tran dai si xuat son su do

Đã có một số người nói tới tư tưởng nhập thế của Trần Nhân Tông, vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nhưng vì sao đang làm vua, ông lại trở thành nhà tu hành, vì sao đã là nhà sư, ông còn mang tư tưởng nhập thế và tư tưởng nhập thế đó thể hiện ra như thế nào, đó là những vấn đề cần có sự nghiên cứu thêm.

1. Yên Tử, non thiêng và đóng góp của Trần Nhân Tông vào sự phát triển của Phật giáo Việt Nam

Năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và lên làm Thái thượng hoàng. Không còn bận nhiều đến việc triều chính, ông đi thăm nhiều đền miếu, chùa chiền trong nước. Có lúc ông tu ở hành cung Vũ Lâm (Gia Khánh, Ninh Bình). Đến năm 1298, ông chính thức xuất gia và lên tu ở núi Yên Tử, thuộc Đông Triều, Quảng Ninh. Có người nhân sự kiện này, nhận định rằng Nhân Tông đã vứt bỏ ngôi vua như vứt bỏ chiếc giày rách, không chút thương tiếc. Thực tế không phải như vậy. Dù đi tu, ông vẫn còn có ý thức trách nhiệm với xã hội, với sự thống trị của dòng họ Trần. Trước khi lên tu ở núi Yên Tử, khi đang còn ở phủ Thiên Trường, Thượng hoàng Trần Nhân Tông rất giận dữ về việc say rượu bỏ bê công việc triều chính của Trần Anh Tông và nghiêm khắc quở trách Trần Anh Tông: “Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà người còn như thế, huống chi sau này”[1]. Một con người như thế không dễ gì bỏ mặc công việc trần thế được.

Việc chọn núi Yên Tử làm nơi tu cuối đời của Trần Nhân Tông, dễ khiến người ta đi đến nhận định rằng, ông đã hoàn toàn thoát li trần thế, muốn tìm nơi xa xôi vắng vẻ để ẩn cư. Thực ra không phải

thế. Việc lên núi của ông khác với việc làm của các dật sĩ phái Đạo gia. Các dật sĩ Đạo gia lên núi là do chán ghét thế sự, là để lánh đời, để tìm nơi an nhàn, tự do thoả thích. Còn Trần Nhân Tông lên núi là để tu hành được tốt hơn, truyền đạo được tốt hơn.

Trước Trần Nhân Tông, các vị sư tiền bối cũng đã lựa chọn các ngọn núi để tu dưỡng đạo. Chính Phật Thích Ca đã có thời gian dài chọn núi Linh Thứu và vùng Tuyết Sơn để truyền pháp; ông tổ đầu tiên của phái Tịnh Thổ tông Trung Quốc là Huệ Viễn (334 - 416) đã tu tập và truyền đạo ở Lư Sơn 30 năm; gốc tích của Thiền tông Trung Quốc là ở vùng Thiếu Thất Sơn, Hà Nam, Trung Quốc; ông tổ của Thiên Thai tông Trung Quốc là Trí Ngợi (538 - 597) cũng trụ trì ở núi Thiên Thai, Triết Giang để lập đạo, v.v… Vùng núi là nơi có điều kiện tự nhiên yên tĩnh, có lợi cho sự suy ngẫm về việc đạo, việc đời. Tất nhiên là các vùng núi đó không trắc trở cho việc lui tới của con người. Dù ở núi nhưng mỗi vị tổ đều có hàng trăm đệ tử đến thụ pháp.

Trước Trần Nhân Tông đã có nhiều vị sư tăng đến trụ trì ở núi Yên Tử. Đó là các vị: Hiện Quang, Viên Chứng, Đại Đăng, Tiêu Dao, Huệ Tuệ[2]. Ngay Trần Thái Tông là ông nội của Trần Nhân Tông cũng đã có lần bỏ kinh thành lên Yên Tử và định tu hành lâu dài ở đó. Vì sao Yên Tử lại có sức hấp dẫn với các thiền sư như thế? ở đây không thể không có nguyên nhân.

“Yên Tử, dãy núi miền tây của cánhcung Đông Triều, chạy từ phía đông sông Lục Nam đến ngang Quảng La, đỉnh cao 1068m”[3]. So với xung quanh thì đây là ngọn núi cao hơn cả. Huyền Quang, vị tổ thứ ba của Thiền Trúc Lâm Yên Tử đã có bài thơ “Yên Tử sơn am cư” ca ngợi cảnh non cao của ngôi chùa trên Yên Tử:

“Cao sát trời xanh, am thiền mát lạnh

Cửa mở trên tầng mây

Trước Long Động, mặt trời đã một cây sào

Dưới Hổ Khê, băng còn dày một thước”.

(Am bức thanh tiêu lãnh,

Môn khai vân thượng tầng.

Dĩ can Long Động nhật,

Do xích Hổ Khê băng)[4]

Nhưng quan trọng hơn là vị thế địa lí của núi Yên Tử. Đứng ở trên chùa Đồng hướng về phía đông bắc thì đấy là vịnh Hạ Long bao la với sóng biển và đảo lớn, đảo nhỏ giăng đầy, hướng về phía tây nam thì sau dãy núi dựng đứng là những cánh đồng, làng mạc ngút tầm mắt của vùng Kinh Bắc và Hải Đông. Nơi đây có lợi cho việc cảm nghĩ tràn đầy tứ thơ và những nỗi niềm sâu nặng về đạo lí. Hồn thiêng sông núi như hội tụ về đây. Và biết bao thi nhân, thiền giả bằng sáng tác của mình đã làm cho ngọn núi thêm thiêng liêng, thêm cuốn hút. Chính Huyền Quang đã phải thốt lên:

“Buông niềm trần tục

Náu tới Vân Yên.

Chim thuỵ dõi tiếng ca chim thuỵ;

Gió tiên đưa đòi bước thần tiên.

Bầu đủng đỉnh giang hoà thế giới;

Hài thong thả dạo khắp sơn xuyên.

Đất phúc địa nhận xem luống kể, kể

bao nhiêu dư trăm phúc địa;

Trời Thiền thiên thập thu thửa lạ, lạ

hơn ba mươi sáu Thiền thiên”[5].

Trải nhiều nơi thăm viếng, nhưng Trần Nhân Tông cuối cùng trụ lại ở Yên Tử để tập Thiền và truyền Thiền là có lí do của nó.

Khách quan mà nói, ý tưởng về xây dựng một dòng Thiền của dân tộc thì khi còn đang làm vua, Trần Nhân Tông đã nghĩ tới, đã có sự chuẩn bị, nhưng chỉ khi lên Yên Tử ông mới có đủ điều kiện để làm việc này. Ở đây có thời gian hơn, được tập trung hơn và có không khí thiền cảnh hơn, nên ông đã thực hiện được ý định của mình.

Những việc mà Trần Nhân Tông đã làm được cho đạo Thiền có một ý nghĩa to lớn cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Nhiều nhà Phật học, nhiều nhà nghiên cứu đã nói tới, nhưng ở đây cũng cần thiết có một sự nhận định mới.

Sau ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông dưới thời Trần, ý thức dân tộc được nâng cao, người Việt có điều kiện tiến thêm một bước khẳng định mình, đã tác động đến ý thức độc lập về tôn giáo. Giới Phật tử và cả người dân Việt Nam lúc bấy giờ thấy cần thiết phải có một dòng thiền riêng để đáp ứng tâm tưởng của mình. Đảm đương được nguyện vọng da diết này, không ai khác phải là một nhân vật vừa có quyền lực cao về thế tục, vừa có uy tín lớn về Phật pháp. Vai trò đó trong lúc bấy giờ không ai khác ngoài Trần Nhân Tông.

Việc lập tông, lập phái trong lịch sử Phật giáo ở Đông á thì có nhiều trường hợp khác nhau. Có trường hợp chủ trương thiền định về “tâm”, “tính” để đạt tới “kiến tính thành Phật”, gọi là Thiền tông, có trường hợp chủ trương dùng giới luật để tu luyện gọi là Luật tông, có trường hợp dựa vào một cuốn kinh nào đó để lập nên tông phái, như Hoa Nghiêm tông lấy “Kinh Hoa Nghiêm” làm kinh điển chủ yếu, v.v… Các việc đó, Trần Nhân Tông đều biết, nhưng ông không thể xây dựng tông phái theo các con đường như thế, vì không có yêu cầu khách quan, cũng không có điều kiện. Ông vẫn là người tiếp tục con đường của thiền phái, song để có thể là một thiền phái riêng, ông phải có gì đó thêm vào để khác với trước, khác với Huệ Năng, khác với Vô Ngôn Thông, khác với cả ông bác là Trần Tung (Tuệ Trung Thượng Sĩ) về sự lập pháp. Sự khác đó tuy không biểu hiện thành lí lẽ, thành luận điểm, nhưng đã được thể hiện trong sự hành thiền, một sự hành thiền có tính định hướng và tính hệ thống rõ rệt. ở đó vừa chú trọng tu tập thiền định vừa quan tâm đến những vấn đề trần thế, những vấn đề mà đạo đức Phật giáo cho phép, và trước đó chưa có ai biểu hiện rõ nét.

Xây dựng được dòng thiền mang sắc thái riêng như trên, Trần Nhân Tông đã tạo nên một bước ngoặt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Trước ông, trên đất nước này chỉ có hai dòng thiền từ Trung Quốc truyền vào là Tì Ni Đa Lưu Chi (Vitaruci) và Vô Ngôn Thông. Sau ông, những thiền sư Việt Nam có tinh thần dân tộc đều đi theo con đường của ông.

Sau chủ trương thuyết pháp trên, Trần Nhân Tông đã có những đóng góp trong việc tập hợp, xây dựng và củng cố một giáo hội Phật giáo thống nhất. Tuy tu ở Yên Tử, nhưng ông vẫn quan tâm đến nhiều chùa khác trong nước. Ông đã đến chùa Phổ Minh ở Thiên Trường, chùa Sùng Nghiêm ở Chí Linh, chùa Báo Ân ở Siêu Loại, chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang[6], v.v… để thực hiện sứ mệnh đặt mối liên hệ và khai giảng các lớp thiền học. Từ đấy về sau, các chùa Việt Nam được hướng dẫn bởi một tư tưởng chung của Phật hoàng và có sự gắn bó với nhau thành một khối, điều mà trước đó chưa từng có.

Chấn chỉnh việc sinh hoạt Phật giáo đương thời là một đóng góp nữa của ông. Dưới sự hướng dẫn của ông, việc tự pháp của Pháp Loa được diễn ra một cách trang nghiêm và bề thế. Việc làm này đã là tấm gương cho những người nối pháp sau này noi theo, đồng thời qua đó nâng cao trách nhiệm của họ. Rồi các nguyên lí đạo đức của Phật giáo cũng được ông chú ý truyền dạy. Ông chủ trương phổ biến các điều trong “thập thiện”[7] cho Phật tử và cho cả thần dân. Nhờ đó trong thời ông cũng như rất lâu về sau, không còn hiện tượng các sư tăng sống buông thả như Đàm Dĩ Mông đã tố cáo ở cuối thời Lý: “hoặc ở nơi giới trường, tịnh xá mà công nhiên rượu thịt; hoặc ở chốn tăng phòng tịnh viện mà riêng tự gian dâm”[8]. Được răn dạy bằng đạo đức và sống có đạo đức, giới Phật tử đương thời ngày càng được thiện cảm của người dân.

Lập được thiền phái, kết nối được các chùa lại với nhau trong một tổ chức thống nhất và rèn dũa được bộ mặt đạo đức cho thiền nhân, Trần Nhân Tông quả đã có công lao to lớn đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.

2. Từ tư tưởng xuất thế vốn có của Phật giáo đến tư tưởng nhập thế của Phật giáo Trần Nhân Tông

Phật giáo quan tâm đến vấn đề con người và xã hội con người, nhưng khác với các học thuyết chính trị - xã hội, Phật giáo quan tâm đến khía cạnh nỗi khổ của con người, đến sự phiền não về cuộc đời, mà nguồn gốc của khổ sở và phiền não đó là do có con người, có các bước sinh, lão, bệnh, tử, có sự ham muốn của con người, v.v…

Trong Phật giáo chính truyền không có khái niệm “nhập thế”. Ở đó chỉ có khái niệm “xuất thế”, tức là thoát ra khỏi “thế gian” (loka), hoặc ra khỏi “thế tục” (samvrti) để được giải thoát, để có thể tiến tới cõi “Niết bàn” hoặc đến chốn “viên tịch”, nơi không còn biến hoá, không còn sự khổ đau cũng như sự sung sướng.

Tuy vậy, Phật giáo vẫn đề cập đến các vấn đề của trần thế. Vì sinh, lão, bệnh, tử là hiện tượng của chúng sinh nơi trần thế, vì “dục vọng” là hiện tượng tinh thần con người nơi trần thế. Phật giáo tính tới các vấn đề trên của trần thế vừa là để nêu nguồn gốc của nỗi khổ vừa là để xác định đối tượng phải giải thoát. Nhưng có một thực tế, con người ta vẫn phải sống chung với các nỗi khổ trên, không thể thoát được. Có nhà sư ý thức được việc này và đã khuyên nhủ mọi người chấp nhận chúng. Chẳng hạn như Ni sư Diệu Nhân (1041 - 1113) của thời Lý đã trình bày quan điểm về các bước sinh, lão, bệnh, tử của con người như một quá trình tự nhiên, không thể nào làm khác được:

“Sinh lão bệnh tử

Lẽ thường xưa nay vẫn thế.

Muốn cầu siêu thoát,

Càng cởi trói thì càng buộc chặt thêm”

(Sinh lão bệnh tử

Tự cổ thường nhiên.

Dục cầu xuất ly

Giải phọc thiêm triền)[9]

Hoặc như nhà sư Trì Bát (1049 - 1117) có cái nhìn khách quan không thể chối cãi, đó là xem loài người có chết thì cũng có sinh, có lúc khổ thì cũng có lúc sướng:

“Có chết ắt có sinh

Có sinh ắt có chết.

Chết thì người đời buồn,

Sinh thì người đời vui.

Buồn vui đều vô cùng

Xoay vần từ cái nọ đến cái kia.

Không quan tâm đến các sinh tử đó

úm tô rô, tô rô, biến hoá!”

(Hữu tử tất hữu sinh

Hữu sinh tất hữu tử.

Tử vi thế sở bi,

Sinh vi thế sở hỷ.

Bi hỷ lưỡng vô cùng

Ư chư sinh tử bất quan hoài

úm tô rô, tô rô, tất lỵ)[10]

Thái độ xem sinh, lão, bệnh, tử, xem sướng khổ là hiện tượng tự nhiên và chủ trương sống thuận theo tự nhiên đó của các nhà sư trên có thể xem như là một biểu hiện của nhập thế. Là người am hiểu Phật giáo dân tộc, lại sống sau các nhà sư trên, chắc Trần Nhân Tông được thừa hưởng thái độ thực tế của các nhà sư trước mình.

Yếu tố nhập thế không những xuất hiện trong quan niệm coi trọng thực tế của một số nhà sư, mà còn xuất hiện trong nhiều trường hợp khác của tài liệu Phật giáo, mà mỗi trường hợp đó đều là mở đường cho sự nhập thế.

Xét về giáo lí của Phật giáo, ở đó có bộ phận đề cập đến điều kiện của xuất thế, nhưng thực ra đó là sự giải quyết các công việc của trần thế. Chẳng hạn nguyên lí “Đạo đế” trong “Tứ diệu đế” (khổ, tập, diệt, đạo), nguyên lí “Giới học” trong “Tam học” (giới, định, tuệ), nguyên lí “Lục độ” (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ) trong “Lục độ tập kinh”, v.v… là những vấn đề như thế. Chẳng lẽ giới sát, giới đạo (không trộm cắp), giới tà dâm, giới vọng ngữ, giới tửu trong “Ngũ giới”, hoặc bố thí, nhẫn nhục trong “Lục độ” lại không phải là công việc của trần thế hay sao?

Hướng tới xuất thế mà lại đề cập đến những vấn đề trần thế, mới xem tưởng chừng như mâu thuẫn, nhưng thực ra ở đó có lí do của nó. Phật giáo không chỉ giác ngộ cho một người mà còn giác ngộ cho nhiều người, cho cả chúng sinh mà giữa chúng sinh, giữa người với người thì quan hệ nổi lên là quan hệ đạo đức, có đạo đức hướng thiện thì mới có thể tác động lôi kéo người khác, mới hi vọng đạt được thiện báo. Các vấn đề “giới” và “độ” trên thực chất là các vấn đề đạo đức của trần thế. Giải quyết vấn đề đạo đức, vô hình trung, nhà Phật đã giải quyết các vấn đề của trần thế.

Xét về sự truyền bá và phát triển của Phật giáo ở Việt Nam. Phật giáo vào Việt Nam từ đầu Công nguyên. Giai đoạn đầu cũng như các giai đoạn tiếp theo, nó luôn gắn bó với vận mệnh của dân tộc và chịu sự chi phối của ý thức dân tộc. Vì vậy, người tu hành theo Phật giáo có lúc do yêu cầu của chính sự cũng đứng ra làm tham mưu chính trị, quân sự, ngoại giao cho triều đình mà không bị xem là người phản đạo. Nhiều nhà sư trong thời kì Đinh, Tiền Lê, Lý là những người như thế.

Họ đã là chỗ dựa cho phương pháp xử thế của những người tu hành về sau. Người ta từ đó có thể vừa làm việc đạo, vừa làm việc đời mà không bị chê trách.

Xét về môi trường văn hoá chung của Phương Đông. Cũng như các nước phương Đông khác, Phật giáo ở Việt Nam có mối liên hệ mật thiết với Nho giáo và Đạo giáo. Mối liên hệ ấy, ngoài tính chất là có sự phân công trong cùng một thế giới quan như Trần Thái Tông đã nói trong Lời tựa “Thiền tông chỉ nam”, mà còn có sự ảnh hưởng lẫn nhau, trước hết là ảnh hưởng của Nho giáo đến Phật giáo và ngược lại cũng có ảnh hưởng của Phật giáo đến Nho giáo, làm cho trong mỗi một giáo, ngoài phần chính của giáo lí mình còn có pha trộn thêm các giáo lí khác mà người trong cuộc vẫn cảm thấy tự nhiên, mà khi hành động, họ đã sử dụng một tư tưởng, một việc làm của một đạo khác mà không cần thiết phải phân biệt rạch ròi.

Một số nhà sư Việt Nam trong quan niệm của mình có xen lẫn yếu tố của Nho giáo mà không tự biết. Trần Nhân Tông cũng là người ở trong trường hợp như thế.

Sự đề cập đến vấn đề trần thế của Phật giáo, sự chấp nhận các bước vận động của trần thế trong các nhà sư thế hệ trước, sự giải quyết các vấn đề có tính chất trần thế trong giáo lí nhà Phật, là những tiền đề khách quan có thể khiến các nhà tu hành thực hiện một bước chuyển từ xuất thế đến nhập thế. Nhưng khả năng ấy chỉ có thể biến thành hiện thực một khi chủ thể là các nhà tu hành có các yếu tố chủ quan cần thiết đủ để tạo ra bước ngoặt. Các nhà sư, các nhà thiền học đương thời thiếu các yếu tố này. Chỉ có Trần Nhân Tông với cuộc đời hoạt động của ông, với tính cách của ông, khiến ông tạo được sự sẵn sàng cho sự thực hiện bước nhảy.

Trần Nhân Tông lên làm vua năm 20 tuổi (1278), năm 35 tuổi nhường ngôi cho con và lên làm Thái thượng hoàng (1293), năm 40 tuổi (1298) lên Yên Tử đi tu, năm 50 tuổi thì mất (1308). Trong thời gian ông làm vua, Việt Nam phải hai lần chống trả đại quân xâm lược của Nguyên - Mông (1285 và 1288). Với tư cách là người đứng đầu triều đình, ông hiểu rõ sự gian khổ và quật cường của nhân dân mình, đồng thời thấy rõ và thực hiện được trách nhiệm của người làm vua. Ý thức trách nhiệm này không dễ gì mất đi khi ông đi tu. Chỉ có khác là ở hoàn cảnh biểu hiện mà thôi. Trong giai đoạn làm vua thì biểu hiện đó là trách nhiệm của con người trần thế, trong giai đoạn đi tu thì đó là trách nhiệm của con người tu hành còn mang nặng việc đời.

Trong thời kì làm vua, Trần Nhân Tông tỏ ra là con người quyết đoán, có nhiều sáng tạo trong tư duy và hành động. Khi giặc tiến đánh Thăng Long, ông không cố thủ với thành mà cùng vua cha rút ra khỏi kinh thành rồi tổ chức lực lượng đánh lại. Ông đã cùng với vua cha tổ chức nên hai cuộc hội nghị chưa từng có trong lịch sử, đó là hội nghị các tướng lĩnh ở Bình Than bàn mưu kế đánh giặc, và hội nghị các bô lão có thế lực trong cả nước ở điện Diên Hồng, Thăng Long đểtạo nên một ý chí, một khí thế quyết chiến. Tố chất quyết đoán và sáng tạo đó đã giúp ông tạo nên những nét mới trong thiền phái của mình.

Cũng như các nhà thiền học Việt Nam đương thời, Trần Nhân Tông quan niệm Phật là tâm, tâm là Phật, Phật ở trong tâm của mình. Ông nói: “Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ” (Cư trần lạc đạo phú. Hội thứ 3); “Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa. Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt, đến cốc hay chỉn Bụt là ta” (Cư trần lạc đạo phú. Hội thứ 5); “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Cư trần lạc đạo phú. Hội thứ 10). Quan niệm trên, ngoài tính chất chung của Thiền tông, còn có ý nghĩa riêng đối với ông. Đó là “tâm” do bản thân mình quyết định, bản thân mình thể nghiệm. Tâm đó ngoài giáo lí cổ truyền, còn có nỗi niềm về thế sự của ông. Tác phẩm của ông đã chứng tỏ điều này.

3. Những biểu hiện của tư tưởng nhập thế trong tác phẩm Thiền học của Trần Nhân Tông

Điều mà nhiều người đã nói tới, đó là trong tư tưởng Trần Nhân Tông có yếu tố của tư tưởng Đạo gia. Hiện tượng này là có thật. Đây đó trong tác phẩm của ông có màu sắc của đạo Lão - Trang. Chẳng hạn ông nói:

“Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm,

Lòng danh lợi lạnh như trận mưa đêm”

(Thị phi niệm trục triêu hoa lạc

Danh lợi tâm tuỳ dạ vũ hàn)[11]

“Muôn nghiệp lặng, an nhàn thể tính

Nửa ngày rồi, tự tại thân tâm.”[12]

“Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý,

Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.”[13]

Không quản đến thị phi (phải trái), không màng đến danh lợi, luôn sống tự do tự tại thể hiện lên màu sắc hư vô, vốn là tư tưởng của Đạo gia. Mang tư tưởng này khiến cho xu hướng nhập thế của

Trần Nhân Tông không được trọn vẹn. Tuy vậy, tư tưởng này chỉ là một bộ phận nhỏ, xuất hiện trong một lúc nhất định, không làm mất bản chất nhập thế của tư tưởng Trần Nhân Tông.

Khác với các nhà thiền học khác, Trần Nhân Tông tuy xuất gia, song ông không lìa bỏ thế gian. Trái lại, thế gian lúc nào cũng sâu nặng trong ông. Tư tưởng này được thể hiện rõ nhất trong bài “Cư trần lạc đạo phú”, lúc ông chuẩn bị xuất gia và phần nào trong bài “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca”, lúc ông đã khoác áo nhà tu hành.

Thế gian mà Trần Nhân Tông quan tâm không phải là nỗi khổ của con người nói chung, hoặc các con đường để thoát khổ, mà là những vấn đề của thế sự, của thời cuộc. Đó là vận mệnh của giang sơn Đại Việt, là đạo làm người của thần dân và cũng là của chúng sinh.

Ông quan tâm đến vận mệnh của giang sơn đất nước, vì Tổ quốc thân yêu này đã hai lần bị tổn thương và có nguy cơ bị triệt hạ, do sự xâm lược của Nguyên - Mông. Ông thấy phải bảo vệ nó, làm cho nó được vững bền:

“Xã tắc hai lần ngựa đá phải mệt nhọc

Sông núi này sẽ bền vững nghìn đời như âu vàng!”

(Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu!)[14]

Lúc sắp đi tu, ông còn thấy phải ca ngợi cảnh thái bình của đất nước sau bao năm tháng chiến đấu gian khổ mới đạt được:

“Địch chăng có lỗ, cũng bấm chơi xướng thái bình ca”[15]

Nói như vậy vừa là để tự hào vừa là để nhắc nhủ trách nhiệm cho các thế hệ tiếp theo.

Cuốn sách luôn được các nhà hoạt động chính trị - xã hội thời xưa tìm hiểu và nghiền ngẫm là “Kinh Dịch”. Trong đó bàn bạc về lẽ biến dịch của trời đất, của con người, cũng được ông nâng niu khai thác:

“Sách Dịch xem chơi, yêu tính sáng hơn yêu châu báu”

(Cư trần lạc đạo phú. Hội thứ nhất)

Việc thiên hạ, việc đất nước thực sự vẫn còn tác động đến ông trong lúc ông đã ngả về phía tu hành theo đạo Phật.

Bên cạnh vấn đề giang sơn đất nước, Trần Nhân Tông còn đặt nặng vấn đề đạo làm người. Khách quan mà nói, là Phật tử, Trần Nhân Tông phải nói tới đạo làm người của Phật giáo, như nói: “dứt trừ nhân ngã”, “hết tham sân”, “biết chân như”, “tin bát nhã”, v.v… Hoặc nói người Phật tử phải bắc cầu cho người sang sông, chở đò cho người tới bến, phải biết hi sinh thân mình để cứu vớt người khác, phải biết từ bi tế độ, “dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu; săn hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc”, v.v… Đó là những nguyên tắc làm người cao cả của Phật giáo mà con người trong xã hội cần thiết phải tuân theo. Nhưng ông không quên đưa đạo làm người của Nho giáo, một đạo làm người mang tính nhập thế vào trong tư tưởng của ông.

Từ trong Nho giáo, ông lưu ý con người phải coi trọng thái độ đối với vua, với thầy học và với cha (quân, sư, phụ). Ông nói: “Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu”, “Học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo” (tức chưa báo đáp được - NTT)[16], “vâng ơn thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo”[17]. Ngoài ra ông còn nhấn mạnh vai trò của tư tưởng nhân nghĩa đối với con người. Ông nói: “Dầu hay mến thửa nhân nghì (nhân nghĩa - NTT.), ba phiến ngói yêu hơn lầu gác” (Cư trần lạc đạo phú. Hội thứ hai), “Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca” (Cư trần lạc đạo phú. Hội thứ tư). Tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo ở đây đã trở thành một phạm trù của đạo đức Phật giáo, của Thích Ca!

Đạo đức từ bi của Phật giáo và đạo đức tông pháp của Nho giáo vốn là hai lĩnh vực có tính chất khác nhau, nhưng tư tưởng nhập thế của ông đã khiến cho hai loại đạo đức đó nhập lại làm một, ở đó không những không chống đối nhau mà còn hỗ trợ cho nhau để trở thành một đạo đức hoàn thiện, cần thiết cho con người lúc bấy giờ.

Để người đương thời chấp nhận tư tưởng của mình, Trần Nhân Tông chủ trương hướng tới cái thực tế, xa lánh cái siêu hình. Những gì mang tính chất siêu hình, dù đó là cái cao siêu có ích cho tư duy con người của Phật giáo, ông cũng bỏ qua, cho rằng không cần phải khổ công ghi nhớ. Chẳng hạn trong các kinh Phật hay dùng bốn câu: khẳng định, phủ định, phức khẳng định, phức phủ định để phân loại hình thức của các pháp, hoặc giải thích các loại nghĩa lí, gọi là “hữu cú”, “vô cú”, hoặc “tứ cú phân biệt”, ông đều cho đó là phiền phức, vô căn cứ và vô ích[18]. Nhận thức này của ông tuy nông cạn, nhưng sự truyền đạt chú trọng thực tế của ông dễ đi được vào lòng người.

Đương thời có một số nhà Phật học có  thế lực, muốn tạo ra một khuynh hướng mới trong tập thiền và truyền thiền, như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhưng họ không làm được. Trần Thái Tông thì chưa tạo được nét riêng, Tuệ Trung Thượng Sĩ thì quá − tự do, phóng khoáng, ít người theo kịp. Chỉ có Trần Nhân Tông với xu hướng nhập thế của mình, đã đáp ứng được yêu cầu của đương thời, nên nhiều người tin theo và trở thành một Thiền phái.

* * *

Đi theo Phật giáo nhưng mang tư tưởng nhập thế thì trước thời Trần đã có, như nhà sư Đỗ Pháp Thuận đã hết lòng khuông phò nhà Tiền Lê, nhà sư Ngô Chân LƯu, do có công với triều đình nên được Đinh Tiên Hoàng ban cho hiệu là “Khuông Việt đại sư”, nhà sư Vạn Hạnh hiểu được biến cố chính trị đương thời, đã giúp Lý Công Uẩn lên làm vua, lập ra triều Lý. Nhưng ở các nhân vật này hàm chứa hai con người riêng biệt: con người triều thần và con người Phật tử. Lúc ra giúp việc triều đình thì con người triều thần xuất hiện, lúc trở về tu hành thì con người Phật tử hiện ra. Hai mặt đó chưa thống nhất trong một con người. Còn ở Trần Nhân Tông thì lúc làm vua vẫn mang tư tưởng Phật giáo, lúc đã xuất gia vẫn mang nặng nỗi niềm nhập thế. Tôn sùng Phật giáo và nhập thế hành động luôn là một trong con người ông. /.


[1] Đại Việt sử kí toàn thư, tập II, Nxb. KHXH, HN, 1993, tr. 77.

[2] Hoà thượng Phúc Điền. Đại Nam thiền uyển kế đăng lược lục, khắc in khoảng năm 1858.

[3] Từ điển bách khoa Việt Nam, tập IV, Nxb. TĐBK, HN, 2005, tr. 1092.

[4] Thơ văn Lý Trần, tập II, quyển Thượng, Nxb. KHXH, HN, 1989, tr. 685.

[5] Thơ văn Lý Trần, tập II, Sđd., tr.710.

[6] Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tái bản lần thứ nhất, Nxb. KHXH, HN, 1991, tr. 265.

[7] Theo “Tam tổ thực lục”. Thập thiện: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói xằng bậy, không sử dụng hai giọng lưỡi, không dùng lời nói ác, không nói lời hoa mĩ, không tham dục, không giận dữ, không tà kiến.

[8] Thơ văn Lý Trần, tập I. Nxb. KHXH, HN, 1977, tr. 526.

[9] Thơ văn Lý Trần, tập I. Nxb. KHXH, HN, 1977, tr. 339.

[10] Thơ văn Lý Trần, tập I. Sđd., tr.350.

[11] Thơ văn Lý Trần, tập II. Sđd., tr. 469.

[12] Thơ văn Lý Trần, tập II, Sđd., tr. 505.

[13] Thơ văn Lý Trần, tập II, Sđd., tr. 505.

[14] Thơ văn Lý Trần, tập II, Sđd., tr. 483.

[15] Thơ văn Lý Trần, tập II, Sđd., tr. 507.

[16] Thơ văn Lý Trần, tập II, Sđd., tr. 507.

[17] Thơ văn Lý Trần, tập II, Sđd., tr. 508.

[18] Thơ văn Lý Trần, tập II, Sđd., tr. 486-487.

..............................

Nguồn: Tạp chí Nghiên cu Tôn giáo, số 11 –2009, tr.13-20.

Đoàn Trọng Huy (*)

Nhà văn nào chọn nghề viết cũng có sức lực. Làm nghề lâu hay chóng, khoẻ hay yếu là nhờ sức vóc. Được xếp ngôi thứ, đẳng cấp là do thành tựu – tức công sức thực tế trong quá trình sáng tác.

Nguyễn Bắc Sơn đã là một tên tuổi nổi lên thời đổi mới – trong vòng hơn hai thập kỷ nay.  Đó là người giàu tiềm lực – tri thức, có vốn sống trải nghiệm thực tiễn xã hội phong phú, qua một đời dạy học, làm công tác văn hoá và tham gia quân đội. Nhà văn đã thể hiện một năng lực viết mạnh mẽ với hàng loạt tác phẩm thành công có giá trị, chủ yếu là các bộ tiểu thuyết luận đề mới.

 Đây cũng là trường hợp được dư luận văn đàn nhất trí tán đồng. Nhà văn “gạo cội”, cây tiểu thuyết số 1 làng văn hiện nay Ma Văn Kháng đã khẳng định: “Nguyễn Bắc Sơn – nhà văn của thể loại tiểu thuyết luận đề đang trên đà sung sức” (Cuộc vuông tròn tính làm sao đây – Lời giới thiệu Cuộc vuông tròn, Hội Nhà văn, 2017).

I/ SỨC XÔNG XÁO, LĂN LỘN VÀO HIỆN THỰC HÔM NAY

“Đi và viết”, “Sống và viết” là phương châm hành động hàng đầu của các nhà văn chân chính, có tầm vóc thời hiện đại, như những tấm gương sáng – Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Minh Châu,...

Thời nào cũng vậy, tuy nhiên đặc biệt là thời đại hiện nay.

Thời nay là chuỗi những ngày hiện tại của lịch sử đầy sôi động, biến hoá  trong cuộc đấu tranh quyết liệt – nơi chiến trường qua 30 năm (1945 – 1975). Tiếp đó là sự đổi thay ghê gớm hàng ngày, hàng giờ trên mọi lĩnh vực xã hội của công cuộc xây dựng, đổi mới và hội nhập của đất nước.

Đặc biệt, từ sau thời Đổi mới và Hội nhập khu vực và quốc tế, đất nước bước vào thị trường toàn cầu, đã tạo ra cục diện mới, tác động đa chiều – các thách thức và cơ hội.

Cuộc cách mạng công nghiệp đã cập nhật lên phiên bản 4.0. Mạng Internet được đưa vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đã và đang phát huy sức mạnh của nó trong một thế giới phẳng hôm nay. Con người Việt Nam – nghiễm nhiên trở thành công dân toàn cầu trong “thời đại a còng” (@), “thời đại bấm nút”.

Khủng bố, bạo lực, độc tài, bá quyền… đang đe doạ, chiến tranh  cục bộ kiểu mới ngày một diễn biến phức tạp giữa các thế lực trên thế giới. Các quốc gia cũng đang đứng trước những thách thức và biến động mới. Trong tình thế ấy, một Chính phủ kiến tạo đang được xúc tiến hình thành và phát triển nhanh chóng.

Ngày hôm nay đang là một điệp khúc của bản giao hưởng nhân sinh. Cũng là lời kêu gọi hành động khẩn thiết tới những con người trí tuệ và tâm huyết của đất nước.

Trước đây, Nguyễn Khải đã từng phân tích và làm rõ cái Ngày hôm nay của một thời.

Ngày nay, Ma Văn Kháng tiếp tục phân tích, nhận xét, nghiên cứu và chiêm nghiệm cái Ngày hôm nay kỳ diệu ấy khi đọc tác phẩm của Nguyễn Bắc Sơn: “Cuộc sống ngày hôm nay, hiểu theo nghĩa rộng. Cuộc sống ngày hôm nay với bao trăn trở, bức bối. Cuộc sống ngày hôm nay, một phức điệu (...) Quả thật là không dễ dàng gì để xác định chuẩn trước những biến động đến chóng mặt của cuộc sống hôm nay” (bài đã dẫn).

Vậy là, Ma Văn Kháng đã giới thiệu sự xuất hiện, tư thế và khuynh hướng của Nguyễn Bắc Sơn trong cuộc sống và trên văn đàn trong Ngày hôm nay qua tác phẩm đậm chất thời sự - thời  đại.

 Điều quan trọng nhất là sự xuất hiện đúng lúc, “gặp thời” – nói như Nguyễn Khải. Hoàn cảnh sẽ đưa nhà văn lên bệ phóng. Người cầm bút thế hệ mới  đã giàu trải đời thấy cần phải viết như đáp ứng tiếng gọi của cuộc sống và sự thôi thúc của lương tâm.

Nhà văn  xông thẳng vào hiện thực Ngày hôm nay – một hiện thực ngổn ngang, bề bộn biến động thời Đổi mới với nhiều thành tựu kỳ diệu, hào sảng, nhưng cũng có không ít sự đổ vỡ bi kịch trong va đập, đối chọi dữ dội giữa cái mới và cái cũ.

Bám sát với dòng chảy thời cuộc, giáp mặt với sự kiện thời sự nóng hổi là quyết tâm mạnh mẽ và định hướng rõ rệt để viết. Đó là sự tập trung  sau ít năm, có phần tản mạn qua ký và tuỳ bút: Người dẫn đường trời, Văn hoá Thông tin, 1999; Hoa lộc vừng, Hội Nhà văn, 1999; Hồng Hà ơi, Hội Nhà văn, 2000.

Khai mở và bứt phá với truyện, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết chính trị – thời sự là một lựa chọn chính xác của Nguyễn Bắc Sơn – hợp với cái tạng tư duy và hứng thú riêng.

Luật đời – tập truyện vừa và ngắn (Thanh niên, 2003, 2004) là phát súng mở màn, và Luật đời và cha con – tiểu thuyết (Hội Nhà văn, 2005) là tiếng nổ vang của đại bác. Đây là sự bùng nổ của những vấn đề xã hội bức xúc nhất đang được đặt ra.

Tác phẩm xuất hiện như một sự kiện, cũng là hiện tượng của văn học. Có tới 50 bài giới thiệu, trao đổi, bình luận trên báo in, báo điện tử. Lửa đắng tiếp tục như cặp đôi tác phẩm (Lao động, 2008) nối mạch luận đề qua tư duy tiểu thuyết.

Sự xuất bản kỷ lục – tới  8 lần của Luật đời và cha con trong thời gian rất ngắn, sự chuyển đổi thành kịch bản phim truyền hình dài 26 tập, đồng thời tác phẩm đã đưa Nguyễn Bắc Sơn lên thành hiện tượng của văn đàn.

II/ SỨC TIẾN CÔNG VÀO NHỮNG NGANG TRÁI TRONG  “LUẬT ĐỜI

Nhà lãnh đạo Hữu Thỉnh đã khen ngợi một hành động xung phong của đồng nghiệp, đồng ngũ cựu chiến binh Nguyễn Bắc Sơn: “Mảng văn học tham gia trực tiếp vào tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập có những đại diện xuất sắc như Nguyễn Bắc Sơn”. Và kêu gọi: “Các nhà tiểu thuyết cần xông vào những vấn đề nóng bỏng”.

Vũ Duy Thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo Chí, Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhận xét: “Cùng hướng tới miêu tả cuộc đấu tranh nhằm giải quyết xung đột giữa cũ và mới, cụ thể là cuộc đấu tranh để đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, nhưng Luật đời và cha con tập trung vào cuộc xung đột và việc giải quyết xung đột giữa các thế hệ còn Lửa đắng xoay quanh một luận đề khác, vấn đề của cải cách hành chính”.

 Vậy là, đèn xanh đã được bấm nút cho mach sáng tác tuôn chảy.

 Con mắt nhìn của nhà văn đổi mới theo diễn biến tình hình xã hội. Cách quan sát tường tận, kỹ càng, khoa học, khách quan nhằm  phát hiện sự thật. Những câu hỏi và lời đáp cũng là từ thực tiễn mà ra. Tất cả đều phải xuất phát từ một tâm huyết và một tấm lòng quả cảm. Độc giả và nhiều bạn văn cũng đã nhận ra điều ấy.

Vì không phải chịu một áp lực nào, nhà văn không né tránh những vùng cấm, bám sát những vấn đề nhạy cảm. Thẳng tiến, mạnh dạn, thậm chí táo bạo, có phần mạo hiểm nữa  như lời tự bạch và nhận xét của bạn bè.

Mạo hiểm là do nhiều nguyên nhân, và xuất phát từ nhiều phía.

Trước hết, thể loại tiểu thuyết luận đề tiềm ẩm một thách thức, cũng là nguy cơ. Chủ đề khô khan, diễn đạt vụng về, nhà văn lộ diện trực tiếp qua cái loa ngôn từ sẽ gây phản tác dụng nghệ thuật.

May thay, tài nghệ cá nhân đã vượt qua rào cản cơ bản đó. Lo lắng trở thành niềm vui. “Điều tâm đắc của người viết là chủ đề ấy, tư tưởng chủ đề ấy đã được tư duy bằng tiểu thuyết, bằng hình tượng ngôn ngữ tiểu thuyết có thể đọc liền mạch”.

Nguyễn Bắc Sơn dám nói như vậy, có phần  vì cũng đã nghe dư luận bạn đọc, bạn nghề khi khen sức hấp dẫn của tác phẩm. Phải nói là, người viết rất có bản lĩnh và đủ tự tin khi tự đặt mình trước những rào cản to lớn, đén  mức“khủng” để vượt qua.

Cuộc vuông tròn có một cuộc “hội nghị” chính sự đặc biệt được nổ ra như buổi toạ đàm, giao lưu thân mật trong gia đình. Chủ tịch kiêm Bí thư Tỉnh uỷ, và ban Thường vụ, Ông già Sơn La – cựu tù chính trị một bên; Chính – nhà tri thức ngoài Đảng một bên.

Thực chất, đây chính là trận đấu lý về chính trị, về quan điểm, nhận thức chính trị và xã hội và cả về đạo đức. Ở đây, có đấu tranh thực sự vì phía nghe có những phần thử thiếu thiện chí – tìm cách phản công, tiến công diễn giả cho đến khi họ  bị đánh bại, phải tâm phục, khẩu phục.

Một cuộc nói chuyện, kéo dài cả buổi kể từ mở đầu câu chuyện, chiếm hết 11/ 27 chương với 164 trang (87 – 250)! Cảm hứng thu hút “đọc mà không nản” được Ma Văn Kháng phân tích như biệt tài nghệ thuật của nhà văn :“ nhà tiểu thuyết chính  sự /thế sự / thời cuộc từng được thể hiện trong các tiểu thuyết Lửa đắng & Gã Tép Riu -  hai tác phẩm đều được khen ngợi nhiệt liệt

Cuộc tranh chấp chủ đề chính sự, thế sự như vậy cũng đã được giải toả.

Ngày trước văn chính luận của Nguyễn Khải có thời và có đất trong suốt 30 năm chiến tranh như một tất yếu. Đây là vấn đề thị hiếu trong tiếp nhận. Hiện nay, có hiện tượng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời  chính trị” trong một bộ phận thanh niên như lời đồng chí Tổng bí thư nói trong Đại Đoàn toàn quốc lần thứ XI vừa qua

Sách ăn khách, bán chạy nổi lên thường là tiểu thuyết ngôn tình và thực dụng. Tuy nhiên, Luật đời và cha con lại được in đi in lại với số lượng rất lớn, phim chuyển thể cũng được chiếu thời gian dài, và được bình chọn là bộ phim hay nhất trong năm. Quả là một sự mạo hiểm đã đem lại thành công ngoài sức tưởng tượng.

Lại còn phải vượt rào cản từ phía quản lý văn nghệ. Hàng chục năm làm công tác quản lý báo chí,  xuất bản, mà tiểu thuyết xuất sắc bản thân , trớ trêu thay, cũng phải qua 7 nhà xuất bản, mới được phép in ấn. Bởi lẽ chưa gặp được “con mắt xanh”, mà chỉ gặp những cái nhìn rụt rè, e ngại, thậm chí nhút nhát – sợ bóng, sợ gió thôi.

Vậy là, cái căn cốt của mạo hiểm nằm ngay trong chủ đề chính trị. Nhà văn đặt cọc vào may rủi. Nếu sơ xuất, có thể nhẹ là gặp “tai nạn nghề nghiệp” lớn nhỏ tuỳ mức, nặng có khi phải bỏ nghề - “treo bút”.

Tất cả bản lĩnh là ở một chữ dám. Nguyễn Bắc Sơn dám nghĩ, dám viết, dám chịu trách nhiệm. Kể cả dám chịu chơi phải chịu trận. May mới toàn đòn gió (như trục trặc về xuất bản).

Nhà văn có một chỗ mạnh – mà không khéo vận dụng dễ thành một nhược điểm chết người.

Đó là khả năng tiên tri, dự đoán. Nguyễn Bắc Sơn có quan niệm chính xác là tiểu thuyết phải có chức năng dự báo. Nhà phê bình cũng xác nhận thành công của thực tế này qua phần giới thiệu Lửa đắng: “Bằng trực cảm tiên tri, nhà văn sẽ dự báo những gì chưa tới, nhưng sẽ tới”.

Sự dự báo có tỷ lệ đúng cao, trở thành hiện thực trong đời sống. Như về cải cách hành chính, như về tổ chức cán bộ, như về quản trị xã hội...

Tuy nhiên, cần thận trọng, chỉ nên gợi mở, đề xuất, khuyến cáo, khuyến  nghị. Nếu không, sẽ dễ bị quy chụp là dạy khôn.

Dạy đời chung chung là một nhẽ, nhưng dạy khôn Đảng, Chính phủ phải dè chừng, dự kiến thôi chứ đừng “cầm đèn đi trước ô tô”. Làm xiếc trên dây – nhất là dây “chính trị”, dễ gặp phải sa sảy mẻ trán  vỡ đầu lắm!

Vậy mà, cho đến nay, nhà văn vẫn an toàn, bình thản, Đó là đã kết hoà được cả ba yếu tố - TÂM, TRÍ và DŨNG.

Dũng hiện lên qua trong đời, cũng như qua trang viết theo mấy định hướng chính xác, mạnh dạn sau:

-                 Mở một thể tài mới như một thách thức: tiểu thuyết luận đề chính trị.

-                 Mở một khuynh hướng mới: Kết hoà chính sự và thế sự, chủ đề chính trị qua tâm lý xã hội.

-                 Tìm sự vận dụng, cập nhật có chọn lọc, hiệu quả lý luận văn học hiện đại để có sáng tạo nghệ thuật mới.

-                 Tìm một lối đi riêng đồng thời với thể hiện bản sắc, phong cách riêng.

III/ SỨC PHẢN BIỆN – KIẾN TẠO XÃ HỘI

Tự thân Nguyễn Bắc Sơn và qua các nhân vật hoá thân đã thể hiện  là một nhà văn – trí thức  có ý thức và tri thức phản biện – kiến tạo xã hội.

Nói cách khác, đã kết hoà được cả việc phê phán và xây dựng – hai mặt đối lập nhưng thống nhất với nhau – có phê phán mới có xây dựng, phê phán để xây dựng. Có nghĩa là phản biện không với ý đồ xấu chỉ chăm chăm vào “ bới lông tìm vết”, “ bới bèo ra bọ” nhằm hạ giá thậm chí hạ nhục, hạ bệ. mà chính là phải đề nghị sửa chữa, cải cách, kiến tạo.

Gã Tép Riu trong bộ tiểu thuyết cùng tên là nhân vật như vậy, nổi bật với tư cách cán bộ có trí tuệ và lương tâm, một nhà quản lý xã hội mới. Chính và Nguyễn Chí Thành là một “cặp đôi hoàn hảo” của tư duy và quản trị xã hội có tri thức văn hoá quản lý (Vỡ vụn, Cuộc vuông tròn). Họ nổi lên trong đám quan chức không có đầu óc hoặc đầu óc tha hoá của bộ máy công quyền, của thể chế hành chính.

Ba thế hệ trong Luật đời và cha con xung đột . Tác phẩm không chỉ đơn thuần là sự phê phán, mà con nổi rõ là sự tìm kiếm biện pháp hoá giải xung đột ấy. Kiên (Lửa đắng) xuất hiện như một hình mẫu lý tưởng được đề xuất, tuy số phận chịu thăng trầm, nhưng cuối cùng đã vào thế thượng phong. Con người công dân và con người xã hội ấm áp và toả sáng. Dàn nhân vật tích cực thăng tiến. Ngược lại là lực lượng trì trệ cản trở thua cuộc. Tuy phê phán mạnh mẽ không thương xót, nhưng tác phẩm vẫn toát lên âm hưởng lạc quan.

*

Nguyễn Bắc Sơn quả là một cây bút sung sức đang phát huy sức mạnh trên văn đàn đương đại. Nhà văn đã đạt được những thành công đáng nể trọng.

Đó là kết quả một đời học hỏi kinh nghiệm để trở nên thông tuệ, có một ý chí mạnh mẽ không ngừng vươn lên những đỉnh cao mới, và một quyết tâm đầy quả cảm, dám sống, dám viết.

Trong lòng độc giả, Nguyễn Bắc Sơn là hình ảnh một nhà văn lữ hành vẫn đang dồn sức bước tiếp trong hành trình khám phá và sáng tạo tới những chân trời nghệ thuật mới.

 

(*) PGS TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

20171113 Nguyen Du Le Anh Tuan

Ảnh: Tranh sơn dầu “Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc Việt Nam” (tác giả: họa sĩ Lê Anh Tuấn)

 

Trong các bài giảng và công trình nghiên cứu của mình, Giáo sư Trần Đình Hượu thường sử dụng khái niệm “Nhà nho tài tử” để nghiên cứu về Nho giáo và văn học trung cận đại Việt Nam. Khái niệm ấy được nhiều người tiếp tục sử dụng, nhưng cũng có nhiều người phản đối, vì cho rằng nó tư biện, thậm chí là một khái niệm giả. Trong bài viết này chúng tôi muốn làm rõ khái niệm ấy về nguồn gốc, những nội dung chính và ý nghĩa của việc sử dụng khái niệm nhà nho tài tử trong việc nghiên cứu văn học Việt Nam nói riêng và văn học Đông Á nói chung.

 

1.     “NHÀ NHO TÀI TỬ” – MỘT QUAN NIỆM NGHIÊN CỨU

Khái niệm “Nhà nho tài tử” là một trong những khái niệm then chốt trong các tiểu luận về nho giáo và văn học trung cận đại Việt Nam của GS.Trần Đình Hượu như: Vấn đề xuất xử của nhà nho và sự phát triển trong thơ Tam Nguyên Yên Đổ; Văn chương Ông già Bến Ngự;  Tản Đà – đấng “trích tiên”, cái Trang Tử đa dục chán đời và lạc lõng trong xã hội tư sản; Về nội dung tính giáo thời khi nghiên cứu sáng tác của Tản Đà; Quan niệm văn học của Tản Đà…(1) . Khái niệm ấy được kế thừa từ người thầy của ông là nhà nghiên cứu Nguyễn Bách Khoa – Trương Tửu. Nguyễn Bách Khoa trong công trình Tâm lí và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (Tạp chí Văn mới xuất bản, Hà Nội, 1944) lần đầu tiên dùng khái niệm “người tài tử”, “nhà nho tài tử”. Ông viết:

“Quan niệm “cầm kỳ thi tửu” là một quan niệm tài tử. Bằng danh từ này người ta thường chỉ thị hạng nho sĩ lơ đãng với công việc kinh bang tế thế (hành đạo) mà thiên trọng về văn học, về sự vui sống cầu kỳ (hành lạc). Đỗ Phủ, Lý Bạch, Lưu Linh…là những nhà nho tài tử vậy. Họ không sống cho Tổ quốc, không sống vì đạo lý. Họ sống cho họ, sống vì nghệ thuật, sống vì đẹp. Suốt đời họ chỉ tìm cái đẹp. Cái ý vị của cuộc sống, theo quan niệm tài tử, không phải ở chỗ phụng sự mà là ở chỗ hưởng thụ, ở uống rượu, ở làm thơ, ở gẩy đàn, ở đánh cờ, ở giăng gió, ở sông núi. Nếu không biết thưởng thức những trò chơi ấy một cách mỹ thuật thì dù có sống đến nghìn tuổi cũng như là chết non mà thôi (thiên tuế diệc vi thương)”(2) .

Tuy nhiên Trương Tửu chưa đi sâu vào khái niệm này, nhận thức của ông cũng còn chưa rõ, ông vẫn nhấn mạnh vào phẩm chất “chơi”, hứng thú với cái  đẹp, và vì vậy vẫn còn lẫn giữa cái chơi phóng nhiệm của ẩn sĩ với cái chơi mang ý thức cá nhân. Giáo sư Trần Đình Hượu là người kế thừa và phát triển quan niệm “nhà nho tài tử” của Trương Tửu. Theo tôi, Trần Đình Hượu đã có những đóng góp cơ bản sau đây:

-       Xác định rõ ràng tính lịch sử của khái niệm “nhà nho tài tử”, coi nhà nho tài tử như là sản phẩm của xã hội đô thị phong kiến phương Đông , vì vậy nó gắn liền với ý thức cá nhân.

-       Xác định nội hàm khái niệm “nhà nho tài tử”, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh phẩm chất Tài Tình bên cạnh tính chất “chơi”, yêu cái đẹp mà Trương Tửu đã nói đến. Ông đối lập một cách rõ ràng kiểu nhà nho tài tử với nhà nho hành đạo, và rộng hơn là nhà nho chính thống (nhà nho chính thống bao gồm nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật). Ông cho rằng nhà nho tài tử nhấn mạnh ở: Tài Tình (cái tôi cậy tài, đa tình) còn nhà nho chính thống thì nhấn mạnh ở Đức.

-       Đưa “nhà nho tài tử” thành khái niệm chìa khóa có tính thao tác luận để nghiên cứu một số hiện tượng văn học trung cận đại Việt Nam như: Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Phan Bội Châu, Tản Đà…

Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương là người kế thừa và làm rõ hơn quan niệm của thầy – GS. Trần Đình Hượu trong luận án tiến sĩ, sau đó xuất bản thành sách, đó là cuốn: Loại hình tác giả văn học nhà nho tài tử trong văn học Việt Nam (NXB. Giáo dục, Hà Nội, 1995).

Kế thừa các công trình nghiên cứu trên, đồng thời tìm hiểu rộng ra văn học các nước Đông Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên - Hàn Quốc, chúng tôi hệ thống hóa và phát triển quan niệm nghiên cứu trên về nhà nho tài tử như dưới đây.

2.     NHÀ NHO TÀI TỬ TRONG LỊCH SỬ

Khái niệm “Tài tử” đầu tiên xuất phát từ Trung Quốc.

Từ điển Từ nguyên giải thích: “Tài tử là từ chỉ những người giỏi ở tài hoa” (Ưu ư tài hoa giả chi xưng). Dẫn Văn tuyển, Phan Nhạc Tây chinh phú: “Giả Sinh, Lạc Dương chi tài tử” (Giả Sinh là người tài tử ở Lạc Dương).

Từ điển Từ hải giải thích hơi khác một chút: “Gọi những người có tài là tài tử” (Ưu ư tài giả xưng tài tử). Từ hải cho biết từ “Tài tử” đã có từ sách Tả truyện thời Chiến quốc: Tả truyện, Văn thập bát niên viết: “Họ Cao Dương có 8 người tài tử”. Vào đời Đường, từ “tài tử” xuất hiện phổ biến hơn. Trong Đường thư, Nguyên Chẩn truyện có viết: “Nguyên Chẩn giỏi làm thơ, thường sáng tác nhạc phủ, trong cung người ta gọi ông là Nguyên Tài Tử”.

Trong lịch sử Trung Quốc, từ “tài tử” được dùng khá nhiều, nhất là từ đời Đường trở đi.

Đời Đường có “Đại Lịch thập tài tử” (Mười người tài tử thời Đại Lịch (766-799): gồm có Lư Luân, Tiền Khởi và 8 người khác. Thơ ca của họ phần nhiều là xướng họa, ngâm vịnh sơn thủy, ca ngợi thú ẩn dật. Về nghệ thuật, các tác giả này sở trường ở ngũ ngôn luật thi, thiên về kỹ thuật cầu kỳ, có khuynh hướng hình thức chủ nghĩa.

Đời Minh có “Giang Nam tứ đại tài tử” (còn gọi Ngô trung tứ tài tử, tức Bốn tài tử vùng Giang Nam), gồm có Văn Trưng Minh, Chúc Duẫn Minh, Từ Trinh Khanh và Đường Bá Hổ. Cả bốn đều giỏi về hội họa, thư pháp, thơ văn với mức độ khác nhau. Trong số này thì Đường Bá Hổ là người học giỏi, thi  đậu cao, làm quan lớn. Nhìn chung cả bốn vị tài tử Giang Nam này đều có tính tình phóng túng, ngông nghênh, khinh bạc.

Bên cạnh dùng “Tài tử” để chỉ người, ở Trung Quốc còn dùng khái niệm ấy để chỉ loại sách – sách tài tử như “Lục tài tử thư”, “Thập tài tử thư”…

“Lục tài tử thư” lần đầu tiên được Kim Thánh Thán (1608-1661) nhà phê  bình văn học nổi tiếng cuối đời Minh đầu đời Thanh đưa ra, bao gồm: 1) Nam hoa kinh của Trang Tử, 2) Ly tao của Khuất Nguyên, 3) Sử ký của Tư Mã Thiên, 4) Đỗ thi tức thơ Đỗ Phủ, 5) Thủy hử truyện của Thi Nại Am, 6) Tây Sương ký của Vương Thực Phủ. Nhìn danh sách trên ta thấy: Nam hoa kinh là sách thể hiện tư tưởng Lão Trang, văn chương bay bổng, tưởng tượng phong phú, vượt ra khỏi vòng cương tỏa. Ly tao là tập thơ mang đầy yếu tố thần linh, kỳ lạ của văn hóa Hoa Nam. Sử ký của Tư Mã Thiên vừa là văn, vừa là sử, mang nhiều yếu tố “quái lực loạn thần” mà Khổng Tử không thích. Thơ Đỗ Phủ với tâm sự cá nhân, giọng  thơ bi ai, phẫn uất, không phải luôn luôn được giới phê bình chính thống đề cao. Còn Thủy hử là tiểu thuyết về các “loạn thần”, Tây sương ký là văn nghệ diễm tình của giới thị dân. Nhìn chung Lục tài tử thư là những tác phẩm thiên về văn nghệ, có tính chất phi chính thống, rất khác với “Văn thống” Trung Hoa mà các nhà nho Trung Quốc thường đề cao, như Kinh Thi, văn của Khổng Tử, Hàn Dũ, Chu Hy.

Từ “Lục tài tử thư” người ta còn mở rộng ra thành “Thập tài tử thư”, bao gồm: 1) Tam quốc diễn nghĩa, 2) Hảo cầu truyện, 3)Ngọc Kiều Lê, 4) Bình Sơn Lãnh Yến, 5) Thủy hử truyện, 6) Tây sương ký, 7) Tỳ bà ký, 8) Hoa tiên ký, 9) Trảm quỷ ký, 10) Tam hợp kiếm. Như vậy “Thập tài tử thư” chỉ còn là tiểu thuyết, chủ yếu là tiểu thuyết tài tử giai nhân, còn lại một vài cuốn là tiểu thuyết có tính chất lịch sử. 

Như vậy, ở Trung Quốc khái niệm “Tài tử” xuất hiện từ rất sớm – từ thời Chiến quốc, trải qua thời Hán, Ngụy, Lục Triều và Đường, ý nghĩa của nó cũng thay đổi, nhưng tựu trung lại nó vẫn mập mờ giữa 2 nghĩa: “Tài năng” và “Tài hoa”.

Ở Việt Nam, chúng tôi chưa có điều kiện khảo sát đầy đủ xem chữ “Tài tử” xuất hiện lần đầu tiên trong sách nào, theo như phỏng đoán của chúng tôi: trong thơ văn Lý Trần chưa thể xuất hiện khái niệm “tài tử”, khái niệm ấy chỉ có thể xuất hiện trong các loại sách có tính chất tiểu thuyết kiểu như Truyền kỳ mạn lục (thế kỷ XVI) hay trong các tác phẩm sớm hơn một chút. Tuy nhiên thời đại của từ “Tài tử” là Hậu kỳ trung đại, tức là từ thế kỷ XVIII trở đi. Tài tử thường gắn với loại tác giả thích cầm kỳ thi họa, sống ngoài vòng cương tỏa, ngông nghênh “khinh thế ngạo vật”.  

Trong thơ Hồ Xuân Hương đã bắt đầu có sự phân biệt rõ người tài tử với hiền nhân quân tử. Xuân Hương yêu người tài tử mà chế diễu mỉa mai người quân tử:

Hiền nhân quân tử ai mà chẳng

Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo

                                                (Đèo Ba Dội)

Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt

Đi thì cũng dở ở không xong

                                                (Thiếu nữ ngủ ngày).

 Còn với người tài tử thì mời gọi:

Tài tử văn nhân ai đó tá

Thân này đâu đã chịu già tom.

                                                            (Tự tình)

“Tài tử” trong hát nói về thú cầm kỳ thi họa của Nguyễn Đức Nhu:

Giang sơn bất thiếu tài hoa khách

Mỗi người một cách phong hoa

Rượu Lưu Linh, thơ Lý Bạch, cờ Đế Thích, đàn Bá Nha           

Đủ trò thú mới là người tài tử

Chơi thì chơi chẳng chơi thì chớ

Đã chơi cho lệch đất long trời

Tiếng thị phi gác để ngoài tai

Trên cõi thế mấy người là tri kỷ?(...)(3)

“Tài tử đa cùng” trong bài phú của Cao Bá Quát. Người tài tử hành lạc tràn ngập trong thơ Nguyễn Công Trứ, tài tử, cặp đôi với giai nhân:

Minh quân lương tướng tao phùng dị,

Tài tử giai nhân tế ngộ nan.

Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên,

Trong phút chốc tình duyên như đã.

                                                                       (Duyên gặp gỡ)

Mộng Liên Đường chủ nhân trong bài tựa Truyện Kiều đã ý thức rất rõ về người tài tử, tài tử gắn với tài tình: « Thuý Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như tử làm truyện Thúy Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một: người đời xưa thương người đời trước, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thực là một cái thông luỵ của bọn tài tử khắp trong gầm trời này vậy. »

Như vậy khái niệm « người tài tử » là một khái niệm có thật trong lịch sử, nhà nghiên cứu Nguyễn Bách Khoa Trương Tửu đã phát hiện và sử dụng nó để nghiên cứu một hiện tượng rất tiêu biểu của văn chương tài tử là Nguyễn Công Trứ. Kế thừa tư tưởng đó, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu đã khảo sát khái niệm này về phương diện lịch sử, nâng nó lên thành một khái niệm có tính phổ quát, một từ khóa để hiểu văn chương của một loại hình nhà nho đặc biệt: nhà nho tài tử. Nội hàm khái niệm này, chúng tôi đúc kết, hệ thống hóa  như mục dưới đây.   

3.     NỘI DUNG KHÁI NIỆM NHÀ NHO TÀI TỬ

Có thể chia nhà nho thành hai loại đối lập nhau: 

  1. Nhà nho chính thống (hành đạo và ẩn dật) và thể hiện trong văn học là có thể gọi là người quân tử/ kẻ sĩ quân tử như trong tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm – những tác gia tiêu biểu của văn học Trung kỳ trung đại.
  2. Nhà nho phi chính thống được thể hiện trong văn học thành người tài tử/ nhà nho tài tử như trong tác phẩm của Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát…

Các phẩm chất của họ đối lập tương đối theo như bảng sau :

Người Quân tử Người Tài tử

Tâm

(Lòng ưu ái)

Tài

(Tài hoa)

Chí

Tiên ưu chí

(Chí nam nhi, Chí công danh)

Tình

(ái tình)

Đạo

(Đạo cương thường)

Tính

(tính dục)

Nghĩa

(Nghĩa vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè, đất nước)

Du

(Thú giang hồ; Thú phong lưu/ Hành lạc)

Khí

(chí ý, khí cốt)

Mỹ

(Mỹ cảnh, mỹ nhân)

Người quân tử đề cao Tâm, Chí, Đạo, Nghĩa, Khí. Các khái niệm này đều là những khái niệm có ý nghĩa rất sâu, rất phức tạp, tuy nhiên đối với người quân tử vẫn có một ý nghĩa riêng, xác định. 

Tâm là tim, tâm tư. Tâm cũng là một khái niệm có tính nhận thức luận của Phật gia hay của Vương Dương Minh. Đối với người quân tử thì tâm trước hết và quan trọng nhất là tấm lòng, tấc lòng ưu ái – ưu quốc ái dân, như trong thơ Nguyễn Trãi: Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Mài chăng khuyết nhuộm chăng đen; Bui một tấc lòng trung liễn hiếu/ Đạo làm con với đạo làm tôi; Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông…

Chí, có nhiều loại chí khác nhau: chí nam nhi, chí công danh, chí nhàn dật… nhưng cái chí  cao đẹp nhất của người quân tử là Tiên ưu chí – chí lo đời. Cả Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm đều viết rất hay về chí này: Bình sinh độc bão tiên ưu chí/ Tọa ủng hàn khâm dạ bất miên (Suốt đời ta riêng ôm cái chí tiên ưu/ Ngồi ôm chăn lạnh suốt đêm không ngủ được - Nguyễn Trãi); Bình sinh độc bão tiên ưu chí/ Đắc táng cùng thông khởi ngã ưu (Suốt đời ta riêng ôm cái chí tiên ưu/ Còn chuyện được mất sướng khổ của riêng mình thì ta có lo chi – Nguyễn Bỉnh Khiêm)…

Đạo có nhiều nghĩa, từ nghĩa đơn giản nhất là con đường, mở rộng ra là đạo trời, đạo người, đạo đức, và sâu sắc nhất là khái niệm Đạo có tính chất bản thể luận của Lão Tử. Đối với người quân tử, đạo trước hết là đạo đức, đạo cương thường, đạo nghĩa theo quan niệm Nho gia.

Nghĩa là nghĩa vụ, nghĩa lý, đạo nghĩa, nghĩa ở đời. Người quân tử đề cao Nghĩa, đối lập nghĩa với Lợi, với hưởng thụ.

Khí từ nghĩa đơn giản là hơi thở, cho đến nghĩa trừu tượng hơn là khí sắc, nguyên khí như là sự thể hiện sức sống của con người. Khí được nâng lên thành một khái niệm đạo đức học như “chính khí”, khí hạo nhiên, rồi thành một khái niệm bản thể luận, đối lập tương đối với Lý, trở thành một trong hai phạm trù triết học quan trọng nhất của học thuật đời Tống.  Khí được áp dụng vào phê bình văn học trở thành khái niệm “văn khí” mà Tào Phi là người nói đến nó đầu tiên. Đối với người quân tử thì Khí được nhấn mạnh ở hai nghĩa: 1) nghĩa đạo đức học, là chí khí, khí tiết cứng cỏi, kích ngang; 2) nghĩa phê bình văn học, người quân tử đề cao văn khí mạnh mẽ cứng cỏi. 

Người tài tử khác với người quân tử,đề caoTài, Tình, Tính, Du, Mỹ.

Tài, người quân tử thị tài, cậy tài đã được GS Trần Đình Hượu nói đến nhiều. Tài có nhiều thứ: tài học (như Cao Bá Quát biết đến ba trong bốn bồ chữ cũa thế gian), tài khoa cử, tài kinh bang tế thế…Nhưng cái tài làm nên phẩm chất tài tử chính là tài hoa, tài gắn liền với tình: tài tình.

Tình, có nhiều nhiều loại tình: tình cha con, tình anh em, tình bè bạn, tình yêu nước, tình yêu kính quân vương…Nhưng tình làm nên phẩm chất của người Tài tử là: hữu tình ái tình. Hữu tình được hiểu là có nhiều tình cảm (đa tình), nhạy cảm (Lòng đâu sẵn mới thương tâm – Truyện Kiều). Ái tình – “Cái tình là cái chi chi/ Dẫu chi chi cũng chi chi với tình” (Nguyễn Công Trứ), ái tình không hẳn chỉ là “sự hôn nhân” mà có khi vượt ra khỏi “ngũ luân” của Nho gia.

Tính, là cái tâm chân thực tự nhiên sinh ra, sau đó được mở rộng ra thành khái niệm tâm lý học, đạo đức học như Tính Thiện, Tính Ác ; hay Phật học như: Phật tính, Tính Không…  Đối với nhà nho tài tử, Tính được nhấn mạnh ở nghĩa Tâm chân thực (thuyết Tính linh của Viên Mai chẳng hạn), và với những tác giả táo bạo nhất, Tính được thể hiện thành Tính dục như trong Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Công Trứ…

Du là chơi, có nhiều cách chơi khác nhau. Nhà nho chính thống ít nói đến chơi, nếu có thì “chơi” của họ cũng là học tập và hoàn thiện nhân cách. Khổng Tử nói: “Người quân tử để chí ở Đạo, dựa vào Đức, theo điều Nhân, vui chơi ở lục nghệ (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số)” (Tử viết : Chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ - Luận ngữ, Thuật nhi). Người ẩn sĩ thì vui chơi trong  thiên nhiên để di dưỡng tính tình. Người tài tử hay nói đến chơi, chơi là một phương cách để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Có hai cách chơi: chơi ngao du thích chí và hành lạc, tùy người mà có sự lựa chọn cách chơi khác nhau. Ở người tài tử hành lạc thì chơi là một cách tận hưởng thú vui của cuộc đời. Trong khi chơi, người tài tử tự thân nhập cuộc, chơi nghệ thuật - “cầm kỳ thi tửu”, cái chơi kết hợp với tài tình, chơi cho đẹp - như những tuyên ngôn về chơi của Nguyễn Công Trứ :

Trời đất cho ta một cái tài,

Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.

                        (Cầm kỳ thi tửu)

Nhân sinh bất hành lạc,

Thiên tuế diệc vi thường

(Người đời không hành lạc,

Nghìn tuổi cũng chết non)

                              (Đánh thức người đời)

Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy,

Nếu không chơi thiệt đấy ai bù.

Nghề chơi cũng lắm công phu.

                              (Chơi xuân kẻo hết xuân đi)

Chơi cho đẹp mới là chơi,

Chơi cho đài các cho người biết tay.

                              (Cầm kỳ thi tửu)

Mỹ là cái đẹp. Cái đẹp thì không phải là đặc quyền của người tài tử, nhưng quả thực người tài tử rất ham thích cáo đẹp, theo đuổi cái đẹp: cái đẹp trong thiên nhiên, cái đẹp trong nghệ thuật, cái đẹp của con người. Người quân tử không thích cái lợi, dùng Nghĩa để đối lập với lợi. Người tài tử cũng coi thường cái lợi, nhưng dùng cái Đẹp để đối lập với lợi. Ta nghe Mộng Liên Đường Chủ nhân nói về người tài tình, cũng tức là người tài tử trog bài tựa Truyện Kiều:

Nghĩa là bậc thánh mới quên được tình, bậc ngu không hiểu tới tình, tình chung chú vào đâu, chính là chung chú vào bọn chúng ta vậy. Cho nên phàm nhân đã ít tình, tất là không có tài, chỉ nửa lòa nửa sáng, sống chết trong vòng áo mũ, trong cuộc no say, dù có gặp cái cảnh thanh nhã như hoa thơm buổi sáng, trăng tỏa ban đêm, cũng chỉ trơ trơ như cây cỏ, như cá chim vậy!

Người tài tử thích cả hai cái đẹp: mỹ cảnh và mỹ nhân. Nhà nho chính thống đối với mỹ nhân thì vừa thích lại vừa sợ. Họ cho mỹ nhân là  « vưu vật » - vật quý hiếm ở đời, nhưng họ cũng sợ mỹ nhân vì mỹ nhân hay khiến người ta xa đạo. Nhà nho hay đồn đại mỹ nhân là hồ ly tinh, ma quỷ hiện thành người để hại người, thậm chí làm sụp đổ cả một triều đại. Nhưng người tài tử thì lại yêu quý mỹ nhân, thương xót cho giai nhân, coi tài tử và giai nhân là “cùng một lứa bên trời lận đận”, cuộc gặp gỡ tài tử giai nhân là cuộc gặp hiếm có trên đời “Minh quân lương tướng tao phùng dị/ Tài tử giai nhân tế ngộ nan” (Nguyễn Công Trứ).

4.     KẾT LUẬN

Nhiều người nghiên cứu vẫn ngại sử dụng khái niệm nhà nho tài tử vì cho rằng không có tác gia văn học nào thực sự là nhà nho tài tử thuần túy, vì vậy việc sử dụng khái niệm này trong nghiên cứu có vẻ tư biện. Chúng tôi đã chứng minh rằng: nhà nho tài tử/ người tài tử là một khái niệm có thật trong lịch sử, những đặc tính của nó có được chính là kết quả của việc trừu tượng hóa đối tượng để biến nó trở thành công cụ nghiên cứu. Việc sử dụng khái niệm này có ý nghĩa khoa học, có thể giúp người ta hiểu rõ hơn văn học trung cận đại Việt Nam và các nước trong Khu vực văn hóa chữ Hán. Theo tôi, có thể ứng dụng khái niệm nhà nho tài tử vào 3 việc cơ bản sau đây :

( 1) Nghiên cứu các hiện tượng văn học giai đoạn Hậu kỳ trung đại, một giai đoạn gắn liền với sự xuất hiện của đô thị phong kiến, trong đó văn hóa thị dân chi phối mạnh mẽ các hiện tượng văn học, ý thức cá nhân đã bắt đầu xuất hiện ở mức độ khác nhau.

  1. Có thể dùng khái niệm nhà nho tài tử để phân kỳ văn học Việt Nam. Nếu nhìn theo phương pháp nghiên cứu loại hình tác giả thì có thể thấy: Thiền sư và quý tộc là loại hình tác gia chủ yếu của giai đoạn văn học Sơ kỳ trung đại (TK.X-TK.XIV); Kẻ sĩ quân tử là loại hình tác gia chủ yếu của giai đoạn văn học Trung  kỳ trung đại (TK.V-TK.XVII) và Nhà nho tài tử là loại hình tác gia chủ yếu của giai đoạn văn học Hậu kỳ trung đại (TK.VIII-TK.XIX)(4)
  2. Có thể mở rộng khái niệm nhà nho tài tử để nghiên cứu văn học các nước trong Khu vực văn hóa chữ Hán: Trung Quốc, Triều Tiên-Hàn Quốc, Nhật Bản, trong đó văn học Triều Tiên-Hàn Quốc là phù hợp nhất, văn học Trung Quốc thì khó áp dụng hơn vì nó quá phong phú và phức tạp hơn. Còn đối với văn học Nhật thì khó áp dụng nhất vì Nho sĩ không phải là loại hình tác gia văn học chủ yếu chi phối văn học Nhật Bản.

Tháng 4 năm 2015

           Đ.L.G

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Đình Hượu, Nho giáo và văn học trung cận đại Việt Nam, NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1995
  2. Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng, Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930, NXB. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1988
  3. Trương Tửu: Tuyển tập nghiên cứu phê bình, Nguyễn Hữu Sơn - Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm và biên soạn, NXB. Lao Động, Hà Nội, 2007
  4. Trần Ngọc Vương, Loại hình tác giả văn học nhà nho tài tử trong văn học Việt Nam (NXB. Giáo dục, Hà Nội, 1995).

______________ 

Chú thích

  1. Những tiểu luận này sau này được tập hợp trong tập sách Nho giáo và văn học trung cận đại Việt Nam, NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1995. Những ý tưởng ấy cũng được thể hiện trong giáo trình Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930, (viết chung với Lê Chí Dũng), NXB. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1988
  2. Tâm lí và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, trong sách Trương Tửu: Tuyển tập nghiên cứu phê bình, Nguyễn Hữu Sơn - Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm và biên soạn, NXB. Lao Động, Hà Nội, 2007, tr.621-622
  3. Trương Tửu: Tuyển tập nghiên cứu phê bình, sđd, tr.622
  4. Chúng tôi đã đề xuất cách phân kỳ văn học trung đại ra thành 3 giai đoạn: Sơ kỳ, Trung kỳ và Hậu kỳ trung đại như trên trong luận án tiến sĩ của mình: Ý thức văn học trung đại Việt Nam, bảo vệ năm 2000 ở Trường Đại học KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM  

 

(Tạp chí Nghiên cứu văn học số 4/2015, tr.91-99)

20181125 Be Kien Quoc

Tôi nhìn thấy chàng thi sĩ người gốc Nam Định này lần đầu khi chàng băng qua sân cỏ dành cho sinh viên đá bóng, cùng hai người bạn, tiến về con đường nhỏ, nằm giữa hai nhà 4 tầng, khu Mễ Trì. Một nhà cho việc học, đọc, và chỗ ở của giảng viên, một dành cho chỗ ở của sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội. Cô bạn cùng lớp thấy tôi chăm chú, ghé tai tôi bỏ nhỏ: Cậu không biết ba chàng ngự lâm này à? Họ học trên mình một năm, đẹp trai, hình như đồng hương Nam Định, thích làm thơ, học giỏi, rất đáng chú ý phải không? Người đi giữa nổi nhất, theo tớ, cũng đẹp trai nhất, là Bế Kiến Quốc đấy!

Ôi chao là sự lãng mạn của sinh viên văn khoa Tổng hợp Hà Nội, thời chiến tranh chống Mỹ đang khốc liệt nhất, ở tuổi hai mươi, cứ hồn nhiên nhìn đời qua lăng kính lãng mạn của người trẻ dấn thân học và quyết định chọn văn chương làm nghề lập thân, ngó lơ câu “sấm truyền” mà đã là sinh viên văn chương thì ai cũng biết: “lập thân tối hạ thị văn chương”.

 Chúng tôi đã chọn học văn khi đó, phơi phới tinh thần lãng mạn tuổi 17, khi nhớm chân vào đại học, năm 1968, tại nơi sơ tán miền đồi trung du tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ, có con suối Đôi chảy qua, đẹp đến nao lòng. Viết đến đây, tôi bỗng nhớ câu thơ nằm lòng tôi của Lưu Quang Vũ, về cái tuổi thanh xuân đẹp nhất này: Mười bảy tuổi lòng ai không hồi hộp/ Ngồi trong rạp hát đợi màn lên…Sau hơn một năm sơ tán ở Đại Từ, Thái Nguyên, chúng tôi được chuyển về Hà Nội, học trong khu đại học Tổng hợp ở Mễ Trì, lúc đó còn hoang sơ, hai bên đường dẫn đến Đài phát thanh Mễ Trì đầy những đầm sen nở hoa chi chít hồng mỗi mùa hè đến. Năm đó, tôi nhớ đầu hè 1970, “khi hoa xoan nở, xác con ve hoàn hồn”… trong thơ của thi sĩ Nguyễn Bính, thì chàng sinh viên Bế Kiến Quốc đang học năm cuối, để chuẩn bị ra trường cuối 1970.

Hình ảnh bộ ba thi sĩ lớp trên chuyên đi cùng nhau, đặc biệt là chàng thi sĩ sinh viên luôn đi giữa ấy, đã tự nhiên ám ảnh tôi, cùng không ít những kỉ niệm lãng mạn về tình bạn, tình yêu đầu đời của chúng tôi, năm học thứ 2: 1969-1970, với tuổi đôi mươi không thể nào quên của lớp tôi, khóa 13, 1968-1972.

Và bây giờ, các hồi ức, các kỉ niệm đang ào ạt trở lại, khi tôi đọc xong 3 tác phẩm thi ca của thi sĩ Bế Kiến Quốc, được trao giải thưởng Nhà Nước, được in chung trong “Tác phẩm văn học được giải thưởng nhà nước”, do NXB Hội nhà văn ấn hành cuối năm 2004, gồm 3 tập thơ: Cuối rễ đầu cành (1994), Mãi mãi ngày đầu tiên (2002), Đất hứa (2003). Không chỉ đoạt giải thưởng văn học Nhà nước từ 3 tập thơ đó, Bế Kiến Quốc còn đoạt nhiều giải thưởng văn học trước đó: Giải nhì cuộc thi thơ của Tuần báo Văn Nghệ 1969. Giải A Hội Nhà văn Hà Nội, Mãi mãi ngày đầu tiên. Giải A Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật VN 2002.

Bằng vào sự đọc ba tập thơ này và việc cả ba đã được giải thưởng Nhà nước về tác phẩm văn học, tôi nghĩ Bế Kiến Quốc là nhà thơ mang một tính cách thơ thiên mệnh, được chính số phận chỉ định làm thơ, với sức mạnh nội sinh của sự lãng mạn, được cất cánh từ khả năng thi ca bẩm sinh của chính ông. Cả cuộc đời ông đã chỉ đánh cược sinh mệnh mình vào thơ.

Do được đào tạo tử tế trong môi trường đặc thù văn chương là khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã có ý thức rõ rệt về tâm thế và sứ mệnh thi ca của chính bản thân mình, với tư cách thi sĩ. Sinh năm 1949, Kỷ Sửu, trong Một lời tựa viết sau, vào mồng một Tết Bính Thìn, 1976 (ngày 31.1 dương lịch), ông đã bất ngờ “tìm thấy cảm hứng lớn: cảm hứng về thế kỉ 20, và tự biết: năm 1949, mình sinh ra “tức là vào đúng giữa thế kỉ”, đã được ông “tự coi đấy là một điều may mắn”. Và Bế Kiến Quốc, đúng là một thi sĩ, khi phát hiện: cảm hứng chi phối suốt đời thơ ông, chính là “cảm hứng về thế kỉ hai mươi”, mà khi ấy, năm 1976, ông tự biết mình đã sống với thế kỉ này trên 25 năm, khi ông chưa đến tuổi 30. Bế Kiến Quốc tự thấy mình có “ý thức thực sự sâu sắc về thế kỉ 20, khi cảm nhận: “thực sự gắn bó tâm hồn mình với tất cả mọi người, với thời cuộc…”. Và đúng như trực giác lành mạnh của thi sĩ bẩm sinh, ông thành thực sám hối: “Làm sao tôi có thể chối cãi rằng chính mình đã có những năm không gắn bó mình được vào cảm hứng chung của thế kỉ chúng ta”, là cái thế kỉ mà ông vừa nói tới - thế kỉ 20.

Là thi sĩ thứ thiệt và thành thiệt của nửa cuối thế kỉ 20 đầy bão giông lịch sử, ông tự phát hiện: “VN quê hương tôi, hai mươi lăm năm qua… Những thay đổi quan trọng nhất… Những hi sinh cao cả nhất… những niềm tin mãnh liệt nhất… Những chiến thắng vĩ đại” Từ ấy, ông đã tìm được sự cân bằng trong tâm thế thi sĩ của mình, nối liền được những khát khao thành thực gắn bó tâm hồn mình với thời cuộc, lại được hòa nhập trong tình yêu riêng tư với một người phụ nữ, mà chính ông khẳng định “Một trong những thay đổi cơ bản nhất - đó là sự có mặt của EM trong cuộc đời tôi”. Và nhân vật Em này, đã có thực trong cuộc đời ông, thành người vợ của ông, thi sĩ Đỗ Bạch Mai. Và, đã tự nhiên thành nhân vật trữ tình sáng rỡ của thơ ông.

Nếu ba tập thơ của ông trong sáng tựa ba tấm gương trong, thì thơ ông quả đã được phản chiếu một cách trung thực trong đó. Với hai dòng thơ quấn quyện vào nhau, với một khát khao thành thực, thành thực đến tận cùng trong cả hai dòng thơ thế sựdòng thơ tình.

Không ngẫu nhiên, thơ thế sự của ông đau đáu nỗi niềm nhân thế, khởi nguồn từ một chủ thể trữ tình luôn trăn trở, ngẫm ngợi về mối quan hệ biện chứng, trong luân chuyển sự sống từ cuối rễ đến đầu cành, trong chu kì của cây xanh. Vươn mãi vào bề sâu/ Cái rễ non tìm đường cho cây/ Qua sỏi đá có khi tướp máu- Hướng mãi lên chiều cao/ Cái cành non vượt mưa đông nắng hạ/ Nảy chiếc lá như người sinh nở/ Ai đang ngồi hát trước mùa xuân/ Cuộc đời như thể tự nhiên xanh/ Chỉ có đất yêu cây thì đất biết/ Những cơn đau nơi cuối rễ đầu cành.

Bài thơ thật trong trẻo. Bởi tâm thế nhà thơ nhập hòa vào tâm thế chung của cuộc đời, khi ông sử dụng tinh tế đại từ Ai, để thấy ai, hay chính mình, đã cùng muôn vàn ai khác, cùng ngồi hát trước mùa xuân, cùng chiêm nghiệm, cùng thấy cuộc đời như thể tự nhiên xanh, để cùng vỡ ra một chiêm nghiệm thật tươi lành, trong trẻo: Chỉ có đất yêu cây thì đất biết/ Những cơn đau nơi cuối rễ đầu cành. Hoàn toàn không tình cờ, khi thi sĩ Bế Kiến Quốc đã đặt tên tập thơ đầu trong ba tập thơ của ông, in trong tập sách này là: Cuối rễ đầu cành.

Và ngay sau đó, trực giác thơ của ông vẫn không ngừng nảy sinh từ sự không dưng, cũng là tên bài thơ của ông. Cái tên như hư hao hờ hững này, đã khiến người đọc bị thắt buộc, bởi chính cảm giác không dưng này: Không dưng lòng chợt nhói đau? Sóng xô trắng xóa bãi dâu thuở nào…Rồi, không dưng lòng chợt đắng cay/ Nắng tà này những lối này năm xưa…Và, không dưng lòng chợt tơi bời/Bốn bên tịnh vắng chẳng người tri âm. Bài thơ kết như môt nốt nhạc rơi trầm: không dưng lòng xót xa buồn/ Em ơi đừng hỏi ngọn nguồn vì đâu.

Tôi nghĩ tâm thế không dưng này biểu lộ rất mạnh, rất hồn nhiên về trực giác thơ, tràn ngập dạt dào trong tất cả những bài thơ thế sự của ông. Chính trực giác thơ này đã mang cho thơ ông sắc thái riêng về thơ thế sự, không ồn ào bày tỏ mà chỉ âm thầm chiêm nghiệm để tự sinh nhận thức lớn: phải đau để phải yêu cuộc đời này! Tuy nhiên, Bế Kiến Quốc không muốn gieo tình yêu cùng nỗi đau đời này vào mê cung của trực giác thơ, ông muốn lý giải nó, đến tận cuối rễ đầu cành, bằng sự thành thực của trái tim, được chiếu rọi ánh sáng duy lý, khi ông “Tự nhủ”: ta phải đưa bàn chân đi, trên mọi nẻo đường. Ta phải đi vì ta yêu mục đích, dẫu có khi bàn chân vấp ngã, hoặc dẫm phải gai. Cũng như vành tai, thi sĩ phải đưa nó đến miệng đời - dù nghe lời đắng chát. cặp mắt ơi/ta đưa ngươi đi… Ta phải nhìn, vì ta yêu cái đẹp. Cuối cùng, là trái tim, thi sĩ đã quyết liệt dứt nó khỏi lồng ngực, để hiến dâng cho mọi người, dù trái tim có xót xa, có buồn, và có thể ngừng nhịp đập. Cũng chẳng hề chi, khi thi sĩ đã chốt lại lời nhắn nhủ cuối cho chính mình: ta phải yêu, vì ta tin hạnh phúc…

Tâm thế này của Bế Kiến Quốc đã thành thường trực, đúng hơn, kết đọng thành bản năng xã hội trong dòng thơ thế sự của ông, và tuôn chảy dạt dào trong hai tập thơ Cuối rễ đầu cànhMãi mãi ngày đầu tiên, với sự biến ảo kì diệu của các tứ thơ mà ông chắt lọc từ một điều giản dị: Sứ mệnh của thi sĩ là phải luôn lắng nghe và thấu suốt những biến động của cuộc đời qua tâm cảm của chính mình. Bởi vậy, ông thích/muốn phiêu lưu trên mọi nẻo đường đất nước, để mở rộng suy tưởng, mở lòng yêu thương những người Việt, những miền đất Việt mà ông đã sống, đã gặp gỡ và nhớ nhung trong suốt đời mnh.

Ông nhớ Hải Phòng, nhớ sông Chu. Vào miền Trung, dưới núi Huỳnh Mai, ông nghĩ về Đào Tấn, lan man nhớ Sa Huỳnh. Chia tay Pleiku, nhớ mãi ấn tượng Tây nguyên. Nỗi nhớ vắt sang miền đá Ăng-co, và cùng ông bay đến Liên Xô, nước Nga Xô Viết. Trong khoảnh khắc một giờ đêm, ông gặp thủ đô Matxcơva, rưng rưng yêu hoa tuyết bay biền biệt trắng trời trắng đất. Xa Hà Nội, ông vời vợi thương nhớ hoa huệ trắng muốt, hoa loa kèn Hà Nội chỉ nở rộ vào tháng tư dương lịch, và hương hoa sữa mùa thu, nhớ đầm hoa sen Hồ Tây nở hồng… Đến Sài Gòn, viên ngọc Viễn Đông, ông nhớ mưa dông sầm sập, những sáng, n trưa chiều tối nhộn nhịp người đi, trong tiếng chuông nhà thờ Đức Bà ngân dài, thong thả, yên bình. Và ông nhớ người bạn, đã từng đi trong bộ ba tôi từng thấy ở sân trường đại học năm 1969, hoặc 1970, trong bài thơ Với Long hi sinh 1972. Bài thơ mang nỗi đau, mất người bạn thân là mất mát vô cùng, nhất là khi thi sĩ ngồi một mình trong nắng ngắm mây cao, thiếu bạn, thấy cả thế gian vắng vẻ…

Và không ngẫu nhiên, những nỗi niềm thế sự này đã khởi hành, đã song hành và trở về ngọn nguồn cảm hứng với nhân vật Em, trong tập thứ ba, khi thơ tình Bế Kiến Quốc, khép lại sách thơ dày dặn gồm ba tập thơ này, đó là Đất hứa.

 Tập thơ tình tinh khôi và dào dạt này được Bế Kiến Quốc viết để ngợi ca tình yêu riêng tư của ông. Và rất hồn nhiên, cảm xúc thơ trong lành và thánh thiện ấy đã cất cánh thành biểu tượng tình yêu của thi sĩ đối với cái đẹp của người con gái Việt. Ông ngẫm ngợi, thấu hiểu sự kì diệu của việc đời đã sinh ra người nam và người nữ để hấp dẫn nhau, yêu nhau, sinh con cái, để chuyền tay nhau giữ gìn hương nhụy của tình yêu. Thi sĩ Bế Kiến Quốc có lẽ cả đời chỉ có/chỉ muốn duy nhất một tình yêu, nên thơ ông đã chỉ thiên về Ngợi ca sự có em. Và ngợi ca buổi chiều anh nhận ra điều đó-khi ánh trăng bừng lửa trên một vòm cây xanh- anh bắt đầu ra khỏi bản thân mình, bắt đầu có một tình yêu thật thà, bắt đầu có một tin vui dòng suối… và bắt đầu khởi động cả môt dòng thơ tình chan chứa chảy trong suối thơ ông. Dường như tình đầu trong thơ ông cũng là tình cuối, nên thơ tình của ông không bị giằng xé trong thương đau của bi kịch chia lìa, cạn yêu hoặc bị bội phản. Thơ tình của ông được trú ngụ ở một miền đất hứa:“ ở nơi đó, niềm vui sinh nở, như dòng suối, cành hoa, lời ca, như ngọn lửa…như sự sống không hề vơi”… Bởi tình yêu với nhân vật Em trong thơ ông bao giờ cũng đong đầy trạng thái trữ tình bay bổng và lãng mạn huy hoàng.

Vậy miền đất hứa tình yêu của Bế Kiến Quốc thời trai trẻ bắt đầu từ thời gian, không gian nào của đời thi sĩ? Thơ ông chân thành và trung thực, đẫm tình khi nhớ thương và “tự thú” về cái thời thanh tân, cái ngày xa xanh ấy, cái không gian không thể nào quên ấy của đời ông, kể từ cuối năm 1975, và bừng nở chói chang trong ngày Tết 1976 ở Hải Phòng. Ở thành phố cửa biển ấy, thi sĩ …bỗng có em. Em hiện ra thật ngỡ ngàng trong đời ông, và ngay lập tức kết tinh cảm xúc thí sĩ vào những tứ thơ tình độc đáo, bất chợt, khiến thi sĩ hoài nghi đến không tin, bởi giấc mơ này dường như quá đẹp…Cho tới lúc tin rằng em có thực/Anh chắp tay anh tạ ơn trời đất/ Đã mang em ban tặng cuộc đời anh/ Niềm vui lớn, tâm hồn không giữ được/Cứ tràn ra xanh nõn mọi cây cành.

Từ đây, Bế Kiến Quốc đã viết những lời thơ nồng ấm, trang trọng, đẫm tình của sự đón đợi tình đầu. Chủ thể thơ thành thực tỏ bày bằng sự tinh tế của cách dùng đại từ Anh: Anh đập tan nỗi buồn vây xung quanh/ Anh xóa hết những lời đau thuở trước/ Bao mối dây cũ càng anh dứt đứt? Anh dọn dẹp trang hoàng/ anh xua khỏi bóng đêm/ Anh từ bỏ cái lý trí lạnh lùng, anh đón nhận trái tim/ Anh yêu mình và anh yêu em.

Có một sự thật mà Bế Kiến Quốc không che giấu trong thơ tình, đó là chỉ tình yêu mới kéo được thi sĩ ra khỏi sự đắm chìm trong tâm trạng riêng và chỉ yêu em, ông mới phát hiện tình yêu với bản thân mình. Tôi lại nhớ đến câu thơ tình lộng lẫy của Nguyễn Đình Thi có lẽ cũng diễn tả cảm giác đẹp đẽ này, hai người yêu nhau, như hai tấm gương soi vào trong nhau.

 Và không hề tình cờ, trong thơ tình, ông tưởng ra người yêu bằng hình ảnh mộng mơ huyền ảo: cánh buồm hồng trong cơn mưa xanh. Cánh buồm lướt đến ngay trước mắt, khiến thi sĩ bàng hoàng, như người đã nhiều năm sống trên đảo hoang, quen cô đơnđã nguôi niềm nhớ đất: Bỗng sững sờ, sớm nay nhìn qua mưa / Cánh buồm em hồng thắm cập bến bờ.

Bởi vậy, tâm thế trong thơ tình Bế Kiến Quốc dường như được nhuộm tươi màu tình ái trong màu hồng của cánh buồm dễ thương ấy, nên thơ tình Bế Kiến Quốc không có lấy một tiếng thở dài bi lụy nào. Dù buồn thương vì xa cách, dù thoáng chút hờn ghen của tâm trạng khi yêu, thơ ông vẫn nồng nàn và ấm áp…

Và điều sáng chói nhất trong tâm trạng khi yêu của thi sĩ Bế Kiến Quốc chính là sự phát hiện của chủ thể trữ tình: Một người khác trong tôi có từ khi em tới/ Đưa tôi đi gặp gỡ với chân trời/ Tôi tin tưởng tôi yêu tôi ca ngợi/ Tôi đón chào một người mới trong tôi…

Đúng là chỉ có một tình yêu lớn, mới có thể hình thành một chủ thể thơ với đầy khát khao thành thiệt như thế và đến thế.

 ***

Bế Kiến Quốc đã mất vì ung thư phổi năm 2002, khi thế kỉ 21 bắt đầu chưa đầy hai năm. Ông đi xa cuộc đời này đã 15 năm. Nhưng thơ ông để lại vẫn xanh non như lá, vẫn hồng tươi như cánh buồm trong trái tim người yêu thơ Việt đang sống thế kỉ 21 đầy giông bão này, giúp cho tâm thế họ bình yên và êm đềm trở lại….Và như thế, Bế Kiến Quốc đã làm trọn sứ mệnh một nhà thơ của chính thời đại mình, trong nửa cuối thế kỷ 20. Vì thế, thơ ông để lại vẫn còn xanh biếc theo thời gian, còn vang vọng, không chỉ sang nửa đầu thế kỉ 21, dù thời gian đã không ban tặng cho ông được sống dài lâu như ước nguyện của ông…

 Đêm 31.5.2017

 NTMT

 

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

Ngày 30-10, tại TP Quảng Ngãi, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh phối hợp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo “Nguyễn Vỹ - Cuộc đời và sự nghiệp” nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh nhà văn, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ (1912-2017).

Quang cảnh hội thảo.

Dự Hội thảo có nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà thơ, nhà báo... từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh bạn và đại diện gia tộc của nhà văn, nhà báo Nguyễn Vỹ...

Hội thảo đã trình bày những nghiên cứu mới nhất của các nhà nghiên cứu về những đóng góp của Nguyễn Vỹ - một trong những gương mặt trí thức tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi, cũng là của nước ta 70 năm từ đầu thế kỷ XX vào sự nghiệp văn hóa, văn học và báo chí.

Hội thảo đã nhận được tất cả 36 tham luận của 35 nhà nghiên cứu, trong đó có 29 nhà nghiên cứu ngoài tỉnh Quảng Ngãi, sáu nhà nghiên cứu trong tỉnh và chín người có báo cáo là thân nhân gia đình Nguyễn Vỹ.

Các tham luận tập trung nghiên cứu sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Vỹ, kiểm kê lại các tác phẩm thơ của ông, giá trị nội dung nghệ thuật, cá tính sáng tạo, đặc điểm thi pháp trong thơ ông.

Tại hội thảo, trong báo cáo đề dẫn, PGS, TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những cách tân quan trọng về thơ của Nguyễn Vỹ là chú ý đến hình thức sắp đặt bài thơ, bài thì ziczac, bài thì hình thoi,… điều mà sau này người ta gọi là “Thơ thị giác”. Thơ thị giác khá phát triển gần đây, được coi là một trong những cách tân quan trọng của thơ ca đương đại. Nhưng ít ai ngờ là người đưa thơ thị giác theo kiểu phương Tây vào thơ ca Việt Nam là Nguyễn Vỹ với trường phái thơ Bạch Nga...

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng đặt ra những vấn đề là cần phải xác lập một tiểu sử đầy đủ, chính xác về cuộc đời Nguyễn Vỹ; sưu tầm, ghi chép chính xác các tác phẩm của ông, tìm hiểu giá trị, đặc điểm thi pháp thơ, văn xuôi nghệ thuật, thảo luận về những cách thức đưa các giá trị của sự nghiệp văn học của Nguyễn Vỹ đối với hậu thế…

Về sự nghiệp báo chí, TS Trần Hoài Anh cho rằng, trong quan điểm của Nguyễn Vỹ, một tờ báo có căn bản nghề nghiệp, dù là nhật báo hay tuần báo luôn được tổ chức theo một hệ thống chặt chẽ; nó là một cơ quan dù là của tư nhân, nhưng vẫn có tính cách công cộng vì ảnh hưởng của nó trong quần chúng rất rộng lớn. “Ông lập tòa báo, viết báo bênh vực người nghèo, công kích nhà cầm quyền đương thời. Các tờ báo Tổ Quốc số đầu tiên xuất bản năm 1946, tờ Dân chủ xuất bản ở Đà Lạt sau đó, tờ Dân ta (1952), sau này là Phổ Thông bán nguyệt san (1958), tuần báo Bông lúa... đều thể hiện khuynh hướng đó”, TS Trần Hoài Anh nhấn mạnh.

Chính Vũ Bằng, một nhà văn, nhà báo, nhà thơ, cũng xác quyết: Người làm báo chân chính không sợ uy vũ, không bị mê hoặc vì lợi danh, không chịu để cho ngòi bút mình tủi hổ, vì thế nhà báo cũng thuộc những người đáng kính nể nhất.

TS Trần Hoài Anh nhấn mạnh: Một phẩm tính khác trong cái nhìn của các nhà nghiên cứu ở miền nam trước năm 1975 về tính cách một người viết văn, làm báo dấn thân Nguyễn Vỹ, theo tinh thần của một nhà văn dấn thân mà Sartre đã từng nói, đó là việc thành lập Thi văn đoàn Thằng Bờm ở hầu hết trên các tỉnh lãnh thổ miền nam Việt Nam lúc bấy giờ… Mà như tác giả Tú Xe đề cập đến Nguyễn Vỹ, bởi cái lối viết “hì hục”, viết suốt một đời người, viết đến toát mồ hôi của ông.

Thông qua hội thảo, sự nghiệp của Nguyễn Vỹ được đánh giá đúng mức, tác phẩm của ông được định vị trong lịch sử văn học dân tộc, tên tuổi của ông được vinh danh tại quê nhà, tiếp nối truyền thống Núi Ấn Sông Trà với những danh nhân văn học khác Trương Đăng Quế, Bích Khê…

Hội thảo cũng dẫn đề nghị cần vinh danh Nguyễn Vỹ, lập nhà lưu niệm cũng như đặt tên đường ở Quảng Ngãi...

Nguyễn Vỹ, sinh năm 1910 tại làng Tân Hội (sau đó đổi thành Tân Phong, sau năm 1945 đổi là Phổ Phong), huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm.

Bản thân ông là một học sinh yêu nước, có tinh thần chống Pháp. Khi còn là học sinh trung học ở Trường Quốc học Quy Nhơn, Nguyễn Vỹ tham gia phong trào chống thực dân nên bị đuổi học, sau đó, ông ra Hà Nội tiếp tục học tú tài.

Nguyễn Vỹ là một nhà văn có khuynh hướng dân chủ, ông lập tờ báo, viết báo bênh vực người nghèo, công kích nhà cầm quyền đương thời. Các tờ báo Tổ Quốc số đầu tiên xuất bản năm 1949, tờ Dân chủ xuất bản ở Đà Lạt, sau đó tờ Dân ta (1952), sau này là tờ Phổ thông bán nguyệt san (1958) tuần báo Bông lúa… đều thể hiện khuynh hướng đó.

Ngày 4-2-1971, ông qua đời bởi tai nạn giao thông trên đường đi từ Tân An về Sài Gòn, thọ 61 tuổi.

Ngoài tên gọi Nguyễn Vỹ, ông còn có nhiều bút danh khác như: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền.

Với khoảng 40 năm hoạt động báo chí, văn học, ông đã để lại một sự nghiệp đồ sộ, chỉ riêng về sách, ông đã xuất bản hơn 20 đầu sách, gồm nhiều thể loại thơ, ký, truyện ngắn,… Sau năm 1975, nhiều sách của ông được tái bản.

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/nation_news/item/34553602-nguyen-vy-tu-tho-thi-giac-den-bai-bao-benh-vuc-nguoi-ngheo.html

20101023 Nguyen Vy

Nhắc đến Nguyễn Vỹ, người ta biết ông như là nhà thơ của những thể thức lạ qua các bài khá quen thuộc: Sương rơi, Hoàng hôn, Tiếng chuông chùa, Mưa,… Nhưng nổi tiếng hơn lại là bài thất ngôn dài Gửi Trương Tửu chắc chắn ở lại trong tàng thức thơ ca Việt Nam.

Tuy vậy ở đây tôi muốn nói đến một bài thơ khác, ít người biết: Đêm trinh. Đó là điều ngạc nhiên. Đáng lẽ nó đã chiếu sáng. Nó tư tưởng về một bóng tối uyên nguyên có thể mở ra ánh sáng. Bài thơ còn chìm khuất trong nỗi thờ ơ hiện đại. Trong khi nó xuất hiện từ năm 1962 ở Sài Gòn trong tập thơ Hoang vu của Nguyễn Vỹ. Dù khi đó, Hoang vu đã được nhà văn Thiết Mai, trong Sáng dội miền Nam, nhìn thấy đó là thơ của ý tưởng:

“Về ý thơ, Nguyễn Vỹ đã có nhiều ý tưởng, nhiều câu văn táo bạo (Hai người điên, Hai con chó, Trăng, Chó, Tù, Đêm trinh,…). Điều này khiến thơ của ông thoát ra khỏi lối thường tình, cổ điển và cũng chứng tỏ ông là con người có nội tâm cứng rắn, thành thật, dám biểu lộ tâm tư mình bằng những hình ảnh thiết thực do lòng mình suy tưởng…” (1).

Vậy thì, những ý tưởng đã được nhà thơ “suy tưởng” như thế nào? Suy tư và tưởng tượng ra sao? Suy cái ý tứ và tưởng tượng cái hình ảnh, ở đây chỉ lấy bài Đêm trinh mà suy mà tưởng.

Nhưng như thế thì ai suy tưởng? Nhà thơ hay người đọc? Là người đọc suy tưởng trên thơ? Hay chính là thơ suy tưởng trên người đọc. Cái đó thường khi không phân biệt.

Và hiệu năng của thơ là đưa thơ và người đọc vào cõi vô sai biệt, ở đó thơ như phát tiết từ cả hai phía: sáng tạo và tiếp nhận.

Ta như trôi thẳng vào điều đó ngay từ ba chữ mở đầu của Đêm trinh:

             Đêm nay tôi…

Đêm nay là đêm nào? Một thời gian phiếm chỉ vì thế có thể là bất kỳ đêm nào của thời thế bóng tối.

Và tôi nào? Cái tôi của nhà thơ phải được hiểu là một cái tôi phiếm chỉ. Vì nhà thơ không hát từ một cái tôi mà vô số cái tôi. Nhà thơ không phải là tiếng nói của đám đông ở phía ánh sáng mà là tiếng nói của vô số cái tôi ở phía bóng tối.

Nhưng để dễ đi vào bóng tối của Đêm trinh, ta hãy chia bài thơ thành từng chặng đường. Không có mê lộ của hoang vu. Chỉ có chân trời của hoang vu. Đêm trinh cũng thế, không có mê lộ mà chỉ có chân trời.

Đêm trinh:

             1. Đêm nay tôi không muốn ngồi gục bên đỉnh trầm

                            Nghe rượu cười trong ly,

                      Nhạc quay cuồng trong khói,

                            Thời gian đọng trên mi.

                      Tôi muốn về bên giếng tối,

                            Khu vườn âm u,

                      Quê hương hoang vu.

                            Không một dấu vết.

Chặng đầu của một cuộc hành trình là ý muốn trở về. Muốn về vì không muốn những điều bê tha ở trước mặt, ở tiền-hành trình: rượu trong ly, nhạc trong khói, những thứ đang cười cợt, quay cuồng. Cả thời gian cũng đảo theo những mi mắt người say, cái thế giới mà Vũ Hoàng Chương từng tả (“Khúc nhạc hồng êm ái, Điệu kèn biếc quay cuồng”).

Thế thì về đâu? Tại sao là giếng tối?

Quẻ Tỉnh trong Kinh Dịch tượng hình một cái giếng. Đó là nguồn nước của quê hương, ở ngoài ta và trong ta. Giếng là cái không thể di dời nơi nó là. “Bất cải tỉnh”: Không thể đổi dời giếng đi (Thoán từ của quẻ Tỉnh).

Vậy thì về bên giếng tối là về với nguồn nước không thể đổi dời dù nó đang ở trong bóng tối. Cũng có thể vì ở trong bóng tối, nó mới là nguồn. Bởi bóng tối còn là huyền bí, cái huyền bí ở sâu bên trong ta hơn là vây bọc bên ngoài ta.

Các hình ảnh “khu vườn âm u” hay “quê hương hoang vu” cũng nương theo đó mà xuất hiện ở đây, âm u và hoang vu thuộc về cái nguyên sơ, trinh thuần và huyền bí, chưa bị những đám đông xô bồ và xa lạ gây tổn hại. Vì thế mà “không một dấu vết” trong bản chất của Đêm trinh.

Cuộc hành trình khởi từ “ngồi gục bên đỉnh trầm” đến “về bên giếng tối”. Khởi đi từ thứ ánh sáng giả tạo của tiệc rượu và nhạc cuồng. Từ bỏ ánh sáng giả tạo đó để về với bóng tối của đêm trinh.

Cũng trong khoảng thập niên 1960 nhà thơ Đức Enzensberger cũng viết bài thơ về Cõi bóng tối (Schattenreich) có những suy tưởng gần như gặp gỡ với Đêm trinh:

             “ngay bây giờ đây tôi thấy một nơi,

             một nơi tự do,

             ở đây trong bóng tối.

 

             bóng tối này

             không thuận bán trinh.(2)

Tự do chính là hoang vu. Quê hương hoang vu là nơi chốn của tự do mà nhà thơ muốn tìm về. Nơi chốn đó không dành để đem bán (verkaufen) như là bán trinh.

Như vậy, từ “Đêm nay” đến “dấu vết” là chặng đầu của cuộc hành trình trở về bản nguyên, trở về tôi và đi vào trong tôi trong một hiện tại vô tận, một cái tôi không phải là sự vật mà là một triển nở vô hạn.

Từ đó bắt đầu chặng hai của hành trình.

Đêm trinh

            2. Tôi không muốn giẫm lên những mặt trời đã chết,

                       Không vương những nắng tơ đã kết

                            Vòng hoa trên cỗ áo quan tài.

             Đã lạnh rồi, những mùa xuân chết yểu trong Thiên Thai!

                       Nhặt làm chi những phím hương đổ gãy,

                            Màu xám hoàng hôn,

                       Màu xanh rợn hoang hồn,

           Hình bóng thời Homère quay cuồng trong nhạc lửa!

                       Thôi, vươn lên chi hình hài ẻo lả nữa!

Giai đoạn tiền-hành trình được quy kết với những thứ đã chết, đối với nhà thơ. Để có thể dẫm lên chúng mà bước đi. Những thứ đó có thể một thời được thôn thờ (mặt trời) được trân quý (nắng tơ) được quàng quanh cổ (hóa ra là cỗ áo quan tài!). Tất cả đã chết, đã kết, đã đóng áo quan. Bây giờ đã có thể quên đi những chiếc “áo” đó, những thứ chỉ gợi lên “cỗ áo quan tài” phô trương trong ánh sáng bên ngoài (mặt trời, nắng tơ). Tất cả chỉ là “những phím hương đổ gãy”. Có đốt hương mà thờ thì cũng đổ gãy thôi, nhặt gì?

Bởi vì những thần tượng đều chết yểu, những mùa xuân đều chết yểu. Trong “Thiên Thai” của những ảo tưởng thế thôi, trong những hoàng hôn không thể tránh. Chỉ còn lại màu xám của tro tàn.

Hoàng hôn hay hoang hồn?

Hoang hồn hay hoàng hôn?

Những âm sắc có thể đảo hoán, đẩy ngôn từ vào trận địa hoang vu.

Màu xanh vừa là màu của sự sống, vừa là màu của cái chết.

“Những quỷ thần bất tử trong huyền thoại thường được biểu hiện qua đầu và mình màu xanh, đặc biệt ở Ấn Độ”, theo Từ điển của biểu tượng, huyền thoại và truyền kỳ của Didier Colin (3).

Đó là màu của những oan hồn.

Chính vì oan hồn, thần linh và ma quỷ rợn màu xanh ấy mà câu thơ kế tiếp nhắc đến Homère, nhạc lửa và thời cổ sơ.

Để thấy những “hình hài” hiện đại chỉ là những thứ gì “ẻo lả”, nhợt nhạt, chán chường!

Và quyết tâm vượt qua. Bước vào chặng ba.

Đêm trinh:

             3. Tôi không muốn đêm nay cười nghiêng ngửa,

                            Tôi đạp tung cánh cửa

                       Ngạo ngễ của Thành Sầu.

             Tên lính gác nhe răng cười, rùng rợn đôi mắt sâu.

                       Để tôi đi!

                       Để tôi đi!

Đến chặng thứ ba này, tiếng cười cũng thành giả tạo, nhại lại tiếng cười của rượu trong ly ở khúc dạo đầu, trong “đêm nay”. Muốn “phá thành sầu” trong Đường thi mà chẳng cần đến rượu. Chỉ đơn giản là “đạp tung cánh cửa” của nó.

Hẳn là Nguyễn Vỹ nhại lại khúc Thơ say của Vũ Hoàng Chương bằng giọng điệu giễu cợt và khinh bạc (Thơ say của họ Vũ ra đời từ năm 1940), nhất là nhắm vào khúc cuối của bài Say đi em:

             “Trong men cháy, giác quan vừa bén lửa.

             Say không còn biết chi đời.

             Nhưng em ơi,

             Đất trời nghiêng ngửa

             Mà trước mắt Thành Sầu chưa sụp đổ.

             Đất trời nghiêng ngửa

             Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!

Cũng cái “Thành Sầu” viết hoa đó mà thái độ của hai nhà thơ thật khác nhau: thái độ buông trôi (Say đi em) và thái độ đạp phá (Đêm trinh). Hai giọng thơ khác nhau vì hai tính cách khác nhau, hai suy tưởng khác nhau.

Hình ảnh tên lính gác cửa của Thành Sầu được phác họa (khắc họa thì đúng hơn) rất tinh: “nhe răng cười”, “rùng rợn đôi mắt sâu” gợi nhớ tên lính gác cửa Pháp luật của Kafka. Hay Pháp luật là Thành Sầu?

Và nhà thơ phải tiếp tục chuyến đi của mình, vượt qua mọi lính gác dù phải van vỉ hay hối lộ hay tìm được cách lừa phỉnh nó.

Đến chặng thứ tư.

Đêm trinh:

             4. Trời không mây, không gió,

                     Tôi không áo, không chăn.

             Tôi về quê hương không cửa, không ngõ,

             Tôi về cô phương không lửa, không trăng.

                            Mịt mù thăm thẳm,

                     Mênh mông biên giới của Đêm trinh!

                            Tối đen một giếng thẳm,

                            Rực rỡ ánh quang minh.

Trạng thái trời trong và lặng gió là mở đầu cho sự từ bỏ vô minh và dục vọng (không mây và không gió) vì mây che mờ và gió nổi si mê. Bắt đầu “vạn lý vô vân”.

Trạng thái trần trụi (không áo, không chăn) là trở vè với nguyên tính, với thuở ban đầu, với nguyên trinh.

Về quê hương trong trạng thái như vậy chứ không phải là một cuộc vinh quy nào. Cho nên không có cảnh “Cửa trời rộng mở đường mây, Hoa chào Ngõ Hạnh, hương bay dặm phần” (Kiều). Thế nên mới “không cửa, không ngõ”.

Đó cũng là cuộc trở về với cái cô đơn, quê hương thực sự của nhà thơ, một phương trời gọi là “cô phương”, cái cô phương ấy mới là nguồn của thơ, chứ không phải lửa và trăng.

Cái cô phương ấy chính là Đêm trinh của thơ ca. Nó “mênh mông” và “mịt mù thăm thẳm”. Hơn nữa, nó còn tối đen như một hang động. Vì nhà thơ sẵn sàng “làm hang động cho thiên hạ” (Vi thiên hạ cốc, Đạo Đức kinh, Thiên 28).

Làm hang động, nhà thơ có trong mình một huyền bí, một bóng tối vô biên: “Tối đen một giếng thẳm”.

Nhưng sao lại “Rực rỡ ánh quang minh”?

Để thấy được điều này thì hãy để nó tương chiếu thêm với bài thơ Cõi bóng tối của nhà thơ Đức Enzensberger mà ta đã nhắc tới từ đầu, đến đây ta sẽ đọc tiếp bài thơ ấy:

             “những ai muốn nhìn thấy ánh sáng

             như là như

             phải biết lui mình

             vào trong bóng tối.

 

             bóng tối

             quang minh hơn mặt trời:

             bóng tối mát tươi của tự do”. (4)

Về với Đêm trinh rồi, tôi thấy mình được giải thoát. Chặng cuối cùng là Hoang Vu, một cõi Đại Hoang mà tôi tung tăng dạo bước, càn khôn độc bộ.

Nơi đó dường như tôi không còn gì.

Bởi vì tôi có cả Càn Khôn.

Đêm trinh

             5. Tôi với tôi,

             Không hình, không bóng.

                     Tôi với tôi,

             Không thơ, không mộng.

                     Tôi với tôi,

             Lồng lộng giữa Hoang Vu!...

Dù hình ảnh cái tôi dường như choán đầy cõi Hoang Vu nhưng nên hiểu ngược lại. Chính là cái Hoang Vu đang choán đầy tôi, Đêm trinh đang choán đầy tôi.

Vậy mà cái Hoang Vu ấy, Đêm trinh ấy vẫn còn rộng chỗ cho bất kỳ ai, cho bất kỳ cái tôi nào muốn trở về.

Cuối bài Cõi bóng tối, nhà thơ Đức Enzensberger gợi ý:

             “trong bóng tối ấy

             đến bây giờ vẫn còn chỗ trống đấy thôi.”

             (im schatten

             ist immer noch platz.)

Đêm trinh của Nguyễn Vỹ là một bài thơ lớn. Đọc để rung động và suy tưởng. Bởi hình tượng độc đáo đậm tính kinh điển cổ xưa lẫn tính tân hình thức mới lạ. Nó xứng đáng có mặt trong mọi thi tuyển cao cấp. Được chiếu sáng, nó sẽ chiếu sáng bội phần.

Nhật Chiêu

Chú thích:

(1) Dẫn theo Nuiansongtra.net. Nguyễn Vỹ, 21 tháng 2 năm 2009.

(3) Dẫn theo tập sách song ngữ Đức Anh German Poetry 1910-1975, Urizen Books, trang 430. Nguyên văn tiếng Đức như sau:

             “hier sehe ich noch einen platz,

             einen freien platz,

             hier im schatten.

             dieser schatten

             ist nicht zu verkaufen.”

(3) Dictionary of Symbols, Myths and Legends, Didier Colin, Hachette, London, 2000, trang 63: “immortal mythical gods and demons are frequently represented with a blue head and body, especially in India.”

Bài tham gia Hội thảo Nguyễn Vỹ - Cuộc đời và sự nghiệp (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi và ĐHKHXH&NV TPHCM, tháng 10.2017

20101023 Nguyen Vy

Tác giả Nguyễn Vỹ. Ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Bạch Ngọc Danh, cháu rể tác giả, cung cấp cho Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi trong dịp hội thảo. Võ Quý chụp lại

(PL)- Trên một bức tường trắng mình có thể chiếu bất cứ phong cảnh đẹp nào, bất cứ ý tưởng đẹp nào, sự trang hoàng chỉ cản trở trí tưởng tượng của mình, con ơi...

Ngày 31-10, tại khách sạn Hùng Vương, TP Quảng Ngãi, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM sẽ tổ chức hội thảo về nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà khảo cứu Nguyễn Vỹ nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông. Đây là hội thảo đầu tiên về Nguyễn Vỹ trong toàn quốc với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn học trong cả nước.

30 nhà nghiên cứu gửi tham luận

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi Lê Văn Sơn cho biết: Trong phong trào Thơ mới, ở Quảng Ngãi có ba tác giả là Bích Khê, Nguyễn Vỹ và Tế Hanh. Nhà thơ Tế Hanh đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, được nhiều nhà nghiên cứu đề cập. Còn nhà thơ Bích Khê (qua đời sớm) nên Hội Văn học nghệ thuật đã tổ chức hội thảo về Bích Khê nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1916-2016) và xuất bản tổng tập Bích Khê một trăm năm, dày khoảng 1.000 trang.

Riêng nhà thơ, nhà văn, nhà báo Nguyễn Vỹ đã có những đóng góp nổi bật trong văn học, báo chí Việt Nam giai đoạn 1930-1970 nhưng thông tin, dữ liệu về ông rất tản mát nên sau khi in tổng tập Bích Khê, anh em trong Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi băn khoăn: Cần phải làm gì để cho sáng tỏ hơn những đóng góp của tác giả Nguyễn Vỹ?

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi đã có trao đổi với nhiều nhà nghiên cứu văn học, các nhà báo trong nước và được sự đồng tình. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi cũng đã liên hệ và nhận được sự phối hợp nhiệt tình của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM để triển khai thực hiện.

Qua triển khai, đã có 50 nhà nghiên cứu đồng ý viết tham luận về cuộc đời sự nghiệp văn chương, báo chí của tác giả Nguyễn Vỹ và đã có 30 nhà nghiên cứu gửi tham luận đến Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi như Đỗ Hải Ninh với tham luận Nguyễn Vỹ, người trí thức nước Việt; Lê Hương Thủy với tham luận Sáng tác của Nguyễn Vỹ nhìn từ tiểu thuyết; Thái Phan Vàng Anh với tham luận Nguyễn Vỹ và vai trò cách tân thơ tiếng Việt hiện đại; Nhật Chiêu với tham luận Ánh sáng và bóng tối trong “Đêm trinh” của Nguyễn Vỹ…

Cũng theo ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi, đã có những trước tác của tác giả Nguyễn Vỹ được tìm thấy như tập thơ đầu của ông in bằng tiếng Pháp năm 1934 mang tên Premiérs Poésies.

Suốt đời chỉ sống qua văn hóa

Tại hội thảo này, ngoài sự góp mặt của các nhà nghiên cứu còn có bà Nguyễn Thị Diệu Phương, con gái nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ, hiện định cư ở Pháp trở về. Qua email trao đổi, bà Diệu Phương kể: “Thực sự, khi được tin Quảng Ngãi tổ chức một hội thảo cho ba tôi, trước tiên tôi ngạc nhiên, rồi sau đó tôi rất xúc động. Ba tôi suốt đời chỉ sống qua văn hóa, sách này vừa xuất bản thì ba đã có một dự án khác trên bàn viết, vì ba tôi tin rằng ông có nhiệm vụ tham gia vào sự phong phú của nền văn hóa Việt Nam. Tất cả di sản đó bây giờ được hồi tưởng thì linh hồn của ba tôi chắc là được thanh tịnh.

Gia đình chúng tôi ở Đà Lạt, mẹ tôi làm ăn vất vả, nuôi hai anh em tôi ăn học toàn hảo. Ba tôi sống tại Sài Gòn, vì ba cần ở gần trung tâm văn hóa để dễ liên lạc với những nhà trí thức. Cho nên chúng tôi chỉ gặp ba vài lần trong năm. Tuy vậy, ba tôi rất yêu con và không phân biệt trai gái. Vài lần tôi có than thở là ít được gặp ba thì ba tôi cười êm ái, nói: “Tất cả nhân phẩm của ba nằm trong sách ba viết, vậy khi nào con nhớ ba thì con lấy sách ba ra đọc, thì cũng như là ba ở bên cạnh con”. Một kỷ niệm khác, ba tôi có được dịp đi Nhật Bản, khi về mua cho tôi một cái nhà bằng giấy. Ba thấy tôi hơi thất vọng vì căn nhà thô sơ, tường bằng giấy trắng, không trang hoàng chi cả thì ba tôi mới nói: “Con ơi, trên một bức tường trắng mình có thể chiếu bất cứ phong cảnh đẹp nào, bất cứ ý tưởng đẹp nào, sự trang hoàng chỉ cản trở trí tưởng tượng của mình, con ơi”. Ba tôi như thế đó”.

Qua hội thảo, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi cũng sẽ thành lập ban biên khảo tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Vỹ, những bài nghiên cứu để xuất bản tổng tập Nguyễn Vỹ.

Nguyễn Vỹ (1912-1971) quê ở làng Tân Phong (nay là xã Phổ Phong), huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ông là con trai của nhà yêu nước Nguyễn Tuyên và bà Trần Thị Luyến và là anh họ của ông Nguyễn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. Là nhà thơ, nhà văn, nhà báo với bút hiệu Tân Phong, Lệ Chi…

Các tác phẩm tiêu biểu: Tập thơ đầu (1934) , Đứa con hoang (1936), Hoang vu(1962), Dây bí rợ (1957), Hai Thiêng liêng (1957), Mồ hôi nước mắt (1965), Tuấn chàng trai nước Việt I, II (1970),

Tác phẩm biên khảo: Những người đàn bà lừng danh (1970), Văn thi sĩ tiền chiến (1970)…

Ông từng tham gia bãi khóa để tang Phan Chu Trinh nên bị đuổi học. Sau đó ông ra Hà Nội học tú tài và cộng tác với các báo Tiếng Dân, tuần san Đông Tây, tạp chí Văn học. Năm 1942 ông bị Pháp bắt đi đày. Cách mạng tháng 8-1945 thành công, ông vào Sài Gòn tiếp tục hoạt động báo chí ở các báo Dân Ta, tạp chí Phổ ThôngThằng Bờm

Ông mất năm 1971 ở Long An do tai nạn xe hơi. 

Nguồn: Pháp luật TPHCM, ngày 22/10/2017

Tho trang

Trước hết, tôi nói về câu chuyện của Vũ Trọng Phụng. Về sáng tác của ông, người ta bình luận như sau: “Đọc xong một đoạn văn, tôi thấy trong lòng phẫn uất, khó chịu, tức tối. Không phải phẫn uất khó chịu vì cái vết thương xã hội tả trong câu văn, mà chính là vì cảm thấy một tư tưởng hắc ám, căm hờn, nhỏ nhen ẩn trong đó (…).  Đọc văn Vũ Trọng Phụng thực không bao giờ tôi thấy một tia hy vọng, một tư tưởng lạc quan. Đọc xong, ta phải tưởng tượng nhân gian là một nơi địa ngục và chung quanh mình toàn những kẻ giết người, làm đĩ, ăn tục nói càn, một thế giới khốn nạn vô cùng” (Nhất Chi Mai, “Ý kiến một người đọc: dâm hay không dâm, Ngày nay, Hà Nội, s.51, 21.3.1937). Vũ Trọng Phụng cũng có bài trả lời rất sâu cay. Nhưng điều quan trọng là: hơn nửa thế kỉ sau, tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được dịch sang tiếng Anh và được giảng dạy ở trường đại học thuộc loại danh tiếng nhất nước Mĩ, UC Bekerley.

Tôi lại nhớ đến câu chuyện Leo Tolstoy (1828 – 1910), nhà văn vĩ đại người Nga. Hẳn nhiên ông rất…vĩ đại. Người ta khen ông là “Shakespeare của nước Nga” (Gustave Flaubert). Thế nhưng điều ấy làm ông quá đỗi phiền lòng, bởi theo ông, Shakespeare không đáng là một nhà tư tưởng, không phải là nhà văn lớn, rằng Shakespreare rất “thấp”, và tất nhiên là không nên so sánh với ông.

Shakespeare chết trước Tolstoy đến hơn ba thế kỉ, nhà viết kịch đại tài ấy đã không bao giờ có cơ hội tranh luận lại với Tolstoy (và chắc gì muốn tranh luận). Và đến bây giờ, ông vẫn được xem là một trong những kịch tác gia lớn nhất mọi thời đại.

Vậy, điều quan trọng là, dù cho hai ông này có bật dậy và nói gì nhau thì hai ông vẫn vĩ đại, bất chấp người kia nói gì.

Đánh giá của một người chưa bao giờ làm thay đổi bất kì sự thật nào. Đó là sự kì thú của thế giới nghệ thuật.

Tôi lại nói tiếp một câu chuyện khác, câu chuyện một nhà thơ tên là Thi Gia và tập “Thơ trắng”.

Nếu nói về “gout”, tôi không thuộc “gout” thơ của Thi Gia. Nhưng tôi không nghĩ rằng: “gout” khác nhau thì nhất thiết phải không thấy nhau hay!

Công bằng mà nói, chọn được bài hay toàn vẹn là điều không dễ trong tập “Thơ trắng”, nhưng cũng không khó nhận ra những câu thơ “ăn vào lòng” người ta một cách tự nhiên, nhẹ nhõm một cách tự nhiên:

Ta là cỏ, là sương, ta là suối

Ta đám côn trùng, ta bóng trăng

Ta như đứa trẻ còn dây rốn

Bú mớm mẹ ta đến vĩnh hằng

(Xanh)

Cõng nhau lên chóp đỉnh tình

Học theo mây trắng nghe mình hư không

(Cõi anh)

Đã biết rằng mai tan tác mộng

Sao chẳng vào nhau cho hết đêm

(Đã biết rằng mai tan tác mộng)

Buồn từ ngày chưa ngâu

Ai yêu thì tự bắc cầu mà tới

Đừng cứ đợi ngâu về rồi hò hẹn với mai sau.

(Đừng đợi ngâu về)

Viết tự nhiên là khó. Cái hay và cái dễ…bị chê ở Thi Gia là ở đó. Tự nhiên, hồn nhiên, đôi khi rất dễ chịu, dễ gần, là bản năng thơ rất đáng gìn giữ, nhưng cũng có thể trở thành một tâm sự chưa đủ sự chưng cất.

Nhìn toàn cục, Thi Gia dường như không có xu hướng tạo tứ thơ mang tính hệ thống, thơ Gia đôi khi không rõ hình khối và sức công phá của tứ nhưng lại có những tứ nhỏ rất quý, một kiểu “đặc sản”, một kiểu “phong cách thơ” rất Thi Gia:

Bới mây ra mà tìm nhau

(Bới mây ra mà tìm nhau)

Ngày đã cạn ngày

Em đã cạn anh

(Tình ơi em đắm tim mình)

Có ríu ran nào cứ thủ thỉ trong mưa

(Sài Gòn mưa)

Em phơi váy áo em ngoài dậu

Phơi cả tình em trong nắng trưa

Nhớ thương cuộn cả lên trời mộng

Đổ xuống đường xa đêm gió mưa

(Đã biết rằng mai tan tác mộng)

 “Đàn bà thợ xây” có lẽ là bài thơ có tứ tốt nhất trong “Thơ trắng”. Chủ đề “có vẻ” thời sự, hình ảnh “có vẻ” thô ráp, phong cách “có vẻ” không gần với cô nàng Thi Gia (vốn mang giọng thơ “đa tình, “khát tình” và “vọng dục” - không phải là “dục vọng”), nhưng bài thơ này thực sự khiến tôi nghĩ đến bài “Người đàn bà ngồi đan” của Ý Nhi. Tôi không so sánh, nhưng tôi nghĩ đến.

Hình ảnh người đàn bà ngồi đan bao nhiêu nỗi đa đoan của đời và của mình là một ám ảnh thơ ca quý giá trong kho tàng thơ Việt Nam. Hình ảnh ấy quá đa diện, minh triết và mạnh mẽ vô hạn. Thế còn người đàn bà thợ xây?

Đàn bà, họ vẫn xây đấy thôi; cứ gì phải có công trường. Xây là bản thể của đàn bà. Một sự bề bộn xây đắp cuồng điên và thiếu thốn sâu xa là nỗi đời vĩnh cửu của người đàn bà trong một “kho xưởng” tình yêu, hạnh phúc và hy vọng; một thế giới “đầm đầm châu sa” luôn được tạo nên từ bàn tay miệt mài xây đắp dẫu phù du.

Những người đàn bà thợ xây

Vai tươm tả nắng

Lòng bàn tay chằng chịt vết chai

Những người đàn bà thợ xây

Giấu mình trong lớp áo dày

Tóc ủ vào khăn và những giọt mồ hôi ủ trong làn da sạm nắng

khét mùi mưu sinh

Những người đàn bà thức dậy trước bình minh

Giặt giũ và phơi phóng

Trên dây phơi không có một chiếc váy mềm được dệt bằng voan và ren đỏ

Cho một người đàn ông được cởi ra trong đêm

Bàn tay của người đàn bà vò thật nhẹ, thật êm

Những chiếc áo lót không rõ màu sắc

Rồi nghiến răng vò những chiếc găng tay đầy vữa vôi và những chiếc áo bảo hộ màu xanh

Hình như là xanh hy vọng

Màu xanh của biển và trời

Màu xanh đã bạc phếch lâu rồi

Những người đàn bà thợ xây

theo chồng đi khắp nơi

Những người chồng theo những công trình đi khắp nơi

Chiếc giường tầng trong lán trại chung cũng là nơi ái ân của họ

Không một tiếng rên

Không một hơi thở mạnh

Sợ sỏi đá ngoài kia biết họ làm gì

Sợ những người đàn ông nằm bên

trở mình khao khát

Tưởng nhớ một thân hình mềm mại ở quê xa

Những người đàn bà không thơm mùi nước hoa

Những thân hình chưa từng phủ lụa là

Chẳng dám khóc cho nỗi nhớ con thơ

và nỗi nhớ nhà

Trong những chiều khói bếp thành thị cay xè...

Cay xè con mắt

Cứ ngóng phía quê mà ánh nhìn hiu hắt

Những thợ xây đàn bà

Những người mẹ đi xa.

Một bài thơ quá gợi.

Một khối tình tự được nhào nặn rất tự nhiên với chủ đề về người đàn bà làm nghề thợ xây, sau khi hoàn thành bỗng dưng phát tiết thêm một ánh sáng khác về thiên chức “bụi bặm” và luôn dở dang của người đàn  bà.

Một bài thơ vượt qua chính giới hạn của nhà thơ, giới hạn của những tâm tình đơn giản và tương đối dễ dãi, giới hạn của những câu thơ viết tràn theo cảm xúc mà ít tìm cách trụ lại bởi một vài “nhãn tự” sâu xa. Giới hạn đó đã được vượt!

Câu chuyện cuối cùng về Thi Gia: cuộc truy vấn về ngôn từ “tính dục” trong thơ.

Em ơn anh, ơn anh...

Đã mang về em biêng biếc của ngày xanh

Sau mải miết ái ân lại lụi vào nhau và khóc

Thổn thức dùm nhau mai bước đời khó nhọc

Nhìn nhau, lau nước mắt rồi cười

(Ơn anh)

Tôi cho rằng, đây là một trong những ý thơ, đoạn thơ, câu thơ có thể đủ sức làm người ta xúc động thật sự vì …tình dục. Những câu thơ mang tính dục bản thân nó chưa bao giờ …sai (nhìn lại lịch sử văn học và nghệ thuật của cả thế giới thì biết); Nhưng nó thường bị đối xử rất nghiêm khắc. Tự cổ chí kim đã thế. Thi Gia cũng chung số phận với những nhà thơ “dám” viết về tình dục. Nhưng “lỗi” của Thi Gia lớn hơn một chút: hồn nhiên quá! Ít biến hoá quá!

Trần truồng như trẻ nhỏ

Cùng em bày cuộc vui

Cứ cười và cứ khóc

Rồi vào nhau ngủ vùi

(Cùng em bày cuộc vui)

Một ví dụ: đoạn trên này tứ rất khá nhưng thiếu một chút gì đó (tôi cũng không rõ, hoặc là không thiếu gì nhưng tôi không nhận ra) để có thể làm một đường nối thú vị tới câu thơ “công án” bàng hoàng của bài thơ “Sinh Tử” (Trần Thánh Tông) từ thế kỉ XIII:

Sinh như trước sam

Tử như thoát khố

(Sống như mặc áo vào

chết như cởi bỏ quần ra)

(Đương nhiên, Trần Thánh Tông không viết về tình dục, ông viết về bản thể, nhưng có sự hô ứng nào đó).

Viết về tình dục, có lẽ, cần một sự cô đọng nào đó lớn hơn về tư tưởng. Mặc dù tư tưởng …không làm nên tình dục.

Tôi chợt nghĩ đến câu thơ của Chế Lan Viên:

Ôi cây cỏ cũng đầm đìa sắc dục

Chuyện cha trời mẹ đất, vũ trụ “tình tự” với nhau trong ánh sáng giao hoà cùng tận, hay nói cách khác là “làm tình”, hình như không mới đến nỗi cần phải ngạc nhiên và phản đối “kịch liệt”. Cuộc ái ân của thiên nhiên là điều thiêng liêng, là nguồn suối cảm hứng. Nhân loại thời ấu thơ đã nhận biết việc ấy và hồn nhiên tôn thờ cuộc chơi viễn mộng ấy. Người thời nay cũng nên bình thường hoá đi chứ. Tất nhiên, nó đi vào thơ ca thế nào lại là chuyện khác. Tôi cũng chưa thật tâm đắc một số câu thơ thắm đượm dục tính của Thi Gia theo cách mà “Thơ trắng” thể hiện, nhưng tôi tin là tôi đã biết xúc động đúng những câu thơ “cận nhân tình”. Viết về tình dục trong những ẩn ức xen lẫn niềm bi cảm, tự nhiên đến khóc được, Thi Gia thuộc vào số hiếm. Có lẽ vì thế mà tập thơ đã được đọc như một thông điệp dịu dàng về “cổ mẫu nguồn cội”, một trạng thái ít nhiều đưa người đọc đến mỹ học tính dục đương đại: “Người đàn bà cất lên tiếng hát bằng làn da, hát ca bằng thân xác ngân nga”. “Người đàn bà đem chăn gối làm sông làm núi, đem châu thổ nguyên sơ làm ngã ba, đem châu thân huyền bí làm nhà”. Những lời giới thiệu tập “Thơ trắng” này của Nhật Chiêu - một người không còn xa lạ gì với giới trí thức và giới văn chương chuyên nghiệp suốt mấy chục năm nay ở nước Việt Nam này – tưởng vẫn còn đủ là một uy tín cho người ta có thể nhìn lại một chút trước khi đạp đổ một điều gì đó; một uy tín được xây dựng không chỉ bằng tài năng, tình yêu to lớn với văn chương mà còn bởi sự công phu, khổ học và hành trình truyền cảm hứng không thể lớn hơn cho học trò nhiều thế hệ. Riêng tôi, tôi tin lời giới thiệu ấy.

Một phật tử chắp tay búp sen cung kính chào tha nhân không phải vì hạ mình, mà vì tôn vinh Phật tính của người khác, ở nơi người khác. Trong bàn cờ chữ nghĩa, người ta chấp nhận sự khác biệt tận cùng, thậm chí phủ nhận triệt để nhau, nhưng, vẫn còn một nước cờ khác hay hơn, ít “sát thương”, đó là tri âm. Tri âm không nằm ở chỗ hiểu hay không hiểu một cách trọn vẹn, mà đơn giản là“cho nhau sự tồn tại”. Người làm thơ viết một trăm câu thơ dở, có một câu hay, người đọc vẫn rất nên khóc vì câu hay ấy. Đó là một tư thế cảm nhận của kẻ khiêm hạ trước năng lực sáng tạo của kẻ khác. Như cái chắp tay búp sen vậy.

 “Hoan hô những kẻ phụ tôi, họ đã trả tôi lại cho tôi”. Tôi tiếc là không thể nhớ tên nhà tư tưởng nào đã nói thế. Nhưng câu ấy rất hay, hay hơn cả cho Thi Gia, một nhà thơ đang trải qua sự phũ phàng của cuộc chiến “gia vị thẩm nhận”. Người ta có nhiều cách để làm thơ hay hơn. Một trong những cách ấy là bị đẩy ra khỏi bờ cõi của mình, và dành lại quyền sống cho năng lượng của chính mình. Điều này thì Thi Gia có, rất dồi dào.

Giải có trao hay không trao, đúng “quy trình” hay không đúng “quy trình”, Thi Gia nhận hay không nhận, tất cả điều này không lớn hơn một Sự Thật khác: dù sao, bạn ấy đã làm thơ, dù sao, thơ bạn ấy cũng không tồi, và dù sao, chúng ta còn cả một gia tài lớn là THỜI GIAN, thứ có thể mang lại cho mọi người một lời phán quyết nhân từ và chín chắn về những sáng tạo thực sự của một con người cụ thể, một con người giàu có về cảm xúc và hy vọng, biết đặt cảm xúc và hy vọng ấy vào những vần thơ vẫn còn hé mở rất nhiều cánh cửa cho người đọc.

Quyền của Thời Gian - quyền phán quyết minh bạch về giá trị - cao hơn tất thảy mọi sự luận đàm của làn sóng thượng tôn tự ngã trong thưởng lãm. 

Lê Thị Thanh Tâm

(ĐHQG Hà Nội)

Cách nay tròn 130 năm, vào năm 1887, một cuốn truyện viết bằng văn xuôi tiếng Việt nhan đề “Thầy Lazaro Phiền” của tác giả Nguyễn Trọng Quản, do nhà J. Linage, đường Catina, Sài Gòn, xuất bản, ra mắt công chúng.

Cuốn sách này, thay vì nổi tiếng từ đầu, đã suýt bị quên lãng. Suốt trong hàng chục năm từ sau khi nó ra đời, không thấy báo chí đương thời nhắc gì đến cuốn truyện này.

Hồi năm 1934, nhà in Nguyễn Văn Của ở Sài Gòn in thành sách một bản dịch nhan đề “L’ Histoire de Lazaro Phiền”, do con trai tác giả là Nguyễn Trọng Đắc dịch từ nguyên bản truyện tiếng Việt sang tiếng Pháp, có lời giới thiệu của P. de Midan, (1) cũng hầu như không gây tiếng vang gì.

Học giả được coi như người làm tổng kết chừng nửa thế kỷ phát triển văn học quốc ngữ là Vũ Ngọc Phan, trong bộ sách đồ sộ “Nhà văn hiện đại” (1940 – 42) tuy có biết đến Trương Vĩnh Ký, nhà văn và học giả cùng thời Nguyễn Trọng Quản, tuy có viết về Hồ Biểu Chánh, người cầm bút khá muộn sau Nguyễn Trọng Quản, thế nhưng quyển “Thầy Lazaro Phiền” và Nguyễn Trọng Quản thì Vũ Ngọc Phan không biết tới!

Mãi đến giữa những năm 1970s, nhà nghiên cứu-nhà giáo Nguyễn Văn Trung, trong quá trình tìm tòi và hệ thống hóa tài liệu cho một “Hồ sơ về Lục châu học”, tức là hồ sơ tư liệu về văn hóa vùng đất Nam Kỳ, đã nhận ra tính chất mới mẻ “đi trước thời đại” của tác giả Nguyễn Trọng Quản, với thiên truyện “Thầy Lazaro Phiền”. Nguyễn Văn Trung khám phá ra sự kiện tầm cỡ này tại miền Nam có lẽ chỉ trước ngày 30/4/1975 không lâu; và cũng vì sự việc nảy sinh quá gần thời điểm biến động ấy, cộng thêm nhiều lý do khác nữa, phát hiện học thuật không ít hệ trọng này đã khá chậm, khá mất thời gian để thuyết phục các giới nghiên cứu văn học, giới sáng tác và phê bình văn học trong cả nước. Tuy vậy, đến những năm 1990s, ý nghĩa dấu mốc văn học sử thật sự của sự xuất hiện truyện “Thầy Lazaro Phiền” năm 1887 hầu như đã thuyết phục được số đông giới học giả và nhà văn Việt Nam.

Thật ra, nếu tìm trong kho sách thư viện Khoa học xã hội tại 26 Lý Thường Kiệt Hà Nội thì vẫn thấy có cuốn “Thầy Lazaro Phiền” nằm sẵn đó từ xưa, có lẽ từ thời EFEO (trường Viễn đông bác cổ Pháp) để lại (2); nhưng vấn đề là chưa ai nhìn ra sự kiện. Mà về vấn đề nhận định (nhận định sự kiện văn học sử) thì trong giới nghiên cứu và giới nhà văn, kế thừa những phán đoán của người đi trước, người ta vẫn xem sự xuất hiện tiểu thuyết “Tố Tâm” (1925) như dấu mốc khởi đầu của văn xuôi tự sự hư cấu tiếng Việt thời hiện đại. Sự thiếu thốn về tài liệu tác phẩm cộng với định hướng quá tập trung vào văn chương phía bắc, khiến giác quan văn học sử của giới chuyên gia chúng ta tiềm tàng một sự khinh thị hoặc ngầm ẩn hoặc hiển nhiên đối với thành quả phát triển văn chương phương nam; đây là cả một nếp nghĩ cần chỉnh sửa.

Trở lại cuốn truyện “Thầy Lazaro Phiền” xuất bản năm 1887 của Nguyễn Trọng Quản; căn cứ vào đâu để xem nó như dấu mốc báo hiệu sự phát triển của văn xuôi tự sự tiếng Việt hiện đại? Có thể căn cứ vào những nội dung “định hướng” của chính tác giả ở lời tựa đề ngày 1.XII.1886, cũng chính là sự khái quát điều mà ông đã thực hiện trong tác phẩm: “Tôi một có ý dụng lấy tiếng thường mọi người hằng nói mà làm ra một truyện hầu cho kẻ sau coi mà bày đặt cùng in ra ít nhiều truyện hay”… “tôi [….] dám bày đặt một truyện đời này là sự thường có trước mắt ta luôn, như vậy thì sẽ có nhiều người lấy làm vui mà đọc, kẻ thì cho quen mặt chữ, người thì cho đặng giải phiền một giây”.

Ở truyện “Thầy Lazaro Phiền” thể hiện hai dấu hiệu căn cốt của văn xuôi tự sự hư cấu hiện đại: 1/ Dữ liệu (cái được miêu tả, thực tại, hiện thực, chất liệu đời sống) là sự sống thường ngày, người và việc thường ngày, cái thực tại kinh nghiệm chung của người sáng tác và công chúng; 2/ Ngôn ngữ (cái dùng để miêu tả, chất liệu diễn ngôn) là tiếng nói hàng ngày, sống động, là vốn ngôn ngữ chung của người sáng tác và công chúng.

Vào lúc Nguyễn Trọng Quản viết truyện “Thầy Lazaro Phiền”, nền văn chương người Việt, xét ở hai phương diện trên mà ông đề cập, đều chưa cập nhật yêu cầu mà ông đề ra. Cuộc sống được miêu tả trong các tác phẩm vẫn tuân theo cung cách “phi thời gian” hoặc “phi thời gian hóa” như văn xuôi tự sự thời trung đại. Các truyện nôm, nhất là truyện thơ, đều kể những chuyện của người xưa hoặc như thể của ngày xưa, xa cách (xa cách tuyệt đối) cả người kể chuyện lẫn người nghe chuyện. Một vài tác phẩm văn xuôi chữ Hán được viết hầu như cùng thời với “Thầy Lazaro Phiền” như “Hát đông thư dị” (1886) của Nguyễn Thượng Hiền, “Vân nang tiểu sử” (1886) của Phạm Đình Dục, đều là ghi chép chuyện đã có từ xưa, đều là chuyện quá khứ.

Viết cái hàng ngày, vào thời ấy, chưa đi vào tâm thế người viết truyện.

Điều này càng được củng cố bởi thứ ngôn ngữ dùng để viết.

Nếu viết truyện bằng chữ Hán (như trường hợp “Hát đông thư dị” hay “Vân nang tiểu sử”) tất phải dùng văn ngôn, thứ ngôn ngữ cách điệu đã hình thành từ xa xưa, tuy các giới học giả và tác gia Trung Hoa lúc này vẫn dùng, nhưng họ biết là nó đã rất cách biệt “bạch thoại” là thứ ngôn ngữ mà người Trung Hoa đương thời đang nói; tình trạng này, sang đến thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, các học giả tác gia Trung Hoa như Hồ Thích, Trần Độc Tú, v.v. sẽ phát động cuộc cải cách, sẽ vận động lấy bạch thoại thay vì văn ngôn làm ngôn ngữ viết.

Nếu viết truyện bằng văn xuôi tiếng Việt, đến lúc ấy có hai phương án. Ứng với lối viết bằng chữ Nôm, tác phẩm sẽ đi gần với hướng của văn xuôi chữ Hán kể trên (Nhưng hầu như có quá ít tác phẩm theo phương án này!). Ứng với lối viết bằng chữ Quốc ngữ (đã và đang được sử dụng ngày một nhiều hơn, nhất là ở Nam Kỳ), tác phẩm thường phải vận hành bằng lối văn biền ngẫu vốn hình thành từ xưa và lúc này vẫn thịnh hành, nhất là trong tâm lý tiếp nhận người đọc vẫn quen với nó nhiều hơn.

Văn xuôi biền ngẫu tiếng Việt là một dạng diễn ngôn in dấu ảnh hưởng cả văn biền ngẫu Nôm, cả văn ngôn chữ Hán; khi chuyển dạng văn tự từ chữ vuông (ghi bằng chữ Nôm) sang chữ cái La tinh (ghi bằng phiên âm a,b,c…), chính câu văn biền ngẫu trở thành dấu nối gắn kết mặt bằng ngôn ngữ thực tại với tập quán đọc nghe đã từng có lâu đời. Có lẽ vì vậy mà câu văn biền ngẫu đã tồn tại khá lâu trong văn xuôi chữ Quốc ngữ thời đầu, kể từ các bài thông tin báo chí đến các bài đàm luận nhàn tản.

Trong văn tự sự, được diễn tả bằng câu biền ngẫu, các sự việc và con người hầu như đều ít nhiều bị trừu hóa, bị đẩy xa khỏi cái hiện thực hàng ngày, đều ít nhiều bị nhuộm vẻ xa xưa, đều bị “quá khứ hóa”; câu văn biền ngẫu, do vậy, cũng ngăn trở việc thâm nhập và truyền đạt cái hàng ngày.

***

Lược truyện THẦY LAZARO PHIỀN: Phiền là con nhà đạo gốc (đạo Thiên Chúa) ở Quảng Bình vào sinh sống ở Đất Đỏ, Bà Rịa đã lâu năm. Ba tuổi mồ côi mẹ, sống với cha; đến năm 1862 Phiền bị giam trong nhà giam các giáo dân, sau có một quan ba Pháp đem về Gia Định cho một linh mục nuôi, cho học chữ Pháp và chữ La tinh. Lúc đi học ở trường D’Adran, Phiền kết bạn với Vero Liễu, con ông trùm họ đạo ở Cầu Kho, thường được cha mẹ Liễu đến thăm cùng với người em gái bạn dì của Liễu. Phiền và cô gái yêu nhau rồi cha Liễu gả đứa cháu gái này cho Phiền. Họ sống hạnh phúc với nhau tại nhà của Vero Liễu, nhưng sáu tháng sau Phiền phải đi làm thông ngôn tại Bà Rịa. Tại đây một bà người Việt là vợ quan ba Tây đem lòng say mê Phiền, nhưng bị Phiền cự tuyệt. Bà này bèn bày đặt thư nặc danh vu cho Vero Liễu tư tình với vợ Phiền khi Liễu ghé qua nhà Phiền trong một chuyến buôn. Phiền tin là thật, bèn sắp đặt một vụ bắn lầm để hạ sát Liễu. Xong, Phiền về nhà, dùng cỏ độc bỏ vào siêu thuốc cho vợ uống. Hơn mười tháng sau vợ Phiền chết, trước lúc tắt thở còn bình tĩnh bảo chồng: “Tôi biết làm sao mà tôi phải chết, song tôi cũng xin Chúa tha thứ cho thầy!”. Sau đó, chán thói đời đen bạc xấu xa, Phiền thôi việc nhà nước xin vào tu tại nhà thờ dòng họ Tân Định. Mười một năm sau kể từ lúc vợ chết, thầy Phiền về Bà Rịa thăm lại những kỷ niệm cũ, tình cờ nhận được thư của người vợ quan ba Tây khi xưa, trong đó nói rõ sự thực là vì yêu Phiền nên đã bày trò thư từ giả mạo vu cáo vợ thầy. Đọc xong bức thư thú tội ấy, thầy Phiền đã chết trong nỗi ân hận vì tội ác của mình.

Câu chuyện trong Thầy Lazaro Phiền là do tác giả tự “bày đặt ra” (lời tựa) tức là sản phẩm hư cấu nghệ thuật của cá nhân tác giả, dựa trên kinh nghiệm sống trực tiếp, dựa vào cái hàng ngày (“một chuyện đời này, là cái hằng có trước mắt ta luôn” − lời tựa). Tác phẩm có cốt truyện như một truyện đời tư, một chủ đề sám hối đạo đức mang màu sắc Thiên Chúa giáo nhưng được khai thác ở khía cạnh ít nhiều gần gũi với đạo lý truyền thống của người Việt. Nghệ thuật mô tả tâm lý còn ở mức sơ sài. Nhưng cách mô tả ở đây đã mang màu sắc lịch sử cụ thể rõ rệt; chất liệu cho trần thuật ở đây là cái hàng ngày của đời sống. Cách kể chuyện (do nhân vật người kể chuyện đảm nhiệm và được thực hiện theo nguyên tắc chỉ thuật lại những gì tận mắt trông thấy, tận tai nghe thấy) đã tỏ ra chịu ảnh hưởng đáng kể của tư duy thực chứng phương Tây. Lời kể ở đây là một dạng thức văn xuôi mới mà quy tắc nghệ thuật của nó là sự tương ứng cao với lời nói hàng ngày; đồng thời trong cách cấu tạo câu không ít chỗ lại gần gũi với văn phạm các tiếng Âu Tây; rất ít dấu vết của câu văn biền ngẫu.

Với tác phẩm này, ở văn học người Việt đã xuất hiện những yếu tố hoàn toàn mới, mang tính dự báo cho một nền văn xuôi tiếng Việt kiểu mới, sẽ hình thành ở thế kỷ XX.

Theo một số nhà nghiên cứu thì chính Hồ Biểu Chánh cho rằng tác phẩm này cùng với Hoàng Tố Anh hàm oan (1910) của Trần Chánh Chiếu và Phan Yên ngoại sử (1910) của Trương Duy Toản là ba tác phẩm thể truyện văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ xuất hiện sớm nhất ở Nam Kỳ, cũng tức là sớm nhất trong văn học quốc ngữ Việt Nam.

Chú thích:

(1) Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội: sách ký hiệu M.8330: L’Histoire de Lazarô Phiền: Ed. de l’Asie nouvelle / Nguyễn Trọng Quản ; Avant propos de P. Midan ; Trad. de français de Nguyễn Trọng Đắc. – Saigon : Impr. de l’Uinion Nguyen Van Cua, 1934. – 31p. ; 23cm

(2) Hồi những năm 1990s tôi tìm thấy tên sách “Thầy Lazaro Phiền” bản in 1887 tại Thư viện Khoa học xã hội, 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Hiện nay thư viện này đã chuyển về số 1 Liễu Giai, Q. Ba Đình, Hà Nội. Hy vọng cuốn sách trên vẫn còn trong kho của cơ quan này.

Tho trang

(Đọc “Thơ trắng” của La Mai Thi Gia, NXB Hội Nhà văn 2017)

    Không biết từ bao giờ, tôi rất quan tâm đến thơ và đọc thơ một cách đều đặn, không biết mệt mỏi. Tôi hầu như không bỏ qua một bài thơ nào một khi nó được được đăng trên báo, được đưa lên mạng. Tôi đọc cả những người quen biết và đọc cả những người không quen biết, đọc cả những người cũ và những người mới. Tôi coi đây là thói quen cố hữu và thường hằng của mình. Với tôi, nếu được một ai đó tặng một tập thơ mới xuất bản, cũng là hạnh ngộ. Tôi thường đọc ngay và cố gắng đọc kỹ lưỡng, cẩn thận, cố gắng không bao giờ để đánh mất niềm vui trong vai người thưởng thức, hưởng thụ thơ. Và thật may mắn cho tôi nếu như tôi tìm ra được trong các tập thơ ấy những bài thơ, những câu thơ gây được ấn tượng.

     Từ khi qua tuổi 60, trở về làm biên tập viên thơ ở Tạp chí Nhà văn và tác phẩm, tôi càng có điều kiện tập trung cho cái thói quen cố hữu và thường hằng ấy.

     Tháng trước, tại Hà Nội, nhà thơ trẻ La Mai Thi Gia trực tiếp tặng tôi tập thơ mới xuất bản của chị có tên gọi “Thơ trắng”. Và tôi đã đọc…

     Trước hết, tôi xin được làm một phép thống kê thuần túy. Từ trang 13 đến trang 117, tôi đã phải dừng lại nhiều lần để đánh dấu vào các câu thơ sau:

Viết cả đời không hết một chữ yêu (“Mai sau và sau nữa”);

Em là dòng sông

Qua bao bờ bãi

Cạn rồi

vẫn sông (“Nhan sắc còn say”);

Tự xa lắc xa lơ nào hoa cỏ cũng đòi xanh (“Hoa cỏ cũng đòi xanh”);

Người đi để lại em và mộng

Cứ ngỡ tình vừa mới sớm mai

Hay: Người đi phía ấy đường mây gió

Rộng rãi lòng xanh với cỏ cây

Xòe tay em đến từng đốt gió

Bỗng thấy đời trôi theo lá bay (“Đã biết rằng mai tan tác mộng”);

Lại nhớ anh đến giận cả hoa vàng (“Đừng đợi ngâu về”);

Này tình, tình có nhớ em?

Sao nghe phía gió dậy lên bão bùng

 (“Tàn đêm thương nhớ bời bời”);

Và ta, ta tan tác muôn phần

Chỉ khi có nhau mới thành mảnh ghép

 Nên thiếu mảnh nào cũng nghe chênh chao

(“Và ta, ta tan tác muôn phần”);

Nhổ tóc bạc cho người mình thương/ Nghe tim rưng rức/ Hình như mình chiều (“Lẽ thường”);

Em học sao khuya giữa trời đêm trong vắt/

Tự mình đẩy mình lên mênh mông

(“Ta nhuộm vào nhau cơn đau”);

Thắt dây lưng cho giòn

Em gánh đời ra chợ

Tình này cho anh nợ

Tình sau em sẽ chờ

(“Nhuộm cho mình tím ngắt”);

Những người đàn bà làm thơ chẳng dành để ngày sau

 Cứ sống và yêu thôi/ Tiêu đời mình vào trong mỗi khắc

 Lời lãi mang về là nhiều đêm chết lặng

Buồn đau cũng chẳng phải riêng mình

(“Những người đàn bà làm thơ”)…

     Có thể nói, “Thơ trắng” là một tập thơ về tình yêu cùng những gì liên quan đến tình yêu của một người đàn bà luôn coi tình yêu là một phần cơ bản, một phần hành xử không thể thiếu, mà ở đó, sự trải lòng luôn được nhắm tới. Cảm giác thơ được dẫn dắt bởi cảm xúc, chịu sự chỉ huy của cảm xúc là rất rõ. Thơ ấy cũng là thơ của một người không bi lụy, ít than van và có vai trò cứu rỗi, nâng vực tình yêu.

     Trong những câu thơ trên, rất đáng đánh dấu khuyên vào những câu:

Em là dòng sông/ Qua bao bờ bãi/ Cạn rồi/ vẫn sông;

Tự xa lắc xa lơ nào hoa cỏ cũng đòi xanh;

Em học sao khuya giữa trời đêm trong vắt/ Tự mình đẩy mình lên mênh mông…

Tôi thích câu Hoàng hôn đổ bệnh thật rồi như một chi tiết thơ đáng nhớ trong bốn câu mở của “Đáng đời mày trăng ơi”:

Không hẹn rồi chờ

Ly café với em khuấy hoài vào nhau mà không tan vị đắng

Cơn mưa nào nghênh ngang rơi giữa trời trưa đầy nắng

 Hoàng hôn đổ bệnh thật rồi.

Tương tự là Hình như mình đã chiều trong ba câu mở của “Lẽ thường”:

Nhổ tóc bạc cho người mình thương

 Nghe tim rưng rức

 Hình như mình chiều.

Chất “nói vậy mà không phải vậy” trong tình yêu, nhất là ở phía đàn bà (hoặc con gái) bộc lộ rất rõ trong những câu ngỡ như rất bình thường mà lại không bình thường chút nào:

Nói chung là em hết nhớ/ Nói chung là em hết buồn…/ Nói chung là không yêu nữa…/ Nói chung là không thèm nữa

     Có lúc, sự lỡ cỡ (hoặc lỡ nhịp) trong tình yêu cũng được diễn đạt một cách giản dị và đáng nhớ được hé lộ trong “Nhuộm cho mình tím ngắt”:

Thắt dây lưng cho giòn

Em gánh đời ra chợ

Tình này cho anh nợ

Tình sau em sẽ chờ

     Có lúc, chất kiêu hãnh tự thân hay sự hướng tới chất kiêu hãnh tự thân như một phẩm chất cần có và không của riêng đàn bà được hé lộ trong “Ta nhuộm vào nhau những cơn đau”:

Em học sao khuya giữa trời đêm trong vắt

Tự mình đẩy mình lên mênh mông

     Đọc “Thơ trắng”, người đọc khó tìm thấy dấu vết kỹ thuật của một người làm thơ có nghề. Đó là ưu điểm. Hay nói một cách khác: Phần bản năng trong thơ La Mai Thi Gia còn rất mạnh. Điều này cũng không quá lo lắng, vì trong làng thơ Việt Nam, Thanh Tùng – người vừa qua đời cách nay không lâu – cũng là nhà thơ của bản năng và thành công nhờ bản năng thi sỹ đấy thôi.

     Và như thế, cũng có nghĩa: Thơ La Mai Gia Thi còn để ngỏ lối rẽ và lối về trong những bài thơ mà chị sẽ viết và sẽ xuất bản trong tương lai gần, đương nhiên là sau “Thơ trắng”.

                                  ĐẶNG HUY GIANG

Hà Nội, Phố Khuất Duy Tiến đêm 6 tháng 1 năm 2018

 

Chương Dân Phan Khôi với Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là những người cùng thời, cùng từ cửa Khổng sân Trình bước ra, cùng phá cái nghiệp chữ Hán để theo nghề viết văn Quốc ngữ và cùng nổi tiếng lúc sinh thời với một người là nhà báo, một người là thi sĩ. Hai ông là bạn thiết, nhưng lại có số phận rất khác nhau.

Tản Đà quê Sơn Tây, sinh năm 1888, mất năm 1939 lúc mới năm mươi hai tuổi, dưới thời người Pháp còn cai trị. Sự nổi tiếng của ông lúc sinh thời, vì thế, cứ còn đó và treo trên đầu văn giới, người đời sau mỗi lần nhắc đến ông đều phải ngước lên chiêm ngắm. 
Phan Khôi quê xứ Quảng, sinh năm 1887, hơn Tản Đà một tuổi, sống đến tận thời Dân chủ Cộng hòa sau khi người Pháp đã bị đuổi đi, rồi mới qua đời năm 1959, thọ bảy mươi ba tuổi. Đó cũng là lúc ông từ một nhân sĩ yêu nước bỗng chốc trở thành kẻ tội đồ, theo đó, sự nổi tiếng lúc sinh thời của ông bị vùi xuống bùn đen, nhiều chục năm sau người đời cố tình quên ông đi. Nhưng rồi đến lúc người đời lại phải nhắc đến ông, đưa ông trở lại cuộc sống bằng cách tái công bố hơn 2500 bài báo của ông trong quá khứ, chứa đầy 8000 trang sách. Sự nổi tiếng lúc sinh thời của ông, vì thế, xem ra còn được ngưỡng vọng hơn trước, mặc dù ông đã về chầu Trời hàng nửa thế kỷ nay. 
Có cái số mệnh khác nhau đó là bởi giữa họ đã tồn tại hai cái tính cách khác nhau.

***

Tôi đang kể về một câu chuyện cách nay những một trăm năm, hồi đó hai nhân vật chính trong câu chuyện được kể ở đây chỉ mới ba mươi, ba mốt tuổi, nên xin phép được gọi họ bằng anh, để chúng ta ngày nay có thể cảm hết được sức sống và sự nổi tiếng mà họ đã từng có được ngay khi còn rất trẻ.

Năm 1918, trước khi đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc, Phan Khôi đang ở nhà tại làng Bảo An, thì nhận được thư của Nguyễn Bá Trác, bạn anh, ở Hà Nội gửi về, rủ anh ra đó làm báo Nam Phong của Phạm Quỳnh. Số là, năm 1911 anh được mãn hạn tù của thực dân Pháp và triều Nguyễn, nhưng vẫn nằm trong diện bị quản thúc vô kỳ hạn, hàng tháng phải ra trình diện và mỗi bước đi đều nằm trong tầm kiểm soát của nhà chức trách, khiến anh vô cùng bực bội. Vì vậy, nhận được thư rủ ra Hà Nội, anh coi là một dịp tốt cho mình thoát ra khỏi nhà, thoát ra khỏi làng, vì vậy đã hết sức vận động cha anh là cụ Phan Trân, rồi nói khó với các chức việc ở làng, ở xã để được đi Hà Nội.

Đến Hà Nội, Phan Khôi trọ ở phố Hàng Đào, hàng ngày đến tòa soạn Nam Phong ở phố Hàng Bông làm việc. Một đêm mùa xuân, tiết trời lạnh ngắt, anh đang nằm đọc báo ở trên gác tòa soạn Nam Phong, thì ở dưới nhà bỗng có khách đến. Anh xuống nhà thì Nguyễn Bá Trác đã ra mở cửa đón khách, đó là một người đàn ông dáng đậm, tóc cắt ngắn, đầu vuông vức, xoan tuổi anh. Nguyễn Bá Trác nhanh nhảu giới thiệu với anh:
- Đây, ông Nguyễn Khắc Hiếu!
Nghe hết câu, Phan Khôi giật thột như có luồng điện chạy trong người, vùng đứng dậy đáp lễ, tay vẫn cầm tờ báo đọc giở. Lúc bấy giờ, cái quý danh Nguyễn Khắc Hiếu là không phải vừa, đối với Phan Khôi lại càng long trọng lắm. Nghe đến tên Nguyễn Khắc Hiếu, ông rợn cả người, quả có thế thật! Thì cứ suy ra cũng đủ thấy: sự trứ tác bằng chữ Quốc ngữ hồi đó còn ít lắm, nhất là các thể loại thuộc lĩnh vực sáng tác. Thế mà Phan Khôi đã từng được đọc trên Đông Dương tạp chí những bài như Cái chứa trong bụng người của Tản Đà, vừa mới rồi lại được đọc Giấc mộng con của ông mới xuất bản, khiến Phan Khôi phải phục ông là tay đại tài. Trong tư cách một nhà phê bình, Phan Khôi tự nhận định với chính mình: “Anh Phạm Quỳnh, anh Nguyễn Văn Vĩnh chỉ viết theo sách, theo tư tưởng của Tây. Chứ đến thằng cha này thì hắn tự viết ra tư tưởng của hắn, thì chính hắn mới là tay sáng tạo!”.
Thế còn chưa là mấy! Đến vận văn của Tản Đà còn làm cho Phan Khôi như muốn cúi rạp xuống đất, không dám ngước mặt lên nữa kia! Anh thường hay lấy giọng để ngâm những câu Ngoảnh trông lên anh đếch thấy có ra gì, hoặc là Mời khách hãy ngồi yên trong cõi tục của Tản Đà mà ngợp người đi. Những lúc ấy, Phan Khôi thấy Tản Đà như ở trên cao, còn mình, nhờ đọc thơ của ông ấy mà cũng được theo lên ở trên cao vậy. Thế là, anh, đáng lẽ phải cúi rạp xuống đất, mà nay lại ở trên cao, làm sao mà chẳng ngợp?!
Rồi cái đêm mùa xuân lạnh ngắt ấy, ba người họ nói chuyện với nhau đến tận khuya. Hóa ra cái ông Tản Đà ấy rất vui tính, lại hay cười và nhũn nhặn lắm. Sáng ra, Phan Khôi như chưa tỉnh giấc chiêm bao, anh khoe với Nguyễn Bá Trác:
- Đêm qua tôi được gặp ông Tản Đà rồi!
Thật tình là Phan Khôi lấy sự được gặp Tản Đà làm hân hạnh lắm. Suốt thời gian Phan Khôi làm việc cho Nam Phong, anh còn gặp Tản Đà một vài lần nữa, nhưng gặp nhanh và cũng không có gì đáng ghi nhớ. Một điều Phan Khôi nhận thấy cách chắc chắn, là Tản Đà chẳng hề để mắt đến anh, đã thế thì anh cũng chẳng mong gặp ông ta làm chi. Hai năm tiếp theo, Phan Khôi vào Sài Gòn, rồi xuống Hải Phòng, thì hình như anh cũng chẳng còn nhớ đến Tản Đà nữa.
Từ năm 1921 Phan Khôi ở Hà Nội viết báo Thực Nghiệp và dịch Kinh Thánh, có gặp Tản Đà nhiều hơn nên có hơi thân với ông ấy hơn trước. Hồi đó Phan Khôi nổi tiếng trong đám bạn bè là tay hay rượu, uống nhiều mà không say, lại sính thơ, đến mức viết ra được cuốn Nam âm thi thoại. Nhờ hai cái đó mà anh mới bén với Tản Đà thi sĩ. Một bữa, anh uống với Tản Đà tại một quán ở phố Chả Cá, từ chín giờ sáng đến một giờ chiều, nói hết chuyện ấy sang chuyện khác, uống hết chai ấy sang chai khác. Rồi hai người thấy tâm đầu ý hợp, dần dần trở nên đôi bạn thiết.
Năm ấy tạp chí Hữu Thanh ra đời, Tản Đà làm Chủ bút. Tản Đà muốn Phan Khôi có chân trong Tòa soạn lắm, nhưng bị ai đó cản, nên thôi, nhưng Phan Khôi cũng có viết bài cho tạp chí đó. Hai người họ cứ vài ngày lại gặp nhau để uống rượu và đàm luận với nhau tất cả những gì cùng quan tâm. Chỗ hai người hay gặp nhau là cái gác ở phố Bờ Sông, gần cột đèn, về sau trở thành cái gác mà tờ Hữu Thanh lấy làm tòa soạn, cũng có mấy lần ở nhà một cô đào ở phố Hàng Giấy. Cái lối đánh chén của Tản Đà thì kề cà, mất thì giờ lắm, Phan Khôi không theo được, nên ít khi hai người họ ngồi trọn bữa với nhau. Có bữa Tản Đà đem cả hỏa lò để ở bàn và tự làm lấy món ăn, đến nỗi mãn một tiệc ăn, người nhà phải thay than trong lò đến năm, sáu bận. Thông thường một mình Tản Đà vừa ăn lại vừa viết, anh nói có thế mới thú. Có lần Tản Đà viết giấy mời Phan Khôi đến lúc mười giờ đêm, rồi uống mãi cho đến hai giờ sáng, tại cái gác Hữu Thanh đó. Lần khác ở nhà cô đào Lân, hai người, cùng một người nữa bạn Tản Đà, uống từ mười một giờ đêm đến năm giờ sáng mới về.
Có một bữa chén Phan Khôi không thể quên trong đời anh. Tản Đà cùng người bạn đến trước, chiếm một cái phòng nhỏ mà rất lịch sự ở trong cùng. Đoạn Tản Đà bắt cô Lân phải mặc quần áo đàn ông ra đón Phan Khôi ở cửa. Cô Lân ở phố Hàng Giấy lúc bấy giờ nổi tiếng lắm, còn gọi bằng Thụy Khanh, lại có cô em tên Đức. Hôm ấy, Tản Đà ép cô Lân phải mặc trai ngồi uống rượu nói chuyện với cả bọn như bốn người đàn ông, chứ không có cô Đức dự vào. Đến khi người bạn ra về trước, trong tiệc mới xoay lại làm hai cặp. Thụy Khanh ra một câu đố để thách cả bọn: Đức bắt cô, tất hữu lân. Tản Đà và Phan Khôi nhìn nhau, chịu, không đối được. Về sau, bất đắc dĩ Phan Khôi phải xin Thụy Khanh bớt cho ba chữ, thành: Đức hữu lân, để Phan Khôi đối lại: Dân hưng hiếu. Dân là một chữ trong bút tự Chương Dân của anh!
Tản Đà làm Chủ bút Hữu Thanh đâu chừng nửa năm thì thôi, anh xin từ chức. Việc Tản Đà từ chức, Phan Khôi cũng cho là phải, đến như Phan Khôi cũng khó mà làm được, huống chi Tản Đà! Từ khi Tản Đà không ở Hà Nội nữa thì hai người cũng xa nhau, xa cả mặt lẫn lòng. Phan Khôi nghiệm ra Tản Đà với mình không làm bạn lâu được, không phải tại gì mà tại tính cách hai người không giống nhau, quả đúng như Nguyễn Du từng nói: Trong khi chắp cánh liền cành, mà lòng rẻ rúng đã đành một bên đó vậy!
Nhớ lần đầu tiên uống rượu ở cái quán trên phố Chả Cá, say rồi, Phan Khôi rủ Tản Đà đi chơi, nhưng Tản Đà đòi về nhà nghỉ. Bấy giờ Phan Khôi cậy chỗ thân tình, lại đã có chén rượu, nên nói như nạt:
- Uống say để rồi làm gì, chứ để đi nghỉ thì uống say làm chi?
Tản Đà gượng cười rồi đi cùng về nhà Phan Khôi ở trọ trên phố Hàng Đào, tại đó, Tản Đà ngủ trên gác, Phan Khôi chơi tổ tôm ở nhà dưới.
Khi sắp làm Chủ bút tờ Hữu thanh, Tản Đà mở cuộc diễn thuyết về chủ đề Đời đáng chán hay không đáng chán. Trước hôm diễn thuyết, có người trong nhóm Hữu Thanh dặn Phan Khôi rằng, giữa lúc diễn thuyết hễ nghe vỗ tay thì vỗ tay theo. Anh lấy làm quái, anh mắng người ấy đã đành, mà nhân đó anh cũng ngờ cả Tản Đà nữa: một người quân tử sao lại có sự oa rập với nhau như thế? Về sau, anh xét ra Tản Đà bị lợi dụng, những sự sắp đặt ấy toàn là của người khác chứ không phải của Tản Đà. Biết vậy, nhưng cái cảm tình của anh đối với bạn, vì đó, đã lợt lạt đi mất vài phần.
Bấy giờ báo bị kiểm duyệt. Bài đầu tiên Phan Khôi viết cho Hữu Thanh là bài Nghĩa làm dân được Chủ bút Tản Đà khen lắm, nhưng rồi bị kiểm duyệt bỏ đi, không được đăng. Một hôm, giữa bữa rượu, Tản Đà nói với Phan Khôi:
- Đó, anh coi, tôi viết bao nhiêu bài không sao, còn anh mới viết một bài đã bị xóa, đủ biết ai có tài đáng làm Chủ bút hơn?
Vẫn biết anh nói chơi, nhưng nói chơi bằng một câu chẳng có ý cao thượng chút nào, khiến Phan Khôi không thích. Lần khác, sau bữa rượu, Tản Đà hỏi anh:
- Anh xa vợ hàng năm, ở một mình như thế..., thì làm thế nào?
Phan Khôi trả lời:
- Tôi theo phác-xia chủ nghĩa. Tôi coi sự nam nữ là một sự cần, cũng như phác-xia. Hễ tôi cần phác-xia thì cứ đến nhà xia.
Thế rồi hai người cùng đến một nhà ở phố Gia Ngư. Mỗi người làm việc của mình xong, bỗng có một tay người Pháp đến gây chuyện lôi thôi, Phan Khôi toan dùng võ lực đối phó. Tản Đà nhất định cản Phan Khôi, bắt phải đi về. Về đến nhà, Tản Đà giảng giải cho anh nghe cái cử chỉ của anh vừa rồi là cử chỉ của kẻ vũ phu, không nên có! Nhưng Phan Khôi không chịu, cãi lại:
- Đã đến thế rồi, còn sợ gì là vũ phu nữa!?
Thì ra về đạo đức, hai bên có quan niệm khác nhau: Tản Đà thì đi chơi gái được, nhưng đánh đánh lộn thì không được. Còn Phan Khôi, đã chơi gái được thì đánh lộn cũng chẳng từ!
Vì hai cái thái độ không thể dung nhau ấy mà làm cho hai người khi biệt nhau rồi là thôi, không hề có thư từ cho nhau. Mãi đến bảy, tám năm sau, vào năm 1927, Tản Đà vào Sài Gòn gặp Diệp Văn Kỳ, thì Phan Khôi, vì gặp một chuyện rắc rối không đâu ở Sài Gòn nên phải lánh xuống Cà Mau, không gặp nhau được. Qua năm 1928, Tản Đà cùng Ngô Tất Tố lại vào Sài Gòn làm phụ trương Văn chương cho tờ Đông Pháp thời báo của Diệp Văn Kỳ, thì Phan Khôi cũng đã về Sài Gòn và cũng đang viết cho tờ báo ấy. Hai người gặp nhau tay bắt mặt mừng như xưa mà tâm tình đã thấy có chỗ cách biệt với nhau rất xa. Cuối năm 1929 đầu 1930 Tản Đà và Ngô Tất Tố trở về Bắc. Năm 1931 ở Sài Gòn, Phan Khôi viết bài Cái cười của con rồng cháu tiên và bài Tống Nho với phụ nữ đăng trên tờ Phụ nữ tân văn, ở Hà Nội Tản Đà đọc được, qua năm 1932 ông viết liền bốn bài lấy tựa đề là Bài trừ cái nạn Phan Khôi ở Nam Kỳ, phản đối gay gắt quan điểm của Phan Khôi, đăng trên tờ An Nam tạp chí. Trong loạt bài báo này, Tản Đà đòi xử chém Phan Khôi!
Đã ở vào tuổi bốn mươi lăm, Phan Khôi biết Tản Đà là người thông minh, có thiên tài, nhưng không chịu học. Ông tự cho ông như thế là đến nơi rồi, không còn tiến bộ gì nữa, bởi vậy ông nhìn đời không được rõ. Biết như thế nên Phan Khôi đã thật lòng nhịn thua ông, ông đòi chém Phan Khôi, nhưng Phan Khôi chẳng hề nói lại nửa lời.
Thế thì làm sao hồi đầu hai người hợp nhau được, chơi với nhau được? Ngẫm lại, Phan Khôi thấy hai người hợp nhau được ở cái chỗ đại tiết! Chứng cứ là: Lần uống rượu ở cái quán trên phố Chả Cá đó, hai bên thảo luận về cái cách con người sống ở đời nên như thế nào cho phải? Cả hai đều rập nhau lên tiếng:
- Chúng ta nên gắng làm đại trượng phu!
Rồi hai người đọc cùng một đoạn trong sách Mạnh Tử nói về thế ứng xử của bậc đại trượng phu. Phiên ra tiếng ta, nghĩa là: 
- Cư trú tại ngôi nhà rộng nhất thiên hạ - đó là ngôi nhà đạo Nhân; chiếm vị trí chính giữa thiên hạ - đó là đứng ở vị trí Lễ; đi theo con đường rộng rãi nhất thiên hạ - con đường của Nghĩa; khi đắc chí thì cùng nhân dân đi theo con đường Nhân Lễ Nghĩa; khi không đắc chí thì tự mình đi theo con đường riêng mình. Giàu sang không làm cho mình kiêu cuồng, nghèo hèn không khiến ý chí thay đổi, uy vũ không thể khuất phục chí khí. Người như vậy có thể gọi là bậc đại trượng phu. 
Cùng đọc xong một lúc, trong khoảnh khắc ấy, cả hai cùng cười phá lên và uống cạn chén mình. Trong khoảnh khắc ấy, cả hai thấy mình hào hoa vô cùng, phong nhã vô cùng, vĩ đại vô cùng, thì làm sao chẳng trở nên một đôi bạn đồng tâm cho được?
***
Đến cái ngày một mất một còn, đến cái ngày gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay, thì hai người họ cũng vẫn cứ hợp nhau ở chỗ đó, chứ có sao? 
Trưa ngày 7 tháng 6 năm 1939, nhằm ngày 20 tháng 4 năm Kỷ Mão, Tản Đà qua đời tại số nhà 71 Ngã Tư Sở, Hà Nội. Lúc đó Phan Khôi đang có mặt tại Hà Nội. Nghe tin Tản Đà thi sĩ về chầu Trời -- ông nói thế cho oai và theo cách thi sĩ dùng điển tích trong thơ của mình -- Phan Khôi cảm động lắm. Ông muốn tỏ cái tình của mình đối với thi sĩ, nên ông nghĩ hay là mình có câu đối phúng hoặc hùn cùng các báo một số tiền quyên giúp gia đình người quá cố? Nhưng rút cục, cả hai thứ đều không có, vì lâu nay ông không đặt câu đối được nữa và mới chân ướt chân ráo ra Hà Nội nên cũng nghèo như Tản Đà vậy. Thế rồi ông quyết định tỏ cái tình ấy theo kiểu cây nhà lá vườn, của nhà trồng được, đó là viết một bài báo kể về mối quan hệ giữa hai người từ xưa. Cách ấy xem ra cũng tiện mọi bề! 
Đúng lúc ấy Phan Khôi gặp một trận ốm nặng, nhưng vào buổi chiều ngày 9 tháng 6, ông vẫn hòa vào dòng người đưa tiễn Tản Đà rời xa cõi nhân sinh mãi mãi. Về nhà trọ ở phố Hàng Bông, lúc cơn bệnh đã lui bớt, ông gắng gượng ngồi viết bài Tôi với Tản Đà thi sĩ, nhưng không kịp đăng trong Tao đàn số đặc biệt về Tản Đà ra ngày 1/7/1939, mà phải đăng vào số ghép 9 +10 ra ngày 16/7/1939.
Cuối bài báo, Phan Khôi than:
- Ông Tản Đà ơi! Đại trượng phu!
- Chúng ta có là đại trượng phu không, ông Tản Đà?
Chính nhờ có bài báo đó mà người đời sau mới tỏ tường đôi chút về đôi bạn thiết nổi tiếng một thời: Phan Khôi và Tản Đà(1) ./.

Linh Đàm, mùa Hạ Đinh Dậu, 2017
____________________
Chú thích: 
(1). Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1938 - 1942, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2017, trang 112 - 117.

Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/phan-khoi-voi-tan-da

20171229 hoi dong chung khao

Ảnh: Hội đồng chung khảo

NVTPHCM - Như tin đã đưa, Từ kết quả xét chọn từ các hội đồng chuyên môn sơ khảo và hội đồng chung khảo giới thiệu lên, BCH Hội Nhà văn TPHCM đã họp thảo luận thống nhất giải thưởng năm nay có 03 loại hình: giải thưởng chính thức (01 giải), tặng thưởng (07 giải), tặng thưởng tác giả (02 giải).

GIẢI THƯỞNG CHÍNH THỨC:

1/ Văn chương phương Nam một vài bổ khuyết (Tập nghiên cứu LLPB) của hai tác giả Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy.

TẶNG THƯỞNG:

1/ Đêm nay con có mơ không? (Tập tản văn) của tác giả Trương Gia Hòa

2/ Những ký âm ngân (Tập thơ) của tác giả Nguyễn Thị Thanh Long

3/ Dưới mái nhà xanh (Tập thơ) của tác giả Tôn Nữ Thu Thủy

4/ Thơ trắng (Tập thơ) của tác giả La Mai Gia Thi

5/ Nghi lễ của ánh sáng (Tập thơ) của tác giả Lê Tuân

6/ Đi tìm ẩn ngữ văn chương (Tập LLPB) của tác giả Trần Hoài Anh

7/ Hoa rơi hữu ý (tập LLPB) của tác giả Lê Thiếu Nhơn

TẶNG THƯỞNG TÁC GIẢ:

1/ Ngàn năm biển gọi (Tiểu thuyết) của tác giả Trúc Phương và những đóng góp của ông trong suốt sự nghiệp văn học.

2/ Rượu với văn chương (Tập biên khảo, sưu tầm, chân dung văn học) của tác giả Trần Thanh Phương và những đóng góp của ông trong suốt sự nghiệp văn học.

Hội cũng tiến hành kết nạp 17 hội viên mới, trong đó có những cây bút quen thuộc như Nguyễn Công Lý, Phan Xuân Viện, Nguyên Trân, Mã Thiện Đồng, Bùi Phan Thảo, Đặng Tường Vy, Văn Nguyên Lương…

Lễ trao giải thưởng và kết nạp hội viên mới sẽ diễn ra vào dịp lễ tổng kết cuối năm.

HNV TPHCM

PhanKhoi
 
II. SỰ NGHIỆP PHAN KHÔI
Như đã nói trên, chính hoạt động báo chí tại Nam Kỳ, tại Sài Gòn những năm 1928-1933 đã làm nên tên tuổi nhà văn, nhà báo, học giả Phan Khôi. Ông xứng đáng được coi như một trong những tên tuổi hàng đầu của văn học và báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Phan Khôi có lúc nói ông tự xem mình là “viên tiểu tưởng của đạo quân bình dân tư tưởng”. (1) Đây là sự tự xác định chính xác, giàu tự trọng tự khiêm của ông. Vốn là nhà nho nhưng đã không còn đi tiếp con đường thi đỗ làm quan, không thể can dự thế sự từ vai trò quan chức nhà nước. Ông cũng không có cái may mắn được đào tạo chính quy trong nền học thuật Pháp-Việt mới, như một số người Việt cùng thế hệ (Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Bùi Kỷ, v.v.). Ông phải tìm và đi con đường khác, tựu trung là con đường của người làm dân, người trong dân chúng. Bút danh Chương Dân được sử dụng từ 1917 nói khá rõ sự tự xác định ấy của ông. Ngay khi bằng tự học và tự trang bị nhiều nguồn kiến văn mới, ông cũng hiểu rõ mình đã ở trong hàng ngũ kẻ sĩ bình dân, trí giả bình dân. Do vậy, trong tranh biện tư tưởng học thuật, ông không đặt mục tiêu hay tham vọng thay thế những Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, những đại diện của một học vấn dù sao cũng chính quy hơn ông. Ông đặt mục tiêu đối thoại, phản biện lại các đại diện ấy với một sự chân thành lành mạnh.
Chú thích:
(1) Phan Khôi (1930): “Cảnh cáo các nhà học phiệt”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 62 (24.7.1930)
1/ PHAN KHÔI VÀ CÔNG CUỘC XÂY DỰNG NỀN QUỐC VĂN MỚI
Thời kỳ từ cuối thế kỷ XIX, nhất là từ đầu thế kỷ XX là một giai đoạn phát triển mới của văn học tiếng Việt, gắn với việc sử dụng chữ Quốc ngữ. Nếu văn chương tiếng Việt, ở các thời kỳ trước đó, được ghi dưới dạng chữ Nôm, chỉ là một trong các bộ phận của văn học Việt Nam (bên cạnh bộ phận viết bằng chữ Hán), thì từ nửa cuối thế kỷ XIX trở đi, bộ phận này dần dần trở thành bộ phận chủ yếu. Người ta biết, thời kỳ ấy, ở Nam Kỳ và sau đó trong toàn quốc, chữ Quốc ngữ được chính quyền thực dân Pháp đưa vào sử dụng như một trong các văn tự chính quy cho các giao tiếp hành chính công cộng, như một trong hai ngôn ngữ chính quy của nhà trường phổ thông ở Nam Kỳ, sau đó trong cả ba miền (nhà trường Pháp-Việt từ Tiểu học đến Trung học).
Hoạt động trong giới viết báo viết văn, Phan Khôi hiểu khá sâu sắc những chuyển biến đã, đang và sẽ xảy ra cho các diễn ngôn tiếng Việt ở thời đại mới. Ông biết khá rõ về những gì diễn ra trong văn hóa văn học ở nước láng giềng Trung Hoa: “Độ Dân Quốc gây dựng được năm bảy năm chi đó, Hồ Thích bắt đầu xướng ra cái thuyết dùng bạch thoại thế cho văn ngôn, làm cho văn thể nước Tàu biến đổi ngay và từ đó tư tưởng người Tàu cũng phát đạt rất mau”.(1) Ông biết, tiếng Việt dưới dạng các văn bản tác phẩm chữ Nôm của các thời đại trước hầu như chỉ nổi bật ở các thể thơ và văn vần, hầu như đạt tới trạng thái cổ điển, nhưng ở dạng tản văn, văn xuôi thì hầu như có quá ít trứ tác, không có những mẫu mực đủ để hậu thế thời ông có thể sử dụng vào viết văn viết báo. “…chữ Quốc ngữ của chúng ta ngày nay còn phân vân, chưa nhứt định, chưa có sách mẹo cùng các sách khác thuộc về phép làm văn, thì bước thứ nhứt là phải do chúng ta lập cái nền quốc văn cho vững chãi đã, rồi mới nói đến cái hay cái đẹp được; nghĩa là trước hết chúng ta phải tập viết văn cho đúng mẹo, cho thông. Hễ đã đúng mẹo, đã thông, rồi mới nhơn đó mà lập thành sách mẹo tiếng Việt Nam và lại nhơn đó lần lần làm ra các sách dạy phép làm văn, luyện đến cái hay cái đẹp, mà thành ra một nền văn chương Việt Nam vậy”. (2)
Ý thức về nhiệm vụ chung của các giới làm văn làm báo là xây dựng nền quốc văn mới, đã thúc đẩy Phan Khôi bắt tay vào một loạt công việc, một loạt đề tài về ngữ học, khởi đầu là vận động công chúng viết đúng chuẩn chữ Quốc ngữ.(3) Ông nhận thấy “người Bắc, người Trung, người Nam, mỗi nơi đều có sai lầm theo thói quen riêng của mình; chúng tôi hết sức công kích mà khuyên người ta phải viết cho đúng. Đúng gì? Đúng tiếng Việt Nam, đúng tiếng mẹ đẻ, đúng với tự vị Trương Vĩnh Ký và Paulus Của”. (4)
Tiếp đó là việc khởi thảo “Phép làm văn” tiếng Việt, một đề tài mà Phan Khôi đã viết và cho đăng từ 1930 trên tuần báo Phụ Nữ Tân Văn và về sau ông cổ vũ nhiều tác giả khác cùng làm, trên tuần báo Sông Hương ở Huế (1936-37) hoặc trên tạp chí Tao Đàn ở Hà Nội (1939). Phan Khôi quan niệm “phép làm văn” gồm các bộ phận chính là: 1/ “văn pháp” (grammaire), 2/ “luận lý học” (logique), 3/ “tu từ học” (rhétorique),(5) bởi vậy ông vừa viết những bài phân tích trong phạm vi ngữ pháp tiếng Việt, song ông cũng vượt ra ngoài phạm vi đó, bàn tới “cách xưng tên của người Việt Nam”,(6) “cách ngôn luận của người Á Đông”,(7) tới bộ môn “danh học” mà theo ông cần tôn vinh người mở đầu chính là Khổng Tử với thuyết “chính danh”, (8) tới tính chất của hành vi phát ngôn trên trang báo như là sự giao tiếp vắng mặt và các hệ lụy của nó. (9) Phan Khôi cũng bắt tay vào những công việc thiết thực như mở mục “Vai ngự sử trên đàn văn” để góp ý sửa sai về dùng từ, diễn ý, cho các đồng nghiệp cầm bút trong viết văn viết báo. (10)
Sống bằng nghề viết, chính Phan Khôi phải tự tìm tòi để tạo ra những lối viết hợp lý. Kinh nghiệm Trung Hoa “dùng bạch thoại” của Hồ Thích cho Phan Khôi thấy phải dựa vào thứ tiếng Việt sống động mà người Việt thời mình đang nói hàng ngày để tạo ra những lối viết hiện đại, thích hợp với đương thời. Thành công đầu tiên của ông là tạo được lối viết nghị luận, lối viết “không lấy văn làm mục đích mà lấy việc làm làm mục đích”, “khi nghị luận thì cứ băm vào việc mà nói, việc nên làm thế nào, nói hẳn ra thế ấy”. (11) Đương thời, lối viết nghị luận của Phan Khôi có những khác biệt rõ rệt so với lối viết nghị luận của Phạm Quỳnh, cũng khác biệt rõ rệt so với lối viết nghị luận của Nguyễn Văn Vĩnh.
Nếu lối viết nghị luận của Phan Khôi dựa chủ yếu trên bảng từ vựng tiếng Việt thông dụng ở cả hai miền Nam Bắc, thì khi viết “lối văn hàng ngày”, lối của một tay bút chủ trì cột báo (columnist), chủ trì các mục báo, các bài hài đàm, Phan Khôi đã chú trọng khai thác phương ngữ miền Nam, với khá nhiều từ vựng và mệnh đề khẩu ngữ thông dụng ở các vùng từ Quảng Nam vào đến Nam Kỳ. Đối với ông, đây là một văn phong của một tác giả dựa vào thứ phương ngữ quen thuộc với mình, nó cũng có giá trị ngang như một văn phong khác, ví dụ lối viết của Hoàng Tích Chu, vốn tận dụng nhiều hơn các đặc tính phương ngữ Bắc Kỳ.
Cả hai lối viết văn xuôi đều thiên về thể luận này của Phan Khôi đã là thành tựu được thừa nhận trong công chúng và đồng nghiệp ngay từ những năm 1930:
“Ông đã ở trong việc viết, dịch văn quốc ngữ nhiều năm; trong vài ba năm nay tên ông đã lừng lẫy trong báo giới, văn ông lại càng rõ ràng, khúc chiết, sáng sủa, dễ hiểu, thỉnh thoảng lại đưa cái hơi trào phúng mát mẻ mà khó chịu. Hiện nay văn viết báo của ông, trừ lối văn luận thuyết mà ông cũng là một tay đàn anh trong trường ngôn luận, ông còn một lối văn đặc biệt, là lối văn hàng ngày, nó hay, nó có duyên và vui vẻ làm sao, nó khéo đến cả trong lối sắp đặt từng câu từng chữ của ông, nó mặn mà thấm thía đến tinh thần người đọc. Đọc lên mà vui, mà mừng, mà thích, mà đắc ý; lại đọc lên mà ké né, mà xính vính, mà sợ, mà lo, mà tức giận, cấu đầu gãi tai, cũng trong câu văn ấy. Các nhà viết báo thiện nghệ ngày nay chưa chắc đã có một tay nào có được lối văn ấy, đủ ứng dụng hàng ngày trong một cơ quan ngôn luận. Thực vậy, lối văn hàng ngày trên báo của ông Phan Khôi có thể đem ra so sánh với lối văn hàng ngày của ông De la Fouchardière ở báo Œuvre bên Paris”. (12)
Chú thích:
(1) C.D. (1928): “Lý với thế: Hồ Thích với Quốc Dân đảng”, Đông Pháp Thời Báo, Sài Gòn, s. 807 (18.12.1928).
(2) T.V.(1928): “Văn chương và văn chương của nhà báo. (Đáp lại Đuốc nhà Nam)”. Đông Pháp Thời Báo, Sài Gòn, s. 787 (27.10.1928).
(3) Ví dụ một số bài báo do Phan Khôi viết: Thần chung (1929): “Trả lời cho một vị độc giả hỏi về chữ quốc ngữ”, Thần chung, SG., s. 115 (7.6) ; Tòa soạn Thần chung (1929): “Lại trả lời cho một bức thơ hỏi vè chữ quốc ngữ”, Thần chung, SG., s. 118 (11.6) ; Phan Khôi (1929): “Chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ với thế lực của phụ nữ”, Phụ nữ tân văn, SG., s. 28 (7.11) ; Phan Khôi (1929): “Viết chữ quốc ngữ phải viết đúng”, Phụ nữ tân văn, SG., s. 31 (5.12) ; Phan Khôi (1929): “Nói chuyện viết quốc ngữ: Hai dấu hỏi ngã cũng phải phân biệt”, Thần chung, SG., s. 273 (17.12), Trung lập, SG., s. 6038 (27.12); Phan Khôi (1930): “Bàn cùng ông Hồ Duy Kiên: Tại làm sao chúng ta không nên bỏ chữ quốc ngữ và phải viết cho đúng?” Thần chung, SG., s 341 (20.3) ; Trung lập, SG., s. 6105 (22.3).
(4) Phan Khôi (1930): “Cuốn sách Nho giáo gợi ý cho chúng tôi”, Phụ nữ tân văn, SG., s. 56 (12.6).
(5) Phan Khôi (1930): “Phép làm văn. Lời nói đầu”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.71 (25.9). Mục “Phép làm văn” đăng Phụ nữ tân văn được khoảng 4 kỳ, gồm 5 bài, từ tháng 9 đến tháng 11/1930. Sau đó, Phan Khôi viết một số bài trao đổi với Huỳnh Thúc Kháng về “Phép đặt đầu đề”.
(6) Phan Khôi (1930): “Theo thuyết chánh danh, đính chánh lại cách xưng tên của người Việt Nam”, Phụ nữ tân văn, S.G., s. 58 (26.6.1930), s. 59 (3.7.1930) ; Phan Khôi (1930): “Theo thuyết chánh danh, soát lại mấy cái danh từ người mình thường dùng”, Phụ nữ tân văn, S.G., s. 69 (11.9.1930).
(7) Phan Khôi (1930): “Cách ngôn luận của người Á Đông”, Trung lập, S.G., s. 6168 (11.6.1930), s. 61670 (13.6.1930)
(8) Phan Khôi (1930): “Người mở đường cho luận lý học Á Đông. Khổng Tử và cái thuyết “chánh danh” của ngài”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.57 (19.6.1930)
(9) Phan Khôi (1930): “Con người với lời nói”, Phụ trương văn chương s. 22. Trung lập, S.G., s. 6550 (26.9.1931)
(10) C.D.(1931): “Vai ngự sử trên đàn văn”, Phụ nữ tân văn, S.G., s. s.89 (2.7.1931); s.91 (16.7.1931); s.96 (20.8.1931); s.99 (10.9.1931); s.124 (24.3.1932)
(11) Phan Khôi (1931): “Văn nghị luận phải viết thế nào ? ”, Phụ trương văn chương s. 12. Trung lập, S.G., s. 6491 (18.7.1931)
(12) Tr.Th. (1933): “Ông Phan Khôi”, trong sách Những áng văn hay, và Thử phê bình nhơn vật và văn thơ cổ kim (1933), Nam Ký thư quán, Hà Nội, tr. 42.
2/ PHAN KHÔI VÀ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI TƯ TƯỞNG
Phan Khôi có lúc đã tự coi mình “là một viên tiểu tướng của đạo quân bình dân tư tưởng, đi trước dẹp đường”, (1) của một nền học vấn bình dân, phổ cập, sẵn sàng chịu chất vấn và truy cầu chân lý. Sống trong một thời đại chuyển đổi, Phan Khôi ý thức rõ rệt về tình thế thay đổi hệ hình văn hóa khi xã hội Khổng giáo Á châu tiếp nhận các luồng sóng “Âu hóa”. Ông nhìn rõ khác biệt Đông-Tây không phải chủ yếu là khác biệt về bản sắc dân tộc hay vùng đất mà chính là khác biệt về trình độ phát triển; văn minh Âu Mỹ chính là văn minh mới mẻ nhất của nhân loại đương thời, với các đặc tính khoa học, dân chủ, tự do, là tiêu biểu cho xu thế tiến bộ của thời hiện đại.(2) Do vậy, hoạt động cải cách, đổi mới, “Âu hóa”, học theo văn minh Tây phương, chính là chuyển mình sang thời hiện đại.
Phan Khôi rất chú trọng làm rõ hàm nghĩa các phạm trù xã hội của văn minh phương Tây như chủ nghĩa cá nhân, nền dân chủ (cũng gọi là dân trị). Trong khi không ít cây bút nghị luận đương thời khó tránh khỏi tâm thế mô tả xuyên tạc chủ nghĩa cá nhân (individualisme) thành thái độ vị kỷ (égoisme), thì Phan Khôi trình bày cách hiểu chủ nghĩa cá nhân Âu Tây trước hết như là sự tự chủ của mỗi con người trưởng thành trước xã hội. “Chữ tự chủ ở đây nghĩa là mỗi người làm chủ lấy mình, cũng tức là cá nhân chủ nghĩa. Ở phương Tây, nói rằng “một người”, nghĩa là đối với thế giới, đối với quốc gia mà nói, chớ không phải phiếm nhiên. Đã gọi là người, thì người nào cũng vậy, ai ai cũng có cái địa vị cái tư cách đối với thế giới đối với quốc gia”,... “Bởi đó mới có sự tự do. Một người đã tới tuổi thành nhân rồi thì không còn ở dưới quyền cha mẹ nữa. Mà cũng không ở dưới quyền chánh phủ hay là dưới quyền ông nguyên thủ, song chỉ ở dưới quyền pháp luật”. (3)
Phan Khôi hiểu rằng sự phát triển con người cá nhân ấy chính là điều kiện để có xã hội dân trị tức xã hội dân chủ. “Muốn thực hành cái chủ nghĩa dân trị trong một nước nào thì người làm dân trong nước ấy trước phải thực hành cái cá nhân chủ nghĩa (individualisme) mới được”... “Cá nhân chủ nghĩa là hết thảy người trong nước, mỗi người đều độc lập về phần mình; mà độc lập cả hai đường: về tinh thần và về vật chất vậy. Độc lập về tinh thần, tức là mỗi người đều biết tự suy nghĩ lấy, tự phán đoán lấy, nhắm lẽ phải ở đâu thì theo đó, chớ không làm nô lệ cho ý kiến của người nào hay đảng phái nào. Độc lập về vật chất tức là độc lập về kinh tế, mỗi người đều làm lấy mà nuôi sự sống mình, chớ không chịu nhờ vả ai, dầu con cũng không nhờ cha, vợ cũng không nhờ chồng. Có độc lập như vậy rồi mới nói chuyện hiệp quần được”. (4)
Phân tích trạng thái tinh thần của xã hội Việt Nam, Phan Khôi chỉ ra ảnh hưởng rất nặng của ý thức hệ Khổng giáo, từ Trung Hoa truyền vào nước ta thời kỳ bị nội thuộc, trở thành công cụ của chế độ quân chủ chuyên chế ngoại bang, và sau đó, của chế độ quân chủ chuyên chế độc lập, tạo ra con người chức năng, con người công cụ, trói buộc con người vào trật tự quân chủ bằng những quy phạm đạo đức hà khắc.
Phan Khôi vạch rõ, Nho giáo đã được thể chế hóa vào cấu trúc chế độ quân chủ. “Trong Khổng giáo không có đặt riêng ra người cầm quyền chủ giáo như Giáo hoàng của đạo Thiên Chúa; mà ông vua tức là người chủ giáo đó, vì ông vua là chức “Quân” mà thêm cả chức “Sư”. Bởi vậy, người trong nước theo Khổng giáo, làm tín đồ Khổng Tử, đã đành, nhưng trong sự theo ấy lại còn phải ở dưới quyền vua nữa.” (5) Nho giáo chính là học thuyết biện hộ chế độ quân chủ chuyên chế, Nho học là nơi đào tạo các môn đồ – các nhà nho – theo mẫu hình người “quân tử”, có trách nhiệm phò tá, trợ giúp vị giáo chủ ( = ông vua) cai quản dân chúng ở đất nước mình; chế độ quân chủ lựa chọn quan chức chủ yếu từ giới nhà nho, thông qua các kỳ thi Nho học. Đây là điểm vừa khác biệt lại vừa tương đồng của Đông Á thời trung đại dưới các nền chuyên chế Nho giáo so với châu Âu trung đại dưới sự cai trị của nền quân chủ thần quyền theo Thiên Chúa giáo, mà Phan Khôi đã nhận ra. Nhà nho trong xã hội theo Nho giáo cũng giống như các giáo sĩ trong các xã hội theo Thiên Chúa giáo. Bằng hiểu biết và bằng trải nghiệm cá nhân, Phan Khôi khẳng định thuộc tính của nhà nho, sản phẩm của Khổng giáo, là: nhà nho bao giờ cũng phụng sự chế độ quân chủ, và nhà nho không bao giờ đứng về phía dân chủ! (6)
Sang thời cận hiện đại, khi các xã hội vùng Đông Á (Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, v.v.) chịu ảnh hưởng Tây phương, thì Khổng giáo phải đối đầu với làn sóng “Âu hóa”; các cuộc vận động “tân văn hóa” đều nhằm xây dựng tinh thần khoa học và dân chủ, tức là phải vượt qua những ảnh hưởng vốn đã thâm căn cố đế của Khổng giáo. Trên đất Việt Nam, các thiết chế xã hội gắn với Nho giáo bị xóa bỏ từng phần, không phải bởi chính người Việt mà là bởi thế lực thực dân từ phương Tây đến. Tuy vậy, việc hóa giải ý thức hệ Nho giáo và những ảnh hưởng sâu rộng của nó trong xã hội người Việt vẫn cần phải do người Việt thực hiện. Phan Khôi hình dung sự hóa giải ấy cần diễn ra trên một phổ rộng; về học thuyết, cần biến Nho giáo từ chỗ là những tôn chỉ “thiên kinh địa nghĩa” mà người ta phải tuân thủ trở thành đối tượng của nghiên cứu, phân tích, phê phán. Một số nét tinh túy mà Nho giáo tạo nên ở cư dân Việt như lòng ái quốc, đức chính trực, vai trò Nho học trong việc hình thành nhân cách, v.v., thì cần giữ lại, kế thừa. Những lề thói phi nhân, kỳ thị giữa người với người trong cộng đồng, do Nho giáo tạo ra hoặc dung dưỡng, thì cần nêu ra và tạo dư luận phản kháng, lên án, bài trừ.
Nhìn sâu hơn vào xã hội Việt Nam thời quân chủ, Phan Khôi vạch ra đặc tính của nó chẳng những chỉ là xã hội đẳng cấp, mà còn là một xã hội nam quyền, trọng nam khinh nữ, với những quy phạm và định kiến phi nhân, được nho giáo bênh vực và hợp pháp hoa, ví dụ chuẩn mực chữ “trinh” của Tống nho,(7) hoặc những tập quán về chế độ đại gia đình đã hình thành dưới ảnh hưởng Khổng giáo theo đó người gia trưởng có quyền áp chế các thành viên là con cháu, mẹ chồng được quyền áp chế nàng dâu, gây ra vô vàn thảm kịch không đáng có. (8)
Trong thời gian chủ trì các tờ báo chuyên về giới phụ nữ (từ tháng 5/1929 đến 1932 với tờ Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn, từ tháng 9/1933 đến tháng 2/1934 với tờ Phụ nữ thời đàm ở Hà Nội), Phan Khôi đã có hàng loạt bài viết nhiều loại, từ nghị luận đến khảo cứu, dịch thuật, tạp văn, nêu ra “vấn đề phụ nữ” trước xã hội Việt Nam, cho thấy một xã hội Việt Nam bước vào thời hiện đại không thể không từng bước khắc phục tình trạng bất bình đẳng nam nữ. Đây không chỉ là hoạt động có ý nghĩa tạo thêm nguồn lực lao động cho một nền công nghiệp, thương mại và dịch vụ đang mở ra, mà điều chủ yếu ở đây là ý nghĩa tranh đấu đòi quyền làm người cho một nửa dân cư vốn vẫn còn bị xã hội nam quyền kỳ thị, áp chế, tước đoạt. Các tờ báo phụ nữ do Phan Khôi chủ trì đã làm dấy lên phong trào phụ nữ bằng một loạt hoạt động xã hội, văn hóa, cổ vũ và hướng dẫn người phụ nữ tự trang bị thêm những hiểu biết và kỹ năng sống cần thiết cho bản thân và cho chức năng làm vợ, làm mẹ, làm người. Phan Khôi xứng đáng được thừa nhận như một trong những nhà hoạt động nữ quyền năng động nhất của Việt Nam những năm 1930s, một trong những tác gia Việt Nam tập hợp được một lượng tri thức về giới nữ thuộc loại đa dạng nhất, phong phú nhất.
Chú thích
(1) Phan Khôi (1930): “Cảnh cáo các nhà học phiệt”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 62 (24.7).
(2) C.D. (1928): “Tư tưởng của Tây phương và Đông phương”, Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.774 (27.9) ; s.776 (2.10) ; C.D. (1928): “Bác cái thuyết tân cựu điều hòa”, Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.780 (11.10)
(3) C.D.(1928): “Tư tưởng của Tây phương và Đông phương”, Bđd.
(4) P.K. (1931): “Cá nhơn chủ nghĩa. (Một bài học của quan Tổng trưởng Paul Reynaud cho người Việt Nam) ”, Trung lập, S.G., 28.11).
(5) Phan Khôi (1929): “Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta” [kỳ ], Thần chung, Sài Gòn, s.
(7) Phan Khôi (1931): “Tống nho với phụ nữ”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 96 (20.8.1931)
(8) Phan Khôi (1931): “Gia đình ở xứ ta, nay cũng đã thành ra vấn đề rồi”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 83 (21.5) ; Phan Khôi (1931): “Cái chế độ gia đình nước ta, đem gióng với luan lý Khổng Mạnh”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 85 (4.6)
3/ PHAN KHÔI, NHÀ SỬ HỌC
Khả năng đọc nhiều biết rộng đã khiến ở Phan Khôi sớm hình thành con mắt sử học, quan tâm đến các tiến trình lịch sử.
Năm 1928, trên tờ Đông Pháp Thời Báo ở Sài Gòn, Phan Khôi, dưới bút danh C.D. đã khởi ra một cuộc thảo luận về việc có hay không sự kiện “nước Pháp giúp nước Nam”, tức là nhà nước Pháp giúp quân cụ và binh lính cho chúa Nguyễn Ánh trong nội chiến chống Tây Sơn, như một số tờ báo chữ Pháp ở Đông Dương đương thời rao truyền, khiến một vài tờ báo chữ Việt lặp lại. Bằng vào các nguồn sử liệu khác nhau, Phan Khôi vạch rõ: tuy giao ước Pháp-Việt 1787 được ký kết nhưng trước sau chính phủ Pháp đã không thực thi, họ không hề đưa quân lính hay tàu binh đến giúp Nguyễn Ánh, rốt cuộc cha Bá-đa-lộc dùng tiền của Nguyễn Ánh gửi mua được hai tàu binh và mộ được vài chục người Pháp, trong đó có một số võ quan Pháp bỏ ngũ đi với Bá-đa-lộc sang đầu quân giúp Nguyễn Ánh. Biện luận của Phan Khôi cho độc giả thấy, mấy chục người Pháp có mặt trong đội quân của Nguyễn Ánh chỉ là những lính đánh thuê nước ngoài, không phải người do chính phủ Pháp cử đến giúp. Tuy nhiên, Phan Khôi cảnh báo, những luận điệu tương tự thuyết “nước Pháp giúp nước Nam” có thể đã thâm nhập vào các bộ sử do người Tàu soạn, và ông kêu đòi các sử gia truyền Nguyễn phải làm sách để biện giải rõ về các sự kiện lịch sử Việt Nam cận đại. (1)
Năm 1929, Phan Khôi đã đóng vai trò chính tổ chức Cuộc thi quốc sử trên báo Thần Chung, đưa ra 30 bản sự tích các nhân vật lịch sử Việt Nam để bạn đọc bình chọn ra 10 nhân vật mà mình cho là tiêu biểu; một đề thi nữa là yêu cầu bạn độc chọn ra trong đó một nhân vật và viết một bài dài 3 trang cắt nghĩa vì sao mình cho đó là bậc nhất trong sử Việt. Tuy cuộc thi đã không có tổng kết trao giải, có thể vì nhật báo Thần Chung bị đóng cửa đột ngột (vào cuối tháng 3/1930), song những gì đã đưa lên báo trong suốt thời gian từ khi mở ra cuộc thi (đầu tháng 7/1929) đến hết năm 1929, đã là một cuộc phổ thông sử Việt khá hiếm hoi trên báo chí đương thời. Bằng việc đưa công chúng vào một cuộc thi bình chọn nhân vật “bực nhất″ trong quốc sử, Phan Khôi và những người tổ chức cuộc thi đã kích thích tinh thần tự do bình chọn của người tham dự, cũng tức là kích thích óc phê bình -- chứ không chỉ vinh danh -- nhân vật lịch sử. (2)
Năm 1935, khi làm chủ bút tờ Tràng An ở Huế, Phan Khôi đã tổ chức một số chuyên đề nhân 50 năm sự kiện kinh thành thất thủ (ngày 23/5 năm Hàm Nghi Ất Dậu 1885) với các bài viết của ông và của Hoài Thanh.
Năm 1936-37, với tuần báo Sông Hương do chính ông sáng lập, ông đã biến một phần tờ báo thành diễn đàn sử học với sự góp mặt của nhiều nhà văn và học giả; ông cũng đã đưa lên báo này những sử liệu do chính ông thâu nhặt được, như xác định vị trí của Thái Phiên và Trần Cao Vân trong khởi nghĩa Duy Tân (1916); sự kiện Nghĩa Hội chiếm tỉnh Quảng Nam hồi những năm 1880s được phản ánh trong vè Khâm sai; về lệ cống nạp người vàng sang Tàu; về lai lịch nhân vật là Bạch Xỉ từng xưng vua, v.v.
Đấy là ta chưa kể hàng loạt bài viết, dài ngắn khác nhau, về các nhân vật và sự kiện lịch sử Trung Hoa mà Phan Khôi tỏ rõ một sự theo rõi khá sát sao, từ hành tung các viên tướng quân phiệt đến ứng xử của các yếu nhân thời kỳ sau các mạng Tân Hợi. Đối với đời sống chính trị ở nước Trung Hoa Dân Quốc đương thời, Phan Khôi có cái nhìn khá tinh tường; ông thấy rõ cái bi kịch của một quốc gia từng tồn tại dưới ách quân chủ chuyên chế suốt hàng ngàn năm, sau cuộc cách mạng lật đổ nền quân chủ, đã không hình thành nổi một hiến pháp cộng hòa, đành theo phương án “dĩ đảng trị quốc”, thay ngôi vua thuộc một dòng họ bằng ngôi vua tập thể của nhóm đứng đầu đảng cầm quyền. Tình trạng “dĩ đảng trị quốc” này chỉ có hướng xử lý khi Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc chuyển dần sang nền chính trị đa nguyên, đa đảng, theo mô hình các quốc gia dân chủ phát triển; trong khi đó, những quốc gia do đảng cộng sản cầm quyền thì trong thực chất lại trở về với mô hình chế độ chuyên chế.
Chú thích
(1) Xem thêm: Lại Nguyên Ân (2003), “Phan Khôi và cuộc thảo luận sử học năm 1928 trên Đông Pháp Thời Báo”, trong sách Mênh Mông Chật Chội, tiểu luận phê bình văn học của Lại Nguyên Ân, Nxb. Tri Thức, Hà Nội, 2009, tr. 391-401.
(2) Xem thêm: Lại Nguyên Ân (2008): “Phan Khôi và cuộc thi quốc sử của báo Thần Chung, Sài gòn, 1929”, trong sách Tìm lại di sản, tiểu luận phê bình của Lại Nguyên Ân, Tp.HCM., 2013, tr. 83-114.
4/ PHAN KHÔI, NHÀ BÁO, CÂY BÚT CHÍNH LUẬN
Viết văn nghị luận là một trong những sở trường của Phan Khôi. Văn nghị luận của ông không chỉ đề cập đến các vấn đề tư tưởng hay văn chương, mà cũng đề cập đến thời sự xã hội chính trị.
Ngay năm 1919, ông đã có bài viết (trên Lục Tỉnh Tân Văn, Sài Gòn) vạch mặt trò mỵ dân của Toàn quyền Alber Sarraut đằng sau việc ông này đưa ra yêu cầu chính quốc cho Đông Dương nhiều quyền tự chủ hơn trong một dịp diễn thuyết.
Năm 1929, trên báo Thần Chung ở Sài Gòn, Phan Khôi viết khá nhiều bài xã thuyết ký tên tòa soạn, bênh vực những người hoạt động chống Pháp trong các tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng, Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, Tân Việt đảng, bênh vực Nguyễn An Ninh, đòi cho những thành viên các tổ chức chống đối bị chính quyền bắt phải được xét xử tại tòa án của chính quyền Pháp chứ không được giao họ cho các quan chức của triều đình Huế xét xử, vốn áp dụng khung hình phạt rất nặng theo luật Gia Long.
Năm 1930, khi xảy ra các vụ biểu tình ở Nam Kỳ, Phan Khôi đã có những bài viết ký tên tòa soạn tờ Trung lập báo, yêu cầu những thành viên đảng Lập hiến Nam Kỳ có chân trong Hội đồng quản hạt hoặc Hội đồng thành phố Sài Gòn phải lên tiếng trước việc chính quyền thuộc địa dùng vũ lực đàn áp người biểu tình không tấc sắt trong tay. Nhân danh tòa soạn, Phan Khôi đã bút chiến với tờ Đuốc nhà Nam xung quanh trách nhiệm của những người tự nhận là hoạt động chính trị, như các đảng viên Lập hiến Nam Kỳ, mà lại thiếu khá nhiều năng lực và chuẩn hành vi cần thiết để đối phó với các tình huống chính trị. Cuộc bút chiến này chỉ bộc lộ rõ là do một ngòi bút Phan Khôi chủ trì, khi chủ bút Đuốc nhà Nam là Nguyễn Phan Long lâm thế bí, quay sang dùng cách nói xấu cá nhân Phan Khôi. Những loạt bài đối thoại với đảng Lập hiến (Về các cuộc biểu tình ở Nam Kỳ vừa rồi; Nói về đảng Lập hiến ở Nam Kỳ, v.v.) cho thấy một thái độ phê phán rất xây dựng đối với tổ chức chính trị này, được lập ra dường như chỉ để đối đáp với chính quyền Pháp ở thuộc địa, nhưng lại hầu như không có liên lạc gì với quần chúng cư dân Nam Kỳ, các vấn đề về tổ chức của đảng cũng còn nhiều bất ổn; cũng nhân đây, Phan Khôi có dịp trình bày một số tư tưởng của mình về đảng chính trị trong xã hội hiện đại.
Năm 1935, khi được Bùi Huy Tín mời làm chủ bút đầu tiên của Tràng An Báo tại Huế, Phan Khôi đã hướng trang thời sự của tờ báo vào việc đối thoại với nền cai trị quân chủ đang đưa ra một vài tín hiệu thay đổi (khi vua Bảo Đại về nước trực tiếp chấp chính), kiểm định hiệu năng hoạt động của một số cơ quan, cơ chế trong bộ máy của nó, đôi khi cũng nêu một vài đề xuất mang tính bổ sung, chỉnh sửa hệ thống, cơ cấu. Tất nhiên, hoạt động thường xuyên của báo Tràng An thời kỳ Phan Khôi làm chủ bút là vạch ra những sự lạc hậu, non kém, bất cập, thiểu năng của bộ máy triều Nguyễn, từ những cơ quan tại triều đến những cơ quan cấp tỉnh cấp huyện.
Bên cạnh những vấn đề thuộc “lỗi hệ thống” trong cơ chế một nền quân chủ già cỗi lại bị đặt dưới ách “bảo hộ” của ngoại bang, một phương diện khác nữa mà Phan Khôi và báo Tràng An thường tập trung nhấn mạnh là vấn đề phẩm chất của quan lại. Mỗi dịp có sự cố liên quan đến những quan chức nhất định, ví dụ việc cách chức và khai phục Ngô Đình Diệm, lễ tang Nguyễn Hữu Bài với những lời xưng tụng quá đáng, hay một viên quan tại triều quá tham lam nhũng nhiễu chỉ bị trừng phạt nhẹ bằng cách đưa đi “trấn thủ” tỉnh ngoài, v.v. – đều là dịp để Phan Khôi và các cộng sự của ông trên Tràng An lên tiếng tố giác và nhân đó nhắc lại những tâm niệm lý tưởng muôn thuở của giới quan trường xuất thân Nho học: “người bất học không đáng ở ngôi cao”, “sự hệ trọng nhất trong phong hóa là cái đức liêm sỉ”, v.v.
Trong các loạt bài về các vụ việc kiện tụng, báo Tràng An thời Phan Khôi làm chủ bút luôn luôn vạch rõ những xử lý sai trái do những quan lại liên can được hối lộ hoặc câu kết nhau để moi tiền dân. Tờ báo rất chú trọng đến người dân, nhất là những trường hợp người dân là nạn nhân sự chà đạp, cướp bóc của hệ thống quan chức, nha lại. Những phóng sự đăng nhiều kỳ về vụ án điền thổ ở Phú Yên, về xét xử ly hôn của vợ chồng Tham Ân ở Hội An, về vụ kiện bị lấn chiếm mặt nước của dân làng chài Thủy Tú ngay “bên chân đền vua” đương thời, tức thành Huế, v.v. – thường không chỉ giản đơn là những loạt bài báo mà thực sự là những vụ việc sát cánh hỗ trợ dân oan trong các cuộc khiếu kiện dài ngày của họ. Những trường hợp nạn nhân như “người đàn bà bị bỏ đỉa vào tai”, người hành khách xe lửa bị nhà đoan bắt giam vì tình nghi buôn lậu thuốc phiện, hay ông cử họ Hồ bị viên tri phủ Quỳnh Lưu hành hung, v.v. – thường được Tràng An đề cập như những hồ sơ để ngỏ, lâu lâu lại bổ sung những tình tiết mới, cho thấy những khía cạnh xã hội phức tạp liên quan đến mỗi vụ việc, đồng thời cho thấy khả năng xử lý mỗi vụ việc trong những tương quan đương thời.
Với sự nỗ lực quyết liệt như thế, không có gì ngạc nhiên khi Phan Khôi sớm rời vị trí chủ bút nhật báo Tràng An, sau chưa đầy một năm làm việc.
5/ PHAN KHÔI VÀ SỰ PHÁT TRIỂN VĂN HỌC THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI
Sự kiện rất nổi tiếng, gắn với tên tuổi Phan Khôi là việc đầu năm 1932 bài báo “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” được ông công bố ở cả hai trung tâm dư luận lớn nhất đương thời: Hà Nội và Sài Gòn. (1) Giới làm thơ trẻ tuổi, hầu hết xuất thân từ nhà trường Pháp-Việt, đã hưởng ứng, tạo nên phong trào thơ mới, một cuộc cải cách thơ tiếng Việt, đưa thơ của người Việt thật sự bước sang thời hiện đại. Tên tuổi Phan Khôi được mang cái vinh dự là người phát động phong trào đổi mới thơ ca kể trên. Tuy nhiên, đấy chỉ là một trong khá nhiều công việc mà Phan Khôi đã làm theo hướng tác động, khích lệ sự sáng tạo những hình thức mới, thể tài, thể loại văn học mới.
Ông sớm nhận ra một chiều hướng vận động mới về mặt thể loại: “Bây giờ cả văn học của Á Đông đã day chiều và khuynh hướng theo văn học Thái Tây, nhắc tiểu thuyết và kịch bổn lên ngồi kề thánh kinh hiền truyện, thì ta cũng đã mô phỏng mà sáng tạo ra tiểu thuyết, kịch bổn rồi”. (2)
Ông chăm chú theo rõi sự phát triển của thơ và tiểu thuyết Việt Nam và đến năm 1933, khi đã xuất hiện thơ mới, trong văn xuôi tiểu thuyết đã xuất hiện Người sơn nhân (truyện ngắn của Lưu Trọng Lư) và Hồn bướm mơ tiên (tiểu thuyết của Khái Hưng) thì ông reo lên: đã bắt đầu kỷ nguyên mới của thơ và tiểu thuyết Việt Nam. (3)
Chính Phan Khôi đã viết bài mô tả khá chi tiết về bút chiến, một thể tài và một hoạt động báo chí,(4) loại hoạt động mà ông can dự không ít lần, suốt thời gian hiện diện trong trường ngôn luận.
“Lâu nay tôi đã nhận biết rằng trong nghề văn học rất cần có sự phê bình. Nhưng trong làng văn ta dường như chưa có chỗ dung được sự ấy”; bởi vậy, năm 1929, ông đã nhân dịp bàn về một bản dịch kinh Phật “để đổ chén thuốc đắng phê bình vào trong miệng người An Nam”,(5) tức là thực sự bắt tay vào làm công việc phê bình. Hoạt động phê bình, trong quan niệm của Phan Khôi, là rất rộng: “Hai chữ “phê bình”, ta không nên hiểu hẹp nghĩa nó. Nói về sự viết báo, không cứ phê bình một bài thi, một cuốn tiểu thuyết, một tác phẩm gì về mỹ thuật mới gọi là phê bình; mà cho đến khen hay chê một vị quan lại, biểu đồng tình hay phản đối một cuộc bãi công, cả đến nhân một cái thời sự rất tầm thường mà phát ra nghị luận, cũng đều gọi là phê bình được hết. Chẳng những viết ra trên giấy, mà ngày thường, giữa xã hội, ai nấy được lấy tư tưởng ý kiến mình mà bình luận mọi sự mọi vật, cũng gọi là phê bình. Bởi vậy, ở xã hội nào mà người ta ngôn luận được tự do, thì xã hội ấy, ta muốn kêu nó bằng “cái xã hội phê bình” cũng có nghĩa vậy”. (6)
Ông đã viết giới thiệu lối văn phê bình nhân vật, một thể tài của báo chí và của văn học, do nhà văn trẻ Thiếu Sơn đề xuất, (7) lối văn mà chính Phan Khôi cũng sẽ dùng để viết khá nhiều tác phẩm đặc sắc, dưới các tiểu mục như “tiểu phê bình về nhân vật, cả đàn bà lẫn đàn ông”, “tiểu phê bình về phong tục”, “tiểu phê bình về báo chí”, “tiểu phê bình về sách vở”, v.v. (8)
Ông rất quan tâm giới thiệu các thể trào phúng, khôi hài.(9) Thậm chí, một thể tài, một loại hình ghi chép trong đời sống thông tục mà xưa kia người Việt chưa có, là thể nhật ký, cũng được Phan Khôi quan tâm giới thiệu.(10) Ông được đọc giả và đồng nghiệp tin cậy để có thể nhờ giải đáp nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi về chữ nghĩa, về văn chương và đời sống, kể cả những khái niệm như “đạo văn”. (11)
Chú thích:
(1) Phan Khôi (1932): “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”, Tập văn mùa xuân, báo Đông Tây xb., Hà Nội, tết Nhâm Thân 1932; Phan Khôi (1932): “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 122 (10.3).
(2) Phan Khôi (1932): “Một lối văn mà xứ ta chưa có : nhựt ký”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 150 (23. 6)
(3) Chương Dân (1934): “Văn nghệ xứ ta năm 1933 và trước năm ấy. Cái kỷ nguyên mới của thơ và tiểu thuyết”, Công luận, Sài Gòn, số Tết (14.2)
(4) (không ghi tác giả, 1929) : “Bàn thêm về bút chiến”, Thần chung, s. 106 (28.5), s. 108 (30.5),
s. 111 (2&3.6), s. 114 (6.6).
(5) Phan Khôi (1929): “Cùng sư Thiện Chiếu bànvề lối dịch sách, hay là phê bình lối dịch của sách Phật học tổng yếu”, Thần chung, Sài Gòn, s. 279 (24.12).
(6) Phan Khôi (1937): “Một xã hội cũng như một tờ báo, phải có cái thái độ phê bình và tiến bộ”, Đông Dương tạp chí, Hà Nội, s. 29 (27.11).
(7) Phan Khôi (1931): “Giới thiệu lối văn phê bình nhân vật”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 93 (30.7)
(8) Các bài này ký bút danh Hồng Ngâm hoặc Chương Dân, đăng Phụ nữ thời đàm ở Hà Nội, từ số 1 (17.9.1933) đến s. 22 (11.2.1934), có in lại trong sưu tập: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1933-1934, /Lại Nguyên Ân sưu tầm biên soạn/ Hà Nội 2013: Nxb. Tri Thức, tr. 278-360.
(9) Phan Khôi (1931): “Cái địa vị khôi hài trên đàn văn học”, Phụ trương văn chương s. 10. Trung lập, S.G., s. 6481 (4.7).
(10) Phan Khôi (1932): “Một lối văn mà xứ ta chưa có : nhựt ký”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 150 (23. 6)
(11) Phan Khôi (1932): “Làm vậy không phải là đạo văn. Trả lời cho ông Mai Lan Quế”, Phụ trương văn chương s. 48. Trung lập, S.G., s. 6695 (2.4)
6/ PHAN KHÔI, MỘT TÁC GIA ĐA DẠNG
Phan Khôi tham dự văn học trong khá nhiều thể tài.
Trước hết Phan Khôi đã hoạt động như một nhà phê bình văn học, là tác giả những bài điểm bình các tác phẩm cụ thể, là người viết ra cuốn “thi thoại” đầu tiên ở Việt Nam, lại cũng là tác giả những bài báo tác động rõ rệt đến tiến trình văn học chung.
Phan Khôi cũng hoạt động như một nhà nghiên cứu văn học, thường xuyên nêu lên các vấn đề nảy sinh trên tiến trình văn học Việt Nam. Phan Khôi viết về khá nhiều tác gia, tác phẩm văn học Trung Hoa, từ các nhà tư tưởng cổ đại, trung đại, đến cận hiện đại. Nhiều tác giả được ông nhấn mạnh ở khía cạnh chống chuyên chế (ví dụ dịch Tư Mã Thiên: thư gửi Nhiệm An, “Thích khách liệt truyện”… ); những tác gia hiếu cổ như Cô Hồng Minh được ông tiếp cận theo lối châm biếm; những tác gia có chất đổi mới, “nổi loạn” như nữ sĩ Hoàng Lư Ẩn, được ông trân trọng. Thời kỳ 1945-58: Phan Khôi vẫn theo dõi sát tình hình văn hóa Trung Hoa, từ thơ kiểu mới, di sản Lỗ Tấn, lý luận và sáng tác văn học Diên An, cho đến 1956 vẫn theo dõi các hiện tượng từ Hồ Phong đến phong trào chống phái hữu, tuy không có điều kiện viết về các hiện tượng ấy.
Phan Khôi là nhà thơ, là con người đã “chín” trong truyền thống thơ Hán-Việt lại có khát vọng bước ra khỏi quỹ đạo thơ cũ; thơ cũ của ông không nhiều và cũng không lưu lại sưu tập, chỉ có ít bài in báo; thơ mới Phan Khôi cũng có một số bài được ông đưa ra làm ví dụ cho “một lối thơ mới”; Phan Khôi không là tác giả xuất sắc của thơ mới những lại được nhất trí ghi nhận là người khởi xướng thể tài thơ mới, khởi xướng phong trào thơ mới; một số bài thơ Phan Khôi cho thấy lối thơ của kiểu người “lão thực”: tín hiệu hàng đầu là tín hiệu về giá trị của hồn thơ, tứ thơ, dù hình thức khô, đanh, mộc… chứ tuyệt nhiên không đèm đẹp…
Phan Khôi cũng là một tác giả văn xuôi tự sự. Ông đã từng viết truyện hư cấu, bằng chữ Hán (đăng Nam Phong) hoặc bằng chữ Quốc ngữ, tiêu biểu trong số đó là truyện dài Trở vỏ lửa ra (Phổ thông bán nguyệt san, 1939). Nếu mạch truyện hư cấu này không mấy thành công, do tác giả mạnh ở suy lý, logic, nhưng hơi thiếu linh hoạt, thiếu sinh động và chất sống trong mô tả, dựng người dựng cảnh, thì ở mảng hồi ức, tự truyện, như Đi học đi thi (đăng Sông Hương, 1937), các đoạn Phan Khôi tự truyện (đăng một số kỳ ở các báo khác nhau, 1939, 1940, 1941), các mẩu giai thoại trong tập Độc tại lâu bút ký (đăng Sông Hương, 1937) lại thành công rất rõ rệt.
Phan Khôi cũng là tác giả xuất sắc của văn tiểu phẩm, hoạt kê, châm biếm. Từ 1928, với Đông Pháp Thời Báo, qua Thần Chung 1929-30, Trung Lập, 1930-33, Thực Nghiệp Dân Báo, 1933; Phụ Nữ Thời Đàm, 1933-34, Tràng An, 1935-36, Sông Hương, 1936-37, đến tận 1941 trên Dân Báo, Phan Khôi trước sau đã viết ngót ngàn bài tiểu phẩm. Đặc tính thẩm mỹ của thể tài này hiện vẫn còn chưa được nghiên cứu kỹ; nó rất mực văn chương, nhưng lại gắn với báo chí; trên trang báo bên cạnh các bài viết theo lối “thuật”, “luận”, “chứng” bao giờ cũng phải có các bài viết theo lối “biếm”, “hài”, “nhại”, “diễu”; nó có bản chất thẩm mỹ ra sao mà lại hầu như không thể thiếu trên các báo, dù nhật báo, tuần báo hay nguyệt san? Và vì sao nó dường như nhất thiết cần “mặt nạ tác giả”, tức là giữ khoảng cách giữa tác giả với độc giả? Mức đa dạng trong các kiểu tiểu phẩm Phan Khôi, mức độ ảnh hưởng từ những mẫu mực ở Pháp (G. Fouchardière, C. Vautel) và ảnh hưởng truyền thống trào lộng trong văn hóa Việt? So sánh văn tiểu phẩm Phan Khôi với những người có viết tiểu phẩm đương thời: Hoàng Tích Chu, Ngô Tất Tố, Bùi Thế Mỹ, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng, v.v… Từ đây nên chăng khảo sát phát hiện lại dòng văn tiểu phẩm của tác gia Việt Nam từ khi có báo in? -- là những nhiệm vụ văn học sử chưa hề được đề xuất và giải quyết.
Phan Khôi cũng là một dịch giả. Trên báo chí trước 1945 ta thấy Phan Khôi dịch nhiều tác gia Trung Hoa: Tư Mã Thiên, Viên Mai, Lỗ Tấn, v.v.; dịch Kinh Thánh (đạo Thiên Chúa), chủ yếu là Tân Ước và một phần Cựu Ước. Sau 1945 ông dịch một số tác gia văn học Diên An, dịch quan điểm ngôn ngữ của J. Stalin, dịch tác phẩm M. Gorki, dịch bài viết Chu Dương thể hiện tư tưởng văn nghệ Diên An, v.v.
Vượt ra ngoài phạm vi văn học, người ta không quên Phan Khôi còn hoạt động như một nhà ngữ học. Ngay từ khi tìm học chữ Quốc ngữ để viết văn viết báo (từ 1907), ông đã bắt đầu tiếp cận tiếng Việt như một đối tượng nghiên cứu. Phan Khôi đã lên tiếng hô hào đồng bào Nam Kỳ dùng tiếng Việt theo đúng các chuẩn mực đã được Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của đưa vào sách từ điển. Ông đã tiến hành so sánh ngữ pháp tiếng Việt với tiếng Pháp và chữ Hán, khi soạn sách “Hán văn độc tu” (đăng Phụ nữ tân văn, 1932, đăng lại có sửa trên Sông Hương, 1936-37). Trên tuần báo Sông Hương ông đã tập hợp được một số tác giả tham gia mục “Quốc văn nghiên cứu”. Sau này, trong thời gian tham gia khánh chiến tại Việt Bắc, ông đã thực hiện thêm những khảo sát về ngữ pháp tiếng Việt, được các nhà soạn sách dạy tiếng Việt tham khảo; những nghiên cứu này được ông xuất bản thành sách “Việt ngữ nghiên cứu” (1955).
Hà Nội, 2011-2017
LẠI NGUYÊN ÂN

20170930a

Từ đầu Công nguyên nước ta đã bắt đầu tách ra khỏi khu vực văn hóa Đông Nam Á, đi vào quỹ đạo của văn hóa Đông Á, hay còn gọi là khu vực văn hóa chịu ảnh hưởng Trung Hoa, “Vùng văn hóa chữ Hán” (Hán tự văn hóa quyển/ Kanji bunkaken) cùng với Triều Tiên – Hàn Quốc và Nhật Bản. Tìm hiểu vùng văn hoá này chúng ta thấy văn học các nước có những bước đi giống nhau một cách kỳ lạ. Sự giống nhau ấy là do những vấn đề lịch sử – xã hội tương đồng và do cùng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ những tác động từ Trung Hoa tới. Trong bài viết này chúng tôi thử đưa ra một diễn trình chung của văn học Triều Tiên-Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, từ đó có thể thấy được quá trình phát triển, những điểm chung có tính  quy luật và những điểm đặc thù của văn học các nước.

Có nhiều cách để miêu tả diễn trình văn học Đông Á. Cách thức cổ điển nhất là miêu tả diễn trình ấy theo các triều đại. Như vậy thì văn học Trung Quốc  có thể chia ra thành triều đại như: Hạ, Ân- Thương, Tây Chu, Đông Chu, Tần, Hán… cho đến Minh, Thanh.

Văn học Triều Tiên – Hàn Quốc có thể chia ra thành các thời:

-       Triều Tiên/ Choson cổ đại: từ đầu đến TK.1 tr.CN

-       Tam quốc: 57 tr.CN-TK.7

-       Tân La/ Silla thống nhất: TK.7-TK.10

-       Thời Cao Ly/ Koryo: TK.10-TK.14

-       Thời Triều Tiên/ Choson (vương triều Lý/ Yi): TK.15-đầu TK.20

Văn học Nhật Bản: 

-       Yamato / Đại Hoà: TK.4 – đầu TK.8

-       Nara/ Nại Lương: TK.8

-       Heian/ Bình An: cuối TK.8 – cuối TK.12

-       Mạc phủ Kamakura/ Liêm Thương: cuối TK.12 - giữa TK.14

-       Mạc phủ Muromachi/ Thất Đinh: giữa TK.14- cuối TK.16

-       Azuchi-Momoyama/ An Thổ Đào Sơn: cuối TK.16- đầu TK.17

-       Edo/ Giang Hộ: đầu TK.17-giữa TK.19

-       Nhật Bản cận đại (Minh Trị, Đại Chính, Chiêu Hòa): 1868 – 1945…

Còn văn học Việt Nam thì như chúng ta đều biết: thời Hùng vương, thời Bắc thuộc (và chống Bắc thuộc), rồi Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ v.v.

Tuy nhiên miêu tả như thế sẽ thấy chúng rời rạc, mà không thấy được những đặc tính chung, cũng như quá trình phát triển của chúng. Vì vậy chúng tôi thấy cần thiết phải sử dụng một mô hình chung, phổ quát cho các nước. Mô hình này đối với từng nước cũng có rất nhiều tranh cãi, để trình bày về những quan niệm ấy cũng phải có một bài viết riêng, ở đây chúng tôi xin bỏ qua việc thuật lại những tranh cãi ấy, trên cơ sở những tư liệu tham khảo được, xin đưa ra mô hình như sau:

-       Văn học thời kỳ cổ đại:

Triều Tiên-Hàn Quốc: gồm các thời Triều Tiên cổ đại, Tam quốc, Tân La/ Silla thống nhất (từ đầu – cuối TK.10).

Nhật Bản: thời Yamato (TK.4 - đầu TK.8).

Việt Nam: thời Hùng Vương và thời Bắc thuộc (từ đầu – TK.10).

Đây là thời kỳ phôi thai của văn học viết, văn học đi những bước đầu tiên chuẩn bị cho sự ra đời của nền văn học dân tộc. Văn học còn gắn bó chặt chẽ với tôn giáo,  các thể loại văn học chức năng chiếm địa vị quan trọng.

-       Văn học thời kỳ trung đại:

Triều Tiên-Hàn Quốc: Từ đầu thời Cao Ly/ Koryo cho đến cuối thời Triều Tiên/ Choson (TK.10- cuối TK.19).

Nhật Bản: Từ thời Nara đến Minh Trị duy tân (TK.8- 1867).

Việt Nam: Từ thời Ngô (năm 938) đến cuối TK.19.

Đây là thời kỳ thời văn học gắn với xã hội phong kiến. Thời kỳ này có thể chia ra thanh ba giai đoạn:

Sơ kỳ trung đại:

Triều Tiên-Hàn Quốc: Thời Cao Ly (TK.10 - TK.14)

Nhật Bản: Hai thời Nara và Heian (TK.8- cuối TK.12)

Việt Nam: Từ Ngô đến hết đời Trần (TK.10 – TK.14)

Đây là giai đoạn đầu tiên của văn học thời kỳ trung đại. Văn học viết các nước đều quan tâm đến vấn đề khẳng định độc lập dân tộc. Tư tưởng, nghệ thuật  đều chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Phật giáo.

Trung kỳ trung đại:

Triều Tiên-Hàn Quốc: Nửa đầu thời Triều Tiên/ Choson của vương triều Lý (TK.15- cuối TK.17).

Nhật Bản: Thời Mạc phủ Kamakura/ Liêm Thương và Muromachi/ Thất Đinh (cuối TK.12 - cuối TK.16).

Việt Nam: Lê sơ đến đầu thời Trịnh Nguyễn phân tranh (TK.15 - cuối TK.17).

Đây là giai đoạn phát triển tiếp theo của văn học trung đại với những tính chất đặc trưng, điển hình nhất của thời trung đại.

Hậu kỳ trung đại:

Triều Tiên-Hàn Quốc: Nửa cuối thời Triều Tiên của vương triều Lý (TK.18 - cuối TK.19)

Nhật Bản: Thời Azuchi-Momoyama và Edo (cuối TK.16-1867)

Việt Nam: Lê mạt đến khi phong trào Cần vương bị dập tắt (TK.18-cuối TK.19)

Đây là giai đoạn cuối cùng của thời trung đại - giai đoạn khủng hoảng sâu sắc của chế độ phong kiến, cũng là giai đoạn phát triển mạnh của đô thị phong kiến, chuẩn bị bước sang thời cận đại. Tính chất nổi bật của văn học giai đoạn này là việc tăng cường tính hiện thực, tính chất bình dân, ý thức về cái tôi (tự ngã) càng ngày càng rõ nét.

-       Văn học thời kỳ cận đại:

Triều Tiên-Hàn Quốc: Phong trào Khai hoá cho đến Thế chiến II kết thúc (cuối TK.19-1945)

Nhật Bản: Minh Trị Duy tân cho đến Thế chiến II kết thúc (1868 – 1945)

Việt Nam: Phong trào Duy tân cho đến Thế chiến II kết thúc (đầu TK.20 – 1945)

Đây là thời kỳ gắn với quá trình phát triển tư bản chủ nghĩa giai đoạn đầu ở các nước.

Cách chia như trên căn cứ vào nhiều công trình viết về lịch sử, văn hoá, văn học các nước ấy như: Tìm hiểu văn hoá Hàn Quốc (NXB.Giáo dục, Hà Nội, 2000), Nihon bungakushi (Lịch sử văn học Nhật Bản, Konishi Jinichi, Kodansha gakujutsu bunko 1090,  Tokyo, 1993) Nihon shisoshi gairon (Khái luận về lịch sử tư tưởng Nhật Bản, Ishida Ichiro, Yoshikawa Kobunkan xb, Tokyo, 1993)… Nói chung với Triều Tiên-Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam việc phân chia các thời kỳ, các giai đoạn như trên không gây tranh cãi nhiều lắm. Riêng với Trung Quốc, cách chia trung đại ra thành 3 giai đoạn: Sơ kỳ, Trung kỳ, Hậu kỳ và thời điểm mở đầu và kết thúc của mỗi giai đoạn như thế nào chắc chắn sẽ gây ra nhiều tranh luận.

Vì lịch sử của văn học Trung Quốc rất dài, nên để cho cân đối, sách Trung Quốc văn học phê bình sử của Quách Thiệu Ngu (Hoằng Trí thư điếm, Hongkong xuất bản)  đã chia lịch sử văn học Trung Quốc ra thành:

-       Thượng cổ : từ thượng cổ đến hết Đông Hán (từ đầu - TK.2)

-       Trung cổ: từ thời Kiến An (Tam Quốc) đến Ngũ đại (TK.2 - giữa TK.10)

-       Cận cổ: từ Bắc Tống đến giữa đời Thanh (TK.10 - 1839)

Tuy nhiên xét về mặt loại hình thì cách chia trên đã không thể hiện được tính chất phục hưng (chính xác hơn là tiền phục hưng) của đời Đường mà Konrad đã phát hiện ra trong công trình Phương Đông và Phương Tây. Cũng có sách như Trung Quốc tư tưởng sử cương của Hầu Ngoại Lư (Thượng Hải thư điếm xuất bản xã, tái bản 2004) lại đưa ra cách chia khác về thời trung đại của Trung Quốc: 

-       Tiền kỳ trung đại: từ Tần Hán  đến hết Nam Bắc triều (TK.3 tr.CN-TK.6)

-       Hậu kỳ trung đại: từ Tuỳ Đường đến Thanh, trong đó lại chia ra:

Giai đoạn 1: từ Tuỳ đến Nguyên (TK.7-TK.14)

Giai đoạn 2: Minh, Thanh (TK.14 - đầu TK.20)

Nếu chia lịch sử văn học Trung quốc như vậy sẽ thấy được rõ tính chất Hậu trung đại - tiền phục hưng của đời Đường. Trong đó văn học triều Hán được coi như mang tính chất điển hình cho thời kỳ trung đại.

Theo cách gọi phổ biến của nhiều bộ văn học sử trong khu vực, nhất là Nhật Bản, Triều Tiên, chúng tôi sử dụng khái niệm: “Văn học cổ điển”, “Văn học hiện đại” để chỉ toàn bộ văn học các nước trước và sau khi chịu ảnh hưởng Phương Tây. Cách chia này có tính đại lược căn cứ chủ yếu vào ngôn ngữ, không loại trừ các cách gọi Cổ đại, Trung đại, Hiện đại… với tư cách là thuật ngữ của phân kỳ văn học.

Ở mỗi mục chúng tôi đều bắt đầu bằng những ảnh hưởng của Trung Quốc, tình hình cụ thể của mỗi nước, rồi mới đến phần văn học. Trong bối cảnh như thế chúng ta sẽ thấy rất rõ quá trình phát triển, những điểm chung có tính  quy luật và những điểm đặc thù của văn học cổ điển Việt Nam.

I.              VĂN HỌC ĐÔNG Á THỜI CỔ ĐẠI

-       Thời cổ đại của Triều Tiên: gồm các thời Triều Tiên cổ đại, Tam quốc, Tân La/ Silla thống nhất (từ đầu – cuối TK.10)

-       Nhật Bản: thời Yamato (TK.4-đầu TK.8)

-       Việt Nam: từ cuối thời Hùng Vương đến hết thời Bắc thuộc (đầu – TK.10)

1.    Văn hóa đời Hán và việc hình thành thế giới Đông Á

Trước đời Hán có thể nói chưa có vùng văn hóa Đông Á, hiểu theo nghĩa là khu vực văn hóa chịu ảnh hưởng của Trung Hoa như giới nghiên cứu thường gọi: khu vực văn hóa chữ Hán / Hán tự văn hóa quyển (tiếng Nhật: Kanji bunka ken) bao gồm các nước: Trung Quốc, Triều Tiên – Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam.  Cho đến thế kỷ 2 tr.CN, quần đảo Nhật Bản vẫn còn tồn tại hàng trăm “tiểu quốc” – tức là các thị tộc, có nguồn gốc rất khác nhau: gốc du mục Bắc Á liên quan đến ngữ hệ Uran – Altai, gốc Siberi của người da trắng nguyên thủy (người Ainu ở phía bắc Nhật Bản), gốc Đông Nam Á lục địa và hải đảo… Bán đảo Triều Tiên cũng tồn tại cả hai bộ phận như vậy: Đông Nam Á (lục địa và hải đảo) và Bắc Á (người Mãn Châu, chủ nhân của nền văn minh Triều Tiên/ Choson cổ đại[i]). Việt Nam lúc bấy giờ vẫn gắn bó chặt chẽ với vùng văn hóa Đông Nam Á, việc liên kết giữa các thị tộc ở lưu vực sông Hồng và sông Mã đã có từ sớm nhưng còn chưa thật chặt chẽ. Vào thời gian ấy vùng văn hóa Đông Á, hiểu theo nghĩa văn hóa chịu ảnh hưởng Trung Hoa chưa ra đời.

Công cuộc thống nhất Trung Quốc của nhà Tần (221 – 206 tr.CN) đã tạo tiền đề cho văn hóa Trung Hoa ảnh hưởng ra các nước xung quanh. Nhà Tần sụp đổ, nhưng nền thống nhất mà nó đã tạo nên bằng thanh gươm vẫn còn đó, nhà Hán tiếp tục kế thừa. Triều đại nhà Hán (206 tr.CN – 220 sau CN) là triều đại hưng thịnh nhất so với các triều đại từ trước đến bấy giờ, đế quốc Hán là đế quốc hùng mạnh nhất thế giới đương thời. Sự bùng nổ của nền văn minh triều Hán đã tạo điều kiện cho vùng văn hóa Đông Á – “Vùng văn hóa chữ Hán” ra đời.

Vào cuối thế kỷ 4 – đầu TK.3 tr.CN, nước Yên, rồi nhà Tần xâm chiếm  các vùng đất phía bắc của nhà nước Triều Tiên cổ đại. Sau đó Vệ Mãn/ Wiman thành lập nhà nước Vệ Mãn Triều Tiên/ Wiman Choson độc lập, tổ chức theo mô hình Trung Hoa. Năm 108 tr.CN nhà Hán chinh phục quốc gia Vệ Mãn Triều Tiên do cháu nội của Vệ Mãn cầm quyền, rồi chia quốc gia ấy thành ba quận: Lạc Lãng/ Lolang, Chân Phiên/ Chenfan, Lâm Đồn/ Lintun, năm sau, lại đặt thêm một quận nữa là Huyền Thổ/ Hsuantu.

Trước khi tiếp xúc với nhà Hán, Nhật Bản có hơn 100 tiểu quốc, thường xuyên giao thiệp với quận Lạc Lãng phía bắc bán đảo Triều Tiên. Trong nhiều thế kỷ, rất nhiều người Triều Tiên đã di cư đến Nhật Bản, một số người bị bắt về theo các đội quân đánh phá các vùng duyên hải bán đảo Triều Tiên. Người Nhật gọi họ là các “Quy hóa nhân/ Kikajin”. Thông qua các “Quy hóa nhân” mà kỹ thuật chế tác đồ đồng đồ sắt, chữ viết và văn hóa Trung Hoa từ Triều Tiên truyền đến Nhật Bản. Tiểu quốc Yamatai/ Da Mã Đài ở bắc đảo Kyushu/ Cửu Châu, rồi Yamato/ Đại Hoà đều có quan hệ trực tiếp với nước Nguỵ thời Tam Quốc, nước Tống thời Nam Bắc triều. Vào thế kỷ 3 vua nước Bách Tế/ Paeckche (một trong ba nước tồn tại ở bán đảo Triều Tiên từ TK.3 - TK.7, nằm ở phía tây nam bán đảo này) dâng nhà nho Vương Nhân cùng với 10 cuốn Luận ngữ Thiên tự văn cho Ứng Thần thiên hoàng. Việc ấy thường được người Nhật cho là sự kiện đánh dấu Nho giáo chính thức truyền vào Nhật Bản.

Trường hợp Việt Nam, nước ta cũng bắt đầu tiếp xúc với Trung Hoa kể từ cuộc xâm lược của quân đội nhà Tần do Hiệu úy Đồ Thư chỉ huy. Từ chiến thắng của người Au Việt và Lạc Việt trước đội quân xâm lược nhà Tần mà hai nước này đã thống nhất lại thành nước Au Lạc đứng đầu là Thục Phán-An Dương Vương. Sau đó ít lâu An Dương Vương để nước Au Lạc  rơi vào tay vua nước Nam Việt là Triệu Đà. Năm 111 tr.CN, nhà Hán sai Vệ úy Lộ Bác Đức đem hơn 10 vạn binh đến xâm lược nước Nam Việt của con cháu Triệu Đà, chia đất Au Lạc cũ thành 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Sự kiện ấy đã mở ra một thời kỳ dài trong lịch sử Việt Nam: 1000 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Trong suốt  thời kỳ ấy, văn hóa Trung Hoa ồ ạt truyền vào nước ta, tách nước ta ra khỏi vùng văn hóa Đông Nam Á cũ, cuốn vào vùng văn hóa chữ Hán mà trung tâm là Trung Hoa.

Như vậy kể từ đời Hán, khu vực văn hóa Đông Á với Trung Hoa, Triều Tiên – Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam đã hình thành. Về văn học, các xứ sở này trước đây đều đã có một nền văn học dân gian phong phú và đặc sắc, nhất là thần thoại truyền thuyết, nhưng văn học viết thì chưa. Số phận lịch sử đã đưa các dân tộc này gắn bó với nhau trong vùng văn hóa chữ Hán, từ đó đã tạo nên nền văn học viết của mỗi dân tộc với thơ văn phú lục theo mô hình Trung Hoa viết bằng Hán văn, sau đó hình thành nền văn học viết bằng tiếng nói của mỗi dân tộc.

2.    Phật giáo Trung Hoa và việc hình thành khuynh hướng văn học Phật giáo Bắc tông ở Việt Nam, Triều Tiên-Hàn Quốc, Nhật Bản

Thế kỷ 3 tr.CN, ở Ấn Độ đã diễn ra cuộc kết tập kinh điển lần thứ 3 với 1000 vị A La Hán do Hoàng đế A Dục khởi xướng và bảo trợ. Sau cuộc kết tập này, hoàng đế A Dục lệnh cho các phái đoàn tăng lữ đi ra các nước để truyền bá đạo Phật. Trước hết Phật giáo truyền vào Tích Lan (TK.3 tr.CN), sau đó truyền vào Trung Á, Trung Hoa (TK.1).

Năm 67 thời Đông Hán, Hán Minh Đế sai Vương Tuân, Thái Hâm và 15 người khác sang nước Đại Nhục Chi (giáp ranh Ấn Độ) để rước tượng Phật về thờ và mời hai vị sư là Ca Diếp Ma Đằng (Kerssoapa Matanga) và Trúc Pháp Lan (Falan) qua Trung Hoa thuyết pháp.

Thời Tam Quốc (TK.3) Phật giáo phát triển mạnh ở cả ba nước: Ngụy, Thục, Ngô, mỗi nước đều có nhiều vị tăng từ Tây Vực sang truyền đạo. Nước Ngô có Khương Tăng Hội, Ngụy có Đàm Ma Ca La, Thục có Châu Tử Hàng. Khương Tăng Hội (229-280) sinh trưởng ở Giao Chỉ, là dịch giả bộ Lục độ tập kinh sang Hán văn. Năm 247 Khương Tăng Hội từ Giao Chỉ sang Kiến Nghiệp, kinh đô nước Ngô (nay là Nam Kinh) truyền đạo và sống ở đó 33 năm cho đến khi mất.

Thời Tấn (265-316), Phật Giáo Trung Hoa bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ, gọi là “Thời kỳ hưng thịnh thứ nhất”. Có cao tăng Tây Vực là Phật Độ Trừng sang truyền đạo, được hàng vạn người quy ngưỡng. Ông đã đào tạo ra được đệ tử nổi tiếng là Đạo An Pháp Hoa. Sau đó Cưu Ma La Thập dịch rất nhiều kinh Phật: Kinh A Di Đà, Kinh Pháp hoa, Kinh Duy Ma Cật, Kinh Kim Cương… đưa đạo Phật lên vị trí cao trong đời sống tinh thần Trung Hoa. Các phái Tam luận tông và Thành thực tông ra đời trong giai đoạn này.

Thời Nam Bắc triều (420-589) được coi là “Thời kỳ hưng thịnh thứ hai” của Phật giáo Trung Hoa. Sư Huệ Viễn lập ra Bạch Liên Xã để xiển dương pháp môn Tịnh Độ. Bồ Đề Đạt Ma từ Thiên Trúc sang mở ra phái Thiền tông Trung Hoa. Đây là tông phái phát triển mạnh mẽ nhất ở Đông Á sau này, và là tông phái chủ yếu của Phật giáo Việt Nam. Sư Nam Nhạc lập ra phái Thiên Thai Tông. Lương Chiêu Minh thái tử tổ chức việc san định và chú giải kinh Phật. Kinh Phật thông qua Huyền học mà thâm nhập sâu vào đời sông tinh thần Trung Hoa.

Đời Đường (618-907) được coi là “Thời kỳ hưng thịnh thứ ba” của Phật giáo Trung Hoa. Sư Huyền Trang sang An Độ học đạo 15 năm, sau đó mang về rất nhiều kinh sách. Ông là người có công đầu làm sáng tỏ giáo lý Pháp tướng tông Trung Hoa. Năm 676 Lục tổ Huệ Năng bắt đầu thuyết giảng về Thiền tông, tông phái ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong khu vực([ii]).

Với Triều Tiên, ngưòi ta thường lấy sự kiện năm 372 sư Thuận Đạo từ đông bắc Trung Quốc đến Cao Câu Ly/ Koguryo truyền giảng kinh Phật làm sự kiện mở đầu cho việc Phật giáo đến nơi này. 12 năm sau sư Ma La Nan Đà từ Đông Tấn sang Bách Tế/ Paeckche truyền bá đạo Phật. Khoảng giữa TK.5, Phật giáo đến Tân La/ Silla. Ngay từ đầu, triều đình các tiểu quốc này đã nhận ra giá trị của đạo Phât đối với đời sống tâm linh và nhất là đối với việc thống nhất đất nước, đoàn kết dân tộc. Tông phái quan trọng nhất ở bán đảo Triều Tiên giai đoạn đầu là Luật tông với vai trò đứng đầu của các sư Khiêm Ích ở Bách Tế, Từ Tàng ở Tân La. Bên cạnh Luật tông thì Mật tông cũng được truyền vào do các nhà sư từ Trung Á tới.

Đối với Nhật Bản. Phật giáo du nhập vào muộn hơn. Năm 538 được coi là năm chính thức đánh dấu việc Phật giáo du nhập vào quần đảo này với sự kiện vua nước Bách Tế/ Paeckche đến Nhật Bản dâng tượng Phật và kinh luận. Đạo Phật lúc mới vào đã đụng độ khá mạnh với tín ngưỡng thờ thần bản địa được các hào tộc địa phương bảo trợ, sau đó thì phát triển nhanh chóng nhờ sự ủng hộ của nhân vật có quyền uy nhất quần đảo lúc bấy giờ là thái tử nhiếp chính: Thánh đức thái tử/ Shotoku taishi.

Năm 754 sư Giám Chân đến thuyết pháp ở triều đình Nhật Bản (thời Nara).

Tông phái mạnh nhất Nhật Bản thời kỳ đầu là Pháp tướng tông, tông phái  này được triều đình ủng hộ, nó mang tính chất “hộ quốc”, “hộ vương” rất rõ nét. Đầu TK.9 các nhà sư Nhật Bản sau khi du học ở Trung Hoa đời Đường đã đem những tông phái Phật giáo mới về truyền bá ở Nhật Bản: Tối Trừng  đại sư (Saichô daishi, tức Truyền Giáo đại sư/ Dengyô) truyền Thiên Thai tông, Không Hải đại sư (Kukai daishi) truyền Chân Ngôn tông. Giữa TK.10, Không Dã đại sư/ Kuya daishi truyền Tịnh Độ tông.

Đối với Việt Nam, thông thường người ta cho rằng Phật giáo truyền vào nước ta khoảng đầu công nguyên, bằng cả hai con đường: từ An Độ lên bằng đường biển, từ Trung Hoa xuống bằng đường bộ. Có những nhà nghiên cứu cho thời điểm lưu truyền sớm hơn nữa. Nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát cho rằng: Phật giáo truyền vào nước ta từ thời Hùng Vương (khoảng TK.3 – 2 tr.CN) thông qua con đường Chiêm Thành, và người Phật tử Việt Nam đầu tiên là Chử Đồng Tử, học trò của nhà sư Phật Quang như huyền thoại Chử Đồng Tử  và Tiên Dung có nói đến([iii]). Mặc dầu con đường truyền bá Phật giáo sớm nhất là từ phía Nam lên, nhưng Phật giáo nước ta chủ yếu là Phật giáo Đại thừa truyền từ Trung Quốc xuống. Đó cũng là Phật giáo chung của các nước Đông Á: Triều Tiên – Hàn Quốc, Nhật Bản, khác với Phật giáo Tiểu thừa của các nước Nam Á và Đông Nam Á. Những sự kiện sau đây cho thấy điều ấy:

Năm 580 theo lời khuyên của Tam tổ Tăng Xán([iv]), Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi đi về phương Nam truyền đạo, đến nước ta, và sư đã trở thành vị khai tổ dòng Thiền Việt Nam.

Năm 820 Thiền sư Vô Ngôn Thông sang Việt Nam mở ra dòng Thiền thứ hai tại nước ta, tức là dòng Quan Bích hay còn gọi là dòng Vô Ngôn Thông.

Thời cổ đại có thể coi là thời kỳ manh nha của văn học Triều Tiên-Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, manh nha về thể loại, về ngôn ngữ và về những vấn đề đặt ra trong tác phẩm.

Vào thế kỷ 3, trên bán đảo Triều Tiên người ta đã bắt đầu sử dụng chữ Hán. Từ chữ Hán người ta đã sáng tạo ra loại chữ Idu, tức là loại chữ Hán dùng để ghi âm Hàn theo kiểu giả tá âm. Các tác phẩm văn học đầu tiên được viết bằng chữ Hán và chữ Idu như thế.

Vào thời kỳ đầu tiên người ta thấy xuất hiện những tác phẩm hương ca/ hyangga mà nguồn gốc của nó có thể thấy khá rõ từ các bài chúc từ của saman giáo, các bài cầu nguyện của Phật giáo. Hyangga là thể thơ ngắn, có thể chia hyangga ra thành 3 loại: 10 dòng, 8 dòng và 4 dòng. Hiện nay còn tất cả 25 bài hyangga,  trong đó 17 bài của các nhà sư, 3 bài của giới nho sĩ, và 2 bài do phụ nữ viết, còn lại thì khuyết danh. Bài Tuệ tinh ca/ Hyesseong-ga của sư Dung Thiên/ Yungchon tương truyền là khi hát lên có thể xua tan được sao chổi và đẩy lui được đội quân xâm lược Nhật Bản.

Vào thế kỷ 7, một nhà sư Silla đã viết cuốn Chú giải Tam tạng kinh pháp rất được chú ý.

Nước Nhật Bản thống nhất ra đời vào khoảng thế kỷ 4 sau CN với triều Yamato/ Đại Hoà, thời đại này tồn tại đến TK.8, tức là đến trước thời Nara/ Nại Lương- thời định đô của Nhật Bản([v]). Thời Yamato cũng là thời cổ đại – thời kỳ manh nha của văn học viết Nhật Bản. Tác phẩm văn học viết đầu tiên còn lại đến nay là bộ sách Tam kinh nghĩa sớ, giải thích ba bộ kinh: Duy ma, Pháp hoa, Thắng man do Thánh Đức Thái tử/ Shotoku taishi biên soạn vào năm 618. Như đã nói ở trên, Thánh Đức Thái tử là nhà chính trị, văn hoá lớn của Nhật Bản thời cổ đại, ông cũng là người có công lớn nhất trong việc truyền bá đạo Phật vào Nhật Bản. Bên cạnh bộ sách Phật giáo trên, văn học viết còn lưu lại một số bài ca chủ yếu là của giới quý tộc Yamato, sau này được chép trong Cổ sự ký/ Kojiki, Nhật Bản thư kỷ/ Nihonshoki, Vạn diệp tập/ Man’yoshu – những bộ lịch sử và thi tuyển đầu tiên của Nhật Bản, hoàn thành vào đầu thời trung đại (thời Nara). Các tác giả tiêu biểu của nó là: Hoàng hậu Iwanohime, Thái tử Shotoku, Thiên hoàng Jomei, Thiên hoàng Saime, Hoàng tử Arima, Hoàng tử Otsu, đặc biệt là thi sĩ trứ danh Hitomaro, nhà thơ tiêu biểu nhất cho thời “Vạn Diệp tập tiền kỳ” (từ TK.4 đến đầu thời Nara) v.v. Những bài ca của họ được viết bằng tiếng Nhật, nói lên cảm xúc của con người trước thiên nhiên, suy nghĩ và tâm tình của họ về chiến tranh, thể hiện lòng sùng kính thiên hoàng, coi thiên hoàng như hiện thân của thần Nhật Bản.

Xin dẫn ra đây bài thơ được coi là cổ nhất của nền văn chương Nhật Bản. Bài thơ được ghi lại trong Kojiki/ Cổ sự ký, theo như trong sách ấy ghi, tác giả của nó là thần Susanoo-Thần Giông Bão, tất nhiên là sống ở thời đại các thần. Câu chuyện kể là, Thần bị đuổi khỏi Cánh Đồng Trời (Takama ga hara), bèn đi lang thang bên bờ sông Hi ở xứ Izumo. Ở đó Thần gặp một bà lão đang ngồi khóc. Hỏi nguyên do, bà lão kể: bà có 8 người con gái lần lượt bị một con mãng xà hung ác ăn thịt hết bảy cô, chỉ còn lại một là nàng Kushinada. Nghe thế Thần bèn dựng lên hàng rào bao bọc lấy căn nhà cô gái, rồi trổ ra tám cửa, mỗi cửa đặt một thùng rượu rồi chờ đợi. Mãng xà Yamata đến, thấy rượu, nó bèn vục đầu vào uống no say, không chừa một giọt. Chỉ chờ có thế, Thần bèn rút kiếm ra và chém chết nó. Nàng Kushinada được cứu thoát, vui mừng nhận lời cầu hôn của Thần. Thần Susanoo làm bài ca 31 âm tiết theo điệu 5-7-5-7-7 để nói về sự kiện này. Bài ca ấy chính là bài mở đầu cho thể loại tanka/ đoản ca, hay còn gọi là Hoà ca, cũng là mở đầu cho thơ ca Nhật Bản. Bài ca ấy như sau:

Yakumo tatsu                              Tám tầng mây dựng

Izumo yaegaki                             Ở xứ Izumo

Tsuma gomi ni                            Ta làm tám tầng mây xa

Yaegaki tsukuru                          Tám tầng mây ấy

Sono yaegaki wo                          Che chở người vợ ta.([vi])

Trong những bài ca thời Yamato còn lại, có khá nhiều bài tanka/ đoản ca về tình yêu thật là ý nhị và mãnh liệt, nó thể hiện cái tinh tế trong tình cảm, cái mãnh liệt trong tình yêu và cái đa tình trong sinh hoạt cung đình thời bấy giờ. Đây là cuộc xướng hoạ thơ trong dạ tiệc sau một buổi săn bắn. Người khởi đầu là Hoàng tử Oama, chàng làm thơ để tặng cho nữ ca nhân của hoàng tộc - nàng Nukata:

Tử thảo tím ngoài đồng,

Em phất tay áo gọi.

Gặp người đang canh giữ,

Tôi chẳng để mắt trông.

Người canh giữ cánh đồng cỏ murasaki/ tử thảo (cỏ tím) ở đây có lẽ ám chỉ thiên hoàng hoặc triều thần đang canh giữ nàng, không cho nàng đi theo tiếng gọi của tình yêu. Nàng Nukata không còn trẻ nữa, khoảng 40 tuổi, và nàng đang được thiên hoàng sủng ái, nhưng điều ấy có là gì trước tiếng gọi ái tình. Nàng trả lời bằng một bài tanka thật tình tứ:

Chàng đẹp như cỏ tím

Xin chàng đừng ghét em

Em dù có nơi chốn

Gặp người sao khó quên.

      Thơ ca Nhật đã khởi đầu bằng những bài ca như thế.

Đối với văn học Việt Nam, thời kỳ văn học cổ đại là thời kỳ Bắc thuộc. Mặc dù văn học dân gian với thần thoại, truyền thuyết đã có từ lâu đời và rất phong phú, nhưng văn học viết vẫn còn đang trong thời kỳ phôi thai. Tương tự như Nhật Bản và Hàn Quốc, thành tựu văn học chủ yếu trong thời kỳ này là văn học Phật giáo, bên cạnh đó cũng còn sót lại một số thơ phú. Có thể kể ra đây những tác phẩm tiêu biểu của người Việt mà nhiều người cũng đã biết đến:

-       TK.3 bản dịch Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh, bản chú giải An ban thủ ý kinh, Pháp kính kinh của Khương Tăng Hội (người gốc Khương Cư, cha mẹ ông đến Giao Chỉ, ông được sinh ra và lớn lên ở đây)

-       Giữa TK.5: Sáu bức thư của Đạo Cao, Pháp Minh gửi Lý Miễu

-       580-600: những bài thơ của Tì Ni Đa Lưu Chi và Pháp Hiền

-       Năm 675 : bài thơ Điếu Đạo Hy pháp sư của Đại Thừa Đăng

-       766 Khương Công Phụ viết bài phú Bạch vân chiếu xuân hải, bài văn sách Đối trực ngôn cực gián sách trong kỳ thi tiến sĩ đời Đường Đức Tông

-       Cuối TK.8- đầu TK.9: Thơ sấm vĩ của Thiền sư Định Không, bài minh chùa Thanh Mai

-       815: Bài thơ Đề lữ sấn của Liêu Hữu Phương

-       850: Bài kệ của Thiền sư Cảm Thành

-       Cuối thế kỷ 9 xuất hiện bài Tống Mã Thực của một nho sĩ khuyết danh

-       900: Những bài thơ của sư La Quý An ([vii])

 Như trên ta thấy, trước thế kỷ 8, ngoài việc chú dịch kinh Phật và thư từ trao đổi về Phật học ra, văn học viết của người Việt hầu như chưa có gì. Từ TK.7 đến TK.10, dưới tác động của chế độ giáo dục và những thành tựu rực rỡ của thơ ca đời Đường, cũng như sự phát triển của xã hội và tinh thần dân tộc mà văn học viết bắt đầu một giai đoạn tăng tốc. Mặc dù chỉ còn sót lại những mảnh vụn, nhưng qua những mảnh vụn ấy, người ta cũng có thể mường tượng ra ngôi nhà văn học viết của người Việt thời cổ đại cũng đã khá khang trang. GS.Trần Nghĩa thống kê trong giai đoạn ấy đã có ít nhất 24 người viết văn có tên tuổi: Pháp sư Định Không từng giảng kinh Phật ở tại Trường An và được thi sĩ Dương Cự Nguyên tặng thơ, Thượng nhân Vô Ngại có thơ xướng hoạ với thi sĩ Thẩm Thuyên Kỳ, một nhà sư Nhật Nam khuyết danh  xướng hoạ với Trương Tịch, Thiền sư Duy Giám xướng hoạ với Giả Đảo… Tiếc rằng điều ấy ta chỉ biết được qua những bài thơ của các thi sĩ đời Đường chép trong Toàn Đường thi, còn bản thân các sáng tác của tác giả người Việt thì không còn nữa. 

So với các nước trong khu vực, tình hình Việt Nam khá giống với Triều Tiên: văn học viết ra đời muộn, bị mất mát gần hết, văn học viết bằng tiếng nói dân tộc gần như chưa có. Trong khi đó văn học Nhật Bản còn lưu lại một số bài bằng ngôn ngữ và thể loại dân tộc.

II.            VĂN HỌC ĐÔNG Á GIAI ĐOẠN  SƠ KỲ TRUNG ĐẠI

          Các triều đại Trung Quốc lúc thịnh lúc suy, nhưng vẫn không ngừng xu thế  bành trướng ra xung quanh. Điều ấy đặt ra cho các dân tộc Đông Á một thách thức lớn: muốn tồn tại được thì không có cách nào khác là phải tự cường tự trị và hấp thu mau chóng những thành quả tiên tiến của chính đất nước lân bang to lớn  của mình. Chỉ cần nghe tên gọi của các nước cũng đủ thấy khuynh hướng muốn khẳng định sức mạnh của mình trước Trung Hoa: Đại Hàn, Đại Hoà (Yamato), Đại Việt, Đại Nam.

          Thời trung đại trong văn học là thời kỳ gắn với chế độ phong kiến của mỗi nước, từ khi chế độ đó bắt đầu đi vào ổn định (Sơ kỳ trung đại), phát triển lên đến đỉnh cao (Trung kỳ trung đại),  rồi lâm vào khủng hoảng do sự suy yếu của triều đình trung ương và do sự phát triển của các đô thị phong kiến (Hậu kỳ trung đại). Thời trung đại đều kết thúc bằng cuộc xâm lược của phương Tây đối với các nước phương Đông. Thời cận đại mở ra khi xã hội các nước chuyển sang mô hình tư bản chủ nghĩa, văn học bắt đầu hiện đại hoá theo mô hình văn học phương Tây.

-   Văn học trung đại của Trung Quốc có thể kể từ đời Tần cho đến cuối đời Thanh (từ TK.3 tr.CN đến cuối TK.19, trước khi Khang-Lương xuất hiện)

-   Văn học trung đại Triều Tiên bắt đầu từ thời Cao Ly/ Koryo cho đến cuối thời Triều Tiên của vương triều Lý (từ TK.10 đến cuối TK.19, trước khi Phong trào Khai hoá nổ ra)

-   Văn học trung đại Việt Nam bắt đầu từ các triều đại phong kiến độc lập: Ngô, Đinh, Tiền Lê cho đến cuối vương triều Nguyễn (từ TK.10 đến đầu TK.20, trứơc khi Phong trào Duy tân xuất hiện - 1905).

          Sơ kỳ trung đại, các nước Đông Á đều chịu ảnh hưởng Tam giáo ở những mức độ khác nhau: Nho, Phật, Đạo. Nho chủ yếu ở việc tổ chức chính quyền, Phật ở đời sống tinh thần, tín ngưỡng. Đạo giáo tồn tại dưới những hình thức khác nhau: ở Nhật Bản Đạo giáo xâm nhập vào Thần đạo, một tôn giáo/ tín ngưỡng phát triển từ tín ngưỡng thờ thần bản địa, nhưng Thần đạo có vẻ nổi bật hơn; ở Triều Tiên và Việt Nam, Đạo giáo kết hợp với tín ngưỡng thờ thần bản địa (ở Triều Tiên là Saman giáo) trong đó yếu tố Đạo giáo có vẻ nổi trội hơn.

          Sơ kỳ trung đại của Nhật Bản là hai thời Nara (TK.8) và Heian (TK.9- TK.12). Năm 710 triều đình thiên đô về Nara/ Nại Lương, bắt đầu thời kỳ định đô, tức là xây dựng chế độ phong kiến tập quyền mạnh mẽ. Triều đình liên tục cử nhiều đoàn “Khiển Đường sứ” (Sứ thần phái sang nhà Đường), tức là lưu học sinh sang Trung Quốc học tập.  Văn học Trung Quốc được giới quý tộc cung đình rất hâm mộ, trong các nhà thơ Đường người Nhật thích nhất là Bạch Cư Dị. Bộ tuyển tập thơ văn đồ sộ Bạch thị văn tập với 710 quyển trở thành sách gối đầu giường của giới trí thức quý tộc Nhật Bản. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ của Phật giáo. Uy thế của Phật giáo cao tới mức có vị pháp vương tính rông rỡ ép nữ hoàng nhường ngôi. Để thoát khỏi bóng tháp nhà chùa, năm 794, triều đình thiên đô đến Bình An kinh/ Heian-kyô, xây dựng một kinh đô tráng lệ theo mô hình Trường An (Trung Quốc). Trong thời Heian, giai đoạn thiên hoàng có quyền lực thực sự rất ngắn ngủi, chừng nửa thế kỷ, còn lại 250 năm quyền lực rơi vào tay dòng họ quý tộc nhiếp chính Fujiwara/ Đằng Nguyên. Nền văn minh Nhật Bản thời này chỉ dường như tập trung ở Kyoto/ Kinh đô, và cụ thể hơn là ở cung đình.

Sơ kỳ trung đại của Triều Tiên là thời Cao Ly (TK.10 - cuối TK.14). Năm 918 Vương Kiến/ Wang Kon, vị chỉ huy phó trong cuộc nổi dậy cuối thời Silla được các tuỳ tướng tôn lên làm vua, đã mở ra một thời đại mới trên bán đảo Triều Tiên: thời đại thống nhất dưới chế độ phong kiến tập quyền. Vương Kiến đặt tên nước là Cao Ly/ Koryo và dời đô về Kaesong/ Khai Thành. Nhà nươc Cao Ly xây dựng trên cơ sở quyền lợi của giới quý tộc, bao gồm hoàng tộc (họ Vương, quý tộc cũ của Silla), các dòng họ ngoại thích như họ Kim ở An Sơn, họ Lý ở Nhân Xuyên, và nhiều dòng quý tộc nhỏ ở địa phương nữa. Văn hoá Cao Ly nhìn chung có tính chất quý tộc và chịu ảnh hưởng sâu sắc Phật giáo. Vua Thái Tổ/ Taejo cho xây dựng các chùa Pháp vương Tự, Hưng Quốc Tự, Hưng Vưong tự… với quy mô khổng lồ ở Kaesong/ Khai Thành. Việc ấy cho thấy Phật giáo được hâm mộ rất rộng rãi. Phật giáo cũng trở thành thế lực “hộ quốc”, “hộ vương” rất rõ. Phật giáo phát triển mạnh, nhưng nhà chùa lại không kiềm chế được tham vọng của mình, số ruộng đất và của cải nhà chùa càng ngày càng lơn, thậm chí nhà chùa còn phải tổ chức cả những đội “tăng binh” để bảo vệ chùa hay tranh giành quyền lợi với giới quý tộc. Triều Tiên đã áp dụng chế độ khoa cử như đời Đường từ đầu thời Cao Ly (năm 958 thời Quang Tông/ Kwangjong), tuy nhiên phải đến cuối thời Cao Ly (TK.14), Nho giáo mới thực sự trở thành một lực lượng mạnh, lấn át dần Phật giáo.

          Sơ kỳ trung đại của Việt Nam là từ Ngô đến cuối vương triều Trần (TK.10- cuối TK.14). Cơ sở xã hội của các triều đại này là tầng lớp quý tộc trang viên. Phật giáo được triều đình ủng hộ, có vai trò hết sức quan trọng đối với triều đình trong giai đoạn đầu. Từ cuối đời Trần trở đi, tầng lớp nho sĩ lớn mạnh dần lên và trở thành trụ cột của triều đình. Vấn đề đặc biệt của Việt Nam là trong thời Sơ kỳ trung đại, nước ta phải liên tiếp đối đầu với các cuộc xâm lược lớn từ phương bắc xuống: nhà Ngô chống quân Nam Hán, nhà Tiền Lê, nhà Lý chống quân Tống, nhà Trần ba lần chống quân Nguyên.

          Về văn học, văn học sơ kỳ trung đại của Nhật Bản có hai dòng chính: Thứ nhất là dòng văn học khẳng định độc lập dân tộc, khẳng định giá trị và bản sắc văn hóa Nhật Bản; Thứ hai là là dòng văn học viết về vẻ đẹp thiên nhiên và đời sống, tâm lý của người Nhật, nhất là tầng lớp quý tộc cung đình. Thành tựu của nó rất rực rỡ, có thể kể ra đây một số tác phẩm tiêu biểu:

-       Cổ sự ký (Kojiki), bộ sử đầu tiên của Nhật Bản bắt đầu từ các huyền thoại hình thành dân tộc cho đến các đời Suy Cổ thiên hoàng/ Suiko tenno (đầu TK.7), hoàn thành năm 712.

-       Nhật Bản thư kỷ (Nihonshoki), bộ sử thứ hai của Nhật Bản, cũng ghi chép từ đời các thần cho đến đầu TK.8, do nhóm thân vương Towari thực hiện, hoàn thành năm 720.

-       Vạn diệp tập (Manyôshù), thi tuyển đầu tiên của Nhật Bản hiện còn, gồm có 20 quyển, với gần 5000 bài ca bằng ngôn ngữ dân tộc của nhiều người xuất thân từ các tầng lớp khác nhau: từ thiên hoàng, hoàng hậu, hoàng tử, quan lại, tăng lữ… thuộc giai tầng cấp cao cho đến thứ dân, trải dài suốt 300 năm từ TK.5, 6 đến TK.8.

-       Các tập thơ chữ Hán bắt đầu xuất hiện: Hoài phong tảo (Kaifùsô) do Oumi no Mifune tuyển, hoàn thành vào giữa TK.8; Lăng vân tập (Ryôunshù) do nhóm Minemori tuyển, hoàn thành vào đầu TK.9…

Trong số Khiển Đường sứ thành tài có nhà thơ Abe no Nakamaro. Abe là quý tộc thời Nara (TK.VIII), du học Trung Quốc, rồi làm quan đời Đường, trở thành bạn thơ của Lý Bạch, Vương Duy, Hạ Tri Chương… Cuối đời trở về Nhật, trên đường đi gặp bão, lưu lạc đến tận vùng Hoan Châu của An Nam. Ông còn để lại bài thơ tanka nổi tiếng nói lên tâm sự thương nhớ quê hương, được sáng tác  khi vừa dời khỏi Trường An:

Bầu trời bát ngát

Ngẩng đầu lên ngắm nhìn

Mảnh trăng kia có phải

Từ núi Mitaka, Kasuga quê ta

Mọc lên. ([viii])

Các bộ sử đầu tiên ra đời: Cổ sự ký (Kojiki) là bộ sử viết bằng thứ chữ Hán và Nhật hỗn hợp, ghi lại những huyền thoại và những trang sử đầu tiên hình thành triều đình Nhật Bản; Nhật Bản thư kỷ (Nihon shoki), bộ sử bằng chữ Hán tiếp theo bộ sử trên.

Văn học bằng tiếng Nhật phát triển mạnh mẽ tới mức không ít người cho rằng đây là gia đoạn phát triển cao nhất của văn học Nhật Bản. Trong loại văn chương viết bằng tiếng Nhật thì vai trò nổi bật thuộc về các phụ nữ quí tộc. Họ đã mang đến những xúc cảm tinh tế về thiên nhiên, về nỗi buồn và cái đẹp. Xúc cảm ấy người Nhật gọi là “Mono no aware” (bi cảm Nhật Bản), đã trở thành đặc trưng truyền thống của mỹ cảm Nhật Bản. Dưới đây là những tác phẩm nổi bật:

Tập thi tuyển Cổ kim Hòa ca tập (Kokin waka shù) do Ki no Tsurayuki biên soạn dưới chỉ thị của thiên hoàng, được hoàn thành vào năm 922. Tập thơ gồm trên 1000 bài thơ ngắn, chủ yếu là loại tanka (đoản ca) gồm 31 âm tiết được ngắt nhịp: 5- 7- 5- 7- 7 âm tiết. Những bài thơ này là những sáng tác làm từ sau bộ thi tuyển đầu tiên Manyôshù (Vạn Diệp tập) cho đến bấy giờ. Bài tựa của tập thơ do Ki no Tsurayuki viết thể hiện ý định xây dựng nền văn học riêng độc lập với Trung Hoa và sự trưởng thành về ý thức thơ ca Nhật Bản. Các tuyển tập thơ ca “sắc tuyển” tiếp theo là: Hậu soạn Hòa ca tập (Gosen waka shù); Tân cổ kim Hoà ca tập (Shin kokinshu)…

Cuối TK.10 xuất hiện tác phẩm tự sự đồ sộ Truyện chàng Genji (Genji monogatari- Nguyên thị vật ngữ) của nữ sĩ Murasaki Shikibu. Truyện miêu tả cuộc sống cung đình lúc bấy giờ, trung tâm là hoàng tử Genji đa tình với rất nhiều mối tình với các phụ nữ quý tộc. Toàn bộ tác phẩm có 54 chương dày hàng ngàn trang. Có ý kiến cho rằng Truyện Genji là bộ tiểu thuyết trường thiên đầu tiên trong văn học thế giới. Tác phẩm này đã đi trươc thời đại khá xa, phải đến 700 năm sau thì thời đại của tiểu thuyết Nhật Bản mới thực sự bắt đầu (TK.17). Nó là ngôi sao chổi mọc lên rồi vụt tắt, không có gì đồng hành hay đi sau nó cả. Tất nhiên cũng phải kể đến truyền thống viết “truyện kể” (vật ngữ/ monogatari) đã bắt đầu từ trước đó một thời gian với truyện Trúc thủ vật ngữ (Taketori monogatari) và nhất là phải kể đến truyền thống viết nhật ký, tuỳ bút của giới quý tộc, đặc biệt là phụ nữ quý tộc trong cung đình Heian bấy giờ như các tập: Thổ tá nhật ký (Tosa nikki), Tinh linh nhật ký (Nhật ký phù du/ Kagero nikki), Nhật ký của Murasaki Shikibu (Murasaki Shikibu nikki), Nhật ký 16 đêm (Thập lục dạ nhật ký) v.v., tác phẩm từng được một số nhà nghiên cứu cho là tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới. Khi nói đến Truyện Genji người ta thường ít nói đến ảnh hưởng của văn xuôi Trung Quốc, nhưng cũng phải thấy rằng trước Truyện Genji một hai trăm năm, từ thời Trung Đường (TK.8-9) đã xuất hiện những  truyện truyền kỳ diễm tình rất hay, đó là những truyện thế tục hoàn toàn, vắng bóng thần linh như: Hội chân ký (Oanh Oanh truyện) của Nguyên Chẩn, Lý Oa truyện của Bạch Hành Giản, Liễu thị truyện của Hứa Nghiêu Tá, Trường hận ca truyện của Trần Hồng…

Vào thế kỷ 11 xuất hiện bộ tuỳ bút nổi tiếng Chẩm thảo tử (Makura no soshi/ Ghi chép để dưới gối) của Sei Shonagon ghi chép những suy nghĩ của tác giả về thế giới xung quanh mình, trung tâm cuộc sống của giới quý tộc cung đình lúc bấy giờ.

Tầng lớp quý tộc ngày càng mất vai trò lịch sử của nó, thực tế ấy đã dẫn đến sự hình thành các truyện lịch sử vào cuối thời Sơ kỳ trung đại (TK.12) để ghi lại những hồi quang của giới quý tộc: Vinh hoa vật ngữ của Fujiwara no Michinaga viết theo thể biên niên, Đại kính (Tấm gương lớn, tác giả khuyết danh) viết theo thể liệt truyện v.v.

Việc sưu tầm truyện kể trong dân gian bắt đầu được chú ý tới, thành quả của nó là các tập truyền thuyết Phật giáo Nhật Bản linh dị ký của sư Keikai/ Cảnh Giới, bộ truyền thuyết Phật giáo và thế tục lớn nhất Nhật Bản Kim tích vật ngữ của các nhà sư vùng Nara (trung tâm là chùa Đông Đại tự).

Văn học sơ kỳ trung đại Triều Tiên thực sự chỉ còn lưu giữ được những tác phẩm từ khoảng TK.12 trở đi. Chủ đề đất nước và thiên nhiên, con người là hai chủ đề chính trong giai đoạn này.

Trước hết phải kể đến bộ ghi chép lịch sử: Tam quốc sử ký (Samguku sagi) của Kim Pu-sik viết về thời Tam quốc của Triều Tiên hồi đầu công nguyên, hoàn thành năm 1145. Tiếp theo là bộ ghi chép dã sử- truyền thuyết lịch sử Tam quốc di sử (Samgoku Yusa) của sư Ilyon, hoàn thành vào cuối TK.13.

Nền văn chương chủ đạo vẫn là văn chương viết bằng Hán văn. Thơ chữ Hán được sử dụng rất phổ biến. Lý Khuê Báo/ Yi Kyu-po là nhà thơ lớn nhất cuối thời Cao Ly, ông nổi danh với bài trường ca về người anh hùng dựng nước Cao Câu Ly: Đông Minh vương thiên / Tongmyong wang p’yon và nhiều bài thơ nói lên nỗi thống cổ của nhân dân dưới ách thống trị của quân Mông Cổ. Văn xuôi Hán văn phát triển mạnh từ cuối thời Cao Ly với các truyện như: Khổng Phương truyện của Lâm Xuân/ Im Chun, Khúc tiên sinh truyện của Lý Khuê Báo/ Yi Kyu-bo, Trúc phu nhân truyện của Lý Cốc/ Yi Kok, và các tập tạp văn, nhàn đàm như: Phá nhàn tập của Lý Nhân Lão/ Yi Il-lo, Bạch Vân tiểu thuyết của Lý Khuê Báo/ Yi Kyu-bo…

Văn học sơ kỳ trung đại của Việt Nam có hai bộ phận: một là văn học khẳng định nền độc lập dân tộc của các nhà sư và quý tộc Lý-Trần, một nữa là văn học Thiền tông. Đến cuối đời Trần có thêm mảng thơ văn của các nho sĩ “ưu thời mẫn thế”. Ở bộ phận thứ nhất là các bài thơ: Thần (khuyết danh, Lý Thường Kiệt nhuận sắc), Quốc tộ của Đỗ Pháp Thuận, Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, thơ Trần Quang Khải, Trần Nhân Tông…Văn học Thiền tông đạt được thành tựu nổi bật với thơ của các thiền sư thời Lý- Trần: Vạn Hạnh, Không Lộ, Mãn Giác, Quảng Nghiêm, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Tung, Huyền Quang… Văn xuôi Hán văn có: Thiền uyển tập anh, tập truyện về các nhà sư theo từng dòng truyền thừa, có tính chất “truyền đăng” rất rõ nét; Tam tổ thực lục là truyện về các nhà sư thuộc phái Trúc Lâm của Việt Nam; Việt điện u linh, sách ghi về sự tích các thần nổi tiếng của nước ta, có thể coi như một loại sưu tập “thần phả, thần tích”  của đạo thờ thần của người Việt; Lĩnh Nam chích quái, sưu tập về các chuyện thần quái của nước ta, tương tự như sách Sưu thần ký của Trung Quốc, Kim tích vật ngữ của Nhật Bản.

Cuối đời Trần có sự xuất hiện của các nho sĩ: Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh…Thơ văn của họ đem đến một tính chất khác hẳn trước, gần với tính chất Trung kỳ trung đại hơn là Sơ kỳ trung đại. Chúng ta sẽ nhắc lại họ ở giai đoạn văn học sau.

III.         VĂN HỌC ĐÔNG Á GIAI ĐOẠN TRUNG KỲ TRUNG ĐẠI

Nhà Tống tồn tại hơn 300 năm từ năm 960 đến 1278. Thành tựu to lớn nhất  về học thuật của nó là sự ra đời của phái Đạo học, còn gọi là Lý học vơí Chu Đôn Di, Chu Hy, Trình Hạo, Trình Di. Tống Nho công khai chống đối các loại tư tưởng học thuật khác với chủ trương  “Độc tôn Nho học, bài trừ dị học”. Khuynh hướng đề cao “Đạo thống” (dòng chính thống của Đạo), bài trừ Phật Lão đã có từ cuối đời Đường, nhưng phải đến các học giả đời Tống mới thật mạnh mẽ. Tống học đạt đến giai đoạn đại hưng thịnh vào cuối thế kỷ 12. Giữa thế kỷ 14, nhà Minh lên thay nhà Nguyên, một vương triều ngoại tộc, đã mở ra thời đại phục hưng những giá trị văn hoá Hán tộc, đồng thời cũng tạo điều kiện cho Nho giáo phát triển mạnh mẽ. Điều ấy đã tác động đến Việt Nam và Triều Tiên, góp phần đưa Nho giáo lên địa vị quốc giáo ở các nước này. Giai tầng sĩ phu cuối thời Cao Ly (Triều Tiên) và cuối thời Trần (Việt Nam) đã khẳng định được vị trí của mình nhờ năng lực của họ tỏ ra hơn hẳn giới quý tộc già cỗi đang sa vào hưởng lạc, và cả tầng lớp tăng lữ suy thoái đang vui hưởng những quyền lợi thế tục.

Triều Tiên, từ sự bất lực của triều đình Cao Ly trong việc giải quyết những vấn đề nội trị, Lý Thành Quế/ Yi Song-gye nổi lên như một thế lực mới, và ông ta đã thành công trong một cuộc chính biến để nắm lấy quyền lực tối cao của đất nước. Năm 1392 Lý Thành Quế chính thức lên ngôi, đổi tên triều đại của mình là Choson/ Triều Tiên theo tên cổ và dời đô về Hanyang/ Hán Dương (tức Seoul ngày nay). Trụ cột của triều Lý là tầng lớp “lưỡng ban”, tức hai ban văn võ, là những dòng họ công thần đối với triều đình. Tuy nhiên trong đó văn được trọng hơn võ, và văn thì chủ yếu là những nho sĩ cấp cao theo Tân nho giáo của Chu-Trình, người ta gọi là “Sĩ đại phu/ Sadaebu”. Người đầu tiên đưa Tống nho vào Triều Tiên là An Dụ/ An Yu (1243-1306), kế đó là Bạch Di Chính/ Paek I-jong (1275-1325), Lý Tề Hiền/ Yi Che-hyon (1287-1367), Trịnh Đạo Truyền/ Chong To-jong (1337-1392)… Những môn đệ Tống nho của Triều Tiên đã làm dấy lên làn sóng bài xích Phật giáo khá mạnh mẽ. Những nhà tư tưởng danh tiếng nhất của Triều Tiên là: Lý Hoảng/ Yo Hwang (tức Lý Thoái Khê/ Yi Toegye, 1501-1570) được coi là Chu Hy của Triều Tiên và Lý Nhĩ/ Yi I ( tức Lý Lật Cốc/ Yi Yulgok, 1536-1584), triết gia đứng đầu trường phái “trọng Khí”. Cùng với sự phát triển của giáo dục và chế độ khoa cử, tầng lớp nho sĩ càng trở nên đông đảo với sự bổ sung của giới “Sĩ lâm/ Sarim ” xuất thân từ làng quê.

Việt Nam tình hình cũng diễn ra tương tự. Cuối đời Trần, từ khoảng giữa TK.14 trở đi, tầng lớp nho sĩ đã trưởng thành nhanh chóng, Nho giáo của Chu văn An và các học trò trung thành của ông là một thứ nho giáo hoàn toàn khác với Nho giáo trong Tam giáo trước đó. Nho giáo trong Tam giáo là một học thuật tự do, tương tự như Nho giáo đời Đường, còn Nho giáo của Chu Văn An là Tân Nho giáo, tức Tống nho. Với bộ sách Tứ thư thuyết ước của mình, Chu Văn An thực sự là người đầu tiên đưa cái học của Chu Hy, tức Tống Nho vào Việt Nam. Tinh thần Tống Nho ấy còn được thể hiện ở thái độ cứng cỏi “Văn Trinh ngạnh trực” dâng Thất trảm sớ xin chém bảy kẻ lộng thần, và ở trong những lời lẽ cứng rắn phê phán giới tăng lữ của các học trò của ông: Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… Như mọi người đều biết việc đề cao Tứ thư là công của Chu Hy, ông ta đã bỏ ra hơn 20 năm để hoàn thành bộ sách chú giải Tứ thư tập chú. Đồng thời Tống Nho cũng chủ trương Tôn sùng Nho học, bài trừ dị học. Kẻ sĩ Tống Nho chú trọng vào phẩm chất, bản lĩnh cá nhân, không khuất phục trước cường quyền. Nho học phát triển mạnh mẽ vào thời Lê sơ và rực rỡ nhất vào thời Lê Thánh Tông. Những kẻ sĩ đại phu làm vang danh cho nền Nho học Việt Nam là Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan.

          Tình hình Nhật Bản hơi khác. Trung kỳ trung đại của Nhật Bản có thể kể từ thời giới quân sự lên nắm chính quyền: dòng họ Minamoto trở thành Tướng quân/ Shogun, mở Mạc phủ ở Kamakura/ Liêm Thương từ năm 1192 cho đến hết thời Chiến quốc/ Sengoku (năm 1573). Nhân vật trung tâm của xã hội không phải là quý tộc như trước nữa mà là tầng lớp vũ sĩ. Chiến tranh, loạn lạc xảy ra liên miên: Loạn Thừa Cửu (cuối TK.12), cuộc phân tranh Nam Bắc triều, Loạn Ứng Nhân (cuối TK.15), thời Chiến quốc (cuối TK.15-16). Do sống biệt lập ngoài quần đảo, nên Nhật Bản không bị sức ép của Trung Hoa thường xuyên. Nhật Bản không áp dụng chế độ khoa cử để tuyển dụng quan lại mà vẫn theo chế độ thế tập với quyền lực nằm trong tay giới quân sự ở trung ương và các lãnh chúa địa phương, nên tầng lớp nho sĩ không phát triển được. Trụ cột tinh thần của đất nứơc vẫn nằm trong tay các trí thức Phật giáo. Các tông phái Tịnh Độ tông, Tịnh độ chân tông, Nhật Liên tông và Thiền tông phát triển mạnh, thu hút giới võ sĩ và thứ dân.

Văn học trung kỳ trung đại ở Nhật Bản vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Phật giáo, bên cạnh đó văn học viết về đạo đức của giới quân nhân cũng được chú ý, trong đó lòng trung thành, cốt lõi tinh thần của chế độ mạc phủ được quan tâm đặc biệt.

Thể loại thơ ngắn của dân tộc - thể tanka/ đoản ca bắt đầu suy thoái, thàh quả đáng kể nhất của nó là bộ thi tuyển Tân cổ kim Hòa ca tập (Shin kokin waka shù) hoàn thành vào năm 1205. Thể thơ liên ca/ renka (gọi đầy đủ là “Bài hài liên ca”/ Haikai no renka) mới xuất hiện được tầng lớp võ sĩ và trí thức bình dân đón nhận nhiệt liệt, thành tựu đáng chú ý nhất của nó là tập: Bài hài chi liên ca độc ngâm thiên cú (Một ngàn bài thơ bài hài liên ca) của Arakida Moritake.

Đặc biệt có hiện tượng mới nổi lên, đó là các bộ tiểu thuyết viết về chiến tranh gọi là các tiểu thuyết “quân ký”, có thể coi nó như những anh hùng ca chiến trận, được võ sĩ và thứ dân yêu thích :

-       Bình gia vật ngữ (Heike monogatari) là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc tranh chấp quyền lực giữa hai dòng họ Taira (Bình thị) và Minamoto (Nguyên thị) cuối thời kỳ Heian.

-       Bình Trị vật ngữ (Heiji monogatari) viết về cuộc loạn tranh thời Bình Trị.

-       Thái bình ký (Taiheiki) viết về cuộc loạn tranh thời Kiến Vũ trung hưng.

Cảm hứng chung của loại tiểu thuyết quân ký này là cảm hứng về cái vô thường của vinh hoa và quyền lực, một cảm quan có tính cách Phật giáo.

Tuồng (chữ Hán viết là Năng), một loại hình sân khấu truyền thống của Nhật Bản phát triển rất mạnh vào thời kỳ này. Tuồng lấy cảm hứng từ cái vô thường của Phật giáo. Zeami/ Thế A Di là người có công đầu về , ông cũng  là người đặt nền móng lý luận về tuồng với cuốn Phong tư hoa truyện (Fùshikaden) viết vào đầu thế kỷ 15, cuốn sách lý luận bậc nhất về loại hình nghệ thuật này.

Loại truyện thần quái có tên gọi “Ngự già thảo tử” (Otogi zoshi) có tính giáo huấn cao, được yêu thích. Bên cạnh đó còn có các tập truyền thuyết Phật giáo và thế tục: Vũ Trị thập di vật ngữ, Cổ kim trứ văn tập, Phát tâm tập…

Các thể loại văn học nhật ký, nhật ký đi đường (kỷ hành), tuỳ bút vẫn tiếp tục phát triển, thành quả đáng chú ý là các bộ: Hải đạo ký, Quan Đông kỷ hành (TK.13) tác giả khuyết danh, Phương Trượng ký của  Kamo no Chomei viết bằng thể “Hoà Hán hỗn hào”- vừa Nhật ngữ vừa Hán ngữ, tập tuỳ bút trứ danh Đồ nhiên thảo của Pháp sư Kenko…

Thế kỷ 13 xuất hiện các nhóm nghiên cứu và sáng tác thơ văn chữ Hán gọi là “Ngũ Sơn văn học”([ix]) do các nhà sư ở Kamakura và Kyoto chủ trương. Các thể loại chủ yếu của họ là: nhật ký, ngữ lục, văn chữ Hán, thơ chữ Hán. Việc nghiên cứu về văn học Trung Quốc và Nho giáo giúp cho Nho giáo phát triển mạnh mẽ ở thời Edo tiếp theo.

Thời trung kỳ trung đại trong văn học Triều Tiên có thể nói là thời của tầng lớp Sĩ đại phu/ Sadaebu. Tư tưởng Tống nho được đề cao trong sáng tác của họ. Hàng loạt các bộ sử được viết ra để ca tụng triều đại Lý và củng cố lòng trung thành của sĩ dân đối với triều đình: Thái Tổ thực lục, Triều Tiên vương triều thực lục, Xuân thu quán, Cao Ly sử… Loại ca nhạc gắn với thơ gọi là “Nhạc chương” thể hiện rõ tính chất tụng ca của thể loại này, nổi bật là các tác phẩm: Tân đô ca/ Sindo ka của Trịnh Đạo Truyền/ Chong To-jon, Long phi ngự thiên ca/ Yongbi ochon ka của Trịnh Lân Chỉ/ Chong In-ji v.v. Tuyển tập vĩ đại nhất về thơ văn chữ Hán của người Triều Tiên là bộ Đông  văn tuyển / Dongmun son do Từ Cư Chính/ So Ko-jong biên tập hoàn thành vào năm 1478. 

Văn tạp ký, nhàn đàm của các nhà nho phát triển mạnh, đáng chú ý là các tác phẩm: Bút uyển tạp ký của Từ Cư Chính/ So Ko-jong, Dung Trai tùng thoại của Thành Hiện/ Song Hyon, Bại quan tạp ký của Ngư Thúc Quyền/ O Suk-kwon. Tập truyện truyền kỳ Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu đời Minh được truyền đến Triều Tiên từ rất sớm, từ đó Kim Thời Tập/ Kim Si-sup đã phóng tác ra thành tập truyện truyền kỳ Triều Tiên: Kim Ngao tân thoại/ Kum o sinhwa. Tác phẩm này cũng được coi là tiểu thuyết Hán văn đầu tiên của Nhật Bản.

Sự kiện văn hoá quan trọng vào đầu triều Lý là việc vua Lý Thế Tông/ Yi Se-jong và các cộng sự của ông đã phát minh ra hệ thống chữ viết Hàn ngữ/ Hangul (gọi đầy đủ là “Huấn dân chính âm/ Hunmin chongum, ban hành năm 1446) để ghi âm Triều Tiên. Hệ thống chữ viết Hangul không được tầng lớp “lưỡng ban” là các sĩ đại phu và võ quan cao cấp ủng hộ, nhưng lại rất được dân chúng, nhất là phụ nữ quý tộc, con gái các gia đình “lưỡng ban” yêu thích, dùng để viết thư từ và sáng tác thơ ca, tạo tiền đề cho thời kỳ khai hoa của văn học viết bằng ngôn ngữ dân tộc.

          Hai thể thơ dân tộc là Sijo/ Thời điệu và Kasa/ Ca từ đều xuất hiện vào cuối giai đoạn Cao Ly/ Koryo (Sơ kỳ trung đại), nhưng phải đến giai đoạn Triều Tiên/ Choson (Trung kỳ trung đại) mới thực sự phát triển. Kasa/ ca từ có thể coi như một loại từ khúc của người Triều Tiên. Nhà thơ kasa nổi danh nhất giai đoạn này là Trịnh Triệt/ Chong Chol (1536-1593), tác giả của những bài kasa bất hủ: Quan Đông biệt khúc, Tư mỹ nhân khúc, Tục mỹ nhân khúc… Thể thơ tiêu biểu nhất cho tâm hồn dân tộc Triều Tiên là sijo/ thời điệu, với tên tuổi của các nhà thơ: Lý Hoảng/ Yo Hwang (1501-1570), Lý Nhĩ/ Yi I (1536-1584), Phác Nhân Lão/ Pak Il-lo (1561-1643), Thân Khâm/ Sin Hum (1566-1628), và nhất là nữ sĩ Hoàng Chân Y/ Hwang Chin Y(1506-1544) và Doãn Thiện Đạo/ Yun Son-do (1587-1671), hai thi sĩ đã đưa thể thơ này lên đến đỉnh cao. Kasa và sijo giai đoạn này thường đề cao lòng trung quân, có ý khuyên răn đạo đức, hay thể hiện nỗi thống khổ của nhân dân trong  cuộc chiến tranh xâm lược của Mãn Châu và Nhật Bản. Bên cạnh đó là những bài thơ ca ngợi vẻ đẹp bất tuyệt của thiên nhiên và khát khao muốn tìm nơi an trú trong ấy.

Văn học trung kỳ trung đại ở Việt Nam  là giai đoạn văn học của các nhà nho. Có thể gọi các nhà nho như Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, các nhà thơ trong Tao đàn thời Hồng Đức, rồi Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan…là các “sĩ đại phu” tương tự như sĩ đại phu thuộc tầng lớp “lưỡng ban” dưới thời Choson của Hàn Quốc. Tính chất tụng ca là tính chất nổi bật của văn học TK.15 với vai trò không thể thiếu được của thể phú, ca ngợi cuộc kháng chiến chống quân Minh, ca ngợi dân tộc, ca ngợi hoàng đế anh minh. Đó là các bài: Chí Linh sơn phú của Nguyễn Trãi; Chí Linh sơn phú, Lam Sơn giai khí phú, Tẩy binh vũ phú, Nghĩa kỳ phú, Hậu Bạch Đằng giang phú, Bút trận phú, Huân phong cầm phú, Xuân đài phú…của Nguyễn Mộng Tuân; Chí Linh sơn phú, Xương giang phú, Quảng cư phú… của Lý Tử Tấn, và cả bài “đại phú” Lam Sơn Lương Thuỷ phú của Hoàng đế Lê Thánh Tông.

Văn chương ca tụng thú điền viên, ẩn dật thì phải nói đến thơ Nguyễn Trãi,  Nguyễn Bỉnh khiêm, phú của Nguyễn Công Hãng (Tịch cư ninh thể phú)… Thể thơ Hàn luật (hay còn gọi là Thất ngôn xen lục ngôn) của kẻ sĩ quân tử là thể loại phát triển lên đến đỉnh cao trong giai đoạn này. Chữ Nôm được dùng trong sáng tác văn học với những tác phẩm đạt đến trình độ mẫu mực như Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Bạch Vân quốc ngữ thi của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hai thể thơ dân tộc khác hình thành vào giai đoạn sau của Trung kỳ trung đại cũng đã có thành quả với Thiên Nam ngữ lục bằng thể lục bát và Thiên Nam minh giám bằng thể song thất lục bát.

Truyện truyền kỳ được mở đầu bằng tác phẩm “thiên cổ kỳ bút” Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, mà chúng ta còn thấy rất giống với những người anh em của nó ở Trung Quốc và Triều Tiên: Tiễn đăng tân thoại Kim Ngao tân thoại. Sau khi Truyền kỳ mạn lục ra đời được  ít lâu, Nguyễn Thế Nghi đã dịch tập truyện này ra tiếng Việt với tên gọi Tân biên Truyền kỳ mạn lục. Triều Tiên thường có tiểu thuyết bằng Hán văn, sau đó lại dịch ra Hàn ngữ, và những tiểu thuyết đều được coi là tiếng thuyết bằng tiếng Hàn. Với cách nhìn ấy, có thể coi Tân biên Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Thế Nghi là tiểu thuyết tiếng Việt đầu tiên của nước ta.

Nói chung so với Nhật Bản và Triều Tiên-Hàn Quốc, tiểu thuyết Việt Nam ra đời muộn hơn và số lượng cũng ít hơn nhiều.

IV.          VĂN HỌC ĐÔNG Á HẬU KỲ TRUNG ĐẠI

Hậu kỳ trung đại ở Triều Tiên-Hàn Quốc thuộc về nửa cuối vương triều Lý (TK.18 - cuối TK.19), Nhật Bản là Azuchi-Momoyama và Edo (cuối TK.16-1867), Việt Nam là từ thời Lê mạt đến khi phong trào Cần vương bị dập tắt (TK.18-cuối TK.19).

          Từ thời Minh, Thanh trở đi, xã hội và văn hoá Trung Quốc có những thay đổi rõ nét mang tính chất Hậu kỳ trung đại với vai trò ngày càng quan trọng của tầng lớp thị dân (phong kiến). Những thay đổi chuẩn bị bước sang thời cận đại ấy có tác động rất mạnh đến các nước trong khu vực, đó là:

-       Khuynh hướng tài tử trong văn học Minh Thanh

-       Khảo chứng học đời Thanh

-       Khuynh hướng bảo thủ trong học thuật đời Thanh

-       Dương học Trung Quốc (ảnh hưởng rất lớn đến phái Dương học Triều Tiên, “Tây nho” Nhật Bản, và Lê Quý Đôn của Việt Nam)

-       Tư tưởng khải mông của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu (tác động mạnh mẽ đến các sĩ phu trong phong trào khai hoá Triều Tiên, phong trào duy tân Việt Nam)

v.v.

Hậu kỳ trung đại Nhật Bản được đánh dấu rõ ràng nhất là từ thời Edo. Tướng quân Tokugawa/ Đức Xuyên chiến thắng các thế lực khác, thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ thái bình, ổn định lâu dài hơn 250 năm cho nước Nhật (từ 1602 đến giữa TK.19).

Đây là thời kỳ Nho giáo được suy tôn thay cho Phật giáo. Mạc phủ Tokugawa/ Đức Xuyên tìm thấy ở Nho giáo, đặc biệt là Tống nho không phải chỉ là kỹ thuật quản lý hành chính, mà còn ở khả năng tạo ra được một hệ thống “công chức” hết lòng trung thành với chính quyền của mình. Mạc phủ dùng Hayashi Razan/ Lâm La Sơn làm nho quan với chức Thị giảng của Tướng quân để khuếch trương tư tưởng của Chu Tử. Tuy nhiên, ngoài Chu Tử học phái có tính chất chính thống của Mạc phủ, Nho học thời kỳ Edo còn có nhiều học phái khác nữa mâu thuẫn rất gay gắt với tư tưởng Chu Tử, như Dương Minh học phái do Nakae Toju/ Trung Giang Đằng Thụ (1608 – 1648), Cổ học phái do Ito Ninsai/ Y Đằng Nhân Trai (1627 – 1705) và phái Công lợi do Ogiyu Sorai/ Địch Sinh Tồ Lai (1666-1728) đứng đầu.

Bên cạnh Nho giáo, một số học giả chủ trương nghiên cứu về học thuật riêng của Nhật Bản. Học phái này được gọi là phái Quốc học, đứng đầu là Motoori Norinaga/ Bản Cư Tuyên Trường. Norinaga chuyên nghiên cứu những tác phẩm cổ của Nhật Bản như Cổ sự ký, Nhật Bản thư kỷ, Truyện chàng Genji... để tìm ra những  giá trị thuần túy Nhật Bản, đối lập nó với các tư tưởng ngoại lai như Nho giáo, Phật giáo và các tư tưởng phương Tây.

Từ giữa thế kỷ 16 đạo Thiên chúa và văn minh phương Tây đã bắt đầu du nhập vào Nhật Bản. Các môn học mới mẻ về địa lý thế giới, thiên văn, kỹ thuật, y khoa... đã mau chóng lan truyền ở Nhật Bản, nhất là ở Nagasaki, thành phố cảng  phía nam, cửa ngõ duy nhất thông thương ra nước ngoài trong một đất nước  “tỏa quốc”, khóa cửa ngày càng nghiêm ngặt. Có nhiều tri thức Nhật Bản đã để tâm nghiên cứu những ngành học mới mẻ này. Người Nhật gọi ngành học này là “Lan học” (cái học của người Hà Lan, nước phương Tây duy nhất được ra vào Nhật Bản), và người nghiên cứu ngành này  là “Tây nho”. Người đứng đầu Lan học là Arai Hakuseki/ Tân Tỉnh Bạch Thạch.

Văn hóa thị dân (Đinh nhân văn hóa/ Chonin bunka) là điểm đặc sắc nhất của thời Edo. Đỉnh cao của văn hoá thị dân là văn hoá thời Nguyên Lộc/ Genroku (cuối TK.17-đầu TK.18) với tranh khắc gỗ ukiyo-e đầy màu sắc thế tục và tính dục, sân khấu kabuki/ ca vũ kỹ về tình yêu của người “đinh nhân” (kẻ chợ/ thị dân), tiểu thuyết, truyện tranh các loại vô cùng phong phú… Các đô thị lớn bấy giớ có Osaka, Kyoto, Nagasaki, và nhất là Edo với hơn 2 triệu dân, không thua kém gì thành phố Luân Đôn đương thời, cho thấy mức độ tập trung đô thị rất cao của Nhật Bản.

Triều Tiên, tầng lớp “Lưỡng ban” với sĩ đại phu và các võ quan cao cấp dần dần mất vai trò lịch sử, tầng lớp sĩ lâm chủ yếu là những nho sĩ bình dân càng ngày càng đông đảo và có vai trò ngày càng quan trọng hơn trong đời sống chính trị và văn hoá Triều Tiên. Xã hội ổn định lâu dài dẫn đến sự phát triển của kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp. Tầng lớp “cống nhân”, những người thu mua hàng hoá của các địa phương để cung cấp cho triều đình, dần dần phát triển thành những thương nhân giàu có kinh doanh từng mặt hàng chuyên biệt. Các hoạt động thương mại của tư thương buôn bán gạo, muối, cá, tơ lụa, vải bông, nhân sâm… diễn ra náo nhiệt ở các thành thị như Seoul, Kaesong/ Khai Thành. Theo chân các đoàn buôn chuyến,  văn hoá đô thị Trung Quốc thời Minh Thanh cũng truyền vào Triều Tiên.

Việt Nam, quá trình suy thoái của chế độ phong kiến Việt Nam có thể lấy dấu mốc từ thế kỷ 16, nhưng tình hình cũng chưa thật trầm trọng. Đến thế kỷ 18 trở đi không chỉ đánh dấu sự suy thoái, mà chính là sự suy sụp của chế độ phong kiến. Sự suy sụp ấy không chỉ biểu hiện ở sự thoái hóa năng lực và đạo đức của chính quyền trung ương mà chính là ở sự cùng khổ của dân chúng và cuộc đấu tranh của họ thông qua các cuộc khởi nghĩa nông dân. Điều đáng nói hơn nữa là sự phát triển của các đô thị như Thăng Long, Phố Hiến, Nghệ An, Hội An, Gia Định, Hà Tiên… đã dẫn đến sự hình thành ngày càng đông đảo tầng lớp thị dân. Sự tích lũy lâu dài những yếu tố tiêu cực đối với chế độ phong kiến Việt Nam từ cuối thế kỷ 15 đã dẫn đến sự thay đổi sâu sắc vào đầu thế kỷ 18, mà sự thành lập vương triều Nguyễn tập quyền cao độ cũng không đủ để cứu nguy cho nó được lâu dài. Bên cạnh đó, văn hoá Hậu kỳ trung đại của các đô thị Trung Quốc theo thuyền buôn và các đoàn đi sứ đã đẩy nhanh sự hình thành văn hoá thị dân ở Việt Nam.

Về văn học, hậu kỳ trung đại Nhật Bản là một giai đoạn phát triển rực rỡ của văn chương xứ  sở này.

Thơ ca : Thành tựu rực rỡ nhất là thơ haiku (hai-kư). Các nhà thơ haiku hàng đầu bấy giờ là : Matsuo Basho/ Tùng Vĩ Ba Tiêu, Yosa Buson/ Dữ Tạ Vu Thôn, Kobayashi Issa/ Tiểu Lâm Nhất Trà. Thể thơ haiku được hình thành từ nửa trên của một bài tanka. Thơ tanka đã ngắn, chỉ có 31 âm tiết, thơ haiku lại còn ngắn hơn nữa, chỉ có 17 âm tiết, ngắt thành 3  đoạn theo thứ tự : 5 – 7 – 5 âm tiết. Từ tiếng Nhật đa âm, cho nên một bài haiku có khi chỉ có mấy từ. Thế nhưng trong vỏ bọc ngôn từ ít ỏi ấy, sức lan tỏa của haiku lại vô cùng. Thơ haiku dành rất nhiều khoảng trống cho sự cảm nhận và tưởng tượng riêng của người đọc. Dường như nhà thơ chỉ làm có một nửa, còn một nửa thì để người đọc làm lấy. Thơ haiku cũng như tranh thuỷ mặc, nghệ thuật bonsai, thu gọn cả một vũ trụ trong nó. Xin đọc mấy bài haiku của Basho, nhà thơ lớn nhất mọi thời đại của Nhật Bản:

- Chim đỗ quyên hót

Ở Kinh đô

Mà nhớ Kinh đô.

- Trên cành khô

Quạ đậu

Chiều thu.

- Từ bốn phương trời xa

Cánh hoa đào lả tả

Gợn sóng hồ Bi-wa.

- Tiếng chuông chùa

Trôi trong sương sớm

Và bình minh lên.

Tiểu thuyết: nổi bật nhất là tiểu thuyết viết về cuộc sống của thị dân. Nhà văn tiêu biểu của văn hóa thị dân là Ihara Saikaku/ Tỉnh Nguyên Tây Hạc, tác giả của một loạt “tiểu thuyết phù thế” đa tình: Hiếu sắc nhất đại nam (Một chàng trai đa tình), Hiếu sắc ngũ nhân nữ (Năm cô gái đa tình), Hiếu sắc nhất đại nữ (Một cô gái đa tình)... Mặc dù tác phẩm của ông được người đương thời gọi là “tiểu thuyết phù thế”, nhưng chúng lại không liên quan gì đến những tư tưởng bi quan của Phật giáo. Ngược lại nó thể hiện những khát khao tận hưởng lạc thú cuộc đời trần thế của tầng lớp thị dân mới nổi lên – một tầng lớp có sức mạnh tiền bạc rất lớn, lấn áp cả địa vị và danh vọng võ sĩ. Bên cạnh Saikaku, còn có Santo Kyoden/ Sơn Đông Kinh Truyện (1761-1816), nhà văn đứng đầu của loại tiểu thuyết thông tục “sái lạc bản” (sharebon); Jippen Shaikku/ Thập Phản Xá Nhất Cửu (1765-1831) đứng đầu loại tiểu thuyết khôi hài “hoạt kê bản”…

Về truyện truyền kỳ, tập Tiễn đăng tân thoại ảnh hưởng đến Nhật Bản muộn hơn một chút so với Triều Tiên và Việt Nam, đến giữa TK.17 mới được tiếp nhận ở Nhật Bản, tức là sau Việt Nam và Triều Tiên khoảng 100- 150 năm. Năm 1666 ở Nhật Bản xuất hiện tác phẩm phóng tác Tiễn đăng tân thoại có tên là Già tì tử hay Ngự già tì tử (Otogiboko) của Asai Ryoi (A-sai Ryo-I, ?-1691), một võ sĩ lang thang đi tu, rồi trở thành nhà văn. Già tì tử có 68 truyện, trong đó có 18 truyện phóng tác từ Tiễnm đăng tân thoại của Cù Hựu, 2 truyện phóng tác từ Kim Ngao tân thoại  của Kim Thời Tập/ Kim Si-sup Triều Tiên. Đỉnh cao của truyện truyền kỳ Nhật Bản là tập Vũ nguyệt vật ngữ/ Ugetsu monogatari của Ueda Akinari (1734-1809), nhà văn, nhà nghiên cứu quốc học Nhật Bản. Vũ nguyệt vật ngữ có 9 truyện, chịu ảnh hưởng không chỉ Tiễn đăng tân thoại mà cả Cổ kim tiểu thuyết, Tỉnh thế hằng ngôn, Cảnh thế thông ngôn của Phùng Mộng Long và truyện cổ dân gian Nhật Bản. Những truyện ngắn trong tập truyện này mang đậm dấu ấn thời đại: bi kịch hơn và  tính chất thị dân rõ nét hơn.

Về sân khấu : Văn hóa thị dân hiện diện ở sân khấu là “kịch” kabuki (ca vũ kỹ). Nhà soạn kịch lớn nhất của sân khấu Edo là Chikamatsu Monzaemon/ Cận Tùng Môn Tả Vệ Môn (1653-1724), người từng được mệnh danh là Shakespeare của Nhật Bản. Ong tác giả của những vở kịch nổi tiếng: Xuất thế cảnh thanh, Quốc tính gia hợp chiến, Tăng Căn Kỳ tâm trung. Đề tài các vở kịch của ông thường là mâu thuẫn giữa nghĩa vụ(giri/ nghĩa lý) và tình cảm (ninjô/ nhân tình).

Cuối thời Edo nổi lên các loại tiểu thuyết xiển dương cho đạo đức nho giáo. Nổi tiếng nhất là tập truyện về các trung thần: Giả danh thủ bản Trung thần tàng của nhóm Izumo viết ra nhằm đề cao loại đạo đức mà Mạc phủ rất ưa thích là lòng trung thành (trung thành tâm). Các tiểu thuyết Trung Quốc được đón nhận nhiệt liệt ở Nhật Bản, tạo nên làn sóng dịch, phóng tác tiểu thuyết lịch sử và xã hội như : các bản dịch Tây du, Tam ngôn, Nhị phách, Kim cổ kỳ quan, Kim bình mai, Kim vân Kiều truyện…Đáng chú ý nhất là Nam Tổng Lý Kiến bát khuyển truyện của Kyokutei Bakin/ Khúc Đình Mã Cầm (1767-1848) phóng tác từ truyện Thuỷ hử của La Quán Trung. Bakin cũng là tác giả của Kim Ngư truyện, tiểu thuyết phóng tác từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Đó là những vận động cuối cùng có tính chất trung đại của văn học viết thời Edo.

Văn học Triều Tiên hậu kỳ trung đại diễn ra khá sôi nổi.

Các thể thơ sijo/ thời điệu và kasa/ ca từ thay đổi theo hướng tăng cường tính hiện thực, thể hiện những rung cảm chân thực trong lòng người, nhất là về tình yêu, và cả những khát khao tính dục. Các nhà thơ tiêu biểu là: Kim Thiên Trạch/ Kim Chon-taek, Kim Thọ Trường/ Kim Su-jang và cả một số xuất thân từ ca kỹ. Thành tựu tiêu biểu cho thơ sijo cách tân này là những bộ thi tuyển đồ sộ: Thanh khâu vĩnh ngôn do Kim Thiên Trạch/ Kim Chon-taek biên soạn hoàn thành năm 1728,  Hải Đông ca dao do Kim Thọ Trường/ Kim Su-jang biên soạn hoàn thành năm 1763, Ca khúc nguyên lưu do Phác Hiếu Khoan/ Pak Hyo-gwan và An Mai Anh/ An Ming-yong biên soạn, hoàn thành năm 1876.

Các tuyển tập văn học dân gian tiêu biểu nhất là Chiêu đại phong dao của Cao Thời Ngạn/ Ko Sin-on là bằng chứng rõ ràng nhất cho sự lên ngôi của người bình dân trong văn học.

Tiểu thuyết chữ Hán Hậu kỳ trung đại có những thay đổi quan trọng. Chịu ảnh hưởng của tư tưởng thực học (sirhak), tiểu thuyết chữ Hán tăng cường tính hiện thực, viết bằng một loại Hán văn giản dị, hướng chủ đề vào việc phê phán mạnh mẽ tính chất ăn bám của tầng lớp “lưỡng ban”, tiêu biểu là các truyện Hứa Sinh truyện, Hổ Sất Lưỡng ban truyện, Mẫn Ông truyện  của Phác Chi Nguyên/ Pak Chi-won.

Tiểu thuyết viết bằng chữ Hangul xuất hiện từ cuối thời Trung kỳ trung đại, tác phẩm đầu tiên có lẽ là Hồng Cát Đồng truyện/ Hong Kiltong chon của Hứa Quân/ Huh Gyun (1569-1618), tác phẩm gây được tiếng vang lớn là tiểu thuyết thần tiên Cửu vân mộng của Kim Vạn Trùng/ Kim Man-jung (1637-1692). Đến Hậu kỳ trung đại, tiểu thuyết bằng tiếng Hàn mới thực sự nở rộ, với những: Tường Hoa Hồng Liên truyện, Thẩm Thanh truyện, Ngọc lâu mộng, Thục Hương truyện …và được yêu thích nhất là tiểu thuyết kỹ nữ Xuân Hương truyện. Các truyện trên đều có chủ đề phê phán xã hội, phê phán sự kỳ thị giàu nghèo, sang hèn, ca ngợi tình yêu tự do.

Hậu kỳ trung đại của Triều Tiên chứng kiến sự lên ngôi của một thể loại văn học-sân khấu mới có tính chất đại chúng rõ nét là thể pansori, một loại truyện kể xen kẽ với thơ được ngâm kể kèm theo điệu bộ. Pansori có nguồn gốc lâu đời, nhưng thịnh hành vào nửa đầu TK.19. Hiện có 12 bản pansori, là những tác phẩm phỏng theo tiểu thuyết tiếng Hàn, truyện cổ dân gian. Người có công đầu đối với thể loại này là Thân Thái Hạo/ Sin Chae-hyo (1812-1884). Các bạn pansori thường phê phán những bất công đương thời, châm biếm tầng lớp lưỡng ban, ngợi ca cuộc đấu tranh của những người nghèo khổ trong xã hội cho tự do, tình yêu và hạnh phúc của mình. Tiêu biểu là các tác phẩm: Truyện nàng Xuân Hương (phỏng theo tiểu thuyết cùng tên), Truyện nàng Shim Cheong, Truyện Heung Boo.v.v.

Trong những thành tựu văn học Hậu kỳ trung đại Triều Tiên có thể kể thêm những công trình học thuật của các nhà thực học, đó là những bộ sách đồ sộ có tính bách khoa thư như: Chi phong loại thuyết của Lý Tối Quang/ Yi Su-gwang, Tinh hồ tạp thuyết của Lý Dực/ Yi Ik, và nhất là Đại điển hội thông của Triệu Đẩu Thuần/ Cho Tu-sun hoàn thành năm 1865, Tăng bổ văn hiến bị khảo của một nhóm học giả do Phác Dung Đại/ Pak Yong-dai đứng đầu hoàn thành vào năm 1908. Có thể thấy ở những công trình ấy ảnh hưởng của ngành Khảo chứng học đời Thanh.

Giai đoạn hậu kỳ trung đại trong văn học Việt Nam được đánh dấu bằng truyện nôm Truyện Song Tinh của Nguyễn Hữu Hào. Truyện Song Tinh là truyện thơ Nôm (lục bát trường thiên) có tên tác giả đầu tiên của văn học nước ta. Tác phẩm này mở đầu cho giai đoạn cực thịnh của văn học tiếng Việt thời kỳ Trung đại. Không phải ngẫu nhiên mà Truyện Song Tinh xuất hiện vào đầu thế kỷ 18. Tính chất tiểu thuyết (truyện thơ) và phổ cập rộng rãi (bình dân, thị dân) bằng ngôn ngữ dân tộc là những đặc trưng của văn học Hậu kỳ trung đại.

Hai thể thơ dân tộc là lục bát và song thất lục bát đều đạt đến trình độ mẫu mực. Song thất lục bát có các khúc ngâm nổi tiếng: Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm-Phan Huy Ích, Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều, Ai tư vãn của Ngọc Hân công chúa, Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, Thu dạ lữ hoài ngâm của Đinh Nhật Thận, Tự tình khúc của Cao Bá Nhạ… Thành tựu của lục bát chủ yếu là các truyện thơ nôm. Trước hết là truyện thơ nôm bác học chịu ảnh  hưởng sâu sắc văn học đô thị Hậu kỳ trung đại của Trung Quốc: truyện Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện, Truyện Nhị độ mai, Phan Trần, Sơ kính tân trang của Phạm Thái, Ngọc Kiều Lê của Lý Văn Phức, Truyện Tây Sương của Nguyễn Lê Quang và nhất là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Bên cạnh đó là các truyện thơ nôm bình dân, thường là của các tác giả khuyết danh: Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Trinh thử… Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu mặc dù là của tác giả có danh, nhưng về mặt thi pháp, gần với truyện nôm bình dân hơn là truyện nôm bác học- tài tử giai nhân.

Thơ Đường luật bằng tiếng Việt phát triển lên đến đỉnh cao với Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quán, Nguyễn Khuyến, Tú Xương…Hậu kỳ trung đại chứng kiến sự lên ngôi của một thể thơ mới gắn liền với sinh hoạt đô thị: hát nói, với các nhà thơ tài tử: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh…

Phú và văn tế: thành tựu mới về thể loại này chủ yếu là những tác phẩm bằng chữ nôm. Tính chất đời thường, tính trào tiếu là những nét mới có tính hậu kỳ trung đại. Có thể kể: Ngã ba Hạc phú của Nguyễn Bá Lân, Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ, Tài tử đa cùng phú của Cao Bá Quát, rồi Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái, Văn khóc chị của Nguyễn Hữu Chỉnh…

Tiểu thuyết chữ Hán đứng đầu là bộ Hoàng Lê nhất thống chí của nhóm Ngô gia văn phái. Thể ký có Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác. Bên cạnh đó là các tập ghi chép bằng Hán văn rất có giá trị như: Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ, Tang thương ngẫu lục của Trần Danh An…

Về học thuật, có thể kể ra đây những công trình đồ sộ có tính bách khoa thư của các học giả trứ danh: Vân đài loại ngữ, Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn;  Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, các công trình  được biên soạn theo  chủ trương của triều đình: Quốc triều thi lục, Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí…

Hậu kỳ trung đại khép lại bằng hai nhà nho thành thị là Tú Xương và Chu Mạnh Trinh, nhường chỗ cho nền văn học mới viết bằng chữ quốc ngữ khởi đầu bằng các trí thức Tây học ở Sài Gòn, rồi các sĩ phu duy tân khắp 3 miền Nam, Trung, Bắc.

 

KẾT LUẬN

1. Do điều kiện lịch sử xã hội tương đồng nên văn học cổ điển Việt Nam có những bước đi chung với văn học khu vực Đông Á. Từ sau khi hình thành khu vực văn hoá Đông Á vào những năm đầu công nguyên, văn học Việt Nam cũng như Triều Tiên, Nhật Bản khởi đầu bằng giai đoạn văn học gắn liền với Phật giáo. Những trước tác Phật giáo là những tác phẩm văn học đầu tiên của mỗi nước. Phật giáo nằm trong cấu trúc tư tưởng chung tam giáo: Nho, Phật, Đạo. Đạo giáo ở Việt Nam và Triều Tiên thể hiện khá rõ qua tư tưởng Lão Trang, Đạo giáo ở Nhật Bản thâm nhập sâu vào Thần đạo, thể hiện dưới hình thức Thần đạo. Văn học Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản ở mức độ khác nhau đều có dòng văn học yêu nước, khẳng định nền độc lập và văn hiến riêng của dân tộc mình. Tư tưởng yêu nước bắt rễ sâu xa và được nuôi dưỡng không ngừng bằng đạo thờ thần của mỗi nước: Thần đạo Nhật Bản, Đạo thờ Thần có tính chất saman giáo của Triều Tiên, Đạo thờ Thần gắn liền với đạo thờ tứ phủ, thờ những anh hùng có công với nước ở Việt Nam. Cùng với sự du nhập của những tư tưởng ngoại lai, mà tư tưởng yêu nước của mỗi nước mang màu sắc khác nhau: Phật giáo, rồi Nho giáo. Dẫu có những màu sắc ấy, nhưng tư tưởng yêu nước luôn được nuôi dưỡng bởi tình cảm  thiêng liêng gắn liền với đạo thờ Thần qua các khái niệm: hồn thiêng sông núi, hồn nước, anh linh tổ tiên, tiên hiền hậu hiền trong làng… So với các nước dòng văn học yêu nước Việt Nam ra đời khá sớm, tạo thành một dòng mạnh mẽ, khá liên tục, đến tận thời cận hiện đại. Tư tưởng yêu nước trong văn học Việt Nam thường gắn với tư tưởng hoà bình và nhân đạo, ít có tính dân tộc cực đoan, hẹp hòi.

          Do sự lớn mạnh của tầng lớp nho sĩ trong nước và do những ảnh hưởng trào lưu khôi phục đạo thống, văn thống dân tộc Hán vào đời Minh mà từ TK.14 trở đi Việt Nam và Triều Tiên đều chuyển dần sang mô hình Nho giáo - Tống Nho. Từ khoảng TK.17-18 các nước đều bước vào giai đoạn Hậu kỳ trung đại với thiết chế Nho giáo ngày càng nghiêm khắc hơn, ảnh hưởng của Thiên chúa giáo và học thuật phương Tây ngày càng mạnh cùng với sự lớn mạnh không ngừng của các đô thị phong kiến. Thời trung đại của mỗi nước đều kết thúc trước cuộc xâm lăng của phương Tây diễn ra vào nửa cuối TK.19.

2. Tương ứng với quá trình lịch sử ấy, tác giả chính đồng thời cũng là nhân vật trữ tình trong thơ thay đổi từ quý tộc, tăng lữ (Sơ kỳ trung đại) sang sĩ đại phu (Trung kỳ trung đại ở Triều Tiên, Việt Nam, còn ở Nhật Bản là nhà sư và võ sĩ),  rồi đến nhà nho cấp trung, cấp thấp (ở Việt Nam là nhà nho tài tử và nhà nho bình dân; ở Triều Tiên là “sĩ lâm”, “trung nhân”; ở Nhật Bản là võ sĩ cấp thấp, những “ronin/ lãng nhân”) và nhất là thị dân (Hậu kỳ trung đại).

      So với các nước trong khu vực, nhà nho Việt Nam thiên về tính chất nông dân nhất, trong khi đó nhà nho ở Trung Quốc, người võ sĩ ở Nhật Bản có tính chất thương nhân, thị dân đậm nét hơn. Điều này cũng phản ánh rõ nét troing thơ văn mỗi nước.

3.  Trong các nước Đông Á đều có hiện tượng song tồn hai bộ phận văn học: bộ phận viết bằng Hán văn và bộ phận viết bằng ngôn ngữ dân tộc. Có thể kể thêm loại văn trung gian giữa hai loại trên, pha trộn giữa tếng Hán và tiếng bản địa, như người Nhật gọi là “Hoà Hán hỗn hào”. Ở Việt Nam có lẽ cũng có hiện tượng đó, chẳng hạn như bài phú Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông là một loại văn “Việt Hán hỗn hào”. Quá trình phát triển của nền văn học mỗi dân tộc đồng thời cũng là quá trình xây dựng nền văn học viết bằng tiếng nói dân tộc. Nhật Bản là quốc gia lưu giữ được đầy đủ nhất tư liệu về văn học tiếng Nhật (thơ tanka, choka, sedonka từ TK.6-7), kế đến là Triều Tiên (những bài hyangga trước TK.10), Việt Nam là muộn nhất (thơ phú nôm TK.13). Ngôn ngữ dân tộc được hình thành từ sự khẳng định vai trò, giá trị của văn học dân gian.

4. Về thể loại, thể loại phát triển mạnh nhất trong văn học Đông Á thời trung đại là thơ, văn xuôi phát triển muộn hơn. Trong các nước thì Việt Nam là nước phát triển mạnh nhất về thơ, xứng đáng nhất với tên gọi “Thi quốc” (đất nước của thơ ca). Việt Nam là nước có hầu hết các thể loại thơ chữ Hán, đồng thời nhiều thể thơ chữ Hán được Việt hoá, sử dụng trong việc làm thơ tiếng Việt, nổi bật nhất là thơ Đường luật. Phú và văn tế là thể loại rất gần với thơ cũng được sáng tác bằng tiếng Việt. Những hiện tượng như trên không hề có trong văn học Triều Tiên và Nhật Bản. Các thể thơ tiếng Việt rất phong phú: thơ Hàn luật (thất ngôn xen lục ngôn), thơ Đường luật, từ khúc, lục bát, song thất lục bát, hát nói, nhiều hơn các thể thơ Nhật Bản, Triều Tiên.

      Những thể thơ có nguồn gốc dân tộc tiêu biểu nhất là lục bát và song thất lục bát, tuy nhiên có điều bất ổn là nó lại ra đời rất muộn – khoảng thế kỷ 15-16, trong khi đó các thể thơ dân tộc trong khu vực ra đời sớm hơn nhiều, như Nhật Bản chẳng hạn, thể tanka/ đoản ca ra đời từ TK.6-7. Theo nguyên tắc ô trống có thể suy đoán rằng: trước TK.10 chắc đã có thơ tiếng Việt. Nếu vậy thì thể thơ ấy là gì, như thế nào? Chúng tôi cho rằng: cần phải coi thơ tối cổ của người Việt là loại thơ hai tiếng, tiếc rằng vì nhiều lý do chúng đã không được  sưu tập giữ gìn, đến nay chỉ còn tàn tích của nó qua đồng dao và một số bài coi là ca dao. Từ thơ hai tiếng, thơ Việt phát triển lên thành 4 tiếng, rồi từ đó mới thành sáu tiếng và tám tiếng, tức thể thơ lục bát sau này.

          Đây là thơ hai tiếng:

                     Nu na

                     Nu nống

                     Cái bống

                     Nằm trong

                     Con ong

                     Nằm ngoài

                     Củ khoai

                     Chấm mật

          Đây là thơ hai tiếng phát triển lên thành 4 tiếng:

                     Tay cầm con dao

                     Làm sao cho chắc

                     Để mà dễ cắt

                     Để mà dễ chặt

                     Chặt lấy củi cành…

          Thơ bốn tiếng phát triển dần lên thành 6 tiếng:

                     Rồng rắn lên mây

                     Có cây lúc lắc

                     Có nhà hiển vinh

                     Thầy thuốc có nhà hay không?...

Hay:   Khăn thương nhớ ai

Khăn rơi xuống đất

Khăn thương nhớ ai

Khăn vắt lên vai

Khăn thương nhớ ai

Khăn chùi nước mắt

                     Đèn thương nhớ ai

                     Mà đèn không tắt

                     Mắt thương nhớ ai

                     Mắt không ngủ yên

                Đêm qua em những lo phiền

          Lo vì một nỗi không yên mọi bề.

Thơ lục bát kết hợp với câu thơ thất ngôn trong hát giặm Nghệ Tĩnh sẽ hình thành nên thể song thất lục bát. Như vậy hai thể lục bát và song thất lục bát ra đời muộn, nhưng thơ dân tộc thì đã có từ lâu rồi. Xem xét thơ văn khu vực chúng ta có thể kết luận như vậy.

Truyện thơ nôm là thể loại đặc biệt của văn học Việt Nam. Nó vừa là thơ – thơ lục bát, thể thơ sở trường ở cả trữi tình và tự sự, nhưng cũng vừa là tiểu thuyết, vì nhiều trong số đó là phóng tác, chuyển thể từ tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc (Truyện Song Tinh, Hoa Tiên, Nhị độ mai, Ngọc Kiều Lê, Kim vân Kiều…).  Tiểu thuyết bằng thơ, lưu hành theo kiểu bán truyền khẩu như văn học dân gian, đó là hiện tượng độc đáo riêng ở Việt Nam mà các nước Đông Á khác không có. Điều này liên quan đến truyền thống truyện thơ Đông Nam Á và tình trạng xuất bản kém phát triển ở các đô thị Việt Nam thời trung đại.

          Văn xuôi các nước Đông Á đều bắt đầu bằng các tác phẩm viết bằng Hán văn, và chuyển dần từ các thể văn học chức năng sang các thể văn nghệ thuật. Giai đoạn đầu tính chất văn sử triết bất phân còn rất rõ nét. Những tác phẩm đầu tiên của cả ba nước đều là những trước tác Phật giáo, văn chương và tôn giáo chưa phân biệt rõ. Sau đó có các bộ sử – truyện, như Cổ sự ký/ Kojiki, Nhật Bản thư kỷ/ Nihonshogi, Đại kính/ Okagami của Nhật Bản, Tam quốc sử ký, Tam quốc di sử của Triều Tiên, Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái của Việt Nam thì văn và sử cũng chưa tách bạch. Văn xuôi nghệ thuật phát triển mạnh và sớm nhất ở Nhật Bản. Từ thế kỷ 10 đã xuất hiện Truyện Genji/ Genji monogatari, một loại văn xuôi nghệ thuật hoàn chỉnh, thậm chí có ý kiến còn coi nó là tiểu thuyết tâm lý trường thiên sớm nhất thế giới. Một số học giả Nhật cho rằng “monogatari” là truyện kể, khác với tiểu thuyết, nhưng quả thực Truyện Genji có tính cách đột biến, vượt trội, hơn hẳn các “monogatari” khác, khiến cho nó gần với tiểu thuyết hiện đại hơn là truyện kể dân gian. Nghệ thuật cung đình Nhật Bản thời Heian cũng đóng góp nhiều thể loại khác như: nhật ký, tuỳ bút, truyện xen lẫn thơ gọi là “ca vật ngữ” (uta monogatari)… trong đó cảm thức về cái đẹp, cái vô thường, xu hướng đi sâu vào nội tâm con người là những giá trị nổi bật.

          Văn xuôi bằng Hán văn của Việt Nam và Triều Tiên ra đời muộn hơn nhiều, khoảng cuối thời Sơ kỳ trung, tức là khoảng TK.14-15. Tiểu thuyết bằng tiếng dân tộc của Việt Nam và Triều Tiên còn muộn hơn nữa, khoảng TK.16-17.  Có thể coi bản nôm Tân biên truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Thế Nghi xuất hiện vào TK.16 là tiểu thuyết bằng tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam. Còn Triều Tiên, người ta vẫn coi Hồng Cát Đồng truyện/ Hong Kiltong chon của Hứa Quân/ Huh Gyun (1569-1618) là tiểu thuyết đầu tiên bằng tiếng Hàn. Thành tựu chủ yếu của văn học Việt Nam thời trung đại là thơ, truyện thơ, trong khi đó ở Triều Tiên, nhất là Nhật Bản chủ yếu lại là văn xuôi, tiểu thuyết.

          Nếu đi vào chi tiết hơn có thể thấy nội dung chính trị xã hội trong văn học Việt Nam, Triều Tiên đậm nét hơn văn học Nhật Bản. Hình tượng con người trung nghĩa trong văn học cả ba nước đều có, nhưng đặc tính cũng có ít nhiều khác biệt. Trữ tình truyền thống trong thơ Việt cũng có nhiều điểm khác biệt so với thơ Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên. Những vấn đề này đã được đề cập đến trong những bài viết khác([x]), chúng tôi xin không nhắc lại ở đây.

          Đặt văn học Việt Nam trong thế giơi Đông Á ta có thể thấy được nhiều điều: những tính chất, quy luật chung và những đặc điểm riêng. Đã đến lúc không thể nhìn các hiện tượng văn học dân tộc như những hiện tượng đơn lẻ mà phải thấy được tính hệ thống, tính quy luật của nó. Đặt văn học Việt Nam trong thế giơi Đông Á có thể mở ra một chân trời rộng lớn cho ngành nghiên cứu văn học so sánh: thơ Việt Nam với thơ Nhật Bản, Triều Tiên; truyện thơ nôm với thể loại pansori; truyện truyền kỳ ở Việt Nam  trong mối liên hệ với Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản; truyện thơ nôm Việt Nam với tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc, Triều Tiên, và phần nào đó Nhật Bản; rồi những vấn đề về quan niệm văn học, tư duy nghệ thuật v.v. Những vấn đề này đòi hỏi một một lực lượng đông đảo với cố gắng rất lớn của những nhà nghiên cứu ngữ văn.

 

TP.HCM, tháng 10/ 2005

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

  1. AsiaCenter Lecture Series: Thưởng thức văn học Hàn Quốc, Japan Foundation, Tokyo, 1996 (tiếng Nhật)
  2. Claudine Salmon biên soạn: Tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc ở châu Á, Trần Hải Yến dịch, NXB.KHXH, 2004
  3. Nguyễn Long Châu: Tìm hiểu văn hoá Hàn Quốc, NXB.Giáo dục, Hà Nội, 2000
  4. Ki-baik Lee: Korea xưa và nay- Lịch sử Hàn Quốc tân biên, Lê Anh Minh dịch, NXB.TP.HCM, 2002
  5. Konishi Jinichi: Nihon bungakushi (Lịch sử văn học Nhật Bản) Kodansha gakujutsu bunko 1090,  Tokyo, 1993 (tiếng Nhật)
  6. Hầu Ngoại Lư: Trung Quốc tư tưởng sử cương, Thượng Hải thư điếm xuất bản xã, tái bản 2004 (tiếng Hoa)
  7. Trần Nghĩa: Sưu tầm và khảo luận tác phẩm  chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X, NXB.Thế giới, Hà Nội, 2000
  8. Quách Thiệu Ngu: Trung Quốc văn học phê bình sử, Hoằng Trí thư điếm, Hongkong xuất bản (tiếng Hoa)
  9. Nhiều tác giả: Từ điển những bài thơ tanka và haiku hay của Nhật Bản (Nihon no shuka shuku jiten), Shogakkan xb, Tokyo, 1995 (tiếng Nhật)
  10. Lê Mạnh Thát: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập 1: Từ khởi nguyên đến Lý Nam Đế, NXB Thuận Hóa, 1999
  11. http://www.quangduc.com/coban

(Trích từ: Văn học Việt Nam thế kỷ X – XIX – những vấn đề lý luận và lịch sử, Trần Ngọc Vương chủ biên, NXB.Giáo dục, HN, 2007)



[i] Người ta dùng khái niệm “Triều Tiên/ Choson cổ đại” để phân biệt với nhà nước Triều Tiên ra đời vào thế  kỷ 15.

[ii] Các tư liệu về Phật giáo Trung Hoa ở trên đều dựa theo tư liệu trên trang web Quảng Đức, địa chỉ: http://www.quangduc.com/coban/25phpt05-2.html

[iii] Lê Mạnh Thát: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập 1: Từ khởi nguyên đến Lý Nam Đế, NXB Thuận Hóa, 1999, tr.24

[iv] Sáu vị tổ thiền tông Trung Hoa: 1- Bồ đề đạt Ma, 2-Huệ Khả, 3-Tăng Xán, 4-Đạo Tín, 5-Hoằng Nhẫn, 6-Huệ Năng.

[v]  Định đô: chỉ  thời kỳ kinh đô cố định, không thay đổi nữa, từ thời Nara/ Nại Lương (TK.8) trở đi. Việc định đô cho thấy tính chất tập quyền của triều đình phong kiến.

[vi] Theo Từ điển những bài thơ tanka và haiku hay của Nhật Bản (Nihon no shuka shuku jiten), Shogakkan xb, Tokyo, 1995 và một số tài liệu tiếng Nhật khác. Tất cả những bản dịch về văn học Nhật Bản trong bài này đều là của chúng tôi.

[vii] Theo Trần Nghĩa: Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X, NXB.Thế giới, Hà Nội, 2000; Lê Mạnh Thát, sđd, tr.602. Trong sách này, Lê Mạnh Thát có đưa ra quan niệm: tác phẩm văn học đầu tiên của Việt Nam là bài Việt ca (xuất hiện khoảng TK.5-4 tr.CN) ghi trong sách Thuyết uyển (hoàn thành TK.1 tr.CN). Chúng tôi thấy chưa có cơ sở để khẳng định điều này.

[viii] Đoản ca là thể thơ dân tộc của người Nhật, rất ngắn, chỉ có 31 âm tiết chia ra thành 5 dòng: 5-7-5-7-7.  Xem thêm: Đoàn Lê Giang, Abe no Nakamaro trong quan hệ Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản số 3 năm 1999.,

[ix] Ngũ Sơn có hai trung tâm: 1- Kamakura ngũ sơn: năm ngôi chùa phái Lâm Tế do Tướng quân Ashikaga Yoshimitsu quy định: Kiến Trường tự, Viên Giác tự, Thọ Phúc tự, Tĩnh Trí tự, Tĩnh Diệu tự. 2- Kyoto ngũ sơn: Thiên Long tự, Tướng quốc tự, Kiến Nhân tự, Đông Phúc tự, Vạn Thọ tự.

[x] Xem thêm:

- Tsuboi Yoshiharu: Nho giáo ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, tham luận tại Hội nghị Quốc tế về Nho giáo lần thứ 2 tổ chức tại Yokohama (tiếng Nhật), Đoàn Lê Giang dịch đăng trên tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 2 năm 2000, Giáo trình văn hoá phương Đông, Lương Duy Thứ chủ biên, NXB.ĐHQG.TP.HCM, 2002.

- Đoàn Lê Giang: So sánh quan niệm văn học trong văn học cổ điển Việt Nam và Nhật Bản, Tạp chí văn học số 9 năm 1997, Tuyển tập 40 năm Tạp chí Văn học, Viện Văn học và Nxb.TP.Hồ Chí Minh xb.1999.

TS Phạm Văn Quang bảo vệ luận án với đề tài “Trật tự từ trong tiểu thuyết pháp ngữ của Cung Giũ Nguyên, Phạm Văn Ký và Phạm Duy Khiêm” năm 2004. Tiếp sau đó ông lại bảo vệ thành công đề tài sau tiến sĩ “Thiết chế văn học Việt Nanm Pháp ngữ” và năm 2009 - 2010 ông trở lại Pháp hoàn thành học vị postdoc (sau Tiến sĩ).  Lựa chọn dòng văn học Pháp ngữ cho các đề tài nghiên cứu của ông vì ông vốn là một thầy giáo dạy ngôn ngữ văn chương tại Đại học KHXH &NV TPHCM, chính trong “bể sâu” các tác phẩm này, ông đã “gặp” Cung Giũ Nguyên, một người viết đã làm cho ông “choáng váng”, đặc biệt là tác phẩm Le Boujoum (mà tác giả CGN tự dịch sang tiếng Việt là(Thái Huyền) với thi pháp mà “kungfu” đã đến đỉnh mà chính người Pháp cũng thừa nhận: một tác phẩm khó nuốt nhưng chiều sâu ngôn ngữ của nó thì vô tận.

* Tình cờ tôi có gặp giáo sư Cao Huy Thuần, ông rất ngạc nhiên khi nghe tôi hỏi về Cung Giũ Nguyên. Ông nói không phải tôi là người duy nhất mới hỏi ông, vừa có vài người nữa, trong mấy ngày gần đây có nhắc lại nhân vật, mà theo ông "rất ít người biết tới dù đã có một thời nổi tiếng". Đó cũng là điều tôi thắc mắc vì sao ông lại chọn nhân vật này cho luận án tiến sĩ của ông bảo vệ tại Pháp?

- Con người được biết đến tùy vào khung cảnh xã hội và lịch sử. Đối với nhà văn Cung Giũ Nguyên, tôi cho rằng có thể sử dụng khái niệm « được thừa nhận » thay vì « nổi tiếng », và việc ông được thừa nhận trong quá khứ, đặc biệt trong giới trí thức, có lẽ nhờ vào những hoạt động văn hóa, giáo dục và báo giới. Không gian văn hóa và tri thức bị biến đổi kéo theo những chọn lựa của cá nhân ; và biết đâu đó lại là cách chọn lựa hợp lí của nhà văn : « ẩn mình giữa đô thị », một hình thức đại ẩn, theo cách nói của nhà văn.

Tôi hoàn thành luận án tiến sĩ năm 2007. Việc chọn đề tài cho luận  án không phải là một công việc ngẫu nhiên vì, xét về mặt lý thuyết và phương pháp, đó là bước tiếp theo và chuyên sâu hơn của những gì tôi đã thực hiện trong giai đoạn làm thạc sĩ. Về mặt cứ liệu, tôi tạm thời « rời bỏ » Marcel Proust để làm cái gì đó liên quan đến Việt Nam. Chính lúc đó tôi nghĩ đến văn học Pháp ngữ và gặp được một số tài liệu về các nhà văn Việt Nam. Tôi quyết định chọn nghiên cứu trật tự diễn ngôn trong một số tiểu thuyết của Phạm Văn Ký, Phạm Duy Khiêm và Cung Giũ Nguyên. Đây là ba tác giả của Việt Nam được đề cập nhiều nhất trên diễn đàn văn học Pháp ngữ thế giới lúc đó. Như vậy tôi chọn nhà văn Cung Giũ Nguyên cũng như hai nhà văn kia với mục đích tìm lại hay đúng hơn là khám phá di sản nghệ thuật sáng tạo của người Việt, đồng thời có cơ hội chứng kiến sự vận hành của tư duy Việt trong vỏ bọc ngôn ngữ Tây.

* Ngoài Cung Giũ Nguyên, dòng văn học Việt Nam viết bằng tiếng Pháp còn có những nhân vật nào và những giá trị về mặt ngôn ngữ thông qua các tác phẩm của họ đã đóng góp thế nào cho nền văn chương thế giới nói chung và VN nói riêng, thưa ông?

- Năm 1953, nhà văn Pháp ngữ Nguyễn Tiến Lãng , con rể  của cụ Phạm Quỳnh, đã có bài viết trên tạp chí Nouvelles littéraires bàn về việc hình thành một « trường phái văn học Pháp ngữ Đông Dương », mục đích quy tụ những nhà văn trẻ sử dụng tiếng Pháp thời đó như Pierre Đỗ Đình (Đỗ Đình Thạch), Trần Đức Thảo, Phạm Duy Khiêm, Trần Văn Tùng, Phạm Văn Ký. Dù vậy, cho đến nay, những tác phẩm của họ, xét trên bình diện thiết chế, vẫn thuộc loại văn học « ngoại vi ». Đồng thời với họ, chúng ta có thể nói đến Nguyễn Phan Long, Đào Đăng Vỹ, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Nho, Vy Huyền Đắc, Nguyễn Đức Giang, Trịnh Thục Oanh, Bà Lý Thu Hồ, vv. Thế hệ trẻ hơn, từ những thập niên 1980 trở lại đây, có sự xuất hiện đặc biệt của nhiều nữ văn sĩ như Kim Lefèvre, Anna Moï (Trần Thiên Nga), Nguyễn Tuyết Nga, Bach Mai, Kim Đoan, Kim Thúy, Trần Nhựt Thanh Vân, Flament Ngoc Thu (Phạm Ngọc Thu) Linda Lê, Trần Huy Minh, vv.

Tất cả đều có những đóng góp quan trọng vào tiến trình hình thành đời sống văn học Pháp ngữ thế giới nói chung và văn học Việt Nam nói riêng. Nhiều tác giả đã được trao giải thưởng cao quý (Phạm Văn Ký : Grand Prix du roman của Viện Hàn Lâm Pháp, Les Jeux Floraux, Trần Văn Tùng : Grand Prix de l’Empire, Bà Lý Thu Hồ : Prix littéraire de l’Asie, Kim Thúy : Grand Prix RTL-Lire, Linda Lê : Prix Fénéon, Prix Renaudot Poche, vv.). Mọi tác phẩm đều có giá trị nhờ ngôn ngữ và đều tạo cho ngôn ngữ những cơ hội thể hiện giá trị của chính nó. Các nhà văn sử dụng ngôn từ như phương tiện chuyển tải ý tưởng và hiện tại hóa những đối thoại ; Cung Giũ Nguyên đã từng phát ngôn : « Khi chúng ta diễn đạt ngôn ngữ, chúng ta nói những từ ngữ được cân nhắc, những từ ngữ được suy nghĩ, những từ ngữ thực, những từ ngữ có trách nhiệm […],  những từ ngữ-hành động có khả năng tạo ra bản chất cuộc sống và nền tảng lịch sử » (Ý chí sinh tồn)

Nhà  văn tìm thi vị trong sự « đam mê vui thú qua ngôn ngữ », nói theo kiểu Jean Michel Maulpoix. Chúng ta xác thực điều này nơi Phạm Văn Ký khi ông đặt ngôn ngữ vào cuộc đời và làm mới cuộc đời bằng ngôn ngữ : « Ta khởi đầu con đường tôi luyện văn học trên những bến đậu Paris, giữa những sạp sách cũ. Hỡi Tây Phương, ta đã trở thành nhà văn theo phong cách của ngươi. Ta chắt lọc từ đó một lối diễn đạt riêng có khả năng giải mã các vấn đề của ta bằng ngôn ngữ của ngươi : đó là những cuộc khai phá hình thức chứa đựng giai điệu của trí tuệ, gắn với ý nghĩa thanh tao, với âm vang mới lạ, với những tương giao thực sự, những hiệu năng cảm ứng ngôn từ của ngươi ! Ta tham vọng quay về cội rễ cái Mỹ của ngươi » (Anh em ruột). Thiết nghĩ một vài dẫn chứng trên cho thấy phần nào giá trị và những đóng góp của các nhà văn vào thế giới thẩm mỹ và không gian ngôn ngữ.

* Trở lại với các tác phẩm văn học Việt Nam viết bằng tiếng Pháp của Cung Giũ Nguyên, ông đã nói: "Các phẩm tiểu thuyết của CGN là hành trình chiêm nghiệm và suy ngẫm về  thân phận con người hòa nhập với cộng đồng nhưng vẫn cô đơn với chính mình, chứng nghiệm hành trình của một con người cô đơn "bị lưu đày trên xứ sở" của mình". Ông còn cho rằng hành trình cô đơn của CGN còn chứa đựng những thông điệp về lịch sử, văn hóa...? Ông có thể nói rõ hơn về hành trình cô đơn này như thế nào không thưa ông, dĩ nhiên là của CGN (mà biết đâu cũng là của chính chúng ta, vì làm sao chúng ta tránh khỏi dự phần khi lịch sử chỉ là "sự lặp lại, biến tướng và điểm danh" - L.Borge)?

- Văn học và nhà văn « quý mến » sự cô đơn và lưu đày. Patrick Deville thậm chí đã nhìn nhận cô đơn như là yếu tính trong định nghĩa về nhà văn : « Tôi thực sự không có khả năng giải thích nhà văn là gì. […] Tôi chắc rằng trong định nghĩa này có yếu tố lưu đày và cô đơn, tự nguyện hay bắt buộc, và cũng có ý muốn không bám rễ với bất cứ thứ gì, hay bất cứ nơi nào trên thế giới […] Nhà văn là những kẻ di trú trên con đường tìm kiếm những xứ sở xa xôi, nơi những giấc mơ của họ được thỏa mãn […] Ước gì những nhà văn vĩ đại đã biết tạo ra từ sự cô đơn này một vẻ đẹp kỳ diệu […].(« Que pourrais-je savoir de l'exil ? », Le Matricule des Anges).

Ý nghĩa của lưu đày đã được khai mở và phần nào soi sáng cuộc đời nhà văn của Cung Giũ Nguyên. Ông lưu đày đúng nghĩa về phương diện nguồn gốc gia đình (tổ tiên ông là người gốc Hoa). Nhưng trên hết, chúng ta thấy nơi ông một sự cô đơn văn học, trên cả phạm vi thiết chế và biểu tượng : phần lớn các tác phẩm Pháp ngữ của ông đều phải xuất bản ở nước ngoài. Nếu như hai tiểu thuyết đầu Le Fils de la baleine (Kẻ thừa tự của ông Nam Hải) (1956) và Le Domaine maudit (Miền đất dữ) (1961) đều được nhà xuất bản Arthème Fayard của Pháp nồng nhiệt đón nhận, thì Le Boujoum (Thái Huyền) (bản thảo hoàn thành năm 1980) mãi đến năm 2002 mới ra đời và do chính các học trò của nhà văn chịu trách nhiệm xuất bản tại Texas (Cung Giu Nguyen Center). Vấn đề tiếp nhận tác phẩm này cũng khó khăn, vì lý do ngôn ngữ và hình thức lối viết. Theo tôi, tác phẩm không dành cho đại công chúng. Đó rất có thể là ý muốn của tác giả. Chấp nhận chân trời độc giả giới hạn là chấp nhận một lối đi riêng, một con đường vắng và rât dễ dẫn đến tình trạng cô đơn.

Từ lưu đày cội nguồn đến lưu đày văn phẩm, Cung Giũ Nguyên dẫn ta về khám phá sự cô đơn của căn cước chủ thể trong truyện kể, xuyên suốt chiều dài ba tiểu thuyết của ông. Xin nêu ra đây ví dụ hình ảnh nhân vật Mỗ trong Le Fils de la baleine :

« Mỗ đã hiện hữu ở đó từ hàng thế kỷ để chất vấn đêm đen và những vì sao về công việc mình phải làm trên bãi cát sỏi lạnh lùng và cô quạnh, trước mênh mông biển nước đang vô tình cuốn trôi số phận mình. Hắn có thể là người đầu tiên và cuối cùng, khi đứng giữa mảnh đất hoang vu, gần đống đổ nát từ chiếc thuyền của mình, có cảm nhận về sự chọn lựa đáng sợ đã áp đặt lên mình : một là sống hai là chết. Hắn chẳng còn hữu dụng cho thiên hạ nữa. Tình nhân loại toàn vẹn mà hắn thể hiện có thể biến đi mãi mãi mà không cần biển phải chuyển nhịp thủy triều, cũng chẳng cần mặt trời phảt tắt để mang màu tang tóc ».

Nhân vật không luôn đồng nhất với chủ thể sáng tạo, càng khó ghép hình ảnh nhân vật với nhà văn trong tư cách một chủ thể xã hội. Nhưng chúng ta dễ chấp nhận rằng nhà văn qua không gian văn bản là hình ảnh của người đi tìm xây dựng căn cước của mình. Nói cách khác, nhà văn cuối cùng là một nhân vật ẩn mình trong hình thức kết cấu diễn ngôn, biểu trưng của kết cấu xã hội-lịch sử, văn hoá và ý thức. Không gian diễn ngôn vì thế là không gian biểu hiện hình ảnh cái tôi như là chủ thể trong sự khủng hoảng, là chủ thể trong sự nghi vấn và bị ngộ nhận.

Có thể  nhìn nhận Cung Giũ Nguyên như một chủ thể xã hội bị lưu đày, bởi vì xã hội tạo ra những ranh giới, nhưng đối với Cung Giũ Nguyên nhà văn – chủ thể sáng tạo, thì cô đơn hay lưu đày là cảm nhận một không gian khác làm nảy sinh sáng tạo.

* Sau khi SGTT đưa tin về buổi nói chuyện về CGN của ông, bạn đọc đã thắc mắc, nhắc đến C.G.N, không thể không nhắc đến nữ sĩ Nguyễn Thị Hoàng. Trong quá trình nghiên cứu các tác phẩm của C.G.N, ông chắc cũng biết con người không thể chạy trốn số phận (nếu có), và có phải cuộc gặp gỡ và "scandal" với nữ sĩ này đã mở cho nhà văn C.G.N một hành trình khác vì trước đó ông vốn nổi tiếng là mô phạm và được tất cả các giáo sư và học trò kính nể. Sau vụ scandal này, ông thu mình và cô độc hơn ai hết trước những lời phỉ báng và cả sự khinh rẻ của đồng nghiệp... Nếu nghiên cứu của ông mà bỏ qua chuyện này, tôi thấy thật tiếc...

- Theo tôi, trước hay sau Cung Giũ Nguyên vẫn là con người mô phạm. Tôi không nghĩ rằng đồng nghiệp thực sự của ông khinh rẻ ông sau cuộc gặp gỡ giữa ông với cô Nguyễn Thị Hoàng. Có chăng thì, ở khía cạnh người nghiên cứu, sự kiện đó giúp tôi hiểu hơn bản chất của con người và tiến trình xây dựng hình ảnh con người. Cuộc đời nhà văn đã chứng kiến nhiều ngộ nhận cho chính mình và cho cộng đồng mình nên việc ông thu mình lại không phải là một sự thất bại hay chạy trốn mà có lẽ điều đó là cần thiết cho một cuộc siêu nghiệm.

* Và phải chăng câu chuyện trên cũng dẫn đến lời tâm sự này: "Tôi là con người nội tâm, một con người suy tư- tư duy hơn là nói. Tôi muốn viết để tống khứ cái con ma trong tôi. Con ma đó là sự mặc cảm, sự khao khát, cả sự hèn yếu...". Con ma của C.G.N, theo ông, đó là gì?

- Như chị vừa nói đó, Cung Giũ Nguyên tự xếp mình vào hạng người hướng nội, có khuynh hướng rút lui về mình và hướng về tư duy. Chỉ khi con người bị cuốn hút vào thế giới nội tâm mới có khả năng khám phá « con ma » của mình. Con « ma » của Cung Giũ Nguyên có thể là ký ức dai dẳng hay cảm giác ám ảnh, nhưng cũng có thể là ý thức về một sự đau đớn nào đó khi bị tước đoạt. Nhắc đến « con ma » của Cung Giũ Nguyên làm tôi liên tưởng đến « con ma » của Phạm Văn Ký trong truyện ngắn Pháp ngữ Bóng ma xác thực (Fantôme de la précision) và thấy có một sự đồng nhất nào đó giữa hai nhà văn : « Đến lượt bạn hãy tin tôi đi. Sự thật thường thốt ra từ miệng những con ma. Nhưng con ma của tôi không giống những con ma khác : nó không lấp ló phập phờ ; sức nặng cuộc đời đã buộc chặt nó vào thế gian ; nó đáng giá những lo âu, hối hận, phiền muộn. Nó chưa chết hẳn ». Nghiên cứu văn học dưới góc độ phân tâm học sẽ giúp ta hiểu hơn tình trạng ám ảnh tâm lý tác giả

* Dù vậy, tôi rất n tượng khi nghe ông nói về  văn chương của C.G.N, ông viết về sự thống khổ,đau đớn nhưng không hề hằn học, thù ghét, oán hận mà chỉ đầy tính triết lý. Ông có đoạn văn nào biểu hiện cho điều này không?

- Tôi rất thích hình ảnh nhân vật Mỗ trong tác phẩm Le Fils de la baleine trong tiến trình tìm lại ý thức và vị trí giữa cộng của mình khi bị khước từ :

« Thời tiết trở nên xáo động đẩy thân xác hắn trôi giạt trên cát như một kẻ thân tàn ma dại. Nhưng Mỗ lại thích thú với nhịp trôi bồng bềnh ấy ; nó lay động và thanh lọc những giấc mộng của hắn. Áp sát tai xuống mặt cát, hắn nghe thấy tiếng ồn ào của cuộc sống dưới lòng đất của những con vật nhỏ bé đang chuyển hướng ẩn náu. Và từ sâu thẳm quá khứ của hắn bỗng trỗi dậy một âm giọng rời rạc :

… chính con cua thợ ấy

với bộ càng yếu mềm

nạo khoét cát biển đông

lấp đầy vực thẳm mênh mông… »

Nhưng Amdo trong Le Boujoum làm tôi liên tưởng đến sự trải nghiệm và lòng tin mạnh mẽ của nhà văn vào cuộc đời, dù cho thời cuộc đã không luôn như dòng sông bình lặng :

« Tôi ở lại vị trí của tôi. Và nếu phải trải qua một kinh nghiệm khác nữa, thì, mặc kệ, chẳng còn gì có thể làm tôi ngạc nhiên, dù cho đó là sự phối hợp giữa thiên đàng với địa ngục, hay là lễ cưới của nàng ốc sên với chàng cá mập, kể cả sự ám ảnh của Thái Huyền, của điều cảm nhận mà không giải thích được, của bâng khuâng về ý nghĩa dệt bằng vô nghĩa ».

* Cũng có bạn đọc phản hồi, nhà văn C.G.N cũng là một cây bút sắc bén của báo chí miền Nam thời bấy giờ. Xin ông cho biết thêm về điều này?

- Trong những hình thức giao thoa giữa các phạm vi hoạt động, đam mê với một loại tiếng Pháp trong sáng, Cung Giũ Nguyên khai mở trong thế giới báo chí, không chỉ ở một tiếng nói có khả năng giúp cho con người suy nghiệm chính xác về các giá trị văn hóa và đạo đức. Từ năm 1939, cùng với Raoul Serène, tiến sỹ viện trưởng Viện Hải học Nha Trang, Cung Giũ Nguyên đồng chủ nhiệm tờ nguyệt san Les Cahiers de la Jeunesse (Tập san Tuổi Trẻ), rồi cùng năm trở thành chủ bút nhật báo Le Soir d’Asie (Á châu Buổi tối) xuất bản tại Sài Gòn. Chính trong nhật báo này Cung Giũ Nguyên đã cho xuất bản chuyên mục nhiều kỳ Notes marginales (Tạp ghi bên lề). Các bài viết đó chứng minh một phong cách trưởng thành chất chứa sắc thái của một tinh thần trẻ bị chao đảo và xáo động bởi những biến động của thời đại, nhưng cũng mang vẻ diễn ngôn của tinh thần trách nhiệm và ý thức về các giá trị xã hội và nhân văn. Diễn ngôn văn học vì thế được cưu mang trước tiên trên nền tảng các yếu tố cơ bản mang tính giai thoại và nhạy cảm của những sự kiện đời thường, để rồi đạt đến đỉnh cao diễn ngôn xã hội. Độc giả có thể tìm thưởng thức phong cách đặc thù đó trong nhiều tạp chí khác như France-Asie (Pháp-Á), La Tribune (Diễn Đàn), La Presse d’Extrême-Orient (Viễn Đông báo chí).

Báo chí  với tư cách là không gian trao đổi, giao thoa và  kết tụ những đặc trưng của một ngòi bút, một tiếng nói, một quan điểm, đã cho phép Cung Giũ Nguyên phần nào xác định hay giả định trước khung trời độc giả hay thế giới tiếp nhận của mình. Nghĩa là qua đó tác giả khẳng định khả năng tiến triển trên con đường văn nghiệp. Sự ra đời của tiểu luận Volontés d’existence (Ý chí sinh tồn) năm 1954 trong tạp chí France-Asie là một minh chứng cụ thể. Trong bối cảnh của Việt Nam đương thời, việc xuất bản trong các ấn phẩm định kỳ đã trở thành nền móng dọn đường cho các diễn ngôn mang tính chất hùng biện. Volontés d’existence chắc chắn vừa là một diễn ngôn văn học, vừa là diễn ngôn văn hóa và cũng mang sắc thái của một diễn ngôn về ý thức hệ.

Ngoài ra, Cung Giũ Nguyên còn cộng tác với nhiều tờ báo Việt ngữ như Đông-Pháp thời báo, Nam phong, Tiếng dânBạn đường, Tương lai tạp chí, Bách Khoa... Ông cho đăng những sáng tác hay các bài viết về văn hóa. Chẳng hạn trong tạp chí Bách Khoa Sài Gòn, Ông có loạt bài khảo cứu về « Ý niệm quốc gia trong thời đại mới » hay những bài giới thiệu như : « Daniel­Rops », « Gauss, một thần đồng toán học », « Toán số với càn khôn », vv.

* Theo ông, đến bao giờ dòng văn học Việt Nam viết bằng tiếng Pháp mới được dịch sang tiếng Việt và phổ  biến ở VN thưa ông?

- Công việc này còn tùy thuộc một phần lớn vào các cơ quan thiết chế văn hóa trong chính sách phát triển giao lưu văn hóa và tri thức. Tác phẩm văn học là kết quả sáng tạo cá nhân nhưng đồng thời là một sự kiện xã hội, nó mang yếu tố xã hội và có vai trò chuyển tải văn hóa và lịch sử. Dịch những tác phẩm của các nhà văn Pháp ngữ của chúng ta để phổ biến cho công chúng ở Việt Nam là hành động xây dựng ký ức cộng đồng, điều cần thiết cho xã hội tương lai. Trước mắt, chúng ta trông chờ ở những cá nhân thầm lặng và yêu quý di sản văn học này. Chúng ta đã và đang tiếp nhận Phạm Văn Ký hay Linda Lê qua các tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt. Hy vọng một ngày không xa độc giả sẽ có trong tay bản tiếng Việt của các nhà văn khác.

* Người viết có khả  năng sáng tạo ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ văn chương không nhiều?

Như đã nói trên đây, mọi nhà  văn đều có những sáng tạo ngôn ngữ. Vì văn học chính là ngôn ngữ và phải khởi đi bằng ngôn ngữ. Viết là làm cho ngôn ngữ nảy sinh. Tuy nhiên, nếu không tính đến các tác giả thuộc thi phái Biểu tượng hay Siêu thực, thì từ nửa sau thế kỷ XX xuất hiện rộng rãi loại « văn chương khó tính » ; tác phẩm thể hiện « cuộc phiêu lưu của lối viết chứ không phải lối viết của cuộc phiêu lưu », nói theo cách của Jean Ricardou. Trên văn đàn Việt Nam Pháp ngữ, Cung Giũ Nguyên được xem là điển hình của thể loại này với tiểu thuyết Le Boujoum, một cuộc hội ngộ của các kí hiệu ngôn ngữ, một cuộc đi xuống để làm phục sinh ngôn ngữ ; và ý nghĩa của tác phẩm đươc nảy sinh từ những cọ xát và phản chiếu giữa các kí hiệu. Chúng ta cũng có thể thấy lối viết này ở Linda Lê.

* Trong buổi trò chuyện về Cung Giũ Nguyên tại cà phê thứ bảy, đã có một nhà  nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tự nhiên cho rằng sau khi nghe ông trình bày về hành trình ngôn ngữ  của Cung Giũ Nguyên, ông ta đã có cảm giác như ai đó đã chạm đến đáy sâu tâm hồn ông, bằng ngôn ngữ, và làm tăng giá trị cảm nhận của ông về văn học nói chung và ngôn từ của Cung Giũ Nguyên nói riêng. Ông nghĩ thế nào về điều này?

- Tôi may mắn được tiếp xúc sớm với tác phẩm của Cung Giũ Nguyên và mong muốn được chia sẻ cảm nhận của mình với người khác. Một tác phẩm chỉ « sống » khi nó được đọc. « Đọc » tác phẩm với tất cả ý thức và dấn thân là cùng với tác giả tạo ra ý nghĩa cho tác phẩm và cho chính cuộc đời mình. Xem xét hành trình ngôn ngữ của Cung Giũ Nguyên trong Le Boujoum chỉ là một trong nhiều hướng tiếp cận tác phẩm. Hy vọng giá trị văn học của các tác giả Việt Nam Pháp ngữ sẽ được khám phá nhiều hơn.

* Xin cám ơn ông về buổi trao đổi thú  vị này.

Ngân Hà thực hiện.

Vài nét về nhà văn Cung Giũ Nguyên

Sinh năm 1909, tại Huế, Cung Giũ Nguyên theo học tại Trường Quốc Học Huế. Ông sống chủ yếu tại Nha trang và dấn thân trong nghiệp báo chí và dạy học. Cung Giũ Nguyên cộng tác và làm chủ bút của nhiều tạp chí và nhật báo Pháp ngữ : Les Cahiers de la jeunesse, Le Soir d’Asie, France-Asie, La Tribune, La Presse d’Extrême-Orient, La Gazette de Huê, cũng như Việt ngữ : Đông-Pháp thời báo, Nam phong, Tiếng dânBạn đường, Tương lai tạp chí, Bách Khoa...

Từ năm 1950-1975, Cung Giũ Nguyên là giáo sư trung học và là Hiệu trưởng trường Trung học bán công Lê Quý Đôn Nha Trang. Từ năm 1972, ông giữ chức vụ Trưởng Bộ môn tiếng Pháp của Đại học Cộng Đồng Duyên Hải Nha Trang. Từ  năm 1989-1999, ông được mời giảng môn Pháp văn trường Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang. Đã từng là Trại trưởng Trại Huấn luyện Hướng đạo quốc tế Gilwell, Anh Quốc. Năm 1972, Cung Giũ Nguyên chính thức trở thành hội viên Hội Nhà văn Pháp ngữ (Association des Écrivains de langue française (ADELF).

Tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt là một truyện ngắn nhan đề Tình ái mỹ đăng trên Đông-Pháp thời báo (1928). Tác phẩm cuối cùng là tiểu thuyết Pháp ngữ Le Boujoum do Cunggiunguyen Center Publications xuât bản (2002).

Truyện và ký :

Tình ái mỹ đăng

Nhân tình thế thái

Ngàn đời nhớ anh

Nung lửa thử vàng

Những ngày phiêu bạt

Nửa gánh tang bồng

Sổ tay Huế 62 - Một chuyến về

Rứa chứ răng

Duyên nợ miền Nam

Le génie en fuite

Les eaux noires

Le pseudonyme

Journal du Kauthara

Notes marginales

L’actualité vieillit vite

Tiểu thuyết :

Một người vô dụng

Nợ văn chương

Le Fils de la baleine(bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Thành Thống : Kẻ Thừa tự của ông Nam Hải) (tác phẩm đã được dịch sang tiếng Đức với nhan đề Der Sohn des Walfischs và xuất bản năm 1957 tại Genève và Francfort)

Le domaine maudit(tạm dịch Miền đất dữ)

Le Boujoum (Thái Huyền,bản dịch tiếng Việt của nhà văn)

Le Serpent et la couronne(chưa xuất bản)

Un certain TsouChen (chưa xuất bản)

La tache de vermillon(chưa xuất bản)

Tiểu luận, nghiên cứu và chuyên khảo :

Volontés d’existence

Đọc Thoreau – Kèm bản dịch Walden, Đời phóng khoáng

Đọc Bertholt Brecht – Kèm bản dịchCơn Khát

Đọc Simone Weil – Kèm bản dịch Áp bức và tự do

Đọc Kafka – Kèm bản dịch Biến hình

Đọc Berdiaeff – Kèm bản dịch Năm suy gẫm về cuộc sống

Tâm linh kỳ bí

  • Quyển 1 : Đời sống tâm linh và những đại tông sư
  • Quyển 2 : Ma thuật
  • Quyển 3 : Hiện tượng dị thường của tâm linh
  • Quyển 4 : Mộng – ý nghĩa và giá trị của mộng
  • Quyển 5 : Biểu tượng
  • Quyển 6 : Dị thường và tôn giáo
  • Quyển 7 : Tâm lý học về dị thường
  • Quyển 8 : Dị thường và khoa học

Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/cung-giu-nguyen,-mot-cay-but-cua-dong-van-hoc-viet-nam-viet-bang-tieng-phap

20170925 Huynh Nhu Phuong

GS Huỳnh Như Phương: Người ‘hòa giải’ cho văn học trước 1975

(PL)- Tôi tin rằng nhìn nhận văn học quá khứ một cách công bằng, khách quan sẽ góp phần hòa giải, hòa hợp dân tộc.

GS Huỳnh Như Phương là nhà giáo chuyên giảng dạy lý thuyết văn học ở Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, đồng thời là nhà nghiên cứu, phê bình văn học trước năm 1975. lúc chưa tới tuổi 20, Huỳnh Như Phương đã có bài đăng trên các tạp chí có khuynh hướng thiên tả lúc đó như Trình Bầy, Đối Diện.

Văn học miền Nam là thành phần hữu cơ của văn học dân tộc

. Pháp Luật TP.HCM: Thưa ông, được biết thời đại học, hai năm đầu ông học triết ở ĐH Văn khoa Sài Gòn, sau ngày thống nhất ông lại được ra Hà Nội học tiếp về văn học. Ông có cho trường hợp mình là may mắn vì được học ở hai nền giáo dục hoàn toàn khác nhau để bổ sung cho nhau?

+ GS Huỳnh Như Phương: Chúng ta là đồng môn, chắc anh hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn những năm tháng đó. Nhiều lớp sinh viên ở ban Triết có bằng cử nhân đã không thể tìm được việc làm. Lớp chúng tôi học dở dang, được chuyển sang ngành văn, phải kéo dài sáu năm ở đại học nhưng vẫn may mắn hơn nhiều người khác không có điều kiện theo đuổi con đường học vấn. Nghĩ đến sự may mắn của mình, nhiều khi tôi cảm thấy có lỗi với một số người cùng thế hệ. Tôi đã thụ hưởng nền giáo dục miền Nam từ tiểu học đến đại học, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa bốn năm đại học và bốn năm sau đại học. Không thể nói phần nào quan trọng hơn nhưng nếu mình biết chắt lọc và tiếp thu thì chắc chắn cả hai đều có ích cho nghề nghiệp hiện nay.

Ông có thể kể lại vài kỷ niệm đáng nhớ về những năm học ĐH Văn khoa Sài Gòn và ĐH Tổng hợp Hà Nội?

+ Khuôn khổ trang báo không cho phép tôi nói gì nhiều. Vả chăng, những kỷ niệm đó tôi đã ghi lại trong hai bài viết “Văn Khoa ngày tháng cũ” và “Hà Nội trong sương mù ký ức”, hiện còn lưu giữ trên các trang mạng. Tôi nghĩ rằng đó là những cơ hội cho tôi hiểu sâu hơn hoàn cảnh đã tác động đến con người như thế nào và người ta có khả năng kháng cự lại hoàn cảnh hay không. Đôi khi tôi nghĩ vẩn vơ nếu như đất nước thống nhất sớm hơn hoặc muộn hơn, thân phận của những người trẻ thế hệ chúng tôi sẽ thay đổi ra sao. Và trong cái tình huống cực đoan của lịch sử đất nước ta, con người phải làm gì để giữ được chân dung tinh thần của mình.

Văn học ở miền Nam là một thành phần hữu cơ của văn học dân tộc. Nhìn nhận một cách công bằng, khách quan sẽ góp phần hòa giải, hòa hợp dân tộc.

“Tôi thấy mình phải có trách nhiệm giới thiệu về văn học miền Nam”

Có phải do có thời gian học ở ĐH Văn khoa Sài Gòn mà trong một số tác phẩm, đề tài khoa học và nhiều bài viết, ông đã đầu tư nghiên cứu về văn học miền Nam trước 1975?

+ Thật ra năm 1975 tôi mới vừa 20 tuổi, trước đó có mấy bài đăng báo nhưng đọc và tích lũy tư liệu về văn học chưa được bao nhiêu. Sau này, vì công việc dạy học, tôi thấy mình phải có trách nhiệm sưu tầm, giới thiệu với sinh viên hoạt động văn học ở miền Nam mà tôi luôn quan niệm đó là một thành phần hữu cơ của văn học dân tộc. Cuốn sách đầu tiên tôi biên soạn được xuất bản ngay từ đầu thời đổi mới là một tuyển tập truyện ngắn miền Nam có nhan đề Mùa xuân chim én bay về (NXB Cửu Long, 1986). Từ ấy đến nay tôi có viết một số bài và tham gia hai công trình nghiên cứu tập thể về đề tài này. Điều khiến tôi ngạc nhiên và thú vị nhất là những người khuyến khích và giúp đỡ chúng tôi trong công việc này không chỉ là các nhà văn, nhà nghiên cứu ở miền Nam mà còn có những đồng nghiệp rất nhiệt tâm ở Viện Văn học, ĐH Sư phạm và ĐH Quốc gia Hà Nội. Gần đây tôi lại có niềm vui là sau khi công bố những bài viết về chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa cấu trúc và chủ nghĩa Marx ở miền Nam, tôi nhận được phản hồi, góp ý từ những học giả cao niên rất có uy tín.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Hội Nhà văn Việt Nam (VN) đã tổ chức cuộc tọa đàm “Nhận diện văn chương Hà Nội thời tạm chiếm (1947-1954)” với nhìn nhận: “Văn học sử VN còn mắc nợ văn chương Hà Nội vì đã bỏ quên một không gian văn học đầy giá trị…”. Thế còn những tác phẩm giá trị của nhiều nhà văn đô thị miền Nam thời kỳ 1954-1975, Hội Nhà văn VN và Hội Nhà văn TP.HCM (mà ông từng là thành viên ban chấp hành) có thấy mắc món nợ văn chương này không?

+ Tôi không phải hội viên Hội Nhà văn VN nên không đủ thẩm quyền trả lời câu hỏi này của anh. Tôi có tham gia ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM một nhiệm kỳ (2005-2010), người ít, chỉ việc khảo sát, tổng kết hoạt động sáng tác đương thời và tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm đã không đủ thời gian. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng những người thiện chí đều thừa nhận đó là một món nợ, món nợ lớn mà trả thì quá chậm. Tình hình gần đây có vẻ thuận lợi hơn nhưng điều đáng buồn là giới nghiên cứu, phê bình trong nước chưa quan tâm đúng mức đến việc này. Có lẽ cuộc sống bây giờ có quá nhiều nỗi lo, nỗi lo văn học chưa phải là điều bức xúc nhất chăng? Dù sao hiện nay khó ai bác bỏ được sự thật là trong những năm chiến tranh, giới trí thức sáng tạo ở miền Nam đã cho ra đời nhiều tác phẩm mang phẩm cách dân tộc, tinh thần nhân đạo và giá trị nghệ thuật theo hướng cách tân và hiện đại. Tôi luôn tin rằng nhìn nhận văn học quá khứ một cách công bằng, khách quan sẽ góp phần hòa giải, hòa hợp dân tộc và phát huy các nguồn lực tinh thần để bảo vệ, phát triển đất nước.

Chưa bao giờ không gian văn học mở rộng như những ngày này. Lớp nhà văn, nhà phê bình độ tuổi trên dưới 40 hiện nay rất đáng nể.

Phê bình bị chê trách vì không chống đỡ được với óc bè phái

Trong một giai đoạn mà phê bình văn học có phần vắng lặng, có ý kiến đánh giá phê bình văn học hiện nay chủ yếu là khen ngợi và ve vuốt nhau. Theo ông, nhận xét như thế có quá khe khắt không?

+ Không thể chối cãi đó là một phương diện của đời sống phê bình văn học hiện nay. Phê bình bị chê trách vì không chống đỡ được với những cám dỗ của tính vụ lợi, sự đố kỵ, óc bè phái và sự đả kích cá nhân. Những người làm phê bình như chúng tôi chắc chắn là có lỗi rồi nhưng bạn đọc và báo chí cũng có một phần trách nhiệm. Thử hỏi bạn đọc bây giờ có thích đọc phê bình không, báo chí có chịu đăng những bài phê bình đúng nghĩa không? Biết bao nhiêu cuộc hội thảo, tọa đàm đã lên tiếng, đề xuất giải pháp nhưng sao tình hình phê bình vẫn chưa được cải thiện? Có lẽ phải cần thời gian suy nghĩ kỹ hơn, sâu hơn để tìm câu trả lời đích thực về điều này. Mặt khác, cũng không nên đặt trên vai phê bình một sứ mạng quá lớn.

Một thế hệ cây bút mới đang xuất hiện và khẳng định mình không phải chủ yếu bằng những phương tiện và con đường của những lớp nhà văn trước đây: các tạp chí văn nghệ, các giải thưởng văn học, sự tán dương của giới phê bình… Những hồi ứng của bạn đọc chưa bao giờ nhanh nhạy như hiện nay và điều đó làm bộc lộ sự chậm chạp, trễ nải và cả uy tín sút giảm của phê bình chuyên nghiệp. Tất nhiên, thời nào cũng có những cây bút viết sơ lược, sáo mòn về đề tài, bút pháp, chạy theo những vinh hoa phù phiếm. Nhưng thời nào cũng phát hiện được tài năng đích thực. Tôi thấy lớp nhà văn, nhà phê bình độ tuổi trên dưới 40 hiện nay rất đáng nể, tôi tin là họ sẽ làm nên chuyện.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này.

GS Huỳnh Như Phương

• Theo học ban Triết ĐH Văn khoa Sài Gòn (1973-1975).

• Học khoa Ngữ văn ĐH Văn khoa TP.HCM và ĐH Tổng hợp Hà Nội.

• Nghiên cứu sinh Viện Văn học thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1986-1990.

• Phó trưởng khoa, trưởng khoa Ngữ văn và Báo chí.

• Giáo sư thỉnh giảng ở ĐH Paris 7, ĐH Sư phạm, ĐH Đà Lạt…

Các tác phẩm

Dẫn vào tác phẩm văn chương, Những tín hiệu mới, Trường phái hình thức Nga, Những nguồn cảm hứng trong văn học, Lý luận văn học - nhập môn, Hãy cầm lấy và đọc… Ông cũng là tác giả những tập tản văn: Ngôi nhà và con người, Bây giờ mà có về quê…, Les Espaces verts de Saigon.

PHẠM CHU SA thực hiện
Nguồn: Báo Pháp luật TPHCM, ngày 24.9.2017

chu phoong arial moi copy - Hơn 30 năm của thời kì đổi mới, xã hội và nền văn học Việt Nam có nhiều thay đổi thức thời nhưng có lẽ, viết về chiến tranh vẫn là nguồn đề tài vô tận. Tuy nhiên, gần đây, có thể thấy rõ ràng là ngày một ít hơn những tác phẩm về chiến tranh. Tọa đàm Viết về chiến tranh thời đổi mới do Tạp chí VNQĐ phối hợp với tạp chí Nghiên cứu văn học - Viện Văn học tổ chức sáng 6/12 lại mở ra cho những người sáng tác, nghiên cứu lí luận phê bình những cách nhìn mới về chủ đề này.

Không có những bài tham luận dài được đem ra đọc, tọa đàm là buổi gặp mặt của những cây bút cứng tay viết về chiến tranh như Chu Lai, Bảo Ninh, Khuất Quang Thụy, Anh Ngọc,… và những nhà nghiên cứu như PGS Nguyễn Hữu Sơn, PGS Lưu Khánh Thơ, TS Lê Hương Thủy, TS Đỗ Hải Ninh… Những người làm nghề nói về công việc của mình một cách khách quan khiến buổi tọa đàm thực sự có được những ý kiến giá trị,  gần gũi, cởi mở về đề tài cũ mà không cũ này.

3
Nhà văn, Đại tá Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập tạp chí VNQĐ mở đầu tọa đàm 

Cần tháo lỏng cách nhìn về chiến tranh 
Các sáng tác thay đổi nhiều về thể loại nhưng không có nhiều thành tựu là nhận định của PGS Lưu Khánh Thơ qua các  nghiên cứu về chiến tranh trong trường ca và thơ hiện đại. Cũng theo bà, thơ không có nhiều thành tựu trong thời kì đổi mới như văn xuôi. Do có đặc trưng về thể loại nên vẫn có sự phát triển theo cách khác như cái nhìn về chiến tranh, nhưng vẫn tập trung kiểu âm vọng – chủ yếu là hào hùng, ca ngợi chứ chưa trực diện, thậm chí còn né tránh. Cũng hiểu cho các nhà thơ khi áp lực thời đại lúc nào ảnh hưởng đến cách viết. Việc đánh giá, xuất hiện đề tài đi vào chiều sâu cần thẳng thắn mới tạo ra được dòng chảy mạnh mẽ. Điều này theo bà chỉ có được khi có sự thay đổi về cách nhìn và khai thác chiến tranh ở mảng giới, tình cảm nam nữ, giới trẻ…

Từ góc độ sáng tác, nhà văn Chu Lai nói thành tựu văn học có được hay không là do cảm nhận của chính độc giả. Theo ông, lịch sử Việt Nam là lịch sử trận mạc đa đoan và có nhiều điều để khai thác, thậm chí càng khai thác càng màu mỡ. Nếu như sợ thế hệ sau không viết nhiều về chiến tranh thì chúng ta nên hiểu rằng, người viết cần thời gian để chiêm nghiệm, cũng như cần một độ lùi cần thiết, ví dụ như Chiến tranh và hòa bình, được Lev Tolstoy viết sau khi chiến tranh kết thúc 50 năm. Chiến tranh không phải ngày hội, chủ đề chiến tranh bây giờ dù có thế nào với tất cả sự trần trụi vẫn phải toát lên phẩm chất con người bởi văn học chính là đi tìm bản ngã con người.

Tuy nhiên, tác giả Ăn mày dĩ vãng chia sẻ, hiện nay vẫn còn tồn tại cái nhìn định kiến về văn học. Điều này khiến cho các nhà văn có thể sẽ thiếu thẳng thắn trong chính các tác phẩm của mình. Nếu không tháo lỏng cách nhìn về chiến tranh thì chúng ta sẽ mãi sợ nó. Nhưng cũng có thể thấy rằng, việc các nhà xuất bản mở cửa, khoáng đạt và cởi mở với các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh ở những góc nhìn mới là minh chứng về việc chúng ta đang sẵn sàng đón nhận nhiều góc tiếp cận mới trong chiến tranh hơn nữa.

Nhà văn Bảo Ninh cho rằng đổi mới là cuộc cách mạng trong tư duy dân tộc. Và đổi mới làm thay đổi bộ mặt văn học, có nhiều cơ hội, thách thức nhưng đôi khi một số người đọc tự mình khép lại thành quả văn chương khi cho rằng văn học Việt Nam mang tính định hướng và không đọc các tác phẩm nào của văn học Việt Nam. Nhưng thực tế đó là thói quen "vớ vẩn" làm ánh sáng văn chương không phát ra được bên ngoài. Do đó, không có nhiều tác phẩm của Việt Nam được dịch và quảng bá với độc giả quốc tế.

24824230 1328029747342985 1650068959 n
Toàn cảnh tọa đàm


Văn học chiến tranh Việt Nam mới là tiếng nói của một phía
Đó là ý kiến nhà nghiên cứu Trần Đăng Trung, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn sau những nghiên cứu của mình về văn học viết về chiến tranh Việt Nam. Anh chia sẻ rằng, văn học Mỹ về chiến tranh Việt Nam có hơn 600 tiểu thuyết ở mọi góc nhìn. Tuy nhiên, vẫn dừng lại ở việc phản ánh đơn nhất với mỗi nhóm tham gia ở những góc nhìn, quan điểm khác nhau khi tham gia vào cuộc chiến. Trong vòng một thập kỉ gần đây, các nhà văn, học giả Mỹ chú ý đến mảng đề tài kí ức chiến tranh bởi chính họ cũng nhận ra rằng có sự bất bình đẳng và nhiều kí ức có sự lần át kí ức chiến tranh của những dân tộc khác. 

Nhà thơ Anh Ngọc có quan điểm về sự đổi mới trong thơ: Người làm thơ hãy tự đọc lên những câu thơ của mình, mới hay không nằm ở phía cảm nhận của bạn đọc. Các nhà văn trong lúc tôn trọng đề tài thì cần có tính độc lập trong cách viết. Ví dụ như bài thơ Cây xấu hổ của tôi nhận được nhiều lời khen và chính nhà thơ Xuân Diệu cũng khen là “tươi xanh quá” nhưng tôi tự nhận thấy rằng tôi chưa có 50% sự thật của mặt trái chiến tranh trong đó. Hay trong bài thơ Vị tướng già, tôi viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm ông 84 tuổi có câu: “Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ/ Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây”. Tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi phản đối bài thơ vì miêu tả vị tướng “thơ ngây”. Nhưng sự thật là tôi chỉ miêu tả lại Cụ đúng như những gì tôi thấy ở độ tuổi 84. 

Nhà văn Khuất Quang Thụy, người cả đời viết về đồng đội lại cho rằng câu chuyện đổi mới không còn mới nữa mà đã cũ rồi. Câu chuyện sau này không phải do chúng ta viết mà là của những người trẻ sau này, chỉ cần nghĩ là cứ làm với tinh thần độc lập mà thôi. Văn học của chúng ta là nền văn học khác biệt với những nền văn học khác ở chỗ có tổ chức, được tổ chức và tạo được dấu ấn, làn sóng trong đời sống. Việc của những nhà văn là lựa chọn tiếp tục đối thoại hay đối mặt với lịch sử.

Dấu ấn chiến tranh không thể phủ nhận trong chính cuộc sống hôm nay nhưng để dòng chảy đó chảy mãi trong nền văn học đòi hỏi sự cố gắng của không chỉ các nhà văn mà còn có cả sự tiếp nhận của chính độc giả, những nhà quản lý và nghiên cứu lý luận phê bình văn học.

THU OANH

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội, ngày 6.12.2017.

20170919 NgHThiep

Ảnh: Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ở bản Hua Tát.

TP - Ai đã từng đọc Nguyễn Huy Thiệp đều nhớ chùm 10 truyện nằm trong một cái tên chung “Thung lũng Hua Tát” (đầu tiên in trên báo Văn nghệ năm 1987 có tên “Những chuyện kể bất tận ở thung lũng Hua Tát”). Vậy là kể từ lúc truyện này được công bố lần đầu tiên cho đến nay đã tròn 30 năm.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gặp lại đồng nghiệp xưa.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gặp lại đồng nghiệp xưa.

Người đọc cũng  đã từng biết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã có gần 10 năm dạy học tại Sơn La, từ 1971 đến 1980. Như vậy, tính từ khi rời khỏi Sơn La về Hà Nội, cũng đã gần 40 năm.

Đủ duyên thì trở lại

Hỏi anh trở lại Tây Bắc lần này là lần thứ bao nhiêu, anh cho biết mới lần thứ hai. Lần 1, cách đây ít năm lên hỏi vợ cho cậu con trai lấy cô gái huyện Sông Mã, đi vì công việc; lần này đúng nghĩa đi chơi, thăm lại những nơi chốn mà anh đã sống trải, những bạn bè đồng nghiệp thân tình.

Trong số những nơi nhà văn trở lại, có ngôi trường Bổ túc công nông tỉnh Sơn La đóng tại thung lũng Hua Tát, thuộc đất Cò Nòi, gần thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn.

Chuyến trở lại Tây Bắc lần này là do Khoa Ngữ văn-Trường Đại học Tây Bắc (ĐHTB) đứng ra mời mọc và tổ chức.

Nguyễn Huy Thiệp kể ý tưởng trường ĐHTB mời anh lên thăm trường và Tây Bắc cũng đã diễn ra cách đây mấy năm, nhưng chưa đủ nhân duyên. Anh nhớ, cũng cách đây khoảng dăm năm, có người trong Hội Cựu giáo chức Tây Bắc đóng tại Hà Nội tìm đến, mời anh đi dự ngày gặp mặt thường niên. Anh thấy hay, nên nhận lời. Hôm đó do xe cộ thế nào đó, anh đến muộn, vào đúng lúc mọi người đang uống rượu. Tay bắt mặt mừng. Có người quen, có người không. Khi được ai đó giới thiệu đây là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, có một người đàn ông lừ lừ tiến đến, một tay cầm cốc rượu đầy, một tay là bát canh, cứ thế dội cả hai thứ lên đầu anh, vừa dội vừa bảo: mày cũng là nhà văn thật à?... Anh đứng im, không nói gì, và cũng chưa kịp hiểu ra chuyện gì. Tất cả mọi người lặng ngắt. Lúc sau, người đàn ông ấy chắc thấy ân hận, lủi đi đâu không rõ. Nguyễn Huy Thiệp bảo: “Sau đó tôi không tham gia Hội ấy nữa. Và cũng chẳng có ý định trở lại Tây Bắc. Tôi cũng không hiểu người đồng nghiệp cũ kia có ý nghĩ như thế nào. Có thể cũng chẳng phải là họ ghét tôi, chỉ đơn giản là họ thấy tôi nổi tiếng, họ không tin; có thể họ cũng chả đọc tôi, chả coi văn chương là cái gì… Lần này, sau mấy cuộc gọi điện của một cô giáo phụ trách khoa Ngữ văn ở ĐHTB, thấy họ có tấm lòng thật, nên tôi nhận lời. Đúng là làm cái gì cũng phải đủ duyên mới thành. Ô mà lạ lắm, tôi có 10 năm Tây Bắc rồi lại về Hà Nội, còn cái thằng con giai tôi chả ở Tây Bắc, cuối cùng lại vớ được cô Tây Bắc về làm vợ ”.

Hua Tát xưa/nay

Chiếc xe đưa chúng tôi ngược đường Tây Bắc. Tới địa điểm có tên Cò Nòi (cách thị trấn huyện Mai Sơn chừng hơn chục cây số) trên trục đường quốc lộ 6, đã có mấy bạn đồng nghiệp xưa của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đón. Gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Một người đàn bà tóc đã bạc trắng, xưng hô là chị và chú với nhà văn, nghẹn ngào không nói thành lời. Nguyễn Huy Thiệp bảo chị đây ngày xưa như là chị gái tôi vậy… Người đàn bà này nói với Nguyễn Huy Thiệp, vừa như kể cho chúng tôi nghe: “Chú có nhớ lần chú với chú Lân cáng tôi ra bệnh viện đẻ không? May mà kịp, giả sử đẻ dọc đường thì chả biết rồi sẽ thế nào nhỉ. Chắc mẹ con tôi khéo chết rồi. Lại có lần chú cõng con bé ấy đi bệnh viện. Tôi có việc phải đi sau một chút. Tôi còn dặn chú trên đường thỉnh thoảng phải sờ mũi cháu xem nó còn sống không nhé. Sao ngày ấy khổ ơi là khổ. Bây giờ con bé ấy nó lấy chồng, rồi sống bên Gia Lâm, chị bảo lúc nào rảnh sang thăm chú mà nó cũng lười, chửa sang”.

Từ đây, rẽ theo con đường hẹp chừng 3 cây số thì dừng lại. Nơi ngôi trường Bổ túc công nông đóng ngày nào. Bây giờ không còn một dấu tích gì. Cây cầu tre cũng được thay bằng cây cầu xi măng. Nơi mấy lớp học và nhà giáo viên ở bằng tranh tre vách đất khi xưa, bây giờ bình địa, chỉ toàn là nương mía, ruộng lúa xanh rì. Nguyễn Huy Thiệp và mấy đồng nghiệp của anh chỉ trỏ chỗ này chỗ kia, người này người nọ ở… Anh cho biết, trường này được coi là ngôi trường bí mật, phải sơ tán để tránh bị máy bay Mỹ ném bom, cán bộ giáo viên không được phép tiếp xúc với dân, học viên toàn là cán sự 3 trở lên mới được học, họ là cán bộ cấp huyện các nơi về học bổ túc trình độ cấp ba, học viên toàn lớn tuổi, so với anh giáo Thiệp 20 tuổi khi đó thì học viên ít tuổi nhất cũng phải hơn anh đến chừng 10 tuổi.

Anh bảo ngày ấy tôi đói như một con hắc tinh, như con ma địa ngục ấy. Nhớ có lần tôi với mấy anh giáo viên trẻ nhìn thấy xa xa trên rừng có một nương sắn của đồng bào, đói quá rủ nhau đi đào trộm; khi đi loanh quanh thế nào từ đầu giờ chiều đến gần tối vẫn không tới, hóa ra bị lạc lối, thế là đành quay về, đã đói lại đói hơn… Anh kể: “Nhớ có lần một anh bạn bắn được một con chim to, giống con diều hâu thì phải, rồi vặt lông làm thịt. Khi mổ ra, trong dạ dày có một con rắn đang còn cựa quậy. Anh ta đem cái dạ dày đi chôn. Khi nấu xong, tanh lợm giọng, tôi không dám ăn. Có một anh giáo người Hà Nội, trông thì to cao, lịch lãm, tiếc của, khi đêm xuống đi đào cái dạ dày đó, lấy con rắn để làm thịt. Nấu xong, anh ấy gọi tôi dậy ăn, bảo thịt rắn nhiều chất bổ lắm, tôi sợ khiếp vía. Thế mà mấy anh em giáo viên trẻ xì xụp ăn hết đấy. Đói quá mà…”.

Nguyễn Huy Thiệp trở lại Hua Tát - ảnh 2Điểm trường Hua Tát, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chụp ảnh cùng với tác giả.

Cách ngôi trường Bổ túc công nông khoảng chừng già cây số là một bản người Thái có tên là Hua Tát. Bản không to, chỉ chừng mấy chục nóc nhà. Nguyễn Huy Thiệp cho biết do có lệnh không được tiếp xúc với dân, nên các giáo viên ngày đó cũng không dám vào bản nhiều. Chỉ duy nhất có một lần, nhìn thấy bản bị cháy, mấy anh em bảo chạy vào xem sao. Đến nơi, cả bản chỉ còn những cái cột nhà cháy đen thui chọc lên nền trời, những người đàn bà Thái và những đứa trẻ ôm nhau khóc thảm thiết. Ấn tượng ấy tôi không bao giờ quên được. Sau này khi viết chùm truyện về núi rừng Tây Bắc, tự nhiên cái tên bản ấy hiện về, tôi lấy lại tên bản Hua Tát như là cách lưu giữ ký ức; chứ câu chuyện và các nhân vật là do tôi bịa ra cả”.

Hiện nay, ngôi trường Bổ túc công nông đã bị xóa sổ trên thực địa cũng như trong nền giáo dục Sơn La sau khi đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình. Riêng bản Hua Tát bây giờ thấy khá nhiều nhà sàn kiểu mới mọc lên, toàn lợp ngói hoặc tấm xi măng, giữa bản có Nhà văn hóa, có điểm trường cấp 1 cấp 2 nhỏ nhắn nhưng sạch sẽ. Đường sá lối đi trong bản cũng vẫn còn nhiều đoạn chưa đổ bê tông, đang còn lầy lội. Thấy ô tô chở chúng tôi đến, lũ trẻ con chân đất, áo quần màu đất chạy túa ra xem. Tôi dừng lại một ngôi nhà sàn mới dựng, gỗ toàn phần, lợp ngói gốm cao cấp, quy hoạch theo hướng hiện đại. Hỏi ra mới biết chủ của nó là một đôi vợ chồng người Thái trẻ, vợ giáo viên, chồng chủ trang trại trồng mía bán cho nhà máy đường gần đó, giầu có nhất bản. Riêng điểm trường Hua Tát, cổng đóng, do đang dịp hè. Giá như có người, chúng tôi cũng muốn ghé vào thăm…

Có một câu chuyện liên quan đến cái đói và cuộc sống của Nguyễn Huy Thiệp những năm ở Hua Tát. Ngày ấy anh quen một ông phụ trách cục kiểm lâm. Ông này có vợ dạy học ở Hòa Bình. Do làm sếp, có điều kiện hơn, thỉnh thoảng có cái ăn ngon, ông ấy lại cho người mang sang hoặc mời anh giáo Thiệp sang đánh chén. Một hôm ông  ấy bảo: anh chả có tiền cho mày, nhưng mày chịu khó thì cũng có ít tiền, anh cấp cho mày cái giấy phép khai thác gỗ lát theo tiêu chuẩn, mày vào rừng chọn chặt lấy cây nào to to xẻ ra lấy ít ván mà bán… Giáo Thiệp mừng quá, thuê hiệp thợ vào rừng chọn chặt một cây to. Khi hạ xuống, hóa ra nó mục bên trong hết cả. Thế là đâm chán. Gặp, ông anh cục kiểm lâm bảo: “Sao mày ngu thế, vào chọn lại, chặt lấy hai cây thật to vào”. Giáo Thiệp thuê hiệp thợ gồm năm người ở dưới xuôi lên. Giáo Thiệp cùng họ vào rừng, làm đúng như lời ông kiểm lâm dặn. Hiệp thợ làm ròng rã hơn tháng trời, rồi vận chuyển về trường (chuyện này đã trở thành một phần nguyên mẫu trong truyện ngắn “Những người thợ xẻ”). “Sau đó - Nguyễn Huy Thiệp kể - đống gỗ chình ình để trong trường, khiến một số người hiểu lầm, một số người đố kỵ, từ chỗ đang không có gỗ thì được yêu, có gỗ thì bị ghét. Mà tôi thì không biết làm gì với đống gỗ tội nợ ấy. Khi được về xuôi, tôi cũng cố chở về theo. May quá, có một đồng nghiệp cũng người Hà Nội, cũng từng sống ở Sơn La, biết tôi có chỗ gỗ ấy, đến gạ mua, thế là tôi bán tống bán tháo cái đống tội nợ ấy đi”.

Dạy trẻ/dạy người

Một trong những chủ đề mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thể hiện khá sâu sắc trong truyện ngắn là vấn đề dạy học, rộng ra là giáo dục trẻ con, giáo dục con người. Chủ đề này có khi nằm hẳn trong những truyện riêng lẻ (Thương nhớ đồng quê, Sống dễ lắm, Những tiếng lòng líu la líu lo…), có khi rải rác trong nhiều truyện. Ông kể: ngày dạy ở trường Bổ túc công nông, ban đầu dạy theo SGK, rất ngay ngắn, bài bản. Nhưng khi dạy, nhìn họ, biết họ chán, họ không nghe. Thế rồi tôi chả dạy kiến thức là mấy, chủ yếu kể chuyện cho họ nghe, về quyển sách nọ mới đọc, về nhân vật kia trên thế giới. Thí dụ tôi kể về “Những người khốn khổ” có chàng Giăng Van Giăng, có cô Phăng tin… Ngày đó, nhiều thời gian, tôi làm quen với cô thủ thư của một thư viện ngoài thị trấn. Tôi thấy có cuốn “Từ điển triết học” của Liên Xô, mượn về nhà đọc, thấy có các khái niệm, có các nhân vật, lại có hình vẽ nữa. Tôi đọc rồi ghi chép những chỗ mình thích. Thế rồi tôi cứ kể lại cho học viên nghe. Họ rất thích. Sau họ nhớ mãi. Hóa ra dạy học không chỉ dạy kiến thức trong sách vở, mà phải dạy bằng cái hiểu biết rộng bên ngoài.

Trong buổi giao lưu với thầy trò khoa Ngữ văn-Đại học Tây Bắc, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tâm sự: “Kinh nghiệm 10 năm Tây Bắc dạy tôi: hãy biết trở về với tự nhiên phác thực và biết khát vọng. Tôi mong sao các thầy cô khi dạy học, truyền được cho các em lòng khát vọng. Có khát vọng mới có thể vươn lên. Nếu không khát vọng, cứ ngập ngụa vào những cái dung tục, sẽ phí cả một đời đi”.

Trên đường từ Tây Bắc trở về, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói với chúng tôi: “Ngày xưa ở trên Tây Bắc, tôi vớ được một tập thơ của Nê-zơ-van, mà bây giờ vẫn nhớ mấy câu thơ này: “Tự biết nhé và nếu còn gặp lại/Cũng đủ rồi, cũng kỳ diệu xiết bao/ Tự biết nhé và nếu còn gặp lại/Chẳng phải tôi đây trở lại đâu nào”… Đúng là vậy, vật đổi sao dời. Từ một anh giáo Thiệp ngày nào, bây giờ đã là một nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lừng lẫy. Bây giờ cũng không còn là một nhà văn kiêu bạc như lúc sự nghiệp đang chói sáng. Khi gặp lại Tây Bắc, gặp lại bạn bè, nói chuyện với thầy cô giáo và sinh viên, anh hay nghẹn ngào, có khi anh khóc, giọng khê đặc, mãi mới thốt lên lời. Có lần tôi gọi điện hỏi thăm sức khỏe, anh bảo: “Yếu dần dần rồi. Cũng hợp quy luật. Cứ khỏe mãi cũng nguy chứ ông!”. Vâng, đúng như cách anh thường hay nói: “Hãy sống theo Đạo, trở về với tự nhiên, chứ con người ta, văn chương cũng vậy, nhiều khi hão huyền lắm”.

Sơn La-Hà Nội 19/20-8.2017

V.G

Nguồn: Báo Tiền phong, ngày 27.8.2017

20171202 Tongtuvuu

Ảnh: Bìa Tống Tử Vưu truyện宋子尤傳, bổn cũ dọn lại, Đốc Phủ Paulus Của, Saigon, Imprimerie Commerciale, 1904

 

Huỳnh Tịnh Của cùng với: Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản là bốn nhà văn quốc ngữ tiên phong của nước ta vào cuối TK.XIX. Trương Vĩnh Ký đóng góp chủ yếu vào phương diện báo chí, nghiên cứu văn hóa, ngữ pháp, từ điển đối chiếu... bằng cả hai ngôn ngữ Việt và Pháp; Trương Minh Ký chủ yếu ở dịch văn học Pháp; Nguyễn Trọng Quản ở tiểu thuyết; thì Huỳnh Tịnh Của đóng góp ở báo chí, nghiên cứu văn hóa - văn học, ngữ vựng/ từ điển học. Nói đến chữ quốc ngữ giai đoạn đầu và từ điển tiếng Việt thì không thể không nhắc đến Huỳnh Tịnh Của. Thế nhưng sự hiểu biết về ông vẫn còn khá mơ hồ, mâu thuẫn nhau, tư liệu về ông hầu như ít ai có đủ. Ngay trong tập sách Chân dung văn học của Hoài Anh mới xuất bản gần đây cũng viết rằng: “Những cuốn sách sưu tầm như Tục ngữ cổ ngữ gia ngôn (1882), Câu hát góp (1904), Ca trù thể cách (1907), Thơ mẹ dạy con, và phiên âm như Trần Sanh diễn ca (1905), Thoại Khanh Châu Tuấn truyện, Phụ Chinh phụ ngâm (1906), Văn Doan diễn ca (1906)… nay đều thất truyền”(1). Trong quá trình sưu tập tư liệu tìm hiểu về Huỳnh Tịnh Của, chúng tôi cố gắng sưu tập đầy đủ các tư liệu của ông, trong đó có một số tư liệu trước nay chưa được nói đến, để từ đó có thể phác họa ra chân dung chính xác hơn về ông.

1. Vấn đề tên gọi của Huỳnh Tịnh Của:

Huỳnh Tịnh Của hiệu là Tịnh Trai, nên cũng có khi gọi là “Huỳnh Tịnh Trai” (Điếu cổ hạ kim tập, Nguyễn Liêng Phong). Trên các sách quốc ngữ, ông ký nhiều tên khác nhau và thường gắn liền với hàm “Đốc phủ sứ”:

-   “Paulus Của, Đốc phủ sứ” trong Chuyện giải buồn

-   “Đốc phủ Paulus Của” trong Thoại Khanh Châu Tuấn

-   “Paulus Của Huỳnh-Tịnh, Đốc phủ sứ” trong Tục ngữ, Cổ ngữ, Gia ngôn

-   “Huỳnh-Tịnh Paulus Của, Đốc phủ sứ” trong Câu hát góp, Chiêu Quân cống Hồ

-   “Hoàng-Tịnh Paulus Của, Đốc phủ sứ” trong Trần Sanh diễn ca

-   “Huình-Tịnh Paulus Của” trong Đại Nam quấc âm tự vị

2. Năm sinh năm mất:

Huỳnh Tịnh Của sinh và mất năm nào? Các tài liệu ghi không thống nhất:

-              Văn học Quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930 ghi: 1834-1908 và 1830-1908(2)

-              Chân dung văn học của Hoài Anh ghi: 1834-1907(3)

-              Từ điển văn học (bộ mới) ghi: 1834-1897(4)

-              Văn học Việt Nam nơi miền đất mới ghi: 1834-1907(5)

Theo chỉ dẫn của Nguyễn Văn Y trong luận văn cao học Huỳnh Tịnh Của và công trình biên soạn bộ Đại Nam quấc âm tự vị, chúng tôi tìm đọc bài Bài văn của quan Nguyên soái điếu ông Huỳnh Tịnh Của trên Lục tỉnh tân văn số 13 ngày 13 tháng 2 năm 1908. Trong bài có viết: “(Ông) sanh năm Canh dần 1830” (trang 7). Đây là bài điếu văn viết khi Huỳnh Tịnh Của mới mất cho nên là tài liệu đáng tin cậy.

Về năm mất, tài liệu ghi chi tiết nhất là công trình của Nguyễn Văn Y (đã dẫn). Nguyễn Văn Y cho biết: “Trong sách Guide historique des rues de Saigon” (Saigon: S.I.L.I., 1943, tr.174), tác giả André Baudrit, có nói ông theo các tài liệu do chánh quyền ở vùng Saigon-Cholon cung cấp, đã ghi Huỳnh Tịnh Của sanh năm 1830 và mất tại Saigon ngày 26 Janvier 1908”(6). Cũng theo Nguyễn Văn Y: Điều ấy cũng phù hợp với ghi chép của Nguyễn Liêng Phong trong Điếu cổ hạ kim tập về Huỳnh Tịnh Của “lúc ngài thác tuổi gần tám chục”. Vậy nếu chúng ta lấy năm 1908 trừ cho 1830, tính theo tuổi ta thì Huỳnh Tịnh Của hưởng thọ được 79 tuổi, gần đúng với cái “tuổi gần tám chục” hơn là lấy 1907 trừ 1934. Sở dĩ phần lớn các sách ghi năm mất của Huỳnh Tịnh Của là 1907 là ghi lầm năm âm lịch: 23 tháng Chạp năm Đinh mùi. Năm Đinh mùi đúng là 1907, nhưng tính ra dương lịch là ngày 25 tháng 1 năm 1908(6).

Như vậy năm sinh năm mất của Huỳnh Tịnh Của chính xác là: 1830-1908.

3.   Nơi sinh của Huỳnh Tịnh Của:

Quê quán Huỳnh Tịnh Của chính xác là ở đâu?

-     Hoài Anh ghi: quê Phước Long Thọ, huyện Long Đất, nay thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu (sđd, tr.23)

-     Từ điển văn học (bộ mới) ghi: người làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa, nay là Bà Rịa – Vũng Tàu (sđd, tr.674)

-     Nguyễn Q.Thắng: quê làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy (nay thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu, sđd, tr.401)

Theo Nguyễn Long Điền, người đã trực tiếp tìm về ngôi nhà cũ của Huỳnh Tịnh Của xác nhận: “Năm 1970 chúng tôi có dịp trở lại làng Phước Thọ, Quận Đất Đỏ (Phước Tuy) là quê hương của Huình Tịnh Paulus Của (…) Trong chuyến đi này chúng tôi tìm gặp một vài tư liệu về họ Huình tại ngôi nhà mà xưa kia ông chào đời tại làng Phước Thọ”(7). Theo Đại Nam nhất thống chí (8) và website của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu(9): năm Minh Mạng thứ 2 (1821) làng Phước Thọ thuộc tổng Phước Hưng Hạ, huyện Phước An, tỉnh Biên Hòa. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837) có đặt ra phủ Phước Tuy lãnh huyện Phước An. Đến đầu TK.XX, thực dân Pháp đặt ra tỉnh Bà Rịa, Phước An thuộc tỉnh Bà Rịa. Năm 1956 chính quyền Sài Gòn sáp nhập Bà Rịa và Vũng Tàu thành tỉnh Phước Tuy, làng Phước Thọ đổi thành xã Phước Thọ. Năm 1991 Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đổi tỉnh Phước Tuy thành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau 1975 xã Phước Thọ giải thể sáp nhập thành xã Phước Long Thọ.

Như vậy có thể nói: Quê của Huỳnh Tịnh Của là làng Phước Thọ, tổng Phước Hưng Hạ, huyện Phước An, tỉnh Biên Hòa, tức xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay.

Tuy nhiên có một số tài liệu đáng tin cậy khác lại nói đến làng Phước Tụy:

Trong 3 trang cuối cuốn Câu hát góp  (Sài Gòn,  Impr. Commercial Ménard Legros, 1901), tr31-32, có bài “Thơ gởi cho làng Phước-Tụy (sic) (Bà Rịa)” viết về quá khứ, hiện tại cũng như tình cảm của tác giả về làng mình. Tiếp theo bài đó là bài thơ luật “Phụ quấc âm thi nhứt thủ”:

               Cánh bèo lưu lạc thủa còn xuân;

               Về đến quê hương rất đỗi mầng.

               Hiệp mặt ba con lòng phới phở;

               Viếng thăm phần mộ dạ bâng khuâng.

               Nhà mình tốt xấu mình yêu chuộng;

               Quán cũ xa gần dám dể dâng.

               Thâm tạ hương thôn trong lớn nhỏ;

               Chung lòng tiếp đãi lễ ân cần.

Cuối bài ký tên “P.C.D.P.S” mà chúng ta dễ dàng đoán ra là “Paulus Của Đốc phủ sứ”. Như vậy Phước Tụy cũng là quê của Huỳnh Tịnh Của. Vấn đề này cũng được một số tư liệu khác chứng minh:

- Trong Bài văn của quan Nguyên soái điếu ông Huỳnh Tịnh Của đăng trên Lục tỉnh tân văn 1908 thì quê Huỳnh Tịnh Của là: “Ông sanh năm Canh dần 1830 tại làng Phước Tuy, tổng Phước Hưng Hạ, tỉnh Bà Rịa”

- Nguyễn Liêng Phong trong Điếu cổ hạ kim thi tập cũng ghi: “Huỳnh Tịnh Của sanh ở làng Phước Tuy”(10).

- Nguyễn Văn Y trong luận văn cao học nói trên cũng đồng ý như vậy (tài liệu đã dẫn, tr.9).

- Tra cứu Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, thì ở tổng Phước Hưng Hạ cũng có làng Phước Tuy: “Phước Tuy: thôn thuộc tổng Phước Hưng Hạ, huyện Phước An, phủ Phước Tuy, tỉnh Biên Hòa triều Thiệu Trị, Tự Đức. Đầu thời Pháp thuộc vẫn tổng cũ (…). Từ 1876 gọi là làng (…). Từ sau 1956 giải thể” (Nguyễn Đình Tư: Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.891).

Như vậy có hai điểm cần lưu ý ở đây:

- Thứ nhất: các địa danh ghi là làng “Phước Tuy” thực ra là ghi thiếu dấu làng “Phước Tụy”. Làng Phước Tụy cũng thuộc tổng Phước Hưng Hạ, địa danh này tồn tại từ thời Minh Mạng đến 1956 mới chấm dứt. Theo những người hiểu biết lịch sử địa phương, thì làng Phước Tụy nắm cạnh làng Phước Thọ(11).

- Thứ hai: các tài liệu trên đều ghi “sanh ở” tức là nơi sinh của Huỳnh Tịnh Của chứ không phải là quê quán. Theo phong tục Việt Nam thì người mẹ khi có mang gần đến ngày sinh thì thường về nhà cha mẹ đẻ của mình để sinh nở. Nếu vậy thì Phước Tụy, nơi sinh của Huỳnh Tịnh Của có thể là quê ngoại của ông.

4.   Cuộc đời của Huỳnh Tịnh Của: 

Vùng Bà Rịa, quê Huỳnh Tịnh Của là địa bàn cư ngụ của giáo dân Thiên chúa  giáo Bình Định di cư vào từ mấy trăm năm trước. Thủa nhỏ Huỷnh Tịnh Của theo học chữ nho và tiếng Pháp. Năm 12 tuổi ông được đưa sang Paulo Penang (cũng viết là Pulo Pinang) để học trong trường đạo. Khi học lên chứ “Thầy tư” thì hoàn tục về quê cưới vợ.

Năm 1862, Huỳnh Tịnh Của ra làm thông ngôn, lãnh việc phiên dịch văn án cho chính phủ thuộc địa ở Phòng Phiên dịch Dinh Thượng thư Sài Gòn (Bureau des traductions à la Direction de l’Intérieur de Saigon).

Năm 1865 ông được biệt phái về làm việc ở Bộ Tổng Tham mưu (Etat Major général). Có tham gia viết tin bài cho Gia Định báo từ những số đầu tiên (tháng 4 năm 1865).

Năm 1873, ông được thăng chức Huyện đệ nhất hạng (Huyện de Première classe), đến làm việc tại Phòng  phiên dịch ở Dinh Thượng thư (Direction de l’Intérieur).

Năm 1881, ông được thăng chức Phủ đệ nhị hạng (Phủ de deuxième classe).

Năm 1884, ông được thăng Phủ đệ nhất hạng (Phủ de première classe) và được bổ làm Đốc phủ sứ ngoại ngạch (hors cadre)(12).

Năm 1892, Huỳnh Tịnh Của được chọn làm hội viên của Ủy ban Cải tổ trường Thông ngôn (member de la Commission de r éorganisation du collège des Interprêtes).

Ông tham gia ban biên tập  bán nguyệt san Revue Indochinoise (Tạp chí Đông Dương), một tạp chí rất có giá trị học thuật xuất bản từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX (1893 – 1925).

Huỳnh Tịnh Của từng làm chủ bút tờ Gia Định báo một thời gian và giữ việc biên tập liên tiếp nhiều năm cho tờ báo này. Ông viết nhiều bài khảo cứu về các cổ tích, khoa học phổ thông, sưu tập thi ca cũ, đồng thời ông còn phiên dịch các bài diễn văn, nghị định, công văn bằng tiếng Pháp ra Việt văn.

Ông dành nhiều thời gian cho việc phinê âm, biên tập vốn văn chương cổ dân tộc: truyện thơ Nôm, thơ văn cũ Nam Kỳ… và xuất bản để phổ biến rộng rãi.

Trong cuộc đời làm công chức, ông được ban thưởng các huy chương: Đại Nam hàn lâm viện trực học sĩ (médaille d’officier de Dragon d’Annam), Đại Pháp hàn lâm kim diệp (médaille d’officier d’Académie), Ngũ đẳng Bắc đẩu bội tinh (chevalier de la Légion d’Honneur), và Kim Khánh Cao Miên (Officier de l’ordre royal du Cambodge).

Huỳnh Tịnh Của cộng tác với chính quyền Pháp nhưng chủ yếu là làm công tác giáo dục, báo chí, trước thuật và với bản tính thanh liêm nên cuộc sống nghèo túng, như Nguyễn Liêng Phong viết: ông là người “hình dung nho nhã, tánh nết cẩn thận hiền lành (...)  đã quá tuổi hưu trí mà Nhà nước đoái tưởng ngài tuổi lớn nhà nghèo, cho làm luôn”(13).

Và Nguyễn Liên Phong có bài thơ vịnh Huỳnh Tịnh Của như sau:

“ Nhớ ông Huỳnh Tịnh Trai,

Chữ nghĩa cũng lắm tài.

Kiếm tiền (kiếm tìm - ĐLG) trò khúc mắc,

Phát dọn sạch chông gai.

Bổn âm cùng quốc ngữ,

Tự điển với thơ bài.

Mở mang ơn biết mấy,

Săng (săn – ĐLG) sóc nhọc không nài.

Ngày nay người hậu tấn,

Học đó ấy sơ giai.

Gắn (gắng-ĐLG) chí dân già (dần dà-ĐLG) đến,

Nào lo mẹo mực sai.

Tuổi trời thêm khỏe mạnh,

Lộc nước hưởng lâu dài.

Tuy đã về âm cảnh,

Nét chữ chẳng sờn phai(14)

5.   Một số sai lầm trong liệt kê trước tác Huỳnh Tịnh Của:

Huỳnh Tịnh Của trước thuật bao nhiêu cuốn, là những cuốn nào, xuất bản lần đầu năm nào? Vấn đề này các nhà nghiên cứu ghi không thống nhất và có nhiều sai sót. Ví dụ:

- Từ điển văn học (bộ mới) ghi ông có: Long Châu toàn truyện bổn cư sử in 1905, Maximes et Proverbes (Châm ngôn và Tục ngữ) in 1882; Sách bác học sơ giải in 1887; Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn in 1896-1897 (sđd, tr.675)

- Nguyễn Q.Thắng ghi ông có: Tống Tử Văn, 1904, Sài Gòn; Long Châu toàn truyện bổn cư sử in 1905 (sđd, tr.402)

- Trong số sách của ông có cuốn: Bác học sơ giải (như Nguyễn Văn Y (tài liệu đã dẫn, tr.16), Từ điển văn học (bộ mới) ghi) hay Bác học sơ giai (như Phạm Long Điền(bđd, tr.56),  Bằng Giang (sđd, tr.76), Nguyễn Q.Thắng (sđd, tr.401) ghi)?

Xin lần lượt làm rõ dưới đây:

5.1. Maximes et Proverbes (Châm ngôn và Tục ngữ) Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn Từ điển văn học (bộ mới) ghi thực ra chỉ là một. Sở dĩ có sự lầm lẫn ấy là vì trang bìa sách in cuối TK.XIX-đầu TK.XX thường ghi 2-3 thứ chữ: Việt, Pháp, Hán. Nguyên văn trang bìa sách này ghi: “俗語古語嘉言 - Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn - Maximes et Proverbes – par Paulus Của Huỳnh-Tịnh Đốc phủ sứ - Sài Gòn, Imprimerie & Librairie Nouvelles Claude & Cie, 1896”

5.2. Huỳnh Tịnh Của không có cuốn sách nào là “Tống Tử Văn” mà chỉ có cuốn Tống Tử Vưu truyện, trang bìa có ghi cả chữ Hán như sau: “宋子尤傳 Tống -Tử -Vưu truyện – bổn cũ dọn lại – Đốc Phủ Paulus Của – Saigon, Imprimerie Commerciale, 1904”

5.3. Tôi không hiểu tại sao Từ điển văn học (bộ mới) lại ghi Huỳnh Tịnh Của có cuốn: Long Châu toàn truyện bổn cư sử in 1905? Có lẽ người viết mục từ này đã căn cứ vào Từ điển tác gia Việt Nam của Nguyễn Q.Thắng. Mục từ “Huình Tịnh Của” trong từ điển này có viết: tác phẩm của ông có: “Long Châu toàn truyện bổn cư sử, 1905”(15). Chúng tôi không tìm thấy quyển này, cũng không thấy trong thư mục nào của Huỳnh Tịnh Của nhắc tới quyển này, mà chỉ có cuốn “Lang Châu toàn truyện”. Thế còn “bổn cư sử”, nghĩa là gì? Lịch sử của bản cư à? Mà thế nghĩa là gì? Tôi đọc lại bìa sách mới ngớ ra: có lẽ là “Bổn cũ sửa lại”! Xin chép nguyên văn bìa sách ra đây: “郎珠全傳 Lang-Châu toàn truyện – Bổn cũ sửa lại – Hoàng Tịnh Paulus Của Đốc Phủ Sứ - Saigon, Imprimerie Commerciale Ménard et Rey, 1905”.

5.4. Bác học sơ giai hay Bác học sơ giải?  Thực ra “sơ giai” và “sơ giải” đều có nghĩa. “Sơ giai” là bậc thềm đầu, giai đoạn đầu, bước đầu. “Sơ giải” là giải thích đơn giản. Tiếc là chúng tôi chưa tìm thấy cuốn này. Tuy nhiên theo những tác giả có đọc và dẫn tác phẩm này một cách kỹ càng như Phạm Long Điền, Bằng Giang thì tên tác phẩm này là “Bác học sơ giai”, còn các tác giả còn lại có thể không có tác phẩm này trong tay nên đã ghi lầm thành “Bác học sơ giải”.

6. Các trước tác của Huỳnh Tịnh Của:

20171202 Langchau

Ảnh: Bìa sách Lang Châu toàn truyện郎珠全傳, Bổn cũ sửa lại, Hoàng Tịnh Paulus Của,

Đốc phủ Sứ, Saigon, Imprimerie Commerciale Ménard et Rey, 1905

 

Từ những phân tích trên đây, có thể thấy trước tác của Huỳnh Tịnh Của gồm 24 tài liệu (23 quyển sách riêng và 1 bài thơ phụ ở cuối sách) chia ra như sau:

a. Phỏng dịch:

  1. Chuyện giải buồn – (Rút trong các sách hay, để giúp trong các trường học cùng những người học tiếng An Nam)Paulus Của, Đốc phủ sứ, in lần thứ 2, Sài Gòn, Bản in Quản Hạt 1886, Tập 1: 100 tr
  2. Suie des Chuyện giải buồn,  Paulus Của, Đốc Phủ sứ, SG, Bản in nhà hàng Rey et Cutiol, “mới in lần đầu”, 1886, 96 tr; Chuyện giải buồn - cuốn sau, Paulus Của, Đốc Phủ sứ, In lần thứ 3, SG, bản in Quản Hạt, 1895

b. Sưu tầm văn học dân tộc:

  1. Tục ngữ, Cổ ngữ, Gia ngôn俗語古語嘉言 Maximes et Proverbes, Paulus Của Huỳnh-Tịnh, Đốc Phủ sứ, Sài Gòn, Impr. & Librairie Nouvelles Claude & Cie, 1896, 95 tr
  2. Câu hát gópRecueil de Chansons Populaires, Huỳnh-Tịnh Paulus Của, Đốc phủ sứ, Sài Gòn,  Impr. Commercial Ménard Legros, 1901. - 32tr
  3. Ca trù thể cách 歌籌體格, Văn Nôm –Poésie Annamite, Quốc âm thi tập 国音詩集 (rút trong các xấp văn chương), Paulus Của, Đốc phủ sứ, Sài Gòn, Impr. Commercial Marcelles, 1907, 40 tr

          c. Phiên âm Nôm ra quốc ngữ:

  1. Thơ mẹ dạy con – Conseils d’une Mère à sa Fille, Bổn cũ soạn lại, phụ thêm, Hoàng -Tịnh Paulus Của, Đốc phủ sứ, 1907; Saigon, Imp.Moderne, 1913, 12 tr
  2. Quan Âm diễn ca 觀音演歌, Bổn cũ soạn lại,  Hoàng-Tịnh Paulus Của, Đốc phủ sứ, In lần 3, Saigon, Nhà in Xưa nay, 1928, 32 tr
  3. Trần Sanh diễn ca陳生演歌, Bổn cũ dọn lại, Hoàng-Tịnh Paulus Của, Đốc phủ sứ, Saigon, Imprimerie Commerciale Ménard et Rey, 1905, 61 tr; Bản in của nhà in Thạch Thị Mau 1928 đổi tên là: Trần Sanh Ngọc Anh 陳生玉英, 30 tr
  4. Thoại Khanh Châu Tuấn 瑞卿珠後書, Bổn cũ dọn lại, Đốc phủ Paulus Của, In lần thứ 6, Saigon, Nhà in Xưa Nay, 1929, 22tr
  5. Chiêu Quân cống Hồ 昭君貢胡, Bổn cũ dọn lại, Huỳnh-Tịnh Paulus Của, Đốc Phủ sứ, Saigon, Imprimerie Commerciale, 1906, 40 tr
  6. Văn Doan diễn ca, in lần 3, Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đốc Phủ sứ, Saigon, Coudurier & Montégout, Imprimerie & Editeurs, in lần thứ ba, 1906, 100 tr
  7.  Tống Tử Vưu truyện宋子尤傳, bổn cũ dọn lại, Đốc Phủ Paulus Của, Saigon, Imprimerie Commerciale, 1904, 32 tr
  8. Lang Châu toàn truyện郎珠全傳, Bổn cũ sửa lại, Hoàng Tịnh Paulus Của, Đốc phủ Sứ, Saigon, Imprimerie Commerciale Ménard et Rey, 1905, 38 tr
  9. Bạch Viên Tôn Các truyện, phụ Chinh phụ ngâm, Bổn cũ soạn lại, Đốc phủ Paulus Của, Saigon, Imp. Commerciale, 1906, 31 tr (ghi theo thư mục trang cuối cuốn Lang Châu toàn truyện, bản in 1905, chưa tìm được)

d. Từ điển và sách khoa học tự nhiên:

  1. Đại Nam quấc âm tự vị 大南國音字彙- Dictionnaire Annamite, Huình-Tịnh Paulus Của,  2 tập: 1210 tr. Tome I (A-L): Sài Gòn, Imprimerie REY, CURIOL & Cie , 4 rue d’Adran, 4, 1895; Quyển II (M-X): Sài Gòn, Imprimerie REY, CURIOL & Cie , Rue Catinat & d’Ormay, 1896
  2. Sách Quan chế – des Titres civils et Militaires Francais avec leur traduction en Quốc ngữ, Paulus Của, Đốc phủ sứ, in lần thứ nhứt, Saigon, Bản in Nhà nước, 1888, 95 tr
  3. Sách Gia lễ, Dọn bốn lễ đầu cùng lễ phép học trò công tư thông dụng (par) Hoàng Tịnh Paulus Của, Đốc phủ sứ, Hồi đồng quản hạt chuẩn tiền, Saigon, Bản in nhà hàng Rey & Curiol, 1886, 40 tr (ghi theo thư mục trang cuối cuốn Sách Quan chế và thư mục của Bằng Giang, chưa tìm được)
  4. Tân soạn từ trát nhất xấp -Recueil de formules annamites, Bulletin de la Sociéte des Etudes indochinoises (BSEI), Saigon, 1888, 3C trimestre, Bản dịch Pháp văn trong BSEI, Nos 1 et 2, Jav.Jui 1933 số trang là 5-41 (ghi theo thư mục trang cuối cuốn Tục ngữ, Cổ ngữ, Gia ngôn và thư mục của Bằng Giang, chưa tìm được)
  5. Sách bác học sơ giai – Simples lectures sur les sciences, Bản in nhà hàng Rey & Curiol, 1887, 248 tr,  (ghi theo thư mục trang cuối cuốn Sách Quan chế và thư mục của Bằng Giang, chưa tìm được)
  6. Phép đo - Arpentage,  Hoàng Tịnh Paulus Của Đốc Phủ Sứ, in lần thứ nhứt, SG. Imprimerie & Librairie Nouvelles Claude & Cie, 1905, 78 tr
  7. Phép toán  – Arithmétique, S.Imp.Impériale, 1867 (chưa tìm được)
  8. Phép đo – Géométrie, in 1867 (chưa tìm được)

e. Sáng tác:

  1. Vãn Cha Minh và Lái Gẫm, là hai vị tử đạo mới thọ phong, S. Imp. de la La Mission à Tân Định, 1902, 59 tr (theo Bằng Giang); Hiện có: “Vãn Thánh Minh, Vãn Lái Gẫm” truyện thơ, Vãn Thánh Minh 628 câu thơ lục bát, Vãn Lái Gẫm 540 câu thơ lục bát, đăng trên website “dung lac.org”, xem đường link:

 http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=114&ict=2382 .

  1. Thơ gởi cho làng Phước Tụy (Bà Rịa) phụ quấc âm thi nhất thủ, tác giả: P.C.D.P.S (Paulus Của, Đốc Phủ Sứ), ghi đằng sau cuốn Câu hát góp , bản in 1901.

Trong bảng thư mục của Bằng Giang(2) có nói đến mấy cuốn nữa:

- Tống Từ Vân, in 1904, Bằng Giang ghi theo Lược truyện các tác gia Việt Nam của Trần Văn Giáp (NXB.KHXH, HN, 1972), nhưng có thể là ghi lầm từ cuốn Tống Tử Vưu ở trên, vì không thấy bảng thư mục nào in đằng sau sách của Huỳnh Tịnh Của nhắc đến quyển này.

- Bằng Giang cũng lầm khi kể Maximes et Proverbes (in 1882) và Tục ngữ, Cổ ngữ, Gia ngôn (in 1897) thành 2 quyển.

 

Kết luận

Chữ quốc ngữ Latin từ chỗ là công cụ truyền đạo của các giáo sĩ phương Tây đã trở thành công cụ để xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc thế kỷ XX, như chính các sĩ phu yêu nước trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục đã xác nhận “chữ quốc ngữ là hồn của nước”. Điều ấy khiến cho chúng ta càng nhớ ơn và khâm phục tầm hiểu biết của những trí thức mở đường cho chữ quốc ngữ vào cuối thế kỷ XIX – mà Huỳnh Tịnh Của là một trong những người có công đầu. Hiện nay một trong những công việc cần làm là tìm thêm tư liệu gốc về ông, đặc biệt phải tìm được phần mộ và nền nhà cũ của ông ở Phước Thọ, Phước Tụy để phục vụ cho công việc nghiên cứu, bảo tồn và du lịch văn hóa.(**)

                                                                                    TP.HCM, tháng 9 năm 2012 – 3.2016

                                                                                                                           Đ.L.G

Chú thích:

(**)   Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh (VNU-HCM) trong đề tài “Văn học Việt nam từ giữa thế kỷ XIX đến 1932: Những vấn đề về tác giả, thể loại, khuynh hướng”, mã số C2014-18b-04

  1. Hoài Anh (2001), Chân dung văn học, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
  2. Bằng Giang, Văn học Quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930, Nxb Trẻ, 1998, tr.70 ghi là: 1834-1908, trong khi đó tr.73 ghi là: 1830-1908
  3. Hoài Anh (2001), Chân dung văn học, đã dẫn, tr.23
  4. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên (2004), Từ điển văn học (bộ mới), NXB Thế giới, Hà Nội, tr.674
  5. Nguyễn Q.Thắng (2007), Văn học Việt Nam nơi miền đất mới, tập 1, Nxb. Văn học, tr.401
  6. Nguyễn Văn Y (1974), Huỳnh Tịnh Của và công trình biên soạn bộ Đại Nam quấc âm tự vị, tiểu luận cao học ngữ học, Đại học Văn Khoa Sài Gòn.
  7. Phạm Long Điền (1975), Những phát giác về Huình Tịnh Của, Tạp chí Bách Khoa, số 1, Sài Gòn.
  8. Đại Nam nhất thống chí – Lục tỉnh Nam Việt, tập thượng: Biên Hòa, Gia Định, dịch giả Tu Trai Nguyễn Trọng Tạo, Nha văn hóa  phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa tái bản, 1973, tr.5-6
  9. http://www.baria-vungtau.gov.vn/
  10. Nguyễn Liêng Phong (1915), Điếu cổ hạ kim thi tập, Sài Gòn, Imprimerie de l’Union, tr.49.
  11. Xác minh về Phước Tụy, Phước Thọ, chúng tôi được TS. Nguyễn Đình Thống giúp đỡ rất nhiều, nhân đây xin gửi lời cảm ơn Tiến sĩ.
  12. Huyện, Phủ, Đốc Phủ Sứ chỉ là một thứ “hàm” không phải chức vụ hành chính. “Đốc Phủ Sứ” là ngạch cao cấp nhất trong giới quan trường thời Pháp thuộc, có lẽ do ghép hai chức danh cũ: Tổng Đốc, Tuần Phủ vào.
  13. Nguyễn Liêng Phong (1915), Điếu cổ hạ kim thi tập, Sài Gòn, Imprimerie de l’Union, tr.49
  14. Nguyễn Liêng Phong (1915), Điếu cổ hạ kim thi tập, Sài Gòn, Imprimerie de l’Union, tr.50. Tư liệu trên đây về tiểu sử Huỳnh Tịnh Của, chúng tôi chủ yếu dựa vào Nguyễn Văn Y: Huỳnh Tịnh Của và công trình biên soạn bộ Đại Nam quấc âm tự vị (tài liệu đã dẫn), vì đây là tài liệu kỹ càng chi tiết nhất về vấn đề này.
  15. Nguyễn Q.Thắng (1999), Từ điển tác gia Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, tr.390

Nguồn : Tạp chí Văn hóa và Du lịch, Vol.7, No.2&3 (tháng 3&5/2016) ; Tạp chí Xưa và Nay số 472 (tháng 6-2016) và số 473 (tháng 7-2016). 

Nhà thơ Thanh Tùng, tác giả Thời hoa đỏ, vừa qua đời tối ngày 12-9, hưởng thọ 83 tuổi.

Lễ viếng nhà thơ Thanh Tùng dự kiến sẽ được tổ chức vào chiều ngày 13-9 tại nhà tang lễ TP.HCM. Dự kiến ông sẽ được an táng tại nghĩa trang Chánh Phú Hoà, Bến Cát, Bình Dương.

Nhà thơ Thanh Tùng sinh năm 1935, tên thật là Doãn Tùng, tại Nam Định. 

Ông trưởng thành tại thành phố Hải Phòng. 

Ông là tác giả của bài thơ nổi tiếng Thời hoa đỏ đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng cùng tên.

Nhà thơ Thanh Tùng từng làm nghề khuân vác tại Hải Phòng, sau đó làm công nhân đóng tàu.

Ngoài bài thơ Thời hoa đỏ nổi tiếng, Thanh Tùng còn có ba bài thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, được nhiều người yêu thích là Người về, Hà Nội ngày trở về, Mùa thu giấu em.

Các tập thơ đã in của ông như: Gió và chân trời, Khúc hát quê xa, Cái ngày xưa ấy, Thuyền đời, Trường ca Phương Nam...

Năm 1973, khi nghe tin người vợ cũ qua đời, nhà thơ Thanh Tùng tức tốc xuống Quảng Ninh để tiễn đưa nhau và bài thơ Thời hoa đỏ ra đời.

Năm 1997, ông được cử làm đại diện Việt Nam sang Hi Lạp đọc thơ cùng đại biểu nhiều nước trên thế giới.

Đầu năm 2016, khi đã ngoài 80 tuổi, trả lời phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Hoài Nam trên Tuổi Trẻ, nhà thơ Thanh Tùng có chia sẻ những chiêm nghiệm về tình yêu của ông: 

"Có nhiều loại tình yêu, ở đây tôi muốn nói đến tình yêu thơ, tình yêu trai gái và yêu chính bản thân mình. 

Tình yêu thơ là tình yêu bất hủ, có như thế tôi mới là nhà thơ, khi sáng tác những vần thơ hay, ngâm nga nó tôi cảm thấy tâm hồn mình thơ thới, bao nhiêu mệt nhọc dường như tan biến chỉ còn ta với nàng thơ bất hủ.

Thơ là đáp ứng của con người với sự phát triển của vạn vật, của trời đất. Người ta cảm nhận thế nào đáp lại ra sao? Đó là những cảm xúc và cao hơn nữa là thơ ca, là nghệ thuật.

Theo một số nhà khoa học thì khi yêu càng mê đắm càng cuồng say, nhiều loại nội tiết tố tốt nội sinh được phóng thích vào máu và đi đến não. 

Nó kích hoạt hệ thống miễn dịch, kích thích mạch máu giãn nở đưa máu nhiều về các cơ quan nhất là gan, thận và các cơ quan thải độc khác, làm cho cơ thể khỏe hơn, thư thái hơn...

Còn tình yêu trai gái là báu vật mà Thượng đế đã ban cho con người. Nhờ có tình yêu này mà con người hiểu nhau hơn, thông cảm với nhau hơn, gắn kết với nhau thành từng tế bào nhỏ của xã hội lớn là gia đình.

Nó còn giúp con người trở nên thăng hoa, giúp cân bằng âm dương, điều hòa kinh mạch của mỗi người. 

Nếu bác sĩ làm việc vài lần mỗi tuần thì sẽ thấy yêu đời và sức khỏe sẽ cải thiện tốt hơn rất nhiều. Cứ thử nghe theo tôi đi, đó là vị thuốc bổ quý giá lắm đấy.

Còn việc yêu chính bản thân mình cũng là một nốt nhạc, một vần thơ quan trọng trong một bài thơ. Anh không yêu bản thân, không quý sức khỏe của mình thì còn quý cái gì nữa.

 Phải quý mình, thương mình trước khi chờ đợi người khác hay xã hội quan tâm đến mình".

Bài thơ Thời hoa đỏ của Thanh Tùng

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao

Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng

Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh

Chẳng chịu cho lòng ta yên

Anh mải mê về một màu mây xa

Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ

Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa

Em hát một câu thơ cũ

Cái say mê một thời thiếu nữ

Mỗi mùa hoa đỏ về

Hoa như mưa rơi rơi

Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi

Như máu ứa một thời trai trẻ

Hoa như mưa rơi rơi

Như tháng ngày xưa ta dại khờ

Ta nhìn sâu vào mắt nhau

Mà thấy lòng đau xót

Trong câu thơ của em

Anh không có mặt

Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết

Anh đâu buồn mà chỉ tiếc

Em không đi hết những ngày đắm say

Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ

Không cho ai có thể lạnh tanh

Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ

Như vết xước của trái tim

Sau bài hát rồi em lặng im

Cái lặng im rực màu hoa đỏ

Anh biết mình vô nghĩa đi bên em

Sau bài hát rồi em như thể

Em của thời hoa đỏ ngày xưa

Sau bài hát rồi anh cũng thế

Anh của thời trai trẻ ngày xưa.

V.V.TUÂN

Ảnh: Hoài Linh

Nguồn: http://tuoitre.vn/vinh-biet-nha-tho-thanh-tung-tac-gia-thoi-hoa-do-20170912232412807.htm

Thông tin truy cập

63705562
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3656
22198
63705562

Thành viên trực tuyến

Đang có 311 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website