20170816.jean paul sartre

1

Trong lịch sử tư tưởng Tây phương, thuyết nhân bản thường được chia làm ba thời kỳ: thuyết nhân bản La Mã (kết tinh của thời kỳ Hy Lạp hóa), thuyết nhân bản thời Phục Hưng, và các thuyết nhân bản khác nhau tiếp diễn cho tới ngày nay. Thuyết nhân bản, trong lịch sử lâu dài và phức tạp của nó, tựu trung là những cách tiếp nhận và diễn giải khác nhau về di sản tư tưởng Hy-La. Với đôi chút mạo hiểm, một cái nhìn sơ lược về nguồn gốc từ nguyên của khái niệm “nhân bản” có thể cho thấy manh mối về các đặc trưng ban đầu của nó. Từ La tinh humanus (“thuộc về con người”, “tính người”, “nhân bản”, “nhân văn”…) dường như có quan hệ với từ homo (“con người”) và với từ “humus” (“đất”, “cát bụi”) để chỉ những “sự vật trần gian” tương phản với thần linh (từ Hêbrơ “adam”/“con người” cũng có nguồn gốc từ “adamah”/“đất”). Từ chữ humus, ta có từ humanus (“trần thế”) và humalitas (“đức khiêm tốn, khiêm hạ”). Từ chữ homo, ta có từ humanitas. Thoạt đầu, humanitas có nghĩa là sự nhân từ, hiền dịu, tương phản với thú vật hung dữ. Vì con người là yếu đuối, là “hữu thể thiếu thốn” và chịu đau khổ, họ cần đến sự đoàn kết, tình người và sự khoan dung. “Đức khiêm hạ” ở đây không hướng lên thần linh để cầu giải thoát, cứu độ cho bằng hướng về con người, với những hữu hạn của kiếp người. Mặt khác, tuy yếu đuối hơn thú vật, con người có thể đứng lên trên thú vật. Điều họ cần có và sẽ trở thành bản tính thứ hai của họ, đó chính là văn hóa. “Nhân cách” hay phẩm giá của con người chỉ có thể có được khi con người vươn lên khỏi thế giới tự nhiên và thú vật. Từ sự đồng đẳng với thú vật ở trong tự nhiên, văn hóa giúp nảy sinh tính cá nhân, tính lịch sử, sự tự quyết và sự bình đẳng. Humanitas, trong thế giới cổ La Mã, do đó, vừa đồng nghĩa với lòng nhân từ, nhân ái, vừa là văn hóa, giáo dục, sự trưởng thành và chất lượng cuộc sống.

Hai đặc điểm nêu trên xuyên suốt lịch sử của thuyết nhân bản, nhưng luôn được nêu trở lại và diễn giải lại, nhất là sau những cuộc chiến tranh lớn hay những biến động sâu sắc về văn hóa, văn minh, bởi nhu cầu tìm hướng đi sau khủng hoảng, nhìn nhận lại những sai lầm đã phạm phải và xác lập cơ sở mới cho đời sống. Khá gần với chúng ta ngày nay đó là tình hình tư tưởng ở châu Âu sau Thế chiến II. Chính bối cảnh “hậu chiến” ấy - còn vang vọng tiếng đạn bom, tội ác và những thảm kịch cá nhân - đã cho ra đời nhiều suy tư về con người, mà tiêu biểu nhất là bốn “phiên bản” khác nhau về thuyết nhân bản của Jean-Paul Sartre (1905-1980), Martin Heidegger (1889-1976), Karl Jaspers (1883-1969) và Victor Klemperer (1881-1960).

Các quan điểm muộn hơn sau này của Habermas, Rorty, Lacan, Foucault, Lyotard, Derrida, Sloterdijk… là những phản ứng (tiếp thu, phê phán, phát triển) đối với các phiên bản này, nhất là của Sartre và Heidegger.

Trước khi bàn đến hai phiên bản đầu tiên với mối quan hệ quanh co, phức tạp giữa Sartre và Heidegger - rất cần thiết để đọc Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản của Sartre qua bản dịch mà bạn đọc đang có trong tay của Đinh Hồng Phúc -, chúng ta thử lược qua hai phiên bản thứ ba và thứ tư của Jaspers và Klemperer:

-        Là chứng nhân và suýt là nạn nhân của chủ nghĩa quốc xã, Jaspers bị dày vò ghê gớm trước những thảm cảnh của con người và trước mối đe dọa hủy diệt nhân tính của các chế độ cực quyền. Tuy chia sẻ với Heidegger - như ta sẽ thấy - về sự cần thiết phải quy chiếu đến một “Tồn tại bao trùm”, một cái gì “siêu việt” khỏi sự hiện hữu đơn thuần vật chất, nhưng trong cách lập luận, Jaspers có nhiều khác biệt với Heidegger. Thay vì “ưu tư về Tồn tại” như lời khuyên của Heidegger, Jaspers tập trung vào mối “ưu tư về chính chúng ta”, về thân phận cụ thể, hiện thực của con người, với những điều kiện sinh tồn, những cơ hội thực hiện tự do để khắc phục những lầm lạc về chính trị và lịch sử. Jaspers viết: “Chúng ta đi tìm thuyết nhân bản tương lai xuất phát từ mối ưu tư về chính bản thân mình, về con người đương đại (…). Tương lai không diễn ra một cách nhân quả tất yếu như là sự biến của cái tồn tại, trái lại, thông qua những gì được làm và được trải nghiệm từ sự tự do trong giây phút hiện tại. Ý nghĩa của vô vàn những hành động nhỏ nhặt, của mỗi quyết định và sự thực hiện của từng cá nhân riêng lẻ là không thể lường hết được. Tôi tra hỏi về nguồn gốc ngay trong sự tự do của con người. Tôi kêu gọi ý chí của chúng ta (…). Thuyết nhân bản không phải là mục tiêu tối hậu. Nó chỉ tạo nên cái không gian tinh thần, trong đó mỗi người chúng ta có thể và cần phải phấn đấu cho sự độc lập tự chủ của chính mình”.

Từ mối “ưu tư về chính chúng ta”, Jaspers hoài nghi và phê phán mọi lời hứa hẹn về sự “giải phóng con người” của các lý thuyết độc đoán, kể cả của phân tâm học, khi chúng xem nhẹ cuộc đấu tranh cho “sự độc lập” nội tâm của con người. Ý tưởng của Jaspers về thuyết nhân bản như một “không gian tinh thần” hơn là một mục tiêu tối hậu vẫn còn có sức gợi mở rất lớn.

-        Victor Klemperer, chiến sĩ chống phát xít, có thể xem là đại diện cho tiếng nói lạc quan của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sau 1945 về thuyết nhân bản. Các “Nhật ký trong tù” và nhất là diễn từ nổi tiếng của ông vào năm 1953([1]) nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa thuyết nhân bản cũ và mới. Theo Klemperer, “thuyết nhân bản cũ” định hình ở thời Phục Hưng từ thế kỷ 14 là có tính đặc tuyển và quý tộc, còn “thuyết tân-nhân bản” thời Khai minh từ thế kỷ 16 cũng chỉ có giá trị cho một thiểu số ưu tú. “Thuyết nhân bản mới”, theo Klemperer - khởi đầu từ Cách Mạng tháng 10 Nga, ngược lại, có giá trị cho tất cả mọi người. Theo đó, về mặt lịch sử tư tưởng, Klemperer cho rằng thuyết nhân bản cũ dựng nên sự đối lập giữa cá nhân và tập thể. Trong khi đó, thuyết nhân bản mới vượt qua sự đối lập ấy trong một “tổng hợp mới của tập thể”, nơi đó cống hiến của cá nhân phục vụ cho cái phổ biến. Thêm vào đó, cả sự đối lập tưởng như tự nhiên giữa văn hóa và văn minh/kỹ thuật cũng sẽ được vượt bỏ. Nói ngắn, thuyết nhân bản mới kế thừa, phát triển những di sản quá khứ và mang lại sự mới mẻ về chất cho tư tưởng nhân bản nói chung. Phiên bản của Klemperer đầy nhiệt tình và thiện chí. Nhưng, ông qua đời năm 1960, quá sớm để có thể chứng kiến những gì diễn ra sau đó.

2

Bây giờ, ta đến với hai phiên bản đầy ảnh hưởng của Sartre và Heidegger, đồng thời cũng là hai trong số các khuôn mặt triết gia tiêu biểu nhất của thế kỷ 20. Khó tìm thấy ở đâu hai hình ảnh tương phản đến như thế.

Sartre là đại trí thức, sinh ra, hoạt động và qua đời ở kinh đô Paris hoa lệ giữa hào quang rực rỡ của một ngôi sao sáng. Heidegger suốt đời gắn bó với làng quê xa xôi ở rừng Đen, sống lâu dài ở làng nhỏ Todtnauberg, gần quê hương Messkirch, nơi ông sinh ra và an nghỉ. Đại học Freiburg là nơi xa nhất của ông. Một giai thoại: khi được mời làm giáo sư ở Berlin, một lão nông khuyên ông: thôi, nên ở lại nhà! Heidegger nghe theo lời khuyên ấy của người bạn già.

Sartre không chỉ viết sách triết học mà còn viết tiểu thuyết, kịch, thậm chí soạn kịch bản, luôn sáng chói trong các mục thời sự trên báo chí. Heidegger, nổi tiếng với ngôn ngữ bí truyền như một “thương hiệu”, dù không mấy ai hiểu nổi. Sartre, mẫu hình của người trí thức dấn thân, nồng nhiệt tham gia các nhóm kháng chiến; về sau, sẵn sàng đồng hành với các phong trào cánh tả và cực tả, trở thành một “quyền uy” bất chấp những hành vi có thể bị xem là phạm pháp! Lại một giai thoại: trong cao trào chống chiến tranh Algérie, tương truyền De Gaulle đã nói về Sartre: không ai thể bắt giữ một… Voltaire! Paris tràn ngập màu đen của năm vạn người đưa tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Heidegger, sau bước đi sai lầm vì đã cộng tác với chế độ quốc xã - với bài diễn văn khét tiếng khi nhậm chức Viện trưởng Đại học Freiburg 1933/34 - đã giữ thái độ im lặng kiêu kỳ và khó hiểu, sống cô đơn, âm thầm và ẩn dật ở Todtnauberg cho đến cuối đời.

Cả hai đều là những người con của một thế kỷ đầy biến loạn, không thể miễn nhiễm trước những thôi thúc, đảo điên của thế cuộc, nhưng đều sống trung thực với triết lý của mình: một bên trung thành với truyền thống duy lý và khai minh khởi đầu từ Descartes, một bên phê phán toàn bộ truyền thống siêu hình học Tây phương, muốn tạo nên một khởi đầu mới cho triết học bằng cách quay trở về với những nguồn cội của tư duy. Nhưng, cả hai có mối dây liên hệ sâu xa. Ta thử hỏi: ảnh hưởng quyết định nào của Heidegger lên Sartre? và sự “đoạn tuyệt” giữa Sartre và Heidegger đã diễn ra như thế nào trong bối cảnh ra đời hai luận văn: “Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản” (1945) của Sartre và “Lá thư về “thuyết nhân bản” (1946)([2]) của Heidegger? Sự “đoạn tuyệt” này, vô hình chung, đã định hình phiên bản triết học hiện sinh Pháp, phân ly thành hai con đường, hai cách tiếp cận khác nhau về vấn đề “con người”. Như sẽ trình bày, có thể mạnh dạn đưa ra nhận định rằng: Sartre đã triển khai thuyết nhân bản theo nét nghĩa của humanitas, nhấn mạnh đến khía cạnh tự do, tự quyết, trong khi Heidegger (từ “Lá thư về “thuyết nhân bản”) hướng đến tinh thần humilitas của sự khiêm hạ, đón đợi. Hai cách tiếp cận dẫn đến các hệ quả khác nhau, nhưng bổ sung cho nhau: thái độ “dấn thân” cho sự tự do và quyền tự chủ của cá nhân nơi Sartre và thái độ “ưu tư về Tồn tại” cho một cung cách tư duy “quy tưởng” (andenkend) nơi Heidegger. Một bên cổ vũ cho những “lựa chọn hiện sinh”, nhất là trong lĩnh vực chính trị xã hội; một bên mở đường cho những suy tưởng mới mẻ, sâu xa về thần học, tôn giáo, thi ca và cho triển vọng về cuộc đối thoại Đông-Tây. Những người đọc thuộc thế hệ những năm 1960-1970 thế kỷ trước - kể cả ở miền Nam nước ta - đều có cơ hội thể nghiệm hai cách tiếp cận phong phú ấy. Để dễ theo dõi, xin phác họa đôi nét về “lịch trình” của mối quan hệ (thường đơn phương, từ xa) giữa Sartre và Heidegger.

3

“Tồn tại và Thời gian”([3]), tác phẩm chính của Heidegger, ra đời năm 1927. Ảnh hưởng của Heidegger ở Pháp bắt đầu từ những năm 1930 (cùng với tư duy về sự hiện hữu, tiếp thu từ Kierkegaard, chẳng hạn của Jean Wahl và Gabriel Marcel, và từ diễn giải của Alexandre Kojève về quyển Hiện tượng học Tinh thần của Hegel từ 1933 - 1939). 1931 đã có một số công bố riêng lẻ của Heidegger trong các tạp chí Pháp về triết học. 1938, bắt đầu có những đoạn được trích dịch sang tiếng Pháp từ Tồn tại và Thời gian (nhất là về “ưu tư” và “cái chết”)([4]).

Sartre vừa tốt nghiệp trường École normale supérieure danh giá vào đầu thập niên 1930 và được bổ làm giáo viên trung học tại Le Havre (trước đó ông đã làm nghĩa vụ quân dịch trong một đơn vị về khí tượng, giống như Heidegger trong Thế chiến I). Qua người bạn là Raymond Aron (nhà triết học xã hội lớn sau này), Heidegger bắt đầu biết đến Husserl và hiện tượng học đang thịnh hành ở nước Đức láng giềng. Nhận được học bổng nghiên cứu một năm, Sartre sang Berlin từ mùa thu 1933 đến tháng 7.1934. Chàng triết gia trẻ trung (mới 28 tuổi) đắm mình vào triết học Husserl, không hề hay biết gì về nguy cơ chủ nghĩa phát xít đang hiển hiện ngay chung quanh mình.

Khi trở về Pháp, Sartre cho biết ông hầu như đã “kiệt lực” sau khi đọc Husserl và không còn đủ sức để tìm hiểu Heidegger: “Tôi đã bắt đầu với Heidegger và đọc được 50 trang, nhưng thuật ngữ khó khăn của Heidegger đã làm tôi nản lòng”. Ông viết thêm trong nhật ký: “Sai lầm của tôi là đã tưởng rằng có thể học hai triết gia lớn ấy lần lượt tiếp theo nhau, giống như lần lượt nghiên cứu các quan hệ ngoại thương giữa hai nước Âu Châu!”.

1938 ra mắt tiểu thuyết lớn - có thể là lớn nhất - của Sartre: Buồn nôn. Ông nhận định vào năm 1939 rằng Buồn nôn là một tác phẩm “sặc mùi” Husserl, và thật ngượng ngùng khi thú nhận rằng mình đã trở thành “tín đồ” của Heidegger. Đây là dấu hiệu đầu tiên của việc Sartre chuyển sự quan tâm từ Husserl sang Heidegger: “Dường như những tư tưởng rõ ràng nhất của tôi đều là một ấn bản mới của Heidegger”. Ông thú nhận đã diễn đạt rườm rà những gì Heidegger chỉ cần viết trong 10 trang giấy! Nhưng, với Sartre, đó thật sự là một sự “giải phóng về tinh thần”. Từ nay, ông thấy rõ và tự tin vào con đường suy tưởng của mình. Nhờ đọc Heidegger!

Thật bất ngờ khi làm tù binh trong trại giam của phát xít Đức ở Trier, Sartre được một linh mục lén lút cho mượn một bản Tồn tại và Thời gian và ông thật sự có thời gian để đọc kỹ tác phẩm này. Năm 1940, Sartre ghi lại: “Trong thời gian qua, ảnh hưởng của Heidegger đối với tôi có khi diễn ra như là định mệnh, vì ông đã dạy cho tôi về “tính đích thực” và “sử tính” đúng vào thời điểm cuộc chiến tranh buộc tôi phải bận tâm đến các khái niệm ấy. Chỉ cần tưởng tượng rằng mình đã bắt đầu mà không có những công cụ này, tôi đã thấy sợ. Tôi đã tiết kiệm được biết bao thời gian”.

1943, trong Paris bị chiếm đóng, lần đầu công diễn vở kịch “Ruồi” của Sartre (ẩn dụ bằng hình tượng cổ đại để chống lại quân Đức chiếm đóng). Cùng năm, ra mắt tác phẩm chính của Sartre “Tồn tại và Hư vô”([5]), mà ngay từ nhan đề đã cho thấy hình bóng “Tồn tại và Thời gian” của Heidegger.

1945 có cơ hội gặp gỡ lần đầu tiên giữa Sartre và Heidegger nhưng thất bại. Thời gian này, Heidegger đang gặp khó khăn lớn: do quá khứ dính líu với chủ nghĩa quốc xã, Heidegger phải trải qua thủ tục “thanh lọc” của đại học, bị cấm giảng dạy trong 5 năm. Ông hy vọng vào sự giúp đỡ của lực lượng Pháp đang cùng đồng minh chiếm đóng nước Đức hậu chiến. Frederic de Towarnicki, một người ngưỡng mộ Heidegger và phổ biến tác phẩm của Heidegger ở Pháp, giúp ông liên lạc với các nhà hiện sinh Pháp. Heidegger tỏ ra thích thú khi đọc Tồn tại và Hư vô của Sartre qua tay của Towarnicki, đặc biệt phần mô tả “hiện tượng học” về nghệ thuật trượt tuyết của Pháp như một cách “chiếm lĩnh” thực tại, vì bản thân Heidegger cũng là người rất say mê môn trượt tuyết! Một cuộc gặp gỡ được dàn xếp ở Baden - Baden (Thụy Sĩ), nhưng bất thành vì lý do kỹ thuật: du hành vào khu vực chiếm đóng của quân Pháp lúc bấy giờ là hết sức khó khăn, vừa thiếu giấy tờ, vừa thiếu chỗ trên tàu hỏa!

Ngày 28.10.1945, Heidegger viết một lá thư khác thường cho Sartre, ca ngợi Sartre là người thật sự hiểu ông và hầu như là bạn đồng hành về triết học. Bức thư rất thành khẩn, tuy không che giấu hy vọng của ông về thiện chí của phía Pháp và mong muốn rằng sự đồng điệu về triết học sẽ giúp vượt qua những dị biệt về chính trị trong quá khứ. Heidegger kết thúc lá thư bằng lời mong mỏi có dịp cùng nhau trượt tuyết và đàm luận triết học để “làm rõ” một số câu hỏi cơ bản, và: “Tôi thân chào Ông như là kẻ đồng hành và kẻ mở đường!”([6])

Chỉ một ngày sau bức thư, Sartre đọc bài diễn văn nổi tiếng và đầy ảnh hưởng: “Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản”, một bài nói góp phần quảng bá sâu rộng triết hiện sinh trên thế giới.

Một năm sau đó, “Lá thư về “thuyết nhân bản” (1946) của Heidegger được công bố như là câu trả lời gián tiếp nhưng mang tính phủ định mạnh mẽ đối với các luận điểm của Sartre, đánh dấu sự đoạn tuyệt giữa hai người về mặt triết học. Lý do sâu xa dường như đến từ sự chuyển biến tư tưởng sâu sắc của bản thân Heidegger. Đây là dịp để Heidegger chính thức giới thiệu “khúc quanh” (Kehre) trong tư tưởng của ông hơn là vì những lý do ngoại tại khác.

Rút cục hai người vẫn có dịp gặp nhau vào năm 1952 trong những hoàn cảnh hoàn toàn khác, tiếc rằng khá lạnh nhạt, do bị phủ bóng bởi sự rạn nứt về tư tưởng sáu năm về trước.

4

Ảnh hưởng quyết định nào của Heidegger đối với Sartre cho tới 1945? Trước hết, cần trở lại với bối cảnh tinh thần vào những năm 1920 thế kỷ trước. Ở nước Đức của nền cộng hòa Weimar, thế hệ trẻ không còn tìm thấy hứng thú hay định hướng nào từ nền triết học trường ốc khô khan, xơ cứng, chìm đắm trong hệ thống những khái niệm vô vị của trường phái Kant mới, chỉ tập trung vào các vấn đề nhận thức luận và khoa học luận, xa rời đời sống hiện thực. Heidegger đã thực sự làm một cuộc cách mạng trong triết học.

Heidegger triết lý từ những sự việc thông thường hàng ngày, chẳng hạn việc tôi sử dụng một chiếc búa, một đôi giày, để từ đó suy ra mối quan hệ thiết thân của con người với sự vật và thế giới. Những hiện tượng của đời sống thường ngày được tiếp cận bằng ngôn ngữ mới mẻ, không bị xuyên tạc hay tô điểm bởi những thuật ngữ triết học chuyên ngành, dù bản thân Heidegger rất am tường. Ông không xuất phát từ những mối quan hệ chủ thể - khách thể trừu tượng, không phát triển tư duy từ những khái niệm thuần túy, trái lại, giống như thầy của ông là Husserl - bằng hiện tượng học - tập trung vào việc nhìn sâu vào những hiện tượng - tức những trải nghiệm về những gì chính sự vật trình hiện ra cho ý thức, chưa bị che phủ hay làm méo mó bởi những khái niệm trừu tượng của khoa học hay triết học.

Lần đầu tiên, trung tâm điểm của triết học không phải là những bản chất trừu tượng - mà Husserl vẫn còn quan tâm - mà là hiện hữu của con người, là đời người với tất cả mọi xúc cảm, cảnh trạng, lo âu, sợ hãi, dằn vặt, hy vọng, thất vọng… Con người không còn là khái niệm trừu tượng mà là sự hiện hữu cụ thể, xương thịt của từng mỗi cá nhân trong thời gian, giữa cuộc đời.

Phân tích pháp về Dasein (tức về thực tại người) còn là sự cảnh tỉnh trước sự tha hóa của con người, là sự phê phán của thời đại đối với sự hời hợt bì phu của nền văn minh hiện đại, nhưng không phải với óc hoài cổ, thủ cựu, trái lại, muốn mở ra một khởi đầu mới, dù chưa thể biết cuộc du hành sẽ dẫn chúng ta đến đâu. Cách đặt vấn đề như thế có sức thu hút đặc biệt đối với Sartre!

5

Ta hãy thử đến với tác phẩm Tồn tại và Thời gian của Heidegger qua đối nét chủ yếu của nó, chỉ trong chừng mực có quan hệ với Sartre sau này.

Tác phẩm lừng danh này xoay quanh câu hỏi về “ý nghĩa của Tồn tại”. Ý nghĩa của Tồn tại tất nhiên trước hết là nội dung ngữ nghĩa của khái niệm rất quen thuộc nhưng cũng rất phức tạp, đó là khái niệm “Tồn tại”. Nhưng, “ý nghĩa” ở đây cũng còn có nghĩa quy phạm như là mục tiêu và giá trị của Tồn tại.

Từ câu hỏi ấy, làm sao Heidegger có thể đi đến sự hiện hữu của con người như là nội dung cốt lõi của tác phẩm? Theo Heidegger, trước khi trả lời, ta phải đi đến với câu hỏi trước đã. Để hỏi cho đúng cách, ta phải xét đặc điểm riêng có của người hỏi, tức của con người. Sinh vật duy nhất trên thế gian có thể đặt câu hỏi về ý nghĩa của Tồn tại chính là con người, đồng thời, ai đặt câu hỏi về Tồn tại, người đó mặc nhiên đã mang theo mình một cách hiểu nhất định nào đó về Tồn tại ngay trong sự Tồn tại của mình. Con người - Heidegger đề nghị dùng từ Dasein một cách trung tính để khỏi bị vướng mắc với mọi di sản lý thuyết -, là cái tồn tại duy nhất, ngoại lệ ở trong thế gian mà ta không thể “gác lại” sự hiện hữu sống thật, khác cơ bản với cách làm của Husserl đối với mọi sự vật nhằm tập trung đi tìm “bản chất” của chúng.

Thế nhưng, Heidegger không xem con người và sự hiện hữu của con người là mục tiêu tối hậu của sự nghiên cứu, trái lại, nghiên cứu về con người chỉ là một bước tập dượt (Vorübung) để thực sự hiểu được cái mà Heidegger gọi là “Tồn tại”. Điểm xuất phát là một hình thức nhất định của Tồn tại, đó là Dasein của con người, và đó là điểm xuất phát tất yếu và duy nhất khả hữu, nhưng chỉ là phương tiện hỗ trợ để hiểu “Tồn tại” là gì.

Hướng đi độc đáo ấy của Heidegger không còn xuất phát từ sự vật theo mô hình truyền thống, trong đó con người cũng được hiểu như là “sự vật”, như là “đối tượng” trên đường tìm hiểu Tồn tại, mà hoàn toàn ngược lại: cần phải tiến hành mô tả, phân tích về thể cách tồn tại hoàn toàn đặc biệt của con người - với những gì chỉ riêng có nơi con người: ý thức, xúc cảm, cảnh trạng, ý hướng, sự ưu tư, sự lo âu, sợ hãi…, và xem tất cả những đặc điểm ấy là chìa khóa để hiểu về cuộc đời, về thế giới. Heidegger gọi đó là “phân tích pháp về Dasein” hay “bản thể học nền tảng”.

Đời người - tức Dasein, hay sự hiện hữu của con người chúng ta, như cách nói của Heidegger - chỉ thành tựu, khi ta thực sự nắm bắt những khả thể riêng biệt nhất của ta, thay vì để tan chảy, tiêu biến trong sự bận rộn hàng ngày, trong sự phục tùng hay xu thời một cách vô tri, thiếu suy xét, phản tỉnh về tất cả những gì ta suy nghĩ và hành động.

Trong sự phân tích về đời người (Dasein), Heidegger nhấn mạnh đến tính thứ nhất, đến “ưu thế” của hiện hữu so với bản chất. Khác với sự vật, con người (Dasein) không bị quy định bởi một tồn tại, một bản chất hay một định nghĩa cố định nào cả - hay, nói giản dị, không có một “lý tưởng” có sẵn nào để con người có thể hiện thực hóa ít hay nhiều. Không, có thể nói, bản chất của con người là không có bản chất nào hết! Theo cách nói của Heidegger: “Bản chất của Dasein nằm ở trong chính sự hiện hữu của Dasein”. Nếu muốn nói Dasein “là gì” (essentia: bản chất), ta phải đi đến với sự tồn tại hay hiện hữu (existentia) của Dasein, chứ không có cách nào khác. Vậy, tính thứ nhất hay “ưu thế” của “existentia” so với “essentia” là một trong những đặc điểm cơ bản của Dasein.

Để mô tả, tìm hiểu sự vật hay thực tại nói chung, ta cần có những phạm trù. Phạm trù là bộ khung khái niệm như là những công cụ tư duy của ta. Aristoteles nêu ra 10 phạm trù; Kant 12 phạm trù, Hegel với số lượng bất định… Chúng đều là những thành tựu lớn lao của trí tuệ con người qua lịch sử, thậm chí có thể nói, phạm trù vươn đến đâu, sự tự do của con người cũng vươn đến đấy. Nhưng, liệu ta có thể dùng những phạm trù (chẳng hạn: bản thể, lượng, chất, tương quan, tình thái…để chỉ kể vài phạm trù tiêu biểu) để mô tả và hiểu thực tại của con người (Dasein) hay không? Tất nhiên là được, trong chừng mực con người cũng là “vật thể”, nhưng hoàn toàn không đủ, nếu không nói là… trật chìa! Vậy, phải đi tìm những “phạm trù” kiểu khác, được Heidegger gọi là những phổ sinh (Existentialien). Nói một cách giản dị (không theo cung cách… “Heidegger”!), Dasein mang năm phổ sinh hay năm khái niệm (sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Sartre):

1.      tính cá nhân: Dasein luôn là cái gì của riêng tôi, riêng phần tôi, không ai khác có thể đại diện được, và tôi không đơn thuần chỉ là một “đơn vị” thuộc một chủng loài. Heidegger gọi là “tính riêng tôi” (“Jemeinigkeit”).

2.      tính tiềm năng: Dasein là khả thể, hướng về tương lai, không bao giờ bị hoàn toàn cột chặt vào một thực tại nào. Con người luôn “bị ném vào một hoàn cảnh nào đó”, tức bị động, nhưng lập tức chủ động “dự phóng” một hành động để ứng phó. Nếu việc bị ném vào một hoàn cảnh là kích thước quá khứ, còn dự phóng là kích thước tương lai, thì hiện tại là sự dằn co, chọn lựa trước nhiều khả thể. Quá khứ, hiện tại, tương lai cũng là ba kích thước của thời gian.

3.      tính phản tỉnh: Dasein tự quan hệ với chính mình, là cái tồn tại duy nhất biết tra hỏi và bận tâm đến sự Tồn tại của mình.

4.      tính ngữ cảnh: Dasein luôn quan hệ với một ngữ cảnh nhất định, với một “thế giới” trong đó mình vốn đã tồn tại, chứ không phải đến với thế giới từ một khoảng không. Heidegger gọi là “tồn tại-trong-thế giới” hay “sống-ở-đời”.

5.      tính thực hành: Dasein quan hệ với thế giới không phải chủ yếu hay hàng đầu bằng cách quan sát dửng dưng, mà bao giờ cũng bằng hành động thực hành. Chính hành động từ sự ưu tư, lo toan, chăm sóc… đối với sự vật chung quanh mới mang lại ý nghĩa cho đời sống. Hoạt động đơn thuần lý thuyết là cái đến sau, khi hoạt động thực hành không còn bức thiết hay bị trục trặc, gián đoạn.

Còn bản thân “thế giới” - tức thế giới của sự vật - xuất hiện ra cho Dasein theo hai thể cách:

1.      như là “cái-cho-ta-sử-dụng”([7]): đây là mối quan hệ thực hành - chẳng hạn khi ta dùng cái búa để đóng đinh như dùng một vật dụng -, xuất hiện trong chân trời của những mối lo toan thực hành (“ưu tư”, “lo toan”/“Sorge”, theo nghĩa rộng, là khái niệm then chốt, hay đúng hơn, là “phổ sinh cơ bản” của sự hiện hữu của con người). Theo Heidegger, quan hệ thực hành với “cái-cho-ta-sử-dụng” là quan hệ hàng đầu, là cách tiếp cận thiết thân nhất của ta với thế giới chung quanh.

2.      như là “cái-có-đó”([8]): là sự tồn tại đơn giản, đứng ngoài mọi mối quan hệ thực hành. Cách tiếp cận đơn thuần lý thuyết hay quan sát “khách quan”, dửng dưng đối với những sự vật chỉ “có đó”, không gắn với lợi ích và quan tâm chỉ là cái đến sau, phái sinh. Đó chính là thể cách của lý thuyết và khoa học, khi ta tạm thời thoát ly khỏi áp lực của đời sống thường ngày, hay khi mối quan hệ thực hành bị gián đoạn, trục trặc. Chiếc xe máy là vật dụng gắn liền với ta như đôi chân nối dài, thường không được lưu ý, và chỉ trở thành “đối tượng” của sự quan sát “khách quan”, thuần túy lý thuyết, khi bị hỏng hóc, hoặc, ở bình diện khác, trong quan hệ thẩm mỹ khi xuất hiện trong tác phẩm nghệ thuật.

Đời sống của ta thường diễn ra trong thể cách của cuộc sống thường ngày, tức trong cái gì bình thường, trung bình, không được chú ý. Đời sống thường ngày là sự cùng-tồn tại với người khác, cái khác hơn là sống thật với chính mình. Trong đó ngự trị yếu tố được Heidegger gọi là cái “người ta”, chẳng hạn trong các cách nói: “người ta không ai làm thế!” hay “người ta ai cũng nghĩ thế!”… trong tất cả những gì liên quan đến cách ứng xử “thời thượng”. Đó là sức mạnh vô danh của đám đông, của “công luận” buộc con người phải tuân phục và xếp hàng.

Yếu tố phê phán văn hóa của Heidegger nổi bật với nhận định này. Việc “cùng tồn tại” với người khác - qua thước đo của cái “người ta” - vừa cất đi gánh nặng của việc tự chịu trách nhiệm, đồng thời cũng tước bỏ những khả thể riêng biệt của hiện hữu con người.

Vậy, đâu là lối thoát, là giải pháp? Chính là những hoàn cảnh sinh tồn buộc con người không thể tránh né hay trốn chạy, khi con người đột nhiên thấy mình đứng trước “hư vô”. Những ảo tưởng về sự an toàn, thoải mái cũng đột nhiên biến mất. Con người - từ cuộc sống “không đích thực” trước nay - quay trở về lại với sự hiện hữu “đích thực” của chính mình (trong từ “sự đích thực”/ “Eigenlichkeit có gốc từ “eigen”: “riêng mình”, “chính mình”). Có ba “hoàn cảnh ranh giới” có thể thức tỉnh và dẫn con người đến sự hiện hữu đích thực:

1.      sự sợ hãi (trước toàn bộ cuộc đời, về toàn bộ tồn tại) chứ không chỉ là sự khiếp sợ (trước một mối đe dọa cụ thể, nhất định nào);

2.      cái chết (ý thức rằng ta là hữu hạn, ta có thể không còn tồn tại, không chỉ về lý thuyết mà là sự cảm nhận hiện thực, không phải cho bất kỳ ai đó mà cho chính bản thân tôi);

3.      lương tâm (tiếng gọi ray rức, tra vấn của “lương tâm” như là một trong những hiện tượng cốt yếu của hiện hữu con người).

Việc lấy những vấn đề có tính sinh tồn làm điểm xuất phát của triết học chứ không phải hàng đầu là những vấn đề lý thuyết trừu tượng chính là chỗ đồng điệu, đồng cảm sâu xa giữa Heidegger và Sartre.

6

Trong “Tồn tại và Hư vô”, Sartre đã tiếp thu và phát triển những gì từ “Tồn tại và Thời gian” của Heidegger? Trong tác phẩm dày cộp, hơn 700 trang giấy này, Sartre phân biệt rạch ròi sự “tồn tại-tự-mình” (“être-en-soi”) và “tồn tại-cho-mình” (“être-pour-soi”). Về thuật ngữ, Sartre vay mượn thuật ngữ của Hegel (“tồn tại-tự-mình”/Ansichsein và “tồn tại-cho-mình”/Fürsichsein), nhưng về nội dung, mang đậm sự phân biệt của Heidegger giữa sự “có-đó” đơn thuần của sự vật và bên kia là Dasein, là hiện hữu có ý thức của con người:

-        “Tồn tại-tự-mình” là tồn tại của sự vật, của những đối tượng. Có thể nói đó là lĩnh vực của sự khách quan nói chung. Những đối tượng này đơn thuần có-đó đúng như bản thân chúng. Chúng không có khả thể, không có tự do, không có ý thức, bị quy định triệt để. Chúng không có quan hệ với sự Tồn tại của chúng, chúng không làm chủ, không “chiếm hữu” sự Tồn tại của chính mình:

“Đối tượng không “chiếm hữu” Tồn tại, và sự hiện hữu của nó không phải là sự tham dự vào Tồn tại, cũng như không có bất kỳ một loại quan hệ nào. Nó “có đó”, đó là thể cách duy nhất để người ta có thể định nghĩa nó”.

Cái “tự-mình” hoàn toàn trùng khít, trùng hợp với chính nó, hay, nói cách khác, là sự dày đặc, không có khe hở, không có sự đứt đoạn:

“Cái tự-mình đơn giản chỉ là chính nó, và ta không thể nào hình dung có sự dày đặc nào toàn diện hơn, có sự ngang bằng nào hoàn hảo hơn giữa nội dung và cái chứa đựng nội dung cho bằng cái tự-mình”.

Đối lập với cái tự-mình là cái cho-mình. Trái với cái tự-mình, cái cho-mình có thể “hành xử” với chính mình. Heidegger từng gọi đó là Tồn tại  sự Tồn tại của chính mình. Theo Sartre, cái cho-mình có thể tự siêu việt, tự vượt bỏ chính mình bằng cách có “quan hệ” và biết “hành xử” với thế giới, với cuộc đời và với những người khác.

Cái cho-mình chủ yếu là “dự phóng” (projet). Heidegger từng nói về cấu trúc song đôi “bị ném vào một hoàn cảnh” và “dự phóng” (Entwurf) như là đặc điểm của Dasein. Với Sartre, Tồn tại của con người là dự phóng về chính Tồn tại của mình. Con người không tiêu biến trong cái hiện tồn, mà luôn dự phóng về tương lai. Con người có những khả thể, có sự lựa chọn, có năng lực tự phê phán, chứ không đơn giản tự đồng nhất với chính mình như cái tự-mình của sự vật. Nhờ đâu mà cái cho-mình có được năng lực dự phóng? Theo Sartre, đó là nhờ cái hư vô như là lỗ hổng trong sự dày đặt của tồn tại, giải phóng khả thể và sự tự do của con người. Ở đây, Sartre tiếp thu động từ “hư vô hóa” (nichten/anéantir) của Heidegger. Khi cái cho-mình hướng đến tương lai bằng dự phóng (viễn tượng, kế hoạch, chờ đợi, hy vọng…), nó “hư vô hóa” chính quá khứ của mình, bây giờ đã bị hạ thấp xuống thành cái tự-mình (vô khả thể). Nói khác đi, ta luôn có những lựa chọn khác. Ta có thể thế này hoặc thế khác, lựa chọn làm hoặc không làm. Khả thể của sự phủ định, của việc “nói không” tạo nên sự tự do của ta. Không có năng lực “nói không”, ta đánh mất sự tự do của mình. “Hư vô” không đối lập hay ở bên ngoài “Tồn tại”, mà “ở ngay trong lòng Tồn tại, trong trái tim của nó, như con sâu [trong trái táo]”.

Vậy, những tình cảm tưởng như phủ định, tiêu cực lại mang ta đến với tự do, giống như sự lo âu, sợ hãi nơi Heidegger: “trong sự sợ hãi, con người nắm bắt ý thức về sự tự do của mình”. Những tình cảm có tính phủ định, tiêu cực ban đầu ấy có thể trở nên khẳng định, tích cực, giúp hình thành hành động đối thoại, đoàn kết, vượt qua sức mạnh vô danh của cái “người ta”.

Con người là cuộc đấu tranh liên tục để bảo vệ cái tồn tại-cho-mình, không để bị hạ thấp xuống thành cái tồn tại-tự-mình, trở thành đối tượng chết cứng, thành sự vật vô khả thể. Những mô tả (hiện tượng học) xuất sắc của Sartre trong Tồn tại và Hư vô về “cái nhìn”, về “sự xấu hổ” minh họa đậm nét điều này. Khi “bị nhìn”, khi “bị xấu hổ”, ta bị người khác biến thành “cái tự-mình”, thành một tồn tại chết cứng, mất hết sự tự do lựa chọn, mất hết “vị trí” trung tâm, bởi phải nhìn nhận những cái cho-mình khác. Câu nói khét tiếng của Sartre: “Địa ngục là người khác” trong vở kịch Huis clos không nói lên sự thù địch với con người mà muốn nói đến nguy cơ thường trực bị “sa đọa” thành cái tự-mình vô khả thể.

Từ sự phân biệt cơ bản giữa cái tự-mình và cái cho-mình - thông qua khái niệm về hiện hữu của Heidegger với các đặc trưng là dự phóng, khả thể và thực hành -, Sartre phát triển một triết học về sự tự do và dấn thân dưới danh hiệu “thuyết hiện sinh vô thần”, trong hình thức văn nghệ (vở kịch “Ruồi”, 1943), và trong hình thức nghị luận triết học (“Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản”, 1945).

7

Trong vở kịch “Ruồi”, Sartre mượn câu chuyện cổ đại về Oreste để nhấn mạnh năng lực tự do lựa chọn của con người. Egiste và Clytemnstre hạ sát vua Agamemnon (chồng của Clytemnstre) rồi cùng cai trị. Oreste trở thành kẻ báo thù cho cha. Thần Jupiter muốn cảnh báo âm mưu này cho Egiste. Lời nói của thần Jupiter với vị vua soán ngôi: “Bí mật đau đớn của thần linh và vua chúa là: con người là tự do. Họ tự do, Egiste ạ! (…) Một khi sự tự do bùng cháy trong tâm hồn con người thì không thần linh nào còn có thể chống lại họ”. Oreste lấy quyết định, rồi hành động, để thể hiện sự tự do của mình. Trong “Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản”, Sartre triển khai mối quan hệ giữa tự do, chọn lựa, quyết định và hành động. Ý tưởng nổi tiếng nhất trong luận văn này là khẳng định rằng “hiện sinh đi trước bản chất” (ta nhớ lại tính thứ nhất của “existentia” so với “essentia” của Heidegger).

Ví dụ dễ hiểu của Sartre: một con dao rọc giấy sở dĩ ra đời (hiện hữu) là nhờ có bản chất được quy định từ trước (ý định, tính chất, mục đích của con dao nơi người sản xuất).

Nếu chấp nhận có Thượng đế sáng tạo thì tất cả - kể cả bản thân ta - sẽ được hiểu theo mô hình của con dao. Nếu không chấp nhận có Thượng đế sáng tạo, thì bản chất không còn có thể đi trước hiện hữu được nữa:

“Thuyết hiện sinh vô thần […] tuyên bố rằng, nếu Thượng đế không tồn tại thì có ít nhất một hữu thể nơi đó hiện hữu đi trước bản chất, một hữu thể hiện hữu trước khi có thể được định nghĩa bằng một khái niệm nào đó, và rằng hữu thể này là con người, hay, như Heidegger nói, là thực tại-người. Hiện hữu đi trước bản chất có nghĩa là gì? Có nghĩa rằng con người trước hết hiện hữu, gặp gỡ nhau, xuất hiện ra trong thế giới và, theo đó, tự định nghĩa mình”.

Con người là những gì do chính con người tạo ra: con người quyết định tương lai của mình, con người trước hết là “dự phóng”. Nhưng đồng thời, “con người chịu trách nhiệm về hiện hữu của mình”. Bởi không có một quyền uy, một thế lực nào đứng bên trên để quyết định và chịu trách nhiệm hộ cho ta cả. Trách nhiệm này còn đi xa hơn nhiều: cá nhân chịu trách nhiệm cho mọi người khác! Vì sao? Vì trách nhiệm được thực hiện trong quyết định, tức trong việc lựa chọn hành xử theo một cách thế nào đó, và có nghĩa là lựa chọn làm người theo một “kiểu người” nào đó (hay tự mang lại cho mình một “bản chất”). Như thế, con người gắn mình vào những người khác: khi tôi lựa chọn, tôi dự phóng một hình ảnh nhất định về con người. Khi tôi chọn kết hôn, tôi gắn mình với chế độ một vợ một chồng: “Khi tôi lựa chọn, tôi lựa chọn những người khác”. Một ví dụ thời sự khác về sự lựa chọn và quyết định cá nhân: một chàng sinh viên Pháp phải lựa chọn giữa việc trốn sang Anh để tham gia cuộc kháng chiến chống phát xít đang chiếm đóng đất nước mình hoặc ở nhà để chăm sóc người mẹ già yếu mà anh là chỗ dựa duy nhất. Không có “đạo lý” có sẵn nào giúp được cho anh ấy cả, bởi ở đây có hai loại đạo lý. Chọn cái nào là tùy mình quyết định. Cũng không ai có thể khuyên bảo hay thuyết phục, ngoại trừ sự tự quyết của chính mình.

Trách nhiệm nặng nề khi tự lựa chọn - gắn mình với một cách thế hiện hữu nào đó - gạt bỏ sự tùy tiện, tự phát, vô ý thức. Mặt khác, sự tự lựa chọn không phải là công việc thuần túy tinh thần. Nó chỉ thể hiện trong hành động, như Jean Cocteau từng nói: không có tình yêu (nói chung) mà chỉ có những bằng chứng của tình yêu! Nơi Sartre: không có tình yêu nào ngoài việc hiện thực hóa nó. Con người là cuộc sống, là cuộc đời của chính mình (ta nhớ đến sự ưu tiên của quan hệ thực hành với cuộc đời so với thái độ thuần túy lý thuyết, nơi Heidegger). “Con người bị kết án phải tự do” là câu đúc kết đặc sắc về mối quan hệ giữa tự do và trách nhiệm, khi con người không còn có thể dựa dẫm vào một thế lực xa lạ nào khác, ngoài việc phải tự vác lấy cây thập giá của đời mình.

Bởi tất cả xoay quanh “tính đích thực” (authenticité), tương phản với sự giả dối, ngụy tín, điều mà Heidegger đã nói về sự đích thực và không đích thực của hiện hữu, không trút gánh nặng trách nhiệm lên vai người khác, lên thế lực của cái “người ta” vô danh.

Trở lại với thuật ngữ “thuyết nhân bản”. Thuyết nhân bản là đề tài lớn ở Pháp lúc bấy giờ, khi triết hiện sinh bị ngộ nhận và chê trách là tiêu cực, muốn phá hủy tất cả, trong bối cảnh cần tái thiết sau thảm họa chiến tranh. “Buồn nôn”, “tuyệt vọng”… là những từ ngữ dễ gây nên sự thoái chí, nản lòng.

Sartre ý thức điều ấy, nên mạnh mẽ khẳng định trở lại vị trí trung tâm của con người và nhu cầu của con người thời đại phải đi tìm lại chính mình, trong hành động:

“Thuyết nhân bản là bởi vì chúng tôi nhắc nhở con người rằng ngoài mình ra, chẳng có một ai ban bố quy luật cho mình cả, và rằng ta phải tự quyết trong tình cảnh bị bỏ rơi này, và bởi vì chúng tôi cho thấy rằng không phải việc quay lại với chính mình mà chính việc luôn tìm kiếm một mục tiêu ở bên ngoài mình - để giải phóng, để thực hiện - mới làm cho con người có thể hiện thực hóa chính mình như là hữu thể-người”.

8

Heidegger gián tiếp trả lời diễn từ này của Sartre bằng “Lá thư về “thuyết nhân bản”” một năm sau đó, vào mùa thu 1946. Ở nước Đức bấy giờ, thuyết nhân bản cũng trở thành một khái niệm trung tâm, bởi truyền thống nhân văn Hy La và truyền thống nhân đạo Kitô giáo cần được phục sinh để chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa toàn trị, sau sự sụp đổ của chủ nghĩa quốc xã.

Cơ hội trực tiếp cho việc ra đời “Lá thư” của Heidegger không phải là diễn từ nói trên của Sartre mà là để trả lời câu hỏi của Jean Beaufret, triết gia Pháp, người có công phổ biến triết học Heidegger ở Pháp: “làm sao có thể mang trở lại một ý nghĩa cho từ “thuyết nhân bản”?

Thay cho câu trả lời tích cực, khẳng định, Heidegger, nhân cơ hội này, phê phán thuyết nhân bản trong toàn bộ truyền thống siêu hình học của nó từ Platon đến nay, nhất là sự “ngộ nhận” rằng triết học về sự hiện hữu của ông là một thuyết nhân bản theo nghĩa “lấy con người làm trung tâm” (anthropocentric). Không, Heidegger tuyệt nhiên không muốn gọi triết học về hiện hữu của mình là thuyết nhân bản, và nếu có chăng, thuyết nhân bản ấy phải mang một ý nghĩa hoàn toàn mới. Việc Heidegger đặt từ “thuyết nhân bản” trong dấu ngoặc kép ngay trong nhan đề Lá thư không phải là vô tình! Với ông, thuyết nhân bản, nói chung, không phải là giải pháp mà chính là vấn đề.

Chưa phải là chỗ thích hợp để có thể bàn sâu về Lá thư nổi tiếng của Heidegger, xin chỉ nói sơ qua bối cảnh của nó. Triết học Heidegger trải qua một “khúc quanh” (Kehre), từ bỏ mọi hình thức triết học lấy con người làm trung tâm. “Khúc quanh” từ hiện hữu của con người (Dasein) quay trở lại với bản thân Tồn tại (Sein). Trong Tồn tại và Thời gian (1927), Heidegger đã từng xem Dasein chỉ là bước chuẩn bị để bàn về câu hỏi lớn: ý nghĩa của Tồn tại nói chung. Nhưng đối với Heidegger hậu kỳ, ông vẫn chưa thể tìm ra cách nào để vượt qua bước chuẩn bị này để không bị “bế tắc”, bị “mắc kẹt” với Dasein. Đó có thể là lý do chủ yếu khiến tập II dự kiến cho Tồn tại và Thời gian đã không thể tiếp tục ra mắt. Vì thế, bây giờ cần một “khúc quanh”, hay đúng hơn, một sự quay ngược trở lại: không còn có thể hiểu Tồn tại từ Dasein (của con người), ngược lại, phải hiểu Dasein trong mối quan hệ của nó với Tồn tại.

Hạt nhân của tư duy mới là về bản chất của chân lý. Khái niệm về chân lý của Heidegger đã thay đổi căn bản từ sau Tồn tại và Thời gian. Chân lý không còn là cái gì mà con người có thể tạo ra bằng cách áp dụng các phạm trù hay bằng cách tuân thủ một hệ phương pháp nào đó. Chân lý, trái lại, là sự không che giấu (a-letheia) do bản thân Tồn tại mang lại như một sự biến (Ereignis). Bản thân Tồn tại - trong sự không che giấu - lại vừa ẩn giấu vừa khai mở, khiến cho Tồn tại của những cái tồn tại vừa khai mở ra, tỏ lộ ra trong một viễn tượng nào đó, đồng thời tự ẩn mình trong tiến trình khai mở ấy, tức bấy giờ không còn là vấn đề đối với con người, bởi con người chỉ cư lưu ở trong tiến trình được khai mở này, hay theo cách nói của Heidegger, ở trong vùng “khai quang” (Lichtung) của Tồn tại. Con người cần một sự tương ứng thích hợp để Tồn tại tiếp tục khai mở cho con người một viễn tượng khác. Tiến trình khai mở và ẩn giấu này được Heidegger gọi là “Chân lý của Tồn tại”.

Con người trong cách nhìn mới này, không còn được hiểu như là chủ thể chủ động, trái lại, “lắng nghe Tồn tại”. Tư tưởng Heidegger đã đi từ hành động của Dasein ở trong thế giới sang sự mở ngỏ của Tồn tại. Thay vì nói về Dasein như là bị ném vào một hoàn cảnh và dự phóng để đối phó, bây giờ nói về việc “đón nhận quà tặng” từ Tồn tại. Bây giờ không còn nói về “sự ưu tư” của Dasein mà về bổn phận canh giữ - như là “kẻ mục tử của Tồn tại”, hơn là “chủ nhân” của Tồn tại theo truyền thống siêu hình học. “Hiện hữu” (Existenz) bây giờ được hiểu theo nghĩa đen của từ nguyên là “đứng vào bên trong sự mở ngỏ của Tồn tại”, là cư lưu, là “ở” gần gũi với Tồn tại, như sẽ được tiếp tục triển khai trong luận văn độc đáo “Xây Ở Suy Tư” vào năm 1953.

Heidegger mở đầu “Lá thư về “thuyết nhân bản” với câu hỏi về hành động (cũng là câu hỏi tiêu biểu của Sartre). Nhưng, theo Heidegger, sẽ là sai lầm nếu hiểu hành động là “tác động” để tạo nên một cái gì. Hành động đúng nghĩa, theo ông, là “làm cho xuất lộ ra”, tức chỉ có thể làm xuất lộ những gì vốn đã có từ trước. Suy tư không phải là sự chuẩn bị cho hành động ngoại tại, cho việc tạo ra cái mới mà là để cho Tồn tại cất lên tiếng nói. Suy tư không được hiểu một cách công cụ theo nghĩa kỹ thuật để chuẩn bị cho hành động, mà như một cách nhìn mới, một thể cách ứng xử mới.

Sartre luôn coi trọng hành động. Heidegger nói ngược lại: vấn đề là hãy để cho Tồn tại có thể tồn tại, để cho sự vật hiện hữu đúng theo thể cách của nó. “Hãy để yên”, “hãy buông lỏng” (“Gelassenheit”) là định hướng mới.

Với Sartre, con người là tự do. Với Heidegger, các “phổ sinh” là khung cửa hẹp hạn định con người.

Với Sartre, điều hệ trọng là con người tìm lại được chính mình, tức nhận ra rằng, không còn có thể thừa nhận một quyền uy nào cao hơn con người. Nơi Heidegger, con người chỉ tìm được phẩm giá của mình bằng cách vượt qua tính chủ thể/chủ quan, tìm thấy chỗ dựa trong cái gì đó khá bí nhiệm, được ông gọi là “Tồn tại”. “Tồn tại” tuy không phải là thần linh, không phải là nền móng của thế giới như trong bản thể học - thần học cựu truyền, nhưng vẫn là cái gì gợi cho ta cảm trạng kính mộ, quy hướng. Nền siêu hình học về tính chủ thể cải biến thế giới bằng khái niệm và mục đích của con người, làm biến dạng Tồn tại khiến con người lãng quên Tồn tại và bị tồn tại rời bỏ (Seinsvergessenheit), một tư tưởng có lẽ hoàn toàn xa lạ với thế giới quan lịch sử của Sartre([9]).

Vì thế, theo Heidegger, bản thân khái niệm “thuyết nhân bản” cũng nên được từ bỏ, nếu hiểu “nhân bản” (humanitas) như là sự kiêu mạn của con người, nguồn gốc của mọi thảm họa trong thế kỷ 20. Ngoài ra, phê phán thuyết nhân bản không có nghĩa là đề xướng thuyết phản-nhân bản: theo Heidegger, sở dĩ chống lại thuyết nhân bản, vì thuyết nhân bản đánh giá không đủ cao về humanitas của con người!([10])

9

Phải chăng Sartre đã không lưu ý đến sự “dị biệt bản thể học” nơi Heidegger giữa Tồn tại và vật thể, để dễ dàng thay thế khái niệm “Thời gian” của Heidegger bằng khái niệm “Hư vô”, qua đó đánh đồng khái niệm “Tồn tại” của Heidegger với “cái-tự-mình” của vật thể, nên chỉ lấy hiện hữu của con người làm trung tâm chứ không phải là Tồn tại nói chung?

Nhiều dị biệt khác giữa Sartre và Heidegger có thể dễ dàng nhận ra trong cách hiểu khác nhau về các khái niệm then chốt: hư vô (và hư vô hóa), ý thức, tha nhân, cái chết v.v.. mà khuôn khổ bài viết không cho phép ta đi sâu hơn.

Chỉ biết rằng vào những năm về sau, Sartre ngày càng ít quy chiếu đến Heidegger và hầu như không còn đọc Heidegger kể từ đầu những năm 1950. Phía ngược lại, theo thông tin từ Jean Beaufret, Heidegger thực ra cũng không đọc nhiều hơn 100 trang của Tồn tại và Hư vô của Sartre. Dù khen ngợi Sartre về một vài đoạn lý thú, trước sau Heidegger chỉ nhìn thấy nơi Sartre một phiên bản thời thượng của chủ nghĩa chủ quan siêu hình học.

Đúng như nhiều người nhận xét, nếu quả thật có sự hiểu nhầm của Sartre về một số khái niệm cơ bản của Heidegger, đó quả thật là một trong những sự hiểu lầm thú vị và “bổ ích” nhất trong lịch sử triết học! ([11])

Dù sao, trên con đường vạn dặm của thuyết nhân bản, ta có thêm hai người bạn đồng hành vĩ đại, bởi nếu không có họ và nếu không được tiếp tục vun bồi, có lẽ chúng ta đã không được “gây men” để không ngừng suy tưởng về con người, sau bao thảm họa. Xin đừng quên: Tuyên ngôn phổ quát về nhân quyềnra đời năm 1948, chỉ ba năm sau diễn từ của Sartre, hai năm sau Lá thư của Heidegger, với câu mở đầu bất hủ: “Mọi con người đều được phú cho lý trí và lương tâm…”.

05.2015



([1])Victor Klemperer: “Thuyết nhân bản cũ và mới”/ “Der alte und der neue Humanismus”, diễn từ đọc tại Kulturbund Dresden, Aufbau-Verlag, Berlin 1953.

([2])M. Heidegger: “Lá thư về “thuyết nhân bản”/Brief über den “Humanismus”. Bản tiếng Việt của Trần Xuân Kiêm, 1974.

([3])M. Heidegger: Tồn tại và Thời gian/Sein und Zeit, Ấn bản lần thứ 19, Max Niemeyer Verlag Tübingen, 2006 (Toàn tập Heidegger, Tập 2), bản tiếng Anh: Being and Time (bản dịch 1962 của John Macquarrie và Edward Robinson, bản dịch 1996 của Joan Stambaugh; bản tiếng Việt: Trần Công Tiến, 2 tập, 1974.

([4])bản dịch đầy đủ sang tiếng Pháp (có chú thích) của François Vezin: Être et Temps, Gallimard, Paris, 1990.

([5])J. P. Sartre: L’Être et le Néant, Gallimard, Paris 1943; bản tiếng Anh của Hazel Barnes: Being and Nothingness, 1958, 2003 Routledge, London.

([6])dẫn theo Florian Roth, http://w.w.w. florian-roth.com, 3.4.2009.1.

([7])Zuhandenheit/ “readiness-to-hand”/handiness.

([8])Vorhandenheit/ “presence-at-hand”.

([9])Có nhiều ý kiến tán thưởng khái niệm “lãng quên Tồn tại/và bị Tồn tại rời bỏ” (Seinsvergessenheit) của Heidegger, nhưng cũng có ý kiến phê phán, xem đó là xu hướng thoái bộ, phản lý tính, phản văn minh, phản hiện đại (Dirk Mende: “Lá thư về “thuyết nhân bản”. Về các ẩn dụ của triết học hậu kỳ về Tồn tại/Brief über “den Humanismus”. Zu den Metaphern der späten Seinsphilosophie. Trong Dieter Thomä (chủ biên): Heidegger Handbuch. Metzler Verlag Stuttgart 2003, tr. 255) hoặc thu hẹp không gian của sự tự trị, sự tự ban bố quy luật của hành động con người, nếu “quy luật” (nomos) được bản thân Tồn tại “ban cho” (như một sự biến) (Jürgen Habermas, Diễn ngôn triết học về Hiện đại/Der philosophische Diskurz der Moderne, Frankfurt/M 1985, tr. 185). Heidegger, ngay trong Lá thư, đã dự đoán trước phản ứng này và cảnh báo việc rút ra những hệ luận (“chỉ thấy sự phủ nhận, tiêu cực của “chủ nghĩa hư vô”) từ tư tưởng của ông.

([10]) - Con người không phải là một “con vật có lý tính” theo định nghĩa truyền thống của thuyết nhân bản. “Bản chất của cái thần linh gần gũi với ta hơn là cái xa lạ của “con vật””. Lý do: con người  thế giới, còn con vật bị giam nhốt trong thế giới. Vì thế, con người nhận trách nhiệm là “người mục tử của Tồn tại”.

- “Thuyết nhân bản nào cũng dựa vào một nền siêu hình học hoặc trở thành cơ sở cho một nền siêu hình học. Bất kỳ sự xác định nào về bản chất của con người nhằm lý giải cái tồn tại mà không lấy câu hỏi về chân lý của Tồn tại làm tiền đề, dù biết hay không, đều mang tính siêu hình học (…) Đặc điểm của mọi siêu hình học là ở chỗ chúng mang tính “nhân bản luận”. Do đó, thuyết nhân bản nào cũng mang tính siêu hình học cả” (“Lá thư về “thuyết nhân bản”).

([11])“Lá thư về “thuyết nhân bản” của Heidegger đánh dấu lần tiếp nhận thứ hai tư tưởng của Heidegger tại Pháp (sau lần thứ nhất với Tồn tại và Thời gian). Lacan, Foucault, Lyotard và Derrida tiếp nối tư tưởng hậu-siêu hình học và hậu-nhân bản luận của Heidegger, giảm nhẹ kích thước của đạo đức học, nhường chỗ cho sự phê phán chủ thể và phê phán lý tính. Richard Rorty lại tìm thấy trong tư tưởng Heidegger “bộ công cụ” để tư duy. Ảnh hưởng của Heidegger cũng ngày càng mạnh ở Nhật Bản.

Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 05.11.2016

20170810. Dinh phu le

1. Dẫn nhập

Từ lâu, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình đã trở thành kí ức sâu đậm trong mỗi người Việt Nam: Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu (Ca dao).

Ngôi đình của làng nào đều có nét riêng, mang đậm dấu ấn lịch sử của làng đó. Đó là nơi thờ vị thần bảo hộ cho mỗi làng. Văn hóa làng xã Việt Nam được biểu trưng qua hình ảnh mái đình. Từ thời xa xưa đình có vai trò rất quan trọng đối với cả làng. Đình là nơi đặt trụ sở làm việc (nhà việc) của làng, mỗi khi có chuyện tranh cãi đều tìm đến đình để phân xử hay có việc hệ trọng gì cũng đều tập trung ra đình. Ngày nay, tuy đình không còn chức năng về chính trị nhưng vẫn có vai trò quan trọng: là nơi gởi gắm niềm tin, ước vọng của con người, cầu mong cho cuộc sống sung túc, no đủ hơn.

Trong cuộc sống hàng ngày, ngoài nhu cầu vật chất như ăn, mặc, ở… thì nhu cầu về tinh thần cũng rất cần thiết. Khi gặp vấn đề khó khăn thì con người thường tìm đến thần linh, chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp họ vượt qua. Sau khi khai phá vùng đất Nam Bộ - một vùng đất mới, đầy tiềm năng và khó khăn, nhu cầu tín ngưỡng của con người là rất lớn. Do đó, ở các làng hầu hết đều lập đình thờ một vị thần mà danh xưng chung gọi là Thành hoàng bổn cảnh. Triều đình nhà Nguyễn khuyến khích thành lập đình, thuộc hệ thống tế tự theo quốc điển của nhà nước phong kiến, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Theo Đại Nam thực lục chính biên: “đại đa số sắc thần ở Nam Bộ là sắc phong năm Tự Đức ngũ niên 1853, vua Tự Đức cấp một loạt 13.069 sắc thần cho cả nước” (Quốc sử quán triều Nguyễn, tr.132).

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng có nhiều ngôi đình thiêng liêng, có giá trị tinh thần đối với người dân địa phương, nhưng nổi trội là đình Phú Lễ. Đình Phú Lễ được xếp vào trong danh sách 18 ngôi đình lớn của tỉnh và lớn nhất huyện Ba Tri, “tác giả Văn Đình Hy cho biết, qua khảo sát các xã, Bến Tre có 18 ngội đình lớn, cụ thể ở các huyện như sau: huyện Ba Tri có các đình Phú Lễ, Phú Ngãi, Phước Tuy, Tân Thủy…” (Thạch Phương, Đoàn Tứ (cb), 2002, tr.909). Đình Phú Lễ tọa lạc ở ấp Phú Khương, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, thờ Thành hoàng bổn cảnh và các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn vùng đất này – biến vùng đất hoang vu, hẻo lánh thành làng mạc, ruộng đồng trù phú. Đình được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826) trên cơ sở ngôi đình bằng gỗ, lá; được sắc phong vào năm Tự Đức thứ 5 (1851) hiện vẫn còn được bảo quản. Thềm và móng được cấu trúc bằng đá xanh, bên trên xây gạch. Đình gồm tất cả 10 gian: 6 gian chính dính liền với mái và 4 gian phụ bố trí theo lối chữ “Đinh”. Đình chính gồm: nhà võ ca, viên đường, chánh đường và hậu đường. Cột đình bằng gỗ lim, đường kính 40 cm. Tất cả các chi tiết gỗ của đình được kết nối với nhau bởi ngàm, miệng nêm chốt. Các cột, kèo gắn với nhau bằng lỗ mộng và nêm, chứ không đóng đinh hay bắt ốc vít. Đặc biệt, nghệ thuật tạo hình chạm khắc, khảm trên các bao lam, cột, xuyên, đầu kèo, trên các hoành phi câu đối đã thể hiện tài hoa của người xưa. Mái được lợp bằng ngói vảy cá, trên nóc là tượng lưỡng long chầu nguyệt, cùng các đường gờ, đường xoi, mái diềm. Nét đẹp của đình được biểu hiện một phần là do cảnh quan thiên nhiên bên ngoài. Ngoại cảnh thoáng đãng, rộng rãi rất thuận lợi cho việc bà con đến chiêm bái, rước lễ. Khuôn viên của đình khá rộng, trải ra trên khu đất giồng khô ráo, với hàng trăm cây cổ thụ tỏa bóng tạo nên một không gian văn hóa tín ngưỡng vừa trang nghiêm vừa thơ mộng. Đình Phú Lễ được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận là di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia (quyết định số 43-QĐ/VH) ngày 7-1-1993. Trong chiến tranh, xã Phú Lễ là địa bàn đánh phá ác liệt của địch vì nơi đây có khu căn cứ của huyện đóng trong vùng đầm lầy Lạc Địa. Đình Phú Lễ thường được cách mạng chọn làm nơi mít tinh, họp dân nên địch càng chú ý, bắn phá gây hư hại. Tuy nhiên, sau giải phóng di tích đình Phú Lễ được Nhà nước và nhân dân ra sức trùng tu, giữ gìn; các lễ hội được duy trì và phát huy trong đời sống xã hội đương đại.

2. Mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân trong tổ chức lễ hội

Hàng năm, lễ hội tại đình Phú Lễ diễn ra hai lần: lễ Kỳ yên vào ngày 18 đến ngày 19-3 âm lịch cầu cho phong điều vũ thuận, quốc thái dân an và lễ cầu Bông vào ngày 9 đến ngày 10-11 âm lịch. Trong 2 lễ cúng hàng năm tại đình Phú Lễ thì lễ Kỳ yên là được tổ chức lớn nhất. Nhiều người dân làng Phú Lễ đi làm ăn xa cho biết rằng: nếu tết Nguyên Đán không có dịp về quê thì dịp cúng đình nhất định phải về cúng tạ ơn Thần. Do đó, việc tổ chức lễ Kỳ yên hàng năm tại đình Phú Lễ xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Lễ hội sinh ra để thỏa mãn nhu cầu tâm linh và chính người dân là chủ nhân của lễ hội. Nhận thức được điều này, trong những năm qua dân làng Phú Lễ thường xuyên tổ chức và duy trì lễ Kỳ yên với tinh thần trang trọng, tôn nghiêm, cố gắng giữ gìn nguyên vẹn các nghi thức truyền thống. Hiện nay, đình không còn giữ chức năng là trung tâm chính trị của cả làng như xưa nữa nên rất cần sự giúp đỡ, vào cuộc của Nhà nước. Tuy nhiên, sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước nên ở mức độ vừa phải, đừng quá can thiệp sâu vào lễ hội sẽ làm xáo trộn các nghi thức vốn có của lễ hội. Thời gian qua, chính quyền và nhân dân xã Phú Lễ đã hợp tác rất tốt trong việc tổ chức lễ hội Kỳ yên tại đình thần. Chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm đã có rất lâu, được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng. Chính phủ đã cụ thể hóa chủ trương này bằng Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 09/11/2010 về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức công-tư. Chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm còn được gọi là “xã hội hóa”.

Hiện chưa có định nghĩa chính thức về “nhà nước và nhân dân cùng làm” nhưng được hiểu theo một cách chung là: “nhà nước mong muốn các tổ chức, cá nhân khu vực nằm ngoài hệ thống cơ quan nhà nước thay thế hoặc hợp tác với khu vực nhà nước để tham gia vào một số hoạt động/dịch vụ của nhà nước” (Nguyễn Quang Hưng, 2010). Tuy nhiên, khái niệm xã hội hóa còn được vận dụng trong các trường hợp: nhà nước kêu gọi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (corporate social responsibility) trong các công việc của nhà nước. Trong khi, socialization (nghĩa là xã hội hóa) của nhiều quốc gia khác là một khái niệm về tâm lý học nhằm nói đến “diễn biến tâm lý của một cá nhân hòa nhập vào đời sống xã hội” (Nguyễn Quang Hưng, 2010).

Tuy có rất nhiều định nghĩa khác nhau về xã hội hóa nhưng thực tế khi nói đến vấn đề nhà nước và nhân dân cùng làm thì mọi người đều hiểu, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, tập hợp các nguồn lực có trong nhân dân. Chính quyền và nhân dân xã Phú Lễ cùng phối hợp tổ chức lễ Kỳ yên hàng năm là việc làm hợp chủ trương, thuận lòng dân. Trước khi tổ chức lễ, cán bộ chủ chốt của xã có cuộc họp với Ban Khánh tiết đình thần Phú Lễ để bàn bạc, phân công rõ ràng. Ban Khánh tiết sẽ phát hành thư mời các đại biểu, ban khánh tiết đình các xã khác và nhân dân đến dự lễ. Trên cơ sở danh sách do Ban Khánh tiết đề xuất, Ủy ban nhân dân (UBND) xã xem xét và bổ sung thêm (có thể là các cơ quan ban, ngành huyện; các tổ chức, doanh nghiệp có mối quan hệ với xã). Nguồn kinh phí do Ban Khánh tiết tự thu, tự chi, tự chịu trách nhiệm nhưng chủ yếu lấy từ tiền do nhân dân cúng hàng năm. Do nguồn quỹ thu vào rất lớn nên sau mỗi lần tổ chức lễ hội, chính quyền xã cùng Ban Khánh tiết thường xuyên kiểm tra, giám sát, hạch toán, công khai rõ ràng. Từ đó, sẽ cân đối thu chi đảm bảo chi phí hoạt động trong năm và quyết định quy mô tổ chức lễ hội trong năm tiếp theo. Bên cạnh đó, chính quyền xã tích cực quan hệ với các công ty, đặc biệt là công ty cổ phần rượu Phú Lễ để đóng góp cho lễ hội. Trong những năm qua, công ty rượu Phú Lễ là đơn vị tài trợ một phần rượu để dâng cúng thần. Ngoài ra, các doanh nghiệp khác còn tài trợ các băng rôn tuyên truyền về giá trị của đình và lễ hội Kỳ yên. Đình Phú Lễ là di tích lịch sử cấp quốc gia nên khi tổ chức lễ Kỳ yên thường quy mô hơn các đình khác. Vì vậy, UBND xã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện trang trí không gian xung quanh đình rực rỡ và trang trọng.

Vào ngày 17/3 âm lịch, cán bộ chủ chốt và Ban Khánh tiết tề tựu tại đình để tiến hành công tác chuẩn bị. Ban Khánh tiết chịu trách nhiệm trang trí ban thờ, chuẩn bị các vật phẩm dâng cúng và thức ăn để đãi khách. Chính quyền tổ chức phần hội cho nhân dân vui chơi như: các môn thể thao dân tộc (đẩy gậy, kéo co, đập niêu), thi đấu cờ tướng, bóng đá, bóng chuyền… Trong những ngày diễn ra lễ Kỳ yên, cả hệ thống chính trị xã được huy động cùng với nhân dân tham gia tổ chức lễ hội. Các cán bộ chủ chốt như Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND và 100% cấp ủy viên phải thường trực tại đình để cùng với Ban Khánh tiết tiếp đón khách về tham dự lễ. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã lãnh đạo các đoàn thể làm nồng cốt cùng nhân dân phục vụ hậu cần. Hội Phụ nữ phụ trách phần nấu ăn; Đoàn Thanh niên chuẩn bị nước uống; Hội Nông dân tham gia đãi ăn; Công an, Xã đội, Hội Cựu chiến binh bảo vệ, giữ gìn trật tự tại lễ. Nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận nên lượng khách đến tham dự trên 1000 người nhưng vẫn phục vụ trôi chảy, suôn sẻ.

Ngoài ra, chính quyền xã còn vận động, tập hợp những con của quê hương xã Phú Lễ đang sinh sống và làm việc trong và ngoài huyện tham gia tiếp khách. Do lễ Kỳ yên quy tụ số người tham dự rất lớn nên công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Tất cả thức ăn, nước uống sau khi nấu xong được cán bộ y tế xã lấy mẫu gửi về Trung tâm Y tế dự phòng huyện để xét nghiệm. Về phần lễ, tất cả đều do Ban Khánh tiết điều hành và thực hiện; chính quyền không can thiệp. Điều này giúp bảo tồn nguyên vẹn tính dân gian và tính thiêng liêng của lễ hội. Giữa chính quyền và nhân dân có sự tin tưởng lẫn nhau; người dân cam kết thực hiện đúng các nghi lễ cổ truyền và Nhà nước tạo điều kiện, giữ vai trò giám sát. Hiện nay, trên cả nước có một số lễ hội đang bị “Nhà nước hóa”, chính quyền địa phương can thiệp quá sâu vào lễ hội. Trong một số lễ hội còn diễn ra những màn tuyên truyền không phù hợp. Văn tế được viết như một bài báo cáo thành tích. Việc chính quyền xã Phú Lễ huy động được tất cả các nguồn lực tham gia tổ chức lễ Kỳ yên là việc làm đúng đắn, điểm sáng trong công tác tổ chức lễ hội.

Sau khi lễ hội kết thúc, chính quyền và Ban Khánh tiết có cuộc họp rút kinh nghiệm và công khai tài chính. Trong cuộc họp rút kinh nghiệm việc tổ chức lễ Kỳ yên, Ban Tổ chức đã nêu ra một số hạn chế cần phải khắc phục. Đó là tình trạng chèo kéo, ép buộc khách mua vé số; người ăn xin vẫn còn đông; buôn bán vứt rác bừa bãi; khuôn viên đình bị các trò chơi như ngựa quay, xe điện, câu cá lấn chiếm. Những hạn chế này xuất phát từ thực tế khách quan, cúng đình cũng là dịp để một bộ phận người nghèo làm ăn, cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ từng bước giải quyết hết những vấn nạn trên, không để làm ảnh hưởng, mất vẻ mỹ quan của lễ hội.

3. Kết luận

Hơn 40 năm kể từ khi giải phóng, Nhà nước đã rất chú trọng thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa. Đó là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong những năm qua nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Nhờ vậy mà các giá trị văn hóa truyền thống bị mai một trong chiến tranh dần được khôi phục. Đặc biệt, là các lễ hội dân gian có cơ hội phục dựng. Vận dụng chủ trương một cách đúng đắn và xuất phát từ thực tiễn sinh động ở cơ sở đã cho ra đời nhiều cách làm hay nhất là việc xã hội hóa hoạt động văn hóa. Lễ hội Kỳ yên tại đình Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là một trường hợp điển hình trong việc thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa. Đây là mô hình hay cần tiếp tục duy trì và nhân rộng trong thời gian tới để mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân ngày càng bền chặt. Trong quá trình thực hiện, có nhiều bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra nhằm hoàn thiện hơn.  

Có thể nói rằng, sự phối hợp nhịp nhàng, sự đồng lòng hợp sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân xã Phú Lễ chính là nhân tố quyết định làm nên sự thành công của lễ hội trong những năm qua. Người dân tham gia với tinh thần tự nguyện, vì công việc chung của làng và Nhà nước sẵn sàng tạo điều cho người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa lành mạnh. Lễ hội Kỳ yên tại đình Phú Lễ thực sự là ngày hội lớn của nhân dân, là dịp phát huy, tôn vinh những giá trị văn hóa, những đức tính tốt đẹp của người dân xã Phú Lễ. Tóm lại, lễ hội Kỳ yên được sinh ra để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người. Và cộng đồng ở đây (bao gồm những người có chức trách xã hội đến những người dân bình thường của địa phương) đều có trách nhiệm bảo tồn, phát huy. Có như vậy, ngôi đình và lễ hội gắn liền với nó sẽ là những giá trị truyền thống được giữ gìn và vun đắp bởi những chủ thể biết trân trọng di sản văn hóa quê hương. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

 

Tài liệu tham khảo

1.  Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập XXVII, (2007), Bản dịch, Nxb Khoa học Xã hội.

2. Thạch Phương, Đoàn Tứ (cb), (2002), Địa chí Bến Tre, Nxb Khoa học Xã hội.

3. Nguyễn Quang Hưng (2010), Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Tạp chí Dân chủ Pháp luật, số chuyên đề Xây dựng Luật phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật.

Nguồn: Tạp chí KH Văn hóa và Du lịch, Vol.7, số 4 (84), tháng 7.2016

Bàn về văn hoá Nhật Bản trong thế giới toàn cầu hoá, chúng ta sẽ phải tiếp cận vấn đề này như thế nào? Trước hết chúng ta phải xem xét vấn đề là có toàn cầu hoá văn hoá không? Và sau đó đánh giá xem Nhật Bản đã chủ động gia nhập toàn cầu hoá ra sao để phát triển văn hoá dân tộc trong bối cảnh phát triển đất nước nói chung.

20170807. Tranh tuong chua Khmer

Nghệ nhân Khmer đang vẽ tranh trong Chánh điện

Ấn Độ là quốc gia rộng lớn, đồng thời có nền văn hóa phát triển rực rỡ từ nhiều thế kỷ trước công nguyên. Nền văn hóa ấy đã ảnh hưởng đến các nước trong khu vực Đông Nam Á trong đó có Nam Bộ - vùng đất miền nam của Việt Nam. Theo con đường truyền giáo đạo Bà la môn, đạo Phật đã mang đến nơi đây cùng với ngôn ngữ Sanskrit, Pali được người Khmer tiếp thu bổ sung vào tiếng nói của mình, làm cơ sở để xây dựng chữ nghĩa, các giá trị văn hóa khác cũng đồng thời được tiếp thu: văn tự, mỹ thuật, nghệ thuật… Qua thời gian những giá trị văn hóa ấy dần dần được bản địa hóa trở thành nét độc đáo riêng cho cộng đồng mà nó tiếp thu. Với nguyên lý văn hóa Ấn Độ không đến bằng con đường xâm lăng mà bằng con đường hòa bình chân chính nên giữa hai nền văn hóa dân tộc không có khoảng cách của ranh giới, văn hóa Ấn Độ được người Khmer tiếp thu và hóa đến mức cao độ. Từ đó, việc giao thoa văn hóa này đã tạo nên diện mạo đặc biệt cho văn hóa truyền thống của cộng đồng người Khmer nơi đây. Nghiên cứu về Tranh vẽ tường trong các ngôi chùa Nam tông - đây là một góc nhìn khoa học về sự giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và người Khmer tại Nam Bộ.

1. Phật giáo Nam tông Khmer và những tiền đề nghệ thuật

Người Khmer Nam Bộ theo hệ phái Phật giáo Theravada (phật giáo nguyên thủy) hay Phật giáo Nam tông (Nam truyền). Đây là hệ phái được truyền vào Việt Nam theo con đường của các nhà truyền giáo từ Ấn Độ đi theo đường biển tới Srilanca, Mianma, Thái Lan, vùng sông Mê Kông - Campuchia và các tỉnh Nam Bộ (phía Nam) của Việt Nam. Qua một số di chỉ khảo cổ tại khu vực tỉnh Trà Vinh như Lưu Cừ thuộc Trà Cú, Tiểu Cần, các nhà khoa học cũng đã phát hiện một số hiện vật liên quan đến Phật giáo, một số có niên đại từ thế kỷ thứ VI sau công nguyên (Phan An, 2009, tr.22). Điều này chứng tỏ quá trình du nhập Phật giáo vào cư dân Khmer Nam Bộ đã có từ lâu đời. Chính nhờ đặc trưng văn hóa Phật giáo phù hợp với đặc điểm văn hóa dân tộc, từ đó được cộng đồng nơi đây đón nhận và trở thành tôn giáo chính thay cho đạo Bàlamôn của người Khmer xưa.

Với tư tưởng học thuyết, đường đạo luôn được thực hành theo lý tưởng truyền thống Phật giáo Nguyên thủy - Phật là nhân vật lịch sử, là một con người có thật, một người thầy giảng dạy không phải là hóa thân của bất cứ thế lực nào nên người Khmer rất ngưỡng vọng, sự oai nghi của ngài đã trở thành lý tưởng sống truyền thống trong cộng đồng dân cư. Xuất phát từ nền tảng văn hóa nông nghiệp lúa nước, truyền thống hiếu học, phong tục tập quán hướng đến sự thánh thiện của cư dân, nên lòng mộ đạo của người Khmer khá cao. Theo kết quả điều tra dân số năm 2009 cho thấy, toàn vùng có hơn 5,4 triệu tín đồ. Trong đó, có hơn ½ là tín đồ Phật giáo, bao gồm cả tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer (Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009). Với đặc trưng văn hóa Phật giáo thể hiện rõ nét ở biểu tượng ngôi chùa, điều đó cũng dễ dàng nhận thấy ở mỗi Phum, Sroc (đơn vị cư trú của người Khmer) đều xây dựng nên chùa để thờ Phật, tính đến tháng 6/2010, Phật giáo Nam tông Khmer đã có 453 ngôi chùa (Võ Thanh Hùng, 2012). Chùa Khmer Nam Bộ có khá nhiều chức năng: là trung tâm sinh hoạt tôn giáo và các hoạt động văn hoá - xã hội của cộng đồng, hơn nữa nơi đây còn là môi trường giáo dục nhân văn sâu sắc. Tổng hòa tất cả tạo nên bản sắc văn hóa tôn giáo dân tộc đặc trưng của cộng đồng người Khmer Nam Bộ.

Nghiên cứu về góc độ thẩm mỹ học, ở tất cả những nơi có sự tiếp xúc với đạo Phật đều lưu lại trong lịch sử nhiều báu vật nghệ thuật Phật giáo có giá trị bởi cộng đồng mà nó tiếp thu, tạo tiền đề cho những sáng tạo nghệ thuật tôn giáo đạt đỉnh cao. Đối với người Khmer, kiến trúc chùa là một trong những giá trị nghệ thuật được nảy sinh từ ý niệm tôn giáo. Tranh vẽ tường cũng là một đặc trưng khi nói về văn hoá Phật giáo của tộc người Khmer, điểm vô cùng đặc biệt trong các ngôi chùa Khmer là những bức bích họa được vẽ trên các mặt tường trong Vihia (chính điện) hoặc trong các Sala chanh (trai đường)… Ngoài chức năng trang trí, những bích hoạ trong chùa Khmer còn hoạ lại sự tích đức Phật, giáo lý của Ngài với mục đích giáo dục con người, hướng con người đến sự thánh thiện.

Nam

2.1. Tranh vẽ tường - bích họa trong chùa Nam tông Khmer

Thuật ngữ tranh vẽ tường (mural painting) được dùng để chỉ những bức tranh lớn được vẽ trực tiếp lên tường, trần nhà hoặc trên các bề mặt rộng bằng phẳng. Đây là một trong những loại hình hội họa lâu đời nhất.

Nam Bộ có gần 500 ngôi chùa của người Khmer, mỗi ngôi chùa với bích họa – tranh vẽ tường là phần trang trí rất đặc trưng. Đối với người Khmer Nam Bộ, vẽ bức bích hoạ loại tranh truyện và loại hoa văn trang trí ngay lên vách tường Vihia (Chính điện) hay Sala (Giảng đường)… Ở đây, nghệ nhân vẽ theo sự chỉ dẫn của vị sư cả nhà chùa hoặc dựa theo cốt truyện tích Phật có sẵn. Hầu hết các loại bích hoạ trong chùa Khmer đều thể hiện đề tài Phật giáo, tiểu sử Đức Phật được vẽ lên tường và có ghi chú thích từng cảnh một: Cảnh Phật Thích Ca mới sinh ra, cảnh Phật dạo bốn cửa thành, cảnh Phật xuất gia đi tu, cảnh Phật ngồi dưới gốc cây Bồ đề có rắn Thần Naga che chở, cảnh Phật tu khổ hạnh, cảnh Phật đắc đạo, cảnh Phật thuyết pháp, cảnh Phật nhập niết bàn… (Viện văn hoá, 1988, tr.214-215).  Nhìn chung nội dung các bức tranh phản ánh triết lý nhân sinh, nguyên lý nhân quả của Phật giáo. Có thể thấy chùa Khmer như là một thư viện bách khoa toàn thư về thế giới Phật học, bởi những hình ảnh trang trí màu sắc rực rỡ của cây cỏ hoa lá, cuộc đời sự nghiệp của đức Phật cùng những nhân vật có liên quan từ kiếp quá khứ đến kiếp hiện tại, được các nghệ nhân trang trí trên vách, trên trần khá phong phú và sống động.

2.2. Các đặc trưng của tranh vẽ tường của người Khmer

Về không gian: Không gian nghệ thuật của những bức tranh là khoảng không gian rộng lớn có thể trên trần, vách, bình phong… trong ngôi chính điện, các dãy sala hay trai đường… Các bức tranh trước khi vẽ phải qua khâu định vị. Các nghệ nhân, họa sĩ tiến hành quan sát không gian, kết cấu xung quanh để tác phẩm ra đời phù hợp với từng vị trí và theo trình tự không gian, thời gian nhất định trong Phật tích.

Chất liệu vẽ: Tranh tường được vẽ với nhiều chất liệu khác nhau và bởi các nghệ nhân, họa sĩ khác nhau, nhưng ở họ có điểm chung là sử dụng loại sơn dầu và vẽ bằng cọ mềm. Bên cạnh đó, các vị còn sử dụng các chất liệu như loại sơn màu kim nhũ, màu dạ quang trộn với sơn để vẽ… Với những bức trang trọng, nghệ nhân tiến hành sơn son thiếp vàng tùy theo thị hiếu, góc độ nghệ thuật và điều kiện kinh tế của mỗi ngôi chùa. Có thể nhận thấy những bức bích hoạ ra đời thể hiện ở trình độ sử dụng sơn dầu rất chuyên nghiệp của các nghệ nhân, họa sĩ người Khmer.

Họa sĩ: Các nghệ nhân dân gian tạo nên tác phẩm bích họa trong  ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer có thể là những vị sư, hoặc những người dân có năng khiếu hội họa sinh sống trong cộng đồng tại địa phương hoặc các địa phương khác đến nhưng điểm chung nhất chính ở môi trường Phật giáo của họ.

Đối với nhà sư, ngoài năng khiếu hội họa vốn có của bản thân, kiến thức Phật giáo, những câu chuyện về đức Phật được tu học tại chùa là một trong những tiền đề giúp ích cho sự sáng tạo nghệ thuật hội họa Khmer. Các nghệ nhân là người dân, họ cũng đã rất am hiểu và thấm nhuần những tư tưởng Phật giáo từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành, đồng thời họ cũng hiểu rõ về văn hóa địa phương, vì vậy mà những tư tưởng trong tranh bích họa được tạo ra trong chùa rất dễ hiểu, dễ cảm thụ và dễ dàng hòa nhập vào đời sống cộng đồng, thậm chí với cả những người không biết chữ.

Nhìn chung, những bức bích họa trên tường mang tư tưởng đạo Phật sâu sắc, được tạo tác từ những bàn tay tài hoa, độc đáo của các nghệ nhân dân gian Khmer. Thông qua những tác phẩm hội hoạ này nhằm truyền tải cho người xem những ý tưởng mà bản thân họ đã lĩnh hội được, đấy cũng chính là thành công lớn về mặt hội họa Phật giáo. Do đặc tính mỗi vùng miền và tài năng của các nghệ nhân khác nhau mà có được những công trình nghệ thuật phong phú. Mặc dù xuất phát từ tư tưởng Phật giáo, cùng một nội dung trình bày, thế nhưng giữa các ngôi chùa và các bích họa lại có sự thể hiện khác nhau. Một trong những điểm để phân biệt giữa trang trí và hội họa cổ xưa và hiện đại của người Khmer đó là việc sử dụng màu sắc. Các tác phẩm cổ xưa thường sử dụng màu nguyên với màu đen, đỏ, xanh lá, vàng và ngược lại các tác phẩm mới thường vẽ bằng sơn dầu với các màu sắc pha chế đậm nhạt khác nhau. Tất nhiên sự khác biệt ấy không chỉ là việc sử dụng màu sắc mà còn là những đặc điểm về bút pháp và phong cách, nói chung là của nghệ thuật tạo hình và trong một chừng mực nào đó cả trong đề tài (Huỳnh Ngọc Trảng, Văn Xuân Chí, Hoàng Túc, Đặng Vũ Thị Thảo, Phan Thị Yến Tuyết, 1987, tr.205). Bởi trong quá trình tạo tác nên những bức tranh này, người nghệ nhân không chỉ rập khuôn, tuân thủ theo các mẫu cổ điển mà còn thổi vào tranh nguồn cảm hứng vô tận, phản ánh nhân sinh quan của từng lớp tư duy, nhận thức bằng lăng kính nghệ sĩ một cách sáng tạo.

            Nội dung tranh vẽ: Với đặc trưng văn hoá tôn giáo tộc người, Phật giáo Nam tông duy nhất thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni) nên Ngài đã trở thành đối tượng sáng tạo nghệ thuật hội họa của người Khmer. Từ đó, đa phần nội dung của những bức tranh trong ngôi chùa chính là những mẫu chuyện kể lại cuộc đời của đức Phật từ lúc sinh ra (Đản sanh) cho đến khi tu thành đạo hạnh (đắc đạo), truyền đạo, cảm hoá chúng sinh và nhập diệt (Niết bàn). Ngoài ra còn có các mẫu câu chuyện trong sử thi Ấn Độ - Ramayana (Ream Kê), kể xoay quanh về cuộc sống sinh hoạt của hoàng tử Rama (Pras Ream) và vợ là nàng Sita (Sê Đa), cuộc chiến giữa quỷ vương Ravana (chằn Krông Reap) và hoàng tử để tranh giành nàng Sita. Những nhân vật của thần thoại Ân Độ như: khỉ chúa (Hanuman), nàng tiên cá (Suvan Machar),… Có thể nhận thấy nội dung của những bích họa đó đều thể hiện chính nghĩa chiến thắng gian tà, phản ánh những tiền kiếp của đức Phật đã từng trải qua. Có chùa vẽ những tích truyện dân gian, các loại linh vật như Rắn Naga (Niết), Tonsai Pôthisat (thỏ), Reakchsây (sư tử), voi… những hình ảnh triết lý về đời người (sinh - tử), những yếu tố văn hóa tích cực và tiến bộ. Đặc điểm của tranh, ngoài được vẽ trên tường còn được vẽ trên trần của chính điện với nội dung thể hiện cảnh giao đấu giữa các tiên nữ và chằn tinh, cảnh tiên làm lễ, cảnh tiên dâng hoa... Các nhân vật trong đạo Bàlamôn như: Riahu, Kalas, Kyno Maha Phrum… Cũng được thể hiện khá sinh động. Về nội dung các đề tài, chủ đề được tạo tác trong tranh tất cả đều ca ngợi sự toàn năng, toàn giác của đức Phật, ca ngợi triết lý thâm sâu mầu nhiệm của Phật giáo.

Đối với loại hoa văn trang trí, đề tài thường lấy ra từ trong thiên nhiên. Những đoá hoa Sen (phka Chhuôk), hoa Tha la (phka Răng), hoa Mai (phka Không khia), lá Bồ đề (son lât Pô)… đều được thể hiện cách điệu với trình độ thẩm mỹ cao. Ngoài ra Tiên nữ (Têvôđa), vũ nữ (Têp Apsor, Apsara), nữ thần đất (Khôn Hing) cũng được vẽ những với mô típ trang trí trong Chùa Khmer phong phú, đa dạng.

Mặc dù nội dung trong các bích họa đều rút ra từ những câu chuyện từ quốc gia Ấn Độ nhưng chính bằng bàn tay và khối óc nghệ thuật dân tộc nên khuôn mặt và trang phục các nhân vật trong tranh có phần được người Khmer hóa. Tuy nhiên chỉ duy nhất nội dung tích phật và trang phục truyền thống của đức Phật vẫn được giữ theo nguyên bản – đó là bộ y quấn đặc trưng.

Giá trị của bích họa trong chùa Phật giáo Nam tông Khmer: Ở đây, người nghệ nhân, hoạ sĩ Khmer sáng tạo nên tranh Phật giáo không đơn nghĩa chỉ là theo đuổi vẻ đẹp bề ngoài, nói đúng hơn đây là một nghệ thuật mang tính thiêng bởi chính họ là người họa lại các chủ đề theo câu chuyện trong Phật giáo. Các bức tranh này cho thấy ở những mục đích cụ thể: Trước hết, chúng được sử dụng để trang trí, tạo ra sự trang trọng trong ngôi chùa – nơi thờ Phật. Thứ hai, chúng có mục đích giáo dục ở việc cung cấp kiến thức, hình ảnh mang tính chất minh họa, giúp phật tử thấy và hiểu về lời dạy, giáo lý của Đức Phật được dễ dàng hơn. Thứ ba, chúng được sử dụng để thờ phượng hay đúng hơn phục vụ nghi thức tôn giáo.

Từ những bức tranh tường tôn giáo, hiểu rộng hơn chính là cuộc sống xã hội của con người, bằng tài năng nghệ thuật, người nghệ nhân đã thổi hồn và gửi gắm tình cảm vào nó. Bức tranh còn là bản sao của xã hội người Khmer qua thời gian. Từ đó, bức tranh tường trong chính điện ngoài giá trị mỹ thuật còn có giá trị lịch sử tộc người.

Bên cạnh ý nghĩa của nghệ thuật đường nét, hội họa Khmer đã thể hiện sự vận dụng màu sắc độc đáo riêng - gam màu nổi. Đặc trưng màu sắc của người Khmer là màu vàng màu của y cà sa đức Phật. Ngoài việc tạo ra những bức tranh tường tuyệt mĩ, người Khmer còn có ý thức giữ gìn, bảo vệ chúng. Khẳng định tài năng nghệ thuật hội họa đạt đến đỉnh cao của người Khmer những tác phẩm bích họa của Phật giáo đã cho thấy Phật giáo không chỉ có nghi thức trang nghiêm, giáo nghĩa rộng lớn sâu sắc, mà còn có cả đặc chất của nghệ thuật. Tạo cơ sở khẳng định tính lâu đời của loại hình nghệ thuật hội họa của người Khmer.

Kết luận

Quá trình giao lưu văn hóa giữa các quốc gia trong khu vực là một điều hiển nhiên xảy ra trong quá trình phát triển. Có thể thấy hội họa Khmer phần nào đó cũng có sự ảnh hưởng các loại tranh ảnh Phật giáo của các nước Đông Nam Á. Một số tranh vẽ tường được lấy mẫu từ tranh Phật giáo Ấn Độ. Nhưng bằng tài năng và óc sáng tạo, người Khmer Nam Bộ cũng đã tạo ra được nét đặc trưng riêng biệt làm phong phú giá trị văn hóa của tộc người mình. Từ những bức tường vô hình và những câu chuyện trong truyền thuyết Phật giáo, người Khmer đã nghệ thuật hóa thành những bức tranh sống động mô phỏng câu chuyện của đức Phật về những khó khăn, gian khổ và sự hy sinh trong cuộc đời tu hành, đắc đạo của Ngài. Tạo lập nên những lý tưởng, quan điểm nhân sinh quan về Phật giáo. Chính những bức bích họa này đã âm thầm góp phần giáo dục nên lối sống thanh sạch, hướng thiện với tư tưởng Phật giáo sâu sắc cho cộng đồng người Khmer nơi đây.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Fisher Robert. E (2002), Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo (Huỳnh Ngọc Trảng dịch), Nxb Mỹ Thuật.
  2. Geetesh Sharma (2012), Những dấu vết văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam (Thích Minh Trí dịch), Văn hóa Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh.
  3. Huỳnh Ngọc Trảng, Văn Xuân Chí, Hoàng Túc, Đặng Vũ Thị Thảo, Phan Thị yến Tuyết (1987), Người Khmer tỉnh Cửu Long, Sở Văn hóa Thông tin Cửu Long xuất bản.
  4. Huỳnh Thanh Quang (2011), Giá trị văn hóa Khmer vùng đồng bằng sông Cửu long, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  5. Phan An (2009), Dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  6. Võ Thanh Hùng (2012), “Phật giáo Nam Tông Khmer Đồng bằng sông Cửu Long đồng hành cùng dân tộc trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, Tạp chí Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
  7. Viện văn hóa (1988), Tìm hiểu Vốn Văn hóa Dân tộc Khmer Nam Bộ. Nxb Hậu Giang.

Sơn Cao Thắng, NCS., Ban Giới và Dân tộc, Trường Đại học Trà Vinh

Nguồn: Tạp chí KH Văn hóa và Du lịch, Vol.7, số 4 (84), tháng 7.2017

Đoàn Lê Giang(*)

Tóm tắt

Trước khi phong trào Duy tân thực sự nổ ra ở các Đông Á: Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, có hàng loạt các sách Tân thư xuất hiện, trong đó được nhắc đến nhiều nhất là: Khôn dư đồ thuyết坤輿圖説 (Bàn về bản đồ địa lý thế giới), Doanh hoàn chí lược 瀛寰誌略 (Ghi chép về các nước trên địa cầu), Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư天下郡国利病書 (Sách về các xứ mạnh yếu trong thiên hạ), Hàng hải kim châm航海金針 (Hướng dẫn cách đi biển). Những sách ấy do các học giả phương Tây và Trung Quốc viết ra vào những thời điểm khác nhau, nhưng đến nửa cuối TK.XIX do nhu cầu nhận thức kẻ địch mà đồng loạt được chú ý. Cũng nằm trong số Tân thư, có một trước tác có ảnh hưởng rất lớn đến Nhật Bản và Việt Nam nhưng lại ít được nhắc đến hơn đó là Hải quốc đồ chí海國圖志của Ngụy Nguyên 魏源viết vào giữa TK.XIX. Bài viết này đi vào giới thiệu các sách Tân thư “khai sáng”, trong đó giới thiệu kỹ về Hải quốc đồ chí của Ngụy Nguyên và ảnh hưởng của nó đối với phong trào Duy tân/ Canh tân Nhật Bản và Việt Nam.

ABSTRACT

Illustrated Treatise on Maritime Kingdoms 海国 by Wei Yuan 魏源 and Its Impact on the Modernisation in Japan and Vietnam

A series of New Books had appeared in East Asian countries such as Japan, China, Vietnam and Korea even before the modernisation movement actually broke out in this area. The most noticeable works are About the World Geography 坤輿図説, Notes about Countries in the World 瀛寰誌略, Book of Strong and Weak Nations 天下郡国利病書, and Sea Travel Guide 航海金針. Had been written by Western and Chinese scholars at different time, those books simultaneously caught people’s attention in the second half of the nineteenth century due to the growing need of identifying the countries’ enemies. One of those books is Illustrated Treatise on Maritime Kingdoms 海国圖志 written by Wei Yuan 魏源 in the middle of the nineteenth century. It made a profound impact on Japan and Vietnam back then but has been rarely mentioned. This paper will introduce some New Books known as the masterpieces that “established the nation”, including Wei Yuan’s Illustrated Treatise on Maritime Kingdoms. It also analyses the book’s impact on the modernisation/ reformation movement in Japan and Vietnam.

 

*****

     Trong Vân Đài loại ngữ Lê Quý Đôn có nhắc đến Khôn dư đồ thuyết 坤輿圖説 và so sánh thuyết địa cầu, kinh tuyến vĩ tuyến với Lý học của Tống Nho để thấy sự hợp lý của khoa học Phương Tây. Có thể nói Khôn dư đồ thuyết là trước tác đầu tiên về khoa học phương Tây được biết đến ở Việt Nam, và Lê Quý Đôn là người đầu tiên tìm hiểu và giới thiệu loại sách này. Đến nửa cuối thế kỷ XIX, khi phương Tây xâm lược  nước ta thì nhu cầu tìm hiểu về phương Tây trở nên hết sức cấp bách. Đọc các trước tác của Đặng Huy Trứ, Nguyễn Thông, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch, Trần Tiễn Thành…người ta nghe nhắc đến hàng loạt các sách mới của phương Tây và về phương Tây như:  Doanh hoàn chí lược 瀛寰誌略 (Ghi chép về các nước trên địa cầu), Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư天下郡国利病書 (Sách về các nước mạnh yếu trong thiên hạ), Bác vật tân biên博物新編 (Ghi chép về vạn vật), Hàng hải kim châm航海金針 (Hướng dẫn cách đi biển), Hải quốc đồ chí 海國圖志 (Ghi chép và vẽ bản đồ các nước trên bốn bể)… Những sách ấy thực sự là những sách “khai sáng” về thế giới năm châu đối với trí thức nước ta và có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào Canh tân cuối TK.XIX hay Duy tân đầu TK.XX. Trong bài viết này chúng tôi giới thiệu về các sách ấy, đặc biệt nhấn mạnh đến trước tác quan trọng nhưng ít được biết đến hơn là Hải quốc đồ chí của Ngụy Nguyên trong bối cảnh rộng lớn là phong trào Duy tân diễn ra ở Nhật Bản, Việt Nam và các nước Đông Á khác.

  1. 1.          Các sách tân thư “khai sáng” từ TK.XIX trở về trước
  2. 1.1.   Khôn dư đồ thuyết坤輿圖説

Sách địa lý do Nam Hoài Nhân TK.XVII viết bằng chữ Hán, và được xuất bản năm 1674. Sách chia ra làm 2 quyển: Thượng – Hạ, nhằm giải thích cho tập bản đồ khắc in cùng năm là Khôn dư toàn đồ.

Nam Hoài Nhân chính là Ferdinand Verbiest (1623-1688), người Bỉ, lúc nhỏ học ở trường dòng. Năm 1657 theo cha là M.Martin đến Trung Quốc truyền giáo ở Áo Môn, ở Trung Quốc nhiều năm. Sau vua Minh là Sùng Trinh đưa ông về Bắc Kinh phụ trách việc lịch pháp và toán pháp. Năm 1669 ông được vua Thuận Trị nhà Thanh phong chức Khâm Thiên Giám. Năm 1675 ông giúp vua Thanh chế tạo pháo và bình được loạn Ngô Tam Quế, nên càng được vua Thanh tín nhiệm. Verbiest tinh thông Thiên văn, Địa lý, Toán pháp, thường được mời vào dạy cho vua Khang Hy nhà Thanh, được vua Thanh cho chức Công Bộ hữu thị lang. Lúc mất ông được ban cho tên thụy là Cần Mẫn.

Nội dung Khôn dư đồ thuyết bao gồm 2 quyển: Quyển thượng chủ yếu trình bày về thường thức địa lý tự nhiên, Quyển hạ chủ yếu về địa lý nhân văn. Sách ghi chép về những điều liên quan đến năm châu, đa số là lấy từ Chức phương ngoại kỷ lược chép và gia công thêm.

Chi tiết hơn thì thấy: Quyển thượng bao gồm: Trái đất hình tròn, địa cầu có hai cực nam bắc, động đất, núi non, sự chuyển động của nước biển, hải triều, sông ngòi, các con sông lớn trên trái đất, sự lưu chuyển của không khí, gió, mây mưa, nhân vật…. Quyển hạ bao gồm: Châu Á và các nước, các đảo chia ra 14 tắc; Châu Phi và các nước, các đảo chia ra 14 tắc; Châu Mỹ và tổng quan về bốn biển. Cuối quyển hạ có phụ các vật lạ: động vật (chim, thú, cá, sâu…) tổng cộng 23 loại cùng 7 kỳ tích trên thế giới, tất cả 32 bức(1).

  1. 1.2.                                    Doanh hoàn chí lược 瀛寰誌略

Sách do Từ Kế Dư 徐 繼 畬 người đời Thanh biên soạn vào khoảng giữa TK.XIX. Hoàn thành vào năm 1849 thời Đạo Quang, toàn bộ có 10 quyển.

Từ Kế Dư (1795-1873), người Sơn Tây. Thủa nhỏ ông được thụ hưởng nền giáo dục tốt, năm 31 tuổi ông thi đậu tiến sĩ, làm Hàn lâm viện biên tu, Giám sát ngự sử Thiểm Tây. Năm 1836 ông làm chức Tri phủ Tầm Châu tỉnh Quảng Tây, rồi làm quan ở Phúc Kiến đúng vào lúc Chiến tranh nha phiến xảy ra. Năm 1842 Từ Kế Dư lãnh chức Tào vận sứ, rồi Án sát sứ Quảng Đông, Bố chánh sứ Phúc Kiến, Tuần phủ Phúc Kiến, rồi Tổng đốc Mân Triết (Phúc Kiến, Triết Giang). Do tiếp xúc nhiều với ngưới Tây phương, hiểu rõ tình hình các nước, nên ông đã biên soạn ra công trình Doanh hoàn chí lược. Năm 1852 do bị kết tội, ông bị cách chức cho về quê. Sau lại được bổ làm quan. Năm 1869 xin về hưu, năm 1873 mất ở quê nhà.

Mở đầu sách là giới thiệu địa cầu, sau đó là giới thiệu các châu: châu Á (Á Tế Á), châu Âu (Âu La Ba), châu Phi (A Phi Lợi Gia), châu Mỹ (Á Mặc Lợi Gia), trong đó giới thiệu phong thổ, nhân vật của các nước. Từ Kế Dư còn giới thiệu nền dân chủ của Phương Tây, và ông trở thành người Trung Quốc đầu tiên giới thiệu điều ấy. Bên trong có 42 tấm bản đồ, trừ bản đồ nhà Thanh, bản đồ Triều Tiên, Nhật Bản, còn lại đều là các bản đồ do người châu Âu vẽ ra(2).

  1. 1.3.                                    Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư天下郡利病書

Sách do Cố Viêm Vũ 顧炎武– người cuối đời Minh đầu đời Thanh soạn. Sách ghi lại lịch sử, địa lý ghi chép về tình trạng xã hội, chính trị, kinh tế mạnh yếu của các khu vực Trung Quốc đời Minh. Sách có 120 quyển chia ra làm 34 sách.

Cố Viêm Vũ顧炎武 (1613 thời Vạn Lịch đời Minh – 1682 thời Khang Hy đời Thanh), hiệu Đình Lâm 亭林người Côn Sơn, Giang Tô. Sau khi nhà Thanh vào Trung  Nguyên ông không chịu theo nhà Thanh, tổ chức đội quân khôi phục nhà Minh. Trước tệ lậu chính trị cuối đời Minh: nền chính trị hủ bại, dân chúng khốn cùng, ngoại xâm dòm ngó mà văn đàn chỉ bàn suông về tính, lý, tìm kiếm danh lợi, ông bèn đề xướng cái học giúp đời. Ông là tác giả của nhiều câu danh ngôn được nhiều người biết đến:

-       “Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách” (Thiên hạ hưng vong, kẻ thất phu cũng có trách nhiệm)

-       “Lễ Nghĩa Liêm Sỉ thị vị tứ duy” (Lễ Nghĩa Liêm Sỉ đó là 4 giềng mối cơ bản của quốc gia)

-       “Cố sĩ đại phu chi vô sỉ, thị vị quốc sỉ” (Sĩ đại phu mà vô sỉ thì đó là nỗi sỉ nhục của quốc gia)

Từ sau năm 1639 Cố Viêm Vũ bắt đầu sưu tập sử liệu, sách địa phương chí cùng sớ tấu, văn tập và các tư liệu liên quan đến quốc kế dân sinh, khảo sát những sách ghi chép về núi sông, quan ải, phong thổ, dân tình, khảo sát thực địa để làm rõ đúng sai. Những gì thuộc về phong tục xã hội, lợi hại cho dân sinh, đều phải tự mình khảo sát. Ông chú trọng vào khảo chứng địa lý, không dựa hoàn toàn vào ghi chép trong các thư tịch cũ, coi trọng điều tra thực địa. Ông tự mình khảo sát vùng Nam Trực Lệ (nay là Giang Tô, Triết Giang), Bắc Trực Lệ (nay là Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc), Sơn Đông, Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Nam, đã cải chính rất nhiều sai lầm của tiền nhân. Trong khi khảo sát, ông tập trung vào 3 phương diện: quốc phòng, thuế má, thủy lợi. Sách làm đến khoảng đầu thời Khang Hy thì hoàn thành, sau đó không ngừng sửa chữa thêm. Đây là một trong những công trình quan trọng nhất của Trung Quốc nghiên cứu xã hội, chính trị đời Minh(3).

  1. 1.4.                                    Bác vật tân biên博物新編

Bác vật tân biên 博物新編là sách giới thiệu khoa học phổ thông do bác sĩ người Anh Benjamin Hobson (1816-1873) biên soạn.

Hobson có tên theo kiểu Trung Quốc là Hợp Tín 合信là bác sĩ đồng thời là giáo sĩ người Anh. Sau khi tốt nghiệp ngành y khoa, năm 1839 ông được cử đến Áo Môn (Trung Quốc) làm bác sĩ truyền giáo ở bệnh viện của Giáo hội. Năm 1843 được phái đến Quảng Châu phụ trách công tác ở hiệu thuốc và bệnh viện. Năm 1855 ở Quảng Châu ông biên soạn sách Bác vật tân biên để giới thiệu tri thức khoa học tự nhiên của phương Tây. Ông còn biên soạn nhiều sách khoa học nữa bằng tiếng Hoa: Toàn thể tân luận全體新論 (giải phẫu sinh lý người), Tây y lược luận西醫略論 (sơ lược về Tây y), Phụ anh tân thuyết婦嬰新說 (sách mới về phụ khoa, nhi khoa), Nội khoa tân giới 內科新誡 (giới thiệu mới về nội khoa)…sách đều do Thượng Hải Mặc Hải thư quán xuất bản. Sách ông được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, từng được dịch ra tiếng Nhật, tiếng Hàn. Năm 1859 ông về Anh và sống ở đó cho đến cuối đời(4).

Bác vật tân biên tập trung giới thiệu khoa học cận đại của Phương tây, toàn bộ có  3 tập:

-       Tập 1: Vật lý: nhiệt, nước, ánh sáng, điện, các thể khí…

-       Tập 2: Thiên văn, Địa lý (mặt trời, sao chổi, quả đất, kinh tuyến, vĩ tuyến, các châu lục và đại dương…)

-       Tập 3: Động vật (các giống cầm thú trên trái đất) (5)

  1. 1.5.                                    Hàng hải kim châm航海金針

Sách chỉ cách đi biển do Daniel Jerome Macgowan (1814-1893) biên soạn. Ông có tên Trung Quốc là Mã Cao Ôn 瑪高温là bác sĩ và nhà truyền giáo người Mỹ, được phái đến Trung Quốc năm 1859. Sau đó được phái đến Nagasaki (Nhật Bản) dạy tiếng Anh. Năm 1862 về nước làm quân y trong cuộc chiến Nam Bắc ở Mỹ. Sau ông lại quay lại Trung Quốc, biên soạn sách giới thiệu khoa học phương Tây bằng tiếng Hán, rồi sang Nhật nghiên cứu văn hóa Nhật Bản. Năm 1893 mất ở Thượng Hải.

Hàng hải kim châm航海金針giới thiệu từ những tri thức nhập môn về khí tượng học (nguyên lý phát sinh bão), sau đó là các tri thức địa lý cần thiết cho việc đi biển. Sách được Ái Hoa Đường xuất bản ở Trung Quốc năm Hàm Phong thứ 3 (1853)(6).

  1. 2.                  Ngụy Nguyên 魏源Hải quốc đồ chí國圖

Ngụy Nguyên 魏源người huyện Thiệu Dương tỉnh Hồ Nam, là nhà tư tưởng tiêu biểu cho Trung Quốc cuối đời Thanh. Năm 21 tuổi, ông theo cha làm quan đến Bắc Kinh. Ông thường giao thiệp mật thiết với các trí thức yêu nước có tư tưởng canh tân bấy giờ như Lâm Tắc Từ 林則徐, Cung Tự Trân 龔自珍, nên chú trọng vào cái học giúp đời. Năm 1841 Ngụy Nguyên gặp tể tướng Lâm Tắc Từ mới bị cách chức ở Triết Giang, hai người bàn luận thâu đêm. Được Lâm Tắc Từ ủy thác, ông soạn một bộ sách để khích lệ quốc dân, phản đối chính sách xâm lược của Phương Tây. Dựa vào bộ sách Tứ châu chí四洲志do Lâm Tắc Từ làm chủ biên, đồng thời sưu tập rộng thêm các tư liệu khác, làm thành Hải quốc đồ chí 50 quyển, sau đó ông bổ sung thêm trong vòng 10 năm, cuối cùng bộ sách lên đến 100 quyển.

Hải quốc đồ chí được đánh giá là trước tác của thời đại khai sáng Trung Quốc. Với tư tưởng cơ bản “Sư Di chi trường kỹ dĩ chế Di” (Học sở trường của phương Tây để đánh phương Tây) mà ông đề xuất, Hải quốc đồ chí đã đả phá những tư tưởng lạc hậu truyền thống như: tư tưởng nội hạ ngoại di (Trung Quốc là văn minh, phương Tây là dã man), trời tròn đất vuông, thiên triều Trung Hoa là trung tâm; từ đó ông đã xác lập một cái nhìn mới bằng tri thức khoa học phương Tây như: thế giới bao gồm năm châu bốn biển, những kiến thức khoa học tự nhiên và các loại văn hóa phương Tây khác. Công trình của ông đã hướng người Trung Quốc đến thời đại học tập phương Tây.

Cấu trúc của Hải quốc đồ chí:

  1. 1)               Trù hải thiên (Thiên Phòng thủ ngoài biển)

-                   Bàn về Thủ 1 (Nghị Thủ thượng)

-                   Bàn về Thủ 2 (Nghị Thủ hạ)

-                   Nghị chiến

-                   Nghị hòa

  1. 2)               Đông Nam dương

-                   Tổng luận về châu Á

-                   Việt Nam

-                   Xiêm La

-                   Miến Điện

-                   Lữ Tống…

  1. 3)               Tây Nam dương

-                   Ngũ Ấn Độ đồ chí

-                   Ngũ Ấn Độ quốc

-                   Trung Ấn Độ các quốc

-                   Đông Ấn Độ các quốc

  1. 4)               Các quốc Hồi giáo tổng khảo
  2. 5)               Lợi vị Á châu các quốc đồ chí
  3. 6)               Đại Tây Dương
  4. 7)               Bắc Dương
  5. 8)               Ngoại Đại Tây Dương
  6. 9)               Quốc địa tổng luận
  7. 10)           Di tình lược thái (Sơ lược về tình hình Tây Dương)
  8. 11)           Tây Dương khí nghệ tạp thuật(7).
    1. 3.         Hải quốc đồ chí với phong trào Duy tân/ Canh tân Nhật Bản và Việt Nam 
      1. 3.1.      Với Nhật Bản

Hải quốc đồ chí có ảnh hưởng lớn đến phong trào Duy tân Nhật Bản nửa cuối TK.XIX:

Năm 1854 ở Nhật Bản Hải quốc đồ chí được dịch và khắc in thành 60 quyển. Nó có tác dụng vận động và khẳng định con đường Duy tân Nhật Bản thời Minh Trị. Cổ bản hiện đang lưu ở Thư viện Đại học Waseda.

Sách Nhật Bản hiện đại sử đánh giá: “Tư tưởng cách mạng của Yokoi Shonan 横井小楠 có khuynh hướng khai quốc chủ nghĩa là bắt nguồn từ việc ông đọc Hải quốc đồ chí” . Yokoi Shonan (1809-1869) xuất thân là vũ sĩ vùng Guma, là nhà chính trị, nhà duy tân hàng đầu của Nhật Bản. Ông được đánh giá là một trong “Duy tân thập kiệt” của Nhật Bản cùng với những: Saigô Takamori, Ôkubo Toshimichi, Komatsu Kiyokado, Ômura Masujiro, Kido Takayoshi, Maebara Issei, Hirosawa Saneomi, Etô Shinpei, Iwakura Tomomi.

  1. 3.2.                                    Với Việt Nam

Người chịu ảnh hường sâu sắc nhất tư tưởng của Ngụy Nguyên là Nguyễn Lộ Trạch 阮露澤, nhà tư tưởng của Phong trào Canh Tân Việt Nam cuối TK. Nguyễn Lộ Trạch (1853-1898) người làng Kế Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, ông là tác giả của các bản điều trần quan trọng: Thời vụ sách thượng, Thời vụ sách hạ, Thiên hạ đại thế luận và một ít thơ văn.

Thời vụ sách thượng 時務策上được biên soạn vào năm 1877, trong đó ông tập trung bàn về chiến lược: Chiến, Thủ, Hòa của nước ta.

Thời vụ sách hạ 時務策下đưa ra 5 chủ trương:

1) Dựa vào địa thế hiểm yếu để giữ vững gốc nước.

2) Tích lũy tiền gạo để có đủ lương thực.

3) Huấn luyện binh lính để có đủ binh lực.

4) Học kỹ thuật để chống giặc (Học trường kỹ nhi chế Di)

5) Ngoại giao rộng rãi để nhờ ủng hộ.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy Thời vụ sách thượng của Nguyễn Lộ Trạch được viết ra với cấu trúc khá giống với Trù hải thiên (Thiên phòng thủ ngoài biển) trong Hải quốc đồ chí của Ngụy Nguyên với 3 vấn đề chính: Chiến, Thủ, Hòa.

Trong các chủ trương quyết liệt để ứng phó với tình hình mà Thời vụ sách hạ của Nguyễn Lộ Trạch đưa ra thì chủ trương thứ năm “Học trường kỹ dĩ chế Di” của ông rõ ràng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tư tưởng “Sư trường kỹ dĩ chế Di” của Ngụy Nguyên.

Tuy  nhiên, Nguyễn Lộ Trạch mặc dù chịu ảnh hưởng Ngụy Nguyên, nhưng ông vẫn giữ tinh thần độc lập, tiếp thu có phê phán. Trong Thời vụ sách thượng có khi ông còn tranh biện lại với Ngụy Nguyên: “Ngụy Nguyên có nói ‘Giữ ngoài biển không bằng giữ cửa biển, giữ cửa biển không bằng giữ trong sông’. Ngược lại, tôi cho rằng: giữ trong sông không bằng giữ cửa biển, giữ cửa biển lại không bằng giữ ngoài biển” (8).

Kết luận

Các sách tân thư khai sáng như đã nói trên có vai trò rất lớn trong việc thức tỉnh Trung Quốc và các nước Đông Á nói chung. Với các sách đó, lần đầu tiên các trí thức Đông Á biết rằng: thế giới là năm châu chứ không phải chỉ là “Thiên hạ” với trung tâm là Trung Quốc. Trong các sách ấy thì Hải quốc đồ chí của Ngụy Nguyên có vai trò quan trọng đối với phong trào duy tân Nhật Bản: nó là sách khai sáng cùng thời với các tân thư đầu tiên của Nhật Bản về thế giới năm châu có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng cải cách của Yokoi Shonan 横井小楠, một trong “Duy tân thập kiệt” của Nhật Bản. Riêng đối với Việt Nam cuốn sách này ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng canh tân của Nguyễn Lộ Trạch – một trong hai nhà canh tân tiêu biểu nhất của Việt Nam. Mảng sách này cần phải nghiên cứu sâu hơn và có hệ thống hơn để hiểu về sử Đông Á trong đó có Nhật Bản và Việt Nam.

CHÚ THÍCH

  1. Khôn dư đồ thuyết坤輿圖説, Nam Hoài Nhân (Ferdinand Verbiest), http://baike.baidu.com/view/2085921.htm
  2. Doanh hoàn chí lược瀛寰誌略,Từ Kế Dư soạn, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, Thượng Hải, 2001
  3. Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư天下郡国利病書, Từ Kế Dư soạn, “Tục tu tứ khố toàn thư”, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã.
  4. Nguyễn Q.Thắng trong Từ điển tác gia Việt Nam (NXB. Văn hóa Thông tin, HN, 1999), mục từ về Phạm Phú Thư có viết: “Ông là tác giả các sách: Bác vật tân biên, Hàng hải kim châm, Vạn quốc công pháp, Khai môi yếu pháp…”. Thực ra 4 quyển sách ấy là sách ông cho khắc in chứ không phải là sách ông biên soạn.
  5. Bác vật tân biên博物新編, bản cổ, Tây quốc y sĩ Hợp Tín trước, Nam Dương Trần Tu Đường đồng soạn
  6. Hàng hải kim châm航海金針, bản cổ, khắc in năm Hàm Phong năm thứ 3 (1853), Ái Hoa Đường tàng bản
  7. Hải quốc đồ chí海國圖志, Ngụy Nguyên soạn, bản cổ, khắc in năm Quang Tự thứ hai (1876); Hải quốc đồ chí海國圖志, Ngụy Nguyên soạn, “Trung Quốc cổ điển danh trước”, bản điện tử của Đại học Thanh Hoa
  8. Nguyễn Lộ Trạch – Điều trần và Thơ văn, Mai Cao Chương, Đoàn Lê Giang biên soạn, NXB. KHXH, HN, 1995, tr.83

Nguồn: Nhật Bản và Việt Nam trong phong trào « văn minh hóa » cuối TK.XIX đầu TK.XX¸ NXB. Giáo dục Việt Nam, 2012, tr.175

 


* PGS. TS, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM

20170804. Tuong Bo Tat

Ảnh: Tượng Bồ Tát phong cách Angkor, thế kỷ thứ XII

1. Mở đầu

Đức Phật nhập Niết Bàn vào khoảng năm 480 trước công nguyên, cũng từ đó giáo lý của Ngài bắt đầu được truyền bá trong vùng lưu vực sông Hằng (Ganga). Việc truyền bá đạo Phật tiếp tục phát triển dưới triều hoàng đế Ashoka, một nhà vua mộ đạo. Dưới thời vua Kanishka, đạo Phật thịnh vượng trong toàn bán đảo Ấn Độ cho đến thế kỷ thứ VII, rồi bị suy tàn trong thời gian xâm lược của người Musulman vào thế kỷ thứ XIII. Từ đó, Phật giáo bị Ấn Độ giáo lấn át, nhưng tại vùng Nepal Phật giáo vẫn tồn tại yếu ớt và phai nhạt dần.

Mặc dù lụi tàn trên đất Ấn nhưng đạo Phật cũng đã thâm nhập vào các nước láng giềng phía Bắc, có thời kỳ Phật giáo đã thâm nhập vào tận đất Hy Lạp dưới thời hậu duệ của hoàng đế Alexandre. Ngay cả các dân tộc Trung Á như Soythes và Pharthe cũng chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Phật giáo. Bằng con đường thông thương qua các vùng sa mạc Trung Á, Phật giáo đi vào đất Iran, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Về phía Bắc sông Hằng Hà, Phật giáo vượt qua dãy núi Hy Mã Lạp và đi vào Tây Tạng. Vùng Dekkan, nhờ sự thuận lợi của đường biển của những nhà buôn và những nhà hàng hải mà Phật giáo phát triển khá mạnh, tiến đến vùng Đông Dương và các quần đảo thuộc miền Nam Trung Quốc.

2. Sự phân liệt của Phật giáo và các trường phái nghệ thuật

Đạo Phật cũng chịu sự phân liệt do các vị cao tăng bất đồng chính kiến. Cuộc phân liệt lớn nhất là vào khoảng thế kỷ thứ I công nguyên và Phật giáo bị chia ra hai phái: phái Đại thừa hay còn gọi là Bắc tông (Mahayana Buddhism) và phái Tiểu thừa hay còn gọi là Nam tông (Theravada hay Hinayana Buddhism).

Phái Nam tông phát triển về phương Nam, giữ được nhiều tính chất nguyên thủy của đạo, tức là phái mà hiện nay chúng ta thấy ở Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện, Lào và Campuchia.

Còn phái Bắc tông phát triển về phương Bắc, chủ trương thờ tất cả các vị Bồ Tát và thừa nhận có nhiều vô số Phật. Phật giáo Đại thừa trở thành tôn giáo chính ở các quốc gia như: Nepal, Mông Cổ, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Đó là sơ lược mấy nét về lịch sử và phát triển của đạo Phật. Ở đây chúng tôi không đề cập nhiều về mặt lịch sử và triết lý của tôn giáo.

Về phong cách tạo hình (iconography), chúng tôi có thể rút ra một vài điểm cần chú ý về các trường phái nghệ thuật Phật giáo. Trước tiên, đạo Phật không có một kiểu mẫu nhất định nào về tượng Phật và các Bồ Tát. Hình thức tạc tượng chỉ thể hiện qua những công thức và quy chuẩn có tính chất địa phương bao trùm toàn bộ Đông Á.

Ngay ở Ấn Độ cũng có rất nhiều trường phái nghệ thuật Phật giáo khác nhau:

Trường phái Ganddhara: ở vùng Tây Bắc, chịu ảnh hưởng nghệ thuật Hellénique của Hy Lạp.

Trường phái Mathura: ở vùng trung du sông Hằng

Trường phái Gupta: ở vùng Trung Ấn.

Cuối cùng, là trường phái Amaravati ở vùng Đông Nam, gần cửa sông Krishna. Nó được thể hiện trong những hang động ở Ajanta, hang động Bamyan ở Afghanistan.

Khi nhìn vào vấn đề tạc tượng qua các thời đại, chúng ta có thể thấy sự khác biệt về cách thể hiện tượng Phật khác nhau ở Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Việt Nam và nước cổ Chămpa ở miền Trung Việt Nam. Chúng ta cũng có thể nhận thấy những nét đặc thù khác nhau của các tượng Phật theo kiểu Indo-greek, Indo-Seỳtha, kiểu tượng Khmer, kiểu tượng Trung Quốc, kiểu tượng Nhật.

Trong phái Đại thừa (Mahayana Buddhism), người ta thờ vô số Phật và Bồ Tát, cho nên vấn đề làm sao, lúc đến một cái chùa có thể nhận ra được tượng nào là tượng của Đức Phật và tượng nào là tượng Bồ Tát. Trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu khảo cứu về các kiểu tượng Bồ Tát mà tiếng Sanskrit (Phạn ngữ) gọi là Boddhisatva Alokitesvara.

3. Hình tượng Bồ tát ở Đông Dương

3.1. Bồ Tát trong văn hóa Chăm và Óc Eo

Ở Champa, Lokesvara hay Alokitesvara (Quan Thế Âm Bồ Tát) được thờ phổ biến nhưng không có nhiều tượng kích thước lớn. Di tích Đồng Dương ở Quảng Nam là nơi tìm thấy rất nhiều tượng Lokesvara tuyệt đẹp, thuộc thời đại Indravarman II của vương quốc Champa. Những pho tượng này hầu hết được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nằm trong khuôn viên của Thảo Cầm Viên thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng. Người Campuchia có rất nhiều tượng Lokesvara thời xa xưa để lại nhưng đẹp nhất là pho tượng tìm thấy tại tỉnh Kiên Giang hồi thập niên 1950 và nghe đâu nó đã thuộc về bộ sưu tập của bà Nam Phương vợ vua Bảo Đại. Ngoài ra, còn có ba pho tượng như vậy cũng được tìm thấy tại miền Nam Việt Nam và hai trong số đó hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. HCM.

Những tượng Lokesvara thường được thể hiện trong tư thế ngồi nhưng rất dễ nhận ra vì thường trên búi tóc bó cao của Bồ Tát người ta thường chạm hình vị Phật Amitabha (A Di Đà). Pho tượng phát hiện tại Kiên Giang thể hiện một loại hình đơn giản, tượng chỉ có hai tay, tay trái cầm hoa sen. Các tượng Bồ Tát khác thì ngoài vật cầm tay là hoa sen còn có chuỗi tràng hạt, bình nước Cam Lồ và quyển Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Các tượng của Campuchia thời cổ xưa thường thể hiện Bồ Tát theo những qui chuẩn nói trên và cách thể hiện trong tư thế tọa thiền, có tượng trong tư thế đứng, có tượng trong tư thế đang đi. Điều đó gợi cho các học giả ý nghĩ rằng: phải chăng đây là kiểu tượng của một nhân vật thần hóa?

Tượng Lokesvara có nhiều hình dạng khác nhau, thường có bốn, sáu, tám, 10 tay hay thậm chí đến nghìn tay. Người nghệ nhân Á Đông thể hiện một tác phẩm nghệ thuật với một ý nghĩa thuần túy bằng trực giác, những cái tượng trưng cho nhà Phật phù hợp với ước vọng và niềm tin của xã hội mà họ đang sống. Sự thể hiện nhiều cánh tay là biểu hiện cho quyền năng vạn thế siêu phàm của Bồ Tát Quán Thế Âm, vì vậy vai trò của người tạc tượng là phải tổng hợp được cái trừu tượng trong ý nghĩa dân gian. Tượng không phải là một sự trình bày Bồ Tát dưới dạng nhân thần, mà còn gợi ý cho thiện nam, tín nữ có thể cảm nhận niềm tin thông qua pho tượng.

Chúng tôi muốn phân tích ý nghĩa nhiều “đầu” của kiểu tượng Lokesvara. Ở đây chúng tôi muốn giới thiệu thêm về một pho tượng Quan Âm của Tây Tạng (Tibet) hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. HCM. Pho tượng này có 11 chiếc đầu và 14 cánh tay; có hai cánh tay được thể hiện trong tư thế của người tụng kinh, những cánh tay còn lại thì cầm các linh vật khác nhau. Trước hết, chúng ta cần hiểu Đức Bồ Tát Quán Thế Âm là biểu hiện cho tư tưởng “phổ độ chúng sanh”, mà lẽ ra Ngài đã thành Phật từ lâu nhưng vì lòng từ bi sâu sắc mà Ngài đã tự nguyện tái sinh thành nhiều kiếp ở trần thế để cứu vớt những sinh linh tội lỗi. Với lòng từ bi bác ái của mình, Ngài sẵn lòng bảo vệ chúng sinh thoát khỏi những tai nạn như lụt lội, hỏa hoạn và dịch bệnh…

3.2. Tượng Bố Tát trong văn hóa Campuchia

Tại ngôi chùa Banteai Chmar nằm dưới chân núi Dangrek, thuộc miền Tây Bắc Campuchia có thờ một pho tượng Lokesvara nhiều tay dưới dạng phù điêu (bas-relief). Còn việc thể hiện Quan Âm có nhiều đầu thì cụ thể và vĩ đại hơn hết là ngôi tháp bốn mặt tại điện Bayon, vốn do Jaya Varman VII, một vị vua mộ đạo xây dựng. Vị vua này có uy quyền to lớn về mặt chính trị, ngôi tháp bốn mặt mà ông xây dựng nhằm ca ngợi tấm lòng từ bi, đức hiếu sinh của Bồ Tát trải rộng khắp bốn phương, tám hướng, đồng thời cũng nói lên quyền lực của nhà vua bao trùm toàn cõi dương gian và có thể sánh với quyền năng của Bồ Tát. Tòa tháp này là một công trình kiến trúc độc nhất vô nhị về hình tượng Bồ Tát tại Campuchia và Đông Nam Á.

Cũng có một kiểu tượng Quan Âm khác phổ biến ở Campuchia mà người ta có thể dễ dàng nhìn thấy trong các sưu tập Khmer của các Bảo tàng ở Đông Nam Á. Kiểu tượng này thể hiện Đức Quan Âm khoác một chiếc áo choàng giống như áo giáp của các kỵ sĩ châu Âu thời trung cổ. Thực ra, đó là sự thể hiện đầy đủ trên thân thể Ngài với hằng hà sa số những tượng Phật bé xíu. Những tượng Phật đó bao gồm trên cả móng tay, móng chân của Ngài nữa. Vấn đề này các nghệ nhân phương Đông giải thích là trên mỗi lỗ chân lông của Quan Âm cũng có thể sinh ra hàng nghìn vị Phật và các vị Bồ Tát khác, để khắp mọi nơi đều có mặt Ngài tựa như ánh sáng mặt trời chiếu rọi xuống trần gian.

Trên một bức phù điêu tại ngôi đền Neak Pean thuộc khu di tích Angkor Wat, Bồ Tát được thể hiện dưới hình hài của một con ngựa thần khổng lồ tên là Balaha. Ngôi đền này được xây dựng trên một hồ nước có thể là nơi tôn thờ vị Bồ Tát Dược Sư. Còn về hình tượng con ngựa thì theo Phật thoại, Đức Bồ Tát có lần hóa thân thành một con ngựa để cứu 500 người lái buôn Ấn Độ sắp chết đuối ngoài biển khơi. 500 con người thoát chết này đã kết đôi lứa với một giống đàn bà ăn thịt người mà trong truyền thuyết gọi là Dạ Xoa (Raksasis). Do đó bên hông, chân và đuôi ngựa người ta chạm những xâu đầu lâu treo lủng lẳng, một bức phù điêu kế tiếp cho thấy con ngựa đang bay lên trời.

3.3. Mối liên hệ với Trung Hoa và Tây Tạng

Ở Trung Hoa và Nhật Bản có đến 30 kiểu tượng Quan Âm khác nhau nhưng cả hai nơi này đều có một quan điểm chung là người ta thể hiện Quan Thế Âm là một vị nữ thần. Hơn ai hết, các nhà tu hành hiểu rõ nhất về truyền thuyết của Ấn Độ kể về hình tượng Quan Âm nguyên thủy là một vị nam thần nhưng việc biến Ngài thành một nữ thần thì cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích thuyết phục.

Phật giáo Mật tông (Tantranism) chịu nhiều ảnh hưởng của giáo phái Shiva. Ở Tây Tạng có nhiều kiểu tượng Quan Âm được thể hiện dưới hình dạng của một phụ nữ mang tên là Tara, vị nữ thần tiêu biểu cho sức mạnh và lòng đại từ, đại bi của nhà Phật. Còn tại Campuchia, người ta cũng thường thấy kiểu tượng Bồ Tát có ba mặt, trong đó có một khuôn mặt là phụ nữ. Ngoài ra, kiểu tượng Bồ Tát Tara còn mang một tên khác là Prajanaparmita nhằm biểu trưng cho trí tuệ siêu việt của Phật giáo. Tượng này đôi khi lại được thể hiện trong tư thế ngồi, đầu có búi tóc nhô cao, phía trước có hình Đức Phật Amitabha. Trong nghệ thuật Khmer, Tara hay Prajanarmita thường được thể hiện dưới dạng phù điêu.

4. Kết luận

Cũng giống như nhiều khu vực khác trên thế giới, Phật giáo đã dung hòa các yếu tố văn hóa bản địa để tạo nên một nền văn hóa đặc sắc trên xứ Đông Dương của chúng ta. Một trong những nét đặc sắc của tín ngưỡng tôn giáo vùng này là tục thờ kính Thiên vương (Devajaya), sự đồng hóa một kẻ cầm quyền với thượng đế được dùng để nâng đức vua lên đến địa vị thần thánh hoặc bán thần. Đây là sự phối hợp tuyệt vời thích hợp với tính chất chính trị thần quyền của chính quyền Khmer và các nước Đông Dương. Sự sáp nhập giữa hoàng gia và thần linh thậm chí còn tác động lên các pho tượng Bồ Tát qua hành vi gắn thêm châu báu và vương miện vào các pho tượng này.

Một nét đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc Đông Dương là khuynh hướng thiên về hình thể đầy đặn và có ba chiều. Khác với Ấn Độ, nơi mà đa số các công trình kiến trúc trên đá là phù điêu nổi cao với các bức tượng lớn được tạc theo khuôn mẫu thống nhất ở mọi phía. Có thể thấy sự ảnh hưởng này ở Campuchia vào khoảng thế kỷ thứ VI rồi sau đó ảnh hưởng sang Thái Lan, Java và các vùng khác. Các pho tượng sau này là những tác phẩm gây ấn tượng sâu sắc nhất về hình tượng không gian ba chiều của chúng. Hơn nữa, theo ghi chép của thư tịch Ấn Độ và Trung Hoa thì vùng đất này có nhiều vàng, đó cũng là lý do tại sao ngày nay giới khảo cổ phát hiện được nhiều tượng bằng vàng nằm rải rác khắp nơi.

Tài liệu tham khảo

  1. Coedré Goerge (1953), Lịch sử các nước Viễn Đông chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ (Đào Khải Từ dịch), SG, Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. Hồ Chí Minh.
  2. Lê Thị Liên (2003), Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở đồng bằng sông Cửu Long trước thế kỷ X,  Luận án tiến sĩ Khoa học Lịch Sử, Viện khảo Cổ học.
  3. Marellet L. (1968), Tìm hiểu nghệ thuật điêu khắc Phật giáo và Bà La Môn giáo ở Đông Dương (Đào Khải Từ dịch), Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. Hồ Chí Minh.

Phan Anh Tú, TS., Khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP. HCM.

Nguồn: Tạp chí KH Văn hóa và Du lịch, Vol.7, số 2-3 (82-83), tháng 3-5.2016

Các tua gai (1) thân mến. Mùa hè sắp đến rồi. Em - một du khách tự biết mình chỉ đủ sức “phượt” trong ao làng - lại bồi hồi giở các trang web du lịch với vô số lời mời gọi: Đến cùng trời Tây Bắc, Theo dấu chân Kong, Sát cánh cùng tuyển Việt Nam tại Hàn Quốc, Chiêm ngưỡng vườn hoa chi anh và hoa tử đằng, Du thuyền trên sông Volga...

Có anh bạn vong niên đi công tác gửi ảnh đến cho chúng tôi và thông báo: ở quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng có đường Bùi Giáng. Hỏi thêm tôi được biết: đường Bùi Giáng thuộc phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, được đặt tên theo Nghị quyết của HĐND thành phố do Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh ký ngày 8-12-2016.

Tôi nhớ cách đây mấy năm – năm 2013 Khoa Văn học và Ngôn ngữ (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) có tổ chức Hội thảo về Bùi Giáng. Đây là hội thảo về Bùi Giáng đầu tiên do một khoa văn đại học công lập tổ chức. Rất đông người yêu mến Bùi Giáng đã đến tham dự. Thế nhưng sau Hội thảo có vài người viết bài phê thơ Bùi Giáng trên một tờ báo ít người đọc. Họ chỉ ra rất nhiều câu thơ kỳ quặc của ông. Tôi nghĩ rằng: nếu chỉ ra thơ kỳ của Bùi Giáng thì ngồi cả ngày nói không hết. Thơ Mới hay như thế mà Hoài Thanh từng chẳng than thở rằng: "Tôi đã đọc tất cả một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở." (Nhỏ to, Thi nhân Việt Nam 1932-1941)? Nói chung thơ dở rất nhiều, chuyện ấy nói làm gì, cái chính là tìm được thơ hay. Bùi Giáng có những câu hay mà không ai làm được. Ví dụ:

Em về mấy thế kỷ sau,

Nhìn trăng còn thấy nguyên màu ấy không?

(Mai sau em về, Bùi Giáng đười ươi chân kinh, NXB. Hội Nhà văn, 2012, tr.64)

Câu thơ thật lạ, thật ám ảnh, vừa có màu sắc Phật giáo, vừa có nỗi u hoài siêu hình vũ trụ.

Bài Mắt buồn thì thật đáng phục:

Bây giờ riêng đối diện tôi,

Còn hai con mắt khóc người một con.

(Bùi Giáng đười ươi chân kinh, sđd, tr.60)

Tứ thơ kỳ lạ ấy đã gợi hứng, gợi ý cho ca khúc Con mắt còn lại của Trịnh Công Sơn. Đoạn ca từ tuyệt diệu dưới đây là sự triển khai tứ thơ Mắt buồn:

Còn hai con mắt khóc người một con

Còn hai con mắt một con khóc người

Con mắt còn lại nhìn một thành hai

Nhìn em yêu thương nhìn em thú dữ

Con mắt còn lại ngờ vực tình tôi

Cuồng điên yêu thương cuồng điên nỗi nhớ

Con mắt còn lại nhìn mây trắng bay

Con mắt còn lại nhìn tôi bùi ngùi.

Từ khi Hàn Mạc Tử mất, chưa ai làm được bài thơ nào như thế!

Hồi học đại học thỉnh thoảng tôi thấy Bùi Giáng ở trên đường với trang phục kỳ dị: đeo vỏ lon lủng lẳng và mặc quần áo rách bươm, nhưng không có dịp hầu chuyện ông và chưa hiểu hết cái hay cái lạ của thơ ông. Đọc thơ ông, người ta hay cười, nhưng người ta cũng yêu quý ông với một tình cảm ít nhà thơ nào có được. Phải chăng vì đời thì tỉnh, ông thường điên, đời thì khôn ngoan, ông thường ngu vụng? Nhưng Tình thơ càng ngu vụng thì thơ càng hay - Viên Mai nói thế, tôi cũng nghĩ như thế!

                                                                   Tháng 7 năm 2017

Đoàn Lê Giang

Tôi có một người cô họ làm giáo viên tiểu học ở thị xã Quảng Ngãi trước năm 1975. Chồng cô là cán bộ chính trị thời chống Pháp, đi tập kết ra miền Bắc khi con gái đầu lòng của họ chưa giáp thôi nôi. Hai mươi năm xa cách, cô tôi một dạ thủy chung chờ chồng, nuôi con bằng đồng lương nhà giáo.

II. Tứ hải tổng đồ

Như đã điểm qua ở phần I, mục B, Tứ hải tổng đồ là địa đồ được xếp đầu phần Đồ, gồm 2 trang , (34, 35). Về tên gọi, “Địa đồ tổng quan bốn biển” hàm ý chỉ các nước trên thế giới – trong đó có Đại Thanh quốc – theo nhận thức của người vẽ trong thời điểm ấy. Loại địa đồ thế giới như Tứ hải tổng đồ thể hiện – tức đồng loại khác tên – xuất hiện sớm vào thời Minh. Trong phần phụ lục sách Võ Bị Bí thư của Thi Vĩnh Đồ có bức Hải ngoại quốc đồ, sau Tứ hải tổng đồ thì loại này xuất hiện khá nhiều như Hoàn hải tổng đồ (1790) triều Càn Long, Hoàn hải tổng đồ (1798) triều Hàm Phong, Hoàn hải tổng đồ (1842) của Thiệu Quảng Văn, Viên Đồ (1841–1852) của Ngụy Nguyên, Hoàn hải toàn đồ (1860) của Lý Triệu Lạc, Hoàn hải toàn đồ (1891) của Vương Chi Xuân… Đặc điểm chung của các địa đồ loại này là 1) kích thước nhỏ [trong khổ sách, 1 hoặc 2 trang]; 2) vẽ trong vòng tròn [Ngụy Nguyên lấy dạng thức nét viền đặt tên cho địa đồ là “viên đồ 圓圖”, tức địa đồ hình tròn]. Thể hiện giản lược, chưa biết đến châu Mỹ và châu Úc [mặc dù Ricci Matthieu/Lị Mã Đậu đã mang theo địa đồ thế giới khá hoàn chỉnh vào Áo Môn từ năm 1582, và hai năm sau, tại phủ Triệu Khánh (Quảng Đông) R. Matthieu đã công bố công trình phiên chú Hán văn địa đồ thế giới này, với tên Sơn hải dư địa toàn đồ[1] (1584).

1. Khảo dị

Để việc tìm hiểu Tứ hải tổng đồ được tường tận, nhân tiện chúng tôi giới thiệu sơ về các dị bản. Ngoài bức địa đồ trong HQVKL đang khảo sát [sẽ viết là: Đồ 1], chúng tôi tham khảo thêm hai bức Tứ hải tổng đồ cũng được học giới Trung Quốc chú nguồn là trích từ sách HQVKL của Trần Luân Quýnh. Một của nhóm Trần Sử Kiên[2] [sẽ viết là: Đồ 2] và một của Lưu Nam Uy[3] [sẽ viết là: Đồ 3]. Đồ 2 và Đồ 3 chỉ trích in một góc, tương đương ¼ Đồ 1, lấy Trường Sa, Thạch Đường làm trung tâm.

Qua quan sát đối chiếu, có thể nhận thấy Đồ 1, Đồ 2 và Đồ 3 là 3 địa đồ khác nhau hoặc do 3 người thực hiện, có thể 3 bức này được vẽ lại theo 1 bức nào đó, hoặc 2 bức trong số này dựa vào 1 bức có trước. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ khảo sát cụm địa danh: Khí 氣, Sa Đầu 沙頭, Trường Sa 長沙, Thạch Đường 石塘 và Thất Châu Dương七州洋.

Đồ 1

Đồ 2

Đồ 2

Đồ 3

a. Điểm giống nhau

Cả 3 địa đồ đều thống nhất cách tiêu danh đối với các nhóm, bãi đá, bãi cát ở trong khoảng giữa Đài Loan, Quỳnh Châu, Côn Lôn, Văn Lai, Ban Ái, các đối tượng được ghi là: Khí, Sa Đầu, Trường Sa, Thạch Đường và Thất Châu Dương.

b. Điểm khác nhau

Trên tổng thể, Đồ 1, Đồ 2 và Đồ 3 khác nhau về đường nét; về chữ viết/khắc; về kích thước (chu vi) các đảo quốc được giới hạn; Đồ 1 so với Đồ 2 và Đồ 3 thiếu địa danh Tức Đống 息棟 [hoặc Luyện/楝?], vị trí giữa Thạch Đường và Văn Lai. Trong khu vực đang xét, các vị trí được tiêu danh: Khí, Sa Đầu, Trường Sa, Thạch Đường, Thất châu Dương khác nhau  (chênh

lệch); Hình thể các đảo, đá, bãi…được diễn tả khác nhau. Thí dụ như thực thể mang địa danh “Khí” ở Đồ 1 giống như hình lưỡi liềm đứng, ở Đồ 2 giống hình lưỡi liềm úp, ở Đồ 3 là hai nét thẳng tạo góc nhọn hướng lên; thực thể mang địa danh “Thạch Đường” ở Đồ 1 giống một cổng vòm, ở Đồ 2 là hình chữ nhật nằm ngang, thêm một vạch ngang bên trong, ở Đồ 3 giống hình lưỡi dao mũi hướng về phía tây. Bố cục khác nhau, Đồ 1 có không gian biển rộng rãi, khoảng cách giữa các nhóm đảo, đá dễ phân biệt. Đồ 2 và Đồ 3 bố cục chật hẹp, chữ viết và đối tượng địa lý đều to, dày khít.

Tóm lại, trong khu vực đang xét, Đồ 1, Đồ 2 và Đồ 3 giống nhau về hệ thống tên gọi, khác nhau về vị trí, hình thể và bố cục.

2. Văn – Đồ đối chiếu

Tên gọi

So sánh cách tiêu danh ứng vào thực thể địa lý ở phần Đồ và địa danh được mô tả ở phần Văn, thấy chỉ có tên Thất Châu Dương là đồng nhất. Các tên gọi khác có thể điểm qua như sau:

* Đồ viết Khí, Văn có mô tả một đảo tên “Nam Áo Khí”, qua đoạn văn: “Nam Áo Khí, cư Nam Áo chi đông nam” [Nam Áo Khí ở phía đông nam Nam Áo] (sđd, tr. 31), lưu ý: phân biệt Nam Áo Khí và Nam Áo.

* Đồ viết Sa Đầu 沙頭.

Văn có một đoạn mô tả hành trình liên quan đến Sa Đầu, tuy nhiên có 2 nơi có thể gọi tắt là Sa Đầu, một là Sa Mã Kỳ Đầu Môn 沙馬崎頭門, hai là Vạn Lý Trường Sa Đầu 萬里長沙頭.

* Đồ viết Trường Sa 長 沙.

Văn, có 3 nơi/vùng có thể gọi tắt là Trường Sa. Một là “Vạn Lý Trường Sa Đầu”; hai là Trường Sa Môn; ba là Vạn Lý Trường Sa.

* Đồ viết Thạch Đường 石 塘.

Văn có đề cập tên Thiên Lý Thạch Đường 千 里 石 塘.

* Đồ viết Thất Châu Dương 七 州 洋.

Văn viết Thất Châu Dương.

Như vậy, trong khu vực đang khảo sát, gồm 5 vị trí được tiêu danh trên phần Đồ, 4 vị trí được tiêu danh gần giống với tên trong phần Văn và 1 tên gọi ở phần Đồ và Văn ghi nhận giống nhau.

Giả định Khí là tên gọi tắt của Nam Áo Khí, Sa Đầu là tên gọi tắt của Sa Mã Kỳ Đầu Môn, Trường Sa là tên gọi tắt của Trường Sa Môn, Thạch Đường là tên gọi tắt của Thiên Lý Thạch Đường, và Thất Châu Dương là Thất Châu Dương. Trong 5 giả định có thể đặt ra, đây là giả định tích cực nhất để hòa hợp phần Đồ và phần Văn trong HQVKL. Tuy nhiên, vẫn không thể xóa hết những mâu thuẫn hiện có. Đoạn văn sau đây trích dịch từ chương 8, là chương viết về Nam Áo Khí trong HQVKL, đoạn này nêu đủ các tên gọi có thể ứng dụng để đối chiếu.

Trích dịch: Cách Nam Áo thủy trình 7 canh [210 km], [là nơi] xưa gọi Lạc Tế 洛濟. Hướng Bắc [của Lạc Tế] đều là những ngấn cát chìm nổi, dài khoảng 200 dặm [100 km], đi qua nơi này phải mất hơn 3 canh, cuối cùng của hướng Bắc có 2 ngọn núi là Đông Sư và Tượng, đứng đối ngang với Sa Mã Kỳ ở Đài Loan. Cách một biển rộng khoảng 4 canh đường [120 km], biển này tên là Sa Mã Kỳ Đầu Môn. Khí [tức Nam Áo Khí] mọc giữa biển, phía nam là ngấn cát nối tiếp đến Việt hải [biển Quảng Đông], [ngấn cát này] gọi là Vạn Lý Trường Sa Đầu. Cách đoạn về phía Nam là một biển, tên Trường Sa Môn. Lại theo đầu phía Nam sinh thêm ngấn cát nối đến Vạn Châu biển Quỳnh Châu, gọi là Vạn Lý Trường Sa. Phía Nam [Vạn Lý Trường Sa] lại có dãy đá rạn đến Thất Châu Dương, [dãy đá này] tên gọi Thiên Lý Thạch Đường. Một cửa Trường Sa, phía tây bắc là Nam Áo, phía tây nam là Đại Tinh ở [sở] Bình Hải, [ba điểm này: Trường Sa Môn, Nam Áo và Đại Tinh], 3 ngọn này thế như chân vạc”. (Trích chương 8, Nam Áo Khí, sđd, tr. 31)

+ Điểm sai lệch thứ nhất là vị trí Trường Sa Môn và Nam Áo [Khí]. Văn mô tả Nam Áo ở phương tây bắc Trường Sa Môn, Đồ vẽ Nam Áo ở phương đông bắc Trường Sa Môn.

+ Điểm sai thứ hai là, theo trích đoạn mô tả Nam Áo Khí vừa nêu, trên cơ sở dựa vào một số địa danh đến nay vẫn tồn tại hoặc có thay đổi nhưng vẫn xác định được vị trí như Vạn Châu thuộc Quỳnh Châu [nay là thành phố Vạn Ninh – Hải Nam]; Đại Tinh ở phía nam sở Bình Hải [đời Thanh thuộc huyện Huệ Dương – Quảng Đông, nay thuộc thành phố Huệ Dương - Huệ Châu - Quảng Đông].

+Điểm sai thứ ba là về trật tự Vạn Lý Trường Sa – Thiên Lý Thạch Đường – Thất Châu Dương. Văn mô tả Thiên Lý Thạch Đường ở vào khoảng giữa Vạn Lý Trường Sa và Thất Châu Dương. Đồ vẽ Thất Châu Dương ở vào khoảng giữa Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường.

Tóm lại, trên vừa nêu là thực trạng hiện còn, có thể kiểm tra và khảo sát trên các bức “Tứ Hải Tổng đồ” đang lưu hành. Nhiều điểm sai biệt giữa Văn và Đồ trong một sách, giữa Đồ và Đồ trong các bản in, ở đây còn chưa tiện đề cập đến việc so sánh Đồ thuộc HQVKL với Đồ ở các sách khác.

3. Lý luận của học giới Trung Quốc

Đối với 5 địa danh Khí, Sa Đầu, Trường Sa, Thạch Đường và Thất Châu Dương trong Tứ hải tổng đồ, học giới Trung Quốc có cách lý luận riêng. Nói “lý luận riêng” vì các chuyên gia nghiên cứu Nam Hải ở Trung quốc hiện nay không theo cái học thực chứng hồi đời Thanh và cũng không theo phương pháp nghiên cứu địa danh hiện đại. Để tiện việc phân tích, chúng tôi trích dịch 2 trường hợp tiêu biểu cho các lý luận riêng này.

* Trong phần thuyết minh cho Đồ 2, nhóm Trần Sử Kiên viết: “Khí Sa Đầu chỉ Đông Sa quần đảo, Trường Sa chỉ Trung Sa quần đảo, Thất Châu Dương chỉ Tây Sa quần đảo, Thạch Đường chỉ Nam Sa quần đảo”[4].

* Trong “Trung Quốc Nam hải chư đảo địa danh luận cảo” Lưu Nam Uy viết: “Trong Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh có phụ lục bức Tứ hải tổng đồ, địa đồ này có vẽ và ghi các địa danh “Khí”, “Sa Đầu”, “Trường Sa”, “Thất Châu Dương” và “Thạch Đường”. Theo phương vị và nội dung ghi chép thì thấy: Khí tức Nam Áo Khí, chỉ Đông Sa quần đảo; Sa Đầu tức đầu đảo cát, trong các đảo Nam Hải, đảo cát bắt đầu xuất hiện từ Đông Sa quần đảo, do vậy Sa Đầu là chỉ Đông Sa quần đảo. Theo như ghi chép trong sách này và vẽ trên địa đồ thì Thất Châu Dương ở vị trí cực tây, chỉ Tây Sa quần đảo; giữa Sa Đầu và Thất Châu Dương là Trường Sa, vậy Trường Sa là Trung Sa quần đảo; Thạch Đường được vẽ ở hướng nam, là chỉ Nam Sa quần đảo. Ở đây bắt đầu biểu thị một cách rõ ràng việc phân hoạch bốn quần đảo lớn trong các đảo Nam Hải”[5].

Hai đoạn văn trên thiên về ý kiến kết luận hơn là nghiên cứu, lý luận dựa trên cơ sở khoa học hoặc một tiêu chí học thuật được chọn trước – phần đông học giả Trung Quốc né tránh việc phân tích cụ thể, chi tiết đối với các loại tài liệu loại này – Tách riêng các đoạn văn trong HQVKL ra khỏi Tứ Hải Tổng đồ để giảm đi các yếu tố mâu thuẫn, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy nhóm Trần Sử Kiên và Lưu Nam Uy đã rất gượng gạo trong việc xác định “Khí Sa Đầu chỉ Đông Sa quần đảo”, hoặc lý giải “Khí tức Nam Áo Khí, chỉ Đông Sa quần đảo; Sa Đầu tức đầu đảo cát, trong các đảo Nam Hải, đảo cát bắt đầu xuất hiện từ Đông Sa quần đảo, do vậy Sa Đầu là chỉ Đông Sa quần đảo”. Việc sáp nhập Khí và Sa Đầu làm một – trong khi chúng cách nhau khá xa – có thể xem là một thí dụ cho nhiều điểm bất cập khác.

III. Nam Dương Ký, Nam Áo Khí trong Hải quốc văn kiến lục

1. Đối với các đoạn văn trích từ HQVKL, tức cách sử dụng tư liệu vào mục đích nghiên cứu, học giới Trung Quốc hầu hết đều trích dẫn sai hoặc lý giải không đúng với tinh thần tư liệu gốc. Trong một luận văn nghiên cứu về các đảo Nam Hải, Lâm Kim Chi viết: “Năm Ung Chính thứ 8 (1730), xuất bản sách Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh, các đảo Nam Hải được đề cập và phân biệt rõ là: Nam Áo Khí (chỉ Đông Sa quần đảo); Thất Châu Dương (chỉ Tây Sa quần đảo); Vạn Lý Trường Sa (chỉ Trung Sa quần đảo) và Thiên Lý Thạch Đường (chỉ Nam Sa quần đảo)”[6].

Kết luận của Lâm Kim Chi cho thấy rằng, để chỉn chu cho tên gọi “tứ đại quần đảo”, Nam Áo Khí được gắn vào Đông Sa hiện nay, điều này khác với Lưu Nam Uy và Trần Sử Kiên (chủ trương Đông Sa là Khí Sa Đầu), cũng khác xa vời vợi so với mô tả của Trần Luân Quýnh.

Một thí dụ khác về phương pháp trích nguồn sai lệch, có thể xem trong luận văn của Lâm Vinh Quý và Lý Quốc Cường, qua câu được trích dẫn như sau:

“北 自 雞 籠 山 至 南 沙 馬 崎, 延 袤 二 千 八 百 里”. (sic)[7]

[Bắc tự Kê Lung sơn chí Nam Sa Mã Kỳ, diên mậu nhị thiên bát bách lý.]

Trong bài viết của mình, họ Lâm – Lý chỉ nói đoạn văn trên trích từ sách HQVKL mà không dẫn số trang và tên chương chứa đoạn văn trên. Chúng tôi tham khảo và đối chiếu, thì thấy đoạn văn này được dẫn sai từ 1 đoạn trong chương 1. Nguyên tác HQVKL có đoạn đầy đủ như sau:

“澎湖之 東 則 臺 灣。北 自 雞 籠 山對 峙 福 州 之 白 犬 洋, 南 自 沙 馬 崎 對 峙 漳 之 銅 山 延 綿二千 八百里 .” (chương 1, trang 4, dòng 1, 2)

[Bành Hồ chi đông tắc Đài Loan. Bắc tự Kê Lung Sơn đối trĩ Phước Châu chi Bạch Khuyển dương, nam tự Sa Mã Kỳ đối trĩ Chương chi Đồng Sơn, diên miên nhị thiên bát bách lý].

Phía đông Bành Hồ là Đài Loan, Bắc từ Kê Lung Sơn nhìn sang biển Bạch Khuyển thuộc Phước Châu, Nam từ Sa Mã Kỳ nhìn sang Đồng Sơn thuộc Chương [châu], một dãy liên tiếp [dài] hai ngàn tám trăm dặm].

Đoạn văn này – Trần Luân Quýnh – mô tả diên hải Đài Loan với cực bắc là Kê Lung Sơn đối diện với Phước Châu (tỉnh Phước Kiến) qua một biển tên là Bạch Khuyển, cực nam Đài Loan là Sa Mã Kỳ nhìn sang Đồng Sơn thuộc vùng biển Chương Châu (nam Phước Kiến), và chiều dài 2.800 lý, tức khoảng 1.400 km, ứng với chiều dài hải trình vòng quanh đảo Đài Loan.

Lâm – Lý trích đoạn sửa đổi, lắp ráp sai cấu trúc văn cú, văn đoạn và kết luận là:

“從 方 向, 距 離 上 考 訂, “南 沙 馬 崎” 即 今 南 沙 群 島 中 的 黃 山 馬 崎 島, 也 即 今 太 平 島, 我 國 海 南島漁 民 俗 稱 為 黃 山 馬 崎 “

“Theo phương hướng, cự ly mà xét thì thấy Nam Sa Mã Kỳ tức nay là đảo Hoàng Sơn Mã Kỳ黃 山 馬 崎, cũng tức là đảo Thái Bình trong quần đảo Nam Sa, ngư dân đảo Hải Nam nước ta quen gọi đảo Thái Bình[8] là Hoàng Sơn Mã Kỳ” (sđd, tr. 142).

Cách trích văn bỏ bớt chữ (như “Nam tự Sa Mã Kỳ” còn lại “Nam Sa Mã Kỳ”) và gắn ghép sai trật tự như trên thật khó bình luận hoặc thảo luận.

Để loại trừ khả năng Lý Quốc Cường tham khảo và trích lục đoạn văn trên đây từ một văn bản HQVKL khác, chúng tôi xem thêm đoạn văn này trong Hải Quốc Đồ Chí [quyển 77, Trù Hải Tổng Luận 1, trích in lại toàn văn chương 1, HQVKL], thấy Ngụy Nguyên đưa đoạn văn này vào trong Hải Quốc Đồ Chí cũng giống đoạn văn mà chúng tôi tham khảo trong HQVKL.[9]

2. Học giới Việt Nam tiếp cận HQVKL đầu tiên có lẽ là học giả Đào Duy Anh, trong bản dịch “Đại Nam Nhất thống Chí” (1970), phần phụ lục tỉnh Quảng Ngãi, cụ Đào đã bổ sung một đoạn dịch “Nam Áo Khí”, tức chương 8 – HQVKL [có ghi rõ ở chú thích: phần sưu tầm của người hiệu đính (tức Đào Duy Anh)]. Cụ Đào không ghi xuất xứ bản HQVKL đã sử dụng.

Bản dịch một phần Nam Áo Khí nêu trên có lẽ đã dựa vào một bản xưa không chấm câu, nên ở vài nơi cụ Đào chấm câu không chính xác dẫn đến khó hiểu, thí dụ như “Lạc Tế Bắc” đúng ra là “Lạc Tế. Bắc…”; như “Sa Mã Kỳ Đầu Môn Khí mọc giữa biển” đúng là “Sa Mã Kỳ Đầu Môn. Khí (tức Nam Áo Khí) mọc giữa biển” … (xem Sử Địa 29, tr. 145 và Đại Nam Nhất thống chí, nxbThuận Hóa, tập 2, tr. 526, 527).

Nguyên tác đoạn văn này, về không gian, chủ yếu mô tả vùng biển Đài Loan, Phước Kiến, Quảng Đông, vài địa danh đến nay vẫn không đổi như Nam Áo (khoảng 23,50N và 117,20E) thuộc Quảng Đông; Đại Tinh tức Đại Tinh Sơn ở đông nam Bình Hải sở [khoảng 25,250N và 119,250E] thuộc Phước Kiến.

Các tên gọi Trường Sa, Trường Sa Môn, Vạn Lý Trường Sa Đầu, Vạn Lý Trường Sa trong Nam Dương Ký và Nam Áo Khí (chương 4 và chương 8 – HQVKL) có nhiều điểm mô tả không đồng nhất, cần phải nghiên cứu thêm nữa. Liên quan trực tiếp đến bờ biển Việt Nam là phần Nam Dương ký (xem phụ lục). Đoạn dịch Nam Áo Khí của học giả Đào Duy Anh lẽ ra chỉ nên để tham khảo trong khuôn khổ nghiên cứu các tương quan địa danh Trường Sa, Thạch Đường… việc sớm gắn đoạn văn này vào phần địa chí tỉnh Quảng Ngãi mà không chú thích rõ các tên gọi Việt Dương, Việt Hải (biển Quảng Đông) đã phát sinh nhiều lý luận nông nổi.

Dùng đoạn văn dịch Nam Áo Khí để lý luận sai, sớm nhất có lẽ là Hãn Nguyên (Nguyễn Nhã) trong bài viết “Những sử liệu chữ Hán minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua nhiều thế kỷ” đoạn văn như sau: “Trái lại, sách Hải quốc văn kiến lục của Trần Luân Quýnh, một người Trung Hoa đã soạn vào năm 1744 (đời nhà Thanh) đã xác nhận rằng ‘phía nam ngấn cát nối tiếp đến Việt Hải là Vạn Lý Trường Sa, có nghĩa người Trung Hoa đã dùng danh xưng Việt Hải hay Việt Dương (ở đoạn sau cũng trong tài liệu này) để chỉ Nam Hải hay Biển Đông của Việt Nam mà trong biển đó có Vạn Lý Trường Sa hay Hoàng Sa, thì đương nhiên đã xác nhận Vạn Lý Trường Sa là của Việt Nam.’’ (Sử Địa 29, trang 144, 149)[10], sai lầm này đến nay vẫn chưa được khắc phục, thậm chí còn được phát triển bởi tác giả khác.

Tóm lại, Hải quốc văn kiến lục của Trần Luân Quýnh và Tứ hải tổng đồ của Hạ Tuyền Uyên với nội dung ghi chép, soạn vẽ có nhiều liên hệ đến biển Đông, các tác giả đương thời chỉ nhằm mục đích cung cấp kiến thức địa lý, và những thông tin cần thiết cho người đi biển. Tứ hải tổng đồ là địa đồ thế giới nên không liên quan gì đến lịch sử chủ quyền của Trung Quốc đối với các địa danh mà nó thể hiện. Một phần nội dung HQVKL là “Nam Dương ký” vốn ghi chép về các quốc gia phía nam Trung Quốc, Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường lại nằm trong vùng biển Nam Dương này. Học giới Trung Quốc và Việt Nam đều mắc phải sai lầm khi dựa vào HQVKL để tạo ra những lý luận xa rời tinh thần nguyên tác. Một bên thì vờ quên đi ý nghĩa/giá trị tự thân của nguồn tư liệu, trích lục bừa bãi và lý luận qua loa lấp liếm; một bên thì do không tìm hiểu tư liệu nguồn một cách thấu đáo, mạch lạc nên đưa ra suy luận bồng bột. Việc nghiên cứu cổ sử biển Đông có thể rút kinh nghiệm từ những điểm bất cập và thái quá này,trong những trường hợp tương tợ.

(Còn 1 kì)


[1] Xem thêm: Cận đại lai Việt truyền giáo sĩ bình truyện [近代來粵傳教士評傳]– Lôi Vũ Điền chủ biên – Bách Gia xbx – Thượng Hải 2004. (tr. 63 – 65). Minh Thanh văn hóa sử trát ký [明清文化史札記]– Phùng Thiên Du. Thượng Hải Nhân Dân xbx – 2006 (tr. 89).

Minh mạt Thanh sơ Trung ngoại khoa kỹ giao lưu nghiên cứu [明末清初中外科技交流研究]. Trương Thừa Hữu, Trương Phổ, Vương Thục Hoa. Học Uyển xbx – Bắc Kinh – 2002. (tr. 175, 176, 179).

[2] Sách đã dẫn (xem chú thích số 3), tr. 157.

[3] sđd (xem chú thích 5) tr. 58.

[4] Dòng chú thích cho phần địa đồ minh họa, sđd tr. 157.

[5] sđd, tr. 57, 58.

[6] Lâm Kim Chi “Trung Quốc tối tảo phát hiện, kinh doanh hòa quản hạt Nam Hải chư đảo đích lịch sử” [林金枝 – 中國最早發現,經營和管害南海諸島的歷史]trong tuyển tập “Nam Hải chư đảo, địa lý – lịch sử – chủ quyền”. Hắc Long Giang Giáo dục xuất bản xã – 1992 (tr. 30).

[7] Lâm Vinh Quý, Lý Quốc Cường “Nam Sa quần đảo sử địa vấn đề đích tổng hợp nghiên cứu” [南沙群島史地問題的綜合研究] trong tuyển tập “Nam Hải chư đảo, địa lý – lịch sử – chủ quyền”. (tr. 142).

[8] Tức Itu Aba Is, Việt Nam gọi là đảo Ba Bình.

[9] Hải Quốc Đồ chí – (1841 – 1852) Ngụy Nguyên. Bản in năm Quang Tự thứ 2 (1876). Quyển thứ 17 – Trù Hải Tổng Luận (Nhất), “Trần Luân Quýnh Thiên hạ diên hải hình thế lục”. (tờ 4a) [海國圖志. 魏源. 光緒二年重刊. 卷七十七. 籌海總論一. “陳倫炯天下沿 海形勢綠” -頁四]. Đoạn văn được trích trong Hải quốc đồ chí so với đoạn văn trong bản HQVKL có khác một vài chỗ, nhưng nội dung không bị ảnh hưởng.

[10] Theo chú thích của Hãn Nguyên thì đoạn văn dịch “Nam Áo Khí” được tham khảo trong “Đại Nam Nhất thống chí” – Tập 2, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970 (tr. 345 – 396).

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (77), 2009.

Với nhận thức khi một giá trị văn hóa nào đó lấn át các giá trị khác thì sẽ không có xã hội hài hòa hạnh phúc, tác giả Nguyễn Văn Trọng, qua bài viết này, muốn thử xem xét một giá trị văn hóa lâu đời của người Việt vốn xuất hiện từ xa xưa do hoàn cảnh lịch sử và vị trí địa-chính trị đặc thù của nước ta: sự tìm kiếm danh phận.

Hải quốc văn kiến lục “海國聞見綠” do người đời Thanh là Trần Luân Quýnh 陳倫炯 soạn, ghi chép về địa lý, phong tục, vật sản và tình hình thương mại của nhiều quốc gia, vùng, đảo thuộc đông, tây, nam Á và hải trình từ Trung Quốc đến các nơi ấy. Một phần của sách dành mô tả duyên hải Trung Quốc và nhiều đảo, đá, quần đảo nằm quanh các hải đạo.

Năm 1956, Hải quốc văn kiến lục bắt đầu được học giới Trung Quốc đề cập và sau đó liên tục trích dẫn, phân tích và suy luận quanh yếu tố địa danh Vạn Lý Trường Sa, Thiên Lý Thạch Đường nhằm chứng minh chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa, tức là Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trong văn kiện xác định chủ quyền Tây Sa và Nam Sa do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố ngày 30-1-1980, Hải quốc văn kiến lục là một trong 8 sách được dẫn dụng.

Khảo sát và trích dịch Hải quốc văn kiến lục chúng tôi nhằm cùng với độc giả tiếp cận ý nghĩa căn bản của nội dung sách này, qua đó có cái nhìn khách quan và cẩn trọng đối với những tài liệu thuộc về cổ sử biển Đông.

Đề yếu:

I. Hải quốc văn kiến lục: tác giả, tác phẩm, mục lục, văn bản, soạn niên, ấn niên, sai dị, bất nhất.

II. Tứ hải tổng đồ: sự dị bản từ nguyên bản, sự trưng dẫn hiện nay, vài điểm cần lưu ý.

III. Nam Dương ký, Nam Áo khí: trích lục sai nguồn và lý luận quàng xiên của học giới Trung Quốc, trích lục nhầm và lý luận bồng bột của học giới Việt Nam.

* Phụ lục: Nam Dương ký, dịch và chú thích

I. Hải quốc văn kiến lục

Trần Luân Quýnh tự Thứ An 次安, hiệu Tư Trai 資齋, người huyện Đồng An tỉnh Phước Kiến, cha tên Trần Mão 陳昴, là người có nhiều kinh nghiệm về hải đạo. Trần Mão thuở nhỏ nhà nghèo, bỏ việc đọc sách mà theo nghề đi buôn, do thường xuyên qua lại trên biển và để tâm học hỏi nên tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm hàng hải. Năm Khang Hy Nhâm Tuất (1682) Đề đốc Thi Lương nhận mệnh Thanh đình tấn công Bành Hồ, Đài Loan. Mão tự tiến cử và được Thi Lương tin dùng, nghe theo kế hoạch tác chiến của Mão. Thắng trận Bành Hồ, Đài Loan, cháu nội của Trịnh Thành Công là Khắc Sảng quy hàng, Đài Loan nhập bản đồ Thanh quốc. Mão lại nhận lệnh truy nã dư đảng họ Trịnh, bôn ba đông tây dương suốt 5 năm. Nhờ vào chiến công, Trần Mão được phong Tổng binh trấn Kiệt Thạch, năm 1718 thăng phó Đô thống Quảng Đông.

Luân Quýnh nối nghiệp cha, chú tâm học hỏi về thiên văn, địa lý, chú trọng phần duyên hải Trung Quốc và các nơi trên biển ngoại quốc. Ban đầu được tuyển làm Thị vệ, năm 1721 được đặc cách thăng Tham tướng Nam lộ Đài Loan. Năm Ung Chính nguyên niên (1723) thăng Thủy sư phó tướng Đài Loan, sau lại thăng Tổng binh Đài Loan, sau chuyển sang trấn thủ Cao Châu, Lôi Châu, Liêm Châu (Quảng Đông). Trong thời gian trấn thủ Cao, Lôi, Liêm, Luân Quýnh tiếp xúc nhiều với khách thương các nước Tây dương, nghe biết và thu thập nhiều kiến thức, thông tin về các hải đảo, đảo quốc ở miền biển phía Nam Trung Quốc.

Tổng hợp những điều nghe được từ cha mình, từ các thương nhân ngoại quốc, những điều thấy được trên thực địa trong quá trình qua lại Đài Loan, Phước Kiến, Quảng Đông…, tham cứu địa đồ và những kiến thức trong sách vở của người trước, Trần Luân Quýnh viết thành sách Hải quốc văn kiến lục [HQVKL].

Lược truyện về Trần Luân Quýnh trên đây, chúng tôi dựa theo lời tựa tự viết của họ Trần ở đầu sách HQVKL và phối hợp một ít sử liệu tổng quát. Tên Trần Mão (昴) thấy có vài sách viết là Ngang (昂); sự kiện Đề đốc Thi Lương tấn công Bành Hồ, Đài Loan xảy ra vào tháng 8 năm Khang Hy Quý Hợi (1683), lời tựa họ Trần viết lầm là Khang Hy Nhâm Tuất (1682).

Tên sách HQVKL nghĩa là “Ghi chép những điều nghe, thấy về các nước trên biển”, thành sách năm 1730, gồm 2 phần riêng biệt: Phần Văn và phần Đồ.

A. Phần Văn ước khoảng một vạn bảy ngàn chữ, gồm lời tựa ở đầu sách và 8 chương, như sau:

  1. Thiên hạ duyên hải hình thế lục 天下沿海形勢錄, ghi chép về các đảo, đá, quần đảo, hải khẩu từ Kinh sư (Bắc Kinh) đến Quỳnh Châu (Hải Nam); hải đạo đến Triền Tiên, Nhật Bản, Lưu Cầu.
  2. Đông Dương ký 東洋記, ghi chép về Triều Tiên, Nhật Bản, Lưu Cầu, hải đạo, hải trình đến các xứ ấy.
  3. Đông Nam Dương ký, 東南洋記 ghi chép về Đài Loan, Lữ Tống, Lợi Tử Nghi, Vạn Lão Cao 萬老高, Đinh Cơ Nghi 丁機宜, Tô Lộc 蘇祿, Cát Lý Vấn 吉里問, Văn Lai 文來, Châu Cát Tiêu Lạt 朱葛礁喇, Mã Thần 馬神, Trà Bàn 茶盤…
  4. Nam Dương ký, 南洋記 ghi chép về Giao Chỉ, Chiêm Thành, Giản Phố Trại, Tiêm La, Cát Lạt Ba… (xem bản dịch phụ lục).
  5. Tiểu Tây Dương ký, 小西洋記 ghi chép về các nước Bạch Đầu Phiên 白頭蕃, Tam Mã Nhĩ Đan 三馬爾丹, Tế Mật Lý Dã 細密里邊也, Nga La Tư 俄羅斯, Dân Nha 民呀, Đa Nhĩ Kỳ 多爾其, A Lê Mễ Dã 阿黎米也, Ô Quỷ 烏鬼 [vài nước thuộc Đông Phi, Nam Á và các tiểu quốc thuộc Ấn Độ]
  6. Đại Tây Dương ký, 大西洋記 ghi chép về các nước Bồ Đào Nha 葡萄呀, Thị Ban Nha 是班呀, Phật Lang Tây 佛蘭西, Na Mạ 那嗎, Hà Lan 荷蘭, Hoàng Kỳ 黃旗, Phổ Lỗ Xã 普魯社, Lận Nhân 吝因, Anh Khuê Lê 英圭黎, Hồng Mao 紅毛…[vài nước thuộc châu Âu, vài nước Tây Phi].
  7. Côn Lôn, 崑崙 ghi chép về đảo Côn Lôn trong biển Nam Dương [nay gọi Côn Đảo, Việt Nam].
  8. Nam Áo khí, 南澳氣 ghi chép về nhóm đảo, đá, bãi cát có tên chung là Nam Áo, trong biển Đông dương [phần (vùng) biển Trung Quốc].

B. Phần Đồ được ghi là phần phụ lục, gần 50 trang, trang đầu có tiêu đề “Hoa Đình Hạ Tuyền Uyên hội tịnh hiệu – 華亭夏璇淵 繪并校” [Hạ Tuyền Uyên hiệu Hoa Đình[1] vẽ và khảo đính], chia làm 6 bức như sau:

  1. Tứ hải tổng đồ, 四海總圖 (2 trang) là một địa đồ thế giới không hoàn chỉnh, so với bản đồ thế giới ngày nay, Tứ hải tổng đồ chỉ thể hiện một cách đại khái và chỉ có 3 châu, Á, Âu, Phi.
  2. Duyên hải toàn đồ, 沿海全圖 (34 trang), địa đồ bờ biển Trung Quốc, tương ứng với chương 1 “Thiên hạ diên hải hình thế lục” ở phần văn.
  3. Đài Loan đồ 臺灣圖 (4 trang)
  4. Đài Loan hậu sơn đồ 臺灣後山圖 (3 trang)
  5. Bành Hồ đồ 澎湖圖 (2 trang)
  6. Quỳnh Châu đồ 瓊州圖(2 trang)

[mục lục này căn cứ bản in Đài Loan 1958].

Về văn bản HQVKL, theo Phạm Tú Truyền 范秀傳 trong một bài tóm lược vắn tắt in chung trong mục Trung Quốc Biên cương sử địa cổ tịch đề giải[2] thì ở phần sau địa đồ (tức ở cuối sách HQVKL) còn có thêm 2 phụ lục khác là: “Chiết Giang thải tập di thư tổng lục 浙江采集遺書總錄” [chép chung các sách gom góp được ở Chiết Giang] và “Hải Quốc văn kiến lục bạt văn” [lời bạt sách HQVKL]. Hai phụ lục này không có trong bản chúng tôi khảo sát. Cũng theo Phạm Tú Truyền, HQVKL còn lưu truyền 3 bản, in trong các tùng thư: “Nghệ Hải Châu Trần 藝海珠塵”, “Chiêu Đại tùng thư 昭代 叢書”, và “Minh Biện Trai tùng thư sơ tập –明辯齋叢書初集”. Văn bản chúng tôi khảo sát thuộc tùng thư “Nghệ Hải Châu Trần”.

Về năm thành sách, hầu hết các tác giả Trung Quốc hiện nay – khi dẫn dụng HQVKL – đều ghi nhận năm Ung Chính thứ 8 (1730) là năm Trần Luân Quýnh viết xong HQVKL, đại diện cho các tác giả này có thể kể nhóm Trần Sử Kiên 陳史堅 trong Nam Hải chư đảo địa danh tư liệu hối biên[3], nhóm Hàn Chấn Hoa 韓 振華 trong Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên[4], Lưu Nam Uy 劉南威 trong Trung Quốc Nam Hải chư đảo địa danh luận cảo[5], Phạm Tú Truyền hoặc như nhóm Trịnh Thiên Đĩnh 鄭天挺 trong Trung Quốc lịch sử Đại từ điển[6].

Trường hợp khác, Joseph Needham trong Science and Civilisation in China (1959) ghi năm thành sách HQVKL là 1744[7]; các tác giả Việt Nam khi đề cập đến HQVKL trong Tập san Sử địa (số 29 – 1975) như Lãng Hồ [ở trang 78], Hãn Nguyên [trang 144, 149], Trần Thế Đức …[trang 323] cũng đều ghi năm thành sách là 1744. Tuy nhiên, do J. Needham và các tác giả Việt Nam không nêu nguồn trích dẫn và không chú thích về xuất xứ bản in đã căn cứ, nên chúng tôi không rõ thông tin “HQVKL thành sách năm 1744” xuất phát từ đâu. Ở góc độ cá nhân, khi tham khảo bản HQVKL trong tùng thư “Nghệ Hải Châu Trần” do Đài Loan in lại năm 1958, chúng tôi thấy trong lời tựa của Trần Luân Quýnh đề năm Ung Chính thứ 8 (1730) [Ung Chính bát niên, tuế thứ canh tuất, trọng đông vọng nhật, Đồng An Trần Luân Quýnh cẩn chí].

Về ấn bản, theo một số thư mục tham khảo hoặc các chú thích kê cứu chi tiết (như của Lâm Kim Chi, Hàn Chấn Hoa, Lưu Nam Uy) thấy hầu hết dựa vào bản khắc in năm Càn Long thứ 58 (1793), tức là – nếu sau này không phát hiện bản khắc in nào sớm hơn – thì hơn 60 năm sau khi thành sách, HQVKL mới được khắc in. Thời hiện đại, do có nhiều ghi chép liên quan đến lịch sử Đài Loan nên HQVKL được nhập vào bộ “Đài Loan văn hiến tùng san’’ (tập 26) xuất bản năm 1958, bản in này do Chu Hiến Văn dựa vào bản “Nghệ Hải Châu Trần” phân đoạn chấm câu, không chú thích. Gần đây, theo Trung Quốc lịch sử đại từ điển, Trung Châu cổ tịch xuất bản xã đã xuất bản bản có chú giải (1984).

Nội dung HQVKL có nhiều điểm quan trọng cần phải lưu ý.

1. Hải danh

Trong 8 chương của phần Văn, chúng ta thấy xuất hiện các tên gọi Đông Dương, Đông Nam Dương, Nam Dương, Tiểu Tây Dương và Đại Tây Dương. Đây là những quy ước riêng của Trần Luân Quýnh về khu vực địa lý trong HQVKL, cách gọi này của họ Trần có khác hơn so với cách gọi của Trương Tiếp 張燮 trong Đông Tây Dương khảo東西洋考 viết khoảng năm 1617 đời Minh. Trương Tiếp là người đầu tiên dùng danh xưng Đông Dương phân biệt với Tây Dương để chia vùng biển phía nam Trung Hoa thành 2 mảng, từ Văn Lai [Brunei] trở qua phía Đông gọi chung là Đông Dương, từ Văn Lai trở qua phía Tây gọi chung là Tây Dương. Trương Tiếp đặt tên sách là Đông, Tây dương khảo nghĩa là khảo về các nước Đông Dương và các nước Tây Dương. Cũng lưu ý rằng, trước Trương Tiếp, tên Tây Dương có được nói đến trong sách của một tùy viên trong đoàn Trịnh Hòa, tức Tây Dương phiên quốc chí (1434) của Củng Trân 鞏珍, tuy nhiên, trong giai đoạn này từ “Tây dương” chỉ được dùng với hàm ý chung là chỉ về vùng biển ở hướng Tây.

Trần Luân Quýnh lại chia vùng biển Đông, Tây Dương [theo cách gọi của Trương Tiếp] thành 5 vùng: Đông Dương [tức vùng Đông Bắc Á ngày nay], Đông Nam Dương [khoảng từ Philippines đến Brunei], Nam Dương [biển Đông Việt Nam qua vịnh Thái Lan, dừng ở Johore (Malaysia)], Tiểu Tây Dương [khoảng trong Ấn Độ Dương], Đại Tây Dương [một phần Đại Tây Dương]. Trong đó, danh xưng Nam Dương và Đông Nam Dương có thể xem là bắt đầu từ Trần Luân Quýnh.

2. Địa danh ngoài Trung Quốc

Nhiều địa danh được Trần Luân Quýnh phiên âm khác hẳn so với cách phiên âm trong Đông Tây Dương khảo và trong Minh sử, thí dụ như tên nước España, HQVKL viết là Thị Ban Nha 是班呀, Minh sử viết là Y Tây Bả Ni Á 依西把尼亞 (trang 8461)[8]; như tên nước Singapore, HQVKL viết là Cát Lạt Ba 噶喇吧, Minh sử viết là Tam Phật Tề 三佛齊 (tr. 8406), Đông Tây Dương khảo viết là Hạ Cảng Gia Lưu Ba 下港加留吧, (tr. 41)[9]Minh sử thành sách năm 1735, tức xem như đồng niên đại với HQVKL và Đông Tây Dương khảo thành sách năm 1617 tức trước HQVKL chỉ hơn 100 năm. Việc phiên âm sai biệt này không chỉ xảy ra ở trường hợp HQVKL, nếu kể thêm Chư Phiên chí 諸蕃志 đời Tống, Đảo Di chí lược島夷志略 đời Nguyên hay Hải Quốc Đồ chí 海國圖志 (1842)… thì chúng đều nằm trong tình trạng tương tợ. Việc nghiên cứu cổ sử biển Đông nói riêng và quan hệ, giao thông Đông – Tây nói chung, khi dựa vào sử liệu Trung Quốc thường gặp trở ngại bởi vấn đề địa danh phức tạp nêu trên, và chúng ta sẽ trở lại vấn đề này ở một chuyên khảo khác.

3. Văn- Đồ bất nhất

như ở phần lược thuật về mục lục sách HQVKL, chúng ta thấy rõ là phần Văn của Trần Luân Quýnh và phần Đồ là của Hạ Tuyền Uyên, điểm này không thấy học giới Trung Quốc nêu ra, trong các mục lục tham khảo có thể viện cớ tinh giản cho tiện. Tuy nhiên, trong bài giới thiệu riêng về HQVKL của Phạm Tú Truyền, hoặc ở mục từ “Hải quốc văn kiến lục” trong Trung Quốc lịch sử đại từ điển đều không ghi nhận đồng tác giả Hạ Tuyền Uyên. Các bài viết có liên quan hoặc trích in “Tứ hải tổng đồ” – là công trình riêng của họ Hạ – đều được ghi tác giả là Trần Luân Quýnh. Qua tham cứu HQVKL đối chiếu quan sát “Tứ Hải tổng đồ”, chúng tôi khẳng định rằng phần Văn và Đồ trong sách này này là do 2 người thực hiện, bởi chúng có rất nhiều điểm không khớp nhau, Văn tả một đằng, Đồ vẽ một nẻo, cụ thể, nêu 3 trường hợp:

a. Thất Châu Dương: Văn của họ Trần mô tả Thất Châu Dương ở phía đông nam Vạn Châu đảo Quỳnh Châu. Đồ của họ Hạ vẽ Thất Châu Dương ở phía tây nam đảo Quỳnh Châu.

b. Cao Ly – Triều Tiên: đối với bán đảo Triều Tiên hiện nay, Văn của họ Trần viết là Triều Tiên, Đồ của họ Hạ tiêu danh là Cao Ly (tên dùng hồi đời Minh).

c. Lợi Tử Nghi: Văn họ Trần viết “phía đông nam Lợi Tử Nghi là 5 đảo: Ban Ái, Ác Đảng, Túc Vụ, Miêu Vụ Yên, Cương Cân Tiều Não”. Xem Đồ của họ Hạ thì thấy phương hướng ngược lại, 3 đảo ở phía Tây và 2 đảo ở phía Nam Lợi Tử Nghi. Ngoài ra, ở hòn đảo thứ 5, Văn viết “Cương Cân Tiều Não – 綱巾礁腦”, Đồ lại tiêu danh là “Giao Trùng Tiều Lão –蛟蟲礁老” .

Sự chênh lệch quá xa về phương hướng và văn từ bất cập như trên không thể là do sơ xuất trong hành văn và cũng khó xem là lỗi kỹ thuật trong việc kê cứu. Tuy nhiên, chủ đích của khảo cứu này chưa phải để tìm cho Hạ Tuyền Uyên một ghế trong kho tàng văn hiến Trung Hoa, nên nhất thời, vì sự tiện dụng trong văn từ và tra cứu thư mục, chúng tôi cứ tạm xem Trần Luân Quýnh là tác giả của phần Văn và cả phần Đồ trong HQVKL.

(Còn tiếp 2 kì)


[1] Hoa Đình cũng có thể là tên huyện, bản quán của Hạ Tuyền Uyên. Huyện Hoa Đình thuộc tỉnh Cam Túc, phía đông bắc.

[2] Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu [中國邊疆史地研究], số 1, 1992 tr. 95.

[3] Nam Hải chư đảo địa danh tư liệu hối biên [南海諸島地名資料匯編]– Quảng Đông tỉnh Địa danh Ủy viên hội biên – Quảng Đông tỉnh địa đồ xuất bản xã (xbx) – 1987.

[4] Ngã Quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên [我國南海諸島史料匯編]– Đông Phương xbx – 1988.

[5] Trung Quốc Nam Hải chư đảo địa danh luận cảo [中國南海諸島地名 論稿]– Khoa học xbx – Bắc Kinh – 1996.

[6] Trung Quốc Lịch sử đại từ điển [中國歷史大辭典]– Thượng Hải Từ Thư xbx. 2000.

[7] Science and civilisation in China. Cambridge at the University Press – 1959. Vol.3, p. 699 (Bibliography A) [Record of Things seen and Heard about the coastal Regions].

[8] Minh sử [明史]- (Thanh) Trương Đình Ngọc chủ biên – Trung Hoa Thư cục – Bắc Kinh – 2003. Quyển 326, Liệt Truyện 214, Ngoại Quốc 7.

[9] Đông Tây Dương Khảo東西洋考 [Minh] Trương Tiếp. Tạ Phương hiệu chú. Trung Hoa Thư cục – Bắc Kinh – 1981.

          Tháng bảy âm lịch - mùa Vu Lan báo hiếu, cũng là mùa xá tội vong nhân. Chúng ta nhớ những câu thơ Nguyễn Du trong Văn tế thập loại chúng sinh:

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng...

           Ở một đất nước suốt 30 năm đánh giặc, hoàn cảnh đẩy đưa anh em một nhà bắn giết lẫn nhau, tiếng súng vừa ngưng thì lại xuất hiện những kẻ thù mới nơi biên giới trên đất liền và ngoài hải đảo. Theo một thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính một bên tham chiến, đã có 915 ngàn ngôi mộ liệt sĩ được quy tập, còn hơn 200 ngàn hài cốt thất lạc chưa tìm thấy. Nếu tính cả hai phía, bao gồm binh sĩ lẫn dân thường, có thể hơn ba triệu người Việt da vàng máu đỏ đã chết vì bom rơi đạn nổ trong những cuộc chiến tranh vừa qua. Cảnh tượng khi hoà bình lập lại “bạn bè mấy đứa vừa xanh nấm mồ” và “mẹ già lên núi tìm xương con mình” trong ca khúc Trịnh Công Sơn cho đến nay vẫn chưa hề lùi vào quá khứ.

           Nguyễn Du viết về những người chết trận:

Khi thất thế tên rơi đạn lạc
Bãi sa trường thịt nát máu rơi
Mênh mông góc bể chân trời
Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào?

           Đọc những câu thơ đó tự nhiên nhớ đến cuộc chiến đấu gan dạ và không cân sức của những người lính Việt Nam ở Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988. Hai trận hải chiến, 138 người con Việt đã bỏ mình vì chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc. Nhưng những người lính dũng cảm đó, nhất là những người đã hy sinh trên các hộ tống hạm, khu trục hạm và tuần dương hạm ngày 19-01-1974 ở Hoàng Sa, vẫn chưa được ghi công và vinh danh thoả đáng. Gần đây dư luận nói nhiều đến việc trả lại công bằng lịch sử cho những người lính đã ngã xuống để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, như một nghĩa cử có tính chất biểu tượng của tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc, đặc biệt qua những câu chuyện được phản ánh trong loạt bài trên báo Tuổi trẻ tháng 9-2009, báo Đại đoàn kết tháng 6 và 7-2011.

            Nhìn rộng ra, theo tinh thần khoan dung của văn hoá dân tộc và đức từ bi Phật giáo, những người anh em máu đỏ da vàng, do những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, đã ngã xuống trên mảnh đất này đều là con của mẹ Việt Nam. Nhà nước ta, năm 2007, đã cho phép và tạo điều kiện cho Thiền sư Nhất Hạnh tổ chức lễ cầu siêu cho đồng bào và chiến sĩ trận vong ở cả ba miền Nam Trung Bắc. Đó là một sự kiện có ý nghĩa nhân đạo, góp phần hàn gắn vết thương trong từng gia đình. Chủ trương xã hội hóa nghĩa trang quân đội Sài Gòn ở Biên Hoà cũng thể hiện truyền thống nhân nghĩa đó của dân tộc.

            Thật cảm động khi được biết, hàng chục năm liền, những người cựu chiến binh lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm, xưa từng là bãi chiến trường, để tìm kiếm hài cốt đồng đội. Trong việc này có sự giúp đỡ rất lớn của các cơ quan chính quyền, các đơn vị quân đội và đồng bào ở các địa phương. Đặc biệt là có sự tham gia tích cực của một số nhà ngoại cảm, tuy rằng kết quả về mặt này cần được kiểm chứng cụ thể bằng công nghệ giám định ADN để tránh việc thất lạc các hài cốt, gây những hệ lụy rất khó sửa chữa về sau.

            Trên đất nước ta, xã nào, huyện nào, tỉnh nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ. Hàng vạn đoàn khách, có cả khách nước ngoài, đã đến viếng những địa điểm nổi tiếng như nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc, di tích Thành cổ Quảng Trị, khu di tích đền tưởng niệm Bến Dược… Có thể gặp ở đó những bà mẹ thăm mộ con, những người vợ viếng chồng, cả những người lính già dành phần đời còn lại của mình chăm sóc nơi an nghỉ của các đồng đội vắn số.

            Hiện nay, trên các trang báo, trên các làn sóng phát thanh và truyền hình, việc tìm kiếm thân nhân mất tích trong chiến tranh vẫn là một nhu cầu bức thiết của rất nhiều gia đình. Một số đơn vị và cá nhân có sáng kiến lập ra trang web để phổ biến rộng rãi sơ đồ phần mộ ở các nghĩa trang để những người ở xa cũng có thể vào mạng tìm thông tin. Nơi đó, rất nhiều ngôi mộ vẫn còn ghi trên tấm bia “liệt sĩ chưa có tên” mà chưa biết khi nào mới được bổ sung. Gần đây, ở TP Hồ Chí Minh, văn phòng đại diện phía Nam của Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ VN đã được thành lập với nhiệm vụ giúp đỡ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thất lạc hoặc chưa xác định danh tính, kết nối và cung cấp thông tin cho các gia đình, quy tập và di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê hương…

            Dưới từng mái nhà, con người không thể nào yên giấc khi chưa tìm ra người thân thất lạc, xương thịt không biết gửi gắm nơi chân trời góc bể nào. Hiểu điều đó, chính phủ ta đã bày tỏ thiện chí giúp Hoa Kỳ tìm kiếm hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam. Với sự giúp đỡ của phía Việt Nam, họ đã thu nhặt được nhiều hài cốt, cả trên đất liền và trên biển, làm an lòng các gia đình Mỹ.

            Về phần mình, ta cũng phải trân quý xương thịt Việt Nam như vậy, không phân biệt thành phần giai cấp, chính kiến, chức vụ… Nghĩa tử là nghĩa tận, đó là đạo lý của dân tộc. Đối với kẻ thù còn như thế, huống hồ là đối với đồng bào cùng máu mủ. Chỉ có tình thương yêu, sự khoan dung mới chữa lành những vết thương dân tộc vẫn còn rỉ máu. Điều này càng quan trọng khi đất nước ta đang bị gây hấn ngoài biển Đông, đứng trước hiểm họa bị xâm lấn ảnh hưởng đến sự toàn vẹn lãnh thổ. Hoà giải với quá khứ, thông qua thái độ ứng xử với những người đã ngã xuống là một cách quan trọng để kêu gọi sự đoàn kết, tập hợp các nguồn lực nhằm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

           Bên cạnh những việc làm hợp đạo lý đối với những người đã nằm xuống, hiện vẫn còn nhiều hiện tượng đáng chê trách. Chẳng hạn, nhân danh “công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, có nơi giải toả nghĩa trang một cách tùy tiện để xây dựng cơ quan, nhà máy, mở đường cao tốc hay thành lập khu du lịch… Thường xuất hiện trên các trang báo quảng cáo những thông báo giải toả nghĩa trang mà thời hạn cho các thân nhân di dời hài cốt chỉ có 30 ngày. Đồng bào ở các vùng quê xa làm sao đọc báo để nắm thông tin đó mà xoay xở cho kịp? Nếu thân nhân người đã khuất không có mặt để lo liệu, thì cơ quan chức năng sẽ toàn quyền di dời và không hiếm trường hợp hài cốt bị nhầm lẫn, thất thoát mà cuối cùng, khi gia đình biết được thì sự đã rồi, cũng chẳng ai đứng ra nhận lãnh trách nhiệm. Đó là chưa kể những tình huống oái oăm, rất đau lòng cho người còn sống mà không tiện viết ra ở đây. Lối ứng xử với người chết như thế thật là tàn nhẫn, vô nhân đạo.

           Hiện nay, chúng ta hay nói nhiều đến giá trị tâm linh, yếu tố tâm linh trong đời sống. Quả thật, dân tộc được trường tồn như ngày hôm nay, ngoài sức mạnh kinh tế, quốc phòng, uy tín thế giới…, còn có vai trò cực kỳ quan trọng của những giá trị văn hoá, trong đó có văn hoá tâm linh. Chính vì vậy mà trong những ngày tháng bảy thiêng liêng này, cần phải báo động về thái độ bất kính đối với người quá vãng, thường do những mối lợi vật chất làm cho loá mắt. Có bình an cho những người nằm xuống thì mới có bình an cho những người đang sống và ngược lại.

Vu Lan 2011,

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

(*) Thơ Nguyễn Du: Văn tế thập loại chúng sinh.

 

Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ, số 185, tháng 8-2011.

 

Winston Phan Đào Nguyên

© 2017 by Winston Phan.  All Rights Reserved

Có lẽ một trong những người gây nhiều tranh luận nhất trong lịch sử Việt Nam là ông Petrus Trương Vĩnh Ký (“Petrus Ký”).  Hơn một trăm năm sau ngày ông mất (1898), đến giờ này người Việt trong và ngoài nước vẫn còn bàn cãi về ông.  Nhưng có một điều về ông Petrus Ký mà hình như tất cả hai phía khen và chê đều đồng ý là câu “sic vos non vobis”.  Đây là một câu bằng chữ Latin được cho là phương châm hay tôn chỉ trong cuộc sống của ông và thường được dịch ra là “ở với họ mà không theo họ”.

20170726. Chua Ngoc Hoang

1. Lược sử

Chùa Ngọc Hoàng có tên chữ Hán là Ngọc Hoàng điện 玉皇殿, còn gọi là chùa Phước Hải (Phước Hải tự 福海寺), hiện toạ lạc tại số 73 đường Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM. Theo một số tài liệu thì chùa Ngọc Hoàng còn được gọi bằng hai tên khác: Long Hoa Phật đường龍華佛堂(1), chùa Đa Kao (cách gọi của người Pháp chế độ cũ)(2).

Khi nhìn về mối quan hệ giữa con người và loài vật, dù ở bất kì khía cạnh sinh học, văn hóa, kinh tế, lịch sử hay xã hội… gì đi nữa, thì điều dễ dàng nhận thấy nhất là khối lượng máu mà con vật đã cống nạp cho con người đủ loang thành sông thành suối, có khi hơn cả đại dương. Là bội số của những lần con người đổ máu vì con vật.

Từ thuở hồng hoang, con người đã săn bắt, chăm bẵm con vật rồi thực hiện những nghi lễ thờ phụng, tế thần và tạo nên đám rước lễ hội. Dù được xem là phần chính của những sự kiện linh thiêng và vinh quang đó nhưng kết cục của con vật luôn là cái chết. Con vật gục xuống trong đau đớn, cuồng nộ, thân thể bê bết máu, còn đám đông hân hoan bôi máu chúng lên tóc lên mình, xẻ thịt lột da, ăn tươi nuốt sống chúng và múa may quay cuồng cầu may cầu phúc. Lông mao lông vũ, da và đầu của chúng được đặt lên những bệ thờ chót vót.

Con người có thương xót chúng không? Có thấy mặc cảm tội lỗi không? Hẳn nhiên là có. Nhưng bộ óc cao nhã và khôn khéo của giống loài đã giúp họ soạn thảo những áng văn tế hoặc những liệu pháp hùng biện nhằm xoa dịu con vật bị thánh hóa trước khi thẳng tay hạ sát chúng, thậm chí khi chúng chỉ còn là một linh hồn. James George Frazer – một nhà nghiên cứu văn hóa nguyên thủy, trong công trình nổi tiếng Cành vàng – đã lý giải rất tỉ mỉ nguyên cớ khiến các tộc người Tungouse, Ainos, Zunis… quyết tâm tước đoạt mạng sống của những con cú, con cừu, con rắn, con rùa, con gấu, con hươu... Nỗi khao khát được chạm vào dòng máu cuồn cuộn chưa kịp đông lại của con vật được gầy dựng trên tư tưởng: việc làm ấy sẽ giúp đỡ cho việc duy trì sự sống, tăng cường khả năng kết nối của loài người với giới tự nhiên, tái thiết tuổi thanh xuân hoặc lấy lòng thần linh nhằm mưu cầu mùa màng, sức khỏe... Chịu ơn và ý thức về phẩm giá của con vật đã hi sinh, những kẻ đồ tể hồn nhiên khóc than cực kỳ vật vã và hết sức thật lòng. Họ cũng chẳng mảy may ngờ vực về hành trình tái sinh của con vật vừa trút hơi thở sau cùng.

Không chỉ là vật phẩm lý tưởng được trọng dụng trong lễ nghi, những động vật hoang dã như sư tử, hổ, voi, gấu, tê giác, lợn lòi… còn được dùng để mua vui cho tầng lớp quý tộc và thị dân thuở xưa. Những bức phù điêu ở Pompeii, Thebes, Rome… là “vi bằng” sống động cho việc con vật muốn tồn tại không còn cách nào khác là cắn xé nát tan con còn lại. Thế rồi, năng lực sáng tạo không ngừng của con người còn nâng cấp sàn đấu lên một bậc: để cho mãnh thú đấu với người, hòng tạo cảm giác mạnh mẽ, kịch tính và thương tâm nhất có thể. Các hoàng đế La Mã cho xây đấu trường Colosseum với sức chứa năm vạn chỗ những năm 80 đầu công nguyên, phần lớn để phục vụ cho nhu cầu khát máu mà không cần nhúng tay hành động của đại chúng.

Cứ ngỡ theo thời gian, những nghi lễ hay thú tiêu khiển liên quan đến loài vật chỉ còn là tàn tích. Nhưng không, nó trở thành di sản văn hóa, được nâng niu và phát huy, thậm chí mang lại các “cú hích kinh tế” ấn tượng (thu hút khách du lịch, cá cược, đẩy cao giá thịt…). Có những người lặn lội hàng ngàn dặm đến Madrid chỉ để xem các đấu sĩ áo choàng đỏ gắt, cố tình tảng lờ những khẩu hiệu, những cuộc biểu tình kêu gọi dừng việc sát hại bò tót của người yêu động vật trước giờ khai mạc. Những năm 50 của thế kỉ XX, bức ảnh võ sư người Nhật Oyama Masutatsu tay không hạ gục được con bò hung tợn được tung hô như một biểu tượng của sức mạnh và lòng dũng cảm của con người. Danh tiếng của Oyama nổi như cồn nhờ thành tích đánh bại 47 con bò mộng hung dữ. Nhưng chính ông cũng suýt mất mạng tại Mexico vì bị một con bò húc từ sau lưng và kéo lê cả một chặng dài. Từ lâu lắm rồi, giác đấu không còn là một trò vui mang tính văn nghệ. Nó trở thành một nghề nhắm đến thanh danh, tài lộc, dĩ nhiên bao gồm cả đam mê.

Sẽ là khập khiễng khi so sánh một cuộc thú chọi thú hay thú chọi người với một trận quyền anh. Bởi, sự khác biệt đơn giản nằm ở chỗ hai đối thủ của trận quyền anh đều còn lý trí để xử lý các tình huống nguy hiểm hay dừng trận đấu lại nếu như họ muốn, còn bộ não của con vật không đủ sức chuyên chở những quan điểm phức tạp cũng như chưa sẵn sàng phục dịch lòng nhân ái bất ngờ trỗi dậy của người xem. Chính con người cũng khó lòng đọc vị hoặc trở tay trước con vật đang bị kích thích cao độ hoặc bị dồn ép đến đường cùng. Kỳ lạ là, càng thấu hiểu nguyên lý đó thì đấu sĩ càng dấn thân một cách ngoan cường và nghiệt ngã. Thế trận dã man, rùng rợn bao nhiêu thì đám đông đang bừng bừng khí thế kia được thỏa mãn sự hiếu kì và cả hiếu chiến cao độ bấy nhiêu. Họ – trong một phút giây nào đó – được thụ hưởng cảm giác của một chiến binh hùng mạnh, vượt thoát khỏi những ranh giới ứng xử thông thường dù chỉ là mộng tưởng. Giữa thanh la nạo bạt hò reo, những ý niệm về đạo đức, lương tri hay nghiệp báo trở nên lạc lõng và rúm ró. Cứ thế, thứ khoái cảm từ máu và sự chết chóc được tín ngưỡng dân gian và những truyền thống xa xưa cấp phép lẫn bảo hộ được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Cho đến khi có thể phóng vào vũ trụ những chuyến tàu dò tìm sự sống thay cho lời cầu nguyện thần linh, con người vẫn không quên giữ gìn “giềng mối” với tổ tiên một cách tận tụy và cổ sơ như vậy.

Ở Việt Nam, không chỉ ở những lễ hội mang tính chất đối kháng cao như chọi trâu Đồ Sơn mà ngay cả những cuộc đấu “hiền lành” như đua bò An Giang cũng tiềm ẩn không ít nguy hiểm. Trong lễ hội đua bò Bảy Núi vào tháng du lịch An Giang vừa qua (05-06/2017), công bằng mà nói, phần đầu cuộc đấu vô cùng đặc sắc. Chưa có một cuộc thi nào mà thí sinh lên tuyên thệ với áo sờn quần ngắn và đôi chân lấm lem bùn đất. Chưa có một cuộc thi nào mà trọng tài lẫn nhiếp ảnh gia, phóng viên phải băng ruộng lội sình tung tóe. Chưa có một cuộc thi nào mà các “nhân vật chính” – những chú bò đáng yêu – vô tư đến mức sẵn sàng bỏ cuộc chẳng vì lý do gì. Những chú bò hộc tốc trên đường đua gợi nhớ đến cảnh người Cao Mên cưỡi bò chạy băng băng qua những cánh đồng thốt nốt thuở xưa mà nhà văn An Giang Nguyễn Chánh Sắt đã phản ánh trong tiểu thuyết nổi tiếng Nghĩa hiệp kỳ duyên. Nó còn đánh dấu tài lực và sự hiện diện của các dân tộc Chăm, Khmer trên đất An Giang từ thuở ban sơ. Tuy nhiên, niềm háo hức của du khách đã xẹp xuống đến mức cùng cực khi chứng kiến một nài bò té lăn ra khỏi đôi bò của mình, bị đôi bò phía sau sấn tới giẫm đạp, bị ách bò làm cho đổ máu lỗ đầu. Người nài đua cùng tốt bụng đã chủ động rời đôi bò của mình, ẵm đối thủ vào bờ. Phải đến mấy phút sau, nhân viên y tế mới đi vào, không đồng phục, không băng ca cứu thương và loay hoay sơ cứu. Cuộc đua vẫn tiếp diễn. Không biết còn mấy ai băn khoăn về số phận của người nài bò tội nghiệp khi rời trường đấu. Một thực tế rõ ràng là, khi việc thiết kế đường đua, thể thức đua sao cho khoa học và vấn đề bảo hiểm cho người đua lẫn du khách vẫn chưa đâu vào đâu thì lễ hội đã được quảng bá và phô diễn rầm rộ rồi. Vậy thì lỗi của truyền thống lễ nghi, lỗi của nhà tổ chức, lỗi của người tham gia hay lỗi ở con vật? Những cú like và những comment kiểu “quả báo”, “trả giá” có quá đau đớn và đủ công bằng đối với người đã khuất?

Chúng ta đang nhập tâm đến mức thừa thãi và sặc mùi thực dụng khi muốn ngưỡng vọng về quá khứ, từ chiếc bánh chưng sống sít trĩu nặng vài tấn, những mâm lễ vật kĩu kịt “đầu năm đi vay cuối năm đi trả”, những lần hăng say giẫm đạp lên nhau cướp ấn đền thờ cho đến các cuộc chọi trâu, chém lợn.

Chẳng phải thời kỳ hiến tế và mua vui bằng máu đã qua lâu lắm rồi sao?

Diễm Trang

Ảnh (DIỄM TRANG): Lễ hội đua bò Bảy Núi, An Giang.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/162437/Niem-khoai-cam-tu-mau.html

Cùng với Hành trình, Đất nước, Đối diện... tạp chí Trình bầy như mảnh gương soi rọi tiếng nói phản kháng trong sinh hoạt tinh thần giai đoạn 1954 - 1975 tại miền Nam.

Trình bầy là bán nguyệt san văn hóa chính trị xã hội ra ngày 1 và 15 mỗi tháng (đôi khi xê dịch chút ít). Số 1 ra mắt ngày 1.8.1970, số đình bản 42 ra ngày 2.9.1972. Chủ nhiệm kiêm chủ bút: Thế Nguyên Trần Gia Thoại. Tổng thư ký: Diễm Châu. Quản lý: Tăng Hoàng Xinh. Ban biên tập gồm Lý Chánh Trung, Thanh Lãng, Đỗ Long Vân, Phạm Cao Dương, Nguyên Sa, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Khắc Ngữ, Trần Tuấn Nhậm, Diễm Châu, Nguyễn Quốc Thái, Tôn Thất Lập, Thế Nguyên, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đồng, Nguyễn Nguyên, Trần Đỗ Dũng, Hoàng Ngọc Nguyên, Du Tử Lê, Cao Thanh Tùng, Thuận Giao.

Báo quán và nhà in đặt tại 291 Lý Thái Tổ Sài Gòn. Tờ báo quy tụ nhiều cây bút đến từ nhiều chân trời, khuynh tả như Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Hoàng Ngọc Biên..., thiên cộng như Ngô Kha, Lê Văn Ngăn, Tôn Thất Lập... và có cả cán bộ hoạt động nội tuyến như Nguyễn Nguyên Nguyễn Ngọc Lương - từng giữ chức chủ sự phòng Kiến thức Phổ thông Đài Phát thanh Sài Gòn nhưng lại từng chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Tin văn (1966 - 1967), cơ quan ngôn luận công khai và hợp pháp do Khu ủy Sài Gòn - Gia Định trực tiếp chỉ đạo.

Ê kíp Trình bầy còn chủ trương tờ Làm dân (nhật báo tranh đấu cho công bằng xã hội, là tiếng nói chống áp bức tại miền Nam Việt Nam) nhằm “cung cấp đầy đủ những tin tức và làm sáng tỏ những sự thật đã bị cái hệ thống chiến tranh lạnh xuyên tạc”.

Trình bầy Xuân Tân Hợi 1971 (số 12 - 13) và Xuân Nhâm Tý 1972 (36 - 37)

Trình bầy ngang nhiên tuyên chiến với nhà cầm quyền. Dồn dập những bài viết ”đảo thiên nghịch địa” trên số 28 (21.9.1971) là bằng chứng. Một, tuyên cáo kêu gọi hủy bỏ cuộc bầu bán tổng thống (3.10.1971). Hai, lên án máy bay Mỹ oanh tạc Bắc Việt. Ba, cho chạy bản dịch bài hát Những chủ nhân ông của chiến tranh của nhạc sĩ phản chiến Bob Dylan (Nguyễn Đăng Thường dịch)...

Và không chỉ một lần, chủ nhiệm kiêm chủ nhiệm Thế Nguyên bị Tòa Sơ thẩm Tiểu hình Sài Gòn tuyên phạt 120.000 đồng vạ treo và bồi thường cho Bộ Nội vụ một đồng danh dự (phiên xử ngày 11.6.1971).

Chiếm lĩnh trên mặt báo là thông điệp về hòa bình và chiến tranh, độc lập và tự do, cách mạng và dân chủ... Khi thì tùy bút Ngày tự do hòa bình đang tới của Trùng Hư/Huỳnh Như Phương (số 26, 18.8.1971) hay truyện ngắn Những ô lưới sắt của Nguyễn Sa Mạc/Nguyễn Hoàng Thu (số 30, 22.10.1971). Khi thì Đói gạo, no bom: Những ngày buồn của mùa thu chết của Trần Trọng Phủ/Thế Nguyên (số 33, 7.12.1971) hay truyện ngắn Mặt trận ở Sài Gòn của Ngô Thế Vinh (số 34, 18.12.1971). Và thường xuyên bị cáo buộc tội trạng “phương hại đến trật tự công cọng, an ninh quốc gia” hay ”đề cao đối phương, xâm phạm tình thân thiện, hợp tác với đồng minh” thì cũng phải thôi.

Mà cũng lạ, cảm hứng tụng ca vẻ bi tráng và oai hùng phía bên kia, Hà Nội ăn bao nhiêu bom rồi/Sơn Tây ôm ngực rách tả tơi (...) Hà Nội ngoan cường Hà Nội ơi/Hồng hà trôi cát mãi chưa nguôi. Mà cũng kỳ, âm điệu hững hờ nhuộm màu tang tóc phía bên này Sài Gòn cúi xuống bên xác chết/Một phút rồi thôi – quên rất nhanh (Mường Mán, số 14, 15.2.1971). Tất cả nằm ngay trên tờ báo giữa Sài đô chứ không phải ở R hẻo lánh hay ngoài Hà thành xa xôi.

Còn đây, thi sĩ tình yêu Nguyên Sa nghiêng xuống thao thức trong khói lửa điêu tàn, sự sống hốc hác giữa cái chết: “(...) bài dài này quấn vội chiếc khăn tang cùng kích thước lên đầu người quả phụ, bài ngắn kia gồm tổng số chữ trên một tấm bia, cơn phẫn nộ ở dòng trên là phẫn nộ của hàng triệu người, nỗi buồn bã dưới chữ kia là nỗi ngậm ngùi ngủ cũng không hết, chết cũng không quên (...)” (Bài tựa cho tập thơ bị kiểm duyệt, Xuân Tân Hợi, số 12 - 13). Bộ Thông tin “không cho in trên nền long ly quy phượng” thì Trình bầy nhân danh “quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí và xuất bản” được ghi nhận long trọng trong Hiến pháp 1967 mà quay ronéo 200 bản Những năm sáu mươi (1971) này để gởi tặng thân hữu trong giới văn nghệ “nhờ giữ hộ”.

Bìa lưng Trình bầy số 24 (20.7.1971) và 35 (15.1.1972) giới thiệu Làm dân

Luật 019/69 (30.12.1969) về quy chế báo chí phản chiếu một ít biến động đời sống, biến đổi chính trị ngày ấy. Nhờ (hay là vì) quy chế này mà tự do ngôn luận sáng sủa hơn (hay tối tăm hơn)? Một đằng, nhờ vậy mà bãi bỏ chế độ kiểm duyệt và chỉ giới chức có thẩm quyền mới ký lệnh tịch thu, chỉ có cơ quan tư pháp mới ra lệnh đóng cửa tòa báo. Một đằng, vì vậy mà làng báo đối diện với nạn tịch thu, gây thiệt hại tài chính, đe dọa sự sống còn của tờ báo, đi đến phá sản. Lằn ranh nghiệt ngã thật khó phân định. Ngó trước nhìn sau, dẫu sao quy chế ấy cũng tạo không gian pháp lý mà báo giới và dư luận tận dụng để lên tiếng đối thoại và phản biện chính sách đường lối của nhà cầm quyền.

Trong khảo luận Nạn tịch thu báo tại Việt Nam (Ban Báo chí, Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn, Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1972), Trịnh Văn Thi tổng kê được những con số giật mình. Năm 1971, liên miên đến 1.175 vụ tịch thu, có thời điểm trên dưới 10 tờ một ngày. Riêng nhật báo Tin sáng của dân biểu Ngô Công Đức đến 154 lần, có lúc đạt kỷ lục rung rinh làng báo: 37 số liên tiếp. Và nó dồn dập quanh mùa bầu cử tổng thống (10.1971), chẳng hạn, tất cả các số Điện tín phát hành tháng 12.1971 đều bị chiếu cố tận tình.

Với Trình bầy, 21 số đầu tiên có đến bốn số không đến tay quý độc giả (2, 4, 17 và 21). Mười số mở màn năm thứ hai thì chỉ ba được yên ổn (số 25, 31, 32) còn lại đều được chính quyền khai tử. Và loạt cuối cùng số 34, 36 - 37, 38, 41... cũng vậy. Một cái chết được báo trước. Thêm nữa. Sắc luật 007/TT/SLU (4.8.1972) buộc tờ báo phải ký quỹ tại Tổng nha Ngân khố một số tiền khá lớn, nếu không sẽ bị rút giấy phép. Và Trình bầy tự đình bản ở số 42.

Bóng dáng Trình bầy chùng lại ý niệm tự do ngôn luận, luôn là khắc khoải của đa số kẻ cầm bút. Có phải đó là nguyên tắc cơ bản mà học giả Nguyễn Hiến Lê dự cảm trong Hồi ký (1993): “Một xã hội mà nghề cầm bút, nghề luật sư không phải nghề tự do thì không thể gọi là một xã hội tự do được”?

Trần Trọng Cát Tường

Nguồn: http://www.nguoidothi.vn/vn/news/hon-pho/ky-uc-do-thi/8898/tap-chi-trinh-bay-cai-chet-bao-truoc-cua-mot-tieng-noi-phan-khang.ndt

Kính thưa Bà Chủ Tịch và Hội Đồng Giải thưởng Văn Hóa Phan Châu Trinh,

Kính thưa Quý Vị,

Thưa bạn bè, anh chị thân mến,

Tôì rất vinh dự được Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh trao giải thưởng "Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục" năm 2017. Đây là một bất ngờ đối với tôi, vì vinh dự này quá lớn đối với việc làm quá nhỏ của tôi. Tôi lại là người ở xa, luôn luôn có mặc cảm vui buồn không được trực tiếp cùng chia, ấm lạnh không được trực tiếp cùng cảm với bạn bè anh em trong nước: thiếu sự sống trực tiếp ấy, hai chữ "sự nghiệp" không khỏi làm tôi áy náy. Tôi đành nghĩ: khi trao giải thưởng này cho người ở xa, các anh chị trong Hội Đồng muốn nói rằng văn hóa là văn hóa, văn hóa Việt Nam là văn hóa Việt Nam, không có văn hóa Việt kiều, cũng như không có quốc tịch Việt kiều.

Thông tin truy cập

61763683
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3873
18932
61763683

Thành viên trực tuyến

Đang có 258 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website