Đó là lời ngợi ca của nhà văn Vũ Bằng về ông Vũ Đình Long - ông chủ nhà xuất bản Tân Dân - chủ bút nhiều tờ báo, tạp chí giai đoạn lịch sử 1930-1945. Ông là một con người đặc biệt, được nhiều nhà văn danh tiếng của Việt Nam kính trọng và đánh giá cao bởi những cống hiến lớn lao của ông đối với văn hóa, văn học nước nhà.

Vũ Đình Long sinh năm 1896, tại làng Mục xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học, ông đã được hấp thụ ngay từ nhỏ những kiến thức văn chương từ người cha nổi tiếng hay chữ. Mẹ ông lại là người phụ nữ thuộc làu nhiều ca dao, tục ngữ; và luôn đưa ca dao, tục ngữ vào những câu chuyện hay lời ăn tiếng nói hàng ngày. Những điều ấy đã góp phần vun đắp cho Vũ Đình Long một tâm hồn nhạy cảm và một vốn liếng văn hóa cơ bản.

Vũ Đình Long học chữ Hán, sau đó học Trường Tiểu học Pháp - Việt rồi vào Trường Trung học Pháp mang tên Paul Bert. Năm 1916, ông học trường thuốc, sau khi tốt nghiệp trường thuốc, ông làm việc ở ngành bào chế một thời gian rồi về Hà Đông dạy học.

Những năm tháng làm nghề dạy học, Vũ Đình Long là một nhà giáo tâm huyết, có tầm nhìn xa trông rộng với những tư tưởng tiến bộ, cùng tấm lòng vì thế hệ trẻ. Trong bài "Câu chuyện ngày khai trường", ông hướng lớp trẻ có cách nhìn nhận việc học hoàn toàn mới, cho đến nay vẫn hoàn toàn đúng: "Ngày xưa đi học là để làm quan. Ngày nay nhiều người đi học là để làm việc nhà nước. Nghĩ thế là lầm to đấy các em ạ! Nếu ai đi học cũng muốn làm quan, làm việc nhà nước thì lấy ai làm ruộng, làm thợ, đi buôn?

Ngày xưa chỉ có làm quan, làm việc nhà nước là sang trọng, chứ ngày nay, người nước ta đã tỉnh ngộ, đã biết quý nghề rồi. Làm thợ mà khéo, đi buôn mà giỏi, làm ruộng mà tinh thì cũng được quý trọng chẳng khác gì ông quan, ông thông hay ông giáo. Ấy thế mà làm thợ, làm ruộng, đi buôn lại tự do hơn ông thông, ông quan. Các em chọn nghề cũng phải nghĩ cho chín. Tục ngữ có câu "phi thương bất phú", lại có câu "bách nghệ nông vi bản". Vậy nông, công, thương không phải là nghề tầm thường".

Ông Vũ Đình Long

Với vở kịch "Chén thuốc độc", Vũ Đình Long là người Việt Nam đầu tiên viết kịch nói dân tộc, ông cũng là người tiên phong khai sáng ra nghệ thuật kịch hiện đại Việt Nam. Tiếp đó, năm 1923, Vũ Đình Long cho ra mắt vở "Tòa án lương tâm" cũng lập tức gây tiếng vang và ảnh hưởng lớn trong dư luận đương thời.

Năm 1925, trong khi vẫn đang làm việc tại Sở Học chính Hà Nội, Vũ Đình Long mở một hiệu sách nhỏ và sau đó chuẩn bị cho việc ra đời một nhà xuất bản của riêng ông. Nhà xuất bản ấy đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn chương nước ta giai đoạn  1930- 1945 của thế kỷ trước, đó là nhà xuất bản Tân Dân (93 Hàng Bông, Hà Nội).

Nhà xuất bản Tân Dân ra đời đầu những năm 1930, cùng ông chủ Vũ Đình Long đã ngày càng trở nên địa chỉ quen thuộc và nổi tiếng trong giới xuất bản, báo chí, văn nhân; đặc biệt từ khi Vũ Đình Long bắt đầu thử nghiệm nghề báo, với tờ tuần báo Tiểu thuyết Thứ Bảy, năm 1934.

Từ quan niệm cách tân và cách nhìn độc đáo, Vũ Đình Long muốn tờ báo của mình khác hoàn toàn với các tờ báo đương thời. Báo chí khi ấy tờ nào cũng xã thuyết một chút, phóng sự điều tra một chút, vài cái truyện ngắn hay đăng dài kỳ tiểu thuyết; rồi thơ trào phúng, tranh châm biếm...

Tiểu thuyết Thứ Bảy chỉ đăng tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài và một truyện chọn  dịch từ văn học nước ngoài. Sự mới lạ và độc đáo này đã lập tức thu hút đông đảo độc giả. Ông chủ xuất bản kiêm chủ bút Vũ Đình Long đã tạo dựng nên các mối quan hệ bạn bè, đồng liêu và cộng sự quanh mình những tên tuổi: Nguyễn Đỗ Mục, Ngô Văn Triện, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Vũ Bằng, Thanh Châu, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Kinh Kha, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Lan Khai, Nam Cao, Tô Hoài, Bùi Hiển, Vũ Trọng Phụng, Hồ Dzếnh... Tờ Tiểu thuyết Thứ Bảy nổi đình đám đến độ, sau đó xuất hiện những tờ bắt chước phong cách ấy như Tiểu thuyết Thứ Năm, Tiểu thuyết tuần san, Hà Nội báo...

Là người thông minh, ham học, ham đọc và có cái tâm, Vũ Đình Long cũng là người sớm biết nhìn trào lưu mà ra sách, ông biết gắn kết giữa thương mại với văn hóa, biết làm thế nào để bán sách chạy nhưng đồng thời giúp ích cho người đọc. Hơn hẳn một số ông chủ bút của các tờ báo khác chỉ xuất bản sách của mình hoặc do mình dịch...

Vũ Đình Long đã thu hút về mình những tài năng văn chương đương thời; đồng thời cũng chính ông đã biết cách ươm trồng, vun đắp nhiều tài năng đang khởi phát; nhất là sau đó năm 1936 - 1937, ông cho ra tiếp tờ Phổ thông bán nguyệt san, Ích hữu, Tao Đàn, Tuổi trẻ, Truyền bá.

Các nhà văn Trúc Khê, Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư... đều thừa nhận danh tiếng của họ là nhờ Tân Dân giới thiệu và quảng bá. Nhà văn Tô Hoài cho biết, chính nhờ Vũ Đình Long và cộng sự của ông (nhà văn Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Công Hoan) gợi ý mà Tô Hoài đã có "Dế mèn phiêu lưu ký" thay vì ban đầu chỉ là một truyện ngắn bình thường.

Chính Vũ Đình Long là người thẩm định xuất bản và đã phát hiện ra khá nhiều văn nhân, thi sĩ, kịch sĩ tài năng làm rạng rỡ cho nền văn học Việt Nam. Ông được nhiều văn nghệ sĩ coi là bậc tri kỷ, nhiều người đến với ông say sưa trò chuyện, mạn đàm chuyện văn, chuyện đời và luôn nhận được từ ông sự khích lệ, cổ vũ chân thành.

Phải là một con người có đầu óc quảng bác, có tâm hơn người, không vị kỷ và vì sự phát triển của văn hóa, văn học nước nhà, Vũ Đình Long mới có được vị trí đặc biệt trong lòng các văn nghệ sĩ; có được sự đồng nhất thừa nhận những đóng góp lớn của ông vào sự nghiệp phát triển văn hóa, văn học Việt Nam, trong một giai đoạn lịch sử quan trọng - giai đoạn nở rộ và đạt đến đỉnh cao của nhiều tài năng văn học, nghệ thuật.

Nhân hậu, giàu tình yêu thương, quan tâm chia sẻ với mọi người, tạo điều kiện để mọi người được làm việc trong điều kiện tốt nhất có thể,Vũ Đình Long cũng là một con người đặc biệt biết quý trọng người tài, đặt lòng tin vào những con người mà ông đã cân nhắc, lựa chọn. Như việc ông giao cho Lê Văn Trương làm chủ bút tờ Hữu ích là một ví dụ về sự tín nhiệm và sẵn sàng sẻ chia với cộng sự.

Nhà văn Vũ Bằng là người trông nom bài vở cho các tờ báo của ông suốt mười một năm trời, hiểu Vũ Đình Long hơn nhiều người khác: "Ông Long không uống rượu, không hút thuốc, không say mê thứ gì cả, chỉ say mê viết kịch và làm báo, say mê đọc sách báo Tây, Tàu để tìm kiếm sáng kiến mới, mới luôn luôn, trước hết là để khuếch trương nghề nghiệp của mình, mà sau là để mong có một ngày kia theo kịp đà tiến của báo chí Âu Mỹ và Nhật Bổn". Một người làm văn, làm báo, xuất bản như Vũ Đình Long cách chúng ta đã gần một thế kỷ vẫn là mẫu mực cho cách sống và làm việc hôm nay.

Giáo sư Phong Lê đã khẳng định: "Những cống hiến, hoạt động của Vũ Đình Long đã góp phần tạo nên diện mạo văn học Việt Nam thời kỳ 1930 - 1945". Đặc biệt, tờ Tiểu thuyết Thứ Bảy đã trở thành bà đỡ mát tay cho nhiều đỉnh cao văn chương, nghệ thuật ra đời vào những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ trước.

Không chỉ là kịch tác gia tiên phong, nhà văn hóa, Vũ Đình Long còn là người đi tiên phong đổi mới cách làm báo, công nghệ làm báo, cách quản lý tờ báo. Từ những kinh nhiệm thực tế, Vũ Đình Long đã đúc kết phương châm làm báo, xuất bản và thực hiện đúng phương châm đã đặt ra: Thứ nhất: bán thật rẻ; thứ hai: báo in phải đẹp, rõ ràng, sửa lỗi nhà in thật kỹ; thứ ba: khi ra một tờ báo phải chuẩn bị thật kỹ càng (ví dụ: để ra tờ Phổ thông bán nguyệt san, ông đã chuẩn bị bản thảo đủ để ra 10 số, rồi thăm dò thị trường, ý kiến bạn bè, sự quan tâm của độc giả...); thứ tư: không bao giờ đi chệch định hướng đã đề ra, dù có bị áp lực này kia...

Khi đất nước bị chia cắt, nhiều bạn bè văn nghệ sĩ đã vào Nam nhưng Vũ Đình Long kiên quyết bám trụ ở Hà Nội. Ngày Vũ Bằng đến chào ông để đi Nam, Vũ Đình Long đã bộc lộ quan điểm qua lời tâm tình: "Ông đi đó là ý thích của ông. Tôi ở lại không phải là không có lý do. Dù là đất nước bị chia làm hai miền Nam - Bắc nhưng tất cả cũng chỉ là một mối mà thôi. Ông giúp nước theo cách của ông, còn tôi giúp nước theo cách của tôi. Ở bất cứ nơi đâu ta đều có thể giúp được nước, miễn là có thiện chí, thiện tâm". 

Vũ Đình Long trút hơi thở cuối cùng ngày 14-8-1960, trong chính ngôi nhà và cũng là trụ sở nhà in Tân Dân lừng danh một thời, 93 Hàng Bông, Hà Nội.

Cuối năm 2010, hội thảo về nhà văn hóa, kịch tác gia đầu tiên của Việt Nam Vũ Đình Long do Hội Nhà văn Việt Nam và Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức tại Hà Nội. Tại hội thảo cũng lần đầu tiên "Tuyển tập Kịch Vũ Đình Long" được ra mắt. Để có thể có đầy đủ các tác phẩm kịch của ông là sự kỳ công sưu tầm tại cơ quan lưu trữ Trung ương, Thư viện Quốc gia và nhiều nguồn khác của cô con dâu người Nga Natasha. Hội thảo cũng thêm một lần nữa đánh giá và khẳng định vai trò và những đóng góp của Vũ Đình Long trong sự nghiệp sân khấu, văn hóa, văn học, báo chí, xuất bản Việt Nam.

Đã đến lúc cần nhìn nhận khách quan, công bằng những đóng góp lớn của Vũ Đình Long trong sự nghiệp văn hóa dân tộc. Ông là một con người xứng đáng được nhận sự kính trọng và biết ơn sâu sắc; một con người mà tên tuổi sẽ còn mãi theo thời gian.

Cao Minh

Nguồn: Văn nghệ Công an, ngày 15.12.2018.

Trong cuộc sống đời thường, lớp người hậu sinh chúng tôi thường gọi Vũ Ngọc Phan là "bác Phan", và tất cả chúng tôi đều biết, bác có một tình yêu tha thiết nồng nàn với người vợ của mình, nữ sĩ Hằng Phương. Tình yêu ấy, trước sau như một đều tuân thủ nguyên tắc: tương kính như tân! 

Ít người để ý nữ sĩ Hằng Phương chính là trưởng nữ của Cụ Sở - Cuồng Lê Dư - một nhà chí sĩ đã từng bôn ba nhiều năm ở Trung Quốc, Nhật Bản, là cháu gọi cụ Phan Khôi là cậu ruột. 

Thuở nhỏ, Hằng Phương được học chữ Hán kĩ lưỡng, sau đó bà chuyển sang học chữ Pháp, vốn sinh trưởng trong một gia đình thấm nhuần giáo lý Khổng Mạnh, lại là con gái của một nhà thâm nho, nên bà rất thấu hiểu Nho học. 

Bà đã từng diễn thuyết tại Hội Truyền bá Quốc - ngữ, cộng tác trong phần thi văn với các báo Phụ nữ tân văn, Hà Nội tân văn, Ngày nay, Đàn bà, Tri tân…

Bài thơ đầu tay của Hằng Phương ra đời năm 1929, cùng với một số bài thơ khác đăng trên các báo đương thời đã sớm đưa tên tuổi bà nổi tiếng và trở thành một nhà thơ nữ quen thuộc. Hồn thơ Hằng Phương mang nặng tình quê, luôn hướng vọng về đồng nội, về nơi sinh ra và trưởng thành của mình. 

Có lẽ trước Hằng Phương, chưa ai diễn tả được tâm trạng xao xuyến, bồi hồi của một người con gái lần đầu đi theo tiếng gọi của tình yêu với rất nhiều yêu thương trao gửi nhưng vẫn không nguôi nỗi niềm hoài nhớ cảnh xưa, chốn cũ.

Bài thơ Lòng quê (Tặng Vũ Ngọc Phan) có thể coi là một dấu ấn đậm nét, tiêu biểu cho giọng điệu thơ Hằng Phương:

Xưa kia em ở bên trời
Ngây thơ chưa rõ cuộc đời là chi,
Mặc cho ngày tháng trôi đi
Tóc mây nào biết có khi bạc đầu!

Chim non ở chốn rừng sâu,
Quanh mình chỉ thấy một màu xanh xanh.
Bình minh buổi ấy gặp anh
Rủ em ra chốn đô thành xa khơi.

Yêu anh, em hoá yêu đời,
Theo anh chắp cánh tung trời bay cao.
Anh đưa em đến vườn đào,
Màu tươi, sắc thắm, em nào dám chê.

Nhưng em luống nặng lòng quê,
Nhớ thương cảnh cũ bốn bề núi non.
Nhớ làng nhớ xóm con con,
Nhớ hương cây quế chon von trên đồi;

Bạn xưa, nhớ yến tha mồi,
Cành xưa, em đỗ trong hồi còn thơ...
Ðường xa, ngoảnh lại ngẩn ngơ,
Trông theo mây trắng thẫn thờ mắt xanh...

Vũ Ngọc Phan quen biết Hằng Phương khi ông trọ học tại nhà một người bà con ở phố Phạm Phú Thứ (nay là Nguyễn Quang Bích) Hà Nội. 

Ngay lần đầu gặp gỡ, ông đã bị vẻ xinh đẹp giản dị của cô gái xứ Quảng hút hồn và đã nuôi ý định hỏi cô làm vợ. Vượt qua sự ngăn cản của cả hai bên gia đình, Vũ Ngọc Phan và Hằng Phương đã quyết tâm đến với nhau. Và bài thơ Lòng quê như một chỉ dấu quan trọng cho mối tình sắt son của họ. 

Vợ chồng Vũ Ngọc Phan thời trẻ.

Trong hơn 60 năm lao động viết văn của Vũ Ngọc Phan, nhà thơ Hằng Phương luôn là nguồn cổ vũ lớn lao. 

Bác Phan rất tuân thủ quan niệm "tương kính như tân", chia sẻ với bác gái mọi điều lớn nhỏ trong công việc cũng như trong cuộc sống đời thường. Nhiều người còn nhớ hình ảnh bác Phan đi đón vợ mỗi khi bác gái đi mua gạo theo tiêu chuẩn tem phiếu thời bao cấp. Hai bác sóng đôi bên nhau trên hè phố, bác Phan dắt chiếc xe đạp chở bao gạo phía sau.

Bác Phan từng kể lại: "Từ ngày để ý đến cô láng giềng, tôi hay nghĩ vẩn vơ, đọc sách hay làm bài không tập trung được như trước. Hình ảnh cô láng giềng cứ hiện lên trang sách, trang giấy của tôi. Gặp cô mấy lần ngoài đường, sát mặt nhau, tôi cũng không dám ngỏ với cô một lần. Tôi chỉ đọc tình cảm của cô trên đôi mắt tuyệt đẹp, nhìn tôi như tự đáy lòng. 

Về phần mình, lòng nao nao, nhưng cũng không dám viết thư, chỉ viết thầm kín không biết bao dòng yêu đương trong đầu óc mình những lúc thao thức đêm khuya… 

Vào những năm của thập kỷ 20, con người Việt Nam còn bị kỷ cương phong kiến đè nặng. Một lời nói, một vài dòng gửi cho người mình yêu là "con nhà gia giáo" cũng bị người ta qui mình là phường vô hạnh!... 

Vào năm 1926, hồi hai vợ chồng tôi mới lấy nhau, tôi rất ham đọc những sách nói về Cách mạng tư sản Pháp. Những nhân vật nổi tiếng trong cuộc cách mạng như Danton, Marat, Robespierre, Camille, Desmoulin M Roland... tôi thường kể cuộc đời và những hoạt động của họ cho Hằng Phương nghe. 

Cuộc đời của họ thật ngắn ngủi, nhưng những hoạt động của họ thật phi thường, muôn đời nhân dân Pháp vẫn nhớ. Đường lối của họ có thể khác nhau, nhưng người nào cũng đều nhằm mục đích là tiêu diệt chế độ phong kiến, giành tự do bình đẳng cho toàn dân… 

Tôi còn kể cho Hằng Phương nghe nhiều nhân vật phi thường khác nữa; đêm hôm trước họ còn nằm trong cánh tay người yêu, sáng tinh mơ hôm sau, người ta đã xông vào phòng bắt họ và dẫn lên đoạn đầu đài. Chỉ vì muốn phá tan xiềng xích của chế độ phong kiến mà biết bao mối tình thắm thiết đã bị cắt đứt. 

Những truyện ấy, tôi đã kể cho Hằng Phương nghe trong những đêm ánh trăng vằng vặc chiếu vào phòng qua cửa sổ ngôi nhà cổ của thầy mẹ tôi ở Thái Hà. Hằng Phương thích nghe tôi kể chuyện, cũng như tôi thích nghe cô nói với một giọng nhẹ nhàng êm dịu, về Khổng, Mạnh, Lão, Trang, theo lối giảng của cụ nghè Ngô (tức ông nghè Ngô Đức Kế, thầy dạy của Hằng Phương)... 

Sau khi rời ghế nhà trường, tôi quyết định chọn nghề viết. Một số bà con cô bác lấy làm lạ; họ yên trí là tôi học lấy bằng cấp là để "đi làm", nghĩa là đi làm công chức, chứ đi viết báo, viết văn thì có cần gì bằng cấp. 

Riêng Hằng Phương, người bạn đời của tôi, lại rất đồng ý về sự chọn nghề của tôi. Lúc đầu, chúng tôi chỉ nghĩ, nghề này tha hồ tự do, muốn nghỉ, muốn đi chơi, muốn làm việc đều tự ý mình, không có gì bó buộc cả, miễn là làm sao cho đủ ăn là được… Tôi đã làm việc được liên tục là nhờ có Hằng Phương đảm đang hết mọi việc trong nhà. 

Tôi làm việc trong phòng một mình trên gác từ 6h sáng đến 1h trưa, chiều từ 2h chiều đến 6h, tối từ 8h đến 11h. Thường thì vào buổi tối tôi đọc các tác phẩm, tìm tư liệu và đọc báo. Làm luôn hai tuần lễ, rồi nghỉ ba ngày. Nghỉ để làm vườn và cùng Hằng Phương đi chơi hoặc đi xem xi-nê. Cô là người theo dõi điện ảnh, chọn những phim hay để hai vợ chồng cùng đi xem". 

Rồi ông kết luận: "Bởi vậy, ngày 30 tháng 8 năm 1942, khi quyển I Nhà văn hiện đại ra đời tôi chọn quyển giấy đỏ lụa đẹp nhất tặng Hằng Phương với dòng đề tặng: "Tặng Hằng Phương tập phê bình thứ nhất của tôi, để ghi tạc sự đồng tâm đồng chí của đôi ta". - "Mùa thu năm Nhâm ngọ".

Năm 1961, nhà thơ Hằng Phương bị u dạ con phải nằm bệnh viện 108, các con bận bịu công tác, hằng ngày bác Phan tận tụy ra vào bệnh viện chăm nom săn sóc vợ chu đáo tận tình.

Nhà thơ Hằng Phương ghi trong nhật ký của mình: "Nghĩ đến chết, tôi chẳng sợ gì cả, ai cũng phải chết một lần thôi, nhưng rất thương người còn sống trên đời đau khổ. Các con tôi đã lớn, hầu hết có thể tự lập. Chỉ có một người đau khổ nhất là anh Phan. Hai vợ chồng đã ở với nhau gần 40 năm, nay bỗng chốc mất nhau đau đớn biết chừng nào!... Sáng nay, anh đem áo rét vào cho mình, trông anh lo lắng, xanh xao cả người, thật tội nghiệp!". 

Nhà văn Vũ Ngọc Phan bắt đầu viết hồi ký vào năm 80 tuổi. Ở trang đầu của tập hồi kí viết tay, ông có ghi lại mấy dòng: "Bắt đầu viết tháng 5-1982. Mới viết được vài chục trang thì Hằng Phương đau nặng, nên phải ngừng".

Nhà thơ Hằng Phương mất vào tháng 2/1983. Sau khi vợ mất được 2 tháng, ông nén đau thương để viết tiếp tập hồi kí Những năm tháng ấy. Ông nói với các con mình: "Cha chạy đua với thời gian". Trong tập hồi kí, những trang ông viết về vợ thắm thiết tình yêu thương vô hạn của ông.

GS. Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng - con trai ông kể lại: Mẹ tôi mất được hơn 3 năm, chúng tôi chuyển phần mộ mẹ lên đồi Thanh Tước ngoại thành Hà Nội, nơi để phần mộ tổ tiên. Tôi nhớ buổi trưa hôm ấy, sau khi từ nghĩa trang về nhà, thấy cha ngồi im lặng trước bàn thờ mẹ khói hương nghi ngút. Bằng một giọng nghiêm trang, cha hỏi tôi: "Bên cạnh mẹ còn chỗ không?". Tôi ngập ngừng một lát, rồi thưa: "Dạ, thưa còn". Cha tôi có vẻ hài lòng. 

Ngày nay trên sườn đồi Thanh Tước, hai ngôi mộ cha mẹ nằm cạnh nhau, hướng về phía tây, về cõi vĩnh hằng của bầu trời. Nơi ấy ngàn năm rực sáng những buổi hoàng hôn tuyệt vời mà cha mẹ chúng tôi đã từng ngắm, khi bên nhau qua những năm tháng trên cuộc đời này.

Văn chương là hồn của một dân tộc biết suy nghĩ

Vũ Ngọc Phan là nhà nghiên cứu, phê bình văn học hiện đại, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, nhà báo, nhà dịch thuật, nhà văn. 

Bộ sách nổi tiếng nhất của ông - Nhà văn hiện đại, với chân dung và sự nghiệp của 19 tác giả, bao quát trên 30 năm hoạt động của một thời kì rất sôi động với sự phát triển mau lẹ khác thường. Những thao tác cần thiết cho việc biên soạn bộ sách này thực sự công phu, tỉ mỉ, là sự tuân thủ những kỉ luật nghiêm khắc của lao động khoa học. 

Ông từng kể về quá trình viết bộ sách này: "Từ tháng 12/1938 đến cuối tháng giêng năm 1940 thì tôi viết xong lượt đầu, tất cả 1.650 trang trên giấy học trò. Tư liệu dùng vào bộ sách lấy ở sổ tay, tôi có trên 50 sổ tay ghi về văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, lịch sử Việt Nam…Đến tháng 12/1942 viết xong lượt thứ 2, đã sửa và bổ sung". 

Vũ Ngọc Phan đã nhận định rất sâu sắc về các giá trị của văn chương và di sản tinh thần của nền văn hóa dân tộc trong Kết luận của bộ Nhà văn hiện đại: "Văn chương tuy không bổ ích trực tiếp cho người đời như cơm gạo, nhưng nó chính là một thứ đồ ăn về đường tinh thần của một dân tộc văn minh: nó chính là hồn của một dân tộc biết suy nghĩ, biết nhận xét và luôn luôn có cái hy vọng chen vai thích cánh với những dân tộc hùng cường trên thế giới. Một dân tộc không biết trọng văn chương của mình chỉ có thể là một dân tộc man di hay sắp đến ngày diệt vong".

PGS.TS Lưu Khánh Thơ

Nguồn: An ninh thế giới, ngày 11.12.2018.

Từ cái tên của nhà văn: Lưu Quang Vũ, người viết bài này xuyên qua những tác phẩm của ông trên nhiều thể loại để đi tìm và phân tích một ý niệm và cảm giác, còn rất mơ hồ nảy sinh trong mình, rằng: văn chương Lưu Quang Vũ như một dòng mưa chảy trên đất nước chúng ta những ngày nắng dữ. Dòng mưa ấy có lúc trầm buồn như tiếng than dài, có lúc ào ạt như thác đổ. Nửa thế kỷ nay, cơn mưa lành Lưu Quang Vũ đã gội rửa không thôi bụi bặm và rác rưởi của cõi đời ô trọc. Khả năng thanh lọc và tính truyền cảm lạ lùng của nỗi buồn, cũng như niềm giận dữ của cơn mưa văn chương anh không du người ta vào bóng tối mà đưa người ta đến một miền ánh sáng.

Bài viết hình thành từ việc lần lượt hoặc luân phiên trả lời những câu hỏi sau: Vì sao nhan đề bài viết là “Lưu Quang Vũ, dòng mưa ánh sáng” mà không là “Văn chương Lưu Quang Vũ, dòng mưa ánh sáng?” Vì sao là mưa mà không là gì khác? Mưa ánh sáng là gì? Dòng mưa ánh sáng Lưu Quang Vũ như thế nào? Nó mang lại những gì cho chúng ta?

1. Thế kỷ XX nhiều lý thuyết văn học nói với chúng ta rằng nhà văn và văn bản của ông ta là hai thực thể không trùng khít. Nhưng có lẽ bất kỳ một khái quát nào cũng có thể không bao trùm hết mọi hiện tượng. Đôi khi ta bắt gặp những trường hợp mà nhà văn và văn bản hòa quyện vào nhau thành một khối không rời. Đó là những thiên tài mà văn chương là lá cành hoa quả bừng nở đến sững sờ trên thân cây là cuộc đời thoáng chốc giữa trần ai của họ. Với cái tên “Lưu Quang Vũ, dòng mưa ánh sáng”, bài viết này muốn chạm đến một chân dung nghệ sĩ mà kích thước của ông không dừng lại ở quy chiếu thông thường của cõi người. Người viết nghĩ rằng càng nhìn trên góc độ tự nhiên, bản mệnh và cá tính sáng tạo của Lưu Quang Vũ càng tỏ lộ. Toàn bộ văn bản đã công bố của anh sẽ được đọc và phân tích theo trình tự thời gian và theo hệ vấn đề gồm các thể loại: thơ, văn xuôi, kịch bản, phê bình, phỏng vấn, nhật ký. Ở đó, sắc thái mưa là điểm tựa.

  1. Mưa là một hiện tượng tự nhiên thể hiện sự nối kết chặt chẽ liên hoàn giữa đất và trời, giữa khí và nước. Khi mắt ta nhìn thấy mưa thì đó là lúc nước từ trời rơi xuống. Dòng nước này mang lại sự sống còn, sinh sôi của đất. Trong tâm thức của nhân loại, mưa “còn là sự phong nhiêu của tinh thần, ánh sáng và các tác động tâm linh” và hơn nữa: “Đức hiền minh cao cả nhất trong bản chất của một con người có thể ví với mưa” (Huệ Năng)([1]). Vậy thì đến với Lưu Quang Vũ, khởi đầu ý niệm mưa chỉ đơn giản là bắt nguồn từ cái tên: Vũ. Đó là cái tên thiêng, vì người mang tên ấy đã thể hiện đúng bản chất và sứ mệnh mà nhân loại nhìn thấy ở mưa qua trang viết. Hơn nữa, kết hợp với họ “Lưu” và chữ lót “Quang”, cái tên như là một biểu thị rõ rành của thiên mệnh.

Việt Nam nhiệt đới gió mùa nông nghiệp cần mưa: “Lạy trời mưa xuống. Lấy nước tôi uống. Lấy ruộng tôi cày…” đó là mưa trời. Việt Nam, nơi và thời Lưu Quang Vũ sống, và cho đến hôm nay, rất cần mưa: hạn hán đã đến và kéo dài, từ khi con người khước từ tất cả, chỉ duy trì nơi mình cái tôi chính trị và mục tiêu chiến thắng quân thù. Đời sống rắn lại trong một thế giới lý tính và ý chí. Thời sợ xao lãng mục tiêu, sợ yếu mềm vì mơ mộng, vì niềm riêng, vì nỗi buồn: cái hạn hán của xã hội đó cần những cơn mưa từ con người. Cơn mưa đó không chỉ là hình ảnh mưa xuất hiện với tần số khá cao trong thơ Lưu Quang Vũ, và có lúc là biểu tượng sống động, mà là toàn bộ những gì anh trao gửi cho chúng ta qua trang giấy. Mưa ánh sáng không còn là cơn mưa tự nhiên mà là biểu tượng về cái sáng suốt của tự nhiên. Đó là cái hiền minh tự nhiên trong trang viết của Lưu Quang Vũ, một thời bỡ ngỡ, một thời lạc loài, một thời chinh phục…

  1. Đời của anh ngắn ngủi nhưng dòng mưa của anh thì dài. Sẽ phải tái hiện từ các chặng đời của anh, và cả những chặng đời của việc tiếp nhận anh. Ở đó, có hạt mầm xanh của mưa. Ở đó có diễn trình và luân hồi của mưa. Ở đó có sắc thái của mưa.

Mưa, một thời bỡ ngỡ. Mưa, dòng nước mát thuở ban sơ

Lưu Quang Vũ bước vào thế giới văn chương nghệ thuật rất sớm và rất tự nhiên, là xác tín không chỉ của riêng anh mà còn là của gia đình. Tài năng và kiến thức của anh đến từ gia đình, từ đời sống trực tiếp hơn là từ trường lớp. Ngay từ những bài thơ đầu tiên, phong cách thơ anh đã hình thành: Về cảm hứng, thiên nhiên tràn ngập; về kỹ thuật, câu thơ thường dài (7, 8 chữ, có khi thơ tự do); nhịp điệu và âm điệu hoàn toàn nương theo cảm xúc, không hề gò bó. Có một nốt nhạc, một cái tứ nào ngân lên từ trong sâu thẳm trái tim anh và bài thơ tuôn ra tiếng rì rào của một dòng mưa ấm. Thôn Chu Hưng (1964) là bài tiêu biểu. Đó là niềm hoài cảm từ Hà Nội xa xôi, ký ức gọi về tất cả[2]. Bài thơ ứ đầy các sinh thể của tự nhiên, để rồi Lưu Quang Vũ biết chắc, một lần cho tất cả, ngọn nguồn nuôi dưỡng hồn anh và thơ anh là từ đâu ([3]).

Từ rất sớm, Lưu Quang Vũ đã biết quan sát, lắng nghe tự nhiên và lòng mình. Có vẻ như anh tương thông với tự nhiên dễ dàng hơn là tương thông với con người. Có vẻ như anh đã nhận ra là mình khác với mọi người. Về sau này, nhiều lần anh nói lên cảm giác ấy trong thơ và trong nhật ký. Nhưng cảm giác ấy không ngăn anh bước vào đời lính, nơi phải khoác vào mình đồng phục, nơi cần khép mình vào kỷ luật. Bởi không khí hào hùng của những ngày kháng chiến chống Pháp mà gia đình anh đã trải qua thúc giục anh, cũng như không gian hoang sơ miền Phú Thọ đã nuôi dưỡng tâm hồn anh, để rồi hai nguồn cảm hứng xuất hiện: Tự nhiênNgười lính. Cả đời văn của anh, tự nhiên chưa bao giờ vắng mặt. Còn người lính, có mặt trong giai đoạn văn thơ đầu đời, sẽ chuyển qua thành Người công dân lương thiện ở giai đoạn sau. Tình yêu của anh đối với Đất nước và Con người bắt nguồn từ những điều cụ thể và luôn cụ thể.

Dòng mưa thơ Lưu Quang Vũ thuở đầu đời như tên gọi: Hương cây([4]), nhẹ bay trong không trung và loáng ướt một lớp màu tươi tắn. Vũ trụ thì sống động với bút pháp tranh sơn dầu[5]  trong khi đó con người thấp thoáng bằng các nét phác như tranh ký họa. Mẹ, những người línhvà người em bé nhỏ của tình yêu đầu đời, in dấu, nhẹ nhàng, chan chứa yêu thương và lòng biết ơn[6].

Quan niệm nghệ thuật của Lưu Quang Vũ đã hình thành rất sớm, anh không đề cao óc tưởng tượng: “quan trọng nhất là cuộc sống và tình cảm của người viết”, cần nuôi dưỡng cái “bát ngát, dạt dào”([7]). Tác phẩm của Lưu Quang Vũ trước sau chính là cuộc sống và tình cảm của anh, ở đó, cái bát ngát và dạt dào chưa bao giờ vắng bóng, ngay cả những ngày tâm hồn anh âm u nhất[8]. Những truyện ngắn được anh viết trong thời gian này cũng tràn đầy chất thơ. Thị trấn ven sông phảng phất truyện ngắn hiện đại Nga. Mạch truyện tự nhiên, bình thản, chậm rãi, nhiều chi tiết của thiên nhiên và đời sống rất gợi. Trong khung cảnh thị trấn vắng vẻ miền cao, những người trẻ lặng lẽ tham gia vào nhịp sống đơn sơ và hy vọng.

Mưa, một thời lạc loài. Mưa, nỗi buồn nhân thế

Trong không gian miền Bắc những năm chiến tranh, Lưu Quang Vũ là nhà thơ lạc loài, và trang viết của anh nhiều năm liền phải chìm trong bóng tối. Về sau này, khi xã hội cởi mở hơn, thơ anh lần lượt được xuất hiện công khai, nhiều bài nghiên cứu đã cắt nghĩa nỗi buồn trong thơ anh bằng bi kịch cá nhân của tuổi hai mươi: sau khi giải ngũ, Lưu Quang Vũ thất nghiệp và hôn nhân tan vỡ. Chúng tôi đã đọc kỹ những trang nhật ký trong Di cảo Lưu Quang Vũ để nhận ra rằng, nỗi buồn và ý thức phản kháng đã xuất hiện trong anh từ ngày anh còn đi học. Từ mười lăm tuổi, anh đã nói lên những “cái không chịu được” trong nhà trường và xã hội([9]). Cái “tầm thường”, “rẻ tiền”, thậm chí “man rợ”mà anh chạm phải, làm anh mất đi niềm vui, làm anh chán ngán([10]).Nhưng khát vọng sống là làm được điều gì đó tốt đẹp cho cộng đồng nơi Lưu Quang Vũ chưa bao giờ nhạt. Những cảm giác “ngột ngạt” “chán lớp đến cùng cực”([11]) ấy ngày một lớn, làm thành một khắc khoải, bất bình không ngớt trong anh, cho đến ngày anh rời bỏ ghế nhà trường. Những biểu hiện không hòa đồng và cực đoan của anh bị một số bạn bè cho là thái độ “khinh người” và sau này một số nhà nghiên cứu cho là nông nổi và lầm lạc, thiếu sự phải chăng. Trước những phản ứng như vậy đã có nhiều ngày, anh tự trách mình. Đã có lúc anh tìm về Phú Thọ như để lấy lại bình an đã mất và nạp lại năng lượng. Phải chăng là anh có lỗi? Không, đọc hết các trang viết của Lưu Quang Vũ sẽ nhận ra, anh chưa bao giờ cho mình là kẻ đứng trên, kiêu ngạo: anh yêu mến cả những điều nhỏ nhoi nhất của thế giới này. Anh cũng không cực đoan theo nghĩa lý tính hay là có xu hướng nhìn vào mặt xấu của con người. Anh chỉ không chịu nổi sự tầm thường, công thức, giả dối và bạo lực([12]). Từ 1964, Lưu Quang Vũ chấp nhận nỗi buồn trong mình như một lẽ tự nhiên: “mày sinh ra đời không phải để vui tươi mà để suy nghĩ”([13]). Anh gọi tên nó: “cái ánh sáng đầy hạnh phúc và cay đắng”([14]), anh hiểu đó là ánh sáng bất tận của cuộc đời mà anh mang vác. Nhưng đó là cuộc đời-giữa-con người. Còn có một cuộc đời khác lặng lẽ, khiêm nhường, đền bù cho anh những khi có thể, đó là cuộc đời-giữa-tự nhiên([15]). Tuổi mười sáu, anh đã có những ngày vùng vẫy để tự bảo vệ, để nuôi dưỡng tâm hồn chan chứa yêu thương của mình([16]). Và như vậy, trong những ngày tưởng như bế tắc nhất, Lưu Quang Vũ cũng chưa bao giờ hết yêu thương, chưa bao giờ buông xuôi, anh đã biến tất cả thành nhiên liệu của thơ ca, để không phải chỉ vì thơ ca mà còn vì một thế giới tự do, bình an, trong sạch.

Vào bộ đội, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ là một lý tưởng lớn của rất nhiều thanh niên miền Bắc lúc bấy giờ, Lưu Quang Vũ cũng không là ngoại lệ. Năm năm trong cuộc đời quân ngũ, anh được gặp nhiều “con người đẹp đẽ” cũng như “những con người tầm thường”. Nhưng ngay sau đó đã có hai giọt rượu lớn làm tràn đầy ly rượu đời cay đắng trong anh. Cùng một lúc, anh chạm phải hai thực tại mà anh đã đặt vào đấy rất nhiều kỳ vọng: đời quân ngũ và cuộc sống hôn nhân. Cảm giác lạc loài hiện rõ: “Bị xếp vào loại thiếu gương mẫu trong đơn vị”; “phải làm kiểm điểm và hứa trước đơn vị là “từ nay không làm thơ nữa”; “bị coi như một người có “vấn đề” trong tư tưởng”([17]). Cảm giác có lỗi và bất lực hiện rõ: Người bạn đời rời bỏ anh, đứa con trai còn quá bé bỏng. Bị giạt ra khỏi hai không gian mà mình chọn lựa với bao chờ mong, hăm hở, tin yêu, con người biết làm gì? Mà đó là con người ở tuổi đôi mươi chỉ có một khả năng rõ ràng là yêu thương và viết? Mà đó là thời những chọn lựa chỉ được phép loay hoay trong một cộng đồng xem tiếng nói tập thể là chính xác, xem sinh hoạt bao cấp là lý tưởng?

Trong tình thế ấy, Lưu Quang Vũ đã đi vào đời sống, không từ nan những mưu sinh khó nhọc. Đời sống, những nơi đã đi qua lại lấp lánh, lại được chạm khắc trong thơ anh. Trạng thái trống rỗng và khủng hoảng nội tâm đi vào thơ anh. Để không bị nhấn chìm, lấm láp hay tuyệt vọng, buông xuôi, anh đã từng ngày tự nhắc: “Làm việc, làm việc để chiến thắng thời gian và bóng tối”. Với tình yêu đã mất, chỉ là niềm thương xót. Với xã hội, là một dự cảm buồn: “Phố ngoài kia ngột ngạt những toa tàu”.

Có thể nói, những bài thơ hay nhất của Lưu Quang Vũ ra đời trong thời lạc loài, đặc biệt là 1971-1972. Cây giờ không chỉ tỏa hương, cây đã hóa nên trầm. Chưa bao giờ mà cảm thức về đời sống và tình yêu lại quyện chặt trong thơ anh đến thế. Ngày trong quân ngũ, có những đôi mắt soi vào trang viết của anh. Ngày rơi xuống đáy của nỗi buồn, có những ánh nhìn rọi vào tình yêu của anh. “Cửa sổ” của anh, “mưa” của anh, “làn sương” của anh: hết thảy đã biến màu, tan nát. Chỉ còn sừng sững núi đá. Khi anh đứng giữa dòng đời, mưa đã không còn mơ hồ mà tàn nhẫn từng cơn([18]). Những bài thơ thời lạc loài đã âm thầm kết thành một dòng mưa dài chứa chất một tiếng nói bất tận về nỗi đau. Là nỗi đau xác thực mà anh nếm trải.  Những nỗi đau đến từ đâu?

Đó là nỗi đau từ chiến tranh. Có thể nói, Lưu Quang Vũ là nhà văn miền Bắc nói lên “nỗi buồn chiến tranh” sớm hơn tất cả. Nhiều bài thơ dài đầy chất tự sự của anh đã khắc họa rõ rành một khuôn mặt chiến tranh tàn khốc[19]. Từ trước đến sau, hình ảnh người lính trong trang viết của anh vẫn là hình ảnh đẹp, nhưng cái hào khí của chiến tranh đã mất đi rồi. Chỉ còn phơi ra một thực tại kinh hoàng([20]). Mơ mộng mà luôn quan tâm đến những vấn đề xã hội, Lưu Quang Vũ là nhà văn dấn thân, bởi cách nhìn và tiếng nói của anh một thời khác với mọi người. Thời sự in dấu trong nhật ký, trong thơ văn anh từ rất sớm (Hồ sơ mùa hạ 1972). Những mưu toan, những tráo trở trên trường chính trị đã đi vào thơ anh ([21]), cũng như vào truyện ngắn (Một chuyện ở biên giới, Người đưa thư).

Ngày xưa, khi mẹ kể chuyện người chết trong chiến tranh, Lưu Quang Vũ không chịu nổi, phải chạy ra ngoài([22]), giờ đây, cái bạo tàn của chiến tranh dội vào anh, làm anh choáng váng. Anh tái hiện lại một Khâm Thiên tan hoang trong câu hỏi day dứt vì sao và nỗi ám ảnh không rời đau nhói([23]). Chiến tranh tất yếu sẽ dẫn đến hành động sát nhân. Nhưng ai sẽ chết? Từ năm 1968, anh đã ý thức về bi kịch của cuộc chiến tranh Nam Bắc ([24]) và ngày càng rõ([25]). Những ngày trong cái lò lửa hủy diệt ấy, chỉ có người chiến binh mới biết mình đã trải qua những gì([26]) và cái đọng lại nơi họ là lòng ăn năn không dứt:“ các anh ơi, đừng trách chúng tôi/ các bà mạ, tha thứ chúng tôi/ chúng tôi chẳng thể làm khác được” (Những đứa trẻ buồn). Chiến tranh như vậy là một “quá khứ nặng nề” cần phải quên đi, vì mỗi vinh danh là một lần nhắc lại nỗi đau họ từng nếm trải, là sống lại những cơn mộng dữ đẫm máu người([27]).

Đó còn là nỗi đau từ những suy tư về đất nước. Lưu Quang Vũ có những bài thơ dài như cơn mưa tự nghìn xưa đổ về nhắc lại hành trình dân tộc[28]. Trong Đất nước đàn bầu, nhân vật tôi ở đây trò chuyện với ai? Có lúc người đàn ông Lạc Việt da vàng nói với toàn nhân loại. Có lúc đứa cháu bé nhỏ nói với người bà đã khuất. Có lúc chàng trai nói với người yêu… Tuyệt tác này là kết tinh cao nhất của khả năng chạm khắc, hòa âm và biểu cảm nơi Lưu Quang Vũ, như hồn nước đã nhập vào anh: “Tôi nhận hết, tôi là người tiếp nối/ Là dĩ vãng nhưng chẳng là bóng tối/ Nước mắt tôi ướt đẫm những dây đàn”. Nhưng rõ ràng thay, hồn nước không chỉ là lịch sử, văn hóa, mà còn là khí thiêng của tự nhiên: “Quả bầu khô là tâm sự của vườn/ Mặt đàn gỗ là của rừng xanh thẳm/ Điệu bát ngát là của đồng của đất/ Lời vụng về là tha thiết lòng tôi”. Người nghệ sĩ độc đáo Lưu Quang Vũ khiêm nhường trong dào dạt yêu thương và gắn bó với cộng đồng: “Hồn dân tộc dạy ta làm thi sĩ/ Quá khứ nhiều mà ta chẳng già nua”([29]). Quá khứ ấy được dệt nên bởi những con người vô danh siêng năng làm lụng (Người cùng tôi). Quá khứ ấy là một kết tinh tự nhiên qua hàng ngàn năm lịch sử, có khi hôm nay cho ta còn được niềm hy vọng. Từ đó, “Những câu thơ âm thầm/ Muốn nói hết sự thực/ Về đất nước của mình”([30]). Sự thực nào về đất nước? - Ly tán, hận thù, mê cuồng học thuyết? Như một số nhà tư tưởng phương Tây từng nói về nền văn minh lạc lối, Lưu Quang Vũ kêu gọi sự thức tỉnh để trở về. Anh nói đến một ngày đoàn viên không phân ngôi thứ, bờ ranh([31]). Một ước mơ đau đáu được nói thành lời: “cái làng mới ta xây/ ở đó mọi người có quyền nói lên tất cả/ ở đó không ai làm phiền đến một con dế nhỏ” (Tìm về). Dù hiểu là thời hậu chiến, mọi điều không đơn giản: “biển bao la sau trận mưa dài/ sắp tới là những ngày khó nhất”, nhưng nhà thơ hy vọng: “những người tốt không được quyền vô dụng” và mạnh mẽ khuyến cáo: “hãy im đi lời bịp bợm dối lừa/ lũ nước ngoài xảo quyệt cút ngay ra/ máu con người không phải thứ bán mua/ cái bánh vẽ không no lòng ai được/ bài học lớn của một thời đau xót/ trên hận thù nóng bỏng tàn tro”([32]).

Sự thực nào nữa về đất nước? Những điều trông thấy nhói lòng anh: đói nghèo, trì trệ, những kiếp đời nhọc nhằn…([33]). Anh chán ngán những trang viết “Như phường bát âm thánh thót (…)/ chạy theo những biển hàng ngắn ngủi/ Những khuôn phép những trang in những hư danh một buổi”([34]). Anh đau đớn trước sự tàn lụi, tha hóa của con người([35]). Anh kinh hoàng trước cuộc sống mọi giá trị đảo lộn([36]). Anh nhấn mạnh vai trò “người báo hiệu” trong dòng lịch sử([37]). Anh kêu gọi sự thức tỉnh để đổi thay: “Những điều hôm qua tưởng tuyệt vời tốt đẹp/ Đến nay thành không đủ nữa rồi”. Anh muốn thơ dấn mình hành động: “Chúng ta đi mở những cánh cửa/ Chúng ta suốt đời đi mở những cánh cửa”([38]). Như vậy, cùng với “nỗi buồn chiến tranh”, cảm hứng thế sự và đời tư cũng xuất hiện sớm trong tác phẩm Lưu Quang Vũ, so với các tác giả cùng thời. Bên cạnh thơ ca, một số truyện ngắn của anh([39]), bằng cách viết rất nhẹ và thoáng, đã chạm đến những vấn đề của con người và xã hội mà hôm nay chúng ta phải đối mặt như là căn bệnh trầm kha: lối giáo dục gò ép phi tự nhiên vì sĩ diện hão (Nhà thơ); hiện tượng người đóng vai, rồi vĩnh viễn bị giam cầm trong lốt ấy (Người kép đóng hổ); người trí thức đọc nhiều, nói hay mà ruồng rẫy vợ và vô cảm với con (Con anh Mậu); người lính tha hóa trong hòa bình (Người bạn cũ, Những người bạn); kẻ khôn lỏi, không có chuyên môn, thường khinh bạc, lượn lờ trong công việc và tỏ ra cao đạo, hoài nghi (Anh Y); người mơ mộng, luôn muốn mang đến cái mới cho thế giới này nhưng tàn lụi vì hoàn cảnh (Anh Thình); người thành thực, có khát vọng cao cả, có tài năng, nhưng “cô đơn vì không được người đời hiểu” (Mùa hè đang đến)... Truyện ngắn Lưu Quang Vũ thường phác ra những tình huống và những tính cách và dừng lại ở những cái kết lửng lơ. Từ khá sớm, Lưu Quang Vũ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế và pháp luật([40]). Phong cách và ý tưởng này sẽ được phát triển rõ ràng và mạnh mẽ hơn trong kịch.

Không chỉ suy tư về dân tộc mình, Lưu Quang Vũ còn nói đến Trung Hoa trong bài thơ tự do với những nét khắc gọn, sâu, một Trung Hoa nghịch lý đầy ám ảnh. “Sáng suốt và tối tăm/ Uyên thâm và nhẹ dạ/ Cái người Tàu kỳ lạ/ Ngồi dầm củ cải giữa đêm khuya…” Ở đấy, ánh sáng trong anh nói rằng văn hóa và chính trị là khác nhau, nhân dân và triều đại có khi cách biệt. Từ đấy, anh đã vượt qua những hận thù quá khứ giữa hai dân tộc, nhưng anh băn khoăn về một biến động lở trời long đất: “Dưới liễu xanh, lũ quỷ đổi thay màu/ Tiếng chiêng trống, tiếng loa gào thét/ Chín trăm triệu người ồn ào mà nín lặng/ Trung Hoa muốn gì/ Nhân dân đi về đâu?”. Những vần thơ này ra đời năm 1974; với cái nhìn thấu suốt vấn đề, anh dẫn lại Tư Mã Thiên, lời cảnh báo xuyên qua trùng trùng năm tháng: “Hồn bạo chúa nghiến răng trong bụi cát/ Mọi ngai vàng, theo lửa hóa tro than…” (Trung Hoa)([41]).

Mưa, kết tinh của Đất và Trời, của Khí và Nước, như người ta yêu nhau

Yêu thương là thiên tính của Lưu Quang Vũ, ngay cả khi anh cất lời phê phán xã hội hay kể lể về nỗi buồn trong trang viết của mình. Những khuôn mặt nữ làm anh xúc động, dù thoáng chốc hay lâu dài, cũng đều là nguồn sống của thơ anh. Lưu Quang Vũ có những duyên tình đẹp, tất cả đã trở thành vĩnh cửu nhờ thơ ca. Anh đã gặp được những người nữ thấu hiểu anh, lắng nghe anh, cả cảm xúc sáng tạo lẫn những trầm tư đời sống. Tình yêu của Lưu Quang Vũ chưa bao giờ thu lại trong vũ trụ kỳ ảo của hai người, tình yêu ấy cứ xao xác “nghĩ về đất nước nghĩ về em”[42] và điều đặc biệt nữa là không nhuốm mùi thân xác như lẽ thông thường. Tình yêu với anh, dù có những cung bậc khác nhau, nhưng luôn trong trẻo vì nó bắt nguồn từ một tương thông tinh thần bạn bè tri kỷ hơn là sự đam mê trai gái bình thường. Tuổi mười lăm mười tám, những rộn ràng của trái tim thơ dại đã in vào trang viết Lưu Quang Vũ những vần thơ đẹp. Có những bài thơ vui mà kỹ thuật và ý tứ già dặn đến ngạc nhiên[43]. Em thoáng qua và đất trời tràn ngập, nhưng từ đó đã len vào những lo âu thấp thỏm[44]. Rồi nỗi đau đầu đời của duyên tình đổ vỡ đã đến, ướp vào thơ anh hương vị cay đắng[45]. Nhưng khắc khoải nhất là khi người ta bị hút vào nhau như tri âm, tri kỷ “Như hai kẻ lạc loài nay nhận ra nhau” mà tuyệt vọng vì không thể. Vẻ đẹp của một tình yêu không toại lại càng lung linh và những dòng thơ lại càng ám ảnh: “hai ta hãy là giấc mộng của nhau thôi”([46]). Những gặp gỡ thoáng chốc, cũng làm người thơ sững sờ xao xuyến[47]. Cuối cùng một tình yêu lớn, viên mãn, trọn mười lăm năm đã là bệ phóng cho tài năng Lưu Quang Vũ. Tình yêu ấy đã làm phục sinh con người: “Có em, anh hiểu lại cuộc đời/ Có em, anh bắt đầu tất cả”; “Anh lại có sự tươi bền của đất. Nói với thời gian bằng sắc cỏ xanh rờn”([48]); Tình yêu mang lại bình yên, cảm giác được nương tựa, chở che([49]). Trong niềm vui mừng và biết ơn ấy, có một ước nguyện đến nao lòng ít thấy ở người đàn ông: “Muốn trao em gương mặt đến tâm hồn/ Đều trong trắng, tràn đầy, thuần khiết nhất”. Có một tôn vinh đặc biệt: người nữ được yêu trở nên lớn như đất trời: “Em như đất của con người”,“Trời rộng của anh ơi” và là người thầy khai sáng([50]). Lạ thay, ngay cả trong những thời khắc hạnh phúc nhất, cảm giác về bất trắc luôn đến giữa những dòng thơ Lưu Quang Vũ và sự dự báo ngày một rõ ràng hơn([51]).

Lưu Quang Vũ không thi hóa tình yêu, anh nói cả những thói đời trần tục, và nỗi khổ từng ngày len vào hạnh phúc[52], nhưng anh yêu thiết tha cái tâm hồn đồng điệu của người bạn tình ấy, cái dáng vẻ thân ái ấy. Yêu “cái cùng khổ cùng vui ấy”. Trong mắt anh, người tình và người bạn đời vừa có cái thăm thẳm của bầu trời, vừa có cái nhỏ nhoi cụ thể thân quen của mỗi ngày nhìn thấy. Cảm giác về khoảng trống người rời đi và cảm giác ngóng đợi người trở về đã làm nên nhiều trang thơ tình yêu mang dáng vẻ một tấm lụa đơn sơ mà màu sắc cứ lấp lánh biến ảo theo từng khoảnh khắc (Em vắng): đó là thời gian mà chàng thường ở nhà và nàng thường ra đi, để sóngbờ hoán đổi vị trí cho nhau trong thơ Xuân Quỳnh (Sóng).

Thơ Lưu Quang Vũ tràn đầy chi tiết, nhưng là chi tiết được liên kết bởi mạch nền tự sự nội tâm nên khi mỗi khi câu thơ tràn bờ thì thơ anh ám ảnh chúng ta. Vũ Quần Phương và nhiều người gọi anh là hồn thơ “đắm đuối”. Tôi nghĩ sắc thái ấy có lẽ chỉ dành cho thơ tình Lưu Quang Vũ: những giòng mưa xói đất trắng trời, trút hết cơn bão lòng của chia xa, của nhận ra nhau mà không đến được. Nhưng trên toàn thể, thơ Lưu Quang Vũ là nhịp đập dào dạt miên man của đời trong mọi dáng vẻ và trong mọi sinh thể tự nhiên: nó như tiếng rì rào của lá, tiếng trầm trầm của mưa, tiếng rộn rã của người… mà anh bắt được. Tần số của đời vô biên thì tần số của thơ anh không dừng lại. Chưa bao giờ nhân hóa tự nhiên hay quy chiếu mọi cái theo lăng kính của mình, Lưu Quang Vũ là người có tâm hồn chan hòa rộng rãi. Anh luôn tìm thấy những nhịp cầu ở muôn nơi để: “Nối hạt cát với ngôi sao/ Bánh ăn và giấc mộng/ Đưa tôi tới những bến bờ chưa tới được/ Vượt khỏi mình, tôi nhập với trăm phương/ Nói lời riêng mà thấu triệu tâm hồn”([53]).

Rất nhất quán trong quan niệm về nghệ thuật, những xác tín trước sau của Lưu Quang Vũ có thể tìm thấy trong thơ, truyện ngắn và kịch, có khi là những tuyên ngôn trực tiếp([54]), có khi là những mạch ngầm. Dạt dào cảm xúc và hình ảnh nhưng cũng tràn đầy biểu tượng, chi chít những tự sự riêng chung nhưng cũng ẩn nén nhiều trầm tư văn hóa, nhiều bài thơ của Lưu Quang Vũ được cấu trúc theo một logic khác, làm thành mê cung nội tâm trong vọng âm của ngoại cảnh([55]). Đọc thơ Lưu Quang Vũ thuở ban đầu, Hoài Thanh đã nhận ra là thơ anh đôi khi có nhiều đứt gãy([56]). Theo thiển ý, đó là một phong cách, nó như lớp lớp sóng dồn của một trái tim yêu thương nồng cháy, bật ra thành dòng ngôn ngữ chồng chất dung nham. Đất nước đàn bầuBầy ong trong đêm sâu là những bài tiêu biểu của loại logic khác này. Nó đòi hỏi người ta phải đọc rất lâu mà chưa hẳn đã lần ra hết ý nghĩa.

Mưa, thời chinh phục. Những cơn mưa xối xả trắng trời hậu chiến

Nếu Phú Thọ mang đến cho Lưu Quang Vũ ngôi nhà bình an của tự nhiên thì Hà Nội đưa anh vào thế giới của văn hóa, với những sinh hoạt thị dân, trong đó không gian nhà hát có một vai trò không nhỏ. Nhật ký của anh cho thấy trong một quãng đời ngắn ngủi, Lưu Quang Vũ sống gấp nhiều lần người khác ở một nhịp điệu suy tưởng và sinh hoạt dồn nén và đa dạng. Một ngày trôi qua không làm được gì, không viết được dòng chữ nào, đối với anh là có lỗi. Tuổi mười lăm anh đã hình thành quan niệm: “Đời người ta tốt đẹp không phải là vì sống nhiều năm mà là làm nhiều việc”([57]). Những đêm theo cha vào nhà hát, Lưu Quang Vũ đã bước vào thế giới của sân khấu, không chỉ như một khán giả([58]). Năm 1963, Lưu Quang Vũ đã thử viết một kịch bản ngắn:Trên sân ga, vở kịch đã có những nét của phong cách kịch Lưu Quang Vũ sau này: ít nhân vật; không gian, tình huống quan trọng hơn xung đột; cái kết lửng lơ cho niềm hy vọng; điểm nhấn là vẻ đẹp của những cái thoáng qua, một lần thành mãi mãi; không khí buồn man mác và cảm thức về mùa rất rõ. Năm 1980, Lưu Quang Vũ có bài thơ Em có nghe, dự báo một chặng mới của đời mình. Đó là chặng đời huy hoàng với kịch và những bài thơ ấm áp của một tài năng được đón nhận dưới ánh mặt trời.

Từ nền tảng tinh thần là tôn vinh những điều tự nhiên, sự hài hòa và ngợi ca cái đẹp, Lưu Quang Vũ không mặn mà lắm với xung đột và không say mê những tính cách quá phức tạp. Trong khi phê phán trực diện những hiện tượng tiêu cực trong xã hội Việt Nam thời hậu chiến, kịch Lưu Quang Vũ thổi vào lòng người xem một niềm hy vọng về khả năng biến cải môi trường của con người. Được xây dựng trên những không gian gọn, những tình huống nhanh, những nhân vật không quá ác, thế mạnh của kịch Lưu Quang Vũ là chủ đề, ngôn ngữ đối thoại, chất thơ và sự hòa quyện giữa tính xã hội và tính văn hóa.

Hệ chủ đề của kịch Lưu Quang Vũ là những gì? Là hệ quả của cơ chế bao cấp (Tôi và chúng ta, Nếu anh không đốt lửa); là bi kịch của sự chắp vá, kết hợp phi tự nhiên, là độ chênh giữa lý tưởng/ lý thuyết và thực tại/ hiện thực, là sự phân ly giữa tâm và thân, là sự đối lập giữa duy tâm và duy vật (Hồn Trương Ba da hàng thịt)([59]); là sự thất bại về ảo tưởng tạo ra những con người máy theo ý mình (Bông cúc xanh trên đầm lầy); là quyền làm người (Quyền được hạnh phúc); là nạn cường hào ở nông thôn và hành động của người lính trẻ (Lời thề thứ chín); là những oan sai đau đớn từ lỗ hổng trong quản lý xã hội (Trái tim trong trắng); là nạn mua bán đề thi trong nhà trường, chạy theo thành tích (Mùa hạ cuối cùng, Bệnh sĩ); là bước vấp của những người trẻ khi mới vào đời (Tin ở hoa hồng); là niềm tin vào những giá trị thiêng liêng (Điều không thể mất); là chọn lựa sáng suốt của những nhân vật lịch sử (Ngọc Hân công chúa);… Quả thật, đó là những chủ đề có một tầm vóc lớn, kết tinh từ những suy tư dài về đất nước, dân tộc, con người, của Lưu Quang Vũ qua bao năm tháng, chúng góp phần lay tỉnh chúng ta, và dư vang của chúng sẽ còn lại rất lâu.

Ngôn ngữ đối thoại trong kịch Lưu Quang Vũ cực kỳ đa dạng: nghiêm trang, xúc động, hài hước, châm biếm, cay đắng… gắn kết rất tự nhiên với từng vai nhân vật. Người lao động thì nói lên khát vọng bằng những cách diễn đạt mang tính hình tượng cụ thể, người lãnh đạo thì đúc kết hiện trạng bằng những lời súc tích, mang tính xác quyết. Đặc biệt, ở đấy tác giả để cho nhân vật quần chúng đối thoại cùng những nhân vật quan chức trong những tư thế rất là bình đẳng.

Chất thơ tràn ngập trong kịch Lưu Quang Vũ([60]), từ nhan đề cho đến không khí lạc quan, những nhân vật không thôi hy vọng và các quan hệ tình cảm đẹp đẽ. Chính yếu tố này đã làm cho các vở kịch của Lưu Quang Vũ, dù chuyển tải những thông điệp lớn về xã hội và con người, vẫn không tạo nên cảm giác nặng nề, gay gắt trong cảm hứng phê phán như nhiều tác phẩm đương thời. Cực kỳ nhạy bén với những bất ổn trong xã hội nhưng lại có một niềm tin chất ngất vào con người, bút pháp Lưu Quang Vũ thiên về xu hướng lãng mạn, nó lay tỉnh và thổi vào công chúng một ý thức công dân mạnh mẽ, một tâm thế tích cực trong mọi tình huống, một hy vọng vào tương lai và lẽ đời tốt đẹp.

Kịch Lưu Quang Vũ mang đến những thông điệp xã hội lớn, góp phần mở đầu cho một thời kỳ mới trong văn học Việt Nam. Luôn đứng giữa dòng, những tác phẩm của anh mang tính thời sự cao. Được xây dựng theo nguyên tắc thông tục, tính thời sự này dễ dàng nhận được sự cộng hưởng của công chúng và gây được hiệu ứng tức thì trong đời sống thực tiễn. Nhưng kịch Lưu Quang Vũ còn có một tầng vỉa khác, sâu xa hơn, đó là những thông điệp văn hóa. Tiếp tục thơ ca, anh tra vấn về tình thế của đất nước, về giá trị của cộng đồng, về lẽ sống của cá nhân, với những suy tư trong chiều kích của dân tộc và của nhân loại.

  1. Mưa bản chất là tự nhiên. Mưa Lưu Quang Vũ, từ kết tinh tự nhiên của riêng anh, đã âm thầm, rồi bùng vỡ, tưới tắm một khoảng đời của văn học Việt. Những dòng thơ văn của Lưu Quang Vũ miên man miên man trong nỗi đau trộn lẫn niềm hy vọng về một cõi thế an hòa, cũng như mưa, dòng nối tiếp dòng, từ cao rơi xuống thấm nhuần trong đất. Dòng mưa Lưu Quang Vũ lắm khi buồn bã nhưng đó là nỗi buồn của sự tỉnh thức, nó có khả năng giúp chúng ta nhận ra sớm những điều phản lại con người, cũng như mưa thường mang lại những âm trầm nhưng mưa đã gội rửa đất trời, nuôi cây cối xanh tươi, giúp tâm hồn con người lắng lại.

Dòng mưa Lưu Quang Vũ đã mang lại cái nguồn ánh sáng của lẽ tự nhiên, của một vẻ đẹp tinh thần mà dân tộc Việt hàng ngàn năm dày công nuôi dưỡng, vậy mà có lúc dòng mưa ấy phải âm thầm, giấu giếm và sau đó bị xem như một lầm lỗi cần được bao dung. Nhưng phải chăng rồi cái tự nhiên sẽ phải trở về? Phải chăng sự có mặt của dòng mưa Lưu Quang Vũ nói với chúng ta là trong văn học Việt bao giờ cũng có những ngoại lệ, bao giờ cũng có tiếng nói lẻ loi tách khỏi bầy đàn? Và bầy đàn không phải bao giờ cũng đúng. Và cái tôi chính trị, cái tôi xã hội chỉ là một phần rất nhỏ trong mỗi người. Và đừng xem thường trực giác của người nghệ sĩ.

Lưu Quang Vũ là một trong số ít những nghệ sĩ Việt có khả năng vượt thoát và khả năng tiên cảm trong một hoàn cảnh xã hội đặc thù. Có thể nói, qua thơ, truyện ngắn và kịch, Lưu Quang Vũ đã đi đến cùng trong việc thực hiện tâm nguyện và quan niệm của một người nghệ sĩ dấn thân. Di sản mà Lưu Quang Vũ để lại cho chúng ta hôm nay cần được tiếp nhận và quảng bá một cách rộng rãi hơn. Kịch của anh đã bước ra thế giới và tạo được tiếng vang([61]), nhưng còn thơ của anh? Tôi nghĩ, nếu được chuyển ngữ, chắc chắn thơ Lưu Quang Vũ sẽ góp vào ngôi nhà chung của nhân loại một nét đẹp mới đến từ xứ sở hình chữ S “bên bờ biển bão”([62]).

 


[1] Jean Chevalier - Alain Gheerbrant: Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, (Nhiều người dịch). Trường Viết văn Nguyễn Du & Nxb. Đà Nẵng, 1997, tr.608.

[2]Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng/ Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao/ Đường ven suối quả vả vàng chín rụng/ Cọ xanh rờn lấp loáng nước sông Thao”.

[3]Tôi đã có biển, có sông, nhưng con suối nhỏ vẫn là nơi yêu quý nhất” (Lưu Quang Vũ: Di cảo Lưu Quang Vũ, (Lưu Khánh Thơ tuyển soạn). Nxb. Trẻ, Tp.HCM., 2018, tr.38.

[4] Lưu Quang Vũ, Bằng Việt: Hương cây - Bếp lửa, Nxb. Văn học, H., 1968.

[5] Áo, Thôn Chu Hưng, Phố Huyện, Mùa xuân lên núi, Phố ta, Lá bưởi, lá chanh, Mùa xoài chín

[6] Gửi tới các anh, Phủ Lý tháng Hai, Đêm hành quân, Những bông hoa không chết

[7] Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.24.

[8] Có những lúc, Những chữ…, Tôi chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn, Giấc mộng đêm, Nơi tận cùng, Những ngọn nến...

[9] Nhật ký 29-5-1963 (Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.20).

[10] “lòng vẫn cứ buồn, nhìn lại lớp thấy chán quá!” (Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.51).

[11] Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.169.

[12] “mình không thể gò bó, nhất là phải giả dối và uốn mình nữa. Không! Tâm hồn mình không cho phép thế, thơ văn mình không cho phép thế” (Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.82).

[13] Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.76.

[14] Nhật ký 1964, 4-4 (Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.85).

[15]“Ta đã đau khổ vô cùng vì những trò của người đời”; “Ta thật là lạ và khác mọi người, chỉ vì một việc nhỏ cũng đủ làm cho ta đau đớn ghê gớm và chỉ vì một màu xanh của luống rau cũng có thể làm cho ta vui suốt cả ngày trời” (Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr. 85, 86).

[16] “Đừng để những chuyện đốn mạt của phố phường Hà Nội che lấp tâm hồn mày đi” (Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.120).

[17] Vũ Thị Khánh: “Lưu Quang Vũ, cuộc đời và năm tháng”, trong Lưu Khánh Thơ (biên soạn): Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ…, Sđd., tr.258-259.

[18] Ta lớn lên cửa sổ thay màu (…)/ Giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn nhiều/ Rách tan cả những làn sương đẹp phủ/ Chỉ còn lại nỗi buồn trơ núi đá/ Điều em tin là nhảm nhí mà thôi (Gửi một người bạn gái). Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Nhã Nam & Nxb. Hội Nhà văn, H., 2010, tr.46-47.

[19] Ghi vội một đêm 1972, Em, Khâm Thiên, Cơn bão, Những đứa trẻ buồn,...

[20]thời bạo tàn lửa cháy khắp nơi/ những thây người gục ngã/ những nhịp cầu sụp đổ/những toa tàu rỗng không (…)/ thù hận mênh mông mặt đất bùn lầy” (Em). Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr. 247.

[21]khi người ta mặc cả máu người/ thay tình nghĩa như thay áo lót” (Em (I). Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr. 278-282.

[22] Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.163.

[23]đêm qua tôi đã chết/ với hàng ngàn mạng người/ từ than bụi tôi hiện hình trở lại/ mang đau thương đến trọn cuộc đời…(Khâm Thiên). Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.347.

[24]Bạn cùng làng mỗi đứa một phương/ Kẻ lính ngụy, người thành quân giải phóng” (Mùa xoài chín). Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.39.

[25]một bên là con trai Thanh Hóa, Thái Bình/ một bên là con những bà mẹ Thừa Thiên, Phan Thiết/ những sinh viên Sài Gòn/ những sĩ quan Đà Lạt/ những đội quân mang tên dã thú/ những tiểu đoàn không còn sót một ai/ những mô đất con đổi bằng mạng trăm người” (Cơn bão). Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr. 332.

[26]heo may cỏ lạnh rừng chiều/ ngàn lau rụng trắng/ những đứa trẻ buồn ướt lạnh/ đường dài mặt trận nối nhau đi (…)/ lòng chỉ muốn yêu thương/ mà cứ phải suốt đời căm giận”; “bên kia đồi gianh khét lẹt/ quân thù cháy giữa vòng vây/ mấy gã tù binh ngồi khóc/ run run những cánh tay gầy”; “nỗi buồn trĩu nặng/ dâng lên như đá trên mồ” (Những đứa trẻ buồn). Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr. 334-337.

[27]hãy quên chúng tôi đi/ để chúng tôi được yên lặng trở về/ để chúng tôi được hóa thành bụi đất/ thành mưa rào trên xứ sở yêu thương” (Cơn bão). Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr. 333.

[28] Đất nước đàn bầu, Bài ca trên bán đảo, Sông Hồng, Sông Hồng - hồi ức của một nghĩa binh già, Sông Hồng - năm mẹ sinh em, Sông Hồng - lời từ giã của Trung đoàn Thủ đô,

[29] Đất nước đàn bầu. Lưu Quang Vũ: Mây trắng của đời tôi, Sđd., tr. 35-36.

[30] Liên tưởng tháng Hai. Lưu Quang Vũ: Bầy ong trong đêm sâu, Sđd., tr.85.

[31]cùng làng chẳng nhận ra nhau/ thờ những vị thần xứ khác/ nghe lời kẻ ác/ súng đạn người bắn thịt xương ta/ đào huyệt hận thù/ chia miền cắt đất/ tin những chữ không hồn trong sách/ tìm kiếm mãi đâu xa/ nào hay mình có một làng quê”; “hôm nay tất cả hãy về/ lối cũ bờ đê/ những mắt bàng hoàng sau kính trắng/ những binh lính áo quần vằn vện/ những tướng già tóc bạc/ những kẻ lãng du những hồn uất hận/ anh em ruột thịt cầm tay/ lạy mẹ lạy thầy/ chúng con hư để thầy mẹ khổ/ từ nay chẳng tham lam mê muội nữa/ súng đạn người ném trả/ oán thù đổ xuống ao sâu”. Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr. 350, 351.

[32]Những đám mây ban sớm. Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr. 357, 358.

[33] Ngã tư tháng Chạp, Những tuổi thơ, Ghi vội một đêm 1972, Viết lại một bài thơ Hà Nội, Những người bạn khuân vác, Việt Nam ơi. Lưu Quang Vũ: Bầy ong trong đêm sâu, Sđd., tr. 19-20, 24-25, 26-27, 28-31, 90-92.

[34] Nói với mình và các bạn. Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Sđd., tr.102, 104.

[35]Nhà văn xưa tôi yêu mến mê say/ Nay lão già được chính quyền sủng ái/ Lưng còng xuống quên cả lời mình nói/ Phản bội những điều trong cuốn sách thiêng liêng” (Hoa Tigôn). Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Sđd., tr. 223.

[36]Mọi chuyện thiêng liêng thành nhảm nhí/ Khắp nơi trí trá lọc lừa nhau” (Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn). Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Sđd.,tr. 134.

[37] Người báo hiệu. Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.256, 257.

[38] Liên tưởng tháng Hai. Lưu Quang Vũ: Bầy ong trong đêm sâu, Sđd.,tr.86.

[39] Lưu Quang Vũ: 15 truyện ngắn, (Lưu Quang Hiệp sưu tầm, thực hiện). Nxb. Hội Nhà văn, H., 1994.

[40]Cả một thế hệ nhiệt thành, cả một dân tộc nhiệt thành, như sóng biển dâng lên ào ạt. Nhưng sau đó khi sự nghiệp đã thành đạt, để đừng xảy ra những hỗn loạn lại là việc của cơ chế. Phải có pháp luật, đúng thế, phải có pháp luật nghiêm minh…” (Những người bạn).  Lưu Quang Vũ: 15 truyện ngắn, Sđd., tr.198.

[41] Lưu Quang Vũ: Mây trắng của đời tôi, Sđd., tr. 56.

[42] Mùa xuân lên núi, Chiều, Vườn trong phố, Em (I), Cho Quỳnh những ngày xa.

[43] Bài thơ khó hiểu về em, Chiều, Vườn trong phố.

[44] Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa.

[45] Từ biệt, Anh chẳng còn gì nữa…, Ngã tư tháng Chạp.

[46] Qua những bài thơ: Gửi Hiền mùa đông, Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên (I), (II), (III); Vẫn thơ tình viết về một người đàn bà không có tên; Không đề; Lá thu; Quả dưa vàng; Gửi; Em - tình yêu những năm đau xót và hy vọng…

[47] Trong những bài thơ: Ngọn lửa đen, Dù cỏ lãng quên, Phút em đến.

[48] Chiều chuyển gióNửa đêm nỗi nhớ.  Lưu Quang Vũ: Mây trắng của đời tôi, Sđd., tr.19, 48.

[49] Và anh tồn tại. Lưu Quang Vũ: Mây trắng của đời tôi, Sđd., tr.25-26.

[50]Em dạy anh cái nhìn thật của đời”, “Em dạy cho anh biết mơ ước biết tin” “Em trả lại cho anh hơi thở, dáng hình (…) Em giải thoát cho anh khỏi cô đơn lầm lỗi” (Những ngày chưa có em…).Lưu Quang Vũ: Bầy ong trong đêm sâu, Sđd., tr. 100-101.

[51]Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay/ Ta đã có những ngày vui sướng nhất/ Đã uống cả men nồng và rượu chát/Đã đi qua cùng tận của con đường/ Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên: Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt” (Bài hát ấy vẫn còn là dang dở…). Lưu Quang Vũ: Mây trắng của đời tôi, Sđd., tr.83.

[52]  Qua Nhà chật, Những ngày hè cuối, Một bài thơ.

[53] Lưu Quang Vũ: Mây trắng của đời tôi, Sđd., tr.86.

[54]Mọi người quanh ta mang nỗi khổ oằn vai/ Ngực đất nước tai ương xé rách/ Ta viết mãi những điều vô ích (…)/ Tôi không muốn viết những lời như thế (…)/ Tôi viết những bài thơ chống lại chính tôi/ Chống lại bóng đêm trì trệ của đời (…)/ Thơ phải dạy ta nhìn bằng con mắt thật/ Đập vào ngực ta không cho ta cúi mặt/ Không cho ta lảng tránh/ Đập cửa mọi nhà/ Đứng ở mọi ngã ba” (Nói với mình và các bạn).  Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Sđd., tr. 102, 103.

[55] Những ngọn nến, Bài hát trong một cuốn phim cũ, Cuốn sách xếp nhầm trang, Chiều cuối, Cầu nguyện, Móng tay trên đá, Những chiếc lá rơi, Hoa cẩm chướng trong mưa.

[56] Hoài Thanh: “Một cây bút trẻ nhiều triển vọng. Tạp chí Văn học, số 12, (12/1966), tr.39-47.

[57] Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.50.

[58] Năm 1963, trong nhật ký, anh ghi: 1963: xem chèo đã thích. Xem kịch, nhận ra tình yêu và nhan sắc là hai cảm hứng lớn cho kịch (Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.17).

[59] Phạm Vĩnh Cư đã phân tích những tầng nghĩa, rất chi tiết và rất hay (xem Phạm Vĩnh Cư: “Lưu Quang Vũ, Bi hùng kịch và bi hài kịch”, trong Lưu Quang Vũ – Về tác gia và tác phẩm, Sđd., tr.272-273).

[60] Chính Lưu Quang Vũ đã nói lên điều này qua bài phỏng vấn “Chất thơ là linh hồn của kịch”, rất xác quyết và súc tích (xem Lưu Quang Vũ – Về tác gia và tác phẩm, Sđd., tr.503-504).

[61] Hồn Trương Ba, da hàng thịt dự liên hoan sân khấu Liên Xô, năm 1990, được đánh giá xuất sắc; năm 1998, diễn ở Mỹ; năm 2002 được dựng lại và công diễn ở Anh với tên "The Butcher's Skin".

[62] Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Sđd., tr.166.

20171113 Nguyen Du Le Anh TuanẢnh: Tranh sơn dầu “Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc Việt Nam” (tác giả: họa sĩ Lê Anh Tuấn)

Từ trước đến nay, nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu Nguyễn Du bắt đầu từ bộ phận sáng tác thơ chữ Hán của ông trong Thanh Hiên thi tập, Bắc hành tạp lục, hay sáng tác thơ Nôm Đoạn trường tân thanh (Kim Vân Kiều tân truyện/ Truyện Kiều) đạt được nhiều thành tựu đáng kể; hoặc cũng có người tìm hiểu Nguyễn Du ở một góc nhìn khác, không phải từ góc độ một nhà thơ, mà ở góc độ nhà phê bình thơ qua những lời bình thơ của Nguyễn Du trong tác phẩm Hoa nguyên thi thảo của Lê Quang Định... Tìm hiểu Nguyễn Du qua những nhân vật đương thời, tin chắc phần nào cũng có những đóng góp nhất định trong việc khắc hoạ chân dung và tâm sự của Nguyễn Du.

Người đầu tiên nhắc đến Nguyễn Du qua thơ Nguyễn Hành có lẽ là ông Ngô Lập Chi khi ông phiên dịch thơ Nguyễn Hành vào năm 1962 nhưng tiếc là chưa được công bố. Trương Chính khi biên soạn công trình Thơ chữ Hán Nguyễn Du tiếp tục nhắc đến một tác phẩm của Nguyễn Hành là Liệp tụng để làm rõ chí của Nguyễn Du. Công trình Nguyễn Du, niên phổ và tác phẩm[1] sau đó của Nguyễn Thạch Giang và Trương Chính, tiếp tục nhắc lại và bổ sung vài bài thơ của Nguyễn Hành viết về Nguyễn Du khi ông soạn phần Niên phổ để ở đầu công trình này. Sau đó, Nguyễn Ngọc Nhuận trong bài viết Mối quan hệ giữa Nguyễn Hành (1771-1824) với Nguyễn Du (1766-1820) qua một số bài thơ văn đã tiếp tục công việc này khi tiến hành giới thiệu toàn văn 3 bài thơ và 1 bài tụng của Nguyễn Hành. Tuy nhiên, 3 bài thơ mà Nguyễn Ngọc Nhuận dẫn ra trong bài viết của ông là dẫn lại từ bản dịch của ông Ngô Lập Chi, do vậy vẫn chưa đầy đủ.

Trong quá trình dịch thuật, giới thiệu thơ Nguyễn Hành[2], chúng tôi thấy trong sáng tác của ông, số tác phẩm trực tiếp và gián tiếp nhắc đến đại thi hào Nguyễn Du không chỉ có 3 bài thơ và 1 bài tụng như Nguyễn Ngọc Nhuận nói. Trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Hành, có 6 tác phẩm nói về người chú của mình là Nguyễn Du (6 bài thơ và 1 bài tụng). Bài viết này do đó, vừa giới thiệu đôi nét về thơ Nguyễn Hành vừa tìm hiểu Nguyễn Du qua cảm nhận của người cháu hay thơ.

Nguyễn Hành (1771-1824), tự là Tử Kính, hiệu là Nam Thúc, biệt hiệu là Ngọ Nam, Nhật Nam, Nam Song chủ nhân[3], quê gốc ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, là con Nguyễn Điều (anh cùng cha khác mẹ của thi hào Nguyễn Du). Thuở trẻ, Nguyễn Hành nổi tiếng là người học rộng, có tài văn thơ, được xếp vào hàng “An Nam ngũ tuyệt” (năm văn nhân nổi tiếng đương thời, trong đó có hai chú cháu Nguyễn Du, Nguyễn Hành) [4]. Sau khi Nguyễn Huệ ra Bắc, xoá bỏ triều đình Lê Trịnh thối nát, lập ra vương triều mới Nguyễn Tây Sơn, Nguyễn Hành không chịu hợp tác với tân triều, cam chịu cuộc sống ăn nhờ ở đậu, đói khổ ốm đau triền miên. Năm 1802, Gia Long lên ngôi, ông cũng không hưởng ứng lời “cầu hiền”, tiếp tục sống cuộc đời thanh bần với tâm sự “hoài Lê” cho đến khi qua đời, để lại hai tập thơ Minh Quyên phả (Minh Quyên thi tập) Quan Đông hải.

Qua thơ, ta thấy cuộc đời của Nguyễn Hành là chuỗi ngày li hương, tình cảnh đói khổ kéo dài. Nhiều bài thơ cho thấy cảnh ngộ của Nguyễn Hành phần nào na ná với Nguyễn Du trong khoảng mười năm gió bụi:

去年南策府

今夜大羅城

漂泊原無定

飢寒尚有生

 (北城除夕)

Khứ niên Nam Sách phủ,

Kim dạ Đại La thành.

Phiêu bạc nguyên vô định,

Cơ hàn thượng hữu sinh…

(Bắc Thành trừ tịch)

Năm ngoái ở phủ Nam Sách,

Đêm nay ở thành Đại La[5]

Phiêu bạt không nơi chốn cố định,

Đói rét nhưng vẫn còn được sống…

(Đêm ba mươi tết ở Bắc Thành[6])[7]

Cuộc sống rày đây mai đó, thiếu thốn trăm bề chẳng khác Nguyễn Du từng nói trong bài thơ Khất thực: “Văn tự hà tằng vi ngã dụng/ Cơ hàn bất giác thụ nhân liên.” (Văn chương chữ nghĩa chưa từng có ích cho ta/ Đói rét chợt khiến người ta phải thương xót).

Biến cố chính trị đã đẩy Nguyễn Hành đến việc li hương, lại mắc tiếng oan khiến ông bị nhà quan kêu lên kêu xuống. Bài thơ có tính tự trào ghi lại tình cảnh ấy:

他年海內知名士

今日城中乞食人

最是一般真可笑

公門安用汝頻頻

(有嘲之者)

Tha niên hải nội tri danh sĩ,

Kim nhật thành trung khất thực nhân.

Tối thị nhất ban chân khả tiếu,

Công môn an dụng nhữ tần tần.

(Hữu trào chi giả)

Năm nào vang tiếng là bậc danh sĩ của cả nước,

Ngày nay lại thành người xin ăn trong thành.

Điều đáng cười mỉa nhất chính là,

Cửa công chẳng cần ngươi mà ngươi lại thường đến.

(Có điều cười mỉa)

Thơ của Nguyễn Hành lời lẽ giản dị, ý tứ tha thiết, thường ghi lại những cảm xúc và cảnh ngộ bản thân ông đã nếm trải, đồng thời qua đó bày tỏ sự ngao ngán của thế thái nhân tình. Đặc biệt dưới triều Tây Sơn, Nguyễn Hành có nhiều bài thơ bày tỏ quan niệm trung quân, mang tâm sự “hoài Lê”. Ông có tập thơ Thất cảm, truy vịnh nhiều nhân vật là bầy tôi của vua Lê, qua đó bày tỏ thái độ bất hợp tác với tân triều.

Thái độ của Nguyễn Hành đối với triều Nguyễn sau này, không gay gắt như đối với triều Tây Sơn, nhưng ông vẫn quyết sống cuộc đời thường dân. Lời dẫn một bài thơ Quá tiền Hình bộ tham tri Huỳnh công thành trung cựu trạch kiến liễu thụ nhi tác (Qua nhà cũ ở trong thành của Tham tri bộ Hình trước đây là Huỳnh công, thấy cây liễu nên làm thơ) của ông cho thấy điều đó:

 “Lúc ông Tham tri bộ Hình trước đây là Uẩn Ngọc hầu Huỳnh công[8] trấn ở Nghệ An, nhiều lần mời Hành ra nhưng Hành chẳng chịu, ông vẫn dung tha cho. Được ít lâu, ông về triều. Gặp tang mẹ, ông xin nghỉ quan, Hành cảm kích làm bài luỵ văn gửi viếng, ông cũng viết thư trả lời. Vào năm Canh ngọ (1810), ông phụng mệnh vua đi tra xét chuyện ở Bắc Thành, có mời Hành cùng đi, dùng lễ đãi như khách, thường bồi tiếp chuyện thơ văn. Hành tôi tự nghĩ là một kẻ áo vải, được ngồi cùng bậc công khanh, hơn cả chức phận mình, lại được vào ra cửa quyền, cũng không phải là niềm vui của mình. Ở được vài tháng, tôi cố từ mà về. Ông đem hai chục lạng bạc trắng làm quà tiễn. Từ đó về sau Hành không đến đó nữa. Ông mất khi đương việc quan, ân ý đều vẹn. Nhưng ở Nghệ An chẳng được yên, Hành dắt díu gia đình lên nương dựa ở đất Bắc, lại bị lời nói bóng gió làm luỵ thân, phải ở tại thành, đường trần vất vả. Nhìn lại nơi ngày xưa dạo chơi, lòng thấy bồi hồi. Cảm thương người tri kỷ đã mất, xót xa mình chẳng thành đôi, bấy giờ nhà cũ đã đổ nát, chỉ còn cội liễu xanh tươi, thấy cảnh mà đau xót bèn làm thơ.”[9]

Từ chối làm quan với triều Nguyễn, Nguyễn Hành vẫn tiếp tục đời lưu lạc, thiếu thốn. Trong bài Trường ngôn hành, người đọc có thể cảm nhận tình cảnh quẫn bách đói nghèo của gia đình đông con, thân bị ràng buộc bởi công danh của Nguyễn Hành chẳng khác gì với Nguyễn Du:

倉皇共命未就成

直俟公門渾似贅

初來本欲潔其身

今日此身為有繫

十口栖栖羈旅中

夢中何以供珠桂

朝干暮貸不勝煩

物情好處余心愧

丈夫本志在濟人

窮途未免為人濟

百年長有債相隨

萬事果為名所纍

衣食支吾兩難全

捨衣取食危哉勢

饑寒蹙迫可奈何

妻子号啼了無計

可憐垂老路途中

曾是少年公子貴

開山遼遠更何如

身世飄零長若寄

平生本是耐窮人

未有如今窮也至

猶幸真心一點存

往來伸屈非無義

窮壯老壯勉旃哉

我思古人有名世

Thảng hoàng cộng mệnh vị tựu thành,

Trực sĩ công môn hồn tự chuế.

Sơ lai bổn dục khiết kỳ thân,

Kim nhật thử thân vi hữu hệ.

Thập khẩu thê thê ky lữ trung,

Mộng trung hà dĩ cung châu quế.

Triêu can mộ thải bất thăng phiền,

Vật tình hảo xứ dư tâm quý.

Trượng phu bổn chí tại tế nhân,

Cùng đồ vị miễn vi nhân tế.

Bách niên trường hữu trái tương tuỳ,

Vạn sự quả vi danh sở luỵ.

Y thực chi ngô lưỡng nan toàn,

Xả y thủ thực nguy tai thế.

Cơ hàn xúc bách khả nại hà,

Thê tử hào đề liễu vô kế.

Khả liên thuỳ lão lộ đồ trung,

Tằng thị thiếu niên công tử quý.

Khai sơn liêu viễn cánh hà như,

Thân thế phiêu linh trường nhược ký.

Bình sinh bổn thị nại cùng nhân,

Vị hữu như kim cùng dã chí.

Do hạnh chân tâm nhất điểm tồn,

Vãng lai thân khuất phi vô nghĩa.

Cùng tráng lão tráng miễn chiên tai,

Ngã tư cổ nhân hữu danh thế.

… Sống trong hoảng hốt chẳng có gì thành tựu,

Mãi chờ chực ở cửa công như làm rể.

Lúc đầu vốn muốn thân trong sạch,

Mà nay thân này lại bị buộc ràng.

Mười miệng ăn lo lắng đời lưu lạc,

Trong mơ biết lấy gì ăn trong thời buổi đắt đỏ này.

Sáng làm tối vay, chẳng dám than phiền,

Dẫu đời đối xử tốt, nhưng lòng ta thấy thẹn.

Bậc trượng phu vốn chí ở chỗ cứu giúp người,

Nhưng cùng đường chẳng tránh khỏi được người giúp lại.

Trăm năm nợ mãi còn theo đuổi,

Muôn chuyện quả là bị danh làm luỵ.

Chuyện áo cơm khiến ta khó vẹn cả hai,

Bỏ áo, chọn cơm, thế cũng nguy.

Đói rét túng quẫn biết làm sao?

Vợ con gào khóc, hết phương kế.

Thương thay, nay ta già cả quá nửa đời,

Trước đây từng là chàng công tử trẻ lại giàu sang.

Mở núi khai hoang thì thế nào?

Thân thế nổi trôi, mãi ở trọ[10].

Đời ta hẳn là người chịu cực,

Nhưng chưa bao giờ khổ cực đến mức như ngày nay.

Cũng may còn lại chút chơn tâm,

Tiến lui co duỗi chẳng phải là vô nghĩa.

Nghèo mà khoẻ, già mà khoẻ, gắng sức vậy!

Ta nhớ người xưa, có bậc hiền nổi danh ở đời[11].

Có lẽ do hoàn cảnh của hai chú cháu gần giống nhau nên Nguyễn Hành cảm thông với nỗi niềm của Nguyễn Du. Trong bài Liệp tụng[12] có tính phúng dụ, Nguyễn Hành từng nói lên quan điểm của mình qua các nhân vật Thạch Sinh, Phỉ Tử và Chi Ly. Có người cho rằng Nguyễn Hành trong thế vai Thạch Sinh, còn Nguyễn Du trong vai Phỉ Tử[13].

Thạch Sinh đả kích việc đi săn của Phỉ Tử không phải là cách để nuôi thần dưỡng khí, là ham cái lợi nhỏ để mắc cái hoạ lớn:

… 石生曰:子知獵而不得獸爲樂,詎知獵而得獸與不得獸爲憂乎?居吾語子:夫獵者,晨而出,冒霜露,登高山,入林莾,喘不得息,饑不遑哺,兩目出火,汗流如雨,精搖力竭,心在於獸,非所以持志養氣尊名益壽,又况有意外之卢者乎,徼小利而蒙大害,窃爲吾子不取也。

Thạch Sinh hỏi: “Ông chỉ biết đi săn không được thú là vui, há biết rằng đi săn được thú và đi săn mà không được thú đều phải lo chăng? Hãy để tôi nói cho ông biết: Kẻ đi săn, sáng sớm đã ra khỏi nhà, đội sương móc, lên núi cao, vào rừng rậm, dẫu mệt cũng không được nghỉ, đói cũng chẳng kịp ăn, hai mắt như đổ lửa, mồ hôi như tuôn mưa, hao thần tổn sức, tâm để ở việc săn được thú, chẳng phải là cách để giữ chí nuôi khí, để vang danh thêm thọ, huống lại có thêm những rủi ro ngoài ý, cầu cái lợi nhỏ để mắc cái hại lớn, trộm nghĩ rằng ông không nên vậy.”

Nhưng qua cách giải thích của Phỉ Tử, cho thấy, lối đi săn của Phỉ Tử hoàn toàn không phải cách đi săn của người đời, ông gọi đó là cuộc đi săn của bậc đại phu:

蜚子笑而應之曰:子之所言,世俗之獵也。子亦知夫大人之獵乎?夫大人之獵,志不在獲,將翺將翔,覽乎林薄,凌高顚,望大壑,洗濯乎清泉,偃仰乎松栢,觀生物之變化,與熊麋而偕樂。於是神怡意得,澹若無爲,雲容容而入袖,風??而飄衣,望清都於咫尺,與汗漫而爲期,是則大人之獵也,豈世俗之所知?且夫利害者深,不在山林在朝廷。李斯西遊遂相秦嬴,位極讒深,卒被五刑。子獨不記其臨死之言乎?此辰雖欲牽黃狗臂蒼鷹,出上蔡東門,逐狡兔,不可得也。今子教我以擇術,我敢不服,若以利害動之,夫徼小利而蒙大害者,固不可爲也。設蒙小害而獲大利者,尚可爲乎。且天下之獵,於子爲憊,終日勞瘁,夜分未寐,心思目覽,口誦手記,採華葉之繁言,嚼糟粕之餘味,求以蹈美前修,立名後世,斯亦難矣。性與命合,學與辰違,踽踽凉凉,窮無所歸,饑不索食,寒不製衣,坐見蹇拙,動獲誹謗,子不知悔,又我是譏。           

Phỉ Tử cười mà đáp rằng: “Lời ông nói là việc đi săn của người đời. Ông có biết bậc trượng phu đại nhân đi săn thế nào chăng? Bậc trượng phu đại nhân đi săn, chí chẳng cốt ở việc săn được thú, mà cốt ở việc rong ruổi lượn bay, xem khắp rừng rú, trèo lên đỉnh cao, nhìn hang núi rộng, tắm táp ở suối trong, nằm ngửa dưới cội tùng bách, xem muôn vật biến hoá, vui cùng lũ gấu nai. Thế nên tinh thần vui vẻ, thanh đạm vô vi, mây thong dong lồng tay, gió hây hây thổi áo, ngắm bầu trời gần trong gang tấc, cùng thần tiên[14] gửi ý hẹn hò, đó mới là kiểu đi săn của bậc đại nhân vậy, người đời há có thể biết được? Huống hồ điều lợi điều hại thật thâm sâu, nó chẳng ở nơi núi rừng mà ở tại triều đình đó. Lý Tư sang phía tây làm tướng cho họ Doanh nước Tần, ngôi cực cao thì bị gièm càng lắm, cuối cùng bị án ngũ hình[15]. Ông há chẳng nhớ lời của Tư lúc sắp chết sao? Bấy giờ dẫu có muốn “tay dắt chó vàng, vai mang ó xanh, ra cửa đông đất Thượng Sái săn đuổi thỏ ranh, cũng không còn được nữa”.[16] Nay ông lại đem phương cách mà chỉ cho ta, ta dám đâu chẳng phục, lại lấy điều lợi điều hại để lay chuyển rằng chỉ chăm cái lợi nhỏ để mắc cái hại lớn, thì ta đây vốn không làm, nhưng giả như chịu thiệt hại nhỏ mà thu được lợi lớn, thì vẫn có thể làm chăng? Vả người trong thiên hạ đi săn thì giờ tý đã lo lắng, suốt ngày mệt nhọc, đến khuya chưa yên giấc; (còn ông) lòng cứ nghĩ, mắt cứ nhìn, miệng đọc, tay ghi, nhặt nhạnh những lời rườm rà, nhai lại những mùi thừa cặn bã, lại mong bước vào chỗ các bậc tiên hiền đức cao lập danh để đời sau, thế thì khó lắm vậy. Tính hợp với mệnh, sự học trái với thời cuộc, thui thủi lẻ loi, đến đường cùng chẳng có nơi về, đói không tìm được miếng ăn, lạnh không sắm nổi chiếc áo, chỉ biết ngồi nhìn cảnh khốn quẫn, động tí thì phỉ báng, ông đã không biết hối, sao lại còn mỉa tôi!”[17]

Câu chuyện Nguyễn Du thích đi săn được Nguyễn Hành ghi lại trên đây hoàn toàn phù hợp với những ghi chép về tính thích đi săn của Nguyễn Du trong Đại Nam liệt truyện. Qua câu chuyện giữa Thạch Sinh và Phỉ Tử trong bài Liệp tụng, người đọc có thể thấy chí hướng ở nhàn và con đường ra làm quan với triều Nguyễn của Nguyễn Du là sự bất đắc dĩ. Nguyễn Nễ (anh Nguyễn Du) từng làm quan dưới triều Lê-Trịnh, rồi Tây Sơn, đến khi Gia Long ra Bắc, ông cũng làm thơ dâng vua Gia Long để được làm quan với triều Nguyễn; còn Nguyễn Du không giống như anh của mình, mặc dù đã có lần ông trốn về Nam để theo nhà Nguyễn, nhưng việc không thành. (Nhà Nguyễn trong tâm thức của Nguyễn Du, dẫu sao vẫn là chính thống, bởi các đời chúa Nguyễn vẫn dùng theo niên hiệu của nhà Lê).

Theo Đại Nam liệt truyện, năm Gia Long thứ nhất (1802), Nguyễn Du ra làm quan với triều Nguyễn, được bổ chức Tri phủ phủ Thường Tín. (Trong bài Liệp tụng của Nguyễn Hành cũng chép ông ra làm quan với triều Nguyễn vào thời gian này). Nhưng không được bao lâu, ông lấy cớ bệnh tật từ quan về quê nhà (1804). Do ra làm quan trong vạn bất đắc dĩ, nên khi Nguyễn Du từ chức tri phủ phủ Thường Tín, Nguyễn Hành làm bài thơ mừng, và ngợi ca phẩm đức của chú:

清平何事故辭官

勇退知公意所安

烈爵已從天下得

令名應爲我家完

白雲本是無心出

飛鳥宜於未倦還

只日故園陪勝會

歲寒松菊靜相看

(喜叔父常信俯府知府解官歸)

Thanh bình hà sự cố từ quan,

Dũng thoái tri công ý sở an.

Liệt tước dĩ tòng thiên hạ đắc,

Lệnh danh ưng vị ngã gia hoàn.

Bạch vân bản thị vô tâm xuất,

Phi điểu nghi ư vị quyện hoàn.

Chỉ nhật cố viên bồi thắng hội,

Tuế hàn tùng cúc tĩnh tương khan.

(Hỉ thúc phụ Thường Tín phủ tri phủ giải quan quy)

Gặp đời thái bình sao lại cố ý từ quan,

Biết rằng ông có ý quả quyết theo sở thích riêng của mình.

Quan tước dẫu là điều quý trong thiên hạ,

Tiếng hay nên vì nhà ta mà giữ gìn trọn vẹn.

Đám mây trắng vốn là vô tâm ra khỏi hang núi,

Con chim bay nên trở về lúc chưa mỏi.

Nay mai được hầu trong buổi hội ngộ nơi vườn cũ,

Cùng vui với tùng cúc trong cảnh trời đông lặng lẽ.

(Mừng chú từ quan Tri phủ phủ Thường Tín về nhà)

Nhưng chưa được bao lâu thì được triệu làm Đông các học sĩ vào năm Bính dần 1806. Nguyễn Hành làm thơ tiễn chú:

鴻魚多秀氣

夫子獨馳名

袍馬當朝貴

蒪鱸故園情

州廬方屬望

旌旗遽登程

浩浩三江水

風濤自坦平

(送叔父東閣大學士赴南京)

Hồng, Ngư đa tú khí,

Phu tử độc trì danh.

Bào mã đương triều quí,

Thuần lô cố viên tình.

Châu lư phương chúc vọng,

Tinh kỳ cự đăng trình.

Hiệu hiệu Tam Giang thuỷ,

Phong đào tự thản bình.

(Tống Thúc phụ Đông các đại học sĩ phó Nam kinh)[18]

Núi Hồng, núi Ngư[19] nhiều tú khí,

Chỉ riêng chú được hun đúc nên nổi danh tiếng.

Dẫu được vinh hiển ở triều đình, mặc áo bào, cưỡi ngựa,

Mà tình cảm vẫn nhớ rau thuần cá lô nơi quê nhà xưa.

Chốn châu quận còn đang ngóng trông,

Bóng tinh kỳ đã vội lên đường.

Nước Tam Giang[20] rộng mênh mông,

Sóng to gió lớn chợt phẳng lặng.

(Tiễn chân thúc phụ Đông các đại học sĩ vào Nam kinh)

Nguyễn Hành sau đó lại còn viết bài thơ dâng chú, ngợi ca sự tài hoa và phẩm đức nhà nho với tấm lòng giản dị và tình cảm đối với quê nhà:

吾門秀出如夫子

九十九峰中一峰

品在玉堂金馬貴

心將木食草衣同

江湖廊廟饒雙適

詩畫琹書擅四工

却爲蒪鱸忘不得

幾何歸去在秋風

(上叔父東閣學士)

Ngô môn tú xuất như phu tử,

Cửu thập cửu phong trung nhất phong.

Phẩm tại ngọc đường kim mã quí,

Tâm tương mộc thực thảo y đồng.

Giang hồ lang miếu nhiêu song thích,

Thi hoạ cầm thư thiện tứ công.

Khước vị thuần lô vong bất đắc,

Kỷ hà quy khứ tại thu phong.

(Thưng thúc phụ Đông các học sĩ)[21]

Chú là người kiệt xuất trong họ nhà ta,

Là một trong chín mươi chín ngọn núi Hồng.

Thân ở nơi ngọc đường kim mã (tại triều đình),

Lòng vẫn vui áo vải cơm rau.

Dẫu ở lang miếu, hay nơi giang hồ, đều được thoả chí,

Cầm, thư, thi, họa, cả bốn nghề đều giỏi.

Lại vì không thể quên rau nhútvược[22],

Nên khi mùa gió thu nổi, mấy lần đi về quê.

(Thơ dâng chú là Đông các học sĩ)

Qua thơ của Nguyễn Hành, ta thấy Nguyễn Du là một người tài hoa, ông không những giỏi về thơ ca, mà ngay cả vẽ, viết chữ, đánh đàn cũng giỏi. Vì vậy có thể lý giải vì sao Nguyễn Du viết về những người sống bằng nghề ca hát rất cảm xúc, bởi chính ông cũng là người thông hiểu âm nhạc.

Ngoài những bài thơ Nguyễn Hành trực tiếp nhắc đến Nguyễn Du, trong bài thơ Phụng tiễn cữu thị Như Hành công Bắc sứ (Kính tiễn cậu Như Hành công đi sứ phương Bắc), hai câu cuối ông gián tiếp nhắc đến Nguyễn Du đã đi sứ về:

盛餞即今臨珥水

雄心早已赴燕臺

微生預有觀光分

叔氏來還舅氏來

Thịnh tiễn tức kim lâm Nhị thuỷ,

Hùng tâm tảo dĩ phó Yên đài.

Vi sinh dự hữu quan quang phận,

Thúc thị lai hoàn cữu thị lai.

Mở tiệc lớn hôm nay trước khi qua sông Nhị[23],

Tấm lòng hùng tráng sớm đã đến đài Yên[24].

Đời hèn ta cũng được dự phần đi sứ[25],

Chú ta trở về thì cậu ta lại đến đây[26].

Trong chặng đường hoạn lộ của Nguyễn Du với triều Nguyễn, các cua triều Nguyễn đã rất trọng dụng ông. Nên nhớ Nguyễn Du chỉ mới đỗ tam trường, nhưng được Gia Long bổ dụng chức tri phủ phủ Thường Tín vào năm 1802, đến năm 1806 thăng chức Đông các học sĩ, năm 1809 đổi chức làm cai bạ Quảng Bình, năm 1813 đổi làm Cần chánh điện học sĩ, làm chánh sứ sang Trung Quốc, năm 1815 thăng chức Hữu tham tri bộ Lễ, năm 1820 triều đình lại cử ông đi sứ lần hai, nhưng chưa kịp đi thì ông mất. Nguyễn Hành nghe tin chú mất, đã cảm xúc làm hai bài thơ. Bài thứ nhất Nguyễn Hành nhắc lại hành trạng của Nguyễn Du đồng thời bày tỏ sự thương tiếc chú mình ra đi đột ngột:

十九年前素如子

一世才花今已矣

吾門厚福公巧完

疫厲何能速公死

(聞叔父禮部右參知訃音感作, 1)

Thập cửu niên tiền Tố Như tử,

Nhất thế tài hoa kim dĩ hĩ!

Ngô môn hậu phúc công xảo hoàn,

Dịch lệ hà năng tốc công tử.

(Văn thúc phụ Lễ bộ Hữu tham tri phó âm cảm tác, 1)[27]

Mười chín năm về trước, Tố Như tử[28],

Một đời tài hoa, nay đã qua đời.

Phúc dày họ nhà ta, chú khéo giữ trọn vẹn[29],

Bệnh dịch kia sao làm chú mau chết như thế!

            (Nghe tin chú là quan Hữu tham tri bộ Lễ qua đời, xúc cảm thành thơ, 1)

Bài thứ hai, Nguyễn Hành bày tỏ tình cảm sâu đậm khi nhắc đến kỷ niệm đi săn ngày trước của mình đối với Nguyễn Du:

三秋淪落此城中

南望浮雲每憶公

歸去家山聞夜獵

精靈恍與舊時同

(聞叔父禮部右參知訃音感作, 2)

Tam thu luân lạc thử thành trung,

Nam vọng phù vân mỗi ức công.

Quy khứ gia sơn gian dạ liệp,

Tinh linh hoảng dữ cựu thời đồng.

(Văn thúc phụ Lễ bộ Hữu tham tri phó âm cảm tác, 2)[30]

Ba năm lưu lạc trong thành này[31],

Mỗi lần nhìn về Nam thấy đám mây nổi, lại nhớ đến chú.

Khi về quê nhà, đêm nghe tiếng người đi săn,

Bàng hoàng tưởng hồn chú vẫn giống như ngày xưa.

            (Nghe tin chú là quan Hữu tham tri bộ Lễ qua đời, xúc cảm thành thơ, 2)

Phải nói rằng, Nguyễn Hành dành nhiều tình cảm viết về Nguyễn Du hơn những người chú khác của mình. Có thể lý giải điều đó ở các góc độ: 1) Nguyễn Du và Nguyễn Hành cùng độ tuổi như nhau; 2) Hoàn cảnh của hai người gần giống nhau; 3) Nguyễn Du kiên quyết không ra làm quan với Tây Sơn như một kiểu thể hiện lòng trung với nhà Lê, điều này giống với Nguyễn Hành; cũng chính vì lý do này, Nguyễn Hành rất phục Nguyễn Du. Một điều đáng tiếc là từ những ghi chép của Nguyễn Hành, chúng tôi không thấy nhắc đến việc Nguyễn Du viết truyện Kiều, vì vậy không thể làm rõ thời gian Nguyễn Du viết Kiều. Tuy nhiên, từ những gì chúng tôi trình bày trên, qua cảm nhận của một người đương thời, một người cháu thân thiết – Nguyễn Hành – có thể khẳng định Nguyễn Du là một nhà thơ tài hoa, đa tài nghệ, phẩm đức cao thượng. Mặc dù làm quan với triều Nguyễn, dù được triều Nguyễn hết sức trọng dụng, Nguyễn Du vẫn mang trong lòng tâm sự hoài Lê, trung với triều Lê, điều đó còn thể hiện ở tính thích nhàn cư nơi thôn dã của ông. Nguyễn Du là đỉnh núi cao trong chín mươi chín ngọn núi Hồng như Nguyễn Hành ca tụng, bởi ông không những là một nhà thơ tài hoa mà quan trọng ông đã giữ gìn trọn vẹn phẩm cách của một nhà nho trong thời buổi rối ren.

11-2015

L.Q.T.

 


[1] Nguyễn Thạch Giang-Trương Chính biên khảo và chú giải, Nguyễn Du, niên phổ và tác phẩm, Nxb. Văn hoá thông tin, 2001.

[2] Xem thêm Thơ Nguyễn Hành, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nxb. Văn học, 2015.

[3] Theo bài Tiên Hội miếu môn ký trong Quan Đông hải, ký hiệu A.1539, VHc.02036, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ, Nguyễn Hành ký biệt hiệu là Nam Song chủ nhân và ông còn có bài Nam Song ký giải thích lý do ông đặt tên hiệu là Nam Song.

[4] Thơ Nguyễn Hành, sđd., tr.15.

[5] Thành Đại La: tên cũ của đất Thăng Long (trước khi nhà Lý định đô ở đây).

[6] Bắc Thành: tức Cố đô Thăng Long dưới thời đầu Nguyễn và 11 trấn xung quanh.

[7] Phần dịch nghĩa trong bài viết này đều là của chúng tôi.

[8] Uẩn Ngọc hầu Huỳnh công: tức Huỳnh Ngọc Uẩn, người Bình Dương, trấn Gia Định, mất năm Đinh sửu (1817). Năm 1806, làm chức Hiệp trấn Nghệ An, năm 1810 làm chức Hình tào ở Bắc Thành. Ông từng làm phó sứ sang Thanh cùng phái đoàn do Trịnh Hoài Đức làm chánh sứ. Trong Cấn Trai thi tập, có chép tước hầu của Huỳnh Ngọc Uẩn là Uẩn Tài hầu, ở đây chép là Uẩn Ngọc hầu. Tuy nhiên xét các cứ liệu mà Nguyễn Hành ghi ở đây trùng khớp với Đại Nam liệt truyện chép về Huỳnh Ngọc Uẩn, nên chúng tôi cho rằng Uẩn Ngọc hầu Huỳnh công chính là Huỳnh Ngọc Uẩn.

[9] Xin xem thêm Thơ Nguyễn Hành, sđd., tr.230-233.

[10] Thân thế nổi trôi, mãi ở trọ: lấy ý từ câu “phù sinh nhược ký” (kiếp sống trôi nổi như gửi thân ở trọ).

[11] Bậc hiền nổi danh ở đời: nguyên văn “danh thế”, còn gọi là “mệnh thế”. Chữ lấy từ sách Mạnh Tử, chương Công Tôn Sửu, hạ có chép: “Trước đây là trước đây, nay là nay. Cứ năm trăm năm ắt lại có bậc minh vương xuất hiện, trong đó sẽ có bậc hiền nổi danh ở đời” (Bỉ nhất thời, thử nhất thời. Ngũ bách niên tất hữu vượng giả hưng, kỳ gian hữu danh thế giả彼一時,此一時也。五百年必有王者興,其間有名世者。)

[12] Trích từ Quan Đông hải, tlđd.

[13] Ngô Lập Chi và Nguyễn Ngọc Nhuận đều cho như vậy.

[14] Thần tiên: nguyên văn “hãn mạn”, chữ lấy từ sách Hoài Nam Tử: “Ngô dữ Hãn mạn kỳ ư cửu cai chi ngoại” (Ta cùng Hãn mạn hẹn hò ngoài khoảng trời). Cao Dụ chú: Hãn mạn: “là nơi (bao la mênh mông) không thể biết được.” Sau phụ ghi là tên của thần tiên. Ở đây chúng tôi tạm dịch là thần tiên.

[15] Ngũ hình: chặt tay, chặt chân, cắt mũi, cung hình, chặt đầu, năm hình phạt tàn khốc thời xưa.

[16] Tay dắt chó vàng… không được nữa: lời của Lý Tư trước lúc bị hành hình nói với con trai của mình. Sử ký của Tư Mã Thiên chép: “Tháng 7 năm thứ 2 đời Tần Nhị Thế, Lý Tư bị luận tội ngũ hình, bị chém ngang lưng tại Hàm Dương. Tư bị đưa ra khỏi ngục cùng với con trai của mình, Tư ngoái đầu bảo con mình rằng: “Ta muốn cùng con dắt chó vàng ra cửa đông Thượng Sái săn đuổi thỏ ranh, nay há còn được chăng!” Rồi hai cha con cùng khóc lóc. Cả nhà Tư bị tru di tam tộc.”

[17] Xin xem toàn văn ở Thơ Nguyễn Hành, sđd., tr.347-352.

[18] Trích từ Quan Đông hải, tlđd.

[19] Núi Hồng, núi Ngư: thuộc địa phận tỉnh Nghệ An.

[20] Tam Giang: sông thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

[21] Trích từ Quan Đông hải, tlđd.

[22] Rau nhút cá vược: món ăn ngon ở Tùng Giang, Trung Quốc, chữ lấy từ chuyện Trương Hàn người thời Tấn, khi ông làm quan, hễ mùa thu gió thu thổi ông lại nhớ đến món ăn quê nhà, ông liền cáo quan về nhà.

[23] Sông Nhị: tức Nhị Hà, đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội gọi là sông Nhị Hà.

[24] Đài Yên: nguyên văn “Yên đài”, chỉ Yên Kinh, Bắc Kinh, Trung Quốc.

[25] Đi sứ: nguyên văn “quan quang”, chữ lấy ở quẻ Quan trong Kinh Dịch “Quan quốc chi quang, lợi dụng tân vu vương” (Xem cảnh tượng đất nước, lợi dụng việc triều cận nơi nhà vua), chỉ sự du lãm quan sát chính giáo, phong tục của một nước. Sau dùng để chỉ việc đi sứ.

[26] Chú ta … lại đến: Chú của Nguyễn Hành là Nguyễn Du, đi sứ vào năm Gia Long thứ 12 (1813); cậu của Nguyễn Hành họ Bùi tự Như Hành, nhưng tên thật là gì, chúng tôi chưa khảo được.

[27] Trích từ Minh quyên thi tập, ký hiệu VHv.109, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ. Dưới đề bài viết có đoạn nguyên chú: 公字素如,性好獵,自號鴻山獵戶。壬戌歲噬仕今朝,累官至右參知。庚辰八月卒。(Ông tên tự là Tố Như, tính thích đi săn, tự đặt tên hiệu là “Hồng sơn liệp hộ” (Phường săn núi Hồng); năm Nhâm tuất (1802), ra làm quan với đương triều, thăng tới chức Hữu tham tri, qua đời vào tháng tám năm Canh thìn (1820).)

[28] Tố Như tử: tức Nguyễn Du, tên tự là Tố Như; chữ “tử” ở đây có nghĩa tôn xưng. Tính từ khi Nguyễn Du ra làm quan với nhà Nguyễn cho đến khi ông qua đời (tháng tám năm Canh Thìn, niên hiệu Minh Mệnh thứ nhất – 1820) là vừa mười chín năm.

[29] Năm Canh thìn, niên hiệu Minh Mệnh thứ nhất (1820), Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc cầu phong, chưa kịp lên đường thì ông đã qua đời. Có người cho rằng hai câu cuối muốn nói Nguyễn Du qua đời là để bảo toàn thân danh, phúc nhà (vì ông cho rằng Nguyễn Du ra làm quan với nhà Nguyễn chỉ là một việc vạn bất đắc dĩ), chứ không phải bệnh dịch đang hoành hành đã hại ông. Chúng tôi không nghĩ như vậy, như đã nói trên, dù ra làm quan bất đắc dĩ, nhưng Nguyễn Du trước đây đã có lần muốn trốn vào Nam theo chúa Nguyễn bởi ông cho rằng chúa Nguyễn dầu sao vẫn là bề tôi của nhà Lê. Sở dĩ Nguyễn Hành có nhiều bài thơ viết về Nguyễn Du như vậy là bởi Nguyễn Du không giống với anh của mình là Nguyễn Nễ. Dù làm quan với triều Nguyễn nhưng không làm ô nhục danh tiếng dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền.

[30] Trích từ Minh quyên thi tập, tlđd.

[31] Thành này: chỉ  Bắc Thành (tên gọi cố đô Thăng Long thời đầu Nguyễn).

Nguồn: Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Du (Kỷ yếu HTKH Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du), NXB.ĐHQG TP.HCM, 2015

Đoàn Trọng Huy

PGS. TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Nhân dịp ra mắt Tuyển thơ Lưu Quang Vũ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (17/5/2010) đã có một cuộc Toạ đàm tại Hà Nội, do Công ty Nhã Nam phối hợp với Trung tâm Văn hoá Pháp L’Espace tổ chức.

Qua đó, nhiều bạn bè văn thơ, và các nhà nghiên cứu, hầu như đã đánh giá sự nghiệp thơ Lưu Quang Vũ  khá thoả đáng. Tuy thơ được xếp sau đỉnh cao là kịch, nhưng Lưu Quang Vũ vẫn thực sự đam mê và say đắm với thơ ca.

Thơ là tiếng lòng chân thật, là tiếng nói trước hết với chính mình của Lưu Quang Vũ. Và cũng là lời tâm tình với bè bạn thân yêu và nhân quần xã hội với những cảm xúc nhiều cung bậc chân thành, vả cả những khát vọng nhân văn cao cả.

*

I/ NHÌN LẠI ĐƯỜNG THƠ LƯU QUANG VŨ

Lưu Quang Vũ đến với thơ một cách hồn nhiên, như một nhu cầu tự thân.

Cũng có thể là những hứng thú từ văn hoá nhà trường, trong đó có không ít thơ ca truyền thống và hiện đại Lại như, sâu xa hơn một chút, là sự gieo mầm thi hứng từ người cha – thi sĩ Lưu Quang Thuận.

Một sự thực hiển nhiên là, Vũ làm thơ từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường cấp 3 – tức là thơ sớm nở rộ ở độ tuổi vị thành niên.

Sau khi đi bộ đội, anh tiếp tục làm thơ, và có thơ in năm 1968 – Hương cây và Bếp lửa – tập thơ in chung với Bằng Việt.

Tác nhân quan trọng nhất chính là lý tưởng và hiện thực cách mạng vào tuổi đầu đời.

Qua những dòng Nhật ký (trong Di cảo Lưu Quang Vũ được công bố năm 2018), ta đọc được tâm hồn sôi nổi và nhiệt hứng anh hùng cách mạng của chàng trai mới 17 tuổi.

Sau đây là đôi dòng trích về nhật ký những ngày lên đường nhập ngũ.

“Thứ năm 3/6. Ngày nhập ngũ.

... Mẹ ngồi vào một góc, quay mặt vào trong và khóc.

17 năm. 17 năm ta đã sống và lớn lên. Tâm hồn và ý chí đã trở thành một con người xứng đáng. Ta sớm  bước vào đời, lại là đời chiến sĩ, 17 tuổi. Ôi hạnh phúc nào vui hơn hạnh phúc 17 tuổi đời cầm súng giữ quê hương.

Ta ra đi, không có gì ngoài tấm lòng bát ngát yêu thương, ngoài một trái tim dào dạt ước mơ và dũng cảm.. 17 năm bao ơn huệ với cuộc đời, nay đã đến giờ đền đáp. Đã đến lúc ta đem tất cả sức lực của ta hiến dâng đời, hiến dâng đất nước khổ đau và dũng khí sáng ngời, hiến dâng cho nhân dân rộng lớn, cần cù, bình dị và tuyệt vời anh hùng –“ chung mình phải rời tổ vì chúng mình đã lớn”.

Có nghe chăng? Lòng ta ơi. Đất nước đã gọi ta lên đường! Và ước mơ của ta nữa, lao vào cuộc sống, ngoài trách nhiệm cầm súng, ta còn duyên nợ với cuộc đời nữa là cầm bút...”.

Vậy là, Lưu Quang Vũ lên đường cầm súng với ý thức công dân cháy bỏng, và một tâm hồn thi sĩ đầy khát vọng. Anh gửi tặng mẹ mấy dòng thơ hồn nhiên như tâm hồn đang phơi phới bay bổng: “Từ giã những tà áo tuổi thơ, từ giã mẹ/ Con khoác trên mình áo bộ đội xanh/ Màu xứ sở ru con từ thuở nhỏ/ Nay cùng con đi giữ đất quê mình”.

Đó cũng là tâm trạng của một thế hệ trẻ hào hùng với lời hát: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Phạm Tiến Duật).

Một nhân tố đặc biệt quan trọng, làm nên tài năng văn chương của Lưu Quang Vũ là cảm hứng nghệ thuật và tình yêu tiếng mẹ đẻ như máu thịt tâm hồn.

Cậu bé Vũ đã được học vẽ với các bậc hoạ sĩ tài danh từ hồi còn nhỏ ở nơi sơ tán , hồi kháng chiến. Lớn lên, anh vẽ tranh như một nghề tay trái, nhưng đã để lại dấu ấn hội hoạ qua hình ảnh, màu sắc trong văn thơ, và cả cấu trúc, trang trí kịch trường.

Sau này, trong phòng làm việc ở nhà, luôn có thơ, văn, và cả tranh vẽ như những sản phẩm của một tâm hồn nghệ sĩ.

Tuy nhiên, Lưu Quang Vũ là một người một đời chủ yếu làm “phu chữ”, và chính chữ nghĩa đã tôn vinh nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch tài danh.

Tiếng Việt có thể coi là một tuyên ngôn không chỉ về ngôn ngữ của Lưu Quang Vũ.

Xưa kia, nhà thơ lớn Huy Cận đã để lại những vần thơ về tiếng Việt nổi tiếng với nỗi lòng: “Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời”. Lưu Quang Vũ đã nâng cao ý tưởng ấy, tâm hồn ấy với nhiều phát hiện phong phú và sâu sắc. Qua đó, ngoài sự tôn vinh tiếng nói dân tộc, còn là tình cảm, ý thức với tiếng Việt trên những phương diện chủ yếu nhất.

Qua tiếng Việt, ta thấy rõ cả tiếng nói đời sống và tâm hồn, là tâm tuệ con người, là hồn thiêng đất nước, là nỗi lòng với niềm tự hào của mỗi con dân đất Việt, kể cả người xa xứ: ‘Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/ Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya”.

Nhà thơ ca ngợi cái diệu kỳ của âm và thanh tiếng Việt, và cao hơn, cái trầm tích văn hoá qua ngôn ngữ. Tuy nhiên, có một ý tưởng đột xuất tổng hoà được loé lên ở đoạn kết:

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

...................................................

Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình

Thì ra, ai cũng vậy, nhưng riêng nhà văn – nghệ sĩ thì làm văn nghệ là để trả nghĩa ân tình ngôn ngữ, cũng là để làm đẹp thêm chữ nghĩa văn hoá dân tộc.

Nhà văn, nhà thơ, hơn ai hết, phải thấu hiểu một cách đầy đủ nhất, tường tận và sâu xa nhất về cái đẹp, cái hay của tiếng Việt như nguyên liệu chủ yếu của sáng tạo văn bản:

Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ

Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

Người Pháp tự hào về tính chính xác, minh bạch của ngôn ngữ. Người Việt có thể kiêu hãnh về sự tế nhị của tiếng nói qua văn cảnh, qua biểu cảm. Và cũng vì thế, không hẳn là thiếu minh triết.

Cũng là từ chỉ ngôi thứ, ta hãy thử phân tích đôi tựa đề của Lưu Quang Vũ: Mây trắng của đời tôi (thơ), Tôi và chúng ta (kịch), Ông không phải là bố tôi (kịch). Tôi chỉ là ngôi thứ nhất, nhưng mang sắc thái khác nhau. Lại như Ông không phải là bố tôi, Ông vua hoá hổ. Ở đây, rõ ràng hai từ ông không cùng một loại từ.

Vậy là, nhà văn rõ ràng không chỉ thấu hiểu cái đẹp, mà còn phải làm giàu, làm đẹp thêm chữ nghĩa dân tộc. Làm việc này vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm – vì chính là sự thể hiện trực tiếp của niềm tự tôn và tự hào dân tộc.

Lưu Quang Vũ đã tâm niệm như vậy khi cầm bút làm thơ, và coi văn chương là sự nghiệp cao đẹp của đời mình.

*

Thực ra, tác phẩm thơ của Lưu Quang Vũ là một sự chắt lọc tâm hồn.

Có bài thơ đã được in ra khi còn hiện diện trên đời. Lại có cả thơ làm mà chưa được in ( hay khó in ?) như di cảo. Có tập được in sau khi nhà thơ mất.

Chính thức xuất hiện trên thi đàn là 3 tập:

-                 Hương cây (1968, in cùng Bằng Việt trong tập Hương cây – Bếp lửa).

-                 Mây trắng của đời tôi (1989).

-                 Bầy ong trong đêm sâu (1993).

Ngoài ra là một số bài chưa in thành tập.

Sau này, Lưu Quang Vũ vừa viết kịch vừa làm thơ, ngay cả khi đã nổi tiếng trên kịch trường vẫn tiếp tục làm thơ. Thơ vẫn là một nỗi niềm sâu thẳm trong tâm hồn thi sĩ.

Năm 1987, Vũ viết thư gửi Xuân Quỳnh ở Liên Xô vẫn là sự giao lưu của hai tâm hồn thơ, giữa lúc đơn đặt hàng kịch tới tấp gửi đến: “Anh cũng muốn làm cho xong mọi “com măng” để thư thả mà làm thơ. Anh muốn viết khác đi, hay hơn và chắc rằng sẽ viết được”.

Có thể thấy rõ hai chặng đường thơ lớn của Lưu Quang Vũ: trước và sau 1975, chính xác hơn là từ sau 1970 đã có khuynh hướng đổi khác.

Thời Hương cây còn nhiều dấu ấn lãng mạn, và theo khuynh hướng chung là sử thi hào hùng.

Dần dần, nhà thơ chú trọng vào bút pháp hiện thực, và chuyển dần sang khuynh hướng thế sự , chính xác là thời sự - thế sự.

Thực ra, đó cũng là xu thế chung của hai thời đoạn lớn – chiến tranh và hoà bình.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh phải va chạm và lăn lộn với thực tế nhiều gian nan, vất vả với nhửng cảnh ngộ riêng (có không ít lo toan, khốn khó,  dằn vặt, trắc trở), thơ Lưu Quang Vũ sớm có những thức tỉnh và suy nghiệm riêng về nhân tình – thế thái. Đó  có thể gọi là loại thơ thời sự - thế sự. Chủ yếu đó là xu thế nhận thức lại, và khát vọng đổi mới thơ từ một quan niệm thơ, quan niệm nghệ thuật đã  có phần thay đổi.

Hai chặng đường thơ lịch sử vẫn của một con người, nhưng đã có nhiều đổi khác trong cảm thức.

Bạn đọc cảm thông, bao dung vẫn chấp nhận những giá trị khác nhau, mang những màu sắc không đồng nhất trong thơ Lưu Quang Vũ.

Thời Hương cây có những câu thơ in hằn sâu vào tâm trí cả một thế hệ yêu thơ, yêu nước:

Ta đi giữ nước yêu thương lắm

Mỗi xóm thôn qua mỗi nghĩa tình

Những tình cảm hồn nhiên với cái đẹp trên đời sẽ còn mãi trong tâm trí:

Có lẽ nào có thể quên được nhỉ

Cuộc đời mình có có cả tóc tiên

Và lòng yêu đời như xúc động thiêng liêng, bền bỉ mãi: “Có ai nói cho lòng ta hiểu nổi/ Về cuộc đời ghê gớm ta yêu”.

Thơ tình Lưu Quang Vũ, trước sau, đều mê đắm những vần thơ đẹp của tình yêu hạnh phúc.Đây là một mảng thơ rất phong phú giàu sắc thái.

Tuy nhiên, thơ tâm sự của Lưu Quang Vũ một thời từ những năm 70 (là thời đoạn hào hùng mà cay đắng của nhà thơ) cũng có những nét đáng cảm thông và trân trọng. Qua đó, không chỉ là cái riêng, mà còn có cả cái chung.

Thời đoạn này trong thơ Vũ có gì đó đau đớn, cay cực, nhưng vẫn yêu đời và níu bám chặt chẽ cuộc đời. Nhà thơ không giấu giếm những trăn trở, bức xúc và đôi khi cả hoài nghi từ bản thân mình, từ “Tuổi hai mươi khốn khổ của tôi ơi/ Tuổi tai ương dằng dặc trận mưa dài” cùng với những tiêu cực xã hội còn rơi rớt phơi bày.

Ngoài ra, như Vương Trí Nhàn trong một tiểu luận, đã kêu gọi sự độ lượng, cảm thông của bạn đọc, và nên đánh giá đúng mực và công bằng cả đời thơ Lưu Quang Vũ – một nhà thơ xuất hiện như một hiện tượng lạ trên thi đàn, và còn để lại sự lan  toả  một ánh sáng riêng.

 

II/ SỰ TOẢ SÁNG ÁNH LỬA MỘT HỒN THƠ TƯƠI  ĐẸP

Thơ Lê Quang Vũ, từ khi xuất hiện, đã nhận được sự chú ý lớn  của dư luận.

Trước hết, nhà thơ trẻ lọt ngay vào “con mắt xanh” của nhà phê bình hàng đầu nổi tiếng là Hoài Thanh. Qua bài Một cây bút trẻ nhiều triển vọng, Hoài Thanh đã chỉ ra tâm hồn của một thi sĩ tài hoa, và nhìn thấy chiều hướng phát triển cảu Lưu Quang Vũ. Nhà phê bình tài ba Lê Đình Kỵ cũng rất tâm đắc về tình yêu thiên nhiên sâu sắc, được nâng lên thành tình yêu quê hương đất nước qua bài viết Hương cây – Bếp lửa, đất nước và đời ta.

Vương Trí Nhàn – nhà nghiên cứu và phê bình văn học sắc sảo, người viết lời bạt cho tập thơ xuất hiện sau này – Bầy ong trong đêm sâu đã nhận ra sự chuyển tiếp, đổi khác  một chặng đường thơ của một Lưu Quang Vũ khác. Đó là Vũ của dằn vặt, đau xót, lỡ lầm, cô đơn; mà cũng là Vũ muốn vươn lên mệt mỏi, hoài nghi để sống, để tồn tại.

Vậy là, có sự đánh giá đầy đủ hơn, và chính xác, khách quan hơn về đường thơ và đời thơ Lưu Quang Vũ.

Đã có những công trình đánh giá kỹ lưỡng trên tinh thần khoa học về cái được, cũng như những bất cập còn tồn tại trong thơ Lưu Quang Vũ.

Ở các  trường đại học cũng đã có những công trình khoa học, những luận văn công phu tìm hiểu  giá trị thơ Lưu Quang Vũ. Bên cạnh đó, là những hội thảo khoa học với những đánh giá ở nhiều góc độ, và những tiếp nhận phong phú, đa chiều.

Có những xác định về giá trị thơ Lưu Quang Vũ của những nhà thơ uy tín, và các nhà khoa học có tên tuổi. Như những người cùng trang lứa – Anh Ngọc, Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương,... hay những giảng viên cao cấp, có học hàm, học vị - Phong Lê, Bích Thu, Huỳnh Như Phương,...

Hầu như những  người viết đều sẻ chia và cảm thông sâu sắc với đời thơ và người thơ Lưu Quang Vũ. Họ thấy rõ qua thơ anh một thời hào hùng bi tráng của lịch sử. Đồng thời, thấy rõ những nỗi niềm của một thế hệ thông qua tâm hồn nhà thơ – trải nghiệm một thân phận – cũng có chất hào hùng và cay đắng.

Mặt khác, tất cả đều tôn vinh một tài năng xuất sắc, một tâm hồn nghệ sĩ tài hoa với cá tính sáng tạo và độc đáo qua thơ.

Có thể thấy, sự đánh giá đạt được nhất trí về giá trị thơ trên những phương diện chủ yếu nhất:

-                 Là con người đa cảm, đa đoan, Lưu Quang Vũ thể hiện một hồn thơ tinh nhạy, giàu cảm xúc. Diện mạo tâm hồn nhà thơ được biểu hiện với nhiều sắc thái chân thực, biến hoá.

-                 Lưu Quang Vũ chủ trương một quan niệm thơ có  nhiều khía cạnh, ý tưởng mới lạ, giàu ý nghĩa sáng tạo.

-                 Với tài năng xuất sắc, Lưu Quang Vũ đã tạo ra thế giới nghệ thuật thơ phong phú, đa dạng với những phương tiện thể hiện đặc sắc – từ hình ảnh, hình tượng đến giọng điệu và ngôn ngữ thơ ca.

-                 Tài hoa của nhà thơ thiên bẩm Lưu Quang Vũ chưa được phát lộ hết, nhưng đã thể hiện một cá tính sáng tạo độc đáo, có giá trị đóng góp cho thi đàn hiện đại, và có sức toả sáng lâu bền với thời gian.

***

Với những gì đã công bố, kể cả di cảo thơ, đời thơ Lưu Quang Vũ đã khép lại. Tuy nhiên, đời và thơ của thi sĩ tài hoa vẫn là đề tài mở cho mọi khám phá và phát hiện của những tâm hồn yêu thơ và đồng điệu thơ ca.

Kỷ niệm 65 năm thành lập Viện Văn học, trân trọng ý hướng xây dựng Viện văn học như 'một tiếng nói có uy tín của đất nước về những vấn đề lịch sử, lý luận và phê bình văn học', Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết của GS.TS Huỳnh Như Phương.

Website của Viện Văn học

Ngày 25-11 tại Hà Nội, Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam kỷ niệm 65 năm thành lập (1953-2018).

Những thành tựu và bài học 

Trong đời sống văn hóa Việt Nam, Viện Văn học có lẽ là sản phẩm đặc biệt trong một thời đại đặc biệt, khi được thiết chế chính trị - văn hóa trao cho vai trò tiếng nói chính thống về ngành khoa học này trên lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Trong hoàn cảnh đất nước chia đôi, cơ quan nghiên cứu này đã tập hợp và kế thừa thành tựu của những nhà nghiên cứu tiền bối, với nhiều dự định vốn bị bỏ dỡ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhằm phục dựng một sinh hoạt tinh thần được phát khởi từ nửa đầu thế kỷ 20. 

Những nhà nghiên cứu tài năng, tâm huyết ở Viện đã bảo tồn, tôn vinh tinh hoa văn học dân tộc và thế giới, được phản ánh trong những công trình tập thể và cá nhân, những bài báo tiêu biểu trên tạp chí Nghiên cứu Văn học, hiện còn lưu giữ như những tài liệu tham khảo quý giá cho các thế hệ đến sau. Nhìn vào danh mục những sách báo đó, người đọc ngày nay có thể hình dung khuôn mặt tinh thần của giới trí thức một thời, cũng như khó khăn, giới hạn mà họ phải đối diện.

Từ năm 1975 đến nay, Viện Văn học là nơi kết nối giới nghiên cứu lý luận, văn học sử và phê bình trên cả nước. Từng công trình nghiên cứu, từng cuộc cuộc hội thảo, từng số tạp chí đều cho thấy sự đóng góp không chỉ của các thành viên trong Viện mà cả học giới ba miền Bắc Trung Nam, những người xem việc cộng tác và tham gia sinh hoạt của Viện là một trách nhiệm và một niềm vinh hạnh.

Đặc biệt, theo thiển ý, khoảng 30 năm nay, những thành tựu nghiên cứu của Viện Văn học tập trung ở ba phương diện sau đây: 

Một là sưu tầm tư liệu và góp phần tổng kết những chặng đường văn học sử của dân tộc, nhất là từ đầu thế kỷ 20, qua đó cho thấy bức tranh toàn cảnh của nó, đồng thời với sự đánh giá công bằng, khách quan đối với những tác gia, tác phẩm từng bị lãng quên trong quá khứ. 

Hai là giới thiệu kịp thời và ngày càng sâu sắc tinh hoa văn học thế giới, trong đó có những trào lưu tư tưởng mỹ học và lý luận văn học Đông Tây. Ba là phân tích và đánh giá một cách điềm tĩnh, từ tốn những hiện tượng văn học đương đại, góp phần nhận diện tiến trình văn học thời kỳ Đổi mới.

Tất nhiên, mọi người đều hiểu rằng, qua những bước thăng trầm của đời sống văn học, cọ xát với thực tiễn không ngừng vận động, không phải tất cả những điều mà giới nghiên cứu, phê bình lên tiếng hơn sáu thập niên qua, đều thể hiện sự thật, lẽ công bằng để thuyết phục được bạn đọc. 

Không thiếu dẫn chứng về những hiện tượng vùi dập giá trị cũ khi nó thất thế và vồ vập, tâng bốc cái mới dù nó chỉ mới tượng hình, chưa hề được thử thách. 

Trong những gì chúng ta viết ra còn để lại trên trang giấy, ngày nay càng được phổ biến rộng rãi hơn trên các trang mạng điện tử, bên cạnh những điểm sáng cũng có không ít những vệt tối mà người viết đâu thể chối bỏ và khước từ trách nhiệm được. Đó là bài học mà mỗi người cầm bút có lương tri luôn ghi nhớ.

Và những điều học giới chờ đợi

Trong tương lai, khi mạng lưới đại học phát triển, có thể sẽ xuất hiện thêm một số đơn vị nghiên cứu; nhưng không thể nghi ngờ rằng Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vẫn là tiếng nói có uy tín của đất nước về những vấn đề lịch sử, lý luận và phê bình văn học. 

Lao động âm thầm nhưng đầy say mê ngày hôm nay có thể tìm cảm hứng từ hình ảnh những nhà nhân văn học thời Phục hưng, tưởng chừng giam mình trong tháp ngà để sưu tầm, dịch thuật, chú giải, khảo cứu những hiện tượng văn học cổ xưa, mà vẫn luôn có những sợi dây thần kinh trần tiếp xúc với xã hội bên ngoài để truyền hơi thở ấm nóng của đời sống vào những trang văn thời quá vãng.

Trách nhiệm của Viện Văn học càng nặng nề hơn trong bối cảnh giao lưu và hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng. Nhiều vấn đề lịch sử và lý luận gay cấn còn tồn tại hẳn không thể giải quyết một sớm một chiều. Chỉ có định hướng khoa học, dân chủ và tự do học thuật mới đem lại sức mạnh cho giới nghiên cứu. 

Việc một cơ quan có tầm cỡ như Viện Văn học ủng hộ một khuynh hướng tiến bộ, từ chối tham gia vào một "vụ án văn học" oan khuất nào đó có tác động rất lớn không chỉ đối với giới khoa học mà còn đối với giới sáng tác và công chúng nói chung. 

Làm sao để mười năm sau, 20 năm sau, đọc lại những cuốn sách và số báo xuất xưởng ngày hôm nay, độc giả có thể tìm thấy tấm gương của sự trung thực trí thức, dù có thiếu sót, hạn chế nhất định, nhưng không có những xảo ngôn và quy kết ác ý, những thổi phồng vô căn cứ, để lại vết đen trong "lý lịch khoa học" cả của người viết lẫn của cơ quan chủ quản.

Học giới chờ đợi ở Viện Văn học một bộ Lý luận văn học cập nhật, một bộ Lịch sử văn học Việt Nam hoàn chỉnh, những món nợ mà Viện và các trường đại học chưa trả. Những thu hoạch về tư liệu và khảo cứu đã được tích lũy công phu và trình bày trong nhiều công trình của Viện. Hệ thống hóa và nâng cao những công trình đó là công việc lâu dài, như những thành quả "xuyên nhiệm kỳ", đòi hỏi sự hợp tác của nhiều thế hệ, từ nhiều nguồn đào tạo.

Theo sứ mạng và sở trường của mình, Viện Văn học là cơ quan nghiên cứu trước khi là cơ quan đào tạo. Nếu các thành quả nghiên cứu không chuyển giao cho đào tạo thì chất lượng giáo dục sẽ ngưng trệ và không thể cải tiến được. 

Chúng tôi ước mong, với tư cách là một đơn vị nòng cốt của Học viện Khoa học xã hội, Viện Văn học thắt chặt mối quan hệ hợp tác với các trường để phát huy đóng góp của những nhà khoa học giàu kinh nghiệm cũng như của những nhà nghiên cứu trẻ năng động và nhạy cảm với cái mới ở đây. Chỉ có như vậy thì giới khoa học nước ta mới khắc phục tình trạng tách rời nghiên cứu với giảng dạy và nhân lên sức mạnh của cả hai.

Chúc mừng tuổi 65 của Viện Văn học, chúng tôi hy vọng rằng đây mãi là nơi kết nối, tập hợp giới nghiên cứu, phê bình, giảng dạy văn học trong những hoạt động có ý nghĩa, làm phong phú đời sống tinh thần của đất nước. 

Cơ quan và trụ sở Viện Văn học - nơi Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi, Cao Xuân Huy, Trần Thanh Mại, Cao Huy Đỉnh, Phạm Thiều, Nam Trân, Đỗ Đức Dục, Đào Phương Bình, Nguyễn Đức Vân, Hoàng Trung Thông… từng làm việc - xứng đáng được bảo trì và xây dựng thành một địa chỉ văn hóa của thủ đô.

(*) Các tít xen trong bài do Tuổi Trẻ Online đặt.

Nguồn: https://tuoitre.vn/vien-van-hoc-nhin-ve-tuong-lai-20181124150348569.htm

20180825 Nguyen Du          

          Thác là thể phách - còn là tinh anh

          (Nguyễn Du)

          Cúng mười loại cô hồn là loại hình văn hóa nghi thức Phật giáo dùng trong ngày rằm tháng bảy hàng năm, để siêu thoát cho các cô hồn trong lục đạo được ăn uống tránh đói khổ, siêu sinh lên cõi trời thanh tịnh, lạc đạo. Với mười loại cô hồn, bài Văn tế thập loại chúng sinh (gọi tắt là Văn tế) tương truyền là của Nguyễn Du không những chủ yếu trong nghi thức mà còn là một tác phẩm văn học Nôm có giá trị.

          Trước tiên chúng tôi tìm về lễ nghi thí thực mà đến nay bài văn này vẫn dùng trong cúng cô hồn ngày rằm tháng bảy. Khi nghiên cứu về văn bản Văn tế, các học giả đi trước cũng nhìn nhận rằng, bài văn được dùng trong lễ nghi Phật giáo, tuy nhiên chưa ai tìm nguồn gốc chuyển thể, phóng tác tác phẩm. Nguồn gốc khoa cúng thí thực từ câu chuyện trong Phật kinh bảo điển, cho biết Diện Nhiên thị hiện cho A Nan và đức Phật dạy nghi thức cúng thí thực. Các bản kinh Phật về thí thực và lễ nghi được lưu lại rất đầy đủ trong bộ Mật tông của Đại tạng kinh do Thật-xoa-nan-đà, Kim Cương Trí và học trò là Bất Không chuyển dịch như: Thí chư ngạ quỹ ẩm thực cập thủy pháp, Du-già tập yếu cứu A-Nan Đà-la-ni nghi quỹPhật thuyết Cứu Diện nhiên ngạ quỹ đà la ni thần chú... hoặc các bản nghi thức trong Vạn tục tạng kinh của các tác giả đời Minh Thanh.

          Trong bộ Mật tông của Đại tạng kinh như 瑜 伽 集 要 焰 口 施 食 儀 Du già tập yếu Diệm khẩu thí thực nghi, 1 quyển không rõ dịch giả, ghi rõ nghi thức cúng thí thực vào rằm tháng bảy. Khoa nghi tổng hợp các chân ngôn, các lời chú, quyết, bao gồm thân, khẩu, ý trong hành trì của Mật tông để đạt hiệu quả dẫn dụ cho cô hồn, ngạ quỹ được cứu vớt, thoát khỏi địa ngục khổ đói. Về sau, sự kết hợp tín ngưỡng bản địa Trung Quốc và Mật tông đã cho ra đời nghi thức cúng Thủy lục chư khoa bởi pháp sư Bất Động ở núi Mông Sơn. Đàn cúng Mông Sơn ngày nay vẫn thịnh hành trong nghi thức cúng ngày rằm tháng bảy ở Trung Quốc cũng như Việt Nam. Tuy nhiên trong văn bản Hán thì khoa cúng Mông Sơn là một dạng tổng hợp và rút gọn của Nghi quỹ thí thực. Có thể nói bản Nghi quỹ thí thực do Châu Hoằng Vân Thê hiệu chỉnh là chuẩn mực cho các bản về sau, đồng thời cũng đơn giản hơn. Ông không những hiệu chỉnh mà còn chú giải tường tận cho Nghi quỹ Du già truyền bản sang Việt Nam.

          Chúng tôi chưa có điều kiện khảo cứu kĩ về khoa cúng thí thực ở Việt Nam,nhưng theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang thì từ thời Trần đã có nghi thức cúng cô hồn, cho biết Huyền Quang đã từng đăng đàn chẩn tế. Đồng thời trong các chùa Việt lưu truyền sách Bảo Đỉnh hành trì tập hợp khoa nghi bí mật nội truyền do Huyền Quang tổ sư soạn thảo cũng phần nào nói lên việc thịnh hành nghi thức Phật giáo. Hơn thế, các bộ sách sử như Việt sử lược, Đại Việt sử kí toàn thư.... đều ghi chép đời Trần nước ta đã xin vua Tống Đại tạng kinh. Điều này phần nào nói lên Nghi quỹ thí thực tồn tại ở nước ta từ rất sớm. Thời Lê - Trịnh - Nguyễn, đàn Thủy lục được Chuyết Chuyết tiến hành để bảo dương độ âm cho tướng sĩ bại vong trong chiến tranh được nhiều tư liệu Hán Nôm ghi lại. Bộ Thủy lục từ bản Chân Nguyên (1709) đến bản gần đây nhất là năm 1894 đã trải qua nhiều lần in nhưng nội dung không có nhiều dị biệt. Ngoài ra, bản Tiểu Du già thí thực pháp, cũng được Phúc Điền hòa thượng cho khắc in tại chùa Đại Quang xã Phú Nhi (Sơn Tây - Hà Tây) năm Thiệu Trị 4 (1844) đầy đủ nghi tiết cúng Thí thực cho cô hồn, giống bản của Châu Hoằng đời Minh. Điều này cho biết vào thời Lê - Trịnh và sang thời Nguyễn nghi thức cúng cô hồn rất thịnh hành ở nước ta, truyền thừa từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng giống như các truyền bản văn học cùng thời, và việc biên dịch Văn tế từ Hán sang văn bản Nôm là điều có thể.

          Bài Văn tế bao gồm 184 câu, chia ra làm ba phần chính: Phần đầu giới thiệu cảnh não nề của tháng bảy mưa dầm sùi sụt, cảnh lặng lẽ man mác, buồn thương...; Phần thứ hai nói rõ mười loại cô hồn, đây là phần chính của bài văn; Phần cuối kết luận, mở hướng cho con người đi vào con đường lương thiện, theo cầu đạo Phật từ bi để không sa đọa vào cô hồn quỷ đói. Cả ba phần đều với giọng văn thê thiết, vạch hướng con người đi vào con đường từ bi lương thiện để thoát khỏi cảnh tai ương khổ ai của kiếp nhân quả luân hồi.

          Phần thứ hai, tức phần chính bao gồm 10 loại cô hồn chúng tôi thấy có nhiều điểm tương quan với Nghi quỹ Du già thí thực. Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi so sánh văn bản Hán là Du già tập yếu thí thực nghi quỹ  瑜 伽 集 要 施食 儀 軌 (gọi tắt là bản Du già) do Châu Hoằng đời Minh soạn với bản Văn tế được GS. Hoàng Xuân Hãn giới thiệu. Chúng tôi sẽ lấy bản Hán làm bản chính, để so sánh sự thay đổi thứ tự trong hai bản.

So sánh “thập loại cô hồn” trong hai bản:

Bản Du già Bản Văn tế

1. Vua chúa vương hầu.

2. Anh hùng tướng soái.

3. Tể thần.

4. Văn nhân tài tử.

5. Tăng ni - xuất gia.

6. Đạo sĩ.

7. Buôn bán chết xa.

8. Binh lính chết trận.

9. Mẹ con sản nạn.

10. Man rợ, điếc, mù,...

11. Mỹ nhân khuê các.

12. Đói, rét... chết nạn.

13. Tổng hợp “thập loại cô hồn” trong “lục đạo”.

1. Vua chúa bị giết.

2. Quý nữ liều thân.

3. Tể thần thất thế.

4. Đại tướng bại trận.

5. Ham giàu chết đường.

6. Ham danh chết quán.

7. Buôn bán chết xa.

8. Binh lính chết trận.

9. Kĩ nữ cô đơn.

10. Chết bởi nghèo nàn tai họa.

          Tuy hai bản con số cô hồn liệt kê khác nhau nhưng hệ số cô hồn được ấn định là con số 10 (thập loại). Đồng thời “thập loại cô hồn” là số phiếm chỉ cho tất cả các loại cô hồn tồn tại trong “lục đạo”. Các bản trong Đại tạngVạn tục tạng hay các nghi thức dân gian đều ghi là 10 loại cô hồn (thập loại cô hồn) nhưng không bản nào cố định con số 10 loại. Bản Văn tế tóm gọn là 10 loại cô hồn nhưng loại thứ 10 nếu chia nhỏ ra thì cũng có thể thành 13 loại, như bản Du già. Tuy số loại cô hồn trong hai bản về cơ bản không khác nhau, nhưng thứ tự các loại cô hồn cũng như loại cô hồn trong hai bản khác nhau.

          Điều đáng nói là bản Văn tế - bản Nôm, tác giả đã không kể người Tăng ni xuất gia đầuPhật và Đạo sĩ như trong bản Du già. Chúng tôi không rõ tác giả có dụng ý gì khi loại trừ hai loại cô hồn trên. Các bản Nghi quỹ Du già không loại trừ Tăng ni xuất gia và Đạo sĩ trong “lục đạo cô hồn”, cho thấy hoàn toàn phù hợp với thế giới quan của Phật giáo.

          Bản Du già và Văn tế có nhiều điểm giống nhau trong phân loại cô hồn, điều đó thể hiện trên phương diện nào đó của ngôn ngữ cũng như dụng ý. Tuy nhiên, từ một văn bản Hán theo lối của bản Du già, tác giả Văn tế đã phóng tác uyển chuyển thành dạng văn song thất lục bát:

          Ví dụ đoạn 2 bản Du già:

      一心 召 請。 築 壇 拜 將。 建 節 封 侯。 力 移 金 鼎 千 鈞 。 身 作 長 城 萬 里。(白) 霞 寒 豹 帳。 徒 勤 汗 馬 之 勞。 風 息 狼 煙。 空 負 攀 龍 之 望。 (嗚 呼) 將 軍 戰 馬 今 何 在。 野 草 閒 花 滿 地 愁 。 如 是 英 雄 將 帥 之 流。 一 類 孤 魂 等 眾(云 云)。

Phiên âm:

          Nhất tâm triệu thỉnh: Trúc đàn bái tướng, kiến tiết phong hầu. Lực di kim đỉnh thiên quân, thân tác trường thành vạn lí. Bạch hà hàn báo trướng, đồ cần hãn mã chi lao; Phong tức lang yên, không phụ phan long chi vọng. Ô hô ! Tướng quân chiến mã kim hà tại; Dã thảo nhàn hoa mãn địa sầu. Như thị anh hùng tướng suất chi lưu, nhất loại cô hồn đẳng chúng v.v...

Dịch nghĩa:

          Một lòng triệu thỉnh: xây đàn bái tướng, dựng tiết phong hầu. Sức dời kimđỉnh nghìn cân, thân làm trường thành muôn dặm. Bạch sương hàn trướng báo, uổng sức trâu ngựa nhọc nhằn; gió tạnh lang yên, luống phụ vương hầu ngóng vọng. Ô hô ! tướng quân chiến mã nay đâu tá; Cỏ dại hoa suông khắp đất buồn. Đấy là loại cô hồn anh hùng tướng soái.

Với đoạn 4 - Đại tướng bại trận, bản Văn tế:

Nào những kẻ bài binh bố trận

Vâng mệnh sai lĩnh ấn nguyên nhung

Gió mưa thét rống đùng đùng

Phơi thây trăm họ làm công một người

Khi thất thế cung rơi tên lạc

Bãi sa trường thịt nát máu trôi

Bơ vơ góc bể chân trời

Bó thân da ngựa biết vùi vào đâu

Trời xâm xẩm mưa gào gió thét

Khí âm ngưng mù mịt trước sau

Năm năm sương nắng dãi dầu

Còn đâu tế tự, còn đâu chưng thường.

          Cho thấy văn bản phóng tác uyển chuyển mạch lạc và phần nào nói rõ hơn dụng ý cũng như mặt ngôn ngữ Việt hàm súc mà bản Văn tế dường như không hề dịch sát nguyên văn từ bản Du già, tuy nhiên âm hưởng buồn và tình tiết có nhiều điểm tương tự.

Để thấy rõ hơn chúng tôi dẫn dụ so sánh đoạn 11 của Du già:

      一 心 召 請 。 宮 幃 美 女 。 閨 閣 佳 人。 臙 脂 盡 面 爭 妍。 龍 麝 薰 衣 競 俏。 (白) 雲 收 雨 歇 。 魂 消 金 谷 之 園 。 月 缺 花 殘 。 腸 斷 馬 嵬 之 驛 等 (嗚 呼) 昔 日風 流 都 不 見。 綠 楊 芳 草 髑 髏 寒。 如 是 裙 釵 婦 女 之 流。 一 類 孤 魂 眾(云 云)。

Phiên âm:

          Nhất tâm triệu thỉnh: Cung vi mĩ nữ, khuê các giai nhân. Yên chi họa diện tranh nghiên, long xạ huân y cạnh tiếu. (Bạch), vân thu vũ yết, hồn tiêu Kim Cốc chi viên; Nguyệt khuyết hoa tàn, trường đoạn Mã Ngôi chi dịch. Ô hô! tích nhật phong lưu đô bất kiến; Lục dương phương thảo độc lâu hàn. Như thị quần thoa phụ nữ chi lưu, nhất loại cô hồn đẳng chúng ,... v. v....

Dịch nghĩa:

          Một lòng triệu thỉnh: mỹ nữ cấm cung, giai nhân khuê các. Phấn son vẽ mặt đua duyên, áo ướp xạ hương khoe sắc. (Bạch) mây tạnh mưa tan, hồn về vườn cũ Kim Cốc; Trăng khuyết, hoa tàn, ruột đứt trạm quán Mã ngôi (như Dương Quý Phi thời Đường). Ô hô ! Dấu xưa phong lưu giờ đâu thấy; cỏ thơm liễu biếc đống xương tàn. Như vậy là loại cô hồn quần xoa phụ nữ.

Với đoạn 2 -Quý nữ liều thân, bản Văn tế:

Nào những kẻ màn lan trướng huệ

Những cậy mình cung Quế Hằng nga

Một phen thay đổi sơn hà

Tấm thân mảnh lá biết là làm sao

Lên lầu cao, xuống dòng nước chảy

Phận đã đành trâm gãy bình rơi

Khi sao đông đúc vui cười

Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương

Thảm thiết nhẽ không hương không khói

Hồn vẩn vơ bãi cói ngàn sim

Thương thay chân yếu tay mềm

Càng năm càng héo, càng đêm càng dàu.

          Qua so sánh cho thấy hai văn bản có sự dị biệt không nhỏ. Bản Du già mang tính chất quy phạm, ước lệ và sáo mòn. Từ vua chúa công hầu, khanh tướng mang tính chất ước lệ như đưa hình ảnh Lưu Bang vua Hán dựng đàn bái Hàn Tín làm tướng, hay một thân phận Dương Quý Phi khi đến Mã Ngôi bị vua Đường giết (Châu Hoằng chú bản Du già), v.v...Tính chất ước lệ tượng trưng thể hiện rõ trong quan điểm đạo đức tôn ti trật tự từ cao xuống thấp, đứng đầu là vua rồi dần dần thấp hơn trong thứ bậc. Đồng thời, hình thức diễn đạt của văn bản thuần túy là một nghi thức bao gồm các phần “nhất tâm triệu thỉnh”, “ô hô”, “bạch”,... trong mỗi loại cô hồn, cũng như chủ thể tác giả hoàn toàn cách biệt, không gắn sự thương cảm trong ngôn ngữ tác phẩm. Trong khi tác phẩm Nôm Việt, tác giả bản Văn tế đã đứng trong cái bi thương của kiếp người để viết lên những trang từ lòng người. Vị thế của người viết đã khác với bản Du già, hòa nhập trong ngôn ngữ, chủ động và sáng tạo. Giữa hai bản thì bản Văn tế uyển chuyển và tình cảm, cái tôi thương cảm của tác giả thể hiện đến với từng thân phận con người. Bản Văn tế không có cái tính chất sáo mòn của nghi lễ, mỗi thân phận cô hồn đều được nhìn trên nhiều góc độ, của chủ nghĩa nhân đạo. Hơn thế, tác giả không chỉ hòa nhập trong bối cảnh, hòa mình trong bài Văn tế mà còn đứng trong vai trò khách quan với tâm thái của người ở trên tất cả, để nhìn nhận xuống bên dưới là vua tôi khanh tướng. Cái tâm thái đó thể hiện của người “bề trên” khi tác giả gọi vua tôi, khanh tướng đều là “kẻ”:

          “Nào những kẻ tính đường kiểu hạnh” (nói về vua chúa bị giết, câu 21).

          “Nào những kẻ màn lan trướng huệ” (nói về quý nữ liều thân, câu 33).

          v.v...

          Nhưng cũng là cái tâm thái nhập vào ngôn ngữ đau thương cho thân phận con người. Dưới đây tác giả than cho thân phận phụ nữ:

          “Đau đớn thay phận đàn bà

          Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu”

(câu 116).

          hay thương cảm cho người tướng bại trận:

          “Bơ vơ góc bể chân trời

          Bó thân da ngựa biết vùi vào đâu”

(câu 64).

          Từ so sánh chúng tôi nhận định:

          - Trong văn bản Hán cũng như Nôm đều ghi là “thập loại chúng sinh” tức là 10 loại cô hồn. Tuy nhiên trong cả văn bản Nôm và Hán đều không dừng lại ở con số 10, mà là đến 13 loại cô hồn và mở ra con số không cố định. Trong nhân sinh quan Phật giáo, 10 loại cô hồn chỉ là dạng tượng trưng trong tổng thể các loại cô hồn trong “lục đạo”.

          - Vị thế tác giả tác phẩm là hoàn toàn chủ quan. Tác giả nhìn nhận tất cả các loại cô hồn bằng tình cảm nhân đạo, bằng vị thế bao trùm, tổng quát nhưng không mất đi tình cảm đau thương. Điều này có phần thích hợp với giai đoạn xã hội có nhiều biến chuyển cuối Lê đầu Nguyễn, đất nước loạn ly, nhân dân khổ sở, đói rách mà tâm thức tác giả với vị vua sáng tướng hiền không còn. Bộ mặt xã hội thể hiện trên sự miêu tả các loại cô hồn, tác giả đã đồng cảm, thương cảm cho kiếp người cũng như cho chính bản thân tác giả trong sự bế tắc, bộ mặt đau thương của xã hội.

          - Dụng ý ban đầu của chúng tôi dựa trên nội chứng của văn bản để xác định tác giả, và không loại trừ khả năng tác giả bài Văn tế không phải là Nguyễn Du. Tuy nhiên quá trình so sánh, nhìn nhận trong tương quan thời đại và con người, ngôn ngữ và văn bản thì dần chúng tôi thấy đồng cảm hơn với các học giả đi trước như cụ Lê Thước, GS. Hoàng Xuân Hãn khi cho rằng tác giả bài Văn tế là Nguyễn Du.

          - Nguyễn Du đã phóng tác bài Văn tế từ một khoa nghi Phật giáo, khoa cúng Du già, chuyển thể một dạng thức Hán văn 10 loại cô hồn thành một bài Văn tế uyển chuyển về văn từ và ngữ nghĩa. Bản Nôm có phần mở đầu, phần giữa và kết thúc dễ đọc dễ thuộc và không khó trong phổ biến, tạo hiệu quả tốt hơn cho người đọc người nghe trong con đường hướng thiện mà sự biểu hiện của dạng thức nghi thức là phương tiện dẫn dụ.

          Nhiều người đã tiến hành phân tích cũng như nói về nghệ thuật ngôn ngữ của tác giả Nguyễn Du trong diễn tiến văn bản Nôm. Chúng tôi không nghĩ có thể tiến sát đến dụng ý của tác giả, nhưng thông qua nghệ thuật ngôn ngữ phần nào có thể tiếp cận con người và thời đại đã đản sinh nên áng văn chương này.

          Tác giả đã có nhiều thủ pháp khi sử dụng nhiều cặp đối nhau trong các câu tám (của câu lục bát), ngắt câu thành hai, mỗi bên 4 chữ tạo nên cặp tiểu đối rất chỉnh thể. Mỗi câu có một vế đối trong chỉnh thể của nó, tạo thành cặp đối, tạo nên nhịp điệu cho câu và nhấn mạnh ý nghĩa cần diễn đạt. Câu hàm súc hơn cũng như uyển chuyển hơn. Dưới đây là một vài ví dụ để thấy rõ thủ pháp sử dụng ngôn từ một cách điêu luyện của tác giả:

“Ngàn lau khảm bạc; giếng ngô rụng vàng” (câu 4)

“Máu tươi lai láng; xương khô rã rời” (câu 28)

“Đã đêm Quản Cát; lại ngày Y Chu” (câu 48)

          .....

          Cho thấy, các vế tạo nên một cặp đối tương xứng về nhịp điệu âm vận bằng trắc, như “Anh em: thiên hạ” đối với “láng giềng: người dưng” (câu 88) hay “Ư ư tiếng khóc” với “xót xa nỗi lòng” (câu 128). Đồng thời cũng đối cả các cặp từ láy luyến, tạo nên hiệu quả đặc biệt cho ngôn ngữ biểu cảm. Số lượng câu tiểu đối trong toàn bài là 13 câu, chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong chỉnh thể một cặp thơ song thất lục bát.

          Hơn nữa, bài Văn tế có rất nhiều cặp từ láy luyến. Đây cũng là điều rất đặc biệt trong phong cách sử dụng ngôn ngữ của tác giả. Các cặp láy luyến như: “xùi xụt” (câu 1), “man mác” (câu 5), “lác đác” (câu 6), “thiết tha” (câu 7), “tối tăm” (câu 9),.... Toàn bài gồm 45 cặp láy đôi như vậy.

          Ngoài ra còn các dạng thức láy ba, láy bốn khác mà chúng tôi chưa khảo cứu kỹ lưỡng. Đồng thời, phương diện ngôn ngữ chúng tôi cũng chỉ nêu các cặp láy mà thôi chứ không phân tích về hình thức láy âm, láy vận, láy phụ âm hay nguyên âm,....

          Tạo nên cú pháp với các điệp láy, tác giả đã làm cho hiệu quả câu thơ uyển chuyển hơn, dễ đọc, hàm xúc và đảm bảo biểu đạt trong ngôn ngữ. Văn tế sử dụng trong nghi thức Phật giáo, cúng ngày rằm tháng bảy nên phương diện ngữ âm đọc đạt được hiệu quả, giọng điệu ngâm nga phù hợp cũng như tạo nên âm hưởng thê thiết, bi thương.

          Dụng pháp trong ngôn ngữ Phật giáo đã được tác giả Nguyễn Du sử dụng nhuần nhuyễn qua hình ảnh tôn giáo nằm sâu trong lớp lang văn hóa của bài Văn tế. Là một văn bản chuyển thể từ dạng thức Hán sang Nôm, tác giả đã vượt qua cái khô cứng của ngôn ngữ văn chương biền ngẫu Hán, một văn bản ngôn ngữ Phật giáo để chuyển thể sang ngôn ngữ Nôm Việt thuần tuý, gần gũi và thuần phác, có tính chất bác học. Chúng tôi muốn nói tới hệ thống văn hóa Phật giáo trong bài Văn tế, để có thể nhìn nhận một khía cạnh nào đó trong tư tưởng của tác giả thông qua thế giới quan Phật giáo phổ hợp lên dạng thức ngôn ngữ Nôm Việt.

          Thực ra, Nguyễn Du không sử dụng quá nhiều thuật ngữ Phật giáo trong toàn văn, duy chỉ phần thứ tư “cầu Phật giải thoát cô hồn” là dẫn dụ một số thuật ngữ Phật giáo, nhưng hàm ý của toàn bài văn mang nội dung tín ngưỡng tôn giáo cũng như một nội hàm triết thuyết. Ngay như phần đầu tác giả viết:

“Muôn nhờ Phật lực từ bi

Giải oan cứu khổ hồn về Tây phương” 
(câu 20)

          Đã rõ ràng cho thấy một dạng thức của tư tưởng người Việt trong cảm quan văn hóa Phật giáo thể hiện qua ngôn ngữ. Hồn được giải oan cứu khổ, không xa rời kinh điển Phật giáo, Phật thuyết Cứu Diện nhiên ngạ quỷ đà la ni thần chú trong bộ Mật tông nói về cúng thí thực cô hồn, để cô hồn “thoát khỏi quỷ đói để sinh lên cõi trời” (li ngạ quỷ chi khổ, đắc sinh thiên thượng  離 餓 鬼 之 苦 得 生 天 上). Nhưng rõ ràng ngôn ngữ gần gũi với người Việt, gần gũi với tín ngưỡng siêu sinh Tây phương cực lạc, như hình thức tôn thờ Phật Di lặc và Bồ tát trong dân gian. “Giải oan cứu khổ” đã gắn với ngôn ngữ đời thường, gắn với cuộc sống của con người mong cầu vượt qua được “oan”, “khổ” để đạt đến cuộc sống lương thiện tốt đẹp. Như đoạn cuối cũng viết “nhờ Phật lực siêu sinh Tịnh độ...”, cả đoạn này về sau đều hướng con người đến với Phật pháp, để được siêu thoát khỏi kiếp đời khổ đau này. Tác giả viết:

“Ai ai lấy Phật làm lòng

Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi” 
(câu 172)

          Cho thấy sự đúc kết lại là con người nên lấy tâm làm tâm Phật, “tâm tức thị Phật” thì có thể thành chính quả, đến với cõi trời thanh tịnh, không phải chịu cảnh khổ đau nữa.

          Toàn bài văn là không gian ảm đạm thê lương của “tiết tháng bảy”. Cõi âm như được tái hiện trên cõi dương bằng hiện thân của các loại cô hồn trong xã hội. Phải chăng đây cũng là bộ mặt xã hội mà tác giả dụng ý thể hiện qua hình thức ngôn ngữ, phần nào nói lên cái đau đời trong tâm thức của ông ? Có thể nói Nguyễn Du đã đau cái đau của nhân gian, của xã hội trong một giai kì biến loạn. Bản Văn tế không chỉ là một nghi thức trong khoa cúng thí thực chẩn tế cô hồn ngày rằm tháng bảy hàng năm mà hơn thế là bộ mặt của một giai đoạn tăm tối, nhân dân khổ cực, chiến tranh và đói khát gắn liền đưa con người vào vòng khổ não.

          Chưa phải kết ngữ cho nghiên cứu về Nguyễn Du, những cố gắng của chúng tôi chỉ nhằm làm rõ hơn con đường chuyển thể từ Hán sang Nôm của bài Văn tế. Bài Văn tế đã thể hiện được nhuần nhuyễn, sinh động và bi thương hơn trong dạng thức Nôm Việt. Đồng thời cho thấy tác giả gửi gắm tâm sự với chúng sinh, hướng thiện con người sống theo đạo từ bi Phật giáo. Nhân sinh quan của tác giả đặt trong thế giới quan Phật giáo thể hiện tấm lòng nhân đạo thiết tha với đất nước với dân tộc trong giai kì nhiều biến chuyển.

Tài liệu tham khảo

(1) Nguyễn Du: Chiêu hồn thập loại chúng sinh, T.T Thích Tâm Châu đề tựa, Đàm Quang Thiện hiệu chú, Nam Chi Tùng thư xuất bản, Sài gòn 1965, tr.64, 65.

(2) La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Tập 3, Nxb. Giáo dục, H. 1998, tr.1292.

(3) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, H. 2000.

(4) Lê Thánh Tông, Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, trong Hồng Đức quốc âm thi tập, Phan Trọng Điềm - Bùi Văn Nguyên, phiên âm, sưu tầm, giới thiệu, Nxb. Văn hóa, Viện Văn học, H. 1962.

(4) Ứng phó dư biên tổng tập, kí hiệu AB.658 và AB.21, tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(5) Thủy lục chư khoa, Chân Nguyên Tuệ Đăng in năm Vĩnh Thịnh 5 triều Lê (1709), ký hiệu AC.691 và AC.340 tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(6) Thủy lục chư khoa, in năm Thành Thái thứ 6 (1894) gồm 6 tập 30 quyển trong đó có khoa Mông Sơn, trùng san tại Vĩnh Phúc hợp phái Phù Lãng, Vũ Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh, bản lưu tại chùa Ngọc Quán, Hà Nội.

(7) Tiểu Du già thí thực pháp, kí hiệu AC.961, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hòa thượng Phúc Điền in tại chùa Phú Nhi xã Đại Quang, Sơn Tây, năm 1844.

(8) Du già tập yếu diệm khẩu thí thực nghi T.21, Đại tạng kinh, kí hiệu: No.1320.

(9) Phật thuyết Cứu Diện nhiên ngạ quỹ đà la ni thần chú, Đại tạng kinh, No.13114.

(10) Vạn tục tạng kinh, quyển 59:

Kí hiệu 1080 - Du già tập yếu thí thực nghi quỹ - Châu Hoằng triều Minh trùng đính.

Kí hiệu 1081 - Tu thiết Du già tập yếu thí thực đàn nghi chú - Châu Hoằng bổ chú.

Kí hiệu 1082 - Ư mật sâm thí thực chỉ khái - Pháp Tạng triều Thanh viết.

Kí hiệu 1083- Tu tập Du già tập yếu thí thực đàn nghi - Pháp Tạng triều Thanh viết.

Kí hiệu 1084 -Du già diệm khẩu chú tập toản yếu nghi quỹ - Tịch Cù đời Thanh soạn./.

Phạm Tuấn

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (75) 2006; tr. 50-57, phiên bản trực tuyến ngày 27.11.2006.

Trong suốt cuộc đời nghệ thuật của mình, Lưu Quang Vũ luôn hiện diện ở vị trí đầu tiên, hàng thứ nhất, cánh chim bay đơn, trước khi trở thành cái trang giấy kỳ lạ, trang-không/chưa-trang, tranggiữa-hai-trang, trong “cuốn sách xếp lầm trang” “rối bời” như lời thơ của ông.

20181116 Luu Quang Vu

Ảnh: internet

Thuở ban sơ, người ta biết tới ông cũng đủ ở những cái viết, thơ của Hương cây (in chung với Bằng Việt, Nxb. Văn học, 1968); truyện của Một vùng mặt trận (in chung với Thế Long, Nxb. Phụ nữ, 1980), Người kép đóng hổ (Nxb. Hà Nội, 1983), Mùa hè đang đến (Nxb. Tác phẩm mới, 1983); phê bình của Diễn viên và sân khấu (in chung với Vương Trí Nhàn, Xuân Quỳnh; Nxb. Văn hóa, 1979), và kịch, rất nhiều, trước và khi ông khảng khái “Tôi và Chúng ta”, nhưng chưa đủ ở những cái biết: một gương mặt “trung hậu” phủ lấp trong sâu xa gương mặt khác, “buồn như sỏi dưới hang sâu”(1), chỉ được lần giở vào mãi sau này.

Là người tiên phong, Lưu Quang Vũ lập chí và lập ngôn, gián tiếp nhờ cái tôi trữ tình trong thơ, nhân vật trong truyện, diễn viên trong kịch. Khi trực tiếp, ông nói: “Trong quan niệm của tôi, thơ và kịch rất gần nhau. Có lẽ thơ với kịch còn gần nhau hơn là thơ với văn xuôi. Đều là hai thể loại lớn và khó của văn học, thơ và kịch đều là sự sống và thế giới bên trong của con người ở dạng tinh chất, cô đọng và mãnh liệt nhất. Đối với tôi, kịch cũng là một thứ thơ được trình bày trong không gian và thời gian kỳ diệu của sân khấu, thông qua diễn xuất của diễn viên”(2). Sự gặp gỡ giữa thơ và kịch, ở Lưu Quang Vũ, vì vậy, đánh dấu “những ngày đẹp nhất”, khi “người trai phiêu bạt” “mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật” nguyện trở về để viết tặng “vở kịch lớn, bài thơ hay nhất”. Chuyến trở về ấy, không ngờ, lại trở thành chuyến đi, xa, mãi, hoàn hủy một-thân-phận-lưu-đày.

Có thể khẳng định, Lưu Quang Vũ là một kẻ đi không dừng lại, tự lần đi, bị đẩy đi, một đám mây phiêu dạt trên vùng trời thành phố thân yêu, tổ quốc bao la thương mến. Nhưng có đích đến. Từ chân trời nghệ thuật này sang chân trời nghệ thuật khác. Trong nỗ lực khám phá không cùng chiều cao sâu cá nhân chiều rộng dài xã hội, thách thức và mời gọi năng lượng sáng tạo. Ông lầm lũi đi, ngạo nghễ đi, và những dấu chân viết nên lai lịch của một Kẻ Khác.

Mang một “trái tim trong trắng”, một lý trí và tình cảm lạc lõng và cô độc, sôi sục và thiết tha, dễ hiểu chàng trai 17 tuổi Lưu Quang Vũ sẽ “bầm dập” thế nào khi đi vào cuộc chiến và để cuộc chiến đi qua. Chỉ sau vài năm nhập ngũ, xuất ngũ, va đập với chiến tranh và cuộc đời, đã có một Lưu Quang Vũ hiện lên khác hẳn. Ông nhanh chóng tách ra khỏi dàn đồng ca những nhà thơ trẻ thời chống Mỹ, lạc quan, trong trẻo, tươi vui, để vùi sâu trong những vần thơ dữ dội, đau đớn, u buồn, xót xa. Cuốn sách xếp lầm trang(3) , Những bông hoa không chết(4) , những tập/bài thơ di cảo là một tiếng thơ khác hẳn, khi nhìn nhận về chiến tranh và cuộc đời. Sự buông bỏ ngợi ca và chối từ chiến tranh, ý thức khắc sâu vào nỗi đau và đổ vỡ, tôn trọng tâm sự và cảnh ngộ cá nhân,… hiện diện một cách đậm đặc trong những trang thơ này. Nó là một nhật ký khác, “nhật ký bằng thơ”, được Lưu Quang Vũ viết ra theo sự thôi thúc của bản thân, tự chữa lành những vết thương do cuộc chiến phạt ngang tuổi xuân của mình: Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông/ Ta kịp biết gì đâu/ Vừa hết trẻ con đã là người lính/ Cô bạn gái cánh tay trần rám nắng/ Ngực phập phồng thở mạnh đến lo âu/ Đừng nói với ta những lời hào nhoáng về chiến tranh/ Tuổi trẻ ta đã qua bạn bè ta đã chết/ Ta đã vượt bao đèo cao chót vót/ Bao điều nhà trường chẳng dậy cho ta/ Nghĩ lại giễu cười những giấc mộng tuổi thơ/ Giờ trong ta vui buồn đều nín lặng/ Một thế hệ cứng đi như thỏi sắt/ Nhưng xoáy ngầm vẫn cuộn ở lòng sông (Những bông hoa không chết).

Chưa bao giờ muốn đứng trong mọi hàng ngũ, với chiến tranh, Lưu Quang Vũ chọn cho mình một đội ngũ, để đến khi cả đội ngũ ấy bị chiến tranh “tôi luyện” “cứng đi như thỏi sắt”, ông thấu thị và rơi vào đáy thẳm của cô đơn cùng cực: Sao tôi lại muốn em tin/ Khi chính tôi cũng chẳng tin ai cả/ Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ/ Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào/ Bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao/ Giữa sự thông minh của đông vui bè bạn/ Vứt sách xuống gầm bàn đi ra mặt trận/ Tôi là người lính cô đơn ở giữa trung đoàn/ Bao lâu rồi vẫn chỉ có thế thôi/ Nỗi cô đơn hoàn toàn nỗi cô đơn khủng khiếp/ Trước và sau trong và ngoài cuộc đời và trang sách... (Mấy đoạn thơ). Trong khủng hoảng ấy, thơ thành người bạn cố tri, nơi chốn thân yêu cho người nghệ sĩ đi về. Và chính ở trong sự xoa dịu chấn thương, để vượt qua cái chết và nỗi sợ, được sống trong sạch và trung thực, thơ Lưu Quang Vũ đã làm nên sự khác biệt. Như đã nói, sự khác biệt trước nhất ở trong những bài thơ chép trong sổ tay, chỉ đọc cho nhóm nhỏ bạn bè mà không hề in ấn. Những vần thơ hoang mang, dằn vặt, đớn đau trong cách ông đơn độc đi tìm bản thể mình, cũng đang hoang mang, dằn vặt, đớn đau trước những khúc ngoặt của cuộc sống. Những vần thơ ấy đã định hình một Lưu Quang Vũ khác, dù từ Hương cây, thơ ông đã khác, nhưng đến đây là một khác hẳn trong những vần thơ chiến cuộc, lạc hồn, lạc điệu, lạc giọng xung quanh, để chỉ không lạc lõng (đường) nguyện đã chọn. Đó là kết quả từ ý chí của hành nhân mà bước chân đã trải không ít “hồ nghi giữa đường phố xôn xao”, bế tắc không “biết làm gì” “biết đi đâu” trong “tối đen thành phố đêm lưu lạc”. Đó là biểu hiện ý thức tự nhiệm của “gã làm thơ da vàng/ không đêm nào ngủ được” bởi ước mơ “đi mở những cánh cửa” “suốt đời đi mở những cánh cửa” với tinh thần trung thực tuyệt đối ở mỗi cái nhìn, mỗi niềm tin, trong khao khát “nói hết sự thực/ về đất nước của mình”.

Thơ ông phản tỉnh ngay giữa cuộc chiến, ở chiều sâu nhất của nó, khi nhận ra cái đổ nát của cuộc đời và lòng người, cái lý tưởng mà người ta phụng thờ và hiện thực trơ tráo: tuổi trẻ chúng tôi tìm gặp nhau/ đặt lại những câu hỏi/ về cuộc chiến tranh này/ về mọi giá trị trên đời/ nguồn gốc những nguyên nhân/ của chém giết và thù hằn/ bất công và đói rét/ cần phải làm gì/ để có lý do mà hy vọng? (Hồ sơ mùa hạ 1972). Ở hậu phương, nghe “tiếng loa vang tiếng nhạc kèn dồn dập”, xem “người ta truyền nhau bản tin”, Lưu Quang Vũ đau xót cho những người bạn, bầy em trên trận tuyến: thương nhớ bạn nơi chiến trường lầm lụi/ thương bầy em buổi sớm ấy ra đi/ trổ trên tay những hình vẽ dị kỳ/ bóng chúng ngã trên chang chang đất nắng? (Hồ sơ mùa hạ 1972), những đứa trẻ buồn ướt lạnh/ đường dài mặt trận nối nhau đi (Những đứa trẻ buồn).

Ngoái về quá khứ chiến tranh, cái cuộc chiến mà Lưu Quang Vũ không hết ngạc nhiên vì nhận thấy “ta cứ là viên đạn/ xoáy trong cuộc chiến tranh dài”, “lòng chỉ muốn yêu thương/ mà cứ phải suốt đời căm giận”, cái cuộc chiến đang giày vò, giằng xé, nghiền nát trái tim nhỏ bé “trong ngực ta đau buốt chiều nay”, Lưu Quang Vũ khát khao “chỉ xin được nói nỗi buồn có thực” về một băn khoăn: ta đã qua/ bao phố làng đổ sụp/ cổ nghẹn lòng thù hận/ nhìn bao em bé mồ côi/ mà sao chiều nay/ giết xong quân giặc/ chẳng thấy lòng thảnh thơi nhẹ nhõm/ chỉ nỗi buồn trĩu nặng/ dâng lên như đá trên mồ; và một sự thực: xác ngụy nằm ruồi muỗi bâu đầy/ những đôi mắt bệch màu hoa dại/ những gương mặt trẻ măng xanh tái/ những bàn tay đen đủi chai dầy/ các anh ơi, đừng trách chúng tôi/ các bà mẹ, tha thứ cho chúng tôi/ chúng tôi chẳng thể làm khác được/ quả đồi cháy như một phần quả đất (Những đứa trẻ buồn). Soi vào cuộc sống và trang thơ hiện tại, Lưu Quang Vũ thấy tủi hổ vì bất lực: mỗi phút sống của tôi đều có người đang chết/ mà bàn tay gầy guộc của tôi/ không che chở được ai/ trang giấy mỏng của tôi/ không ngăn nổi một viên bi độc ác (Hồ sơ mùa hạ 1972). Ông chẳng thể “kết thúc thơ mình/ bằng những lời tốt đẹp”. Bởi “giữa tột cùng đau khổ/ đâu dám ngồi chau chuốt mỗi câu thơ”. Bởi “lòng tôi làm sao tươi sáng được/ khi máu bầm khắp nơi”. Và bởi “đêm qua tôi đã chết/ với hàng ngàn mạng người”. Nhưng sẽ: từ than bụi tôi hiện hình trở lại/ mang đau thương đến trọn cuộc đời/ tôi sẽ xông vào mọi cuộc vui/ mọi buổi lễ uy nghiêm/ mọi bài ca lừa dối/ mọi quên lãng mọi nụ cười dễ dãi/ để nói về những xác chết cháy đen/ để nói về/ những xác chết cháy đen// kẻ làm chứng trung thành/ trước phiên tòa lịch sử (Khâm Thiên).

Thơ vì thế, phải đổi khác. Và ông tự nhủ một lựa chọn: Tôi ở cùng những chữ hôm nay/ Điều còn lại sau đường dài tôi vượt/ Những chữ lấm lem đứng dậy từ đời thật/ Tin yêu cuộc đời theo cách của tôi/ Những chữ đẹp xưa giờ tôi đuổi đi rồi/ Bao chữ mới đang ầm ầm đập cửa/ Thơ rộng dài cánh lớn hãy bay đi (Những chữ); thầm thì một nguyện cầu: Sao cho máu đừng chảy nữa/ Sao cho người lính trở về/ Lũ trẻ ngủ ngon/ Cái chết không cắt ngang giấc ngủ/ Nguyện cho phố tôi/ Không ai phải quanh năm túng đói/ Không còn ai bị mỏi mòn sỉ nhục/ Nguyện cho kẻ ốm mau lành/ Nguyện cho người tôi thương không phải khóc/ Nguyện cho lòng tôi đừng sợ hãi/ Nguyện cho lòng tôi đừng nguội lạnh tình yêu… (Cầu nguyện); thắp lên một hy vọng: những gương mặt trẻ/ mang đầy vết thương/ dù lạ dù quen/ ở đâu cũng nhận ra nhau/ chưa gặp đã cùng tiếng nói/ còn lũ thở ra bóng tối/ còn kẻ phá cầu ngăn lối/ nhưng chúng ta đã lớn lên/ không gì ngăn nổi/ trải qua mọi điều, không sợ hãi/ chúng ta đứng bên nhau/ sống chết với đất nầy (Những gương mặt); hướng tới một tương lai: hôm nay tất cả hãy về/ lối cũ, bờ đê/ những mắt bàng hoàng sau kính trắng/ những binh lính áo quần vằn vện/ những tướng già tóc bạc/ những kẻ lãng du những hồn uất hận/ anh em ruột thịt cầm tay/ lạy mẹ lạy thầy/ chúng con hư để thầy mẹ khổ/ từ nay chẳng tham lam mê muội nữa/ súng đạn người ném trả/ oán thù đổ xuống ao sâu (Tìm về).

Trong cái đổ nát hoang tàn của chiến tranh, sự ấu trĩ và mê muội của con người, Lưu Quang Vũ sớm nhận ra một thực tế: cùng làng chẳng nhận ra nhau/ thờ những vị thần xứ khác/ nghe lời kẻ ác/ súng đạn người bắn thịt xương ta/ đào huyệt hận thù/ chia miền cắt đất/ tin những chữ không hồn trong sách/ tìm kiếm mãi đâu xa. Ông mong mỏi “cái mối tình Lạc Việt” sẽ là phương cách để “tha thứ cho nhau”, để khi đã “hay mình có một làng quê” “có thể sống những ngày thương mến/ anh và em chẳng phải phụ tình nhau”. Thơ về chiến tranh của Lưu Quang Vũ, vì vậy, gắn liền nỗi đau cá nhân với tổ quốc, nghẹn ngào, bỏng rát: đốt lòng con tiếng chim như lụa xé/ hót lo âu trên ngọn tre làng (Tìm về). Đó là những chữ của ông, niềm tin yêu của ông, độc sáng, cố nhiên (vì chỉ) theo cách của ông.

Chỉ đến khi ông rời khỏi cõi trần ai này, trong không khí của cuộc Đổi mới, Vũ Quần Phương - một tiếng thơ chống Mỹ cùng thời với Lưu Quang Vũ, được tiếp xúc với Cuốn sách xếp lầm trang, đã “sửng sốt” mà nhận ra rằng “đây là một Lưu Quang Vũ khác, một Lưu Quang Vũ mà bạn bè còn ít biết tới. Ở đây anh cô đơn hơn, cay đắng hơn và nhiều ý nghĩ của anh bế tắc quá. Nhưng cũng chính ở đây anh viết thực chân thành, trái tim trần trụi nhoi nhóp đập sau nét chữ mảnh mai như chữ con gái - chưa bao giờ tôi thấy thơ Lưu Quang Vũ chân thành đến tàn nhẫn với chính mình như ở tập này. Anh ghi lên giấy tất cả những gì đã có ở lòng anh, không cần biết những ý tình ấy có phù hợp hay không với thời cuộc. Lưu Quang Vũ không gửi đăng ở đâu. Anh viết cho anh thôi, cho nhu cầu của riêng anh, trước hết. Nhưng chắc chắn anh tin rằng tập thơ sẽ có lúc được xuất bản vì một lý do đơn giản: nó hay, hay vì nó đã diễn đạt tinh vi được một tâm trạng mà tâm trạng đang cảm xúc cao độ những gì nó đang sống”(5). Có thể nói, Lưu Quang Vũ đã tỉnh thức những người làm thơ cùng thế hệ bởi sự phản tỉnh sớm của mình, ngay khi những dòng thơ nhật ký kia được trở lại. Ngày nay, thời gian lùi xa hơn, người đọc ít “sửng sốt” hơn, nhưng thấm thía sâu hơn, nhiều hơn, tình yêu và nỗi đau làm người lính, làm người trong nỗi bi ai của dân tộc mà Lưu Quang Vũ nhận thấy và lên tiếng: Mắt cá chân em bốc lửa/ Trong buổi chiều phiêu bạt/ Những chiếc xe bò đi vào thành phố// Cuộc chém giết lặng dần/ Các dũng sĩ thân tàn ma dại/ Đập nát những cây đàn quý/ Ngồi nướng thịt cóc ăn/ Con mèo đi hai chân/ Kêu lên tiếng trẻ khóc/ Tóc em bù rối tro than/ Tóc gió đen quanh cột đèn xiêu đổ/ Cổng nhà thờ gạch vỡ/ Lão ăn mày mù thổi sáo/ Điệu gọi hồn âm u/ Lũ trẻ mở nắp quan tài đứng dậy/ Mình quấn đầy vải liệm/ Chạy theo ta xin tiền/ Ngàn mũ sắt lặng im/ Trong ráng chiều đỏ rực/ Đã lâu không có con tàu nào cập bến/ Không con tàu nào ra đi/ Biết nói gì nữa em, cô gái hoang/ Của hải cảng tối/ Của tấm chăn nghèo thời chiến tranh phá hoại/ Của nỗi buồn nội chiến?/ Cô gái hoang tóc bay như bờm ngựa/ Đi bên bờ vịnh thủy lôi/ Mắt cá chân xanh biếc/ Ngực mềm trôi về bãi sú xa/ Nghe sóng đập vào những cây đàn mới (Chiều cuối).

Vượt qua khó khăn, Đổi mới đã làm đất nước tươi trẻ lại. Bằng tình yêu ngây dại của mình với quê hương, Lưu Quang Vũ sống lại, xây dựng lại cuộc đời, bằng từ những gì đơn sơ nhất, gần gũi nhất, dễ thấy và dễ bắt gặp nhất trong cuộc đời đang ngây ngất sang trang này. Thơ xếp lại, ông lao vào kịch, nơi, ở đâu, lúc nào, cũng dễ dàng tìm được mâu thuẫn nghệ thuật để sáng tác, để thổi vào đó ngọn gió khát vọng. Ông nhanh chóng trở thành trung tâm của kịch nghệ, ở nơi mà không gian tinh thần nuôi sống nó, các mâu thuẫn xã hội cũng đạt tới mức kịch tính nhất, cao trào nhất, báo hiệu bước chuyển biến của “tấn trò đời”. Từ một nghệ sĩ cô độc, ông thành cánh chim đầu đàn, của một lứa văn nghệ sĩ mà tuổi đời còn trẻ, khát vọng sáng tạo còn cháy bỏng, còn nuôi dưỡng những bước phiêu lưu.

Kịch ở giai đoạn sôi nổi nhất của nó, đã báo hiệu, thúc giục cho cuộc Đổi mới, mà ở đó ông trở thành trung tâm quy tụ, người dẫn lối, bạn đồng hành. Với ngôn ngữ nghệ thuật giàu chất thơ, nhiều suy tưởng, suy niệm, những mâu thuẫn gay gắt khía sâu vào đời sống nội tâm con người, ở đa dạng các đề tài, các loại hình kịch, ông đóng dấu ấn tiền phong của mình. Kịch của ông thời sự trong những vấn đề vĩnh cửu, sôi động một cách trầm ngâm, sâu sắc một cách hoang mang. Tính chất nước đôi ấy có được là bởi ông chưa bao giờ đứng lại ở một vị trí, thuộc về chỉ một hàng ngũ, nghiệt ngã trong mỗi lựa chọn ra đi và trở về.

Có thể nói, ở một khởi điểm mới này, ông xác tín bản thân ở lưng chừng giữa “Tôi và Chúng ta”, giữa Thơ và Kịch. Bởi thơ và kịch, chứ không phải văn xuôi, mới là mảnh đất của tiền phong, của cách mạng và khởi loạn. Văn xuôi không lưu đày, bởi sự cách tân lớn nhất của văn xuôi là phản-văn- xuôi (vốn thường được biết hơn ở phản-tiểu-thuyết) vẫn chỉ là văn xuôi, một thứ văn xuôi mới không ngắt đứt với truyền thống và quăng mình vào cõi hư hỗn của tương lai. Không giống văn xuôi, cái mới quyết liệt trong thơ và kịch tạo nên cái khác, thơ khác và kịch khác, tự chọn tính chất cách mạng và lật đổ, bởi nó không biện biệt giữa nội giới và ngoại giới, điều làm thành sức mạnh hiện sinh của việc phá hủy cái đã biết để dấn thân vào cái chưa biết. Và chính cái khác hàm chứa một tiền phong, hàm ngụ một lưu vong ấy, khởi sinh cho dấn-thân-lưu-đày.

Một phần mười, một phần năm, một phần tư, rồi một phần ba thế kỷ ngừng lại của cuộc dấn-thân-lưu-đày của ông, thơ và kịch của ông dần được tái sinh. Thơ của ông giờ không chỉ để đọc mà một phần cơ bản đã để in (trong tuyển thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi), và mới đây nhất, kịch của ông giờ không chỉ để diễn mà một phần nhỏ đã để đọc (trong tuyển kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt), hơn thế, di cảo, như một phần máu thịt của ông, đã được sẻ chia, làm giàu đẹp thêm “tiếng Việt như bùn và như lụa”, của một đất nước “Việt Nam khốn khổ” muốn trở thành “đất nước ban mai…”. Thơ ông tái sinh trong những đọc mới và kịch ông tái sinh trong những diễn mới. Bởi thôi thúc tự trong sâu thẳm của “những viết” của ông, cái viết tự tái sinh trong mỗi lưu đày. Và bởi tự ông, đã là tiền phong, là cách mạng, nghĩa là cáikhác-lưu-đày từ trong cốt tủy của sống và viết.

Đ.A.D

(TCSH356/10-2018)

..............................

1. Thơ Lưu Quang Vũ được trích trong bài viết đều dẫn từ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi. [Lưu Khánh Thơ biên soạn]. Nhã Nam & Nxb. Hội Nhà văn, H., 2010; Di cảo Lưu Quang Vũ. (Lưu Khánh Thơ tuyển soạn). Nxb. Trẻ, Tp.HCM., 2018.

2. Lưu Quang Vũ: Hồn Trương Ba, da hàng thịt. [Lưu Khánh Thơ biên soạn]. Nhã Nam & Nxb. Hội Nhà văn, H., 2013, trang bìa 4. Một phiên bản đầy đủ hơn, xem phần phỏng vấn Lưu Quang Vũ trong “Phỏng vấn đầu xuân”, Văn nghệ quân đội, số 2, (2/1988).

3. Có thể đọc (theo tên bài ở phụ lục ảnh chụp thủ bút tác giả), trong Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi. Sđd., tr. 372.

4. Có thể đọc trong Di cảo Lưu Quang Vũ. Sđd., tr.227-372.

5. Vũ Quần Phương: “Đọc thơ Lưu Quang Vũ”. Tạp chí Văn học, số 4, (7+8/1989), tr.39-40.

 

Nguồn: Tạp chí Sông Hương, ngày 14.11.2018.

Đoàn Trọng Huy

PGS. TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Xuân Quỳnh đã ra đi vĩnh viễn, nhưng bóng hình vẫn còn mãi trong tâm tưởng của những người thân, bè bạn và bao thế hệ độc giả.

Nữ sĩ như một hình ảnh toàn vẹn của người phụ nữ mang nhiều nét truyền thống. Nhưng đó lại chính là một hình mẫu một nghệ sĩ chân chính, một con người thời đại mới.

*

Trước hết, Xuân Quỳnh là một cô gái có khát vọng mạnh mẽ.

Như một lẽ thường tình, Xuân Quỳnh là một cô gái khát vọng một tình yêu đẹp và hạnh phúc, viên mãn trong cuộc đời.

Nữ sĩ đã gặp một tình cảm yêu đương ban đầu đầy thơ mộng, và cũng nhanh chóng tan vỡ.

Từ trái đắng đầu đời, Xuân Quỳnh đã lại tìm được quả ngọt thực sự cho đời mình. Việc gặp gỡ Lưu Quang vũ là sự gặp gỡ một tài năng, một tài hoa đầy hấp dẫn. Tình yêu mới được đền bù là một tình yêu lý tưởng. ThuyềnBiển gặp nhau như một định mệnh.

Hai người yêu thương nhau, sống trong tình yêu.

Đó là tình yêu thực sự, tình yêu sống cho nhau, sống vì nhau.

Nguyễn Thị Minh Thái ca ngợi: Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ: Cõi tình màu hoàng hoa. Và đã có nhận xét riêng: “Với tôi, Xuân Quỳnh là người đàn bà yêu cho đến hết và đến chết”.

Xuân Quỳnh tự bạch:

Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Bạn văn đã ca ngợi: “Xuân Quỳnh chấp nhận làm một dòng sông nhỏ, dồn tất cả mồ hôi, nước mắt để nuôi lớn cho biển khơi Lưu Quang Vũ” (Châu La Việt).

Họ gắn bó, tâm sự với nhau qua đời và qua thơ.

Lưu Quang Vũ:

Khi tàu đông anh đã lỡ chuyến đi dài

Chỉ một người ở lại với anh thôi

Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới

Người ấy chỉ vui khi anh hết lo buồn

Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương

Anh lạc lối, em đưa anh trở lại

Khi cằn cỗi tháng ngày mệt mỏi

Em là sớm mai, em là tuổi trẻ của anh

Một triết lý mới về tình cảm, chứ không phải là tư duy:

Anh yêu em, và anh tồn tại

Xuân Quỳnh có những vần thơ như đáp lời. Với chị, tình yêu là cao quý, là vô giá: “Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng/ Trái tim em anh đã từng biết đấy/ Anh là người coi thường của cải/ Nên nếu cần, anh bán nó đi ngay/ Em cũng không mong nó giống mặt trời/ Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống/ Lại mình anh với đêm dài câm lặng/ Mà lòng anh xa cách với lòng em...

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi

Đó là tình yêu bất tử Anh yêu em và anh tồn tại. Và quả là họ đã đi vào cõi vĩnh hằng cùng nhau với trái tim chung thuỷ Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi

Vần thơ về Hoa cỏ may vừa say đắm, vừa chông chênh:

Khắp nẻo, dâng đầy hoa cỏ may

Áo em sơ ý cỏ găm đầy

Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay?

Xuân Quỳnh không giấu nỗi phấp phỏng, lo âu trong tình yêu, và luôn khát vọng một tình yêu đích thực, bền vững cho hạnh phúc cuộc đời. Tình yêu đồng nghĩa với hạnh phúc: “Quỳnh cứ mãi dạt dào, thắm thiết/ Khao khát và mê say/ Lam lũ chắt chiu từng tháng, từng ngày/ Và khao khát một tình yêu trọn vẹn”. Đó là những vần thơ tặng “nàng thơ” của bạn thơ  Phan Thị Thanh Nhàn – người thấu hiểu tận đáy sâu tâm hồn Xuân Quỳnh.

Tuy nhiên, có một tình yêu mạnh liệt không kém là tình yêu thơ, gom lại thành một khát vọng khôn cùng, như những vần thơ tâm tình đề tặng:

Sống hết mình cho từng trang viết

Đã viết là đặt hết trái tim mình vào đấy.

Xuân Quỳnh đến với thơ một cách hồn nhiên.

Tuổi trẻ hào hứng làm thơ, và làm được thơ hay, nên dư luận chú ý. Vậy là, nữ thi sĩ tiếp tục con đường hứng thú tự chọn của mình.

Dĩ nhiên, vốn không được đào tạo bài bản ngay  từ đâu, không có một vốn văn hoá – xã hội lớn, Xuân Quỳnh phải nỗ lực tự học, tự bơi trong mênh mông kiến thức  nhiều lắm. Sau này, đến năm 1987, mới được qua trường Gorki ở Liên Xô.

Cái may lớn nhất, là được dấn thân vào thực tế, và được học tập, rèn giũa để nên người, nên thơ. Hoa dọc chiến hào,  Gió Lào, cát trắng là một thành quả như minh chứng hùng hồn cho điều đó.

Xuân Quỳnh là con người thèm sống, thèm yêu và cũng thèm viết.

Sáng tác phẩm chưa thể gọi là đồ sộ, nhưng đều có giá trị, là sự chắt lọc tinh tuý của tâm hồn.

Ở chặng đầu đời, chất hồn nhiên, sôi nổi, mạnh mẽ bộc lộ rõ. Những năm sau 1975 và thập kỷ 80, thì đằm hơn, và đã có những suy tư tự nghiệm.

Thời gian có sức ám ảnh lớn và thường xuyên với nhà thơ.

Chồi biếc là những gì đang qua và sẽ tới. Đến những năm 80, thì đã xuất hiện sự nuối tiếc thời gian như “vó câu qua của sổ”. Thực ra, đó cũng là lẽ thường tình, khi con người có nhiều trải nghiệm.

Hoa cúc có những xót xa âm thầm, khi tự nghiệm mình không còn được như ngày hôm qua: “Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế/ Chỉ em là khác với em xưa (...) Bao ngày tháng đi về trên mái tóc/ Chỉ em là khác với em thôi”. Mặc dù nhà thơ vẫn hướng về phía trước, và nghĩ tới ngày mai: “Quá khứ đáng yêu, quá khứ đáng tôn thờ/ Nhưng không phải là điều em ao ước”.

Thời gian trắng làm trong những ngày cuối đời, trong bệnh viện, là dấu hiệu của một trái tim khát vọng khôn cùng về đời và về đạo. Thời gian hiện thực mà huyền ảo:

Thời gian của ta không bao giờ mất

*

Xuân Quỳnh là người đàn bà đức hạnh, thuần hậu, đã sống hết thân phận trong gia đình.

Hơn ai hết, Quỳnh biết mình xinh đẹp, và như bạn bè nhận xét, lại có duyên và có tài. Tuy nhiên, cô gái quan niệm rất chính xác: nhan sắc là để giao tiếp bè bạn, đức hạnh là đạo sống trong gia đình.

Cũng hơn ai hết, Xuân Quỳnh cảm nhận những khó khăn, trở ngại khi đến với Lưu Quang Vũ. Từ khi hai người đều bị “tình yêu sét đánh” cả hai phía. Nhưng đối với Lưu Quang Vũ là biết bao éo le.

Xuân Quỳnh ngại nhất là mẹ chồng. Cô từng tâm sự với bạn thơ Phan Thị Thanh Nhàn, sau này được bạn thuật lại: “... Ca dao đã có nhiều câu: “Thật thà cũng thể lái trâu/ Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng”, “Cô kia đội nón đi đâu/ Tôi là phận gái làm dâu mới về/ Mẹ chồng ác nghiệt đã ghê/ Tôi ở chẳng được, tôi về nhà tôi”.

Nhưng rồi, theo bạn, than thở và nghi ngại chán rồi, Quỳnh lại cười rất tự tin: “Nhưng tao nhất định yêu quý bà, coi bà như mẹ đẻ. Hy vọng rồi bà cũng sẽ quý tao”.

Quả nhiên, Quỳnh đã làm được cái việc khó tày trời ấy, đảo ngược dư luận và thiên kiến xã hội, để tạo ra mối quan hệ thân thiết ruột thịt mới.

Phải yêu quý và cảm phục chân thành lắm, mới rút ruột làm nên bài thơ Mẹ của anh. Bài thơ không chỉ chinh phục hoàn toàn bà mẹ chồng Vũ Thị Khánh, mà còn với tất cả các bà mẹ chồng khác, bởi ai cũng mơ ước có cô con dâu như con đẻ của mình:

“Mẹ đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ, không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”.

Xuân Quỳnh bày tỏ một tình yêu thành thật hiếm có:

“Mẹ không ghét bỏ em đâu/ Yêu anh, em đã là dâu trong nhà/ Em xin hát tiếp bài ca/ Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn... Hát tình yêu của chúng mình/ Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng/ Giữa ngàn hoa có núi sông/ Giữa lòng thương mẹ mênh mông vô bờ/ Chắt chiu từ những ngày xưa/ Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”...

Theo bạn thơ Phạm Thị Thanh Nhàn, thì bài thơ được lan truyền rộng rãi, và được đánh giá là bài thơ hay nhất viết về mẹ chồng ở Việt Nam.

Tất nhiên, không phải Xuân Quỳnh đã chinh phục mẹ chồng bằng bài thơ, mà bằng cả cuộc sống thơ nàng dâu – mẹ chồng trong đời thật. Và Xuân Quỳnh, cô bé bất hạnh mồ côi mẹ từ đầu xanh tuổi trẻ, đáng thương và đáng quý biết bao, đã tìm được người mẹ thân thương trên đời như một hạnh phúc mới bằng chính đức hạnh của mình.

Đức hạnh cũng đem lại tình yêu trong gia đình, chan hoà, bình đẳng giữa những đứa con. Điều đó giúp nhà thơ – người mẹ vượt qua việc ứng xử đặc biệt khó khăn giữa ba đứa bé: Lưu Minh Vũ – con riêng của Lưu Quang Vũ với nghệ sĩ Tố Uyên, Vũ Tuấn Anh – con riêng của Xuân Quỳnh với người chồng cũ ở đoàn văn công. Và đứa con chung Lưu Quỳnh Thơ – được cả hai hết lòng thương yêu và chăm sóc.

Đặc biệt là việc đối xử với Lưu Minh Vũ bằng tình yêu chân thành như của người mẹ đẻ, một tình cảm cũng có thể coi là quý hiếm. Ở đây, tất nhiên là trái ngược hẳn với câu ca dao: “Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào những năm gần đây, Lưu Minh Vũ đã nói lên tấm lòng quý mến ba má – Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh thật chân thật qua những mẩu chuyện cụ thể, sống động trong đời với má Quỳnh. Từ việc chăm sóc, chuyện ăn ở, sinh hoạt cụ thể - như cắt tóc, nhổ răng, vá áo, vá quần; cho đến việc lớn cả tháng trời ở bên  Minh Vũ khi nằm viện mổ ruột thừa, phải hàng ngày, hàng giờ đắp chườm khăn nóng vào vết thương.

Lưu Minh Vũ nhắc lại bài thơ Cắt nghĩa tặng Lưu Minh Vũ – Chùm thơ xuân cho 3 con nhỏ:

Con làm bằng yêu thương

Của cha và của mẹ

Của bà và của ông

Của má nữa – biết không

Con làm bằng tất cả

MC  Lưu Minh Vũ đã nói một câu tự đáy lòng mình: “Tôi có hai người mẹ, và tôi ơn cả hai người”, và có sự đánh giá chân thành, tự hào về ba má  “Theo tôi, tình yêu của hai người là hình mẫu, là lý tưởng cho những người biết yêu nhau, biết vì nhau, và cùng nhau làm nên một sự nghiệp văn chương lớn lao”.

Vậy là, Xuân Quỳnh xứng đáng được tôn vinh là người phụ nữ đức hạnh trong một đại gia đình ba thế hệ.

Và nữ sĩ đã làm được cả ba chức năng: người vợ đảm đối với chồng, người dâu thảo với bố mẹ chồng, và người mẹ hiền với cả ba đứa con.

Đức hạnh đó đậm chất đạo lý  truyền thống, trong thời đại mới còn mang thêm tính nhân văn cách mạng: những con người biết thương yêu nhau trong tình yêu thân thiết, ruột thịt, vì họ biết tôn trọng và tin tưởng nhau, tin yêu ở con người mới của một thể chế mới, trong xã hội mới.

Đúng như tinh thần trong câu thơ của Tố Hữu: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người, sống để yêu nhau”. Tất cả là ở tấm lòng, tấm lòng của những con người vừa có tâm, vừa có tài như cặp đôi Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ.

*

Xuân Quỳnh là người  bạn thân thiện, hoà đồng trong quan hệ, như một thanh nam châm có sức hút mạnh mẽ các bè bạn gần xa.

Người ta mến Xuân Quỳnh vì lẽ đó là cơ bản. Nhưng bạn bè cũng thấy ở Quỳnh một nét đáng yêu khác: thông minh, dí dỏm, trung thực và rất đáo để. Nghĩa là ráo riết, quyết liệt, triệt để.

Phong Thu nhận xét Xuân Quỳnh cũng đáo để, hóm hỉnh. Phan Thị Thanh Nhàn rất thân thiết, đã nhận xét về tính cách đáo để, dễ thương ấy – cái nét có phần rất cực đoan: “Như Xuân Quỳnh đã yêu là bỏ chồng, dù biết người mình yêu chưa chắc đã bỏ vợ để sống với mình. Và khi đã không yêu là không thèm nhìn mặt”. Phải chăng đó cũng là nét  “dữ dội và dịu êm” của  “biển” ?

Xuân Quỳnh có nhiều bạn bè trong giới văn nghệ, nhất là nhà văn, nhà thơ.

Nhất là có lần công tác Hội, làm phóng viên, và thường khi làm biên tập các báo, thì tiếp xúc với đủ loại. Từ các bậc  “danh thủ”, “cao thủ”, đến những người mới bước vào nghề, đang thử bút. Với các bậc đàn anh, đàn chị, tất nhiên kính nể. Với người đang chập chững thì chị sẵn sàng giúp đỡ tận tình. Đây cũng là cảnh “làm dâu trăm họ” trong văn chương, không phải lúc nào cũng thông thuận, dễ dàng.

Với bạn bè thân thiết, mọi người đều thuộc tính nết Xuân Quỳnh: thông minh, sắc sảo, nhưng cũng chua ngoa và ác khẩu. Khi bình luận giới văn chương, đôi khi chị có phần cường điệu: người này như cô hàng xén tỉnh lẻ, bà kia thơ như có mùi dầu cù là, ông nọ thỉnh thoảng giận giữ một cách đàn bà...

Thực ra, nữ sĩ có bụng liên tài, biết tôn trọng và yêu mến bạn bè:

Ta càng yêu chồng vợ, mẹ cha

Yêu bè bạn, một tình yêu mãnh liệt

Phan Thị Thanh Nhàn có lẽ là người rất thuộc tính cách của Xuân Quỳnh qua cả công việc, và nhất là cuộc sống riêng tư, đã thâu tóm cô bạn thân trong một định nghĩa: “Bồng bột, cả tin, đã yêu là yêu hết mình, sống rất bản năng và quả quyết, đó là Xuân Quỳnh”.

Hai nét tính cách có vẻ như trái ngược, mà lại thống nhất trong con người cô gái làm thơ. Đó là sự thống nhất biện chứng trong tính cách Xuân Quỳnh: Hiền lành, tốt bụng nhưng ác miệng. Ta có câu “khẩu xà tâm phật” là thế.Sống hoà thuận, thân thiện, nhưng khi cần lại phải mạnh bạo, quả quyết, điều đó cũng thể hiện cốt cách con người có bản lĩnh.

*

Khi Xuân Quỳnh đột ngột ra đi, đã có biết bao lời ca ngợi, thương yêu trong sững sờ, tiếc nuối vô hạn. Năm tháng qua đi, trong diễn biến nhân tình, thế thái, lòng mến thương và cảm phục như càng tăng thêm mãi.

Trước hết, và lâu bền nhất, vẫn là tình cảm và đánh giá của những người thân, trong đó có những bạn bè, văn nghệ sĩ đương thời:

“Chị không phải chỉ là một nữ thi sĩ tài năng, mà trước hết là một tâm hồn bao dung, độ lượng, giàu sự nhẫn nại và hy sinh” (Châu La Việt, 5/2017).

Các nhà thơ, nhà phê bình có tên tuổi và thân thiết như  như Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn,Vương Trí Nhàn ... đều có lời ca ngợi phẩm cách phụ nữ cao đẹp của Xuân Quỳnh.

Hai người con đã trưởng thành đều nhớ lại và suy ngẫm về người mẹ Xuân Quỳnh.

Xin ghi lại đôi lời của Vũ Tuấn Anh nói về  mẹ đẻ qua phỏng vấn:

“Trong con mắt tôi, mẹ tôi là một người phụ nữ vẹn toàn. Ngoài tài năng thơ, cho tới giờ, mẹ tôi luôn là một hình mẫu sống cho tôi về lòng nhân ái và các giá trị làm người.

(...)

Mẹ nói với tôi rằng, cuộc sống có cái thiện, và cái ác. Nhưng mẹ chỉ viết về cái thiện, mà tránh nói nhiều tới những điều xấu xa của cuộc sống.

(...)

Bà có niềm tin mãnh liệt vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống và trong mỗi con người”.

Và, anh như muốn gửi cho chúng ta một thông điệp có ý nghĩa xã hội: “Mẹ mãi là người mẹ tuyệt vời”.

 

logo - Tác giả của Nỗi buồn chiến tranh đã được Ban tổ chức lễ hội văn hóa châu Á của Trung tâm văn hóa châu Á (Baek Nak-Chung) lựa chọn để trở thành người chiến thắng giải thưởng văn học châu Á lần thứ hai, tại Gwangju, Hàn Quốc.

Nhà văn Bảo Ninh nhận giải thưởng văn học châu Á

Ban giám khảo đánh giá: "Bảo Ninh đã nêu bật câu hỏi một cách sâu sắc về ý nghĩa và vết thương của chiến tranh thông qua các tác phẩm của nhà văn nói chung và của kiệt tác Nỗi buồn chiến tranh (The Sorrow of War) nói riêng. Nỗi buồn không ngừng xoáy sâu và tái tạo thực tại. Nỗi buồn là nhân vật chính để nhà văn tiếp cận cuộc chiến từ chiều hướng mới, góc độ mới. Đó là góc độ cá nhân, thân phận con người...”


Đại diện Ban giám khảo, ông Baonin nói: "Thông qua sự kiện này, chúng tôi hiểu thêm về sự kiện ngày 18 tháng 5. Chúng tôi biết rằng con đường dẫn đến hòa bình ở Hàn Quốc là những đau khổ, hi sinh và mất mát mà nhiều thế hệ phải chịu đựng trong một thời gian dài."

Các tác giả tham gia Lễ hội văn hóa châu Á bày tỏ quan điểm chung, rằng những kỉ niệm và vết thương của Gwangju không nên tồn tại trong quá khứ Hàn Quốc mà nên mở ra cho tương lai; lễ hội văn hoá ngày hôm nay là điểm khởi đầu cho đoàn kết vì hòa bình ở châu Á và như một nền tảng văn học vì hòa bình.

Nói về giải thưởng, nhà văn Bảo Ninh chia sẻ: "Giải thưởng văn học châu Á lần thứ hai là một vinh dự lớn đối với tôi, khiến trái tim tôi rung ngân mạnh mẽ, không chỉ trong từ trường văn học mà còn trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tự do."

Bìa cuốn sách The Sorrow of War được dịch từ Nỗi buồn chiến tranh

Nhà văn Bảo Ninh là tên tuổi lớn của văn chương Việt Nam. Ông gia nhập quân đội ở tuổi 17 vào năm 1969, chiến đấu ở mặt trận B3 Tây Nguyên cho đến khi kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975.

Nỗi buồn chiến tranh xây dựng hình ảnh cuộc chiến ở góc độ chấn thương và dư chấn khủng khiếp đối với những ai can dự vào nó. Tác phẩm đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, được dịch và xuất bản tại 18 quốc gia trên thế giới. Nỗi buồn chiến tranh được xem là tác phẩm đỉnh cao của văn học Việt Nam thời kì Đổi mới.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá, rằng nhà văn Bảo Ninh hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng văn học châu Á này. Khi văn học dịch ngày càng phát triển, các tác phẩm của Việt Nam có cơ hội đến gần với độc giả quốc tế thì tiếng nói văn chương Việt Nam ngày càng được lan toả, được lắng nghe và ghi nhận ở bên ngoài lãnh thổ. Giải thưởng văn học mà một số nước trao cho các tác giả Việt Nam như nhà văn Lê Minh Khuê, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Mai Văn Phấn, nhà văn Bảo Ninh... thời gian gần đây là minh chứng cho điều đó.

Lễ hội văn hóa châu Á 2018 có sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu các nước, đại diện cho nền văn chương châu Á như: Dandin Suren Weiankai (Mông Cổ), Yan Lynkar (Trung Quốc), Palestine - Zakaria Muhammad, Sakami Dami (Nhật Bản), Myanmar - Kwasani, Bangladesh - Shaheen Akhtar, Palestine - Adanias Shivri, Shaman (Ba Lan), Jose Dali Sai (Philippines), Bảo Ninh (Việt Nam) và các nghệ sĩ Hàn Quốc.

Tại lễ hội, các đại biểu tham gia vào các sự kiện như: đối thoại, diễn đàn, thuyết trình chủ đề và lễ hội văn hóa để cùng khám phá những con đường tiến tới hòa bình và đoàn kết ở châu Á thông qua văn chương.

Lễ trao giải văn học châu Á lần thứ hai diễn ra vào tối ngày 9/11/2018 tại Khu phức hợp văn hóa châu Á Quốc gia Gwangju.

HIÊN NGỌC theo trang tin Gwangjuin

Nguồn: Văn nghệ Quân đội, ngày 10.11.2018.

Đoàn Lê Giang, Trương Diễm Phiến

Hồ Văn Hảo, nhà thơ Nam Kỳ tiên phong trong phong trào Thơ mới, tên ông được biết đến đầu tiên qua lời bình của nữ sĩ Manh Manh khi đăng đàn để bảo vệ Thơ mới:

“Tôi xin bàn đến vài bài thơ mới của thi sĩ Hồ Văn Hảo. Tiếc rằng tôi không đủ thời giờ để nói đến các bạn hưởng ứng khác như Khắc Minh vân vân ... Bài thơ của Hồ Văn Hảo là Tự tình với trăng (đọc và chỉ nguyên tắc bài ấy) câu văn thật êm đềm mà rõ rệt, người xem bài này có thể vẽ ra một cảnh.

Màn trời ai vén, 

Để chị Hằng mặt thẹn đỏ tươi tươi 

Một nụ cười, 

Ra chiều xẻn lẻn...

Tiếc là ý tưởng bài này có hơi cũ, tác giả chê cõi đời là "bể khổ trầm luân" không thiết gì đến đời, muốn lên ở cung trăng cho êm tịnh.

Nhưng bài sau thì lại khác hẳn. Ấy là bài Con nhà thất nghiệp mà người ta cho là chẳng phải thơ. Chỉ vì chẳng phải than thân trách phận, tả cảnh hoa tàn, nguyệt xế, suối chảy chim ngâm mà là một cảnh thiết thực, một cảnh khổ có thực trong đời: người thất nghiệp.

Có lẽ trong thơ văn, người cu li ở trần quần vắn là một động vật không có gì lãng mạn chăng? Có lẽ cái bi kịch một người nghèo khổ phải đi ăn trộm "hụt", chúng  hay được la "ăn trộm" ! rồi anh chạy trốn, kịch ấy không có gì lạ, đáng để ý chăng? (đọc bài Con nhà thất nghiệp và phê bình).” 

(Phụ nữ tân văn số 211 ngày 10/8/1933 và số 213 ngày 24/8/1933)

Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh cũng có nhắc đến ông. Sau này các tuyển tập Thơ mới cũng có một số quyển nhắc đến hay tuyển thơ Hồ Văn Hảo, nhất là hai bài Tự tình với trăng Con nhà thất nghiệp. Thế nhưng người ta biết rất ít về cuộc đời ông.

Mấy năm trước trên Xưa và Nay, tác giả Nguyễn Nhất Thống có viết về ông, nhưng chỉ cung cấp thêm vài thông tin rất hạn chế. Nhà sưu tầm sách cổ “Minh Sách xưa” có công bố thư của thi sĩ Tản Đà gửi Hồ Văn Hảo khi Hồ Văn Hảo làm việc ở Phụ nữ tân văn – chắc là có cương vị quan trọng (ảnh H1). Bức thư ấy như sau:

TẢN ĐÀ NGUYỄN KHẮC HIẾU

Sơn Tây, Khê Thượng, Bất Bạt, Tonkin

Monsieur Hồ Văn Hảo

Phụ nữ tân văn

65 Rue de Massiges à Saigon

(Thư)

Sontay, le 30 Avril  1935

Monsieur Hồ Văn Hảo, Quản lý Phụ nữ tân văn, Saigon

Thưa ngài, tôi có tiếp nhận được luôn hai số Phụ nữ mới ra của Ngài đã có lòng gửi cho như thường, vậy xin có ít hàng cảm tạ. Cách đây tôi đã có thư vào ông Nguyễn Đức Nhuận đề về số nhà của Bảo quán, tới nay coi kỳ báo mới, mới hay rằng ông Nhuận hiện ở Dalat , vậy thư của tôi trước chắc rồi ngài đã chuyển giao cho. Nay nhân vì có bài thơ Cảm hoài cùng Tân văn, đã gửi vô ông Nhuận, xin chép lại để kính ngài coi chơi, và hoặc có nên đăng báo chơi (mờ 3 chữ).

Cảm hoài cùng Phụ nữ tân văn lại xuất bản

Non chưa mòn đá, biển chưa khô

Còn việc trần ai có kẻ lo.

Hoa thảo dẫu từng mưa gió rập;

Sơn hà chi thiếu phấn son tô.

Đoái trông Nam Bắc đường thiên lý,

Riêng cảm tang thương bức “địa đồ”.

“Bạc đánh còn tiền” ai cố gắng,

Xa xôi xin chúc mấy vần thơ.

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu

Sontay (Tonkin)

            Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân có cho biết vài thông tin về những ngày cuối làm báo Phụ nữ tân văn của Hồ Văn Hảo:

“Khoảng 1934 có tin ông Hồ Văn Hảo tham gia quản trị Phụ nữ tân văn, sau đó, tòa báo gặp khó khăn tài chính thế nào đó, người thủ quỹ là cô Nguyễn Thị Khang không chịu đến văn phòng, ông Hảo đến tận nhà cô, chuyện qua lại thế nào đó, ông Hảo bèn ra đòn tay chân với cô, ngay lúc ấy ông Cao Văn Chánh chồng cô Khang về chứng kiến, đã gọi cò bót đến bắt ông Hảo. Sau rồi giảng hòa, ông Hảo xin lỗi cô Khang. Nhưng báo PNTV chỉ ra đến số 273 là ngừng. Cô Khang là họa sĩ, từ Bắc sang Pháp, rồi quen và lấy ông Chánh, ông là em ruột bà Cao Thị Khanh, bà chủ báo PNTV. Các tin này tôi đọc trên tờ Đông Tây ở Hà Nội” (FB Lại Nguyên Ân)

Cho đến nay những thông tin về Hồ Văn Hảo có thể tóm tắt như bài của NguyễnVy Khanh dưới đây:

Thi sĩ Hồ Văn Hảo cũng là tên thật: sinh ngày 14 tháng 2 năm 1917 tại làng Tân Qui Đông, tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp bây giờ). Ông bắt đầu làm thơ từ 13 tuổi và chính thức góp mặt trên thi đàn năm 1933, trong khi còn ở ghế nhà trường Trung học Mỹ Tho, nhờ sự khuyến khích và chỉ dẫn của Giáo sư Việt Văn Trần Văn Hương.

Hồ Văn Hảo hưởng ứng bài Tình già của Phan Khôi bằng một loạt bài thơ mới, hoàn toàn mới về dung nội lẫn hình thức, đăng trên tuần báo Phụ Nữ Tân Văn năm 1933.

Hai bài thơ đầu của Hồ Văn Hảo, Tự tình với trăngCon nhà thất nghiệp, được nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm (Nguyễn Thị Manh Manh) đem trình bày và phân tích trong một buổi diển thuyết sôi nổi tại nhà Hội Khuyến học Nam Kỳ.

Năm 1934, ông đỗ bằng Thành Chung, đồng thời chiếm giải nhất cuộc thi thơ bằng Pháp văn do Nha Học Chánh tổ chức. Năm 1935, cộng tác với Cao Văn Chánh tục bản tờ Phụ Nữ Tân Văn, nhưng ít lâu sau báo bị đóng cửa (chấm dứt ở số 273, 21.4.1935) vì những bài đã kích và châm biến Phạm Quỳnh, lúc bấy giờ là Thượng thư ở triều đình Huế. Năm 1936, đỗ Thủ khoa Kế toán Phòng Thương Mại Sài Gòn, giúp việc tại Đông Dương Ngân Hàng từ đó đến năm 1945.

Năm 1945, ông tham gia kháng chiến và bị Pháp bắt giam ngày 23-9-1945. Năm 1948, lại bị sở Mật thám quản thúc tại Cam Bốt.

Năm 1950, xuất bản tập Thơ Ý. Từ đó về sau sống với nghề kế toán.

Năm 1968, Hồ Văn Hảo sống ẩn dật ở đồng quê, vùng Chợ Lách (Vĩnh Long).

*

Gần đây qua nhà thơ Vũ Hồng, chúng tôi được biết những năm cuối đời ông về Chợ Lách, Bến Tre. Chúng tôi tìm về quê ông, nhờ thế biết thêm về cuộc đời sau Thơ mới của ông, cũng như chân dung của ông và một số hình ảnh, di vật khác. Xin tóm tắt như dưới đây: 

        Hồ Văn Hảo là tên thật, sinh ngày 14 tháng 2, năm 1917, tại làng Tân Qui Đông, tỉnh Sa Đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp. Mất ngày 22 tháng 12, năm 1985, tại Ấp Đại An, xã Đại Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, mất do bệnh già kéo dài.

       Ngoài làm thơ, viết phê bình, Hồ Văn Hảo còn biết đàn, thổi sáo.

       Nghề nghiệp: Hồ Văn Hảo từng làm Phó giám đốc công ty Xi Măng Hà Tiên. Sau tiếp thu, ông làm Tổng giám đốc hãng dệt Vinatexco (ở Biên Hòa Đồng Nai). Nhà ở gần rạp hát Kinh Đô, đường Hai Bà Trưng, Tân Định, Sài Gòn, có nhà lớn khang trang. Sau dời về Quận Bình Thạnh, đường Hoàng Hoa Thám, Sài Gòn. Trong lúc đang ở Sài Gòn, ông về quê Chợ Lách mua đất rộng làm vườn và có thuê người ở chăm sóc thay ông, thời gian này ông lên xuống giữa Sài Gòn và Chợ Lách. Thời gian này là lúc cuộc sống của ông rất giàu có và sang trọng, có người đưa rước.

         Sau đó ông về sống luôn nơi Chợ Lách và có thời gian rất khó khăn về vật chất và bệnh qua đời tại đây.

        Vợ ông là bà Nguyễn Thị Thiện (1920-2003), quê Mỹ Tho. Hồ Văn Hảo có bảy anh chị em và sáu người con (Hồ Hải Tâm, Hồ Hải Thanh, Hồ Liên Hương, Hồ Thanh Sơn, Hồ Hải Lượng, Hồ Hải Minh). Cháu nội Hồ Văn Hảo là Hồ Hải Trí hiện sống ở Chợ Lách, Bến Tre cũng biết làm thơ như ông.

(Tạp chí Xưa và Nay số 486, tháng 8-2017)

HÌNH ẢNH

H1: Thư của Tản Đà gửi Hồ Văn Hảo (tư liệu:(Minh) Sachxua.net

H2: Tập Thơ ý của Hồ Văn Hảo, bản Đông Hồ tặng cho Tủ sách Văn khoa.

 

H2: Chân dung Hồ Văn Hảo

 

20171113 Nguyen Du Le Anh Tuan

Ảnh: Tranh sơn dầu “Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc Việt Nam” (tác giả: họa sĩ Lê Anh Tuấn)

          Có một điều gì gần như là định mệnh khi chàng thiếu niên Nguyễn Du cầm trên tay cuốn Kim Vân Kiều truyện, tìm thấy nơi thư viện Phúc Giang trong nhà  người bác ruột là Nguyễn Huệ ở Tiên Điền, và nảy ra ý định viết lại thành một tác phẩm truyện thơ. Từ đó cho đến khi Đoạn trường tân thanh như một sáng tạo độc đáo hình thành với 3254 câu thơ lục bát, thời gian có lẽ không ngắn, nhưng cuộc gặp gỡ đó là một cú hích cho những chọn lựa tiếp theo làm sáng rực một thiên tài.

          Ở đây không có một mặc khải nào như lời nhắc gọi “Tolle et lege” (Hãy cầm lấy và đọc) dành cho Thánh Augustin bên trời Tây 14 thế kỷ trước đó, bởi cuộc gặp gỡ này không phải là ơn thánh sủng, cũng không hề là ngẫu nhiên mà biểu hiện cho cuộc gặp gỡ giữa thiên tài và lịch sử, giữa văn học và thời đại, giữa hai nền văn hóa vừa cộng đồng vận mệnh trong thế giao lưu, vừa tranh chấp nhau để giữ gìn căn cước của chính mình.

          Được đào luyện trong một gia đình danh giá, trước mắt chàng thiếu niên Nguyễn Du khi ấy đã có con đường lập thân dọn sẵn. Cha là Nguyễn Nghiễm, từng giữ chức Tham tụng kiêm thượng thư bộ Hộ dưới triều Lê – Trịnh, lại còn lập nhiều công trạng với triều đình khi đem quân chinh phạt nông dân khởi nghĩa. Ba người anh là Nguyễn Khản làm đến chức Thượng thư bộ Lại, Nguyễn Điều - Trấn thủ Sơn Tây. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, Nguyễn Du có một “truyền thống gia đình” để bảo chứng cho con đường hoạn lộ. Mà thật sự thì đâu phải ông thiếu năng lực hành đạo: ông được nhà Nguyễn tin dùng, phong chức tri huyện Phù Dung, tri phủ Thường Tín, cai bạ dinh Quảng Bình, rồi sau đó là Cần chánh điện học sĩ và Hữu tham tri bộ Lễ.  

          Lịch sử không biết chữ “nếu”, nhưng giả định điều gì sẽ xảy ra nếu Nguyễn Du toàn tâm toàn ý dấn thân theo con đường chính trị? Chắc hẳn rằng trong trường hợp đó, Nguyễn Du vẫn có thể là một nhà thơ, nhưng là nhà thơ chính thống của triều đình. Trước ông và cùng thời với ông, văn học đã chứng kiến tiếng nói nghệ thuật quan phương của các nhà thơ trong Hội Tao Đàn, của Phạm Nguyễn Du, Bùi Huy Bích, Nguyễn Huy Lượng, Ninh Tốn, Vũ Huy Tấn… Một ông quan Nguyễn Du thanh liêm, giữ lương tri trong sạch trong chính trường và thể hiện cảm hứng đạo lý trên văn đàn, có thể đó là hình ảnh Tố Như theo con đường nhập thế thông thường.

         Tất nhiên, Nguyễn Du cũng không chọn hẳn con đường đối lập của một thi nhân xuất thế mà những người tiền bối còn để lại tấm gương: tìm nơi ẩn dật, ngợi ca chữ nhàn, khước từ công danh phú quý. Cảm quan tuyệt vời về thiên nhiên và thế thái nhân tình có thể đưa Nguyễn Du đứng bên cạnh Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hàng, Nguyễn Dữ, Ngô Thì Úc ở phía trước và Phạm Quý Thích, Nguyễn Huy Hổ, Đinh Nhật Thận cùng Nguyễn Hành, người cháu tài năng của ông, ở phía sau.

         Nhập thế hay xuất thế, trước ngã ba đường đó, Nguyễn Du chỉ có thể là ông: không dấn sâu trong hành động mà vẫn là nhập thế trong tư tưởng, văn chương; không rút chân ra khỏi chính trường mà vẫn là xuất thế trong thái độ làm người để không a tòng với bả vinh hoa phú quý và danh lợi. Người đời sau có thể xem ông là người mâu thuẫn, “đành phận”, thậm chí là “ba phải” để dung hòa những đối cực. Nhưng xét cho cùng, trên đời này có thiên tài thực sự nào mà “nhất quán một đường”, không mâu thuẫn: Balzac là mâu thuẫn, Tolstoi là mâu thuẫn, Dostoevski càng đầy mâu thuẫn…

         Chọn lựa giữa nhập thế và xuất thế hay con đường thứ ba của Nguyễn Du không phải là một chọn lựa phi lịch sử. Đó là một chọn lựa gay cấn, sinh tử trong bối cảnh một dân tộc đang hoang mang trước những biến động của một thời tao loạn. Nguyễn Du không phải chỉ giằng xé giữa tư tưởng hành đạo của Nho gia và tư tưởng ẩn dật của Đạo gia, như nhiều danh sĩ thời phong kiến thịnh trị. Tâm hồn ông bị đốt cháy trong nỗi giằng xé trước những câu hỏi của thế sự: chọn triều đình đang mất dần tính chính danh hay nhân dân đau khổ, chọn “sự ổn định” để hoài niệm quá khứ hay “sự nổi loạn” để thay đổi hướng về tương lai, chọn Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh?

        Trên nước ta, bước chuyển đổi từ cuối thế kỷ 18 sang đầu thế kỷ 19 và từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 đều đánh dấu bằng những cuộc khủng hoảng về chính trị và văn hóa. Nhưng ở thời điểm trước, mầm mống khủng hoảng chủ yếu xuất hiện bên trong nội bộ dân tộc làm cơ hội cho sự tái can thiệp từ phương Bắc; còn ở thời điểm sau mầm mống gây hấn đến từ thế lực bên ngoài tận trời Tây làm tác nhân thúc đẩy sự rệu rã ở bên trong. Trải qua những quá trình dài ngắn khác nhau, với những tổn thất nặng nề không kể xiết, dân tộc đã biết huy động tiềm lực xã hội và văn hóa để giải quyết khủng hoảng, giành lấy tự chủ và độc lập. Những người nghệ sĩ nhiều nhạy cảm như Nguyễn Du hẳn không khỏi phân vân, lưỡng lự trước những cơn sóng triều của lịch sử. Nhưng bằng con đường nghệ thuật, chính họ đã chuẩn bị cho thế kỷ 19 và cả thế kỷ 20 diễn ra như sự đáp ứng những đòi hỏi tinh thần của dân tộc, dù là những đáp ứng dở dang, không trọn vẹn.

        “Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào” (Tố Hữu), khi Quang Trung ra đến Thăng Long lần thứ hai, Nguyễn Du tìm đường lên Kinh Bắc rồi về quê vợ ở Sơn Nam hạ (Thái Bình). Như sử sách và gia phả Nguyễn Du còn ghi lại, không cộng tác với Tây Sơn, ông còn nuôi ý định trốn vào Nam theo Nguyễn Ánh. Vì việc này, Nguyễn Du bị Quận công Nguyễn Thận, bạn thân của người anh ruột là Nguyễn Đề, bắt giam ba tháng và chỉ trả tự do khi nhận ra người “tù nhân lương tâm” này không chống Tây Sơn một cách quyết liệt như Nguyễn Quýnh, Hoàng Quang, Trần Danh Án, Lê Duy Đản… mà chẳng qua đó là cách bày tỏ một thái độ đạo đức, thể hiện qua hai câu thơ:

                             Hán mạt nhất thời vô nghĩa sĩ,

                             Chu sơ tam kỷ hữu ngoan dân.

                               (Cuối Hán tạm thời không nghĩa sĩ,

                               Đầu Chu ba thập kỷ vẫn có dân trung thành.)

          Khi Nguyễn Ánh thu lấy giang sơn về một mối, Nguyễn Du buộc phải cộng tác với nhà Nguyễn, nhưng lòng ông luôn tỏ ra lạnh nhạt với quyền lực. Những bài thơ trong phần sau của Thanh Hiên thi tập cho thấy ông không mấy thiết tha với đời sống chính trị. Xét cho cùng, Nguyễn Du không phải là nghệ sĩ của một triều đại nào. Ông luyến tiếc nhà Lê nhưng rồi cũng nhận ra rằng “Cổ lai vị kiến thiên niên quốc” (Xưa nay chưa từng thấy triều đại nào nghìn năm). Dửng dưng và nghi ngại với phong trào Tây Sơn, nhưng khi cơ nghiệp Quang Trung tiêu vong, ông lại cất lời cảm thương tiếng đàn tài hoa từng làm say mê một cuộc dạ yến mừng chiến công 20 trước, như hình ảnh trong bài thơ Long Thành cầm giả ca. Ông đành phải nhận bổng lộc của Nguyễn Ánh, nhưng không có một lời thơ nào ca tụng nhà Nguyễn. Với chất men bất phục tùng của người nghệ sĩ, Nguyễn Du thất vọng với mọi thiết chế quyền lực đã đành lòng đánh đổi tự do và hạnh phúc con người để xây dựng trật tự phong kiến.

          Dù vậy, tự thâm sâu, Nguyễn Du không phải là một người nghệ sĩ phi chính trị. Chính trị của ông đo bằng thước đo của nhân tâm và thú vị thay, chính trị đó lại tìm thấy ngay trong nghệ thuật ngôn từ của ông. Ngã ba đường lịch sử mà con người xã hội Nguyễn Du đối diện được ánh xạ ngay trong ngã ba đường văn học mà con người nghệ sĩ Nguyễn Du phải chọn lựa.

          Một nhân vật hư cấu trong Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp có nêu một ẩn dụ sắc sảo nhưng cũng đầy bất công với Nguyễn Du: đó là đứa con hoang của “một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp”. Nhìn từ thời đại toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa ngày nay, thật khó nói rằng chỉ những sáng tạo “thuần chủng” mới là giá trị của văn học một dân tộc. Nguyễn Du không phải là người nghệ sĩ phong bế trong bốn bức tường của định kiến nghệ thuật, ngay cả trước khi ông có điều kiện bước chân ra khỏi biên giới, tiếp xúc trực tiếp với nền văn hóa Trung Hoa phong phú, đa dạng và hoành tráng.

         Cuối thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19, khi xã hội Việt Nam bước đầu chứng kiến sự hình thành của yếu tố hàng hóa và tấng lớp thị dân, tiểu thuyết Minh Thanh được du nhập vào nước ta bằng con đường thương mại, được bày bán trong các hiệu sách ở Thăng Long, Hưng Nguyên (Nghệ An), Thanh Hà (Phú Xuân), Hội An, Gia Định, Hà Tiên. Loại tiểu thuyết này thu hút độc giả miền Nam nhiều hơn độc giả miền Bắc vốn ưa chuộng văn học đời Đường Tống. Nguyễn Du đã chọn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân chủ yếu không nhằm bảo tồn văn hóa cổ, xiển dương đạo lý truyền thống, đề cao những tấm gương anh hùng nghĩa hiệp như một số trí thức, văn nghệ sĩ Nam Bộ sau này. Ông chọn Kim Vân Kiều truyện, một tác phẩm “văn học thị trường” của Trung Quốc, nếu không phải vì nhận ra Thúy Kiều là người “cùng một hội một thuyền” với mình như Trần Trọng Kim ức đoán, thì cũng vì thấy câu chuyện đau lòng ở xứ sở láng giềng này hô ứng với tiếng nói nghệ thuật mới mà ông muốn cất lên trong văn cảnh dân tộc mình.

         Hơn một năm ròng đi sứ giúp Nguyễn Du nhận thức sâu sắc hơn những mâu thuẫn và nghịch lý của xã hội và văn hóa Trung Hoa. Nhãn quan xã hội và nghệ thuật hình thành trong “mười năm gió bụi” khi thế sự suy tàn, gia đình ly tán, càng được bồi đắp bởi “những điều trông thấy”. Cái thấy, cái nghĩ của Nguyễn Du thời gian này, được ghi lại trong Bắc hành tạp lục, chứng tỏ ông không choáng ngợp trước tầm vóc về địa lý và văn hóa của nước láng giềng Trung Hoa. Thậm chí ông còn tỏ ra thất vọng về con đường Trung Hoa – con đường không bằng phẳng, không khoáng đạt như ông từng nghe ca ngợi. Phải chăng điều ấy cũng thể hiện sự hoang mang về chính giới Trung Hoa và mô hình Trung Hoa:

           Cộng đạo Trung Hoa lộ thản bình,

           Trung Hoa đạo trung phù như thị!

           Oa bàn khuất khúc tự nhân tâm.

           (Mọi người đều nói đường Trung Hoa bằng phẳng,

           Đường Trung Hoa lại như thế này ư!

           Sâu hiểm quanh co như lòng người.)

                                         (Ninh Minh Giang chu hành)

         Nguyễn Du nhìn xã hội, con người Trung Hoa cũng điềm tĩnh và gan ruột như nhìn xã hội, con người Việt Nam, không một chút mặc cảm tự ti. Ông  chứng kiến sự phân hóa trong lịch sử và xã hội Trung Hoa: có Trung Hoa của những kẻ thống trị sâu hiểm, trí trá, hám lợi, hám lập đại công bên cạnh Trung Hoa của những người lương thiện, những trí thức tài năng bị phỉ báng, đọa đày; có Trung Hoa của những kẻ giàu có, thừa mứa tiền của bên cạnh Trung Hoa của những người tha phương cầu thực, gầy gò, rách rưới, chết đói. Và ông lựa chọn chỗ đứng của người nghệ sĩ trước hiện thực ấy: đứng về phía những Tỷ Can, Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Văn Thiên Tường, những ông già hát rong ở thành Thái Bình, những người chết đói bên vệ đường trong cuộc chạy loạn, bốn mẹ con ăn xin mà ông thấy dọc đường, người đẩy xe trên đường nắng rát ở Hồ Nam… Vượt lên trên những định kiến hẹp hòi của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ông tìm thấy mối đồng cảm với những kiếp người lao khổ bất hạnh:  

                                 Ngô văn nội cố tần niên khổ hoang hạn,

                                 Chỉ hữu xuân tác vô thu thành.

                                 Hồ Nam, Hà Nam cửu vô vũ,

                                 Tự xuân tồ thu điền bất canh.

                                  Đại nam tiểu nữ tần cơ sắc

                                  Khang tì vi thực, lê vi canh

                                  Nhãn kiến cơ biểu tử đương đạo.

                                  Hoài trung táo tử thân biên khuynh.

                                    (Ta nghe năm nào ở đây dân cũng khổ vì hạn hán, mất mùa

                                  Mùa xuân cày cấy như mùa thu không gặt hái

                                  Từ lâu Hồ Nam, Hà Nam không có mưa

                                  Từ xuân đến thu ruộng không canh tác

                                  Trai gái lớn nhỏ đều đói kém

                                   Cơm ăn là tấm cám, canh là rau lê

                                   Mắt thấy người chết đói giữa đường

                                   Hạt táo trong túi rơi ra bên cạnh.)

                                                    (Trở binh hành)

         Một người được hấp thụ môi trường văn hóa phong kiến như Nguyễn Du không thể không nể trọng những lề lối làm khuôn thước cho văn chương Trung Hoa. Nhưng ông không thấy mình bị phân đôi giữa ảnh hưởng của văn học Trung Hoa và văn học Việt Nam, giữa văn chương bác học và văn chương dân gian, giữa chữ Hán và chữ Nôm. Những bài thơ mang phong vị cổ điển tìm thấy hình thức thơ chữ Hán; còn Truyện Kiều với thể thơ lục bát, Văn chiêu hồn với thể thơ song thất lục bát thì được chuyển tải bằng chữ Nôm. Là người nghệ sĩ có chủ đích tìm đường đi đến trái tim của nhân dân, tác phẩm của ông dung hợp những điển cố uyên bác trong thi liệu Trung Hoa với lời ăn tiếng nói uyển chuyển, dung dị của người dân Việt bình thường trong những vần ca dao, những câu tục ngữ, để sáng tạo ra một tiếng Việt văn hóa, tiếng Việt nghệ thuật đạt đến trình độ sâu sắc, tinh tế hiếm có:

                                      Sầu đong càng lắc càng đầy,

                                   Ba thu dồn lại một ngày dài ghê!

                                      Mây Tần khóa kín song the,

                                   Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao

                                      Tuần trăng khuyết đĩa dầu hao

                                   Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.

                                                                       (Truyện Kiều)

         Nỗi sợ chính thống từng ám ảnh tầng lớp trí thức phong kiến trước đây cũng đã không chừa Nguyễn Du. Con người có tính cách rụt rè khi giao tiếp đó phải chăng là kẻ tự kiêu ngầm như Đại Nam chính biên liệt truyện nhận xét hay là người chỉ bộc lộ dũng khí khi đối diện với trang văn? Dù chưa nghe tận tai những lời đả kích thô bạo như sau này, Nguyễn Du cũng hình dung phần nào những phản ứng bất lợi của dư luận chính thống về tác phẩm của ông, khi ông nghĩ đến sự đồng cảm muộn màng sau ba thế kỷ. Biết lách đi giữa cái thế kẹt của lịch sử, Nguyễn Du cũng biết hóa giải những ràng buộc của triết lý, mỹ học và thị hiếu chính thống đương thời. Khi cần thiết, Nguyễn Du dừng chân lại trong giới hạn của truyền thống để chờ đợi độc giả của mình chuẩn bị kỹ càng rồi mới cùng đi xa về phía tương lai.

        Hơn 200 năm qua, Nguyễn Du và cách riêng, Truyện Kiều của ông đã hiến mình cho những khám phá học thuật, cho cả những cuộc tranh luận lắm khi quyết liệt, không khoan nhượng. Tác giả im lặng, còn tác phẩm thì dâng sẵn đón chờ, gợi mở những lời tường giải. Như một thỏa thuận ngầm, Nguyễn Du và Truyện Kiều không cho phép người ta phán quyết một lần cho tất cả. Đó là tâm sự hoài Lê hay tiếng kêu trầm thống trước quyền sống con người? Trung, hiếu, tiết nghĩa là bộ xương khô hay căn cốt đạo đức của tác phẩm? Giải pháp chữ Tâm chỉ là giá trị biểu kiến hay chính là thực chất tư tưởng của nó? Thiền học, văn hóa học, phong cách học, thi pháp học, phân tâm học… liệu có thẩm quyền đến mức nào khi can thiệp vào việc lý giải thế giới nghệ thuật của tác phẩm? Truyện Kiều không hề đóng sập cửa trước những viễn cảnh khoa học ấy. So với cuộc du hành của Nguyễn Du, Truyện Kiều đã đi xa hơn người sinh ra nó biết bao nhiêu cả về không gian địa lý lẫn không gian văn học.

        Không ai chọn sẵn cho ta con đường trong cuộc đời và trong nghệ thuật. Cũng không có con đường nào giống nhau trong thế giới của sáng tạo. Đó là bài học lớn mà Nguyễn Du để lại cho hậu thế. Trước những ngã ba đường, Nguyễn Du đã lựa chọn trong hoàn cảnh của ông. Bạn đọc của ông cũng lựa chọn trong hoàn cảnh của họ. Nhưng từ sự lựa chọn của mình, ông gợi ý cho họ một thái độ, một cách trả lời trước những khúc quanh lịch sử, trước những ngã ba đường. Hôm qua và hôm nay, ông vẫn hiện diện cùng các thế hệ hậu sinh trong cuộc đấu tranh với những phường “bạc ác tinh ma”, “đầu trâu mặt ngựa”; trong những giao tiếp văn hóa và chính trị với thế giới chưa bao giờ gần gũi như bây giờ; trong nỗ lực cứu vớt và khôi phục những gương mặt người bị chìm khuất sau màn đêm của vô minh và trong niềm hy vọng không bao giờ nguôi về tự do, hạnh phúc.

GS.TS. Huỳnh Như Phương, PGS.TS. Đoàn Lê Giang

– giảng viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM

Nguồn: Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Du (Kỷ yếu HTKH Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du), NXB.ĐHQG TP.HCM, 2015

Mức độ phổ biến, đón nhận những tác phẩm văn chương mới được tái bản chưa phải ở đâu cũng như nhau

 

Vài năm trở lại đây, những nỗ lực kiểm thảo, sưu tầm, minh bạch hóa văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 đang dần là công việc mang tính thúc ước và thật may mắn, chúng đã được xuất bản, đăng tải, lưu hành khá sôi nổi trong nhiều nhóm cộng đồng.

Việc đọc, thẩm định tác phẩm của nhiều gương mặt quan trọng làm nên bộ phận văn học này cũng dần đi vào bài bản. Đặc biệt, trong số đó, một vài tên tuổi nổi bật đã có thể xướng lên với niềm yêu mến, ngưỡng mộ công khai.

1. Từ điển văn học (bộ mới, 2004) đánh dấu sự có mặt mang tính quy phạm và chính thống hóa của một số tác giả văn học đô thị miền Nam: Bùi Giáng (1926-1998), Bình Nguyên Lộc (1914-1987), Nguyên Sa (1932-1998), Dương Nghiễm Mậu (1936-2016). 

Cho dù quá ít ỏi và không thật sự sáng rõ mọi điều về văn chương của mỗi người nhưng ít nhất, bộ sách công cụ ấy cũng đã hé mở vài cửa ngõ để độc giả nhìn vào bộ phận văn học từng bị coi là sản phẩm đáng quên của chế độ cũ.

Trên thực tế, đó cũng là thời điểm một số đơn vị xuất bản trong nước tỏ ra khéo léo, mạnh dạn lựa chọn và ấn hành lại tác phẩm của nhiều nhà văn có tiểu sử và sự nghiệp khác nhau: Dương Nghiễm Mậu gây khá nhiều sóng gió với các tập truyện Nhan sắc, Cũng đành, Đôi mắt chân trời, Tiếng sáo người em út (2007); Nguyên Sa yên lành hơn với Tuyển tập thơ chọn lọc (2005); Phạm Công Thiện cũng trở lại với tuyển thơ Trên tất cả đỉnh cao là im lặng (2009); 

Bình Nguyên Lộc có vẻ xuôi chèo mát mái với Tuyển tập Bình Nguyên Lộc (4 tập, 2002), mà về sau lại in theo phần riêng, với Truyện ngắn Bình Nguyên Lộc (2012), Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc (2017), Ký thác(2018), Hương quê (2018)... 

So với sự trở lại của một số tác giả mà lí lịch lẫn văn chương không bị coi là “có vấn đề” như Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Trang Thế Hy thì Bùi Giáng với Đười ươi chân kinh (thơ văn tinh tuyển, 2012) cũng như hàng loạt dịch phẩm khác, Tràng Thiên với Quê hương tôi (2012) và Tạp văn (2014) hẳn nhiên là một tín hiệu quan trọng, không chỉ vì cho thấy sức đọc hôm nay đã tiếp cận được một hiện tượng thơ khó và còn lâu mới hoàn tất giải mã (như Bùi Giáng) mà còn báo hiệu những ngăn trở quá khứ, lịch sử xã hội sẽ dần khép lại trước nhu cầu thưởng thức văn chương.

Quả là độ lùi thời gian trong đời sống văn học, dù gì, cũng khiến các định kiến không thể kéo dài và sự tri nhận không rơi vào khuyết thiếu, chênh vênh mãi. Năm 2012, thêm một tác giả, lần này là nữ, Trần Thị NgH, được giới thiệu lại với bộ ba tập truyện Lạc đạn, Nhăn rúm, Nhà có cửa khóa trái.

Đến năm 2017, Nguyễn Thị Thụy Vũ, nữ tác giả được đón đọc bậc nhất trước 1975 ở miền Nam, gây chú ý vì trở lại cùng lúc với bộ 10 tác phẩm truyện ngắn, truyện dài. Như thể chẳng đặng đừng trước cơ hội “bước qua lời nguyền”,  đầu 2018, bộ đôi tiểu thuyết Tuổi nước độc và Sợi tóc tìm thấy của Dương Nghiễm Mậu đã được tái xuất.

Tác phẩm trở lại thì việc đọc, đánh giá văn học miền Nam 1954-1975 cũng  biến chuyển. Ngoài giới thiệu từng tác giả, tác phẩm riêng lẻ, đã bắt đầu có những nghiên cứu xoáy vào một vài vấn đề trọng tâm, kéo theo những nỗ lực dài hơi cả về tư liệu và nhận định.

Các công bố chính thức dưới dạng chuyên khảo hay tiểu luận của Trần Hoài Anh, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Mạnh Tiến, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Thị Việt Nga, Nguyễn Bá Thành..., đóng vai trò là chỉ dẫn bước đầu để quan sát bức tranh tổng thể đời sống văn hóa văn chương Sài Gòn trước 1975.

Đấy là chưa kể một khối lượng phong phú báo chí văn chương miền Nam, từ Sáng tạo, Hiện đại, Thế kỉ hai mươi, đến Bách khoa, Đại học, Văn,... và các tác phẩm khảo cứu, dịch thuật của Nguyễn Hiến Lê, Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Vũ Đình Lưu, Tuệ Sỹ, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Duy Cần, Phan  Khoang, Kim Định, Nguyễn Thế Anh, Tạ Chí Đại Trường..., những nhân vật từng góp phần tạo nên đời sống văn sử triết sôi nổi ở miền Nam, đều đã và đang có mặt trên nhiều kệ sách và là thư mục tham khảo trong nhiều bài viết học thuật hôm nay.

2. Thực tế và những động thái tái dựng văn học đô thị miền Nam như trên chắc chưa thể coi là đầy đủ và có tính hệ thống. Chỉ một số lượng rất nhỏ những tác phẩm văn chương có hệ số an tâm cao về nội dung mới được xuất bản lại và mức độ phổ biến, đón nhận chúng chưa phải ở đâu cũng như nhau.

Ngay cả trong cộng đồng quan tâm, có thiện cảm lớn với bộ phận văn học này, từng đầu tư thời gian, kinh phí lẫn cách giải quyết phiền hà ngoài văn chương, khi bắt tay lần giở cảo thơm thì cũng chưa thấy mấy ai có thể  thuyết phục hoàn toàn cho mọi người hiểu đó là hành động nên chung tay góp sức hay chỉ cổ vũ đứng ngoài.

Tuy thế, với chứng cớ rằng đã có lượng độc giả tìm đọc văn học miền Nam 1954-1975 một cách tự thân, thì nhất thời, có thể tin sự ngăn cách quá khứ - hiện tại, và rào cản tâm thế sẽ dần được tháo dỡ, tiến đến những thông hiểu chính xác và chính đáng.

20180813 vhmNam

Tôi tin độc giả thông thái hôm nay đã không còn dễ dàng bị “dắt mũi” trong các diễn ngôn cho phép hay cấm kị đọc sách gì, mà từ đó dẫn đến thờ ơ, lãnh đạm, phủi tay với “ấn phẩm xám” nảy nở trong lòng miền Nam trước 1975. 

Bằng hành vi đọc của mình, độc giả, cũng như tất cả những ai tôn trọng mọi con đường đi tới thống nhất nhân tâm địa lí, đang góp phần tạo nên sự hiện hữu đáng tin của một nền văn học dân tộc đúng nghĩa.

Tương tự, nếu nhìn sang lĩnh vực âm nhạc, sẽ càng thấy sinh động và ngạc nhiên hơn nữa bởi sự hưng thịnh khắp thôn cùng xóm vắng của dòng nhạc bolero hay những tình khúc “đi cùng năm tháng” vốn từng được cất lên ở Sài thành trước 1975.

3. Văn học miền Nam đô thị 1954-1975 vẫn tiếp tục nằm trong “lãnh cung” nếu công việc tìm lại những tiếng nói và đồng thời, hiển thị chúng không được coi là trách nhiệm đương nhiên của văn học sử.

Bên cạnh những phát biểu cửa miệng mang tính chiêu tuyết cho việc dựng lại văn học miền Nam trước giải phóng, nhất thiết phải xây dựng được giáo trình văn học sử trọn vẹn, đa dạng, hợp lí. Tôi biết ở một số Văn khoa của các trường đại học đang cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu và giảng dạy vài tác giả nổi bật như Bùi Giáng, Mai Thảo, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa...

Bản thân các tác giả này, trong nhiều sự kiện văn học nghệ thuật khác nhau, cũng đều được giới thiệu với công chúng. Bởi thế, đây là lúc để giảng dạy lịch sử văn học trong một tổng thể văn hóa và giá trị dân tộc hài hòa.

Với lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, nhất là từ sau 1954, thì văn học đô thị miền Nam phải được coi là bộ phận hợp thành, và do đó, việc các tác giả tác phẩm được trở lại chính là để giảm thiểu sự khuyết thiếu nhiều năm liền trong cơ cấu tri thức văn hóa văn chương tiếng Việt mà sách vở nhà trường đang đối diện.

Cá nhân tôi và nhiều độc giả khác hẳn đều chờ đợi những tiếng nói và giá trị khác ngoài bộ phận văn học miền Bắc lâu nay, đặng cho cuộc đọc của mình sáng láng, hoan hỉ hơn.

4 thập niên qua, kể từ khi đất nước thống nhất, văn chương tiếng Việt đang không ngừng mở rộng không gian tồn tại, nhất là khi một số lượng lớn các nhà văn miền Nam trước 1975 vẫn tiếp tục cầm bút sáng tác ở hải ngoại, ở nơi họ trú xứ.

Thành quả sáng tạo của họ đang làm cho giao diện văn chương tiếng Việt mới hơn và cũng khác hơn so với quá khứ. Cần đón nhận thế nào bộ phận văn học này? Trong chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước là hòa hợp, hòa giải dân tộc, chúng ta thấy rõ văn chương văn nghệ đang đi những bước rất tích cực, ý nghĩa.

Bởi lẽ, phàm đã là văn chương tiếng mẹ đẻ, ít hay nhiều, chúng ta đều bắt gặp ở đó những hạnh phúc, buồn vui, những vấp ngã và trưởng thành của bóng hình dân tộc. Chẳng có khung hệ đánh giá nào bền vững và nhân văn hơn sự tỉnh táo nhận thức về mình, bao gồm cả quá khứ và hiện tại, để tương lai không bị áy náy, lấn cấn điều gì.

Theo nghĩa đó thì sự tái xuất của một số hiện tượng văn học đô thị miền Nam 1954-1975 cũng trao cho chúng ta nhiều hi vọng, nhất là hi vọng đủ đầy của tương lai.

Mức độ phổ biến, đón nhận những tác phẩm văn chương mới được tái bản chưa phải ở đâu cũng như nhau.

Mai Anh Tuấn

Nguồn: An ninh thế giới, ngày 05.8.2018.

Đừng kể tên tôi của Phan Thúy Hà, theo tôi, là một trong những tác phẩm văn chương đáng đọc nhất trong năm 2017. Phan Thúy Hà (sinh năm 1979) là một cái tên “mới toanh” trên văn đàn. Một cây bút nữ độc đáo, có phần kì lạ. Chị vốn là cựu sinh viên khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ra trường, Phan Thúy Hà đầu quân cho Nhà xuất bản Phụ nữ, là một biên tập viên cứng tay.

Cái câu “văn là người”, với trường hợp Hà là sát hợp. Làm việc ở Nhà xuất bản Phụ nữ được chừng dăm năm, thì đùng một cái, Hà có một quyết định khiến nhiều người ngạc nhiên - xin nghỉ việc. Sau này, khi Đừng kể tên tôi ra mắt, một lần gặp lại Hà, tôi hỏi lí do vì sao đang thuận buồm xuôi gió lại không làm ở một nơi chốn mà nhiều người đang muốn đặt chân vào, thì nhận được câu trả lời giản dị “Em muốn dành thời gian viết văn!”. Tôi không nghĩ Hà mắc bệnh “vĩ nhân tỉnh lẻ”. Tôi cũng không nghĩ Hà không quan tâm tới chuyện “cơm áo không đùa với khách thơ”.

Con người bề ngoài ít nói này mấy ai biết bên trong sục sôi ý chí, kiên gan, hơi “gàn”, đã quyết là làm. Trở về quê, ngày ngày Hà đi gặp những nhân chứng sống đã trải qua thời đạn bom ác liệt, cần mẫn, kiên trì đeo bám nhiều người, thuộc nhiều giới, nhiều lứa tuổi, nhiều cảnh ngộ, nhiều số phận, hỏi chuyện, ghi chép cẩn thận. Hà cứ như con ong cần cù hút nhụy hoa tạo mật ngọt. Lại nhớ Nguyễn Tuân viết Sông Đà (1960), cụ đã vào thư viện đọc cả ngàn trang sách để hiểu thêm về địa lí, địa tầng, thổ nhưỡng, khí tượng, thủy văn,... Cụ lại còn đọc để biết chi tiết hơn là, muốn tạo 100 g mật, con ong đã phải “đánh đường tìm hoa” không dưới 200 km. Chao ôi, nghề văn cũng lắm công phu.

Tôi biết, lăn lộn ở quê như thế, Hà đã có được một vốn liếng, dĩ nhiên không phải tiền bạc, mà là vốn sống. Ở trường hợp này cái phương châm “sống đã rồi hãy viết” (Nam Cao) tỏ ra phù hợp với Hà. Nhiều người viết văn bây giờ đã lười nhác mà ỷ vào internet. Họ không có cái thú đi đây đi đó (trước đây gọi là “xê dịch”). Họ “trùm chăn” để viết. Tác phẩm nếu có ra được thì cũng chỉ đầy “xác chữ”. Tôi tin rằng, Hà khi học ở khoa Văn học đã có lưng vốn cơ bản. Nhưng viết văn là cả một công trình sống. Là người thời nay, Hà không thể không biết đến các “ism” (học thuyết, chủ nghĩa) đang như nấm mọc sau mưa. Nhưng tuyệt nhiên thấy vắng bóng trong tác phẩm của Hà các thứ hậu hiện đại, hậu thực dân, nữ quyền, sinh thái, phân tâm học,... Chỉ thấy ròng ròng sự sống.

Hơn một lần tôi ghi vào sổ tay văn học (thói quen từ thời sinh viên Văn khoa Tổng hợp) câu của văn hào Nga thế kỉ XIX, L.Tolstoy, đại ý, nhân vật mà ông yêu thích nhất, vui buồn với nó nhất, tâm huyết nhất lúc viết chính là sự thật. Hóa ra là, tác phẩm văn chương quyến rũ, mê hoặc ta bao đời nay, không gì khác, chính là SỰ THẬT. Đúng như đại thi hào Nguyễn Du viết: Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Nếu nhân dân vĩ đại quay lưng với văn chương thì không phải vì dân trí mà vì cái nhợt nhạt, phỉnh nịnh, giả dối,... chỉ là một thứ xa xỉ phẩm trong nhu cầu tinh thần của con người thời đại. Nói cho cùng thì truyền thống của chủ nghĩa hiện thực trong văn chương Việt Nam hiện đại chưa đi hết cung bậc, nó tạm thời bị tắc nghẽn một quãng thời gian dài (áng chừng đến bốn mươi năm), vì rất nhiều lí do ngoài văn chương. Nhà văn chân chính phải có đủ dũng khí “nhúng tay vào sự thật”. Sự thật tạo nên hấp lực của văn chương.

05 dung ke en 480251217


Tại sao Hà không chọn hình thức hư cấu (fiction) mà là phi hư cấu (non-fiction) khi viết Đừng kể tên tôi? Tôi không đặt câu hỏi này sau khi đọc xong tác phẩm, với Hà. Tôi biết, mỗi người có sự lựa chọn sống và viết không ai giống ai. Cá tính sáng tạo rất quan trọng. Nó là chân tủy của sự viết. Nó có thể là ý thức hoặc không có ý thức, có thể là tự phát hay tự giác khi viết đối với mỗi người cầm bút. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng đôi khi tình thế buộc phải so sánh: giải Nobel văn chương 2015 trao cho nữ nhà văn Xvetlana Alexievich với tác phẩm phi hư cấu Chiến tranh không mang một khuôn mặt nữ (Nguyên Ngọc dịch, Nxb Hà Nội, 2016). Có thể nói không quá, văn chương tư liệu đang lên ngôi trong thế kỉ XXI. Nhìn vào văn học Việt Nam sẽ thấy rõ hơn. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 trao cho tiểu thuyết tư liệu Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh (tính đến năm 2017 đã được tái bản nhiều lần, số lượng lên tới hơn 10.000 bản sách, đã có phiên bản tiếng Anh). Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2017 trao cho Hồi ức lính của Vũ Công Chiến. Những tác phẩm văn học tư liệu khác thu hút sự quan tâm của độc giả gần đây như Quân khu Nam Đồng của Bình Ca, Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn, Lính Hà của Nguyễn Ngọc Tiến, Quảng Trị 1972 của Nguyễn Quang Vinh, Chuyện lính Tây Nam của Trung Sỹ,... đã tăng thêm niềm tin vào triển vọng của hình thức văn học tư liệu/ phi hư cấu. Có thể Hà chưa đọc được nhiều của đồng nghiệp trong và ngoài nước. Có thể Hà hoàn toàn như một hòn đảo cô liêu giữa trùng khơi. Có thể khi viết Hà hoàn toàn chỉ đưa vào những chuyện có thật ở quê hương mình, đã cảm thấy đủ, thậm chí dư thừa chất liệu cho nhiều tác phẩm tiếp theo. Vì thế, nhà văn Trần Huy Quang đã thấy việc Hà không chọn hình thức thể loại tiểu thuyết hư cấu để viết là có lí do sâu xa của nó. Vấn đề đặt ra với nhà văn là, cuốn sách được viết ra cao hơn cuộc đời hay cuộc đời cao hơn cuốn sách? Đôi khi rất khó tường minh nếu muốn chi li giải thích. Riêng tôi thì thấy sự thật cao hơn cuốn sách. Có nghĩa là, Hà cũng như nhiều nhà văn khác, nếu tiếp tục “tuẫn tiết viết” thì cả đời người cũng chỉ chạm được vào sự thật mà thôi. Cuộc kháng chiến mười nghìn ngày (1945-1975) là cả một nguồn tư liệu khổng lồ, một trữ lượng vô tận. Phải có nhiều thế hệ tiếp cận và khai thác. Có thể trong vòng năm mươi năm tới, chiến tranh vẫn là một “siêu đề tài” của văn học. Tôi cũng chưa thật rõ quan niệm của Hà khi cầm bút vì người như chị sẽ rất ít khi lập ngôn hay tuyên ngôn. Nó ngược với cái thói đỏng đảnh của mấy cây bút thích “lên gân” rằng “văn chương cuối cùng cũng chỉ là một trò chơi vô tăm tích” (!?). Lại có người cứ chăm chăm vào cái mục đích giải trí của nghệ thuật ngôn từ vì chỉ đọc được mấy câu cuối của Truyện Kiều, thấy cụ Nguyễn Du viết: Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh. Có một ông nhà văn nọ cứ cố tình bám lấy câu này mà thắc thỏm về cái gọi là chức năng giải trí của chữ nghĩa. Không trường phái, không chủ nghĩa, không tuyên ngôn, Hà cứ lẳng lặng viết. Ban đầu cũng chỉ nghĩ không thể không viết ra vì đã được nghe nhiều chuyện kinh thiên động địa. Chuyện từ trong nhà ra ngoài ngõ. Viết vì như có lửa trong người nên cảm thấy “nóng”. Phải cho câu chữ nó phóng ra để thăng hoa nội tâm. Viết để giải tỏa. Viết như một món nợ với cha chú, anh chị, đồng bào, đồng hương. Tôi hình dung Hà như mê đi, như bị cuốn vào thác lũ của những câu chuyện tai nghe mắt thấy. Con người đâu phải gỗ đá. Lại còn bao nhiêu duyên nợ với cuộc đời mà người phụ nữ bình thường không thể làm ngơ hay từ chối thiên chức. Có lẽ cuộc đua “bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn” vẫn cứ diễn ra trong nội tâm của Hà. Đâu phải chỉ có cô Kiều của cụ Nguyễn Tiên Điền. Giống như người đã lên chuyến tàu tốc hành, không thể xuống ga xép, Hà cứ phải phăng phăng lao lên phía trước. Đây là trận đánh chữ nghĩa, không đổ máu nhưng đổ mồ hôi, công sức.

Đừng kể tên tôi kể câu chuyện nào? Lí luận văn học đã chỉ ra một nguyên tắc: không phải là viết về cái gì mà quan trọng hơn là viết như thế nào. Chính vì thế tôi quan tâm đến cách viết của Hà. Trước nhất, Hà tôn trọng triệt để sự thật. Sự thật, bản thân nó lên tiếng. Sự thật, trong sức mạnh tiềm tàng của mình đã hướng dẫn ngòi bút. Có nhiều sự thật. Có sự thật có lợi cho một nhóm người. Sự thật của kẻ thích a dua đám đông. Sự thật một nửa. Sự thật được đánh bóng ru ngủ lòng người. Nhưng chỉ có sự thật đích thực khi nhà văn “lặn” xuống tận đáy đời sống nhân quần.

Thông thường chiến tranh hiện lên trên trang viết trong bộ mặt gớm guốc của thần chết, vì không mất mát nào lớn bằng cái chết. Cái cảnh núi xương sông máu, người ta nghĩ, đó là chân dung chiến tranh. Nhưng đó là lối viết quen thuộc. Có cách khác viết về nỗi buồn chiến tranh (nhan đề một tiểu thuyết của Bảo Ninh). Có cách viết như Tiểu thuyết đàn bà của Lý Lan khi tác giả xoáy sâu vào chủ đề “sự thất lạc bởi chiến tranh”. Trên một tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc có thể viết về nỗ lực xoa dịu, lấp dần hố ngăn cách do lòng hận thù của những người tham gia chiến tranh từ hai phía, vì hận thù làm cho cuộc đời con người ngắn lại. Đỉnh cao hoang vắng của Khuất Quang Thụy, Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê gần đây kể những câu chuyện đau đớn và nhức nhối để hàn gắn vết thương chiến tranh bằng tinh thần giác ngộ, vị tha theo giáo lí Phật. Suy cho cùng tất cả đều là con người, đều là những sinh linh nạn nhân của chiến tranh. Hà viết về cái chết do chiến tranh gây ra. Cũng sát sàn sạt. Cũng ghê gớm. Cũng đau đớn xót xa. Nhưng cái chết trong chiến tranh không ghê gớm bằng cái chết sau chiến tranh do di họa của nó để lại (các nạn nhân chất độc da cam). Cái chết tinh thần ghê gớm hơn, đó là con người bị thất lạc (với quê hương, với gia đình, với bản thân). Đó là nỗi đau khi bị cướp công, bị hàm oan, bị lợi dụng cho những tính toán vị kỉ. Chiến tranh khiến cả một thế hệ dang dở để rồi sau đó lao tâm khổ tứ khắc phục. Cuộc chiến tranh mười ngàn ngày cướp đi hàng triệu người mãi mãi tuổi hai mươi. Đó là cái vốn trời cho không bao giờ lấy lại được. Và khủng khiếp hơn, chiến tranh đã tạo nên một thói quen nguy hiểm khi con người quen với từ “chết”, từ “giết”, từ “phá” hơn là vun xới giá trị của từ “sống”, “xây dựng”, “gìn giữ”, “vun trồng”,... Chiến tranh là sự bất bình thường khiến con người muốn sống bình thường sau đó mà trở nên gian nan, khổ ải. Chiến tranh tàn khốc là một “trò đùa” của tạo hóa chăng? Bất hạnh thay cho dân tộc nào bị tạo hóa chơi khăm.

Những nhân chứng sống Hà ghi cuối sách như muốn nói với độc giả rằng, những câu chuyện các vị nghe tôi kể ở đây là của người trong cuộc, những người đã trải qua “lửa đỏ và nước lạnh” thuật lại, tôi chỉ ghi lại trung thành. Họ không bịa tạc vì thậm chí từ chiến trường trở về không ai trong số họ quan tâm các giấy tờ liên quan đến các chế độ đãi ngộ sau này (thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, thanh niên xung phong,...). Lúc ra trận họ không nghĩ đến các chế độ ưu tiên nếu còn sống trở về. Nhưng, những thất thiệt do hoàn cảnh đem lại cho những người đã cống hiến tuổi thanh xuân vì thắng lợi chung, thì càng nghĩ càng đau đớn, bất bình vì thói vô trách nhiệm của những kẻ “máu cá” (cách nói của Nguyễn Minh Châu). Không ít người cố tình quên quá khứ, hay ngâm nó vào một thứ nước lợ, vì như thế có lợi cho họ.

Tôi nghĩ, không cần kể lại chi tiết Hà đã viết những gì. Không gì thay thế được việc đọc trực tiếp tác phẩm. Người phê bình không nhất thiết mô tả tác phẩm, bởi như thế là thừa. Thậm chí vô duyên khi tác giả đã kể rất ngọn ngành, hấp dẫn. Tác giả chỉ còn chờ sự đồng cảm của độc giả. Nếu có, đó là sự đồng điệu, đồng sáng tạo. Đây là thời mà tác giả khi viết không thể không chú ý đến công chúng đọc. Tôi cũng đồ rằng, lứa tuổi teen, đặc biệt những ai nông nổi, không thích kiểu viết của Hà. Họ hiện sinh, thực dụng, họ sợ bị “bóng đè”. Nhưng Hà đừng lo. Mỗi người sáng tác có công chúng riêng của mình. Hà sẽ có công chúng thuộc típ người sống chậm, thích suy tư và nghiền ngẫm, về quá khứ, hiện tại và con đường phía trước. Trên hành trình ấy, hãy Đừng kể tên tôi, HÃY KỂ TÊN NHÂN DÂN.
 
B.V.T

Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 23.10.2018.

20180808 tac gia nu
Văn học Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI chứng kiến sự trình hiện một cách đầy thuyết phục của các cây bút nữ, đặc biệt ở mảng truyện ngắn. Điểm dễ nhận thấy là các tác giả nữ dành nhiều tâm lực cũng như bút lực cho những vấn đề của giới mình: khát vọng sống, bản năng bị kiềm tỏa, những quan niệm và định kiến… Trong một bối cảnh mà nhiều vấn đề thuộc về giá trị nhân bản của con người đã được mở rộng biên độ, khi nhân loại không chỉ thừa nhận giới thứ hai mà còn thừa nhận cả giới thứ ba, thì các tác giả nữ cũng như nhân vật của mình hoàn toàn có cơ hội vượt thoát những định kiến từ lâu đã in bóng lên cuộc đời họ. Họ sẵn sàng dấn thân vào những vấn đề nhạy cảm như tính dục, đồng giới cũng như thẳng thắn thể hiện lối nghĩ mới về những miền hiện thực mang màu sắc truyền thống như gia đình, con cái, đức hạnh, trinh tiết, v.v… Theo mạch cảm hứng đó, sự phản kháng trở thành một phẩm tính chung của nhiều nhân vật, góp phần sinh tạo nên kiểu nhân vật “nổi loạn” (đặc biệt là nhân vật nữ) trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại. “Nổi loạn” ở đây được hiểu là hành trình nhân vật tự đấu tranh, vượt thoát mọi giới hạn để được sống đúng với cái “nhân vị đàn bà” của mình. Đây thực chất là sự phản ứng lại những định chế của xã hội trong việc kìm hãm tự do cá nhân của con người, mà sâu xa hơn là sự phản kháng vừa âm thầm vừa quyết liệt về một xã hội vốn hằn sâu tư tưởng nam quyền.

Từ “nổi loạn” trong nhận thức…
Simone de Beauvoir nói: “Người chỉ là người thực sự nếu biết phản kháng. Danh dự, giá trị làm người ở chỗ biết phản kháng, chống lại một thân phận đã bị gán cho một cách phi lí”(1). Trên tinh thần chung đó, triết gia hiện sinh và là người xác lập lí thuyết nữ quyền người Pháp này đã khẳng định: “Người ta sinh ra không là đàn bà, người ta trở thành đàn bà”. Điều này có thể được diễn giải rằng, đàn bà không sinh ra với những điểm bị cho là “yếu kém” mà chính định kiến và sự áp đặt của chế độ nam quyền đã biến họ trở thành thể thứ yếu, phụ thuộc. Theo đó, người phụ nữ hẳn nhiên không phải là một phần lệ thuộc vào người đàn ông như huyền tích của Kinh Thánh mà là những nhân vị độc lập có đời sống riêng của mình.

Một trong những tín hiệu đầu tiên của ý thức xác lập bản sắc - nhân vị đàn bà chính là ở sự tự thức nhận về cái tẻ nhạt của cuộc sống thường nhật. Khát vọng cháy bỏng muốn thoát ra khỏi cái vùng khí quyển nhờ nhờ, không hương sắc đó chính là động cơ mạnh mẽ nhất cho hành trình dấn thân của người phụ nữ. Khát vọng đó tượng hình trong câu hỏi xoáy mãi vào tâm can Vi (Cuối mùa bạch yến - Đỗ Bích Thúy): “Đời Vi chẳng lẽ giống cái cối này, cứ đứng mãi một chỗ, làm mãi một việc, ngày một già đi, khô héo đi, chẳng lẽ chỉ như thế thôi sao?”, hay My (Thiếu phụ chưa chồng - Nguyễn Thị Thu Huệ): “Chẳng lẽ cái đời tôi chỉ cần có ăn với ngủ là xong thôi à? Sẩm tối là nhà nào biết nhà ấy, cứ thanh bình mà sống nếu như ngày hôm ấy không bị sổng con gà hay mất con chó. Rồi đẻ. Đẻ một lũ mặt mũi ngờ nghệch như ở trong hang, trong hốc”…

Một khi nhu cầu tự giải phóng của người phụ nữ khởi phát cũng tức là họ đã ý thức sâu sắc việc giải phóng tình trạng lệ thuộc của cái tôi thứ yếu bên cạnh cái tôi chủ yếu là nam giới. Vốn dĩ vẫn thua thiệt người đàn ông về nhiều phương diện, đặc biệt là quyền được biểu thị những ham muốn riêng tư, người phụ nữ không mấy khi dám vượt qua những rào cản tâm lí, đạo đức để sống thực với chính mình. Thông hiểu điều này, người cầm bút đã dành cho nhân vật của mình cơ hội thụ hưởng cảm giác một cách trọn vẹn trong giấc mơ. Nghĩa là, trong giấc mơ, những quan niệm về trinh tiết, nghĩa vụ, sự chung thủy... đều có thể bị bôi xóa. Trong Người đàn bà và những giấc mơ (Y Ban), giấc mơ chính là không gian đồng lõa với cuộc ngoại tình trong tư tưởng của người vợ. Mỗi lần người chồng về muộn, người vợ lại tự ru mình vào những giấc mơ ngoại tình, tận hưởng niềm vui với người đàn ông lí tưởng của mình: “Trong mơ, lần đầu tiên nàng mơ thấy ngủ với một người đàn ông khác và đạt tới cảm giác mạnh”. Nhờ dư âm của những giấc mơ kiểu như thế mà người đàn bà đạt được trạng thái cân bằng và duy trì đời sống vợ chồng ái ân lạt lẽo.

Ở một khía cạnh khác, các nhân vật nữ trong truyện ngắn đương đại còn đấu tranh để thoát ra khỏi tình trạng bị sở hữu, bị chiếm hữu, thậm chí là “bị dùng” như kiểu nhân vật người vợ trongCon chó và vụ li hôn (Dạ Ngân), hay nhân vật cô gái trẻ trong Gió mưa gửi lại (Thùy Linh): “Cháu đã quen với cuộc sống có rất ít sự níu kéo. Cháu không muốn bị chiếm hữu, cháu cần được tự do trần trụi”.
Muốn không bị rêu bám thì hòn đá phải lăn. Một khi đã nhận ra cảnh ngộ của mình cũng tức là đã tỉnh ngộ. Chừng nào con người biết ý thức về bi kịch của mình thì chừng đó họ còn có cơ hội để cải đổi. Bản thân thứ cảm xúc sinh ra từ quá trình tự thức nhận này cũng đã mang những giá trị kích khởi mãnh liệt. Sống là thay đổi, là để lấp đầy như cách lựa chọn của Hoan trong Giờ xanh(Phan Hồn Nhiên): “Tôi muốn thử một đợt sống thật khác. Nếu không bây giờ, sẽ chẳng bao giờ”.

… đến “nổi loạn” bằng hành động
Sự kết hợp giữa tư tưởng hiện sinh và lí thuyết nữ quyền trong nhiều truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại là một xu hướng phù hợp với xu thế đi tìm sự cân bằng, bình đẳng giữa hai giới của xã hội hiện đại. Đó thực chất là sự quy chiếu những quan điểm hiện sinh vào một đối tượng bé mọn nhất, đáng thương nhất trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của nhân loại: người phụ nữ. Thân phận của họ gắn liền với nỗi khổ đau, mặc cảm lệ thuộc, mặc cảm bị chiếm đoạt, mặc cảm bị áp bức... Họ chỉ là những “công dân loại hai” như lời của nữ luật sư trong Trời vẫn nắng suốt đêm (Hồ Anh Thái): “Chị kể câu chuyện của những thiếu nữ nhà quê, ngay từ bé đã bị cắt âm vật theo tập quán tôn giáo. Phụ nữ là công dân loại hai. Phụ nữ là ô uế và trạng thái cực cảm của họ là nỗi ô nhục cần phải xóa bỏ. Vậy. Phụ nữ chỉ là đồ vật trong gia đình, là cái máy đẻ cho chồng. Họ không có quyền đạt đến cực cảm”. Sự lồng ghép góc nhìn hiện sinh với những tư tưởng của nữ quyền luận là phương thức tạo hình nhiều cá tính góc cạnh, độc đáo. Không chỉ đòi quyền tự do luyến ái, họ còn công khai đòi được khẳng định quyền tự chủ trong đời sống cá nhân, sự ngang bằng về nghĩa vụ và quyền lợi trong tương quan với nam giới. Họ - giờ đây - không còn là những “công dân hạng hai” chỉ biết câm lặng và chịu đựng. Chân trời ở trước mắt và họ cho mình quyền tự định đoạt số phận của chính mình. Nhân vật Thoa trong Đường trần (Thùy Dương) trăn trở: “Có đêm hắn xong việc, ngủ khìn khịt còn tao vật vã trắng đêm, cứ muốn quy hoạch lại đời mình mà sao thấy khó quá, thấy rối bời và mông lung quá… Nhưng mà tao cũng phải có trách nhiệm với cuộc đời của mình chứ không thể sống vì người khác, vì những cái khác được”.

Để giành được quyền sống đúng nghĩa cho mình, sự phản kháng không chỉ dừng lại ở ngưỡng nhận thức mà nó còn cần và nhất thiết phải chuyển hóa thành hành động. Ở tầng ý nghĩa này, nhân vật nữ trong nhiều truyện ngắn thường được mô tả gắn với ý niệm về những cuộc hành trình, những chân trời, những viễn ảnh mới mẻ và đầy quyến rũ. Hình ảnh “tân cảng” trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Thị Thu Huệ trở thành biểu tượng cho những miền đất mới mà con người khao khát kiếm tìm. Không phải ngẫu nhiên mà người mẹ đã phân biệt một cách rành rẽ hai vùng đất - cũng chính là hai khoảng không gian sáng và tối: “Mẹ nói khi cả hai cùng nhìn về phía tân cảng: Con thấy cuộc sống ở đó không? Suốt ngày đêm tàu ra vào tấp nập. Đấy là bến cho các con tàu đến rồi đi. Quay sang phía khác. Lờ mờ trong bóng tối bên kia sông là làng xóm, âm thầm tĩnh lặng. Mẹ lại bảo: Đấy là các gia đình tối đến quây quần, loanh quanh rồi ngủ, mai dậy sớm đi làm… Nó hỏi: Tân cảng là gì ạ? Là cảng mới. Bao giờ cũng cần bến mới cho những con tàu”. Sau cuộc đối thoại, người phụ nữ ấy đã quyết định từ bỏ ngôi vị nữ chúa trong cái “cung điện” lạnh lẽo không hơi ấm suốt bao năm để bắt đầu lại từ đầu. Bão tố nổi lên trong chị ngay từ khi quyết định ấy thành hình và càng ngày càng dữ dội hơn. Nhưng không vì thế mà chị chùn bước: “Không có một điều gì làm chị xúc động hơn chính bản thân bão tố trong lòng chị lúc này. Chiến tranh đã nổ ra. Bom đã rơi vào chính chị. Và chị cũng phải chạy đi. Đến một cảng mới để làm lại từ đầu”.

Cuộc sống là một đường chạy đúng như nhân vật Thầm trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư đã định nghĩa: “Chạy, phải đau. Đau nghĩa là sống. Người chết không đau đớn”. Hiểu theo nghĩa này thì hành trình đến với những “tân cảng” trong cuộc đời mỗi người sẽ không bao giờ là con đường dễ dàng. Và cách thức mỗi người phụ nữ lựa chọn cũng khác nhau. Đó có thể là những phản ứng dữ dội theo kiểu con trẻ, gào thét điên cuồng khi không có được thứ nó muốn: “Tiếng thét của tôi bay lên chín tầng không trong thiên đường rồi lặn sâu xuống bảy tầng đất cát địa ngục. Tiếng thét như cánh chim đại bàng, bay đi tìm cái kiếp trước ngang tàng và càn rỡ. Mơ mộng và chìm lút. Muốn chinh phạt mà thành kẻ tội đày. Muốn thành đàn ông mà lại ra một cô gái. Chẳng được đi chơi lênh phênh khắp nơi, chẳng được đỏ đen mê muội, chẳng được vênh váo không cần biết ngày mai” (Giấc mơ - Võ Thị Xuân Hà); “Tôi chạy đến hồ Than Thở, buồn quá, lại quanh quẩn đồi Cù. Còn buồn hơn, mọi thứ đều lặng lờ, tôi muốn thét lên một tiếng thật to, may ra có cái gì sẽ vỡ, sẽ nổ và biết đâu sẽ vui hơn” (Hồng ngủ - Phan Thị Vàng Anh).

Nhiều nhân vật nữ trong truyện ngắn đương đại thậm chí có những quan điểm, hành động vượt ra ngoài mọi chuẩn mực, giới hạn. Họ hùng hồn bao biện cho những quan điểm, hành động đó như sau: “Tôi cóc cần sống vì ai. Tôi phải vì tôi bởi cũng có ai nghĩ đến tôi đâu” (My trong Thiếu phụ chưa chồng - Nguyễn Thị Thu Huệ); “Đời là cái cóc khô gì? Danh dự là cái cóc khô gì? Anh giữ mọi thứ để làm gì? Chết đi, anh cũng một nắm đất như ai” (Huệ trong Minu xinh đẹp - Nguyễn Thị Thu Huệ).

Sắc thái “nổi loạn” hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam đương đại đặc biệt phong phú và tươi mới ở khuynh hướng kêu đòi cho quyền được thỏa mãn những khát vọng luyến ái. Người phụ nữ sẵn sàng dứt bỏ tất cả để ra đi theo tiếng gọi của tình yêu, bất chấp đó là thứ tình yêu trong sáng thuần khiết hay là thứ tình yêu đắm đuối nhục cảm. Cũng như cô gái trong Người xưa (Nguyễn Thị Thu Huệ) “luôn muốn một cái gì như gió bão chứ không đủ sức chịu đựng và chờ đợi sự thấm lâu của mưa ngâu”, người vợ của ông Xung trong Đêm trăng (Nguyễn Thị Thu Huệ) “suốt đời đam mê cái gì đó chính nàng không hiểu”, “khao khát một cuộc sống mà tình yêu phải là ngọn lửa thiêu đốt”, cho dù có thể vì thế mà “đau đớn, bị quật ngã”. Người phụ nữ ấy trốn bình yên đi tìm giông tố vì không thể bằng lòng với những đêm trăng thật là trăng trong vườn hồng tĩnh lặng, vì không chấp nhận năm tháng tuổi trẻ không có đàn ông bên cạnh.
Điều đáng ngạc nhiên là, như một phép phủ định đối với những quan niệm truyền thống, người phụ nữ trong truyện ngắn đương đại có những lựa chọn khác thường. Họ thậm chí có thể phản ứng khá cực đoan với vấn đề gia đình và những đứa con. Trong khi tranh đấu đòi quyền sống, quyền bình đẳng cho mình, họ mặc nhiên xem đó không phải là thiên tính, thiên chức mà ngược lại, là gánh nặng, là sự cản trở. Lan trong Một nửa cuộc đời và Sao trong Giai nhân của Nguyễn Thị Thu Huệ là những mẫu phụ nữ tiêu biểu cho kiểu nhân vật này. Lan van nài Thắng - người tình của cô: “Em sợ cuộc sống buồn tẻ. Nó giết chết tuổi trẻ và những ham muốn. Cuộc sống tuyệt vời thế này vậy mà hàng ngày em cứ lọ mọ như một mụ già xẩm sờ xó bếp. Cơm nước, con cái và ngu si dần đi… Chúng mình hãy rũ bỏ tất cả. Đến với nhau đi anh. Sắp già và chết đến nơi rồi”. Sao thì tuyên bố với người yêu về quyết định phá bỏ đứa con trong bụng mình: “Tôi không muốn giết tuổi trẻ của mình bằng con đường tự biến mình thành con ở. Tôi còn quá trẻ để ngồi ôm con cửa sổ ngóng chồng đi làm về mỗi sáng, mỗi chiều. Tôi còn phải học, phải phấn đấu để có một cái tên trong cuộc đời này. Thành bà nọ bà kia mới khó, chứ thành vú em khó gì…”; “Con ư, con là cái gì? Nó đem lại cho đời tôi cái gì ngoài sự sồ sề, nhếch nhác và ngu si. Con để làm gì khi trước mắt tôi là bao nhiêu con đường. Lấy anh. Rồi cứ một năm tôi sản xuất cho anh một đứa vì dòng họ anh vắng người, lại đẻ như gà ấy mà”.

“Nổi loạn” - theo cách này hay cách khác - có cái giá riêng của nó. Sự trả giá là điều mặc nhiên một khi con người đã lựa chọn. Đôi khi, nó có thể chính là cái chết. Đó là câu chuyện của cô gái đẹp mang tên Sải trong Con dại của đá (Võ Thị Hảo). Sải có những khát khao kì lạ mang đường nét mơ hồ của miền đất mới - nơi chưa một ai trong vùng từng đặt chân đến: “Con ngựa tía là con dại của đá. Nó không biết làm lành với đá và luôn lồng lên khi thoáng nhận ra mùi lạ và cứ vùng vằng xông tới đó bằng được. Thế nhưng nàng thích cưỡi nó, vì nó cũng giống nàng, cứ khao khát mãi một miền ngái lạ”. Đó là lí do nàng rời Hùng De để đi với Cáo Tờ Quẩy: “Hùng De không mang vị mặn của biển. Chàng chưa bao giờ tới biển. Trong mái tóc mịn của chàng chỉ có mùi ngọt lợ của sương mù quanh năm quẩn trên đỉnh núi. Mắt Cáo Tờ Quẩy vằn những tia đỏ của rượu, của thuốc phiện và những ham hố. Nhưng nàng lượng thấy trong mắt hắn những miền xa vời vợi mà nàng chưa hề biết tới. Quẩy hứa sẽ đưa nàng đi chơi biển. Nếu được xuống biển, nàng sẽ sung sướng hơn cả mẹ nàng và bà nàng ngày xưa. Đàn bà con gái trong bản này chưa ai xuống biển”. Sải chết mà chưa kịp biết biển là gì, chết trong nỗi đau và niềm phẫn hận vì bị lừa gạt. Nhưng trong niềm bi phẫn đó, nếu lựa chọn một lần nữa, hẳn Sải sẽ vẫn chỉ là “đứa con dại của đá”, vẫn thêm một lần nữa trốn chạy, bằng lòng đổi tình yêu, hạnh phúc hiện tại của mình để lấy những ước mơ.
*
*    *
Như vậy, sau 1986, hình tượng người phụ nữ “nổi loạn” song hành với những cảm thức về tính chất phi lí của cuộc đời, sự giới hạn, trói buộc của những quan niệm đạo đức cũ, sự vùng lên của giới tính thứ hai… Theo A.Camus: “Sự nổi loạn là một phản kháng bằng sức mạnh không giới hạn và mục đích ôn hòa là giảm bớt đau khổ của thân phận con người”(2). Theo tinh thần này, “nổi loạn” được coi như một lực đẩy tích cực giúp con người tự trấn an mình, đồng thời dấn thêm một bước trên con đường hiện sinh.

 T.N.T
______

1. Dẫn theo Nguyễn Văn Trung (1964), Một vài cảm nghĩ về con người phản kháng của Albert Camus, Tạp chí Văn, số 2, Sài Gòn, tr.69.
2. Dẫn theo Bùi Ngọc Dung (1963), Albert Camus với nền văn chương triết học, Tạp chí Văn học, số 13, Sài Gòn, tr.40.
 
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội, ngày 07.8.2018.

TTO - Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa được vinh danh với giải thưởng LiBeraturpreis 2018 của Đức, trong lễ trao giải tổ chức ở Hội chợ sách Frankfurt 2018 tối 13-10 (giờ VN).

20181018 NgNgocTu

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (thứ hai từ trái sang) trò chuyện tại lễ trao giải LiBeraturpreis 2018 diễn ra tối 13-10 (giờ VN) ở Hội chợ sách Frankfurt, Đức - Ảnh: CA DAO

Tuổi Trẻ giới thiệu diễn từ nhận giải của chị - những chia sẻ về con đường đến với văn chương và những thao thức với nghiệp viết.

Tôi thường đọc sách trong sự ồn ào. Nhiều tiếng nói vang lên, và không dễ chịu chút nào, khi đó là những lời thẳng thắn. Rằng: "Lúc mi chưa sinh ra thì những Honoré de Balzac, Frank Kafka, William Faulkner, Heinrich Boll, Patrick White, Gabriel García Márquez... đã vĩ đại rồi, và những trường phái văn chương đã định hình, hoàn thiện khi mi tập đi bên những hố bom. Văn chương thế giới đã rực rỡ trước khi mi trở thành đốm lửa".

"Sống và viết trong cộng đồng ngôn ngữ nhỏ bé, không phải trung tâm thế giới, ai sẽ nhìn thấy ánh sáng của mi?".

"Con đường mà mi tưởng mình là người đầu tiên bước vào, đã có người đi rất nhiều năm trước, và mi chỉ đang giẫm lên những dấu chân có sẵn. Mi tới nơi khi họ đã xong việc, đã rời đi".

Những tiếng nói ấy không cười nhạo tôi, không chút nào, chúng chỉ nói sự thật. Và sự thật thường mất lòng.

Hãy kể câu chuyện này

Gặp một cuốn sách hay, nghĩa là đọc cùng với những cơn chóng mặt. Văn chương thế giới mà tôi tiếp xúc, bằng những cuốn sách chuyền tay cũ sờn, đôi khi là bản photocopy - thứ sách giả như những nhà sưu tầm thường gọi - nhưng chữ của chúng là thật.

Những cuốn sách ấy, rất sớm, đã nhấc bổng mang tôi ra khỏi lòng giếng chật chội, và vào giây phút tôi nhận ra bầu trời rộng lớn nhường nào, tôi ngộp thở. Thứ sức mạnh mà tôi có được từ ảo tưởng, rằng mình là trung tâm của thế giới, cũng mất đi.

Những cuốn sách đánh thức bản năng viết, giúp tôi bước vào thế giới văn chương bằng những câu chuyện, nhưng chính chúng đôi khi đã làm tôi thấy mình biến dạng, chực tan đi không dấu vết gì.

Nhưng may thay, tôi là một người viết. Và lúc tôi viết, tôi cố định lại hình dáng và tiếng nói của mình, lấy lại những màu sắc vốn có, bởi những lời đáng sợ kia đã ngừng bên ngoài trang giấy. Duy nhất, lúc đó, chỉ còn lời thì thầm. Hãy kể câu chuyện này. Hãy kể câu chuyện này. Hãy kể câu chuyện này.

Bám riết, dẳng dai, nhưng lời thì thầm ấy đủ vang động để lay tôi dậy lúc nửa đêm, nằm với tôi cho tới khi trời sáng. Đôi khi vì mãi lắng nghe sự thôi thúc mãnh liệt đó, tôi đã văng ra khỏi cuộc trò chuyện với con mình, và tụi nhỏ đã quen với việc bà mẹ bỗng dưng xao lãng, không nghe thấy lời của chúng.

Đi chợ về, tôi thường lạc đường, cho tới khi nhận ra đang ngược hướng nhà mình. Và tôi ngờ rằng những món ăn tôi nấu lên trong căn bếp mù khói đã không ngon bởi vì tôi chẳng trọn lòng để ý tiếng cơm sôi, tiếng con cá nứt mình ra trong nồi, mà mãi lắng tai nghe lời thì thầm ấy.

Câu chuyện này thuộc về mi, hãy kể nó

Chẳng có gì để dứt tôi ra khỏi lời thì thầm, khi tôi chơi trong vườn với các con mình, đưa chúng tới trường, khi ngồi trong buổi tiệc đông người, hay lúc lau dọn căn nhà hay bị bày bừa bởi những đứa trẻ. Cả lúc tôi lang thang trên những nơi chốn xa xôi trên đất nước mình nhằm kháng cự sự tẻ nhạt, thì lời thì thầm vẫn theo chân.

Âm thanh đó chỉ ngưng khi tôi viết ra xong câu chuyện của mình, để lại trong tôi không cơn trống rỗng. Thật may, có quá nhiều câu chuyện đang xếp hàng chờ được kể, và cũng chừng ấy lời thì thầm còn chờ để vẳng bên tôi.

Hãy kể câu chuyện này, nó là của bạn. Một khi lời thì thầm cất tiếng, tôi không còn bối rối bởi những ồn ã chung quanh. Những hứa hẹn và dọa dẫm. Tán thưởng và ghét bỏ. Ảo tưởng và mặc cảm. Yêu thương và đố kỵ.

Chúng có thể vang động, gây choáng váng vào một vài giây phút nào đó, rồi lời thì thầm kia về lại với tôi, chỉ để nói hãy viết câu chuyện thuộc về tôi.

Nó xua sợ hãi, và làm tôi quên mất những cái bóng vĩ đại trên đầu mình. Hãy kể câu chuyện này ra, bởi bạn là nhà văn, đó là việc bạn phải làm, duy nhất. Và đó là thứ duy nhất làm nên một thế đứng kiêu hãnh, cho người viết.

Và con người thì không xa lạ với nhau

Tôi tin người ta luôn có những câu chuyện giống nhau, cùng sở hữu một vốn từ ngữ gần như nhau, nhưng mỗi người sẽ có một cách kể của riêng mình, từ cách chạm vào đời sống, cách người ta đặt tấm gương đón nhận những hình ảnh phản chiếu của đời sống ấy, tái tạo lại với tài năng thiên bẩm, sự trắc ẩn, và tinh tế.

Và tôi cũng tin có hàng triệu câu chuyện được viết ra dưới vòm trời này, chúng lẩn khuất đâu đó ở những xứ sở xa xôi, với những người đọc ít ỏi của mình, trong những tiểu vùng ngôn ngữ, nhưng chúng vẫn ở đó, không chờ đợi được tưởng thưởng hay vỗ về, chúng ở đó vì người viết chúng không thể và không muốn quay lưng lại với lời thì thầm: "Bạn hãy kể câu chuyện này ra, nó sinh ra là dành cho bạn, không phải sao?".

Khi những câu chuyện của tôi đến với bạn đọc Đức, tôi đã nghĩ những người dịch cuốn sách không chỉ có mối đồng cảm lớn, mà còn rất can đảm.

Họ đã làm việc với một bản văn nhiều thổ ngữ, bối cảnh xa lạ, mà cả người ở miền Bắc Việt Nam cũng thấy hoang mang không hình dung được bụi ô rô mọc ven sông, tiếng con chim bìm bịp vào lúc thủy triều lên, và ngọn gió chướng vẫn thường thổi suốt mùa khô đồng bằng hạ lưu sông Mekong.

Có thứ quen thuộc nào chăng, thì đó là những con người đi lại, nói cười và đau đớn ở trong những tác phẩm ấy. Và con người thì không xa lạ với nhau.

Tôi đặc biệt cảm ơn ông bà dịch giả Günter Giesenfeld cùng với các cộng sự đã mang những câu chuyện của tôi đến nơi chốn bất ngờ này, mặc cho nó bộ áo ngôn ngữ mới. Như tôi có lần đã viết trong thư riêng với ông Giesenfeid, nay xin lặp lại ở đây, "giải thưởng này là của chúng ta".

Cảm ơn Hiệp hội Litprom đã níu giữ những câu chuyện của tôi, dát cho chúng chút ánh sáng, trước khi chúng tiếp tục chuyến đi vào cuộc thử thách của thời gian. Chúng có thể lấm bụi, hoặc rực rỡ ở cuối đường, không ai biết được, kể cả người tạo ra chúng. Tôi ngờ rằng mình quá bận để dõi theo, bởi đang lắng nghe những lời thì thầm khác.

Giải thưởng LiBeraturpreis của Đức do Hội Văn hóa Litprom thành lập, với sự hỗ trợ của Hội sách Frankfurt. Nguyễn Ngọc Tư thắng giải (3.000 euro) với tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận (ấn bản tiếng Đức là Endlose Felder, Günter Giesenfeld và Marianne Ngo dịch).

Giải thưởng này ghi thêm một dấu ấn cho Cánh đồng bất tận kể từ khi tác phẩm này ra đời, gây xôn xao văn đàn thời gian dài. Ấn bản Việt Nam của tập truyện này do NXB Trẻ ấn hành nay đã bán được trên 150.000 bản.

V.Việt

______________________________

Các tít xen trong bài do Tuổi Trẻ đặt

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 14.10.2018.

Xuân Quỳnh (6/10/1942 - 29/8/1988) là nhà thơ nữ hiếm hoi đã để lại nhiều bài thơ tình hay trong suốt đời thơ ngót ba mươi năm của mình. Ở thời kì đầu, qua hai tập Chồi biếc (1963) và Hoa dọc chiến hào (1968), bài thơ Thuyền và biển đã neo lại được trong tâm hồn người đọc nhiều thế hệ. Trong hình tượng thuyền và biển - Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mông nhường nào/ Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu về đâu, chúng ta thấy được sự biểu đạt, sự tượng trưng cho tình yêu muôn thuở của con người, đến từ hai sinh thể khác giới, cộng hưởng, giao hòa, sinh sôi tạo nên cuộc sống. Bài thơ có tứ hay, lời da diết, nghe trong thơ có sóng gió của cao rộng đất trời và sóng gió trong biển lòng dào dạt của con người. Đó là tiếng nói, là vang vọng của một tình yêu nói chung, đúng cho mọi người, chung cho muôn đời. Thế nhưng, tình yêu còn là riêng, là rất riêng; và cái phần riêng đó thật sự chi phối để làm nên cả hạnh phúc và đau khổ, cả bù đắp và chia sẻ, cả gắn nối và chia phôi, cả niềm vui và xót xa...

Những dòng thơ trên là Xuân Quỳnh của thời con gái trẻ trung, thời chưa đến với Lưu Quang Vũ. Không biết thời của cuộc lập gia đình lần thứ nhất của chị có chút dư âm nào ở đây không? Tôi chưa bao giờ hỏi ai để được biết về Xuân Quỳnh của tuổi hai mươi, với gương mặt vui tươi và bừng sáng, dường như không biết buồn rầu, ủ dột là gì. Xuân Quỳnh - cô văn công xinh đẹp, chỉ vài năm sau, qua Chồi biếc mà trọn vẹn một gương mặt thơ nữ, hẳn chắc từng làm say mê nhiều người, có thể ban phát hạnh phúc cho bao nhiêu chàng trai. Thế nhưng tôi lại chưa đọc được trong thơ chị thời gian này những bài thơ thật say, tuy chị đã có bài hay, như Thuyền và biển...

Chia tay với cuộc tình thứ nhất, Xuân Quỳnh đã sớm đến với Lưu Quang Vũ. Vũ lúc này còn ở tuổi hai mươi lăm, sau khi chia tay với Tố Uyên, rồi lại chia tay tiếp với một cuộc tình thứ hai. Có nghĩa là, một Lưu Quang Vũ sau mất mát trong hai cuộc tình dồn gấp chỉ trong khoảng dăm năm. Không kể Vũ còn phải chịu đựng biết bao là bất hạnh trong mưu sinh và lập nghiệp, sau khi rời quân ngũ; thậm chí đang trong một cơn khủng hoảng tinh thần có chiều tuyệt vọng:

Điều anh tin không có ở trên đời
Điều anh có không giúp gì ai được

(Quán cà phê ngoại ô - Lưu Quang Vũ)

Xuân Quỳnh đã kịp đến và dang tay đón Vũ, đã chở che bao bọc Vũ, đã làm điểm tựa cả vật chất và tinh thần cho đời Vũ. Là người phụ nữ thông minh, giàu tình cảm và nhạy cảm, Quỳnh biết Vũ đang cần những gì. Còn chị, chị đã dành toàn bộ những gì mình có - trong tình yêu thứ hai và cũng là cuối cùng này, cho người yêu; đã bù đắp cho những thiệt thòi, bất hạnh của anh. Hơn thế, chị còn mong không chỉ bù đắp mà còn là hồi phục, là tái sinh và trở lại nguyên vẹn những tiềm năng, tài năng Vũ có, mà có lẽ hơn ai hết, Xuân Quỳnh đã sớm nhận rõ trong những năm 1970 gian khổ của đất nước, và tuổi hai mươi có quá nhiều gian nan của đời Vũ. Xuân Quỳnh đã đến với Vũ đúng vào lúc ấy. Lúc Vũ đã có những bài thơ cho hai cuộc tình gồm cả say đắm và cay đắng. Vũ đã đón nhận tình yêu của Quỳnh, tỉnh táo trong một cảm nhận ân nghĩa, sau hai cơn bão lòng:
Dù sao cuộc đời đã dành em lại
                            cho anh
Điều mong ước đầu tiên,
                 điều ở lại sau cùng
Chúng ta đã đi bên nhau trên
                              mặt đất
Dẫu chỉ riêng điều đó là có thật
Đủ cho anh mãi mãi biết ơn đời
.

(Em II - Lưu Quang Vũ)

Nghe mà thương mà tội, bởi hình như cái bàng hoàng của những mất mát vẫn còn lẩn khuất đâu đây!
Trong tình yêu với Quỳnh, với thời gian không dài, Vũ đã lấy lại được sức lực và cả sự bình tĩnh của tâm hồn. Cách nói của anh trở nên điềm đạm hơn, như một trải nghiệm, một tổng kết mà dường như chỉ trong ân tình mới có được:
Biết ơn em, em từ miền gió cát
Về với anh, bông cúc nhỏ
                       hoa vàng
Anh thành người có ích cũng
                                 nhờ em
Anh biết sống vững vàng không
                                     sợ hãi
Như người làm vườn, như người
                                        dệt vải
Ngày của đời thường - ngày
                                  ở bên em

(Và anh tồn tại - Lưu Quang Vũ)

Hạnh phúc bây giờ không có gì là đột xuất như mối tình đầu, do vậy mà cái đời thường bỗng được đưa lên tầm cao hạnh phúc: cái đời thường - ở bên em. Còn Xuân Quỳnh - chị đã dành trọn vẹn tình yêu cho Vũ. Chị đã được sống hạnh phúc, thật hạnh phúc trong nhận và cho, nhưng trước hết là cho.

Xuân Quỳnh đã cùng chia sẻ những khó khăn của đời Vũ, và cũng như Vũ, chị càng cảm nhận rõ hơn trong đó tất cả hạnh phúc của đời thường. Chị đã có những bài thơ rất hay về con và cho con, qua thế giới tâm hồn đằm thắm của một người mẹ - người mẹ chung, không phân biệt, không thiên vị của cả ba đứa con: con riêng của mình, con riêng của Vũ và con chung của hai người. Chị viết về mẹ của Vũ - bà Lưu Quang Thuận - như chính mẹ của mình:

Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình
đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
...
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em

(Mẹ của anh - Xuân Quỳnh)

Chị viết về những lo lắng chăm nom rất nhỏ mà chỉ tình yêu và tình thương mới có:
Sao không cài khuy áo lại anh
Trời lạnh đấy, hôm nay trời trở rét

(Trời trở rét - Xuân Quỳnh)

Ai ở Hà Nội, ở đồng bằng miền Trung và Bắc Bộ mà quên được cái “gió đầu mùa” đã một lần xuất hiện trong văn Thạch Lam, và bây giờ sống một lần nữa trong thơ Xuân Quỳnh gắn với một tình yêu với biết bao là thủ thỉ. Quỳnh yêu cả những phố huyện nhỏ, nơi Vũ từng sống và từng qua:
Đến phố huyện lại nhớ về
                       phố huyện
Phố huyện nào anh ở ngày xưa?
Phố huyện nào anh ở những
                   chiều mưa?
Tiếng vó ngựa về đâu rồi
                    phố huyện?


Có thể nói Quỳnh đã yêu Vũ trong suốt khắp không gian và thời gian. Trước đây, trong bài Sóng, Xuân Quỳnh viết:
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức


Còn bây giờ thì chị thức để “hát ru chồng những đêm khó ngủ”. Đó là tình yêu tuyệt vời của người vợ.
Kể từ Thuyền và biển, hay và hấp dẫn trong thế bao quát, đúng cho mọi thời, mọi người, bây giờ Xuân Quỳnh đã đến với chính tình yêu của riêng mình, một tình yêu là sự hòa hợp của hai trái tim; nhưng trong sự nhận - cho của cả hai bên, dường như Xuân Quỳnh là người đã chọn hạnh phúc nghiêng về phía cho, một cách vô tư và tin cậy. Chị đã rất yên tâm trong tình yêu đó, trước hết giữa hai người, nhưng không chỉ có hai người. Đó còn là mẹ, là con - những ba con, là gia đình, là những lo toan cho một cuộc sống đầy vất vả nhưng không hiếm niềm vui trong chia sẻ. Gian phòng của hai người mà tôi đã có nhiều dịp đến chơi ở 96 Phố Huế quả khó có nơi nào có thể chật hơn, chỉ một bàn con, một tủ nhỏ, một giá sách nhỏ đã đủ chật. Chật nhưng cũng đủ để chứa cả khổ và vui!

Quỳnh đã rất yên tâm trong chật chội của những khổ và vui - chứ không phải buồn - vui. Và quan trọng hơn là yên tâm trước một sự nghiệp thơ và về sau là kịch mà cả hai người cùng theo đuổi; một sự nghiệp mà Quỳnh rất tin là Vũ sẽ vươn tới những đích xa của nó. Chính lòng tin đó khiến Quỳnh càng yêu Vũ hơn. Yêu Vũ và yêu sự nghiệp của Vũ, ngay cả khi tài năng của Vũ mới đang là tiềm năng, mới chỉ vừa hé lộ. Điều đó giải thích sự bền vững, sự thủy chung trong tình yêu Quỳnh dành cho Vũ. Ta hiểu vì sao Xuân Quỳnh - người của tài năng và nhan sắc như ai cũng thấy, cũng là người rất tự tin về mình, lại có thể viết những câu như sau cho Vũ:
Anh thân yêu, người vĩ đại của em
Anh là mặt trời, em chỉ là
                        hạt muối
Một chút mặn giữa đại dương
                                vời vợi...

(Thơ vui về phái yếu - Xuân Quỳnh)

Thế nhưng cuộc sống bao giờ cũng gồm hai phía, và hành trình con người có ai mà không đi giữa hai bờ vui - buồn, được - mất, hạnh phúc và đau khổ. Đúng như Xuân Quỳnh đã từng tiên cảm, ở tuổi ba mươi khi chị có bài Thơ viết cho mình và những người con gái khác:
Như các cô, tôi có một tình yêu
                                rất sâu
Rất dữ dội, nhưng không bao giờ
                          yêu được hết
...
Tôi yêu tất cả mọi người mà
          chẳng yêu được riêng ai
Không sĩ diện đâu nếu tôi yêu
                  được một người
Tôi sẽ yêu anh ta hơn anh ta
                yêu tôi nhiều lắm
Tôi yêu anh dẫu nghìn lần
                           cay đắng...


Những năm 1980, nếu thơ tình Vũ viết cho Quỳnh có ít đi hoặc vắng hẳn, do con số trên 50 vở kịch đã hút hết tâm sức của anh, thì Quỳnh vẫn viết đều. Bởi chị là nhà thơ. Cả hai đều đã chín muồi hơn trong các trải nghiệm về cuộc sống, kể cả trải nghiệm trong tình yêu của họ. Một âm điệu có gì khang khác bỗng đã len vào thơ Xuân Quỳnh. Vẫn một Xuân Quỳnh đằm thắm, nhưng đã lại thấy vương vấn nhiều khắc khoải xót xa:
Dòng sông này bãi cát cánh
                     buồm quen
Hoa lau trắng suốt một thời
                         quá khứ
Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở
Đến tận cùng đau đớn, đến
                      tình yêu

(Thơ tình cho bạn trẻ - Xuân Quỳnh)

Sao vậy nhỉ, nếu như “quá khứ” đã thoáng len vào đây với “hoa lau trắng”? Tận cùng hạnh phúc là tình yêu. Và, tận cùng đau đớn cũng là tình yêu. Có lẽ đến lúc này Xuân Quỳnh mới có dịp trải nghiệm đến tận cùng nghịch lí đó để cho ra mắt bạn đọc bài thơ Tự hát rồi sẽ trở thành bài thơ tình theo tôi là hay nhất của Xuân Quỳnh, cũng là một trong số ít bài thơ tình hay nhất của thơ Việt Nam hiện đại. “Tự hát” - hát một mình. Phải chăng tình yêu khi hạnh phúc là song ca, là đồng ca - hạnh phúc cần được nói lên, được nhân lên; còn khi đau khổ là hát một mình, là đơn ca hoặc độc ca - dẫu vẫn rất mong được chia sẻ. Sau định nghĩa tình yêu không phải là Vàng, là Mặt trời, mà là Trái tim, Xuân Quỳnh bỗng nói đến sự hoang vắng, sự cô đơn và một nỗi lo âu đang xâm chiếm lòng mình:
Mùa thu nay sao bão mưa nhiều
Những cửa sổ con tàu
                 chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn
                         tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm
                     rừng anh

(Tự hát)

Sớm tắt rồi sao cái hạnh phúc giản dị, dễ hiểu, đơn sơ mà thấm thía của đời thường? Để thay vào đấy là bão và mưa, là cuộc hành trình đi vào chỗ những mênh mông thẳm sâu của đồng hoang và đại ngàn, của những miền tối tăm không thể biết:
Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không
                          thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn?

(Tự hát)

Đường xa tắp và nỗi lo âu. Những điều không thể nói. Những cồn cào cơn đói... Có chuyện gì đây trong trái tim hẳn lúc này đã chớm đau của Xuân Quỳnh - nó là hiện thân của tình yêu theo cách giải thích của chị? Dẫu về phía Xuân Quỳnh, trái tim đó - biểu tượng của tình yêu:
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời
                không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết
                              đi rồi

(Tự hát)
Những cô đơn và hoang vắng không chỉ xuất hiện trong Tự hát. Nó còn trở lại hơn một lần:

Mắt anh nâu một vùng đất phù sa
Vùng đất của nơi nào trong trí nhớ
Em chiếm đoạt rồi em hoảng sợ
Giữa vô cùng hoang vắng, giữa
                                   cô đơn

(Không đề II)

Những năm 1980, Vũ đạt rất nhiều vinh quang trong kịch trường. Vũ liên tục giành các đỉnh cao, có lúc đến chóng mặt. Có thể nói ngọn đuốc Lưu Quang Vũ trở nên rực sáng trong bầu trời sân khấu. Lại là những năm Quỳnh mang bệnh tim. Ba tháng trước khi đi tới cái tin khủng khiếp bất ngờ và gần như có chút tiên liệu vào chiều 29/8/1988, Vũ đã làm bài thơ Thư viết cho Quỳnh trên máy bay, trong đó, sau những câu hỏi là câu trả lời của Vũ:

Có phải vì mười lăm năm yêu anh
Trái tim em đã mệt?
...
Thương trái tim nhiều vất vả
                         lo buồn
Trái tim lỡ yêu người trai
                      phiêu bạt
Luôn mắc nợ những chuyến đi,
        những giấc mơ điên rồ
             những ngọn lửa không có thật
...
Trái tim hãy vì anh mà khỏe mạnh
Trái tim của mùa hè, tổ ấm chở
                               che anh        
  

                     
Vậy là, vẫn lời Vũ “ngày của đời thường, ngày ở bên em” đã chuyển sang “ngày yên tĩnh như anh luôn ở cạnh”. Để sau đó đến với chúng ta, bản thảo bài thơ cuối cùng của Quỳnh làm trong bệnh viện - Thời gian trắng, như một trao gửi, một đối thoại lần cuối đời. Bài thơ như cả một niềm tiên cảm lớn: tất cả, tất cả trên đời này, kể cả những người thân yêu nhất của Quỳnh đều đã trở thành quá khứ - cái quá khứ đã một lần xuất hiện trước đây với màu trắng hoa lau. Tất cả đều đã thành một màu vô tận trắng: Phía trước, phía sau, dưới đất, trên đầu / Đều trong suốt một màu vô tận trắng. Trong hoang vu và rợn ngợp của màu trắng, của quá khứ bất tận, càng hiện rõ lên nỗi nhớ của hiện tại, nỗi nhớ làm nên hiện tại khiến Xuân Quỳnh bỗng thảng thốt kêu lên:
Còn hiện tại của em là nỗi nhớ
Thời gian ơi sao không đổi
                      sắc màu?

(Thời gian trắng - Xuân Quỳnh)

Có thể đó là mong ước, là khao khát cuối cùng của Quỳnh cho nỗi nhớ trở về với hiện tại; nhưng lại là điều bỗng trở nên rất mong manh, bởi thời gian rất vô tình. Thời gian là sự vĩnh viễn của màu trắng quá khứ; thời gian sao mà đổi được sắc màu, trong những ngày Quỳnh mang một trái tim đau!

 P.L
 Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội, ngày 30.7.2018.

Tác phẩm của nhà văn Vita luôn có sức vẫy gọi những ai trăn trở với kiếp người thống khổ của mọi thời

Nhà Xuất bản Tổng hợp TP HCM vừa xuất bản tuyển tập "Mây ngàn", "Những cái bóng", "Nhớ thương" của nhà văn Vita - nhà văn Nam Bộ có những cách tân độc đáo nửa đầu thế kỷ XX.

Một bút hiệu bị lãng quên

Đến nay, rất ít độc giả biết đến nhà văn Vita bởi tác phẩm của ông gần như "tuyệt bản". Vita hầu như vắng bóng trong các công trình văn học sử, trong các chuyên luận, biên khảo, từ điển, trong các buổi thảo luận về văn học miền Nam - dù chỉ là việc nhắc lại một bút danh và tên các văn phẩm "vang bóng thời xuân" (tựa tác phẩm của Vita).

Vita tên thật là Lê Văn Vị, sinh ngày 22-5-1910, tại làng Tân Kim (Cần Giuộc), nay thuộc tỉnh Long An. Ông là nhà giáo đồng thời là nhà văn, sống và viết chủ yếu ở Sài Gòn. Ông mất ngày 30-6-1956 tại Sài Gòn. Tác phẩm của ông có: "Mây ngàn", "Duyên phù sinh", "Suối tình", "Gió mưa xuân", "Nghĩa và Trinh", "Ký ức giang hồ", "Vang bóng thời xuân", "Loạn ly", "Nhớ thương" (tập truyện ngắn), "Những cái bóng" (tập truyện ngắn), "Tiếng tơ lòng" (tập thơ).

Tác phẩm của Vita thường có dung lượng vừa phải nhưng chứa đựng một chiều sâu tình cảm, những suy nghiệm về đời người và lẽ sống. Những suy tư đó được nhà văn viết ra từ sự trải nghiệm của bản thân với văn phong khúc chiết, đầy chất thơ. Mai này, có ai còn tìm đến những trang viết của ông, có lẽ cũng nhờ những điểm này.

20181009 Vita

Bìa sách tuyển tập “Mây ngàn”, “Những cái bóng”, “Nhớ thương” vừa được xuất bản

Cho những kiếp đời thống khổ

"Mây ngàn" (1936) là tác phẩm tiêu biểu cho đời văn của Vita. Truyện viết về chuỗi ngày cơ cực của hai sinh viên Thu và Nguyên trên đất Pháp. Họ đến Pháp theo đuổi ngành luật và văn chương, mong có kiến thức để giúp đời và giúp mình nhưng bị những khó khăn vật chất bủa vây, đành vỡ mộng, ôm hận. Cuộc sống quá cơ cực khiến Nguyên bỏ mình nơi đất khách, Thu trở về quê đoàn tụ gia đình với vạch xuất phát ban đầu: đôi bàn tay trắng. Bên cạnh câu chuyện của Nguyên và Thu là đan xen những phận đời khác: truyện Madeleine - người thiếu nữ Pháp chết tức tưởi vì bị cha ngăn cấm yêu một chàng sinh viên nghèo; chuyện gia đình người Ý sống chui nhủi vì bị nhà đương cục truy đuổi; chuyện cô gái nghèo Margot bị chủ bóc lột và cuối cùng bị đuổi, sống trong sự khốn cùng,… Truyện chỉ có thế. Xuyên suốt toàn bộ "Mây ngàn", những chuỗi tâm lý, những mối xung đột nội tâm của Nguyên và Thu được Vita miêu tả tài tình: giữa cái thiện và cái ác; giữa tình yêu và lòng hận thù; giữa cái đói và lòng tự trọng; giữa bằng cấp tri thức và thực tế cuộc đời.

"Những cái bóng" là tập truyện ngắn gồm 10 truyện đặc sắc, gây cảm động cho người đọc: "Những cái bóng", "Màn trời chiếu đất", "Tiếng chim cú", "Quán khách bên đường", "Mộng và thật", "Con trâu già", "Chim sáo", "Tội vạ", "Bức tranh Senle", "Nhân bệnh". Những phận người sống như những chiếc bóng lặng lẽ, thu gọn cuộc đời trong nỗi cơ cực áo cơm, phận vị. Là Sinh, một nhà văn sống nghèo khổ không tiền thuốc thang cho vợ con; Nhạc, bạn Sinh, "kéo gần tàn đời giáo sư bạc bẽo" (Những cái bóng); là con nhỏ Thái Bình mồ côi, sống cơ cực bằng nghề ăn xin (Màn trời chiếu đầt); là Thảo lỡ tình duyên với Ngỡi vì sự cấm đoán của gia đình (Tiếng chim cú); là người phụ nữ bán quán bị chồng phụ bạc (Quán khách bên đường)… Các truyện ngắn trong tập "Những cái bóng" không có cốt truyện, chỉ là những mẩu chuyện giản đơn nhưng chứa đầy sự ám ảnh và mang đến cho người đọc những cảm giác buồn, thương, tiếc nuối. Lối viết nhẹ nhàng, có duyên trong "Những cái bóng" khiến người viết liên tưởng đến những truyện ngắn của nhà văn Trang Thế Hy. Giữa Vita và Trang Thế Hy có một điểm chung là đều quan tâm đến "nỗi đau lớn của số đông thầm lặng".

Bên cạnh "Mây ngàn", "Những cái bóng", tập truyện ngắn "Nhớ thương" cũng là một tác phẩm tiêu biểu cho thấy sự quan tâm chuyên nhất đến đề tài những số phận nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội. Tình yêu trong "Nhớ thương" nhiều khi do lòng thương hại mà nảy nở. Có thể là câu chuyện tình của kẻ khốn nạn, tật nguyền (Kỷ niệm xuân), có thể là một người què (Một tâm hồn),… 

Phong cách "Tự lực văn đoàn" của miền Nam

Đọc Vita, tôi nghĩ đến một vị thế đặc biệt của ông trong diễn trình văn nghệ miền Nam nửa đầu thế kỷ XX, một hướng tìm tòi đổi mới nơi đề tài và kỹ thuật văn xuôi. Vita viết "Mây ngàn" năm 1936, xuất hiện gần như đồng thời với văn nhóm Tự lực văn đoàn và các tác giả phong trào Thơ Mới. Vita một mặt cho thấy sự hội nhập với lối viết của các đồng nghiệp đất Bắc trong cảm xúc lãng mạn của con người cá nhân, nhưng ông vẫn giữ được văn mạch phương Nam: giọng điệu cảm thương, ý tình đạo lý được phô diễn với ngôn ngữ mang dấu ấn độc đáo vùng miền. Tác phẩm của ông vì vậy luôn có sức vẫy gọi những ai trăn trở với những kiếp người thống khổ của mọi thời.

Phan Mạnh Hùng

Nguồn: Người lao động, ngày 9.10.2018.

Nguyễn Thị Quốc Minh     

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp.HCM

Nếu coi Thơ mới là một giàn nhạc với nhiều âm thanh khác nhau: rộn ràng và ảo não, thánh thót và trầm đục, hùng tráng và du dương thì thơ Nguyễn Bính là tiếng đàn bầu nhẹ nhàng mà nỉ non, da diết. Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ được yêu thích nhất trong các nhà Thơ mới, thơ ông đã chạm đến trái tim, chiếm được tình cảm của người đọc bởi sự tự nhiên như lời ăn tiếng nói hằng ngày, bởi sự mộc mạc hồn hậu như những câu ca dao đã ngàn đời khắc vào tâm hồn dân tộc, bởi sự mới mẻ mà kín đáo như cô gái quê đã biết đến son phấn của thị thành. Hình ảnh trong thơ Nguyễn Bính cũng rất đỗi gần gũi với cuộc sống làng quê mà ai cũng có thể bắt gặp hình bóng quê mình: hàng cau, gốc bưởi, vườn cam, giậu mồng tơi, giàn trầu, con bướm bướm… Dù vậy, thơ Nguyễn Bính không cốt ở tả cảnh. Cảnh vật trong thơ ông chỉ là phương tiện để đi vào thế giới tâm hồn với những ước mơ và thất vọng, tình yêu và sự chia lìa, những niềm vui và nỗi đau của thân phận con người. Những hình ảnh có tính biểu trưng cao trong thơ Nguyễn Bính gắn với việc thể hiện thân phận nhà thơ là bướm, hoa, mùa xuân-ngày Tết…

1. Bướm - giấc mơ và thân phận thi sĩ 

Nguyễn Bính tự nhận mình “xuất thân” là con bướm. Con bướm ấy say đắm yêu đương, tận tụy hút hương hoa mật ngọt: “Bên hoa thấy bướm không buồn đuổi/ Chỉ mải mê nhìn bướm ủ hoa”. Có những lúc chúng ta cảm giác như bướm và người trong thơ Nguyễn Bính không còn phân biệt: “Chim ca buổi sớm khuyên nàng học/ Bướm dạy nàng thêu, gió dạy đàn” (Bao nhiêu đau khổ của trần gian, trời đã dành riêng để tặng nàng). Lãng mạn, ngọt ngào, hồn nhiên biết bao khi mối tình ban đầu của cô cậu học trò có cánh bướm làm chứng:

Những buổi học về không có nón

Đội đầu chung một lá sen tơ

Lá sen vương vấn hương sen ngát

Ấp ủ hai ta chút nhụy hờ

Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc

Theo về tận cửa mới tan mơ

(Trường huyện)

Nhưng rồi mọi chuyện không êm đềm như họ mong ước. Thời cuộc đổi thay, lòng người thay đổi, cánh bướm lại một lần nữa xuất hiện, xuất hiện trong sự buồn thương da diết:

Em đi phố huyện tiêu điều lắm

Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi

Mà đến hôm nay anh mới biết

Tình ta như chuyện bướm xưa thôi

(Trường huyện)

Nhà thơ ươm trồng hoa cũng như ươm trồng chính ước mơ tình yêu của mình:

Anh trồng cả thảy hai vườn cải

Tháng Chạp hoa non nở cánh vàng

Lũ bướm láng giềng đang khát nhụy

Mách cùng gió sớm rủ rê sang

(Hết bướm vàng)

Hoa tươi non gọi bướm về, lòng người trai gái trẻ buổi ban đầu cũng bừng lên nhiều cảm xúc luyến ái, khát khao hạnh phúc. Nhưng cuộc đời lắm nỗi đắng cay, chẳng bao giờ vẹn tròn như lòng mơ ước:

Năm sau vườn cải nở hoa vàng

Bướm lại sang mà em chẳng sang

Thui thủi một mình anh bắt bướm (…)

Em đã sang ngang với một người

(Hết bướm vàng)

Sinh thời Nguyễn Bính cũng từng nhận rằng ông là người “yêu nhiều” và “dễ yêu”, nhiều khi ông còn tưởng tượng ra là họ yêu mình. Chính các mối tình ấy, các nhan sắc ấy là nguồn cảm hứng cho những sáng tác của ông, cũng như là sức mạnh vô hình nâng đỡ những đau khổ cuộc sống cho ông. Nhưng rồi cũng chính những nhan sắc ấy, những mối tình ấy lại làm ông đau khổ:

Bướm ơi, bướm hãy vào đây

Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi

Chả bao giờ thấy nàng cười

Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên

Mắt nàng đăm đắm trông lên,

Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi

Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi

Tôi buồn tự hỏi: hay tôi yêu nàng?

(Người hàng xóm)

Tự hỏi rồi tự trả lời, tự phủ nhận rằng “Không, từ ân ái nhỡ nhàng/ Tình tôi than lạnh tro tàn làm sao” và một lần nữa nhắc lại “Nhớ nàng, không, quyết là không nhớ nàng” đến khi phải “gục xuống bàn rưng rưng” thì vẫn dứt khoát rằng “Nhớ con bướm trắng lạ lùng/ Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng”. Đến cuối cùng thì phải chấp nhận một sự thật rằng “tôi yêu nàng” nhưng tình yêu ấy không kịp thốt ra dù chỉ một lần. Tự yêu, tự dằn vặt, đau khổ cho đến phút biệt ly:

Hỡi ơi bướm trắng tơ vàng

Mau về mà chịu tang nàng đi thôi

Đêm qua nàng chết thật rồi

Nghẹn ngào tôi khóc, quả tôi yêu nàng

Hồn trinh còn ở trần gian

Nhập vào bướm trắng mà sang bên này

(Người hàng xóm)

Tháng chạp cho hoa cải nở vàng

Cho cam da đỏ, cho nàng vu quy

Nàng về mãi xứ bên kia

Cam thôi màu đỏ, bướm chê hoa vàng

(Vu quy)

Có trường hợp, người đã đi xa rồi, không trở về quê nữa hay cũng có thể đó chính là nỗi lòng của Nguyễn Bính trong những lúc xa biệt quê hương, hình ảnh con bướm cũng có mặt trong câu hỏi của ông:

Sao chẳng về đây bắt bướm vàng

Nhốt vào tay áo đợi xuân sang

Thả ra cho bướm xem hoa nở

Cánh bướm vờn hoa loạn phấn hương

(Sao chẳng về đây)

Hoặc:

Cành dâu cao, lá dâu cao

Lênh đênh bóng bướm trôi vào mắt em

Anh đi đèn sách mười niên

Biết rằng bóng bướm có lên kinh thành

(Bóng bướm)

Nhớ người, nhớ mối tình không trọn vẹn, đi kèm nỗi nhớ ấy là hình ảnh con bướm. Có đôi lúc ông xem bướm như người bạn vàng bạn ngọc, có lúc bướm như “đứa con côi” của ông:

Thiếu một vần thôi đủ dở dang

Tay ai giăng mắc hộ dây đàn?

Đường sang xứ ấy nhiều hoa lắm

Nhi bắt cho tôi chiếc bướm vàng.

Tay áo giang hồ tôi sẽ nuôi

Bướm vàng như thể đứa con côi

Nơi nào xa vắng Nhi, tôi hỏi;

Nó nói: “Cô Nhi đã bắt tôi”

(Nuôi bướm)

Nguyễn Bính cũng tự nhận là mình “điên dại” trong nỗi nhớ ấy: “Có ai điên dại như tôi nhỉ?/ Nuôi bướm làm con để nhớ người” (Nuôi bướm).

Nói đến người hoá bướm người ta nghĩ ngay đến ngụ ngôn Trang Chu mộng hồ điệp trong Nam hoa kinh: Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm, bay lượn vui vẻ lắm, đến khi tỉnh dậy cứ suy nghĩ mãi không biết có phải là mình đã nằm mộng hóa bướm không hay chính mình bây giờ đang là bướm và đang mộng hóa Trang Chu? Chính Nguyễn Bính cũng hay nói đến giấc mơ hoá bướm của mình:

Đêm qua mơ thấy hai con bướm

Khép cánh tình chung ở giữa trời

(Hết bướm vàng)

   Trong giấc mơ hoá bướm, người thơ mơ thấy gì ? Cảnh tượng thường trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Bính đó là giấc mơ vinh hoa, giấc mơ quan Trạng của một thời vàng son quá khứ:

Quan Trạng đi bốn lọng vàng,

Cờ thêu tám lá qua làng Trang Nghiêm

Mọi người hớn hở ra xem

Chỉ duy có một cô em chạnh buồn

                                                        (Quan Trạng)

Hay :

                                       Tưng bừng vua mở khoa thi,

                           Tôi đỗ quan Trạng vinh quy về làng

                                                                           (Giấc mơ anh lái đò)

Và tất nhiên, trong vàng son ấy, anh có em như bướm có đôi :

                           Em ạ, ngày xưa vua nước Bướm

Kén văn tài mở Điệp lang khoa.

Vua không lấy trạng vua thề thế,

Con bướm vàng tuyền đậu thám hoa.

(Truyện cổ tích)

Quan Thám tân khoa cũng được nhà vua gả công chúa cho, rồi thì “Chồng hóa thành anh, vợ hóa em”! 

Nhưng giấc mộng vinh quy «Võng anh đi trước võng nàng/ Cả hai chiếc võng cùng sang một đò » cũng chỉ là mộng. Nhà thơ chợt tỉnh, giấc bướm tan tành. Chàng thi sĩ hiện về với hình dáng con người trơ trụi giữa nhân gian. Quan Trạng tân khoa chỉ còn là anh lái đò:

                                       Con sông nó có hai bờ,

                           Tôi chưa đỗ trạng, thôi cô lại nhà.

                                                                                       (Giấc mơ anh lái đò)

   Bài Xóm Ngự Viên trong tập Mười hai bến nước cũng viết theo tứ thơ « tỉnh giấc bướm ». Đây là Ngự Viên ngày xưa :

                           Có phải ngày xưa vườn Ngự Uyển,

                           Là đây hoa cỏ giống vườn tiên,

                           Gót son bước nhẹ lầu tôn nữ,

                           Ngựa bạch buông chùng áo Trạng Nguyên.

   Còn nay thì «núi lở sông bồi » ruộng dâu biến thành biển xanh – «khoa cử hết rồi, thôi hết Trạng » , Ngự Viên trơ ra giữa chợ đời của một đô thị thuộc địa :

                           Tôn nữ ngồi đan từng chiếc áo

                           Dân thường đi lại lối đi quen

                           Nhà cửa xúm nhau thành một xóm

                           Cay nồng hơi thuốc lẫn hơi men

                           Mụ vợ Bắc Nam người tứ xứ

                           Anh chồng tay trắng lẫn tay đen

                           Đổi thay tình nghĩa như cơm bữa

                           Khúc “Hậu đình hoa” hát tự nhiên. 

                                                                           (Xóm Ngự Viên)

  Con bướm Trạng Nguyên chỉ còn là một chàng thi sĩ khó nghèo: “Mình tôi giời bắt làm thi sĩ” (Hoa với rượu). Đời thi sĩ gắn với thất nghiệp, thất tình và tha hương như những bài thơ viết về hoa và mùa xuân – ngày tết dưới đây. 

2. Hoa – tình yêu và sự chia ly

Hoa trong thơ Nguyễn Bính không phải là mẫu đơn, phù dung, hải đường… đầy trong điển tích Trung Hoa, mà là hoa cỏ làng quê, đồng nội gắn bó cuộc đời ông với niềm hoài nhớ da diết: hoa đỗ ván, hoa cam, hoa bưởi, hoa xoan, hoa chanh, hoa cải, hoa gạo, hoa cỏ may… Những mối tình chớm nở, những ngày hoa mộng đều gắn với cỏ hoa. Mảnh vườn quê thời thơ ấu với mùa hoa đỗ ván nở tươi lành, trong veo trong kí ức:

Nhà tôi có một vườn dâu

Có giàn đỗ ván, có ao cấy cần

Hoa đỗ ván nở mùa xuân

Lứa dâu tháng tháng, lứa cần năm năm

(Nhà tôi)

Hoa gắn với tuổi thơ của đôi trẻ - nồi nước gội đầu bằng hoa cam - mùi hoa lưu luyến cả cuộc đời:

Ra vườn nhặt những hoa cam rụng

Về bỏ đầy nồi cất nước hoa

Nước hoa tuy chẳng thơm là mấy

Hai đứa bôi đầy cả tóc nhau…

(Hoa với rượu)

Hương hoa bưởi gắn với một mối tình vô vọng. Nguyễn Bính là người “yêu nhiều” và “dễ yêu” nhưng dường như có nhiều mối tình là do chính ông đơn phương yêu thương, đơn phương đợi chờ cho đến khi mọi hi vọng dù là mong manh cũng không còn khi người con gái đã lấy chồng, như trong bài Qua nhà:

Cái ngày cô chưa lấy chồng

Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa

Lối này lắm bưởi nhiều hoa…

(Đi vòng để được qua nhà đấy thôi)

Nhà thơ đã phát hiện hết sức tinh tế tâm lý của người đang yêu. Trái tim yêu luôn có lý lẽ riêng của nó, nhiều khi điều vô lý hết sức lại nằm trong cái có lý vô cùng “Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa”, vô lý, nhưng lại rất có lý “(Đi vòng để được qua nhà đấy thôi)”. Nguyễn Bính đã rất sâu sắc đồng thời cũng rất chân thành khi chọn cách diễn đạt này. Nhưng rồi tình yêu kia vẫn chưa kịp thổ lộ thì cô gái đi lấy chồng. Cảnh vật đã thay đổi hay do chính tâm tư sầu muộn của chàng trai nên cảnh vật mới thành ra như vậy:

Từ ngày cô đi lấy chồng

Gớm sao có một quãng đồng mà xa

Bờ rào cây bưởi không hoa

Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo

(Qua nhà)

Dù cây bưởi bây giờ “không hoa” nhưng cây bưởi ngày xưa thì bao giờ cũng thơm ngát.

Hoa trong thơ Nguyễn Bính là một kỷ niệm, một giấc mơ của ngày xưa, gắn với tình yêu trong trẻo. Cũng như giấc mộng bướm đã tỉnh, giấc mơ hoa cũng không còn. Ông dự cảm thấy một sự thay đổi sâu sắc của làng quê, của lòng người. Bài thơ Chân quê là một dự cảm như thế:

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

(Chân quê)

Vườn xưa cũng đổi thay, hoang vu, tàn tạ: « Không còn ai ở quê nhà/ Hỏi còn ai nữa để hoa đầy vườn » (Anh về quê cũ).

“Tỉnh giấc mơ hoa” – một hình tượng đầy lãng mạn, đã trở thành tứ thơ Nguyễn Bính thường dùng để viết nhiều bài thơ về hoa – tình yêu của mình.

Bài Mưa xuân với hình ảnh hoa xoan được triển khai với tứ thơ như thế: hoa xoan của tình yêu, của gặp gỡ, của mộng ước thành hoa tan nát của chia lìa. Đây là cô gái phơi phới của cô gái đang độ xuân thì với tình yêu mơ hồ mà lung linh:

Lòng thấy giăng tơ một mối tình

Em ngừng thoi lại giữa tay xinh

Hình như hai má em bừng đỏ

Có lẽ là em nghĩ đến anh.

(Mưa xuân)

Cô gái trong Mưa xuân ấy thật trong trắng, nàng đợi người tình trong đêm hát như một lời hẹn ước, một cam kết yêu đương. Nhưng rồi tất cả trở thành vô vọng, mỏi mòn, xa cách. Và một lần nữa hình ảnh hoa lại xuất hiện trong sự dang dở, buồn đau này:

Chờ mãi anh sang anh chả sang

Thế mà hôm nọ hát bên đàng

Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn

Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng! (…)

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay

Hoa xoan đã nát dưới chân giày

Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ

Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”.

(Mưa xuân)

Bài Hoa với rượu cũng một tứ thơ như thế. Ở đây là hoa cam – hoa cam trong giấc mộng lứa đôi với cô hàng xóm ngây thơ tên Nhi: “Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng/ Tôi với em Nhi kết vợ chồng” (Hoa với rượu).

Để rồi lại tan mơ, để rồi một lần nữa lại khắc sâu hơn nỗi đau của cuộc đời:

Nhưng mộng mà thôi mộng mất thôi

Hoa tàn rượu ế ấy tình tôi

Chiều nay tôi chắp đôi tay lại:

“Đừng gặp người xưa nữa, lạy giời”

(Hoa với rượu)

Tuổi thơ đẹp là vậy, những ngày bên nhau vui là vậy, nhưng rồi người trai đã “cất bước giang hồ” bỏ lại quê nhà cùng bao kí ức hoa mộng:

Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh

Tôi đi dan díu với kinh thành

Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới

Chuốc mãi men say rượu ái tình

(Hoa với rượu)

Những ngày tháng xa quê, xa người bạn nhỏ thân thương, chàng trai ấy cảm nhận sự chát đắng của đời mình:

Đời tôi sa mạc, ôi sa mạc

Hoa hết thơm rồi, rượu hết say (…)

Khóc vụng mỗi lần tôi nhớ lại

Men nồng gạo nếp nước hoa cam.

(Hoa với rượu)

   Gặp gỡ, yêu thương, chia ly trong thơ tình Nguyễn Bính thường gắn với hoa. Hoa phải chăng là hiện thân của cái đẹp, cái thân thương của làng quê, và Hoa cũng chính là cái mong manh của tình yêu và thân phận? Sức cuốn hút, ám ảnh, làm xót xa lòng người của thơ Nguyễn Bính phải chăng là nhờ những bài thơ như thế?

3. Mùa xuân – ngày Tết và thân phận tha hương

Nguyễn Bính là một trong những thi sĩ viết về mùa xuân-ngày Tết nhiều nhất trong các nhà Thơ Mới. Mùa xuân-ngày Tết có ở ngay nhan đề một số bài thơ: Mưa xuân, Xuân về, Thơ xuân, Mùa xuân xanh, Xuân tha hương, Tết, Tết của mẹ tôi, Tết biên thùy…Nguyễn Bính không chỉ viết về mùa xuân mà ông viết cả bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông nhưng trong đó mùa xuân là chiếm tỉ lệ cao nhất. Trong những bài thơ về mùa xuân ấy, có những bài thật vui, thật lãng mạn, ngọt ngào gắn với tuổi trẻ và tình yêu:

Đã thấy xuân về với gió đông

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong

(Xuân về)

Hay:

Xuân đến hoa mơ hoa mận nở

Gái xuân giũ lụa trên sông Vân

 (Gái xuân)

Và cũng có những bài - những mùa xuân thật buồn, đó là khi thiếu vắng người yêu hoặc người tình phụ phàng, phải sống trong sự khắc khoải, mỏi mòn chờ đợi:

Xuân này đến nữa đã ba xuân

Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần

Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi

Cô đành lỗi ước với tình quân

(Cô lái đò)

Hay như tâm trạng thất vọng, hụt hẫng và đau khổ của cô gái trong bài Mưa xuân:

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày

Bao giờ em mới gặp anh đây?

Bao giờ chèo Đặng đi qua ngõ

Để mẹ em rằng hát tối nay?

Chúng ta bắt gặp nhiều mùa xuân ảm đạm, chia ly trong thơ Nguyễn Bính:

Tất cả mùa xuân rộn rã đi

Xa xôi người có nhớ thương gì?

Sông xưa chảy mãi làm đôi ngả,

Ta biết xuân nhau có một thì!

(Cuối tháng ba)

Hay:

Em đi mất tích một mùa xuân

Đi để chôn vùi hận ái ân

(Khăn hồng)

Hoặc:

Kinh kỳ bụi quá xuân không đến

Sao chẳng về đây, chẳng về đây

(Sao chẳng về đây)

Cùng với mùa xuân thì ngày Tết cũng là một chủ đề, một hình ảnh ám ảnh trong thơ ông. Tết trong thơ Nguyễn Bính trước hết là ký ức về những cái Tết vui, Tết sum họp và đong đầy hạnh phúc:

Em chưa lấy chồng

Má hồng còn thắm

Tết tết xuân xuân

Đời vui vẻ lắm.

                             (Xuân)

 Nhưng Tết xuất hiện nhiều nhất trong thơ ông có lẽ là những cái Tết xa quê, một thân một mình nơi đất khách quê người:

Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió

Xuân này em chị vẫn tha hương

Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ

Son sắt say hoài rượu viễn phương

(Xuân vẫn tha hương)

Với Nguyễn Bính, ngày xuân ngày Tết mà không được sum vầy đoàn tụ bên gia đình thì Tết đó không đúng nghĩa là Tết, mặc dù mùa xuân, ngày Tết là của đất trời của tất cả mọi người nhưng với ông đó chẳng qua chỉ là “Tết người ta”:

Quán trọ xuân này hoa lại nở

Lại ngồi xem Tết, Tết người ta

(Quán trọ)

Đi vào thơ Nguyễn Bính, mùa xuân - Tết không chỉ gợi ý niệm về thời gian, không gian hay tấm lòng thiết tha vô hạn với quê hương, ước ao sum vầy đoàn tụ… mà ngay trong lúc vui vẻ nhất ấy - vui như Tết đến, vui như xuân về, thì Nguyễn Bính vẫn khắc khoải nỗi niềm phân ly, xa cách:

Năm ngoái Tết rồi

Năm nay lại Tết

Anh đi biền biệt

Hai Tết rồi đây

Buồng hương lẳng lặng

Then chẳng thiết cài

Còn đợi chờ ai

Biết bao Tết nữa

(Tết)

Những cái Tết xa xứ như vậy đều là những cái Tết “vô duyên”, mang nặng nỗi niềm sầu muộn pha chút cô độc, tủi hờn vì bóng lẻ:

Chiều ba mươi Tết hết năm rồi

Nhà tôi riêng một mình tôi vắng nhà

Tôi còn lận đận phương xa

Để ăn cái Tết thật là vô duyên

(Xuân về nhớ cố hương)

Bài thơ xuất hiện nhiều từ Tết nhất và da diết nhất là thi phẩm Xuân tha hương. Cái điệp khúc “Tết này chưa chắc em về được/ Em gửi về đây một tấm lòng” được lặp đi lặp lại gần chục lần trong toàn bộ bài thơ. Cái cảm giác chia lìa, xa quê nên bơ vơ, lạc lỏng đã dễ khiến chúng ta rơi nước mắt huống hồ trong những ngày xuân Tết đến thì mấy ai có thể cầm lòng:

Chị ơi Tết đến em không được

Trông thấy quê hương thật não nùng (…)

Tết này ồ thế mà vui chán

Những một mình em uống rượu nồng (…)

Chị ơi Tết đến em mua rượu

Em uống cho say đến não nùng

Uống say cười òa ba gian gác

Ném cái chung tình xuống đáy sông

Cuộc đời gần hai mươi năm “lưu lạc giang hồ” khiến Nguyễn Bính nhận ra rõ nhất cảm xúc chát đắng, tủi hờn đến tan nát trong những ngày xa xứ bỏ quê.

Mùa xuân và tết không chỉ là những biểu tượng trong thơ Nguyễn Bính mà hình như “văn chương nó vận vào người”, nó đã trở thành định mệnh của thơ và đời ông.

4. Lời kết

Bướm, Hoa, mùa Xuân-Ngày tết là những hình ảnh ám ảnh trong thơ Nguyễn Bính. Những hình ảnh ấy có gì đó vừa quen vừa lạ. Như hình ảnh bươm bướm, ta thấy rất quen vì ta đã gặp đâu đó trong ca dao dân ca, trong văn của các bậc hiền triết hay các nhà thơ xưa: “Mồ cha con bướm khôn ngoan/ Hoa thơm bướm đậu, hoa tàn bướm bay(Ca dao), hay: “Thiếp như hoa đã lìa cành/ Chàng như con bướm lượn vành mà chơi(Truyện Kiều). Nhưng ở cả hai, con bướm thường là ẩn dụ hình ảnh của người con trai: đa tình và bạc tình. Con bướm trong thơ Nguyễn Bính là một giấc mơ, vừa có cái hư ảo sâu thẳm của Trang Chu, vừa có cái đa tình của thơ xưa, nhưng lại là con bướm của tình yêu, mong manh và hư ảo như thân phận của chàng thi sĩ.

Hay hình ảnh hoa. Hoa trong thơ rất nhiều, nhưng hoa cỏ quê nhà, đồng nội là nét nổi bật trong thơ Nguyễn Bính, hơn nữa hoa như đường viền cho mối tình, như người chứng giám cho tình yêu, là ẩn dụ cho một tình yêu trong lành, thiết tha rồi đi đến tan nát, chia ly lại là nét rất riêng, rất độc đáo trong thơ Nguyễn Bính. 

Mùa xuân-Ngày Tết cũng vậy. Trong các nhà thơ Thơ Mới không phải chỉ có Nguyễn Bính mới viết về chủ đề ấy. Chúng ta đã từng bắt gặp những mùa xuân đắm say của tình yêu và tuổi trẻ, mùa xuân với những khát vọng sống mãnh liệt trong thơ Xuân Diệu (Vội vàng, Xuân không mùa, Đa tình…), ngày Tết tưng bừng, tươi thắm sắc màu dân tộc trong thơ Đoàn Văn Cừ (Chợ Tết), nhưng Mùa xuân-Ngày Tết gắn với thân phận khổ đau, nghèo túng, tha hương thì chỉ có Nguyễn Bính - Nguyễn Bính là người đã viết về nó một cách phong phú nhất, cảm động nhất.

Thơ là hiện thân của cái đẹp: cái đẹp của hoa cỏ, mây gió, trăng sao của đất trời. Thơ cũng là hiện thân của cái đẹp trong lòng người: tình yêu thương và sự chia sẻ. Ước mơ và thất vọng, niềm hạnh phúc và đau khổ, tình yêu và sự chia ly… người ta tìm thấy sự chia sẻ ấy ở đâu, nếu không phải trong thơ, và trong thơ Nguyễn Bính.

Nguồn : Viện Văn học – Đại học Văn Lang (2018), Trăm năm Nguyễn Bính – Truyền thống và hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, TP. Hồ Chí Minh, tr. 346 – 359.

 

Người nữ trong văn chương Việt

Bài 1: Trăm năm nhìn lại “gái tân thời”

Trong ba thập niên đầu thế kỉ XX, “gái mới”, “gái tân thời” từng là từ khóa nổi bật và hút vào đó vô số nhọc công bàn luận của nhiều cây bút cấp tiến, khiến bản thân các lớp nghĩa không ngừng được mở rộng cũng như những tác động xã hội mạnh mẽ của nó, giờ đây nhìn lại, luôn là dấu chứng quan trọng cho thấy sự đồng tâm nhất trí tiến đến một thời đại văn minh hơn, mà ở đó, người phụ nữ hoàn toàn có quyền khẳng định bản thân nhờ học vấn, vốn hiểu biết và lối sống hiện đại.

“Trêu ngươi” truyền thống

Ngay từ thập niên 1910, trên Đăng cổ tùng báo, Nguyễn Văn Vĩnh (dưới bút danh Đào Thị Loan) đã mở chuyên mục “Nhời đàn bà” như là một cách để bày tỏ những suy nghĩ, quan điểm của ông về hình ảnh người phụ nữ mới. 

Theo đó, phụ nữ hấp dẫn và cá tính là người có học vấn, hay giản đơn hơn, biết chữ. Nhưng biết chữ không phải “viết thư cho giai”, và vì thế, như Tân Nam tử bình luận vào tháng 5-1907, những đàn ông sợ vợ biết chữ viết thư cho giai là những ông không có tài trí gì, chỉ mong vợ ngu dốt, “cứ theo gia huấn mà thờ chuộng chồng, chớ không để cho vợ cứ tùy tâm tưởng mà phục”. 

Ở đây, lập tức, ta thấy vấn đề “nữ học” đã khía vào khuôn thức xã hội truyền thống thường mặc định nam giới mới được/ nên có học vấn. Các nề nếp gia huấn kiểu tam tòng vốn sinh thành từ đạo đức Nho giáo, trong giọng điệu chỉ trích khá gay gắt của Đào Thị Loan, dần bị bật gốc bởi sự vô lí, hẹp hòi của nó. 

Dẫu vậy, mọi trật tự không dễ dàng biến mất và riêng ở việc thừa nhận phụ nữ có học là một đòi hỏi chính đáng thì phải chờ thêm nhiều va chạm khác. 

Bắt đầu từ năm 1918, trên Nam Phong, Trung Bắc tân văn, Hữu Thanh, Phụ nữ tân văn,…, một tiếng nói mạnh mẽ và bền bỉ, một phong thái bàn luận và thức tỉnh vào hàng mẫu mực đã xuất hiện: Đạm Phương nữ sĩ (1881-1947). 

Không chờ đến cánh tu mi nam tử tự san nhường các quyền tất yếu cho nữ giới, Đạm Phương, trong vai nhà báo sắc sảo, đã kiên trì đòi hỏi dư luận lắng nghe, đồng tình với những đề đạt có tầm viễn kiến về việc giáo dục phụ nữ. 

Theo bà, nữ học liên quan trực tiếp không chỉ bản thân một người phụ nữ cụ thể mà còn cả dân tộc về sau. Bởi khi có giáo dục, học thức, người phụ nữ ắt sẽ biết cách đối nhân xử thế, biết dạy con cái, lo toan việc nhà, tham gia các công việc xã hội, hay rộng hơn, biết kiến tạo một tương lai tốt đẹp cho thế hệ tiếp theo. 

Khi Đạm Phương dần rút lui khỏi làng báo (cuối 1930), thì trên thực tế, các nữ kí giả, nữ diễn giả hay nữ tác giả đã không còn quá hiếm hoi, chứng tỏ chuyện học hành và những nghề nghiệp mới, vốn dĩ đầy thử thách ngay cả với nam giới, đã trở nên thuận tay với phụ nữ. 

Ngoại lệ đáng nhớ hơn cả có lẽ là “me Tư Hồng”, một kì nữ có tài kinh doanh nhưng lắm scandal tình ái, đủ tạo nên huyền thoại lẫn sử sự cho Hà thành một thời!

Năm 1932, Phan Khôi cho rằng phụ nữ xưa chỉ lo việc tề gia nội trợ, làm mẹ, làm vợ trong khi “đời nay nhiều phụ nữ không chịu bó buộc mình vào cái khuôn khổ hẹp hòi ấy”. Bởi thế họ nảy sinh nhu cầu giải phóng, “cởi trói”. 

Sang 1933, Phan Khôi xác định cụ thể hơn những phẩm chất của “gái tân thời”: Gái tân thời “ngoài sự ăn mặc mới, trang sức mới, “phải có học thức mới, tư tưởng mới, giỏi ra nữa phải có cách sinh hoạt mới”, và những cái mới đó, “phải từ trong đầu mới ra”. 

Theo ông “tân thời” dịch từ “moderne” trong tiếng Pháp, nghĩa nó là “điều gì hợp với cái thời mình đương ở”. Ông tú Phan Khôi tuy xuất thân Nho học nhưng lại mạnh tay phê phán thiết chế đạo đức hủ lậu đã kiềm tỏa phận vị chị em trong các bổn phận, nghĩa vụ quá ư nặng nề, bất công.

Chống nam quyền, đòi hỏi bình quyền nam nữ, hai trong số nhiều điểm phái sinh của trào lưu xem xét lại Nho giáo, sẽ trở thành diễn ngôn cốt yếu thường xuyên tái lặp trong văn hóa văn chương, báo chí đương thời.

Cũng như Phan Khôi, nhóm Tự lực văn đoàn tỏ ra dứt khoát tạo lớp nghĩa gây hấn truyền thống của “gái mới”. Trên Phong Hóa, loạt bài “Làm thân con gái thời thượng cổ” (30-6-1932), “Một buổi nói chuyện với một người đàn bà ngoại quốc” (7-7-1932), “Học lực của phụ nữ” (18-8-1932), “Vấn đề phụ nữ” (25-8-1932)…, ngoài thăm dò phản ứng của độc giả, là cách nới rộng hình ảnh người phụ nữ nổi loạn trong các tiểu thuyết ăn khách của chính Tự lực. 

Xem học vấn là căn nguyên làm nên khác biệt, Phong Hóa số 18 (20-10-1932) cho biết: “Mới đây học vấn của chị em ngày một lan rộng ra, mạnh như thác chảy [...]. 

Trong đám phụ nữ tân thời, thảng hoặc cũng có một vài người biết học là để đem cái lẽ phải suy xét, áp dụng vào các việc ở đời, làm cho đời sung sướng hơn lên. 

Nhưng mấy người ấy khó mà tìm được người hiểu mình, biết mình. Vì bọn đàn ông bạc bẽo kia lấy vợ thường là chỉ muốn lấy một người… đầu bếp giỏi”. Bình luận dí dỏm ở đây cho thấy phụ quyền vẫn còn đè nặng hôn nhân, vai trò nam giới (người chồng) quyết định số phận người vợ. 

Do đó, không ngừng nghỉ, Tự lực sẽ dùng nhân vật nữ để trực diện tấn công vào, như Neil L.Jamieson trong chuyên khảo Understanding Vietnam (1993) nhận định, “hàng loạt các thành phần văn hóa truyền thống: tục lệ mai mối, nghi lễ (cưới xin, giỗ chạp) và những nguyên tắc (đặc biệt là chữ hiếu, đạo làm con)”. 

Trong bối cảnh chủ nghĩa cá nhân đang bắt đầu thâm nhập sâu, hình ảnh những phụ nữ nổi loạn, “tranh đấu” ngay trong phạm vi gia đình đã làm mất mặt xã hội nam quyền nhưng cũng dự báo trước những chông gai, biến cố khó lường.

Tâm điểm cải cách xã hội

Có thể nói, quá trình cải cách, canh tân xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX gắn liền, song hành với sự thay đổi cái nhìn về phụ nữ. Từ chỗ tòng thuộc nam quyền, đặt mình trong không gian chợ búa và nhà bếp, nữ giới đã dần có mặt một cách đàng hoàng trong các không gian xã hội, không gian công. 

Và nghiễm nhiên, các dự án hiện đại hóa, nhất là tư tưởng và thẩm mĩ, đều phải bắt đầu từ “gái mới”, từ chính tầng lớp vẫn bị coi là nữ nhi liễu yếu đào tơ.

Tháng 2-1934, trên Phong Hóa xuất hiện chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” và từ đây, Le Mur Nguyễn Cát Tường sẽ kiên tâm theo đuổi cuộc cách mạng y phục dành cho nữ giới, báo hiệu sự trỗi lên bất khả kìm hãm của nhu cầu làm đẹp và ý thức xây dựng hình ảnh thân thể. 

Câu chuyện quan trọng mà ngày nay được diễn đạt bằng khái niệm “công nghệ thẩm mĩ, làm đẹp” này là một phép thử đặc biệt ghê gớm đối với xã hội mà những ai chưa kịp định hình, lập tức sẽ phản ứng dữ dội. Nguyễn Bính chủ trương bảo lưu chân quê đã không thể chấp nhận “áo cài khuy bấm”. 

Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ đã dành hẳn một chương để châm biếm tiệm may  Âu hóa, nơi thỏa mãn mọi nhu cầu ăn mặc của tất cả chị em. 

Nhưng giờ đây, theo tôi, họ Vũ đã không hình dung hết sức mạnh tất yếu của cái mới, đặc biệt khi nó đồng hành với sự thay đổi cái nhìn về thẩm mĩ của nữ giới, từ quần áo chỉ để che thân đến trang phục làm đẹp thân và khoe thân, rõ ràng, là khúc ngoặt trên đà hiện đại hóa đô thị.

Đặt người nữ vào xung đột cũ - mới luôn mang một ý lớn đối với những người trẻ tuổi. Đấy là khi, trên báo chí, họ tìm cách loại dần các đối thủ già nua cả về tuổi tác lẫn tri thức, cổ vũ thoát li trật tự xã hội cũ. Nhưng bi kịch của người có học thức mới, nhất là phụ nữ, đôi khi nằm ở chỗ họ đã trở thành kẻ đáng ghét quá nhanh trước con mắt thủ cựu. 

20180913 Pnu tan tien

Nhân vật Loan trong Đoạn tuyệt đã thấm thía đến chừng nào nỗi khổ của một phụ nữ tân thời có học thức khi bị bủa vây bởi đám người vô học nhưng thừa năng lực tấn công người khác bằng thứ đạo đức giả dối. 

“Cái học kia chỉ làm cho mình biết và cảm thấy rõ những nỗi đau khổ phải gặp trên đường đời” không phải là lời than oán của Loan dành cho việc mình đã đến trường mà là sự tự tri nhận tác dụng của học vấn, thứ kinh nghiệm mới mẻ giờ đây giúp nàng phân biệt được lẽ đúng sai trong mỗi hành vi, suy nghĩ và bổn phận của mình. 

Sức mạnh trí tuệ ở Loan, không gì khác, là đã phát hiện, chỉ mặt những tác nhân gây đau khổ, dù đến cùng hay nửa vời, để không rơi vào tình cảnh mê muội chấp nhận mọi phi lí, ngang trái. Đứng sau mỗi bước đi ấy, như phát hiện của Nhất Linh, chính là phương Tây, “chính người Pháp đã dạy họ những nhẽ lý mới, đã cho họ những quan niệm mới về cuộc đời”. 

Như vậy, giải quyết xung đột cũ - mới xoay quanh vị thế người phụ nữ chính là một phương sách đắc dụng để thích ứng với phương Tây hóa và dần rời xa ảnh hưởng Trung Hoa truyền thống.

“Đời cô Mai” (Nửa chừng xuân, 1933) tạo tiền lệ cho “đời cô Loan” (Đoạn tuyệt, 1936) dệt nên một trong những câu chuyện dữ dội, lạ lùng bậc nhất của văn học Việt Nam hiện đại: phụ nữ sẵn sàng chấm dứt những trói buộc hôn nhân môn đăng hộ đối, để tự định đoạt lấy cách hạnh phúc và giá trị của mình. 

Cả Mai, Loan, khác Tố Tâm (1925), đều không tự vẫn khi rơi vào bi kịch. Điều này cho thấy, vào giữa thập niên 1930, nữ giới đã có thể tìm thấy cơ hội khẳng định cách sống mà mình cho là xứng đáng. 

Chấp nhận trạng thái “nửa chừng xuân” (mà nói theo ngôn ngữ hiện nay là làm “mẹ đơn thân”!) để tiếp tục sống cảnh tự do, tự trọng và tự lập, Mai là một hình mẫu lí tưởng để những người trẻ đương thời nhận diện và vươn tới. Dĩ nhiên, nó quá khó, thậm chí quá sức thực hiện cho đến tận hôm nay dù tinh thần nữ quyền nơi đâu cũng thống thiết đề cao.

Mai Anh Tuấn

Nguồn: An ninh thế giới, ngày 12.9.2018.

20180723 SG 1954

Ảnh: Góc đường Catinat - Bonard (Đồng Khởi - Lê Lợi ngày nay) trước 1954 (Sưu tâm của Lê Hoan Hưng - Nguồn: Báo Thanh niên)

Hoạt động sáng tác văn học sôi nổi ở Sài Gòn giai đoạn 1945-1954 có một phần đóng góp không nhỏ của báo chí. Từ góc nhìn phê bình xã hội học, kênh phổ biến của tác phẩm văn học là một trong những yếu tố chi phối quá trình sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm, và có khi chi phối cả những yếu tố thuộc văn bản tác phẩm. Bài viết này phân tích tính xã hội của truyện đăng trên một số tờ báo ở Sài Gòn giai đoạn 1945-1954, cụ thể là Tân Việt Nam (1945), Nguồn sáng (1948), Việt báo (1949), Thế giới (1949), Mới (1952-1953), Đời mới (1952-1954), Nhân loại (1953-1954), và Thẩm mỹ tuần báo (1952-1954). Những số báo nói trên rải đều trong cả giai đoạn 1945-1954 và chuyên về văn học, nghệ thuật, xã hội, nên từ đó có thể khái quát một số đặc điểm của truyện đăng báo giai đoạn này.

1. Truyện đăng trên báo chí Sài Gòn 1945-1954 nhìn từ đặc trưng báo chí

Cùng là sản phẩm của công nghệ in ấn hàng loạt, tác phẩm văn học in sách và đăng báo vẫn có những điểm khác nhau. Cái khác nhau căn bản giữa hai đối tượng này là truyện đăng trên báo chí gắn liền với đặc tính của báo chí là hoạt động kinh doanh thông tin.

Báo chí không chỉ là công cụ phổ biến thông tin hàng loạt đến với đại chúng, nó còn là đơn vị kinh doanh thông tin. Trước khi báo chí ra đời vẫn có những hình thức thông tin khác nhau như thư từ, các loại công văn hành chính... nhưng rất giới hạn về mặt không gian và thời gian, và chỉ liên quan đến một số đối tượng cụ thể. Báo chí ra đời đã mở ra thời đại thông tin, vì nó không chỉ cải thiện tốc độ truyền tin, gia tăng lượng thông tin và lượng người nhận tin gấp hàng trăm, hàng ngàn lần so với những công cụ truyền tin trước đó, mà nó còn làm thay đổi nhận thức của mọi người về thông tin. Kể từ khi báo chí ra đời, mọi tầng lớp trong xã hội bắt đầu quan tâm đến thông tin trong thời đại mình sống ở mức độ rộng lớn hơn, không chỉ những thông tin xảy ra xung quanh mình nữa, mà cả những thông tin chính trị, xã hội, văn hoá có tính chất trừu tượng, vĩ mô. Mọi người dù là trí thức hay người dân lao động đều có nhu cầu biết tin, bàn tán về tin, và một số người có nhu cầu can thiệp vào các vấn đề được báo chí phản ánh, và tiếp tục tạo ra tin mới.

Xét ở khía cạnh kinh doanh, văn chương đăng báo là công cụ hút khách của báo, nhưng ngược lại, chính báo chí đã đem đến cho tác phẩm văn học đăng báo lượng người đọc tiềm năng lớn hơn nhiều và đa dạng hơn nhiều so với sách in. Thể loại văn học trên báo chí quốc ngữ nói chung và báo chí Sài Gòn 1945-1954 nói riêng tiêu biểu trong việc làm nhiệm vụ giữ chân độc giả là tiểu thuyết feuilleton, một kiểu tiểu thuyết dài kỳ đăng báo. Trần Nhật Vy đã gọi feuilleton là “đặc sản của báo chí quốc ngữ thời xưa”[1]. Tác giả viết truyện được trả lương tháng, và nhiều tờ báo mướn những nhà văn có tên tuổi viết riêng cho báo mình để câu khách. Phú Đức, tác giả feuilleton nổi tiếng từ trước 1945 đến giai đoạn 1945-1954 vẫn là một tác giả ăn khách, mà theo như người cùng thời khẳng định thì ông là nhà văn “kiếm nhiều tiền nhứt làng báo Sài Gòn”[2]. Bên cạnh đó còn có rất nhiều những feuilleton khác, có khi đăng đến hơn 40, 50 tuần báo, tức cả năm trời vẫn chưa kết thúc như Trôi giạt của Vĩnh Lộc, Xương máu Phiên Ngung của Cửu Lang… Truyện ngắn cũng có lúc đóng vai trò giữ chân độc giả như feuilleton khi có một tác giả ăn khách nào đó viết thường xuyên cho chuyên mục đó, chẳng hạn như mục Tiêu khiển trên báo Đời mới (1952) mỗi tuần đăng một truyện trinh thám của Thiên Giang, hoặc truyện gây cười nhằm mục đích giải trí thuần tuý của các tác giả khác. Báo Đời mới có rất nhiều cây bút thân thiết cho mục truyện ngắn, như Trần Phương Như, Vĩnh Lộc, Văn Hoà…

Vì là thành tố của hoạt động kinh doanh thông tin nên truyện đăng trên báo chí phải đáp ứng một số yêu cầu của hoạt động kinh doanh đó. Thứ nhất là tính tức thời. Viết văn đăng báo, đặc biệt là feuilleton, không thể nghiền ngẫm, dồn nén năm này qua tháng nọ như viết sách, cũng không để đợi có hứng mới làm việc, mà cứ đến hẹn lại lên. Phi Vân trong lời nói đầu tập phóng sự-tiểu thuyết Đồng quê rào đón: “Đây là những bài báo. Bởi thế cách hành văn cũng như nội dung đều có tính cách “nhật trình”. Lối văn gần như cẩu thả. Câu chuyện có vẻ nhất thời”[3].

Thứ hai là tính tương tác. Người đọc tiếp nhận tác phẩm ngay trong quá trình nó được sáng tạo ra, và đôi khi có khả năng chi phối quá trình sáng tạo đó. Tính tương tác này phần nào thu ngắn khoảng cách giữa nhà văn và độc giả trong thời đại của in ấn hàng loạt đã phân tích ở mục 1.1. Độc giả có thể gửi thư tới toà soạn thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình với tác phẩm hoặc tác giả nào đó. Điều này có thể tác động trực tiếp tới hợp đồng giữa tác giả và toà soạn báo, hoặc quyết định một tiểu thuyết feuilleton có được viết tiếp, đăng tiếp nữa hay không. Đất dậy sóng của Hoàng Thu Đông chỉ đăng được 8 kỳ thì dừng lại không rõ lý do, dù ở cuối kỳ 8 vẫn ghi là “còn nữa”, Chúa đảo trả thù của Long Mỹ Nhân cũng dang dở ở kỳ 48, Xương máu Phiên Ngung dừng ở kỳ 33. Tương tác giữa tác giả và độc giả về một tác phẩm cụ thể có lúc được đăng công khai trên báo để rộng đường dư luận. Đời mới đăng các bức thư trao đổi qua lại giữa độc giả Nguyễn Đức Hồ và tác giả Giang Tân về feuilleton Ngày mai đã muộn rồi đăng trên tuần báo này. Nguyễn Đức Hồ giật tít bài viết của mình “Giáo dục sinh lý khác với khiêu dâm”, trong đó ông trao đổi với tác giả Giang Tân đại ý rằng tác phẩm gợi dục nhiều hơn là giáo dục, vì những đoạn mô tả các hành vi tò mò sinh lý giới tính của những đứa trẻ quá sinh động. Giang Tân đáp lời, giải thích rằng giáo dục bằng văn học không thể giáo điều, mà phải mô tả sao cho có tính văn học, chi tiết và logic[4].

Thứ ba, văn chương đăng báo, cũng giống như báo chí nói chung, mang tính thời sự. Tất nhiên không phải tác phẩm nào cũng thế, vì vẫn có trường hợp báo in lại tác phẩm cũ, và hoạt động sáng tạo của nhà văn vẫn có sự độc lập tương đối với hoạt động lấy tin, viết phóng sự…của tờ báo. Một ví dụ tiêu biểu là truyện ngắn Vui sướng gì? của Lê Hương đăng trên Thế giới tháng 11.1949, lấy ý tưởng từ sự kiện bố ráp diễn ra ở rạp Trung ương Hí viện Sài Gòn. Tuy nhiên, đa số tác phẩm có tính thời sự đều thể hiện vấn đề một cách chung chung. Các nhà văn, nhà báo không thể viết về chiến tranh chống Pháp một cách cụ thể, đặc biệt là từ sau 1950, vì chính quyền Pháp kiểm soát báo chí giai đoạn này gắt gao hơn thời kỳ 1945-1949.

Thứ tư, văn chương đăng báo ngắn gọn hơn, đơn giản hơn văn chương in sách, do khuôn khổ hạn hẹp của tờ báo. Trong thời kỳ chiến tranh hay kinh tế khủng hoảng, chi phí giấy mực, in ấn tăng cao khiến báo giảm số trang, người viết lại càng phải tìm cách o ép, cắt tỉa nội dung bài viết của mình cho vừa giới hạn, để đảm bảo việc kinh doanh báo chí vẫn có lời. Có tác phẩm đạt được đặc trưng của truyện ngắn, tức là chỉ thông qua một lát cắt của đời sống, thông qua một sự kiện cụ thể mà nói được những vấn đề nhân sinh rộng lớn, trong khi vẫn đảm bảo sự tinh tế tài hoa trong văn chương và khơi lên những rung động cảm xúc (Người khách đường rừng của Xuân Khai, Gánh hàng rau của Ái Lan, Bóng tối của Văn Hoà) nhưng nhiều truyện lại rất vụn vặt, chỉ mô tả sự kiện như một kiểu kể chuyện hằng ngày để giải trí, tiêu khiển rồi thôi, chứ không giàu chất văn chương. Những tác phẩm đó chỉ là truyện có dung lượng ngắn, chứ không đạt được đặc trưng của thể loại truyện ngắn. Sự sơ sài này có thể là do nhu cầu “lấp cột báo” vẫn xảy ra thường xuyên khi báo đến kỳ mà chưa có bài, buộc ban biên tập phải viết vội một truyện cho xong, độc giả có thể đọc rồi quên, hoặc người phụ trách chuyên mục đó dưới áp lực phải ra bài đều đặn mỗi tuần không tránh khỏi bài hay, bài dở. Nhiều truyện ngắn của Hợp Phố đăng trên Nhân loại thuộc kiểu như vậy (Hợp Phố là thư ký toà soạn của tờ báo này), hoặc một số truyện ngắn trinh thám của Thiết Can trên Đời mới với rất nhiều tình tiết vô lý, thủ phạm rất sơ hở, như thể để sẵn chứng cứ cho người phá án nhìn thấy. Nhiều truyện khác sơ sài có thể là do người viết nghiệp dư được báo chọn đăng bài.

2. Truyện đăng trên báo chí Sài Gòn 1945-1954 nhìn từ công chúng

Như đã phân tích ở mục 1, công chúng của truyện đăng báo là khách hàng của hoạt động kinh doanh thông tin, và nhu cầu thông tin của họ lại do báo chí tạo ra. Phillppe M. F. Paycam khi nghiên cứu về báo chí Sài Gòn 1916-1930 đã nhận ra đặc điểm của người làm báo và công chúng báo chí như sau, và đặc điểm này vẫn duy trì đến cả giai đoạn 1945-1954:

“[…] báo chí Việt Nam những năm 1920 đã đóng vai trò làm nền tảng kiến thức cho việc hoạt động chính trị công khai, các toà soạn kiêm luôn cả trụ sở lẫn thư viện, ban biên tập hợp thành một nòng cốt cụ thể của những nhóm giới rộng lớn hơn. Với sự phát triển của số cộng tác viên - vừa là người viết lẫn người đọc báo cho công chúng nghe và là người bán báo - sự cách biệt giữa độc giả và ban biên tập bắt đầu xoá mờ. Báo chí trở thành nơi giao dịch của một kiểu dân chủ sống động: báo chí đã tạo ra một kinh nghiệm chung cho tất cả những ai có liên quan đến việc sản xuất và tiêu thụ. Nhiều công nhân tham gia vào ngành ấn loát và xuất bản; những người có khả năng hơn đi thu thập thông tin hay thu tiền đặt báo dài hạn ở các tỉnh; các bưu tá, đại lý phát hành và trẻ em đường phố hoạt động như những người bán báo hay cho thuê báo không chính thức. Thậm chí các garçons de café (bồi bàn cà phê) cũng đưa báo cho khách và giấu không cho mật thám Sở Liêm phóng biết. Ý kiến của những người mù chữ trở nên có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp với báo chí thông qua những người đọc báo cho công chúng nghe.”[5]

Từ trích dẫn trên, có thể thấy báo chí đã mở rộng cộng đồng những người quan tâm đến chính trị - xã hội và chi phối chính trị - xã hội ở Sài Gòn và Nam kỳ. Cộng đồng này trong thời phong kiến chỉ là những người có quyền lực chính trị, khi kinh tế tư bản phát triển dưới thời thuộc địa thì cộng thêm những người có tiền, tức có quyền lực kinh tế. Nhờ có báo chí mà tất cả những nhóm xã hội khác, kể cả những người lao động nghèo, thậm chí cả người mù chữ ở Sài Gòn ý thức về các vấn đề chính trị - xã hội, và tác động vào chính trị - xã hội bằng cách bàn luận hoặc thông qua phản ánh của người trí thức, giới ký giả.

Theo khảo sát của chúng tôi khi thực hiện đề tài “Hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học quốc ngữ ở Nam Bộ trước 1954” do Nguyễn Thị Thanh Xuân làm chủ nhiệm, dựa trên danh mục báo của một số thư viện như Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. HCM, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Quân đội, Thư viện Khoa học Xã hội, Thư viện Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ thì trong số 352 tờ báo quốc ngữ ở Sài Gòn trước 1954, có đến 174 tờ báo thuộc giai đoạn 1945-1954, tức gần một nửa. Cần lưu ý rằng đây là những tờ báo mà các thư viện biên mục được (tuy rất nhiều tờ chỉ còn thông tin biên mục chứ không còn báo), không phải là tất cả những tờ đã từng tồn tại. Các báo thuộc giai đoạn 1945- 1954 có nhiều tờ đã ra đời từ trước 1945 vẫn duy trì tiếp đến giai đoạn sau, hoặc tục bản. Con số 174 tờ báo biên mục cũng không hẳn chính xác, vì có rất nhiều tờ báo trùng tên, các thư viện khác nhau lưu các số báo khác nhau, tuy nhân sự của ban biên tập không giống nhưng cũng chưa thể khẳng định đó là một tờ báo tục bản hay các tờ khác nhau. Tuy nhiên, con số thống kê chưa đầy đủ nói trên cũng cho thấy hoạt động báo chí ở Sài Gòn giai đoạn 1945- 1954 hết sức sôi động. Số lượng báo tuy nhiều nhưng đa phần đều tồn tại trong thời gian ngắn. Số lượng báo bị đình bản rất nhiều, dẫn đến việc giới báo chí liên tục đấu tranh, biểu tình chống đóng cửa báo. Nhiều tờ báo chỉ ra được vài số rồi chết yểu.

Mặc dù tất cả các số liệu trên chỉ giúp cung cấp một bức tranh liên tưởng chứ không cụ thể, chính xác về hoạt động tiêu thụ báo chí ở Nam Bộ giai đoạn 1945- 1954, nhưng ta có thể suy ra được vài nét về công chúng báo chí và công chúng văn học thời kỳ này. Người làm báo không chỉ viết báo để thoả mãn ý muốn của mình, mà họ chỉ có thể duy trì tờ báo khi duy trì được lượng người mua (trừ các báo nhận trợ cấp từ chính quyền). Các báo liên tục ra đời, báo này bị đóng cửa lại có báo kia thành lập, dẫn đến số lượng báo chí rất lớn như đã nêu cho thấy người đọc quan tâm đến những gì mà báo phản ánh. Hoạt động đấu tranh chính trị đã mô tả trong phần bối cảnh không phải chỉ là chuyện của giới ký giả, mà thông qua tin tức trên báo, nó còn tạo ra nhu cầu thông tin của độc giả về các hoạt động tranh đấu. Từ đó công chúng của truyện đăng báo lại hình thành thị hiếu, khuynh hướng thẩm mỹ hướng tới các tác phẩm có tính chất tranh đấu và bàn về những vấn đề xã hội. Điều này lý giải tại sao thể loại feuilleton thời này lại ít hẳn tính giải trí, tiêu khiển so với giai đoạn trước (căn cứ trên các tác phẩm thu thập được). Mục 1 đã phân tích chức năng chủ yếu của feuilleton là để “câu khách”, và thông thường muốn duy trì sự hứng thú của công chúng bình dân thì tác phẩm phải tập trung vào tính giải trí, tiêu khiển. Thế nhưng phần lớn feuilleton giai đoạn 1945- 1954 mà tác giả bài viết này thu thập được lại nặng tính chính trị, xã hội, chẳng hạn như Cát trắng của Kiêm Minh, Ánh sáng đô thành của Vân Nga, Người nữ cứu thương của Hoàng Thơ, Xương máu Phiên Ngung của Cửu Lang, Ngày mai đã muộn rồi Đất dậy sóng của Hoàng Thu Đông, Trôi giạt của Vĩnh Lộc… Các feuilleton này có truyện kéo dài đến 40, 50 kỳ báo. Có thể lý giải theo hai hướng: một là thị hiếu của độc giả thay đổi, tính giải trí, tiêu khiển của feuilleton phải dần thay thế bằng tính chính trị, xã hội thì mới thoả mãn được độc giả; hai là người làm báo xem trọng tính chính trị của tờ báo hơn độc giả của mình, muốn mượn công cụ văn chương để truyền bá và tác động vào tư tưởng của người đọc. Có thể có cả hai nguyên nhân, nhưng nguyên nhân thứ nhất vẫn có tính quyết định hơn, vì nếu người đọc đã không hứng thú gì với tờ báo và các feuilleton này thì việc tuyên truyền trở nên vô ích.

Bên cạnh độc giả không chuyên nghiệp phần nào được tái hiện qua một vài số liệu và suy luận, công chúng còn bao hàm một bộ phận quan trọng là các nhà phê bình văn học, thông qua những bài viết, ý kiến trao đổi có tác động vào văn chương nói chung, truyện đăng báo thời kỳ này nói riêng. Trong đề tài nghiên cứu “Hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học quốc ngữ ở Nam Bộ trước 1954 (sưu tầm, khảo sát và đánh giá), Nguyễn Thị Thanh Xuân có tổng thuật lại diễn trình của các hoạt động lý luận, phê bình văn học trên sách báo xuất bản ở đô thị thời kỳ 1945-1954 một cách cụ thể, bao quát từ các công trình lý luận về văn hoá, đến những sách, báo lý luận về bản chất, chức năng và thể loại văn học, những hoạt động phê bình các tác giả tác phẩm cụ thể, những bài tổng kết thời sự văn học, những cuộc tranh luận văn chương, những cuộc thi sáng tác, các hoạt động dịch thuật, giới thiệu sách, phỏng vấn, điều tra văn học. Nhìn chung, giới nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học thời kỳ này đề cao mối quan hệ giữa văn học với xã hội và ý thức hệ của người nghệ sĩ. Họ nhấn mạnh tính xã hội, tính giai cấp của văn học, đề cao mục đích vị nhân sinh, mà một trong những khía cạnh của vị nhân sinh là tính tranh đấu, đồng thời đặc biệt lưu ý đến tính đại chúng của văn nghệ. Thiên Giang, Thê Húc, Thẩm Thệ Hà cùng thảo luận xung quanh vấn đề văn chương tranh đấu, trong đó Thẩm Thệ Hà khởi xướng và chất vấn về tính tranh đấu trong văn chương Việt Nam đương thời[6], Thiên Giang đề nghị người nghệ sĩ phải tham gia vào cuộc tranh đấu, làm nghệ sĩ tả chân xã hội[7], và Dương Tử Giang kêu gọi đào huyệt chôn các tác phẩm văn chương uỷ mị mới đăng báo, vì ông cho rằng chúng làm lung lạc tinh thần tranh đấu[8]. Về tính đại chúng, các nhà lý luận, phê bình lật đi lật lại tính hai mặt của vấn đề, một mặt phải viết văn cho quần chúng hiểu, quần chúng thích, “nương theo đại chúng”[9], “phụng sự nhân dân”[10], nhưng mặt khác phải định hướng đại chúng đến những giá trị chân, thiện, mỹ, tránh xa thị hiếu tầm thường, đồi truỵ, vì “người nghệ sĩ chân chánh không lẽo đẽo theo sau quần chúng nhân dân”[11]. Tất cả những ý kiến lý luận chung nêu trên đều tác động đến người cầm bút, trong đó có các tác giả viết cho báo. Nhiều tác giả viết lý luận phê bình thời kỳ này cũng chính là những người viết truyện đăng báo chẳng hạn như Thiên Giang, Hoàng Thu Đông, Hà Việt Phương… do vậy tác phẩm của họ thể hiện rất rõ các quan điểm về văn nghệ mà họ đã trình bày.

Đối với các tác phẩm cụ thể mới xuất bản, thông thường giới phê bình hay tập trung vào sách hơn là truyện đăng báo. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp cá biệt tác giả có truyện đăng báo được mang ra phân tích để làm rõ một luận điểm lý luận nào đó, chẳng hạn như Phú Đức và Nam Đình Nguyễn Thế Phương. Trọng Yêm trong bài “Thời này là của Phú Đức, Nam Đình chăng?”[12] đã nêu lên tình trạng cả xã hội mê mẩn feuilleton của 2 tiểu thuyết gia này, cho dù đa số là feuilleton đã cũ (Phú Đức đem đăng báo lại, còn Nam Đình in sách). Ông giải thích rằng điều này có nguyên nhân từ thị hiếu cũ kỹ của dân chúng và do chiến tranh kéo dài làm mọi người mất tinh thần, “mất tin tưởng vào ngày mai, ăn chơi trong ngày nay”. Trước đó, Phú Đức đã “bêu tên” trong một bài viết của Tam Nhơn với tít báo hết sức gây chú ý “Phú Đức tiểu thuyết gia bổn cũ soạn lại”[13], trong đó có kể lại chuyện năm xưa Phú Đức tham tiền bỏ Trung lập báo sang viết cho Công luận báo trong lúc Trung lập đang đối mặt với khó khăn vì đăng bài bảo vệ hoạt động kinh doanh của người Việt. Tam Nhơn khiến độc giả nhận thức về thái độ chính trị của nhà văn, và cho thấy ngay cả một feuilleton thuần tuý giải trí vẫn có thể tác động vào công cuộc chính trị vì nó ảnh hưởng đến lựa chọn đọc báo của độc giả đại chúng.

Về tác phẩm cụ thể, chỉ có một vài truyện được phê bình riêng, vì đa phần các nhà phê bình tập trung vào sách in. Truyện ngắn Con thằn lằn chọn nghiệp của Hồ Hữu Tường đăng trên báo Mới số 26 đã khá thu hút ý kiến phê bình. Độc giả Đào Hữu Tường viết bài “Xin tha tội cho con thằn lằn”[14], cho rằng kết truyện của Hồ Hữu Tường có vẻ bất công. Phương Tiện Đạo Nhân[15] phân tích tác phẩm từ góc nhìn Phật pháp để bác ý kiến của ông Đào Hữu Tường, dẫn dắt từ vấn đề tôn giáo đến chức năng cải tạo xã hội của văn học, một trong những vấn đề quan trọng của lý luận phê bình thời đại này. Một tác phẩm đăng báo khác cũng được đem ra mổ xẻ là feuilleton Ngày mai đã muộn rồi của Giang Tân, trong đó độc giả Nguyễn Đức Hồ chê cách mô tả, kể chuyện có tính khiêu dâm dù mục đích tác phẩm là giáo dục, và Giang Tân đăng đàn giải thích, cho rằng văn học có quy luật của riêng nó chứ không giáo dục bằng lý thuyết, nên truyện phải được mô tả sống động, dẫn dắt hợp lý.

3. Truyện đăng trên báo chí Sài Gòn 1945- 1954 nhìn từ văn bản

Nhìn từ văn bản không phải là cách nhìn đối lập với cách nhìn xã hội, mà là xem tác phẩm là một cấu trúc chỉnh thể độc lập có mối liên hệ với xã hội. Theo lý thuyết cấu trúc phát sinh của của nhà lý luận phê bình xã hội học Lucien Goldmann thì mỗi văn bản tác phẩm chứa đựng một cấu trúc hàm nghĩa nằm ngoài ý thức chủ quan của nhà văn, tương ứng với một cấu trúc xã hội của một nhóm xã hội mà nhà văn thuộc về, thể hiện thế giới quan không phải của nhà văn mà của nhóm xã hội đó.

Trong những tác phẩm được khảo sát, có hai mảng đề tài được các tác giả chọn viết nhiều nhất là đề tài tranh đấu yêu nước và đề tài đời sống đô thị. Viết về tranh đấu, các tác giả hoặc là kể về những chàng trai cô gái yêu nước thời hiện đại ra đi vì nghĩa lớn, những người ở lại, những người làm quốc sự đầy bí ẩn, cùng những nỗi đau và nét đẹp kiêu hùng của họ (Hận người tử sĩ của Hoàng Kim, Gánh hàng rau của Ái Lan, Làm lại cuộc đời của Hà Phương, Người nữ cứu thương của Hoàng Thơ, Đất dậy sóng của Hoàng Thu Đông), hoặc mượn những câu chuyện đời xưa để khơi dậy lòng yêu nước (Xương máu Phiên Ngung của Cửu Lang, Lão Tô của Tô Kiều Ngân). Viết về đời sống đô thị, các nhà văn đặc biệt quan tâm đến số phận của các cô gái giang hồ (Ngày mai sẽ đến của Hoàng Thu Đông, Bóng tối của Văn Hoà, Cát trắng của Kiêm Minh, Trôi giạt của Vĩnh Lộc), sức tàn phá của xã hội đô thị xa hoa đối với thiên tính, lý tưởng của con người và sự trong trẻo của trẻ nhò (Hai cái chết cuả Cao Hữu Huấn, Ánh sáng đô thành của Vân Nga, Trôi giạt của Vĩnh Lộc, Ngày mai đã muộn rồi của Giang Tân, Bài giảng văn của Hợp Phố), những mối lo tủn mủn tầm thường của con người tầm thường (Vui sướng gì của Lê Hương, Đôi vú sữa của Hợp Phố), những mối quan hệ phức tạp xã hội phức tạp, chồng chéo giữa yêu thương và thù hận, giữa tốt đẹp và sa đoạ, giữa tình nghĩa và phản trắc (Giết cha của Thiên Giang, Chúa đảo trả thù của Long Mỹ Nhân, Cây kiềng vàng của Cô Minh Đạt), những rung động, cảm xúc tế vi của con người cá nhân (Sầu riêng của Linh Bảo, Bãi cỏ của Thuỵ An Hoàng Dân)…

Viết về chiến tranh và cách mạng, các tác phẩm vừa liệt kê ở trên thường xoáy vào những éo le trong tình yêu, bịn rịn ngày ly biệt, người chiến sĩ mang vẻ đẹp kiêu hùng nhưng nhuốm màu u buồn. Điển tích Kinh Kha sang Tần được sử dụng khá nhiều, hoặc nếu không thì cũng là hình ảnh người chiến sĩ cách mạng cưỡi ngựa trên dặm đường rong ruổi và ghé bến sông trong chiều muộn trò chuyện với một ông lái đò, cũng là người có cảm tình với cách mạng. Quán nước ven đường thường hay là căn cứ liên lạc của cách mạng. Viết về xã hội đô thị, các nhà văn quan tâm đến những phận người bé nhỏ, trôi giạt như gái giang hồ, trí thức, thiếu nhi, dân nghèo thành thị, công nhân... nhưng các cô gái giang hồ đều là những cô gái xuất thân trong gia đình trung lưu, bản thân có học hành, và trong những chuỗi ngày trượt dài trong u tối vẫn trăn trở về đời mình, về nhân thế; các anh công nhân, dân nghèo thành thị nhìn đời như những người trí thức...

Xét từ khía cạnh văn bản, những ví dụ nói trên tạo ra một hệ thống cấu trúc hàm nghĩa chung mang tính chiến đấu. Đó có thể là chiến đấu một cách trực tiếp vì mục tiêu chính trị thống nhất đất nước và giải phóng dân tộc khỏi chế độ thực dân kiểu mới mà Pháp muốn xây dựng ở Nam Bộ thông qua các chính quyền tự trị bù nhìn. Ở mục tiêu xã hội, các tác giả khi kể các câu chuyện về đời sống đô thị đều không chỉ dừng lại ở việc mô tả đời sống của xã hội đó với những số phận bất hạnh, những mối quan hệ phức tạp, sự suy đồi của đạo đức, sự vụn vỡ của ước mơ… mà họ tả nó với cảm hứng muốn thay đổi hiện trạng đó. Thiên Giang khi phóng tác Anh em nhà Karamazov thành truyện Giết cha đã nhấn mạnh vào vấn đề đạo đức. Cô Minh Đạt viết Cây kiềng vàng kể về một gia đình tan vỡ vì thú sắc dục của người cha và những mưu mô toan tính của các thành viên trong nhà cũng nhằm chuyển tải bài học đạo lý. Tác giả còn viết rõ dụng ý này trong phần Lời cuối truyện. Kiêm Minh, Vĩnh Lộc, Hoàng Thu Đông, Cao Hữu Huấn… viết về các cô gái giang hồ đều mở ra cho họ một con đường thay đổi số phận hoặc được cứu rỗi linh hồn, viết về người trí thức trẻ mất lý tưởng đều vô tình hay hữu ý hé cho họ một tia hi vọng. Như vậy, đây cũng là một hàm nghĩa chiến đấu trên khía cạnh xã hội của các nhà văn, dù có khi họ không chủ đích điều đó. Hàm nghĩa chiến đấu này thực hiện bằng cách đánh vào trái tim nhiều hơn khối óc. Cụ thể là viết về yêu nước và cách mạng thì các tác giả có xu hướng khơi gợi nỗi buồn nhiều hơn vinh quang, mô tả sự khốc liệt của hiện tại nhiều hơn hướng về hạnh phúc trong tương lai. Điều này hoàn toàn trái ngược với văn học cách mạng hiện thực xã hội chủ nghĩa về sau. Bàn về xã hội, các nhà văn làm cho độc giả mủi lòng với các nhân vật hơn là phân tích động cơ của họ. 

Cấu trúc hàm nghĩa khách quan nói trên có mối quan hệ tương quan đối ứng với cấu trúc của nhóm xã hội mà tác giả cuả nó thuộc về, đó là nhóm trí thức trong xã hội đô thị chịu sự quản lý của thực dân trong thời kỳ bùng nổ thông tin chính trị. Sài Gòn vốn là một đô thị thuộc địa với mâu thuẫn giai cấp giữa tư bản và công nhân, giữa thực dân và bản xứ, mâu thuẫn giàu nghèo, vấn đề bần cùng hoá trong xã hội, vấn đề tội phạm… Tính chất thuộc địa này xét về mặt bản chất vẫn tồn tại đến giai đoạn 1945-1954, vì tuy có chính quyền của người Việt nhưng những chính quyền này suốt thời kỳ 1945-1954 không có quyền tự quyết. Điểm khác biệt của giai đoạn này so với giai đoạn trước là hoạt động đấu tranh chính trị diễn ra công khai hơn, quyết liệt hơn. Một trong những hoạt động đấu tranh đáng chú ý của giới báo chí thời này là phong trào Báo chí thống nhất (10.1946) quy tụ nhiều tờ báo thời đó đấu tranh cho sự thống nhất ba kỳ và ủng hộ chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Phong trào này bị chính quyền Nam Kỳ dập tắt năm 1947 bằng việc đóng cửa hàng loạt tờ báo, bắt bớ các nhà báo như Phan Văn Thiết, Vũ Tùng, Dương Tử Giang, Thiếu Sơn, thậm chí ám sát các nhà báo Nam Quốc Cang, Đinh Xuân Tiếu (1950).

Các tác giả văn học thời kỳ này đều thuộc tầng lớp trí thức, và như đã nói ở trên rất nhiều người trong số họ cũng đồng thời là nhà báo, trong một thời kỳ báo chí liên tục phản kháng chính quyền, và bị chính quyền cấm đoán. Vì vậy, chiến tranh nói riêng, các xung đột chính trị nói chung đã tác động trực tiếp đến công việc, đời sống và tư duy của giới văn sĩ- ký giả. Cấu trúc hàm nghĩa tranh đấu trong tác phẩm đối ứng với cấu trúc xã hội của tầng lớp trí thức cụ thể này. Đành rằng các cuộc đấu tranh cách mạng đều khởi phát từ mâu thuẫn kinh tế- xã hội, nhưng tầng lớp tri nhận được những cuộc đấu tranh ấy sớm nhất luôn là tầng lớp trí thức, dù họ ở thế mạnh hay thế yếu trong cuộc giao tranh. Nếu nói như vậy, văn chương thời nào cũng sẽ có cấu trúc hàm nghĩa tranh đấu, vì văn chương vẫn thường do trí thức sáng tạo ra. Điểm mấu chốt là thời điểm sáng tạo tác phẩm có phải là thời kỳ mà giao tranh là vấn đề nóng bỏng nhất hay không. Trong mọi cuộc giao tranh, tư duy của con người có khuynh hướng phân cực để nghiêng về một phía nào đó, và tư duy này chi phối sáng tạo nghệ thuật, luôn thể hiện sự lựa chọn hoặc đấu tranh để tìm sự lựa chọn thích hợp. Một điểm đáng lưu ý của trí thức thời này, đó là họ vẫn là sản phẩm của nền giáo dục- văn hoá hỗn hợp Đông- Tây như thời trước 1945, nên thế giới quan của họ về cái đẹp, về giá trị thẩm mỹ vẫn như thời trước. Mặc dù họ vẫn hô hào tẩy chay văn chương lãng mạn[16], nhưng trong thế giới thẩm mỹ của họ, chiến sĩ phải như Kinh Kha mới là đẹp, gái giang hồ phải tài hoa, trắc trở như Kiều, như kỹ nữ bến Tầm Dương, như Trà Hoa Nữ mới có giá trị thẩm mỹ, trong khi trong thực tế thì người chiến sĩ cách mạng thế kỷ 20 không cưỡi ngựa sang sông, và gái giang hồ trong đời thực thì không phải ai cũng tài hoa nghệ sĩ. Đó là lý do tại sao các nhân vật của họ đều mang màu sắc lãng mạn u buồn, câu chuyện của họ thiên về cảm xúc hơn là lý trí, nói nhiều về khổ đau mất mát hơn là vinh quang, mà nhiều người trong giới văn nghệ miền Bắc cùng thời đã quyết liệt bài trừ và chụp cho cái mác “lãng mạn tiểu tư sản” với hàm ý phê phán.

***

Tóm lại, nhìn từ đặc trưng của báo chí, tác phẩm truyện đăng trên báo chí Sài Gòn giai đoạn 1945- 1954 vừa mang đặc điểm chung của văn học hiện đại, vừa mang nét riêng của hoạt động kinh doanh thông tin. Nhìn từ công chúng, những sự kiện chính trị, đặc biệt là hoạt động tranh đấu ở Sài Gòn và cả nước giai đoạn 1945- 1954, cùng với hoạt động lý luận phê bình văn học đề cao mục đích vị nhân sinh, tinh thần tranh đấu và tính đại chúng của văn học đã tác động trực tiếp đến giới làm báo và công chúng đọc báo. Nhìn từ văn bản, truyện đăng trên báo chí Sài Gòn 1945- 1954 mang cấu trúc hàm nghĩa tranh đấu, tương quan đối ứng với cấu trúc xã hội tranh đấu của giai đoạn này, thể hiện qua thế giới quan của tầng lớp trí thức. Trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này, truyện đăng báo thể hiện tính chất xã hội rõ nét và đóng góp trực tiếp vào những hoạt động chính trị, xã hội đương thời.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Pierre Bourdieu (Richard Nice trans., 1984), Distinction: A Social Critique of the Judgement of Taste, Havard University Press, Massachusetts.
  2. Lucien Goldmann (1987), Towards a Sociology of the Novel, Routledge Kegan & Paul.
  3. Vũ Hạnh, Nguyễn Ngọc Phan (2007), 100 câu hỏi đáp về Sài Gòn- Gia Định- Tp. Hồ Chí Minh: Văn học thời kỳ 1945- 1975, Nxb. Văn hoá Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh.
  4. Hà Minh Hồng, Trần Nam Tiến, Lưu Văn Quyết, Hà Kim Cương (2007), 100 câu hỏi đáp về Sài GònGia ĐịnhTp. Hồ Chí Minh: Lịch sử Sài Gòn thời kỳ 19451975, Nxb. Văn hoá Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh.
  5. Phan Mạnh Hùng (2011), “Những vấn đề của văn học đại chúng: so sánh tiểu thuyết feuilleton ở Nam Bộ trước 1945 và tiểu thuyết chương hồi”, Khoa học Xã hội và Nhân văn, (51).
  6. Võ Văn Nhơn (1997), “Văn xuôi yêu nước và tiến bộ trong các thành thị bị tạm chiếm 1945–1954”, Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn, (5), TP. HCM, tr.64–69.
  7. Võ Văn Nhơn (chủ nhiệm) (2012), Sưu tầm, khảo sát, đánh giá văn học Nam Bộ 19451954, Đề tài NCKH cấp Đại học Quốc gia trọng điểm, TP. Hồ Chí Minh.
  8. Philippe M. F. Peycan (Trần Đức Tài dịch) (2015), Làng báo Sài Gòn 1916-1930, NXB. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
  9. Thế Phong (2007), Lược sử văn nghệ Việt Nam: Nhà văn miền Nam 19451950, http://newvietart.com/index4.287.html
  10. Nguyễn Văn Sâm (1969), Văn chương tranh đấu miền Nam, Nxb. Kỷ Nguyên, Sài Gòn.
  11. Nguyễn Văn Sâm (1972), Văn chương Nam Bộ và cuộc kháng Pháp 1945-1950, Nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn.
  12. Trần Hữu Tá (2005), “Những bổ khuyết cần thiết cho bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam hiện đại”, Nghiên cứu văn học, số 5, tr. 29–30.
  13. Lộc Phương Thuỷ, Nguyễn Phương Ngọc, Phùng Ngọc Kiên (2014), Xã hội học văn học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  14. Trương Ngọc Tường, Nguyễn Ngọc Phan (2007), 100 câu hỏi đáp về Gia Định - Sài Gòn - TP. HCM: Báo chí ở TP. Hồ Chí Minh, Nxb. Văn hoá Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh.
  15. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2010), “Chữ quốc ngữ, báo chí, công chúng và văn học Nam Bộ đầu thế kỷ XX”, kỷ yếu Hội thảo Đồng bằng sông Cửu Long thực trạng và giải pháp, ĐHKHXH&NV- ĐHQG TPHCM.
  16. Nguyễn Thị Thanh Xuân (chủ nhiệm) (2017), Hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học quốc ngữ ở Nam Bộ trước 1954 (Sưu tầm, khảo sát và đánh giá), Đề tài NCKH cấp Đại học Quốc gia trọng điểm, TP. Hồ Chí Minh.
  17. Trần Nhật Vy (2016), “Feuilleton- hàng độc của báo chí quốc ngữ thời xưa”, Tuổi Trẻ Online, http://tuoitre.vn/feuillton-hang-doc-cua-bao-chi-quoc-ngu-thoi-xua-1209955.htm

Pierre Zima (Phạm Xuân Thạch dịch), Giáo trình phê bình xã hội học, tài liệu dịch chưa công bố.


[1] Trần Nhật Vy (2016), “Feuilleton - hàng độc của báo chí quốc ngữ thời xưa”, Tuổi Trẻ Online, http://tuoitre.vn/feuillton-hang-doc-cua-bao-chi-quoc-ngu-thoi-xua-1209955.htm

[2] Tam Nhơn (1952), “Phú Đức - tiểu thuyết gia bổn cũ soạn lại”, Đời mới, số 1 (12-4-1952), tr. 54-55.

[3] Phi Vân (1943), Đồng quê, Hội Khuyến học Cần Thơ xuất bản, tr. 3.

[4] Đời mới, số 81, tr. 18-19, 30.

[5] Philippe M. F. Paycam (Trần Đức Tài dịch) (2015), Làng báo Sài Gòn 1916-1930, NXB. Trẻ, TP. HCM, tr. 116-117.

[6] Thẩm Thệ Hà, “Xã hội Việt Nam có văn chương xã hội và văn chương tranh đấu chưa?” Việt bút số 23.

[7] Thiên Giang, “Vấn đề khách quan trong tư tưởng”, Tiếng chuông, số 22.

[8] Dương Tử Giang (1949), “Tin văn”, Thế giới, số 5 (19-11-1949), tr. 2, 34.

[9] Trần Văn Khê (1949), “Nhiệm vụ của một nhạc sĩ trong xã hội”, Việt báo, số 3 và 4 (29-5-1949), tr. 4-5.

[10] Tô Duyên (1953), “Văn nghệ phụng sự”, Đời mới số 74 (27-8-1953), tr. 16-17, 32.

[11] Thanh Lương (1953), “Văn nghệ sĩ, những tên nô lệ của thời cuộc?”, Đời mới, số 60 (23-5-1953), tr. 23.

[12] Trọng Yêm (1953), “Lấy mắt người Việt xét việc xã hội: thời này là của Phú Đức, Nam Đình chăng?”, Đời mới, số 53 (4-4-1953), tr. 8, số 54 (11-4-1953), tr. 8.

[13] Tam Nhơn (1952), “Phú Đức- tiểu thuyết gia bổn cũ soạn lại”, Đời mới số 1 (12-4-1952), tr. 24-25.

[14] Không rõ đăng trên báo nào, vì nó được tóm tắt lại trong bài phản biện của Phương Tiện Đạo Nhân.

[15] Phương Tiện Đạo Nhân (1953), “Trả lời câu hỏi của Hồ Hữu Tường - Con thằn lằn đã chọn nghiệp”, Nhân loại, số 20 ngày 4-1-1953, tr. 10-11.

[16] Ky Hà (1952), “Nên chấm dứt văn học lãng mạn bằng một nền văn nghệ mới”, Đời mới, số 32 (15.11.1952), tr. 30.

Nguồn: Số chuyên đề Bình luận văn học - Niên san 2017, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số 34 (59), tháng 12.2017, tr.127-137.

Thông tin truy cập

61765215
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5405
18932
61765215

Thành viên trực tuyến

Đang có 492 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website