Vì tuổi cao và mắc bệnh nền, nhà văn Trần Hữu Lục đã không vượt qua được tuổi 80 khi mắc COVID-19, ông trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch lúc 8h30 ngày 30-8, theo tin từ gia đình.

Nhà văn - nhà thơ Trần Hữu Lục Ảnh: Nguyễn Tý

Theo tin từ gia đình, nhà văn Trần Hữu Lục nhập viện cách đây mấy ngày do sốt và có biểu hiện triệu chứng của COVID-19. 

"Vì đã 80 tuổi, có nhiều bệnh nền, lại mắc COVID-19 nữa nên bác sĩ không thể cứu chữa được. Anh cũng không kịp trăng trối lại điều gì" - người em gái ông là cô Trần Hương Giang cho biết.

Trần Hữu Lục là một trong những cây bút sinh quán tại Huế và văn nghiệp gắn bó với cả Huế và Sài Gòn - TP.HCM. Ông viết văn, làm thơ và viết báo từ thời còn đi học.

Ông sinh ngày 14-3-1941 tại thôn Vĩ Dạ, thành phố Huế. Ông học Trường đại học Sư phạm Huế và viết văn từ thời sinh viên, truyện ngắn Tuổi đồng quê của ông ký bút danh Yên My in báo Văn ở Sài Gòn từ năm 1968. 

Ông còn chủ biên báo Thân Hữu (ĐHSP Huế, 1967), Sinh Viên Huế (1968), thành viên nòng cốt của Nhóm Việt - nhóm sinh viên Huế yêu nước. Thời gian dạy học ở Đà Lạt, ông tham gia tạp chí Đối Diện.

Trần Hữu Lục từng là một trong những thanh niên của phong trào "xuống đường" tranh đấu trong giới học sinh, sinh viên, văn nghệ sĩ đô thị miền Nam vào những năm 1960-1970. 

Ông sát cánh cùng với những văn nghệ sĩ tiêu biểu của phong trào này ở Huế như Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Ngọc San, Nguyễn Đắc Xuân, Bửu Chỉ, Nguyễn Duy Hiền, Đông Trình, Võ Quê, Nguyễn Phú Yên…

Khi hay tin ông mất, nhà văn Bích Ngân trên trang cá nhân đã ghi lời phân ưu "Xin tiễn biệt "một giọt Huế" của sông Hương", và dẫn lại lời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết về Trần Hữu Lục: 

"Những hoài niệm Huế đã kết tủa thành ngôn từ trong tâm hồn Trần Hữu Lục - Trong Lục cho đến nay vẫn luân lưu một dòng thi ca như thế. Rất nhẹ nhàng mà nồng ấm, ngọt ngào mà tinh tế, lay động với những kỷ niệm mang mang tình yêu, quê nhà…".

Sau năm 1975, Trần Hữu Lục tiếp tục làm báo, viết văn, nguyên là phóng viên ban văn hóa văn nghệ báo Tuổi Trẻ

Với vai trò ủy viên thường trực Hội đồng hương Thừa Thiên Huế ở TP.HCM, ông đã liên kết với Nhà xuất bản Trẻ thực hiện Tủ sách Nhớ Huế, in ấn được gần 50 tập chuyên đề: Người xa Huế, Hương sen Huế, Trường Huế, Huế đất học, Áo dài Huế, Hương vị Huế,… cùng hơn 10 đầu sách của Tủ sách Nhớ Huế.

Trần Hữu Lục còn có các bút danh Yên My, Trần Phước Nguyện, Hồng Hữu. Ông từng là giáo sư dạy văn Trường trung học Bùi Thị Xuân Đà Lạt; nguyên phó chủ tịch thường trực Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP.HCM; nguyên chủ biên tập san Nhớ Huế; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam;

Nhà văn Trần Hữu Lục là tác giả các tập truyện ngắn Cách một dòng sông (1971), Chiếc bóng (1987), Thời tôi yêu (1998) và các tập thơ Lời của hoa hồng (1988), Thu phương xa (2003), Vạn Xuân (2006), Ngày đầu tiên (2009)… và tập bút ký - bình luận Góc nhìn văn chương (2010); trong đó Trần Hữu Lục viết về những gương mặt văn nghệ thân quen từng xuất hiện trên văn đàn miền Nam từ trước 1975 như: Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tôn Nữ Hỷ Khương, Hồ Đắc Thiếu Anh...

Nguồn: https://tuoitre.vn/nha-van-tran-huu-luc-qua-doi-vi-mac-covid-19-20210831141926592.htm

Bên cạnh Thầy Lazaro Phiền (1887) - tiểu thuyết Quốc ngữ đầu tiên của Nguyễn Trọng Quản, kịch bản Tuồng cha Minh (1881) của nhà in Tân Định, Sài Gòn cũng có thể xem là vở kịch hiện đại viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, Tuồng cha Minh là một kịch bản do Marie-Antoine Louis Caspar, một thừa sai người Pháp sáng tác. Chỉ đến năm 1912, với Tuồng Thương khó của Nguyễn Bá Tòng được xuất bản bởi Imprimerie de la Misson, chúng ta mới có kịch bản hiện đại viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên do một người Việt Nam sáng tác.

1. Tác giả Tuồng Thương khó

Nguyễn Bá Tòng sinh ngày 07/08/1868 tại Gò Công, thuở nhỏ học tại trường sư huynh La San (Mỹ Tho), sau học tại trường dòng Collège d’Adran (Sài Gòn) và trường Latinh nhỏ Sài Gòn. Năm 1887 ngài học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Tốt nghiệp năm 1916, ngài trở thành linh mục có tài hùng biện vang danh trong và ngoài nước. Nguyễn Bá Tòng là vị giám mục Việt Nam đầu tiên được giáo hoàng Pio XI tấn phong ngày 11/06/1933 tại Roma. Ngày 11/07/1949, ngài qua đời tại Phát Diệm. 

            Về lĩnh vực cầm bút, Nguyễn Bá Tòng cũng là một cây viết sắc sảo và dồi dào. Nhiều bài diễn thuyết nổi tiếng của ngài đã được đăng trên các báo Nam Kỳ địa phận, Mémorrial, Trung hòa, Lời thăm, Công giáo đồng thinh; ngoài ra còn các sách như Tuồng Thương khó (1912), Le sens de lavie - Đức cha Tòng với thiếu niên (1935), Sermons Catéchistique - Bài giảng giáo lý (1939), Le Progrès de la Vie - Tiến bộ của sự sống (chưa rõ năm xuất bản). Hoàng Xuân Việt cho rằng: “Ngài thuộc đội ngũ nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại từ năm 1930 đến 1949” (1)

2. Tuồng Thương khó – nội dung và thi pháp

            Tuồng Thương khó là một cột mốc quan trọng trong lịch sử văn học – sân khấu, theo Doãn Phương (2004), đây có thể là vở kịch nói sớm nhất được biên soạn và dàn dựng tại Việt Nam(2). Được viết từ năm 1911 và được nhà in Tân Định xuất bản năm 1912, đến năm 1913 vở kịch chính thức được trình diễn tại Sài Gòn nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Trường Latinh Sài Gòn (Đại Chủng viện Thánh Giuse ngày nay), sau đó được diễn tại Sài Gòn 5 lần trong năm 1913. Đến năm 1917, khi được bổ nhiệm về làm cha sở ở Bà Rịa, ngài tập hợp các diễn viên về diễn vài lần nữa. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập nhà in Tân Định, vở kịch được trình diễn ngay tại sân nhà thờ Tân Định vào hai ngày 17 và 20 tháng 2 năm 1924(3). “Tuồng Thương khó đắt show đến nỗi được mời lưu diễn khắp trong Nam ngoài Bắc”(4). Khi làm giám mục giáo phận Phát Diệm, J.B Tòng mang Tuồng Thương khó đến đất Bắc, trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 09 và 10 tháng 2 năm 1934 với sự tham dự của các quan chức. 

Các diễn viên đóng vở Thương khó năm 1913

Tuồng Thương khó là một vở kịch có chủ đề tôn giáo, nội dung khai thác từ Kinh Thánh. Ngay ở trang bìa tác phẩm trong lần in đầu tiên năm 1912, Nguyễn Bá Tòng cũng ghi rõ “đã dọn theo sách gẫm sự thương khó ĐCG(5) và theo Tuồng Thương khó đã làm tại Oberammergau và tại Nancy”. Cốt truyện giữ nguyên các sự kiện cơ bản về cuộc thương khó được kể trong Kinh Thánh nhằm đảm bảo mục đích xây dựng một vở tuồng đạo. Các sự kiện diễn ra lần lượt theo trình tự: Chúa Giêgiu vào thành Giêrusalem trong sự tung hô reo hò của dân chúng; Giêgiu đuổi những người buôn bán trong đền thờ (chi tiết đóng vai trò như một cái cớ cho xung đột kịch được diễn ra); Giêgiu cùng các môn đệ chuẩn bị ăn lễ Vượt qua (theo tục lệ người Do Thái) trong khi những người ở công đồng đang tìm cớ để bắt Người; Giudà nộp thầy (nút thắt câu chuyện); Giêgiu bị hàm oan, nhận roi vọt và lãnh án tử; Giêgiu vác thánh giá lên đồi Calavariô, bị treo lên và chết trên thánh giá; Giêgiu sống lại rạng rỡ vinh quang trong sự chứng kiến của tất cả các ngôi tuồng cùng có mặt trên sân khấu. Một cái kết mở nút, hoành tráng và viên mãn. 

Thực chất, tất cả những điều này đều đã được nói đến trong Kinh Thánh. Nhưng Tuồng Thương khó có thêm thắt các nhân vật và sự kiện để làm dày hơn cốt truyện sẵn có. Các sự kiện được bổ sung trong quá trình biên kịch như đoạn Chúa Giêgiu giã từ Đức Mẹ trước khi biết “giờ” của Người sắp đến; đoạn đối thoại của Giudà với Đathan và kẻ buôn bán nhằm lý giải sáng rõ, tạo tiền đề cho nút thắt được diễn ra; đoạn tất cả những người thân thiết của Giêgiu tụ họp ở nhà bà Vêrônica cùng lo lắng cho Giêgiu đang bị xét xử. Bên cạnh việc thêm vào các sự kiện, tác giả còn có sự tinh tế trong việc thay đổi các chi tiết trong gốc truyện Kinh Thánh, vừa nhằm mục đích sáng tạo, vừa biến đổi để trở nên phù hợp. Tiêu biểu nhất là chi tiết quân lính chia nhau áo trong của Chúa Giêgiu, “vì dệt luôn một suốt, không có đường chỉ may, ta đừng xé, uổng”, họ quyết định bắt thăm. Tuy nhiên ở Tuồng Thương khó, tác giả lại có sự biến tấu từ việc bắt thăm trở thành lắc xí ngầu, một loại hình giải trí phổ biến trong xã hội Việt Nam. 

Về hệ thống nhân vật trong Tuồng Thương khó, các tuyến nhân vật chủ yếu thừa hưởng từ bốn Tin Mừng (của Matthew, Mark, Luke, John). Bên cạnh đó Tuồng Thương khó có thêm các nhân vật trong quá trình xây dựng tác phẩm, gồm tất cả 14 nhân vật (trên tổng số 44 nhân vật). Trong đó, có 4 nhân vật là hoàn toàn là mới, và 10 nhân vật được xây dựng dựa trên nền tảng sẵn có, là sự cụ thể hóa các nhóm người mà Kinh Thánh chỉ đề cập đến một cách khái quát. Các nhân vật mới mẻ hoàn toàn được thêm vào nhằm tô đậm tính cách cho nhân vật chính, đồng thời tạo sự gây cấn cho vở kịch. Cùng với đó, số lượng các nhân vật được cụ thể hóa nhiều hơn, đóng vai trò bổ sung, tạo sự tin cậy và hợp lý cho vở kịch. Hầu hết các nhân vật này đều được đặt tên dựa trên những nhân vật đã từng xuất hiện trong Kinh Thánh, cụ thể là Cựu ước. Điều đó giúp cho người giáo dân khi xem kịch dễ dàng tiếp nhận nhân vật hơn và tạo thêm sự gần gũi với khán giả phần lớn là người theo đạo Công giáo. Sự sáng tạo về nhân vật làm vở kịch trở nên dày dặn và hoành tráng hơn. 

Xung đột và hành động kịch 

Tuồng Thương khó có rất nhiều những mâu thuẫn. Nhịp điệu kịch bắt đầu trở nên gây cấn ở hồi cuối của phần thứ nhất. Tại vườn Giếtsêmani đã có xung đột giữa Chúa Giêgiu cùng các môn đệ với quân lính cùng những kẻ xấu luôn rình rập Ngài, đã có sự ẩu đả xảy ra giữa quân lính với các môn đệ, những người đang ra sức để bảo vệ thầy mình. Đó là xung đột của các thế lực trong xã hội vì một chữ “danh”. Vì sức ảnh hưởng của Giêgiu ngày càng lớn nên giới Pharisiêu ganh ghét và tìm cơ hội để bắt bớ Ngài. Đây là một xung đột mang tính chất hành động. 

Bên cạnh cuộc xung đột có tính gây cấn từ bên ngoài hoàn cảnh, Tuồng Thương khó còn xây dựng những cuộc xung đột nội tâm của các nhân vật. Điểm chung của những xung đột này là giữa những lợi ích cá nhân với các mối tương quan trong cộng đồng. Đầu tiên là cuộc xung đột nội tâm giữa tình nghĩa thầy trò với bản chất tham lam của Giudà; giữa tình nghĩa thầy trò với sự sợ hãi, lòng vị kỷ của Vêrô; và cuộc xung đột nội tâm giữa sự thật với lòng can đảm, giữa chân lý với ích lợi bản thân của Philatô. Tất cả đều có sẵn từ Kinh Thánh, song tác giả đã nắm bắt các chi tiết có tính điển hình để khái quát thành mối xung đột chung mang tính thời đại. 

Tuy nhiên, bao trùm tác phẩm vẫn là xung đột giữa Thiên Chúa và thế gian, giữa tình yêu và thù hận. Đức Chúa Giêgiu được Chúa Cha sai đến thế gian để cứu độ con người, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình đền tội thay cho nhân trần. Ngài đến để ban bình an và tình yêu. Thế nhưng, trái ngược lại với tình yêu ấy là sự hận thù của thế gian. Giêgiu đến để cho “chiên ta được sống và sống dồi dào” (Kinh Thánh, John 10, 10), nhưng trần gian lại lựa chọn sự tiêu diệt. Đây là xung đột đóng vai trò cốt lõi của vở kịch, đồng thời cũng có ý nghĩa về mặt tư tưởng đối với niềm tin Công giáo, là mâu thuẫn mang ý nghĩa ơn cứu độ. 

Trong Tuồng Thương khó, hành động kịch gần như diễn ra liên tục và ở hầu hết các tuyến nhân vật chính. Hành động cần chú ý đầu tiên là việc Giêgiu từ giã Đức Mẹ trước ngày lên Giêrusalem “chịu nạn chịu chết”. Đây là chi tiết sáng tạo của vở diễn nhằm làm dày dặn hơn cốt truyện, không có trong Kinh Thánh. Hành động này không chỉ tạo hiệu ứng chiều sâu cho vở kịch, thể hiện vai trò đồng hành của Đức Mẹ trong hành trình cứu độ của Con Thiên Chúa, mà còn bộc lộ tài năng của tác giả trong việc kết nối các chi tiết truyện trước và sau hành động. Thứ đến là sự tha thứ của Chúa Giêgiu, hành động mang tính thống nhất trong toàn tác phẩm. Suốt vở kịch, nhân vật Giêgiu luôn thực hành luật của yêu thương. Tình yêu cao cả nhất biểu hiện ở lòng vị tha, sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù. Ý nghĩa của hành động tha thứ là biểu hiện tình yêu vô điều kiện của Chúa đối với con người. Hành động kịch lúc này không đóng vai trò đẩy mạnh xung đột kịch mà là sự xoa dịu giữa xung đột, khi quân lính đối chọi với môn đệ, khi sự hận thù đối lập với tình yêu. Bên cạnh đó, trong tác phẩm còn có nhiều hành động kịch mang tính mấu chốt khác như việc Giudà lựa chọn tự vẫn; Philatô rửa tay để không liên quan đến “giá máu” Giêgiu vô tội; Giude Arimathia vác đỡ thánh giá cho Giêgiu trên đường lên đỉnh đồi Calavariô,… đều có yếu tố tác động hoặc giải quyết xung đột kịch.

Ngôn ngữ kịch của Tuồng Thương khó

Tuồng truyền thống là một vở kịch hát, một đặc điểm chung của sân khấu các nước phương Đông như tuồng hát bội của Việt Nam, Kinh kịch của Trung Quốc, Kabuki của Nhật Bản,… Đặc trưng của tuồng truyền thống là viết bằng văn biền ngẫu với công thức “văn biền ngẫu chiếm đến 80%, 15% là thơ ca và 5% là văn xuôi” (Hoàng Châu Ký) (6). Biền văn khi biểu diễn trở thành các điệu nói lối, đảm nhiệm phần lớn các nhiệm vụ trong tuồng: đối thoại, xưng tên, bộc lộ tâm tình,... chiếm tỷ lệ rất cao trong mỗi vở tuồng. Thơ và phú khi biểu diễn sẽ trở thành các điệu hát trữ tình. Còn văn xuôi chỉ được dùng để đệm vào với vai trò là chú thích, nhằm làm sáng tỏ hơn nội dung của câu văn vần hoặc câu thơ. 

Người ta dễ dàng nhận thấy Tuồng Thương khó là một vở kịch hiện đại trước hết bởi hình thức hoàn toàn văn xuôi. Cách viết này không yêu cầu độc giả, khán giả phải có kiến thức nhất định về các quy luật sáng tác, giúp mở rộng đối tượng thưởng thức, đưa văn nghệ đến gần hơn với quần chúng. Tác giả vận dụng triệt để ngôn ngữ bình dân Nam Bộ, khán giả từ trí thức đến người bình dân cũng có thể xem, có thể hiểu, sống động như một câu chuyện thường ngày.

Bên cạnh đó, ngoại trừ các lời thoại của nhân vật, Tuồng Thương khó có cả những lời chỉ dẫn nghệ thuật (thường bỏ trong dấu ngoặc đơn). Các chỉ dẫn này nhằm hỗ trợ diễn viên trong phần trình diễn. Có lời chỉ dẫn miêu tả cụ thể, cũng có lời chỉ dẫn chỉ thị hành động. Nhìn chung, dù chưa nhiều, chưa cụ thể, chủ yếu đóng vai trò như những “lời nhắc nhở”, những chỉ dẫn nghệ thuật này cũng đã chứng minh thêm cho tính hiện đại của Tuồng Thương khó.

3. Tuồng Thương khó - cuộc gặp gỡ giữa kịch phương Tây và tuồng truyền thống

Không lựa chọn cấu trúc của lối viết tuồng hát cũ hay kịch nói phương Tây, Nguyễn Bá Tòng lựa chọn một cấu trúc kịch rất riêng. Tuồng Thương khó chia theo phần, trong mỗi phần có nhiều thứ (khái niệm của tuồng cổ Việt Nam), trong thứ có nhiều hồi (khái niệm của kịch cổ điển Pháp).

Tuồng Thương khó chia thành hai phần. Phần thứ nhất: “Từ khi ĐCG vào thành Giêrusalem, cho đến khi Giudà nộp Người”, phần thứ hai: “Từ khi Giudà nộp ĐCG cho đến khi Người sống lại”. Hai phần này được chia tách bởi sự kiện Đức Chúa Giêgiu bị bắt về xử án, một cách chia tách hợp lý. Về mặt giáo lý Công giáo, Đức Chúa Giêgiu vào thành Giêrusalem (phần thứ nhất) là sự chuẩn bị cho cuộc thương khó mà Ngài sắp phải chịu. Lúc Giêgiu bị quân lính bắt đi (cuối phần thứ nhất, mở đầu phần thứ hai) là cánh cửa đưa Ngài chính thức bước vào cuộc khổ nạn, bắt đầu những chuỗi đau thương liên tiếp phải chịu. Về mặt phân chia cấu trúc vở kịch, phần thứ nhất đóng vai trò giao đãi, giới thiệu bối cảnh và nhân vật: Đức Chúa Giêgiu vào thành Giêrusalem, được muôn dân thiên hạ tung hô như một vị vua, để rồi về sau cũng chính dân này lớn tiếng đòi giết, đòi đóng đinh, càng nhấn mạnh hơn nỗi đau thương của Đức Chúa Giêgiu. Phần thứ nhất cũng đóng vai trò tạo nút thắt ở chi tiết Giudà đưa ra quyết định “bán thầy”. Nghĩa là phần thứ nhất làm nhiệm vụ giao đãi và thắt nút, tương đương với hồi thứ I và II của kịch cổ điển Pháp. Bước sang phần thứ hai, tác giả xây dựng hệ thống sự kiện dồn dập, không gian thay đổi liên tục theo bước chân của Đức Chúa Giêgiu, từ lúc bị điệu về nhà Annát, qua nhà Caipha, đến dinh tổng trấn Philatô, vào ngục cho đến lúc nhận án tử. Cao trào được đẩy đến cùng khi Đức Chúa Giêgiu chịu đóng đinh và chết trên cây thánh giá tại núi Calavariô. Và cuối cùng, việc Chúa Giêgiu sống lại vinh hiển ở thứ thứ mười sáu vừa đúng với những gì Kinh Thánh chép lại, vừa là yếu tố mở nút, và cũng là một màn kết hoành tráng trên sân khấu kịch. Như vậy, phần thứ hai làm nhiệm vụ tạo cao trào và mở nút, tương đương với hồi thứ III, IV, V của kịch cổ điển Pháp. Như vậy, ở đây tác giả vận dụng cách sáng tạo bố cục kịch phương Tây.

Về kết cấu trong từng phần, phần một bao gồm 6 thứ (thứ thứ nhất - thứ thứ sáu); phần hai bao gồm 10 thứ (thứ thứ bảy - thứ thứ mười sáu). Các thứ có độ dài ngắn không đồng đều, mỗi thứ thường nhằm giải quyết một sự kiện nhất định. Đặc điểm này Nguyễn Bá Tòng vận dụng từ cách phân chia của tuồng kịch truyền thống trước đó. Mỗi thứ thường gắn với một không gian và một sự kiện nhất định. Khi thay đổi thứ không gian cũng thay đổi. Việc phân chia rõ ràng như vậy giúp người đọc (kịch bản) và người xem (kịch) dễ dàng nắm bắt cốt truyện. Bên cạnh đó, tác giả dành 26/82 trang để viết phần thứ nhất, nghĩa là dung lượng tác phẩm nghiêng hẳn về phía phần thứ hai, trung tâm của vở kịch và cũng là trung tâm điểm của toàn bộ Kinh Thánh, là cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêgiu. 

Về kết cấu trong từng thứ, tùy độ dài ngắn của sự kiện, số lượng nhân vật trong từng thứ mà có thứ không phân chia hồi, có thứ chia nhiều hồi. Vở kịch bao gồm 36 hồi, trong đó phần hai có 21 hồi. Hồi sẽ đổi khi nhân vật thay đổi. Cách chia này ảnh hưởng hoàn toàn từ cách chia lớp (scène) của kịch cổ điển Pháp, chủ yếu nhắm đến hiệu quả sân khấu, hỗ trợ tốt hơn cho diễn viên và hậu đài trong việc chuyển cảnh. 

Dựa trên nguyên tắc của kịch cổ điển Pháp và tuồng cổ truyền thống, JB. Tòng đã hoàn thiện cấu trúc của vở Tuồng Thương khó với yêu cầu đảm bảo được các chức năng giao đãi, thắt nút, cao trào, mở nút của kịch hiện đại, vừa có sự trân trọng và lưu giữ những giá trị tốt đẹp của tuồng cổ truyền thống. Và trên hết, đó là một cấu trúc phù hợp với cốt truyện có sẵn từ trong Kinh Thánh mà tác giả là người làm công việc đi tìm phương tiện biểu hiện tối ưu nhất.

*

Tuồng Thương khó là sự kết hợp của nghệ thuật viết kịch theo kiểu truyền thống và hiện đại, là kết quả của quá trình tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa phương Tây cùng với cái hay cái đẹp của ngôn ngữ dân tộc. Bằng việc lựa chọn một lối đi hoàn toàn khác với con đường mòn suốt hằng thế kỷ của kịch hát truyền thống, Nguyễn Bá Tòng đã tạo một bước đột phá, mang tính chất tiên phong trong việc viết kịch bằng văn xuôi, đặt tiền đề cho một cấu trúc viết kịch mới. Từ vở kịch này, chúng tôi muốn đặt ra một giả thuyết mới: Tuồng Thương khó có khả năng là vở kịch hiện đại viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên do người Việt Nam viết. Đây hẳn là một vấn đề đáng được các nhà nghiên cứu văn học và nghệ thuật sân khấu lưu tâm.

Chú thích:

(1) Ủy ban đoàn kết Công giáo TP. Hồ Chí Minh, Thắng Cảnh Phát Diệm, 1991, tr.181

(2) Doãn Phương. (2010).  Thương khó, vở kịch nói và vở opéra đầu tiên ở Việt Nam? In trong Lê Đình Bảng. Văn học Công giáo Việt Nam- những chặng đường, tr.382. TP HCM: Từ điển Bách khoa.

(3) Nam Kỳ Địa Phận số 778 ngày 21.02.1924.

(4) Lê Đình Bảng. (2010). Kể chuyện Tuồng Thương khó diễn ở trường Latinh Sài Gòn năm xưa. In trong  Văn học Công giáo Việt Nam- những chặng đường, tr.389. TP HCM: Từ điển Bách khoa.

(5) Tác giả viết tắt từ chữ Đức Chúa Giêgiu (Jesus).

(6) Hoàng Châu Ký. (1993). Vài suy nghĩ về nghệ thuật biên kịch hát bội trong vở tuồng “Joseph”. In trong Về sách báo của tác giả Công giáo (thế kỷ XVII- XIX), tr 121. Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, số tháng 6 năm 2021.

1. Hình ảnh trong đầu đề bài viết là lấy ý ở câu cuối trong bài kệ của thiền sư Vạn Hạnh (?-1025) đã đọc cho đồ đệ nghe trước phút Ngài lâm chung (kệ thị tịch):

示弟子

身如電影有還無, 萬木春榮秋又枯.

任運盛衰無怖畏, 盛衰如露草頭鋪.

Thị đệ tử

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô. (1)

(Bảo các đồ đệ. Thân người ta như bóng chớp, có rồi lại không,/ Như cây cối mùa xuân thì tốt tươi, mùa thu thì khô héo./ Mặc cho vận đời dù thịnh hay suy đừng sợ hãi,/ Vì sự thịnh suy [cũng mong manh] như giọt sương trên đầu ngọn cỏ.)

Dịch thơ:

Thân như bóng chớp, có rồi không,

Cây cối xuân tươi, thu não nùng.

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,

Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.

(Ngô Tất Tố, Văn học đời Lý, Mai Lĩnh xb, HN, 1942)

2. Hiện chưa rõ tên thực cùng năm sinh của thiền sư Vạn Hạnh, còn họ thì sách Thiền uyển tập anh ngữ lục chép là họ Nguyễn. Nhưng cần lưu ý là, từ sau khi nhà Trần (1225-1400) thay thế nhà Lý (1009-1225), Thái sư Phụ chính Trần Thủ Độ ra lệnh buộc những ai trong nước mang họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn, nên không rõ thiền sư gốc họ Lý hay họ Nguyễn (bởi có nhiều sách chép là Lý Vạn Hạnh, mà theo thiển ý, có lẽ sư mang họ Lý thì đúng hơn). Chỉ biết, thiền sư người ở hương Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), thuở nhỏ tinh thông Tam giáo, say mê Phật học; xuất gia tu học tại chùa Lục Tổ, hương Dịch Bảng (nay là Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), đắc pháp với thiền sư Thiền Ông, là thế hệ thứ 12 được truyền thừa dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Nhờ chuyên trì pháp môn Tổng trì tam ma địa mà sư có thể đoán biết trước nhiều việc, lời nào sư nói ra, thiên hạ đều cho là sấm truyền. Chẳng hạn sử sách có ghi: chuyện sư tiên đoán giặc Tống phải tan vỡ nội trong ba bảy ngày vào năm 981; chuyện vua Lê muốn cất binh đi đánh Chiêm Thành vào năm Nhâm Ngọ, 982 (Thiên Phúc năm thứ 2) nhưng còn do dự thì sư khuyên làm mau, đừng để mất cơ hội, quả nhiên năm ấy, Chiêm Thành thua to; hay như chuyện nhà Lý sẽ thay nhà Lê vào năm 1009, v.v.. Dưới đời Tiền Lê (981-1009), thiền sư làm cố vấn triều đình, giúp vua trị nước an dân, hiến kế chống giặc phương Bắc ngoại xâm, được vua Lê Đại Hành rất tôn kính; sư lại là người có công đầu trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi lập ra nhà Lý, thay thế nhà Lê, sau khi bạo chúa Lê Long Đĩnh (Lê Ngoạ Triều) mất, vua Lý Thái Tổ càng tôn kính, phong làm Quốc sư. Năm Thuận Thiên thứ 16 (1025), thiền sư viên tịch. Trước lúc lâm chung, thiền sư đã đọc bài kệ trên để dặn dò đệ tử. Về thơ văn, ngoài bài kệ thị tịch, thiền sư còn có 4 bài nữa đều mang tính chất những lời sấm và lời kệ và một đoạn khuyên Lý Công Uẩn lên ngôi, mà sử sách xưa có chép như: Ký Đỗ Ngân, Khuyến Lý Công Uẩn, Quốc tự, Yết bảng thị chúng, Thị đệ tử.

Nhân đây, xin được đính chính lại năm viên tịch của Quốc sư Vạn Hạnh, bởi vấn đề này từ xưa đến nay sử sách đã nhầm lẫn, ghi không nhất quán.

Sách Thiền uyển tập anh ngữ lục cả hai bản in đời Lê trung hưng và đời Nguyễn thì chép: Ngày rằm tháng 5 năm Mậu Ngọ, niên hiệu Thiên Ứng thứ 9. Chép như thế là nhầm, bởi Ứng Thiên là niên hiệu đời vua Lê Đại Hành từ 994 đến 1005 và Lê Ngoạ Triều từ 1005 đến 1007, chứ không có niên hiệu Thiên Ứng. Nếu là niên hiệu Ứng Thiên năm thứ 9 tức năm 1002, thì cũng không đúng, bởi Vạn Hạnh không thể mất trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi (1009). Vì thế mà cụ Trần Văn Giáp trong sách Le Bouddhisme en Annam, BEFEO XXXII, 1932 (2) và trong Lược truyện các tác gia Việt Nam (3), nghi ngờ sách in sai, nên đã sửa lại thành năm Thuận Thiên thứ 9 (1018). Từ đó về sau nhiều nhà nghiên cứu khi làm sách đều ghi theo ý kiến của cụ Trần Văn Giáp, trong đó có Thơ văn Lý – Trần tập 1; bản dịch Thiền uyển tập anh của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thuý Nga.

Trong khi đó Đại Việt sử lược, một cuốn sử viết vào đời Trần, khuyết danh, tại tờ 4a7 ghi: “Năm Ất Sửu hiệu Thuận Thiên thứ 16, sư Vạn Hạnh hoá” (4), mà năm Ất Sửu, Thuận Thiên thứ 16 là năm 1025; Và sách Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển 2, kỷ nhà Lý, tại tờ 10a3-4 thì ghi: “Ất Sửu, Thuận Thiên năm thứ 16 (...) Sư Vạn Hạnh mất. Sư không có bệnh gì mà mất, người bấy giờ bảo là hoá thân” (5). Ở đây, chúng tôi ghi theo Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư. Như vậy, thiền sư Vạn Hạnh tịch ngày rằm tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 16, tức năm 1025.

3. Các bài kệ vốn thường không có đầu đề. Nhan đề của bài là do Lê Quý Đôn dựa vào nội dung mà đặt đầu đề khi soạn bộ Toàn Việt thi lục. Từ đó về sau, khi biên soạn hợp tuyển thơ văn, các nhà nghiên cứu đều ghi theo học giả họ Lê.

Bài kệ trên được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật với niêm luật chặt chẽ. Hai câu đầu “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô, Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.” Với hình ảnh hiện dụ theo lối so sánh bằng cách ví thân thể con người chẳng khác nào như bóng chớp, có đó rồi tan biến đó; chẳng khác nào như cây cối mùa xuân thì tươi tốt, mùa thu thì khô héo.

Những hình ảnh dụ như trên được các vị thiền sư sau này hay dùng nhằm mục đích gợi mở tâm thức cùng phương pháp tu tập cho hành giả - người học đạo. Mà dụ là phương pháp mà khi Đức Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, Ngài thường dùng để giảng thuyết cho chư đệ tử, bởi tư tưởng - giáo lý nhà Phật là giáo lý Khế cơ, nên với việc sử dụng hình thức dụ sẽ dễ dàng phù hợp với căn cơ trình độ của từng người, ai cũng có thể hiểu được, nhận thức rồi vận dụng được với từng mức độ khác nhau. Dụ 喻 (Thí dụ 譬 喻) là Hán dịch, còn Phạn ngữ là Apadana (A-ba-đà-na). Đây là một trong 12 bộ kinh. Nội dung kinh này nêu ra những thí dụ, nhờ chúng mà người học đạo, nghe kinh sẽ hiểu được rõ ý nghĩa của giáo lý - tư tưởng của kinh. Thí dụ chính là lấy cái pháp mình đã biết để làm sáng tỏ cái pháp chưa được biết. Kinh Pháp hoa văn cú quyển thứ 5 có giải thích như sau: “Thí là so sánh, dụ là nói cho hiểu rõ, bằng cách dựa vào cái này để so sánh với cái kia, dùng cái nông cạn để nói cái sâu sắc… Chẳng hạn, nói cây đang lay động để cho biết là có gió; làm quạt hình tròn để ví với mặt trăng. Cho nên gọi là thí dụ”. Trong kinh văn nhà Phật, cụ thể là kinh Niết bàn quyển thứ 29 có chỉ ra 8 cách thức dụ (Thuận dụ, Nghịch dụ, Hiện dụ, Phi dụ, Tiên dụ, Hậu dụ, Tiên hậu dụ, Biến dụ) (6).

Hình ảnh trong bài kệ là hiện dụ. Bằng biện pháp ví von so sánh sinh động, diễm lệ, giàu hình ảnh gần gũi đời sống, thiền sư Vạn Hạnh đã so sánh với kiếp người vô thường, có đó rồi mất đó.

Câu thơ đầu bàn về quy luật của kiếp người: Thân như điện ảnh hữu hoàn vô, so sánh thân xác con người chẳng khác nào ánh chớp, bóng hình, có đó rồi tan biến ngay, nó hiện hữu nhưng xét đến cùng là không có thật.

Câu thứ hai bàn về quy luật tuần hoàn của tự nhiên: Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô, mùa xuân thì cây cối tốt tươi, mùa thu thì héo úa. Con người qua thời gian cũng vậy, khi còn trẻ thì dồi dào sức sống, lúc về già thì tàn tạ, bởi bệnh tật ùa về.

Vấn đề mà thiền sư muốn trao truyền dặn dò đồ đệ là cần nhận thức rõ cái quy luật tuần hoàn của cuộc đời, của sự sống, tức nhận chân cái lẽ ‘nhậm vận thịnh suy’ với một thái độ bình thản, không sợ hãi trước quy luật tuần hoàn, biến thiên, vô thường ấy. Bởi thịnh và suy của cuộc đời, của sự sống chẳng khác nào như giọt sương đọng trên đầu ngọn cỏ. Giọt sương long lanh ấy thật mỹ lệ, nhất là lúc ánh nắng ban mai chiếu vào nó càng lung linh hơn, nhưng một lúc sau đó khi nắng lên thì nó tan biến ngay:

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Có lẽ khi thể hiện tư tưởng trên, vị Quốc sư của vương triều nhà Lý đã triệt ngộ triết lý tính Không của bài kệ trùng tụng ngũ ngôn trong kinh Kim cang bát nhã ba la mật 金剛般若波羅蜜經 mà Đức Thế tôn đã truyền giảng cho ngài Tu Bồ Đề và toàn thể đại chúng nghe trong pháp hội:

一切有為法,如夢幻泡影.

如露亦如電,應作如 是觀.

Nhất thiết hữu vi pháp, Như mộng huyễn bào ảnh,

Như lộ diệc như điện, Ưng tác như thị quán.

(Tất cả các hiện tượng trong thế giới khách quan, Như giấc mộng, như hình ảnh không có thật, như bóng nổi, như bóng hình, Như giọt sương, và cũng như ánh chớp, [Các ông] nên quán tưởng như thế).

Bởi tất cả những gì có hình tướng đều là hư ảo, là không có thật, như lời Đức Thế tôn đã giảng trong kinh Kim cang bát nhã ba la mật: Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng 凡所有相皆是虛妄 (Phàm cái gì có hình tướng, hết thảy đều không có thật). Cái hiện thực mà bằng mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, tay chạm được, con người cứ tin là chúng tồn tại, hiện hữu, có thực tướng, nhưng xét đến cùng, tất cả đều huyễn ảo, bởi chúng không tồn tại vĩnh hằng, chúng không thường hằng bất biến, không có thật như chúng ta đã thấy, mà tất cả đều phải theo quy luật ‘thành trụ hoại diệt’, ‘sinh lão bệnh tử’; theo lý duyên sinh, duyên khởi. Nếu chúng ta nhận chân cái lẽ: Sắc tức thị không, không tức thị sắc; sắc bất dị không, không bất dị sắc, thọ tưởng hành thức, diệc phục như thị - Có tức là không, không tức là có; có chẳng khác không, không chẳng khác có (Bát nhã tâm kinh) thì sẽ thanh thản chấp nhận cái quy luật vô thường này của tất cả hiện thực trong thế giới khách quan, từ đó sẽ có thái độ ‘vô bố úy’ (không sợ hãi) trước hiện thực. Thái độ này là hai trong ba đức của nhà Phật: Trí và Dũng.

Từ nhận thức đó nên thiền sư mới khuyên chúng đệ tử: Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô. Hình ảnh so sánh ví von ở câu kết thúc (câu hợp) của bài kệ thật lung linh, diễm lệ, đậm chất văn chương. Ở đây, qua câu thơ, tư tưởng tính Không của kinh văn hệ Bát nhã đã được thiền sư chuyển tải bằng hình ảnh hiện dụ thật sinh động. Giọt sương mai có đó, hiện hữu đó, dưới cái nhìn của con người, nó thật đẹp, thật long lanh ngời sáng trên đầu ngọn cỏ, nhưng chỉ trong một cái chớp mắt, một sát-na, khi nắng sớm vừa chiếu lên thì nó tan biến ngay, tức không còn tồn tại, hiện hữu. Thúc hốt tức vô (thoạt có liền không). Cuộc đời là vô thường. Vạn pháp đều vô thường. Nhận thức được điều này, con người ta mới thanh thản, an nhiên, tự tại mà vui sống trong cõi đời với sắc thân giả tạm này.

4. Đối với Phật pháp và đất nước, uy đức và công nghiệp của thiền sư thật lớn lao, nhất là với vương triều nhà Tiền Lê, nhà Lý. Uy đức ấy vẫn toả sáng đến đời sau, và cho đến hôm nay. Bởi thế nên mấy mươi năm sau khi thiền sư thâu thần nhập tịch, vua Lý Nhân Tông (1066-1128) vẫn còn làm bài kệ tán (thơ ca ngợi tán dương) Ngài:

追贊萬行禪師 (7)

萬行融三際,真符古讖詩 (8).

鄉關名古法 (9),拄錫鎮王畿.

Truy tán Vạn Hạnh thiền sư

Vạn Hạnh dung tam tế, Chân phù cổ sấm thi.

Hương quan danh Cổ Pháp, Trụ tích trấn vương kỳ.

(Vạn Hạnh [học rộng] thông suốt được ba cõi, [Lời nói của sư] quả là phù hợp với những câu thơ sấm cổ. Quê hương tên Cổ Pháp, Chống gậy tầm xích giữ vững kinh đô nhà vua.)

Dịch thơ: Vạn Hạnh thông ba cõi, Lời ông nghiệm sấm thi.

Quê hương làng Cổ Pháp, Chống gậy trấn kinh kỳ. (10)

Lời truy tán của nhà vua đã tổng kết đầy đủ công trạng của thiền sư đối với đất nước. Công đức ấy thật là vô lượng, không thể luận bàn. Tôi không thể nói thêm được lời nào nữa.

NCL

Chú thích

(1) Dị bản: Sách Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ, tờ 83a7-b1, có chép câu thứ ba của bài kệ khác hai chữ: 隨運盛衰休怖畏 Tuỳ vận thịnh suy hưu bố uý. Trong khi đó, các sách Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn, Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích thì chép: Dụng vận 用運. Ngô Tất Tố trong Văn học đời Lý chép là Nhậm vận và sách Thơ văn Lý – Trần, tập 1 cũng chép là Nhậm vận.

(2) Trần Văn Giáp, Le Bouddhisme en Annam, BEFEO XXXII, 1932, Hà Nội, tr. 239.

(3) Trần Văn Giáp, Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập 1, Nxb Sử học, HN, 1962, tr.183.

(4) Đại Việt sử lược (Việt sử lược), Trần Quốc Vượng dịch (1959), Nxb Thuận Hoá, Huế, tái bản, 2005, tr.77.

(5) Quốc Sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Quyển 2, Kỷ nhà Lý, bản dịch của Viện Sử học, do Cao Huy Giu dịch; Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng, Nxb KHXH, HN, 1971, tập 1, tr. 198.

(6) Xin xem lý giải tám phép Dụ trong bài “Ý chỉ đoạn Ngữ lục và bài kệ Thị tịch của Khuông Việt thiền sư” của Nguyễn Công Lý trên Nguyệt san Giác Ngộ số 180, tháng 3-2011.

(7) Về nhan đề bài thơ này, trong sách Việt điện u linh tập và sách Thiền uyển tập anh ngữ lục thì ghi là Truy tán Vạn Hạnh thiền sư. Trong khi đó Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn và Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích thì ghi là Tặng Vạn Hạnh thiền sư. Thiết nghĩ, ghi như sách Việt điện u linh và Thiền uyển tập anh thì đúng hơn, vì lúc nhà vua viết thơ ca ngợi thì thiền sư đã tịch rồi, nên mới Truy tán, chứ không thể làm thơ Tặng.

(8) (Bản Thiền uyển tập anh chép câu này là 真符古讖機 Chân phù cổ sấm cơ/ky (Lời nói của sư quả thực hợp với những câu thơ sấm cổ).

(9) Theo Đoàn Lê Giang thì câu Hương quan danh Cổ Pháp cần được hiểu là “Quê hương ông nổi danh là nơi phát tích Phật pháp cổ” (Đoàn Lê Giang: “Hai bài thi kệ Đường luật quan trọng thời Lý - Trần: khảo sát văn bản và ý nghĩa”. In trong: Thơ Đường luật đời Lý. Nguyễn Công Lý, Nguyễn Đức Hùng (đồng chủ biên). Nxb Thanh niên, Hà Nội. 2019. Tr. 155-156.

(10) Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình dịch, Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nxb KHXH, HN, 1977, tr. 433.

Tài liệu tham khảo

1. Bát nhã tâm kinh và Kim cang Bát nhã Ba la mật kinh.

2. Trần Văn Giáp, Le Bouddhisme en Annam, BEFEO XXXII, Hà Nội, 1932.

3. Trần Văn Giáp, Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập 1, Nxb Sử học, HN, 1962.

4. Đại Việt sử lược, Trấn Quốc Vượng dịch, Nxb Thuận Hoá, tái bản, 2005.

5. Quốc Sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch của Viện Sử học, do Cao Huy Giu dịch; Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng, tập 1, Nxb KHXH, HN, 1971.

6. Ngô Tất Tố, Văn học đời Lý, Mai Lĩnh xb, HN, 1942.

Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ số 304 tháng 7-2021.

Ngày 22-10-1921, vở kịch “Chén thuốc độc” của ông Vũ Đình Long được biểu diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Thời đó, dân Hà Nội gọi là nhà hát Tây. Những diễn viên đều là thành viên của Hội Công thương đồng nghiệp. Mục đích của buổi diễn để lấy tiền giúp trẻ mồ côi. Năm ấy, tác giả vở kịch nói đầu tiên của nước ta, thời ấy còn mang tên An Nam, mới 25 tuổi.

Thời đó, văn chương viết bằng chữ quốc ngữ mới khởi động những bước đi đầu tiên với những tên tuổi lớn như Nguyễn Văn Vĩnh, Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, Phạm Duy Tốn, Song An Hoàng Ngọc Phách, Hồ Biểu Chánh… theo những thể loại chủ yếu là thơ và truyện ngắn, tiểu thuyết… Nhưng kịch thì chưa ai viết. Ông Vũ Đình Long là người đầu tiên dùng tiếng Việt sáng tác những vở kịch mới theo cấu trúc kịch của Pháp. 

Một hôm, có nhà báo đến thăm ông, muốn hỏi chuyện một người viết kịch có công lớn đối với văn học nước nhà. Nhưng ông rất khiêm tốn. Ông đề nghị nhà báo nên hỏi chuyện các nhà văn đã cộng tác với ông trong việc xuất bản. Vì những vở kịch đó, ông đã viết từ hơn mười năm trước, đã trở thành những “món đồ cổ”. Nhưng nhà báo cho rằng, đó là những món đồ cổ quý báu. Chỉ mười năm sau, chúng đã có giá trị lịch sử, xác định vị trí vững chắc trong văn chương Việt Nam cận đại. Ông kể cho nhà báo Lê Thanh về những động lực thúc đẩy ông quan tâm đến kịch.

Ông sinh ở Hà Nội. Hồi nhỏ, ông học ở một trường Pháp - Việt. Lên trung học, ông vào trường Pháp  (College Paul Bert). Có nghĩa là, trong thời kỳ đi học, ông ít được rèn luyện quốc văn. Nhưng bù lại, ông rất thích đọc sách tiếng Việt. Đặc biệt, ông rất quý hai bộ tiểu thuyết Trung Hoa là Tam Quốc và Thuỷ Hử, do một người ở Nam Kỳ dịch, xuất bản ở Sài Gòn. Đọc xong, ông quan niệm, tiểu thuyết giúp người đọc, trong chốc lát, có thể thoát khỏi cái vòng thực tế, trong cái đời sống buồn tẻ lúc bấy giờ.

20210827

Nhà viết kịch Vũ Đình Long.
Và khi đã hiểu thế nào là văn chương, ông rất thích đọc Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí.Đông Dương tạp chí là tờ tạp chí  tiếng Việt đầu tiên xuất bản tại Hà Nội từ 1913 đến 1919 do một người Pháp gốc Đức tên là F. H. Schneider sáng lập kiêm chủ nhiệm, mục đích kinh doanh ngành in. Chủ bút là ông Nguyễn Văn Vĩnh. Trong tạp chí có hai phái cùng hoạt động. Phái cựu học có các ông Tản Đà, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Dương Bá Trạc... Phái tân học có các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn, Trần Trọng Kim…. Mục tiêu quan trọng của tạp chí này là phổ biến chữ quốc ngữ trong dân chúng, thực hành lối văn rõ ràng, rành mạch, ngắn gọn, diễn đạt tư tưởng, phê bình văn học, đả phá những thành kiến xưa, coi văn biền ngẫu mới là văn chương, truyền bá những tư tưởng tiến bộ của châu Âu, nhất là của Pháp… Còn tờ Nam Phong tạp chí, sau này do ông Phạm Quỳnh làm chủ biên và chủ bút, cũng chủ trương truyền bá chữ quốc ngữ và xây dựng nền quốc học bằng chữ quốc ngữ. Tạp chí tồn tại từ 1917 đến 1934. Thế hệ nhà văn Việt Nam giai đoạn 1920-1930 như Thái Phỉ, Tam Lang, Song An, Đông Hồ… phần lớn đều được “đào tạo” bởi hai  “trường học” này. Công lao của hai tạp chí trong việc vun đắp nền quốc văn là rất lớn.Thời đi học, ông Vũ Đình Long đã đọc nhiều vở kịch Pháp nhưng chưa bao giờ dám hy vọng sau này trở thành nhà văn hay nhà viết kịch. Ra trường, dạy học, thày giáo Vũ Đình Long rất chú ý luyện tập quốc văn cho học trò. Thày coi học trò như những người thợ tương lai của cái lâu đài quốc văn. Nhưng ngoài những việc trên, tâm hồn Vũ Đình Long còn có đam mê nghệ thuật. Ông thích xem kịch hát dân tộc và phát hiện những khiếm khuyết.Ông kể, hồi đó chỉ có tuồng, chèo, cải lương; nói là “cải lương” nhưng vẫn là những vở cũ, không biết có từ bao giờ, đã diễn đi diễn lại không biết bao nhiêu lần, chỉ khác ở chỗ người ta cắt đi xếp lại làm bốn, năm cảnh… Mỗi cảnh có một bức phông vẽ sơn; cái thì vẽ một cảnh triều đình, cái thì rừng núi, đường đi... Nhưng một rạp hát chỉ có một số phông nhất định, không chịu thay đổi theo tuồng diễn, thành ra phông nhiều khi không hợp cảnh. Có khi diễn một tích tuồng mới bên ta, họ cho một chiếc phông họa một cảnh triều đình thượng cổ bên Tàu. Ông kể: “Tôi còn nhớ có lần họ diễn một tích Tàu mà cái phông lại là con đường làng Bưởi bên ta! Thứ nhất là lần nào mình đi xem cũng chỉ có những bức phông ấy, xem mãi hóa chán… Đó “cải lương hý kịch” hồi ấy là thế đấy! Giá cứ để nguyên những vở tuồng, chèo cổ mà diễn, xem còn thú hơn”.Đối với kịch Pháp, Vũ Đình Long rất ấn tượng với vở “Bệnh tưởng” của Molière do Nguyễn Văn Vĩnh dịch. Vở kịch do Hội Khai trí Tiến Đức tổ chức vào ngày 25-4-1920. Ông Vũ Đình Long rất thích bản dịch tài tình, văn chương giản dị của ông Nguyễn Văn Vĩnh. Nhưng khi xem, ông thấy người mình mặc trang phục cổ của người Pháp, nói tiếng ta, điệu bộ khi thì Tây, khi thì ta, ông không thấy thỏa mãn. Lúc ra về, ông ước ao được xem một buổi diễn kịch thuần Việt Nam: Việt Nam từ vở kịch đến ngôn ngữ, cử chỉ, trang phục.Vậy ông sáng tác “Chén thuốc độc” như thế nào?Ông Vũ Đình Long kể tiếp. Hồi đó, ông đang dạy học ở Hà Đông. Mấy ông giáo trong trường như ông Đốc Nguyễn Đình Thông, ông thầy Nguyễn Văn Hùng đều là những người yêu văn chương. Họ có cái lệ, mỗi tháng hai kỳ, vào hai buổi tối, hội họp tại Hồng hoa biệt thự (Villa des Roses) của ông Nguyễn Đình Thông, uống trà và nói chuyện văn chương. Ông Vũ Đình Long viết kịch “Chén thuốc độc”, đem đọc ở đó, được các bạn nhà giáo khen ngợi và khuyên nên gửi đăng ở tạp chí Hữu Thanh. Đó là một tạp chí của Hội Nông Công thương do thi sĩ Tản Đà làm chủ bút.Sau khi gửi đi được mấy hôm, thi sĩ Tản Đà cùng một ông tú, từ Hà Nội vào Hà Đông, mục đích chỉ để thông báo cho tác giả biết là đã nhận được vở kịch. Đó là cái cớ. Thực ra là để “xem mặt” kịch sĩ Vũ Đình Long thế nào.  Thi sĩ Tản Đà nói, tòa báo đã nghe đọc và ai nấy đều hoan nghênh. Tạp chí sẽ đăng vở kịch. Hai ông ở lại chơi, đêm chuyện trò. Sáng hôm sau mới ra về.Nội dung “Chén thuốc độc” kể về gia đình thầy Thông Thu - một công chức khá giả. Sống trong một xã hội nửa Tây nửa ta, mỗi người đều theo đuổi mục đich tầm thường của mình. Bà mẹ và vợ suốt ngày mê chuyện lên đồng, buôn thần bán thánh. Cô em gái thì ăn chơi đàn đúm, không chồng mà chửa. Bản thân thầy Thông Thu lại mê hát xướng, thích thư giãn nơi nhà thổ. Không những vậy, thầy còn tụ tập bọn du đãng ăn chơi phè phỡn. Cuộc sống gia đình rạn nứt, nợ nần khắp chốn.  Thầy Thông Thu chợt tỉnh ngộ. Nhưng đã muộn. Tất cả tài sản trong nhà bị tịch thu. Trong cơn khốn quẫn, thầy quyết định uống thuốc độc để giải thoát. Trong giây phút cái chết cận kề, bỗng có người mang thư và giấy nhận tiền. Thì ra, người gửi là một người em, lưu lạc bên Ai-lao (Lào) từ lâu, nay gửi tiền về biếu mẹ và anh. Món quà đó giúp thầy thoát khỏi cái chết, trả được nợ, cứu được gia đình. Đồng thời nó cũng là lời cảnh tỉnh cho thầy và gia đình nên chọn lối sống khác.Sau khi đăng vở kịch, Hội Nông Công thương đồng nghiệp đã tổ chức diễn tại Nhà hát Tây. Trước khi mở màn, ông Nguyễn Huy Hợi - Hội trưởng và ông Dương Như Tiếp thay mặt đoàn kịch, đã đọc diễn văn. Các ông nói về sự cần thiết phải cải cách lối diễn kịch, phải đem những cảnh thực ở xã hội ta ra diễn, bổ ích cho phong hóa. Buổi diễn kịch thu hút rất đông người xem. Các tài tử luyện tập công phu nên luôn được khán giả vỗ tay hoan nghênh.Ông Vũ Đình Long còn nhớ, bà Thịnh đóng cụ Thông, ông Nguyễn Đình Kao đóng thầy Thông Thu, ông Nguyễn Mạnh Bổng vai Giáo Xuân, anh Nguyễn Thống vai cậu ấm sứt… Trong các vai đó, ông Kao thủ vai thầy Thông Thu đóng hay nhất. Ông đóng rất tự nhiên. Khi ông khóc trên sân khấu, nước mắt chan hòa, làm cho nhiều người cũng khóc theo. Một người bạn Pháp nói với ông Long: “Tôi sang An Nam đã hai mươi năm. Khi tôi mới sang, chưa thấy gì là tiến bộ, mà nay thì hình như đã theo văn minh Âu châu nhiều lắm… Riêng về đóng kịch, như người đóng vai thầy Thông Thu thì chẳng kém gì bên Tây… Tôi tưởng cứ lấy tích An Nam như tích này mà diễn còn hơn những tích Tây vừa khó diễn vừa không hợp với phong hóa An Nam”. Tạp chí Hữu Thanh đã tường thuật buổi diễn.Sau đó, Ban kịch xuống diễn tại Nhà hát Tây Hải Phòng, rạp hát Hàng Rượu Nam Định. Lần nào ông Long cũng đi xem. Ở đâu cũng được hoan nghênh. Ban kịch còn diễn ở nhiều tỉnh Bắc Kỳ, vào Trung Kỳ, sang cả Lào… Một dịch giả Pháp, ông G. Cordier, chánh văn phòng dịch tại tòa Thượng thẩm, một người có công với văn học nước ta, đã dịch “Chén thuốc độc”, đăng vào tập kỷ yếu của Hội Trí Tri và năm 1927 thì in thành sách.Sau này, ông ấy in trong tập Khảo cứu về văn chương Việt Nam (Etude sur la littérature Annamite). Nhận được sự tán thưởng lớn, tác giả nghĩ: “Không ngờ tác phẩm đầu tay được hoan nghênh, khi ấy tôi còn ít tuổi, có lúc tưởng mình đã trở thành văn sĩ, kịch sĩ thật rồi”. Thế là ông cao hứng viết bi kịch “Tòa  án lương tâm”, “Tây sương tân kịch”… Song xảy ra sự cố, ông cho biết: “Vì vở Tòa án lương tâm khó diễn, và có sự lôi thôi về tiền bạc nên tôi không muốn cho diễn vở này”.Trở lại với thực tại, ông Vũ Đình Long sớm nhận ra sự hạn chế và hy vọng của kịch. Ông cho rằng, kịch khó đọc hơn tiểu thuyết, cho nên người mình ít chịu đọc. Vả lại, một vở kịch, soạn ra là để diễn chứ không phải để đọc, mà trong kịch trường còn hiếm nhân tài thì thể văn kịch thế nào cũng tiến chậm hơn các thể văn khác. Tuy vậy, ngay bây giờ, ta có thể nhìn thấy nó bằng con mắt lạc quan. Các ông Vi Huyền Đắc, Tương Huyền, Đoàn Phú Tứ… là những kịch sĩ có tài sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò này.Về thể loại kịch, những nhận xét của ông Vũ Đình Long từ những năm 40 của thế kỷ trước, đến giờ, vẫn còn mới nguyên: “Thanh niên ta ưa xem chiếu bóng hơn xem kịch. Một đằng vì nhiều vở kịch diễn dở làm cho người xem chán, không muốn xem; một vở kịch hay mà diễn dở cũng không xem được huống hồ những vở kịch đã dở, người đem diễn lại dở lắm; một đằng thì nghệ thuật chiếu bóng tiến nhanh quá, tất cả những mánh khóe văn minh được ứng dụng để làm tăng cái giá trị của chiếu bóng. Trong những cuộc đàm luận, tôi cũng thường được nghe người ta nói chiếu bóng sẽ giết chết kịch, nhưng theo ý tôi thì mỗi lối có một cái hay; nói lúc nào số người xem kịch cũng ít hơn số người xem chiếu bóng có lẽ mới đúng sự thực”.

Đoàn Tuấn

Nguồn: An ninh thế giới cuối tuần, ngày 06.8.2021.

      Khi xem xét các tác phẩm văn xuôi ở đô thị Nam Bộ giai đoạn 1945-1954, không khó để nhận ra tác giả và độc giả thời ấy nhận thức về các thể loại văn xuôi khác với chúng ta hiện nay. Không chỉ vậy, một số tác phẩm còn cho thấy sự thiếu nhất quán trong quan niệm về thể loại giữa những người cùng thời với nhau.

       Nhìn chung, quan niệm về các thể loại văn xuôi ở Nam Bộ thời bấy giờ tiếp nối quan niệm thể loại đã hình thành từ buổi đầu của văn học Quốc ngữ Nam Bộ. Văn học Việt Nam tiếp biến các thể loại văn xuôi hiện đại từ văn học Pháp trong sự dung hợp có tính sáng tạo với những khái niệm trong văn xuôi trung đại Đông Á, như tiểu thuyết (roman), truyện ngắn (nouvelle), tuỳ bút, bút kí, tản văn (essai), hồi kí (mémoire), kí sự, phóng sự (reportage)... Mỗi thể loại có chức năng xã hội khác nhau. Các thể loại ít tính hư cấu như reportage, essai, mémoire nhấn mạnh chức năng truyền tin và giá trị của thông tin xác thực, trong khi các thể loại hư cấu như roman và nouvelle chú trọng hơn vào việc truyền tải thông điệp (tôn giáo, đạo đức, tình cảm...) và phục vụ giải trí.

      Roman khi vào Việt Nam được gọi là “tiểu thuyết”, một khái niệm có sẵn trong văn học Đông Á dùng để chỉ tác phẩm tự sự hư cấu kể các chuyện vụn vặt, đời thường, đối lập với “đại thuyết” là văn của thánh nhân và “trung thuyết” là văn của các hiền sư, sử gia. Chịu ảnh hưởng văn học Trung Quốc cận hiện đại, người ta lại chia tiểu thuyết thành đoản thiên, trung thiên và trường thiên tiểu thuyết, vốn là những khái niệm chưa xuất hiện trong văn học cổ trung đại. Tuy cũng có người cố gắng xác định điểm khác biệt về mặt cấu trúc rằng “trường thiên tả phần nguyên, đoản thiên tả phần lẻ”, nhưng thực tế sáng tác cho thấy người ta định danh thể loại cho tác phẩm chủ yếu căn cứ vào độ dài, và trường thiên hay trung thiên tiểu thuyết còn được gọi tắt là tiểu thuyết để phân biệt với đoản thiên tiểu thuyết. Bộ khái niệm truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài không rõ xuất hiện từ khi nào, nhưng được sử dụng rộng rãi trên báo chí trong Nam ngoài Bắc từ thập niên 1930. Võ Văn Nhơn cho rằng khái niệm “truyện ngắn” xuất hiện sớm nhất trên báo Nam Phong, Bình Nguyên Lộc khẳng định khái niệm “truyện dài” được báo Phong Hóa sử dụng đầu tiên.

     Đến giai đoạn 1945-1954, ở Nam Bộ đã có những bài viết có tính lí luận phân biệt truyện và tiểu thuyết, cũng như nhấn mạnh đặc trưng của truyện ngắn. Triều Sơn có bài Chuyện phiếm về tiểu thuyết phân biệt tiểu thuyết (roman) với truyện kể (récit), cho rằng truyện chú trọng việc kể còn tiểu thuyết chú trọng việc tả, truyện giúp ta biết còn tiểu thuyết giúp ta thấy, truyện chỉ rút thông tin từ thế giới thường ngày còn tiểu thuyết xây dựng một thế giới riêng trong tác phẩm. Bình Nguyên Lộc có bài Truyện ngắn và tân truyện khác nhau như thế nào? phân biệt khái niệm truyện ngắn (conte) là truyện kể truyền thống theo kiểu dân gian chú trọng cốt truyện, còn tân truyện (nouvelle) là truyện ngắn hiện đại, chú trọng yếu tố tình huống và miêu tả. Ông cho rằng các truyện ngắn phổ biến đương thời phải gọi là tân truyện mới chính xác.

    Tuy nhiên, những bài lí luận nói trên không chi phối nhiều đến nhận thức thể loại của người sáng tác ở Nam Bộ giai đoạn này, vì các khái niệm trường thiên, trung thiên, đoản thiên tiểu thuyết, truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn, tân truyện vẫn được sử dụng lẫn lộn, có khi kết hợp các định ngữ tạo ra những tổ hợp như “truyện vừa vừa”, “tiểu thuyết dài”, “tiểu thuyết ngắn”... Một số sách có in chữ “tiểu thuyết” ở bìa lại là các tập truyện gồm nhiều truyện ngắn biệt lập. Nhiều tiểu thuyết có dung lượng rất ngắn, chỉ khoảng trên dưới 30 trang. Về thành của Hoài Tân ngoài bìa ghi “truyện dài” nhưng bên trong lại ghi là “tiểu thuyết”. Tiếng chó tru đêm của Kiên Giang, Cành hoa sim của Minh Đăng Khánh, Màu đỏ hoa vông của Thương Lan, Lá thư chúc tết của Anh Tuyến... được gọi là tân truyện, mặc dù đặc điểm nghệ thuật không khác mấy các truyện được định danh là truyện ngắn. Nỗ lực về mặt lí luận của Bình Nguyên Lộc không được người đương thời để ý mấy, và theo thời gian khái niệm tân truyện không còn được dùng để gọi tên thể loại nữa. Các định ngữ “dài”, “ngắn” được gắn vào truyện hoặc tiểu thuyết chỉ để nói về dung lượng tác phẩm một cách cảm tính.

      Có vẻ như nhận thức thể loại văn xuôi ở Nam Bộ sau hơn nửa thế kỉ chẳng những không ổn định hay rạch ròi hơn mà lại còn bội phần phức tạp khi ngày càng nhiều tên gọi mới xuất hiện cùng tồn tại với những khái niệm đã có từ trước. Tiểu thuyết và truyện ngắn Nam Bộ xuất hiện chủ yếu trên báo, vốn không thuận tiện cho sự nghiền ngẫm đầu tư, mặt khác không khí thời kì tranh đấu gấp gáp, khẩn trương luôn thúc giục nhà văn viết nhanh, viết nhiều, nên nhà văn Nam Bộ khó có thể sản xuất được tiểu thuyết (roman) như Triều Sơn định nghĩa. Điều này cho thấy đặc điểm của hoạt động sản xuất văn học đã chi phối tư duy thể loại của nhà văn và công chúng Nam Bộ, khiến phần đông trong số họ nhận thức rằng tiểu thuyết và truyện cũng chỉ là một mà thôi. Họ dùng các khái niệm thể loại của văn xuôi hư cấu một cách lẫn lộn vì cả người viết lẫn người đọc đều không có nhu cầu phân biệt chúng về mặt thi pháp.

     Giai đoạn 1945-1954 rộ lên nhiều tác phẩm gọi là kí sự, phóng sự, hồi kí, bút kí, tuỳ bút nhưng cách viết lại đậm chất hư cấu. Các thể loại reportage, essai, mémoire khi vào Việt Nam cùng với báo chí đã kết hợp với những khái niệm có sẵn trong văn học trung đại Việt Nam vốn dùng để kể chuyện có thật, chú trọng tính xác thực của thông tin, cùng với quan điểm, cảm nhận của tác giả về thông tin ấy. Nhiều khái niệm được tạo mới với thành tố “kí” (ghi chép) như hồi kí, bút kí, truyện kí... để gọi tên những thể loại mới cần được phân biệt với những thể loại đã có, nhưng vẫn dựa trên nguyên tắc tôn trọng thông tin. Phóng sự (đọc chệch âm từ phỏng sự) gắn liền với báo chí nên tính xác thực là yêu cầu quan trọng hàng đầu, nhưng được viết một cách sinh động, với nhiều chi tiết phong phú theo kiểu văn chương. Các hồi kí Lao tù của Thiên Giang, Chị Dung của Hợp Phố, phóng sự Tam Giác Tự của Võ Hoà Khanh hay bút kí Cứu lấy quê hương của Hoàng Tấn rất ít thông tin xác thực. Phóng sự Tam Giác Tự chỉ có những địa điểm hư cấu kèm lời giải thích có tính mô tả đặc điểm hơn là cung cấp thông tin, chẳng hạn như Tam Giác Tự là tên một trại giam tù binh ở miền Đông. Phóng sự vui Đơ-dèm cúp-bắp của Vũ Xuân Tự viết về những thanh niên đợi ngày bị chính quyền bắt lính để thoát những khoản tiền nợ hút xách, bài bạc được kể như một truyện ngắn, chủ yếu gồm những đoạn thoại giữa các nhân vật ghép lại với nhau tạo tình huống bất ngờ cho độc giả. Hồi kí Lao tù của Thiên Giang gồm nhiều truyện ngắn viết ở ngôi thứ ba, và một số truyện viết ở ngôi thứ nhất với nhân vật xưng “tôi” tên Tiến - một nhân vật hư cấu. Tương tự, bút kí Cứu lấy quê hương của Hoàng Tấn mô tả trải nghiệm, cảm xúc của chính bản thân tác giả nhưng lại kể từ góc nhìn của nhân vật hư cấu tên Nhi. Các trường hợp nói trên là minh chứng cho một thực tế rằng sự chồng lấn trong cách hiểu về “hiện thực” và “sự thật” trong sáng tác văn học đã khiến các tên gọi thể loại thuộc nhóm hư cấu và phi hư cấu bị sử dụng lẫn lộn. Khái niệm tiểu thuyết có thể kéo giãn tới mức bao trùm cả những văn bản tường thuật chuyện có thật, và những câu chuyện có thật của bản thân tác giả lại có thể được kể như thể nó được hư cấu ra. Từ trước 1945 đã phổ biến khái niệm “phóng sự tiểu thuyết” - một thể loại trộn lẫn hư cấu và phi hư cấu. Vũ Ngọc Phan (1989) giải thích: “Phóng sự tiểu thuyết là thế nào? Là một tiểu thuyết mà tác giả muốn thuật lại những việc có thực, những việc có thể làm đầu đề cho những thiên phóng sự và chỉ có rất ít tưởng tượng. Ở lối tả chân, nhà tiểu thuyết có thể dùng rất nhiều tưởng tượng, miễn là chỉ căn cứ vào sự thực, vào những điều mắt thấy tai nghe là đủ.” Qua định nghĩa của Vũ Ngọc Phan thì tiểu thuyết phóng sự và tiểu thuyết kí sự có hàm lượng hư cấu cao hơn phóng sự, kí sự thuần tuý, nghĩa là định ngữ “tiểu thuyết” mang hàm ý gia tăng phần hư cấu cho những câu chuyện có thật được kể lại trong “phóng sự”, “kí sự”. Thế nhưng không phải tác phẩm nào cũng tuân theo cách phân chia này. Bằng chứng là “phóng sự lao tù” Tam Giác Tự của Võ Hoà Khanh gần như không có thông tin xác thực nào để độc giả có cảm giác đây là một câu chuyện có thật được kể lại từ một người trực tiếp chứng kiến hoặc trải nghiệm sự việc. Tấn công tài xỉu của Vũ Xuân Tự trình bày kết quả quan sát, thâm nhập sâu nghề cờ bạc tài xỉu, với cách bố cục theo kiểu báo chí có đề mục, số thứ tự cho từng luận điểm, diễn đạt theo kiểu cung cấp thông tin xác thực, thì lại in chữ “tiểu thuyết” ở trang bìa. Trường hợp quyển phỏng sự Đồng quê của Phi Vân lại đặc biệt hơn nữa. Tác phẩm gồm hai phần “phỏng sự ngắn” và “phỏng sự tiểu thuyết”. Trong trường hợp này, “phỏng sự” ngụ ý về tính có thật của những câu chuyện được kể, còn khái niệm “ngắn” và “tiểu thuyết” ngụ ý về độ dài tác phẩm. Các bài viết trong phần “phỏng sự ngắn” thì độc lập, trong khi các bài trong phần “phỏng sự tiểu thuyết” lại liên kết với nhau thành một câu chuyện dài hơn.

      Giống như vấn đề lẫn lộn các thể loại văn xuôi hư cấu đã trình bày ở trên, việc không phân biệt rạch ròi các thể loại hư cấu và phi hư cấu cũng bắt nguồn từ tư duy hiện thực của người viết. Khi sáng tác truyện, họ xem trọng tính hiện thực, muốn kể cho độc giả những câu chuyện đáng tin, nên chi tiết trong truyện đều được lấy từ trong hiện thực đời sống. Khi mô tả và phân tích hiện tượng xã hội, tường thuật sự kiện, ghi chép lại kí ức, họ lại muốn trang viết của mình thật sinh động nên tạo ra những nhân vật hư cấu thay mình kể lại những trải nghiệm, nhưng lại tước bỏ các thông tin chi tiết xác thực của sự việc, vì cho rằng bản thân tên gọi “kí” của thể loại đã đủ bảo chứng cho tính có thật của tác phẩm.

      Việc mơ hồ trong nhận thức thể loại văn xuôi Quốc ngữ từ buổi đầu hình thành đến tận thời điểm 1945-1954 còn là kết quả của việc tương tác thể loại theo hình thức tổng hợp thể loại trong lược đồ văn học Quốc ngữ của Nguyễn Thành Thi. Áp dụng quan điểm của trường phái Bakhtin, Nguyễn Thành Thi phác họa lịch sử phát triển văn học Quốc ngữ qua sự vận động và tương tác giữa các thể loại với ba hình thức: (1) tổng hợp thể loại; (2) đổi ngôi - tiếp sức giữa các thể loại; (3) thay thế thể loại. Hình thức 2 và 3 gần như không xảy ra trong giai đoạn 1945-1954, vì chín năm ngắn ngủi thuộc đoạn giữa của thời kì hiện đại không đủ để một thể loại nào đó soán ngôi một thể loại khác, hay khiến cho thể loại khác biến mất. Hình thức 1 là rõ nét nhất, khi các thể loại văn xuôi luôn va chạm lẫn nhau dẫn đến việc đường biên giữa chúng bị mờ nhòe. Đứng giữa nhiều luồng lực tương tác từ các nền văn hóa, văn chương khác nhau khắp Đông Tây kim cổ, nhà văn Nam Bộ luôn nhạy bén và cởi mở với tất cả. Họ chắt lọc từ các thể loại để chọn cách viết phù hợp nhất với mình trong từng trường hợp cụ thể.

       Giai đoạn 1945-1954 vẫn phổ biến truyện phóng tác mặc dù ý thức về quyền tác giả lúc này đã rất phát triển. Một số tác giả chỉ ghi tác phẩm của mình là “phóng tác” nhưng lại không cho biết tác phẩm nguồn, như Chúa đảo trả thù của Long Mỹ Nhân, Ngày mai đã muộn rồi của Giang Tân. Ngược lại, truyện dài feuilleton Giết cha của Thiên Giang không có từ “phóng tác” ở phần tên thể loại nhưng trong lời giới thiệu, ông cho biết nó là bản tóm tắt của Anh em nhà Karamazov của Dostoyevsky, với những nhân vật, bối cảnh đã được ông Việt hóa. Thông tin này độc giả chỉ có thể biết được khi đọc kì đăng đầu tiên của truyện. Nếu theo dõi truyện từ giữa chừng, độc giả của báo sẽ không thể biết đây là tác phẩm phóng tác mà dễ hiểu nhầm rằng đây là sáng tạo của Thiên Giang. Ngoài ra, một số nhà văn còn không phân biệt giữa phóng tác và dịch. Tám Thu dịch tóm tắt một đoạn trong tiểu thuyết Túp lều bác Tôm thành truyện ngắn Quyết cứu đứa con, nhưng lại không cho biết nguồn gốc của câu chuyện. Tác phẩm chỉ được ghi là “truyện ngắn nhi đồng”, không có thông tin dịch hay phóng tác, nhưng tên nhân vật và bối cảnh trong truyện gốc được giữ nguyên không Việt hóa. Ngược lại, một số truyện không có bất cứ thông tin nào cho biết nó là phóng tác. Việc nhận ra đó có phải truyện phóng tác hay không hoàn toàn dựa vào kiến thức của độc giả. Hợp Phố Việt hóa cốt truyện Món quà Giáng sinh của O’Henry thành truyện ngắn Món quà ngày Tết, kể về hai vợ chồng nghèo, mỗi người âm thầm bán thứ giá trị nhất mà mình sở hữu để mua quà cho người kia, nhưng hóa ra món quà mới không thể sử dụng được nếu không có thứ đã bán. Truyện dài “phóng tác” Người nữ cứu thương của Hoàng Thơ đăng nhiều kì trên báo Đời mới những năm 1952-1953 có cốt truyện rất giống truyện dài Hờn chinh chiến của Việt Quang đã in sách năm 1949. Truyện kể về diễn biến tâm lí phức tạp của một nữ cứu thương đối mặt với người chồng thương binh trở về với khuôn mặt bị cháy biến dạng, để rồi nàng trưởng thành hơn trong nhận thức và tình cảm của mình. Theo Lê Văn Nghĩa, cũng trong những năm 1948-1949, ở chiến khu phổ biến vở cải lương Người mặt cháy của soạn giả Năm Châu, dựng từ truyện Mối tình cao thượng của Bảo Định Giang và Bích Lâm, vốn được Việt hóa từ truyện ngắn Tính cách Nga của Aleksey Tolstoy, kể về anh thương binh mặt cháy về thăm nhà với danh tính khác vì sợ thương tật của mình sẽ làm người thân khiếp sợ và đau khổ. Việt Quang hẳn đã mượn ý tưởng tình huống từ Tính cách Nga hoặc Người mặt cháy để khai thác sâu hơn tâm lí của người vợ, nhưng Hoàng Thơ đã bám sát cốt truyện của Việt Quang đến từng tình tiết nhỏ và gọi tác phẩm của mình là “phóng tác”. Có thể thấy, khái niệm “phóng tác” vẫn được công chúng chấp nhận, là một bảo chứng cho đạo đức nhà văn trong việc sử dụng lại ý tưởng của người khác, nên không thấy ai thắc mắc gì về trường hợp Hoàng Thơ sử dụng lại toàn bộ cốt truyện của một nhà văn người Việt khác. Nếu từng có ai đó chỉ trích tác phẩm vì lỗi đạo nhái thì nó đã không thể yên ổn xuất hiện đều đặn hàng tuần trong suốt hai năm trên một tờ báo rất nổi tiếng thời bấy giờ là tờ Đời mới.

      Thực tế nói trên cho thấy giới nhà văn và công chúng văn học Quốc ngữ ở Nam Bộ không để tâm nhiều đến vấn đề hình thức thể loại của văn xuôi, mà tập trung hơn vào câu chuyện và tác động xã hội của câu chuyện được kể. Họ không chú tâm vào đặc trưng thi pháp tiểu thuyết, không phân biệt rạch ròi các thể loại hư cấu và phi hư cấu, cũng chưa đi được xa trên con đường phân biệt giữa dịch và phóng tác. Họ quan tâm hơn đến việc kể câu chuyện sao cho hấp dẫn công chúng nhất, có hiệu quả tác động nhất, và gọi câu chuyện đó bằng tên thể loại mà họ nghĩ rằng có thể đem lại hiệu quả ấy. Đó là lí do các thể loại thường có định ngữ chỉ báo nội dung tác phẩm, và trong nhiều trường hợp các định ngữ này kết hợp với nhau, chồng chéo lên nhau, như tiểu thuyết tình ái, tiểu thuyết tâm lí, tiểu thuyết tâm lí-ái tình-xã hội, truyện dài lao tù, truyện ngắn kỉ niệm... Đây không phải là cách định danh hệ thống, khoa học của nhà lí luận phê bình, mà là cách định danh của nhà văn nhằm thu hút sự chú ý của độc giả và định hướng độc giả khi theo dõi câu chuyện. Việc gọi một tác phẩm được viết như tiểu thuyết là kí hay phóng sự cũng nhằm mục đích tương tự, để bảo đảm với độc giả mức độ chân thực của câu chuyện được kể, để thuyết phục độc giả tin mình, từ đó đạt được hiệu quả xã hội cần thiết.

Nguồn: Nguyễn Thị Phương Thúy (2021). Nhận thức thể loại của nhà văn Nam Bộ giai đoạn 1945-1954. Văn nghệ Quân đội (4), tr. 97-101. http://vannghequandoi.com.vn/binh-luan-van-nghe/nhan-thuc-the-loai-cua-nha-van-nam-bo-giai-doan-1945-1954_12177.html

Nhà văn Vũ Hạnh vừa trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định lúc 6h hôm nay 15-8, sau 5 ngày nhập viện.

Nhà văn Vũ Hạnh (đứng) trong lễ mừng thượng thọ 90 tuổi - Ảnh: L.ĐIỀN

Theo nguồn tin từ bà Minh Thuận - con gái của nhà văn, nhà văn Vũ Hạnh nhập viện ngày 11-8, qua đời sáng nay, hưởng thọ 96 tuổi.

Nhà văn Vũ Hạnh tên khai sinh là Nguyễn Đức Dũng, sinh ngày 15-7-1926 tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình nho học.

Ông tham gia Mặt trận Việt Minh huyện Thăng Bình, từ tháng 3-1945 học ban tú tài phần II. Năm 1955, ông tham gia đấu tranh đòi hiệp thương Bắc Nam và bị bắt giam ở nhà lao Thăng Bình, rồi nhà lao Hội An.

Sau Hiệp định Genève, do hoạt động đòi hiệp thương thống nhất nên ông bị địch bắt. Cuối năm 1956, ông được trả tự do, trốn vào Sài Gòn dạy học tư, tìm cách liên lạc với cách mạng. Ông tiếp tục đấu tranh bằng ngòi bút với bút danh Vũ Hạnh. Ông còn có các bút danh khác như: Cô Phương Thảo, Hoàng Thành Kỳ, Nguyên Phủ, Minh Hữu.

Trong thời chiến tranh chống Mỹ, Vũ Hạnh là cán bộ văn hóa Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, hoạt động công khai ở nội thành Sài Gòn (hoạt động đơn tuyến). Ông sống và hoạt động bằng nghề viết, cổ xúy các giá trị nhân văn và giữ gìn văn hóa dân tộc.

Năm 1966, ông là tổng thư ký Lực lượng Bảo vệ văn hóa dân tộc - tổ chức của giới trí thức yêu nước, tiến bộ ở miền Nam. Ông là chiến sĩ cách mạng hoạt động công khai đơn tuyến trong lòng địch. Thỉnh thoảng ông vào mật khu báo cáo và nhận chỉ thị.

Ông đã bị bắt giam tổng cộng 5 lần. Trong lần bị bắt đầu tiên kể từ lúc vào Sài Gòn hoạt động cách mạng, ông đã được đại tá Phạm Ngọc Thảo - tỉnh trưởng Kiến Hòa - can thiệp để sớm được trả tự do. Hồi đó nhà văn Vũ Hạnh không biết đại tá Thảo là điệp viên của cách mạng hoạt động trong lòng đối phương.

Sau ngày đất nước thống nhất, giai đoạn từ 1975 - 1985 ông là tổng thư ký Hội Văn nghệ TP.HCM, ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật TP.HCM.

Tác phẩm chính của nhà văn Vũ Hạnh gồm có:

Các tập truyện: Vượt thác (1963), Mùa xuân trên đỉnh non cao (1964), Chất ngọc (1964), Ngôi trường đi xuống (1966), Bút máu (1971), Con chó hào hùng (1974), Cô gái Xà Niêng (1974), Ăn Tết với một người điên (1985), Sông nước mênh mông (1995)...

Đến năm 2007, Nhà xuất bản Văn Học tái bản Bút máu, tập truyện ngắn.

Tiểu thuyết: Lửa rừng (1972); Người nhà Trời (Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ TP.HCM, tháng 9-2020).

Ông còn có 3 kịch bản: Người chủ tiệm; Một giấc chiêm bao; Thưa biết rồi; và các thiên hồi ký: Cái Tết khó quên (1990), Một chặng đường bút mực (2000).

Năm 1965, Vũ Hạnh viết tiểu luận Người Việt cao quý ký bút hiệu một người Ý là A. Pazzi; bên cạnh đó là các tiểu luận; Đọc lại Truyện Kiều (1966), Tìm hiểu văn nghệ (1970)...

Mới đây nhất, để kỷ niệm tuổi thượng thọ 90, Vũ Hạnh và Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM ấn hành bộ Tuyển tập Vũ Hạnh, 2 tập, dày 1.350 trang gồm thâu nhiều trước tác tiêu biểu trong cuộc đời viết lách của ông.

Theo tin từ gia đình, do tình hình dịch COVID-19 đang căng thẳng nên tang lễ của nhà văn Vũ Hạnh được Thành ủy TP.HCM và Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật tại TP.HCM hỗ trợ giúp đỡ tiến hành ngay trong ngày. 15h hôm nay, linh cữu nhà văn Vũ Hạnh được đưa đi an táng ở nghĩa trang TP.HCM tại Củ Chi.

Nguồn: https://tuoitre.vn/nha-van-vu-hanh-qua-doi-20210815095956295.htm

Tin nhà văn Anh Động qua đời được con gái ông là nhà văn Nguyễn Thị Diệp Mai đưa lên trang cá nhân, nghẹn ngào: "Tiễn biệt cha - ngủ ngon, sẽ bình yên, sẽ không còn đau nữa. Cha vẫn ở bên mẹ và tụi con mỗi ngày”.

Nhà văn Anh Động tên thật là Nguyễn Việt Tùng. Ông sinh ngày 20.10.1941 ở Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang và thường trú tại số nhà 23 Trương Định, TP. Rạch Giá, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Không chỉ "văn hay chữ tốt”, ông còn là một chiến sĩ dũng cảm, gan dạ trong các trận chiến đấu với quân thù. Khi nước nhà thống nhất, nhà văn Anh Động tham gia công tác quản lý và từng giữ chức Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang. Nhà văn có nhiều tác phẩm dành cho vùng đất miền Tây thương mến của mình như: Ven rừng tràm, Bóng núi Tô Châu, Dòng sông lấp lánh.

Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân cho biết: “Nhà văn Anh Động là một trong rất ít người cầm bút của miền Tây Nam bộ được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Miền Tây lúc đó, người từ bưng biền kháng chiến viết văn làm thơ chưa đếm đủ trên đầu ngón tay: Nguyễn Bá, Lê Chí, Nguyễn Thanh, Anh Động.Trong số người theo nghiệp văn chương, có lẽ nhà văn Anh Động là người phải nỗ lực, phải "chiến đấu" với trang viết gian nan nhất. Bởi, vốn chữ nghĩa được học hành bài bản của ông quá ít. Ông mới học xong tiểu học và rời gia đình tham gia kháng chiến. Ông tự học, tự mày mò, tự vượt lên, tự khẳng định mình, khẳng định vị trí văn chương ở một vùng đất mà đờn ca tài tử chiếm ưu thế so với các loại hình nghệ thuật khác”.

Chia sẻ những kỷ niệm về một người miền Tây có duyên kể chuyện bác Ba Phi, nữ văn sĩ Bích Ngân kể: “Trong số những nhà văn nhà thơ thành danh từ vùng đất U Minh và cũng là đàn em, gọi ba tôi là "anh út" hay "anh Út Nghệ", thì chú Sáu Động (chị em tôi thường gọi "Chú Sáu") luôn dành tình cảm đặc biệt đối với ba tôi. Khi tìm kiếm lại bài viết và tư liệu để in quyển sách Ngày ấy đã lùi xa, quyển sách cuối cùng của ba tôi, tôi gặp một xấp thư dày của người thân, bè bạn gởi cho ba tôi. Trong số thư đó, nhiều lá thư đã ố vàng, nhiều lá thư được viết trong lúc tạm yên giữa khói lửa chiến tranh, là của nhà văn Anh Động. Nhiều lá thư dày kín nhiều trang".

Trên trang cá nhân của mình, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn viết: “Dù chưa từng được đào tạo qua một trường lớp nào, nhưng nhà văn Anh Động chính là người có công văn bản hóa hình tượng lão nông Nam bộ hài hước Bác Ba Phi lừng lẫy trong đời sống tinh thần của người dân sông nước Cửu Long nói riêng và người dân cả nước nói chung. Từ những câu chuyện truyền tụng trong dân gian của nguyên mẫu Nguyễn Long Phi (1884-1964) ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, nhà văn Anh Động đã viết Kể chuyện Bác Ba Phi xuất bản lần đầu tiên năm 1995 và nhanh chóng lan tỏa khắp nơi”.

Nói về sự sáng tạo nhân vật Bác Ba Phi nổi tiếng của nhà văn Anh Động, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Bằng chứng là ngoài Bác Ba Phi có thật, nhà văn Anh Động còn sáng tạo thêm nhân vật thằng Đậu cho có ông có cháu, rồi từ đó công chúng lại sáng tạo thêm nhân vật quyến rũ không kém là vợ thằng Đậu. Ngay cả nhà văn Anh Động cũng không biết “vợ thằng Đậu” mồm ngang mũi dọc thế nào, nhưng cái câu “tệ hơn vợ thằng Đậu” được dùng phổ biến để nói về một phụ nữ hậu đậu, lười nhát.Từ ngày nghỉ hưu, nhà văn Anh Động bán căn nhà ở trung tâm TP. Rạch Giá và chuyển ra cư ngụ ở khu vực ngoại ô. Tư gia của nhà văn Anh Động gần sân vận động Rạch Sỏi lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười nói của cháu con”.

Vậy mà kể từ hôm nay, nhà văn Anh Động - người cha kính yêu và thân thương nhất thường được con gái Diệp Mai gọi bằng 3 chữ "cây di sản”, đã lặng lẽ rời xa dương thế, để lại cho đời những câu chuyện kể về Bác Ba Phi nổi tiếng của miền sông Tây nước.

Nguồn: https://thanhnien.vn/van-hoa/vinh-biet-nha-van-anh-dong-nguoi-mien-tay-co-duyen-ke-chuyen-bac-ba-phi-1402687.html

TÓM TẮT

Hiện nay, trong lúc tuổi mới lớn đã là một khái niệm rất quen thuộc với công chúng thì văn học tuổi mới lớn vẫn còn là khái niệm tương đối mới mẻ với giới nghiên cứu văn học ở Việt Nam. Trong bài viết này, bên cạnh việc minh định hai khái niệm tuổi mới lớn và văn học tuổi mới lớn dựa trên cơ sở kế thừa một số định nghĩa đã có của giới nghiên cứu Tây phương, chúng tôi sẽ vận dụng phương pháp lịch sử trong nghiên cứu văn học để mang đến cho người đọc một cái nhìn tổng quát về quá trình hình thành và phát triển văn học tuổi mới lớn ở Việt Nam, từ những bước đi đầu tiên vào đầu thế kỷ XX cho đến nay. Bên cạnh đó, với phương pháp so sánh, chúng tôi cũng sẽ làm rõ những thay đổi của giới văn chương Việt Nam trong cách lựa chọn và khai thác đề tài khi viết về tuổi mới lớn theo từng giai đoạn phát triển.  

Từ khóa: tuổi mới lớn; văn học tuổi mới lớn; văn học tuổi mới lớn ở Việt Nam

1.         Mở đầu

Trong đời sống hiện đại ngày nay, tuổi mới lớn đã trở thành một thuật ngữ được sử dụng quen thuộc và rộng rãi ở Việt Nam, tuy nhiên khái niệm văn học tuổi mới lớn vẫn còn khá xa lạ với giới nghiên cứu văn học nước nhà. Việc chỉ hiểu một cách qua loa, đại khái về tuổi mới lớn có thể sẽ khiến hoạt động nghiên cứu đặc trưng của văn học tuổi mới lớn không được triển khai một cách mạnh mẽ và điều này vô hình trung tạo nên rào cản cho việc tìm hiểu về những thành tựu của dòng văn học ấy.

Từ trước đến nay, khi bàn luận về văn học tuổi mới lớn, giới nghiên cứu và phê bình ở Việt Nam đã mặc định xem đây là dòng chảy nhỏ đang hòa vào dòng chảy lớn hơn của văn học dân tộc - văn học thiếu nhi. Sự hạn chế về lực lượng sáng tác và số lượng tác phẩm trong suốt thời gian đầu của văn học tuổi mới lớn ở Việt Nam đã khiến người ta hoài nghi về sức sống của nó. Dẫu vậy, bằng tất cả sự nỗ lực và tấm lòng nhiệt thành vì thời hoa niên rực rỡ của mình và của những thiếu niên khác, các thế hệ nhà văn, nhà thơ Việt Nam, đặc biệt là từ những thập niên 60-70 và 80-90 của thế kỷ XX, đã từng bước đưa văn học tuổi mới lớn trở thành một thế lực rất đáng được coi trọng trong nền văn học hiện đại Việt Nam với một loạt các tác phẩm chất lượng, phản ánh chân thực cái thế giới tâm hồn phức tạp của thiếu niên vừa lớn. Sự thành công của văn học tuổi mới lớn ở cả Việt Nam và thế giới trong giai đoạn cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đã đánh dấu sự vận động của văn học hiện đại và đương đại, một sự vận động theo hướng chuyên môn hóa cao hơn, phục vụ cho từng nhu cầu, cho từng loại đối tượng độc giả cụ thể hơn so với văn học của các thời kỳ trước đó.

2.         Nội dung nghiên cứu

2.1.      Tuổi mới lớn và văn học tuổi mới lớn

Trước khi mang đến cho người đọc một cái nhìn bao quát nhất về tiến trình văn học tuổi mới lớn ở Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, người viết sẽ tiến hành làm rõ hai khái niệm có khả năng gây tranh cãi nhất của bài viết này, đó là tuổi mới lớn và văn học tuổi mới lớn. Trong đó, tuổi mới lớn và văn học tuổi mới lớn sẽ được người viết nhìn nhận lại không phải từ vấn đề độ tuổi mà là từ vấn đề đặc trưng của chúng.

2.1.1.   Khái niệm tuổi mới lớn

Theo Strickland (2015), thuật ngữ “tuổi mới lớn” (tiếng Anh: “young adult”) lần đầu được Hiệp hội Dịch vụ thư viện dành cho tuổi mới lớn (tiếng Anh: “Young Adult Library Services Association”) nêu ra là vào cuối thập niên 60 của thế kỷ XX. Vào thời điểm đó, thuật ngữ “tuổi mới lớn” được sử dụng với tư cách là một danh từ để chỉ thanh thiếu niên, những người trong giai đoạn từ 12 đến 18 tuổi. Dẫu vậy, không phải đến tận những năm cuối cùng của thập niên 60, người ta mới bàn đến vấn đề “tuổi mới lớn”. Theo Owen (2003), ngay từ năm 1802, trong bài viết được đăng trên The Guardian of Education, nhà giáo dục học Sarah Trimmer đã đề cập đến vấn đề “người trẻ” hay “tuổi trẻ” (tiếng Anh: “young adulthood”) khi giới thiệu đến độc giả nhóm “sách cho trẻ em” (tiếng Anh: “Books for Children) dành cho độc giả dưới 14 tuổi và nhóm “sách cho người trẻ” (tiếng Anh: “Books for Young Persons”) dành cho đối tượng từ 14 đến 21 tuổi. Đối với Trimmer, sự khác biệt trong nhận thức giữa thiếu niên và nhi đồng chính là lý do để giới xuất bản, giới sáng tác và giới khoa học nhìn nhận lại việc phân luồng độc giả. Độc giả tuổi mới lớn hay bộ phận thanh thiếu niên lúc này có đủ điều kiện để được nhìn nhận như một nhóm độc giả độc lập.

Với hai cách định nghĩa của Sarah Trimmer và Hiệp hội Dịch vụ thư viện dành cho tuổi mới lớn, chúng ta có thể thấy một độ chênh nhất định trong việc giới hạn độ tuổi mới lớn. Trong giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ngày nay, người ta vẫn còn tranh cãi về vấn đề này. Theo Butcher và Hinton (2013), ở Hội nghị Uỷ ban Giáo dục Anh quốc về Nghiên cứu và Giảng dạy văn học tuổi mới lớn, giới khoa học phương Tây đưa ra 4 cách hiểu về “tuổi mới lớn”. Cách hiểu thứ nhất cho rằng, đối tượng tuổi mới lớn nằm trong khoảng từ 11 đến 16 tuổi. Cách hiểu thứ hai lại quan niệm, tuổi mới lớn là từ 10 đến 21 tuổi. Cách hiểu thứ ba thì lùi độ tuổi khởi đầu và kết thúc của tuổi mới lớn lại một chút so với cách hiểu thứ hai, là trong khoảng 12 đến 22 tuổi. Cách hiểu thứ tư lại giới hạn theo khối lớp chứ không còn theo độ tuổi nữa. Với cách hiểu này, đối tượng tuổi mới lớn chính là học sinh từ khối lớp 6 đến lớp 12. Trong khi đó, một số ủy ban giải thưởng về văn học lại không đồng tình với các cách xác định và phân chia độ tuổi của Hội nghị Uỷ ban Giáo dục Anh quốc về Nghiên cứu và Giảng dạy văn học tuổi mới lớn. Điển hình là các thành viên của hội đồng Giải thưởng Michael L. Printz (Hoa Kỳ), họ cho rằng văn học tuổi mới lớn chính là hướng đến đối tượng độc giả từ 12 đến 18 tuổi. Đây lại là quan điểm thống nhất với Hiệp hội Dịch vụ thư viện dành cho tuổi mới lớn mà chúng tôi đã nêu ra trước đó.

Theo sự quan sát của người viết, sở dĩ có sự chênh lệch trong cách tính tuổi cho đối tượng tuổi mới lớn chính là vì các nhà nghiên cứu vẫn chưa có sự thống nhất với nhau trong việc xác định thời gian dậy thì của thiếu niên, khi ngay cả giữa phái nam và phái nữ đã có sự khác biệt rất lớn. Về cột mốc tuổi tác, các nhà nghiên cứu ít nhiều có sự tranh cãi nhưng họ đều đồng thuận một điều: Tuổi mới lớn là thời kỳ chuyển tiếp của quá trình từ trẻ con thành người lớn. Những ai đang trong thời kỳ này thì đều được gọi là thanh thiếu niên hay thiếu niên (tiếng Anh: “teenager” hay “adolescent”). Vào giai đoạn này, các thiếu niên phải trải qua rất nhiều sự biến đổi, có thể từ thân thể, tâm lý cho đến cả nhận thức. Cơ thể họ phát triển nhanh chóng dưới sự gia tăng của các hormone và từng bước trở thành cơ thể của một người trưởng thành. Họ bắt đầu tạo dựng cho mình nhiều mối quan hệ trong xã hội. Trung tâm của sự chú ý mà họ dành cho gia đình nay đã dịch chuyển sang bạn bè. Họ dành nhiều sự quan tâm hơn đến chính bản thân mình, cả về cơ thể lẫn tinh thần. Sự thay đổi đột ngột của nội tiết tố là một trong những nguyên nhân khiến tâm lý của thiếu niên trở nên nhạy cảm, dễ bị kích động hơn trước. Bên cạnh đó, họ có những thay đổi nhất định về khả năng nhận thức và tư duy khi không chỉ dừng lại ở trình độ biết và hiểu đơn thuần mà còn bắt đầu có saự tư duy về các vấn đề được đưa ra. Ở một khía cạnh nào đó, giai đoạn tuổi mới lớn, có thể được xem, chính là khởi đầu cho quá trình trưởng thành của mỗi người.

Tính đến thời điểm này, ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu vẫn chưa đưa ra một định nghĩa cụ thể nào về tuổi mới lớn. Tất cả những gì chúng ta có được chỉ đơn thuần là sự mô tả về đối tượng. Tuy nhiên, dựa trên những công trình của giới khoa học nước ngoài, chúng tôi cho rằng tuổi mới lớn nên được hiểu là một giai đoạn có tính chất chuyển tiếp, từ trẻ con đến khi trở thành người lớn. Tuổi mới lớn tương ứng với giai đoạn dậy thì của cơ thể người, kéo dài từ khoảng 12 cho đến khoảng 18 tuổi, với những biến đổi trước tiên là về thể chất, sau đó là nhận thức và tinh thần. Tương ứng với khái niệm này, ta sẽ có độc giả tuổi mới lớn (nhóm độc giả từ 12 đến 18 tuổi), văn viết cho tuổi mới lớn (truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết hướng đến đối tượng độc giả từ 12 đến 18 tuổi), v.v.

2.1.2.   Khái niệm văn học tuổi mới lớn

Với sự xuất hiện của nhiều cách hiểu khác nhau, thật khó để chúng ta tìm được một định nghĩa tường tận về khái niệm tuổi mới lớn. Sự nhập nhằng trong việc xác định độ tuổi mới lớn đã kéo theo vô vàn cách hiểu về khái niệm văn học tuổi mới lớn. Mặt khác, giới nghiên cứu văn học không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài rất băn khoăn không biết có nên công nhận văn học tuổi mới lớn là một dòng văn học với những định hướng, đặc trưng của nó hay không. Hay chúng ta vẫn nên để văn học tuổi mới lớn là một bộ phận của văn học thiếu nhi, văn học trẻ em như từ trước đến nay đã làm? 

Theo chúng tôi, tuổi mới lớn là giai đoạn quá độ từ trẻ con thành người lớn. Vì vậy, những thay đổi về tâm sinh lý, những cảm xúc và trải nghiệm mà một thiếu niên trải qua sẽ có những cách biệt rất lớn nếu so với khi họ là nhi đồng và khi là người trưởng thành. Suốt một thời gian dài, người lớn đều xếp tuổi mới lớn chung hạng với tuổi nhi đồng. Thiếu niên, do đó, luôn bị coi là những đứa trẻ không hơn không kém, vẫn còn non nớt, yếu đuối, dễ bị tổn thương nên rất cần sự bảo bọc và che chở. Điều tạo nên sự khác biệt giữa họ với lứa tuổi nhi đồng có lẽ là cái danh “những đứa trẻ to xác” với sự phát triển vượt trội về hình thể. Trên thực tế, giữa thiếu niên và nhi đồng tồn tại một khoảng cách rất xa, nhất là trong tư duy nhận thức. Với những đứa trẻ đang bước vào giai đoạn tuổi mới lớn, chúng phải đối mặt với hằng hà sa số thay đổi về thể chất và tinh thần, phải đối diện với những vấn đề phức tạp có liên quan đến các mối quan hệ xã hội, đến hành trình khám phá bản thân, v.v. Sự trưởng thành trong tư duy của chúng được thể hiện qua cách chúng giải quyết và tháo gỡ những vấn đề như thế nào, cách chúng đối diện hay trốn tránh những cảm xúc của mình ra sao. Đây đều là những trải nghiệm mà văn học nhi đồng không thể chia sẻ với độc giả của mình. Trong khi đó, văn chương người lớn lại bàn luận vấn đề với góc độ phức tạp, đầy ưu tư của những người từng trải nên đã đánh mất đi nhãn quan tinh khôi, hồn nhiên mà tuổi mới lớn đang có. Vì vậy, theo chúng tôi, văn học tuổi mới lớn là sự đan cài giữa văn học nhi đồng và văn học người lớn. Tức là, các tác phẩm viết cho tuổi mới lớn sẽ phải đề cập đến những vấn đề phức tạp của các mối quan hệ gia đình và xã hội mà lứa tuổi này đang đối mặt nhưng tất thảy phải được thể hiện qua lăng kính ngây thơ của những tâm hồn chưa kịp lớn một cách toàn diện. Với những lý do trên, chúng tôi cho rằng, văn học tuổi mới lớn cần được nhìn nhận như một dòng văn học chính thống và độc lập trong dòng chảy văn học dân tộc.

Hiện nay, khái niệm văn học tuổi mới lớn được rất nhiều nhà nghiên cứu đưa ra, nhưng theo chúng tôi, định nghĩa mang tính chất khái quát và xác đáng hơn cả đó là do Marci Glauss đưa ra vào năm 2014. Trong bài viết Text Complexity and Young Adult Literature: Establishing Its Place (2014), Glauss thẳng thắn cho rằng:

“Văn học tuổi mới lớn có thể được hình dung là những văn bản văn học có thiếu niên là những nhân vật chính, và họ phải giải quyết những vấn đề mà mọi thiếu niên có thể phải đối mặt [ngoài đời thực]. Kết quả thường phụ thuộc vào những quyết định và lựa chọn của nhân vật chính, đôi khi ‘tất cả yếu tố thuộc văn học truyền thống điển hình cho văn chương kinh điển’ có thể được tìm thấy [trong văn học tuổi mới lớn]”

(tạm dịch từ: “YA literature can be described as texts in which teenagers are the main characters dealing with issues to which teens can relate, outcomes usually depend on the decisions and choices of main characters, and oftentimes “all traditional literary elements typical of classical literature” can be found” (tr.408).

Như vậy, khái niệm văn học tuổi mới lớn mà Glauss đưa ra đã vượt lên trên những tranh chấp về độ tuổi mới lớn. Nói cách khác, khái niệm của Glauss không lấy đối tượng độc giả làm trung tâm mà dành sự quan tâm đến văn bản nghệ thuật. Với cách định nghĩa như thế, khái niệm văn học tuổi mới lớn mà Glauss đề ra tập trung tuyệt đối vào những đặc trưng nghệ thuật của tác phẩm văn học. Trong đó, cách xây dựng hình tượng nhân vật trung tâm chính là một đặc trưng tiêu biểu quyết định xem tác phẩm đó sẽ thuộc về văn học thiếu nhi hay văn học tuổi mới lớn.

Vậy hình tượng nhân vật trung tâm như thế nào mới có thể xác định tác phẩm đó thuộc về văn học tuổi mới lớn? Điều đầu tiên, theo Glauss, nhân vật trung tâm hay nhân vật chính trong các truyện viết cho tuổi mới lớn phải thuộc giai đoạn tuổi mới lớn, tức là trong khoảng 12 đến 18 tuổi. Điều thứ hai, quan trọng hơn tất thảy, là nhà văn sẽ đặt nhân vật trung tâm này vào trong những tình huống cụ thể để anh ta phải đối diện và giải quyết những vấn đề mà độ tuổi này đặt ra. Đó có thể là những thách thức trong cách ứng xử với các mối quan hệ xã hội (tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình, tình thầy trò, v.v.). Đó có thể là những nhận thức của anh ta về chính mình (về những dục vọng, những nỗi buồn sâu thẳm của tuổi mới lớn, những đổ vỡ tinh thần, những khác biệt lớn lao giữa hiện thực và mộng ảo, v.v.). Đó có thể là những xung đột mang tính chất đối kháng giữa anh ta với xã hội - thời đại, giữa giai đoạn nhi đồng với giai đoạn tuổi mới lớn. Điều này sẽ được thể hiện rất đa dạng, có thể qua hành động, thái độ, cũng có thể qua suy nghĩ, lối sống, v.v của chính các nhân vật. Với một số ít tác phẩm viết cho tuổi mới lớn, theo Glauss (2014), chúng có hệ thống biểu tượng, hình ảnh và cấu trúc tự sự rất giống với các thành tố văn chương của các tác phẩm kinh điển. Glauss cho rằng đây là một điều rất đáng hoan nghênh khi văn học tuổi mới lớn sẽ là cầu nối để độc giả thiếu niên được tiếp xúc với không khí của văn học kinh điển. Như vậy, khái niệm văn học tuổi mới lớn của Glauss chú trọng đến cấu trúc nội tại của văn bản văn học, mà ở đó, hình tượng nhân vật và những trải nghiệm của anh ta khi đến với thế giới tuổi mới lớn sẽ là nhân tố quan trọng để quyết định tác phẩm có nên thuộc về văn học tuổi mới lớn hay không.

Mãi đến thập niên 20 của thế kỷ XXI, giới khoa học vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất nào về khái niệm văn học tuổi mới lớn. Việc chọn lựa một định nghĩa nào phù hợp cho bài viết này, đối với chúng tôi, cũng là một chuyện rất khó khăn. Tuy vậy, chúng tôi sẽ lựa chọn định nghĩa mà Glauss đề ra vì nhận thấy được định nghĩa này đã thuyết phục được chúng tôi khi lấy nội hàm văn bản văn học là trung tâm của sự suy xét và phân tích.

Kết hợp với định nghĩa của Glauss, chúng tôi đưa ra một cách định nghĩa khác về khái niệm văn học tuổi mới lớn như sau: Văn học tuổi mới lớn là dòng văn học lấy hình tượng thiếu niên là trung tâm phản ánh và hướng đến đối tượng độc giả chủ yếu là thiếu niên, những người trong độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi. Ở đó, thiếu niên được xây dựng với tư cách là nhân vật chính hay nhân vật trung tâm. Nhân vật này phải đối diện và giải quyết những thách thức mà đời sống tuổi mới lớn đặt ra để từ đó khám phá chính mình và nhìn ra thế giới. Khái niệm văn học tuổi mới lớn này sẽ là cơ sở để bài viết của chúng tôi được tiếp tục triển khai sau đây.

2.2.      Tiến trình văn học tuổi mới lớn ở Việt Nam

Trong lịch sử văn học thế giới, văn học tuổi mới lớn trước đây được xem là một nhánh thuộc vào dòng văn học chủ lưu là văn học thiếu nhi. Phải đến những năm 50-60 của thế kỷ XX, văn học tuổi mới lớn mới xuất hiện trên văn đàn với tư cách là một dòng văn học chính thống khi chứng kiến sự ra đời hàng loạt của các tác phẩm ăn khách như The Catcher in the Rye (1951) của J. D. Salinger (bản dịch tiếng Việt: “Bắt trẻ đồng xanh”), The Outsiders (1967) của S. E. Hinton (bản dịch tiếng Việt: “Ngựa chứng đầu xanh”), The Pigman (1968) của Paul Zindel, v.v.

Cũng giống như văn học tuổi mới lớn của thế giới, văn học tuổi mới lớn Việt Nam xuất hiện khá muộn màng trong tiến trình văn học dân tộc. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, văn học tuổi mới lớn của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu rực rỡ. Để có thể chinh phục được những thành công rực rỡ đó, văn học tuổi mới lớn phải trải qua những thăng trầm trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính mình. Với dung lượng có hạn của bài viết, chúng tôi chỉ khảo sát các tác phẩm viết cho tuổi mới lớn được sáng tác bằng chữ Quốc ngữ trong những thập niên đầu của thế kỷ XX chứ không khảo sát các văn bản dịch từ các tác phẩm nước ngoài du nhập vào Việt Nam.

2.2.1. Văn học tuổi mới lớn giai đoạn 1930-1945

Trong suốt thời kỳ trung đại, văn học Việt Nam vốn là nơi để giới Nho sĩ bàn luận những chuyện quốc gia đại sự, những vấn đề mang tầm vóc lớn lao, vĩ đại như vận mệnh dân tộc, thân phận con người, chứ không phải là chỗ để những tâm tình ngây ngô, vụng dại, những băn khoăn về sự thay đổi của tâm sinh lý xuất hiện. Thế nên, xuyên suốt mấy mươi thế kỷ, văn học trung đại Việt Nam không hề có một tác phẩm nào dành cho tuổi mới lớn cả.

Bước sang thế kỷ XX, trong khoảng 40 năm đầu của thế kỷ, văn học Việt Nam đã tiến hành công cuộc hiện đại hóa văn chương dân tộc. Những sáng tác đầu tiên cho thiếu nhi đã xuất hiện. Ở Bắc Kỳ có bài thơ Lên sáuLên tám (Tản Đà), Đông Tây ngụ ngôn, Nhi đồng lạc viên (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc), ở Nam Kỳ có “nhi đồng tiểu thuyết”[1] của hai tác giả Nguyễn Háo Vĩnh, Tùng Lâm. Lúc này, độc giả tuổi mới lớn vẫn còn là khái niệm mơ hồ xa lạ của giới văn chương trong nước. Thêm vào đó, dư âm của thời đại phong kiến vẫn còn ảnh hưởng đến đời sống xã hội đương thời. Thiếu niên Việt Nam vào thế kỷ XX phải dựng vợ gả chồng ngay từ rất sớm. Có những chàng trai, cô gái chỉ khoảng 13-15 tuổi nhưng đã lập gia đình và đều được xem là những người trưởng thành. Vì lẽ đó, thời gian này, con người chỉ trải qua thời thơ ấu và ngay sau đó là chuyển đến giai đoạn thành gia lập thất, làm chủ gia đình nên họ hoàn toàn không có thời hoa mộng. Một số ít thiếu niên còn độc thân, được gia đình cho cắp sách đến trường và tiếp cận với văn chương nhưng có thể khẳng định đây chỉ là một nhóm rất nhỏ. Với bộ phận độc giả ít ỏi này, họ bị xếp, hoặc là vào nhóm độc giả nhi đồng, hoặc vào nhóm độc giả người lớn. Các độc giả tuổi mới lớn này vẫn phải đọc các tác phẩm viết cho nhi đồng và đó hầu hết đều là các sáng tác truyền dạy đạo lý làm người.

Đến những năm 30-40, văn học thiếu nhi bắt đầu có những bước phát triển đáng ghi nhận. Sự ra đời của Tủ sách Sách Hồng của Tự lực văn đoàn đã để lại những ảnh hưởng nhất định trong công chúng khi đây là tập hợp của những tác phẩm viết riêng cho nhi đồng và thiếu niên, như Bông cúc huyền, Cóc tía, Đạo sĩ (Khái Hưng), Con chim gi sừng (Hoàng Đạo), Hạt ngọc (Thạch Lam), v.v. Thế nhưng, sự hạn chế của nhóm sách này là ở chỗ chúng chỉ “phản ánh đời sống sinh hoạt của trẻ em ở khu vực thành thị […] chưa phản ánh một cách toàn diện và còn khá xa lạ với đời sống của trẻ em ở nông thôn” (Đoàn Thị Bảo Trân, 2018, tr.9). Bên cạnh Tự Lực Văn Đoàn, ở khu vực văn chương miền Bắc, số lượng tác phẩm hướng đến độc giả nhi đồng cũng đã xuất hiện ngày một nhiều hơn như tiểu thuyết Tấm lòng vàng (Nguyễn Công Hoan), Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), các truyện ngắn Bảy bông lúa lép, Con mèo mắt ngọc, Người thợ rèn, Ba người bạn (Nam Cao), truyện thơ Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Tấm Cám (Tú Mỡ), các truyện đồng thoại Đám cưới chuột, Võ sĩ Bọ Ngựa, Lá thư rơi, Dế Mèn phiêu lưu kí (Tô Hoài), v.v.

Trong khi đó, ở khu vực văn chương miền Nam, các tác phẩm viết cho thiếu nhi lúc này cũng gây được không ít tiếng vang trên văn đàn, như Tích con cắc ké (Huấn Trai), Thằng Ngả gió (Chương Dân), Nghĩa đồng bào (Thuần Phong), Hai đứa con hiếu (Long Vân), Đối với thầy (Vũ Đình Tuệ), Trẻ mồ côi (Vân Đài), Cay đắng mùi đời (Hồ Biểu Chánh), v.v. Số lượng tác phẩm viết cho thiếu nhi phải nói là vô cùng dồi dào với sự góp mặt của nhiều cây bút uy tín. Các tác phẩm được đăng trên các tờ báo nổi tiếng nhất miền Nam như Phụ Nữ Tân Văn, Lục Tỉnh Tân Văn, v.v.

Trong 40 năm đầu của văn học hiện đại Việt Nam, có thể thấy, sự phân chia đối tượng độc giả giữa nhi đồng và thiếu niên chưa rõ ràng. Vì vậy, văn học tuổi mới lớn thời gian này vẫn nằm chung một dòng chảy với văn học thiếu nhi Việt Nam chứ chưa thể trở thành một cá thể độc lập, vì vốn dĩ, trong bốn thập niên đầu của thế kỷ XX, văn học tuổi mới lớn vẫn chưa có một tác phẩm cụ thể nào có chủ đích hướng đến đối tượng độc giả riêng biệt này. Vì lẽ đó, các tác phẩm hướng đến độc giả nhi đồng cũng đồng thời là các sách truyện giải trí dành cho độc giả tuổi mới lớn với nội dung phần lớn mang nặng tính giáo huấn đạo đức, uốn nắn con người chứ chưa thực sự thâm nhập thế giới tâm hồn phức tạp của độc giả thiếu niên đương thời. Họa chăng chỉ có những loại sách của Tự lực văn đoàn hay một số ít tác phẩm như Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài) mới đáp ứng được những nhu cầu tình cảm chân thực, những mộng ước lung linh mà nhóm độc giả thiếu niên hướng đến.

2.2.2.   Văn học tuổi mới lớn giai đoạn 1945-1985

Vượt qua những thách thức của hai cuộc chiến tranh khốc liệt, văn học hiện đại Việt Nam vẫn không ngừng trưởng thành. Trong thời gian này, văn học tuổi mới lớn bắt đầu thoát thai khỏi vòng tay bảo trợ của văn học thiếu nhi và có được những bước đi chập chững đầu tiên của riêng mình. Giữa khu vực văn học miền Bắc và miền Nam, văn học tuổi mới lớn có không ít sự khác biệt về hệ thống đề tài. Điều này góp phần giúp cho văn học tuổi mới lớn Việt Nam được khoác một tấm áo rạng rỡ với muôn màu muôn sắc ngay từ những buổi bình minh lịch sử.

Giai đoạn 1945-1975 và khoảng 10 năm sau chiến tranh, miền Bắc nước ta luôn trong tâm thế vừa xây dựng đất nước, khôi phục cuộc sống sau chiến tranh vừa phải đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Trong suốt thời gian đó, để cổ vũ tinh thần của thiếu niên nhi đồng và hun đúc ngọn lửa yêu nước, ý chí căm thù giặc ngọn xâm, văn học Việt Nam đã có không ít các tác phẩm xây dựng hình mẫu những thiếu niên lý tưởng, anh hùng, luôn ra sức cống hiến sức mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Hình tượng trung tâm của các tác phẩm này đều là các trẻ em hay thiếu niên trong giai đoạn khoảng 10 đến 14 tuổi. Nội dung chủ yếu hướng đến việc phản ánh đời sống sinh hoạt của thiếu niên nhi đồng trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, qua đó, tô đậm những đóng góp tích cực của các em đối với cuộc chiến tranh của dân tộc. Những tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như: Chiến sĩ ca nô (Nguyễn Huy Tưởng), Chú bé giao liên làng Seo (Nguyễn Tuân), Dưới chân cầu Mây (Nguyên Hồng), Thiếu niên anh hùng (Phong Nhã), Hoa Sơn (Tô Hoài), Phác Kim Tố (Nguyễn Xuân Sanh), Quê nội (Võ Quảng), Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi), v.v. Bên cạnh đó, văn học cũng chứng kiến sự xuất hiện của những truyện viết về người thật việc thật với hy vọng độc giả thiếu niên nhi đồng có thể lấy đó làm gương mà ngày một hoàn thiện mình. Những tác phẩm nổi tiếng ở hướng đi này chính là Những năm tháng không quên (Nguyễn Ngọc Ký), Hoa Xuân Tứ (Quang Huy), v.v. Đến năm 1957, Nhà Xuất bản Kim Đồng thành lập đã góp một phần không nhỏ trong việc tạo dựng những tiền đề cho văn học tuổi mới lớn và văn học thiếu nhi ở miền Bắc phát triển. Sự ra đời của Nhà Xuất bản Kim Đồng kéo theo đó là những tác phẩm văn học viết cho tuổi mới lớn được phát hành rộng rãi như Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Cái Thăng (Võ Quảng), Vừ A Dính (Tô Hoài), v.v.

Ở miền Nam, nhà văn Hoàng Văn Bổn chính là tên tuổi chủ chốt cho mảng đề tài chiến tranh của văn học thiếu niên nhi đồng với các đầu sách như Tướng Lâm Kỳ Đạt, Lũ chúng tôi, Tuổi thơ trong làng, Bên kia sông Đồng Nai, Theo dấu người xưa, Ngày xửa ngày xưa. Trong đó, đáng chú ý nhất là tác phẩm Tướng Lâm Kỳ Đạt, vốn rất được độc giả tuổi nhỏ yêu thích. Bên cạnh một số tác phẩm hướng đến mục đích sự cổ vũ tinh thần kháng chiến của thiếu niên nhi đồng, văn học tuổi mới lớn ở miền Nam bắt đầu có khuynh hướng tách mình ra khỏi văn học thiếu nhi và tập trung xây dựng những câu chuyện dành riêng cho độc giả tuổi mới lớn. Giảm dần những hình mẫu người thật việc thật tỏa sáng lý tưởng, giảm dần những lời hô hào xung phong vào chiến khu, văn học tuổi mới lớn ở miền Nam quyết tâm trở thành những chuyến tàu đưa người đọc về với khung trời mộng mơ, ngây ngô, tinh nghịch, nổi loạn của những năm tháng 13-14 tuổi. Sự hình thành của dòng văn học này ở miền Nam, thuở ban đầu, xuất phát từ trách nhiệm của những người cầm bút đối với độc giả trẻ và tinh thần tự tôn đối với văn học dân tộc.

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, thị trường buôn bán các sách truyện viết cho tuổi mới lớn ở miền Nam đều do giới Hoa thương Chợ Lớn nắm giữ. Tiếc thay, các quyển sách này đều bị nhà văn Doãn Quốc Sỹ (1969) đánh giá là loại “cỏ dại”, khi truyền bá những thói hư tật xấu đến thiếu niên miền Nam đương thời. Trước tình hình lũng đoạn thị trường của giới Hoa thương, các nhà văn Nhật Tiến, Lê Tất Điều và Minh Quân đã chủ trương sáng tác những tác phẩm phù hợp với tinh thần tuổi mới lớn, nhưng rất tiếc, lại không gây được tiếng vang. Ít lâu sau, nhà văn Nguyễn Trường Sơn cùng một nhóm các văn sĩ miền Nam lập nên Tủ Sách Tuổi Hoa, gồm các loại sách Hoa Xanh (truyện tình cảm gia đình, tình bạn bè), Hoa Đỏ (truyện phiêu lưu, mạo hiểm, trinh thám), Hoa Tím (truyện dành cho tuổi 16-18) được in trên giấy khổ nhỏ, chữ lớn, dành cho thiếu niên. Trong đó, các tác phẩm nổi tiếng của bộ sách Hoa Tím gây ấn tượng mạnh với độc giả tuổi mới lớn lúc bấy giờ là Hoa bâng khuâng, Con đường lá me (Thùy An), Khúc nam ai, Cánh gió, Gợn sóng (Kim Hài), Bức tranh màu xám (Ý Yên), Hoa cườm thảo (Lý Thụy Ý), Kỷ niệm hồng (Thu Dung), v.v. Trong thời gian này, một số báo lần lượt ra đời phục vụ cho độc giả tuổi mới lớn, thành công hơn cả là các báo Tuổi Hoa, Ngàn Thông, Tuổi Ngọc.

Cùng với sự thành công của các báo “tuổi hoa”, “tuổi ngọc”, các đầu sách chất lượng, phù hợp với tâm lý của độc giả tuổi mới lớn cũng lần lượt được xuất bản. Những tác phẩm này không chỉ đề cao tinh thần nhân ái và tình cảm thắm thiết của thiếu niên dành cho gia đình, bạn bè, quê hương mà chúng còn chia sẻ những tâm tình vui, buồn vu vơ của lứa tuổi “ương ương dở dở”. Những tác giả và tác phẩm nhận được sự quan tâm đông đảo của độc giả tuổi mới lớn khi đó có thể kể đến như bộ tiểu thuyết Vẻ buồn tỉnh lỵ (Duyên Anh), các truyện dài Quê nhà yêu dấu (Nhật Tiến), Giờ ra chơi (Nguyễn Đình Toàn), Huyền xưa (Từ Kế Tường), Cửa trường, phía bên ngoài (Mai Thảo), Anh Chi yêu dấu (Đinh Tiến Luyện), Một chút mưa thơm (Mường Mán), Cổng trường vôi tím, Bước khẽ tới người thương (Nhã Ca), Hồn muối (Nguyễn Thị Hoàng), hay những bài thơ Tuổi mười ba, Buổi sáng học trò, Cần thiết, Tám phố Sài Gòn (Nguyên Sa), v.v.

Sau sự kiện lịch sử ngày 30 tháng 04 năm 1975, giới văn nghệ sĩ miền Nam vì nhiều lý do đã không còn xuất hiện trên văn đàn chính thống. Nhiều tờ báo viết cho tuổi mộng mơ cũng đình bản. Trong suốt quãng thời gian 1975-1985, văn học tuổi mới lớn nói riêng và nền văn học dân tộc nói chung vẫn còn trượt dài theo quán tính của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Không ít những tác phẩm viết cho tuổi mới lớn trong thời đại mới vẫn loay hoay trở về những mảng đề tài cũ với tinh thần ngợi ca như Tảng sáng (Võ Quảng), Cơn giông tuổi thơ (Thu Bồn), Cát cháy (Thanh Quế), v.v. Một số tác phẩm rẽ hướng phản ánh những bức tranh sinh hoạt mới của đời sống sau ngày thống nhất như Tình thương (Phạm Hổ), Chú bé có tài mở khóa (Nguyễn Quang Thân). Một số thì viết về những gương sáng để tuổi trẻ noi theo học hỏi, tiêu biểu là Búp sen xanh (Sơn Tùng). Nhưng nhìn chung, văn học tuổi mới lớn trong 10 năm sau chiến tranh đã bị chững lại và không có quá nhiều sự đổi mới.

Như vậy, giai đoạn 1945-1985 là quãng thời gian văn học tuổi mới lớn Việt Nam có những bước đi chập chững đầu tiên trên con đường chinh phục độc giả của mình. Dẫu quá trình phát triển có nhiều chông gai, trắc trở và tồn tại những hướng đi khác nhau giữa văn học miền Nam và miền Bắc, nhưng nhìn chung, những tác phẩm văn chương viết cho tuổi mới lớn của nước ta trong giai đoạn đầu đã cho thấy được lực lượng sáng tác hùng hậu, hệ thống đề tài đa dạng với hình thức nghệ thuật phong phú. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để dòng văn học này có những bước tiến mạnh mẽ trong giai đoạn sau này.  

2.2.3.   Văn học tuổi mới lớn giai đoạn 1986-nay

Tiếp nối những thành tựu bước đầu của giai đoạn trước, văn học tuổi mới lớn Việt Nam dần khởi sắc với những hướng đi rõ ràng, cụ thể và mạnh mẽ hơn kể từ sau thời kỳ Đổi mới. Lực lượng sáng tác ngày càng đông đảo. Các tác phẩm mở rộng biên độ sáng tác với những tư duy nghệ thuật độc đáo, hệ thống đề tài mới mẻ, sâu sắc, phản ánh kịp thời những trải nghiệm sống động của lứa tuổi mới lớn thời đại hôm nay. Những điều đó khiến cho những đầu sách của văn học tuổi mới lớn, trong 10 năm trở lại đây, đã trở thành hiện tượng “best-seller” trên thị trường sách nội địa.

Từ sau năm 1986, lực lượng sáng tác sách truyện cho tuổi mới lớn ngày càng quy tụ được nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ của Việt Nam. Từ những nhà văn lão thành bước ra từ thời kỳ chiến tranh như Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng, Phùng Quán, Nguyễn Ngọc Ký, v.v. cho đến những nhà văn vốn được nuôi dưỡng trong bầu không khí văn chương “tuổi ngọc”, “tuổi hoa” của miền Nam trước năm 1975 như Từ Kế Tường, Mường Mán, Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Nhật Ánh, v.v. rồi cả những nhà văn trẻ tuổi sinh ra và lớn lên trong thời bình như Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy, v.v. đều đã cống hiến cho văn học tuổi mới lớn Việt Nam những tác phẩm đặc sắc và giàu chất lượng.

Sự góp mặt của những nhà xuất bản chuyên phát hành những đầu sách viết cho tuổi mới lớn như Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Măng Non (tiền thân của Nhà xuất bản Trẻ) cũng góp phần thúc đẩy cho văn học tuổi mới lớn phát triển rộng rãi. Bên cạnh đó, hàng loạt các tờ báo hay tạp chí chuyên viết cho thanh thiếu niên như Mực Tím, Áo Trắng, Hoa Học Trò, v.v. được tạo điều kiện để đầu tư xuất bản cũng đã trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu cho các độc giả tuổi mới lớn. Những không gian báo chí với các mục sáng tác văn thơ thế này cũng chính là nơi sẽ phát hiện và ươm mầm những tài năng trẻ của văn học nước nhà. Điều này không chỉ giúp cho nền văn học Việt Nam có được đội ngũ kế thừa tài hoa mà còn góp phần đa dạng hóa dòng văn học tuổi mới lớn của chúng ta bằng những tiếng nói của người trong cuộc, bằng những trải nghiệm của người trẻ thời đại này.

Suốt hơn 30 năm qua kể từ sau thời kỳ Đổi mới 1986, văn học tuổi mới lớn của nước ta đã có được một hệ thống đề tài và thể loại rất đa dạng và phong phú. Đó có thể những bộ truyện dày dặn như Kính vạn hoa (Nguyễn Nhật Ánh) kể về những câu chuyện vui buồn của tuổi học trò, những cuộc phiêu lưu thú vị xoay quanh ba nhân vật Quý ròm, Tiểu Long, nhỏ Hạnh cùng các nhân vật khác. Đó có thể là những truyện dài tinh nghịch của lũ học trò “nhất quỷ nhì ma” trong Bàn có năm chỗ ngồi, Những chàng trai xấu tính (Nguyễn Nhật Ánh) hay Mùa hè năm Petrus (Lê Văn Nghĩa). Đó có thể là những bâng khuâng tình đầu, những ngây ngô vụng dại, những cái liếc mắt chạm tay nhưng mang vào cả bầu trời thương nhớ của truyện dài Bầy chim trắng trong sân trường (Đinh Tiến Luyện), Cô gái đến từ hôm qua, Thằng quỷ nhỏ, Hoa hồng xứ khác (Nguyễn Nhật Ánh), Tình nhỏ làm sao quên, Tôi thương mà em đâu có hay (Đoàn Thạch Biền), hay qua những trang truyện ngắn của Dương Thụy. Đó có thể là thế giới kỳ bí với những chuyến phiêu lưu đến nghẹt thở qua các truyện fantasy (truyện kỳ ảo) của Phan Hồn Nhiên như Những đôi mắt lạnh hay Chuỗi hạt Azoth. Suốt hơn 30 năm qua, văn học tuổi mới lớn đã có những thể nghiệm sáng tạo, đi vào sự phức hợp trong tâm lý và tính cách của thiếu niên hiện đại mà truyện fantasy của Phan Hồn Nhiên là một ví dụ tiêu biểu. Đặc biệt, những truyện dài viết về những tình cảm trong trẻo, những cơn “say nắng” của tuổi mộng mơ được các nhà văn viết nhiều hơn, đào sâu hơn, triển khai với nhiều góc độ khác nhau bởi đây vốn là vấn đề luôn luôn khơi gợi được nhiều sự tò mò nhất và gây được nhiều sự đồng cảm nhất ở độc giả tuổi mới lớn. Trong một thời đại cởi mở và phóng khoáng như hiện nay, việc tuổi mới lớn tiếp xúc vấn đề tình cảm này từ sớm đã khiến cho đây không phải là một vấn đề gì quá bí ẩn hay bị phụ huynh quyết tâm cấm đoán như thời kỳ trước nữa nên các tác phẩm viết cho tuổi mới lớn mà bàn luận về những tơ tình vương vấn trong đầu óc thanh thiếu niên luôn có số lượng bán rất chạy.

Nhìn lại chặng đường đã qua của văn học tuổi mới lớn ở Việt Nam, chúng ta thấy được những tiến bộ vượt bậc về chất lượng và số lượng của các tác phẩm viết cho tuổi mới lớn ngày hôm nay nếu so với thuở ban đầu mới hình thành. Sự phong phú về hệ thống đề tài và sự đông đảo về đội ngũ sáng tác là những điểm cộng rất đáng ghi nhận cho sự phát triển của văn học tuổi mới lớn, tuy nhiên, sự lấn át hoàn toàn của thể loại truyện dài nếu so với các thể loại khác lại là một điểm trừ rất lớn của dòng văn học này ở Việt Nam. Thơ ca, truyện ngắn và tiểu thuyết tuy vẫn xuất hiện trên thị trường nhưng lại không được bạn đọc ưa chuộng bằng những truyện dài với cốt truyện sinh động, tình tiết hấp dẫn. Để tiếp tục gặt hái được những thành công trong tương lai, văn học tuổi mới lớn nước ta rất cần sự đa dạng hóa về thể loại và sự đột phá trong cách khai thác những trải nghiệm của thanh thiếu niên về bản thân, con người và thế giới.     

3.         Kết luận

Tuổi mới lớn là một giai đoạn đặc biệt trong quá trình trưởng thành của con người với rất nhiều sự biến đổi từ thân thể, tâm lý cho đến cả nhận thức. Vì thế, độc giả lứa tuổi này rất cần có một dòng văn học riêng dành riêng cho họ. Trải qua rất nhiều thử thách trong hơn 50 năm hình thành và phát triển, văn học tuổi mới lớn Việt Nam đã luôn nỗ lực để được người đọc nhìn nhận với tư cách là một dòng văn học chính thống và độc lập trong dòng chảy văn học dân tộc. Cho đến hiện tại, dòng văn học này đã phần nào thành công khi từng bước tách khỏi dòng văn học thiếu nhi Việt Nam và khẳng định được bản sắc của mình. Để có được điều đó, không gì đáng trân trọng hơn là những tình cảm yêu thương của những nhà văn đối với thời hoa niên rực rỡ của mình, đối với thanh thiếu niên trong thời đại mình. Chính tình yêu thương ấy đã khiến cho họ sáng tạo không mệt mỏi để làm nên những tác phẩm làm say đắm tâm hồn của những ai đã, đang và sẽ đi qua hành trình tuổi mới lớn

             

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Butcher, K. & Hinton, K. (2013). Chapter 1: Understanding Young Adult Literature. Young Adult Literature: Exploration, Evaluation and Appreciation, 1-50. London: Pearson.

Doan Quoc Sy. (1969). Ban ve van chuong nhi đong [Discussing Children’s Literature]. Tuoi Ngoc, 1(7/1969), 22-23. 

Doan Thi Bao Tran. (2018). Su nghiep van hoc cua Vo Quang [A Study of Vo Quang’s Literary Career]. Ho Chi Minh City: University of Social Sciences and Humanities - Vietnam National University Ho Chi Minh City.

Glaus, M. (2014, February). Text Complexity and Young Adult Literature: Establishing Its Place. Journal of Adolescent and Adult Literacy, 57(5), 407-416. doi: 10.1002/JAAL.255.

Lam Dien. (2017, December 20). Nguyen Nhat Anh ra mat 170.000 ban Cay chuoi non di giay xanh [Nguyen Nhat Anh released 170.000 copies of “Young Banana Tree Wearing Green Shoes”]. Tuoi Tre News. https://tuoitre.vn/nguyen-nhat-anh-ra-mat-170-000-ban-cay-chuoi-non-di-giay-xanh-20171220140401749.htm

Owen, M. (2003, March). Developing a Love of Reading: Why Young Adult Literature Is Important. Orana, 1(39), 11-17. Retrieved 23 May 2020. https://en.wikipedia.org/wiki/Young_adult_fiction

Strickland, A. (2015). A Brief History of Young Adult Literature. CNN. https://edition.cnn.com/2013/10/15/living/young-adult-fiction-evolution/index.html

 

YOUNG ADULT LITERATURE IN VIETNAM

Vo Van Nhon, Nguyen Bao Chau

University of Social Sciences and Humanities National University Ho Chi Minh City, Vietnam

 

ABSTRACT

Even though young adult is a familiar concept, and books for young adults have been widely published and commonly read for more than a century in Vietnam, the concept of “young adult literature” has rarely received adequate academic discussion in Vietnamese literary studies so far. In this article, we will provide a brief literature review of how Western researchers have been looking at young adult literature, from which we attempt to provide our own explanations of the two concepts of young adult and young adult literature that best suit the Vietnamese context. Furthermore, with a historical approach, we also give an overview of the formation and development of young adult literature in Vietnam, from the beginning of the twentieth century to the present day. In addition, we take a comparative approach to examine how Vietnamese writers have changed their exploration of literary themes for young adult during the last century.

Keywords: young adult; young adult literature; young adult literature in Vietnam

 


[1] Thuật ngữ của các tác giả Nam Bộ trong giai đoạn đó.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Tập 18, Số 7 (2021): 1242-1253

Tin từ gia đình nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho biết, tác giả ‘Đội gạo lên chùa’ vừa qua đời vào 14h55 hôm nay 12-6, vì tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 88 tuổi.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán vừa trở về từ gia đình nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sau khi mang ảnh thờ cho nhà văn từ bức ảnh ông chụp cho biết tác giả Mẫu Thượng Ngàn qua đời tại nhà riêng. Nhà văn đã ốm mấy năm nay.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ tú tài toán, học Đại học Y khoa Hà Nội cho đến hết năm 1952 thì đi theo kháng chiến, tham gia bộ đội.

Hòa bình lập lại, ông công tác tại tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, rồi báo Thiếu Niên Tiền Phong nhưng sớm nghỉ hưu từ năm 1973. Trong thời gian làm báo, ông đã bắt đầu viết văn, viết biên khảo. Năm 1963, ông cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tiên có tên Rừng sâu.

Sau khi nghỉ hưu, ông bắt đầu cuộc đời nghèo khó của mình cùng hoàn cảnh khó khăn của đất nước lúc bấy giờ và cần mẫn, chuyên tâm hơn bên những trang viết đêm đêm. Hình ảnh ông đạp máy khâu, viết hàng ngàn trang tiểu thuyết luôn được giới văn nghệ sĩ và bạn đọc nhắc tới với niềm tôn kính sâu sắc.

Những bộ tiểu thuyết đồ sộ liên tiếp ra đời nhưng phải kiên nhẫn nằm trong ngăn kéo đợi nhiều năm sau mới được xuất bản. Sáng tác của ông theo hai thể loại là tiểu thuyết văn hóa lịch sử và tiểu thuyết phúng dụ.

Nổi tiếng nhất trong mảng tiểu thuyết văn hóa lịch sử có Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa.

Với Đội gạo lên chùa ra mắt năm 2011, Nguyễn Xuân Khánh từng được nhắc tới là nhà văn lớn tuổi nhất viết dài nhất, gần 900 trang.

Thể loại phúng dụ có thể kể đến Miền hoang tưởng, Chuyện ngõ nghèo. Trong đó, Miền hoang tưởng đã được xuất bản lần đầu tiên khá sớm, vào năm 1985, trong khi Chuyện ngõ nghèo viết năm 1982 nhưng mãi tới năm 2016 mới được Nhã Nam xuất bản với tên mới, không giữ được tên gốc của tác phẩm là Trư cuồng.

Chuyện ngõ nghèo lấy chất liệu từ chính đời sống nghèo khổ của tác giả một thời, cái thời mà người Hà Nội phải tăng gia nuôi lợn trong không gian sống vốn đã quá chật hẹp của gia đình để tồn tại qua cái nghèo.

Tuy thế, đây không phải là cuốn tự truyện mà tác giả chỉ dùng chút chất liệu hiện thực cộng với thủ pháp phúng dụ để viết lên câu chuyện buồn khi con người bị “lợn hóa”. Chuyện ngõ nghèo được trao giải Sách hay 2018, hạng mục Tác phẩm văn học.

Ngoài ra, ông còn dịch thuật nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Những quả vàng, Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất, Năm tuần trên khinh khí cầu, Tâm lý học đám đông.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội trao nhiều giải thưởng như:

- Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998 - 2000 cho Hồ Quý Ly.

- Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001 cho Hồ Quý Ly.

- Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006 cho Mẫu Thượng Ngàn.

- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 với tiểu thuyết Đội gạo lên chùa.

- Giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời năm 2018 của Hội Nhà văn Hà Nội.

Nguồn: https://tuoitre.vn/nha-van-nguyen-xuan-khanh-qua-doi-20210612205807326.htm

1.      Đôi nét về người Việt tại Đức

Vào ngày 27 tháng 4 năm 2017, lần đầu tiên một hội thảo về cộng đồng người Việt tại Cộng hoà Liên bang Đức đã được phối hợp tổ chức bởi Trung tâm tư liệu và Bảo tàng di dân và Quỹ Friedrich Ebert. Hội thảo là nơi ra mắt cuốn sách Vô hình (Unsichtbar), thành quả từ công trình nghiên cứu dài hơi và thấu suốt về cộng đồng người Việt tại Cộng hoà Liên bang Đức (CHLB) Đức.[1] Tôi không định giới thiệu cụ thể về cuốn sách này, điều độc gỉa có thể tự tìm hiểu qua nội dung cuốn sách. Điều tôi chú ý là thành phần diễn giả được mời đến tham dự hội thảo: một đại diện là cựu công nhân hợp tác lao động, một đại diện là thuyền nhân, và một số đại diện người Việt thuộc thế hệ một rưỡi và hai. Trong khi đại diện cựu công nhân hợp tác chia sẻ những khó khăn trong quá trình làm việc trong nhà máy tại Cộng hoà Dân chủ (CHDC) Đức, vị đại diện là thuyền nhân thuật lại những kí ức đau buồn trong quá trình di cư sang Đức. Dẫu vậy, những trải nghiệm của họ bị lấn át bởi vô số câu chuyện về sự thành công trong quá trình hội nhập của thế hệ người Việt một rưỡi và hai. Sinh ra hoặc sang Đức khi còn nhỏ, một vài trong số này hiện trở thành bác sĩ, nhà báo, người dẫn chương trình hay nhà văn. Họ đại diện cho thế hệ người Đức gốc Việt điển hình tại Đức, những người nói tiếng Đức không khác tiếng mẹ đẻ, trưởng thành và hội nhập vào xã hội Đức. Họ là minh chứng cho sự thành công của những chương trình hội nhập dành cho người nhập cư của chính phủ Đức. Họ khiến cho những nhận định và đánh giá về cộng đồng người Việt tại Đức vốn gói gọn trong hai nhóm di dân chính là thuyền nhân và cựu công nhân hợp tác lao động bỗng trở nên lỗi thời và tiềm tàng định kiến.

Căn cứ vào bảng phân loại người nhập cư tại Đức,[2] cộng đồng người Việt có nhiều hơn hai nhóm dân cư chính là thuyền nhân và công nhân hợp tác. Từ năm 1955, một nhóm học sinh ở độ tuổi từ 10 đến 14, là con em của các cán bộ Đảng Lao động Việt Nam, đã được gửi sang Cộng hoà Dân chủ Đức học tập và làm việc tại Moritzburg.[3] Những người Moritzburg chính là những người tiên phong được đào tạo và làm việc tại Đức, mở đầu cho một loạt chương trình thực tập và làm việc sau này của người Việt ở cả Đông và Tây Đức vào những năm 1960-1970. Tuy nhiên, nếu tính về số lượng, những người thuyền nhân và cựu công nhân hợp tác mới là hai nhóm dân cư chiếm số lượng lớn nhất của cộng đồng người Việt tại Đức.

Hai Hong là con thuyền chở những người Việt Nam đầu tiên cập bến Tây Đức vào năm 1978.[4] Dù gặp phải một số phản ứng nghi ngại từ người dân[5], hình ảnh những thuyền nhân Việt Nam lênh đênh trên đại dương vẫn dấy nên mối thương cảm nhất định, điều dẫn dến sự ra đời của chiến dịch nhân đạo “Con thuyền cho Việt Nam” (Ein schiff für Vietnam) được dẫn dắt bởi Rupert Neudeck và các cộng sự. Hành trình cứu trợ đầu tiên của con thuyền Cap Anamur, được bắt đầu vào năm 1978 và tiếp diễn những năm sau đó, đã cứu sống hơn 10.000 thuyền nhân và hỗ trợ y tế cho hơn 35.000 ngàn người khác.[6] Những chuyến tàu nhân đạo này cũng khởi đầu cho sự hình thành tổ chức nhân đạo “Cap Anamur-Bác sĩ cứu nạn Đức” (Cap Anamur-Deutsche Not-Ärzte e.V.) hiện vẫn đang thực hiện các dự án hỗ trợ nhân đạo cho người dân tại các quốc gia châu Phi, châu Á và châu Âu. Hình ảnh con thuyền cứu hộ Cap Anamur về sau cũng xuất hiện trong một số tác phẩm của thuyền nhân người Việt tại Đức như một biểu tượng của tinh thần nhân đạo của quốc gia này, con thuyền đã đưa những thuyền nhân Việt Nam đến nơi an toàn.

Cần nhắc đến ở đây cách thức truyền thông Đức dựng nên những tự sự về thuyền nhân người Việt nhằm tái cấu trúc cộng đồng thuyền nhân Việt như hình mẫu về một cộng đồng nhập cư “tốt” so với những người đồng hương của họ là công nhân hợp tác lao động. Trong nghiên cứu của mình, Pipo Bui[7] khám phá qua những tập sách nhỏ về người di cư Việt Nam ở Münster rằng hoàn cảnh khắc nghiệt của thuyền nhân người Việt trong quá trình vượt biên và lênh đênh trên biển đã được tác giả của các tập sách này cố ý xoáy sâu như một hành động có chủ đích nhằm nhấn mạnh đến bản chất nhân đạo của hoạt động cứu trợ. Ngoài ra, cách thức các tác giả này tạo ra bầu không khí đồng cảm xung quanh việc tị nạn của thuyền nhân người Việt lẫn những nỗ lực hội nhập của người tị nạn tại nước sở tại thực sự “đánh bại” đồng hương của họ trong việc thu hút sự chú ý của dư luận tại Đức. Quả thật, những chính sách hội nhập của chính phủ Đức[8] đã mang đến cho người tị nạn cơ hội được tham gia vào đời sống kinh tế và xã hội, giúp họ dần hội nhập vào xã hội Đức.

So với thuyền nhân, cộng đồng cựu công nhân hợp tác lao động hoàn toàn khác biệt xét về bối cảnh di cư lẫn điều kiện sinh sống. Trong khi cộng đồng thuyền nhân chủ yếu được hình thành sau sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa năm 1975 thì cộng đồng công nhân hợp tác lao động lại được định hình trong bối cảnh chính trị thời Chiến tranh Lạnh. Có hàng trăm ngàn công nhân người Việt làm việc trong các nhà máy ở các nước Đông Âu như Cộng hòa Séc, Ba Lan và Slovakia trong những năm 1980. Tuy nhiên, sự thống nhất giữa hai miền Đông và Tây Đức, kéo theo đó là sự giải thể của khối Xô Viết, đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người Việt sống và làm việc tại các quốc gia này.[9] Ngoài những công nhân Việt Nam làm việc tại các nhà máy ở Cộng hoà Dân chủ Đức thì cộng đồng cựu công nhân hợp tác lao động còn có sự hiện diện của những công nhân di cư bất hợp pháp từ các nước Đông Âu khác sang Đức. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào 1989, các cựu công nhân này làm đủ mọi công việc để tìm kế sinh nhai nhằm có được giấy phép cư trú.

Người Việt sang Đức từ sau 1990 chủ yếu dưới hình thức đoàn tụ gia đình hoặc xin tị nạn. Cựu công nhân hợp tác lao động giờ đây có thể đón người thân trong gia đình sang Đức dưới hình thức đoàn tụ gia đình. Ngoài ra, những người mở nhà hàng châu Á hoặc Việt Nam có thể đưa người thân của họ đến Đức, miễn là những người được thuê này có kinh nghiệm làm việc và chứng minh họ không thể thay thế bởi người Đức. Ngoài ra còn có một cách độc đáo khác để phụ nữ Việt Nam có được giấy phép cư trú là kết hôn hoặc ít nhất là có con với người bản địa, chưa kể đến tình trạng kết hôn giả để có được giấy phép cư trú của các cô dâu Việt. Đây có thể xem là cách thức đối phó của người Việt khi ngày càng có ít đơn xin tị nạn được chấp thuận. Bên cạnh đó, hiện nay số lượng sinh viên Việt Nam du học Đức ngày một tăng, nhờ vào các chính sách miễn học phí cho sinh viên và danh tiếng của các trường đại học Đức. Với các sinh viên không nhận được học bổng chính phủ Việt, thường sẽ không bị buộc phải về nước khi kết thúc khoá học, họ sẽ tìm việc làm và sinh sống tại Đức. Số sinh viên này thường sẽ được nhập tịch trong tương lai.

Hội thảo về cộng đồng người Việt tại Cộng hoà Liên bang Đức, Trung tâm tư liệu và Bảo tàng di dân và Quỹ Friedrich Ebert, Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức, ngày 27 tháng 4 năm 2017

2.      Tổng quan về văn học người Việt tại Đức

Tương ứng với sự hình thành các nhóm cộng đồng Việt tại Đức, văn học người Việt tại quốc gia Trung Âu này cũng có sự phân hoá rõ rệt. Thứ nhất, bộ phận văn học hình thành và phát triển tương đối sớm, cuối những năm 1970 đầu những năm 1980, là văn học của những người tị nạn. Với xuất phát điểm là văn chương lưu vong, sự đa dạng trong nhóm cộng đồng người Việt dẫn đến sự đa dạng trong đề tài thể hiện của văn chương người Việt tại Đức từ sau năm 1990. Từ đây, văn học người Việt tại Đức đã có sự chuyển hoá từ văn chương lưu vong sang văn chương của những người di dân. Với sự xuất hiện của các nhóm cộng đồng mới như công nhân hợp tác, người Việt sang Đức dạng đoàn tụ gia đình hay sinh viên du học, biên độ phản ánh của các nhóm đề tài gần như trùng khớp với các chủ đề tiêu biểu của văn học di dân. Cụ thể, các tác giả người Việt thường nhấn mạnh đến bối cảnh xã hội tại Việt Nam, điều thúc đẩy họ ra đi; về cách thức họ được đón nhận tại nước tại; ý thức về sự nhổ rễ bị gây ra bởi sự dịch chuyển và sự đa dạng về văn hoá và hành trình tìm kiếm bản sắc.

Những tác phẩm văn học đầu tiên của người tị nạn ra đời cùng với sự hình thành cộng đồng người Việt tại Đức. Một trong những tạp chí ra đời sớm nhất, vốn xuất thân là tạp chí Phật học, sau này mở rộng, sang các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật (trong đó có văn học) là tạp chí Viên Giác, ra mắt số đầu tiên vào ngày 1 tháng 1 năm 1979. Tuy nhiên, thời gian đầu, tạp chí này chủ yếu tập trung vào các vấn đề về tôn giáo. Từ năm 1989 trở đi, tạp chí này mới chủ trương kết hợp giữa đạo và đời và thể hiện quan điểm khuynh hướng chính trị rõ rệt hơn. Ngoài ra, Viên Giác còn là Trung tâm Văn hoá xã hội Phật giáo tại Cộng hoà Liên bang Đức (CHLB) Đức, nơi về sau in ấn nhiều tác phẩm văn học thuộc nhóm các tác giả thuyền nhân. Cùng với báo Viên Giác, những tác phẩm văn học đầu tiên của văn học người Việt tị nạn tại Đức chính là những tác phẩm văn học Phật Giáo. Người sáng tác chính là hoà thượng Thích Như Điển, trụ trì chùa Viên Giác. Thích Như Điển sinh ngày 28 tháng 6 năm 1949 tại tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Ông du học tại Nhật Bản trước năm 1975 với bằng Cử nhân Giáo dục và Thạc sĩ Phật học tại Đại học Teikyo và Đại học Risso ở Tokyo. Ông sang Đức vào năm 1977 với thị thực du lịch nhưng sau đó xin tị nạn ở Đức. Ở lại Kiel một năm để học tiếng Đức tại Đại học Kiel, sau đó ông chuyển đến Hannover để theo đuổi con đường học vấn sau đại học, và sinh sống ở Đức kể từ đó. Hoà thượng Thích Như Điển là một người đa ngôn ngữ. Đến nay, ông đã sáng tác và dịch thuật hơn 65 tác phẩm bao gồm các tác phẩm văn học lẫn sách dịch bằng tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Đức liên quan đến các vấn đề Phật giáo. Không kể tác phẩm dịch đầu tiên Truyện cổ Việt Nam, xuất bản năm 1974, (1975) khi hoà thượng còn ở Nhật, hai sáng tác văn học đầu tiên khi ông sang Đức là Giọt mưa đầu hạ (1979) và Ngỡ ngàng (1980). Hai tác phẩm này cũng mở đầu cho hàng loạt các sáng tác văn học lẫn dịch thuật sau này của ông. Gần như mỗi năm, ông lại xuất bản một tác phẩm hoặc dịch phẩm, liên tục từ năm 1979 đến năm 2017, nội dung chủ yếu giải nghĩa các vấn đề về Phật Giáo, mô tả đời sống tinh thần người Phật tử tại Đức, các sách ghi chép lại quá trình hoằng pháp của hoà thượng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việc các sáng tác đầu tiên thuộc bộ phận văn học Phật giáo thật ra không có gì khó hiểu, vì tôn giáo nói chung là một trong những điểm tựa về tinh thần của cộng đồng người Việt tị nạn. Chùa Viên Giác, nơi sau này còn là Trung tâm Văn hoá Xã hội Phật giáo tại Cộng hoà Liên bang Đức (Vietnamesische-Buddhistisches Sozio-Kulturzentrum i. d. BRD) chính là nơi trực tiếp hỗ trợ việc in ấn cho các tác phẩm không những của tăng ni phật tử mà còn các nhà tác giả người Việt khác.

Một số các đầu sách được xuất bản khá sớm bởi Trung tâm Văn hoá xã hội phật giáo tại CHLB Đức gồm có tập truyện ngắn Sau ngày tang[10] của Vũ Nam và Tạp ghi Nỗi buồn viễn xứ ai buồn hơn ai[11] của Hạ Long. Hai tác phẩm này đều được xuất bản vào năm 1987, in bằng kĩ thuật quay roneo, nội dung phản ánh rõ tâm tư bi ai của người tị nạn. Chẳng hạn, Sau ngày tang là tập hợp những truyện ngắn của Vũ Nam đã đăng rải rác trên các báo Việt ngữ tại Đức từ năm 1981 đến 1987. Là tác phẩm đầu tay được in thành sách của Vũ Nam, đa số tình huống truyện trong tập truyện ngắn chưa lên đến cao trào, nội dung truyện chỉ là các mẩu truyện rời rạc. Nói chung, tập truyện chỉ cho thấy quan điểm chính trị hơn là năng lực sáng tác của nhà văn. Tương tự, tác giả Hạ Long trong tập tạp ghi Nỗi buồn viễn xứ ai buồn hơn ai đã ghi lại những tâm tư, u uẩn, hoặc những sinh hoạt văn hoá của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, qua đó bày tỏ sự hoài niệm, nuối tiếc về quê hương đã xa và nỗi đau đớn trước nguy cơ mất gốc của cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Chẳng hạn, tác giả đã bày tỏ nỗi niềm của một người con sống tha hương như thế này: “Tôi một khách lạ, một kẻ mất quê hương, hay một kẻ không thể sống được trên nơi chôn nhau cắt rốn, một kẻ trong hàng ngàn kẻ đang sống kiếp tầm gởi trên vùng đất xa xăm này.”[12]

Đầu những năm 1980 là thời điểm xuất hiện nhiều tác phẩm đầu tay được đánh giá cao của một số tác giả người Việt. Đây có thể xem là thời kì phát triển nền văn học người Việt tại Đức, được hiểu theo nghĩa các tác giả có sách xuất bản, có độc giả nhất định, có hoạt động giao lưu sinh hoạt giữa tác giả và bạn đọc. Trong khoảng 40 năm phát triển của văn học người Việt tại Đức cho đến nay, tôi chia ra làm hai giai đoạn tương ứng với đặc điểm hình thành và phát triển của hai nhóm cộng đồng người Việt tại Đức. Theo đó, giai đoạn phát triển ban đầu là từ 1979 đến khoảng 1990. Giai đoạn thứ hai là từ 1990 cho đến nay. Việc phân kì văn học dựa theo quá trình thành nhóm cộng đồng cho thấy sự tương tác giữa các biến cố lịch sử của thời đại đôí với việc hình thành bản sắc văn hoá của các nhóm di dân.

Giai đoạn phát triển ban đầu bắt đầu từ năm 1979 đến 1990. Mốc thời điểm phát triển từ 1980 liên quan chặt chẽ đến sự thành lập và phát triển của chùa Viên Giác. Ngoài ra, đặt văn học Đức trong bối cảnh văn học hải ngoại người Việt, thời điểm mười năm này là thời điểm Văn bút hải ngoại người Việt được thành lập, sau đó là sự ra đời của Trung tâm châu Âu thuộc Văn bút Việt Nam hải ngoại. Hai sự kiện này là yếu tố thúc đẩy phong trào sáng tác của các cây bút chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư tại Đức. Một mặt, việc tham gia vào một tổ chức văn học có mạng lưới trên khắp thế giới, đặc biệt lại là nơi tập hợp các nhà văn có chung nguồn gốc xã hội (người tị nạn) tạo nên một nhóm cộng đồng không chỉ chia sẻ với nhau các đặc tính nghề nghiệp (là nhà văn, đặc biệt là các nhà văn là hội viên của Văn bút hải ngoại, chi nhánh tại châu Âu) mà quan trọng hơn là các đặc tính xã hội với tư cách là nhóm di dân. Hơn thế nữa, trong trường hợp người viết tại Đức, việc có được một cơ sở in ấn là Viên Giác cũng thúc đẩy quá trình sáng tác. Ít nhất, tác phẩm được viết ra viết ra sẽ có nơi in ấn, nghĩa là được ra mắt. Trong viễn cảnh tốt đẹp hơn, sách được in ra sẽ đến tay người đọc, nghĩa là được đón nhận. Cả hai nguyên nhân này là động lực thúc đẩy quá trình sáng tác của các nhà văn, điều lý giải tại sao có khá nhiều tác phẩm của các tác giả người Việt được in ấn trong thời gian này. Cụ thể, từ năm 1979 đến 1990, cơ sở in ấn báo Viên Giác đã xuất bản các tác phẩm của Vũ Nam như Sau ngày tang (1987), Bên dòng sông Donau (1990); Vũ Ngọc Long như Nỗi buồn viễn xứ ai buồn hơn ai (1987), Tìm nẻo đường về (1992), Quê hương tôi bây giờ là như thế đó. Bên cạnh nhà in của báo Viên Giác, các tác giả còn gửi sách xuất bản tại nhiều quốc gia khác, phổ biến nhất là Hoa Kỳ, Canada và Pháp. Tiêu biểu trong số này gồm có Ngô Nguyên Dũng với Dòng chữ tâm tình (1988) do Văn Nghệ, Hoa Kỳ xuất bản; Mười hai hoa cúc (1988) do Văn Lang, Hoa Kỳ xuất bản, Đêm (1989) do Làng Văn, Canada xuất bản, Tập san Văn bút âu châu 1 (1989) do Trung tâm Âu châu VBVNHN xuất bản; Thế Giang với Thằng người có đuôi (1988) do Người Việt xuất bản.

Một số tác giả có sáng tác nổi bật trong giai đoạn này có thể kể đến Ngô Nguyên Dũng và Thế Giang. Thế Giang là bút danh của nhà văn Trần Hưng. Ông sinh năm 1958 tại Hà Nội, định cư tại Đức vào những năm 1980 và hiện đang sinh sống tại Dortmund, Đức. Bên cạnh việc viết bài cho một số tạp chí văn học người Việt tại Hoa Kỳ như Văn học, Văn, tính đến nay ông chỉ xuất bản duy nhất một tác phẩm là Thằng người có đuôi[13]. Tuy vậy, thông qua việc mô tả đời sống sinh hoạt người dân miền Bắc, Thế Giang đã chứng tỏ ông là một cây bút châm biếm sắc sảo nhưng không kém phần hài hước. Tương tự, có thể nói Ngô Nguyên Dũng cũng là một nhà văn có đóng góp đáng kể không chỉ cho văn học hải ngoại người Việt tại Đức mà cho nền văn học hải ngoại. Ông có bút lực dồi dào, liên tục xuất bản sách từ 1988 cho đến nay. Tuy cả hai có nền tảng khác nhau, một người là sinh viên du học tại Đức vào những năm 1970 (trường hợp Ngô Nguyên Dũng), còn một người là công nhân hợp tác sang Đức hơn mười năm sau đó (trường hợp của Thế Giang), nhưng cả hai lại có khá nhiều điểm tương đồng. Thứ nhất, họ là hai trong số ít các nhà văn giao lưu, cộng tác với một số tạp chí văn học tại Hoa Kỳ và Canada, nơi văn học hải ngoại người Việt sinh sôi và phát triển tương đối mạnh mẽ so với cộng đồng người Việt tại các quốc gia khác. Chẳng hạn, cả hai đều đăng truyện của mình trên Tạp chí Văn học, Hoa Kỳ; Ngô Nguyên Dũng nằm trong ban biên tập của tạp chí Làng văn, Canada. Đó là chưa kể, cả hai tác giả đều là hội viên của Trung tâm Âu châu thuộc Văn bút Việt Nam hải ngoại. Việc giao lưu cộng tác với một trong những thị trường văn học hải ngoại sôi động bậc nhất phần nào cho thấy nhu cầu hội nhập của các nhà văn này, mặt khác phản ánh khuynh hướng sáng tác, thậm chí là thiên hướng chính trị thể hiện trong sáng tác của họ. Trong khi cả hai tập truyện được xuất bản tại Hoa Kỳ vào năm 1988 là Dòng chữ tâm tình[14] (Văn Nghệ) và Mười hai hoa cúc[15] (Văn Lang) của Ngô Nguyên Dũng thể hiện rõ cảm thức hoài niệm về quê hương đã mất (một đặc điểm nổi bật của văn chương lưu vong thời kì đầu), tập truyện Thằng người có đuôi của Thế Giang lại bộc lộ khuynh hướng chống cộng cực kì rõ nét.

Ở đây cần lưu ý Thế Giang hay Ngô Nguyên Dũng không phải là những trường hợp duy nhất xuất bản sách tại nước ngoài. Ngược lại, ngoại trừ tác giả Thế Dũng, người có công ty in ấn và xuất bản riêng VIPEN thành lập vào năm 2010, vô số các tác giả người Việt tại Đức xuất bản và in sách tại một quốc gia khác. Chẳng hạn, Thế Giang và Ngô Nguyên Dũng in sách tại Hoa Kì; Ngô Nguyên Dũng in sách tại Hoa Kì và Canada; Lê Minh Hà, Nguyễn Văn Thọ, Lê Xuân Quang in sách tại Việt Nam; Thế Dũng, trước khi thành lập công ty riêng, cũng in sách tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc chọn lựa địa điểm in sách không chỉ là bài toán về kinh tế. Hẳn nhiên, chi phí in sách tại Đức, vốn không rẻ và không dễ tiếp cận đối với đa số các tác giả người Việt, cũng là một nguyên nhân. Quan trọng hơn, chọn lựa nơi in sách cũng chính là chọn lựa thị trường tiêu thụ sách, điều rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến đề tài thể hiện và phong cách sáng tác của người viết sao cho phù hợp với thị hiếu của độc giả. Một cộng đồng người Việt hải ngoại đông đúc tại Hoa Kỳ, đa phần ra đi từ sau năm 1975 với rất nhiều nguyên nhân, hẳn nhiên sẽ kì vọng được đọc những tác phẩm phản ánh tâm tư và nguyện vọng của những người ra đi (nhóm các tác phẩm viết về đề tài kí ức, hoài niệm); hoặc ít ra sẽ là những tác phẩm phác thảo cuộc sống miền Nam trước thời khắc lịch sử 1975 (nhóm tác phẩm viết về đề tài phong tục, hay văn chương miệt vườn). Trong khi đó, các tác giả không phải thuyền nhân lại tập trung mô tả cuộc sống nơi trú xứ lẫn kinh nghiệm sinh sống tại Việt Nam trước khi họ di cư nhằm mang lại một món ăn tinh thần mới mẻ cho độc giả trong nước. Sự khác biệt về đề tài cũng dẫn đến sự khác biệt trong những biểu hiện về kí ức và căn tính mà tôi sẽ phân tích trong phần sau.

Giai đoạn phát triển thứ hai, được xem là giai đoạn phát triển rầm rộ hơn so với giai đoạn đầu, bắt đầu từ cuối năm 1980 đầu 1990 cho đến nay. Trong đó, giai đoạn từ 1990 đến 2010 văn học Việt tại Đức có sự phát triển đa dạng về đề tài, thể loại lẫn phong cách viết. Bên cạnh các tác giả có yếu tố tị nạn, không thể không kể đến sự xuất hiện của nhóm các tác giả vốn là công nhân hợp tác, bên cạnh đó là các tác giả sang Đức dạng đoàn tụ gia đình. Sự sụp đổ của Bức tường Berlin là một biến cố lịch sử làm thay đổi hoàn toàn đời sống người Việt và là căn nguyên hình thành nhóm cộng đồng người Việt thứ hai tại Đức. Do đó, cuộc sống người Việt tại Đức trước và sau năm 1990 trở thành mảng đề tài chính của các tác giả vốn là công nhân hợp tác. Tiêu biểu trong số này gồm có Nguyễn Văn Thọ với Quyên, Lê Xuân Quang với các tập truyện ngắn (Những mảnh đời phiêu bạt (2002), Những số phận không định trước (2003), Dòng xoáy cuộc đời (2004), Đùa với lửa (2005) và Canh bạc cuộc đời (2005), Thế Dũng với Hộ Chiếu buồn, Một nửa lá số, Tình cuội, Đỗ Trường với Không bao giờ thành sẹo; Nguyễn Hoài Phương với Chuyện đồng hương. Ngược lại, một số cây bút nữ sang Đức diện đoàn tụ gia đình (trường hợp Lê Minh Hà) hay sinh sống tại Đức trên dưới 20 năm (trường hợp Đoàn Minh Phượng) thay vì quanh quẩn với việc mô tả cuộc sống sinh hoạt cộng đồng Việt tại Đức, lại lựa chọn Việt Nam làm cảm hứng sáng tác (trường hợp của nhà văn Lê Minh Hà với Trăng goá, 1998; Gió biếc 1999, Thương thế ngày xưa 2001; Những giọt trầm, 2002; Gió tự thời khuất mặt, 2005; Sâm cầm, 2004; Truyện cổ viết lại, 2006, Phố vẫn gió, hay thậm chí là thân phận con người hay ý nghĩa của sự tồn tại (như trường hợp của Đoàn Minh Phượng trong Và khi tro bụi, Mưa ở kiếp sau). Sách của các tác giả trong giai đoạn này chủ yếu được in ấn và xuất bản tại Việt Nam (trường hợp của Nguyễn Văn Thọ, Lê Xuân Quang, Lê Minh Hà, Đoàn Minh Phượng, Thế Dũng). Ngoài ra, vào năm 2010 Thế Dũng thành lập công ty xuất bản và phát hành sách riêng VIPEN, nơi in ấn chính sáng tác và sách dịch của chính tác giả cho đến nay.

Đối với nhóm tác giả lưu vong, Viên Giác vẫn là cơ sở xuất bản đáng tin cậy của các nhà văn tị nạn tại Đức. Giai đoạn từ năm 1990 trở đi, nơi đây tiếp tục in ấn rất nhiều tác phẩm của các nhà văn tị nạn, từ những tác giả đã từng được in sách tại đây đến các tác giả mới. Ví dụ, Vũ Nam với Nơi cuối dòng sông (1994), Câu chuyện từ con tàu Cap Anamur (1997); Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa với Như cánh chuồn chuồn (2001), Tập san Văn bút châu Âu 2 và 3 (1994,1996), Tuyển tập viết về châu Âu (2003), Tuyển tập thơ Viên giác (), Những cây bút nữ 1 và 2 (2008, 2014). Ngoài Viên Giác, các tác giả người Việt tại Đức có sách được in ấn tại nước ngoài trong thời gian từ 1990s trở đi gồm có Vũ Nam với Bên này bức tường Bá Linh (Miệt vườn, 1993), Một đêm ở Geneve (Làng Văn, 2004), Hoa Liên Kiều (Làng Văn, 2008), Quê người nhớ quê nhà (Cỏ thơm, 2016), Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa với Con đường cũ (Thất sơn châu Đốc, 2007), Hoa Lan với Một lần cho trăm năm (Hương Sen, 2006), Lửa tình và lửa tam muội (), Đan Hà với Tìm trong yêu dấu, Văn Công Tuấn với Cổ thụ lặng bóng soi Dấu ấn những bậc thầy, Trúc Giang với Tình yêu nuôi tôi lớn (Bạn Văn, 1999), Đây kia mưa nắng, Huy Giang với Những nụ hồng, Đan Hà &Huy Giang với Nỗi nhớ, Ngô Nguyên Dũng với Tiếng núi (Làng văn, 1992), Chuông đêm (Làng văn, 1992), Gia đình cún (Làng văn, 1994), Âm bản (Minh Văn, 1994), Khung cửa nắng (Văn học, 2000), Hòn còng lửa (Văn mới, 2002), Ngôn ngữ tuyết (Quyên Book, 2006), Núi đoạn sông lìa (Nhân Ảnh, 2017).

Mặc dù cho đến nay, một số tác giả vẫn tiếp tục ra sách mới, như trường hợp của Ngô Nguyên Dũng với tiểu thuyết Ngàn năm trong khonh khc (2018) được sáng tác bằng tiếng Đức với mong muốn mở rộng đối tượng độc giả người bản xứ, qua đó là nỗ lực hoà mình vào văn học dòng chính, văn học người Việt tại Đức đang ở giai đoạn chững lại. Đây là tình trạng chung không chỉ của văn học người Việt tại Đức mà còn của văn học người Việt tại hải ngoại. Với sự phát triển của internet và phương tiện truyền thông, thêm vào đó, khi việc hồi hương đã trở nên phổ biến hơn trước, rõ ràng là cộng đồng di dân nói chung không bị buộc phải dựa vào văn chương như một món ăn tinh thần duy nhất. Không những thế, sự giao lưu tiếp biến qua lại giữa tác phẩm văn học trong nước và văn học hải ngoại, một mặt mang đến cho người đọc nhiều sự lựa chọn hơn để thoả mãn nhu cầu đọc, mặt khác lại tạo nên áp lực to lớn cho các tác giả người Việt tại hải ngoại nhằm viết không những phải hay mà còn phải hợp thời. Tuy vậy, như nhà văn Nguyễn Mộng Giác nhận xét, tự do tiếp cận và lĩnh hội thông tin chính là một trong những lợi thế lớn lao của người viết tại hải ngoại: “Những điều mắt thấy tai nghe, những sách báo đã đọc, những nếp sống phong tục của các dân tộc được tiếp xúc, những kho tài liệu đa dạng và phong phú về đủ mọi vấn đề… đã mở rộng tầm mắt và kiến thức cho người cầm bút tại hải ngoại, một điều mà những đồng nghiệp ở trong nước không có”[16] Vì vậy, sự thay đổi về điều kiện sáng tác vừa là thử thách vừa là điều kiện để văn học hải ngoại nói chung, và văn học người Việt tại Đức nói riêng chuyển mình và phát triển theo hướng mới, qua đó tiến đến gần hơn với văn học thế giới.

3.      Biu hin kí c và căn tính trong văn hc di dân ca người Vit ti Đc

Diasporá (tiếng Hy Lạp, tạm dịch là “di dân”) bắt nguồn từ động từ diaspeirein, kết hợp giữa “dia”, (hơn hoặc xuyên qua) và “speirein” (phân tán hoặc gieo rắc). Về cơ bản, di dân đề cập đến sự phân tán hoặc phát tán. Theo nghĩa gốc Hy Lạp, di dân tập trung vào quá trình hủy diệt, “sự phân hủy vật chất và sự phân rã thành những phần nhỏ hơn”.[17] Sự phá huỷ Jerusalem và sự sụp đổ của Đền thờ Thứ nhất (960 TCN-586 TCN) được đa số học giả đồng tình là thời điểm bắt đầu những trải nghiệm di cư của người Do Thái.[18] Các sự kiện thảm khốc này đã tạo ra các đặc điểm trung tâm trong những tự sự về người Do Thái là nô lệ, di dân, lưu đày và khao khát được trở về nhà.

Như thể hiện trong trường hợp của người Do Thái, khái niệm di dân thuở ban đầu có liên quan chặt chẽ tới sự phân tán từ những vị trí địa lý ban đầu, nỗi khao khát và sự trở về. Ví dụ kinh điển của người Do Thái, nơi mà sự phân tán mang tính chất cưỡng bức và sự trở về là bất khả, nhấn mạnh vào khái niệm nhà đi liền với khái niệm “gốc rễ, đất đai và những mối quan hệ thân thiết”,[19] nhấn mạnh vào nỗi hoài niệm và sự mất mát. Từ ý nghĩa ban đầu này, khái niệm di dân đã được mở rộng cùng với quá trình di cư toàn cầu để lí giải những kinh nghiệm của người di dân trong khuôn khổ của khái niệm lưu vong, kết nối và trở về. Dù trùng lắp phần nào với những nghiên cứu liên ngành cũng tập trung vào các tiến trình di dân xã hội, chẳng hạn như nghiên cứu di dân và tị nạn, nghiên cứu hậu thuộc địa và toàn cầu hóa, di dân tự phân biệt ở “mối liên hệ giữa quê hương và nước sở tại được tạo ra bởi các chủ thể di động, bao gồm cả viễn cảnh định cư lâu dài cả trong và ngoài nước.”[20] Mối liên hệ với quê hương được hiểu là “một sự ràng buộc mạnh mẽ và luôn tái tạo với quá khứ”,[21] điều này cũng được Robin Cohen tuyên bố là một điều kiện cần để nảy sinh ý thức di dân. Nhà và sự kết nối với quê nhà của các cộng đồng phân tán đã được xác nhận là đặc điểm chính bởi các học giả, dẫu họ chọn cách tiếp cận cộng đồng từ những góc độ và quan điểm khác nhau.

Trong trường hợp văn chương người Việt tại Đức, quê nhà và những kí ức về quê hương là những đề tài chủ đạo được hầu hết các tác giả khai thác. Với các tác giả là thuyền nhân hoặc người tị nạn, kí ức về quê nhà được khắc hoạ thông qua những trải nghiệm đen tối của hành trình vượt biên hay sang chấn tâm lí, những nỗi niềm nhung nhớ và luyến tiếc về phong cảnh hay văn hoá Việt trước khi họ ra đi. Với các tác giả là cựu công nhân hợp tác hay sang Đức diện đoàn tụ gia đình, quê hương được mô tả vừa chất chứa yêu thương lẫn những niềm nuối tiếc trước sự đổi thay của đất nước và tâm tính con người.

Kinh nghiệm di cư bằng thuyền và sinh sống trong trại tị nạn là một trong những đề tài nổi bật của văn học và nghệ thuật của người di dân Việt, góp phần quan trọng trong việc hình thành căn tính di dân của cộng đồng hải ngoại.[22] Kinh nghiệm chấn thương của thuyền nhân người Việt khi vượt biên và sinh sống trong trại tị nạn cũng trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều học giả.[23] Đồng thời, nhiều văn khố về thuyền nhân người Việt được thiết lập[24] và những tượng đài thuyền nhân người Việt được dựng nên tại Hoa Kỳ, Canada, Australia hay Đức. Những tư liệu này là những nỗ lực quý báu của những người sống sót và có quan tâm nhằm lưu giữ những kinh nghiệm hãi hùng của thuyền nhân người Việt, bày tỏ lòng xót thương tới những người đã khuất và bày tỏ lòng tri ân với nơi trú xứ, nơi cưu mang những người di dân Việt. Dù được ghi lại dưới hình thức nào, tất cả tư liệu trong văn khố, tư liệu phim ảnh và văn chương đều là những di sản văn hoá của người Việt di dân, góp phần lý giải sự hình thành căn tính Việt hải ngoại.

Trong trường hợp văn học của thuyền nhân người Việt tại Đức, kinh nghiệm vượt biên bằng đường biển và sinh sống tại các trại tị nạn trở thành một đề tài quen thuộc của những cây bút có chung mục đích và phương tiện thoát thân. Trong Cơn sốt giữa đêm (tập Lão Hũ Chìm, Phù Vân), Giao mùa (tập Những nụ hoa bần, Huy Giang), Bế tắc (tập Văn bút Âu châu 3, Trần Phong Lưu), đặc biệt là Nơi cuối dòng sông[25], Câu chuyện từ con tàu Cap Anamur[26] (Vũ Nam), hành trình vượt biên bằng đường thuỷ được tái hiện với nhiều chi tiết gây ám ảnh. Nhân vật chính Nhân trong Nơi cuối dòng sông tìm cách đào thoát bằng đường biển, bị bắt lại, rồi lại tìm cách đào thoát lần 2. Câu chuyện từ con tàu Cap Anamur lại xoay quanh cuộc sống vô định, mất phương hướng của Hạnh, cô nữ sinh mười tám tuổi hay Sương bất hạnh vì bị hải tặc hãm hiếp trên trại tạm cư Palawan. May mắn có thể đến với Hạnh, Sương trong tiểu thuyết khi họ được tàu Cap Anamur cứu và cập bến an toàn. Tuy nhiên, vết tích từ những trải nghiệm vượt biên bằng đường biển khó có thể được bôi xoá dẫu là bằng việc cập bến an toàn hay cuộc sống định cư đầy đủ nơi xứ người.

Trong các truyện ngắn của mình, nhà văn Ngô Nguyên Dũng đã minh hoạ cái giá của hành trình di dân không chỉ là sự đau đớn về thể xác mà còn là những chấn thương trong tinh thần. Khi viết về hành trình vượt biên, tác giả đặc biệt tập trung vào hệ luỵ tinh thần mà người tị nạn đã đương đầu, nổi bật là các trạng thái câm lặng, cáu gắt, gặp ác mộng hoặc ám ảnh bởi kí ức.[27] Trong số các tập truyện ngắn của mình, tập truyện ngắn Mười hai hoa cúc[28] (Văn Lang, 1988) là tập sách ghi lại nhiều nhất các kinh nghiệm vượt biên bằng đường biển và sinh sống trong trại tị nạn. Ngoài ra, rải rác trong các tập Dòng chữ tâm tình[29] hay Tiếng núi[30], những sang chấn tâm lý của người tị nạn như là hệ luỵ của quá trình vượt biên cũng được Ngô Nguyên Dũng mô tả và phân tích. Những kinh nghiệm vượt biên bằng đường biển được mô tả trong tác phẩm của Ngô Nguyên Dũng có đặc điểm đáng lưu ý. Chúng thường được kể lại hay hồi tưởng bởi người kể chuyện ở ngôi thứ ba. Cách thức mô tả kinh nghiệm vượt biên bằng đường biển này của Ngô Nguyên Dũng xuất phát từ thực tế tác giả không phải là thuyền nhân vượt biển sang Đức mà là cựu sinh viên du học. Những kinh nghiệm vượt biên bằng thuyền, vốn không phải là kinh nghiệm thực tế của ông, được miêu tả lại bằng sự thấu hiểu bi kịch của dân tộc và sự đồng cảm với tình cảnh khó khăn của đồng bào. Điều này đã được tiết lộ khéo léo qua tâm sự của nhân vật Du trong truyện ngắn Soi vùng kí ức (tập Mười hai hoa cúc). Là một nhà văn, việc viết về hoàn cảnh khốn cùng của người tị nạn Việt Nam được Du xem như một “món nợ”, thứ thỉnh thoảng lại “sưng tấy lên như vết thương chưa chữa dứt nọc, gặp mùa lại nhức nhối.”[31]Do đó, những trang viết của Ngô Nguyên Dũng tuy không mang giá trị như một tư liệu lịch sử xác thực nhưng vẫn hé lộ mức độ đồng cảm của một người di dân trước hoàn cảnh hiểm nghèo của những thuyền nhân người Việt.

Những kí ức về quê nhà không chỉ xoay quanh những trải nghiệm kinh hoàng về quá trình vượt biên hay sinh sống trong trại tị nạn. Quê hương Việt Nam trở thành không gian sáng tạo của hầu hết các tác giả Việt Nam tại Đức, nếu không muốn nói rằng đây là một trong những không gian cốt lõi của văn học người Việt tại Đức. Tùy thuộc vào mức độ gắn kết giữa tác giả và một khu vực hoặc địa điểm cụ thể ở Việt Nam mà quê hương được mô tả trong một tác phẩm chất chứa nhiều yêu thương hay ám ảnh. Thông thường, bối cảnh của miền Nam hoặc miền Bắc Việt Nam được phản ánh trong tác phẩm có liên quan đến nguồn gốc xuất thân của nhà văn. Chẳng hạn, Hà Nội trở thành không gian văn học trong các tác phẩm của các tác giả miền Bắc như Lê Minh Hà, Nguyễn Văn Thọ, Phạm Thị Hoài hay Mai Lâm. Trong khi đó, các nhân vật trong truyện của các nhà văn miền Nam Việt Nam như Ngô Nguyên Dũng (Canh bạc, tập Âm bản), Vũ Nam, Huy Giang (Nước mặn, Còn đây kỷ niệm, Những nụ hoa bần), Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa (Như cánh chuồn chuồn) lại sinh sống và hành xử trong không gian đô thị ở Sài Gòn, Nha Trang hay miền Tây Nam Bộ. Nói chung, đặc điểm đầu tiên của văn học người Việt là tính địa phương.

Bên cạnh việc viết về quê hương như là nơi chôn nhau cắt rốn, sự tái hiện hình ảnh Việt Nam trong văn học Việt tại Đức bị ảnh hưởng bởi các yếu tố địa chính trị. Cụ thể, các tác giả tập trung vào các giai đoạn lịch sử nhất định khi hồi tưởng về Việt Nam. Thời kỳ phổ biến nhất được mô tả bởi hầu hết các nhà văn là thời hậu chiến, trùng với sự ra đi của các tác giả ở cả hai miền Bắc và Nam Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Lê Minh Hà, Nguyễn Văn Thọ, Đỗ Trường hay Mai Lâm dành nhiều tình cảm về quê hương thì Phạm Thị Hoài hay Thế Giang lại phơi bày một bức tranh về Hà Nội xấu xí, bộc lộ cái nhìn bi quan về tương lai của đất nước. Với nhóm các tác giả khởi hành từ miền Nam, năm 1975 được coi là một dấu mốc lịch sử đánh dấu sự thay đổi trong quan điểm chính trị và nhận thức của các nhà văn. Theo hướng này, có thể đoán được Việt Nam Cộng hoà trước năm 1975 sẽ được nhắc đến với ít nhiều tiếc nuối trong một số tác phẩm. Vì vậy, đặc điểm thứ hai của văn học Việt Nam khi viết về quê hương là tính chính trị. Tính chính trị thể hiện rõ nhất qua các tác phẩm viết về chủ đề chiến tranh. Chẳng hạn, Nguyễn Văn Thọ viết về chiến tranh Việt Nam dưới lăng kính của những người lính cộng sản, chiến đấu vì chính nghĩa. Hình ảnh những người lính Việt Nam trong truyện ngắn Ngọn lửa, Ám ảnh (tập Vàng xưa), Phố cũ, Vô danh trận mạc (tập Thất huyền cầm), 30-4 Anh ở đâu (tập Mưa thành phố), Lời hứa của chiến tranh (tập Sẫm Violet) đặc trưng bởi những nét tính cách nổi bật như lòng dũng cảm và sự hy sinh cho sự nghiệp giải phóng. Ngược lại, Vũ Nam mô tả chiến tranh Việt Nam dưới góc nhìn của những người Cộng hòa, hay từ góc độ của phe chiến bại. Do đó, cuộc sống của người dân miền Nam thời hậu chiến bị mô tả là trong thế khốn khó và lầm than.

Sự thống nhất giữa Đông và Tây Đức và hiện tượng di dân vì nhiều nguyên nhân của cộng đồng người Việt tại Đức đánh dấu sự quá trình chuyển hoá của nền văn học người Việt tại Đức. Từ việc xuất phát điểm là văn chương của những người tị nạn, văn chương người Việt đã có sự góp mặt của các cây ra đi không đơn thuần là bất đồng chính kiến với chính quyền cộng sản. Nhóm các nhà văn là công nhân hợp tác đa phần sẽ thuộc vào trường hợp như vậy. Các tác giả tiêu biểu có thể kể đến là Lê Xuân Quang, Nguyễn Văn Thọ, Thế Dũng, Đỗ Trường, Văn Tất Thắng, Mai Lâm, Nguyễn Công Tiến. Nhìn chung, phong cảnh, phong tục tập quán và ẩm thực Việt Nam được đa số các nhà văn này mô tả với rất nhiều thiện cảm. Ví dụ là các truyện ngắn của Nguyễn Văn Thọ như Làng bên sông, Miếu ông Bổi, Hà Nội hoa Mưa thành phố, Chuyện tình của cha tôi; Đỗ Trường với Đêm giao thừa nghĩ về mẹ, Phượng ơi đừng nở nữa; Mai Lâm với Từ xa Hà Nội,  Xa rồi ngày xanh. Đặc biệt, một số ít các tác phẩm tập trung vào hành trình xuất ngoại của người Việt sau thời kì đổi mới đã cho thấy biểu hiện mới của căn tính. Các tiểu thuyết Một nửa lá số, Hộ chiếu buồn của Thế Dũng, Quyên của Nguyễn Văn Thọ là những tác phẩm tiêu biểu mô tả những hành trình xuất ngoại này.

Thế Dũng, một công nhân hợp tác lao động, đã mô tả hành trình xuất ngoại từ Việt Nam sang Cộng hoà liên bang Đức trong hai tiểu thuyết Một nửa lá sốHộ chiếu buồn. Sinh năm 1954 tại Tuyên Quang, Thế Dũng từng là một người lính lái xe trong quân đội Việt Nam từ​​ năm 1971 đến 1976. Sau chiến tranh, ông là sinh viên chuyên ngành văn học tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1989, ông sang Đức với tư cách là công nhân hợp tác. Ông bắt đầu viết từ năm 1974 với nhiều thể loại: thơ, truyện, tiểu thuyết, tiểu luận phê bình. Các tác phẩm chính của ông bao gồm năm tập thơ: Hoa hồng đến muộn (1990), Người phiêu bạt (1992), Mùa xuân dang dở (2003), Tự vấn (2003), Từ tâm (2005); và năm tiểu thuyết Tiếng người trong đá Giáp Sơn (1993), Chuyện tình dang dở (2000), Hộ chiếu buồn (2003), Tình Cuội (2006), Một nửa lá số (2009). Các tiểu thuyết của ông xoay quanh cuộc đấu tranh sinh tồn của con người trong xã hội Việt Nam thời hậu chiến. Chẳng hạn, hai tiểu thuyết Một nửa lá số[32] và Hộ chiếu buồn[33] phản ánh số phận của một thế hệ trí thức vào những năm 1980. Nhận thấy sự bất cập trong xã hội Việt Nam, nơi địa vị xã hội được tôn trọng hơn năng lực cá nhân, các nhân vật chính khai thác lỗ hổng pháp lý để trục lợi cho bản thân. Lợi ích ở đây là một chuyến đi làm công nhân ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc các nhân vật chính coi Đông Đức như một “thiên đường xã hội chủ nghĩa” khi đất nước này đang ở vào giai đoạn tàn lụi của nó gợi lên một sự trớ trêu của số phận. Đồng thời, cách nhân vật chính sử dụng bất kỳ thủ đoạn nào để được đi nước ngoài đặt ra câu hỏi về sự suy thoái không chỉ của nền kinh tế quốc dân mà còn cả căn tính cá nhân.

Những biểu hiện về sự hình thành căn tính không chỉ được hé lộ qua những tự sự về sự ra đi, như trường hợp tác phẩm của Thế Dũng mà còn qua những tự sự về sự trở về, như trường hợp tiểu thuyết của Nguyễn Văn Thọ. Tiểu thuyết Quyên[34] mô tả hành trình vượt biên của nhân vật Quyên từ Việt Nam sang Nga và từ đó sang Đức. Trong quá trình vượt biên, Quyên rơi vào tay Hùng, kẻ dẫn đầu đoàn vượt biên; cô bị bắt giữ và cưỡng hiếp dẫn đến việc có thai. Về sau, Hùng nảy sinh tình cảm với Quyên và để cô tự do ra đi. Việc đoàn tụ với chồng tại Đức không diễn ra suôn sẻ, Quyên bị chồng ruồng bỏ, khiến cô phải tự lực mưu sinh nơi xứ người. Dẫu vậy, cuối cùng Quyên cũng tìm được một người đàn ông ngoại quốc yêu thương cô thật lòng và cùng nhau xây dựng tổ ấm. Trước cái chết của Hùng, Quyên quyết định đưa xác anh về nước và an táng tại quê hương. Cách thức nhân vật Quyên được xây dựng như một hình mẫu nhân vật hoàn hảo xét về mọi khía cạnh khiến cho các biểu hiện về tâm lí, qua đó là căn tính của nhân vật thiếu sức thuyết phục. Quyên được mô tả là cô gái xinh đẹp với những nét tính cách nổi bật như chăm chỉ, thuỷ chung và lương thiện. Quyên thực sự yêu chồng dù anh không thể thông cảm cho cô. Trong mối quan hệ với Hùng, Quyên đóng vai trò là người cảm hoá anh. Thời gian sống với Quyên là thời gian Hùng trở về với bản tính tốt của mình. Ngay cả khi có quan hệ tình dục với Phi, chủ quán ăn nơi Quyên làm việc, hành động này của Quyên vẫn được giải thích là hành động trả ơn. Căn tính người di dân không thể là thực thế bất biến và vĩnh hằng như cách thức Nguyễn Văn Thọ xây dựng nhân vật Quyên. Ngược lại, căn tính của người di dân cần được nhìn nhận là quá trình tương tác và biến đổi trong bối cảnh mà nó được hình thành. Việc tác giả xây dựng một hình mẫu phụ nữ Việt Nam sở hữu những đặc tính điển hình của người con gái Việt, đặc biệt là khi những nét tính cách này bất biến qua thời gian và không gian, cho thấy tác giả không có ý thức nhiều về những tác động của các yếu tố xã hội đối với sự hình thành bản sắc văn hoá của mỗi cá nhân.

Ngoài ra, các tự sự về sự ra đi và trở về của các nhà văn là công nhân hợp tác tại Đức, mà Thế Dũng và Nguyễn Văn Thọ là hai ví dụ được nêu ra ở đây, cũng hé lộ tính phân tán của cộng đồng người Việt tại Đức. Căn tính đã từng bị dán nhãn như một tập thể Việt “công nhân hợp tác”, “thuyền nhân”, ‘người Bắc năm 1954”, “người Bắc năm 1975”, “người Sài gòn”. Cùng với các nhãn này là một tập hợp các giá trị tiêu chuẩn, ít nhiều hàm chứa những định kiến nhất định. Ví dụ, trong trường hợp người Việt Nam ở Đức, hai nhóm cộng đồng lớn nhất là công nhân hợp tác và thuyền nhân được dán nhãn như sau: công nhân hợp đồng – người bắc Việt Nam - ủng hộ chủ nghĩa cộng sản – không hội nhập; thuyền nhân – người miền Nam - chống cộng - hội nhập. Tuy nhiên, trường hợp của hai nhà văn trên có thể cho thấy căn tính không phải là một thực thể cố định, một chiều mà liên tục sao chép và biến đổi. Như Stuart Hall đã định nghĩa: “ Có lẽ thay vì nghĩ về bản sắc là một thực tế đã hoàn thành, mà thực tiễn văn hóa mới đại diện, chúng ta nên nghĩ về căn tính như một “sản phẩm”, thứ không bao giờ dứt, luôn luôn trong quá trình, và luôn luôn được cấu thành bên trong, chứ không phải bên ngoài, sự đại diện.”[35] Cách hiểu về căn tính này của Hall cho phép chúng ta nhận ra sự điều chỉnh văn hóa và xã hội của các thành viên trong một cộng đồng  mà ở đó sự đồng hoá có thể là biểu hiện hoà nhập lúc ban đầu. Trong quá trình tồn tại và thích nghi, các thành viên này cũng tạo ra những sự trộn lẫn riêng phụ thuộc vào hoàn cảnh của họ. Quá trình này của chủ thể di dân tạo ra những căn tính lai ghép và không gian ở giữa. Qua đó, người di dân không chỉ là kẻ khác so với người bản địa mà còn với các thành viên cùng chung một cộng đồng di dân.

Bên cạnh các nghiên cứu trước đây về hiện tượng di dân, vốn coi di dân như là một hình thái xã hội liên quan đến sự phân tán địa lý, các nghiên cứu gần đây đã tập trung vào những trải nghiệm của cá nhân dưới áp lực của các quá trình di dân. Hướng tiếp cận mới mang tính mở rộng này tập trung vào sự hình thành các chủ thể tính đặc thù dựa trên những trải nghiệm của sự phân tán. Di dân được hiểu vừa là điều kiện của chủ thể và vừa là trạng thái tinh thần. Quê nhà và ý tưởng trở về nhà do đó được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Di dân như một điều kiện của tính chủ thể được Lily Cho khẳng định chắc chắn, ngụ ý rằng ý nghĩa của di dân không thể được hiểu bên ngoài chủ thể tính và sự hình thành chủ thể. Bà cho rằng di dân xuất hiện trong quá trình nhận thức sâu sắc mang tính chủ quan về kí ức chủng tộc, về sự đau buồn vì những mất mát không thể nói nên lời và những nỗi khao khát nằm bên rìa của sự khả thể.”[36] Cho cũng nhấn mạnh đến vai trò của sự phân tán mang tính chấn thương như một điều kiện của việc di dân. Tuy nhiên, di dân không nhất thiết bao gồm việc di chuyển giữa các quốc gia. Thay vào đó, những trải nghiệm chủ quan phụ thuộc nhiều hơn vào kinh nghiệm và kí ức của việc trở nên không có quê hương: “Sống di dân là bị ám ảnh bởi những lịch sử ngồi không thoải mái, đi trước thời đại và cũng đi sau nó. Đó là cảm giác râm ran phía sau gáy và biết rằng có điều gì đó không hoàn toàn đúng về nơi bạn đang ở hiện tại, nhưng đến bây giờ thì bạn cũng không thể rời đi. Không quê hương là cả quá trình. Vô hương là tình trạng lưu vong trong ý thức.”[37]

Paul Gilroy cũng chú ý nhiều đến những trải nghiệm di cư của các cá nhân. Bản sắc di dân, điều được tái tạo thông qua những trải nghiệm di cư mang tính ép buộc này, “ít tập trung vào lãnh thổ chung mà nhiều hơn vào ký ức, hay chính xác hơn là về tính năng động mang tính xã hội của việc nhớ và tưởng niệm.”[38] Ý thức ở giữa ở nơi cư trú và nơi thuộc về cũng gây ra căng thẳng “giữa ý thức phân tán và liên kết với các cấu trúc và phương thức quyền lực hiện đại đặc biệt được phối hợp bởi sự phức tạp về thể chế của các quốc gia.”[39] Ở đây, khái niệm về di cư của Gilroy tương đồng với Clifford trong cách nhìn nhận quốc gia- dân tộc là phương tiện để chấm dứt di dân. Một khi có khả năng thoả hiệp với đất nước sở tại hay quê nhà, theo đó là khả năng đồng hoá hay trở về, di dân sẽ chuyển thành một trạng thái lưu vong thuần tuý.[40] Tính chủ quan của cá nhân cũng được nhắc đến trong định nghĩa của Dibyesh Anand về di dân. Di dân đề cập đến những “tập thể mà ở đó các chủ thể bị đánh dấu bằng sự mơ hồ, nhầm lẫn, lo lắng, một lực kéo từ các hướng khác nhau, tất cả đều tạo ra sự nhận thức quá mức và không phải là cảm giác hối tiếc mang tính chủ đạo.”[41]

Nói tóm lại, tách rời khỏi sự liên kết ban đầu của nó với lãnh thổ, di dân như loại ý thức hiện đang được các học giả tiếp cận thông qua sự tập trung vào trạng thái của tâm trí và ý thức về bản sắc hay căn tính. Trong văn chương người Việt tại Đức, Lê Minh Hà và Đoàn Minh Phượng là hai tác giả có khuynh hướng xây dựng nhân vật trong thế lưỡng biên. Nhân vật trong các tiểu thuyết của hai tác giả này cũng thực hiện những cuộc hành trình, hoặc ra đi (như nhân vật của Đoàn Minh Phượng trong Và khi tro bụi, Mưa ở kiếp sau); hoặc trở về (như nhân vật của Lê Minh Hà Gió tự thời khuất mặt, Phố vẫn gió) như một phép thử nhằm tái tạo kí ức và định vị bản sắc. Di dân như được minh hoạ trong các tác phẩm này vừa được hiểu là hình thái xã hội vừa được hiểu là dạng nhận thức.

Nhà văn Lê Minh Hà sang Đức diện đoàn tụ gia đình, hiện đang sinh sống tại Berlin, Germany. Nếu không kể đến một số truyện ngắn viết về đề tài người Việt tại Đức, tiêu biểu là các truyện trong tập Những gặp gỡ không ngờ, có thể nói bối cảnh chính và cả nhân vật chính trong truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn của Lê Minh Hà luôn luôn là Hà Nội. Ý hướng chọn Hà Nội làm ngọn nguồn sáng tác cũng được xác nhận trong email trao đổi giữa tôi và nhà văn Lê Minh Hà, dù thời gian bà sống tại Hà Nội không nhiều bằng thời gian sinh sống tại Đức.[42] Nếu không kể đến không gian cư ngụ hiện tại của bà mà chỉ đọc sáng tác Lê Minh Hà, chẳng hạn trong hai tiểu thuyết Gió tự thời khuất mặtPhố vẫn gió, người ta thậm chí có thể cảm thấy cái nôn nao của Hà Nội thời chuyển đổi cơ chế, cái bức bối của những không gian sống chật chội, hôi hám, cái ngọt ngào của Hà nội mùa sấu rụng, cái tê tái của Hà Nội vào một sớm mùa đông. Không gian Hà Nội trong văn chương Lê Minh Hà thậm chí còn Hà Nội hơn chính bản thân cái đô thị ấy ở vào thì hiện tại. Việc lựa chọn Hà Nội làm không gian văn chương trong sáng tác của Lê Minh Hà, một biểu hiện vốn hay được diễn dịch là đặc tính hoài niệm của một người xa quê, rõ ràng chưa đủ để xác định một tác phẩm là văn chương di dân. Khi không gian nước Đức chưa đủ sức chen chân để trở thành ngọn nguồn sáng tác chính so với không gian Việt, điều gì phân biệt Lê Minh Hà là nhà văn di dân so với các nhà văn Việt Nam cũng viết về đề tài Hà Nội?

Với lợi thế là một người ở ngoài nhìn về quê hương, vị trí là một người di dân cho phép Lê Minh Hà nhìn về Hà Nội bằng cái nhìn so sánh, đối chứng và thể hiện một Hà Nội vừa gần gũi mà lại vừa xa xôi. Trong một bài phỏng vấn, Lê Minh Hà nhận xét cuộc sống hơn 20 năm tại Đức chính là khoảng thời gian chiêm nghiệm về con người và mảnh đất Hà Nội: “Chính cuộc sống 20 năm đó lại cho phép tôi hiểu một cách kỹ càng hơn về mảnh đất này, mảnh đất mà nói như Nguyễn Huy Tưởng là cần phải sống cùng với nó, sống mãi với Thủ đô. Mà nó lạ lắm, những nhận thức sách vở nọ kia lại không động chạm đến tôi đâu, mà là cái đời sống bên kia từng ngày từng giờ một, như một người dân rất bình thường (bên kia tôi là “osin không lương”), nhưng chính đời sống đó lại giúp tôi hiểu về những cái tôi đã từng đi qua ở Hà Nội”[43]Ngay cả nhân vật trong tiểu thuyết của Lê Minh Hà cũng chính là bản sao của bản thân tác giả, người đi giữa Hà Nội mới mà lòng vẫn nhung nhớ về một Hà nội xưa. Cũng giống như tác giả, nhân vật của cô là một người xê dịch. Đau khổ trước sự biến dạng của Hà Nội mới thời hậu chiến từ không gian, mùi vị đến tâm tính con người, nhân vật Ngân trong cả hai tiểu thuyết lựa chọn cách ra đi. Nhưng cũng như nhà văn, nhân vật của bà không bao giờ thoát khỏi những hồi ức của chính mình. Lựa chọn đề tài là quê hương, Lê Minh Hà không đơn thuần là viết về Hà Nội mà là dựng nên nó. Vị trí là một người di dân cho bà cái đặc quyền được dựng nên một không gian Hà Nội thời dĩ vãng mà từ đó bà đã ra đi.

Nhà văn Đoàn Minh Phượng là một trường hợp đặc biệt khác, người thách thức những tiêu chuẩn của một nhà văn di dân. Sinh năm 1965 tại Sài Gòn và sang Đức diện đoàn tụ gia đình từ năm 1977, Đoàn Minh Phượng chủ yếu sống và làm việc cho một đài truyền hình tại Cologne. Năm 1997 bà trở về Việt Nam và sống ở đó cho đến nay. Nếu kể đến tình trạng cư trú hiện tại của bà, Đoàn Minh Phượng rõ ràng không phải là một người tha hương. Tuy vậy, xuyên suốt truyện ngắn đầu tay Tội lỗi hồn nhiên (bút danh Đoàn Minh Hà) truyện dài Và khi tro bụi và thậm chí là trong cả bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu, người đọc đều nhận thấy nỗi ám ảnh “tôi là ai, quá khứ của tôi là gì”. Đó chính là nỗi ám ảnh của một người bị bứng rễ và hoài nghi về tình trạng sinh tồn của mình.

Và khi tro bụi[44] được viết phần lớn tại nước ngoài, khi về Việt Nam, tác giả mới gắn kết các chương với nhau và chỉnh sửa hoàn chỉnh. Cũng giống như nhân vật trong tiểu thuyết của Lê Minh Hà, nhân vật chính trong Và khi tro bụi cũng trải qua một hành trình xê dịch bất tận trên một chuyến tàu. Truyện kể về bi kịch của An Mi, một người vợ có chồng chết đột ngột vì tai nạn giao thông. Không chịu nổi nỗi cô đơn, người vợ tìm đến cái chết bằng cách lên một chuyến xe lửa và dự định tự tử trên tàu bằng cách uống thuốc ngủ. Không phải ngẫu nhiên mà tác gỉa để cho nhân vật của mình được giải thoát bằng cách di chuyển trong không gian vô định, cụ thể là trên một chuyến tàu. Chuyến xe lửa là khởi nguồn cho hành trình khám phá một vụ mất tích của một cô gái lạ mà An Mi tình cờ tìm thấy trong chuyến đi. Nhưng vụ án mà An Mi quyết tâm khám phá thật ra chỉ là một cái cớ. Quan trọng hơn, chuyến đi tượng trưng cho hành trình lưu lạc của cô gái cô đơn không nơi nương tựa. Nó tượng trưng cho hành trình tìm lại chính bản thể và nhìn nhận nó với nỗi hoang mang. Sự xê dịch đúng ra mới là mạch truyện chính trong tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng. Chấp nhận lên tàu và bắt đầu chuyến đi thật ra là một cách tác giả mặc định vị trí tha phương của một người lưu vong, vì chỉ có những người tha hương không quê hương nguồn cội mới có thể sống lang thang trên những chuyến xe lửa. Nhưng, như An Mi tìm lại lời giải đáp ở cuối cuộc hành trình, chính sự xê dịch là cách thức duy nhất để một người tha hương tìm lại qúa khứ. Cách hiểu văn học di dân như tiến trình xung động và không dứt gần như hoàn toàn tương ứng với hình tượng chuyến tàu và hành trình tìm lại chính mình của nhân vật nữ chính. Di dân, hiểu như một sự ra đi, là nguyên nhân chia cắt một cá nhân với quá khứ, quê hương, thậm chí là với sự thật đằng sau những diễn ngôn lịch sử. Ngược lại, di dân như một sự trở về chính là cách cứu vãn tình trạng bị vong thể, là cách thức tìm lại quá khứ và nguồn cội con người.

Kết luận

Tóm lại, căn tính và bản sắc là hai chủ đề cốt lõi được thể hiện xuyên suốt các tác phẩm của các nhà văn người Việt tại Đức. Với từng tác giả, kí ức được tái hiện và phản ánh đa dạng, vừa phản ánh những điểm tương đồng trong cách nhìn nhận về lịch sử và quá khứ với những tác giả trong cùng nhóm, vừa bộc lộ những sự độc đáo xuất phát từ cá tính và năng lực sáng tạo của nhà văn. Căn tính trong mối quan hệ với kí ức do đó cũng được chứng minh là quá trình liên tục hình thành và biến đổi không ngừng. Văn học di dân, qua trường hợp nghiên cứu các tác phẩm văn học người Việt tại CHLB Đức, là tập hợp các cá tính văn học khác biệt, thậm chí đối chọi nhau; hoặc ra sức phát ngôn cho không chỉ cá nhân mà cả tập thể mà mình đại diện, hoặc đắm mình vào không gian sáng tạo của chính họ. Ở trường hợp đầu, văn chương không khác gì một phương thức phát ngôn, như bất kì một phương tiện đấu tranh vì chính nghĩa nào khác. Ở trường hợp còn lại, không có sự phân biệt giữa văn chương hay văn chương di dân. Đối với các nhà văn dạng này, tự thân văn chương đã là một giá trị, và văn chương không cần làm đại diện phát ngôn cho khuynh hướng chính trị. Đời sống di dân mà nhân vật di dân trong tác phẩm thuộc nhóm tác giả này thể hiện, chẳng hạn như đặc tính di dân, nỗi ám ảnh về kí ức hay nhu cầu định vị bản thân, được tái hiện không chỉ bởi một sự ưu ái của người viết đối với một khuynh hướng chính trị mà còn bởi một thôi thúc được tỏ bày thực tế cuộc sống ngồn ngộn mà người viết kinh qua. Tư liệu về cuộc sống di dân do đó được đối xử và có giá trị ngang với bất kì tư liệu về một thực tế khác hay một trải nghiệm khác của nhà văn. Sự phức tạp trong khuynh hướng sáng tác phản ánh sự đa dạng trong quá trình hình thành các nhóm cộng đồng người Việt tại Đức. Phân tích về kí ức và bản sắc, do đó, cho tôi một cơ hội ngàn vàng để tìm hiểu sự tinh tế, phức tạp trong cách thức các bản thể khác nhau hình thành, phát triển, đối diện hay thoả hiệp với đời sống xã hội khắc nghiệt.

 

 

Thư mục tham khảo

Primary sources

Đoàn Minh Phượng, Và khi tro bụi, NXB Trẻ, 2006.

Hạ Long, Nỗi buồn viễn xứ ai buồn hơn ai, Viên Giác, Hannover, 1987.

Lê Minh Hà, Gió tự thời khuất mặt, http://vanviet.info/van/gi-tu-thoi-khuat-mat-2/ (last accessed 28 August 2017).

Lê Minh Hà, Phố vẫn gió, Lao Động, 2014.

Ngô Nguyên Dũng, Dòng chữ tâm tình, Văn Nghệ, Westminster, CA, 1988.

Ngô Nguyên Dũng, Mười hai hoa cúc, Văn Lang, 1988.

Ngô Nguyên Dũng, Âm bản, Minh Văn, 1994.

Ngô Nguyên Dũng, Núi đoạn sông lìa, Nhân Ảnh, 2017.

Ngô Nguyên Dũng, Tiếng núi, Toronto: Làng Văn, 1992.

Ngô Nguyên Dũng, Âm bản, Oakton: Minh Văn, 1994.

Ngô Nguyên Dũng, Chuông đêm, Toronto: Làng Văn, 1992b.

Nguyễn Văn Thọ, Mưa thành phố, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2010, 128.

Phạm Thị Hoài, The Crystal Messenger, Hyland House 1997.

Thế Giang, Thng người có đuôi, Người Việt, Westminster: CA, 1987.

Tuỳ Anh, Ngoài xa du chân mây, Viên Giác, 1994, 28.

Vũ Nam, Nơi cuối dòng sông, Viên Giác, 1994.

Vũ Nam, Câu chuyện từ con tàu Cap Anamur, Viên Giác, 1996.

Vũ Nam, Sau ngày tang, Viên Giác, 1987.

Huy Giang. Những nụ hoa bần. Hannover: Trung tâm VH và XH Phật Giáo VNTH tại Đức, 1994.

Nhiều tác giả. Tập san Văn bút châu Âu số 2. Hannover: Trung tâm VH và XH Phật Giáo VNTH tại Đức, 1994.

Phù Vân, Lão Hũ chìm, Hannover: Trung tâm VH và XH Phật Giáo VNTH tại Đức, 2004.

Secondary sources

Appadurai, Arjun “Global Ethnoscapes: Notes and Queries for a Transnational Anthropology, in Richard G. Fox (ed.), Recapturing Anthropology: Working in the Present, Chapter 10, Santa Fe: School of American Research Press, 191-210, 1991.

Appadurai & Breckenridge, “On moving targets.” In Public Culture 2 (1989): i-iv, 1989.

Anand, Dibyesh, ‘Diasporic subjectivity as an ethical position,’ in Klaus Stierstorfer and Janet Wilson (ed.) The Routledge Diaspora Studies Reader. Oxon and New York: Routledge 114-118, 2018.

Pipo Bui, Envisioning Vietnamese Migrants in Germany: Ethnic Stigma, Immigrant Origin Narratives and Partial Masking, Lit Verlag 2004, Münster

Cohen, Robin. “Rethinking ‘Babylon’: iconoclastic conceptions of the diasporic experience”. In New Community 21 (1): 5-18, January 1995.

Clifford, James. “Diasporas.” In Cultural Anthropology 9 (1994): 302-38.

Cohen, Robin. “Diasporas and the nation-state: from victims to challengers.” In International Affairs 72 (1996): 507-20.

Cohen, Robin. Diasporas: An introduction. London and New York: Routledge, 2008.

Cho, Lily “The turn to diaspora”, Klaus Stierstorfer and Janet Wilson (ed.) The Routledge Diaspora Studies Reader Oxon and New York: Routledge: 109-113, 2018.

Dana Healy, “New voices: Socio-cultural trajectories of Vietnamese literature in the 21st century”, In Asian and African Studies, Volume 22, No.1, 2013.

Federal Ministry of the Interior Federal Ministry of the Interior, Division M I 1: General and legal matters concerning policy on migration; refugees; foreigners and asylum, Migration and Integration. Residence law and policy on migration and integration in Germany, http://www.australien.diplo.de/contentblob/3377102/Daten/1831328/download_zu_bmi_broschre.pdf (2011) (Last accessed on 25.07.2017).

Glassey, Trang-đai, “Squatting in Racialized Berlin 1975-2015: Transnational Subjectivity in a Climactic Double Division”, In Radical Criminology No. 6, 131-208.

Gilroy, Paul. ‘Diaspora’ In Paragraph, 17 (1), March 1994, 207-12.

Hall, Stuart, Cultural Identity and Diaspora: Identity Community Culture Difference, Lawrence and Wishart 1990.

Kenny, Kevin. Diaspora. A Very Short introductions. New York: Oxford University Press, 2013.

Klaus Stierstorfer and Janet Wilson (ed.) The Routledge Diaspora Studies Reader. Oxon and New York: Routledge, 2018.

Kocatürk-Schuster, Bengü/Kocatürk-Schuster, Kolb, Thanh Long, Schultze, Wölck. UnSICHTBAR. Vietnamesisch-Deutsche Wirklichkeiten, Edition DOMiD, Migration im Fokus, Band 3, 370 Seiten, 2017.

Nguyễn Mộng Giác, „Góp ý về một cách nhìn“, Tạp chí Văn học 59&60, January&February 1991.

Procter, James, “Diaspora” in John McLeod (ed.) The Routledge Companion to Postcolonial Studies, (London and New York: Routledge, 2007.

Schaefer, Bernd, “Socialist Modernization in Vietnam: The East German Approach, 1976-89,” in Quinn Slobodian (ed.), Comrades of Color East Germany in the Cold War World, New York: Berghahn Books, 2015.

Schaland, Ann-Julia/Schmiz The Vietnamese diaspora in Germany: Migration background, structure, organisation and transnational activities, giz, 2015.

Schwenkel, Christina, “Rethinking Asian mobilities Socialist Migration and Post-Socialist Repatriation of Vietnamese Contract Workers in East Germany”, Critical Asian Studies 46:2 (2014), 235-258.

Thích Như Điển, Cảm tạ xứ Đức, Viên Giác, Hannover 2002.

Thích Như Điển, Đời sống tinh thn của Phật tử Việt Nam tỵ nạn tại ngoi quốc/Das geistige Leben der Buddhistischen Vietnam-Fluchtlinge im Ausland, Vien Giac, 1986.

Thích Nguyên Siêu, Thích Tâm Hoà, Bùi Ngọc Đường, Huỳnh Kim Quang, Vĩnh Hảo, Văn học Phật giáo Việt Nam hải ngoại Sưu khảo, California, 2010. http://66.254.41.11/HieuGiang/Data/PDF/TongTapVanHocPhatGiaoVietNamHaiNgoai_02.pdf (last accessed on 18 May 2017).

Wolf, Bernd, The Vietnamese Diaspora in Germany: Structure and Potentials for Cooperation with a Focus on Berlin and Hesse, gIz 2007.

 


[1] Kocatürk-Schuster, Kolb, Thanh Long, Schultze, Wölck 2017.

[2] Federal Ministry of the Interior Federal Ministry of the Interior, Division M I, p.12.

[3] Schaefer 2015.

[4] See http://www.dw.com/en/remembering-the-first-wave-of-boat-people-in-germany/a-1047447 (last accessed 21 May 2017).

[5] See Adelman 2017,

https://howardadelman.com/2015/05/20/indochinese-refugee-resettlement-causes-of-the-exodus-part-i-of-iv-1975-1978-refugees-from-vietnam/ (last accessed 21 May 2017).

[6] See http://www.cap-anamur.org/service/über-uns (last accessed 24 May 2017).

[7] Bui 2003.

[8] Federal Ministry of the Interior Federal Ministry of the Interior, Division M I 1 2011, p.54.

[9] Schwenkel 2014; Schaefer 2015; Cornelsen 1987; Wolf 2007

[10] Vũ Nam 1987.

[11] Hạ Long, 1987.

[12] Ibid, 33.

[13] Thế Giang, 1988.

[14] Ngô Nguyên Dũng, Dòng chữ tâm tình, Văn Nghệ, Westminster, CA, 1988.

[15] Ngô Nguyên Dũng, Mười hai hoa cúc, Văn Lang, 1988.

[16] Nguyễn Mộng Giác, “Góp ý về một cách nhìn”, Tạp chí Văn học 59&60, tháng 1 và 2, 1991, 9.

[17] Kenny 2013, 2.

[18] Cohen 1995

[19] Huyssen 2003, 151.

[20] Stierstorfer & Wilson 2018, xviii.

[21] Cohen 2018, 18.

[22] Glassey-Tranguyen 2015.

[23] Xem thêm Linda Hitchcox, p 37; Jame M.Freeman and Nguyen Dinh Huu, 2003, 7.

[24] Xem thêm Australian Boat People's Archives, Southeast Asian Boat People's Correspondent in Cornell, UCL Project Ngoc.

[25] Vũ Nam 1994.

[26] Vũ Nam 1996.

[27] Đây là một số biểu hiện tâm lý thường gặp trong những gia đình tị nạn ra đi từ Đông Nam Á, xem thêm trong Soma Ganesan, Stuart Fine, Tsung Yi Lin, American Journal of Psychotherapy April 1989, Vol. 43 (2), p218-28.

[28] Ngô Nguyên Dũng 1988a.

[29] Ngô Nguyên Dũng 1988b.

[30] Ngô Nguyên Dũng 1992.

[31] Ngô Nguyên Dũng 1988a, 46.

[32] Thế Dũng, 2011.

[33] Thế Dũng, 2011b.

[34] Nguyễn Văn Thọ, fie pdf.

[35] Hall 1990.

[36] Cho 2018, 109.

[37] Cho 2018, 112.

[38] Gilroy 1994, 207.

[39] Gilroy 1994, 207.

[40] Gilroy 1994, 208.

[41] Anand 2018, 114.

[42] Trong trao đổi giữa tôi và nhà văn Lê Minh Hà, khi được hỏi tại sao Hà Nội luôn luôn là bối cảnh để nhân vật chính nhảy múa mà không phải nước Đức, nhà văn Lê Minh Hà truy vấn ngược lại, tại sao không phải là Hà Nội? Câu trả lời này ngầm xác nhận việc Hà Nội là không gian sáng tác chính là sự lựa chọn có chủ đích của nhà văn.

[43] http://vovworld.vn/vi-VN/tap-chi-van-nghe/ha-noi-cua-le-minh-ha-277999.vov

[44] Đoàn Minh Phượng, Và khi tro bụi, NXB Trẻ, 2006.

Nguồn: Issues of teaching Vietnamese and studying Vietnam in the today’s world, Conference Proceedings, 2019,VNU HCM Press. (1021-1037)

  Không phải ngẫu nhiên và khen cho con mắt tinh đời, người vào năm 1928 đỗ thủ khoa toàn xứ Trung Kỳ trong kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng tiểu học, người vào năm 1941 đã xúc động kể về sự xuất hiện của một thời đại mới trong thi ca, người vào cuối tháng 7/1948 đã reo lên thi ca đang đi vào giai đoạn mới của thời đại, thì cũng con người đó, vào năm 1966 đã sớm tiên đoán về một cây bút trẻ nhiều triển vọng khi mà thơ Lưu Quang Vũ mới đăng rải rác chừng độ một chục bài trên các báo. Người ấy là Hoài Thanh, đã nhìn nhận Vũ như là một tiếng nói riêng nhỏ nhẹ mà sâu lắng một thời đại mới trong thơ – phong trào thơ ca chống Mỹ cứu nước. Với Hoài Thanh, Vũ là một trong những người đầu tiên báo hiệu sự ra đời của phong trào ấy. Quả thật. Những tên tuổi như Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hoàng Nhuận Cầm v.v.. đã dần dần xuất hiện và trở thành những gương mặt sáng giá của một thời đại Thơ. Người ta hay nói Phạm Tiến Duật là người lĩnh xướng của phong trào ấy. Nhưng đó là câu chuyện sau năm 1969. Lưu Quang Vũ có một vị trí đặc biệt khác. Vũ nằm trong số ít một, hai người ghi dấu ấn đầu tiên đặc sắc của phong trào thơ ca chống Mỹ cứu nước. Đúng như điều Hoài Thanh đã dự báo. Nói là không phải ngẫu nhiên lại rơi vào Hoài Thanh – Là bởi vì với thơ Lưu Quang Vũ, Hoài Thanh đã như gặp lại những người thơ cũ của mình trong ân tình mà tha thiết của Thơ Mới 25 năm về trước và của Thơ kháng chiến chống Pháp 18 năm cách đó; Cũng là bởi vì ít có thi sỹ trẻ nào lúc đó lại tiêu biểu cho một khuynh hướng kế thừa truyền thống trong sáng tạo thi ca như Lưu Quang Vũ từ trong âm hưởng và giọng điệu cũng như những tiết tấu của hình tượng thơ, như là sự nối liền giữa 3 khoảng trời thi ca – Thơ Mới 1930 – 1945; Thơ ca kháng chiến chống Pháp 1946 – 1954; và Thơ thời những năm nửa sau 1960 và 1980.

Vào năm 1965 – 1967, khi cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước bắt đầu rầm rộ và ác liệt, tuyển thơ Sức mới – tập 1, tập 2 hội tụ thơ của các nhà thơ trẻ được xuất bản. Sau đó là tập Thơ 3 năm chống Mỹ cứu nước (1965 – 1967). Khi Chế Lan Viên viết lời giới thiệu, ông ấy còn thật dè dặt với lực lượng này. Đến năm 1968, tình hình đã khác. Hương cây Bếp lửa của Lưu Quang Vũ và Bằng Việt được xuất bản là một hiện tượng thi ca nổi bật của thời kỳ đó. Người ta hồ hởi và ngạc nhiên trước một Lưu Quang Vũ mượt mà và tươi trẻ, một hồn thơ đằm thắm tình yêu quê hương đất nước với tình yêu lứa đôi trong chiến tranh mang tên gọi Hương cây. Và như Hoài Thanh, ta như gặp lại một lối thơ trữ tình trào ra từ cảm xúc, những vần thơ nhẹ nhàng mà lãng mạn tưởng như không để ý đến cấu tứ một bài thơ, tựa như tràn đầy rồi rung lên trong lắng đọng; chất tự sự không gồ lên thành một vỉa mà chỉ như một mái chèo thấp thoáng đẩy những vòng sóng cảm xúc lãng mạn lan tỏa và giao hòa vào nhau. Ta như gặp lại bóng dáng của Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên thời 1930 – 1945 trong những vần thơ tươi trẻ mà ý tình đằm thắm của Vũ. Gửi các Anh. Qua sông Thương. Phố huyện. Hơi ấm bàn tay. Vườn trong phố. Lá bưởi lá chanh. Thức với quê hương v.v.. Những vần thơ nghe được trong dịu mát yêu thương của con người hơn là tiếng gầm thét và gớm ghiếc của chiến tranh, mặc dù trong những bài thơ đó đều có hình thù của chiến tranh ẩn náu.

Đó là Hơi ấm bàn tay của hai người yêu nhau giữa hai đầu trận tuyến như đặt trên ngực lớn cuộc đời, như giao cảm giữa các thế hệ người mà bồi hồi tình quê hương xứ sở trong sự giao hòa của những lứa đôi.

Khi đàn chim bay đến rợp trời trưa

Cồn mây về mang cơn mưa đầu hạ

Hai vì sao đổi ngôi trong gió ...

Đó chính tay mình đang vượt khoảng xa

Tìm đến nơi này âu yếm nắm tay ta.

1967

Đó là Vườn trong phố nơi ngưng tụ những điều hẹn ước của tình yêu tuổi trẻ, nơi bé nhỏ mà đêm khuya còn vọng lại tiếng còi tàu trong sự chở che của lá để cho nhớ xa xôi những miền quê đất nước, ta nghe như vang lại cảm xúc mới của tình thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính tan chảy trong se sẽ dịu dàng của Vũ, làm nên áng thơ tình vào loại hay nhất của thi ca Việt Nam hiện đại

Nghe lá chuối che nghiêng như một cánh buồm

Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc

Se sẽ chứ không cánh buồm bay mất

Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi.

1967

Dòng cảm xúc dâng trào mãnh liệt không chỉ ở Hương cây, mà còn gặp lại nhịp điệu bồng bột yêu thương ấy trong nhiều vần thơ sau 1970 của Lưu Quang Vũ. Hoa Tầm xuân kể lại con đường xưa nơi hoa đã nở mà dòng sông cũ cánh buồm vẫn giăng giăng trắng xóa giữa buổi hoa tầm xuân đã xưa cũ mất rồi chỉ để lại những giọt sương run rẩy, khi

Những đền đài thuở trước đã tan hoang

Những chùa cổ chiều mưa rêu ướt lạnh

Chìm trong đất những chùm hương dĩ vãng

Tầm Xuân ơi! Hoa chết đã lâu rồi.

Mùng 3 Tết Nhâm tý.

Di chúc tình yêu có cảm tưởng đồng cảm với những ý tình của Điêu Tàn trong Chế Lan Viên mà Vũ đã siêu hình về trong dáng vẻ điêu linh.

Thịt xương ta là tù ngục của hồn ta

Thân xác hẹp hòi mà khao khát bao la

Bầy chim dữ đen ngòm đang chặn lối

Những buồn chán nửa người nửa khói.

Hương cây viết khoảng thời gian 1965 – 1967. Bộ mặt thật của chiến tranh được Lưu Quang Vũ cho lùi lại ở phía sau; còn phía trước là con người, là những người con trai ra trận đánh thù đường trăm ngả. Buổi chiều họ xuống đò qua dòng sông mênh mông sóng vỗ. Đã ba vầng trăng rồi. Ngày mai tan giặc sẽ về với cái của muôn năm là tháng 8 sen tàn bưởi chín, chim ngói bịn rịn bay về trên quê hương nhiều lắm yêu thương. Bởi những người mẹ, người em.

Cây lá nơi này cây lá quê hương

Ôi những mẹ, những em ta hiền hậu.

1965

Trong Di cảo, nhật ký từ 21/2/1963 đến 8/10/1965 ít nhất có hai lần Vũ nhắc đến Bên kia sông Đuống. Và thơ của Vũ, ở một phương diện nào đó đi lên và nối liền với Thơ kháng chiến chống Pháp trong trường hợp Hoàng Cầm từ cách tổ chức bài thơ ngay từ Hương cây. Gửi các anh, Qua sông Thương, Lá bưởi lá chanh, Phố huyện... với lối thơ tự do có vần linh động và biến hóa một cách tự nhiên. Những bài thơ viết những năm 1970, dường như Hoàng Cầm đã trở thành nỗi ám ảnh của Vũ trong sự sáng tạo mới, khi một lần Vũ lên xứ Đoài xưa, Ba Vì mây trắng. Một miền thơ khác. Một không gian văn hóa khác.

Nhớ mặt em gầy sau lá mưa

Lênh đênh bến nước Trung Hà

Những chị buôn chè

Ngủ hè phố cũ

Con bò gầy đói cỏ

Đi trên đồng miên man

Những pho tượng gỗ chùa Phùng

Thiêm thiếp.

11/1972

Xứ Đoài 1972 có nét văn hóa tương đồng với đất Kinh Bắc 1948 để hai thi sỹ tài danh của hai thời đại thi ca gặp nhau. Cho nên cô gái buôn chè phố cũ, bà già chợ huyện khóc thời con gái thuốc lào say gần gụi với cô hàng xén ở Bên kia sông Đuống hồi 1948 nắm nghiêng nghiêng bên kháng chiến trường kỳ. Nhiều bài thơ viết khoảng thời gian 1970 và đầu 1980, người ta thấy cách tổ chức nhịp điệu thơ tự do có vần hết sức linh động của thơ Lưu Quang Vũ. Viết cho em từ biển. Không đề II. Nói với mình và các bạn. Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi… và đặc biệt bài Đất nước đàn bầu viết 1972 – 1983, khi trở lại vùng văn hóa Kinh Bắc, trở lại với sông Cầu xa thăm thẳm, vạt áo tứ thân lau nước mắt người xưa, Vũ ngồi chẻ tre đan nón ba tầm đội lên quán dốc tìm cô bán rượu ngày xưa giữ miền quê ngào ngạt văn hóa dân gian…

Khoảng sau năm 1970, Lưu Quang Vũ rời khỏi quân ngũ, nơi Vũ đã tình nguyện nhập vào khi mới 17 tuổi. Nỗi đa đoan của một con người lúc nào cũng canh cánh tình yêu quê hương đất nước; mong mỏi được sống vì mọi người. Chính trong hoàn cảnh cam go đó, đã làm rạng ngời phẩm chất tuyệt vời của thi nhân. Thơ Lưu Quang Vũ chuyển tới một giai đoạn mới. Không tránh khỏi những cảm xúc bi thiết và đau đớn. Nhưng âm hưởng chủ đạo của thơ Lưu Quang Vũ những năm 1970 – 1980 luôn luôn là nỗi đau đáu tình yêu quê hương xứ sở cùng nhịp thở với tình yêu lứa đôi tha thiết đôi khi đến nghẹn ngào trong thử thách. Đó là thần khúc ngợi ca đất nước và con người Việt Nam. Tầm vóc của Lưu Quang Vũ là ở đó. Ta không thấy sự bi lụy, rã rời phủ bóng lên sự nghiệp thơ của một thi nhân với bao dằn vặt cuộc sống đời thường. Lưu Quang Vũ đã mang tới tiếng nói khác lạ của phong trào thơ ca chống Mỹ cứu nước bằng việc sớm đi tìm sự tiệm tiến giữa cái ta với các cá nhân để vang lên ở đấy những tiếng khắc khoải của số phận con người trong chiến tranh. Tuyển thơ Lưu Quang Vũ xuất bản 2010 ở phần 3 mang tên Đất nước đàn bầu như một tráng ca tình yêu tổ quốc nhiều đau thương mà da diết trong sự chan hòa với hạnh phúc lứa đôi. Khác với Hương cây, ở đây thi pháp Lưu Quang Vũ đã đẩy yếu tố tự sự lên hàng đầu như là một yếu tố chính của thơ, làm nên một phong cách thơ độc đáo của phong trào thơ ca chống Mỹ cứu nước dưới góc nhìn mới mẻ về chiến tranh và hòa bình, về thân phận con người trong máu lửa và chiến tranh, chiến tranh không ẩn đằng sau con người như ở Hương cây nữa. Nó gieo rắc thảm họa. Bây giờ. Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn. Mấy đoạn Thơ. Đất nước đàn bầu. Ghi vội một đêm 1972. Viết lại một bài thơ Hà Nội. Tiếng Việt. Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi. Hải Phòng mùa đông. Cầu nguyện. Mùa thu ấy vẫn còn nguyên ở đó v.v.. Thơ thời đó, ít ai có góc nhìn như Lưu Quang Vũ về chiến tranh và hòa bình, vận mệnh đất nước và số phận con người mang sắc thái riêng biệt như thế. Khuynh hướng tự sự, tả thực để bộc lộ tâm trạng là bút pháp chủ đạo của thơ Vũ.

Vũ không ngần ngại chỉ ra những hy sinh mất mát khủng khiếp do chiến tranh giữa một chốn nhân gian đầy đổ vỡ:

Gió hú ầm ầm qua gạch vỡ

Người chết vùi thây dưới hố bom

Kẻ sống vật vờ không chốn ở

Lang thang trẻ ốm ngủ bên đường.

Đêm tháng chạp 1972, bộ mặt gớm ghiếc và tàn bạo của chiến tranh xâm lược khiến con người nghẹn lại nỗi đau thương.

Bom ném lên cao những đường tàu gãy nát

Những bàn ghế những lá thư những cánh tay người

Mùi thịt cháy rợn mình mùi khói cay

Ta đứng lặng trong tiếng gầm báo động

Dưới vầng trăng tê dại nỗi kinh hoàng.

Dường như tự sự còn chưa đủ, Lưu Quang Vũ siêu thực hóa bộ mặt chiến tranh bằng cách vẽ lên những rừng đen mặt nạ hoang vắng trong mưa. Vì.

Vực sâu đã mở ra

Chôn cả lời trăng trối của mùa thu

Một chiếc lá khổng lồ đỏ thắm.

Với Lưu Quang Vũ tình yêu quê hương đất nước dù đang trải qua khổ đau như vậy vẫn vang lên tiếng nói trường tồn của văn hóa Việt. Nền văn hóa mà Vũ yêu bắt đầu từ sâu thẳm những cổ xưa như những chiếc trống đồng vùi trong cát, những mũi tên đồng lăn lóc khắp núi đồi hoang vu, những rìu đá bên đống lửa còn tro tàn sót lại, những cánh chim lạc mỏ dài cất tiếng kêu hoang dại trong đêm nồng nhiệt đới, những người đàn bà tết cỏ cây che vú đến một đêm quan họ giã bạn ra về mưa bụi mịt mù bay… Tất cả từ đó để nghe nỗi lòng đất nước trong nức nở tiếng đàn bầu. Từ xa xưa Vũ đưa ta trở về hiện tại trong một áng thơ hay tuyệt bích.

Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích

Lúa bàng hoàng chín rực những triền sông.

 Tổ quốc Việt Nam đẹp như chưa bao giờ đẹp thế để Lưu Quang Vũ phải thốt lên đầy cảm thán mang tên gọi những bài thơ. Việt Nam ơi!. Tiếng Việt!. Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi!... đầy phấn khích mà trong đó lại ẩn chứa những câu thơ điềm tĩnh lạ thường.

Tổ Quốc là nơi tỏa bóng yên vui

Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất.

Khi tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm, tiếng cha dặn thì thầm lúc nhóm lửa đời ta đã bắt đầu từ…

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như đất cày như lụa.

Điều đáng quý Lưu Quang Vũ đã nhìn thấy từ rất sớm ngày dân tộc đoàn viên sau những cuộc chiến tranh dài. Có lẽ vì thế mà nhiều người đã gắn tên tuổi Lưu Quang Vũ với Trịnh Công Sơn. Theo Vũ là bởi vì người Việt Nam ta có gốc gác chung một nền văn hóa.

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc bể

Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya

Ai ở phía bên kia cầm súng khác

 Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.

Thơ Lưu Quang Vũ những năm 1970 – 1980 tỏ rõ sự trưởng thành về chính trị, sự sâu sắc trong tư tưởng nghệ thuật với sự kết hợp giữa những vỉa tự sự và dòng cảm xúc như là một trong những đặc trưng cơ bản của thơ Việt Nam từ chiến tranh bước tới hòa bình. Bài thơ Tìm về như một khúc đoàn viên. Thời gian và lịch sử đẩy lùi xa thời đào huyệt hận thù chia miền cắt đất để có được một ngày bình thường như Văn Cao lỗi lạc đã từng viết và nói theo thơ Lưu Quang Vũ là để nở hoa muống tím, để đừng quên hoa mắc cỡ trong vườn, để anh em ruột thịt cầm tay lạy mẹ Việt Nam; oán thù đổ xuống ao sâu, rửa sạch đất bùn nhơ nhuốc… Bài thơ Những đám mây ban sớm hay Hồ sơ mùa hạ 1972, Tháng 5 – 1975… mang hơi thở ấm áp của hòa bình làm nguôi ngoai những trường đoạn về nỗi ân hận của một thời đã qua, để dân tộc trở về lợp lại mái nhà xưa…

Có người nói: toàn bộ thơ Lưu Quang Vũ là một bản tình ca giành cho nữ sỹ Xuân Quỳnh. Bao nhiêu tâm sự yêu đương cho Quỳnh và viết về Quỳnh. Thư viết cho Quỳnh trên máy bay. Cho Quỳnh những ngày xa. Phút em đến. Em sang bên kia sông. Thơ ru em ngủ v.v.. Họ có lẽ là cặp uyên ương đẹp nhất của thi ca thế kỷ 20. Nhưng có lẽ họ cũng là những người bất hạnh nhất khi tình thơ của họ bù đắp cho nhau dù chữ mệnh làm cho đoản mệnh. Thơ của Vũ gọi sự bất tử của tình yêu là Mắt của trời xanh.

Tóc của đêm dài, mắt của trời xanh

Mắt của phương xa, tay của đất nâu lành.

Người yêu như lửa và như lụa

… Như vầng trăng như ngọn thủy triều

Mặc dù hiện thực đời thường cái tổ uyên ương của họ chỉ là căn phòng chật hẹp không nhìn thấy vẻ viên mãn của trời xanh, nơi Vũ đã nghẹn ngào mà viết nên câu Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình.

Tôi không thể không tìm đến mấy thước vuông đó khuất nẻo trên tầng 3 – 96A phố Huế. Dù đã là quá muộn, khi Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đi khỏi nơi này 33 năm rồi. Vào 1 buổi chiều cuối tháng 4 – 2021, khi trời Hà Nội đang rơm rớm khép cửa mùa xuân để bước sang hè. Căn phòng chật chội. Tối và nóng vì không có điện. Người nhà Vũ giúp chúng tôi thắp 3 ngọn nến đỏ. Các giá gỗ không có kính xếp sách ngăn nắp đứng dựa vào tường. Tôi thắp 3 nén hương cầu khẩn linh hồn hai thi sỹ tài năng đã làm nên sự nghiệp ở chốn nhỏ bé này. Ở đây, Lưu Quang Vũ đã viết nên những vở kịch đi trước thời đại, bằng cái nhìn thấu tận đáy những tấn trò đời và khát vọng sống của nhân dân. Ở một thời sắp bước vào đổi thay như chưa bao giờ được thấy. Và những vần thơ mang bao nỗi lo toan trần thế đã được hát lên cũng ở nơi này. Không gian ấy chiều nay vàng ánh nến như một bằng chứng im lặng mà đầy hiển hách, tôn vinh một nhân cách nhà văn của thời đại chúng ta.

Cao Bá Quát đã từng viết: Tạo vật bản lai vô trước tướng. Chỉ lưu nhất bán tại sơn nguyên. Có nghĩa là: Từ xưa tạo vật vốn không có hình tượng nhất định, chỉ để cho núi sông thấy một nửa mà thôi. Mặc dù, Hoài Thanh là một cây bút phê bình kiệt xuất, nhưng nếu theo Cao Bá Quát, ông ấy cũng chỉ tiên đoán một phần văn nghiệp của Lưu Quang Vũ. Kẻ hậu sinh này càng như vậy.

Chắc không phải ngẫu nhiên dòng sông Hồng phù sa chưa nguôi đỏ bao giờ mà Vũ có lần hình dung phù sa như là khái niệm đầu tiên của nước Văn Lang đã ám ảnh Lưu Quang Vũ đến mức có 4 bài thơ về dòng sông ấy. Vũ một lần viết: Nước lũ qua sẽ còn lại phù sa là theo nghĩa đó. Cuộc đời cá nhân của mỗi chúng ta cuốn vào bao cơn lũ thời cuộc. Xưa phù du mà nay đã phù sa. Cá nhân mỗi con người vỗn chỉ là phù du của lịch sử để phù sa ngưng tụ lại. Văn chương Lưu Quang Vũ như phù sa ở lại mãi với đời.

Bây giờ thành phố Đà Nẵng có tên hai đường phố Lưu Quang Thuận và Lưu Quang Vũ. Nếu mở internet hàng ngày sẽ thấy những quảng cáo dóng dả về nhà hàng khách sạn, quán cá phê, giá bất động sản mặt đường ngạo nghễ, đôi khi nhiều hơn những tin tức văn chương của hai người thi nhân ấy. Có ai trong trong số khách qua đường biết rõ lý do con đường họ đang đi lại mang tên như vậy? Buổi kinh tế thị trường xô bồ khắp Bắc Trung Nam những tưởng người ta chỉ lo việc đếm tiền mà quên cả thi ca? Nhưng tôi tin tượng đài văn chương mà Lưu Quang Vũ dựng lên không bao giờ bị lãng quên trong lịch sử văn học nước nhà. Vì điều đó đã thuộc về lịch sử. Nghĩ thế, chiều nay khi ra khỏi nhà 96A phố Huế, tôi không đi sang đường để vào chợ Hôm mà đi thẳng ra bờ hồ Hoàn Kiếm đón một cơn gió mát của cuối ngày đầu hạ - Con đường mà hồi 1963 – 1965 Vũ vẫn thường đi. Vang lên đâu đây lời Vũ nói. Điều mình mơ ước thật sự vẫn còn xa lắm ở phía trước./.

Hà Nội tháng 4/2021.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ số ra ngày 29/5/2021.

Web Khoa Văn học. Nhà thơ, nhà giáo, dịch giả Trần Mai Châu, sinh năm 1924, thành viên trong nhóm Dạ Đài (1946) ở Hà Nội cùng với Trần Dần và Vũ Hoàng Địch, cựu hiệu trưởng Trường Trung học Lý Thường Kiệt, Hóc Môn, vừa từ trần lúc 8h20 sáng ngày 04-8-2021 tại Cư xá Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, hưởng thượng thọ 98 tuổi.

Chúng tôi đăng lại bài này để tưởng niệm nhà văn, nhà giáo lão thành.

        Nếu văn chương là bản mệnh đeo đuổi một con người, thì nó sẽ gõ cửa số phận không chỉ một lần, bởi nó tin rằng người được gọi sẽ góp phần làm nên công tích. Trần Mai Châu là một người được gọi dù con đường văn học của ông không ít gian nan, trắc trở.

Đầu thai nhằm lúc sao mờ

        Nguyên quán Hà Nội, Trần Mai Châu sinh năm 1924 tại Sơn La, nơi thân sinh ông lên nhận nhiệm sở sau khi tốt nghiệp y sĩ Đông dương tại Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội. Trong những năm đi học, Trần Mai Châu bắt đầu làm thơ. Trong hơn 200 bài thơ hoà vào mạch thơ lãng mạn đương thời mà tác giả đã sẵn sàng quên đi không nuối tiếc, vẫn còn những vần thơ giữ lại cảm hứng và tình điệu tuổi trẻ, chẳng hạn bài Em đến mùa xanh được ghi lại nguyên văn dưới đây:

                       Em đến mùa xanh lạnh đã lâu

                       Trang thơ chưa đẹp giấc mơ đầu

                       Đêm hoàng lương ấy khôn chung mộng

                       Ba bốn năm trời lỗi hẹn nhau.

                      

                       Ngàn thương em đến rồi sao

                       Vầng trán xuân nào băng tuyết

                       Ngàn thương thức tỉnh rồi sao

                       Sao bỗng chào thưa thân thiết.

                      

                       Em ơi chuyện cũ vui buồn

                       Đừng có bao giờ kể lại

                       Mây vàng đã bỏ lầu son

                       Nước cũng qua cầu trôi mãi.

                      

                       Sương xuống đầy song gió thổi

                       Trăng tà về sáng ngàn dâu

                       Có sáng đời anh tăm tối

                       Từ khi em bước chân vào?

 

                       Mỏi nhớ mòn thương chẳng trách nhau

                       Không dưng em đẹp đến u sầu

                       Hoàng lương tỉnh giấc thiên thu lạnh

                       Biền biệt mùa xanh đôi mắt nâu.

           Bài thơ này được sáng tác năm 1944, vào lúc hậu kỳ Thơ Mới, cho nên tác giả cũng dự cảm một sự thay đổi nào đó cần thiết cho thơ ca. Như một run rủi của số phận, trong thời gian đó, Trần Mai Châu làm quen với Trần Dần, Vũ Hoàng Địch và cả ba cùng hợp tác xuất bản một tờ báo văn học. Tập thơ Một mùa địa ngục (Une saison en enfer) của A. Rimbaud gợi cảm hứng cho họ đặt tên tờ báo là Dạ Đài, phát hành đúng một tháng trước ngày Toàn quốc kháng chiến. Tờ báo mỏng chỉ có bảy trang, ghi rõ ở trang bìa:

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ – NĂM THỨ HAI

DẠ - ĐÀI

tuần báo văn chương ra ngày thứ bảy

                 Số 1                 Chủ bút:                    Vũ Hoàng Địch             

              16-11-46             Chủ nhiệm, Quản lý: Trần Mai Châu

                                         Báo quán: 30, Bùi Quang Trinh, Hà Nội

           Điều thú vị là chính ông Lưu Văn Lợi, lúc đó làm giám đốc Nha Báo chí của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa mới thành lập, đã ký giấy phép cho xuất bản Dạ Đài.

           Nằm ở trang bìa, chiếm gần nửa số trang báo là Bản tuyên ngôn tượng trưng mà ba người cùng ký tên, do Trần Dần chấp bút với sự góp ý của Trần Mai Châu và Vũ Hoàng Địch. Có thể nói những tích tụ của yếu tố tượng trưng trong thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Đoàn Phú Tứ… đã chuẩn bị cho sự xuất hiện đầy tự tin này, như lời tự giới thiệu ngay từ đầu bản tuyên ngôn:

             “Chúng tôi – một đoàn thất thổ - đã đầu thai nhằm lúc sao mờ.

          Cho nên buổi chúng tôi xuất hiện, chúng tôi để cho tàn suy giấc mơ của những người thuở trước.

          Sụp đổ: lâu đài phong nguyệt; và mai một: ý tứ những thi nhân mò ánh trăng mà thác.

          Chúng tôi không còn khóc – không còn muốn khóc – vì người ta đã khóc mãi ái tình, công danh và thế sự.

           Chúng tôi không còn nhìn mây – không còn muốn nhìn mây – vì người ta đã nhìn mãi mây chiều cùng nắng sớm.

          Chúng tôi đã gào thét những đêm thâu, đã rên la những ngày dài dằng dặc. Chúng tôi đã nhìn lên Tinh đẩu, đã nhìn xuống Thế nhân. Chúng tôi đã về giữa non sâu để trở lại những bình nguyên hoang lạnh. Chúng tôi đã sống, sống hết cả những hình thức dương trần, đã đau khổ hết cả những mối sầu vui nhân loại”.

             Bản tuyên ngôn đầy chất thơ đã không ngần ngại đối thoại và tranh luận một cách tinh tế với quan niệm thơ lãng mạn thịnh hành suốt hai thập niên trước đó:

          “Vả lại, làm sao người ta cứ lăn lộn mãi trong mối thất tình eo hẹp? Làm sao người ta cứ khóc mãi, than mãi, rung động mãi theo những con đường rung động cũ? Làm sao người ta cứ nhìn mãi vũ trụ ở ba chiều và thu hẹp tâm tư ở bảy giây tình cảm? Chúng ta có còn nghèo nàn thế nữa đâu? Chúng ta đã mang nặng: - những thế hệ tàn vong – những triều đình đổ nát – trăm nghìn lớp phế hưng. Chúng ta đã thâm cảm: - những trời sao vằng vặc – những sự vật điêu tàn – sự mòn mỏi của ngày đêm liên tục. Biết bao nhiêu chuyện tang điền đã xao động tấm hình hài nhân thế! Biết bao nhiêu thế kỷ đã trầm tư! Biết bao nhiêu núi lở non tàn đã bắt buộc chúng ta phải sầu thương, chúng ta phải trở lại chúng ta mà tư tưởng! Chúng ta đã suy nghĩ nhiều rồi, chúng ta đã suy nghĩ quá nhiều rồi ở một Con đường Tuyệt vọng”.

            Không bằng lòng với con đường mà thơ ca lãng mạn đã đi, những người tự khẳng định là thi sĩ tượng trưng ý thức về sứ mệnh của mình qua những lời hứa hẹn:

“Chúng tôi sẽ vén cao bức màn nhân ảnh, viết lên: - quỹ đạo của trăng sao – đường về trên cõi chết. Chúng tôi đã sống, lấn cả sang bờ bến u huyền, cho nên buổi chúng tôi quay về thế tục, chúng tôi nhìn hoa lá với những cặp mắt mờ hoen. Nhỡn tiền bỗng thấy thay đổi tất cả những hình sông, vóc núi. Chúng tôi lạ: lạ từng đám mây bay, từng bóng người qua lại – Chúng tôi lạ từ sắc nắng bình minh đến mầu chiều vàng vọt. Chúng tôi lạ, lạ tất cả. Và chúng tôi đã thấy những cái gì người ta chẳng thấy. Chúng tôi đã thấy muôn nghìn thực tại ẩn sau cái thực tại cảm thâu bằng những năng khiếu nông gần. – Chúng tôi đã thấy: thế giới bên kia, những thế giới bên kia lẩn ngay trong đám bụi dương trần một giây phút có thể bừng lên như Thực Cảnh”.

           Qua một đoạn văn như trên đây, ta có thể thấy những người viết tuyên ngôn muốn xa rời chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ 19 để đến với chủ nghĩa hiện đại thế kỷ 20, thâu tóm những quan niệm mới mẻ nhất lúc đương thời: vai trò của trực giác và biểu tượng, nghệ thuật như là phương thức lạ hoá, sự bừng ngộ về cõi siêu thực như là sự thức nhận sâu sắc hơn về cõi thực.

           Khi xuất hiện vào đầu thập niên 30 thế kỷ trước, thơ lãng mạn Việt Nam cũng đã có chỗ dựa ở những phát ngôn lý thuyết của Lưu Trọng Lư, Phan Khôi, Nguyễn Thị Kiêm..; nhưng yếu tố quyết định chiến thắng của nó chính là những bài thơ giàu năng lượng nghệ thuật và sức lan toả. Giờ đây cũng vậy, thơ tượng trưng Việt Nam muốn thay thế thơ lãng mạn thì không thể chỉ bằng tuyên ngôn thuần lý mà chủ yếu phải chinh phục bằng chính sáng tác. Điều này cũng giống như Manifeste du Symbolisme của Jean Moréas không thể thay cho sáng tác của Baudelaire, Rimbaud, Verlaine, Mallarmé…

           Hiểu vậy cho nên ngay sau Bản tuyên ngôn tượng trưng, Dạ Đài đã in sáu bài thơ của Trần Dần, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Trần Mai Châu, Nguyễn Văn Tậu (một bút danh của chính Trần Mai Châu) như là những lời hô ứng cho bản tuyên ngôn. Chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, cảm hứng lãng mạn của thi nhân đã chuyển đổi thành cảm hứng tượng trưng pha màu siêu thực, như có thể thấy qua bài thơ Theo bóng tử thần của Trần Mai Châu:

                             Thế kỷ ta rung ánh lửa thần

                             Hoa vàng nghiêng mặc áo Siêu nhân

                             Trăng ơi! Trở lại đêm tàn sát

                             Này ánh tà dương khóc Bạo Tần

 

                             Em có buồn không, giờ tử nạn

                             Ta cười ghi lại nét phù vân

                             Nửa đêm sao biếc về trong Mộ

                             Mừng cuộc hồi sinh hiện giữa trần…

          Đọc bài thơ này, Lại Nguyên Ân cảm nhận rằng tác giả “về tiềm năng vốn hứa hẹn những bung phá theo hướng văn nghệ tiền phong”. Dạ Đài còn rao trước số tiếp theo sẽ tăng lên 12 trang, với những tiểu luận Hiệu triệu các nghệ sĩ của Trần Mai Châu, Toà án tượng trưng: cái nhầm Xuân Diệu của Trần Dần và sáng tác của những cây bút mới. Nhưng cuộc kháng chiến đã bùng nổ, mọi thể nghiệm nghệ thuật đều phải xếp lại. Trần Mai Châu cùng Trần Dần, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch… giã từ Hà Nội, giã từ giấc mộng văn chương thời tuổi trẻ.

Khối tình mang xuống… Dạ Đài chưa tan

           Đằng sau ảo vọng của tuổi trẻ, Dạ Đài không giấu được một khối tình lớn với thơ ca. Dạ Đài, cái tên như vận vào số kiếp, là ngọn nến bùng lên cuối một thời thơ nhiều hứng khởi và bứt phá. Ngọn nến đó sớm tắt vì hoàn cảnh không cho phép “dung hợp được thực và hư bằng hình tượng”.

           Thời kháng chiến, Trần Mai Châu lập gia đình và sống ở Thái Bình. Gánh nặng trách nhiệm với gia đình nhỏ buộc ông trở về Hà Nội năm 1952 và vào Nam năm 1954, để lại một người con trai ở miền Bắc. Trong khi đó, song thân và gia đình lớn của ông tham gia trọn hai cuộc kháng chiến cho đến ngày cả nhà đoàn tụ sau 1975.

           Vào Sài Gòn, Trần Mai Châu ghi danh học Đại học Văn khoa, tốt nghiệp cử nhân Pháp văn năm 1962, ra trường dạy ngoại ngữ và có hơn muời năm làm hiệu trưởng Trường trung học tổng hợp Lý Thường Kiệt ở Hóc Môn, Gia Định. Sau năm 1975, ông chuyển về dạy học ở Trường trung học cơ sở Hà Huy Tập, Bình Thạnh, cho đến khi nghỉ hưu (mà không có lương hưu) vào tuổi lục tuần.

            Với Trần Mai Châu, gần 40 năm, vì chiến tranh, vì nợ áo cơm, giấc mộng Dạ Đài chôn vùi trong quên lãng, những tuyên ngôn và sáng tác cũng nằm sâu trong ngăn kéo. Gặp lại những người bạn cũ thời Dạ Đài, Trần Mai Châu chắc cũng nhận ra văn chương đã khiến không ít người tơi tả. Nhưng có lẽ khát vọng thơ ca vẫn âm ỉ ở một góc nào đó của tâm hồn văn nhân, chỉ chờ dịp bùng cháy trở lại.

            Trong những ngày hưu trí rảnh rỗi, Trần Mai Châu đã nhận lời dịch một số tiểu thuyết cho các nhà xuất bản ở An Giang và TP Hồ Chí Minh. Nhưng những tác phẩm không thôi ám ảnh tâm hồn ông lại là những bài thơ Pháp thế kỷ 19 mà ông thuộc làu từ thời đi học ở Hà Nội và Sài Gòn. Ông tin mình có thể chuyển ngữ thành công những bài thơ đó sang tiếng Việt. Có lần ông tâm sự với Phan Phú Yên, tức nhà thơ Phan Hoàng: “Tôi thấy người dịch thơ Pháp phải hết sức cố gắng để xứng đáng một phần nào với những tác giả nổi tiếng. Ta phải cung cấp cho độc giả những bài thơ thực sự là thơ Việt Nam và khi đọc mọi người không có cảm tưởng là đang đọc một bài thơ dịch […]. Những bài thơ mình dịch là những bài thơ hay nhất của một thi sĩ ngoại quốc nổi tiếng, nếu mình đưa ra những bản dịch tầm thường thì phản bội lại họ. Điều quan trọng nhất của một bản dịch là phải hay”[1].

           Trả lời nhà phê bình Thuỵ Khuê trên đài RFI ngày 04-12-1999, Trần Mai Châu cũng nói rõ quan niệm của mình về dịch thơ: “Quan điểm dịch thơ của tôi là phải cố gắng dịch đúng và hay. Bài thơ dịch phải là một bài thơ Việt thực sự. Nhưng muốn vừa đúng vừa hay thì nhiều khi phải cân nhắc. […]. Đi vào cụ thể thì tôi thấy tình ý bài thơ đã có sẵn, vấn đề chỉ còn là kỹ thuật, là diễn đạt. Nhưng tình ý là tình ý của tác giả nguyên tác, nếu không thấy rung động thực sự vì những tình ý đó, không cảm thấy những tình ý đó cũng là tình ý của mình thì không diễn tả hay được”.

           Nhờ tài nghệ của Trần Mai Châu, hồn thơ Pháp hoà điệu với tiếng Việt giản dị và tinh tế, qua những câu thơ năm chữ:

                                 Nắng đã tắt từ lâu

                                 Tôi ngồi bên cửa lớn

                                 Nhìn chút ngày ngả muộn

                                 Sáng ánh lửa cần lao.

                                               (Hugo: Chiều, mùa gieo hạt)

hay những câu thơ tám chữ:                   

                                 Đêm tăm tối nhưng vẫn còn leo lét

                                 Ánh trăng mờ ở tận tít mù xa

                                 Giữa trần thế một linh hồn thân thiết

                                 Hiểu tình ta và sẽ trả lời ta.

                                               (Lamartine: Thu)             

          Trần Mai Châu đã dự cảm đúng về thành công của ông trên lĩnh vực dịch thơ. Cuốn Thơ Pháp thế kỷ 19 (NXB Trẻ, 1996) do ông tuyển dịch, lược khảo, bình chú đã được dư luận hồi đáp tích cực, được tặng thuởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997 và nay đã in đến lần thứ ba. Có thể mượn lời của James Mc Gowan, người dịch Les Fleurs du Mal của Baudelaire sang tiếng Anh, để nói về những dịch giả thành công, trong đó có Trần Mai Châu: “Tôi hoạt động như một nhà thơ khi thực hiện những bản dịch của tôi, và như một nhà thơ, tôi hy vọng phục vụ cả Baudelaire lẫn người đọc hiện đại”. Dường như nhà thơ Trần Mai Châu thời Dạ Đài đã sống lại trong kích thước mới của những bản dịch này. Điều khiến ông đắc ý nhất là hầu hết những bài thơ dịch đó, nhờ nhạc điệu, đều có thể được ngâm lên chẳng khác nào những bài thơ Việt.

          Việc tích lũy kinh nghiệm đọc thơ, làm thơ và dịch thơ dẫn đến nhu cầu bàn luận về thơ bằng ngôn ngữ chính luận. Ở tuổi ngoài 80, Trần Mai Châu biên soạn công trình Thơ – nhận định và thưởng thức[2] như một sự đúc kết lý thuyết về thơ. Từ việc đi tìm đặc trưng của thơ, tác giả lý giải mối quan hệ giữa thơ và văn xuôi, thơ và nhạc, thơ và thi hứng, thơ và hình ảnh, tưởng tượng, thơ và tường thuật, mô tả. Cuốn sách trở thành một tài liệu thi học khi tác giả trình bày vừa cặn kẽ, vừa khúc chiết những hình thái tu từ của thơ và các thể thơ quen thuộc của dân tộc. Là người được đào tạo trong môi trường Tây học, tác giả tỏ ra rất am hiểu đặc trưng nghệ thuật và tiến trình thơ ca Pháp thế kỷ 19 – 20. Đọc cuốn sách này, ta còn hiểu được nhận định và chủ kiến của ông về một số nhà thơ hiện đại, về tác dụng của thơ cũng như về giá trị của một số bài thơ hay. Là một nhà biên khảo chừng mực và lão thực, Trần Mai Châu lắng nghe, ghi nhận và tiếp thu ý kiến của nhiều người thuộc nhiều thế hệ bàn về thơ. Chỉ tiếc là đôi khi ông trích dẫn hơi dài dòng một số ý kiến không thật tiêu biểu và sâu sắc.

         Lại Nguyên Ân nhận xét xác đáng về Thơ – nhận định và thưởng thức của Trần Mai Châu: “Đây là câu chuyện của một người rất yêu thơ. Ông giãi bày tình yêu ấy bằng một sự hiểu biết được tích luỹ khá súc tích của mình về nó. Ông đã gắng trình bầy nó đưới các dạng tri thức, song người ta thấy chỗ mạnh nhất ở ông là sự trải nghiệm, là kinh nghiệm tiếp xúc với thơ của ông, với tư cách người thưởng thức thơ và người dịch thơ”. Lại Nguyên Ân cũng có lý khi cho rằng cuốn sách này “không thực sự là một chuyên luận, mà vẫn thuộc loại sách tập hợp, tức là sách được tổ hợp lại từ một số bài viết, mang một số nội dung khác nhau, tuy giữa chúng có sự gần gũi nào đó, nhưng không gắn bó hữu cơ với nhau”[3].

          Thật ra, theo chúng tôi được biết, Trần Mai Châu có chủ định viết cuốn này như một chuyên khảo về thơ. Nhưng do điều kiện sức khoẻ và nhất là do cách viết thiên về “thưởng thức”, có tính nghệ sĩ, nên công trình của ông, “tuy có chia thành các chương, mục, song tính hệ thống của chúng khá lỏng lẻo, nhiều chỗ giống như những trang bút ký hay tuỳ bút về thơ”, như Trần Thanh Đạm đã chỉ ra và đi đến nhận xét thoả đáng: “Tóm lại, tôi cho rằng tập sách của Trần Mai Châu thuộc một thể loại mà các nhà phê bình thơ ở Việt Nam và Trung Quốc xưa nay từng viết, đó là thi thoại (nói chuyện về thơ)”[4].          

        Trong tinh thần đó, có thể nói Thơ – nhận định và thưởng thức là một công tích nữa của Trần Mai Châu, với tư cách một người làm văn học và một nhà giáo, đóng góp vào tủ sách những người yêu thơ ở một đất nước có truyền thống sáng tạo và bình luận thi ca.

 

Nguồn: Báo Văn Nghệ số 35&36, ngày 01-9-2012.

 


[1] Phan Phú Yên, “Đường một thuở trăng xanh”, Kinh Tế Nông Thôn cuối tuần, số 27, ngày 10-7-2004.

[2] NXB Văn Hoá Sài Gòn, 2008; NXB Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh tái bản, 2011.

[3] Lại Nguyên Ân: “Trần Mai Châu – duyên nợ với thơ”, Báo Thể Thao Văn Hoá, ngày 31-5-2008.

[4] Trần Thanh Đạm: “Những trang sách về thơ của nhà thơ, nhà giáo lão thành Trần Mai Châu”, Báo Giáo Dục TP. Hồ Chí Minh, ngày 11-8-2008.

Hồn thơ Quang Dũng sớm biết rung cảm trước những cuộc lữ. Bài Chiêu Quân ông viết năm mười sáu tuổi là một thí dụ: Đây Nhạn Môn quan đường ải vắng/ Trường thành xa lắm Hán vương ơi!/ Chiêu Quân che khép mền chiên bạch/ Gió bấc trời Phiên thấm lạnh rồi. Năm năm sau, tức năm 1942, khi viết Giang hồ, Quang Dũng càng tỏ rõ nỗi xúc động đặc biệt của mình trước những kiếp gió bụi: Mấy gã thanh xuân, lòng bốn cõi/ Nhẹ nhàng thân gửi kiếp ra đi/ Gói, khăn, trăng, gió trời mây bạc/ Hồn nhẹ quên trong xác nặng nề.

20210512

Điều này có vẻ hơi khác thường, song nếu biết đôi chút về đời tư Quang Dũng, hẳn sẽ thấy không có gì khó hiểu cho lắm. Quang Dũng sinh năm 1921, quê ở làng Phượng Trì, xã Đan Phượng, tức phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây xưa - vùng bán sơn địa cổ thường được gọi với cái tên bình dị là xứ Đoài. Nhưng quãng thời gian Quang Dũng gắn bó với nơi này không dài. Mới lên bảy, ông đã được gia đình cho ra Hà Nội học, ở nhà người cậu ruột. Cảnh sống xa nhà và những thân phận u uẩn chiều lưu lạc/ buồn viễn xứ khôn khuây có lẽ vì vậy mà đã ám ảnh tâm hồn Quang Dũng ngay từ thơ ấu.

Từ năm 1946, khi gia nhập Vệ quốc đoàn rồi trở thành một thành viên của Binh đoàn Tây Tiến, ông càng dấn mình vào kiếp phiêu bạt. Cuốn hồi kí Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt(1) được Quang Dũng hoàn thành năm 1952 là bản biên sử sinh động về quãng đời lênh đênh đầy nhọc nhằn nhưng lãng mạn và tươi đẹp ấy. Mà có lẽ cũng chính từ đây, ông bắt đầu nhận ra cái khoái thú của những chuyến đi. Cho nên sau này, dù đã giải ngũ, chuyển sang làm công tác văn hóa, xuất bản rồi về hưu, ông vẫn không quên được đời ngao du bay nhảy, thậm chí xem đó như một niềm mê đắm. Nhà thơ Trần Lê Văn, trong Lời giới thiệu Tuyển tập thơ văn Quang Dũng (Nxb Hội Nhà văn, 2014), khẳng định điều ấy khi nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng, người bạn thân của ông có niềm say mê “được luôn luôn cất bước trên những dặm đường”, lúc nào cũng “hăm hở đi, mải miết đi, như có một ma lực lôi kéo”.

Tâm thức lữ khách ấy len vào đến tận nguồn mạch thơ ca Quang Dũng, làm thành một thứ thơ mà tôi muốn gọi là thơ “ở trên đường”.

*

*          *

Nhìn tổng quát đời thơ Quang Dũng, dễ thấy chủ thể trữ tình trong các sáng tác của ông thường là kẻ đang dấn bước trên những hành trình xê dịch. Đó là chàng lính vệ quốc đang hành quân trong Tây Tiến, Sử một trung đoàn, Quán bên đường, Mắt người Sơn Tây, Nhà bên đường, Lính râu ria, Nhớ… Đó là kẻ sống đời lữ thứ trong Cố quận, Những cô hàng xén, Buồn êm ấm, Thu… Đó là người viễn khách đang trên đường qua Bố Hạ, đến Việt Trì, đi ngang sông Châu, Phủ Lí, trằn trọc đêm Bạch Hạc, nín thở vượt dốc Pha Đin… Chưa kể, thử lướt qua phần cuối các bài thơ, nơi Quang Dũng ghi lại địa điểm sáng tác và nhất là nhìn vào sự hiện diện dày đặc của hàng loạt địa danh khác nhau, những tên đường, tên sông, tên núi trải từ miền ngược đến miền xuôi trong thơ Quang Dũng (đơn cử đoạn trong bài Bắt đầu: Ôi sông Hồng Hà cuộn đỏ/ Đêm thu qua bến Việt Trì/ Sông ơi có biết/ Lòng người ra đi/ Cổ Đô - Thổ - Tạng - những làng/ Sơn Tây - Ba Vì những núi/ Bạch Hạc là đâu/ Phong Châu đất cũ/ Bến vắng thuyền xuôi giọng hát ả đào/ Trăng lạnh mái chèo ca nữ), người ta đã phần nào hiểu được sức đi của vị thi sĩ tài hoa này và cái cảm hứng “trên đường” chảy rào rạt trong thơ ông.

Nói đến đi và viết, có một thực tế thường thấy, rằng khách văn chương, khi bước vào những hành trình, hình như không phải muốn kiếm tìm hay phát kiến ra một thứ gì mới mẻ. Họ không phải là Columbus dong thuyền ra khơi trong niềm khát khao những vùng đất lạ; họ không giống Darwin lênh đênh trên biển suốt nhiều năm để quan sát và ghi nhận tự nhiên, từ đó gây dựng thuyết tiến hóa; và họ cũng khác Lévi-Strauss - người từng bỏ công đi sâu vào vùng rừng rậm Amazon, tìm đến những bầy người da đỏ nguyên thủy để khám phá xem đâu mới là cái cơ cấu tư duy phổ quát của nhân loại đã có từ thượng cổ. Người văn chương, ngược lại, ra đi kì thực là để tâm thức thực hiện những cuộc trở về. Tôi rất thích tựa đề quyển bút kí của nhà văn Lê Vũ Trường Giang, “Đi như là ở lại”. Nghe có vẻ nghịch nhĩ, song thực tế là trên những chặng đường ra đi ấy, hẳn có lúc ta đã để lại một mảnh hồn, một khối tình cho những xứ sở ta qua, cho ngọn cỏ dại ta nhìn thấy bên đường, cho trang sách ta tình cờ lần giở, cho tiếng chuông sơn tự vang vọng vào những buổi sớm sương giáng… Cứ thế, ta đi nhưng thực ra đã mãi ở lại trong những nơi chốn mà ta từng đến, trong những duyên tình ta hạnh ngộ. Đi vì thế cũng là một cách nhung nhớ, mà thậm chí sâu bền và mãnh liệt hơn nhiều so với ở lại: sự quen thân, nghịch lí thay, nhiều khi mới chính là nguồn cội của quên lãng.

Thơ ca Quang Dũng phát khởi từ chính những thương nhớ trên đường như vậy. Điều này lí giải vì sao trong nhiều bài thơ về đời lính, Quang Dũng không nói đến những đoàn quân hào khí ngút trời hay những chiến công hiển hách, oai dũng, mà lại rất hay kể về chặng đường hành quân gắn với những kỉ niệm chỉ một lần gặp gỡ.

Đó là những cái quán nhỏ, những mái tranh vẹo xiêu ở lưng chừng đèo dốc mà ông và đồng đội, trong một đêm ngắn ngủi nào, đã dừng lại nghỉ chân: Khuya khoắt sông bờ vắng/ Lửa hồng quán tản cư/ Lính mấy chàng vất vả/ Tìm sống một đêm thơ (Lính râu ria); Đây căn nhà chật hẹp/ Tạm bợ dựng bên đường/ Tường xếp gạch phá hoại/ Đôi mái liếp che sương/ Năm năm trời kháng chiến/ Đây làm quán giang hồ/ Cửa rộng đón bằng hữu/ Rừng núi về trung du (Nhà bên đường); hay Nhà tranh hốc hác/ Cuối làng chơ vơ/ Đường xa công tác/ Người lính ghé nhờ (Nhớ).

Đó là một đêm vui hiếm có giữa rừng Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ Kìa em xiêm áo tự bao giờ/ Khèn lên man điệu nàng e ấp/ Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ (Tây Tiến), là một khoảng yên bình chóng vánh thời chiến mà thi sĩ bắt gặp trên đường hành quân Bên cuối thôn xuân hoa gạo rơi/ Sông xanh hiền triết lặng trôi xuôi/ Đò ngang một chuyến qua mưa bụi/ Ấm áp trong mưa tiếng nói cười/ Cái giọng ru con từ ngõ trúc/ Thanh bình như phút sống đang trôi (Đất nước).

Đó còn là cô em gái tản cư chung cảnh ngộ “thiếu quê hương” Và chợt nhớ chúng ta xa nhà cửa/ Em tản cư tôi làm lính tiền phương/ Quê Hà Nội cùng xa từ một thuở/ Lòng rưng rưng thương nhau qua dọc đường (Quán bên đường), là người gái núi vừa gặp gỡ đã phải chia xa Ngỡ hết thôi rồi muôn giới biên/ Em là gái núi mộng bình yên/ Anh là trai lỗi thời binh lửa/ Môi lạnh không chờ chuyện lứa duyên (Đêm lạnh).

Thơ Quang Dũng viết sau khi ông rời quân ngũ vẫn tiếp nối mạch cảm hứng của các sáng tác giai đoạn trước đó, vẫn là những hành trình đi và viết, nhưng tâm thức lính đã nhạt dần, nhường chỗ cho những xúc cảm mang đậm màu sắc thế sự hơn. Có nhiều bài là nỗi xót xa trước những điêu tàn thời chiến như Đường chiều thứ bảy, Chabbi - Chabbi, Nhớ bạn, Những nghĩa trang… Song cũng có những bài như Bắt đầu, Rừng, Hoa chè, Pha Đin, Bất Bạt đêm giao quân, Những người tóc đã trắng, Mây đầu ô… lại là lời ca hi vọng, là tiếng reo vui, dầu vẫn ở giọng trầm, trước những sinh sắc chớm nở ở miền Bắc hậu chiến.

Tuy nhiên, có một thứ kí ức sâu đậm hơn tất thảy, thứ kí ức đã ở lại và day dứt mãi trong suốt cuộc đời Quang Dũng dù những hành trình thăm thẳm có đưa bước chân ông đi đến tận đâu, và ngược lại, có lẽ cũng chính vì đi nhiều mà cái kí ức ấy trong ông càng nhức nhối. Tôi đang muốn nhắc đến nỗi nhớ cố hương phủ dày trong thơ Quang Dũng.

Hãy thử làm một thống kê: Ngồi đây năm năm miền li hương/ Quê người đôi gót mỏi tha phương (Cố quận); Bộ hành thiêm thiếp nhớ trung châu (Trưa hè); Và chợt nhớ chúng ta xa nhà cửa (Quán bên đường); Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt/ Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì, Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm, Buồn viễn xứ khôn khuây (Mắt người Sơn Tây); Hồn còn buồn vương hình dáng quê xưa (Tình quê); Quê mẹ không còn dấu vết/ Như chẳng có bao giờ (Nhớ về mẹ); Có nhớ về đất Bắc/ Những người xa quê hương (Có nhớ về đất Bắc); Trưa hè bỗng nhớ sông quê (Mây làng); Ai biết Hồ Nam giờ ra sao/ Xa cách hồn quê động bóng cau (Hồ Nam); Áo chàm lên ga/ Hương rừng đã ngái/ Chạnh niềm quê hương (Bắt đầu); Đường về quê hương về quê hương/ Có một ngày sao mà bất tận (Không đề 2); Em chở anh qua đò/ Đi tòng quân một sớm/ Dòng sông của quê ta/ Trong mắt anh chầm chậm (Đám cưới qua sông Đáy); Nhớ Sơn Tây hơn một mối tình (Gửi Sơn Tây); Sấm đầu mùa đã động/ Sao động lòng tha hương? (Chiều núi mưa rào); Nước mắt em buông lã chã/ Long lanh nhớ giếng quê nhà (Bắt tép kho cà); Đất đá ong trong lòng giếng mát/ Ôi Sơn Tây! Sài Sơn yêu thương! (Nhớ một bóng núi)…

Dễ thấy, trong thơ Quang Dũng, nỗi nhớ quê hương của ông đã được bày ra với gần như toàn bộ những cạnh khía, những biến thể phức tạp nhất của nó. Quang Dũng nhớ đất, nhớ sông, nhớ núi, nhớ da diết cảnh mây trắng trùm bọc xứ Đoài, nhớ cái giếng nước mát, những tảng đá ong, thậm chí chỉ cần nghe tiếng sấm một chiều giữa rừng, ông cũng bâng khuâng nhớ thương quê cũ.

Nhưng thao thiết và ám ảnh nhất có lẽ vẫn là nỗi nhớ về những cố nhân nơi quê xưa, nỗi nhớ đã trở thành nguồn cảm hứng cho Đôi bờ, Mắt người Sơn Tây, Những cô hàng xén - những bài thơ tiêu biểu nhất làm nên tên tuổi Quang Dũng. Đôi bờ mở ra một bến sông khuya chìm khuất trong rét mướt và mưa bụi, nhưng nỗi nhớ và khói thuốc đã đưa người em gái bên bờ sông Đáy quê cũ năm nào trở về trong mộng mị: Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa/ Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ/ Thoáng hiện em về trong đáy cốc/ Nói cười như chuyện một đêm mơ. Mắt người Sơn Tây lại diễn tả cái khắc khoải trong một đôi mắt xứ Đoài, đôi mắt mà binh lửa, lưu lạc và điêu tàn đã hằn lên thành những “suối lệ”. Trong khi đó, Những cô hàng xén lại là nỗi nhớ đẹp về một làng quê Bắc Bộ tươi nhuận đang vào độ vải chín, và nhất là về những cô gái hàng xén ven sông Đáy duyên xinh, “đẹp như ca dao nước Việt”...

*

*          *

Mỗi lần đọc thơ Quang Dũng, tôi hay nhớ về chân dung ông, bức chân dung chàng quân nhân Bùi Đình Diệm chụp những ngày Tây Tiến với chút râu ria điệu nghệ, nhân trung hõm rõ, mà nhất là đôi mắt, một đôi mắt sâu, xa vắng, thăm thẳm. Mắt người Sơn Tây có đoạn: Đôi mắt người Sơn Tây/ U uẩn chiều lưu lạc/ Buồn viễn xứ khôn khuây. Nhiều người sẽ nghĩ rằng đôi mắt ấy là đôi mắt của một người con gái. Nhưng có gì để bảo chứng? Trong một thoáng mơ lãng, tôi nghĩ đó cũng rất có thể là bức tranh bằng chữ mà Quang Dũng đã dùng để tự họa đôi mắt mình - đôi mắt mà ông cho là “u uẩn” vì “buồn viễn xứ”. Viễn xứ quả là buồn, và Quang Dũng thực ra thấm thía lắm nỗi buồn ấy. Dầu vậy, ông vẫn đi, tha thiết được đi, đi như một phận sự và đi như một lời réo gọi từ nội tại. Bởi rõ ràng những hành trình trong đời đã khiến nỗi nhớ trong ông thêm cuồn cuộn và sâu thẳm. Những thương nhớ trên đường u uẩn ấy, chính chúng tạo cho thơ Quang Dũng một thứ hồn cốt hiếm có, một thế đứng độc đáo trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam.

Nguyễn Đình Minh Khuê

Nguồn: Văn nghê quân đội, ngày 03.5.2021.

-------

1. Quyển hồi kí vừa được gia đình nhà thơ Quang Dũng công bố vào năm 2019, Nxb Kim Đồng ấn hành, đặt lại tên là Đoàn binh Tây Tiến.

Lời vào đề

Tình cờ thấy cuốn Bức tranh thành thị của tác giả Đặng Thị Thanh Phương, giấy phép năm 1949, in năm 1950, bèn đọc ngấu nghiến và thấy mình ngày trước thiếu sót khi viết cuốn Văn chương tranh đấu miền Nam, Kỷ Nguyên Saigòn, 1969, đã không biết có cuốn nầy nên loại bỏ tác giả Đặng Thị Thanh Phương không giới thiệu vì cho rằng những truyện dài kia của bà không đạt, và không thấy phần đóng góp trong xu hướng văn chương nổi bật của miền Nam thời đó.

Tranh đấu chống Pháp có mặt trực diện là hầu hết những tác giả đã được tôi nói đến trong cuốn sách đầu tay của mình. Nhưng tranh đấu bàng diện cũng nên được nói tới, đó là những tác giả như Đặng Thị Thanh Phương, Nhất Tâm Nguyễn Bá Thế và những nhà văn nhà thơ có tác phẩm xuất hiện trong các tạp chí Thế Giới, Việt Báo, chẳng hạn như Vũ Hầu, Ái Lan và những tác giả in được chỉ 1 tập thơ và không có điều kiện sinh hoạt văn nghệ với những tạp chí hay nhựt báo thời đó như Phạm Từ Quyên, Ngụy Văn Thông, Vĩnh Sanh, Nhiêu Ân, Trúc Chi, Thanh Nhã… Chỉ in một thi tập nên tên tuổi ít được biết tới. Thiệt là bất công nếu chúng ta bỏ qua những tên được kể trên khi nghiên cứu về nền văn chương Nam Bộ 1949-50. Bài viết sau đây như một bổ khuyết cần thiết và cũng gián tiếp trả lời một câu hỏi từ một nhà giáo nghiên cứu văn học rằng có thêm tác giả nào nữa cho những tên tuổi đã được nhắc đến trong cuốn Văn chương tranh đấu miền Nam hay không?

Tác giả Đặng Thị Thanh Phương có tác phẩm năm 1950, trẻ nhứt lúc đó nữ sĩ cũng đã hai mươi, nghĩ là bà sanh khoảng 1920-1930, vì thế cho nên những năm cuối thế kỷ trước ta còn thấy tên Đặng Thị Thanh Phương xuất hiện trên vài tạp chí ở Âu Châu và Canada. (Nếu hai Đặng Thị Thanh Phương xuất hiện ở Việt Nam ngày trước và ngoại quốc gần đây là một!).

Mong nhận được chi tiết về tiểu sử của bà Đặng Thị Thanh Phương qua con cháu của bà. Xin coi email ở cuối bài.

Giờ xin giới thiệu Bức tranh thành thị.

Tác giả chỉ muốn cuốn sách của mình như tập hợp những bài phóng sự ngắn vẽ các cảnh đời bất hạnh bằng các chấm phá về đời sống đô thành Sài Gòn vào thời gian đặc biệt những năm 1948-1949. Bà không bận tâm viết những truyện ngắn bằng hư cấu dầu là nho nhỏ, hoặc tả cảnh vật, tâm trạng của nhân vật, hay tổng kết lại thành một cuốn truyện dài, mà chỉ vẽ phác, đơn sơ vài ba nét bằng lời văn thiệt sự ngoài đời, không trau chuốt, miễn diễn tả được điều bà muốn đưa ra cho người đọc: Sài Gòn còn quá nhiều người nghèo khổ, Sài Gòn cũng đương ẩn hiện những vọng hướng ngoài xa xăm kia.

Cuốn sách gồm mười ba mẩu chuyện nhỏ với lời nói đầu và một bài tổng kết cho thấy bà xót ruột vì cái Sài Gòn hoa lệ bề ngoài, cái gọi là hòn ngọc Viễn Đông kia cũng là chỗ chứa những cảnh đời đáng thương.

Tựa

Nắng rực rỡ lắm, xe pháo ồn áo trong các ngả đường của thành phố. Người qua lại trên các vỉa hè đông như hội. Thật là tấp nập!

Tất cả một họa phẩm đầy đủ màu sắc linh động trước mắt tôi, gió thổi, bụi của chốn thị thành vùng bay lộn lên, quyện vào nhịp bước của giai nhân, một màu trắng nhẹ như tơ.

Biết bao duyên dáng, thành thị như cô gái làm đỏm, luôn luôn khoe bộ mặt niềm nở chờ đón tất cả mọi người, tất cả khách của tứ phương.

Nhưng sau bức tranh hỗn độn màu sắc ấy, vẫn luôn luôn có một khung cảnh thật của đời sống thị thành.

Cái khung cảnh thật ấy đã luôn luôn làm cho chúng ta phải nghĩ ngợi, dù chỉ thoáng qua trong một phút. Nhưng tất cả những cảnh sống ô hợp, thiếu thốn và giả dối ở đây đã làm cho chúng ta có lẽ không bao giờ quên được cái khoảng tối tăm của xã hội.

Và, biết bao nhiêu nghẹn ngào khi chúng ta thấy rằng chung quanh chúng ta, mọi người còn đang quằn quại đang ngoi ngóp trong cái bóng tối chôn vùi của xã hội ấy.

… Nhưng rồi, giữa chúng ta, ai cũng như ai, chỉ đành lặng lẽ thở dài, hầu như chôn sâu những đắng cay ấy ở một đáy lòng…

Thanh Phương

 

1. Một tà áo màu. Cuộc nói chuyện giữa hai người bạn. Một có lẽ là tác giả, một là nữ tư chức lương công nhựt thiếu thốn, tiền lương thường chỉ đủ xây xài lây lất tới 20 tây, những ngày cuối tháng phải vay mượn hay cầm cố món gì đó mong có chút tiền giải quyết cấp thời. Người đọc không thấy chồng chị đâu, chỉ thấy đứa con nhỏ chừng 5 tuổi, mẹ nó khi đi làm phải đem gởi cho hàng xóm dầu nó đương rất buồn ngủ. Chuyện thương tâm và trái nghịch là người phụ nữ tư chức kia khổ như vậy nhưng khi đi tới sở phải có chút phấn son, có cái áo dài cho tươm tất. Và tác giả nói lên tâm trạng mình: Dưới con gió Hè, tà áo của Liên bay lên một cách nhẹ nhàng khả ái. Tôi chợt nhớ đến những tà áo màu mà thường ngày tôi vẫn gặp nhan nhản trong thành phố. Thốt nhiên tôi thở dài: Phải, biết đâu những tà áo màu đẹp đẽ ấy và những bộ mặt phấn son duyên dáng ấy chả đang che đậy cho một cuộc đời cần lao thiếu thốn?!! (trang 12)

2. Chiếc nhẫn cuối cùng. Khanh, với vai tác giả, tiếp người bạn gái nghèo, đến than thở vì con và mẹ bịnh mà không có tiền lo thuốc men, lại không được nghỉ làm để chăm sóc. Cuối cùng người bạn đưa cho Khanh chiếc nhẫn vàng - chắc là kỷ vật ngày cưới - nhờ bán giùm, Khanh nói như vậy thì phụ lòng người đương ở xa. Cách nói ưỡm ờ bóng gió của hai người hé cho người đọc chúng ta biết người ở xa đó là người đương ở trong bưng, đương chiến đấu chống Pháp. Viết ngắn nhưng hé lộ nhiều, phù hợp với khuynh hướng văn chương chung lúc đó. Đoạn tiêu biểu nhứt trong truyện:

…. Chị có biết ai mua , bán giùm tôi.

Lòng se lại, tôi gạt tay bạn.

- Biết người ở phương xa sống hay chết mà nỡ hủy bỏ một kỷ niệm duy nhất ấy?

Mắt rướm lệ, Khanh đứng dậy lảo đảo nàng nói qua gượng thổn thức:

- Chính vì nghĩ đến người ở phương xa cho nên tôi vẫn cố gắng… tôi vẫn tìm an ủi ở một ngày mai sum họp, nhưng quả thật tôi đã chán ghét cái cảnh sống giả dối và bóc lột ở chốn phồn hoa nầy lắm rồi. (trang 15)

3. Sen trên vũng bùn. Cũng là cảnh nghèo của một người đàn bà phải chật vật, bương chải buôn bán nhỏ để nuôi con nhưng bị đuổi xô, bị trời mưa sách tập giấy bút học trò món hàng chị bán bị ướt, hết vốn. Cũng như bài trên, tác giá hé lộ cho thấy người đàn bà đó đáng kính vì: Nếu trước kia chị cũng như những người đàn bà tầm thường khác quên đi tất cả những hành vi cao cả của một người chồng đã chết vì nghĩa vụ chị bước đi một bước nữa trong lúc tuổi còn xuân thì bây giờ chắc chị đã ở địa vị một người trưởng giả như các bạn của chị rồi… (trang 20)

4. Vì một người con. Về chuyện một người đàn bà nghèo sống bằng nghề làm tua ren khăn trải bàn. Giá công bèo, bà sống khó khăn nhưng sống để kiếm tiền gởi ra ngoài kia cho con. Con bà là ai? Hình tượng người con độc giả sẽ hiểu qua lời đối thoại của bà ấy với tác giả.

- Một mình tôi thì chả cần, nhưng vì tôi cũng muốn cố gắng làm lấy chút tiền, cốt ý để dành lâu lâu có dịp thuận tiện gửi cho con tôi; thế thôi.

Câu nói của bà chợt nhắc tôi nhớ tới người con trai duy nhứt của bà đã xa nhà từ mấy năm nay…

… Khi bà tiển tôi ra cửa, tôi hỏi vói lại một câu:

- Bà sống như thế này có khổ không nhỉ?

Nhưng bà tươi nét mặt, vuốt những sợi tóc đã đốm sương và đáp:

- Kể thì cũng cực nhưng không mấy buồn vì tôi còn mong đến ngày về của con!... (trang 25)

5. Một buổi trưa Hè. Một người đàn bà nghèo đi bán cà lem cây dạo, mỗi trưa phải ghé lại một chỗ kín đáo trong công viên để cho con bú, đứa nhỏ do chị nó ẵm ra. Ngày nào cũng vậy khiến tác giả để ý theo dõi và nói chuyện để tìm hiểu. Ba mẹ con sống sao đủ với tiền lời bán dạo như vậy nên rất cực khổ. chị khổ nhưng khi nghe hỏi đến người chồng thì chị tủm tỉm cười, ngập ngừng nhưng sung sướng. Cũng là cách dựng truyện như toàn thể cuốn sách, Đặng Thị Thanh Phương giới thiệu gián tiếp về người chồng của thiếu phụ bán cà lem dạo nầy.

…Anh ấy có việc gấp phải đi xa… Vì bây giờ vắng anh ấy nên tôi phải gần những đứa nhỏ nầy nhiều hơn!...

Tôi đứng ngây người như để lắng nghe cho hết câu nói tuy mộc mạc nhưng có lẽ lo cả một niềm âu yếm và ý nghĩa thốt ra ở miệng một người đàn bà nghèo khổ mà cao quý của đất Việt! (trang 32)

6. Những giọt mồ hôi. Một người đàn bà phụ hồ nghèo, chồng làm thợ điện bị điện giựt chết, nhà bị đuổi, tới xin mượn người thầu khoán chút tiền thì bị từ chối. Chị ta đi ra cửa kéo cái khăn rằn lên lau mặt, tác giả thú nhận là mình không biết chị ta lau mồ hôi hay lau nước mắt tủi nhục của thân phận.

Thoáng nhìn, tôi nhận thấy nét mặt chị đượm một vẻ đắng cay vô cùng. Chị rút chiếc khăn rằng xuống lau lia lịa lên mặt. Tôi không hiểu chị lau những giọt mồ hôi lao khổ hay là những giọt nước mắt tủi cực khóc một cuộc đời tăm tối khốn khổ mà luôn luôn bị tất cả mọi người bỏ quên!... (trang 37)

7. Tiếng sáo trúc. Cặp vợ chồng nghèo sống bằng nghề thổi sáo và hát dạo ở các tiệm ăn. Thực khách thường chẳng buồn nghe. Tiếng sáo ai oán, tiếng ca thê lương bay vô hư không. Và rồi hai năm sau người đàn ông xuống cấp hơn, không còn người vợ đi theo mà phải ôm đứa con nhỏ, tiếng sáo anh trở thàmh tiếng sáo thổi lên để cám ơn ai đó bố thí cho mình vì giọng ca bên đời anh đã không còn. Câu chuyện phơi bày nỗi cơ cực của người đàn ông kia nhưng cũng cho thấy tình cha con cao trọng mà tác giả chỉ phớt qua bằng một vài ba câu đối thoại.

Lúc vợ tôi mới chết, nó còn nhỏ quá nên tôi phải đem cho nhà mồ côi nuôi… nhưng sau vì thương mẹ nó quá, tôi phải xin nó ra để nuôi lấy! Nghèo đói quá nhưng tôi chắc rằng tôi không thể xa nó được.

Bây giờ không thể kiếm ăn bằng nghề thổi sáo này nữa, tôi đành phải đi hành khất… tuy tôi cũng biết như thế này là nhục nhã lắm!... (trang 43)

8. Đứa bé đánh giày. Cuộc đời một đứa bé đánh giày. Vì sao nó phải ra thân như vậy? Cha nó bị bố bắt. Người ta không cho nó mướn nhà nữa, nó không có thân nhơn nên phải kiếm cách tự sống. Cuối truyện tác giả thán:

Đêm hôm ấy trời mưa to quá, gió ở đâu vứt lên từng cơn lạnh buốt. Thốt nhiên, nhìn mưa rơi, tôi chợt nhớ tới những đứa trẻ ‘đầu đường xó chợ’ ấy, không biết chúng đã ẩn núp ở đâu một đêm mưa lạnh lẽo như đêm nay? Và những tấm thân nhỏ bé ấy, những linh hồn cô đơn ấy, không biết chúng có thèm thuồng một cảnh êm đềm dưới một cái nhà ấm áp không? (trang 50)

9. Gánh cỏ xanh. Cảnh đời nghèo của một đứa nhỏ mồ côi, kiếm sống bằng cách cắt cỏ bán cho người đánh xe ngựa nhưng nó cũng chật vật và phải tranh đấu nhiều vì rất khó kiếm chỗ có cỏ để cắt. Xin trích vài ba câu cuối truyện. Cách nói chuyện của thằng nhỏ và tiếng ‘tụi’ nó xài, để thay tiếng mầy nhưng có vẻ thân thương nhiều, gần 80 năm nay tôi, Nguyễn Văn Sâm, mới thấy lại.

-Vậy nhà em không có ai à?

Nó nói một cách uể oải:

- Hổng ai hết, mình tui ở đậu với người ta!

- Cha mẹ em đâu?

Nó đáp một cách cộc lốc:

- Chết hết rồi!

Ngồi một lát, nó giận dũi đứng dậy, nói một mình:

- Thứ cỏ hoang đó mà, xin vô cắt dùm cho sạch cũng làm phách, Phải họ chịu, họ có sân bảnh mà mình cũng có tiền xài phải sướng hông?

Và nó nhăn mặt, xoa vào chỗ tay bị đứt, nói một câu rất ý nhị:

- Đừng hành nữa nhe tụi, bộ tính hổng cho người ta đi kiếm cơm sao? (trang 55)

10. Một tối mưa. Chuyện về mấy đứa nhỏ đêm mưa đi bắt cóc bán để kiếm tiền cơm cho ngày mai. Đời nghèo khổ, được một con cóc thì mừng quính, nghĩ tới niềm vui bán lấy tiền hay nấu cháu ăn đỡ đói dễ ngủ để sáng mai còn đi lục thùng rác kiếm lon sữa bò bán kiếm tiền sống qua ngày. Vẫn theo kỹ thuật cũ, bà Đặng Thị Thanh Phương cuối truyện đưa dòng suy nghĩ của mình đi xa.

- Ê bây, về bán “đại” món nầy đặng mai còn thức sớm đi mò lon sữa bò chớ?

Đứa khác đáp:

- Đói quá xá, ngủ gì nổi! Đi kiếm gạo nấu cháo ăn đi!...

Những tiếng nói chuyện nhỏ dần, chúng đã đi cách xa tôi hàng chục thước. Tôi ngơ ngẩn đứng nhìn theo những chấm lửa đỏ mỗi lúc một khuất dần,…

Mưa vẫn đều đều, từng giọt theo mái nhà rơi xuống thềm gạch ti tách, đằng xa, trong khoảng tối tăm của một đêm mưa dầm, nào ai có biết đâu, đang có những đứa trẻ bơ vơ, không nhà cửa không kẻ thân thuộc sống bằng tất cả những sinh kế kỳ lạ của xã hội!... (trang 61)

11. Dưới cột đèn đêm. Ba mẹ con nghèo không có chỗ ngủ, bị ông trật tự đuổi đá vì đã làm xấu thành phố.

Bên ngoài thành phố, những chiếc xe lộng lẫy, vẫn thi nhau lăn bánh trên giải đường thênh thang, và gần đây, những quán rượu vẫn tưng bừng trong tiếng cười đùa của dạ khách, và trên những từng lầu cao, từ bao khung cửa sổ vẫn tỏa ánh đèn ấm áp…

Ngoài trời, đêm mỗi lúc một yên lặng, nhưng trong tĩnh mịch của đêm thành thị ấy, vẫn còn bao nhiêu những tiếng thổn thức của đám dân đầu đường xó chợ mà cuộc đời của họ luôn luôn bị đè nén giữa bao nhiêu gọng kềm của xã hội… (trang 65)

12. Những chiều thành thị. Tác giả luận về hai đoàn người buổi chiều ở thành phố, một khốn khổ mệt mỏi đi mau ra ngoại ô về nhà sau một ngày mệt nhọc làm việc, một sung sướng nhởn nhơ đi vô thành phố để hưởng nhưng thú vui về đêm.

13. Những chùm me. Những đứa nhỏ hái me, bị bồi trong căn biệt thự gần đó ra đuổi đánh, đạp nát hết những chiến lợi phẩm của chúng…

Bỗng cùng lúc ấy, cánh cổng một tòa biệt thự vụt mở toang, và nhanh như chớp, một bác bồi ở trong nhà chạy ra; bác cầm ở tay một chiếc roi đánh ngựa, nhẩy bổ vào đám trẻ khốn nạn ấy, vừa quất, vừa chửi rủa om xòm.

Trong lúc bất ngờ, lũ trẻ hoảng hốt xô nhau chạy tản mác, bỏ lại ở giữa đàng những chùm me mà chúng đã giành giựt với nhau ban nãy.

Đuổi bọn trẻ xong bác bồi trở về chỗ cũ và giận dữ lấy chân giẫm nát lên những chùm me nõn nà và hầm hừ một lát rồi quay trở vào… (trang 71)

14. Và đây, một nét phác cuối cùng. Tác giả nhắc là hai cảnh đời đã viết ở trên.

 

***

Nhìn chung Đặng Thị Thanh Phương vẻ phác bộ mặt tạo nên điểm đen u ám của đô thành Sài Gòn năm 1948, 1949. Họ là những phụ nữ nghèo, những em bé đánh giày, mấy đứa trẻ ăn xin nơi nhà hàng kiếm chút cơm dư canh cặn, người bán cà lem cây, thiếm bán giấy mực, mấy đứa nhỏ hái me, thằng nhỏ cắt cỏ, mấy em nhỏ dầm mưa bắt cóc nhái, người thổi sáo ở các quán ăn, thiếu phụ làm tua ren khăn bàn… Tất cả đều khổ sở vì tiền kiếm được không đủ ăn cho gia đình nhỏ của họ. Có nhiều nguyên nhơn để họ lâm vô tình cảnh đó, tụi nhỏ thì do cha mẹ chết, không nơi nương dựa, đàn bà thì chồng đã quá cố hay đương đi làm nghĩa vụ thiêng liêng. Điều đặc biệt là tất cả đều lăn xả ra ngoài đời tìm cách sống, tuy khó khăn nhưng lương thiện. Người có con hay chồng vắng mặt có lý do chánh đáng thì lòng hãnh diện dâng tràn khi có ai nhắc tới nhắc tới những người ở phương xa đó. Nói chung họ nghèo khổ do hoàn cảnh, nhưng nhân vật của Đặng Thị Thanh Phương đều có thiên lương, họ than thở nhưng an phận thủ thường, không chưởi trời trách đất cũng không nghĩ cách tranh đoạt của ai để thoát nghèo. Ta không thấy chuyện lường gạt, cướp giật, giết chóc ở đây. Cũng không thấy chánh quyền làng xã địa phương ậm oẹ, chèn ép. Xã hội thời Pháp thuộc, mặc dầu chiến tranh lảng vảng mà thanh bình cách gì, chẳng thấy bất công lớn, không nghe chuyện bị tước đoạt toàn bộ gia tài bằng những cơ chế, cũng chẳng có ai bị giam tù hơn một thập niên do phát biểu về cái xấu của người cầm quyền. Cũng chẳng có ai bị người của chánh quyền quyết đánh cho mầy bị bịnh hậu hay phải tự tử… Cuốn sách đáng coi vì được viết ra từ quan sát và từ thâm tâm của tác giả, không phải từ sự đặt hàng tuyên truyền như những cuốn sách xuất hiện do nhu cầu giai đoạn, in năm 1945, 1946 ở Hà Nội của Hội Văn Hóa Cứu Quốc ngày trước.

Tôi không cho sự mô tả trong tác phẩm của Đặng Thị Thanh Phương là tả chân xã hội gì gì hết. Đó là những chấm phá về cuộc đời từ những cái có thiệt. Có thể người đọc ngày nay không thấy hứng thứ vì nó chơn chất quá. Nhưng đó là ý hướng viết của tác giả. Một vài truyện ngắn của Lý Văn Sâm cũng nói về cảnh nghèo của Sài Gòn, như Ngoài mưa lạnh, Oan gia, Thèm một ngọn đèn… nhưng đã dùng sự kiện thấy được ngoài đời để nhào nặn thành những tác phẩm văn chương. Hai người hai con đường khác nhau. Một bên là chất liệu thô, một bên đã pha chế thành phẩm. Không có sự hay dở khi so sánh, chỉ có ý thích của người đọc để đánh giá theo chủ quan nhưng cả hai đều có khuynh hướng phơi bày một mặt gì đó bất toàn của xã hội. Dầu sao, nói về sự dám viết, dám phô bày sự bất cập, những tác giả thời nầy nói chung và Đặng Thị Thanh Phương nói riêng đều dám viết…

Tôi cho là cũng đáng đọc để suy nghĩ đoạn văn sau của Phan Tấn Hải có liên hệ chút ít với cuốn sách của bà Đặng Thị Thanh Phương:

Truyện Kiều kể về cuộc đời một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, thông minh, đa cảm nhưng đã bị một xã hội vô luân vùi dập xuống bùn đen. Kiều phải tự bán mình để lấy tiền cứu cha mẹ, đi làm đĩ để giữ mạng sống, bị trao qua đổi lại như một món đồ chơi trong tay bọn quan lại và lũ “đại gia”. Chuyện ấy có xa lạ gì với xã hội chúng ta đang sống không? Không, tuyệt nhiên không. Ngày xưa chỉ có một Thúy Kiều, ngày nay là hàng ngàn hàng vạn. Thúy Kiều ở khắp nơi, Thúy Kiều kêu khóc trên mọi miền của đất nước chúng ta.

Cái xã hội mà Kiều sống, với “Người nách thước kẻ tay đao/ Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”, với “Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh”, với “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” với “Có ba trăm lạng việc này mới xong”; cái xã hội ấy thì có khác gì chốn ta đang sống đây, nếu có khác thì chẳng qua thời của Nguyễn chỉ một hai còn bây giờ thì nhan nhản, phủ kín mặt đất này. Có gì không phải mua bán chạy chọt, có gì không phải “trà nước, lót tay”; những nỗi oan khốc cứ từ trời giáng xuống, bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu phận người bị vứt ra lề đường…

Hãy lấy chính cuộc sống của các em học sinh, cuộc sống của cha mẹ các em, của gia đình các em, xóm giềng các em mà giúp chúng nhìn lại. Quay quắt, bơ phờ, đầu tắt mặt tối, bị móc túi, bị hà hiếp, bị bịt mồm; lo chạy cửa trên cửa dưới, lo đút cửa trong cửa ngoài… Rồi hãy giúp chúng hình dung ra tương lai cuộc đời đời chúng ở ngày mai khi phải sống trong một xã hội giả trá, hư ngụy, một xã hội vì tiền mà tán tận lương tâm, một xã hội dùng quyền mà hà hiếp đày đọa con người. Đó, đó chính là Truyện Kiều đó. Trong lịch sử dân tộc, chưa bao giờ chất liệu sinh động để minh họa cho văn học lại giàu có như thời đại chúng ta đang sống đâu, đừng lãng phí nó.

(Trích lại từ Phan Tấn Hải, bài ngày 20/7/21. Việt Báo online.)

Tóm lại, đọc cuốn phóng sự Bức tranh thành thị của Đặng Thị Thanh Phương, 1950, ta đắng lòng, nhưng đọc sự phân tích của Phan Tấn Hải về thời đại của Kiều ngày xưa và hoàn cảnh của các em học sinh ngày nay thì ta không những đắng lòng còn phải giơ tay lên than: Thua! Hết biết! Bó Tay! Nghĩa là tan nát cõi lòng luôn.

Vài giải thích cần thiết.

Ngày nay người thế hệ sau 1954 ít biết hay không biết về nhiều điều nói đến trong tác phẩm:

  1. Bố: Nhà cầm quyền Pháp thỉnh thoảng bố ráp một khu nào đó lùa hết đàn ông từ 18 tuổi trở lên về một địa điểm, chẳng hạn như sân trường học rồi cho một hai bao bố - người đã hoạt động và bị bắt từ trước, đầu bị trùm bằng cái bao bố, chỉ chừa ra hai mắt, nhìn mặt. Hễ ai bị bao bố gật đầu thì người nó bị coi là trước đây có liên hệ với bao bố, sẽ bị bắt để điều tra. Đời của người đó khổ từ đấy. Chuyện nầy xảy ra không biết bao nhiêu là oan ức vì bao bố sẽ bị đòn nếu không gật đầu người nào trong lần bố ráp đó nên thường gật đại gật đùa ai đó cho có. Chuyện về bao bố thấy nhiều của văn chương thời nầy.
  2. Kiếm lon sữa bò: Thời đó người mua ve chai thâu mua lon sữa bò đem về bán cho cắc chú. Họ lột giấy nhãn các hiệu sữa cao giá ra như sữa Con chim Nestlé, sữa Trái núi để dành bán lại cho người ta đem về thay nhãn những loại sữa rẻ tiền hơn, không có nhiều giá trị thương mãi để bán ra cho người tiêu thụ. Cái lon sữa bò được bán cho tiệm làm chao, hồi đó chao bán ra được đựng trong lon sữa bò.
  3. Cầm đồ: Tiệm cầm đồ bình dân, cầm bất cứ món gì họ thấy sau nầy bán ra được nếu chủ không chuộc. Cầm đồ mỗi tháng tiền lời là 10%. Quá ba tháng không chuộc thì kể như mất đồ cầm, nếu không tới đổi giấy. Đổi giấy là đóng tiền lời ba tháng, như vậy thì coi như mới cầm, đồ không bị mất có thể chuộc ra được. Nhiều người nghèo làm như vậy nhiều lần nhưng vẫn kiếm không được tiền chuộc được đành để mất đồ mà mình quí hay tiếc của vì trước đó cầm thấp giá.
  4. Hái me: Sài Gòn lúc đó có một khu rộng gần Sở Thú, quá bịnh viện Đồn Đất ngày nay có một khu cây trên lề đường người Pháp trồng toàn me, thập niên 50 đã trở thành cổ thụ, nhiều người leo lên hái bán cũng kiếm được chút đỉnh. Dĩ nhiên là thỉnh thoảng cũng có tai nạn do trợt tay trợt chưn hay do nhánh khô gãy khi bị leo trèo.
  5. Đất Hộ: Tức vùng Đa Kao ngày nay. Đường M: Nghĩ là đường Mitch cũ, ở trong vùng có nhiều cây me nói trên.

Nguyễn Văn Sâm

Victorville, CA, 7/20/1921

Phụ lục: Chuyện số X – MỘT TỐI MƯA

Ngoài ý nghĩa nội dung, bài văn còn đáng chú ý ở phần hình thức với những chữ dùng của mấy đứa nhỏ mà tác giả Đặng Thị Thanh Phương đã ghi lại trung thực như chữ đại, chữ lợi, chữ hỏng, chữ ăn thua giống gì, chữ chớ bao nhiêu… (NVS)

Trời đã bắt đầu tối hẳn, nhưng mưa vẫn chưa dứt cơn; thỉnh thoảng một luồng gió vút lên, đưa theo từng loạt nước mưa lún phún hắt vào nhà. Xa xa, bắt đầu vẳng lại những tiếng rền rỉ của loài ễnh ương. Ngoài đường, vắng bóng người qua lại, có chăng chỉ vài người đi xe đạp, chùm áo mưa tùm hụp, đạp vội vàng cho mau về đến nhà.

Tất cả cảnh vật như sợ giọt mưa đêm, ngại ngùng nép vào nhau. Vài gian nhà gần đấy, đã khép chặt đôi cánh cửa như để ngăn ngừa gió lạnh đừng lùa vào giữa những khung cảnh sum họp êm đềm của gia đình họ!

Bỗng từ đằng xa, thấp thoáng bốn, năm chấm lửa đỏ chập chờn đi tới, lúc ngừng lại, lúc tiến lên, tạt qua bên này một chút rồi lại khuất đi một chút để một phút sau mới lại hiện ra. Chúng ẩn hiện như con ma trơi. Nhưng một lát sau, khi những chấm lửa ấy tới gần, tôi mới nhận thực, thì ra đấy là một đám bốn, năm đứa nhỏ xách đèn đi bắt cóc.

Chúng đi lặng lẽ, vào những tối mưa dầm, đứa nào cũng cầm theo một chiếc đèn gió. Thỉnh thoảng chúng ngừng lại, soi đèn vào những hóc cây hoặc những lùm cỏ rậm rạp. Chúng có vẻ hình như luôn luôn rình rập những mô đất, những khoảng đường mà chúng vừa đi qua. Một vài đứa trong bọn đội trên đầu những chiếc nón lá rách bươm, có đứa để đầu bù xù như sẵn sàng hứng nước mưa, áo cũng tả tơi và cũn cỡn.

Chúng đeo cạnh sườn một chiếc giỏ nhỏ xíu kín miệng để đựng cóc. Vừa đi vừa vồ cóc, có khi nhằm chỗ có vũng nước, chúng nó cũng không từ, lội bì bõm, cần mò theo những nơi có tiếng ương ợp của cóc nhái. Mưa vẫn rơi và những giọt nước ấy lặng lẽ thấm vào mình chúng, có đứa yếu chịu lạnh, đã bắt đầu run, nó thu một tay qua ngực và lom khom đi cạnh các bạn nó. Chúng đi tản mát ra xa, lúc xúm lại gần nhau. Tò mò, tôi cũng đi theo bước chúng; thấy có bóng người lạ, một đứa trong bọn quay lại nhìn tôi.

Đi độ vài bước, một đứa nhỏ nhứt vồ được một con cóc lớn, thằng nhỏ toan bỏ cóc vào giỏ bỗng hoảng hốt la:

- Ý, nó cắn đau quá mấy anh ơi!

Rồi nó dẫy lia lịa cánh tay.

Mấy đứa lớn quay cả lại, cùng hùa nhau đuổi theo con cóc đang nhủi vào bãi cỏ rậm, một đứa lên tiếng rầy thằng nhỏ:

- Đồ ngu như mọi! Vậy mà cũng đòi đi theo. Rồi sẵn tay nó đánh bừa lên đầu thằng nhỏ; thấy vậy, tôi vội ngăn nó:

- Nó nhỏ, đánh vậy tội quá em!

Thằng lớn nhìn tôi, rồi quay sang mắng thằng nhỏ:

- Ai biểu mầy tham ăn, bửa nào cũng than đói. Rồi đi bắt cóc thì nhát nhũng, mà ăn thì ăn quá trời. Thằng nhỏ bị đòn, ôm đầu mếu máo:

- Mấy anh đánh tôi hoài!!! Cho tôi ăn chút xíu ít bữa má tôi về, tôi kiếm thứ gì tôi cho lại.

- Thôi mầy, mê ăn thấy trời mà ai chịu nổi! Má mầy đi ở đợ với người ta mà dư nổi giống gì đặng cho mầy?

Một đứa nhỏ khác xen vào:

- Sao mầy không theo má mầy đi ở dưới người ta?

Thằng nhỏ bị hắt hủi thút thít vừa đi vừa khóc. Tôi kéo tay nó hỏi nhỏ:

- Sao em không ở với má em?

Nó không buồn nhìn tôi, vừa quệt nước mắt vào cánh tay:

- Dạ người ta chê tôi nhỏ “hổng” làm được “giống” gì, mà ăn cơm hao quá, “hổng” thèm nuôi!

- Thế mấy đứa kia làm nghề gì?

- Tụi nó sáng đi mò thùng rác, đêm nào mưa tụi nó đi bắt cóc bán “lợi” cho người ta!

Tôi chụp hỏi:

- Bán cóc à? Bán cho ai em?

Một đứa đứng gần đấy, thoáng nghe thấy, làm vẻ “dạy đời”:

- Bán cho người ta mua về nấu cháo ăn chớ ai! Ăn cóc còn hiền hơn mấy thứ khác nữa a!

- Mấy em bán bao nhiêu một con?

Nó đáp cộc lốc:

- Ba cắc chớ bao nhiêu!

Vừa nói chuyện với tôi chúng nó vừa chạy theo vồ lũ cóc dơ dáy ấy; báo hại tôi cứ phải chạy theo hoài. Đứa nầy đi xa hơn thì tôi nói đứa kia:

- Bán vậy ăn thua gì em?

Thằng nhỏ nầy có vẻ “hiền lành” hơn, nó đáp:

- Vậy cũng còn hơn đi mò đồ bỏ ở thùng rác a!

- Thế còn những tối không mưa, mấy em làm gì?

- Thì đi tới mấy rạp hát ở T.Đ mà xin bạc cắc!

- Mấy em ở đâu mà tối đi ra ngoài ấy, xa vậy mà sao về kịp?

Nó vừa bỏ con cóc nhỏ vào giỏ xong, liền đứng thẳng người lên đáp tôi bằng một giọng chán nản?

- Ôi! Khỉ khô gì nhà cửa, trễ thì ngủ bậy ngoài hiên chợ Hộ ấy!

Nó lắc lắc chiếc giỏ, nghiêng đầu có ý nghe ngóng xong thò tay vô miệng giỏ, mò mẫm một lúc, nó túm cổ một con cóc lớn nhất lôi ra. Con vật dẫy dụa trong bàn tay nó. Như bằng lòng lắm, nó cười một cách sung sướng:

- Mập dữ ta để dành nấu cháo ăn chơi!

- Sao em nói không có nhà cửa thì làm chỗ nấu cháo?

- Nấu đại ngoài chợ ấy. Kiếm bậy nó cái chi nấu mà không được.

Rồi nó đi lại chỗ cột đèn sáng hơn, ghé mắt nhìn vào trong chiếc giỏ nói một mình:

- Khá rồi ta! Rồi nó nhìn ra phía bọn nhỏ kia mà kêu lớn lên:

- Ơ… ờ…! Về bây ơi!...

Mấy đứa kia nghe tiếng đằng này, lần lượt đứa trước, đứa sau về chỗ cột đèn: một vài đứa còn cố ý tiếc muốn bắt thêm, nhưng rồi chúng cũng đành đi theo cả bọn để về.

Trời vẫn lấm tấm mưa, có lẽ quần áo của chúng cũng đã ướt cả và hình nước mưa đã thấm vào da thịt chúng. Một đứa lên tiếng dục:

- Đi mau lên bây, lạnh quá nổi ốc cùng mình đây!

Rồi cả bọn ríu ríu đi sát nhau. Tôi lững thững theo sau, bỗng một đứa lên tiếng:

- Ê bây, về bán “đại” món nầy đặng mai còn thức sớm đi mò lon sữa bò chớ?

Đứa khác đáp:

- Đói quá xá, ngủ gì nổi! Đi kiếm gạo nấu cháo ăn đi!...

Những tiếng nói chuyện nhỏ dần, chúng đã đi cách xa tôi hàng chục thước. Tôi ngơ ngẩn đứng nhìn theo những chấm lửa đỏ mỗi lúc một khuất dần…

Mưa vẫn đều đều, từng giọt theo mái nhà rơi xuống thềm gạch ti tách, đằng xa, trong khoảng tối tăm của một đêm mưa dầm, nào ai có biết đâu, đang có những đứa trẻ bơ vơ, không nhà cửa không kẻ thân thuộc sống bằng tất cả những sinh kế kỳ lạ của xã hội!...

Nguồn: https://sites.google.com/site/nkltnguyenvansam/tuyen-tap/van-hoc---bien-khao/dhang-thi-thanh-phuong-qua-thien-phong-du-buc-tranh-thanh-thi

Lần đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước, giữa TP.HCM có buổi trò chuyện về một nhà thơ lớn nổi tiếng trong giới tri thức miền Nam nhưng vẫn còn ít người trong độc giả đại chúng biết đến: nhà thơ Tô Thùy Yên (1938 - 2019).

20210425

Nhiều bạn trẻ tham gia buổi cafe thơ Thơ Tô Thùy Yên - Để mà thương nhớ thơ - Ảnh: KHẢ LINH

Buổi trò chuyện mang tên Thơ Tô Thùy Yên - Để mà thương nhớ thơ diễn ra ngày 24-4 tại địa chỉ mới của không gian văn hóa Cà phê thứ bảy: 79A Phan Kế Bính, Q.1, TP.HCM.

Một tiếng Việt được chưng cất tài hoa qua thơ Tô Thùy Yên

Nhạc sĩ Dương Thụ - người chủ trì buổi café thơ - bày tỏ cuộc trò chuyện đặc biệt này như là một nén nhang "tưởng nhớ một người chúng ta kính trọng", để chúng ta cùng hưởng thụ những di sản văn hóa có giá trị, trong bối cảnh không tránh khỏi của sự phân ly về văn hóa mà lịch sử tác động đến. Ông khẳng định Tô Thùy Yên chính là một nhà thơ của Việt Nam, không phải của riêng miền Nam.

Nhà nghiên cứu, nhà văn Nhật Chiêu cũng khẳng định: "Tô Thùy Yên chính là một nhà thơ lớn của Việt Nam, một bậc thầy của tiếng Việt" - một tiếng Việt "được chưng cất tài hoa mà nếu nhiều người không biết là một cái tội". Ông thừa nhận trong thực tế, rất nhiều bạn trẻ chưa đọc thơ Tô Thùy Yên hay chỉ mới mang máng nghe tên nhà thơ, và hi vọng buổi trò chuyện về một nhà thơ sinh ra ngay thành phố này sẽ lấp một phần nào khoảng trống đó.

Dẫn lại một câu thơ trong bài thơ Ta vềBếp lửa nhân quần ấm tối nay, nhà văn - nhà thơ Nhật Chiêu nêu quan niệm: Sứ mệnh của thơ ca cũng chính là bếp lửa để mọi người đưa tay vào cùng hơ ấm. Thơ Tô Thùy Yên vượt qua mọi phía, phía này hay phía kia để đi tới "bếp lửa nhân quần" đó, đi trên một "con đường lớn" không có phân ly.

Theo ông Nhật Chiêu, đọc thơ của nhà thơ có tư cách triết nhân này sẽ thấy thi sĩ yêu ca dao, yêu tiếng Việt, có chiều sâu triết học, và có kiến thức về văn học thế giới "kinh khủng" đến mức nào.

Ông đi từ Đông sang Tây, từ cổ điển đến hiện đại, để hiểu thơ của ông hết các tầng nghĩa là không dễ với người đọc nói chung, "nhưng chỉ tiếp xúc với bề mặt thơ thôi, hiểu một đến hai tầng nghĩa thôi cũng đủ thấy tuyệt vời", như bài Con sáoCon sáo trong lòng con đã chết/ Bé ơi, sao bé còn đi tìm?/ Còn kêu lạc giọng sáo ơi sáo/ Rồi khóc trong chiều muộn nhá nhem? Hay bài Không kịp có "4 câu thôi mà cực thâm sâu": Gặp lại nhau nhìn sững chẳng ra/ Em thay đổi quá, tựa sơn hà/ Thơ làm không kịp theo dâu biển/ Mắt dẫu khô mà nhớ lại hoa.

Nhà thơ Nhật Chiêu cũng minh chứng về những biểu tượng đầy tính liên văn bản trong thơ Tô Thùy Yên qua các bài xuất sắc như Du mộng, Vườn hạ, Góa bụa…

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu: Nhà thơ Tô Thùy Yên là bậc thầy của tiếng Việt - Ảnh 2.

Ta về - một bài thơ được xem là kiệt tác của Tô Thùy Yên được đọc vang trong không khí khá xúc động - Ảnh: K.LINH

Đầy lượng từ tâm, không nuôi oán hờn 

Giữa buổi trò chuyện, 126 câu của Bài thơ Ta về - bài thơ được diễn giả Nhật Chiêu xem là 1 trong 4 kiệt tác của Tô Thùy Yên - được TS Hoàng Kim Oanh - vốn thân thiết với gia đình nhà thơ Tô Thùy Yên - và nhà thơ Ngã Du Tử cùng đọc cho khán phòng nghe. Không ít bạn trẻ nghe thơ mà mắt rớm lệ.

Dẫn lời thơ Ta về khai giải bùa thiêng yểm/ Giải oan cho cuộc biển dâu này, Nhật Chiêu bình: Từ Ta về, có thể thấy "thơ Tô Thùy Yên khai giải oan ức để đưa lá rơi về cội, về với giang đầu, về với con người, với cội nguồn, về với nhân quần, không phải về với phe phái nào, bởi lẽ phải là sự tương tác, thương yêu nhau. Khai giải là phương pháp trị liệu vết thương nhân văn nhất".

Từ đó, nhà nghiên cứu luôn tôn vinh vẻ đẹp của tiếng Việt thêm một lần khẳng định: Thơ Tô Thùy Yên đề cao tình tự dân tộc, tinh thần hòa giải, mỗi người cần "góp vui" vào thay vì góp hận (Bao giờ, cho đến bao giờ nữa/ Em gánh vui về họp chợ đông?).

Kết lại bài nói chuyện của mình, ông trích đọc mấy câu trong bài Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai của Tô Thùy Yên để nhắc lại một tư tưởng triết học Phật giáo - Cơ hội làm người là hiếm quý vô cùng - và đúc kết: "Khi mà ta biết hư vô là gì, thì ta sẽ quý con Người":

Biểu dương - hãy biểu dương cùng tận/ Vinh dự lầm than của kiếp người/ Hi hữu một lần trên trái đất/ Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai.

"Thơ cũng như đất trời đầy lượng từ tâm, không nuôi oán hờn. Đây là bài học vĩ đại nhất của Tô Thùy Yên. Nhiệm vụ của chúng ta là gỡ bỏ cái "bùa yểm" rằng dân tộc ta vốn quen với chia ly, với phân tranh (từ thời Trịnh - Nguyễn). Chiến tranh, phân tranh làm gì khi chúng ta là anh em với nhau" - nhà văn Nhật Chiêu nói.

Kết lại buổi trò chuyện, nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ: "Thơ Tô Thùy Yên đánh mạnh về cả trí và tâm. Tôi đã rất xúc động khi đọc Ta về. Một người rất dân gian là Nguyễn Bính. Một người rất tinh tế, bác học là Huy Cận. Tô Thùy Yên hội tụ cả dân gian lẫn bác học. Đầu óc những nhân vật lớn không nhỏ hẹp. Người hẹp hòi thì rất đông. 1 nhà thơ lớn, 1 tâm hồn lớn thì họ nhìn khác, rất bao dung".Ông nói thêm với các bạn trẻ những lời thấm thía: "Những nhà thơ cỡ như Tô Thùy Yên không nhiều được. Tôi phải thừa nhận càng già càng ít đọc, những tôi sẽ tiếp tục đọc thơ Tô Thùy Yên. Chúng ta nên sống với những bài thơ thế này. Đây là một gia tài và chúng ta nên nhận lấy gia tài này. Tôi mong các bạn cũng hãy tiếp tục đọc Tô Thùy Yên, không phải để làm thơ hay mà để chúng ta sống tốt hơn, sống tử tế hơn".

Nhìn vào bên trong để hiểu con người

Trước nhận xét cho rằng Tô Thùy Yên "từ tâm" có lẽ được ảnh hưởng bởi nền giáo dục ông thừa hưởng, có mặt tại buổi trò chuyện, dịch giả Nguyễn Văn Trọng cho rằng thi sĩ có được cái từ tâm đó hay không là câu chuyện của mỗi cá nhân, tâm hồn mỗi con người là huyền bí và nói cho cùng là anh có ngộ hay không, ý thức thế nào về kiếp sống của mình. "Vấn đề là anh nhìn vào bên trong mình để hiểu thế giới con người, hiểu cuộc đời hay nhìn ra bên ngoài để kiếm một con vật tế thần nào đó mà đổ tội".

Dịch giả Nguyễn Văn Trọng cũng bày tỏ nỗi lo ngại khi con đường nhân loại đang đi có vẻ đều hướng về văn minh vật chất, và nếu vậy thì dù là ý thức hệ nào cũng sẽ nguy hiểm.

Tiếp nối ý này, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho rằng các nhà thơ lớn đều là những người gìn giữ, lưu truyền những giá trị mà văn minh vật chất có thể cuốn trôi đi.

Khả Linh

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 24.4.2021.

40 năm đã trôi qua, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh Lê Văn Nghĩa trong lần đầu tiên gặp anh tại buổi sinh hoạt văn nghệ vào một tối mùa hè năm 1981, tổ chức ở ngôi nhà 62 Trần Quốc Thảo, quận 3...

20210727

Nhà văn Lê Văn Nghĩa - Ảnh: T.T.D

Lần đó khá vui, sau khi Trịnh Công Sơn hát bài Chiều trên quê hương tôi và các nhà thơ đọc tác phẩm mới, ông Nguyễn Quang Sáng giới thiệu Lê Văn Nghĩa - người đoạt giải nhì (không có giải nhất) về thể loại kịch bản trong cuộc thi sáng tác văn học của Thành đoàn. 

Nghĩa lên phát biểu vắn tắt về nội dung vở kịch, vẻ e dè, có phần lúng túng nữa.

 

Một tuổi trẻ can trường

Tuy biết Lê Văn Nghĩa hoạt động trong Tổng đoàn học sinh Sài Gòn trước 1975, nhưng hồi đó tôi không ngờ con người có bề ngoài rụt rè ấy lại từng trải qua một tuổi hai mươi can đảm. 

Vài năm trước đây, khi ngồi soạn lại những tài liệu cũ để tặng Nghĩa, tôi tìm được hai tập "Tù chính trị" mà Ủy ban Vận động cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam, do linh mục Chân Tín làm chủ tịch, đã tổ chức biên soạn và ấn hành ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết. 

Lần giở lại hai tập tài liệu dày gần 700 trang, in ronéo trên giấy khổ A4, tôi bắt gặp tên Lê Văn Nghĩa trong danh sách các tù nhân và lá thư của mẹ anh gửi ban quản lý trại giam để xin đi thăm con. 

Thì ra, vì tham gia phong trào tranh đấu mà Lê Văn Nghĩa - một học sinh Sài Gòn có cha là viên chức của chính quyền - đã bị bắt giam qua các nhà tù khác nhau: Chí Hòa, Tân Hiệp, Côn Đảo, và khi được thả ra lại bị "chỉ định nơi cư trú" cho đến ngày hòa bình. 

Trong kỳ thi tú tài mùa hè đỏ lửa năm 1972, Bộ Quốc gia giáo dục Việt Nam cộng hòa, làm đúng chức trách của mình, đã tổ chức một hội đồng thi riêng cho các tù nhân là học sinh ngay trong nhà lao Chí Hòa, có giám thị coi thi nghiêm túc. Tù nhân - học sinh Lê Văn Nghĩa đã thi đậu tú tài năm đó.

Gần đây, Lê Văn Nghĩa có kể là sau 1975 anh được cử đi học Trường Tuyên huấn trung ương ở Hà Nội mà lớp trưởng là một cựu quan chức cao cấp mới từ trần. 

Lớp của anh chắc sau này có nhiều người giữ cương vị quan trọng, riêng Nghĩa thì chức vụ cao nhất mà anh đảm nhiệm trước khi về hưu là phó tổng thư ký tòa soạn phụ trách báo Tuổi Trẻ Cười, một đặc sản báo chí và văn nghệ của TP.HCM mà anh có công xây dựng từ đầu, đã tồn tại hơn 37 năm, trở thành tờ báo trào phúng có tuổi đời lâu nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam.

 

Người vẽ bức tranh về Sài Gòn ngày cũ

Tôi thực sự yêu thích văn kể chuyện tự nhiên, hoạt náo của Lê Văn Nghĩa khi đọc bốn cuốn truyện anh viết về học đường miền Nam, bắt đầu với Mùa hè năm Petrus và gần đây là Mùa tiểu học cuối cùng. 

Gần 1.300 trang sách trang trải những kỷ niệm thiếu thời qua hình ảnh những thầy cô giáo đáng trọng, những học trò đáng yêu trong sân trường, lớp học và trên những ngả đường, góc phố Sài Gòn thời chiến. 

Tác phẩm của anh lôi cuốn không chỉ nhờ cốt truyện mà còn nhờ những chi tiết từ đời thực được tái tạo trong văn hư cấu. 

Như chuyện ông chủ hiệu sách Khai Trí tha thứ và tặng sách cho cậu học trò nghèo vì ham đọc mà "chôm" sách hay; chuyện nhà văn Sơn Nam cất công vào tận Trường Petrus Ký xác thực với cô giáo điều người học trò viết về ông trong bài thuyết trình; chuyện bác soát vé xe buýt bảo cậu bé đi lậu vé hãy quét sàn xe để bác trả công hai đồng đủ tiền mua vé; chuyện mấy đứa học trò đi viếng đám tang bà cụ bán bánh mì trước cổng trường mà cảm hóa được đứa cháu tưởng như bất trị của bà. 

Mối quan hệ giữa văn chương và giáo dục đạo đức thật là hài hòa dưới ngòi bút Lê Văn Nghĩa.

Mấy năm nay, phát hiện bệnh trọng, vừa lo chạy chữa, Lê Văn Nghĩa vừa tranh thủ thời gian ghi lại những ấn tượng và nhận thức về xã hội miền Nam thời cũ một cách chân thực và khách quan qua những tản văn và tạp bút. 

Có thể nói những tác phẩm của anh được hình thành từ sự hồi phục của ký ức, ký ức cá nhân hòa trong ký ức cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả xem đó như kết quả của việc khâu vá lại những mảnh thời gian, qua đó mà khâu vá lại chính tâm hồn mình. 

Những mảnh ghép hồi cố chân thành mà không ủy mị thoạt nhìn có thể rời rạc, phân tán nhưng liên kết lại sẽ cho ta một bức tranh về Sài Gòn ngày cũ, Sài Gòn của thời niên thiếu Lê Văn Nghĩa.

Về hưu, không bị công việc làm báo thúc bách, anh Nghĩa hay ngồi với bạn bè. Anh có những nhóm bạn già thân thiết, "khi ly khi tô" - thường cà phê sáng, thỉnh thoảng bia bọt chiều cuối tuần nhân dịp có người ra sách mới hay dự đoán trúng kết quả một trận bóng đá. 

Trong bàn, lúc tranh luận một chuyện gì, anh cũng đều nói ý kiến mình một cách dè dặt, khiêm tốn, chẳng bao giờ áp đảo ý kiến của ai. Và điều lạ nhất là bỉnh bút của báo cười lại là người ít cười nhất trong những lần tụ họp bạn bè. 

Hình như tiếng cười anh đã gửi hết vào các tiểu phẩm châm biếm và những trang truyện thiếu nhi đầy trò đùa vui tinh nghịch của anh. Luôn chu đáo với bạn bè, Lê Văn Nghĩa lại kín tiếng về mình. 

Biết anh nằm viện, nhiều lần bạn bè muốn vào thăm nhưng lần nào anh cũng từ chối vì e ngại ảnh hưởng dịch Covid-19, còn nói đùa đó là "bí mật quân sự".

Trong bữa cà phê sáng sau Tết Tân Sửu, tôi nói Lê Văn Nghĩa cố gắng viết thêm một cuốn truyện nữa về tuổi trẻ băn khoăn và thao thức ở miền Nam; anh cười buồn, bảo e không còn đủ sức. 

Hai cuốn truyện trào phúng về điệp viên Không Không Thấy - một nhân vật hấp dẫn của Lê Văn Nghĩa - vừa rời bàn biên tập để đưa tới nhà in. Một luận văn thạc sĩ nghiên cứu về tác phẩm của anh cũng đang triển khai.

Vậy mà Lê Văn Nghĩa không chờ được, đã vội ra đi.

Huỳnh Như Phương

Nguồn: Bảo Tuổi trẻ, ngày 26.7.2021.

 

Lê Văn Nghĩa trong cõi nhớ Sài Gòn - Ảnh 2.

NHỚ TÔ THÙY YÊN

Tự bao giờ anh đã biến thành hoa cỏ

- Tô Thùy Yên -

Đãng tử đi đãng tử đi

âm thầm vang động

thao thức đê mê

**

Đãng tử đi đãng tử đi

mầm xanh cỏ mọc

xuân thì càn khôn

Nhật Chiêu

(Thơ đôi 154)

20210422 2

Tô Thùy Yên là nhà thơ lớn mà sự nghiệp thơ ca đa dạng thể hiện dạn dầy sự sống của ông sẽ được nhắc nhở hoài vì những thi cảm ấy đi với con người dù con người thường đi trong gió loạn.

Sinh năm 1938 tại Gò Vấp Gia Định lớn lên như một người Sài Gòn, trở thành sinh viên Đại Học Văn Khoa, từng đi dạy học, vào quân đội... từng chủ biên tạp chí Thế kỷ 20, góp mặt trong nhóm Sáng Tạo.
Viết thơ trước năm 1975 nhưng chỉ phổ biến trên báo chí. Mãi khi sang Mỹ mới in thơ thành tập: Thơ Tuyển (1995), Thắp tạ (2005).
Tô Thùy Yên qua đời vào năm 81 tuổi tại Houston, 2019.
“Thơ còn – con người còn” đó là niềm tin của Tô Thùy Yên.
Con người thở và mơ. Thở trong khí quyển và mơ trong thi quyển. Thơ vui cùng người và đau cùng người.
“Thơ là hình loại văn nghệ đầu tiên của con người, khi con người không có gì cả trong tay, và thơ chắc chắn cũng là loại văn nghệ cuối cùng của con người khi con người chẳng còn gì cả trong tay. Thơ sẽ còn hiển hiện tồn tại rạng rỡ với con người, nếu mà con người còn ngôn ngữ, còn tấm lòng, còn ký ức, còn là con người trong cái ý niệm cực kỳ cao cả đầu tiên và cuối cùng của mình.” (Tô Thùy Yên, 1997).
Thơ như sương khói (Yên) nhưng mãi nhớ thương người.
Đọc Tô Thùy Yên để mà thương nhớ thơ.

Cà phê Thơ

Chủ đề : THƠ TÔ THÙY YÊN, ĐỂ MÀ THƯƠNG NHỚ THƠ

Diễn giả : Nhà thơ Nhật Chiêu

Chủ trì : Ns Dương Thụ

Thời gian :09:00-11:30 thứ Bảy ngày 24.4.2021

Địa điểm : Salon Văn hoá Cà Phê Thứ Bảy, 79A Phan Kế Bính, P. Đa Kao, Q.1

Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa, cây bút biếm và viết truyện trào phúng gắn bó với làng báo Sài Gòn - TP.HCM vừa qua đời lúc 22h25 hôm nay, 25-7, sau thời gian dài chống chọi với bạo bệnh.

20210726

Chương trình Mừng Tết Tân Sửu 2021 do NXB Trẻ tổ chức tại Đường sách TP.HCM - Tết đến mọi nhà, tặng quà sách hay. Giao lưu cùng giáo sư Phan Văn Trường và nhà văn Lê Văn Nghĩa (ngày 24-1-2021) - Ảnh: LÊ ĐỨC TRUNG

Ông Lê Văn Nghĩa sinh ngày 20-5-1953 tại tỉnh Chợ Lớn. Ông làm việc tại báo Tuổi Trẻ từ năm 1975 đến năm 2015.

Nhà báo Lê Văn Nghĩa thuộc thế hệ thanh niên học sinh Sài Gòn trưởng thành trong phong trào đấu tranh đô thị trước 1975. Ông từng xuống đường lãnh đạo thanh niên học sinh đấu tranh trực diện với cảnh sát, từng bị bắt, trải qua một số nhà tù giam của chế độ Việt Nam Cộng hòa, kể cả ở Côn Đảo.

Sau ngày thống nhất đất nước, Lê Văn Nghĩa thuộc thế hệ làm báo đầu tiên của báo Tuổi Trẻ, cùng với làng báo TP.HCM lúc bấy giờ góp phần xây dựng đời sống mới.

Vĩnh biệt nhà văn - nhà báo - anh Hai Cù Nèo Lê Văn Nghĩa - Ảnh 2.

Nhà báo Lê Văn Nghĩa phát biểu trong lễ trao giải Cù Nèo Vàng 2013 - Ảnh: T.T.D.

 

Linh hồn của Tuổi Trẻ Cười 

Ông thể hiện thiên khiếu của mình trong các tác phẩm trào phúng, châm biếm khi nhận thấy tác dụng độc đáo của thể loại báo cười trong công cuộc đấu tranh cái xấu và uốn nắn nhân quần theo lẽ phải.

Lê Văn Nghĩa có một thời gian dài phụ trách tờ Tuổi Trẻ Cười (báo Tuổi Trẻ), ông tham gia xây dựng nhiều chuyên mục cũng như các nhân vật trào phúng được xem là "để đời" gắn với ông như các bút danh: Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ, Điệp Viên Không Không Thấy, Thằng Hề...

Sự xuất hiện của báo Tuổi Trẻ Cười vào trước lúc Đổi mới, vắt qua đến cuối thập niên 1980 đã trở thành tờ báo ăn khách khắp trong Nam ngoài Bắc, ở tận các vùng nông thôn xa xôi, nhiều gia đình không đọc báo Tuổi Trẻ nhưng vẫn đặt mua Tuổi Trẻ Cười do lẽ người dân mến mộ "ông Hai Cù Nèo" - một bút danh chung do Lê Văn Nghĩa sản sinh và ký phần lớn dưới các bài viết.

Vĩnh biệt nhà văn - nhà báo - anh Hai Cù Nèo Lê Văn Nghĩa - Ảnh 3.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa - Ảnh: T.T.D.

 

Viết văn đến ngày cạn sức 

Khi tuổi đời đã cao, tạm gác công việc làm báo, Lê Văn Nghĩa tập trung viết sách và tiếp tục giành được nhiều cảm tình từ người đọc qua các tập hồi ức/tự truyện và các thiên khảo cứu về văn nghệ Sài Gòn một thời.

Đó là các tác phẩm hồi ức về một thời niên thiếu Lê Văn Nghĩa đi học dưới mái trường Bình Tây (nay là trường Nguyễn Huệ - Q.6): Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ (2014), Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (2018), Mùa tiểu học cuối cùng (2020); câu chuyện về thời trung học của ông được kể lại xúc động trong truyện dài Mùa hè năm Petrus (2012).

Đồng nghiệp của ông còn nhớ mấy năm trước khi ra mắt quyển truyện về ngôi trường Bình Tây, nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa quay lại ngôi trường thuở xưa mình học để tặng sách cho các học sinh thế hệ con cháu bây giờ, trò chuyện cùng nhau, bất giác ông rơi nước mắt khóc ngon lành.

Dịp ra mắt quyển Mùa hè năm Petrus, ông còn tâm sự riêng với một số đồng nghiệp thân thiết rằng chế độ giáo dục của Sài Gòn trước đây rất hay, "nhất là hệ thống trường công lập, ai thi đậu vô đó là chuyện học được bảo đảm chắc chắn không phải lo lắng gì".

Vĩnh biệt nhà văn - nhà báo - anh Hai Cù Nèo Lê Văn Nghĩa - Ảnh 4.

Nhà báo Lê Văn Nghĩa (trái) trong một dịp họp măt cộng tác viên báo Tuổi Trẻ Cười (1-2011) - Ảnh: T.T.D.

Vào những năm cuối đời, dù đã lâm trọng bệnh, nhà văn Lê Văn Nghĩa vẫn cần cù làm việc, tìm kiếm trong nhiều nguồn tư liệu để thực hiện các thiên biên khảo về đời sống văn nghệ Sài Gòn một thời sôi động hàng đầu của cả miền Nam mà theo ông là không khi nào có được không khí đặc biệt như vậy.

Kết quả của những ngày tháng vừa chống chọi bạo bệnh vừa làm việc cật lực là các quyển sách: Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (NXB Trẻ, 2020), Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (NXB Trẻ, 2018), Văn học Sài Gòn 1954 - 1975 những chuyện bên lề (NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2020).

Cả một đời gắn liền với nghiệp viết, Lê Văn Nghĩa xuất bản rất nhiều tác phẩm. Tác phẩm sớm nhất của ông là Vượt sóng (1986) - tập truyện ký kể lại những tháng ngày trong nhà tù Côn Đảo, tiếp theo là các tác phẩm:

Thằng láu cá (1989), Vua lừa (1990), Ôi bóng đá (1990), Hoa hậu phường Cây Mít (1991), Đám cưới nàng Thanh Mã (1991), Nô tế bồ (1994), Nếu Adam không có xương sườn (tuyển tập truyện vui cười về phụ nữ dưới con mắt của đàn ông xấu / Lê Văn Nghĩa sưu tầm và bình, 2016),

Sài Gòn - Dòng sông tuổi thơ (tạp văn 2016), Phá án sex-tour (tiểu phẩm trào phúng, 1995), Nhà mùi học (tiểu phẩm trào phúng, 2000),

Bạn đời (truyện ngắn, 2002), Điệp viên 00 thấy (2003), Tùy viên giảm béo (tiểu phẩm trào phúng, 2004), Trùm cá độ (2005), Người bán nụ cười (2006),

Ngôi nhà ma (tập truyện ngắn trào phúng, 2009), Tào lao xịt bộp (tuyển tập truyện trào phúng, 2010), Hạt bụi bên nhau (tập truyện rất ngắn và truyện trào phúng, 2010), Chuyện chán phèo (tuyển tập truyện trào phúng, 2011), Nỗi buồn đàn ông (2017)...

Vĩnh biệt nhà văn - nhà báo - anh Hai Cù Nèo Lê Văn Nghĩa - Ảnh 5.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa trong lễ trao giải Cù Nèo Vàng - Ảnh: T.T.D.

 

Trong trái tim bạn bè, đồng nghiệp 

Khi hay tin bệnh tình của nhà văn Lê Văn Nghĩa trở nặng, NXB Tổng Hợp TP.HCM ráo riết làm bản thảo để in 2 tập truyện trào phúng của ông là: Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ thần giáng, Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ.

Tuy nhiên, trong những ngày qua TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội chống dịch COVID-19, hầu hết các nhà in dừng hoạt động nên in chưa kịp. Bè bạn thân thiết hay tin đều tiếc cho người bạn vốn nặng tình với anh em, mà khi ra đi lại gặp lúc mọi người không thể đến viếng.

"Cách đây chừng hai mươi ngày, anh Nghĩa còn viết mấy dòng thư điện tử gửi cho chúng tôi và nhóm bạn, đại ý nói rằng ‘mệt lắm các anh ơi, chắc khó gặp các anh rồi’, quả đúng đó là lời tuyệt mệnh của anh Lê Văn Nghĩa vậy", nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh chia sẻ.

Lam Điền

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 25.7.2021.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua đời chiều 20/4 ở nhà riêng tại Hà Nội, thọ 69 tuổi.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói nhà thơ đột ngột qua đời, chưa rõ nguyên nhân. Khi người thân về đến nhà, ông đã mất. Ông mắc bệnh phổi nhiều năm nay.

Sinh thời, Hoàng Nhuận Cầm nổi tiếng với các bài thơ tình gắn với học sinh, sinh viên, được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích như Chiếc lá buổi đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu... Ngoài thơ, ông còn sáng tác kịch bản phim, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng như Đêm hội Long Trì, Hà Nội mùa Đông năm 46, Mùi cỏ cháy.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Ảnh: X.T.

Dù bận rộn viết kịch bản, làm phim, Hoàng Nhuận Cầm nói ông chưa từng xao lãng việc làm thơ. Ông từng chia sẻ quan niệm sáng tác: "Thơ ca cũng như tình yêu, không ép buộc được đâu, khi gọi nó không đến nhưng khi đuổi thì nó không chịu đi. Bằng kinh nghiệm làm thơ riêng của mình, tôi thấy những bài thơ hay lại ra đời trong hoàn cảnh chẳng thơ chút nào".

Nhà thơ đoạt giải của Báo Văn nghệ năm 1972 - 1973 trong thời gian đi chiến đấu ở Quảng Trị, dành cho chùm thơ trong đó có bài Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu. Tuy nhiên, sau tập thơ in năm 2008, nhà thơ không ra mắt tuyển tập mới. Ông nói: "Theo thời gian, tôi tự nhận thấy mình trầm tĩnh hơn, sâu sắc và thận trọng hơn khi công bố trước công chúng, dù chỉ là một bài thơ của mình. Nhưng dù trước đây hay sau này, tôi không muốn phụ lòng bạn đọc. Nếu không làm được hay hơn và mới hơn trước thì thà đừng in còn hơn".

Trong lĩnh vực biên kịch, Hoàng Nhuận Cầm được vinh danh "Biên kịch xuất sắc" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 và Cánh Diều Vàng 2011, cho kịch bản phim Mùi cỏ cháy. Tác phẩm lấy cảm hứng từ nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của Nguyễn Văn Thạc và hàng loạt nhật ký thời chiến của các liệt sĩ khác như Đặng Thùy Trâm, Vũ Xuân, Hoàng Thượng Lân, Hoàng Kim Giao, được ông thai nghén suốt sáu năm. Ông xây dựng bốn nhân vật chính Hoàng - Thành - Thăng - Long, trong đó nhân vật Hoàng yêu thơ, mơ mộng, hay xúc động, mang dáng dấp của chính nhà thơ.

Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 ở Hà Nội, là con trai nhạc sĩ Hoàng Giác. Ông từng chiến đấu trong Sư đoàn 325B ở Quảng Trị. Năm 1975, ông trở lại học nốt chương trình đại học đến năm 1981. Ông từng làm việc cho Hãng Phim truyện Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, cùng vợ lập hãng phim tư nhân Điệp Vân. Ông từng đóng phim, nổi tiếng với vai bác sĩ Hoa Súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần và vai nhà thơ phim Số đỏ.

Nguồn: https://vnexpress.net/nha-tho-hoang-nhuan-cam-qua-doi-4265975.html

Nhà văn Sơn Tùng - tác giả của nhiều tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân cách mạng, danh nhân văn hóa Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là tiểu thuyết Búp sen xanh viết về cuộc đời Bác Hồ - vừa qua đời đêm qua.

Nhà văn Sơn Tùng - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Tin từ gia đình nhà văn Sơn Tùng cho biết ông trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào khoảng 23h05 hôm qua 22-7. Nhà văn ra đi ở tuổi 93, sau hơn 11 năm cùng người vợ tảo tần, thủy chung chống chọi với bệnh nặng do tai biến.

"Ông là một người đặc biệt và là một nhà văn đặc biệt. Ý chí sống và sáng tạo phi thường của ông là một tấm gương lớn", chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ lòng ngưỡng mộ của ông với nghị lực sống và sức sáng tạo của nhà văn Sơn Tùng.

Theo nhà văn Thiên Sơn - cháu gọi nhà văn Sơn Tùng bằng bác, tác giả Búp sen xanh sinh năm 1928 tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Ông sớm rời quê hương Diễn Châu tham gia cách mạng từ những năm 1950. Ông hoạt động ở tỉnh đoàn, sau ra Hà Nội học Đại học Nhân dân rồi làm giảng viên đại học, làm báo Tiền Phong. Từ năm 1964 ông vào chiến trường Nam Bộ lập báo Thanh Niên Giải Phóng, rồi bị thương nặng trở ra Bắc cuối năm 1971.

Kể từ đó ông bắt đầu cuộc đời của một người cầm bút chuyên tâm, kiên định, sáng tạo trong nghèo khó, bệnh tật bởi những vết thương chiến tranh.

Sơn Tùng có viết về chiến tranh qua các tiểu thuyết: Vườn nắng, Lõm; về danh nhân cách mạng qua các truyện lịch sử như Trần Phú, Nguyễn Hữu Tiến… Mảng sách thành công nhất của ông, để lại ấn tượng nhất là mảng sách về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông đã viết hàng loạt tiểu thuyết về Bác Hồ như Búp sen xanh, Bông sen vàng, Trái tim quả đất và truyện ký Bác về, Nguyễn Ái Quốc qua ký ức một bà mẹ Nga…

Ngoài tiểu thuyết, cuối năm 1987 Sơn Tùng còn hoàn thành kịch bản phim mang tên Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng mà năm 1990 được dựng phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, đạo diễn Long Vân, quay phim Nguyễn Quang Tuấn, diễn viên Tiến Lợi vào vai Bác Hồ.

Sơn Tùng còn sáng tác thơ, trong đó đáng chú ý là bài Gửi em chiếc nón bài thơ (1955) và Cửa sổ xanh (1971). Bài Gửi em chiếc nón bài thơ sau ngày đất nước thống nhất đã được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc.

Năm 2011, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, trở thành người thứ 4 thuộc Hội Nhà văn Việt Nam được nhận danh hiệu này.

Nguồn: https://tuoitre.vn/nha-van-son-tung-tac-gia-bup-sen-xanh-qua-doi-20210723084518353.htm

Ngoài Ban Kiểm tra do đại hội Hội Nhà văn TP HCM trực tiếp bầu tại đại hội, 7 ban công tác còn lại được chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM ký quyết định thành lập theo đề nghị của các trưởng ban và được thông qua Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP HCM nhiệm kỳ VIII.  

Ngày 26-3, tại trụ sở Hội Nhà văn TP HCM (81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP HCM), Hội Nhà văn TP HCM nhiệm kỳ VIII (2020-2025) đã làm lễ ra mắt các ban công tác.

Ngoài Ban Kiểm tra do đại hội Hội Nhà văn TP HCM trực tiếp bầu tại đại hội, 7 ban công tác còn lại được chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM ký quyết định thành lập theo đề nghị của các trưởng ban và được thông qua Ban Chấp hành (BCH) Hội Nhà văn TP HCM nhiệm kỳ VIII.

Ban Kiểm tra có 5 thành viên, do nhà thơ Bùi Phan Thảo, Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP HCM làm trưởng ban.

Ban Tổ chức Hội viên có 7 thành viên, do nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM làm trưởng ban; hai phó ban là nhà văn Đỗ Viết Nghiệm và nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu.

Ban Sáng tác văn học có 6 thành viên, do nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM làm trưởng ban; hai phó ban là nhà thơ Lê Tú Lệ (Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP HCM) và nhà văn Trần Thanh Hà.

20210328 4

Các thành viên Ban Văn học thiếu nhi và một số thành viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn tại buổi ra mắt

Hội Nhà văn TP HCM ra mắt các ban công tác - Ảnh 2.

Các thành viên Ban Tổ chức hội viên và một số thành viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP HCM tại buổi ra mắt

Ban Văn học thiếu nhi có 7 thành viên, do nhà thơ Phan Trung Thành, Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP HCM làm trưởng ban; hai phó ban là nhà văn Trần Quốc Toàn và nhà văn Văn Thành Lê.

Ban Nhà văn trẻ có 8 thành viên, do nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP HCM làm trưởng ban; hai phó ban là nhà thơ Ngô Thị Hạnh và nhà thơ Phạm Phương Lan.

Ban Nhà văn nữ có 6 thành viên, do nhà thơ Huệ Triệu, Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP HCM làm trưởng ban; hai phó ban là nhà thơ Trần Thị Thắng và nhà thơ Trần Mai Hường. 

Ban Công tác Câu lạc bộ văn học có 7 thành viên, do nhà thơ Nguyên Hùng, Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP HCM làm trưởng ban; hai phó ban là nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo và nhà thơ Phạm Thanh Bình.

Ban Truyền thông có 3 thành viên, nhà văn Phương Huyền, Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP HCM làm trưởng ban; phó ban là nhà văn Hồ Huy Sơn và ủy viên là nhà văn Tống Phước Bảo.

Phát biểu tại lễ ra mắt, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM cho biết với nhà văn, điều quan trọng nhất là phải có tác phẩm và tác phẩm cần đến với người đọc, được chia sẻ, lan tỏa. Các ban chuyên môn của Hội sẽ góp phần quảng bá, đưa tác phẩm đến với công chúng. Từ đầu năm đến nay, các ban chuyên môn của Hội đều có những hoạt động thực chất, với tâm huyết và nỗ lực, đồng lòng xây dựng ngôi nhà chung của Hội Nhà văn TP.

Các nhà thơ Bùi Phan Thảo, Trần Quốc Toàn, Lê Thiếu Nhơn cũng bày tỏ những điều tâm huyết của các thành viên trong ban, với mong muốn có được những kết quả thực chất và xây dựng đội ngũ, hỗ trợ những người viết trẻ…

Trước đó, ngày 19-3, Hội Nhà văn TP HCM đã ra mắt 3 Hội đồng chuyên môn là Hội đồng Thơ, Hội đồng Văn xuôi và Hội đồng Lý luận – phê bình.

Hội đồng Thơ có 5 thành viên, do nhà thơ Lê Minh Quốc làm chủ tịch, nhà thơ Trương Nam Hương làm phó chủ tịch.

Hội đồng Văn xuôi có 5 thành viên do nhà văn Lê Văn Nghĩa làm chủ tịch, phó chủ tịch là nhà văn Cao Chiến.

Hội đồng Lý luận – phê bình có 5 thành viên, nhà văn Bùi Thanh Truyền làm chủ tịch, phó chủ tịch là nhà văn Võ Văn Nhơn.

Danh sách thành viên các Ban công tác và các Hội đồng chuyên môn Hội Nhà văn TP HCM

Ban Kiểm tra:

Nhà thơ Bùi Phan Thảo, Trưởng ban

Nhà thơ Nguyên Trân, Ủy viên

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo, Ủy viên

Nhà văn Chu Quang Mạnh Thắng, Ủy viên

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài, Ủy viên

Ban Tổ chức Hội viên:

Nhà văn Bích Ngân, Trưởng ban

Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, Phó ban

Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, Phó ban

Nhà văn Kim Quyên, Ủy viên

Nhà thơ Phạm Trung Tín, Ủy viên

Nhà thơ Nguyễn Thanh Hoàng, Ủy viên

Nhà thơ Nguyễn Khắc Pha, Ủy viên

Ban Sáng tác văn học:

1. Nhà văn Trầm Hương, Trưởng ban

2. Nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó ban

3. Nhà văn Trần Thanh Hà, Phó ban

4. Nhà văn Trần Hoài Anh, Ủy viên

5. Nhà thơ Trần Hoàng Nhân, Ủy viên

6. Nhà văn Hoài Hương, Ủy viên

 

Ban Văn học thiếu nhi:

1. Nhà thơ Phan Trung Thành, Trưởng ban

2. Nhà văn Trần Quốc Toàn, Phó ban

3. Nhà văn Văn Thành Lê, Phó ban

4. Nhà văn Kim Hài, Ủy viên

5. Nhà văn Lưu Thị Lương, Ủy viên

6. Nhà văn Trần Gia Bảo, Ủy viên

7. Nhà thơ Nguyệt Thu, Ủy viên

Ban Nhà văn trẻ:

1. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng ban

2. Nhà thơ Ngô Thị Hạnh, Phó ban

3. Nhà thơ Phạm Phương Lan, Phó ban

4. Nhà thơ Gili Nguyễn, Ủy viên

5. Nhà thơ Tô Minh Yến, Ủy viên

6. Nhà văn Võ Chí Nhất, Ủy viên

7. Nhà thơ Nguyễn Khắc Thắng, Ủy viên

8. Nhà văn Nguyễn Tý, Ủy viên

Ban Nhà văn nữ:

1. Nhà thơ Huệ Triệu, Trưởng ban

2. Nhà thơ Trần Thị Thắng, Phó ban

3. Nhà thơ Trần Mai Hường, Phó ban

4. Nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy, Ủy viên

5. Nhà thơ Võ Miên Trường, Ủy viên

6. Nhà văn Võ Thu Hương, Ủy viên

Ban Công tác Câu lạc bộ văn học:

1. Nhà thơ Nguyên Hùng, Trưởng ban

2. Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo, Phó ban

3. Nhà thơ Phạm Thanh Bình, Phó ban

4. Nhà thơ Hương Thu, Ủy viên

5. Nhà thơ Phạm Đình Phú, Ủy viên

6. Nhà thơ Vũ Đình Nguyệt, Ủy viên

7. Nhà văn Lê Công Sơn, Ủy viên

 

Ban Truyền thông:

1. Nhà văn Phương Huyền, Trưởng ban

2. Nhà văn Hồ Huy Sơn, Phó ban

3. Nhà văn Tống Phước Bảo, Ủy viên.

Hội đồng Thơ:

1. Nhà thơ Lê Minh Quốc, Chủ tịch

2. Nhà thơ Trương Nam Hương, Phó chủ tịch

3. Nhà thơ Cao Xuân Sơn, Ủy viên

4. Nhà thơ Thu Nguyệt, Ủy viên

5. Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân, Ủy viên

Hội đồng Văn xuôi:

1. Nhà văn Lê Văn Nghĩa, Chủ tịch

2. Nhà văn Cao Chiến, Phó chủ tịch

3. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, Ủy viên

4. Nhà văn Lại Văn Long, Ủy viên

5. Nhà văn Phan Hồn Nhiên, Ủy viên

Hội đồng Lý luận – phê bình:

1. Nhà văn Bùi Thanh Truyền, Chủ tịch

2. Nhà văn Võ Văn Nhơn, Phó chủ tịch

3. Nhà văn Nhật Chiêu, Ủy viên

4. Nhà văn Đào Lê Na, Ủy viên

5. Nhà văn Bùi Mạnh Nhị, Ủy viên.

Tin - ảnh: Nguyễn Minh

Nguồn: Người lao động, ngày 26.3.2021.

Thông tin truy cập

60871925
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14112
17592
60871925

Thành viên trực tuyến

Đang có 600 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website