20180309 Le Thiet Cuong

Chân dung họa sĩ Lê Thiết Cương.

Mĩ học vuông-tròn là căn bản của triết lý âm dương thuộc minh triết phương Đông, thấm sâu tận đáy nghệ thuật Việt và dĩ nhiên – hội họa Việt.

 Có lẽ tài năng tự thân của người thầy hướng đạo, kiểu thi sĩ Đặng Đình Hưng, đã phát hiện tài năng hội họa bẩm sinh của Lê Thiết Cương và ý thức việc dắt dẫn Cương vào chính cái quỹ đạo mĩ học âm - dương đầy mê hoặc này, để từ đó hình thành độc đạo duy nhất mà Cương đang đi, như mê lộ, đó là vẽ tối giản. Với chỉ độc trọi bố cục riết róng hai khuôn hình chật chội: vuông-tròn. Té ra, trọn vẹn cả mỹ học hội họa của Cương, lại nằm ở hai khuôn hinh căn cơ ấy của triết lý sống phương Đông, với bản nguyên minh triết đến giản dị: Trăm năm tính cuộc vuông tròn-Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông. , mẹ tròn con vuông, Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài…, ấy là những triết luận về cái sống của cả dân gian lẫn bác học, tồn tại hằng thường và xanh li ti bất tận trong đời sống Việt, lúc nào, khi nào cũng như sông, thao thiết một lòng chảy ra biển...

 Vậy nên, Cương có một lối vẽ bố cục rất chặt chịa của tư tưởng mỹ học lấy tối giản về hình họa làm nguyên tắc tối thượng.

Từ nguyên lý mỹ học riêng tư này, Cương thấy mình chính là mình trong cả sự thách đố lẫn sự bùng nổ của vận động hội họa tự thân. Còn gì có thể thách thức hơn khi người họa sĩ tự neo mình chỉ vào hai khuôn hình cơ bản vuông tròn, mà cùng lúc lại khát khao nới rộng mình,bay đến chân trời xa xanh ngát, khởi từ chính hai hình họa cơ bản ấy? Cương đã suốt đời tìm kiếm câu trả lời đầy vô thường ấy, để rồi  “tự nhiên nhi nhiên” từ từ mở cánh (theo cách mà Trịnh Công Sơn diễn đạt, đẹp đến vô ngôn trong nhạc Trịnh, nhuốm đậm sự bung nở triết lý nhà Phật trong hình ảnh mãn khai của Đóa hoa Vô thường). Cương biết, có lúc bằng ý thức, song có lúc thành vô thức hồn nhiên (chẳng phải con đường vận hành của ý thức-vô thức cũng mang/cũng chính là chuyển động âm dương đó sao?Thì nó ở ngay trong giản dị của vỡ lẽ dân gian đấy thôi, với từng cặp đôi hệ quả, hệ lụy: trèo cao ngã đau,gieo gió gặt bão, ở hiền gặp lành, lạt mềm buộc chặt, cứng quá dễ gãy, nước chảy chỗ trũng, khóc lên tiếng cười, cười ra nước mắt vv và vv…) rằng, đã tựa được lưng vào biến ảo khôn cùng của triết lý vuông tròn phương Đông, thì bố cục tranh, một mặt sẽ rất chật chội, chặt chẽ, không lơi lỏng, buông bỏ trễ tràng, song, ý nghĩa, dư ba, dư ảnh của nó, cùng lúc, lại bùng phát những bát ngát mênh mông không giới hạn, chẳng bến bờ của… đóa hoa vô thường.

Trong triển lãm mới nhất gần đây, cuối năm 2013, lần đầu kết hợp tranh xé giấy của nữ họa sĩ Hoàng Phương Liên, gọi vui là Liên “xé giấy”, với tranh gốm mosaic của mình, Cương đã đưa bố cục tối giản vào chất liệu gốm, với phát hiện về sự lên màu lạ lùng đẹp của gốm mosaic trong mĩ học tối giản.

Tôi đâu nghĩ màu của gốm lại đẹp rực đến chói chang và thăm thẳm đến thế, trong biến ảo kì diệu của vuông tròn căn cơ, tạo thành tính dị biệt chẳng giống ai của hội họa tối giản Lê Thiết Cương. Khi hình họa Cương lại có thể đổi chỗ cả quan hệ vuông tròn về bản chất: dáng hình thiếu nữ thiếu phụ của Cương đều được nén chặt trong hình tròn, cong veo óng nuột như thể giọt nước, giọt sương, như thể hạt gạo trắng trong quê mùa mà hàng ngày ta vẫn bưng bát cơm thơm lên ăn, nhìn hạt mưa rơi tròn vo rớt xuống từ vòm cây xao động lá sau mưa qua cửa sổ nhà ta…(tròn vốn là mã số của yếu tố Dương đấy. Trong quy luật âm dương, tròn chính là chuyển động, vẫy vùng không đứng yên, mang vẻ đẹp dương tính, ấy thế mà Cương tai ngược độc đoán, đã chỉ dùng tròn để vẽ phái đẹp là phái yếu, âm tính, vốn mang biểu thị là hình vuông). Bởi vuông là mã của bản nguyên âm tính, ít chuyển động, tĩnh tại, về bản chất là đứng yên. Và Cương lại vẫn tiếp tục tai ngược, dùng vuông để vẽ đàn ông, trong bố cục vuông vắn, trầm tư và sâu thẳm, hình khối chằn chặn vững chãi.

Với ý nghĩ nhuốm đầy trực giác ấy, tôi bao giờ cũng thích một mình chiêm nghiệm và nhất định chỉ thích va đập với tranh Cương bằng…trực giác, như đã từng, đang và sẽ từng thích va đập với tranh đẹp của bất cứ họa sĩ nào, cũng  chỉ theo cách ấy, mặc lòng. Bức vẽ của Cương như toàn hình vuông góc cạnh, màu gốm đầm trầm nâu, hình đàn ông ghi xám nhạt, đáy tranh màu xanh lợt, đẹp đến thảng thốt, được Cương đặt tên tranh chỉ một chữ: Nghĩ, với câu thơ gắt buồn, ăn mặn vào tâm trạng tranh Cương của thi sĩ Du Tử Lê, do chính Cương chọn làm đề từ: cúi xuống một dòng sông/nhớ gì không bé dại/nghe tự hồn lược gương/tuổi thơ quành bước lại/ hờn em đầy hai vai/nghìn năm không gột rửa.

Đây đâu phải cuộc gặp vô tình giữa thơ và tranh, mà là một hạnh ngộ đớn đau của số phận. Và cùng dòng nghĩ, là tranh Độc thoại, với bố cục xoe tròn, cuốn chặt tư thế cô gái ngồi bó gối tròn trịa trước nụ sen còn ngậm (sen của Cương thường có tỷ lệ nhỏ xíu trong bố cục với hình người và không hiểu  sao, không bao giờ nở). Thật là một tư thế uốn tròn trong khuôn hình được Cương tạo dáng đẹp khủng khiếp, vừa kinh điển vừa gợi mở đến muôn trùng hiện đại. Đặc biệt là sự rạn vỡ màu xanh dương nhạt của các nét xô đẩy bên trong hình tròn cô gái, ngồi cúi đầu ngắm/đối thoại với đóa sen, nổi bật trên sắc đỏ tía của màu nền rực rỡ ánh đỏ. Bức tranh ấy đã bay lên vút cao vẻ đẹp chất liệu gốm mosaic-sơn mài, với rưng rưng câu thơ tình tinh tế của Du Tử Lê: đi, như nắng nỏ tay người tháng chạp,/trên môi tôi còn mặn,cỏ ai, rừng/chim ngậm ngải, tìm hương trầm tháng sáu/gối chăn kia thương mãi chỗ ai nằm.

Hóa ra nỗi tranh đong đầy buồn thương váng vất của nỗi thơ, không biết sao mà tranh Cương được duỗi mình êm đềm đến thế dưới bóng chữ xao động của thơ tình Du Tử Lê? Có thể những vỡ vạc li ti về trực giác ấy trước tranh Cương sẽ theo níu hồn ta, trong cả một chiều mùa đông trở tối ngày Tết Nguyên đán Mậu Ngọ 2014 năm nay, khi ta nhấp môi chút rượu màu hổ phách, nghe lòng ngâm ngấm cái chén xuân tàng tàng trong lòng con phố cổ Hà Nội của galery 39A Lý Quốc Sư, ngôi nhà cổ của Cương, nơi cố thủ pháo-đài-buồn của Cương, thỉnh thoảng rơi vào trưa vắng vài tiếng chuông Nhà thờ Lớn Hà Nội thong thả ngay gần đấy - nơi chốn duy nhất mà ta có thể đến nâng ly, chuyện trò nở như cơm gạo vàng giữa bạn hiền và có thể không chuyện trò gì, cũng chẳng sao…

Cương tuổi Nhâm Dần 1962, tính cách hội họa gắt gao quyết liệt như thế, cũng không tránh khỏi “ngã ngựa” ở đời riêng. Có điều, Cương chọn “ngã vào mình”, ngã vào trái tim mình thì thật đau, nhưng đó là lựa chọn của Cương. Tôi đã viết về cái sự ngã ấy trong bài thơ Hoa phố cổ bất  ngờ lượm được trên cánh máy bay Hà Nội - Sài Gòn hôm 29.12.2013: Chàng họa sĩ bảo mình thoát hiểm/đàn bà đã biến khỏi đời tôi/Tự do tôi, độc lập tôi/Như trúc đứng đầu đình, một mình một cõi/ Sớm nay, tự tay chàng cắm bình hoa chật cứng/mười chín bông hồng bạch/ngần ngận nụ trinh nguyên/Dìm thật sâu lòng bình/ trong suốt pha lê / Chàng cầm tù, nhốt chặt/ Không cho nụ hồng nào ngoi khỏi miệng bình/nước ngập tận cổ hoa/ Chao ôi/Giai phố cổ/ ngã vào lòng phố cổ/thành phố ở trong sông…

                                                      Sáng 5 Tết Mậu Ngọ 2014, Hà Nội

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái

Phó Trưởng Ban Lý luận, Phê bình Hội NSSK Việt Nam

Trong ba không gian công quan trọng hơn cả của làng Bắc Bộ truyền thống thì hai không gian công thuộc về tôn giáo: đình và chùa, không gian công còn lại thuộc về thế tục: chợ. Dù được thiết lập để buôn bán trao đổi hàng hóa, nhưng khi vận động trong tâm thức tín ngưỡng tôn thờ thần quỉ mãnh liệt của người dân quê Việt Nam, chợ lập tức kiến tạo một “hệ thống” kiêng kỵ, nghi lễ thờ cúng và các ma thuật biểu trưng.


Chợ là thế giới ngoại biên, của phụ nữ. Trong ảnh: Một góc chợ làng Nôm (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Nguồn: khatvongsong.vnweblogs.com. 

 

Phận chợ

Chợ truyền thống, về cơ bản, bao giờ cũng được thiết lập trên những khoảnh đất trống, thường thì ở ngoài làng nhằm đề phòng kẻ lạ, tránh những sự thâm nhập không cần thiết vào nội bộ làng, bên trong làng. Đình và chùa thì không thế, luôn ở trong làng, dù là phần phía trong tiếp giáp với cái bên ngoài, gọi là rìa làng, nhằm phô trương những kiến trúc mang tính tượng trưng cho sức mạnh và truyền thống của làng với kẻ khác. Thành ngữ dân gian thường nói: trong làng ngoài chợ. Chợ, không gian của cái dung tục, của những nhu cầu vật chất thường ngày, bị gạt ra bên ngoài, cùng với nghĩa địa, không gian lạnh lẽo của sự chết chóc. Tự điều đó đã hàm nghĩa chợ không-quan-trọng bằng đình hay chùa, những không gian thiêng trong làng. Chợ, vì thế, là một kiến trúc “phi kiến trúc”, tức là một tập hợp hỗn độn, bẩn thỉu của lều lá, thậm chí chẳng có cả lều lá, chỉ có sự tụ bạ mua bán của lố nhố một đám đông người, thường là dân đội nón, mặc váy1, nói cách khác, chợ là thế giới ngoại biên, của phụ nữ2.

Việc thờ thần đất ở Việt Nam, vốn đặc biệt quan trọng, được chia ra nhiều cấp độ. Nhà thì thờ Thổ công. Làng thì thờ Thành hoàng. Nước thì thờ Xã Tắc. Chợ được đặt trên một khoảnh đất cụ thể thì chắc chắn phải thuộc phạm vi cai quản của một vị thần nào đó, một cách mơ hồ như chính logic dân gian, thì cứ gọi là Thổ công. Nếu chợ gần chùa, đình, am hay miếu thì phần nhiều là các vị Phật, thần, thành hoàng, hay thần chủ đền, am, miếu cũng chính là các thần được các bà, cô đi chợ cầu cúng, coi đó như thần cai quản chợ. Còn nếu tính riêng một vị thần cai quản chợ, hay liên quan đến chợ búa, có danh tính xác định, có thể, đó chính là Thổ kỳ như học giả Toan Ánh đã nói đến:

Trên bài vị để thờ Thổ công: “hàng ở giữa là Đông Trù tư mệnh táo phủ thần quân là vua bếp, hàng bên tay phải là thổ địa long mạch tôn thần là vị thần săn sóc việc nhà, còn hàng bên trái là ngũ phương ngũ thổ Phúc đức chính thần, đây là Thổ kỳ săn sóc việc chợ búa”3.

Sách Thổ thần khảo chính tăng bổ4 cũng cho biết, Thổ địa có nhiều tên: ở đền chùa gọi là Thổ Địa Long Thần, Thổ Địa Phật; ở nhà thì gọi là Thổ Thần; ở ngoài đồng gọi là Xã Thần; ở đình gọi là Thành Hoàng Thổ Địa. Thổ kỳ là thần ở các gò đất giữa các bãi bằng phẳng. Kết nối ý nghĩa, chợ thường họp ở nơi bãi đất bằng phẳng ngoài làng, có thể suy ra, đất chợ chính là phần đất thuộc sự cai quản của Thổ kỳ hay thần chủ của chợ.

Thờ thần chủ chợ

Mọi sự cầu cúng sự sinh, buôn may bán đắt, tiền đẻ ra tiền là ước vọng dễ hiểu của người đi chợ. Khát vọng đó là lí do để chúng ta xem xét một trong những tục “lạ” thuở xưa của những người đàn bà Chợ Mơ - Hà Nội. Chợ Mơ có miếu nhỏ Trung Hiền, các bà các cô muốn đắt hàng khi đi qua miếu vào buổi sớm phải vén váy lên... hướng vào miếu. Sự kiện này, tồn tại trong nó có lẽ là nhiều lớp tín ngưỡng đa tạp. Xem xét từ tín ngưỡng thờ thần chủ sự sinh sôi ở chợ, có thể hiểu hành vi “vén váy” tượng trưng cho sự phô bày “cửa sinh nở” với thần nhằm cầu mong sự bán buôn sinh đàn sinh lũ. Thần trong miếu Trung Hiền có thể nào là một vị thần chủ của chợ? Và hành vi vén váy là ma thuật tượng trưng như lối ra mắt thần để vào chợ? Khi không khảo được lai lịch vị thần này, chúng ta chỉ có thể tạm bằng lòng khớp nối các nguyên lý của sự thờ phụng sinh sôi ở chợ như một mô hình lý giải hành vi “lạ” này. Đồng thời, khẳng định giả thuyết, Thổ kỳ có thể là một thần đàn bà - hay chắc hơn - là mang nguyên lý nữ, phù hộ cho việc sản sinh giống vật trong gia đình và ở chợ là thần bảo trợ buôn bán. Hành động “vén váy” như thế, sẽ như là một nghi thức ma thuật cộng cảm, chào hỏi của “đám chị em” với vị thần “đàn bà” đồng giới của mình.

Sự phát hiện bà chúa Chợ không phải là điều gì đó đặc biệt, vì đã có một mạng lưới khá phong phú những bà chúa Chợ tồn tại rải khắp, phổ biến ở nhiều nơi. Sơ bộ có thể kể ra như bà chúa Chợ Đồng Xuân, bà chúa Chợ Phủ Quốc Oai (Hà Nội); bà chúa Chợ Kế (Bắc Giang); bà chúa Chợ Hành Thiện (Nam Định),... Đây là những vị thần chủ mang giới tính đàn bà thuộc hệ thống tín ngưỡng Mẫu, chi phối mạnh mẽ tâm thức bình dân Việt Nam, được xác lập bởi những người đàn bà chạy chợ.

Khá thú vị là trường hợp đền Tả Phủ ở chợ Kỳ Cùng, Lạng Sơn (họp phiên vào ngày 2 ngày 7 hằng tháng) thờ ngài Thân Công Tài là tướng trấn nhậm biên viễn có công mở chợ Kỳ Lừa cho dân Việt – Trung giao lưu buôn bán. Dân 13 phường Trung Quốc và bảy phường bản quốc (Việt Nam) đã lập đền thờ, khắc bia (1683) ghi nhớ công đức ngài. Từ đấy, Thân Công Tài trở thành thần thương mại, bảo trợ bán buôn cho tiểu thương và người đi chợ Kỳ Lừa. Ngày nay, vào các dịp lễ lớn và ngày mùng Một hằng tháng, dân trong chợ vẫn thường đến đền lễ bái; mọi việc cầu mua, cầu bán, đòi nợ... cũng đều xin, lễ ở đền. Ngoài các ngày lễ lớn trong năm của đền (âm lịch: Lễ Thượng Nguyên 16/1; Hội cầu pháo 22/1; Lễ vào hè 16/4; Lễ ra hè 16/7; Lễ giỗ 11/8...) còn có một ngày lễ khá đặc biệt là ngày lễ nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10 dương lịch). Như thế, sự kiến tạo mới về tính chất nghi lễ thương mại gắn với Ngày Doanh nhân Việt Nam ở đền Tả Phủ, và được giới doanh nhân Lạng Sơn hưởng ứng, đã khiến tính chất vị nhân thần chợ Kỳ Lừa Thân Công Tài ngày càng trương nở quyền năng, trở thành thần thương mại cấp vùng, cấp tỉnh.

Và những ma thuật khác

Sau tín ngưỡng thờ thần chủ chợ là hàng loạt những hình thức tín ngưỡng khá rõ nét, tồn tại xuyên suốt từ xưa đến nay ở chợ, mà tiêu biểu và độc đáo hơn cả có lẽ là tục đốt vía, đánh vía. Ở chợ quê, đối với người buôn bán, theo P.Huard và M.Durand5 cho biết, có một thực tế rất phổ biến, đó là việc thực hành ma thuật “đốt vía đốt van”. Người hàng chợ quan niệm khách hàng có thể có vía lành, vía tốt hay vía xấu, vía dữ. Nếu khách mở hàng chẳng may lại rơi đúng vào kẻ vía xấu, vía dữ thì điều đó thật tệ hại bởi nó sẽ đưa đến bất lợi cho buôn bán trong ngày, sự ế ẩm hay thua thiệt. Những lúc như thế, những người buôn bán ở chợ đành phải thực hành một dạng ma thuật thương mại là đốt vía, giải vía kẻ xấu. Huard và Durand bình luận thêm, lòng mê tín cùng cực ấy của người buôn bán ở chợ quê Việt Nam có thể ví như sự cuồng tín của những kẻ cướp biển mỗi khi dong buồm hoạt động sẽ giết chết ngay kẻ đầu tiên dám kháng cự! Sự kiện mà Huard và Durand cung cấp nhằm vào hoạt động thương mại của người dân quê Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Trái lại, mở hàng gặp người vía tốt, vía mát thì lại may mắn, bởi nó “lây nhiễm” sự may mắn ấy đến các khách hàng đến sau, nhờ đó mà hàng bán đắt như tôm tươi. Ở chợ, vì thế, những người được cho là vía tốt – tức những khách dễ tính, xông xênh, không mấy khi mặc cả - bao giờ cũng là thượng khách mỗi khi họ xuất hiện. Mở hàng là một hình thức thuộc các nghi lễ khai mở phổ biến trong văn hóa Việt Nam như khai bút của nhà nho đầu xuân, khai ấn của quan lại, mở luống cày, lễ động thổ, lễ đóng tàu hay khai trương cửa hàng... Mở hàng thuộc một sự khai mở bắt đầu cho chu kỳ buôn bán thường là cấp ngày.

Sự tiến triển trong các hình thức linh thiêng của chợ, vì thế, có thể nói luôn rất đa dạng. Người ta tìm đủ mọi cách để “lấy lòng” các thế lực linh thiêng ở chợ , “đúc rút” hàng loạt cấm kỵ, cũng như nghi thức mang nhiều màu sắc tinh thần nhằm đem lại sự buôn may bán đắt. Người ta kiêng làm gãy đòn gánh. Người ta sợ ngày đi chợ ra khỏi cửa mà gặp người xấu vía, dữ vía, những lúc như thế tốt nhất là quay về đợi một lúc nữa mới bước chân ra “đi lại”. Người ta cố gắng thuyết phục khách hàng trả hai giá nếu buộc phải bán rẻ lúc mở hàng để lấy may…

Mọi hành vi cầu cúng, rồi kiêng kỵ cũng chỉ cốt thiết lập mối “quan hệ tốt” với linh thiêng, giảm thiểu rủi ro để cho bán mua thuận lợi, trong đó đặc biệt phải kể đến tín ngưỡng bà chúa Kho. Đầu năm, chính lễ, các đền bà chúa Kho bắt đầu đông người. Ở đền nổi tiếng như đền bà chúa Kho Cổ Mễ (Bắc Ninh) thì cảnh tượng đông đúc kinh hoàng. Người đi lễ vay lớn thì trả lớn (các món vay -trả được tượng trưng bằng cây tiền, cành vàng, lá bạc...). Mật ước là phải giữ đúng lời hứa, nếu không sẽ gánh tai họa với linh thiêng. Một hình thức vay-trả tâm linh khá đặc biệt của người Việt với bà chúa Ngân hàng địa phủ.

Tính linh thiêng ở chợ truyền thống Việt Nam còn tiến triển thành một hình thức đặc biệt, khi yếu tố kinh tế hạ thấp đến tối đa còn yếu tố tín ngưỡng lại đẩy lên đến cao độ, đó là hình thức chợ âm phủ, nơi âm và dương hòa hợp, nơi người sống và người chết gặp lại nhau. Có thể xa xưa, có vô cùng nhiều cái chợ âm phủ như thế trên đất Việt Nam, mà ngày nay, còn biết đến – đúng hơn là nhớ đến - có chợ Viềng (Nam Định); chợ Ó, chợ Chằm (Bắc Ninh); Chợ 19 tháng 12 (Chợ Âm Phủ) ở Hoàn Kiếm, Hà Nội; ít được biết hơn như chợ đình Cao Thượng (Bắc Giang)... mỗi năm họp một lần. Nguyên tắc “trần sao âm vậy”, “âm dương đồng nhất lý” cho phép logic dân gian tin tưởng vào việc người dương và người âm có thể gặp lại nhau, mà gặp gỡ nhau ở chợ là hình thức phổ biến nhất, vì chợ có chức năng chính là giao lưu, gặp gỡ - một chức năng chính kiểu Việt Nam, kiểu các xã hội tiền hiện đại, bên cạnh chức năng thương mại của chợ. Thế nên, một phiên chợ đặc biệt, nơi âm dương có thể hòa hợp thì người âm và người dương sẽ gặp lại. Ở Việt Nam, chết không phải là hết. Chết là sống một cuộc đời khác. Người sống kẻ chết trên đất nước này chưa bao giờ lìa hẳn nhau. Kẻ sống vẫn luôn nỗ lực gặp lại người chết. Đánh đồng thiếp gọi hồn, thờ cúng tổ tiên, táng mộ phong thủy và đi chợ âm phủ là những hình thức tôn giáo nặng về tính bản địa mà người Việt Nam tin rằng sẽ giao kết trở lại với tổ tiên đã khuất bóng.
***
Như ta biết, sau thế kỷ XIV, đình nổi lên cùng với tầng lớp nho sĩ, đại diện cho sự lựa chọn Hán hóa mạnh mẽ của nhà nước quân chủ. Đình trở thành biểu tượng kiêu hãnh của làng, vì thế, luôn được chăm chút và làng có trách nhiệm chi ra một khoản phí tổn không nhỏ để duy trì và nâng cấp đình6. Trái lại, nhà sư mất địa vị lịch sử khiến chùa rơi vào tình trạng đìu hiu, thuộc về thế giới các bà7. Chùa muốn tồn tại phải tìm cách tự chủ được một phần về kinh tế. Trong nhiều cách thức tạo của ở nhà chùa như dựng bia hậu, canh tác ruộng chùa, công đức thập phương… thì quản lý, chi phối và đánh thuế từ chợ cũng là một nguồn lợi quan trọng. Điều đó lý giải cho tổ hợp chợ chùa phát triển hơn chợ đình rất nhiều8. Bản chất của các tổ hợp kinh tế - tôn giáo này sẽ cần được bàn luận kỹ hơn ở một bài viết khác.
----
* Tác giả bài viết cũng là tác giả cuốn “Sống đời của chợ”, một biên khảo về chức năng của chợ trong làng Bắc Bộ truyền thống, vừa được Nxb Hội Nhà văn và Tao Đàn phát hành vào tháng 8/2017.
1 Cũng có những chợ có kiến trúc thực thụ, nhưng rất ít, như loại hình chợ cầu, hoặc khác nữa là quán, đình, trạm ở chợ. Hoặc nữa, kiến trúc chợ cơ bản là đình chợ, chỉ ở những chợ kiên cố mới có. Đình là kiểu nhà trạm có mái che làm nơi nghỉ chân che mưa nắng cho người hàng chợ và khách bộ hành. Dân gian có câu ca : “Anh chưa có vợ như chợ chưa có đình/ Trời mưa dông đôi ba hột biết ẩn mình vô mô?”, đình đây chính là đình chợ che mưa nắng, nơi nghỉ ngơi, chứ không phải đình làng thờ thành hoàng.
2 Nhất là phụ nữ trẻ, chưa “sạch” (kinh). Phụ nữ đã sạch thì mới đến sinh hoạt ở chùa. Trong làng miền Bắc, chùa thuộc đàn bà, đình thuộc đàn ông. Nhưng để hiểu đúng, thì chùa là của đàn bà đã sạch, hết/tắt kinh – các bà vãi. Tùy vùng, nhưng thông thường, phụ nữ sau 50 tuổi mới tham gia hội các vãi. Đàn bà trẻ có kinh, cấm đi chùa lễ Phật, nếu lỡ đến thì kiêng không vào cửa chính điện, mà vào cửa hông.
3 Toan Ánh (2011), Các thú tiêu khiển Việt Nam – Thú vui tao nhã, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, tr.38. In đậm nhấn mạnh của NMT.
4 Thổ thần khảo chính tăng bổ (tam quyển) [土神考正增補 (三卷)] [http://www.hannom.org.vn/trichyeu.asp?param=8290&Catid=248].  
5 Huard, Pierre – Durand, Maurice (1954), Connaissance du Viet-Nam, École Francaise d’extrême-orient Ha Noi, tr.144.
6 Bởi thế mà, trong nhiều trường hợp, làng không muốn chợ họp ở đình, làm mất vẻ thâm nghiêm, hư hại đình. Ngày nay, trên thực địa, tôi gặp cảnh ông từ giữ đình Phú Mỹ (xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội) thường xuyên xua đuổi dân hàng chợ không cho họp trước đình, nhất là trước cửa thánh. Bất chấp, đám đông đàn bà nhẫn nại tản ra khi ông cụ sừng sộ chửi mắng đuổi đi, nhưng ngay khi ông quay đi, đâu lại vào đấy, người buôn lại nhích dần vào vị trí cũ. Thậm chí, nhiều bà rắn gan, làm mặt trơ, cứ ngồi lỳ buôn bán trước cổng đình mặc cho cụ già xua đuổi.
7 Góp thêm vào hiện tượng này, nhìn từ chợ, từ thực tế nội lực kinh tế của những người đàn bà bán buôn, tôi còn muốn nhấn mạnh thêm, vì phụ nữ có tiền hơn, sẵn tiền hơn và có cấu trúc niềm tin mãnh liệt hơn nam giới nên tìm đến những nơi tâm linh nhiều hơn và đóng góp mạnh hơn.
8 Kết luận này dựa trên sự khảo sát tư liệu văn bia, trong thực tế, chưa có số liệu thống kê các điểm thờ tự để đối chiếu và kiểm chứng.

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 12.11.2017

Việt Nam có một truyền thống ẩm thực lâu đời và phong phú. Nhiều đặc sản tùy theo vùng miền, miền nào cũng có. Bắc bộ thì “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần/ Nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét” . Trung bộ thì “Yến xào Vĩnh Sơn/ Nam sâm Bố Trạch/ Cua gạch Quảng Khê/ Sò nghêu Quan Hà/ Rượu dâu Thuần Lý”. Nam bộ thì “Bánh tráng Mỹ Lồng/ Bánh phồng Sơn Đốc”, “Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm!”.

Cách nấu ăn rất tinh tế được đúc kết thành những câu ca dễ nhớ: “Con gà cục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi…”. “Món ăn bài thuốc” – món ăn cũng chữa được bệnh, hay ngược lại, món ăn cũng kỵ nhau, nếu không để ý thì có hại cho sức khỏe, thậm chí gây nên bệnh tật. Ẩm thực cũng là một hành vi văn hóa: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, hay “Ăn trông nồi ngồi trông hướng”.

            Tuy nhiên bên cạnh tri thức dân gian về món ăn như thế, thì sách dạy nấu ăn Việt Nam có không, nếu có thì từ khi nào, quyển sách nào là quyển đầu tiên?

“Thực phổ bách thiên”

Trước nay người ta có cho rằng cuốn Thực phổ bách thiên của bà Trương Đăng Thị Bích (1862-1947) là cuốn sách đầu tiên của thể loại này. Bà Trương Đăng Thị Bích là con gái một gia đình quan lại cấp cao triều Nguyễn, kết duyên cùng công tử Nguyễn Phúc Hồng Khẳng - con trai thứ của nhà thơ cung đình Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, hoàng tử thứ mười của vua Minh Mạng.  Thực phổ bách thiên  gồm 102 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt dạy cách nấu 100 món ngon xứ Huế, từ món dân dã đến món cung đình: canh rau, dưa cà, cá kho đến nem công, gân nai… Dưới đây là vài món:

“Cá rô um muối”:

Cá rô tách nạc bỏ xương ra

Mỡ nước um vàng rắc muối và

Lửa phải vùi tro không ngại khét

Đã thơm lại béo có chi qua.

Hay như món “Dưa giá” đặc trưng kiểu Huế:

Giá nhặt xong rồi rửa thí phèn

Muối trong, ớt đỏ, kiệu, măng xen

Chua vừa ướm, ướm dòn tan bã

Vị thiệt thinh thao chẳng phải hèn.(1)

            Tuy nhiên Thực phổ bách thiên vẫn chưa phải là cuốn sách dạy nấu ăn hiện đại, do tính chất vần vè nên vẫn còn gần với nấu băn bằng tục ngữ ca dao truyền thống. Sách dạy nấu ăn hiện đại thực sự thì phải đến Sách dạy nấu ăn theo phép An Nam của bà Lê Hữu Công mới có.

“Sách dạy nấu ăn theo phép An Nam” của bà Lê Hữu Công

Sách dạy nấu ăn theo phép An Nam của bà Lê Hữu Công là sách dạy nấu ăn viết bằng văn xuôi, ghi đầy đủ, chi tiết cách nấu ăn để cho ai cũng có thể tự mình nấu ăn được. Thông tin bìa sách như sau:

Sách dạy nấu ăn theo phép An Nam, publié par Madame LÊ-HỮU-CÔNG, Edité par Maison J.Viet.

Bìa trong ghi chi tiết hơn:

Trên cùng là hàng chữ nôm: Phép dạy nấu ăn An Nam, Quảng Đông, Cao Miên

Ở dưới viết: Phép dạy nấu ăn theo cách An Nam, và có phụ thêm đồ Quảng Đông và Cao Miên. Chủ bút Madame LÊ-HỮU-CÔNG, publié par Maison J.Viet, 59 rue d’Ormay, Sài Gòn. Cấm không ai đặng in theo bổn này. Saigon, Imprimerie F-H.Schneider, 1914.

Nhà xuất bản J.Viet là nhà xuất bản nổi tiếng, có từ rất sớm ở Sài Gòn, in nhiều sách có giá trị. Nhà in F.H.Schneider cũng là nhà in nổi tiếng thời bấy giờ.

Toàn bộ quyển sách dày 36 trang. Bìa sách vẽ một người phụ nữ mặc bộ đồ bà ba, cổ đeo kiềng đang đứng chế biến thức ăn trên một cái bàn cao. Bên tay phải cô là cái bếp được xây cao, ở dưới có khoang dựng củi gọn gàng, ở trên có hai bếp lò đang nấu thức ăn. Bức tranh cho thấy căn bếp đã khá hiện đại.

Về lý do làm sách, tác giả có viết rõ trong lời Tựa mở đầu quyển sách:

“Nói tóm sơ lược trong bổn này: Gẫm lại đứng tạo hóa phép tắc vô cùng, đã sanh người lại sanh vật, vật thì có nhiều loài: thượng cầm hạ thú, bá quả bá huê, sơn lâm thảo mộc, dưới sông thì kình ngư các thứ, mỗi mỗi đều có vật dùng. (…)

Bổn này làm ra đây là cố ý nhắc lại mấy trẻ còn thơ, việc nấu nướng chưa thạo, mua sách xem chơi, khi khôn lớn có tư riêng thì đã biết các cuộc nấu nướng, không lẽ cha mẹ theo mình nhắc nhở dạy biểu hoài. Việc nấu nướng tỉ là thường mà tưởng lại cũng ít người thạo đủ. Như cái việc chỉ bảo đây là vịnh theo lời mấy bà tuổi tác chỉ bảo, vì là mấy bà đã từng trải, lại thạo việc châm chế, coi vậy chớ cách thức cũng có khác nhau, người biết món kia lại không biết món nọ, vì là chưa dùng tới nên không thạo.”

Toàn bộ quyển sách có 124 món Việt, 9 món Quảng Đông, 4 món Cao Miên.

Các món Việt chia ra thành từng loại. Đa số các món vẫn còn được nấu hiện nay, như: Các món canh: Canh bầu, canh bắp chuối, canh bí rợ, canh bí đao, canh cải, canh cà tây, canh cải chua, canh chua, canh mít non, canh khoai mỡ, canh khoai môn…; Các món kho: kho cá bống kèo, kho ngót cá biển, kho thơm, kho nước dừa, kho tôm, kho hầm thịt…; Các món xào: xào thịt trâu, xào thịt bò, xào ốc len, xào cua…; Các món hầm: hầm trái khổ qua, hầm thịt heo…; Các món chả: chả giò heo, chả cua, chả cá…; Các món gỏi: gỏi vịt, gỏi nhộng, gỏi củ cải, gỏi da…; Các món cháo: cháo dơi quạ, cháo vịt, cháo cần đước (rùa), cháo ếch… Các món nem: nem công, nem ngỗng, nem gà…, Các loại món khác: Chiên,  Nướng, Chưng, Dưa muối, Tương…

Ví dụ: Món canh chua: “Gọi là nấu chua là cá nấu với me chín, me sống, khế, chùm ruột. Cá làm cho sạch, cắt hai bỏ vào trách nấu. Rồi bỏ me vào, hoặc là khế, hay là chùm ruột, mà bỏ vào vừa kẻo nó chua quá ăn không đặng, hoặc là xắt đôi ba trái chuối chát bỏ vào, cho nó chế bớt sự chua, chín rồi thì bõ ớt, hành, rau om.”

Hầm khổ qua: “Trái khổ qua lựa thứ trái lớn, mổ banh ra móc cho sạch ruột. Thịt ba rọi bằm cho nhỏ, khi bằm thịt thì phải bỏ tiêu hành với chút nước mắm. Bằm trộn đều dồn vô cho đầy ruột khổ qua. Rồi lấy dây chuối bó trái khổ qua lại, bỏ vào trã mà hầm. Khi chín rời thì sẽ nêm sau.”

Cầu kỳ hơn, đó là món nem công: “Thịt công lóc lấy cái nạc, đâm cho nát bấy bà, dằn ráo nước, lấy da heo luộc xắt cho mỏng, mà làm hoa, cũng như hoa nem thịt heo. Gạo rang chi vàng, đâm nhỏ trộn vào mà thính, rồi hoa cũng trộn vô sau mà gói bằng lá vông hay lá chùm ruột cũng đặng, ngoài gói lá chuối chừng lối một đêm ngày thì chua.”

Các món Quảng Đông chủ yếu là các món xào: Xào thịt sườn heo, Giò xào dấm, Cá xào giấm, Cá chưng, Xào bong bóng cá…

Các món Cao Miên chỉ có 4 món: Chưng trăn, chưng lươn, dồi lươn, nấu gà.

Sách dạy nấu ăn theo phép An Nam là quyển sách quý. Đó là cuốn sách dạy nấu ăn hiện đại đầu tiên của nước ta. Qua  quyển sách chúng ta có thể biết được các món ăn Việt theo phong cách Nam Bộ hơn một thế kỷ trước thế nào. Tù đó có thể hiểu rõ hơn văn minh ẩm thực Việt truyền thống. Việc giới thiệu các món Quảng Đông, Cao Miên có thể giúp ta hình dung các món phổ biến của các cư dân này cũng như ảnh hưởng, giao thoa món ăn giữa ba dân tộc.

 

Chú thích

(1) Ngô Minh Thuyên, “Thực phổ bách thiên”: Thơ dạy nấu ăn đặc sắc ở Cố đô (Báo Đà Nẵng cuối tuần),  http://www.baodanang.vn/channel/5433/201305/thuc-pho-bach-thien-tho-day-nau-an-dac-sac-o-co-do-2242993/

Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay số 492, tháng 2/2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Những chiếc mặt nạ vốn quen thuộc trong đời sống thường ngày lẫn các dạng thức giải trí, nghệ thuật. Chúng ta có thể thấy ích lợi cụ thể của các loại mặt nạ ngụy trang, bảo vệ hay phòng độc trong chiến tranh, ở bệnh viện, nơi công xưởng... Còn những người yêu kịch Shakespeare hẳn không xa lạ với những chiếc mặt nạ kiêu kỳ đậm phong cách vũ hội hóa trang châu Âu. Nhưng hình thành, tồn tại và phát triển như một hệ thống mang tính nghệ thuật trên toàn thế giới thì phải kể đến sân khấu mặt nạ.

Hầu như châu lục nào cũng có sân khấu mặt nạ: sân khấu kịch Hy Lạp cổ đại, sân khấu commedia dell'arte  Ý; mmanwu (Nigeria); noh, kyogen (Nhật Bản), talchum, hahoe (Hàn Quốc), kathakali (Ấn Độ), robam (Campuchia), khon (Thái Lan), topeng (Indonesia), kinh kịch (Trung Quốc), tuồng (Việt Nam)… Điều đó biểu hiện mối tương quan về phương thức biểu diễn, các triết lý và quan niệm thẩm mỹ trong sáng tạo nghệ thuật của các quốc gia.

 Có thể phân loại sân khấu mặt nạ thành hai dạng: mặt nạ có thể tháo rời và mặt nạ vẽ trực tiếp lên gương mặt diễn viên. Chất liệu làm nên các loại mặt nạ tháo rời vô cùng phong phú: đá, da, gỗ, đất sét, plastic… Có mặt nạ gồ ghề, đáng sợ như mặt nạ topeng, có mặt nạ nhẹ nhàng, lẩn khuất vẻ u buồn như mặt nạ noh, lại có mặt nạ được “lạ hóa” từ đường nét mặt người như mũi dài quá cỡ, mắt lòi tói, răng nanh to tướng... Với mặt nạ vẽ trực tiếp lên da, người ta thường dùng phấn sáp, chu sa hay các màu sắc chiết xuất từ thảo dược...

Vì sao người ta lại sử dụng mặt nạ trong khi da thịt vốn phi thường trong biểu thị cảm xúc?

Để giải thích điều này một cách thỏa đáng, có lẽ phải lật lại cội nguồn của những chiếc mặt nạ. Khoảng 9000 năm trước, mặt nạ đã được người nguyên thủy tạo ra nhằm thể hiện niềm thành kính và cả sự tự tin để “tiếp cận” thần linh, ma quỷ hay tổ tiên. Đó là lý do vì sao ngoài các mặt nạ biểu thị nhân diện, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những loại mặt nạ mang gương mặt của thú vật như voi, cọp, hươu, dê, chim, cá... Chính vì chức năng nghi lễ mà các mặt nạ buổi đầu rất to lớn, dị thường. Như vậy, mặt nạ ra đời không phải để biểu diễn giải trí mà vì tín ngưỡng và tôn giáo. Vì lẽ đó, người nghệ nhân làm mặt nạ phải tắm rửa sạch sẽ, cầu nguyện trước khi chế tác. Thậm chí, đất và đá để làm mặt nạ có lúc bắt buộc phải lấy từ nghĩa địa hay đỉnh núi thiêng. Và mặt nạ luôn được làm lễ “mở mắt” trước khi đưa vào biểu diễn.

Vào thời Hy Lạp cổ đại, sân khấu mặt nạ bắt nguồn từ nghi lễ tôn vinh thần rượu nho Dyonisos. Ngoài chức năng đóng vai các vị thần, việc đeo mặt nạ sẽ giúp giọng của diễn viên to hơn, đủ sức vang đến khán giả ngồi ở xa. Đến thế kỉ 16, sân khấu hài kịch mặt nạ commedia dell'arte  của Ý đạt tới trình độ biểu diễn chuyên nghiệp. Ở Trung Hoa, các thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều có hí kịch. Ở Nhật Bản, kịch noh được biểu diễn từ thế kỉ 14. Thông qua quá trình “Ấn Độ hóa”, người Ấn Độ du nhập văn hóa truyền thống của họ vào các quốc gia Viễn Đông hết sức tự nhiên và lâu bền, trong đó có nhảy múa và kịch nghệ. Sân khấu mặt nạ kathakali của Ấn Độ được các nhà nghiên cứu xác lập mối liên quan với sân khấu mặt nạ khon (Thái Lan), lakhon (Lào) hay robam (Campuchia). Sẽ vô cùng phức tạp và công phu nếu thực hiện một phép so sánh mặt nạ giữa các châu lục nhưng điều chắc chắn là giữa chúng có một mối liên hệ mật thiết, trên cơ sở hoặc giao lưu ảnh hưởng lẫn nhau, hoặc chỉ đơn thuần là những ý tưởng vĩ đại ắt có lúc chín rộ bất chấp biên giới.

Quay lại với câu hỏi: vì sao mặt nạ?

Lời giải thích đầu tiên, chúng tôi đã nói rõ ở trên: để con người đủ tự tin “tiếp chuyện” hay hóa thân thần linh. Vì ý nghĩa tâm linh sâu sắc, mặt nạ trở thành chủ đề quan trọng trong việc nghiên cứu nhân học và tôn giáo học trong nghệ thuật biểu diễn.

Thứ nữa, vì không thể biểu cảm linh hoạt, mặt nạ trở thành một biểu tượng mang tính quy ước cao độ (symbol, code, icon). Một chiếc mặt nạ phải thể hiện được một kiểu người, một loại người, một phẩm chất nhất quán. Trên quan niệm đó, người ta lấy cảm hứng thiết kế mặt nạ từ hiện thực rồi băng qua hiện thực bề bộn và thông thường, “cô đặc”, “dồn nén” tính điển hình hóa, ước lệ, tượng trưng vào mặt nạ. Chẳng hạn ở nghệ thuật tuồng, nhân vật mặt đỏ là người trung; nhân vật mặt trắng, mặt xám là kẻ nịnh, gian. Màu sắc và đường nét trên mặt nạ thường được tô đậm, đánh khối, biểu hiện tính đối xứng, hài hòa. Cách thức cấu thành mặt nạ như vậy có nhiều điều tương ứng với “lục pháp luận” – sáu phép căn bản của hội họa cổ điển Trung Hoa mà Tạ Hách, người Nam Tề, đã đề ra trong Cổ họa phẩm lục: thứ nhất, phải tạo được sắc thái và không khí sống động như thật; thứ hai, dựng được cấu trúc bằng nét bút; thứ ba, phản ánh được hình tướng của sự vật; thứ tư, màu sắc cho thích hợp; thứ năm, bố cục; thứ sáu, bắt chước người đi trước.

Mặt khác, mặt nạ là một phép thử tinh thần hay bài tập kiểm tra năng lực diễn xuất dành cho diễn viên. Cứ ngỡ người diễn viên đeo mặt nạ sẽ thảnh thơi vì không phải khóc lóc, mỉm cười hay chau mày, chun mũi mà chỉ cần tập trung di chuyển, chăm chút múa may là được, nhưng thật ra, tâm trí của người biểu diễn phải tập trung cao độ, nhập tâm đến mức truyền được thần thái, hồn vía vào mặt nạ. Nên nhớ, mặt nạ là một thứ biểu cảm “chết”. Vì vậy, diễn viên không được phép bị động, lơ đễnh mà trái lại, phải căng tràn xúc cảm, phải tỉnh thức từng giây để “gương mặt chết” kia “sống” lại mà tương tác với khán giả. Nước mắt, mồ hôi đầm đìa sau những chiếc mặt nạ mà người xem không hề hay biết. Ở phương diện này, mặt nạ là một chướng ngại vật chứ không phải là phụ kiện hỗ trợ. Nếu người nghệ sĩ vượt qua được trở lực đó, mặt nạ sẽ thành hấp lực. Điều thú vị là, khi công nghệ cố tạo ra những robot biểu cảm y như người thật kiểu “nàng Sophia” thì từ thuở xa xưa, con người – vốn sở hữu các biểu cảm đa dạng trên cơ mặt theo ý mình – lại muốn “cứng đờ”, “khô khốc” để được trải nghiệm cảm giác mở rộng tâm trí hết cỡ, đến mức “đâm thủng” được thứ vật chất bao bọc khuôn mặt mình, thổi hồn truyền khí cho nó. Nhà nghiên cứu Kefee và Murray cho rằng khi người diễn viên đeo chiếc mặt nạ, họ “bị chặt đầu”. Từ phút đó trở đi, họ buộc phải đoạn lìa bản ngã, chỉ còn vua chúa, ái thiếp, hoàng tử, công nương, tướng võ, gian thần, thần linh, quỷ dữ, con vật... Với mức độ hóa thân có thể lên đến 200% đó, người nghệ sĩ đưa khán giả vào một không gian khác với đời sống thường nhật, buộc họ “tin” vào những gì mình thể hiện. Để rồi từ từ, khán giả trượt qua trượt lại giữa huyễn và thực, tung tẩy theo từng chuyển động của diễn xuất và trở nên mẫn cảm với thanh âm, ánh sáng. Vì những cảm xúc dâng trào như vậy, khi rời buổi biểu diễn kịch noh, nhiều khán giả nghĩ rằng họ vừa tàn mộng đẹp.

Ở một phương diện khác, mặt nạ biểu thị cho sự che giấu đi cái thật, gây ra hiện tượng “nhiều hơn một mặt”. Sân khấu xưa tận dụng đặc điểm này để một diễn viên có thể đeo nhiều mặt nạ, đóng nhiều vai khác nhau. Chính sự “đóng băng”, cố định của mặt nạ lại chứa đựng nhiều hàm ý và ẩn dụ nhất. Có thể nói, sân khấu mặt nạ cho người xem niềm đồng cảm lẫn ý thức tự trào rằng con người xưa nay vốn đa đoan và… tráo trở. Những chiếc mặt nạ vốn để “phân loại” kiểu người nhưng sự phân loại ấy có ích gì khi bản chất mặt nạ là để bao phủ lên mặt thật? Đời sống không thiếu những người đeo mặt nạ lâu đến mức lạc cả mặt thật mà không hề có cảm giác thiếu thốn hay mất mát.

Có một câu hỏi đặt ra là: khán giả thưởng thức sân khấu mặt nạ có bị “ức chế” không nếu xem sự sống động và mới lạ là một nguyên tắc vàng của một buổi biểu diễn? Trong khi đó, mặt nạ chỉ “một màu”, còn nội dung vở diễn thì ai cũng biết cả rồi. Có lẽ là không. Vì ngay từ đầu, người xem đã tự xác lập là họ không đi tìm cái mới ở nội dung mà đi tìm cái mới ở nghệ thuật. Ngoài những xúc cảm khác biệt được truyền tải từ một loại hình sân khấu khuếch đại và phá phách cái thông thường, khán giả bận phải tập trung phân biệt, giải mã các kiểu thức mặt nạ và đi tìm cái hồn từ những gương mặt tàng ẩn. Kinh nghiệm đó khiến họ hoan hỉ, say mê và thấy mình uyên bác.

Và nếu nghĩ rằng sân khấu mặt nạ chỉ phổ biến ở những không gian biểu diễn truyền thống là không chính xác. Sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng, nhường chỗ cho các thể nghiệm như kịch một màn, kịch phi lý, nhạc kịch… thì những chiếc mặt nạ đang được các sân khấu đương đại tái sử dụng như một thủ pháp mới lạ, giàu cảm xúc và hứa hẹn khơi gợi tính đa nghĩa cho người tiếp nhận. Hideki Noda – nhà biên kịch, đạo diễn kịch, nhà sản xuất kịch đương đại số một Nhật Bản – thường xuyên sử dụng mặt nạ noh kabuki để nhấn mạnh những nhân vật bị người đời kì thị, phẫn nộ và quyết tâm trừ khử vì không giống số đông. Chiếc mặt nạ cụp mắt, tàn tạ phản chiếu những số phận bị lãng quên đang tồn tại khắc khoải trong các dưỡng trí viện, cả những nhân tố nổi đình nổi đám bị cô lập và nhấn chìm sau các kịch bản chính trị bất thành.

Thời đại hôm nay vốn nhanh nhạy trong việc đào xới các giá trị văn hóa truyền thống và “mix” chúng với những yếu tố đương đại. Do vậy, có thể một ngày không xa, sân khấu mặt nạ sẽ một lần nữa trỗi dậy, lộng lẫy và ngoạn mục – đương nhiên, theo phong cách của thế kỉ 21.

Ành: Mặt na Khon của Thái Lan

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/166381/Vi-sao-mat-na.html

Trong giới nghiên cứu của ta hình như chẳng mấy khi quan tâm đến Index dù nó không chỉ là công cụ hướng dẫn truy tìm linh hồn căn cốt của cuốn sách bằng cách chỉ ra hệ thống lý thuyết của cuốn sách đó mà còn là cái làm nên văn hóa đọc, văn hóa xuất bản và văn hóa khoa học.


Một góc cửa biển Tư Hiền (Phú Lộc, Huế), địa danh có lịch sử thay đổi tên gọi nhiều lần.

Khi đọc về Biển Đông, chúng ta sẽ có hàng ngàn từ khóa, bao gồm các địa danh tên đảo, tên cồn, tên cù lao, tên các cửa biển, các vũng, các vịnh. Mỗi địa danh ấy lại có lịch sử thay đổi tên gọi của nó. Như cửa Tư Dung có tên Nôm là cửa Ông; cửa Biện, triều Lý là Ô Long, triều Mạc là Tư Khách, từ thời Thiệu Trị gọi là Tư Hiền. Chẳng những địa danh, mà nội dung có thể đề cập đến hàng trăm tên người, gồm tên-tự- hiệu các nhân vật lịch sử; Việt Nam có, Trung Quốc có, Hà Lan, Pháp… cũng có. Trí nhớ của con người sao có thể nhớ hết được ngần ấy chi tiết? Mà đâu chỉ có thế, còn có tên của các học giả- để người làm nghiên cứu có thể biết được lịch sử vấn đề; còn có các phẩm, hàm, trật, ngạch, tên của hệ thống hành chính, niên đại, triều đại, niên hiệu... tên các chức danh quan lại các cấp các đời… Index giúp người đọc tìm được các thông tin đó trong đại dương kí tự hàng vạn lượt chữ của một cuốn sách. Học thuật cũng như tri thức sử học phát triển được là nhờ công cụ index này.

Nhưng không chỉ có vậy, index còn là một hướng dẫn truy tìm linh hồn căn cốt của cuốn sách bằng cách chỉ ra hệ thống lý thuyết của cuốn sách đó. Một cuốn sách, nhất là sách chuyên luận khoa học, không thể nào không áp dụng một lý thuyết bất kỳ nào đó. Mà một lý thuyết bao giờ cũng có một bộ khung khái niệm, ít thì một đôi chục nhiều có thể đến cả trăm. Ví dụ như “nghiên cứu Biển Đông” (Đông hải học) - một ngành khoa học mới hình thành ở Việt Nam, là một bộ phận của Việt Nam học. Nhưng ngành này có bao nhiêu chuyên ngành, có bao nhiêu thuật ngữ, thì hiện chưa có thống kê nào hết. Có quá nhiều phân ngành khác nhau vẫn chưa được giới học thuật xác nhận và định vị, ngoài luật biển, kinh tế biển và thương mại biển. Ví dụ như khi đọc cuốn “Hoàng Sa Trường Sa- lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế” (của Nguyễn Q. Thắng, Nhà xuất bản Tri thức, 2008), người đọc tưởng xác định được ngay đây là sách viết từ góc độ luật biển (historical marine law). Thế nhưng, việc không có index khiến việc tìm hiểu hệ thống thuật ngữ trở nên khó khăn. Phải giở đến các chương V- chương VI của cuốn sách, người đọc mới lọc lựa ra được mấy từ khóa như tính chất địa dư, tính chất pháp lý, vùng tranh chấp, quyền sở hữu, nguyên tắc tiếp giáp địa lý, sự thiết lập chủ quyền… Nhưng, các từ đó được triển khai như thế nào, với nội hàm ra sao ở từng vị trí trang dòng trong các chương sách khác, thì chắc còn phải mất nhiều công sức nữa.

Người đọc cũng khó lòng mường tượng được tác giả tư duy bằng các hệ khái niệm như thế nào trong so sánh với các nghiên cứu khác. Hệ thống thuật ngữ còn cần được trình bày bằng các chỉ mục đa tầng, có lớp lang và có hệ thống, có tính liên văn bản. Tức là, một mục từ cần có các dấu hiệu liên kết về nội hàm trong mạng lưới khái niệm của lý thuyết đó. Hơn thế nữa, một thuật ngữ tiếng Việt cũng cần được chú thích bằng một thuật ngữ tương đương trong các ngôn ngữ khác (như Anh, Trung, Pháp…). Chỉ khi “canh dòng thuật ngữ” như vậy, các học giả mới kiểm soát được tính thống nhất của các thuật ngữ, hay độ chênh của các lối dịch thuật, từ đó mà giới học thuật mới “cùng chung tiếng nói” hay có cơ hội nói giống cái ngôn ngữ mà học thuật quốc tế đang sử dụng. Làm khoa học là tư duy bằng khái niệm, một cuốn sách học thuật phải trình bày trước mắt người đọc hệ thống khái niệm được triển khai. Index là công cụ hiện thực hóa hệ thống ấy trước mắt người đọc.
Một ví dụ khác là cuốn “Tập bản đồ hàng hải 1841 ở thư viện Đại học Yale- dịch và chú giải- nghiên cứu về những ghi chép trong sử liệu Trung Hoa liên quan đến các địa danh ven bờ và hải đảo Việt Nam” - cuốn sách về sử liệu học Biển Đông. Đối tượng khảo sát là văn bản “bản đồ hàng hải”; nhưng thực chất cuốn sách này không hề nghiên cứu đến “hàng hải học lịch sử”/ “hải trình học lịch sử” mà là nghiên cứu về “hải danh học lịch sử”. Người đọc nếu không để ý sẽ khó có đủ kiên nhẫn để đọc hết ngần ấy trang sách với hàng trăm địa danh lạ lẫm, với những chú thích khảo cứu công phu có thể làm nản lòng bất kỳ người đọc ham học nào. Cuối sách nếu không có index, người đọc sẽ lạc lối trong những ma trận của lịch sử.

Index (chỉ mục, sách dẫn,…) đơn giản chỉ là một công cụ chức năng kiểu như một “tiểu google” cho một cuốn sách, dùng để giúp cho người đọc có thể tìm kiếm các nguồn thông tin cần yếu mà mình quan tâm thông qua các từ khóa (keywords) được sắp dưới dạng từ điển Alphabet.

Người đọc hiện nay sẵn lòng đọc cả trăm trang về Biển Đông với tinh thần của một người có trách nhiệm với vấn đề thời sự của đất nước. Đọc hết cuốn này rồi lại đọc cuốn khác, cứ như thế việc đọc như một quá trình tự nhiên, giở từ trang đầu và đọc hết cho đến trang cuối. Nhưng một người đọc chuyên nghiệp, một học sinh chuyên nghiệp, hay một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp không đọc với quy trình như vậy. Giở một cuốn sách ra, trước tiên người ta sẽ xem mục lục của sách, để xem cơ cấu nội dung của cuốn sách, sau đấy sẽ đến phần dẫn luận hay giới thiệu của tác giả để xem cách thức, lý thuyết và phương pháp luận, cũng như cách tiếp cận của soạn giả. Đọc dẫn luận sẽ giúp người đọc thâu tóm được toàn bộ phông nền tri thức cũng như bối cảnh xã hội để biết vì sao người viết lại soạn nên cuốn sách ấy. Nếu cẩn thận thêm nữa, ta sẽ đọc thêm phần kết luận, và không thể thiếu việc lần giở những trang index cuối sách để tìm những chìa khóa, và hệ thống thuật ngữ ở đằng sau sách. Index là công cụ, nhưng lại là cái làm nên văn hóa đọc, văn hóa xuất bản, và văn hóa khoa học.

Nghiên cứu Biển Đông là một lãnh vực mênh mông, còn index là hoa tiêu chỉ đường cho độc giả trên con đường khám phá và kết nối tri thức. Nếu không có index, người đọc sẽ chỉ như một bọt nước lênh đênh trên những trang sách vô định!

Nguồn: Tia sáng, ngày 13/10/2016

 

Trong bang giao Đại Việt và Đại Thanh thời Tây Sơn có một sự kiện độc đáo xảy ra năm Canh Tuất [1790], đó là sau cuộc chiến tranh cuối năm Mậu Thân, đầu năm Kỷ Dậu [1789] với đại thắng của Đại Việt. Hai phía đã giảng hòa; nhân đại lễ bát tuần đại khánh của vua Càn Long năm Canh Tuất[1790], Nguyễn Quang Bình (vua Quang Trung) cùng các bồi thần trên 150 người được phía Đại Thanh đón tiếp long trọng, chu đáo từ đầu chí cuối gần một năm. Các sử gia đã nghiên cứu và đã nêu hết ý nghĩa to lớn của nỗ lực ngoại giao gần hai năm của triều Quang Trung, mà đỉnh cao là sự kiện nổi bật nêu trên.Nhờ vậy Đai Việt tránh can qua, hóa giải "lửa hận" hừng hực của những đầu nóng, quen chiến thắng hơn là chiến bại của vua quan nhà Thanh. Tuy nhiên vẫn còn tồn nghi chưa giải quyết rốt ráo: Nguyễn Quang Bình nhập Thanh là vua Quang Trung thực hay giả? Nếu giả thì ai đã làm vai trò "giả vương" của Đại Việt, nghĩa là đóng giả vua Quang Trung, để được vua tôi Càn Long đón tiếp long trọng từ biên giới Lạng Sơn đến hành cung Nhiệt Hà suốt năm Canh Tuất [1790]?

Để tiện trình bày kiến giải vấn đề nêu trên,thiết tưởng cần tổng quan những ý kiến tiêu biểu của các sử gia, các nhà nghiên cứu, các nhà báo từ trước đến nay.

A. Tổng quan vấn đề:

Các tác giả trong Ngô gia văn phái khi soạn Hoàng Lê nhất thống chí đã viết "giả vương nhập cận" là võ quan Nguyễn Quang Trực, người làng Mặc Điền, huyện Nam Đường (Nam Đàn), trấn Nghệ An. Ngô Thì Chí (1753 - 1788) viết chính biên và Ngô Thì Du (1772-1840)viếttục biên. Các dữ kiện giúp các tác giả là do các vị trong họ Ngô cung cấp, trong đó có Ngô Thì Nhậm. Ngô Thì Nhậm từng tổ chức sứ bộ có giả vương Quang Trung nhập Thanh để viếng Càn Long năm Canh Tuất[1790], có chú ruột là Ngô Tưởng Đạo.Con của Ngô Tưởng Đạo làNgô Thì Du sống ở Nghệ An, người viết hồi 15(có sự kiện giả vương) nên dữ liệu do HLNTC cung cấp có độ tin nhất định, khó bỏ qua.

Các sử quan trong quốc sử quán triều Nguyễn khi viết về " Ngụy Tây" trong Chính biên liệt truyện sơ tập, sách viết từ 1821 đến 1851, đã cho biết hai "giả vương", một "giả vương" tiếp chiếu Càn Long phong An Nam quốc vương cho vua Quang Trung vào tháng 11 năm Kỷ Dậu [1789] tại cố đô Thăng Long, một "giả vương" được Càn Long tiếp kiến ở hành cung Nhiệt Hà năm Canh Tuất [1790], đều do người cháu gọi bằng cậu của vua Quang Trung là Đại đô đốc Trị An hầu Phạm Công Trị đảm trách.Vì chính sử cung cấp dữ liệu nên các nhà nghiên cứu khó bác bỏ.

Nguyễn Thế Long trong sách Đại Việt quốc thư, xuất bản năm 2005 đã dựa vào một đoạn trong tờ dụ của vua Càn Long gửi bầy tôi của ông, từng đặt vấn đề "giả vương nhập cận" không phải là Phạm Công Trị, đoạn trích: "Còn như con y là Nguyễn Quang Thùy còn tuổi trái đào cũng có lòng ân cần thiết tha muốn chiêm cận, trẫm khen là có bụng trung hiếu, gốc ở chí tình nên trước đây đã giáng chỉ phong làm thế tử. Nay vì trên đường đi chẳng may nhiễm bệnh nóng lạnh, quốc vương kia khẩn khoản xin cho về nước điều trị nên thuận cho lời xin đó.Nguyễn Quang Thùy tuổi nhỏ, sức yếu, đang bị bệnh mà đi đường xa vạn dặm, không khỏi thêm phần mệt nhọc. Nghe Phúc Khang An nói đã phái bồi thần Đặng Văn Chân cùng với cháu của quốc vương là Phạm Công Trị cùng đưa ra khỏi cửa quan về nước, dặn là chữa trị cho chu đáo, việc đó rất đúng." Cùng quan điểm với Nguyễn Thế Long, sử gia Tạ Chí Đại Trường trong cuốn "Việt Nam thời Tây Sơn, Lịch sử nội chiến" (Nxb CAND, 2007) cũng đặt vấn đề nghi vấn: "Theo Liệt truyện thì vua giả là Phạm Công Trị, người có mặt ở Gia Định năm 1783. Rắc rối là trong sứ bộ năm 1790 lại có tên Phạm Công Trị đã đến Quảng Tây mà vì Nguyễn Quang Thùy bị bệnh, phải hộ tống trở về".

Phan Duy Kha trong bài viết "Bí ẩn sự kiện Quang Trung giả thời Tây Sơn" (blog Phan Duy Kha, 13/11/2012) đã nhắc lại quan điểm của Nguyễn Thế Long, Tạ Chí ÐạiTrường về sự kiện có Phạm Công Trị trong đoàn sứ bộ 1790, đã vào Quảng Tây nước Thanh nhưng đã hộ tống con trai Nguyễn Quang Thùy của vua QT trở về nước. Phan Duy Kha vẫn tin vào Đại Nam chính biên liệt truyện, ra sức lập luận logic nhằm chứng minh nhân vật hộ vệ Nguyễn Quang Thùy trở về là Phạm Công Trị giả, còn Phạm Công Trị thật vẫn tiếp tục là giả vương Quang Trung trong sứ trình.

Vào ngày 1-3- 2013, nhà báo Bùi Ngọc Long trong loạt bài "Theo dấu tích vương triều Tây Sơn" đăng trên báo Thanh Niên, đã dựa vào công bố của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu khi đề cập "giả vương" Phạm Công Trị. Năm 1988, nhà nghiên cứu Lê Nguyên Lưu được cộng tác viên Đỗ Văn Tri thông báo, đã tiếp cận tấm bia cổ, ở Niêm Phò, Hương Điền, Thừa Thiên Huế, chủ nhân là bà Hoàng Thị Nghĩa, chánh thất của Phạm Công Hưng, em trai của bà Phạm Thị Liên (chánh cung hoàng hậu của vua Quang Trung).Nhờ văn khắc trên bia phát hiện, Lê Nguyễn Lưu xác định quả có Trị An hầu Phạm Công Trị, con của Thái úy quận công Phạm Văn Hưng. Ông Hưng là em trai của bà chánh cung hoàng hậu Phạm Thị Liên của vua Quang Trung. Như thế Phạm Công Trị là cháu gọi bằng cô của bà chánh cung, gọi vua Quang Trung là "bác" hoặc " dượng" chứ không là cháu gọi vua Quang Trung là "cậu" như chính sử đã chép.Phạm Công Trị từng đóng giả vua Quang Trung để tiếp kiến vua Càn Long năm 1790. Bùi Ngọc Long nhắc lại quan điểm của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu về người đóng giả vua Quang Trung là Nguyễn Quang Trực, người Mặc Điền, Nam Đàn, Nghệ An.Theo Lê Nguyễn Lưu thì Nguyễn Quang Trực là giả vương tiếp chiếu sắc phong An Nam quốc vương ở Thăng Long vào tháng 11 năm Kỹ Dậu [1789]; lý do lúc bấy giờ Ngô Thì Nhậm được vua Quang Trung ủy quyền lo liệu việc bang giao vớí nước Thanh, việc tiếp chiếu ở Thăng Long không quan trọng bằng " giả vương triều cận," năm Canh Tuất [1790] nên họ Ngô đã chọn Nguyễn Quang Trực ở Nghệ An.

Với công bố của Phan Duy Kha, Bùi Ngọc Long vào năm 2012,2013 thì có thể chấp nhận "giả vương nhập cận" là Trị An hầu Phạm Công Trị như chính sử đã công bố. Tuy nhiên, trên giatocnguyencuu.wordpress.com, ngày 22-1- 2014 ông Nguyễn Cửu Vịnh (đời 10, thủy tổ là Nguyễn Cửu Kiều) đã chuyển từ Vân Dương Kinh phổ (gia phả họ Nguyễn Cưủ 1999) sang word, có đoạn "2. *NGUYỄN CỬU TRỊ 5KP – 22BP:Nội đội Trị An hầu, con thứ 12 của Hoán Quận công, dung mạo cao lớn đẹp đẽ tánh lại khôn khéo. Thuở giặc Tây Sơn Nguyễn Quang Bình chiếm cứ, khiến ông cải trang làm giả vương sang triều kiến vua Cao Tông (Càn Long) nhà Thanh.Về sau ông sống tại Hà Nội, coi thuế hầm mỏ Tuyên Quang, không biết chết như thế nào". Công bố của tộc họ Nguyễn Cửu khiến giới nghiên cứu trở lại vấn đề "giả vương nhập cận". 
TS Nguyễn Duy Chính trong quyển "Giở lại một nghi án lịch sử Giả vương nhập cận - có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không" (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2016) đã dựa trên nhiều nguồn tư liệu xác thực đương thời của cả hai bên, đặc biệt là văn thư trao đổi của các đại thần hai triều, những chỉ dụ của Càn Long, biểu tấu của Quang Trung để bác bỏ quan điểm "giả vương nhập cận". Ông cho rằng chính vua Quang Trung, tức Nguyễn Quang Bình theo danh xưng của nhà Thanh, đã được vua Càn Long mời sang Bắc Kinh dự lễ bát tuần khánh thọ của vua Thanh. Nguyễn Duy Chính cho rằng cựu thần nhà Lê và các sử gia triều Nguyễn bịa đặt sự kiện "giả vương nhập cận" nhằm hạ thấp uy danh của Quang Trung cũng như triều đình Tây Sơn trong bang giao với triều Thanh.

Ngày 25-10-2016, tại phòng đọc Doanh nhân-Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM , nhà nghiên cứu, TS Nguyễn Duy Chính có cuộc giao lưu với bạn đọc về đề tài lịch sử, nổi bật là các ý kiến quanh triều Tây Sơn, trong đó nổi cộm sự kiện có hay không có "giả vương nhập cận".Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã bác bỏ lập luận của TS Nguyễn Duy Chính, bảo vệ quan điểm chính sử; rằng người sang Trung Hoa lúc bấy giờ là Quang Trung giả. Theo Trần Đình Sơn thì với tình hình lịch sử, xã hội khi đó, Quang Trung không thể rời quốc đô phú Xuân, dẫn theo phái đoàn văn võ hơn 150 người sang nước Thanh, trong thời gian dài gần một năm. Là người dẫn chuyện tại cuộc giao lưu, TS Trần Ðức Anh Sơn thông báo rằng khi ý kiến không có Quang Trung giả sang Trung Hoa được ông đưa lên Facebook cá nhân, liền có nhiều ý kiến cho rằng ý kiến của TS Nguyễn Duy Chính là không đúng với sự thật lâu nay sách sử Việt Nam công bố.

Hai nhà nghiên cứu Đình Đính và Võ Vinh Quang đã viết bài "Giả vương nhập cận-một nhân vật khác"(Tạp chí Sông Hương, 1-8-2017), sau quá trình tìm hiểu, đã tiếp cận "Vân Dương Kinh phổ" viết bằng chữ Hán, của họ Nguyễn Cửu, tầm danh gia vọng tộc của Đàng Trong. Hai tác giả đã xác nhận Vân Dương Kinh phổ, bản chữ Hán được viết năm 1850, có ghi chép Nguyễn Cửu Trị từng là "giả vương nhập cận". Vấn đề "giả vương nhập cận" được khơi lại, tiếc rằng hai nhà nghiên cứu Đình Đính và Võ Vinh Quang chỉ nêu vấn đề nhưng chưa kiến giải để khẳng định giả vương nào mới thực sự làm lễ "bảo kiến" với Càn Long.

B. Kiến giải mới về "giả vương nhập cận":

1/ Không có vua Quang Trung thật "nhập cận" :

Vua Quang Trung không thể qua nước Thanh để tiếp kiến Càn Long năm CanhTuất [1790] vì vua phải ở kinh đô Phú Xuân để lo đối phó "thù trong giặc ngoài" cả hai phía Bắc và Nam:

Phía Bắc "thù trong" là cựu thần nhà Lê, "giặc ngoài" là vua quan nhà Thanh còn "hậm hực" trận đại bại mùa xuân Kỷ Dậu [1789];mặt trận này vua Quang Trung tin tưởng Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm, Phan huy Ích khi giao trọng trách cho họ.

Phía Nam, vua Quang Trung ở kinh đô Phú xuân để đối phó "thù trong" là vua anh Nguyễn Nhạc cùng các triều thần, hoàng tộc Qui Nhơn chưa nguôi việc Nguyễn Huệ từng phát hịch, đưa đại quân vào "bức ép" trung ương hoàng đế...và "giặc ngoài" là Nguyễn vương Phúc Ánh đang đứng vững ở Gia Định, có sự giúp rập của phương Tây, thủy quân đang phát triển mạnh; từng đánh chiếm một phần lãnh thổ phía nam của vua anh.

Thật vậy, có thể qua những thư từ của một số giáo sĩ viết năm 1790 để thấy vua Quang Trung không bao giờ có mặt ở nước Thanh.

Phù Lang Trương Bá Phát trên Tập-san Sử-Địa, số 21, 1-3-1971, có bài "Cuộc khởi dấy và chiến tranh của Tây Sơn", với đoạn dịch: "Cha Ginestar viết rằng: "Tây Sơn không ngờ Nhà Vua tới Bình Định hồi bấy giờ....Nhà vua ngó thấy gió mùa còn thuận tiện cho Ngài thật-hiện ý muốn của Ngài nên Ngài xuất hiện trước cảng của Tây Sơn, nơi đây Tây Sơn gom lại nào là tam bản, nào là thuyền chiến và những tàu khác. Tàu buồm thứ nhất của Nhà Vua là "chiếc tàu vỏ bằng đồng" (vật chưa từng thấy ở Quảng Nam quốc) vô trong cảng dưới quyền chỉ huy của ông Dayot....Song le, Tây Sơn liên-tiếp sử dụng đại bác để bắn, nhưng, hồi chiếc tàu vỏ đồng mới day qua để bắn, quân bảo vệ hải- cảng đều bỏ chỗ chạy trốn và trong hai ngày ở lại hải cảng,Nhà Vua xuống lịnh hỏa thiêu tất cả các tàu bè…

Nhà vua hoàn về Đồng- Nai lấy tư cách người chiến-thắng,với thâu-thập được tin mừng rằng hai anh em Tây Sơn đánh nhau vào 1790 đến 1792, mối bất- hòa ấy tồn-tại luôn luôn giữa hai anh em. Nhà vua lãnh-hội viễn-ảnh chiến thắng thuận lợi cho ngài…"(tr.90). Dẫn liệu này cho thấy giữa Phú Xuân và Qui Nhơn lục đục dai dẵng, không những Nguyễn Huệ Nguyễn Nhạc đánh nhau lớn trước năm 1789 mà còn giằng co đất đai, của cải, thứ vị,…kéo dài qua hai năm 1790, 1791. Vì vậy vua Quang Trung phải "hổ phục" ở Phú Xuân trong những năm cuối đời, để lo đối phó những thế lực phía Nam trong đó có năm 1790 vậy.

Đặng Phương Nghi trong bài "Triều đại Tây Sơn dưới mắt các nhà truyền giáo Tây phương", đăng ở Tập-san Sử-Địa, số 13, 1-3-1969, có dịch giới thiệu:

13-6-1790: Thư của ông Le Roy gửi ông Letondal [tr.1401-1403]

[tr. 1402] Theo như ông nói, thì chúng tôi không hay biết gì về cựu vương Nam Hà ở Dôúng Nai (Đồng Nai). Quân Nam Hà. Tiếm vương đã toàn thắng chúng tôi và để một người con khoảng 10, 11 tuổi cai trị chúng tôi.Bắc Hà đã thái bình nhưng người ta sợ sự yên ổn này không kéo dài. Quân Trung Hoa bị bại trận năm ngoái có thể sẽ trở lại tấn công nay mai. Mọi người tin tưởng rằng mùa tháng 5âm lịch sẽ phong phú nhưng gió không thuận mà mùa quá kém. Các giáo sĩ của ta ở Nam Hà nói rằng họ đã mất mùa này và nạn đói kém đang phá hoại xứ họ.Có người đề nghị với Tiếm Vương Quang Trung nên ngược đãi giáo đồ Gia Tô nhưng khi đình nghị, các quan đại thần tâu với ông rằng dân Công giáo rất đông, có nhiều trong các binh đội, nộp thuế đầy đủ và không hại ai cả.Nghe vậy, Tiếm Vương liền cả cười và nói rằng ông hy vọng đến tháng 6 dân Công giáo sẽ nộp đồng cho ông..."(tr.169). Dẫn liêụ này chứng tỏ năm 1790, xứ sở vua Quang Trung đang mất mùa, lại xảy ra vấn đề Công giáo ở Gia Định, Đồng Nai đang ủng hộ tích cực Nguyễn vương Phúc Ánh khiến một số triều thần tâu vua cấm đạo nên vua Quang Trung đã đình nghị ở triều đình Phú Xuân. Đây là bằng chứng vua Quang Trung thật đang ở kinh đô Phú Xuân vào tháng 5 Canh Tuất [1790].

Cũng trong bài đã dẫn, Đặng Phương Nghi dịch giới thiệu: "28-5-1790: Thư của ông La Mothe gửi ông Blandin[tr.216].

Tiếm Vương Quang Trung đang yên hưởng kết quả của sự tiếm ngôi dầu lời đồn [ngược lại]...ông vẫn đắm chìm trong niềm hoan lạc và bình thản hưởng cái kết qủa của những chiến thắng của ông ở Phú Xuân, và như chúa Sơn Lâm, tuy ra vẻ nằm ngủ nhưng sẵng sàng vồ mồi nếu kẻ nào chọc tới nó.

Về phần dân Bắc Hà chúng tôi, chúng tôi chỉ có một cậu bé 6,7 tuổi là con cả của Tiếm Vương, làm vua hay đúng hơn làm chúa, nhưng cậu bé đó có đại tướng và đại thần biết kiềm chế chúng tôi và bắt chúng tôi vâng lời."(tr.149).

Dẫn liệu này cho biết vua Quang Trung ở Phú Xuân trong năm 1790, ít xuất hiện trước ba quân, dân chúng; chỉ ẩn trong cung cấm kiểu "hổ phục" nhưng đang ra sức đối phó với hai thế lực Qui Nhơn và Đồng Nai.

Đến đây có thể khẳng định chính sử chép sự kiện "giả vương nhập cận" là chính xác và yên tâm kiến giải ai là "giả vương nhậpcận" ?

2/ Ai là "giả vương nhập cận"?

a/Giả vương tiếp chiếu ở Thăng Long:

Vì sự kiện "giả vương nhập cận" vô cùng quan trọng trong bang giao giữa hai nước "cựu thù" nên những người đương thời có liên quan, tham gia việc ấy sẽ giữ bí mật tối đa là điều tất nhiên. Đó là lý do từ năm 1790 đến nay, người đóng "giả vương" vẫn còn bí ẩn. Những sử gia đương thời hoặc đời kế tục cũng hạn chế thông tin nên ghi chép không sai nhưng chưa đủ.

Đoàn ngự đạo với giả vương Phạm Công Trị từ kinh đô Phú Xuân ra Thăng Long tiếp chiếu phong An Nam quốc vương vào tháng 11 năm Kỷ Dậu [1789] thì nhiều người biết, trong đó có tình báo của Nguyễn vương Phúc Ánh đang ở Phú Xuân và tai mắt dày đặc của cựu thần nhà Lê ở Thăng Long. Chưa kể các võ tướng cao cấp của Tây Sơn về hàng Nguyễn vương Phúc Ánh là những nhân chứng sống.Vì thế các sử quan của Quốc sử quán triều Nguyễn về sau khi viết về "giả vương" Phạm Công Trị ra Thăng Long tiếp chiếu là khả tín. Tất nhiên bồi thần giúp "giả vương" dâng biểu tạ ơn và hứa sẽ "nhập cận" vào đầu năm sau. Giả vương tiếp chiếu ở Thăng Long, không diện kiến Càn Long cùng các thân vương đại thần triều Thanh nên triều Tây Sơn không cần chuẩn bị kỹ lưỡng lắm, chỉ cần chọn người hao hao dáng vóc vua Quang Trung là được. Vả lại, chọn người thân ruột cũng không lo tình huống xấu như bị giữ lại làm con tin.Vì thế người cháu Phạm Công Trị của vua Quang Trung dễ dàng được triều đình Phú Xuân chọn để đảm trách việc trên.

b/ Tại sao Ngô Thời Nhậm, Phúc Khang An phải chuẩn bị "giả vương" Nguyễn Quang Trực ?

Những người liệu việc như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích,...của Đại Việt rất chỉnh chu. Ngay Phúc Khang An, tổng đốc Lưỡng Quảng của nước Thanh, đã cho người thân tín qua gặp Ngô Thì Nhậm để bàn bạc, dặn dò kỹ lưỡng việc tổ chức phái đoàn. Thật vậy "giả vương nhập cận" phải ở suốt năm trời bên nước Thanh, không những tiếp kiến vua Càn Long mà còn thù tiếp biết bao người từ cửa ải biên giới Lạng Sơn, qua những dịch quán đến cung đình vua Thanh. Vì thế "giả vương nhập cận" phải được chọn kỹ lưỡng, hội đủ nhiều tiêu chí như dáng vóc, độ tuổi phải trung niên như vua Quang Trung, biết phép tắc cung đình phong kiến Đại Việt, Đại Thanh và phải có văn học để thù tiếp, ứng xử không chỉ đối với vua Càn Long mà còn đối với các thân vương, đại thần, các sứ thần các lân bang trong đại lễ "bát tuần đại khánh" của hoàng đế Càn Long.Người trẻ tuổi như Phạm Công Trị khó đảm trách. Hơn nữa, những người trải đời như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, không thể đề phòng bất trắc xảy ra, lỡ có hại đến sinh mạng con cháu của Chánh cung hoàng hậu Phạm Thị Liên, ắt mang trọng tội. Cho nên phương án chọn võ quan Nguyễn Quang Trực làm "giả vương nhập cận", như Ngô Thì Du đã biết và chép ở hồi 15 của Hoàng Lê nhất thống chí, là tối ưu.

c/Tại sao phái đoàn Đại Việt vào Quảng Tây mới hoán đổi "giả vương nhập cận"?

Một vấn đề cần xử lý là Ngô Thì Nhậm dù đã chuẩn bị "giả vương" Nguyễn Quang Trực nhưng vẫn để "giả vương" Phạm Công Trị nhập Thanh trước. Từ khi tiếp chiếu ở Thăng Long vào tháng 11năm Kỷ Dậu đến đầu xuân Canh Tuất, vài tháng đủ cho kẻ thù nắm bắt tin tức về giả vương Phạm Công Trị, có thể dâng sớ "tố cáo" lên thiên triều. Vì thế, triều Tây Sơn vẫn để "giả vương" Phạm Công Trị dẫn đầu đoàn, khởi hành từ Phú Xuân, ra Thăng Long, có thêm hoàng trưởng tử Nguyễn Quang Thùy. Ngô Thì Nhậm vẫn chỉ đạo lập danh sách các thành viên của đoàn, có tên Phạm Công Trị, Nguyễn Quang Thùy để báo cáo vua Thanh. Khi từ Thăng Long đến biên ải Lạng Sơn, có thể "giả vương" là Phạm Công Trị, còn Nguyễn Quang Trực tạm đóng vai Đai đô đốc Trị An hầu Phạm Công Trị. Như thế "tình báo viên" của cựu thần nhà Lê vẫn nắm tin Phạm Công Trị là "giả vương". Nhưng khi đến Quảng Tây, việc hoán đổi "giả vương" được bí mật tiến hành. Phái đoàn dâng biểu lên vua Càn Long rằng Nguyễn Quang Thùy bị ốm, nên cử Phạm Công Trị và Đặng Văn Chân hộ vệ Nguyễn Quang Thùy về nước. Vua Thanh chấp thuận. Khi ấy Nguyễn Quang Trực trở thành "giả vương nhập cận" vậy. Nguyễn Quang Thùy và Phạm Công Trị vì anh em cô cậu nên ít nhiều giống nhau, chứ giả vương Nguyễn Quang Trực khó giống Nguyễn Quang Thùy, nghĩa là để Nguyễn Quang Thùy cùng Nguyễn Quang Thực đóng vai phụ tử dễ bị lộ. Sự kiện này được giữ kín, đến nổi hơn ba mươi năm sau các sử quan triều Nguyễn viết Chính biên liệt truyện sơ tập cũng không hề biết bí mật hoán đổi nêu trên. Do vậy chính sử chép Phạm Công Trị là "giả vương nhập cận". Sau này nhờ tiếp cận dụ do Càn Long ban cho đại thần mới biết sự kiện Phạm Công Trị hộ tống Nguyễn Quang Thùy quay về như Nguyễn Thế Long, Tạ Chí Đại Trường từng thông báo.

d/ Điều bí ẩn đến lúc hé lộ .

Vậy Nguyên Quang Thực là ai ? Ngô Thì Du chỉ biết Nguyễn Quang Trực là võ quan Tây Sơn, người làng Mặc Điền, huyện Nam Đàn, trấn Nghệ An. Do giữ bí mật nên hành trạng của Nguyễn Quang Trực hoàn toàn bí ẩn.

Nêú sự kiện hoán đổi giả vương ở Quảng Tây đươc giữ kín thì Nguyễn Quang Trực cũng được Tây Sơn giấu tông tích, sau khi về nước. Có chăng người đóng giả vương Nguyễn Quang Trực sẽ giữ mãi trong lòng "kỷ niêm sâu sắc" trong đời và tất nhiên sẽ kể cho người thân tín kỷ niệm ấy. Thời Tây Sơn phải giữ kín, qua thời vua Nguyễn lại càng giữ kín vì đã lập đại công cho "Ngụy Tây". Tuy nhiên, con cháu sẽ truyền khẩu không dứt sự kiện cha ông làm "giả vương nhập cận" có một không hai này. Con cháu sẽ chép vào gia phả khi tình hình "triệt bỏ Ngụy Tây" đã hạ nhiệt. Nhờ vậy tông tích nhân vật đóng "giả vương nhập cận" Nguyễn Cửu Trị đã được Nguyễn Cửu Trường, cháu gọi Nguyễn Cửu Trị bằng chú, chép vào giả phổ của họ Nguyễn Cửu năm 1850 và họ Nguyễn Cửu công bố trên thông tin đại chúng năm 2014, được Đình Đính, Võ Vinh Quang xác nhận năm 2017.

Ông Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị là người huân cựu của triều chúa Nguyễn, lại cộng tác với triều Tây Sơn, làm một việc "tày trời" nên họ Nguyễn Cửu chỉ truyền ức chứ không ghi vào gia phổ, nên phổ không ghi chép năm sinh, năm mất. Người soạn Vân Dương Kinh phổ là Lãm quận công Nguyễn Cửu Lãm, chung ông nội với Nguyễn Cửu Trị. Cuốn phổ được soạn vào những năm đầu triều Gia Long. Ông Lãm biết ông Trị đã theo "ngụy Tây’’ làm "giả vương nhập cận" năm 1790 là một việc "tày trời" trong lịch sử, nên có khả năng ông Lãm chưa chép kỹ về ông Trị. Nhưng "họ Nguyễn Cửu" có tự hào ngầm, đã truyền ức cho con cháu về ông Trị. Đến thời Tự Đức , khoảng năm 1850, ông Nguyễn Cửu Trường, Hữu thị lang sung biện nội các, hàng cháu gọi Nguyễn Cửu Trị là chú trong họ, đã mạnh dạn chép sự kiện "giả vương nhập cận" của chú Nguyễn Cửu Trị khi tu bổ Vân Dương Kinh phổ nhưng không biết năm sinh năm mất của Nguyễn Cửu Trị.

Còn tuổi Nguyễn Cửu Trị như thế nào?Vân Dương Kinh phổ không chép tuổi Nguyễn Cửu Trị nhưng cho biết năm sinh, năm mất của cha, ông nội, ông cố của ông Trị và cho biết ông Trị là con thứ 12 nên có thể đoán độ tuổi của Nguyễn Cửu Trị vào năm 1790 như sau: Cha của ông là Phò mã Hoán quận công Nguyễn Cửu Pháp [1703-1775](con thứ 4), ông nội của ông là Phò mã đô đốc Thiếu phó Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế [1666-1734](con thứ 3), cố của ông là Trấn quận công Nguyễn Cửu Ứng [1634-1705]. Hoán quận công Nguyễn Cửu Pháp lập gia đình khoảng năm 1720, đã có 11 người con trai mới sinh con trai thứ 12 là Nguyễn Cửu Trị. Như thế Nguyễn Cửu Trị có năm sinh trong khoảng từ 1742 đến 1752, do đó khoảng năm 1790 thì Nguyễn Cửu Trị tuổi trên dưới 50, nghĩa là ông có tuổi xấp xỉ tuổi vua Quang Trung. Lúc quân Lê Trịnh chiếm Phú Xuân thì ông đã là võ quan Nội đội trưởng tước Trị An hầu.Vì ông là cháu ngoại của chúa Nguyễn Phúc Chu nên so với thanh niên Phạm Công Trị ông đã chính chắn, có văn học, quen lễ nghi cung đình và tướng mạo tuấn tú, đủ tiêu chí để làm "giả vương nhập cận". Một yếu tố để Ngô Thì Nhậm chọn Nguyễn Cửu Trị hơn chọn Phạm Công Trị là vì ông không phải con cháu vua Quang Trung.

e/ Nguyên do ông Nguyễn Cửu Trị cộng tác với Tây Sơn:

Vì dòng họ Nguyễn Cửu là thân tộc với họ Nguyễn Phúc Đàng Trong, nhiều người là đại công thần của triều chúa Nguyễn nên khi quân Lê Trịnh chiếm Phú Xuân, rồi Tây Sơn từng về hàng Lê Trịnh, đánh giết con cháu họ Nguyễn và con cháu các đại công thần, nên gia đình Nguyễn Cửu ly tán, người theo chúa Nguyễn xuôi Nam, lớp tử trận, lớp mai danh ẩn tích. Có khả năng Nội đội trưởng Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị khoảng năm 1774 đã mai danh ẩn tích, từ dinh Quảng Bình chạy ra Nghệ An, trốn ở làng Mặc Điền, Nam Đàn, Nghệ An dưới vỏ bọc là một nông dân có tên Nguyễn Quang Trực. Khi vua Quang Trung kéo quân ra Bắc đánh Thanh, có khả năng Nguyễn Quang Trực (Nguyễn Cửu Trị) "vì nước quên thù nhà" đã tòng quân đánh quân Thanh. Vì ông có dung mạo tốt và có tài cầm quân nên sớm thành võ quan Tây Sơn dưới trướng của Đại tư mã Ngô Văn Sở, dễ "lọt mắt xanh" của Ngô Thì Nhậm khi đang tìm người làm "giả vương nhập cận". Ngô Thì Du (1772-1840), năm 19 tuổi, thường trú ở Nghệ An, biết việc ông bác Ngô Thì Nhậm chọn võ quan Nguyễn Quang Trực làm "giả vương" nên về sau viết hồi thứ 15, HLNTC, không biết lai lịch thật của Nguyễn Quang Trực nên viết theo tên họ quê quán thời Nguyễn Cửu Trị mai danh ẩn tích, trước 1789. 
Sau khi về nước, tất nhiên triều Tây Sơn phải bố trí Nguyễn Quang Trực (Nguyễn Cửu Trị) ở Thăng Long để tiện bề "quản lý" nhằm giữ bí mật. Mười hai năm sau vua Gia Long ra Bắc thanh toán triều Bảo Hưng Nguyễn Quang Toản [1802], võ quan nhỏ như Nguyễn Quang Thực ra hàng, sớm được bố trí làm viên quan thu thuế mỏ ở tận Tuyên Quang. Biết phận đời éo le, ông Nguyễn Cửu Trị giấu tông tích của mình, chỉ có một số người thân thích biết mà thôi. Nhờ vậy đến năm 1850, ông mới được cháu Nguyễn Cửu Trường bổ sung vào Vân Dương Kinh phổ (lưu hành nội bộ).

C- Hướng kiểm chứng :

Với tình hình tư liệu chính sử, dã sử hiện có, chúng tôi đã trình bày kiến giải như một giả thuyết công tác. Cần phải có kiểm chứng khoa học. Hiện nay, nhờ phương tiện truyền thông hiện đại, các tộc họ có những trang web nối kết, liên lạc các họ, phái, chi...trên toàn quốc, kể luôn hải ngoại, trong đó có tộc họ Nguyễn Cửu ở Thừa Thiên Huế và ở huyện Quảng Ninh thuộc Quảng Bình. Nguyễn Cửu Lãm chấp bút Vân Dương Kinh phổ vào những năm đầu triêù Gia Long, trú tại Quảng Bình. Nội đội trưởng Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị trước khi làm giả vương nhập cận từng trú ở Quảng Bình, sau đó lại thường trú ở Thăng Long, làm việc thu thuế mỏ ở Tuyên Quang. Trong Vân Dương Kinh phổ có chép ông có con trai là Nguyễn Cửu Lễ.

Ngày 4-9-2017, chúng tôi cùng hai cộng tác viên là Nguyễn Văn Tuấn và Trần Viết Hòa đã về An Cựu Đông tìm trưởng tộc họ Nguyễn Cửu. May mắn chúng tôi gặp được ông Nguyễn Cửu Lợi, sinh năm 1956, em ruột của ông tộc trưởng. Ông Lợi sốt sắng mời chúng tôi vào phủ thờ (nhánh), nguyên ngaỳ xưa bà Ni cô Vân Dương (húy Nguyễn Ngọc Tuyên) từng ở.Ông lợi cho biết di vật thời bà còn lại là pho tượng Phật bằng đồng đang tôn trí án giữa, phía trước trong phủ thờ.Sau đó ông Lợi đưa chúng tôi gặp tộc trưởng Nguyễn Cửu là ông Nguyễn Cửu Dãnh, sinh năm 1946, phái III, trú tại 94 kiệt 1/1đường Tôn Thất Cảnh. Ông tộc trưởng sốt sắng mang toàn bộ thư tịch của tộc họ trong đó có Bắc phổ và V ân Dương Kinh phổ (ngài Nguyễn Cửu Trường, đời VI, chấp bút), không có bản do ngài Nguyễn Cửu Lãm viết những năm đầu triều Gia Long. Đặc biệt ông tộc trưởng cho biệt đã liên lạc chi Nguyễn Cửu ở Hà Nội, hậu duệ ngài Nguyễn Cửu Trị (giả vương nhập cận). Theo ông tộc trưởng chi Nguyễn Cửu Hà Nội đã có vài trăm hậu duệ. Ông tộc trưởng cung cấp số điện thoại của ông Nguyễn Cửu Thược,một vị hậu duệ Nguyễn Cửu Trị.

Chúng tôi bằng điện thoại liên lạc với ông Nguyễn Cửu Thược, biết ông Thược là hậu duệ đời thứ 9. Ngài tổ của ông là vị võ quan Tây Sơn, trong đạo quân do vua Quang Trung chỉ huy đại phá quân Thanh. Sau thắng trận, ngài tổ mới lập gia đình và lập nghiệp ở làng Trường Yên, Hà Đông, nay là xã Ngọc Sơn, huyện Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội. Mộ ngài tổ vừa được trùng tu, có bia nhưng không khắc danh tính của ngài. Đây là một tín hiệu cho thấy hy vọng kiến giải của chúng tôi đúng hướng.

Ảnh: Tác giả và cộng tác viên Nguyễn Thanh Tuấn tại phủ thờ 
Sư cô Vân Dương (dâu của họ Nguyễn Cửu)

Huế, tháng 9-2917 
Trần Viết Điền

Tóm tắt

Đặt việc nghiên cứu Nho giáo vào bối cảnh lịch sử chung, bài viết cố gắng đưa ra một cái nhìn tổng quan về tình hình nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam từ thế kỷ XX đến nay mà đặc biệt là từ 1975 trở đi. Thông qua việc phân tích tình hình nghiên cứu Nho giáo trước nay theo hai nội dung tìm hiểu học thuyết Nho giáo và tìm hiểu lịch sử Nho giáo, bài viết cho rằng thế mạnh của học giới Việt Nam chỉ có thể là tìm hiểu lịch sử Nho giáo ở Việt Nam, và mục đích chủ yếu của việc tìm hiểu Nho giáo ở Việt Nam là nhằm phục vụ cho việc tìm hiểu lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Trong phần kết luận, bài viết cho rằng việc nghiên cứu Nho giáo hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi hơn đồng thời cũng phải chịu những áp lực to lớn hơn thời gian trước 1975. Đã hình thành tình trạng chưa thống nhất giữa nhu cầu học thuật và nhu cầu thực tiễn, tốc độ hiện đại hóa tụt lại so với tốc độ quốc tế hóa, sự phân tán về hệ thống đề tài dẫn tới sự dàn trải về lực lượng nghiên cứu.

 

*

Trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến từ nửa sau thế kỷ XIX và sau khi giành được độc lập năm 1945 vẫn phải liên tục đấu tranh để xác định con đường độc lập của mình, từ thế kỷ XX Việt Nam có một lịch sử nghiên cứu Nho giáo phức tạp mặc dù có nhiều trăm năm sử dụng học thuyết Nho giáo để xây dựng chính quyền, bảo vệ đất nước, tổ chức xã hội, phát triển văn hóa. Tình hình phức tạp này là kết quả của nhiều yếu tố tư tưởng và chính trị, văn hóa và khoa học, trong đó tiêu biểu nhất là giai đoạn từ 1975 trở đi.

Theo logic thông thường, việc tìm hiểu Nho giáo có ba nội dung chủ yếu: tìm hiểu học thuyết Nho giáo, tìm hiểu lịch sử Nho giáo và tìm hiểu việc tìm hiểu Nho giáo (tình hình, khuynh hướng, cách thức...). Để nói về nội dung thứ ba cần có nhiều điều kiện cần thiết, vả lại cũng khó có thể gói gọn trong phạm vi một bài viết, nên ở đây chỉ đề cập tới hai nội dung đầu.

Về việc tìm hiểu học thuyết Nho giáo, từ các công trình dịch thuật Tứ thư cuối thế kỷ XIX rồi Ngũ kinh trong thế kỷ XX, từ hàng loạt công trình khảo cứu, dịch thuật về Nho giáo trước 1945 rồi các công trình nghiên cứu về tư tưởng, triết học ở cả hai miền Nam Bắc trước 1975 (1), việc tìm hiểu học thuyết Nho giáo dường như vẫn là khuynh hướng chủ đạo, đề tài nổi bật thu hút sự quan tâm của học giới, ngoài ra còn dẫn rới sự hình thành những hội đoàn chuyên môn. Giữa những phức tạp thời cuộc sau Cách mạng Tháng Tám và trước Toàn quốc kháng chiến, vẫn có Hội Dịch lý học ở số 9 phố Ngã Tư Vọng Hà Nội được thành lập và hoạt động theo Nghị định ngày 26. 6. 1946 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng (Việt Nam Dân quốc công báo năm thứ hai, số 27 ngày 6. 7. 1946). Không khó giải thích tình hình này vì trong quá trình hiện đại hóa bị động của xã hội Việt Nam từ thế kỷ XX, con người Việt Nam gần như luôn luôn phải giải quyết nhiệm vụ tư tưởng để giải quyết nhiệm vụ chính trị. Học thuyết Nho giáo do đó thường xuyên được lật đi lật lại, nhưng bất kể là để phủ định hay khẳng định, nó cũng chỉ được tìm hiểu một cách nửa vời vì chủ yếu hướng tới phục vụ các mục tiêu chính trị. Việc nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam trước 1975 mang nhiều sắc thái phủ nhận hơn kế thừa lẫn nhau là hệ quả tất yếu của tình hình ấy. Nói thêm thì việc nghiên cứu Nho giáo cũng trở thành một bộ phận của cuộc đấu tranh ý thức hệ trong thời gian 1954 – 1975, nên không phải ngẫu nhiên mà sau Cách mạng Tháng Tám 1945 các học giả từng tập trung vào mảng đề tài triết học Nho giáo và lý luận Nho học như Lệ Thần Trần Trọng Kim, Thượng Chi Phạm Quỳnh lại có kết cục chính trị khác xa các học giả đi sâu vào mảng đề tài lịch sử và văn hóa Nho giáo như Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, Biểu Chánh Hồ Văn Trung, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Miễn Trai Phạm Thiều, Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh... Nhưng từ 1975 mà nhất là từ 1985 trở đi, khi nhiều người ý thức được sự bế tắc không những về kinh tế xã hội mà còn cả về văn hóa tư tưởng của chế độ bao cấp thì Nho giáo trong đó có Nho học đã được nhìn nhận một cách cởi mở hơn, đánh giá một cách công bằng hơn, tình hình kế thừa lẫn nhau trong các công trình tìm hiểu Nho giáo cũng trở nên phổ biến hơn.

Tuy nhiên việc tiếp nhận một giá trị văn hóa bên ngoài đưa tới không bao giờ tách rời với việc sử dụng nó. Nho giáo ở Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc – Triều Tiên đều có những khác biệt với Nho giáo ở Trung Quốc, mà ngay ở Trung Quốc thì Nho giáo cũng được học tập và vận dụng một cách rất khác nhau trong những thời điểm, ở những khu vực và bởi những lực lượng khác nhau chính vì như thế. Hoàn cảnh vong quốc trước Cách mạng Tháng Tám 1945 và tình trạng chiến tranh trước 1975 không cho phép triển khai nội dung thứ hai trong việc tìm hiểu Nho giáo mà cụ thể là lịch sử Nho giáo ở Việt Nam một cách thuận lợi và toàn diện, nhưng từ 1975 trở đi nội dung này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay chắc chắn không một học giả Việt Nam nào có thể nghiên cứu về học thuyết Nho giáo bằng học giới Trung Quốc vốn chiếm ưu thế tuyệt đối về nguồn tư liệu, nên thế mạnh của học giới Việt Nam chỉ có thể là tìm hiểu lịch sử Nho giáo ở Việt Nam để thông qua đó hiểu rõ thêm, sâu hơn về lịch sử và văn hóa Việt Nam, và đây mới là lý do chủ yếu khiến chúng ta tìm hiểu Nho giáo. Cần lưu ý rằng trong khoảng mười lăm năm nay, việc tìm hiểu Nho giáo ở Việt Nam đã dần dần bước vào quĩ đạo của việc tìm hiểu Nho giáo trên thế giới. Dĩ nhiên ở đây không có hiện tượng “quốc tế hóa cưỡng bức”, nhưng rõ ràng đã có rất nhiều dấu hiệu của tình trạng “quốc tế hóa tự nguyện” với một số công trình chẳng hạn về Nho giáo Đông Á. Việc nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam như vậy đã bắt đầu mang dáng dấp một hình ảnh thu nhỏ mà sắc nét của tình trạng quá trình quốc tế hóa đi trước và lấn át quá trình hiện đại hóa (2), một tình trạng phổ biến và lặp đi lặp lại tới mức gần như đã trở thành qui luật phát triển chủ đạo của xã hội Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. Việc quan tâm nhiều hơn tới nội dung tìm hiểu lịch sử Nho giáo ở Việt Nam chắc chắn sẽ giúp học giới Việt Nam giữ được sự quân bình cần thiết về hệ thống đề tài cũng như sự độc lập cần thiết về tư tưởng học thuật để có thể có những phát hiện khoa học của mình khi tìm hiểu Nho giáo.

Cũng cần nhìn lại mục đích của việc tìm hiểu Nho giáo, mục đích này trước nay thường được diễn đạt bằng những mệnh đề đại khái như Kế thừa có chọn lọc và phát huy một cách sáng tạo các giá trị di sản truyền thống vân vân. Đáng tiếc là ở việc tìm hiểu Nho giáo thì trong rất nhiều trường hợp mệnh đề ấy đã được hiểu theo một cung cách đạo đức luận hời hợt nên lầm lạc. Những giá trị tích cực của Nho giáo cũng có cả nơi các dân tộc và quốc gia không theo Nho giáo, Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791 chứ không trích dẫn câu nào của kinh điển Nho gia, đủ thấy các giá trị ấy cho dù là tích cực cũng không có ảnh hưởng gì lớn tới các hiện tượng, lãnh vực và quá trình trên phạm vi toàn cầu và ở cấp độ vĩ mô của xã hội hiện đại. Nho giáo là một hệ thống giá trị văn hóa, nhưng văn hóa không phải chỉ là những giá trị được tạo ra mà còn bao gồm cả cách thức sáng tạo và tiêu dùng những giá trị ấy, nên mục đích đích thực của học giới Việt Nam trong việc tìm hiểu Nho giáo phải là tìm hiểu những cách thức học tập và vận dụng học thuyết Nho giáo của con người Việt Nam trong lịch sử, những cách thức khiến Nho giáo sau khi du nhập vào Việt Nam đã từng bước được dân tộc hóa rồi nhân dân hóa. Nếu đặt vấn đề nghiên cứu Nho giáo là để kế thừa và phát huy thì cái phải kế thừa và phát huy ở đây chủ yếu là lịch sử học tập và vận dụng nói trên chứ không phải là các giá trị cho dù là tích cực trong hệ thống học thuật – lý luận Nho giáo.

Cũng cần nhìn qua những thuận lợi và khó khăn của việc tìm hiểu Nho giáo ở Việt Nam từ 1975 đến nay. Việc tìm hiểu Nho giáo nói chung và học thuyết Nho giáo nói riêng đều cần tới hệ công cụ đặc biệt là chữ Hán, nhưng không phải người nghiên cứu Hán Nôm nào cũng tìm hiểu Nho giáo và người nghiên cứu Nho giáo nào cũng biết chữ Hán Nôm. Trên đường hướng này, có thể nghĩ tới tình hình tư liệu. Bên cạnh các bộ sử thời phong kiến đã được biết tới, từ 1975 trở đi có khá nhiều tư liệu lịch sử – văn hóa chữ Hán có thể trực tiếp phục vụ cho việc tìm hiểu lịch sử Nho giáo ở Việt Nam như địa phương chí, khoa lục, thần tích, hương ước, văn khắc đã được phiên dịch và công bố. Có những bản dịch tốt, nhưng cũng có nhiều bản dịch không được như vậy, từ công tác văn bản tới việc phiên dịch, chú thích đều có vấn đề. Tình hình này có thể giải quyết bằng nhiều cách nhưng dường như chưa ai đặt vấn đề giải quyết, hy vọng trong một tương lai gần nó sẽ được lưu ý nhiều hơn.

Nhưng không phải chỉ riêng ngành Hán Nôm mới có thể hỗ trợ cho việc tìm hiểu Nho giáo. Kết quả của nhiều ngành nghiên cứu khác cũng có thể góp phần thúc đẩy hay kìm chế việc tìm hiểu lịch sử Nho giáo ở Việt Nam. Trước 1975, Giáo sư Trần Đình Hượu từng chia giới nho sỹ làm ba loại là nhà nho hành đạo, nhà nho ẩn dật và nhà nho tài tử. Hai loại đầu là theo tiêu chí hoạt động xã hội – thái độ chính trị, loại thứ ba là theo tiêu chí lối sống, ví dụ Nguyễn Công Trứ vừa thuộc loại nhà nho hành đạo vừa thuộc loại nhà nho tài tử. Việc phân loại theo tiêu chí khác nhau ấy có chỗ chưa nhất quán, nhưng đó là chuyện khác, ở đây chỉ nói tới khái niệm nhà nho tài tử. Nhà nho tài tử thật ra là những người mang lối sống của tầng lớp thị dân phong kiến, một sản phẩm của kinh tế hàng hóa tiền tư bản và là một đối tượng của xã hội học đô thị. Nhưng trước 1975 xã hội học đô thị ở miền Bắc nói chung chưa có gì, thầy Trần Đình Hượu không thể triển khai nhận định ấy trên cơ sở các kết quả nghiên cứu lịch sử của chuyên ngành này nên đành phải dừng lại ở một chỗ giống như nửa vời như thế, vì rõ ràng theo tiêu chí lối sống thì còn có ít nhất là một loại nhà nho khác đối lập với loại nhà nho tài tử. Có điều hiện nay mặc dù xã hội học đã khá phát triển nhưng hình như chưa đủ làm cơ sở để những người quan tâm về vấn đề này có thể đi xa hơn. Cũng có một ví dụ ngược lại là nhiều công trình về phong tục, lễ hội của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian từ 1975 trở đi có thể cung cấp nhiều cứ liệu về bộ phận Nho giáo nhân dân hóa, nhưng đến nay vẫn có rất ít người quan tâm tới bộ phận này. Tình trạng mặt bằng khoa học không đồng đều ở đây là một lực cản lớn đối với việc tìm hiểu lịch sử Nho giáo ở Việt Nam. Và đến lượt nó, tất nhiên việc tìm hiểu lịch sử Nho giáo cũng tác động tới một số ngành nghiên cứu như văn học, sử học. Năm 1989 có một công trình tìm hiểu thơ văn Nguyễn Cư Trinh được công bố, trong đó tác giả viết Nguyễn Cư Trinh là “một nho sỹ sống giữa buổi hoàng hôn của chế độ phong kiến” còn thơ văn của ông thì “phản ảnh khá đầy đủ tình hình và tư tưởng của thời đại, phảng phất khí vị của lớp nho sỹ thịnh thời”! Nếu vào thời điểm 1989 Nho giáo ở Đàng Trong đã được tìm hiểu cụ thể thì chắc chắn không thể có những nhận định kiểu Trống đánh xuôi kèn thổi ngược như thế.

Sau cùng, cần đặt việc tìm hiểu Nho giáo vào mối quan hệ với quá trình tái cấu trúc xã hội ở Việt Nam từ thời đổi mới, một quá trình đã thành công trong việc thoát ly xã hội cũ nhưng đang thất bại về mặt cố kết cộng đồng mới. Đây là tiền đề khiến một bộ phận của hoạt động tìm hiểu Nho giáo nhiều năm qua được triển khai bởi sở thích hay sáng kiến cá nhân nhiều hơn là xuất phát từ các nhu cầu học thuật và xã hội, mặt khác rất nhiều trong những người thực hiện lại chưa đủ điều kiện kiến thức và phương pháp để tiến hành, nên kết quả dĩ nhiên chi có thể là những công trình, giáo trình ngụy khoa học hay thậm chí là bậy bạ. Để khắc phục tình trạng này dĩ nhiên không thể dùng biện pháp hành chính mà phải dùng hoạt động học thuật, nên nhìn về lâu dài thì đây cũng là một nhiệm vụ nặng nề đặt ra trước những người tìm hiểu Nho giáo ở Việt Nam.

***

Nhìn chung, từ thế kỷ XX trở đi việc tìm hiểu Nho giáo ở Việt Nam luôn bị đặt vào tình trạng hiện đại hóa bị động của một dân tộc vong quốc rồi một đất nước chiến tranh. Mặc dù từ 1975 quá trình quốc tế hóa cưỡng bức đã được chấm dứt nhưng thay vào đó là tình trạng quá trình quốc tế hóa tự nguyện lấn át quá trình hiện đại hóa, nên chưa bao giờ nó có được những điều kiện thuận lợi và cũng chưa bao giờ phải chịu những áp lực to lớn như trong thời gian từ 1975 và đặc biệt là từ 1985 đến nay. Cho nên hiện nay chưa thể khẳng định công việc này đang được tiến hành theo định hướng chủ đạo nào, tuy nhiên đã có thể thấy được một số điểm nổi bật như tình trạng chưa thống nhất giữa nhu cầu học thuật và nhu cầu thực tiễn, tốc độ hiện đại hóa tụt lại so với tốc độ quốc tế hóa, và bao trùm lên tất cả là sự phân tán về hệ thống đề tài dẫn tới sự dàn trải về lực lượng nghiên cứu, đây đều là các vấn đề cần được những người có trách nhiệm quan tâm.

Tìm hiểu Nho giáo là một công việc rất khó, nhất là trong hoàn cảnh học thuật và thông tin hiện tại, khi những kỹ thuật nghiên cứu mới luôn mau chóng được thay thế và những kết quả nghiên cứu mới luôn mau chóng bị vượt qua. Cho nên một mặt nó cần được xã hội và chính quyền quan tâm nhiều hơn nữa, hỗ trợ nhiều hơn nữa, mặt khác nó cũng đòi hỏi các nhà nghiên cứu nỗ lực hơn nữa đồng thời nhẫn nại hơn nữa, bởi vì không phải ngẫu nhiên mà những tấm gương lao động và cống hiến trong lịch sử nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam thế kỷ XX đều là những con người ngay thẳng nhưng ít nhiều kín tiếng, can đảm nhưng ít nhiều cô đơn.

Tháng 1. 2015

Cao Tự Thanh

(1) Xem thêm Trịnh Khắc Mạnh, Chu Tuyết Lan (chủ biên), Thư mục Nho giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007

(2) Hai khái niệm quốc tế hóa và hiện đại hóa dùng trong bài viết này dĩ nhiên còn cần có sự thảo luận, song chúng tôi quan niệm hiện đại hóa cơ bản là sự thay đổi các tổ chức, thiết chế, quan hệ trong cấu trúc kinh tế – xã hội theo hướng hoàn thiện hơn để phù hợp với nhu cầu và xu thế trước hết của các hoạt động sản xuất cả vật chất lẫn tinh thần trong quốc gia, còn quốc tế hóa chủ yếu là sự tiếp thu các mô hình, chuẩn mực, giá trị nước ngoài trên phạm vi rộng và với quy mô lớn để thích ứng trước hết với sự giao dịch thế giới. Xem thêm Cao Tự Thanh, Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ thất kỷ, Nxb. Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2012, tr. 46

20180118 Nguoi tu do A1

Cuối năm 2017, chủ một tiệm sách cũ ở trung tâm Sài Gòn chuyển đến tôi ấn phẩm đặc biệt: bộ tranh Người Cao Nguyên vùng Đà Lạt của họa sĩ Bui Van Duong, ấn hành tại Đà Lạt vào năm 1955. Đây là một bộ tài liệu ghi chép hình ảnh dân tộc học quý giá ở vào một giai đoạn khá thú vị trong lịch sử cộng đồng dân tộc thiểu số cao nguyên Lang Biang.

Bộ tranh có lớp giấy bìa áo dày, qua thời gian đã rách, gãy tả tơi nhiều miếng. Trên bìa chính, ngoài tựa chữ đỏ Người Cao Nguyên vùng Dalat nét khá mềm mại, nền nã, tựa như manchette một tờ báo, thì có hình vẽ một góc thác Cam Ly in bốn màu bên cạnh dòng chữ Hán viết sổ dọc: “Cao nguyên sơn khu dân tộc”, tạm dịch nghĩa: “Dân tộc miền núi cao nguyên” và bài thơ thất ngôn tứ tuyệt theo lối vịnh cảnh: “Cơn nhàn đi viếng thác Cam-Ly/ Bốn phía rừng cây, cảnh rậm-rì/ Giòng nước thao-thao chồm ép đá/ Đá ngồi vững chật, nước tuôi đi.”

Bên dưới đề tên tác giả “Tranh vẽ, bản đồng, bản kẽm Bui Van Duong, Dalat”.

Ở góc trên, cánh trái của trang in lời giới thiệu, có thủ bút đề tặng: “Kính tặng cụ Phó giám đốc Nha Địa dư Dalat” của tác giả bộ tranh, ghi ngày 27.12.1955.

Bộ tranh có 26 bức in trên giấy rời, mỗi bức in trên một trang. Điều này khiến người tiếp cận bộ tranh hôm nay có quyền nghi ngờ rằng, số tranh trong tập của ấn bản gốc có thể nhiều hơn số hiện hữu. Nội dung lời nói đầu (nguyên văn) của tác giả Bui Van Duong:

“Chúng tôi vẽ tranh trong quyển này, cốt yếu ghi nhớ những thành tích của Bộ lạc tự do thiểu-số của xứ sở; hiểu cho Quý bạn cơ nhàn để thưởng thức thẩm-mỹ hình dạng của người Cao-nguyên.

Những tranh này chúng tôi thuê những người ở vùng Blao, Dran, Djiring, Fyan, làm mẫu, vẽ một cách khảo sát hiện tại rất châu đáo; về lối diện mạo y phục, dáng điệu cử chỉ, vui, buồn, v.v.

Vẽ mẫu rồi, chính tay chúng tôi tự vẽ sang qua làm bản kẽm in ra; qua cái bìa, cũng tự tay chúng tôi khắc bản đồng, in ra hai ba màu, rất dày công phu.

Mặc dầu rất dày công và các tổn phí phức-tạp đắt-đỏ, xong chúng tôi cố gắng để phụng-sự nghệ-thuật cho nước nhà.

Xong rồi, chúng tôi thiết-tưởng, người thì phải có tâm hồn, có hình bóng, tranh thì phải có lời mới có linh-hoạt đặng, vậy muốn cho vui, chúng tôi không thẹn lời thô, dụng lời nói bắt-vần mà trình bày theo sát-ý, với những tranh trong quyển này.”

Thời gian bộ tranh được sáng tác, ấn hành đúng vào một khoảng chuyển giao khá quan trọng trong lịch sử chính trị xã hội tại Đà Lạt nói riêng, những vùng cao nguyên lân cận nói chung. Và khoảng chuyển giao này có ảnh hưởng đến đời sống, tâm thế đối tượng mà bộ tranh phản ánh – người dân tộc bản địa – đồng thời cũng ít nhiều cho thấy cái nhìn, nỗ lực của nghệ sĩ địa phương trong việc “hiểu” những cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa.



Đây là quãng thời gian chuyển tiếp từ thời Hoàng Triều Cương Thổ (tiếng Pháp: Domaine de la Couronne, kéo dài từ 15-4-1950 đến 11-3-1955, lấy Đà Lạt làm thủ phủ) với sự trở lại chính trường Việt Nam rất ngắn ngủi trong vai trò Quốc trưởng của vua Bảo Đại nối sang thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Có thể nói, những chính sách trong thời Hoàng Triều Cương Thổ mà Quốc trưởng Bảo Đại dành cho các sắc tộc cao nguyên trong vùng địa giới của Hoàng Triều gồm xứ Thượng miền Nam, đặc biệt ở vùng ven Đà Lạt, nơi được xem là thủ phủ của cương vực Hoàng Triều là một giải pháp nỗ lực chính trị nhằm khôi phục tính biểu tượng quốc gia ở một khoanh vùng cương vực cuối cùng của Bảo Đại – khi ngôi hoàng đế cũng chỉ còn giá trị biểu tượng chứ không còn chút thực lực nào trên quê hương mình, thì sẽ hiểu chính sách tiếp theo “nâng niu” những thần dân còn lại của vị vua này qua việc bãi bỏ lệ lao động cưỡng bách dưới mọi hình thức tại vùng xứ Thượng Nam Đông Dương. Các hình thức lao động áp đặt trước đó từ chính quyền thuộc địa (bao gồm lao động không trả công, lao dịch, công sưu thấp…) được bãi bỏ trong quyết định ký ngày 31.12.1951. Hai năm sau đó, những người dân bản địa bấy lâu làm việc dưới hình thức không thù lao được thay bằng các “hợp đồng nhóm”1.

Một mặt, những chính sách này vừa ngăn cản bước tiến của Việt Minh, vừa là sự vùng vẫy yếu ớt của tinh thần độc lập quốc gia trước sự áp đặt quyền lực của người Pháp và cả sức ép của các phe phái ở Nam Kỳ. Những chính sách này đã bị người Pháp phê phán là cấp tiến một cách vội vàng với dân tộc thiểu số bản địa, sau đó lại bị “chồng chéo” bởi một chính sách khác từ chính văn phòng quốc trưởng, liên quan đến vấn đề đất đai. Trong một nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Văn Huy về Quan hệ giữa quỹ đất và và quyền lực tại Việt Nam gần đây, có đề cập về sự tự diễn biến và gây ra “xung đột” này: “Để hạn chế thế lực của người Pháp, Bảo Đại ban hành Chương trình phát triển kinh tế Xứ Thượng miền Nam, do Nguyễn Đệ2 soạn thảo, ngày 11-2-1952, theo đó người Kinh được quyền lên cao nguyên làm việc trong các đồn điền và khai phá đất đai canh tác nông nghiệp. Ngân sách do Chương trình kỹ thuật và kinh tế đặc biệt của Mỹ đài thọ, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Herman Marshall. Bị nhiều nhân sĩ Thượng phản đối, năm 1953 Nguyễn Đệ đổi thành Chương trình Công tác Xã hội, nhằm giúp 500.000 người Thượng và 30.000 người Kinh di cư canh tác an toàn hơn trong những trung tâm định cư cố định, với tên gọi mới là “khu trù mật”.

Trong cuộc thế chính trị khá phức tạp, nhóm dân tộc Lạch, Kơ Ho vùng Lang Biang bước ra khỏi những đồn điền và trở thành mối quan tâm, cân nhắc đặc biệt trong chính sách của chính quyền Quốc trưởng cũng như những thế lực chính trị trước và sau 1954. Người Kinh mới nhập cư và người bản địa từ chỗ có nguy cơ dẫn đến những xung đột đã đi đến những kết nối văn hóa sâu sắc hơn. Cũng dễ hiểu, khi những cư dân Đà Lạt – thành phố được xây dựng từ những người nhập cư – luôn mang trong tâm khảm một nhu cầu được hiểu “châu đáo” về những người anh em bản địa, những “bộ lạc tự do thiểu-số của xứ sở”, hiểu “về lối diện mạo y phục, dáng điệu cử chỉ, vui, buồn” của họ – như lời đề dẫn đầy trân trọng của họa sĩ Bui Van Duong ngay trang đầu ấn phẩm.



Một bối cảnh khác thiết nghĩ cũng cần nhắc đến, đó chính là từ thập niên 1920, cùng với chính sách thuộc địa, những nhà truyền giáo đã đặt chân đến Djiring. Dù nhìn ở khía cạnh nào, thì cũng phải thừa nhận rằng những linh mục người Pháp đã đem đạo Công giáo đến với cộng đồng dân tộc bản địa và ít nhiều làm thay đổi khung cảnh, cơ cấu sinh hoạt, văn hóa của một vùng cư dân.

Thế nên, từ bối cảnh chính trị, văn hóa, tôn giáo như đã nêu trên, bộ tranh vẽ bằng chất liệu than chì, sau đó, in bản đồng, kẽm của họa sĩ Bui Van Duong là một tài liệu quý giá về người Tây Nguyên ở khía cạnh nhân học. Ở bộ tranh này, người xem có thể thấy sinh hoạt đời sống của người dân tộc ở Djiring, Dran, Fyan khá cụ thể cả chiều kích bản sắc lẫn tiếp biến văn hóa. Ví dụ: thói quen ăn bốc vẫn còn, cách ngồi xổm uống rượu cần (quả rất khác với cách mà chúng ta vẫn thấy ở những làng dân tộc bị du lịch hóa hôm nay dưới chân núi Lang Biang); trang sức, trang phục đặc thù (tuy nhiên, nếu chú ý có thể thấy trang phục cổ truyền đã được thay thế dần bằng đồ “tây” đặc biệt ở đám trẻ con); sự gắn kết với thiên nhiên, rừng rú, thác, suối hoang dã vẫn còn lưu giữ bên cạnh đó; hoạt động, công cụ săn bắn cho đến trình tấu âm nhạc bằng nhạc cụ dân gian; sự xuất hiện của không gian đô thị với bảng hiệu, đường phố… khá chi tiết, sống động (có bức họa sĩ còn ghi chép được tên bảng hiệu Vinh Hoa) ở hậu cảnh một nhóm người bản địa lang thang, ngơ ngác giữa phố phường… Về những đặc thù nhân diện, cơ thể và cả văn hóa phóng khoáng hài hòa với tự nhiên được thể hiện rất rõ qua cách vẽ những người đàn ông đóng khố, những người phụ nữ quấn xà-rông với khuôn ngực trần trong các ngôi làng hay tự do rong chơi giữa đại ngàn.

Bộ tranh cũng toát lên thần thái, đặc trưng nhân trắc của người Mạ, Kơ Ho bản địa cách đây hơn nửa thế kỷ, có thể bên cạnh hướng tới giúp người nay “thưởng thức thẩm-mỹ hình dạng của người Cao-nguyên”, còn có thể là một tài liệu đối chiếu để làm rõ về sự thay đổi nhân trắc đặt trong sự biến đổi môi trường sống của cộng đồng này hôm nay.

Bộ tranh công phu, lẽ ra người viết sẽ phải truy tầm cho được về lai lịch của tác giả. Tuy nhiên, sách vở tra cứu về lịch sử văn hóa Đà Lạt giai đoạn này không thực sự đầy đủ, các kho sách tài liệu chưa thực sự cởi mở. Hiện chỉ có thể tìm thấy trong chương III của Địa chí Đà Lạt3  đoạn nói về Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thì có một dữ liệu có thể kết nối và đặt một giả thiết về tác giả bộ tranh, như sau: “Tranh chạm bút lửa ở Đà Lạt xuất hiện từ những năm 1950. Người đầu tiên phát hiện ra nghệ thuật chạm bút lửa là ông Bùi Văn Dưỡng, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris.”

Về thời gian ông Bùi Văn Dưỡng tạo ra nghệ thuật chạm tranh bút lửa tại Đà Lạt là thập niên 1950, trùng khớp với thời gian bộ tranh quý về người Cao nguyên Đà Lạt của “Bui Van Duong” sáng tác. Rất có thể chính họa sĩ Bùi Văn Dưỡng chính là tác giả bộ tranh Người Cao Nguyên vùng Đà Lạt nêu trên.

Hành trình tìm kiếm, xác định lai lịch tác giả và bộ tranh, với người viết bài này, còn dài phía trước.

Trân trọng giới thiệu với độc giả một số bức tranh trong số 26 bức mà tôi được may mắn tiếp cận trong bộ tranh trên.
------------
Chú thích:
1 Eric T. Jennings, sđd.
2 Ông Nguyễn Đệ giữ chức Đổng lý Văn phòng Quốc trưởng.
3 Nguồn: http://w3.lamdong.gov.vn

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 12.01.2018.

20170930 Ha Tien

Hòn Phụ tử (khu du lịch Chùa Hang, xã Bình An, huyện Kiên Lương, Kiên Giang)

Hà Tiên ngày nay là thị xã vùng biên nhỏ nhắn, bình yên, thơ mộng nép mình bên bờ vịnh Thailand. Hà Tiên của hai trăm năm trước là một trong những trung tâm kinh tế sôi động nhất ở Đông Nam Á, nơi diễn ra các tranh chấp chính trị và quân sự không ngừng giữa người Việt, người Thái, người Khmer và các cộng đồng người Hoa. Lịch sử của vùng đất này là minh chứng sống động cho sự đa dạng trong thống nhất của quá trình hình thành nên lãnh thổ và dân tộc Việt Nam. 

Vùng đất này nằm giữa các diễn ngôn lịch sử rất khác biệt, nhiều khi bị trùm phủ dưới các huyền thoại tạo ra bởi chủ nghĩa dân tộc. Bài viết này chỉ ra những nhân tố cốt lõi làm nên sự thịnh vượng của Hà Tiên và tìm kiếm sự gắn kết của nó đối với lịch sử Việt Nam, như một phần của công cuộc định hình nên không gian của nước Việt Nam hiện đại.

Tại sao việc khôi phục quá khứ huy hoàng của vùng đất này là vấn đề quan trọng? Vì nó góp phần làm sáng rõ nhiều vấn đề nhận thức về quá trình hình thành lãnh thổ, biên giới và các đơn vị hành chính của Việt Nam. Đặc biệt đây là khu vực có vị trí chiến lược về an ninh-quốc phòng và tiềm năng kinh tế trong tương lai, gắn liền với Phú Quốc và hành lang phát triển kinh tế dọc theo bờ vịnh Thailand. Lịch sử truyền thống Việt Nam ít chú ý đến tính đa dạng địa phương và quá trình sáp nhập lãnh thổ. Điều này không những không giúp độc giả hiểu được công lao khai phá, quá trình khai thác lãnh thổ, mở rộng đất đai, sáp nhập đất đai của thế hệ đi trước, mà còn gây trở ngại cho sự mở rộng tri thức về quá trình phát triển lãnh thổ Việt Nam và những cách thức đa dạng để trở thành Việt Nam. Đó là cách chúng ta tôn trọng sự thống nhất trong đa dạng, và trân trọng công lao của tiền nhân, dù là họ Mạc Hà Tiên, các di dân Hoa kiều, cộng đồng người Khmer trên lãnh thổ Việt Nam hay chúa Nguyễn, và vương triều Nguyễn. Nhận thức lịch sử đa chiều cũng là cách củng cố lập luận về quá trình xác lập chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam đối với vùng đất này. Những diễn biến phức tạp và sự năng động của Hà Tiên cho thấy lịch sử không đơn thuần như mô tả của người Campuchia rằng khu vực này vốn là “lãnh thổ”của họ.

Cốt lõi của vấn đề ở chỗ Hà Tiên là vùng đất có lịch sử đa dạng, nằm giữa các dự án chính trị, tranh chấp quyền lực và lãnh thổ ở Đông Nam Á lục địa thời sơ kỳ hiện đại, gắn kết nhiều nhóm cư dân khác nhau. Liên hệ chính trị, lãnh thổ của nó với người Việt-Khmer-Thái là phức tạp. Điều quan trọng là Hà Tiên không chỉ hành động với tư cách là một chư hầu lệ thuộc mà tính năng động và tự chủ của nó giúp định hình khuynh hướng chính trị-lãnh thổ mà nó gia nhập. Sự sáp nhập của Hà Tiên vào lãnh thổ Việt Nam vì thế không chỉ đơn thuần là sự mở rộng không gian của người Việt mà còn là sự chủ động gia nhập của Hà Tiên vào không gian chính trị này. Sự lựa chọn này giúp định hình một con đường để trở thành Việt Nam hiện đại: con đường của Hà Tiên.




Hà Tiên ở thế kỷ XVIII. Nguồn: Nicholas Sellers, The Princes of Hà Tiên, 1682-1867. Brussels: Thanhlong, 1983. 


Các huyền thoại về vùng đất Hà Tiên

Trong khi các sách lịch sử của Việt Nam thường bắt đầu bằng sự kiện năm 1708 khi Mạc Cửu phái người đến Phú Xuân (Huế) xin được bổ nhiệm cai quản Hà Tiên, và sau đó được chúa Nguyễn phong chức Tổng binh (theo Đại Nam Thực Lục). Sự kiện được cho là đánh dấu vùng đất này trở thành một phần của lãnh thổ Đàng Trong. Lịch sử Campuchia mô tả một diễn trình hoàn toàn khác. Một thương nhân người Quảng Đông rời Trung Hoa năm 1671 đi qua Phillipines và Java. Cuối cùng ông ta đến triều đình Chân Lạp ở Udong và giành được sự tin tưởng của nhà vua Chey Chettha IV (Ang Sor). Sự ghen tị của các quan chức cấp cao người Khmer cuối cùng buộc ông phải xin nhà vua cho ra cai quản vùng đất Banday Mas. Nhà vua Khmer sau đó chấp thuận và ban cho ông danh hiệu Okya (Trần 1979:1537).

Một phần phiên bản của câu chuyện này được kể lại bởi Vũ Thế Dinh, một gia thần của dòng họ Mạc viết năm 1818 trong Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả (Gia phả dòng họ Mạc của quan Hiệp trấn Hà Tiên). Tuy nhiên nó cũng cung cấp thêm nhiều góc nhìn thú vị về cách thức dòng họ này xây dựng một chính thể tự trị đứng giữa các nhà nước của người Việt, người Khmer và người Thái. Diễn ngôn lịch sử này chú ý nhiều hơn đến tính năng động của họ Mạc và sự chủ động lựa chọn của họ trong mối liên minh/ phiên thuộc với người Việt. Dù được phong Okya, danh hiệu dành cho quan chức cao cấp Khmer (David Chandler 2000: 108-111), Mạc Cửu thấy rõ địa vị bấp bênh của mình trong một vương triều xa lạ. Khi dừng chân ở vùng đất Banday Mas, ông nhận thấy nơi đây là một cảng thị tấp nập với thương nhân người Hoa, Việt, Khmer, Malay tụ hội, nên tìm cách để được sự cho phép của vua Chân Lạp mở các sòng bạc nhằm thu thuế. Như nhận định của sử gia Li Tana, đây chính là các sòng bạc đầu tiên ở Đông Nam Á được mở bởi thương nhân Hoa kiều. Chính sự thịnh vượng này cho phép họ Mạc dần kiểm soát khu vực duyên hải và cảng biển Hà Tiên để xây dựng một trung tâm kinh tế-chính trị riêng (Li Tana 2004:806). Cũng vì nhận thấy sự đe dọa của Chân Lạp ở phía Bắc và Siam ở phía Tây mà Mạc Cửu lại tìm cách tìm đến Phú Xuân.

Những người phương Tây cũng có một phiên bản cho riêng mình về câu chuyện Hà Tiên, vương quốc có tên gọi Ponthaimas. Alexander Hamilton đến vùng đất này năm 1718, gọi đây là cảng thứ hai của Campuchia. Thương nhân người Pháp Pierre Poirve mô tả đó là vương quốc được tạo ra bởi một thương nhân người Hoa, nhưng nằm dưới sự ảnh hưởng của Siam. Trong tham luận năm 1768 trình bày trước Viện Hàn Lâm Lyon, ông mô tả họ Mạc như những thương nhân khôn khéo, chăm chỉ, biết cách khai phá vùng đất trù phú để trở nên thịnh vượng, lại biết sử dụng chính sách ngoại giao khéo léo để được các nước láng giềng hùng mạnh che chở. Hà Tiên vì thế không chỉ là một cảng thị thương mại sầm uất mà còn là “kho lúa dồi dào nhất của phần đất miền Đông châu Á”, nơi người Malay, Nam Hà (Đàng Trong), Siam đều trông vào để bảo đảm cho những nạn đói.

Hà Tiên cũng xuất hiện trong mô tả của người Trung Quốc. Một quan chức nhà Thanh đã ghé qua đây những năm 1740, và ghi chép về vương quốc có tên Cảng Khẩu/ Cảng Khẩu Quốc, nằm dưới sự ảnh hưởng của An Nam (Đàng Trong) và Siam. Tuy vùng đất được xây dựng bởi những cư dân rời bỏ Trung Hoa vào cuối Minh-đầu Thanh, quan chức nhà Thanh ngạc nhiên về sự thịnh vượng, thấm nhuần văn hóa Hán của họ, những người thậm chí còn xây cả Văn Miếu (Hoàng triều Văn hiến thông khảo, 1747). Chính vì điều này mà Hà Tiên cũng được biết đến ở Đàng Ngoài của chính quyền Lê-Trịnh. Lê Quý Đôn dành mối quan tâm đặc biệt đối với những thành tựu văn hóa của vùng đất này, đặc biệt là ngợi ca “Không thể bảo ở hải ngoại xa xôi không có văn chương”.

Lời tựa của văn bản Hà Tiên Thập Vịnh. Nguồn: EFEO Microfilm, A.441.


Bản thân Hà Tiên cũng tạo ra các huyền thoại cho riêng mình. Các huyền thoại sẽ giúp vùng đất này trở nên hấp dẫn, có khả năng thu hút di dân, thương nhân, tìm kiếm tính chính thống cho sự cai trị của dòng họ, và tìm kiếm các mối quan hệ quốc tế. Từ chuyện các nàng tiên xuất hiện trên sông Giang Thành, đào được hũ bạc, đến bức tượng Phật và ánh sáng huyền bí ở Lũng Kỳ báo hiệu sự ra đời của Mạc Thiên Tứ. Tất cả tạo nên diễn ngôn chính trị, tôn giáo, và dung hợp xã hội mà họ Mạc muốn gửi bức thông điệp đến các nhóm cư dân ven vùng vịnh. Trong một bức thư năm 1742 viết bằng chữ Khmer gửi đến chính quyền Mạc Phủ Tokugawa, Mạc Thiên Tứ tự xưng mình là Neak Somdec Preah Sotoat và tự phong danh hiệu “vua của Campuchia”.  


Trong lúc các huyền thoại này có cốt lõi của các diễn ngôn lịch sử gắn Hà Tiên với dòng di cư của người Hoa vào cuối thời Minh đầu thời Thanh xuống Đông Nam Á. Họ can dự vào một loạt các sự kiện kinh tế, chính trị, và quân sự khắp khu vực, từ chiến tranh ở Thailand, xung đột ở đảo Java, Manila, cho đến việc điều hành các khu khai mỏ thiếc dọc theo bán đảo Malay và quần đảo Indonesia làm xáo trộn bức tranh chính trị Đông Nam Á, và khỏa lấp những khoảng trống vắng nhà nước tập quyền ở khu vực. Để rồi sau đó, đến lượt các vùng đất này trở thành nơi tranh chấp của những vương quốc tập quyền khu vực.

Khung cảnh cho sự thịnh vượng của Hà Tiên

Sự thịnh vượng của Hà Tiên đến từ nhiều nhân tố khác nhau, bao gồm vị trí địa lý, khung cảnh thương mại khu vực và toàn cầu, và sự gia tăng tương tác quân sự dọc theo hạ lưu Mekong. Vùng đất này nằm giữa tuyến giao lưu của các luồng thương mại, các nguồn hàng, các dự án chính trị, di dân, và các nền văn hóa từ các vùng núi của Lào và Campuchia xuống, người Malay từ bán đảo Malay-quần đảo Indonesia, người Thái từ phía Tây, và các nhóm người Hoa xung quanh vùng vịnh, và nam tiến của người Việt. Hà Tiên nằm ngay trên đầu mối của một trong những tuyến thương mại cổ xưa nhất ở Đông Nam Á, kết nối Ấn Độ Dương với biển Đông qua eo Kra từ các thế kỷ gần CN. Óc Eo, cảng thị quan trọng nhất của vương quốc cổ Phù Nam cũng năm trên trục giao thương này.

Sự phát triển của Hà Tiên diễn ra trong một khung cảnh quan trọng của lịch sử hạ lưu sông Mekong vào thời sơ kỳ hiện đại. Sự mở rộng của các dự án nhà nước tập quyền của người Việt, Khmer, và Thái đến vùng đông nam của bán đảo Đông Dương. Các sử gia về Đông Nam Á gọi đây là những vùng đất tự trị cuối cùng ở châu Á trước khi chúng bị sáp nhập thành lãnh thổ của các nhà nước tập quyền (“the Last Stand of Asian Autonomies”: Anthony Reid 1997). Các học giả khác thì gọi vùng đất này là “đường biên nước” (water frontier), nơi chứng kiến khoảng trống quyền lực nhà nước cuối cùng ở Đông Nam Á với sự dịch chuyển tự do của dòng di cư, thương mại, và xung đột chính trị (Li Tana-Nola Cooke 2004).  

Khung cảnh thương mại khu vực trở thành môi trường nuôi dưỡng cho sự thịnh vượng của Hà Tiên, trong một thế kỷ huy hoàng và cực kỳ sôi động trên vùng vịnh Thailand. Trước hết là sự mở rộng của người Thái xuống phía nam, tiến ra biển và bắt đầu nhòm ngó vùng duyên hải từ Chanthaburi, Trat đến Hà Tiên, nơi tập trung các trung tâm sản xuất gỗ, lúa gạo, hải sản, đóng thuyền, lâm sản như đậu khấu, da hươu, gỗ đàn hương, ngà voi… Khi Ayutthaya bị người Miến đốt cháy vào năm 1767, người Thái đã từ bỏ kinh đô phía Bắc và bắt đầu chuyển xuống Thonburi-Bangkok, chỉ cách vùng vịnh Thailand chưa đầy 20 km. Cùng lúc đó, người Malay bắt đầu gia tăng các hoạt động thương mại lên phía Bắc của vùng vịnh, dùng thiếc và vũ khí phương Tây đổi lấy gạo.

Trung Quốc là một trong các thị trường quan trọng của Hà Tiên. Thế kỷ XVIII được coi là thời kỳ “thịnh trị” Khang Hy-Ung Chính-Càn Long, đánh dấu với sự gia tăng dân số gấp đôi từ 150 triệu lên hơn 300 triệu (từ năm 1700 đến năm 1800), dẫn đến nhu cầu lương thực gia tăng mạnh dọc theo duyên hải từ Quảng Đông lên Phúc Kiến. Các cuộc di cư xuống phía Nam buôn bán và nhập khẩu gạo đều hướng đến hai đồng bằng là Mekong và Chao Phraya, trong thời kỳ được gọi là “thế kỷ người Hoa” ở Đông Nam Á (1740-1840) (Anthony Reid 2004). Hà Tiên nằm ở trung tâm của hai vùng cung cấp lúa gạo chủ đạo ở Đông Nam Á. Với vị trí đó, Hà Tiên đóng vai trò là một trong những hải cảng quan trọng nhất ở Đông Nam Á thế kỷ XVIII, theo đề xuất của Li Tana và Paul A. Van Dyke trong khảo cứu của họ về hệ thống trao đổi giữa Quảng Châu và biển Đông (2007). Bảng dưới đây cung cấp số liệu về lượng thiếc nhập khẩu của Quảng Châu từ Đông Nam Á. Hà Tiên ở đây xuất hiện với tên gọi “Cancao” (Bảng 1).


Bảng 1. Nhập khẩu thiếc của Quảng Châu từ Đông Nam Á, 1758-1774. Đơn vị: piculs: 60.479 kg. Nguồn: Li Tana và Paul A. Van Dyke 2007.


 Phần mô tả về Hà Tiên trong bản đồ Châu Á của Pierre M. Lapie. Nguồn: Atlas Universel De Geographie Ancienne Et Moderne, Paris : Eymery Fruger et Cie, [1833].


Nguồn thiếc này, theo gợi ý của sử gia Barbara W. Andaya (ĐH Hawaii) trong công trình nghiên cứu về lịch sử đảo Sumatra thế kỷ XVIII, là đến từ Palembang và Bangka – các trung tâm sản xuất thiếc lớn nhất ở Đông Nam Á sơ kỳ hiện đại (Andaya 1993, Reid 2004). Không chỉ là điểm trung chuyển như ghi chép của các thuyền Hà Lan thường xuyên ghé qua Hà Tiên, lấy hạt tiêu đổi muối và gạo, Hà Tiên còn là đầu mối thông thương của hạ lưu Mekong ở thế kỷ XVIII. Không chỉ kết nối với vùng núi Đậu Khấu, cao nguyên ở Lào và Cambodia, mà còn hệ thống thương mại dọc theo các kênh rạch và vùng ngập nước bờ Tây sông Hậu. Giáo sĩ người Pháp Levavasseur đã đi qua các vùng ngập lụt này và thông báo rằng ông ta đã thấy hơn 50 thuyền mành đang trao đổi hàng hóa.


Sức mạnh của một trung tâm giao thương không chỉ cho phép vùng đất này có khả năng đúc tiền riêng, mà còn được biết đến như một huyền thoại về sự thịnh vượng xung quanh biển Đông và vịnh Thailand. Một chỉ dấu chính là việc vùng đất này được biết đến bởi nhiều nhóm người với nhiều tên gọi. Đại Nam Nhất Thống chí gọi vùng đất này là Mang Khảm, Trúc Phiên Thành, Đồng trụ trấn. Người Hoa gọi vùng này là Phương Thành, Cảng Khẩu, Cảng Khẩu Quốc. Tên này có lẽ được phiên lại trong các ghi chép Phương Tây là Cancao, trong khi tên gọi khác là Ponthaimas có lẽ đến từ tiếng Khmer và Thái. Người Khmer gọi vùng đất này là Peam hay Bantay Mas  (Bức tường vàng), người Malay gọi là Pantai Mas (Bờ biển Vàng) hay Kuala (Cửa sông), người Thái gọi là Ponthaimas, Phutthaimas hay Ban-Thaay-Mas (Cánh cổng vàng).

Giai đoạn phát triển đỉnh cao của Hà Tiên là giữa những năm 1740 và 1760 sau cuộc đàn áp người Hoa ở Java và tàn phá Ayutthaya của người Miến. Trong các thập kỷ này, Hà Tiên trở thành cảng quan trọng nhất trong vùng vịnh Thailand giao thương với Trung Quốc. Hàng hóa như thiếc, đồng, gạo, hạt tiêu, muối, và sản phẩm rừng là nguồn cung cấp quan trọng cho Quảng Châu.

Sự gắn kết của Hà Tiên vào Việt Nam

Có sự liên hệ tự nhiên đặc biệt giữa Hà Tiên với chính quyền Đàng Trong của các chúa Nguyễn. Cam kết chính trị và quân sự mạnh mẽ của vùng đất này với Phú Xuân không chỉ trong cuộc chiến tranh với Chân Lạp và Siam, mà còn là công cuộc phục hưng và cuộc chiến tranh 30 năm của Nguyễn Ánh ở vùng hạ lưu Mekong, cũng như đối với việc hoạch định biên cương nhà Nguyễn sau này (xem thêm Tạp chí Tia Sáng số 17 ngày 5/9/2017).

Hà Tiên sớm can dự, thậm chí là trở thành tâm điểm của các cuộc chiến tranh này và gia nhập vào không gian “Việt Nam”. Không chỉ chấp nhận danh hiệu Tổng Binh năm 1708 và Tổng Binh năm 1735, họ Mạc đã trở thành một đồng minh/ chư hầu quan trọng của Đàng Trong trong cuộc tranh chấp quyền lực khu vực. Thực tế là họ Mạc cần chúa Nguyễn để chống lại các cuộc xâm lược thường xuyên của người Thái và Khmer bởi vị thế cực kỳ dễ bị tập kích của Hà Tiên. Người Việt cũng cần kiểm soát vùng đất này như cửa ngõ bảo vệ cho dự án lãnh thổ ở hạ lưu Mekong của mình. Sự gia nhập của Hà Tiên vào Việt Nam vì thế là một quá trình tự nhiên.

Họ Mạc đã tìm cách gắn kết với người Việt bằng nhiều cách thức khác nhau. Mạc Cửu kết hôn với người vợ Việt ở Biên Hòa là Bùi Thị Lẫm, trong khi em gái ông kết hôn với Trần Đại Định (con trai của Trần Thượng Xuyên ở Đồng Nai). Hà Tiên còn tìm kiếm sự kết nối với không gian Việt Nam thông qua góc độ văn hóa, tôn giáo. Sử gia người Singapore, Claudine Ang trong luận án về các dự án văn minh và nhà nước ở vùng biên của Việt Nam (Cornell University 2012) đã làm nổi  bật vai trò của những nhân vật như Nguyễn Cư Trinh, Mạc Thiên Tứ trong việc định hình nên cấu trúc mở rộng của lịch sử Đàng Trong. Đó cũng chính là đóng góp của họ đối với lịch sử hình thành nên hình thể Việt Nam hiện đại. Cũng chính từ những vùng đất trù phú như Hà Tiên, Phú Quốc, Gia Định… mà vương triều Nguyễn được thiết lập năm 1802, triều đại đầu tiên thống nhất lãnh thổ Việt Nam như chúng ta được thừa hưởng ngày nay.

Vai trò của vùng đất này trong việc định hình nên cấu trúc lịch sử Việt Nam sẽ còn tiếp tục ở thế kỷ XIX. Thời kỳ Minh Mệnh, cùng với dự án chính trị thống nhất lãnh thổ là việc xóa bỏ chế độ thế tập cai trị tại các vùng biên và vùng núi sẽ lần đầu tiên biến vùng đất này thành đơn vị hành chính trực thuộc Huế. Trong khi các thủ lĩnh miền núi được thay thế bằng các quan lại miền xuôi do Huế cắt cử thì ở Hà Tiên, xóa bỏ chế độ thế tập của dòng họ Mạc. Từ đây tỉnh Hà Tiên ra đời, nơi ghi dấu ấn các chiến dịch quân sự trên kênh Vĩnh Tế ngăn chặn cuộc xâm lược của Bangkok, và là trung tâm của hệ thống phòng thủ quân sự vùng biên của Việt Nam cả trên bộ lẫn trong vùng Vịnh.



Bản đồ tỉnh Hà Tiên thời Nguyễn. Các yếu tố thể hiện trên bản đồ bao gồm: trụ sở hành chính trong ô vuông: Tỉnh Hà Tiên và Phủ An Biên. Phía bắc tỉnh Hà Tiên giáp gianh địa giới tỉnh An Giang, phía tây giáp Cao Miên và phía nam là đảo Phú Quốc. Nguồn: Đại Nam Nhất Thống Dư Đồ, EFEO Microfilm, A.1600.

Cuối cùng, Hà Tiên là mảnh ghép sống động và không thể tách rời trong bức tranh toàn cảnh về sự ra đời của lãnh thổ hình chữ S của nước Việt Nam hiện đại. Lịch sử vốn phức tạp với nhiều tầng bậc và các mối quan hệ đan xen. Hà Tiên là ví dụ đặc sắc cho một thực thể lịch sử như thế. Nổi lên giữa các luồng văn hóa, dòng di cư, thương mại, và xung đột khu vực; để tìm kiếm một phương thức tồn tại, Hà Tiên đã tìm kiếm sự gắn kết vào không gian lịch sử Việt Nam một cách chủ động. Sự tham gia của vùng đất này rõ ràng đã làm gia tăng sự đa dạng của cấu trúc không gian và các diễn trình lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Cuối cùng thì chúng ta tự hào rằng có nhiều cách thức khác nhau để trở thành Việt Nam hiện đại, và trong sự thống nhất, đa dạng đó, Hà Tiên góp phần tạo dựng nên diện mạo của lãnh thổ Việt Nam. Hà Tiên không chỉ là chặng cuối của quá trình Nam tiến, mà còn là cửa ngõ của Việt Nam mở ra vùng vịnh Thailand và phía Tây.
--------
Tham khảo
David Chandler. A History of Cambodia. Silkworm Books: Chiang Mai, 2000.
Li Tana. Mạc Thiên Thứ (1700–1780): “King of Cambodia”, Southeast Asia: A Historical Encyclopedia, from Angkor Wat to East Timor, edited Ooi Keat Gin. ABC Clio, 2004.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục. Nxb Giáo Dục: HN, 2010.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Liệt Truyện. Nxb Thuận Hóa: Huế 2005.
Sakurai,Yumio, and Takako, Kitagawa. “Ha Tien, or Banteay Meas in the Time of the Fall of Ayutthaya.” Pp. 150–220 in From Japan to Arabia:Ayutthaya’s Maritime Relations with Asia. Edited by Kennon Breazeale. Bangkok: Foundation for the Promotion of Social Sciences and Humanities Textbooks Project. 1999.
Sellers, Nicholas. The Princes of Hà-Tiên (1682–1867). Brussels: Éditions Thanh Long, 1983.
Trần Kinh Hòa..“Mac Thien Tu and Phrayatakin, a Survey on Their Politics Stand, Conflicts and Background.” Pp. 1534–1575 in VII IAHA Conference Proceedings, vol. 2. Bangkok: Chulalongkorn University Press, 1979.
Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa: Sài Gòn, 1972
Trương Minh Đạt. Nghiên cứu Hà Tiên. Nxb Trẻ: TP HCM, 2008
Vũ Thế Dinh. Hà Tiên trấn hiệp trấn Mạc thị gia phả. Nguyễn Văn Nguyên dịch, Nxb Thế Giới, Hà Nội: 2006.

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 30.9.2017

Một đơn vị phát hành sách sách sau khi bị tố vi phạm bản quyền cuốn "Hải ngoại kỷ sự" nổi tiếng bước đầu đã xin lỗi bên giữ bản quyền và hứa sẽ thương lượng trong việc bồi thường tác quyền, bản quyền cuốn sách.

Tối 5.1, trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học (ĐH) Huế cho biết ông vừa chỉ đạo cơ quan hữu trách của ĐH Huế kiểm tra, rà soát, tham mưu giải pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm tác quyền, quyền sở hữu trí tuệ đối với cuốn sách Hải ngoại kỷ sự do Viện Đại học Huế ấn hành năm1963.

 

Cuốn sách “Hải ngại kỷ sự” của Alpabooks in, phát hành mới (trái) và bản gốc năm 1963 của Viện Đại học Huế - Ảnh: Trần Đình Hằng

Bản do NXB Đại học Sư phạm Hà Nội ấn hành năm 2016 - Ảnh: Nguyễn Tuấn Bình

Trước mắt, đơn vị chuyên trách của ĐH Huế sẽ tham mưu cho lãnh đạo ĐH Huế thực hiện việc phản hồi, có ý kiến chính thức đối với Công ty cổ phần Sách Alpha (Alpha Books Joint-Stock Company – gọi tắt là Alpha Books, Hà Nội) khi doanh nghiệp này tự lấy nội dung in và phát hành cuốn sách Hải ngoại kỷ sự mà không hề có sự đồng ý hay thông qua với ĐH Huế. Cùng với Alphabooks, ĐH Huế cũng sẽ xem xét có hay không vấn đề vi phạm bản quyền, tác quyền đối với NXB Đại học Sư phạm Hà Nội khi đơn vị này ấn hành cuốn sách vào năm 2016, từ đó có ý kiến chính thức.

Động thái nói trên diễn ra sau khi những thông tin về việc vi phạm tác quyền của Alphabooks về cuốn sách này đối với ĐH Huế đăng trên tài khoản mạng xã hội Facebook của một độc giả, đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử không liên quan đến ĐH Huế - ông Trần Đình Hằng (tiến sĩ, Phân viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế).

Sau khi đăng ý kiến ngắn gọn, cùng hình ảnh về cuốn sách, một tài khoản mạng xã hội cá nhân có tên là “Cao Nhat” tự xưng là Cao Xuân Nhật, người của Alphabooks đã đăng số điện thoại, email cá nhân kèm lời xin lỗi chân thành đến ông Hằng, độc giả và các bên liên quan trên Facebook của ông Hằng, cũng như gọi điện trực tiếp đến ông Hằng thừa nhận sự sai sót này.

Người này cũng hứa rằng Alpha Books sẽ tiến hành các thủ tục liên quan đến việc bồi thường về bản quyền với các bên liên quan vì sai sót này gây ra cũng như dừng lại việc kinh doanh cuốn sách này trên toàn bộ hệ thống cho đến khi đạt được một thỏa thuận mới về bản quyền (nếu có).

Bản sách do Alphabooks in, phát hành được giới thiệu, niêm yết giá bản trên website của doanh nghiệp này (Ảnh chụp lại màn hình)

Về phía ĐH Huế, PGS-TS Nguyễn Quang Linh cho biết phía đại diện của Alphabooks cũng đã liên lạc với ông qua điện thoại và đã có lời xin lỗi bước đầu về sự sai trái này; ông Linh ghi nhận động thái này, tuy nhiên sắp tới ĐH Huế sẽ yêu cầu phía công ty này có lời xin lỗi chính thức cũng như xem xét đến khả năng bồi thường tiền tác quyền và những thủ tục liên quan khác.

Hải ngoại kỷ sự là cuốn sách vốn do tác giả - nhà sư người Trung Hoa Thích Đại Sán (1633 - 1705) ghi chép một cách trung thực những điều “mắt thấy tai nghe” trong những lần sang Việt Nam, đặc biệt là vùng đất Phú Xuân theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu.

Ngoài các nội dung bao quát các vấn đề về văn hóa, Phật giáo, cuốn sách có đề cập đến các nội dung liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam, nhất là chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do vậy cuốn sách càng quý giá, nhất là với các học giả, nhà nghiên cứu.

Năm 1963 Ủy ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam, thuộc Viện ĐH Huế đã quyết định phiên dịch (Hán ngữ sang Việt ngữ), ấn hành (do nhà Hán học Nguyễn Duy Bột (hiệu Hải Tiên) và sử gia Nguyễn Phương thực hiện). Sau hơn nửa thế kỷ, gần đây cuốn sách này được tái bản, bán ra thị trường bởi Công ty cổ phần Sách Alpha ấn hành và NXB Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã xuất bản cuốn sách này năm 2016.

Rất nhiều bản Hải ngoại kỷ sự được ấn hành, bán ra thị trường hiện đang được phía Alphabook cho dừng lưu hành vì sai trái về bản quyền - Ảnh: Trần Hải

TS Trần Đình Hằng cho rằng trong hai đơn vị phát hành sách này thì Alphabooks có vẻ vi phạm tác quyền, bản quyền “trắng trợn” hơn khi gần như sao chép y nguyên bản của Viện ĐH Huế phiên dịch, ấn hành năm 1963. Còn bản sách do NXB Đại học Sư phạm Hà Nội in, phát hành với phần bổ sung nguyên bản chữ Hán (được lưu tàng tại Đông Dương văn khố), có thêm hiệu chú và hiệu chỉnh bản in năm 1963; bản sách này chịu trách nhiệm xuất bản là TS Nguyễn Bá Cường; chịu trách nhiệm nội dung là GS-TS Đỗ Việt Hùng; hiệu chú và giới thiệu là TS Nguyễn Thanh Tùng, sách dày 496 trang, khổ 17 x 24cm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc NXB Đại học Sư phạm Hà Nội đã có thông qua ĐH Huế trước khi thực hiện in, phát hành cuốn sách hay chưa và liệu có vi phạm bản quyền hay không, PGS-TS Nguyễn Quang Linh cho hay ông cũng đang yêu cầu đơn vị chuyên trách kiểm tra lại để có ứng xử và quan điểm nhất quán vấn đề này.

Được biết Alphabooks là doanh nghiệp do một nhóm trí thức trẻ thành lập ở Hà Nội năm 2005. Cuốn sách Hải ngoại kỷ sự do người có tên Dương Phong chịu trách nhiệm triển khai và biên tập; người duyệt bản thảo là Vũ Thái Hà. Cuốn sách này được Alphabooks in, phát hành với giá bán niêm yết trên website là 87.200đ.

“Tôi nghĩ sắp tới ĐH Huế với tư cách là bên nắm bản quyền cuốn sách Hải ngoại kỷ sự sẽ có ý kiến và yêu cầu chính thức đối với Alphabooks. Tôi chỉ là một độc giả, tuy nhiên tôi cho rằng đây là phép thử về thái độ ứng xử đối với những người làm sách. Đã là những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa thì cần có những ứng xử văn hóa”.

TS Trần Đình Hằng

 

Bài, ảnh: Nhật Lam

Nguồn: http://beta.motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/vi-pham-tac-quyen-alphabooks-truoc-nguy-co-boi-thuong-cuon-hai-ngoai-ky-su-79565.html

20170924 Dong Ngac
Ảnh: Đình Vẽ - làng cổ Đông Ngạc
 
Đông Ngạc - tên nôm là Kẻ Vẽ là một ngôi làng cổ nằm ven sông Nhị. Nơi đây có bến Ngác và chợ Vẽ nổi tiếng trong lịch sử . Vào cái thuở đường thủy là huyết mạch giao thông, bến Ngác khi ấy là một nơi trên bến dưới thuyền và chợ Vẽ là một "trung tâm thương mại". "Nhất cận thị, nhị cận giang", Đông Ngạc đã hội được cả hai yếu tố để trở thành một làng giàu mạnh về kinh tế. Với một nền kinh tế mạnh và lại có vị trí gần sát kinh thành Thăng Long nên người Đông Ngạc rất thuận tiện khi ra kinh đô ăn học và rước thầy giỏi từ kinh đô về dạy trong làng. Bởi vậy trong nhiều thế kỷ, Đông Ngạc đã đóng góp cho đất nước 25 vị tiến sĩ và cả ngàn hương cống, sinh đồ, cử nhân, tú tài... "Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ". Người Đông Ngạc làm quan khắp nơi và không thời nào không có các vị triều quan về làng đóng góp tiền của và trí tuệ để xây dựng quê hương. Nhờ có lực lượng quan viên trí thức đông đảo như vậy nên Đông Ngạc - qua nhiều thế kỷ - nổi tiếng là một làng văn hiến, là làng "mỹ tục khả phong".
Quả thật trong quá trình tìm hiểu tục lệ Đông Ngạc, chúng tôi nhận thấy lệ làng và các nghi lễ nơi đây đã được quan viên hương lão trong làng quy định hết sức nghiêm ngặt, sang trọng và khá văn minh. Đặc biệt, nghi lễ tế thần nhân dịp làng vào đám có thể xem như một điển hình về phong tục tế lễ của các làng Việt cổ truyền ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Song việc trình bày, giới thiệu về tục lệ và chi tiết lễ hội của Đông Ngạc là một đề tài lớn, chúng tôi xin được trình làng dưới dạng một cuốn sách, còn ở đây, trong phạm vi hạn hẹp của bài viết, chúng tôi chỉ giới thiệu về lễ Thị yến thưởng đào.
Thông thường đa số các làng quê của Bắc Bộ Việt Nam mở hội làng, hay còn gọi là "vào đám" lúc đầu xuân khoảng kỳ tháng Hai, Đông Ngạc cũng vậy. Hội làng Đông Ngạc bắt đầu từ mồng 9 tháng Hai và kéo đến 14 thì tế "giã đám". Trong những ngày này làng tổ chức rước tế thành hoàng làng, vui chơi, chèo hát suốt đêm ngày và có mời nhà trò hát thờ thần (tức hát cửa đình). Sách Đông Ngạc xã tụclệ(1) cho biết hết sức chi tiết các nghi lễ trong những ngày này. Về lễ Thị yến thưởng đào chúng tôi xin được tóm lược như sau: "Từ ngày 11 đến ngày kết thúc, ba hàng làng(2) và tám giáp(3) cùng thị yến(4). Cỗ yến ở đây do tám giáp đệ đến. Cỗ được bọc giấy hồng điều, dán trang kim chữ "Thọ" và đậy lồng bàn. Sau khi viên chấp sự gõ 1 hồi tang trống và đánh 4 tiếng trống, các viên trung nam đến mở lồng bàn, đốt hương rồi các cô đào đọc thơ chúc rượu. Nhạc công nổi nhạc, các cô đào đến múa, hát mừng. Lần lượt các quan viên ở ba hàng làng ban phiếu thưởng cho cô đào. Sau khi ba hàng làng thưởng xong, tám giáp căn cứ theo phiếu thưởng của ba hàng làng, lần lượt bốn giáp nhất đứng dậy gọi đào, đọc bài tán văn rồi thưởng cho cô đào. Bốn giáp nhất thưởng xong, viên chấp sự lại nổi 1 hồi tang trống và đánh 4 tiếng trống, bốn giáp thì lại lần lượt đứng lên tiếp tục gọi đào, đọc tán văn và trao thưởng. Việc thưởng đào trong lễ này được Dĩ thủy Phạm Văn Thuyết, tác giả sách Đông Ngạc tập biên và là người làng Đông Ngạc - một nhân chứng của lễ hội ở Đông Ngạc vào trước năm 1945 cho biết chi tiết hơn, chúng tôi xin được trích nguyên văn: "Sau khi ba hàng làng thưởng xong thì đến tám giáp. Mỗi giáp phải làm 1 bài chúc mừng dân, dài độ mười câu, khi gọi đầu thì đọc. Vị cầm chịch đánh 3 tiếng đại cổ thì giáp Đông nhất gọi "ớ đầu". Cô đầu "dạ", đến hát mừng, xong giáp ấy đọc bài chúc dân. Đọc 2 câu 1 lần dằn, nghĩa là cứ đến 2 chữ cuối câu thứ 2 thì phải dằn to lên và vị cầm chịch điểm theo một tiếng trống rồi lại gọi "ớ đầu". Cứ theo thế cho đến hết bài. Đến tiếng trống điểm câu cuối cùng phải gọi "ớ đầu thưởng" rồi thưởng cho cô đầu. Sau đó vị cầm chịch đánh vào tang trống một tiếng, viên vừa đọc hết bài đó "dạ" rồi đi đến chỗ vị cầm chịch lĩnh thưởng. Việc thưởng này tùy theo mỗi giáp đọc bài chúc hay hay không hay, và khi đọc có nhầm lẫn không, để liệu mà ban thưởng cho giáp ấy. Bài chúc phải đưa nộp trước, khi đọc phải đứng và mặc áo thụng. Người đọc phải học thuộc lòng"(1).
Trên đây chúng tôi vừa trình bày trình tự lệ ban thưởng cho cô đào ở Đông Ngạc, theo đó có thể thấy trong lệ này, khi thưởng cho cô đào, mỗi giáp phải đọc một bài tán văn (hoặc bài chúc) và việc đọc này được quy định rõ ràng về nội dung bài văn, cách đọc, nhận thưởng... Vậy bài tán này ra sao? Sách Đông Ngạc tập biên(1) có giới thiệu 2 bài, chúng tôi xin được dẫn ra đây một bài:
                     Ngày xuân mở hội thanh bình
              Đồng dân cầu phúc linh đình "vui thay"
                     Tiệc thần chèo hát đêm ngày
              Thập hàng thị yến vui vầy "xiết bao"
                     Bình văn điệu giọng thấp cao
              Trống chiêng cầm chịch điểm vào "thấy vang"
                     Ngác nhì mừng chúc dân làng
              Sĩ thời hiển đạt phẩm hàm "vinh thăng"
                     Nông thời hòa cốc phong đăng
              Công thương phát đạt mọi đằng "giàu sang"
                     Trẻ già trai gái trong làng
              Bình yên vui vẻ thọ khang "đời đời"
                     Thưởng đào một đóa hoa tươi
              Đào dâng ngũ phúc có lời "mừng dân"(2)
Trong quá trình nghiên cứu về tục lệ Đông Ngạc, xung quanh vấn đề tế lễ, chúng tôi thu thập được khá nhiều tư liệu, trong đó có những bài thơ tương tự bài vừa dẫn ra ở trên. Đó là 9 bài trong Đông Ngạc sự thần ca xướng thưởng đào nương văn và 9 bài trong Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn của Lê Đức Mao (nhân nói đến 9 bài của Lê Đức Mao, chúng tôi xin được cảm ơn anh Nguyễn Xuân Diện đã chỉ cho chúng tôi biết tư liệu này). Như vậy, phải chăng 9 bài ở Đông Ngạc sự thần ca xướng thưởng đào nương văn và 9 bài ởĐại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn của Lê Đức Mao đều là các bài tán văn để các giáp đọc khi thưởng đào theo như lệ định vừa trình bày ở trên?
So sánh 18 bài này với hai bài được giới thiệu trong Đông Ngạc tập biên chúng tôi nhận thấy:
1. Về nội dung: chúng tương tự nhau ở chỗ đều ca ngợi và chúc phúc làng Đông Ngạc.
2. Gần như ở bài nào cuối cùng cũng kết thúc bằng câu có 2 chữ "thưởng đào", như "thưởng đào một giải mừng làng" hay "thưởng đào hai chữ phụ khang mừng làng"...
Còn một điều nữa là, ngay tên gọi Sự thần ca xướng thưởng đào nương văn có thể dịch là "Bài văn thưởng đào nương hát thờ thần". Và Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn có thể dịch là “Nghĩ hộ tám giáp bài văn thưởng giải ả đào". Điều này cộng với những điều vừa nói trên có thể cho phép chúng ta khẳng định đây là các bài tán văn mà các giáp phải làm để đọc khi thưởng đào theo lệ định của làng Đông Ngạc. Có lẽ chính vì vậy mà Lê Đức Mao mới phải "nghĩ hộ".
Về 9 bài của Lê Đức Mao, GS Hoàng Xuân Hãn khi trích 3 bài đưa vào sách Thi văn Việt Nam đã cho rằng đây là các bài hát ả đào. Ông viết: "Bài hát này làm khi ông (tức Lê Đức Mao - TKA chú) còn ở Đông Ngạc. Nghĩa là trước năm 1504. Mục đích là để cho ả đào hát (chúng tôi nhấn mạnh) chúc làng vào ngày hội xuân lập ra vào tháng Hai để tế thần cầu phúc"(1). Và ông gọi đây là "lối văn hát (chúng tôi nhấn mạnh) bằng thể thất lục bát"(2). Nhận định này của Hoàng Xuân Hãn về sau được các nhà nghiên cứu văn học dẫn lại và nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu nghiễm nhiên coi những bài này là các bài hát ả đào. Ngay gần đây nhất, trong một bài viết về đề tài hát nói, tác giả Nguyễn Đức Mậu đã viết: "Nếu điệu hà nam thời Hồng Đức giống điệu hà nam sau này thì hát nói đã hoàn chỉnh thể loại của nó trước hoặc cùng thời với mấy bài hát của Lê Đức Mao" (chúng tôi nhấn mạnh)(3).
Như vậy trong suốt một thời gian dài đến nửa thế kỷ, giới nghiên cứu vẫn coi đây gần như là những bài hát ả đào cổ nhất. Vậy nay, với những thông tin chúng tôi đưa ra, nên chăng cần xem xét lại?
(Tạp chí Hán nôm, số 2 (39) 1999)
Nguồn: Ca trù nhìn từ nhiều phía- Nguyễn Đức Mậu biên soạn, giới thiệu, Nxb Văn hóa thông tin, H.2003

 


(*) Trần Thị Kim Anh (sinh 1954) quê Đà Nẵng. Công tác tại Viện Hán Nôm (Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia). Dịch: Vũ trung tuỳ bút, Phạm Đình Hổ, Tuyển tập thơ văn.

(1) Đông Ngạc xã tục l: Chữ Hán, Thư viện Viện Hán Nôm, Ký hiệu A.732.

(2) Ba hàng làng: Tầng lớp bậc trên trong làng, gồm quan viên, hương viên và hương lão.

(3) Tám giáp: Đông Ngạc chia thành tám giáp. Trong tám giáp lại chia thành Tứnhất và Tứ nhì. Tứ nhất gồm Đông nhất, Ngác nhất, Vẽ nhất, Đoài nhất. Tứ nhì gồm Đông nhì, Ngác nhì, Vẽ nhì và Đoài nhì.

(4) Thị yến: Trong lễ này, hàng làng chỉ xơi tửu lạc chứ không ăn cỗ (cỗ sau đó được chia phần) nên gọi là "Thị yến".

(1) Phạm Văn ThuyếtĐông Ngạc tập biên. Tác giả xuất bản. Sài Gòn, 1963, tr. 192 - 193.

(1) Đông Ngạc tập biên, Sđd, tr. 193.

(2) Tác giả để các chữ cuối câu trong ngoặc kép ý nhắc các chữ này phải đọc dằn theo như lệ định.

(1) (2) Hoàng Xuân Hãn: Thi văn Việt Nam. Nxb. Sông Nhị, H, 1951, tr. 51.

(3) Nguyễn Đức Mậu: Hát nói - Từ điệu thức ca trù đến thể loại văn họcTạp chí Văn học,  số 11/1998 tr.50-59.

20180105 bao tang

Những bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam là do người Pháp thành lập vào khoảng đầu thế kỷ 20, trong đó
có Bảo tàng Henri Parmentier ở Đà Nẵng, nay là Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm.

Nếu thực sự coi “bảo tàng là thiết chế văn hóa” phản ánh “lịch sử như một dòng chảy trong truyền thống văn hóa” thì hệ thống bảo tàng nước ta cần được sắp xếp lại để hạn chế sự trùng lặp về nội dung và cả hình thức trưng bày, nhất là giữa các bảo tàng địa phương vì đều được xây dựng theo chung một “kịch bản” nặng về chiến tranh mà còn nhẹ về văn hóa – xã hội.

Theo ICOM (Hội đồng Bảo tàng Quốc tế thuộc UNESCO), “bảo tàng là một thiết chế phi vụ lợi, hoạt động lâu dài phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội, mở cửa đón công chúng đến xem, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền và trưng bày các bằng chứng vật chất về con người và môi trường sống của con người, vì mục đích nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức.” Theo định nghĩa trên, bảo tàng có ba chức năng quan trọng là nghiên cứu khoa học; sưu tầm và bảo quản; trưng bày giới thiệu đến công chúng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cùng các mẫu vật thiên nhiên.
Như vậy, căn cứ vào các bộ sưu tập hiện vật thì có hai loại hình chính là bảo tàng lịch sử xã hội và bảo tàng lịch sử tự nhiên. Ở Việt Nam, những bảo tàng đầu tiên do người Pháp thành lập vào khoảng đầu thế kỷ 20 cũng gồm hai loại hình trên, đó là Bảo tàng Hải dương học (Nha Trang, khoảng 1910), Bảo tàng Địa chất (1914, Hà Nội), Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm (Bảo tàng Henri Parmentier, 1918, Đà Nẵng), Bảo tàng Blanchard De la Brosse (1929, Sài Gòn), Bảo tàng L. Finot (1932, Hà Nội). Ngoài ra, Vườn Bách thảo Hà Nội và Thảo Cầm viên Sài Gòn cũng được coi là hai công viên - bảo tàng tự nhiên của Đông Dương lúc bấy giờ. Điều cần chú ý là các bảo tàng do người Pháp thành lập đều trên cơ sở ít nhiều đã có những bộ sưu tập hiện vật, mẫu vật, và xác định được “nguồn hiện vật” phù hợp có thể sưu tầm để luôn tăng cường cho bảo tàng. Cho đến nay, những bảo tàng này đều tạo được dấu ấn riêng và phát huy rất tốt vai trò của mình.
Việt Nam có một hệ thống hàng trăm bảo tàng tỉnh, thành, ngành… Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là hệ thống bảo tàng Việt Nam còn chưa khai thác hết tiềm năng của di sản văn hóa và thiên nhiên đa dạng và độc đáo để tạo sự khác biệt và hấp dẫn cho từng bảo tàng. Việc xây dựng bảo tàng thường bắt đầu từ mục đích chính trị rồi mới triển khai công tác khoa học nghiệp vụ, vì vậy không tránh khỏi hiện tượng “phong trào” trong xây dựng và trưng bày bảo tàng.

Hệ thống bảo tàng Việt Nam còn chưa khai thác hết tiềm năng của di sản văn hóa và thiên nhiên đa dạng và độc đáo để tạo sự khác biệt và hấp dẫn cho từng bảo tàng. Việc xây dựng bảo tàng thường bắt đầu từ mục đích chính trị rồi mới triển khai công tác khoa học nghiệp vụ, vì vậy không tránh khỏi hiện tượng “phong trào” trong xây dựng và trưng bày bảo tàng.

 

Xu hướng hiện đại “bảo tàng hóa” di sản văn hóa theo nghĩa rộng là bảo tồn và phát huy tất cả các di sản văn hóa đã bị/ được đưa ra khỏi môi trường tồn tại ban đầu và đặt trong một môi trường nhân tạo do con người tổ chức ra - đó là các bảo tàng. Còn theo nghĩa hẹp là một phương án tối ưu và hiện đại, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trực tiếp ngay trong môi trường sinh thái nhân văn, nơi di sản văn hóa được sáng tạo ra, hiện đang tồn tại gắn bó với cộng đồng cư dân là chủ thể của những di sản văn hóa ấy: một “bảo tàng sống – tại chỗ”, bao gồm trong đó tự nhiên, con người và di sản văn hóa vật thể – phi vật thể.

Ở nhiều nước, lịch sử đất nước thường được thể hiện ở bảo tàng quốc gia, hoặc một vài bảo tàng chuyên đề (bảo tàng quân sự/ chiến tranh chẳng hạn), còn bảo tàng các địa phương hầu hết thể hiện những di sản văn hóa, nhưng cũng không nhất thiết phải trình bày đầy đủ các thời kỳ văn hóa mà thường tập trung vào những thành tựu, di sản độc đáo nhất. Bên cạnh đó, hệ thống bảo tàng tư nhân (không quan trọng quy mô lớn nhỏ mà được đánh giá qua giá trị sưu tập hiện vật) theo những chủ đề khác nhau sẽ khai thác giá trị nhiều mặt của di sản văn hóa.
Hiện nay ở nước ta, loại hình bảo tàng lịch sử địa phương hay lịch sử các ngành nghề, lĩnh vực là chủ đạo, loại hình bảo tàng thiên nhiên cũng như bảo tàng văn hóa các cộng đồng tộc người ở từng vùng địa lý còn khá hiếm hoi. Nếu thực sự coi “bảo tàng là thiết chế văn hóa” phản ánh “lịch sử như một dòng chảy trong truyền thống văn hóa” thì hệ thống bảo tàng nước ta cần được sắp xếp lại để hạn chế sự trùng lặp về nội dung và cả hình thức trưng bày, nhất là giữa các bảo tàng địa phương vì đều được xây dựng theo chung một “kịch bản” nặng về chiến tranh mà còn nhẹ về văn hóa – xã hội.
Nên chăng xây dựng bảo tàng theo vùng văn hóa vì các tỉnh trong vùng thường có cùng đặc điểm về điều kiện tự nhiên và đặc trưng văn hóa tộc người; quá trình lịch sử xã hội của các cộng đồng tộc người không có nhiều khác biệt. Nội dung lịch sử của vùng mang tính khái quát và phong phú hơn. Trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, những bảo tàng cấp quốc gia và một số bảo tàng đầu ngành thuận lợi cho việc đảm nhận vai trò bảo tàng vùng, miền. Bảo tàng các tỉnh phát triển theo hướng bảo tàng chuyên đề về đời sống xã hội, ngành nghề, nhân vật, sự kiện… Càng đa dạng hóa chủ đề, nội dung trưng bày thì sự hấp dẫn du khách đến với bảo tàng càng tăng lên, mang lại một nguồn thu không nhỏ từ vé bảo tàng và các dịch vụ như đồ lưu niệm, các tập sách, hình ảnh, băng đĩa về hiện vật bảo tàng, và các dịch vụ khác.
Ở bất kỳ quốc gia nào, hệ thống bảo tàng và di tích lịch sử - văn hóa luôn là “gương mặt” khả ái và tiêu biểu nhất mà quốc gia đó muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế. Không chỉ vậy, nó còn là tấm gương để chính quốc gia đó soi vào, nhìn thấy mình trong quá khứ để hiểu mình hơn ở hiện tại và tương lai. Chính vì vậy hệ thống bảo tàng và di tích – gọi chung là những di sản văn hóa – được nhà nước và nhân dân luôn có ý thức bảo tồn, gìn giữ đồng thời có nhiều hình thức giới thiệu và tôn vinh những giá trị của nó.

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 4.11.2016.

20170922 Quoc su

Ảnh: Toà nhà chính của Quốc Sử Quán. Nguồn: Paul Boudet chụp năm 1942.

 

Một trong những di sản văn hóa tinh thần mà triều Nguyễn để lại cho Việt Nam đó là một khối lượng tư liệu đồ sộ đã tích lũy được tại kinh đô Huế trong gần một thế kỷ rưỡi (1802-1945).

20171218 Trai dat

Minh họa truyện Hoàng tử bé, tranh do Saint-Exupéry vẽ.

Mượn ý niệm của nhà triết học người Pháp Gaston Bachelard trong The Poetics of Space (Thi học của không gian) về nơi chốn náu mình được gọi là “nhà” mà mỗi cá thể sinh tồn không nguôi tìm kiếm, bài viết này giống như hành trình theo dấu những chuyến bay của nhà văn – phi công Saint-Exupéry để tìm lời đáp cho một câu hỏi lớn nhưng cũng rất cá nhân: Trái đất có thực là mái nhà che chở cho mỗi con người chúng ta hay không? Câu hỏi trên được đặt ra vừa như một vấn đề mang tính thời đại, có khả năng chất vấn lại những nghĩ suy thông thường về môi trường sống rộng lớn mà mọi sinh thể cùng chia sẻ.

 

Trái đất và ý niệm “mái nhà” (home)

Trong chuyến phiêu lưu khám phá các hành tinh, Hoàng tử bé cuối cùng đã đặt chân lên hành tinh Trái đất. Sau khi kiếm tìm hoài trên sa mạc mà chẳng thấy nổi một bóng người, cậu chàng buộc phải hỏi thăm một “bông hoa tầm thường lãng nhách” tình cờ gặp trên đường: “Con người ở đâu nhỉ?”. Và câu đáp lời của bông-hoa-ba-cánh-chẳng-có-gì-đáng-kể kia dễ thường khiến người đọc nào cũng phải ngỡ ngàng. Có vẻ như con người không biết rằng mình thiệt thòi, khốn khổ và đáng thương hại biết bao trong mắt những sinh vật tự nhiên tưởng chừng nhỏ bé tầm phào đến thế: “Con người ư?... Tôi thấy chúng cách đây phải hàng năm rồi. Nhưng ai biết được chúng ở đâu mà tìm. Gió cuốn chúng đi suốt. Chúng chẳng có rễ và điều đó làm chúng đến khổ!”. Câu trả lời ấy gọi tên chính xác thân phận người, cái thân phận còn “lãng nhách” hơn cả một bông hoa bình dị nọ, đến một mẩu rễ mọn cũng không có nổi để bám chặt và tựa nương vào lòng đất, đến nỗi niềm mặc cảm lưu lạc, đến nỗi bất an đi về tới lui thiếu vắng niềm hạnh phúc bình tâm – thân phận, mà như Saint-Exupéry có lần từng gọi, của những kẻ tự ý thức về mình như một “tồn tại lang thang trên một hành tinh lang thang”.

Gaston Barchelard đã đọc thấy được ám ảnh về khả năng liên tục bị bứng/bật rễ, về nguy cơ bơ vơ khi đối diện với chiều kích không gian ở mỗi con người khi ông viết cuốn The Poetics of Space (Thi học của không gian). Ông biết rằng với những tồn tại “không rễ” này, một mái nhà hay một nơi nương náu có ý nghĩa với chúng ta đến thế nào, bởi ai mà không hiểu được nỗi bất hạnh của cảnh vô gia cư không một mái ấm trên đầu hay của nỗi cô độc xa lìa. Vì vậy mà con người nào cũng mang trong mình nhu cầu tự thân về sự gắn bó mật thiết với một không gian, bằng cách tự xác định hay kiến tạo cho mình một nơi chốn gọi là “nhà”, nơi ta không chỉ có thể sống bên dưới nó mà cư trú, nương náu trong nó. Định vị một chốn sinh tồn gắn bó trong không gian, như Barchelard chỉ ra, với mỗi bản ngã, là việc cấp thiết hơn nhiều so với việc xác định tháng năm giờ giấc. Saint-Exupéry, người từng bao lần bứt mình lên khỏi mặt đất để lưu lạc tới những vòm trời khác nhau, người chủ động rứt mình ra khỏi một cảnh quan cố định để trải nghiệm vô vàn những khung cảnh xa lạ chưa biết tới, người từng tự gọi mình và các nhân vật của mình là “kẻ trốn chạy, đứa bé nghèo khổ, nhà ảo thuật”… có lẽ cũng là người hiểu thấu hơn ai hết cảm giác này của đứa trẻ lạc khi đối diện với sự mênh mông rộng lớn của không gian. Chàng đẩy mình đến những điểm tới hạn của cuộc sinh tồn, giải quyết nỗi hoang mang về mái nhà bằng cách chủ động quăng mình vào những cuộc đi nối tiếp cuộc đi xem rốt cuộc, đâu là nơi mình nhung nhớ, không gian nào là nơi mình đau đáu muốn được trở về trong suốt hành trình chạy trốn kia, đâu là nơi mà kí ức về nó có khả năng xoa dịu trong những giờ lưu lạc, đâu là nơi sẵn sàng dung chứa mình vô điều kiện… Không giống như một cái cây cứ điềm nhiên bám rễ vào nơi chốn mà vũ trụ đã dành sẵn cho nó, việc nhận ra một mái nhà đích thực, với con người, không dễ dàng, và đôi khi phải trả giá bằng những cuộc hành trình. Như Hoàng tử bé đã lang thang thăm thú bao nhiêu hành tinh để nhận ra nỗi nhớ riêng một hành tinh, để học cách yêu một hành tinh duy nhất “của mình” với những gì nhỏ bé thân thương nhất, điều đáng kể ở một nhà văn-phi công như Saint-Exupéry là việc đã thực hiện những cuộc hành trình lang thang vũ trụ chẳng mấy ai làm được để tìm lời giải cho một câu hỏi cũng không mấy ai dễ có khả năng trả lời: dứt mình khỏi trái đất để đặt một câu hỏi ngược trở lại – Hành tinh bên dưới kia có thực là nhà của mình hay không, của con người hay không? Có thực chúng ta quá thiệt thòi so với một bông hoa trên mặt đất đến như thế không? Lời giải đáp chưa đến tức thì mà là một hành trình khám phá, qua từng tiểu thuyết giống như những cuốn nhật kí hành trình bay: từ Chuyến thư miền Nam, đến Bay đêm rồi Xứ con người và Hoàng tử bé, người ta nhận ra một sự nới rộng dần về ý niệm “nhà”, một thức nhận dần dần về nơi chốn trái đất, một khai ngộ ngày càng trọn vẹn về hành tinh-quê hương mình. Coi một nơi nào đó là nhà có lẽ không chỉ dừng ở việc ta cảm nhận thế nào về nơi chốn ấy mà còn quy định cách ứng xử của mỗi kẻ trú ngụ trong nó. Coi trái đất này là mái nhà mình, biết đâu mỗi chúng ta sẽ chẳng như hoàng tử bé, sớm sớm thức dậy với ý thức phải giữ gìn và làm vệ sinh hành tinh này, phải tưới tắm cho những bông hoa, chăm chút nâng niu đến từng sự sống bé bỏng quanh mình. Và Saint-Exupéry, cùng với những suy nghiệm của mình trong mỗi chuyến ra đi băng mình vào vũ trụ rồi tìm đường trở về Trái đất, đã nhắc nhở chúng ta ý thức về mái nhà mà mình đang cùng chung sống.

Vậy kiểu không gian như thế nào sẽ đáp ứng niềm mong mỏi của con người về một mái nhà? Đâu là nơi chốn sẽ là nơi ta gắn bó và dành tình cảm mến thương, nơi ta nhận ra và xây dựng với nó cũng như bên trong nó những sợi dây ràng buộc – đâu là nơi chốn mà Bachelard đã dùng “topophilia” một thuật ngữ gốc Hi Lạp được ghép thành từ “topos” (place) và philos (loving) để chỉ nó, để gọi tên cả khát vọng và mộng tưởng về không gian sống ở mỗi con người? Theo Bachelard, ta sẽ chỉ dành tình cảm cho những không gian và sẽ chỉ gọi là nhà những nơi chốn hội tụ trước tiên được hai điều kiện: thứ nhất, đó phải là một nơi chốn mang lại cho chúng ta cảm giác an toàn và được bảo vệ; và thứ hai, đó phải là nơi ta tìm thấy được những mối liên hệ thân mật riêng tư. Bachelard cũng chỉ ra, trước hết, đó là những không gian trong nhà, là mái nhà nhỏ chúng ta trú ngụ, là những căn buồng riêng tư, những ngăn kéo bí mật, những rương hòm đựng đồ cá nhân hay tủ quần áo của mỗi người…; rồi đến những gì đồng dạng với những không gian ấy trong thế gian, từ những thứ rất nhỏ như một cái tổ chim, một cái vỏ sò vỏ ốc – nơi cư trú riêng tư của những loài có xuơng sống và không xương sống. “Ngôi nhà của chúng ta là góc riêng của chúng ta trong thế giới”, Bachelard định nghĩa như vậy. Và Saint-Exupéry, sau những chuyến lang thang trong không gian mịt mùng hỗn mang của vũ trụ, sau khi lạc bước gặp gỡ vô số những hành tinh không đếm nổi trong bầu trời, dường như cũng muốn nhắn với chúng ta rằng: Trái đất là mái nhà riêng tư của con người trong vũ trụ.

Nhà văn – phi công Saint – Exupéry (1900-1944).

 

Đất Mẹ - Một thức nhận về khả năng dung dưỡng của chốn sinh tồn

Là mái nhà, bởi trước hết, trái đất chở che cho chúng ta, là nơi chúng ta có thể an lòng nương náu. Cảm nhận về sự an toàn, đương nhiên, có cơ sở đầu tiên từ những cảm giác của thân thể. Và như ý Exupéry từng nói, người ta chẳng bao giờ có thể cứ thế bước vào một cảnh quan, mà bao giờ cũng phải dùng cả thân thể để đương đầu, thâm nhập vào khung cảnh và bị khung cảnh ấy thâm nhập lại, giữa muôn triệu vì tinh tú, trái đất là nơi duy nhất đón nhận thân thể ta, bao dung truyền cho ta sự sống. Còn minh chứng nào xác đáng hơn cảm giác an toàn hạnh phúc của một phi công khi đáp được máy bay xuống mặt đất và bỗng thấy mình “như một cây non”? Exupéry đã rời xa trái đất dường như chỉ để thức nhận một chân lí tưởng chừng quá hiển nhiên: trái đất là nơi duy nhất ban cho ta sức sống, từ không khí ta thở, nguồn nước ta uống, từng trái quả ta ăn, đến thứ lực hút vẫn ngày đêm giữ chặt ta trên mặt đất, trao cho ta một chỗ đứng vững chãi – còn có nơi nào an toàn hơn thế giữa vũ trụ bao la? Ở Bay đêm, chàng phi công trẻ Fabien không thể đáp cánh xuống mặt đất vì giông tố, phải gồng hết sức lực cơ bắp thân thể để đối chọi với xoáy lốc trên không trung, cuối cùng quyết định vượt lên trên hẳn cơn bão bằng cách nâng độ cao của máy bay, rồi lạc vào giữa cảnh quan vũ trụ huy hoàng lấp lánh, tĩnh lặng và rợn ngợp, đẹp và cao cả của ức triệu những vì sao; thì ngay trong sự chiêm ngắm tuyệt vời mà anh có được cũng đã tiềm ẩn vô vàn những dấu hiệu và nguy cơ chết chóc. Anh đã đẩy mình xa trái đất, đã nới thêm quãng đường trở về nhà của chính mình cũng đồng nghĩa với việc sự sống của Fabien đang bước vào hồi kết. Vũ trụ rộng lớn vô cùng nhưng chỉ trái đất là không khước từ ta. Chỉ một lần bị đẩy ra bên ngoài một khối khí chứa sự sống vẫn vô hình bao bọc trái đất, người ta mới thực sự hiểu thế nào là “niềm êm đềm duy nhất là được thở”. Chỉ khi biết tới cảm giác chân không trên không trung và nhận ra các hành tinh khác hờ hững với ta như thế nào, con người mới hiểu được giá trị của lực hút mà trái đất vẫn hằng thường ban tặng cho ta. Lực hút, điều nghiễm nhiên đến mức chẳng mấy ai để ý rằng nó có tồn tại ấy, có lẽ chưa bao giờ được miêu tả nhiều cảm xúc đến thế như trong tác phẩm của Exupéry:

Khi tôi choàng tỉnh dậy, tôi không thấy gì khác ngoài vòm trời đêm, vì tôi nằm dài trên một ngọn núi, hai tay dang rộng và mặt đối mặt với cái ao đầy sao kia. Còn chưa hiểu trước mặt là những sâu thẳm nào, tôi bỗng dưng choáng ngợp vì không có một cái rễ nào níu giữ lấy tôi, không có một mái nhà, một nhành cây, giữa các sâu thẳm ấy và tôi, tôi đã không gì trói buộc nữa rồi, sắp rơi ngã như một người thợ lặn.

Nhưng tuyệt nhiên tôi không rơi ngã. Tôi tự phát hiện ra mình, từ đáy đến gót chân, đính chặt vào Trái đất. Tôi cảm thấy hầu như an ủi, được giao phó cho đất sức nặng của thân mình. Sức hút đối với tôi trở nên tuyệt diệu như là tình yêu.

Tôi có cảm giác đất đưa tay nâng hai bên người tôi, đỡ tôi, nhấc tôi, chở tôi đi trong không gian tối mịt. Tôi thấy tôi áp sát vào hành tinh, toàn thân tì lên hành tinh như trong khi lái qua một đường vòng, cả người ta tì vào chiếc xe, tôi sung sướng vì sự cận kề kì diệu đó, sự chắc chắn đó, sự an toàn đó, và tôi đoán thấy, bên dưới thân xác tôi cái boong cong của con tàu của tôi.

Tôi có ý thức rất rõ là tôi được đỡ đưa đi, rõ đến nỗi tưởng chừng nghe vẳng lên từ sâu thẳm các miền đất mà không kinh ngạc chút nào, tiếng kêu than của các vật liệu chúng đang điều chỉnh lại trong vận lực, tiếng rên rỉ của những chiếc thuyền buồm đã già đang đi vào chỗ trú, cái tiếng kêu dài và chát chúa của những chiếc xà lan ngược gió. Nhưng trong sâu thẳm lòng đất, vẫn còn yên tĩnh. Nhưng trên hai vai tôi, sức nặng trở nên hài hoà, nó được nâng đỡ, nó ngang bằng với vĩnh cửu. Tôi đúng thực là quê xứ này
 (Xứ con người).


Nhìn từ điểm nhìn của Exupéry, sẽ thấy thật ra trái đất đã cho chúng ta quá nhiều, chỉ có điều con người có nhận ra điều ấy hay không. Và chắc hẳn chúng ta sẽ bớt thấy tủi vì phận người hơn rất nhiều nếu nghĩ được rằng kể cả khi không còn ai bên cạnh, kể cả những lúc độc bước dạt trôi trên những miền đất xa xôi, thì thực chất, vẫn có một vòng tay rộng mở đang ôm chặt lấy ta, dịu dàng nâng đỡ thân thể yếu đuối vô thường của ta – vòng ôm vĩnh cửu của Trái đất. Chỉ cần thế thôi, con người đã nhận ra mình vẫn luôn được yêu thương chừng nào mà không nhận ra, vẫn được mái nhà trái đất ôm ghì lấy như vỏ ốc chở che con ốc, như tổ chim che chở cho những chú chim non. Thế là, giống như hoàng tử bé, phiêu lưu tới bao nhiêu hành tinh, cuối cùng lại để biết rằng mình đã được yêu biết bao trên hành tinh-quê hương mình bỏ lại (Bông hoa của tôi toả hương khắp cả hành tinh, nhưng tôi lại chẳng biết tận hưởng niềm vui đó… Cô nàng toả hương cho tôi, toả sáng cho tôi. Lẽ ra tôi không bao giờ được phép bỏ đi…). Phải chăng chúng ta cũng chỉ là những tồn tại chỉ biết mãi than van về sự cô độc của riêng mình mà vô tâm cùng Trái đất? Một lần nữa, Exupéry đẩy mình vào tình thế tới hạn của sự sống khi đi lạc và gần như chết khô trên sa mạc, để thức nhận về giá trị quý báu của những điều nghiễm nhiên như giọt nước:

Nước!

Nước ơi, mày có vị gì đâu, hương gì đâu, sắc gì đâu, không ai định rõ được mày, người ta thưởng thức mày, mà chẳng rõ mày. Mày không phải là cần thiết cho cuộc sống: mày là cuộc sống. Mày đi vào ta bằng một thích thú không thể giải thích được bằng giác quan…

Mày là sự giàu sang lớn nhất trên thế giới, và mày cũng tế nhị nhất, mày trong sạch vậy trong bụng Trái đất. Người ta có thể chết trên một nguồn nước nhiễm ma-giê. Người ta có thể chết bên một cái hồ nước mặn. Người ta có thể chết mặc dầu có hai lít sương trong đó sót một tí cặn hoá chất. Mày không chấp nhận sự trộn lẫn nào, mày không chịu nổi một biến chất nào. Mày là một vị thần linh dễ tự ái…


Nhưng mày lan toả trong chúng ta một hạnh phúc vô cùng giản dị (Xứ con người).

Ý thức bản ngã về sự sinh tồn mong manh, như vậy, không tách rời một thái độ hàm ơn với hành tinh này – một Trái đất bằng đủ mọi cách, bằng đủ mọi trao tặng vẫn không ngừng ban phát cho chúng ta sự sống, vẫn không ngừng nâng đỡ những sinh mệnh mong manh. Chính ý thức này lại khiến chúng ta biết khiêm nhường hơn, biết hoài nghi hơn lí trí và ý chí: “Ta tưởng con người có thể đi thẳng tới trước. Ta tưởng con người tự do… Ta không nhìn thấy sợi dây thừng buộc con người vào cái giếng, buộc anh ta, như một cái dây rốn, vào bụng đất”. Xứ con người gần như đã hoàn thiện một cảm quan trọn vẹn về Đất Mẹ, về tình cảm máu thịt với hành tinh Trái đất ở Saint-Exupéry, đánh dấu một bước chuyển vượt lên trên hẳn cái nhìn thôn dã-phương Tây trung tâm luận mà Ben Daley đã chỉ ra trong những cuốn trước đó. Nếu trong Chuyến thư miền Nam đôi lúc vẫn còn đâu đó niềm hoài nghi về khả năng làm “mái nhà” của mặt đất, vẫn khu biệt mái nhà nhỏ ấm cúng giữa bốn bức tường bao bọc với không gian rợn ngợp đầy đe dọa của sa mạc, thì đến những tác phẩm sau này như Xứ con người và Hoàng tử bé, Exupéry đã học cách yêu những cảnh quan tưởng chừng đầy chết chóc ấy, qua “những cuộc tiếp xúc bằng trái tim” để nhận ra nơi chốn đó luôn chứa đựng những mạch nguồn sự sống vẫn chờ đợi để dung dưỡng ta. Cảm giác xa lạ, dè chừng hay thù địch dần được xoá nhoà đi, thay vào đó là niềm thân mật. Nếu như Bachelard ví việc ngó vào một cái tổ chim hay nhìn vào bên trong một mái nhà chính là lúc chúng ta đang đặt mình vào điểm khởi nguyên của niềm riêng tư trên thế gian, thì Exupéry dường như cũng đã chạm đến cội nguồn riêng tư ấy của sa mạc khi phát hiện ra nó luôn giấu một cái giếng trong lòng, và người đàn bà không ra mặt ấy khiến “ngôi nhà” càng trở nên kì diệu. Bằng tình yêu và lòng hàm ơn, ý niệm “mái nhà” cứ thế một mở rộng dần. Những cảnh quan và sự vật trên Trái đất trở nên thân thuộc, tiết lộ cùng ta những điều riêng tư nhất vì mọi điều ta có được và gặp gỡ nơi đây đều là những góc nhỏ của hành tinh-quê nhà mình. Cũng vì lẽ đó mà ta nhận ra Exupéry chẳng bao giờ chịu lướt qua một sự vật nào. Suốt những tác phẩm của mình, Exupéry không ngừng gọi tên sự vật, hệt như cách chúng ta mở những ngăn kéo bí mật chứa đầy những điều bình dị quý báu để chiêm ngắm chúng, gọi tên chúng lên, đặt chúng dưới ánh sáng và thử nhận diện chúng trong bóng tối. Chàng cũng không chấp nhận sự trừu tượng của thứ bản đồ có sẵn do các nhà địa lí khuôn định, chàng không bằng lòng với những thông số chết về cảnh quan. Mặt đất, với chàng, là những bông hoa, những bãi biển nhiều ngư dân phải coi chừng sao cho không làm tổn hại đến họ, một con suối, một con rắn Motril, một vườn cam với những tâm tình giản dị nhất của nó,…

Trái đất, như thế, đã trao cho chúng ta không thiếu một điều gì để duy trì sự tồn tại vật chất của mình bằng thức ăn nước uống (Trong tất cả các vì sao, chỉ có một vì phối tạo được và đặt vào tầm tay ta bát điểm tâm thơm phức lúc bình minh, “Xứ con người”), trao cho chúng ta kẻ đồng loại để có cớ trông chờ mỗi khi cất tiếng gọi “Người Ta ơi! Người Ta ơi!” sẽ không chỉ nhận lại được một tiếng vọng dội ngược lại của chính mình. Và là “một mái nhà thơ ấu” không bao giờ mất đi trong tâm trí (Bachelard) mà chúng ta nương náu gắn bó ngay từ khi mới chào đời, Trái đất giúp ta tạo dựng và nối dài được phần kí ức của mình bằng những kỉ niệm êm đềm: “Ôi cái kì diệu của một ngôi nhà không phải ở chỗ nó che nắng che mưa làm sưởi ấm ta, cũng không phải vì ta sở hữu các tường vách. Mà chắc chắn là ở chỗ nó để lại trong lòng ta những thức dự trữ dịu dàng…”. Có cảm tưởng như Exupéry sẽ sẵn sàng đương đầu với bất cứ một không gian nào khác ngoài vũ trụ, sẵn sàng đối diện với bất cứ một hành tinh lạnh lẽo nào, chỉ vì đã mang trong mình những hoài niệm đẹp đẽ về một nơi chốn luôn chờ đón mình trở về. Ra đi, như thế, đôi khi chỉ là để biết được đâu là mái nhà duy nhất: “Chúng tôi cảm thấy lạc loài trong khoảng không gian giữa các hành tinh, ở giữa cả một trăm hành tinh không thể nào đạt tới, đi tìm cái hành tinh chân chính độc nhất, hành tinh của chúng ta, cái hành tinh mà chỉ mình nó có những phong cảnh quen thuộc với chúng ta, những mái nhà thân thiết với chúng ta, những tình yêu của chúng ta” (Xứ con người).

Điều cuối cùng mà một mái nhà trao tặng cho con người là một nơi chốn để người ta thả mình vào mơ mộng mà Bachelard gọi là “mái nhà nương náu mộng mơ”. Từ không trung, Exupéry như thể người hiểu thấu trọn vẹn được những nhịp đập rộn ràng của ước mơ này khi chiêm ngưỡng trong những chuyến bay đêm, ánh sáng của vô vàn những ngọn đèn không ngớt “văng xa vào đêm lớn mênh mông vây kín”. Trên Trái đất, người ta sống và người ta thắp lên những giấc mơ – những ước vọng vượt ra bên ngoài mái nhà ấm cúng của mình, những ước mơ thách thức cái mênh mông vô định và trường tồn của vũ trụ, những ao ước mà một phi công lang thang giữa những miền sáng của ánh trăng nhận ra được bằng chút cảm giác chiến thắng mong manh ít ỏi trong mình. Bởi vậy mà dẫu có nhắc đến những chiến thắng nhỏ nhoi của con người, điều cuối cùng mà Saint-Exupéry muốn quy hồi ca tụng là nơi chốn dung chứa những con người ấy, là hành tinh - Trái đất: “Tôi sẽ phản lại mục đích của tôi nếu tôi có vẻ đưa các bạn đến chỗ kính phục những con người trước hết. Cái đáng kính phục trước hết: đó là mảnh đất đã sinh thành ra họ” (Xứ con người).

Antoine de Saint-Exupéry (hay còn được gọi thân mật là Saint-Ex) là nhà văn-phi công Pháp sinh ngày 29 tháng Sáu năm 1900 tại Lyon. Từ thời thơ ấu, cậu bé Antoine đã nuôi dưỡng niềm say mê bất tận với máy bay. Năm 1917, Saint-Exupéry lấy bằng tú tài. Sau đó ông thực hiện nghĩa vụ quân sự tại một trung đoàn Không quân ở Strasbourg, rồi Casablanca. Sau vụ tai nạn máy bay vào năm 1923, ông giải ngũ và chỉ lái máy bay trở lại vào năm 1926 với công việc chuyên chở thư tín qua lại giữa Toulouse và Dakar. Chính trong thời gian này ông xuất bản cuốn sách đầu tay Phi công. Tiếp đó là Chuyến thư miền Nam, Bay đêm, Thành trì, Hòa bình hay chiến tranh, Tối nay tôi đã đến gặp máy bay của tôi,… và đặc biệt, Xứ con người giành giải thưởng của Viện Hàn Lâm Pháp năm 1939. Trong thế chiến thứ hai, ông đã cố đăng ký làm phi công chiến đấu nhưng do nhiều lần bị tai nạn và sức khỏe suy giảm, ông chỉ được xếp ở lực lượng dự bị và đảm trách những nhiệm vụ nhẹ nhàng. Trong một lần thực hiện nhiệm vụ, ngày 31 tháng Bảy năm 1944, máy bay của ông mất tích trên không phận Địa Trung Hải. Saint-Exupéry được công nhận là “Hy sinh vì nước Pháp”.
Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 16.12.2017.

Tạp chí Văn hóa Nghệ An số 340, ra ngày 10/5/2017 có bài “Điểm lại những tác phẩm về Tiểu sử Bác Hồ xuất hiện sau ngày độc lập” của PGS Song Thành (Học viện CTQG Hồ Chí Minh). Trong bài viết của mình, tôi chỉ góp thêm tư liệu để làm rõ thêm những điều xung quanh cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” và tác giả Trần Dân Tiên. Bài viết này chỉ là “góp thêm” để vấn đề được rộng mở hơn.

Cuốn sách “Hồ Chí Minh truyện”, bản tiếng Trung, in tại Thượng Hải (1949

HOÀN CẢNH RA ĐỜI

Sau khi đánh tan cuộc tấn công của thực dân Pháp lên chiến khu Việt Bắc thu đông 1947, chính phủ kháng chiến Việt Nam DCCH đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành mở rộng quan hệ đối ngoại tạo cuộc đột phá về ngoại giao. Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng mùa xuân năm 1948 đã được Tổng bí thư Trường Chinh giao nhiệm vụ tổ chức một đoàn ngoại giao đầu tiên có 10 người, gồm đại biểu các đoàn thể nhân dân… ra nước ngoài để tuyên truyền về đường lối chính sách của Chính phủ kháng chiến Việt Nam DCCH.     Đây là đoàn ngoại giao đầu tiên ra nước ngoài mà không hề có một nhà ngoại giao chuyên nghiệp nào.

Mười người, đó là:Nguyễn Chương - Ủy viênXứ uỷ Bắc Kỳ (sau này làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương); Trần Mai - Phụ trách tỉnh đội dân quân Nghệ An (lấy vợ là Việt kiều Thái Lan); Lê Đức Chỉnh - Cán bộ trung đoàn trưởng (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT); Nguyễn Văn Dậu - Cán bộ trung đoàn trưởng (về sau đi cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sang công tác tại Capuchia, từ đó mất liên lạc); Trần Thanh - Cán bộ sinh viên (giảng viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài); Ngô Điền- Sinh viên (sau này là Đại sứ Việt Nam tại Campuchia); Nguyễn Văn Hướng - Cử nhân khoa học (trước khi nghỉ hưu là Vụ trưởng – Ủy ban Khoa học Nhà nước – nay là Bộ Khoa học và Công nghệ); Nguyễn Song Tùng - Đại diện thanh niên khu IV (sau này là Đại sứ Việt Nam tại CHDC Đức); Nguyễn Minh - Công nhân trường Kỹ nghệ thực hành (Phó Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trước khi nghỉ hưu); Hoàng Nguyên: Cử nhân Luật (sau này làm Vụ trưởng Bộ Ngoại giao).

Khi đoàn lên đường, đã nhận được một bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như sau:

“Gửi các đồng chí lên đường!

            Một, chúc các đồng chí lên đường, chân cứng đá mềm, thuận buồm xuôi gió.

            Hai, các đồng chí đi đường sẽ cực khổ, công tác sẽ khó khăn. Các đồng chí phải đem toàn tinh thần và nghị lực của thanh niên yêu nước mà chịu đựng, phấn đấu, khắc phục mọi sự gian nan để tranh thắng lợi.

            Ba, từ lời nói đến việc làm, bất kỳ to nhỏ, các đồng chí phải luôn nhớ rằng: Mình là đại biểu cho thanh niên yêu nước, ra ngoài để giúp anh em công tác, để đem tình thân ái của Tổ quốc cho Kiều bào và để giúp họ, để tuyên truyền cho thanh niên và cho cả dân tộc Việt Nam.

           Bốn, các đồng chí phải: ở trong nội bộ thì thương yêu giúp đỡ nhau, phê bình và học tập nhau. Trong công tác thì cố gắng làm cho đầy đủ nhiệm vụ, làm cho xứng đáng lòng tin cậy của anh em thanh niên, của đoàn thể và của đồng bào.

       Mong rằng các đồng chí sẽ nhớ kỹ những lời thành thật đó, và sẽ làm tròn sứ mệnh vẻ vang đó.

Chúc các đồng chí mạnh khoẻ.

Chào thân ái và quyết thắng.

Tháng 02 – 1948.

Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Hướng, một thành viên trong đoàn ngoại giao được triệu tập lên Việt Bắc để chuẩn bị lên đường. Ông đến muộn nên đi chuyến sau. Khi đi, có một cán bộ Văn phòng Chủ tịch phủ đã đưa ông cuốn sách được đánh máy trên giấy pơluy bằng tiếng Pháp. Đó chính là cuốn sách sau này được dịch ra tiếng Việt và in trong nước năm 1955 mang tên: “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”. Ông Nguyễn Văn Hướng kể lại với người viết bài này: Một số trang đều có bút tích sửa chữa một vài lỗi. Đã được xem trên báo nhiều công văn, chỉ thị hoặc lời kêu gọi của Chính phủ nên ông Hướng rất sung sướng nhận ra:“Đó là bút tích của Bác Hồ”.

BẢN DỊCH TIẾNG ANH CỦA HOÀNG NGUYÊN

Vượt Trường Sơn sau bao ngày gian khó, lần lượt qua Pắc xan, Bôrikhan – ta thường gọi là Bùng Càn, Băng Cốc (Thái Lan), Đoàn đến Miến Điện (nay gọi là Myanma). Tại thủ đô Ranggun, có một cơ quan đại diện Chính phủ Việt Nam DCCH do bác sĩ Trần Văn Luân, một đồng chí Nam Bộ, đứng đầu. Mỗi thành viên trong Đoàn đều nhận công tác mới. Ông Hoàng Nguyên – cũng là một thành viên trong Đoàn - được cử làm Giám đốc Phòng thông tin Việt Nam do chính phủ Miến Điện cho phép thành lập. Nhiệm vụ của Phòng là thu thập thông tin thế giới gửi về trong nước đồng thời phát hành các bản tin tuyên truyền cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ngoài các bản tin ra đều đặn gần như hàng tuần, Phòng thông tin Việt Nam còn ra những cuốn sách nhỏ. Trong đó có hai cuốn nguyên văn tiếng Pháp, đó là: “Cuộc tiến công lên Việt Bắc”, trình bày rõ kế hoạch và sự thất bại của thực dân Pháp. Và cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” tác giả Trần Dân Tiên.

Sau ngày kháng chiến toàn quốc từng làm Trưởng phòng báo chí Bộ Quốc phòng, ông Hoàng Nguyên nhận ra ngay cuốn sách rất có lợi đối với công tác tuyên truyền đối ngoại. Trong khi viết bài tuyên truyền, những tin tức thế giới thu thập được làm ông trăn trở. Thế giới biết rất ít thông tin về Việt Nam. Ngay Liên Xô trong công tác tuyên truyền quốc tế về Việt Nam và Đông Dương cho thấy: từ năm 1935 – 1940 xuất bản 27 cuốn sách và bài báo, năm 1941 – 1945 chỉ có 7 và những năm 1945 – 1947 chỉ có 4. Những bài viết về châu Á trong năm 1946 – 1947 chỉ có 1 bài nói về Việt Nam, trong khi đó có 10 bài nói về Trung Quốc, 9 bài nói về Triều Tiên, 11 bài nói về Nhật Bản. Năm 1948 không có bài nào nói về Việt Nam (Nguồn: Tài liệu trường ĐH Washington, Servic de traduction de la presse russe).

Các nước đế quốc tư bản chủ nghĩa thời đó, dùng nhiều mánh khoé xuyên tạc về cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của Việt Nam. Nước Mỹ trong chiến tranh thế giới từng được Việt Minh giúp đỡ ở chiến khu. Nhưng khi Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam là Hồ Chí Minh tám lần gửi điện văn công hàm đến Tổng thống Mỹ Truman, với đề nghị lập được mối quan hệ liên lạc thường xuyên, chính thức hay không chính thức với Chính phủ Mỹ, cả tám lần đều không có câu trả lời, dù là một tín hiệu nhỏ nhoi cho biết họ đã nhận được các bức điện đó.

Các Đảng Cộng sản châu Âu hoài nghi đường lối cách mạng Việt Nam. Họ thắc mắc vấn đề Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố tự giải tán (11/11/1945). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư, điện cho người đứng đầu Chính phủ Liên Xô các ngày 22/9/1945, 21/10/1945, tháng 9/1947 Thứ trưởng Phạm Ngọc Thạch - Đặc phái viên của Hồ Chủ tịch – sang Thuỵ Sĩ để gặp một phái viên của Chính phủ Xô Viết. Ông còn mang theo thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Xtalin yêu cầu Liên Xô đưa vấn đề xung đột Pháp – Việt ra Liên Hợp Quốc… Nhưng tất cả đều không có lời đáp …Việt Nam bị cô lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh, được coi là một nhà dân tộc chủ nghĩa.

Làm việc trên gác ngôi nhà gỗ, là trụ sở Phòng thông tin Việt Nam, tại đường Boundary Road, ông Hoàng Nguyên bắt tay vào dịch sách từ tiếng Pháp sang Anh ngữ. Ở Băng Cốc (Thái Lan) ông đã say mê cuốn này vì tư liệu phong phú về cuộc đời Hồ Chủ Tịch. Qua từng trang sách, chân dung người cầm lái con tàu cách mạng Việt Nam hiện lên gần gũi như mọi người bình thường nhất từ thuở Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh. Tất cả đều từ hai bàn tay lao động cùng với sức sáng tạo của trí tuệ mà ra. Chứ không phải như khi học trường Bưởi, thế hệ của ông được nghe những lời rỉ tai về Nguyễn Á Quốclà một nhà cách mạng xuất quỷ nhập thần, chu du bốn biển, mật thám Pháp – Anh không tài nào bắt nổi. Có cuốn tiểu thuyết phiêu lưu hồi đó còn tạo ra nhân vật Nguyễn Ái Quốc võ nghệ siêu quần, anh hùng hảo hán… Trong “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” nghệ thuật viết truyện của Trần Dân Tiên dí dỏm đã cuốn hút ông. Dồn cả tâm sức vào cuốn sách, ông Hoàng Nguyên dịch say sưa, cẩn thận, tỉ mỉ. Những chỗ nào còn chưa chắc chắn về thuật ngữ tiếng Anh, ông trao đổi cùngmột đồng chí Đảng viên Đảng Cộng sản người Ấn Độ tên là Valeju sống trong cơ quan như mọi người Việt Nam khác.

Khi bản thảo hoàn chỉnh, ông Valeju giúp đỡ hiệu đính lại lần cuối cùng. Bản dịch Anh ngữ của ông Hoàng Nguyên lập tức được phổ biến ra nhiều nơi khác.

Cùng với bản dịch tiếng Trung tại Thượng Hải - Trung Quốc, bản dịch tiếng Thái và tiếng Việt tại Thái Lan… “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” làm tài liệu nền tảng cơ sở vững chắc trả lời câu hỏi thắc mắc của thế giới về Việt Nam.

CỦA TIN CÒN MỘT CHÚT NÀY

Đó là một trang giấy đánh máy viết ngày 24/9/2002 của ông Hoàng Nguyên. Thời gian này, ông đang tập trung viết hồi ký về Hội nghị Genève nhân kỷ niệm 50 năm hội nghị này (1954 - 2004). Những năm trước khi ông Hoàng Nguyên qua đời (2007), tôi có vài dịp qua thăm ông. Kể cả khi ông mất, tôi vẫn giữ liên hệ với gia đình. Tư liệu này do bà Ngô Thị Mỹ Văn, vợ ông Hoàng Nguyên cung cấp cho tôi. Ông Hoàng Nguyên viết về cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”như sau:

Về cuốn sách“Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”ký tên tác giả Trần Dân Tiên

“Đó là vào đầu năm 1948. Nhà nước Việt Nam DCCH mới thành lập, đã phải lao vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Trên thế giới, rất ít người biết về nước Việt Nam mới và về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy phải giới thiệu về nước Việt Nam cách mạng và về vị lãnh tụ của nước đó.

Nhằm mục đích đó, Tổng bí thư hồi đó là đồng chí Trường Chinh đã phái một đoàn anh em thanh niên đi ra nước ngoài, theo hướng sang Thái Lan, để làm “ngoại giao nhân dân”. Và có lẽ cũng nhằm mục đích đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho viết cuốn sách nói trên để giới thiệu và nói qua về những công việc cách mạng mà mình đã làm.

Tôi, Hoàng Nguyên, là nằm trong số anh em được đồng chí Trường Chinh lựa chọn đi làm “ngoại giao nhân dân” và đồng chí Nguyễn Văn Hướng cũng nằm trong số đó. Trước hết, tôi là người đã chờ tại một nơi gần nhà ở của Hồ Chủ Tịch tại an toàn khu (ATK) để đợi Người làm xong cuốn sách đó, thì sẽ mang đi ra nước ngoài. Nhưng vì có một việc gì đó, không đợi lâu được, cho nên đồng chí Nguyễn Văn Hướng đã thay tôi đợi. Sau chính đồng chí Nguyễn Văn Hướng là người cầm cuốn sách đó đưa sang Băng Cốc, và cuốn sách lập tức được dịch từ tiếng Pháp - vì Hồ Chủ Tịch đánh máy cuốn sách đó bằng tiếng Pháp - sang tiếng Thái và tiếng Việt để phổ biến cho người Thái và Việt kiều. Sau tôi (Hoàng Nguyên) đã đưa bản tiếng Pháp sang Rangoon, là nơi tôi được cử sang làm tuyên truyền đối ngoại tại Phòng Thông tin trực thuộc Cơ quan đại diện của ta do bác sĩ Trần Văn Luân làm thủ trưởng. Tại Rangoon, tôi đã bắt tay vào dịch cuốn sách sang tiếng Anh, với sự hiệu đính của một người Ấn Độ làm việc tại cùng cơ quan, là anh Valenju. Sau khi có bản Anh văn, cuốn sách đã được gửi sang Praha - Tiệp Khắc, là nơi ta cũng có một cơ quan đại diện, để nhân lên và phổ biến ra nhiều nơi khác trên thế giới.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên, bản tiếng Việt, Nhà xuất bản Văn nghệ (1955)

MẠN ĐÀM VỀ BẢN THẢO CUỐN SÁCH

Như vậy, qua những tư liệu nói trên của Nhà ngoại giao Hoàng Nguyên (1924 – 2007), chúng ta thấy đã có nhiều bản dịch cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”ký tên tác giả Trần Dân Tiên. Nguyên bản cuốn sách viết bằng tiếng Pháp. Sau đó, cuốn sách được dịch sang tiếng Việt và tiếng Thái để phổ biến cho Kiều bào ở Thái Lan, dịch sang tiếng Anh để làm đối ngoại ở châu Âu…

PGS.TS Đức Vượng trong nghiên cứu của mình cũng xác nhận tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, bản thảo đầu tiên viết bằng tiếng Pháp. Ông Đức Vượng còn cho biết thêm: Bản dịch sang tiếng Việt nhan đề: “Tiểu sử Hồ Chí Minh” do Xuân Hiên dịch vào khoảng từ năm 1945 đến năm 1947. Năm 1948, tác phẩm này được Valenju, chuyên gia tiếng Anh, dịch sang tiếng Anh và được phát hành tại nước ngoài. Tiếp đó, vào năm 1949, tác phẩm được dịch sang tiếng Trung Quốc, do Bát nguyệt san xã xuất bản tại Thượng Hải.

Nội dung bản tiếng Trung được in ở Thượng Hải năm 1949 có những đoạn và có chương không có trong bản tiếng Việt in tại Việt Nam năm 1955 mà tôi sẽ dẫn ở phần kết của bài viết này.

Năm 1955, Nhà xuất bản Văn nghệ xuất bản cuốn sách này bằng tiếng Việt. Sau đó, tác phẩm này được tái bản nhiều lần.Tiếc rằng, với ấn phẩm có trong tay, tôi không tìm được những thông tin về số lượng in hay nơi in cuốn sách này cùng những người chịu trách nhiệm cho ra đời cuốn sách. Song, ngay trong Lời Nhà xuất bản đề tại Hà Nội, tháng 8/1955 đã viết rõ: “Nhà xuất bản Văn nghệ nhận được tập bản thảo của ông Trần Dân Tiên nhan đề “Những mẩu chuyện  về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, viết năm 1948. Như lời thanh minh của tác giả: tập bản thảo này không phải là một quyển tiểu sử của Hồ Chủ tịch, mà chỉ là một “quyển chuyện giúp đồng bào biết vài mẩu chuyện của vị lãnh tụ đã xây dựng nước Việt Nam DCCH”.

Ấn hành cuốn sách, Nhà xuất bản Văn nghệ hy vọng “nó sẽ góp một phần nhỏ vào việc biên soạn một quyển tiểu sử của Hồ Chủ tịch và đáp ứng một phần nào lòng mong mỏi của đồng bào ta”.

Cuốn tiểu sử Hồ Chủ tịch đã được Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương cho ra mắt lần đầu tiên vào năm 1960.

Về tên tác giả cuốn sách, PGS.TS Đức Vượngcho biết: “Theo ông Vũ Kỳ, tên tác giả là Trần Dân Tiến chứ không phải Trần Dân Tiên. Ông giải thích rằng “Dân Tiến” là “dân tiến lên”. Nhưng các lần xuất bản đều ghi là Trần Dân Tiên, không thấy bản in nào ghi là Trần Dân Tiến”.

Còn người viết bài này, cũng được Nhà văn Sơn Tùng khi còn khỏe, trong dịp trao đổi, đã dặn dò: Tên tác giả là Trần Dân Tiến, nhưng khi đưa bản thảo do bị mờ nên khi in bị mất dấu sắc, mà thành Trần Dân Tiên. “Trần mà như thế kém gì tiên”, cũng là một cái tên có ý nghĩa – Nhà văn Sơn Tùng giải nghĩa.

Vậy tác giả Trần Dân Tiên là ai? Điều này còn có những ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng đây chính là một bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. PGS.TS Đức Vượngkhẳng định đây không phải bút danh của Hồ Chí Minh.

“Qua nghiên cứu và đối chiếu với nhiều loại văn bản, chúng tôi cho rằng, tác phẩm này do Hồ Chí Minh kể, còn người ghi là một số người giúp Bác trong công việc soạn thảo văn bản hồi năm 1945 – 1946, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Có người đưa ra tên của những người ghi là Phan Mỹ, Hoàng Minh Giám, Trần Đình Long, Vũ Kỳ… Người (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh – KMS) có viết thêm vào một số đoạn”

Ông Đức Vượng còn dẫn chứng thêm: “Trong bài “Hồ Chí Minh – Đời riêng” của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đăng trên báo Nhân Dân, số xuân Tân Mùi – 1991 – không thấy nói gì đến tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” và tác giả Trần Dân Tiên” [1].

BẢN DỊCH TIẾNG TRUNG IN TẠI THƯỢNG HẢI (1949)

Trong cuốn sách “Hồ Chí Minh truyện” (Tiểu sử Hồ Chí Minh) của tác giả Trần Dân Tiên do Trương Niệm Thức dịch sang tiếng Trung Quốc, in bằng chữ Hán (riêng tên tác giả bằng chữ Việt), Bát nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1949, chương 27 không có trong “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, bản tiếng Việt (Nhà xuất bản Văn nghệ, 1955).

Chương này có tên “Những người khách Mỹ của Cụ Hồ trước Cách mạng tháng Tám”. Dưới đây, tôi xin trích một đoạn trong chương 27 qua bản dịch của dịch giả Phác Can - bút danh của PGS Phan Văn Các, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, để khép lại bài viết này.

“Thiếu tá Tô-mát dẫn toán của anh và các chiến sĩ tình nguyện thuộc quyền anh ở lại cơ sở làm việc. So với người Mỹ, Tô-mát là người gầy bé. Nhưng anh ta là người làm việc không biết mệt mỏi, suốt ngày sục trong rừng, kiểm tra đường sá, nghiên cứu sân bãi, hoặc giảng bài quân sự cho các thanh niên “Việt Minh”. Có lúc anh mạo hiểm đi đến gần trạm gác của quân Nhật, khiến các chiến sĩ tình nguyện “Việt Minh” phải buộc anh lui về.

“Nếu các anh gặp chuyện gì không may, thì chúng tôi biết thưa với cụ Hồ Chí Minh, lãnh tụ của chúng tôi như thế nào?” Người thanh niên cùng đi nói với anh.

“Cho tôi đi tới thêm một chút nữa thôi”. Viên thiếu tá nài nỉ. “Cả các anh và tôi chúng ta đều giấu cụ Hồ Chí Minh, không nói gì về việc này”.

Người Mỹ và người Việt Nam trở thành những đôi bạn rất thân thiết, họ chung sống với nhau rất hữu nghị, sánh vai nhau làm việc. Những lúc nghỉ ngơi, họ thảo luận với nhau đủ mọi vấn đề, đặc biệt là thảo luận các vấn đề chính trị quốc tế. Cụ Hồ Chí Minh nói rằng Cụ rất khâm phục và tôn kính tổng thống Ru-dơ-ven. Khi tổng thống Ru-dơ-ven tạ thế, tất cả các báo chí bí mật của “Việt Minh” đều có đăng tiểu sử của tổng thống, các nơi đều tổ chức lễ tưởng niệm. Tổng thống là người bạn vĩ đại của các dân tộc bị áp bức, cái chét của tổng thống khiến dân tộc Việt Nam thương tiếc một cách sâu sắc. Cụ Hồ Chí Minh nói:

“Đó là một bậc vĩ nhân có dũng khí vĩ đại, ông ta dám nói dám làm”.

Cụ Hồ Chí Minh rất bận, hằng ngày việc liên lạc với những người khách Mỹ của Cụ cần rất nhiều thì giờ. Người Nhật ở cách Bộ tư lệnh của Cụ không xa, có thể nghe thấy tiếng súng, lúc nào cũng có thể bị đánh úp. Đại hội đại biểu của “Việt Minh” sắp họp. Không những thế, Cụ lại bị ốm: làm việc nhiều quá, suy nghĩ nhiều quá và đi nhiều quá.

Để giúp Cụ lấy lại sức khỏe, những người bạn Mỹ của Cụ khuyên Cụ ăn những thứ đồ hộp được chở tới bằng máy bay…/.


[1]PGS.TS Đức Vượng: Hồ Chí Minh đào tạo cán bộ và trọng dụng nhân tài, NXB Chính trị Quốc gia, 2010, tr. 20.

Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/gop-them-tu-lieu-ve-cuon-sach-nhung-mau-chuyen-ve-doi-hoat-dong-cua-ho-chu-tich-tac-gia-tran-dan-tien

20171129

Ở nước ta, Nho giáo đã có lịch sử rất lâu đời. Từ khi nước ta bị xâm lược và sáp nhập vào Trung Quốc, từ đời Hán (206 trước Công nguyên đến 220 sau Công nguyên), Nho giáo đã được du nhập vào Việt Nam. Sĩ Nhiếp (thế kỷ thứ II sau công nguyên) đã được coi là An Nam học tổ, người mở đầu cho Nho học ở nước ta. Trong thời kỳ tự chủ, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, Nho giáo cùng với Phật giáo và Đạo giáo có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần nước ta. Cuối thế kỷ XIV, Nho giáo giành được ưu thế so với Phật giáo, chi phối đời sống tinh thần nước ta.

Đến thế kỷ XV, sau khi Lê Lợi chiến thắng quân Minh (1428) nhà nước Lê sơ dành cho Nho giáo địa vị độc tôn- học thuyết chính thống của nhà nước- cuối thế kỷ đó, vào thời Lê Thánh Tông (làm vua từ 1460 đến 1497), nó đạt đến mức toàn thịnh. Từ thế kỷ XV, cho đến giữa thế kỷ XIX, thậm chí đến đầu thế kỷ XX, trong đời sống tinh thần của nước ta, Nho giáo vẫn giữ vai trò chủ đạo, chi phối. Ảnh hưởng của Nho giáo, do thực tế lịch sử đó rất lớn. Nhưng nhìn nhận, đánh giá ảnh hưởng đó tích cực hay tiêu cực đối với sự phát triển của nhà nước ta thì tuỳ theo thời cuộc, tuỳ theo quan điểm mà đã thay đổi qua các giai đoạn lịch sử.

Trong thời Hán học đang thịnh, các nhà Nho cõi chữ Hán là chữ ta, Khổng Tử, Mạnh Tử, Trình Di, Chu Hy là thánh hiền, Nho giáo là đạo học ở nước ta và ai cũng nghĩ như Phan Đình Phùng: “Nước mình mấy ngàn năm nay, đất nước chẳng rộng, quân lính không mạnh, tiền của chẳng giàu; cái chỗ dựa để dựng nước là nhờ cái gốc của vua tôi, cha con theo năm đạo cương thường mà thôi… cái ơn giáo hoá của Thi Thư vốn là chỗ dựa cho mình đấy”[1].

Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, nước ta đã mất vào tay thực dân Pháp, đến đầu thế kỷ này, các nhà nho yêu nước như Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…, chịu ảnh hưởng của phong trào duy tân, Âu hoá của Nhật Bản, Trung Quốc mới nhìn nhận cách khác. Họ lên án chế độ chuyên chế, lên án cách học khoa cử, coi Hán học chỉ đào tạo ra một lớp hủ nho. Tuy các nhà nho duy tân chưa lên án Nho giáo nhưng họ cũng thấy Nho giáo để lại hậu quả tiêu cực: làm cho nước yếu dân hèn.

Xu hướng phủ định Nho giáo còn tiếp tục và tăng cường trong lớp người chịu ảnh hưởng văn hoá phương Tây, dù về tư tưởng họ theo quan điểm tư sản hay vô sản. Trong các tôn chỉ của Tự Lực Văn đoàn có một điểm là:

“Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa”. Những người mác- xít cũng coi Nho giáo là cốt lõi của tư tưởng phong kiến, coi nó là phản động vì đề cao quân quyền, phụ quyền, nam quyền, chủ trương tam tòng tứ đức áp bức phụ nữ, khinh lao động, đứng về phía giai cấp bóc lột…

Cho mãi đến những năm gần đây xu hướng đánh giá đó đã thành định luận, trong sách báo, trong nhà trường và trong dư luận xã hội. Nói quét sạch tư tưởng phong kiến cũng tức là quét sạch Nho giáo.

Quãng mươi năm gần đây, nhiều người đã bắt đầu nghĩ một cách khác. Vấn đề được đặt ra một phần do những thực tế trong nước, nhưng phần quan trọng là do ảnh hưởng của các nhà khoa học nước ngoài.

Vào thập kỷ 60, Đảng Cộng sản Trung Quốc làm một chiến dịch tuyên truyền đưa chủ nghĩa Mao như một pháp bảo cho cả thế giới ngày nay, và ở trong nước tiến hành cuộc Đại cách mạng văn hoá khốc liệt. Việc làm của một nước có hàng tỉ người đó làm rung động cả thế giới. Hàng trăm nhà nghiên cứu ở trên thế giới ở các nước xã hội chủ nghĩa cũng như tư bản chủ nghĩa, bỏ công sức nghiên cứu chủ nghĩa Mao và đều đi đến kết luận: chủ nghĩa Mao có nguồn gốc từ trong các hệ tư tưởng truyền thống của Trung Quốc; cũng có thể nói là nếu trong truyền thống không có Nho giáo thì cũng không có chủ nghĩa Mao, không có một thứ chủ nghĩa xã hội mao-ít. Ở nước ta lúc bấy giờ cũng có người đặt vấn đề liệu một nước cũng có truyền thống Nho giáo lâu đời như Việt Nam có ảnh hưởng chủ nghĩa Mao không? Nhưng vấn đề nêu ra không được triển khai thảo luận.

Vào cuối thập kỷ đó, năm 1968, Nhật Bản tổ chức Thế vận hội ở Tô-ki-ô, nhân đó giới thiệu cho thế giới biết về thực trạng phát triển của Nhật Bản. Thế giới nhất là các nước phát triển Âu- Mĩ kinh ngạc trước tốc độ phát triển của Nhật Bản mà coi họ là “thần kỳ”. Nhật Bản thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm và họ không thể không tìm hiểu. Sau Nhật Bản là bốn nước mà ngày nay báo chí quen gọi là “bốn con hổ châu Á”: Nam Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kông và Xanh-ga-po cũng nhảy vào thị trường thế giới với sự phát triển trong nước tăng tốc. Sự phát triển tăng tốc ở các nước đó mở ra khả năng là trong cuộc cạnh tranh tương lai khối Đông Á có thể chiếm ưu thế so với khối Bắc Mỹ và Tây Âu, không tính khối Đông Âu, Ấn Độ và các khối có tốc độ phát triểm chậm khác, chưa đủ thế lực chen chân vào cuộc cạnh tranh đó. Các nhà khoa học đi tìm bí quyết nhịp độ tăng tốc của Nhật Bản, tiến hành đối chứng giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, nước phát triển nhất ở Âu- Mỹ thì thấy sự khác nhau rõ rệt giữa hai cách quản lý, hai con người; và đằng sau cách quản lý và con người là truyền thống văn hoá: văn hoá Trung Hoa. Nhật Bản, Nam Triều Tiên đều là những nước chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hoá Trung Hoa; Đài Loan, Hồng Kông là đất Trung Hoa, còn Xanh-ga-po thì có đến 80 phần trăm cư dân là Hoa Kiều. Trong truyền thống văn hoá đó, trước hết, phải nói đến Nho giáo. Vấn đề từ đó được mở rộng hơn: văn hoá truyền thống Trung Hoa và triển vọng phát triển của vùng Đông Á, vùng Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam từ nhiều thế kỷ chịu ảnh hưởng Nho giáo (cùng với Phật giáo và Đạo giáo đều từ Trung Quốc truyền sang).

Trung Quốc là một trung tâm văn minh cổ của nhân loại. Từ thế kỷ VI- V trước Công nguyên, Nho giáo và tư tưởng Lão Trang (về sau phát triển thành Đạo giáo) đã ra đời từ đấy. Từ đời Hán (thế kỷ II trước Công nguyên đến thế kỷ II sau Công nguyên) những học thuyết đó được truyền bá sang Triều Tiên và Việt Nam. Vào thế kỷ IV từ Triều Tiên mà truyền bá sang Nhật Bản. Từ đời Đường (618- 906) về sau bốn nước đó có quan hệ chặt chẽ hầu như thành một vùng văn hoá, cùng dùng chữ Hán, cùng học những kinh truyện Tam giáo (Nho, Phật, Đạo), cùng viết những thể loại văn học… Tuy thực tế cụ thể của từng nước, từng dân tộc có không ít những đặc điểm khác nhau nhưng do ảnh hưởng văn hoá chung, con người và lịch sử, nhất là lịch sử chính trị, tư tưởng có nhiều nét giống nhau, tạo ra một vận mệnh tương đồng cho các nước trong vùng. Từ giữa thế kỷ XIX, trước thực tế các nước đế quốc phương Tây xâm lược, các nước đó gặp những tình thế khác nhau, có thái độ khác nhau và kết quả là giành được những vị thế khác nhau trong thế giới ngày nay. Nhật Bản năng động và thức tỉnh trước nhất. Sau một trận giao chiến thất bại, Nhật Bản chọn ngay con đường duy tân Âu hoá và ba mươi năm sau trở thành một nước cường thịnh, tham gia vào hàng ngũ các nước đế quốc tranh giành thị trường trên thế giới và thảm bại năm 1945. Sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, nó chọn con đường phát triển kinh tế và cũng sẽ nhanh chóng trở thành một cường quốc kinh tế như ngày nay. Trung Quốc cũng bị xâm lược còn sớm hơn và dai dẳng hơn. Nhưng vì là nước quá lớn, các đế quốc cũng không chịu để cho ai một mình chiếm được, nên Trung Quốc không bị mất nước thành thuộc địa, mà thành nửa thuộc địa, các nước đế quốc chia nhau ảnh hưởng. Việt Nam như mọi người đều biết bị thực dân Pháp xâm chiếm. Triều Tiên không bị mất nước về tay các nước đế quốc phương Tây mà cuối cùng lại mất vào tay Nhật Bản (1910). Phong trào đấu tranh giành độc lập, chống đế quốc liên tục và anh dũng cả ở Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam dẫn các nước đó đến với chủ nghĩa cộng sản. Kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai thì ở cả ba nước ấy đều thành lập chính quyền cách mạng, đều xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cả ba nước đều có tình trạng chia đôi: Trung Quốc và Đài Loan, Bắc và Nam Triều Tiên, Bắc và Nam Việt Nam. Một phía là XHCN, một phía là TBCN. Trước thực tế có tính toàn cầu của thế giới hiện đại, mỗi nước theo hệ thống này hay hệ thống kia, gặp những vấn đề gần giống nhau và cách giải quyết cũng gần giống nhau. Do truyền thống giống nhau nên những vấn đề bộc lộ ra ở nước này thì ở ba nước kia cũng có cái tương tự. Giải quyết theo cách XHCN hay TBCN cũng là cùng những vấn đề đó nên có những bài học có ý nghĩa chung. Đó là lý do để ngày nay nhiều người nghĩ Việt Nam nên học kinh nghiệm Nhật Bản, Nam Triều Tiên để khắc phục những khó khăn trước mắt. Nhưng trong thực trạng ngày nay nếu Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan phát triển với nhịp độ tăng tốc nhanh nhất thế giới và là do ảnh hưởng của truyền thống Nho giáo thì Việt Nam, ngược lại phát triển chậm nhất, tốc độ thấp nhất so với mọi nước. Đó không chỉ là vấn đề người Việt Nam quan tâm mà nhiều nhà khoa học trên thế giới cũng chú ý, muốn tìm hiểu, giải thích sự khác nhau đó. Ở ta không ít người nói những khó khăn hiện nay là do quá khứ, do truyền thống để lại. Quá khứ, truyền thống đó chắc chắn là gắn với Nho giáo. Vậy, thứ Nho giáo nào làm thuận lợi cho sự phát triển của Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan và thứ Nho giáo nào làm phát sinh chủ nghĩa Mao ở Trung Quốc, gây khó khăn cho chúng ta ngày nay? Nho giáo ở Việt Nam có khác Nho giáo Nhật Bản? Hay là cũng không phải không có người nghĩ như thế, truyền thống là truyền thống dân tộc, hoàn toàn Việt Nam, không có Đông Á mà cũng không có Nho giáo gì cả. Đó là cách nhìn lại vấn đề Nho giáo do tác động từ bên ngoài.

Trong nước, cách đây hơn mười năm, vấn đề Nho giáo được khơi lên từ hiện tượng trong nhà trường học sinh vô lễ với thầy, cô giáo, nhà trường, lớp học hỗn loạn, học hành kém kết quả. Một số người nghĩ cần trở lại nền nếp “tôn sư trọng đạo”, cung cách sư phạm “tiên học lễ, hậu học văn” như ngày xưa thì mới cứu được sự nghiệp giáo dục. Tiếp đó là trong xã hội có cảnh mất trật tự, cảnh ngược đời “người lớn sợ trẻ con”, thanh niên nghênh ngang bừa bãi không nể nang người tuổi tác, nói năng lấc cấc… Nhiều người lại nghĩ đến cảnh “trên ra trên, dưới ra dưới” như ngày xưa. Và bên cạnh đó là cảnh xung khắc giữa hai thế hệ trong gia đình. Giữa cha mẹ và con cái, nhất là những cha mẹ là cán bộ cách mạng và con cái có văn hoá khá, lại đi học ở nước ngoài về thì thường xảy ra mâu thuẫn ý kiến về mọi vấn đề. Điều đó làm chán nản, mệt mỏi cả hai phía. Nhiều người nghĩ ngay đến tình cảm hiếu đễ ngày xưa, mong muốn khôi phục những cảnh gia đình êm ấm, cha con, anh em, vợ chồng hoà thuận, không mỗi người một phách, cãi vã, ly dị…Tất cả đặt thành vấn đề đánh giá lại nền nếp sống theo Nho giáo trong nhà, trong họ và với xóm giềng làng nước. Ngày nay, những suy nghĩ như vậy đang biến thành hành động. Ở nhiều địa phương, nhiều người rất quan tâm đến việc khôi phục họ hàng, tìm gia phả, xây nhà thờ, mồ mả tổ tiên, họp họ, tế lễ và làm tộc ước. Và ở trong nhà cũng vận động giữ gìn những tập tục ngày xưa trong các quan hệ cha con, anh em, dâu rể… Làm như thế là tốt hay xấu? Có phải việc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã làm hỏng hết và ngày nay phải trở lại, phải khôi phục nền nếp văn hoá Nho giáo không?
Đúng là Nho giáo đã ảnh hưởng đến nhiều mặt cuộc sống nước ta. Không chỉ là trong văn hoá, tư tưởng mà cả trong chính trị, xã hội, trong học thuật, và vì vậy cũng ảnh hưởng đến xây dựng kinh tế, xây dựng con người và nhiều mặt khác. Không phải vấn đề chỉ liên quan đến quá khứ mà vấn đề còn kéo dài thành ra liên quan đến những chuyện của ngày nay. Và liên quan đến những mặt cực cơ bản, cực quan trọng như khuynh hưởng mao-ít trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc hay khuynh hướng lợi dụng truyền thống để quản lý kinh tế tạo ra tốc độ phát triển cao như ở Nhật Bản… Đó là những mặt mà vào hoàn cảnh của Việt Nam, chúng ta không thể không chú ý.

Phải hiểu Nho giáo và vai trò của nó trong lịch sử. Phải hiểu ảnh hưởng của nó trong xã hội, trong văn hoá, trong con người phương Đông. Nhưng hiểu biết của chúng ta về những chuyện đó còn rất mỏng. Và việc nghiên cứu về những vấn đề đó, chúng ta làm chưa được bao nhiêu. Chưa nói là có một thời gian dài ta đã hiểu về nó quá đơn giản, thậm chí là sai lạc.

Chúng tôi cũng không dám tin là mình sẽ nói được đúng. Nho giáo đã tồn tại đến hơn hai chục thế kỷ trên một địa bàn rộng. Trong sự phát triển của nó phải mang theo nhiều đặc điểm dân tộc, thời đại và thực tế kinh tế- xã hội của các nước. Nói cho chính xác, đạt đến chỗ tinh vi- có như thế mới có thể giúp ích cho hoạt động thực tiễn- là một việc chúng tôi không dám hy vọng là có thể làm nổi. Trong giới hạn của bài giảng này, chúng tôi chỉ giới thiệu khái quát về vấn đề “Nho giáo và ảnh hưởng của nó. Vấn đề của ngày xưa và ngày nay” để các đồng chí theo dõi và tìm đọc thêm khi gặp các vấn đề đụng đến nó trong công tác thực tế.

Theo chúng tôi nghĩ bất cứ hiện tượng nào, nếu chúng ta biết nó là thế nào, mô tả được bộ mặt của nó, biết nó sinh ra, tồn tại và tiêu vong trong những điều kiện nào, tức là cơ sở vật chất của nó, biết trong thời gian nó tồn tại, nó đã sinh ra cái gì? thì chúng ta có thể hiểu nó là cái gì tương đối ít lầm lạc. Với Nho giáo, chúng tôi chỉ nói một thứ Nho giáo nói chung, chưa phải phân biệt Trung Quốc, Việt Nam hay Nhật Bản, thời cổ đại hay thời cận đại.

Chúng tôi cũng cố gắng trình bày theo cách như vậy thành ba phần:

1. Nho giáo- học thuyết chính trị- đạo đức.
2. Cơ sở kinh tế- xã hội làm điều kiện cho Nho giáo ra đời và tồn tại lâu.
3. Ảnh hưởng của nhiều mặt của Nho giáo.
I. NHO GIÁO- HỌC THUYẾT CHÍNH TRỊ- ĐẠO ĐỨC.

1. Người đặt nền móng, vị tổ sư của Nho giáo là Khổng Tử. Vì vậy, Nho giáo cũng còn gọi là Khổng giáo.

Khổng Tử sinh năm 551 và mất năm 479 trước Công nguyên ở nước Lỗ, trung tâm văn hoá của nền văn minh Trung Hoa cổ đại. Ông là người rất ham học, sớm nổi tiếng uyên bác, thông hiểu văn hiến lễ nhạc nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu, tức là các vương triều cổ đại Trung Hoa. Vừa ngoài năm mươi tuổi, lúc bấy giờ ông đang tạm thời giữ chức tướng quốc nước Lỗ, ông đã bỏ quan cùng với học trò đi chu du các nước và để đến hơn hai chục năm trời chuyên tâm vào việc sưu tầm văn hoá và dạy học trò. Khổng Tử đã sưu tầm, chỉnh lý, lựa chọn dân ca và tụng ca nghi lễ các nước mà soạn thành Kinh Thi; sưu tầm các tư liệu lịch sử, huấn lệnh các tiên vương mà soạn thành Kinh Thư; sưu tầm tổ chức, chế độ, phong tục, nghi lễ các nước mà soạn thành Kinh Lễ; soạn Kinh Nhạc (đã thất truyền từ lâu). Khổng Tử là người có công giải thích Kinh Dịch và chỉnh lý bộ sử nước Lỗ viết thành Kinh Xuân Thu. Đó là những cống hiến vĩ đại không chỉ cho Trung Quốc mà cho cả văn hoá nhân loại. Năm bộ sách: Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu, gọi chung là Ngũ kinh do Khổng Tử để lại là kinh điển của Nho giáo.

Khi Khổng Tử mất, học trò ở lại để tang thầy, cùng nhau ôn lại và ghi chép các lời thầy dạy làm sách Luận Ngữ. Luận Ngữ là tư liệu cơ bản để hiểu tư tưởng Nho giáo.

Sau khi Khổng Tử mất, học trò Khổng Tử vốn là người ở nhiều nước, đem tư tưởng của thầy về truyền bá ở nhiều nơi khác nhau. Vì vậy, vài thế kỷ sau khi Nho gia- học phái tôn sùng Khổng Tử- đã chia ra làm tám phái khác nhau, trong đó, nổi bật nhất là hai phái: Mạnh Tử và Tuân Tử. Về sau phái Mạnh Tử được coi là chính truyền nên Nho giáo cũng thường gọi là học thuyết Khổng Mạnh. Mạnh Tử (372- 289 trước công nguyên) được tôn là Á thánh. Tư tưởng của Mạnh Tử được truyền bá rộng rãi ở Trung Quốc và cả ở Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Tư tưởng Mạnh Tử lưu truyền lại trong sách Mạnh Tử. Đó cũng là một kinh điển quan trọng của Nho giáo.

Được coi là kinh điển của Nho giáo không chỉ có các Kinh, tức là Ngũ kinh: Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu, mà còn có cả các Truyện. Truyện là sách để truyền kinh, thuyết minh nội dung và tinh thần, tư tưởng của các kinh. Thành phần của các tác phẩm được coi là truyện có thay đổi ít nhiều qua các thời kỳ, thay đổi thành phần và thay đổi vị trí quan trọng.
Các nhà nghiên cứu lịch sử Nho giáo thường lưu ý đến sự khác nhau giữa Nho giáo thời Tiên Tần (hay thời Xuân Thu- Chiến Quốc) tức là từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên với Nho giáo đời Hán (từ thế kỷ II trước Công nguyên đến thế kỷ II sau Công nguyên) với Nho giáo đời Tống- cũng gọi là Tân Nho giáo (Néo-Confucianisme)- Nho giáo thế kỷ thứ XII và ảnh hưởng lớn về sau này. Trong ba thời kỳ đó, vai trò xã hội của Nho giáo có khác nhau, cho nên cách hiểu, cách giải thích có khác nhau. Tôi không đi sâu vào các vấn đề lịch sử triết học phức tạp mà chỉ nói vấn đề thay đổi thành phần các truyện, thay đổi vị trí của các truyện.

Thời Tiên Tần trong tình trạng “bách gia tranh minh”, các học phái tranh luận tự do, Nho giáo cũng chỉ là một phái, thậm chí là một phái lép vế trước các học phái khác, chưa thể nói đến kinh điển. Căn cứ lý luận của Nho gia lúc đó là Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, là sách Luận Ngữ. Ngay đến sách Tuân Tử, Mạnh Tử cũng chỉ là ý kiến của một phái, một người. Chưa có sách nào gọi là truyện.

Nhà Hán, từ Hán Võ Đế (111- 87 trước Công nguyên) mới chủ trương độc tôn Nho giáo, dùng Nho giáo để trị nước. Biến nó thành học thuyết chính thống của nhà nước, dựa vào nó để cai trị và để thi cử, nên phải xác định thành phần kinh điển, xác định cách giải thích kinh điển. Được dùng để biện minh cho chế độ chuyên chế, cho đế chế nên Nho giáo được nhấn mạnh ở tư tưởng thiên mệnh, tư tưởng nghĩa và lễ, ở tinh thần phục tùng của người dưới đối với người trên. Kinh chủ yếu được đề cao là Kinh Xuân Thu và truyện chủ yếu là Tả Truyện và Hiếu Kinh. Nho giáo đời Hán không những thành kinh viện, máy móc, khắt khe mà còn thành một lý thuyết tôn giáo.

Đến đời Tống (960-1297), đúng hơn là từ Hàn Dũ (768-824) đời Đường đã xuất hiện một dòng tư tưởng chống đối Phật giáo, Đạo giáo và cả thứ Nho giáo chính thống được triều đình nhà Đường (618-906) truyền bá. Hàn Dũ kêu gọi trở về với tư tưởng nhân nghĩa của Khổng Tử, đề cao Mạnh Tử và trở thành một ngọn cờ tư tưởng có ảnh hưởng lớn. Đến thế kỷ XII, đời Tống, dòng tư tưởng này được một loạt nhà nho phát triển. Nổi bật trong tên tuổi các nhà nho, đó là anh em Trình Hạo (1032-1085), Trình Di (1033-1107) và nhất là người học trò của họ là Chu Hy (1130-1200). Các nhà nho đời Tống quan tâm đến các vấn đề triết học, chú ý giải quyết các vấn đề vũ trụ quan, bản thể luận, làm cho học thuyết Nho giáo có hệ thống hoàn chỉnh. Vì vậy, họ đề cao Kinh Dịch và tách hai thiên trong Kinh Lễ là Trung Dung và Đại Học làm thành sách độc lập, coi đó là hai truyện quan trọng. Từ Trình Chu, bốn bộ sách: Luận Ngữ, Mạnh Tử, Trung Dung, Đại Học mới được gọi chung là Tứ truyện. Vì công chú thích lại toàn bộ kinh, truyện, đến năm 1414 khắc in với tên Ngũ kinh Đại toàn và Tứ thư Đại toàn, anh em học Trình và Chu Hy- gọi chung là Trình Chu- được coi là bậc đại hiền và nhiều người gọi Nho học Khổng Mạnh Trình Chu mặc dù trong Nho giáo đời Chiến Quốc, Mạnh Tử không phải là nhà tư tưởng xuất sắc nhất và trong Nho giáo đời Tống, Trình Chu cũng không phải là xuất sắc nhất. Nhưng lịch sử đã lựa chọn chính dòng đó để truyền bá rộng rãi, không chỉ ở Trung Quốc mà cả ở Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.

Đã hai mươi lăm thế kỷ, kể từ khi Khổng Tử ra đời. Nho giáo thành một học thuyết có ảnh hưởng lớn trong văn hoá các nước Đông Á. Tuy từng thời kỳ và từng nước có những điều kiện thực tế khác nhau nên nội dung Nho giáo cũng được hiểu ít nhiều có khác nhau. Có những xu hướng có ở nước này mà không có ở nước khác. Ví dụ như “tâm học” của Vương Dương Minh, ra đời ở Trung Quốc, có ảnh hưởng sâu trong tư tưởng cận đại Nhật Bản, nhưng ở Việt Nam thì hầu như không ai chú ý. Tuy vậy, cả ba thời kỳ và cả ở bốn nước, Nho học vẫn chỉ phát huy và không có chút nghi ngờ nào về những điểm cơ bản đã được Khổng Tử đặt nền móng. Cả bốn nước đều coi Ngũ kinh và Tứ thư là kinh điển.
Ở Trung Quốc và Nhật Bản còn có những học phái bài bác Chu Hy, còn ở Việt Nam thì từ thế kỷ XV cho đến thế kỷ XIX chỉ có tư tưởng Khổng Mạnh với cách giải thích của Trình Chu là được lưu hành, không gặp sự dị nghị nào cả. Cho nên học thuyết của Nho giáo, hiểu một cách tinh giản, chính là tư tưởng của Khổng Tử trong sách Luận Ngữ được làm sáng tỏ hơn bằng cách đối chiếu với Ngũ kinh và Tứ truyện do Tống Nho lựa chọn.

2. Khổng Tử hoạt động vào cuối thời Xuân Thu. Mạnh Tử hoạt động vào giữa thời Chiến Quốc. Xuân Thu- Chiến Quốc là một thời kỳ loạn lạc triền miên dài đến năm thế kỷ, biểu hiện bằng những cuộc chiến tranh không ngớt giữa các nước chư hầu nhà Chu để giành đất, giành dân của nhau. Muốn hiểu rõ hơn chúng ta có thể đọc Đông Chu liệt quốc, bộ tiểu thuyết nhiều chương, hồi, trình bày lịch sử thời đó. Chiến tranh liên miên đưa đến kết quả là hầu hết các nước chư hầu theo con số trong sử sách lên đến hơn tám trăm nước, đã bị tiêu diệt dể còn lại vài chục nước thời Xuân Thu và bảy nước thời Chiến Quốc, cho đến năm 221, Tần Thuỷ Hoàng đánh bại được tất cả để thành lập đế chế thống nhất. Với thực tế chiến tranh, cuộc sống của nhân dân cực kỳ điêu đứng. Sử sách còn ghi là vào thời đó người ta phải “đổi con cho nhau mà ăn thịt, chẻ xương ra làm củi đun nấu”. Khổng Tử và Mạnh Tử rất đau xót trước tình trạng đó của đất nước và lập chí tìm đường cứu đời ra khỏi cảnh loạn ly. Khổng Tử chê trách cả thời Xuân Thu không có cuộc chiến tranh nào là chính nghĩa. Mạnh Tử tố cáo nỗi khổ của nhân dân phải lìa cửa lìa nhà đi lưu lạc, bỏ xác nơi ngòi rãnh trong lúc vua chúa sống xa hoa và gây chiến tranh, thế mà vua chúa vẫn tự xưng là cha mẹ dân. Khổng Tử cũng như Mạnh Tử dành một quãng đời khá dài đi chu du các nước tìm một ông vua biết nghe lời mình, thay đổi cách trị nước có lợi cho dân, nhưng chưa bao giờ họ tìm được. Trong một chuyến đi sang nước Vệ, Khổng Tử chưa tìm ra đường đến bến để qua sông. Ông cho học trò là Tử Lộ tìm người để hỏi. Có hai người ẩn sĩ đang bừa cỏ nghe Tử Lộ nói người cần hỏi đường là Khổng Tử thì chế giễu “Ông Khổng Khâu thì cần gì phải hỏi đường!”. Và họ không chịu chỉ. Tử Lộ về mách lại với thầy. Khổng Tử ngậm ngùi mà nói: “Chim thì sống theo đàn, muông thú thì sống theo bầy. Ta là con người. Ta không thể sống theo chim, theo muông thú được. Nếu con người không gặp cảnh loạn ly thì ta có chạy vạy mà làm gì”. Mối quan tâm chi phối hành động của vị tổ sư Nho giáo là cứu đời, là vì con người. Ông nói: “Người nào lần đầu tiên nghĩ ra chuyện lấy hình con người mà tạc bù nhìn, người đó không nên có con cái”. Theo ông, làm như thế là xúc phạm đến con người. Đó là khuynh hướng nhân đạo chủ nghĩa xuyên suốt tư tưởng của Nho giáo.

Muốn cứu đời thì phải chấm dứt sự loạn ly. Nhưng thế nào là loạn? “Loạn” theo Khổng Tử là cảnh tranh giành, kiện tụng và chiến tranh, tức là con người giành giật, giằng xé nhau đến mức “con giết cha, tôi giết vua” cũng không từ. Vậy cái gì xui khiến con người đến nỗi như vậy? Theo Khổng Tử, đó là vì con người ai cũng muốn giàu hơn, muốn sang hơn, không chịu bằng lòng với cái mình có, muốn vượt phận vượt vị để giành cho được nhiều hơn. Xui con người tranh giành nhau là dục vọng cá nhân. Khổng Tử không nói nhiều đến dục vọng, chưa lên án dục vọng. Nhưng về sau thì Mạnh Tử đối lập dục vọng với bản tính theo điều thiện của con người. Mạnh Tử nói tính con người theo điều thiện cũng như tính nước chảy xuôi, như cây mùa xuân nảy mầm ra lộc. Dục vọng như trâu, dê cứ nhè mầm lộc ấy mà ngắt, mà phá. Cho nên muốn chấm dứt loạn thì phải chấm dứt sự tranh giành, chấm dứt kiện tụng và chiến tranh, phải làm cho con người không chạy theo dục vọng ích kỷ mà lao vào con đường ấy. Khổng Tử bao giờ cũng nhìn việc tranh giành là chuyện tiêu cực. Theo ông chỉ ngoại trừ hai trường hợp: ganh đua trong khi thi bắn cung và ganh đua làm điều nhân. “Giành nhau làm điều nhân thì không nhường cả thầy”.

Đối lập với “loạn” là “trị”. Khổng Tử mong ước và tin tưởng có thể lập ra một xã hội như vậy. Hơn thế ông còn nghĩ có thể lập ra một xã hội vĩnh viễn trị như vậy. Khổng Tử nói: “Kẻ thiện nhân cai trị một trăm năm thì có thể khắc phục được sự tàn bạo và xoá bỏ việc giết người”. Ông lại nói: “Xử kiện cho công bằng thì ta cũng làm như người khác thôi. Cái ta muốn là không có kiện tụng kia”. Cho nên lý tưởng của Nho giáo là xây dựng một xã hội- theo từ của họ là “một thiên hạ”- hoà mục (hoà), ổn định (bình) và trật tự (tự). Trong xã hội đó, mọi người sống yên vui với cảnh êm ấm như trong gia đình hoà thuận: cha thương con và con hiếu thảo với cha, anh thương em và em nghe lời anh, chồng thương vợ và vợ phục tùng chồng. Một xã hội tốt không chỉ là xã hội hoà mục thân ái, mà còn là một xã hội ổn định ít xáo trộn, một xã hội có trật tự, không lộn xộn.

Muốn xây dựng một xã hội như vậy cần phải:
- Thiết lập một xã hội tốt.
- Đào tạo một con người tốt.
- Theo một biện pháp có hiệu quả nhất.
3. Thiết lập một xã hội tốt.

Nói xã hội là nói theo cách của chúng ta ngày nay. Lúc bấy giờ hình dung cuộc sống xã hội qua cách tổ chức khác: không có đất nào là đất không có chủ. Đất đai dưới trời là thiên hạ, thiên hạ thuộc về thiên tử; thiên tử cắt thiên hạ ra thành nhiều nước giao cho các bề tôi của mình làm vua cai quản; vua làm chủ nước (quốc); vua chư hầu lại cũng cắt một số vùng đất trong nước giao cho các quan khanh, quan đại phu để làm thực ấp- gọi là gia (tức là nhà)- Đó vừa là tổ chức nhà nước vừa là xã hội nội bộ của từng lớp quý tộc thượng lưu. Trong tổ chức đó người này và người khác được phân biệt và ràng buộc với nhau theo các quan hệ chúa tôi, họ hàng bà con và quan hệ tình nghĩa cố cựu. Bên ngoài tầng lớp thượng lưu quý tộc đó là “dân” sống theo làng, theo họ thành các hộ gia đình. Chủ các thực ấp, vua chư hầu và thiên tử thu cống phú hay là thuế của dân, đồng thời thường điều động dân đi phục dịch (đi phu), điều động dân làm lính trong các cuộc chiến tranh, đánh lẫn nhau.

Chủ trương xây dựng một xã hội tốt, một xã hội bình trị của Khổng Tử có thể tóm tắt thành các mặt:

a) Một chính quyền thống nhất, một xã hội quy về một mối và đầu mối là thiên tử.

Muốn mọi người không tranh giành nhau thì phải có người làm chủ, người chủ trì, người trọng tài không để xảy ra tình trạng mọi người làm theo ý riêng, chạy theo quyền lợi riêng. Thiên tử phải là người làm chủ. Cho nên Khổng Tử nói: “Khi nước có đạo thì những việc lớn như lễ nhạc, đánh dẹp phải do thiên tử quyết định, việc chính sự không do các quan đại phu quyết định và dân thường không bàn tán”; người nào “không ở chức vụ nào đó thì không bàn công việc của chức vụ đó”. Biểu hiện của việc thu về một mối là thiên tử nắm quyền sở hữu “đất đai dưới gầm trời” và coi “tất cả những người ở trên đất ấy đều là thần dân”. Thiên tử cũng như người cha chung của tất cả.

Vì thiên tử là cha chung, là người thực hiện cục diện thống nhất nên thiên tử cũng là người chịu trách nhiệm sắp xếp lại tật tự, phân phối quyền lợi cho mọi người. Mỗi người đều có chỗ đứng (vị) trong xã hội. Căn cứ vào chỗ đứng đó mà mỗi người đều có “quyền” và có “lợi” của mình. Mỗi chỗ đứng (vị) đều phải được xác định rõ ràng bằng một tên gọi (danh). Cả tập hợp danh, vị, quyền, lợi cho mỗi người là phận của người ấy. Thần dân bao gồm cả quan và dân. Cho nên thiên tử định quan tước và cấp bổng lộc cho quan và cung cấp ruộng cho dân. “Quan thì có tước và dân thì có ruộng”, tất cả đều do thiên tử ban phát cho, đều là do ơn vua. Lợi là ruộng đất, bổng lộc. Còn quyền có cả về mặt vật chất và tinh thần: quyền đi trước, đi sau, đứng trước, đứng sau, nói trước, nói sau, ngồi trên, ngồi dưới, quyền mặc áo màu gì, bằng tơ hay bằng vải, thậm chí ngắn hay dài, được đi giày hay dép hay chỉ được đi chân đất, làm nhà kiểu này hay kiểu khác… Tất cả đều được quy định thành văn hay chỉ thành lệ, nhưng nếu vi phạm thì hoặc là bị chê trách hoặc bị xử phạt. Đó là “lễ”. Lễ để phân biệt trên dưới theo trật tự và làm cho mọi người ăn nói, đi đứng, hành động tương ứng với danh vị được thiên tử sắp xếp: quan thì có tước mà dân thì có hạng. Tước, hạng hay danh vị là cơ sở để tạo lập trật tự xã hội. Cái quan trọng không phải là sở hữu mà mỗi người bằng cách này hay cách khác giành được mà là danh vị do bề trên sắp xếp cho.

Nói đến quyền lợi, tất nhiên phải nói đến quyền lợi vật chất, quyền lợi kinh tế. Nho giáo cũng không phải hoàn toàn coi thường quyền lợi vật chất, quyền lợi kinh tế. Khổng Tử rất coi trọng việc làm cho dân giàu. coi vịêc đó còn quan trọng hơn cả việc giáo hoá, đồng thời coi việc ai cũng muốn giàu, muốn sang là chuyện tự nhiên. Mạnh Tử đã ý thức được vai trò của hoàn cảnh. Ông nói năm mất mùa thì con em nhiều người hung bạo, người có hằng sản thì dễ có hằng tâm, nếu con người sống no đủ thì việc làm theo điều thiện cũng nhẹ nhàng hơn. Cho nên, Nho giáo, bắt đầu ngay từ Khổng Mạnh đã quan tâm đến đời sống kinh tế. Nhưng họ lại còn quan tâm hơn đến một trật tự hợp lý trong xã hội- hay đúng hơn là thiên hạ- thống nhất. Vì vậy, đời sống kinh tế từng người phải tương ứng với danh vị hay phận vị của họ. Đó là quan niệm xuất phát của chủ trương “chế dân sản”, tức quy định tài sản của dân của Mạnh Tử. Mạnh Tử tính toán nếu mỗi gia đình (họ) có 100 mẫu ruộng (mẫu Trung Quốc không rộng như mẫu Bắc Bộ) chăm lo cày cấy thì có thể nuôi sống 9 người, năm được mùa có thể sống dư dật, còn năm mất mùa cũng không đến nỗi đói khổ. “Mỗi hộ nếu có 5 mẫu vườn lo trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi gà lợn thì “người già có lụa mặc, có thịt ăn, không phải vất vả đội vác ngoài đường” đó là mức mà người dân có thể dựa vào đó mà “ngửng lên có thể phụng dưỡng được cha mẹ, cúi xuống có thể nuôi nấng được vợ con”; và nếu được như vậy thì họ làm theo điều thiện không có khó khăn gì. Cho nên đấng vương giả- người cai trị giỏi, có đức, biết thương dân- phải tìm cách thoả mãn yêu cầu đó và đồng thời bảo đảm tương quan hợp lý đúng với danh vị từng người: người có danh vị cao sang thì phải có của cải nhiều hơn. Tương quan hợp lý như vậy Khổng Tử gọi là “quân” (thường dịch là “đều” nhưng không thật chính xác). Khổng Tử nói “Bất hoạn quả nhi hoạn bất quân, bất hoạn bần nhi hoạn bất yên. Cái: quân, vô bần; hoà vô quả; yên: vô khuynh”. Dịch nghĩa là “Không sợ ít mà sợ không “quân” (đều); không lo nghèo mà lo không yên. Bởi lẽ: đã quân (đều) thì không có nghèo; đã hoà thuận thì không có ít (chuyện nhiều hay ít); đã yên, không rối loạn thì không có chuyện nghiêng đổ”. Quân không phải là đều, không phải là cào bằng ai cũng như nhau mà là không quá chênh lệch, bất hợp lý. Theo Mạnh Tử nếu như vua có 10, quan khanh có 1; quan khanh có 4, quan thượng đại phu có 1; thượng đại phu có 2, trung đại phu có 1… tức là người trên hơn người dưới trực tiếp ở mức như vậyvẫn là quân, là hợp lý. Đó là nói tước lộc cho quan. Còn dân cũng theo hạng mà nhận ruộng: người ít nhất cũng ở mức 100 mẫu để đủ ăn và người đó được hưởng thụ ngang với bậc hạ sĩ, thấp nhất trong quan chức. Chỉ khác là dân thì nhận ruộng cày để làm ra, còn người hạ sĩ cũng như các quan chức khác thì được hưởng bổng lộc lấy từ tô thuế do dân nộp. Để thực hiện sự phân phối ruộng đất cho dân và tước lộc cho quan, Mạnh Tử đề xướng chế độ “tỉnh điền”, chia ruộng theo hình chữ tỉnh: 9 ô vuông, mỗi ô 100 mẫu, 8 hộ nông dân cày các ô xung quanh tự thu hoạch và cũng cày 1 ô ở giữa để nộp thuế cho vua. Như thế là thực hiện thuế suất một phần mười. Thuế suất một phần mười, theo Khổng Mạnh là thuế suất hợp lý theo đúng thể chế Tiên Vương, nặng hơn là tàn tàn bạo, bóc lột dân; mà nhẹ hơn là man mạch thiếu văn hoá, nhà nước quá đơn giản chưa hình dung đến nhưng chi tiêu vì lợi ích chung. Quốc gia thống nhất quy về một mối như vậy là một quốc gia có tổ chức từ trên xuống dưới cả về mặt chính trị, cả về mặt xã hội; mỗi người đều có vị, có phận rõ ràng không hề tranh giành nhau được. Cần nói thêm là phận tương ứng với vị là bảo đảm cho sự hợp lý, sự công bằng (quân) nên mọi người phải tôn trọng, không được tìm cách kiếm thêm, làm giàu ngoài phận vị. Cho nên Mạnh Tử lên án việc khai thác đường thiên đường mạch, tức là đất để hoang, vì làm thế thì người khai khẩn có thể có gấp mấy lần số ruộng đáng có!

Một lần vua Tề hỏi Mạnh Tử: “Thiên hạ như thế nào thì ổn định?” Mạnh Tử trả lời: “Thống nhất thì ổn định”. Vua hỏi: “Ai có thể thống nhất được?” Mạnh Tử trả lời: “Ai không thích giết người thì sẽ thống nhất được”. Ở đây ngoài nội dung thống nhất thì ổn định còn có nội dung là người cầm quyền phải có đức, không thích giết người mới có thể thống nhất được. Theo tư tưởng truyền thống, ngôi vua là do mệnh Trời; từ nhà Chu mới thêm Trời giao ngôi vua cho người có đức và đến đây nói thêm nội dung của đức là lòng nhân. Từ tư tưởng dùng đức đó mà hình thành quan niệm người cầm quyền tức vua và quan là cha mẹ dân, nhà nước với dân có quan hệ cha con.

Tư tưởng thống nhất về một mối là điểm xuất phát cho việc bảo vệ dòng chính thống, có mệnh Trời. Cũng từ tư tưởng dó mà có việc giữ lòng trung nghĩa, không chấp nhận sự phản nghịch, sự tiếm việt, xâm phạm đến ngôi vua. Khổng Tử là người rất kiên trì tư tưởng “tôn vương” thể hiện thành nguyên tắc để biên soạn kinh Xuân Thu và chống tội tiếm việt của nhiều nhà quý tộc đương thời. Về sau Hán Nho và Tống Nho hoặc là theo hướng tôn giáo, hoặc là theo hướng triết học tìm mọi cách phát huy tư tưởng tôn vương, chính thống đó. Nội dung nhất quán vẫn là thống nhất về một mối thì tránh được loạn, giữ được trật tự, ổn định.

b) Một xã hội khắp nơi có trật tự trên dưới:

Một xã hội không loạn cũng là xã hội có trật tự, không lộn xộn. Vì vậy, các ông tổ Nho giáo đã mong ước lập một tổ chức xã hội mà ở đâu cũng có trên, có dưới phân minh phổ biến thì đó là trật tự của danh vị. Nhưng ngoài ra còn có những quan hệ trên dưới khác không thuộc phận vị. Trong gia đình, đó là quan hệ cha và con, anh và em, chồng và vợ. Trong xã hội căn cứ vào tuổi tác, chức tước, cha anh và con em về họ hàng mà sắp xếp trên dưới. Tuy sách vở vẫn nói ai cũng là con người, bốn bể là anh em, nhưng Nho giáo không tán thưởng sự bình đẳng mà ngược lại cường điệu quan hệ trên dưới, đặt ra lễ tiết quy định cách ăn nói, đi đứng, thưa gửi làm cho bất cứ ai ở trong hoàn cảnh nào cũng nhận ra ngay xung quanh mình ai là trên ai là dưới để ứng xử đúng đắn. Là người trên thì phải thương yêu, bao dung kẻ dưới, là người dưới thì phải kính nhường, nghe theo người trên. Cư xử không đúng cương vị kẻ trên người dưới ít nhất cũng bị chê cười là thiếu hiểu biết. Vi phạm trong những trường hợp trường hợp nghiêm trọng còn có thể bị xử phạt.
Giữ gìn trật tự trên dưới là một cách tránh sự lộn xộn, sự tranh giành.

c) Một thế giới hoà mục như trong gia đình:

Nho giáo coi giữa con người và con người có năm quan hệ gọi là ngũ luân: cha- con, anh- em, vợ- chồng, bè bạn và vua- tôi. Về sau được nhấn mạnh ba trong năm quan hệ đó được coi là cơ bản nhất, tức là tam cương: cha- con, vua- tôi và vợ- chồng. Ngoài ra họ cũng nói đến ba ngôi tôn quý là vua, cha  thầy. Theo Khổng Tử thì cách trị nước là làm cho “vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con”. Đó là cách quan niệm của một xã hội luân thường và một con người chức năng theo luân thường. Con người có giá trị hay không là ở chỗ hoàn thành hay không hoàn thành chức năng là cha hay là con, là vua hay là tôi, là anh hay là em.

Đáng chú ý là tuy năm quan hệ đã đề cập đến con người trong đời sống gia đình, xã hội và với nhà nước; nhưng quan hệ vua- tôi (nhà nước với dân) lại đồng nhất với cha- con, quan hệ bạn bè (xã hội) lại đồng nhất với anh- em. Thế là các quan hệ xã hội và với nhà nước đều quy về các quan hệ gia đình. Nho giáo lấy gia đình để hình dung thế giới: những cộng động như họ, làng, nước, thế giới cho đến cả vũ trụ, tuy có phạm vi rộng hẹp khác nhau nhưng đều được coi giống như gia đình, tức là với các quan hệ cha- con, anh- em và vợ- chồng, có trên có dưới. Người trên (cha, anh và chồng) phải thương yêu, chăm sóc người dưới và người dưới (con, em và vợ) phải thương yêu, phục tùng và biết ơn người trên. Cách cư xử đúng chức năng như vậy làm cho gia đình thuận hoà, êm ấm. Theo Nho giáo áp dụng cách thức như vậy trong quan hệ xã hội và trong quan hệ nhà nước, giữa người cầm quyền và dân cũng tạo ra một cảnh êm ấm thuận hoà. Đó là cách lấy gia đình thuận hoà làm mẫu để xây dựng xã hội thái bình, hoà mục, trật tự và ổn định.

Lấy gia đình làm mô hình hình dung thế giới, nên trong quan hệ xã hội và quan hệ giữa dân với nhà nước ta cũng quen gọi bằng chú, bằng bác, bằng cô, tạo ra một thứ chủ nghĩa gia đình nhiều khi cũng êm ấm, nhưng không bao giờ là rành mạch được cả.

4. Ra sức tu thân và làm cho mọi người đều thiện:

Nho giáo mong có một xã hội tốt đẹp, nhưng không phải là bằng cách làm điều lợi, bỏ điều hại, kinh doanh, làm cho phú cường… mà bằng cách làm cho mọi người đều nỗ lực tu dưỡng đạo đức để tất cả đều thiện. Sách Đại học nói: “Từ thiên tử cho đến người dân thường ai ai cũng lấy tu thân làm gốc”.

Nho giáo quan tâm đến việc bồi dưỡng nên những người có đạo đức. Vậy Nho giáo quan niệm thế nào là có đạo đức? Người “quân tử” mà Khổng Mạnh nói đến có rất nhiều phẩm chất. Ở đây chỉ nói đến những mặt mà Nho giáo coi là cơ bản.

a) Nói trung tín, làm đốc kính, tức là trung thực, có sao nói vậy, không giả dối quanh co, đã nói là giữ lời; trong việc làm cẩn thận và hết lòng, không coi thường, gặp sao hay vậy.

b) Hiếu đễ. Nho giáo coi ăn ở hết lòng với cha mẹ và biết kính nhường anh, chị là điểm cực quan trọng trong đạo đức vì đã ăn ở không tốt với cha, với anh mình thì cũng không thể tốt với người khác được.

c) Trung thứ, nhân hậu. Yêu quý người khác, coi người khác cũng như mình “cái gì mình không muốn thì không làm cho kẻ khác”. Đòi hỏi ở mình trước rồi mới đòi hỏi ở người khác . Sống hoà mục, trung hậu.

d) Khiêm tốn, nhường nhịn. Người quân tử không bao giờ được kiêu căng, tranh giành với người khác. Cam chịu phần kém, không oán Trời, trách người, không giành giật, không chê bai, châm chọc.

e) Trong việc tang ma, thờ cúng nhưng chỉ là để tỏ lòng biết ơn tổ tiên chứ không mê tín quỷ thần, cúng vái để cầu phúc.

Có thể nói tóm tắt, con người có đạo đức theo Nho giáo là con người chăm lo tu dưỡng, sống khiêm tốn, cẩn thận, nhân ái, có trách nhiệm kính trên, nhường dưới, sống thân ái, hoà mục với người khác.

5. Giáo hoá quan trọng hơn cai trị.

Nho giáo từ Khổng Tử đến Mạnh Tử, vốn là một học thuyết rất coi trọng chính trị, coi việc cầm quyền, làm vua hay làm quan là một cơ hội tốt, một phương tiện tốt để hành đạo. Nhưng trong lý thuyết Nho giáo, trị nước bằng chính sách, bằng luật pháp, bằng hình phạt không có hiệu quả tốt bằng cách giáo hoá cho dân. Khổng Tử nói: “Dùng chính sách để hướng dẫn dùng hình phạt để mọi người nghe theo thì dân (sợ hãi nên) tránh được tội nhưng không biết xấu hổ (vì làm bậy). Dùng đức để hướng dẫn, dùng lễ để mọi người nghe theo thì người dân không phạm tội, biết xấu hổ lại còn cảm kích sự dạy dỗ nữa”. Cho nên, Mạnh Tử nói: “Cai trị giỏi không bằng giáo hoá giỏi. Cai trị giỏi lấy được của cải của dân, giáo hoá giỏi mới lấy được lòng dân”. Khổng Tử rất quan tâm ở chỗ lòng dân vui theo nên nhấn mạnh cách cai trị bằng đức (đức trị), tức là người cầm quyền thương dân và làm gương cho dân theo. Khổng Tử nói: “Cai trị bằng đức giống như sao Bắc thần đứng ở chỗ của nó mà các sao khác châu tuần xung quanh nó”. Khổng Tử cũng nói đến cai trị bằng lễ, tức là đặt ra các việc phải làm, nên làm, hợp với các vị trí, hợp với các trường hợp, hoàn cảnh, giáo dục cho mọi người, biến thành phong tục, thành tập quán và người ta làm theo như một nền nếp văn hoá, tự nguyện chứ không phải do bị cưỡng bức. Đức trị và lễ trị chú ý cảm hoá mọi người, chú ý sự tự nguyện, khác với pháp trị dựa vào sự cưỡng bức bằng thưởng và phạt, làm cho con người vì lợi (thưởng) hay sợ (phạt) mà làm theo. Nho giáo coi trọng trật tự trên dưới, coi trọng vai trò người cầm quyền, việc cai trị bằng người (nhân trị), coi trọng việc dân nghe theo người cầm quyền, cho nên không tán thành pháp trị và cách cai trị bằng chính sách và hình phạt. Cách cai trị tốt đẹp được Khổng Tử coi trọng còn là văn trị, tức là dùng lễ nhạc, văn hiến để hấp dẫn làm cho người ở xa vui thích mà theo về.

Đó là nội dung coi trọng giáo hoá hơn cai trị, coi trọng theo gương hơn thưởng phạt, coi trọng lễ nhạc hơn hành chính, coi trọng lòng dân, sự tự nguyện của dân hơn là sự cưỡng bức, kể cả việc khuất phục bằng bạo lực hay khuất phục bằng của cải.

Nội dung chuộng đức đó làm cho Nho giáo từ Khổng Mạnh cường điệu nhân nghĩa, cường điệu đến đối lập nhân nghĩa với lợi.

Mạnh Tử yết kiến Lương Huệ Vương. Vương nói: “Cụ không coi ngàn dặm là xa mà đến với ta, chắc cũng có điều gì định làm lợi cho nước ta chăng?” Mạnh Tử nói: “Sao vua lại nói lợi? Chỉ có nhân nghĩa mà thôi. Nếu vua nói có gì làm lợi cho nước ta thì quan đại phu sẽ hỏi có gì làm lợi cho nhà ta; sĩ và thứ nhân sẽ hỏi có gì làm lợi cho thân ta. Trên dưới đua nhau giành lợi thì nước nước nguy mất”.

6. Điều cốt lõi của học thuyết Nho giáo: Nhân nghĩa. Nội dung và chỗ hạn chế.

Khổng Tử hết sức đề cao đức “nhân”. Không phải đến Khổng Tử người ta mới nói đến điều đó. Nhưng Khổng Tử đã đưa nhân lên thành đức mục cao nhất, coi đó là đích của sự tu dưỡng, là tinh thần của lễ nhạc, là nội dung chính trị của thánh nhân. Bằng cách đó, Khổng Tử đã mở đầu làm cho Nho giáo thành một học thuyết nhân đạo chủ nghĩa (humaniste). Khổng Tử nói rất nhiều lần về đức nhân nhưng trong Luận Ngữ lại không có một định nghĩa rõ ràng về đức mục trung tâm đó của Nho giáo. Khổng Tử cũng nhiều lần nói đến “nghĩa” nhưng trong Luận Ngữ, nghĩa cũng chưa có nội dung thật xác định. Chỉ hơn một thế kỷ sau khi Mặc Tử với thuyết “kiêm ái” công kích chữ nhân của Khổng Tử là yêu lấy người của mình (biệt ái) và đưa ra nội dung chữ nghĩa với nội dung vì người khác: có của đưa cho người khác tiêu, có sức đem giúp người khác, thì Mạnh Tử kịch liệt chống lại và mới trình bày rõ nội dung “nhân” và “nghĩa” theo cách hiểu của mình và cũng bắt đầu nói “nhân nghĩa” với một nội dung đặc biệt có tính Nho giáo.

Theo sách Luận Ngữ, Khổng Tử nói: “Nhân là yêu người”. Và ở một chỗ khác nhân là trung thứ. Trung thứ là “cái mình không muốn thì đừng làm cho kẻ khác, cái mình mong có thì làm cho người khác có”. Như thế là căn cứ vào chỗ mình và người khác cũng giống nhau. Nhưng còn vấn đề con người được hiểu như thế nào? Giữa những con người quan hệ với nhau theo cách nào? Khổng Tử nói: “Đạo của người quân tử có bốn điều mà Khâu này (Khổng Tử tự xưng tên) chưa làm được điều nào. Cái mình mong con mình làm cho mình thì mình làm cho cha mẹ mình. Cái mình mong em mình làm cho mình thì mình làm cho anh mình. Cái mình mong tôi tớ của mình làm cho mình thì mình làm cho vua mình. Cái mình mong bè bạn làm cho mình thì mình làm trước cho họ”. Như thế thì tuy là con người ai cũng giống nhau nhưng họ không chỉ là người với người mà còn có quan hệ cha- con, anh- em, vua- tôi, bè bạn, và lòng trung thứ là đối xử theo các quan hệ như vậy. Cho nên yêu con người theo Nho giáo, không nhấn mạnh cạnh khía ai cũng như ai, cạnh khía con người để trở thành bác ái, kiêm ái mà yêu có phân biệt, phân biệt theo quan hệ của trật tự xã hội: quan hệ sang hèn theo danh vị, quan hệ đẳng cấp quân tử và tiểu nhân, quan hệ thân sơ theo họ hàng.

Nhân cao hơn các đức mục khác, có phần bao gồm các đức mục khác, nhưng “nhân” cũng có những tiêu chí riêng, khác với những đức mục khác, khác với có đạo đức nói chung. Cho nên Khổng Tử khen Lãnh doãn Tử Văn trung, khen Trần Văn tử là trong sạch mà không biết có nhân hay không, mặc dù hai người đó về mặt đạo đức được mọi người đánh giá cực cao. Vậy tiêu chí để nhận diện là nhân là những gì?

Khổng Tử nói: “Ai làm được năm điều này trong thiên hạ, người đó là nhân: cung, khoan, tín, mẫn, huệ”. Cung là khiêm tốn, biết tôn trọng người và tôn trọng công việc, không coi thường thành ra kiêu ngạo, thành ra không chu đáo. Khoan là rộng rãi, không riết róng, thu nhận của người đến kiệt. Tín là nói sao làm vậy, coi trọng lời hứa. Mẫn là nhanh nhẹn, linh hoạt, không lề mề, trì độn, ỳ ra. Huệ là rộng rãi, không bủn xỉn, keo kiệt, cho người không tiếc rẻ, không bớt xén. Làm được năm điều đó thì dân vui lòng nghe theo, dân tín, dễ sai khiến dân… Đó là đức mục của người cầm quyền trong quan hệ với dân. Nhân như vậy đòi hỏi phải xuất phát từ lòng thương người, từ sự tôn trọng con người mà làm việc có hiệu quả, có công ơn với dân.

Vì lẽ đó có học trò hỏi Khổng Tử: “Có người thi ơn rộng rãi với người khác và giúp đỡ được nhiều người, như thế đã là nhân chưa?” Khổng Tử trả lời: “Sao lại là nhân! Đó là “thánh” kia! Nghiêu Thuấn cũng còn coi thế là khó”. Như thế là còn có bậc cao hơn nhân là thánh, và tiêu chí để đánh giá hay nội dung thực chất là người cầm quyền có lòng thương dân rộng rãi và có công trạng giúp ích cho dân.

Sau khi Mặc Tử công kích nhân như Khổng Tử chỉ là biệt ái, yêu lấy người của mình chứ không coi mọi người như nhau, đề ra thuyết “kiêm ái” và chủ trương: “Anh hãy yêu cha mẹ người khác rồi người khác sẽ yêu cha mẹ anh. Như thế thì cha mẹ anh sẽ được yêu nhiều hơn (vì được nhiều người yêu)”. Mạnh Tử chống lại kịch liệt, lên án Mặc Tử là không có cha vì coi cha cũng như người dưng. Mạnh Tử để nhiều công sức làm sáng tỏ học thuyết nhân nghĩa của Nho gia bằng cách:

Nhấn mạnh sự phân biệt theo thân sơ, theo tước vị, theo đẳng cấp và chủ trương chia ra thứ bậc: thân thiết với người thân (thân thân), nhân từ với nhân dân (nhân dân) và yêu thương loài vật (ái vật).

Tìm cho thuyết nhân nghĩa một cơ sở thiên đạo, một cơ sở triết học. Đó là thuyết “tâm” và “tính”, thuyết “tính thiện”. Để đối địch với Mặc Tử, Mạnh Tử cũng nói “nhân” và “nghĩa”, cũng nói “nhân nghĩa” bằng những nội dung rõ ràng và đối lập. Mạnh Tử chủ trương con người có “tâm”. Đó là cái Trời ban cho con người, phân biệt con người với chim muông. Cái nhận từ Trời đó là “tính”. “Cái Trời sinh ra gọi là tính” (Trung Dung). Tính con người vốn thiện vì sinh ra ai cũng biết yêu cha mẹ, ai cũng biết theo anh. Người nào thấy người khác sắp gặp nguy hiểm thì cũng có lòng thương xót, làm điều gì sai trái thì cũng tự thấy xấu hổ. Thế là ai cũng mang trong mình tính thiện, ai cũng mang trong mình “đầu mối của cái thiện”. Nhân nghĩa chỉ là hình thức phát triển của cái thiện vốn có trong tính con người. Con người ai cũng như nhau, ai cũng thích vị ngọt, ai cũng thích sắc đẹp nhưng quan trọng hơn là từ lúc ấu thơ ai cũng biết yêu cha và theo anh. Cái mầm mống của điều nhân là yêu thương cha mẹ. Cái mầm mống của điều nghĩa là theo anh. Cho nên nhân là lòng (tâm) con người, nghĩa là đường đi của con người. Không yêu mọi người như nhau vốn có cơ sở thiên lý.
Nhấn mạnh lấy lòng nhân làm cơ sở chính trị, bàn về nhân chính- trị nước theo lòng nhân- tức là suy từ lòng không thích giết người, từ lòng thương xót không muốn người vô tội chịu chết, từ sự thích thú cùng vui với mọi người hơn là vui lấy một mình… để đặt ra chế độ chính sách cai trị.

Trong tám phái Nho gia, Mạnh Tử không phải là phái sâu sắc, tiến bộ nhất. Nhưng cũng không nên nghĩ rằng Mạnh Tử đã giải thích sai học thuyết của Khổng Tử. Để bảo vệ học thuyết của Thầy chống các luận địch (Dương Chu và Mặc Địch), Mạnh Tử cũng chỉ làm rõ hơn một số điểm vốn đã có trong tư tưởng Khổng Tử:

Con người xã hội và với các quan hệ với Trời, quan hệ vua- tôi, quan hệ cha- con, tức là không có nghi ngờ nào với thể chế xã hội đã có sẵn lúc đó.

Tuy rất quan tâm đến con người nhưng lại ít suy nghĩ đến các khía cạnh triết học, bản thể luận mà chỉ nghĩ đến cuộc sống thực tế, đến trách nhiệm làm người…

Không thoát quan điểm đẳng cấp, quan điểm chính trị vốn đã trở thành truyền thống và mang tính bảo thủ lúc đó.
Trong Luận Ngữ, Khổng Tử nói: “Kẻ quân tử mà bỏ điều nhân thì sao gọi là quân tử được”. Lại nói: “Kẻ quân tử mà bất nhân thì cũng có. Chưa bao giờ kẻ tiểu nhân lại là nhân cả”. Ở Khổng Tử sự phân biệt quân tử và tiểu nhân rất rạch ròi, nghiêm ngặt. Ở đây nên lưu ý cách hiểu sự phân biệt đó. Quân tử và tiểu nhân, vào thời đại đó không phải chỉ mang ý nghĩa phẩm hạnh như về sau, mà quan trọng hơn là mang ý nghĩa phân biệt đẳng cấp. Trong cách tổ chức xã hội và nhà nước lúc đó, một ông vua chư hầu có “nước” và ở trong “thành” hay “đô”. Thành tiêu biểu cho nước, có thành là có nước, xây thành là lập nước. ở với vua trong thành có bà con thân thích của vua cùng với các loại người giúp việc (bách chấp sự chi nhân hay là hữu tư). Tất cả những người ấy đều gọi chung là quân tử. Thành sống bám vào lao động ở nông thôn, qua việc thu cống phú (hay thuế). Nông thôn gọi là “dã”. Người lao động sống ở đó gọi là “tiểu nhân” hay “dã nhân”. Cho nên sự đối lập giữa quân tử với tiểu nhân, là sự đối lập đẳng cấp giữa dân lao động với tầng lớp quý tộc. Chữ nhân của Khổng Tử có nội dung quân tử nhưng là với đòi hỏi người cầm quyền hay đẳng cấp thống trị phải coi dân là con người và thương yêu họ. Cũng nên nói thêm là khác với Mặc Tử, Khổng Tử không thấy sự phân biệt đó là bất công, là trái nhân đạo. “Tiểu nhân không bao giờ nhân cả”.

Cách hiểu nhân là lòng yêu thương của người cầm quyền đối với dân và nghĩa có nội dung thực chất là em theo anh của Mạnh Tử là tiền đề cho các nhà nho đời Hán phân biệt nhân là đức mục của vua, còn nghĩa là đức mục của bề tôi: vua thì thương yêu dân còn bề tôi chỉ phục tùng vua.

- Một chủ nghĩa nhân đạo đi vào ngõ cụt:

Không thể nói khác được: tư tưởng nhân nghĩa là một thứ chủ nghĩa nhân đạo. Nói thế không phải vì dịch ra tiếng nước ngoài bao giờ nhân nghĩa cũng chuyển dịch với một từ tương đương với humanisme, mà vì nội dung của thuyết nhân nghĩa đặt trên cơ sở thương yêu con người, mong muốn một cuộc sống tốt đẹp cho con người. Phát sinh vấn đề là từ chỗ vì sao một chủ nghĩa nhân đạo ra đời sớm như thế, ở những đất nước mà học thuyết đó ngự trị lâu đến vài chục thế kỷ lại chỉ thấy sự tàn bạo, giữa các hàng chữ hoa mỹ chỉ có ba chữ “ăn thịt người” nói theo cách của Lỗ Tấn.

Tôi nghĩ rằng trong chủ nghĩa nhân đạo của Nho giáo đã mang sẵn ba điều ngăn cản nó phát triển thành chủ nghĩa nhân đạo chân chính. Đó là:

a) Hiếu đễ là gốc của nhân:

Trong Luận Ngữ Khổng Tử nói: “Người quân tử chuộng cái gốc. Gốc có đứng vững thì đạo mới nảy nở. Hiếu đễ là gốc của nhân”. Hiếu là đức của người con thương yêu và ăn ở hết lòng với cha mẹ. Đễ là đức của người em sống hoà thuận và biết nghe theo anh. Đó là hai đức mục trong đời sống gia đình. Còn nhân là lòng thương yêu con người, nói về quan hệ giữa con người với con người, chủ yếu là nói trong đời sống xã hội.

Con người không phải sống lang thang vô định mà sớm biết tổ chức thành xã hội. Gia đình là tổ chức đơn giản, có tính tự nhiên nhất của con người. Ngoài gia đình con người còn có các loại tổ chức khác hẳn: nhiều cách tổ chức xã hội, tổ chức cách cai trị giữa nhà nước với dân. Với xã hội và với nhà nước con người quan hệ theo cách khác hẳn so với gia đình.

Nói hiếu đễ là gốc của nhân hay gia đình là gốc của xã hội, của nước, của nhà nước… cũng chỉ là nói một cách tương đối: con người đã tốt trong gia đình thì ra xã hội cũng tốt hay gia đình nào cũng yên vui thì xã hội cũng yên vui. Nhưng câu của Khổng Tử không nói với ý nghĩa như vậy. Có hai nội dung cần lưu ý ở đây:

+ Nói về một tác dụng chính trị. Chính Khổng Tử nói người đã cư xử có hiếu đễ trong gia đình thì ra ngoài ít phạm thượng. Đã không phạm thượng thì không bao giờ làm loạn. Sống hiếu đễ rèn luyện cho con người thành ngoan ngoãn, không chống đối, làm rối loạn sự ổn định, trật tự trên dưới.

+ Gia đình, họ, làng, nước, thiên hạ theo cách hình dung của Nho giáo là đồng dạng vì đều có những quan hệ trên dưới giống như cha- con, anh- em, vợ- chồng. Nho giáo không chú ý đầy đủ đến chỗ con người ngoài việc là cha, là con, là vua, là tôi, còn là những cá nhân có đời sống riêng, có đòi hỏi phát triển độc lập, cần có tự do và đòi hỏi sự bình đẳng, được tôn trọng theo lẽ công bằng trong đời sống xã hội và trước nhà nước. Vì nghĩ như vậy nên sách Đại Học mới nói “Tu thân để tề gia, tề gia để trị quốc, trị quốc để bình thiên hạ”. Tu thân để tề gia thì không gây thắc mắc gì. Nhưng tại sao lại tề gia để trị quốc? Quan hệ trong gia đình và quan hệ giữa dân với nhà nước là khác nhau; tổ chức gia đình và tổ chức nhà nước là khác nhau. Nếu không hiểu các tổ chức xã hội và nhà nước đều tổ chức theo lối gia trưởng, vua quan là cha mẹ dân; và không hiểu “tề”, “trị” và “bình” đều cùng có một nội dung là xây dựng sự hoà thuận, sự êm ấm thì không hiểu đúng chủ trương của Nho giáo và không hiểu đúng mệnh đề “Hiếu đễ là gốc của nhân”.

Cách hiểu như vậy làm mất nội dung xã của xã hội và nhà nước, thu hẹp sự phát triển của con người thành con người của chỉ gia đình, không đòi hỏi phát triển cá nhân, tự do, bình đẳng, sự công bằng, dân chủ xã hội… Chủ nghĩa nhân đạo do đó bị hạn chế vì con người không ý thức được nhu cầu đấu tranh cho những mục tiêu vừa nói, chỉ sống ngoan ngoãn, mong được thông cảm, được chiếu cố mà không đấu tranh cho sự giải phóng, cho công bằng xã hội.

b) Khắc kỷ phục lễ là nhân:

Nhan Uyên hỏi về nhân, Khổng Tử nói: “Khắc kỷ phục lễ là nhân. Một ngày nào đó mình khắc kỷ phục lễ được thì thiên hạ sẽ coi mình là nhân. Làm điều nhân là do mình chứ không phải di người khác đâu”. Nhan Uyên lại hỏi về các việc cụ thể phải làm. Khổng Tử nói: “Đừng nhìn cái phi lễ. Đừng nghe cái phi lễ. Đừng làm cái phi lễ”.

Trong vịêc dạy học trò, Khổng Tử có thói quen trả lời sâu hay nông, cao hay thấp tuỳ theo khả năng của người hỏi. Nhan Uyên là học trò giỏi nhất, nên câu trả lời Nhan Uyên bao giờ cũng là nói đến chỗ cao sâu nhất. Đáng chú ý là Nhan Uyên hỏi về nhân mà Khổng Tử lại nói về lễ và đòi hỏi theo lễ một cách nghiêm khắc. Như trên đã nói, lễ là những quy định về đi đứng, ăn mặc, hành vi, cư xử mà cộng đồng coi là thích hợp với từng người, từng trường hợp, tương ứng với phận vị của người đó. Lễ vốn là những sự ràng buộc nên con người không dễ dàng tuân theo. Cái “tôi” (kỷ) của mỗi người có xu hướng muốn sung sướng hơn, giàu hơn, sang hơn, tự do hơn… tức là vượt lên trên mức mà lễ quy định và trong con người lòng dục thúc đẩy con người không theo lễ, chạy theo “lợi”. Khắc kỷ phục lễ chính là kìm chế cái “tôi”, trấn áp dục vọng, hoà mình vào cộng đồng. Kết cục là ở chỗ cộng đồng thừa nhận “coi mình là nhân”, nhưng khởi thủy đó lại là một công phu tự nguyện, chủ động. Lễ không có tác dụng cưỡng chế mà chỉ có tác dụng “ước thúc”.

Có một đoạn khác trong Luận Ngữ nói về quá trình đó rất rõ. Khổng Tử nói: “Ta mười lăm tuổi thì để tâm chuyên chú vào việc học. Ba mươi tuổi thì “lập”. Bốn mươi tuổi thì “bất hoặc”. Năm mươi tuổi thì biết mệnh trời. Sáu mươi tuổi thì đã thuận. Bảy mươi tuổi thì làm theo lòng mình muốn (dục) mà vẫn không xa rời khuôn phép…”. Đó là công phu tu dưỡng và kết quả từng chặng trong cả cuộc đời, bắt đầu là học (cũng là tu dưỡng) và kết thúc là giữa dục và lễ không còn gì vướng víu. Ba mươi tuổi thì “lập”. Lập là gì? Là đứng thẳng. Khổng Tử nói: “Không học Lễ thì lấy gì mà lập”. Như thế tức là nói nếu không biết cách cư xử đúng thì lúng túng, không vững vàng. Biết lễ là giai đoạn máy móc làm theo những khuôn phép quy định sẵn. Bốn mươi tuổi thì “bất hoặc”. Bất hoặc là không nghi ngờ, phân vân vì biết rõ (trí giả bất hoặc). Đến đây không chỉ là làm theo máy móc mà biết rõ vì sao phải làm như thế. Đây là đoạn học văn, thu nhận tri thức để tự giải thích cho mình. Khổng Tử nói: “Tiên học lễ, hậu học văn” (Trước học lễ, sau mới học văn). Nhan Hồi nói: “Thầy (Khổng Tử) làm cho ta hiểu biết rộng rãi bằng văn và ước thúc ta bằng lễ”. Sách vở (văn) giải thích lý do, ý nghĩa của khuôn phép (lễ). Năm mươi tuổi thì biết mệnh trời. Con người có thể biết vì sao phải làm như thế mà vẫn ấm ức, không vui lòng. Tại sao mình lại chỉ được như vậy, không phải sang hơn, giàu hơn? Đến năm mươi tuổi thì biết phận mình là do mệnh trời, hiểu: “Chết sống là có mệnh, giàu sang là tại Trời”. Không còn uất ức mà “tri túc” bằng lòng với cái mình có, không hầm hè làm việc vô ích là chống lại Trời và mệnh. Đến sáu mươi tuổi “thì đã thuận”, tức là lòng dục hay cái “tôi” không nổi lên gay cấn với phận mệnh, và đến bảy mươi thì hầu như không có mâu thuẫn gì giữa dục và mệnh, giữa kỷ và cộng đồng; theo lòng mình muốn mà làm cũng không bao giờ trái khuôn phép, tức là lễ nữa.
Cho đến Khổng Tử vấn đề “dục” chưa được nêu ra, chưa bị lên án gay gắt. Khổng Tử nói: “Giàu và sang là điều ai cũng muốn. Không theo nghĩa mà được nó thì không nhận. Nghèo và hèn là điều ai cũng ghét. Không theo nghĩa mà bỏ nó thì không bỏ”. Hay là “Thấy lợi thì nghĩ đến nghĩa”. Khổng Tử muốn đưa lễ và nghĩa ra làm chuẩn để tiết chế dục vọng tức là ước thúc. Đến Mạnh Tử thì vấn đề này mới được bàn luận nhiều. Con người, theo Mạnh Tử, được Trời phú cho “tâm”, “tính” mang “mầm mống cái thiện” để phát triển thành nhân, nghĩa, lễ, trí. Còn “nhân dục” lại phá hoại thiện tâm đó. Ông hình dung cái thiện như lộc mùa xuân, ngày ngày nở ra mầm mới, mà dục vọng trong cái tôi như trâu, dê ngày ngày gậm hái hết mầm non ấy. Dục được đem đối lập với tâm với tính, lợi được đem đối lập với nghĩa. Nhan Hồi được khen là nhân, chính là ở chỗ nghèo hèn mà vẫn vui, ở tinh thần “lạc thiên yên mệnh”, thái độ “an bần lạc đạo”. Cách quan niệm dục và lợi, nghĩa, lễ và mệnh như vậy, cùng với việc đề cao tinh thần khắc kỷ, chịu đựng nghèo khổ, thậm chí là vui vẻ với cảnh nghèo khổ đã làm cho nhà nho trở thành kiên cường, bất khuất, giữ được đạo đức thanh cao. Nhưng đồng thời cũng mang sẵn một trở ngại lớn để trở thành nhân đạo chủ nghĩa.

Con người, trước khi là con người xã hội đã là một sinh vật, một con người tự nhiên. Nói như Dương Chu, nhà triết học chống Nho giáo bằng thuyết “vị ngã” thì con người có giác quan, có dục vọng và ai cũng có quyền và chỉ nên nghĩ đến quyền thoả mãn dục vọng giác quan của mình. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, tức là con người có đòi hỏi hưởng hạnh phúc và có quyền hưởng thụ hạnh phúc. Người minh triết là người biết “vì mình” cũng tức là biết mưu cầu hạnh phúc. Nho giáo chỉ chú ý con người xã hội mà không chú ý con người tự nhiên, không coi mưu cầu hạnh phúc là mục đích của con người. Cho nên chịu ảnh hưởng của tư tưởng đó, các nhà nho đã gắng tự kiềm chế, coi dục vọng là tội lỗi, tránh nói đến hạnh phúc, ra sức coi khinh của cải, lợi ích vật chất để tỏ ra hơn người vì thanh cao…
Trong lịch sử phát triển của loài người, hạnh phúc hay là sự thoả mãn các dục vọng, nhu cầu đạt tới hạnh phúc càng ngày càng cao hơn và đấu tranh để được hưởng hạnh phúc ở mọi thời đại đã thúc đẩy cho kỹ thuật, nghệ thuật, khoa học phát triển. Đó chính là động lực của phát triển. Không quan tâm đến hạnh phúc con người thì dù yêu thương, kính trọng con người vẫn không thể là con đường đi đến chủ nghĩa nhân đạo chân chính.

c) Chuộng đức đi đến coi thường lao động và trí tuệ:

Khổng Tử nói: “Người quân tử có ba đạo đức: trí, nhân và dũng. Người nhân không lo lắng, ưu phiền, người trí không nghi hoặc, phân vân, người dũng không sợ”. Đã nói nhiều về nhân, bây giờ nói về trí và dũng.

Tại sao người trí lại không nghi hoặc, phân vân? Vì họ biết. Nho giáo kể từ Khổng Tử là một học thuyết cực lực đề cao sự hiểu biết (tri) và cũng vì vậy hết sức coi trọng sự học, tinh thần ham học. Khổng Tử là người nói: “Tôi không có gì hơn ai cả. Tôi chỉ có học không biết chán và dạy người không biết mỏi thôi”. Ông cũng khuyến khích người khác: “Buổi sáng nghe đạo (học), buổi chiều chết cũng là được rồi”. Đề cao biết và học như vậy nhưng đối tượng của biết lại hạn chế, hạn hẹp:

Tri thức sản xuất không phải là cái mà người quân tử đáng quan tâm. Tong Luận Ngữ có một đoạn: “Phàn Trì hỏi về việc cấy lúa. Khổng Tử nói: “Ta không bằng người làm vườn già”. Phàn Trì ra về, Khổng Tử nói: “Phàn Tu (tức Trì) mới tiểu nhân làm sao! Kẻ quân tử lo tu dưỡng đạo đức thì tiểu nhân sẽ cõng con làm cho mà ăn, cần gì phải học cấy lúa và làm vườn”. Ở đây phải nói đến một quan niệm phân công lao động xã hội, mà về sau Mạnh Tử gọi là “thông công dịch sự” giữa người lao tâm và người lao lực. Người lao tâm hay đẳng cấp quân tử lo việc trị nước và dạy người, không cần phải “cày lấy mà ăn, dệt lấy mà mặc”. Họ phải được người dân lao động nuôi dưỡng. Người lao lực hay là đẳng cấp tiểu nhân lo việc cày cấy và làm các sản phẩm khác. Họ được người quân tử dạy đỗ, cai trị nên phải nuôi người quân tử. Vì lẽ đó Khổng Tử mới chê Phàn Trì là “tiểu nhân”. Sản xuất không là đối tượng tri thức của quân tử.

Giới tự nhiên không bị Nho giáo coi là hư ảo không thực. Khi nói về lợi ích học Kinh Thi, ngoài những chuyện đạo đức như thờ cha, thờ vua còn có “biết nhiều tên cầm thú, thảo mộc”, tức là những tri thức về giới tự nhiên. Khổng Tử cũng nổi tiếng là uyên bác, biết cả những vật không ai biết. Nho giáo là một học thuyết thiết thực, coi trọng “sự” (việc) và “vật”. Khổng Tử là người ham hiểu biết, không biết là hỏi, hỏi cả những người ở địa vị kém hơn mình cũng không xấu hổ (bất sỉ hạ vấn), “biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết thế là biết”. Khổng Tử ham hỏi người khác đến mức khi vào Thái miếu nhà Chu, những người coi giữ đã nói: người ta cứ nói cái ông họ Khổng ấy biết nhiều, thế mà vào Thái miếu gặp gì cũng hỏi!”. Tuy hết sức quý trọng sự hiểu biết nhưng Nho giáo lại không coi trọng tri thức về giới tự nhiên, và vì vậy ở các nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo, khoa học tự nhiên không phát triển. Nguyên nhân một phần đáng kể là ở mục đích tìm hiểu và ở cách tìm hiểu của họ. Khổng Tử nói học Kinh Thi thì biết nhiều tên cầm thú, thảo mộc nhưng cái đó không quan trọng bằng học Kinh Thi để biết thờ cha và thờ vua. Biết nhiều tên chim muông, cây cỏ chỉ là để “nói” cho văn vẻ thôi, vì “không học Kinh Thi thì lấy gì mà nói năng” chứ không phải với sự tò mò đối với môi trường sống, không gắn nhu cầu hiểu biết thế giới tự nhiên với hành động. Trong sách Đại Học trước cả tu thân tề gia có hai khâu đầu tiên là cách vật trí tri- sau này được gộp lại là cách trí để chỉ các tri thức khoa học tự nhiên theo khoa học phương Tây- đã gây nhiều tranh cãi. Cách vật là đến tận cùng các vật, các hiện tượng. Trí tri là đạt đến sự hiểu biết. “Đến tận cùng sự vật sự hiểu biết mới đến nơi, đến chốn” (vật cách nhi hậu tri chí). Như thế thì sự hiểu biết phải bắt đầu từ vật, từ hiện tượng tự nhiên và bằng cách thâm nhập tìm hiểu. Nhưng thâm nhập để tìm hiểu cái gì trong đó? Theo cách hình dung của Khổng Mạnh, trong thế giới không những có Trời (với mệnh trời) mà còn có Đạo. Đạo tồn tại vĩnh viễn và khắp nơi là sự hợp lý, lẽ phải hay quy luật. Đạo không phải đối lập, ở ngoài mà như một thứ quy luật, một ý chí của Trời. Đạo tồn tại trong tâm con người và có bàng bạc trong mọi vật, mọi hiện tượng. Cách vật là nắm bắt được cái đó chứ không phải sự tồn tại của chính vật hay hiện tượng. Vì vậy qua một số câu, không nhiều trong Luận Ngữ, khi đề cập đến hiện tượng tự nhiên như nước chảy không ngừng hay sao trên trời châu tuần xung quanh sao Bắc thần, cái mà Khổng Tử lưu ý chính là cái lẽ phải, cái Đạo trong các hiện tượng đó. Đến Tống Nho thì mới bàn nhiều đến Lý (cũng là Đạo) đối lập với Khí, tương đương với quan hệ giữa “vật chất” và “tinh thần” trong triết học ngày nay. Tống Nho đặc biệt coi trọng Lý. Không có điều kiện để nói kỹ hơn về vấn đề thế giới quan Nho giáo. Chỉ lưu ý ở đây là thế giới tự nhiên không thành đối tượng quan trọng của tri thức.

Đời sống xã hội được Nho giáo quan tâm hơn nhiều nhưng lại sơ lược hoá thành chỉ có năm quan hệ cha- con, anh- em, vợ- chồng, bè bạn và vua- tôi. Tri thức về xã hội do đó cũng là tri thức về đạo, về nghĩa, về lễ. Cần phải nói thêm cái “Đạo” ngự trị trong trời đất, theo Nho giáo cũng chính là cái đạo tồn tại dưới dạng luân thường đó. Không những con người được định tính bằng đạo đức mà cả thế giới, trời đất cũng được định tính bằng đạo đức, bằng sự hoàn thiện về đạo đức.

Việc Nho giáo không đối trí chủ thể với khách thể mà nhìn nó trong sự thống nhất ở Đạo, hướng con người không phải tới sự hiểu biết khách thể mà tới sự đồng nhất với Đạo (tâm của thánh nhân là toàn thiện là đồng nhất với Đạo) làm cho Nho giáo tuy đề cao trí, tuy chú ý đến sự, đến vật, tức thực tế, mà lại không coi trọng vấn đề nhận thức khách quan. Cũng vì coi nhẹ nhận thức nên Khổng Tử rất ghét “biện”, ghét “nịnh” (nói khéo chứ không phải nịnh hót), tức là ghét những người giỏi tranh luận, nói năng sắc bén. Nho giáo không coi trọng lô-gích. Mạnh Tử coi trí là biết nhân, biết nghĩa và cũng cũng có thể nói thêm biết lễ, biết mệnh.

Ta hãy nói tiếp đến “dũng”. Dũng là dũng cảm, dám đương đàu với khó khăn, nguy hiểm, dám làm những việc lớn, phi thường. Theo Khổng Tử, người dùng không sợ. Nhưng do đâu mà dũng cảm, mà không sợ? Không phải do khoẻ mạnh, cương cường. Nho giáo không đề cao sức mạnh thể xác, không đề cao người có võ nghệ. Khổng Tử lại không ưa những hành động táo bạo, mạo hiểm. Trong học trò của Khổng Tử có Tử Lộ là một dũng sĩ. Ông này thường bị thầy răn đe về tính cương cường. Một hôm Tử Lộ hỏi: “Thầy cầm quân thì sẽ lấy ai đi cùng?”, Khổng Tử nói: “Ta sẽ không lấy người tay không mà bắt cọp, qua sông mà không dùng thuyền đâu”. Dũng cảm theo Nho gia là tinh thần vì nghĩa, do thấy mình làm đúng không có sai sót gì. Tăng Tử nói: “Nếu tự xét mình mà thấy có điều không phải thì dù trước thằng khố rách ta cũng sợ. Nếu tự xét mình thấy mình không có lỗi lầm gì thì dù có ba quân trước mặt ta cũng xông lên, không sợ gì”.

Trí, dũng được coi là những đức mục. Con người được định tính bằng đức. Trí là biết nhân biết nghĩa mà dũng cũng là dũng cảm làm điều nhân điều nghĩa. Trong quan niệm đó tài bao giờ cũng kém đức. Nho giáo luôn luôn đề cao đức mà ít nói về tài. Khổng Tử là người ham học, ham hỏi lại đi nhiều nên nổi tiếng là uyên bác và nhiều tài năng. Có người khen ông về điều đó. Khổng Tử nói: “Ta lúc nhỏ nghèo hèn nên giỏi nhiều việc vặt vãnh”. Tất nhiên đây là một cách nói khiêm tốn, nhưng không phải là không có ý nói tài năng cũng không có ý nghĩa gì lớn.

Con người tất nhiên đòi hỏi phải có phẩm chất tốt đẹp, tức là mình có đức, nhất là lòng nhân ái. Nhưng trong lịch sử phát triển của mình, cái mà con người dựa vào để tiến lên phía trước là lao động và trí tuệ. Không coi trọng hai năng lực đó của con người thì chủ nghĩa nhân đạo cũng bế tắc.

Lâu nay ta chỉ quen đề cao có lao động và là lao động chân tay. Đó là một sự thiên lệch. Nhất là ngày nay khi chất xám có ý nghĩa rất quyết định cho sự phát triển thì cách nhìn lệch lạc như vậy rất có hại.

Nho giáo là một học thuyết nhân đạo chủ nghĩa, thương yêu con người, muốn cứu vớt con người ra khỏi cảnh đói khổ, loạn ly và sống đầm ấm yên vui. Nhưng cách cứu đời của nó, tức là chủ nghĩa nhân đạo của nó, không hướng tới con người đòi hỏi hạnh phúc, tự do, bình đẳng, công bằng xã hội, tin ở trí tuệ và sức lao động để giành được những cái đó. Vì vậy chỉ là đi vào ngõ cụt.
II. CƠ SỞ KINH TẾ- XÃ HỘI LÀM ĐIỀU KIỆN CHO NHO GIÁO RA ĐỜI VÀ TỒN TẠI LÂU

1. Nho giáo ra đời đã hai mươi lăm thế kỷ và tồn tại lâu đến chừng ấy thời gian trên một vùng rộng bao gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Đó là một điều cần phải giải thích lý do. Giải thích điều này chắc chắn sẽ khó thuyết phục nếu chỉ tìm ở chỗ học thuyết của nó phong phú và sâu sắc cao siêu. Nó phải có những điều kiện để ra đời và tồn tại trong cơ sở kinh tế- xã hội của vùng Đông Á, trước hết là ở Trung Quốc, nơi nó ra đời. Điều kiện để nó ra đời thì chỉ có ở Trung Quốc, nhưng điều kiện để nó tồn tại lâu dài thì có cả ở ba nước Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam và phải là tương đồng với ở Trung Quốc, ít nhất là về đại thể. Nhưng nhu cầu thực tế tạo điều kiện cho Nho giáo ra đời ở Trung Quốc không giống những nhu cầu thực tế làm điều kiện du nhập Nho giáo- quan trọng hơn là để coi Nho giáo là chính thống- khi Nho giáo đã thành hệ thống vào thời Hán Đường.
Khi được du nhập vào một nước khác, có cơ sở kinh tế- xã hội khác, Nho giáo không được tiếp thu trọn vẹn, và để thích ứng với hoàn cảnh cụ thế từng nước, nó không khỏi biến dạng đi ít nhiều. Trong sự khác nhau như vậy có lẽ một điều hết sức có ý nghĩa là nó nằm trong tay đẳng cấp nào? và được sử dụng nhằm mục đích gì? Khi nó là công cụ của nhà vua chuyên chế thì nó được phát huy theo cách khác so với khi nó là công cụ của đẳng cấp nho sĩ quan liêu hay khi nó là của đẳng cấp võ sĩ. Cách truyền bá cũng có ý nghĩa không thể coi thường so với bản thân học thuyết. Có thể Nho giáo ở Nhật Bản, Trung Quốc hay Việt Nam không có ý nghĩa lớn như Nho học ở ba nước đó. Tuy vậy, Nho giáo, dù ở đâu cũng mang sẵn những nét chung phản ánh cơ sở kinh tế- xã hội mà nó phụ thuộc, mà nó phục vụ.

Cơ sở chung của Nho giáo:

Nhiều tài liệu khi nói đến Nho giáo thường nói đó là ý thức hệ phong kiến. Nói thế là đúng nhưng không hoàn toàn chính xác. Đúng vì ở cả bốn nước vừa kể trên, Nho giáo đã thống trị suốt trong thời kỳ trung cổ, tức là thời kỳ phong kiến. Nhưng không hoàn toàn chính xác vì thời trung cổ hay phong kiến ở phương Đông có những nét khác biệt rất đáng kể, đến mức có thể đặt câu hỏi là nó phản ảnh thể chế phong kiến hay nó phản ảnh những nét đặc thù kia.

Theo cách quan niệm lịch sử tiến hoá nhân loại qua năm phương thức sản xuất, ta hiểu phong kiến là hình thái kinh tế- xã hội tiếp theo sau chế độ cộng sản nguyên thuỷ và chiếm hữu nô lệ. Chế độ phong kiến có hai thời kỳ: phong kiến phân tán và phong kiến tập trung. Phong kiến phân tán được đặc trưng bằng sự tồn tại của những lãnh ấp, thường là kết quả của việc tan rã đế chế nô lệ, một hình thức đế chế thường tồn tại không lâu cuối chế độ chiếm hữu nô lệ. Trong các lãnh ấp ngự trị quan hệ lãnh chúa- nông nô; trong thể chế đó có ba nhân vật thống trị tiêu biểu: lãnh chúa, người hiệp sĩ cầm gươm và người tu sĩ nắm tôn giáo bảo vệ cho lãnh chúa. Lãnh ấp thuộc quyền sở hữu của lãnh chúa nên về kinh tế, chính trị, tư pháp, đất nước chia cắt thành từng vùng, không thống nhất thành có chính quyền chung, thị trường chung. Phong kiến tập trung thay thế và xoá bỏ tình trạng phân tán, cát cứ như vậy. Tình trạng tập trung là kết quả của việc liên minh giữa hoàng quyền- một lãnh chúa có thế lực nhất được công nhận là vua của các lãnh chúa- với giai cấp tư sản, một lực lượng xã hội mới lớn dần lên ở các đô thị (bourg) ngoài phạm vi quyền lực của lãnh chúa. Với chế độ phong kiến tập trung lãnh thổ được thống nhất và bắt đầu địa vực hoá, tức là chia ra châu, quận, tỉnh, huyện… quốc gia dân tộc ra đời với một nhà nước trung ương có thực quyền với các địa phương. Với sự tập trung như vậy cũng phát triển sự giao lưu làm xuất hiện thị trường chung, tạo ra khả năng phát triển lên chủ nghĩa tư bản. Trong xã hội phong kiến tập trung tuy thế lực thống trị thuộc về hoàng đế và các vị vương hầu của triều đình nhưng các nhân vật tư sản ở đô thị như các nhà buôn, các chủ xưởng, các nhà trí thức tự do… đã có một vai trò xã hội và kinh tế rất lớn. Ở Trung Quốc, nơi ra đời Nho giáo và các nước Đông Á nơi nó được du nhập và tồn tại lâu, có những thực tế khác và trải qua một quá trình lịch sử khác:

a) Ở Trung Quốc từ thế kỷ XVII trước Công nguyên tức đời Ân đã hình thành quan niệm về một vị vua chung cai quản cả thiên hạ (dưới trời) gọi là “đế” hay “vương”. Để nhận mệnh từ Trời có quyền chỉ định các vua nhỏ và xoá bỏ tước vị , đất nước của họ. Đến thế kỷ XI trước Công nguyên đời nhà Chu, vị vua đó gọi là “thiên tử”, số nước chư hầu do thiên tử phong đất cho, có đến hàng ngàn, quan hệ ngang dọc, tức là vị thứ các vua đó đã khá rành mạch. Tiếp theo năm thế kỷ hỗn chiến thời Xuân Thu- Chiến Quốc giữa các nước chư hầu kiêm tính đất đai và giành quyền bá chủ. Tần Thuỷ Hoàng xưng “hoàng đế” (221 trước Công nguyên). Hoàng đế là một thiên tử cai trị thiên hạ được chia thành quận, huyện và bằng một bộ máy quan lại. Từ thế kỷ III trước Công nguyên cho đến thế kỷ XX, ở Trung Quốc tồn tại hình thức đế chế như vậy. Không phải trong thực tế bao giờ cũng giữ được cục diện tập trung không có tình hình phân tán cát cứ địa phương. Nhưng cần lưu ý là tư tưởng “Đất đai dưới trời đâu đâu chẳng là của vua. Người trên đất ấy ai chẳng là thần dân của vua” ra đời từ đời Ân vẫn là bất di bất dịch. Những lực lượng phân tán cát cứ có nắm thực quyền cũng tìm nấp dưới danh nghĩa thần thuộc vào vị vua chung và mục tiêu của các cuộc chiến tranh vô số trong lịch sử không nhằm quyền sở hữu lãnh địa mà nhằm ngôi vua, quyền làm hoàng đế chủ thiên hạ.

b) Với thể chế vương quyền thống nhất như vậy, co cấu kinh tế- xã hội khác với chế độ phong kiến mà ta nói ở trên. ở đây không phải là quyền chiếm hữu tư nhân của chủ nô hay lãnh chúa mà là sở hữu nhà nước thuộc ngôi vua, từ đó mà có chế độ cống nạp, tô thu dưới hình thức thuế của nhà nước. Kết cấu xã hội cũng không gồm lãnh chúa, hiệp sĩ, tu sĩ với nông nô hay hoàng đế, công, hầu, chủ xưởng, thương nhân và trí thức tự do… với dân lao động. Từ trước cả nhà Tần người ta đã hình dung xã hội theo mô hình via, quan lại và tứ dân (sĩ, nông, công, thương). Kết cấu xã hội hình dung theo cách đó còn giữ nguyên cho đến thế kỷ XX.

c) Một việc rất có ý nghĩa là ý kiến các nhà sử học về thời điểm khởi đầu chế độ phong kiến ở Trung Quốc. Phạm Văn Lan, Viện trưởng Viện Sử học Trung Quốc thì cho là từ đời Tây Chu (thế kỷ XI trước Công nguyên). Petrov, Viện trưởng Viện Sử học Liên Xô thì cho là từ thời Tam Quốc (thế kỷ II sau Công nguyên). Còn Quách Mạt Nhược, nhà bác học đáng coi là có thẩm quyền nhất trong vấn đề này thì cho là vào thế kỷ IV trước Công nguyên. Chắc chắn sự khác nhau kỳ lạ đánh giá thời điểm ra đời cách nhau đến mười ba thế kỷ không phải do thiếu hiểu biết, thiếu phương pháp hay do khác lập trường. Cái quan trọng là các nhà khoa học đáng kính đó đứng trước một thực tế không bình thường, không hợp với các tiêu chí để phân loại, đoán định, tức là ở đây có những hiện tượng không giống với chế độ phong kiến nói chung. Trong các cuộc tranh luận về chế độ chiếm hữu nô lệ ở Trung Quốc và Việt Nam cũng xẩy ra tình trạng ý kiến ngược nhau như vậy. Hình như chúng ta đứng trước một con đường phát triểnkhông giống với con đường của năm phương thức đã nói ở trên. Không phải là không có chiếm hữu nô lệ, phong kiến, năm phương thức… nhưng hình thức cụ thể, quá trình cụ thể xảy ra cách khác.

d) Gần đây nhiều người đã chú ý đến ý kiến của Mác về phương thức sản xuất châu Á, về chế độ chuyên chế phương Đông. Những ý kiến đó Mác chỉ mới nói qua, chưa có thì giờ đi sâu, nhưng là những chỉ dẫn cho phép chúng ta nhìn ra nhiều vấn đề của thực tế vùng Đông Á, trong đó có vấn đề cơ sở kinh tế- xã hội của Nho giáo.

Trước hết ta hãy nói đến cơ chế của chế độ “chuyên chế chồng lên trên các làng xã tự trị”[2] tức là cách tổ chức đất nước của ông “hoàng đế Trung Hoa”, trong đó đáng chú ý là chính quyền của một ông vua chuyên chế bên trên và cách tổ chức cơ sở là làng xã tự trị ở bên dưới. Để làm rõ hơn về cơ chế đó, chúng ta sẽ trình bày cụ thể dưới đây:

- Ông vua chuyên chế.
- Làng- họ và tính tự trị.
- Bộ máy quan lại và đẳng cấp sĩ phu.
- Đô thị khó phát triển. Các cuộc khởi nghĩa nông dân.
- Ông vua chuyên chế:
Từ đời Ân, qua đời Chu cho đến Tần, tức là từ thế kỷ XVII đến thế kỷ III trước Công nguyên đã hình thành dần quan niệm về một ông hoàng đế chuyên chế, thể hiện đầy đủ ở Tần Thủy Hoàng và bổ sung đầy đủ dưới đời Hán, làm thành mẫu mực cho các triều đại từ Tần- Hán cho đến Minh- Thanh. Ông vua chuyên chế coi mình là người có mệnh Trời, làm chủ cả thiên hạ, có quyền sở hữu về mọi nguồn lợi, coi tất cả là thần dân, có quyền và có trách nhiệm sắp xếp mọi việc. Ông vua chuyên chế tập trung mọi quyền hành vào chỉ một mình.

Về kinh tế với quyền vương hữu*, sở hữu thuộc về vua, có tính nhà nước về mọi nguồn lợi ruộng đất, núi rừng, sông biển và với quyền thần dân hoá* toàn thể, quyền sử dụng sức lao động của mọi người và làm chủ thân phận mọi người, hoàng đế ban phát ruộng đất (như chia công điền), thu thuế (thay cho địa tô), cấp bổng lộc cho quan lại, tạo ra cái ơn “ăn cơm, mặc áo nhà vua” đối với quan lại và “tấc đất, ngọn rau ơn chúa” đối với nhân dân. Đó là một nhà nước bao cấp, phân phối. Cũng có những quý tộc được ban cấp cho hưởng vĩnh viễn, và nhân dân cũng có tư điền nhưng về lý thuyết đó chỉ là quyền lĩnh hữu chứ không phải sở hữu. Hoàng đế không chia quyền sở hữu cho quý tộc như đối với lãnh chúa ở phương Tây. Có quyền ban cấp thì cũng có quyền thu hồi. Vì vậy ngoài hoàng đế không ai có quyền sở hữu thiêng liêng. “Ở đời muôn sự của chung”.

Về chính trị, với mệnh Trời nhà vua cầm quyền cai trị, lập ra và xoá bỏ các nước chư hầu, bổ nhiệm và cất chức các quan cai trị ở trung ương và địa phương (dừng lại ở huyện). Hoàng đế quyết định mọi chủ trương chính trị, tổ chức và điều khiển bộ máy quan lại thực hiện. Vua còn làm chủ cả việc “chinh phạt, lễ nhạc” tức là hoạt động quân sự và hoạt động văn hoá, học thuật, nghệ thuật. Chỉ có hoàng đế mới có quyền “chế lễ, tác nhạc” tức là đặt ra các lễ nghi phong tục, các điệu múa, bài nhạc (chủ yếu là nói vũ nhạc ở triều đường và để tế lễ).

Về tư pháp, hoàng đế là người đặt ra mọi luật lệ và là người quyết định các bản án lớn. Ý của vua là luật.

Về quân sự, hoàng đế là người duy nhất cầm quyền chinh phạt, điều động quân đội. Các tướng lĩnh tuy được giao cho cầm quân nhưng phải có lệnh của hoàng đế cũng với cờ lệnh, kiếm, ấn, phù tiết vua ban mới chỉ huy được. Hoàng đế không chia quyền quân sự cho các lãnh chúa và đẳng cấp hiệp sĩ. Ở Trung Quốc từ thế kỷ IV trước Công nguyên đã thành lập đội quân thường trực của hoàng đế.

Về tôn giáo, hoàng đế là người duy nhất được tế Trời, Đất, và các thần sông, thần núi, nói cách khác hoàng đế là giáo chủ. Hơn thế, hoàng đế cũng coi các thần linh là bề tôi của mình nên coi mình có quyền ban thưởng và trách phạt đối với cả thần linh. Trong bộ máy nhà nước có bộ Lễ quản lý cả thần linh, coi việc sắp xếp tước vị cho các thần giống như bộ Lại sắp xếp tướng vị cho quan lại.

Ở đây không có sự phân chia quyền tôn giáo cho giáo hoàng, giáo hội, không phải vua chỉ coi phần đời, phần xác còn phần đạo, phần hồn thuộc giáo hoàng như ở phương Tây.
Thế là ông vua chuyên chế phương Đông nắm trọn trong tay mọi quyền hành, không phân chia nó cho bất kỳ ai. Ngay cả cha mẹ, vợ con cũng không được chia quyền hành. Hoàng hậu và thái tử đều ở cung riêng, có “chỉ” vua vời mới được vào yết kiến và yết kiến theo nghi thức thần hạ. Vua cha khi đã nhường ngôi vua cũng phải nghe theo vua con cầm quyền. Hoàng đế là ngôi thiêng liêng và chỉ thuộc về một người. Đó là sự tập trung tuyệt đối.

Quyền hành tuyệt đối của hoàng đế tất nhiên giành được bằng bạo lực, bằng lực lượng quân sự nhưng lại giải thích bằng mệnh Trời, núp dưới lá cờ tôn giáo đó để duy trì. Cơ sở của sức mạnh của nó là quyền Vương hữu và thần dân hoá toàn thể, núp dưới danh nghĩa nhà nước để thực hiện sự thống trị. Ngôi hoàng đế là cha truyền con nối nên cũng thuộc về một giòng họ nhưng hoàng đế chỉ trị nước một mình chứ không chia quyền cho bà con họ hàng. Đối với hoàng đế, bà con họ hàng, tức quý tộc cũng là thần hạ, được ban thưởng tước lộc hậu hĩnh, nhưng bị ngăn cách với quyền lực của hoàng đế để đề phòng cướp ngôi.

Làng- họ và tính tự trị:
Sự tập trung chuyên chế thành thể chế chính trị- xã hội đã hình thành sớm lúc xã hội chưa trải qua chế độ chiếm hữu nô lệ và phong kiến phân tán trọn vẹn để có những đổi thay lớn trong kinh tế và đấu tranh xã hội. Chưa có ý thức phát triển về quyền tư hữu mà cũng chưa có cách mạng xã hội sâu sắc. Nhưng sức sản xuất vẫn phát triển nên trong lịch sử vẫn diễn ra một quá trình phát triển tư hữu, đấu tranh giai cấp, một cách chiếm hữu, một cách cát cứ riêng thích hợp với điều kiện của thể chế chuyên chế nói trên. Không có tư hữu lớn nhưng vẫn có ruộng tư. Không có nô lệ thật điển hình nhưng vẫn có nhiều hình thức làm con ở, đầy tớ, mua bán người. Không có lãnh ấp trọn vẹn nhưng vẫn có “giang sơn” của các lãnh chúa có thế lực… Và những cái lưng chừng như vậy không những tồn tại mà có khi còn được thừa nhận hẳn hoi.

Từ đời Ân đã có hình thức nô dịch chủng tộc. Đế hay vương đem quân đánh mộ vùng nào đó rồi cử người của bộ tộc mình đến xây thành, lập nước để thống trị. Vua chư hầu mới lập nước đó vừa phụ thuộc vào trung ương về mặt chính quyền (quan hệ thiên tử và chư hầu cũng gọi là quan hệ phân phong), vừa phụ thuộc về mặt họ hàng tông tộc (đại tông và tiểu tông). Đế hay thiên tử vừa là vua chung vừa là trưởng tông tộc. Để bảo đảm quan hệ chặt chẽ, ngoài đòi hỏi trung với vua còn đòi hỏi hiếu với tổ tiên nữa. Chính vì nguyên nhân này mà ở Trung Quốc tổ chức tông tộc rất rành mạch, thậm chí cách nhau hàng năm sáu thế kỷ vẫn xác định được quan hệ anh em trên dưới theo phả hệ. Tông tộc hay họ có vai trò xã hội rất quan trọng.

Khi bị nô dịch theo cách đó, các công xã bị nhập vào vùng đất của vua chư hầu và đồng thời là thuộc sở hữu của thiên tử, mọi thành viên công xã nhất loạt thành thần dân, có khác với hình thức bắt làm nô lệ, khác về hình thức nô dịch và khác về thân phận. Công xã trở thành một đơn vị phụ thuộc vào chủ, tức là chính quyền của vua chư hầu và thuộc thiên tử. Công xã trở thành làng. Thành viên trong làng kết hợp với nhau vừa theo quan hệ công xã, vừa theo quan hệ trong phiên chế của chính quyền. Trải qua nhiều thế kỷ chiến tranh, nhân dân phiêu bạt cũng thường theo làng, theo họ tạo ra một thực tế được ghi nhận đời Hán là “hương đảng tộc cư” tức là làng ở theo họ. Đặc biệt ở những vùng trồng lúa nước thì sự định cư quanh đồng ruộng càng củng cố hình thức làng- họ như vậy. Làng- họ là hình thức tổ chức vương hữu hoá và thần dân hoá toàn thể của nhà nước chuyên chế. Trong cách chiếm hữu như vậy, người chủ sở hữu như chủ nô hay lãnh chúa mà phải thu lợi qua tổ chức sẵn có là làng. Chính quyền trung ương chỉ với tay đến huyện chứ không đến làng được. Nhà nước trung ương chỉ thu thuế, bắt phu, bắt lính và giao cho làng phải nạp đủ số. Còn cách tổ chức trong nội bộ làng thì ít xem xét tới. Đó là cách để cho làng tự trị. Chính quyền do nhà vua bổ nhiệm chỉ dừng ở huyện nên nói như Mác là chính quyền chuyên chế chồng lêntrên làng xã tự trị. Thực tế đó tạo ra tình hình “phép vua thua lệ làng” khá lâu dài.

Làng vì cách quần tụ theo họ, vì tính tự trị nên tổ chức chặt chẽ và rất bền vững
+ Về kinh tế, làng có công điền và công quỹ. Công điền là dấu vết của công xã nhưng lại mang thêm ý nghĩa vua ban cho. Công điền được quần cấp cho dân làng và vì ơn được cấp ruộng đó mà người dân phải làm nghĩa vụ nộp thuế, đi phu và đi lính. Công điền là của chung của làng, nên chỉ cấp cho dân làng. Người ở nơi khác đến “ở nhờ” (ngụ cư) không được cấp. Dân làng cũng phải được ghi tên vào sổ làng rồi mới được cấp, cấp theo hạng. Dân ngụ cư không phải là dân làng, không được cấp ruộng công nhưng là thần dân nên vẫn phải đi phu, đi lính, nộp thuế. Công quỹ trích từ thuế và quyên góp của người làng. Làng phải có những chức dịch quản lý sổ sách, công điền, công quỹ và chính họ xà xẻo của cải chung, mượn tiếng quyên góp cho công việc chung mà “phù thu lạm bổ” vơ vét của dân và làm tiền đám dân ngụ cư.

Về chính quyền, để trông coi việc làng và việc vua quan, làng có thể coi là có hai thứ chính quyền. Một loại mang dấu vết công xã gồm những bô lão, thân sĩ và những người đàn anh có thế lực, những đại biểu cho các họ lớn. Đó là các thân hào đứng đầu họ là Tiên chỉ, Thứ chỉ. Những người này quyết định mọi việc làng. Một loại khác là Lý trưởng và các người chức dịch (như hương bộ, hương kiểm) tức bộ máy chính quyền thực thụ, được cấp trên công nhận để thừa hành các công việc nhà nước, trước hết là bắt phu, bắt lính, đôn đốc thuế khoá và giữ an ninh. Người ta gọi chung họ là lý hương. Theo quan niệm trật tự trong làng thì Lý hương phải nghe theo Tiên, Thứ chỉ, tức là thân hào quyết định việc thi hành các công việc trong làng chứ không hoàn toàn theo luật pháp và thị của cấp trên. Ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, thời Pháp thuộc mới cải lương hương chính, biến bộ máy thân hào thành hương hội, có Chánh hương hội đứng đầu. Hương hội là một thứ hội đồng cố vấn cho Lý trưởng. Nhà nước qua bộ máy hương lý trực tiếp chỉ đạo việc làng.
Việc làng là một chuyện hết sức phức tạp. Làng là một đơn vị gắn bó chặt chẽ, một tổ chức ổn định và lâu đời. Trong làng có họ. Họ cũng thành một tổ chức bền vững và lâu đời. Con cháu cùng giòng máu sống gần nhau, dựa vào nhau, có nhà thờ, ruộng hương hoả, tự điền, có mộ địa cha ông chung, có trách nhiệm với nhau và có tộc trưởng cùng những bậc cha chú đôn đốc theo dõi. Tình cảm máu mủ, họ hàng khá gắn bó. Làng thực tế là nơi cộng cư của một số giòng họ. Quan hệ giữa các giòng họ rất phức tạp. Có sự liên minh lâu dài mà cũng có những thù hằn đời kiếp với nhau. Việc làng thực chất là điều chỉnh quan hệ giữa các họ. Không chỉ có quyền lợi kinh tế mà còn cả thái độ cư xử, cả tình nghĩa. Một việc nhiều khi rất nhỏ mà cũng thành chuyện ân oán lâu dài. Dân làng bị ràng buộc với nhau vì tình nghĩa và vì cả quyền lợi, nghĩa vụ, Không ai muốn bỏ làng đi tha hương làm dân ngụ cư mà vua quan, hương lý cũng không muốn cho dân làng bỏ đi để bảo đảm đủ số dân đinh làm nghĩa vụ nộp thuế, đi phu, đi lính. Trước đây, sau chiến tranh loạn ly bao giờ triều đình cũng có lệnh cho các làng xã chiêu tập những người lưu tán và vua ra chiếu khuyến nông nhằm khôi phục lại các làng. Các làng đã từ những công xã rất lâu đời mà thành nên thường có thờ thần Thành hoàng, có đền miếu, có lễ hội của làng. Từ sự thờ cúng đó mà cũng thường có những tục lệ, kiêng kỵ riêng. Hai làng ở cạnh nhau có khi cũng kỳ thị nhau. Cuộc sống chung lâu dài đòi hỏi có những nền nếp chung, có khi viết thành hương ước, có khi chỉ là truyền miệng, nhưng ai cũng phải biết, phải giữ. Đó không phải là luật pháp mà là lệ làng. Lệ làng có khi còn nghiêm hơn phép nước. “Phép vua thua lệ làng”. Vì vậy ai vi phạm thì bị trách mắng, xử phạt. Hình thức xử phạt do các thân hào bô lão quyết định, thường là bắt làm lễ tạ lỗi, mời làng ăn uống. Trong khi chờ đợi được làng tha thứ có khi cả làng cách ly, cắt đứt quan hệ. Những hình phạt như chửa hoang bị gọt tóc bôi vôi, thả trôi sông hay đốt nhà rồi đuổi đi là theo lệ làng, chứ không phải theo pháp luật.

Việc làng theo truyền thống công xã thường được đem bàn bạc trong các cuộc họp làng. Tất cả dân làng đều được họp, tất nhiên là không có phụ nữ. Việc làng việc nước là của đàn ông. Chắc trước đây cũng đã có ngôi nhà chung cho làng họp. Ở Việt Nam từ khi có đình thì họp làng ở đình. Trật tự trên dưới ở đây là rõ ràng. Không chỉ trong họ mới có quan hệ cha chú và con em, ở ngoài làng cũng theo trật tự như vậy. Quyền ăn nói, chỗ ngồi trên thuộc về bậc cha chú. Con em chỉ ngồi nghe và đồng ý chứ không được vô phép “nói leo”. Họ phải tìm cách giành ngôi thứ, chờ đợi “sống lâu lên lão làng” để đến lượt mình ngồi trên và ăn nói.

Trong cuộc sống của cộng đồng làng cần được bảo vệ chống cướp, chống giặc, chống thiên tai, hoả hoạn nên khi có lệnh của bô lão, trai tráng cần phải tề tựu với cả gậy gộc hay giáo mác. Làng thành ra có thể có lực lượng võ trang. Những lúc chống giặc thì làng có thể thành “pháo đài” mà trong việc tranh chấp ruộng đất giữa các làng thì đám trai tráng võ trang huy động như thế cũng gây ra những vụ đổ máu, những mối thù lâu dài giữa làng này và làng khác.

Không phải chỉ bộ máy chuyên chế ở trên mà cả cơ sở làng- họ ở dưới, đúng hơn là cách chồng bộ máy chuyên chế lên trên các làng- họ, không để nó phát triển tự nhiên đã quy định sự phát triển về sau. Không phải chế độ chuyên chế và tổ chức làng- họ như trên trình bày đã hình thành trọn vẹn một lúc mà nó được hình thành dần dà và lâu dài trong lịch sử. Có điều nó hình thành một cách tất yếu, những vấn đề nảy ra tất yếu và cách giải quyết nó cũng là như vậy. Tất cả vạch ra một con đường phát triển có ý nghĩa đặc thù so với con đường phá triển điển hình là con đường năm phương thức rõ rệt. Cũng nên nói ngay đây không phải là cả bốn nước Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam đều có thực tế hoàn toàn là như vậy. Nhưng những cơ sở gắn bó với Nho giáo cũng là cái hấp dẫn đối với các nước du nhập Nho giáo, và thực tế từng nước khác với những điều đã nói cũng làm cho các nước đó hiểu một số nội dung Nho giáo có khác nhau và quy định vận mệnh về sau của các nước và của cả Nho giáo cũng ít nhiều khác nhau.

- Bộ máy quan lại và đẳng cấp sĩ phu:
Với chế độ chuyên chế, nhà nước tập quyền ra đời rất sớm, làm chủ một lãnh thổ cực rộng lớn. Vấn đề tổ chức việc cai trị nó thành vấn đề lớn ngay từ đời xa xưa. Trong lịch sử tư tưởng, Trung Quốc là một nước quan tâm đến chính trị sớm, sớm hơn rất nhiều so với châu Âu.

Từ thời Ân, Chu chỗ dựa của thiên tử là các chư hầu, họ hàng nhà vua. Con cháu được phân phong làm chư hầu được coi là “phên dậu” che chắn cho trung ương. Các đại thần gần vua cũng chọn trong hàng ngũ bà con thân thích. Chọn chỗ dựa như vậy có thể đúng là vì ơn vua, vì lòng hiếu với tổ tiên mà họ sẽ rất trung thành. Nhưng các vị quý tộc ấy phần lớn lại bất tài và hư hỏng, không cai trị nổi. Tiếp đó vào thời Xuân Thu các học phái đều bàn vấn đề “hiền tài”, đều thảo luận cách chọn người hiền tài. Một chính sách được chú ý là “tiến hiền”, đề cử người tài giỏi cho vua, ai đề cử đúng thì được thưởng, ai đề cử sai bị trách phạt. Nhưng cung cách đó cũng không tránh được những thực tế là quý tộc đề cử lẫn nhau, người tài giỏi vẫn cứ bị lọt ra ngoài. Nhà Tần thi hành nguyên tắc chọn quan từ người giúp việc, chọn tướng từ binh sĩ, tức là từ người đã được thử thách. Hiệu quả rõ ràng tốt hơn. Cũng vào thời đó, các nhà tư tưởng Pháp gia như Thương Ưởng, Hàn Phi vạch ra một sự thật cho vua chúa: người mong vua chóng chết nhất là hoàng hậu và thái tử, người nuôi âm mưu và có khả năng thực hiện việc cướp ngôi nhất là các đại thần quý tộc. Nhà Tần đã bỏ việc phân phong con cháu và chọn người trong họ làm tướng quốc. Đến Hán Võ Đế mới quyết định dùng khoa cử thi chọn người làm quan. Đến đời Đường thì chế độ khoa cử được hoàn thiện và tiếp tục thực hiện cho đến đầu thế kỷ XX. Với chế độ đó giúp vua cai trị là quan lại được lựa chọn qua các kỳ thi. Quý tộc được hưởng tước lộc nhưng không nhất thiết giữ việc cầm quân và cai trị. Quan lại qua các kỷ thi được bổ nhiệm cầm quyền từ trung ương cho đến huyện. Dưới huyện là làng xã tự trị. Nhà nước coi việc “bồi dưỡng nhân tài” và “lựa chọn được nhân tài” là việc lớn của quốc gia. Vì vậy, việc học hành và thi cử trở thành hết sức trọng thể: vua đích thân đến nghe giảng ở trường Quốc học và chủ trì việc thi Đình chọn các tiến sĩ.

Đất nước dưới chế độ chuyên chế phương Đông gồm vua quan sống trong cung đình và các lỵ, trấn. Xung quanh cung đình, lỵ, trấn là vô vàn làng xã, trong đó dân lao động- chủ yếu là nông dân- sản xuất để tự túc làm nghĩa vụ cống nạp. Nếu mùa màng tốt, nhân dân yên ổn, làm đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế, đi phu và đi lính thì nước nhà thịnh vượng thái bình. Bộ máy nhà nước như vậy mong ước không phải là sự phát triển tiến bộ mà cảnh thái bình “bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”. Trị nước là nhằm lấy được của dân, sức dân và lòng dân nữa. Cho nên chọn quan là chọn người làm cha mẹ dân, công việc của quan trước hết là yên dân. Tuyên truyền và giáo hoá được coi là quan trọng nhất. Nội dung yêu cầu đó được quán triệt trong việc học và thi. Người đi học phải nắm vững kinh sử tức là nội dung đường lối cai trị theo Nho giáo và kinh nghiệm chính trị các triều đại. Ngoài ra phải có tài làm văn chương tức là khả năng tuyên truyền động viên, làm xúc động người nghe, làm họ theo đạo nghĩa. Đó là nội dung minh kinh và năng văn của học hành và thi cử.

Theo thế chế kinh tế- xã hội vừa trình bày, làm quan sống bằng bổng lộc vừa sung sướng vừa có danh vọng, hơn hẳn làm dân lao động sản xuất. mà mọi người cũng chỉ có hai con đường để lựa chọn đi học, thi đỗ để làm quan hay ở nhà đi cày. Cũng chỉ là bất đắc dĩ người ta mới chọn con đường làm nông dân: “Văn thơ phú lục chẳng hay; trở về làng cũ học cày cho xong”. Trng xã hội vì vậy xuất hiện một lớp người đông đảo lựa chọn con đường thứ nhất, tạo ra một từng lớp: từng lớp sĩ. Sĩ không những có cơ may làm quan mà còn là một từng lớp được nhà nước ưu đãi, xã hội trọng vọng nên ai cũng cố gắng đi học, cha mẹ nào cũng lo cho con đi học tạo ra truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo ở các nước Đông Á.

Trong kết cấu xã hội đó, sĩ cũng là dân, nhưng là một từng lớp dân đặc biệt. Họ giao du rộng hơn, có tổ chức văn hội, sĩ hội, được mọi người kính nể. Vận mệnh của họ cũng khác. Nếu thi đỗ, số này chỉ là rất ít, nên họ csó thể làm quan; hay nếu không làm quan thì họ thành thân sĩ, được hưởng ruộng biếu, được trọng vọng và tham gia quyết định việc làng. Nếu thi không đỗ thì cũng làm thầy trong làng xã: thầy đồ dạy học, thầy thuốc, thầy địa lý, thầy số. Những thầy này người dân cần đến họ giống như dân phương Tây cần người giáo sĩ. Họ là người làm trung gian giữa dân và triều đình. Họ tự coi là tiên tri, tiên giác, có trách nhiệm giáo hoá dân, đại diện cho dân tâm sĩ khí. Mà vua quan cũng coi họ là người tuyên dương đạo thánh và ân đức của triều đình xuống dân. Nhưng cũng nên chú ý là từng lớp trí thức đó không giống trí thức ở phương Tây. Ở phương Tây, trí thức gắn với nhà thờ trong thời trung cổ và về sau gắn với đô thị. Việc học của họ gắn chặt với nghề nghiệp, với kỹ thuật, khoa học. Từng lớp sĩ đông đảo hơn không gắn với tôn giáo mà cũng không gắn với đô thị. Họ là trí thức nông thôn, đi từ nông thôn vào cung đình và ngược lại. Việc học của họ cũng khác. Họ học để làm quan, học kinh sử và văn chương ít gắn với nghề nghiệp, kỹ thuật và khoa học. Đó là từng lớp trí thức gắn với chế độ quan liêu mang nặng tính kinh viện và tính từ chương. Cho nên xã hội có nhiều người đi học, nhiều người đậu đạt mà học thuật, khoa học vẫn kém phát triển.

Nhà nước có tính quan liêu, sĩ phu đi học để làm quan, nặng tính nông thôn, kinh viện và từ chương cũng là những nhân tố ảnh hưởng lớn đến tiến trình lịch sử.
Đô thị khó phát triển. Khởi nghĩa nông dân:
Cái phi lý nổi bật là sự tập trung mọi quyền lực vào chỉ một người, tạo ra mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán, đại diện cho đòi hỏi tập trung là bản thân hoàng đế. Cùng với hoàng đế cũng có thể kể cả từng lớp quan liêu và sĩ phu, muốn làm quan lại cho một triều đình chính thống hơn là làm tôi của các chúa địa phương. Lực lượng phân tán thì đa dạng hơn: trước hết là các quý tộc công thần muốn có nước riêng, các hào trưởng ở các địa phương muốn cát cứ xưng hùng ở địa phương mình. Ngoài ra, làng xã cũng là một lực lượng phân tán, yếu hơn nhưng lại cực to, rộng. Chế độ chuyên chế muốn tồn tại phải khắc phục sự phân tán, nhưng lại không thể thanh toán cái đối lập. Cho nên đường lối của mọi triều đại chuyên chế là hạn chế và lợi dụng. Dựa vào bộ máy quan lại và bộ quân thường trực, hoàng đế đàn áp đẫm máu các âm mưu phản loạn, nhưng đồng thời cũng dùng chính sách tước cao bổng hậu để ràng buộc quý tộc và hào trưởng. Dân ở làng xã, nguồn tô thuế và sức lao động của hoàng đế được giành cho mọi điều tốt đẹp, được động viên khuyến khích chăm việc nông trang và quan tâm việc giảm thuế, giảm sưu khi mùa màng thất bát. Thân hào ở làng xã được rộng rãi trong sự tự trị của làng xã và vui lòng với vai trò "đàn anh" ở chốn đình trung. Xu thế phân tán cát cứ vốn là tự nhiên trong nền sản xuất nông nghịêp. Hoàng đế chỉ thành công khi chặn được nó và chỗ phải để mắt tới là sự phản loạn của quý tộc và hào trưởng. Giành được lòng dân có thể coi là một thứ "pháp bảo" của chế độ chuyên chế. Coi dân là "thần dân" - phụ thuộc vào mặt nhà nước chư không phải là nô lệ, nông nô, phụ thuộc về mặt cá nhân - thi ơn, tức là ruộng đất, tước lộc đều do vua cho và sự quan tâm như giảm thuế, mở trường cho con em học hành... làm cho hàng đế thành xa vời và tốt, còn mọi uất ức chỉ trút vào quan lại và cường hào mà không động đến vua. Thực tế mọi cuộc chiến tranh nông dân ở Trung Quốc và ở Việt Nam đã chỉ rõ điều đó.
Đó là một mặt; mặt khác lựa chọn đường lối chính trị và lập pháp để bảo vệ chế độ chuyên chế, bảo vệ hoàng đế chính thống: dựa vào tư tưởng thiên mệnh, quyền vương hữu, thần dân hoá toàn thể đưa vào bộ máy quan lại, đội quân thường trực để áp đặt sự thống trị.
Ở các nước phương Tây, ngay trong thời kỳ phong kiến phân quyền đã có hiện tượng ra đời các đô thị tự trị, ngoài sự khống chế của các lãnh chúa, về sau thành lực lượng liên minh với hoàng quyền, xoá bỏ các lãnh ấp và phát triển dần thành lực lượng tiêu diệt chế độ phong kiến. Khởi đầu là ở những vùng ven biển, xuất hiện "những tên cướp biển phiêu lưu", tức là những con buôn dùng tàu bè đi biển vừa bán hàng vừa ăn cướp trở thành giàu có. Họ cần có hàng hoá để bán nên tập hợp quanh mình những thợ thủ công, lập thủ công xưởng, với những ông chủ xưởng. Những nông nô trốn lãnh chúa và nhà thờ tập trung về đây làm thuê cho họ, trở thành thị dân. Khi đô thị đã đông đúc thì các người hát rong, những người chơi tạp kỹ khác cũng bỏ kiếp làm hề cho lãnh chúa ra kiếm ăn trong đám thị dân. Đó là những nghệ sĩ tự do. Những người làm kỹ thuật, khoa học lâu nay phụ thuộc vào nhà thờ hay lãnh chúa cũng bỏ ra đây làm những người trí thức tự do. Với sự phát triển của nghệ thuật, kỹ thuật, khoa học, triết học và tiếp đó là tư tưởng chính trị dân chủ cũng được môi trường tự do của đô thị làm nảy nở. Đó là quá trình ra đời các bourg và từ đó mà có bourgeoisie - giai cấp tư sản. Trong thể chế chuyên chế không có những điều kiện thuận lợi như vậy cho giai cấp tư sản ra đời.
Thứ nhất là sự tồn tại các lãng xã tự trị sống bằng nền sản xuất nông nghiệp, tự túc và cống nạp, trao đổi sản vật ở chợ quê và triều đình độc quyền ngoại thương, sử dụng số tô thuế tích luỹ vào việc mua các hàng hoá xa xỉ, do đó, công thương nghiệp khó phát triển. Hai là, không có đất trống ngoài lãnh thổ của thiên tử cho các đô thị tự trị. Bộ máy quan liêu và đội quân thường trực quản chế khá chặt, cho nên không phải không xuất hiện tình hình tương tự như phương Tây, nhưng thường là sau một thời loạn ly, trung ương phải làm ngơ, cuối cùng những điểm phản loạn như vậy cũng bị xoá bỏ. Hơn thế, tình trạng lưu dân ở đây thường chạy vào nhà chùa hay vào lực lượng võ trang nhiều hơn là ra sống ở đô thị. Đô thị do đó khó phát triển và không thành tự trị được.

Nông dân là từng lớp đông đảo, nhưng thiếu ruộng đất bị sống bưng bít, cột chặt với làng xã, sống khổ cực trong nền sản xuất tự túc và cống nạp. Trong làng xã, họ là nạn nhân của cường hào và quan lại, nên lại càng hứng chịu nhiều bất công oan trái hơn. Trên danh nghĩa nói "dân được cấp ruộng" nhưng thực tế là điều kiện để cột chặt họ lại ở làng xã để làm nghĩa vụ chứ không cho họ đủ sống. Thường thì nông dân phải làm thêm nghề phụ, dựa vào kinh tế tự nhiên như hái lượm và đánh bắt hoặc lang thang kiếm việc làm thuê mới đủ sống. Những năm gặp thiên tai, động rừng, động biển, gặp giặc giã, đi lại khó khăn thì hàng loạt người bị rơi vào tình trạng nguy khốn không có lối thoát. Đây là những thời điểm dễ nổ ra nông dân khởi nghĩa. Nông dân khởi nghĩa thường bắt đầu bằng một hành động phạm pháp vì uất ức chống bất công mà đối kháng với cường hào, quan lại. Kẻ phạm pháp, nhiều khi là không cố ý, và họ thường trốn tránh ở nhà người bạn kết nghĩa. Nhưng cuối cùng thì bạn cũng không thể cưu mang nổi, hoặc sợ bị bắt nên cùng nhau trốn lên núi làm cướp đón đường mại lộ. Cứ thế mà kết nạp thêm thành toán cướp lớn. Những năm gặp thiên tai, địch hoạ số người đi theo toán cướp có hàng ngàn, hàng vạn. Toán cướp phải tổ chức sơn trại, thuỷ trại làm căn cứ và phải tổ chức trật tự sơn trại, thường gọi "tụ nghĩa đường" cử người lãnh đạo - gọi là "đại ca", anh cả - và sắp xếp ngôi thứ, chia hai bên văn võ giống như một triều đình. Từ đó mới thành lực lượng chống triều đình chính thống, đánh phá châu, quận, giao chiến với quân triều đình. Đáng lưu ý là lúc đầu khởi nghĩa nông dân thường chỉ chống hào cường và quan lại, chỉ nêu khẩu hiệu lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo, thực hiện sự công bằng chứ không chống hoàng đế và tôn giáo như ở phương Tây. Thường thường những cuộc khởi nghĩa như vậy đều thất bại. Cách đánh dẹp của triều đình cũng thành bài bản: chiêu an đám dân nghèo, tha tội, cấp ruộng đất, trâu bò về làng cày cấy và trừng trị những người cầm đầu. Đó là cách Nguyễn Công Trứ dẹp khởi nghĩa nông dân của Ba Vành và đem dân Trà Lũ khai khẩn Kim Sơn, Tiền Hải. Ở Tiền Hải ngày nay, dân thờ cả Phan Bá Vành và Nguyễn Công Trứ như những người có công ơn với dân. Khởi nghĩa nông dân cũng có khi thành công nhưng là rất ít. Lúc đó đại ca lên ngôi hoàng đế, hai ban văn võ chuyển thành bộ máy quan lại tướng lĩnh. Tụ nghĩa đường chuyển thành triều đình: một triều đại chuyên chế mới thay thế triều đại cũ. Nhà Minh ở Trung Quốc, nhà Tây Sơn ở Việt Nam đã đi theo con đường như vậy. Đó là quy luật lặp đi lặp lại của đế chế, dù có qua khởi nghĩa nông dân cũng không thoát ra ngoài.
Bốn điều nói ở trên là nhằm trình bày, phân tích những điểm có quan hệ với sự ra đời và tồn tại của Nho giáo. Nó không phải là hoàn toàn giống nhau ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.

Ở Trung Quốc, nơi ra đời Nho giáo có những điều vừa phân tích (và cả những điều khác nữa) đã làm cho Nho giáo ra đời và tồn tại lâu dài và đồng thời do tác động tương hỗ giữa thực tế và ý thức hệ mà vạch ra con đường phát triển đế chế lặp đi lặp lại. Các nước du nhập Nho giáo, lúc đầu không có điều kiện giống Trung Quốc, nhưng khi du nhập đã đưa Nho giáo làm quốc giáo, do yêu cầu trước hết là để thực hiện sự lập trung chính quyền vào trung ương, thống nhất đất nước. Đồng thời, ở các nước đó cũng đều thực hiện những mô hình xã hội theo Nho giáo. Tuy vậy, việc áp dụng một mô hình của nước ngoài không phải khi nào cũng thuận lợi. Nhà nước trung ương có thể khống chế được các thế lực phân tán để cố định cục diện thống nhất, mà cũng có thể không thực hiện được trọn vẹn. Thí dụ, ở Việt Nam, có lẽ là do quá trình đã châu, quận hoá từ thời Bắc thuộc, do lực lượng các hào trưởng chưa phát triển mạnh, do đòi hỏi thống nhất chống ngoại xâm mà tình trạng phân tán cát cứ bị dẹp khá gọn (có thể là từ đời Đinh đến đời Trần). Còn ở Nhật Bản, tuy Thánh Đức thái tử (thế kỷ VII) cũng đã theo Nho giáo, tổ chức sự thống nhất nhưng cục diện đó không vững bền. Các lãnh chúa dần dần phát triển được thế lực và thực tế chia nhau làm chủ đất nước, chỉ phục tùng trung ương về danh nghĩa.

Ở Trung Quốc, thực hiện có hệ thống chế độ quan liêu và khoa cử vì có chế độ tập trung ổn định. Việt Nam cũng tổ chức bộ máy nhà nước theo kiểu Đường, Tống, Minh, Thanh và áp dụng chế độ khoa cử giống như Trung Quốc (thi hương, thi hội, thi đình), cho nên trong xã hội vai trò của đẳng cấp sĩ là lớn. Ở Nhật Bản cũng có thời kỳ áp dụng cách tổ chức bộ máy quan liêu, nhưng khi các lãnh chúa đã giành được quyền lực thì chỗ dựa của họ là quân đội, là đẳng cấp võ sĩ chứ không phải là nho sĩ. Nho học vì vậy không phải học để thi cử mà học phải có ý nghĩa học thuật tự do. Vì thế về sau, ở Trung Quốc và Việt Nam có tình hình giống nhau hơn so với Nhật Bản.

Ở Nhật Bản, do thực tế tồn tại các lãnh chúa Đại danh luôn luôn phải đương đầu với nhau nên các lãnh đại được khai thác, ngoại thương được phát triển và cũng đã xuất hiện đô thị giống như ở phương Tây (Đại Bản). Và ở đây có cả một xu hướng thương nhân vận dụng Nho giáo với những thay đổi khá đặc sắc.

Thế là Nho giáo gắn với thể chế chuyên chế, với cục diện quốc gia thống nhất. Nhưng khi nằm trong tay đẳng cấp võ sĩ hay cả giai cấp thương nhân thì sự thống nhất đó cũng đã hiểu theo một cách có khác hơn. Tuy vậy, vẫn có những thực tế giống nhau biểu hiện con đường chung của phương Đông, vẫn có những nội dung giống nhau biểu hiện một Nho giáo chung. Và cũng chính vì thế mà có những bước đi tương đồng giữa bốn nước đó trên con đường hiện đại hoá, theo đường lối XHCN hay TBCN.

III. VỀ ẢNH HƯỞNG NHIỀU MẶT CỦA NHO GIÁO

1. Những điều vừa trình bày ở phần trên là điều kiện cho Nho giáo ra đời, tồn tại và phát triển. Nho giáo được hình thành dần và cũng có thay đổi trong những điều kiện như vậy. Nó là con đẻ của thể chế đó, đồng thời cũng là kẻ bảo vệ thể chế đó. Từ bước đầu tiên muốn chấm dứt chiến tranh, loạn ly, Khổng tử chủ trương khôi phục quyền thiên tử nhà Chu, khôi phục lễ văn thời Tây Chu để thống nhất về một mối. Về sau với tư tưởng thống nhất thiên hạ. Nho giáo mọi thời đại ra sức đề cao lòng trung nghĩa, bảo vệ triều đại chính thống. Không những đó là thái độ chính trị của từng nhà nho với triều đại cầm quyền, mà hoạt động giáo dục và học thuật như viết văn, làm sử của họ cũng góp phần rất lớn vào việc bảo vệ sự tập trung chuyên chế. Trong thể chế đó, gia đình và họ hàng có vai trò hết sức lớn. Bằng việc xây dựng nền nếp gia đình, quan hệ họ hàng và coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, Nho giáo đã làm rất có hiệu quả, làm phổ biến không khí gia đình và biến con người thành con người của gia đình, sống hiếu đễ, ngoan ngoãn và ít có hứng thú với cuộc sống xã hội rộng lớn và tự do. Nho giáo đã thành công trong việc đưa tình, nghĩa và Lễ để giữ gìn trật tự trên dưới, làm cho xã hội ổn định. Trật tự mà Nho giáo xây dựng có lợi cho hoàng đế, thích hợp với làng xã, với đời sống gia đình, họ hàng, nên nói chung dễ được chấp nhận là hợp lý. Do đó triều đại nào muốn giữ vững tập trung chính quyền, dù nguồn gốc là quý tộc được truyền ngôi hay là nông dân khởi nghĩa đoạt được ngôi báu. Ở Trung Quốc hay ở Việt Nam, Nhật Bản, cũng thấy cần phải sử dụng Nho giáo, đều đưa Nho giáo làm quốc giáo. Cũng vì vậy không phải vì Nho giáo là sản phẩm Trung Quốc, là ngoại lai mà các triều đại Lý, Trần, Lê, Tây Sơn của ta vì căm ghét quân xâm lược Tống, Nguyên, Minh, Thanh, vì lòng yêu nước, tự hào dân tộc mà chống Nho giáo. Ngược lại, chính những triều đại ấy ngay sau khi chiến thắng quân xâm lược phương Bắc đã đề cao Nho giáo.
Ở các nước Đông Á cùng với Nho giáo, trong đời sống tinh thần còn có các tín ngưỡng bản địa, các tôn giáo, học thuyết khác mà đáng kể nhất, và bao giờ cũng có là cả bộ ba: Nho, Phật, Đạo, được gọi chung là Tam giáo. Đạo giáo, nhất là Phật giáo, có ảnh hưởng khá lớn trong nhân dân, có khi còn lớn hơn cả Nho giáo. Nhưng trong chính trị, trong học thuật, Nho giáo bao giờ cũng giữ địa vị chi phối. Nhà Đường ở Trung Quốc tự nhận là con cháu Lão Tử, ông tổ của Đạo gia. Nhà Lý ở Việt Nam, xuất thân từ nhà chùa lên ngôi vua; Nhật hoàng ở Nhật Bản, vốn coi Thần Đạo là tôn giáo thờ tổ iên của Thiên hoàng song cũng đều dựa vào Nho giáo trong việc trị nước.

Nho giáo gắn bó với chính quyền tập trung và quan liêu. Do đó, muốn bảo vệ chính quyền tập trung, dù trong điều kiện nào thì bằng cách này hay cách khác vẫn sử dụng Nho giáo.
2. Ảnh hưởng của Nho giáo mạnh hay yếu và cung cách tác động của nó đến đời sống xã hội và con người như thế nào tuỳ thuộc khá lớn vào thể chế xã hội, tức là sự tập trung chuyên chế thực hiện được đến mức nào, vào sự tồn tại của những thế lực hào trưởng, quyền lực của bộ máy quan liêu, thực tế làng xã... Nó cũng tuỳ thuộc khá lớn vào cách truyền bá của Nho giáo, tuỳ thuộc vào thể chế giáo dục, mà điều khá quan trọng là có thực hiện được chế độ khoa cử hay không. Ở Việt Nam thể chế chuyên chế cùng với tổ chức làng - họ ảnh hưởng rõ rệt đến kinh tế, đến sự tồn tại lâu dài của công điền. Trên cơ sở côg điền, ở làng xã khó ra đời tư hữu đủ lớn để kinh doanh nông nghiệp. Ruộng đất trong làng không nhiều nên đắt, khó mua; ở làng này mua được ruộng ở làng khác lại càng khó; bỏ làng đi khai khẩn nơi khác thì trái với tâm lý dân ở làng - họ. Điều ấy dẫn đến tình trạng ruộng đất manh mún, mỗi người chỉ có ít ruộng để tiến hành sản xuất tự túc và cống nạp. Người nông dân phải làm thêm nhiều thứ việc linh tinh mới đủ sống. Chính sách kinh tế của nhà nước là trọng nông, ức thương. Nhiều chính sách xã hội, và văn hoá cũng nhằm ngăn cản cách làm ăn "nhất bản vạn lãi"; cầu may, phá hoại nhận vị đó. Việc truyền bá những quan điểm Nho giáo làm cho người dân tin tưởng ở "dĩ nông vi bản", khính những người chạy theo lợi, làm giàu, đối lập giàu với có đạo đức "vi phú bất nhân, vi nhân bất phú", coi thương nhân là dân hạng bét. Trong danh vị, chuộng sự thanh nhàn, coi việc hưởng dụng của cải do thương nghiệp đưa lại là bẩn thỉu.

Nho giáo xây dựng trong thể chế đó một mô hình xã hội đối lập, trước tiên là vua và dân. Vua thì có quan. Quan thì có lại. Quan lại thì có lệ. Đó là phần trên từ triều đình đến huyện. Trong làng xã thì đối lập với dân là thân và hào. Dân chia ra bốn hạng (tứ dân): sĩ, nông, công, thương. Nói là bốn hạng nhưng chỉ có sĩ và nông mới là cơ bản. "Nhất sĩ nhì nông". Sĩ tuy là dân nhưng lại là loại dân đặc biệt: đội dự bị của quan thân, kẻ trung gian với triều đình, kẻ đại diện cho dân và làm thầy dân lao động. Kết cấu xã hội đó khác với kết cấu xã hội phong kiến phương Tây. Cho nên cần phải hiểu các nhân vật của nó thật chính xác, hình dung họ thật cụ thể với những bộ mặt thực, cách "làm ăn", cách sống, cách ứng xử... không nhìn đơn giản bằng những khái niệm "bần nông", "trung nông", "địa chủ", "trí thức".

Trước hết, không nên đồng nhất "quan lại" với bọn quan liêu, "cường hào" với các loại thôn trưởng, ấp trưởng ở các lãnh ấp. Có nhìn trong họ màu sắc của chế độ chuyên chế, của làng xã tự trị, của cung cách các lực lượng phân tán vẫn nẩy nở một cách tự phát, nhưng phải khép mình vào những điều kiện của cơ chế trên thì mới nhìn ra cái đặc điểm của họ.
Vua chuyên chế không thể trực tiếp điều hành đất nước quá rộng bằng những tay chân sai phái trực tiếp mà gián tiếp qua một bộ máy quan liêu từ triều đình đến châu, quận. Bộ máy đó gồm các "quan" to, nhỏ. Trong chế độ chuyên chế chỉ có vua sáng nghiệp, có nhiều chủ trương đường lối, sắp đặt mọi việc thành chế độ, điển chương, còn nói chung cả triều đại sau đó đều theo đường lối giữ vững điển chương, chế độ của cha ông, "thủ thành" giữ yên không sinh chuyện, xáo trộn. Công việc trị nước của vua quan như tổ chức bộ máy "lục bộ" ở triều đình và "ba toà quan lớn" ở tỉnh, chú trọng giữ gìn an ninh, xử lý các vụ án kiện tranh chấp, thu tô thuế và phân phối, để tâm đến giáo hoá, phong tục. Tất nhiên một việc quan trọng có thể là quan trọng nhất, được nhà vua chú ý là lựa chọn, sắp đặt các quan và kiểm tra, theo dõi họ, trước hết là về mặt trung thành. Do đó, quan không phải là người giỏi một chuyên môn nào, mà là người được vua tin cậy và giao cho làm "cha mẹ dân". Công việc của quan là "cầm cân nẩy mực", là hành hạt, hiếu dụ, tức là tuyên truyền, giáo hoá, dự bình văn, tế lễ, tức là biểu thị thái độ của triều đình tôn trọng việc học hành, lễ nghi và phong hoá. Những công việc đó tất nhiên là hợp với những ông quan, vừa là quan, vừa là văn nhân, cầm quyền cai trì, nhưng lại mơ ước "cầm đường ngày tháng thanh nhàn, sớm khuya tiếng hạ tiếng đàn tiêu dao". Nhưng đã là quan cai trị thì cũng không tránh khỏi những công việc cụ thể: thu thuế, bắt phu, bắt lính, chống cướp, xử kiện... Những công việc này thật ra không phải sở trường của các ông Nghè, ông Cử, chỉ học có Kinh Truyện và văn chương. Vì vậy, quan phải dùng lại. Lại cũng không phải là những người công chức được đào tạo về chuyên môn, hành chánh. Lại chỉ là những người thông thạo địa phương, có nhiều mưu mánh và thạo việc giấy tờ. Họ cũng có học hành nhưng không hy vọng đậu đạt. Và đã là lại thì không thể đề bạt làm quan phụ mẫu được. Cuộc đời của họ là núp dưới bóng quan để kiếm ăn. Quan thì không thạo việc, không am hiểu địa phương, cho nên "lại" thường mách nước cho quan thi hành công vụ. Thường thì quan chỉ là người ngồi oai nghiêm ở công đường, còn lại mới là kẻ thao túng công việc. Lại thường có quan hệ chặt với hào lý ở các làng xã, bày mưu lập kế sinh chuyện kiện tụng, tống tiền, đưa hối lộ, thay đổi giấy tờ, đổi trắng thay đen và lấy danh nghĩa quan để ra oai với dân, với làng xã. Quan nếu không liêm khiết và có bản lĩnh thì dễ thành quân bài, dễ thành bung xung che đậy cho lại kiếm chác. Vì vai trò nguy hại đó nên nhân dân ta mới nói "Quan xa nhưng sai nha gần", và Nguyễn Du mới viết:

Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.

Trong hạng "sai nha" không chỉ có lại - loại thư ký văn phòng - mà còn có "lệ". Lệ hay lính lệ ở trong biên chế làm binh dịch, nhưng để phục vụ các quan ở địa phương, như một thứ đầy tớ làm đủ mọi việc, việc công và việc riêng của quan. Lệ thường được sai đi tống đạt các công văn, các trát đòi, tiếp nhận dân có việc đến yết kiến quan. Vì những công việc đó mà lính lệ kiếm cớ sách nhiễu đút lót, cũng có khi làm ơn dắt mối cho quan lại ăn hối lộ. Đó cũng là những nhân vật của một bộ máy quan liêu nhưng là quan liêu theo một cách nhất định.

Trong bộ máy cai trị của chế độ phong kiến, triều đình bao gồm cả đất nước, còn làng xã lại là những thế giới. Trong làng xã có những nhân vật khác và có cách quan hệ, làm ăn cách khác. Sự khác nhau giữa cung đình (kể cả dinh thự lỵ, trấn) và làng xã là một cách đối lập không hoàn toàn giống đô thị và nông thôn, vì đô thị ở đây cũng có khác.
Trong làng xã nói chung mọi người đều sống dựa vào ruộng đất, vào sản xuất nông nghiệp.
Và cần nói thêm từ người không có ruộng phải đi làm thuê, phải đi ở đến người thiếu ruộng (bần nông), đủ ruộng (trung nông), thừa ruộng (phú nông và địa chủ) đều là dân. Trong một thể chế mà cái quyết định là danh vị chứ không phải là sở hữu thì sự khác biệt giàu nghèo chỉ có ý nghĩa tương đối, còn sự khác nhau về danh phận thì ảnh hưởng đến vận mệnh, đến cuộc đời, thậm chí đến cả con cháu. Người "trọc phú", giàu mà không có danh vị thường lại là đối tượng bóp nặn, làm tiền của những người có danh vị. Cho nên ai đã giàu thì cũng phải chuyển thành sang - có danh vị - mới được hưởng thụ, mới giữ được của. Chuyện tìm cách cầu cạnh người quyền quý, chuyện bán quan mua tước là bắt nguồn từ đó. Trong đời sống làng xã, người có của (phú nông hay địa chủ) chỉ sống "mát mặt" hơn người khác chứ không phải có quyền lực. Quyền lực ở đây cũng không hoàn toàn theo đúng nguyên tắc "triều đình trọng tước mà thôn xóm trọng tuổi tác" như trong kinh điển. Ở đây đã hình thành một hình thức kết hợp tước (danh vị xã hội cao thấp) và xỉ (tuổi tác) chưa kể là thân (họ hàng) cũng có vai trò nhất định. Từ đó mà có vai trò của thân và hào ở hương thôn. Hào thì khó xác định thường thì để chỉ những người đàn anh hoặc là do của cải, hoặc là do gia thế, hoặc là do chức vụ chính quyền, do uy tín từ những vị thế khác. Còn thân là những ông quan về hưu, những người thi đỗ nhưng không làm quan và cả những ông thầy được cả làng kính trọng nữa. Thân nằm trong đẳng cấp sĩ phu, còn hào thì không nhất thiết như vậy. Ở hương thôn, hào chỉ làm người ta sợ, thường chỉ có vai trò trong việc phân chia quyền lợi kinh tế. Còn thân thì được kính nể, được nghe theo trong nhiều vấn đề có ý nghĩa thái độ chính trị, thái độ sống. Trong cuộc xung đột giữa hào và hộ, tức là giữa dân - kể cả những người giàu - và hào cường thì thân sĩ thường công khai hay ngầm đứng về phía dân chứ không về hùa với hào cường. Điều đó, một cách khái quát cho ta hiểu vai trò của nhà nho ở nông thôn.

Quan lại thì được cấp lộc, cũng giống như lương tháng, lương năm, phát căn cứ theo tước và chức vụ. Nhưng lộc vua ban tuy là một thứ thu nhập vinh dự nhưng thường không nhiều. Ngoài lộc phải kiếm thêm bổng, phải lấy bổng hậu bù cho lộc bạc. Bổng là những lễ vật biếu xén của cấp dưới và của dân. Quan hệ giữa quan lại, thân hào với dân không phải là quan hệ nhà nước với dân sòng phẳng mà là quan hệ giữa những người làm cha mẹ với con cái hay quan hệ giữa cha chú với con em. Người dưới phải yêu thương, phục tùng với tấm lòng biết ơn nên đưa lễ vật để tỏ chút "lòng thành nhỏ mọn" (vi thiềng) là chuyện tình nghĩa phải có, không đáng trách mà chỉ đáng khen (!). Đám quan lại và hào lý ở địa phương lại còn một cách kiếm chác là xà xẻo vào chỗ nhà nước bắt dân đóng góp tô thuế bằng sức người và bằng hiện vật. Số nộp cho nhà nước thì đã có hạn ngạch nhưng quan lại và hào lý cấu kết với nhau tăng mức đóng góp tức là "phù thu lạm bổ" hay giảm nhẹ cho người này người khác để ăn của đút lót. Thậm chí họ còn dùng thủ đoạn vu oan giá hoạ, kiếm chuyện để ăn tiền. Người dân chẳng có quyền gì cả, thậm chí chẳng có gì cả. Thân thể là của cha mẹ, ruộng đất của cải là của làng nước, của vua, số phận là của Trời. Có mà bị người ta lấy đi thì cũng phải chịu, không đòi vào đâu được, có oan khuất thì "còn một kêu Trời nhưng xa", (Nguyễn Du). Đó là thực tế biến người dân thành những "cái tôi bé nhỏ" (tiểu kỷ), sống phận "con ong cái kiến". Sống trong cõi trời đất nhỏ hẹp là gia đình, họ hàng, làng xã họ cũng chỉ lo vun quén, xà xẻo, nhặt nhạnh vụn vặt. Để được yên thân, họ phải cầu cạnh nhờ che chở, xin thông cảm, xin chiếu cố. Đó là người dân làm "gốc nước", người dân "cao quý", cao quý hơn cả đất nước và ngôi vua, người dân mà thánh hiền đòi vua quan phải "yêu", phải "thân", phải coi là con như lòng mẹ chứ không được đầy đạo làm họ khổ sở. Phải nói cho đúng là Nho giáo như trong kinh điển của nó nói, không tán thành sự độc tài của vua, phản đối sự áp chế, vơ vét của quan lại. Khổng tử nói: "Có một người bề tôi vơ vét của dân thì thà là có một bề tôi ăn trộm còn hơn". Nhiều nhà nho đời sau coi con đường làm quan là con đường bẩn thỉu, phần nàn "trong đời việc không được như ý thường mười thí có đến tám chín". Nhưng thiện chí không thể làm lay chuyển được sự vận hành của cơ chế. Những sự thật xấu xa trong xã hội như vậy là kết quả trái ngược nhưng là tất uyêú của chủ trương thống nhất quy về một mói để chống loạn, của tư tưởng làm cha mẹ dân rất nhân đạo, của tình nghĩa cha chứ và con em rất êm ấm. Cũng lại có một nghịch lý nữa là lòng tin ngây thơ của người dân trưởng chỉ có quan lại, hào cường mới xấu như vậy, còn vua thì tốt, chỉ vì ở xa nên không biết hết mà dân thì "thấp cổ bé họng" không kêu thấu. Cho nên khi tức nước vỡ bờ nổ ra khởi nghĩa nông dân thì cũng nhằm vào đánh hào cường, không đánh vào vua.

3. Một nét rất nổi bật của ảnh hưởng Nho giáo là tình hình phát triển văn hoá. Nho giáo vốn rất coi trọng văn, coi trọng văn trị. Cho nên các nước theo Nho giáo đều đề cao lễ nhạc, văn hiến, đề cao việc giáo dục. Điều đó được đẩy mạnh đến mức độ biến các nước đó thành đề cao người đi học, người biết chữ, người làm được văn chương, thơ phú. Thậm chí điều đó còn dẫn đến thói quen sùng bái chữ viết, sùng bái sách vở. Ngày xưa ai bắt gặp một tờ giấy có viết chữ rơi vãi ở đất thì lập tức họ kính cẩn nhặt lên, đội lên đầu và đem đốt chứ không dùng nó vào những việc thiếu kính cẩn. Nhưng việc đề cao văn hoá đó lại theo một hướng không hay là khoa cử, học để làm quan, học viết văn chương, không chú trọng kỹ thuật, khoa học, học thuật. Ở Việt Nam cũng giống các nước Đông Á khác đã từ rất sớm việc học đã được phổ biến. Đến thế kỷ XI đã lập Văn Miếu, Trường Quốc Tử Giám, trường đại học của cả nước. Từ thế kỷ XI cho đến thế kỷ XX, ngớt tổ chức các khoa thi lấy đỗ đến ba bốn ông Tiên sĩ. Văn học thành văn văn cũng ra đời sớm. Đến thế kỷ XV, với Nguyễn Trãi ta đã có thể nói là có nền văn học cổ điển của dân tộc. Những bộ sử như Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu đời Trần, Ngô Sĩ Liên đời Lê đã để lại cho đời sau hiểu biết hàng chục thế kỷ. Đó là những thành tích rực rỡ về văn hoá, nếu không có sự truyền bá rộng rãi của Nho học thì không thể có sớm như vậy.
Với Nho giáo, học cũng có nghĩa là tu dưỡng đạo đức. Học trước hết là để hiểu các làm người. Con người, như trên đã nói là con người trong quan hệ gia đình, họ hàng, trong trật tự trên dưới của xã hội, trong quan hệ với vua quan, với Trời. Làm người là cư xử đúng lễ nghĩa trong các quan hệ như vậy. Những người bất hiếu, bất mục trong gia đình, vô lễ, vô phép, ngỗ ngược ngoài làng xóm, sống hám lợi, ít tình nghĩa, không chất phác ... không những bị chê trách mà còn bị xử phạt các này hay các khác. Thái độ chuộng đức và đề cao tu dưỡng của Nho giáo một mặt làm cho con người ngoan ngoãn dễ chấp nhận quân quyền, phụ quyền, và nam quyền có tính áp bức. Nhưng mặt khác cũng làm làm cho con người ở đây có tinh thần hiếu học, cầm kiệm, có trách nhiệm, biết tự trách mình, vì nghĩa mà hy sinh. Họ biết nhường nhịn không tranh hơn trong đời sống cộng đồng, thường biết nghe theo người cầm đầu, dễ có kỷ luật. Tất nhiên mỗi điểm như vậy cũng đều phải tính đến cả mặt trái hạn chế sự phát triển của nhân cách.

Hình thức học gắn với khoa cử cũng có mặt hay và mặt dở. Lựa chọn người làm việc qua những kỳ thi, ai hơn thì lấy chứ không theo dòng máy cha truyền con nối, không theo tài sản, không theo bè cánh, tất nhiên là có "dân chủ" hơn, coi trọng năng lực bản thân hơn. Nhưng với cách chuyển yêu cầu của nhà nước chuyên chế thành nội dung học và thi, chỉ đòi hỏi "minh kinh" và "năng văn" thì học thuật và cả văn học nghệ thuật chịu ảnh hưởng rất tai hại.

Khi trong nước, qua con đường thi cử mà chọn người làm quan thì nhiều cố gắng cho con đi học, nhiều thanh niên đua nhau đi học, mong kiếm được một cuộc sống sung sướng, thanh nhàn và vinh quan hơn là đi cày. Từ sáu tuổi đã bắt đầu đi học, học cho đến thi đỗ hay nửa chừng bỏ cuộc. Có người cứ học như thế cho đến đầu bạc răng long! Học nhằm thi đỗ và làm quan nên suốt cả cuộc đời đi học chỉ học có kinh truyện, bắc sử và tập viết thơ, phú, tứ lục, văn sách. Họ học thuộc lòng hết sách vở và những bài văn mẫu, mong thành hay chữ và viết văn nhanh. Học như thế dù đỗ đạt cao, tri thức cũng không nhiều. Nhất là tri thức của họ chỉ liên quan đến văn và sử, không hướng vào giới tự nhiên, vào xã hội hay con người trước mắt. Cho nên đặc tính của loại trí thức đó là kinh viện và từ chương. Mở miệng ra nói năng là chữ nghĩa, điển tích và suy nghĩ gì thì chủ yếu cũng ở cạnh khía câu chữ. Tư duy thiếu thực tế và không sáng tạo. Tuy nói ra lời thì thường khiêm tốn và cao thượng nhưng trong thâm tâm lại đầy óc danh vị và cao ngạo, cao ngạo ở chỗ mình là kẻ sĩ tiêu biểu cho thế đạo nhân tâm, ảo tưởng đỗ đạt, làm quan được thì lập nên sự nghiệp "tri quân trạch dân" làm cho dân đen được nhờ.

Từ sau cuộc cách mạng chống phong kiến ta thường quen nghĩ nhà nho là người lười lao động, kinh lao động, là bọn ăn bám, bóc lột, ngu trung với vua chúa... Nói thế không khỏi có chỗ thiếu chính xác. Đối với lao động, nhà nho tự coi mình là "kẻ lao tâm làm công việc "lao lực" của tiêu dân. Nhưng trong công việc của họ, tức là việc học hành, tu dưỡng thì họ không lười, chịu lao động một cách nghiêm chỉnh cật lực. Cật lực đến mức coi chơi đùa, giải trí cũng là "tha thích" không tập trung tư tưởng. Họ phó mặc việc sản xuất, giặt giũ, bếp núc... cho mẹ và vợ, coi đó không phải là việc của mình. Mẹ và vợ vắng thì chịu đói chứ không chịu vào bếp "Kẻ quân tử xa nơi bếp núc". Nhưng với những công việc nhe quét tước nhà cửa, cổng ngõ hay trồng hoa thì họ làm rất chu đao, chu đáo đến mức nghệ thuật. Phải hiểu quan niệm của họ về lao động về phân công lao động, mới hình dùng được người nhà nho. Đối với ta ngày nay thì nhà nho là lười, lười vì không chuyên chú vào công việc, còn mê đá bóng, xem hát... Nhà nho không thuộc vào loại được hưởng sự phân phối tô thuế, không thuộc giai cấp bóc lột, và họ cũng thường khủng khỉnh với những kẻ giàu sang. Nhưng họ tuy là dân nhưng lại là dân được ưu đãi, ưu đãi về tinh thần, hưởng sự kính nể và chút ít của biếu xén, sự giúp đỡ. Cho nên đói với dân lao động, thái độ nhà nho không giống thái độ của đại chủ, tư sản, những giai cấp bóc lột. Nhà nho cũng không coi nhân dân lao động là bình đẳng, đồng đẳng với mình, nhưng chỗ họ tự phân biệt là có đức và có học, coi dân lao động là "ngu dân" cần được che chở giáo hoá chứ không phải vì nghèo hèn mà đáng khinh. Đối với vua, họ trọng sự trung nghĩa và nhiều người dám liều chết để tỏ lòng trung nghĩa. Nhưng cũng nên chú ý là họ làm như vậy vì lý tưởng, vì giữ chữ tín. đã ăn cơm, mặc áo của vua thì phải hết lòng vì vua. Ở trong đó có sự mù quáng, sự hèn hạ.

Những trường hợp được nhiều người nói đến như Lý Trần Quán tự chôn sống để tỏ ra mình không phản bội Trịnh Tông hay Phan Thanh Giản ký hoà ước nhường ba tỉnh miền Tân Nam bộ rồi uống thuốc độc tự tử là những chuyện không dễ làm được, nếu không có ý thức cao về nhân cách. Cũng nên nói thêm là ở nhà nho, trung vua thường là đi đôi với thân dân. Ngôi vua là biểu hiện của sự thống nhất đất nước. Nhược điểm chính của nhà nho là ở chỗ họ là một loại trí thức nông thôn hẹp hòi, thiển cận và bảo thủ, chỉ quen nói suông những lời lẽ thánh hiền, bất tài, bất lực, không thiếu thiện chí nhưng vô bổ. Còn trong môi trường của họ, tức là gia đình, họ hàng, làng nước thì nhà nho lại có nhiều ưu điểm đáng kính: họ là những người giữ mình một cách cẩn thận, có đức và có uy nghi không để người khác kinh nhờn, sống có tình nghĩa và đáng tin cậy, đối với bà con, bạn bè rất chu đáo, với họ hàng con cháu rất hết lòng. Trong những hoàn cảnh gian nguy họ dễ giữ được khí tiết cứng cỏi.

Khác với tri thức phương Tây thời trung cổ gắn với nhà thờ và thời cận hiện đại gắn với đô thị, nhà nho là nhân vật tri thức của họ hàng làng xã nông thôn. Với người nông dân tiểu kỷ đã nói ở trên, nhà nho cũng vẽ thành nét đậm đời sống tinh thần ở làng xã.

4. Nho giáo là một học thuyết khuyên con người "kính quỷ thần nhưng nên xa lánh", coi việc cầu xin quỷ thần là "siểm nịnh" vô ích. Như thế là Nho giáo không khuyến khích mê tín, không lợi dụng mê tín. Nhưng trong thực tế Nho giáo không chỉ tồn tại như một triết thuyết mà còn như là một tôn giáo.

Có người vịn vào chỗ Khổng tử bảo Tử Lộ: "Chưa biết thờ người thì biết thờ quỷ thần làm gì?... Chưa biết sống thì biết chết làm gì?" mà cho rằng Nho giáo là vô thần. Quả là Nho giáo khuyên con người chú ý đến đời sống trần thế mà không nên nghĩ đến chuyện viển vông ở thế giới bên kia. Nhưng Nho giáo không trả lời trôi chảy được mâu thuẫn mà Mặc tử đã đặt ra: chủ trương không có quỷ thần thì sao lại chủ trương tế lễ trọng thể? Sự thực thì Nho giáo không phải vô thần. Họ cho là có linh hồn nhưng chủ trương mỗi người tuỳ vị trí của mình mà chỉ tế lễ "linh hồn thuộc về mình". Khổng Tử nói: "Không phải quỷ thần của mình mà tế lễ là siểm nịnh". Theo Khổng tử chỉ có thiên tử mới được tế Trời Đất, thần núi cao, sông lớn. Chư hầu tế thần sông núi của nước mình, còn mọi người thờ cúng linh hồn tổ tiên ông cha mình. Đó là quỷ thần (linh hồn) thuộc về mình. Nho giáo coi trọng việc thờ cúng tổ tiên nhưng là để tỏ lòng biết ơn tiên tổ chứ không phải là để cầu phúc. Cho nên để tổ tiên không có người hương khói là tội lớn nhất. Ngoài linh hồn tổ tiên của từng gia tộc còn có những thần linh chung mà Nho giáo khuyên tỏ lòng kính trọng chứ không nên mê muội cúng bái. Học cũng phân biệt "chính thần" với "dân thần" tức là những thần linh đáng thờ vì có công ơn, với những thần bậy bạ, do nhân dân mê tín mà tôn làm thần. Trong những chính thần các nhà nho đời sau đưa vào tự điển các vị anh hùng có công với đất nước. Chính Khổng tử và các thánh hiền Nho gia cũng được thờ như vậy ở Văn Miếu. Chỉ có khác là trong Văn Miếu chỉ có lễ tế hàng năm mà không có cầu cúng. Như thế là Nho giáo ngoài ý nghĩa là học thuyết vẫn có ý nghĩa tôn giáo không có nhiều đền miếu, một thứ tôn giáo không có nhiều đền miếu, không có tổ chức giáo hội và cũng không có khuyến khích việc thờ cúng. Nhưng thờ Trời Đất, thờ chính thần và thờ tổ tiên thì đúng là theo Nho giáo. Ngoài việc thờ cúng như vậy một điểm làm cho Nho giáo có vai trò tôn giáo ở nông thôn chính là vai trò nhà nho giống vai trò tu sĩ ở phương Tây. Ở phương Tây giáo sĩ nông thôn rất cần cho nhân dân thôn xóm: để ra cha dặt tên thanh, đến tuổi cha bày cho học, ốm đau cha chữa thuốc, và lúc chết cha rửa tội cho. Trong làng xóm của ta lúc đẻ ra thầy đồ cũng thường đặt tên lấy số, ốm đau cũng nhờ thầy chữa, thầy cũng dạy cho học, xem giờ kiếm đất chôn cất lúc chết. Và thường ngày những ngươig nông dân vẫn hỏi ý kiến các thầy trong nhiều việc của bản thân và gia đình. Đạo Thánh hiển quá lời các thầy mà đến với nông dân như một tôn giáo, một tôn giáo, lấy việc tỏ lòng biết ơn tổ tiên, kinh sợ Trời Đất quỷ thần mà ăn ở có đạo lý, nhất là ở trong gia đình, trong họ ngoài làng. Gia đình, họ, hàng vốn là những cộng đồng rất tự nhiên trong đời sống ở nông thôn. Nông dân và nhà nho tuy vị trí xã hội có khác nhau nhưng đều là nhân vật của cuộc sống ấy. Nho giáo vốn là tổng kết trong môi trường gia đình, họ, làng ở nông thôn nên rất hợp ý của hai loại người đó. Và cũng là tự nhiên khi Nho giáo là một học thuyết mong củng cố sự hoà thuận, sự êm ấm theo kiểu gia đình, không quan tâm đến tiến bộ, phát triển, tự do, giải phóng... Chế độ chuyên chế không chấp nhận cá nhân mà cuộc sống gia đình, họ, hàng, làng xã cũng không làm ra đời cá nhân. Đô thị lại không phát triển để kích thích một xu hướng như vậy. Nho giáo có một mảnh đất hết sức thuận lợi để tồn tại lâu dài. Cho nên có thay đổi triều đại mà vị trí của Nho giáo vẫn không thay đổi. Vào những lúc xã hội khủng hoảng Phật giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng khác có nổi lên làm giảm vai trò đó. Ngay trong nhà nho cũng nảy sinh những mầm mống "bội đạo, ly kinh". Nhưng khi một triều đại khác lên thì họ lại khôi phục lại cơ đồ cũ, tức là sự thống nhất quyền hành, ổn định các làng xã cùng với nền nếp đã sẵn nên Nho giáo lại khôi phục, các nhà nho lại trở về vị trí làm quan, làm thân sĩ và làm thầy. Nho sĩ như một đám bèo trong ao tù của thể chế chuyên chế làng - họ; dù gió bão có đánh cho tan tác nhưng khi gió yên bão hết nó lại phủ kín mặt nước. Trong Nho giáo có một phần cái gì đó tự nhiên, là hợp lý mà cuộc sống ở nông thôn dễ tiếp nhận.

5. Nói ảnh hưởng Nho giáo hay đánh giá Nho giáo tích cực hay tiêu cực là nói đến vai trò của nó trong quá trình hiện đại hoá đất nước, hiện đại hoá cả vùng. Nếu các nước Đông Á cứ phát triển cô lập, không có tác động của thế giới từ bên ngoài vào thì vị tất đã không tiếp tục con đường lập đi lập lại đế chế. Nhưng ở phương Tây chủ nghĩa tư bản đã phát triển cao lôi kéo cả thế giới vào quỹ đạo của nó, phá thế cô lập của bất cứ vùng nào trên thế giới. Quá trình hiện đại hoá ở các nước Phương Đông chính là bắt đầu từ sự tiếp xúc với phương Tây TBCN. Cho nên đối với cả vùng Đông Á vào quãng giữa thế kỷ XIX, bắt đầu bằng việc xâm lược của các nước TBCN phương Tây, bằng việc mở mang giao lưu, buôn bán. Trong các cuộc đụng độ giữa hai nền văn minh, những nhà duy tâm của Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam đã thấy Nho giáo - làm cho "nước yếu dân hèn", đúng ra là họ cũng chỉ mới nói đến Nho học, tức là thứ Nho giáo trong thực tế gắn bó với chế độ chuyên chế. Với chế độ khoa cử, mới nói đến người "hủ nho" mà không có dị nghị gì với khổng mạnh. Việc duy tân, âu hoá, làm cho nước phú cường đều là những tư tưởng trái Nho giáo. Nhưng các nhà nho lại là người đề xướng phong trào chống đế quốc, giành độc lập dân tộc. Phong trào cần vương, Duy Tân đều là do nhà nho đề xướng và đi đầu. Yêu nước, gắn bó với dân tộc, liều chết chống giặc là những việc nhà nho đã làm và làm với tinh thần đáng khâm phục. Những người như Nguyễn Quang Bích, Phan Đình Phùng, Nguyễn thượng Hiền, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh chắc chắn là những tấm gương yêu nước chống giặc cao cả. Nho giáo ở đây không là cản trở mà ngược lại. Ta thường nghĩ nhân dân ta yêu nước, nhân dân đó là nông dân chứ không phải nhà nho. Người nông dân vốn gắn bó với quê hương, với nơi quê cha đất tổ, có mồ mả cha ông, có cây đa, giếng nước thân thuộc, có họ hàng, làng nước đầy tình nghĩa. Nhưng vốn ít ra khỏi làng, họ cũng không ý thức về đất nước. Nhà nho về những tình cảm vừa nói hoàn toàn không khác nông dân mà do có học vấn, họ có thêm ý thức về đất nước, về chủ quyền nên mới nâng được tình cảm quê hương thành lòng yêu nước. Trong cuộc số ở làng xã, những công cuộc ứng nghĩa hành động cứu nước bao giờ cũng được cả làng hưởng ứng, còn người xướng xuất thì thường là các thân sĩ. Điều đó được chứng minh đầy đủ qua phong trào Cần vương cuối thế kỷ XIX. Nho giáo nói đến vua nhiều hơn nước, nhưng nước với vua chỉ là một và từ tử Khổng tử, Mạnh tử đã cân nhắc nhiều khi hành động có liên quan đến "nước của cha mẹ".

Với cách mạng XHCN, nói chung nhà nho hoan nghênh, nhưng hoan nghênh vì hiểu chủ n ghĩa xã hội đồng nhất vơi tư tưởng "đại đồng" của sách Lễ ký. Đại đồng là một thứ chủ nghĩa xã hội không tưởng, mơ ước một chế độ trong đó thiên hạ là của chung, mọi người chọn lấy người có đức và có tài, sống với nhau bằng sự tin cậy và hoà thuận, không ai ích kỷ chỉ lo cho cha mình, con mình mà lo chung cho mọi người, làm cho những người goá vợ, goá chồng, mồ côi, không có con, những người tàn tật đều được nuôi dưỡng. Ai cũng có điều kiện để sinh ra thì lớn lên, đến tuổi thì có việc làm, già thì sống hết tuổi trời, trai thì có vợ, gái thì có chồng. Mọi người vì lợi ích chung, không thu nhặt của cải cho riêng mình, ganh đua đua sức mình góp vào việc chung. Trong xã hội đó không còn âm mưu giành giật, không còn trộm cướp. Mọi người sống cảnh thái bình: "cửa ngoài không cần đóng". Khi chủ nghĩa Mác-Lênin được truyền bá và Cách mạng tháng Mười Nga thành công thì ở các nước Đông Nam Á, Đệ tam Quốc tế được hưởng ứng đặc biệt nhiệt liệt. Ảnh hưởng đó to lớn và nhanh chóng hơn các vùng khác. Hai yêu cầu vốn là rất khó đối với các vùng khác là quốc hữu hoa và chuyên chính vô sản thì ở đây được chấp nhận dễ dàng. Người ta coi chủ nghĩa cộng sản là hiện thực của lý tưởng đại đồng mà thánh hiền mơ ước. Trong các tài liệu tuyên truyền của Đảng Cộng sản lúc đó thường dùng chữ "thế giới đại đồng" để nói chủ nghĩa cộng sản. Trên con đường hiện đại hoá, phương Đông theo Nho giáo khó chấp nhận con đường TBCN hơn con đường XHCN vì khó chấp nhận chủ nghĩa cá nhân, sự cạnh tranh, làm giầu, sự cách biệt giàu nghèo, chủ trương tự do, bình đẳng, dân chủ... hơn là công hữu , vô sản chuyên chính, đấu tranh giai cấp xoá bỏ bóc lột... Con đơờng đi từ chủ nghĩa dân tộc, từ yêu nước mà đến chủ nghĩa cộng sản vốn là một con đường tự nhiên mà có thể nói Nho giáo đã tạo ra nhiều thuận lợi. Cho nên không chỉ Hồ Chí Minh đã đi con đường đó mà Phan Bội Châu cũng đã đi con đường đó. Chỗ khác nhau là cả về con đường cứu nước, cả về chủ nghĩa xã hội, Phan Bội Châu còn vướng víu rất nhiều vỡi những quan niệm Nho giáo.

Nho giáo với con đường hiện đại hoá còn có một quãng thời gian cực quan trọng từ sau Đại chiến hai, khi hình thành các nước tham gia vào hệ thống XHCN và TBCN, làm nổi bật lên hai thực tế lớm mà tôi đã đề cập ở trên: chủ nghĩa Mao và cách quản lý kinh tế của Nhật Bản, những thực tế mà chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc.
 
LỜI KẾT THÚC

Trọng tâm của bài giảng được trình bày trên đây bao gồm những nội dung chủ yếu sau:
- Nho giáo là gì?
- Nó sinh ra và tồn tại trong những điều kiện nào?
- Trong thời gian tồn tại của nó, nó đã sinh ra cái gì?

Và phân tích tác động tương hỗ giữa Nho giáo và cơ chế chuyên chế Làng- Họ với tác động của nhà nước chuyên chế và chế độ khoa cử. Nhưng điều đó là nói về quá khứ. Nhưng ảnh hưởng của Nho giáo lại không chỉ dừng lại ở quá khứ. Nhiều vấn đề ngày nay vẫn còn gắn bó với quá khứ đó. Và trong tương lai cũng còn nhiều ràng buộc với truyền thống, một truyền thống mang nhiều dấu ấn của Nho giáo. Từ bước đi đầu tiên, dù rất ngắn cũng mang ý nghĩa định hướng về sau. Tất nhiên một con đường dài như con đường của lịch sử, không khỏi có những bước ngoặt, những sự đổi hướng. Nhưng dù vậy, bước đi đầu tiên cũng mang nhiều ý nghĩa. Cơ chế chính trị - xã hội phương Đông và Nho giáo không chỉ có ý nghĩa bước đi ban đầu, mà còn có ý nghĩa là một con đường dài trong lịch sử của các nước Đông Á, trong đó có nước Việt Nam chúng ta.

Ngày nay, chúng ta đã có hơn một thế kỷ đi vào quỹ đạo của thế giới hiện đại và hơn nửa thế kỷ hiện đại hoá đất nước. Đối với lịch sử Việt Nam cũng như các nước Đông Á theo Nho giáo, đó là một bước ngoặt, một sự đổi hướng phát triển. Điều đó là do ảnh hưởng từ ngoài, chịu sự tác động của sự phát triển của thế giới, của thời đại và là một sự tất yếu. Với sự đổi hướng đó, ai cũng đã thấy Nho giáo không còn thích hợp với sự phát triển. Những lời phê phán Nho giáo từ một thế kỷ nay, căn cứ vào thực tế đó không phải là không đúng, không có cơ sở.

Nhưng một mặt khác, bước đi trên con đường mới đó lại chịu sự quy định của những điều kiện có sẵn, do lịch sử để lại. Đó cũng là một tất yếu. Quên điều đó thì trong thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn, có khi không lường hết được. Nhưng khi nhìn nhận những cái lịch sử để lại, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, chúng ta phải có thái độ phên phán và thừa kế. Về vấn đề này chúng ta làm chưa được nhiều. Đối với Nho giáo lại càng ít và còn sơ lược. Chúng ta đã phê phán Nho giáo, nhưng không nhìn thẳng khả năng của nó sống lại trong chủ nghĩa Mao.

Qua kinh nghiệm phát triển kinh tế của Nhật Bản, Nam Triều Tiên..., chúng ta cần phải lưu ý đến những mặt sau:
1. Ý thức rõ ràng về điểm xuất phát.
2. Lợi dùng những điều kiện sẵn có.

Hiện đại hoá đất nước là con đường đi đến tương lai. Trên con đường đó, chúng ta có biết rõ đi từ đâu, đến đâu thì mới có thể vạch ra được con đường sẽ đi với bước đi và nội dung thích hợp; đồng thời mới chủ động được những gì sẽ gặp dọc đường. Điểm đến của mình là trong thế giới thế kỷ XXI. Tuy vậy, cũng có chưa đựng nhiều điều chưa biết. Điểm xuất phát của ta là một nước chậm phát triển, một nước Đông Á, có quá khứ theo Nho giáo và ngày nay phát triển trì trệ, trong lúc các nước Đông Á khác đều phát triển nhanh. Vì không xác định rõ điểm xuất phát như vậy, cho nên ta không vạch được đường đi rõ ràng và nhất là không rút được những bài học kinh nghiệm từ các nước có hoàn cảnh giống ta.

Ở đây cần nói đến một điểm mà ngày nay nhiều nhiều người hay nói tới: con đường của chủ nghĩa xã hội. Tâm lý của nhân dân các nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo là dễ thích thú chủ nghĩa xã hội, một xã hội không có áp bức, bóc lột, sống với nhau hoà mục, tin cậy như lý tưởng đại đồng. Cho nên chủ trường xây dựng chủ nghĩa xã hội là một sự lựa chọn hợp ý dân. Nhưng để thực hiện phải chú ý.

1. Tư tưởng chịu ảnh hưởng Nho giáo thường hiểu chủ nghĩa xã hội ở mức độ là tư tưởng đại đồng chứ không phải là một thể chế xã hội của thời đại hiện đại.

2. Một xã hội còn có ảnh hưởng của Nho giáo sẽ là cản trở lớn cho việc hiện đại hoá. Chỉ xin nêu một vài sự đối lập: xã hội hiện đại có tính đô thị chứ không phải nông thôn; là xã hội phát triển dựa vào kinh tế, khoa học kỹ thuật chứ không phải dựa vào đạo đức; một thể chế đa dạng về xã hội chứ không phải chỉ có nhà nước và gia đình; một xã hội dân chủ chứ không phải theo quan hệ gia trưởng.

Có lẽ cũng không chỉ phân biệt phê phán và kế thừa. Ngoài những cái nên bỏ hay nên phát huy, còn có cả những cái đã là như vậy, muốn bỏ cũng không bỏ được. Phải chú ý đến nó, những nên để nó như vậy hay tốt hơn là lợi dụng nó và hướng nó vào cách phát triển mới, Ví dụ, Nhật Bản sử dụng quan hệ gia trưởng vào quản lý công nghiệp là loại như vậy.

Có lẽ cũng không nên nghĩ là mọi cái Nhận Bản, Nam Triều Tiên đã làm là tốt đẹp cả, đã vận dụng hết tất cả mọi cái tốt của Nho giáo và tránh hết mọi mặt tác dụng tiêu cực của nó. Vả lại, nếu kiên trì chủ nghĩa xã hội, coi nó là hợp nguyện vọng của nhân dân thì chắc chắn cách phê phán, kế thừa và lợi dụng của ta cũng khác. Trong công cuộc hiện đại hoá của ta, chúng ta phải chú ý đến không chỉ bản thân học thuyết Nho giáo, mà cả những cơ sở cho nó tồn tại như gia đình, họ hàng, làng xã, chế độ thi cử, nhà nước tập quyền... nhiều mặt cụ thể của nó nhiều khi lại có ảnh hưởng tốt đến công việc của ta hơn là những điểm trong lý thuyết.

Một điều cũng cần nói là sự khác nhau giữa lý tưởng xã hội êm ấm, học mục hay đấu tranh sòng phẳng để có công bằng, thái bình hay phát triển, cá nhân tự do hay cộng đồng lễ nghĩa... cũng cần phân tích thật thấu đáo các mặt lợi hại.

Quả thật Nho giáo đang còn là một mảnh đất chờ khai thác để tìm nhiều câu trả lời cho công cuộc xây dựng đất nước của ta.
[1]Thư trả lời Hoàng Cao Khải. Thơ văn yêu nước nửa thế kỷ XIX, NXB Văn học, Hà Nội. 1970.
[2]Chữ C. Mác dùng
* Tôi dùng chữ vương hữu và thần dân hoá để nhấn mạnh tính chất nô dịch thông qua vai trò nhà nước đó.
Nguồn: ChúngTa.com, ngày 17.3.2017.

20170828. Kinh dien Hi La

Ảnh: Một số tác phẩm kinh điển Hi-La đã được xuất bản ở Việt Nam: Iliad, Odyssey (Homer); Những cuộc chinh phạt của Alexandre đại đế (Arrian); Cộng hoà, Những ngày cuối đời của Socrates (Plato); Chính trị luận (Aristotle); Bàn về chính quyền (Cicero); Lịch sử chiến tranh Peloponnes (Thucydides).

 

Vấn đề khó khăn đối với chúng ta hiện nay khi đối diện kho kinh điển đồ sộ hàng ngàn năm của thế giới Hi-La là không có thời gian ôm đồm tất cả. Do vậy, chỉ có thể từ kho kinh điển (classics) ưu tiên chọn ra những chính điển (canon) không thể bỏ qua, nhất là trong những dự án dịch thuật khối tác phẩm này sang tiếng Việt, để dần dần có được một tủ sách kinh điển Hi-La tương đối cơ bản.

Có thể nói rằng tất cả mọi thứ, từ chính trị, triết học, sử học, pháp luật, giáo dục, khoa học, toán học, nghệ thuật, kiến trúc, văn học, ngôn ngữ, và cả thể thao đều có gốc từ Hi Lạp cổ đại mà ra; đa số những ngôn ngữ châu Âu mang tính học thuật phần lớn cũng đều có gốc Hi Lạp và Latin. Chưa kể trong sách vở, báo chí và trên hiện trường chính trị ngày nay xuất hiện vô số những lối tu từ ‘điển tích’ lấy từ sử thi Homer, kịch nghệ và triết học Hi Lạp, văn chương Latin hay từ các hình mẫu như Caesar, Cirero, Hocare, Lucian, vv… mà nếu không đọc kinh điển Hi Lạp-La Mã (Greco-Roman) thì sẽ không thể nào hiểu sâu sắc được.

Cũng chỉ bằng cách thông qua những kinh điển Hi -La ta mới hiểu được tận gốc rễ những gì đã tạo thành nền tảng cho thế giới văn hóa phương Tây ngày nay. Hơn nữa, hiểu nền văn minh Hi-La cũng giúp ta nhìn ra sự song hành về phương thức tư tưởng và tôn giáo giữa những nền văn minh cổ đại Đông-Tây như triết gia Karl Jaspers đã nhìn ra và gọi là Thời Trục (Axial Age).

Vấn đề khó khăn đối với chúng ta hiện nay khi đối diện kho kinh điển đồ sộ hàng ngàn năm của thế giới Hi-La là không có thời gian ôm đồm tất cả. Do vậy, chỉ có thể từ kho kinh điển (classics) ưu tiên chọn ra những chính điển (canon) không thể bỏ qua, nhất là trong những dự án dịch thuật khối tác phẩm này sang tiếng Việt, để dần dần có được một tủ sách kinh điển Hi-La tương đối cơ bản.

Như vậy hẳn nhiên độc giả cần có một bản đồ nhỏ ‘trong lòng bàn tay’ về kinh điển hay chính điển Hi-La cần phải đọc. Dưới đây, để cho tiện, xin mượn cách phân loại sách kinh điển của Trung Hoa và Đông Á thành bốn bộ Kinh, Sử, Tử, Tập, áp dụng tương tự đối với kinh điển Hi-La.

KINH tức sách triết học, chính trị và đạo đức

Những tác phẩm Hi Lạp cổ đại của các triết gia bắt đầu từ thời tiền-Socrates như Heraclitus và Empedocles.

Môn đệ của Socrates là Plato (khoảng 427-347) sáng lập Trường Athena, tác phẩm có ảnh hưởng nhất của ông tới tư duy triết học, đạo đức và học thuyết chính trị là Cộng hòa (The Republic) viết vào khoảng năm 380 TCN. Tác phẩm Đối thoại (Dialogues) của Plato, viết theo thể đối thoại kiểu Socrates, cũng là những ghi chép duy nhất những lời dạy của Socrates.

Môn đệ của Plato là Aristotle (384-322 TCN), người sáng lập Trường Lyceum, thầy dạy của Alexander Đại đế, có tác phẩm bao gồm rất nhiều lĩnh vực. Ông đặt nền móng cho luận lí học và là ông tổ của Khoa học chính trị, cuốn Đạo đức học (Nichomachean Ethics/ hay Đạo đức học đề tặng Nichomachea) bàn về sự theo đuổi cái thiện tối hảo. Tác phẩm Chính trị luận (Politics) của ông có đóng góp quan trọng đối với khoa học chính trị, khảo sát những ‘hiến pháp’ của nhiều thành bang khác nhau của Hi Lạp, và liệt kê các loại chính quyền với những ưu điểm và nhược điểm.

Thời kì Hi Lạp hóa (Roman-era Greek), Đạo đức luận (Moralia) của học giả Hi Lạp Plutarch vào thế kỉ thứ nhất, gồm 78 luận văn và diễn thuyết, có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ châu Âu về sau (như Michel de Montaigne và chủ nghĩa Nhân văn Phục hưng và những triết gia thời Khai sáng). Triết gia, chính khách và biện giả vĩ đại Cicero của La Mã viết Bàn về chính quyền (On Government) đưa ra hình mẫu chính trị gia mẫu mực và chính quyền lí tưởngvà Luận về bản tính của chư thần (On the Nature of the Gods) viết về triết-thần học của các triết gia Hi Lạp và La Mã. Hoàng đế Marcus Aurelius có cuốn Trầm tư (Meditations) vốn là bút kí tư tưởng về triết học Khắc kỉ và được ông xem như một nguồn hướng đạo sống. Triết gia Plotinus (205-270) người sáng lập trường phái Tân-Plato, triết học siêu hình có ảnh hưởng lớn nhất trong thời cổ đại hậu kì chỉ sau Plato và Aristotle, có tác phẩm Enneads gồm chín quyển, do môn đệ Porphyry kết tập và giới thiệu.

SỬ gồm sách về lịch sử và địa lí

Người Hi Lạp cống hiến những tác phẩm lịch sử đích thực và đầu tiên. ‘Ông tổ sử học’ Herodotus (thế kỉ thứ 5 TCN) là người đầu tiên dùng thuật ngữ ‘lịch sử’ (historiai). Tác phẩm vĩ đại của ông là Lịch sử chiến tranh Hi Lạp-Ba Tư (History of the Persian wars) đã vượt xa thể loại biên niên sử: ông có quan nhãn quan rộng khi nhìn về mọi mặt, từ mặt nhân quả của chiến tranh, bài học rút ra từ lịch sử, thái độ khách quan và tôn trọng đối với những nền văn hóa khác biệt của các dân tộc. Không chỉ về chiến tranh, ông còn bàn về tôn giáo, gia đình, v.v… Ông cũng được coi là ông tổ của ngành nhân học văn hóa. Chủ đề chính trong sách của Herodotus là giá trị sống trong một xã hội tự do thay cho sống dưới ách chuyên chế, bất luận nó là một xã hội được tổ chức tốt và phồn vinh tới đâu đi nữa. Cuốn sách của Herodotus là một trong những nguồn mạch cho sự yêu chuộng tự do của phương Tây.

Quan trọng không kém, tác phẩm của một sử gia lớn khác là Thucydides, Lịch sử chiến tranh Peloponnesethuật lại cuộc chiến Peloponnesia kéo dài 27 năm giữa hai thành bang Athens và Sparta. Thucydides cho thấy có điều không ổn ngay cả những ở những nền dân chủ được thán phục nhất, như trong thời kì chiến tranh, thành bang Athens đã đầu hàng trước triết lí ‘mạnh được yếu thua’, khiến cho nhiều giá trị của xã hội này bị phá hủy.

Kế thừa Thucydides, Xenophon (học trò của Socrates) đã viết tác phẩm Hellennica về bảy năm cuối cùng của cuộc chiến Pelonoponesia, thời mà ông đã trải qua, và cuốn Anabasis kể lại như một nhân chứng về cuộc viễn chinh cùng với quân Sparta tới Ba Tư để giúp Cyrus Đại đế toan tính lấy lại đế quốc Ba Tư.

Sử học của thời La Mã tất nhiên thừa hưởng những mẫu mực Hi Lạp nhưng chủ yếu theo lối viết sử biên niên. Tacitus được xem là sử gia vĩ đại nhất của đế quốc La Mã, với văn phong Latin bậc thầy. Ông sống vào thế kỉ thứ nhất, thời sơ kì của đế chế La Mã khi nền cộng hòa bị thủ tiêu, câu nói nổi tiếng của Tacitus: ‘Nền cộng hòa càng mục ruỗng, nó càng có nhiều luật lệ’. Hai tác phẩm của ông về lịch sử La Mã, Biên niên sử(Annales) chép lại những biến cố xảy ra trong 54 năm, và Sử kí (Histories) từ năm 68-96, các sự kiện được ông ghi chép hết sức chân thật, kể cả những bất công và những tội ác của những nhân vật chính trị đương thời.

Sử gia Titus Livius viết bộ Lịch sử thành Rome (History of Rome) từ năm 27-9 TCN, gồm 142 quyển nhưng chỉ còn tồn tại 35 quyển, về sự hình thành Rome cho tới thời Augustus mà ông đang sống.

TỬ (bách gia chư tử) gồm các loại sách do các triết gia viết về thiên văn, toán học, khoa học

Vật lí học (Physics) của Aristotle là cuốn sách nền tảng của khoa học và triết học phương Tây. Ngoài ra Aristotle còn có cuốn Luận về các tầng trời (On the Heavens) về lí thuyết thiên văn và vũ trụ luận. Những nguyên lí cơ bản (Elements) của Euclid, bộ sách về toán học và hình học do ‘ông tổ của hình học’viết vào thế kỉ 3 TCN không những xây dựng hệ tiên đề cho hình học mà còn đặt nền móng cho sự phát triển tư duy luận lí và khoa học hiện đại.

Triết gia Lucretius (khoảng 55 TCN) viết Luận về bản chất vạn vật (On the Nature of Things) về lí thuyết nguyên tử vận hành vũ trụ.

Trong thế kỉ thứ nhất, triết gia và nhà khoa học tự nhiên Pliny Già (Pliny the Elder) viết cuốn bách khoa Lịch sử tự nhiên (Naturalis Historia) trở thành mẫu mực cho các loại bách khoa toàn thư.

TẬP gồm tác phẩm văn học thuộc nhiều thể loại, như thơ ca, văn xuôi, kịch, luận khảo

Khởi đầu với hai sử thi lớn thời Hi Lạp cổ đại: Iliad và Odyssey của Homer vào thế kỉ 8 TCN; và tiếp nối với Thần phổ (Theogony) và Công tác và thời nhật (Works and Days) của Hesiod; các vở bi kịch của Aeschylus như PrometheusOedipus của Sophocles; Medea của Euripides; hài kịch của Aristophanes.

Thế kỉ thứ 4-3 TCN, ra đời thể Tân Hài kịch của Menander, như Cô gái SamosTruyện ngụ ngôn (Fables) của Aesop; Thi học (Poetics) của Aristotle; Tụng ca (Odes) của Pindar, nhà thơ trữ tình vĩ đại nhất thời Hi Lạp cổ đại.

Thời kì Hi Lạp hóa, Cassius Longinus có Luận về cái trác tuyệt (On the Sublime) viết vào đầu thế kỉ thứ nhất, là tác phẩm kinh điển về mĩ học và phê bình văn học; Callimachus có Tụng ca và cách ngôn (Hymns and Epigrams); Plutarch có Những cuộc đời sóng đôi (Paralell Lives).

Các tác phẩm Trào phúng (Satires) nổi tiếng của Lucian ra đời vào thế kỉ thứ 2, ông cũng viết đủ mọi thể loại từ đối thoại hài hước, luận văn tu từ, cho tới những thể văn xuôi hư cấu. Tác phẩm của Lucian ảnh hưởng thâm sâu tới rất nhiều tác phẩm của các nhà văn lớn về sau, như Utopia của More, Gulliver du ký của Switf,v.v… cũng dự báo cho thể loại tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hiện đại.

Văn học Latin trong Thời đại Augustus (27 TCN-14 CN) có thể kể đến nhà thơ Virgil với Mục ca (Ecologues), Thơ đồng áng (Georgics) và Sử thi (Aeneid). Sau Virgil, nhà thơ đứng đầu thành Rome là Horace viết Tụng thi (Odes), và Nghệ thuật thơ ca (Art of Poetry) ảnh hưởng lớn tới những lí thuyết thơ sau này. Tác phẩm truyện thơ thần thoại Hóa thân (Metamorphoses), và Nghệ thuật ái tình (The Art of Love) dạy về nghệ thuật yêu đương của nhà thơ Ovid có ảnh hưởng lớn tới tới thời Trung cổ và Phục hưng.

Hai cuốn tiểu thuyết Latin đầu tiên là Satyricon (khoảng năm 60) của Petronius, và Con lừa vàng (The Golden Ass) của Apuleius viết vào thế kỉ thứ 2.

Trong thời hoàng đế Nero thống trị, nhà viết kịch và triết gia Khắc kỉ Seneca viết nhiều đối thoại và thư từ về đạo đức sống, và những vở bi kịch của ông, như Medea và Hercules Furens, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển nghệ thuật bi kịch của châu Âu.

Thời suy tàn của đế quốc La Mã vào thế kỉ thứ 5, tác phẩm Tự bạch (Confessions) của Thánh Augustine thành Hippo là cuốn tự truyện đầu tiên của phương Tây và luôn được liệt vào trong số kiệt tác văn học phương Tây.

*

Di sản của hai nền văn minh cổ điển Hi-La trở thành mẫu mực về sau, như trong thời Phục hưng (thế kỉ 15-17) , nó là khuôn mẫu cho các đế quốc châu Âu như Byzantine, Tây Ban Nha, Anh, rồi lại hồi sinh trong nghệ thuật và văn học Tân Cổ điển của kỉ nguyên Ánh sáng vào thế kỉ 18. Cho tới ngày nay, nó vẫn để lại những dấu ấn sâu sắc, chẳng hạn như trong tác phẩm văn học ảnh hưởng nhất thế kỉ 20 là Ulysses của James Joyce . Đây chính là điều mà nhà văn Edgar Allan Poe từng tán dương: ‘Vinh quang thay Hi Lạp, và hùng vĩ thay La Mã!” (“The glory that was Greece and the grandeur that was Rome”).

 

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 26.8.2017

Học quốc ngữ

Đông Hồ

LTS: Website Khoa Văn học trân trọng giới thiệu hai bài viết về quốc ngữ và quốc văn của nhà thơ Đông Hồ đã đăng trên Đông Pháp thời báo năm 1927. Chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã cung cấp một tài liệu quý vừa được sưu tầm.

            Phàm một dân tộc nào đều có riêng một tiếng nói, đã có riêng một tiếng nói tất cã có riêng một thứ chữ. Chữ của nước nào là quốc ngữ của nước ấy. Người trong một nước mà không thông chữ của một nước, là không đủ tư cách làm người dân trong nước ấy, đối với người đời trước thì mơ màng lạt lẽo, đối với người một thời thì lơ lãng thờ ơ, trên không chằng dưới không rễ. Người như thế thì thử nghĩ còn ra vẻ vì nữa. Chẳng những không tư cách làm người mà làm người như thế lại là mất cả lợi quyền, vì chữ là cái lợi khí tối yếu của người ở đời, và chữ nước mình lại là cần yếu hơn lắm nữa. Trong khi giao thiệp với người đồng bang, các thơ từ giấy má là nguồn gốc của mọi việc khác, nhờ chữ mà tỏ được tình ý cho nhau, nhờ chữ mà mưu được những sự nghiệp kinh thiên vĩ địa. Chẳng nhờ chữ thì chẳng nên được việc gì cả. Bởi đó mà ta nên học chữ quốc ngữ. Nói thế tất cũng có người hỏi rằng: chữ thì chữ nào cũng là học, hà tất phải học chữ quốc ngữ?

– Đã nói rằng, phàm dân tộc nào đều có riêng một thứ tiếng, có riêng một thứ chữ, thì mỗi thứ chữ đều có một cái tinh thần riêng, không bao giờ lầm lộn nhau được; đã không bao giờ lầm lộn nhau được thì không bao giờ người một nước mà học được hết, hiểu được rõ chữ của một nước khác. Cái tinh thần ấy là cái tinh thần của giang san nòi giống, từ mấy muôn đời chung đúc mà thành, thì chữ và người bao giờ cũng có một mối vô hình ràng buộc lẫn nhau, rồi không thể bỏ nhau được. Nên người một nước, bỏ chữ nước mình mà lấy chữ một nước khác làm quốc ngữ, là một lẽ đại nghịch với tự nhiên của trời đất không bao giờ có, nếu dân tộc nào làm trái với lẽ đó là dân đó đã đến ngày tự buộc mình vào vòng vô tri thức để tiêu diệt lấy mình, vì “tiếng là nước”, tiếng còn thì nước còn, tiếng mất thì nước mất, mà mất đó mới thật là mất hẳn không sao vãn hồi được nữa.

            Bởi thế nên không giống dân nào dám coi việc ấy làm thường, đều thuận theo đạo tự nhiên, giữ gìn học tập quốc ngữ cả thảy. Người Tàu học chữ Tàu, người Ấn-độ học chữ Ấn-độ, người Nhựt học chữ Nhựt, người Đức học chữ Đức, v.v., nước nào cũng vậy; dầu không bắt học cũng học, dầu không khuyên học cũng học, không còn giống dân nào mà không biết lẽ ấy nữa. Nói như thế thì dân Việt Nam nào có phải là một giống người vô tri thức mà mà không hiểu hết lẽ ấy, còn phải người ép buộc khuyên bảo, thiết tha bàn nói như thế nầy. Ta nên biết rằng: ấy là cái nỗi khổ tâm nhứt của các nhà trí thức ta vẫn băng khuăng lo nghĩ đó.  

            Phàm những cái gì được bình an, giữ nguyên tính chất là khi nào ở vào cảnh ngộ bình thường; chớ ở vào cảnh ngộ biến cách thì tính chất ấy thay đổi ngay. Cái biến ấy là những cái phong trào, những cái thế lực khác ở chung quanh nó kích thích xô giục đè nén mà làm cho tiêu diệt mất cái nguyên chất đi. Như các nước mà biết lo giữ gìn quốc ngữ, học tập quốc ngữ của họ là những nước ấy ở vào cảnh ngộ bình thường. Nếu nước Việt Nam ta nay mà cũng ở trong cảnh ngộ bình thường, thì người Việt Nam cũng không tránh được cái công lệ tự nhiên mà không biết lo giữ gìn quốc ngữ, học tập quốc ngữ.

[cột báo bị bỏ trắng 10-12 dòng, mỗi dòng 8-10 từ]

Nay tôi xin giải coi những cái phong trào thế lực gì mà đang kích thích xô giục đè nén, mà làm cho chữ quốc ngữ ta tiêu diệt đây? Phong trào ấy là phong trào học chữ Pháp. Từ năm sáu chục năm nay nước Nam ở dưới quyền bảo hộ thuộc địa nước Pháp; người Pháp họ đem quốc ngữ của họ sang truyền dạy cho ta thì mỗi cái gì thuộc về giấy má thơ từ, đơn trạng tờ khế, từ việc quan làng tới việc dân dã đều nhứt nhứt dùng chữ Pháp cả. Người Pháp đem chữ Pháp truyền dạy cho ta là muốn đào tạo cho ta thành một hạng người thông ngôn để làm việc với họ ở các ty các sở, nên mới đặt ra có từng hạng văn bằng cao thấp khác nhau. Người Pháp đem văn bằng mà đặt mục đích học cho ta. Ai là người cắp sách đến trường cũng chỉ lăm le cái học để thi, thi để đỗ, để lấy được bằng nọ bằng kia, để được bổ đi làm việc ở sở này sở nọ. Được như thế là mãn nguyện. Hạng thông ngôn nầy qua, hạng thông ngôn khác đến; đời nầy qua đời khác tiếp; sự học của người mình chỉ có bấy nhiêu đó mà thôi. Ta nên biết rằng, kẻ học giả học là vì một cái mục đích cao xa rộng rãi hơn nhiều, là đem cái tri thức của mình mà thu quát cả võ trụ cổ kim, đem cái học thức của mình mà lãnh hội những cái huyền bí ẩn vi của Tạo hóa, đem cái lịch duyệt của mình mà xét thế thái nhân tình, rồi làm sách chép truyện, truyền dạy lại người ít tri thức hơn mình, truyền dạy lại người đời sau. Ấy cái mục đích cao thượng, cái sự nghiệp bất hủ của học giả là thế chớ có đâu hẹp hòi nhỏ nhen như phần nhiều người mình vẫn lầm tưởng lâu nay, mục đích không ngoài mỗi tháng mấy trăm bạc lương trở xuống, sự nghiệp học chỉ đến ông thông ông phán là cùng. [hết kỳ 1]  

Chỉ trách người mình vô tri thức, không chịu suy nghĩ hơn thêm một chút, cứ đặt đâu ngồi đấy, bảo sao hay vậy, nức lòng gắng sức mà đêm đêm gào chữ như cuốc kêu, ngày ngày dùi sách như mọt đục, nhắm ngày nhắm tháng để vào thi, đếm bài đếm câu để chực hỏi, còn biết đâu là đâu nữa, biển học mênh mông coi không bằng cái vũng nước trâu vầy. Than ôi! Nên sĩ phong trụy lạc mất! 

Nói cho phải, thì cũng có người có chí hướng cao, mục đích rộng, sang du học tận bên Pháp. Hạng người nầy cũng đã lĩnh hội được ít nhiều cái tinh ba của chữ nước người, lại có chí gây dựng cho nước Nam muốn đem chữ Pháp về làm quốc ngữ cho nước Nam. Nhưng than ôi! đó mới là cái mộng tưởng mà thôi chớ việc ấy là một việc trái với lẽ tự nhiên của Tạo hóa, không bao giờ có được. Nếu việc ấy là một việc dễ dàng, trong một thời gian ngắn ngủi đem hai mươi lăm triệu người Nam đổi thành hai mươi lăm triệu người Pháp được, thì còn ai dại gì mà không muốn. Song chẳng phải người Nam ai ai cũng đều có đủ sức để sang Pháp du học mà học được đến chỗ cốt tủy tinh ba của chữ Pháp được như thế cả. Trong một ngàn người, họa chăng mới được một người. Chẳng từng thấy gương trước. Người mình đeo đuổi học chữ Tàu là một nước có thế lực với nước ta, ở bên cạnh nách ta đây, đem văn hóa mà truyền bá cho ta đến mấy ngàn năm, mà hai mươi lăm triệu người Nam chưa đổi thành hai mươi lăm triệu người Tàu được, nữa là bập bẹ chữ Pháp trong năm sáu chục năm gần đây, mà chữ Pháp lại là một thứ chữ ở từ một bên phương cầu khác đem sang thì đã thấm gì. Chi bằng gần đây, sẵn đây, ta có tiếng của ta; tiếng ta biết bập bẹ từ khi mới chập chững đi, tiếng ta từng nghe từ khi còn trên tay mẹ ẵm bồng. Tiếng ấy là một thứ tiếng quý báu mầu nhiệm của Tạo hóa đã ban bổ cho ta, của khí thiêng non sông Hồng Lạc đã chung đúc ra cho ta. Tiếng ấy là của hương hỏa từ mấy mươi ngàn đời tổ tiên ta để lại, − ta nay nên trân trọng giữ gìn và bồi đắp dồi mài cho thứ tiếng ấy ngày càng một thêm tốt đẹp phong phú hơn lên, rồi sau nầy của hương hỏa quý báu ấy ta sẽ để lại cho con cháu ta cho đến thiên thu vạn cổ về sau. Trách nhiệm ta nặng nề lớn lao như thế, nếu ta thờ ơ chểnh mảng để cho thứ tiếng nói ấy mà phải tiêu diệt là ta phải tội với trời đất với tổ tiên ta lắm vậy.

Ta học quốc ngữ dễ, dạy mau biết, học mau thông, vì tiếng là chữ mà chữ là tiếng, miệng ta nói tay ta viết; có ý chăm chỉ suy nghĩ một chút là lĩnh hội được đến chỗ lý thú thâm trầm ngay, không phải có cái học khó khăn như cái học nhà viết mượn chữ nước người, phải san đi dịch lại mấy phen, kêu gào hò hét mấy bận mà vị tất đã thâu biết được đến chỗ cao thâm tinh túy. Nhà mình sẵn có cái học tiện lợi dễ dàng như thế thì ai nỡ nào cam lòng rẻ rúng, đang tay ruồng bỏ cho đành. “Phật nhà không cầu, đi cầu Thích-ca ngoài đường”. Đối với ông Thích-ca ngoài đường ấy ta còn lạ lùng, bợ ngợ chưa biết được bụng dạ thế nào thì ta chắc gì là ông Thích-ca ấy phù hộ ta được; chi bằng nhà ta sẵn Phật, ông Phật ấy đối với ta có tình thân mật đậm đà hơn, ta nên vững bụng yên lòng, bịnh hương sùng bái ông Phật nhà ấy, thì dầu ít dầu nhiều thế nào, ông cũng phù hộ giữ gìn ta mà ban giáng phúc đức cho ta nhờ được.

            Ta về ta tắm ao ta,

            Dầu trong dầu đục ao nhà vẫn hơn.

Tôi nói thế có phải là tôi khuyên người mình bỏ mà không nên học chữ Pháp không? Không, không phải thế. Chẳng những là chữ Pháp, dầu đến chữ nào cũng là chữ hay cả, mà chữ nào cũng là chữ nên học cả, học được càng nhiều càng tốt, nhưng muốn học chữ nước người, thì trước phải thông thuộc được chữ nước mình đã. Học chữ mình là để giữ lấy căn bổn vững vàng, để cho có đủ tư cách làm người dân trong nước, rồi sẽ học tập cái của người. Chớ đối với cái của mình thì mờ mịt tối tăm, lại đeo đòi muốn lấy cái của người làm cái của mình; chẳng may ra, học chưa được cái của người mà đã bỏ mất cái của mình, tình cảnh dở dang ấy có khác nào cái tình cảnh “đánh trống mất dùi” không? Đánh trống mà mất dùi, thì đáng thảm thương ái ngại biết chừng nào!

Ấy đại khái sự cần yếu và sự lợi ích của việc học quốc ngữ là thế, vậy người nước ta, những người không biết thì không nói gì chớ ai là người có chút tri thức, có chút tâm chí đối với tương lai vận mạng nước nhà thì tưởng ai cũng nhận lẽ ấy là phải mà dầu lòng dốc chí gia công giữ gìn học tập chữ quốc ngữ tiếng quốc âm nhà kỳ cho thứ chữ thần thánh ấy được đến ngày tốt đẹp phong phú thì giang san Hồng Lạc nầy mới được đến ngày tươi tỉnh vẻ vang mà mở mày mở mặt với người, vì “nước Nam ta mai sau nầy hay dở cũng do ở chữ quốc ngữ” vậy (lời ông Phan Kế Bính, tựa “Tam Quốc Chí”).

Vì thi hành không được tốt mà đã có người đổ vạ rằng các trường tiểu học ta ngày nay học chữ quốc ngữ là làm trở ngại việc học của con trẻ. Than ôi! Việc học quốc ngữ ngày nay đã đến cái thời kỳ “mở mắt” chớ nào phải còn trong cái thời kỳ “chiêm bao” nữa mà còn có người nói như thế thì thiệt là mơ màng tối tăm quá. Vì lẽ ấy thì trong một bài sau tôi xin lạm bàn đến. Nay đem chất chính với hải nội chư quân tử ngài nào có ý kiến gì hay về việc học quốc ngữ và đã có kinh nghiệm qua xin đem bàn lên báo để rộng đường dư luận. Kẻ tệ sĩ nầy lấy làm mong mỏi đợi được nghe lời cao đàm minh luận của các nhà.

ĐÔNG HỒ

Hà Tiên     

Nguồn:

Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 618 (19.8.1927); s. 619 (22.8.1927)

    

 

Quốc văn Nam Việt

Đông Hồ

                        Có nhờ học bằng tiếng nước nhà thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra được

C’ est parce que nous avons été instruits dans notre propre langue que nos esprite se sont éveillée

                                                                                    RABINDRANATH  TAGORE

Khi một dân tộc đã phải mắc vào vòng nô lệ mà còn khéo giữ được tiếng nước nhà thì cũng như còn giữ được cái chìa khóa để mở cửa ngục giam mình

Quand un people tombe en esclavagetant qu'il tient bien sa languec'est comme s'il tenait la clef de sa prison

                                                                                    ANPHONSE DAUDET

LỜI NÓI ĐẦU. – Bài trước đã lược thảo qua cái đại để sự cần yếu và sự lợi ích việc học chữ quốc ngữ. Bài này hẵng xin phân tích ra từng điều từng lẽ mà bàn lại một lần nữa cho thật rõ ràng tường tận, mong được nhiều thức giả chú ý đến. Theo như lời Anphonse Daudet tiên sinh vừa kể trên kia thì vấn đề quốc ngữ là vấn đề quan trọng nhứt mà cũng là khó khăn nhứt. Hễ vấn đề nầy mà giải quyết xong thì mọi cái vấn đề khác trong nước sớm trưa rồi tất cũng giải quyết được. Như thế thì ta há dám khinh thường mà không lưu tâm chú ý đến ru?

                                                                                                                           

            Cổ kim đông tây đều thường nói, nước sống được là nhờ ở quốc hồn. Nhưng quốc hồn là một khối hồn nhiên một khối siêu hình, chỉ lấy trí từng người mà tưởng tượng thì cũng còn mơ màng phảng phất quá, không lấy gì làm bằng cớ nhứt định được. Tất cũng phải có một cái gì làm tiêu biểu rõ ràng, bằng cớ hiển nhiên cho cuộc sinh hoạt của một dân tộc một quốc gia mới được. Muốn biểu lộ cái quốc hồn ấy cho rõ ràng đích đáng thì chỉ có lấy quốc âm mà thôi. Quốc âm tức là cái tiếng nói riêng của một giống dân, hình như Tạo Vật đã uốn đầu lưỡi mà khẩy lên cái tiếng thiên nhiên kia, trong trí nghĩ được thế nào là tự nhiên buột miệng nói lên thế ấy, khỏi phải tập luyện sửa sang gì cả. Tiếng nói ấy là tiếng nói riêng của một giống dân không có giống dân nào bắt chước nói cho rõ ràng đúng hệch tiếng nói của một giống khác được.

            Nhưng tiếng nói chỉ thoáng qua là hết. Nay muốn giữ lại tiếng nói ấy thì tất phải có một thứ chữ để ghi chép lại. Chữ ấy tức là quốc văn vậy. Chữ của một nước nào, là quốc văn của nước ấy, từ những câu ca dao thật thà ở chốn thôn quê mộc mạc cho đến lời văn thơ chải chuốt chỗ thi xã văn đàn đều là quốc văn cả. Quốc văn mà được phong phú tốt đẹp thì quốc hồn mới được tươi tỉnh sáng suốt, quốc vận mới nhơn đó mà được vẻ vang rực rỡ. Đã làm người dân trong nước thì ai lại không muốn cho nước mình vẻ vang vì nước có vẻ vang thì mình sống ở trong ấy mới được thảnh thơi.

            Nay muốn cầu cho quốc vận được vẻ vang rực rỡ thì tất phải giữ cho có quốc hồn được tỉnh tươi sáng suốt, mà muốn giữ cho quốc hồn tỉnh tươi sáng suốt là phải bồi luyện cho quốc văn được phong phú tốt đẹp. Thế thì nghĩa vụ trách nhiệm của người dân trong nước là phải học tập lấy chữ quốc ngữ mình để bồi đắp cho nước nhà có một nền quốc văn cho thật xứng đáng vững vàng. Nước sống được là ở đó.

            Nay người nước Nam tất cũng muốn cho nước mình sống được vẻ vang thì tất ai cũng muốn lo học tập chữ quốc ngữ để tu luyện lấy cái hồn mình tức là bồi dưỡng lấy cái hồn nước Nam Việt nầy để khỏi bị đào thải trong trường thiên diễn.

            Lý thuyết thì phân minh ra như thế, nhưng đã có thể thực hành được chu tất hay không?

 Nước ta lập quốc hơn bốn ngàn năm nhưng dân ta chưa từng có cái thời kỳ nào được công nhiên học chữ quốc ngữ. Trước kia nước nội thuộc Tàu thì dân phải học chữ Tàu, sau nầy nội thuộc Pháp thì dân phải học chữ Pháp. Thỉnh thoảng cũng có xuất thế mất vài áng văn quốc ngữ là do những nhà văn gia thi sĩ trong lòng đã chứa chan cái hồn của non sông nòi giống mà phát lộ ra lời thơ văn, nhưng đó chỉ đủ làm những món ngâm nga trong khi tửu hậu trà dư, chớ chưa phải là có một nền quốc văn xứng đáng để làm món quốc dân giáo dục được. Nếu cứ như thế mãi thì hai mươi triệu người Việt Nam trước kia là hai mươi triệu người Hán sau nầy là hai mươi triệu người Tây, tiếng Việt Nam sẽ không còn người nói nữa, chữ Việt Nam sẽ không còn người học nữa. Tiếng Việt Nam mà đến ngày tiêu diệt thì nước Việt Nam cũng chẳng còn là nước Việt Nam nữa rồi. Than ôi! chẳng phải tiêu diệt là gì! Nhưng mà may, non sông Việt Nam còn thiêng, nòi giống Việt Nam chưa dứt, khiến cho dân Việt Nam còn có người biết giựt mình trong giấc mơ màng thì cái “hang tiêu diệt” kia đã sờ sờ trước mắt, nếu còn bước tới nữa thì tất sa ngay vào cái gành sâu vực thẳm kia! May mà cũng còn ngày giờ để hồi đầu lại mới kêu gọi dắc dìu nhau mà chạy về để giữ lấy cái căn bổn của mình. Người tỉnh trước thì kêu gọi cho người tỉnh sau, để lo việc học tập quốc ngữ, bồi luyện quốc văn cho trong nước có một nền quốc dân giáo dục bằng chữ “mẹ đẻ” cho xứng đáng. [hết kỳ 1] 

            Hầu mười năm nay, các báo chí trong nước đều hô hào cổ động về việc “người Việt Nam phải học chữ Việt Nam” luôn. Một mặt thì phân trần cho người mình hiểu mọi lẽ lợi hại, một mặt trình bày hơn thiệt với chánh phủ để sửa đổi lại chương trình học trong nước, xin lấy chữ quốc ngữ làm món học chánh để chữ Pháp làm món học phụ như chữ ngoại quốc mà trước kia từ khi nhà nước Pháp đặt bảo hộ chỉ cho dạy ròng một món chữ Pháp mà thôi. Về phần chánh phủ thì sau khi một thời kỳ quốc dân bàn bạc yêu cầu, kẻ tán thành cũng lắm, mà người phản đối cũng nhiều, mãi đến ngày 18 tháng 9 tây năm 1924 nha học chánh Đông Pháp mới ký nghị định sửa đổi lại điều thứ 134 trong học chánh tổng quy, cho lấy chữ quốc ngữ dạy ba lớp dưới bậc tiểu học. Đó cũng chưa phải là đủ, nhưng được chút nào nên mừng chút ấy mà lợi dụng, dần dần rồi cũng sẽ đến ngày được hoàn toàn. Thế là từ ba năm nay, con trẻ trong nước Nam đã được công nhiên học tiếng mẹ đẻ mà chữ quốc ngữ từ đó cũng đã có một cái địa vị xứng đáng trong học giới và dân Việt Nam đã cũng có một nền quốc dân giáo dục hẳn hòi, không phải cái thân phận ăn gởi nằm nhờ như trước nữa.

            Nhưng việc gì cũng vậy, làm ra tất cũng có chuyện ngăn trở mà không được trót lọt bao giờ. Về phần chánh phủ thì nhọc nhằn trong bao nhiêu lâu mới được đến ngần ấy. Còn về phần quốc dân thì không phải ai ai cũng đồng như một ý kiến cả thảy, tất cũng còn có người phản đối luôn. Phản đối về việc nầy thì rất nhiều phương diện, bàn đi nói lại cũng đã lắm nhưng xem chừng cái phong trào phản đối cũng chưa tắt hẳn. Nay tôi xin chia ra từng phương diện mà bàn lại một lần nữa, cũng chẳng phải là mới lạ gì, nhưng người ta thường coi qua rồi bỏ, nên đây cũng chỉ là ôn lại những ý kiến của các nhà mà thôi.

            Những người phản đối việc học quốc ngữ là định muốn lấy chữ Pháp thay vào làm quốc văn Nam Việt, và ngờ cho tiếng nước nhà về mấy lẽ nầy:

            1/ Chữ Việt Nam còn nghèo ngặt thiếu thốn, sao cho bằng sẵn chữ Pháp là một thứ chữ phong phú phong thú, ta lấy đó làm quốc văn khỏi phải tầm kiếm sưu tập công phu gì nữa, thì chẳng là tiện lợi dễ dàng hơn ru?

            2/ Chữ Việt Nam chưa có thế lực gì, chỉ quanh quẩn trong một khoảng đất nước nhà, sao bằng chữ Pháp là một thứ chữ đã có thế lực lan rộng hầu khắp thế giới, thì học chữ Pháp chẳng là có ích lợi nhiều hơn ru?

            3/ Nước Nam ngày nay ở dưới quyền nước Pháp bảo hộ thì chữ Pháp đã thành một thứ chữ “quan thoại” một thứ chữ “cai trị” thì người mình phải học chữ ấy mới có thể giao thiệp với chánh phủ mà vận động việc chánh trị được.

            4/ Việc cho dân Việt Nam học chữ quốc ngữ ở lớp dưới bậc tiểu học là làm trở ngại việc học trong nước; đó chỉ là làm mất thì giờ học chữ Pháp của con trẻ mà thôi.

            5/ Những khoa học chuyên môn mới: cơ xảo, kỹ nghệ là những cái học giàu dân mạnh nước ngày nay, chữ quốc ngữ không thể diễn dịch hết được những danh từ chuyên môn ấy thì nếu không học trực tiếp ngay với chữ Pháp thì dân ta biết đến ngày nào mới theo kịp bằng người?

            Nay đem từng lẽ ra mà bàn giải:

            1/ “Chữ Việt Nam nghèo ngặt thiếu thốn” là một câu đầu lưỡi của phần nhiều người mình. Có suy nghĩ cho kỹ một chút thì thấy câu ấy là một câu thậm vô lý. Vả nói chữ Việt Nam nghèo thiếu đó là đem so sánh với chữ Pháp chữ Tàu chớ không bao gờ chữ trong một nước nào mà không đủ cho người trong nước ấy dùng bao giờ. Tùy trình độ dân trí, nếu trình độ dân trí còn thấp hẹp quá thì chữ tự nhiên phải thiếu kém, nếu trình độ dân trí cao được đến ngần nào thì chữ tự nhiên cũng nhiều được đến ngần ấy và bao giờ cũng đủ chữ diễn xuất được các tư tưởng cả.

            Thiếu kém hay giàu đủ đó là do tư tưởng tri thức của người ta thấp hẹp hay cao rộng chớ nào phải tại chữ. Phàm trong trí tư tưởng suy nghĩ đã chánh rồi thì tự nhiên muốn nói ra cũng rõ ràng mà chữ dùng cũng tự nhiên đến dễ dàng. Có người nói ra ba câu tiếng ta chưa xong, rồi lại đổ vạ rằng: “Tôi thiệt không sao nói bằng tiếng Việt Nam được, vì nó không đủ để diễn xuất những tư tưởng cao kỳ”. Khôn nói được bằng tiếng nước nhà là bởi trong óc không tư tưởng bằng tiếng nước nhà mà những người nói như thế vị tất đã là có tư tưởng gì cao kỳ, vì nếu họ thật có tư tưởng gì cao kỳ thì họ đã không nói ra những câu quá ư vô lý vô vị mà chê bai khinh rẻ chữ nước nhà như thế bao giờ. Thế thì tiếng nói của một nước không đủ dùng là không đủ dùng cho người không biết dùng, chớ vẫn đủ dùng cho người biết dùng. [hết kỳ 2]

            Lợi việc so sánh: Lấy một câu chữ Tàu hay một câu chữ Pháp mà dịch ra tiếng ta không được hết ý tứ trong nguyên văn mà nói đó là tiếng ta nghèo cũng vị tất là chánh đáng, vì nay thử lấy một câu ca dao hay một câu ngạn ngữ ta mà dịch ra chữ Tàu hay là chữ Pháp thì tưởng cũng không bao giờ dịch sao cho hết được ý tứ tinh thần trong nguyên văn, như thế thì chẳng là chữ Tàu chữ Pháp nghèo hơn chữ ta hay sao? Sự dịch một thứ chữ qua một thứ chữ mà không được đúng là do cái tinh thần riêng của từng thứ chữ, chớ nào phải chữ nào nghèo hơn chữ nào đâu, mà nói cho đúng hơn nữa thì cái tinh thần ấy cũng không phải là cái tinh thần của chữ mà chính là cái tinh thần của cả một non sông nòi giống thì không bao giờ có tinh thần của một dân tộc nào mà giống cái tinh thần của dân tộc nào được. Lẽ ấy là một lẽ hiển nhiên rồi tưởng ai tri thức tầm thường thế nào cũng phải công nhận lẽ ấy là đúng vậy.

Còn nói chữ Pháp tốt đẹp thì không ai dám cãi, nhưng nói chữ Pháp giàu dư tốt đẹp mà muốn lấy làm quốc văn Nam Việt thì nếu người biết nghĩ một chút còn ai dám công nhận được. Nói như thế thì có khác gì nói như thế nầy: “Cái nhà tranh của ông cha cất ra cho ta ở đây thấp hẹp xấu hèn. Chà, đàng kia có cái lâu đài cao rộng quá, vậy ta hãy bỏ cái nhà xấu hẹp nầy mà ta nhắm mắt cắm đầu chạy liều lại trong lầu đài kia mà ở với họ, chẳng là sung sướng yên ổn hơn ru?” Ta nên biết rằng cái nhà tranh của ta kia tuy nó có thấp hẹp xấu xa mặc dầu chớ đó là cái của tổ tiên ta gây dựng ra trong mấy ngàn đời, nó cũng đã từng che chở đắp điếm nắng mưa cho ta được yên lành ấm áp cho đến ngày nay, nó có xấu hèn một chút thì ta phải cố mà sửa sang bồi bổ cho nó tốt đẹp vững vàng lên, chớ cớ gì ta phải ruồng bỏ nó?

Nay ta mà bỏ nó đi ở nhờ trong cái lầu đài kia thì lầu đài kia cũng đã có chủ rồi, người ta họ há có để cho mình trọn quyền làm chủ hay sao, có khéo chìu chuộng cầu lụy lắm thì bất quá chỉ được một bên chái một góc hè mà chịu cái thân phận ăn ghé nằm nhờ đó thôi. Đã phải cái thân phận ăn ghé nằm nhờ thì bao giờ mà được an vui; mới tỉnh hồn nghĩ lại cái nhà tranh kia, tuy là thấp hẹp hèn xấu mà ở vẫn được an ổn sung sướng hơn, mới quay đầu chạy về, nhưng than ôi! cái nhà tranh kia trong bao lâu nay không người ở, đã không có tay người giữ gìn sửa sang đến thì nó đã hư sập đổ nát tự bao giờ rồi, chừng đó nhìn nhau mà ngơ ngác ngẩn ngơ, chân trời góc bể biết đâu là nhà, mới ngồi lại dựa bên đường mà khóc cái thân phận của mình phải vô cùng oán hối. Nhưng trót vì tay đã nhúng chàm dại rồi còn biết khôn làm sao đây! Ấy đại để cái chuyện người muốn bỏ chữ Việt Nam đi mà lấy Pháp làm quốc ngữ thì cái tình cảnh ấy có khác nào cái tình cảnh mất nhà vừa kể trên kia đâu. Cái tình cảnh lui tới không nhà dở dang ấy ta đã biết rồi thì khá sớm liệu mà vãn hồi, chớ để đợi cho nước đến lưng dầu có muốn nhảy cũng không kịp nữa! Đó là lấy lý mà luận, còn lấy tình mà nói thì nếu chữ quốc ngữ là xấu xa nghèo hèn, muốn bỏ đi mà lấy chữ người tốt đẹp giàu có hơn, như thế thì có khác nào một người kia có vợ từ thuở hàn vi, tuy là hèn xấu nhưng trong lúc khốn cùng vẫn có với nhau, nay lại thấy có người tốt đẹp giàu sang lại toan bỏ vợ cũ mà lấy vợ mới thì thử nghĩ việc ấy thế nào! Than ôi! Muốn giữ gìn cho tròn chung thì khó, chớ muốn phụ phàng ruồng rẫy thì có khó gì, nhưng người có lương tâm một chút thì sao có làm việc ấy cho đặng. [hết kỳ 3]

2/ Thứ đến, “chữ Việt Nam chưa có thế lực lan rộng ra ngoài thế giới bằng chữ Pháp”. Lẽ nầy thì cũng như một lẽ chữ quốc ngữ còn nghèo như trên kia vừa giải. Chữ Việt Nam sở dĩ chưa có thế lực lan rộng ra ngoài thế giới là bởi nước Việt Nam chưa có thế lực, quốc dân Việt Nam chưa có thế lực đó thôi.

Nhưng việc gì cũng vậy, không bao giờ trong một thời gian ngắn ngủi mà thành công được đâu. Nói rằng người mình học tập quốc ngữ không phải là ngày nay năm nay học mà tháng sau năm sau hay mươi năm sau mà nước Việt Nam có một nền quốc văn hoàn toàn đâu. Cái công trình ấy phải là cái công trình trong ba bốn trăm năm mới mong được thành công mà còn vị tất là thật được hoàn toàn xứng đáng thay. Ta nên biết rằng chữ Pháp mà có cơ sở vững vàng như ngày nay đó không phải là họ học tập trong ba bốn chục một trăm năm gần đây đâu. Người Pháp ngày xưa hạng người trí thức họ cũng nghiên cứu học tập chữ Latin làm cái học cổ điển như mình học chữ Hán, mà cái tiếng “mẹ đẻ” tức là tiếng Pháp ngày nay đó họ cũng cho là một thứ tiếng “nôm na mách qué” không thể diễn xuất được ý kiến tư tưởng gì cả. Duy trong đám bình dân là còn nói đến, như những hạng Trouvères hay Trouvadours đặt ra những thơ ca văn vắn để ngâm vịnh những chuyện cổ tích, tả thú điền viên hay là hát trong khi hội hè đình đám, tức như ca dao tục ngữ của ta lưu hành truyền tụng trong dân gian thôi, còn những văn gia thi sĩ thì không bao giờ dám dùng đến vì dùng đến thì cho là một việc hèn xấu. Mãi đến trong khoảng thế kỷ thứ 15 – 16 mới có những nhà nghiệm ra bèn đoạn tuyệt với cái học cổ điển là chữ Latin kia, mà trước tác sách vở bằng tiếng thổ âm; tức như bọn ông Rabelais, Ronsard và hô hào cổ xúy cho quốc dân dùng tiếng thổ âm. Từ ấy kế tiếp nhau, đời này truyền sang đời khác, đặt hội hàn lâm, ban tu thơ, treo giải khuyến khích cho quốc dân làm sách, dịch sách, trau dồi luyện tập mãi mãi đã gần bốn, năm thế kỷ nay thì cái tiếng “nôm na mách qué” ở nước Pháp trước đời ông Rabelais, Ronsard xưa kia nay đã thành một thứ chữ phong phú văn vẻ mà mình phải cung tụng là thần thánh đấy.

Chữ Việt Nam ta nay cũng thế, kể từ thế kỷ thứ 13 là từ đời Trần, quốc văn mới bắt đầu phôi thai, cũng đã có người làm qua thơ văn nôm như bài “Văn tế cá sấu” của ông Hàn Thuyên đời Trần Nhân Tôn (1278-1293), thơ “Bán than” của ông Trần Khánh Dư. Qua đến thế kỷ thứ 15 – 16 đời Hậu Lê thì như “Hồng Đức quốc âm thi tập” của vua Lê Thánh Tôn, “Bạch Vân thi tập” của cụ Nguyễn bỉnh Khiêm, các bài tinh nghĩa văn sách của ông Lê Quý Đôn cho đến mấy khúc “Chinh phụ”, “Cung oán”, v.v. ở về cuối đời Hậu Lê. Nhưng đó chỉ là những bài thơ ca ngâm khúc ngăn ngắn chưa đủ làm tài liệu mô phạm cho một nền quốc văn cho xứng đáng được. Mãi đến thế kỷ mới rồi đây mới có một nhà đại thi hào là cụ Nguyễn Du đem hết tài tình nhỏ máu làm mực trước tác ra một thiên văn chương tuyệt bút là quyển “Kim Vân Kiều” được ngót ba ngàn rưởi câu thơ lục bát phát biểu diễn xuất được hết cái tinh hoa của non sông nòi giống, để chứng nhận rằng những tiếng Việt Nam không phải là nghèo hèn thiếu thốn gì, nói ra cũng vẫn được thanh thoát nhẹ nhàng, tả mạc bức tranh tình tính người ta cũng rất là thanh tao êm ái… Thế là từ ấy tiếng Việt Nam mới có cái cơ sở vững vàng, kẻ sau nầy học tập quốc ngữ mới có chỗ làm nền nếp mẫu mực chắc chắn mà noi theo, như thế thì quốc văn ta phát đạt mới từ hơn một trăm năm nay, sánh với chữ Pháp thì còn phải kém người ta hơn hai ba trăm năm. Muốn so sánh là so sánh như thế đó, nghĩa là chữ nước mình sở dĩ còn kém cỏi hơn chữ người ta là bởi cái công phu học tập của mình chưa bằng người ta vậy. Nhưng nếu chúng ta nay nhân đã sẵn cái nề nếp ấy mà tu bổ lại cho hoàn toàn thêm, phát huy cho tăng tiến lên thì trong vài ba trăm năm nữa quốc văn Việt Nam sao lại không đến được thời đại toàn thạnh.

Có sách hay tất có người muốn học, người nước khác muốn học tất phải dịch ra chữ nước họ. Xem như Phạn Kinh của Ấn-độ, Ngũ Kinh Tứ Thơ của Tàu cũng đã thấy dịch hầu khắp các thứ tiếng trên thế giới. [hết kỳ 4]   

Truyện “Kim Vân Kiều” của Việt Nam ta nay cũng đã có người Pháp dịch, người nước khác cũng có đọc đến mà cũng đều phải xưng tụng tác giả quyển văn chương Việt Nam kia là “thần thơ”. (Tháng 7 năm 1927 nầy, ông Hoàng Tích Chu thuật rằng trong khi hội đàm /interview/ với nhà đại thi hào Ấn-độ là cụ Rabindranath Tagore ở trên Ấn-độ-dương, được tiếp chuyện với một người môn đồ của cụ là ông giáo trường đại học Calcutta Suniti Kumar Chetterji, ông giáo nói rằng: ông đã có được đọc bản dịch “Kim Vân Kiều” bằng chữ Pháp và ông cũng biết được ít nhiều cái phong thú tinh hoa thâm trầm về văn chương, triết lý của quyển sách ấy. – Echo Annamite, 2.8.1927). Nếu từ đây chữ Việt Nam còn người luyện tập đến luôn, văn chương Việt Nam sẽ ngày một phồn thịnh phong thú hơn lên, thì sẽ còn sản xuất ra mấy mươi quyển văn chương có giá trị như quyển “Kim Vân Kiều”. Khi ấy văn tự Việt Nam tất sẽ dịch khắp chữ thế giới, hội hàn lâm Việt Nam thanh danh giá trị cũng chẳng kém gì hội hàn lâm các nước Âu Mỹ. Người Âu Mỹ họ muốn khảo sát văn minh văn hóa Việt Nam thì họ tất phải tìm đến mà học chữ Việt Nam. Chừng ấy trên văn đàn thế giới thế lực chữ quốc ngữ lo gì không rộng lớn, địa vị chữ quốc ngữ lo gì không cao quý.

Sự nghiệp ấy là sự nghiệp vĩ đại, công trình ấy là công trình dài lâu thì phải có cái chí hướng rộng rãi, cái tư tưởng cao xa một chút mới được, chớ chỉ khư khư trong vòng chật hẹp nhỏ nhen như những việc cạnh hư danh tranh tiểu lợi hằng ngày mãi thì đã nên công chuyện gì mà còn mong gì nữa.

3/ Thứ nữa đến chữ Pháp là một thứ chữ “quan thoại”, người mình muốn vận động việc chánh trị thì đều phải học chữ Pháp. Ừ, thì đã đành, vì muốn trình bày ý kiến yêu cầu quyền lợi của dân cho thông đạt được đến chánh phủ, có lẽ phải cho thông đạt đến tận bên Pháp nữa mới được, thì người mình không sao không học chữ Pháp được. Nhưng ta nên biết rằng: chẳng phải cả thảy hai mươi triệu người Việt Nam đều có thể ra vận động việc chánh trị hết. Bất quá cũng chỉ trong một hạng người rất ít mà thôi. Hạng người ấy thì lại càng nên cần học chữ Pháp cho thật đến nơi đến chốn, cho thật tinh thông để có đủ tư cách giao thiệp với chính phủ và giao thiệp với cả thế giới nữa. Hạng người ấy chẳng những phải học chữ Pháp cho thông mà lại còn phải biết chữ mình cho thạo nữa mới được. Có biết được rõ chữ nước mình, mới am tường được dân tình thì mới đủ tư cách làm môi giới cho quốc dân với chính phủ. Hoặc có những ý kiến những vấn đề gì muốn vận động truyền bá cho quốc dân thì chỉ có dùng chữ nước nhà, tiếng “mẹ đẻ” mà nói ra thì mới chóng phổ cập được khắp trong dân gian. Trừ ra một hạng người cần phải giao thiệp với chánh phủ với thế giới còn thì quyết không thể lấy chữ Pháp làm món phổ thông giáo dục được. Mấy chục năm nay người mình học chữ Pháp thì đã có mấy ai học được đến nơi đến chốn, bất quá trong trăm người mới được một đôi người, còn thì đã sở đắc được những gì, đã đem dùng vào được việc gì mà đối với cái quốc túy cái văn hóa cũ của nước nhà thì tuyệt nhiên không biết đến, gây thành một giống người Tây không ra Tây, Nam không ra Nam, lố lăng không tư cách gì cả. Về việc nầy thì ông Roland Dorgelès là một nhà văn sĩ có tiếng ở Pháp ngày nay, năm 1925 khi du lịch bên ta về làm sách có phê bình về Việt Nam mấy câu, thật là cực tả cái tư cách cái tính chất người mình học chữ Pháp ngày nay.

“Có nhiều người Việt Nam lịch sự lắm, ăn bận như người kinh thành Paris, cho con sang học bên ta, khi một người đồng bào nói với họ bằng tiếng bổn quốc thời tảng lờ không nghe hiểu, mà tự mình nói, thì cũng ấp úng như phải tìm chữ dịch tiếng Tây ra tiếng Nam vậy…” (… Des Annamites élégants, vêtus comme les Parisiens, et qui envolent leurs fils faire leurs études chez nous, affectent de ne plus rien comprendre quand un compatriot leur parle dans leur langue et s’yexpriment péniblement, cherchant leur mots comme s’ils étaient obligés de traduire… sur la route mandarine). Kết quả đã rõ ràng ra đấy còn ai không thấy nữa. Học như thế là chỉ đủ đi làm việc biên chép với chánh phủ ở các ty các sở. Ta nên biết rằng đi học là cầu thu hoạch được những cái trí đức thông thường để có đủ tư cách mà gây dựng nghề nghiệp làm ăn chớ có lẽ ỷ lại vào chánh phủ hết cả hay sao. [hết kỳ 5]  

4/ Học chính trong nước Việt Nam sẽ phân làm ba cấp: Thứ nhứt là bực sơ đẳng học, bực phổ thông giáo dục, các trường học nhiều nhứt trong nước, cho dạy toàn bằng chữ quốc ngữ. Tốt nghiệp các trường sơ đẳng ra, người nào không có thể đeo đuổi theo học nghiệp được nữa thì thôi ra cũng tùng tiệm có đủ trí đức mà làm các nghề nghiệp được. Còn người nào có thể học được nữa thì cho vào bực trung đẳng học. Bực nầy cái cách chế độ và cách tổ chức phải châm chước theo như các trường “lycée” bên Âu Mỹ phân làm hai ban: một ban cổ điển (classique) một ban tân học (moderne), cả hai ban nầy đều phải lấy chữ quốc ngữ làm món học chánh. Nhưng ban cổ điển một nửa thì dạy chữ Hán, cho học lịch sử văn chương, văn hóa nước Tàu, tức như bên Pháp ban “latin-grèce”, còn ban tân học một nửa thì dạy chữ Pháp làm tiếng ngoại quốc, cho học khoa học toán pháp (sciences math), học thuật mới ngày nay. Học sanh tốt nghiệp ra trường trung học rồi không muốn lên cao đẳng thì cũng đủ tư cách dạy lại các trường bực sơ học. Còn muốn theo lên bực cao đẳng thì các ông Tú cổ điển cho vào ban Sư phạm, Pháp chánh, sau nầy sẽ là giáo sư hay quan phụ mẫu có tư cách; còn các ông Tú tân học cho vào ban y học, số học, mỹ thuật, canh nông, thương mãi, kỹ nghệ, thì sau nầy ra sẽ là các ông bác sĩ, kỹ sư có giá trị. Chừng ấy nước Việt Nam sẽ có những ông Cử ông Nghè quốc ngữ có giá trị, những ông Cử ông Nghè ấy cũng chẳng kém gì những ông Cử ông Nghè ở các nước văn minh trong thế giới.

Ấy cái chương trình học trong nước được đến như thế thì mới thật hoàn toàn. Nhưng bây giờ mà nói ra thì cũng chẳng khác nào một giấc mộng “hoàng lương”. Sự học trong nước hiện chưa đâu vào đâu cả mà mơ ước những trung học, đại học, ông Cử, ông Nghè viễn vông chẳng là cuồng dại lắm ru!    

Nhưng hy vọng mà cho ra hy vọng, mơ ước mà ước những chuyện đích thực hiển nhiên thì biết đâu lại không có ngày hy vọng được thành tựu, chớ nào phải mơ ước những chuyện bâng quơ không đậu, không dựa vào một bằng cớ chắc chắn nào; mà tưởng mê tín hy vọng như thế còn hơn mê tín những kim hài bội tinh, mê tín những vinh hoa phú quý hão huyền.

Cũng vì thế mà có người nói rằng: “Nay lòng quốc dân nguyện vọng sở cầu thì như thế mà chính phủ không bao giờ thi hành cho được chu tất. Như việc cho dạy quốc ngữ hay chỉ cho dạy có ba lớp dưới bực tiểu học rồi lại bắt học chữ Pháp nữa thì chỉ tổ làm ngăn trở cho những người có chí muốn theo học chữ Pháp đến bực trung đẳng, cao đẳng mà thôi, nếu sửa đổi được thì sửa đổi cho trọn vẹn bằng không thì thà là để cho học chữ Pháp như trước còn hơn. Nói như thế mới nghe tựa hồ hữu lý nhưng nghĩ kỹ mới biết là một lời ngụy biện chi cực. Đây lại phải nói qua vấn đề chánh trị vì việc học trong nước mình tuy là nói việc học chớ cũng có can thiệp đến chánh trị. Vậy thì ta nên biết rằng việc chánh trị trong nước nào cũng vậy, không bao giờ mà được hoàn toàn, như nước đã tự trị độc lập rồi cũng vậy, chẳng những là nước ở dưới quyền thuộc địa bảo hộ mà thôi. Nếu không thế thì các nước không phải phân tranh nhau hàng ngày, mà các nước cũng không đặt ra hội “Vạn quốc” làm gì. Nếu không thế thì nước Đức không yêu cầu nước Pháp rút binh ở tại hạt sông Rhur, nước Pháp không phải khẩn khoản hẹn nợ với nước Mỹ, nước Mỹ không lo hạn chế nước Nhật đóng thuyền “khinh chiến hạm”, nước Tàu không vận động cho liệt cường thủ tiêu các điều ước bất bình đẳng, v.v. Tổng chi nước nào cũng còn mất một đôi cái quyền lợi gì đó, chớ không bao giờ được hoàn toàn; nhưng nước đã được tự do độc lập rồi thì bị người ta hạn chế ít, mà nước còn trong vòng lao lung thì bị người ta hạn chế nhiều đó thôi. Nay việc chánh trị trong nước mình cũng thế, ta há có lấy nễ rằng chưa được hoàn toàn viên mãn mà không lo đến nữa hay sao. Lại nếu bị hạn chế, chưa được hoàn toàn thì phải cố mà vận động cho được hoàn toàn chớ ngồi mà đợi người ta đưa đến cho mình hay sao? Lẽ ấy thì tưởng không bao giờ có. Nếu không tin thì thử hỏi dân Triều-tiên, dân Phi-luật-tân, dân Ấn-độ hay dân Ai-cập thì biết họ có phải ngồi khoanh tay mà bỗng dưng có người đưa đến cho hay không? Nhưng đây là một việc khác. [hết kỳ 6]

Bây giờ chữ quốc ngữ chỉ cho học ở ba lớp dưới bậc tiểu học thì được bấy nhiêu ta nên lợi dụng bấy nhiêu; được một bực rồi, dần dần ta sẽ yêu cầu chánh phủ đặt thêm cho bậc khác nữa. Nói rằng học quốc ngữ ở ba lớp dưới đó là trở ngại cho người muốn đeo đuổi học chữ Pháp lên bậc trên. Người mà nói như thế là những người còn hiểu lầm hay là chưa từng thực nghiệm qua mà thôi, chớ thực không có gì là trở ngại cả.

Tiếng nói là ba lớp dưới học quốc ngữ chớ không phải là tuyệt nhiên không học đến chữ Pháp. Chữ quốc ngữ là để dạy các món trong chương trình mà chữ Pháp kể như một món học trong các món học khác dạy làm tiếng ngoại quốc. Nghĩa là lấy quốc ngữ làm món học chánh, chữ Pháp làm món học phụ mà trước kia, trái lại, chữ Pháp ở vào địa vị chánh.

“Có nhờ học bằng tiếng nước nhà thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra được”, ấy là lời của một nhà đại thi hào nước Ấn-độ, ông Rabindranath Tagore. Thật thế, một đứa trẻ mới bắt đầu học ngay bằng tiếng ngoại quốc thì không tài nào hiểu được rõ ràng, truyền đọc ngoài miệng mà trong trí não vẫn mơ màng là vì cái tiếng ngoại quốc đó không phải là cái tiếng nói thường nghe thường nói hàng ngày với người trong họ hàng ngoài làng xóm. Nay nếu bắt đầu cho nó học bằng tiếng nước nhà trong mấy năm, thì học gì chẳng hiểu được nấy, mà hiểu được rõ ràng, trí khôn nó nhân đó mà mỗi ngày mới vỡ vạc ra. Nó đã có chút tri thức rồi mới cho học tiếng ngoại quốc thì học vừa mau vừa dễ. Như thế thì vụ học chữ quốc ngữ ở ba lớp dưới chẳng những là không ngăn trở sự học chữ Pháp mà chính là dự bị tri thức để sau nầy học chữ Pháp cho dễ hiểu mau thông vậy. Vả lại, tuy là gọi ba lớp đầu chớ trẻ con, trừ những đứa thông minh quá thì không kể, còn thì không thể nào lên lớp năm được. Thế nào cũng phải ở lại một lớp nào đó hai năm, thành ra ba lớp mà thiệt là phải bốn năm năm học mới thi bằng tiểu học (Certificat d’ études élementaires) được. Trong bốn năm năm học bằng tiếng bổn xứ ấy nếu dạy cho thiệt châu tất kỹ càng thì tri thức cũng đã khai thông, mà chữ Pháp trong bốn năm năm ấy chỉ học theo một lối lịch thiệp, như tiếng ngoại quốc thì cũng biết được kha khá, đến khi lên lớp trên không phải là tuyệt nhiên không biết một chữ Pháp nào. Còn hai lớp trên đây, tiếng là hai lớp chớ thiệt là ba năm. Theo lời nghị định quan Học chánh thì lớp nhì chia làm hai ban, ban dưới để cho học trò ôn lại bằng tiếng Pháp những món đã học bằng tiếng bổn xứ ở ba lớp dưới, rồi từ ban trên trở lên đến lớp nhứt mới theo đúng chương trình thi tốt nghiệp bằng sơ học (Certificat d’ etudes primaires). Như thế thì trong ba năm sau chỉ học ròng chữ Pháp mà là học ôn lại những món đã có học ở ba lớp dưới rồi. Nhưng có khác nhau là trước học bằng tiếng bổn xứ mà sau nầy học tiếng Pháp thì trong ba năm sau nầy chỉ là dịch ôn lại những món đã học ở bốn năm năm trước mà thôi. Như vậy thì dầu học cách nào, con trẻ cũng phải bảy tám năm học mới tốt nghiệp bậc sơ học. Nhưng học như cách trước thì khi tốt nghiệp sơ học rồi tiếng Pháp vị tất đã thông mà tiếng ta thì vẫn mơ hồ không hiểu chỉ gây thành một lũ Tây giả như đã kể trên kia. Còn học theo cách sau nầy thì phần quốc ngữ chắc hẳn thông thạo, có thành hiệu mà phần chữ Tây cũng chẳng kém gì trước, vì trong khi học chữ Tây ấy, tuy ít năm học hơn trước chớ đã sẵn trí khôn để đón hiểu được dễ dàng. Trong hai cách học đã biện giải như trên kia thì cách nào là hơn, tưởng không nói mà ai cũng rõ cả vậy.

Việc là việc hay, tình lý thỏa hợp cả, nhưng có chỗ còn chưa thấy có kết quả là bởi thi hành không được châu tất đó thôi. Cái trách nhiệm ấy là trách nhiệm ở các ông giáo bà giáo. Hay dở là trách cứ ở đó chớ há phải bởi tại phương pháp không hay đâu. Phàm việc gì cũng vậy, bụng đã tin rằng làm được, tận tâm mà làm thì dầu khó đến đâu cũng làm được thành hiệu, chớ trong bụng còn hoài nghi do dự thì dầu việc thật dễ cũng thấy khó, mà việc khó lại càng thêm khó bội phần, có khi hay mà phải hóa ra dở nữa, thì các nhà giáo dục ta hữu tâm với non sông nòi giống há không nên nhận lấy cái trách nhiệm mà cẩn trọng trong khi thi hành việc nghĩa vụ của mình dư?

Duy còn hai điều nầy đã phải nhiều người còn lấy làm ngại là việc các thầy giáo và sách giáo khoa. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, mới bắt đầu việc gì mà lại không có khuyết điểm, nhưng rồi đây sẽ hoán cải dần dần cho đến được hoàn thiện. [hết kỳ 7]        

 Các thầy giáo đã nhận trách nhiệm mình rồi tất cũng phải lo tu luyện để cho có đủ tư cách dạy dỗ lại con em. Sách giáo khoa thì nha Học chính Đông Pháp ở Hà-nội cũng đã lần lượt xuất bản, cũng tùng tiệm đủ cho các trường bậc tiểu học dùng. Còn bậc trên nữa thì như sách “Việt văn hợp tuyển giải nghĩa” của hai ông Lê Thành Y, Nguyễn Hữu Tiến, sách “Quốc văn trích diễm” của ông Dương Quảng Hàm và như sách “Cổ học tinh hoa” của hai ông Trần Lê Nhân, Nguyễn Văn Ngọc, sách “Quốc văn khảo biện” của ông Nguyễn Ứng, v.v. cũng đều có thể châm chước làm sách giáo khoa được cả. Tổng chi, việc thầy dạy và việc sách giáo khoa thì tùy cái trình độ học cao thấp mà đặt định cũng không phải là một việc khó. Có người học thì tất có thầy dạy, có sách dùng. Không thấy có nước nào sắm thầy sắm sách trước khi định chương trình học bao giờ. Thế thì việc ấy cũng không có gì mà phải quá ái ngại nữa.

5/ Thứ nữa đến việc dịch các danh từ về khoa học mới. Phàm muốn gọi tên một sự vật gì thì trước có biết rõ cái sự vật ấy đã, nhiên hậu mới đặt tên mà gọi lên được. Mình chưa biết xe điện, tàu bay là vật gì thì sao có tiếng “xe điện”, “tàu bay” được, mình chưa biết thuốc ký-ninh, rượu sâm-banh là vật gì thì sao có tiếng “ký-ninh”, “sâm-banh” được, mình chưa biết được rõ lý học (physique), hóa học (chimie) là  món học gì thì chữ “lý học”, “hóa học” sao có thể thông dụng được, mình chưa được hiểu rõ cái thuyết đối đích (relativité) hay là chủ nghĩa lập hiến thì những chữ “đối đích”, chữ “lập hiến” sao có thông dụng được, v.v. Tổng chi, có rộng biết, có nghĩ nhiều, vật gì đã từng biết, sự gì đã nghĩ tới thì thể nào cũng tìm được tiếng nói cho gọn ghẽ. Vậy cách trí toàn pháp, cơ xảo, kỹ nghệ, nếu người mình cứ giảng cứu cho thật thâm, và thứ nhứt là phải có chí muốn đem những điều mình đã học đã biết, dịch ra tiếng nước nhà cho bao nhiêu người đồng bang mình dầu không đi học mà cũng hiểu biết được. Ông Nguyễn Triệu Luật đã dịch được sách tâm lý học, ông Trương Cam Khuyên đã dịch được sách điện học (Nam phong), hai khoa học ấy ai bảo rằng không đầy dẫy những danh từ mới mà cũng vẫn dịch được thanh thoát, gọn gàng, ông Phan Văn Trường đã dịch được sách luật học và ông đã chắc rằng “tiếng Việt Nam ta dùng mà dịch sách chi cũng được hết cả”, mới đây ông Nguyễn Háo Vĩnh mới soạn được sách “Cách vật trí tri”. Chữ mình không đủ gọi thì hãy châm chước tùy nghi mà đặt chữ mới hay là mượn chữ nước ngoài. Việc mượn chữ nước ngoài đây cũng là một lệ thường, chữ nước nào cũng thế, ngay như chữ Pháp mình thường thấy đây, hầu hết là mượn chữ latin, grec. Đặt chữ mới hay mượn chữ nước ngoài thì không có phương hại gì đến quốc âm cả, miễn là những chữ ấy cho gọn ghẽ rõ ràng, cho dễ kêu dễ gọi, cho thành thanh âm Việt Nam là được. Ông Ronsard nói rằng: “Tôi khuyên ai cũng nên cứ đánh bạo mà đặt ra tiếng mới, miễn là phải đặt sao cho nó hợp với cái thể cách của dân gian đã công nhận” (Je te veux bien encourager de prendre la sage hardiesse d’ inventer des vocables nouveaux pourvu qu’ils soient moulez et fanconnez sur un patron dejà recue du peuble. – đây là viết theo cổ văn Pháp). Nếu mỗi người đều có công có chí như thế cả thì chữ Việt Nam lo gì không đủ dùng và lo gì không phong phú bằng chữ nước người.

Nói đến khoa học lại phải nói luôn qua việc học chuyên môn và học phổ thông mà người mình vẫn thường lầm tưởng. Phàm phép giáo dục trong thế giới, nước nào cũng vậy, cũng chia ra làm hai phép học: học phổ thong và học chuyên môn.

Học phổ thông là cái học của bọn bình dân, là giáo dục thông thường, giáo dục cả toàn quốc, còn học chuyên môn là cái học của bọn thượng lưu trí thức, là giáo dục đặc biệt, giáo dục một hạng người thông minh lội lạc.

Nói rằng: các học thuật chuyên môn mới mẻ ngày nay là những cái học giàu dân mạnh nước, ta không thể không có được thì đã đành rồi, không ai dám cãi. Nhưng có lẽ khắp các hạng người trong nước đều có thể cho học các khoa chuyên môn hết cả được sao? Các nước Âu Mỹ ngày nay cũng thế, chẳng phải là bốn triệu người Pháp hay bốn mươi lăm triệu người Anh đều là kỹ sư bác sĩ cả, bất quá cũng là chỉ một phần rất ít mà thôi. Những hạng người ấy là những hạng thông minh tuấn tú, hạng người ấy không phải là có nhiều được. Nếu hai mươi triệu người Nam mà đều cho học chuyên môn mà học được thành đạt cả thì nhân tài nước Nam đẻ mà cả thế giới dùng cũng không hết? [hết kỳ 8]

Một nước mà được văn minh giàu mạnh đã đành là bởi một hạng người trong thượng lưu trí thức kia làm then chốt làm chủ nhân ông cho một cõi sơn hà, nhưng không phải là không có nhờ ở đám bình dân hạ lưu rất nhiều.

Có người nói rằng nước Mỹ sở dĩ được văn minh sớm, được chóng phú cường là bởi nước Mỹ tuy tổng số trí thức ít hơn ở Pháp, ở Đức, ở Anh, mà vì ban bố phổ cập cả các hạng người trong xã hội. Các nước kia tuy tổng số trí thức có nhiều mà chỉ khu khu trong một hạng người mà thôi. Xem thế thì muốn cho nước giàu dân mạnh cũng phải lấy cái phổ thông làm gốc, mà như nước Nam hiện nay lại càng cần có cái giáo dục phổ thông lắm nữa. Vì đám bình dân ở chốn thôn quê, trong chỗ tre gai đất bùn kia nếu còn ngây ngô ngơ ngác, say say mê mê, dầu có người trí thức cao sâu tài giỏi như thần thánh đi nữa cũng không mong vận động được việc gì, mà cũng đành khoanh tay mà thôi!

Nay lấy chữ quốc ngữ làm món sơ học phổ thông cho người mình là tài bồi trí đức cho bọn bình dân Nam Việt, gây cho có một cái cơ sở vững vàng, khiến cho bất cầu người nào cũng đều có cái đạo đức giản đan, có tri thức thông thường, đều tiệm biết được các sự vật, các tình hình trong hoàn cảnh của mình trong cuộc đời, cho biết chỗ mà trông, biết lối mà theo, hành vi sanh hoạt cho phải đường cho khỏi quay cuồng xuẩn động. Cái học phổ thông ấy là cái nguồn gốc cho nhân tính nhân cách, là cái nền nếp cho sự nghiệp văn minh của một nước, thì nước ta không sao không có được.

Còn thì những người có thiên tư tốt, tài lược nhiều thì nên theo học các chữ ngoại quốc, khảo biện, nghiên cứu các khoa học cho thật tinh thật thâm, rồi dịch ra chữ quốc ngữ truyền bá lại cho đồng bào thì trong nước không lo gì không có nhân tài.

Nay kết luận bài nầy, còn mấy lời tâm huyết trung cáo với quốc dân, mong rằng trong anh em cũng có người xét đến.

Việc học quốc ngữ vừa biện luận như trên kia là việc ích lợi cho tôn bang tổ quốc, ích lợi cho cả một nòi giống, dầu người tri thức tầm thường thế nào cũng biết được cả.

Nhưng từ thuở nay không mấy người là dám đeo đuổi về đường ấy là bởi lòng người ta phần nhiều quá vì tư lợi đó mà thôi. Có con cho đi học trong bảy tám năm cũng có thể kiếm được mỗi tháng ba bốn chục bạc lương, trong 12-13 năm cũng có thể kiếm được 8 – 9 chục, một trăm đồng bạc lương, chớ đeo đuổi theo cái chữ “mẹ đẻ” kia đã biết rằng có ích cho gia quốc thực, nhưng cái lợi ích ấy là về lâu xa ở đâu đâu chớ nào có ích lợi gì cho nhà cửa vợ con bây giờ đâu. Đã đành rằng người ta không thể nhịn đói mà bàn triết lý giảng đạo đức được, nhưng ngoài cái kế mưu sinh nhỏ hẹp hàng ngày cũng phải hoài bão một cái chí hướng gì cao thượng, gây dựng một cái sự nghiệp gì bất hủ về sau nầy chớ đời người ta sống có phải là chỉ khu khu trong vòng y thực đâu? Lại ở đời cũng phải nên vị tình hơn vị lợi mới được. Dân nào mà chỉ biết vị lợi hơn vị tình là dân ấy sắp đến ngày tiêu diệt vậy. Vua Lương Huệ Vương hỏi thầy Mạnh về cái thuật giàu dân mạnh nước mà nói đến lợi thì thầy Mạnh bẻ rằng: “Nhà vua hà tất phải hỏi đến lợi, chỉ nên nói nhân nghĩa mà thôi” (Vương hà tất viết lợi, diệc hữu nhơn nghĩa nhi dĩ hĩ). Ta học chữ Việt Nam là vì non sông, vì nòi giống, vì tổ tiên, vì hậu thế, là vì tình nghĩa vì công ích mà học, còn học chữ Pháp là vì kiếm ăn, vì tiền của, vì quyền thế, là vì tư lợi mà học. Nói rằng: Vị cận lợi chẳng hơn là vị tình vị nghĩa suông đấy dư? Nhưng ta mà cứ giữ cái tư tưởng nông nổi, cái chí hướng nhỏ hẹp như thế mãi thì dân Việt Nam tất phải chịu vĩnh kiếp trầm luân, vĩnh kiếp nô lệ đi mà thôi.

Vậy người nước ta ai cũng nên nhận mình, nhận cái bổn thân mình đây là cái của báu của giang san chủng tộc, mấy ngàn đời tổ tiên ủy thác ở mình, mấy ngàn đời hậu thế hy vọng ở mình, phải biết cân nhắc chuyện lớn chuyện nhỏ, lẽ gần xa, và tùy tài tùy lực mà đương lấy cái trách nhiệm nghĩa vụ ấy sao cho xứng đáng. Sanh ra làm kiếp người Việt Nam ngày nay trách nhiệm lớn lao, nghĩa vụ nặng nề như thế, ta há có dám không đương chịu, mà chỉ cứ riêng mình, cao lâu nghênh ngang, ô-tô chạy tít mà an vui sung sướng mãi, thì người Việt Nam sao có nỡ làm như thế cho đành?

ĐÔNG HỒ

Hà Tiên 

Nguồn:

Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.626 (7.9.1927); s.627 (9.9.1927);

s.628 (12.9.1927); s.629 (14.9.1927); s.630 (16.9.1927);

s.631 (19.9.1927); s.632 (23.9.1927); s.633 (26.9.1927); s.634 (28.9.1927)     

                                                                                                                       

                                                                       

 

20170823. Einstein Tagore

Ảnh: Einstein và Tagore

Ngày 14/7/1930, Albert Einstein tiếp đón tại nhà ông ở ngoại ô Berlin một triết gia, nhà thơ, người từng đoạt giải Nobel, Rabindranath Tagore. Hai người đã có một trong những cuộc trò chuyện trí tuệ và lý thú nhất trong lịch sử về bản chất của khoa học, mà tâm điểm là câu hỏi gai góc: liệu tính khách quan của Chân lý/khoa học có thực sự tồn tại? Tuy nhiên, ở tầng ý nghĩa sâu hơn, cuộc trò chuyện của họ vượt ra ngoài khuôn khổ đối thoại khoa học, thay vào đó phản ánh bản chất niềm tin mang tính lý tưởng về thứ Đạo mà bản thân họ theo đuổi, và chính điều đó đã khiến nó trở nên hết sức quan trọng, đáng để suy nghiệm đối với tất cả chúng ta. Dưới đây là bản dịch bài tường thuật cuộc trò chuyện đăng trên Brainpickingi1, cùng lời bình của dịch giả.

EINSTEIN: Ông có tin vào một đấng linh thiêng tồn tại biệt lập khỏi thế giới?

TAGORE: Không biệt lập. Tính người vô tận đủ để thấu hiểu cả Vũ trụ. Chẳng có gì nằm ngoài khả năng lĩnh hội của con người, như vậy Chân lý của Vũ trụ cũng là một Chân lý thuộc về con người.

Tôi lấy một số thực tế khoa học để làm rõ thêm điều này – Vật chất cấu tạo nên từ các proton, electron và khoảng rỗng giữa chúng; nhưng vật chất bề ngoài lại có vẻ cứng rắn. Tương tự như vậy, nhân loại cấu thành từ những cá nhân, nhưng các mối quan hệ kết nối người và người khiến thế giới nhân loại là một thể thống nhất sống động. Toàn bộ vũ trụ cũng kết nối với chúng ta theo cách tương tự, và đó là một vũ trụ của con người. Tôi đã theo đuổi suy nghĩ này qua nghệ thuật, văn học, và nhận thức tôn giáo của loài người.

EINSTEIN: Có hai nhận thức khác nhau về bản chất vũ trụ: (1) Thế giới là một chỉnh thể phụ thuộc vào [nhận thức chủ quan của] con người. (2) Thế giới là một hiện thực tồn tại độc lập với yếu tố con người.

TAGORE: Khi vũ trụ hài hòa với Con người, cái vĩnh hằng, ta nhận ra đó là Chân lý, ta cảm thấy đó là cái đẹp.

EINSTEIN: Đó thuần túy chỉ là nhận thức [chủ quan] của con người về vũ trụ.

TAGORE: Chẳng thể có nhận thức nào khác. Thế giới này là thế giới [theo nhận thức] của con người – cái nhìn mang tính khoa học về nó cũng là cái nhìn của con người khoa học. Có những tiêu chuẩn về lý tính và xúc cảm để nó trở thành Chân lý, là tiêu chuẩn của Con người Vĩnh hằng, trải nghiệm của Con người Vĩnh hằng chính là thông qua trải nghiệm của chúng ta.

EINSTEIN: Đó là nhận thức của thực thể con người.

TAGORE: Phải, một thực thể vĩnh hằng. Chúng ta nhận ra nó qua những xúc cảm và hoạt động của mình. Ta nhận ra Con người Tối cao vượt lên những giới hạn cá nhân trong chúng ta. Đối tượng tìm kiếm của khoa học là cái không giới hạn vào một cá nhân riêng lẻ nào; đó là một thế giới phi cá nhân thuộc về Chân lý. Tôn giáo nhận ra Chân lý này và kết nối chúng với nhu cầu sâu hơn trong chúng ta; nhận thức cá nhân của chúng ta về Chân lý nhờ đó đạt tới tầm mức phổ quát. Tôn giáo đưa các giá trị vào Chân lý, và ta nhận ra Chân lý này là tốt đẹp qua sự hòa hợp của mình với nó.

EINSTEIN: Như vậy Chân lý, hoặc là cái Đẹp, đều không tồn tại độc lập với Con người?

TAGORE: Không.

EINSTEIN: Nếu không một con người nào còn tồn tại, thì bức tượng Apollo của Belvedere sẽ không còn đẹp nữa2.

TAGORE: Đúng.

EINSTEIN: Tôi đồng ý với điều này ở phạm trù cái Đẹp, nhưng với phạm trù Chân lý thì không.

TAGORE: Sao lại không? Chân lý vốn được nhận thức bởi con người.

EINSTEIN: Tôi không thể chứng minh rằng nhận thức của mình là đúng, nhưng đó là [điều tôi tin tưởng như] tín ngưỡng (religion) của tôi.

TAGORE: Cái Đẹp là điều lý tưởng của sự hài hòa hoàn hảo trong cái Toàn thể (Universal Being); còn Chân lý là sự thấu hiểu hoàn hảo của Trí tuệ Phổ quát (Universal Mind). Các cá nhân chúng ta tiếp cận nó thông qua những sai lầm, những kinh nghiệm tích lũy được, và qua nhận thức được soi sáng – làm sao ta có thể biết được Chân lý theo cách nào khác?   

EINSTEIN: Tôi không thể chứng minh một cách khoa học rằng Chân lý phải được nhận thức như một Chân lý tồn tại độc lập với nhân loại; nhưng tôi tin vào điều đó một cách chắc chắn. Tôi tin tưởng, đơn cử như định lý Pythagore trong hình học khẳng định một điều gần như hoàn toàn đúng, và điều ấy độc lập với sự tồn tại của con người. Dù sao thì, nếu đã tồn tại một hiện thực nào đó độc lập với con người thì đồng thời cũng có một Chân lý tương đối về hiện thực ấy; và cũng theo logic đó, phủ định điều thứ nhất dẫn tới phủ định tồn tại điều thứ hai.

TAGORE: Chân lý, vốn là một với cái Toàn thể, nhất thiết phải mang tính người, nếu không bất cứ điều gì mà các cá nhân chúng ta nhận thức là đúng đều không thể coi là đúng – ít nhất đối với Chân lý được mô tả theo khoa học, thứ chỉ có thể tiếp cận qua quá trình logic, hay nói cách khác, bởi một hệ thống tư duy, chính là của con người.

Theo Triết học Ấn Độ, tồn tại Brahman, Chân lý tuyệt đối, cái không thể nhận thức một cách riêng biệt bởi trí tuệ cá nhân hay mô tả bằng ngôn ngữ, mà chỉ có thể nhận thức bởi sự tổng hòa tất cả mọi cá thể trong sự vô tận của chúng. Nhưng một Chân lý như vậy không thể thuộc về khoa học. Bản chất của thứ Chân lý mà chúng ta đang thảo luận chỉ là vẻ bề ngoài của nó – nghĩa là, cái có vẻ đúng trong tâm trí con người, bởi vậy thuộc về con người, và có thể gọi là maya, một ảo giác.


EINSTEIN: Như vậy, theo nhận thức của ngài, hay cũng có thể là theo nhận thức Ấn Độ, đó (tức cái có vẻ ngoài là Chân lý đang được thảo luận) không phải là một ảo giác của cá nhân, mà của toàn thể nhân loại.

TAGORE: Các loài đều thuộc về một chỉnh thể, trong nhân loại. Như vậy trí tuệ của tất cả nhân loại nhận thức được Chân lý; trí tuệ Ấn Độ hay trí tuệ Châu Âu có thể gặp nhau trong cùng một nhận thức.

EINSTEIN: Khái niệm loài dùng trong tiếng Đức được dành cho tất cả mọi người, thậm chí loài vượn hay ếch cũng thuộc trong đó.

TAGORE: Trong khoa học chúng ta trải qua quá trình loại trừ những giới hạn riêng trong các trí tuệ cá thể để đạt tới sự thấu hiểu Chân lý, vốn có trong trí tuệ của Con người Toàn thể.

EINSTEIN: Vấn đề bắt đầu ở chỗ Chân lý liệu có tồn tại độc lập với nhận thức của chúng ta.

TAGORE: Cái mà ta gọi là chân lý nằm trong sự hài hòa lý tính giữa cái chủ quan và khách quan của hiện thực, cả hai cái đó đều thuộc về con người siêu ngã (super-personal man).

EINSTEIN: Ngay trong đời sống thường ngày, chúng ta cảm thấy phải quy cho các đối tượng khác một thực tại độc lập với con người. Chúng ta làm vậy để kết nối các trải nghiệm qua giác quan của mình một cách hợp lý. Ví dụ, ngay cả khi không có ai trong nhà thì chiếc bàn vẫn hiện hữu ở nơi nó đang đứng.

TAGORE: Đúng, nó có thể nằm ngoài tâm trí cá nhân, nhưng không nằm ngoài trí tuệ toàn thể. Chiếc bàn mà ta nhận biết đó vốn dĩ có thể nhận biết được bởi ý thức của ta.

EINSTEIN: Nếu không ai ở trong nhà thì chiếc bàn vẫn hiện hữu như vậy thôi – nhưng điều đó vốn đã không phù hợp với quan điểm của ngài – bởi vì chúng ta không thể lý giải theo cách nào đấy độc lập với [tư duy và ngôn ngữ của] chúng ta, rằng chiếc bàn hiện hữu ở đó có nghĩa là gì.

Quan điểm tự nhiên của chúng ta về chân lý tồn tại một cách độc lập với nhân loại là điều không thể lý giải hoặc chứng minh, nhưng đó là niềm tin mà không ai có thể thiếu – thậm chí cả với những sinh vật sơ đẳng. Chúng ta quy cho Chân lý thuộc tính khách quan siêu nhân tính; điều đó là không thể thiếu với chúng ta, một hiện thực độc lập với sự tồn tại cũng như trải nghiệm và trí tuệ của chúng ta – mặc dù chúng ta không thể nói điều đó có nghĩa là gì.


TAGORE: Khoa học đã chứng minh rằng chiếc bàn là một vật rắn, đó chỉ là một vẻ bề ngoài, và như vậy cái mà tâm trí con người nhận thức là chiếc bàn sẽ không tồn tại nếu tâm trí đó không tồn tại. Đồng thời, cần phải thừa nhận rằng thực tại, hay hiện thực vật chất tối cao, cũng chẳng là gì khác ngoài vô số những trường điện lực độc lập xoay tròn (separate revolving centres of electric force), cái cũng thuộc về tâm trí con người.

Trong sự lĩnh hội Chân lý luôn có một xung đột vô tận giữa trí tuệ con người vũ trụ và trí tuệ cá thể. Quá trình hòa giải vô tận được thực hiện trong khoa học, triết học, và trong đạo đức của chúng ta. Trong mọi trường hợp, nếu có một Chân lý nào đó hoàn toàn không liên quan tới con người, thì đối với chúng ta nó tuyệt đối không tồn tại.

Không khó để hình dung một trí tuệ mà đối với nó chuỗi các đối tượng không tồn tại trong không gian, chỉ có trong thời gian, ví dụ như một chuỗi nốt nhạc. Với một trí tuệ như vậy thì nhận thức về hiện thực sẽ chỉ gần gũi với hiện thực âm nhạc, ở đó định lý Pythagore chẳng thể có ý nghĩa gì. Hiện thực về những tờ giấy, tuyệt đối sẽ khác với hiện thực văn học. Trong trí tuệ của con mọt ăn giấy, văn học tuyệt đối không tồn tại, nhưng trong trí tuệ Con người, văn học có giá trị Chân lý lớn hơn giá trị tự thân của giấy. Tương tự như vậy, nếu có một Chân lý không có mối liên quan về tình cảm hoặc lý trí với trí tuệ con người, thì nó sẽ vĩnh viễn chẳng là gì, chừng nào chúng ta vẫn là con người.


EINSTEIN: Nếu vậy thì tôi là người sùng đạo hơn ngài!

TAGORE: Đạo của tôi ở trong sự hòa hợp giữa Con người Siêu ngã, tinh thần con người toàn thể, và trong bản thể cá nhân tôi.

Phạm Trần Lê dịch

LỜI BÌNH:

Trên bề mặt nội dung, về cơ bản cuộc trò chuyện giữa Einstein và Tagore là một màn tranh luận về tính khách quan của Chân lý/khoa học, trong đó phần đầu tưởng chừng ưu thế thuộc về Einstein với những lý lẽ ngắn gọn khúc chiết, trong khi luận điểm của Tagore có vẻ khá rườm rà và hỗn tạp, chủ yếu dựa trên triết học siêu hình của Ấn Độ giáo thuần túy mang tính giả thuyết. Tuy nhiên, cuộc tranh luận càng về sau càng gay cấn, cuối cùng Einstein buộc phải thừa nhận tính khách quan của khoa học là điều không thể chứng minh, chỉ có thể coi như một niềm tin mang tính “tín ngưỡng”; trong khi Tagore biện luận đầy sắc sảo, chỉ ra rằng cái tính khách quan ấy vốn dĩ chỉ là một ảo ảnh, thực ra chẳng hề có ý nghĩa gì với ngài cũng như tất thảy nhân loại.

Không khó để thấy rằng việc bảo vệ cho tính khách quan của chân lý/khoa học dựa trên các lập luận logic là điều không tưởng, một con đường dẫn tới ngõ cụt, bởi tính khách quan ở đây được hiểu là sự độc lập với yếu tố con người, trong khi mọi nền tảng tư duy của chân lý/khoa học đều do con người xây dựng nên.

Einstein hiển nhiên thấu hiểu điều này, tuy nhiên ông vẫn khơi mào và theo đuổi cuộc tranh luận với niềm tin rằng tồn tại một thứ chân lý khách quan không gắn với yếu tố con người (“siêu nhân tính”). Tagore không trực tiếp bác bỏ điều đó, nhưng ông khẳng định thứ chân lý không có mối liên quan về tình cảm hoặc lý trí với trí tuệ con người sẽ không có ý nghĩa gì với con người, hay nói cách khác, đó không phải là thứ chân lý con người cần/muốn quan tâm. Với biện luận đó, cũng có thể nói Tagore đã ngầm chỉ ra sự phi logic của người đối thoại, rằng khi Einstein quan tâm tới thứ chân lý nằm ngoài con người, thì chính mối quan tâm đó đã biến thứ chân lý ấy trở thành không còn độc lập với con người nữa. Nói cách khác, Einstein đang tin vào điều tuyệt đối tự mâu thuẫn.

Chính ở đây, chúng ta mới thấy lộ ra sự bất đồng quan điểm sâu sắc vẫn chưa thực sự được giải quyết giữa hai thiên tài của nhân loại. Điều tưởng như nghịch lý là Einstein, con người của khoa học và lý tính, bảo vệ cho niềm tin vào một thứ chân lý siêu việt độc lập với con người, thứ niềm tin mà ông thừa biết không thể chứng minh được, chỉ có thể coi như một “tín ngưỡng”. Ở chiều ngược lại, Tagore, con người của thi ca, lại bảo vệ cho sự “thực dụng”, bởi nó đương nhiên đúng: nhận thức của con người luôn bị giới hạn bởi các mối quan tâm của nó, dẫu có muốn thoát ra ngoài cũng không thể được, bởi vậy đừng quá băn khoăn với những gì siêu việt phi con người.

Để hiểu điều tưởng như nghịch lý trên đây, chúng ta cần đi sâu hơn vào bản chất con người và đặt câu hỏi: động lực nào dẫn dắt cho niềm tin vô căn cứ của Einstein? Đương nhiên, niềm tin của Einstein về tồn tại một hiện thực khách quan là hoàn toàn phù hợp với cảm nhận trực quan của số đông, nhưng đối với một bậc thiên tài, tác giả của các Thuyết tương đối, những công trình hầu như phi trực quan, chúng ta không thể dùng sự thông thường để đánh giá về ông.

Trong một vài bài viết3 của mình, tôi đã đề cập đến bản năng chinh phục vị thế trong không gian của con người. Đối với các bậc vĩ nhân như Einstein, ham muốn tột cùng của họ là chinh phục một thứ không gian tối hậu, vượt lên trên yếu tố con người4 mà họ cho là còn hạn hẹp, bấp bênh, đầy tính chủ quan, thậm chí tự mâu thuẫn. Đó là lý do các nhà khoa học lớn vẫn thường trăn trở về tính khách quan của khoa học. Họ mong muốn khoa học phải khách quan tuyệt đối, bởi chỉ có như thế nó mới đủ sự vững chắc, là điểm tựa cho họ trong thế giới rộng lớn vô tận, là chuẩn mực và mục tiêu xứng đáng để họ theo đuổi.

Nếu phải thừa nhận rằng khoa học luôn bị giới hạn trong thế giới chủ quan của con người, những bậc vĩ nhân như Einstein hẳn không chỉ cảm thấy mất phương hướng, mà còn có cảm giác phản bội lại niềm tin và lý tưởng mà họ hằng theo đuổi. Đây cũng là lý do khiến Einstein phàn nàn rằng khoa học lượng tử quá khác thường. Đơn giản là ông khó chấp nhận một thứ khoa học thừa nhận rằng hiện thực phụ thuộc vào yếu tố con người.

Không phải ngẫu nhiên mà sự bối rối đầy vướng bận của Einstein cũng trùng hợp với thời điểm nền triết học phương Tây đang chùn bước, và đến nay sau cả thế kỷ nó hầu như vẫn đang chững lại. Một mặt, nền khoa học phương Tây vẫn tiến bước đều đặn bởi ngay cả khi không đảm bảo tính khách quan tuyệt đối thì nó vẫn làm tốt các phận sự khác của mình. Nhưng đối với cả một nền tư tưởng phương Tây thì việc chung sống với tính phi khách quan quả là điều không mấy suôn sẻ. Có lẽ đó là lý do Einstein bổ sung vào niềm tin tín ngưỡng của mình khái niệm Đạo Vũ trụ (Cosmic Religion), một cứu cánh cho phép con người vượt qua sự hữu hạn của bản thân để chạm tới thứ chân lý khách quan siêu việt.

Thiên hướng đó khiến Einstein tiến về gần với triết học phương Đông hơn. Điều thú vị là khi bộc bạch với Tagore rằng “chúng ta quy cho Chân lý thuộc tính khách quan siêu nhân tính; điều đó là không thể thiếu với chúng ta, một hiện thực độc lập với sự tồn tại cũng như trải nghiệm và trí tuệ của chúng ta – mặc dù chúng ta không thể nói điều đó có nghĩa là gì”, Einstein một mặt biện minh cho sự chính danh của nền khoa học/triết học phương Tây, nhưng mặt khác ông gần như đã trích dẫn lại Lão Tử trong lời mở đầu Đạo đức kinh, rằng thứ Đạo có thể tiếp cận bằng lý luận thông thường của con người thì đó chưa thực sự là Đạo. Tuy nhiên, có thể nói rằng Einstein mới chỉ chớm chạm vào cánh cửa của Đạo mà chưa thể bước vào, khi ông vẫn bế tắc trong tư duy: Đạo phải tồn tại độc lập với con người.

Đây cũng chính là tầng nội dung sâu hơn của cuộc đối thoại giữa Tagore và Einstein, cuộc đối thoại về vai trò và bản chất của con người trong mối tương quan với Chân lý: liệu con người có đủ phẩm tính để được đem làm thước đo tiếp cận với Chân lý? Nhà thơ – nhà hiền triết Ấn Độ hết sức tinh tế, cũng có thể ông đã linh cảm trước định hướng nội dung câu chuyện sẽ đi tới, vì vậy ngay từ đầu ông nói: “Tính người vô tận đủ để thấu hiểu cả Vũ trụ. Chẳng có gì nằm ngoài khả năng lĩnh hội của con người, như vậy Chân lý của Vũ trụ cũng là một Chân lý thuộc về con người.”

Câu nói của Tagore đặt niềm tin vào tính người, rằng con người hoàn toàn đủ phẩm tính để tiếp cận Chân lý. So sánh với niềm tin của Einstein rằng Chân lý độc lập với con người, chúng ta thấy rằng cả hai đều chỉ là các giả thuyết, hoàn toàn không có cơ sở để chứng minh, tuy nhiên niềm tin của Einstein có nhược điểm tự mâu thuẫn như đã đề cập, và quan trọng hơn nó không đáp ứng bản tính tự nhiên của con người một cách trọn vẹn như niềm tin của Tagore.

Bản tính tự nhiên của con người là chinh phục không gian. Niềm tin của Einstein về thứ Chân lý khách quan tuyệt đối có thể thổi bùng lên một khát vọng chinh phục, nhưng cái đích phi con người khiến nó trở nên xa lạ, ngoài tầm với của chúng ta.

Trong khi đó, bằng vài lời dẫn nhập đơn giản Tagore đã vạch ra một hành trình có tính khả thi tiến tới thứ Chân lý tối thượng. Tuy nó cũng vượt quá sức vóc một cá nhân, nhưng chúng ta vẫn có thể tiếp cận được qua sự tổng hòa của nhiều cá thể trên những ngả đường triết học, khoa học, nghệ thuật… Quan trọng hơn, con người không cần phải tìm thứ chân lý vu vơ bên ngoài cõi người, bởi Chân lý vốn gắn với tính người. Bất chấp sự hữu hạn, méo mó, chủ quan trong hiện thực mà mỗi cá nhân luôn phải đối diện, mỗi khi tìm thấy một dấu vết của Chân lý tự bản thân ta hoàn toàn có thể cảm ứng được nó: “Ta nhận ra đó là Chân lý, ta cảm thấy đó là cái đẹp”.

Cảm giác về cái đẹp của Chân lý là điều có thật mà chúng ta vẫn thường có thể tìm thấy trong thực tiễn. Một khi điều ấy xảy ra thì chắc chắn không phải do ta nhận ra điều gì đó siêu phàm xa lạ, mà hẳn phải do cái sẵn có bên trong ta được đánh thức. Khác với Đạo của Einstein, một vương quốc tự thân tồn tại độc lập với con người, nơi hoàn hảo tuyệt đích nhưng cô tịch, lạnh lẽo, Đạo của Tagore là một vương quốc mang tính người và do con người. Nó không khách quan tới mức tuyệt đối, chỉ có thể đảm bảo khách quan tới mức tương đối. Và với Tagore, con người có đủ phẩm tính để tiếp cận Chân lý và do đó đủ tư cách để làm chứng cho tính khách quan ấy.

Phạm Trần Lê

https://www.brainpickings.org/2012/04/27/when-einstein-met-tagore/
2 Một bức tượng nổi tiếng tại tòa thánh Vatican.
http://tiasang.com.vn/-van-hoa/Vi-the-va-khong-gian-I-Luan-ve-coi-nguon-nghe-thuat—4530
  http://tiasang.com.vn/-van-hoa/Vi-the-va-khong-gian-II-Luan-ve-coi-nguon-ton-giao-va-khoa-hoc-4536
http://tiasang.com.vn/-van-hoa/Tam-luong-rong-lon-10798

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 20.8.2017

Thông tin truy cập

61763322
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3512
18932
61763322

Thành viên trực tuyến

Đang có 192 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website