Trong chuyến công vụ ra nước ngoài vào năm 1844, mặc dầu Cao Bá Quát (CBQ) chỉ đến vùng Hạ Châu thuộc Đông Nam Á, nhưng những bài thơ do ông sáng tác trong lần “Xuất dương hiệu lực” (1) này có thể xếp vào mảng tư liệu nói trên. Lý do là qua những bài thơ này, người đọc có thể tìm thấy những nét chấm phá nói lên cảm giác kinh ngạc của tác giả đối với nền văn minh cận đại của người Tây phương khi ông đi qua những thuộc địa hay Tô giới của họ trong vùng Hạ Châu.

 

  

Phong trào Đông kinh nghĩa thục, đúng như các cụ lúc ấy hình dung là  một trận gió, một đt sóng từ nước ngoài tràn vào, lôi cuốn cả nước như một ngọn thủy triều khí thế ngất trời: chống vua quan, tư sản hóa theo Âu Mỹ, hợp đoàn, học nghề, cải cách dân chủ... Đứng đầu phong trào là các nhà khoa bảng lớn, và phong trào lan rộng từ Bắc chí Nam, khuấy động cả rất nhiều vùng nông thôn hẻo lánh, chưa có mầm mống gì của kinh tể và xã hội tư sản.

Con Hổ với sức mạnh phi thường đã đi qua, nhường chỗ cho chị Mèo thon thả ung dung bước đến. Nhân đầu năm Tân Mão (2011), xin có vài lời nhàn đàm xung quanh chuyện con Mèo, gọi là một chút quà tết kính gởi đến quý bạn đọc thân mến của bổn báo và của tôi.

Có người cho rằng Triết học và Khoa học chẳng những khác nhau mà còn đối lập nhau nữa.

TRIẾT HỌC

KHOA HỌC

Theo chữ Hán,từ triết gồm hai chữ chiết là bẻ gãy và khẩu là miệng hội ý lại có nghĩa lời nói lí luận chặt chẻ để tìm hiểu thấu đáo một đối tượng nào đó.

 

Triết học là một bộ môn gồm có bốn môn: luận lý học, tâm lý học, đạo đức học và siêu hình học. Nhưng luận lý là môn chủ đạo vì phải suy luận sâu xa mới đạt đến triết được. Luận lý có hai phần lý thuyết và thực hành

Những nguyên lý của lý trí, đồng nhất nhân quả khởi thủy cứu cánh định mệnh tạo thành các phương pháp suy tưởng diễn dịch quy nạp trực giác và suy luận phân tích và tổng hợp thuộc lý thuyết

Áp dụng lý thuyêt vào những môn thực tế như vũ trụ học, vật lý học, sinh vật học là phần luận lý thực hành

Luận lý lý thuyết tạo nên một phương pháp nhận thức khách quan hệ thống tiến đến sự thật.Phương pháp này mệnh danh phương pháp Khoa học

Thông thường từ khoa học chỉ khoa học thực nghiệm như vật lý, hóa học, sinh vật…Toán học, một môn lí trí trừu tượng nhưng  rất chuẩn xác được xếp  vào hàng  ngũ khoa học.

Con số trong Số học áp dụng  vào thực tế rất đúng đắn.Trong Hình học đường thẳng đường cong hình vuông hình tròn rất chính xác.

Thành ngữ Hán có cụm từ:Thập phần hoàn mĩ nói lên kết quả hoàn toàn tốt đẹp

Trong DTTT Nguyễn Du dùng số10 để tả vẻ đẹp hoàn toàn của hai chị em Kiều:

 

“Một người một vẻ mười phân vẹn mười”

 

Cũng trong sách này,Thúc Sinh vì muốn cùng Kiều kết hợp trăm năm nên đã lấy hình vuông hình tròn tiêu biểu cho mối tình trường cữu ấy:

 

“Trăm năm tính cuộc vuông tròn

Phải dò cho được ngọn nguồn lạch song”

 

Môn nào xử dụng phương pháp Khoa học mới đáng được gọi là một Khoa học

 

Phương pháp khoa học hay Khoa học thực nghiệm có liên quan mật thiết với Triết học.Khoa học nằm trong luận lý Triêt học

Một giáo sư triết học Tây phương đã nói:

 

Thượng Đế là vua của các vua

God is the king of kings

Triết học là Khoa học của các Khoa học

Philosophy is the science of sciences

 

 

TS. Nguyễn Đức Mậu

Viện Văn học Việt Nam

        Nửa cuối thế kỉ XIX Việt Nam nói riêng, và phương Đông nói chung, đứng trước thực tế mới, đó là khả năng xâm lược của Phương Tây. Nhật Bản và Việt Nam, trong hoàn cảnh đó, cùng đều xuất hiện những nhà cải cách  mà tiêu biểu là Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ[1]. Và với xuất phát điểm gần nhau[2] nhưng hai nước đồng văn, đồng chủng này, sau mấy chục năm, trở thành đứng ở hai cực phát triển và lạc hậu, điều gì tạo nên những kết quả như vậy, chắc sâu xa trong đó phần nào là kết quả của những cách nghĩ khác nhau mà những nhà cải cách[3] là người thể hiện rõ cái phần quan trọng của sự khác biệt này.

  

 

Được xây dựng vào năm 1774 và trở thành một Tổ đình nổi tiếng của Phật giáo ở Nam Bộ từ thế kỷ XVIII, chùa Giác Lâm (hiện tọa lạc ở đường Lạc Long Quân quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh) là một địa điểm bước vào lịch sử phát triển văn hóa của cộng đồng Việt Nam tại địa phương từ rất sớm. Hiện nay ngoài việc thu hút đông đảo tín đồ cả trong nước lẫn Việt kiều tới dâng hương, hành lễ - nhất là vào các dịp lễ lớn của Phật giáo; nó còn lôi cuốn nhiều khách du lịch văn hóa tới tìm hiểu, tham quan. Đặc biệt, đối với những người nghiên cứu, chùa Giác Lâm với bề dày lịch sử của nó còn là một hệ thống tư liệu khoa học quý báu về lịch sử và văn hóa, tôn giáo và văn chương, điêu khắc và kiến trúc... Trong những tư liệu ấy có một đôi câu đối hiện treo ở hàng cột thứ nhất từ ngoài vào và đối diện với chính điện, một đôi câu đối thuộc loại độc đáo bậc nhất trong thơ văn chữ Hán ở Việt Nam

Nguyễn Tiến Lực[1]

Mở đầu

Trong cuộc đời hoạt đông cách mạng của mình, Phan Bội Châu cho rằng thời kỳ ở Nhật là thời kỳ đắc ý nhất. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, ông đã phát động được phong trào Đông Du nổi tiếng, có dịp tiếp xúc với nhiều chính khách lớn của Nhật, được giao lưu liên kết với các nhà trí thức, các nhà hoạt động dân tộc châu Á. Đặc biệt, ông có được một thời gian sáng tác sung sức, để lại một số lượng trước tác lớn, góp phần tạo nên diện mạo mới của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Chú thích ảnh: Trần Chánh Chiếu, chí sĩ Đông du Nam Kỳ tiêu biểu.

THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO QUỐC TẾ “NHẬT BẢN VÀ TIỂU VÙNG MEKONG – MỐI QUAN HỆ LỊCH SỬ” (JAPAN AND MEKONG SUBREGION – HISTORICAL RELATIONS) DO TRƯỜNG ĐH KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM TỔ CHỨC NGÀY 29-30/ 10/2010  

ĐOÀN LÊ GIANG (*)

Nói đến “Đông du” người ta nghĩ ngay đến Phan Bội Châu và các đồng chí của ông  ở vùng Thanh Nghệ và Bắc Bộ. Thế nhưng thực ra phong trào Đông du lại thu hút thanh niên và các chí sĩ Nam Kỳ đông đảo hơn nhiều so với Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Các chí sĩ Nam Kỳ tham gia Đông du rất hăng hái, nhiều người bị tù đày, có người hy sinh trong tù ngục hay ở những đất nước xa xôi. Những trí thức như Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Thần Hiến, Trương Duy Toản, Nguyễn Háo Vĩnh…rất nổi tiếng trong làng văn, làng báo Nam Kỳ, nhưng đồng thời cũng là những chí sĩ Đông du hàng đầu. Trong bài viết này chúng tôi thử tìm hiểu những chí sĩ Đông du Nam Kỳ nào đã từng đến Nhật Bản và những hoạt động của họ trước, trong và sau khi đến Nhật Bản, nhằm làm rõ hơn một vấn đề lịch sử còn ít được giới nghiên cứu quan tâm. 

  Prof. Imai Akio

Tokyo University of  Foreign Studies

Abstract

      The term “Quoc Hoc” literally “ the study of our country” refers to an intellectual movement that emerged in late eighteeth century Japan in explicit opposition to “ Han Hoc (Chinese Studies) ”,the study of Confucian works.In the period between World War and World War,the “ Quoc Hoc” movement emerged in China,Korea and Vietnam .In Vietnam, 3 main persons, Le Du, Pham Quynh, Phan Khoi took part in the “ Quoc Hoc” debate that began in 1931.Le Du advocated “ Quoc Hoc”, Pham Quynh and Phan Khoi denied the presence of it in past and present Vietnam. In Vietnam, this movement was weak and finished shortly.Through this comparative study, the author tried to find out the nature of “ Quoc Hoc ” debate and the reason why “ Quoc Hoc” movement did not develop in Vietnam.

CUỘC TRANH LUẬN VỀ “QUỐC HỌC” TRONG GIỚI TRÍ THỨC

VIỆT NAM ĐẦU THẬP NIÊN  1930

Tóm tắt

      Thuật ngữ “Quốc học” nghĩa đen là “ngành học về đất nước” nhằm chỉ phong trào trí thức khởi phát  ở Nhật Bản từ cuối thế kỉ 18 trong thế đối lập với “Hán học”- nền học vấn dựa trên kinh sách Nho giáo. Trong thời kì giữa hai cuộc Đại chiến thế giới lần 1 và 2, cuộc vận động “Quốc học” đã bùng phát ở Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam. Tại Việt Nam, ba nhân vật chủ yếu là Lê Dư, Phạm Quỳnh và Phan Khôi đã đóng vai trò chính trong cuộc tranh luận về “Quốc học” vốn chính thức bắt đầu từ 1931. Trong khi Lê Dư  chủ trương tán thành “Quốc học” thì Phạm Quỳnh và Phan Khôi lại phủ định sự tồn tại của nó ở Việt Nam trong quá khứ và đương thời.  Tại Việt Nam, cuộc  vận động này diễn ra khá yếu ớt và ngắn ngủi. Qua bài viết này, chúng tôi cố gắng truy tìm bản chất của cuộc tranh luận về “Quốc học” và nguyên nhân vì sao phong trào này đã không thể phát triển ở Việt Nam.

 

Nghĩ về “Quốc học” ở Đông Á  Thông qua cuộc luận chiến về “Quốc học”  ở Việt Nam thập kỉ 1930

Mở đầu

Từ sau khi Thế chiến thứ I kết thúc vào cuối thập niên 1910 đến những năm 1910, cuộc vận động kêu gọi chấn hưng “Quốc học” đã bùng phát ở khắp các nước Đông Á: Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. “Quốc học” ở đây cần được hiểu khác với ý nghĩa từ trước đến nay. Theo đó, cách hiểu “Quốc học” thông thường trước nay là: Thứ nhất, 1) là trường học được thành lập ở kinh đô dưới các triều đại phong kiến cổ đại, được mang tên “Quốc tử giám” từ sau nhà Tùy. Tên trường Quốc học ở Huế- Việt Nam cũng xuất phát từ nghĩa này mà ra. Thứ hai, 2) tương tự tại Nhật Bản dưới chế độ luật lệnh cũng thiết lập các trường ở các lãnh địa dành cho con em của các quí tộc trị sự. Riêng “Quốc học” trong bài viết này không theo ý nghĩa trên mà nhằm chỉ nền học thuật hướng đến đào sâu nghiên cứu văn hóa truyền thống của một quốc gia. Với nghĩa này thì “Quốc học” đã xuất hiện sớm nhất tại Nhật và từ khi bước vào thời cận đại đã được truyền bá đến Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam. Điều thú vị là tại ba nước Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam, “Quốc học” được khởi xướng gần như cùng lúc với thời gian 2 cuộc Thế chiến diễn ra, và theo như Benedict Anderson thì đã góp phần trong việc xây dựng nền tảng tinh thần cho “Chủ nghĩa dân tộc ở thuộc địa”. Tuy nhiên, xét về động thái thì phong trào “Quốc học” ở Việt Nam đã không thể phát triển mạnh mẽ như ở ba nước còn lại. Vì sao lại như vậy? Thông qua việc so sánh “Quốc học” ở cả bốn quốc gia kể trên, bài nghiên cứu này sẽ cố gắng làm sáng tỏ các đặc trưng của cuộc luận chiến về “Quốc học” ở Việt Nam.

Khi bàn về cách thức tiếp nhận nền văn minh bên ngoài của người Nhật, GS. Vĩnh Sính viết rằng: “Có thể nói rằng không có dân tộc nào nhạy bén về văn hóa nước ngoài cho bằng người Nhật. Họ không ngừng theo dõi những diễn tiến trên thế giới bên ngoài, đánh giá và cân nhắc ảnh hưởng của những trào lưu và xu hướng chính đối với Nhật Bản. Một điều đáng chú ý khác là khi họ biết trào lưu nào đang thắng thế thì họ có khuynh hướng chấp nhận, học hỏi, nghiên cứu để bắt kịp trào lưu đó, không để mất thời cơ”.

 

Vĩnh Sính

 

Tiến sĩ Sử học, Đại học Alberta, Canada

 

Đã từ lâu lắm, có lẽ từ khi cụ Phan Bội Châu và các hội viên của Duy Tân Hội đang còn tìm cách gởi thanh niên Việt Nam sang Nhật du học qua phong trào Đông Du, cái tên Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) thỉnh thoảng lại gợi đến cho người Việt một niềm tự hào, tin tưởng vào giấc mộng canh tân đất nước. Ta tự nghĩ, nếu từ thập niên 1860, khi Việt Nam vừa mới phải trạm chán với những thách đố đầu tiên của Tây phương mà trong nước chúng ta đã có người nhìn xa thấy rộng như Nguyễn Trường Tộ, thì quả thật nước ta đâu có thiếu nhân tài. Thoạt nhìn sang các nước láng giềng vào lúc đó thì số phận của họ đâu có gì sáng sủa hơn Việt Nam cho lắm. ! Ở Trung Hoa, sau thất bại nhục nhã trong chiến tranh nha phiến (1839-1842), quan viên triều đình nhà Thanh vừa phải đương đầu với loạn Thái bình Thiên quốc, vừa phải tìm cách chấn hưng đất nước qua chính sách “tự cường”. Ngay số phận của Nhật Bản trước Minh Trị Duy Tân(1868) cũng như ngàn cân treo sợi tóc: việc chính quyền Tokugawa ký kết một loạt hiệp ước bất bình đẳng với các nuớc Tây phương vào năm 1858 không có sự thoả thuận của Thiên hoàng đã trở thành lý do để các nhóm chống đối (mà tụ điểm là các vũ sĩ cấp dưới ở Satsuma và Chôshu) buộc tội; bên ngoài thì Pháp Anh nhòm ngó; Pháp ủng hộ chính quyền Tokugawa và Anh ủng hộ nhóm Satsuma – Chôshu. Nếu những tranh chấp và mâu thuẫn nội bộ của Nhật Bản không được khôn khéo giải quyết nhanh chóng và kịp thời để đối phó hữu hiệu với tình hình quốc tế lúc bấy giờ thì Nhật Bản cũng đã trở thành một miếng mồi ngon cho các nước Tây phương, chẳng khác gì số phận các nước Á châu khác.

Về phương diện chính trị văn hóa có thể khẳng định ngay thành phố Sài Gòn là trung tâm của miền Nam, giống như Huế ở miền Trung hay Hà Nội ở miền Bắc. Cái gọi là triết học phần lớn phát xuất từ các trí thức Nam bộ có may mắn được đi học trường Tây và hấp thu văn hóa Pháp, chẳng hạn Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, Trần Văn Giàu, Phan Văn Hùm, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long. Mặc dù tất cả những người này không ai được đào tạo chính qui trong ngành triết, nhưng do tình hình lịch sử khách quan đã tập trung sự chú ý của họ (tôi muốn nói Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, và Trần Văn Giàu) vào triết học, chủ yếu là triết học Marx. Do đó ngay từ đầu triết học đã gắn liền với giai cấp trí thức cao cấp nhất trong xã hội thời đó: những người do học vấn hay khả năng tài chính có thể du học bên Pháp, sử dụng tiếng Pháp, và có bằng cấp cao về luật, văn chương, hay toán học. Chính vì vậy việc thảo luận triết học giữa các trí thức nói trên ngay từ đầu đã mang tính chất “tinh hoa”, “quý tộc”, mà người thường (không thông thạo Pháp văn) hoàn toàn bị loại ra khỏi vòng chiến. Có thể nói mà không sợ quá lời rằng giỏi tiếng Pháp trong những thập niên 40 là được coi gần như một loại “thiên tài” hoặc ít ra cũng thuộc về môn thứ câu lạc bộ thu hẹp chỉ gồm các phần tử tinh hoa, ưu tú nhất của dân tộc. Di sản của quan niệm này đã di cư vào các chương trình trung học và đại học Văn Khoa được thành lập tại miền Nam sau năm 1954. Hai đặc trưng của di sản này là: học nổi triết học tức là “thiên tài” và “thiên tài” thì phải nói tiếng Pháp “như gió.” Hoàn cảnh khách quan là những người đầu tiên xây dựng chương trình cho đại học Văn Khoa chủ yếu bao gồm hai lực lượng trí thức chính: giới cựu học (giỏi Hán văn) và lớp tân học (giỏi Pháp văn), nhưng dĩ nhiên lớp tân học đóng vai trò quan trọng hơn trong công tác điều hành, quản lý, và soạn thảo chương trình. Bộ phận triết học hoàn toàn được mô phỏng theo chương trình giảng dạy của Pháp, ngay ở cấp trung học cũng thế: căn bản triết học bao gồm tâm lý học, đạo đức học, luận lý học, và siêu hình học. Các danh từ triết học trong sách giáo khoa trong giai đoạn đầu chỉ là những cố gắng phiên dịch từ các thuật ngữ Pháp văn tương đương cho nên càng củng cố tính chất “quý tộc” sẵn có trong bộ môn triết vì đó là những thuật ngữ Hán Việt nghe hết sức “cao sang”, “huyền bí,” chẳng hạn như: tiên thiên, hậu nghiệm, siêu hình, tam đoạn luận, diễn dịch, quy nạp, v.v… Tôi còn nhớ khi học lớp Đệ Nhất (tức lớp 12 bây giờ) rất nể phục các học sinh học luôn siêu hình học (métaphysique) trong chương trình ban C (Văn chương, sinh ngữ), vì nếu theo ban A (Lý, hóa vạn vật) hay B (Toán, lý, hóa) thì môn triết chỉ bao gồm ba môn tâm lý, đạo đức, và luận lý mà thôi. Tôi cũng chẳng biết siêu hình học là cái gì, nhưng nội nghe ba chữ “siêu hình học” là đã thấy hết sức tâm phục khẩu phục rồi, cho rằng phải tài ba xuất chúng lắm mới học nổi một môn học cao siêu như vậy. Những sinh viên học triết ở bậc đại học thì càng được tôi sùng bái kính cẩn hơn nữa, nói gì đến các bậc giáo sư có bằng cấp triết học từ tận Pháp quốc trở về. Đối với đầu óc của tôi bấy giờ (những thập niên 60 và 70) các bậc giáo sư đó không phải đơn thuần chỉ là “thiên tài” mà chính họ là hiện thân của “chân lý tuyệt đối”. Tôi muốn nói đến các giáo sư Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Trung, Lê Thành Trị, Lê Tôn Nghiêm, những “ngôi sao” của đại học Văn Khoa thời bấy giờ.

Chính do sự sùng bái đó mà tôi vô cùng chấn động khi đọc tác phẩm Hố Thẳm Tư Tưởng (hình như xuất bản năm 1966) của Phạm Công Thiện, trong đó tác giả mạt sát giáo sư triết học Nguyễn Văn Trung không tiếc lời và phê phán luận án tiến sĩ của vị giáo sư này một cách hết sức gay gắt, tàn nhẫn, có thể gom lại trong hai mệnh đề chính: “Hoàn toàn dốt nát về tư tưởng triết học phương Tây” và “hoàn toàn dốt nát về tư tưởng Phật giáo”. Dĩ nhiên những nhận xét này của họ Phạm giờ đây đọc lại tôi cũng chỉ thấy toàn là những khẳng định suông, chẳng có chứng minh gì cụ thể là giáo sư Nguyễn Văn Trung “dốt” ở những điểm nào. Nhưng dù sao Phạm Công Thiện đã làm sống lại truyền thống bút chiến trong văn học miền Nam trước đây, nhưng chỉ tiếc giáo sư Nguyễn Văn Trung im lặng không trả lời gì cả khiến tôi vô cùng thất vọng, kết luận: “Vậy là Phạm Công Thiện nói đúng rồi”! Bản thân giáo sư Nguyễn Văn Trung cũng góp phần củng cố nhận định này, vì ông hầu như chẳng viết gì về triết học mà chủ yếu viết về văn học, thơ ca (thậm chí viết cả bài ca ngợi ca sĩ Thanh Thúy), tục ngữ, câu đố, và gần đây nhất là viết về tôn giáo Cao Đài. Sở dĩ Phạm Công Thiện có thể gây được một chấn động lớn như vậy vì giáo sư Nguyễn Văn Trung đang ở trên một ngôi vị quá cao, quá “quý tộc,” do bốn chữ “tiến sĩ triết học” thường đi kèm theo tên ông đã tạo ra một hào quang thiêng liêng đến mức việc tấn công vào chính bản thân ông đã trở thành sự tấn công vào chính tầng lớp tinh hoa triết học. Kể từ đây các giáo sư tiến sĩ triết học khác phải được nhìn bằng con mắt hoài nghi.

Nhưng huyền thoại Nguyễn Văn Trung sụp đổ để nhường vị trí lại cho hai huyền thoại khác đang lên ngôi: Bùi GiángPhạm Công Thiện. Khi một giáo sư triết tại đại học không thể trả lời được một sự công kích trực tiếp như vậy từ một người đứng ngoài hệ thống hàn lâm thì hậu quả tất nhiên sẽ là uy tín học thuật phải chuyển từ hệ thống hàn lâm đó sang cho những thiên tài khác đang đứng bên lề đại học. Bùi Giáng là một nhà thơ thiên về triết học, nổi tiếng về các hành vi lập dị theo kiểu “đứng đái giữa đường”, thể hiện một thái độ phản kháng, thách đố đối với tất cả những gì công ước, hình thức, chuẩn mực, ngay ngắn trong đời sống xã hội. Mặc dù thực ra chỉ do bộ óc “mát điện” và bị “cà tửng” của nhà thơ tạo ra mà thôi. Bùi Giáng đã trở thành biểu tượng cho một đấng minh triết theo đúng truyền thống Đông phương: sống vượt ngoài qui ước xã hội, có tâm hồn thi sĩ, và học vấn quảng bác (như Trúc Lâm thất hiền đời Tây Tấn bên Trung Hoa hay Cao Bá Quát trong truyền thống Việt Nam). Phạm Công Thiện thì hoàn toàn tỉnh táo. Sau những bài viết hết sức gay gắt, ông cũng trở thành một trí thức hàn lâm, giảng dạy và làm khoa trưởng tại đại học Vạn Hạnh, thế là kết hợp được cả hai yếu tố thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn nhau trong truyền thống Việt Nam: não trạng sùng bái các trí thức cao cấp, chủ yếu là giáo sư đại học (nhờ giỏi ngoại ngữ) và việc thần tượng các “thiên tài” phản kháng đứng ngoài hệ thống hàn lâm. Cần lưu ý ngay là mặc dù không sản xuất ra một khối lượng thơ phong phú như Bùi Giáng, Phạm Công Thiện luôn luôn tư xưng là “thi sĩ” và cũng sáng tác khá nhiều thơ (thí dụ tập Ngày sinh của rắn), nghĩa là ông vẫn thuộc về truyền thống văn hóa phương Đông, xem việc làm thơ là nhãn hiệu chủ yếu của minh triết vĩnh cửu, chứ không phải các lý luận trừu tượng, chi ly, chẻ sợi tóc ra làm tư, của triết học Tây phương. Kim Định, một giáo sư đại học Văn Khoa về triết Đông, cũng có một luận điểm tương tự khi phê phán triết học phương Tây và đề cao Nho giáo mà ông cho là xây dựng trên ba trục chính: Hưng ư thi, Thành ư nhạc, và Lập ư lễ.

Do tâm lý văn hóa như tôi vừa mô tả ở trên, các sách vở bàn chuyện triết học thực sự không bao giờ thấm nhập trong não trạng quần chúng có học thức. Chẳng hạn các sách bàn về tư tưởng Kant, Descartes, Sartre, Marcel, biện chứng pháp, của giáo sư Trần Thái Đỉnh, hay bộ Lịch sử triết học Tây Phương (2 cuốn) của giáo sư Lê Tôn Nghiêm, hay Hiện tượng luận về hiện sinh của giáo sư Lê Thành Trị, không bao giờ xuất hiện trong những cuộc thảo luận trí thức, không bao giờ trở thành một ảnh hưởng thâm nhập sâu đậm trong não trạng giới có học, vốn thích những gì thơ mộng, lãng mạn, phản kháng công ước xã hội, theo kiểu thơ Đường, hay “trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật” theo kiểu Thiền tông. Cho nên một hiện tượng hết sức nghịch lý là trong văn hóa Việt Nam giới có học rất “nể” các giáo sư triết hay “thiên tài triết học” thông thạo ngoại ngữ Tây phương nhưng trong thực tế vẫn thích thảo luận những đề tài truyền thống (thơ Đường, Kinh Dịch, Thiền Tông). Nói rộng ra là văn chương, triết Đông, và Phật giáo, vì đối với họ tinh thần triết học phương Tây (duy lý, phân tích, trừu tượng, lý luận tỉ mỉ, dài dòng) là một thực thể văn hóa xa lạ, nếu dùng để trang điểm trí tuệ thì tốt, chứ không phải là những món ăn thực sự cần thiết cho đời sống tinh thần Việt Nam.

Một điều hiển nhiên là khi nhìn lại gia tài văn hóa Việt Nam, chúng ta thấy lực lượng chủ yếu là thơ (chẳng hạn chỉ riêng thơ văn Lý, Trần gom lại đã được ba cuốn dày cộm), còn các đề mục xa gần có liên quan đến tư tưởng thì sơ sài ngắn gọn, chẳng hạn Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông hay Thiền Uyển Tập Anh, ngay cả khi dịch sang Việt ngữ rồi, cũng chỉ là hai cuốn sách mỏng lét. Phạm Công Thiện, người trước đây được nhóm Văn (Trần Phong Giao, Trần Thiện Đạo) và bây giờ được cộng đồng trí thức Việt Nam tại California xưng tụng là “triết gia” cũng chẳng bao giờ sáng tác được một tác phẩm triết học nào cả. Các tác phẩm của ông ( Tư tưởng hố thẳm, Hố thẳm tư tưởng, Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Ý thức bùng vỡ…) chỉ là tập hợp những bài viết ngắn theo kiểu tùy bút, bút ký, phiếm luận, không có nội dung gì xuyên suốt từ đầu đến cuối. Chính do áp lực qui định của truyền thống, hoàn cảnh xã hội luôn luôn thiếu ổn định do chiến tranh, cộng thêm khí hậu nóng bức, người Việt Nam khó có cơ hội và thời gian ngồi yên một nơi để tư duy triết học nghiêm chỉnh lâu dài, hoặc biên khảo những tác phẩm dài hơi (vốn đòi hỏi việc tham khảo nhiều tư liệu liên quan). Không nói đâu cho xa, ngay cả vào thời Phạm Công Thiện, việc tiếp cận với tư liệu, sách vở triết học cũng không phải dễ dàng. Dĩ nhiên giới có tiền vẫn có thể đặt mua tận bên Pháp thông qua nhà sách Xuân Thu (Sài Gòn) hoặc săn lùng những cửa hiệu sách cũ. Giới được may mắn sang du học bên Pháp thì có cơ hội nhiều hơn trong việc kiếm “bửu bối”, nhưng tất cả đều hoàn toàn ngẫu nhiên, không có hệ thống, hơn nữa sách bên Pháp rất mắc, ngay cả bây giờ cũng thế, cho nên việc thử trong tay những tác phẩm hay tư liệu triết học cần thiết chính là ưu thế rất lớn trong việc biên khảo hay bút chiến. Khi đối phương trích dẫn toàn tư liệu mà mình không thể tiếp cận thì chỉ có nước giơ mặt cho đối phương tha hồ tạt nước vào mà thôi. Đó cũng là lý do giải thích được tại sao thường là các sách biên khảo Việt Nam rất lôi thôi, bầy hầy, ít khi ghi chú, chú thích cẩn thận đầy đủ như các sách cùng loại của phương Tây, vì khi viết tác giả chỉ nhớ có đọc cuốn sách đó, của tác giả đó, nhưng lại không có tác phẩm đó ngay trước mắt, một vấn đề giải quyết hết sức dễ dàng trong các thư viện phương Tây. Cũng chính vì vậy mà truyền thống văn hóa Việt Nam đặt trọng tâm vào việc nhớ nhiều, một khả năng tuy vẫn cần thiết hiện nay nhưng đã được hỗ trợ rất nhiều bằng cách hệ thống ký ức nhân tạo (bách khoa, tự điển, thư mục, tự điển, thư mục, sách dẫn, CD- ROM, Internet). Việc trích dẫn nhiều sách vở chẳng hề gây “ấn tượng” cho giới trí thức như ngày xưa nữa vì đó là tác thao tác mà ai được huấn luyện và đào tạo đều có thể thực hiện được một cách dễ dàng.

Kết luận: “thiên tài” trong văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay chỉ là sản phẩm của bốn nhân tố chính: 1- Khan hiếm sách vở và tư liệu; 2- Não trạng thích thơ ca lãng mạn; 3- Hoàn cảnh khách quan (xã hội loạn lạc, khí hậu nóng bức, việc đi lại trong nước khó khăn, việc xuất dương du học càng hiếm hoi hành 4- Sùng bái bằng cấp và ngoại ngữ (trước thì chữ Nho, sau thì chữ Tây).

Nguồn:  Đường vào Triết học - NXB Tổng hợp TP HCM

 

http://www.chungta.com.vn/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Nhan-Thuc/Khai_niem_triet_hoc_tai_Sai_Gon_truoc_1975

 PGS.TS Lê Thu Yến

Tóm tắt

        Bài viết đặt ra vấn đề ứng xử văn hóa theo truyền thống thông qua mối tình cụ thể là tình yêu Kim – Kiều trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Có kết hợp phân tích so sánh chi tiết giữa Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện để thấy những nét ứng xử khác biệt giữa 2 tác phẩm. Đó cũng là nét đẹp nhân văn tạo nên sức sống lâu bền của tác phẩm.

PGS.TS. NGUYỄN CÔNG LÝ

(Khoa Văn học và Ngôn ngữ,

Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG TP. HCM)

   1. Nhờ bản lĩnh độc lập tự cường kết hợp truyền thống chống ngoại xâm, kể cả chống về mặt tư tưởng, cùng tính uyển chuyển, linh hoạt của cư dân lúa nước phương Nam nên bất cứ một học thuyết nào từ nước ngoài một khi đã vào Việt Nam đều phải phục vụ cho cái đạo yêu nước yêu dân của dân tộc, phục vụ những yêu cầu cuộc sống của dân tộc. Phật giáo khi vào Việt Nam cũng chịu sự chi phối của quy luật đó. Với tinh thần phá chấp triệt để và khả năng dung hợp rộng mở, với tính phóng khoáng và dân chủ của mình, Phật giáo Thiền tông đã bắt gặp tinh thần bình đẳng, dân chủ, lòng nhân ái của người dân ở đây nên nó đã dễ dàng hòa hợp và bắt rễ nhanh chóng, đã ảnh hưởng sâu rộng trong đòi sống con người Việt Nam. Mặt khác, Phật giáo Thiền tông khi vào Việt Nam đã biết kết hợp với tín ngưỡng dân gian bản địa, dung hợp với các hệ tư tưởng khác, mà chủ yếu là Nho và Lão - Trang cùng Đạo giáo, kết hợp với các tông phái khác (Tịnh độ tông, Mật tông) nên Phật giáo Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần có những nét khác nếu so với Thiền học Ấn Độ, Thiền học Trung Quốc.

 Nguyễn Tiến Lực

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM

Mở đầu

Cùng với công cuộc cải cách, khai phóng ở Trung Quốc và Đổi mới ở Việt Nam, ở hai nước đều có quá trình đánh giá lại các nhân vật lịch sử. Những nhân vật lịch sử này thường  “có vấn đề ”  theo cách nhìn nghiêm ngặt của thời kỳ trước cải cách nhưng họ vẫn tồn tại trong lòng người dân mỗi nước về sự nghiệp kinh bang tế thế, về nhân cách, về tâm cao kiến văn và về cả “cách yêu nước” của họ.

                                                                                 PGS.TS. NGUYỄN CÔNG LÝ

                 Khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG TP. HCM

1. Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm Canh Thân (1380) tại dinh thự của ông ngoại ở Thăng Long và mất ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (19 – 9 – 1442) bởi vụ án Lệ Chi viên oan nghiệt, thảm khốc; nguyên quán ở làng Chi Ngại (làng Ngái), huyện Phượng Nhỡn (nay là huyện Chí Linh), Hải Dương; trước đó vài đời, một chi họ Nguyễn ở Chi Ngại đã dời về định cư tại làng Ngọc Ổi, huyện Thượng Phúc, Hà Đông (sau đổi thành làng Nhị Khê, xã Quốc Tuấn, huyện Thường Tín, Hà Tây; nay thuộc Hà Nội). Làng Nhị Khê là một làng quê nằm bên tả ngạn sông Tô Lịch phía Hà Nội chảy về, trù phú, thuần nông và có nhiều nghề thủ công đặc sắc.

 

Với ý ngoan cường bền bỉ đấu tranh, với tinh thần độc lập tự chủ, tự cường của cộng đồng người Việt phương Nam nên trong hơn một nghìn năm nô lệ phương Bắc, nhân dân ta hễ có cơ hội thì vùng dậy kết đoàn để đánh đuổi giặc ngoại xâm và đã có lúc giành lại nền độc lập tự chủ dù tuy còn ngắn ngủi. Phát huy truyền thống ấy, mùa đông năm 938, bằng mưu lược tài ba, Ngô Quyền đã chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, đưa dân tộc ta bước sang một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập tự chủ. Từ cái mốc lịch sử này, đất nước ta chuyển sang một thời đại mới: Thời trung đại. Đây là thời kỳ nhà nước phong kiến độc lập được xây dựng ngày càng hùng mạnh và phát triển mọi mặt qua các triều đại: Ngô (938-967), Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009), Lý (1009-1025), Trần (1225-1400), Hồ (1400-1407), và mấy năm đầu của cuộc kháng chiến chống giặc Minh vào thời hậu Trần (1407-1413). Một giai đoạn lịch sử kéo dài ngót năm trăm năm ấy với những thành tựu tổng hợp của sáu triều đại, trong đó hai triều đại Lý và Trần là xứng đáng tiêu biểu hơn cả về nhiều phương diện nên GS Nguyễn Huệ Chi trong phần Khảo luận văn bản của bộ hợp tuyển Thơ văn Lý – Trần đã gọi tên chung cho cả giai đoạn lịch sử này là thời đại Lý – Trần ([i]). Có thể nói thời đại Lý – Trần là thời đại hào hùng, oanh liệt, rực rỡ, và đẹp đẽ nhất, còn là thời đại hoàng kim của lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Đặc trưng cơ bản của thời đại này có thể nêu lên những nét lớn như sau:

Trước hết, thời đại Lý – Trần là thời đại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thống nhất cộng đồng.

Trần Trọng Dương

 

Viện NC Hán Nôm

Sự luân chuyển quyền lực qua các đời Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ, Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền, Dương Tam Kha, Hậu Ngô Vương, loạn 12 sứ quân, cho đến Đinh Liễn, Lê Hoàn  trong quãng thời gian từ năm 907 đến 980 (dài 73 năm) có thể coi là một biểu hiện cát cứ địa phương theo hình mẫu động loạn thời Ngũ đại bên thiên triều (kéo dài 53 năm). Các thế lực chính trị khá ngắn ngủi và liên tục thay đổi bằng các hình thức bạo lực khác nhau (như binh biến, đảo chính, thích khách…) và đôi khi có cả sự trao truyền quyền lực một cách hòa bình êm đẹp nhờ những quan hệ hôn nhân huyết tộc ràng rịt của tầng lớp cầm quyền phía trên.  Cục diện ổn định nhanh chóng bị phá vỡ rồi sau đó lại được tái lập bằng sự xuất hiện và biến lướt của các anh hùng hào trưởng có nguồn gốc phương Bắc. Tuy nhiên, điểm lại vài khuôn mặt trí thức của giai đoạn này thì rõ ràng các nhà nghiên cứu bao giờ cũng nêu ra một số vị thiền sư bác học, trong đó người để lại hình tích nhiều nhất, người có ảnh hưởng nhất đối với xã hội cũng như các vương triều trên chính là nhân vật mang tên Khuông Việt thiền sư, tức Ngô Chân Lưu.

 

            Qua khảo sát các tác phẩm văn học Phật giáo thời Lý – Trần, chúng tôi nhận thấy có nhiều tác phẩm thuộc các thể loại như kệ, tụng cổ, ngữ lục, luận thuyết triết lý… đã biểu lộ một trạng thái tư duy nghệ thuật hoàn toàn khác với kiểu tư duy của Nho giáo, của Lão – Trang. Kiểu tư duy này gắn liền với tư tưởng Thiền học, chú trọng đến cái tâm trực ngộ. Chúng tôi tạm gọi đó là trạng thái tư duy nghệ thuật kiểu trực cảm tâm linh.

            Tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng có quan hệ gắn bó với văn học, đã ảnh hưởng và tác động đến văn học. Thời trung đại, các nước phương Đông trong đó có Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng Nho, Phật, Lão – Trang. Chính các trước tác kinh điển là “ngọn nguồn vô tận để khơi gợi cảm hứng sáng tác” ([1]) và “để lại cho văn học đời sau một số hình tượng nghệ thuật trở thành nguồn thi liệu giúp cho các nhà thơ, nhà văn sáng tác” ([2]). Tìm hiểu, nghiên cứu ảnh hưởng của các hệ tư tưởng trên trong văn học cần phải thấy rằng chúng là “những sự kiện văn học tư tưởng trong lịch sử phát triển xã hội” và “cần nghiên cứu nó với tư cách là một sự kiện văn học, một hiện tượng văn học và hệ thống lý thuyết các tôn giáo, các học phái đó đã có sự chuyển hướng thành cảm hứng sáng tác” ([3]). Có nhà nghiên cứu còn nhấn mạnh thêm “Muốn hiểu văn học trung đại cần phải hiểu chữ “Tâm”. Chữ “Tâm” của Nho giáo có khác với chữ “Tâm” của Phật giáo. Nó không chỉ là chuyện văn chương mà trước hết là chuyện của triết lý nhân sinh - Nho và Phật đều lấy chữ “Tâm” làm nội dung cốt lõi của học thuyết. “Tâm” không chỉ là tấm lòng, là tình cảm, đạo đức tốt đẹp mà còn mang một hàm nghĩa phong phú, bao trùm, huyền diệu, mang ý nghĩa triết học ([4]). “Chữ “Tâm” của Nho giáo cần được hiểu theo nghĩa đó là cái thần linh làm chủ thể cả tư tưởng cùng hành vi con người. Phật giáo thì coi trọng chữ Tâm – trực giác tâm linh”. “Chữ “Tâm” của Phật giáo có liên quan đến sự khai thác triệt để thế giới tâm linh, sự huy động tối đa cái phần vô thức, tâm thức, tiềm thức, cảm thức con người hơn là phần ý thức, tự thức, nhận thức” ([5]). Trên đây là những gợi ý có tính lý luận để tìm hiểu tư duy nghệ thuật kiểu trực cảm tâm linh trong văn học Phật giáo. Vấn đề sẽ được xem xét trên góc độ tâm lý học sáng tạo nghệ thuật và trên góc độ tâm lý học phân tích văn học, ở cảm hứng sáng tác.

            Trước hết, có lẽ cần trở lại khái niệm.

            Trực cảm là sự nhận thức trực tiếp bằng cảm tính, bằng trực giác, không thông qua suy luận, tư duy của lý trí, tức sự nhận thức đó không phải bằng tư duy suy lý.

            Tâm linh là linh hồn, tinh thần ([6]), là cái trí tuệ tự có trong lòng mình ([7]). Tâm linh thể hiện ở những cái gì có tính trừu tượng, thiêng liêng, thanh khiết và giá trị của nó bắt nguồn từ cái thiêng liêng; nó là nền tảng vững chắc, là hằng số vĩnh cửu của nhiều mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ của đời sống con người với thế lực siêu nhiên, huyền bí của tôn giáo.

            Theo tác giả “Văn hoá tâm linh” thì “tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong cuộc sống đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Cái thiêng liêng cao cả, niềm tin thiêng liêng ấy đọng lại ở những biểu tượng, hình ảnh, ý niệm ([8]).

            Điều đó nghĩa, tâm linh là một hình thái ý thức, gắn liền với con người và nếu không có ý thức con người thì sẽ không có tâm linh, vì nó là phần thiêng liêng trong ý thức con người. Con người có nhiều ý thức, như: ý thức cộng đồng, ý thức văn hoá, ý thức toán học… thì ý thức tâm linh là dạng ý thức hướng về cái thiêng liêng cao cả. Bàn về tâm linh không thể không nói tới niềm tin. Niềm tin là sự tín nhiệm, sự khâm phục của con người đối với một đối tượng nào đó (con người, sự việc, tôn giáo) được thể hiện ra hành động theo một lẽ sống. Nó là hạt nhân để xác lập các mối quan hệ xã hội và được thể hiện ở nhiều cấp độ: niềm tin trao đổi, niềm tin lý tưởng, niềm tin tâm thức. Niềm tin tâm thức là sự hoà quyện cả tình cảm lẫn lý trí dẫn đến sự say sưa tự nguyện hành động theo niềm tin ấy ([9]).

            Tâm linh không chỉ gắn với ý thức con người, mà còn gắn với đời sống xã hội trong các mối quan hệ phức tạp. Bởi lẽ đời sống con người có hai mặt: mặt hiện hữu và mặt tâm linh. Nếu mặt hiện hữu của đời sống thể hiện nhận thức qua những tiêu chuẩn cụ thể thì về mặt tâm linh bao giờ cũng gắn với cái gì đó trừu tượng, mông lung nhưng lại không thể thiếu ở con người. Sở dĩ con người được gọi là người bởi có lẽ đời sống tâm linh, tức tuân theo những giá trị bắt nguồn từ cái thiêng liêng đầy bí ẩn ([10]).  Cho nên “con người không chỉ có mối quan hệ hữu hình mà còn có nhiều quan hệ khác như quan hệ với thế giới tâm linh và nó là cái nền vững chắc nhất của mối quan hệ cộng đồng làng xã” ([11]).

Trực cảm tâm linh là sự nhận thức trực tiếp bằng tâm linh, có tính chất cảm tính, trực giác, không qua tư duy tư biện, suy luận, suy lý của lý trí, của trí tuệ.

            Tôn giáo cũng như văn học nghệ thuật rất cần và coi trọng kiểu nhận thức này. Có thể nói nó là tính trội của cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Không có tư duy trực cảm tâm linh, khó lòng người nghệ sĩ thấy được cái thần, cái hồn của đối tượng sẽ phản ánh, cho dù người nghệ sĩ có thể chiêm nghiệm, nghiền ngẫm nhiều về đối tượng. Nó thuộc lĩnh vực của vô thức, của tiềm thức; chỉ cảm nhận bằng tính linh thiêng liêng chứ không thể dùng lý trí tư biện và ngôn ngữ lúc này cũng đành bất lực, không thể luận bàn.

            Trực cảm tâm linh là quy luật của sự sáng tạo, trong đó có sáng tạo văn học nghệ thuật. Từ đời này sang đời khác, con người ta hàng trăm hàng vạn lần, ai ai cũng nhìn thấy quả táo rơi. Newton cũng thế, cũng hàng vạn lần nhìn thấy quả táo rơi. Tất cả điều thấy chứ không biết, không hiểu. Nhưng tại sao chỉ một lần duy nhất, trong phút giây bất chợt, qua những năm tháng nghiền ngẫm, Newton mới hiểu được, mới biết được vì sao nó rơi và đã phát hiện ra định luật “sức hút của trái đất”. Tương tự như vậy, đứng trước một đối tượng khách quan, cảnh thiên nhiên mơ mộng chẳng hạn, ai cũng thấy và ai cũng cho là đẹp. Nhưng thể hiện được cái thần, cái hồn của cảnh đẹp thơ mộng ấy không phải ai cũng làm được. Chính Các Mác đã từng nói “Hoa hồng tự nó không đẹp, nó đẹp là do đôi mắt của kẻ si tình”. Muốn thể hiện, phải có sự trực cảm tâm linh, phải có tính linh. Tính linh hay linh tính là sự mách bảo, là khả năng biết trước, là năng khiếu cảm nhận từ xa của con người về một biến cố, sự việc nào đó có liên quan đến mình. Vấn đề không thuộc ý thức mà thuộc về vô thức, tiềm thức. Nhà văn, nhà thơ, người nghệ sĩ lớn thường là những người có tính trực cảm tâm linh cao. Không phải ngẫu nhiên khi nghe nói có nhà văn sáng tác trong mơ. Đó là tính trội của sáng tạo nghệ thuật. Nhà phân tâm học Sigmund Freud đã khẳng định: “Chính các nhà văn, nhà thơ, là người phát hiện vô thức”. Còn Goethe thì cho rằng: “tính linh hiển hiện khắp nơi trong thơ ca, đặc biệt là trong trạng thái vô thức. Lúc này tất cả sức mạnh trí tuệ và lý tính đều mất tác dụng… và không giải thích được linh tính” ([12]).

            Cái linh tính ấy là sự trực cảm tâm linh trong sáng tạo nghệ thuật. Cha ông ta cũng đề cập đến vấn đề này. Trong lời tựa “Hoàng Công thi tập”, Ngô Thì Nhậm đã nêu lên một khía cạnh nhận thức, lĩnh hội thơ văn bằng trực cảm, bằng trực giác. Ông đã xem đây là một đặc trưng của nhận thức luận phương Đông thường thấy trong thơ văn: “Việc binh, việc hình, việc lễ, việc nhạc, thánh nhân đã có phép tắc cả… Đến như phép luật làm thơ lại là một điều huyền bí, thánh nhân không truyền lại, ta chỉ có thể hiểu bằng thần, không thể tìm bằng trí được”([13]).

            Như vậy, đứng trên góc độ tâm lý học sáng tạo nghệ thuật, tâm lý học phân tích văn học và tiếp nhận văn học thì tất cả đều rất cần đến trực cảm tâm linh. Khi sáng tạo, người nghệ sĩ cần phải thấy được, hiểu được cái thần của đối tượng phản ánh, của sự việc được sáng tạo và khi phân tích, tiếp nhận, người phân tích, tiếp nhận cũng phải có cái thần ấy. Thấy được, hiểu được cái thần, phải cần đến trực cảm tâm linh.

            Hình ảnh cành mai kỳ diệu vẫn nở hoa trong buổi xuân tàn hoa rụng của Mãn Giác thiền sư là gì nếu không nhờ trực cảm tâm linh? Thử đọc lại bài kệ:

Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân đáo bách hoa khai.

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tùng đầu thượng lai.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. ([14])

Dịch thơ: Xuân qua trăm hoa rụng,

     Xuân đến trăm hoa tươi.

      Trước mắt việc đi mãi,

      Trên đầu già đến rồi.

      Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

      Đêm qua sân trước nở cành mai.

            Bài kệ chỉ có sáu câu. Đây là lời thiền sư dặn dò đệ tử trước lúc lâm chung. Bốn câu đầu đúc kết một chân lý khách quan, nêu lên một quy luật tuần hoàn của thiên nhiên, của cuộc đời, con người, tượng trưng cho sự sinh hoá của chư pháp, của vạn vật. Điều làm nên sự kỳ diệu của bài kệ giàu hình tượng thơ là ở hai câu sau.

            Hình ảnh cành mai trước sân vẫn nở hoa toả hương đêm qua trong lúc xuân tàn hoa rụng là tượng trưng cho bản thể trường tồn. Hình ảnh ấy là sự kết hợp hài hoà giữa giáo lý dã thụ lãnh với sự chứng nghiệm trực cảm – đốn ngộ của thiền sư. Đó là bài học chân lý được đúc kết cả cuộc đời thiền định của người tu hành: Đừng tưởng thầy mất đi mà dòng Thiền bị tiêu diệt! Sống chết là một quy luật tất yếu, nhưng nhờ sự giác ngộ chân lý bằng trực cảm tâm linh mà chân thân của nhà sư đã vượt khỏi cái vòng sinh tử luân hồi để đến chỗ rốt ráo, tự tại, chân như, thấy tất cả đều tịch mịch, đều không vô. Tư tưởng chủ đạo của bài kệ kết tinh ở hai câu này: trong cái tàn lụi vẫn nảy sinh cái mầm của sự sống, của mùa xuân bất tận, của sự trường tồn vĩnh hằng. Đây là sự thống nhất trong mâu thuẫn, một tư tưởng khá uyên nguyên, thâm thuý của Thiền học Việt Nam: Tâm - Pháp nhất như; Vạn vật nhất thể.

            Và cũng nhờ giải thoát bởi trực cảm tâm linh mà văn học Thiền đời Lý đã để lại “một tiếng kêu vang dài làm lạnh cả bầu trời” của Không Lộ thiền sư:

Trạch đắc long xà địa khả cư,

Dã tình chung nhật lạc vô dư.

Hữu thời trực thướng cô phong đính,

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.([15])

Dịch thơ: Kiểu đắc long xà chọn được nơi,

                                      Tình quê lai láng suốt ngày vui.

                                      Có khi xông thẳng lên đầu núi,

                                      Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.

            Về bài thơ này, xưa nay có nhiều ý kiến bàn cãi, có thể nói là chưa ngả ngũ.           Tiếng kêu làm lạnh cả bầu trời ấy, GS. Đặng Thai Mai cho là “một cảm hứng đạo học” ([16]). Còn GS. Nguyễn Đình Chú đã so sánh bài thơ của Không Lộ và bài thơ của Lý Tường (Lý Cao?) viết về tiếng cười của Duy Nghiễm thiền sư có chép trong sách Thiền đời Tống, Trung Quốc: Cảnh Đức truyền đăng lục và cho rằng “tiếng cười dưới trăng mây kia, tuy có hấp dẫn, nhưng dù sao chỉ là tiếng cười cao đạo của một con người đã không thích gì mấy sự hòa nhập trần gian” ([17]), còn tiếng cười của Không Lộ thì “trong tiếng kêu làm ớn lạnh cả “thái hư” (vũ trụ) này là cả một khát vọng phi thường: khát vọng hoà nhập vũ trụ mà thi sĩ đời nay – Chế Lan Viên – từng cho rằng “Không có tiếng kêu dài này thì không có chiến thắng Bạch Đằng” ([18]). GS. Trần Đình Sử thì nêu ý nghĩa biểu trưng của bài thơ: “Lên thẳng” là hình ảnh của đốn ngộ, xảy ra trong chốc lát, như ánh chớp. “Đỉnh núi cao trơ trọi” đây thuần tuý chỉ là ẩn dụ chỉ thế giới không vô. “Thái hư” là thế giới của nhà Phật mà chỉ những kẻ đắc đạo mới có thể đạt đến, và “cái tiếng kêu dài làm lạnh cõi thái hư ấy là dấu hiệu hoà nhập ta và thế giới, thế giới và ta” ([19]).

            Thiết nghĩ rằng, hình ảnh con người chọn thế đất có thể dung nạp được mình, để hoà đồng và vui suốt ngày với thiên nhiên là hình ảnh con người mang khát vọng hoà nhập và chế ngự thiên nhiên được thể hiện qua lời thơ thoát phàm, bay bổng. Còn “tiếng kêu vang lạnh cả bầu trời” kia là tiếng reo của một người chứng ngộ, thoát khỏi cảnh giới trần thế. Cái tiếng kêu vang sang sảng đã “làm lạnh cả bầu trời”; đã chế ngự được thiên nhiên phải là một tiếng kêu sảng khoái của một tâm hồn khoáng đạt với tư tưởng phá chấp triệt để và tinh thần thoải mái tột cùng, chứ không thể là của một người suốt ngày gõ mõ tụng kinh, câu nệ vào tín điều một cách cứng nhắc khô khan. Tiếng kêu đó chính là trực cảm tâm linh, là trạng thái chứng ngộ của thiền sư. Và cũng nhờ trực ngộ mà con người hoà nhập vào đại ngã của vũ trụ ([20]).

            Nhờ trực cảm tâm linh mà có sự quân bình giữa tâm và trí, thấy được bản thể chân như, nhận ra tất cả đều không vô. Đó là lý do tại sao Quảng Nghiêm khuyên người ta “đừng đi theo con đường của Như Lai đã đi”:

Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ,

Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh.

Nam nhi tự hữu xung thiên chí,

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.([21])

Dịch thơ:       Thoát tịch diệt xong bàn tịch diệt.

Sau vô sinh hãy nói vô sinh,

Làm trai lập trì xông trời thẳm,

Theo gót Như Lai luống nhọc mình.

            Con người ta có sống đạo và hành đạo trọn đời, chiêm nghiệm Đạo thì mới có thể trực cảm được Đạo là gì. Nhờ sống và chứng lẽ Đạo nên Quảng Nghiêm mới bảo có thoát ly khỏi lòng ham muốn đi vào chốn chân như thì mới có thể bàn chuyện chân như; cũng như sau khi sinh vào cõi vô sinh thì mới nói được chuyện vô sinh. Điều đó có nghĩa là Quảng Nghiêm đã phản bác lại những ý kiến, những lý thuyết không dựa vào sự chứng nghiệm của bản thân. Chúng ta đã biết Thiền học là tâm học, là đạo học. Chân lý của tâm học chỉ có thể chứng ngộ bằng trực giác, bằng trực cảm tâm linh, bằng cách sống với nó, chiêm nghiệm nó. Đó là ý nghĩa lời khuyên của Thiền sư. Cho nên, Quảng Nghiêm mạnh bạo khuyên “đừng đi theo con đường của Như Lai đã đi” là một tất yếu. Ngày xưa, Thích Ca sắp nhập diệt, Ngài bảo đệ tử “ta thuyết pháp 49 năm nhưng chưa nói lời nào” là vì Ngài sợ đệ tử câu chấp vào lời nói, vào ngôn ngữ, vào kinh điển mà sẽ không đạt được chân lý nhiệm màu. Chân lý chỉ có một, nhưng dẫn đến chân lý có thể bằng nhiều con đường. Cho dù Quảng Nghiêm không đi theo con đường của Như Lai mà vẫn chứng được Niết bàn diệu tâm. Đó là tinh thần phá chấp triệt để bởi nhờ trực cảm tâm linh chứng ngộ đạt đạo, chứ không thể là “sự hoài nghi giáo lý tu hành” như có nhà nghiên cứu đã phát biểu.

            Cũng tinh thần khai phóng, phá chấp trên, Diệu Nhân ni sư bảo rằng “càng muốn siêu thoát thì càng bị trói buộc thêm”, cho nên:

Thiền Phật bất cầu,

Đỗ khẩu vô ngôn ([22]).

Chẳng cầu Thiền Phật,

Mím miệng ngồi yên.

            Đọc các tập công án thiền, các tập ngữ lục, các tập truyện về các thiền sư, chúng ta thường bắt gặp những mẫu đối thoại kỳ lạ, khác thường bởi tính chất nghịch ngữ, phi lôgic của nó. Trong những buổi giảng thuyết, khai thị cho đệ tử bằng “vấn đáp mũi nhọn” kiểu “cơ phong”, các thiền sư thường dùng hình thức hét, quát, đánh đập, chửi bới hoặc trả lời bằng những câu thơ giàu hình ảnh tượng trưng, ngụ ý chẳng có ăn nhập gì với câu hỏi. Có lẽ đó là những phương pháp mà các vị thường dùng để cắt đứt những câu hỏi suy lý, phá tan cái mạch tư duy lôgic để mở đường cho người học đạo đi thẳng vào trực giác, bằng trực cảm tâm linh để đạt đến chỗ rốt ráo, đốn ngộ. Đốn là chóng trừ vọng niệm; Ngộ là sáng tỏ, nhận ra tất cả điều không vô ([23]). Đó là một trạng thái trống vắng rỗng không, không vô, tịch mịch, hiểu rõ chân tướng của hiện tượng, rõ bản thể của sự vật, lúc đó không còn phân biệt, vì bỉ với thử là một, nội giới với ngoại giới cũng không phải là hai, bản chất và hiện tượng như nhau. Đó là trạng thái của sự thể nghiệm tâm linh cá nhân bằng trực cảm, lúc tâm linh được giải thoát, thấy được diệu tâm, diệu tính, chân như, niết bàn. Đó là phương pháp “trực chỉ chân tâm”, “dĩ tâm truyền tâm”, bằng lối trực cảm tâm linh. Thử lấy vài ví dụ tiêu biểu:

            - “Có vị tăng hỏi: Thế nào là Phật?

Sư đáp: Khắp tất cả mọi nơi.

Lại hỏi: Thế nào là Phật tâm?

Đáp: Chưa từng che giấu.

Người ấy lại nói: Kẻ học đạo này chưa hiểu.

Sư đáp: Người trượt qua rồi”

                                 (Truyện Thiền sư Cảm Thành) ([24]).

            - “Một hôm vua Lý Thánh Tông đến thăm chùa, Vua hỏi: Hoà thượng trụ trì ở chùa này đã bao lâu?

Sư đáp: Tháng ngày rày biết rõ; Xuân thu cũ ai hay.

Vua lại hỏi: Hàng ngày Hoà thượng làm gì?

Đáp: Trúc biếc hoa vàng đâu ngoại cảnh; Trăng trong hoa trắng rõ toàn chân.

Vua hỏi: Có ý chỉ gì?

Đáp: Nhiều lời vô ích!”.

                                  (Truyện Thiền sư Thiền Lão) ([25]).

            - “Có vị tăng hỏi: Phật và Thánh nghĩa thế nào?

Sư đáp: Trùng dương đến, cúc vàng dưới giậu,

              Xuân ấm về, oanh náu đầu cành

Tăng thưa: Cảm tạ thầy! Nhưng đệ tử này không hiểu, xin thầy chỉ giáo lại. Sư đáp: Ngày vầng ô chiếu sáng,

              Đêm bóng thỏ rạng soi”.

                              (Viên Chiếu – Tham đồ hiển quyết)([26]).

            Trên đây là những đoạn đối đáp giữa thiền sư với người học đạo. Giữa câu hỏi và câu trả lời chẳng lôgic, chẳng dính dáng nhau. Vấn đề ở chỗ là nếu bằng trực cảm tâm linh người học đạo hiểu được, thông suốt được ý chỉ của thầy sẽ bừng tỉnh và ngộ đạo. Đó là chưa nhắc đến  nhiều câu chuyện kỳ lạ hơn mà các tập công án như “Bích Nham lục”, “Vô môn quan” có chép lại. Như có đệ tử hỏi: “Phật là gì? Có thiền sư đáp: Ba cân vừng; Có vị trả lời: Que chùi cứt khô; Có vị lại nhổ nước bọt vào tượng Phật; Có vị lại chẻ đôi tượng Phật v.v…” Tất cả đều nhằm mục đích khơi ngợi và đánh mạnh thẳng vào tâm người học đạo, triệt phá đến cùng tư duy lôgic, với tinh thần phá chấp triệt để.

            Cũng nhờ đạt tới sự quân bình bởi trực cảm tâm linh mà Phật giáo Lý – Trần đã sản sinh ra những con người thân ở cuộc đời mà tâm nương về đạo thanh thản, an nhiên, tự tại: Những con người vừa làm quan vừa tu thiên ăn chay lẫn ăn mặn và đã chứng đạo giữa cuộc đời lăng xăng, hoá đạo trong vòng tay quyến luyến của thê thiếp như Tuệ Trung Thượng sĩ; Những con người sẵn sàng “Bỏ ngai vàng như trút chiếc giày rách ([27])” để lên núi cầu Phật. Sau đó, nhờ lời khuyên của Thiền sư Viên Chứng – Trúc Lâm Quốc sư mà nhà vua đã trực ngộ được “trong núi làm gì có Phật, Phật chỉ ở trong lòng” nên gắng về lại ngôi, trị nước an dân, tham thiền học đạo, chứng ngộ, viết sách khải ngộ như Trần Thái Tông v.v… Và còn biết bao con người như thế trong đời sống Phật giáo thời Lý – Trần.

            Nói tóm lại, Phật giáo, Thiền học chú trọng đến tâm. Tâm là đầu mối của sự giải thoát. Đạt đến chỗ không tâm, người học sẽ “kiến tính thành Phật”. Cho nên Phật học, Thiền học là Tâm học. Và phương pháp tư duy của Phật, của Thiền là tư duy trực cảm tâm linh. Văn học Phật giáo nói chung, văn học Phật giáo Lý – Trần nói riêng đã biểu hiện rõ nét tư duy đó. Như vậy, có thể kết luận rằng có một trạng thái tư duy nghệ thuật kiểu trực cảm tâm linh được biểu lộ trong văn học Phật giáo.

                                                                                    Nha Trang, tháng 10 – 1997.

 

 



[1] Đặng Thanh lê “Trước tác kinh điển Nho giáo với văn học trung đại Việt Nam” và “Một số vấn đề phân tích ảnh hưởng văn học Trung Quốc đối với văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII – thế kỷ XIX” trong sách “Dạy sách giáo khoa thí điểm Trung học chuyên ban, môn văn, lớp 11”. Ban KHXH, Nxb Giáo dục, H, 1994.

[2] Đặng Thanh Lê, tlđd.

[3] Đặng Thanh Lê, tlđd.

[4] Nguyễn Đình Chú “Một số vấn đề chung thuộc thời kỳ văn học trung cận đại” trong sách “Dạy sách giáo khoa thí điểm Trung học chuyên ban, môn văn, lớp 10, Ban KHXH, Nxb GD, H, 1994.

[5] Nguyễn Đình Chú, tlđd.

[6] Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nxb, KHXH, 1994.

[7] Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển, Trường Thi, Sài Gòn xuất bản, 19.

[8] Nguyễn Đăng Duy, Văn hoá tâm linh, Nxb Hà Nội, 1996, tr.14.

[9] Nguyễn Đăng Duy, tlđd, tr.19.

[10] “Văn hoá gia đình Việt Nam và sự phát triển”, Nxb KHXH, HN, tr.36.

[11] “Văn hoá và dân cư đồng bằng sông Hồng”, Nxb VHTT, HN, tr.115.

 

[12] Dẫn lại Phương Lựu, Tìm hiểu lý luận văn học phương Tây, Nxb Văn học, H, tr.205.

[13] Nhiều tác giả, Từ trong di sản, bd, Nxb TPM, H, 1981, tr.72.

[14] Viện văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 1, Nxb KHXH, 1977, tr.293.

[15] Viện văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 1, tlđd, tr.385.

[16] Đặng Thai Mai, “Mấy điều tâm đắc về một thời đại văn học” trong “Thơ văn Lý Trần” tập 1, tr.41.

[17] Nguyễn Đình Chú, Về bài thơ “Ngôn Hoài” của Không Lộ Thiền sư: chuyện rắc rối vá cách đối xử, Kiến thức ngày nay, số 147,  tháng 8-1994, trang 11-13.

[18] Nguyễn Đình Chú, tlđd.

[19] Trần Đình Sử, Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb GD, H, 1997, tr.205-214.

[20] Nguyễn Công Lý, Bản sắc dân tộc trong văn học thiền thời Lý – Trần, Nxb VHTT, H, 1997, tr.144.

[21] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 1, tlđd, tr.521.

[22] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tlđd, tr.339.

[23] Vô Môn thiền sư, Vô môn quan, bd, Lá Bối, S, 1972.

[24] Thiền uyển tập anh, bd, tr.36.

[25] Thiền uyển tập anh, bd, tr.52 -53.

[26] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 1, tlđd, tr.281.

[27] Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, bd, Hội Nghiên cứu Văn hoá Á Châu, S, 1960.

(Nguồn: Tạp chí Nha Trang (Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hoà) số tháng 7 và 8 - 1998. In lại: Tạp chí Nghiên cứu Phật học (Viện NCPH Việt Nam) số 1 và 2 - 2000.

Đặt vấn đề:

 

1.Đầu thế kỷ XX, trong xu thế chung của châu Á mà Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa Yukichi) diễn tả là “thoát Á luận” ( thoát khỏi châu Á), nhiều trí thức vùng Đông Á- hay là vùng văn hóa Hán- đã tiến hành phê phán nhiều giá trị truyền thống phương Đông trong đó có Nho giáo. Trong các xu hướng phê phán Nho giáo đó, có một xu hướng phê phán Nho giáo như một học thuyết nam quyền – đàn áp nữ quyền. Tại Trung Quốc, có thể kể đến Lỗ Tấn, Lâm Ngữ Đường ; tại Việt Nam tiêu biểu là Phan Khôi (1887-1960) . Việc phê phán Nho giáo đàn áp phụ nữ hiện vẫn tiếp tục. Ở Trung Quốc, những tiếng nói lên án gay gắt  Nho giáo như một học thuyết đàn áp nữ quyền có khi đi đôi với cảm hứng khẳng định chính Lão Trang mới là học thuyết nữ quyền. Dường như vấn đề nữ quyền là điểm yếu của Nho giáo, có thể dùng nó để hạ gục Nho giáo.

Thông tin truy cập

61762152
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2342
18932
61762152

Thành viên trực tuyến

Đang có 307 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website