Giáo sư Bùi Văn Nguyên như tôi được biết

Giáo sư sinh năm Mậu Ngọ (1918), quê ở xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Trước Cách mạng Tháng Tám, sau khi đậu Tú tài, Thầy có thời gian làm công chức ngành Bưu điện ở Biên Hoà. Sau Cách mạng, Thầy vào học Đại học Văn khoa Hà Nội. Cuối năm 1946, kháng chiến chống Pháp, Thầy về dạy học ở quê nhà. Từ đó, Thầy gắn với sự nghiệp trồng người cao cả, thiêng liêng mà cực nhọc này cho đến cuối đời.

Tôi có may mắn được thọ giáo với Thầy nhiều lần.

Lần đầu, cách đây 37 năm, như một thiện duyên không hẹn mà gặp, lớp sinh viên Ngữ văn chúng tôi sau ngày giải phóng hồi ấy được học nhiều vị giáo sư - những nhà nghiên cứu văn học đầu ngành, nổi tiếng từ miền Bắc vào thỉnh giảng như: Hoài Thanh, Lê Trí Viễn, Hoàng Như Mai, Hoàng Hữu Yên, Nguyễn Đình Chú, Đặng Thanh Lê, Nguyễn Đăng Mạnh, Đỗ Bình Trị, Nguyễn Văn Long giảng về Văn học Việt Nam; Phương Lựu, Thành Thế Thái Bình giảng về Lý luận văn học; Trần Xuân Đề, Lưu Đức Trung, Trần Duy Châu, Lương Duy Trung, Hoàng Nhân giảng về Văn học nước ngoài; Đỗ Hữu Châu, Hoàng Văn Thung, Đinh Xuân Hiền giảng về Ngôn ngữ học, v.v.. và dĩ nhiên trong đó có thầy Bùi Văn Nguyên.

Chúng tôi được gặp Thầy lần đầu tiên vào giữa năm 1976 khi Thầy từ Hà Nội vào Sài Gòn thỉnh giảng. Đã gần 40 năm rồi, nhưng cái buổi gặp gỡ ban đầu ấy vẫn còn trong tôi một ấn tượng khó phai. Dáng người của Thầy thì gầy, gầy đến mảnh khảnh mà tôi nghĩ không thể nào gầy hơn được nữa nhưng lại rất nhanh nhẹn, tinh anh và có vẻ nghiêm khắc.

Vốn bị bạn bè gán thường cho cái tên là “con mọt sách”, từ trước 1975 ở miền Nam và sau giải phóng, tôi có đọc được những bài nghiên cứu và sách của Thầy (trước 1975, sách báo ở miền Bắc có mặt ở Sài Gòn phải đi theo con đường vòng từ Hà Nội sang Paris [Pháp], rồi từ Paris đến Sài Gòn), tôi mới biết tác giả của “Gia huấn ca” không phải là Nguyễn Trãi như các bộ văn học sử (từ bộ sách của cụ Dương Quảng Hàm trở đi) và các công trình nghiên cứu, sách giáo khoa ở miền Nam đã viết, mà tác giả đích thực là tướng công Nguyễn Huệ, một vị Tiến sĩ, Thượng thư, bác ruột của thi hào Nguyễn Du; hay như biết được tên chính xác của Bà huyện Thanh Quan là Nguyễn Thị Hinh; biết chính xác tác giả truyện thơ Nôm Bích Câu kỳ ngộ là Vũ Quốc Trân chứ không phải khuyết danh như rất nhiều tài liệu đã ghi. Chính vì thế, nghe tin Thầy vào giảng bài ở khoá trước, vốn ngưỡng mộ Thầy từ lâu nên tôi đã sắp xếp thời gian đến nghe Thầy giảng. Năm 1978, một lần nữa, Thầy vào giảng dạy khoá sau, lần này tôi cũng đến dự thính. Đó là chưa kể đến việc chúng tôi hồi ấy đã học Thầy qua hai cuốn giáo trình văn học sử (dân gian, văn học viết thời phong kiến) mà Thầy đã tham gia biên soạn chính.  

Lần thứ hai tôi được chính thức học Thầy ở lớp Cao học Ngữ văn khoá 5 (1980-1982) tại Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Khoá Cao học này tôi đăng ký học chuyên ngành Văn học trung đại Việt Nam. Xin nói thêm: từ khoá 1 (1976) đến khoá 4 (1979) là cử tuyển, không thi đầu vào, bắt đầu khoá 5 (1980) trở đi, học viên phải thi tuyển đầu vào. Lần này, lớp chúng tôi được học với thầy Lê Khánh Bằng về Lý luận dạy học Đại học. Thầy Đỗ Hữu Châu giảng chuyên đề Nghiên cứu tác phẩm văn học từ góc độ ngôn ngữ học. Các thầy: Trần Văn Bính, Phương Lựu, Thành Thế Thái Bình, Nguyễn Xuân Nam giảng các chuyên đề về Lý luận văn học, và đặc biệt có thầy Đỗ Xuân Hà, thầy Trần Đình Sử (lúc đó, so với nhiều Thầy Cô được phân công giảng dạy hệ Cao học thì có thể nói hai Thầy tuy còn trẻ nhưng lại có nội lực thâm hậu) vừa mới ở Nga về, hai Thầy đã trao truyền cho chúng tôi những tri thức lý luận văn học hiện đại của phương Tây, chẳng hạn, thầy Đỗ Xuân Hà giảng về Những vấn đề hiện đại của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa; thầy Trần Đình Sử giảng về Thi pháp học. Đây là một lĩnh vực khoa học mới mà thầy Trần Đình Sử là người mở hướng dọn đường ở Việt Nam để từ đó về sau có đến hàng trăm (hoặc hơn nữa) học viên cao học và gần cả trăm nghiên cứu sinh đi theo đường hướng ấy để làm luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ.

Riêng về các chuyên đề chuyên sâu của chuyên ngành văn học trung đại Việt Nam, chúng tôi được học thầy Bùi Văn Nguyên, thầy Hoàng Hữu Yên, thầy Nguyễn Đình Chú, cô Đặng Thanh Lê, và may mắn được thầy Bùi Văn Nguyên nhận hướng dẫn luận văn Cao học về thơ Thiền thời Lý - Trần (bảo vệ tháng 11-1982. Đó là tiền đề để sau này tôi tiếp tục nghiên cứu về văn học Phật giáo và làm luận án Tiến sĩ do thầy Nguyễn Đình Chú hướng dẫn.

Trong quá trình học tập và làm luận văn luận án, tôi đã được quý Sư phụ trao truyền một số “bí kiếp” để luyện “nội công” trong nghiên cứu khoa học. Ở mỗi Thầy, tôi học tập được một ít, ví dụ: thầy Lê Trí Viễn hướng dẫn cho tôi cách viết sao cho uyển chuyển, linh hoạt “để có đường rút” khi bị phản biện, cách bình giảng, cách cảm thụ văn chương sao cho tinh tế và tài hoa (Thầy Lê Trí Viễn hướng dẫn tôi làm luận văn tốt nghiệp đại học về Nguyễn Khuyến); thầy Bùi Văn Nguyên chỉ cho tôi cách khảo cứu văn bản Hán Nôm, bám vào từng chi tiết câu chữ, để hiểu ngữ nghĩa văn bản cho đúng cho sâu; thầy Nguyễn Đình Chú thì định hướng cho tôi cách tư duy biện chứng, nhìn vấn đề ở tầm vĩ mô, khái quát, tổng thể khi dàn dựng công trình, tức vận dụng tư duy triết học để nghiên cứu văn học; cô Đặng Thanh Lê định hướng cho chúng tôi cách vận dụng những thành tựu lý luận văn học hiện đại của Liên Xô, nhất là phương pháp loại hình để nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam v.v..

Riêng với thầy Bùi Văn Nguyên, tình cảm mà Thầy đã dành cho tôi cũng như lòng tôn kính của tôi - một cậu học trò nhỏ đối với Thầy hơi có đặc biệt một chút, từ ngày được học thầy đến nay đã mấy mươi năm, từ giữa năm 1976 cho đến lúc Thầy cưỡi hạc về với thế giới Người Hiền (2003), và hôm nay, khi ngồi viết mấy dòng hồi ức này, lòng tôn kính ấy đối với Thầy vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.

Chúng tôi được học Thầy mấy chuyên đề chuyên sâu về văn học trung đại: Tư tưởng Nho - Phật - Lão trong văn học cổ Việt Nam; Kiến thức bổ trợ để nghiên cứu văn học cổ Việt Nam; Tác gia Nguyễn Trãi, và may mắn hơn, tôi được làm đệ tử của Thầy.

Lớp Cao học Ngữ văn khoá 5 của chúng tôi có 24 học viên, thuộc nhiều chuyên ngành: Lý luận văn học, Văn học dân gian Việt Nam, Văn học cổ Việt Nam, Văn học cận - hiện đại Việt Nam, Văn học châu Á, Văn học phương Tây, Văn học Nga, Ngôn ngữ học, Phương pháp giảng dạy Văn học. Chuyên ngành Văn học dân gian và Văn học cổ do tổ Văn học Việt Nam 1 quản lý, mà Thầy là Chủ nhiệm, khoá này chỉ có 03 học viên: chị Phạm Thu Yến (hiện là PGS.TS. đang giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội; chị theo học chuyên ngành Văn học dân gian); anh Ngô Thời Đôn và tôi thì theo chuyên ngành Văn học cổ Việt Nam. Anh Đôn hiện là TS. Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam, Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Huế. Thầy chỉ định tôi làm nhóm trưởng học tập. Anh Đôn làm luận văn về Người phụ nữ trong thơ chữ Hán Nguyễn Du do GS. Đặng Thanh Lê hướng dẫn; còn tôi thì làm về văn học Thiền tông thời Lý - Trần do GS. Bùi Văn Nguyên hướng dẫn. Nhớ lại lúc học chuyên đề, anh Đôn và tôi, mỗi tuần ba hoặc bốn buổi đi xe điện đến Hồ Gươm rồi đi bộ từ Hàng Đào đến Hàng Ngang, khu nhà số 31, leo mấy cái cầu thang bằng gỗ tối hun hút, ngoằn ngoèo, lung lay, dốc đứng để lên tầng cuối cùng mới đến phòng của Thầy. Giữa năm 1981, khi làm luận văn, Thầy đã gọi tôi đến nhà để trình bày đề tài. Tôi thưa với Thầy để xin được nghiên cứu về văn học Thiền thời Lý - Trần. Thầy bảo đề tài này khó, hơn nữa trong tình hình hiện nay không thích hợp lắm. Nhưng đề tài này tôi đã tâm huyết từ lâu, khi còn học đại học, nhất là lúc được đọc bộ Thơ văn Lý – Trần tập 1 do Viện Văn học biên soạn (1977), nên tôi tha thiết trình bày nguyện vọng và mong Thầy chấp thuận vì tư liệu tôi đã chuẩn bị gần như là đầy đủ và đã nắm rất chắc đối tượng nghiên cứu. Thầy không nói gì, lặng lẽ đưa cho tôi hai văn bản: bài Tựa sách Khoá hư lục và bài Tựa sách Thiền tông chỉ nam của Trần Thái Tông. Thầy bảo tôi đọc và dịch tại chỗ. Tôi xin phép Thầy dăm mười phút để chuẩn bị. May mắn là nguyên tác hai văn bản này, trong quá trình học chuyên đề của Thầy, chúng tôi đã tiếp cận, tìm hiểu kỹ, nên hôm ấy đã đọc và dịch suôn sẻ. Thầy bằng lòng chấp nhận, sửa vài từ ngữ ở tên đề tài, rồi góp ý đề cương chi tiết luận văn. Sau này, khi bảo vệ (tháng 11-1982), luận văn được Hội đồng (cô Lê, thầy Yên, thầy Nguyên và vài thầy nữa) đánh giá khá cao, có đóng góp, kết quả rất tốt, mà gần 10 năm sau tôi có bổ sung để đến giữa năm 1997, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội mới cho ấn hành.  

Niềm đam mê văn học cổ trong tôi đã nhen nhóm từ trước 1975, giờ đây đã được khích lệ và hun đúc thêm bởi những lời giảng cùng sự động viên của Thầy và của các vị tôn sư khác như Lê Trí Viễn, Hoàng Hữu Yên, Nguyễn Đình Chú, Đặng Thanh Lê… Chính điều này đã giúp tôi mạnh dạn lựa chọn một chuyên ngành vừa khó vừa khổ là văn học trung đại Việt Nam để nghiên cứu và giảng dạy, kết hợp nghiên cứu tư tưởng Phật - Nho - Lão và ảnh hưởng của ba hệ tư tưởng này trong văn hoá - văn học trung đại Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày giỗ kỵ của Thầy, tôi xin được phép nêu vài ý kiến chủ quan của mình khi nghĩ về Thầy và khi đọc những công trình khoa học của Thầy đã cống hiến cho đời.

1. Với tư cách là Nhà giáo dục, hơn sáu mươi năm trong sự nghiệp trồng người, Thầy đã đào tạo được rất nhiều, rất nhiều lớp thế hệ trí thức, trong đó có rất nhiều thế hệ thầy cô giáo ở khắp mọi miền của Tổ quốc mà những thế hệ đó đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu văn hoá - văn học của nước nhà thời hiện đại, và có không ít người trong số học trò của Thầy đã trở thành những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn hay giữ những trọng trách quản lý trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

Ngay từ những năm tháng kháng chiến chống Pháp, Thầy đã là giáo viên dạy Văn rồi đảm nhận cương vị Hiệu trưởng Trường Trung học chuyên ban Huỳnh Thúc Kháng ở xứ Nghệ, bấy giờ Thầy đã nổi tiếng là giáo viên dạy giỏi, dạy hay và dạy hấp dẫn. Tôi được biết GS.NGND. Nguyễn Đình Chú và GS.NGND. Phan Huy Lê là hai vị trong số vài chục vị tiêu biểu khác đã từng là học trò học môn Văn của Bùi tiên sinh giáo sư tại trường Huỳnh Thúc Kháng hồi ấy.

Giữa năm 1957, Thầy được Bộ Giáo dục điều động về công tác tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội rồi được cử làm Chủ nhiệm bộ môn Văn học dân gian và Văn học Việt Nam thượng kỳ phong kiến (tức từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XVIII, theo cách phân kỳ văn học lúc bấy giờ) từ đó cho đến khi Thầy về hưu do già yếu, để tiếp theo, GS. Đặng Thanh Lê đã thay Thầy lãnh đạo bộ môn này. Những năm tháng công tác ở Hà Nội là thời gian mà thầy có nhiều cống hiến nhất cho đất nước không chỉ trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo mà còn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Trong dạy học, Thầy luôn động viên học trò tự tìm tòi, tự nghiên cứu và khuyến khích độc lập suy nghĩ. Xin kể một câu chuyện nhỏ xảy ra khoảng cuối năm 1980 đầu năm 1981 tại nhà Thầy. Nội dung câu chuyện xoay quanh phương pháp học tập. Trong một lần đến nhờ Thầy giải đáp vài thắc mắc, Thầy có nhắc đến phương pháp học tập rồi viết cho tôi câu nói của Đức Khổng Tử trong thiên Học ký, sách Lễ ký:

善學者,師逸而工倍,又從而庸之;不善學者,師勤而工半,又從而怨之.

[孔子,學記]

Thiện học giả, sư dật nhi công bội, hựu tòng nhi dung chi; Bất thiện học giả, sư cần nhi công bán, hựu tòng nhi oán chi. [Khổng Tử, Học ký] (Nghĩa là: Người biết cách học, thầy dạy thì nhàn nhã mà hiệu quả giáo dục đạt gấp đôi, người theo học lại biết công lao của thầy; Người không biết cách học, thầy dạy thì cực khổ mà hiệu quả giáo dục chỉ đạt một nửa, người theo học lại oán thầy.)

Nhớ lại lúc đó, Thầy bảo tôi đưa cuốn tập ghi chép bài giảng cho Thầy xem, rồi Thầy dùng bút bi màu đỏ viết câu nói trên vào cuốn tập của tôi. Hiện tôi vẫn còn lưu giữ. Viết xong, Thầy bảo tôi đọc, thầy hỏi tôi có hiểu ý nghĩa không, chứ Thầy không giảng giải gì thêm. Tôi hiểu ý của Thầy và lòng chợt nghĩ đến phương pháp “Tâm truyền” của Thiền tông mà phương pháp này trước đây các vị Tổ sư hay vận dụng khi trao truyền tâm pháp hay muốn khai ngộ cho đệ tử. Điều Thầy muốn nhắn nhủ là học trò phải tự trang bị cho mình một động cơ, niềm đam mê và một phương pháp học tập đúng đắn, khoa học. Viết đến đây, tôi lại nhớ lời dạy của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi Thủ tướng đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, lời dạy này, mấy chục năm trước, nhà trường đã cho xây một bức tường gạch khá rộng trước hội trường nhà lá để ghi, mà tôi đọc được từ năm 1980: “Ở trường Đại học, điều chủ yếu là học phương pháp. Nếu anh tự vũ trang cho mình một phương pháp vững vàng và đúng đắn thì anh sẽ dùng nó suốt đời, vì anh phải học mãi mãi.”

2. Với tư cách là Nhà nghiên cứu văn học và Nhà dịch thuật văn học Hán Nôm, cần phải ghi công đầu những đóng góp của Thầy ở hai bộ phận văn học: Văn học dân gian và Văn học trung đại Việt Nam cùng biên soạn, dịch văn bản thơ văn trong bộ Hợp tuyển văn học Việt Nam, thơ văn Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm.

2.1. Với chuyên ngành Văn học dân gian, như có nói, Thầy đã từng là Chủ nhiệm bộ môn Văn học dân gian và Văn học Việt Nam thượng kỳ phong kiến. Từ vài năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ XX, Thầy đã cùng GS. Lê Trí Viễn (lúc này là Trưởng Khoa Ngữ văn) chủ trương biên soạn bộ giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam gồm 6 tập với 10 cuốn, dùng chung cho các Trường Đại học Sư phạm (có sự hợp tác với các thầy cô giảng dạy môn Văn học Việt Nam ở hai trường Đại học Sư phạm Vinh và Đại học Sư phạm Việt Bắc), mà phần Văn học dân gian (2 cuốn) là do Thầy đóng vai trò nòng cốt và là đồng tác giả cùng với các tác giả khác: Nguyễn Ngọc Côn, Nguyễn Nghĩa Dân, Lý Hữu Tấn, Hoàng Tiến Tựu, Đỗ Bình Trị,  Lê Trí Viễn. Bộ giáo trình này Nxb Giáo dục đã tái bản đến lần thứ 5 (1978), đến sau năm 1980 mới không tái bản nữa. Bên cạnh, Thầy còn viết các chuyên khảo: Truyền thuyết Hồ Tây; Việt Nam truyện cổ, triết lý và tình thương; Việt Nam truyền thống, sức sống trường tồn (1996); Việt Nam: cội nguồn trăm họ… và nhiều bài nghiên cứu về văn hoá dân gian, văn học dân gian công bố trên các tạp chí chuyên ngành. Ở những công trình trên, Thầy đã đưa lại cho người đọc một niềm tự hào lớn về cội nguồn, về văn hoá, văn hiến của dân tộc Việt. Đặc biệt, không thể không nhắc đến một nhiệm vụ quan trọng thuộc lĩnh vực này mà Nhà nước đã giao trọng trách cho Thầy khi Thầy đã lớn tuổi: Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (1984-1989).

2.2. Với chuyên ngành Văn học trung đại Việt Nam, ngoài hai giáo trình: Lịch sử văn học Việt Nam tập 2, chủ biên, Nxb GD in lần đầu 1962, tái bản lần thứ 5, 1978; Mười năm sau, Thầy chủ biên viết lại giáo trình cập nhật mới với tên sách Văn học Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến giữa thế kỷ XVIII, Nxb GD, 1989, thì Thầy còn biên soạn sách giáo khoa và sách giáo viên cấp 3 phần văn học trung đại (các bài về Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông và Hội Tao đàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ) theo chương trình hệ 10 năm trước đây ở miền Bắc và hệ 12 năm lúc mới giải phóng.

Thầy còn là tác giả rất nhiều công trình nghiên cứu và biên khảo, giới thiệu, dịch thuật khác: Hồng Đức quốc âm thi tập (cùng với Phạm Trọng Điềm, phiên âm, chú giải, giới thiệu, 1962, tái bản 1982); Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 2, thế kỷ X - thế kỷ XVII, biên soạn cùng với Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San, 1962, tái bản 1976; Thơ ca Việt Nam: Hình thức và thể loại (viết cùng Hà Minh Đức - 1971) ; Nguyễn Trãi (1979); Tư liệu tham khảo Văn học Việt Nam, tập 2 (1979); Chủ nghĩa yêu nước trong văn học thời Lam Sơn khởi nghĩa (1980); Tác gia Nguyễn Trãi trong nhà trường Đại học Sư phạm (có cả thơ văn xướng hoạ về Nguyễn Trãi, 1980); Giảng văn, 2 tập (chủ biên, 1982); Văn chương Nguyễn Trãi (1984); Ức Trai di tập bổ sung (1994); Văn chương Nguyễn Bỉnh Khiêm (1988); Thơ quốc âm Nguyễn Trãi (1994); Lê Thánh Tông: Tao Đàn nguyên soái; Bạch Vân Quốc ngữ thi tập (1989); Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm (thơ văn chữ Hán) (1988); Nguyễn Du người tình và Nguyễn Du tình người; Tổng tập Văn học Việt Nam (chủ biên, tập 4 và tập 5); Kinh Dịch Phục Hy (1997); và còn nhiều nữa mà tôi chưa thống kê hết. Đó là chưa kể đến nhiều công trình tập thể mà Thầy là đồng tác giả, như Kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi (1980) chẳng hạn.

Xin được nói thêm về nghiên cứu. Không kể những gì Thầy đã khai phá và phân tích chuyên sâu về các tác giả, tác phẩm lớn trong các giáo trình văn học sử, trong các chuyên khảo, hay như bỏ công tìm tòi để phát hiện về tên thật của Bà huyện Thanh Quan, về tác giả của tác phẩm Gia huấn ca, Bích Câu kỳ ngộ mà ở trên chúng tôi có nêu, chỉ tính riêng về Nguyễn Trãi, ở Việt Nam, tính đến thời điểm này thì có thể khẳng định Thầy là người nghiên cứu chuyên sâu và viết nhiều nhất về vị danh nhân văn hoá này. Thầy đã viết đến 11 tiểu luận công bố trên báo và tạp chí ở trung ương từ năm 1966 đến năm 1980; Từ 1960 đến 1994 đã viết và biên khảo, dịch thuật, giới thiệu 07 đầu sách về Nguyễn Trãi mà ở trên có giới thiệu; cùng biên soạn chương Nguyễn Trãi trong sách giáo khoa, sách giáo viên hệ 10 năm ở miền Bắc, hệ 12 năm mới giải phóng; trong 02 giáo trình Văn học sử Việt Nam ở bậc đại học; trong sách Giảng văn; trong sách Tư liệu tham khảo văn học Việt Nam tập 2 và trong bộ Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập 2.

Tôi được biết cả một đời giảng dạy và nghiên cứu văn học, Thầy đã để tâm kiếm tìm tư liệu di văn của Nguyễn Trãi và rõ ràng “Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân 皇天不負好心人” (Trời không phụ người có lòng tốt), Thầy đã tìm được và bổ sung thêm di sản thơ văn Nguyễn Trãi một số văn bản mà trước đây các cụ như: Trần Khắc Kiệm (1480) đời Lê Thánh Tông, Dương Bá Cung (1820), Phạm Lý và Nguyễn Năng Tĩnh đời Nguyễn đã làm nhưng còn thiếu. Các văn bản đó là 02 bài thơ chữ Hán: Phúc đáp Đại Đô đốc Đinh côngNgự chế Tao ngộ thi phụng hoạ, thành ra Ức Trai thi tập hiện có là 107 bài mà có lần tôi đã nhắc lại trên Tạp chí Hán Nôm số 5-2011; Các bài văn như: Văn cầu mộng ở đền Dạ Trạch, Thư của Nguyễn Trãi gởi trách Nguyễn Thị Lộ, Thư phúc đáp của Nguyễn Thị Lộ, v.v.. Trong Quân trung từ mệnh tập, Thầy đã sắp xếp các bức thư theo trình tự thời gian chặt chẽ, điều mà trong công trình Nguyễn Trãi toàn tập, các cụ Trần Văn Giáp và Đào Duy Anh chưa làm. Những tìm tòi ấy được thể hiện trong Ức Trai di tập bổ sung (1994), nhưng rất tiếc công trình này không có văn bản nguyên tác chữ Hán, chữ Nôm và Nxb không biên tập kỹ các lỗi mo-rat nên in ấn sai sót nhiều quá! Thầy còn kế thừa những ghi chép về Nguyễn Trãi của nhà Hán học lão thành Lê Thước, rồi từ đó tìm hiểu thêm gia phả Nguyễn đại tông ở Gia Miêu ngoại trang (Tống Sơn, Thanh Hoá), hai gia phả họ Nguyễn ở Chi Ngại và ở Nhị Khê để dựng lại gốc gác dòng dõi của danh nhân Nguyễn Trãi. Thầy cũng là người đầu tiên hé mở tương đối cụ thể về nguồn gốc cùng nguyên nhân và thủ phạm gây ra vụ án oan nghiệt thảm khốc Lệ Chi viên vào năm 1442 trong chuyên khảo Văn chương Nguyễn Trãi (mà những ý này, Thầy đã giảng cho anh Đôn và tôi nghe vào năm 1981 khi học chuyên đề Nguyễn Trãi tại nhà Thầy).

Với hai tác gia lớn Lê Thánh Tông và Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng vậy. Có thể nói Thầy là người nghiên cứu chuyên sâu cũng như dịch thuật, giới thiệu thơ văn về hai nhà văn hoá lớn này, dù Thầy viết có ít hơn, nếu so sánh với những gì Thầy viết về Nguyễn Trãi, nhưng nếu so với các nhà nghiên cứu khác thì Thầy vẫn vượt hơn về lượng lẫn về chất. Điều thú vị là, Thầy đã bỏ công đối sánh văn bản thơ Nôm của Nguyễn Trãi với thơ Nôm của Lê Thánh Tông, nhất là thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở những chỗ dị đồng về câu chữ với những kiến giải hết sức thuyết phục và đã trả lại những câu thơ, bài thơ ấy về cho Nguyễn Trãi.

3. Với tư cách Nhà nghiên cứu triết học, Thầy đã viết một công trình chuyên sâu Kinh Dịch Phục Hy: Đạo người trung chính thức thời (1997) mà trên các trang Web về Triết học, về Lý học phương Đông có nêu lại nội dung ý tưởng của công trình này của Thầy với lời tán dương. Tôi được biết thầy Nguyễn Đình Chú cũng đã mấy lần ngợi ca cái tầm tư duy triết học và những kiến giải sâu sắc của Thầy trong công trình này. Trong bài viết “Vị Giáo sư họ Bùi”, thầy Chú có nhận xét rằng: Đặc biệt, với công trình Kinh Dịch Phục Hy, anh xứng đáng là một học giả uyên bác. Điều này thầy Nguyễn Đình Chú cũng đã vài lần trao đổi với tôi.

Theo Thầy, Dịch lý là một sáng tạo của tộc Việt, chứ không phải của Trung Quốc. Về sau Phục Hy tiếp thu và phát triển thành Bát quái đồ Phục Hy, và sau đó phát triển thành Chu Dịch, để rồi khi Nho học thịnh hành, thì Kinh Dịch được đưa vào chương trình giảng dạy chính thức nơi của Khổng sân Trình. Trước đây, nhiều nhà nghiên cứu chỉ chú tâm nghiên cứu Chu Dịch hay Kinh Dịch của đời sau (Hán, Đường, Tống) biên tập chú giải, chứ chưa có ai nghiên cứu về Dịch Phục Hy với hệ thống Bát quái đồ Phục Hy như công trình của Thầy. Về cội nguồn Dịch lý là của tộc Việt thì trước năm 1975, ở miền Nam, GS.TS. Kim Định đã có lần khảo cứu trong hai cuốn sách: Việt lý tố nguyên; Hà đồ Lạc thư rồi. Nhưng trong công trình của Thầy lại có những kiến giải khác. Thầy đã vận dụng Bát quái của Phục Hy mà lý giải về Dịch lý, xuất phát từ Tiên thiên Bát quái, bắt đầu từ quẻ Phục với hào “Nhất dương sinh” - vào tiết Đông chí của một chu kỳ “lai phục” (phục hồi trở lại) sau bảy lần biến, tức biến hoá đổi thay (Thất biến viết lai phục), chứ không phải từ Hậu thiên Bát quái như một số nhà Dịch học đã làm trước đó.    

4. Với tư cách Nhà văn, Thầy đã viết Nguyễn Trãi – danh nhân truyện ký (1980); Nguyễn Bỉnh Khiêm – danh nhân truyện ký (1983); Thầy không chỉ viết văn dựng lại chân dung nhân vật lịch sử - văn hoá mà Thầy còn làm thơ với tập Tuyển tập thơ Vân Trình. Đó là chưa kể Thầy đã dịch rất nhiều áng thơ văn thuộc văn học trung đại Việt Nam với các bút danh: Vân Trình, Hùng Nam Yến, Khuê Hoa Tử, có khi Thầy ghi là “Tú gầy”.

Cũng cần lưu ý, trong quá trình nghiên cứu về hình thức và thể loại thơ ca Việt Nam, từ thập niên 90 của thế kỷ XX, Thầy còn sáng tạo thêm một thể thơ mới mà thầy gọi là Thơ Việt trân. Thầy đã đề ra quy tắc của thể thơ này và đã sáng tác một số bài theo quy định ngặt nghèo của thể loại, sau đó, thầy Nguyễn Nghĩa Dân cũng đã vận dụng để sáng tác và hoạ lại thơ của Thầy. Về tên gọi của thể loại: “Trân” có nghĩa là “Quý”, và “thơ Việt trân” theo Thầy là “Thể thơ quý của người Việt”. Thể thơ này gồm 8 câu, Thầy còn gọi đó là thơ Bát trân (tám câu thơ quý). Có lẽ cũng xin mở ngoặt để nói lại quy định của thể thơ này mà Thầy đã đề ra như sau: Hai câu đầu, mỗi câu 7 chữ, buộc phải đối nhau, và theo nhịp 3/4 tức nhịp của hai câu thơ song thất trong thể Song thất lục bát. Hai câu tiếp, mỗi câu 7 chữ, buộc phải đối nhau, theo nhịp 4/3 của thơ Đường luật và có thể xem hai câu này như là hai câu Thực trong bài Thất ngôn bát cú. Hai câu tiếp nữa, mỗi câu 7 chữ, buộc phải đối nhau, theo nhịp 4/3 của thơ Đường luật và có thể xem hai câu này như là hai câu Luận trong bài Thất ngôn bát cú. Hai câu cuối theo thể Lục bát. Cách gieo vần của bài thơ Việt trân thì gieo theo thể thơ song thất lục bát, thơ Đường luật, thơ lục bát. Cụ thể: Hai câu đầu (song thất) chữ thứ 7 câu thất 1 (cước vận T) vần với chữ thứ 5 câu thất 2 (yêu vận T); chữ thứ 7 câu thất 2 (cước vận B) vần với chữ thứ 7 của các câu: câu 4 (cước vận B), câu 6 (cước vận B) và chữ thứ 6 của câu lục (cước vận B), rồi chữ thứ 6 câu lục này vần với với chữ thứ 6 câu bát (yêu vận B); tức hai câu cuối này gieo vần theo thể thơ lục bát. Xin đơn cử một bài của Thầy sáng tác để minh hoạ cho thể thơ Việt trân này:

           Tuổi thọ và Tình đời

Đinh Sửu đón: mừng lên tám chục,

Tân Tỵ chờ: mỗi lúc một gần.

Trên đà tuổi thọ, tâm cầu Thánh,

Tuổi thọ Tình đời, trí hướng Thần.

Giáo dục cơ đồ mong vạn phúc,

Văn chương viễn cảnh ước muôn xuân.

Từ Mậu Ngọ, đến Mậu Dần,

Tám mươi vượt mốc, bước lần chín mươi.

                                         Tối 21 sáng 22 - XI - 1996

Thầy viết bài thơ này vào tháng 11 năm Bính Tý (1996) lúc Thầy chuẩn bị bước sang tuổi 80, mà theo lời Thầy là đang “trên đà tám mươi”. Thầy sinh ngày 13 tháng 4 năm Mậu Ngọ (1918). Tính theo tuổi mụ, năm Đinh Sửu (1997) là năm Thầy tròn 80. Năm Mậu Dần là năm 1998, Tân Tỵ là năm 2001, mà năm này bước sang thế kỷ mới: thế kỷ XXI, cũng là thiên niên kỷ mới. Trong bài thơ, Thầy với khát vọng là muốn vượt qua cái già, cái bệnh để đón mừng thiên niên kỷ mới (2001). Quả thật, Thầy đã vượt qua và đã đón chào thiên niên kỷ mới đến ba năm. Thầy còn mong ước vươn tới chín mươi, nhưng tiếc là Số Trời có hạn, ngày 02-4-2003 (tức ngày mùng 1 tháng 3 năm Quý Mùi, Thầy đã cưỡi hạc quy Tiên, hưởng thọ 86 tuổi Trời, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho ngành Giáo dục, cho giới nghiên cứu văn học, cho đồng nghiệp và các thế hệ môn sinh cùng toàn thể gia quyến!

Trước đó, khi tuổi đã ngoài 70 đang trên đà 80, cái tuổi nói theo Đức Khổng Tử là “Thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ. 七十而從心所欲,不

踰矩.” (Bảy mươi tuổi thì ta theo lòng muốn của mình mà không vượt ra ngoài khuôn phép) hay nói theo vị Thi Thánh Đỗ Phủ là “cổ lai hy 古來稀” (xưa nay hiếm), Thầy có viết bài thơ Trên đà tám mươi như sau:

Bước tới bảy mươi sang tám mươi,

Cay chua, mặn nhạt, vẫn tươi cười.

Văn chương nợ mãi lòng chưa dứt,

Giáo dục xây hoài sức chửa vơi.

Thảy thảy đan tay: tròn quả phúc,

Bên bên hoà máu: đẹp tình người.

Hoà bình ví thuận, đời trong sáng,

Sáng cả muôn sao, cả đất trời.

Về sau, khi đã vượt qua cái mốc 80, Thầy lại viết bài thơ Trên đà chín mươi:

Bước tới tám mươi sang chín mươi,

Xem trò thế giới nghĩ buồn cười!

Đổ tường không gió Đông Tây xoá,

Nghiêm giọng thay cờ Đại khối vơi.

Bạn bảo: Từ đây thoát kiếp vật,

Ta cười: Khởi sự tập làm người.

Ông bà, ông vải ngồi cười tủm,

Phúc tưởng cháu con lại ngược đời.

                                            Tú Gầy

Thầy thường làm thơ và hay cho các bạn sinh viên hoạ lại. Chẳng hạn, Thầy viết về Nguyễn Trãi, đó là bài xướng, để thơ hoạ của sinh viên ngoài Bắc trong Nam lên đến vài trăm bài, mà sau này Thầy có tuyển chọn một số cho in trong công trình Tác gia Nguyễn Trãi trong nhà trường Đại học Sư phạm (1980). Xin được ghi lại bài thơ viết về Nguyễn Trãi của Thầy viết tại Côn Sơn năm 1963 ký bút danh Vân Trình như sau (Bài thơ này có ghi lại trên khung ảnh treo trên tường nhà lưu niệm tại khu di tích Côn Sơn):

Ức Trai tiên sinh, Ức Trai tiên sinh!

Lo dân thương nước luống quên mình.

Sao Khuê toả sáng dòng tâm huyết,

Đất Việt còn đau mối hận tình.

Đọc cáo Bình Ngô đời đổi sắc,

Ngâm câu Tự thán đất thay hình,

Ba canh nguyệt lạnh tùng vi vút,

Tiếc cảnh thương người ta lặng thinh.                  

Còn đây là bài thơ Thầy viết vào đầu xuân Nhâm Tuất (tháng 2-1982), trước đó Thầy bị bệnh, suốt cả năm không ngó ngàng gì đến chiếc xe đạp hiệu Pơ-giô (Peugoet) chính hiệu của Pháp, đành phải treo nó trên vách. Bài thơ Đệ nhất chu niên xe đạp nằm tại chỗ ra đời trong hoàn cảnh đó. Bài thơ như sau:

Đệ nhất chu niên nằm tại chỗ,

Tài ba ngựa sắt ngừng thi thố.

Hành nghề giáo dục vốn xênh xang,

Mắc bệnh thần kinh đành xếp xó.

Cái nợ văn chương chửa trả xong,

Con đường học thuật đang đi dở.

Xe ơi, ta sẽ sửa sang mi,

Ngang dọc cùng mi trời lộng gió.

                           Sáng 13-02-Nhâm Tuất – Tú Gầy

Những bài thơ trên của Thầy có thể có nhiều người chưa được biết. Xin được ghi lại để các vị thưởng thức và thấy rằng bên cạnh những bài thơ dịch thơ tài hoa, thì những sáng tác của Thầy cũng sắc sảo không kém và có cái giọng hài hước rất riêng của ông Đồ xứ Nghệ.

Hai bài thơ trên, vào đầu năm 1982, Thầy có đọc cho tôi nghe và bảo tôi hoạ lại. Hồi ấy tôi có thử hoạ lại nguyên vận, nhưng lời và ý chưa đạt lắm, dù vậy cũng xin mạn phép được chép ra đây để quý vị xem và góp ý giúp cho:

Hoạ lại bài Ức Trai tiên sinh:

Danh tiếng mãi còn, hỡi tiên sinh,

Án oan cay nghiệt đã bỏ mình.

Côn Sơn cảnh cũ đời tôn tạo,

Tuỵ Động vùi thây giặc hận tình.

Từ mệnh quân trung dân nổi sấm,

Bình Ngô quốc sách đất thay hình.

Niềm ưu ái cũ cháu con nhớ,

Đất nước im nghe, Trời lặng thinh!

                             (Cuối tháng 2-1982, NCL)

Còn đây là bài hoạ lại bài Đệ nhất chu niên xe đạp nằm tại chỗ của Thầy. Bài thơ hoạ theo vần Trắc như bài xướng, và này có nhan đề là Cảm khái 44 năm trong ngành Giáo dục với phụ đề “Kính hoạ lại bài thơ của Bùi Giáo sư Tiên sinh”:

Bốn bốn năm rồi ngồi một chỗ,

Dân gian, Cổ điển luôn thi thố.

Bốn mươi chuyên khảo thật xênh xang,

Bảy chục luận văn đành xếp xó.

Bè bạn dăm người tán lăng nhăng,

Học trò hai đứa ngồi lố nhố.

Văn chương học thuật rẻ như bèo,

Giáo dục ngày nay rõ thật khổ!

                        (Cuối tháng 2-1982, NCL)

Xin được nói thêm: Tính đến đầu năm 1982 thì GS. Bùi Văn Nguyên đã có thâm niên 44 năm giảng dạy, lúc này Thầy đã cho xuất bản 47 đầu sách và công bố 75 tiểu luận trên các tạp chí khoa học. Trong bài hoạ có nhắc đến hai học trò, đó chính là anh Ngô Thời Đôn và tôi.  

Được học Thầy, được Thầy hướng dẫn khoa học và đọc những công trình của Thầy, tôi học tập ở Thầy nhiều điều và rút ra nhiều bài học quý giá cho bản thân.

            - Học ở Thầy cách sống thanh đạm, biết “tri túc” và “thường lạc”, biết quý trọng thời gian để học tập và làm việc;

- Học Thầy ở sự chừng mực, trung thực và thẳng thắn trong cách ứng xử đối với cuộc sống và trong nghiên cứu khoa học, biết đến đâu nói đến đó;

- Học thầy ở niềm đam mê, say sưa trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ở mặt này, theo tôi, Thầy đúng là bậc “Sư biểu” với tấm lòng “Học nhi bất yếm, Hối nhân bất quyện. 學而不厭,誨人不倦.” (Học không biết chán, Dạy người không biết mệt – Luận ngữ, Khổng Tử). Thầy là tấm gương sáng và lớn để đồng nghiệp và các thế hệ học trò chúng tôi noi theo. Đến nay, tôi có viết được chút chút cũng là nhờ ít nhiều biết noi theo gương Thầy;

- Học Thầy ở cung cách ứng xử với trò: yêu thương, động viên chân tình, tôn trọng nhưng cũng nghiêm khắc với học trò, luôn gợi mở hướng đi cho học trò khi nghiên cứu khoa học và động viên học trò cố gắng đi đến đích, đúng hướng.

Để kết thúc bài viết hơi dông dài này, tôi xin nói tâm nguyện của mình rằng: Đối với Thầy, ơn nặng như núi. Mấy lời suy nghĩ và ngợi ca về Thầy vẫn chưa đủ.

Riêng những gì mà Thầy đã cống hiến cho ngành Giáo dục nước nhà, cho nghiên cứu khoa học nước nhà là rất to lớn. Theo tôi, Thầy rất xứng đáng được Nhà nước vinh danh với những danh hiệu cao quý, tột cùng như Nhà giáo Nhân dân và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ. Thế nhưng điều mà đến nay các đồng nghiệp của Thầy, các thế hệ học trò của Thầy, trong đó có tôi vẫn thắc mắc tự hỏi: Tại sao Thầy chỉ được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú và chỉ được nhận giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ ? Thôi thì chuyện đã qua, để cho qua luôn, không nên nhắc lại!

Nhưng còn một việc mà theo tôi cần phải bàn ngay hôm nay, tại Hội thảo khoa học kỷ niệm này. Số là, mấy năm trước, PGS.TS. Nguyễn Đăng Na và bản thân tôi có ý định làm Tuyển tập hay Toàn tập của Thầy. Nhưng tâm nguyện này, đến nay vẫn chưa làm được. Sức khoẻ hiện nay của thầy Nguyễn Đăng Na thì không cho phép; tôi thì ở xa quá, bề bộn công việc, hơn 4 năm nay mắt mũi lại kém, nhưng nếu chúng ta (các bạn ở Tổ Văn học Việt Nam 1, nhất là các bạn trẻ và các vị trong gia đình Thầy: PGS.TSKH Cao Đức Tiến cùng các ái nữ của Thầy) đồng lòng quyết tâm thực hiện thì trong vòng một năm hoặc hơn chút, hy vọng công trình Toàn tập của Thầy sẽ hoàn thành, và tôi nguyện là một thành viên tích cực, sẽ cùng các bạn gánh lấy trách nhiệm này, nếu các vị đồng thuận. Thiết nghĩ, không riêng gì những công trình của Thầy mà những công trình của các vị GS. đầu ngành cao niên của Khoa Ngữ văn cũng vậy, trong đó có GS. Đặng Thanh Lê, phải làm Tuyển tập hoặc Toàn tập và phải khởi động ngay từ bây giờ. Và hy vọng kính mong khi công trình hoàn thành, Nxb ĐHSP Hà Nội hoặc Nxb Giáo dục Việt Nam ủng hộ, tài trợ để in ấn công trình. Tâm nguyện của tôi, một đứa học trò nhỏ này là như thế. Ý của các vị thế nào?

Cuối cùng, kính chúc Quý vị sức khoẻ và xin cám ơn tất cả.

Kính lạy hương hồn Thầy, Cầu nguyện Thầy an vui tự tại nơi miền Tịnh độ.

                                                                                          Ngày 12-3-2013

                                                                                                  NCL  

Nguồn: Hội thảo khoa học “GS. Bùi Văn Nguyên với sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học”, Trường ĐHSP HN tổ chức ngày 10/4/2013. In lại trong sách: “GS. Bùi Văn Nguyên với sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học”, Nxb ĐHSP, HN, 2013. Đăng lại: Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An, số 4 – tháng 4-2013, tr.57-62.

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60732916
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6307
8619
60732916

Thành viên trực tuyến

Đang có 224 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website