từ năm 1999 trở đi, Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga đã chọn đêm Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) hàng năm để tổ chức các đêm thơ và gặp mặt các nhà văn hóa Nga dưới sự tài trợ của các trung tâm thương mại danh tiếng. Hoạt động văn hóa đó liền mạch cho đến nay, trở thành nét đẹp truyền thống trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng người Việt tại Nga, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bè bạn.

Từ năm 2003 trở lại đây, cùng với sự ra đời của Hội người Việt tại Liên bang Nga, Hội Văn học- Nghệ thuật đã cho xuất bản định kỳ tờ tạp chí văn chương mang tên Tao đàn và đặc biệt là trang báo điện tử Người bạn đường, với nội dung và chất lượng nghệ thuật được nâng lên rõ nét. 

Sẽ khiếm khuyết và thiếu hụt biết bao nếu trong kho tàng văn chương khổng lồ của Việt Nam không có sự hiện diện những sáng tác văn học - nghệ thuật do chính con em đất Việt đã và đang lao động, học tập, làm ăn nơi xa xứ sáng tạo ra! Tiếp nối sự liền mạch của dòng văn chương nơi đất khách quê người trên tiến trình lịch sử văn chương nước nhà, hàng nghìn trang văn, trang thơ của người Việt tại Liên bang Nga vào những năm cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, dẫu còn khiêm tốn nhưng cũng đủ bút lực để lộ ra một diện mạo văn chương hấp dẫn và đáng quý, đóng góp cho gia tài văn chương nước nhà những tác phẩm có giá trị.

GS.TS BÙI QUANG THANH

Nguồn: Lao động, ngày 05.01.2020

Khác với những quan sát thiên nhiên cảnh quan ít nhiều nhàn nhã thư thái, ghi chép, mô tả và định hình về phong tục tập quán An Nam đòi hỏi lữ khách phải dấn thân thực sự. Không thể nắm bắt, cắt nghĩa được các phong tục An Nam vốn dĩ như “ma trận” nếu không có thời gian trải nghiệm dài lâu, không tận tâm lắng nghe người dân bản xứ giải thích, không tỉ mỉ tham khảo, đối chiếu tư liệu.

Nhưng như khách bộ hành trên con đường thiên lý gian khó, một khi đã bước qua được cánh cửa phong tục, họ sẽ trở thành người trong cuộc, chính ở nơi đây và ngay lúc này, với hành trang tri thức sâu dày và con mắt tinh tường ít ai bì kịp.

1. Có thể nói, các lữ khách, học giả Pháp đã dành cho phong tục tập quán An Nam một thái độ làm việc nghiêm túc và kiên trì. Một mặt, trước hết, họ không muốn bị cớm bóng bởi các Nho sĩ uyên bác bản địa vốn có nhiều lợi thế hơn khi xử lí, diễn giải các mảnh ghép văn hóa truyền thống.

Mặt khác, tâm lí e ngại thường xuyên bị người dân sở tại “dắt mũi” khiến họ nhanh chóng bám sát thực địa để thâu nhận càng kĩ lưỡng càng tốt những thói quen, tập tục sinh hoạt thường ngày trên mảnh đất xa lạ mà họ đang sinh tồn theo đúng nghĩa đen.

20200509

Charles Gosselin, một trong những người tiên phong và có thành tựu trong tiếp xúc, tiếp nhận đời sống văn hóa xã hội An Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đã thổ lộ chân thành trong cuốn Vương quốc Annam (L’empire d’Annam, 1904): “Sở dĩ tôi viết cuốn sách này là do bị thôi thúc bởi một ước muốn duy nhất là có thể cung cấp cho tất cả những ai hiếu kì muốn hiểu biết một tổng thể những thông tin chỉ dẫn trung thực về đế quốc An Nam, như nó đã từng tồn tại trong ngày hôm qua và nó đang tồn tại như chúng ta thấy được trong ngày hôm nay”.

Ước muốn có phần tham vọng đó của Gosselin, thực ra, cũng là mục tiêu chung của nhiều người Pháp, kéo dài vài thập niên và thú vị thay, đã kích thích một sự đối thoại lẫn tham chiếu từ chính những học giả An Nam xuất chúng.

Để công bằng hơn, cũng phải nói rằng, nhận biết về phong tục An Nam đã đem lại cho người Pháp những chân trời cảm xúc và kiến thức mới mà bản thân họ, do bị chi phối bởi tư duy “Châu Âu trung tâm”, “da trắng văn minh”, đã không thể lường trước đầy đủ.

Tính chất phong phú và riêng khác của văn hóa, tập quán thuộc địa khiến các nhà “thực dân chủ nghĩa” không chỉ phải thay đổi cái nhìn miệt thị mà dần trở nên thiện cảm, thậm chí là yêu mến với quốc gia bị coi là lạc hậu, thấp kém hơn họ về mọi mặt.

Có thể thấy khá nhiều thân danh đã gắn bó lâu dài và là những chuyên gia trong mô tả, phân loại và diễn giải hệ thống tập quán, tôn giáo tín ngưỡng An Nam như E. Luro, E. Diguet, J. Silvestre, E. Langlet, G. Dumoutier, P. Giran, P. Mus, L. Cadière, J. Przyluski...

Đi từ phong tục tập quán sang tôn giáo tín ngưỡng, với họ là những bước tiến tràn đầy say mê khám phá và ít khi thỏa mãn với kết quả của người đi trước. Vì thế, giữa các tác giả lại có sự bổ sung tiểu tiết hoặc vươn đến tầm phổ quát, trong đó, hàng chục tiểu luận của L. Cadière hay của G. Dumoutier, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị khoa học và tham chiếu.  

So với giới Nho sĩ bản địa ít có điều kiện đi thực tế, họ có lợi thế dịch chuyển nhiều nơi nhờ công việc hành chính hoặc chuyên môn, đặc biệt là thao tác khoa học hiện đại để cấu trúc hóa mạng lưới phong tục tập quán dày đặc.

Chẳng hạn, trong Tiểu luận về dân Bắc kỳ (1908), tuy theo hướng liệt kê chi tiết nhưng G. Dumoutier đã chủ ý qui các tập tục, thói quen sinh hoạt theo các nội dung lớn như “Xã hội”, “Gia đình”, “Trò chơi, thói quen, nghề nghiệp”, “Mê tín”...; trong Vùng đất An Nam (1897), E. Luro đã dành một số chương cuối để bàn về “Thờ cúng tổ tiên”, “Gia đình”, “Luật lệ xã hội”; trong Bắc Kỳ tạp lục (1903), H. Souvignet đặt ra một số chương đáng chú ý như “Tín ngưỡng đa thần ở An Nam”, “Tang lễ”, “Hôn nhân”...; Nhờ thao tác sắp xếp, cấu trúc mà các mảnh ghép phong tục, tín ngưỡng không bị hỗn loạn, ngược lại, như các mắt lưới đan xen gối tiếp, chúng hiện lên rất dễ nắm bắt. Và với độc giả Pháp thời đó, cách làm này chắc chắn giúp họ dễ hình dung những điểm tương đồng hay khác biệt giữa tập quán của nước Pháp và của An Nam.

2.  Nhưng sự tinh tế trong cái nhìn phong tục tập quán đôi khi còn nằm ở những phát hiện tuy nhỏ song sáng giá cùng một lối bình luận dí dỏm mà sâu sắc.

E. Diguet phát hiện ra “trưởng tộc là vị quan tòa hòa giải hợp pháp của mọi tranh cãi có thể xảy ra giữa các thành viên gia tộc”; E. Luro thì nhận thấy “dưới chế độ phụ quyền, tất cả những gì con cái họ làm ra, hoặc bằng lao động hoặc bằng tài nghệ, hoặc do vợ của họ mang về, hoặc do sự hào phóng của những người khác, tất cả đều thuộc về người cha, vị chúa tể của ngôi nhà”; J. Silvestre lại ngạc nhiên vì các nghi lễ cúng giỗ liên miên đã làm cho một số gia đình “bị khuynh gia bại sản trong chi tiêu cho việc mồ mả, cúng tế”; H. Souvignet thì bàng hoàng vì “tín ngưỡng đa thần ở An Nam tạo thành một tổng thể những kiểu thờ cúng rất đa dạng [...] tạo thành một bức tranh ghép tôn giáo độc đáo nhất”; P. Giran lại nắm rõ quan niệm vạn vật hữu linh của người dân, bởi với họ, “bầu trời, các vì sao, mặt đất, mưa, gió, sấm chớp, núi non, cây cối, tất cả ở một mức độ nào đó đã bị đồng hóa thành những sinh linh”...

Có nhiều tập tục liên quan đến chu kì vòng đời (sinh nở, trưởng thành, hôn nhân, tang ma) rất nhiêu khê phức tạp nhưng cũng được các nhà khảo cứu tường thuật cụ thể. Chẳng hạn, về tục “gọi rể”, G. Dumoutier cho biết: nếu gia đình nhà gái không có con trai nối dõi thì sẽ cho chàng rể tới và trong trường hợp đó, chàng rể được gọi bằng cái tên đẹp đẽ là “cục thịt thừa”; về nghi thức đưa tang, ông cũng có những cận cảnh: con trai cả phải bước giật lùi phía trước linh dư, lưng cúi gập, tay tì vào một cái gậy tre “đầu trên cao ngang ngực, phải tròn như trời, trong khi đầu dưới phải vuông như đất”, chiếc gậy của người con gái lớn dẫn đường đám tang bà mẹ hình dáng cũng như vậy nhưng làm bằng “gỗ vông”... Ngoài ra, các tập tục liên quan đến làng xã, hương đảng, một tập hợp những khế ước bất thành văn trải khắp các không gian sống và sinh hoạt cũng đã được nhận diện với độ chính xác khá cao. Đơn cử, về tục trọng lão, P. Ory viết: “Để tỏ lòng kính trọng người lớn tuổi, những cư dân từ sáu mươi tuổi trở lên, ở mọi cảnh ngộ và có lối sống tốt đẹp, đều được xếp vào hạng vai vế”.

Trên thực tế, khá nhiều tập tục truyền thống của An Nam trong tư liệu Pháp mô tả ngày nay không còn hoặc đã được lược giản, biến đổi. Nhưng vẫn còn đấy một số tập quán đã hằn sâu vào văn hóa, trở thành giá trị dân tộc. Chẳng hạn tục thờ tổ tiên của người An Nam từng được L. Cadière bàn luận và hẳn mang đến cho ông nhiều cảm xúc.

Theo vị linh mục này, gia đình của người An Nam không chỉ bao gồm người sống “mà cả những người chết”, “gia đình trở thành cả một ngôi đền”. Các mối liên hệ khi còn sống, vì thế, “không bị tháo gỡ vì cái chết”, ngược lại chúng “được thần thánh hóa trở thành kiên vững hơn và trường cửu”. Tục thờ tổ tiên được cả L. Cadière và E. Diguet coi là “tôn giáo bản địa” (religion domestique).

Tính chất mờ nhòe ranh giới giữa tập tục và nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống An Nam, không nghi ngờ gì nữa, là điều làm cho các lữ khách có cảm giác như đi vào một đại lộ mênh mông với vô số qui ước vừa cần tuân thủ triệt để vừa mềm dẻo, linh hoạt châm chước nhất định.

Các lữ khách, rút cuộc, đành phải lựa chọn thái độ “kính nhi viễn chi” cùng lưu ý rằng, chớ vội vàng tự mãn đã thấu hiểu hoàn toàn, bởi “những người An Nam đã luyện hợp, mà không phải là bao giờ cũng hiểu rõ, trong lò đúc của trí thông minh chất phác và nguyên thủy của họ, những hồi tưởng của các nhà siêu hình Ấn Độ, những lễ tế vi thần học, chủ nghĩa duy vật của các nhà Đạo học, những quan niệm biểu tượng và triết học của những người Trung Hoa” (G. Dumoutier).

Cũng có những tập tục “quái dị” mà khía cạnh mê tín đã kịp len vào khiến chúng tồn tại dài lâu. Hầu như tập tục nào của người An Nam cũng phảng phất màu sắc mê tín, ma thuật và người dân một mực làm theo là còn vì nỗi âu lo dai dẳng về bệnh tật, nghèo đói hay chết chóc.

Các kiêng kị, cấm đoán án ngữ thế giới tinh thần người An Nam được học giả Pháp cảnh báo như là hệ quả của “ngu dốt”. Những dân tộc ngủ quên trong hi vọng hão huyền, ảo tưởng hoang đường, theo họ, sẽ có nguy cơ bị mai một.

3.  Đó cũng là quan điểm của học giả An Nam cùng thời như Phan Kế Bính, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, những người đã rất mực duy tân trong chính nhận thức về phong tục, văn hóa, văn minh An Nam. Vậy là, ít nhất, trên lộ trình hiện đại hóa Việt Nam đầu thế kỉ XX, nhiều trí thức Pháp và Việt đều dừng lại ở phong tục tập quán, bảng chỉ dẫn quá khứ nhưng đồng thời là trọng tâm bài toán loại bớt cái dở, lưu giữ cái hay ra sao để hiện tại, tương lai nhẹ gánh mặc cảm và tự tin, mạnh mẽ tiến bước. 

Mai Anh Tuấn

Nguồn: An ninh thế giới cuối tháng, ngày 19.4.2020.

Thực hiện nhiệm vụ của Duy Tân hội, đầu năm 1905, Phan Bội Châu nhẹ gánh riêng tư, bí mật xuất dương sang Nhật Bản, cùng đi có Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính. Thông qua người bạn Trung Quốc đồng hành, Phan Bội Châu biết được địa chỉ của nhà cách mạng canh tân nước Trung Hoa là Lương Khải Siêu đang cư trú chính trị trên đất Phù Tang.

Vừa đặt chân đến thành phố Hoành Tân (Yokohama), Phan Bội Châu tìm đến nơi ở của Lương tiên sinh. Qua mấy lần trò chuyện bằng bút đàm, Lương tiên sinh đã góp nhiều ý kiến hay, làm cho đầu óc cụ Phan mở mang; sau đó Lương Khải Siêu đã giới thiệu Phan Bội Châu cho một số chính khách người Nhật. Thông qua các chính khách người Nhật này, từ “cầu viện” Phan Bội Châu chuyển sang “cầu học” nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước. Một phong trào vận động thanh thiếu niên Việt Nam sang Nhật du học bắt đầu. Đó là phong trào Đông Du.

Chỉ trong vòng gần 4 năm, những hội viên hội Duy Tân ở trong nước đã gửi sang Nhật khoảng 200 du học sinh. Số học sinh ít ỏi của năm đầu (1905) sang đến Nhật, đã gặp ngay những khó khăn về nơi ăn, chốn ở, tiền bạc để đóng học phí… Huống chi các năm sau với số đông hàng trăm con người đang tuổi ăn, tuổi học… thì khó khăn lại càng gấp trăm lần, ngàn lần. Thông cảm với nhà chí sĩ Phan Bội Châu, nhiều chính khách, trí thức, nhà kinh doanh… và những người lao động bình thường, những công dân Nhật Bản trước sau đều tìm cách tháo gỡ, giúp đỡ Phan Bội Châu hết sức tận tình. Sự giúp đỡ vô tư mà chúng tôi sẽ đề cập đến, không chỉ khi phong trào Đông Du phát triển mà cả khi phong trào đã tan rã, nhưng vẫn còn hàng chục học sinh Việt Nam sống trên đất Nhật, tự kiếm sống để đi học. Thậm chí có người đã qua đời trên đất Nhật, ngày nay nhiều người Nhật vẫn đến đặt vòng hoa tươi trên phần mộ, tỏ lòng thương cảm người chí sĩ Việt Nam chết yểu là Trần Đông Phong tại nghĩa trang Zoshigaya ở Tokyo. 

20191217 dong du

Ảnh chiếc quạt gấp đề thơ do Lý Trọng Bá tặng gia đình bác sĩ Asaba Sakitaro năm 1918 (Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang). Ảnh tư liệu do Đỗ Thông Minh và Phạm Thanh Linh sưu tầm.

Trước tiên, chúng tôi muốn nêu danh tính ngài Khuyển Dưỡng Nghị (InuKai Tsuyoshi) và ngài Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu). Hai vị này đã giúp Phan Bội Châu và du học sinh Việt Nam rất nhiều về vật chất và tinh thần. Khuyển Dưỡng Nghị tiên sinh, bấy giờ là một vị cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục, là một hùng biện gia có danh vọng nhất ở Quốc hội Nhật, từng làm Tổng tài Quốc dân đảng Nhật Bản, về sau lên làm Thủ tướng; còn Đại Ôi Trọng Tín là một nhà chính trị có tiếng tăm lãnh tụ Đảng Cấp tiến, từng làm Tổng lý đại thần (Thủ tướng) là sáng lập viên trường Đại học Tạo Đại Điền (Waseda). Thông qua hai vị này Phan Bội Châu làm quen với giáo sư Hokokawa Morishige, hiệu trưởng trường Đồng Văn Thư viện và tướng Fukishima Yasumara, tổng tham mưu trưởng kiêm hiệu trưởng trường lục quân Chấn Võ học hiệu. Vì phải chấp hành một số nguyên tắc, nên trường Chấn Võ chỉ nhận được 4 sinh viên Việt Nam vào học; còn lại số đông thì vào học trường Đồng Văn Thư viện. Giáo sư hiệu trưởng Hokokawa đã xây dựng thêm 3 căn nhà trong khuôn viên trường để làm ký túc xá và phòng học cho hàng trăm du học sinh Việt Nam… Một hạ nghị sĩ là một thành viên sáng lập ra trường này, có ảnh hưởng quan trọng nhất đến du học sinh Việt Nam thời bấy giờ là ông Kashiwabara Buntaro. Sự chăm sóc của hai vợ chồng ông Buntaro, theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu người Nhật về phong trào Đông Du là rất “tế nhị”, đến mức có nhiều học sinh Việt Nam học ở trường tiểu học Rekisen gọi ông là “Bố” (Otosan), gọi vợ ông bằng “Mẹ (Okasan)… Ngài Khuyển Dưỡng Nghị còn phối hợp với Lương Khải Siêu giúp đỡ Phan Bội Châu in hàng ngàn bản Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư v.v… để gửi về nước. Khi phong trào Đông Du bị giải tán, chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất các du học sinh Việt Nam, Phan Bội Châu lại phải đến nhờ ông giúp đỡ 4000 yên để mua vé tàu thủy “Bưu Thuyền hội xã” đưa các học sinh về nước.

Mối quan hệ cá nhân với các chính trị gia Nhật Bản đã giúp Phan Bội Châu thu xếp học sinh Việt Nam vào học các trường ở Nhật và về lại trong nước được thuận lợi an toàn. Theo các tài liệu hiện nay nói về phong trào Đông Du, kể cả ở Nhật và Việt Nam, thì hình như trong vòng hai năm đầu, thông qua mối quan hệ cá nhân giữa Phan Bội Châu và các chính khách Nhật, qua sự giới thiệu của Lương Khải Siêu, nên phủ toàn quyền Đông Dương lẫn chính phủ Nhật bấy giờ đều không hay biết gì về những lưu học sinh Việt Nam có mặt trên đất Nhật.

Trong giới trí thức người Nhật giúp đỡ tận tình phong trào Đông Du và du học sinh phải kể đầu tiên là bác sĩ Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang (Asaba Sakirato). Một con người mà Phan Bội Châu đã đánh giá rằng “Hào hiệp chưa từng có xưa nay, nghĩa lớn bao trùm cả trong ngoài”. Lòng “thương người như thể thương thân” của bác sĩ Sakirato được cụ Phan Bội Châu kể trong Niên biểu đại thể như sau: … Một lần bác sĩ đi trên hè phố, thấy một em học sinh đói lả, ngồi co ro, ông bèn đem về nhà cho ăn uống, nuôi nấng, dạy bảo… dần dà ông mới biết đó là một du học sinh Việt Nam tên là Nguyễn Thái Bạt, một thời gian sau ông làm thủ tục giấy tờ bảo lãnh cho Bạt vào học trường Đồng Văn thư viện (Dobun Shoin), thậm chí còn đứng ra trang trải cả tiền học phí. Khi Phan Bội Châu thấy trong quỹ của du học sinh do “Công hiến hội” quản lý không còn một đồng xu, túng thiếu quá, thông qua trò Bạt, Phan Bội Châu đã viết một bức thư “ăn xin” (khất cái) gửi cho bác sĩ Sakirato. Đáp lại lời cầu khẩn của Phan Sào Nam, bác sĩ đã gửi tặng 1.700 yên. Đây là một số tiền lớn (hơn số tiền lương của một hiệu trưởng trường tiểu học trong 7 năm). Khi phong trào Đông Du tan rã, một số học sinh Việt Nam không chịu về nước, đã thay tên đổi họ giả danh người Hoa, trốn tránh, sống tại Bệnh viện của ông, có người ở hàng năm, làm bạn chơi đùa với cô Yukie, con gái của bác sĩ Asaba Sakirato. Có lần cảnh sát hình sự khu vực Odawara (nơi có bệnh viện tư của bác sĩ) vào bệnh viện tìm bắt du học sinh Việt Nam, nhưng họ đều được ông giúp trốn thoát. Hiện nay hậu duệ Asaba còn lưu giữ được một số ảnh, trong đó có hai bức do lưu học sinh Việt Nam tặng, một bức ảnh nữa có hình cụ Phan Bội Châu chụp chung với một số người khi cụ đến dựng bia tưởng niệm nhớ đến vị ân nhân… Một bác sĩ khác tên là Hayagawa, đã cưu mang du học sinh Nguyễn Thức Canh sau khi phong trào Đông Du tan rã, chính ông bác sĩ này đã làm cho anh yêu nghề thầy thuốc, nên sau này Nguyễn Thức Canh đã sang Đức học trường Đại học Y khoa ở Berlin.

Trong số học sinh Việt Nam xuất dương sang Nhật “cầu học” có một học sinh “đặc biệt”, đó là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Thái độ của các chính trị gia Nhật đối với Cường Để không giống như đối với những người xin cư trú chính trị khác ở Nhật. Từ năm 1915 cho đến khi qua đời (1951), Cường Để sống ở Nhật chủ yếu dựa vào tình cảm cá nhân và sự hảo tâm của một số chính khách và trí thức người Nhật. Hàng tháng ngài Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi) gửi biếu Cường Để 200 yên, tháng này qua tháng khác không hề gián đoạn và chậm trễ bao giờ, nhiều lần ngài Khuyển Dưỡng Nghị tự đem tiền đến, vì “lo bỉ nhân đau ốm gì chăng… cảm lòng tử tế, bỉ nhân bao giờ nghĩ đến ông cũng ứa nước mắt” (trích hồi ký của Cường Để). Có lẽ chính vì vậy mà Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đã coi ngài Khuyển Dưỡng Nghị như bố đẻ. Chẳng may ông làm thủ tướng chưa được bao lâu thì bị sát hại (1943). Một trí thức khác là ông Hishimoto Masukichi, giáo sư danh dự trường Đại học Keio, đã cho Cường Để ở nhờ trên lầu 2 của nhà mình tại thị trấn Ogikubo gần sáu năm trời.

Mộ liệt sĩ Trần Đông Phong mất năm 1907, trong một nghĩa trang ở Tokyo. Ảnh: Đinh Khắc Thuân.

Chúng ta cũng cần biết thêm đôi chút về việc Cường Để bị chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất, để thấy rõ hơn tình cảm của người Nhật đối với Cường Để. Do sự phản đối kịch liệt của nhóm chính khách Inukai Tsuyoshi, Kashiwabara Bunto, Toyama Mitsuru… nên chính phủ Nhật đã khước từ dẫn độ Cường Để cho Pháp, không dùng từ “trục xuất” mà dùng từ “khuyến cáo” rời khỏi Nhật. Từ đó chính phủ Nhật cũng làm lơ cho nhóm chính khách này tự bố trí, sắp xếp, cử người… đưa Cường Để đến Thượng Hải bình an vô sự. Nhóm chính khách này đã tặng tiền lộ phí, tặng súng lục để đề phòng khi cần dùng đừng dể bị làm nhục, cử một người tin cậy tên là Nakaruma Saburo ngầm theo dõi bảo vệ, lại còn báo cho ông Ogino Motorato giám đốc chi nhánh công ty Koga Kogyo ở Thượng Hải giúp Cường Để bí mật lên bờ an toàn (1909).

Sau khi đi châu Âu về, với tư cách là Hội chủ Việt Nam Quang phục hội, Cường Để đã gặp Viên Thế Khải và công sứ Đức để cầu viện, nhưng đã bị từ chối khéo léo. Buồn rầu, Cường Để quay lại xin cư trú ở Nhật Bản và được những cá nhân chính khách Nhật giúp đỡ, trong đó có Khuyển Dưỡng Nghị là người tài trợ chính. Ngoài ra còn có dịch giả Ga Morizo, là bạn thân tình và ông giám đốc công ty Đại Nam Matsushita… thường xuyên đi lại thăm hỏi, chuyện trò… Và họ thấy Cường Để sống cô đơn, rầu rĩ nên đã bàn bạc với ngành quân sự tìm người đến ở chung để đỡ đần, chăm sóc Kỳ Ngoại Hầu khi trái gió trở trời. Đó là bà Ando Chie, kém Cường Để 21 tuổi. Bà là một người lao động bình thường, một công dân Nhật có lòng nhân ái. Bà tự nguyện đến ở chung với Cường Để khi tuổi đời của bà ngoài 40, bà không có chồng, chỉ có một người cháu họ bà nhận về làm con nuôi tên là Ando Marizuki. Hai mẹ con sống chung với Cường Để trên lầu 2 gồm có 2 – 3 phòng, do giáo sư danh dự trường Đại học Keio cho mượn (1). Sống chung gần sáu năm, nên giữa Cường Để và bà Ando dần dần có tình cảm sâu đậm với nhau. Tình cảm này được bộc lộ rõ nét nhất khi bà Ando đưa lọ tro hài cốt Cường Để cho hai người con trai Cường Để là Tráng Liệt và Tráng Cử từ Việt Nam sang Nhật nhận về Huế để chôn cất theo nghi thức hoàng gia dưới thời Ngô Đình Diệm; bà Ando đã ngầm giữ lại một ít tro, rồi lén đem đi chôn cạnh mộ Trần Đông Phong tại nghĩa trang Zoshigaya. Năm 1992 bà qua đời, thọ 89 tuổi, di chúc lại cho anh con nuôi chôn tro hài cốt bà chung với lọ tro Cường Để mà bà đã lén chôn cạnh mộ Trần Đông Phong, nhưng anh con nuôi không biết chỗ cụ thể, do đó anh không thực hiện được ý nguyện của bà.

Về những người dân bình thường giúp đỡ Phan Bội Châu còn có anh phu xe, cất công một buổi đi tìm địa chỉ của một học sinh tên là Ân Thừa Hiến người ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đang học trên đất Nhật. Anh học sinh này do Lương Khải Siêu giới thiệu với Phan Bội Châu, anh là một lãnh đạo trong đoàn học sinh Vân Nam, du học ở Nhật. Nhờ anh phu xe, Phan Bội Châu đã gặp được anh Ân Thừa Hiến. Khi cụ Phan trả tiền công khá hậu về thời gian anh phu xe đã bỏ ra, thì anh từ chối, chỉ lấy đúng số tiền tính theo cây số mà nhà nước quy định. Cử chỉ này làm cho Phan Sào Nam cảm động và ca ngợi hết lời về sự văn minh, nền văn hóa và sự giáo dục của người Nhật.

Hoặc như khi Phan Bội Châu và Lý Trọng Bá (cựu du học sinh) sau gần 10 năm xa cách, đã trở lại Nhật (1918) thăm vị ân nhân của mình là bác sĩ Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang, thì vị bác sĩ đã qua đời. Phan Bội Châu liền viết một bài văn bia để tưởng niệm, nhưng trong túi chỉ có 120 yên, còn thiếu khoảng 100 yên nữa mới đủ. Sự việc đến tai ông trưởng thôn, một con người trọng nghĩa tên là Okamoto Setsutaro. Ông liền đứng ra vận động bà con trong thôn giúp đỡ tiền nong và nơi ăn chỗ ở cho hai vị khách từ phương trời xa đến… Một tháng sau công việc dựng bia hoàn thành. Một tấm đá cao 2,7m, dày 0,87m đặt trên một bệ đá cao gần 1m, khắc 105 chữ Hán mỗi chữ to bằng bao diêm, trong đó có câu văn khá lâm ly. Dịch: “Chí tôi chưa thành mà Ngài chẳng đợi, thăm thẳm lòng này ngàn thu ghi tạc”. Sau đây là lời kể của bà Asaba Kazuko, cháu ngoại của cố bác sĩ Sakirato… “Trong gia đình tôi, chuyện tấm bia này, phải giữ bí mật, ông ngoại tôi giúp đỡ thanh niên Việt Nam, là việc lúc bấy giờ đi ngược với chính sách của Chính phủ. Lúc tôi còn bé mẹ tôi dặn vậy… Mỗi khi thăm mộ ông ngoại, mẹ tôi luôn dọn sạch sẽ quanh bia… Tôi nghe nói ông ngoại tôi tích trữ một số tiền để đi du học ở Đức, nhưng vì bệnh lao phổi, không đi du học nữa, và ông đã dùng số tiền đó (1700 yên) giúp cụ Phan Bội Châu. Tôi nghĩ đây là một hành động tốt đẹp” (theo Norio Kato, trưởng ban tiếng Việt đài phát thanh NHK, Nhật Bản). Năm 2003, nhân dân thị trấn Abasa, đã tổ chức kỷ niệm 85 năm cụ Phan Bội Châu dựng bia tưởng niệm, ban tổ chức đã mời ông Phan Thiệu Cơ, cháu nội cụ Phan Bội Châu sang dự. Vì vậy ngày nay càng có nhiều người quan tâm đến gia đình bà Asaba Kazuko và cả thị trấn Abasa thuộc tỉnh Tĩnh Cương, dưới chân núi Phú Sĩ. Trong số những người bình thường, còn có không ít những người công nhân như thuyền trưởng tàu Iyomara và các thủy thủ đã tìm cách cải trang cho Cường Để lên bờ an toàn, hoặc như chủ cửa hiệu “Sơn Khẩu” ở Tokyo đã sẵn sàng bán chịu cho cụ Phan 400 khẩu súng, trong khi cụ chỉ đủ số tiền mua được 100 khẩu. Năm 1912 một quân nhân Nhật tên là Ishiy Iwane (Tùng Tỉnh Thạch Căn) đã giúp Nguyễn Thức Canh (một lưu học sinh Việt Nam trốn lại ở Nhật để tiếp tục học lên cao) chuyển thư về quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cho thân phụ mình là cụ Nguyễn Thức Tự, nhưng anh quân nhân này không trao được thư, vì bị Pháp theo dõi… Vào khoảng năm 1941, người dân xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, bỗng thấy một cụ già người Nhật đến thắp hương trước mộ chung của hai liệt sĩ nguyên là lưu học sinh Việt Nam ở Nhật là Hoàng Trọng Mậu và Trần Hữu Lực bị thực dân Pháp xử tử hình cùng một lúc, hoặc vào khoảng những năm của thập kỷ 50, có những người Nhật âm thầm lặng lẽ đến Huế thắp nén hương thơm trước mộ Phan Bội Châu và Cường Để… Gần đây càng có đông người Nhật đến viếng mộ hai vị.

Những sự việc kể trên chứng tỏ phong trào Đông Du đã để lại dấu ấn khó phai mờ đối với nước Nhật và người dân Nhật. Những chí sĩ Đông Du và những nhà lãnh đạo Nhật đương thời, qua sự tiếp xúc cá nhân giữa những con người bình thường cùng chung một tấm lòng, một chí hướng… đã ươm mầm cho mối quan hệ hữu nghị tiếp tục duy trì, phát triển cho đến ngày hôm nay và mai sau.

 

Nguyễn Thúc Chuyên

* Cựu giáo chức thành phố Huế.

 

Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, Số 281 (04/2007)

----------

Chú thích:

  1. Cường Để là học sinh trường Lục quân Chấn Võ, được quân đội cấp nhà ở tại Tokyo, về sau nhà này bị bom Mỹ đánh sập, ông phải đi ở nhờ.

20200511

Kim Vân Kiều do GS Takeuchi Yonosuke (Nhật Bản) dịch     

Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc Việt Nam với vị trí và tầm vóc khó có ai sánh nổi. Tên tuổi và sự nghiệp của ông được thế giới biết đến nhiều nhất trong số tất cả các nhà thơ Việt Nam, bởi một lẽ đơn giản ông là người thể hiện tài hoa nhất tính dân tộc và tâm hồn Việt. Trong số các tác phẩm  của Nguyễn Du Truyện Kiều là kiệt tác hết sức đặc biệt, vừa mang tính văn chương bác học, vừa mang tính phổ cập bình dân, vì thế được đông đảo quần chúng hơn hai thế kỷ qua nồng nhiệt đón nhận và nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu không ngừng bình luận, khám phá.

 Truyện Kiều đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam để đến với độc giả nhiều nước trên thế giới. Tính đến nay đã có trên 30 bản dịch Truyện Kiều ra ngót 20 thứ tiếng nước ngoài, trong đó có 13 bản tiếng Pháp, 10 bản Hán văn và Trung văn, các bản dịch tiếng Nga, Anh, Nhật, Đức, Tiệp, Hungari, Rumani, Hàn Quốc, v.v… Các học giả quốc tế đều đồng thanh ca ngợi Truyện Kiều là tác phẩm xứng đáng nhất của nền thơ cổ điển Việt Nam và Nguyễn Du là nhà thơ lớn có một không hai của dân tộc.

Năm 1964 tại Berlin, Chủ tịch đoàn Hội đồng hòa bình thế giới đã chính thức công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới và thông qua nghị quyết kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du. Đây là sự kiện rất đáng tự hào cho văn hóa Việt Nam, đồng thời chứng tỏ vị thế và tầm cỡ của đại thi hào nước ta trong nền văn hóa thế giới. 

Truyện Kiều được dịch ra tiếng Pháp từ rất sớm. Tính từ bản dịch đầu tiên của Abel des Michel năm 1884 đến nay đã có tất cả 13 bản dịch khác nhau của Emond Nordenmann (1887), Nguyễn Văn Vĩnh (1913), Thu Giang (1915), René Crayssac (1926), L. Masse (1926), Nguyễn văn Vĩnh (1942), M.R (1944), Xuân Phúc và Xuân Việt (1961), Nguyễn Khắc Viện (1965), Paul Schneider (tức Xuân Phúc, 1981, hiệu đính lại 1986), Lê Cao Phan (1994), Lưu Hoài (1999). Trong đó bản dịch của Nguyễn văn Vĩnh được in đi in lại ít nhất 7 lần và được dịch giả đầu tư nhiều công sức và thời gian nhất trong vòng gần 30 năm. Con số các bản dịch và thời gian xuất bản liên tục như vậy cho thấy mối quan tâm thực sự của độc giả Pháp đối với Truyện Kiều và thi hào của chúng ta. Tuy chất lượng các bản dịch có khác nhau, nhưng chúng bổ sung cho nhau, khắc phục các nhược điểm của nhau để giúp người đọc Pháp ngữ có hình dung hoàn chỉnh nhất về Truyện Kiều.

Các học giả Pháp đều coi Truyện Kiều là tác phẩm thể hiện thần tình nhất quốc hồn, quốc tuý Việt Nam. Nhà văn, nhà thơ Pháp René Crayssac, người dịch Truyện Kiều sang Pháp văn đã thốt lên: "Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thật là một nền văn chương kiệt tác, tưởng có thể so sánh với những văn chương kiệt tác của bất cứ đời nào, nước nào cũng không thua vậy"1. Các học giả khác như Anbel des Michel, Georges Coocdier, H.Maspero, Duymuchie… cũng đánh giá rất cao văn tài Nguyễn Du. Đối với nhà văn Pháp Joocjo Budaren, Nguyễn Du "là người rất mực nhân đạo ở một thời đại ít nhân đạo" và Truyện Kiều của ông  "quả là một bản trường ca kỳ lạ, nghịch đời, hấp dẫn và hiếm có"2. Theo ông, cuốn tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Quốc ít được phổ biến rộng rãi và hầu như không mấy ai biết đến. Nếu Nguyễn Du không dựa trên cuốn tiểu thuyết Trung Quốc ấy viết thành bản trường ca của mình, thì rất có thể chẳng còn ai nói tới cuốn tiểu thuyết đó nữa. Nhà nghiên cứu Georges Coocdier ca ngợi ngọn bút tả cảnh tài tình của Nguyễn Du, chỉ phác mấy nét bút mà vẽ nên phong cảnh đầy khí sắc và cảm tình "giống như thơ hai-ku của Nhật Bản, mà còn có phần tinh tế hơn".

 Trong văn chương Pháp, chuyện vay mượn cấu tứ, cốt truyện nước ngoài để sáng tác là hiện tượng hết sức bình thường. Molière sáng tác vở kịch Lão hà tiện lấy cốt truyện từ hài kịch Truyện cái nồi  của một nhà soạn kịch La Mã. Plot Raxiz sáng tác bi kịch lấy cấu tứ từ các truyện của Hy Lạp, Do Thái. Coocnây có vở kịch thành công nhất là lấy tích của Tây Ban Nha, truyện ngụ ngôn của La Phôngten cũng có nhiều bài bắt chước chuyện cũ của Esore… Trong văn học Pháp có vô số  điển tích và từ ngữ của cổ văn Hy Lạp, La Mã. Các nhà văn Pháp thế kỷ XVII cũng thường phóng chép cốt truyện của Ơripid, Aristophane, Edov… Nhưng không vì thế mà nền văn học Pháp bị coi là nền văn học không có quốc tính và tinh thần riêng. Khi nhận xét một tác phẩm, điều quan trọng không phải là xét xem cốt truyện ấy vay mượn của nước ngoài hay do tác giả tự hư cấu nên, mà điều quan trọng là đánh giá tác giả tái tạo nó có gì đặc sắc không, có chuyển hoá được theo tinh thần của Tổ quốc mình không. Về Truyện Kiều của Nguyễn Du, René Crayssac  kết luận: "Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thật là có cái tinh thần đặc biệt của nước Nam ở đó"3.

Truyện Kiều được đặc biệt dịch nhiều sang thơ chữ Hán và Trung văn hiện đại. Tất cả có 7 bản dịch sang thơ chữ Hán của các dịch giả Nguyễn Kiên, Lê Mạnh Điềm, Từ Nguyên Mạc, Lê Dụ, Lý Văn Hùng, Trương Cam Vũ và gần đây nhất mới phát hiện thêm một bản dịch nữa dưới dạng thơ chữ Hán, nhưng làm theo thể lục bát của cụ Thái Hanh, một Việt kiều định cư tại Úc. Có hai bản dịch sang Trung văn của các giáo sư Trung Quốc Hoàng Dật Cầu và La Trường Sơn

Trong các bản dịch Truyện Kiều sang Hán văn, bản dịch của Trương Cam Vũ, xuất bản năm 1996, được đánh giá là công phu và thành công hơn cả. Dịch giả đã chuyển 3254 câu Kiều thành 812 bài thất ngôn tứ tuyệt và một bài thất ngôn bát cú, với hình thức niêm luật chặt chẽ. Các bài thơ Đường luật của ông rất thanh thoát, giàu chất thơ và nhạc điệu mà vẫn bám sát tối đa nội dung của nguyên thi. Mỗi bài thơ dịch đều in phần chữ Hán  phiên âm và được trình bày theo hình thức song ngữ, rất tiện lợi để đối chiếu với nguyên bản. Tuy nhiên, khách quan mà nói thì khó có bản dịch nào đạt nổi giá trị nghệ thuật so với nguyên tác bản Nôm của thi hào Nguyễn Du.

Các dịch giả Truyện Kiều sang Hán văn đều là những người hiểu biết rộng và sâu,  đều đánh giá cao Nguyễn Du và các tác phẩm của ông. Dịch giả người Trung Quốc Lý Văn Hùng gọi Truyện Kiều là "Việt Nam đệ nhất văn nghệ kỳ thư" và theo ông "về lối văn hàm súc như Truyện Kiều, thi sĩ Trung Hoa nào viết giỏi lắm là tới 300 câu, đã ứa máu; thế mà cụ Nguyễn Du viết những 3254 câu, thời trong văn chương cụ quả là một bậc tiên, bậc thánh".

Câu chuyện Vương Thuý Kiều là tác phẩm khuyết danh được lưu truyền ở Trung Quốc từ thế kỷ XVI trong Kỷ tiễu Từ Hải bản mạt của Mao Khôn. Đến thế kỷ XVII, XVIII nhiều tác phẩm văn học đã lấy chuyện đó làm đề tài. Tác giả Đổng Văn Thành cho rằng có 11 tác phẩm khác nhau liên quan đến đề tài này. Tiêu biểu nhất về tản văn có Kim Vân Kiều truyện của Dư Hoài, về hý kịch có Song Thuý Viên của Hạ Bỉnh Hoành, về tiểu thuyết có Sinh báo Hoa Ngạc ân, tử tạ Từ Hải nghĩa (xem Mộng giác đạo nhân) và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. 

Theo ý kiến của hai nhà nghiên cứu Trung Quốc Lưu Thế Đức và Lý Tu Chương, trong tất cả các tác phẩm ấy tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân có nội dung phong phú và hoàn chỉnh hơn cả. Nhưng bản thân hai ông cũng đưa ra ý kiến hoàn toàn khách quan rằng Truyện Kiều của Nguyễn Du ở Việt Nam được lưu truyền rộng rãi hơn, vượt xa mức độ lưu truyền của cuốn tiểu thuyết Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Quốc. Mà sự công nhận của quần chúng bao giờ cũng là thước đo cao nhất cho thành công của tác phẩm. Đối sánh với Kim Vân Kiều truyện, hai ông nhận xét rất công bằng rằng Nguyễn Du không thuật lại nguyên vẹn, dập khuôn toàn bộ quá trình diễn biến và các tình tiết trong câu chuyện cũ, mà với khả năng nghệ thuật thiên tài ông đã sáng tạo nên một tác phẩm tuyệt mỹ và hoàn chỉnh mới bằng thể thơ lục bát, thể thơ độc đáo riêng có của dân tộc Việt Nam.

Năm 1959, GS. Hoàng Dật Cầu ở Học viện sư phạm Hoa Nam đã bỏ rất nhiều công sức để dịch Truyện Kiều sang Trung văn hiện đại. Ông làm việc với tất cả sự nghiêm túc, thận trọng và lòng nhiệt tình có thể. Tuy nhiên do trình độ tiếng Việt có hạn, do hiểu biết nguyên tác chưa được thấu đáo, như dịch giả tự nhận còn "nông cạn, kém cỏi", mà bản dịch có nhiều chỗ dịch chưa đạt, thậm chí dịch hỏng, gây ra những hiểu lầm tai hại. Những lầm lẫn này, như PGS. TS. Phạm Tú Châu đánh giá là "có quá nhiều", đã được một số nhà nghiên cứu phân tích khá đầy đủ trong các bài viết sau này. Trong khoảng ba chục năm đầu, bản dịch Truyện Kim Vân Kiều ra Trung văn bình yên lưu hành ở Trung Quốc, cho đến năm 1986 thì những dư luận trái chiều bắt đầu nổi lên sau bài viết So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam của nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành. Từ những chỗ bất ổn, dịch sai trong bản dịch của GS. Hoàng Dật Cầu, cũng như từ cách hiểu đánh đồng sáng tác với dịch thuật, đánh đồng hai thể loại khác nhau là thơ ca và văn xuôi, không đếm xỉa đến những đặc điểm bút pháp của chúng… đã dẫn tới những lầm lẫn tai hại trong đánh giá phê bình của nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành. Ông thậm chí cho rằng Nguyễn Du chẳng những mượn đề tài của tiểu thuyết Trung Quốc, mà còn dường như "bê nguyên xi" và "dịch sai" cả nguyên tác. Sau này một số sinh viên, nghiên cứu sinh Trung Quốc do không có tài liệu tham khảo và không cập nhật được thông tin, khi nói về ảnh hưởng của Kim Vân Kiều truyện đối với Việt Nam cũng vẫn tham khảo dựa trên bài nghiên cứu so sánh của ông Đổng Văn Thành.

Trước tình hình đó, GS. La Trường Sơn, một học giả Trung Quốc rất gắn bó và có tình cảm sâu nặng với văn học Việt Nam, đã quyết định dịch lại Truyện Kiều sang Trung văn. Ngoài phần ngưỡng mộ và yêu thơ Nguyễn Du, ông muốn gửi đến bạn đọc Trung Quốc một bản dịch Truyện Kiều trung thực và thành công hơn bản dịch của GS. Hoàng Dật Cầu, để các nhà nghiên cứu khi so sánh với Kim Vân Kiều truyện Trung Quốc sẽ tránh được những nhận xét và kết luận sai lầm. Tuy nhiên dù là dịch giả có đủ tiêu chuẩn nhất để dịch Truyện Kiều ra Trung văn, bản dịch của GS. La Trường Sơn vẫn khó có thể sánh được với nguyên tác. Và rất tiếc là tác phẩm dịch xong vẫn chưa in được vì chưa tìm được nguồn tài trợ, vì vậy mục đích của GS. La Trường Sơn vẫn chưa được thực hiện. Năm 1994, nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành cũng tự dịch Kim Vân Kiều truyện in trong Minh Thanh tiểu thuyết giám thưởng từ điển, song là dịch ra văn xuôi, cốt lấy nội dung là chính mà mất hết cái hay cái đẹp của thơ Nguyễn Du.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đương đại gần đây đã có những nhận xét khách quan hơn về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhà nghiên cứu K.C. Leung đã phát biểu "Oái ăm thay, tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân lại bị người Trung Hoa hầu như quên lãng"4. Ông phải công nhận rằng "thật thú vị khi thấy quan hệ giữa tài và nỗi bất hạnh của Kiều trong Truyện Kiều được nhấn mạnh hơn rất nhiều so với trong Kim Vân Kiều truyện" và "người ta có ấn tượng rằng nàng Kiều Việt Nam bất hạnh hơn Thuý Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân". Ông cũng thừa nhận có những khác biệt rõ ràng về ngôn ngữ, thể loại, ngữ khí, phong cách, độ dài, chi tiết miêu thuật giữa hai tác phẩm trên.

Truyện Kiều cũng được giới thiệu và nghiên cứu ở Đài Loan. Độc giả Đài Loan chỉ được làm quen với Truyện Kiều của Nguyễn Du qua bản dịch của GS. Hoàng Dật Cầu và một số nhà nghiên cứu cũng dùng lại quan điểm của ông Đổng Văn Thành. Tuy nhiên, có những nhà nghiên cứu hiểu sâu hơn về tác phẩm của Nguyễn Du đã có ý kiến hoàn toàn khác, khách quan và công bằng hơn như GS. Trần Ích Nguyên, người đã nhiều năm nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều hay TS. Trần Quang Huy, học giả Đài Loan từng du học ở Việt Nam.

Nguyễn Du và Truyện Kiều được giới thiệu và nghiên cứu khá công phu ở nước Nga. Người dịch đầu tiên tác phẩm này sang tiếng Nga là dịch giả, nhà thơ A.Steinberg5. Nhiều nhà khoa học đã dày công nghiên cứu Truyện Kiều và tác phẩm của ông, trong đó phải trân trọng nhắc đến những tên tuổi như N.I. Niculin, M.Tcachiov, T.N.Philimonova… Nhờ công sức và tâm huyết của họ, độc giả nước Nga và 14 nước cộng hoà còn lại trong khối Liên bang Xôviết cũ mới biết đến tên tuổi Nguyễn Du và nhiều tác phẩm văn học Việt Nam.

Nói chung, dưới thời Xôviết văn học Việt Nam được giới thiệu khá đầy đủ và có hệ thống ở Nga. Hầu hết các đại diện tiêu biểu của văn học Việt Nam đều được dịch ít nhiều, từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… cho đến các nhà văn đương đại như Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Văn Bổng… Tuy nhiên, bên cạnh việc chuyển tải dù sao cũng dễ dàng hơn các tác phẩm văn xuôi, việc dịch các tác phẩm thơ sang tiếng Nga là vô cùng khó. Đó là những khó khăn dường như không thể vượt qua nổi bởi sự xa cách quá lớn giữa hai hệ thống ngôn ngữ và hai niêm luật thơ. Tiếng Việt thuộc họ ngôn ngữ đơn âm, tiếng Nga thuộc họ đa âm có biến cách. Thể thơ Việt được xây dựng trên sự kết hợp các âm tiết và dấu thanh điệu, trong khi đó thể thơ Nga là kiểu thơ âm tiết - trọng âm, phản ánh tính đa âm tiết của từ vựng và sự có mặt của trọng âm. Thơ Việt Nam không thể hình dung nổi các thể thơ "iambơ", "đakchin", cũng như thơ Nga không thể hình dung nổi "lục bát". Điểm sơ qua về mặt kỹ thuật như thế để thấy rằng việc truyền đạt hình thức nguyên tác thơ sang tiếng Nga là không thể và rất nhiều cái hay cái đẹp của Truyện Kiều đã mất đi trong khi dịch. Song không riêng gì cụ Nguyễn Du của chúng ta phải chịu tổn thất ấy. Puskin, "mặt trời của thi ca Nga", người được toàn thể nhân dân Nga, từ tầng lớp quí tộc, trí thức đến công chúng bình dân, đều thuộc lòng và yêu mến, khi chuyển sang tiếng Việt cũng chỉ còn là cái bóng mờ nhạt của thiên tài. Nói chung tình trạng "bất khả dịch" là chung đối với việc dịch thơ sang các thứ tiếng đa âm.

Nói về cội nguồn đầu tiên của Truyện Kiều, GS. TSKH. Niculin cũng khẳng định Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân "không có nhiều giá trị đặc sắc về nghệ thuật và đã mấy trăm năm nay ở Trung Quốc không hề thấy tái bản"6. Trong khi đó Truyện Kiều đã trở thành sách gối đầu giường của biết bao thế hệ độc giả Việt Nam. Trong Kim Vân Kiều truyện, tác giả quá chú ý đến việc mô tả các biến cố, chồng chất quá nhiều sự kiện vụn vặt, những cảnh thô tục sặc mùi tự nhiên chủ nghĩa. Còn Truyện Kiều do Nguyễn Du sáng tạo là một tác phẩm "độc đáo lạ thường, mang đậm bản sắc dân tộc". Nguyễn Du đã tái dựng một hệ thống hình tượng có màu sắc riêng, độc đáo, được thể hiện một cách tinh tế và đầy sức truyền cảm.

Truyện Kiều được dịch sang tiếng Anh tại Sài Gòn từ năm 1963 (Dịch giả Lê Xuân Thuỷ, Nxb Khai Trí), nhưng bản dịch đầu tiên trên đất Hoa Kỳ gắn liền với những biến cố trong chính trường nước Mỹ. Sau những sự kiện của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, người Mỹ bắt đầu băn khoăn tìm hiểu nguyên nhân sức mạnh và những kỳ tích của quân đội "Việt Cộng". Tạp chí The Washingtonian đã đăng một số bài viết, trong đó có bài của GS. Trần Văn Dĩnh về Kim Vân Kiều và được toà soạn đặt cho cái tên Một tài liệu ly kỳ vừa bắt được, tiết lộ tinh thần của địch. Trong những bức ảnh minh họa cho bài viết có hình Tổng thống Johnson với lời chú thích: "Giá như Tổng thống Johnson đã đọc Truyện Kiều thì chắc không phải lâm vào tình trạng rắc rối như ngày nay"7. Tạp chí số đó đã bán rất chạy và gây nhiều phản ứng trong giới chính trị. Thượng nghị sĩ Quốc hội Mỹ O.Hatfield đã kêu gọi phải chú ý đến văn hoá Việt Nam và nàng Kiều chính thức bước vào sân khấu chính trị nước Mỹ. Một số trường đại học Mỹ sau đó đã đưa Kim Vân Kiều vào chương trình giảng dạy của mình. Truyện Kiều bằng tiếng Anh được Random House, nhà xuất bản lớn nhất nước Mỹ cho ra mắt năm 1973 qua bản dịch của GS. Huỳnh Sanh Thông, giảng viên đại học Yale. Bản dịch được nhiều nhà phê bình cho là dịch đúng và hay. Năm 1983, cuốn sách được Nhà xuất bản Đại học Yale tái bản. Dưới ảnh hưởng tốt đẹp của cuốn sách, nhiều giáo sư người Mỹ và người Việt đã kiên trì đấu tranh để Truyện Kiều được dùng giảng dạy trong các môn về Việt Nam và Đông Nam Á. Ngoài ra còn có các bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh của Michael Counsell (Nxb Thế giới, 1995), Lê Cao Phan (Nxb Văn nghệ Tp. HCM, 1996).

Có hai bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Nhật. Bản dịch đầu tiên là Kim Vân Kiều của Nhà xuất bản Đông Bảo, xuất bản năm 1942. Dịch giả, nhà văn Komatsu Kiyoshi, lấy nguồn là bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh, qua người bạn học là nhà thơ Nguyễn Giang, con trai ông Nguyễn văn Vĩnh. Do nguồn đã là bản dịch sang tiếng Pháp, nên công trình này không tránh khỏi một số nhược điểm nhất định. Bản dịch thứ hai công phu hơn, do Takeuchi Yonosuke dịch, Nhà xuất bản Kôdansha - một nhà xuất bản rất nổi tiếng của Nhật - xuất bản năm 1975. Takeuchi Yonosuke là giáo sư Trường đại học ngoại ngữ Tokyo, đã dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam như: Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên, Hồn bướm mơ tiên, Đoạn tuyệt… Ông từng giảng dạy tại Sài Gòn gần 5 năm. Ông dịch xong Truyện Kiều từ 1962, nhưng chưa vừa ý, mãi đến năm 1975 mới chỉnh lý lại và cho xuất bản. Năm 1985 ông cho tái bản một bản dịch khác cô đọng hơn, mang tên Kim Vân Kiều truyện, do Daigakusorin (Đại học Thư lâm) xuất bản.

Bản dịch Truyện Kiều của giáo sư Takeuchi Yonosuke là công trình dịch thuật rất công phu, có chú giải kỹ lưỡng từng câu. Sinh viên Nhật Bản cũng như đông đảo bạn đọc quan tâm đến văn học phương Đông và văn học Việt Nam đều đánh giá cao cuốn sách này. Một lý do khiến người Nhật quan tâm tới Truyện Kiều của Nguyễn Du là do cách đây hơn 200 năm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã được dịch ở Nhật Bản với tên gọi Kim Kiều truyện (dịch giả Nishida Isoku). Cuốn sách nổi tiếng một thời, từng được nhiều nghệ sĩ dựa vào phóng tác, cải biên, đưa lên sân khấu Jôruri (tĩnh lưu ly) và Kaburi (ca vũ kỹ). Có tiếng vang nhất là tiểu thuyết phóng tác Kim Ngư truyện của nhà văn nổi tiếng cuối thời Edo Kyokutei Bakin. Vì là tiểu thuyết phóng tác nên Bakin đã thay đổi toàn bộ bối cảnh, thời đại, nhân vật Trung Hoa thành Nhật Bản. Nhưng Kim Kiều truyện và Kim Ngư truyện của Nhật Bản lại chưa phải là những thành tựu tiêu biểu của văn học Nhật Bản. Chúng chỉ dừng lại ở mức văn nghệ "nêu gương", răn đời và đạo nghĩa. Chúng là câu chuyện của một thời chứ chưa phải chuyện của muôn thuở, và điều đó giải thích số phận khác nhau của chúng so với Truyện Kiều Việt Nam.

Felich Pita Rodriget, nhà văn Cu Ba khi nói về việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Tây Ban Nha cũng nhấn mạnh đến những tổn thất mà bản dịch phải chịu khi được chuyển ngữ. Ông nói: "Đáng tiếc là sự đẹp đẽ về hình thức, những giá trị biểu hiện tinh vi, nhạc điệu diệu kỳ của một trong những ngôn ngữ nhiều chất thơ nhất, đã không còn nữa khi người ta chuyển nó qua một ngôn ngữ khác và chúng ta đành phải bằng lòng với một hình bóng rất xa với nguyên bản"8. Đánh giá về con người và sự nghiệp của Nguyễn Du, ông cho rằng một phần lớn nhờ vào thiên tài của Nguyễn Du mà văn học Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX đã đạt được thời hoàng kim của mình, thời kỳ rực rỡ nhất trong nền văn học cổ điển.

Năm 2004, Truyện Kiều lần đầu tiên được dịch và xuất bản ở Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, việc giảng dạy tiếng Việt ở cấp đại học đã bắt đầu từ năm 1967, khi Hàn Quốc có quan hệ ngoại giao với chính phủ Việt Nam Cộng hoà. Tuy nhiên, sau năm 1975, quan hệ này bị gián đoạn và phải đến năm 1992 quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc với CHXHCNVN mới được nối lại. Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam ngày một tăng và sự quan tâm của người Hàn Quốc đối với Việt Nam ngày càng lớn. GS. TS. Ahn Kyong Hwan, trường Đại học Youngsan, đã dịch Truyện Kiều với tất cả niềm say mê và tâm huyết. Ông chọn thể thơ Sijo - thể thơ cổ của Hàn Quốc để dịch, mà không diễn lại bằng văn xuôi. Cuốn sách in song ngữ đẹp, trang trọng, mỗi khổ thơ tiếng Việt xen lẫn một khổ thơ tiếng Hàn, rất tiện đối sánh. Việc dịch và giới thiệu Truyện Kiều đã trở thành một sự kiện văn hoá của năm 2004 ở Hàn Quốc và tác phẩm của Nguyễn Du dần dần có một vị trí nhất định trong lòng độc giả Hàn Quốc.

Ngoài ra Truyện Kiều còn được dịch sang tiếng Tiệp Khắc (dịch giả Gustav Franck, 1958), tiếng Đức (dịch giả Franz Faber và Irène, 1964), tiếng Rumani (Nxb Pentru Literatura, 1967), tiếng Hungari (dịch giả Trương Đăng Dung, 1984)... Trong lời đề tặng bản Kiều dịch sang tiếng Đức xuất bản ở Berlin, GS. TS. Johan Dichman đã viết: "Với tác phẩm này, độc giả Đức tìm thấy một thế giới văn học mà cho tới nay họ chưa từng biết tới: trước mắt họ, thấm nhuần trong Truyện Kiều là cả một kho tàng nhân văn, đỉnh cao tuyệt vời của nền văn hoá dân tộc Việt Nam". 

Trong sự giao lưu, tiếp biến giữa các nền văn hoá, vai trò của người dịch tác phẩm văn học vô cùng to lớn. Tác phẩm được khai sinh hay khai tử ở ngôn ngữ mới phụ thuộc rất nhiều vào dịch giả. Chính các dịch giả mới là "người môi giới văn hoá" đầu tiên. Họ là người "tái sinh" hay "giết chết" tác giả ở nước ngoài, nhất là đối với việc dịch thơ. Nhưng có một nghịch lý là các dịch giả thơ tuy là những người rất am tường văn hoá, tinh thông ngoại ngữ, nhưng lại không phải là những nhà thơ. Ngược lại các nhà thơ thường rất khó nắm bắt ngoại ngữ. Nguyên tắc tối cao của dịch nghệ thuật là "lấy hồn thơ để dịch thơ". Thực tế cho thấy các bản dịch thành công nhất sang tiếng Việt là thuộc về các thi sĩ: bản dịch đặc sắc Chinh phụ ngâm của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm9đã gần như trở thành tác phẩm độc lập với nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn. Bản dịch Đợi anh về được K. Ximonov cám ơn nhà thơ Tố Hữu vì "bài thơ được sống mãi trong bản dịch tuyệt vời" của dịch giả. Hay những vần thơ tuyệt đẹp của Olga Bergons được phục sinh qua các bản dịch tài hoa của Bằng Việt… Những tác phẩm dịch bất hủ thường loé lên từ sự hội tụ hi hữu của   hai yếu tố ấy.

Tuy nhiên nếu chấp nhận tư tưởng "bất khả dịch" ("Dịch - đó là cái chết của nhận thức", "Dịch tức là diệt"), thì có nghĩa chúng ta chấp nhận sự đóng kín của các nền văn hoá, sự cô lập giữa các nền văn học. Trên thực tế dịch thuật đang ngày càng trở thành công cụ quan trọng không thể thiếu trong xu thế giao lưu và hội nhập, là cầu nối để các dân tộc ngày càng hiểu biết và đồng cảm với nhau hơn. Thế kỷ XX đã có lúc được gọi là thế kỷ của dịch thuật, và Dante, Goethe, Sakespeare, L.Tolstoi, Dostoevski, Tagore, Hemingway… không còn là báu vật riêng của mỗi dân tộc, họ đã trở thành tài sản chung của toàn nhân loại. Trong thành quả này có sự đóng góp âm thầm của các dịch giả với lao động gian truân, nhọc nhằn và ít khi được đánh giá đúng mức của họ./.

Từ Thị Loan

* Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 04.05.2020.


Chú thích:

1 René Crayssac. Truyện Kiều và xã hội Á Đông. Nguyễn Du - về tác gia và tác phẩm. Nxb Giáo dục, 1999, tr. 990.

2 Joocjo Budaren. Nguyễn Du và Đoạn Trường Tân Thanh.Truyện Kiều - Những lời bình. Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2000, tr. 608. 

3 René Crayssac. Sách đã dẫn, tr. 994.

4 K.C. Leung. Chu trình diễn hoá của Kiều: Lại bàn về kế thừa và sáng tạo. Nghiên cứu câu chuyện Vương Thuý Kiều, Nxb Lao động - Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, 2004.

5 Những tiếng kêu xé lòngt, Moskva, 1965; Thơ cổ điển Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Nhật Bản. Nxb Văn học nghệ thuật. Moskva, 1977.    

6 Niculin. Nguyễn Du nhà thơ nhân đạo lỗi lạc. Truyện Kiều - Những lời bình. Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2000, tr. 630.

7 Trần Văn Dĩnh. Nhân đọc Trên đỉnh Trường Sơn kể Truyện Kiều. Nxb Thanh niên, 2002.

8 Felich Pita Rodriget. Nguyễn Du, nhà thơ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. In trong Kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du. Nxb Khoa học xã hội, H., 1967.   

9 . GS. Hoàng Xuân Hãn cho là của Phan Huy Ích.

(Nhân đọc “Cái vú thừa” - tập truyện của McAmmond Nguyen Thi Tu, Nxb. Hội Nhà văn 2018)

20191123 cai vu thua

“Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê.” Hoài Thanh (1909 - 1982).

“Ngụ ngôn là hình thức văn học khắc nghiệt nhất.” Salman Rushdie (1947-)

Văn là đời; văn là người

“Việt Nam”, “Canada”; “ta”, “tây”; “dân tộc”, “nhân loại” đã làm nên thể tài cho cây viết người Canada gốc Việt này. Còn “ngụ ngôn” lại là hình thái thi pháp bao trùm nghệ thuật viết văn của tác giả; như Giáo sư Larry J. Fisk đã khái quát trong Lời nói đầu cho tập truyện đầu tay của nữ văn sĩ: “Những truyện đó, theo đánh giá khiêm nhường của tôi, đáng được coi là những truyện ngụ ngôn - không phải ở một thời điểm hay không gian xa xôi - mà là bài học cổ điển của thế kỉ 21”.

Từ hơn thập niên qua, chỉ với hơn 20 truyện ngắn, ký sự, chân dung văn nghệ được công bố trên các báo chí, trang mạng văn học chính yếu tiếng Việt và xuất bản trong 3 tuyển tập, McAmmond Nguyen Thi Tu đã không chỉ được đánh giá tốt đẹp từ văn giới, các nhà biên tập(1), mà còn được quan tâm nhiệt tình của dư luận bạn đọc trong và ngoài nước. Trước tuyển tập song ngữ Việt - Anh Cái vú thừa, chị đã là tác giả 2 tập truyện ngắn Trên nền tuyết trắng xóa (2009) và Đường đến cõi Samadhi (2012). Tìm kiếm sơ bộ trên mạng, dễ thấy tác giả này đứng tên trong không ít dẫn chứng ở các bài nghiên cứu, tổng quan về văn học Việt ở nước ngoài, dòng văn chương di dân, trong các bài giới thiệu tuyển tập truyện ngắn hay hằng năm của báo Văn Nghệ…

Giữa thế hệ nhà văn hải ngoại thuộc nhóm tác giả nữ ở các đề tài di dân, hội nhập, nữ quyền thì McAmmond Nguyen Thi Tu - không chỉ trong tư cách đại biểu của Canada mà hơn cả là ở ý nghĩa tác phẩm - cần đứng bên cạnh những “liền chị liền em” chừng 15 năm qua nổi danh từ ngoài này lan về dải đất hình chữ S: Trần Mộng Tú và Lê Thị Thấm Vân (Mỹ), Mai Ninh và Thuận (Pháp), Đoàn Minh Phượng và Lê Minh Hà (Đức)… Riêng ở xứ sở Lá Phong, đây là nữ tác giả truyện ngắn hiện còn nổi trội trên mảng văn tiếng Việt cùng các “liền anh” Nam Dao, Hoàng Chính, Hồ Đình Nghiêm…

Các chi tiết đời tư (đã ít nhiều hiện ra qua bút danh, tiểu sử) dự phần quyết định nguồn tư liệu, vốn sống sát sườn cho nữ sĩ di dân được nhào trộn trong văn hóa Việt - Canada: Hành nghề phiên dịch, dịch giả chuyên nghiệp cho Bộ Di trú và tư vấn pháp lý cho cộng đồng Việt ở tỉnh bang Alberta; có thân hữu là một nhóm giáo sư, học giả uyên bác người bản xứ da trắng giảng dạy về ngôn ngữ, chính trị, thực hành tâm linh…

Lưu xứ là số phận; giới tính là định mệnh; bản ngã là văn hóa

Trên chiếc kiềng 3 chân đó, “đầu bếp” McAmmond Nguyen Thi Tu đã phục vụ thượng đế độc giả bằng ngọn lửa ngụ ngôn nung nấu các nan đề nhân sinh.

Ở tập Cái vú thừa có 3 truyện được hoàn thành trong năm qua - Lời nguyện nửa khuya; Cái vú thừa; Người tình ký ức - đã đánh dấu bước chuyển lớn trong thi pháp của tác giả: từ phong cách trần thuật hiện thực chân phương sang bút pháp hiện thực phúng dụ, dị ảo. Cuốn truyện đã được đặt tên, phân chia thật đẹp, thật lạ. Và thật nữ tính! Tên sách chính là tên truyện hay nhất, rất lạ và mới - Cái vú thừa. Hẳn sẽ bắt mắt thu tim độc giả ngay từ ấn tượng đầu. Mở (Lời nguyện nửa khuya) và kết (Người tình ký ức) tuyển tập là 2 truyện cũng đều thuộc loại hay, lạ, mới. Mang hình thức ngụ ngôn rõ rệt từ cấu trúc cho đến nguyên tắc phúng dụ, phiếm chỉ với hình thức hiện đại, cả 3 truyện thoát hẳn khỏi lối viết trần thuật quen thuộc đạt tới mức thuần thục của tác giả. Đều không có địa danh địa lý, không nhân vật hiện thực, chúng đã gói ghém những truyện còn lại chứa những đoạn đời thường nhật của giống người đầy hỉ nộ ái ố tham sân si, mà trước nhất là những con dân Việt tha hương nơi xứ người hoàn toàn khác lạ từ thời tiết, địa dư cho đến ngôn ngữ, tập tục.

Ngay cả khi không là đề tài chính, vấn đề đè nặng người di dân mà giới phê bình gọi là tâm thức lưu xứ thường bao trùm hoặc len lỏi trong mỗi dòng chữ ý văn McAmmond Nguyen Thi Tu. Ám ảnh di dân. Mặc cảm di dân… Truyện của nữ văn sĩ thực là một cẩm nang về các loại bi kịch, xung đột gia đình, xã hội cuộc sống người Việt ở Canada và Hoa Kỳ nói riêng và ở hải ngoại nói chung: di cư, thủ tục định cư, ly hôn, lừa tình gạt tiền, tự sát, giết người, điên khùng, vỡ mộng, cô đơn, bất lực, thất vọng, tự ti, căm hận quê hương gốc gác… Hầu như không nhân vật chính nào được sinh ra từ đây có nổi cái kết có hậu.

Đề tài di dân trong tuyển tập được thể hiện rõ ở các truyện: Chuyến hành trình sau chót; Không ai yêu thương tôi; Đêm hoang mạc... Nếu nhìn lại cả 3 tập truyện, có thể thấy McAmmond Nguyen Thi Tu là một trong các nghệ sĩ chân dung đáng tin cậy của người di dân trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Với các truyện hay, chúng như tranh nghệ thuật; nhiều cái đạt lại giống ảnh chân dung; còn đôi ba cái chưa đạt thì là tranh truyền thần. Tất cả đều là hình ảnh sống động, sát thực về người di dân được dựng bởi người di dân. Soi rọi mặt trái. Nhất biên đảo. Nó vẫn đẹp. Và nó chủ quan. Chính tác giả hẳn cũng tự thấy việc “chiên ròn” miếng mảng đề tài và cốt truyện hoàn toàn nghiêng về mặt tiêu cực của đời di dân rất dễ tạo 2 ấn tượng khó xóa nơi độc giả.

Cho đến tập Cái vú thừa, ở tay viết này không có con-người-thời-cuộc. Con-người-chính-trị tuyệt không. Nhân vật của chị không trực tiếp làm ra lịch sử, nên lịch sử cũng chẳng buồn biết đến họ! A, trừ duy nhất một nhân vật phụ - “Ngài” làm chủ một “vương quốc” hư ảo (trong Lời nguyện nửa khuya) - còn thì tất cả những nhân vật chính, phụ trong chừng 20 truyện ngắn đều không là VIP. Họ chỉ là “thằng Daniel - Phúc” vì đồng tính nên cô độc (Không ai yêu thương tôi), là con bé 12 tuổi Trần Thị Mỹ Dung ngổ ngáo và xấu số (Mùi thiên đàng), là bà bán đĩa CD xông xáo và thèm chồng ngoại (Bữa tiệc gà tây), là con mèo đực bị thiến với bao trăn trở để về với tự do và tự chủ (Đường đến cõi Sa-ma-đi), là cái kẻ “Tôi” mạt vận suốt đời vô danh tính, cuối cùng nhận chân mình chỉ là Cái Vú Thừa của giống người (Cái vú thừa)… Oách nhất tới “vị giáo sư tiến sĩ” người bản xứ Canada về hưu ngơ ngơ giữa dòng đời lộn xộn cùng suối tình vô thường trên đất Việt (Bữa tiệc gà tây). Không chỉ là những cá thể thường dân. Họ, không gương mặt, không cá tính, không danh phận. Những gì mang trên mình họ đều thuộc về người Việt, ảnh hưởng từ người Việt. Tên chung của họ, giống như mọi sắc tộc khác cùng đến vùng đất mới, là Người di dân - những lớp người chỉ mong tìm một nơi có cuộc sống tốt hơn.

Để rồi mãi tới đầu năm nay, với một truyện mới được công bố mang tên rất bí hiểm và ẩn dụ là “bt”,bạn đọc mới biết tới sáng tác đầu tiên chứa chất thời cuộc, con đẻ từ thời cuộc trên đường văn gần 30 năm sau khi chị làm người di dân. Thiển ý, đấy không chỉ là truyện ngắn hay nhất của McAmmond Nguyen Thi Tu mà còn là văn phẩm đau đời (con dân Nam) thương phận (người nữ Việt) nhất từ một nữ tác giả có thể sản sinh ra. Nước mắt sẽ không còn biết chảy về đâu sau chữ cuối cùng của truyện! Rất mới rất lạ ở thi pháp văn xuôi, bt rồi sẽ xứng danh đi vào các tuyển truyện giá trị trong dòng văn học hậu chiến.

Bằng cảm hứng và thái độ nữ giới, McAmmond Nguyen Thi Tu đã chọn bất kỳ đối tượng nào để thực thi ý đồ viết văn. Chưa tính ở 2 tập trước, trong Cái vú thừa, không ít truyện có nhân vật chính là người nam và là mèo cũng... nam luôn! Khác nhiều người viết cùng giới, chị giang thẳng tay, mạnh và sắc vào những mặt trái, thói tật ở đồng hương nữ, bình đẳng trong tư thế một con người với các đồng hương nam - những kẻ đương nhiên phải bị xử lý đích đáng khi cần. Của đáng tội, ở những chi tiết, hoàn cảnh trong đôi ba truyện chưa thật thành công, cái sự “giận cá chép thớt” cũng được thực thi.

Với đề tài này, nhà văn cũng vẫn chọn các thân phận bé mọn không ham đại sự. Cái ham duy nhất ở họ là hạnh phúc cá nhân rồi hạnh phúc gia đình; tức là tiền, là tình, là danh phận bình thường, là sự sống còn trong phận đàn bà con gái. Dưới cây bút Việt ấy họ quả là “trở thành phụ nữ” như định nghĩa bất tử của Simone de Beauvoir. Ở nhiều sáng tác, người viết nữ này đã minh họa điều các nhà lý luận từng đúc kết, rằng trong nữ quyền luận cuối cùng thì mệnh đề “sinh học là định mệnh” được thay bằng mệnh đề “giới tính là định mệnh”.

Hãy dừng lại với thiên truyện quan trọng nhất: Cái vú thừa (2) .

Chúng tôi vững tin, về khái niệm rất quan trọng trong nữ quyền là ý thức giới(3). Đành rằng, qua trao đổi được tác giả cho biết ý tưởng “cái vú thứ ba” là vốn của dân gian, trong chuyện hài hước tiếng Anh sau cao trào giải phóng phụ nữ hồi giữa thế kỷ trước.

Cái vú thừa là truyện ngắn “bất bình thường”, về thi pháp cũng như nội dung, tư tưởng. Tiếp sau Lời nguyện nửa khuya, nó xác quyết triển vọng một hướng viết mới cho tác giả. Vượt xa hiện thực kể chuyện thuần túy; chiếm lĩnh nghệ thuật kỳ ảo và phi thực.

Chủ thể nghệ thuật ở dòng truyện này là con- người-văn-hóa. Dẫn tới xung đột truyện, xét cho cùng, cũng là xung đột văn hóa; chứ không là xung đột tâm lý/cá tính với phần lớn tay bút truyện ngắn khác. Đề tài bản ngã/cái Tôi của con người trong tập Cái vú thừa hiện rõ ở các truyện Lời nguyện nửa khuya; Không ai yêu thương tôi; Cái vú thừa; Cuộc đời bắt nạt... Trước và sau đó là 2 thiên truyện độc đáo chan chứa thân phận loài vật, loài người theo 2 lối viết khác hẳn nhau: Kiếp chó,và bt. Nước mắt rồi cũng chẳng còn biết chảy về đâu?!

Triết lý đạo đức căn bản của văn McAmmond Nguyen Thi Tu là tinh thần Thiên Chúa giáo thấm đượm nơi nhiều trang viết. Khi hiển lộ dày, đậm qua từng câu chữ trích, kể Kinh thánh, lúc bàng bạc trong không khí truyện; điểm thành công là người đọc không thấy nặng nề trong các bài học đạo đức. Nhờ ý đồ văn học vô thần sâu xa của tác giả. Nhờ rải rưới tinh thần Kitô trong văn hóa tư tưởng Việt, nơi gặp gỡ ngàn đời của tam giáo Nho-Khổng-Đạo đồng nguyên. Và, nhờ giọng điệu với “một chút trào phúng đáng yêu lấp lánh chỗ này hay chỗ khác trong những chuyện bịa hạng nhất đó.” (L. Fisk). Hầu hết các truyện ở đề tài tâm linh, tôn giáo là với tinh thần Công giáo, còn lại về Phật giáo, Tin lành, Hồi giáo và Yoga: Lời nguyện nửa khuya (Yoga); Đường đến cõi Sa-ma-đi (Phật giáo); Không ai yêu thương tôi (Tin lành); Cái vú thừa (Thiên Chúa giáo); Cuộc đời bắt nạt (Thiên Chúa giáo); Linh hồn tôi đâu (Hồi giáo, Kitô); Người tình ký ức (Thiên Chúa giáo). Tác giả có 2 truyện (ở 2 phong cách sáng tác) rất xứng trong một tuyển tập truyện ngắn nào đó về thể tài tôn giáo. Thiên truyện ngắn Cái vú thừa - một đứa con khôi ngô và ngỗ ngược hiếm có trong văn học nói chung, không chỉ văn học Việt Nam, mà chúng tôi được đọc. Và Linh hồn tôi đâu từng tạo chuỗi thảo luận lý.

Viết văn là kể chuyện

Quan niệm vậy có từ thuở hồng hoang của văn học viết. Vì, viết, đó là nói bằng tay - qua ngôn tự! Nhà văn cừ nhất ấy là kẻ kể hay nhất, “dẻo tay” nhất. Trong các hình thức diễn ngôn truyện nói riêng và văn xuôi nói chung, tạm chia 4 loại chính: Kể, Thuật; Tả, Diễn; Thoại; Luận, Bình. Ở cả 2 phong cách, sở trường của McAmmond Nguyen Thi Tu là văn trần thuật, kể một câu chuyện trước sau gì cũng trọn vẹn; đôi khi xen lẫn bình, luận. Thoại (đối thoại, độc thoại) và diễn biến tâm lý là sở đoản.

Như là một trong những cây bút chuyên về đời di dân, tác giả đã chọn cách viết chuẩn theo các nhà lý luận. Về đối tượng, hình thức diễn ngôn và tiêu điểm truyện: dùng lối viết cá nhân“viết về hành trình hiện hữu và dịch chuyển của cá nhân trong những tương quan với cộng đồng và không gian xã hội.” Về điểm nhìn và cách thức kể: “Ý thức giới thể hiện rõ ở phương thức kể chuyện từ ngôi thứ nhất, nhân vật tôi/ đàn bà kể chuyện mình, chuyện giới mình… qua trường nhìn phụ nữ với điểm nhìn bên trong. Nhân vật và người kể chuyện thường đồng nhất, xưng Tôi để kể những chuyện chỉ riêng Tôi mới biết: chuyện trinh tiết, trở thành đàn bà, ngoại tình, chối bỏ bản năng làm mẹ...”. (Dẫn theo Phạm Văn Quang, và Thái Phan Vàng Anh).

Chúng ta đang đi vào dòng truyện ngắn có phong cách trần thuật như sau: Được trình diễn mạch lạc, cấu trúc chặt chẽ, bố cục tuần tự theo logic (có kết hợp đồng hiện, cắt dán), mạch văn thản nhiên trôi chảy, chi tiết rậm rạp cứ đan cài nhau, miêu tả sát thực như có thể cầm nắm, không khí truyện sinh động như “lên đồng”, diễn tiến có đầu có cuối theo số phận nhân vật, xung đột liên tiếp phát triển không theo tâm lý nhân vật mà qua các sự cố. Xoay đảo ý tứ gấp như vòng cua tay áo mà bám riết ý đồ. Trữ tình nội tâm hoàn toàn không thuận tay với tác giả. Tình huống truyện không theo cung cách phân tách mâu thuẫn, thắt mở nút tâm lý. Có thể gọi đây là dòng truyện không-tình-huống-chính, thậm chí không-nhân-vật. Chi tiết, chi tiết và chi tiết! Ý tưởng, ý tưởng và ý tưởng! Truyện McAmmond Nguyen Thi Tu là cuộc hôn phối giữa người Nữ Chi tiết và người Nam Ý tưởng. Mạnh, và cũng là yếu, tùy từng truyện. Mà cũng bởi thế lối văn này có ít khoảng trống nghệ thuật dành cho loại bạn đọc năng động cùng tham dự. Nó để lại bài học sau những cái kết thường là đột ngột như kết tụ của vô số chi tiết bằng một thứ hóa chất đặc biệt. Hóa chất đó là tính ngụ ngôn hiện đại! Truyện ngắn như thế không chỉ là câu chuyện của tình tiết có thủy có chung, mà quan trọng từ đó đi tới một hay nhiều điều cần nói: ý tưởng.

Về mặt vận chữ dụng nghĩa: Câu chữ gãy gọn, cung cách tự tin như loại tác-giả-biết-tuốt bằng lối nói bình thường đượm vẻ tếu hài và điểm xuyết kinh sách, điển tích, kiến thức...Văn ấy luôn trao khoảng cách thân thiện cho độc giả, chu đáo với nhân vật, tinh tường với chi tiết, căng thẳng với oan trái, song vẫn đủ trầm tĩnh. Văn ấy thường ngắn câu. Từ ngữ nào cũng có trong từ điển hoặc dân gian. (Hiếm có từ nào made by McAmmond Nguyen Thi Tu!) Chủ vị rành mạch. Chấm phẩy cực chuẩn. Văn ấy rất dễ chuyển dịch qua các ngôn ngữ khác, vì không tu từ, ẩn dụ ngôn tự; còn phúng dụ toàn bộ ý tưởng thì có. Thật ra, văn chương này kết hợp thuần thục 3 hình thức: văn nói kể chuyện một lèo “có sao nói vậy người ơi” ở cánh phụ nữ gia đình; văn viết tường thuật chi tiết, chính xác và khoa học của báo chí; và văn giảng chuẩn mực, bao quát, lý giải trong giới mô phạm. Tác giả làm chủ, thấm sâu các hình thức ngôn ngữ.

Ngữ điệu trữ tình sao mà hiếm gặp (có lẽ chỉ ở Lời nguyện nửa khuyaNgười tình ký ức)? Bao trùm một giọng điệu hiện thực trung dung, rạch ròi (góp phần mách bảo người viết ra chúng đích thị con nhà gốc miền Bắc); lãng đãng cùng giọng điệu hài hước giễu cợt - ấy cái uy-mua bóng bảy, dông dài Bắc Kỳ mà không đến nỗi chì chiết mưa phùn do được pha chút gió biển hồn nhiên của dân Trung. Cũng là theo hướng khôi hài đen/ black humor không nhân nhượng trước cái trớ trêu bi hài từ các trò đời, song phải công nhận là ý vị. Chúng tôi muốn gọi đó là kiểu khôi-hài-nâu McAmmond Nguyen Thi Tu.

Ý tưởng được đầu tư kỹ, nhất là ở lối viết mới; thể tài hơi đơn điệu khi cố thủ cuộc sống di dân và bản ngã. Tình huống chủ đạo hầu như không có; nhiều tứ truyện trong một truyện đến mức truyện như không cần tứ mà bù vào vô số các chi tiết (Bữa tiệc gà tây; Đêm hoang mạc; Lông ngỗng trắng…). Dưới ý đồ ngụ ngôn tác giả không tạo nhân vật văn học; các nhân vật chỉ như nhiều nhánh hoa rải trong vườn chứ không làm một khóm hoa lớn. Xung đột truyện thường là mâu thuẫn văn hóa, hướng tới bản- ngã-conngười và ít coi trọng đặc thù văn học ở từng nhân vật nơi mà bản-ngã-cá-thể được xuất hiện. (Bóng ma quá khứ là truyện duy nhất không vậy, và thành công như một truyện ngắn “chuẩn” về mặt này và về tứ truyện).

Trên lối viết mới, 4 sáng tác Lời nguyện nửa khuya; Cái vú thừa; Người tình ký ức; và bt là những thiên truyện, với cái nhìn cẩn trọng chúng tôi thấy cần được coi là đặc sắc ở sự độc đáo và tính hấp dẫn giữa dòng văn xuôi đương đại không chỉ của độc giả Việt, xét cả 3 mặt nội dung tư tưởng, ý nghĩa thể loại và giá trị nghệ thuật mà riêng mặt thứ 3 còn có thể chút gợn về kỹ thuật văn chương hóa các văn liệu, tri thức.

Kết

Chúng ta đã đi một vòng trên mặt-phẳng-văn-chương McAmmond Nguyen Thi Tu trong hơn thập niên qua, mà độ sung mãn vào các năm 2006 - 2010 ở phong cách trần thuật truyền thống, để rồi mới hơn một năm nay 2018 - 2019 khi chuyển hẳn sang lối viết phúng dụ ảo dị. Cả 2 lối viết đều có thể xem như 2 diễn ngôn khác nhau của hình thức ngụ ngôn - ngụ ngôn gián tiếp từ chuyện cuộc đời, mưu sinh và ngụ ngôn trực tiếp qua bản thể, nhân sinh.

Ngay từ đầu thế kỷ 19, thiên tài J.W. Goethe từng nhận ra manh nha của hiện thực trong 2 thế kỷ kế tiếp: “Ngày nay văn chương quốc gia không còn có thể nói lên điều gì quan trọng nữa, thời đại của văn chương thế giới đã đến, và mỗi người bây giờ phải hành động để đạt tới tiến trình ấy”. Các trào lưu di dân đã góp phần lớn cho sự hình thành, thúc đẩy một nền văn-chương-thế-giới. Nhưng văn-chương-didân chưa thể thành văn-chương-thế-giới khi mà nó thường chỉ thành công ở 2 yếu tố quan trọng nhưng khá dễ dàng, đó là ý nghĩa đề tài và nội dung tư tưởng. Cần có thêm hình thức sáng tạo và thẩm mỹ văn học tương xứng - tức là hội đủ 4 tiêu chí của sáng tạo nghệ thuật thông thường. Nếu như ở cả 4 tiêu chí vẫn chưa hiện diện không-gian-nghệ-thuật của toàn cầu thì nó, cái văn chương di dân ấy bước đầu chỉ là văn-chương-quốc-gia nối dài.

Truyện ngắn McAmmond Nguyen Thi Tu, cũng như đa số các sáng tác tương tự của văn học Việt hải ngoại mang nội dung cuộc sống di dân, trên căn bản là văn-chương-di- dân mà yếu tố quốc gia xuất xứ là Việt Nam, các liên đới về tinh thần và địa lý, văn hóa, trách nhiệm con dân Việt và ý thức công dân bản địa... đã ảnh hưởng “âm” đến tài năng tự thân nơi mỗi tác giả. Dòng truyện này đang đạt đến độ kết tụ về thể thức ngụ ngôn và thăng hoa về hiện thực đời thường trong 3 đề tài lưu xứ, bản ngã và giới tính, được thể hiện qua người Việt di cư tại Canada.

Hướng tới đích lý tưởng văn-chương-thế-giới, từ đấy, nữ văn sĩ sẽ có cơ hội tạo ra không-gian-vănchương của riêng McAmmond Nguyen Thi Tu.

Đỗ Quyên

-----------------

1. Bùi Quang Huy: “Thật ra, cây bút ấy không hoàn toàn mới. Trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 11 năm 1985, tác giả đó đã có truyện ngắn [...] và sau đó, lần lượt xuất hiện [...] trên cả tờ Văn Nghệ [...]. Có điều, ngày đó, tác giả của những truyện ngắn ấy là Nguyễn Thị Tư. Sự xuất hiện của chị không ồn ào, nhưng để lại ấn tượng trong lòng độc giả, nhất là với những người cùng giới. Nhà văn Nguyễn Thành Long[…] từng nêu nhận xét,nếu ông có quyền chọn mười cây bút văn xuôi nữ đương đại, chắc chắn phải có Nguyễn Thị Tư.” (“Nguyễn Thị Tư - từ Xóm đạo An Trung đến Thung lũng tuyết”; báo Văn Nghệ).

2. Cái vú thừa; Sđd; Tr.77-80. Có thể coi trên các trang mạng baovannghe.com.vn 17/10/2018.

3. “Ý thức giới (Gender awareness) là khái niệm chỉ mức độ kiến thức và sự hiểu biết về khác biệt trong vai trò và mối quan hệ giữa nam giới và nữ giới, đặc biệt ở nơi làm việc chung.” (dictionary.cambridge.org).

Nguồn: Tạp chí Sông Hương SHSDB34/09-2019, phiên bản trực tuyến, ngày 15.11.2019.

Bởi là đối tượng sinh động và dễ cảm nhận bằng tất cả các giác quan nhất, thiên nhiên An Nam đã đi vào ghi chép của các lữ khách phương Tây với mật độ khá dày đặc, trở thành một trọng âm chủ đạo với nhiều lời tán dương, cảm xúc thảng thốt chân thực.

Chính cảnh quan thiên nhiên và cụ thể hơn là tính chất địa dư, địa lý đặc trưng của mỗi vùng miền, đã dẫn dắt những kẻ “thực dân” đi từ vị thế chinh phục cao ngạo khó tính sang người khám phá trân trọng, yêu mến bản xứ.

Và như mối tình thâm khó lòng giấu giếm, các lữ khách, cuối cùng đều đề đạt nên giữ gìn thay vì can thiệp trái khoáy vào thiên nhiên, cảnh quan vùng đất An Nam xinh đẹp ấy.

Sức hút của những địa danh

Tiếp xúc với An Nam là quá trình trải nghiệm những nơi chốn mà với phần đông lữ khách, tên địa danh hãy còn rất xa lạ, tựa như ban mai thức dậy chưa thể biết ánh nắng hay cơn mưa rơi xuống thế nào. Nhưng những địa danh ấy không chỉ là nơi họ vội vàng ghé chân mà còn là nơi thử thách khả năng mô tả, từ mô tả cảnh quan đến truyền tải các trạng thái cảm xúc.

Khác với thời hiện đại đầy đủ phương tiện kĩ thuật (máy ảnh, quay phim, điện thoại) lưu giữ chi tiết từng cảnh sắc núi non sông nước, các lữ khách thuở xưa chủ yếu chỉ dùng ngôn ngữ, thứ phương tiện đôi khi bất khả dung chứa thật đầy đủ, tường tận mọi điều nhìn thấy song lại cho phép tiếng nói tác giả, vốn không ít chủ quan cảm tính, được bộc lộ theo những cách hồn nhiên, bay bổng nhất.

20200427

Cầu mái ngói ở Phát Diệm (Ninh Bình).

Cùng viết về Đà Lạt chẳng hạn, A. Yersin, vị bác sĩ trứ danh, người phát hiện ra Lang-Bian, dành những lời đầy dự cảm tươi sáng về một “nơi tốt cho sức khỏe” trong bức thư gửi cho mẹ, rằng “có một vùng bình nguyên bao la, hoang vắng rộng chừng 400km vuông với một ngọn núi mọc lên ở giữa”.

Còn với kí giả P. Munier, Đà Lạt là “xứ sở của hoa”, “xứ sở của thông” và với riêng ông, “thật tuyệt vời khi đi dạo dưới những cánh rừng thông, lồng ngực căng mùi nhựa trong lành [...] Qua những thân cây có thể thấy rừng và những miền xa xa xanh dương và xanh lục ở chân trời”.

Trên thực tế, Đà Lạt sớm thành nơi nghỉ dưỡng và chính quyền thực dân lắm tham vọng đã tốn khá nhiều công của để tạo dựng nên đô thị bình yên này. Nhưng những sắc màu thiên nhiên được chăm chút hài hòa trên ngôn từ, rõ ràng, có lẽ vẫn có sức cuốn hút không kém cho bất kì ai.

Vẻ đẹp của thiên nhiên An Nam sẽ đánh bật những ngóc ngách tâm lí thủ cựu. Cả Mario Appelius, kí giả Ý, và Roland Dorgelès, văn sĩ Pháp, đều ít nhiều vin vào sự ưu việt của người da trắng mà tỏ ra thờ ơ, châm biếm trước tình cảnh khốn khổ của người dân da vàng bản xứ. Chỉ đến khi họ được đắm chìm vào cảnh quan, chính xác hơn là được cảnh quan “chỉ dạy” những nghĩa lí của sự đa dạng sinh tồn, họ mới vỡ vạc và thấu hiểu giá trị vùng đất thuộc địa.

Mario Appelius đi xuyên Việt, đủ để tích trữ vô số ngỡ ngàng, khi là “những cơn gió bẻ cong đám cây lau sậy, những làn gió nhẹ gợn trên mặt nước, tia sáng lấp lánh của muối tạo ra một thứ ánh sáng lung linh với những dấu chấm vàng, những dấu phảy bạc biến hóa một cách kì diệu trên vùng đồng bằng rộng lớn” ở Nam Kỳ, khi thì “đất đỏ sẫm phù sa của bờ sông trở nên mềm xốp, hòa vào dòng sông và nhuộm nên một màu đỏ đậm đà hơn.

Những hàng cỏ nến xa hút tầm mắt, quờ quạng những tán lá dài trong gió như thể đang cầu xin chút nắng từ vầng mặt trời không chút mủi lòng sẽ thiêu đốt chúng trong suốt những ngày hè” ở Bắc Kỳ.

Con đường thiên lý từ Nam ra Bắc của Mario Appelius cũng là con đường cái quan mà Roland Dorgelès đi từ Bắc vào Nam. Thật khó có thể ngờ “màu xanh đậm đà của những cây chuối”, những “cây măng cụt, cây mít”, “những con trâu đẹp tuyệt mình đen nhẫy tưởng như xanh đậm”, “những đảo nhỏ mờ sương”, “những cánh buồm nhỏ xíu” lại làm cho họ bớt đi ác cảm về đường sá khó khăn, vất vả.

Cũng giống Roland Dorgelès, Mario Appelius từng du ngoạn Hạ Long “toát lên sự bình yên lạ lùng”, Hòn Gai “ánh mặt trời mạnh mẽ miền nhiệt đới chiếu vào quả đồi và thung lũng nhỏ, làm sáng lên màu khoáng sản”. Sự giàu có trong kho từ vựng tiếng Pháp hay Ý hẳn đã được huy động tối đa nhưng như Roland Dorgelès thú nhận, nó vẫn còn “dở tệ” trước cảnh tượng “bóng xoài đổ nghiêng/ Những cành lá rung rinh chùm quả chín”... 

Ngoài những địa danh quen thuộc như Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Thơ, Hà Nội hay Hải Phòng, ngòi bút của lữ khách còn nhắc đến Lạng Sơn, Sóc Trăng, Phan Thiết, Phủ Quỳ (Nghệ An)...

Ở đây, vì là thể loại du kí, kí sự nên các tác giả phải viện đến địa danh nhưng ẩn bề sâu, đó là một chỉ dấu để tiết lộ mối quan hệ giữa con người và xứ lạ. Chúng ta không thể thấu cảm con người khác biệt màu da, ngôn ngữ nếu không bước vào thế giới thiên nhiên nơi họ gắn bó, một thiên nhiên rộng rãi và bao dung hơn rất nhiều so với những đường biên giới quốc gia.

Định hình địa lý nhân văn

Trước khi các lữ khách tiếp xúc An Nam, giới trí thức Nho giáo cũng từng có những mô tả và ghi chép về địa lí, địa dư. Khởi từ Nguyễn Trãi, truyền thống “dư địa chí” kéo dài đến cuối thế kỉ XIX và trở thành nguồn tư liệu quan trọng để các trí thức canh tân đầu thế kỉ XX biên soạn thành sách giáo khoa quốc ngữ giảng dạy ở nhiều bậc học.

Nhưng nhìn chung, chỉ đến khi giới học giả Pháp công bố trước tác, với phương pháp và điều kiện trắc địa hiện đại hơn, An Nam mới bắt đầu hiện hữu trong ngành địa lí nhân văn hiện đại (géographie humaine).

Những mô tả, phân tích về địa hình, khí hậu, con người trở nên mở rộng và liên đới với nhau hơn trong các cuốn sách của E. Bruzon và P. Carton (Khí hậu Đông Dương và bão ở Biển Đông, 1930); của P. Gourou (Xứ Bắc Kỳ, 1931; và Người nông dân châu thổ Bắc bộ, 1936); của Ch. Robequain (Xứ Đông Dương thuộc Pháp, 1929; và Tỉnh Thanh Hóa, 1929); của A. Agard (Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, 1925) hay của Hippoly Le Breton (An Tĩnh cổ lục, 1936)...

Khá nhiều khái niệm và nội dung địa lý nhân văn mới mẻ đã được các học giả đề cập, phân tích. Và nhờ thế, có lẽ đây là lần đầu tiên, chúng ta được nhìn thấy cấu trúc sinh thể An Nam trong một tổng thể kĩ càng đến vậy. Ngoài khí hậu là những kiểu thời tiết, các kiểu và quá trình tiến hóa của địa hình, kiểu cư trú, mật độ dân cư, các nhóm sắc tộc, tổ chức xã hội, cho đến địa lí hành chính, phương tiện sống, loại hình nhà cửa...

Phổ rộng của tri thức địa lí nhân văn, do đó, khác xa với hình dung giản đơn về những thông tin ngắn gọn tên đất tên làng, tên những con sông ngọn núi. Những thao tác “giải phẫu” của địa lý nhân văn khiến An Nam, thêm lần nữa, cho thấy sự giàu có môi trường sống, điều mà hôm nay chúng ta thường xuyên xem nhẹ, là quý giá như thế nào.

Chỉ cần dừng lại trước đôi dòng tuyệt bút của P. Gourou là toàn bộ khung cảnh châu thổ Bắc Bộ đã hiện lên mồn một: “con người là sự kiện địa lý quan trọng nhất của châu thổ. Họ đã nhào nặn nên địa hình bằng đôi tay của mình; ngoài vài ngọn đồi hiếm hoi, những vật nổi lên lớn nhất trên đồng bằng là những con đê [...] Cây to rất hiếm: những cây đa trong đền chùa, những cây xoài, vài cây gạo tỏa bóng mát các ngôi miếu [...] Đôi khi một đám rước nổi bật trên màu xanh của đồng ruộng với những màu đỏ và màu vàng của các đồ thờ và những chiếc kiệu thần, màu đỏ rực của cờ và áo chít ngang lưng của những người phu khiêng kiệu”.

Tương tự, chỉ qua vài câu mở đầu, Ch. Robequain đã phác thảo địa lý Thanh Hóa khác biệt lạ lùng: “Thế là, dải đá vôi ở Đông Bắc, mốc đá kết tinh ở sông Mã và sông Chu cùng với các nhánh ở Tây Nam là những phần chủ chốt của cái khung nhà hai mái chở che tỉnh Thanh Hóa”.

Quả thật, nếu đọc Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ hay Tỉnh Thanh Hóa, ngay cả những độc giả không hiểu hoặc không thích địa lý, hẳn sẽ hồi hộp đến trang cuối cùng vì nó hấp dẫn chẳng kém gì tiểu thuyết. Nhưng quan trọng hơn, theo tôi, nó cần thiết để chúng ta lắng nghe một số đề đạt thấu đáo.  

Về nền văn minh nông dân chẳng hạn, P. Gourou cho rằng người nông dân châu thổ Bắc Kỳ sống trong thiếu thốn nhưng không phải trong tuyệt vọng. Thực tế, người nông dân nghèo túng đó đã tạo ra một nền văn minh phức tạp chung quanh cá nhân trong một mạng lưới các quan hệ gia đình và làng xóm. Đặc biệt, nền văn minh đó đã hòa nhập làm một với môi trường trong đó nó phát triển.

Trái ngược với nhận định rằng nền văn minh này là ngưng trệ và lạc hậu, P. Gourou đề cao sự hài hòa cổ xưa giữa con người với thiên nhiên như là một di sản của vùng địa lí này. "Nếu có một tinh thần yêu nước Việt Nam – P. Gourou nhấn mạnh, thì họ phải dành tất cả sự quan tâm vào việc giữ gìn sự hài hòa quí báu đó giữa thiên nhiên và con người, vì đó là vấn đề tiên quyết, là vấn đề chi phối mọi vấn đề khác dù là kinh tế hoặc chính trị".

Khi đã có độ lùi thời gian, khi đã chứng kiến hàng loạt biến đổi lớn lao của làng xã Việt suốt mấy chục năm qua, khi đã có thực tế sinh động của công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay, chúng ta càng thấm thía hơn đề đạt sắc sảo trên của P. Gourou. Dường như những yếu tố, đặc trưng truyền thống của châu thổ đang mờ dần đi và khi muốn gọi tên, minh chứng một điều gì cụ thể của làng quê châu thổ, chúng ta lại phải "hồi cố", phải hạn định mốc thời gian mơ hồ: làng ngày xưa...

Mai Anh Tuấn

Nguồn: An ninh thế giới cuối tháng, ngày 01.4.2020.

Dịch giả Nga Igor Viktorovich Britov hiện sống ở Moskva. Tất cả hoạt động nghề nghiệp của ông gắn liền với Việt Nam. Năm 1988, ông tốt nghiệp Trường đại học quan hệ quốc tế Moskva. Đã từng thực tập tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Hơn 30 năm ông làm việc tại đài phát thanh “Tiếng nói nước Nga”. Mười năm trước, ông thử dịch một truyện ngắn Việt Nam yêu thích ra tiếng Nga. Công việc sáng tạo này trở nên hấp dẫn và lôi cuốn. Năm 2005, ở Moskva, tuyển tập truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam, phần lớn do I.V. Britov dịch, đã được xuất bản. Hiện nay, ông đang chuẩn bị xuất bản tuyển tập truyện ngắn tiếp theo.

20190514 Nga

Một góc nước Nga. Ảnh internet

Năm 2018, các truyện ngắn Việt Nam do ông dịch đã được đăng tải trên một số số của tạp chí “Văn học nước ngoài”. Ông là tác giả của các bài báo khoa học về lý thuyết dịch văn bản nghệ thuật. Hiện nay, ông giảng dạy tiếng Việt và văn học Việt Nam tại Học viện quốc tế Moskva. Nhiều năm liền, ông là hội viên Hội nhà báo Nga. Năm 2011, ông được phong tặng danh hiệu “Cán bộ văn hóa ưu tú Nga”. Ông cũng được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng huy chương Hữu nghị vì những đóng góp vào sự phát triển hợp tác thông tin và văn hóa.

Văn nghệ xin trân trọng giới thiệu một bài viết của I.V. Britov mới đăng trên tạp chí “Văn hóa Nga”.

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, ở nước Nga, nhiều năm liền văn học Việt Nam không được dịch và xuất bản. Chỉ vào năm 2012, xuất hiện một cuốn sách Việt Nam đầu tiên bằng tiếng Nga sau một thời gian dài gián đoạn – truyện dài của Khái Hưng Hồn bướm mơ tiên. Sau đó, các tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lạnh lùng của Nhất Linh, các tập thơ của Ngô Văn Phú, Mai Văn Phấn và tuyển tập truyện ngắn vừa nói trên Ngải đắng trên núi cao được xuất bản.

Tuyển tập truyện ngắn Ngải đắng trên núi cao của các nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Chu, Y Ban, Tạ Duy Anh, Thùy Linh đã được xuất bản ở Moskva năm 2015. Đây là một sự kiện quan trọng trong việc quảng bá văn học Việt Nam ở nước Nga. Tôi rất vui mừng vì có dịp tham gia vào việc chuẩn bị xuất bản cuốn sách này với tư cách dịch giả cùng với những người khác.

Năm ngoái (2018), lần đầu tiên sau 30 năm, tạp chí Văn học nước ngoài của Nga đã đăng tải các truyện ngắn của các tác giả Việt Nam. Trên số tháng 5, độc giả có thể đọc truyện ngắn của Nguyễn Thu Trân Xóm sở Mỹ, còn số tháng 8 đăng tải truyện ngắn Ông cá hô của Lê Văn Thảo. Có thể coi những cuốn sách và truyện ngắn này trên tạp chí là những thành công đáng kể trên con đường quảng bá văn học Việt Nam ở nước Nga.

Tuy nhiên, khi so sánh số lượng này với những gì đã được xuất bản dưới thời Xô viết, bạn hiểu ra rằng nó như giọt nước trong biển cả. Mới đây, khi đọc lời giới thiệu của Nikolay Ivanovich Nikulin, dịch giả các tác phẩm văn học Việt Nam và chuyên gia về lịch sử văn học Việt Nam, trong tuyển tập Hương cỏ mật xuất bản năm 1973 (hơn 20 năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Liên Xô, lúc bấy giờ chưa có nhiều nhà Việt Nam học người Nga), tôi bắt gặp những dòng như sau: “Độc giả Liên Xô không phải lần đầu tiên khám phá cuốn truyện ngắn đương đại Việt Nam. Chưa kể nhiều tác phẩm đã được đăng tải trên báo chí định kỳ, có thể nêu tên gần 2 chục tuyển tập đã xuất hiện trong thời gian gần đây được dịch ra tiếng Nga”. Và sau đó, trong những năm 70-80, còn có 15 tập Thư viện văn học Việt Nam và nhiều thứ khác...

Tại sao hiện nay ở Nga các tác phẩm của nhà văn Việt Nam ít được dịch? Sở dĩ như vậy là vì có nhiều khó khăn hiện nay đang gặp phải trên con đường quảng bá văn học Việt Nam ở Nga. Trước khi nêu lên những khó khăn này, tôi muốn trở lại với một sự kiện cách đây gần 4 năm. Khi tham dự Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài lần thứ ba diễn ra ở Hà Nội năm 2015, tôi có may mắn được gặp ông Phạm Vĩnh Cư, một trong những người sáng lập trường phái dịch thuật Việt Nam, nhờ đó bạn đọc Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với các kiệt tác của văn học Nga. Theo Phạm Vĩnh Cư, trong công việc dịch thuật có ba vấn đề: lựa chọn được tác phẩm xứng đáng để dịch, tìm được dịch giả chuyên nghiệp và xuất bản sách. Trong hoạt động dịch văn học Việt Nam ở Nga, việc giải quyết các vấn đề nêu trên đều gặp rất nhiều khó khăn.

Về việc lựa chọn các tác phẩm của Việt Nam. Đây là vấn đề quan trọng. Tầm quan trọng của nó được xác định bởi hai yếu tố. Thứ nhất, cần lựa chọn những tác phẩm có thể thu hút được sự chú ý của độc giả Nga. Thành công của cuốn sách trên thị trường Nga phụ thuộc vào điều này. Thứ hai, cần lựa chọn những tác phẩm cho phép độc giả Nga ít nhiều hình dung được một cách trọn vẹn về trình độ và chất lượng của văn học Việt Nam. Sau khi xuất bản tuyển tập “Ngải đắng trên núi cao”, một tờ báo mạng đăng bài trả lời phỏng vấn của tôi nhân sự kiện này, và một trong những độc giả Việt Nam đã bình luận như sau: “Rất tiếc, hiện nay trong văn học Việt Nam, xuất hiện những thợ viết vô tích sự. Mấy năm gần đây, không có một bài thơ nào đáng đọc, một cuốn tiểu thuyết nào sáng giá. Nhà văn đổ xô đi học tiếng Anh để dịch những tác phẩm hạng bét của các tác giả Anh, Mỹ. Các nhà văn của chúng tôi chỉ có một mục đích: đi sang Mỹ, giành được những giải thưởng văn học ở đấy, sau đó hô hoán lên rằng ta là nhà văn lớn”. Vâng, có những nhà văn xu thời. Nhưng dù sao tôi cũng sẵn sàng tranh luận với tác giả lời nhận xét mang tính chất phê phán nói trên. Tôi rất thích thú đọc các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam đương đại. Rất có thể, tôi may mắn “gặp phải” những tác giả xứng đáng.

Nói chung, những năm gần đây, trong văn học Việt Nam, đã diễn ra những thay đổi lớn: cả tiêu cực lẫn tích cực. Đã xuất hiện những đề tài mới, những khuynh hướng mới (chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại). Cần lưu ý rằng sau năm 1986, khi Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối đổi mới trong tất cả các lĩnh vực của đất nước, các quá trình diễn ra trong đời sống văn học Việt Nam rất giống với những thay đổi trong không gian văn học Xô viết giai đọan cải tổ. Những thay đổi đòi hỏi sự nhận thức, để làm điều đó cần các nhà phê bình văn học biết tiếng Việt. Ở Nga hiện nay chỉ có một nhà Việt Nam học nghiên cứu sâu văn học Việt Nam, đó là Tatyana Nikolayevna Filimonova, phó tiến sĩ ngữ văn, tác giả nhiều bài báo và báo cáo tại các hội nghị khoa học, hiện giảng dạy tại Viện các nước Á Phi thuộc Đại học Quốc gia Moskva. Năm 2017, bà xuất bản cuốn sách Tổng quan về văn học Việt Nam thế kỷ XX. Đây là công trình khoa học nghiêm túc đầu tiên về văn học Việt Nam ở nước Nga trong những thập niên gần đây. Các công trình nghiên cứu của các nhà phê bình văn học phải định hướng cho việc lựa chọn tác phẩm để dịch.

Hiện nay Quỹ hỗ trợ cho việc quảng bá văn học Nga tại Việt Nam và văn học Việt Nam ở Nga giúp quyết định dịch những tác phẩm nào. Quỹ được thành lập mấy năm trước đây do dịch giả văn học Nga nổi tiếng Thúy Toàn đứng đầu, ông cũng là người thành lập bảo tàng tư nhân văn học Nga đầu tiên tại Việt Nam. Khi lựa chọn tác phẩm dịch, bản thân tôi cũng tham khảo ý kiến của đại diện Quỹ này, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, dịch giả văn học Nga Nguyễn Thị Kim Hiền hiện đang sống và làm việc tại Moskva.

Về các dịch giả. Hiện nay ở Nga không có đội ngũ dịch giả văn học Việt Nam chuyên nghiệp. Hai dịch giả chủ chốt: Marian Nikolayevich Tkachyov và Nikolay Ivanovich Nikulin, đã qua đời. Trong số những dịch giả uy tín hiện chỉ còn Inessa Petrovna Zimonina. Chính nhờ các dịch giả này, dưới thời Xô viết, một khối lượng lớn truyện vừa, truyện cổ tích, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, thơ của Việt Nam đã được xuất bản. Hiện nay, các giảng viên tiếng Việt đang làm việc tại các trường đại học ở Moskva chủ yếu chỉ dịch một lần các tác phẩm văn học Việt Nam. Đó là một công việc đặc thù. Trong 30 năm gần đây, không xuất hiện các dịch giả văn học chuyên nghiệp mới từ tiếng Việt. Ở đây có nhiều nguyên nhân.

Một trong các nguyên nhân là thiếu nhu cầu, thứ hai, dịch văn học Việt Nam sang tiếng Nga là một công việc khó khăn, nhưng lại không béo bở về mặt vật chất. Bản thân tôi cũng đang dịch trên tinh thần hoàn toàn nguyện. Tuy nhiên, trong vấn đề đào tạo các dịch giả chuyên nghiệp văn học Việt Nam ra tiếng Nga đã le lói tia hy vọng. Hai năm trước, Trường đại học ngôn ngữ Moskva đã tuyển sinh được một lớp sinh viên, các sinh viên này sẽ học môn “Lý thuyết dịch văn học Việt Nam ra tiếng Nga” ở năm cuối. Rất có thể, ai đó trong họ sẽ dành tâm huyết cho loại hình sáng tạo này. Dịch văn học không những là nghệ thuật mà còn là một khoa học, dịch giả phải biết giải quyết một loạt những khó khăn: ngôn ngữ, văn hóa, cảm xúc-nghệ thuật. Nhưng ở đây xuất hiện một vấn đề khác: không có sách giáo khoa về môn học đó. Dựa vào kinh nghiệm dịch thuật của mình, tôi đã biên soạn một tài liệu giảng dạy chuyên ngành, nhưng đã mấy năm nay không tìm được nhà tài trợ để giúp xuất bản.

Về xuất bản sách. Chúng ta biết rằng để xuất bản một cuốn sách tác giả phải tự bỏ tiền ra, hoặc tìm nhà tài trợ. Xin đơn cử một ví dụ cụ thể. Hiện nay còn một tập truyện ngắn của 20 tác giả Việt Nam nữa do tôi dịch đang được chuẩn bị xuất bản. Cuốn sách sẽ xuất bản... ở Hà Nội. Tại sao lại ở Hà Nội, chứ không phải ở Moskva? Tiếc rằng ở Moskva, chúng tôi không tìm được nhà tài trợ. Cộng đồng người Việt ở Moskva không đặc biệt quan tâm tới việc quảng bá văn học Việt Nam ở Nga. Tôi đã nhiều lần gặp gỡ các doanh nhân Việt Nam và các tổ chức xã hội Việt Nam để xin giúp đỡ, nhưng không ai hưởng ứng. Thế nhưng sự giúp đỡ lại đến từ Hội nhà văn Việt Nam thông qua nhà xuất bản Hội nhà văn. Xin được bày tỏ lòng biết ơn to lớn về sự giúp đỡ này. Tôi rất phấn khởi vì cuốn sách sẽ ra mắt vào năm nay vốn là năm giao lưu chéo Nga-Việt, Việt-Nga.

Như vậy, hiện nay bản thân dịch giả phải là một nhà quản lý để xuất bản sách. Sự giúp đỡ của phía Việt Nam là cực kỳ cần thiết. Việt Nam ngày càng chứng tỏ khả năng kinh tế của mình và có cơ sở để cho rằng sự quảng bá văn hóa của đất nước trên thế giới sẽ được mở rộng. Chi phí cho hoạt động này nhất định sẽ được bù lại. Việc đầu tư vào chính sách hợp tác văn hóa quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam và bầu không khí tích cực cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.

Kết luận của tôi rất rõ ràng: hiện nay việc xuất bản văn học Việt Nam ở Nga trong một chừng mực lớn là vùng hoạt động của chính người Việt Nam. Vâng, có thể nhận được sự giúp đỡ từ phía các cơ quan Nga, có thể sử dụng nhiệt tình của các nhà Việt Nam học người Nga, nhưng việc quảng bá văn hóa Việt Nam đích thực ở nước Nga chỉ được thực hiện với sự tham gia của chính những người Việt Nam ở các cấp độ khác nhau.

Trần Hậu (dịch từ báo Văn hóa Nga2019)

Nguồn Văn nghệ số 19/2019, phiên bản trực tuyến ngày 10.5.2019.

Những hoàn cảnh xoay quanh cuộc gặp gỡ giữa Phùng Khắc Khoan (1528-1613) và Lý Túy Quang [Yi Su Gwang] (1563–1628), hai sứ thần trong phái bộ Đại Việt và Triều Tiên [Choson] đến triều cống Bắc Kinh thực sự đáng được tìm hiểu.

20200427 2

Sứ thần Đại Việt (mãng bào trắng) và sứ thần Triều Tiên (bên phải ảnh) trong họa phẩm “Vạn quốc lai triều đồ” (1761) thời Thanh. Nguồn: Sina.

Hệ thống triều cống

Hệ thống triều cống mà chúng ta biết đến nhiều nhất được thiết lập dưới thời Minh Thái Tổ vào năm 1368. Khi đó, sứ giả được cử đến các nước như Triều Tiên, Việt Nam, Champa và Nhật Bản – và tất cả các nước này trừ Nhật Bản đã gửi lại triều cống vào năm 1369. Đây cũng chính là dịp Đại Việt được công nhận là một “Văn hiến chi bang”. Trong suốt triều Minh Thái Tổ (từ 1368 đến 1398), Champa đã gửi 19 đoàn sứ, Đại Việt 14 đoàn, Lưu Cầu 20 đoàn và Triều Tiên 20 đoàn. Năm 1400, hai năm sau khi Minh Thái Tổ băng hà, Triều Tiên được phép sang cống từ ba năm một lần lên đến một năm ba lần; và kể từ năm 1531 là một năm bốn lần. Trong khi đó, kể từ 1369 Đại Việt được triều cống ba năm một lần – chu kỳ này về cơ bản được duy trì ngoại trừ một số giai đoạn bất ổn.


Trong khi các sứ bộ của Triều Tiên chỉ phải vượt 950km để đến Bắc Kinh, khoảng cách từ Thăng Long đến Bắc Kinh là gần 2330 km. Do đó, vấn đề quan hệ giữa Trung Quốc và Đại Việt thường được giao cho Tổng đốc Lưỡng Quảng xử lý. Kể cả như vậy thì tình hình chính trị nội bộ vẫn thường làm gián đoạn hoạt động triều cống qua biên giới. Chẳng hạn, sau khi Mạc Đăng Dung giành quyền lực từ nhà Lê sơ vào năm 1527, ông đã tìm kiếm sự công nhận của nhà Minh nhưng chỉ được phong làm An Nam Đô Thống Sứ sau khi ông cắt nộp các phần đất tranh chấp cho Trung Quốc. Thế nhưng vào thời điểm được sắc phong, ông đang hấp hối và không thể nhận ấn tín. Những người kế vị của ông cũng bị từ chối sắc phong vì họ không thể đến cửa khẩu tại Lạng Sơn. Cuối cùng, vào năm 1581 khi một sứ thần triều Minh mang về cống phẩm của con trai và người kế vị Mạc Phúc Nguyên là Mạc Hậu Hợp (1560-1592), Hoàng đế Vạn Lịch [Minh Thần Tông] xuống chiếu phong ông làm An Nam Đô Thống Sứ bất chấp việc ông không đến cửa khẩu.

Mạc Hậu Hợp cũng là vua Mạc cuối cùng. Năm 1592, nhà Mạc bị đẩy ra khỏi Thăng Long và triều Lê được tái lập, cho dù giờ trở thành bù nhìn của Chúa Trịnh. Sứ bộ của Phùng Khắc Khoan là sứ bộ đầu tiên của triều Lê Trung Hưng đã phải trực tiếp đến Bắc Kinh nối lại quan hệ triều cống và giải quyết vấn đề địa vị của tàn dư họ Mạc vẫn còn cát cứ ở biên giới Cao Bằng. Ông chỉ thành công một phần: Vạn Lịch chỉ chấp nhận phong cho vua Lê làm An Nam Đô Thống Sứ chứ không phải An Nam Quốc Vương. Khi Phùng Khắc Khoan phản đối, vua Minh nói rằng đây chỉ là một biện pháp tạm thời xem xét đến tình hình bất ổn chính trị kéo dài của đất nước.

Nhiệm vụ của Lý Túy Quang cũng rất nặng nề. Năm 1592, Toyotomi Hideyoshi đã mở đầu cuộc xâm lược Triều Tiên, và Triều Tiên khi đó đã suy yếu sau nhiều năm ổn định đã chỉ có thể kìm chân quân đội Nhật Bản với sự hỗ trợ của nhà Minh. Sau vài năm hòa đàm cầm chừng, đến năm 1597, Hideyoshi phát động một cuộc xâm lược mới – hay còn gọi là cuộc Chiến tranh Imjin lần thứ hai. Đây chính bối cảnh cho sứ bộ Lý Túy Quang đến Bắc Kinh.


Cũng rất thú vị nếu ta so sánh những gì hai người đã mang về trong thời gian đi sứ. Lý Túy Quang chỉ mới 29 tuổi khi lần đầu tiên đến Trung Quốc; sau đó, ông đi thêm hai lần nữa. Trong một chuyến đi, ông đã gặp linh mục Matteo Ricci (1552-1610) và được Ricci tặng cuốn “Thiên Chúa thực nghĩa” [Ý nghĩa thực của Thiên Chúa]. Ý tưởng của Ricci về sự kết hợp giữa Kitô giáo và Nho giáo ảnh hưởng lớn đến họ Lý - một số sách phương Tây Ricci tặng sau này được ông đưa vào bộ bách khoa toàn thư 20 tập của mình – “Jibong yuseol” [Chi Phong loại thuyết].1

Thiên Chúa thực nghĩa” cũng là tên cuốn sách mà 2 giáo sĩ Dòng Tên khác là Girolamo Maiorica và Bernardino Reggio tìm cách truyền bá tại Thăng Long khi họ mở một nhà in, bị buộc phải đóng cửa chỉ sau vài tháng năm 1630.2 Những thương nhân Bồ Đào Nha đã đến Việt Nam từ những năm 1550 và ta cũng biết các cộng đồng đạo Kitô đầu tiên được biết đến xuất hiện ở Đàng Trong từ cuối thế kỷ XVI.3 Dù không rõ một sĩ phu Đàng Ngoài như Phùng Khắc Khoan có biết gì về Kitô giáo không, ông đã 64 tuổi ở thời điểm đến Bắc Kinh và hiển nhiên sẽ ít quan tâm đến tri ​​thức mới kia. Tuy vậy, ông đã mang về từ Trung Quốc kiến ​​thức thực tiễn về nghề dệt lụa, trồng ngô và vừng, cùng các giống lúa mới. Phần lớn di cảo của ông đã không còn đến ngày nay; nếu như Lý Túy Quang để lại những quan sát về Đại Việt, chúng ta không thể biết Phùng Khắc Khoan nghĩ gì về Triều Tiên hay đã báo cáo gì với triều đình Lê-Trịnh.

Đối diện với chủ nghĩa thực dân

Với bối cảnh khác nhau, Triều Tiên và Đại Việt đã có những phản ứng trái ngược trước sự sụp đổ của nhà Minh. Vương triều Choson kiên quyết duy trì sự trung thành với triều đại vốn đã giúp họ đánh bại Hideyoshi cách đây vài thập kỷ, vừa xung đột dai dẳng với tộc Nữ Chân [Jurchen] ở Mãn Châu, đặc biệt từ những năm 1620. Người Việt vì đã chịu đựng 20 năm xâm lược của nhà Minh trong thế kỷ XV, không có nợ ân nghĩa như vậy. Vì lý do thực dụng mà triều đình Đại Việt đã từ chối ủng hộ tàn quân nhà Nam Minh rút chạy về Vân Nam và Miến Điện vì sợ họ có thể tràn vào trong nước.



Chân dung Phùng Khắc Khoan (1528-1613) thờ tại làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Sự trung thành bền bỉ của Triều Tiên với nhà Minh có thể giải thích cho phản ứng của sứ bộ Triều Tiên với sứ bộ triều Tây Sơn tại lễ mừng bát tuần khánh thọ của vua Thanh Càn Long năm 1790.


Như ta đã biết, quân Tây Sơn trong chiến dịch Xuân Kỷ Dậu 1789 đã giáng một thất bại nặng nề cho quân Thanh tiến vào Đàng Ngoài để hỗ trợ cho Lê Chiêu Thống. Và sau khi Nguyễn Huệ xưng đế năm 1788, ông đã phái một sứ bộ do người cháu Nguyễn Quang Hiển dẫn đầu sang nhà Thanh cầu phong. Sứ mệnh thành công và ông được phong làm An Nam Quốc vương. Đến khi tất cả các nước chư hầu cử sứ bộ sang mừng lễ bát tuần khánh thọ của Càn Long, phái đoàn Đại Việt, thay vì chỉ đưa một sứ thần sang dự, lại được dẫn đầu bởi một quân vương, được ghi trong các tài liệu là “Nguyễn Quang Bình”. Tôi sẽ không tham gia vào các cuộc tranh luận về việc liệu người này có phải là Nguyễn Huệ hay không, điều quan trọng là mọi người tham dự khi đó đều tin đó là Nguyễn Huệ.


Ta hãy đọc một đoạn trích do Từ Hạo Tu [Seo Hosu] (1736-1799), sứ thần Triều Tiên ghi lại cuộc gặp gỡ với vị quốc vương An Nam: “Quốc vương Nguyễn Quang Bình hỏi chánh sứ: ‘Quý quốc có lệ đích thân nhà vua sang chầu Thiên tử hay không?’. Chánh sứ đáp: ‘Đông quốc4 chúng tôi từ khi mở nước đến nay không có lệ đó’. Vua nước kia nói: ‘Nước An Nam từ xưa đến nay cũng không có lệ này. Thế nhưng quả nhân vì ơn lớn như trời cao đất dày của Hoàng thượng nên mới thành kính mà qua chiêm cận là việc xưa nay chưa từng có. Vượt đường sá xa xôi hiểm trở hơn vạn dặm, việc phi thường lẽ nào không báo đáp bằng việc chẳng bình thường’.”


Từ Hạo Tu, sứ thần đại diện cho một vương triều cai trị không gián đoạn suốt từ năm 1392, lên án Nguyễn Quang Bình [Nguyễn Huệ] vì tội “bỏ nghĩa quân-thần5”. Ông viết: “Vì họ Lê hèn yếu nên [Quang Bình] tụ tập dân chúng nổi lên công hãm kinh đô, lại giết vua rồi soán vị”.

Niềm tin của Từ Hạo Tu vào tính không chính danh của nhà Tây Sơn còn được thể hiện trong cách ông mô tả trang phục của sứ bộ. Họ Từ cũng như các thành viên khác của sứ bộ Triều Tiên bày tỏ sự không hài lòng với việc vua và sứ thần Đại Việt chấp thuận mặc trang phục Mãn Thanh, như lời chất vấn của Từ Hạo Tu với Phan Huy Ích: “Tôi hỏi: ‘Từng nghe An Nam sứ thần búi tóc thả ra phía sau, đội mũ sa đen, mặc hồng bào áo thụng, cài trâm đồi mồi vàng, chân đi giày da đen giống như quan phục chúng tôi. Nay thấy quý quốc lại mặc y phục Mãn Châu, lại không bịt đầu, vậy là thế nào? Quan phục quý quốc vốn giống Mãn Châu hay sao?’” Câu trả lời của Phan Huy Ích, theo họ Từ: “Lời nói có chừng lúng túng, vẻ mặt ngượng ngập.”6 Bất chấp sự thất vọng này, các bài thơ của sứ thần Đại Việt như Phan Huy Ích (1751-1822) hay Vũ Huy Tấn (1749-1800) vẫn tiếp tục nhấn mạnh vào sự tương đồng về áo mũ và nghi lễ văn hóa giữa hai nước.



Bài thơ “Đáp Triều Tiên quốc sứ Lý Tuý Quang” của Phùng Khắc Khoan chép trong tập “Hoàng Việt thi tuyển” do Bùi Huy Bích biên soạn. Bản in của nhà Hi Văn Đường, 1825, lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam mã R.969. Nguồn: Thư viện số Hội Bảo tồn Di sản Chữ Nôm.

Như Phan Huy Ích đã viết: “Đồng phong thiên cổ y quan chế/ Kỳ ngộ liên triều chỉ chưởng đàm/ Tao nhã nghĩ truy Phùng Lý cựu/ Giao tình thắng tự ẩm thuần cam [Nguyễn Duy Chính dịch nghĩa: 'Áo mũ quan lại đều theo lối từ nghìn xưa/ Cuộc kỳ ngộ cùng một triều, nói chuyện bằng cách viết chữ bằng ngón tay lên lòng bàn tay/ Đối với nhau tao nhã như họ Phùng gặp họ Lý khi trước/ Giao tình còn hơn cả uống rượu ngọt]7'”. (Ghi chép của Từ Hạo Tu)


Cho đến thế kỷ XIX, cả người Việt và người Triều Tiên đều phê phán nhà Thanh. Dù ta không rõ liệu đó là do sự phân biệt sắc tộc này hay bởi vì cả Triều Tiên và Việt Nam đều tự hào rằng họ giữ gìn truyền thống Nho giáo tốt hơn người Mãn.


Nhưng rồi Triều Tiên và Việt Nam lại thất bại trong việc chuẩn bị trước các cuộc xâm lược của Đế quốc Nhật Bản và Pháp, mà qua đó đã chấm dứt chế độ triều cống tồn tại hàng thế kỷ. Trung Quốc đã cố gắng giới hạn hoặc ngăn cản một cách muộn màng các bước tiến thực dân vào hai nước chư hầu, nhưng trong cả hai trường hợp, các nỗ lực này đều kết thúc trong thảm họa. Chiến tranh Pháp – Thanh 1882 kết thúc với việc Pháp đưa Bắc Kỳ và Trung Kỳ vào chế độ bảo hộ năm 1885; trong khi Chiến tranh Trung – Nhật 1895 kết thúc với Hòa ước Shimonoseki chấm dứt quyền tôn chủ của nhà Thanh với Lưu Cầu, Đài Loan và Triều Tiên.




Tranh sứ thần Đại Việt và Triều Tiên trong “Hoàng Thanh chức cống đồ” (1750) họa phẩm thời Càn Long. Nguồn: Sina.



Trước thất bại này, cả vương triều Choson cũng như triều Nguyễn đều hứng chịu sự chỉ trích giống nhau. Những chỉ trích vẫn được tiếp tục đến ngày nay đều cho rằng hai vương triều đã cố gắng duy trì hệ tư tưởng Nho giáo đã quá lạc hậu.

***

Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng một câu chuyện riêng tư. Dì tôi, Bảo Lương Nguyễn Trung Nguyệt, sinh ra ở Nam Kỳ, nơi chế độ thuộc địa Pháp từ những năm 1860 đã giúp chữ Quốc ngữ bắt rễ chắc chắn từ đầu thế kỷ XX. Nhưng vào năm 1927, dì đi đến Quảng Châu năm 1927 để tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc đã thành lập trước đó hai năm. Khi đến nơi, bà đã có một cuộc gặp gỡ tình cờ với các nhà hoạt động chống thực dân từ Hàn Quốc. Vì chỉ được giáo dục bằng Quốc ngữ, dì không thể nói chuyện với họ. Thế nhưng, hai thanh niên trong nhóm biết chữ Hán và ngay lập tức hai nhóm đã có thể bút đàm giống hệt như cách Phùng Khắc Khoan và Lý Toái Quang đã từng làm vào năm 1592.


Nếu như kỹ thuật in khắc gỗ dưới thời Đường là phương tiện giúp cho Phật giáo truyền bá được tới quần chúng khi đó phần đa là mù chữ; thì trong thời đại ngày nay, ngôn ngữ hình ảnh của phim ảnh, truyền hình, trò chơi video và internet kết nối mọi người kể cả khi họ không nói cùng ngôn ngữ, hay viết cùng văn tự. Thông qua truyền hình và internet, văn hóa đại chúng Hàn Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa đại chúng Việt Nam. Các sản phẩm văn hóa này không chỉ nhấn vào các vấn đề phổ biến trong các xã hội còn đậm di sản đạo đức Nho giáo, từ các mối quan hệ gia đình đến quan hệ giữa các ông chủ và nhân viên, mà còn cung cấp các mẹo trang trí nhà cửa và thời trang phù hợp cho tầng lớp trung lưu đang phát triển. Người dân Hàn Quốc và Việt Nam không còn phải đến Trung Quốc để gặp gỡ; họ đã có thể kết nối qua thế giới ảo. Tuy vậy, việc kết nối trực tiếp và tham gia trao đổi thông tin và quan điểm, hầu hướng đến mục tiêu chung là kiếm tìm tri thức, đến nay vẫn tỏ ra cực kỳ quan trọng. 

Giới sĩ phu cả Việt Nam và Triều Tiên đều có truyền thống học hỏi lẫn nhau qua sách vở chữ Hán, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi người Triều Tiên muốn học hỏi từ kinh nghiệm của Việt Nam khi đối diện với chủ nghĩa thực dân. Vào năm 1905, một nhà nho cấp tiến Việt Nam là Phan Bội Châu (1867-1940) gặp nhà cải cách Trung Quốc Lương Khải Siêu (1873-1929) tại Nhật Bản. Nhờ cảm hứng từ cuộc gặp này, Phan Bội Châu đã viết tác phẩm nổi tiếng của ông: “Việt Nam vong quốc sử”.8 Lương đã viết lời tựa cho cuốn sách và tổ chức in ấn và xuất bản (tại Thượng Hải). Ngay lập tức “Việt Nam vong quốc sử” được phổ biến rộng rãi tại Triều Tiên, khi mà năm 1905 là năm nước này bị đặt dưới chế độ bảo hộ của Nhật Bản, rồi trở thành thuộc địa bị cai trị trực tiếp vào năm 1910. Nói cách khác, hai nước đã trở thành một phần của các đế chế thực dân khác nhau, và việc so sánh trải nghiệm thuộc địa của hai nước ở nhiều khía cạnh (y tế, kiến trúc, báo chí, phong trào chống thực dân hay sự nổi lên của chính trị hiện đại…) đều là cơ hội lớn cho các nhà nghiên cứu.

 

Hồ Tài Huệ Tâm

Thu Quỳnh – Tuấn Quang dịch

Nguồn: Tia sáng, ngày 29.03.2020.

-----

Chú thích:

1 Bộ Bách khoa toàn thư này cũng bao gồm các quan sát về An Nam [Đại Việt] và nhiều nước khác.

2 Vào năm 1573, Macao báo cáo về việc Vua Đàng Trong [Chúa Nguyễn] đã cho các đoàn truyền giáo Dòng Tên vào trong nước; và một thủy thủ kiêm giáo sĩ, tên Ordonez, đã từng sống ở Quảng Nam trong hai năm từ 1590 đến 1592.

3 Tara Alberts “Catholic Written and Oral Cultures in Seventeenth-Century Vietnam”. Journal of Early Modern History. Leiden: Koninklijke Brill 16 (2012):300 390. doi:10.1163/15700658-12342325.

4 Vương triều Chosŏn tự gọi mình là Đông quốc, theo điểm nhìn so sánh với Trung Quốc.

5 Nghĩa quân-thần là một trong năm mối quan hệ đạo đức cơ bản trong Nho giáo [Ngũ luân].

6 Ge Zhaoguang, “Costume, Ceremonial, and the East Asian Order: What the Annamese King Wore When Congratulating the Emperor Qianlong in Jehol in 1790,” Frontiers of History in China 7, no. 1 (2012):148.

7 Toànn bộ các đoạn trích trong bài theo “Núi Xanh nay vẫn đó” của Nguyễn Duy Chính (NXB Văn hóa Văn nghệ TP HCM), 2016.

8 Hai năm trước đó tại Việt Nam, Phan Bội Châu cũng viết một cuốn sách khác, “Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư” bình luận về việc nước Lưu Cầu [quần đảo Okinawa ngày nay] để mất độc lập vào tay Nhật Bản năm 1879.

Nhìn vào lịch sử từ thời kỳ xây dựng nhà nước độc lập tự chủ đầu tiên cho đến cận đại thì Việt Nam chia sẻ rất nhiều điểm chung về văn hóa, tư tưởng với các nước Đông Á. Phân tích của GS sử học Hồ Tài Huệ Tâm (ĐH Harvard) về đối sánh Việt Nam với Hàn Quốc dưới đây cho thấy, dù cách núi ngăn sông nhưng quỹ đạo lịch sử của hai nước có rất nhiều điểm gặp gỡ.

20200422 2

GS Hồ Tài Huệ Tâm. Nguồn: Báo Dân sinh.

Chữ viết

Năm 1597, khi đi sứ Trung Quốc, Phùng Khắc Khoan (1528-1613) đã có một cuộc trao đổi thơ văn với sứ thần Hàn Quốc Lý Túy Quang [Yi Su Gwang] (1563-1628). Ông viết trong một bài thơ: “Bỉ thử tuy thù sơn hải vực. Uyên nguyên đồng nhất thánh hiền thư" [tôi - ông tuy rằng sông núi khác, nguồn chung cùng một sách thánh hiền]”. Nguồn ông nói đến là Trung Quốc và sách vở thánh hiền là Nho giáo (Tống Nho).

Vào thời điểm hai sứ thần gặp nhau ở Bắc Kinh, chữ viết bản địa đã trở nên phổ biến ở cả hai nước. Ở Hàn Quốc, đó là Hangul [Hàn tự], do vua Triều Tiên Thế Tông [Sejong] (sinh năm 1397, trị vì 1418 - 1450) xây dựng vào năm 1443. Chữ Nôm ra đời ở Đại Việt có phần phức tạp hơn, bắt đầu manh nha từ thế kỷ thứ IX [thành hình vào thế kỷ XII-XIII], nhưng hoàn thiện vào thế kỷ XV, gắn với vai trò của Nguyễn Trãi (1380-1442), một học giả và nhà ngoại giao khi ông sáng tác rất nhiều thơ Nôm và đem lại nguồn cảm hứng để Lê Thánh Tông (sinh 1442, trị vì 1460-1497) và các bề tôi sáng tác bộ “Hồng Đức Quốc âm thi tập”. Do vậy ta thấy các hệ thống chữ viết dân tộc đã nổi lên cùng lúc ở cả Hàn Quốc và Việt Nam và cùng nhận được sự ủng hộ của hai vương triều.

Tuy nhiên, chữ Hán vẫn là chữ viết phổ biến thống trị ở cả hai nước. Nếu tôi có thể nhìn từ quan điểm giới, thì những chữ Quốc ngữ này thể hiện khía cạnh ẩn ngầm về văn hóa, chiều cạnh “nữ tính” – trong khi chữ Hán là biểu hiện công khai và “nam tính”. Trên thực tế, khi Sejong ban hành chỉ dụ về chữ Hangul thì đã có ghi nhận rằng “trước đó phụ nữ và tầng lớp thấp hơn đã sử dụng Hangul để viết thư từ và tiểu thuyết”. Ở Đại Việt, việc sử dụng chữ Nôm rộng rãi nhất trong thế kỷ XVIII, khi mà tỷ lệ biết chữ của nữ giới cũng là cao nhất. Chúng ta thường nhớ đến bản Nôm của “Chinh phụ ngâm khúc” chứ không phải là bản gốc chữ Hán của Đặng Trần Côn. Mặc dù phiên bản chữ Nôm bây giờ được cho là của Phan Huy Ích, thực tế việc trong một thời gian dài nó được cho là của Đoàn Thị Điểm là một chỉ dấu cho thấy khuynh hướng chấp nhận việc nữ giới biết chữ. 

Nhưng chữ Nôm, cũng như các chữ viết dân tộc vẫn bị giới hạn chỉ trong thơ và tiểu thuyết, vốn bị coi là văn chương giải trí không nghiêm túc, cho đến khi chúng được các nhà cải cách như Lương Khải Siêu cổ động vì giá trị trong xây dựng nhận thức về chủ nghĩa dân tộc (như bài viết của ông năm 1902: “Luận về quan hệ giữa tiểu thuyết với quản trị xã hội”/論小說與群治之關係). Chữ Hán vẫn là ngôn ngữ viết của giới tinh hoa Hàn Quốc và Việt Nam cho đến thế kỷ XX vì đây là ngôn ngữ của hệ thống giáo dục và cụ thể hơn là các kỳ thi tuyển chọn quan lại. Các kỳ thi này đã tồn tại cho đến khi bị bãi bỏ vào năm 1894 tại Hàn Quốc, ở Trung Quốc gần một thập kỷ sau, trong khi duy trì ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam cho tới năm 1915. 

Làm thế nào ta có thể đánh giá được vai trò của Triều Tiên Thế Tông và Lê Thánh Tông trong việc thúc đẩy việc sử dụng cả chữ viết dân tộc lẫn chữ Hán? Tôi cho rằng vì cả hai loại văn tự này đều hữu ích cho dự án vương triều nhằm củng cố mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa một bên là nhà nước với xã hội và một bên là giữa chính quyền với bộ máy quan lại. Nhiều khả năng, ở mỗi vương quốc, thông tin phải được truyền đi qua vai trò của giới tinh hoa được giáo dục hoàn toàn bằng chữ Hán – cùng tư tưởng Nho giáo, khiến cho tầng lớp này đóng vai trò như cầu nối giữa nhà nước và dân chúng trong các liên kết xã hội theo chiều dọc, thay vì là chiều ngang. Một phần nguyên nhân đến từ việc sự nổi lên của chữ viết dân tộc tại Hàn Quốc và Việt Nam đã không đi kèm với sự phát triển của xuất bản quy mô lớn. 

Cũng chính giới tinh hoa đóng vai trò kết dính xã hội Hàn Quốc và Việt Nam. Là tầng lớp xã hội đạt tầm nhà nước thực sự và duy nhất, giới tinh hoa được rèn nên bởi một hệ thống giáo dục với một hệ giá trị chung. Được cắt đặt để làm việc ở xa bản quán, các vị quan kiêm học giả thay mặt cho vương quyền duy trì vương quốc, thực hiện các chính sách của nhà nước ở tầm địa phương. Những chính sách này không chỉ liên quan đến vấn đề quản trị mà còn liên quan đến văn hóa, đặc biệt là các giá trị Tống Nho nhằm chi phối hành vi của tất cả mọi người, từ người cai trị đến nông dân. Bộ luật Hồng Đức năm 1483 là sự kết hợp của các quy tắc và luật hành chính nhằm điều chỉnh hành vi hàng ngày theo nguyên tắc Nho giáo. Tại Hàn Quốc, Bộ luật Gyeongguk daejeon [Kinh Quốc Đại điển] ban hành hai năm sau đó vào năm 1485 cũng quy định về gia đình và thực hành lễ nghi tương tự.

Không chỉ mang tính cách quốc gia (hoặc tiền-quốc gia), giới tinh hoa Đông Á còn mang tính cách liên quốc gia. Dù không nói cùng ngôn ngữ, họ viết cùng một loại văn tự - một sự chia sẻ vốn dần mất đi theo sau sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc ở thời cận đại. Đó chính là điều mà Phùng Khắc Khoan và Lý Túy Quang đã cùng ca ngợi vào cuối thế kỷ XVI.

Nho giáo

Như tôi đã viết, cả Lê Thánh Tông và Sejong đều có ảnh hưởng tới sự phát triển của Tống Nho tại Triều Tiên và Đại Việt. Trước tiên, hãy cùng nhìn lại lịch sử một cách khái lược. Mặc dù tách biệt về mặt địa lý, nhưng quỹ đạo lịch sử của Hàn Quốc và Đại Việt trong lịch sử trung đại và cận hiện đại có những điểm tương đồng ấn tượng. Vương triều Goryeo [Cao Ly] được thành lập vào năm 918, sau khi triều đại nhà Đường kết thúc vào năm 907. Đây cũng là lúc người Việt Nam tìm cách thoát khỏi ách Bắc Thuộc, và mất vài thập kỷ để ổn định với sự thành lập triều đại Lý vào năm 1009. Triều đại đó đã được nhà Trần tiếp tục nắm quyền cho đến năm 1400, trong khi Vương triều Goryeo bị nhà Choson [Triều Tiên] phế truất vào năm 1392.


Trích tranh “Văn quan vinh quy đồ” (đền Độc Lôi, Nghệ An) hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 


Dưới thời nhà Đường, tôn giáo chủ yếu ở Hàn Quốc, Việt Nam cũng như Trung Hoa là Phật giáo. Phật giáo đến Giao Chỉ đầu tiên dưới thời cai trị của Sĩ Nhiếp. Nhà sư Khương Tăng Hội (mất năm 280 SCN) sinh ở Luy Lâu được cho là người đầu tiên truyền bá giáo lý Phật giáo vào Trung Quốc. Phật giáo sau đó đến Hàn Quốc vào năm 338 SCN, hơn một thế kỷ sau khi xuất hiện ở Giao Chỉ.

Bắt đầu từ thế kỷ thứ VIII, các nhà Nho tại Trung Quốc nỗ lực tái khẳng định uy quyền của mình – đầu tiên là với Hàn Dũ (năm 715) và sau đó là một loạt các biện pháp trấn áp Phật giáo trong thế kỷ tiếp theo. Đến thế kỷ XI, Tam giáo kết hợp các yếu tố của Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo đã chiếm ưu thế ở Trung Quốc và đã mở đường cho tư tưởng Tân Nho giáo – còn gọi là Tống Nho. 

Các biện pháp trấn áp Phật giáo ở Trung Quốc đã có tác dụng đẩy nhiều nhà sư đến Việt Nam, do đó dưới triều đại Lý và Trần (1009-1400), Phật giáo duy trì vị thế quốc giáo. Nhưng cũng vào năm 1070, đền thờ Khổng Tử được xây dựng ở Thăng Long, nối tiếp bởi việc thành lập Quốc Tử Giám. Ở Hàn Quốc, dưới triều đại Cao Ly (918-1392), hệ thống khoa cử được thiết lập ra dưới thời vua Gwangong [Cao Tông] (949-975) và trường Gukjagam được thành lập dưới triều vua Seongjong [Thành Tông] (1083-1094), do đó gần như song song với sự phát triển ở Việt Nam. Nhưng từ đây, lịch sử hai vương quốc bắt đầu có những dị biệt.

Năm 1392, triều Goryeo bị thay thế bởi nhà Choson. Triều đại mới được thành lập bởi các thành phần thân Minh trong khi phái đối nghịch lại ủng hộ duy trì liên kết với nhà Nguyên. Tại Việt Nam, nhà Trần dù đánh thắng ba cuộc xâm lược của nhà Nguyên vào thế kỷ thứ XIII, sau đó đã bị suy yếu nghiêm trọng [vào cuối thế kỷ XIV]. Hồ Quý Ly đã phế truất các vua Trần vào năm 1400, tạo tiền đề khiến Đại Việt bị nhà Minh xâm lược và chiếm đóng từ năm 1407 đến 1428. Do đó, khác với nhà Triều Tiên, nhà Lê ra đời với cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của Lê Lợi.

Tuy nhiên, nhiều điểm tương đồng thú vị có thể rút ra từ sự nghiệp của vua Triều Tiên Thế Tông [Sejong] (sinh năm 1398, trị vì 1418-1450) và của Lê Thánh Tông (sinh năm 1442, trị vì 1460-1497). Cùng là hai nhân vật có ảnh hưởng rất lớn trong thời đại này, họ đã trị vì trong một thời gian dài: Sejong 32 năm, Lê Thánh Tông 37 năm. Sejong lên ngôi vương vào năm 1418 ở tuổi 22, khi triều đại vẫn còn non trẻ. Trong 32 năm trị vì của mình, ông đã củng cố quyền lực nhà nước bằng cách đưa Tống Nho thành hệ tư tưởng chính thống. Cụ thể, ông tiếp thu ảnh hưởng của các nguyên tắc Tống Nho về nhân nghĩa, theo đuổi tri thức và cải thiện xã hội. Lê Thánh Tông thậm chí còn trẻ hơn Sejong khi ông lên ngôi hoàng đế (17 tuổi). Ông cũng nắm quyền trong hoàn cảnh bấp bênh hơn nhiều: khác với triều Choson, 20 năm cai trị kéo dài của nhà Minh đã phá hủy mọi tài liệu dùng làm cơ sở để một triều đại ngoại tộc mới lên như triều Lê có thể cai trị đất nước. Hệ quả ngược kéo theo là sau khi giành được sự ổn định, triều Lê Thánh Tông lại trở nên phụ thuộc hơn bao giờ hết vào mô hình Trung Hoa. 

Mặt khác, Lê Thánh Tông cũng phải trung hòa giữa quyền lợi của giới quân sự muốn có quyền lợi cát cứ với một triều đình trung ương tập quyền và thống nhất. Mặt khác, sau khi tiến đánh Champa và thâu nạp thêm lãnh thổ mới vào đế chế của mình, ông cần xây dựng một bộ máy hành chính hiệu quả. Bộ luật Hồng Đức không chỉ cung cấp một kế hoạch chi tiết về cách thức quản trị, nó còn có các hướng dẫn chi tiết về ứng xử hằng ngày trong xã hội. Những chỉ dẫn này nhằm vào cả người Việt và nhóm người Champa mới bị khuất phục.



Trích tranh "Hưởng Yến đồ" mô tả tiệc mừng Quan Giám ty đạo Bình An trên sông Taedong (Bình Nhưỡng ngày nay). Tranh Kim Hongdo (khoảng 1745-1806). Nguồn tranh: Bảo tàng Lịch sử Hàn Quốc. 

Ta thấy, cả Sejong và Lê Thánh Tông đều sử dụng các nguyên tắc chính trị của Nho giáo và dựa vào hệ thống tuyển chọn quan lại làm phương thức để đảm bảo vận hành bộ máy. Điều này củng cố tầm quan trọng của tầng lớp trí thức, được gọi là Yangban [lưỡng ban] ở Hàn Quốc và Sĩ phu ở Việt Nam.

Tân Nho giáo

Chúng ta cũng cần tránh đẩy đối sánh lịch sử đi quá xa. Lịch sử của Triều Tiên và Việt Nam cũng đi theo những quỹ đạo khác nhau vốn cũng ảnh hưởng lên sự phát triển Nho giáo của cả hai nước. Do đó tôi muốn đề cập tới một số khác biệt cơ bản giữa Nho giáo Hàn Quốc và Việt Nam.

Đến năm 1597, Tống Nho đã là hệ tư tưởng chính thống tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Đại Việt. Thế nhưng ở mỗi nước nó lại có những đặc điểm khác nhau. Keith Taylor đã lập luận rằng nửa phía Bắc của Việt Nam, được gọi là Bắc Hà hoặc Đàng Ngoài nên được coi là một phần của Đông Á, trong khi nửa phía Nam, gọi là Đàng Trong hay Nam Hà thuộc về thế giới Đông Nam Á. Vũ Đức Liêm cho rằng miền Nam Việt Nam đúng hơn là một “vùng xám” vì nơi đây không chỉ là một khu vực gặp gỡ giữa văn minh Trung Hoa với Đông Nam Á mà còn là nơi văn hóa xã hội được định hình bởi nhiều ảnh hưởng đa dạng.

Có lẽ vì vậy, việc so sánh giữa Nho giáo Việt Nam và Hàn Quốc nên được giới hạn ở miền Bắc Việt Nam. 

Ngoài vấn đề giới hạn, có một số yếu tố khác biệt nữa. Hàn Quốc được hưởng nhiều thế kỷ ổn định suốt từ 1392 đến năm 1910. Điều này đã hạn chế vai trò của giới quân sự và cho phép nhà nước bổ sung quan lại thông qua khoa cử mà không bị gián đoạn. Qua đó, chúng củng cố vị trí của Yangban cũng như của tư tưởng Tống Nho. Ngược lại, giới Sĩ phu ở miền Bắc Việt Nam nhỏ hơn, lại thường bị thu hẹp ảnh hưởng do các cuộc nổi loạn và chiến tranh liên tục. 

Trên thực tế, từ đầu thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII, Đại Việt luôn ở thế giằng co giữa các cuộc nổi loạn và sau đó là chiến tranh giữa các lực lượng Trịnh-Lê, Nguyễn và nhà Mạc. Dù Việt Nam sản sinh ra một số học giả lừng lẫy như Lê Quý Đôn, những dòng dõi tinh hoa truyền đời lại rất ít và thường bị cuốn vào tình trạng hỗn loạn của thời đại. Chúng ta không thấy sự xuất hiện của các trường phái Nho học khác nhau như phái Vương Dương Minh (1472-1529), phong trào Đông Lâm thời Minh hay tư tưởng Silhak [Thực học] ở Hàn Quốc cùng thời kỳ. Nếu như từ cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII, các chúa Trịnh đã có thể tự duy trì quyền lực ở Đàng Ngoài thì vào những năm 1770, đất nước lại bị tàn phá bởi nội loạn. Bắt đầu ở phía Nam, phong trào Tây Sơn lan rộng lên phía Bắc và chấm dứt chế độ chúa Trịnh. Các cuộc xung đột làm chia rẽ giới sĩ phu đồng bằng, và những ảnh hưởng còn lại tiếp tục bị suy giảm khi kinh đô chuyển từ Thăng Long vào Huế dưới triều Nguyễn.

Ưu tiên hàng đầu của nhà Nguyễn sau khi thống nhất đất nước là khôi phục sản xuất nông nghiệp ở phía Bắc, nơi diễn ra hầu hết các cuộc giao tranh. Ngoài ra, nhu cầu nhân viên cho một bộ máy hành chính mở rộng đã thu hút hầu hết những người có học thức. Không còn không gian xã hội cho các học giả độc lập như Cao Bá Quát hay cho các cộng đồng trí thức đa dạng phát triển.

Ngược lại, tầng lớp Yangban Hàn Quốc có không gian phát triển lớn hơn, không chỉ nhờ ổn định chính trị mà còn do tiềm lực kinh tế, đặc biệt nhờ thiết chế nô tì. Xã hội Đại Việt cũng từng có nô tì, chẳng hạn, Hoàng đế Lê Thánh Tông mang về những nô lệ người Chăm từ các cuộc chiến năm 1471; nhưng họ bị giới hạn trong những ngôi làng riêng biệt và không làm lao dịch cho các gia đình sĩ phu. Trong khi đó, chế độ nô tì cho phép Yangban tự duy trì kinh tế và do đó mang lại cho con cháu họ giáo dục tốt nhất. Lý Túy Quang có dòng dõi quý tộc trong khi Phùng Khắc Khoan chỉ có một nền tảng khiêm tốn hơn nhiều. Sự ổn định kinh tế và chính trị cũng cho phép Yangban tạo ra các trường phái Nho học cạnh tranh.

Có những khác biệt lớn đáng chú ý khác trong cấu trúc xã hội tương ứng của hai vương quốc. Ở Hàn Quốc, có bốn tầng lớp: quý tộc Yangban có địa vị cai trị dù chiếm 10% dân số; Chungin [Trung nhân] bao gồm một nhóm nhỏ các quan chức thấp và người có chuyên môn hành chính và kỹ thuật; Tsangmin [Thường dân] là nông dân, người lao động, ngư dân, một số thợ thủ công và thương nhân; và Cheonmin [Tiện dân] là những người bị ruồng bỏ ở dưới đáy. Nô tì có địa vị thấp kém nhất.

Dù Việt Nam cũng phân chia theo các nhóm: sĩ, nông, công, thương – thực tế chỉ hai giai cấp tồn tại mà thôi: văn thân và nông dân. Ngoại trừ một vài làng nghề truyền thống, phần lớn các nghề thủ công chỉ là công việc phụ; thương nghiệp thường chỉ có quy mô nhỏ, đảm nhiệm bởi nữ giới vốn bị giới hạn bởi nguồn lực ít ỏi và thiếu khả năng di động; thương mại quy mô lớn hơn thường được thương nhân người Hoa hoặc phương Tây nắm. Việt Nam cũng như Hàn Quốc, cũng có lớp người bị khinh rẻ nhưng họ không được coi là một nhóm xã hội riêng biệt; trong khi nô lệ chỉ đến từ tù nhân chiến tranh. 

Xét trên các điểm nhìn khác nhau về cấu trúc xã hội của hai quốc gia, sẽ rất thú vị khi ta tìm hiểu vai trò của các tầng lớp hoặc nhóm khác nhau và tại sao cách dán nhãn giai cấp xã hội từ Nho giáo lại không có ý nghĩa với các nhóm hay tầng lớp đó. □
(Còn tiếp)

Hồ Tài Huệ Tâm

Thu Quỳnh – Tuấn Quang dịch

Nguồn: Tia sáng, ngày 19.03.2020.

Hôm nay (16/2), Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ IV diễn ra tại Hà Nội. Nhân sự kiện này, có thể nhìn lại đóng góp đáng quý của những người bạn văn chương quốc tế cho việc quảng bá rộng rãi hơn văn học Việt Nam ra thế giới trong những năm qua.

20190225 tho viet

Đoàn nhà văn Việt Nam tham dự hội thảo văn học Việt Nam và Hàn Quốc.

Bruce Weigl - “Đại sứ” văn học Việt - Mỹ

Sinh năm 1949, nhà thơ, GS.TS Bruce Weigl vẫn được giới văn chương Việt Nam xem như một “đại sứ” văn học giữa hai nước Việt - Mỹ. Không thể kể hết những lần ông đã tới Việt Nam, đặt dấu chân mình lên khắp mảnh đất hình chữ S. Ông là một trong những nhà thơ đương đại xuất sắc của nước Mỹ với nhiều giải thưởng văn chương uy tín đã từng nhận được như: Giải thưởng Nhà thơ xuất sắc của Viện thi ca Mỹ, giải thưởng thơ Patterson, giải thưởng của Quỹ Phát triển nghệ thuật quốc gia và Quỹ Yaddo, giải thưởng Pushcart và giải thưởng văn học Lannan… Năm 2010, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao tặng Bruce Weigl Huy chương Hòa bình.

Nhà thơ Bruce Weigl đến Việt Nam lần đầu tiên vào đầu thập niên 1980, ông nhận nuôi một bé gái ở Trung tâm trẻ mồ côi huyện Bình Lục (Hà Nam) tên là Nguyễn Thị Hạnh. Lúc ấy, Hạnh 8 tuổi. Để rồi sau này ở nước Mỹ có một dịch giả là Hạnh Nguyễn Weigl. Đó là nhờ cha nuôi Bruce Weigl khuyến khích Hạnh học tiếng Việt và giữ nếp văn hóa Việt. Năm 2010, tác phẩm “Vòng tròn của Hạnh” do Bruce Weigl viết ra mắt bản tiếng Việt do chính Hạnh dịch.

Tác phẩm của Bruce Weigl luôn đau đớn về sự hòa giải văn hóa giữa các quốc gia và giành được những giải thưởng văn chương lớn. Nhưng đối với ông, số tiền của những giải thưởng văn chương mới là điều đáng quan tâm. Bởi vì ông cần nó để mua vé máy bay sang Việt Nam và tặng nó cho trẻ em nghèo Việt Nam. 

Ông đã gieo hạt mầm cho giao lưu văn hóa Việt - Mỹ. Hội Nhà văn Việt Nam và Trường Đại học Văn hóa cũng đã từng tổ chức đêm thơ Bruce Weigl mang tên “Trở về ngôi nhà Việt”. Và ông là người đã phát biểu đầy xúc động: “Giao lưu văn hóa không cần phải hô to và trưng biển hiệu, để hiểu và xuyên thấm vào nhau, các nhà văn giữa hai nước Việt - Mỹ phải nâng niu, kết nối lại từ việc nhỏ để có thể cùng nhau đón nhận những chùm hoa quả ngọt từ sự cần mẫn gieo hạt văn hóa trước đó”.

Như các lần trước, ở Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam lần này, giữa khoảng 200 bạn bè quốc tế tham dự, nhà thơ GS Bruce Weigl vẫn là một gương mặt nổi bật “gieo hạt mầm văn hóa” giữa 2 quốc gia, là cầu nối để văn chương Việt Nam được biết đến nhiều hơn trên nước Mỹ.

Những người bạn Hàn Quốc 

Hàn Quốc là một trong những quốc gia rất chú trọng đến giao lưu văn hóa và trong đó, văn học Việt Nam là một mối quan tâm thực sự của các nhà văn Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc đã có những hoạt động như: Các buổi tọa đàm văn học Việt - Hàn tại các trường đại học, gặp gỡ các nhà văn Việt Nam được yêu mến tại Hàn Quốc, hội thảo quốc tế triển vọng giao lưu văn học Việt - Hàn… Từ đầu những năm 2000, Hàn Quốc đã mời các đoàn nhà văn sang thăm Hàn Quốc. Họ lập ra Hội những nhà văn trẻ tìm hiểu Việt Nam, mời các nhà văn Việt Nam sang Hàn Quốc và cho các nhà văn Hàn Quốc sang Việt Nam.

Những cầu nối cho văn học Việt

Nhà thơ, GS.TS Bruce Weigl.

Một trong những nhà văn Hàn Quốc đến Việt Nam từ rất sớm là Bang Hyun Suk - Hội trưởng Hội những nhà văn trẻ tìm hiểu Việt Nam. Ông sang Việt Nam nhiều lần, thân thiết với nhiều nhà văn Việt Nam và thâm nhập rất sâu sắc vào đời sống xã hội Việt Nam đương đại. Ông là người đã viết cuốn tiểu thuyết “Thời gian ăn tôm hùm” (đã được xuất bản tại Việt Nam) lấy bối cảnh hoàn toàn ở Việt Nam. Hiện nay ông là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Chung Ang. 

Có mặt ở Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam lần này còn có nhà thơ Choi Dong Ho, giáo sư danh dự của Trường Korea và giáo sư tại Trường Kyungnam. Ông từng giành được giải thưởng văn học Park Doo-jin, Giải thưởng Văn học Daesan và Giải thưởng Văn học nghệ thuật Manhae. Ông từng là Chủ tịch Hiệp hội Nhà thơ Hàn Quốc (2016-2018), là thành viên của Hiệp hội Nhà thơ Hàn Quốc, hiện là Chủ tịch Quỹ pháp nhân hội yêu thơ, là thành viên trong Ban quản lý của Giải thưởng Văn học Quốc tế ChangwonKC.

Hay đối với một số nhà văn Việt Nam, dịch giả Ha Jea Hong cũng là một người bạn thân thiết. Nhờ vào các bản dịch xuất sắc của Ha Jea Hong mà một số tác phẩm văn học Việt Nam đã trở thành tác phẩm ăn khách ở Hàn Quốc. Theo nhà văn Y Ban- một người từng tham gia nhiều chương trình giao lưu văn học Việt Nam - Hàn Quốc, nhờ bản dịch mới nhất của Ha Jea Hong (dù trước đó đã có bản dịch khác) mà “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh đã được bạn đọc Hàn Quốc đổ xô vào đọc. Ha Jea Hong cũng là người đã dịch các tác phẩm rất được hoan nghênh ở Hàn Quốc như “Chí Phèo” của Nam Cao, “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, “I am đàn bà” của Y Ban sang tiếng Hàn và sắp tới là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bình Phương…

Còn nhiều người bạn khác của văn chương Việt Nam có mặt trong Hội nghị lần này. Và Hội nghị là sự kiện văn hóa lớn, kỳ vọng sẽ lan tỏa hơn, sẽ có thêm nhiều hợp tác, nhiều cơ hội để quảng bá văn chương Việt Nam và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam ra bên thế giới.

“Đã có các tác giả được dịch và xuất bản ở nước ngoài và được bạn đọc quốc tế đón nhận như Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Nguyễn Nhật Ánh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Thiều… Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia khác, tôi cho rằng chúng ta vẫn có quá ít các tác phẩm được dịch và xuất bản, vì thế văn học Việt Nam trong nước vẫn chưa thật sự cất tiếng nói mạnh mẽ trên diễn đàn văn học thế giới” 

(Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai)

Ngọc Anh

Nguồn: Đại đoàn kết, ngày 16.02.2019.

20200411 4

Truyện Kiều được xem là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của văn học Việt Nam. Vẻ đẹp ngôn ngữ Truyện Kiều cùng phạm vi rộng lớn của các hoàn cảnh cùng cực trong đời sống và hi vọng trong câu truyện này, sự cứu chuộc kì diệu đối với Kiều và sự hồi phục cuộc đời nàng trong phẩm giá tạo nên một phần thống nhất của di sản văn hóa Việt Nam.

Bản dịch tiếng Đức của thiên sử thi này được xuất bản lần đầu vào năm 1964, do Irene và Franz Faber dịch. Các bản dịch như thế sẽ giúp nâng “Cô Kiều” lên hàng văn học thế giới. Thông qua các bản dịch Truyện Kiều, Nguyễn Du đã trở thành một phần của chuẩn mực văn chương thế giới cùng với các tác giả như Chekhov, Shakespeare và Goethe. Ngày nay, Truyện Kiều thậm chí hấp dẫn những người không biết nhiều lắm về Việt Nam. Chính câu chuyện về cô Kiều và vẻ đẹp của ngôn ngữ là điều lay động người đọc. Truyện Kiều vì thế đã trở thành một phương tiện trung giới cho hiểu biết văn hóa và sự tiếp cận Việt Nam.

Trong sự biết ơn bản dịch tiếng Đức và tôn kính nguyên bản của Nguyễn Du, Viện Goethe mời ba đạo diễn sân khấu người Việt và người Đức cùng bày tỏ các cách tiếp cận mới mẻ và độc đáo của họ sau khi đọc lại Truyện Kiều. Ý tưởng phía sau là di sản văn hóa - trong bối cảnh dân tộc hay thế giới - chỉ tiếp tục tồn tại nếu nó luôn luôn trải qua được sự kiểm nghiệm của thời gian.

Vì thế, ngày nay khi đọc Truyện Kiều, ta bị thách thức phải đặt cho chính mình câu hỏi về sự quan yếu của nó đối với đời sống của mình. Nó tác động và phản ứng thế nào đối với cuộc đời của độc giả đương thời? Một chủ đề cơ bản của sự suy tư về câu truyện như một toàn thể có lẽ sẽ là vai trò của nhân vật chính - Thúy Kiều. Thúy Kiều liên hệ như thế nào đến cảm xúc, kinh nghiệm và khát vọng của nam giới và phụ nữ ngày nay? Và lịch sử cùng như bối cảnh xã hội và chính trị thay đổi tác động đến cách chúng ta đọc, hiểu, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cách ta thưởng thức Truyện Kiều như thế nào?

Trên đây là những câu hỏi thôi thúc các đạo diễn sân khấu và nhiệm vụ đầy thách thức của họ kiểm nghiệm những cách thức mới trình hiện Kiều trên sân khấu. Các câu hỏi như thế cung cấp bối cảnh cho bài tiểu luận này, bài viết nhằm tổng kết lại một số quan sát và suy nghĩ cá nhân về Truyện Kiều trên cơ sở hai bản dịch[i].

Sử dụng một sử thi dân tộc cho một trải nghiệm liên văn hóa

Điều hấp dẫn tôi về Truyện Kiều và thôi thúc tôi tìm kiếm một cuộc trò chuyện sâu sắc về văn bản chủ yếu là điều này: sự không tưởng có tính sử thi vĩ đại về khả năng hồi phục nhanh chóng trong gương mặt của nỗi đau khổ lớn lao; sự quanh co của “kiếp” (karma) thông qua cốt truyện như một sợi chỉ kép; bản năng tự bảo tồn chiến thắng nỗi đau đớn nặng nề của hoàn cảnh xã hội; sự đề cao giáo dục như phương tiện để bảo tồn phẩm giá con người; và diễn ngôn chính trị về giá trị của sự thống trị của luật.

Sự không tưởng của thiên sử thi: Khả năng hồi phục nhanh chóng của một nhà nước dân tộc trong tình trạng bị giam cầm

Lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều của Nguyễn Du thời kì đầu vẫn phần nào ít được biết đến. Người ta vẫn chưa tìm được bản thảo đầu tiên của thiên sử thi này. Cũng không chắc chắn về việc nó đã lan truyền như thế nào. Tuy nhiên, việc tiếp nhận tác phẩm từ cuối một phần ba của thế kỉ 19 thì khá chắc chắn. Chính các giai tầng có học vấn, con cháu của giới tinh hoa chính trị và giáo dục là những người đã sao lại tác phẩm, ghi nhớ nó, thưởng thức nó trong tính toàn vẹn, và thực hiện các bài giảng truyền miệng về nó, vì thế lan truyền phổ biến tác phẩm vượt ra ngoài phạm vi hẹp của giới có học thức.

Đó là thời điểm khi Việt Nam chịu ách đô hộ của Pháp. Ba thế hệ người Việt đã trưởng thành dưới sự cai trị của Pháp. Rồi thế hệ kế tiếp chiến thắng trong cuộc chiến đấu chống lại bộ máy quân đội Mỹ cũng như chiến thắng trong cuộc xung đột quân sự ở biên giới Trung Quốc để Việt Nam cuối cùng giành được sự tự trị của mình.

Trong nhà trường, các thế hệ trẻ Việt Nam được dạy để nhấn mạnh rằng Truyện Kiều “thực ra” là một câu chuyện từ Trung Quốc, viết theo quy tắc của văn học phong kiến, nhưng thời kì đó đã qua từ lâu. Tôi muốn nhấn mạnh rằng chính Hồ Chí Minh là người sau chiến thắng Điện Biên Phủ đã đưa bản sao Truyện Kiều của Nguyễn Du cho nhà báo Đức là Franz Faber cùng yêu cầu dịch nó sang tiếng Đức. Một thông điệp văn hóa cho phương Tây, tới một quốc gia đã chứng tỏ sự thấu cảm sâu sắc và tình đoàn kết kiên định cho cuộc đấu tranh giải phóng của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tôi chắc rằng không ai lại buộc tội Hồ Chí Minh rằng ông muốn lưu truyền những giá trị phong kiến và truyền thống Trung Quốc, điều khiến cho việc ông thưởng thức Truyện Kiều đáng chú ý hơn. Ông không phải là người duy nhất. Rất nhiều người bạn tâm giao khác về chính trị và quân sự của Hồ Chí Minh cũng đánh giá cao Truyện Kiều như một biểu hiện của bản sắc Việt Nam trong cuộc chiến giải phóng dân tộc.

Truyện Kiều tự nó đã thiết lập một sử thi dân tộc, không chỉ bởi các lý do chính trị, mà còn bởi hình thức và nội dung của nó. Về mặt thẩm mỹ, thiên sử thi góp một tiếng nói vào nỗi đau đớn của cá nhân người. Vẻ đẹp và tính tao nhã của ngôn ngữ tác phẩm giúp người đọc nhận ra chính mình trong nỗi đau đớn này, đồng thời vượt lên trên nỗi đau. Do độ sâu của cảm xúc, nhiều câu thơ trong thiên sử thi đã trở thành những lời nói thông thường ngày nay.

Một khía cạnh khác làm cho Truyện Kiều thành một tác phẩm vĩ đại là chủ đề có tính không tưởng của nó. Mỗi tác phẩm nghệ thuật vĩ đại đều chứa đựng một lời hứa về một thế giới tốt hơn. Chính lời hứa này làm cho Truyện Kiều của Nguyễn Du thành một thiên sử thi dân tộc. Sự kiên trì trong suốt những nỗ lực vô ích giành lấy tự do, kháng cự lại sự thống trị ngoại bang, và sự đau đớn không ngừng đi cùng với nó cuối cùng sẽ được đền đáp bằng lời hứa về một cuộc đời mới. Kiều kết luận câu chuyện đời cô bằng quyền tự quyết, bắt đầu một cuộc đời trong phẩm giá và bình an. 

Cho đến khi những cuộc chiến tranh thế kỉ 20 trên mảnh đất Việt Nam đi đến kết thúc, Thúy Kiều có thể được diễn giải như một nhân vật văn học gợi cảm hứng và âm vang không chỉ những độc giả đơn lẻ, mà toàn bộ dân tộc.

Kiều là câu chuyện về nỗi đau khổ của một người phụ nữ, nhưng nó đại diện cho nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần của mọi người Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ. Những câu thơ nói về nỗi đau và hi vọng của cá nhân. Thơ ca Truyện Kiều góp vào một tiếng nói về nỗi đau của họ. Ngôn ngữ của nó hướng về cái cao cả, không bi lụy. Mỗi câu thơ và sự xuất sắc của nó kiên trì một niềm hi vọng rằng đến cuối cùng sau mọi nỗ lực tranh đấu sinh tồn và tự do, nhân vật chính sẽ không còn bị sỉ nhục hay hủy diệt, mà tái sinh một cuộc đời tự quyết và được thừa nhận rộng rãi.

Dưới dạng những thực tại chính trị, lời hứa đinh ninh trong thiên sử thi Truyện Kiều đã được thực hiện từ lâu. Chủ nghĩa phong kiến là một điều gì đó đã thuộc về quá khứ; những kẻ cai trị ngoại bang đã bị quét sạch. Việt Nam đã tự giải phóng. Từ sau khi giành độc lập và sau “Đổi mới”, Việt Nam đã giành độc lập và người Việt Nam đã được thừa nhận trên toàn thế giới.

Vậy thì những diễn giải về ý chí của Truyện Kiều của Nguyễn Du, tất nhiên, hoàn toàn khác với những điều kiện của những năm 1950. Kiều không còn đại diện cho một dân tộc bị đàn áp. Thiên sử thi dân tộc không còn thuộc về riêng Việt Nam, mà đã giữ địa vị cao trong danh mục văn chương thế giới. Điều này mở ra những viễn tượng mới, một cái nhìn từ bên ngoài đối với tác phẩm. Tiểu luận này chỉ là một trong nhiều cách tiếp cận rồi sẽ tiếp tục đến.

Niềm hi vọng bất diệt có một cái tên: Khả năng phục hồi nhanh chóng

Nếu ta định chọn những từ khóa của thiên sử thi cho một danh mục của thư viện, ta không thể không ấn định từ khóa “buôn người” cho Truyện Kiều của Nguyễn Du. Một người phụ nữ mất đi địa vị và quyền như một thành viên trọn vẹn của xã hội dưới những hoàn cảnh dị thường, và trước khi cô biết điều đó, cô nằm dưới quyền sinh quyền sát của bạo lực không bị kiểm soát, dưới sự thay đổi thất thường của hoàn cảnh bên ngoài, và âm mưu của những mạng lưới phần nào hiểm ác. Điều này khiến cho câu chuyện thành một bản cáo trạng về sự bất công của thế giới. Nó cũng đồng thời nhắc nhở ta, năm thế kỉ sau phiên bản nguồn gốc Trung Quốc của nó, để nói lên tiếng nói chống lại nạn buôn người và nỗ lực xây dựng một thế giới trong đó mọi phụ nữ và nam giới có thể đi lại tự do mà không sợ hãi.

Gần với các tác giả vĩ đại như Shakespeare và Goethe, Nguyễn Du trụ lại được: Trong tác phẩm của ông, ngôn ngữ đã đưa nỗi đau và sự thống khổ cùng bao khoảnh khắc hạnh phúc và tình yêu say mê vào địa hạt của cái cao cả. So sánh Kiều với các nhân vật nữ trong văn học cổ điển Đức thế kỉ 18 và 19 (G.E.Lessing, J.W.Goethe, F.Schiller, H. v. Kleist, G. Büchner, T. Fontane, F. Wedekind), có một điều nổi bật là Kiều có một kết thúc có hậu: một người phụ nữ đau khổ, bị chối bỏ bởi mọi người đàn ông và quyền lực xã hội, không gặp một cái chết bi kịch mà vẫn sống, trong sự tự quyết và phẩm giá.

 Việc Kiều không kết thúc như một thiên thần trên thiên đường, như Gretchen trong Faust của Goethe, mà tiếp tục sống như một người phụ nữ trưởng thành trong một cuộc sống do chính cô lựa chọn là một kết thúc cổ tích đẹp. Nó làm dấy lên mối quan tâm của độc giả nước ngoài về những kho báu của văn chương hơn nữa có thể được giấu trong quá trình Thúy Kiều tìm kiếm những con đường thoát khỏi những vướng mắc của định mệnh và những hoàn cảnh bi đát.

Trong những đoạn tiếp theo, tôi sẽ không xem Thúy Kiều như một ẩn dụ của trải nghiệm dân tộc trong cuộc tranh đấu giành lại quyền tự quyết, mà là biểu hiện vai trò của các nhân và định mệnh, của nỗi đau và niềm hi vọng của một người phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu có giáo dục.

Thúy Kiều - một anh hùng trong tuyệt vọng

Thúy Kiều là một anh hùng. Nàng sống trong những cuộc phiêu lưu và những hoàn cảnh của cuộc đời có thể làm suy sụp hầu hết những người khác. Nàng bị bắt làm nô lệ, bị cưỡng bức “Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”, nhưng tai họa không hủy diệt được nàng.

Cuộc đời Kiều là một cuộc tranh đấu giành lấy cuộc đời bình an cho mình, giải thoát khỏi đau đớn và mất phẩm giá. Nhưng trên thực tế, ba lần nàng bị đòn roi, ba lần hầu như bị đánh cho đến chết, ba lần hầu như mất đi cuộc sống, sáu lần bị bán cho người khác, hai lần tự vẫn, chỉ có một lần thấy có lý do để cười.

Bước ngoặt trong cuộc đời cô là một lần cô hầu như nỗ lực tự tử thành công. Người ta có thể cho rằng cuối cùng cô đã đầu hàng hoàn cảnh quá tàn bạo vây phủ quanh mình. Điều này có thể làm cho cô giống như nhiều nhân vật nữ trong văn học Đức, những người không tìm ra được con đường khác thoát ra khỏi cuộc đời bị chi phối bởi người nam và thói đạo đức giả hơn là kết thúc cuộc đời trong ghê tởm và tuyệt vọng. Thực ra thì, những nỗ lực như thế là hành động kiểm soát cuộc đời của riêng mình. Khi Thúy Kiều gieo mình xuống nước, nàng tuyệt vọng. Đó là ý chí mạnh mẽ của nàng cự tuyệt một cuộc hôn nhân ép buộc với một viên thổ quan không có tên. Nàng quyết định trốn thoát và mạo hiểm. Nàng phải đưa mình đi. Nhưng nàng không rời khỏi con thuyền mà không hi vọng. Nàng có một ý niệm mơ hồ về sự cứu thoát nhờ vào lời tiên tri mà nàng Đạm Tiên đã hứa về sự cứu chuộc nàng ở không gian và thời gian nhất định quả thực gần lúc Thúy Kiều gieo mình trên sông Tiền Đường.

Thúy Kiều giao phó thân mình cho lời hứa của Đạm Tiên, lời hứa đưa nàng đến cuối của cái được xem là một kiếp (karma) đầu tiên trong cuộc đời nàng. Bằng cách trầm mình, nàng rửa sạch mọi tội lỗi của bản thân và của thế giới xung quanh mình. Nàng làm cho mình tự do để có một cuộc đời mới. Giai đoạn thứ hai này của cuộc đời nàng đã được chuẩn bị và chờ đợi bởi một bà tiên hộ mệnh mới, vãi Giác Duyên. Những niềm vui của cuộc đời mới này bao gồm chiêm nghiệm suy tư, thơ ca và trò chuyện. Thúy Kiều bước vào cuộc đời mới này thông qua một quá trình thanh tẩy được Giác Duyên giúp đỡ. Sau khi hồi phục từ sự gian khổ và niềm an ủi của Giác Duyên, Thúy Kiều sẽ sẵn sàng tiếp tục sống, trở lại nhà cùng chàng Kim, cùng cha mẹ và hai em và bắt đầu một cuộc đời mới không còn hung bạo và nhơ bẩn, trong một trạng thái lấy lại phẩm giá.  

Kiếp (Karrma)-một hình thức văn học của bạo lực và cứu chuộc trong cấu trúc

Trong suốt phần chính của đời Kiều, sức sống và những quyết định, hi vọng và khao khát của nàngkhông ngừng bị hoàn cảnh ngăn trở. Bất cứ ý định tốt đẹp nào của nàngcũng bị hoàn cảnh làm cho biến thành một cái gì đó đau đớn. Ở nơi mà người ta nói về số phận và “kiếp”có sức mạnh lớn hơn ý chí cá nhân con người, những người giống như tôi có xu hướng nhìn các hoàn cảnh xã hội và chính trị và những cấu trúc chống lại ý muốn tốt đẹp của cá nhân và đảo ngược những ý định tốt đẹp thành những kết quả không mong đợi đầy xấu xa của những trở lực bên ngoài

Một số độc giả diễn giải số phận của nàngKiều như việc hoàn thành số kiếpcủa nàng. Trong giai đoạn thứ nhất của cuộc đời, đây là nơi tụ lạicủa tội lỗi cá nhân quay trở lại với một tiền kiếp mơ hồ nào đó cộng với ảnh hưởng kỳ lạ của nàng Đạm Tiên, người chiếm giữ nàng trong đoạn đầu của tự sự và hứa hẹn về sự cứu chuộc chỉ trong một tương lai xa.

Giai đoạn thứ hai của cuộc đời Kiều được nhân vật Giác Duyên chuẩn bị. Cuộc gặp với Giác Duyên bắt đầu bằng việc Kiều thoát khỏi công việc của kẻ nô tì trong nhà Hoạn Thư. Nàng được cho phép sống trong chùa như một ni cô. Sự giải thoát này bị hỗn loạn bằng sự quay trở lại của Thúc Sinh. Thúy Kiều phải thoát khỏi tình huống thỏa hiệp. Nàng đã may mắn và tìm được chốn dung thân tạm thời với Giác Duyên. Nhưng nàng phải tiếp tục cuộc chiến của mình. Sau đó, khi Thúy Kiều được Từ Hải giải phóng và được quyền báo ân báo oán, nàng triệu mời Giác Duyên và trả ơn cho bà. Mối quan hệ giữa Giác Duyên và Thúy Kiều tiếp tục vượt ra ngoài sự báo đáp này. Giác Duyên được báo trước về việc giải thoát Thúy Kiều và sứ mệnh cao quý của mình trong việc này. Giác Duyên đón Thúy Kiều lần thứ hai và giúp nàng sẵn sàng trở lại nhà và quyết định tiếp tục cuộc đời mình như thế nào

Theo cách đọc của tôi thì tỷ lệ của cá nhân với một chút vai trò mảy may nhỏ bé trong dòng chảy thời gian cũng như việc thêm vào các tình huống xấu và tốt thông qua những bà tiên chẳng hạn như Đạm Tiên và Giác Duyên là các hình thức thẩm mỹ của việc tạo mã cho thơ ca và văn học làm chúng ta hiểu được vì sao ta phải chịu đựng những ngọn triều của đau buồn và hạnh phúc trong cuộc đời - vì lý do gì đi chăng nữa.

Với một người phương Tây xa lạ như tôi thì sự tương tác giữa cá nhân và xã hội đưa ra những cách khác nhau làm thế nào để hợp lý hóa điều xảy ra xung quanh ta. Ta có thể xem cuộc đấu tranh của Thúy Kiều để làm điều tốt cho gia đình mình, cho việc giải phóng bản thân khỏi tình trạng bị giam cầm, cho sự hòa hợp giữa tình yêu với lòng ghen, cho việc dùng một lời nói dối trong tình huống bất khả kháng để giành lại phẩm giá như những nỗ lực dũng cảm và hợp pháp cho một cuộc đời trong phẩm giá làm người. Nhưng không may thay, chúng không phù hợp với cấu tạo của xã hội xung quanh nàng. Tôi sẽ gọi những cấu tạo này là bạo lực về cấu trúc. Vì thế, tất cả sức sống và ý định tốt đẹp của nàng đều bị ngăn cản và đảo ngược thành những tác động xấu đến nàng. Các mô thức ứng xử của những đối tượng phi pháp của một băng đảng, của người nắm quyền tối cao đồi bại do địa vị của họ, hay điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là nguyên tắc tương tác toàn cầu, tức là giá trị bằng tiền hữu hình và vô hình vô hiệu hóa những cơ hội có được tự do và phẩm giá của con người.

Cái nối số kiếp thứ hai với cái kiếp đầu tiên là học vấn của Kiều. Tầm quan trọng của những kĩ năng văn hóa đối với phẩm giá cá nhân của nàng trở nên hiển nhiên trong các trường hợp khi Thúy Kiều được mang đến những cơ hội để trình hiện bản thân như một người phụ nữ được giáo dục tốt và hoàn toàn ở địa vị xã hội cao hơn.

Thông qua những khoảnh khắc ngắn như thế, nàng thoát ra khỏi sự thống trị của môi trường xã hội của mình với tất cả những đe dọa, đau đớn và đàn áp. Nàng có thể chứng tỏ phẩm chất, sự tế nhị bằng cầm, kì, thi, họa. Trong các khoảnh khắc hiếm hoi chứng tỏ mình với thế giới xung quanh đó, nàng có thể tác động đến tư tưởng của viên quan lúc đầu muốn hủy bỏ cuộc hôn nhân của nàng với Thúc Sinh và đẩy nàng trở lại lầu xanh. Nàng thậm chí còn chạm đến trái tim của Hoạn Thư, người đàn bà ghen tuông sau đó đã thả cho nàng vào chùa chép kinh. Ngay cả sự tái hợp muộn màng của nàng với chàng Kim cũng theo hướng của học vấn theo nghi thức và đạo đức của mình. Nàng hướng vào một lối sống xứng đáng cho mình và sự hài lòng cho người xung quanh trong thơ và đàn, không phải đời sống lứa đôi hay con cái.

Ngày nay ta có thể tán thành hay thậm chí cười vào chuyện đánh giá cao trinh tiết hay đời sống khổ hạnh không có dục tình; nhưng quyết định của Thúy Kiều là một biểu hiện rõ ràng của việc tự chủ và tự quyết, và vì thế là biểu hiện của sự lựa chọn một cuộc đời có phẩm giá

Thúy Kiều - tự chủ cuộc đời mình

Truyện Kiều là một câu chuyện từ thời phong kiến và cũng là một câu chuyện về nạn buôn người. Trong bất cứ trường hợp nào, Kiều cũng không nhận được thù lao cho công việc của nàng. Nàng tự bán mình để cứu cha khỏi cảnh tù tội. Kiều bước vào đời sống xã hội bên ngoài gia đình mà không có của hồi môn. Từ lúc đó trở đi, những người sở hữu nàng bán nàng như bán gia súc.

Ngay từ đầu, nàng đã không một xu dính túi và vẫn như thế cho đến khi trở lại với Kim Trọng. Một cách vô tình, nàng bị vướng vào một vòng xoáy của đường dây buôn bán biến nàng thành nô lệ tình dục cho những người đàn ông mua đi bán lại, và những người phụ nữ lợi dụng thân thể nàng đến mức nàng không còn nhận ra bản thân mình nữa.

Vẻ đẹp của nàng không phải vốn riêng đến mức nàng có thể sử dụng mà không đếm xỉa đến những quy luật của thị trường. Vẻ đẹp của nàng được bán mỗi lần với những cái giá khác nhau, và nàng không bao giờ thấy những số tiền này. Ngược lại, ngay cả người anh hùng chắc chắn, người giải phóng nàng (Từ Hải) cũng chọn không dùng sức mạnh quân sự mà thay vào đó trả một số tiền lớn để biến nàng thành nữ hoàng của mình.

Câu truyện về nô lệ tình dục tiếp diễn trong suốt thiên sử thi, ngoại trừ một quãng giữa. Khi Thúy Kiều phải vội vã rời chùa của Hoạn Thư, nàng ăn trộm chuông vàng khánh bạc là những đồ quý giá. Hành vi ăn trộm này cuối cùng đã báo hại nàng. Sau một thời gian ngắn sống ở trong chùa với Giác Duyên, nàng bị đẩy đi và phải trở lại thế giới lầu xanh - mà không có đồ quý trộm được.

Cho dù Kiều cuối cùng không có được gì từ việc lấy đồ, nhưng đó là một hành động nổi loạn đáng chú ý. Việc ăn trộm của nàng là một sự lo xa vì trải nghiệm sống trước đó đã dạy nàng bài học đau đớn rằng không có tiền, nàng sẽ luôn phải trả giá bằng thân thể mình. Cho nên nàng cần một phương tiện để đổi chác và chi trả để tồn tại trên con đường trở về nhà và không nằm dưới quyền sinh quyền sát của người khác. Nếu nàng dừng ở một lữ quán trên đường về, nàng đã có cơ hội lớn để vượt qua bình yên vô sự. Nhưng nếu không có tiền, bi kịch nạn buôn người sẽ tái lại. Chỉ có trộm đồ mới cho nàng phương tiện cần thiết để đi một mình và độc lập. Hành vi trộm đồ rõ ràng là một dấu hiệu không thể nhầm lẫn của việc tự quyết định và tự cứu mình của nàng.

Thất bại của kế hoạch của nàng là bi kịch, nhưng nó không thay đổi thực tế là ý niệm về việc tự trang bị bằng một phương tiện trao đổi là cách duy nhất còn lại để nỗ lực và bảo tồn sự toàn vẹn cùng sự an toàn của nàng.

Lời hứa về Luật pháp và trật tự

Sự tái hợp của nàng Kiều với Kim Trọng và gia đình sẽ không thể xảy ra nếu không có việc Hồ Tôn Hiến chiến thắng Từ Hải. Sau khi lãnh thổ được thống nhất, biên giới được mở rộng. Kim và Kiều như mọi người khác giờ đây có thể đi bất kì đâu một cách tự do và an toàn.

Cái giá phải trả cho chiến thắng này là cái chết của Từ Hải. Thúy Kiều cảm thấy hổ thẹn và tuyệt vọng vì cái chết của Từ. Nàng tự trách mình vì đã phản bội chàng và người nàng yêu. Vì chính Kiều đã thuyết phục Từ Hải đầu hàng triều đình. Vì tình yêu với Kiều nên Từ Hải nghe theo lời nàng, đem giang sơn và quyền lực dâng cho Hoàng đế cùng vị tướng của ông ta.

Ý định của Kiều vốn là ý tốt, nhưng nó khiến Từ Hải nghe theo lời nàng mà thậm chí từ bỏ quyền lực của mình.

Trước khi đi đến quyết định đó, Thúy Kiều và Từ Hải đã cẩn thận cân nhắc lợi hại của việc ra hàng. Mặc dù cuộc trao đổi của họ đi đến rõ ràng là quyền lực của Từ Hải là phản nghịch. Chàng là một người hoang dã, một kẻ cướp và một kẻ xâm chiếm. Nhà nước của chàng được xây dựng trên sự cai trị đẫm máu. Chế độ tàn bạo của chàng chỉ suy yếu đi vì bản chất khoan dung của vợ mình. Ngược lại, Hoàng đế thu hút mọi người bằng sự cai trị của luật pháp và trật tự, của hòa bình rộng rãi và việc đi lại tự do cho Thúy Kiều trở lại quê nhà.

Cuối cùng, cả Thúy Kiều và Từ Hải đều ưng thuận sự cai trị của luật lệ và chống lại bạo quyền của nhà nước kẻ cướp. Thúy Kiều và Từ Hải bị hấp dẫn bởi lời hứa về một vùng đất của hòa bình và từ tâm. Đây là động lực và niềm tin của họ khi đầu hàng Hồ Tôn Hiến. Quyết định của họ bị nhà cầm quyền hoài nghi. Từ Hải ngay lập tức trả giá bằng cuộc sống của mình. Thúy Kiều được mang đến thêm một đêm hi vọng trước khi Hồ Tôn Hiến vứt bỏ nàng như một thứ bỏ đi.

Những nhận xét này và năm khía cạnh trong cách đọc của tôi không gì hơn ngoài những ghi chép đơn thuần về cuộc thảo luận phong phú giữa các học giả Việt Nam và châu Á cùng những người yêu văn chương. Chúng có thể đơn thuần chứng tỏ rằng Truyện Kiều của Nguyễn Du có rất nhiều lớp nghĩa để mang đến cho thậm chí người sống ở một nền văn hóa khác đến 200 năm sau khi cuốn sách ra đời một góc nhìn khác lạ về việc xem xét tác phẩm với các lớp nghĩa làm cho Truyện Kiều trở nên gần gũi và đáng yêu đáng quý với cả văn hóa dân tộc và với cả chính cuộc đời của người đọc.

Wilfried Eckstein

Nguyễn Thị Minh dịch (Sài Gòn, 2019)

Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 25.03.2020.

 


[i](Nguyễn Du, Truyện Kiều. bilingual Vietnamese-English, songngữ Anh-Việt, Tái bản có bổ sung. Translation (bản dịch) Michael Counsell. Thế Giới 2013:

 Nguyễn Du, Truyện Kiều. bilingual Vietnamese-German, bản dịch tiếng Đức của Irene và Franz Faber. Nhà xuất bản. Thế Giới 2015)

 

 

Theo tài liệu lưu trữ, vào trước năm 1900, việc quản lý và bảo tồn các di tích lịch sử ở Đông Dương không do một tổ chức nào đảm nhiệm. Chính vì vậy, nhiều công trình lịch sử, trong đó có một số công trình tín ngưỡng ở Hà Nội đã bị xâm hại trong quá trình người Pháp quy hoạch thành phố, nhằm biến Hà Nội thành “Thủ đô của Bắc Kỳ”, “Thủ đô của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp”.

Trong giai đoạn này, nhiều di tích của Hà Nội như chùa Phổ Giác, chùa Báo Ân, Thành cổ… đều được phép “phá tất cả, miễn sao xây được các công trình thể hiện sức mạnh của chính quyền thuộc địa”. Việc phá dỡ các chùa xung quanh hồ Hoàn Kiếm để xây dựng khu này thành một trung tâm với đầy đủ chức năng văn hoá, chính trị, tín ngưỡng, thương nghiệp, dịch vụ và giải trí, nhằm khuyến khích người Pháp sang định cư, làm ăn lâu dài thể hiện rõ ý đồ chiếm đoạt vĩnh viễn các nước Đông Dương và việc phá Thành Hà Nội để xây dựng công trình quân sự và khu phố Pháp ở xung quanh Phủ Toàn quyền đã gây bức xúc không phải chỉ đối với người dân Hà Nội mà ngay cả với một số quan chức trong bộ máy cai trị thực dân.

Sự kiện phá Thành cổ năm 1897 đã để lại một nỗi niềm ân hận, day dứt của nhiều người Pháp tôn trọng các di tích lích sử của Hà Nội. Ngay chính Toàn quyền Paul Doumer khi mới nhậm chức cũng phải thốt lên rằng: “Tôi đến quá chậm để có thể cứu lấy những phần đặc sắc, cụ thể là các cổng Thành. Những di tích ấy đáng lẽ phải được bảo tồn. Chúng có những đặc trưng quý giá, chỉ như vậy thôi cũng đáng được chúng ta trân trọng. Đó là những kỷ niệm lịch sử gắn bó với nơi đây, chúng có thể làm đẹp cho các khu xây dựng mới của thành phố…[1].

May mắn thay, tình trạng đó đã được giảm đi rất nhiều kể từ năm 1900, khi Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (Ecole française d’Extrême Orient – EFEO) ra đời. Được tổ chức theo Sắc lệnh ngày 26-2-1901 của Tổng thống Pháp và được trở thành một công sở có tư cách pháp nhân dân sự theo Sắc lệnh của Tổng thống Pháp ngày 3-4-1920, EFEO cùng một số tổ chức khoa học khác của Pháp ở Đông Dương, với sự cộng tác của những người bản xứ cùng chí hướng đã có nhiều đóng góp và đã đạt được nhiều thành công trong việc bảo tồn các di tích lịch sử ở Hà Nội.

Đầu tiên là việc bảo vệ Ô Quan Chưởng, cửa ô duy nhất còn lại trong số 16 cửa ô cũ của Hà Nội thoát khỏi bị phá bỏ, theo đề nghị của dân cư và một số chủ sở hữu người Âu tại phố Jean Dupuis (nay là phố Hàng Chiếu) trong lá đơn đệ trình Hội đồng thành phố (HĐTP)ngày 28-11-1904[2]. Lý do được trình bày trong đơn là do nhỏ hơn con phố nên cửa ô này đã tạo thành một nút thắt nhỏ tới mức hai chiếc xe tay thô sơ cũng không thể tránh được nhau. Điều này dẫn đến việc lưu thông rất bất tiện, xe cộ qua khu vực này thường phải đi đường vòng và tai nạn thường xuyên xảy ra, những chiếc xe kéo chở đầy gỗ qua đây đã trở thành nỗi sợ hãi thường trực của người đi bộ và xe cộ ở con phố lân cận.

22112018_001

Ô Quang Chưởng, nguồn: Indochine hebdomadaire illustré 1942

Do tồn tại nhiều bất đồng xung quanh vấn đề này, ngày 3-4-1905, HĐTP đã tổ chức họp để lấy ý kiến của các ủy viên và bỏ phiếu thông qua đề xuất phá hủy công trình kiến trúc ở đầu phố Jean Dupuis. Sau khi viện dẫn lý do chính là gây nguy hiểm cho giao thông ở ngã tư các phố Ancien Canal (nay là phố Đào Duy Từ) và ngõ Thanh Hà, chủ trì phiên họp là Đốc lý Hà Nội đã kết luận rằng “khối gạch vữa đồ sộ tạo thành cửa ô có lẽ không có nhiều giá trị khảo cổ để được xếp hạng di tích lịch sử”.

Không đồng tình với quan điểm này, ông Godard với tư cách là Hiệu trưởng của EFEO kiêm Chủ tịch Ủy ban Cổ vật Bắc Kỳ đã phản bác lại: “Cửa ô này là cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội xưa, do đó có giá trị khảo cổ không hề kém những di tích còn lại của Hoàng thành. Cửa ô này cũng gắn liền với lịch sử những năm đầu chiếm đóng của chúng ta, vì chính nhờ cửa ô này, chúng ta đã tiến vào Hà Nội qua một bến thuyền[3]. Và cũng chính cửa ô này là lối vào con phố đầu tiên ở Hà Nội có thương nhân người Pháp định cư. Cuối cùng, cho dù chưa được khẳng định về giá trị thẩm mỹ thì công trình này vẫn có tầm quan trọng đặc biệt, đồng thời nó còn là một loại hình kiến trúc hiếm có và độc đáo còn lại ngày nay. Tất cả những lý do có thể viện dẫn – về mặt khảo cổ, lịch sử và mỹ thuật – đều đang ủng hộ cho việc bảo tồn toàn vẹn công trình này”.

Tuy nhiên, phiên họp của HĐTP vẫn kết thúc với 8 phiếu thuận và 5 phiếu chống, trong đó có 4/5 thành viên người bản xứ có mặt bỏ phiếu chống.

Quyết không nhượng bộ, sau phiên họp chỉ một tuần lễ, vào ngày 11-4, ông Godard đã gửi công văn lên Thống sứ Bắc Kỳ, đề nghị không phê duyệt dự án phá bỏ Ô Quan Chưởng. Nhấn mạnh vào vị trí của cửa ô trong lòng những người yêu Hà Nội, ông viết: “Ngài hẳn đã rõ nỗi dằn vặt của tất cả những ai quan tâm đến mỹ thuật và lịch sử đất nước, nỗi dằn vặt gây nên bởi quyết định không được mong đợi này, mà hậu quả của nó sẽ làm biến mất một trong những di tích cuối cùng, cũng là một trong những di tích đáng chú ý nhấtcủa Hà Nội cổ. Cảm xúc này trong lòng người bản xứ cũng nhức nhối không kém gì trong lòng người Pháp, và cả 4 thành viên người bản xứ của HĐTP- vốn thường có xu hướng nhượng bộ – đã nhất trí phản đối dự án này”.  

Thế nhưng, phái quyết tâm phá bỏ Ô Quan Chưởng mà đứng đầu là Hiệp lý thành phố đã không chịu dừng lại. Họ đã tập hợp chữ ký của 45 trưởng phố tại các khu phố lân cận và đệ trình lên Đốc lý xin san bằng công trình này, vẫn với lý do để thuận tiện cho giao thông.    

Trước tình hình đó, HĐTP đã trưng cầu ý kiến của các cơ quan có liên quan. Được hỏi ý kiến về vấn đề này, Ủy ban Vệ sinh thành phố cho rằng, “khối gạch vữa này chỉ có giá trị quân sự ở thời kỳ chinh phục, ngày nay, nó đã trở thành một trở ngại đối với việc lưu thông không khí và là nguy cơ thường trực về tai nạn nghiêm trọng.

Mặt khác, các cổng vòm ở cửa ô này là nơi ghé lại thường xuyên của bọn lưu manh. Việc giám sát cho phép khẳng định rằng công trình này, cũng như rất nhiều chùa chiền bản xứ bị bỏ hoang, được dùng làm hang ổ cho những hành vi chẳng dính dáng gì đến phong tục”.

Phòng Thương mại Hà Nội trong biên bản họp ngày 8-5-1905 cũng thể hiện sự ủng hộ đối với lựa chọn phá dỡ Ô Quan Chưởng vì “giá trị thẩm mỹ và ký ức lịch sử của nó còn gây nhiều tranh cãi và không thể vượt qua những lợi ích chung của khu phố vốn là một trong những trung tâm thương mại và kỹ nghệ bậc nhất ở Hà Nội”.

Không muốn chính quyền Pháp tại Hà Nội phải tiếp tục “mang tiếng xấu là tùy tiện phá hoại văn vật”, gây nên những “ảnh hưởng đầy bi kịch đối với một bộ phận dân chúng An-nam sáng suốt”, EFEO mà đại diện là ông Godard đã không từ bỏ mục đích đấu tranh của mình là bảo vệ các di tích lịch sử của Hà Nội. Nhờ có sự nỗ lực của EFEO, Ô Quan Chưởng không những không bị phá mà còn được đưa vào danh mục di tích lịch sử được Toàn quyền Đông Dương phê duyệt tại Nghị định ngày 24-11-1906.

22112018_002

Ô Quang Chưởng, nguồn: sưu tầm

Tuy nhiên, những năm sau đó, các di tích lịch sử ở Hà Nội vẫn tiếp tục có nguy cơ bị xâm hại. Tình hình này tồn tại mãi cho đến khi Sắc lệnh ngày 3-4-1920 của Tổng thống nước Cộng hoà Pháp được ban hành tại Đông Dương.

Với Sắc lệnh ngày 3-4-1920[4], EFEO đã trở thành một công sở có tư cách pháp nhân dân sự, có mục tiêu “Đảm bảo việc bảo tồn và duy tu các công trình lịch sử của Đông Dương thuộc Pháp” (điều 2). Nhiệm vụ của Giám đốc cũng được quy định: “Đề xuất lên Toàn quyền việc xếp hạng và giáng hạng các công trình lịch sử cũng như biện pháp bảo tồn cần thiết; hướng dẫn và giám sát việc thực thi các công trình giải toả, sửa chữa, khai quật… và quyết định về việc chuyển giao các đồ vật cho bảo tàng” (điều 7).

Nhờ có sự tư vấn, can thiệp tích cực của EFEO, các công trình văn hóa và các di tích lịch sử ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng đã được xếp hạng, kiểm kê và bảo vệ tốt hơn, tránh được nhiều nguy cơ bị xâm hại. Dưới đây là hai thí dụ điển hình: 

– Trong những năm 1927-1930, cuộc đấu tranh chống lại dự án “Cải tạo và xây cao con đường ngăn cách giữa hai hồ (hồ Trúc Bạch và hồ Tây) thành một con đê” nhằm bảo vệ thành phố Hà Nội trong mùa nước sông Hồng lên cao của Sở Đô thị Hà Nội, được HĐTP thông qua vào tháng 9-1927 và được đưa vào danh mục các công trình lớn về đê điều của thành phố do Tổng Thanh tra Công chính Đông Dương soạn thảo cho mùa xây dựng 1927-1929 đã trở thành một sự kiện nổi bật, gây nhiều tiếng vang nhất ở Hà Nội thời điểm đó[5].

Trong cuộc chiến này, Giám đốc EFEO lúc đó là L. Finot đã cùng Nores, Chủ tịch Hội Địa lý Hà Nội và một số ủy viên của HĐTP đã sát cánh bên nhau vì một mục đích chung: không để dự án xây con đê ngăn cách hai hồ trở thành hiện thực.

Trong thư kháng nghị đề ngày 15-1-1930 dài 9 trang với 17 chữ ký (trong đó có chữ ký của một người Việt Nam tên là Lê Nguyễn) của một nhóm Ủy viên HĐTP do ông Feyssal thay mặt trình lên Toàn quyền Đông Dương có đoạn viết: “Con đường Yên Phụ tạo ra trong thành phố Hà Nội xinh đẹp một phong cảnh đô thị tuyệt vời nhất. Dải ru-băng này chạy dài, có cây cối bao bọc xung quanh, giữa hai tấm gương lớn của hai hồ nước, ánh sáng phản chiếu lung linh, nhất là vào lúc hoàng hôn, gió thổi mát rượi ngay cả lúc trời nóng nực; hai chùa Grand Bouddha (tức đền Quán Thánh)  và chùa Trấn Bắc (tức chùa Trấn Quốc)ở hai đầu đường đã làm xúc động không chỉ các nghệ sĩ và các nhà khảo cổ, mà ngay cả những người hâm mộ cái đẹp và các di tích lịch sử

Thế mà, dự án công trình lại gồm: chỉnh lại con đường thành mặt đường thẳng; nâng độ cao chiều đường lên độ 2m50, không những phá tỷ lệ của không gian hiện tại và làm thay đổi phong cảnh một cách tai hại mà còn làm biến mất chùa Grand Boudha sau một mô đất gọi là “mô đất phòng thủ” (masque de protection), đưa tới một nghịch cảnh là một đống đất kếch xù đắp thẳng và rất cao trên mặt nước. Chỉ cần thông báo một chương trình như thế là sẽ làm xúc động tất cả các Ủy viên HĐTP và toàn thể dân chúng ở Hà Nội”.

Cũng trong lá thư kháng nghị này, các tác giả đã cho rằng chính HĐTP phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai lầm của mình, trong đó có việc phá Thành cổ: “Tất cả các Uỷ viên của HĐTP đều không thể quên được rằng phong cảnh nên thơ của một thành phố chính là một nguồn của cải quý báu, rằng ngay trong chương trình của HĐ cũng có ghi một điều là phải bảo vệ những cảnh đẹp của Hà Nội, chống lại những sự phá hoại luôn luôn xảy ra và không ngừng tái diễn… HĐTP Hà Nội không được phạm vào những sai lầm và những phá hoại vô ích vì những công trình đó là do sức đóng góp của nhiều nhân vật ở Pháp và ở cả Đông Dương. Chúng tôi vô cùng tiếc và không thể nào quên được sự phá Thành cổ với những cánh cửa đẹp tuyệt vời của nó…”.

Cuối cùng, dự án xây con đê ngăn cách hai hồ đã bị xóa bỏ nhưng bốn năm sau, vào tháng 5-1934, một dự án khác về con đê Lyautey đi ngang qua chùa Trấn Quốc lại ra đời. Một lần nữa, đường Hồ Tây với các di tích lịch sử ở đây lại có nguy cơ bị xâm hại. Và một lần nữa, EFEO mà lúc này giám đốc là giáo sư Paul Mus và các thành viên của HĐTP lại vào cuộc. Cuộc đấu tranh của họ đã mang lại kết quả là giữ lại được toàn vẹn đền Quán Thánh và chùa Trấn Quốc, hai di tích văn hóa tín ngưỡng danh tiếng ở thủ đô Hà Nội của chúng ta.

22112018_003

Đền Quán Thánh, nguồn: sưu tầm

– Năm 1937, khi đoạn cuối con đường nối đại lộ Francis Garnier với quảng trường Cocotier (sau đổi tên là quảng trường Négrier, nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) được xây dựng, chùa Bà Kiệu có nguy cơ bị chuyển đi nơi khác để lấy đất làm đường thì ngày 7-9-1937, Giám đốc EFEO đã gửi công văn số 3197 lên Thống sứ Bắc Kỳ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử đối với đền Bà Kiệu vì công trình này có giá trị về mặt kiến trúc mà mặt chính của nó được xây theo kiểu Tàu. Nhưng Đốc lý Hà Nội đã không ủng hộ đề nghị xếp hạng di tích đền Bà Kiệu của Giám đốc EFEO. Giải pháp được Thống sứ Bắc Kỳ đưa ra là, nếu EFEO góp một phần kinh phí vào việc chuyển đền để mở rộng đường thì Thành phố sẽ đồng ý xếp hạng di tích lịch sử cho đền Bà Kiệu[6]. Không có đủ tài liệu để chứng minh giải pháp đó có được thực hiện hay không song sự tồn tại của chùa Bà Kiệu ngày nay cho thấy sự can thiệp của EFEO trong việc giữ gìn một di sản của Hà Nội ở quanh Hồ Gươm đã thành công.

22112018_004

Đền Bà Kiệu, nguồn: sưu tầm

Các thí dụ trên đây chỉ là những nét chấm phá về cuộc đấu tranh bảo vệ các di tích lịch sử ở Hà Nội của những tổ chức khoa học của Pháp ở Đông Dương dưới thời Pháp thuộc. Nhằm mục đích “Ôn cố tri tân”, bài viết hy vọng các di tích lịch sử ở Hà Nội ngày nay sẽ được các cấp chính quyền quan tâm, bảo vệ hơn nữa, cho dù chúng ta còn nhiều khó khăn trên con đường hội nhập.

TS. Đào Thị Diến

————————————————————-

[1]Paul Doumer: “L’Indochine française (souvenir)”, 1905, p. 123 (dẫn theo André Masson: “ Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888)”, Paris, 1929, tr. 85.

[2]TTLTQG I, RST, hs: 79.298 và 38.438 (dẫn theo Bùi Thị Hệ: “Tranh cãi về vấn đề phá bỏ hay bảo tồn Ô Quan Chưởng thời Pháp thuộc”, đăng trên trang web của TTLTQG I ngày 29/03/2016.

[3]Ý nói vụ tấn công Hà Nội của Francis Garnier.

[4]JOIF, 1920, 2e semestre, N0 97, p. 2255 – 2257 (dẫn theo “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ” 1873-1954 (Đào Thị Diến cb), tập 2, Nxb HN, 2010, tr. 366.

[5]TTLTQG I, RST, hs: 78.693 (dẫn theo Đào Thị Diến: “Đường hay đê? Về một cuộc đấu tranh bảo vệ cảnh quan Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch cách đay hơn 7 thập kỷ” đăng trong Tạp chí Xưa và Nay số 113 (161), tháng 4-2002).

[6]TTLTQG I, RST, hs: 73514/02.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, ngày 22.11.2018.

Sức hấp dẫn của An Nam nhiệt đới ở vùng Viễn Đông xa lạ không chỉ làm các kí giả, nhà văn vô cùng sốt sắng mô tả, phản ánh mà còn khiến các nhà nghiên cứu, học giả phải nhanh chóng tiếp cận, diễn giải, đặng đưa ra một tri nhận càng kĩ lưỡng càng tốt cho quá trình cộng sinh văn hóa Pháp - Việt.

Cùng với sự bùng nổ của diễn đàn báo chí, nhất là báo tiếng Pháp, sự xuất hiện của Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) đã trở thành nơi tập trung và công bố khá nhiều nghiên cứu về An Nam trên tất cả các phương diện, từ lịch sử chính trị xã hội cho đến phong tục, tôn giáo, tín ngưỡng, tính cách tâm lí… Ký giả và học giả, tuy khác nhau hành trạng xuất phát, nhưng đều nỗ lực rút ngắn khoảng cách với chính nơi mà mình muốn thuộc về.

Trên đường cái quan

Thoạt tiên, giới kí giả và nhà văn đặt chân đến An Nam cũng theo sự vụ công việc nhưng rồi, phần vì bản tính ưa phiêu lưu, phần vì xứ sở mà chính quyền thực dân Pháp vẫn đang coi là “man khai” ấy cuốn hút họ không ngừng, nên họ đã dần phải lòng rồi trổ hết tài năng văn chương của mình để diễn tả sao cho đắc địa những gì trải nghiệm, những điều trông thấy.     

Số lượng các kí giả, chuyên hoặc không chuyên, sẽ rất dài nhưng tôi muốn nhắc đến trước tiên 3 vị khách nặng tình nghĩa với An Nam: Léon Werth, Louis Rouband và Roland Dorgelès. Léon Werth (1878-1955), là phóng viên, tiểu thuyết gia và thường được biết là bạn rất thân với Antoine de Saint-Exupéry, tác giả Hoàng tử bé (1943) trứ danh, đã đến Việt Nam vào năm 1925.

Léon Werth chủ yếu du ngoạn ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Bạc Liêu và tư liệu chuyến đi gây nhiều ngỡ ngàng ấy đã được ông tái hiện trong cuốn du kí Xứ Nam Kỳ (Cochinchine, 1926).

Không thứ gì tuột khỏi tầm quan sát tinh tế, tỉ mỉ của Léon Werth, nhất là các mùi vị trái cây, thảo mộc, đồ ăn thức uống, những đặc sản mà giờ đây chúng ta đang tích cực giới thiệu ra quốc tế, luôn phảng phất trong trang viết: “Phan Thiết với mùi nước mắm, Phan Thiết với biển Đông, với vùng quê An Nam và những ngọn núi đẹp như hình kim tự tháp […] nước mắm, loại nước xốt làm từ cá, nước mắm thơm mùi linh hồn của cá và biển khơi sâu thẳm.

20200328 2

Điều thú vị là Léon Werth thường so sánh cảnh vật An Nam với quê nhà châu Âu, không phải để khẳng định hơn hay kém, mà để nhận thấy những điểm khác biệt tạo nên đặc sắc nơi đây, ngay cả khi chúng gợi nên vẻ nghèo khó: “Cây cầu bắc qua con kênh ngoằn ngoèo. Quang cảnh như ở vùng Oise nhưng lại ụ lên, cằn cỗi như bị bào mòn bởi một thứ ánh sáng không chiếu thẳng”…

Đến sớm hơn Léon Werth ba năm, Roland Dorgelès (1886-1973) đã có một hành trình dài ngày đi dọc An Nam và viết thiên phóng sự nổi tiếng Trên đường cái quan (Sur la route mandarine, 1922). Có thể coi cuốn sách như thước phim được làm bằng ngôn ngữ tài hoa có khả năng chụp bắt cuộc sống thường ngày mà ngay cả người An Nam cũng khó nhận ra.

“Điều kích thích trí tò mò của tôi - Roland Dorgelès thú nhận, không phải là bí mật của những đền chùa ta thấy khắp nơi, dưới bóng hàng phượng vĩ đỏ rực hoa vào mùa hè, hoặc khuất dưới lũy tre xanh; không phải là cái quá khứ ngàn năm của dân tộc bị cướp quyền này, không hề, mà đó là bí mật hiện tại”.

Chính vì nhìn sâu vào hiện tại nên  Roland Dorgelès mới để tâm nhiều hơn đến những cảnh lao động vất vả, nhọc nhằn, những anh “nhà quê” nhuốm mình trong màu nâu của đất đai và quần áo, những bến sông và chiếc đò ngang trôi dạt phía cuối nguồn, những thửa ruộng nhỏ bé chắt chiu sau bao mùa bồi tích phù sa…

Mang cảm thức của chủ nghĩa lãng mạn, Roland Dorgelès đón nhận sống An Nam theo lối cảm thương lẫn cảm phục nhưng phần nhiều là bay bổng trước những khung cảnh bình dị chưa bị hiện đại hóa trên những cánh ruộng xanh màu ngọc bích, những ngọn núi buồn bã của dãy Tam Điệp, những cánh đồng muối trắng đến lóa mắt, những con đường đỏ quạch dưới hàng cọ, những chợ búa ồn ào tràn ra cả lề đường, những lồng đèn cá chép khổ lớn, những túp lều vui nhộn dưới hàng dừa cao…

Với Roland Dorgelès, An Nam là miền đất tự do của các sắc màu và nhịp điệu, là nơi chốn được thiên nhiên ưu đãi và tự nỗ lực để vui thú với những gì bình dân, quê mùa nhất.

Khác Roland Dorgelès, Louis Rouband (1884-1941) nhập cuộc trực tiếp với các câu chuyện thời sự. Ông đến Việt Nam năm 1930, vào đúng thời điểm diễn ra khởi nghĩa Yên Bái chấn động, trở thành kí giả tường thuật các phiên xử chiến sĩ cách mạng của Hội đồng Đề hình.

Cuốn sách của ông, Việt Nam, tấn bi kịch Đông Dương (Vietnam, la tragédie indochinoise, 1931) tập trung mô tả không khí căng thẳng của xã hội thuộc địa, khi vấn đề thuế, thuốc phiện, rượu lậu hay ý thức phản kháng ngày một lan rộng. Thay vì bảo vệ lợi ích chính quốc, Louis Rouband không ngần ngại thể hiện giọng điệu phê phán mánh lới của chính quyền thực dân và đồng thời bày tỏ thiện cảm với các nhân vật cách mạng như Nguyễn Thái Học hay Phan Bội Châu.

Có thể nói Léon Werth, Louis Rouband và Roland Dorgelès khá điển hình cho kiểu quan sát An Nam từ vị thế “khách tình si” nên không tránh được những cảm xúc hào hứng hoặc thất vọng có phần cường điệu. Nhưng điều này không đồng nghĩa với nghệ thuật hư cấu thuần túy.

Ở thời điểm đầu thế kỉ XX, về cơ bản, mối quan hệ văn chương và dân tộc chí, văn chương và ghi chép phong tục văn hóa, phóng sự xã hội vẫn chưa hề quá tách bạch, vì thế, sẽ rất lí thú, hữu ích khi lật giở lại những trang viết phong nhiêu cả về tư liệu lẫn cảm xúc.

Những học giả tiên phong

Tuần san Indochine số 20 (ra ngày 23/1/1941) có đăng bài viết Đọc gì về Đông Dương? của Georges Bois. Tác giả đã liệt kê một danh mục dài các cuốn sách, công trình khảo cứu Đông Dương, mà trước hết và nhiều nhất, là về Việt Nam.

Đây là một chỉ dẫn đến hôm nay vẫn có thể hữu ích vì mức độ gói gọn, cụ thể, bao quát về đất nước, con người, lịch sử, tôn giáo, văn minh, các đoàn truyền giáo và cả các vấn đề thực tiễn của công cuộc di dân. Nhiều cuốn sách trong danh mục này là kết quả khảo cứu của thành viên Viện Viễn Đông Bác Cổ hoặc của các nhà nghiên cứu “tay ngang”.

Chưa thể đầy đủ nhưng cần thiết nhắc lại ở đây dăm ba trước tác mà hậu thế luôn coi là “phải đọc” khi muốn tìm hiểu Việt Nam, tìm đến giai đoạn định hình Việt Nam trong học thuật phương Tây: Pierre Gourou (1900-1999) với Bắc Kỳ (Le Tonkin, 1931), Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ (Les paysans du Delta Tonkinois, 1936); E.Tavernier (?-?) với Thờ cúng tổ tiên (Le culte des ancêtres, 1926); Gia đình Việt Nam (La famille annamite, 1927); Charles Maybon (1872-1926) với Ghi chép về lịch sử An Nam (Notions d'histoire d'Annam, 1909), Lịch sử hiện đại của xứ An Nam (1592-1820) (Histoire moderne du pays d'Annam, 1919); George Cœdès (1886 - 1969) với Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa tại Viễn Đông (Histoire ancienne des États hindouisés d'Extrême-Orient, 1944); Paul Mus(1902 - 1969) với Tôn giáo của người An Nam (La religion des Annamites, 1931); G. Cordier (1901-1941) với Nghiên cứu văn chương An Nam (Étude de littérature annamite, 1933); Louis Bezacier (1906-1966) với Các tiểu luận về nghệ thuật An Nam (Essais sur lart annamite, 1943); J. Przyluski (1885-1944) với Ghi chép về tục thờ cây ở Bắc Kỳ (Notes sur le culte des arbres au Tonkin, 1909); Henri Maitre (1883-1914) với Rừng người Thượng (Les Jungles Moi, 1912)...

Có thể thấy, cho đến nửa đầu thập niên 1940, nghiên cứu An Nam đã trở thành một nếp sinh hoạt học thuật phổ biến và được gối tiếp qua vài thế hệ học giả. Những chuyển biến về phương pháp, quan điểm tiếp cận cũng bắt đầu rõ ràng hơn dẫn đến những kết luận đáng suy tư, tham chiếu hơn.

Trong khi giới trí thức bản địa, thực tế là phải từ cuối thập niên 1920 trở đi, với Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Khoan, Trần Văn Giáp,… mới dần công bố những nghiên cứu bằng tiếng Pháp tương đối hiện đại về dân tộc mình thì sự phong phú tiếng nói của các học giả phương Tây chính thức đặt An Nam vào quỹ đạo khoa học xã hội nhân văn của thế giới bấy giờ.

Tính chất chuyên sâu hóa khi tìm hiểu An Nam đã góp phần làm sáng tỏ nhiều nan đề lớn. Chẳng hạn, về các ảnh xạ văn hóa Đông Á và Đông Nam Á trong cấu trúc văn hóa Việt Nam, về đặc trưng của nền văn minh thảo mộc (la civilisation du vétégal), về đạo thờ tổ tiên, về các phong cách trong lịch sử nghệ thuật…

Ở đây, cần nhấn mạnh rằng, các học giả không hướng tới độc giả đại chúng rộng rãi mà chủ yếu dành cho tầng lớp trí thức Pháp, thúc giục họ nắm vững những từ khóa diễn giải căn cơ về An Nam.

Sự chuyển dịch từ “châu Âu trung tâm luận” sang vùng Viễn Đông thuộc địa, như vậy, đã mở đường cho các dân tộc thuộc “thế giới thứ ba” chứng minh giá trị riêng có của mình. Nếu xung đột, chiến tranh làm gia tăng bất hòa và đối kháng thì khả năng đọc hiểu lẫn nhau đã mở ra không gian đối thoại đúng nghĩa, nơi mà các học giả Pháp đã tìm thấy nghĩa lí cuộc đời trên đất An Nam.

Đến lượt mình, học giả An Nam lúc đó, như Đào Duy Anh hay Nguyễn Văn Huyên, đều coi các nghiên cứu trên là tài liệu tham khảo quan trọng. Khi viết Văn minh Việt Nam (1939), Nguyễn Văn Huyên thừa nhận ông mang ơn những người tiên phong và được truyền cảm hứng mạnh mẽ bởi nhiều học giả lỗi lạc như J. Przyluski, Paul Mus, George Cœdès, Louis Finot...

Đáng tiếc, theo  thời gian, di sản học thuật của họ đang dần co hẹp trong những phạm vi nhỏ, nơi đa số chúng ta chỉ biết phong thanh.

Mai Anh Tuấn

Nguồn: An ninh thế giới cuối tháng, ngày 22.03.2020.

Việt Nam qua kiến trúc thuộc địa (Vietnam à travers l’architecture coloniale) của tác giả Arnauld Le Brusq là một bức tranh toàn cảnh về các thành phố và kiến trúc các công trình ở Việt Nam trong những năm từ 1860 đến 1945. Trên hành trình khám phá các công trình từ Nam ra Bắc, công trình Đại học Đông Dương là điểm dừng chân lý tưởng để khám phá kiến trúc, công trình tiên phong của trường phái Kiến trúc Đông Dương do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế, một sự kết hợp thành công bước đầu giữa kiến trúc nói riêng, văn hoá phương Đông và phương Tây nói chung ở Hà Nội. Chúng tôi xin lược dịch phần viết về Đại học Đông Dương trong cuốn Việt Nam qua kiến trúc thuộc địa (Vietnam à travers l’architecture coloniale) của tác giả Arnauld Le Brusq và trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

Bản vẽ mặt trước toà nhà trung tâm của Đại học Đông Dương do Charles Lacollonge, Kiến trúc sư-Chánh Sở Công thự lập năm 1924, nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Sau rất nhiều cuộc viễn du, Trường Y khoa và Đại học Đông Dương hợp lại thành một quần thể kiến trúc. Theo yêu cầu của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, Alexandre Yersin cho thành lập Trường Y khoa vào năm 1902. Toà nhà đầu tiên được xây dựng vào năm 1904 trên đại lộ Bobillot (nay là phố Lê Thánh Tông), đây chính là hạt nhân của trường đại học tương lai.

Năm 1918, vua Khải Định đã tới thăm trường. Năm trước đó, theo thiết kế của kiến trúc sư Bussy, trường đã mở rộng thêm khu giảng đường và được trang trí bằng các y hiệu. Tại đây, những thanh niên người Việt từ bỏ nền y học cổ truyền để chuyển sang lĩnh vực khoa học phương Tây phải theo học 5 năm dự bị mới được làm luận án tại Paris. Nhưng sau khi trải qua kỳ thi tuyển thành công, họ vẫn không thoát khỏi ngạch “bác sĩ Đông Dương”, đây chính là điều phân biệt họ với các đồng nghiệp người Pháp.

Ngoài chuyên ngành y, dược, vào những năm 1920, Đại học Đông Dương còn đào tạo thêm ngành luật, hành chính, sư phạm, nông nghiệp, công nghiệp, công chính cũng như thương nghiệp.

Tòa nhà trên phố Bobillot tiếp nhận sinh viên y khoa, luật khoa và sinh viên sư phạm, những sinh viên khác được phân bổ về các trường chuyên của thành phố. Tuy nhiên, trước khi có được một cơ cấu tổ chức thực sự ổn định, Đại học Đông Dương đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm.

Thực ra, Paul Beau cho thành lập trường năm 1906 xuất phát từ nhận thức về một thất bại và một nguy cơ chính trị: việc nền cựu học sụp đổ cũng như việc Nhật Bản thắng Nga chính là động cơ để thanh niên Việt Nam – dưới sự thúc đẩy của các nho sĩ phản đối chế độ thuộc địa như Phan Bội Châu mưu toan Đông Du tức là sang các trường đại học của “đất nước mặt trời mọc”. Phản ứng của các nhà chức trách Pháp trước khát vọng của sinh viên đã làm phật lòng phe bảo thủ và trường đại học vốn đang được bố trí trong lãnh sự quán cũ thuộc khu nhượng địa ngay lập tức bị Toàn quyền Klobukowski cho đóng cửa trước khi mở lại vào năm 1918 trong một tòa nhà nằm trên phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền). Theo sau kế hoạch của Sarraut, Phủ toàn quyền quyết định hiện thực hóa việc đào tạo bậc đại học bằng cách xây dựng một tòa nhà tương xứng với tham vọng đã được đưa ra và không phải ngẫu nhiên mà công trình Đại học Đông Dương được coi là một bước ngoặt trong lịch sử xứ thuộc địa, cả trên bình diện xã hội lẫn kiến trúc.

Hãy cùng xem nhà cải cách giáo dục phản đối phong cách kiến trúc do Sở Công thự phổ biến ở thời điểm đó: “Sau 3 năm vắng mặt, khi trở lại mảnh đất Đông Dương, tôi vô cùng đau đớn khi nhận ra rằng bên cạnh những công trình mang phong cách nghệ thuật bản địa – áp đặt lên đó là một sự đối đầu tàn nhẫn, những cục bê tông cốt thép và bản sao kiến ​​trúc Muy-ních đã lấn át quyền thể hiện khả năng sáng tạo theo thị hiếu của người Pháp”. Những dòng trên đây đã khơi dậy mong muốn về một bản sắc kiến trúc riêng cho Đông Dương – một trọng trách được giao cho Ernest Hébrard.

Năm 1922, lần đầu tiên kiến trúc sư Ernest Hébrard đặt chân đến Hà Nội, thời điểm đó các đồng nghiệp của ông là Charles Lacollonge và Paul Sabrié đã trình lên Toàn quyền đề xuất xây dựng công trình Đại học Đông Dương và đã được thông qua. Khi đó, việc xây móng và chân công trình với việc đóng gần 2.000 cọc gỗ lim thậm chí đang trong giai đoạn hoàn thành. Nhờ vòng hào quang của Giải thưởng La Mã, Ernest Hébrard nắm quyền chỉ đạo toàn bộ ê kíp thi công công trình, ông tạm dừng thi công và hướng công việc nghiên cứu của mình theo phong cách châu Á. Tuy nhiên, việc thay đổi phong cách kiến trúc cần thời gian lâu hơn để chín muồi, nếu so sánh với những gì Félix Dumail đã trải qua trong các giai đoạn liên tiếp khi xây dựng chi nhánh ngân hàng Đông Dương tại Sài Gòn. Ernest Hébrard tập trung vào tính thẩm mỹ và không quá coi trọng cách bài trí – yếu tố khớp nối khu tiền sảnh đã bị mái vòm lấn át với một hội trường hai tầng, một thư viện và rất nhiều phòng làm việc. Bản vẽ mặt đứng cùng nhiều mặt cắt ký tên Sabrié, ghi thời gian lập 1924 và được phê duyệt thi công ngay năm đó vẫn mang dáng dấp của những bức vẽ lấy cảm hứng từ thế kỷ 18 ở Pháp với sự lấn át của các không gian khánh tiết, mái vòm khổng lồ cùng tháp sáng, cách trang trí hình vòm xuất hiện cách quãng tại hành lang lưu thông và những bức tượng đối xứng ở hai bên lối vào.

Nhưng các bản vẽ cũng thể hiện quyết tâm của Ernest Hébrard – người đã chính thức trở thành Giám đốc Sở Kiến trúc và Quy hoạch đô thị năm 1923 – trong việc thay đổi dáng dấp của tòa nhà. Lúc này, ông hướng về các mô hình của Trung Quốc, bắt đầu từ công trình nổi tiếng nhất trong số đó – hoàng cung thuộc Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Kết quả là tòa nhà bị Hán hóa một cách dè dặt với một ô văng loe ra trên đệm cửa của mái vòm, với những lớp mái chồng xếp giống như hệ mái bậc thang và tháp sáng có dáng dấp như một nóc phù đồ, mái đua như đường cúp góc ở các hành lang của kiến trúc Trung Hoa.

Mùa hè năm 1924, việc thi công (giao cho Hãng Aviat) được tiến hành trở lại dựa trên những cơ sở mới này. Nhưng Ernest Hébrard chưa ngừng trăn trở, ông yêu cầu sửa bản vẽ nhiều lần, chủ yếu bởi kiến trúc sư Gaston Roger để đạt được điều mà sau này ông gọi là “phong cách Đông Dương”, nhưng ở thời điểm đó mới chỉ ở dạng thai nghén.

Công văn trao đổi, các thông báo thay đổi về kích thước, đơn thư khiếu nại của chủ thầu bị dừng thi công do không có bản vẽ chính thức, việc phá hủy một phần công trình đã cho thấy quy mô thử nghiệm của dự án. Thực vậy, quan sát công trình hoàn tất là thấy được tầm vóc của các thay đổi. Mái vòm bị thay thế bằng lầu tứ giác trên chồng 2 lớp mái nặng nề, góc cạnh rõ ràng. Mái đua lúc này đã rõ dáng dấp của các lan can tạo thành từ nhiều cột nhỏ thân vuông, xen kẽ các bức phù điêu chạm khắc và đục lỗ thường chạy quanh sân các đền đài ở châu Á. Tác giả của dự án ban đầu – kiến trúc sư Sabrié – phản đối việc thay đổi và nhiều lần cảnh báo về nguy cơ lạc điệu giữa “chủ nghĩa cổ điển” của ông và phong cách “Trung Hoa”.

Đến tham quan Đại học Đông Dương, sẽ thấy nhiều dấu tích của sự đối nghịch, chẳng hạn như việc xây thêm cổng nhỏ trên cổng vòm lớn ở mặt sau hay ở phần nội thất khi vẫn giữ mái vòm giả và hàng cột ở tiền sảnh. Mặt khác, các thử nghiệm của Hébrard không chỉ gây phiền phức cho các kiến trúc sư, ngay từ năm 1921, họa sĩ Victor Tardieu đã phác thảo một dự án trang trí phù hợp với chủ nghĩa kinh viện xung quanh. Mái vòm phải tiếp nhận những biểu tượng của khoa học, nông nghiệp, kỹ nghệ và thương nghiệp hoàn toàn tách biệt trên nền vàng. Do trí tưởng tượng bộc phát, họa sĩ đề nghị sơn dòng chữ “La France apportant à sa colonie les bienfaits de la civilisation” (Nước Pháp mang đến cho xứ thuộc địa những lợi ích của nền văn minh) và đối lại “L’Indochine faisant hommage à la France de ses richesses”(Đông Dương cảm phục nước Pháp vì sự giàu có). Ngoài ra, trên bức tường chính của hội trường, ông dự kiến nhóm thành một tập hợp chân dung những người sáng lập Đại học Đông Dương: Paul Doumer, Paul Beau, Albert Sarraut và Maurice Long, xung quanh là các cộng sự của họ. Sáu năm sau, bức tranh vải lớn hé lộ chân dung của Alma Mater – Mẹ cưu mang – và ngay tại chân bà các thế hệ sinh viên được long trọng trao những tấm bằng tốt nghiệp dưới ánh nhìn của ngài Toàn quyền.

Hoàn thành năm 1927, Đại học Đông Dương đặt dấu chấm hết cho sự tồn dư của kiến trúc cổ điển và đánh dấu sự trỗi dậy của nghệ thuật giao thoa nơi phương Tây và phương Đông gặp gỡ. Đến nay, công trình vẫn được coi là một điểm nhấn về nghệ thuật kiến trúc tại Hà Nội.

Hoàng Hằng – Hồng Nhung

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

Nguồn, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, ngày 27.03.2018.

 

Thông tin truy cập

60866120
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8307
17592
60866120

Thành viên trực tuyến

Đang có 345 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website