Nhà thơ Baudelaire từng viết rằng: “Tính cá nhân, sự sở hữu bé nhỏ này, đã ăn mòn tính độc đáo tập thể... Tức là người họa sĩ đã giết chết hội họa”.

20190320

Tính độc đáo tập thể (l’originalité collective), quả thực đã bị bào mòn rất nhiều từ khi nền nghệ thuật Hiện đại ra đời. Kandinsky đã sáng tạo ra hội họa trừu tượng một phần từ nền tảng tranh dân gian Nga, và đôi khi chúng ta vẫn thấy “âm hưởng Nga” trong tranh trừu tượng của ông. Nhưng khi chủ nghĩa trừu tượng được lan tỏa toàn thế giới thì nó đã không còn giữ được mã gien dân tộc của các họa sĩ học tập theo. Một bức tranh trừu tượng (hoặc biểu hiện trừu tượng) ngày nay do một họa sĩ Mỹ vẽ không khác gì mấy so với một họa sĩ Việt Nam. Tính độc đáo tập thể còn bị “khủng bố” mạnh hơn nữa trong các dạng thức “ngoài giá vẽ” của nghệ thuật đương đại. Từ Duchamp, Kosuth cho tới Kabakov, Ngải Vị Vị, chúng ta chỉ thấy những ý tưởng quốc tế hay vị lai, về một giá trị đại đồng mơ hồ nào đó, mà rất hiếm khi thấy một giá trị cá nhân chứ chưa nói đến giá trị dân tộc. Kosuth có rất nhiều các ý tưởng mới lạ, nhưng khi gộp tất cả các tác phẩm khái niệm hay sắp đặt đó lại, ta rất khó xác định một “phong cách Kosuth” hay xa hơn là “nghệ thuật khái niệm Mỹ”. Quả thực, nghệ thuật đương đại là một thử thách khó khăn trong việc xác định mã gien di truyền của cộng đồng. Nói theo cách khác, nghệ thuật đương đại đang trốn tránh tính độc đáo tập thể một cách có chủ ý.

*

Stravinsky là một trong những nhạc sĩ xuất sắc nhất thế kỷ 20 và thành công trong nhiều xu hướng âm nhạc khác nhau ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời: truyền thống Nga (1907 - 1919), Tân cổ điển (1920 - 1954), chuỗi 12 cung (1954 - 1968). Nhưng những tác phẩm mang lại vinh quang cho ông và ảnh hưởng lên toàn thế kỷ lại là những tác phẩm viết cho ballet được sáng tác trong giai đoạn truyền thống Nga: Con chim lửa (1910), Petrushka (1911), Nghi lễ mùa xuân (1913). Rõ ràng, vị trí của Stravinsky trong lịch sử âm nhạc thế giới được ghi nhận bởi sự lưu giữ và phát triển mã gien “truyền thống Nga”, trong đó vai trò của nhịp điệu, vốn được coi trọng trong âm nhạc dân gian Nga, được đẩy lên đỉnh cao. Như lời nhà phê bình A.J. Browne thì “Stravinsky chính là nhạc sĩ giỏi nhất trong việc phát triển nhịp điệu trở thành phẩm giá của âm nhạc”. Phương Tây tôn vinh Stravinsky không phải vì muốn tôn vinh những giá trị âm nhạc Nga (ngược lại, người phương Tây thường có tâm lý e ngại và lo sợ đối với người Nga), mà vì những mã gien truyền thống Nga trong âm nhạc Stravinsky đã đưa âm nhạc loài người đến những vùng đất mới mà những mã gien của người Tây Âu lại không thể đến đó được. Sự bảo tồn và phát huy những mã gien nghệ thuật của các dân tộc khác nhau là rất quan trọng để nghệ thuật loài người nói chung có thể đi được xa hơn.

*

Trước thế kỷ 20, người ta không khó để nhận ra sự khác biệt giữa kiến trúc Pháp (thậm chí giữa các vùng miền nước Pháp cũng có phong cách kiến trúc khác nhau) với kiến trúc Nga, kiến trúc Hà Lan, và càng khác hơn nữa với kiến trúc Việt Nam hay Trung Quốc. Nhưng giờ đây, khắp các đô thị trên toàn thế giới ta chỉ thấy những khối hộp giống nhau như những sản phẩm công nghiệp. Nếu như có một xu hướng kiến trúc mới nào đó ra đời và được tâng bốc thì ngay lập tức nó lan tỏa ra toàn thế giới bởi những hãng kiến trúc toàn cầu và sự bắt chước của các kiến trúc sư có nền lý luận phê bình yếu kém. Nhớ lại năm 1932 khi kiến trúc sư nổi tiếng đương thời của Pháp là Le Corbusier trình bày đồ án Cung Xô Viết ở Moskva với phong cách hiện đại, Stalin trả lời rằng: “Tôi không phải là một kiến trúc sư, tôi không biết nhiều về kiến trúc, nhưng tôi biết chắc rằng người dân Xô-viết không đánh giá cao nó”. Và quan điểm của Stalin không phải là không có lý khi ta nhìn lại kiến trúc và đô thị hiện đại khắp các nước tư bản phương Tây là “na ná” nhau, rất khó phân biệt tính dân tộc, còn nghệ thuật của Liên Xô, nhất là giai đoạn Stalin cầm quyền, lại có đặc trưng riêng khó nhầm lẫn. Có thể kiến trúc Liên Xô cục mịch và không bay bổng như kiến trúc của các nước tư bản, nhưng rõ ràng nó chứa đựng mã gien của dân tộc mình. Sự kiên định về bản sắc dân tộc và không a dua theo xu thế của Stalin là yếu tố quyết định tạo nên vẻ đẹp đặc biệt của kiến trúc Liên Xô dưới thời ông lãnh đạo. Phong cách kiến trúc thời Stalin, đặc biệt ở những tòa nhà cao tầng như Khách sạn Ukraina, Đại học Tổng hợp Moskva, Trụ sở Bộ ngoại giao,... cho thấy phảng phất hình ảnh của những tháp canh, pháo đài Nga cổ, những hình ảnh gợi lên khát vọng vươn cao dựa trên những nền tảng bền chặt vững chắc, như chính tính cách của người Nga, mà người Việt Nam ta hay nói vui rằng “nồi đồng cối đá”.

Ở một trường hợp ngược lại, năm 1952 - 1959 Ấn Độ đã trải thảm đỏ mời Le Corbusier đến quy hoạch thành phố mới và thiết kế các tòa nhà hành chính quan trọng của bang Chandigard. Thành phố này đã đi vào sách giáo khoa kiến trúc và đô thị thế giới như là biểu tượng chiến thắng chói lọi của chủ nghĩa Hiện đại. Nhưng sau hơn nửa thế kỷ, giờ đây Chandigard là biểu tượng cho sự thất bại của chủ nghĩa Hiện đại nói chung và của Le Corbusier nói riêng. Chandigarh hiện tại là một thành phố không có sức sống và không trở thành nơi chốn theo đúng nghĩa mà một đô thị phải có. Công trình Dinh thống đốc đã bị phá hủy vì xuống cấp trầm trọng. Còn Tòa nhà Hội đồng tuy chưa bị phá, bởi đã được công nhận là Di sản thế giới, nhưng gần như trở thành nơi tập kết phế liệu. Việc các công trình nhếch nhác ở Chandigard trở thành di sản thế giới là điều mà chúng ta nên trân trọng và thận trọng, bởi lịch sử dù huy hoàng hay đau buồn thì nó vẫn là lịch sử, chúng ta không thể chối bỏ nó, có ngày xưa thì mới có hôm nay. Hơn nữa, việc đề cao và gìn giữ các công trình kiến trúc thất bại cũng là việc cần thiết để răn dạy các thế hệ kiến trúc sư sau này. Trung tâm hành chính Chandigard trở thành một nơi chốn thất bại là có nhiều lý do nhưng trong đó không thể bỏ qua các nguyên nhân liên quan đến kiến trúc: thứ nhất, bê tông thô không phải là vật liệu bền vững cho thẩm mỹ và không phải bất cứ lúc nào chỗ nào cũng dùng được; thứ hai, hình thái kiến trúc các công trình ở đó chưa thật phù hợp với truyền thống và điều kiện Ấn Độ; thứ ba, sự thiếu vắng mã gien, văn hóa, tinh thần Ấn Độ trong kiến trúc nơi đây.

*

Ngày nay, tính độc đáo tập thể trong kiến trúc nói riêng và trong nghệ thuật nói chung vẫn bị mờ nhạt dù cho chủ nghĩa Hậu hiện đại đã khích lệ lên ít nhiều. Quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng đã làm cho các cộng đồng yếu thế ngày càng yếu thế hơn, các nhóm người có ưu thế về tài chính, dữ liệu, truyền thông ngày càng gia tăng sức ảnh hưởng của mình. Không ít các nghệ sĩ Đương đại ở các nước (phát triển và đang phát triển) chỉ chờ đợi các dự án bảo trợ của giới đầu tư ngồi ở New York, London..., nếu chưa có bảo trợ thì không thể làm gì cả. Nghệ thuật ngày nay phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, mà thị trường không phải do nghệ sĩ quyết định mà do giới tinh hoa ở các trung tâm tài chính định hướng. Tất nhiên trong giới văn nghệ vẫn luôn có những người giữ vững đức hạnh thẩm mỹ của mình, nhưng họ phải rất nỗ lực thì mới có thể chống đỡ và chuyển hóa được sức mạnh của toàn cầu hóa. Trước sự tấn công tư tưởng của các nhóm tinh hoa thế giới ẩn nấp trong danh xưng “toàn cầu hóa”, những nền nghệ thuật yếm thế (như Việt Nam chẳng hạn) rất cần có chiến lược và chiến thuật cụ thể để bảo vệ và phát huy tính độc đáo tập thể của cộng đồng mình.

Bên cạnh thách thức của toàn cầu hóa, tính độc đáo tập thể, như lời Baudelaire, còn bị bào mòn bởi chủ nghĩa cá nhân; các nước Nga và một số nước châu Á như Iran, Ấn Độ, Trung Quốc,... đi theo xu hướng kết hợp chủ nghĩa dân tộc với các tư tưởng chính trị khác, như là một phương cách chống lại chủ nghĩa tư bản cá nhân và đế quốc của phương Tây. Chủ nghĩa tư bản dân tộc đã giúp các nước châu Á không bị sụp đổ sau những đợt tấn công vào hệ thống tài chính từ phố Wall năm 1997, cũng như giúp Nga đứng vững trước những đòn trừng phạt từ phương Tây năm 2015.

Ngày nay, nghệ thuật thế giới có thể chia thành hai xu hướng chính: thứ nhất, toàn cầu hóa và tự do cá nhân được giới tinh hoa phương Tây bảo trợ; thứ hai, bản sắc dân tộc, chủ yếu ở Nga, một số nước Ả rập và Đông Á, được nhà nước và các giới tư bản có tinh thần dân tộc bảo trợ. Ví dụ ở Nga, như một số hồ sơ tiết lộ, thông qua những tập đoàn mà nhà nước có cổ phần lớn hoặc các tài phiệt thân hữu với tổng thống, một số tiền đáng kể dùng để mua tranh từ nước ngoài, sắm các nhạc cụ đắt tiền, đầu tư các bộ phim chuyển thể từ các kiệt tác văn học Nga, tạo điều kiện cho những nghệ sĩ có xu hướng dân tộc được phát triển. Ở Việt Nam, thực tế cho thấy, ngay từ khi giành độc lập, giới văn nghệ sĩ mặc dù vẫn đi theo xu hướng chung của khối là hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng vẫn có không ít những nghệ sĩ sớm nhận ra “mỏ vàng” truyền thống dân tộc, mà người khai thác thành công nhất là Nguyễn Tư Nghiêm. Còn nói về bảo trợ nghệ thuật, thời bao cấp các nghệ sĩ sống chủ yếu nhờ vào tiền lương hoặc ít nhiều trợ cấp từ nhà nước. Nhưng sau khi Đổi mới, các nghệ sĩ phải sống nhờ vào thị trường. Mà thị trường thì lại liên quan đến truyền thông và thị trường quốc tế, nơi giới tinh hoa tư bản đế quốc kiểm soát. Đừng vội vui mừng khi Việt Nam có những họa sĩ đương đại có giá tranh cao ngất ngưởng. Đó có thể là những vụ đầu cơ khiến cho nền nghệ thuật của chúng ta trở nên suy yếu. Hiện nay ở Việt Nam, nhà nước cũng như giới tư bản mới nổi đều chưa thấy được tầm quan trọng trong việc bảo trợ cho nghệ thuật theo hướng phát huy mã gien dân tộc mình. Trong khi, giới chóp bu tài phiệt đế quốc dùng nghệ thuật như một phương cách để tô vẽ bản thân và mua chuộc giới trí thức các nước bằng những khái niệm mỹ miều như “tự do”, “phong cách mới”, “đương đại”... và giới tinh hoa nước ta vẫn chưa ý thức được vai trò của nghệ thuật đối với mô hình chính trị kinh tế mà họ đang được hưởng lợi. Hồ sơ giải mật của CIA mới đây đã tiết lộ về những điệp vụ bảo trợ, nâng giá, quảng bá cho các họa sĩ biểu hiện trừu tượng Mỹ như Pollock, Rothko trở thành những sản phẩm ưu việt của Mỹ so với các tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa “tù túng” ở Liên Xô. Với tiền sự như vậy, ta có cơ sở để tin rằng giới tài phiệt tinh hoa quốc tế đang muốn kiểm soát và định hướng tư tưởng, nghệ thuật của các dân tộc bằng những quỹ đầu tư, giáo dục, đào tạo, văn hóa của họ. Đó có thể chỉ là một cuộc tranh giành để phân chia vùng ảnh hưởng, nhưng cũng có thể là một cuộc chiến sát ván. Các dân tộc khác và Việt Nam nên chuẩn bị cho những tình huống xấu có thể sẽ xảy ra. Trách nhiệm đó không chỉ là của các nghệ sĩ mà còn là của các nhà quản lý và các doanh nghiệp có tinh thần dân tộc.

*

Đối với người nghệ sĩ, việc lựa chọn giữa sự bứt phá sáng tạo ra những đặc tính cá nhân nổi trội của mình với lưu giữ và phát huy những giá trị của truyền thống cộng đồng, giữa phát triển phong cách cá nhân với tạo dựng bản sắc tập thể, cái nào quan trọng hơn? Câu trả lời tùy thuộc vào mỗi người, nhưng đối với những nghệ sĩ ở những nền nghệ thuật chưa có nhiều thành tựu đỉnh cao, như Việt Nam chẳng hạn, thì bản sắc tập thể là một lựa chọn đáng để cân nhắc. Việc cùng nhau tạo ra một sắc thái, phong cách, hay mã gien nghệ thuật của dân tộc và cộng đồng mình có ý nghĩa rất quan trọng. Một con sư tử được coi là chúa của khu rừng chỉ khi trước hết giống loài của nó thống trị khu rừng. Chúng ta đã từng có một Nguyễn An, kiến trúc sư tham gia xây dựng Tử Cấm Thành, hay Đặng Thái Sơn chơi piano đẳng cấp hàng đầu thế giới, nhưng nếu nền kiến trúc và âm nhạc Việt Nam vẫn còn mờ nhạt khi so với các nền kiến trúc và âm nhạc khác, thì Nguyễn An, Đặng Thái Sơn không thể được thế giới ghi nhận bằng Kenzo Tange hay Sviatoslav Richter. Người ta đánh giá một con người không chỉ ở bản thân con người ấy mà còn cả cái cộng đồng xung quanh và truyền thống con người ấy được thừa kế.

V.H

Nguồn: Tạp chí Sông Hương, số 359/01-2019; phiên bản trực tuyến ngày 12.03.2019.

TTCT - ...​Khắc khổ, rét mướt thì nói chung tết thời bao cấp là vậy, nhưng bất an, đấy là tâm trạng của chỉ tết 1979...

20190308 Bao ninh

Minh họa: Sà Và Ná

Trong số anh em chúng tôi con dân khu phố Nguyễn Thái Học nhập ngũ đợt tháng 9-1969 còn thọ được đến sau Ba Mươi tháng Tư chỉ mỗi anh Dần ngõ Thanh Miến, tức Dần “lé”, tiếp tục đời bộ đội. Mãi tới đầu 1978 anh mới phục viên, ra Bắc, về nhà. Mất tay trái, mắt trái. Bị từ mùa mưa 1977, tại An Giang, mảnh DK của Khmer Đỏ.

Gặp lại anh, người bạn từ thuở thiếu thời, mừng vui mà bàng hoàng. Hòa bình đã hơn hai năm, nào ngờ một miền đất nước vẫn chiến trường ác liệt, anh em mình vẫn người hi sinh, người bị thương nặng đến thế này.

Mặc dù, ngay từ hồi 1972, 1973 lính ta đã chẳng còn lạ gì bọn Khmer Đỏ, vậy nhưng từ sau ngày chiến tranh kết thúc thì ngoài những đồn thổi mù mờ, ở Hà Nội chúng tôi hầu như không được biết một tí gì về những cuộc tấn công gây hấn điên cuồng, xâm chiếm và thảm sát mà bọn chúng đã liên tiếp gây ra suốt từ ngày đầu tháng 5-1975 cho đến tận bấy giờ.

Hồi đó, đầu năm 1978, cao đỉnh thời bao cấp, tin tức cũng như thể là bị ngăn sông cấm chợ, các đài báo thông tấn triệt để kín miệng chứ đâu có mở như thời nay, thành thử tôi lần đầu biết về những gì đã và đang thực sự xảy ra trên dọc vùng biên giới Tây Nam là qua những lời kể thẳng tưng của bạn tôi, thượng úy Dần “lé”, nguyên chính trị viên tiểu đoàn.

Thực ra thì Dần đã hết là Dần “lé”, “nhờ” bị đạn bọn Pol Pot khoét đi con mắt trái, là con mắt khiến anh có biệt danh ấy từ thuở học trò. Sức khỏe cũng đã khá lên. Nhưng vì tay trái không còn, không về lại được với nghề thợ tiện, Dần nhận chân bảo vệ tại Bảo tàng Mỹ thuật.

Anh bảo làm ở đấy lương tiền chả mấy nhưng được cái gần nhà, mẹ ới là nghe thấy. Nhà anh trong ngõ Thanh Miến. Nhà chỉ hai mẹ con. Mẹ anh là cô giáo tiểu học, từ lúc về hưu sinh kế là cái máy may, mạng vá và sang sợi quần áo cũ.

Cha anh mất từ hồi trước chiến tranh. Hai cô em gái đều lấy chồng xa. Còn cậu em út, tên là Tý, sinh năm 1960, cách Dần mười tuổi, thì đi nghĩa vụ quân sự khi Dần vừa phục viên về được có vài tháng. Thuộc diện được miễn, nhưng Tý xung phong, bà mẹ không cản được, Dần thì chẳng cản.

Đầu năm 1979, một hôm, buổi chiều, Dần qua nhà tôi rủ tôi cùng đi tiễn cậu em, vừa về phép sau khóa huấn luyện tân binh, bữa nay trả phép, đi tàu lên nhận nhiệm vụ ở đơn vị công an vũ trang mà cậu ta được điều động về, trên Lạng Sơn. Lười và ngại rét, nhưng tôi vẫn cùng Dần ra ga. Buổi chiều muộn, đoàn tàu Bắc, cửa vào ga phố Trần Quý Cáp.

Tháng chạp, trời chiều rét căm căm, sân ga thì thông thống hút gió, nhưng nhóm lính trẻ đang đứng tụ lại trên ke chờ tàu chuyển bánh như là chẳng thấy lạnh lẽo gì, ồn ã vui vẻ cười nói, hút thuốc, tán dóc. Chỉ mỗi Tý, em trai Dần, là không thoải mái, bối rối và lúng túng thấy rõ. Có lẽ vì là lính Hà Nội duy nhất trong nhóm nên nhà gần ga, duy nhất được mẹ đưa tiễn, thành thử cậu ta ngượng.

Với lại, bởi vì, không hiểu sao, hôm ấy bà mẹ lại quá thể là ảo não. Bà cứ rấm rứt khóc, khóc lặng ngắt không thành tiếng, và vì nước mắt khôn cầm nên cũng chẳng nói được gì cả với con trai, bà chỉ cứ nghẹn ngào bám riết lấy khuỷu tay con không chịu rời, cả khi hành khách đã lên hết trên toa, còi tàu đã rúc lên giục giã.

Và, hồi lâu, trong bóng tối sân ga, bà cứ mãi ngóng vọng theo đoàn tàu đã khuất dạng, mặc cho Dần năn nỉ khuyên giải.

“Tao bực mẹ tao quá”. Dần bảo vậy. Tối ấy, đưa mẹ anh về nhà rồi, tôi và anh ra quán nước đầu ngõ Thanh Miến gọi cút rượu đĩa lạc, ngồi với nhau.

“Mẹ tao xót thằng Tý không được ở nhà ăn tết, với lại thương nó từ rày sẽ đời lính gian nguy, nhưng trước lúc ra ga, với lại cả suốt mấy hôm về phép Tý nó đã hết lời động viên, tao cũng tích cực động viên, nên mẹ tao nghe xuôi, trông có vẻ còn vui vui lên nữa là khác, ấy vậy mà ra ngoài ga lại thế, làm rối lòng thằng Tý, làm tao bực quá”. Dần nói vậy, nhưng vẻ mặt anh, giọng nói anh không phải sự bực bội mà là buồn bã, lo lắng.

Tôi bảo hay là do anh không biết cách nói, động viên mẹ nhưng lại làm mẹ thêm bất an. Anh bảo: “Tao không động viên an ủi lấy được, mà tao khuyên giải mẹ tao bằng sự thật, rằng Tý nó là lính biên phòng, nó đi lên mạn Bắc gác ải Hữu Nghị, tức là nó đi nhận nhiệm vụ ở một cái chốn tuyệt đối bình an vô sự chứ không có phải là xông pha vào nơi trận mạc, nên mẹ đừng có lo mẹ ơi, nghe tao phân tích thế mẹ tao còn gì nữa mà không an tâm, đúng không, rõ ràng là vậy, chứ mày tính tít trên Lạng Sơn thì có thể xảy ra cái sự gì đáng để không an tâm cơ chứ”.

Tuy nhiên tôi lại thấy là chính Dần đang chẳng chút an lòng, anh nói khẳng định, anh nói quả quyết như thế mà kỳ tình là đang tự trấn an. Không hiểu cái nỗi lo lắng đó, mà lúc đấy tôi cho là rất vô căn cứ, là do bị ảnh hưởng từ tâm trạng của bà mẹ, hay là do khi ấy trong thâm tâm Dần đã âm thầm nhói lên linh cảm của một người anh.

“Mà nghĩ cũng lạ thật đấy, chứ ngày trước, ra Hàng Cỏ tiễn tao lên tàu đi B, đi vào chốn biết rõ là một sống hai chết, nhưng mẹ tao rất vững, không khóc, còn động viên tao can trường mạnh bước, chân cứng đá mềm, ấy thế mà hôm nay, tiễn em tao, mẹ tao lại đuối hẳn đi như vậy, là tại sao chứ?”.

Lúc đấy, tôi nhớ, chừng 7 giờ tối. Loa phóng thanh trên cột điện ở góc phố Văn Miếu đang ọ ẹ hát hò, chợt ngưng. Đoạn, lên tiếng trở lại, tiếp âm Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam. Mời đồng bào và chiến sĩ đón nghe thông cáo đặc biệt.

Bấy giờ, kể từ mùa thu năm 1978 tình hình vùng biên giới Tây Nam đã không còn trong vòng bảo mật, đài báo đã chính thức đưa tin, nhất là từ cuối tháng 12, đã thành là tin chiến sự hằng ngày. Tuy vậy thông cáo tối ngày 7-1-1979 vẫn tạo nên một mừng vui đột ngột. Ấy là bản tin đầu tiên thông báo thủ đô của Campuchia đã hoàn toàn được giải phóng.

Hồi đó suốt trong mấy năm hậu chiến bao cấp, mòn mỏi đi vì nghèo túng và trì trệ, khu phố của chúng tôi lúc nào trông cũng có vẻ xạm xịt, mờ tối, cau có, mà tối hôm ấy như bừng rạng lên. Trong nhà ngoài đường, vang vọng tiếng reo mừng. Dọc phố Văn Miếu và trong ngõ Thanh Miến bọn trẻ con cho nổ ran lên hàng dây dài pháo tép, cả pháo đùng nữa, y như thể là đã giao thừa xuân sang.

Nhưng trong cái quán nước lụp xụp ở đầu ngõ, Dần và tôi chẳng nói rằng, thầm lặng đón tin.

“Mắt đền mắt, tay đền tay, bọn Pol Pot hôm nay chết rấp cả lũ coi như là trước nhất bọn chúng phải đền tội trước anh đấy, Dần ạ”. Chỉ tay chủ quán, nguyên lính Đoàn 559 và cũng là thương binh, bình luận như vậy, một câu. Rồi cũng ngồi im.

Ba chúng tôi, ba người lính đã về vườn, cứ vậy ngồi thần ra với nhau trong quán, lẳng lặng nghe và lẳng lặng đợi để ở bên ngoài thiên hạ tiếng pháo dứt đi, hân hoan lắng xuống. Hồi lâu, như sực tỉnh, Dần vội chia tay. Anh bảo phải về nhà với mẹ ngay, hẳn là bà đang rất lo.

Đêm đấy, cả đêm tôi chẳng sao chợp mắt, nằm nghe gió mùa đông bắc tăng cường, từng đợt hú lên dồn dập tràn về. Gió bấc giật trụi lá của hai hàng cây long não vốn xanh lá quanh năm ở dọc hai bên vỉa hè phố Nguyễn Thái Học. Cuối đêm, lại thêm mưa xuống. Mưa phùn mùa đông giá buốt mà nặng hạt như mưa rào. Sáng ra, đất trời thâm tái, nhà cửa phố xá ướt át, lạnh cóng.

Đợt rét đó xuyên suốt tháng chạp, mà đến tết vẫn rét đậm, vẫn mưa phùn gió bấc. Một cái tết rét mướt, khắc khổ, và nhất là, âm thầm cảm giác bất an. Khắc khổ, rét mướt thì nói chung tết thời bao cấp là vậy, nhưng bất an, đấy là tâm trạng của chỉ tết 1979. Chẳng vì một can cớ cụ thể nào mà lòng dạ không yên, đón giao thừa mà thấy nóng ruột, thấy bồn chồn như thể là phấp phỏng đợi một điều gì đấy, không rõ là cái điều gì, bất tường, vô hình nhưng lừng lững đang kề tới nơi chân trời năm mới.

Có thể nói không khí tết ở Hà Nội trong Nguyên đán Kỷ Mùi 1979 là bầu không khí trước một cơn bão. Hay, chính xác hơn, bầu không khí giữa hai cơn bão. Bởi sự thật là thế, ấy là một mùa đông nặng nề dông tố.

Tôi sẽ mãi mãi nhớ ngày hôm đó. Làm sao mà có thể quên được.

Lịch ta là 22 tháng giêng. Chủ nhật, 7 giờ sáng. Trời nặng mây, phố xá là là sương mù. Tôi đang đợi tàu điện ở bến đầu Hàng Đẫy. Tàu điện tới, vừa khi cái loa phóng thanh cỡ lớn nơi vườn hoa Bách Việt phát bản tin Thông tấn xã. Phát thanh viên đọc chậm, bản tin từng từ một vang động màn sương. Tôi điếng người, như là bị một làn roi vút thẳng vào tim. “Vào rạng sáng ngày hôm qua, 17-2-1979...”.

Tin tức đầu tiên về cuộc tấn công của hàng trăm ngàn quân bành trướng Trung Quốc cùng xe tăng và đại pháo trên dọc toàn tuyến biên giới nước ta mặc dù sau một ngày đêm mới đến với người dân Hà Nội, nhưng vẫn là một cái tin hết sức bất ngờ. Phút chốc không gian và cả thời gian nữa dừng đứng.

Không, không phải do bây giờ hồi tưởng lại mường tượng thế mà thực sự khi ấy tôi thấy thế, cả một quãng phố dài đang ồn ào tấp nập bỗng chốc người và xe tất thảy sững lại, lặng đi.

Thực ra, can qua giặc giã thì người Việt Nam mình, trong thế kỷ 20, đâu có còn lạ lùng gì và vì thế đâu có ngán gì. Nhưng một trận giặc nổ ra thình lình như trận này thì có lẽ là chưa từng. Kể cả vào hồi giữa thế kỷ 19, với sức mạnh lấn át mà đánh chiếm nước ta, thực dân Pháp cũng phải hơn ba chục năm ăn cướp dần từng thước đất.

Đến lần thứ hai Việt Nam bị Pháp xâm lăng, chiến sự diễn biến qua hơn một năm cho tới cuối 1946 mới bùng lên thành Kháng chiến toàn quốc. Ngay như trong cuộc đối đầu sống mái hai chục năm trường chống Mỹ, chiến tranh trên hai miền đất nước cũng leo thang, sau vài năm qua nhiều nấc cao dần lên cho đến trước khi bọn xâm lược tổng lực đổ quân dốc bom đẩy chiến cuộc tới tột đỉnh tàn khốc.

Nhưng, vào tháng 2-1979, thì không những bất thình lình, mà ngay lập tức phút đầu tiên ngày đầu tiên quân bành trướng đã tổng lực tấn công, đã ồ ạt những đạo binh khổng lồ tiền pháo hậu xung tấn công biển người trên toàn khắp 1.200 cây số đường biên giới. Những ngày ấy, tôi và có lẽ chẳng riêng tôi hình dung rằng, về tầm mức cuồng bạo và gây nguy cấp sát kề từng ngày từng giờ cho sự tồn vong của nước Việt thì trong suốt ngàn năm qua chỉ cuộc tấn công xâm lược lần thứ hai vào đầu năm Ất Dậu (1285) của 50 vạn quân Mông Cổ là sánh tày cuộc tấn công lần này của 60 vạn quân bành trướng Trung Quốc.

Ngày hôm ấy, ngay sau ngày chiến tranh bùng nổ, phía trước nhà tôi, Phòng thông tin dựng một tấm pano rất lớn bản đồ Việt Nam; trên đó, quân bành trướng Trung Quốc là tua tủa những mũi tên đen nhọn hoắt đang tiến vào, mũi tên đỏ là quân và dân ta đang chặn chúng.

Qua từng ngày, những quyết chiến điểm hình ngọn lửa trải dài suốt từ cực tây Lai Châu tới mép biển Quảng Ninh cứ tràn rộng ra, rực lên kín hết cả một mảng lớn phía Bắc của bản đồ. Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè... Cam Đường, Mường Khương, Bát Xát... Mèo Vạc, Đồng Văn, Vị Xuyên... Trùng Khánh, Thông Nông, Phục Hòa, Trà Lĩnh... Đồng Đăng, Tràng Định, Na Dương, Tam Lung, Đình Lập... Bình Liêu, Hoành Mô, Móng Cái... Khôn xiết kể tên tuổi những địa phương đang ngập chìm dưới lửa đạn, hằng ngày hằng đêm, từng giờ vang dội trong lòng Hà Nội.

Thành phố tuy vẫn nếp sống thường nhật thời bình, nhưng ý chí và khí giới đã sẵn sàng. Dẫu gì thì lúc bấy giờ những tháng năm quyết liệt của thời đại chống Mỹ cứu nước chưa phải là đã lùi quá xa vào dĩ vãng.

Sáng ngày 5-3-1979, lệnh tổng động viên. Ở khu phố chúng tôi, hôm trước hôm sau, hầu hết các thượng sĩ, trung sĩ, hạ sĩ của thời chống Mỹ đã nhận giấy gọi tái ngũ. Tờ giấy khổ chỉ bằng lòng bàn tay, giấy xấu, đánh máy vội, ngắn gọn và nghiêm khắc triệu tập công dân cựu chiến binh, họ tên, ngày sinh, cấp bậc, đúng 7 giờ ngày 8-3 có mặt tại Khu đội Ba Đình, lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chữ ký của đại úy Khu đội trưởng.

Dạo đó tôi còn giữ được tương đối đầy đủ quân tư trang. Cái balô cóc, cái võng dù, cái bọc võng, cái bình tông, cái cóng nhôm, cất kỹ trong tủ, nay lấy ra. Quân phục tô châu vẫn còn một bộ, vận vào. Thắt lưng bộ đội, mũ cối, dép đúc thì hồi ấy vẫn đang là vật dụng thường ngày của tôi. Nhìn tôi đầu tới chân, Dần khen rằng đã trở về được với gần nguyên trạng tư thế và nhuệ khí của một người lính quân giải phóng. Thêm khẩu AK với vài trái u-ét ngày mai sẽ nhận, là vào trận được rồi. Anh bảo vậy.

Chiều đấy anh đến nhà tôi gặp gỡ chia tay, cho tôi một bịch nửa ký thuốc lào với mấy phong lương khô 702 nội hóa để ăn đường, anh còn tặng tôi một cái la bàn KM và một con dao găm Kabar của biệt kích Hải cẩu anh thu được từ thời chống Mỹ để tôi mang theo vào trận chiến này. Chia tay tôi, Dần cố vui mà không cố được. Anh nói rằng bây giờ mới thật thấm thía tiếc cái tay, mất nó, không trở lại được với quân ngũ, không thể cầm súng lên đường chiến đấu tiếp ứng được cho em trai.

Tý, em trai anh, tuần trước tết biên thư về cho biết hiện đang làm nhiệm vụ tại đồn công an vũ trang thị trấn Đồng Đăng. Được thư, mẹ anh giục anh mau mau đưa bà đi tàu hỏa lên thăm, thế mà anh lại cản, bảo rằng Tý nó vừa chân ướt chân ráo nhập đơn vị mới mà chưa gì đã người thân lịch kịch quà cáp thăm nom này nọ là không có nên đâu, vậy mẹ hãy để thư thư, đợi cuối xuân ấm trời lên đã. Nào ngờ...

“Hồi bảy nhăm giải phóng xong Sài Gòn điều mừng vui nhất trong lòng là ý nghĩ từ rày đất nước được yên hưởng hòa bình, bao nhiêu gian khổ hi sinh thời kháng chiến lứa cha chú bọn mình với lứa bọn mình gánh trọn cả rồi, nào ngờ, giờ đây, trách nhiệm đánh giặc giữ nước giữ nhà lại tiếp tục nặng trên vai lứa đàn em bọn mình...”.

Rất nhiều năm sau, giáp Tết Ất Dậu 2005, tôi mới lần đầu lên đến thị trấn Đồng Đăng. Quý, con trai anh Dần, đi cùng tôi. Hai chú cháu men lối mòn đi lên một quả đồi ở phía nam thị trấn. Pháo đài Đồng Đăng trên đồi ấy. Mưa phùn mùa đông, triền đồi hoang vắng, pháo đài đổ nát.

Không khí lạnh và ướt mà bó nhang hai chú cháu thắp nơi cửa hầm đã vỡ sập xuống của pháo đài vẫn phừng phực bùng lửa. Quý đứng bên tôi một lát, rồi quỳ xuống, lặng lẽ thổn thức. Năm ấy 2005, Quý mười chín tuổi, vừa đúng bằng tuổi của Tý, người chú của cậu hồi đầu năm 1979. Tôi không khóc, mà nước mắt nhói đau như kim châm trong tròng mắt.

Tý tuổi nhâm tý, sinh nhật vào tháng 2. Và hi sinh cũng trong tháng 2. Giấy báo tử ghi, ngày hi sinh: 17-2-1979. Mặt trận biên giới phía Bắc.

Không hiểu là lý do thế nào, mãi cuối năm 1983 tờ giấy báo tử ấy mới tới tay Dần. Mẹ anh đã qua đời trước đấy nửa năm. Nhưng, vì báo tử muộn thế mà phần nào lại thành ra là may, Dần bảo vậy, bởi mẹ anh trước khi nhắm mắt đã không phải chịu nỗi đau mất người con trai út. Từ sau ngày cuộc chiến bùng nổ, không được tin gì của Tý, mẹ anh đuối dần đi từng ngày, nhưng bà vẫn mòn mỏi hi vọng, vẫn cứ mong Dần làm cách nào đó lên được Đồng Đăng tìm em.

Dần cũng đã từng âm thầm nuôi hi vọng. Sau ngày quân bành trướng Trung Quốc thất trận phải tháo lui (cũng do đó mà Bộ Quốc phòng đã hoãn lệnh tái ngũ các cựu chiến binh như tôi), suốt một thời gian dài anh âm thầm mong tin em trai.

Mặc dù không được đài báo chính thức đưa tin, thậm chí cho đến tận bây giờ, nhưng cuộc chiến đấu bi hùng của các quyết tử quân bảo vệ pháo đài Đồng Đăng thì ngay hồi đó, ngay lập tức, đã loan truyền trong dân gian. Không cần phải từng là bộ đội người ta cũng có thể hình dung ra được phần nào diễn biến và cảm thấu được kết cục không thể tránh khỏi của cuộc tử chiến hoàn toàn không cân sức ấy.

Nhưng mà, biết đâu chừng, biết đâu, vẫn có một số anh em mình rút ra được... Hồi đó, gặp tôi là Dần bảo vậy, bất chấp niềm vô vọng. Anh rủ tôi cùng đi một chuyến lên cửa khẩu. Song làm sao mà đi được. Cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn, lúc tạm lắng, lúc bùng lên dữ dội. Thị xã Lạng Sơn vẫn trong tầm pháo kích, nói gì Đồng Đăng. Dần phải dằn ước muốn ấy xuống, mà sống.

Hơn mười năm ấy, 1979-1990, người dân Hà Nội như thể là đã phải gồng mình lên mà sống cuộc sống thời bình. Đất nước bị bao vây cấm vận, mạn Bắc mạn Nam hai cuộc chiến song hành. Miền biên ải địa đầu, như Lạng Sơn, cách hồ Gươm chỉ non hai trăm cây số vẫn vùng chiến sự nóng bỏng. Nền kinh tế chủ đạo thì cứ nặng nề trì đọng lại trong cung cách bao cấp.

Thế nên, phải tự cứu lấy mình, câu ấy người bình dân Hà Nội đã nói với nhau từ lâu trước thời Đổi Mới. Không phải là người cầm súng thì phải là người làm lụng, lao động, góp phần bảo vệ đất nước bằng trước nhất là nỗ lực nuôi sống bản thân mình và gia đình mình, không được để cho ngôi nhà của mình, ngõ xóm của mình và rộng ra là thành phố quê hương mình suy tàn đi trong bi ai và nghèo đói.

Sống thức thời chính là sống như vậy, Dần bảo với tôi thế. Là thương binh loại hai, đã gần như là mất sức lao động, nhưng anh đã thực sự thức thời sống vượt trội lên. Anh thôi việc ở bảo tàng, và mặc dù Đổi Mới chưa bắt đầu mà bằng cách nào đó anh đã mở được một hiệu sửa chữa đồ điện gia dụng. Sau ngày đoạn tang mẹ, anh lập gia đình. Vợ anh trẻ trung, đảm đang tháo vát, khiến sự làm ăn của anh mau phát đạt. Hai vợ chồng rời ngõ nghèo Thanh Miến ra nhà mặt phố.

Tuy nhiên, mức sống lên mà sức khỏe của Dần lại xuống. Thương tích ngày xưa, cánh tay, hốc mắt, thường tái phát, đau dội lên. Anh bảo là còn đau hơn cả hồi mới bị thương. Nhất là vào mùa đông. Cái lạnh mùa đông chẳng những khía sâu các vết thương trên thân mình mà còn day dứt khơi dậy nỗi đau đớn trong lòng. Niềm thương nhớ người em, anh tưởng sẽ cố để có thể nguôi ngoai theo thời gian, mà không thể nào.

Ban ngày mải mốt làm ăn thì tạm quên đi được, nhưng đêm đêm, nhất là những đêm gió mưa mùa đông, thường bất chợt thức giấc lặng nghe tiếng những đoàn tàu hỏa mải miết ngang qua thành phố chở quân chở pháo chở đạn lên tiếp ứng cho phòng tuyến phía Bắc.

Năm 1991 chiến tranh biên giới chấm dứt, nhưng Dần đã trọng bệnh liệt giường từ trước đấy. Từ khi anh rời bệnh viện về hẳn nhà, ngày nào tôi cũng tới với anh. Lúc tỉnh lúc thiếp đi, nhưng lúc tỉnh trò chuyện được với nhau thì bao giờ cũng vậy lời cuối là anh dặn tôi một ngày nào đó, khi con trai anh đã lớn đưa nó lên pháo đài Đồng Đăng để nó có thể thay mặt anh thắp hương tưởng nhớ hương hồn người chú của nó.

Và vì biết tôi khi đó đã bắt đầu viết văn nên anh cũng yêu cầu tôi không được quên những người chiến sĩ thế hệ em trai anh. Hãy viết về năm bảy chín. Anh bảo vậy. Với tôi, ấy là lời trăng trối thiêng liêng của người bạn chiến đấu thân yêu ruột thịt của đời tôi.

Vậy mà cho đến bây giờ, đã chừng bấy năm rồi, cả trong lời lẽ cả trên trang giấy tôi vẫn hoàn toàn lặng thinh về năm 1979, như thể tôi là một kẻ hoàn toàn vô cảm, nhẫn tâm dửng dưng, nhẫn tâm bỏ qua, bẵng quên đi máu xương của biết bao đồng đội đồng bào đã ngã xuống trong mùa đông bão tố ấy và trong suốt những năm trường gian nguy đầy đau thương ấy của Tổ quốc. ■

Bảo Ninh

Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 23.02.2019.

 

Trước khi đến với sách, những tờ tạp chí và truyện tranh lôi cuốn những đứa trẻ chúng tôi. Ban đầu, chỉ riêng cái bìa tạp chí với màu sắc rực rỡ đã đủ tạo niềm vui lấp lánh trong mắt khi được cầm lên rồi. Trước khi gắn bó với tờ tuần báo Thiếu Nhi đầy tính giáo dục, tôi nhận ra mình yêu văn chương từ những truyện ngắn trên báo Tuổi Ngọc...

Một ngày thu, một nữ văn sĩ tìm lên vùng núi cao thuê ngôi nhà trọ của một cô nhi viện để viết sách và lấy lại sức khỏe. Bà sống giữa thiên nhiên tươi đẹp với những cây bắp ngô, trái bí và hạt dẻ. Bà nhờ cô nhi viện tìm một người chẻ giúp bà số củi để đốt lò sưởi. Một buổi chiều, có chú bé khoảng 11-12 tuổi, nhỏ và gầy đến gặp bà. Chú bé tên là Gie-ri, đã ở viện mồ côi từ năm bốn tuổi. Bà đồng ý để chú bé chẻ đống củi vì bà thấy chú rất thành thạo.

Bà nhận xét: “Tóc chú có màu vàng hoe của những trái bắp khô, đôi mắt chú, rất thành thực, gợi nhớ đến vùng núi khi trời sắp có cơn mưa”. Chú bé im lặng khi bà cho ít tiền sau khi xong việc mỗi ngày và có lúc đã giúp bà trông chú chó khi bà đi vắng. Một buổi tối, chú bé đến gặp bà, bên cạnh lò sưởi, kể chuyện mấy ngày bên cạnh chú chó. Chú bé bảo với nữ văn sĩ: “Bà hơi giống mẹ em, nhất là trong bóng tối, như lúc này bà ngồi bên lò sưởi”. Rồi chú bé khoe đã được mẹ, đang ở một tỉnh khác, đến thăm để cho bộ đồ vào năm ngoái và sắp tới mẹ sẽ tặng một đôi giày trượt patin. Chú bé bảo sẽ dùng tiền bà cho để mua tặng mẹ một đôi bao tay. Mùa hè nào mẹ cũng đến đón chú bé.

Nghe tới đó, bà cảm thấy giận người mẹ đã bỏ mặc đứa con ở viện mồ côi trong mấy năm trời với chút ít quà gửi đến. Và bà cũng cảm thấy giảm bớt lòng thương hại với đứa trẻ. 

Một sạp bán sách, báo ở Sài Gòn trước 1975. Ảnh: TL

Mùa thu tàn, chú bé vẫn đến giúp bà, nói chuyện với bà nhiều hơn bên lò sưởi, thỉnh thoảng tặng bà những chiếc lá mùa thu đỏ rực rỡ và chạy chơi với chú chó. Đến một ngày, bà chia tay chú bé vì sáng hôm sau phải ra đi. Chú bé nghe xong lẳng lặng bỏ đi không nói một lời. Sáng hôm sau, bà đến cô nhi viện trả chìa khóa, và nói với giám đốc viện là muốn chào từ giã chú bé đã đến giúp bà suốt mấy tháng qua. Bà được cho biết là chú bé có vẻ không được khỏe hay có gì buồn, không ăn sáng và đã đi lên núi từ sớm. Bà muốn hỏi thăm về mẹ của chú bé, vì sao phải đưa bé vào đây.

Nhưng bà vội đi, nên chỉ xin gửi bà giám đốc viện một số tiền nhờ mua quà cho chú bé, miễn không trùng với món quà là đôi giày trượt patin mà mẹ chú bé sẽ cho. Bà giám đốc già nhìn lên và dường như không hiểu lời của nữ văn sĩ: “Ở đây, các em nhỏ không được chơi patin... - Bà nhíu đôi lông mày hỏi lại - Và thưa bà, Gie-ri là một em bé mồ côi. Gie-ri đâu còn mẹ!”.

Đó là câu chuyện Mùa hè mẹ tới mà tôi được đọc trong báo Tuổi Ngọc từ năm bằng cỡ tuổi chú bé trong truyện. Mùa hè năm 1973 nhiều mưa, tôi ôm tờ báo to trên tay, ngồi bên cửa sổ đế lấy ánh sáng từ bên ngoài cửa sổ. Tôi nhận ra cách kể chuyện rất gần gũi của nhà văn Rawlings là tác giả truyện ngắn trên, cũng là tác giả cuốn Con nai tơ tôi đã đọc nhiều lần trước đó.

Mùa hè mẹ tới tiếp tục làm tôi xao động, sau cảm giác buồn se sắt khi đọc Con nai tơ, đến chi tiết con nai hiền lành của Cu Tý bị bắn chết và sau đó thằng bạn Diều Rơm tật nguyền của Cu Tý cũng qua đời. Câu chuyện chú bé mồ côi không khiến tôi khóc, nhưng tôi nhớ mình đã ôm ghì mẹ khi bà đi bán về, ướt lướt thướt. Tôi nhận ra có những đứa bé trên đời đã và đang sống rất buồn, khao khát một tình thương đơn giản nhiều người có và đang dửng dưng với nó.  

Trước khi đến với sách, những tờ tạp chí và truyện tranh lôi cuốn những đứa trẻ chúng tôi. Ban đầu, chỉ riêng cái bìa tạp chí với màu sắc rực rỡ đã đủ tạo niềm vui lấp lánh trong mắt khi được cầm lên rồi. Trước khi gắn bó với tờ tuần báo Thiếu Nhi đầy tính giáo dục, tôi nhận ra mình yêu văn chương từ những truyện ngắn trên báo Tuổi Ngọc, không phải là tờ Tuổi Ngọc tuần báo của tuổi vừa lớn khổ nhỏ sau này mà là Tuổi Ngọc khổ lớn “tuần báo của yêu thương”, ra đời số đầu từ tháng 7.1969. Chị Bạch Liên, con một nhà khá giả trong xóm đã mua đủ hết 24 cuốn của bộ này và người lần lượt đọc hết và đọc rất kỹ - không phải chị Liên hay chị Vân của tôi, người được cho mượn về - mà là tôi.

Tôi đọc và luôn trì hoãn yêu cầu trả lại bộ báo. Tôi thương những nhân vật trong đó và bộ báo như cánh cửa thông ra một thế giới rộng lớn và đa dạng. Ở đó có những chú bé miền Bắc lanh lợi, tán dóc bằng những từ lạ tai trong truyện của Vũ Mộng Long, có không khí một thị xã mùa đông tôi chưa từng đặt chân tới, có cuộc sống thiên nhiên thơ mộng ở một vùng núi châu Âu tuyết phủ.

Khi đọc truyện ngắn Cái tủ chè của mẹ tôi của Hoàng Hải Thủy, lúc đầu tôi thích thú với cách miêu tả chi tiết đời sống miền Bắc ngày xưa, với cái tủ chè khảm ốc từ nhóm thợ của Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, dẫn đến chuyện chú bé nhiều lần dùng chìa khóa giả mở hộp phấn của mẹ để lấy tiền ăn gỏi thịt bò khô đu đủ xanh. Đọc đến đó, tôi thấy xấu hổ vì thói vô tư lấy tiền cắc của má thường để trong túi áo bà ba móc trên giá để mua đậu phộng hay kẹo để nhâm nhi mà không cảm thấy tội lỗi. Chú bé trong truyện khi bị bắt gặp ngỡ sẽ bị la mắng, nhưng điều chú nhận chỉ là tiếng thở dài và câu nói “mẹ buồn lắm” khi bà ngồi thừ người trong bóng chiều mùa thu xám đang đi dần vào tối bên khung cửa sổ.

Cảm giác khó chịu lan tỏa trong lòng thằng bé 12 tuổi khi đọc những dòng đó và tôi biết mình phải bỏ thói xấu kia. 

Tạp bút Một ấu thời hà khắc của Viên Linh mở rộng cho tôi thêm góc nhìn về một thời xa xôi ở vùng đất xa lạ xứ Bắc mà tôi không thể tưởng tượng mình sẽ được đến khi đất nước còn chia cắt. Tác giả khi là chú bé tám tuổi, ban đầu học chữ nho đến khi có ông chú đi Hà Nội về bắt bỏ bút lông gạt, bỏ nghiên mực tàu, xé giấy bồi, sau khi cãi nhau với người ông một trận kịch liệt. Chú bé được học chữ quốc ngữ. Cùng trong truyện có thân phận người phụ nữ trong nhà.

Tác giả nhớ mỗi khi nhà có khách đàn ông, thì “cùng với mấy con ngan, con ngỗng giữ nhà, là y như đàn bà con gái trong nhà, mẹ tôi, thím tôi, cô tôi vội vã lẩn vào sau cánh cửa”. Suốt thời gian có khách, chỉ người cô chưa chồng được xuất hiện đâu đó, thấp thoáng. Những phụ nữ khác nếu có việc gì cần làm, phải đi phía xa xa, đi vòng dưới sân phía trước hay vòng quanh nhà phía sau. Phụ nữ muốn đi từ đầu nhà tới đầu kia, dù là những lúc thường, cũng không bao giờ được đi trên thềm gạch. Phải xuống sân, đi ra mé sân, rồi mới băng ngang nếu không muốn đi phía sau.

Lúc đó chú bé trong truyện cảm thấy mình oai, nhưng sau ngẫm nghĩ thấy đó là dấu ấn của một thời hà khắc. Câu chuyện chỉ vỏn vẹn một trang, kết thúc đột ngột khiến tôi hụt hẫng. Sau này, khi theo nghề viết, tôi nghĩ cấu trúc bài vậy là đủ. Tác giả đã nói hết những điều cần nói bằng những kỷ niệm đọng lại ở tuổi thơ.

20181001 Tuoi ngoc

“Tuổi Ngọc bộ cũ”, trong những ngày mưa hè tuổi nhỏ, chỉ là một cái khe cửa để người trẻ cảm nhận cuộc sống qua văn chương”. Ảnh: TL

Sau này, tôi được đọc lại bộ Tuổi Ngọc khổ lớn nhờ anh Trần Hữu Nghiêm, có bài viết trong bộ này, cho mượn. Ở số 6 ra tháng 8.1969, tôi nhận ra bài viết ở tuổi 15 của anh: bài Quê hương trong trí nhớ viết về cảm xúc từ một vùng đất cao su mà anh tả như cảnh thiên đường khiến một đứa trẻ sinh ra ở phố thị như tôi ngơ ngẩn. Ở đó có tơ trời trắng nõn như bông trôi chầm chậm, đi qua con đường mòn trong hàng cao su điểm vàng những cánh hoa nhỏ xíu sẽ thấy cánh đồng lúa đẹp như tranh thủy mặc, xa xa có vài căn nhà tranh có giàn bầu giàn bí. Trời ở đó trong sáng, soi bóng trên dòng suối lững lờ. Nhưng tác giả khiến người đọc thất vọng vì cảnh quê đã nhanh chóng thay đổi vì chiến tranh.

Anh nhìn quê hương điêu tàn sau hàng rào kẽm gai mà tiếc nuối và vẫn mong có ngày tái tạo một quê hương thật đẹp. Khi tôi bảo còn giữ ấn tượng khi đọc bài viết này hồi nhỏ, có thể tác giả không tin nhưng đó là sự thật. Nó đã chạm đến cảm xúc và khao khát hiểu biết của tôi về một chân trời xa lạ chưa đến bao giờ và một sự hủy hoại của cái đẹp chưa bao giờ được nhìn ngắm.

Có thể “Tuổi Ngọc bộ cũ”, trong những ngày mưa hè tuổi nhỏ, chỉ là một cái khe cửa để người trẻ cảm nhận cuộc sống qua văn chương, nói như Trương Trào. Ở tuổi quá trung niên, những câu chuyện trong đó đọc lại vẫn thấy cảm giác dung dị, vẫn làm xao động. Không tạo ra nhiều ẩn ý hay làm văn chương, được viết một cách chân thành, các tác giả tài năng ấy chỉ bằng lòng chân thật cũng đủ khiến người đọc, dù đã đến tuổi “ngắm trăng ngoài sân” hay “ngắm trăng trên đài cao” (Trương Trào), còn cảm xúc vẹn nguyên khi đọc lại vì chúng đã thấm đậm từ lần đầu đọc hồi thơ bé.

Nguồn: Người đô thị, ngày 30.9.2018.

Phòng trà ca nhạc là một hình thức sinh hoạt văn hóa ra đời tương đối muộn ở Hà Nội so với sự ra đời tân nhạc từ nửa sau thập niên 1930. Những phòng trà đầu tiên được xác nhận xuất hiện sau khi nước Việt Nam độc lập năm 1945. Trong hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy, ông đã nhắc đến những phòng trà đầu tiên ra đời quanh Hồ Gươm cuối năm ấy.

Trong vòng chưa đầy một cây số quanh Bờ Hồ, những phòng trà là nơi lưu dấu các tên tuổi của tân nhạc Việt Nam thời kỳ đầu.

Nơi khai mở tân nhạc

Hơn 80 năm trước, ở những con phố chật hẹp Hà thành quanh Hồ Gươm, đã có nhiều địa điểm ghi dấu các sự kiện văn hóa. Người ta đã ghi nhận sự ra đời chính thức của tân nhạc gắn với Hội quán Trí Tri ở 47 Hàng Quạt. Vào tháng 3.1938, tại đây đã có buổi giới thiệu một vài ca khúc tân nhạc của Nguyễn Văn Tuyên, và được báo Ngày nay đăng tải trong số các ca khúc tân nhạc được công bố đầu tiên, cùng với các bài hát của Nguyễn Xuân Khoát và các nhạc sĩ trẻ như Dương Thiệu Tước, Văn Chung, Thẩm Oánh, Lê Yên...

Hội quán Trí Tri (Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin) có trụ sở là một ngôi nhà kiến trúc Pháp-Á, mặt tiền trang trí hoa văn Á Đông, nơi những học giả Bắc kỳ mở những lớp dạy về kiến thức với chủ trương quảng bá tân học gồm các đề tài khoa học như vệ sinh, phong tục, cùng các kiến thức mới lạ đến trí thức Việt Nam từ năm 1892 đến 1945.

Quán rượu Taverne Royale ở phố Đinh Tiên Hoàng năm 1954

Ngày 29.8.1938, cùng năm với cuộc vận động tân nhạc, nơi này ra đời Hội Truyền bá chữ quốc ngữ với Hội trưởng là học giả Nguyễn Văn Tố, ông cũng là Hội trưởng Hội Trí Tri. Hội Truyền bá chữ quốc ngữ đóng vai trò rất quan trọng trong việc xóa nạn mù chữ trong quần chúng, tiền thân của Nha Bình dân Học vụ sau Cách mạng tháng Tám. Nơi đây cũng là trụ sở của Hội Âm nhạc Bình Minh, một hội âm nhạc yêu nước trong cao trào cách mạng. Ngôi nhà ở phố Hàng Quạt, cách Hồ Gươm chỉ hơn 300m tình cờ hội tụ những dấu mốc thời gian quan trọng của những hoạt động văn hóa và tri thức của dân tộc, ngày nay là trung tâm giáo dục thường xuyên, được mang tên Nguyễn Văn Tố.

Trong những ngày tháng sau đó, các rạp chiếu bóng là nơi những bài hát được trình bày. Nằm trong trào lưu cải cách văn hóa hay còn gọi là Âu hóa, các bài hát cũng mang tên nhạc cải cách. Những sân khấu nhỏ bé tại các chợ phiên, rạp chiếu bóng, cải lương, nơi các bài hát được hát trước và giữa các giờ giải lao, thậm chí tham gia như tiết mục biểu diễn trong các vở cải lương, đã gieo một ý niệm về âm nhạc mới.

Cuối năm 1940, Đặng Thế Phong đã biểu diễn ca khúc Con thuyền không bến tại rạp Olympia (nay là rạp Hồng Hà, trước chợ Hàng Da) trong một buổi diễn kịch. Nhưng đến lúc đó, tân nhạc vẫn chưa hẳn đã chiếm lĩnh không gian văn hóa đô thị. Vào đầu thập niên 1940, thú vui của các tao nhân mặc khách vẫn là những xóm cô đầu như Khâm Thiên, Vạn Thái hay Ngã Tư Sở, thậm chí Vũ Bằng vào năm 1973 khi nhớ lại, đã gọi đây là “cái nôi của văn nghệ Hà Nội ba chục năm về trước”.

Đơn giản là ca trù (tức hát cô đầu) đã có địa chỉ riêng, còn tân nhạc vẫn là thân phận ở nhờ những sân khấu ca kịch truyền thống hay chiếu bóng. Nhà hát Lớn vẫn chỉ dành cho những sự kiện long trọng, các vở kịch nói và không mở cửa thường xuyên.

Vì thế, các phòng trà ra đời như một quy luật tất yếu, nhờ quy mô nhỏ gọn. Đi cùng việc ra đời phòng trà vào cuối năm 1945 là nhờ lứa nhạc công đã có kinh nghiệm chơi nhạc từ trước trong các quán rượu hay các dàn nhạc nhà thờ, như các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Giệp, Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyễn Thiện Tơ... Sự lớn mạnh của tầng lớp tư sản thành thị và lòng tự tôn dân tộc được cuộc cách mạng bồi đắp đã dẫn tới nỗ lực trình bày những bản nhạc cải cách.

Một trong những giọng ca nam chính là nhạc sĩ Phạm Duy đã kể lại những chi tiết về các phòng trà đầu tiên ở Hà Nội khi phong trào đi nghe nhạc ở đây diễn ra như “Quán Nghệ Sĩ ở đường Bờ Hồ, do tay violonist số một là Nguyễn Văn Giệp điều khiển”, “ở phố Hàng Bông, có Phòng trà Thăng Long” hay “phố Thợ Nhuộm có Phòng trà Tuyết Sơn có Vũ Thành thổi sáo”. Phòng trà Thiên Thai lấy theo tên bài hát của Văn Cao ở phố Hàng Gai, nơi Phạm Duy cũng biểu diễn như một ca sĩ tại đây, và ông đã giới thiệu Thương Huyền, “giọng hát phái nữ hay nhất của lúc đó”, đưa cô trở thành ngôi sao tân nhạc.

Những giọng ca nổi bật của nước Việt Nam mới lúc này cũng biểu diễn ở các phòng trà như Mai Khanh, Kim Tiêu, Bùi Thị Thái (tức NSND Tuyết Mai sau này), hay các nhạc sĩ nổi tiếng cũng chơi đàn hoặc dẫn chương trình tại các phòng trà như Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh... Tại những phòng trà như thế này, các bài hát lãng mạn được phổ biến ra công chúng, nhưng ngay cả các bài hát cách mạng trong cao trào giải phóng dân tộc vừa thành công khi ấy cũng được vang lên.

Trong Đốt lò hương cũ,  Đinh Hùng đã kể lại câu chuyện nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát cùng Nguyễn Văn Giệp chơi đàn trong Quán Nghệ Sĩ mùa thu năm 1946, khiến cho một toán lính lê dương say rượu thôi làm loạn quán nhạc. Âm nhạc ở phòng trà như thế này vào thời gian ấy đã được chấm phá đôi nét nhiều gợi cảm trong tùy bút Một lần tới thủ đô của Trần Đăng:

Thủ đô Việt Nam được tô điểm bằng bao nhiêu mầu sắc quốc tế. Đời sống Việt Nam cũng phản chiếu được ngay cái ánh sáng phù hoa ấy. Phòng trà ở góc phố; bàng bạc một ánh sáng đều nhạt, dịu dàng. Những thanh niên tuấn tú ngồi bên những mầu áo thêu hoa. Những tiếng đàn rên rỉ ở những cung trầm. Xa chút nữa, cánh cửa của một tiệm nhảy hé mở để một võ quan ngoại quốc cao lớn lách vào cùng với một tà áo đỏ để thoáng lộ ra những cặp thướt tha cũng như chợt thoáng bay ra ngoài tiếng đàn lả lướt.

Tiếng đàn lả lướt vẳng đưa trên trời và trong đêm Hà Nội. Những ham muốn mạnh mẽ và hồi hộp nặng sa vào trong lòng mấy chàng thanh niên bước vội trên vỉa hè. Nước Hồ Gươm rung làn ánh sáng như giục giã. Chút sương mờ trước mắt như đợi chờ.

Ký ức về phòng trà đã trở nên đáng kể trong tạo dựng hình dung về Hà Nội những năm tháng ấy. Phòng trà cho dù chỉ đáp ứng một thiểu số thị dân có điều kiện nhưng vùng âm thanh lan tỏa của chúng rộng hơn, vang hơn trong không gian và thời gian.

Giai đoạn tạm chiếm

Trong thời gian Hà Nội tạm chiếm (1947-1954), hoạt động biểu diễn âm nhạc thoạt đầu còn thưa thớt do hoàn cảnh chiến tranh. Dòng người hồi cư năm 1949-1950 kéo theo nhu cầu giải trí đô thị, tạo ra động lực cho các chương trình âm nhạc trên đài phát thanh bên cạnh chức năng tuyên truyền thông tin, các chương trình ca nhạc phụ trợ cho các buổi diễn cải lương hay chiếu bóng. Vào thời điểm đầu thập niên 1950, Hà Nội có khoảng 16 rạp chiếu bóng, 9 rạp hát. Những nơi này gần như là điểm thu hút thị dân hàng tuần đông nhất để được giải trí và tạm quên đi đời sống nhộn nhạo thời chiến. Tại các sân khấu này, vào nửa tiếng trước giờ chiếu hoặc giữa các buổi diễn sân khấu, thường có một chương trình ca nhạc ngắn độ 4-5 ca khúc tân nhạc, biểu diễn những bài hát được yêu thích lúc ấy, mà nhiều bài được sáng tác ở vùng kháng chiến.

Những giọng ca nổi bật lúc này phải kể tới ca sĩ Minh Đỗ, Ngọc Bảo, Tâm Vấn, Anh Ngọc, Đoàn Minh, Bích Thọ hay chính nhạc sĩ Hoàng Giác, được quảng cáo là “tinh hoa của âm nhạc cải cách”. Vào thời điểm chiến cuộc ở Đông Dương đi vào ngã ngũ, ở Hà Nội xuất hiện một lứa ca sĩ được giải qua các cuộc thi hát của đài phát thanh Hà Nội hay từ các cuộc hát chợ phiên như Thanh Hằng, Thanh Hiếu, Trần Ngọc, Huyền Nga, Anh Tuấn... cùng với các ca sĩ từ Hải Phòng lên hay từ Huế, Sài Gòn ra như Mộng Dung, Lệ Thu, Mộc Lan, Châu Kỳ...

Quảng cáo phòng trà Hoa Việt cuối năm 1954

Các nghệ sĩ cải lương cũng lấn sân tân nhạc như Kim Chung, Kim Xuân, hai nữ nghệ sĩ đóng vai chính trong phim Kiếp hoa, bộ phim nói tiếng Việt hoàn chỉnh đầu tiên năm 1953. Trong phim này, các nghệ sĩ đoàn Kim Chung đã hát các bài tân nhạc như Dư âm (Nguyễn Văn Tý), Làng tôi (Chung Quân) hay Cây đàn bỏ quên (Phạm Duy), góp phần đưa bộ phim trở nên ăn khách bậc nhất cũng như các bài hát được phổ biến rộng rãi. Các sân khấu tại rạp Long Biên (phố Hàng Chiếu), Hiệp Thành (Đào Duy Từ), Olympia (chợ Hàng Da) hay Mê Linh (Lò Đúc) là những địa điểm để các ca sĩ xuất hiện.

Nhạc sĩ có những hoạt động âm nhạc năng suất nhất giai đoạn này có lẽ là Thẩm Oánh. Bên cạnh việc dạy nhạc, ông xuất bản rất nhiều bài hát và cộng tác với đài phát thanh Hà Nội, tham gia Ban Việt Nhạc, nơi đã biểu diễn và phát sóng hàng trăm ca khúc của 120 tác giả, cả ở vùng kháng chiến lẫn những người hồi cư. Nhiều bài hát mới sáng tác cho kháng chiến như Tiến về Hà Nội, Ngày mùa, Nương chiều, Tiếng hát sông Lô, Mơ đời chiến sĩ, Người Hà Nội... được phát sóng thời gian này.

Điều này một mặt cho thấy sự nới lỏng kiểm duyệt để tranh thủ tình cảm đồng bào hồi cư, những người đã quen với không gian âm nhạc kháng chiến, mặt khác cho thấy sự cởi mở tương đối của người chủ trì nhạc mục phát thanh này. Vào giai đoạn này, vợ nhạc sĩ Thẩm Oánh là bà Tô Anh Đào, một nghệ sĩ dương cầm, mở một salon nghệ thuật ở 164 phố Huế. Những salon nghệ thuật như thế mọc lên trong thành phố, thay thế các xóm cô đầu ngày trước. Các nhạc sư cũng góp phần khiến nam thanh nữ tú say mê việc đàn hát như Nguyễn Thiện Tơ, Nguyễn Văn Khánh, William Chấn...

Các nghệ sĩ Việt thời này vẫn ôm ấp những khát vọng học hỏi Liszt, Schubert hay Chopin, những đại biểu của âm nhạc cổ điển lãng mạn. 

Thời kỳ chuyển hóa

Giai đoạn sau khi tiếp quản Hà Nội, các hoạt động âm nhạc của thành phố mau chóng trở lại náo nhiệt. Nhiều rạp hát đã hội tụ các nguồn lực âm nhạc Hà Nội cũ cũng như từ vùng kháng chiến về, tạo ra một không khí khá hân hoan đón chào một đời sống mới. Các rạp Majestic (Tháng Tám), Eden (Công Nhân) hay nhiều rạp quanh khu phố cổ tưng bừng các chương trình chào mừng chiến thắng mà trong đó vẫn biểu diễn những bài hát lãng mạn. Ca sĩ Trần Ngọc trước khi di cư vào Nam đã biểu diễn một thời gian tại rạp Eden cuối năm 1954, khi vào Sài Gòn ông chuyển sang sáng tác với bút danh Tuấn Khanh mà nhiều người biết.

Giai đoạn này đời sống âm nhạc được sôi động là nhờ các ban nhạc của các nhạc sĩ danh tiếng như Tu My, Tạ Tấn, Hoàng Dương, Huy Cẩn, Đỗ Liên. Các ban nhạc Lúa Vàng, Sóng Vàng, Tự Do, các ban hợp ca Zota (Tháng Mười) hay Bình Minh lôi cuốn nhiều thanh niên yêu văn nghệ tìm đến. Nếu trước đây âm nhạc là phương thức giải sầu thì giờ đây, là lĩnh vực để thể hiện bản thân và sự hòa nhập cộng đồng.

20190304 Ban nhac viet

Ban Việt Nhạc của đài phát thanh Hà Nội tại trụ sở 58 Quán Sứ vào năm 1949. Hàng đứng từ trái: Canh Thân, Nghĩa, Nguyễn Hách Hiển, Bùi Ngọc Bảo, Nguyễn Văn Sợi, Nguyễn Đại, Vũ Thành, Nguyễn Thường, Nguyễn Thái Quy, Trần Văn Nhơn, Nguyễn Trí Nhượng, Nguyễn Thiện Tơ, Huy Thư. Hàng trước: các ca sĩ Minh Đỗ, Minh Phương, Tâm Vấn. (Ảnh trong bài là tư liệu Nguyễn Trần Dũng)

Cuối năm 1954, quán rượu Taverne Royale cũ ở đường Bờ Hồ (tức Đinh Tiên Hoàng) được đổi tên là Phòng trà Hoa Việt. Đây có lẽ là địa chỉ hiếm hoi định danh là một phòng trà, nhưng dường như cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Vào ngày đầu năm 1955, rạp Đại Đồng khai trương với giám đốc Đoàn Chuẩn và phó giám đốc Từ Linh, cặp tác giả của những tình khúc mùa thu nổi tiếng. Tại sân khấu số 46 Hàng Cót này, các danh ca Minh Đỗ, Thanh Hằng, Thanh Hiếu hàng đêm chinh phục khán giả Hà thành. Thanh Hằng là ngôi sao thủ khoa cuộc thi hát hè 1953 của đài phát thanh Hà Nội, giờ đây là nàng thơ cho Đoàn Chuẩn, tạo cảm hứng cho ông sáng tác những bài tình ca đặc sắc sau 1954 như Lá đổ muôn chiều, Tà áo xanh, Vàng phai mấy lá

Ngày nay, khi các phòng trà đã quay trở lại với đời sống đô thị, khán giả vẫn có xu hướng hồi cố bóng dáng của phòng trà hay sân khấu xưa, nơi các tao nhân mặc khách tụ hội, định hình một phong cách thẩm mỹ Hà Nội gây ảnh hưởng đến bây giờ.

 

Rạp Đại Đồng duy trì sân khấu ca nhạc sôi nổi, giống như một phòng trà quen thuộc bên cạnh chiếu phim suốt năm 1955, rồi hoạt động âm nhạc cũng chấm dứt khi Đoàn Chuẩn thôi không sở hữu rạp và chuyển sang dạy đàn ở trường Âm nhạc phổ thông vào năm 1956.

Sân khấu ca nhạc từ thời điểm này chuyển dần sang các sân khấu ngoài trời cũng như tại các nhà văn hóa do nhà nước quản lý. Các ca sĩ cũng sinh hoạt trong các đoàn thể, hình thức biểu diễn tự do nhường chỗ cho các chương trình trong kế hoạch. Đời sống giải trí thị dân cũng chuyển hướng sang hệ thống thẩm mỹ xã hội chủ nghĩa. Nhưng tự thăm thẳm trí nhớ, vẫn còn những dư âm. Trong một đêm đông thời chiến tranh, Văn Cao đã thốt lên: “Nhớ một điệu đàn. Vũng sao khuya sóng sánh” (Một đêm Hà Nội). 

Ngày nay, khi các phòng trà đã quay trở lại với đời sống đô thị, khán giả vẫn có xu hướng hồi cố bóng dáng của phòng trà hay sân khấu xưa, nơi các tao nhân mặc khách tụ hội, định hình một phong cách thẩm mỹ Hà Nội gây ảnh hưởng đến bây giờ. Trong ca khúc cuối đời của mình, Đoàn Chuẩn đã nhớ lại không khí phòng trà, rạp hát thời ghi dấu những cuộc tình và sự thăng hoa nghệ thuật của mình: 

Một gói nho khô, một cánh pensée
Một áo nhung đen, lấp lánh ánh đèn, đèn quay màu tím
... Tim cũng không ngờ, làm nên lời thơ
Tim cũng không ngờ, làm nên lời ca

(Một gói nho khô, một cánh pensée - 1988)

Những chất liệu nhỏ bé như áo nhung đen, ánh đèn quay màu tím, đã đi vào ký ức và trở thành nguồn cơn cho những mỹ cảm không phai. Như Đoàn Chuẩn đã đúc kết, tim cũng không ngờ làm nên lời ca, những thứ như phòng trà, sân khấu, ánh đèn... đã được không gian hóa và chứa đựng hồn vía cả một thời đoạn, một tuyên ngôn nghệ thuật và một cá tính đô thị. 

Nguyễn Trương Quý

Nguồn: Người đô thị, ngày 24.02.2019.

Chuyện văn chương xưa nay vốn là của riêng cánh nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, cơi nới một chút thì thêm cánh nhà báo. Những tưởng chuyện này vốn không có gì để bàn cãi, cho đến khi khái niệm copywriter ra đời. 

Copywriter, hiểu nôm na là những người viết quảng cáo, cái danh xưng ấy bản thân nó đã mang hai tiếng “writer” - người viết, dù giới viết lách truyền thống hiếm ai thừa nhận copywriter ở ngang trình độ với các writer thứ thiệt. Và họ sẽ tiếp tục không thừa nhận, cho đến khi, tình cờ, họ đọc được một đoạn quảng cáo của lọ Chanel No.5 chẳng hạn.

Khái niệm văn chương bành trướng

Trước khi quay trở lại chủ đề liệu quảng cáo có nên được xếp như một chi mới trong họ nhà “Văn” hay không, hãy thử nhìn vào sự mở rộng của biên giới văn chương theo dòng thời gian cái đã.

Năm nay, Viện Hàn Lâm không trao giải thưởng Nobel Văn học, còn vào năm ngoái, họ trao cho Kazuo Ishiguro, một văn sĩ lão làng được lòng từ giới phê bình lắm điều đến khán giả đại chúng hời hợt và cả “bè lũ” Hollywood vốn giỏi đánh hơi ra tiền - ngắn gọn là không có gì để bàn cãi. Nhưng liên tiếp 2 năm trước đó thì không sóng yên bể lặng như thế.

Năm 2015, khi dân cá cược đang thi nhau đặt cửa cho Haruki Murakami và Ngugi wa Thiongo thì một tin “sét đánh ngang tai” đến: giải Nobel Văn học được trao cho Svetlana Alexievich. 

Chuyện không ai biết người phụ nữ này là ai đã đi một nhẽ nhưng vấn đề lớn hơn nằm ở chỗ Svetlana là một nhà báo và thể loại sở trường của bà là các loại sách phi hư cấu (non-fiction). Svetlana không phải người đầu tiên được vinh danh dù không theo lối văn chương truyền thống. 

Trước bà đã có Theodor Mommsen, Bertrand Russell và Winston Churchill - những người viết luận hoặc viết sử. Nhưng dù sao cũng đã hơn 50 năm qua chuyện này không lặp lại.

Chúng ta sống trong thế giới toàn quảng cáo. Ảnh: L.G.

Một số nhà bình luận gật gù trước quyết định của Viện Hàn lâm vì đã thừa nhận vai trò của thể loại phi hư cấu - đứa con ghẻ của văn học. Và thành thực là, không ai đọc tới đoạn các nữ chiến sĩ lao ra con sông dẫu bên kia quân thù đang bắn, chỉ vì các cô muốn gột sạch dấu vết của kì kinh nguyệt, mà lại không xúc động rơi nước mắt. 

Văn chương phi hư cấu cũng có sức lay động không khác gì văn chương hư cấu vậy. Nhưng, nhiều người không nghĩ như thế. Và họ gần như phát điên vì sự kiện này. “Các cây viết phi hư cấu chỉ là công dân hạng hai. (...) Chúng tôi không thể hiểu được. Nó làm tôi phát cáu” - một phản ứng của giới nhà văn trưởng giả.

Lùm xùm của Nobel Văn học năm 2015 mới lắng xuống chưa được bao lâu thì Viện Hàn lâm lại khiến văn đàn xôn xao một lần nữa khi năm 2016, Hội đồng Hoàng gia trao giải Nobel cho Bob Dylan - một nhạc sĩ. Người ta vẫn thường gọi Dylan là nhà thơ trong âm nhạc. Không ai phản đối hết. 

Nhưng nếu dừng lại là nhà thơ của âm nhạc thôi thì được, chứ "nhà thơ" nhận giải Nobel ư? Không thể tưởng tượng nổi. Còn hàng tá các nhà văn nhà thơ đích thực đang chờ đến lượt mà chưa được, tại sao Bob Dylan được ưu ái? Hẳn lại là một sự can thiệp về chính trị đang diễn ra?

Trong diễn từ nhận giải của mình, chàng lãng tử du ca một thuở cố gắng phân trần sự công bình của giải thưởng, rằng hãy nhìn Homer - người đã nói “Hãy hát tôi lên, nàng thơ, và thông qua tôi, hãy kể những câu chuyện của mình”, và hãy nhìn Shakespeare - các vở kịch của Shakespeare là để diễn trên sân khấu, chứ không phải để đọc trên giấy, thì những lời thơ của Dylan cũng vậy, được dùng để hát chứ không dùng để đọc chay. 

Lý lẽ nghe rất xuôi tai. Nhưng chẳng ai quan tâm cả. Người ta chỉ quan tâm tới nghi án bài diễn từ của Bob Dylan đạo văn trên mạng. Cụ thể là đạo đoạn tóm tắt tiểu thuyết Moby Dick trên một website phân tích văn chương. 

Có người hóm hỉnh nhận xét: hội đồng xét tuyển lười đọc nên lựa tạm một ông nhạc sĩ nhận giải, ai dè ông nhạc sĩ cũng lười đọc nốt nên đi... đạo tóm tắt.

Mặc dù thế, sự thừa nhận từ giải thưởng văn chương danh giá nhất hành tinh đã chính thức làm những biên giới văn chương bốc hơi. Mọi thứ đều có thể là văn học: từ phóng sự, lời bài hát, đến luận văn, hồi ký, sử học, bên cạnh những thể loại cũ như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca, tạp văn. Đó dường như là một quy luật rất đỗi tự nhiên. 

Sự phân biệt thể loại ngày càng phức tạp: Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân vừa là truyện ngắn mà cũng là tùy bút. Phù dung ơi, vĩnh biệt của Vũ Bằng là tiểu thuyết mà cũng là hồi ký. Bỉ vỏ là tiểu thuyết có tính phóng sự.

Còn nói về văn học phương Tây, có thể nhìn rõ nhất vào trường hợp tiểu thuyết Cold blood (nhan đề tiếng Việt là Máu lạnh) của Truman Capote. Cuốn tiểu thuyết theo chân một vụ án có thật và gần như là một bản phóng sự mang tính văn chương. 

Khi mới ra mắt, một số người cười nhạo rằng thể loại này thì đến một cây bút bất tài của tờ New Yorker cũng dễ dàng viết được. Nhưng thời gian đã chứng minh Cold blood là một kinh điển của lịch sử văn học.

Quảng cáo là môn nghệ thuật đích thực?

Vậy thì liệu chăng có một ngày nào đó, copywriting - viết quảng cáo cũng được thừa nhận như một nhánh của văn học hay không, mặc dù điều này thoạt nghe thì thấy giống như một sự “sỉ nhục” dành cho những người viết “chân chính”.

Lưu Quang Vũ từng viết: “Ta đã làm gì? như lũ viết thuê/ Chạy theo những biển hàng ngắn ngủi (...)”. Âu cũng là một cách khinh bạc nghề bán chữ cho mục đích kinh doanh thuần túy, còn nghệ thuật ở mức độ tối cao, nó đâu cần tiền, nó khinh rẻ tiền và những chiêu trò thương mại.

Trong một cuốn tiểu thuyết của mình, George Orwell đã đả kích quảng cáo bằng cách xây dựng nhân vật chính là một người đàn ông với nhiều tham vọng viết văn nhưng mắc kẹt trong công việc của một kẻ viết quảng cáo, cả ngày chỉ tìm cách nặn ra những câu vần vần bắt tai. 

Gần hơn, Frédéric Beigbeder châm biếm copywriter trong chân dung của một kẻ bị chủ nghĩa tiêu dùng biến thành nô lệ. Điều đó vẫn tương đối đúng trong thời điểm hiện tại, khi mà với nhiều doanh nghiệp, triết lý quảng cáo vẫn đi theo lối càng ngớ ngẩn càng dễ tiếp cận công chúng.

Nhưng trong một xã hội tri thức, những nguyên tắc cũ cũng dần lỗi thời.

Bạn có tin được không, khi Salman Rushdie - tác giả của những cuốn tiểu thuyết đồ sộ ngồn ngộn chữ với một vốn từ khổng lồ - đã từng trưởng thành nhờ nghề copywriter? 

Trước khi viết Những đứa trẻ lúc nửa đêm, Rushdie là tác giả của những câu slogan huyền thoại trong ngành quảng cáo. 

Đáng nhớ nhất có lẽ là câu “Nhìn vào gương ngày mai - bạn sẽ thích những điều bạn thấy” cho tờ báo lá cải Daily Mirror (ông chơi chữ từ “Mirror” nghĩa là tấm gương).

“Góp một tay cứu lấy động vật hoang dã”, thông điệp quảng bá ngắn gọn nhưng đủ sức nặng cộng hưởng với hình ảnh thiết kế sáng tạo khiến cho chiến dịch bảo vệ động vật của một tổ chức phi chính phủ gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên cộng đồng.

Vậy Salman Rushdie nói gì về việc viết quảng cáo? Ông cho hay: “Nó dạy cho tôi cách viết lách như một công việc nghiêm túc. Giả sử bạn có một vị khách tới vào buổi chiều với ý tưởng về chiến dịch quảng cáo sắp tới của họ, bạn không thể nói: Tôi có thể sẽ viết ra một cái gì đấy. Bạn phải viết ra một cái gì đấy. Chưa hết, cái bạn viết ra còn phải hay”.

Tuy điều này không có giá trị chứng minh copywriting nên được xếp chung với văn chương nhưng nó cho thấy việc viết quảng cáo cũng là một công việc phức tạp, đòi hỏi sự động não không thua gì viết một bài thơ cả. 

Văn phong quảng cáo, thường xuyên, khá đơn giản, nhưng Hemingway cũng là người hành văn đơn giản và hầu như không bao giờ sử dụng những từ ngữ lạ. Chính xác thì các copywriter ngày nay coi Hemingway như chuẩn mực của một bài quảng cáo hiệu quả. Và viết như Hemingway thì dễ sao?

Không chỉ Salman Rushdie mà nhiều nhà văn nổi tiếng khác cũng đá qua đá lại với ngành quảng cáo, trong số đó phải kể tới F. Scott Fritzgerald, Martin Amis, Don Delillo, Joseph Heller - toàn những nhân vật có tác phẩm lọt vào danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20.

Từ sự ra đời của series tranh cà chua đóng hộp hiệu Campbell của nghệ sĩ trường phái Pop-art Andy Warhol, người ta đã dần (một cách tự nguyện hay miễn cưỡng) công nhận các hình ảnh quảng cáo cũng là một phần hội họa. 

Sự sáng tạo trong các thiết kế quảng cáo, từ Louis Vuiton cho đến Coca-cola, có lẽ chỉ phân biệt với các sản phẩm nghệ thuật thuần túy ở mục đích chứ không phải vì gu thẩm mỹ kém tinh tế.

Cũng như vậy, copywriting cũng có thể được viết với cùng tầm vóc của một bài thơ đích thực, nên không có lí do gì để từ chối kết nạp nó như một anh chị em họ xa của viết lách truyền thống, nhất là trong thời đại mà biên giới văn chương đã mờ nhòe?

Và hãy thử đọc những dòng này: “Bộ hành trên con đường thanh xuân, qua miền đất ấu thơ, qua căn nhà, qua những gì có thực. Ở bên tôi, chỉ lối cho tôi, luôn đứng kề sát tôi. Cho tôi tự do. Tự do. Hãy lang thang qua nơi đây, rộng lớn và quen thuộc. Sân chơi ngày nào trong kí ức. Chúng ta là những kẻ lữ hành, không bao giờ lạc lối...”.

Bạn nghĩ đó là một bài thơ ư?  Hoàn toàn không. Bạn có thể bất ngờ, nhưng đó là một đoạn quảng cáo về Johnny Walker.

Hiền Trang

Nguồn: An ninh thế giới cuối tháng, ngày 17.9.2018.

20190208 Tet

Sáng mùng 5 Tết năm kia, trước ngày cùng trở lại Sài Gòn, chú Ba Lâm gọi tôi đến nhà ăn tân niên. Nhà chú và nhà tôi xưa ở hai thôn khác nhau cùng thuộc xã Đức Tân, nay sáp nhập vào thị trấn Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi), trở thành trung tâm huyện, hai bên quốc lộ 1 đất lên đời phố xá, nhưng vẫn còn cánh đồng xanh ngát ở phía đông.

Tháng giêng nắng vàng hanh hao, trời se lạnh, hai chú cháu uống vài lon bia mà không dỗ được giấc ngủ trưa, tôi mở cửa bước ra đường. Bên kia đường, đối diện nhà chú Ba là trường tiểu học của tôi hồi nhỏ. Ngày xưa, sân trường nối với quốc lộ bằng một lối vào giữa hai ruộng lúa, nay bị che khuất bởi dãy nhà mới xây ở mặt tiền đường. Trường nghỉ Tết, hai cánh cổng buộc bằng một sợi dây xích không khóa, tôi nhẹ nhàng mở ra để bước vào sân tìm lại tuổi thơ mình. Đâu rồi những gốc phượng già ngày xưa, nay chỉ thấy hàng cây bàng rụng lá. Đâu rồi dãy phòng học nghèo nàn ngày xưa, nay là tòa nhà hai tầng sơn xanh mới mẻ. Đâu rồi những luống cải lớp tôi trồng ở góc sân trường, nay đã tráng xi măng phẳng láng.

Cổng nhỏ phía sau trường cũng chỉ khép hờ, tôi mở đi qua con đường làng trước đây là ranh giới ngăn cách hai thôn Thiết Trường và Vĩnh Phú. Khác với sân trường im vắng, ở đây vang tiếng nói cười của những nhóm thanh thiếu niên tụ tập chơi bài cào, chơi cờ cá ngựa, chơi bầu cua tôm cá gà nai… Vui quá, mấy chục năm rồi, quên mất tuổi thơ, tôi chẳng có dịp nào đánh bầu cua, nên móc ví ra lấy mấy chục tiền lẻ. Năm nay là năm Dậu, thử nuôi gà xem: A, có gà, những ba con gà, đầu năm gặp may rồi, được chung tiền gấp ba. Nhưng gà chỉ hiện ra có một lần, nuôi tiếp lứa nào cũng không thấy gà ra, chỉ trong vòng 30 phút vài trăm tiền lẻ trong ví đã theo gà bay đi hết. Đầu năm, đen bạc, cả năm sẽ sao đây! Mấy chú bé nói khích máu đỏ đen của tôi nhưng tôi kịp dừng lại, đứng lên rút khỏi vòng người. Trên đường về, tự cười mình, tôi nhìn trời nhìn đất và nhận ra một sự lạ: tất cả những nhóm người tụ tập chơi bài, chơi cá ngựa, chơi bầu cua… đều diễn ra ở bên phía lề đường hay sân nhà thuộc thôn Vĩnh Phú quê ngoại tôi, phía thôn Thiết Trường nhà chú Ba tuyệt nhiên không có một nhóm chơi nào.

Về ngồi uống trà với chú Ba, tôi nói với chú điều ngạc nhiên và thắc mắc của mình. Chú cười: Nếu Phương vào đây ngày mùng 3 thì vẫn thấy hai bên đường người ta vui chơi chẳng khác gì nhau. Nhưng từ mùng 4 thì hầu hết người Thiết Trường đã đi làm rồi, hoặc ra đồng làm ruộng, hoặc khởi công đổ đất, hoặc khai trương cửa hàng. Còn người bên Vĩnh Phú thì vẫn chơi tiếp cho đến mùng 7 mới xem là hết Tết. Đó là tập quán khác nhau giữa hai thôn từ mấy chục năm nay.

Nhờ lời giải thích của chú Ba, kết nối với những hiểu biết về nông thôn quê mình, tôi mới có câu trả lời cho thắc mắc về sự lạ nói trên. Tuy là hai thôn nằm bên cạnh nhau của cùng một xã, nhưng từ thời phong kiến, Vĩnh Phú và Thiết Trường đã theo hai chế độ ruộng đất khác nhau. Vĩnh Phú chủ yếu là đất công điền, cứ 3 năm một lần, ruộng được “quân cấp” (cấp bình quân) cho mọi công dân đủ 18 tuổi, tùy hạng ruộng mà chia theo tỉ lệ cho công bằng. Vậy nên người Vĩnh Phú hầu như không lo đói, vì lúc nào cũng được cấp ruộng, thậm chí có người nhận ruộng rồi cho kẻ khác làm, thu lúa cũng đủ ăn. Những ai giàu thì đi mua ruộng đất ở nơi khác. Tôi là cháu sống nhờ quê ngoại, đi học tận Sài Gòn mà cũng được cấp cho 2 sào ruộng công điền, có tiền bán lúa để chi tiêu ăn học.

Còn Thiết Trường chủ yếu là ruộng tư, nhà nghèo vài ba sào, nhà giàu vài ba mẫu. Ruộng đất điều chỉnh theo chế độ tư hữu, thuận mua vừa bán, bằng khoán được chính quyền chứng nhận. Người nghèo túng bán ruộng đã đành mà người giàu chuyển nhà hay cần vốn đi nơi khác làm ăn cũng được phép bán đứt bán đoạn mảnh ruộng của mình. Thành ra, so với người dân Vĩnh Phú, người dân Thiết Trường năng động hơn, có óc làm giàu, thích đầu tư ruộng đất hay kinh doanh, mạo hiểm hơn mà cũng dễ thành công hơn. Thời chiến tranh quê tôi hầu hết nhà tranh vách đất, chỉ có Thiết Trường nhà ngói liên dây…, như một câu ca dao lưu hành lúc đó.

Ngày hòa bình, cả Vĩnh Phú lẫn Thiết Trường, ruộng đất đều phải đưa vào hợp tác xã, người nông dân là xã viên, làm ăn theo tiếng kẻng hàng ngày và hưởng công theo điểm chấm của ban chủ nhiệm, giống y như miền Bắc. Đến thời Đổi mới, ruộng được chia theo hộ gia đình, nhưng đất đai vẫn thuộc về toàn dân, người dân chỉ được quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu.

Dù vậy, cái tâm lý hình thành từ trước đã in dấu trong cung cách sinh hoạt và làm ăn của hai thôn quê tôi. Rõ ràng, trong thời mở cửa và kinh tế thị trường, ai năng động, có sáng kiến, biết tận dụng thời gian thì gia đình mới trở nên thịnh vượng. Chú Ba nhẩm tính, chỉ mới hai mươi năm Đổi mới và mở cửa, mà riêng thôn Thiết Trường đã có gần 20 triệu phú đô-la nhờ ăn nên làm ra cả ở quê hương lẫn ở thành phố. Còn Vĩnh Phú, nghe tiếng tưởng là “giàu vĩnh cửu” mà chỉ vài ba người có tài sản mức đó.

Dân số nước ta ngày càng đông, nhưng đất đai thì không sinh ra thêm được, đất nông nghiệp ngày càng giảm theo tốc độ đô thị hóa, chuyển thành đất thổ cư, thành sân golf, thành khu du lịch sinh thái…  Mấy chục năm sau chiến tranh, bao người nông dân và cựu binh, chẳng sá gì cái chết cài đặt sẵn dưới chân, can đảm rà phá bom mìn để cứu từng tấc đất quê hương, phục hồi sản xuất. Chợt nhớ đến một truyện ngắn của Võ Hồng: Tình yêu đất. Phải rồi, điều làm nên bản chất và đặc trưng của người nông dân không chỉ là sự cần cù, siêng năng, thật thà, chịu thương chịu khó - người Việt nơi nào, làm nghề gì cũng có những đức tính này - mà trước hết là tình yêu sâu nặng với đất. Lo cho nông dân, thương yêu nông dân thực sự thì cần đáp ứng trọn vẹn tình yêu đất của họ.

Bởi có tình yêu đất mới có tình yêu nước. Có tình yêu đất mới có ý chí làm giàu dựng xây Tổ quốc. Có tình yêu đất mới dám hy sinh bảo vệ bờ cõi của Tổ tiên để lại.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số Xuân Kỷ Hợi 2019

Lời ghi trước: Ý nghĩa của Vu lan rộng lớn bao trùm cả vũ trụ nhân sinh. Vu lan là cơ hội giải phóng của con người trên thế gian có thể vượt giới hạn của mình trên bước đường chuyển hóa để giải phóng cho mình và cho người. Bằng hạnh lực của chính mình - mà đó là lòng hiếu thảo - hạnh nhân bản nhất - con người có được năng lực “xá tội vong nhân”, -“xá tội” chứ không “rửa tội”- vong nhân vô lượng vì mê lầm phải ở chốn ngục tì vô minh trở lại thành người nơi thế gian ... Cái chết không còn là một đe dọa sợ hãi và những vong linh có thể hóa kiếp trở lại trên thế gian. Cho nên Vu lan là ngày hội của chúng sinh đồng đẳng! Cho nên lòng người náo nức niềm vui hóa kiếp sinh linh, náo nức như chính mình cũng đang hóa kiếp, khi nghĩ rằng những người khuất mặt đang chờ ngày cửa ngục được mở rộng để trở lại nhân gian, nhân gian như nơi chốn làm người đang là vị Phật sẽ thành! (Trích: "Vu lan Huế, thấp thoáng trở về" [1]).

Tranh Mẹ con - Mai Trung Thứ.

Một người thợ nề trẻ, dáng dấp bất ngờ khác với những người thợ nề thường gặp, hầu như thư sinh với vẻ người gầy cao, gần như ẻo lả, hai bàn tay dài lêu nghêu, gương mặt thanh tú khác thường, sốt sắng nhận lời lên tu sửa ngôi từ đường cũ nát của chúng tôi ở gần  chùa Linh Mụ. Hỏi em người ở đâu, người thợ trẻ trả lời với đôi mắt sáng to: “Nhà ở tận bên Châu Ê”. Hỏi em bảo đảm sửa được ngôi nhà cũ rích mà không bỏ cuộc? - “Dạ được!”. Hắn nhìn ngắm ngôi nhà và gật đầu mạnh mẽ, vẻ nhiệt tình, lại còn sốt sắng tự nguyện khăn gói lên ngủ qua đêm để trông nom nhà và sáng hôm sau cùng nhóm thợ bắt đầu sớm.

Nghe mọi người quen hắn đều bảo là một trong những người thợ trẻ chăm và giỏi tính nhất vùng, làm việc đâu ra đó, yêu nghề và không ngại khó. Nhà chúng tôi neo người, chẳng là phần đông đã tha hương, nhiều người ở khắp nơi trên thế giới, ai cũng ngại về, và có về cũng chỉ để ghé thăm, cảm tưởng hầu như giống nhau về ngôi nhà xưa ấy, ái ngại trong lòng, khi nhìn ngôi nhà tổ tiên quằn quại chịu đựng với thời gian, nhưng càng ngại hơn là gian phòng ẩm thấp ai đến rồi cũng đi, ít người chịu ngủ trong căn nhà cũ, đầy hơi mốc và tối tăm. Cho nên mừng nghe có người sẵn sàng lên ngủ trông nhà, mặc dù vẫn còn hồ nghi quá nửa. Nhưng không lâu, người thợ trẻ với vẻ mặt tươi cười đã cắp đùm khăn áo, hộp cơm tối, gọn gàng bước qua ngưỡng gỗ, nói yên tâm mọi người có mặt đang sắp sửa về phố và lịch kịch đóng mấy tấm cửa bàng khoa. Anh tôi bảo hắn bạo gan - thú thật nhìn vào căn nhà tối ai cũng sờ sợ làm sao mà hắn tỉnh bơ - lại nhiệt tình và có cái tâm vô ngại. Sau khi dặn dò vài thứ ai nấy an lòng ra về.

Người thợ trẻ đốt đèn, chọn khoảng nền nhà trước bàn thờ Phật làm nơi ngủ, trải chiếu, tắt đèn, hắn nhìn lên mái ngói có tấm gương hắt chút bóng đêm ngoài vườn vào nhà, gian phòng lờ mờ tối chìm trong im lặng, và chẳng bao lâu người thợ trẻ dễ ngủ đã thở đều. Hắn ngủ ngon lành giấc ngủ của một chàng trai tuổi hai mươi sau một ngày lao động quần quật khiêng vác.

Vào khoảng giữa đêm trong cơn mê, hắn bỗng nghe có tiếng đàn ca xướng hát, tiếng người nói chuyện lao xao, mỗi lúc một rộn ràng hơn, mùi hương trầm lẫn với hương hoa mộc, hoa sói trong vườn thoảng nhẹ khắp nhà, nghe có tiếng chào nhau mừng rỡ như tuồng đang có một cuộc gặp mặt gia đình mừng tuổi, nhiều tiếng cười chung quanh, tiếng lanh canh của chén bát sứ chạm nhau trong nhà. Đang còn bỡ ngỡ, chưa biết đâu vào đâu, tưởng mình nằm mơ, bỗng hắn thấy trước mắt mình một bà lão đầu tóc bạc phơ, dáng người gầy guộc mà thanh tao quý phái, tươi cười đưa tay kéo hắn dậy và nắm tay hắn dẫn đi khắp nhà, đến từng người một giới thiệu. Vẻ nhu hòa êm ái của bà làm hắn mất hết e dè, trái lại còn vui lây, cảm giác đầy thân thuộc, nên bước theo bà mà không chút ngại ngùng. Bà vừa đi vừa kể chuyện, chuyện con cháu trong nhà, ai đi ai ở, rồi đến chuyện căn nhà, hình như đã có từ  mấy trăm năm nay, hết đời này sang đời khác, cho đến khi bà về làm dâu trong căn nhà ấy. Câu chuyện của bà hình như dài lắm mà hắn không nhớ hết, chỉ biết bà kể miên man bất tuyệt - mà trong khi cùng bà đi quanh thì tiếng ca hát văng vẳng bên tai càng nhộn nhịp, có tiếng đàn đệm theo tiếng hát, nghe rất ngọt ngào và điêu luyện như của những người tài tử sành điệu... Điều lạ lùng khác hẳn với ban ngày là căn nhà bỗng đầy sinh khí tươi mát, ánh sáng lấp lánh như nắng ban mai, không gian ấm cúng, chan hoà... Cuộc vui hình như kéo dài, đến bao lâu hắn không còn nhớ, chỉ biết là vui thật vui, hớn hở trong lòng không tả hết. Cho đến khi hồi chuông sớm từ chùa Linh Mụ vọng tiếng đầu tiên, người thợ nề trẻ giật mình, mới biết mình thật vừa mơ…

Câu chuyện người thợ nề trẻ nằm mơ trong căn nhà cổ tính ra đã hơn hai mươi năm, trước khi mẹ tôi rồi anh tôi lâm bạo bệnh và trở về với tổ tiên. Lần ấy vừa trở lại Huế, còn sinh thời anh tôi, chưa kịp đến nhà, từ phi trường, trên xe anh tôi đã kể và nhất định giới thiệu người thợ nề trẻ tuổi, nét mặt anh cẩn mật với một giọng kỳ bí lạ lùng. Một lần gặp, và sau đó mất hút tin. Tôi vẫn còn nhớ nét mặt thư sinh và đôi mắt sâu đen thông minh mỗi khi nhìn lên như nói với người đối diện nhiều điều hơn lời nói. Cảm giác thân thuộc như người trong nhà, và có lẽ hơn thế nữa, người ấy xuất hiện trước tôi như một người đưa tin, giây nối giữa mơ và thực, giữa quá khứ và hiện tại, giữa bên này và bên kia, giữa minh dương hai ngã.

Trong tâm lẩn quẩn hai chữ tri ân mà không được nên lời, lại muốn giữ kín như một bí nhiệm cho riêng mình câu chuyện ấy, và kỳ lạ còn hơn cả bí nhiệm đeo đẳng trong hồn, mỗi khi chợt nhớ đến câu chuyện lại thấy lóe sáng tin vui có sức khởi động cả niềm tin - rằng trên nền đất cũ tịch liêu ấy vẫn sống động một thế giới toàn diện của hữu hình và vô hình, của lời và không lời, của tiếng và không tiếng - âm thanh và cõi lặng, tất cả được bao bọc bằng khi trời trong suốt hay mờ đục, và tầng tầng ánh sáng ngày đêm, mặt trời, trăng, sao,... rằng trong thế giới toàn diện ấy cơ hội gặp nhau, nghe nhau vẫn còn đó, vẫn nằm trong ngũ sắc cầu vồng, trong chớp mắt máy động tâm can.

Không những đêm mà cả giữa ngày, sự gặp gỡ hầu như xảy ra từng khoảnh khắc, kết thành một dòng liên tục, dòng chảy của chủ ý và vô tâm, của dòng ý thức - vô thức - bất tuyệt, những cuộc gặp gỡ vô hình và hữu hình, những chào hỏi vô thanh vang vọng nơi từng lá cây ngọn cỏ, trong gió đùa buổi sáng hay nắng hanh chiều bên song. 

Ta có biết và ta có thể không hay biết, những bay đi và trở lại thế gian, những xa lìa và đoàn viên, những trở về, gặp gỡ rồi lìa xa, tiếng cười và tiếng khóc. Những tưởng bóng tối là u sầu, ấy thế mà vang vọng tiếng cười thanh xuân; những tưởng quá khứ là lụi tàn, nhưng không, tương lai vẫn xanh màu lá non. Và như thế mỗi cuộc trở về bỗng mang ý nghĩa hồi sinh, cuộc ra đi mang theo hy vọng gặp lại, bất sanh bất diệt.

Tín hiệu ấy đã như tiếng khánh khi bước chân qua cổng nền đất cũ, nếu lắng nghe thì đã vọng tiếng chào hiền dịu từ góc vườn có cây nhãn cổ thụ bỗng sây hoa vào tháng ba, tiếng thì thầm thoáng hơi sữa ngọt của triệu triệu chấm nhãn vàng mơ lẫn trong nắng sớm, bước thêm bước nữa đã gặp màu xanh lá chuối như lời ru, nhìn sâu vào màu xanh ấy có thể nghe thêm tiếng mưa thủ thỉ một thời thơ dại rúc vào lòng bà những đêm mùa đông rét mướt, chạm được luôn cả thân thể ấm áp của bà. Bước quẩn quanh bất ngờ nghe hoa sứ khai hương như đang vẽ nét nhan như ngọc của người cha khuất bóng từ lâu, tưởng như đã xóa nhòa trong ký ức trẻ thơ, bỗng hiển hiện nguyên trinh trên đài hoa hương nguyện. Bước trật chân trên cỏ rối lại nghe tiếng cười ái ngại của chị gái hiền đâu đây, chợt thấy nét thuỳ mỵ diễm tuyệt đến phải quy hàng chỉ còn biết thương hết nỗi thương. Có bước gấp để đuổi kịp gió đang gom những mùi hương nhẹ nhất trong khu vườn dấu kín một nơi, và gặp nụ cười chúm chím của anh trai đang đùa em dấu chùm vải sau lưng, bắt phải đi tìm... Lại có khi dừng bước không đi ngoái tìm bông hoa núp lá bất ngờ tiết lộ mùi hương ngọt ngào như hương thơm da thịt của mẹ thời tóc dài chấm gót... Lại có khi rón rén để đừng xao động bóng chim hay cánh bướm đang nhỡn nhơ trên cỏ rồi ngẩn người chợt thấy mẹ và chị thấp thoáng sau cây hải đường vào ra như những ngày xưa ấy. Và sẽ kể hoài không dứt như câu chuyện của bà đã kể và còn đang kể trên lá trên hoa trong khu vườn ấy khi chân bước đến, khi tay lật viên gạch cũ thấy lại dấu tích ngày trước, khi lòng nóng hổi muốn gầy dựng lại mái xiêu, khi tâm thành như đất vườn được xới bốc hơi nuôi nấng con người, cây cỏ…

Hầu như mỗi phút, mỗi giây cuộc gặp gỡ đều có thể xảy ra, không phải ngày xưa ấy, mà bây giờ, nơi đây, trong khoảnh khắc hiện tại, trên đầu giọt sương, trên đầu bọt nước, trên từng bào ảnh, tên từng mộng huyễn, vô lượng kiếp kiếp, vô lượng chúng sanh, vô lượng vạn vật, không phải là mơ mà thật ngay nơi đây, giờ khắc này, như hoa mưa vừa bừng nở sáng lóng lánh trên màu xanh vọng tiếng...

Ghi chú:

* Ngày rằm tháng bảy, lễ Vu Lan, theo Phật giáo, là ngày tự tứ đầu tiên Đức  Phật trở lại giảng kinh và cũng là ngày tôn giả Mục Kiền Liên theo lời Phật mang “bồn Vu Lan“ đi quanh đảnh lễ những vị A La Hán xin nhờ trợ lực cứu mẹ ra khỏi đọa đày. Với TÌNH THƯƠNG MẸ, ngài Mục Kiền Liên đã thực hiện cơ hội giải phóng giác ngộ thành Phật mở rộng đến những cõi âm ti, đem từ bi và hi vọng đến những nơi vô vọng nhất của con người.

Tham khảo:

[1] http://tiasang.com.vn/-van-hoa/vu-lan-hue-thap-thoang-tro-ve-4270

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 05.9.2018.

      Trong tiểu thuyết Nửa chừng xuân của Khái Hưng, trước giây phút từ trần, cụ Tú Lãm thì thầm dặn dò hai con của mình là Mai và Huy: “Lẽ tất nhiên, ai cũng phải chết. Các con không nên buồn. Lúc nào cũng phải vui thì mới đủ can đảm, đủ nghị lực mà sống ở đời. Hai con nên theo gương cha. Cha vui đến giờ cuối cùng. Cha hy vọng thế nào các con cũng làm vẻ vang cha, cho linh hồn cha ở nơi chín suối. Cha hy vọng thế nào em Huy cũng được thành tài và trở nên một người hữu dụng cho xã hội. Cha mất đi còn của cải gì để lại cho hai con. Cha chỉ có ba thứ gia bảo này ông cha để lại cho cha, nay cha truyền lại cho hai con mà thôi. Là giữ lòng vui, giữ linh hồn trong sạch, và đem hết nghị lực ra làm việc”.

      Là thành viên sáng lập Tự Lực Văn Đoàn, Khái Hưng chắc chắn chia sẻ quan niệm của trường phái văn học này: “Theo mới, hoàn toàn theo mới, không chút do dự” (Mười điều tâm niệm). Tác phẩm của ông, cũng như của Nhất Linh, Hoàng Đạo…, là tiếng nói nghệ thuật phê phán chế độ đại gia đình, đấu tranh cho tự do yêu đương và hôn nhân, cho quyền lựa chọn hạnh phúc của người phụ nữ.

     Thế nhưng, qua hình tượng nghệ thuật, tác phẩm của Khái Hưng cũng cho thấy rằng quan niệm đó không có gì mâu thuẫn với những giá trị tích cực của gia đình Việt Nam, với những “gia bảo” được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác đã làm nên truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Điều đó có thể gọi là nếp nhà Việt Nam.

     Trong xã hội nông nghiệp, cái nhà và nếp sống của người Việt gắn liền với văn hóa làng xã. Một mặt, những nét bảo thủ của tư duy tiểu nông và tâm lý con người bị vây bọc, che khuất giữa bốn lũy tre làng làm cho nếp nhà khó đổi mới trong một thế giới có phần tù đọng. Mặt khác, nếp nhà lại góp phần bảo tồn căn cốt của văn hóa làng xã, họ tộc mà “phép vua” cứng nhắc, khắc nghiệt nhiều khi không lay chuyển được. Lịch sử từng chứng kiến những thế lực đàn áp từ bên ngoài, khi tìm cách phá giềng mối của gia đình, làng xã, đã bị sức mạnh tiềm ẩn bên trong từng ngôi nhà liên kết với nhau để chống trả, khiến nó bị chặn lại ngay ở cổng làng.

Trong thời đại công nghiệp hóa và toàn cầu hóa, nếp nhà bị rung chấn trước làn sóng xâm thực của văn minh đô thị. Ngày trước ông bà chúng ta từng lo âu, thậm chí hoảng hốt trước làn sóng hiện đại hóa. Người thiếu nữ trong thơ Nguyễn Bính chỉ mới ra tỉnh có một ngày, mang về một chút đổi thay, đã khiến người trai làng khổ tâm, hờn dỗi. Ngày nay bao nhiêu người con gái bỏ làng đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc… và mang về những đứa con hai dòng máu trước con mắt ngỡ ngàng của các chàng trai hàng ngày vùi đầu trên chiếu nhậu. Họ đã “mất bao nhiêu người tình” trong cuộc “toàn cầu hóa” dị thường này.

Trong âm thầm, một bộ phận tuổi trẻ đang bứt ra khỏi sợi dây liên kết về tinh thần và nới dần khoảng cách với các thế hệ trước không phải chỉ vì họ đi xa tìm kế mưu sinh, mà vì họ có blog, có facebook để kết nối với một thế giới khác do những quy luật khác điều chỉnh. Toàn cầu hóa đang biến không ít người trẻ trở thành những “người xa lạ”, theo nghĩa hoàn toàn trung tính - nghĩa là chưa định giá là tích cực hay tiêu cực - ngay trên quê hương mình. Không phải quá lời, khi có người nói một cách hình ảnh rằng toàn cầu hóa đang đi vào phòng riêng của từng gia đình.

 Chủ nghĩa cá nhân cực đoan bị lên án không phải vì nó đề cao cá nhân, mà vì nó nó đối lập cá nhân với cộng đồng, đối lập cái riêng với cái chung, một người với mọi người. Trong triết thuyết hiện sinh, nếu có quan niệm xem “địa ngục chính là kẻ khác”, “sống trên đời là chịu đựng sự ngộ nhận”, thì cũng có chủ trương “sống là sống với”, “cá nhân phải hiệp thông với tha nhân”. Dường như là mâu thuẫn và khó hiểu, trong thực tế, chính một số người ra rả kêu gọi bài trừ chủ nghĩa cá nhân lại đang tìm cách thâu tóm mọi lợi quyền về cho cá nhân họ hay cho một nhóm lợi ích nhất định.

Dù sao, trong một gia đình bao giờ cũng có những điểm tương đồng và dị biệt giữa các thành viên. Giữ nếp nhà chính là phát huy cái chung tích cực để thắt chặt sợi dây liên lạc giữa những cá thể. Đôi khi mỗi thành viên phải giảm trừ cái riêng của mình để giữ nếp sống chung của gia đình. Đứng trước những xung đột không mong muốn, cả gia đình cần thảo luận trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau nhằm đi đến một giải pháp mà không thành viên nào cảm thấy mình phải hy sinh hay bị thiệt thòi. Chẳng hạn, ở thành phố hiện nay, đến ngày Tết các bậc cha mẹ luôn mong ước con cháu sum vầy, đoàn tụ; trong khi những người trẻ lại thích tranh thủ kỳ nghỉ dài để đi du lịch, trốn khách khứa. Cách giải quyết hợp tình hợp lý nhất là người trẻ nên dành đêm giao thừa và ngày đầu năm để họp mặt gia đình, chúc Tết ông bà, cha mẹ và khởi hành du lịch sau đó.

Ngược lại, những người cao niên không nên áp đặt quan niệm và lối sống của mình cho con cháu. Thế hệ đến sau có những vấn đề của họ mà những người đi trước, dù có nhiều trải nghiệm hơn, cũng không thể nào giải quyết thay họ được. Thậm chí, sự vấp ngã cũng là cần thiết cho hành trình dài lâu của họ trên cuộc đời này, như ông bà cha mẹ họ đã từng vấp ngã vậy thôi. Trong một số trường hợp, con cái phản ứng lại  cha mẹ không phải vì trong thâm tâm họ phủ nhận ý kiến đúng đắn của bậc sinh thành mà vì họ không chấp nhận thái độ gia trưởng đã không còn phù hợp với thời nay nữa.

Lâu nay một số người hay nói đến nguy cơ của thời mở cửa là hễ mở cửa thì gió mát và gió độc, hương thơm và rác rưởi cùng ùa vào nhà, làm như mở cửa là chuyện bất đắc dĩ. Người ta quên rằng một căn nhà mà đóng cửa kín mít thì người ở sẽ thiếu oxy, ngộp thở, có thể chết. Vấn đề không phải là mở cửa mà là mở cửa về hướng nào, về hướng ánh sáng của văn minh nhân loại hay về hướng bóng tối, hoàng hôn.

Thiết nghĩ, nguy cơ chủ yếu làm xói mòn nếp nhà hài hòa và truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc Việt Nam hiện nay không phải do mở cửa, hội nhập mà là do sự khủng hoảng về niềm tin khiến sợi dây liên lạc giữa các thế hệ bị đứt gãy. Để kết nối sợi dây này, cần phải dựng lại niềm tin từ những tấm gương trong gia đình, nhà trường và xã hội. Nếp nhà chỉ được củng cố vững chắc khi giềng mối xã hội được củng cố; ngược lại nếp nhà được vun đắp thì dân tộc, đất nước có nền tảng vững vàng để đối phó với những biến động và thử thách.

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc và Đời sống, số Xuân Kỷ Hợi 2019.

20180824 VHMN

Bìa một số đầu sách văn học miền Nam trước năm 1975 nay được tái bản

Nếu tác phẩm có giá trị thì sức sống của nó vẫn còn lan tỏa, bằng không thì việc xuất bản lại chỉ đáp ứng sự tò mò hoặc công chúng tìm đọc vì hoài niệm 

Sự trở lại của các cây bút tiêu biểu miền Nam giai đoạn trước năm 1975, thiết nghĩ, cũng là điều hết sức bình thường, hợp lẽ tự nhiên, vì không ai có thể phủ nhận những đóng góp của họ trong tiến trình văn học nước nhà, nếu tác phẩm đó thật sự có giá trị lâu bền.

Đi đầu trong việc làm này, trước hết phải kể đến tiểu thuyết "Nguyệt Đồng Xoài" (3 tập) của Lê Xuyên; 3 tác phẩm "Tiếng sáo người em út", "Đôi mắt trên trời", "Nhan sắc" của Dương Nghiễm Mậu do NXB Văn Nghệ TP HCM cùng Công ty Sách Phương Nam ấn hành năm 2007. Về pháp lý, dù được Cục Xuất bản cấp giấy phép nhưng bấy giờ người làm sách lại không có sự giới thiệu, đánh giá lại tác giả - tác phẩm để giúp bạn đọc hiểu thêm về bối cảnh ra đời của nó, từ đó tiếp nhận một cách khách quan.

Hơn nữa, do không có sự giải thích chu đáo, cặn kẽ về ngữ nghĩa nên khi đọc đến những câu đại loại như "Bộ mình cưới nhau liền được sao? Anh còn lo vấn đề động viên. Việc gì mà mình phải gấp rút như vậy?" ("Nguyệt Đồng Xoài", tr.7), chẳng khác nào đánh đố người đọc, bởi từ "động viên" không hẳn mang ý nghĩa như nay ta hiểu... Theo kế hoạch, sau đó sẽ tiếp tục tái bản sách của những nhà văn khác nữa. Nhưng chỉ mới in đến đó, công việc phải tạm thời ngưng lại vì có nhiều luồng ý kiến không đồng thuận.

Bẵng đi một thời gian dài, việc tái bản này được "khởi động" lại với các bước "dọn đường dư luận" chỉn chu hơn. Có một điều cần ghi nhận là khi bổ sung, tái bản "Từ điển văn học bộ mới" (NXB Thế Giới; 2003), nhóm chủ biên Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Thiên, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá đã chọn thêm nhiều nhà văn miền Nam: Bình Nguyên Lộc, Nguyên Sa, Nhật Tiến, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Văn Xuân, Võ Hồng, Bùi Giáng… Việc làm này được xem là "táo bạo" vì bản in trước đó vào năm 1983, những tên tuổi trên chưa được đề cập.

Trong khoảng thời gian này, thỉnh thoảng các NXB cũng tái bản sách của các nhà văn như Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Mộng Giác, Tràng Thiên, Lê Tất Điều, Nhật Tiến… Sự cởi mở trong sinh hoạt văn hóa nói chung, hầu như dư luận đánh giá tốt, không có gì đáng phàn nàn về chất lượng, nội dung. Đáng chú ý là năm 2013, NXB Hội Nhà văn và Công ty Sách Phương Nam in cùng lúc 3 tập truyện ngắn "Lạc đạn", "Nhà có cửa khóa trái", "Trở về mái nhà xưa" (NXB Hội Nhà văn) của Trần Thị NgH. Ngày 19-1-2013 tại quận 1, TP HCM, bộ sách này được tổ chức ra mắt rầm rộ mà không gặp phản ứng trái ngược nào từ dư luận.

Gần đây, sự kiện có thể nói là mạnh dạn nhất trong lĩnh vực xuất bản là cùng một lúc, NXB Hội Nhà văn và Công ty Sách Phương Nam đã tái bản toàn bộ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ - một trong 5 nhà văn nổi tiếng nhất của miền Nam trước năm 1975. Ngoài các tình tiết, phải kể đến điều đã khiến bạn đọc bất ngờ khi đọc "Khung rêu", "Thú hoang", "Lao vào lửa", "Chiều xuống êm đềm", "Như thiên đường lạnh", "Ngọn pháo bông", "Cho trận gió kinh thiên" là tác giả còn có biệt tài quan sát khi miêu tả sinh hoạt nghệ thuật quen thuộc ở nông thôn miền Nam thời trước. Chẳng hạn hát bội đình làng, giải sầu ca vọng cổ; ngoài ra còn là sự miêu tả các món ăn dân dã, quê mùa rất đỗi thân thương… nay đã ít nhiều trở thành dĩ vãng; kể cả khi khai thác về số phận vũ nữ, gái bán bar Sài Gòn với nhiều chi tiết sống động.

Sở dĩ bộ sách này được dư luận báo chí chú ý vì người làm sách đã nỗ lực thực hiện công tác chú thích trong chừng mực có thể đã giúp người đọc hiện nay tiếp nhận được lời ăn tiếng nói trước đây của người Nam Bộ. Chính sự phong phú, đa dạng về ngôn từ sẽ giúp ta hiểu hơn nữa về con người, vùng đất những nhà văn thế hệ trước đã từng "khai phá" bằng ngôn ngữ miền Nam như Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Ngọc Linh… Nói cách khác, cách sử dụng ngôn từ trong tác phẩm của nhiều nhà văn miền Nam viết trước năm 1975 đã góp phần lưu giữ tiếng nói, cách phát âm một thời của bà con ở miền Nam đất Việt.

Không dừng lại đó, toàn bộ sách triết học của GS Kim Định như "Cửa Khổng", "Chữ Thời", "Tinh hoa ngũ điển", "Triết lý cái đình", "Vấn đề quốc học"… cũng được tái bản tương tự. Việc làm này liệu có quá "mạo hiểm" trong kinh doanh? Chúng tôi nghĩ là không, vì quy luật cung - cầu của thị trường sẽ quyết định. Hơn ai hết, những người làm sách còn phải nghĩ đến lợi nhuận mới có thể đi "đường dài". 

Hiện nhiều đơn vị làm sách tư nhân cũng mặn mà tái bản nguồn sách miền Nam - khi họ liên kết với các NXB, chẳng hạn, "Khúc thụy du" (Saigon Books), "Khúc thụy du" (Phan Books) - thơ của Du Tử Lê; "Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc" (DT books)…; "Tuổi nước độc" của Dương Nghiễm Mậu, "Hai chậu lan Tố Tâm" của Phan Du đều do Tao Đàn đầu tư…

Nhìn chung, sách đã in trước năm 1975 tại miền Nam về lâu dài vẫn có thể người làm sách tiếp tục tái bản. Tuy nhiên, đứng ở góc độ người đọc, chúng tôi thấy vẫn cần có sự thẩm định kỹ để kiểm chứng giá trị của nó, chứ không thể "thấy người ta ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào". Ý thức "gạn đục khơi trong" với bất kỳ loại sách cũ nào, in ở thời kỳ nào, bao giờ cũng hết sức cần thiết. 

Lê Minh Quốc

Nguồn: Báo Người lao động, ngày 24.7.2018.

(TBKTSG Xuân AL) - Hạnh phúc. Khát vọng của mọi khát vọng. Lời chúc của mọi lời chúc. Ngôi sao của mọi ngôi sao. Nhưng nó là gì vậy?

20190115 hanh phuc

Người ta không nghĩ cùng một điều khi nghĩ về nó. Cái đem lại hạnh phúc cho người này có thể đem đau khổ đến người khác.

Điều này có thể nói ngay: không ai CÓ hạnh phúc. Bởi hạnh phúc không phải là một vật để ta có, ta sở hữu.

Khi ta vui, ta nằm trong hạnh phúc và đó là hạnh phúc đang có ta-ta buông mình vào lòng nó.

Dẫu như thế, hạnh phúc, cũng như lương thiện, không phải ở bên ngoài ta mà nó ở ngay bên trong ta. Không có hạnh phúc nào ở bên ngoài ta.

Hạnh phúc không phải là một vật. Vì thế nó không thể ở bên ngoài. Thế giới của nó thuộc về bên trong. Bên trong ta.

Gọi một vật nào đó hay một người nào đó ở bên ngoài là hạnh phúc của ta thì đó chỉ là một cách nói, một cách lầm lẫn.

Tất nhiên, một vật và một người nào đó có thể làm cho ta hạnh phúc trong thời điểm nào đó khi nó có khả năng xuyên thấm vào thế giới bên trong ta, chân trời đón đợi của ta. Đó là lúc ta đánh thức hạnh phúc bên trong ta, giấc ngủ quên của ta như thi hào Ba Tư Hafiz diễn tả từ thế kỷ mười bốn:

Hạnh phúc đã ở trong ta từ bao giờ, từ ban đầu. Và nó thường ngủ quên. Nên ta cần đánh thức.

Hạnh phúc ngủ quên của tôi

vật vờ từ lâu lắm

sáng nay thức dậy rồi.

Hạnh phúc đã ở trong ta từ bao giờ, từ ban đầu. Và nó thường ngủ quên. Nên ta cần đánh thức. Vậy thì ai đánh thức? Chính là ta. Ta đánh thức ta. Nghịch lý ư? Thì nghịch lý mà. Thế mới là đời sống, một đại nghịch lý chứ sao!

Ta đang ngủ quên và ta phải đánh thức ta thôi. Đánh thức thế nào?

Tạm để hạnh phúc của ta ngủ quên trong khi ta chú tâm vào cuộc sống. Nhìn. Học cách nhìn. Nhìn chú tâm. Chẳng hạn nhìn một bông hoa nhỏ nơi hàng giậu. Như Nguyễn Trãi nhìn một cái cây mà thấy tĩnh và động trong cùng một lúc, cùng một nơi:

Cây tĩnh

Chim về

Rợp bóng xuân

(Quốc Âm Thi Tập)

Cái nhìn đó Nguyễn Du gọi là “khai nhãn mộng”: mộng mà vẫn mở mắt, mở mắt mà vẫn mộng, mở cả giấc mộng, mở cả thực tại, tĩnh mà động, động mà tĩnh... Đó là cách Nguyễn Du vào ra trần thế và vào ra giấc mộng của mình (Trần thế bách niên khai nhân mộng).

Đó cũng là cái nhìn của Ngô Thì Nhậm, người cho văn và võ là một, đạo và đời là một, mộng và thực là một. Trong bài phú Mộng Thiên Thai, ông cho rằng không cần đến một Đào Nguyên nào để tìm thấy hạnh phúc. Ta có thể tự trồng được cội đào của chính mình: Đâu chỉ Đào Nguyên có cội đào?

Đó là tự đánh thức hạnh phúc.

Đó là chú tâm nhìn và ghi nhận những khoảnh khắc đẹp mà ta thường bắt gặp. Bằng cách đó ta chuyển hóa nó, nội tại hóa nó. Một bông hoa nhỏ sẽ hóa thành ta và ta đồng thời hóa thành nó. Như nhà thơ Bashô ở Nhật nhìn hoa nazuna:

Ta nhìn bên ta

bên hàng giậu nở

đóa nazuna.

Đó là một khoảnh khắc đẹp. Bởi vì nó rất bình thường, rất đơn sơ.

Đó là một khoảnh khắc hạnh phúc. Bởi vì nó đẹp trong một toàn thể đẹp.

Cái đẹp đó, hạnh phúc đó không mất đi đâu bởi vì Bashô đã chú tâm nhìn nó và ghi nhận nó. Chỉ là một bông hoa trắng nhỏ, đóa nazuna ấy. Cái nhìn của Bashô tự đủ đầy, tự chứa chan hạnh phúc. Ông không có ý chiếm hữu nó hay chiếm hữu cái gì. Cái không có gì này chính là hạnh phúc: không cướp đoạt, tranh giành...

Bông hoa nở trong an nhiên và Bashô nhìn trong tự tại. Hạnh phúc của nở và nhìn chan hòa trong một ánh sáng tương chiếu. Khoảnh khắc hạnh phúc đó cần được đánh thức mỗi ngày.

Để mỗi ngày ta là hoa, là chim, là mây, là hạt bụi, là tia nắng..., là khoảnh khắc mà cũng là vô tận.

Có một anh chàng luôn cầu nguyện nữ thần Hạnh phúc đến với anh, rất khẩn thiết và gần như kiệt sức. Cuối cùng anh nghe tiếng nói: Ta đây! Anh hỏi: Ai thế?

- Ta là Hạnh phúc, người mà anh gọi suốt.

- Sao tôi không thấy?

- Ta vô hình kia mà.

- Xin ngài làm ơn hiện hình.

- Hạnh phúc không có hình. Nó ở bên trong của bên trong. Nếu có hình thì nó đã mất từ lâu, trước khi mi kịp cầu nguyện!

Chàng ta òa khóc. Còn câu chuyện thì cười.

Còn đây là thơ của Goethe, thi hào Đức:

Không có gì thuộc về tôi,

tôi biết chứ

Nhưng trong hồn tôi

không gì cản nổi

tư tưởng một dòng trôi.

Và hân hoan khi Tình yêu Mệnh

mang đến cho tôi

biết bao khoảnh khắc tuyệt vời

mà tôi đón đợi từ đời thắm sâu.

Chỉ cần chú tâm, chỉ cần ghi nhận thôi, thì trong một tuần, thậm chí trong một ngày ta sẽ “bắt” được biết bao khoảnh khắc tuyệt vời mà cuộc đời trong khẳm sâu sẵn sàng ném về phía ta. Như một ánh nhìn, một nụ cười, một giọt sương, một tiếng chim, một câu hát, một hơi gió, một trang sách, một cái bóng trong hồ nước, một chóp núi, một mẩu bánh, một nụ hôn, một quả quýt đang được ai đó từ từ bóc vỏ... Biết bao thứ đang chờ ta đón bắt hoàn toàn “miễn phí”, nghĩa là tự do.

Ngoài cách ghi nhận và đón bắt tự do đó, còn một cách đạt hạnh phúc đơn giản hơn, cứ như là đang chơi, đang giỡn.

Thử gọi tên mọi thứ, cả thứ dễ chịu lẫn khó chịu bằng những cái tên trìu mến. Tập gọi như thế cho đến khi trong tâm thức ta, cái tên và sự vật hòa lẫn vào nhau hết sức tự nhiên.

Như thi hào Kalidasa gọi mây là sứ giả của tình yêu. Như Krishnamuzti gọi cơn đau thường hành hạ mình là cái thân yêu. Như gọi đất là mẹ, cỏ cây là chị em. Bashô gọi bốn mùa là bạn. Hafiz gọi vầng trăng là thú cưng.

Như Adam trong vườn Eden, ta gọi tên từng sự vật quanh mình. Đặt những cái tên mới. Đầy thân ái.

Cái gì sẽ xảy ra? Bắt đầu một cái nhìn mới mẻ. Đời sống bỗng thanh tân. Khi ta gọi tên sự vật theo cách mới, thì ý nghĩa mới sẽ nảy sinh, nhịp điệu mới sẽ ngân theo tiếng gọi nồng nàn của ta. Niềm vui được đánh thức.

Điều ấy thường được diễn tả trong thơ Hafiz, như:

Tôi lấy ra một mặt trời

mỗi ngày từ ví tôi.

Và tôi thả con thú cưng là vầng trăng

chạy rong trên cánh đồng trời.

Khi tôi huýt gió

trăng quay đầu ngó nhìn tôi.

Khi tôi vẫy tay

nàng vẫy lại cái đuôi sao lộng lẫy.

Hàng ngày tôi tưới nước

cái cây trồng yêu quý của Trời

là trái đất này đây.

Có người sẽ cho rằng điều ấy viển vông quá. Hoặc là lãng mạn quá. Hoặc là tưởng tượng.

Nhưng niềm hân hoan và cái đẹp nào cũng cần pha lẫn cái chân thật với tưởng tượng đến độ nó trở thành một. Pha lẫn bờ bên đây với bờ bên kia, đến độ nó trở thành một. Như trên một vòng tròn, đâu là bờ nào?

Khi gọi vầng trăng là thú cưng, Hafiz khởi động một vòng tròn. Có gọi thì có hồi đáp. Và do đó, vầng trăng quay đầu ngó nhìn “tôi” và vẫy cái đuôi sao lộng lẫy.

Vậy thì gọi hạnh phúc đi. Đánh thức đi! 

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 15.02.2018.

20180718 mNam

Ảnh: internet

So với những trào lưu hiện đại chủ nghĩa có tính chất tiền phong, mối quan tâm hàng đầu của chủ nghĩa hiện sinh chưa phải là vấn đề hình thức nghệ thuật mà là vấn đề đổi mới cách nhìn về con người và thế giới.

Tuy nhiên, đúng như Jean-Paul Sartre nhận xét, “người ta là nhà văn không phải vì đã viết cái gì mà vì viết như thế nào”. Chủ nghĩa hiện sinh đã đem đến cho văn học thế giới những tác gia và tác phẩm lớn, vì cùng với quan niệm hiện sinh về con người tự do, nó đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn hiện tượng luận vào sáng tạo nghệ thuật và đã nâng nghệ thuật miêu tả hiện tượng luận lên đến đỉnh cao.

Vận dụng hiện tượng luận, văn học hiện sinh tìm cách miêu tả thật chi tiết, cụ thể kinh nghiệm của con người trong một thời điểm nhất định và xem đó là cái thực. Với trào lưu này, điều quan trọng là miêu tả những hiện tượng diễn ra trước ý thức của con người chứ không phải là giải thích, diễn dịch hay phân tích. Chủ nghĩa hiện sinh không tin rằng cái tôi là một trung tâm của chân lý có khả năng nắm bắt hiện thực như nó vốn có. Cái tôi nhà văn chẳng qua là một ý thức hướng về thế giới, một thế giới mờ đục, không dễ thấu hiểu, vì nó bị che giấu, ta chỉ có thể nhìn thấy mặt ngoài của sự vật và khám phá một phần bản chất của nó thông qua những hiện tượng mà ta tiếp nhận được. Nói như vậy không có nghĩa là hiện tượng có thể xuyên tạc bản chất, bởi bản chất chính là toàn thể các hiện tượng chứ không phải là cái gì khác. Miêu tả hiện tượng luận là từng bước và từ nhiều góc độ vén bức màn cho ta nhìn thấy thế giới qua những bức tranh trắc diện của nó 1.

Tuy không giải thích, không phân tích, nhưng bằng sự miêu tả, văn học nghệ thuật sáng tạo ra ý nghĩa. Sứ mạng của con người là ban phát ý nghĩa: “con người bị kết án phải có ý nghĩa”, như Merleau- Ponty đã nói. Mọi cái nhìn, mọi hành vi của con người, kể cả những hành vi vô tình, đều là những ý nghĩa. Con người không thể hiểu thấu bản chất của sự vật, nhìn thấu bản thể của đối tượng, biết đến tận đáy của sự vật. Điều này chỉ xảy ra nếu đó là cái nhìn của Thượng đế hoặc nếu đó là một sự vật trong suốt và bất biến. Trên thực tế, con người chỉ có thể nhìn sự vật từ một góc độ, mỗi cái nhìn khai mở cho ta thấy một khía cạnh, một phương diện của sự vật mà thôi2.

Trên bình diện sáng tác văn học, chủ nghĩa hiện sinh đã đem lại cho văn học miền Nam (1954 - 1975) những thay đổi đáng kể, với quan niệm nghệ thuật về con người cô đơn trong một thế giới phi lý, với ngôn ngữ và kỹ thuật miêu tả hiện tượng luận. Đây có thể là ảnh hưởng tự phát, nhưng cũng có thể là ảnh hưởng tự giác, ở những nhà văn trực tiếp đọc lý thuyết và sáng tác văn học hiện sinh Tây Âu. Cung Tích Biền, một người trong cuộc, ghi nhận: “Do có đồng khí tương cầu, chủ nghĩa hiện sinh đã có đất gieo mầm tại miền Nam một thời. Nó là dòng chảy, từ tư duy đến hành động, thái độ sống; nơi mỗi cá thể thành những tập thể quần chúng; từ cục bộ trí thức đã lan tỏa đến một tầng lớp xã hội; ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lãnh vực văn chương nghệ thuật, âm nhạc, hội họa”3.

Trên bình diện lý thuyết, trí thức miền Nam, nhất là trí thức khuynh tả, chịu ảnh hưởng Sartre khá sâu đậm. Còn trên bình diện cảm thụ, độc giả Sài Gòn đọc Camus nhiều hơn Sartre và do đó, ảnh hưởng của Camus về mặt nghệ thuật có lẽ sâu sắc hơn. Phạm Công Thiện tinh tế khi nhận xét rằng “về con người thì Sartre cho rằng hiện hữu có trước yếu tính (L’existence précède l’essence), nhưng về nghệ thuật văn nghệ thì Sartre gián tiếp cho rằng yếu tính có trước hiện hữu (L’essence précède l’existence)”4. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, tác phẩm văn xuôi và kịch của Sartre phần nào có yếu tố minh họa cho triết học.

Liên quan đến chủ đề tình yêu trong sáng tác văn nghệ ở miền Nam, thế giới tính dục như là xung năng chi phối đời sống con người trở thành một mô-típ ám ảnh qua ngòi bút của Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Thảo Trường, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ… Thực tiễn tiếp nhận văn học cho thấy giữa phong hóa dân tộc và những tác phẩm có yếu tố tính dục từng diễn ra những bất hòa, xung đột. Tiểu thuyết Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng bị phê phán một cách cực đoan vào giữa những năm 1960 là một trường hợp tiêu biểu.

Hình tượng thị giác, hình tượng âm thanh và hình tượng ngôn từ trong văn nghệ có thể là sự tái hiện từ tiềm thức hay vô thức của người nghệ sĩ. Những ám ảnh tuổi thơ và những chấn thương tinh thần thường để lại dấu vết dài lâu trong tâm hồn con người. Theo tinh thần phân tâm học, “đứa trẻ nào, tác phẩm ấy”. Những ảnh tượng từ thời thơ ấu đã bao năm mất hút trong lớp trầm tích của quá khứ, nhờ một sự khơi gợi tình cờ nào đó, bỗng sống dậy và trở thành cảm hứng của người nghệ sĩ.

Trong lĩnh vực âm nhạc, mối quan hệ giữa phân tâm học hiện sinh và sáng tác văn nghệ có thể được minh họa qua một số ca khúc của Phạm Duy và Lê Uyên Phương.

Bên cạnh những bài hát hay viết cho tuổi thơ mang âm hưởng dân ca như Em bé quê, Ông trăng xuống chơi…, Phạm Duy có những ca khúc viết về thời niên thiếu, trong đó phải kể đến Kỷ niệm và Tóc mai sợi vắn sợi dài. Bài đầu là tâm nguyện của một người muốn trở về trú ẩn trong tuổi thơ bình an: Cho đi lại từ đầu/ Chưa đi vội về sau/ Xin đi từ thơ ấu/ Đi vui và bên nhau/ Trong tim thì sôi máu/ Khóe mắt có trăng sao/ Bông hoa cài trên áo/ Trên môi một nguyện cầu… Bài sau là nỗi luyến tiếc về một mối tình thơ dại qua câu ca dao “Tóc mai sợi vắn sợi dài/ Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”: Đời sống trôi hoài không nghỉ ngơi/ Đời sống kéo dài nỗi trần ai/ Bao nhiêu bao nhiêu thiên trường ca/ Không qua không qua câu mẹ hò. 

Rời bỏ kháng chiến, giã từ miền Bắc vào miền Nam từ năm 1951, cuộc sống đô thị Sài Gòn hẳn có tác động làm thay đổi tư duy âm nhạc của Phạm Duy. Khoảng giữa những năm 1960 ông bắt đầu đưa yếu tố nhục cảm vào ca khúc, mới đầu còn nhẹ nhàng trong những bài Cỏ hồng, Nha Trang ngày về, như chính nhạc sĩ thừa nhận5. Ở đây người tình đưa người tình lên đồi cao Đà Lạt (Rước em lên đồi cỏ thơm mùi sữa/ Níu em yêu ngồi trên bãi cỏ tơ/ Giương đôi tay ôm thân tròn ơn mưa móc/ Hãy xõa mái tóc rũ trên vai anh mòn); hay người tình ngồi một mình trên bãi biển Nha Trang mà nhớ nhung (Lớp sóng mơn man thịt mềm da ngát hương/ Nào ngờ sóng cuốn trôi đi lầu vàng trên bãi hoang…) thì tình yêu cũng đã bước từ giai đoạn thuần khiết cảm tính sang giai đoạn nhục tính.

Về mặt này Phạm Duy táo bạo hơn rất nhiều so với lớp nhạc sĩ trẻ viết tình ca thời đó như Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Anh Việt Thu, Trầm Tử Thiêng, Ngô Thụy Miên… Trịnh Công Sơn hiền lành chỉ viết được rất mơ hồ: Ru đời đi nhé, ôi môi ngon này giữa trần gian/ Ru từng chiếc bóng lênh đênh vào giấc ngủ ngon/ Cho tôi tay gối mong manh/ Cho tôi ôm lấy vai thon… 

Trịnh Công Sơn không dám qua mặt Xuân Diệu (Đã hôn rồi, hôn lại/ Cho đến mãi muôn đời/ Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt); còn Phạm Duy thì không chịu dừng ở đó. Những năm cuối của cuộc chiến tranh, ông còn viết Vỉa hè ca, Tục ca với ca từ thật sống sượng: Tôi có người yêu đ. to như mông Thẩm Thúy Hằng/ Cái đ. nhìn qua khiến ta phải ngỡ ngàng…

Tất nhiên, ở Sài Gòn lúc đó chẳng mấy người chịu hát những bài “ngợi ca tính dục” thô thiển của Phạm Duy; thậm chí đây là một trong nhiều lý do khiến nhà phê bình Nguyễn Trọng Văn diễn thuyết và in sách Phạm Duy đã chết như thế nào?. Vấn đề là tại sao tác giả của những tuyệt phẩm Quê nghèo, Bà mẹ Gio Linh, Về miền Trung, Giọt mưa trên lá, Nghìn trùng xa cách… lại chịu viết những bài hát câu khách và nổi loạn như vậy. Ở đây có ảnh hưởng của cuộc giải phóng tính dục sôi nổi đương thời từ phương Tây mới tràn vào các đô thị miền Nam; đồng thời cộng hưởng với tâm trạng bất an, mệt mỏi, rệu rã, mất phương hướng mà cuộc chiến tranh đem lại. Cho nên ám ảnh tính dục lúc đó gắn liền với ám ảnh về cái chết. Khao khát tính dục như một lối thoát khỏi ám ảnh về cái chết. Ngược lại, cái chết là bi kịch mà cũng đồng thời là giải thoát.

Ở miền Nam, người biểu hiện nỗi ám ảnh về cái chết ấn tượng nhất là đôi song ca Lê Uyên và Phương. Với hai tập nhạc cùng xuất bản năm 1970 (Khi loài thú xa nhauYêu nhau khi còn thơ) được chính tác giả giới thiệu với công chúng Đà Lạt và Sài Gòn, Lê Uyên Phương trở thành hiện tượng độc đáo của đời sống văn nghệ miền Nam giai đoạn đó. Nhạc tình của Lê Uyên Phương kêu gọi tuổi trẻ tận hưởng tình yêu khi cái chết cận kề, chết bởi chiến tranh hay bởi bệnh tật, tận hưởng như lần yêu nào cũng là lần yêu cuối. Cũng vì ám ảnh của cái chết mà hạnh phúc không bao giờ trọn vẹn, luôn luôn trong trạng thái chơi vơi, mong manh, thoáng chốc. Ca từ của Lê Uyên Phương là sự kết hợp của hơi hướng phân tâm học và hơi hướng hiện sinh, kết nối ám ảnh tính dục với ám ảnh về cái chết: Một chiều mưa áo trắng đưa nhau/ Bên kia đời tình buông nửa vời/ Lần này đây đã hết cho nhau/ Thôi điên cuồng thịt da rã rời […] Cuộc tình đó như qua ngày đông/ Phòng lạnh giá môi xô nụ hôn/ Người nằm đó xin cho được yên/ Còn tìm đâu áo mát thanh xuân/ Ấp hơi nồng trên da thịt đầy/ Còn tìm đâu gối thắm đê mê/ Còn gì đâu… (Đưa người tuyệt vọng).

Thế giới tình yêu trong ca khúc Lê Uyên Phương không chỉ là hoa thơm trái ngọt, gió thổi mây trôi, chim bay bướm lượn như tình ca thời lãng mạn. Trong thế giới đó, mê say đi liền với ê chề, nồng nàn đi liền với chua cay, đắm đuối đi liền với chán chường. Có lúc tác giả gọi thế giới đó là “vũng lầy”: Ta sống trong vũng lầy/ Một ngày vùi dần còn vùi sâu còn vùi sâu trong ngao ngán không dứt hết cơn ê chề/ Ta sống trong vũng lầy/ Một ngày vùi dần còn vùi sâu còn vùi sâu trong ngao ngán không dứt hết một lần đau (Vũng lầy của chúng ta).

Trong đời thực, Lê Uyên và Phương là đôi nghệ sĩ khởi nghiệp từ Đà Lạt giống như Khánh Ly và Trịnh Công Sơn, nhưng có điều khác là họ trở thành đôi tình nhân, rồi trở thành bạn đời chia sẻ một quãng đời trong nước đến một chặng đời ở hải ngoại. Nếu tiếng hát Khánh Ly biểu cảm những ca khúc hòa hợp được yếu tố hiện sinh, siêu thực và tinh thần Thiền học của Trịnh Công Sơn; thì tiếng hát Lê Uyên diễn tả nỗi đắng cay pha mùi khoái lạc hiện sinh cộng với nỗi hoang mang sợ hãi trầm thống trước điềm báo về cái chết. Phương, từ một vết đau trên da thịt luôn nghĩ về phút giây vĩnh biệt người tình đã sẻ chia, đồng cảm với ông trong âm nhạc và trong cuộc đời: Giờ này còn cầm tay/ Cầm chắc mối duyên bẽ bàng/ Cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng/ Cầm giá buốt thương đau/ Ngày mai ta không còn thấy nhau (Cho lần cuối).

Không phải ngẫu nhiên mà Thế Uyên đặt nhan đề cho một bài viết về ca khúc Lê Uyên Phương là Tình ca - ranh giới sống chết: “Những tình tự chất liệu nguyên, hoang sơ như một đám cỏ tranh trên đồi, những xúc động nguyên thủy của nam nữ, tất cả qua giọng ca của một người nữ như còn run rẩy trong cơn làm tình và tê dại toàn thân trong đau đớn vì tình yêu đã bay đi. Và thích thú hơn, hình như tôi đã nghe thấy, cảm thấy thứ tình yêu ranh giới sống chết ấy”.

Lê Uyên và Phương đã đi đến cùng ranh giới đó, và cũng như sự an bài của định mệnh, họ đã không vượt qua được lời nguyền của sự chia cắt, khi hai người tưởng đã an trú nơi xa xứ, sau khi đã vượt qua những thử thách của hoàn cảnh. Lê Uyên Phương đã tiên tri cho số phận mình khi chính tác giả sớm viết bài Requiem cho linh hồn nghệ sĩ: Màn đêm mở huyệt sâu/ Mộng đời xin dài lâu/ Một vì sao lạ rơi/ Nghe hồn tê tái trên dòng hương khói bay/ Ái ân ơi đừng phụ lòng ta/ Nhớ thương sâu xin gửi người xa/ Khóc nhau trong cuộc đời/ Giấc mơ xưa khăn phủ vành sô/ Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau/ Chết bên nhau thật là hồn nhiên (Dạ khúc cho tình nhân).

Thật ra trong ca từ âm nhạc miền Nam đâu phải chỉ mình Lê Uyên Phương nói về cái chết. Phạm Duy, Trịnh Công Sơn còn nói nhiều hơn. Nhưng cái chết trong ca khúc của các tác giả này là cái chết hiện thực, cái chết do chiến tranh phi lý; còn cái chết trong ca khúc Lê Uyên Phương là ám ảnh của định mệnh cá nhân, gần với sự kết hợp đối nghịch giữa xung năng tính dục và chấn thương tâm lý trong phân tâm học.

Chủ nghĩa hiện sinh đi vào xã hội miền Nam vào thời buổi chiến tranh khốc liệt đầy bi đát. Những khái niệm “quê hương lưu đày”, “địa ngục”, “cô đơn”, “phi lý”, “buồn nôn”, “thời gian hữu hạn”… không phải là những từ ngữ văn nghệ thuần túy mà ứng với thực trạng của quê hương. Cái chết không còn là một ám ảnh siêu hình mà là sự thật, gắn với người thân yêu, với những địa danh, những trận đánh có thực. Tình ca của Trịnh Công Sơn bấy giờ là “tình ca của người mất trí”: Tôi có người yêu chết trận Pleime/ Tôi có người yêu ở chiến khu Đ/ Chết trận Đồng Xoài/... Tôi có người yêu chết trận Ba Gia/ Tôi có người yêu vừa chết đêm qua/ Chết chẳng hẹn hò, chết thật tình cờ/ Không hận thù, nằm chết như mơ (Tình ca của người mất trí).

Trong khi đó, những người tình nhân trong ca khúc Phạm Duy đứng trước một dự báo thảm khốc. Người trở về trong cuộc chiến tranh lần thứ nhất là “anh thương binh chống nạng cày bừa… có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ” với niềm vui và hy vọng. Còn người trở về trong cuộc chiến tranh thứ hai này, nếu may mắn là “trên đôi nạng gỗ… tật nguyền chai đá”, còn rủi ro là: Anh trở về hàng cây nghiêng ngả/ Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa/ Anh trở về trên chiếc băng ca/ Trong trực thăng sơn màu tang trắng […] Anh trở về chiều hoang trốn nắng/ Poncho buồn liệm kín hồn anh/ Anh trở về bờ tóc em xanh/ Chít khăn sô lên đầu vội vã… (Kỷ vật cho em, thơ Linh Phương).

Đời sống bi thảm đó dẫn con người đến những thái độ chọn lựa khác nhau. Âm nhạc Phạm Duy là một thái độ. Ông từng “khóc cười theo vận nước nổi trôi”, rồi ông tỏ thái độ bất cần dư luận, làm một “hippy già” ca ngợi những “hippy trẻ mặc áo rách đứng bên nhà thờ”. Theo chúng tôi, về mặt ca từ, ca khúc thể hiện rõ nhất tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh trong gia tài âm nhạc Phạm Duy là bài Một ngày… một đời…: Một ngày cho Tổ quốc/ Một ngày quên nợ nước/ Một ngày cho vợ con/ Một ngày cho tình nhân/ Một ngày đang cười ngất/ Một ngày ôm mặt khóc/ Một ngày bạn bè đông/ Một ngày chợt cô đơn…/ Hỡi, hỡi ôi, thân phận làm người/ Ôi thân phận làm người! 

Phạm Duy là một tài năng quái kiệt, là “tháp Bayon bốn mặt” như cách nói của Chế Lan Viên, thậm chí là “người nhiều mặt”. Sau những tình ca, kháng chiến ca, tâm ca, đạo ca, tục ca, khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, ông lại có bình ca, ngợi ca hòa bình: Sống sót trở về, tên cường đạo lau kiếm/ Xé áo giang hồ, xin chèo đò trên bến/ Sống sót trở về, quên màu hồng gái điếm/ Trút phấn son rồi, xin mặc lại áo huyền/ Sống sót trở về, tôi tạ từ vũ khí/ Sống sót trở về, tôi trở lại nhỏ bé/ Sống sót trở về, đeo một bầu rượu quý/ Sống sót trở về, vui một mình… tôi đi! (Bình ca 2: Sống sót trở về).

Sau thơ Nguyễn Bắc Sơn, có lẽ đây là lần đầu tiên, trong ca khúc có từ “gái điếm”, điều đó nói lên sự táo bạo trong sử dụng ngôn ngữ của Phạm Duy. Ông không ngại ngần dùng ngôn ngữ vỉa hè, bụi bặm, vì ông cho nó cũng có vẻ đẹp riêng. Về bản thân, dù có những lúc loạng choạng, ngả nghiêng, ông vẫn là người nghệ sĩ yêu nước, theo cách của ông. Những bài kháng chiến ca, những trường ca Mẹ Việt Nam, Con đường cái quan… nói lên điều đó. Hơn nữa, về một phương diện nào đó, ta còn có thể gọi Phạm Duy là người nghệ sĩ hiện sinh: ông ca ngợi giá trị con người, hạnh phúc trần thế, khát vọng tự do và sống như một cá thể tự do.

Tuy nhiên, người ta lại dè dặt khi muốn áp dụng khái niệm “dấn thân” hay “nhập cuộc” của chủ nghĩa hiện sinh vào trường hợp Phạm Duy. Có lẽ vì cái tôi của ông lớn quá, đôi khi bất chấp những trách nhiệm đạo đức. Hình ảnh con chuồn chuồn “khi vui nó đậu, khi buồn nó bay”, như hình bìa một tập hồi ký Phạm Duy, rất thích hợp với tính cách con người công dân và con người nghệ sĩ của ông.

Nói đến văn nghệ dấn thân ở miền Nam, người ta thường nhắc đến những ca khúc xuống đường, những bài ca tranh đấu của các nhạc sĩ sinh viên trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Gắn bó với phong trào này, từng cất tiếng hát bên cạnh các nhạc sĩ sinh viên, Trịnh Công Sơn đã đi từ Ca khúc da vàng đến Kinh Việt NamTa phải thấy mặt trời. Từ cảm xúc về người nô lệ da vàng ngủ yên, ngủ yên trong căn nhà nhỏ, đèn thắp thì mờ (Đi tìm quê hương), Trịnh Công Sơn cất tiếng hát ngợi ca đoàn người đi vào quê hương/ cầm ý thức xây tương lai mình/ cầm huyết thống đi cho nối liền, nối hai miền… (Hành ca); và vẽ ra viễn cảnh ngày vui lớn sẽ qua trăm cầu/ Mẹ dâng miếng cau rồi dâng ngọn trầu/ cho hai miền trùng phùng lòng thấy nao nao/ Ngày Nam đêm Bắc tình chan trong mắt/ sẽ thấy trăm bình minh ngọt ngào… (Huế - Sài Gòn - Hà Nội). Danh hiệu “người nghệ sĩ dấn thân” thật thích hợp khi nói về trường hợp Trịnh Công Sơn.

Từ lý thuyết và quan niệm về con người và cuộc đời, chủ nghĩa hiện sinh đi vào cách sống và lối sống, với những ảnh hưởng khá tế nhị và phức tạp. Một mặt, không thể chối cãi rằng việc du nhập triết học và văn nghệ hiện sinh góp phần dẫn đến phản ứng “nổi loạn”, “tận hưởng cuộc đời” của một bộ phận thanh niên nông nổi không tìm thấy đường đi trong chiến tranh, như Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Xuân, Thế Nguyên, Nguyễn Trọng Văn đã từng chỉ ra.

Mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng trào lưu triết học và văn nghệ đó gợi lên những suy tư, trăn trở về thân phận con người, ý thức trách nhiệm trước tình cảnh đất nước và chọn lựa thái độ ứng xử cũng như hành động nhập cuộc vì tha nhân. Có thể nói chủ nghĩa hiện sinh đã đáp ứng nỗi ưu tư của con người muốn tự khẳng định khuôn mặt tinh thần của mình trong điều kiện nước sôi lửa bỏng của dân tộc, đòi hỏi người trí thức không thể đứng “bên dòng lịch sử”. Họ đã sống cái triết lý đó chứ không phải làm công việc dịch thuật hay thông tin thuần túy bằng ngôn ngữ lãnh đạm của khoa học. Lữ Phương, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Hiếu Đằng… từng kể lại rằng ý thức trước thực trạng đất nước khiến họ tham gia kháng chiến được xúc tác về tư tưởng không chỉ của chủ nghĩa Marx mà còn của chủ nghĩa hiện sinh.

Vì vậy, cần phải thấy hết tính chất đa dạng và phức tạp trong ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam trước đây. Một là ảnh hưởng chiều sâu trong giới trí thức ở đại học, giới học giả và văn nghệ sĩ có tầm nhìn về văn hóa. Hai là ảnh hưởng chiều rộng có tính chất phổ cập trong giới sáng tác và một bộ phận công chúng thời thượng. Ba là ảnh hưởng có tính chất nghịch chiều nơi một số trí thức khuynh tả, vừa tiếp thu tinh thần dấn thân, phản kháng của chủ nghĩa hiện sinh, vừa phê phán tính chất học đòi, làm dáng của văn nghệ hiện sinh ở một đất nước đang có chiến tranh và bị lệ thuộc.

Như vậy là chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam đã được tiếp cận từ nhiều góc nhìn khác nhau, những góc nhìn chắc chắn không thoát khỏi sự tác động của bối cảnh xã hội cũng như lập trường chính trị của người viết, nhưng hầu hết đều cho thấy tinh thần độc lập và tự trọng của người trí thức, nói theo những suy nghĩ riêng của mình mà không rập khuôn, một giọng.

Chủ nghĩa hiện sinh là triết học của một thời đại không lặp lại. Việc tiếp nhận, truyền bá, vận dụng nó cũng là “cơ duyên” của lịch sử. Nó đã đến trong cái bối cảnh bi đát của xã hội miền Nam những năm 1954 - 1975, khi con người khao khát tự do và quyền sống, mong muốn suy tư về chính tự do và thân phận làm người. Sau chiến tranh, hoàn cảnh xã hội thay đổi, chủ nghĩa hiện sinh không còn chỗ đứng trong sinh hoạt trí thức.

Từ khi Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi mới năm 1986, sáng tác và khảo luận về chủ nghĩa hiện sinh từng bước được phép tái bản và thu hút một lượng công chúng mới từ giới trẻ, trong đó có văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, tiếng vang của nó không còn sâu rộng như ở miền Nam thời chiến tranh.

H.N.P  
(TCSH352&SDB29/06-2018)

-----------------
1. Theo Trần Thái Đỉnh: Hiện tượng học là gì?, Nxb. Hướng Mới, Sài Gòn, 1969, tr. 31-60.
2. Theo Trần Thái Đỉnh: Sđd, tr. 116-135 .  
3. Cung Tích Biền: “Hiện sinh, một thời kỷ niệm”. Trong Về  một dòng văn chương, Nxb. Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 69.
4. Phạm Công Thiện: Ý thức mới trong văn nghệ và triết  học, Nxb. An Tiêm, Sài Gòn, 1966, tr. 46.
5. Phạm Duy, Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà, Nxb. Trẻ, TP  Hồ Chí Minh, 2007, tr. 17  

Nguồn: Tạp chí Sông Hương 352, SDB 29.6.2018, phiên bản trực tuyến.

Tóm tắt: Dưới thời nhà Minh và nhà Thanh, vì các lý do chính trị và kinh tế, một số lượng lớn người dân ven biển đã rời bỏ quê hương ra nước ngoài sinh sống. Năm 1671, một người Hải Khang ở Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, là Mạc Cửu “Vì không thể chịu nổi sự nhiễu loạn vì rợ Hồ xâm nhập”, đã vận động gia tộc vượt qua Hải Nam đến nương nhờ nước Chân Lạp làm khách”. Tại đất Hà Tiên của Chân Lạp, Mạc Cửu đã dốc sức phát triển thế lực, xây dựng thị trấn, làng mạc, và đưa Hà Tiên thành một vùng dân cư đông đúc, “Hoa di chung sống”, một hải cảng phồn vinh, mang tính quốc tế, mà thời đó gọi là “Cảng khẩu quốc”; sau theo về Quảng Nam (đúng ra phải là Thuận Hóa*) xin làm thần thuộc. Sau khi Mạc Cửu qua đời, con ông là Mạc Thiên Tứ đã coi trọng phát triển kinh tế và tích cực mở rộng giao thương với Trung Quốc, Bán đảo Malaysia và quần đảo Indonesia, biến Hà Tiên thành một hải cảng thịnh vượng ở Đông Nam Á, được gọi là “Quảng Châu nhỏ”, đóng góp quan trọng cho sự phát triển và tiến bộ xã hội của Nam Việt Nam. Trong những năm gần đây, tác giả đã đến Hà Tiên của Việt Nam và Lôi Châu, Quảng Đông, để điều tra về lịch sử của gia tộc Mạc, và tìm thấy một số tư liệu văn bia và tộc phả mới trong ngôi đền thờ tổ tiên họ Mạc ở Hà Tiên và nghĩa trang của gia tộc ở thôn Đông Lĩnh, Lôi Châu, có giá trị sử liệu rất cao. Kết hợp các kết quả nghiên cứu và các tài liệu liên quan của các bậc tiền nhân về sự khởi phát của gia tộc họ Mạc, Mạc Cửu di cư về phương nam, cha con họ Mạc và sự hưng suy của chính quyền Hà Tiên, tác giả tiếp tục khám phá và suy ngẫm thêm nhằm phát triển học thuật ở trình độ cao.

Vào thế kỷ 17, Trung Quốc đang trong quá trình động loạn thay đổi triều đại, một số lượng lớn dân chúng không hài lòng với sự thống trị của triều đại nhà Thanh đã di cư ra nước ngoài, tới Triều Tiên và Nhật Bản ở Đông Bắc Á, đến An Nam, Campuchia, Xiêm La, bán đảo Malaysia, cho đến tận các quần đảo Indonesia và Philippines ở Đông Nam Á, còn có cả những người Hoa lưu vong thân ảnh. Trong thế kỷ 17, di dân mang tính chính trị đã trở thành một đặc trưng quan trọng của dòng lưu dân người Hoa hướng ra nước ngoài. Năm 1671 (Khang Hy năm thứ 10), Mạc Cửu, người Hải Khang, Lôi Châu, Quảng Đông đã di cư đến Chân Lạp, tại Hà Tiên ông bắt đầu thành lập một chính quyền rất có ảnh hưởng, lấy người Hoa làm chủ thể, có quân đội riêng, quan chức tự trị, tự chủ ngoại giao, cho đến độc lập tự chủ cả kinh tế; ngoài ra, ông còn theo làm phiên thần cho Chúa Nguyễn của Việt Nam, trở thành thành viên của “hệ thống triều cống” của Nhà Chúa. Mạc Thiên Tứ con trai ông kế vị, lấy chế độ và văn hóa của nhà Minh làm mẫu mực, xây Khổng miếu, lập Nghĩa học (học không mất tiền*), dạy thi thư, tương dung văn hóa các dân tộc địa phương với văn hóa tôn giáo Châu Âu, bắt tay khởi dựng một thứ văn chất tốt đẹp, có sắc thái “y quan văn vật chi bang” (nước có lễ nghi phép tắc) đậm chất Trung Hoa bên bờ đại dương, và trong các mối quan hệ quân sự và ngoại giao xung quanh cục diện chính trị quốc tế của bán đảo Đông Dương, có tác động quan trọng đến sự phát triển của lịch sử các quốc gia như Việt Nam và Campuchia.

Liên quan đến họ Mạc và chính quyền Hà Tiên, sách “Gia Định thành thông chí” của nhà cổ tịch học Việt Nam Trịnh Hoài Đức, và “Hà Tiên trấn diệp trấn Mạc thị gia phả” của Vũ Thế Doanh đều có ghi chép, ngoài ra sách “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam nhất thống chí” thời Tự Đức, “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, cho đến “Thanh thực lục”, “Thanh triều văn hiến thông khảo” của nhà Thanh đều rải rác ghi chép. 

Từ những năm 1950 trở đi, các học giả người Pháp E. Gaspardone, Maybon, học giả người Canada William E. Willmott và học giả người NhậtFujiwara Riichiro đều có những thảo luận hữu ích về các đóng góp và quan hệ đối ngoại của chính quyền Hà Tiên. Vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, chuyên gia lịch sử Trung Quốc nổi tiếng ở nước ngoài Trần Kinh Hòa giảng dạy tại Đại học Huế ở Việt Nam, đã thu thập một số tư liệu và tài liệu khảo cổ học có giá trị, tổ chức nghiên cứu một cách có hệ thống cây gia phả và dòng dõi họ Mạc. Từ sau thập niên 1970, học giả người Đài Loan Trịnh Thụy Minh và những người khác đã công bố nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị. (1) Vào năm 1996, Nhà xuất bản Sách cổ Trung Châu của Đại học Trịnh Châu đã xuất bản các thư sách “Gia Định thành thông chí”, và “Hà Tiên trấn diệp trấn Mạc thị gia phả” và giới thiệu các thư tịch chữ Hán quý báu của Việt Nam cho người Trung Quốc, khiến cho việc nghiên cứu chính quyền họ Mạc trở nên thuận lợi hơn nhiều.

Trong những năm gần đây, tác giả đã đến Hà Tiên của Việt Nam và Lôi Châu, Quảng Đông, để điều tra về lịch sử của gia tộc Mạc, và tìm thấy một số tư liệu văn bia và tộc phả mới trong ngôi đền thờ tổ tiên họ Mạc ở Hà Tiên và nghĩa trang của gia tộc ở thôn Đông Lĩnh, Lôi Châu, có giá trị sử liệu rất cao. Kết hợp các kết quả nghiên cứu và các tài liệu liên quan của các bậc tiền nhân về sự khởi phát của gia tộc họ Mạc, Mạc Cửu di cư về phương nam, cha con họ Mạc và sự hưng suy của chính quyền Hà Tiên, tác giả tiếp tục khám phá và suy ngẫm thêm nhằm phát triển học thuật ở trình độ cao.

1. Vọng tộc của bán đảo – Họ Mạc hưng khởi

1.1. Họ Mạc thiên di đến Lôi Châu

Lôi Châu nằm ở bán đảo Lôi Châu, phía tây Quảng Đông, tương liên với Đại lục ở phía bắc, và biển ở phía đông và phía tây, đối diện với Hải Nam về phía biển. Theo bán đảo Lôi Châu, giữa đảo Hải Nam và Việt Nam ở phía tây là vịnh Bắc Bộ, còn được gọi là Vịnh Đông Kinh, có diện tích khoảng 130.000 km2. Khu vực này có nhiều cảng dọc theo bờ biển và các đảo nhiều tựa sao giăng cờ bày (tinh la kỳ bố), trên con đường huyết mạch giao thông hàng hải giữa Nam Trung Quốc và Đông Nam Á, trong lịch sử, đây là một khu vực biển quốc tế có sự trao đổi thường xuyên liên tục, cấu thành một hệ thống thương mại hàng hải tương liên mật thiết với Vịnh Bắc Bộ. Theo ghi chép của các sử sách Trung Quốc, từ Lôi Châu về phía tây “thông với quốc gia chư hầu An Nam, về phía đông “lênh đênh trên biển nối Ân Châu, Hoài Chiết (Hà Nam, An Huy, Giang Tô, Chiết Giang*), Phúc Kiến v.v., do đó, nó thường được các thương nhân từ Phúc Kiến, Chiết Giang và Quảng Đông ghé thăm. (2) Điển tịch nhà Đường “Nguyên Hòa quận huyện đồ chí” cho biết: “Từ Văn, vốn huyện cũ thời Hán vậy, cũng thuộc quận Hợp Phố... Thời Hán đã thiết lập xung quanh huyện Hầu Quan, cách huyện 7 dặm về phía nam, tích trữ hàng hóa ở đây, chuẩn bị theo nhu cầu, nên giao dịch rất có lợi, vì vậy ngạn ngữ cổ mới nói: Tham vọng thắng bần hàn, giỏi giang rồi sẽ vang danh (Dục bạt bần, nghệ từ văn) (3). Vào những năm 1940, nhà Đông phương học nổi tiếng người Pháp Georges Coedès đã chỉ ra rằng từ khi có sử đến nay, từ bán đảo Mã Lai mở ra đến các đảo xung quanh, hình thành một hàng rào tự nhiên bởi Biển Trung Quốc, Vịnh Xiêm La và Biển Java, vì vậy một số học giả gọi vùng biển vịnh Bắc Bộ là “Tiểu Địa Trung Hải” (4).

Trong thời Tần, Lôi Châu trực thuộc Tượng Quận. Nam Triều, thời Lương Vũ đế tách Hợp Phố, đặt thành Hợp Châu, năm Đại Nghiệp thứ hai nhà Tùy bỏ Hợp Châu, lấy huyện Hải Khang phụ thuộc vào Hợp Quận. Đường Vũ Đức năm thứ tư, gộp nam Hợp Châu, quản bốn huyện Hải Khang, Tùy Khang (sau đổi thành Toại Khê), Thiết Ba, và Châm Xuyên. Năm Trinh Quán thứ tám đổi đông Hợp Châu thành Lôi Châu, Thiên Bảo nguyên niên đổi thành quận Hải Khang, Can Nguyên nguyên niên gộp vào Lôi Châu. Các triều đại nhà Tống và Nguyên vẫn theo như vậy. Vào thời nhà Minh, Lôi Châu quản ba huyện Hải Khang, Toại Khê, và Từ Văn, Hải Khang được gộp vào Quách Huyện và lập thành hai “sương” (vùng, bên), bao gồm “ngung” (góc, cạnh) đông bắc và “ngung” tây nam. Có hai hương, trong đó hương Diên Đức quản 5 đô: Nhất, Nhị, Tứ, Ngũ, và Lục; hương Diên Hòa cũng quản 5 đô, gồm: Thất, Cửu, Thập, Thập Nhất, Thập Nhị (5). Đến đầu đời Thanh đổi “sương” thành “ngung”, lập 2 ngung, 2 hương, 10 đô; dưới hương lập 20 xã, 30 thôn, Lê Quách là một trong hai xã đó. Năm Khang Hy thứ 26, hai xã Na Hòa và Quan Sơn gộp thành xã Quan Hòa, tổng cộng huyện Hải Khang có 19 xã (6).

Trong thời Minh Thanh, họ Mạc sống tại thôn Đông Lĩnh và thôn Lê Quách, xã Lê Quách. “Lôi Châu phủ chí” thời Gia Khánh ghi xã Lê Quách gồm bốn thôn: “Thôn Lê Quách, cách thành hai mươi dặm về phía tây, Mạc tính (姓tính: họ mẹ*) nối đời ở đây; thôn Bình Nguyên cách thành mười lăm dặm về phía tây, là nơi Hoàng tính (姓 tính: họ mẹ*) cư ngụ; thôn Điều Sảng cách thành mười hai dặm về phía tây, là đất Trần tính (姓 tính: họ mẹ*); thôn Đông Lĩnh, cách thành hai mươi dặm về phía tây là nơi Mạc thị (氏 thị: họ cha*) nối đời sinh sống” (7). “Hải Khang huyện chí - Cương vực chí” mục “Lê Quách xã” thời Gia Khánh ghi chép giống với phủ chí. Họ Mạc ở thôn Lê Quách có trưởng phòng, họ Mạc thôn Đông Lĩnh có thứ phòng, phòng ba, phòng bốn, phòng năm, phòng sáu, phòng bảy.

Theo nhiều bản khắc được lưu giữ trong Hội quán tổ tiên của họ Mạc Đông Lĩnh, nguyên quán họ Mạc ở Phúc Kiến, thủy tổ thọ Mạc là Mạc Dữ làm thị ngự trong những năm đầu của nhà Nguyên, vì trực ngôn nên bị biếm đến phủ Lôi Châu làm kinh lịch [1] vì đó là vùng biển quê nhà (8). Bài tựa “Trưởng phòng nhất xuân” (Trưởng tộc một mình tổ phụ) của Mạc Nhữ Tương họ Mạc Lê Quách, viết: “Thủy tổ khai cơ họ ta vốn là người Long Khê, phủ Chương Châu, Phúc Kiến, được ban chức quan Tiến sỹ, Viện trưởng Đô sát viện [2], Tả đô ngự sử, tên thụy là Trung Trực, tên húy Dữ công, tên tự là Nguyên tể Lôi Châu, con cháu nối đời giữ lấy…(9). “Mạc thị tộc phả” Đông Lĩnh có một thiên ghi Minh Nam Lễ bộ Thượng thư Vương Hoằng Hối [3] soạn “Đông Lĩnh Mạc thị thế hệ tộc phả tự”, cũng nói là “Mạc thị chi tiên mân sản dã.” (Họ Mạc do tổ tiên ở Phúc Kiến sinh ra vậy) (10). Tuy nhiên, theo “Lôi Châu phủ chí – Chức quan chí” đời Gia Khánh, mục “Kinh lịch” ghi lại, triều đại nhà Nguyên Kinh lịch Lôi Châu chỉ có ba người, đó là Nguyên Bích, Quách Tư Thành, Phiền Ích Tuấn, mà không hề có Mạc Dữ, tuy nhiên, hồ sơ giảng sư lại có Mạc Dĩ Đạo. (11) Không biết đó có phải là Mạc Dữ không? Lẽ nào tộc phả lại ghi chép sai?

Mạc Dữ được công nhận là thủy tổ nhập Lôi Châu của họ Mạc, chết táng tại Bạch Sa, dốc Phùng Thôn, ngôi mộ hiện vẫn còn. “Trưởng phòng nhất xuân”, mục “Cự Lộc quận [4] Thái thủy tổ nhất thế Mạc Dữ” (Thái thủy tổ đời thứ nhất người quận Cự Lộc Mạc Dữ) của họ Mạc Lê Quách viết: “Công hưởng dương thọ 84 tuổi,…Công và mẹ  táng tại thôn Phùng, xã Đường Vĩ, huyện Hải Khang. Liên quan đến Mạc Dữ trở xuống vài đời, có những khác biệt trong gia phả của họ Mạc ở hai thôn Đông Lĩnh và Lê Quách. “Trưởng phòng nhất xuân” của họ Mạc Lê Quách ghi là Mạc Dữ sinh hạ hai con trai, con cả là Tiên Tri, con thứ là Tiên Giác, là đời thứ hai. Tiên Tri sinh ba con trai: Khiêm, Trung, Kinh là đời thứ ba. Khiêm sinh ra Khanh, là đời thứ tư, cử nhân khoa Tân Mão đời nhà Minh. Với trường hợp Tiên Giác, “Trưởng phòng nhất xuân” không ghi cụ thể, chỉ viết: “Công kế thừa thủy tổ với phận con thứ, là bào đệ của Tiên Tri công vậy,…tách ra sống tại thôn Đông Lĩnh”.Điều đó cho thấy ngay từ rất sớm họ Mạc đã phân cư ra hai thôn Lê Quách và Đông Lĩnh và phát triển riêng.

“Mạc thị tộc phả” thôn Đông Lĩnh tất có ghi lại rằng Mạc Dữ sinh một trai Tiên Giác, là đời thứ hai mà không hề nói đến “bào huynh” Mạc Tiên Tri. Tiên Giác sinh ba trai: Tri Mệnh, Như Mệnh, Như Nghĩa là thế hệ thứ ba. Vài đời đến đời thứ tám Dũ Lương, sinh bảy trai, phân thành bảy phòng. Họ Mạc đời thứ chín phòng thứ là Hoa, phòng ba là Ấu chết, phòng bốn là Nhu, phòng năm là Dụ, phòng sáu là Tung, phòng bảy là Dịch. Phòng sáu Tung sinh bốn trai: Ẩn Hiền, Ẩn Tính, Ẩn Nghĩa, Ẩn Trí là đời thứ mười. Truyền đến đời thứ mười một, họ Mạc Đông Lĩnh không chỉ giàu nhất một phương với rất nhiều điền sản tài vật, mà còn là một gia đình hoàng kim khoa bảng, thành một vọng tộc ở bán đảo Lôi Châu.

Tộc phả họ Mạc Lê Quách và Đông Lĩnh mô tả khác nhau về tổ tiên của họ, người ta nói rằng huynh đệ tổ tiên đã không còn hòa thuận, nhưng không rõ tình hình cụ thể. Căn cứ vào “Trưởng phòng nhất xuân” của họ Mạc Lê Quách, ghi chép thế thứ Mạc Khanh (đời thứ tư) để tính toán thì phả này ghi không chính xác về dòng dõi tổ tiên trên Mạc Khanh, và phải có thiếu sót. Ngày nay, đền thờ họ Mạc thôn Đông Lĩnh, duy nhất vẫn còn giữ được tên người viết bài minh “Dịch thế y quan” (Nối đời làm quan) trên bia, về thế thứ thì Mạc Khanh là đời thứ chín, bởi vì trong bảy năm đời Minh Thành Hóa (1464 – 1487*), ông đã giành được danh tiếng, thì thủy tổ họ Mạc nhập Lôi Châu đại để là vào thời Đại Đức (1297 – 1307*) nhà Nguyên có lẽ hợp lý hơn. “Trưởng phòng nhất xuân” ghi lại rằng Trưởng phòng Mạc Trung là tổ tiên thứ ba, điều đó là không chính xác. Nếu Mạc Trung và Mạc Khanh là cha con, thì không có sai sót nào về thế thứ, và Mạc Trung đương nhiên phải là Trưởng phòng đời thứ tám. Tộc phả chép ông là “Phủ học tuế cống sinh, nhậm chức tuần kiểm Giao Chỉ Bắc Nhai” (12), đương nhiên là chỉ thời Minh Thành tổ (1402 – 1424*). Vĩnh Lạc năm thứ tư (1405*), Minh Thành tổ phái Chu Năng, Mộc Thịnh, Trương Phụ, v.v., đánh An Nam, chiếm đất đó lập thành “Quận huyện”, bố trí Bố chánh ty Giao Chỉ, và phân thành 17 phủ, 157 huyện, và sau đó đến thời Tuyên Đức năm thứ hai, bỏ Giao Chỉ, trong khi đó, một số lượng lớn các quan chức phủ huyện đã được chọn từ các tỉnh lân cận như Quảng Đông và Quảng Tây, và Mạc Trung có thể được tuyển dụng nhậm chức tại Giao Chỉ.

1.2. Nhân tài họ Mạc hưng thịnh dưới thời nhà Minh

Tên của họ Mạc trong các kỳ khoa cử công danh đã thu hút sự chú ý của người đời, trước hết, đó là cống sinh Mạc Trung, trưởng phòng đời thứ tám, nhậm chức tuần kiểm Giao Chi Bắc Nhai. Trưởng phòng đời thứ chín Mạc Khanh được bổ nhiệm làm chi huyện, và đó là một sự kiện vinh quang mang tính thời đại trong lịch sử của Gia tộc Mạc ở Lôi Châu. Mạc Khanh là người đỗ đạt năm Tân Mão, Thành Hóa thứ bảy. “Phúc Kiến thông chí”, “Trường Thái huyện chí” đời Khang Hy có ghi lại rằng Hoằng Trị năm thứ năm Mạc Khanh nhậm chức tri huyện Trường Thái (13).

Đại tông từ họ Mạc thôn Lê Quách có hai tấm biển đề “Nhất ngạc” (一 鹗Con chim ưng biển đầu đàn) và “Chung tú” (鐘秀 Hội tụ tú khí linh thiêng), được làm từ thời nhà Minh. Biển đề “Nhất ngạc” còn ghi “Quý dậu khoa cử nhân Mạc□□”, v.v. “Quý dậu khoa” chính là Khoa thi Quý dậu năm Chính Đức, cho thấy rõ năm Chính Đức thứ tám (1512*) vẫn có người là Trưởng phòng trúng cử. Ngoài ra còn có các dòng chữ “Tuần án Quảng Đông giám sát ngự sử cao công…”, “Đề đốc…”, “Quảng Đông bố chánh ti phân ti”, “Chính Đức Ất hợi”, “Quý dậu khoa cử nhân Mạc□□” v.v. Chính Đức Ất hợi chính là năm Chính Đức thứ mười (1514*). Căn cứ vào ghi chép của sách “Quảng Đông thông chí” thì “Tuần án Quảng Đông giám sát ngự sử Cao công…” chính là Cao Công Thiều, người Nội Giang, Tứ Xuyên, tiến sỹ năm Ất sửu. (14) Họ Mạc được các cao quan ở Quảng Đông như Công Thiều tôn vinh cho thấy thời Thành Hóa – Hoằng Trị - Chính Đức (1464 – 1521*) gia tộc họ Mạc có thế lực và ảnh hưởng lớn tại địa phương.

Từ thời Gia Tĩnh (1521 – 1566*) về sau một số nhân tài họ Mạc đã đạt được công danh, tiến nhập quan trường, thậm chí cả việc nhậm chức tại Kinh sư, trong số đó Phòng bốn thể hiện là tột đỉnh xuất sắc. Trong tông từ họ Mạc tạiĐông Lĩnh vẫn giữa được thư tịch “Mạc thị Thế tổ từ tự tự” (Thứ tự thờ cúng các vị tổ họ Mạc) do Mạc Thiên Nhiên soạn vào năm Tân sửu Vạn Lịch thứ 29 (1601) có ghi sự tích họ Mạc về khoa cử thì truyền tục đỗ đạt, công nghiệp thì lớn lao chói lọi (Khoa đệ thiện tục, huân nghiệp hách dịch) như sau:

Họ Mạc ta, tổ tiên người đất Mân, thủy tổ tên húy là Dữ, đầu đời nhà Nguyên làm thị ngự (phục dịch nhà vua*), vì lời nói mà bị trách phạt đưa về Hải Khang, tức quê nhà Đông Lĩnh này vậy, nối đời làm người Hải Khang. Truyền đến đời thứ hai húy Tiên Giác công, nhậm chức học lục [5]; đời thứ tám tên húy Phủ công, nhậm chức Học chính [6]; vốn đều là nhân tài được tiến cử lên triều đình. Đời thứ chính tên húy Khanh công, do hương tiến làm ấp lệnh (tức huyện lệnh, đứng đầu huyện); đời thứ mười húy Huệ công, nhậm chức giám thừa [7]; tên húy Ngạn Nam công, nhậm Học chính; đều do tiến cử nhân tài hàng năm. Đời thứ mười một, người anh thứ hai húy Thiên Phú, thi đậu Tiến sỹ khoa Nhâm tuất Gia Tĩnh, lần lượt nhậm chức hiến phó (thời nhà Thanh là phó trưởng quan Đô sát viện, phụ trách Giám sát, Luận tội và Kiến nghị hình phạt, biệt xưng là Tả phó đô ngự sử*) Quảng Tây; người anh kế húy Lữ, nhân tài được tiến cử làm ty giáo; đời thứ mười hai, con trai của người anh thứ hai là Nhĩ Tiên, được tiến cử năm Mậu tý đời Vạn Lịch, từ đó khoa cử thì truyền tục đỗ đạt, công nghiệp thì lớn lao chói lọi, công thành như ý vậy.  

Cổng bài phường (tưởng niệm) tại Tông từ họ Mạc thôn Đông Lĩnh "Đời đời làm quan" (Dịch thế y quan - Đời đời mũ áo) ghi lại công danh 12 đời họ Mạc, bên phải là “Khoa giáp” (Đỗ đạt) ghi tên bốn người:


(1.) Thủy tổ Mạc Dữ, tiến sĩ, sĩ□.

(2.) Đời thứ chín Mạc Khanh, cử nhân, sĩ huyện□□.

(3.) Đời thứ mười một Mạc Thiên Phú, tiến sĩ, lịch□ phó.

(4.) Đời thứ mười hai Mạc Nhĩ Tiên, cử nhân.

Bên trái là “Cống giám” “Tuế cống” (Tiến cử) ghi tên 8 người:

(1.) Đời thứ hai Mạc Tiên Giác, cống sĩ, sĩ học□.

(2.) Đời thứ tám Mạc Phủ, giám sinh, sĩ học chính.

(3.) Đời thứ chín Mạc Huệ, giám sinh, sĩ giám thừa.

(4.) Đời thứ chín Mạc Nam Ngạn, cống sĩ, sĩ giáo dụ.

(5.) Đời thứ mười một Mạc Lữ, cống sĩ, tuyển ti giáo.

(6.) Đời thứ mười hai Mạc□, giám sinh, phụng sai lễ bộ chính sử.

(7.) Đời thứ mười hai Mạc Nhữ Hàn, tuyển cống sĩ Nịnh Viễn huyện lệnh.

(8.) Đời thứ □□□ Mạc Nhược Mẫn, giám sinh, sĩ quang lộc thự thừa.

Xét “Mạc thị Thế tổ từ tự tự” (Thứ tự thờ cúng các vị tổ họ Mạc) kể lại và đề danh khoa cử của “Dịch thế y quan” ở cổng Bài phường (cổng tưởng niệm)có hơi khác nhau, “Mạc thị Thế tổ từ tự tự” chép là đời thứ mười Mạc Huệ Công, Ngạn Nam công, còn Đề danh khoa cử lại ghi là đời thứ chín, và “Ngạn Nam công” thì viết là “Nam Ngạn công”, không biết cái nào đúng. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng từ đời thứ chín về sau số người họ Mạc đắc công danh khoa cử đã tăng đáng kể, Phòng bốn đời thứ mười một gồm anh em Mạc Thiên Phú, Mạc Thiên Nhiên là nổi tiếng nhất. Mạc Thiên Phú, tự Tử Dực, vốn tính tình ngay thẳng. Năm Kỷ dậu Gia Tĩnh (1549) được tiến cử, khích lệ chí khí, không dám cẩu thả cùng dòng tục. Năm Nhâm tuất (1562) đỗ hạng tiến sỹ, được bổ làm Phủ Điền lệnh (Trưởng quan) Phúc Kiến, gặp lúc cương giới ven biển không yên, địa phương động loạn, Thiên Phú chiêu tập người lưu tán, thu vén đổ nát, nhờ đó cả một phương trở nên yên ổn.

“Việt Đại ký” của Quách Phỉ viết khi vết thương vừa mới khởi phát, mà dòng người lưu tán vì đói khát đã lên đến hàng ngàn. Thiên Phú yên ủi úy lạo, dân tranh giành để được trợ giúp.  Giặc cướp địa phương trốn trong thành, lũ xấu ác rời khỏi hang ổ, kết đảng hoành hành, lột quần áo, đoạt vàng bạc, ngay tại cổng làng quen thuộc cũng chẳng ít oan sai. Sau hàng loạt tham cứu kiến nghị của phủ quan, vài chục người nhân đó mà liên lụy. Thiên Phúmật bạch với quận thủ [8] để trao đổi đàm đạo, yết bảng phủ dụ các thôn làng, lũ mạc quan (quan sau màn trướng, quan ở hậu trường*) bắt đầu co tay lại, không dám phạm tội. Lũ học trò (chư sinh [9]) y phục thô phác không thể thi lễ tất cấp cho quan phục và tiền. Nông dân bị khốn khó bại hoại không có trâu bò ruộng đất nông cụ tất được chia gia súc, giống má. Kiện lên tỉnh chuộc tiền, xóa tội nên đều êm đẹp, vậy nên người tin phục, đường đi hanh thông, sừng sững sum suê tươi tốt, Lỗ Cung [10] của Trung Mưu [11] cũng không hơn vậy. (15)

Mạc Thiên Phú làm Phủ Điền lệnh (Trưởng quan) Phúc Kiến, công nghiệp hanh thông, đời Vạn Lịch năm thứ ba (1575) ông được cất nhắc làm chủ sự Bộ hình ở Mân Nam, vì thế quan dân Phủ Điền vài trăm người nhờ ông mà thăng tiến. Kể từ đó quan dân Tứ Thượng (bờ bắc Tứ Thủy) tôn ông làm lệnh, lại cai quản thiện chính, nên dân chúng làm ca dao khen: “Xưa Hải Khang, Nay Tứ Thượng” (昔有海康,今有泗上 Tích hữu Hải Khang, kim hữu Tứ Thượng) (16). Ông đã mất mà thấy như vẫn còn ở đó. “Lôi Châu phủ chí” đời nhà Thanh viết: “Công nghiệp lẫy lừng, người Phủ Điền luôn tưởng nhớ, đời đời cúng tế” (17)    

Ngay sau khi Thiên Phú được thăng cấp Nam Hình bộ Lang trung, ông luôn xét đoán thận trọng. Làm thái thú Đại Lý, ông thăm nom những kẻ nghèo khổ tật bệnh, dốc sức hưng thịnh địa phương. “Phế bỏ lao động cưỡng bức cho dân đen, giảm hạn ngạch phân chia khai thác khoáng vàng, cứu sống hàng trăm nhân mạng. Lại cứu tế kẻ sa cơ, chẩn cấp người già cả, khuyến học, nuôi tài. Khi đó có khúc ca Thiệu Đỗ, lập bia Đức Chính ghi chép công nghiệp của ông.” Năm Vạn Lịch thứ tư, thăng Phó sứ đạo Hữu Giang, Quảng Tây, chưa kịp nhậm chức thì mất tại gia. Mạc Thiên Phú làm quan đều có thành tích trị dân, được người đương thời khen ngợi, “Sĩ phu Lôi Châu gọi ông là người tài học, tiết tháo, tất là Thôi Trọng công (người thúc đẩy sự cao quý) vậy (18). “Việt đại kí” của Quách Phỉ liệt ông vào hàng quan “Lòng lành, đức cả”.

_____________________________________   

Nguồn: 鄚玖與河仙政權(港口國); 南方華裔研究雑志,第四卷 Mạc Cửu dữ hà tiên chính quyền (cảng khẩu quốc); nam phương hoa duệ nghiên cứu tạp chí, đệ tứ quyển, 2010.

Người dịch: Hà Hữu Nga

Tác giả: 慶新 Lý Khánh Tân sinh năm 1962, người Yết Tây, Quảng Đông. Cử nhân Lịch sử, Đại học Tôn Dật Tiên, Tiến sĩ Lịch sử, Đại học Nam Khai, Nghiên cứu sinh, Viện Lịch sử và Địa lý, Đại học Phúc Đán. Ông hiện là giám đốc của Viện Lịch sử và Tôn Trung Sơn của Viện Khoa học Xã hội Quảng Đông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Đại dương Quảng Đông, và Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Hàng hải (CSSCI). Ông còn là thành viên của Hiệp hội Lịch sử Trung Quốc, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Lịch sử Giao thông Trung Quốc, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Lịch sử Trung Quốc ở nước ngoài, Hiệp hội Lịch sử Kinh tế Trung Quốc, Hiệp hội Lịch sử Đối ngoại Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Lịch sử Quảng Đông và “Nghiên cứu Lý thuyết Lịch sử”, “Con đường tơ lụa”, “Nghiên cứu học thuật”, “Khoa học xã hội Quảng Đông” và thành viên các ban biên tập khác, thành viên Ban chỉ đạo quốc tế Mạng lưới lịch sử toàn cầu, nhà nghiên cứu tại Trung tâm hợp tác nghiên cứu và đổi mới biển Nam Trung Quốc của Đại học Nam Kinh, Nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Công nghiệp văn hóa biển của Đại học Quảng Châu, Nghiên cứu Cơ sở Văn hóa Nhập cư của Đại học Phúc Đán.

Chú thích của người dịch

[1] Kinh lịch (經歷), vị trí quan văn thời cổ ở Trung Quốc, là quan chức của chính quyền trung ương và địa phương, được nhà Kim và nhà Nguyên thành lập, quản các tài liệu và các công việc hàng ngày khác. Thời nhà Minh thường là phụ tá của trưởng quan quân chính, tương đương với tham quân từ nhà Tống trở về trước.

[2] Đô sát viện (都察院) là tên quan thự chính thức của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, được phát triển từ Ngự sử đài của các triều trước, chịu trách nhiệm giám sát, luận tội và kiến nghị, cùng với Bộ hình và Đại lý tự được gọi là Tam pháp ty, trong trường hợp đại án, do Tam pháp ty hội thẩm thì gọi là “Tam ty hội thẩm”. Năm thứ 15 (1382) đời Minh Hồng Vũ, đổi Ngự sử đài thành Đô sát viện, trưởng quan là tả hữu đô ngự sử, dưới có phó đô ngự sử, thiêm đô ngự sử. Theo đó, 13 đạo trong cả nước lập giám sát ngự sử, tuần án châu huyện, chuyên khảo sát quan lại, trưng ra những việc làm sai trái mà luận tội. Vào thời nhà Minh, đô sát viện không chỉ giám sát các cơ quan tư pháp, nó còn có quyền “án lớn thì dâng tấu tài phán, án nhỏ thì phán quyết” (大事奏裁,小事立断 đại sự tấu tài, tiểu sự lập đoán) và là cơ quan giám sát cao nhất. Thời nhà Thanh đổi lấy tả hữu phó đô ngự sử chính thức là quốc hàm tổng đốc, tuần phủ (thời Minh đô ngự sử, phó đô ngự sử đô kiêm dùng gia hàm - hư hàm) để làm phương tiện hành sự. Năm Càn Long thứ mười ba (1748), bỏ tả thiêm đô ngự sử.

[3] Vương Hoằng Hối (王弘誨1541 - 1617), tự Thiệu Truyền, hiệu Trung Minh, người huyện Định An, phủ Quỳnh Châu, Quảng Đông, nay là tỉnh Hải Nam. Chết được triều đình tặng Thái tử Thiếu bảo. Ông là danh thần nhà Minh, nhà giáo dục có tiếng, từng nhậm hàn lâm viện kiểm thảo, biên tu, khảo quan thi hội, Tế tửu Quốc tử lâm, Lại bộ hữu thị lang Nam Kinh, Lễ bộ thượng thư Nam Kinh. Tác phẩm văn học có “Thượng hữu đường cảo”, “Ngô việt du kí”, “Thiên trì thảo”, “Lai hạc hiên tập”, “Nam minh kì điện lục”, “Nam lễ tấu độc”, “Văn tự đàm uyển”. Sinh thời ông là vị quan hiền năng thanh chính, dân chúng đồng tình, quan tâm sự nghiệp giáo dục, lưu danh thơm ngàn đời. Vương Hoằng Hối thông minh hiếu học từ nhỏ, bác lãm quần thư, 20 tuổi thi hương trúng cử nhân đệ nhất danh, năm Gia Tĩnh 44 (1565) đỗ tiến sĩ.

[4] Cự Lộc quận (鉅鹿郡), hay Cự Lộc quốc, quận cổ của Trung Quốc, tên nước, do nhà Tần đặt ra, là một trong 36 quận thời Tần, tọa lạc tại thành phố Hình Đài, tỉnh Hà Bắc. Tần vương Chính năm thứ 25 (năm 222 TCN) diệt nước Triệu, lấy được quận Cự Lộc. Đầu thời nhà Hán thuộc Trùng Nhĩ nước Triệu. Hán Cao đế năm thứ 9 (năm 196 TCN), lấy Ẩn vương Lưu Như Ý làm Triệu vương, kiêm quản hai nước Triệu, Đại; đồng thì tách phần đông quận Cự Lộc lập thành quận Thanh Hà, và quận Hà Gian. Cảnh Đế năm thứ 3 (năm 154 TCN), các nước Triệu, Ngô, Sở, Tế Nam phát động “Thất quốc chi loạn”, sau khi dẹp xong loạn lạc, lấy quận Cự Lộc và quận Thanh Hà của nước Triệu. Thời Hán Vũ đế, chia phần nam quận Cự Lộc, lập quận Quảng Bình. Năm Thành Đế Nguyên Diên thứ tư (năm 9 TCN) quận Cự Lộc quản huyện Cự Lộc (nay là thành phố Hình Đài, huyện Bình Hương). Năm Nguyên Thủy thứ hai (2 SCN) thời Bình Đế phân quận Cự Lộc, lập nước Quảng Tông để con của Cảnh Đế là Đại Hiếu vương cúng tế, không lâu sau bị Vương Mãng soán ngôi nhà Hán nên phế bỏ.

[5] Học lục (學錄) là chức danh quan văn của Trung Quốc xưa, thuộc hàng quan chức cơ sở, được chính thức sắp xếp tại Quốc tử giám và cơ cấu nhà trường, tương đương giáo viên hoặc phụ trách hành chính giáo học. Năm 1910 nhà Thanh diệt vong nên phế bỏ chức quan này.

[6] Học chính (學正) là tên chức quan của Trung Quốc xưa, là người chịu trách nhiệm thực hiện các quy tắc và giám sát việc học. Thời Tống, Quốc tử giám bố trí cả Học chính quan và Học lục quan duy trì việc chấp hành học quy, khảo giáo việc dạy học. Đến thời Nguyên trừ Quốc tử giám, còn lại Bộ Lễ cho đến hàng tỉnh, tuyên vệ ty, cho đến các lộ, châu, huyện thì học quan đều gọi là Học chính. Quốc tử giám nhà Minh và nhà Thanh cũng đều bố trí như vậy. Thời Minh, Học chính hàm Chánh cửu phẩm, đầu nhà Thanh giữ nguyên, đến đời đầu Càn Long đổi thăng Chánh bát phẩm. Dưới thời nhà Thanh thì học quan ở các châu đều gọi là Học chính. Học chính là một trong những quan chức cơ sở. Nó được triển khai ở Quốc tử giám và chức ngạch tương đương với giáo viên hoặc quản trị viên trong hệ thống học đường. Vào năm 1910, sau sự sụp đổ của nhà Thanh, vị trí Học chính bị bãi bỏ.

[7] Giám thừa (監丞) thời nhà Thanh, là một vị trí quan văn chính thức được đặt ở Quốc tử giám, hàm chánh thất phẩm. Thời nhà Thanh, Quốc tử giám là trường học cao nhất trong hệ thống giáo dục, và Giám thừa là người chính thức phụ trách các quy tắc của trường. Vào năm 1910, sau khi nhà Thanh sụp đổ, vị trí này bị bãi bỏ.

[8] Quận thủ (郡守) là một loại quan danh chính thức thời cổ, là trưởng quan hành chính của một quận lần đầu tiên được lập ra vào thời Chiến Quốc. Các quốc gia thời Chiến Quốc tham chiến đã thiết lập các quận ở khu vực biên giới, phái các quan chức đến phòng thủ, bảo vệ nên có quan danh là “Thủ”. Vốn là võ chức dần trở thành trưởng quan hành chính điều hành địa phương. Sau khi thống nhất nhà Tần, hệ thống phân chia hành chính địa phương ở cấp quận, huyện được thực hiện, và mỗi quận đều có “Quận thủ” để cai quản dân chính.

[9] Chư sinh (諸生): các thí sinh ngày xưa tham gia các kỳ thi đã được nhận vào các trường trung ương, phủ, châu, huyện các cấp học, bao gồm cả sinh viên trường Thái học. Các sinh viên dôi dư (增生 tăng sinh), các sinh viên thêm vào (廩生 phụ sinh), các sinh viên hưởng bổng lộc (廩生 lẫm sinh), các sinh viên theo định lệ (例生 lệ sinh), v.v., đều gọi là “chư sinh”. 

[10] Lỗ Cung (魯恭 32-112), đại thần Đông Hán, tự Trọng Khang, người huyện Bình Lăng, quận Phù Phong (nay là thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây). Thời niên thiếu Lỗ Cung sống và học tập tại Thái học, tu tập Lỗ thi, đóng cửa giảng tụng. Sau đó nhậm chức quận lại, rồi lại được Thái phó Triệu Hi triệu vời tham gia hội nghị Bạch Hổ Quan, đảm nhậm huyenj lệnh Trung Mưu. Đương thì, thiên hạ bỏ khảo xét, chấp pháp bất nhất, nhưng tại Trung Mưu, Lỗ Cung lấy đức hóa mà cai quản, không coi trọng dùng hình phạt, mà vẫn an trị một phương. Sau vì tang mẹ nên thôi chức, rồi lại đảm nhậm thị ngự sử. Thời Hán Hòa đế (88 – 105 SCN), ông kiến nghị đình chỉ Đậu Hiến đánh Hung Nô ở phía bắc. Rồi nhậm chức Thị trung, Nhạc An quốc tướng. Vĩnh Nguyên năm thứ chín (97 SCN), đảm nhậm Nghị lang, rồi chuyển nhậm Quang lộc huân. Vĩnh Sơ năm thứ ba (109 SCN) có bệnh nên miễn quan, Vĩnh Sơ năm thứ sáu (112 SCN), Lỗ Cung mất tại nhà, thọ 81 tuổi. Con cháu: Lỗ Quỳ, làm quan đến chức Thái bộc, Đổng Trác thiên đô, theo Hán Hiến đế vào Quan Trung, cùng Vương Doãn đồng mưu diệt Đổng Trác. Bộ tướng của Đổng Trác là Lý Quyết, Quách Tỉ nhập thành Trường An, giết Thái bộc Lỗ Quỳ, Đại hồng lư Chu Hoán, Thành môn hiệu úy Thôi Liệt, Việt kị hiệu úy Vương Kì.

[11] Huyện Trung Mưu trực thuộc thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Nó nằm ở vùng nội địa của đồng bằng trung tâm và bờ sông Hoàng Hà. Nó thuộc về Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam. Nó được gọi là Phố Điền, Mưu Châu và nhà Hán lập huyện Trung Mưu, là nơi diễn ra Trận chiến Quan Độ lịch sử vào năm 200 tại bờ nam sông Hoàng Hà giữa Tào Tháo và Viên Thiệu là 2 thế lực quân sự mạnh nhất trong thời kì tiền Tam Quốc. Kết quả trận chiến là Tào Tháo đã tiêu diệt gần như hoàn toàn quân số của đối thủ lớn nhất Viên Thiệu, tiến tới đánh bại nốt các thế lực chống đối ở Trung Nguyên, tạo điều kiện xây dựng nên nhà Tào Ngụy đồng thời chấm dứt thời kì Tiền Tam Quốc.

Chú thích

*作者系廣東省社會科學院歷史與孫中山研究所所長、廣東海洋史研究中心主任、研究員。作者電郵:This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

*本文系2008 年國家社會科學基金專案“17-18 世紀華人南渡與越南社會”(08BZ052)的階段性成果。此文是作者首次發表于《海洋史研究》第一輯“鄚玖、鄚天賜與河仙政權(港口國)”(第171-216頁)一文的第一部分。

(1) 藤原利一郎:《鄚玖事蹟考》,《史窗》第五、六號(1954 年);同氏《廣南王阮氏ご華僑----特に阮氏の對華僑方針につぃて》,《東洋史研究》,第10 卷第5 期,1949 年。陳荊和:《河仙鄚氏世系考》,《華岡學報》第五期(1969 年);武世營撰、陳荊和注釋:《河仙鎮葉鎮鄚氏家譜注釋》,臺灣大學《文史哲學報》第七期(1955 年);鄭瑞明:《清代越南的華僑》,臺灣師範大學歷史研究所專刊,1976 年;同氏《十八世紀後半中南半島的華僑—河仙鄚天賜與暹羅鄭昭的關係及清廷的態度》,臺灣師範大學歷史研究所、歷史學會編《歷史學報》第六期(1978 年)。另外法國學者Maybon 的《安南近代史》(Histoire modernedu Pays d’Annam),加拿大學者William E. Willmott 的《柬埔寨的中國人》(The Chinese in Cambodia,Vancouver Canada: University of British Columbia,1967),張文和的《越南華僑史話》(臺灣黎明文化事業股份有限公司,1975 年)、呂士朋的《盛清時期的中越經濟關係—兼述華人對南圻的開發》(中央研究院近代史研究所編《近代中國初期歷史研討會論文集》下冊, 1989 年)等亦有述及。

(2) 樂史:《太平寰宇記》卷159《嶺南道·雷州》。

(3) 李吉甫撰、繆荃孫輯:《元和郡縣圖志闕卷逸文》卷3《嶺南道·雷州》,中華書局,1983 年;彭定求等編《全唐詩》卷877《徐聞諺》,中華書局,1960 年。

(4) G. 賽代斯(Georges Coedès):《東南亞的印度化國家》,蔡華、楊葆筠譯,商務印書館,2008 年,第14 頁。G. 賽代斯(Georges Coedès),過去誤譯為戈岱司或柯代司。2008 年3 月,澳大利亞國立大學、廣西社會科學院在廣西南寧舉辦了一個名為“小地中海:北部灣的歷史與未來”(A Small Mediterranean Sea: Gulf of Tongking through History)的國際性學術研討會,可見“小地中海”已經受到國際學界的關注。

(5) 黃佐:《廣東通志》卷15《輿地志·坊都》,香港大東圖書公司,1977 年。

(6) 鄭俊:《海康縣誌》卷上《輿地志》,海南出版社,2001 年。

(7) 雷學海修、陳昌齊纂:《雷州府志》卷2《地理志》,嘉慶十六年刊本。

(8) 明王弘誨:《海康莫氏族祠記》(萬曆辛卯年,1591),王弘誨:《莫氏嗣宗祠記》(萬曆丙申年,1596),柯時複:《莫公亞崖祠田跋》(萬曆二十五年,1597),何複亨:《莫公亞崖祠田記》(萬曆二十八年,1600),葉修:《海康莫氏族祠記》(萬曆壬寅年,1602),莫天然:《莫氏世祖祠自敍》(萬曆辛丑年,1601)等,

今存東嶺莫氏宗祠。

(9) 黎郭莫氏《長房一椿》,全名《廣東雷州海康縣黎郭社黎郭村莫西曆代宗公萬世系譜》,共三冊,版本不可辨識。篇首有“大明萬曆十八年歲次庚寅上浣六房十三世祖原任江西建昌府副府”莫行狀、“大清乾隆四十一年歲次丙申正月望五日六房十八世裔孫龍騰”莫汝驤所撰序言,10 《東嶺莫氏世系族譜序》,東嶺《莫氏族譜》謂明萬曆三十年南禮部尚書王弘誨撰,收錄於《族譜》卷首。東嶺《莫氏族譜》始修于道光十八年,同治八年、光緒二十四年、宣統三年、民國十六年、二十九年、1955 年、1968 年、1979 年、1986 年、1993 年、2001 年續修。

(10) 雷學海修、陳昌齊纂:《雷州府志》卷九《職官志》,嘉慶十六年刊本。

(11)同上。

(12) 黎郭村《長房一椿》“三世祖”條。

(13) 金鋐、鄭開極纂修:《福建通志》卷27《職官志》,北京圖書館古籍珍本叢刊,書目文獻出版社,1990年;王鈺修、葉先登等纂:《長泰縣誌》卷7《職官志》,國家圖書館藏清代孤本方志選,線裝書局,2001年。雷州白沙鎮“山裏宮”有《馮婷序言》碑刻,敍述明英宗時雷州府海四都徒閩村民馮仁義之女馮婷,“天資聰穎,識醫理,關照庶民,為凡解厄”;複建百草藥亭於村前,供鄉民歇息、飲茶、解疾,鄉民尊為仙女。一日,入山采藥,狂風大雨,鄉民遍尋不見,傳言已經仙化,皇天敕封“天曹聖娘”。題名“知縣莫卿撰”、“倡建人莫卿”、“首事”陳年修等六人、及“大明皇朝憲宗皇帝癸己年仲春吉旦豎立”。《序言》語涉怪誕,不合邏輯,當為後人托莫卿之名所作。黎郭村莫氏大宗祠保存有1997 年所立“鐘秀”石牌匾,並刻有銘文,據說是弘治壬子泰和府知府黃瑜為莫卿所立牌坊,民國時擴拆街道遺失,“今為保存先祖殊榮而仿製之”。

(14) 黃佐:《廣東通志》卷10《職官表》下,嘉靖三十六年刊本。

(15) 郭棐:《粵大記》卷20《獻征類》,黃國聲、鄧中貴點校,中山大學出版社,1998 年,第615 頁。

(16) 同上。

(17) 雷學海修、陳昌齊纂:《雷州府志》卷6《人物志》,嘉慶十七年刊本。

(18) 郭棐:《粵大記》卷20《獻征類》,第615 頁。

* Những chỗ có đánh dấu (*) cũng là ghi chú của người dịch.

Nguồn: http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/mac-cuu-va-chinh-quyen-ha-tien-cang-khau-quoc-i

 

Tại thư viện quốc gia Thụy Điển, những nhà đàm phán mong muốn thúc đẩy truy cập mở để thoát khỏi cảnh trả phí thuê bao cho nhà xuất bản Elsevier. Nguồn: Nature

Những nỗ lực táo bạo thúc đẩy ngành xuất bản học thuật hướng về phía mô hình truy cập mở đang ngày càng gia tăng.

Những nhà đàm phán đại diện cho các thư viện và trường đại học trên khắp châu Âu đang chia sẻ chiến thuật về cách làm thế nào để có được những hợp đồng mới, qua đó đem lại khả năng đọc được nhiều công trình nghiên cứu mà không phải mất “tường phí” (paywall – chi phí người đọc phải chi trả để đọc được nội dung thông tin). Cuộc vận động truy cập mở này bắt nguồn từ Đức: nếu không thích những gì nhà xuất bản đề xuất, họ sẽ không trả tiền cho các tạp chí truy cập đóng. Vào ngày 16/5, một nhóm liên minh ở Thụy Điển cho biết họ sẽ không tái ký hợp đồng với “gã khổng lồ” xuất bản Elsevier nữa.

Loại hợp đồng mới này thực chất là các thỏa thuận “đọc và xuất bản”. Ký những thỏa thuận này, dù các thư viện vẫn sẽ phải trả phí thuê bao để có thể truy cập các bài báo nhưng các nhà nghiên cứu lại có thể xuất bản công trình của họ dưới dạng truy cập mở để bất kỳ ai quan tâm đến công trình cũng có quyền đọc nó miễn phí.

Những người ủng hộ cách làm này cho rằng những thỏa thuận như vậy sẽ thúc đẩy tiến trình của phong trào truy cập mở. Trong nhiều thập kỷ vận động để các công trình nghiên cứu được xuất bản công khai với lý do kết quả nghiên cứu của những công trình nghiên cứu được tài trợ cần đến với mọi người tuy nhiên mô hình kinh doanh đang thống trị thị trường của các nhà xuất bản vẫn chỉ công bố những bài báo đòi hỏi “tường phí” và thu các phí thuê bao từ các thư viện. Tuy nhiên nếu những nhóm liên kết thư viện lớn cố gắng đạt được thỏa thuận “đọc và xuất bản” thì tỷ lệ các bài báo truy cập mở có thể tăng lên.

“Một sự thay đổi trên khắp châu Âu đã tạo ra một nền tảng quan trọng [cho xuất bản học thuật]”, Koen Becking – nhà đàm phán chính của VSNU, một nhóm liên kết gồm 14 viện nghiên cứu ở Hà Lan. Vào năm 2014, VSNU là nhóm quốc gia đầu tiên đàm phán về thỏa thuận phí thuê bao, trong đó quy định về quyền của các tác giả công trình nghiên cứu. Từ đó, đã có nhiều thỏa thuận khác với nhiều cấp độ khác nhau về xuất bản mở được chấp thuận và sau Hà Lan, đến lượt nhiều tập đoàn ở Áo, Anh, Thụy Điển và Phần Lan cũng đạt được điều tương tự. Theo kết quả điều tra của Hiệp hội trường đại học châu Âu (EUA) - tổ chức có trụ sở Brussels, công bố vào tháng 4/2018 thì năm 2017, 11% nhóm liên kết ở châu Âu đã ký kết các thỏa thuận tính phí truy cập mở, tuy nhiên còn tới 63% nhóm liên minh mới dự kiến sẽ thực hiện điều đó trong tương lai.

Vào ngày 2/5/2018 tại Berlin, các nhà đàm phán từ nhiều quốc gia châu Âu đã đồng ý sắp xếp chiến lược thương lượng tại một cuộc họp kín có sự tham gia của điều phối viên đặc biệt về truy cập mở của EU, Robert-Jan Smits. Theo Gerard Meijer, một trong những nhà đám phán Đức thì các nhóm liên minh đã “nản lòng” bởi không có tiến bộ trong đối thoại và cảm thấy những giới hạn trong cộng tác giữa viện nghiên cứu và các nhà xuất bản lớn. “Bây giờ chúng ta phải cùng hành động, mạnh dạn thoát khỏi các đàm phán nếu nó không đi đến đâu cả”, ông nói.

Cuộc họp này là một phần trong chuỗi các sự kiện mà các nhà đàm phán thay đổi chiến thuật. “Ngày càng có nhiều người muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình”, Matthijs van Otegem, giám đốc Thư viện trường Đại học Erasmus ở Rotterdam, và là chủ tịch của nhóm liên kết về truy cập mở tại Hiệp hội các thư viện nghiên cứu châu Âu (LIBER) ở Hague, Hà Lan.

Vào tháng 9/2018, LIBER đã công bố một loạt nguyên tắc hướng dẫn các nhà đàm phán tìm cách thay đổi các thỏa thuận của họ với các nhà xuất bản, bao gồm việc khép lại những thỏa thuận không được phép tiết lộ mà các nhà xuất bản vẫn thường “đương nhiên” nêu trong hợp đồng (nó giúp các nhà đàm phán so sánh các thỏa thuận ở những quốc gia khác nhau), hay việc không đồng ý tăng giá mà không có thỏa thuận về truy cập mở. EUA cũng kịp thời mở một phiên họp quốc tế sau khi nghe được những lo ngại trong quá trình thúc đẩy những thỏa thuận mới, theo lời Lidia Borrell-Damian – giám đốc nghiên cứu của Hiệp hội.

Yếu tố quan trọng đằng sau hoạt động thúc đẩy thỏa thuận với các nhà xuất bản ở châu Âu là mục tiêu của EU: đến năm 2020, tất cả các nghiên cứu sẽ được truy cập miễn phí ngay sau khi chúng được xuất bản. Các nhà đàm phán Hà Lan đã được giao nhiệm vụ môi giới cho một thỏa thuận với giới xuất bản có thể đáp ứng tầm nhìn này. Còn tại Thụy Điển, các nhà đàm phán đã tự đặt mục tiêu cho truy cập mở hoàn toàn các nghiên cứu vào năm 2026, và Thụy Sĩ dự kiến ​​là năm 2024.

Thế giới cũng đang nỗ lực đấu tranh cho truy cập mở ngoài phạm vi châu Âu: tháng trước, các nhà đàm phán Đức đã tới Hàn Quốc để thảo luận với các tập đoàn tại đây và đại diện của hệ thống trường đại học California tới dự phiên họp kín ở Berlin. OA2020 - một liên minh toàn cầu được điều phối từ Đức, đã thu hút sự tham gia đăng ký của hơn 100 tổ chức học thuật trên khắp thế giới cho thấy họ muốn chuyển kinh phí từ phí thuê bao xuất bản sang trả cho truy cập mở. 

Thỏa thuận hay không thỏa thuận

Tình trạng này ở Đức đã chứng tỏ rằng “không thỏa thuận” là một sự lựa chọn, van Otegem cho biết. Kể từ năm 2016, một liên minh trường đại học đã từ chối hợp tác trong một thỏa thuận với nhà xuất bản Elsevier. Bất chấp tình trạng này, nhà xuất bản đã không ngăn các học giả Đức truy cập vào các bài báo của họ - cho thấy các trường đại học không cần phải e ngại sự phẫn nộ của các nhà nghiên cứu nếu các đàm phán thất bại. Kể từ đó, nhóm khác cũng loan báo “không thỏa thuận” với các nhà xuất bản.

Những tranh chấp hợp đồng

Ít nhất bốn nhóm châu Âu, đại diện cho các thư viện và các trường đại học, cho biết họ đã thất bại trong thỏa thuận các hợp đồng với giới xuất bản hàn lâm để tính phí thuê bao. Các thỏa thuận này bao gồm các yếu tố truy cập mở đã được môi giới với một số nhà xuất bản của Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Anh và Phần Lan.

Một nguyên nhân khiến các thư viện không còn quá e ngại một cái kết cho hợp đồng của họ với các nhà xuất bản là ngày càng nhiều những bài báo vốn phải đóng phí để đọc nay đã có thể truy cập miễn phí theo nhiều phiên bản như bản in hoặc bản gốc do tác giả cung cấp, Heather Joseph – giám đốc điều hành Liên minh Các nguồn lực nghiên cứu và xuất bản học thuật (SPARC), một nhóm tư vấn ở Washington DC nói. Sci-Hub, một trang web không hợp pháp dẫn đầy đủ bản sao các bài báo và được các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới sử dụng, là một thực tế, Joseph Esposito – một cố vấn xuất bản ở  New York nhận xét. Anh cho biết thêm: “Không có Sci-Hub, các nhà nghiên cứu có thể sẽ kêu trời trong các thư viện vì không thể truy cập được các bài báo. Ảnh hưởng của Sci-Hub lớn đến nỗi ngay cả các cơ quan chính phủ cũng không thể làm gì được nó”.

Chi phí là một điểm gắn bó chính của “cuộc chiến” này. Một phát ngôn viên của Hội Hóa học hoàng gia Anh cho biết, tranh chấp hiện tại của nó với VSNU là một phần của việc đạt tới “một thỏa thuận để quá trình chuyển đổi sang truy cập mở bền vững” (Khi Nature liên hệ, các nhà xuất bản khác đã từ chối bình luận một cách chi tiết về các đàm phán).

Các nhóm liên minh thường không muốn thảo luận về việc liệu khi có hiệu lực, các hợp đồng “đọc và xuất bản” có trở nên tốn kém hơn không nhưng một số nhóm cho biết họ không muốn thỏa thuận bất kỳ hợp đồng đòi hỏi sự gia tăng chi phí nào. Tại Mỹ, nơi truy cập mở ít bị các động lực chính trị thúc đẩy hơn châu Âu, các thư viện đang cố gắng tiết kiệm tiền bằng việc hủy các hợp đồng “giá trị lớn” – toàn diện nhưng đắt đỏ, các hợp đồng cho phép truy cập một số lượng lớn tạp chí khoa học – một kiểu riêng để truy cập các tạp chí mà các cơ quan nghiên cứu của họ vẫn thường sử dụng nhất. Trước đây người ta từng áp dụng theo cách này và hiện tại thì tần suất ngày càng tăng lên.

Theo quan điểm của Steven Inchcoombe – giám đốc nhà xuất bản Springer Nature, một số thỏa thuận kết hợp cả chi phí đọc và xuất bản đã được môi giới ở Bắc Âu với sự ủng hộ truy cập mở mạnh mẽ từ các quỹ, các viện nghiên cứu và các chính phủ, nhưng trừ phi có nhiều tiền trả cho các thỏa thuận như vậy, chúng không thích hợp để trở nên phổ biến trong tương lai.

Nếu tình trạng này tiếp tục, Becking của VSNU cho rằng các nhà đàm phán có thể kết thúc các giao dịch nhưng có thể ngưng thương lượng với các nhà xuất bản riêng biệt. trong trường hợp này, các trường đại học có thể khuyến khích các nhà nghiên cứu phổ biến nghiên cứu của họ trên các nền tảng thay thế.

Anh Vũ dịch từ https://www.nature.com/articles/d41586-018-05191-0

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 12.7.2018.

Không chỉ là sự thay đổi phong cách phát triển từ nghệ thuật Siêu thực thập niên 40 - 50 của thế kỷ XX, các tác phẩm của Dali dường như còn dự báo về một cuộc cách mạng mới trong hội họa: Nghệ thuật song hành với khoa học. Tác phẩm Crucifixion vẽ năm 1954 nổi tiếng nhất cho những nghiên cứu khởi đầu của Dali giai đoạn này.

Crucifixion, sơn dầu của Dali, kích thước 194,3 x 123,8cm, đang lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Đóng đinh trên thập giá là một chủ đề tôn giáo phổ biến trong nghệ thuật phương Tây nhiều thế kỷ. Chỉ từ cuối thế kỷ XIX khi vai trò của nhà thờ bắt đầu suy giảm, những tác phẩm tranh tôn giáo như thế ít được đặt hàng hơn. Dẫu vậy, đề tài này vẫn trở đi trở lại trong các sáng tác hiện đại và đương đại nhưng với lý tưởng hoàn toàn khác. Ở bức tranh này của Dali cũng vậy. Một không gian hiện đại được mở ra, Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập giá dường như lơ lửng giữa không trung. Phía xa là vịnh cảng Lligat ở Catalonia, Tây Ban Nha. Nền gạch của những ô bàn cờ đen trắng phía dưới chân và Đức bà Magdalene đang đứng cầu nguyện.

Dường như không có gì đặc biệt khi người ta đã quá quen với tư duy Siêu thực của Dali trong việc tạo dựng các hình ảnh đầy chất hư cấu trong một không gian dẫu thấu thị mà vẫn hết sức hư cấu. Tuy nhiên, so với phần lớn những tác phẩm sáng tác trước đó thì bức tranh này đã trở thành biểu tượng khởi đầu cho lý thuyết “hạt nhân thần bí” do Dali khởi xướng năm 1951. Ông tuyên bố, nghệ thuật hiện đại phải là sự kết hợp của những lý tưởng Công giáo, toán học và khoa học. Do đó Crucifixion (Đóng đinh câu rút) đã hướng tới chủ nghĩa cổ điển rất rõ ràng. Hình tượng Jesus đã được vẽ ra như một mẫu mực về hình họa, tỷ lệ, hướng nhìn cũng như ánh sáng một chiều. Quan sát kỹ hơn, người ta còn có thể thấy cả những mạch máu, gân tay cũng như đầu gối, bắp chân đầy chuẩn mực như bậc thầy Phục hưng Michelange cách đấy 4 thế kỷ từng đạt đến. Chỉ có điểm khác biệt duy nhất, đồng thời cũng là điểm mấu chốt của tác phẩm này so với phần lớn các tác phẩm cùng chủ đề đóng đinh trên thập giá thông thường, là khối lập phương đa diện. Cũng có thể xem khối chữ thập đó giống như một Tesseract trong toán học hình học, biến đổi và chuyển động qua các diện. Ở đây chính sự nhân lên của các khối vuông mà kiến tạo nên nền cảnh cho chữ thập. Có lẽ vậy mà cái tên ban đầu của bức tranh là Corpus Hypercubus (Thể chuyển động khối).

Có quá nhiều ngữ nghĩa được thể hiện trong hình tượng mà thoạt nhìn người ta chỉ thấy tinh thần tôn giáo hiện đại. Dali cho rằng việc ông sử dụng khối lập thể như vậy là sự đồng nhất hóa giữa bản chất siêu việt của Thiên Chúa và khoa học. Và không gian không điểm tựa của hình tượng giữa bao la trời đất càng như tôn vinh tinh thần cao cả của người. Dường như không hề tĩnh lặng, khối hình chữ thập đã để lại dấu ấn riêng trên những ô bàn cờ bên dưới, khiến cho người xem mường tượng như có sự vút lên với kỹ xảo tạo ra đường chân trời thấp ở phía quá xa.

Khuôn mặt Jesus dường như ngoảnh đi hoàn toàn. Mũ gai của người cũng không được mô tả. Những vết máu thường thấy trên ngực, chân và tay cũng bị giản lược để tạo nên vẻ đẹp có phần lạnh lùng. Nó được liên tưởng tới tâm trạng hậu chiến ở một thái cực khác. Đó là sự cô độc đến rợn ngợp mà hình tượng Magdalene nhỏ bé đứng dưới chân đức chúa Trời là một thị hiện về sự lạc lõng đó. Magdalene được lấy nguyên mẫu từ vợ ông là Gala - cũng là một biểu tượng siêu thực được ông tạo dựng trong suốt nửa đầu thế kỷ XX, đến tác phẩm này, hình ảnh đó vẫn tồn tại nhưng lại mang nhiều ngữ nghĩa hơn về sự đoạn tuyệt với Siêu thực. Ông muốn thiết lập nên xu hướng hoàn toàn mới mà ông cho rằng đó là con đường tất yếu của nghệ thuật. Hạt nhân, nguyên tử sẽ làm “nổ tung” nghệ thuật để bắt nó đi theo con đường khác của khoa học. Và quả vậy, nghệ thuật sau Dali, các nghệ sĩ đã tiến những bước rất dài trong việc đưa khoa học vào nghệ thuật.

Trang Thanh Hiền

Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân, ngày 14.12.2015.

Ở Ba Tri, Bến Tre có hai khu di tích xếp hạng quốc gia là khu di tích Nguyễn Đình Chiểu và Võ Trường Toản, nơi thờ hai danh nhân tiêu biểu cho đạo học Nam Bộ, nhưng cả hai đều vắng vẻ, sơ sài, thiếu nội dung học thuật.

Đoàn các nhà nghiên cứu đến thăm khu di tích Nguyễn Đình Chiểu - Ảnh: Đ.L.G.

Tôi từng đến thăm di tích Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản ở Ba Tri nhiều lần, nhưng vừa rồi đi cùng với một nhóm học giả Việt Nam và nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc) thăm các di tích ấy, nghe họ thắc mắc mà không khỏi chạnh lòng.

Nam Bộ từng sinh ra Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, hai niềm tự hào về giáo dục của vùng đất này với cả nước và thế giới. Thế mà di sản của các cụ lại không được phát huy, và buồn thay đến nay đồng bằng sông Cửu Long bị mang tiếng là “vùng trũng” của giáo dục!

Thiếu vắng "phần hồn"

Đền thờ Nguyễn Đình Chiểu được đầu tư đồ sộ, nhưng bên trong nhà trưng bày, ngoài tượng bán thân cụ Đồ, bàn thờ, hình ảnh, bút tích của các vị lãnh đạo đến thăm, hầu như chẳng có gì khác nữa. 

Không sách vở, tư liệu để nghiên cứu, học tập, không có hoạt động học thuật nào diễn ra thường kỳ ở đây, không có kỷ vật, quà lưu niệm để bán cho du khách. 

Cơ sở to lớn, khang trang nhưng hầu như không tận dụng vào việc gì. Bình thường khu di tích rất ít khách đến tham quan hay tìm tư liệu nghiên cứu, học tập. Có lẽ hằng năm chỉ vào dịp giỗ chạp mới có hoạt động bề nổi nào đấy.

Đền thờ Võ Trường Toản còn đìu hiu hơn nữa. Từ năm 1998 khi được công nhận là di tích văn hóa quốc gia, khu đền thờ, mộ phần này được tu sửa, xây cất một lần rồi thôi, không tu bổ gì thêm đáng kể nữa. 

Trong nhà thờ, bàn thờ sơ sài, chỉ có mỗi tượng Võ Trường Toản ngồi, không khám thờ, không hoành phi câu đối, không có đủ đồ thờ như nó phải có. Không bài vị học trò - những học trò lừng lẫy của cụ tạo nên học phong Nam Bộ: Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, ông Chiêu, ông Trúc, hay cả các học trò tinh thần của cụ: Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông...

Ở ngoài sân, có tấm bia mộ Võ Trường Toản do Phan Thanh Giản viết. Tấm bia ghi lại cuộc đời, sự nghiệp của Võ Trưởng Toản và đánh giá về tư tưởng giáo dục, học thuật của ông - một nhà tư tưởng, một nhà giáo dục lừng lẫy nhất xứ Nam Kỳ lục tỉnh. 

Đây là một trong vài tấm bia quý nhất ở Nam Bộ, thế mà hàng trăm năm nay vẫn dãi dầu mưa nắng, ngay cả khi xây dựng khu tưởng niệm, nó vẫn không có được một cái nhà bia để bảo quản, đến nay đá đã nứt, chữ đã mờ.

 

Bia Võ Trường Toản dãi dầu mưa nắng

Danh tiếng Nguyễn Đình Chiểu vang xa thế giới với bản dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp từ cuối thế kỷ XIX, dịch ra tiếng Nhật vào thập niên 1980 và một số tiếng khác nữa. Nguyễn Đình Chiểu là người đã nêu cao đạo vì nghĩa, vì nước, là tấm gương của đạo học Nam Bộ. Võ Trường Toản là nhà giáo dục lớn, người được coi như ông thầy chung của sĩ dân Nam Bộ, là người khơi nguồn cho học phong Nam Bộ - một học phong trọng đạo nghĩa, trọng thực tiễn, và học vì đời như giới nghiên cứu từng tổng kết.

Để di tích được sống

Thiết nghĩ cần phải làm mới lại, làm sống lại các di tích ngõ hầu chấn hưng giáo dục, tri ân người xưa. 

Theo tôi, Ban quản lý di tích kết hợp với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Bến Tre thành lập một ban vận động ủng hộ tư liệu và trùng tu di tích Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản (nếu có, bản thân tôi sẽ tham gia và ủng hộ tích cực). Ban này hoạt động trong thời gian dài với mục đích:

- Vận động các nhà xuất bản, các nhà nghiên cứu, các trường đại học, viện nghiên cứu ủng hộ các tư liệu có liên quan đến Nguyễn Đình Chiểu và Võ Trường Toản, gồm các tư liệu Hán Nôm, các tư liệu cổ, các công trình nghiên cứu, các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, các bài viết trên báo chí về hai tác giả trên, cũng như về văn, sử trung, cận đại Nam Bộ. Từ đó thành lập thư viện về Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản ở hai di tích này.

- Quyên góp kinh phí từ các nhà hảo tâm để tu bổ đền thờ, đặt hàng một số nhà Hán Nôm học sáng tác hoành phi, câu đối. Đối với đền thờ Võ Trường Toản cần bổ sung ngay khám thờ, đồ thờ, bàn thờ, bài vị thờ các học trò trực tiếp và học trò tinh thần của ông. Nên khắc nguyên văn bài Hiếu trung hoài cổ phú, tác phẩm tiêu biểu nhất của ông, đặt trong đền thờ.

- Khuyến khích các hoạt động học thuật, nghiên cứu, tọa đàm, hội thảo, sáng tác văn học nghệ thuật, câu lạc bộ Hán Nôm, câu lạc bộ đọc sách ở các cơ sở đó. Dành một phần diện tích cho học sinh, sinh viên địa phương đến đó để học tập.

- In các bản phục chế Hán Nôm quý, các bản in đẹp các tác phẩm của hai tác giả này, bán sách vở, các kỷ vật đề cao sự học, đề cao sự nghiệp của hai tác giả này cho du khách.

- Làm ngay nhà bia để gìn giữ bia Võ Trường Toản.

Cần học tập cách làm của các khu di tích danh nhân: gần thì khu lưu niệm Sơn Nam ở Tiền Giang, Trần Tuấn Khải ở TP.HCM, xa hơn thì khu lưu niệm Nguyễn Du ở Hà Tĩnh, Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội, ra nước ngoài thì miếu Khổng Tử ở Khúc Phụ, miếu Mạnh Tử ở Trâu huyện (Trung Quốc), nhà lưu niệm nhà thơ haiku Basho ở Nhật Bản... 

Tất cả các nơi đó khách tham quan, học tập, nghiên cứu đến tấp nập, tinh hoa giá trị của tiền nhân được tiếp thu và phát huy ở hậu thế.

Nguồn: https://tuoitre.vn/diu-hiu-di-tich-nguyen-dinh-chieu-va-vo-truong-toan-20180702110208446.htm

PGS.TS.Nohira Munehiro

Cái hại của học thuật tay ngang

(Lời phi lộ cho bài “Một giả thiết khác về hành trình đi sứ của Nguyễn Du năm 1813 - 1814” của TS.Nohira Munehiro)

Gần đây có loạt bài viết của tác giả tên là Phạm Trọng Chánh về việc Nguyễn Du từng đi Trung Quốc trước chuyến đi sứ 1813-1814. Ông ấy cho rằng Nguyễn Du đã "vân du" đến nhiều nơi khác ngoài con đường đi sứ ra. Ông nói khơi khơi vậy, cứ làm như ngày xưa muốn đi thì đi dễ dàng. Cụ Nguyễn không thèm biết tiếng Hoa, đường đi Trung Quốc xa xôi dặm thẳm, tiền không có, mà chẳng có "công ty du lịch" nào biết đến cụ để đưa cụ đi chơi miễn phí, thế thì cụ đi làm sao? Câu chuyện hoang đường ấy của Phạm Trọng Chánh thế mà được khối người tin, nhất là nghiên cứu sinh, học viên cao học. Có cả tờ báo giấy, báo mạng đăng nữa, làm cái hại càng thêm hại. Tìm thông tin tác giả Phạm Trọng Chánh trên mạng, tôi thấy ông ấy chẳng liên quan gì đến nghề nghiên cứu văn sử, ông làm nghề khác, có lẽ giờ về hưu đâm rảnh rỗi, nghiên cứu tay ngang. Văn bản Bắc hành tạp lục ông không tìm hiểu kỹ, hàng mấy chục luận văn, luận án, bài nghiên cứu của học giới Trung Quốc về con đường đi sứ của sứ bộ Việt Nam ông không tham khảo. Chữ Nôm chữ Hán ông không rành, không biết ông có tự học không và tự học tới cỡ nào mà nói toàn chuyện động trời. Tôi đang lo các nhà xuất bản thích sách giật gân sẽ in sách của ông thì cái hại còn nhân lên ghê gớm và cơ hồ không xoá được nữa (tương tự như câu chuyện hão về Quang Trung mặt choắt 80 tuổi đích thân vào chầu Càn Long mà có ông nào đấy tung lên hôm trước, được một NXB bập vào, in hàng chục đầu sách).

Để chứng minh con đường đi sứ Trung Quốc của Nguyễn Du không giống như cố học giả Đào Duy Anh nói, một nhà nghiên cứu người Nhật: PGS.TS. Nohira Munehiro, từng làm việc lâu năm ở Trung Quốc, đã phải tham bác bao sách địa chí, tra cứu bao bản đồ. Và kết quả nghiên cứu của anh thật bất ngờ: Nguyễn Du không hề đến mộ Nhạc Phi ở Hàng Châu, và con đường đi sứ của Nguyễn Du khá khác với con đường mà các học giả Việt Nam hình dung.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết của anh ở đây, cũng là nhắc nhở các nhà nghiên cứu tay ngang, các nhà báo, nhà xuất bản tay ngang thích giật gân, in tạp!

 

(Facebook Đoàn Lê Giang)

1. Nguyễn Du có tạt xuống Lâm An hay không?

Khi nghĩ về cuộc hành trình của sứ bộ Nguyễn Du vào năm 1813-1814 và sắp xếp lại các bài thơtrongBắc hành tạp lụctheo hành trình đi sứ, theo chúng tôi, vấn đề lớn nhất là: Nguyễn Du có tạt xuống Lâm An (Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang hiện nay) hay không, bởi việc Nguyễn Du có ghé qua Lâm An hay không sẽ ảnh hưởng đến sự suy đoán các địa điểm Nguyễn Du làm thơ.Khi soạn lại tập thơ ấy, Đào Duy Anh và Mai Quốc Liên đềuđoán rằng Nguyễn Du đến Lâm An. Nhưng ở đây, chúng tôi đặt vấn đề: sự suy đoán ấy có đúng không?

Trong bài “Giới thiệu một số tư liệu về Nguyễn Du mới sưu tầm được ở Trung Quốc” đăng trên Tạp chí Văn học số 11, năm 1964, Nguyễn Văn Hoàn giới thiệu nội dung tờ bẩm của sứ bộ Nguyễn Du gửi vua nhà Nguyễn tâu trình về công việc của sứ bộ. Xem nội dung ấy, chúng ta xác nhận được rằng khi về nước, Nguyễn Du đi qua các tỉnh Sơn Đông, An Huy, Hồ Bắc và Quảng Tây, chứ không nói là ghé qua Lâm An[1]. Trong khi đó, Nguyễn Văn Hoàn lại nói rằng “một số bài thơ chứng tỏ rằng Nguyễn Du có đến Hàng-châu”. Một trong “một số bài thơ” ấy chắc là bài “Nhạc Vũ Mục huỳnh” tức là Mộ Nhạc Vũ Mục, Mộ Nhạc Phi.

Bây giờ chúng ta hãy xem bản chép tay Bắc hành tạp lục, ký hiệu A.1494 bảo tồn ở Viện nghiên cứu Hán Nôm. Trong phần “Lời giới thiệu” của sách Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Trương Chính khẳng định rằng cách sắp xếp các bài trong bản chép tay này đã ổn[2]. Chúng tôi cũng đồng ý với nhận xét này, nhưng theo chúng tôi, nói chính xác hơn thì các bài thơ trên đường đi Bắc Kinh khá ổn, song các bài thơ làm khi về nước thì bị mất trật tự sắp xếp. Theo đó, xem thử bài “Nhạc Vũ Mục huỳnh” nằm ở đâu, nằm giữa những bài nào trong bản chép tay A.1494 thì có thể trình bày như bảng dưới đây:

 
Số thứ tự các bài theo bản chép tay A.1494

北行雑録
BẮC HÀNH TẠP LỤC

bản chép tay A.1494

Nơi viết (suy đoán)

62 比干墓
TỈ CAN MỘ
河南, 衛輝府 
phủ Vệ Huy, Hà Nam
63 阻兵行
TRỞ BINH HÀNH
河南 
Hà Nam
64 嵇侍中祠
KÊ THỊ TRUNG TỪ
河南, 湯隂縣
huyện Thang Âm, Hà Nam
65 岳武穆塋
NHẠC VŨ MỤC HUỲNH
 
66 秦檜像
TẦN CỐI TƯỢNG
 
67 王氏像
VƯƠNG THỊ TƯỢNG
 
68 銅雀臺
ĐỒNG TƯỚC ĐÀI
河北, 鄴
Nghiệp, Hà Bắc
69 七十二疑冢
THẤT THẬP NHỊ NGHI TRỦNG
河北,  鄴錦城
thành Nghiệp Cẩm, Hà Bắc

Dựa vào thứ tự các bài trong bản chép tay này, chúng ta xác nhận được rằng bài “Nhạc Vũ Mục huỳnh” (và các bài “Tần Cối tượng”, “Vương thị tượng”) nằm giữa những bài viết ở miền bắc Hà Nam và những bài viết ở miền nam Hà Bắc, trên đường đi Bắc Kinh, chứ không phải trên đường về như Đào Duy Anh đã suy đoán. Nếu theo dõi cuộc hành trình đi sứ của Nguyễn Du thì chúng tôi có thể đoán rằng mộ của Nhạc Phi ở Hà Nam hoặc Hà Bắc, và Nguyễn Du ghé qua mộ ấy trên đường đi Bắc Kinh.

Sách Minh nhất thống chí, địa chí Trung Quốc, xác nhậnrằng ở Thang Âm, tỉnh Hà Nam, tức là nơi sinh của Nhạc Phi, có ngôi miếu của Nhạc Phi: 「岳飛廟 在湯隂縣治西南飛宋將本朝建賜額精忠勅有司春秋致祭」(『明一統志』巻二十八)[3].Nơi đấy cũng gần ngôi miếu của Kê Thị Trung(「嵇紹廟 在湯隂縣西南」(『明一統志』巻二十八)、「嵇紹墓 在湯隂縣境内」), gần chỗ mà Nguyễn Du viết bài thơ “Kê Thị Trung từ”đặt trước bài “Nhạc Vũ Mục huỳnh”trong bản chép taynày.

Tôi chưa bao giờ đếnđó,nhưng trên mạng Internet có những trang giới thiệu miếu Nhạc Phi ở Thang Âm, tỉnh Hà Nam và cũng xác nhận rằngở miếu đó có tượng Tần Cối và tượng Vương thị[4]. Có điều, chỗ ấy là ngôi miếu chứ không phải là ngôi mộ. Nhưng điều quan trọng là Nguyễn Du coi ngôi miếu ấy là ngôi mộ của Nhạc Phi. Việc miếu ấy có phải là mộ thật sự của Nhạc Phi hay không, ở đây không quan trọng.

Hơn nữa, khi xem kĩ nội dung bài thơ, chúng tôi có thể khẳng định rằng chính lúc ở cách xa Lâm An, Nguyễn Du mới viết được bài này. Ở cuối bài “Nhạc Vũ Mục huỳnh” có câu: “悵望臨安舊陵廟” (Trướng vọng Lâm An cựu lăng miếu - Buồn trông về lăng miếu cũ ở Lâm An). Ở đây, chúng ta hãy chú ý đến 2 chữ “trướng vọng 悵望”. Ở phần chú thích bài ấy, Lê Thước và Trương Chính viết rằng: “Có người dựa vào câu bảy: ‘Trướng vọng Lâm An cựu lăng miếu’ mà nói Nguyễn Du không đi đến Lâm An. Đứng xa nhìn nên mới nói ‘vọng’”[5]. Chúng tôi cũng hoàn toàn đồng ý với chú thích này. Ở ngay Lâm An thì không thể nói “trướng vọng Lâm An” được, không tự nhiên. Chữ Hán “vọng” có nghĩa: từ xa mà nhìn, nên có lẽ phải ở cách xa Lâm An, theo bài thơ này thì là ở Hà Nam, tác giả mới nói là “trướng vọng Lâm An” được.

Như vậy, chúng tôi tạm kết luận rằng Nguyễn Du viết bài “Nhạc Vũ Mục huỳnh” ở Hà Nam chứ không ở Lâm An. Cũng có thể suy đoán rằng hai bài thơ “Tần Cối tượng” và “Vương thị tượng” được Nguyễn Du viết tại miếu Nhạc Phi ở Hà Nam.

2. Xem xét lại một số địa điểm Nguyễn Du làm thơ trên đường về

Nếu giả thuyết nói trên của chúng tôi đúng thì các nơi Đào Duy Anh và Mai Quốc Liên đã suy đoán cũng phải xem xét lại, bởi vì ngoài bài “Nhạc Vũ Mục huỳnh”, hai giáo sư còn cho rằng một số bài thơ khác được Nguyễn Du viết ở Lâm An, hoặc những nơi gần Lâm An, nhưng theo giả thuyết của chúng tôi thì Nguyễn Du không đến Lâm An. Vì hạn chế nên chúng tôi chỉ xem xét lại địa điểm viết các bài: “Chu Lang mộ”, “Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài” và “Tổ Sơn đạo trung”.

2.1. Mộ Chu Lang

Đào Duy Anh nghĩ rằng mộ Chu Lang ở Nam Kinh[6]. Nhưng xem sách địa chí Trung Quốc thì có 2 địa điểm mộ Chu Lang ở tỉnh An Huy:

1) Tại huyện Lư Giang, phủ Lư Châu (tỉnh An Huy):「周瑜墓 在廬江縣東一十里安豐郷瑜三國時呉將又見安慶府」(『明一統志』巻十四). 

2) Tại huyện Túc Tòng, phủ An Khánh (tỉnh An Huy):「周瑜墓 在宿松縣北三十五里」(『明一統志』巻十四). 

2.2. Núi [Ngũ] Tổ Sơn

Đào Duy Anh cho rằng Tổ Sơn ở tỉnh Chiết Giang[7]. Nhưng khi xem kỹ bản chép tay A.1494, chúng tôi nhận thấy bản chép tay ghi tên bài thơ là “Ngũ Tổ Sơn đạo trung” chứ không phải là “Tổ Sơn đạo trung”. Núi Tổ Sơn nằm ở phía bắc Hàng Châu như Đào Duy Anh viết, nhưng núi Ngũ Tổ Sơn lại nằm ở nơi khác, đó là huyện Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc: 「五祖山 在黄梅縣東北三十里」(『明一統志』巻六十一).

2.3. Thạch đài của Chiêu Minh Thái tử

Đào Duy Anh suy đoán thạch đài nằm ở hoặc giữa Nam Kinh và Hàng Châu. Nhưng theo sách địa chí Trung Quốc thì ngoài Lâm An, ở huyện Túc Tòng, tỉnh An Huy cũng có một địa điểm được tương truyền là thạch đài:

「分經臺在宿松縣北五十里有石高百餘丈梁昭明太子金剛經於此宋嘉泰間建法華亭」(『江南通志』巻三十四). 「法華寺〔宿松〕縣五十里北全舉禪師道塲有昭明太子分經臺」(『江南通志』巻四十七)「分經臺在宿松縣北五十里有石臺相傳梁昭明太子嘗於此金剛經為三十二分」(『大清一統志』巻七十六).

Có thể tóm tắt các địa điểm Nguyễn Du đến để làm 3 bài thơ trên như sau: Sau khi qua tỉnh Sơn Đông, chắc Nguyễn Du chỉ đi qua miền Bắc tỉnh Giang Tô như Từ Châu thôi, sau đó đi vào tỉnh An Huy như tờ bẩm và viết 2 bài “Chu Lang mộ và “Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài”, sau đó đi vào tỉnh Hồ Bắc, viết bài “Ngũ Tổ Sơn đạo trung”, chứ không đi xuống Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, hay Lâm An, tỉnh Chiết Giang.

3. Xem xét lại một số địa điểm khác

Ngoài 3 địa điểm vừa bàn ra, cũng có một số địa điểm hình như chưa chính xác, nên chúng tôi muốn xem xét lại ở đây.

3.1. “Vinh Khải Kỳ thập tuệ xứ” (nơi Vinh Khải Kỳ mót lúa)

Lê Thước, Trương Chính và Mai Quốc Liên cho rằng núi Đông Sơn được nhắc đến trong bài “Vinh Khải Kỳ thập tuệ xứ” nằm ở Chiết Giang[8]. Tuy nhiên, chúng tôi đoán núi Đông Sơn được nói tới trong bài thơ này là núi Thái Sơn hoặc núi Đông Mộng Sơn ở tỉnh Sơn Đông, vì câu chuyện giữa Khổng Tử và Vinh Khải Kỳ diễn ra ở tỉnh Sơn Đông nên như vậy sẽ hợp lý hơn.

3.2. “Tây Hà dịch” (Trạm Tây Hà)

Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn xem xét lại trạm Tây Hà ở đâu, bởi vì trong 2 bài thơ “Tây Hà dịch” và “Sở kiến hành”, Nguyễn Du có nhắc đến địa điểm Tây Hà, nhưng việc nó nằm ở đâu vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Đào Duy Anh viết rằng “Tây Hà: không rõ trạm ở chỗ nào. Có lẽ là trên đường An Huy đi Hồ Bắc”[9]. Lê Thước, Trương Chính và Mai Quốc Liên nghĩ “Tây Hà ở tỉnh Sơn Tây[10]”, tuy nhiên, nếu đối chiếu với cuộc hành trình của Nguyễn Du thì thấy nơi ấy không hợp lý. Sách địa lý Trung Quốc cho biết trạm Tây Hà nằm ở Kỳ Châu (蘄州):

「西河驛 在蘄州北五十里」(『大清一統志』巻二百六十四)

Chỗ ấy cũng gần Quảng Tế mà Nguyễn Du đã nói đến trong bài thơ “Quảng Tế ký thắng”. Cho nên, chúng tôi đồng ý với Đào Duy Anh và có thể đoán rằng trạm Tây Hà nằm ở Kỳ Châu, miền Nam Hồ Bắc.

4. Tạm kết

Chúng tôi đã xem xét lại một số địa điểm mà Nguyễn Du làm thơ trên đường đi sứ về. Dĩ nhiên, điều quan trọng nhất là nội dung các bài thơ mà Nguyễn Du để lại cho thế hệ sau. Ví dụ, đọc bài “Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài”, bản thân tôi rất xúc động và kinh ngạc trước tư tưởng sâu sắc của Nguyễn Du. Nhưng trước khi tìm hiểu nội dung, chúng ta cũng cần nghiên cứu thêm về phần cơ sở một cách khách quan, một cách khoa học một lần nữa, cần phải đối chiếu lại với sách địa chí Trung Quốc một lần nữa, ít nhất cá nhân tôi nghĩ như vậy. Bởi vì việc suy đoán Nguyễn Du làm thơ ở đâu sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cách giải thích thơ như chúng tôi đã bàn về bài “Nhạc Vũ Mục huỳnh”. Ngoài ra, giả thuyết của chúng tôi có lẽ sẽ đóng góp một phần nào đó để bác bỏ giả thuyết quá nhiều tưởng tượng[11].

Chúng tôi đã lập luận giả thuyết của mình căn cứ vào 2 tài liệu chính: (1) bản chép tay Bắc hành tạp lục A.1494, (2) tờ bẩm của sứ bộ Nguyễn Du được giới thiệu trong bài “Giới thiệu một số tư liệu về Nguyễn Du mới sưu tầm được ở Trung Quốc” của Nguyễn Văn Hoàn. Chúng tôi phải thú thật rằng nếu 2 tài liệu này có vấn đề gì thì giả thuyết của chúng tôi cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu có bằng chứng chứng minh một cách khách quan rằng Nguyễn Du đã đến Lâm An thì chúng tôi sẵn sàng từ bỏ giả thuyết của mình. Nhưng khi chưa có bằng chứng khách quan nào phản bác lại điều đó thì phải chăng vẫn có quyền bàn luận thêm về giả thuyết của chúng tôi?

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Hoàn. “Giới thiệu một số tư liệu về Nguyễn Du mới sưu tầm được ở Trung Quốc”. Tạp chí Văn học, số 11. 1964.

2. Lê Thước, Trương Chính (biên soạn). Thơ chữ Hán Nguyễn Du. In lại theo bản 1965. Nxb Văn học và Công ty Sách Thời đại. Hà Nội. 2012.

3. Đào Duy Anh (sắp xếp, dịch nghĩa, chú thích). Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nxb Văn học. Hà Nội. 1988.

4. Mai Quốc Liên (biên soạn). Nguyễn Du toàn tập, tập I. Nxb Văn học. 1996.

5. Viện nghiên cứu Văn Sử - Đại học Phúc Đán, Trung Quốc & Viện nghiên cứu Hán Nôm, Việt Nam (hợp biên). Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành, tập 10. Nxb Đại học Phúc Đán. Thượng Hải. 2010.

(中国・復旦大学文史研究院、越南・漢喃研究院(合編)『越南漢文燕行文献集成』(越南所蔵編)第十冊. 復旦大学出版社. 上海. 2010)

6.『文淵閣四庫全書』原文電子版、武漢大学.

(Nguồn: kỷ yếu Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du 250 năm nhìn lại, Viện Văn học, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015, tr.283 - 290) 


*PGS.TS., ĐH Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản


[1]Tờ bẩm chép: “Ngày 22 lại nhận được công văn thay đổi đường đi, theo một dãy các tỉnh Trực-lệ, Sơn-đông, An-Huy, Hồ-bắc mà về Quảng Tây” (Nguyễn Văn Hoàn.“Giới thiệu một số tư liệu về Nguyễn Du mới sưu tầm được ở Trung Quốc”. Tạp chí Văn học, số 11. 1964. Tr.46).

[2]Lê Thước, Trương Chính (biên soạn). Thơ chữ Hán Nguyễn Du. In lại theo bản 1965. Nxb Văn học & Công ty Sách Thời đại. Hà Nội. 2012. Tr.15.

[3]Tôi tra cứu sách địa lý Trung Quốc và trích dẫn nguyên văn, có tham khảo bản điện tử Tứ khố toàn thư 電子版『四庫全書』.

[4]Ví dụ: http://www.keyunzhan.com/knews-99919.

[5]Lê Thước, Trương Chính. Sđd.Tr.308.

[6]Đào Duy Anh (sắp xếp, dịch nghĩa, chú thích). Chú thích 107. Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nxb Văn học. Hà Nội. 1988. Tr.435.

[7]Đào Duy Anh. Chú thích 109. Sđd. Tr.437.

[8]Mai Quốc Liên (biên soạn). Chú thích 3. Nguyễn Du toàn tập (tập I). Nxb Văn học. Hà Nội. 1996. Tr.508.

Lê Thước, Trương Chính. Chú thích 4. Sđd. Tr.367.

[9]Đào Duy Anh. Chú thích 121. Sđd. Tr.440.

[10]Mai Quốc Liên. Chú thích 1. Sđd. Tr.564.

Lê Thước, Trương Chính. Chú thích. Sđd. Tr.381.

[11]Xem Phạm Trọng Chánh. Nguyễn Du, từ Thái Nguyên sang Vân Nam cuối năm 1787. Truy cập tại: http://chimviet.free.fr/vanhoc/phamtrongchanh/PhamTrongChanh_ND_01SangVanNam.html

Được gặp gỡ và làm việc với GS Phan Huy Lê là sự may mắn của nhiều học trò, đồng nghiệp. Ông ra đi để lại khoảng trống không thể lấp đầy với người yêu lịch sử.

GS Phan Huy Lê - một trong "tứ trụ" sử học Việt Nam - vừa qua đời chiều 23/6.

Nhiều nhà khoa học và những người yêu lịch sử đã bày tỏ sự nuối tiếc, đau xót trước sự ra đi của một người thầy, một nhân cách lớn của nền sử học nước nhà.

Bộ Quốc sử còn dang dở

Trong những năm tháng cuối đời, dù sức khỏe thất thường, chuyển biến xấu, GS Phan Huy Lê vẫn cố gắng làm việc với tập thể nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam để hoàn thành bộ Quốc sử 25 tập do ông làm tổng chủ biên.

Đây không chỉ là nhiệm vụ được giao phó, mà còn là tâm nguyện cuối cùng của ông. GS Phan Huy Lê đã ra đi khi tâm nguyện hoàn thành bộ Quốc sử vẫn còn dang dở.

 
Giáo sư Phan Huy Lê (giữa) trong một lần công tác ở TP.HCM vào tháng 4 vừa qua. Ảnh: Trần Trung Hiếu.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, chia sẻ: “Tôi đang đi công tác xa, cũng vừa nhận được tin thầy mất. Quả thực rất buồn, thầy ra đi là sự mất mát rất lớn đối với những học trò như chúng tôi và cả với nền sử học nước nhà”.

Ông Dương Trung Quốc cho hay dù không được GS Phan Huy Lê đào tạo từ đầu như nhiều người khác, ông được thầy chỉ dạy rất nhiều về nghề, cách sống, lối sống trong thời gian công tác ở Hội Sử học.

Lễ viếng và truy điệu GS Phan Huy Lê sẽ được tổ chức hồi 7h30 đến 10h ngày 27/6 (tức ngày 14 tháng 5 năm Mậu Tuất) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ an táng tổ chức tại công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, Hà Nội lúc 13h cùng ngày.

“Thầy đã đóng góp rất nhiều cho nền sử học nước nhà, không chỉ bằng kiến thức chuyên môn hay những tác phẩm để lại. Thầy còn có công đào tạo nhiều người nghiên cứu sử học, trong đó có tôi. Với tôi, GS Phan Huy Lê không chỉ là người thầy lớn, mà còn là nhân cách mẫu mực về tấm lòng yêu nước, nặng nợ với dân tộc”, ông Dương Trung Quốc nói.

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Sử ở Nghệ An - một trong những người có nhiều thời gian gặp gỡ và gần gũi với GS Phan Huy Lê - tâm sự trong công việc khoa học, viết lách và các hội thảo khoa học, thầy Lê luôn tạo nên sự hấp dẫn đến lạ kỳ về phong thái lịch thiệp, cẩn trọng, chỉn chu, rõ ràng, nhẹ nhàng, sâu sắc.

Ngoài đời, thầy có lối sống bình dị, mộc mạc, khiêm nhường, luôn tôn trọng quan điểm, ý kiến góp ý, phản biện khi trò chuyện với đồng nghiệp và các thế hệ học trò.

Lần cuối cùng ông Hiếu được gặp GS Phan Huy Lê là tại hội thảo khoa học quốc gia về 40 năm cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam tháng 4 vừa qua.

“Cùng ngồi với thầy trên ôtô, sau đó là cano đi tham quan rừng Sác - Cần Giờ, tôi không ngờ đó là lần cuối cùng may mắn được gặp thầy”, ông Hiếu nói.

Luôn đau đáu về Trường Sa, Hoàng Sa

Theo lời GS Phạm Hồng Tung, khi đảm nhiệm vai trò tổng chủ biên bộ Quốc sử có 25 tập chính sử và 5 tập biên niên, GS Phan Huy Lê luôn canh cánh việc làm sao đưa được Hoàng Sa, Trường Sa vào sách.

Trước khi mất, ông nhất quyết ra thăm Trường Sa. Biết sức khỏe ông yếu, gia đình và các học trò đều khuyên ngăn nhưng không vượt qua được quyết tâm của ông. Cách đây một tháng, GS Phan Huy Lê đặt chân đến Trường Sa đúng như ước nguyện.

Trở về sau chuyến đi, ông rất vui mừng, sung sướng với tình cảm của các chiến sĩ ngoài đảo. Những ngày đầu từ Trường Sa về, ông không có dấu hiệu mệt mỏi. Vài ngày sau, sức khỏe của giáo sư yếu đi, gia đình đưa đi khám thì phát hiện tim của ông có vấn đề. Ông được điều trị tại bệnh viện cho đến khi mất.

"Rất xúc động khi biết rằng trước khi mất thầy vẫn lo cho công việc chung. Trước khi rơi vào mê man kéo dài 17 ngày rồi ra đi vĩnh viễn, thầy nói chuyện với con gái và bảo 'bố không tắt được máy tính'. Trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, thầy vẫn nghĩ mình đang làm việc", ông Tung kể.

GS Tung cho biết dù rất uyên thâm về lịch sử Việt Nam cổ - trung đại, GS Phan Huy Lê là người hiện đại. Ông dùng máy tính tốt và thích dùng smartphone, luôn yêu cầu học trò cập nhật thông tin trên thế giới. Ông cổ vũ lớp trẻ nói, viết về lịch sử theo cách riêng của họ.

GS Lê có sự dung hòa giữa sự dung dị, gần gũi nhưng vẫn giữ nét tinh hoa, quý tộc. Ông rất thích món bánh khúc dân dã của miền Bắc, thuộc lòng những món ăn quê nhà của 3 miền. Ông cũng tinh thông văn hóa quý tộc của ta và cả các nước trên thế giới.

"Đi Pháp, thầy chỉ chúng tôi uống rượu vang ở đâu và uống như thế nào. Thầy nhắc chúng tôi đi nước ngoài nói vừa phải, đủ nghe thôi, đừng lớn tiếng", GS Tung nói.

Người thầy lớn của nhiều nhà nghiên cứu sử học

Không chỉ là người thầy của những nhà nghiên cứu sử học Việt Nam, học trò của GS Phan Huy Lê còn đến từ nhiều nơi trên thế giới. 

Giáo sư Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho biết một số học trò quốc tế của thầy Lê đã đưa tin thầy mất từ Nhật, sang Pháp đến Mỹ. Dù xa xôi, họ sẽ đến Việt Nam để tiễn thầy đoạn đường cuối cùng.

 
GS Phan Huy Lê trong một lần trả lời phóng vấn báo chí. Ảnh: Quyên Quyên.

Trên trang cá nhân, GS Philippe Papin - trường Cao học Thực hành thuộc ĐH Sorbonne (Pháp) - một học trò của thầy Phan Huy Lê viết: "Với tôi, đây là tổn thất vô cùng to lớn, bởi các bạn đều biết tôi từng gắn bó với thầy biết nhường nào. GS Phan Huy Lê không những là người thầy mẫu mực, tấm gương để noi theo, mà còn là người bạn tôi yêu mến, trân trọng".

Nói về giáo sư Phan Huy Lê, GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cho rằng ông là một trong những nhà nghiên cứu lịch sử xuất sắc của Việt Nam, có uy tín cao trên trường quốc tế.

Ông là một trong "tứ trụ" Lâm, Lê, Tấn, Vượng của sử học Việt Nam.

Có một điều thú vị, dù học và nghiên cứu sử học, GS Phan Huy Lê rất thích toán học, vật lý và con rể của ông cũng chính là GS.TSKH Phạm Thế Long, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam trong nhiều năm.

GS, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê (23/2/1934) là một trong những chuyên gia về lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Khóa II (1990-1995), khóa III (1995-2000), khóa IV (2000-2005, khóa V (2005-2010) và khóa VI (2010-2015), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học năm 2016. 

Ông sinh ra tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh; là hậu duệ cùng họ với thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh.

Cụ thân sinh là tiến sĩ Nho học Phan Huy Tùng, từng làm quan trong triều đình Huế.

Mẹ ông là người dòng họ Cao Xuân giàu truyền thống khoa bảng với các danh nhân như Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy.

Nguồn: https://news.zing.vn/vinh-biet-cay-dai-thu-nganh-su-hoc-phan-huy-le-post854097.html

Một trong những kỳ tích vĩ đại nhất chưa được giải thích trong lịch sử nhân loại đó là triết học văn bản ra đời độc lập từ những nơi khác nhau trên thế giới gần như cùng một lúc. Nguồn gốc của triết học Ấn Độ, Trung Hoa và Hy Lạp cổ đại, cũng như đạo Phật, tất cả đều có thể truy nguyên về một thời kỳ kéo dài khoảng 300 năm, bắt đầu vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên.

20181110 Khong Tu 

Khổng Tử (551-479 Trước Công Nguyên).


Nhưng, với tất cả những truyền thống triết học đa dạng và phong phú trên khắp thế giới, triết học phương Tây mà tôi đã nghiên cứu trong hơn 30 năm – dựa hoàn toàn vào những văn bản kinh điển của phương Tây – được giới thiệu như thứ triết học phổ quát, là sự chất vấn cuối cùng về hiểu biết của nhân loại. Triết học so sánh – nghiên cứu hai hoặc nhiều truyền thống triết học – gần như bị bỏ lại hoàn toàn cho những người làm việc trong ngành nhân học hoặc nghiên cứu văn hóa. Việc những nhà nghiên cứu triết học từ chối quan tâm đến vấn đề này thể hiện quan điểm cho rằng triết học so sánh chỉ có thể giúp chúng ta hiểu các nền văn hóa trí tuệ của Ấn Độ, Trung Hoa hay thế giới Hồi giáo, chứ không phải về thân phận con người. Gần đây và thật muộn, tôi mới khám phá các nền triết học cổ điển vĩ đại ở phần còn lại của thế giới, du hành qua các lục địa để tiếp xúc với chúng. Đó là hành trình tri thức bổ ích nhất cuộc đời tôi.

Hành trình triết học ấy đã thuyết phục tôi rằng chúng ta không thể hiểu bản thân mình nếu không hiểu người khác. Để hiểu người khác đòi hỏi một người phải lường trước được nguy hiểm kép đó là quá đề cao những điểm chung giữa mình và hay quá coi trọng những điểm khác biệt giữa họ và mình. Những giá trị nhân văn và những vấn đề muôn thuở trong đời sống mà loài người cùng chia sẻ khiến chúng ta luôn có thể học hỏi và đồng cảm với những suy nghĩ và việc làm của người khác, bất kể ban đầu họ có thể kỳ dị đến đâu. Đồng thời, chúng ta đều có thể có những khác biệt rất sâu sắc hoặc tinh tế trong cách tư duy. Nếu chúng ta vội giả định rằng mình có thể nhìn mọi thứ từ điểm nhìn của người khác, thì rốt cuộc chúng ta chỉ thấy họ từ một bản tùy biến của chính chúng ta mà thôi.

Du hành khắp các nền triết học của thế giới là một cơ hội để thách thức các niềm tin và cách thức tư duy mà chúng ta vốn có. Bằng cách thu nhận thêm hiểu biết về cách suy nghĩ của người khác, chúng ta có thể trở nên bớt chắc chắn về tri thức mà chúng ta có, vốn luôn là bước đầu tiên để hiểu rộng hơn.

Lấy ví dụ về thời gian. Trên khắp thế giới ngày nay, thời gian là tuyến tính, được sắp xếp theo thứ tự quá khứ, hiện tại, tương lai. Ngày tháng của chúng ta được tổ chức dựa vào vòng quay của kim đồng hồ, hay tóm gọn lại trong ngắn và trung hạn bằng lịch và nhật ký, lịch sử theo dòng thời gian được tính bằng đơn vị thiên niên kỷ.

Thời gian tuyến tính khớp với quan điểm cho rằng toàn bộ lịch sử nhân loại đều tiến về một phán xét cuối cùng. Điều đó giải thích tại sao, dần dần, nó trở thành một cách nhìn nhận phổ biến về thời gian trong phần lớn người theo đạo Thiên Chúa phương Tây. Khi Thiên Chúa sáng tạo ra thế giới, ông bắt đầu với một câu chuyện về một khởi đầu, diễn biến, và một kết thúc. Như Sách Khải Huyền đã ghi, trong khi tiên đoán về những thời khắc kết thúc của nhân loại, Jesus chính là “Alpha và Omega, khởi đầu và kết thúc, đầu tiên và cuối cùng” của sử thi.  

Thời gian tuần hoàn

Nhưng luôn có những cách tư duy khác về thời gian. Rất nhiều trường phái tư tưởng tin rằng khởi đầu và kết thúc luôn là một bởi vì về bản chất thời gian là tuần hoàn. Đây là một cách tư duy đúng đắn và trực quan nhất về sự vĩnh cửu. Khi chúng ta hình dung thời gian như một đường thẳng, cuối cùng ta lại thấy lạc lối: chuyện gì xảy ra trước khi thời gian bắt đầu? Làm thế nào một đường thẳng kéo dài tới vô tận? Một đường tròn cho phép chúng ta hình dung về quá trình lui lại và tiến lên liên tục vĩnh viễn, không có một điểm nhất định nào là khởi đầu hay kết thúc.

Tư duy về thời gian tuần hoàn đặc biệt có ý nghĩa trong các xã hội tiền hiện đại, nơi chỉ có ít đổi mới sáng tạo xuyên suốt nhiều thế hệ và người ta sống một cuộc đời rất giống với ông mình, cụ mình và nhiều thế hệ trước trong gia đình. Không có thay đổi, thì tiến triển là việc không thể tưởng tượng nổi. Bởi thế ý nghĩa cuộc đời chỉ có thể được tìm thấy trong việc đón nhận chu kỳ của sự sống và cái chết và làm tốt nhất có thể với vai trò của mình.

Có lẽ đó là lý do cho việc thời gian tuần hoàn có vẻ như là một sự mặc định của con người. Người Maya, Inca và Hopi đều nhìn thời gian theo cách này. Rất nhiều truyền thống phi-Tây-phương chứa các yếu tố về tư duy về thời gian tuần hoàn, có lẽ rõ ràng nhất trong triết học cổ điển Ấn Độ. Triết gia kiêm chính khách Sarvepalli Radhakrishnan đã viết: “Tất cả những hệ thống [chính thống] đều chấp nhận quan điểm tiết tấu vĩ đại của thế giới. Những thời kì dài cho sáng thế, duy trì và biến mất tiếp nối nhau liên hồi vô tận.” Chẳng hạn, một đoạn trong kinh Vệ đà nói về Dyaus và Prithvi (Thiên đường và Trái đất) như sau: “Cái gì có trước, cái gì có sau? Chúng sinh ra thế nào? Này các hiền nhân, ai phân biệt được chứ? Chính chúng chứa đựng tất cả những gì từng tồn tại. Ngày và đêm tiếp nối nhau như trên một vòng quay.”

Triết học Đông Á bắt rễ rất sâu trong chu kỳ của các mùa, cũng một phần của một chu kỳ tồn tại lớn hơn. Chuyện này càng rõ ràng trong Đạo Lão, và được minh họa sống động nhờ sự hân hoan đáng kinh ngạc của triết gia Đạo Lão thế kỷ thứ 4 TCN Trang Tử khi tất cả mọi người nghĩ rằng ông ấy nên đau buồn vì người vợ đã khuất. Đầu tiên, ông đã giải thích rằng mình cũng khốn khổ như bất cứ ai. Sau đó ông nghĩ xa hơn về sự khởi đầu của chính thời gian: “Trong tất cả những cái khác thường và rối rắm, có gì đó đã thay đổi và có khí. Khí đã thay đổi, và hình cũng vậy. Hình thay đổi và cô ấy có sự sống. Hôm nay lại có sự thay đổi khác và cô ấy qua đời. Chuyện cũng giống như vòng tròn bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông vậy.”

Trong tư tưởng Trung Hoa, tri thức và sự thật là vĩnh cửu, và chúng ta không cần phải tiến lên để học, chỉ cần nắm bắt những gì mình đang có mà thôi. Như nhà Hán học người Scotland ở thế kỷ 19, James Legge, đã nói, Khổng Tử không nghĩ rằng mục tiêu của ông là “thông báo bất cứ sự thật mới lạ, hay khởi đầu bất kỳ nền kinh tế mới nào. Ông chỉ ngăn những gì từng được biết đến khỏi sự mất mát.” Tương tự như vậy, Mạnh Tử, đã phê bình những vị hoàng đế ở thời kỳ của ông bởi vì “họ không làm theo lối của những vị hoàng đế xưa.” Mạnh Tử cũng đã nói, trong chương áp chót của cuốn tuyển tập những cuộc đối thoại của ông cũng mang tên Mạnh Tử, gần với phần kết luận của cuốn sách: “Bậc đại nhân đơn giản là tìm lại những chuẩn tắc bất biến, và, nếu tìm đúng, thì thiên hạ được đánh thức trước đức hạnh.” Chương cuối cùng lập đồ thị các thời kỳ giữa các vị vua và triều đại vĩ đại.

Du hành khắp các nền triết học của thế giới là một cơ hội để thách thức các niềm tin và cách thức tư duy mà chúng ta vốn có. Bằng cách thu nhận thêm hiểu biết về cách suy nghĩ của người khác, chúng ta có thể trở nên bớt chắc chắn về tri thức mà chúng ta có, vốn luôn là bước đầu tiên để hiểu rộng hơn.

Một thứ lai giữa thời gian tuần hoàn và tuyến tính hoạt động trong các dải tư duy Hồi giáo. “Khái niệm của Hồi giáo về thời gian về căn bản dựa trên quá trình trẻ hóa tuần hoàn của lịch sử nhân loại qua sự xuất hiện của các lời tiên tri khác nhau,” Seyyed Hossein Nasr, giáo sư danh dự Hồi giáo học của Đại học George Washington nói. Tuy nhiên, mỗi chu kỳ đều đưa nhân loại tiến lên, với mỗi lần mặc khải dựng lên từ cái cũ – tiếng gọi của Qu’ran tới Muhammad trở thành lời tuyên bố hoàn thiện, tối hậu của Chúa Trời – cho tới khi cuối cùng chuỗi những chu kỳ này kết thúc với sự xuất hiện của Mahdi, người trị vì trong suốt 40 năm trước ngày phán xét cuối cùng.

Thời gian không thể tách khỏi nơi chốn

Bởi thế, sự phân biệt giữa thời gian tuyến tính và tuần hoàn không phải lúc nào cũng rõ ràng. Giả thiết về một song đề sai đã dẫn nhiều người tới việc giả định rằng những truyền thống triết học truyền miệng chỉ đơn giản là khái niệm thời gian tuần hoàn. Thực tế phức tạp hơn thế. Ví dụ như các triết học của người bản địa Úc. Không có những người Úc đơn lẻ đầu tiên nào khởi xướng một văn hóa tập thể, nhưng có đủ những điểm chung giữa họ trên khắp đất nước cho phép tổng quát hóa thử một số ý tưởng chung hay có ảnh hưởng chính. Nhà nhân loại học quá cố David Maybury-Lewis đã đặt ra giả thuyết rằng thời gian trong văn hóa Úc bản địa vừa không tuyến tính vừa không tuần hoàn; thay vào đó, nó giống với không-thời gian của vật lý hiện đại. Thời gian được gắn kết chặt chẽ với địa điểm trong cái mà ông gọi là “thời-gian-mơ-tưởng” của “quá khứ, hiện tại, tương tai đều tất thảy hiện hữu ở địa điểm này”.

“Người ta sống ở một địa điểm hơn là một thời gian,” là cách mà Stephen Muecke viết trong cuốn sách Ancient and Modern: Time, Culture and Indigenous Philosophy (Cổ đại và Hiện đại: Thời gian, Văn hóa và Triết học Bản địa). Quan trọng hơn sự phân biệt giữa thời gian tuyến tính hay thời gian tuần hoàn là liệu thời gian tách biệt hay gắn kết chặt chẽ với địa điểm. Chẳng hạn, xét xem chúng ta nhận thức thế nào về cái chết. Ở phương Tây ngày nay, cái chết nói chung được nhìn nhận như sự tắt thở của một cá nhân, với thân thể như địa điểm và vị trí của thân thể đó thì không quan trọng. Trái lại, Muecke nói: “Rất nhiều câu chuyện bản địa về cái chết của một cá nhân đều không mấy liên quan đến sự chết của thân thể mà là sự trả về năng lượng cho nơi nguồn cội mà với đó nó tái xác định.”

Cách tư duy như vậy là đặc biệt kỳ lạ với phương tây hiện đại, nơi sự theo đuổi tính khách quan đã hạ thấp một cách có hệ thống vai trò của một địa danh rõ ràng, cụ thể. Trong một câu mang tính khiêu khích và khơi gợi, Muecke nói: “Tôi cho rằng sự nhìn xa trông rộng là một dạng thiển cận triết học của châu Âu và rằng các phiên bản khác của triết học, như của những người bản địa chẳng hạn, có kết nối sinh động và sâu sắc hơn hơn đến các xã hội loài người và cách họ nói về mình”

Muecke trích dẫn quan điểm hàn lâm của Tony Swain rằng khái niệm về thời gian tuyến tính là một thứ tách rời khỏi địa điểm. “Tôi cảm tưởng rằng vật lý hiện đại đã tách những chiều kích này (thời gian, không gian) khỏi nhau và nghiên cứu trên đó, vì thế chúng ta tạo ra thời gian như đã biết thông qua rất nhiều hoạt động lý thuyết và thực nghiệm,” Muecke nói với tôi. “Nếu bạn không tách biệt những chiều kích này ở dạng khái niệm và thực nghiệm, thì chúng sẽ có xu hướng trôi cùng nhau.” Những người bạn bản địa của anh ta ít nói về thời gian và địa điểm một cách độc lập, mà nói nhiều hơn về các sự kiện có địa điểm xác định. Câu hỏi quan trọng về thời gian không phải là “Chuyện này đã xảy ra khi nào vậy?” mà là “Chuyện này liên quan gì đến các sự kiện khác?”

Từ “liên quan” rất quan trọng. Thời gian và không gian đã trở thành những khái niệm trừu tượng về mặt lý thuyết trong vật lý hiện đại, nhưng trong văn hóa của con người thì chúng là những thực tế cụ thể. Không có gì tồn tại thuần túy như một điểm trên bản đồ hay một thời khắc trong thời gian: mọi thứ đều nằm trong mối liên kết với những thứ khác. Vì vậy, để hiểu thời gian và không gian trong các truyền thống triết học truyền miệng, chúng ta phải nhìn chúng như những khái niệm sống thay vì những khái niệm trừu tượng trong các lý thuyết siêu hình, là bộ phần của một cách hiểu rộng hơn về thế giới – một thứ khởi sinh từ sự liên quan. Hirini Kaa, giảng viên ở Đại học Auckland, nói rằng “trụ cột quan trọng của tư tưởng của Maori là mối quan hệ máu mủ, sự kết nối giữa nhân loại, giữa người này người khác, giữa môi trường tự nhiên.”

David Mowaljarlai, người từng là Chấp pháp trưởng lão của bộ tộc Ngarinyin ở Tây Úc, gọi đây là nguyên lý của sự kết nối “tư duy mô thức”. Tư duy mô thức ngập tràn thế giới tự nhiên và thế giới xã hội, mà, sau cùng, theo cách tư duy này, chúng chỉ là một phần của cùng một thứ. Như Muecke đã viết, “Khái niệm liên kết là cơ sở của tất cả các hệ thống họ hàng […] Kết hôn, trong trường hợp này, không chỉ là kết đôi, mà theo một cách nhìn khác, nó là sự sẻ chia bản thân mình cho nhau.”

Từ địa phương đến phổ quát, từ phổ quát đến địa phương

Sự nhấn mạnh vào tính kết nối và địa điểm dẫn tới một cách thức tư duy đi ngược với chủ nghĩa phổ quát trừu tượng đã phát triển tới một mức độ nhất định trong tất cả các kiệt tác triết học phương Tây. Muecke mô tả điều này như một trong “những nguyên lý trường tồn [Úc Bản địa]” mà “một hình thức tồn tại sẽ đặc trưng cho nguồn lực và nhu cầu ở tại một thời gian cũng như nơi chốn và rằng cách cư xử của một người sẽ gắn với trách nhiệm đặc trưng của nơi đó” Đây không phải là thuyết tương đối “sao cũng được”, mà là một sự nhận biết rằng các quyền, trách nhiệm và giá trị chỉ tồn tại trong văn hóa con người, và dạng thức đích thực của chúng sẽ phụ thuộc vào bản chất của các tình huống.

Chuyện như thế chắc đã đủ rõ ràng. Nhưng các truyền thống của triết học phương tây, nói riêng, đã cố đạt đến tính phổ quát đòi hỏi sự phân biệt rõ ràng giữa thời gian và địa điểm. Chẳng hạn, từ “university” (đại học) còn có chung từ nguyên với “universal” (phổ quát). Trong những cơ sở đào tạo này, “chân lý không có biên giới quốc gia” như một người bình luận nhận xét. Địa điểm không hề quan trọng trong triết học phương tây tới mức khi tôi khám phá ra rằng đó là chủ đề của Hội thảo Triết gia Đông-Tây diễn ra 5 năm một lần vào năm 2016, tôi đã tự hỏi mình có gì đó để nói trước hội thảo hay không. (Tôi đã quyết định rằng chính sự thiếu vắng nơi chốn trong triết học phương Tây đáng được cân nhắc)

“Tư duy mô thức” của Maori và các triết học Úc Bản địa có thể chỉnh lý lại cho giả định rằng các giá trị của chúng ta là các giá trị phổ quát còn các giá trị khác thì đều lầm lạc. Nó lý giải một cách mạch lạc và thuyết phục ý tưởng cho rằng triết học luôn gắn liền với địa điểm và những tư tưởng chẳng hề gắn với một nơi chốn cụ thể thì sẽ sớm lụi tàn và chết.

Tuy nhiên những hồ nghi về tính phổ quát chỉ có thể dừng lại ở đó. Chí ít thì vẫn có một mâu thuẫn khi nói rằng không có chân lý phổ quát nào, bởi vì đây cũng là một khẳng định mang tính phổ quát về chân lý.  Quan điểm đúng đắn có lẽ nằm đâu đó giữa các khẳng định của những người theo thuyết phổ quát ngây thơ và những người theo thuyết địa phương đầy hoài nghi. Có cảm giác là ngay cả khát khao mang tính phổ quát phải có nguồn gốc từ một thứ gì đó đặc thù hơn. T. S. Eliot được cho là đã nói rằng: “Mặc dù quá dễ để người viết trở nên địa phương mà không bị phổ quát, tôi nghi ngờ rằng một nhà thơ hay tiểu thuyết gia sẽ chẳng thể trở nên phổ quát nếu thiếu đi tính địa phương.” Thuần túy phổ quát nghĩa là ta đang nương náu trong một vũ trụ trừu tượng tách biệt hoàn toàn khỏi thực tế. Nhưng, cũng giống một tiểu thuyết gia có thể chạm tới những điều phổ quát về thân phận con người qua một vài nhân vật và một câu chuyện cụ thể, những truyền thống triết học địa phương khác, mặc dù được tiếp cận từ góc nhìn riêng của người bản địa, cũng có thể đưa những chân lý triết học phổ quát ra ánh sáng.

Chúng ta không nên sợ hãi rồi mắc cạn trong truyền thống của chính chúng ta, mà cũng không nên bị chúng hạn chế. Như Gandhi đã rất thơ khi viết: “Tôi không muốn nhà mình bị các bức tường bao tứ phía, và các cửa sổ thì đóng chặt. Tôi muốn nền văn hóa của tất cả các vùng đất ùa vào nhà tôi tự do hết sức có thể. Nhưng tôi từ chối bị bất cứ thứ gì thổi bay. Tôi từ chối sống trong những ngôi nhà của người khác như một kẻ không mời mà đến, một kẻ ăn mày hay một tên nô lệ.”

Những cách thức khác nhau mà các truyền thống triết học đã dùng để nhận thức thời gian hóa ra lại định hình cách ta nghĩ về cả vị trí đương thời của ta trong lịch sử và mối liên hệ của chúng ta với vị trí vật lý mà ta đang sống. Nó là một trong những ví dụ dễ nhất và rõ ràng nhất cho việc làm thế nào mà việc mượn cách tư duy khác lại có thể mang lại một góc nhìn mới mẻ về thế giới. Đôi khi, đơn giản nhờ việc thay đổi khung tranh mà cả bức vẽ có thể trông hoàn toàn khác biệt.

Julian Baggini

* Nhà triết học người Anh, tác giả của nhiều cuốn sách triết học cho đại chúng

Hoàng Mai lược dịch (các tít trong bài viết là do tòa soạn đặt)
Nguồn bài và ảnh: https://www.theguardian.com/news/2018/sep/25/about-time-why-western-philosophy-can-only-teach-us-so-much?CMP=share_btn_fb
-----------
Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 4.11.2018.

Năm 2016, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho ra mắt bạn đọc quyển sách nhan đề Giở lại một nghi án lịch sử “Giả Vương nhập cận” – Có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không? của học giả Nguyễn Duy Chính. Tác giả là người rất đam mê khám phá lịch sử Việt Nam thời cổ. Với vốn ngoại ngữ (Anh, Pháp) thành thạo và khả năng Hán học vững vàng, Nguyễn Duy Chính đã dành nhiều tâm sức tìm hiểu, làm rõ một số khía cạnh của lịch sử Việt Nam thời trung đại, đặc biệt là giai đoạn cuối thế kỷ XVIII liên quan đến vương triều Tây Sơn. Quá trình tìm hiểu, khám phá sử Việt của ông được cụ thể hóa thành nhiều bài viết đăng trên Tạp chí Xưa&Nay, được xuất bản thành nhiều đầu sách khác nhau. Đó là điều đáng trân trọng về một người đầy tâm huyết với khoa học lịch sử, có ý thức tìm về cội nguồn, dụng tâm soi sáng các vấn đề lịch sử bằng những nguồn tài liệu mới và hiếm quý.

Trở lại quyển sách nói trên. Thông qua nhan đề, tác giả đã nêu rõ dụng ý muốn nhìn nhận lại một vấn đề lớn trong lịch sử vương triều Tây Sơn dưới thời Quang Trung, một vấn đề có ý nghĩa đối với nền hòa bình và sự phát triển đất nước sau cuộc vệ quốc chống Thanh thắng lợi, một vấn đề đã được nhất loạt khẳng định từ lâu và tưởng như không cần băn khoăn hay bàn luận gì thêm. Đó là có đúng người sang Trung Hoa năm 1790 là Quang Trung giả hay chính là Quang Trung thật? Cách đặt vấn đề rồi tìm cách giải đáp trong toàn bộ công trình đã thể hiện quyết tâm lớn của tác giả, không ngần ngại đương diện với quan điểm chính thống trước nay cho rằng vua Quang Trung sang nhà Thanh chỉ là giả vương.

Như vậy, vấn đề học giả Nguyễn Duy Chính đưa ra là một vấn đề khoa học lớn, có khả năng ảnh hưởng đến nhận thức xã hội và các kết luận khoa học hiện tồn về vương triều Tây Sơn – Quang Trung, nếu không giải quyết triệt để sẽ gây hoang mang, nghi ngờ, thậm chí làm đảo loạn cách tiếp cận, sự nhìn nhận của người đương thời về quá khứ đất nước, đi xa hơn dẫn đến sự nghi ngờ không cần thiết đối với tính khách quan, chân xác của các công trình sử học chuyên sâu về thời Tây Sơn thuộc nền khoa học lịch sử Việt Nam hiện đại. Xuất phát từ nhận thức này, trên tinh thần góp ý xây dựng, chúng tôi muốn trao đổi một vài ý kiến phản biện với học giả Nguyễn Duy Chính sau khi đọc công trình của ông.

Đền thờ nhà Tây Sơn Tam Kiệt ở Tây Sơn, Bình Định

Trong toàn sách, tác giả đã đưa ra nhiều chứng cứ và lí lẽ để đặt lại/nghi ngờ vấn đề Quang Trung giả. Có thể tóm lược như sau:

– Hệ thống hành chính và giám sát, truyền tin của nhà Thanh rất chặt chẽ, Phúc Khang An không thể tự chuyên và qua mặt triều đình về việc xếp đặt với Tây Sơn để đưa một người đóng giả Quang Trung sang triều kiến.

– Nhóm người Lê Chiêu Thống đang ở Trung Hoa, nhiều người biết mặt Nguyễn Huệ, nếu giả sẽ lộ ngay.

– Người đóng giả Quang Trung, theo một số sử sách là Phạm Công Trị hoặc Ngô Văn Sở, đều có mặt trong phái đoàn sang Thanh và phía nhà Thanh biết hai người này.

– Dư luận Việt Nam đương thời nhầm lẫn phái bộ Nguyễn Quang Hiển với phái đoàn Quang Trung. Từ chỗ lan truyền tin Nguyễn Quang Hiển không phải là cháu Quang Trung dẫn đến chỗ hiểu lầm Quang Trung sang Thanh là giả.

– Trong thời gian Quang Trung sang Trung Hoa, Thái tử Quang Toản thay cha quản lý triều chính. Hai trong số văn kiện thời Tây Sơn năm 1790 thể hiện điều này, không văn kiện nào chứng tỏ Quang Trung ở trong nước. Bên cạnh đó, còn có những dấu chỉ khác là thư từ giao thiệp giữa Quang Trung với Nguyễn Thiếp dường như bị gián đoạn trong năm 1790; thái độ hân hoan của các sứ thần Đại Việt khi sang Thanh năm này.

– Trong các tác phẩm của những người trong phái đoàn năm 1790 ấy, không có dòng, đoạn nào nhắc đến việc người sang Trung Hoa là Quang Trung giả.

– Tác giả còn dẫn một đoạn trong Khâm định An Nam kỷ lược nói đến chuyện Quang Trung về nước và phải đối diện với tin đồn không hay liên quan đến việc ông sang Trung Hoa.

– Nhà Nguyễn sau này viết về Tây Sơn đã bêu xấu Quang Trung phải “ôm gối” vua Thanh và hợp thức hóa tin đồn giả vương để làm giảm hào quang của triều Tây Sơn.

– Ghi chép của các bộ sử Trung Quốc là Việt Nam tập lược (nửa sau thế kỷ XIX), Thanh sử cảo và Thanh sử (đầu thế kỷ XX) tuy khăng định người sang Trung Hoa là Quang Trung giả nhưng không nói rõ dựa vào tư liệu nào, có thể do nghe được từ phía Việt Nam.

Từ những điều kể trên, Nguyễn Duy Chính đi đến kết luận: Người sang nhà Thanh chính là Quang Trung. Kết luận này làm nền dẫn đến các nhận định tiếp theo (trực tiếp hoặc ngụ ý):

– Bác bỏ toàn bộ tính xác thực trong ghi chép của các thư tịch cổ Việt Nam có đề cập đến vấn đề giả vương. Xem những ghi chép về sự kiện này của sách vở trong nước là không đúng.

– Nhà Nguyễn (cụ thể là vua Minh Mạng) đã chỉ đạo hợp thức hóa tin đồn giả vương, biến nó thành sự thật.

– Phủ nhận những ghi chép của các bộ sử Trung Quốc về vấn đề “giả vương”.

– Quang Trung sang Trung Hoa là một sự kiện trọng đại đương thời, đã nâng cao quốc thể và uy tín của nước Việt trong bối cảnh “Trung Hoa đang là một đế chế thịnh trị bậc nhất trong thiên hạ [hay người ta nghĩ thế] mà mọi quốc gia đều thèm khát có quan hệ ngoại giao, còn nước ta khi đó chỉ là ba tiểu quốc qua phân, trên uy tín quốc tế chưa mấy nơi biết đến” (trích Phi Lộ của sách).

Tuy nhiên, khi xem xét các cứ liệu cùng lập luận trong sách, có thể nhận thấy tác giả đã đi từ chỗ đoán định đến khẳng định và nâng lên thành kết luận chính thức trong khi còn nhiều vấn đề chưa được chứng minh rõ ràng, “rốt ráo”. Cụ thể:

Thứ nhất, tác giả luôn nói tin đồn Quang Trung giả là do nhầm lẫn từ tin đồn Nguyễn Quang Hiển là giả. Tin này lan rộng trong nước khiến mọi người tin như vậy và một số sách vở cũng chép theo hướng đó. Nhưng xét kĩ, ngoài việc chứng minh có tin đồn Nguyễn Quang Hiển không phải là cháu Quang Trung thì tác giả không đưa ra được cứ liệu chắc chắn nào để xác nhận người thời bấy giờ đã lẫn lộn Nguyễn Quang Hiển giả với Quang Trung giả.

Thứ hai, đâu là căn cứ để bác bỏ toàn bộ ghi chép của thư tịch Việt Nam về chủ trương đưa giả vương sang Trung Hoa thay Quang Trung? Hay chỉ dựa vào một số chi tiết đại loại như ghi chép bất nhất của các sách về tên nhân vật thế thân để rút ra nhận định? Những tác giả của Hoàng Lê nhất thống chí, Lê quý dật sử, Nghệ An kí, Phan gia thế tự lục… đều sống cách sự kiện 1790 không quá xa, ít nhiều nắm thông tin về sự kiện này rõ hơn chúng ta ngày nay.

Thứ ba, tư liệu xác tín nào nào chứng minh việc nhà Nguyễn chỉ đạo biến vấn đề Quang Trung thật thành giả vương? Nếu chỉ đoán rằng nhà Nguyễn bôi nhọ Quang Trung bằng cách gán lễ “ôm gối” thay vì “bão kiến thỉnh an” cho ông và cách viết khinh miệt, hạ thấp Quang Trung như kiểu dùng chữ Cô (姑) trong sử sách nhà Nguyễn thì chưa chứng minh được vấn đề đã nêu, có chăng chỉ là cho thấy thái độ hằn học của triều Nguyễn với Tây Sơn. Không thể qua các chi tiết đó để đoán rằng nhà Nguyễn đã chỉ đạo các sử thần dàn dựng chi tiết, xác thực tin đồn (vốn không có thật – như quan điểm xuyên suốt của tác giả) và chính thức đưa mệnh đề giả vương vào quốc sử.

Thứ tư, trong khi chưa tìm cách xác minh được nguồn tư liệu mà Việt Nam tập lược, Thanh sử hay Thanh sử cảo sử dụng để dẫn các sách này đến khẳng định người sang Trung Hoa là Quang Trung giả, đã cho rằng chúng không đáng tin. Các tác giả của hai bộ sách trên là người Trung Quốc, sống cách sự kiện không phải là quá xa nên có thể tiếp cận nhiều nguồn tài liệu mà bên ngoài chưa dễ khai thác được. Vì vậy, nếu không có tư liệu khả tín để chứng minh các sách này viết sai thì không nên cho rằng thông tin chúng cung cấp là không xác thực.

Thứ năm, các thư tịch của nhà Thanh dưới thời Càn Long đương nhiên không thể ghi rằng đó là Quang Trung giả. Các ghi chép của người Việt Nam trong phái đoàn năm 1790 cũng vậy. Nếu cho rằng sử tịch nhà Thanh không ghi, các sứ thần Đại Việt không nói đến, để suy ngược vấn đề thật – giả là cách làm không khoa học. Trong bối cảnh lúc ấy, nếu quả thật đó là Quang Trung giả thì vì thể diện, nhà Thanh không bao giờ dám tiết lộ. Các sứ thần Đại Việt cũng không dại gì đưa vào thơ văn khi họ còn phục vụ dưới triều đại Tây Sơn; kể cả sau này, khi Tây Sơn không còn thì họ cũng không có lí do gì để nói lại một vấn đề mà trong dân gian đều biết Quang Trung không hề sang nhà Thanh.

Thứ sáu, nếu lấy Đại Việt quốc thư làm một bằng cớ để cho rằng Quang Trung đã sang nhà Thanh thì cũng không thuyết phục. Người thay Quang Trung vẫn có quyền xem mình chính là Quang Trung để thư từ qua lại với nhà Thanh, thậm chí “chỉ đạo” từ xa một số công việc trong nước. Đó là cách làm quyền biến có thể chấp nhận vào lúc ấy.

Thứ bảy, vẫn biết các văn kiện thời Quang Trung nay không còn nhiều, nhưng liệu tác giả đã tiếp cận hết chưa hay chỉ dựa vào hai văn kiện được gửi đến Quang Toản hay có đóng dấu của Quang Toản vào thời gian phái đoàn sang Thanh để cho rằng Quang Trung lúc ấy không ở nhà? Việc xây kinh đô mới ở Nghệ An đến khi Quang Trung mất vẫn chưa hoàn thành, nên không có gì chắc chắn để nói trong năm 1790 hễ không có thư từ qua lại giữa Quang Trung với Nguyễn Thiếp (hay việc xây kinh đô tạm dừng lại) thì đó là một chỉ báo của việc Quang Trung đang vắng mặt. Thêm nữa, sau chiến thắng, phái đoàn Đại Việt sang Thanh và được đối thủ tiếp đón trọng thị như vậy thì ai lại không hân hoan, phấn khích trong lòng?

Thứ tám, xuyên suốt công trình, tác giả không thể đưa ra những sử liệu đủ mạnh để bác bỏ hoàn toàn quan niệm giả vương và khẳng định hai năm rõ mười vấn đề “thật vương”. Thao tác nghiên cứu từ đầu đến cuối là nêu nghi vấn rồi suy diễn – đoán định qua một số tư liệu của nhà Thanh và đi đến khẳng định quan điểm. Muốn bác bỏ A để khẳng định B nhưng không chứng minh chắc chắn được B, mà chỉ đưa ra vài điểm bất hợp lí của A để khẳng định B. Đó chưa phải là cách làm khách quan, khoa học trên cơ sở thu thập, xử lí, giám định và phân tích tư liệu vốn dĩ rất chặt chẽ của khoa học lịch sử.

Như trên đã nói, vấn đề học giả Nguyễn Duy Chính đặt ra là một vấn đề khoa học lớn. Vì vậy, muốn thay đổi nhận thức vốn đã định hình về nó là điều không dễ dàng, đòi hỏi sự nỗ lực cao của nhà nghiên cứu, dựa trên hệ thống các nguồn tư liệu được khai thác và phân tích thấu đáo, chặt chẽ với một phương pháp nghiên cứu đúng đắn, khách quan và toàn diện. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh tinh thần thận trọng trong các công bố khoa học hay phát hiện khoa học mới. Trong công trình của mình, học giả Nguyễn Duy Chính đã công bố nhiều tư liệu có thể nói là mới mẻ về thời đại Tây Sơn. Tuy nhiên, khi còn nhiều điều chưa chứng minh rõ ràng, tác giả đã vội vàng khẳng định theo hướng đảo chiều các kết luận và nhận thức xưa nay (mặc dù ông từng nói đã tìm hiểu vấn đề trên 15 năm). Điều này rõ ràng đã khiến dư luận xã hội có phần hoang mang, nhất là khi trong một số buổi nói chuyện và bài viết về sau, tác giả mỗi khi nhắc đến Quang Trung sang nhà Thanh đều cho rằng đó là Quang Trung thật, xem như vấn đề ông đặt ra đã được xác quyết và nhận thức xã hội cũng dần phải điều chỉnh theo hướng như vậy. Đó cũng chưa phải là cách làm nghiêm túc, thận trọng của một nhà nghiên cứu có trách nhiệm đối với xã hội và khoa học lịch sử.

Cuối cùng, chúng tôi muốn lưu ý rằng, các nghiên cứu của tác giả nên được đặt trong bối cảnh đặc thù với những thông lệ, quan điểm nhất quán của nền bang giao Việt Nam đối với Trung Hoa dưới thời phong kiến. Trong quan hệ với nhà nước phong kiến Trung Hoa thời trung đại, các triều đại quân chủ Việt Nam luôn quán triệt sâu sắc chiến lược ngoại giao được lịch sử gọi là “thần phục giả vờ, độc lập thật sự”. Vì vậy, trong những tình huống bang giao phức tạp nhất, kể cả giai đoạn đối trí ngoại giao cam go và quyết liệt dưới triều Trần giữa hai cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ nhất và thứ hai, chưa hề có vị quân chủ nào của nước Việt (đương nhiên không tính đến việc Lê Chiêu Thống sang nhà Thanh cầu viện) thân hành sang Trung Hoa để chầu hầu Hoàng Đế phương Bắc. Với ý thức tự tôn dân tộc rất cao, luôn xem Nam bang là nước văn hiến, cùng phương Bắc “mỗi bên hùng cứ một phương”, cac Đế Vương và tầng lớp chính trị tinh hoa, rộng hơn là toàn bộ các giai tầng trong nước đều mặc nhiên xem việc một vị vua nước Nam tự mình sang Trung Hoa là biểu hiện của thái độ quy phục thật sự. Đó là điều không thể chấp nhận và xúc phạm nghiêm trọng đến niềm tự hào dân tộc trong bối cảnh lịch sử Việt Nam thời trung đại, khi tư tưởng “vô tốn Trung Hoa”, ý thức tự cường luôn hiện hữu trong lòng dân tộc như một phương sách hằng xuyên để tự thức, tự lập và tự chủ trước một quốc gia to lớn cạnh bên luôn lăm le chờ đợi cơ hội để tiến chiếm nước Việt bé nhỏ.

Ở cuối thế kỉ XVIII, nhận thức xã hội về chiến lược bang giao với Trung Hoa chưa có những thay đổi rõ ràng về cấu trúc cùng chiều sâu, nên việc một vị Hoàng Đế nước Việt đã giành được vinh quang chiến thắng trước Bắc quốc lại tự động sang chúc thọ hoàng đế nhà Thanh là điều không thể chấp nhận trong tư tưởng, tình cảm của xã hội rộng lớn, càng không thể cho đó là sự kiện giúp nâng tầm hình ảnh và vị thế của nước Đại Việt. Khi nhà Thanh vẫn luôn xem Đại Việt là thuộc quốc, là chư hầu thì cũng không thể nói với việc Quang Trung đích thân sang Trung Hoa sẽ đánh dấu một bước ngoặt hệ trọng trong mối bang giao giữa hai nước. Đó là chưa kể, Quang Trung và đội ngũ dưới quyền không thể không tính đến những nguy hiểm tiềm tàng cho bản thân ông khi sang triều kiến nhà Thanh – kẻ chiến bại trước đó chưa lâu. Với hoàn cảnh lúc ấy, không có lí do đủ lớn khiến Quang Trung hành động như vậy. Cho nên, phương án dùng người đóng thế với tất cả sự công phu, tinh tế và sắp đặt kĩ càng của nó là giải pháp hợp thời hơn cả.

Trước lịch sử, sự thật việc Quang Trung sang Trung Hoa chỉ có một và rất đáng được nhận hiểu kỹ càng, chân xác thông qua hệ thống các tư liệu có độ tin cậy cao, giàu sức thuyết phục. Vậy nên, chúng tôi cho rằng trước khi chứng minh đầy đủ vấn đề thì bất kỳ ai, dù tâm huyết đến mấy, chỉ nên dừng lại ở góc độ quan điểm cá nhân hoặc đặt thành giả thuyết khoa học chứ không nên công bố rộng rãi như một thành tựu đáng ghi nhận. Chúng tôi cũng hi vọng học giả Nguyễn Duy Chính có thể từ chỗ đặt giả thuyết đi đến giải quyết thấu đáo các lỗ hổng hay sơ hở còn tồn tại để chiếu rọi, làm minh xác vấn đề đặt ra một cách thuyết phục và khoa học nhất, góp phần “trả lại một sự thật cho lịch sử” như ông tâm nguyện.
Nguồn: Xưa và Nay – Số 491 (01/2018)

Lịch sử Việt Nam nếu nhìn từ thân phận đàn bà thì đó là những tiếng nói vô thanh, tức là không có (hoặc rất ít) giọng nói cất lên từ phía phụ nữ, mà chỉ là những tiếng lồng đa thanh của những kẻ đàn ông cho những khuôn mặt đàn bà đã phôi pha theo dòng chảy thời gian. Hình tượng Thái hậu Dương Vân Nga trong lịch sử là một trong những điển hình cho điều đó. Trong khi Đinh Tiên Hoàng hiện lên như là một biểu tượng đa năng, như là câu chuyện của những đại tự sự với những xu hướng chính trị cùng chiều; thì Dương hậu được kiến tạo như là một hình ảnh phụ bị cuốn theo và phụ họa cho những giọng nói của đàn ông. Trong khi, các sử gia Nho giáo chỉ coi Dương hậu như là một bài học cho sự vi phạm đạo vợ chồng, phê phán để làm gương cho các bậc hoàng đế và vương hậu đời sau; thì các nghiên cứu trong thế kỷ 20 lại lấy bà như là một biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam biết hy sinh hạnh phúc cá nhân để giữ gìn sự thống nhất và bảo vệ nền độc lập dân tộc.

20181022 Duong Van Nga

Nghệ sĩ Bạch Tuyết trong vai diễn Thái hậu Dương Vân Nga trong vở kịch cùng tên.

Sử liệu về Dương Vân Nga

Dương hậu hay Dương Vân Nga, được biết đến nhiều vì liên quan một lúc đến cả ba họ Ngô- Đinh- Lê. Cho đến nay, người ta vẫn không hết tranh luận bà là một người hai hay người. Nhưng dù là một hay hai người thì đây vẫn gương mặt phụ nữ kỳ lạ nhất của thế kỷ X, và cũng là một/ hai người phụ nữ đáng nhớ nhất trong lịch sử Việt Nam trung đại. Nếu bà là một người, thì bà vừa là cháu của một ông Tiết độ sứ (Dương Đình Nghệ) và một ông vua (Bình Vương), là vợ của 3 vị vua (Ngô Xương Văn, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn), là mẹ của 2 ông vua nữa (An Vương Ngô Nhật Khánh, và Vệ Vương Đinh Toàn), cuối cùng bà còn là mẹ vợ của hoàng đế Lý Công Uẩn (như truyền thuyết). Nếu quả như thế thật thì sử liệu nào cho phép suy luận và vẽ ra một nhân vật tầm cỡ - thú vị đến như vậy?

Sử liệu 1: ghi chép sự kiện tháng 10 âm năm 979, sau khi Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn bị ám sát. “Khi ấy Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, cùng Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn rước Vệ Vương Toàn lên ngôi Hoàng đế, tôn gọi vua là Tiên Hoàng Đế, tôn mẹ đẻ [vua mới] là Dương thị làm Hoàng thái hậu. Rước linh cữu Tiên Hoàng Đế về táng ở sơn lăng Trường Yên”1.

Sử liệu 2: chép ở mục Phế Đế: “Vua nối ngôi khi mới 6 tuổi. Lê Hoàn nhiếp chính, làm công việc như Chu Công, tự xưng là Phó Vương. Bọn Định quốc công Nguyễn Bặc, ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Hạp ngờ Hoàn sẽ làm điều bất lợi cho vua nhỏ, bèn cùng nhau dấy binh, chia hai đường thủy bộ, muốn tiến về kinh đô giết Hoàn, nhưng không đánh nổi, bị giết. Trước đó khi Điền và Bặc cất quân, Thái hậu nghe tin, lo sợ bảo Hoàn rằng: “Bọn Bặc dấy quân khởi loạn làm kinh động nước nhà ta. Vua còn nhỏ yếu chưa kham nổi nhiều nạn, các ông nên liệu tính đi chớ để tai họa về sau”. Hoàn nói: “Thần ở chức Phó Vương nhiếp chính, dù sống chết biến họa thế nào, đều phải đảm đương trách nhiệm”.

Sử liệu 3: Chép sự kiện cuối năm 979 về Ngô Nhật Khánh: “Phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc vào cướp, muốn đánh thành Hoa Lư, theo hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang, qua một đêm, gặp gió bão nổi lên, thuyền đều lật đắm, Nhật Khánh cùng bọn người Chiêm đều chết đuối, chỉ có thuyền của vua Chiêm thoát trở về nước. Nhật Khánh là con cháu của Ngô Tiên chúa Quyền, trước xưng là An Vương, cùng 12 sứ quân mỗi người chiếm giữ một vùng. Tiên Hoàng dẹp yên, lấy mẹ Khánh làm hoàng hậu, lấy em gái Khánh làm vợ Nam Việt Vương Liễn, còn lo sinh biến, lại đem công chúa gả cho Khánh, ý muốn dập hết lòng oán vọng của hắn. Nhật Khánh bề ngoài cười nói như không, nhưng trong lòng vẫn bất bình, bèn đem cả vợ chạy sang Chiêm Thành, đến cửa biển Nam Giới rút đao ngắn xẻo má vợ kể tội rằng: “Cha mày lừa dối ức hiếp mẹ con ta, lẽ nào ta vì mày mà quên tội ác của cha mày hay sao? Cho mày trở về, ta đi đằng khác tìm kẻ có thể cứu ta”. Nói xong bèn đi. Đến đây nghe tin Tiên Hoàng băng, Khánh dẫn người Chiêm vào cướp.”2

Sử liệu 4: tháng 7 âm năm 980, nhà Tống nghe nói nhà Đinh có biến, bèn sai Hầu Nhân Bảo sang đánh Đại Cồ Việt. “Bấy giờ, Lạng Châu nghe tin quân Tống sắp kéo sang, liền làm tờ tâu báo về. Thái hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cư Lạng làm Đại tướng quân. Khi [triều đình] đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, nói với mọi người rằng: “Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho ? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn”. Quân sĩ nghe vậy đều hô “vạn tuế!”. Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Từ đó Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu [980], giáng phong vua làm Vệ Vương.”3

Sử liệu 5: Sau chiến thắng Nam Hán, năm 980, Lê Hoàn được bề tôi tôn xưng là Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí nhân quảng Hiếu Hoàng Đế. Năm 981, “Lập Hoàng thái hậu nhà Đinh là Dương thị làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu. Hậu là vợ của Tiên Hoàng, mẹ đẻ của Vệ Vương Toàn. Khi vua lấy được nước, đem vào cung, đến đây lập làm Hoàng hậu, cùng với Phụng Càn Chí Lý Hoàng Hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng Hậu, Trịnh Quấc Hoàng Hậu, Phạm Hoàng Hậu là 5 hoàng hậu (về sau, tục dân lập đền thờ, tô tượng hai vua Tiên Hoàng và Đại Hành và tượng Dương hậu cùng ngồi, hồi quốc sơ [đầu thời Lê] vẫn còn như thế. Sau An Phủ Sứ Lê Thúc Hiển mới bỏ)”.4

Các sử liệu trên trình bày rõ một hiện trường phong phú về bà trong bối cảnh chính trị cung đình thế kỷ X. Chúng ta thấy, lần đầu tiên trong lịch sử thế kỷ X, một người phụ nữ đã lên tiếng và được ghi vào chính sử, hoặc ít ra lần đầu tiên các sử quan để cho phái yếu được phát ngôn.

Dương Thái Hậu bảo Hoàn mà cũng là bảo cả những người theo phe mình: vua còn nhỏ dại, các ông cứ liệu tính chớ để di họa. Hoàn tự đáp với tư cách Phó vương, đương nhiên đó là trách nhiệm của mình. Một kịch bản mà có lẽ cả hai người đã tính toán rất kĩ trước khi ra chầu trước bách quan. Rồi trước nguy cơ chiến tranh với nhà Tống, trong thế “trứng đặt đầu đẳng”, lần thứ hai, người đàn bà quyền lực lên tiếng. Toàn thư ghi, Thái Hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đánh giặc, chọn được Phạm Cự Lạng ở Nam Sách Giang5 làm Đại tướng quân. Cự Lạng về Hoa Lư chuẩn bị kế hoạch chống giặc. Nhưng trước tiên là phải ổn định triều chính. Thái Hậu và Lê Hoàn chọn Phạm Cự Lạng làm Đại Tướng Quân. Đại Tướng họ Phạm liền tấu thẳng giữa triều đình về việc tôn Hoàn làm Hoàng Đế. Ba lý do được đưa ra: Hoàng Đế thì trẻ mỏ; giặc Tống đã đến gần; xuất quận ra trận, nếu thắng thì ai biết cho mà ghi công. Hai ý cuối cùng đã đánh trúng tâm lý của tất cả những người đang ăn lộc triều đình. Điểm tinh tế ở chỗ, sử mô tả Đại Tướng Quân Phạm Cự Lạng vào triều lại “mặc nguyên giáp trụ đi thẳng vào Nội phủ” để bàn kế hoạch tôn Hoàn làm Thiên tử trước khi đánh giặc. Lạng nói xong thì quân sĩ đều hô vạn tuế. Vậy thì hiển nhiên, việc triều đình Hoa Lư đồng ý Lê Hoàn lên ngôi còn vì phải chịu dưới sức ép của lực lượng quân sự. Vở kịch diễn ra đúng như dự toán của đạo diễn Dương Thái Hậu, lúc này bà mới sai người mang áo long cổn đến khoác lên mình Lê Hoàn, mời ông lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc, và giáng ông con ruột 6 tuổi xuống làm Vệ Vương.

Dương Hậu – từ tấm gương “tày liếp” của đạo đức Nho giáo

Trong suốt chiều dài lịch sử sau này, chúng ta hãy cùng xem Ngô Hậu - Dương Hậu đã được hiện lên như thế nào dưới ngòi bút của các sử thần Nho gia.

Về Dương Hậu thời Đinh- Lê, Ngô Sĩ Liên đã phê bình từ góc độ đạo đức rằng: “Đạo vợ chồng là đứng đầu nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sau?”6 Ngô Thì Sĩ bàn thêm: “Đại Thắng Minh là tôn hiệu của Đinh Tiên Hoàng. Đại Hành dùng tôn hiệu của vua đã mất, làm tên hiệu cho Hoàng hậu của mình, không còn kiêng kị gì nữa. Thật là quá quắt”7. Ngô Sĩ Liên đã phê bình Dương Hậu và Lê Hoàn từ một bối cảnh thời đại mà Nho giáo đậm đặc hơn rất nhiều so với 500 năm trước đó. Ông phê phán Thập đạo Tướng quân lợi dụng chức vụ (ra vào cung cấm) thông dâm với vợ vua cũ và là mẹ vua mới (lại trong lúc tang gia bối rối, mẹ góa con côi), là không biết đến liêm sỉ, rồi “dâm dật đến nỗi mất nước”, đó là truyền lại cho con cháu cái thói dâm dật ấy. Mặc dầu, đây là một lối sử bình của một ông Nho thần dành cho một ông vua Nho giáo, nhưng ta vẫn thấy, thân phận người phụ nữ họ Dương!

Những phê phán ấy, từ chính sử, đi vào trong dân gian nhiều đời, với nhiều mức độ khác nhau. Nó trở thành một diễn ngôn sống động mà các sử thần đời sau, núp bóng quyền uy của ông vua đương thời, để mắng mỏ hoàng đế vương hậu triều trước như là các “tấm gương tày liếp” cho việc lỗi đạo vợ chồng, loạn mối nhân luân, đầu têu cho con cái và bách tính làm chuyện phản loạn. Toàn thư ghi việc thờ cúng ba vị Đinh Hoàng Đế - Dương Hậu – Lê Hoàng Đế đã tồn tại từ thời Lê sơ8. Sử quan cho rằng, đó là do tục lệ dân gian tự thờ cúng nên mới có sự “ngồi chung” bất chính như thế! Việc An phủ sứ Lê Thúc Hiển9 bãi bỏ việc thờ cúng theo kiểu “dâm từ” cho thấy quyền lực “vương hóa” của triều đình.

Đinh Tiên Hoàng hiện lên như là một biểu tượng đa năng như là câu chuyện của những đại tự sự với những xu hướng chính trị cùng chiều; thì Dương hậu được kiến tạo như là một hình ảnh phụ bị cuốn theo và phụ họa cho những giọng nói của đàn ông.

Ở một chiều hướng ngược lại, đầu thế kỷ 17, triều đình Lê - Trịnh (chính xác là Trịnh Kiểm) đã sai Quận công Bùi Thời Tung và bộ Công dốc tiền làm lại miếu thờ và tô tượng ba vị, nhưng tác làm hai đền thờ khác nhau. Bia Tạo tác Thánh tượng tiền triều Lê Đại Hành Hoàng đế bi ký tịnh minh (1611) ghi việc tạo 3 tượng thờ ở đền vua Lê gồm có: Lê triều Đại Hành Hoàng đế, Bảo Quang Hoàng thái hậu và Ngọa triều Hoàng đế10. Bảo Quang Hoàng Thái Hậu có lẽ chính là thụy hiệu/ miếu điều tra văn hóa từ những năm 1980, mỗi khi đến ngày kị Đinh Tiên Hoàng dân làng có làm nghi lễ rước tượng, tượng Dương Hậu được rước từ đền thờ vua Lê sang đền thờ vua Đinh rồi cúng xong lại trả “Bà” về. Nhưng có chi tiết quan trọng nhất của nghi lễ là lật đít tượng lên đánh mười roi trước khi cho về với ông chồng cũ11.

Nhân dân trước nay (trong cuối thế kỷ XX) vẫn coi tượng này là “Dương Vân Nga”. Tượng này có đặc điểm là tô mặt đỏ (một thủ pháp mới lạ so với các hệ thống tượng vương hậu thời này), mặt xoay về hướng đền thờ Đinh Tiên Hoàng, hàm ý biểu thị sự hổ thẹn vì đã thất tiết với chồng cũ12.  Rõ ràng, triều đình Lê Trịnh, trong quá trình xây dựng các thần điện cho các vua triều trước (như tiền lệ cho tính chính thống của triều đại mình), đã tái sử dụng “lưỡng triều Hoàng hậu” Dương thị để tiếp dục giáo dục xã hội về đạo đức của người phụ nữ. Cùng một biểu tượng, nhưng mỗi thời có cách xử lý khác nhau. Đầu thế kỷ XV, ba vị được thờ theo kiểu “táo công” dân gian, để người đời sau giễu nhại, một bà hai ông ngồi chung một bệ: miếu đông thẹn ngắm duyên bà già (Đông miếu tu khan lão phụ duyên”13. Sau năm 1436, Lê Thúc Hiển coi Dương Hậu không đủ tư cách ngồi chung với hai ông Hoàng đế vì chuyện mất đức làm vợ, và gạt bà ra khỏi thần điện của nước Đại Việt. Đến đầu thế kỷ XVII, triều đình lại đưa bà vào thờ nhưng có “siêu chỉnh” về cách thức tô tượng và hướng thờ. Việc nêu gương thất tiết không còn chỉ nằm trong chính sử mà lại được đưa vào trong tự điển quốc gia.

Sách Đại Nam quốc sử diễn ca ghi:

Nối sau Thiếu Đế thơ ngây,
Lê Hoàn tiếp chính từ rày dọc ngang.
Tiếm xưng là Phó quốc vương,
Ra vào cùng ả họ Dương chung tình.
14


Cuối thế kỷ 19, các huyền thoại đã phủ khắp dân gian, rồi lại tiếp tục đi ngược vào chính sử và quốc chí. Đại Nam nhất thống chí khi ghi về trấn cũ Vân Sàng thì có giải thích từ nguyên rằng: “tục truyền là cái giường (sàng) mây nước (vân) giao nhau vì Dương Hậu (bà phi của Đinh Tiên Hoàng) đặt giường trên sông để đón Lê Hoàn. Khi vua đến có mây ngũ sắc xuất hiện nên gọi là vân sàng”15.

... bị dân gian biếm họa

Trong khi các bộ sử quan phương và điển lễ triều đình nhấn mạnh về sự bất chính của Dương Hậu từ góc độ chính trị, thì dân gian lại xoáy thêm vào mặt tính dục của bà hoàng này. Sách Hoàn Vương ca tích sưu tầm ở đất Hà Nam mô tả vẻ đẹp của Dương Hậu như sau:  

“Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn
Mắt kia sao mọc cờn cờn
Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân”…
Ðồi đông điểm ngọc, đồi tây mây vàng
Suối trong tựa ánh nguyệt tràn
Mây ngồi xổm, cá lượn đàn lên mây
Chim kề mỏ, bướm xỏ mày
Bao nhiêu suối chảy thành cây đàn cầm.
16


Các ngữ liệu văn học vừa nêu trên trình bày một hiện trường hiển minh về quyền lực kiến tạo tri thức lịch sử của triều đình Nho giáo. Các tri thức lịch sử, và tính chất của các sự kiện đã hiện rõ chính – ngụy, thông qua các lời bao biếm của các sử quan, từ đó hệ tư tưởng Nho giáo lan tỏa đến các tầng lớp khác nhau. Những người biên soạn các tác phẩm văn học có chủ đề lịch sử (từ các nhà Nho vô danh, khuyết danh, cho đến các ông đồ làng xã, các vị quan lại lịch triều, các vị thân vương, đại thần), trên một hệ tư tưởng thống nhất về đạo đức, trinh tiết của phụ nữ, đã tiếp tục lan tỏa quan điểm của mình đến nhiều tầng lớp xã hội thông qua các tác phẩm văn học Nôm diễn ca lịch sử, các tác phẩm này là để cho phụ nữ (phần lớn là mù chữ) học thuộc lòng. Dung mạo của Dương Thái Hậu được mô tả với hình ảnh đầy chất đa tình. Tức là lý giải mối quan hệ bất chính của Dương Hậu có thể xuất phát từ góc độ sinh lý. Các loại động vật cũng được huy động để mô tả hành động: chim thì kề mỏ, bướm thì xỏ mày, mây thì ngồi xổm, cá thì lượn thành đàn trên mây. Rõ ràng ở đây, một tác giả dân gian (vô danh) đã không hề có một ý niệm về sự tôn kính đối với một vị Hoàng hậu- Hoàng Thái Hậu trong quá khứ đã xa. Ông (có lẽ vẫn là đàn ông) chỉ nhìn thấy hình tượng một người đàn bà quyền lực với câu chuyện tình sống động qua lời bình của sử sách.

Cho đến một Dương Thái Hậu – có huân lao với quốc dân

Sang đến đầu thế kỷ XX, khi hệ hình tư tưởng thay đổi, biểu tượng Dương Thái Hậu đã bắt đầu có những chuyển biến quan trọng, nhưng không ít trường hợp vẫn bảo lưu nội hàm Nho giáo xưa cũ. Những tranh luận, đối thoại trực tiếp giữa các tác giả cho thấy sự chuyển đổi ít nhiều về tư tưởng sử ngay trong tầng lớp trí thức nửa phong kiến nửa thực dân. Đến nửa sau thế kỷ XX, cùng với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, và hệ tư tưởng mới, Dương Thái Hậu đã được cởi bỏ diễn ngôn đạo đức Nho giáo và khoác lên mình màu áo vàng son mới với các thuật ngữ mới về “quốc gia”, “dân tộc” và “chủ nghĩa yêu nước”.

Năm 1942, Tạp chí Tri Tân đã ra riêng một số chuyên đề về Đinh Tiên Hoàng, trong đó có bài của Song Cối với nhan đề “Nhân nói đến gia đình vua Đinh, tôi bào chữa cho Dương Thái hậu”, ông mở đầu như sau: “nói đến Dương thị, một vị Hoàng hậu trước đã đẹp duyên với Đinh Tiên Hoàng Đế, sau lại nối dây cầm sắt với vua Lê Đại Hành, nhiều người tin trí rằng bà là một gái phụ tình, một nàng dâm phụ; rồi vì thành kiến đã in sâu hàng nghìn năm nay, người ta vội cho ngay là một vết nhơ trên lịch sử. Cái án ấy quả có đúng không, công bằng không, ta nay cần phải lập một “tòa án công luận”, xét lại hồ sơ mà phúc xử mới được...”17. Tác giả đã giũ bỏ hoàn toàn quan niệm về Trung – Trinh, về tiết hạnh, về đạo phu phụ (nhân luân) của Nho giáo. Đàn bà (dù là Hoàng hậu) thì không nhất thiết phải thủ tiết với một đời chồng, nhất là khi chồng đã chết. Ông đã tiếp thu các tư tưởng duy vật của phương Tây để lý giải chuyện nam – nữ cũng chỉ là vấn đề sinh lý tự nhiên18, là nhu cầu tối thiểu như cơm ăn nước uống mà “thánh nhân” Nho giáo ngày xưa ai cũng có. Ông cho rằng nhu cầu tình dục (của đàn bà) cũng là “một quyền tự tồn của cá nhân”. Như thế, tác giả đã sử dụng “nhân quyền” để lên tiếng bảo vệ cho Dương Thái Hậu, với tư cách một người phụ nữ cũng có quyền tồn tại như những người đàn ông (ít nhất về thiên tính). Chẳng những thế, khi so sánh với “tình trạng hôn nhân của Đinh Tiên Hoàng”, ông cho rằng, đàn ông được đa thê, thế thì làm sao mà phụ nữ không được quyền tái giá. Ông đòi bình quyền cho nữ giới, và yêu cầu xã hội phải cải chính danh dự cho Dương Hậu.

Một biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc

Các bộ sử được viết trong nửa sau thế kỷ XX, thường chỉ nhấn mạnh đến vai trò của Lê Hoàn, và bỏ qua chi tiết Dương Thái Hậu khoác long bào cho Lê Hoàn, cũng như chuyện tình cảm cá nhân giữa hai người19. Cuốn Lịch sử Việt Nam mô tả “vận mệnh của cả dân tộc đang bị nạn ngoại xâm đe dọa nghiêm trọng. Chính quyền độc lập non trẻ đang đứng trước một thử thách lớn. Trong lúc đó, vua Đinh còn ít tuổi chưa đủ khả năng và uy tín để tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến. Vì sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, quân sĩ và một số quan lại liền suy tôn Lê Hoàn lên làm vua…”20
Sự biến mất của Dương Thái Hậu cũng là một chỉ số cho thấy, các sử gia chỉ quan tâm đến các đại tự sự, các biến cố lớn trên chính trường, và không quan tâm đến các chuyện cá nhân đan xen với chính trị, nhất là chuyện liên quan đến phụ nữ và tình cảm.

Cho đến năm 1971, Văn Tân là người đầu tiên trong giai đoạn mới, đã lên tiếng về Dương Thái hậu trong bài “Nhân dịp kỷ niệm 900 năm chiến thắng Chi Lăng lần thứ nhất (981), Thử tìm hiểu cống hiến của Lê Hoàn đối với lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ X”. Ông đã mô tả lại việc sử dụng lực lượng quân sự của Lê Hoàn và Phạm Cự Lạng để thực hiện cuộc chuyển ngôi từ Đinh sang Lê. Trong khi “triều đình còn đang lúng túng chưa biết xử trí ra sao, thì bà Dương Vân Nga tức Dương Thái Hậu, mẹ Đinh Toàn, lấy áo hoàng bào khoác vào Lê Hoàn và mời ông lên ngôi vua. Hành động mạnh dạn và sáng suốt của bà Dương Vân Nga mở một lối thoát cho triều đình, tạo cơ sở pháp lý cho Lê Hoàn để ông này có thể lên thay nhà Đinh mà vẫn không mang tiếng là cướp ngôi của vua nhà Đinh”21. Văn Tân đã lược bỏ các chi tiết tình ái đời tư giữa Dương Thái Hậu và Lê Hoàn, cũng như bỏ qua toàn bộ các kiểu phê phán của sử thần phong kiến. Ông cô lập hóa sự kiện để việc chuyển ngôi mang sắc thái trung tính và khách quan. Sự tái mô tả của Văn Tân là một hiện trường hiển minh cho quá trình con người chính trị (phe đàn ông) đã tái sử dụng hình ảnh của phụ nữ cho những gì mà thời đại mong muốn.

Năm 1981, Văn Tân tiếp tục phát biểu về Dương Thái Hậu với những ý vị mới. Ông viết: “tiếng nói của quân đội lúc này là tiếng nói của cả dân tộc trong lúc thế nước gặp gian nguy… Truyền thống yêu nước và đoàn kết của dân tộc Việt Nam nói chung và của phụ nữ Việt Nam nói riêng đã làm cho Dương Thái Hậu nhanh chóng tìm ra một lối đi phù hợp với lợi ích của dân tộc… Việc chủ động chuyển quyền hành của bản thân mình và của con mình cho Lê Hoàn, Dương Thái Hậu tỏ ra là một phụ nữ khôn ngoan, sáng suốt, dám lựa chọn sự hy sinh lớn khi cần phải lựa chọn. Hành động của bà rất đẹp đẽ, nó có tác dụng hàn gắn mọi rạn nứt trong lực lượng dân tộc nảy sinh ra từ cái chết đột ngột của Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng là Đinh Liễn.”22 Cách đánh giá về sự kiện Dương Thái Hậu như trên có một bước ngoặt quan trọng về hệ hình viết sử. Văn Tân đã đưa “dân tộc”- khái niệm quan trọng nhất của bối cảnh chính trị đương thời, vào trong hoạt động nghiên cứu lịch sử. “Dân tộc” là vấn đề trung tâm, “đoàn kết dân tộc” là hoạt động thiết thực của người làm chính trị, các “rạn nứt trong lực lượng dân tộc” là nguy cơ của việc phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, dẫn đến việc giặc xâm lược, đe dọa đến độc lập dân tộc. Mà Độc lập là lợi ích sống còn của dân tộc. Dương Thái Hậu đã được đặt vào khung lý thuyết mới, hệ tư tưởng mới. Bà được đánh giá là người đã biết hy sinh lợi ích cá nhân để hàn gắn rạn nứt dân tộc, là người đã khôn ngoan tiến hành công tác đoàn kết dân tộc, thể hiện ý chí của toàn thể dân tộc.

Đến nửa sau thế kỷ XX, Dương Thái Hậu đã được cởi bỏ diễn ngôn đạo đức Nho giáo và khoác lên mình màu áo vàng son mới với các thuật ngữ mới về “quốc gia”, “dân tộc” và “chủ nghĩa yêu nước”.

Nhiều tác giả ở thời điểm này như Nguyễn Danh Phiệt, Đặng Thai Mai, Nguyễn Huệ Chi cũng có  những tiếng nói tương đồng với Văn Tân trong việc đánh giá vai trò của Dương Thái Hậu. Sau này, có những nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử nữ phân tích hình tượng Dương Thái Hậu, nhưng việc phân tích từ quan điểm, giọng nói của phụ nữ vẫn còn khá hiếm hoi. Đến Lee Seon Hee là người phụ nữ đầu tiên phân tích về hình ảnh Dương Thái Hậu góc độ “phê bình nữ quyền” (Feminist Narratology)23, từ quan điểm và giọng nói của phụ nữ. Lee Seon Hee đã sử dụng các khái niệm như “nữ tính”, “quyền tự do yêu đương”, “quyền tự do hôn nhân”,… trong lập luận của mình. Hành động Dương Thái Hậu yêu Lê Hoàn, trao ngôi cho Lê Hoàn, làm Hoàng hậu của Lê Hoàn được nhận định như là chuỗi hành động thuộc về “tính nhân bản”. Theo Lee Seon Hee, Thái hậu đã “chứng minh giá trị lớn lao của người phụ nữ không chỉ ở sự giác ngộ tự thân về quyền lợi về địa vị của mình phải gắn liền với quyền lợi và địa vị của quốc gia dân tộc mà còn ở cả trí thông minh, tầm nhìn chiến lược đồng thời lại cũng rất nữ tính nữa”24. Dương Vân Nga là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử đã nêu một tấm gương sáng về quyền tự quyết định vận mệnh của bản thân mình – quyền tự do yêu đương, tự do hôn nhân mà không bị lệ thuộc vào giáo lý phong kiến, cũng như thói thường của dư luận”25. Giá trị cuối cùng là bà đã được nhân dân thờ ở vị trí trung tâm, coi bà như một biểu tượng “của một tinh thần xả thần vì cộng đồng,…, của một trái tim phụ nữ tha thiết yêu đương, nhưng cũng vô cùng dũng cảm để tự quyết định tình yêu của mình”. Lee Seon Hee đứng hẳn về phía phụ nữ, muốn phá bỏ sự bất bình đẳng giới đối với Dương Thái Hậu, phản đối cách nhìn của đàn ông (nhất là đàn ông Nho giáo) đã áp đặt lên. Lee Seon Hee đã khước từ giọng nói của phía đàn ông bằng những biện luận về căn tính nữ của chủ thể lịch sử.   

Nhìn chung, hình tượng Dương Hậu là một kết quả của cả quá trình tái tạo tri thức lịch sử bằng cả khoa học và nghệ thuật. Về cơ bản, dù bị mắng nhiếc hay minh oan, hay xuất hiện ảo mờ - khuất lấp, bà (và các bà hoàng hậu khác) vẫn chỉ là các nhân vật phụ được tạo dựng dưới nhãn quan của nhiều lớp đàn ông với hệ tư tưởng hiện dụng của thời đại. Các bà hoàng hậu hiện lên dưới ngòi bút của cánh đàn ông, không phải vì bản thân họ (với tư cách là phụ nữ) mà vì đàn ông vì các lợi ích gia tộc - phe nhóm - lợi ích chính trị xã hội của đàn ông, họ là tệp đính kèm, tệp phụ, minh họa cho hoạt động chính trị của đàn ông, và thể hiện các diễn ngôn chính trị mà đàn ông đã tạo nghĩa lên hình ảnh của họ.

---

Chú thích:

1,2,3,4,6 Ngô Sĩ Liên, 1479, Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, 1998.
5 Có lẽ là Lạng là Thứ sử châu Nam Sách Giang (xem thêm phần viết về “Có hay không loạn 12 sứ quân?”
7 Đặng Xuân Bảng, 1905, <越史綱目節要> Việt sử cương mục tiết yếu, Ký hiệu: A.1592/1 – 2: 609 tr., 31 x 20, VNCHN, Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải, Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 2000. Tr.69.
8 [Ngô Sĩ Liên, 1479, Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, 1998, tr.221-2]. Tạ Chí Đại Trường cho là việc thờ cúng này đến Lê sơ đã qua vài trăm năm.
9 Toàn thư ghi Năm 1436, Lê Thúc Hiển được làm “An phủ sứ lộ Trường yên. Hiển người thôn Hồn, thuộc Hồng Châu, có tài về chính sự, được mọi người khâm phục”.
10 Nguyễn Lễ soạn, 1611, Tạo tác Thánh tượng tiền triều Lê Đại Hành Hoàng đế bi ký tịnh minh, Văn bia đền thờ Vua Lê, Ninh Bình.
11 Trần Hậu Yên Thế, 2013, bđd, tr.715. Xem thêm Nhị Hà, 2009, Có nên duy trì tên đường Dương Vân Nga, Tạp chí Hồn Việt, Nguồn: http://www.honvietquochoc.com. vn/bai-viet/3068-co-nen-duy-tri-ten-duong-duong-van-nga.aspx. Ngày đăng: 06 Tháng Mười 2009.
12 Trần Hậu Yên Thế, 2013, Bảo Quang Hoàng Hậu là ai? Tại sao lại có danh hiệu này? Trong “Thông báo Hán Nôm học 2012”, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr.713-718.
13 Song Cối, “Nhân nói đến gia đình vua Đinh, tôi bào chữa cho Dương Thái hậu”, Tạp chí Tri Tân, số 41, thứ 3, 7 Avril 1942, tr. 18.
14 Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, 1870,  <大南国使演歌> Đại Nam quốc sử diễn ca, Trí Trung Đường in năm Tự Đức 23. VNv. 118, Lã Minh Hằng khảo cứu phiên âm chú thích, Nxb Văn học, Hà Nội, 2008. Tr.92.
15 Quốc sử quán triều Nguyễn, 1910,  Đại Nam nhất thống chí, T2. Hoàng Văn Lậu dịch, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2012. Tr.1044. Nguyễn Tử Mẫn 阮 子忞, 1862, <寧平全省地誌考辨> Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện, A.922, VNCHN, Nguyễn Mạnh Duân dịch, Nguyễn Thụy Ứng hiệu đính, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.126
16 Hoàn vương ca tích, Bùi Văn Cường, Nguyễn Tế Nhị, Nguyễn Văn Điềm sưu tầm, giới thiệu, Lao động, Hà Nội, 2011. Đền thờ ở đình Bách Cốc, xã Thành Lợi, Vụ Bản, Nam Định.
17 Song Cối (Hoàng Thúc Trâm), “Nhân nói đến gia đình vua Đinh, tôi bào chữa cho Dương Thái hậu”, Tạp chí Tri Tân, số 41, thứ 3, 7 Avril 1942, tr. 18.
18 Đầu thế kỷ 20, các sách về tình dục của phương Tây đã được dịch sang tiếng Hán và tiếng Việt.
19 Ví dụ Đào Duy Anh (Lịch sử Việt Nam, sđd,), hay bộ Lịch sử Việt Nam của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam.
20 Ủy  ban Khoa học Xã hội, 1971, Lịch sử Việt Nam, T.1, Nxb.KHXH. Hà Nội, tr.145.
21 Văn Tân, Nhân dịp kỷ niệm 900 năm chiến thắng Chi Lăng lần thứ nhất (981), Thử tìm hiểu cống hiến của Lê Hoàn đối với lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ X, NCLS, 1971, số 140, tr.2.
22 Văn Tân, Vai trò của Lê Hoàn hồi thế kỷ X đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, NCLS, 1981, số 2 (197), tr.7.
23 Susan Lanser, “Toward a Feminist Narratology”, in Feminisms: An Anthology of Literary Theory and Criticism, Robyn Warhol & Diane Price Herndl, Rutgers University Press, New Brunswick & New Jersey, tr.674-693.
24 Lee Seon Hee, Thái hậu Dương Vân Nga và vai trò của người phụ nữ Việt Nam hồi thế kỷ X , NCLS, 2000, số 5 (312), tr.52.
25 Lee Seon Hee, bđd, 2000, số 5 (312), tr.53.

Nguồn, Tạp chí Tia sáng, ngày 19.10.2018.

Xây dựng một tạp chí Việt Nam học quốc tế ở Việt Nam cần một sự chuyển đổi lớn về mặt nhận thức của cộng đồng khoa học và các nhà quản lý.



Hội thảo Việt Nam học lần thứ 5, 2016.


Ba năm nay, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức hàng chục hội thảo, tọa đàm về việc xây dựng một tạp chí khoa học xã hội đạt “chuẩn quốc tế” và định hướng tạp chí Vietnam Social Sciences của Viện sẽ lọt vào danh mục tạp chí quốc tế (ít nhất là ACI) vào năm 2025. Cùng với đó, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng bộc lộ nỗ lực và quyết tâm tương tự với tạp chí Journal of Social Sciences and Humanities của mình. Nhưng liệu hai cơ quan nghiên cứu uy tín hàng đầu về khoa học xã hội của Việt Nam và kể cả các cơ sở nghiên cứu khác có làm được điều đó, và họ có nên làm?

Nhu cầu bức thiết có một tạp chí Việt Nam học

“Mong muốn của chính phủ và của cả cộng đồng khoa học Việt Nam là thông qua việc xuất bản một tạp chí uy tín quốc tế để thế giới hiểu thêm về Việt Nam, để ngành Việt Nam học có vị thế và đóng góp nhiều hơn cho khoa học thế giới” – GS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học KHXH&NV đồng thời là Tổng biên tập tạp chí Journal of Social Sciences and Humanities cho biết. Hiện nay, trên thế giới chỉ có duy nhất một tạp chí trong lĩnh vực Việt Nam học, là Journal of Vietnamese Studies (JVS) của nhà xuất bản University of California, Berkeley Press ra đời cách đây 12 năm. Đây cũng là tạp chí thứ hai trong lịch sử chuyên về lĩnh vực này, sau khi tạp chí Diễn đàn Việt Nam của dịch giả và nhà sử học Việt kiều Huỳnh Sanh Thông đóng cửa vào những năm 1990. JVS tập trung vào các nghiên cứu về lịch sử, chính trị, văn hóa – xã hội của Việt Nam và những chủ đề bị bỏ quên bởi dòng nghiên cứu chính thống như người Việt Nam ở hải ngoại và Chiến tranh Việt Nam. Trả lời phỏng vấn Tia Sáng, Lưu Trinh, thư ký tòa soạn của JVS tự hào nói rằng tạp chí của họ là “ngọn cờ đầu” về Việt Nam học trên thế giới và “không có đối thủ”. Tiếng tăm của họ thông qua con đường “truyền miệng” và từ khi xuất bản đến nay, họ đã nhanh chóng tăng tần suất xuất bản từ một năm hai số thành ba số và hiện nay là bốn số với người viết đến từ khắp các châu lục trên thế giới. Ví dụ của JVS dường như mở ra một con đường rất tiềm năng trong việc xây dựng một tạp chí quốc tế về Việt Nam học.  

Mà chính Peter Zinoman, tổng biên tập đồng thời là người sáng lập JVS, hiện nay là giáo sư duy nhất ngành Việt Nam học tại University of California, Berkeley không chỉ cho rằng sự ra đời của tạp chí quốc tế chuyên về Việt Nam học là cấp thiết mà còn khẳng định tạp chí của ông, với những giới hạn về ban biên tập, ngôn ngữ và địa lý chưa đủ để bao trùm sự đa dạng và sôi động trong lĩnh vực Việt Nam học trên thế giới ngày nay. Trong công bố tại hội nghị Việt Nam học lần thứ ba năm 2009, Zinoman đã kể lại quá trình xây dựng JVS để minh chứng cho lập luận trên của mình. Trong đó, thế giới ngày càng quan tâm đến ngành Việt Nam học, thể hiện ở việc ngày càng nhiều học giả Việt Nam học tại các trường đại học và viện nghiên cứu danh tiếng trên thế giới với quá trình thi tuyển không kém phần cạnh tranh so với các lĩnh vực khác. Trong khi đó, ngoài JVS, các tạp chí nghiên cứu châu Á và Đông Nam Á khác lại có xu hướng ưu tiên “diện tích đất” cho những bài nghiên cứu về những nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật và Indonesia. Hơn nữa, các nghiên cứu về Việt Nam các trên tạp chí này cũng không thể quá chuyên sâu và phải đưa ra được những kết luận đầy đủ cho bối cảnh lý thuyết và khu vực rộng hơn. Ông kết luận rằng, việc không có tạp chí chuyên ngành Việt Nam học không chỉ “gây khó khăn” cho các học giả trong lĩnh vực này mà còn là “thiếu sót về mặt thể chế” khi mỗi nước trong khu vực đều có một tạp chí chuyên ngành đất nước học về họ (kể cả Lào và Campuchia). Nhưng, dẫu cho JVS giải tỏa được phần nào nhu cầu của cộng đồng Việt Nam học trên thế giới, Zinoman cũng tự nhận rằng, do ban biên tập chủ yếu ở Bắc Mỹ nên các nghiên cứu đăng trên tạp chí có thiên hướng đến từ khu vực này và chưa vươn ra được nhiều tác giả tiềm năng ở Úc, Anh và Singapore. Hơn nữa, cũng do đặc điểm các chủ biên tạp chí đến từ hai ngành lịch sử và văn học so sánh nên nội dung của JVS thiên về các lĩnh vực tương tự.


Bìa tạp chí Journal of Vietnamese Studies, tạp chí quốc tế duy nhất về Việt Nam học trên thế giới hiện nay. 

Còn có những lập luận khác về tính cấp thiết của việc xây dựng tạp chí quốc tế về Việt Nam học, chẳng hạn như GS. Lương Văn Hy ở Đại học Toronto cho rằng “có được tạp chí như thế cũng là một chỉ báo tốt về sự trưởng thành của KHXH&NV ở Việt Nam”. Lưu Trinh cho rằng “[một tạp chí như thế] sẽ đóng vai trò lớn trong việc thay đổi thực hành khoa học ở Việt Nam”. Cô thấy rằng phần lớn các nghiên cứu từ Việt Nam gửi đến JVS đều chưa tuân thủ nguyên tắc liên quan đến trích dẫn trong một bài báo khoa học khiến cho công trình thiếu thuyết phục, thiếu chuyên nghiệp. 


Không thể vừa mang tính quốc gia, vừa mang tính quốc tế

Nhưng mặc dù có những lí do chính đáng và bối cảnh thuận lợi, thì việc một viện nghiên cứu, trường đại học trong nước xây dựng một tạp chí quốc tế về Việt Nam học trong chưa đầy 10 năm nữa, đòi hỏi một nỗ lực vô cùng lớn nếu nhìn vào xuất phát điểm của Việt Nam. Số lượng công bố quốc tế ISI/Scopus của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Đại học KHXH&NV Hà Nội mỗi năm của mỗi đơn vị chưa vượt quá 10 bài, thể hiện số nhà khoa học thông thạo thông lệ quốc tế về xuất bản trên các tạp chí chưa nhiều, chưa nói đến việc điều hành và xây dựng một tạp chí quốc tế. Tạp chí tiếng Anh của hai đơn vị trên vẫn còn đậm nét “nội địa” thể hiện ở số bài trong nước và số thành viên người Việt Nam trong ban điều hành còn vượt trội. Cả hai tạp chí Vietnam Social Sciences của Viện Hàn lâm KHXHVN và tạp chí Journal of Social Sciences and Humanities của Trường ĐHKHXHNV, Đại học Quốc gia mặc dù đã có rất nhiều cố gắng và đổi mới, vẫn còn phải phấn đấu rất nhiều mới đạt được các chuẩn mực quốc tế. Cả hai tạp chí đều được Lưu Trinh và GS Oscar Salemink   đang làm việc tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch đánh giá là “rất khó tìm đọc”.


Việc hóa giải những bế tắc trên đặt cộng đồng khoa học và cả những nhà quản lý ở Việt Nam vào một cuộc chuyển đổi nhận thức mạnh mẽ: Xây dựng tạp chí quốc tế, ngay cả khi tạp chí đó là về ngành Việt Nam học, ngay cả khi tạp chí sử dụng nguồn lực của quốc gia, vẫn phải gạt bỏ mọi mục tiêu “chỉ” phục vụ riêng cho lợi ích đất nước, cho riêng cộng đồng khoa học Việt Nam. Nói cách khác, tạo ra một ấn phẩm như vậy phải xuất phát từ một tinh thần vô tư, phụng sự “khoa học không biên giới”.  GS. Phạm Quang Minh chia sẻ: “Cho Việt Nam ở đây phải hiểu là để thế giới biết về Việt Nam, để những nghiên cứu Việt Nam được thế giới biết đến, cho dù người đó đến từ nước nào và viết về lĩnh vực gì, không tổn hại đến lợi ích của Việt Nam.”Điều này không giống như quan điểm của một số người cho rằng tạp chí quốc tế của Việt Nam là một “hướng giải quyết”, “tạo điều kiện” cho các nhà khoa học Việt Nam công bố quốc tế. Nếu không có được tinh thần này, thì theo GS.Oscar Salemink, người đã có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Việt Nam học, đặt ra việc xây dựng một tạp chí quốc tế “mâu thuẫn đến vô nghĩa” (oxymoron) bởi vì không bao giờ có được một tạp chí vừa mang tính quốc gia và quốc tế. Một tạp chí quốc tế, bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, do đó ít quan tâm đến các quy tắc của quốc gia. Ngược lại, nếu muốn giữ kiểm soát tạp chí trong nước, giới nghiên cứu nước  ngoài sẽ không coi trọng nó.

Bốn yếu tố xây dựng một tạp chí quốc tế (ngoài việc phải xuất bản bằng một ngôn ngữ thông dụng): Một hội đồng biên tập quốc tế, Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phản biện kín hai chiều, Hoàn toàn không có kiểm duyệt, Được xuất bản quốc tế, trên thực tế nghĩa là xuất bản online hoặc bởi một nhà xuất bản khoa học nước ngoài (vì Việt Nam chưa có khả năng này).
Là người có mặt trong hội đồng biên tập của nhiều tạp chí quốc tế về Đông Á và Đông Nam Á uy tín, Oscar Salemink đưa ra bốn yếu tố xây dựng một tạp chí quốc tế (ngoài việc phải xuất bản bằng một ngôn ngữ thông dụng): Một hội đồng biên tập quốc tế; Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phản biện kín hai chiều, Hoàn toàn không có kiểm duyệt; Được xuất bản quốc tế, trên thực tế nghĩa là xuất bản online hoặc bởi một nhà xuất bản khoa học nước ngoài (vì Việt Nam chưa có khả năng này). Ông cho rằng ba yếu tố đầu là bắt buộc, “nếu không thì việc có một tạp chí quốc tế không có nghĩa lý gì. Và như thế thì tốt hơn là khuyến khích các học giả Việt Nam cố gắng công bố và công bố nhiều hơn trên các tạp chí quốc tế khác”.


Việc xây dựng tạp chí quốc tế không phải là vấn đề đầu tư tiền bạc (mặc dù cũng cần một khoản để thuê người biên tập thành thạo tiếng Anh và nắm rõ những vấn đề liên quan đến Việt Nam, tiền xuất bản hoặc tổ chức các hội thảo và tọa đàm chuyên đề định kỳ để quảng bá tạp chí) mà là những yêu cầu do Oscar Salemink đưa ra gắn liền với tự do học thuật ở Việt Nam. Đó chính là cục nam châm thu hút hoặc đẩy xa những nhà khoa học nước ngoài uy tín trong việc tham gia xây dựng ngành Việt Nam học, kể cả khía cạnh hỗ trợ việc phát triển một tạp chí khoa học quốc tế. Khi GS. Phạm Quang Minh mời David Marr, một học giả người Mỹ nghiên cứu nổi tiếng về lịch sử Việt Nam vào hội đồng biên tập của tạp chí Journal of Social Sciences and Humanities, mặc dù ông đồng ý nhưng đã thẳng thắn chia sẻ: “Đừng nghĩ đưa tên của tôi sẽ làm uy tín của tạp chí tăng lên”. Để việc họ đứng trong hội đồng biên tập của các tạp chí không chỉ dừng lại ở cái tên mà thực sự tham gia vào chiến lược, sứ mệnh, mục tiêu và bản sắc của tạp chí, từ đó họ mới nhiệt thành trong việc quảng bá tạp chí và kêu gọi bài vở từ khắp nơi trên thế giới thì mức độ kiểm soát của ban biên tập tạp chí trong nước chỉ còn một phần nhỏ. Oscar Salemink chia sẻ rằng ngoài thi thoảng nhận được yêu cầu bình duyệt, chưa bao giờ ông nhận được lời đề nghị nào về tham gia đóng góp ý kiến xây dựng tạp chí của Việt Nam, có lẽ là do ban biên tập muốn “giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát”. Hơn nữa, để có một tạp chí tốt, cần trao quyền cho ban biên tập là những nhà khoa học có công bố quốc tế và trẻ tuổi (vì làm tạp chí là một công việc đòi hỏi cao mà phần lớn là “không công”, những học giả uy tín ở giai đoạn sau của nghề nghiệp thường không đủ thời gian và năng lượng để làm) có khả năng trao đổi và tìm kiếm lời khuyên từ các nhà khoa học thế giới uy tín.    

Nếu vì một mục tiêu khoa học, Việt Nam với điểm xuất phát hiện nay vẫn có hi vọng xây dựng được tạp chí quốc tế để thúc đẩy ngành Việt Nam học. Theo lời GS. Phan Huy Lê, Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Hàn lâm KH&XH nên đứng ra chủ trì một tạp chí. Ông tin rằng thế giới sẽ quan tâm bởi mỗi năm Hội thảo Việt Nam học đều thu hút được 200 học giả trên khắp thế giới với 100 công bố giá trị. Hơn nữa, trao đổi với Tia Sáng, GS. Phạm Quang Minh cũng cho biết hoàn toàn có nhà khoa học Việt Nam đủ uy tín và khả năng kết nối để nằm trong ban biên tập. Sắp tới vào tháng 7, ông sẽ gặp gỡ với Đại học Quốc gia Đài Loan, theo lời đề nghị của GS triết học Trần Văn Đoàn để trao đổi về việc cùng hợp tác với Đại học Quốc gia và Viện Hàn lâm thành lập một tạp chí quốc tế về Việt Nam học.

Hảo Linh

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 07.6.2018

Thông tin truy cập

63704511
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2605
22198
63704511

Thành viên trực tuyến

Đang có 355 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website